Ánh Đèn Giữa Hai Đại Dương - M. Stedman

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 10 Aug 2019

Chương mười bảy

“Chồng chị đã về với Chúa.” Hôm ấy Hannah Roennfedlt cứ lặp đi lặp lại câu nói đó trong đầu. Grace còn sống nhưng Frank đã chết. Cô ước gì mình có thể tin được điều thứ nhất và rũ bỏ điều thứ hai. Frank. Franz. Cô nhớ lại người đàn ông lịch lãm có cuộc đời chìm nổi mà duyên phận run rủi đưa đến gặp cô.
Cú sốc đầu tiên là khi anh mười sáu tuổi, đang sống trong nhung lụa ở Vienna thì người cha cờ bạc nợ nần đến nỗi khiến cả nhà phải bỏ xứ ra đi. Họ đến tận Kalgoorlie, nơi xa nước Áo đến độ tay chủ nợ máu me nhất cũng không thiết đuổi theo. Từ chỗ ăn sung mặc sướng đến cảnh thắt lưng buộc bụng, Frank theo học nghề làm bánh trong tiệm của cậu mợ. Hai người đã tới Australia nhiều năm trước đó, khi vừa tới đã đổi tên từ Fritz và Mitzie thành Clive và Millie. Hòa nhập là chuyện quan trọng, cậu mợ có nói. Mẹ Frank hiểu được điều đó nhưng cha anh, với lòng tự kiêu và tính bướng bỉnh từng đưa đẩy ông đến chỗ đường cùng, kiên quyết không thích nghi với cuộc sống mới. Chỉ chưa đầy một năm sau, ông gieo người xuống đường tàu. Chuyến tàu đi Perth. Frank trở thành trụ cột gia đình.
Vài tháng sau đó, chiến tranh nổ ra, Frank bị bắt giam vì anh là người ngoại quốc có chung gốc gác với kẻ thù. Đầu tiên là ở đảo Rottnest, rồi về phía Đông. Frank như cái cây lại bị nhổ bật gốc, vừa mới chịu tang cha giờ lại bị ghét bỏ vì những việc ờ một nơi xa lắc và hoàn toàn không dính dáng gì đến anh.
Vậy mà anh không hề than vãn, Hannah nghĩ thầm. Frank luôn nở sẵn nụ cười, cởi mở hết lòng. Cô gặp anh lần đầu tiên ở Partageuse năm 1922, khi đó anh vừa đến làm việc ở tiệm bánh.
Cô còn nhớ. Ngay trên con phố chính. Sáng mùa xuân đã có nắng nhưng vẫn còn chút se sắt của tháng Mười. Anh mỉm cười, rồi đưa cho cô một chiếc khăn choàng cổ mà cô nhận ra ngay là của mình đánh rơi.
“Cô để quên trong hiệu sách, mới vừa rồi,” anh nói.
“Cảm ơn anh. Anh tử tế quá.”
“Khăn thêu đẹp quá. Ngày trước mẹ tôi cũng có một cái giống vậy. Lụa Trung Hoa rất là đắt tiền: nhỡ mà mất thì rất tiếc.” Anh gật gù rồi quay bước đi.
“Tôi chưa gặp anh ở đây bao giờ,” Hannah nói. Cô cũng chưa từng nghe một giọng nói quyến rũ như thế.
“Tôi chỉ vừa bắt đầu làm ớ tiệm bánh. Tôi là Frank Roennfeldt. Rất hân hạnh được biết cô.”
“Vậy thì chào mừng anh đến Partageuse, anh Roennfeldt. Tôi mong là anh sẽ thích xứ này. Tôi là Hannah Potts.” Cô xếp lại mấy gói đồ trên tay rồi cố quàng khăn qua vai.
“Để tôi,” anh nói, kéo khăn phủ quanh người cô nhẹ như không. “Chúc cô một ngày tuyệt vời.” Anh lại cười, nụ cười tươi tắn. Ánh nắng đọng trên màu mắt xanh và làm mái tóc vàng của anh ánh lên.
Khi Hannah băng qua đường đến xe ngựa đã đợi sẵn, cô để ý thấy một người đàn bà đứng gần đó liếc cô một cái thật sắc rồi nhổ nước bọt xuống vỉa hè. Hannah thấy sốc, nhưng không nói gì cả.
Vài tuần sau cô lại ghé qua hiệu sách của Maisie McPhee. Khi bước vào Hannah thấy Frank đứng ớ quầy tính tiền, đang bị một bà khách hàng vung gậy vào mặt mắng sa sả. “Thực là quá thể, Maisie McPhee!” bà ta lên giọng. “Cô dám bán cả sách của bọn Đức. Tôi mất một đứa con trai và một đứa cháu vì lũ súc sinh đó, mà cô ở đây còn bán sách để kiếm tiền cho tụi nó, như thể người ta gởi hàng cứu trợ Hồng thập tự.”
Maisie cứng họng không nói được gì. Frank lên tiếng, “Tôi xin lỗi nếu tôi có gì phiền bà. Cô McPhee không có lỗi gì cả.” Anh mỉm cười rồi đưa cuốn sách về phía bà ta. “Bà thấy không? Chỉ là thơ thôi mà.”
“Thơ thẩn quái gì!” bà ta gằn giọng, gõ cây gậy xuống nền nhà. “Bọn đó thì có gì tử tế! Tôi đã nghe là có một tay người Hung vừa đến thị trấn, nhưng tôi không nghĩ anh trơ trẽn tới mức này! Rồi cả cô nữa, Maisie!” Bà ta quay về phía quầy tính tiền. “Cha cô dưới mồ mà biết chuyện cũng làm sao nhắm mắt nổi.”
“Xin bà, tôi vô cùng xin lỗi,” Frank nói. “Cô McPhee à, phiền cô giữ cuốn sách lại. Tôi không có ý phiền ai cả.” Anh đặt tờ giấy bạc mười shilling trên quầy rồi bước ra, lướt qua Hannah mà không thấy cô. Người đàn bà cũng hậm hực đi ra, tiếng bước chân giận dữ trên phố ngược chiều với Frank.
Maisie và Hannah nhìn nhau một lúc, rồi cô chủ tiệm kịp nở nụ cười tươi trở lại, nói. “Cô có đem theo đơn hàng không, cô Potts?”
Khi Maisie đọc tờ đơn hàng, Hannah thơ thẩn nhìn quanh, bắt gặp cuốn sách bị bỏ rơi. Cô thấy tò mò không hiểu làm sao một cuốn sách nhỏ nhắn bọc da màu xanh lá như thế lại khiến bà khách thấy bị xúc phạm đến vậy. Mở sách ra, đập ngay vào mắt cô là dòng chữ kiểu gothic ở trang đầu tiên: “Das Stunden Buch - Rainer Maria Rilke.” Hannah đã học tiếng Đức và tiếng Pháp, từng nghe nói đến Rilke.
“Với cả,” cô nói, lấy ra mấy tờ hai bảng, “phiền cô cho tôi lấy cuốn này luôn được không?” Khi Maisie nhìn cô đầy ngạc nhiên, Hannah nói, “Tới lúc phải quên chuyện cũ rồi, cô không nghĩ vậy sao?”
Cô chủ hiệu gói cuốn sách trong giấy nâu, buộc dây lại. “Nói thật với cô, vậy thì đỡ tốn công tôi gởi trả về Đức. Giờ đâu có ai mua.”
Một lát sau Hannah đặt gói giấy nâu xuống quầy tính tiền ở tiệm bánh. “Phiền anh gởi lại cho anh Roennfeldt. Anh ấy để quên ở hiệu sách.”
“Anh ấy đang ở đằng sau. Để đó tôi đi gọi.”
“Không cần đâu. Cảm ơn anh nhiều,” cô nói rồi bước ra ngay, trước khi anh ta kịp nói thêm gì nữa.
Vài ngày sau đó Frank ghé nhà để cảm ơn cô. Cuộc đời Hannah bước sang một chương mới, ngỡ như không thể nào may mắn hơn được nữa.

Septimus Potts chỉ vừa khấp khởi mừng vì cô con gái đã tìm được ý trung nhân là người trong vùng thì ngay lập tức tiu nghỉu khi biết người đó chỉ là một anh thợ làm bánh. Nhưng ông nhớ lại gốc gác khiêm tốn của chính mình, rồi tự nhủ sẽ không để bụng chuyện anh ta làm nghề gì. Tuy nhiên, khi Septimus phát hiện ra Frank là người Đức, hoặc cũng gần như vậy, từ chỗ tiu nghỉu ông ta trở nên ghê tởm. Những cú nhổ nước bọt khinh bỉ của người dưng sau khi Hannah bắt đầu đi lại với Frank đã khiến cả hai cha con đều trở nên cứng rắn, ai cũng khư khư ý riêng của mình.
Chỉ trong vòng hai tháng căng thẳng lên đến đỉnh điểm. Septimus Potts sốt ruột đi lui tới trong thư phòng, cố tiêu hóa tin dữ vừa nhận. “Con loạn trí rồi sao?”
“Con muốn như vậy, thưa cha.”
“Cưới một tay người Hung!” Ông nhìn bức ảnh Ellen trong khung bạc tinh xảo trên bệ lò sưởi. “Mẹ con sẽ không bao giờ tha thứ cho cha! Cha hứa là sẽ nuôi dạy con nên người…”
“Thì cha đã làm đúng vậy mà, thưa cha.”
“Hẳn phải có gì sai trái, nếu không giờ đây làm sao con dám nói chuyện lấy một tay thợ làm bánh người Đức.”
“Anh ấy là người Áo.”
“Thì khác gì? Không lẽ cha phải dắt con xuống dưới Bệnh viện An dưỡng, chỉ cho con thấy mấy đứa con trai xứ này sau khi bị nhốt hầm khí độc giờ đây chỉ còn biết nói lắp bắp? Chính cha tài trợ cho cái bệnh viện đó chứ ai vào đây nữa!”
“Cha quá hiểu là Frank còn không đi lính - suốt thời gian đó anh ấy bị bắt giam. Anh ấy chưa bao giờ hại ai cả.”
“Hannah, tỉnh lại đi. Con cũng ưa nhìn. Xứ này thiếu gì đứa tử tế, mà cả ở Perth, rồi Sydney hay thậm chí là Melbourne nữa, thiếu gì đứa muốn lấy con.”
“Muốn lấy tiền của cha thì có.”
“Lại chuyện đó nữa sao? Con không cần tiền của cha nữa, đúng không con gái?”
“Không phải vậy, thưa cha…”
“Cha làm việc cực khổ để có được ngày nay. Cha không thấy xấu hổ về bản thân, hay về gốc gác của mình. Nhưng còn con... rõ là con có cơ hội tốt hơn.”
“Con chỉ muốn có cơ hội sống cuộc đời của riêng mình.”
“Nghe đây Hannah, nếu con muốn làm việc thiện nguyện, con có thể đi theo đoàn truyền giáo, tới sống với dân bản xứ. Hay làm việc trong nhà trẻ mồ côi. Con không thể làm từ thiện bằng cách lấy chồng được.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 10 Aug 2019

Gương mặt cô con gái đỏ bừng, tim cô đập nhanh khi nghe câu cuối cùng đó — không chỉ vì câu nói quá tàn nhẫn, mà còn vì, biết đâu đó, cô mơ hồ sợ hãi rằng cha đã nói đúng. Sẽ ra sao đây nếu cô đồng ý lấy Frank chỉ để trêu ngươi những kẻ cầu hôn khác, những kẻ chỉ chăm chăm vào gia tài của cô? Hay cô làm vậy chỉ vì muốn bù đắp cho những khổ đau mà anh đã chịu? Rồi cô nghĩ đến nụ cười của anh, nghĩ đến cảm giác của mình khi thấy anh cười, rồi cả cách anh ngẩng cằm lên, ngẫm nghĩ những câu hỏi của cô. Cô thấy yên lòng.
“Anh ấy là người tử tế, cha à. Hãy cho anh ấy một cơ hội.”
“Hannah.” Septimus đặt một tay lên vai cô. “Con biết với cha con là cả thế gian.” Ông vuốt tóc cô. “Hồi nhỏ con còn không để mẹ chải tóc, con nhớ không? Khi đó con cứ nói, ‘Không, để cha chải kia!’. Rồi cha sẽ chiều con. Con ngồi trên gối cha, ngay trước lò sưởi hằng đêm. Rồi cha chải tóc cho con, cha con mình cùng nướng bánh crumpet trên lửa lò sưởi. Rồi mình cố sao cho mẹ đừng thấy chỗ bơ chảy trên áo con. Tóc con ánh lên, trông con như công chúa xứ Ba Tư.
“Cứ chờ đã Hannah à, thư thư một thời gian.” Septimus nài nỉ.
Nếu cha cô chỉ cần thời gian để quen với ý nghĩ đó, cần thời gian để mà cảm thấy khác đi… Hannah sắp nhượng bộ, thì Septimus tiếp lời. “Rồi con sẽ hiểu cha, hiểu rằng giờ đây con đang phạm một sai lầm lớn…” ông thở ra một hơi dài, như khi tính chuyện làm ăn lớn, “rồi con sẽ cảm ơn trời là cha đã khuyên con dừng lại.”
Cô rụt người lại. “Con sẽ không chịu những lời đó. Cha không cách gì cản con lấy Frank được cả.”
“Không thể cứu vớt con khỏi sai lầm đó thì đúng hơn.”
“Con đã đủ lớn để kết hôn mà không cần cha chấp thuận. Và con sẽ làm như vậy nếu con muốn.”
“Có thể con không quan tâm gì đến cha, nhưng hãy nghĩ đến em gái con. Con biết người xứ này sẽ nói gì.”
“Người xứ này là một đám đạo đức giả bài ngoại!”
“Ôi chao, cho con ăn học thật là đáng. Để bây giờ con chê bai cha bằng chữ nghĩa văn hoa như vậy.” Ông nhìn thẳng vào mắt cô. “Cha không bao giờ nghĩ mình sẽ nói câu này, nhưng con nghe đây, nếu con lấy người đó, cha sẽ không chúc phúc cho con. Và con sẽ không có một xu nào cả.”
Cũng với cái điệu bộ từng làm Septimus không thể rời mắt khỏi mẹ cô, Hannah đứng thẳng, điềm tĩnh. “Nếu cha muốn vậy, cha à, thì mọi việc sẽ y như vậy.”

Sau đám cưới đơn sơ mà Septimus từ chối đến dự, hai người sống trong căn nhà xập xệ của Frank ở rìa thị trấn. Cuộc sống chật vật, ai cũng biết. Hannah dạy đàn dương cầm rồi dạy chữ cho đám thợ gỗ. Nhiều tay thợ còn thấy đắc chí vì họ thuê lại (dù chỉ một tiếng đồng hồ mỗi tuần) chính con gái của người vẫn thuê họ làm việc. Nhưng nhìn chung người ta coi trọng sự tủ tế và thái độ thẳng thắn của Hannah.
Hannah thấy hạnh phúc. Cô đã tìm được một người chồng hiểu cô hoàn toàn, người có thể cùng cô nói chuyện triết học và văn học cổ điển, người có nụ cười làm mọi lo lắng tan biến và khiến cuộc sống khó khăn cũng trở nên dễ chịu.
Năm tháng qua đi, dần dần người ta cũng dễ chịu hơn phần nào với người thợ làm bánh có chất giọng ngoại quốc không thể nào phai. Vài người, như vợ của Billy Wishart hay hai mẹ con Joe Rafferty vẫn còn kiểu đi băng qua đường mỗi khi thấy Hannah và Frank, nhưng hầu hết cũng đã yên ổn. Đến năm 1925 Hannah và Frank thấy cuộc sống đã có phần chắc chắn hơn, tiền nong cũng ổn để sinh con. Tháng Hai năm 1926 con gái họ chào đời.
Hannah vẫn còn nhớ giọng hát cao, du dương của Frank mỗi khi anh đưa nôi. “Schlaf, Kindlein, schlaf Dein Vater hüt’ die Schaf, Die Mutter schüttelt’s Bäumelein, Dafällt herab ein Träumekin. Schlaf, Kindlein, schlaf!”1.
1 Bài hát ru con bằng tiếng Đức: “Ngủ ngoan, con yêu, ngủ ngoan. Cha con giữ bầy cừu. Mẹ con rung cành cây. Rụng xuống cho con một giấc mơ nho nhỏ. Ngủ ngoan, con yêu, ngủ ngoan” -ND
Trong căn phòng nhỏ bé, bên ngọn đèn dầu, mặc cho lưng đau, Frank ngồi trên ghế đã tơi tả. Anh nói “Thực tôi không thể nghĩ đời mình lại may mắn đến vậy, mình à.” Gương mặt anh ửng lên, không phải vì ngọn đèn bên cạnh mà vì hình hài bé nhỏ đang nằm trong nôi, đang hít thở nhịp nhàng, từ từ chìm vào giấc ngủ.

Tháng Ba năm đó, trên bàn thờ ở nhà thờ có thêm những bình hoa cúc và hoa nhài hái từ vườn nhà Frank và Hannah. Mùi hương ngọt ngào bay bổng suốt từ những hàng ghế trống trơn ra phía sau nhà thờ. Hannah mặc áo màu xanh nhạt, đội một chiếc mũ dạ rộng vành cùng tông. Frank mặc bộ complet từ hồi đám cưới, sau bốn năm vẫn vừa vặn. Bettina chị họ của Frank cùng với chồng là Wilf từ Kalgoorlie đến dự, “nhận chức” cha mẹ đỡ đầu. Hai người cứ cười dịu dàng với đứa trẻ bé bỏng trong tay Hannah.
Cha Norkells đứng bên cạnh bồn nước rủa tội, tay hơi lóng ngóng kéo tua rua sặc sỡ đánh dấu sách, giở tìm đến trang có nghi lễ rửa tội. Chút vụng về đó hẳn là có liên quan đến hơi thở nồng mùi rượu của Đức cha. “Em nhỏ này đã được rửa tội hay chưa?” Cha Norkells bắt đầu.
Hôm đó là một buổi chiều thứ Bảy nóng như thiêu đốt. Một con ruồi xanh to mẩy bay vo ve, thỉnh thoảng lại đến uống nước từ bồn rửa tội, mỗi lần vậy cha mẹ đỡ đầu lại xua nó đi. Rồi nó cứ bay lại mãi, khiến Wilf ra tay đập bẹp dí bằng chiếc quạt của Bettina. Con ruồi lao mình xuống bồn nước thánh như một tay say rượu sa chân xuống mương.
Cha Norkells không hề dừng lại, vừa lấy con ruồi ra vừa hỏi tiếp. “Anh chị, nhân danh em nhỏ này, có chịu từ bỏ ma quỷ và mọi việc của ma quỷ hay không…?”
“Thưa từ bỏ,” cha mẹ đỡ đầu đồng thanh đám lại.
Khi những lời đó vang lên, cánh cửa nhà thờ kêu kẽo kẹt, như có ai vừa đẩy vào. Hannah thấy lòng lâng lâng khi trông thấy người cha ruột đi cùng với em gái Gwen đang chậm rãi tiến vào. Hai người quỳ gối ở hàng ghế cuối cùng. Hai cha con chưa từng nói chuyện lại với nhau kể từ ngày cô bỏ nhà đi lấy chồng. Khi gởi giấy mời dự lễ rửa tội, Hannah nghĩ cha mình sẽ phản ứng như thường lệ - im lặng. “Em sẽ cố, Hanny à,” Gwen hứa với cô. “Nhưng chị cũng biết cha cứng đầu ra sao rồi đó. Dù vậy em hứa với chị. Em sẽ đến dự, mặc cho cha nói gì đi chăng nữa. Việc đã quá lâu rồi.”
Lúc đó Frank quay sang nhìn cô. “Mình thấy không?” anh thì thầm. “Rồi cuối cùng Chúa cũng khiến mọi sự êm ấm cả.”
“Lạy Chúa nhân từ, xin cho người Adam trong em được chôn cất mãi, để con người mới trỗi dậy…” Tiếng nói của Cha Norkells vang dội khắp các bức tường, đứa trẻ ngo ngoe co duỗi người trong tay mẹ. Khi nó vừa chớm khóc, Hannah đút khuỷu ngón tay vào giữa cặp môi nhỏ xíu. Đứa nhỏ mút lấy say sưa. Nghi lễ tiếp tục, Cha Norkells đỡ lấy đứa bé rồi nói với cha mẹ đỡ đầu. “Hãy đặt tên cho em.”
“Grace Ellen.”
“Grace Ellen, ta rửa tội cho em nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”
Trong suốt phần còn lại của nghi lễ rửa tội, đứa bé cứ mãi nhìn những mảnh kính màu rực rỡ trên cửa sổ nhà thờ, cũng thích thú y như hai năm sau đó, khi nó lại một lần nữa ngắm kính cửa bên bồn nước rửa tội, nhưng trong tay một người đàn bà khác.

Khi nghi lễ đã xong, Septimus vẫn ở yên dưới hàng ghế. Hannah chậm rãi bước xuống lối đi. Đứa trẻ vẫn ngọ nguậy trong chiếc chăn quấn, hết quay đầu về bên này rồi lại trở sang bên kia. Hannah dừng lại ở chỗ cha ngồi. Septimus đứng dậy khi cô con gái đưa đứa cháu ngoại về phía ông. Ông ngập ngừng một lúc rồi đưa tay đón lấy đứa bé.
“Grace Ellen. Mẹ con hẳn sẽ rất cảm động,” ông chỉ nói được chừng đó rồi giọt nước mắt rơi xuống. Septimus nhìn đứa bé, xúc động dạt dào.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 10 Aug 2019

Hannah nắm tay cha. “Ra với Frank đi cha,” cô nói, rồi dẫn ông đi theo lối giữa hai hàng ghế.

“Cha vào đi, đi mà cha.” Hannah lên tiếng khi cha cô đứng bên cổng với Gwen, ngập ngừng bối rối. Căn nhà nhỏ lợp ván đơn sơ, chỉ tươm hơn một cái lán khiến ông nhớ đến cơ ngơi tạm bợ của vợ chồng Flindells, nơi ông lớn lên. Bước qua cánh cửa, chỉ bằng mấy bước chân mà ông như quay về năm mươi năm trước đó.
Trong phòng khách, Septimus nói năng cứng nhắc nhưng lịch sự với những người bà con của Frank. Ông mở lời với Frank, khen chiếc bánh rửa tội thật hay quá, mấy món ăn dù nhỏ nhưng rất tinh tế. Nhưng thỉnh thoảng, ông lại tình cờ thấy những khe nứt trên vữa tường, rồi mấy lỗ thủng trên thảm nhà, cái sau lớn hơn cái trước.
Khi sắp ra về, ông kéo Hannah lại một phía, rút ví tiền ra. “Cha cho con chút ít để…”
Hannah nhẹ nhàng đẩy tay ông lại. “Ổn cả mà cha. Con biết cha lo cho tụi con nhưng tụi con tự lo được. Cha nhớ ghé qua chơi nữa.”
Ông mỉm cười, hôn lên trán đứa nhỏ, rồi đứa con gái. “Cảm ơn Hanny.” Rồi gần như lẩm bẩm, ông nói. “Ellen hẳn muốn cháu ngoại của bà ấy được chăm chút. Mà cha… cha nhớ con lắm.”
Chỉ trong một tuần sau đó, quà tặng cho đứa bé liên tục được gởi đến từ Perth, từ Sydney và xa hơn nữa. Một chiếc cũi, một chiếc tủ có ngăn kéo bằng gỗ gụ. Áo đầm, mũ đội đầu và cả những món tắm gội. Cháu ngoại của Septimus Potts chỉ xứng với những thứ tốt nhất.

“Chồng chị đã về với Chúa.” Từ khi có lá thư Hannah như thêm một lần để tang, rồi lại có thêm hy vọng mới. Chúa đã mang chồng cô đi, nhưng đã cứu đứa con gái bé nhỏ. Cô khóc, không chỉ với sầu thương, mà còn với nỗi tủi nhục khi nghĩ về cái ngày hôm đó.
Thị trấn xứ Mũi như luôn biết cách phủ màn che chuyện cũ. Trong một cộng đồng nhỏ, ai cũng hiểu rằng đôi khi nghĩa vụ phải quên đi cũng quan trọng như những lời hứa sẽ nhớ mãi. Trẻ con thị trấn lớn lên không hề biết tới những chuyện nọ kia của cha chúng thời trẻ, không hề hay gì đến người anh em ngoài giá thú đang sống cách đó chỉ năm mươi dặm, lấy họ của một người khác. Suy cho cùng lịch sử cũng chỉ là những thứ đã được người ta cùng đồng ý ghi nhớ.
Đời cứ như thế trôi đi - được che chắn bởi sự im lặng có khả năng làm dịu đi những tủi nhục. Những người lính trở về, mang theo những câu chuyện về nỗi sợ hãi của đồng đội trước khi lìa đời, nhưng chỉ nói rằng họ đã hy sinh dũng cảm. Với thế giới bên ngoài, không có chuyện người lính đi chơi gái, cư xử lỗ mãng hay chạy trốn khi kẻ thù tìm đến. Ra chiến trường đã là một sự trừng phạt rồi. Khi người vợ phải giấu đi món tiền mới vay, hay mớ dao kéo trong bếp trước tay chồng điên dại, họ làm vậy mà không nói một lời, thậm chí còn không thừa nhận điều đó với cả chính mình.
Với Hannah Roennfeldt, cô biết mình không thể chia sẻ với ai ký ức về cái ngày đau khổ đó. “Bới lại chuyện cũ — để làm gì chứ?” người ta sẽ nói vậy, nôn nóng muốn trở lại với hình ảnh cuộc sống văn minh chỉn chu ở Partageuse. Nhưng Hannah thì nhớ mãi.
Lễ Anzac. Các quán rượu đều đông nghẹt, những người đàn ông đã từng đi lính, hay mất đi anh em vì chiến tranh, những người trở về từ Gallipoli và từ Somme, vẫn chưa quên cú sốc bom đạn và hơi cay, mặc dù chuyện đã mười năm. Ngày hai mươi lăm tháng Tư năm 1926. Người ta dấm dúi chơi trò cá cược tung hai đồng xu ở gian sau quán. Trong ngày đó cảnh sát cũng sẽ làm lơ. Mà thực ra cảnh sát cũng sẽ dự phần — cuộc chiến đó cũng là của họ kia mà. Bia Emu Bitter cứ được rót mãi, người uống mỗi lúc một to tiếng, những bài hát cũng trở nên thô thiển hơn. Người ta phải quên đi rất nhiều thứ. Họ trở về để làm việc trên nông trại, ở bàn giấy, trên bục giảng, cứ thế mà làm - khốn kiếp, cứ thế mà làm vì còn có cách nào khác. Họ càng uống, càng thấy khó quên, càng muốn đập phá một thứ gì đó, một tay nào đó, một chọi một, công bằng như hai người đàn ông đánh tay đôi với nhau. Bọn Thổ khốn nạn. Bọn Hung khốn kiếp. Lũ chó đẻ chết tiệt.
Frank Roennfeldt hẳn là đối thủ xứng đáng. Người Đức duy nhất trong thị trấn, mặc dầu thực ra anh ta là người Áo. Frank là thứ gần nhất với kẻ thù mà họ có thể tìm được ở xứ này. Vậy là khi thấy Frank và Hannah rảo bước trên đường trong buổi hoàng hôn, họ bắt đầu huýt gió bài “Tipperary”1. Hannah thấy sợ hãi, bước chân va vấp. Frank ngay lập tức đỡ lấy Grace, giật lấy chiếc áo len mỏng trên cánh tay vợ để che cho con. Hai người bước đi vội vã, cúi đầu.
1 Bài hát It's a long way to Tipperary - một bài hát rất phổ biến trong Thế Chiến thứ nhất, nói về nỗi nhớ thương quê nhà của người lính.
Những tay sâu rượu trong quán hẳn nghĩ trò vui đây rồi, ngay lập tức đổ ra đường. Người từ những quán khác dọc theo đường chính cũng đổ ra, rồi một tay nào đó quyết định bày trò giật lấy mũ của Frank và ngay lập tức ra tay.
“Thôi đi, để tụi tôi yên, Joe Rafferty!” Hannah cằn nhằn. “Trở lại quán đi, để tụi tôi yên,” hai người tiếp tục bước nhanh.
“Để tụi tôi yên!” Joe giả giọng the thé, rên rỉ. “Bọn Đức khốn nạn! Đều cùng một giuộc, lũ hèn nhát!” Anh ta quay lại phía đám đông. “Nhìn hai đứa này đi, có cả đứa con xinh vậy.” Anh ta nhịu cả giọng. “Tụi mày biết không bọn Đức chuyên ăn thịt con nít. Nướng sống mà ăn, bọn chó đẻ ác độc.”
“Các người đi ngay, nếu không tụi tôi sẽ gọi cảnh sát!” Hannah hét lên, rồi sững người khi thấy Harry Garstone và Bob Lynch — hai viên cảnh sát thị trấn đang đứng trên ban công khách sạn, tay cầm vại bia, miệng nhếch cười sau hàng ria mép chải chuốt.
Đột nhiên, như có cây diêm vừa được châm lửa, khung cảnh nhốn nháo lên: “A ha, vậy thì trêu bọn thân Hung này đi anh em!” có tiếng la lên. “Cứu lấy đứa nhỏ khỏi bị ăn thịt,” rồi một tá người say xỉn chạy đuổi theo Hannah và Frank. Hannah bị bỏ lại phía sau vì chiếc thắt lưng của cô hôm đó quá chặt, khiến cô khó thở. Cô gọi với theo. “Grace, Frank! Cứu lấy Grace!”. Anh ôm đứa nhỏ chạy khỏi đám đông, vẫn mải đuổi theo anh như bầy thú hoang ra đến tận cầu tàu. Tim anh đập mạnh, loạn nhịp, cánh tay anh đau tê dại khi anh chạy trên những tấm ván rung lắc trên mặt nước. Anh nhảy xuống chiếc xuồng đầu tiên rồi nhanh chóng chèo ra biển, lánh nạn. Chờ đến khi đám đông kia tỉnh táo lại và mọi việc đằm xuống.
Thật ra cũng chưa là gì so với những chuyện anh từng gặp trước đó.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 10 Aug 2019

Chương mười tám

Mỗi ngày khi làm việc nhà - lúc nào cũng đi lại, cũng bận rộn, Isabel luôn biết rõ Lucy đang ở đâu, cứ như con bé được buộc vào cô bằng một sợi dây tình cảm vô hình. Cô không bao giờ nổi nóng — sự kiên nhẫn của cô đối với Lucy không có giới hạn. Khi thức ăn bị rơi xuống sàn nhà, khi bàn tay dơ bẩn quẹt khắp tường, cô không một tiếng la mắng, không bao giờ nhìn con tỏ ý khiển trách. Nếu Lucy tỉnh giấc lúc nửa đêm, òa khóc, Isabel nhẹ nhàng dỗ con, trìu mến. Cô đón nhận món quà cuộc sống mang đến. Nhận luôn cả gánh nặng đi kèm.
Buổi chiều khi con đã ngủ, cô lại ra chỗ những cây thánh giá ở mũi đất. Đây là nhà nguyện của riêng cô, một nơi chốn thiêng liêng, nơi cô cầu nguyện được dìu dắt, mong làm một người mẹ tốt. Cô cũng cầu nguyện, theo một cách xa xôi hơn, cho cả Hannah Roennfeldt. Cô cầu cho Hannah sẽ không còn dằn vặt với quá khứ. Ở đây, Hannah chỉ là một ý niệm xa xôi. Hannah không phải là người thật, có cuộc sống thật trong khi Lucy… Isabel biết mọi vẻ trên gương mặt con bé, biết từng tiếng khóc. Isabel quan sát từng ngày cái phép màu đó — con bé lớn lên, đổi thay, như món quà dần mở ra theo thời gian. Một tính cách rõ rệt định hình, khi con bé bắt đầu học nói, bắt đầu nói lên cảm giác của mình, bộc lộ mình là ai.
Isabel ngồi trong cái nhà nguyện không hề có tường hay cửa sổ, hay vị mục sư nào cả để tạ ơn Chúa. Nếu có lúc nào đó ý nghĩ về Hannah Roennfeldt len đến, cô chỉ có một phản ứng duy nhất. Cô không thể đưa đứa bé này đi xa - cô không có quyền đánh cược với hạnh phúc của Lucy. Còn Tom thì sao? Tom là một người tốt. Tom không làm gì sai, lúc nào cũng vậy: cô có thể an tâm về điều đó. Rồi cuối cùng anh ấy sẽ chấp nhận mọi thứ.
Nhưng giữa hai người đã xuất hiện một khoảng cách mong manh, nhưng không thể lấp đầy: một thứ vành đai trắng mỏng như khói, vô hình.

Dần dà nhịp sống trên Janus trở lại như xưa, cuốn Tom vào với những thứ nghi lễ nhỏ nhặt. Đôi khi thức dậy giữa những giấc chiêm bao đen tối, với những chiếc nôi vỡ tan, những chiếc la bàn mất phương hướng, anh lại cố nén cảm giác khó chịu đó xuống, chờ ánh nắng ngày mới làm nó tan đi. Sự cô quạnh ru anh bằng thứ âm nhạc của dối gian.

“Con biết hôm nay là ngày gì không hả Luce?” Isabel vừa hỏi Lucy vừa kéo chiếc áo len qua khỏi đầu con, rồi kéo hai cánh tay ra khỏi tay áo. Đã sáu tháng kể từ khi họ trở lại Janus hồi tháng Giêng năm 1928.
Lucy nghiêng đầu một chút, “Ummm…” con bé đáp, tìm cách câu giờ.
“Gợi ý nha?”
Con bé gật đầu.
Isabel mang tất cho con. “Thôi mà, chân kia nữa. Đúng rồi. Được rồi, má gợi ý là nếu con ngoan thì tối nay biết đâu sẽ được ăn cam…”
“Thuyền!” con bé hét lên, tuột khỏi đầu gối của Isabel rồi nhảy quanh nhà, một chiếc giày dưới chân còn chiếc kia vẫn cầm trong tay. “Thuyền tới! Thuyền tới!”
“Đúng rồi. Vậy nên giờ mình phải dọn dẹp nhà cửa thật đẹp còn đón Ralph và Bluey nữa!”
“Dạ!” Lucy reo lên rồi chạy vào bếp, nói với Tom, “Alf và Booey tới nè, ba ơi!”
Tom ôm con, hôn nó. “Giỏi vậy! Con tự nhớ hay có ai nhắc hả?”
“Má nói,” con bé khai thật, nhe răng cười rồi loay hoay nhảy xuống, đi tìm Isabel.
Không lâu sau hai má con mặc áo đi ủng đủ lệ bộ, đi ra chuồng gà. Lucy còn cầm theo một chiếc giỏ bé xíu, kiểu giống y giỏ của Isabel.
“Giống biểu diễn thời trang quá,” Tom trêu hai má con trên đường trở lại nhà xưởng.
“Thà mặc ấm còn hơn đẹp mà lạnh,” Isabel nói, hôn anh vội vàng. “Hai má con em đi nhặt trứng đây.”
Bên trong chuồng gà, Lucy dùng cả hai tay để nhặt từng quả trứng. Công việc chỉ mất vài giây với Isabel lại được con bé xem như một thứ nghi lễ nghiêm trang. Lucy áp mỗi quả trứng vào má rồi báo cáo “Vẫn còn ấm!” hay “Lạnh ngắt!”, tùy quả, rồi mới đưa cho Isabel để bỏ vào giỏ, giữ lại quả trứng cuối cùng cho vào trong giỏ của nó. Rồi “Cảm ơn, Daphne. Cảm ơn, Speckle…” con bé đi một vòng cảm ơn mỗi con gà mái đá góp trứng.
Ra vườn rau, Lucy giữ cán cuốc khi Isabel đào khoai.
“Má thấy hình như có một củ…” Isabel nói, rồi chờ con bé tìm ra mảng màu sáng giữa đám đất đá.
“Kia kìa!” Lucy reo lên, đặt tay xuống lỗ đất rồi moi lên một hòn đá.
“Gần đúng rồi.” Isabel mỉm cười. “Chỗ ngay cạnh đó thì sao? Ngay gần đó đó.”
“Củ hoai!” Lucy ngọng nghịu mỉm cười, giơ phần thưởng lên cao khỏi đầu. Đất cát rơi vào tóc nó, vào mắt nó. Con bé mếu máo.
“Để má coi,” Isabel dỗ dành, chùi hai tay vào bộ áo liền quần đang mặc rồi mới xem mắt con bé. “Được rồi, giờ con chớp mắt cho má. Hết rồi đó Luce à.” Con bé tiếp tục mở mắt rồi chớp mắt.
“Hết rồi,” cuối cùng nó reo lên. Sau đó, “Nhiều củ hoai nữa!” và cuộc tìm kiếm lại bắt đầu.

Trong nhà Isabel lau sàn ở mỗi phòng, dồn hết bụi vào một đống trong góc, chuẩn bị hốt. Cô trở ra bếp xem chiếc bánh mì trong lò đã được chưa, khi quay vào cô thấy một đường đất chạy khắp nhà, hẳn do Lucy đã cố hốt đám bụi. “Nhìn nè má, Lucy giúp má nè!”
Isabel nhìn dấu vết đám bụi trong nhà rồi thở dài. “Đúng là Lucy giúp má…” Bồng con lên, cô nói tiếp. “Cảm ơn con. Con gái má ngoan quá. Giờ mình quét một lần nữa cho thiệt sạch luôn được không?” Cô lắc đầu, lẩm bẩm, “Lucy Sherbourne, lớn lên thành nội trợ đảm đang, đúng không hả?”

Lát sau Tom đứng ở bậc cửa. “Con bé xong chưa?”
“Rồi,” Isabel đáp. “Đã rửa mặt, rửa tay sạch sẽ. Không còn ngón tay dơ hầy nữa.”
“Vậy thì đi thôi nhóc con.”
“Đi lên lầu hả ba?”
“Ừ, đi lên lầu.” Con bé đi theo sau anh ra tháp đèn. Đến chân cầu thang, nó đưa tay lên để anh nắm lấy từ phía sau. “Được rồi, thỏ con, đếm nhé. Một, hai, ba,” cả hai đi lên cầu thang thật chậm. Tom đếm to mỗi bước đi, mãi sau khi Lucy đã chán không đếm nữa.
Lên đến đỉnh tháp, trong phòng ngắm, Lu đưa tay ra, ngọng nghịu “Ấm nhòm”. Tom nói, “Để ba cho con xem ống nhòm. Giờ leo lên bàn đã.” Anh đặt con bé trên mấy tấm bản đồ, rồi đưa chiếc ống nhòm cho nó, hai tay giữ lấy sức nặng của món đồ giúp con.
“Con thấy gì không?”
“Mây.”
“Ừ đúng rồi, nhiều mây quá. Có thấy thuyền không?”
“Không.”
“Con chắc không đó?” Tom bật cười. “Vậy làm sao ba để Lucy gác đèn được. Đằng kia là gì vậy? Thấy chưa? Theo ngón tay ba chỉ đó.”
Con bé đong đưa chân rồi reo lên. “Alf và Booey! Trái cam.”
“Má nói tối nay sẽ có cam đúng không? Mong là có cam thật.”

Hơn một tiếng đồng hồ sau chiếc thuyền tiếp tế mới cập bờ. Tom và Isabel đứng trên cầu tàu, Lucy ngồi trên vai Tom.
“Cả một ủy ban đón tiếp luôn!” Ralph gọi với.
“Chào ông!” Lucy reo lên. “Người ta! Chào ông, chào Alf, chào Boo.”
Bluey nhảy xuống cầu tàu, chụp lấy dây thừng Ralph vừa quăng lên. “Coi chừng đó Luce,” cậu ta nhắc đứa nhỏ đang đứng dưới đất. “Đừng dính vô dây thừng.” Cậu nhìn Tom. “Trời đất, con nhỏ lớn nhanh quá! Không còn là em bé Lucy nữa rồi!”
Ralph bật cười. “Con nít đâu có nhỏ hoài được.”
Bluey cột dây xong. “Tại vài tháng mình mới thấy Lucy một lần, nên thấy nó lớn nhanh. Con nít trong thị trấn thì ngày nào cũng thấy nên không thấy tụi nó lớn nhanh như vậy.”
“Rồi tự dưng một ngày thành ra như cậu đây!” Ralph trêu. Khi bước lên cầu tàu, lão giữ thứ gì đó trong bàn tay sau lưng. “Giờ có ai giúp tôi dỡ hàng không?”
“Con nè!” Lucy nói.
Ralph nháy mắt nhìn Isabel rồi đưa ra một hộp quả đào từ sau lưng. “Vậy cho con khiêng cái này nặng lắm, nặng ghê lắm.”
Lucy đưa cả hai tay ra đỡ lấy món đồ hộp.
“Trời, Luce, cẩn thận đó! Đem vô nhà đi.” Isabel quay sang nhìn đám đàn ông. “Bác coi có thứ gì cháu mang vào được không.” Ralph leo ra phía sau lấy thư từ và mấy gói đồ nhẹ. “Cháu đi vào trước đây. Để cháu đặt ấm nước.”

Sau bữa trưa, những người lớn ngồi uống nốt trà bên bàn ăn, Tom nói, “Sao thấy Lucy im ắng quá…”
“Hmmm,” Isabel đáp. “Con nhỏ đang vẽ cho xong bức tranh để gởi cho ba má. Để em đi xem.” Nhưng cô chưa kịp ra khỏi phòng thì Lucy bước vào bếp, mặc chiếc váy lót của Isabel kéo lê dưới sàn nhà, mang thêm đôi giày có gót của cô và chuỗi hạt màu xanh mà mẹ cô đã gởi theo thuyền lúc sáng.
“Lucy!” Isabel la lên. “Con lục đồ của má hả?”
“Không có,” con bé đáp, mắt tròn xoe.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 10 Aug 2019

Isabel đỏ mặt. “Cháu có bao giờ ăn mặc vậy đi quanh nhà đâu,” cô nói với mấy vị khách. “Thôi mà Lucy, cảm lạnh bây giờ. Để má mặc đồ lại cho con. Rồi má sẽ nói chuyện con dám lục đồ má. Còn dám nói dối nữa.” Cô bước ra khỏi phòng, mỉm cười, không để ý thấy sắc mặt thoáng đổi khác của Tom khi nghe thấy những lời cuối cùng.

Lucy hớn hở đi chập chững theo sau Isabel nhặt trứng. Con bé mê mẩn nhìn đám gà con mới nở, lâu lâu lại thêm vài con mới. Nó áp gà con vào cằm, để cảm thấy đám lông vàng mịn như tơ. Khi giúp mẹ nhổ cà rốt hay củ cải, thỉnh thoảng con bé lại kéo quá mạnh, ngã nhào ra sau, đất cát lấm lem. “Lucy - Goosy!” Isabel bật cười. “Ngồi dậy đi con.” Bên cây đàn dương cầm, con bé ngồi trong lòng Isabel, lóng ngóng chật vật gõ ầm ầm lên phím đàn. Isabel nắm lấy ngón trỏ của con, giúp nó đánh bài “Ba con chuột mù.” Con bé nói, “Má để con tự đánh,” rồi lại bắt đầu chơi thứ nhạc inh tai của mình.
Con bé ngồi hàng giờ trên sàn bếp, nguệch ngoạc bằng bút chì màu trên mặt sau của những mẫu đơn CLS đã hết hạn, vẽ ra những hình rối rắm ngẫu nhiên, rồi chỉ tay vào đó và nói, “Má nè, ba nè, Lulu ở Hải đăng nè.” Với con bé, tòa tháp đèn cao gần bốn chục thước đằng sau cũng hết sức bình thường. Tòa tháp đèn làm nền tranh, có thêm một ngôi sao trong đó. Ngoài những từ như “chó” và “mèo” - là những khái niệm có phần xa lạ mà Lucy phải học từ sách vở, con bé giờ đã rành rọt nào là “thấu kính”, “lăng kính” rồi cả “khúc xạ.” “Ngôi sao của con đó,” con bé mách với Isabel tối hôm đó, khi nó chỉ tay vào tranh. “Của ba cho con đó!”
Con bé hay kể chuyện cho Tom nghe, chuyện cá, chuyện hải âu, chuyện tàu thuyền. Khi cả nhà đi dạo dưới biển, nó thích nắm tay Tom một bên, Lucy một bên rồi đu lên giữa hai người. “Lulu ở Hải đăng!” là câu con bé thích nói nhất, nó cứ nhắc lại mỗi khi vẽ hình mình trong những bức tranh nguệch ngoạc, hay kể chuyện có mình trong đó.

Đại dương không hề ngừng nghỉ. Không biết khởi đầu và cũng chẳng hay kết thúc. Con gió cũng không bao giờ xong việc. Đôi khi nó biến đâu mất, nhưng chỉ để lấy đà từ nơi nào đó, rồi quay lại vần vũ hòn đảo, như để chứng minh một điều mà Tom không bao giờ hiểu được. Sự sống trên đảo tính theo thang đo của những người khổng lồ. Thời gian theo hàng triệu năm; những hòn đá từ xa trông như nhũng viên xúc xắc thả vào bờ biển thực ra là những vách núi rộng hàng trăm feet, đã bao thiên niên kỷ chịu sóng liếm, ngả nghiêng rồi xếp thành lớp lớp thẳng đứng.
Tom ngắm Lucy và Isabel đang nghịch nước trong Bể Thiên Đàng. Con bé thích mê trò đập nước, vị mằn mặn và cả con sao biển màu xanh rực rỡ nó vừa bắt được. Anh ngắm ngón tay của Lucy giữ chặt lấy con sao biển. Gương mặt nó sáng lên, hớn hở tự hào, như thể tự tay nó làm ra con vật đó vậy. “Ba coi nè. Sao biển của Lucy đó!” Tom thấy thật khó khăn khi tập trung nghĩ đến cả hai thứ khung thời gian đó: sự hiện hữu của hòn đảo và sự sống của một đứa trẻ.
Anh thấy kinh ngạc rằng cuộc đời nhỏ bé của đứa con gái có ý nghĩa với anh còn nhiều hơn cả những thiên niên kỷ trước đó. Anh vất vả cố hiểu cảm xúc của chính mình — anh thấy vừa êm dịu vừa có chút bất an khi con bé hôn anh, chúc anh ngủ ngon, hay khi nó đưa cho anh xem chỗ đầu gối bị trầy xước, để được hôn một cái cho hết đau - thứ phép màu chỉ cha mẹ mới có.
Với Isabel, Tom cũng bị giằng xé giữa khát khao có cô, giữa tình yêu và cái cảm giác khiến anh không thở được. Hai cảm xúc đó chà xát lẫn nhau, không thể dàn hòa.
Đôi khi, một mình ngồi trong tháp đèn, anh bắt gặp mình đang nghĩ về Hannah Roennfeldt. Cô ấy dong dỏng cao? Hay đẫy người? Liệu trên gương mặt Lucy có nét nào của cô ấy không? Mỗi khi Tom cố mường tượng ra Hannah, anh chỉ thấy hai bàn tay che lấy một gương mặt đang nức nở. Anh rùng mình, rồi trở lại với công việc đang làm dở.
Đứa trẻ này khỏe mạnh, hạnh phúc, được yêu thương. Nó sống trong cái thế giới nhỏ bé, vượt ra ngoài tầm với của báo chí và tai tiếng. Vượt cả ra khỏi tầm với của thực tế cuộc sống. Cũng có lúc trong vài tuần Tom dường như tin được vào câu chuyện về một gia đình bình thường, hạnh phúc. Câu chuyện như một thứ ma túy mê muội.

“Không được để ba biết. Đợi khi nào má cho mới được nói.” Lucy nhìn Isabel, vẻ mặt nghiêm trang. “Lucy sẽ không nói,” con bé đáp, gật đầu. “Má cho con ăn bánh đi?”
“Đợi má một chút. Để gói cho xong đã.” Chuyến tiếp tế tháng Chín năm 1928 còn mang thêm một số gói đồ khác mà Bluey đã tuồn vào nhà cho Isabel trong khi Ralph mải đánh lạc hướng Tom, loay hoay dỡ hàng. Tổ chức sinh nhật bất ngờ cho Tom không hề dễ chút nào: cô phải viết thư cho mẹ hàng tháng trước đó, ghi nguyên một danh sách. Vì Tom là người giữ tài khoản ngân hàng, cô phải hứa lần tới lên bờ sẽ trả tiền lại cho mẹ.
Mua quà cho Tom vừa khó vừa dễ: có gì anh cũng vui, nhưng anh thực cũng không muốn gì cả. Ban đầu cô định mua một chiếc bút máy Conway Stewart và tập sách Wisden mới nhất 1: một thứ hữu dụng, một thứ giải trí. Khi cô hỏi Lucy con bé muốn tặng ba món quà gì, đêm đó hai má con ngồi ngoài trời, con bé quấn lọn tóc quanh ngón tay, nghĩ một lát rồi nói. “Tất cả mấy ngôi sao.”
1 Wisden Cricketers' Almanack Tập sách tham khảo về môn cricket xuất bản hàng năm ờ Anh quốc, được xem là “kinh thánh” của người hâm mộ môn thể thao này.
Isabel bật cười. “Má không biết mình có kiếm được món đó không, Luce à.”
Đứa bé tỏ ra phật ý. “Nhưng Lulu muốn vậy mà!”
Một ý tưởng chợt nảy đến. “Hay là mình tặng ba bản đồ các ngôi sao - một tập thiên văn đồ chẳng hạn?”
“Đúng rồi!”
Giờ đây trước mặt hai mẹ con là cuốn sách dày cộp. Isabel hỏi. “Con muốn viết gì vô đó?” Cô giữ cây viết, ngón tay bám lấy ngón tay của Lucy, viết mấy chữ run run, theo ý Lucy, “Tặng ba của con, thương ba mãi mãi…”
“Nữa,” Lucy nài nỉ.
“Gì nữa kia?”
“Thêm ‘mãi mãi’ nữa. Mãi mãi và mãi mãi…”
Isabel cười, dòng chữ “mãi mãi và mãi mãi và mãi mãi” chạy như con sâu trên trang giấy. “Rồi viết gì nữa? Hay viết là “Ký tên: Lucy, con gái cưng của ba?”
“Ký tên: Lulu ở Hải đăng.”
Con bé bắt đầu viết nhưng chóng chán, trèo xuống khỏi người Isabel khi đang viết dở.
“Má viết cho xong đi,” nó ra lệnh như không.
Vậy là Isabel viết cho hết chỗ ký tặng, mở ngoặc thêm vào (Isabel Sherbourne, thư ký và quản gia của người vừa ký ở trên.)

Khi Tom mở gói quà, anh lóng ngóng vì Lucy đã đưa tay bịt mắt anh lại, anh nói, “Là một cuốn sách…”
“Là tập bảng đồ!” Lucy reo lên.
Tom nhận lấy món quà. “Thiên văn đồ Brown’s, minh họa các sao sáng, kèm chỉ dẫn tìm sao để chỉ đường, dùng trong các kỳ sát hạch của Cục thương mại.” Anh mỉm cười. dịu dàng, rồi quay sang nhìn Isabel. “Lucy giỏi quá, biết tự mình chuẩn bị quà nữa sao?”
“Đọc đi ba. Ở trong đó. Lulu có viết đó.”
Anh mở sách, thấy dòng chữ ký tặng dài ngoằn ngoèo. Anh vẫn mỉm cười, nhưng có gì đó ở mấy chữ “Mãi mãi và mãi mãi và mãi mãi…” khiến anh thấy nhói lòng. Mãi mãi là một khái niệm không tưởng, nhất là với đứa trẻ này, ở nơi đây. Anh đặt môi lên đầu Lucy. “Đẹp quá, Lulu ở Hải đăng à. Đây là món quà dễ thương nhất mà ba từng được tặng.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 10 Aug 2019

Chương mười chín

“Ít ra nếu thắng trận này thì cũng không đến nỗi mất hết,” Bluey nói. Đội bóng cricket của Australia vừa thua bốn trận dài đầu tiên trong vòng giải Ashes series 1928/29. Khi chuyến tiếp tế tháng Ba đến Janus, trận cuối cùng vẫn đang diễn ra ở Melbourne. Bluey kể Tom nghe mấy diễn biến chính khi hai người dỡ hàng. “Bradman được một trăm điểm. Vẫn chưa xong. Làm Larwood chật vật đủ đường, báo nói vậy đó. Nhưng anh biết không, trận này chơi suốt 4 ngày rồi. Chắc sẽ là một trận thật dài.” Khi Ralph vào bếp mang theo món quà thường lệ của Hilda dành cho Lucy, Tom và Bluey cũng đã chất xong những thùng bột mì cuối cùng vào kho.
“Tui có anh họ làm ở đó, anh biết không,” Bluey vừa nói vừa gật đầu về phía dòng chữ Dingo trên chiếc bao vải. “Chỗ xưởng xay bột hả?” Tom hỏi.
“Ừ. Hình như lương hướng cũng được. Lại có bột mì miễn phí nữa.”
“Làm gì ăn nấy mà.”
“Chắc vậy. Như giờ tui có khí trời để hít thở hay nước biển để bơi cho đã đời.” Bluey bật cười. Cậu ta nhìn quanh, để chắc người hoa tiêu không có ở đó. “Anh họ nói là nếu tui muốn sẽ kiếm việc cho tui ở đó, dễ như không.” Cậu ta dừng lại, rồi tiếp. “Hay nhiều khi, tui nghĩ tới chuyện làm việc… cho tiệm chạp phô chẳng hạn,” Bluey nói, chuyển chủ đề như không, nhưng cũng có vẻ cân nhắc.
Chẳng giống Bluey chút nào. Thông thường cậu ta nói chuyện giải bóng cricket Sheffield Shield, hay khoe thắng được ít tiền cá cược đua ngựa. Cũng có khi nói về anh trai Merve, chết trận trong ngày đầu tiên ở Gallipoli, hay chuyện bà Ada góa bụa khó tính mẹ cậu. Tom cảm thấy hôm nay Bluey có gì là lạ. “Tại sao nói chuyện này vậy?” Bluey đá một cái vào một bao bột mì để nó thẳng lại. “Anh thấy lấy vợ ra sao?”
“Gì kia?” Tom giật mình trước sự đổi hướng đột ngột đó. “Ý tui là, anh thấy lấy vợ có vui không?”
Tom vẫn nhìn vào đám hàng hóa. “Cậu có chuyện gì muốn kể hả Bluey?”
“Không.”
“Được thôi,” Tom gật đầu. Nếu anh cứ chờ đủ lâu, kiểu gì câu chuyện cũng sẽ có đầu đuôi. Thường vậy. Cuối cùng cậu ta cũng sẽ tự động nói hết.
Bluey xếp lại một bao bột khác. “Tên cổ là Kitty. Kitty Kelly. Ông già cổ có tiệm chạp phô. Tụi tui đi lại với nhau được mấy bữa rồi.”
Tom nhướng mày, mỉm cười. “Mừng cho cậu.”
“Tui thì… tui cũng không biết. Tui nghĩ hay giờ lấy nhau luôn.” Cái nhìn của Tom khiến Bluey nói thêm, “Tụi tui không cần phải làm đám cưới. Không phải chuyện đó. Nói thiệt, tụi tui còn chưa… ông già cổ khó lắm. Còn bà má nữa. Mấy ông anh nữa. Bà Mewett là bà dì họ bên phía má cổ, vậy anh cũng biết nhà đó sao rồi.”
Tom bật cười. “Vậy cậu muốn hỏi gì kia?”
“Chuyện lớn mà. Tui biết ai rồi cũng lấy vợ lấy chồng, nhưng tui cứ nghĩ hoài… làm sao mình biết…”
“Tôi cũng không biết gì nhiều đâu. Tôi chỉ mới lập gia đình một lần, cũng đang tập quen thôi. Tại sao cậu không hỏi Ralph? Ông ấy với Hilda ở với nhau từ lâu lắc, có với nhau mấy mặt con. Chắc là có kinh nghiệm hơn.”
“Tui không nói với Ralph được.”
“Tại sao không?”
“Kitty nghĩ là nếu tụi tui lấy nhau tui phải bỏ việc trên thuyền, tới làm tiệm chạp phô. Cổ sẽ rất lo chuyện tui bị chết đuối, rồi một ngày không trở về nữa.”
“Người gì mà lạc quan quá hả?”
Bluey có vẻ lo lắng. “Nhưng anh biết mà, nói nghiêm túc đó. Lấy vợ rồi sẽ ra sao? Rồi con cái này kia nữa.” Tom đưa tay vuốt tóc, suy nghĩ một lúc về câu hỏi, thấy thật khó nghĩ. “Gia đình tôi không phải kiểu thông thường. Ở quanh đây không có nhà nào nữa - tụi tôi trên đảo hải đăng, giữa chốn không người. Câu trả lời thành thật với cậu là, tùy ngày. Có lúc rất hạnh phúc, cũng có lúc khó khăn. Nhưng chắc chắn là sẽ phức tạp hơn nhiều so với cuộc sống đơn chiếc.”
“Má tui nói là tui còn quá trẻ, chưa biết nghĩ.”
Tom mỉm cười, dù không muốn. “Tôi nghĩ cho tới khi cậu năm mươi tuổi, bà ấy cũng sẽ nói như vậy. Dù sao, ở đây không phải là nghĩ ra sao. Mà là cậu thấy sao. Thấy sao thì làm vậy, Blue à.” Anh ngập ngừng. “Nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng, ngay cả khi cậu tìm được đúng người. Phải tính chuyện lâu dài. Cậu không biết chuyện gì sẽ xảy ra, cậu phải chấp nhận hết. Không có chuyện thoái lui.”
“Ba, ba, nhìn nè!” Lucy xuất hiện nơi của kho, khoe con hổ nhồi bông quà của Hilda. “Nó biết gầm nữa nè!” con bé nói. “Ba nghe nè,” con bé lật ngược con hổ lại để phát ra tiếng kêu.
Tom bế con lên. Qua cửa sổ nhỏ anh thấy Ralph đang đi xuống lối mòn ra kho. “Thích không con?” anh cù vào cổ con bé.
“Lucy thích quá!” nó cười sằng sặc.
“Còn có con nữa? Chuyện đó thì sao?” Bluey hỏi.
“Thì như vậy đây.”
“Không, anh nói đi. Tui hỏi thiệt mà.”
Gương mặt Tom nghiêm lại. “Chẳng có gì chuẩn bị mình cho việc có con được hết. Cậu không tin nổi có thêm đứa nhỏ làm mình thấy yếu đuối ra sao đâu, Bluey à. Thay đổi nhiều lắm. Cứ như bị ai bất ngờ tấn công.”
“Ba, ba, làm nó gầm đi,” Lucy đòi. Tom hôn con rồi lật ngược con hổ lại lần nữa.
“Anh giữ kín mấy chuyện đó giùm tui, được không?” Bluey hỏi. Nghĩ một lúc, cậu ta nói tiếp, “Mà thực ra ai cũng nói anh câm như thóc,” rồi cậu ta giả tiếng hổ gầm trêu Lucy.

Đôi khi ta là kẻ gặp may. Đôi khi rủi đó mà may đó, thì cũng chỉ biết làm thinh mà sống tiếp.
Tom đang đóng tấm ván sau vách chuồng gà, để che lại chỗ bị gió quật thủng hồi tối hôm qua. Dường như một nửa thời gian anh chỉ làm mỗi việc che chắn mọi thứ trước cơn gió dữ. Cứ làm thôi, làm được gì thì phải làm ngay.
Những câu hỏi của Bluey khiến cảm giác cũ trong anh trỗi dậy. Nhưng mỗi lần Tom nghĩ về người không quen biết ở Partageuse, cái người đã bị mất con, hình ảnh của Isabel cũng tràn về: cô ấy cũng mất con, và sẽ không bao giờ có con được nữa. Cô ấy đâu biết gì về Hannah khi Lucy xuất hiện. Cô ấy chỉ muốn những điều tốt nhất cho đứa bé. Vậy mà… Anh biết rõ thực không công bằng với cả Lucy. Isabel có khao khát mà anh không thể bù đắp. Cô đã từ bỏ mọi thứ: tiện nghi, gia đình, bạn bè… từ bỏ hết thảy chỉ để ở cùng anh ngoài này. Anh cứ nhắc đi nhắc lại trong đầu — anh không thể bắt cô bỏ thêm một điều gì khác nữa.

Isabel thấy mệt mỏi. Hàng tiếp tế vừa được đem vào, cô chuẩn bị làm thức ăn - làm bánh mì, nướng bánh trái cây khô, biến bao quả mận thành mứt đủ dùng cho cả năm. Cô chỉ vừa mới ra khỏi bếp có một chút thôi thì Lucy bước lại gần bếp để ngửi mùi mứt trên lò. Con bé bị phỏng tay khi đụng vào nồi nấu mứt. Cũng không có gì nghiêm trọng, nhưng đủ để làm nó khó ngủ. Tom đã băng bó vết bỏng và cho nó uống một ít aspirin, nhưng tối hôm đó con bé vẫn khó ở.
“Để tôi bế con lên tháp đèn. Tôi sẽ trông nó cho mình. Cũng còn ít giấy tờ phải làm để kiểm kho. Trông mình mệt lắm.”
Rã rời, Isabel đành nhượng bộ.
Một tay bế con, một tay cầm gối và chăn, Tom nhẹ nhàng đưa đứa nhỏ lên cầu thang, đặt nó nằm trên bàn bản đồ trong phòng quan sát. “Tới rồi, Lulu ơi,” anh nói, nhưng con bé đã ngủ gục từ khi nào.
Anh bắt đầu cộng các cột số, tính bao nhiêu gallon dầu, bao nhiêu hộp măng-sông. Trên đầu anh, trong buồng đèn, ngọn đèn vẫn quay đều đặn trong tiếng rì rầm chậm rãi. Xa dưới đất anh thấy được ngọn đèn dầu đơn lẻ từ căn nhà.
Anh làm việc được một tiếng thì tự dưng thấy muốn quay lưng lại. Anh thấy Lucy đang nhìn anh, mắt nó sáng lên trong ánh đèn mềm mại. Khi mắt hai cha con gặp nhau, con bé mỉm cười, và một lần nữa Tom thấy mình choáng váng trước sự màu nhiệm đó — con bé đẹp quá, không một chút dè dặt. Con bé đưa tay bị băng bó lên, ngắm nghía. “Lucy cũng đi chiến tranh nè ba,” nó nói, khẽ nhăn mặt. Nó đưa tay ra đòi bế.
“Ngủ đi con,” Tom nói, cố quay lại với công việc. Nhưng con bé nài nỉ. “Át ru đi ba.” Nó cứ đưa hai tay về phía anh.
Tom bế con đặt vào lòng rồi khẽ đong đưa. “Ba mà hát thì con sẽ bị ác mộng mất, Lulu à. Má hát mới hay.”
“Lulu bị đau tay mà ba,” con bé nói, đưa ngón tay bị thương lên như bằng chứng.
“Đau tay thật mà, phải không thỏ con của ba?” Anh khẽ hôn lên chỗ băng bó. “Sẽ mau lành thôi. Con chờ xem.” Anh hôn lên trán con rồi vuốt mái tóc vàng mềm mại của nó. “À ơi, Lulu, Lulu của ba. Làm sao mà con lại đến đây?” Anh nhìn ra xa, vào bóng tối đặc quánh ngoài kia. “Làm sao mà con về với ba má?”
Anh thấy cơ thể con bé duỗi ra, bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Dần dần đầu nó dựa nhẹ vào khuỷu tay anh. Anh thầm thì không thành tiếng, cứ hỏi mãi câu hỏi còn gặm nhấm mình. “Làm sao mà ba thấy thương con nhiều vậy hả Lulu?”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 10 Aug 2019

Chương hai mươi

“Tôi không biết là ông ấy đã cố liên lạc.” Tom ngồi cạnh Isabel trên hiên nhà sau. Anh lật đi lật lại chiếc phong thư đã cũ mèm, sờn nát, gởi cho anh “nhờ chuyển qua Tiểu đoàn 13, AIF”. Trên mặt phong thư viết chi chít các địa chỉ nhờ chuyển và chỉ dẫn kèm theo, cuối cùng là một dòng chữ lạnh lùng viết bằng bút chì xanh yêu cầu “trả về cho người gởi” — tức Ngài Edward Sherbourne, cha của Tom. Lá thư báo tin ông cụ đã qua đời được chuyển đến cùng với một gói bưu phẩm ba ngày trước, theo chuyến tiếp tế tháng Sáu.
Thư của nhà thờ và hãng luật Hattersley & Parfitt theo đúng thủ tục, chỉ liệt kê thông tin. Ung thư vòm họng, ngày 18 tháng Giêng năm 1929. Mất vài tháng họ mới tìm ra Tom. Anh trai Cecil là người thừa kế tài sản duy nhất, phần Tom chỉ có mỗi mặt dây chuyền hình trái tim bằng vàng, bên trong lồng ảnh của mẹ anh, gởi kèm theo lá thư đã từng cố đuổi theo dấu vết của Tom khắp nơi.

Đêm đó, anh mở gói bưu kiện sau khi đã châm đèn. Anh ngồi trong buồng đèn, bắt đầu đọc những dòng chữ viết tay cứng cỏi, nhọn sắc, thấy lạnh lùng như không.

“Merryvale”
Sydney
Ngày 16 tháng Mười năm 1915

Thomas yêu quý,
Tôi viết thư này vi biết tin anh đã tòng quân. Tôi không phải là người văn hoa lắm chữ. Nhưng giờ anh đã ở xa quá, mà chiến tranh rồi không biết sẽ ra sao, có khi không còn gặp nhau được nữa, thành thử tôi viết cho anh.
Có rất nhiều chuyện tôi không thể giải thích với anh mà không nói gì phương hại đến mẹ anh, mà tôi thì không muốn gây thêm trở ngại gì nữa, sau những chuyện đã rồi. Do đó, có những chuyện tốt nhất không bao giờ nói đến. Tôi có lỗi một phần, và giờ đây tôi muốn sửa sai lầm đó. Kèm thư này là món đồ trang sức mà mẹ anh muốn để lại cho anh, khi bà ấy rời nhà. Trong này có hình của bà ấy. Khi đó tôi nghĩ rằng tốt nhất không nên nhắc gì đến mẹ anh nữa, nên đã không đưa cho anh. Quyết định tách bà ấy khỏi cuộc sống của anh là chuyện không hề dễ dàng với tôi.
Giờ đây mẹ anh đã tạ thế, tôi thấy cần làm đúng yêu cầu của bà ấy, cho dù đã muộn.
Tôi đã nuôi dạy anh thành người ngoan đạo. Tôi đã đảm bảo cho anh được học hành tử tế. Tôi hy vọng đã giúp anh biết phải trái đúng sai: không có sự thành đạt hay lạc thú nào ở đời có thể bù đắp cho một tâm hồn không trong sạch.
Tôi tự hào vì anh đã nhập ngũ. Anh đã trở thành một thanh niên hữu trách. Khi chiến tranh kết thúc, tôi sẽ rất sẵn lòng tìm cho anh một vị trí trong công ty. Cecil có thiên hướng làm nhà quản lý tốt, tôi biết anh ấy sẽ điều hành nhà máy suôn sẻ sau khi tôi nghỉ hưu. Nhưng tôi cũng chắc sẽ luôn có chỗ cho anh.
Tôi thấy đau lòng khi phải biết tin anh lên đường qua nước khác. Tôi cũng muốn được nhìn thấy anh mặc quân phục, được tiễn anh-lên đường, nhưng tôi đoán biết rằng sau khi tìm ra mẹ anh và biết rằng bà ấy đã mất có lẽ anh chẳng thiết gặp tôi nữa.
Do đó, tôi để sự vụ tùy anh. Nếu anh hồi âm lá thư này, tôi sẽ rất vui lòng. Dù sao đi nữa anh cũng là con trai tôi. Đến khi có con, anh sẽ hiểu.
Tuy nhiên nếu anh không muốn hồi âm, tôi cũng sẽ tôn trọng lựa chọn của anh và sẽ không phiền anh nữa. Dù sao tôi vẫn sẽ cầu nguyện cho anh được an toàn nơi chiến trận để khải hoàn trở về quê hương.
Người cha yêu thương của anh,
Edward Sherbourne.


Tom không còn nhớ lần cuối cùng anh nói chuyện với cha là khi nào. Viết một lá thư như vậy hẳn rất khó khăn với ông. Chuyện ông cố liên lạc với anh sau cuộc chia tay khá cay đắng không chỉ làm Tom ngạc nhiên, mà còn thấy sốc. Chẳng có gì là chắc chắn. Tom tự hỏi sự lạnh lùng của ông phải chăng là để bảo bọc lấy vết thương lòng qua ngần ấy năm. Lần đầu tiên anh thoáng nhận ra, dưới vẻ ngoài sắt đá đó, chỉ trong thoáng chốc thôi, anh mường tượng một người đàn ông sống nguyên tắc, bị người đàn bà mình yêu làm tổn thương nhưng không thể bộc lộ được nỗi lòng.

Tom đi tìm mẹ vì một lý do rất cụ thể. Khi anh đứng bên ngoài cánh cửa căn phòng trọ, giày đánh sáng bóng, móng tay cắt sạch sẽ, trong đầu anh nhẩm lại những lời đó một lần cuối. “Con xin lỗi đã khiến mẹ phải chịu khổ.” Lúc đó anh cảm thấy run rẩy như đứa trẻ đã đợi mười ba năm, chỉ để nói những lời đó. Anh thấy rợn cả người. “Con chỉ nói rằng con có thấy một chiếc xe. Rằng có xe đậu ở ngoài nhà. Con không biết…”
Phải nhiều năm sau Tom mới hiểu hết được hậu quả của những lời nói ngây thơ ngày trước. Mẹ anh bị cho là không đủ tư cách làm mẹ, rồi bị cấm liên lạc với anh. Nhưng hành trình sám hối của Tom đã quá muộn, anh sẽ không bao giờ được nghe mẹ tha thứ cho tội phản bội, mặc dù chỉ là sự ngây thơ con trẻ. Lời nói có khi thật trớ trêu không lường được. Tốt hết cứ giữ kín trong lòng, cuộc đời đã dạy Tom như thế.
Anh nhìn lại hình mẹ trong món đồ trang sức. Có lẽ cả cha lẫn mẹ đều yêu thương anh, mặc dù tình yêu đó vô cùng trắc trở. Anh thấy mình đột nhiên giận sôi lên trước chuyện cha anh tự cho mình cái quyền tách anh ra khỏi người mẹ: vừa chân thành, vừa tàn nhẫn.
Chỉ khi giọt nước mắt khiến dòng chữ nhòe đi Tom mới biết mình đang khóc. “Đến khi có con, anh sẽ hiểu.”

Anh ngồi ngoài hiên với Isabel. Cô an ủi anh “Mặc dù đã không gặp nhau chừng đó năm, ông ấy vẫn là cha mình. Trên đời chỉ có một thôi. Đương nhiên mình sẽ thấy đau đớn chứ.”
Tom tự hỏi liệu Isabel có nhận ra sự trớ trêu trong lời cô vừa nói không.
“Thôi mà, Luce, uống ca cao đi” Isabel cất tiếng gọi con gái ngay sau đó.
Con bé chạy đến, hai tay chụp lấy tách ca cao. Nó quẹt cánh tay qua miệng, thay vì chùi bằng bàn tay lấm lem, rồi đưa cái tách lại cho Isabel. “Cảm ơn má,” con bé hớn hở nói. “Lulu cưỡi ngựa về Pataterz thăm ông ngoại bà ngoại đây,” nói rồi con bé chạy về phía con ngựa gỗ.
Tom nhìn món trang sức trong bàn tay. “Hàng năm trời tôi cứ nghĩ mẹ ghét bỏ tôi vì đã làm lộ bí mật của mẹ. Tôi chẳng biết gì về món đồ này…” Môi dưới anh bặm lại, miệng anh mím chặt. “Nếu biết thì đã khác.”
“Em biết em không sẽ không nói được gì lúc này. Em ước gì em có thể… em cũng không biết nữa, làm được gì đó cho mình.”
“Má ơi con đói,” Lucy chạy trở lại, la lên.
“Chạy nhảy kiểu đó thì hỏi sao không đói!” Isabel vừa nói vừa bế xốc con lên tay. “Lại đây đi. Lại đây ôm ba một cái. Hôm nay ba buồn lắm đó.” Rồi cô đặt con bé vào lòng anh, rồi hai má con ôm anh thật chặt.
“Cười đi ba,” con bé nói, “cười như Lulu nè,” con bé nhe răng ra làm mẫu.

Ánh sáng chiếu xuyên qua đám mây, như tìm cách né những cơn mưa còn ở xa. Lucy ngồi trên vai Tom, mỉm cười nhìn quanh.
“Chỗ này!” nó reo lên, chỉ ngón tay về bên trái. Tom đổi hướng, hai cha con đi xuống đồng cỏ. Một con dê vừa gặm đứt chuồng tạm rồi bỏ đi đâu mất, Lucy nài nỉ để được đi tìm với anh.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 10 Aug 2019

Dưới chỗ vịnh cũng không có. Chắc hẳn nó không thể đi xa được. “Mình đi tìm chỗ khác đi,” Tom nói. Anh bước ra phần đất phẳng một lần nữa, đi đủ một vòng. “Đi đâu bây giờ hả Lulu? Con chọn đi.”
“Dưới kia!” Con bé chỉ một lần nữa, về phía bên kia hòn đảo, rồi hai cha con lại tiếp tục đi.
“Từ nào có vần ‘ê’ như ‘con dê’ hả Lulu?”
“Búp bê!”
“Đúng rồi. Còn từ nào khác nữa?”
Con bé cố lần nữa. “Búp bê?”
Tom bật cười. “Mùa thu có trái gì hả Lulu?”
“Trái táo.”
“Đúng rồi, nhưng trái gì gần với trái táo mà cùng vần với con dê nhỉ? Bắt đầu bằng âm ‘lờ’.”
“Trái lê!”
Anh cù vào bụng con bé. “Trái lê, búp bê, con dê. Mà nhìn kìa… Luce con nhìn dưới kia kìa, gần bãi biển đó.”
“Nó kìa ba ơi! Chạy tới đi ba!”
“Đừng chạy, thỏ con à. Mình mà chạy thì nó sẽ hoảng sợ, sẽ chạy mất. Mình phải thật nhẹ nhàng.”
Tom mải suy nghĩ nên ban đầu không nhận ra con dê vừa tìm ra chỗ gặm cỏ mới.
“Con nhảy xuống đi.” Anh đỡ Lucy qua vai mình rồi xuống bãi cỏ. “Con ở đây ngoan, để ba đi dắt con Flossie về. Ba sẽ thắt dây qua cổ rồi dắt nó về đây dễ như không.
“Được rồi, Flossie. Thôi nào, không làm trò nữa nào.” Con dê ngẩng lên nhìn anh rồi lùi lại vài bước ra xa. “Đủ rồi… Đứng im.” Tom chộp lấy cổ nó, thắt dây quanh đó. “Được rồi, xong rồi. Đi nào, Lulu…” Anh quay người lại, thấy hai cánh tay nhói lên, một giây sau anh nhận ra vì sao. Lucy đang ngồi trên một mỏm đất nơi cỏ mọc dày hơn những chỗ chung quanh. Thông thường anh tránh phần nào trên đảo, với anh, nơi đó — chỗ người quá cố nằm, lúc nào cũng có vẻ phủ bóng ảm đạm, mặc cho trời nắng đẹp tới đâu đi nữa.
“Nhìn nè ba nè, con tìm được cái ghế nè ba,” con bé vừa nói vừa mỉm cười.
“Lucy! Leo xuống ngay!” Anh hét lên mà không kịp suy nghĩ.
Lucy xịu mặt xuống, nước mắt chảy ra vì hoảng hốt - chưa bao giờ bị la mắng, con bé bắt đầu khóc.
Anh chạy lại bế nó lên. “Ba xin lỗi Lulu. Ba không có ý làm con sợ,” anh nói, thấy xấu hổ với chính mình. Cố che đi nỗi hoảng hốt, anh vội vã đi ra mấy bước. “Chỗ đó không ngồi được đâu con à.”
“Tại sao không?” con bé gào lên. “Ghế đặc biệt của Lulu mà. Ghế thần đó ba.”
“Chỉ là…” anh ôm con bé, dụi đầu nó vào cổ mình. “Chỗ đó không ngồi được, cưng à.” Anh hôn lên đầu con.
“Lulu có hư không ba?” con bé hỏi, vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
“Không. Không hề hư. Lulu của ba không hư.” Anh hôn lên má con rồi vuốt mấy sợi tóc vàng khỏi mắt nó.
Nhưng khi ôm con, lần đầu tiên trong hàng năm trời anh nhận ra cũng chính đôi bàn tay đó đã đẩy người cha của con bé xuống huyệt mộ. Anh nhắm mắt, nhớ lại cảm giác trong từng thớ thịt, sức nặng của con người đó, rồi nghĩ đến sức nặng của Lucy trong tay anh. Dường như Lucy còn nặng hơn.
Anh thấy có bàn tay đập vào má mình. “Ba ơi! Ba nhìn con đi!” con bé nói.
Anh mở mắt ra, nhìn con trong im lặng. Cuối cùng, anh hít một hơi sâu rồi nói. “Giờ mình đưa Flossie về nhà. Con giữ sợi dây cho ba được không?”
Con bé gật đầu, anh buộc sợi dây quanh cổ tay nó, bế nó ngang hông suốt quãng đường dốc về nhà.

Buổi chiều hôm đó trong bếp Lucy vừa định leo lên ghế thì quay sang hỏi Tom. “Chỗ này có ngồi được không ba?”
Anh không ngẩng lên nhìn, tiếp tục sửa tay nắm cửa bị hư. “Ừ ngồi được Lulu à”, anh nói mà không nghĩ gì.
Khi Isabel đến ngồi gần nó, Lucy hét lên “Không được đâu má, không được ngồi đó! Chỗ đó không ngồi được.”
Isabel bật cười. “Lúc nào má cũng ngồi đây mà cưng. Má nghĩ chỗ này ngồi rất thích.”
“Không được ngồi chỗ đó. Ba nói vậy!”
“Ba ơi, Lulu nó nói gì vậy hả?”
“Rồi tôi sẽ kể với mình sau,” anh nói, với tay lấy chiếc chìa vít, hy vọng Isabel sẽ quên bẵng đi.
Nhưng cô không quên.
Sau khi đã cho Lucy đi ngủ, Isabel hỏi lại lần nữa. “Chuyện gì vậy hả mình? Con bé rất lo lắng khi em ngồi lên giường nó đọc truyện cho nó nghe. Nói là ngồi chỗ đó sẽ làm ba giận.”
“À, chỉ là một trò chơi nó nghĩ ra vậy thôi. Chắc tới mai nó sẽ quên mất.”
Nhưng trong buổi chiều hôm đó Lucy đã khiến bóng ma của Frank Roennfeldt quay về. Ký ức về gương mặt của Frank cứ ám ảnh Tom mỗi khi anh nhìn về hướng những ngôi mộ.
“Đến khi có con…” Tom từng nghĩ đến mẹ ruột của Lucy rất nhiều lần, nhưng giờ đây anh mới nhận ra tội lỗi của mình với người cha của con bé. Vì anh mà Frank không có đến một vị linh mục làm lễ khi qua đời; không thể sống mãi trong ký ức của Lucy, như cái quyền của một người cha quá cố. Trong giây lát, Lucy chỉ cách gốc gác của mình mấy tấc đất — dưới kia là Roennfeldt, là sợi dây nối ruột thịt. Tom thấy lạnh toát người khi nhận ra biết đâu chính tay anh đã giết những người bà con của Frank — cũng có thể lắm, chính anh đã giết máu mủ ruột rà của con người tạo ra Lucy. Đột nhiên, những gương mặt của kẻ thù, sống động và giận dữ, giờ đây lại bước ra từ hầm mộ chôn sâu trong mớ ký ức của anh, có lúc đã tưởng không bao giờ khơi đến.

Sáng hôm sau khi Isabel và Lucy đi nhặt trứng, Tom quyết định sẽ dọn dẹp lại phòng khách. Anh bỏ hết đám bút chì của Lucy vào hộp bánh quy, sắp lại mấy cuốn sách của con bé. Anh tìm thấy cuốn sách cầu nguyện mà Ralph tặng con bé nhân dịp lễ rửa tội, Isabel vẫn thường hay đọc cho nó nghe. Anh lật qua những trang giấy mỏng tang, viền ánh vàng. Những lời cầu nguyện buổi sáng, nghi thức thánh thể… Lật qua những bài thánh thi, mắt anh dừng lại ở thánh thi số 37, Noli aemulari. “Chớ phiền lòng vì những kẻ làm ác; cũng đừng ganh tức những kẻ làm chuyện gian tà. Rồi chúng cũng bị phát sạch như cỏ dại, và héo úa như đám rau vừa xanh.”
Isabel cõng Lucy vào nhà, hai mẹ con đang cười chuyện gì đó. “Trời đất, sạch gọn quá đi thôi! Có cô tiên nào vừa mới ghé qua chăng?” Isabel hỏi.
Tom đóng cuốn sách lại, đặt nó ngay ngắn trên chồng sách. “Tôi chỉ dọn lại cho đúng chỗ thôi mà,” anh nói.

Mấy tuần sau Ralph và Tom ngồi dựa lưng vào bức tường đá nơi nhà kho, sau khi đã dỡ hết hàng tiếp tế tháng Chín. Bluey còn ở dưới thuyền, đang sửa lại sợi dây xích neo thuyền còn Isabel ở trong bếp với Lucy, làm bánh gừng hình người. Sáng hôm đó khá vất vả, hai người đàn ông giờ đây ngồi uống chung một chai bia, trong ánh nắng mùa xuân còn dè dặt.
Đã hàng tuần nay Tom cứ chờ đợi khoảnh khắc này, nghĩ đến việc anh sẽ khơi chuyện ra sao khi thuyền đến. Anh hắng giọng rồi hồi, “Bác đã bao giờ… làm chuyện gì sai chưa hả bác Ralph?”
Ông lão nhìn Tom lạ lùng. “Anh nói vậy là ý sao?”
Lời nói thốt ra thật vụng về, mặc dù Tom đã chuẩn bị kỹ. “Cháu muốn nói về chuyện… làm sao để sửa sai khi mình đã làm điều quấy.” Mắt anh nhìn chăm chăm vào hình con thiên nga đen trên nhãn chai bia, cố lắm anh mới giữ được bình tĩnh. “Ý cháu là một điều sai trái rất nghiêm trọng.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 10 Aug 2019

Ralph nốc một hơi bia rồi nhìn xuống bãi cỏ, chậm rãi gật đầu. “Anh muốn kể gì hả? Thực tình tôi không có ý nhiều chuyện, không muốn xía vào.”
Tom vẫn ngồi yên, cảm nhận rõ sự nhẹ nhõm nếu anh trút được gánh nặng câu chuyện của Lucy. “Cha cháu vừa mất, khiến cháu nghĩ tới những thứ mình đã làm sai trong đời, nghĩ làm sao để sửa sai trước khi mình chết đi.” Anh mở miệng chuẩn bị nói tiếp, nhưng hình ảnh Isabel tắm cho đứa con chết non hiện về, khiến anh nghẹn giọng.
“Cháu còn không biết đến tên họ nữa…” Anh thấy ngạc nhiên khi khoảng trống được lấp đầy nhanh đến vậy, với những suy nghĩ khác, tội lỗi khác.
“Tên ai kia?”
Tom ngập ngừng, anh cảm thấy như mình đang đứng bên bờ vực, đang nghĩ xem có nên nhảy xuống không. Anh nhấp bia. “Những người bị cháu giết hồi đó.” Lời nói rơi ra, cụt ngủn, nặng nề.
Ralph suy nghĩ trước khi trả lời. “Nhưng chiến tranh là vậy mà. Hoặc giết hoặc bị giết.”
“Càng về sau cháu thấy mọi thứ mình làm lúc đó càng điên loạn.” Tom thấy mình như bị nhốt trong từng khoảnh khắc trôi đi, cứ như có gì đó đang đè nén lên mọi giác quan của anh, lên mọi suy nghĩ chất chứa tội lỗi, càng lúc càng dày thêm qua năm tháng. Anh thấy nghẹt thở. Ralph vẫn ngồi im, chờ đợi.
Tom quay sang Ralph, đột nhiên run rẩy. “Chúa ơi, cháu chỉ muốn làm sao cho phải thôi, bác Ralph à! Nói cho cháu biết phải làm sao đây! cháu… cháu không chịu được nữa! Cháu không thể chịu được nữa.” Anh ném cái chai xuống đất. Chai bia vỡ tan tành trên mặt đá, những lời nói tan vào thổn thức.
Ralph choàng tay qua anh. “Được rồi, con trai. Từ từ đã. Tôi đã sống lâu hơn anh một chút. Thấy đủ rồi. Đúng sai nhiều khi như hai con rắn quái quỷ vậy; quấn vào nhau mình không biết đâu là đâu, cho tới khi bắn chết cả hai, rồi lúc đó thì đã muộn mất.”
Ông lão nhìn Tom: nhìn thật lâu, không nói năng gì. “Vấn đề ở đây là; bới lại chuyện cũ thì có ích gì? Có sửa được gì nữa đâu.” Những lời đó, không hề có chút phán xét hay hằn học nào, lại như lưỡi dao xoáy vào tận gan ruột Tom. “Lạy Chúa, muốn người ta trở nên điên loạn thì cách nhanh nhất là để anh ta cứ vật vã đúng sai.”
Ralph khẩy chỗ ngón tay bị sần. “Nếu tôi có con trai, tôi sẽ rất tự hào nếu nó chỉ bằng được một nửa của anh. Anh là người tử tế, Tom à. May mắn nữa, có vợ như vậy, con gái như kia. Cứ tập trung vào những gì tốt nhất cho gia đình anh hiện giờ. Ơn trên đã cho anh một cơ hội thứ hai, nên tôi nghĩ Người cũng không phiền chuyện hồi đó anh làm gì, hay không làm gì. Anh phải nghĩ tới hiện tại. Chuyện gì làm được thì làm ngay hôm nay, còn chuyện cũ thì quên đi. Những việc khác để cho thánh thần, hay ma quỷ, hay gì gì nữa lo liệu.”

“Muối ăn. Không cách gì mà hết được. Chỉ cần không để ý thì chỗ nào cũng bị muối ăn.” Ngày hôm sau khi nói chuyện với Ralph, Tom lẩm bẩm một mình. Lucy ngồi bên cạnh anh trong chiếc đèn kính khổng lồ, cho búp bê ăn kẹo tưởng tượng trong khi anh chùi và đánh bóng mấy chi tiết bằng đồng. Đôi mắt xanh biếc của con bé nhìn anh âu yếm.
“Ba có phải là ba của búp bê luôn không?” nó hỏi.
Tom dừng tay. “Ba không biết. Tại sao con không hỏi búp bê?”
Con bé nghiêng người thì thầm với búp bê, rồi tuyên bố. “Búp bê nói không. Ba là ba của Lulu thôi.”
Gương mặt con bé đã không còn bầu bĩnh, bắt đầu hé lộ những đường nét về sau — mái tóc ngả vàng thay vì sẫm màu như lúc nhỏ, đôi mắt sắc sảo, nước da sáng. Anh tự hỏi không biết con bé sẽ giống cha hay mẹ ruột. Rồi anh nghĩ đến gương mặt của người đàn ông tóc vàng mà anh chôn cất. Anh thấy lạnh xương sống khi nghĩ đến những câu hỏi khó hơn của con bé về sau này. Giờ đây thỉnh thoảng trong gương anh lại bắt gặp hình ảnh người cha của mình ngày trước, vẻ giống nhau ruột thịt như đang âm thầm chờ đợi. Partageuse rất nhỏ: người mẹ có thể không nhận ra đứa con lạc mất của mình khi nó chỉ vừa chập chững, nhưng cuối cùng, lẽ nào lại không nhìn ra chính mình trong đứa con đã trưởng thành? Suy nghĩ đó gặm nhấm anh mòn mỏi. Anh nhúng miếng giẻ vào lon thuốc đánh bóng rồi tiếp tục chùi, cho tới khi giọt mồ hôi nhỏ vào khóe mắt.

Đêm đó Tom đứng dựa cột ngoài hiên nhà, ngắm ngọn gió thổi mặt trời vào bóng đêm. Anh đã châm đèn, việc trong tháp đèn coi như tạm ổn cho đến sáng. Anh cứ nghĩ đi nghĩ lại về lời khuyên của Ralph. chuyện gì làm được thì làm ngay hôm nay.
“Mình đây rồi,” Isabel lên tiếng. “Nó ngủ rồi. Phải đọc truyện Cô bé Lọ lem đến ba lần mới chịu ngủ!” Cô vòng tay qua Tom, dựa người vào anh. “Thương quá, con bé giờ đã biết lật sách, giả bộ đọc. Nó thuộc lòng hết rồi.”
Tom không trả lời, Isabel hôn anh ngay dưới tai, khẽ nói. “Hay tối nay đi ngủ sớm. Em mệt, nhưng cũng không quá mệt…”
Anh vẫn nhìn ra phía mặt nước. “Cô Roennfeldt trông như thế nào nhỉ?”
Phải mất một lúc Isabel mới nhận ra anh đang nói về Hannah Potts. “Mình hỏi vậy để làm gì chứ?”
“Mình nghĩ để làm gì?”
“Nó không hề giống cô ta một chút nào! Lucy tóc vàng, mắt xanh - hẳn là giống cha nó.”
“Thì chắc chắn là không giống cả hai chúng ta.” Anh quay sang nhìn thẳng vào mặt cô. “Izzy, ta phải lên tiếng. Phải nói ra thôi.”
“Nói với Lucy? Nó còn quá nhỏ để mà…”
“Không, nói với Hannah Roennfeldt.”
Isabel hoảng sợ. “Để làm gì kia?”
“Cô ấy phải được biết.”
Isabel run rẩy. Trong những giây phút u ám, cô cũng từng tự hỏi liệu điều gì là tệ hại hơn, tin rằng con gái mình đã chết hay biết rằng nó còn sống nhưng mình sẽ không bao giờ gặp nó; cô cũng từng tưởng tượng ra nỗi khổ của Hannah. Nhưng làm sao có thể đồng ý với Tom, dù chỉ trong chốc lát, vì mọi thứ sẽ tan tành hết, cô biết vậy. “Tom. Sống để bụng chết mang đi. Không thể đặt lương tâm cắn rứt của mình lên trên hạnh phúc của Lucy.”
“Lương tâm cắn rứt? Chúa ơi, Isabel, ở đây đâu phải là chuyện thó vài xu từ hòm công đức! Đây là chuyện cuộc đời của một đứa nhỏ! Và đời của mẹ nó nữa. Ta được sung sướng giây nào thì Hannah phải trả giá giây đó. Làm vậy không thể nào đúng được, ta có cố nghĩ kiểu gì cũng vậy thôi.”
“Tom, giờ đây mình đang mệt, mình đang buồn, đang rối. Sáng mai thức dậy mình sẽ thấy khác đi. Tối nay em sẽ không nói gì chuyện này với mình nữa.” Cô chạm vào tay anh, cố không để lộ sự run rẩy trong lời nói. “Ta… ta… đời không như là mơ! Ta phải hiểu điều đó.”
Anh nhìn cô chằm chằm, thấy tê dại, thầm nghĩ biết đâu cô không có thật. Có lẽ chẳng có gì là có thật, bởi khoảng cách nhỏ nhoi giữa hai người như đã rẽ ra hai hiện thực khác nhau hoàn toàn, và họ không thể hòa vào nhau được nữa.

Lucy rất thích ngắm những tấm ảnh chụp mình hồi còn nhỏ trong lần đầu về Partageuse. “Lulu đó!” con bé nói với Tom khi ngồi trong lòng anh, chỉ vào tấm ảnh trên bàn. “Nhưng lúc đó Lulu còn nhỏ lắm. Giờ Lulu lớn rồi.”
“Đúng là Lulu lớn thật rồi. Sinh nhật tới đã bốn tuổi rồi mà.”
“Kia,” con bé nói tiếp, chỉ tay mạnh mẽ, “là má của má.”
“Đúng rồi. Má của má tức là bà ngoại.”
“Còn kia là ba của ba.”
“Không phải, là ba của má. Là ông ngoại.”
Lucy trông có vẻ ngờ vực.
“Đúng vậy, thật là rắc rối phải không. Nhưng ông ngoại và bà ngoại không phải là ba má của ba.”
“Vậy ba má của ba là ai?”
Tom trở người, chuyển Lucy từ một bên đầu gối qua bên kia. “Ba má của ba tên là Edward và Eleanora.”
“Cũng là ông bà của Lulu?”
Tom tránh câu hỏi. “Cả hai chết rồi, cưng à.”
“À,” Lucy nói, gật đầu nghiêm túc, đúng kiểu nó hay làm mỗi khi không hiểu anh nói gì cả. “Chết giống Flossie vậy.”
Tom đã quên bẵng chuyện con dê bị bệnh và chết mấy tuần trước. “Ừ đúng rồi, giống Flossie chết vậy.”
“Vì sao ba má của ba chết?”
“Vì già yếu.” Anh thêm vào. “Đã lâu rồi.”
“Vậy Lulu rồi có chết không?”
“Có ba thì con sẽ không sao hết, Lulu à.”
Nhưng gần đây, mỗi ngày với đứa trẻ này lại chứa đựng một rủi ro mới. Con bé càng biết nói càng có khả năng đào xới thế giới chung quanh nó, để biết cho được câu chuyện về bản thân mình. Tom thấy ray rứt tột cùng khi nghĩ rằng mọi hiểu biết của con bé về cuộc đời, về bản thân nó đều được gây dựng trên một lời nói dối kinh khủng: chính là lời nói dối mà anh đã tiếp tay làm cho hoàn hảo.

Mọi bề mặt trong buồng đèn đều sáng bóng: Tom vốn luôn chăm chỉ lau chùi, nhưng giờ đây anh như liên tục tuyên chiến với từng con ốc vít, từng chi tiết máy, cho tới khi mọi thứ phải đầu hàng, sáng bóng. Những ngày này người Tom lúc nào cũng có mùi thuốc đánh bóng Duraglit. Các lăng kính lấp lánh, ánh đèn sáng rực, không hề có một hạt bụi bám cản đường. Mỗi chiếc răng cưa trong cơ chế máy đều vận hành nhịp nhàng. Thiết bị tháp đèn dường như chưa bao giờ hoạt động chính xác đến vậy.
Nhưng căn nhà ở thì càng lúc càng xập xệ. “Mình coi đắp chút vôi bột vô chỗ nứt tường đó được không?” Isabel hỏi khi hai người ngồi trong bếp, vừa ăn trưa xong.
“Để chuẩn bị xong cho kỳ thanh tra sắp tới rồi tôi đắp.”
“Nhưng mình chuẩn bị cả mấy tuần rồi còn gì, đúng ra là mấy tháng luôn. Có phải như Nhà vua sắp ghé thăm đâu hả?”
“Tôi chỉ muốn mọi thứ thật tươm tất, có vậy thôi. Tôi đã nói mình rồi, kỳ này có khi ta sẽ xin được việc ở Trạm đèn Mũi Moore. Như vậy sẽ ở đất liền, gần với Geraldton. Gần người. Xa Partageuse đến hàng trăm dặm.”
“Vậy mà có lúc mình tưởng như không thể rời xa Janus.”
“Thời thế thay đổi mà.”
“Thời thế đâu có thay đổi, Tom à” cô nói. “Khi trước mình hay nói là nếu ngọn hải đăng trông khác đi, thì không có nghĩa là ngọn hải đăng thay đổi.”
“Vậy thì mình nghĩ xem cái gì thay đổi,” anh nói, rồi với tay lấy chiếc chìa vặn đai ốc rồi bỏ ra phía xưởng, không ngoái lại nhìn.

Đêm đó Tom mang một chai whisky ra ngắm sao ở vách núi. Ngọn gió vờn trên mặt anh khi anh dõi mắt theo những chòm sao và cảm nhận hơi cồn thiêu đốt trên đầu lưỡi. Anh quay nhìn phía ánh đèn quay, rồi bật cười cay đắng khi nhận ra rằng khi ngọn đèn quay, cả hòn đảo chìm trong bóng tối. Ngọn hải đăng chỉ soi đường cho những nơi khác, nhưng lại bất lực không thể rọi sáng những chỗ gần nó nhất.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 10 Aug 2019

Chương hai mươi mốt

Chương trình lễ kỷ niệm ở Mũi Partageuse ba tháng sau đó tính theo chuẩn miền Tây Nam thì đúng là xôm tụ. Giám đốc Phòng Thương mại Hàng hải từ Perth cũng tham dự, có cả Thống đốc Bang. Các vị chức sắc thị trấn đều có mặt — Ngài Thị trưởng, Cảng trưởng, Cha Norkells, và ba trong số năm người gác đèn gần đây nhất. Họ tụ hội về xứ Mũi để kỷ niệm ngày đầu tiên ngọn hải đăng Janus được thắp sáng bốn mươi năm trước đó, hồi tháng Giêng năm 1890. Nhân dịp này nhà Sherbourne cũng được một chuyến nghỉ phép ngắn hạn trên bờ.
Tom miết ngón tay giữa cổ và chiếc cổ áo bó chặt. “Thật chẳng khác gì con ngỗng nhồi!” anh than phiền với Ralph khi cả hai đang đứng trong cánh gà, nhìn ra ngoài sau tấm màn sân khấu. Ngồi ngay ngắn trên mấy hàng ghế giữa sân khấu là các kỹ sư công chánh, nhân viên cục hải đăng và cảng từng làm việc có liên quan đến Janus trong các năm trước. Cửa sổ mở toang, bên ngoài râm ran tiếng dế kêu đêm mùa hạ. Isabel và cha mẹ cô ngồi một bên trong khán phòng. Bill Graysmark giữ Lucy trên đùi, con bé cứ bập bẹ đọc mấy bài đồng dao.
“Cứ nghĩ tới vụ uống xả láng lát nữa vậy,” Ralph thì thầm với Tom. “Tới cả Jock Johnson cũng không thể nói năng suốt cả đêm được - bộ đồ đó hẳn khó chịu lắm.” Ông lão gật đầu về phía người đàn ông hói đầu, mồ hôi nhễ nhại vận áo choàng cổ lông chồn, có đeo thêm sợi xích lễ phục truyền thống của Thị trưởng. Ông ta đang đi tới đi lui, chuẩn bị đọc diễn văn trong hội trường thị trấn.
“Cháu đi ra đây một lát,” Tom nói. “Mắc quá.” Rồi anh đi ra phía nhà vệ sinh đằng sau hội trường.
Khi trở lại anh để ý thấy một người đàn bà cứ nhìn mình chằm chằm.
Anh kiểm tra xem đã kéo khóa quần chưa, rồi nhìn ra phía sau, biết đâu cô ta đang nhìn ai khác. Nhưng cô ta vẫn nhìn anh. Cô ta tiến lại gần rồi nói, “Anh không nhớ tôi phải không?”
Tom nhìn cô ta một lần nữa. “Xin lỗi, có lẽ chị nhầm tôi với ai.”
“Cũng lâu rồi mà,” cô ta nói, mặt ửng đỏ. Trong giây lát nét biểu cảm trên gương mặt cô ta thay đổi, và anh nhận ra gương mặt người con gái trên tàu khi anh lần đầu đến Mũi Partageuse. Cô ta đã già đi nhiều, gầy gò hơn, dưới mắt có quầng thâm. Anh tự hỏi không biết cô ta có đau ốm gì không. Anh vẫn nhớ cô gái đó, trong bộ áo ngủ, mắt mở to vì sợ hãi, bị một tay say rượu ngu xuẩn ép dựa vào tường. Ký ức đó như đã thuộc về một con người khác, một cuộc đời khác. Đã một hai lần anh tự hỏi không biết cô gái ấy giờ ra sao, và cả tên say rượu đã hù dọa cô nữa. Anh chưa bao giờ kể lại chuyện đó với ai, kể cả Isabel. Linh cảm khiến Tom biết rằng giờ đây đã quá trễ để mà kể lại.
“Tôi chỉ muốn cảm ơn anh,” người phụ nữ vừa lên tiếng nhưng ngay lập tức bị cắt ngang bởi giọng người gọi ra từ cánh cửa sau khán phòng. “Sắp bắt đầu rồi. Vào trong đi.”
“Xin phép cô,” Tom nói. “Tôi phải đi đây. Có lẽ gặp cô sau vậy.”

Chương trình bắt đầu ngay khi anh ngồi xuống ghế trên sân khấu. Vài bài diễn văn, mấy mẩu chuyện từ những người gác đèn cũ; rồi đến phần trưng bày mô hình của chiếc đèn đầu tiên.
“Mẫu đèn này,” ông Thị trưởng dõng dạc tuyên bố, “được một nhà hảo tâm xứ Mũi tài trợ, chính là Ngài Septimus Potts đây. Tôi rất hân hạnh thông báo hôm nay Ngài Potts cùng với hai cô Hannah và Gwen cũng đến dự buổi lễ đơn sơ này, tôi mời mọi người cùng tôi cảm ơn Ngài theo cách thông thường.” Ông ta chỉ tay về phía một người đàn ông lớn tuổi ngồi cạnh hai người phụ nữ. Người đầu tiên, Tom nhận ra mà gan ruột xoắn lại, không ai khác hơn chính là cô gái trên tàu năm nào. Anh liếc xuống Isabel, cô đang gượng gạo cười và vỗ tay cùng với cả khán phòng.
Ông Thị trưởng tiếp tục, “Và đương nhiên, thưa quý ông quý bà, đêm nay ở đây còn có người gác đèn hiện tại ở Janus, là anh Thomas Sherbourne. Tôi chắc rằng anh Tom sẽ rất sẵn lòng nói vài lời về cuộc sống ở Janus Rock ngày nay.” Ông ta quay sang phía Tom, ra dấu mời anh lên bục phát biểu.
Tom cứng người lại. Không ai nói gì trước với anh về chuyện phải phát biểu. Anh vẫn còn choáng váng khi nhận ra người anh vừa gặp chính là Hannah Roennfeldt. Khán giả vỗ tay. Ông Thị trưởng ra dấu mời anh một lần nữa, lần này có vẻ ép buộc. “Lên đi nào, anh bạn.”
Trong giây lát, Tom tự hỏi liệu tất cả mọi việc, kể từ ngày chiếc thuyền con dạt lên đảo, phải chăng chỉ là một cơn ác mộng kinh hoàng, không có thật. Nhưng nhìn xuống dưới anh thấy Isabel, gia đình nhà Potts, cả Bluey, hết thảy đều có thật một cách ngột ngạt, không thể nào chối bỏ. Anh đứng dậy, tim đập thình thịch, tiến về phía bục phát biểu như phạm nhân bước ra giá treo cổ.
“Lạy Chúa,” anh bắt đầu, khán giả ở dưới cười khúc khích hưởng ứng. “Tôi không biết trước là phải phát biểu.” Anh lau bàn tay lên ống quần, nắm lấy bục phát biểu để đứng cho vững. “Cuộc sống ở Janus ngày nay…” Anh dừng lại, thoáng ngây người ra, rồi lặp lại, “Cuộc sống ở Janus ngày nay…” Làm sao anh giải thích được sự cô quạnh nơi đó? Làm sao anh khiến họ hiểu được cái thế giới nơi ấy, khác biệt với thế giới của họ như ở một thiên hà khác? Sự cô lập chở che của Janus giờ đây đã vỡ tan: anh đứng đây, giữa một đám đông, trong căn phòng bình thường, có thật, đầy người, đầy những cuộc đời khác. Hannah Roennfeldt đang ngồi đó. Im lặng kéo dài. Người ta bắt đầu hắng giọng thiếu kiên nhẫn, có người trở mình trên ghế.
“Hải đăng Janus do những người rất giỏi giang thiết kế ra,” anh nói, “và được những người vô cùng dũng cảm xây lên. Tôi chỉ biết cố gắng cho xứng với họ. Giữ cho đèn thắp mãi.” Anh bám vào những chi tiết kỹ thuật, thực tế, những thứ anh có thể nói đến mà không phải suy nghĩ. “Người ta nghĩ hẳn ngọn đèn phải lớn lắm, nhưng không phải vậy — nguồn sáng có được từ một ngọn lửa đốt bằng hơi dầu trong đèn măng sông cực sáng. Nguồn sáng được khuếch đại và dẫn qua một bộ lăng kính cao chừng ba thước sáu, gọi là thấu kính Fresnel bậc một, có tác dụng uốn cong ánh sáng thành chùm sáng cực mạnh, khiến ta có thể thấy được từ cách ba mươi dặm. Thật kỳ diệu vì một ngọn lửa nhỏ đến vậy mà trở nên thật mạnh, đứng cách hàng dặm vẫn thấy được… Công việc của tôi… việc tôi làm chỉ đơn giản là giữ cho nó sạch sẽ. Giữ cho đèn quay.
“Janus như một thế giới khác ở ngoài kia, cứ như theo một khung thời gian khác vậy: chẳng có gì thay đổi trừ bốn mùa đi qua. Dọc bờ biển Australia có đến hàng tá hải đăng như thế: có rất nhiều người làm việc như tôi, cố giữ an toàn cho tàu thuyền, giữ ngọn đèn sáng cho những người cần đến nó, mặc dù chúng tôi chẳng bao giờ thấy mặt hay biết được họ là ai.
“Thực tôi cũng không biết nói gì thêm nữa. Có lẽ trừ chuyện ta không biết được thủy triều sẽ mang vào đảo những gì mỗi ngày - hết thảy những món dạt trôi mà hai đại dương xô đẩy đến đảo.” Anh thấy ông Thị trưởng đang nhìn đồng hồ trong túi. “Có lẽ quý vị cũng khát nước lắm rồi: trời nực quá. Cảm ơn,” anh kết thúc bài nói chuyện, đột ngột quay ngồi xuống ghế. Khán giả hơi bị hẫng, vỗ tay chừng mực.
“Anh không sao chứ?” Ralph thì thầm hỏi. “Trông anh hơi tái.”
“Cháu không thích mấy vụ bất ngờ này lắm,” Tom chỉ nói vậy.

Phu nhân Đại tá Hasluck rất thích tiệc tùng. Nhưng sở thích đó rất hiếm khi được thỏa mãn ở Partageuse, vậy nên đêm nay trông bà còn vui vẻ hơn thường ngày. Bà có vẻ thích trách nhiệm phu nhân Cảng trưởng của mình, hăng hái đi quanh tạo không khí tiệc tùng, nhất là hôm đó có cả khách đến từ Perth. Bà thoắt đi thoắt lại, giới thiệu khách với nhau, rồi nhắc lại tên tuổi, rồi gợi ý những điểm tương đồng giữa họ. Bà cũng để mắt đến Cha Norkells đang uống tì tì rượu sherry, trông chừng không để Cha quá chén, rồi bắt chuyện với phu nhân Giám đốc Phòng Thương mại Hàng hải, nói những chuyện vu vơ như làm sao để giặt ủi chỗ dây xích vàng trên đồng phục nhân viên. Bà còn thuyết phục được cả lão Neville Whittnish kể lại câu chuyện lão đã cứu thủy thủ đoàn trên chiếc thuyền chở toàn rượu rum trong trận cháy gần Janus năm 1899. “Đương nhiên hồi đó là trước thời Liên bang,” lão nói. “Rất lâu trước khi Khối Thịnh Vượng Chung nhúng tay vào Hải đăng năm 1915. Về sau thì làm gì cũng giấy tờ quan liêu.” Phu nhân thống đốc bang gật gù chiếu lệ và tự hỏi không biết ông lão có biết tóc mình đầy gàu không.
Phu nhân đại tá Hasluck tìm việc tiếp theo để bận bịu, ngay lập tức nhìn ra cơ hội. “Isabel thân mến,” bà ta chào rồi đặt tay lên khuỷu tay cô. “Tom phát biểu hay quá là hay!” Nói rồi bà quay sang nựng nịu Lucy, lúc này được Isabel bế ngang hông. “Tối nay tiểu thư thức khuya quá hả. Mong là ngoan, không quấy mẹ.”
Isabel mỉm cười. “Nó ngoan lắm đó bà.”
Bà Hasluck nhanh nhẹn chạy ra, đón lấy cánh tay một người phụ nữ vừa đi ngang qua. “Gwen,” bà gọi. “Cô biết Isabel Sherbourne đây đúng không?”
Gwen Potts ngập ngừng trong giây lát. Hai chị em nhà cô lớn hơn Isabel cũng đến vài tuổi, từ nhỏ đã theo học trường nội trú ở Perth nên cũng không thân quen gì với Isabel. Bà Đại tá nhận ra sự ngập ngừng đó. “Graysmark đó. Isabel hồi con gái là Isabel Graysmark,” bà nói.
“Tôi… à đương nhiên là tôi có biết chị.” Gwen mỉm cười, lịch sự trả lời. “Cha chị là thầy hiệu trưởng.”
“Đúng vậy,” Isabel đáp, thấy rợn người, nôn nao trong bụng. Cô nhìn quanh, cứ như thể muốn bỏ trốn ra chỗ khác chỉ bằng đôi mắt.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 10 Aug 2019

Bà Đại tá có vẻ bối rối sau màn giới thiệu vừa rồi. Hai cô con gái nhà Potts không qua lại gì nhiều với dân xứ Mũi. Rồi nữa lại thêm chuyện tay người Đức, à… chuyện cô chị gái… Trời đất… Bà còn mải tính xem nên cứu vãn tình thế ra sao thì Gwen vẫy tay về phía Hannah, đứng cách đó có vài bước chân.
“Hannah, chị có biết anh Sherbourne mới phát biểu vừa rồi là chồng của Isabel Graysmark không? Con gái thầy hiệu trướng xứ Mũi đó.”
“Không, chị không biết,” Hannah đáp, có vẻ như vẫn đang suy nghĩ tận đâu đâu.
Isabel cứng người lại, không thốt nên lời khi gương mặt hốc hác của Hannah tiến lại gần. Cô ôm chặt lấy Lucy, cố mở lời chào hỏi, nhưng vô vọng.
“Con gái chị tên gì vậy?” Gwen hỏi, mỉm cười.
“Lucy.” Phải cố hết sức Isabel mới kiềm lại được, không chạy ngay ra khỏi phòng.
“Tên dễ thương quá,” Gwen khen.
“Lucy,” Hannah lên tiếng, như thể phát âm một từ tiếng nước ngoài. Cô nhìn đứa bé một hồi lâu, rồi đưa tay ra chạm vào nó.
Isabel rùng mình hoảng sợ khi bắt gặp đôi mắt của Hannah lúc cô mải ngắm đứa trẻ.
Lucy như bị thôi miên trước bàn tay người lạ mặt. Con bé nhìn chăm chú vào đôi mắt sẫm màu của Hannah, không cười cũng không nhăn nhó, như thể đang suy nghĩ giải một câu đố. “Má ơi,” con bé lên tiếng. Cả hai người phụ nữ cùng bừng tỉnh. Con bé quay về phía Isabel. “Má ơi,” nó lặp lại, “Lulu buồn ngủ,” rồi đưa tay dụi mắt.
Trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi, Isabel mường tượng ra cảnh phải giao trả đứa bé về với Hannah. Cô ta mới là mẹ. Cô ta có quyền. Nhưng rõ là Isabel đang choáng váng. Mà không, cô đã nghĩ đến chuyện đó rất nhiều lần rồi. Không thể thay đổi được nữa. Ý Chúa đã định, Isabel phải làm theo, phải đi cùng ý Chúa. Cô loay hoay nghĩ cách mở chuyện.
“A nhìn kìa,” bà Hasluck lên tiếng khi thấy Tom đến gần, “nhân vật chính đây rồi,” bà ta kéo ngay anh vào rồi nhanh chóng tách ra, đi đến một nhóm người khác. Nãy giờ Tom vẫn cố tìm Isabel, nên đã cố tình lảng ra khi khách dự tiệc tụ tập quanh những chiếc bàn xếp chất đầy bánh cuộn xúc xích và bánh mì kẹp. Khi nhận ra Isabel đang nói chuyện với ai, cổ anh nóng ran, anh thấy mạch đập nhanh hơn.
“Tom, đây là Hannah và Gwen Potts,” Isabel nói, gượng cười.
Tom nhìn vợ chằm chằm, cô vẫn đang bế Lucy ngang hông. Isabel đặt tay lên cánh tay anh.
“Chào anh,” Gwen lên tiếng.
“Rất hân hạnh được gặp lại anh,” Hannah nói, cuối cùng cũng rời mắt khỏi đứa trẻ.
Tom không biết nói gì.
“Gặp lại?” Gwen hỏi.
“Chị gặp anh Tom cả mấy năm trước rồi nhưng không biết tên.”
Giờ đến lượt Isabel thấy nôn nóng, hết nhìn người này đến người khác.
“Chồng chị rất tử tế. Cứu tôi thoát khỏi một tay… lúc đó đang làm phiền tôi. Trên chuyến tàu từ Sydney.” Hannah đáp lại câu hỏi trống không của Gwen. “Để khi nào rảnh chị sẽ kể em nghe. Chuyện cũng đã lâu rồi.” Rồi quay sang Tom, cô nói. “Tôi không biết là anh ở Janus.”
Sự im lặng nặng nề bao trùm khi họ đứng đó, chỉ cách nhau có gang tấc.
“Ba ơi,” cuối cùng Lucy lên tiếng, đưa tay ra đòi Tom bế. Isabel thoáng giằng lại nhưng đứa bé vòng tay qua cổ Tom, anh để nó trèo lên người mình, dựa đầu nó vào ngực anh, nghe tim mình đập như trống đánh.
Tom chuẩn bị dợm bước đi thì Hannah với tay chạm vào khuỷu tay anh. “Tôi rất thích bài phát biểu của anh, nhất là chỗ ngọn đèn ở đó cho tất cả những ai cần đến nó.” Phải một lúc sau Hannah mới nói tiếp được. “Tôi hỏi anh một chuyện được không, anh Sherbourne?”
Câu hỏi khiến anh thấy lòng nặng trĩu, nhưng vẫn đáp “Chuyện gì kia?”
“Có lẽ câu hỏi hơi lạ, nhưng tàu thuyền có hay cứu được người ở ngoài xa không? Anh có nghe nói gì đến chuyện thuyền nhỏ được cứu không? Người sống sót được đem đến những nơi thật xa chẳng hạn? Anh có hay nghe những chuyện như vậy không…”
Tom hắng giọng. “Ở đại dương thì việc gì cũng có thể. Bất cứ việc gì.”
“Tôi hiểu rồi… Cảm ơn anh.” Hannah hít một hơi sâu rồi nhìn Lucy lần nữa. “Tôi đã làm theo lời khuyên của anh,” cô thêm vào. “Chuyện tay say rượu trên tàu hôm đó. Như anh nói, anh ta cũng khổ lắm rồi.” Cô quay sang em gái. “Gwen, đi về nhà thôi. Chị cũng không hợp với tiệc tùng gì. Em chào tạm biệt cha cho chị vậy nhé? Chị không muốn cắt ngang câu chuyện của cha.” Rồi cô quay sang Tom và Isabel, “Xin phép anh chị.” Cô vừa dợm bước đi thì Lucy ngái ngủ vẫy tay theo, “tạm biệt”. Hannah cố mỉm cười. “Tạm biệt”, cô đáp lời đứa trẻ. Rồi cô nói tiếp trong làn nước mắt, “Anh chị có con gái đáng yêu quá. Xin phép, tôi ra về.” Cô chạy vội ra phía cửa.
“Xin lỗi anh chị,” Gwen nói. “Hannah mấy năm trước gặp chuyện rất buồn. Gia đình bị thất lạc ngoài biển - chồng với cả con gái, nếu còn sống chắc cũng bằng tuổi con gái anh chị đây. Chị tôi hay hỏi những câu như vậy. Thấy đứa nhỏ hẳn chị tôi lại bị xúc động.”
“Chuyện buồn thật,” Isabel cố gắng thốt ra mấy tiếng.
“Tôi đi xem chị ấy có sao không.”
Khi Gwen đi ra, mẹ của Isabel tiến lại gần hai người. “Lucy thấy ba có giỏi không hả? Ba thật giỏi quá, phát biểu hay quá, đúng không?” Bà quay sang Isabel. “Để má mang nó về nhà trước vậy. Hai con ở lại chơi cho hết tiệc. Cũng phải mấy năm rồi con chưa được khiêu vũ.”
Isabel nhìn Tom, chờ đợi.
“Con đã hứa sẽ đi uống bia với Ralph và Bluey rồi. Mấy tiệc tùng vậy cũng không họp với con lắm.” Không nhìn vợ, anh bước vội vào màn đêm.

Đêm đó khi nhìn vào gương lúc rửa mặt, trong giây lát Isabel thấy những đường nét của Hannah trong gương, khắc khổ đau thương. Cô vốc nước lên mặt, cố gột đi hình ảnh tưởng chừng như không thể chịu được đó, cùng với những giọt mồ hôi sau cuộc gặp gỡ lúc nãy. Nhưng cô không thể khiến hình bóng đó tan biến, cũng không thể xua đi sợi dây sợ hãi vô hình sau khi biết được Tom có quen Hannah. Isabel không thể giải thích được vì sao chuyện đó làm mọi thứ tồi tệ đi, nhưng cô vẫn thấy đất dưới chân mình như vừa dịch chuyển.
Cuộc gặp gỡ khiến cô choáng váng. Thực sự choáng váng khi nhìn thẳng vào bóng tối trong đôi mắt của Hannah Roennfeldt. Khi ngửi mùi phấn thơm ngọt ngào phảng phất của cô ta. Khi cảm thấy, gần như là hơi thở, nỗi tuyệt vọng đang bao quanh người đàn bà đó. Nhưng cùng lúc, Isabel như đã chạm đến viễn cảnh mất Lucy. Những thớ thịt cánh tay cô cứng lại, như thể cố ôm giữ lấy đứa bé.
“Lạy Chúa,” cô cầu nguyện, “Lạy Chúa mang an lành cho Hannah Roennfeldt. Và cho con giữ Lucy được bình yên.” Tom vẫn chưa về nhà. Isabel vào phòng nơi Lucy ngủ để xem chừng. Cô nhẹ nhàng gỡ cuốn sách đầy tranh vẽ từ tay con bé đang say ngủ, đặt lên chiếc bàn phấn. “Ngủ ngon thiên thần của má,” cô thì thầm, rồi hôn con. Khi cô vuốt tóc con, Isabel bắt gặp mình đang so sánh gương mặt Lucy với hình bóng Hannah trong gương lúc nãy, tìm kiếm đường nét chung nơi chiếc cằm, hay trên chân mày.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 11 Aug 2019

Chương hai mươi hai

“Má ơi, cho Lulu nuôi mèo đi?” Sáng hôm sau Lucy nài nỉ, bám theo chân Isabel vào bếp ở nhà Graysmark. Con bé rất mê con vật lông vàng như mứt cam không có trên đảo, tên là Tabatha Tabby, suốt ngày đi quanh nhà ông bà. Lucy từng thấy mèo trong sách nhưng đây là con mèo đầu tiên nó được chạm tay vào.
“Má nghĩ con mèo sẽ không thích ở Janus đâu cưng à. Nó sẽ không có bạn chơi cùng.” Giọng Isabel có chút lơ đãng.
“Ba ơi, cho Lulu nuôi mèo đi?” đứa bé tiếp tục hỏi, không hề nghỉ lấy hơi và cũng không nhận ra sự căng thẳng giữa hai người lớn.
Đêm trước Tom về nhà sau khi Isabel đã ngủ, rồi lại là người thức dậy sớm nhất. Anh ngồi ở bàn ăn, tay lật tờ báo West Australian tuần trước.
“Lulu, hay con đem Tabatha ra ngoài vườn chơi đi, đi săn chuột với nó đi,” anh nói.
Con bé ôm ngang con mèo ngoan ngoãn, nhấc bổng nó lên rồi lẫm chẫm đi ra phía cửa.
Tom quay sang Isabel. “Còn bao lâu nữa hả Izzi? Còn phải đợi bao lâu nữa hả?”
“Gì kia?”
“Ta làm vậy mà được sao? Sao ta có thể cứ sống như vậy mỗi ngày? Mình biết con người tội nghiệp đó đã phát điên lên vì mất con. Giờ mình đã thấy tận mắt rồi đó!”
“Tom, ta không thể làm khác được. Em biết vậy, mình cũng biết vậy.” Nhưng gương mặt Hannah hiện lên trong tâm trí cô, cả giọng nói nữa. Khi Tom vừa mở miệng Isabel cố tìm cách đấu dịu. “Có lẽ…” cô đánh liều, “có lẽ… khi nào Lucy lớn lên, có lẽ khi đó ta hẵng nói với Hannah, hẳn lúc đó sẽ không quá đau đớn… Nhưng vẫn còn lâu lắm, Tom à, lâu lắm.”
Tom thấy sốc trước sự nhượng bộ của vợ, càng sốc hơn trước lý lẽ yếu ớt đó. Anh tiếp. “Isabel, bao nhiêu năm hả? Không thể đợi mấy năm. Nghĩ mà xem cô ấy sẽ khổ ra sao! Thậm chí mình còn quen biết người ta nữa…”
Isabel thấy sợ hãi thực sự. “Mà hóa ra mình cũng quen vậy, phải không Tom Sherbourne. Nhưng mình giữ kín chuyện đó, không đúng vậy sao?”
Tom bị bất ngờ trước đòn phản công. “Tôi không quen cô ấy. Tôi chỉ gặp cô ấy. Đúng một lần.”
“Khi nào?”
“Trên chuyến tàu từ Sydney.”
“Hóa ra là vậy, phải không? Tại sao mình không nói gì với em về cô ta? Còn ý cô ta là gì… ‘Chồng chị rất tử tế’? Mình đang giấu em chuyện gì sao?”
“Tôi giấu mình chuyện gì ư? Làm sao mình có thể nói vậy được.”
“Tôi chẳng biết gì cả về cuộc đời riêng của anh! Anh còn giấu tôi gì nữa hả Tom? Còn bao nhiêu mối tình trên tàu nữa?”
Tom đứng dậy. “Mình thôi đi! Thôi ngay đi, Isabel! Mình khơi chuyện thật điên rồ, chỉ để đánh lạc hướng vì mình biết tôi nói đúng. Chuyện trước kia tôi có gặp Hannah hay không cũng không thay đổi được gì cả.”
Anh cố tìm đến lý trí. “Izz. Mình thấy cô ấy ra sao rồi đó. Tất cả là do lỗi của chúng ta.” Anh quay mặt đi. “Tôi đã thấy nhiều thứ… nhiều thứ trong chiến tranh, Izz à. Những điều tôi chưa bao giờ kể với mình, và sẽ không bao giờ kể. Lạy Chúa, tôi đã làm những chuyện…” Anh thu nắm đấm chặt lại, cứng họng nghẹn ngào. “Tôi từng thề rằng tôi sẽ không làm ai đau khổ nữa, sẽ cố hết sức. Tại sao mình nghĩ tôi muốn ra Hải đăng? Tôi muốn làm việc gì đó có ích, biết đâu cứu được ai đó khỏi bị đắm tàu. Mà giờ đây tôi đã làm gì rồi hả mình. Tôi còn không muốn một con chó phải sống như Hannah Roennfeldt!” Anh lựa lời. “Lạy Chúa, khi ở Pháp tôi học được có thức ăn và còn đủ răng để nhai cũng đã là quá may mắn.” Anh choáng váng trước những hình ảnh tràn về trong tâm trí.
“Vậy nên khi tôi gặp mình, mình để mắt đến tôi, tôi cứ tưởng là đang ở thiên đàng!”
Anh dừng lại giây lát. “Ta là ai hả Izzy? Ta đang làm trò khốn kiếp gì vậy? Tôi từng thề rằng sẽ đi cùng mình, sướng khổ gì cũng vậy, Isabel à. Mà giờ đây tôi thấy thật khổ quá,” anh nói, rồi bước ra ngoài.
Đứa bé đứng ở cửa sau, xem hai người lớn cãi nhau, ngơ ngẩn. Nó chưa bao giờ thấy Tom nói nhiều đến vậy, lại nói to nữa. Chưa bao giờ thấy anh khóc.

“Đi mất rồi!” Isabel nói ngay với Tom khi anh trở về nhà Graysmark buổi chiều hôm đó, có Bluey đi cùng. “Lucy đi mất rồi! Em để nó chơi ngoài với con mèo khi em dọn đồ. Em cứ nghĩ má đang trông chừng nó, còn má thì tưởng là em trông.”
“Bình tĩnh đã. Bình tĩnh nào Izz,” Tom nói, đặt bàn tay lên cánh tay cô. “Từ từ đã. Lần cuối cùng mình thấy nó là khi nào?”
“Cách đây một tiếng? Hai tiếng là cùng.”
“Lúc nào thì biết nó đi rồi?”
“Chỉ mới đây thôi. Ba đã đi tìm nó trong rừng sau nhà rồi.” Ven rìa xứ Mũi đầy những bụi cây rải rác. Vượt ra ngoài khu vườn gọn gàng của nhà Graysmark là hàng mẫu đất đầy bụi cây, dẫn lối vào rừng.
“Tom, ơn Trời anh đã về tới nơi.” Violet chạy vội ra hiên nhà. “Tôi xin lỗi — là lỗi của tôi hết. Đáng ra tôi phải để mắt trông chừng con bé! Bill đã đi tìm dọc theo lối chở gỗ…”
“Con bé có thể đi đến chỗ nào được nữa không?” Tính cách kỹ càng, thực tế của Tom bộc lộ rõ “Ông bà ngoại có hay kể cho con bé nghe chuyện về nơi nào nữa không?”
“Có thể ở bất cứ đâu,” Violet vừa nói vừa lắc đầu. “Tom, ở đây có rắn. Có nhện lưng đỏ. Lạy Chúa cứu con!” Isabel thốt lên.
Bluey lên tiếng. “Hồi nhỏ tui hay chơi ngoài rừng cả ngày, không sao đâu chị à. Con nhỏ không sao đâu. Tụi tui sẽ tìm ra nó. Đi thôi Tom.”
“Izz, giờ Bluey và tôi sẽ đi vào rừng, xem thử có dấu vết gì không. Mình tìm lại một lần nữa sau vườn và ở trước nhà. Còn má đi tìm trong nhà - xem tất cả tủ kệ, dưới gầm bàn. Những chỗ nó có thể đuổi theo con mèo. Nếu trong vòng một giờ tới mà vẫn chưa tìm ra thì phải gọi điện báo cảnh sát, nhờ họ gọi thêm mấy người thổ dân chuyên dẫn đường nữa.”
Isabel liếc nhìn anh khi nghe nói đến cảnh sát.
“Không đến nỗi vậy đâu,” Bluey nói. “Con nhỏ không sao đâu chị à, chị cứ chờ xem.”
Chỉ cho tới lúc họ đi khuất mắt hai người phụ nữ, Bluey mới nói với Tom. “Mong là con nhỏ vừa đi vừa gây tiếng động. Rắn ngủ suốt ngày. Tụi nó sẽ lẩn đi nếu nghe được tiếng người đang tới. Nhưng nếu bị bất ngờ… Trước giờ con nhỏ có hay đi đâu không?”
“Có chỗ nào đâu mà đi,” Tom gằn giọng, rồi nói ngay, “Xin lỗi, Blue. Tôi không có ý gì - chỉ là nó không biết xa gần gì cả. Ở Janus đâu cũng gần nhà.”
Hai người đi tiếp, vừa đi vừa gọi tên đứa nhỏ, chờ một tiếng đáp lại trong vô vọng. Họ đi theo lối mòn cũ, giờ đây bụi cây mọc cao bằng người lớn, cành lá vươn ra khắp mặt đất trống trải bên dưới. Nhưng thấp như Lucy thì đi qua rất dễ dàng.
Mười lăm phút sau con đường mòn mở ra một khoảng rừng thưa với những lối đi về những hướng khác nhau. “Có rất nhiều lối đi như vậy,” Bluey nói. “Ngày trước người ta hay đi mở đường kiểu này để tìm chỗ có gỗ tốt. Đây đó vẫn còn mấy cái miệng giếng nên anh phải cẩn thận. Mặc dù thường người ta có che hết lại,” Bluey giải thích về những cái giếng đào lấy nước ngầm trong vùng.

Đứa trẻ lớn lên ở đảo hải đăng hầu như không hề biết sợ hãi. Nó biết rằng không được đi gần vách đá. Nó biết nhện thì cắn người, vì vậy mà phải tránh. Nó cũng biết chỉ được đi bơi khi có ba hay má ở gần đó. Khi xuống nước nó biết phân biệt vây của con cá heo hiền lành, hay nhô lên nhô xuống, khác với vây cá mập cứ ở yên khi rẽ nước. Khi về Partageuse nó cũng biết rằng nếu kéo đuôi mèo thì con vật sẽ quay sang cào nó. Với Lucy, ranh giới của sự nguy hiểm chỉ có chừng đó.
Vậy nên khi đuổi theo Tabatha Tabby ra khỏi hàng rào khu vườn, nó không hề biết sẽ bị lạc. Một lúc sau nó mất dấu con mèo, nhưng đã muộn rồi — nó đã đi quá xa, không nhớ đường về, cứ cô tìm đường lại càng lạc thêm.
Cuối cùng con bé đến một khoảng rừng thưa, ngồi xuống bên khúc cây. Nó nhìn quanh. Có mấy con kiến lửa. Nó biết phải tránh kiến lửa nên tự giác xích ra xa đường đi của chúng. Con bé không thấy lo lắng. Kiểu gì ba má cũng sẽ tìm ra nó.
Con bé ngồi đó, lấy một cành cây vẽ ngoằn ngoèo dưới mặt đất. Nó thấy có một con vật lạ, chỉ dài hơn ngón tay của nó đang bò ra từ dưới khúc cây. Nó chưa bao giờ thấy con vật nào như vậy cả: thân mình dài, chân giống như côn trùng hay nhện, nhưng lại có hai cánh tay mập mạp, như mấy con cua mà thỉnh thoảng ba lại bắt được trên Janus. Tò mò, con bé lấy cành cây chạm vào con vật, chiếc đuôi dài lập tức uốn cong ngược lên phía đầu, trông thật đẹp mắt. Ngay lúc đó con thứ hai xuất hiện, chỉ cách đó vài phân.
Con bé mê mải nhìn con vật bò lên cành cây đang cầm, cố tìm cách chụp lấy hai chiếc càng cua. Con thứ ba xuất hiện ngay dưới khúc cây. Từng giây lừng lững trôi qua.

Khi họ đến khoảng rừng thưa, Tom bắt đầu tìm kiếm. Anh thấy một chiếc chân mang giày nhỏ đong đưa sau khúc cây gỗ.
“Lucy!” Anh chạy đến bên khúc cây, nơi con bé đang ngồi chơi với cành cây khô. Anh tê cứng cả người khi nhận ra một con bò cạp đang bám vào đầu cành cây. “Lạy Chúa, Lucy!” Anh chụp lấy người con bé dưới hai cánh tay, nhấc bổng nó lên cao rồi hất con bò cạp xuống đất, đạp chân nghiến nát. “Lucy con đang làm gì vậy hả?” anh hét lên.
“Ba! Ba giết nó rồi!”
“Lucy, con đó rất nguy hiểm! Nó có cắn con không?”
“Không cắn. Nó thích con mà. Ba nhìn nè,” con bé nói rồi mở túi phía trước áo, lấy ra thêm một con bò cạp nữa. “Lulu để dành cho ba một con nè.”
“Đứng im!” anh nói, cố tỏ ra bình tĩnh rồi đặt con bé xuống đất. Anh chọc cành cây vào túi áo con bé, đợi cho con bò cạp bò lên đó rồi chậm rãi nâng cành cây lên, hất xuống đất rồi đạp chết con vật.
Anh xem khắp cánh tay và cẳng chân của con, xem có vết cắn hay chích nào không. “Con có chắc là nó không chích con không? Con có thấy đau ở đâu không?”
Con bé lắc đầu. “Lulu đi thám hiểm mà!”
“Thám hiểm ra trò luôn!”
“Anh xem kỹ lại đi,” Bluey nói. “Nhiều khi không dễ thấy vết cắn. Nhưng trông con bé không có vẻ buồn ngủ. Như vậy là tốt. Nói thiệt với anh lúc nãy tui lo là nó rơi xuống giếng hơn.”
“Cậu lúc nào cũng lạc quan,” Tom lẩm bẩm. “Lucy cưng à, ở Janus không có bò cạp. Bò cạp rất nguy hiểm. Con không được đụng vào.” Anh ôm con bé. “Mà con đi đâu vậy hả?”
“Thì con chơi với Tabatha. Ba biểu mà.” Tom thấy nhói cả lòng khi nhớ lại lời nói với con sáng hôm đó, dặn nó ra ngoài chơi con mèo. “Thôi được rồi cưng à. Giờ về không má trông.” Anh cảm giác lạ lùng khi nói những tiếng cuối cùng đó, chuyện đêm trước lại hiện về trong tâm trí anh.

Isabel chạy bổ ra từ sân trước đón cả ba ở hàng rào khu vườn. Cô chụp lấy Lucy, òa khóc mừng rỡ.
“Tạ ơn Chúa,” Bill nói, đứng cạnh Violet. Ông khoác tay qua vai bà. “Tạ ơn Chúa lòng lành. Cảm ơn anh nữa Bluey à,” ông nói. “Anh đã cứu mạng cả nhà tôi.”

Tất cả những suy nghĩ về Hannah Roennfeldt đã biến sạch khỏi tâm trí Isabel trong buổi chiều hôm đó, Tom biết anh không thể khơi chuyện lại được. Nhưng anh cứ bị gương mặt đó ám ảnh. Một hình bóng ngỡ như trừu tượng xa xôi giờ đây là một người đàn bà bằng xương bằng thịt, mỗi giây trôi qua lại phải chịu đau khổ vì việc anh đã làm. Từng nét của người đó — hai gò má hốc hác, đôi mắt trũng sâu, chỗ móng tay bị cắn trụi - đều hiện lên sống động nơi lương tâm anh. Trớ trêu nhất vẫn là thái độ của cô dành cho anh: sự tin tưởng.
Thỉnh thoảng, Tom nghĩ về cái góc khuất trong lòng Isabel - nơi cô cất giấu tất cả những rối rắm dằn vặt mà tâm trí anh không thể nào thoát ra được.

Lúc Ralph và Bluey rời Janus ngày sau đó, sau khi đã đưa cả gia đình trở lại đảo hải đăng, cậu lái phụ lên tiếng, “Trời đất, hai người đó có chuyện gì mà lạnh như băng, bác có thấy vậy không?”
“Khuyên cậu một câu nè Blue - đừng bao giờ xen vào chuyện vợ chồng của người khác.”
“Cháu biết mà, nhưng đáng ra họ phải thấy mừng vì hôm qua Lucy đã vô sự chứ. Isabel cứ làm như vì Tom mà con nhỏ đi lạc.”
“Đừng có nhiều chuyện nhóc à. Đi pha trà đi.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 12 Aug 2019

Chương hai mươi ba

Câu chuyện về cha con bé Grace Roennfeldt trở thành một trong những chuyện ly kỳ bí ẩn ở hạt Great Southern. Người thì nói rằng chuyện cho thấy kiểu gì cũng không tin bọn Hung được: hẳn anh ta là gián điệp, sau chiến tranh đã bị gọi về Đức. Chuyện anh ta là người Áo cũng không ăn thua. Những người khác, đã quá quen với biển cả, không hề thấy ngạc nhiên: “Trời đất, anh ta nghĩ gì mà lao xuống dòng nước như vậy? Anh ta ấm đầu chắc? Kiểu gì mà chịu quá năm phút nổi.” Người ta còn mơ hồ cho là hẳn Chúa phật ý với sự lựa chọn của Hannah. Tha thứ thì tha thứ, nhưng cứ nghĩ xem đồng bào của anh ta đã gây ra tội gì…
Phần treo thưởng của ông già Potts cũng trở nên ly kỳ. Năm tháng qua đi, phần thưởng lôi kéo người ta từ các bãi vàng, từ phía bắc, từ tận Adelaide, những người ôm mộng làm giàu bằng cách mang đến nhà Potts một mẩu gỗ dạt kèm theo một câu chuyện. Trong mấy tháng đầu, Hannah chăm chú lắng nghe mỗi câu chuyện về dấu vết của hai cha con, cả những chuyện nghe thấy tiếng trẻ con khóc từ bờ biển trong cái đêm định mệnh đó.
Thời gian qua đi, mặc dù vô cùng tha thiết mong tin, Hannah vẫn nhận ra lỗ hổng trong những câu chuyện đó. Khi cô ngỏ ý nói rằng chiếc áo bé gái mà người ta tìm được trên bờ biển không hề giống với áo Grace mặc hôm đó, người đưa tin sẽ ngay lập tức nài nỉ. “Chị nghĩ lại đi! Hẳn chị đang buồn quá. Làm sao chị nhớ rõ được hôm đó con nhỏ mặc gì?” Hay “Chị biết không nếu chị chấp nhận bằng chứng thì chị sẽ thấy thanh thản hơn, chị Roennfeldt à.” Rồi họ bắt đầu nói lời chua chát khi Gwen đến tiễn họ ra cửa, mặc cho cô cảm ơn họ đã bỏ công tìm đến và cho mỗi người vài shilling tiền tàu xe.

Tháng Giêng năm đó hoa nhài lại nở, mùi hương nồng nàn dìu dặt trong không khí. Hannah giờ còn hốc hác hơn, vẫn đi những con đường cũ - dù không thường xuyên như trước - đến đồn cảnh sát, bãi biển, nhà thờ. “Loạn trí thật rồi,” Cảnh sát Garstone lẩm bẩm sau khi cô rời đồn. Ngay cả Cha Norkells cũng lên tiếng khuyên nhủ cô nên tránh ngồi lâu trong góc tối ở nhà thờ mà nên “tìm Chúa giữa cuộc đời bên ngoài”.
Hai đêm sau buổi tiệc kỷ niệm thành lập hải đăng, Hannah nằm trằn trọc. Cô nghe thấy tiếng bản lề thùng thư kẽo kẹt. Cô nhìn lên đồng hồ, những con số lạnh lùng cho thấy chỉ vừa ba giờ sáng. Chắc là một con chuột túi? Cô lần ra khỏi giường, nhìn qua khe rèm cửa nhưng không thấy gì cả. Trăng còn chưa lên: chung quanh tối đen, chỉ có ánh sáng mờ mờ của những vì sao phủ bụi lên khắp bầu trời. Một lần nữa cô nghe tiếng nắp thùng thư leng keng, lần này là do gió lay.
Cô châm một cây đèn bão rồi đi ra của trước, cẩn thận để không đánh thức em gái, chỉ hơi mơ hồ sợ làm động mấy con rắn đang tranh thủ đêm tối săn chuột hay cóc nhái. Đôi bàn chân xanh tái không hề gây ra tiếng động trên lối đi.
Nắp trước thùng thư mở đóng nhẹ trong gió, Hannah thoáng thấy bên trong có vật gì đó. Khi đưa đèn tới gần cô thấy một hình bầu dục hiện ra - một gói đồ. Cô lấy ra. Một bọc giấy màu nâu chỉ nhỉnh hơn bàn tay. Cô nhìn quanh xem làm sao gói đồ lại đến đây được, nhưng chỉ có bóng tối bao quanh ngọn đèn, như nắm tay đang thu lại. Cô vội đi vào phòng ngủ, lấy chiếc kéo may cắt sợi dây buộc. Gói đồ ghi địa chỉ người nhận là tên cô, cũng với nét chữ ngay ngắn như trước. Cô mở ra.
Khi Hannah tháo dần các lớp giấy, vật gói bên trong gây tiếng động theo mỗi cử động. Lớp giấy cuối cùng được mở ra. Dưới ánh đèn chập chờn hiện ra chiếc lục lạc bằng bạc mà cha cô đã đặt làm tận Perth cho cháu ngoại. Không thể nhầm được. Những hình thiên thần chạm trên tay cầm. Bên dưới cái lục lạc là một tờ giấy.
Con bé được an toàn. Được yêu thương và chăm sóc. Hãy cầu nguyện cho tôi.
Không có gì hơn. Không có ngày tháng, tên viết tắt, chữ ký.
“Gwen! Gwen, nhanh lên!” Cô gõ rầm rầm lên cửa phòng em gái. “Nhìn này! Con bé còn sống! Grace vẫn còn sống. Chị biết mà!”
Gwen loạng choạng đi ra khỏi giường, chuẩn bị nghe thêm một câu chuyện hoang đường nữa. Nhưng lần này, đối diện với cái lục lạc, cô tỉnh ngay, bởi chính cô đã ngồi với cha tại hiệu Caris Brothers ở tận Perth khi ông nói chuyện đặt làm chiếc lục lạc với người thợ bạc. Cô thận trọng sờ món đồ chơi, như thể nó là quả trứng sắp nở ra con quái vật.
Hannah vừa khóc vừa mỉm cười, rồi cô bật cười thành tiếng, hết nhìn lên trần nhà lại nhìn xuống sàn. “Chị đã nói mà, phải không? Ôi Grace! Nó còn sống!”
Gwen đặt tay lên vai chị. “Khoan đã Hannah à. Sáng mai mình sẽ đi đến chỗ cha rồi ra đồn cảnh sát. Họ sẽ biết phải làm gì. Giờ chị đi ngủ đi. Ngày mai cần phải tỉnh táo.”
Làm sao mà ngủ được. Hannah sợ rằng nếu nhắm mắt cô sẽ tỉnh giấc mộng này mất. Cô ra sân sau, ngồi trên chiếc ghế xích đu nơi cô từng ngồi với Frank và Grace, nhìn lên hàng ngàn ngôi sao lấm tấm trên trời; những ngôi sao nhịp nhàng ẩn hiện khiến cô thấy khuây khỏa, như nhìn những tia hy vọng lấp lánh trong đêm. Trong cõi bao la đến phận người cũng thành nhỏ nhoi vô kể. Vậy mà cô đã tìm được chiếc lục lạc. Nó mang đến cho cô hy vọng. Đây không phải là một trò lừa đảo. Đây là một thứ bùa chú nhiệm màu — vật chứng rằng cha cô đã tha thứ cho cô, vật từng được con gái cô và những người yêu thương nó chạm vào. Cô nghĩ đến các tác phẩm cổ điển, đến câu chuyện về nữ thần mùa màng Demeter và con gái Persephone. Đột nhiên câu chuyện cổ xưa này trở nên thật sống động với Hannah, khi cô nghĩ đến đứa con gái sẽ trở về sau những ngày tháng bị giam giữ ở nơi nào đó.
Hannah cảm thấy - mà không, cô biết rằng những ngày tháng đau khổ sắp chấm dứt. Một khi Grace quay về với cô, cuộc sống sẽ bắt đầu trở lại. Hai mẹ con sẽ cùng nhau hưởng thứ hạnh phúc mà họ đã từng bị tước trên tay. Cô bật cười khi nghĩ đến những kỷ niệm vui: Frank chật vật thay tã cho con; cha cô cố giữ mặt nghiêm khi đứa cháu ngoại nôn trớ lên vai áo ngay hôm ông mặc bộ đồ đẹp nhất. Lâu lắm rồi cô mới thấy mình xốn xang trong lòng. Giá mà cô có thể chờ được tới sáng.
Khi có chút ngờ vực nào len lỏi vào tâm trí, cô nghĩ ngay đến những thứ thật cụ thể rõ ràng: tóc Grace đằng sau đầu hơi mỏng do con bé hay nằm ngửa; chỗ móng dưới mỗi ngón tay con tạo hình hình bán nguyệt nhỏ xíu. Hannah níu giữ lấy con gái trong kỷ niệm, dùng ý chí mang nó về nhà với mình — vì trên cõi đời này luôn có một nơi chất chứa mọi ký ức về con bé. Cô mong nó về nhà biết bao.

Thị trấn xôn xao. Nghe nói người ta tìm thấy cái núm * giả. Không phải, là một cái đồ chơi cho con nít ngứa lợi kia. Một món gì đó cho thấy con bé đã chết; một món gì đó cho thấy con bé còn sống. Người cha đã giết con bé. Người cha đã bị giết. Từ người bán thịt đến chủ hàng chạp phô, từ xưởng đóng móng ngựa cho đến nhà thờ, câu chuyện được thêm bớt, thêu dệt từ miệng người này sang người kia, thường mỗi khi kể lại đều đi kèm một cái chậc lưỡi, hay bĩu môi để tỏ vẻ ta đây không quan tâm.

“Ông Potts à chúng tôi không hề nghi ngờ chuyện ông nhìn ra món đồ do chính tay mình mua. Nhưng tôi chắc ông cũng hiểu rằng việc này không có nghĩa là con bé còn sống. Hạ sĩ Knuckey cố đấu dịu với Septimus, giờ đang đỏ bừng mặt, đứng ngay bên cạnh, cằm ngẩng cao, ngực ưỡn ra cứ như chuẩn bị lên võ đài.
“Anh phải điều tra chứ! Tại sao người ta đợi đến lúc này mới đem nộp? Ngay đêm hôm? Không cần phần thưởng?” Hàng ria mép của ông lão dường như trắng hơn khi mặt ông sầm lại.
“Nói xin lỗi ông, làm quái gì mà tôi biết được?”
“Anh nói năng vậy đủ rồi, cảm ơn anh. Ở đây còn có đàn bà con gái!”
“Xin lỗi ông.” Knuckey nhấp môi. “Tụi tôi sẽ điều tra, tôi đảm bảo với ông như vậy.”
“Chính xác là các anh sẽ điều tra như thế nào?” Septimus lớn tiếng.
“Tụi tôi… Tôi… đảm bảo danh dự với ông sẽ điều tra.”
Hannah thấy lòng chùng xuống. Rồi cũng sẽ như những lần trước thôi. Thấy vậy nhưng cô bắt đầu thức khuya, trông ra chỗ hòm thư, chờ đợi một dấu hiệu.

“Anh làm một tấm cho cái này nhé Bernie,” Cảnh sát Lynch lên tiếng. Lynch đang đứng ở quầy hàng tiệm ảnh Gutcher, chìa ra chiếc lục lạc bạc đựng trong túi nỉ.
Bernie Gutcher trông có vẻ ngờ vực. “Sao tự dưng giờ đâm ra ưa con nít hả?”
“Tự vì bằng chứng đó cha nội!” viên cảnh sát đáp lại.
Tay thợ ảnh loay hoay chuẩn bị đồ nghề. Trong khi chờ đợi, Lynch nhìn quanh các bức tường treo mấy tấm ảnh mẫu cho thấy nhiều kiểu chụp và khung ảnh khác nhau. Anh ta nhìn lướt qua một loạt ví dụ trong đó có cả hình của đội bóng địa phương, Harry Garstone và mẹ, rồi Bill và Violet Graysmark cùng với con gái và cháu ngoại.
Mấy ngày sau đó tấm ảnh chụp cái lục lạc được dán trên bảng thông báo ngay ngoài đồn cảnh sát. Trong ảnh có thêm một cây thước để người ta dễ hình dung kích cỡ.
Tấm ảnh kêu gọi người nào đã từng thấy món đồ này ngay lập tức liên lạc với cảnh sát. Bên cạnh là một thông báo của Ngải Septimus Potts, nói rằng phần thưởng cho người đem đến manh mối về cháu ngoại Grace Ellen Roennfeldt giờ đây đã là ba ngàn guineas. Mọi thông tin về người đó sẽ được giữ kín.

Ở Partageuse, một ngàn guineas có thể mua được cả một nông trại. Ba ngàn — trời, ba ngàn guineas thì biết làm gì cho hết?
“Mày có chắc không đó?” mẹ của Bluey vừa gặng hỏi, vừa sốt ruột đi lại trong bếp, vẫn chưa kịp tháo ống cuốn tóc từ khi ngủ dậy. “Nhớ kỹ lại đi, trời đất ơi!”
“Không, con không chắc - không chắc hoàn toàn, tại lâu quá rồi. Nhưng trước đó con chưa từng thấy cái gì sáng vậy cả, lại ở trong nôi em bé nữa!” Hai tay Bluey run run khi cậu ta vấn một điếu thuốc, rồi lập bập quẹt diêm châm lửa. “Má ơi, con phải làm sao đây?” Những giọt mồ hôi túa ra trên trán Bluey, ngay dưới mấy lọn tóc đỏ. “Chắc có lý do gì đó. Hay có khi là con nằm mơ thôi.” Cậu rít một hơi thuốc thật mạnh, thở ra ngẫm ngợi. “Có lẽ nên chờ lần ra Janus tới rỗi hẵng hỏi chuyện ảnh, đàn ông với nhau.”
“Đàn ông với khỉ thì có! Làm vậy thì mày còn ngu hơn tao tưởng! Ba ngàn guineas!” Bà đưa ba ngón tay vào mặt cậu. “Mày có đi thuyền một trăm năm cũng không kiếm nổi chừng đó!”
“Nhưng ở đây là anh Tom. Rồi cả Isabel nữa. Hai người đó sao làm chuyện quấy được. Ngay cả khi chính là cái lục lạc đó thì có thể nó chỉ bị dạt vào đảo rồi hai người lượm được. Trên Janus hay dạt vô nhiều món lạ lắm. Có lần anh Tom nhặt được cả khẩu súng trường, rồi cả ngựa gỗ nữa.”
“Hèn gì con Kitty Kelly cho mày lên đường… Người đâu mà không có tham vọng. Không biết tính toán gì hết.”
“Má!” Bluey giật mình trước câu cạnh khóe của bà mẹ. “Mặc áo vô. Đi ra đồn cảnh sát.”
“Nhưng là anh Tom mà! Ảnh là bạn mà Má!”
“Ba ngàn guineas đó con à! Nếu mày không mau lên thì lão già Ralph Addicott có khi đã ngồi sẵn đó rồi.” Bà nói thêm, “Kitty Kelly làm sao dám chê một thằng có tiền, phải không? Giờ chải đầu đi. Rồi quăng giùm cái điếu thuốc chết tiệt đó luôn.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 12 Aug 2019

Chương hai mươi bốn

Ban đầu Tom cứ nghĩ là mình đang tưởng tượng ra hình bóng con thuyền Hồn Gió đang tới gần, nghiêng ngả trong mưa gió còn dư lại sau trận lốc xoáy vừa lướt qua bờ biển phía Tây Australia. Anh gọi Isabel, xem cô có nhìn thấy vậy không. Cả hai chỉ vừa trở lại Janus có một tuần. Đến giữa tháng Ba mới có thuyền, theo lịch lúc đó họ sẽ theo thuyền về đất liền trước khi chuyển đến trạm Mũi Moore. Hay thuyền bị hư máy khi đang trên đường tới đảo khác? Hay Ralph và Bluey bị thương trong bão?
Sóng nước hôm đó dữ dội, cả đoàn cố gắng lắm mới neo được thuyền mà không va vào cầu tàu. “Méo mó có hơn không hả bác Ralph?” Tom hét lên cố át tiếng gió khi con thuyền tới gần, nhưng lão Ralph không đáp lời.
Thay vào đó, lúc Bluey bước ra từ phía sau thuyền Tom nhận ra gương mặt gầy gò khắc khổ không thay đổi của Neville Whittnish. Anh thấy càng bối rối. Bốn viên cảnh sát đi theo sau.
“Trời đất bác Ralph! Chuyện gì thế này?”
Một lần nữa lão Ralph không đáp lòi. Tom thấy lạnh xương sống. Anh quay nhìn lên dốc nhà, thấy Isabel đang đứng nép người, khuất dạng từ cầu tàu. Một viên cảnh sát lão đảo xuống cầu tàu, chân nam đá chân chiêu như người say, mãi một lúc sau mới đứng vững được. Mấy người khác đi theo.
“Thomas Edward Sherbourne?”
“Đúng vậy.”
“Hạ sĩ Spragg, cảnh sát Albany. Đây là trợ lý của tôi, cảnh sát Strugnell. Hạ sĩ Knuckey và cảnh sát Garstone ớ đồn Mũi Partageuse, chắc anh cũng biết.”
“Tôi không nhớ.”
“Anh Sherbourne, tụi tôi tới đây vì chuyện Frank Roennfeldt và con gái Grace.”
Tom thấy choáng váng như vừa bị đấm một quả vào mặt, trong giây lát anh ngộp thở. cần cổ anh cứng lại, mặt tái xanh. Cuộc chờ đợi đã kết thúc. Như thể vừa nhận được lệnh tiến công sau nhiều ngày cố thủ trong chiến hào.
Viên cảnh sát rút ra từ trong túi một vật gì đó - một mẩu giấy bìa bay phần phật trong cơn gió dữ dội. Anh ta giữ miếng giấy bằng cả hai tay.
“Anh có nhận ra vật này không?”
Tom nhìn tấm hình chụp cái lục lạc. Anh ngước lên vách đá, trước khi trả lời: Isabel đã không còn đứng đó. Thời gian như dừng lại, chênh vênh - rồi sẽ không thể trở lại như xưa nữa.
Anh thở dài, như thể vừa đỡ một vật nặng, rồi cúi đầu, nhắm mắt. Anh thấy có ai đặt tay lên vai mình. Là tay của Ralph. “Tom, Tom, con trai ơi… Chuyện quái quỷ gì thế này?

Khi viên cảnh sát thẩm vấn Tom một mình, Isabel đi ra chỗ mấy cây thánh giá gần vách núi. Đám hương thảo xô dạt trong gió, như những suy nghĩ trong đầu cô. Isabel run rẩy nhớ lại: người cảnh sát thấp nhất, trẻ nhất, rất nghiêm nghị khi đưa tấm hình cho cô xem, hẳn anh ta đã thấy mắt cô trợn lên và cô đã nín thở ra sao lúc đó.
“Có người gởi cái lục lạc cho cô Roennfeldt tuần rồi.”
“Tuần rồi?”
“Có vẻ như cùng một người hai năm trước từng gởi thư cho cô ấy.”
Mẩu thông tin tiếp theo khiến Isabel choáng váng.
“Tụi tôi sẽ hỏi chị vài câu sau khi đã nói chuyện với chồng chị. Nhưng lúc này đây có lẽ chị nên…” Viên cảnh sát nhún vai bối rối. “Chị đừng đi xa quá.”
Isabel nhìn xuống vách núi: khí trời lồng lộng mà cô vẫn thấy ngạt thở khi nghĩ đến Lucy vẫn còn ngủ trưa ở phòng bên cạnh trong lúc cảnh sát tra hỏi cha nó. Họ sẽ mang nó đi. Đầu cô ong lên: cô có thể giấu nó ở chỗ nào đó trên đảo này. Cô có thể… có thể ôm nó nhảy xuống thuyền bỏ trốn. Cô tính toán thật nhanh — chiếc thuyền cứu hộ đã sẵn đó. Nếu cố giả vờ là đang mang Lucy đi đâu đó… mà đi đâu bây giờ? Đi đâu cũng được, có quan trọng gì. Cô có thể bồng con ra thuyền rồi hai má con có thể đi khỏi đảo trước khi họ nhận ra. Nếu nương vào đúng dòng hải lưu thì có thể đi về phía bắc… Cô hình dung hai má con an toàn cập bờ ở Perth. Nhưng lý trí xen vào, nhắc cô đến những dòng hải lưu phía nam và cái chết đang chực chờ ở Nam Đại dương. Ngay lập tức cô nghĩ đến một lối khác. Cô có thể thề độc rằng đứa bé là con cô, rằng trong chiếc xuồng hôm đó có hai người chết, rằng cô và Tom chỉ giữ lại chiếc lục lạc thôi. Cô níu kéo mọi khả năng, bất chấp có kỳ quặc đến đâu.
Thứ phản xạ thông thường cứ quay lại: “Phải hỏi ý Tom nên làm gì.” Rồi cô thấy buồn nôn, khi nhớ ra rằng tất cả là tại Tom. Cô thấy đau lòng như một ngày xưa, tỉnh dậy giữa đêm khuya sau khi đã biết tin Hugh qua đời mà đột nhiên nghĩ rằng, “Mình phải báo tin xấu cho Hugh biết”
Dần dần cô thấy không còn lối thoát, rồi thấy giận dữ. Tại sao? Tại sao anh ta không để mọi thứ được yên? Đáng ra Tom phải bảo vệ vợ con, chứ không chia lìa má con cô như vậy. Nằm sâu dưới tri giác, thứ cảm xúc tăm tối đó bị đánh thức, lồng lộn tìm chốn nương náu. Suy nghĩ của Isabel quay cuồng, không còn sáng suốt - anh ta đã lên kế hoạch hai năm nay. Anh ta là ai, là ai mà dám nói dối với cô, dám mang con cô đi? Cô nhớ lại cách Hannah Roennfeldt chạm vào cánh tay Tom, rồi tự hỏi không biết thực ra giữa hai người có gì. Cô nôn thốc tháo ra bãi cỏ.

Đại dương cuồng nộ đập vào vách núi, nước biển văng lên tới chỗ Isabel đang đứng, cách mặt nước đến hằng trăm feet, ngay bờ vực. Nước thấm vào mấy cây thánh giá, đẫm ướt váy áo cô.
“Izzy! Isabel!” Giọng Tom lạc đi trong gió.
Con chim hải âu lượn trên đầu, bay vòng vòng rồi lao mạnh như tia chóp xuống con sóng gập ghềnh, ngoặm lấy một con cá trích. Nhưng có vẻ như con cá được trận bão phù trợ, nó lắc mình thoát khỏi mỏ chim, rơi ngược xuống nước.
Tom chạy ào mấy trăm thước đến chỗ Isabel. Con hải âu tiếp tục lượn trong bão, dường như biết rằng sóng nước hỗn độn sẽ khiến nó dễ tìm ra mấy con cá không kịp nấp trong những dải san hô sâu nhất.
“Ta không có thời gian,” Tom nói, kéo Isabel lại gần. “Lucy sẽ thức dậy.” Cảnh sát đã tra hỏi anh nguyên một tiếng đồng hồ. Hai viên cảnh sát giờ đây đang đi xuống chỗ mấy ngôi mộ cũ ở phía bên kia đảo, mang theo xẻng đào.
Isabel nhìn Tom như người xa lạ. “Cảnh sát nói rằng có người gởi cái lục lạc cho Hannah Roennfeldt…”
Anh nhìn lại cô, nhưng không nói gì.
“… rồi hai năm trước đã có người viết thư cho cô ta, báo rằng đứa nhỏ còn sống.” Cô chật vật với điều muốn nói một lúc lâu. “Tom!” cô chỉ thốt lên được có vậy, đôi mắt cô đầy sợ hãi. “Ôi, Tom!” Isabel lại thốt lên, đứng lùi lại.
“Tôi phải làm gì đó, Izzy à. Chúa mới biết, tôi đã cố giải thích. Tôi chỉ muốn cô ấy biết rằng con bé được an toàn.” Isabel nhìn anh, cứ như thể cố nghe cho ra những lời nói từ xa vọng lại, mặc dù anh đứng sát bên cô, tóc cô bay vào mặt anh. “Tôi đã tin anh, Tom à.” Cô nắm tay vò tóc, nhìn trừng trừng vào Tom, chật vật mở lời. “Anh nghĩ anh đang làm cái quái gì vậy? Anh làm gì với Lucy vậy?” Cô thấy sự đầu hàng trên đôi vai anh, nhưng đôi mắt anh như vừa trút được gánh nặng. Cô thả tay xuống, tóc bay ngang mặt như tấm mạng tang tóc, thổn thức. “Hai năm! Anh nói dối tôi đến hai năm rồi sao?”
“Mình cũng thấy cô ấy tội nghiệp ra sao rồi! Mình thấy ta đã làm việc quấy như thế nào rồi.”
“Cô ấy với anh còn quan trọng hơn cả gia đình chúng ta hay sao?”
“Không phải là gia đình của chúng ta, Izz à.”
“Ta chỉ có mỗi gia đình đó thôi! Rồi Lucy sẽ ra sao đây?” Anh nắm chặt cánh tay cô. “Mình nghe tôi đây, cứ làm theo lời tôi, mình sẽ không sao cả. Tôi đã nói với họ là do tôi hết, mình hiểu chưa? Tôi nói là tôi muốn giữ Lucy lại, mình không muốn nhưng tôi ép mình. Mình cứ làm theo vậy, sẽ không ai dám làm gì mình cả… Họ sẽ đưa chúng ta trở lại Partageuse. Izz, tôi hứa sẽ bảo vệ mình.” Anh kéo cô lại gần, đặt môi lên đầu cô. “Tôi có bị sao cũng không quan trọng. Tôi biết họ sẽ bỏ tù tôi, nhưng khi thụ án rồi, chúng ta vẫn có thể…”
Đột nhiên Isabel nhảy xổ vào anh, hai nắm tay cô đấm thình thịch lên ngực anh. “Đừng nói chuyện ‘chúng ta’ gì nữa Tom à! Nhất là sau những chuyện anh đã làm!”. Anh không cản cô gì cả. “Anh đã lựa chọn rồi đó! Anh không nghĩ gì đến Lucy, hay đến tôi cả. Vậy nên anh đừng…” cô tìm kiếm lời lẽ, “đừng trông tôi thiết gì đến anh nữa.”
“Izz… thôi nào, mình không biết mình đang nói gì đâu!”
“Không sao?” Cô rít lên. “Tôi biết là họ sẽ mang con nhỏ đi. Anh làm gì mà hiểu được hả? Những việc anh làm… thực không thể tha thứ!”
“Lạy Chúa, Izz…”
“Thà anh giết tôi cho rồi, Tom à! Giết tôi còn hơn là giết đứa nhỏ. Anh là đồ quái vật! Đồ lạnh lùng ích kỷ!”
Tom đứng đó, nuốt lấy từng lời còn đau đớn hơn những cú đòn. Anh nhìn gương mặt cô, tìm kiếm thứ tình yêu mà cô từng thề thốt bao lần với anh, nhưng chỉ có sự giận dữ băng giá, như đại dương đang ở quanh anh.
Con hải âu lại lao xuống, lần này đắc thắng vút lên với con cá ngoặm trong mỏ, thật chặt đến nỗi chỉ có mỗi miệng cá nhấp yếu ớt cho thấy nó còn ngoi ngóp.

“Trời động quá chưa có quay về được,” Ralph nói với hạ sĩ Knuckey. Hạ sĩ Spragg, viên cảnh sát cấp cao từ Albany nãy giờ cứ ưa làm lớn chuyện. “Nếu thích thì để ông ấy tự mà bơi về,” người hoa tiêu chỉ nói vậy.
“Tên Sherbourne phải ở cách ly ngoài thuyền, có người canh giữ. Không thể để hắn âm mưu bịa thêm chuyện gì với vợ hắn được, tuyệt đối không.” Spragg khăng khăng.
Hạ sĩ Knuckey nhìn Ralph, nhướng mày, khuôn miệng cho thấy anh ta không hề đồng ý với đồng nghiệp.
Khi trời vừa hửng sáng, Neville Whittnish bước vội xuống thuyền.
“Ông muốn gì?” Cảnh sát Strugnell hỏi, ra vẻ đang làm nhiệm vụ canh giữ rất nghiêm túc.
“Tôi cần phải bàn giao công việc với anh Sherbourne. Anh ấy phải đi theo tôi lên châm đèn.” Whittnish ít nói, khi nói lại kiệm lời nhưng lời nói không bao giờ mâu thuẫn.
Strugnell rõ là bị hớ, nhưng vẫn cố ra vẻ tiếp, “Được rồi, vậy để tôi đi theo.”
“Không phận sự không được vào tháp đèn, quy định của Ngành. Tôi sẽ trả anh ấy lại sau khi bàn giao xong.”
Tom và người gác đèn im lặng đi ra tháp. Khi đến cửa, Tom lặng lẽ hỏi, “Có chuyện gì vậy? Bác đâu cần cháu thắp đèn.”
Ông lão lên tiếng, chất phác, “Tôi chưa bao giờ thấy đèn nào được giữ kỹ như vậy. Anh làm gì không phải là chuyện của tôi. Nhưng hẳn anh muốn tạm biệt ngọn đèn. Tôi sẽ đợi dưới này,” rồi ông ta quay lưng, nhìn ra phía cửa sổ tròn như ước lượng cơn bão.
Vậy là, lần cuối cùng, Tom leo lên hàng trăm bậc thang. Lần cuối cùng, anh thực hiện cái phép màu tạo ra ánh sáng từ lưu huỳnh và dầu. Lần cuối cùng, anh gởi thông điệp cho tàu thuyền hàng dặm quanh đó: cẩn trọng.

Đến sáng hôm sau cơn bão đã tan bớt, bầu trời lại xanh hiền hòa. Các bãi biển đầy những lóp bọt vàng và rong rêu mà sóng đã đánh vào. Khi con thuyền rời Janus Rock, một đàn cá heo đùa trước mũi thuyền một lúc, những chiếc bóng xám trơn nhô lên hạ xuống như cột nước, lúc xa lúc gần. Isabel ngồi một bên trong khoang, hai mắt sưng húp và đỏ ngầu. Tom ngồi phía bên kia. Đám cảnh sát nói chuyện phân công trực, rồi chuyện làm sao để đánh giày cho thật bóng. Ở sau thuyền, tấm bạt đã mục thỉnh thoảng lại thả ra mùi kinh khủng của thứ gói ghém trong đó.
Lucy ngồi trong lòng Isabel, lại hỏi lần nữa, “Mình đi đâu đây má?”
“Đi về Partageuse, cưng à.”
“Tại sao?”
Isabel nhìn Tom. “Má không biết cưng à. Nhưng phải đi.” Cô ôm con bé thật chặt.
Sau đó Lucy trườn xuống khỏi đầu gối Isabel rồi quay sang Tom. Anh ôm nó mà không nói gì, cố níu lại mọi thứ gợi nhớ đến con bé: mùi tóc nó, làn da mềm mại của nó, mấy ngón tay bé xíu, hơi thở của nó khi nó áp sát mặt vào anh.
Hòn đảo đã trôi về xa, nhạt nhòa, nhỏ dần đi cho tới khi chỉ còn là một vệt sáng trong ký ức, thứ ký ức với mỗi hành khách trên tàu lại mỗi khác. Tom nhìn Isabel, chờ cô nhìn lại anh, chờ cô mỉm cười như xưa, nụ cười vẫn làm anh nghĩ đến Hải đăng Janus — một điểm tựa cố định, đáng tin cậy mà anh không thể nào lạc mất. Nhưng ngọn lửa đã bị dập tắt. Gương mặt cô bỗng hóa hoang vu lạnh lùng.
Anh đếm thời gian trôi đi cho đến khi vào bờ qua những lần đèn quay.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 12 Aug 2019

Phần 3

Chương hai mươi lăm

Ngay khi họ vừa lên bờ, hạ sĩ Spragg lấy trong túi ra một cặp còng số tám, bước về phía Tom. Vernon Knuckey khẽ lắc đầu, ra ý ngăn cản.
“Đúng thủ tục là phải vậy,” tay hạ sĩ cảnh sát đồn Albany đáp lại, ra vẻ. Đồn cảnh sát Albany thì rõ là quan trọng hơn đồn xứ Mũi Partageuse rồi.
“Không được. Ở đây có trẻ nhỏ,” Knuckey vừa nói vừa gật đầu về phía Lucy. Con bé chạy tới Tom, ôm lấy chân anh.
“Ba! Ba! Bồng Lulu lên đi ba!”
Nỗi đau trần trụi vụt qua gương mặt Tom khi mắt anh gặp mắt con bé, khi nó nói ra cái yêu cầu vô cùng bình thường đó. Trên đỉnh cây liễu bạc hà một đôi chim chìa vôi ríu rít trò chuyện. Tom nuốt khan, nắm chặt tay, móng tay ghim vào lòng bàn tay. “Nhìn kìa Lulu! Trên kia có mấy con chim ngộ ghê. Ở ngoài đảo không có chim đó phải không Lulu?” Mắt vẫn nhìn vào cặp chim, anh giục con, “Con đi xem đi!”
Hai chiếc xe hơi đậu gần cầu tàu. Hạ sĩ Spragg ra lệnh cho Tom. “Lối này. Xe thứ nhất.”
Tom quay lưng về phía Lucy, con bé giờ đang mải nhìn cặp chim đang lúc lắc hai chiếc đuôi đen dài. Anh vừa định với tay đến chỗ con bé, nhưng lại thôi: tốt hơn hết là lẳng lặng mà đi.
Con bé nhận ra anh chuẩn bị đi khỏi, nó đưa cả hai tay ra. “Ba ơi, đợi con! Bồng con lên!” nó giục anh. Nghe giọng hẳn nó đã đoán ra có chuyện không ổn.
“Anh đi nhanh cho,” Spragg hối thúc, túm lấy khuỷu tay Tom.
Tom quay đi, mỗi bước một đau đớn, Lucy vẫn nằng nặc đòi cha, hai tay đưa ra. “Ba ơi, đợi Lulu với,” nó sợ hãi nài nỉ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Con bé trượt chân, ngã úp mặt xuống sỏi. Nó khóc thét lên. Tom không thể bước được nữa. Anh quay lưng, vùng khỏi tay viên cảnh sát.
“Lulu!” Anh đỡ nó dậy rồi hôn lên chỗ cằm bị xước. “Lucy, Lucy, Lucy, Lucy” anh thầm thì, môi anh cọ vào má con bé. “Con không sao đâu cưng à. Con không làm sao hết.”
Vernon Knuckey nhìn xuống đất, nghèn nghẹn hắng giọng.
Tom nói, “Cưng à, giờ ba phải đi đây. Ba mong là…” Anh dừng lại. Anh nhìn vào mắt con bé, vuốt tóc nó, hôn nó lần cuối cùng. “Tạm biệt cưng của ba.”
Con bé không có vẻ gì là muốn buông anh ra cả, vậy là Knuckey quay sang nhìn Isabel. “Chị Sherbourne?”
Isabel đón lấy con bé từ tay Tom. “Lại đây với má. Cưng không sao mà. Má đây cưng à,” cô nói, mặc cho con bé vẫn tiếp tục gọi. “Ba ơi, Lulu muốn đi với ba mà, ba ơi!”
“Anh vừa lòng chưa hả Tom? Chẳng phải anh muốn như vậy sao?” Mấy giọt nước mắt lăn trên gương mặt Isabel, nhỏ xuống gò má của Lucy.
Trong giây lát, Tom như tê liệt khi nhìn vợ con, nhìn nỗi đau khắc trên gương mặt cả hai - anh từng hứa với Bill Graymark sẽ che chở chăm sóc cho cả hai. Cuối cùng, anh chỉ nói được, “Chúa ơi, Izz… Tôi xin lỗi mình.”
Kenneth Spragg đã cạn hết kiên nhẫn, chụp lấy cánh tay Tom rồi tống anh vào trong xe. Khi Tom thụp người ở phía sau xe, Lucy bắt đầu hét lên. “Ba ơi, đừng đi mà! Đừng mà ba! Đừng đi mà!” Gương mặt nó méo xệch, đỏ gay, nước mắt giàn giụa, miệng gào khóc. Isabel không cách gì dỗ dành được. “Má ơi, cản họ lại đi! Mấy ông đó hư lắm má! Họ hư với ba đó!”
“Má biết mà cưng à, má biết mà.” Cô đặt môi lên tóc con bé, thầm thì. “Nhiều khi mấy người đàn ông làm những chuyện rất tệ, cưng à. Tệ lắm.” Khi thốt lên những lời đó, cô biết chuyện tồi tệ hơn vẫn còn ở phía trước.
Ralph đứng ớ mũi thuyền, thấy hết cảnh tượng đó. Khi về tới nhà gặp Hilda, lão nhìn vợ mình: ngây người nhìn, có lẽ đã hai mươi năm mới nhìn như vậy.
“Sao vậy?” bà vợ hỏi, thấy sự quan tâm đó hơi lạ lùng. “Chỉ là… chỉ là… mà… không có gì cả,” lão đáp, rồi kéo bà vào lòng, ôm bà thật lâu.

Tại đồn cảnh sát xứ Mũi, Vernon Knuckey nói với Kenneth Spragg. “Tôi nói lại lần nữa, thưa hạ sĩ. Anh không thể mang anh ấy về Albany ngay trong chiều nay. Rồi anh ấy sẽ được chuyển đi đàng hoàng, để tôi hỏi thêm vài câu đã.”
“Đằng nào cũng là tù nhân của Albany. Hải đăng là tài sản của Khối Thịnh Vương chung, anh biết mà, nên cứ để tụi tôi làm cho đúng luật.”
“Tôi cũng biết luật như anh vậy.” Từ Perth đi xuống phía nam ai cũng biết Kenneth Spragg rất thích to ve tỏ vẻ. Vẫn còn tự ái chuyện mình không nhập ngũ, giờ đây Spragg cố bù lại, hạ sĩ mà ăn nói ra điều ta đây thượng sĩ chứ chẳng vừa. “Đằng nào anh ấy cũng được chuyển về Albany.” Knuckey nói thêm.
“Tôi muốn ra tay xem sao — để coi, tôi mà hỏi kiểu gì cũng ra hết. Tôi còn ở đây, vậy nên để tôi mang tay Sherbourne về Albany luôn một chuyến.”
“Nếu anh muốn tra hỏi thì khi nào quay lại rồi hẵng tra hỏi. Ở đây tôi là người chỉ huy.”
“Gọi cho Perth đi.”
“Cái gì?”
“Anh để tôi gọi cho Perth. Nếu cấp trên đồng ý, tôi sẵn sàng để anh ta lại đây. Bằng không anh ta phải lên xe đi về Albany với tôi.”

Phải mất một lúc khá lâu Isabel mới dỗ được đứa bé đang hờn khóc để nó chịu đi vào chiếc xe thứ hai. Lúc xe vừa đến đồn cảnh sát thì Tom đã ngồi trong nhà giam.
Ở khu chờ đợi, Lucy ngồi trên đùi Isabel, cáu kỉnh và mệt mỏi vì chuyến đi dài và những việc khác lạ vừa xảy ra. Con bé cứ sờ lên mặt Isabel, hết vỗ rồi chọc ngón tay, như tìm kiếm một câu trả lời. “Ba đâu rồi má? Lulu muốn thấy ba.” Isabel tái nhợt, vầng trán hằn nếp nhăn, thẫn thờ. Thi thoảng, tâm trí cô dạt trôi, cô tập trung nhìn múi gỗ trên quầy thủ tục, hay nghe tiếng con chim ác là từ xa. Thế rồi ngón tay của Lucy và một câu hỏi nữa đưa cô trở về với thực tế nghiệt ngã, cô nhớ ra mình đang ngồi ở đâu.
Một ông lão đi vào đồn để trả tiền phạt vì để mấy con bò chạy ra xa lộ. Ông đứng ở quầy lễ tân, đợi lấy biên nhận. Ông giết thời gian bằng cách rủ Lucy chơi trò ú òa.
“Con tên gì vậy?” ông hỏi.
“Lucy,” con bé nói, hơi mắc cỡ.
“Tưởng vậy mà không phải vậy,” Harry Garstone lẩm bẩm, vừa cười mai mỉa vừa nguệch ngoạc viết biên nhận cho ông lão chăn bò.
Ngay lúc đó bác sĩ Sumpton cũng vừa đến, thở hổn hển, tay cầm túi y tế. Ông ta gật đầu cho có lệ với Isabel nhưng cố tránh nhìn vào mắt cô. Isabel ngượng chín, nhớ lại lần cuối cùng được bác sĩ khám và cả kết luận tồi tệ sau đó.
“Mời bác sĩ đi lối này,” Garstone lên tiếng, dẫn đường cho bác sĩ Sumpton vào căn phòng phía sau. Viên cảnh sát quay lại chỗ Isabel. “Đứa nhỏ phải được khám sức khỏe. Phiền chị đưa nó đây.”
“Khám gì kia? Để làm gì? Nó chẳng đau ốm gì cả!”
“Chị Sherbourne, việc này chị không quyết được.”
“Nhưng tôi là…” Isabel sựng lại trước khi kịp nói hết câu. “Con nhỏ không cần khám gì cả. Xin anh mà. Anh làm ơn đi.”
Viên cảnh sát giật lấy đứa bé khỏi tay Isabel, nó vừa khóc vừa cố vùng ra. Tiếng khóc inh tai vang khắp đồn cảnh sát, đến tận nhà giam nơi Tom ngồi. Anh mường tượng ra con bé đang phải chịu những gì, nghe tiếng khóc đó như còn lớn hơn.

Trong văn phòng của Knuckey, Spragg đặt ống nghe điện thoại xuống, gầm gừ nhìn người đồng nhiệm ở xứ Mũi. “Được rồi. Giờ thì đúng như anh muốn…” Spragg kéo thắt lưng lên, thay đổi chiến thuật. “Cô kia cũng phải bị giam mới đúng. Chắc là cùng một giuộc cả thôi.”
“Tôi biết Isabel từ lúc nó còn nhỏ xíu, hạ sĩ à,” Knuckey đáp. “Còn không dám trốn lễ nhà thờ. Mà anh cũng nghe Tom Sherbourne khai rồi còn gì: nghe như Isabel cũng là nạn nhân của anh ta thôi.”
“Khai khiếc gì! Tôi nói anh nghe, cái cô kia cũng chẳng vừa đâu. Cứ để tôi tra anh ta, kiểu gì cũng biết được tay Roennfeldt kia làm sao mà chết…”
Knuckey biết quá rõ tiếng tăm của Spragg trong nghề tra hỏi, nhưng không để tâm đến lời nhận xét đó. “Anh nghe đây. Tôi không biết tường tận cái nhà anh Sherbourne kia. Có thể anh ta là một con quỷ Jack the Ripper1 mới, biết đâu đó. Nếu đúng anh ta có tội thật thì phải bị trừng phạt thích đáng. Nhưng tống giam cô vợ thì có ích gì, vậy nên anh hãy chờ đã. Anh với tôi đều biết rằng phụ nữ đã có chồng thì được miễn tố nếu phạm tội do bị chồng ép buộc.” Knuckey xếp lại chồng giấy ngay ngắn, đặt cục chặn giấy lên trên. “Xứ Mũi nhỏ lắm. Làm gì cũng phải nghĩ. Muốn tống giam người ta thì phải có đủ chứng cứ. Vậy cái gì chắc thì hẵng làm.”
1 Jack the Ripper: Nhân vật bí hiểm được cho là thủ phạm của các vụ giết người hàng loạt mà cảnh sát không thể tìm ra ở khu White Chaperl, London năm 1888. Jack the Ripper được xem là một “huyền thoại” tội ác ở Anh quốc và là cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm trinh thám ly kỳ - ND

Sau khi hạ sĩ Spragg giận dữ bặm môi bước ra khỏi đồn, Knuckey bước vào phòng khám bệnh, mang Lucy ra.
“Bác sĩ nói nó không sao hết,” Knuckey nói, rồi hạ giọng. “Giờ tụi tôi đem nó trả về cho má ruột, Isabel à. Tôi sẽ rất biết ơn chị nếu chị đừng gây phiền hà hơn nữa. Vậy chị có muốn… tạm biệt nó không?”
“Tôi xin ông. Đừng làm vậy mà!”
“Chị đừng khiến mọi sự tồi tệ hơn.” Vernon Knuckey đã chứng kiến cảnh ngộ của Hannah Roennfeldt qua chừng đó năm, từng nghĩ Hannah bị ảo tưởng khi tin rằng chồng con mình còn sống, nhưng giờ đây ông ta nhìn người đàn bà trước mặt, lại có cùng cảm giác đó. Lucy cứ tưởng là đã được trả về với mẹ. Con bé ôm Isabel thật chặt khi cô hôn lên má nó, khiến cô không thể nào dứt ra khỏi làn da mềm mại ấy. Harry Garstone đặt tay ngang hông con bé, giằng nó ra.
Mặc dù mọi chuyện xảy ra trong hai mươi tư giờ qua đã báo trước kết cục này, mặc dù từ lần đầu tiên nhìn thấy Lucy, Isabel đã ôm nỗi sợ hãi về ngày hôm nay, giờ đây cô vẫn thấy xé cả ruột gan.
“Làm ơn mà!” cô nài nỉ trong nước mắt. “Tôi xin ông!” Giọng cô dội khắp những bức tường trống trải. “Làm ơn đừng mang con tôi đi!”
Khi đứa nhỏ cuối cùng cũng bị giằng khỏi tay cô, miệng la hét, Isabel ngã quỵ xuống nền đá, âm thanh khô khốc vọng lại.

Hannah Roennfeldt không thể ngồi yên. Cô hết nhìn đồng hồ đeo tay, rồi lại xem đồng hồ trên bệ lò sưởi, rồi quay sang hỏi em gái — hỏi bất kỳ ai có thể cho cô biết cô đã chờ bao lâu rồi. Con thuyền khởi hành ra Janus sáng hôm qua, và kể từ đó mỗi phút trôi qua nặng nề, chậm rãi như vua Sisyphus chịu hình phạt đẩy hòn đá ngược lên đỉnh núi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 63 guests