Bao Thanh Thiên(Thất Hiệp Ngũ Nghĩa) - Phạm Văn Điểu

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Bao Thanh Thiên(Thất Hiệp Ngũ Nghĩa) - Phạm Văn Điểu

Postby tuvi » 12 Aug 2019

Hồi Thứ Chín Mươi Mốt
Bởi vô ý, Tiểu Hiệp bị bắt,
Vì giật trĩ, lão tặc lầm nữ tướng.

Sử Vân nói tên họ mình rồi, bèn hỏi lại gã thiếu niên ấy rằng: "Túc hạ quý tính đại danh là gì?". Gã thiếu niên đáp: "Tôi là Ngại Hổ, vì đi lên Ngọa Hổ Câu, ngang qua đây thấy các ông uống rượu, nên thèm quá. Nay được các ông hậu tình, tôi xin cảm tạ". Nói đoạn bước vào tiệc, Sử Vân rót một chén mời, Ngại Hổ uống cạn, Trương Lập rót một chén mời, Ngại Hổ cũng uống cạn rồi rót trao mỗi người một chén và hỏi rằng: "Khi nãy nghe lão trượng nói trong nhà có việc mừng, chẳng rõ đó là việc chi. ". Sử Vân liền thay lời Trương Lập mà thuật rõ đầu đuôi Ngại Hổ nghe xong nói: "Vậy tôi cũng phải có hạ lễ chớ". Nói đoạn móc túi lấy hai nén bạc để lên mâm mà rằng: “Tôi may gặp lễ mừng, xin dâng chút của mọn!”. Trương Lập từ rằng: "Khách quan đoái tưởng chút tình dùng chén rượu là đủ, còn tiền bạc làm chi". Ngại Hổ nài nỉ lắm, Trương Lập cực chẳng đã phải lấy rồi chạy vào nhà trong khoe với Lý Thị. Lý Thị thấy bạc nhiều hỏi rằng: "Bạc đâu mà nhiều vậy?". Trương Lập nói: "Của vị khách đi lễ mừng cho chúng ta". Nàng Mẫu Đơn nghe nói thưa rằng: "Thưa cha và mẹ, theo ý con thời không nên lấy bạc này, vì vị khách ấy vốn là người mới quen, mà số bạc ấy cũng nhiều. Biết đâu là kẻ bất lương, tiền trộm cướp, rồi di họa tới nhà ta thời sao?". Trương Lập nghe nói khen rằng: "Lời con nói phải, thôi để cha đem trả lại cho người". Nói rồi đem bạc ra nói với Ngại Hổ rằng: "Thưa khách quan, tôi đem bạc này vào cho vợ tôi, mẹ con nó nói rằng khách quan xa xôi mới tới, đáng lẽ chúng tôi phải phụng đãi, chớ có lẽ nào lại lấy bạc này". Ngại Hổ nó: "Vậy chẳng lẽ tôi đưa ra rồi lại cất vào". Sử Vân thấy vậy khuyên Trương Lập phải lấy. Trương Lập tạ ơn, rồi ngồi lại rót rượu đãi Ngại Hổ nữa. Tiểu hiệp uống riết một hơi say mèm, nằm mẹp xuống đó ngủ ngáy như sấm vang, Trương Lập và Sử Vân không dám làm động, lo dọn dẹp mâm bàn. Bỗng nghe ngoài cửa có tiếng kêu: "Bớ Trương lão, có ở nhà đó nay không?". Trương Lập chạy ra xem, bỗng biến sắc.

Nguyên bọn lâu la đó ở Hắc Lang Sơn. Từ lúc Lam Kiêu chiếm cứ núi đó, nghe dưới Lục Ạp Na có mười ba nhà thuyền chài, bèn ra lệnh cho mỗi nhà phải chịu một phiên, nghĩa là mỗi người phải bao tôm cá cho bên sơn trại ăn một ngày, cứ thay phiên mà chịu. Ngày nay tới phiên Trương Lập, nhưng vì mắc lo tiệc mừng mà quên phứt đi. Nay thấy lâu la kêu hỏi thì thất kinh, xin lỗi rằng: "Lão có việc nên quên đi, vậy cảm phiền nhị vị về thưa lại với đầu lĩnh, ngày mai tôi sẽ đem lên bổ khuyết cho”. Hai tên lâu la nói: "Tôi không biết, ông không có thời lên mà nói với đầu lĩnh". Sử Vân cũng bước ra nói: "Xin quý vị bao dung cho anh Trương, vì hôm nay có chút việc". Nói rồi thuật chuyện Trương lão nuôi con gái nên bày tiệc ăn mừng. Lâu la nghe xong, nói: "Vậy thời để ta coi con gái ông ấy ra sao?". Nói rồi vụt chạy vào nhà trong, kiếm nàng Mẫu Đơn ngắm nghía một hồi rồi trở về sơn trại.

Lâu la đi rồi, mọi người mới xúm nhau bàn luận, Sử Vân nói với Trương Lập rằng: ”Chuyện đã như vậy, thời mau kêu cậu khách đó dậy, bảo kiếm đường đi, kẻo hại tới thân”. Trương Lập nghe theo lật đật gọi Ngại Hổ thức dậy, bày tỏ đầu đuôi. Nói vừa dứt lời, bỗng thấy có người chạy tới hớt hải nói rằng: "Ác đầu lĩnh đã đem người ngựa tới rồi". Trương Lập nghe nói run như thằn lằn đứt đuôi. Ngại Hổ nói: “Lão trượng chớ sợ, còn có tôi đây". Nói rồi giao gói hành lý cho Trương Lập, và rủ Sử Vân đi với mình.

Hai người ra khỏi nhà thấy có hai ba mươi lâu la, kéo rầm rầm rộ rộ, có một người cưỡi ngựa kêu rằng: "Bớ Trương lão? Ta nghe nói mi có một nàng con gái như ngọc như hoa, vậy mau đem ra cho ta kết đôi loan phượng. Nay ta tới đây xin cầu thân?". Ngại Hổ nghe nói hồ đồ như vậy, bèn hét rằng: "Mi tên là thằng gì đó?". Người ngồi trên ngựa đáp: ”Mi ở đâu lại chẳng biết ta là Ác Diêu Minh biệt hiệu là Hấp Lợi Bạn đây sao. Còn mi là ai mà dám tới đây gây chuyện". Ngại Hổ đáp: "Nói vậy mi là bộ hạ của Lam Kiêu, rõ là một đứa vô danh tiểu tốt. Ta là Ngại Hổ gia gia đây, mi muốn làm gì thời làm". Ác Diêu Minh nghe dứt sai lâu la tới trói Ngại Hổ. Bốn năm tên lâu la vừa nhảy tới, liền bị Ngại Hổ đá ngã lăn ra. Bọn lâu la liền hò nhau xông vào, cũng bị Ngại Hổ thoi đông đánh tây nhảy nam đá bắc không thể nào bắt được. Sử Vân đứng ngoài cũng ngứa nghề, bèn xách cây ngư xoa năm răng hét lên một tiếng, nhảy lại bên Ác Diêu Minh.

Nguyên bọn lâu la xem thường bọn thuyền chài nên đi tay không, chớ chẳng đem khí giới. Duy có một mình Ác Diêu Minh trong lưng có giắt một ngọn đao, khi lấy lâu la cự không lại Ngại Hổ, bèn rút dao muốn nhảy tới tiếp chiến. Bỗng thấy Sử Vân hước xoa đánh tới bèn nhảy ra đỡ. Sử Vân bèn thu xoa lại ai dè đầu xoa có móc ngoéo, mắc vào lưỡi đao của Diêu Minh, Sử Vân ráng sức giật một cái, đao của Diêu Minh liền rớt xuống đất. Ác Diêu Minh thấy thế không xong, bèn quất ngựa chạy dài, bọn lâu la cũng lủi theo như chuột. Ngại Hổ khoái chí, lượm đao của Diêu Minh cầm tay rồi rượt theo, Sử Vân cũng hè rượt riết.
Ngại Hổ đuổi theo một đỗi thình lình té nhào, bọn lâu la nhảy túa ra trói lại. Sử Vân thấy thế không xong, chạy về báo tin cho chòm xóm.

Nguyên Ác Diêu Minh cưỡi ngựa nên chạy nhanh tới khúc quẹo trong hẻm núi, sai lâu la mai phục bên đường, giăng dậy chận chân Ngại Hổ, Ngại Hổ đâu có hay, cứ việc cắm đầu chạy mãi. Tới đó vướng dây té quỵ, liền bị lâu la bắt trói. Ác Diêu Minh thấy bắt được Ngại Hổ rồi, bèn chia lâu la làm hai tốp, một nửa theo mình giải Ngại Hổ về trại, một nửa xuống nhà Trương Lập bắt đứa con gái.

Ác Diêu Minh phân phó rồi, bèn cột Ngại Hổ sau đuôi ngựa, quất ngựa cho chạy lên núi. Chính lúc ngựa chạy bỗng thấy con trĩ trên trời sa xuống, bèn dừng ngựa lại lượm, chợt nghe có tiếng la rằng: ”Mau bỏ con trĩ xuống, của ta bắn đó". Ác Diêu Minh xem kỹ người lạ ấy là một nàng con gái xấu xí ước chừng mười lăm, mười sáu tuổi, bèn đáp: "Nàng nói trĩ này của nàng mà sao tay không có vật gì, lấy đâu bắn nó được, tôi không tin". Người con gái ấy nói: "Nguyên của chị tôi bắn, nếu ông không tin dòm qua gốc cây kia mà coi. Đó, chị đứng đó?". Ác Diêu Minh nhìn sang, thấy nàng con gái rất đẹp, tay cầm cung tên đứng dưới gốc cây thời mừng rỡ nghĩ thầm: "Sao hồng loan chiếu mạng ta, nên một ngày mà gặp hai cô gái đẹp" Nghĩ đoạn nói với người con gái xấu kia rằng: "Xin mời thơ thơ của nàng theo tôi lên núi mà bắn, trên ấy có nhiều gà rừng lắm”. Người con gái đẹp bên kia nghe nói nổi giận nạt rằng: "Ta bảo mi đi đi, đừng có chọc tới ta". Nói rồi đứng lấy thế, động tay một cái, Ác Diêu Minh la một tiếng liền nhào xuống đất, rồi lồm cồm bò dậy thời trên chân mày máu chảy ròng ròng. Người con gái xấu đứng bên, thấy vậy biết chị mình đã dùng đạn sắt mà bắn, bèn cất hai gót sen lên đạp vào lưng Ác Diêu Minh, rồi huơ tay đánh tiếp. Ác Diêu Minh nhắm cự không lại nữ tướng này bèn lết vội ra xa, co giò chạy mất. Bọn lâu la thấy đầu lĩnh chạy rồi, chúng nó cũng cút theo. Người con gái đánh đá túi bụi một hồi, bỗng nghe tiếng kêu lớn rằng: “Sướng quá! Đánh nữa đi!".
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,270
Posts: 96237
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Que Huong

Re: Bao Thanh Thiên(Thất Hiệp Ngũ Nghĩa) - Phạm Văn Điểu

Postby tuvi » 12 Aug 2019

Hồi Thứ Chín Mươi Hai
Ngoại Tiểu Hiệp dẹp ác đảng cứu Mẫu Đơn,
So Kim Cang khuyên Ngư hộ về Ngọa Hổ.

Bọn lâu la chạy trốn rồi, bỏ sót lại con ngựa mà Ngại Hổ bị buộc sau, cậu ta thấy vậy khoái chí la om. Người con gái xấu đó bước tới hỏi rằng: "Nhà ngươi là ai?”. Ngại Hổ đáp: "Tôi là Ngại Hổ, bị bọn đó lén giật chân bắt". Người con gái lại hỏi: “Có người tên là Hắc Yêu Hồ ngươi có biết hay không?". Ngại Hổ đáp: "Trí Hóa ấy là thầy ta, Âu Dương Xuân là cha nuôi ta". Nghe thấy vậy cô gái vội nói: "Anh Ngại Hổ đây mà!". Nói rồi bước tới mở trói cho Ngại Hổ. Ngại Hổ đứng dậy xá một cái rồi hỏi: “ Xin hỏi cô tên họ là chi?". Người con gái nói: "Tôi tên là Thu Quỳ, Sa Long là cha nuôi tôi!”. Ngại Hổ hỏi: "Còn người mới bắn thằng giặc ấy là ai?". Thu Quỳ nói: "Đó là cô Phụng Tiên, con đẻ của cha nuôi tôi". Nói rồi ngoắc tay kêu: "Chị ơi đi lại đây". Phụng Tiên nghe gọi bèn đi lại. Thu Quỳ nói: "Anh Ngại Hổ tới đây rồi". Phụng Tiên nghe nói hai tiếng Ngại Hổ, liền dòm lên, bụng cả mừng, bước tới thi lễ.
Đương lúc ấy, có ba người từ lưng chừng núi đi xuống: Một là Thiết Diện Kim Cang Sa Long, còn hai người nữa là bạn của Sa Long tên là Mạnh Kiệt và Tiêu Xích. Thu Quỳ liền kêu lớn rằng: "Cha ơi! Hai chú ơi! Mau lại đây, anh Ngại Hổ đây này". Ba người liền đi vội tới. Tiêu Xích hỏi lớn rằng: "Cháu Ngại Hổ của ta đâu? Ta trông cháu ta lắm”.
Nguyên từ khi Bắc Hiệp, Trí Hóa, Đinh Triệu Huệ tới Ngọa Hổ Câu bày tỏ việc Mã Triêu Hiền, rồi khen Ngại Hổ nào là tuổi nhỏ gan to, nào là lên phủ Khai Phong, nào là đút chân vào ngự trát, đến ra giữa Ngũ đường cứu được trung thần nghĩa sĩ, được khen là tiểu hiệp. Mạnh Kiệt và Tiêu Xích nghe nói khen ngợi lắm, duy một mình Tiêu Xích nóng nảy muốn gặp Ngại Hổ liền, nên trông mãi. Nay nghe nói Ngại Hổ tới thời mừng biết bao nhiêu.
Ngại Hổ nghe Tiêu Xích hỏi lấy làm lạ hỏi lại rằng: "Ai đó vậy?". Chỉ nghe Tiêu Xích cười hả hả rằng: "Thật là chẳng lầm, xứng đôi biết bao nhiêu”.
Số là Bắc Hiệp và Trí Hóa thấy con gái Sa Long võ nghệ cao cường, rành nghề cung đạn, bắn trăm phát trăm trúng, bèn cậy Đinh Triệu Huệ làm mai nói cho Ngại Hổ. Sa Long nghĩ Ngại Hổ là học trò của Trí Hoa chắc cũng là người nghĩa hiệp, nên có ý bằng lòng, nói với Triệu Huệ rằng: "Âu Dương huynh và Trí hiền đệ mà muốn kết niềm Tần Tấn với tôi thời lẽ nào tôi từ chối, song tôi có điều nguyện, là tôi đã lãnh phần thác cô nhận Thu Quỳ là con nuôi, tôi thương nó hơn con Phụng Tiên. Một là thương nó không cha không mẹ, hai là thương nó có tài có sức, tay xách nổi năm sáu trăm cân, song rủi không phải là người xinh đẹp, nên tôi tính lo cho xong đôi lứa cho Thu Quỳ rồi sau sẽ gả con Phụng Tiên. Vậy phiền hiền đệ thưa lại với Âu Dương huynh điều ấy". Triệu Huệ bèn đem việc ấy tỏ cho Bắc Hiệp và Trí Hóa, hai người cũng yên lòng. Ai dè Mạnh Kiệt và Tiêu Xích hay việc đó, hết sức ép Sa Long. Sa Long nói: "Tôi chưa biết Ngại Hổ phẩm mạo thế nào, ưng thuận ngay làm sao được?"
Vì vậy hôm nay Tiêu Xích thấy Ngại Hổ bèn nói: "Thật là chẳng lầm, xứng đôi biết bao nhiêu”. Phụng Tiên nghe nói mắc cỡ đỏ mặt xây lưng đi thẳng. Thu Quỳ bèn chỉ từng người và nói tên cho Ngại Hổ lần lượt ra mắt. Sa Long xem dung mạo Ngại Hổ thời đẹp dạ bèn hỏi rằng: "Vì sao mà cháu lại đi tới chỗ này?”. Ngại Hổ bèn thuật công việc mình cho Sa Long nghe, rồi nói tiếp: "Bây giờ chúng nó còn xuống bắt con gái Trương lão, vậy cháu phải trở lại tiếp cứu”. Tiêu Xích nói: "Phải, cho chú đi theo phụ sức với cháu”. Nói rồi vác cang xoa lên vai. Mạnh Kiệt trao cây tề mi côn của mình cho Ngại Hổ.
Tiêu Xích và Ngại Hổ đi tới khúc quẹo, thấy tốp lâu la khi nãy khiêng về một cái gì bốn phía có phủ vải mà hình vuông, trong đó có tiếng người khóc. Ngại Hổ liền giơ côn hét lớn rằng: "Đánh rốc tới!". Tiêu Xích cũng vung xoa đánh tới vùn vụt. Bọn lâu la hoảng kinh để cái kiệu giả xuống rồi lủi chạy kiếm đường thoát thân. Ngại Hổ bước tới, giở vải phủ lên, thời là cái ghế trở chân lên trời, trên phủ vải làm kiệu, trong lúc ấy có một người con gái bị trói đương kinh hoảng (tức là nàng Mẫu Đơn). Một bà già chạy theo sau chính là Lý Thị kêu khóc rằng: "Trời giết chúng bay đi, mau mau trả lại con ta, nếu chẳng trả tao liều mạng già với bay". Ngại Hổ thấy Lý Thị bèn kêu rằng: ”Bớ ma ma, có tôi tháp cứu đây". Trương Lập cũng vừa chạy tới, thấy Ngại Hổ thời xúm nhau vui mừng. Lý Thị bèn mở trói cho Mẫu Đơn, nàng liền tỉnh lại. Bấy giờ Sa Long, Mạnh Kiệt, Tiêu Xích cũng đều đi tới. Ngại Hổ liền dắt Trương Lập ra mắt Sa Long, Lý Thị dắt Mẫu Đơn ra mắt Phụng Tiên và Thu Quỳ.
Chẳng rõ kiếp trước có duyên phận thế nào mà hai bên gặp nhau liền sinh lòng luyến mộ, Phụng Tiên hỏi rằng: "Việc đã thế này, thời tiểu thư cũng nên đến Ngọa Hổ Câu mà ở, chớ lũ sơn tặc ấy tuy thua chạy nhưng thế nào cũng không bỏ qua đâu”. Mẫu Đơn nghe Phụng Tiên nói như vậy thời sợ lắm. Thu Quỳ liền chạy tới ra mắt Sa Long tỏ việc ấy cho ông nghe. Sa Long nói với Trương Lập rằng: "Lão trượng nên trở về nói với người trong xóm mau mau thu thập nhà cửa, rồi cùng lên Ngọa Hổ Câu mà ở, nếu không lo trước, lũ sơn tặc trở lại ắt chẳng khỏi mang hại". Ngại Hổ nói: ”Ông Trương có về tôi cũng đi cùng, vì gói hành lý tôi còn để ở đó”. Mạnh Kiệt nói: "Có đi, chú đi với cho vui”. Tiêu Xích cũng muốn đi, song Sa Long không cho, bảo phải trở về nhà với mình lo dọn dẹp chỗ cho mấy người mới tới ở. Sa Long lại bảo Phụng Tiên, Thu Quỳ tiếp rước mẹ con Mẫu Đơn về nhà, song Mẫu Đơn bị kinh hoảng và trói buộc đau đớn quá nên đi không được. Thu Quỳ nhớ tới con ngựa của Ác Diêu Minh bỏ khi nãy, bèn chạy đi kiếm đem lại đỡ Mẫu Đơn lên ngồi, rồi Phụng Tiên dắt cương đi trước, Thu Quỳ đi theo một bên cùng với Lý Thị lên Ngọa Hổ Câu.
Nguyên tại Ngọa Hổ Câu có mười hai nhà thợ săn, trong ấy một mình Sa Long tuổi lớn hơn, có võ nghệ, tính ngay thẳng, nên rất được mọi người kính trọng, mọi việc đều nhờ Sa Long bảo hộ cho. Từ khi Lam Kiêu tới chiếm cứ Hắc Lang Sơn, Sa Long kêu các người thợ săn tới, dạy tập võ nghệ để phòng khi bất trắc, về sau lại gặp được Mạnh Kiệt, Tiêu Xích giúp đỡ nữa, nên cái lệ nộp công, mà bọn thuyền chài dưới Lục Ạp Na phải chịu, trên Ngọa Hổ Câu vẫn không tuân theo. Vì vậy Lam Kiêu phải tới để chường mặt thị oai, ai dè bị Sa Long đánh gần bỏ mạng. Lam Kiêu biết Sa Long võ nghệ cao cường liền chịu phục, chắp tay xá mà rằng: "Tài của viên ngoại, Lam Kiêu này xin phục". Nói rồi nhảy lên ngựa về sơn trại viết thư cho Tương Dương Vương tiến cử Sa Long, định sau này chọn làm tướng tiên phong. Còn mình thời từ đó về sau giao hảo với Sa Long, phàm là thợ săn, mỗi khi lên núi, đeo mảnh vải đề ba chữ Ngọa Hổ Câu thời lâu la không dám động đến. Tới nay lại chiêu tụ bọn thuyền chài dưới Lục Ạp Na về thêm vây cánh, làm cho trại Hắc Lang Sơn mất một mối lợi.
Sa Long và Tiêu Xích về tới nhà, sai dọn dẹp mấy gian phòng mé tây cho khách đàn ông, lại quét dọn buồn mé trong cho khách đàn bà ở tạm, lại sai xây cất thêm nhà cửa, chừng xong sẽ chia phần mà ở riêng. Phân phó xong thời Phụng Tiên, Thu Quỳ đã cùng mẹ con Mẫu Đơn về tới. Phụng Tiên nói với Mẫu Đơn rằng: "Xin thơ thơ với Trương lão bà ở đây với chị em tôi chơi cho có bạn!”. Mẫu Đơn nhận lời, tạ ơn. Phụng Tiên dắt Lý Thị và Mẫu Đơn ra trước, tạ ơn Sa Long đã có lòng chiếu cố, Sa Long thấy Mẫu Đơn làm lễ rành rẽ, thời nghi không phải là con thuyền chài, nghĩ chắc là con nhà trâm anh thế phiệt nên dặn rằng:"Cháu đã tới đây” chớ đem lòng nghi ngại, có thiếu thốn vật chi thì nói với hai chị em nó, đừng câu nệ làm gì”. Mẫu Đơn tạ ơn rồi cùng Phụng Tiên đi vào nhà trong.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,270
Posts: 96237
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Bao Thanh Thiên(Thất Hiệp Ngũ Nghĩa) - Phạm Văn Điểu

Postby tuvi » 12 Aug 2019

Hồi Thứ Chín Mươi Ba
Người hiệp sĩ dầu khổ tâm vẫn chuộng nghĩa
Kẻ tiểu nhân hễ đắc chí thời tuyệt tình

Ngại Hổ đi với Mạnh Kiệt và Trương Lập về xóm Lục Ạp Na. Sử Vân lật đật chạy ra hỏi thăm sự thể. Trương Lập bèn thuật lại mọi việc, rồi nói luôn tới ý Sa Long khuyên anh em thuyền chài nên về Ngọa Hổ Câu lánh nạn. Sử Vân nghe nói cả mừng, chạy đi cho anh em trong xóm hay. Ai nấy cũng bằng lòng, nên đồng lòng gom góp đồ tế nhuyễn của riêng tây, đùm đề vợ con tựu lại nhà Trương Lập. Trương Lập cũng đã chuẩn bị xong xuôi rồi, Ngại Hổ bèn mang gói hành lý xách tề mi côn đi trước, Trương Lập và cả bọn đi theo, Mạnh Kiệt và Sử Vân đi tập hậu. Về đến cửa ngõ thời thấy Sa Long chạy ra tiếp rước và nói: "Xin các ngài cảm phiền ở chật hẹp vài hôm, bây giờ đàn ông thì vào mấy phòng mé tây, còn đàn bà thì vào nhà sau có con gái tôi liệu lý, đợi cất nhà xong rồi sẽ chia nhau mà ở". Mọi người đều cúi đầu tạ ơn, đem hành lý vào trong cất dẹp. Còn Sa Long, Trương Lập, Ngại Hổ, Mạnh Kiệt, Tiêu Xích và Sử Vân cùng đi tới nhà khách. Ngại Hổ bèn hỏi: "Chẳng hay thầy, cha nuôi và chú tôi đâu rồi?”. Sa Long đáp: "Cháu đến trễ một chút, ba người đã đi lên Tương Dương từ hai hôm trước". Ngại Hổ nghe nói giậm chân mà rằng: "Phải tôi không ham ăn hốc uống, thời đâu có nhỡ việc". Nói đoạn, thuật luôn chuyện gặp Tưởng Bình và lạc nhau lại cho Sa Long nghe. Trang đinh đã bày tiệc rượu, Sa Long mời cả thảy ngồi vào ăn uống chuyện vãn.

Ăn uống xong, Sa Long cho gọi các thợ săn tới dặn rằng: "Sáng ngày các ngươi đi vào núi, xem xét tình thế Lam Kiêu, có động tĩnh gì thì mau về báo lại" Các thợ săn vâng lời. Một ngày, hai ngày, không thấy Lam Kiêu động tĩnh gì, bọn thợ săn bèn về thưa rằng: "Việc bắt người đó là tại đầu lĩnh Ác Diêu Minh, chớ Lam Kiêu không hay biết gì cả. Đến như việc thuyền chài ở Lục Ạp Na trốn đi, Ác Diêu Minh bẩm cho Lam Kiêu hay, mà Lam Kiêu cũng không để ý tới”, Sa Long nghe chuyện như vậy, không thèm để ý phòng bị.

Ngại Hổ ở nhà Sa Long mấy ngày, rồi xin đi lên Tương Dương. Sa Long cầm lại không được, bèn bày tiệc tiễn hành. Ngại Hổ mở gói lấy tờ ấn phiếu của Bao Công cấp cho Tưởng Bình ra, trao cho Sa Long và dặn rằng: "Ấn phiếu này nguyên của chú Tưởng tôi, nhưng không may lạc nhau, tôi phải giữ đây. Vậy nay tôi lên Tương Dương xin gửi cho chú Sa, chú Tưởng có tới xin trao lại giùm". Sa Long tiếp lấy bảo người đem vào cho Phụng Tiên cất, rồi cùng vào tiệc. Hôm sau Ngại Hổ từ giã lên đường.

Bây giờ nói lại Tưởng Bình đưa Lôi Chấn về nhà, ông liền may áo quần cho và tặng thêm hai chục lượng bạc. Tưởng Bình nhận rồi từ giã ra đi. Ngày nọ dọc đường trời gần tối mà lại mưa, chung quanh không có tiệm buôn, mà xóm giềng nhà cửa cũng không. Cực chẳng đã phải dầm mưa đi một đỗi, chợt thấy có tòa miếu hư bèn chui vào, thời chỗ nào cũng dột, duy có sau bàn thần hơi kín bèn đi lại đó, phủi bụi rồi nằm nghỉ. Đến hết canh một mưa tạnh trăng trong, Tưởng Bình muốn ngồi dậy xem tượng thần đề tên gì, bỗng nghe có tiếng đi tới và người nói chuyện. Tưởng Bình bèn rình nghe, một người nói rằng: ”Đại ca kiếm có mối rồi, nên sai tôi lại đây tìm chứ”. Người kia hỏi: “Có mối thế nào, khá không?". Người nọ nói: “Có Lý tiên sinh tên là Bình Sơn ở Huyền Nguyệt quan mượn thuyền lên Cửu Tiên Kiều. Đại ca bèn tới nhận chở. Tiên sinh lại cậy mướn một người theo hầu, đại ca cũng nhận luôn". Người kia nói: "Đại ca ôm đồm quá, chịu mối thuyền thời đủ, còn nhận mướn người hầu làm chi?". Người nọ nói: "Chú chưa rõ? Đại ca có tính rồi, để tôi giả làm người theo hầu, còn chú thời cùng đại ca giả làm bạn chèo. Vì vậy đại ca sai đi kiếm chú đây. Chú nghĩ có sướng không? Chú nhắm coi Lý tiên sinh có thoát khỏi tay bọn mình không?". Rồi cười nói dắt nhau đi ra khỏi miếu.

Đó là ông Nhị và Vương Tam, còn người mà chúng nó kêu là Đại ca, là ông Đại. Từ khi mưu hại chủ tớ Mẫu Đơn, kế dữ không thành, tới trốn tại đây, song cũng cứ giữ miếng cũ mãi. Tưởng Bình nghe chúng nó bàn bạc, bỗng động lòng nghĩa hiệp, bèn chờ trời rạng sáng, đi thẳng qua Huyền Nguyệt quan ra mắt Lý Bình Sơn. Tưởng Bình bèn nói với Lý Bình Sơn rằng: "Tiểu đệ nghe tôn huynh mướn thuyền qua Cửu Tiên Kiều có việc, nên tiểu đệ tới đây xin tôn huynh vui lòng cho tháp tùng lên huyện Tương Âm, được đỡ chút tiền lộ phí cho tiểu đệ mà tôn huynh cũng khỏi mướn bạn hầu”. Lý Bình Sơn nghe nói cả mừng bèn sửa soạn hành lý. Tưởng Bình cũng phục sức thu xếp giùm cho.

Hôm sau ông Đại đem thuyền tới, hai người đem hành lý xuống, anh em ông Đại nhổ sào quay thuyền ra đi. Đi được một đỗi thật xa, ông Đại bỗng la rằng: "Trời sắp có gió to, mau kiếm chỗ đậu núp". Tưởng Bình thấy nó giở trò cũ bèn chui ra khỏi mui xem trời, quả nhiên một lát gió thổi ầm ầm sóng đánh cuồn cuộn. Thuyền liền đậu lại chỗ rất khuất gió và vắng vẻ, bỗng nghe có tiếng chiêng đánh mấy chiếc thuyền quan đi ngang qua, bị gió cũng vào núp đó. Lý Bình Sơn ló đầu ra mui, nhìn qua thuyền quan một hồi, thấy có người ló mặt ra bèn hỏi rằng: “Có phải Kim lão gia đó không?". Người bên thuyền quan nghe kêu, dòm lại rồi hỏi: "Có phải Lý tiên sinh đó không?". Lý Bình Sơn đáp phải, rồi hỏi: "Vậy lão gia đi đâu đó?". Người bên thuyền đáp: "Lão gia vâng chỉ nhận chức Tương Dương Thái thú, tiên sinh chưa hay hay sao?”. Lý Bình Sơn nói: ”Vậy phiền ngài bẩm với lão gia nói tôi xin ra mắt". Người nọ liền sai thủy thủ bắc đòn mỏng cho Lý Bình Sơn sang.

Nguyên vị quan ấy là Thượng thư Kim Huy, từ khi mưu phản của Tương Dương Vương bại lộ, thời Thiên tử thương tới Kim Huy. Lại được Bao Công mật tấu, xin trừ vây cánh của Tương Dương Vương, nên Thiên tử phong cho Kim Huy là Tương Dương Thái thú được giữ mặt ngoài. Người nói chuyện với Lý Bình Sơn đó là chủ quản Kim Phúc Lộc. Tưởng Bình thấy Lý Bình Sơn qua thuyền quan, thời ngồi ngoài mũi thuyền ngắm cảnh, kế thấy Lý Bình Sơn trở lại, hất mặt coi tự đắc lắm, đi vào khoang, Tưởng Bình cũng chui vào hỏi rằng: "Ông quan đó tôn huynh có quen biết sao?”. Lý Bình Sơn nói: "Sao lại không biết, đó là bạn thân của ta". Tưởng Bình hỏi: "Vậy tôn danh quý tính của ngài đó là gì?". Lý Bình Sơn nói: "Nguyên Binh bộ thượng thư tên Kim Huy, nay giáng làm Thái thú Tương Dương, nên ông mời ta ra đó cho có bạn. Ta nói cho chú biết trước, sáng ta sẽ đem hành lý qua thuyền quan, còn chú cứ việc đi qua huyện Tương âm một mình!”. Tưởng Bình hỏi: "Còn tiền mướn thuyền thời sao?". Lý Bình Sơn nói: "Thời chú đi chú trả chớ sao?". Lý Bình Sơn nói: "Tôn huynh phải chịu một nửa, chớ tôi có mướn đâu? Nếu tôi không đi, thử coi ai phải trả?". Lý Bình Sơn nói: "Không biết, chú đi thời chú phải trả, đừng nói tới tôi". Tưởng Bình nghe nói cả giận, nghĩ thầm rằng: "Thật là tiểu nhân, mới chút đắc ý đã tuyệt tình, nếu ta không vì nghĩa mà theo, thì đâu có còn mạng". Nghĩ tới đó bỗng nghe có tiếng đi qua đòn mỏng, Lý Bình Sơn liền bước ra. Tưởng Bình nép vào khoang cửa thấy Bình Sơn dắt đứa tiểu đồng lại kề bên vách khoang.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,270
Posts: 96237
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Bao Thanh Thiên(Thất Hiệp Ngũ Nghĩa) - Phạm Văn Điểu

Postby tuvi » 12 Aug 2019

Hồi Thứ Chín Mươi Bốn
Người dê ngầm, bị kế hạ ngầm,
Kẻ chuộng nghĩa, hay làm việc nghĩa.

Nguyên tiểu đồng đó là đứa hầu hạ Bình Sơn lúc ở nhà Kim Huy, mà Bình Sơn tức là vị hạ khách đã tư tình với Xảo Nương dạo trước. Tiểu đồng tay cầm phong thư nói với Bình Sơn rằng: "Bà bảo đem thư cho tiên sinh xé coi bây giờ". Bình Sơn lấy thư, xé ra kê dưới bóng trăng mà xem, rồi nói nhỏ rằng: “Ừ! Mày về thưa với bà, nói chờ chừng nào người ta ngủ hết rồi tao qua". Tưởng Bình ngồi trong nghe rõ mấy lời, thời nghĩ thầm rằng: "Người thế ấy lại làm việc quấy quá thế này à?”. Nghĩ đoạn lại nghe khua đòn mỏng, biết tiểu đồng trở về rồi, bèn lên chõng giả đò ngủ. Bình Sơn bước vào thấy Tưởng Bình ngủ cũng nằm xuống giả đò ngủ. Một lát lâu lén lén ngồi dậy rồi đi nhẹ nhẹ ra khỏi cửa khoang còn ngoái đầu ngó lại. Tưởng Bình thấy Bình Sơn đi rồi cũng đi ra, biết Bình Sơn qua bên chiếc thuyền lớn, bèn cởi áo rồi lấy đòn mỏng thả xuống nước, ngồi lên trên rồi lén bơi lại gần bên thuyền lớn, nghe trong ấy có tiếng trai gái đương hú hí với nhau, bèn la lớn rằng: "Trong thuyền thứ ba có kẻ trộm", la rồi tụt êm xuống nước.

Kim Phúc Lộc nghe tiếng kêu đem người qua thuyền thứ ba thấy Lý Bình Sơn đương lính quýnh, tìm không ra đòn mỏng để chạy về thuyền mình. Kim Phúc Lộc bèn bắt Bình Sơn đem tới thuyền trước bẩm với Kim lão gia. Bình Sơn vào khoang thuyền ra mắt Kim Huy, ngẩn ngơ không nói được lời gì. Kim Huy thấy bộ tịch y kỳ quá, nào là vuốt áo, nào sửa quần, thời lấy làm lạ, đến chừng thấy hai chân y không có giày thời hiểu ý ngay, ngồi suy nghĩ một lát rồi dặn Phúc Lộc coi chừng Bình Sơn. Còn ông thời xách lồng đèn đi ra thuyền thứ ba kêu rằng: “Xảo Nương! Xảo Nương! Ngủ rồi sao?”. Trong thuyền có tiếng đáp: "Phải lão gia tới đó chăng?". Kim Huy xô cửa đi vào, giơ đèn rọi thì thấy Xảo Nương đầu tóc rối bù, thấy ông tới thì hỏi: ”Sao lão gia chưa ngủ?". Kim Huy nói: "Vừa ngủ ngon nghe kêu có trộm, nên tới xem”. Vừa nói ông vừa đưa đèn rọi tới, thấy dưới giường có đôi giày đàn ông nhưng giả đò không thấy. Xảo Nương miệng thời nói chuyện mà chân lén hất đôi giày vô trong sàng. Kim Huy thấy nhưng không thèm hỏi, lại nói ôn tồn: "Khi nãy có tiếng la, không biết phu nhân có hay không, vậy ta với nàng qua đó hỏi coi, rồi trở lại ta sẽ ở đây nghỉ đêm nay". Nói dứt lời nắm tay Xảo Nương dắt ra ngoài mũi thuyền, thình lình xô phứt xuống sông, chờ chừng Xảo Nương chìm rồi bèn kêu rằng: "Xảo Nương té, Xảo Nương té xuống sông rồi!”. Bạn bè chạy tới cứu không kịp.

Kim Huy dứt dây oan trái đó rồi, bèn trở lại thuyền trước nói với Lý Bình Sơn rằng: "Bây giờ có nhiều người quá, ta không dùng ngươi nữa, thôi đi về đi". Kim Phúc Lộc dắt Lý Bình Sơn trở lại thuyền thứ ba. Bấy giờ bọn thủy thủ thấy mất đòn mỏng, liền chạy kiếm, thấy trôi lều bều dưới nước, nên đã vớt gác qua thuyền bên kia rồi. Lý Bình Sơn xẻn lẻn về thuyền mình, vào mui thấy trên chõng có áo bỏ đó, mà Tưởng Bình thời đi đâu mất. Bỗng nghe sau lái thuyền có tiếng kêu: "Ai làm gì té dưới nước đó, leo lên". Rồi thấy Tưởng Bình chui vào mui, áo quần ướt loi ngoi, run lập cập, coi bộ lạnh lắm. Lý Bình Sơn kêu hỏi: "Sao Tưởng huynh lại như vậy?". Tưởng Bình nói: "Tôi ra đi tiểu, rủi trật chân té xuống nước, nhờ níu được bánh lái, nếu không, chắc là chết chìm". Lý Bình Sơn liền lấy quần áo cũ của mình đưa cho Tưởng Bình thay, còn mình thời mang vớ xỏ giày, lại cũng thay quần nữa.

Tưởng Bình thay rồi, đem đồ ướt căng ra hong cho khô, dòm lại thấy Lý Bình Sơn mặt dàu dàu, khi khoanh tay, khi lắc đầu, rồi thở dài liền hỏi rằng: "Tiên sinh có chuyện chi mà buồn lắm vậy?". Bình Sơn đáp: "Tôi có tâm sự không thể nói cho người ngoài biết, tôi chỉ xin hỏi Tưởng huynh tới huyện Tương Âm làm gì?". Tưởng Bình nói: "Tôi đã nói với tiên sinh rằng tới đó tìm bạn, sao lại mau quên như vậy?". Bình Sơn nói: “Bây giờ tôi kinh hoảng lắm nên không nhớ gì nữa. Tưởng huynh tới Tương Âm tìm bạn, tôi cũng tới đó tìm bạn". Tưởng Bình nói: "Tiên sinh đã nói với tôi rằng đi với Kim Công ra Tương Dương mà?”. Bình Sơn nói: ”Tôi coi lại ông ta là người không tốt, nên tôi đã khước lời ông, không chịu đi". Tưởng Bình nghe nói cười thầm rằng: "Thằng này nói dóc chớ". Cười rồi hỏi: "Còn tiền mướn thuyền thời sao?”. Bình Sơn nói: "Thời chia nhau mà chịu”.

Sáng ngày thuyền đi, Bình Sơn vẫn buồn bã, không vui lúc nào. Tối lại, ông Đại tìm nơi hoang tịch vắng vẻ đậu thuyền. Tưởng Bình khen rằng: "À! Chỗ này núp gió tốt lắm". Ông Đại thấy trúng kế mình bèn cười thầm. Bình Sơn nói với Tưởng Bình rằng: “ Hồi hôm tôi không ngủ được, nay thấy mệt mỏi lắm, vậy xin lỗi cho tôi ngủ trước". Tưởng Bình nói: "Tiên sinh yên nghỉ đi". Bình Sơn liền leo lên chõng nằm ngủ. Tưởng Bình nghĩ thầm rằng: "Lẽ ra thời ta phải cứu nó, song nó làm cho Xảo Nương chết thình lình, nếu ta cứu sống nó thời Xảo Nương ngậm oan dưới suối vàng!”. Đương còn suy nghĩ, chợt nghe ông Đại hỏi: "Bây giờ mày hay là tao?”. Ông Nhị nói: "Ai cũng được”, Tưởng Bình nói thầm rằng: "Tới chuyện rồi". Nói đoạn lén bò ra ngoài trước, leo lên mui thấy cây sào có phơi cái áo, bèn ôm lấy vào lòng, nằm mọp xuống dòm xem tình thế. Thấy ông Nhị cầm dao ở sau chui vào khoang, ông Đại cũng cầm đao đứng giữ cửa khoang. Tưởng Bình nghe trên chõng tre có tiếng bập bập... bập biết Bình Sơn đã xong đời rồi, bèn quấn áo lại thật chặt, nhắm ngay đầu ông Đại chọi xuống. Ông Đại không hiểu là vật gì bèn day đầu dòm lại. Tưởng Bình thừa cơ giật đao chém ông Đại té nhào xuống nước. Ông Nhị đương ở trong khoang nói: "Còn thằng ốm đâu mất rồi?". Tưởng Bình nói: "Tao ở đây!". Ông Nhị mới ló đầu ra bị Tưởng Bình cho một đao chết tươi.

Tưởng Bình giết cả hai anh em ông Đại rồi, bèn chui vào khoang thấy Bình Sơn nằm chết trên chõng thời than thở chẳng xiết. Rồi gom góp đồ vật của mình, kéo ghe vào bờ, mang gói nhảy lên, và đạp bung ghe trôi ra. Tưởng Bình lên bờ đi riết ra tới lộ cái. Bây giờ trời đã sáng, bỗng gió thổi ầm ầm cát bay mù mịt. Tưởng Bình bị gió thổi nhắm mắt lại, không đi được nữa, thêm suốt đêm không ngủ, thấy trong mình nhọc lắm, bèn kiếm nơi vắng vẻ tính ngủ một giấc. Chợt thấy trước mặt có lùm cây, Tưởng Bình bèn đi thẳng tới, thời chỗ đó là cái nhà mồ, vừa xăm xăm. đi vào bỗng thấy trên cây có đứa nhỏ đương buộc dây tự vẫn. Tưởng Bình liền la lớn rằng: ”Mày là con ai mà tới đây liều mạng vậy?". Tiểu đồng nói: "Để cho tôi chết còn cản làm chi?". Nói vừa dứt lời mở dây cầm đi. Tưởng Bình nói: “ Mày hãy trở lại, ta hỏi đã! Mày là con nít, có việc gì buồn rầu uất ức đến phải bỏ liều kiếp xuân xanh như vậy?". Tiểu đồng đáp: "Tôi không muốn sống làm gì, thà chết còn hơn?". Tưởng Bình nói: "Mày hãy thuật lại cảnh khổ cho ta nghe coi thế nào?". Tiểu đồng liền thuật rõ đầu đuôi cho Tưởng Bình nghe. Tưởng Bình thấy tiểu đồng còn nhỏ mà lanh lợi ăn nói có chí khí thời thương liền hỏi: "Tình thế đã vậy, ví như bây giờ có tiền mày còn chết hay thôi?". Tiểu đồng nói: "Nếu có tiền thời mạng con kiến này cũng nguyện chưa chết". Tưởng Bình liền thò tay vào lưng móc ra hai nén bạc đưa cho tiểu đồng và hỏi: “Bây nhiêu đủ hay không?". Tiểu đồng đáp: "Chừng ấy là nhiều rồi". Nói dứt lời giơ tay lấy rồi quỳ mọp dưới đất tạ ơn và nói: "Xin ân nhân cho biết quý danh". Tưởng Bình nói: ”Mày chớ hỏi, phải mau lên Trường Sa đi".
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,270
Posts: 96237
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Bao Thanh Thiên(Thất Hiệp Ngũ Nghĩa) - Phạm Văn Điểu

Postby tuvi » 12 Aug 2019

Hồi Thứ Chín Mươi Lăm
Quán Liên Thăng, sai dịch bắt học trò,
Đầm Tùy Phương, quan huyện kiêm bợm rượu

Tưởng Bình cứu tiểu đồng rồi, bèn đi lên Ngọa hổ Câu. Tới nơi ra mắt Sa Long, cùng nhau chuyện vãn. Tưởng Bình nghe nói Bắc Hiệp, Hắc Yêu Hồ và Đinh Triệu Huệ lên Tương Dương thời cả mừng, nghĩ rằng: "Nhan Tuần án đi với Ngũ đệ lòng ta rất lo, nay có bọn Bắc Hiệp lên đó lẽ nào chẳng giúp Ngũ đệ. Vậy ta phải trở về bẩm lại với tướng gia rằng Bắc Hiệp đã tới Tương Dương xem tướng gia nghĩ thế nào". Nghĩ đoạn từ giã trở về. Sa Long giao trả ấn phiếu lại cho Tưởng Bình - Tưởng Bình lĩnh lấy và từ tạ mà trở lại phủ Khai Phong. Khi Tưởng Bình về tới Đông Kinh ra mắt Bao Công tâu rõ công việc, Bao Công liền tâu lên Thánh thượng, rằng Âu Dương Xuân lên Tương Dương ắt có ý giúp Nhan tuần án. Thiên tử khen ngợi lắm, lập tức xuống chỉ phái hộ vệ Triển Hùng Phi và bốn anh em Lư Phương cùng ra Tương Dương nhận chức tại Tuần án viện. Khi bình định Tương Dương rồi phải rủ Bắc Hiệp về triều hầu hưởng phấn vua lộc nước.

Đây là nói qua tiểu đồng nhờ Tưởng Bình cứu đó nguyên là Cẩm Tiên. Từ lúc Thi Tuấn giận Kim Huy, ra đi ngồi trên ngựa nghĩ căm tức lắm. Vừa mệt, vừa giận, luôn ba ngày cơm nước không ăn được, liền nhuốm bệnh, tìm nơi ở trọ. Cẩm Tiên thấy chủ đau, thời lo sợ lắm, cậy chủ quán rước thầy xem mạch, bốc thuốc, ngày đêm săn sóc, áo không hề mở giải, chẳng rời ra khỏi phút nào. Lại thấy Thi Tuấn không đủ tiền tiêu, thời lấy bạc của Ngại Hổ cho lúc trước ra mua thuốc men. Kế đến ngựa chết một con, chủ quán thấy thế cùng quẫn lại tính sổ đòi tiền. Cẩm Tiên vất vả quá cũng mang bệnh. Ban đầu còn ráng hầu hạ Thi Tuấn, riết lắm không gắng nổi, bèn nằm mê man. Bấy giờ Thi Tuấn đã đỡ, phải lo săn sóc lại Cẩm Tiên, cậy rước thầy xem mạch bốc thuốc cho nó. Nhưng tội nghiệp quá! Không có tiền trả xem mạch và đi mua thuốc, phải cầm cả áo quần. Thi Tuấn thấy thế khốn quá phải bán con ngựa trả tiền cho chủ tiệm, còn dư bao nhiêu để mua thuốc cho Cẩm Tiên, thế là chỉ còn hai bàn tay trắng.

Thi Tuấn cầm đơn đi bốc thuốc cho Cẩm Tiên, trở về ngang chợ may gặp người bán lúa là Lý Tôn đương uống rượu với người quen là Trịnh Thân, Lý Tôn vốn có quen biết với Thi Tuấn, nên thấy Thi Tuấn đi ngang bèn kêu hỏi: "Thi công tử đi đâu đó?". Thi Tuấn đáp: "Chuyện tôi không thể nào nói một ít lời cho hết được". Lý Tôn nói: "Vậy xin mời ngồi ghế chơi và nói chuyện, người này là Trịnh Thân, cùng một bọn với tôi, không sao mà ngại". Thi Tuấn ghé vào, Lý Tôn hỏi tình do, Thi Tuấn thuật rõ việc từ trước tới sau, Lý Tôn nghe xong liền nói: "Nói vậy thời bây giờ thầy trò công tử đều đau ốm hết sao? À! Mà ở tiệm nào?". Thi Tuấn đáp: "Ở tiệm Liên Thăng mé bên phía tây". Lý Tôn nói: "Công tử đau mới mạnh chẳng nên quá lo, sẵn đây có mười lạng bạc, xin dâng cho Công tử dùng làm tiền dưỡng bệnh, nếu có thiếu rồi tôi sẽ đem lại tại tiệm dâng thêm". Thi Tuấn thấy Lý Tôn có lòng thành thật, lại đương lúc túng cùng, bèn nuốt thẹn mà nhận rồi tạ ơn xách thang thuốc lên tay sắp ra đi. Chỉ nghe Lý Tôn nói với Trịnh Thân rằng: "Anh uống ít ít thôi, còn phải lo giữ cái túi bạc với chớ". Trịnh Thân nói rằng: "Sợ cóc gì! Say rượu chớ bụng không say, có hai trăm lượng bạc chứ bao nhiêu, ta xách còn nổi, mà nhà chẳng còn bao xa nữa". Thi Tuấn liền hỏi: “Nhà ở đâu?". Lý Tôn nói: "Đi qua mé tây lối hai dặm có chỗ kêu là đầm Tùy Phương, đó là nhà của anh ấy!”. Lý Tôn nói: "Không dám nhọc Công tử. Tôi cần phải đi tỉnh sổ; nhưng mà thôi, để tôi đưa anh Trịnh về rồi sẽ trở lại tính". Nói rồi đứng dậy đi. Lý Tôn nói: "Thôi, phiền Công tử đưa giùm anh ấy đi, sau này tôi sẽ lại tiệm thù lao!". Thi Tuấn đáp: ”Xin Lý huynh yên dạ". Dứt lời liền đỡ Trịnh Thân đi. Trịnh Thân vừa nói láp đáp rằng: "Thôi, ngài đừng đưa tôi nữa, ngài cứ lo công việc của ngài đi". Thi Tuấn nói: "Anh Lý cậy tôi, lẽ nào tôi phụ lời sao?", Trịnh Thân đáp: ”Tôi cho ngài biết, tôi say thời say, chớ tôi còn biết rõ hết, tôi biết ngài đi bốc thuốc, tôi biết ngài có người đau, thôi ngài về đi, sắc thuốc cho người ta uống! Tôi không có ngày nào là không say, mà tôi cứ đi đi về về hoài, nếu mỗi lần say bắt người ta đưa thời ai đâu mà đưa cho đủ. Kìa tới quán Liên Thăng rồi, ngài đi vào đi, nếu không chịu, tôi cũng không chịu đi!”. Nói rồi đứng lại. Bỗng tên hầu phòng trong quán chạy ra nói với Thi Tuấn rằng: "Người tiểu đồng của cậu đương kêu tìm cậu”. Trịnh Thân nói: “Vậy thời ngài vào đi, tôi đi về!”. Thi Tuấn bèn xách thang thuốc đi vào, thấy Cẩm Tiên nóng mê nói xàm bèn lật đật đi sắc thuốc cho Cẩm Tiên uống, tới tối nó ra chút mồ hôi, trong mình khá lên nhiều.

Qua ngày sau, Cẩm Tiên tươi tỉnh được vài phân, Thi Tuấn cậy chủ quán đi rước thầy coi mạch cho đơn nữa. Cẩm Tiên cản rằng: "Đã bớt rồi, còn uống thuốc chi nữa cho tốn tiền". Thi Tuấn bèn đem việc Lý Tôn cho tiền nói lại cho Cẩm Tiên nghe. Một lát lâu, thầy thuốc tới coi mạch nói rằng: "Bệnh đã nhẹ nhiều, bốc vài thang thuốc về uống thì khỏi”. Nói đoạn kê đơn đưa cho Thi Tuấn. Thi Tuấn chạy đi bốc thuốc về sắc cho Cẩm Tiên uống, hôm sau thời mạnh như thường.

Tới ngày thứ ba, bỗng thấy chủ tiệm dẫn tới hai người công sai chỉ Thi Tuấn mà rằng: ”Người này là Thi tướng công đây". Hai người công sai liền nói: “Chúng tôi vâng lệnh lão gia tới đây mời tướng công". Thi Tuấn nói: "Mời ta có việc chi?". Công sai nói: "Tôi không biết, ngài tới đó thì rõ". Nói rồi, trói Thi Tuấn dắt đi, Cẩm Tiên thấy vậy thất kinh, không rõ chủ mình vì việc gì mà bị quan sai bắt, nên cũng đi theo lên huyện, lắng nghe tình thế.

Nguyên vợ Trịnh Thân là Vương Thị nhà trông chồng đã hai ngày mà không thấy trở về, bèn sai người đi hỏi Lý Tôn. Lý Tôn nói ngày nọ tan chợ, Trịnh Thân đã đem hai trăm lượng bạc đi về rồi. Vương Thị nghe nói lấy làm lạ, tới nhà Lý Tôn hỏi thăm nguyên do, vì sao nay bạc mất người cũng không còn, việc thật đáng nghi. Rồi viết trạng lên quan huyện đầu cáo nói Lý Tôn giết người đoạt của.

Công sai giải Thi Tuấn tới nha, quan huyện là Phương Cửu Thành lập tức thăng đường, sai đem Thi Tuấn lên, thấy chàng là người học trò nho nhã, chẳng phải là kẻ hung ác, bèn hỏi: "Lý Tôn có cậy ngươi đưa Trịnh Thân hay không?”. Thi Tuấn thưa: ”Nhân vì Trịnh Thân say, nên Lý Tôn không dám để cho về một mình, cậy tôi đưa nhưng Trịnh Thân không chịu, từ chối đôi ba phen, nên tôi trở về tiệm". Phương huyện quan hỏi: "Trịnh Thân có cầm vật gì không?". Thi Tuấn thưa: "Có cái túi mang trên vai, mà Lý Tôn nói với Trịnh Thân rằng: "Còn lo giữ túi bạc", và Trịnh Thân nói: "Sợ cóc gì, có hai trăm lượng bạc chứ bao nhiêu”. Tôi chỉ nghe nói như vậy, chớ trong túi có những gì thời thật không thấy”. Quan huyện thấy Thi Tuấn nói chắc chắn, không có vẻ giấu giếm, nên không nỡ gia hình, bèn dạy giam vào ngục, chờ ngày xét lại.

Cẩm Tiên nghe chủ can án nhân mạng bị giam nghi chắc không khỏi chết, lật đật chạy về chỗ trọ, khóc than một lúc rồi nghĩ rằng: "Nghe nói phủ Trường Sa mới đổi tới một vị Thái thú rất thanh liêm, vậy mình nên tới đó kêu oan cho chủ coi khỏi tội chăng?". Nghĩ đoạn đi tay không ra khỏi tiệm, nhắm Trường Sa đi tới. Chàng liệu trong mình đau mới mạnh, không đủ sức đi, lại không có tiền nữa. Kế thêm bị trận gió, đi không nổi, tiến thoái lưỡng nan, nghĩ vẩn vơ, rồi lo khóc, thảm quá bèn tính tự vẫn. May sao vừa mới treo vòng, Tưởng Bình gặp cứu và cho tiền.

Cẩm Tiên được tiền mừng rỡ quá, tinh thần phấn chấn, ráng sức đi Trường Sa, viết một tờ trạng kêu oan tới Thái thú.

Thái thú Trường Sa là Thiệu Ban Kiệt thấy trong trạng có tên Thi Tuấn bèn cho đòi Cẩm Tiên vào hỏi kỹ lại mới hay là cháu mình, con rể của Thi Kiều, liền lập tức xuất trát cho quan huyện Du giải cả bọn lên phủ, rồi lập tức thăng đường, hỏi lại một lượt y với lời cung khai trước. Quan huyện Phương Cửu Thành vừa lên hầu, Thiệu Công liền hỏi: "Quý huyện tra xét thế nào?". Phương Cửu Thành đáp: "Ti chức thấy Thi Tuấn không phải là người hung ác nên muốn tới đầm Tùy Phương tra xét một lượt”. Thiệu Công gật đầu nói: “Vậy càng hay". Đoạn phái người đi với quan huyện trở lại huyện Du đến đầm Tùy Phương. Tới nơi, quan huyện sai đòi người cai trị tại đó tới hỏi: "Làng mé tây nọ có mấy nhà?". Người ấy thưa: "Có tám nhà". Quan huyện lại hỏi: "Trịnh Thân ở nhà nào?". Người ấy thưa rằng: "Ở mé tây nhà ngoài cùng đó". Quan huyện đương hỏi, bỗng thấy dưới đầm chỗ lau sậy rậm rạp diều quạ bay lên đáp xuống, liền sai người cai trị tại đó xuống coi là vật gì? Người ấy cởi giầy lột tất lội xuống một lát trở lên bẩm rằng: "Tại đó có một cái thây người". Quan huyện sai sai dịch lội xuống khám nghiệm, thời thây ấy sau khi chết bị kéo bỏ dưới nước, trên cổ có dấu bị bóp họng. Cho đòi Vương Thị đến nhìn, thì quả là chồng bà. Quan huyện bảo người cai trị tại đó đòi hết tám nhà trong xóm lên phủ Trường Sa hầu thẩm.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,270
Posts: 96237
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Bao Thanh Thiên(Thất Hiệp Ngũ Nghĩa) - Phạm Văn Điểu

Postby tuvi » 12 Aug 2019

Hồi Thứ Chín Mươi Sáu
Phủ Trường Sa, Thi Tuấn nộp liễu hoàn,
Núi Hắc Lang, Kim Huy gặp đạo khấu.

Phương huyện quan cưỡi ngựa về trước bẩm rõ các việc cho Thiệu Công hay, và dâng sổ biên tên họ người trong tám nhà tại Tùy Phương. Thiệu Công cho quan huyện lui ra. Khi tám nhà tới hầu, Thiệu Công liền thăng đường truyền rằng: ”Trừ khổ chủ ra (vợ Trịnh Thân), còn bảy nhà nọ cứ theo tên kêu trong sổ mà quỳ cho có thứ tự!”. Truyền xong kêu từng người vào quỳ, rồi nói rằng: "Đêm hôm qua có hồn oan về cáo tại phủ, người thủ phạm đã có nói rõ tên rồi, vậy nội trong sổ này, ta chấm bút son vào người nào thời là người đó". Nói rồi cầm bút son giả vờ chấm, và nói: "Nó đây rồi! Thôi ai không có tội thì đứng dậy, ai có tội thì quỳ". Nói dứt lời, ai nấy đều đứng dậy đi ra, còn có một người vừa đứng lên lại quỳ xuống. Thiệu Công lẹ mắt xem thấy liền vỗ án hét rằng: ”Ngô Ngọc, mi giết Trịnh Thân thế nào, mau khai ra?".

Ngô Ngọc không chịu khai, Thiệu Công liền nổi giận sai tả hữu kéo ra đánh hơn mười hèo, đau quá, Ngô Ngọc bèn kêu lên: "Để tôi khai, đừng đánh nữa". Nói rồi khai rằng: "Nguyên chiều hôm đó, tôi vừa đi ra, gặp Trịnh Thân ngất ngưởng về, từ mé đông đi lại, tôi bèn đi theo. Thấy y có mang cái túi, trong có tiếng khua, tôi bèn hỏi Trịnh Thân mà vay tiền, Trịnh Thân đã không cho lại còn mắng nhiếc tôi, vì vậy tôi nổi giận xô y một cái té nhào xuống đất, cái túi đụng đất khua tiếng nặng lắm, tôi chắc trong ấy là tiền bèn đè Trịnh Thân toan giật, vì y cất tiếng la, nên tôi bóp họng, một lát y hết cục cựa, tôi kéo đem bỏ dưới khóm lau trong đầm. Ai dè hồn oan còn vấn vít, xin lão gia dung mạng". Thiệu Công nói: "Bây giờ mi để túi bạc ấy ở đâu?" Ngô Ngọc thưa: "Túi bạc hai trăm lượng tôi còn chôn dưới cái lu đằng sau, chưa xài tới phân nào cả". Thiệu Công bắt nó ký khẩu cung, sai quan huyện đi lấy bạc về trả cho Vương Thị. Lý Tôn và bảy nhà nọ được tha, lưu Thi Tuấn ở lại phủ, còn Ngô Ngọc thời đem về ngục dưới huyện chờ qua thu sẽ xử. Quan huyện vâng lệnh từ giã lui về.

Thiệu Công xử xong án, trở vào tới thư phòng kêu Cẩm Tiên tới hỏi thăm lại một lượt nữa: ”Mi có biết bạn bè của lão gia mi là ai hay không?". Cẩm Tiên thưa: "Lão gia tôi có hai người bạn, một người là Binh bộ thượng thư Kim Huy, một vị là Thái thú Thiệu Ban Kiệt”. Tên thơ đồng đứng bên nghe Cẩm Tiên nói tới đó liền kéo áo Cẩm Tiên mà rằng: "Sao mi nói hỗn hào không kiêng quan húy”!. Cẩm Tiên thất kinh quỳ xuống xin lỗi. Thiệu Công cả cười rằng: “Ta đây là Thái thú Thiệu Ban Kiệt, còn Kim lão gia đã nhận Thái thú Tương Dương rồi". Nói đoạn sai thơ đồng lấy áo quần giầy mũ đem ra cho Thi Tuấn thay. Cẩm Tiên lén nói cho Thái thú biết vị lão gia này là Thiệu Công và nghe nói Kim Công đã nhận Thái thú Tương Dương. Thi Tuấn nghe nói cả mừng thay đổi y phục xong, bèn vào thư phòng lạy tạ Thiệu Công. Thiệu Công lại hỏi tình do, thời Thi Tuấn bắt đầu thuật cả đầu đuôi song việc giận Kim Công thời đổi lại, vì Kim Công sửa soạn đi nhậm chức nên không tiện ở, phải về nhà, ai dè đau ốm và gặp việc này. Thiệu Công nghe nói gật đầu. Khi nói tới thi phú văn chương, Thi Tuấn đối đáp suông sẻ rõ là người học rộng biết nhiều. Thiệu Công rất vui lòng, nên lưu giữ ở lại phủ.

Những lúc rảnh rang, Thiệu Công và Thi Tuấn trò chuyện, nhân hỏi tới cuộc hôn nhân, Thi Tuấn liền đem chuyện cha mình hứa hôn với Kim Công, song hai trẻ còn thơ ấu nên chưa nộp sính. Thiệu Công nghe xong bèn đem việc cứu tiểu thư giả lúc dọc đường thuật lại cho Thi Tuấn nghe, và nói tiếp: "May hai cháu trời xui tới đây gặp gỡ một đứa là con của Kim huynh, một đứa là con của Thi đệ, vậy ta đứng giữa tác thành cho hai đứa nên đôi". Thi Tuấn không chối từ được, phải chịu. Thiệu Công mừng lắm, vào nói cho phu nhân hay, giao phần cho phu nhân lo liệu công việc cho tiểu thư, còn mình thời lo liệu công việc cho Thi Tuấn, lựa ngày lành tháng tốt làm đám cưới.

Cưới hỏi xong xuôi, Thiệu Công viết hai phong thư, một phong sai Đình Hùng đem cho Kim Công, một phong bảo Lữ Khánh đem cho Thi Kiều.

Ngày nọ Cẩm Tiên có việc đi ra sau nhà, bỗng thấy Giai Huệ đương cầm quạt chọc chùm anh võ. Giai Huệ thấy Cẩm Tiên liền xòe quạt che mặt. Cẩm Tiên lẹ mắt thấy kịp bèn kêu một tiếng: "Giai... !”. Giai Huệ liền xua tay nói: "Em đừng nói lớn". Cẩm Tiên hỏi: “Sao nàng lại tới đây?". Giai Huệ bèn đem việc hai đứa làm mai không kín, để đến nỗi lão gia hay, bắt tiểu thư tự vẫn thế nào, bà * lập kế qua huyện Đường gặp kẻ cướp làm sao, tiểu thư nhào xuống sông, còn mình nhờ Thiệu Công tháp cứu, bèn giả làm tiểu thư, thuật lại cặn kẽ rồi nói: "Ai dè chuyện chơi mà sinh thiệt, nay lỡ như vậy xin em kín miệng giấu dùm, chờ tìm cho được tiểu thư sẽ giúp sức cho hai người nên đôi, rồi ta sẽ nhượng ngôi chính lại cho tiểu thư, quyết chẳng phụ lòng. Thế nào em cũng chớ tiết lộ". Cẩm Tiên nhận lời, lấy đồ rồi trở ra thư phòng không hé môi cho Thi Tuấn biết việc ấy, tự mình biết cô dâu mới là tiểu thư giả, nên để ý dò hỏi cô dâu thật coi lưu lạc nơi nào.

Đinh Hùng vâng mệnh Thiệu Công đem thư cho Đinh Thái thú. Đinh Hùng đi thuyền tới nơi, thấy thuyền quan sắm sửa chực rước, hỏi ra mới hay Thái thú đi bộ mới tới Khô Mai Lĩnh, thấy trước mặt có quan quân khiêng kiệu và chuyển vận hành lý, còn Thái thú thời cưỡi ngựa đi sau. Đinh Hùng liền xuống ngựa, đón dâng thư. Kim Thái thú tiếp lấy rồi bảo Đinh Hùng lên ngựa đi theo tới quán dịch sẽ hồi đáp. Đinh Hùng vâng lời, bèn đi theo Kim Phúc Lộc cùng chuyện vãn.

Kim Công ngồi trên ngựa xé thư ra xem, thấy đoạn trên thời thăm nom gia quyến, đoạn dưới nói chuyện Thi Tuấn và Mẫu Đơn đã hoàn nhân, thời không vui và trách thầm Thiệu Công lắm. Coi xong chỉ đút thư vào túi. Đi vừa tới Xích Thạch Nhai bỗng thấy một tốp lâu la túa ra giăng hàng ngang trước lộ, trong ấy có một người mày vàng, mắt thau, mặt gãy, để hàm râu vàng hoạch như tơ, cưỡi ngựa cũng vàng, tay xách hai cây lang nha bổng đứng đón. Kim Công thấy vậy hoảng kinh. Đinh Hùng tế ngựa tới đối địch, bị lâu la bao vây đánh nhào xuống ngựa. Kim Công vừa muốn tìm đường thoát thân, bỗng thấy tướng cướp nọ thúc ngựa tới hét lớn rằng: ”Mời Thái thú lên sơn trại nói chuyện". Dứt lời huơ lang nha bổng một cái lâu la tới nắm hàm thiếc ngựa kéo lên núi. Bọn Kim Phúc Lộc thấy vậy chạy tứ tán hết.

Lam Kiêu vừa bắt Kim Công đem lên núi, chợt thấy Ác Diêu Minh bay ngựa tới bẩm rằng: "Tôi vâng lệnh đoạt đà kiệu, ai dè bị Sa viên ngoại, Mạnh Kiệt, Tiêu Xích đánh tan lâu la và cứu đem về nhà rồi". Lam Kiêu nghe nói cả giận hét rằng: ”Sa Long khinh ta quá lắm?". Lập tức sai Ác Diêu Minh giải Kim Công về núi rồi đem lâu la xuống tiếp ứng với mình. Ác Diêu Minh vâng lệnh đi liền. Lam Kiêu dắt lâu la tới Xích Thạch Nhai thấy Sa Long, Mạnh Kiệt đương đi tới, Lam Kiêu bèn kêu rằng: "Sa viên ngoại! Tôi không bạc đãi ngài sao ngài can thiệp tới những việc tôi làm làm chi?". Sa Long nói: "Tôi không muốn dính líu tới chuyện người khác, song nghe trong kiệu có tiếng kêu khóc, lẽ nào lại không cứu”. Lam Kiêu nói: “Vả chăng chúng tôi với Kim Thái thú có thù, nay gặp người phải bắt, té ra bắt được Thái thú còn gia quyến người thời Viên ngoại đoạt cả đó là ý gì?". Sa Long nói: "Đó là ngươi làm việc chẳng phải rồi. Kim Thái thú là Tứ phẩm huỳnh đường, sao dám bắt lên núi. Theo ý ta, thời nên thả Thái thú ra rồi ta sẽ nói giúp cho mà xin tội". Lam Kiêu nghe nói hét rằng: "Sa Long xem thường ta quá, ta quyết không đội trời chung với mi". Nói rồi thúc ngựa tới đánh. Sa Long giữ thế đối địch, Mạnh Kiệt áp lại giúp sức. Lam Kiêu thấy hai người dũng lực phi thường bèn ra ám hiệu lâu la bao vây.

Sa Long và Mạnh Kiệt giết đánh rất dữ song lâu la quá đông, vây kín như lồng, làm hai người dần dần mệt mỏi. Nguyên Ác Diêu Minh giải Kim Công lên núi rồi, bèn đem lâu la xuống vây. Đương lúc Ác Diêu Minh hò hét lâu la, bỗng thấy người con gái hôm trước, thời lòng tà nổi lên, bèn thúc ngựa tới, kêu: “Cô ơi! Đi đâu đó?" Nói dứt lời nghe một cái rẹt, Ác Diêu Minh bị đạn sắt trúng mí mắt, nhào xuống ngựa.

Nguyên Tiêu Xích hộ tống kiệu về đến nhà, Phụng Tiên, Thu Quỳ ra rước, nghe Tiêu Xích nói Lam Kiêu đem lâu la giáp chiến trên núi, thời hai chị em không yên lòng, nên đi theo Tiêu Xích lên cứu Sa Long. Vừa lên tới núi gặp Ác Diêu Minh vô lễ nên cho một viên đạn té nhào. Thu Quỳ liền chạy tới giơ côn đánh tới, một lát Ác Diêu Minh hết thở.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,270
Posts: 96237
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Bao Thanh Thiên(Thất Hiệp Ngũ Nghĩa) - Phạm Văn Điểu

Postby tuvi » 12 Aug 2019

Hồi Thứ Chín Mươi Bảy
Trời khéo khiến, Mẫu Đơn gặp mẹ,
Mưu sắp xong, Trí Hóa giải vây.

Phụng Tiên và Thu Quỳ đánh ngã Ác Diêu Minh rồi bèn giết phá lâu la. Tiêu Xích huơ cang xoa vừa đánh vừa la. Sa Long và Mạnh Kiệt ở trong thấy vậy nỗ lực đánh ra. Bỗng nghe trên núi có tiếng trống vang trời, ngoài cửa núi tiếng chiêng động đất, có tiếng la lớn rằng: "Đừng thả Sa Long chạy thoát, phải bắt sống cho được, Đại vương có lệnh truyền, các nơi phải lo mai phục". Bọn Sa Long nghe vậy kinh hồn.

Nguyên Lam Kiêu ra lệnh vây phủ Sa Long là cố ý dụ hàng chớ không quyết đánh, muốn để cho Sa Long mệt rồi chế phục về làm vây cánh cho mình, cho nên đứng trên gò núi sai bốn đầu lĩnh mai phục các nơi, dóng trống khua chiêng, la ó thị oai, còn mình thì cầm cờ chỉ huy cho chúng nó. Hễ bọn Sa Long chạy mé đông thời Lam Kiêu phất cờ chỉ qua đông, chạy qua tây, thời lại chỉ qua tây. Sa Long, Phụng Tiên, Thu Quỳ, Mạnh Kiệt, Tiêu Xích năm người đánh qua đánh lại đã mệt mà giải không nổi vòng vây, bèn xúm lại một nơi nghỉ và bàn luận mưu kế.

Tại Ngọa Hổ Câu lúc Tiêu Xích đưa gia quyến Thái thú về nhà, bọn thợ săn thuyền chài, ai nấy nghe nói cứu được gia quyến của quan đều muốn coi, song không dám ló ra. Duy có một mình Lý Thị vâng lời Phụng Tiên tiếp rước hầu hạ, vì vậy dọn dẹp mệt nhọc lắm, bèn kêu Mẫu Đơn mà rằng: "Viên ngoại mới cứu gia quyến của quan Thái thú để ở nhà trước, có một mình mẹ lo liệu hầu hạ không xuể, vậy con có dám ra đó, thời ra phụ với mẹ". Mẫu Đơn vâng lời, Lý Thị pha nước đưa cho nàng bưng ra. Mẫu Đơn bước ra tới ngoài, vén màn bước vào, xem thấy... bỗng giật mình, kế nghe thằng Kim Chương nói: "Phải chị Mẫu Đơn đó không?". Nói rồi chạy lại ôm ngang dưới gối. Mẫu Đơn thấy vậy tay chân nhũn ra buông phứt mâm trà, bình chén đều đổ bể cả, rồi ôm Kim Chương vào lòng, ngồi phịch xuống đất. Hà phu nhân bước tới ôm cứng Mẫu Đơn rồi ba người khóc than nghe rất thảm thương. Liễu hoàn bộc phụ đều chảy nước mắt. Lý Thị thấy vậy không rõ là việc gì, chạy lại đỡ cả ba dậy. Hà phu nhân một tay kéo Kim Chương, một tay kéo Mẫu Đơn lên ngồi, rồi hỏi Mẫu Đơn rằng: "Con theo vợ chồng bà * lên huyện Đường sao lại tới chỗ này?". Mẫu Đơn khóc kể lại những nỗi bị nạn cho mẹ nghe, nói tới lúc vợ chồng Trương Lập cứu, thời Lý Thị khóc rống lên. Hà phu nhân thấy vậy lấy làm lạ, kéo lại cho ngồi, rồi hỏi ra mới biết Lý Thị từng này tuổi mới nuôi được một gái yêu quý lắm, chỉ trông cậy về sau, ai dè nghe bà quan này nhận là con của bà, sợ bà đoạt mất con nên khóc. Mẫu Đơn khuyên giải Lý Thị rằng: "Xin mẹ chớ buồn, thế nào con cũng chẳng phụ ân đâu”. Lý Thị nghe nói mới chịu nín. Kim Chương thấy chị nó ăn mặc bô vải thời không bằng lòng, lại gần phu nhân đòi đồ tốt cho chị. Phu nhân bảo Lý Thị đi vào lấy ra cho Mẫu Đơn thay. Lý Thị ra ngoài gặp chồng là Trương Lập bưng trà ra nhà ngoài, bèn đón kể việc Mẫu Đơn nhận mẹ, Trương Lập cũng buồn, song biết nghĩ sao bây giờ, bèn bưng trà đi ra cho bọn sai dịch cửa quan uống. Bỗng nghe có tiếng kêu lớn rằng: "Mấy người ở trong nhà khách đó đi chỗ khác mà uống trà, để lấy chỗ tiếp tôn khách của viên ngoại". Ai nấy nghe kêu đều đi ra, thấy ngoài cửa bước vào ba người. Đó là Bắc Hiệp, Đinh Triệu Huệ và Trí Hóa.

Nguyên ba người đi tới Tương Dương, thám thính rõ ràng việc Triệu Tước (Tương Dương Vương) lập Minh thư sợ người lấy trộm nên dựng tòa lầu Xung Tiêu, đem Minh thư treo vào căn giữa, dưới lập Bát quái đồng võng trận, chuyển mối các chỗ để thông tin tức và đặt người gìn giữ; kế nghe tin Nhan Xuân Mẫn vâng lệnh ra tuần án Tương Dương, có Bạch Ngọc Đường theo giúp sức, thời liền bàn luận với nhau nên trở về Ngọa Hổ Câu nói cho Sa Long hay, đồng thời giúp Tuần án, phụ sức với Ngọc Đường đã vì nước nhà, lại trọn tình bầu bạn. Bàn tính xong, bèn trở về Ngọa Hổ Câu.

Khi vào nhà hỏi thăm thì Sa Long đi vắng, Trí Hóa lật đật hỏi: "Viên ngoại đi đâu?". Trương Lập nói lại việc cứu Thái thú tại Xích Thạch Nhai bị Lam Kiêu đón. Sa viên ngoại, Mạnh Kiệt, Tiêu Xích và hai tiểu thư nữa, mà đi tới bây giờ chưa thấy về. Trí. Hóa nghe dứt lật đật nói: "Không xong, việc này không thể trì hoãn được, Âu Dương huynh và Đinh hiền đệ phải chịu nhọc nhằn mới xong". Đinh Triệu Huệ nói rằng:"Chúng ta không biết đường đi thời làm sao?". Trương Lập nói: "Có Sử Vân, người ấy thạo đường". Đinh Triệu Huệ liền bảo Sử Vân. Một lát chẳng những một mình Sử Vân mà thôi, lại có dẫn theo bảy người phụ tá, cùng lên Xích Thạch Nhai. Trí Hóa cả mừng dặn rằng: "Lên tới đó các ngươi phải nghe lệnh dạy, chớ cậy tài ỷ sức? Còn như Âu Dương huynh có lên đó bắt cho được Lam Kiêu, Đinh nhị đệ thời bảo hộ cha con anh em Sa viên ngoại, còn tôi ở nhà giữ gìn nhà cửa, bảo hộ gia quyến, phòng giặc kéo tới quấy phá".

Bắc Hiệp gật đầu, rồi cùng Đinh Triệu Huệ dắt bọn Sử Vân lên Xích Thạch Nhai. Đi tới cửa núi mé tây thấy lâu la phòng giữ đó, Bắc Hiệp bèn kêu rằng: “Ớ lâu la, lắng tai nghe cho rõ, ta là Âu Dương Xuân tới đây giải vây, mau lên báo với chúa trại bay rõ". Đầu lĩnh tại đó liền lên báo cho Lam Kiêu hay. Lam Kiêu nói thầm rằng: "Thế lại càng hay, bắt cả tụi nó giam vào núi này cho gọn". Nói đoạn sai đầu lĩnh mở đường cho bọn Bắc Hiệp lên. Bắc Hiệp thấy Sa Long và các con em ngồi nghỉ gần đó bèn bảo Đinh Triệu Huệ tới giúp, còn mình thời dẫn bọn Sử Vân đi lên núi. Đi tới gò núi, bị Lam Kiêu đón lại hỏi rằng: "Ai lên đó?". Bắc Hiệp nói: "Ta là Âu Dương Xuân tới đây hỏi sơn chúa vì sao mà vây khốn Sa viên ngoại như vậy?" Lam Kiêu đáp: "Sa viên ngoại xem thường tôi lắm, nên phải vây mà trị tội". Bắc Hiệp nói: "Ngươi vô cớ dám bắt quan Tứ phẩm huỳnh đường, chẳng sợ bị tội phản loạn hay sao?". Lam Kiêu cả giận hét rằng: “Âu Dương Xuân, mi cố ý tới đây làm gì?". Bắc Hiệp nói: ”Tao tới đây bắt nhà ngươi". Nói rồi huơ thất bảo đao tới chém, Lam Kiêu giơ bổng ra đỡ rồi đập lại, Bắc Hiệp đỡ ra một cái, nghe khua rảng rảng, bỗng đã gãy rồi. Bắc Hiệp nhảy tới, Lam Kiêu liền giơ cây bổng bên tay phải, ai dè Bắc Hiệp đỡ ra, bỗng liền văng mất. Lam Kiêu còn hai tay không, muốn tìm đường thoát thân, bị Bắc Hiệp nhảy tới xách ngang lưng, ném xuống đất cho bọn Sử Vân trói lại.

Đằng kia Triệu Huệ và bọn Sa Long thấy trên gò núi Bắc Hiệp thắng trận, ai nấy đồng ráng sức đánh ra cửa núi mé tây, bọn lâu la là chồn, chuột cự sao lại bầy cọp, nên đều cuốn vó chạy dài. Triệu Huệ bảo Thu Quỳ và Phụng Tiên về trước, rồi cùng đi với bọn Sa Long lên gò núi. Lúc ấy Bắc Hiệp đã hỏi Lam Kiêu xem nó để Kim Thái thú ở đâu, rồi bắt phải thả xuống núi. Kim Thái thú và Đinh Hùng vừa xuống tới, Bắc Hiệp liền sai Sử Vân đưa về nhà Sa viên ngoại, rồi xuống gò núi kêu Mạnh Kiệt, Tiêu Xích phụ giải Lam Kiêu lên núi.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,270
Posts: 96237
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Bao Thanh Thiên(Thất Hiệp Ngũ Nghĩa) - Phạm Văn Điểu

Postby tuvi » 12 Aug 2019

Hồi Thứ Chín Mươi Tám
Thấy Mẫu Đơn, Kim Huy càng hối hận,
Nhắc Ngại Hổ, Sa Long nhớ cựu ngôn.

Sử Vân đưa Kim Công và Đinh Hùng về nhà Sa viên ngoại. Trí Hóa và Trương Lập ra nghênh tiếp. Kim Thái thú tạ ơn tháp cứu. Trí Hóa cũng cho biết là phu nhân và tiểu thư đều bình yên. Trà nước xong, Trương Lập mời Thái thú đi vào nhà trong cùng phu nhân gặp gỡ.

Lúc ấy chị em Phụng Tiên nghe tin Mẫu Đơn nhận được mẹ, bèn tới mừng, kế Thái thú vào, bèn lật đật dắt nhau vào phòng ẩn mặt, còn phu nhân bước ra nghênh tiếp. Thái thú vào ngồi, thuật rõ sự tình lúc bị bắt. Hà phu nhân nói: "Thật chúng ta có phước, nên nhờ ân nhân tháp cứu vẹn toàn". Hai ông bà đương nói chuyện, bỗng nghe Kim Chương nói: "Trong sự may này lại có một sự đáng mừng lắm cha à!" Thái thú hỏi: "Việc gì mà đáng mừng?". Hà phu nhân bèn đem việc mẹ con nhận nhau mà thuật lại. Kim Thái thú nghe nói lấy làm lạ rằng: "Không có lẽ vậy! Mẫu Đơn nào nữa đây?". Nói đoạn móc túi đưa thư của Thiệu Công cho phu nhân coi. Phu nhân xem xong bèn nói: ”Nguyên ban đầu Mẫu Đơn không chịu lìa nhà, nên bà * bày mưu cho Giai Huệ giả làm tiểu thư, mà Mẫu Đơn giả làm liễu hoàn. Đến lúc gặp nạn, Mẫu Đơn nhào xuống sông nhờ vợ chồng Trương Lập cứu sống tới nay. Nếu không tin xin xem quần áo của Mẫu Đơn mặc trong lúc nhào xuống sông mà Lý Thị mới đem lại đó, xem có phải là đồ liễu hoàn mặc hay không?". Kim Công lật đật lấy quần áo mà xem, thời đúng vậy, ngạc nhiên nghĩ thầm rằng: "Cứ như sự ấy mà xét, thời vuông khăn và tuội Kim Ngư của Xảo nương có được, biết đâu là chẳng phải của con này gây chuyện? Lại cây Ngọc Xoa ta đã giở rương lấy ra mà Thi sinh cũng dường như không hay biết sợ sệt chi hết. Chắc trong ấy có tình tệ sao chớ chẳng không. Thế mà ta lỡ giận làm tủi nhục cho hai đứa nó rồi, nay hối hận lắm". Kim Thái thú nghĩ như vậy bèn hỏi Hà phu nhân rằng: "Bây giờ con Mẫu Đơn ở đâu?". Phu nhân đáp: "Nó mới ở đây, nghe có ông vào liền đi qua phòng mẹ nuôi nó rồi". Kim Công nhớ lại lúc mình ép con tự tận thời ăn năn lắm, lập tức sai kêu Mẫu Đơn ra mắt mình. Thấy nàng ăn mặc bộ vải, giắt trâm gai thời nghĩ tới lúc lụa là xoa xuyến, bỗng cảm động nói rằng: "Mẫu Đơn con ôi! Cha đã tệ mà phạt con đến cơ sự này". Mẫu Đơn nghe cha nói khóc òa nhào lăn dưới đất, Kim Thái thú lật đật đỡ đậy mà rằng: "Con ơi! Những việc đã qua rồi, chỉ vì cha không xét kịp mà ra, thôi con nín đi". Nói rồi căn dặn phu nhân thay đổi y phục cho Mẫu Đơn còn mình đi ra nhà trước.

Kim Thái thú ngồi được một lát, bỗng có gia đinh vào thưa rằng: "Sa viên ngoại đã về đến". Trí Hóa và Trương Lập nghe thưa liền ra nghênh tiếp. Sa Long vào làm lễ Thái thú, Thái thú đáp lễ lại và tạ ơn cứu nạn và hỏi tới việc lên sơn trại thế nào?”. Bắc Hiệp thưa: "Chúng tôi giải Lam Kiêu lên trên, phân phát tất cả những đồ đạc của cải, từ vật lớn tới vật nhỏ cho lâu la, không để lại một tí nào, còn dinh trại của chúng nó thời chất lửa thiêu cháy cả. Nay Lam Kiêu đương giam tại viện mé tây, xin Thái thú luận tội phát lạc". Kim Thái thú đáp: "Bổn chức rất may, nhờ các vị ân công cứu nạn, lại bắt được đầu đảng giặc, vậy chờ tới nhậm sở sẽ dâng sớ lên Thiên tử, và giải tặc về phủ Khai Phong cho Bao tướng thẩm vấn". Các vị anh hùng đều bằng lòng, cùng bàn luận phương thế hộ tống Kim Thái thú đi Trường Sa và nghĩ cách ngăn ngừa dư đảng của Lam Kiêu.

Bàn tính vừa xong xuôi, Trương Lập ra nói nhỏ vào tai Sa Long. Sa Long liền kiếu vào trong.

Sa Long vào, Thu Quỳ và Phụng Tiên đem câu chuyện của Mẫu Đơn mà thuật lại. Sa Long bèn nói: “Phải ta thật không lầm, diện mạo như thế ấy, cử chỉ như thế ấy mà con nhà hèn sao được?". Thu Quỳ hỏi: "Nay Mẫu Đơn tiểu thư đã nhận mẹ rồi, có ở lại nhà mình nữa, hay là đi theo quan Thái thú vậy cha?". Sa Long nói: "Phải đi theo cha mẹ của nó, chớ lẽ nào lại giữ một mình nó ở lại đây sao?". Thu Quỳ nghe nói vừa khóc vừa chạy đi kiếm Mẫu Đơn kéo áo nói rằng: "Thơ thơ ôi! Bây giờ thơ thơ sắp sửa ra đi, chắc tôi buồn chết". Mẫu Đơn thấy vậy cũng khóc theo. Hà phu nhân khuyên rằng: "Thu Quỳ ơi! Nàng không nỡ lìa Mẫu Đơn, ta cũng không nỡ lìa nàng, vậy đợi ta tới nơi, sẽ sai người tới rước. Ta thương nàng lắm muốn nhận nàng làm con nuôi, nàng có chịu không?". Thu Quỳ nín khóc đáp rằng: "Nếu phu nhân có lòng thương đến, tôi đâu dám chối từ. Vậy xin mẹ lên ngồi cho con lạy ra mắt". Nói rồi liền cúi đầu lạy. Hà phu nhân liền đỡ dậy, rồi sai liễu hoàn đem trâm, hoa, y phục cho Thu Quỳ thay đổi, Mẫu Đơn lại tặng cho chị em Phụng Tiên rất nhiều đồ nữ trang. Hai người cảm tạ lắm.

Tiệc tùng ăn uống xong, Kim Thái thú liền viết một phong thư gói cái khăn và Kim Ngự, giao cho Đinh Hùng đem về dâng cho Thiệu Ban Kiệt, dặn tra xét việc Mẫu Đơn cho kỹ càng, rồi thưởng Đinh Hùng hai mươi lượng bạc.

Thu Quỳ liền đem việc Hà phu nhân nhận mình làm con nuôi thuật lại cho Sa Long nghe và thưa rằng: ”Mẫu Đơn muốn lạy cha và Thái thú, xin cha ra mời ngài vào". Sa Long ra mời Thái thú vào, Mẫu Đơn tiểu thư liền lạy Sa Long mà đáp ơn nuôi dưỡng, rồi mới lạy cha. Thu Quỳ cũng lạy Thái thú nhận là cha nuôi. Phụng Tiên cũng tới ra mắt Thái thú. Ai nấy đều vui mừng, duy tội nghiệp cho Lý Thị, đứng một bên mà cặp mắt ướt rượt. Mẫu Đơn thấy vậy liền thưa với Thái thú rằng: "Thưa cha, tính mạng con mà còn tới ngày nay là nhờ cha mẹ nuôi con đây, vả lại cha mẹ nuôi của con tuổi già, dưới gối không người kế tự. Xin cha rộng lòng đem người theo cùng để con được đáp chút ơn sâu. Kim Công khen phải, liền bảo vợ chồng Trương Lập thu xếp hành lý sáng ngày cùng đi Tương Dương.

Kim Công ra tới nhà ngoài thấy yến tiệc đã dọn sẵn thời trong lòng không yên. Sa Long nói: "Xin mời Thái thú ngồi trên, các anh em thứ tự ngồi vào tiệc, tôi sẽ cắt nghĩa tiệc này là có bốn điều vui cho mà nghe!”. Ai nấy ngồi xong, Tiêu Xích nói rằng: "Đại ca cứ nói, hễ một điều vui thời tôi xin uống một chén rượu mừng". Sa Long liền nói: "Vui thứ nhất là Thái thú đoàn viên với gia quyến, lại gặp tiểu thư". Tiêu Xích nói: "Phải, đáng vui, đáng mừng, tôi uống một chén". Sa Long nói tiếp: "Vui thứ nhì là theo lời hứa cũ, nay đã gặp đủ Âu Dương huynh và Trí hiền đệ, vậy thời bàn đến việc của con gái tôi, chúng ta sẽ thông gia với nhau, chỉ còn đợi sính lễ là đủ, thế là vui". Tiêu Xích nói: "Phải lắm, việc này vui lắm, tôi uống hai chén, đại ca nên rót cho Âu Dương huynh và Trí huynh mỗi người một chén đi". Sa Long nghe lời làm theo, Bắc Hiệp và Trí Hóa cũng rót rượu mời lại. Đoạn Sa Long nói tiếp: "Vui thứ ba là mai này Thái thú vinh nhậm, chúng ta vui chén tiễn hành". Tiêu Xích nói: "Thế cũng vui, tôi uống một chén mừng cho ngài". Mạnh Kiệt hỏi: "Còn cái vui thứ tư là gì?". Sa Long nói: "Nay Thái thú nhận con tôi làm con nuôi, ấy là càng thân, Âu Dương huynh và Trí hiền đệ định con tôi làm dâu, cũng là thân. Trương lão đã nhận tiểu thư làm con gái, đối với Thái thú cũng là thân, nội đây tính lại đều là người thân, thế thì không vui lại là gì?". Tiêu Xích nghe dứt mà không uống. Triệu Huệ hỏi: "Sao Tiêu nhị ca lại không uống?". Tiêu Xích nói: "Mấy người thân gia thời họ uống với nhau, tôi ăn thua gì mà uống rượu mừng?". Đinh Triệu Huệ nói: "Nhị ca tính trật con toán rồi! Sau này cháu ta xuất giá, thời chúng ta cũng kèm vào làm thân gia". Ai nấy nghe nói đều cười.

Mãn tiệc, ai nấy đều yên nghỉ. Qua ngày sau Kim Thái thú từ giã lên đường, Trí Hóa theo hộ tống. Còn Phụng Tiên, Thu Quỳ không nỡ lìa Mẫu Đơn, mà Mẫu Đơn cũng không đành xa hai nàng, bịn rịn thật lâu mới đành buông gạt lệ. Trí Hóa lại căn dặn phải gìn giữ Lam Kiêu cho cẩn thận, chờ tấu sớ đem tới sẽ giải về Đông Kinh. Bắc Hiệp cũng dặn Trí Hóa lúc đi đường nên tuần phòng cẩn thận.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,270
Posts: 96237
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Bao Thanh Thiên(Thất Hiệp Ngũ Nghĩa) - Phạm Văn Điểu

Postby tuvi » 12 Aug 2019

Hồi Thứ Chín Mươi Chín
Thấy lạ sinh nghi, theo dò thích khách,
Dọc đường khéo gặp, tra hỏi thư đồng.

Ngại Hổ từ khi rời khỏi Ngọa Hổ Câu cố ý tới Tương Dương, nhưng vì mấy ngày ở nhà Sa Long không được uống rượu cho nhiều, nên ngày đầu vừa gặp quán nhậu uống say mèm đi không được, ngày thứ nhì cũng vậy, qua ngày thứ ba tỉnh ngộ rằng: "Nếu ta cứ như thế mãi, rồi đây e lỡ dở như lúc tới Ngọa Hổ Câu, vậy ta phải đi riết mới được!”. Nghĩ như vậy bèn đi suốt đêm. Tới sáng gặp kẻ đi đường hỏi thăm mới hay đi lạc năm sáu chục dặm. May có người thông thạo đường lối chỉ bảo giùm cho rành rẽ, Ngại Hổ mới theo lộ Tương Dương mà đi. Vì Ngại Hổ đi lạc nên mới không gặp bọn Bắc Hiệp về Ngọa Hổ Câu.

Ngại Hổ tới Tương Dương dò hỏi, thời không ai biết có Bắc Hiệp tới, vì Bắc Hiệp, Trí Hóa, Đinh Triệu Huệ tới đó, sợ người dò biết mà sinh nghi, nên cứ ở tạm trong đình, chùa còn Ngại Hổ thời cứ nhà trọ, quán, tiệm mà hỏi nên không ai biết được. Ngại Hổ tìm trót ngày không được, bèn mướn phòng ở trọ, đoạn thong thả đi dò la. Tới đâu cũng nghe người nói: “Thánh thượng mới phái một vị Tuần án xét việc Tương Dương, quan ấy họ Nhan người chính trực, lại là môn sinh của Bao thừa tướng, chừng nào tới đây, oan uổng của chúng ta mới được rõ tường". Có một lần Ngại Hổ nghe hai người nói thầm, ngồi một bên mà nghe không rõ, bèn giả đò ngủ gục, hai người ấy không để ý, bèn nói tiếng hơi to lên, Ngại Hổ nghe rõ chúng nó đương bàn bạc về việc Tương Dương Vương lập Minh thư, cất lầu Xung Tiêu, lập trận Đồng Võng như thế nào, nghe không sót một lời.

Ngại Hổ dò la như thế, ước ba bốn ngày, song không có tin tức gì lạ hơn nữa, chỉ có mỗi ngày rình mò gần vương phủ, khi thời đi rảnh, khi thời lên tửu lầu uống rượu. Ngày nọ, lúc Ngại Hổ đương uống rượu trên tửu lầu để mắt ngó qua vương phủ, (phủ Tương Dương Vương Triệu Tước) bỗng thấy có hai người cưỡi ngựa tới trước phủ, buộc ngựa đi vào, một lát lâu cùng đi ra, mở ngựa so cương. Một người vừa nhảy lên ngựa, một người mới nắm hàm thiếc, trong phủ chạy ra một người giơ tay ngoắc, rồi chạy tới kề tai nói nhỏ bộ dạng rất hớt hải. Ngại Hổ thấy vậy sinh nghi, vội vàng tính tiền trả họ, rồi chạy xuống lầu, theo hai người nọ. Tới chỗ đường rẽ, chỉ nghe một người nói: "Chúng ta sẽ hội nhau tại trấn Thập Lý Bao ngoài cửa Trường Sa!”. Nói rồi quất ngựa, kẻ rẽ qua đông người rẽ qua tây mà đi.

Đó là hai dũng sĩ trong quán Chiêu Hiền lúc trước, một người là Phương Thiều, lúc vào địa lao vác gái bị Bắc Hiệp chém đao phải bỏ chạy không dám trở lại quán Chiêu Hiền nên qua đầu thân bên Tương Dương. Còn một người là Tiêu gia các Trẩm Trọng Nguyên khi Bắc Hiệp bắt Mã Cường thời Trọng Nguyên giả bệnh không ra, kế thấy bọn du côn bàn việc qua đầu Tương Dương Vương thì nghĩ thầm rằng: "Nay ta đã biết Tương Dương Vương đem lòng bội phản, sẵn dạ bất thần, song ta cũng giả dại chôn mình vào chốn bùn nhơ, dò xét tình mưu. Nếu sau này triều đình ra binh chinh phạt, ta sẽ làm nội ứng ứng cứu nước cứu dân, há chẳng hay lắm sao?". Nghĩ vậy nên đồng ý với chúng, qua đầu Tương Dương Vương.

Phàm kẻ hiệp khách nghĩa sĩ, thường hành động khác nhau: như Trẩm Trọng Nguyên thời thật là khó, tự mình đã phải chịu cái danh giúp giặc làm càn. Trước mặt Tương Dương Vương, Trọng Nguyên vẫn giả bộ phụ họa theo chúng, chứ không hề bàn mưu định kế gì, lại dùng cái thông minh của mình để dò xét nội tình chúng. Đến như Bắc Hiệp và Nam Hiệp kia, đi tới đâu đến cứu khốn phò nguy, ai chẳng gọi là người nghĩa hiệp thế mà sánh với Trọng Nguyên lại dễ dàng hơn, không thể bì kịp. Vì Trọng Nguyên thời phải tùy cơ ứng biến, quỷ trá đa đoan, đến lúc việc đã xong, rồi mới được đứng vào hàng nghĩa hiệp. Thế chẳng phải là việc khó khăn hay sao?

Trẩm Trọng Nguyên cùng đi với Phương Thiều chuyến này để lo việc trọng đại. Nhân bởi Lam Kiêu bị bắt, của cải bị phân phát cả cho lâu la, nên có một hai đứa vô lại chạy về Tương Dương bẩm báo. Gian vương nghe tin bèn tới Tập hiền đường thương nghị với đồ đảng rằng: "Nguyên cô gia có gửi cho Lam Kiêu một bức thư, sai bắt Kim Huy đem về sơn trại, tìm cách dụ dỗ cho về hàng, bằng không thời giết, làm vậy khỏi mất công về sau, ai dè nay Lam Kiêu bị Bắc Hiệp bắt, vậy các ngài nghĩ thế nào?". Trong bọn đồ đảng có một vị minh công bẩm rằng: "Dù có giết được Kim Huy cũng chưa xong việc. Hiện nay Thánh thượng khâm phái Nhan Xuân Mẫn tuần án Tương Dương, lại đổi Thiệu Ban Kiệt làm Thái thú Trường Sa, mấy người đó chẳng phải là bậc tầm thường. Nay tôi có một kế hại cả ba người". Gian vương nghe nói cả mừng hỏi: "Sao gọi là một kế hại cả ba?". Minh Công bẩm: "Kim Huy ắt đi đường từ Trường Sa ngang qua Thập Lý Bao, chỗ đó là nơi nghênh tiếp quan viên, vậy nên phái người có võ nghệ giỏi tới thừa lúc canh khuya đâm chết Kim Huy đi, nếu việc thành thời Thiệu Ban Kiệt cũng khó đứng vững vì Kim Huy tới địa phận của Ban Kiệt mà bị thích khách, thời tài gì mà y không bị tội. Rồi ta đem tên thích khách về giấu kín trong vương phủ lại dâng sớ lên tâu rõ việc ấy, Nhan Xuân Mẫn là tuần án Tương Dương mà Thái thú Tương Dương bị thích khách, tất phải tìm hung thủ, tìm mãi không được ắt Thánh thượng gia tội chẳng sai. Chừng ấy chẳng những là học trò của Bao Công, mà dẫu là con của Bao Công không cũng khỏi tội". Gian vương nghe nói cả mừng, cười ha hả rồi phái Phương Thiều đi làm việc ấy. Trẩm Trọng Nguyên thấy Minh Công dâng kế rồi tỏ ra tương đương đắc ý, thời trong bụng cười thầm, biết là kế đeo lạc cho mèo không ra gì, song e nhỡ sự thành thời hại cho người trung liệt, bèn đứng dậy thưa rằng: "Bẩm thiên tuế, việc ấy là việc trọng, một mình Phương Thiều đi e không đủ sức, xin cho tôi theo phụ trợ một tay". Gian vương ưng thuận, ban cho hai người một cặp ngựa mã. Hai người tới tàu ngựa bắt ngựa ra để ngoài phủ, gian vương còn sai kẻ tâm phúc chạy ra dặn rằng: "Việc dầu nên hay không cũng mau mau trở về". Hai người gật đầu rồi cho ngựa về chỗ ở thâu góp hành lý, cho nên khi ra tới đường rẽ, hẹn hò nhau sẽ tới Thập Lý Bao tựu hội.

Ngại Hổ nghe được mấy lời, lật đật trở lại nhà trọ trả tiền phòng, rồi đi riết ra Thập Lý Bao. Ngại Hổ định sẽ tới đó trước, yên nghỉ một đêm rồi sẽ đi dò la tin tức, nên không kể ngày đêm, cứ việc đi mãi. Tới nơi mướn phòng ở trọ, rồi đi tìm hai người kia. Tới một nơi, thấy có nhà tiếp quan, treo cờ kết hoa, dọn dẹp rất đẹp. Ngại Hổ hỏi thăm mới biết Kim Thái thú vâng chỉ ra nhậm Tương Dương, nay đi ngang qua đây, Thái thú Trường Sa là Thiệu Ban Kiệt dọn nghi lễ tiếp rước. Và mai Kim Thái thú sẽ tới công quán.

Ngại Hổ nghe rõ các việc, bỗng hiểu ngay rằng: "À, phải rồi, hai người đó có ý vào công quán làm gì đây, vậy ta phải tới rình đợi chúng nó". Đương còn suy nghĩ, nghe có tiếng kêu rằng: "Nhị gia đi đâu đó?". Ngại Hổ liền ngước mắt lên xem, thời là Cẩm Tiên, bèn hỏi: "Ngươi đi tới đây làm gì?". Cẩm Tiên nói: "Câu chuyện rất dài, xin mời nhị gia lên lầu, tôi sẽ bẩm rõ". Ngại Hổ bèn nhận lời, nắm tay Cẩm Tiên lên lầu, lựa chỗ vắng khuất mà ngồi. Cẩm Tiên lấy lễ chủ tớ nên cứ đứng ké né mãi. Ngại Hổ cho phép ngồi chung rồi kêu nhà hàng đem rượu thịt lên cùng nhau ăn uống.

Ngại Hổ hỏi thăm tới Thi Tuấn, Cẩm Tiên thưa rằng: "Chủ tôi nay đương ở trong nhà quan Thái thú Trường Sa đây”. Ngại Hổ hỏi: "Chủ tớ ngươi lên trên Kim lão gia ở Cửu Tiên Kiều, mà nay sao lại ở đây?". Cẩm Tiên bèn thuật chuyện lúc còn ở lại nhà Kim Công thế nào, vì sao mà mình tự vẫn gặp Tưởng gia cho tiền, tới lúc vỡ án, ở tại nhà Thiệu Thái thú và cưới vợ thế nào. Ngại Hổ nghe nói vỗ tay cười rằng: “Thiệu lão gia tính việc hay quá, nay ta đã có chị dâu rồi". Cẩm Tiên nói: "Nhị gia chưa rõ việc lạ trong đám cưới ấy" Ngại Hổ hỏi: "Thế nào là lạ?". Cẩm Tiên bèn thuật việc cô dâu giả, và khi Đinh Hùng đem thư cho Kim Thái thú, Thái thú có viết thư đáp rằng: "Mẫu Đơn tiểu thư nhân bị bệnh tới huyện Đường uống thuốc, lúc đi thuyền ham xem trăng nên đã té xuống sông rồi, chớ còn có Mẫu Đơn nào nữa". Ngại Hổ nghe nói chưng hửng hỏi: "Vậy việc ấy nguyên do thế nào?”. Cẩm Tiên liền kể chuyện mình và Giai Huệ giả tay ông Tơ, tưởng buộc hai người nên duyên, ai dè sinh họa, nói rõ cho Ngại Hổ nghe. Ngại Hổ nghe xong, hỏi: ”Vậy nay Thiệu lão gia được thư của Kim Công, không tra hỏi việc đó sao?".
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,270
Posts: 96237
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Bao Thanh Thiên(Thất Hiệp Ngũ Nghĩa) - Phạm Văn Điểu

Postby tuvi » 12 Aug 2019

Hồi Thứ Một Trăm
Tiếp quan quyến, Giai Huệ gặp tiểu thư,
Sắp thích khách, Phương Thiều mất bảo kiếm.

Cẩm Tiên nghe Ngại Hổ hỏi bèn đáp: "Có lẽ nào lại chẳng hỏi? Khi Thiệu Công được thư của Kim Thái thú bèn kêu chủ tôi tới hỏi một lượt, rồi đưa thư ấy cho coi, ngoài bức thư ấy lại còn một gói đồ. Chủ tôi xem xong cầm đi riết về phòng đưa cho bà chủ giả của tôi coi, thời là một cái khăn thêu hoa phù dung, một cái tuội kim Ngư và một cây ngọc xoa. Chủ tôi thấy trong khăn có bốn câu kinh thi bèn hỏi chữ ai đề, thời bà chủ giả của tôi đáp là của bà viết". Ngại Hổ hỏi: "Ủa! Vậy người đó là ai?". Cẩm Tiên nói: "Chẳng ai lạ, ấy là Giai Huệ liễu hoàn đó”. Ngại Hổ hỏi: ”Sao Giai Huệ lại giả mạo tiểu thư như vậy?". Cẩm Tiên bèn thuật việc đổi y phục giả dạng chủ làm tớ, tớ thay chủ cho Ngại Hổ nghe. Ngại Hổ lại hỏi: "Còn chủ mi nghe Giai Huệ nói mình đề thơ trong khăn rồi nghĩ sao?". Cẩm Tiên nói: "Giai Huệ chịu rằng: Hai câu trước thiếp viết còn hai câu sau chàng nối. Chủ tôi nghe nói lấy lạ, vì thật chủ tôi không có viết nên khi ổng nhìn kỹ bút tích hiểu là của tôi viết, bèn kêu tôi ra hỏi. Thôi! Tam tào đối án còn chối gì nữa. Tôi phải chịu viết hai câu sau, vì vậy chủ tôi rầy một trận đích đáng, rồi tỏ đầu đuôi câu chuyện lại cho Thiệu Công nghe. Thiệu Công đã không lấy làm lạ, lại khen tôi là đứa có lương tâm, thương tiếc tiểu thư bạc mệnh. Từ ngày ấy đến nay, Giai Huệ sầu não thương nhớ tiểu thư nên sinh bệnh, chủ tôi cũng cảm động nên sai tôi đi sắp các vật tế lễ. Nhân dịp ngày mai Thiệu Công tiếp Kim Thái thú, chủ tôi và Giai Huệ ngồi thuyền ra sông truy tế gọi là đáp chút tình xưa”.

Ngại Hổ nghe Cẩm Tiên thuật hết câu chuyện thời than thở tiếc thương cho người hồng nhan bạc mệnh, chớ nào dè tiệc mừng của Trương Lập được con tại Lục Ạp Na mà mình có dự lúc trước ấy, tức là lễ mừng của Mẫu Đơn tiểu thư được người cứu nạn đâu! Ngại Hổ và Cẩm Tiên ăn uống xong, trả tiền xuống lầu Cẩm Tiên mời Ngại Hổ vào nhà, cùng Thi Tuấn họp mặt. Ngại Hổ nhận lời chờ Cẩm Tiên đi mua đồ lễ vật xong, hai người bèn về nhà, Thi Tuấn tiếp đãi Ngại Hổ rất tử tế.

Hôm sau Thi Tuấn nghe Thiệu Công đi tiếp Kim Thái thú bèn cùng Giai Huệ, kẻ ngựa người kiệu ra tới mé sông, đặt bày bàn lễ, thay đồ trắng, vái cúng, khóc lạy rất là bi thảm. Đương lúc cúng tế, thoạt thấy xa xa có một đoàn thuyền quan đi tới, trong thuyền đi đầu tức là chiếc thuyền gia quyến của quan, có một ả liễu hoàn ló mặt ra cửa mui dòm, bên cạnh có một vị tiểu thư, mé trong có một bà, và một cậu công tử. Thuyền ấy lần lần đi tới, mấy người đó đều nhìn lên bờ thấy Thi Tuấn đứng khoanh tay, Giai Huệ đương gạt lệ. Vị tiểu thư nhìn một lát lâu bèn nói với cậu công tử rằng: "Này em, em xem vị phu nhân trên bờ đó giống hệt Giai Huệ?". Cậu công tử chưa kịp trả lời thời phu nhân nói: "Thế gian thiếu chi người diện mạo giống nhau, sao con lại chắc là Giai Huệ được". Vị tiểu thư làm thinh.

Chẳng mấy lúc thuyền tới bến, ai nấy lên bờ ngồi kiệu thẳng vào công quán, kế thấy Kim Công vừa tới, đã có Thiệu Ban Kiệt đem các ti lại ra nghênh đón, hai bên chào hỏi, tỏ nỗi hàn huyên. Thiệu ban Kiệt bèn đem rõ việc Cẩm Tiên và Giai Huệ giả tay Nguyệt lão, nhưng xe tơ vụng về, gây ra họa hại cho Thi Tuấn, Mẫu Đơn mà thuật lại. Kim Huy ghe rõ đầu đuôi càng ăn năn lắm. Tiệc mãn, Thiệu Công từ giã ngồi kiệu về nha, lúc ấy Thi Tuấn đã về trước rồi, tới thư phòng không thấy Ngại Hổ thời lấy làm lạ bèn đi vào nhà trong lại mất Giai Huệ. Đến chừng hỏi ra mới biết Giai Huệ nghe có Mẫu Đơn tiểu thư tới, nên đã đi ra công quán mà hầu rồi. Thi Tuấn thấy lòng Giai Huệ như vậy thì vui mừng lắm. Thiệu Công trở về, Thi Tuấn bèn vào thư phòng ra mắt. Thiệu Công thấy Thi Tuấn vào bèn cho ngồi rồi nói: "Bữa nay ta giáp mặt Kim huynh, tỏ bày các điều về việc hôn nhân của cháu. Kim huynh đã không lấy làm lạ lại dặn cháu nên theo qua Tương Dương sẽ tính việc hoàn nhân, vậy cháu nên nghe theo là phải". Thi Tuấn dạ dạ vâng lời, rồi kêu vào thi phòng thời Giai Huệ cũng mới về đến, thuật rõ câu chuyện Mẫu Đơn tiểu thư bị nạn được cứu cho chàng nghe. Thi Tuấn lòng mừng, song giả như người vô tình vậy. Kim Huy Thái thú ở lại công quán đàm đạo cùng Trí Hóa. Tới canh hai Trí hóa liền kiếu trở về phòng nai nịt hẳn hoi, đi vòng ra mé trước tuần phòng y như thường lệ. Trí Hóa vừa tới mé cửa trước thoạt thấy có bóng người, bèn mọp xuống bò theo, bò tới phòng mé đông liền nhảy lên nóc, bò trở lại phòng mé bắc, thời thấy có người đương núp trên ấy, tay nắm cây cui, chân quỳ xuống ngói, dòm vào trong quán. Trí Hóa thấy vậy bèn nghĩ thầm rằng: "Người này tới đây ắt phải việc chẳng lành, vậy ta nên rình xem nó làm gì". Đương nghĩ, bỗng thấy có người hình vóc nhỏ, gọn gàng bò tới sau lưng người đương quỳ núp kia, lén thò tay rút miếng gạch dưới chân bên tả, làm cho người kia trượt dài ra, ló cán gươm, bèn lén rút rồi bò đi chỗ khác.

Trí Hóa thấy vậy yên lòng lắm, chỉ ngồi đối diện mà rình thôi. Ai dè một lát người kia thò tay rút gươm thời chỉ còn cái vỏ không, bèn nói nhỏ rằng: “Không xong rồi". Vừa dứt tiếng thời có một lưỡi dao chém tới, người núp kia nhào lăn xuống đất.

Người bị chém đó là ai? Đó là Trại Phương Sóc Phương Diêu. Còn người rút gươm đó là ai? Tức là Tiểu Hiệp Ngại Hổ vậy. Ngại Hổ chém Phương Diêu rồi liền la lớn rằng: "Có thích khách?". Bỗng có tiếng la tiếp rằng: "Đằng này cũng có thích khách". Ngại Hổ nghe như vậy bèn nhảy qua đầu tường đi lần tới, vừa tới mé tây, bỗng thấy trước mặt nhoáng một cái, bèn giơ gươm lên đỡ. Người chém ấy khen rằng: "Giỏi! Tôi xin kiếu, sau sẽ gặp". Nói dứt, liền nhảy xuống chạy đi. Ngại Hổ cũng nhảy xuống rượt theo, tới cụm rừng dòm kiếm dáo dác, bỗng nghe tiếng hỏi rằng: "Có phải trò Ngại Hổ đó không?". Ngại Hổ liền trả lời rằng: "Phải, bẩm thầy có tên thích khách chạy vào đây không?". Trí Hóa chưa kịp trả lời, có người bước tới nói rằng: "Trí huynh, tôi là tên thích khách đây". Trí Hóa nhìn lại thời là Tiêu gia các Trẩm Trọng Nguyên nên không nỡ bắt, bèn hỏi rằng: "Bây giờ hiền đệ ở đâu?". Trọng Nguyên nói: "Đầu thân vào Tương Dương Vương chờ thời vận. À người nhỏ này là đồ đệ của Trí huynh phải không? Thật đáng khen biết mấy, nhảy tường cũng giỏi, trộm gươm cũng hay, đao chém thình lình mà đỡ được, thật bực anh tài ít có!". Trí Hóa nghe Trọng Nguyên khen Ngại Hổ thời cả cười rồi nói: "Như vậy thật cũng là may, bởi tôi vụng tính một chút, thoảng như hiền đệ cắt người mai phục tại đây, chắc tệ đồ mang khổ". Trẩm Trọng Nguyên cả cười. Trí Hóa lại hỏi Trọng Nguyên rằng: "Sao hiền đệ lại đem thân vào đầu Tương Dương Vương làm gì?". Trọng Nguyên nói: "Nhân huynh hỏi như vậy thời chưa đúng là tay hiệp nghĩa. Nay nhân huynh biết Tương Dương Vương mưu nghịch, mà cứ đối diện giao phong e chưa trọn thắng nếu không có tiểu đệ ẩn núp ở trong, thời ấy ai tỏ cho ở ngoài biết hoạt động của gian vương được". Trí Hóa nói: ”Như lời hiền đệ nói như vậy thời hơn bọn tôi nhiều lắm". Trọng Nguyên nói: "Phân hơn kém mà làm gì, đã chẳng lo quân yên dân được thời cũng nguyện lấy hai chữ "nghĩa hiệp" làm bổn phận là đủ”. Trí Hóa nói: "Như vậy càng hay, sau này phỏng có việc gì, xin hiền đệ hết lòng giúp sức". Trọng Nguyên nhận lời rồi cùng nhau chia tay từ giã, kẻ lại Tương Dương người về công quán.

Trí Hóa và Ngại Hổ trở lại công quán, đã thấy tuần canh giải Phương Diêu cho Kim Thái thú thẩm vấn rồi. Phương Diêu là tay anh hùng rơm nên khi ra tới nơi công pháp liền mất máu lạnh lòng, khai không sót điều gì. Kim Thái thú lấy khẩu cung của Phương Diêu xong sai điệu xuống ngục cắt người canh giữ. Trí Hóa đem Ngại Hổ vào ra mắt Kim Thái thú, thuật chuyện Tiểu Hiệp bắt thích khách cho ngài nghe. Thái thú cám ơn lắm.

Sáng ngày Kim Thái thú vào nhà tạ lễ Thiệu Công, đem việc thích khách lúc đêm thuật lại. Thiệu Công sai tả hữu đem Phương Diêu hỏi lại một lượt, phù hợp với khẩu cung lắm, bèn lật đật xuống trát cho huyện, gởi giam Phương Diêu vào ngục, rồi cho mời Trí Hóa và Ngại Hổ vào ra mắt Thiệu Công. Thiệu Công cũng xin cho Thi Tuấn vào ra mắt Kim Thái thú. Kim Thái thú trông thấy Thi Tuấn liền nhận những việc lỗi lầm trước đều tại mình nóng giận mà ra. Thiệu Công và Kim Thái thú lấy khách lễ mà đãi Trí Hóa và Ngại Hổ. Thi Tuấn gặp mặt Ngại Hổ bèn hỏi: "Hồi hôm hiền đệ đi đâu mà không nói?". Ngại Hổ nói: "Vì đi dò la bọn thích khách nên chưa kịp cho hay". Kim Công hỏi: "Sao hai người lại quen biết nhau?”. Thi Tuấn bèn kể lại chuyện kết bạn lúc trước cho hai Thái thú nghe, rồi hỏi Ngại Hổ rằng: “ Sao hiền đệ biết có thích khách mà phòng?". Ngại Hổ bèn thuật lại lúc rình mò vương phủ, nghe lén câu chuyện của hai người thích khách ước hẹn nhau... Ai nấy nghe nói đều khen. Thiệu Công bèn sai người bày tiệc rượu, cùng nhau chuốc chén và chuyện trò.

Khi uống rượu, Kim Công bảo Thi Tuấn theo mình qua Tương Dương tính cho xong duyên trước. Thi Tuấn thưa rằng: "Vì xa nhà đã lâu, xin hoãn về thăm cha mẹ, rồi trở ra định việc đuốc hoa, nay xin để Giai Huệ cùng đi theo tiểu thư, chẳng rõ ý đại nhân liệu nghĩ thế nào?". Kim Công nói: "Lời phân ấy rất phải, ta đâu có lẽ chẳng nghe theo". Trí Hóa nói: "Công tử về quê chắc ít lâu cũng trở lại, nên để Tiểu Hiệp đi theo cho tiện". Thi Tuấn nói: "Đâu dám làm nhọc Ngại hiền đệ". Ngại Hổ nói: "Tôi muốn theo minh huynh về viếng song thân thời còn nhọc gì". Thiệu Công thấy vậy vui lòng bảo Đinh Hùng sắm sửa hành lý, dặn dò lúc đi đường phải cẩn thận. Rồi Thi Tuấn, Ngại Hổ từ giã hai quan Thái thú và Trí Hóa mà lên đường nhắm huyện Trường Lạc đi tới.

Câu chuyện nhân duyên của Mẫu Đơn thế là gần xong, chỉ còn đám cưới, rồi vợ chồng và nàng thiếp hòa thuận với nhau thế là kết thúc câu chuyện Thất Hiệp Ngũ Nghĩa. Còn nhiều vị anh hùng hào kiệt, hiệp khách và nữ tướng trong truyện này có tên mà chưa trổ tài. Chắc còn nhiều chuyện kể tiếp theo mới rõ được.

Hết
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,270
Posts: 96237
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Que Huong

Previous

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 54 guests