Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Dao

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Dao

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Image

Tác giả : Quỳnh Dao

Nguyên tác: Biệt Vọng Kim Tiêu)

Dịch giả: Hồ Mộ La


Chương 1

- Rất hân hạnh lại được gặp phu nhân.
Với dáng đứng tao nhã, Giai Lập thoáng nhìn người thanh niên đứng trước mặt, sẵn ly rượu trên tay, nàng giơ nhẹ lên môi nhấp một tý gọi là. Chàng thanh niên cung kính cảm tạ nâng ly rượu cocktail uống một ngụm. Thấy anh chưa muốn tránh mình, Giai Lập đành tươi cười trả lời:
- Thế giới này vốn dĩ đã bé nhỏ, huống hồ là một tiệc rượu.
- Thưa vâng. Anh tỏ ra cung kính rất mực, hình như sự cung kính đó đã trở thành một thói quen tự nhiên, và "thưa vâng" trở nên câu nói đầu lưỡi. Kể ra "thưa vâng" hơi thừa, bởi vì anh đã nói tiếp:
- Nhưng, thưa phu nhân, hôm nay rất đông người.
Giai Lập liếc nhanh, tươi cười, gật đầu, rồi lại tươi cười và lại gật đầu. Xung quanh toàn những khuôn mặt quen thuộc. Có những người, nàng đã trò chuyện còn những người khác nàng sẽ phải tiếp xúc và trò chuyện. Tiệc tùng chẳng lấy gì làm lý thú, thậm chí còn nhạt nhẽo. Nhưng nàng vẫn phải ứng phó và ứng phó một cách vui vẻ. Nàng làm điều đó đâu phải vì mình, mà vì chồng. Đại Nhạc đâu nhỉ, xuyên qua đám người đông nghịt, nàng cố tìm bóng chàng. Vừa mới lúc nãy hai người còn đứng bên nhau, biển người như sóng lớn xô dạt hai người ra hai ngả. Thế mà hóa hay, tiệc tùng là dịp tốt để giao tiếp, tách nhau ra sẽ tạo nên hai luồng sức mạnh để hoạt động trong giới xã giao. Cứ ở bên nhau, bạn bè còn chế giễu: "Xem kìa, người ta thân yêu đến mức không rời nhau ra được nửa bước".
Nàng hơi kiểng chân để tìm, nhưng vẫn chẳng thấy bóng dáng Đại Nhạc đâu. Giữa đám người tai to mặt lớn cả đông lẫn tây, càng nổi bật khuôn hình thon thả, uyển chuyển, cao mét rưỡi của Giai Lập.
- Thưa phu nhân, ngài vụ trưởng đang đứng kia kìa.
Theo hướng chỉ, Giai Lập nhìn thấy nửa khuôn mặt Đại Nhạc lấp ló qua kẽ hở giữa đám đông. Giữa bóng người thấp thoáng qua lại, nàng nhận ra Đại Nhạc đang đứng với một người đàn ông và một người đàn bà. Họ tạo thành một hình tam giác: người đàn ông quay lưng lại, người đàn bà là một phụ nữ Châu Âu xinh đẹp, con gái cục trưởng Điken. Đại Nhạc không cầm ly rượu, tay này đỡ lấy cổ tay kia, còn tay kia đỡ lấy cằm. Với nụ cười mỉm tươi tắn, chàng đang chăm chú lắng nghe. Thoắt thấy cảnh tượng đó, Giai Lập bất giác sững sờ, như có vật gì thất lạc bấy lâu, nay nàng mới tìm thấy, đó là nụ cười mỉm của Đại Nhạc. Nhiều năm về trước, chàng cũng đã từng nhìn nàng chăm chú với nụ cười như vậy đây.
- Phu nhân có cần đến ngài vụ trưởng không ạ?
Câu hỏi làm nàng bừng tỉnh, trở về với hiện tại, Giai Lập vội mỉm cười lắc đầu. Nhưng tâm trạng vẫn chưa hết bàng hoàng. Có lẽ nụ cười không được tự nhiên, không lấy gì làm xinh đẹp cho lắm, nhưng nàng biết cách đánh trống lãng. Sống lâu năm trong môi trường xã giao, kinh nghiệm ứng xử đã giúp nàng biết cách che dấu nội tâm, câu trả lời tỏ ra hết sức cởi mở, khoát đạt:
- Tôi không có ý định tìm ông ấy.
- Xin lỗi phu nhân. - Chàng thanh niên lộ vẻ bất an, chỉ vì muốn tỏ ra ta đây tinh đời lại hóa ra lâm vào tình trạng lúng túng. Nhưng anh vẫn chắn đường nàng để tìm cách phân trần:
- Vậy mà tôi tưởng phu nhân đang theo dõi ngài vụ trưởng.
- Tôi không hề có ý đó. - Giọng Giai Lập bỗng khô đanh và lạnh lùng. Nàng lấy làm sửng sốt không ngờ trong xã giao anh ta có những câu nói thiếu thận trọng đến thế. Khuôn mặt tròn của chàng thanh niên này chẳng đến nỗi khó ưa, nhưng lời ăn tiếng nói của anh ta còn cần phải rèn rũa nhiều.
Gương mặt tròn phủ một lớp màu hồng sượng sùng, ngón tay vân vê cái ly trên tay, anh ta đã nhận ra sự thất thố của mình. Với niềm tin sẽ xóa được ấn tượng xấu, anh ta nói tiếp:
- Tôi nghe nói phu nhân với ngài vụ trưởng là cặp vợ chồng mẫu mực, gia đình rất hạnh phúc.
Nụ cười trở lại gương mặt Giai Lập. Thì ra anh ta cũng không có ác ý gì, không hề cho việc nàng tìm Đại Nhạc là hành vi theo dõi, bất giác nàng quay lại nhìn Đại Nhạc lần nữa. Thực ra, Giai Lập có chủ tâm quan sát Đại Nhạc, nhưng giờ đây nhóm ba người đã tan, chàng đã đến một chỗ khác. Dĩ nhiên, nàng vẫn chưa quên được thần thái nụ cười của chồng mình, nhưng nàng cố làm cho tâm hồn mình thanh thản. Kỳ thực, tiệc tùng cũng chỉ là tấn trò đời, giả dụ hễ thấy Đại Nhạc đứng với người đẹp, lòng nàng đã không vui, vậy thì Đại Nhạc thấy nàng đứng với người thanh niên này chàng sẽ nghĩ sao đây?
Nghĩ vậy, nàng thấy cần tránh anh chàng này ra, chẳng qua nhận những lời tán tụng, nàng không thể không đáp lễ anh ta. Nếu với người khác, chắc chắn nàng sẽ nói câu cám ơn một cách nhạt nhẽo cho xong chuyện. Nàng thấy anh chàng này hay hay vả lại nàng cũng thông cảm với sự lúng túng của anh ta, nàng gỡ bí cho anh ta.
- Cám ơn anh, song tôi rất muốn biết anh nghe được những điều đó từ đâu?
Chàng thanh niên như rũ khỏi sự lúng túng, trở lại trạng thái thoải mái. Anh ta cười, cặp môi hơi cong cong pha chút mơn trớn:
- Chẳng cần tìm hiểu nguồn gốc làm gì, chỉ cần phu nhân cho biết điều đó có đúng hay không?
Giai Lập im lặng. Thực ra, chẳng có gì mới mẻ. từ lâu, mọi người vẫn khen vợ chồng nàng mẫu mực, hạnh phúc nhưng thực ra nàng chưa bao giờ cảm thấy mình là mẫu mực và hạnh phúc. Dĩ nhiên, so với những gia đình có nhiều chuyện bê bối, nàng quả thực là người may mắn.
- Nghe nói phu nhân có một công tử và một tiểu thư, không hiểu cô cậu đang học trường nào?
- Các cháu đang học sơ trung - Giai Lập trả lời ngắn gọn. Một người xa lạ quá quan tâm đến đời tư của mình là điều không cần thiết, hơn nữa, nàng đang muốn rẫy khỏi anh chàng. Đại Nhạc muốn nàng tiếp cận với Trịnh viện trưởng phu nhân và Vu bộ trưởng phu nhân nhiều hơn nữa. Với các bà đồng sự ngang vai, nàng cũng không nên tỏ ra thờ ơ. Trong quan trường là như thế đấy, bằng mặt không bằng lòng. Bao nhiêu năm nay, nàng đã sát cánh cùng chồng. Để được đề bạt lên vụ trưởng, Đại Nhạc đã phải đánh bại nhiều địch thủ, nhưng ngoài mặt vẫn là những bè bạn.
- Cô, cậu đang học sơ trung ư. Thật không thể tưởng được, không thể tưởng đựơc lại có người mẹ trẻ đến như vậy...
Giai Lập nhìn anh ta. Tất nhiên, những lời tán tụng tương tự, nàng đã được nghe nhiều lần, nhưng trong giọng nói anh ta, nàng cảm thấy có chút khoa trương. Nhìn vào thái độ, anh ta tỏ ra chân thành, không để lộ chút sơ hở. Xem ra, anh ta cũng rất biết cách ứng xử trong giới xã giao.
- Tôi đoán phu nhân lập gia đình sớm.
Những câu thù tạc thật vô vị, nhưng trong buổi tiệc nào mà chả thế? Có lẽ những lời ca ngợi của anh ta là thật lòng. Anh ta đã đoán đúng, nàng lấy chồng sớm. Kết hôn sớm là điều thất sách, lẽ ra nàng đi du học nước ngoài. Mặc dù từng theo chồng ra ngoại quốc, nhưng nàng vẫn chưa thỏa lòng. Nàng không thích trở thành mọt sách, đó là nguyên nhân vì sao đang học dở dang đại học đã đi lấy chồng. Lúc còn học cao trung, nàng từng làm thơ, từng ước mơ trở thành thi sĩ. Hồi đó, nàng đã hai lần đoạt giải quán quân về nghệ thuật diễn thuyết. Thành quả kia đã gây cho nàng niềm tin rằng mình có triển vọng trong công tác ngoại giao. Không ngờ, cuối cùng nàng đã trở thành vợ của một cán bộ ngoại giao.
Bà vợ một viên chức ngoại giao đang chào nàng. Giai Lập tươi cười giơ cao ly rượu lên. Đó là một bà khá lắm chuyện, với loại người như vậy, càng không thể để mất lòng được.
Chàng thanh niên ngoảnh lại, thấy một bà to béo phục phịch đang đi tới. Anh ta biết đây là vợ Ôgn Phùng bí thư. Nhân lúc bà ta đang khệ nệ di chuyển tấm thân nặng một trăm năm mươi bảng Anh trên đôi giầy cao gót, anh ta tranh thủ nói với Giai Lập:
- Từ lâu, lúc còn ở nước ngoài, tôi đã ngưỡng mộ ngài vụ trưởng và phu nhân. Nếu như phu nhân có thể hạ cố, tôi rất mong được đến biệt thự bái vọng phu nhân.
- Hoan nghênh, hoan nghênh. - Giai Lập trả lời qua chuyện để kết thúc cuộc đàm thoại, nàng quay người sang bà Phùng.
Chàng thanh niên cúi chào bà Phùng, rồi cáo từ một cách ý tứ.
- Bà vừa nói hoan nghênh, hoan nghênh gì đấy?
- Bà xem, trí nhớ tôi tồi quá chừng. - Giai Lập vừa nói vừa mở ví ngọc ra lục tìm và nói khẽ:
- Cậu lúc nãy vừa đưa tôi tấm danh thiếp, vậy mà chỉ một thoáng, tôi đã quên mất họ tên cậu ta.
- Họ Lê, Lê Thiên Lập. Cậu ta vừa từ Hàn Quốc về.
- Sao bà biết cậu ta rõ thế?
- Chú cậu ta là tư lệnh Lê Thiết, bạn lâu năm của ông Phùng bí thư nhà tôi. - Nói tới đây bà còn nhắn giọng. Bà Phùng vốn có tính thích khoe khoang về sự giao thiệp với tầng lớp cao sang. Có người chỉ mới quen, bà đã dương dương tự đắc khoe là bạn thân giao. Trong giới xã giao Giai Lập đã gặp không ít trường hợp tương tự, thôi thì cứ mặc họ tha hồ bốc phét...
- Sau khi tốt nghiệp, cậu ấy về bộ ta ngay. Nhờ có ô dù, chưa chi đã được xuất ngoại. Câu ta mới về nước gần đây thôi - Bà Phùng tuôn một tràng như súng liên thanh - Thế hệ trẻ bây giờ rất giỏi luồn lọt, hắn biết Trương vụ trưởng là nhân vật đang nổi, cho nên đã tìm đến cầu thân.
Trong quan trường, dựa vào sự quen thân, cũng là chuyện thường tình. Như bà Phùng vậy, lúc nào cũng bình phẩm hết người này đến người nọ, thực ra bà cũng suốt ngày vận động chỗ này chỗ kia để tìm cách cho chồng được xuất ngoại. Chưa tính các khoán, nguyên tiền lương ở nước ngoài dù sao cũng cao hơn. Bà Phùng về nước đã hai năm rồi, vốn liếng ký cóp chắc đã chi sạch sành sanh. Sở dĩ bà đi lại thân thiết với nàng chẳng qua cũng vì nàng có cái để lợi dụng. Bà ta những mong nhờ nàng, Đại Nhạc sẽ nói hay cho ông chồng mình với cấp trên.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Que Huong

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 2

Rút mấy tấm danh thiếp từ trong ví ra, Giai Lập ném tất cả vào trong tủ hóa trang cùng với nhiều danh thiếp và thiệp mời khác. Lúc ngoảnh nhìn lại, ba chữ Lê Thiên Lập in ngay trên danh thiếp đập vào mắt nàng như khiêu khích. Không cần nhìn thêm, nàng đã nhớ: ngoài tên in theo thể chữ Tống, bên phải có dòng chữ nhỏ bộ x. Mặt trái in tên bằng tiếng Anh Tyrone với Thiên Lập có âm tương đồng. Cái tên Thiên Lập có vẻ quen quen, bởi vì Lập kia trùng với Lập này của nàng.
Nàng cũng có tên tiếng Anh là Shirley, do cha nàng đặt. Shirley đồng âm với Chiêli (cách phát âm tiếng Trung quốc: Chiêli tức là Giai Lập - ND) hay ngược lại? Tên nào được đặt trước nàng cũng không rõ.
Dù là Chiêli hay Shirley thì cả hai cái tên đó đều đẹp, còn bản thân nàng không thể coi là người đàn bà đẹp. Ngay mười năm về trước khi mới kết hôn với Đại Nhạc cũng vậy, nhưng ở nàng có khí chất độc đáo. Đặc biệt trong môi trường xã giao, do có biệt tài về điểm trang nàng tỏ ra là người đàn bà xuất chúng. Giai Lập là người có khiếu thẩm mỹ, không đuổi theo thời trang. Tài năng và kinh nghiệm đã giúp nàng có phép ảo diệu trong cách đối nhân xử thế, nàng nói năng giữ lễ, bao giờ cũng gây được thiện cảm với mọi người. Nổi bật nhất ở đôi mắt nàng, đó là cặp mắt có thần thái thâm trầm, luôn lộ vẻ vui tươi. Bất thần có lúc ánh mắt ảm đạm, nhưng chỉ một thoáng trở lại thần thái như cũ. Hoàn cảnh gia đình đã làm cho tài năng của nàng được phát triển nhiều mặt: về âm nhạc, nàng biết chơi piano, guitar, về thể thao nàng biết bơi lội, chơi quần vợt, cả đến khiêu vũ, lái ô tô nàng cũng tỏ ra xuất sắc. Nói đúng ra, sự thành đạt của ông chồng, một nửa là nhờ vào công bà vợ. Sự nghiệp Đại Nhạc phát triển thuận lợi được như ngày nay, chính nhờ sự hổ trợ không thể phủ nhận được của Giai Lập.
Sau cuộc rượu, cánh đàn ông liên hoan riêng với các vị khách ngoại quốc, cánh đàn bà cũng chẳng chịu ngồi không. Như chùm sao vây quanh trăng rằm các bà xúm quanh Vu phu nhân, kéo nhau đến biệt thự họ Vu xoa mạt chược. Chơi bài ở đây không mang tính chất cờ bạc, cốt lấy lòng bà Vu, mọi người dâng chút đỉnh cũng chỉ như "chim sẻ rỉa cánh" mà thôi. Giai Lập vốn không thích chơi những trò này, do chút tính thơ mộng thời trẻ còn rơi rớt lại trong tâm hồn nàng, cho nên ngồi trước canh bạc, nàng cảm thấy thật vô vị. Nhưng may được Vu phu nhân sủng ái kéo nàng vào cuộc, tất nhiên nàng cũng cảm thấy vinh dự. Khi gọi điện về nhà nàng nghe tiếng ồ ồ của thằng con mười lăm tuổi vang trong ống nói, giọng nói tuy đã thay đổi, nhưng vẫn mang chất trẻ con. Nàng không sao quên nổi hình ảnh thằng con lúc nhỏ, khi nàng ra nước ngoài, mặc cho bà ngoại hết sức dỗ dành, thằng bé vẫn gào khóc ầm ĩ để đòi đi theo, đến khi nàng về nước, thằng con lúng túng vân vê mấy ngón tay, ngây người ra như đứng trước mặt kẻ xa lạ. Con người hoàn toàn bất lực trước thời gian, mọi cảnh tượng hãy còn như nóng bỏng, vậy mà thoắt đã bao nhiêu năm trôi qua. Khi con gọi trong ống nói:
- Mẹ Ơi. - Cậu hỏi nàng đang ở đâu, lúc đó nàng mới tin rằng đúng là thằng con trai mình đang nhận điện thoại:
- Thiên Uy, mẹ không về ăn cơm, bố con cũng vậy. Các con ở nhà cho ngoan nhé.
Nàng căn dặn con hệt như lúc chúng còn thơ, chỉ thiếu câu: "Mẹ sẽ mua kẹo về cho các con". Nhưng thằng con nay không còn chỉ biết vâng dạ, dặn mẹ mua sôcôla hay bánh gatô, trái lại, cậu càu nhàu:
- Mẹ lại ăn cơm ở nhà người ta à?
Nàng vừa bực mình vừa áy náy. Trong cả một tuần lễ, nàng ăn cơm ở ngoài nhiều hơn ở nhà. Các con đi học suốt ngày, đến khi nàng thù tạc xong trở về, chúng đã đi ngủ. Ngày hôm sau, tinh mơ chúng đã vào trường.
- Mẹ Ơi, mấy giờ mẹ về? - Tuy thất vọng, Thiên Uy cố hỏi thêm với niềm hy vọng mới.
- Có việc gì đấy? - Nàng trù trừ, vả lại sớm hay muộn còn phải tùy mọi người, chính nàng cũng không làm chủ được.
- Con muốn mua mấy thứ, con...
- Con cứ kê k hai trên giấy đi, mẹ chả nhớ được đâu. - nàng cắt ngang lời con. Mọi người đang chờ, nàng không thể nghe nó kể con cà con kê được.
Khi nghe tiếng chào tạm biệt, nàng bỗng thấy thiếu một cái gì:
- Alô, Thiên Uy ơi, em con đâu?
- Ở trong buồng nó.
- Em con đang làm gì?
- Không biết ! - Cậu đặt ngay ống nghe xuống.
Giai Lập những tưởng gọi xong điện, mình sẽ yên lòng, không ngờ giờ đây nàng cảm thấy băn khoăn hơn. Nàng không để ý lời trách móc của con, nhưng nàng bị ám ảnh bởi giọng nói thù địch của Thiên Uy đối với em gái mình.
Thù địch ư? Nói vậy thì quá, nhưng quả thực thằng anh thiếu tình thương yêu đối với em gái mình. Những gia đình có một trai một gái, ai cũng cho là điều mỹ mãn. Hễ gặp Thiên Uy và Thiên Nhu - hai nụ hoa chớm nở, ai cũng phải hâm mộ người mẹ trẻ. Ngay cả Lê Thiên Lập cũng chả vừa mới ca ngợi nàng trong buổi tiệc rượu là gì? Thật ra chỉ có mình nàng mới hiểu hết sự xa cách giữa hai anh em chúng. Cứ như giọng nói trong điện thoại, khi nhắc đến em, thằng anh tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt làm sao. Giả dụ Thiên Nhu nhận điện nghe mẹ nhắc đến anh, rất có thể cũng có một thái độ y hệt như vậy.
Không hiểu gia đình nhà người ta thế nào, thường thường mỗi lần nhắc đến chuyện con cái, bạn bè đều ca thán về sự bất hòa giữa các con. Giai Lập không hiểu nổi vì lẽ gì, nàng vẫn tưởng rằng đã là anh em tất phải thương yêu nhau chứ, Giai Lập chỉ có một người anh, nhưng hơn nàng mười tuổi. Lúc nhỏ, hầu như nàng ít khi ở gần anh, sau này anh nàng đi học ở Mỹ, lấy vợ và ở lại bên đó luôn. Hai năm trước, lúc mẹ mất, anh nàng có về một lần, nhưng chỉ ít ngày anh đã đi ngay. Lúc nhỏ, nàng hằng ao ước có anh em để bầu bạn, cho nên Thiên Uy ra đời ít lâu thì nàng đẻ thêm Thiên Nhu, nàng vẫn tưởng rằng sẽ bù đắp được nỗi ân hận của mình lúc nhỏ. Nhưng, sự thật thì khác hẳn, Thiên Uy với Thiên Nhu chẳng những không thể bầu bạn cùng nhau, trái lại còn thù địch nhau nữa. Hễ có điều gì bất đồng, hai anh em tranh chấp đến cùng. Giai Lập thường nghiêng về Thiên Nhu, dù sao thằng anh cũng nên nhường nhịn con em. Còn mẹ nàng chỉ một mực bênh vực Thiên Uy, có lẽ đó là nguyên nhân gây ra mối bất hòa giữa hai anh em chúng.
Nàng từng lo buồn về anh em chúng, còn mẹ nàng chẳng lấy làm điều: "Trẻ thơ đứa nào mà chả thế, ngày trước anh con cũng hay trêu chọc con đó thôi. Khi nào lớn lên, tự khắc chúng sẽ biết thương nhau".
Nay bà ngoại đã mất, quan hệ hai đứa có khá ra, ít tranh chấp hơn, nhưng tình cảm giữa chúng càng thêm lạnh nhạt, chúng đối xử nhau như những người xa lạ.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 3

Đại Nhạc về tới nhà khi Giai Lập cũng vừa về được một lúc. Vào phòng ngủ anh có nghe tiếng nước máy chảy nhẹ trong buồng tắm. Tới trước cửa phòng tắm anh lên tiếng gọi Giai Lập. Nàng đáp lại với giọng hơi hoảng hốt, y như những lần anh giục giã nàng trước khi đi dự tiệc. Anh hơi mỉm cười, nếu như đẩy cửa, hẳn là nàng sẽ rú lên, vội vàng trốn trốn tránh tránh, lấy tay che tấm thân trần. Hồi mới cưới, nàng vẫn làm như vậy. Ngày nay, anh đã thông thuộc mọi chi tiết trong người nàng, vậy mà vẫn cố tình làm ra vẻ bí mật, nàng cứ tưởng làm như vậy sẽ tạo được sự hấp dẫn. Tiếc thay giọng nói và các cử chỉ của nàng đối với chàng không còn chút hấp dẫn nào nữa. Con cái đã lớn cả rồi, việc gì cứ phải làm như gái tơ?
Công việc trong một ngày quả là căng thẳng, anh thở phào. Tháo cravat, cởi áo sơ mi, vừa định treo lên mắc áo, tấm gương hóa trang làm anh chững lại. Anh ghé sát vào gương đưa tay sờ sờ dưới cằm, thấy râu đã mọc ra tua tủa. Đáng ghét thật, lúc chiều vừa cạo xong, giờ đã lại trồi ra. Dưới ánh đèn, những sợi râu dưới cằm làm anh thấy mình già đi nhiều. Thứ ánh sáng đó vốn dĩ không thích hợp với sắc mặt mệt mỏi sau một ngày làm việc. Giữa đám râu đen, lốm đốm những sợi màu tro, đặc biệt những sợi trắng cứ lấp lánh dưới ánh đèn gai cấn. Anh nhíu lông mày một cách khắc khổ, công việc bận quá, chứ với tuổi anh, râu tóc đã làm gì đến nỗi bạc sớm thế.
Nghĩ đến tuổi tác, anh không khỏi giật mình. Mới ngày nào đó mà nay đã ngoại tứ tuần. Khi bình tâm nghĩ lại thấy cũng phải thôi, chẳng cứ tuổi tác, ngay cả thế giới này mọi thứ đều biến đổi theo thời gian. Trước kia, anh trẻ trung thật, nhưng địa vị lúc đó còn thấp kém. Trải qua một thời gian dài cố công phấn đấu, sự nghiệp ngày càng đi lên, con cái đã cao gần bằng anh. Mọi thứ đều tiến triển, lẽ nào tuổi tác lại cứ đứng nguyên tại chỗ.
Đại Nhạc mỉm cười anh vốn không hay lo những điều vô bổ. Hoàn cảnh sống thời thơ ấu đã hình thành ở anh cách sống thiết thực. Nhà đông anh em, trong số bảy người, anh thứ ba, trên có anh chị, dưới có em trai em gái. Với vị trí đó, tất nhiên anh không được cha mẹ yêu nhiều. Nhưng anh có tính hiếu thắng, khéo chiều người lớn tuổi. Mọi việc anh làm đều vị kỷ, song bề ngoài, anh tỏ ra đường đường chính chính vì nghĩa lớn. Anh bẩm sinh là con người nhiệt tình, nhưng bầu nhiệt huyết của anh dễ bị lung lạc bởi những lợi ích trước mắt.
Anh yêu các con, nhưng anh còn yêu sự nghiệp của mình hơn. Với cách nhìn đời thiết thực, anh cho rằng con cái lớn lên sẽ cao chạy xa bay, chỉ có sự nghiệp là gần với mình suốt đời. Như anh, chưa hề tận hiếu với cha mẹ, vậy thì anh cũng không đòi hỏi sự đền đáp của con cái đối với mình. Chính vì nhiệt thành với sự nghiệp, hằng ngày anh bận túi bụi, đâm ra sống xa cách các con. Có lúc anh muốn tìm cách gắn bó tình cảm với con cái nhưng không ngờ quan hệ giữa con người cũng giống như các linh kiện trong cỗ máy, lâu ngày không xử dụng, đến khi phát động guồng máy không thể chạy đều và trơn tru được. Anh gọi các con đến, định trò chuyện thân mật giữa cha con, đến khi ngồi bên nhau, cha con không biết nói chuyện gì với nhau. Thiên Nhu là con gái thường đi theo cha, tính tình nũng nịu, làm cho bầu không khí giữa hai cha con ấm áp, êm dịu hơn. Còn với Thiên Uy thì khác hẳn, nó đứng trước mặt anh ngây như phỗng, thiếu tính hoạt bát của đứa trẻ. Thấy thế, anh bất giác thở dài, muốn chỉnh đốn đôi điều, song thấy trái với nguyện vọng cha con chan hòa với nhau, rút cuộc anh đành khoát tay cho nó đi lui ra.
Dạy dỗ con cái là việc của đàn bà. Ấn tượng về người cha làm quan ini sâu trong ký ức của anh. Những khi nhàn rỗi ở nhà, nét mặt cha anh bao giờ cũng nghiêm nghị, lạnh băng. Ông rất ít khi nói chuyện với con cái, mọi trách nhiệm nội trợ khoán trắng cho mẹ anh. Do đó, anh có tâm lý nể sợ cha, coi thường mẹ. Đôi khi anh cũng nhắc Giai Lập cách dạy dỗ con cái, song thâm tâm anh cũng cảm thấy trách nhiệm của người đàn bà hiện đại to lớn quá. Trước kia, mẹ anh không bao giờ hỏi đến công việc của cha anh, dĩ nhiên ngày nay anh cũng không thích Giai Lập can thiệp vào công việc của mình, song anh đòi hỏi nàng tham gia các hoạt động trong giới xã giao để có lợi cho sự tiến thân của mình.
Kể ra, nàng cũng khá bận, cho nên phòng ngủ lúc nào cũng bừa bãi. Người đàn bà trước khi ra khỏi nhà, các thứ rối bời, đến lúc trở về, người mệt nhoài chả thiết thu dọn nữa. Vả lại, Giai Lập lớn lên trong sự nuông chiều, cho nên có hơi biếng nhác một chút. Kia, như một việc làm chỉ tiện tay thôi như đóng ngăn kéo tủ chẳng hạn, vậy mà nàng cũng không chịu nhắc tay ngọc lên một chút.
Vừa định đóng ngăn kéo thì Giai Lập từ trong buồng tắm ra. Nàng mặc áo ngủ bằng voan màu mỡ gà, bóng nàng hiện lên trong gương đầy vẻ quyến rũ, nhưng Đại Nhạc không chút để ý, chỉ nhìn chăm chăm một vật trong ngăn kéo.
- Từ đâu em có tấm danh thiếp này nhỉ? - Giai Lập ghé mắt vào, thì ra danh thiếp của chàng trai nàng gặp trong tiệc rượu. Qua thái độ, nàng hiểu ngay đó là một người không đáng cho Đại Nhạc để mắt tới.
- Chính cậu ta đưa cho em còn bảo rằng hôm nào sẽ đến thăm vợ chồng mình, anh ạ.
Như không nghe thấy nàng nói gì, anh lấy tay búng tấm danh thiếp một cái như vứt một phế vật. Anh định búng vào ngăn kéo, do lơ đễnh tấm danh thiếp rơi tọt xuống sàn.
Đại Nhạc đi treo áo, Giai Lập chải tóc trước gương, không thèm nhặt tấm danh thiếp lên.
Hai vợ chồng trao đổi vài ba câu chuyện về ván bài, tiệc rượu. Khi Đại Nhạc đi vào phòng tắm, Giai Lập đứng lên rời khỏi tủ hóa trang, chân dẫm lên danh thiếp, nàng nhìn xuống chứ không nhặt lên. Nàng hỏi:
- Anh có quen cậu ta không? Cậu Lê Thiên Lập ấy mà.
Đại Nhạc ừ hữ, trả lời nhạt nhẽo:
- Hắn sẽ về làm dưới trướng anh.
Đại Nhạc đi tắm, nàng xếp quần áo, nhớ lại câu chuyện thị phi của bà Phùng, nàng mỉm cười một mình. Suy cho cùng lời bà Phùng cũng có cái lý của nó.
Vô tình chân nàng lại dẫm lên tấm danh thiếp lần nữa nhưng nàng không để ý.
Sau đó, đầy tớ dọn dẹp phòng ngủ, quét luôn tấm danh thiếp Lê Thiên Lập với đống rác trong phòng.
Ít lâu sau, vào một ngày chủ nhật, chàng trai kia xuất hiện trong phòng khách biệt thự nhà họ Trương.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 4

Ngày chủ nhật trời đẹp, phố phường rộn ràng, bến xe khách đứng chờ đông hơn ngày thường.
Tay cầm sách, Thiên Uy đi tha thẩn một mình trên hè. Đã gần giờ ngọ, nhẽ ra lên xe về nhà, song hơi người ngột ngạt, vả lại kim đồng hồ đeo tay mới chỉ 11 giờ 25 phút, vậy thì cũng chả vội gì, cậu không chen nữa.
Thiên Uy đi trên vỉa hè lông mày hơi nhíu lại đầu cúi xuống, vẻ ủ rũ. Tâm trạng cậu không giống ngày chủ nhật, không giống một ngày ánh nắng chan hoà, không giống tâm trạng trong sáng của một người bình thường.
Cậu thầm trách mình vì tâm trạng u ám đó chính từ mình gây ra.
Ngoảnh nhìn lại ngôi nhà thờ đã lùi lại khá xa, cây thập tự trên nóc chỉ còn lấp ló giữa ngọn cây. Các con chiên đã ra về hết, nhưng tâm hồn cậu vẫn vương vấn hình bóng người áo trắng váy đen - bộ đồng phục học sinh.
Hôm nay, Tào Thục Phân mặc váy Âu bằng vải hoa lăn tăn, nổi bật những đường nét uốn lượn. Bây lâu cậu không để ý, hôm nay cậu mới nhận ra bộ ngực nở nang nổi bật của cô ta. Cậu không dám để mắt nhiều, nhưng cậu thấy lồng ngực ngạt thở, đầu váng mắt hoa.
Đi tìm Tào Thục Phân với khí thế của kẻ đang hờn dỗi, giờ đây ra về không được việc gì, Thiên Uy giận mình vừa bốc đồng, vừa dũng cảm chưa biết chuyện sẽ thành hay bại, nhưng nửa vời như vậy thật là nhục nhã.
Thiên Uy với Tào Thục Phân học cùng trường. Nhưng do cách biệt trai với gái, hai người lại không cùng lớp, phòng học Thục Phân xa tít tắp đàng kia, giờ tan học mỗi người mỗi ngả, cho nên hầu như hai người rất ít khi gặp nhau. Mỗi lần tan học, cô phóng xe đạp ra về, chiếc váy đen bay bay, trong con mắt Thiên Uy, cô ta có một vẻ đẹp khó tả. Những năm trước, cậu không để ý, mãi năm ngoái cậu mới nhận ra điều đó. Sáu năm tiểu học, bạn cùng lớp với vô khối con gái, nhưng cậu không chút thiện cảm, thậm chí còn ác cảm nữa kìa, chính cô giáo đã gây ra sự thù địch giữa các học sinh, thường khích động sự cạnh tranh học tập giữa các học sinh nam với nữ. Mặt khác, mối ác cảm đối với em gái khiến cậu thấy bọn con gái khó thương thế nào ấy. Lên học sơ trung, kiến thức mở rộng ra, chất lượng học sinh xấu tốt tách bạch. Có những cậu bạn hay kể chuyện tiếu lâm tục tỉu, thường chuyền tay nhau những tranh ảnh và sách báo dâm ô. Điều đó làm cậu vừa xấu hổ, vừa tò mò. Không học cùng lớp với bạn gái cho nên không cần mối ác cảm do cạnh tranh trong học tập. Trong mắt Thiên Uy, bọn con gái hay khóc nhè, mách lẻo ngày trước nay bỗng trở nên bí hiểm, bộ tóc ngắn tôn gương mặt càng thêm sáng sủa, vẻ duyên dáng, nét yêu kiều của bọn con gái đầy sức hấp dẫn. Tiếc rằng lớp học giữa trai và gái cách nhau xa quá, cậu chỉ có thể ngắm nhìn chứ không thể với tới.
Lên năm thứ hai sơ trung, Thiên Uy thấy mình già dặn ra, nhìn lại bọn năm thứ nhất cậu thấy chúng nó non nớt quá. Học sinh năm thứ ba phải lo thi tốt nghiệp cấp sơ trung, cho nên mọi hoạt động trong trường do học sinh năm thứ hai đảm nhiệm. Thiên Uy có chân trong đội bóng, là biên tập viên trong ban biên tập báo trường. Thừa hưởng di truyền của bố mẹ, trí lực cậu khá cao, trong học tập cậu không để người lớn phải bận tâm. Tuy nhiên, năng lực văn chương của cậu không được loại xuất sắc, vậy mà không hiểu từ đâu, hứng lên, cậu cũng làm đôi ba vần thơ và cũng được đăng lên báo trường, từ đó nổi chút danh tiếng. Trong ban biên tập, có cô bạn gái cũng hay làm thơ.
Tào Thục Phân là một nữ sinh nhan sắc hết sức tầm thường. Mặt to, vuông chằn chặn, ngũ quan bé tí, đôi mắt bé húp híp, trông đến là quê, nhưng tài hoa về văn chương đã tô điểm vẻ đẹp cho cô. Có bài thơ của Tào Thục phân khiến Thiên Uy hết sức cảm phục, từ đó cậu để ý và thường kiếm cớ trò chuyện. Tiếc thay mỗi lần giáp mặt, cậu căng thẳng đến nổi như người phạm lỗi. Mặc dù đã chuẩn bị từ trước, khi gặp mặt cậu vẫn ấp a ấp úng, lời lẽ không đâu vào đâu, thành ra cậu trở nên một diễn giả vô cùng kém cõi. Trong ân hận, cậu tự động viên và hứa hẹn đến một dịp khác.
Hôm nay, cậu không có ý định đi tìm Tào Thục Phân. Sáng chủ nhật thật buồn tẻ, bố không đi làm, nhẽ ra cậu có thể ngủ trưa thêm nhưng bạn gái đến tìm Thiên Nhu, chúng cười nói huyên thuyên trong buồng ầm ĩ khiến cậu buồn bực, càng cảm thấy cô đơn không chịu nổi. Thôi thì ra ngoài phố cho thoáng, thuận tay cầm quyển lý hóa, cậu đi tìm thằng bạn có biệt hiểu "khỉ ranh".
Khỉ Ranh ở trong ngõ dân nghèo, nhà xây kiểu tạm bợ. Với đồng lương tối thiểu của một viên chức nhỏ, ông bố phải nuôi năm anh em cậu, quả là vất vả. Do thiếu dinh dưỡng thành thử Khỉ ranh còi cọc, nhưng tính tình tinh nghịch hồn nhiên, cậu thích nói đùa mọi người, nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận mọi lời trêu chọc.
Thiên Uy có tờ bạc năm chục, đó là tiền tiêu vặt trong ngày chủ nhật. Thiên Nhu cũng có một tờ y như vậy, mẹ cho rằng thế mới công bằng. Kỳ tình chả công bằng tí nào, Thiên Nhu ít hơn một tuổi, cớ gì nó cũng được nhận tiêu chuẩn như cậu?
Thiên Uy đưa tay sờ sờ túi áo, tờ bạc mới toanh mẹ vừa cho đêm qua phát ra tiếng kêu khoái tai. Tối qua mẹ lại thù tạc đến tận khuya, cậu đã đi ngủ, mẹ đặt tờ bạc trên bàn, đó cũng là một nếp quen từ lâu. Những khi mẹ quên, tuy điều này hiếm khi xảy ra, cậu sẽ lấy tiền chỗ bà quản gia. Trước đây, sáng chủ nhật cậu thường học bài ở nhà, lên năm thứ ba bài vở căng hơn, nhưng thần kinh cậu lại dãn ra, không sao tập trung tư tưởng để học bài được. Mặc dù phòng ngủ Thiên Uy khá rộng, cậu vẫn cảm thấy bi bí, ngột ngạt và chật chội.
Hoàn cảnh gia đình Khỉ ranh không cho phép cậu ta có số tiền to để tiêu vặt. Bố mẹ nó thích bạn bè rủ nó cùng học, nay Thiên Uy tay cầm sách đến, hẳn bố mẹ nó sẽ sẵn sàng cho chúng đi với nhau. Số tiền đó chi tiêu ra sao, để khi gặp nhau hẵng hay.
Đúng chín giờ, khỉ ranh đã quần áo chỉnh tề, Thiên Uy chưa kịp mở mồm, cậu đã láu táu nói ngay:
- Cả nhà tao đi ăn sáng rồi đi xem xi- nê, mày ạ!
Các em nó là một lũ khỉ con. Trong gian nhà xấu xí kia lúc nào cũng chứa đầy âm thanh. Bố khỉ ranh là con vượn già, ông ta gầy nhom lưng gù, mặt hằn sâu nhiều nếp nhăn, nhưng đó là những nếp nhăn biết cười, đâu như bố cậu, mặt lúc nào cũng nghiêm đến phát sợ.
Mẹ khỉ ranh là hắc tinh tinh, bà ta vừa đen vừa to khỏe, ăn mặc chẳng những không mốt, còn quê mùa nữa là khác. Nhưng bà ta đúng là một người mẹ, không như mẹ cậu, khi nào cũng trang điểm như bông hoa lòe loẹt. Lúc còn nhỏ, có lần mẹ đến tận trường đón cậu, bạn bè đua nhau gọi: "Thiên Uy ơi, chị đàng ấy đến kia kìa!". Thiên Uy chẳng những không thấy tự hào, trái lại cậu thấy ngường ngượng là. Cho dù các bạn khen mẹ cậu trẻ trung, nhưng cậu chỉ ao ước mình có người mẹ luống tuổi. Đã là người mẹ, phải để cho con cái cảm thấy đó là chỗ dựa ấm cúng và nhân từ thực sự, như bà ngoại chẳng hạn. Mẹ, chứ có phải là vật trang sức đâu.
Thấy bạn lộ vẻ thất vọng, Khỉ ranh nhảy cẩng lên , kéo tay Thiên Uy:
- Này hay đi chơi với chúng mình nhé?
Thiên Uy lắc đầu, tuy cậu có thể sử dụng số tiền riêng khỏi tốn kém của nhà người ta, nhưng dù sao cậu cũng không muốn chen vào gia đình đầm ấm của người khác.
- Cậu đi đâu bây giờ? Nhìn sau lưng Thiên Uy, Khỉ ranh cảm thấy áy náy.
- Đi thăm bạn. - Thiên Uy trả lời bâng quơ cho qua chuyện, cậu định quay về nhà.
- À, đi thăm Tào Thục Phân chứ gì?
Mặt Thiên Uy hơi đỏ. Vì coi Khỉ ranh là thằng bạn thật sự, cậu đã thố lộ chút tâm sự, dù sao nó cũng không nên kê kích mình như vậy.
- Đúng thế, thì đã sao nào? Thiên Uy cố tình nói to.
- Cậu chỉ nói phét thôi, tớ biết!
Thiên uy nổi tự ái, ra khỏi ngõ, cậu không quay về nhà nữa.
Tuy biết chỗ ở của Tào Thục Phân, nhưng Thiên Uy chưa hề tới đó lần nào. Nay bị Khỉ ranh kích, máu "anh hùng" nổi lên, cậu đến thẳng nhà cô ta.
- Chị em đi nhà thờ rồi anh ạ. Nhà thờ lớn kia kìa. - Em gái Tào Thục Phân đưa tay chỉ xa xa trước mặt.
Thiên Uy vừa lau mồ hôi vừa cảm ơn cô bé tốt bụng. Ừ, có phải con gái đứa nào cũng khó thương như Thiên Nhu đâu nhỉ.
Cậu đi thẫn thờ vòng quanh nhà thờ, màu "anh hùng" ban đầu đã xẹp mất đôi ba phần, cậu chưa vào nhà thờ lần nào, vả lại cũng không muốn vào, với nhà thờ cậu có một khoảng cách khá xa. Năm xưa, tuy ông ngoại nhiều năm trời làm lãnh sự Ở nước phương Tây, nhưng tín ngưỡng vẫn không thay đổi. Gặp khi tết nhất, ông bà ngoại vẫn giữ truyền thống kính tổ tiên, nghêng tiếp chủ thần. Còn bố mẹ cậu bận túi bụi suốt ngày suốt tháng, họ chỉ tin ở bản thân mình thôi. Thiên Nhu học ở trường đạo, lúc cao hứng cô ta cũng hát đôi ba câu thánh ca, nghe đến là ớn, thành ra ở Thiên Uy chút thiện cảm còn lại đối với đạo thiên chúa thế là tiêu tan nốt.
Từ trong giáo đường, vẳng ra tiếng giảng đạo ề à ngân nga. Tuy không nghe rõ, nhưng âm thanh đều đều đã xoa dịu thần kinh cậu. Để tránh những đôi mắt tò mò, cậu giở sách ra, tựa lưng vào thân cây. Thực ra, cậu chả trông thấy chữ nào trên trang sách, nóng lòng mong sao buổi lễ chóng kết thúc.
Gặp cô ta sẽ nói sao đây? Tất nhiên phải chào cái đã rồi nói rằng đã lâu không gặp nhau.
Không ổn! Chiều qua lúc tan học, mình vừa giáp mặt với cô ta. Hay cứ nói thẳng rằng mình đang chờ cô ta, nếu cô hỏi chờ làm gì, mình sẽ trả lời thẳng có chuyện muốn giải bày.
Rất có thể cô ta nhận lời, mình sẽ nói ngay nơi đây không phải chỗ tâm tình, mình sẽ mời cô ta đến hiệu kem.
Trong một góc kín đáo tại hiệu kem, hai người ngồi đối diện nhau tâm sự, xem ra cũng khá giống những câu chuyện ba hoa chích chòe của tụi bạn đấy chứ. Còn cậu sẽ ghi lại áng văn chương lâm ly về mối tình này. Bản thảo trong óc đã thuộc làu làu, nhưng đến khi gặp Tào Thục Phân, bao nhuệ khí hầu như biến mất, cậu đã định đánh bài chuồn, may sao còn chút dũng khí rơi rớt để đưa chân cậu bước lại gần Tào Thục Phân.
Thục PHân không khỏi ngạc nhiên, đứng sững sờ, dưới ánh nắng chói chang, đôi mắt ti hí híp lại như sợi chỉ đang nhìn cậu thăm dò. Trong lúc căng thẳng, cậu vẫn còn kịp nhận thấy đôi mắt húp híp kia cực đẹp, tỏa ánh hào quang của trí tuệ.
Thiên Uy luống cuống quên mất lời chào hỏi, cô ta hỏi ngay:
- Đàng ấy cũng đi nhà thờ ư?
- Không!
- Thế đàng ấy đến tìm mình đấy hả?
- Không! Thiên Uy không quen nói dối nhưng để dấu sự ngượng ngùng lúng túng, cậu buột miệng:
- Tớ tình cờ đi qua đây.
- À! Tào Thục Phân thở hắt ra chứng tỏ cô ta cũng đang căng thẳng, hồi hộp. Nhưng vẻ ngoài tỏ ra lão luyện hơn, cô nói:
- Vậy thì chào bạn nhé!
Tào Thục Phân ôm quyển thánh kinh, chạy dồn lên mấy bước, làm như sợ Thiên Uy tóm cổ cô ta lôi trở lại. Cô ta đi thẳng không ngoái đầu lại.
Thiên Uy cúi đầu bước thẫn thờ vừa xấu hổ vừa ân hận.
Cậu sợ gì vậy? Đã sợ thì sao lại còn thách thức với Khỉ ranh?
Chủ nhật, nhẽ ra không nên đi tìm Tào Thục Phân, cũng chả nên đi tìm Khỉ ranh. Nếu không vì gia đình lạnh lẽo đến dễ sợ, cậu cũng chả phải đi chơi loăng quăng vô vị như vậy.
Ngày chủ nhật, gia đình người ta đầm ấm, kéo cả nhà đi chơi đó đây, Thiên Uy chả bao giờ được hưởng cảnh gia đình vui vẻ. Giả dụ bà ngoại còn sống, ngày chủ nhật thế nào bà cũng sang đón đem cậu đi xem phim, làm những thức ăn cậu ưa thích. Bà ngoại luôn luôn chăm sóc tình cảm cậu, không bao giờ để cậu phải sống cô đơn thui thủi một mình.
Từ ngày bà ngoại mất, cậu trở nên côi cút. Mặc dù bố mẹ song toàn, giữa cậu và những người ấy vẫn có một khoảng cách xa vời.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 5

Xe kiệu đâu rồi nhỉ, chắc bố đi rồi. Trong phòng khách, mẹ đang tiếp ai đó. Đang định lẳng lặng lủi vào phòng riêng, không ngờ bị mẹ gọi giật lại:
- Thiên Uy ơi, con vào đây nào.
Giọng nói đến là ngọt ngào, cứ như bà ta là người mẹ hiền từ nhất thế gian này. Giọng bà ngoại tuy già nua, nhưng chứa chan tình thương yêu chân thành.
Thiên Uy vừa bước tới ngưỡng cửa, khách đã vội đứng dậy, dáng ngay ngắn, cũng kính rất mực. Cậu ngường ngượng không dám nhìn kỹ người khách lạ.
- Thiên Uy con, đây là... Giai Lập cười cười nói - Nên xưng hô thế nào nhỉ? Gọi là Lê An Khấn sợ làm anh già mất, gọi anh Lê thì lại hóa bất kính.
- Thế nào cũng được, thôi cứ để em gọi tôi là anh Lê thì hơn, dù sao với ngài vụ trưởng, tôi vẫn là kẻ hậu sinh.
- Em chào anh Lê ạ. - Thiên Uy cúi đầu chào để đáp lại sự cung kính của anh ta. Quả thật, trên đời lại có người cam lòng làm kẻ hậu sinh của người khác. Anh ta cao thế kia, khi cười nếp nhăn hằn rõ ở đuôi mắt xem ra cũng xấp xỉ tuổi mẹ.
- Thiên Uy, Thiên Lập, hai cái tên có vẻ ngang hàng nhau.. Ồ, xin lỗi, tôi đùa cho vui thôi, ông Lê chớ giận tôi nhé.
- Phu nhân cứ gọi thẳng tên tôi thì hơn. - Thiên Lập quay sang nói - Thiên Uy dáng oai vệ lắm, giống ngài vụ trưởng, còn cô em đâu ạ?
- Em nó đi học piano chỗ bà xơ, chắc cũng sắp về, mời ông ngồi, xinh đừng khách khí. - Giai Lập quay sang nhìn Thiên Uy.
- Sáng sớm con đi đâu? Mặt mũi đỏ bừng thế kia?
Thiên Uy đứng im, lấy mu bàn tay chùi mặt, thấy mẹ nhắc nhở, cậu nhớ lại câu chuyện không vui vừa rồi.
- Kìa, mùi soa đâu? Sao lại lấy tay chùi mặt thế kia.
Cậu vẫn lặng thinh, mặc kệ mùi soa trong túi quần. Thiên Uy tỏ ý bất bình khi thấy mẹ coi mình như trẻ nhỏ trước mặt người lạ.
- Cuốn sách thế kia, chả hỏng mất sách ư?
Thiên Uy đưa hai tay ra sau lưng, nhưng vẫn cuốn sách lại, để biểu thị sự bất bình.
- Đài Loan nóng thật! - Thiên Lập lái câu chuyện - Ở Hàn quốc, khi hậu mùa thu đã mát rồi, phu nhân ạ.
- Tôi chưa đến Hàn quốc bao giờ, nhưng có sang Nhật. Ở đó, ngày này cũng đã mát lạnh rồi.
- Phu nhân từng ở Philippin, bên đấy chắc nóng hơn Đài Bắc ta nhỉ?
Nhân lúc hai người bàn luận về khí hậu, Thiên Uy liền lẳng lặng rút lui. Cậu rất ghét nhắc đến chuyện ở nước ngoài, đặc biệt là Philippin, chính nơi đó đã khiến bố mẹ bỏ rơi cậu suốt bốn năm liền.
Ném sách lên bàn, Thiên Uy ngồi xuống ghế, gác hai chân mang đôi giầy đầu bụi lên bàn học. Bàn kê bên cửa sổ, dây leo trước cửa sổ có những bông hoa màu vàng, giống hình hoa kèn. Một con ong bay vu vơ, tiếng kêu vo ve nghe thật buồn bã.
Giây leo lấy từ nhà bà về trồng ở đây. Ngôi nhà bà ở vừa cổ kính vừa thoáng rộng ngăn nắp và sạch sẽ. Nhẽ ra ở đó phải buồn lắm, song góc nào cũng vang lên giọng nói thân thương của bà. Bà kể cho cậu nghe: đây là phòng sách ông ngoại, kia là phòng riêng cho cậu, đó là phòng ngủ của mẹ. Gian phòng nào cũng có những câu chuyện đầy lý thú.
Mẹ về nước, bà những tưởng cả nhà cùng xum vầy ở đó, nhưng mẹ cương quyết xây ngôi biệt thự này, cậu vẫn còn nhớ mẹ bảo rằng "kiểu nhà Tây dễ bày trí hơn".
Mọi trang trí, bày biện trong nhà đều làm theo ý mẹ, nhìn vẻ ngoài quả thật bề thế, khách đến không khỏi trầm trồ khen ngợi, các bạn học hâm mộ kháo nhau: "Nhà Thiên Uy đẹp ghê lắm cơ!" song Thiên Uy vẫn quyến luyến ngôi nhà cổ của bà ngoại.
Từ ngày dọn về đây, bà ngoại chưa hề đặt chân tới lần nào, bà không chịu rời bỏ ngôi nhà cũ kỹ của mình. Ở đó, bà có tình cảm sâu sắc với từng cành cây, từng bông hoa, tất cả những gì ở đó đều gợi nhớ bao kỷ niệm thân thương của đời bà.
Khi sắp lìa đời, bà không quên dặn lại: "Đừng bán ngôi nhà này, sau này để cho Thiên Uy ở".
Mẹ đã làm đúng lời bà trối trăn, đem cho thuê ngôi nhà đó. Nhưng gần đây, có lần bố bảo: "Ngôi nhà cũ quá, không ở được nữa đâu, đem phá đi xây lại. Bây giờ đất đai lên giá, mảnh đất này bán được khối tiền đấy".
- Để sau hẵng hay! - Mẹ trả lời - Bà dặn là để lại cho Thiên Uy cơ mà.
- Trước khi Thiên Uy trưởng thành, chúng ta có quyền xử lý thay nó chứ.
Thật may làm sao, bố mẹ bận túi bụi, nói rồi để đấy, nếu không có khi đã bán mất ngôi nhà bà ngoại.
Hoa kèn màu vàng kia làm cậu mỏi mắt, hai tay ôm gối, Thiên Uy gục mặt lên cánh tay.
Hai mắt nhắm lại, Thiên Uy thấy mình ngồi cạnh bà ngoại. Tóc bà búi gọn chải bóng láng, mặc chiếc áo dài rộng màu trang nhã. Bà đưa bàn tay đeo nhẫn mặt ngọc mầu xanh biếc âu yếm vuốt ve mái đầu xanh của cậu.
- Thiên Uy ơi, con nói đi, chủ nhật này bà cháu mình đi chơi đâu nào? Trừ leo núi, bơi lội, còn nữa bà chiều được tất.
Khi hai con tim yêu thương ấp ủ nhau, Thiên Uy không bao giờ nỡ khó dễ với bà, trái lại, cậu còn chiều theo sở thích của bà ngoại nữa kia.
- Con thích xem phim Trung Quốc, bà ạ, ta đi xem Điệu Hoàng Mai đi bà nhé.
Bây giờ, chiếc nhẫn mặt ngọc chuyển sang bàn tay mẹ. Mẹ nhờ người quen đưa đi Hồng Kông đánh lại, dáng nhẫn khác xưa, bàn tay cũng khác xưa. Bàn tay mẹ đẹp hơn, mười móng tay luôn thay mầu sắc sặc sỡ tùy theo màu áo, nhưng bàn tay đó hầu như rất ít khi âu yếm vuốt ve cậu.
Ngày trước, cậu những tưởng mẹ cũng sẽ giống hệt bà ngoại, suốt ngày nhàn nhã ở nhà chỉ sống vì cậu. Ngày nay cậu không còn tham vọng đó nữa, nhưng dù sao trong ngày chủ nhật, mẹ cũng nên san sẻ chút thì giờ sống riêng cho con cái mình, nhưng ngay cả niềm ao ước tối thiểu đó cũng tiêu tan nốt. Trong ngày chủ nhật, mẹ không đi thăm viếng người này người nọ, thì ở nhà sẽ tiếp khách nọ, khách kia.
Không hiểu cái ông anh tự xưng là kẻ hậu sinh đã đi chưa nhỉ?
- Thiên Uy, ra ăn cơm!
Tiếng gõ cửa ầm ầm, giọng nói the thé đến là chói tai. Thiên Uy vẫn ngồi im.
- Này, nghe thấy chưa? Mẹ bảo gọi đàng ấy ra ăn cơm.
Thiên Uy bứt rứt "ừ" lên một tiếng, cậu biết tính khí Thiên Nhu, nếu không ừ cho xong nó sẽ còn kêu choe choé mãi không thôi, thậm chí nó còn hùng hổ đẩy cửa vào, đem luồng không khí khó chịu vào phòng cậu nữa.
Vừa ra khỏi buồng, Thiên Uy đã nghe thấy tiếng nói khiêm tốn của khách:
- Mới đến bái vọng phu nhân lần đầu đã làm phiền như vậy, tôi lấy làm áy náy quá.
- có gì đâu, bữa cơm thường thôi, e rằng có phần bất kính đối với ông.
Thiên Nhu lườm Thiên Uy một cái:
- Gọi nửa ngày không thèm thưa, làm bộ quái gì thế?
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 6

Chưa bao giờ Thiên Nhu tỏ ra tôn trọng anh mình, phải chăng do tuổi tác giữa hai anh em sát nhau quá.
- Hơn mình có mười một tháng, có gì ghê gớm đâu cơ chứ?
Bố mẹ gọi Thiên Uy ơi, cô bé cũng luôn mồm gọi theo "Thiên Uy ơi". Khó lắm, Thiên Uy mới được em gái gọi mình một tiếng bằng anh, nhưng giọng nó nghe quái dị làm sao, cứ như giọng nói ngọng lúc nó còn nhỏ. Hai chữ "anh ơi" phải trả giá đấy nhé, đó là những lúc Thiên Nhu cần nhờ vả Thiên Uy một việc gì đó mới gọi Thiên Uy bằng anh.
Về các môn toán lý do thiếu óc phân tích Thiên Nhu đã thi trượt chuyển cấp, cô bé đành vào trường nữ học của đạo thiên chúa. Ngày thường, Thiên Nhu tỏ ra hoạt bát, linh lợi, nhưng hễ gặp những đề bài khó về toán lý, mắt cô trợn tròn, lưỡi cô cứng đơ, đầu óc như mụ đi, cô chẳng còn biết đằng nào mà lần, do đó cô càng mất lòng kiên nhẫn trong tư duỵ Mỗi khi Thiên Nhu cầu cứu bố, chả hiểu vì không hiểu hay vì quá bận, bố cứ bảo: "Đi hỏi mẹ". Còn mẹ thì cười cười, nhíu lông mày nói thật tình: "Chao ôi, bỏ bao nhiêu năm rồi, mẹ quên sạch, thôi đi hỏi anh con!".
Không dám trái lệnh mẹ, Thiên Uy đành giải đáp cho em gái. Thiên Uy tuy thông minh, song thiếu lòng kiên nhẫn, cho nên không khỏi nói với giọng coi thường em gái: "Có thế mà cũng không hiểu!".
Thiên Nhu là cô bé không chịu nổi những lời làm thương tổn lòng tự trọng, cho nên dù anh giúp đỡ, cô bé chẳng những không biết ơn, còn thêm oán trách. Mỗi lúc nổi tự ái cô vặc ngay lại:
- Già ôi, làm bộ cái cóc khô gì thế! Tiếng Anh đàng ấy đã bằng tớ chưa?
Mặc dù tiếng Anh Thiên Uy học cũng khá, nhưng chỉ bó hẹp trong bài vở, đến khi đối thoại, kém xa Thiên Nhụ Khi Thiên Nhu về nước, luôn mồm nói tiếng Anh, nay học trường đạo của Tây, cô bé là học sinh ưu tú, tiếng Anh nói làu làu.
Thiên Nhu học piano với bà xơ Tây. Lúc ở nước ngoài, Thiên Nhu đã học đàn mất một năm. Sau khi về nước, bài vở trong trường tiểu học rất căng không có thì giờ tập đàn, vả lại đối với cô tập đàn cũng như một cực hình.
Quan điểm của mẹ: "Con gái có am hiểu cầm, kỳ, thi, họa mới ra người thanh nhã cao quý" cho nên đến khi vào học năm thứ nhất sơ trung, mẹ khuyến khích Thiên Nhu tiếp tục học pianọ Một khi bị điểm kém về toán lý, mẹ không những không khiển trách còn động viên an ủi Thiên Nhu:
- Không sao, con có định làm nhà khoa học đâu.
Không hiểu Thiên Uy sau này làm gì nhưng không thấy mẹ khuyến khích anh cô phải giỏi cầm kỳ thi họa, trái lại mỗi lần đọc thơ của Thiên Uy, mẹ lắc đầu quầy quậy:
- Con trai viết những thứ này làm gì?
Thậm chí mẹ còn mắng anh là không ốm đau mà rên rỉ suốt ngày.
Ừ, đúng là Thiên Uy lúc nào cũng tỏ ra rầu rỉ. Khi cô gọi anh ta ra ăn cơm, đôi mắt Thiên Uy mơ mơ màng màng, mặt tái xanh, cứ như chưa tỉnh giấc mơ.
Trong gia đình bốn người, chiếc ghế kia nhẽ ra của bố, vậy mà tự dưng người lạ đến ngồi vào đấy.
Với con mắt Thiên Nhu, anh Lê là con người nhã nhặn, khéo chiều mọi người. Lần đầu tiên ăn cơm ở nhà mình, thái độ anh hơi giữ kẽ, song phong thái nho nhã, luôn quan sát thần thái sắc mặt mẹ, nhưng vẫn không quên quan tâm hai anh em cộ Anh Lê khen Thiên Uy oai vệ, khen cô xinh đẹp.
Khen cô xinh đẹp, quả có vậy, nước da cô ngâm ngâm, đôi mắt sáng long lanh, mọi người vẫn khen cô giống mỹ nữ Philippin. Nhưng khen Thiên Uy oai vệ, quả thật khôi hài! Đặc biệt lúc ăn cơm, anh ta miệng câm như hến, nhiều lúc anh Lê hỏi chuyện Thiên Uy không trả lời, thấy chướng quá, mẹ nhắc:
- Thiên Uy ơi, sao con không nói năng gì cả?
Cậu lúng túng, mãi hồi lâu mới đáp lời từ tốn:
- Khổng Tử dạy: Khi ngủ im lặng, khi ăn không nói!
Lê Thiên Lập không khỏi chột dạ, vẻ mặt hơi ngượng.
Ha ha! Buồn cười thật! Thiên Nhu ngửa mặt cười lớn.
- Cười khẽ thôi có được không?
Thiên Nhu im bặt, trợn mắt lừ Thiên Uy một cái rồi cười tiếp tiếng cười to hơn. Nhưng lần này Thiên Nhu cố tình cười để chọc tức Thiên Uy: Mẹ không can ngăn, anh cấm gì được tôi?
Thiên Nhu dứt tiếng cười, vừa đúng lúc Thiên Uy đặt bát cơm xuống đứng dậy và nói khẽ : "Xin vô phép".
- Em ăn ít thế ư ? Thiên Lập nhổm người tỏ vẻ quan tâm, hỏi một cách lịch sự.
Thiên Uy không trả lời, lặng bỏ đi.
- Anh mặc nó, tính khí thằng bé hơi khác thường . Thiên Nhu, sao con không ăn thức ăn đi.
Thiên Nhu cũng định giận dỗi bỏ đúa xuống nhưng suy cho cùng chả bõ, cô bé cười một tiếng rồi bắt đầu ăn cật lực, kệ xác anh, đã dỗi thì cho chết !
- Đến tuổi này anh con trai nào cũng vậy . Lê Thiên Lập nói - Thưa phu nhân chẳng có gì lạ đâu, có lẽ em hơi mất thăng bằng một tý thôi.
- Ngày xưa anh có thế không ? - Giai Lập nhìn anh hỏi cười cười.
- Lúc ấy tình hình tôi còn trầm trọng hơn - Anh cười khóe môi hơi nhếch lên - Có thời gian, tôi đã dự trữ rất nhiều thuốc ngủ.
- Anh định tự sát sao ? - Thiên Nhu trợn tròn mắt nhìn, hơi lạc giọng.
- Ngốc ơi, con hét gì vậy ? Giai Lập nói với giọng nhẹ nhàng, âu yếm.
- Thuốc ngủ để tự sát cơ mà ? Thiên Nhu vẫn khăng khăng.
- Nhiều khi không ngủ được cũng phải uống thuốc ngủ, con ạ.
Lê Thiên Lập thiên về ý kiến Thiên Nhu :
- Thời gian đó tôi không hề bị mất ngủ, tôi định tự sát thật.
- Tại sao ? Tại sao lại muốn tự sát ?
- Bởi vì... Thiên Lập liếc nhìn Giai Lập rồi ngoảnh lại cười với Thiên Nhu - Tôi nghĩ, có lẽ lúc đó tâm tính tôi không được bình thường !
- Mới mười mấy tuổi tâm tính làm sao lại thiếu bình thường nhỉ ? Hồi ấy anh đã có bạn gái chưa ?
- Dĩ nhiên là đã có.
- Người bạn gái đó như thế nào ? Thiên Nhu sốt ruột kêu lên - Anh kể đi nào, anh Lê.
Liếc nhìn Giai Lập, Thiên Lập trả lời mập mờ :
- Câu chuyện qua đi đã nhiều năm trời, nay tôi cũng không nhớ lắm nữa.
- Nhiều năm trời ư, thế anh bây giờ bao nhiêu tuổi ?
- Hăm tám, lớn tuổi hơn phu nhân nhiều, phải không ?
- Anh đã hăm tám rồi cơ ? - Giai Lập nhìn anh - Trông anh còn trẻ lắm, trẻ hơn tuổi.
- Phu nhân cùng cỡ tuổi như tôi nhỉ ? Anh cảm thấy câu hỏi của mình đường đột, bèn cười.
- Mẹ em năm nay băm lăm rồi đấy anh ạ.
- Thôi đi ! - Giai Lập cười, mắng con gái, vẻ ngường ngượng.
- Thiên Nhu, em cố tình tăng tuổi mẹ em hả ? - Thái độ nghiêm chỉnh, nhưng giọng nói như đùa.
Giai Lập trả lời, giọng nói cũng như đùa :
- Nhẽ ra tôi cũng định dấu bớt mấy tuổi, không ngờ lộ bí mật mất rồi.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 7

Sau khi thú tạc trở về, Đại Nhạc không quên hôm nay là ngày chủ nhật . Xe đi qua vườn thú, thấy đám trẻ em kéo nhau ra vào tấp nập, anh không khỏi không thể dẫn chúng vào chơi chốn này, làm như vậy anh sẽ mệt vô cùng . Mấy năm qua, trọng lượng người anh cũng tăng dần theo địa vị xã hội, tuy chưa đến nỗi đe dọa đến sức khỏe, song quả thực khó mà kham nổi cuộc du ngoạn, leo trèo các gò đất trong vườn thu, huống hồ ánh nắng mặt trời đang như thiêu như đốt thế kia.
Các con anh đã hết tuổi đi chơi vườn thú rồi . Đem chúng đi xem phim nhé ? Ồ, không ổn, phòng chiếu phim tối om, nhạc phim như những khúc hát xa, hình ảnh trên màn bạc làm anh thêm mỏi mệt, đến ngủ gật mất . Đã lâu lắm anh không đi xem phim, vừa thiếu thời gian, vừa thiếu hứng thú . Năm ngoái cùng vợ con vào rạp chiếu bóng, nửa chừng ngủ gật lúc nào không hay, không nể nang gì Giai Lập đã đẩy mạnh làm anh tỉnh giấc, các con cười khúc khích với nhau, đến là ngượng . Để giữ vẻ tôn nghiêm của mình, anh chống chế : "Ba có ngủ đâu, thấy phim chán quá, ba nhắm mắt dưỡng thần!" Thực ra anh không biết phim hay hay dở ?
Không đi chơi vườn thú, không đi xem phim, vậy thì chuyện trò với các con vậy . Các con lớn cả, không còn như tuổi ấu thơ, anh nên vun đắt tình cảm với chúng nhiều hơn . Ít năm nữa Thiên Uy lập nghiệp, Thiên Nhu lập gia đình, chúng sẽ là những cánh tay hỗ trợ đắc lực . Trong sự nghiệp anh cần sự nâng đỡ của tiền bối, anh cũng cần bồi dưỡng hậu sinh . Người trong nhà hợp tác với nhau, tất sẽ phát huy được sức mạnh trên vũ đài chính trị.
Về tới nhà anh hỏi ngay Giai Lập :
- Các con đâu rồi em ?
- Chúng đi xem phim rồi, anh ạ, có người dẫn chúng đi.
Thôi được, giờ đây được nghỉ ngơi càng thích hơn.
Giai Lập rất mong anh hỏi xem ai đã dẫn chúng đi . Thấy thần sắc anh đầy mệt mỏi, anh không hỏi thêm câu nào, Giai Lập bảo :
- Sao anh không hỏi xem ai dẫn chúng nó đi nhỉ ?
- Ai đấy ? - Đại Nhạc cúi ngồi xuống cởi giây giầy một cách vất vả, câu hỏi nhạt nhẽo, gọn lỏn.
- Lê Thiên Lập đấy, đúng là con người dễ chan hòa, anh ta khiến được hai anh em chúng nó chịu cùng đi chơi không phải dễ dàng đâu, anh ạ.
Đại Nhạc đá giầy sang một bên, thở hắt ra rồi buông lỏng chân tay trên di - vãng :
- Chuyện, đi xem phim cơ mà.
- Nhưng chúng vừa cãi nhau xong anh ạ.
- Bọn trẻ cãi nhau đấy rồi làm lành nhau đấy, em băn khoăn làm gì cho mệt ?
Giai Lập ngồi sát cạnh, anh đưa tay vỗ nhẹ lên đùi nàng, mắt nhắm lại, như đang tận hưởng niềm hạnh phúc đầm ấm của tình vợ chồng.
Bỗng Giai Lập bật cười.
- Em cười gì đấy ? - Đại Nhạc cố mở mắt ra nhìn nàng giọng nói có vẻ mơ màng.
- Hai anh em chúng nó gọi Lê Thiên Lập bằng anh ngọt sớt.
Mắt chàng vẫn nhắm, tay tiếp tục vỗ về nàng, động tác ngày càng nhẹ và chậm dần.
Giai Lập vẫn giương to đôi mắt hồi tưởng.
Nàng lại bật cười một tiếng to hơn, nhưng chàng im lặng.
Lúc sau nàng hỏi :
- Anh đoán xem cậu ta gọi em bằng gì ?
Im lặng.
Giai Lập ngoảnh lại nhìn chồng với nụ cười thú vị, bỗng nét cười cứng đơ trên gương mặt nàng.
Thì ra chàng đã ngủ.
Lúc đầu, nàng thấy khó chịu vì bị bỏ rơi, thậm chí cảm thấy tủi thân . Tuy không còn thời yêu đương lúc trẻ, nhưng không mấy khi có được phút yên tĩnh như thế này, vợ chồng ngồi tựa vào nhau trò chuyện, hả chẳng nên thơ lắm ư ?
Vậy mà chưa được vài câu, anh ta đã ngáy khò khò.
Bảo rằng chàng ngáy khò khò cũng chẳng oan tý nào, trong tiếng thở đều đều có tiếng rít nhẹ . Có thể chàng ngủ chưa say lắm, cũng có thể chàng cảm thấy áy náy cho nên không dám ngáy to . Đêm ngủ, tiếng ngáy của chàng còn to hơn thế này.
Nàng định giận dỗi bỏ đi, nhưng trước khi đứng dậy, nàng tức giận nhìn chàng, bất ngờ sau cái nhìn, bao nỗi hờn giận biến mất . Kìa, dáng ngủ của chàng đến là buồn cười : miệng mím chặt càng lộ rõ cái cằm chảy sệ xuống.
Cơ bắp trên mặt chàng giật giật, y như một anh hề đang làm trò.
Bất giác nàng nhìn chàng đăm đăm, trong vẻ thân thuộc kia có một cái gì thật xa lạ . Chẳng lẽ đây chính là người đã đoạt giải trong cuộc đua mà cái đích là nàng sao . Thời ấy, Trương Đại Nhạc oai vệ biết bao ? Tuy hai cha con nét mặt rất giống nhau, nhưng về phong thái, Thiên Uy thua xa cha mình hồi trẻ . Ngày nay, phong độ chàng vẫn được nhiều người tán thưởng . Ngày thường, chàng tỏ ra là con người giỏi dang, quyết đoán và có tham vọng . Vậy mà giờ đây, chàng nằm đó, bất động như con sâu rẫy chết, tầm thường, dung tục và cứng đơ . Ngày trước nàng vẫn tưởng chỉ có một Đại Nhạc . Bao năm trôi qua, nay nàng bỗng nhận ra, trước mặt mọi người chàng là Đại Nhạc phong nhã, mẫn cán và đầy trí tuệ, lạnh lẽo và thờ ơ . Nàng không khỏi bâng khuâng . Đâu là diện mạo thực sự của chồng nàng ?
Từ tâm trạng giận dỗi, dằn vặt chuyển sang khôi hài, rồi nẩy sinh tâm lý thương hại . Thực ra, chàng cũng đáng thương, địa vị càng cao, trách nhiệm càng nặng . Chẳng ai muốn mình trượt xuống, bởi vậy cứ phải cố sức leo lên nữa . Kẻ làm quan bao giờ cũng canh cánh trong lòng về trách nhiệm, bận rộn suốt ngày về công việc . Tiệc tùng chăng nữa, tưởng là việc tư, nhưng thực ra gắn chặt với sự nghiệp thăng quan tiến chức, do đó việc gì cũng phải chu toàn . Trong công tác ngoại giao phải làm việc quên mình, phải luôn lựa ý mọi người và thỏa mãn ý muốn mọi người nhưng vô hình trung lại chính là làm lợi cho bản thân mình . Chẳng phải ngẫu nhiên, năm xưa cha nàng đã xin về hưu sớm, vì tính ông không thích hợp với loại công tác này . Từ bé cha nàng là người tinh thông thi và họa, vốn coi nhẹ công danh trên đời, song ông nội nàng giữ chức đại thần đối ngoại (ngoại vụ), cho nên đã bắt con trai mình kế nghiệp cha ông . Cảm thấy sâu sắc về nỗi khổ trong quan trường, cho nên ông để cho con cái tự do lựa chọn sở thích trên đường đời . Ông không phản đối con gái gả cho viên chức ngoại giao, và ông từng cho rằng Đại Nhạc thích hợp về công tác này, cho nên ông đã tiến cử con rể cho những người bạn cũ . Khi ông qua đời, Đại Nhạc đã chớm phát hào quang trên đường hoạn lộ.
Rút cuộc, thành tựu trong mười năm đã tạo nên con sâu rẫy chết trước mặt nàng, Giai Lập không những thương hại cho Đại Nhạc, nàng cũng xót thay cho bản thân mình . Đối với chàng, nàng không còn là sức hút, không còn là liều thuốc kích thích . Bàn tay chàng vẫn đặt trên đùi nàng, coi nàng như một con vật nhỏ nuôi trong nhà, như tay vịn trên ghế xa- lông . Những lời nói của nàng chỉ là bài hát ru thông thường, nhạt nhẽo và vô duyên . Cảm thấy tưng tức nơi lòng nực, nàng hít sâu một hơi, vẫn nhìn chàng không chớp mắt . Lông mi chàng thưa và đã có hai sợi mầu vàng . Đôi mắt lúc nào cũng tỏ ra sắc sảo khi đứng trước mặt mọi người, nay bị mí mắt dầy cộp sụp xuống che khuất, mắt nàng chỉ còn lại hai kẻ chỉ ngang trên mặt.
Nàng ghét hai nét kẻ ngang kia, ước gì hét to lên, làm chàng sửng sốt mở to mắt ra . Nhưng để làm gì, chàng sẽ nhìn nàng một cách mơ màng và nói : "em điên rồi hay sao ?" rồi đôi mắt kia trở lại hai nét kẻ ngang như cũ . Chàng quyết không thể nhìn nàng bằng cặp mắt ngắm người đẹp châu Âu như trong buổi tiệc tùng.
Chàng ngắm người khác, nhưng cũng có kẻ khác ngắm nàng . Trong nỗi bi ai của sự lãng nhục, nàng bỗng cảm thấy tự tin ở mình . Nàng nhớ lại thân thái đôi mắt Lê Thiên Lập, trong ánh mắt kia biểu lộ sự khâm phục, kính trọng và đầy tình cảm.
Bậy nào ! Đầy tình cảm là nghĩa thế nào ? Phải chăng đó là ấn tượng mang tính chất trả thù về cái nhìn của Đại Nhạc đối với người khác trong tiệc rượu ?
Bỗng nhiên, gương mặt băng giá của nàng lấp lánh ánh cười nhẹ . Buồn cười quá nhỉ ? Tiếc thay Đại Nhạc ngủ say nên không nghe nàng kể rằng Lê Thiên Lập gọi nàng bằng an đệ . Lúc đầu tiếng an đệ chỉ là câu đùa, không ngờ vì Thiên Uy và Thiên Nhu gọi anh ta là "anh Lê", vậy là anh ta luôn mồm gọi nàng là an đệ.
Ánh cười bỗng tắt trên gương mặt nàng, "an đệ" là cách xưng hô kính trọng của bậc dưới đối với người cao tuổi, Giai lập không khỏi giật mình về tuổi tác.
Nàng rất ít khi nghĩ đến tuổi tác, tháng hoặc nhớ đến, nàng không khỏi giật mình thon thót . Điếu đó không chỉ xẩy ra hôm nay, ngay cái năm hăm chín, nàng đã cảm thấy kinh hãi về tuổi.
Bài Xaxagasu đăng trên báo có đoạn viết : "Sau nỗ lực trong mười năm trời, mẹ tôi mới cắn răng tăng từ tuổi hăm chín lên ba mươi . Thế nghĩa là tuổi đó đối với phụ nữ coi như phận già" . Đọc bài đó, Giai Lập hiểu rằng hăm chín cũng đã là già.
Lúc đang tuổi trẻ, nàng không cảm thấy mình còn trẻ trung thậm chí cứ mạo nhận là người lớn tuổi . Lúc còn là thiếu nữ, nàng luôn mồm nói : đàn bà chúng tôi thế nọ thế kia, kỳ tỉnh lúc ấy chỉ hơn tuổi Thiên Nhu ngày này một tý thôi.
Những năm sống ở nước ngoài, đang tuổi hoa niên, không nhạy cảm về sự trôi đi của năm tháng.
Về nước, thấy mẹ già đi nhiều, bất giác nàng liên tưởng đến mình và đâm lo . Sau khi mẹ mất, thì ra sinh lão bệnh tử là con đường tất yếu của đời người, nàng không khỏi sinh ra cảnh giác với thời gian . Ngày trước, sinh nhật là một ngày kỷ niệm long trọng đầy hân hoan, ngay nay nghĩ đến cũng đã thấy lo.
Song, nàng cũng không có lắm thì giờ đế lo lắng về tuổi tác, con người ta bận vào việc sẻ giảm bớt nhiều nỗi ưu phiền . Tâm trí nàng ngoài việc bận giao thiệp và nội trợ, nàng còn phải lo thay đổi kiểu tóc và mốt phục trang.
Trang phục và phong thái Giai Lập bao giờ cũng là đối tượng được nhiều người chú ý tán thưởng, do đó, nàng lãng quên nồi lo sợ về tuổi tác . Bất ngờ trong bữa ăn con gái để lộ điều bí mật, nàng tuy bực mình thật, nhưng cũng chẳng làm sao được.
Câu chuyện qua đi, quên đi, bây giờ bồng nhớ lại, nàng thêm bứt rứt.
Nghĩ cho cùng Thiên Lập gọi nàng bằng an đệ, có gì hài hước đâu, nàng hơn anh ta những bảy tuổi cơ mà ? Ôi, bảy năm là một khoảng cách lớn biết bao.
Giữa nàng với Đại Nhạc có khoảng cách lớn như vậy không ? Nhìn lại dáng ngủ của chàng . Giai Lập liên tưởng đến bản thân; bảy năm sau nàng rồi sẽ có dáng vẻ y hệt Đại Nhạc bây giờ, càng nghĩ càng thêm sợ hãi hùng.
Giai Lập bất giác thở dài . Nàng không dám nghĩ tiếp.
Không ngờ tiếng thở dài nặng nề đến nỗi át cả tiếng ngáy của chàng . Lập tức tiếng ngáy im bật, Đại Nhạc vội cảnh giác mở mắt.
Khi nhận ra mình đang ngủ quên đi, Đại Nhạc chẳng hề ân hận cũng không hề xấu hổ, chàng cho đó là điều dĩ nhiên . Chàng miễn cưỡng giơ tay lên định vỗ đùi nàng để tỏ ra âu yếm . Nàng giận dỗi tránh ra, tay chàng rơi xuống đi- văng một cách bất lực.
- Hử ? - Chàng cố mở mồm nói - Sao thế em ?
Giai Lập không trả lời, vờ ngủ . Đại Nhạc hiểu nàng giả vờ và đang dỗi . Có gì đáng để nàng dỗi đâu cơ chứ, trời nóng thế kia, chả nhẽ không nên ngủ một tí hay sao ? Tuy nhiên, chàng vẫn cố gắng phấn chấn tinh thần, Đại Nhạc vừa ngáp vừa hồi tưởng lại tình huống trước lúc thiếp đi, chàng sực nhớ rằng Lê Thiên Lập dẫn hai con đi chơi :
- Chúng nó đi xem phim gì vậy ? Hở em ?
- Không biết.
- Khi nào các con về ?
- Không biết . - Nói xong nàng đứng dậy bỏ đi.
- Giai Lập - Lúc này chàng mới tỉnh hẳn, nhìn sau lưng nàng - Em dỗi hả ?
- Có gì đâu ạ - Nàng cười, tiếng cười và nụ cười của nàng như một cử chỉ xã giao với người xa lạ.
Quả thực, nàng không còn dỗi nữa, và cũng không có thì giờ để dỗi, tâm trí nàng bị cuốn hút vào việc trang điểm, chả là tối nay lại phải đi dự yến tiệc.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 8

Tiếng gõ cửa làm Giai Lập thức giấc, nhưng chưa tỉnh hẳn, nàng phải cố gắng lắm mới mở mắt ra được . Cái rèm cửa sổ dầy, ánh sáng bên ngoài không lọt vào được, buồng ngủ vẫn tối om, giường nằm rộng hẳn, Đại Nhạc đã đi từ bao giờ.
Nghe có tiếng gõ cửa, tuy nàng đã trả lời, nhưng người ở không nghe thấy, vẫn tiếp tục gõ và gọi ầm ĩ.
- Bà ơi.
- Gì vậy ? - Giai Lập sốt ruột cao giọng . Nàng không thích ai quấy nhiếu mình trước khi dậy . Ngay cả Đại Nhạc cũng phải rón rén rời khỏi phòng ngủ là gì ? Thiên Uy, Thiên Nhu cũng biết điều đó, người ở càng phải tôn trọng thói quen của nàng mới phải, cớ sao dám ầm ĩ thế kia.
- Thưa bà, có điện thoại bà Phùng, bà có nhận điện thoại không ạ ?
Thật lòng, Giai Lập chả muốn nhận chút nào, nhưng với ai chứ, đối với con người như bà Phùng càng phải cư xử cẩn trọng, bất đắc dĩ, nàng bật công tắc điện thoại đầu giường.
- Mười một giờ rồi, vẫn còn ngủ cơ à ?
- Thế ư ? Nàng cười, vươn vai một cái, Giai Lập rút chiếc đồng hồ kim cương trong ngăn kéo giường, chẳng may rơi xuống sàn, nàng ân hận cúi nhặt lên . Trong ánh sáng mờ mờ, nàng miễn cưỡng nhìn thấy kim đồng hồ chỉ mười giờ hai mươi lăm phút . Bà Phùng có thói quen khoa trương, nhưng cũng như mọi lần, nàng không lật tẩy bà ta làm gì.
- Bà sướng thật, tôi không sao dậy muộn được, mới tinh sương lũ nhóc đã quấy rồi, khổ thân tôi khi nào cũng thiếu ngủ.
- Con còn bé, ai cũng vậy thôi . Giai Lập cười đáp, trong bụng nghĩ thầm : giá như không thiếu ngủ, không hiểu bà ta còn to béo đến chừng nào ?
- Là bà vẫn sướng hơn cả, con cái lớn hết rồi, còn tôi đến là khổ ! Bà Phùng than vãn.
- Không biết đến bao giờ mới hết vất vả !
- Cũng chóng thôi . Giai Lập an ủi . Nàng thấy bà Phùng quả là con người can đảm, bốn mươi rồi còn đẻ thêm đứa thứ năm . Bốn năm nay bà ta đã lại béo thêm một phần năm so với trước kia.
- Nhìn con cái người ta lớn hết cả rồi mà thèm... - Bà Phùng lại than vãn một thôi một hồi.
Giai Lập cố kiên nhẫn nghe bà kể con cà con kê, khi thì nàng buông một tiếng cười, khi thì nói vài câu an ủi . Thực ra tâm thần nàng bất định . Chuyện trò với bà Phùng rõ là chán, cũng chả làm sao được . Các bà vẫn thường tán gẫu với nhau bằng điện thoại, nhưng giờ này đâu phải lúc tán dóc triền miên ? Mãi sau Giai Lập mới kiếm được dịp ngắt lời :
- Tôi đến phải dậy thôi, tí nữa thợ may sẽ đến thử áo cho tôi mà.
Bà Phùng vẫn chưa hiểu ra, bỗng quay sang hỏi :
- Việc gì bà hứa với tôi, quên rồi à ?
- Việc gì nhỉ ?
- Bà hứa dẫn tôi đi chọn vải may áo cơ mà ? Chà chà, thủ tạc nhiều quá, tôi không có cái áo nào tử tế, ông Phùng nhà tôi mắng tôi làm mất thể diện ông ấy, bà ạ ?
- Được thôi, bà xem khi nào đi được ? Giai Lập sới lới nhận lời - để tôi còn đánh xe đến đón bà đi.
- Cũng chẳng vội gì, để khi nào bà rỗi hẵng hay, bà cũng bận quá đi chứ.
Bỗng bà Phùng hạ thấp giọng.
- A, tí quên, sắp đến sinh nhật Vu phu nhân, bà định biếu gì đấy ?
- Tôi còn chưa nghĩ ra, bà ạ.
- Thôi được, ai mà chả biết bà Vu quý bà nhất, ngài vụ trưởng nhà bà lại là thân tín của Vu bộ trưởng.
- Ấy chớ, bà đứng quá lời - Giai Lập lời lẽ vẫn uyển chuyển, nhưng trong lòng lấy làm khó chịu về bà Phùng - Chúng ta đều như nhau cả thôi mà.
- Như nhau thế nào ? Mỗi lần đi họp Vu bộ trưởng chỉ kéo ông trương nhà bà chứ có kéo người khác đi theo đâu nào ?
- Họp gì cơ ?
- Họp hội nghị các bộ trưởng ấy, tháng sau sẽ mở, cuộc họp ở Thái Lan, bà không biết ư ?
- À, tôi biết, nhưng...
- Dấu làm sao được - Bà Phùng cướp lời - Những gì hay đều rơi vào ông bà cả, xin chúc mừng ông bà nhé !
- Có gì đáng chúc mừng đâu ! - Giai Lập cười nhẹ, dấu kín nỗi nghi hoặc trong lòng - Bà nghe tin đó lúc nào đấy ?
- Tối qua vừa nghe xong, bà kín như bưng ấy.
Giai Lập đành cười, khốn nỗi nếu nàng thanh minh rằng mình không hay biết tí gì, bà Phùng chưa chắc đã tin . Thực ra bây giờ nàng mới biết tin này.
- Ông bà khi nào rỗi nhỉ ? Để chúng tôi còn mở liên hoan tiễn ngài vụ trưởng.
- Thôi đừng bầy vẽ, nếu như có đi thật thì cũng về ngay thôi mà có phải không bà !
- Dù sao chuyến này cũng là đi xa, hay là ông bà không muốn hạ cố chúng tôi ?
Từ chối, cảm tạ, cuối cùng Giai Lập đặt ống nghe xuống . Câu chuyện đi Thái Lan vẫn chưa ngã ngũ.
Nhẽ ra nàng dậy ngay, nhưng nàng ôm hai cánh tay sau gáy nằm tiếp trên giường . Tin bà Phùng lộ ra càng tăng thêm nỗi buồn trong lòng . Thật đáng tiếc, Đại Nhạc không cho nàng hay tin vui, mặc dù nàng là người bạn chiến đấu sát cánh với chàng . Đến khi có thành quả lớn như vậy, chàng đã không thèm cho nàng đưỢc cùng chia sẻ niềm vui, không hiểu chàng có tâm địa gì vậy ?
Không hiểu tin đó có xác thực không nhỉ ? Nàng sực nhớ bà Phùng có tính hay khoa trương hoặc dựng chuyện, vả lại trong bộ ta vẫn thường hay tung tin vịt . Hễ có một chỗ khuyết, mọi người vội vàng tìm cách xoay xở cho mình . Chưa có cơ sở gì, chi bằng cứ hỏi thẳng Đại Nhạc thì hơn.
Giai Lập trở lưng cầm ống điện thoại, quay số điện phòng làm việc của Đại Nhạc.
Một giọng quen quen vang lên ở đầu giây bên kia, nhưng không phải giọng Đại Nhạc.
- Ai đấy ? Ngài vụ trưởng đang bận họp.
- Tôi là Trương phu nhân đây mà.
- Thảo nào, nghe giọng rất quen, tôi là Thiên Lập, xin chào an đệ.
Nàng cười vang vì thấy anh ta gọi mình bằng an đệ cứ ngọt sớt, y như nàng quả là cô ruột anh ta không bằng.
- An đệ có việc gì cần không ạ ? Khoảng mười một rưỡi ngài sẽ họp xong.
- Cũng chẳng có việc gì.
Thấy giọng nàng có vẻ do dự :
- Thế này nhé, ngài họp xong tôi báo cáo ngay để ngài gọi điện về cho an đệ.
Tính lại thời gian, họp xong vừa đến giờ đi dự tiệc.
- Thôi, phiền anh quá.
- Hay là an đệ cứ dạy thẳng cũng được . Từ ngày được điều về văn phòng ngài vụ trưởng, tôi luôn mong có dịp hầu an đệ, hôm nay mới có dịp may hiếm có thế này.
Nghe giọng nói quá ư săn đón, nhưng nàng cảm thấy có vẻ thành tâm.
- Thật đấy, an đệ không phải ái ngại gì - Anh ta nhấn giọng - Bất cứ việc lớn nhỏ, an đệ cứ căn dặn, tôi xin làm chu tất.
Nàng không khỏi cảm động, khác hẳn giọng nói choe chóe của bà Phùng lúc nãy, do đó nàng càng cảm kích về tấm lòng chàng . Tuy nhiên, do xuất thân cao qúy, nàng không thể để lộ điều gì bất cẩn trong lời ăn tiếng nói, nàng đành nén nỗi thắc mắc.
- Cảm ơn anh - Để đền đáp tấm lòng Thiên Lập, nàng tỏ ý quan tâm - Công tác có bận không ?
- Bận thì có bận thật - Anh ta cười - Ngài vụ trưởng là con người lỗi lạc, tôi cũng không dám làm việc quá ư kém cỏi nhưng ngoài giờ cũng khá rảnh rỗi.
- Buổi tối anh tiêu khiển bằng gì ?
- Chưa thể gọi là tiêu khiển, phần lớn thời gian ở nhà xem báo, đọc sách.
- Chăm học quá nhỉ - Giai Lập nửa thật nửa đùa.
- Thưa an đệ, không chăm cũng không được, mọi người đang tiến bộ thế kia, mình cũng phải cố sao cho khỏi lạc hậu . Vả lại sống một thân một mình cũng buồn, đọc sách báo cũng là một cách để trôi thời gian.
Giai Lập chưa hiểu hết ý nghĩ chữ "buồn" . Sáng ra chưa kịp dậy đã có điện thoại quấy nhiếu, ngày nào cũng bận đến tận khuya, nàng không phải lo rỗi thì giờ, có khi nào nàng rỗi đâu.
- Chắc rằng ở đây anh cũng đông bạn bè thân thích nhỉ ?
- Nhưng dù sao tôi cũng không muốn quấy nhiếu người khác.
Giai Lập biết anh ta không còn bố mẹ, chỉ có một người em gái đã lấy chồng, hiện anh thuê hai gian phòng ở riêng.
- Tại sao anh không đến ở chỗ nhà ông chú ?
- Nhà cụ động người, thành ra cũng chật chội, vả lại tôi thích sống một mình hơn.
Nàng cười nói :
- Để chuẩn bị cho việc lấy vợ sau này chứ gì.
- An đệ nói gì vậy ?
- Anh chả định sau khi về nước sẽ kết hôn là gì ?
- Ai bảo với an đệ đấy.
- Chính anh bảo, anh quên rồi à ?
- À ! Không, tôi chỉ nói rằng cô nhiều bạn bè mai mối, nhưng lập gia đình đâu phải việc đơn giản - Thiên Lập thở hắt ra một tiếng - Về việc này, khi nào có dịp tôi sẽ xin ý kiến an đệ, nếu như an đệ không tiếc thời gian, tôi xin tâm sự nhiều với an đệ.
- Sẵn sàng đón tiếp anh . - Giọng nói nàng lần này khác hẳn lần gặp gỡ đầu tiên trong buổi tiệc . Nói xong cảm thấy hớ, nàng vội lấp liếm :
- Thiên Uy, Thiên Nhu đều rất mến anh, Đại Nhạc bận quá, cho nên cũng mong anh thỉnh thoảng đến dẫn chúng nó đi chơi.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 9

- Thiên Uy, anh vào được không ?
Nghe tiếng gõ cửa và tiếng hỏi, Thiên Uy vô cùng lúng túng, căng thẳng, lúc sau cậu mới trả lời được . Tuy nhiên, Thiên Uy vẫn chưa kịp bình tĩnh trở lại, Thiên Lập đã đẩy cửa đi vào.
- Anh quấy nhiếu em phải không Thiên Uy ? - Thiên Uy cố nói với giọng hết sức lịch sự, song luồng mắt anh ta chả lịch sự chút nào, phóng thẳng lên tập giấy viết thư màu ngọc thạch lộ một góc dưới quyển sách giáo khoa . Đôi mắt anh sắc biết bao, óc quan sát của anh nhạy biết bao . Nhưng anh tảng lờ như không.
- Không anh ạ ! - Thiên Uy trả lời vụng về, cậu đứng dậy, nhưng không rời khỏi bàn, chú tâm dấu điều bí mật trong lòng.
Thiên Lập cười thầm, nhưng vẫn không lộ thần sắc :
- Em cứ ngồi đi, anh không có việc gì, đến thăm em tý thôi.
Thiên Uy đỡ căng thẳng đắp :
- Bố mẹ em đến nhà bà Phùng ăn cơm, anh ạ.
- Anh biết, ông bà Phùng tiễn bố em đấy, chắc bố mẹ em sẽ về sớm.
- Tiến bố em ư ? Bố em sắp đi nước ngoài hở anh ? - Thiên Uy tỏ ra sửng sốt, nét mặt lộ vẻ ngây thơ - Thế mẹ em ?
- Mẹ em ở nhà, bố em chỉ đi họp vài ba tuần thôi mà.
- À ! - Lúc đó Thiên Uy mới an lòng, không hỏi thêm gì nữa . Bố cậu đi đâu, họp hội nghị gì, cậu hoàn toàn không quan tâm, cậu chỉ sợ bố mẹ đi hẳn, rồi bỏ rơi cậu mấy năm liền như trước kia, mặc dù thực tế không thể như thế được, vì bà ngoại không còn.
Thiên Uy bất giác nhìn tấm ảnh bà treo trên tường.
- Đấy là ảnh bà ngoại của em à ? - Thiên Lập cũng đưa mắt nhìn theo, gật đầu - Ừ, khung ảnh này em mua hôm chúng ta cùng đi xem phim đấy nhỉ ?
- Vâng ạ, trí nhớ anh tốt thật.
- Làm sao anh quên được, hôm đó em và Thiên Nhu còn cãi nhau cơ mà, đứa thì đòi đi mua khung ảnh, đứa thì đòi đi mua dĩa hát.
Thiên Uy cười :
- Anh có sáng kiến là đến phố Trung Hoa, có bán cả khung và dĩa hát . Anh vừa mới về nước cơ mà, làm sao anh thuộc hết các phố thế nhỉ ?
- Em đừng quên rằng anh chính là người Đài Bắc . Nhưng Đài Bắc nay khác xưa nhiều quá em ạ.
Thiên Uy tỏ ra đang chăm chú nghe anh kể chuyện Đại Bắc ngày xưa với ngày nay, kỳ tỉnh tâm hồn cậu bất định . Trong lòng đang vấn vương những lời lẽ viết trên trang giấy màu xanh nhạt . Đã viết được một nửa rồi, còn nửa kia nên viết tiếp như thế nào nhỉ ?
Thiên Lập hiểu tâm trạng cậu bé, vì phải đợi vợ chồng Đại Nhạc, anh đành cứ ngồi lì . Anh cố kể những chuyện lý thú ngày xưa, Thiên Uy bị thu hút khi nào không hay . Câu chuyện kể đến chỗ thú vị, hai anh em cùng cười ha hả.
Nghe tiếng cười, Thiên Nhu định quay sang hỏi tội Thiên Uy khiến cô không làm bài được, kỷ tỉnh cô bé đang đọc tiểu thuyết.
Đến trước cửa buồng Thiên Nhu mới hay Thiên Lập đang trong buồng Thiên Uy, cô bé mừng rỡ, đẩy cửa bước vào :
- Đấy nhé, anh đến mà chẳng thèm sang buồng em nhé !
- Anh vừa đến xong, tiện thể anh vào buồng Thiên Uy trước, chứ anh có biết cả em cũng ở nhà đâu.
- Thế sao anh không sang buồng em trước nào ? Thiên Nhu trề môi - Em không tin rằng buồng Thiên Uy lại thơm tho hơn buồng em nhé.
- Chỉ có buồng mẹ mới thơm.
Thiên Uy cốt chọc tức Thiên Nhu, Lê Thiên Lập không khỏi liên tưởng điều bí mật trong lòng, anh lắc đầu cười :
- Buồng mẹ các em thì anh không dám vào.
- Đi, anh Lê sang buồng em đi - Thiên Nhu khoát tay như ra lệnh - Sang buồng em nghe dĩa hát, anh Lê ạ.
Mở máy be bé nhé.
- Ừ, cứ mở to !
Hai người đi khỏi, Thiên Uy thấy mình nhẹ hẳn . Cậu vội đứng dậy cài then cửa, làm thế không phải vì Thiên Lập, cậu sợ Thiên Nhu bất thần đâm sầm vào buồng cậu.
Sau khi ngồi yên, cậu ngoái đầu lại nhìn phía sau lần nữa, sợ ai rình trộm sau lưng . Xa xa vẳng tiếng nhạc và giọng nói the thẻ của Thiên Nhu ở buồng bên cạnh, nhưng chả nghe rõ cô bé nói gì.
Thiên Uy kéo dịch tập giấy viết thư tới trước mặt . Trên tờ giấy mầu ngọc bích, hiện lên nét chữ cũng đơ do cậu quá ư nắn nót trong lúc viết.
Thiên Uy đang viết thư cho Tào Thục Phân.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 10

Đi công tác xa, dù sao cũng là một việc lớn . Cuộc sống đã bận, tâm hồn không vui, mấy ngày trước lúc Đại Nhạc đi xa, Giai Lập càng bận và căng thẳng hơn.
Hành trang đi xa của đàn ông không phức tạp phiền toái như của đàn bà, nhưng cũng phải lo toan sắp xếp cho chu đáo.
- Anh đi ngắn ngày thôi, đồ đạc càng đơn giản càng tốt em ạ.
- Khí hậu Thái Lan nóng nực, một ngày phải tắm dội mấy lần, may ô và sơ mi cần mang nhiều để thay, anh ạ.
Câu trả lời có lý, nhưng Đại Nhạc vẫn phàn nàn :
- Mang những hai va-li cơ à ? Phiền toái quá.
- Anh có phải xách lấy đâu, công ty hàng không lo cho hết, không quá tải là được rồi, phải không nào ?
- Vu bộ trưởng chỉ mang có một va-li thôi.
Chẳng lẽ bộ trưởng ăn một bát cơm mình cũng chỉ ăn một dù đáng ăn hai ? Giai Lập không tranh cãi, nàng cứ lẳng lặng làm theo ý mình . Thời con gái, bà mẹ vẫn lo con gái mình quen thói cưng chiều, sau này không đảm đương việc gia đình được . Nào ngờ sau khi lấy chồng, nàng đã cố học mẹ cách chiều chồng, săn sóc con cái . Giai Lập không còn nhớ thái độ bố nàng đối với mẹ nàng như thế nào, nhưng nay nàng không chịu nổi thái độ Đại Nhạc đối với mình . Trước lúc cưới, chàng chăm sóc, âu yếm nàng là thế, ngày nay, chàng thờ ơ như thể không có nàng tồn tại ngay bên mình . Giai Lập trả lời lạnh nhạt :
- Tùy anh, không mang va-li nào cũng được.
Nhìn nàng, Đại Nhạc nhìn nàng bất lực :
- Làm sao thế, em lại nối cáu rồi hả ?
- Bây giờ ngài vụ trưởng oai thế kia, em đâu dám nổi cáu ạ.
- Giai Lập, em đừng bắt bẻ nữa, gần đây anh rất mệt, em có biết không ?
- Mệt mấy thì vẫn vui, anh sắp ra nước ngoài ngao du thoải mái rồi còn gì.
- Ngao du ? - Chàng cười ha hả - Nói cho đúng là sắp phải tội đây này.
- Bao nhiêu người ao ước phải tội như anh đấy, anh ạ.
- Bởi vậy anh cứ phải cố làm ra dáng vui vẻ.
Thấy Đại Nhạc lắc đầu quầy quậy trông hoạt bát vui vẻ, mất hẳn vẻ nghiêm trang ban đầu . Giai Lập bật cười, không hiểu tự đâu, bỗng dưng nàng lại nghĩ đến Lê Thiên Lập.
Thực ra, giữa hai người khác xa nhau song ở Lê Thiên Lập, nàng tìm thấy sự vui vẻ, trẻ trung và hõm hỉnh mà bao năm qua đã mất đi ở Đại Nhạc, vả lại chàng ta lúc nào cũng tỏ ra coi nàng là nhân vật trung tâm trong con mắt và trái tim của chàng.
Đồng thời, nàng nhớ lại ánh mắt và thần thái của Đại Nhạc mỗi khi giáp mặt với các tiểu thư xinh đẹp, trước mặt người đẹp chàng bao giờ cũng phấn chấn hẳn lên.
- Thực ra anh rất vui, họp tuy có mệt thật, nhưng sau đó anh sẽ đi các nước châu Âu nữa cơ mà ?
- Ai nói với em thế ?
- Lê Thiên Lập.
- Thằng cha này mau mồm thật ! Việc chưa đâu vào đâu đã nói lung tung.
- Nói lung tung đâu ? Anh ta nói với mỗi mình em thôi, anh đừng quên em là an đệ của anh ta . - Giai Lập lườm Đại Nhạc một cái rồi nói tiếp - Anh không biết ngượng hay sao, nhẽ ra việc đó phải tự mồm anh nói ra với em mới phải . Với vợ anh còn giữ bí mật thế kia, có lẽ anh nên làm cha cố thì hơn.
Đại Nhạc im lặng, và như vậy càng tăng thêm nỗi bực của Giai Lập . Điều đó chứng tỏ Đại Nhạc bất mãn hoặc là không thèm chấp nàng . Giả dụ lúc này, chàng nói dối câu tình cảm, hoặc có một cử chỉ âu yếm, nàng sẽ chuyển giận làm vui ngay . vậy mà chàng cứ trơ như khúc gỗ, không hề biểu lộ chút tình cảm gì.
Có người bảo : ông chồng cầm tay bà vợ cứ như tay trái cầm tay phải . Đó vốn là một câu nói đùa, vậy mà đúng thật . Mỗi lần Đại Nhạc cầm tay nàng, nàng không hề có chút khác lạ gì ? Khi hai vợ chồng ngồi cạnh nhau, Đại Nhạc đưa tay vỗ nhẹ lên đùi nàng, đó chẳng qua là một cử chỉ vỗ về, vì lúc đó, tâm hồn chàng phẳng lặng như nước hồ đông, trái tim chàng không hề mảy may xúc động xao xuyến !
Kết hôn đã hơn mười năm, nàng phút chốc cảm thấy nội dung của hôn nhân nhạt nhẽo đến thế . Trước đây có lúc nàng đã có cảm giác đó, nhưng chưa bao giờ cảm giác đó lại sâu sắc đậm nét như bây giờ.
Một hôn nhân hạnh phúc cũng giống như người đàn bà đi giầy cao gót trước mắt mọi người trông thật mi miều, song chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết nỗi đau của mình . Cho nên, bề ngoài ai cũng tưởng rằng nàng hạnh phúc, nàng cũng cần phải tỏ ra vẻ mình sống đầy hạnh phúc.
Tất nhiên, nếu như nàng không so sánh thái độ của Đại Nhạc đối người ngoài khác hẳn đối với nàng . Giai Lập sẽ không có nhiều cảm nghĩ, băn khoăn đến thế . Hơn nữa, nếu như nàng không so sánh thái độ của Đại Nhạc đối với nàng lúc thường khác với lúc cầu hoan, nàng cũng sẽ không có nhiều thắc mắc đến thế . Đôi lúc nàng muốn hỏi chàng xem con người có phải là cỗ máy hay là động vật có tình cảm không ? cỗ máy hễ mở công tắc nó lập tức hoạt động ngay, còn con người thì khác.
Đại Nhạc không để ý việc bồi dưỡng tình cảm và quá trình xúc động . Không phải chàng khôNg hiểu điều đó . Lúc mới cưới, chàng rất tế nhị, tình cảm, dần dần chàng trở nên sơ sài, thô thiển . Ngay với cây cỏ, nếu muốn thưởng thức bông hoa đẹp ta cũng cần phải chăm bón siêng năng thì mới thấy hoa nở rộ theo ý muốn . Ngày thường chàng tiết kiệm sự vuốt ve âu yếm đến thế, đến khi biểu lộ sự cuồng nhiệt lại quá ư đột ngột và trái với tự nhiên, do đó làm cho nàng vừa ngượng vừa ác cảm.
Đêm trước ngày Đại Nhạc ra nước ngoài, nàng đã phải sống với tình cảm sượng sùng và khó chịu, do đó nàng trăn trở suốt đêm . Giả sử nàng cảm thấy tiếng ngáy của Đại Nhạc như khúc hát ru thì hay biết bao, nhưng tiếng ngáy đã khiến nàng càng thêm buồn phiền . Mặc dù đợt đi ngắn ngày, nhưng hai người phải xa nhau thực sự nàng ao ước được nghe chàng nói lời tình cảm, than thở rằng xa nàng chàng thấy trống trải biết chừng nào . Vậy mà chưa được một phút chàng đã ngáy như sấm rền . Trước khi ngủ, chàng vỗ vỗ nàng nói với giọng ngái ngủ :
- Thôi ngủ đi, sáng mai còn phải dậy sớm, em ạ ! Cứ nhìn chàng ngủ say nhanh đến thế, nàng đủ hiểu rằng chàng nói câu đó trong trạng thái gần như thiếp hẳn.
Giai Lập trở mình, co người cuốn tròn, nằm cách xa Đại Nhạc . Trong tình cảm, giữa nàng với chàng đã có khoảng cách khá xa . Chính chàng rời xa nàng, sau trận thân mật cuồng nhiệt, chàng đã bỏ mặc nàng hoàn toàn.
Tiếng ngáy đều đều tỏ rằng chàng ngủ rất say và rất an lòng . Không hiểu chàng có mơ thấy gì không nhỉ ? Có lẽ chàng mơ thấy mình đang bắt tay với mọi người ngoài sân bay, chàng luôn biết cách biểu lộ phong độ cao đẹp của mình, chàng sẽ ôm hôm nàng với cử chỉ ưu nhã . Nhưng tất cả những thứ đó chàng làm để giành những ánh mắt hăm mộ của người ngoài đối với mình, chàng sẽ không quên nói một câu đường mật như thế này :
"Anh rất mong trong những ngày vắng anh, em vẫn có thể sống thật vui vẻ ?"
Nhưng đột nhiên thay đổi tư thế . Những tình cảm bực bội, sượng sùng được thay thế bởi tâm trạng bất an . Nỗi bất an kia giống như ánh mặt trời sáng rực bỗng bị đám mây che khuất, cũng giống như ánh nắng xuyên qua tầng mây tối . Chưa hiểu đó là một cảm giác tốt hay xấu, song bất an kia đầy cảm giác mới mẻ, kỳ lạ đầy kích thích và không bình thường.
Nàng nhắm nghiền mắt, nhưng gương mặt Lê Thiên Lập vẫn hiện ra rõ nét.
Nàng vẫn cuốn tròn người như thể láng tránh một cái gì . Nàng biết rõ không trốn tránh nổi, nàng vừa sợ hãi vừa chờ đợi . Những ngày sắp tới, người thanh niên ấy sẽ đi vào cuộc sống của nàng.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 11

Về tới nhà, Giai Lập ném ví da sang một bên, vừa cởi bỏ găng tay, vừa thay dép đi trong nhà, nàng nói với A Ngọc :
- Thôi, tý nữa hãng dọn, bây giờ tôi muốn ngủ một tý.
A Ngọc vâng dạ rồi rút lui . Trước khi ra chị kéo kín rèm cửa sổ, những việc làm đó không được Giai Lập khen, trái lại khoát tay bảo :
- Để tôi làm lấy, chị đi đi !
Nhưng Giai Lập không thèm kéo kín rèm cử sổ, ánh sáng từ một kẽ hở xiên vào, càng thêm chói mắt . Nàng quay lưng lại, mặc dù nàng hiểu mình sẽ không sao ngủ được.
Tâm trạng nàng rối bời, hai mắt nhắm lại, vẫn thấy rõ bóng người loang loáng trước mặt . Nàng thở dài, tất cả những gì xẩy ra ở sân bay không ngoài dự đoán của nàng . Tiễn đưa nơi quan trường giống thử văn chương quan dạng, đặc biệt cuộc đi thăm lần này lại là một sự kiện quan trọng . Trước đó báo chí đã đưa tin, trên sân bay, bọn phóng viên vây quanh vị bộ trưởng phỏng vấn, đèn máy ảnh chớp lia lịa, Đại Nhạc đã phô bầy đầy đủ trí tuệ, phong độ và tài mẫn cảm của mình trước mặt mọi người.
Giống hệt một màn kịch, nàng sắm vai của mình rất khéo và xứng đáng . Tan cuộc rút vào hậu trường, lòng nàng cảm thấy trống trải khôn tả.
Ngày thường, giờ này nếu không ngủ trưa được, nàng đã bị cuốn hút bởi bao công việc . Đại Nhạc đã đi làm việc hoặc đi họp, nàng hầu như rất ít khi nhớ tới chàng, hầu như không căn vặn mọi việc làm của Đại Nhạc . Nhưng hôm nay khác hẳn, nàng luôn nghĩ đến cuộc đi xa của chàng . Nàng chưa bao giờ biết buồn là gì, vậy mà hôm nay chàng đi xa, nàng cảm thấy như mất mất môt cái gì.
Sau khi máy bay cất cánh nàng mới ra về, tuy tâm thần hoảng hốt, song vẻ ngoài vẫn cười nói như không . Nàng đã nhận lời mời của Vu phu nhân, cùng tiếp nhận những lời nói đùa của bà Phùng, nàng tự đánh xe về nhà . Đêm qua mất ngủ, giờ có thể ngủ bù nhưng nàng không sao thiếp đi được.
Xa xa như có chuông điện thoại, không chờ người ở nhận, nàng bật ngay công tắc điện thoại đầu giường rồi cầm ống nghe . Tâm hồn nàng đang thiếu thanh thản, nói chuyện gẫu với bất kỳ ai trong lúc này sẽ khuây khỏa được phần nào.
- Xin chào an đệ, Lê Thiên Lập đây.
- Hả ? - Mắt nàng sáng lên, bao nỗi phiền muộn tiêu tan ngay, nhưng vẫn cố tình hỏi với giọng nhạt nhẽo - Anh ở đâu thế ?
- Trên đường về.
- Vẫn chưa về tới cơ quan ư ? - Buột mồm hỏi xong nàng thấy câu nói là thừa . Nhà nàng ở gần sân bay, đi về bằng xe riêng, còn với anh ta, lẽ dĩ nhiên anh ta là người về sau cùng, ngồi xe khách sân bay, tất nhiên chưa thể về tới nơi được.
- Tôi đang ở gần chỗ cơ quan, gọi điện trong trạm điện thoại công cộng, sử dụng điện thoại phòng làm việc không tiện cho lắm.
Nhẽ ra nàng nên hỏi anh ta tại sao không tiện, nhưng nàng đã im lặng . Lúc sau nàng thấy cứ hỏi thì hỏi, nếu không anh ta sẽ cho rằng nàng có trắc ẩn . Giai Lập chưa kịp mở miệng, anh đã hỏi trước.
- An đệ đã về tới nhà rồi à ?
- Chuyện - Nàng cười - Chưa về tới nhà thì làm sao nhận điện thoại được cơ chứ ?
- Đúng, an đệ mắng thế là phải - Chàng cũng cười như tự riễu cợt - Muốn nói nhiều chuyện với an đệ, đến khi gọi được điện rồi lại quên béng mất.
Nếu là người khác, nàng sẽ cho anh ta ngông cuồng, nhưng với Thiên Lập nàng cảm thấy bình thường, có lẽ vì nàng đang buồn . Nàng nhắm mắt lại, giọng khuyến khích :
- Vậy thì cứ bình tĩnh mà nhớ lại đi !
- Ở sân bay, lúc nào tôi cũng ngắm nhìn an đệ.
Qua khẩu khí, tỏ ra anh ta tăng thêm dũng khí ! nàng cảm thấy hơi ớn, nhưng cũng vui vui . Dù sao đó là những lời nói mang tính chất kích thích . Trong lúc tâm hồn trống trải thế này, đó là liều thuốc cân bằng tinh thần.
- Thì trên sân bay tôi cũng đã chào anh rồi - Giai Lập tỏ vẻ bình thản, và hồn nhiên.
- Người đông quá, không sao trò chuyện với an đệ được . Chàng tỏ ra tiếc nuối, thậm chí biểu lộ chút oán trách . An đệ bận thế kia, tôi có muốn tới gần cũng ngại, chỉ sợ làm phiền an đệ, đành đứng xa xa ngắm an đệ thôi, nhưng an đệ thì chẳng nhìn thấy tôi đâu.
Nhiều năm về trước, khi còn ở trong ngôi nhà cổ của bố mẹ, nàng rất thích nghe tiếng mưa rơi tí tách ngoài hiên, nàng cảm thấy âm thanh đó đầy chất thơ . Nay nghe anh ta nói chuyện, cũng giống tiếng mưa tí tách, nhưng không rơi bên thềm, mà đang rơi đúng vào tâm hồn nàng, như bản nhạc êm ái du dương . Nàng nhắm mắt lại hình dung vẻ ngắm si mê của Thiên Lập, nàng bất giác xao xuyến trong lòng.
Không biết nên trả lời thế nào nàng buột mồm :
- Thế ư ? - Nàng ân hận vì giọng nói yếu đuối của mình.
- Đúng thế, về cảm giác, tôi cách an đệ rất xa, trong thực tế, khoảng cách đó có hạn thôi, tôi có thể nhìn thấy rõ từng cử chỉ, nghe thấy rõ từng lời nói của an đệ.
Đại Nhạc đã thờ ơ với mọi cử chỉ và lời nói của nàng, khác nhau biết mấy giữa hai người.
Nàng thầm thở dài, nhưng cố lấy tiếng cười che đậy tâm trạng mình.
- Hóa ra anh là Thiên Lý Nhân và Thuận Phong Nhi cơ đấy nhỉ ?
- Người được tôn là an đệ cũng tinh nghịch thế kia ! - Chắc rằng anh cảm thấy hai chữ "tinh nghịch" phần nào thiếu cẩn trọng, nên vội nói - A, xin lỗi an đệ nhé.
Giai Lập chả thấy có gì đáng phải xin lỗi cả, trái lại, hai chữ đó nàng thấy nên khuyên vòng tròn . Qua câu đùa của chàng, nàng cảm thấy mình như còn rất trẻ . Thật vậy, nàng quên hẳn địa vị, xuất thân, cả tuổi tác của mình, nàng còn tưởng như mình còn là con gái nữa kia ?
- Tôi nên xin lỗi anh thì đúng hơn, tôi đùa anh trước.
- Không sao, miễn là an đệ vui . Nói thật tôi rất lo, sợ an đệ không quen vắng ngài vụ trưởng.
Ôi câu nói tình cảm biết bao ? Tại sao Đại Nhạc không được như Thiên Lập nhỉ ? Tâm trạng nàng bỗng đâm ra chán nản, nàng cười như dỗi :
- Ai bảo thế ? Ông ấy đi hay ở thì cũng vậy thôi.
- Chưa chắc đâu ? Tôi thấy ở sân bay bà Phùng nói : "Đôi vợ chồng ân ái thế kia mà phải xa nhau thì thật khổ ".
- Lời bà ấy nói mà đúng ư ?
- Chả nhẽ không đúng sự thật hay sao ? An đệ với ngài vụ trưởng không thắm thiết lắm ư ?
- Này... - Nàng không biết nên trả lời thế nào, bèn lạnh lùng đáp : - Phải chăng để nghiên cứu vấn đề này mà anh gọi điện cho tôi đấy ?
- Không đâu, chẳng qua tôi quan tâm đến an đệ, đặc biệt là tâm tư an đệ . Nếu như an đệ rỗi, hết giờ làm việc, tôi đến thăm an đệ nhé.
- Tôi bận - Giai Lập ân hận đã trót nhận lời đến chơi nhà bà Vu . Dù sao, trò chuyện với Lê Thiên Lập thì vẫn thú vị hơn.
- Bận gì đấy ?
- Sao anh bảo ở sân bay anh đã nghe hết từng lời nói của tôi cơ mà.
- Ý an đệ là đến nhà bà Vu chứ gì ? Tôi tưởng đó chỉ là câu nói ứng xử thôi, và lại không nhất thiết phải đi hôm nay phải không ạ ?
Lòng nàng đầy mâu thuẫn, nửa muốn lẩn tránh nửa muốn tiếp cận, cuối cùng nàng trả lời dứt khoát :
- Nhất thiết phải đến nhà bà ấy hôm nay.
- Vậy thì... chàng lùi một bước - Trưa nay tôi đến nhé.
- Tôi còn phải ngủ . - Nàng cố gượng để lẩn tránh.
- Thì an đệ cứ việc ngủ, hết giờ làm tôi mới đến cơ mà - Không chờ nàng trả lời, chàng van lơn - An đệ biết đấy, một thân một mình, cơm niêu nước lọ, thôi thì an đệ ban cho tôi bữa cơm trưa vậy.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 12

Cảnh rộn ràng trên sân bay đã lùi xa dần . Sau cú điện thoại đó, vị trí của người trước xa mờ dần, những tình cảm mới mẻ, tươi tắn và đậm đà chiếm lĩnh tâm hồn Giai Lập.
Nỗi trống trải và buồn nản biến đâu hết . Nằm trên giường, tâm hồn Giai Lập xúc động, nàng tỉnh táo hẳn . Còn lâu mới đến giờ trưa.
Nàng phải tự khâm phục trí nhớ của mình, từng câu từng chữ trong điện thoại nàng đều còn nhớ rõ mồn một . Có những câu nói, lúc đó nàng đã bỏ qua, nay hồi tưởng lại, nàng không khỏi giật mình, chàng đã cả gan xúc phạm sự tôn nghiêm của nàng.
Nàng định gọi điên cự tuyệt, nhưng lại thôi . Nàng dặn người ở bằng giọng nói lạnh nhạt với vẻ bất đắc dĩ : Trưa nay ông Lê tới nhà ăn cơm . Sau đó nàng bắt đầu điểm trang một cách tỷ mỉ.
Trước khi đến . Lê Thiên Lập cũng trang điểm công phu . Bộ âu phục đã mặc trong buổi tiễn đưa ở sân bay dù lịch sự lắm rồi, chỉ cần rửa mặt, cạo râu... Tóc chàng đen mượt, làn da mịn màng, nước hoa "côlông" thoang thoảng, sẽ gây ấn tượng tốt lúc tiếp xúc.
Thái độ và lời nói Giai Lập tỏ ra phần nào uể oải, biểu thị nàng không thèm để ý tới chàng, song thực ra từng cử chỉ chàng không lọt khỏi mắt nàng.
- Thật không ngờ tôi may mắn đến thế. - Khi ngồi đối diện nhau trước bàn ăn, Thiên Lập nói nhỏ, nụ cười và cái nhìn của chàng khiến tâm hồn nàng lâng lâng.
Ngửng đầu lên, thấy bà Lý đi vào, Giai Lập trở lại vị trí trang trọng của bà chủ, nói câu khách sáo:
- Xin lỗi ông, không có thức ăn gì mời ông.
- An đệ khách khí quá - Nụ cười và ánh mắt chàng cũng thay đổi theo, tỏ ra hết sức quan tâm - Hai em Thiên Uy và Thiên Nhu không về ăn cơm trưa ư?
- Không, ông ạ.
- Các em ăn ở đâu?
- Thiên Nhu đem cơm theo, Thiên Uy mỗi ngày mang mười đồng ăn quà. - Thấy đôi mắt Thiên Lập có vẻ chưa hiểu, nàng giải thích thêm - Nhẽ ra Thiên Uy cũng mang cơm theo, lên học năm thứ hai sơ trung, em nó thấy làm vậy có vẻ trẻ con quá, cho nên đòi cho tiền ăn quà trưa.
- Nếu là tôi, tôi sẽ mang cơm theo. Ngày trước, lúc còn đi học, tôi thường thèm được mang cơm đi theo như mọi người. Người mẹ chuẩn bị món ăn trong hộp cơm vừa ngon vừa bổ. Còn tôi toàn ăn vặt, đôi lúc không biết tiết kiệm, nhiều khi tiêu sạch tiền, đến trưa thường phải nhịn đói.
- Vậy tại sao ông không mang cơm theo?
Chàng nhún vai:
- Có ai chăm sóc mình đâu, đưa ít tiền tiêu vặt cho xong chuyện vậy thôi.
Giai Lập từng nghe anh kể, bố mẹ mất sớm, hai anh em ở nhà ông chú. Ông chú lúc nhỏ được bố mẹ anh nuôi dưỡng, cho nên sau này nuôi hai anh em chàng để đền đáp. Sự nghiệp ông chú cũng khá, nhưng là sỹ quan, cho nên lương bổng có hạn. Bà thím không ngược đãi hai anh em, nhưng cũng chỉ làm tròn bổn phần mà thôi, cho nên hai anh em thiếu tình thương và sự chăm sóc đầm ấm của gia đình.
Giai Lập nhìn Lê Thiên Lập, vì ngại bà Lý đang đứng hầu sau lưng, cho nên nàng không biểu lộ tình cảm với chàng.
- Em gái ông cũng vậy à?
- Cũng thế, ngay cả các anh em họ tôi cũng đều sống thế cả, vì chú thím tôi muốn tỏ ra cư xử bình đẳng như nhau mà.
- Anh có vẻ lạc quan nhỉ.
- Vâng, đặc biệt là bây giờ.
Nàng hiểu ý chàng, để lảng tránh, nàng tiếp tục hỏi một cách nghiêm chỉnh:
- Ông kể rằng có thời ông sống không được bình thường, lúc ấy mười mấy tuổi? Thời gian đó ông bị Oan lắm ư?
- Buồn nản, chán đời, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thôi.
- Làm sao để trở lại bình thường?
- Sau tôi nhận ra một điều: sống là phải phấn đấu, không nên như nằm mơ giữa ban ngày, phải nổ lực theo hướng cho phép.
- Tử Thu thì sao?
- Em gái tôi mang nhiều tính chất nghệ sĩ, cô ta luôn luôn bất mãn với cuộc sống hiện thực. Vì xử sự không phải với bà thím, cho nên tốt nghiệp đại học cô ấy đã đi lấy chồng. Lúc cô ấy cưới, tôi đang ở Hàn quốc, nếu không tôi đã ngăn chặn cuộc hôn nhân đó. Tử Thu là một người có tài năng, nhẽ ra khá có triển vọng trong nghệ thuật.
Việc người khác, không liên quan gì đến mình cho nên nàng không để ý gì về câu chuyện em gái Thiên Lập, nhưng từ chuyện hai anh em Thiên Lập, nàng liên tưởng đến hai anh em Thiên Uy , nàng hỏi:
- Tình cảm hai anh em thế nào?
- Rất tốt, trước kia tôi vẫn thường viện trợ cho Tử Thu, vì hai vợ chồng cô ta nghèo, từ ngày về nước, thu nhập của tôi ít đi, cho nên cũng không giúp đỡ được gì nữa.
- Em rể ông làm gì?
- Dạy học. Lúc đầu dạy ở trường trung học thị xã, sau hè dạy ở trường đạo vì trường đó trả lương cao hơn. Tử Thu báo sắp dọn nhà. Nhà tập thể của trường cũng khá, ba gian phòng khách, phòng ngủ, và phòng đọc sách, do đó cô ta cũng muốn tôi đến ở cùng.
- khá nhỉ, trường nào vậy, ông Lê?
- Hình như trường Bối gì gì ấy... ?
- Bối Văn chăng?
- À, đúng rồi, trường Bối Văn.
- Thiên Nhu học trường đó, em nó không nói với anh hay sao?
- Tôi cũng quên mất, trước khi tôi ra nước ngoài không có những trường này, cho nên giờ có nói cũng chả nhớ.
- Điều đó tỏ ra ông thiếu quan tâm.
- Thiếu quan tâm Thiên Nhu?
- Thiếu quan tâm em gái ông, cô ấy ở trường nào không rõ, cô ấy dọn nhà cũng không đi thăm xem sao.
- Quả thật gần đây tôi cũng bận...
Cặp môi cong cong lộ nụ cười đuối lý. Khi phát hiện không có người ở đứng cạnh, chàng nghiêng người nói nhỏ với Giai Lập:
- Nói thật, gần đây tâm thần bất định thế nào ấy.
Giai Lập cúi đầu không nhìn chàng, cảm thấy trong người có cái gì không ổn. Câu nói tuy ngắn gọn, song tình ý thật vô tận. Nàng như lạc vào cõi tình cảm mà bấy lâu nay bị lãng quên đi.
Lạc phương hướng trong giây lát, sực nhớ đến địa vị của mình. Ngày thường nàng vẫn ngồi đối diện với Đại Nhạc, nay chàng đi Băng Cốc được bạn tiếp đón nồng nhiệt. Vậy mà phút này, cấp dưới của chàng chiếm chỗ ngồi kia, đang dùng lời lẽ quyến rũ nàng. Anh chàng trẻ tuổi này quả thật chưa hiểu thế nào là trời cao đất dầy.
Đột ngột nàng hỏi một cách trang nghiêm:
- Vì công việc của ông Trương nhà tôi nhiều quá phải không?
- Không. - Chàng không hề bị áp đảo bởi vẻ nghiêm nghị của nàng - Các công việc không thể ảnh hưởng đến tâm tình của tôi.
- Cái gì đã làm ảnh hưởng tâm tình của anh vậy? - Nàng nhìn áp đảo với vẻ cười cười, có ý khiêu khích, nàng không tin rằng mình hơn chàng trẻ tuổi này những bảy tuổi mà không thể chế ngự nổi anh ta.
Lần này chàng cúi đầu, trước khi cúi xuống, chàng phóng ánh mắt sang nàng, Giai Lập nhìn thấy trong ánh mắt kia có câu trả lời: "vì nàng".
Trái tim nàng bỗng cảm thấy ấm áp. Không nhìn chàng, nàng ngoảnh mặt đi gọi bà Lý mang hoa quả tới.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 13

- Căn hộ khá tốt đấy em nhỉ - Từ trong nhà đi ra, Lê Thiên Lập còn ngoái lại xem - Làm giáo viên được ở khang trang như vậy thì tuyệt quá còn gì.
Cô em theo sau, chẳng những không vui vì lời khen, còn oán trách anh:
- Em không gọi điện, anh cũng chả thèm đến đây với em đâu.
Thiên Lập nhìn em. Dưới ánh sáng ngọn đèn đường càng lộ nước da trắng xanh của nàng. Đôi mắt to của nàng hơi tán quang lộ vẻ thất thần, phát ra ánh sáng như mơ màng trong mộng ảo.
Từ đôi mắt em gái, chàng nhớ lại đôi mắt có thần thái tinh anh, chàng cười:
- Cũng quấy thật, trưa nay anh vừa nói về em với một người. Chiều nay thì nhận được điện thoại em.
- Ai đấy? - Nhìn vẻ kín đáo của anh, nàng đùa - Bạn gái anh hả?
Thiên Lập chỉ cười, quay lại nhìn ngôi nhà lần nữa:
- Tiếc rằng các căn hộ sắp thành một dãy ngang, không thẳng lắm. Láng giềng nhà em là ai đấy?
- Một bà họ Mạc, làm giám thị của trường. Bà ở với con gái.
- Vị trí nhà ấy hay nhất, ở đầu hồi. Phải không em?
- Tất nhiên rồi, anh ruột bà ta là trưởng phòng giáo vụ.
- Còn anh của em chả là gì cả.
- Là bộ trưởng tương lai.
- Hà - Chàng cười khan.
- Em chả đùa đâu nhé - Tử Thu nói một cách trang nghiêm - Với tài cán và sự năng nổ, anh là con người đầy triển vọng.
- Thôi, em đừng tâng anh vĩ đại như vậy nữa.
- Bao giờ mà chả thế, trong mắt người em, anh mình tất nhiên là vĩ nhân tương lai rồi.
Tử Thu vừa nói vừa cười, niềm vui khiến đôi mắt long lanh, mất vẻ mơ màng ban đầu, cặp môi cong cong lộ vẻ tinh nghịch. Tóc Tử Thu rất dài, không uốn, đuôi tóc hơi quăn. Dưới ánh sáng mờ của ban đêm, nàng có khuôn hình cao thon của một người đàn bà đương thì nhưng không có vẻ khơi gợi, trái lại có phần nhỏ bé thơ ngây.
Qua thái độ ngây thơ của em gái, Thiên Lập nghĩ đến Thiên Nhụ Trong con mắt cô bé, Thiên Uy không vĩ đại, cũng chẳng có chút gì đáng trọng. Qua sự so sánh đó, chàng thấy em gái mình thật đáng quý, vậy mà chàng không chăm sóc gì em gái đáng yêu của mình, Thiên Lập không khỏi áy náy, chàng vỗ vai em:
- Chưa chắc đâu, chỉ có em sùng bái anh thế chứ, anh em người ta chẳng ưa anh lắm đâu.
- Vấn đề không phải em sùng bái anh một cách mù quáng, có anh bên cạnh em cảm thấy như có chỗ dựa. Nếu như anh không ra nước ngoài, em chả lấy chồng sớm thế đâu.
- Giờ em sống thế cũng tốt đẹp đấy chứ? Có một gia đình như thế em còn chưa thỏa mãn hay sao? - Anh nói tiếp - Thôi, em đừng tiễn anh nữa, em về nhà đi.
- Ở nhà bi bí thế nào ấy, em cũng muốn đi dạo một tí.
- Đừng bỏ mặc Cổ Lôi ở nhà một mình, không thì rủ chồng em cùng đi dạo hơn không.
Tử Thu chỉ "hầm hừ". Thiên Lập cũng không biết nói gì thêm. Không khí trầm lặng nặng nề, chỉ có tiếng chân bước đi đều đều, buồn tẻ của hai anh em vang nhẹ trong phố vắng.
- À, vợ chồng em dọn nhà, anh chưa kịp biếu quà - Thiên Lập sực nhớ - Em cần gì, cứ nói đi để anh biếu em.
- Anh đoán thử xem. - Nàng quay nhìn anh, đôi mắt sáng hẳn lên.
Anh mỉm cười suy nghĩ, nhân dịp này, em gái sẽ vòi một số tiền anh đây. Tiếc thay đã chót rồi không thể rút lại lời hứa được nữa:
- Anh đoán không ra, đèn bàn? Rèm cửa sổ? Giường tủ? - Thấy cô em lắc đầu quầy quậy, chàng đành nói - Anh không đoán được, em nói anh nghe nào!
- Anh ạ, em cần có một chỗ làm.
- Tìm việc làm? Việc gì bây giờ?
- Việc gì cũng được, quả thực em không muốn mình bị tù hãm suốt đời trong gia đình, nào là nấu cơm, giặt áo, trông con.
- Con em còn bé, em đi làm thì ai sẽ trông nó?
- Cháu gần ba tuổi rồi, em sẽ gửi nó vào lớp mẫu giáo anh ạ. Cô giáo Mạc cũng có thể trông con cho em, vì ban ngày bà ta rỗi rãi. - Tử Thu nhìn anh vẻ chờ đợi - Anh có hứa giúp em không nào?
Thiên Lập chán ngán, anh hiểu tính em gái mình hễ muốn gì là đòi bằng được, thà tốn kém ít tiền cho em gái còn đơn giản hơn là kiếm việc làm cho em.
- Anh vừa mới về nước, làm gì được? - Thiên Lập chối khéo - Tại sao em không nói thẳng với chú có hơn không?
- Anh bảo em đi tìm chú? - Tử Thu thản nhiên - Rõ ràng anh biết đấy, chú thím bực mình với em lúc em đi lấy chồng cơ mà.
- Câu chuyện qua đi lâu rồi, vả lại chú tốt chỉ muốn gả em cho người nào có sự nghiệp vững vàng.
- Thôi, thôi, anh đừng nói nữa, các vị đều là những người thực dụng - Tử Thu kêu lên đầy phẫn uất, nhưng rồi thấy thái độ mình hơi quá, nàng cười ngượng nghịu.
- Cuộc sống làm cho con người phải thực dụng, em ạ.
- Có thể là như vậy, có thể ngay cả em bây giờ cũng sống thực tế hơn xưa - Tử Thu nói một cách bồn chồn - Quay lại đề chính nhé, hễ có dịp anh chú ý kiếm việc làm cho em nhé, anh làm quen những người tai to mặt lớn cơ mà, anh!
- Theo anh, có thời gian, em trở về nghề cũ của mình thì hơn, mấy cái khắc gỗ của em cũng khá đấy chứ. Lúc nhỏ, những khúc gỗ vớ vẩn vào tay em đều thành những thứ hay ra trò, em vẽ thêm nữa đi, em ạ.
- Thật ư? - Tử Thu tươi tỉnh hẳn lên - Khi nào em khắc cho anh cái tượng nhé? À mà phải chờ lúc anh rỗi rãi cợ Anh cũng bận lắm, từ từ đã, anh nhỉ.
- Buồn thật - Thiên Lập mơ màng, Trưa nay chàng cũng đã nói một câu tương tự như vậy với Giai Lập. Chàng vội nhìn đồng hồ, đã mười giờ, không biết Giai Lập đã về chưa?
- Khéo anh bận vì có nhiều cuộc hẹn hò? - Tử Thu tinh nghịch - Khi nãy em đang hỏi, anh đánh trống lảng mất.
Thiên Lập cười không trả lời.
- Vị tiểu thư nào đấy, anh cho em biết có được không?
- Chả có ai cả, anh không thể bịa chuyện được, phải không em?
- Anh về nước cũng khá lâu rồi đấy, sao không lấy vợ đi?
- Kết hôn chứ có phải đi mua một vật dùng đâu.
- Em chỉ sợ yêu cầu của anh cao quá thôi. Khi anh còn ở nước ngoài, em cứ sợ anh lấy một bà người Hàn quốc, em chả thích có bà chị dâu nói tiếng nước ngoài đâu nhé.
- Đúng thế, một khi ngôn ngữ bất đồng, tình cảm khó hòa nhập với nhau lắm.
- Đài Bắc có nhiều con gái đẹp, chả nhẽ không có người nào xứng hợp ý anh? - Tử Thu nhìn anh đăm đăm - Em có câu hỏi, nói ra anh có giận không?
- Câu hỏi gì vậy?
- Đến giờ anh vẫn không lấy vợ, chả nhẽ vì nỗi đau của mối tình đầu?
- Mối tình đầu ư? Anh quên từ lâu rồi. - Anh cười đáp.
- Em vẫn chưa quên, nhất là đôi mắt chị ấy, đẹp thật.
Anh nghĩ đến đôi mắt khác đẹp hơn.
- Anh quên thật chứ? - Thấy anh im lặng Tử Thu thất vọng - Anh đã định uống thuốc tự tử cơ mà.
- Suýt nữa em nhỉ.
- Thanh niên thường do bồng bột trong chốc lát có thể làm bất cứ việc gì.
- Thanh niên cũng thường hay tỏ vẻ thế thôi.
Đang cười rất vui, bỗng dưng Tử Thu thôi cười, lộ vẻ buồn bã:
- Giọng nói hai anh em mình cứ như là chúng mình đã già lắm rồi ấy, anh ạ.
- mấy năm sống ở nước ngoài, khối lúc anh có cảm tưởng mình già trước tuổi - Thiên Lập vỗ về em - Nhưng em còn rất trẻ, em ạ.
- Không, tâm hồn của em cằn cỗi đi rồi, anh không biết đâu.
Lê Thiên Lập rất sợ em gái xổ ra cả một tràng những lời kêu ca, anh thừa cơ nói:
- Thôi, em về đi, tiễn anh cũng khá xa rồi đấy.
- Anh có biết bến xe không? Để em đưa anh ra bến.
- Không, anh không đi xe số 20.
- Khuya thế này còn đi đâu? Anh chưa định về nhà hả?
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 14

Gần mười hai giờ khuya, Giai Lập mới từ nhà bà Vu ra về. Một cánh tay đặt trên thành cửa, tay kia đặt trên tay lái, nàng cho xe chạy từ từ trên mặt đường. nửa đêm, các phố Đài Bắc vắng tanh, từ những ngọn đèn đường, nhà ở hai bên hè tối om. Thời tiết thay đổi, không khí về khuya hơi lành lạnh.
Sau những buổi họp mặt đông vui, con người ta cũng cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo hơn. Giai Lập nhìn ra phía trước, dường như con đường dài hơn ngày thường. Ngay cả thời gian, hình như ngày hôm nay cũng dài dằng dặc. Sáng, trưa, tối, tâm trạng nàng cũng luôn thay đổi. Nhớ lại câu chuyện về tâm trạng của Lê Thiên Lập, bỗng dưng nàng thấy tâm trạng của mình cũng chịu ảnh hưởng của chàng.
Thật vậy, nếu như không có sự so sánh giữa Đại Nhạc với Thiên Lập, ở nàng làm gì nẩy sinh bao điều bất mãn đối với Đại Nhạc. Ngay buổi tiễn đưa sáng nay, nàng cũng không thể có cảm giác vô vị như đóng kịch. Ban trưa, trước mặt Thiên Lập, nàng cố làm ra vẻ nghiêm lạnh, nhưng sau khi chàng đi khỏi, tâm hồn nàng mơ mơ màng màng, lúc nào cũng nhớ tới lời ăn tiếng nói và các cử chỉ của chàng. Khi nàng định gạt mọi suy nghĩ với vẩn đi thì nhận được điện thoại của Thiên Lập. Chàng hỏi nàng tối nay có nhất thiết phải đến nhà bà Vu không. Giọng nói chàng nghe thân thiết ấm áp biết bao, luôn mồm gọi nàng bằng an đệ. Thực ra, nàng có thể gọi điện xin lỗi bà Vu, không nhất thiết phải đến góp vui ở nhà bà tạ Song, lý trí đã mách bảo nàng phải tránh xa chàng.
Tránh được con người nhưng tránh sao nổi sự ám ảnh của hình bóng chàng. Chơi bài ở nhà bà Vu nàng thấy cô đơn làm sao, hình ảnh Lê Thiên Lập cứ bám riết tâm trí nàng.
Hay vì Đại Nhạc đi xa, cho nên nàng cảm thấy cô đơn? Nhưng Đại Nhạc đi xa chuyến này đâu phải lần đầu? Trước kia, chàng từng đi thăm Châu Phi, Châu Mỹ, mỗi chuyến đi thời gian còn lâu hơn lần này. Hàng ngày nàng bận bịu bao nhiêu công việc, mặc dù tâm trí lúc nào cũng nghĩ đến chàng, nhưng nàng không thấy mình cô dơn. Có lần, trong câu chuyện, Thiên Lập nhắc đến hai chữ buồn tẻ, nàng không hiểu nổi ý nghĩa hai chữ đó. Còn giờ đây nàng hiểu và hình như chính Thiên Lập đã dạy cho nàng hiểu về điều đó. Không, nói đúng hơn, chàng đã khiến nàng nếm trải cảm giác buồn tẻ.
Thật vớ vẩn, một người cấp dưới của chồng mình, tuổi cũng ít hơn mình,k lại chẳng có địa vị gì trong xã hội, vậy mà hấp dẫn mình đến thế, thật là điều hoang đường!
Có lẽ vì uống nhiều cà phê quá, đêm qua lại mất ngủ, tâm trạng sinh ra không ổn định, suy nghĩ lung tung. Nàng ngáp nhẹ, tăng ga cho xe phóng nhanh hơn. Mong sao chóng về tới nhà, nằmg trong bồn tắm, thả lỏng người trong nước ấm, sau đó uống viên thuốc an thần, sáng ngày mai tâm trạng sẽ trở lại bình thường.
Rẽ vào ngõ hẻm, đường hẹp, thân xe dài, nàng phải giảm tốc độ cho xe rẽ sang phải, phía trước là ngôi nhà nàng ở. Con đường nàng thuộc làu, nhắm mắt nàng cũng có thể lái xe tới thẳng trước cổng. Khi xe vào ngõ, mắt nàng mở to, dưới ánh đèn pha, một người đang đứng cạnh đường, thoáng nhìn, giông giống Thiên Lập, nhìn kỹ hóa ra Thiên Lập thực.
Khi nhận ra, Giai Lập vẫn chưa tin hẳn vào mắt mình. Đã nửa đêm chàng đứng một mình ở trong ngõ vắng, không thể thế được, trừ phi chàng ta mắc bệnh tâm thần.
Nhưng thái độ chàng bình thường, không có vẻ gì là.. .Giai Lập hãm phanh, Thiên Lập liền đi tới. Chàng nhìn nàng chăm chú, Giai Lập bất giác đưa tay vuốt nhẹ mái tóc.
- Về rồi ư?
Nàng mỉm cười gật đầu. Đúng là câu hỏi thừa. Nhưng, nếu không thì biết hỏi gì bây giờ? Chính thế nàng đã hỏi:
- Anh ở đây làm gì vậy? - Câu hỏi của Giai Lập cũng thừa nốt, vì nàng đoán được câu trả lời: "Chờ an đệ đấy mà!".
Nhưng câu trả lời của chàng kín đáo hơn:
- Tôi đi dạo phố qua đây, định gọi điện, nhưng đoán chắc người vẫn còn ở nhà bà Vu chưa về.
- Anh... - Nàng nhìn phía trước - Có vào nhà tôi ngồi chơi không?
- Thôi...
Như vậy càng tốt, tuy hỏi vậy, thực ra trong lòng nàng hết sức phân vân. Khuya khoắt như vậy, đưa chàng vào nhà quả thực không tiện cho lắm.
- Khuya rồi, anh cũng nên về nhà đi nghỉ thôi.
- Tôi cũng biết vậy.
- Không có việc gì chứ? - nàng hỏi với giọng hết sức dịu dàng để đền bù cho sự thất vọng của chàng.
- Không có việc gì, chỉ muốn nhìn mặt một tí thôi.
Giọng nói chàng khàn đặc, hình như tình cảm khiến lời nói bị tắt nghẽn trong họng.
Nhẽ ra, nàng chào "tạm biệt" một cách lịch sự rồi cho xe đi thẳng, việc gì phải bận tâm. Nhưng rồi cuối cùng nàng đã bộc lộ sự quan tâm của mình:
- Anh về bằng gì bây giờ?
- Đi bộ thôi, trừ phi người bỏ công ra tiễn tôi.
Nàng im lặng một lát: Việc gì phải tiễn? Nhưng nếu có tiễn thì đã sao nào? Nàng chả thường nhân tiện đánh xe đưa người này người nọ về nhà là gì? Những người đó chưa chắc đã đáng được giúp đỡ bằng chàng. Còn Thiên Lập đứng đây chính là để đợi nàng, mặc dù nàng không yêu cầu điều đó.
Nàng vừa nghiêng người sang phía phải, chàng vội chạy tới và tự mở cửa xe.
Thiên Lập ngồi ngay cạnh Giai Lập, ghế rộng, ở giữa có một khoảng cách.
Hơi ấm ùa tới át hết cảm giác lạnh lẽo.
Nàng tăng ga cho xe chạy vun vút, khi đi qua cổng nhà, nàng không thèm nhìn cứ như một cuộc chạy trốn.
Ra khỏi ngõ, nàng hỏi:
- Đường đi thế nào, chỉ cho tôi nhé.
Chàng tuân lệnh, song khi ngồi nghiêng chàng chẳng thèm nhìn mặt đường, chỉ nhìn nàng khôngchớp mắt.
- Hạnh phúc con người ta đôi khi cũng thật là bất ngờ.
- Nghĩa thế nào?
- Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ là gặp mặt nhau một tý thôi, vậy mà giờ đây lại được ngồi ngay bên cạnh người.
- Ngồi cạnh tôi có nghĩa là hạnh phúc ư?
Nàng thương hại nhìn vẻ mặt si mê của chàng.
- Tất nhiên, lúc gặp lần đầu tiên, tôi cảm thấy người cao vời vợi, không thể nào với tới được.
Nàng mỉm cười, giống ánh mắt thèm khát của trẻ khi nhìn quầy hàng đồ chơi. Giai Lập cảm thấy lòng mến mộ của chàng đối với mình chân thành và trong sáng, cho nên nàng không nỡ trách mắng một câu.
- Trong buổi tiệc rượu đón bộ trưởng Xina, tôi mới có dịp nói chuyện, thực ra tôi đã gặp người trước đây ít lâu.
- Thật ư? Ở đâu vậy?
- Ở sân baỵ Hôm ấy người mặc bộ âu phục màu trắng thêu hoa đen. Trông người thanh nhã, xinh đẹp và trẻ trung. Tôi hỏi anh bạn đồng sự đứng cạnh: "Vị tiểu thư này là ai đấy?". Sau mới biết là Trương phu nhân. Khi ấy tôi thở dài một tiếng. Anh ta hỏi tại sao, tôi trả lời: "Ngày nay giữa các vị phu nhân với các vị tiểu thư khó phân biệt quá".
Thường thường mọi người vẫn khen Giai Lập có thuật trang điểm, tuy nhiên, chàng coi nàng như một tiểu thư thì cũng hơi quá. Qua câu chuyện, nàng mới nhớ lại đêm đó mình đeo kiếng râm. Mặt khác, vẻ trẻ trung của nàng còn do khuôn hình thon thả, duyên dáng.
Chàng vừa cười vừa nói:
- Người có biết, anh bạn kia nói gì không? Anh ta đùa: "Giả dụ bà ấy là tiểu thư, anh sẽ đeo đuổi chứ gì?". Tôi im lặng, điều bí mật trong lòng không thể thố lộ cùng anh ta được.
Bí mật gì cở Chả nhẽ: "Không phải tiểu thư thì tôi vẫn cứ theo đuổi?". Giai Lập nghĩ thầm. Nghĩ lại khi nàng cùng Đại Nhạc hàn huyên trò chuyện với mọi người, có hai chàng trai cứ bàn tán sau lưng, vậy mà nàng chẳng hay biết tí gì.
Bỗng tâm hồn nàng cảm thấy trĩu nặng, nhớ đến buổi tiễn chồng lúc sáng, nàng không khỏi cảm thấy xấu hổ.
Thiên Lập nhìn nàng đăm đăm lo lắng:
- Tôi nói có điều gì không phải chăng?
Nàng lắc đầu:
- Vậy sao người lại im lặng?
Qua giọng nói, chứng tỏ chàng to gan thật, hình ảnh Đại Nhạc hiện lên đậm nét nàng định dùng Đại Nhạc để trấn áp sự ngông cuồng của anh chàng này.
- Tôi đang nghĩ, không hiểu giờ đây Đại Nhạc đang làm gì.
- Xin cứ yên tâm, ở Băng Cốc có lắm trò vui, người nhớ ngài vụ trưởng, nhưng liệu giờ này ngài có nhớ gì đến người không?
Một nét phác đơn sơ gây tác động rất mạnh tới Giai Lập, tâm trạng oán giận Đại Nhạc càng tăng thêm, khoảng cách giữa hai người càng xa nhau hơn. Xe dừng lại trước cửa nhà Thiên Lập, nhưng chàng vẫn cứ ngồi bất động.
- Có thể gia ân thêm cho tôi lần nữa không?
- Gì vậy? - Giai Lập băn khoăn - Mời tôi vào nhà chứ?
- Không, tôi cũng chả đến nỗi không biết điều như vậy, người cũng không thể đáp ứng yêu cầu đó được. hơn nữa, nhà tôi rất bừa, tôi không dám mời người vào nhà đâu. Theo phép lịch sự, người đưa tôi về nhà, tôi không thể để người đi về một mình được.
- Anh đòi tiễn tôi?
- Tôi phải tiễn người. - Thấy Giai Lập định mở mồm, chàng nói ngay - Người không phải tiễn tôi nữa, sau đó, tự tôi sẽ về bằng taxi.
- Làm như vậy có phải lãng phí thì giờ không? Ích gì đâu nào.
- Với người, có thể là như vậy, còn với tôi thì khác. Ở trên đời này, có gì quý giá hơn là được ở bên cạnh người?
Tuy không phải là loại đàn bà nghe tâng bốc là phồng mũi ngay, nhưng dù sao những lời nói trân trọng cũng khiến Giai Lập cảm tấhy mát lòng mát dạ.
Lê Thiên Lập, nàng đã tìm thấy những gì bị đánh mất từ lâu. Đắn đo một lúc, nàng ưng thuận.
- Chờ một tí. - Khi xe sắp nổ máy, Thiên Lập nói ngay - Bây giờ để tôi lái xe đưa người về, người nghỉ một chút.
- Tôi có mệt đâu.
- Hay vì không tin kỹ thuật lái xe của tôi? Ở Hán thành, tôi có chiếc Suyfrăng, sau thay chiếc Xpin.
Thấy nàng không phản đối, chàng liền xuống xe, chuyển sang ngồi bên tay lái, Giai Lập đành đổi chỗ ngồi.
- Làm anh lái xe cho vụ trưởng phu nhân cũng là điều vinh dự lắm chứ! - Chàng hớn hở cho nổ máy.
Với tâm tình lúc này, câu xưng hô kia nghe chôi chối thế nào ấy. Giai Lập dỗi:
- Anh gọi tôi là phu nhân ư?
- Vậy gọi thế nào nhỉ?
Nàng định trả lời rằng gọi là an đệ, nhưng nàng tắt máy, quay hẳn người lại:
- Em thân yêu.
Giọng nói chàng vừa trầm vừa nhẹ, cặp môi lúc cười như giấc mộng mơ màng, một luồng hơi ấm phả vào mặt, làm nàng ngây ngất.
Không để nàng kịp trốn tránh, chàng đưa hai cánh tay ra ôm quanh người nàng.
- Từ giờ trở đi nàng là em yêu quý của tôi.
Cặp môi nóng bỏng của chàng áp mạnh lên môi nàng, lời nói xé vụn thành từng mảnh, như bão táp làm rung chuyển cả trái tim đang run rẩy của nàng.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu) - Truyện Quỳnh Da

Postby tuvi » 10 Sep 2019

Chương 15

Làm ra vẻ lơ đễnh, Thiên Uy đưa mắt tìm kiếm hình bóng người mà cậu hằng ấp ủ trong lòng. Bóng những người mặc áo trắng váy đen lướt lướt qua trước mặt, có cả người đi xe đạp, nhưng đều không phải, không thấy cô ta đâu cả.
Trên ô tô buýt, đám áo trắng váy đen túm tụm cười nói, có giọng the thé đến chói tai. Khỉ Ranh khẽ huých Thiên Uy:
- Này, con bé đứng kia, cậu xem thế nào?
Thiên Uy liếc qua, trề môi:
- Xấu!
- Ơ! Đôi mắt to thế kia còn chê xấu à?
- Mắt to thì hay hớm gì? Giống mắt cá vàng.
- Chả hơn ti hí mắt lươn.
Thiên Uy hiểu thằng bạn ám chỉ Tào Thục Phân, cậu không dám nói thẳng, mà lái sang ý khác với vẻ bực dọc.
- Người Trung quốc mất gốc hết rồi, cái gì cũng thích so sánh với người châu Âu, nào là mắt to như đầm thì đẹp, mũi cao như Tây thì sang. Thực ra, mắt bé, mũi tẹt có gì là xấu? Miễn mình ưa là đẹp tất.
- Dù sao tớ cũng không thích người mắt ti hí - Khỉ ranh vẫn khăng khăng, giọng nói cậu bỗng trở nên hóm hỉnh - À... có lẽ vì mắt mình bé cậu ạ. Con người ta vẫn có cái tật là hâm mộ những gì mình không có. Như cậu chẳng hạn, mắt cậu to, cho nên cậu có thể lên tiếng bênh vực cho người mắt bé, có phải không hả cậu?
- Nói thực, tớ chẳng thích mắt to, tớ cảm thấy trong những cặp mắt đó có gì tri trá - Thiên Uy cố nén nếu không, cậu sẽ đưa cả em gái mình ra làm ví dụ mất. Thậm chí bà mẹ cũng là đối tượng chỉ trích của cậu. Mẹ lại càng quá quắt, mí mắt hết bôi xanh lại kẻ đen. Cậu càng hiểu đó là mốt thời đại, chả phải chỉ mẹ cậu làm thế. Nhưng người ngoài thì kệ họ, cậu chẳng thèm quan tâm, còn mẹ, cậu không thể chịu nổi cặp mắt kỳ dị khó coi đến thế.
- Mặc, tớ phải tìm hiểu xem cái con bé ấy là ai. - Khỉ ranh hít một hơi đầy lồng ngực để tỏ mặt anh hùng, mắt nhìn cô nữ sinh không chớp.
Biết cu cậu làm bộ chứ cũng nhát, Thiên Uy bật cười.
- Cậu cười gì, không tin tớ hả?
- Tin chứ, cậu cứ đi mà tán, chỉ sợ người ta không thèm bắt chuyện rồi bẽ mặt thôi.
- Thì tớ cứ bám riết.
Thiên Uy im lặng. Xe dừng rồi xe lại chạy. Kẻ xuống người lên làm đầu óc Khỉ ranh phân tán, cậu không nhận ra rằng Thiên Uy đang mãi nghĩ về câu nói của mình.
Thư gửi đax một tuần, không thấy tăm hơi gì cứ như đá ném xuống biển ấy. Tâm trạng thắc thỏm đôi mắt Thiên Uy bỗng trở nên u ám. Lúc đầu cậu rất hăng hái, nay lòng đầy thất vọng, không khỏi sinh ra oán trách Tào Thục Phân con người lạnh lùng, thờ ơ với tình cảm của cậu đến nỗi không trả lời cậu được lấy một chữ.
Lòng tự trọng bị tổn thương, Thiên Uy buồn rười rượi, tinh thần không sao phấn chấn lên được.
Tìm Tào Thục PHân chăng? nhưng mà cậu thiếu can đảm. Vốn tính hay cả thẹn Thiên Uy chỉ mong nhìn thấy váy của cô ta bay phất phới.
Giữa lúc đang chán câu "bám riết" của Khỉ ranh khích lệ cậu. Ừ, mà nó, nó còn dám liều mạng lao vào chuyện không đâu, còn mình, dù sao mối quan hệ giữa mình với Tào Thục Phân cũng đã có, lẽ nào lại bỏ dở nửa chừng?
Viết thư, nhất là thơ dễ bày tỏ tình cảm hơn. Thì tại sao mình lại không làm bài thơ nhỉ?
Trước bao nhiêu cặp mắt, Thiên Uy không thể trao thư cho bạn gái được. Gửi qua trường, phòng giáo dục sẽ kiểm duyệt. Thôi thì bất đắc dĩ cậu đành phải gửi về nhà Tào Thục Phân. Thiên uy hình dung em gái cô ta chạy bổ đi tìm chị gái, giọng trong trẻo, ngây thơ: "Chị Ơi, có thư của chị". Bà mẹ có thể hỏi: "Thư ai gửi cho con đấy?".
"Thư của bạn cùng học với con hồi trước mẹ ạ". Với trí thông minh của mình, Thục Phân chẳng khó gì mà không đánh tan được mối nghi ngờ của mẹ.
Gía có xe đạp, chẳng những không phải đi ô tô mà việc tiếp cận Tào Thục Phân cũng dễ hơn nhiều. Có những bạn đi xe kiệu của nhà đến trường học, nhưng Thiên Uy không thích làm như vậy. Từ bé, cậu được bà ngoại dạy lối sống giản dị, bà khuyên rằng không nên sống xa hoa, càng không nên tỏ ra sống khác người.
Một chiếc xe đạp có đáng là bao, thế mà lúc nào mẹ cũng từ chối.
- Không được, con không biết đi xe đạp nguy hiểm như thế nào ư? Giao thông Đài Bắc cực kỳ lộn xộn không cẩn thận bị Ô tô đâm, chẳng mất mạng thì cũng què, con ạ.
Đến là ớn cái kiểu nói của mẹ, đã bao lần nói khôn nói khéo mẹ vẫn một mực từ chối.
Vì việc này, cậu sinh ra cáu mẹ, mọi người ai ai cũng khen mẹ trẻ trung, tao nhã và cao quý, nhưng cậu, cậu chỉ thấy ở mẹ một con người thiếu cả tình lẫn lý. Lúc còn trẻ, cậu cũng từng ao ước chiếc xe đạp, tuy bà ngoại không mua, nhưng bà nói sao mà âu yếm: "Con ơi, cặp dò của con ngắn thế kia, đạp làm sao được? Khi nào con lớn, bà sẽ mua, bà mua cho con xe bình bịch hẳn hòi nhá".
Mặc dù điều đó không thành thật, nhưng chỉ cần tưởng tượng vẻ oai phong khi ngồi trên xe máy, cậu đã thấy mát lòng mát dạ.
Đến khi được ở cùng bố mẹ, giấc mộng đẹp kia thế là vỡ tan, mẹ trả lời:
- Không được, đi xe đạp đã nguy hiểm, đi xe máy còn nguy hiểm hơn.
- Nhưng bà ngoại đã hứa với con rồi cơ mà.
- Bà biết gì? Bà chỉ biết nuông chiều làm hỏng con thôi.
Vì mẹ coi thường bà, cho nên cậu có quyền coi thường mọi lời ăn tiếng nói của mẹ.
Đi xe đạp không được, đến khi học lái xe kiệu cũng không được nốt. Có dạo lão Vương dạy cậu lái xe. Nhưng để lấy lòng bà chủ, lão lại đem ton hót với mẹ, rút cuộc mẹ lại không cho.
- Còn nhỏ thế kia, lái xe thế nào được? Nguy hiểm lắm, ngộ nhỡ đâm phải người ta thì sao? Có phải chuyện đùa đâu!
Bố nói nhưng nghe còn có lý:
- Không có bằng, biết lái xe cũng bằng không, thôi, con ráng chờ cho đến mười tám tuổi.
Thiên Uy cảm thấy bất cứ việc gì của cậu mẹ cũng ngăn vào, chống đối, mẹ thiếu hẳn tình yêu thương đối với cậu.
Phải chăng lẽ đời "vật hiếm thì quý?". Nói công bằng ra, mẹ gần gũi cậu hơn bố, quan tâm đến cậu hơn bố, vậy mà cậu lại kính nể bố hơn mẹ. Thiên Uy thấy mẹ tủn mủn. Đã đành bà cũng tủn mủn, nhưng bà sống đầy tình thương yêu đối với cậu.
Vừa bước vào phòng, tấm bưu thiếp để trên bàn đã đập ngay vào mắt, Thiên Uy bước nhanh tới bàn, nhận ra đó là cái miếu cổ có mầu sắc sặc sỡ, in hình một pho tượng thần khổng lồ có hình hài kỳ dị. Cậu cầm bưu ảnh, lật đằng sau, đọc dòng chữ có nét bút già dặn của bố:
"Thiên Uy,
Học tập tiến bộ.
Bố gửi từ Băng Cốc".
Niềm hứng khởi bỗng tiêu tan, Thiên Uy thấy thiêu thiếu một cái gì, chữ to đùng, lời lẽ ngắn gọn quá, trên mặt bưu thiếp còn thừa cả một khoảng trống lớn. Tại sao bố không kể chuyện đi du lịch? Hay hỏi xem cậu sống ra sao? Có vui không? "Học tập tiến bộ" bốn chữ đó mới nghiêm chỉnh, lạnh lùng và khô khan làm sao! Bố không biểu lộ chút tình thương, bưu ảnh không làm cậu cảm thấy ấm áp trong lòng.
Chắc bố cũng viết cho cả Thiên Nhủ Liệu bố viết những gì? Phải chăng cũng lại chỉ vài ba chữ đại loại như "học tập tiến bộ"? Có thể bố viết dài hơn, bởi vì ngày thường đối với Thiên Nhu bố cũng tỏ ra tình cảm hơn.
Mười ngón tay còn có ngón ngắn ngón dài, nữa là tình cảm. Từ bé, Thiên Uy cảm thấy bố mẹ thương yêu Thiên Nhu hơn cậu, chỉ riêng việc bỏ rơi cậu trong bao năm liền cũng đủ nói lên điều đó. Tất nhiên, cũng có người yêu cậu hơn cả, đó là bà ngoại. Mỗi lần gặp những người già hơn bà ngoại đi trên phố, lòng cậu se lại xót xa, cậu cứ băn khoăn tự hỏi: tại sao bà mình từ giã cõi đời sớm thế?
Thiên Uy đặt tấm bưu thiếp dưới chân đèn. Dù sao vẫn đáng để trân trọng, bởi vì bố vẫn còn nghĩ đến cậu. Không hiểu tình hình bố ở Băng Cốc thế nào? Chắc trong thư gửi cho mẹ bố có kể tỉ mỉ.
Thư bố viết cho mẹ thì khỏi phải nói, toàn lời lẽ thắm thiết, vì yêu nhau bố mẹ mới lấy nhau cơ mà. Không hiểu bố mẹ viết thư theo kiểu gì nhỉ? Nếu như một ngày nào đó, cậu được cưới Tào Thục Phân, trong thời gian đi công tác xa, cậu sẽ viết mỗi ngày một lá thư thổ lộ hết tâm tư tình cảm. Còn bây giờ, đến là khổ, chỉ dấu kín trong lòng không dám nói ra.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Next

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 47 guests