Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

Image
Tình Yêu Xanh Thẳm


Tác giả: Tracey Garvis Graves


Người dịch: Nguyễn Cẩm Vân
Nhà xuất bản: Phụ Nữ


Tình Yêu Xanh Thẳm, Tôi vẫn thường nghĩ về hòn đảo. Khi lũ trẻ lớn hơn, chúng tôi sẽ có một câu chuyện thú vị để kể cho con. Tất nhiên phải sửa đổi một vài chi tiết. Chúng tôi cũng sẽ bảo với lũ trẻ rằng ngôi nhà này là hòn đảo của cả gia đình mình.
TÌNH YÊU XANH THẲM - tiểu thuyết đầu tay của Tracey đã trụ vững 9 tuần liền trong danh sách sách bán chạy của New York Times, và đã được dịch ra 27 thứ tiếng. theo Meira Pentermann, tác giả cuốn FIRELY BEACH, là một câu chuyện tài tình và cuốn hút. Các nhân vật sẽ sống trong tâm trí ta ngay cả sau khi lật giở trang sách cuối”.
“Hẳn T. J - một nam sinh mắc bệnh máu trắng và Anna - cô gia sư được thuê tới giúp cậu theo kịp chương trình học đều không thể ngờ rằng họ sẽ gắn kết với nhau vĩnh viễn sau một tai nạn máy bay.
Họ bị dạt lên hoang đảo, phải vật lộn - theo đúng nghĩa - với tự nhiên để sống, để hi vọng có một chiếc máy bay tình cờ bay ngang qua và phát hiện ra mình. Trong gần 1500 ngày sinh tồn như hai “thổ dân” thứ thiệt: nhóm lửa từ que, bắt cá bằng tay, uống nước mưa, ăn quả rừng… giữa Anna và T. J đã bùng lên những rung động lãng mạn tưởng chừng phi lý, bất chấp khoảng cách tuổi tác khá xa vời, điều kiện sống cực kỳ khắc nghiệt cũng như viễn cảnh “chết mục” đen tối.
Gần 1500 ngày chung sống với nhau và với rắn, rết, cá mập, bão biển, sóng thần… niềm hi vọng được cứu của hai con người lịm tắt dần, song họ lại tự nhủ: Nếu không thể trở về thế giới văn minh, mình vẫn còn người kia để chở che - để dựa vào. Tình yêu nảy nở trong day dứt đúng, sai, trong khao khát thầm kín giữa nam và nữ.
Tưởng chừng mối tình trên hoang đảo sẽ được vun đắp khi họ trở về với cuộc sống hiện đại, nhưng không, T. J và Anna liền phải đối mặt với những cú sốc, những rắc rối đe dọa đến mối quan hệ: cánh báo chí soi mói đời tư, dư luận lên án tình yêu giữa một nam sinh và nữ gia sư, người yêu của Anna bất ngờ cầu hôn sau nhiều năm lảng tránh v. V…
Tình yêu - và chỉ tình yêu - sẽ giúp họ vượt qua sóng gió cuộc đời ra sao, khi mà chúng cũng khắc nghiệt chẳng kém gì cơn sóng thần giữa đại dương?”

Một cốt truyện y như phim, với chút kịch tính làm nền nhưng tựu trung là một câu chuyện như lời giới thiệu “Nếu bạn đang kiếm tìm cảm giác êm dịu và dễ chịu, cuốn sách này là dành cho bạn”.
Cũng có thể, nếu bạn thuộc trường phái ưa dựa vào thẩm quyền đạo đức để xét đoán mọi thứ, kể cả sách vở, phần nào đó trong câu chuyện sẽ khiến trán bạn nhăn lại. Tình yêu giữa một phụ nữ lớn tuổi, còn là gia sư, với một cậu bé là học trò của mình, có lẽ không khi nào nhận được sự đồng tình. Có hàng loạt lý do cho điều đó, trong số đó, nhiều cái đúng. Nhưng cũng có khi sai, đấy là khi ta đặt trong một câu chuyện nào đó, một câu chuyện mà trong đó chẳng có gì ngoài hai kẻ yêu nhau (tất nhiên tôi vẫn sẽ muốn nói đến thời điểm, như từng nói khi viết về cuốn Franz và Clara, tình yêu luôn cần một thời điểm để bộc bạch, dẫu nó sẽ phải bắt nguồn sớm hơn cái thời điểm đó, có khi rất nhiều).
Tác giả xử lý câu chuyện trong Tình yêu xanh thẳm rất khéo léo, sự khéo léo mà vì nó, bạn sẽ không thể tìm thấy một câu chuyện kiểu như trong Người đọc hay Người tình. Nó làm mất đi cái đam mê, ám ảnh và dằn vặt phải có ở một tác phẩm lớn nhưng đem đến cho câu chuyện ánh sáng hạnh phúc, một cái kết không thể nào trọn vẹn hơn. Và có lẽ cả người viết và người đọc, trong bối cảnh xã hội hiện đại thì cũng chẳng tìm kiếm điều gì khác hơn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

Chương 1 Anna


Tháng Sáu năm 2001

Tôi vừa bước sang tuổi ba mươi khi chiếc thủy phi cơ chở T. J. Callahan và tôi đâm sầm xuống Ấn Độ Dương. T. J lúc đó mười sáu tuổi, mới hồi phục được ba tháng sau quãng thời gian đấu tranh với bệnh máu trắng. Người phi công tên là Mick, nhưng anh ấy đã chết trước khi chúng tôi đâm xuống đại dương.
Bạn trai tôi, John, đã đưa tôi đến sân bay mặc dù anh ấy chỉ đứng thứ ba trong số những người tôi muốn nhờ vả, sau mẹ tôi và chị gái tôi, Sarah. Chúng tôi chen chúc giữa đám đông, tay kéo những chiếc vali to đùng có bánh xe, tôi tự hỏi có phải hôm nay tất cả dân Chicago đều đổ về đây để bay đến một nơi nào đó hay không. Cuối cùng khi chúng tôi tới được quầy bán vé của hãng US Airways, nhân viên bán vé tươi cười, dán nhãn hành lý và trao cho tôi vé lên máy bay.
“Xin cảm ơn, cô Emerson. Tôi đã đăng ký vé cho cô từ đây đến tận Malé. Chúc cô một chuyến bay an toàn”.
Nhét vé máy bay vào túi xách, tôi quay sang tạm biệt John. “Cảm ơn anh đã đưa em đến đây”.
“Anh sẽ đi cùng em thêm một đoạn”.
“Không cần đâu”, tôi lắc đầu.
Anh ấy do dự, “Nhưng anh muốn thế”.
Chúng tôi cùng bước đi trong im lặng, nối đuôi theo đám đông hành khách đang nhích dần từng bước một. Khi đến cửa lên máy bay, John hỏi, “Thằng bé ấy trông thế nào?”
“Gầy gò và trọc lốc”.
Tôi nhìn lướt qua đám đông và mỉm cười khi thấy T. J bởi một bộ tóc nâu ngắn đã che kín đỉnh đầu thằng bé. Tôi vẫy tay, nó ra hiệu nhận ra tôi bằng một cái gật đầu trong khi thằng bé ngồi cạnh đang không ngừng huých cùi chỏ vào sườn nó.
“Thằng bé còn lại là ai vậy?”, John hỏi.
“Em nghĩ đấy là Ben, bạn nó”.
Ngồi ngả ngớn trên những chiếc ghế, chúng ăn vận theo đúng mốt của những cậu bé mười sáu tuổi: quần ngố thể thao vừa dài vừa thụng, áo phông và giầy tennis không buộc dây. Một cái ba lô màu xanh hải quân dựng dưới chân T. J.
“Em có chắc đây là công việc em muốn làm không?”, John hỏi. Anh ấy đút tay vào túi sau quần, nhìn chăm chú vào tấm thảm đã mòn vẹt trên sàn sân bay.
Ờ thì, một trong hai chúng ta sẽ phải làm gì đó thôi. “Có”.
“Em đừng quyết định bất cứ điều gì trước khi quay trở lại, nhé?”
Tôi đã cố nhịn để không mỉa mai câu nói của John. “Em đã nói là sẽ không làm thế mà”.
Thực ra chỉ có một lựa chọn duy nhất. Và tôi đã lựa chọn sẽ không đưa ra bất cứ quyết định nào cho đến cuối mùa hè.
John vòng tay quanh eo và hôn tôi, nụ hôn kéo dài lâu hơn vài giây so với lệ thường ở những nơi công cộng thế này. Tôi cảm thấy bối rối nên giằng ra khỏi vòng tay anh ấy. Từ khóe mắt, tôi thấy T. J và Ben đang chăm chú theo dõi.
“Anh yêu em”, John nói.
Tôi gật đầu. “Em biết”.
Khẽ thở dài, anh ấy nhặt hành lý của tôi lên và quàng dây qua vai tôi. “Chúc em có một chuyến bay an toàn. Gọi cho anh khi đến nơi nhé”.
“Vâng”.
John rời đi còn tôi lặng lẽ nhìn đám đông đang dần nuốt chửng anh ấy, rồi đưa tay vuốt lại vạt áo và bước về phía hai cậu nhốc.
Chúng cụp mắt nhìn xuống khi thấy tôi bước đến.
“Chào T. J. Trông em có vẻ rất khỏe. Em đã sẵn sàng đi chưa?”
Đôi mắt nâu của thằng bé nhìn tôi trong chốc lát. “Vâng, chắc rồi”. Nó đã béo lên, mặt mũi trông không còn xanh xao nữa. Nó mang niềng răng, tôi không để ý thấy điều này trong lần gặp mặt trước, và nó có một cái sẹo nhỏ trên cằm.
“Xin chào, chị tên Anna”, tôi nói với thằng bé ngồi kế bên T. J. “Em chắc hẳn là Ben. Buổi tiệc của em thế nào?”
Cậu ấy liếc T. J vẻ bối rối. “Ờ, cũng được ạ”.
Tôi lôi điện thoại di động ra xem giờ. “Chị sẽ quay lại ngay, T. J. Chị muốn kiểm tra thông tin về chuyến bay một chút”.
Lúc dợm bước đi, tôi nghe thấy tiếng thằng Ben nói, “Thằng khỉ, chị bảo mẫu của mày quá nóng bỏng luôn ấy chứ”.
“Chị ấy là gia sư của tao, đồ khốn”.
Mấy từ ngữ ấy dội đến tai tôi. Tôi dạy trường cấp 3, và vì thế, luôn coi những lời nhận xét kiểu như vậy từ những thằng bé với mức hoóc môn đang tăng vọt chỉ như những lời khen vô hại.
Sau khi chắc rằng chúng tôi vẫn bay đúng giờ, tôi quay lại, ngồi vào chiếc ghế trống bên cạnh T. J. “Ben về rồi à?”
“Vâng. Mẹ nó đã phát mệt khi cứ phải lái xe lòng vòng trong sân bay. Nó không chịu cho mẹ nó vào đây”.
“Em có muốn ăn gì không?”
Thằng bé lắc đầu. “Em không đói”.
Chúng tôi ngồi thừ ra trong nỗi im lặng xa cách đến khi được lên máy bay. T. J nối gót tôi bước dọc theo lối đi hẹp dẫn đến dãy ghế hạng thương gia. “Em có muốn ngồi cạnh cửa sổ không?”, tôi hỏi.
T. J nhún vai. “Có, cảm ơn chị nhé”.
Tôi bước sang bên cạnh, đợi đến khi thằng bé ngồi xuống, rồi lục đục ngồi xuống cạnh nó và cài chặt dây an toàn. Nó lôi từ ba lô ra một cái máy nghe nhạc cầm tay và đeo tai nghe vào, một cách tế nhị để tôi hiểu rằng nó chẳng thiết tha gì một cuộc trò chuyện. Tôi lôi từ trong hành lý xách tay ra một cuốn sách, tổ phi công cất cánh, vậy là chúng tôi rời Chicago.
Mọi chuyện bắt đầu tệ hại khi chúng tôi đến Đức. Nhẽ ra chỉ mất hơn mười tám tiếng một chút để bay từ Chicago đến Malé - thủ đô của quốc đảo Maldives - nhưng sau một loạt vấn đề về kỹ thuật và thời tiết xấu, chúng tôi phải hoãn liên tục và đành phải ở lại sân bay quốc tế Frankfurt đến hết nửa đêm, chờ được lên máy bay để tiếp tục cuộc hành trình. T. J và tôi cùng ngồi trên dãy ghế bằng nhựa cứng như đá vào lúc 3 giờ sáng sau khi đã chắc chắn sẽ có sẵn hai ghế trên chuyến bay tiếp theo. Thằng bé dụi mắt luôn tay.
Tôi chỉ một dãy ghế trống. “Em có thể nằm xuống nghỉ một lúc nếu muốn”.
“Em ổn”, thằng bé đáp, cố giấu một cái ngáp dài.
“Chúng ta còn mắc kẹt lại đây thêm vài tiếng đồng hồ nữa cơ. Em nên ngủ một chút”.
“Chị không mệt à?”
Tôi gần như kiệt sức, nhưng có lẽ T. J cần nghỉ ngơi hơn. “Chị ổn. Em cứ tự nhiên”.
“Chị chắc chứ?”
“Chắc trăm phần trăm”.
“Được thôi”. Thằng bé cười uể oải. “Cảm ơn chị nhé”. Nó vươn vai ngả lưng trên mấy chiếc ghế và ngủ ngay lập tức.
Tôi nhìn chăm chú ra ngoài cửa sổ, ngắm những chiếc máy bay hạ cánh rồi lại cất cánh, những đốm đèn đỏ của chúng nhấp nháy liên hồi trên bầu trời đêm đen kịt. Luồng gió lạnh lẽo phả ra từ những cái máy điều hòa không khí khiến tôi nổi da gà, run rẩy trong tà váy mỏng manh và chiếc áo sát nách. Tôi bước vào một toa lét gần đó, thay quần jeans cùng chiếc áo phông dài tay mà tôi đã sắp sẵn trong hành lý xách tay, sau đó mua một ly cà phê. Khi trở lại ngồi cạnh T. J, tôi lôi cuốn sách ra tiếp tục nghiền ngẫm, cho đến khi phải đánh thức thằng bé dậy ba giờ sau đó để kịp lên máy bay.
Chào đón chúng tôi ở sân bay Sri Lanka là một loạt những cuộc hoãn bay khác - lần này thì bởi thiếu nhân viên tổ bay - tính đến khi hạ cánh được ở sân bay quốc tế Malé tại Maldives và còn cách khu nhà nghỉ mùa hè mà nhà Callahan đã thuê tận hai tiếng bay bằng thủy phi cơ, tôi đã thức trắng ba mươi giờ đồng hồ liên tục. Hai thái dương tôi giật giật liên hồi, hai mắt vừa cộm vừa nhức, càng lúc càng trở nên bỏng rát. Khi nhân viên quầy vé nói chúng tôi không đặt trước chuyến thủy phi cơ tiếp theo, nước mắt đã thi nhau chảy ra mỗi lần tôi chớp mắt.
“Nhưng tôi có mã số đặt vé đây”, tôi nói với nhân viên, đồng thời đẩy mẩu giấy qua quầy vé. “Tôi đã đặt chỗ trước khi rời Sri Lanka. Hai ghế. T. J. Callahan và Anna Emerson. Anh xem lại giúp tôi được chứ?”
Nhân viên quầy vé kiểm tra lại máy tính. “Tôi rất tiếc,” anh ấy nói. “Tên chị không có trong danh sách hành khách. Thủy phi cơ thì hết chỗ mất rồi”.
“Thế chuyến bay sắp tới thì sao?”
“Trời sẽ tối sập rất nhanh. Mà thủy phi cơ không được phép bay sau khi mặt trời lặn”. Để ý thấy vẻ mặt thảm hại của tôi, anh ấy gõ gõ trên máy tính một cách đầy thông cảm, đoạn nhấc điện thoại lên. “Để xem tôi có thể giúp gì thêm được cho chị không nhé”.
“Cảm ơn anh”.
T. J và tôi bước đến một quầy lưu niệm nhỏ, và tôi mua hai chai nước. “Em có muốn một chai không?”
“Không, cảm ơn”.
“Sao em không cất chai này vào ba lô nhỉ,” tôi nói, đưa một chai cho thằng bé. “Sẽ có lúc em khát nước đấy”.
Tôi lôi từ túi xách ra một hộp Tylenol 1, đổ hai viên ra tay, nuốt trôi chúng với một chút nước. Chúng tôi ngồi xuống dãy ghế, và tôi gọi điện cho mẹ T. J, Jane, để báo với bà ấy rằng chúng tôi sẽ không có mặt trước sáng hôm sau.
“Có thể họ sẽ thu xếp được cho chúng tôi lên một chuyến bay, nhưng tôi không nghĩ sẽ bay được trong đêm nay. Chiếc thủy phi cơ không được phép bay sau khi trời tối, thế nên có lẽ chúng tôi sẽ qua đêm ở sân bay”.
1 Thuốc giảm đau và an thần được dùng phổ biến tại Mỹ.
“Tôi rất tiếc, Anna. Chắc cô phải mệt lắm”, bà ấy nói.
“Tôi ổn mà, thật đấy. Chắc chắn chúng tôi sẽ đến nơi vào ngày mai”. Tôi lấy tay che điện thoại và hỏi: “Em có muốn nói chuyện với mẹ không?” T. J nhăn mặt, lắc đầu.
Tôi nhận thấy người bán vé đang vẫy tay về phía chúng tôi. Anh ấy đang mỉm cười. “Jane, nghe này, tôi nghĩ là chúng tôi có thể…”, nhưng cuộc gọi đã bị ngắt. Tôi bỏ điện thoại vào trong túi xách tay, nín thở rảo bước đến quầy vé.
“Một trong số những phi công riêng của chúng tôi có thể chở hai vị đến hòn đảo”, nhân viên quầy vé nói. “Những hành khách của anh ấy đã bị hoãn chuyến bay tại Sri Lanka và họ sẽ không thể tới đây cho đến tận sáng mai”.
Tôi thở phào và mỉm cười. “Thật tuyệt, cảm ơn anh vì đã thu xếp cho chúng tôi một chuyến bay. Tôi rất cảm kích”. Tôi cố gắng gọi lại cho bố mẹ T. J, nhưng điện thoại của tôi đã ngoài vùng phủ sóng. Hi vọng khi đến đảo tôi sẽ có sóng điện thoại trở lại. “Sẵn sàng chưa, T. J?”
“Vâng,” nó trả lời trong lúc xốc lại chiếc ba lô.
Một chiếc xe buýt mini thả chúng tôi ở khu trực thăng. Sau khi được đăng ký ở quầy, chúng tôi bước ra chỗ đỗ trực thăng.
Khí hậu vùng Maldives làm tôi nhớ đến phòng xông hơi ở trung tâm tập gym của mình. Mồ hôi ngay lập tức túa đầy trên trán và sau gáy tôi. Chiếc quần jeans và áo phông dài tay dường như đang nhốt hơi nóng lẫn khí ẩm bên trong người tôi, khiến tôi ước gì đã thay sang đồ mát hơn trước khi ra đây.
Chẳng nhẽ ở đấy lúc nào cũng ngột ngạt thế này sao?
Một nhân viên sân bay đứng cạnh cửa một chiếc thủy phi cơ đang đỗ bồng bềnh trên mặt biển. Anh ấy khẽ gật đầu với chúng tôi. Khi T. J và tôi bước đến gần, anh ấy mở cửa, đưa chúng tôi vào phía trong. Phi công vẫn đang ngồi trên ghế lái, cười với chúng tôi một nụ cười đầy bánh kẹp phô mai.
“Xin chào, tôi là Mick”. Anh ấy đã thôi nhồm nhoàm nhai và nuốt được miếng bánh to bự xuống. “Hi vọng quý vị không phiền nếu tôi ăn nốt bữa tối chứ”. Nhìn Mick khoảng ngoài năm mươi tuổi, béo phì đến mức khó lòng ngồi vừa chiếc ghế lái. Anh ấy mặc một chiếc quần ngố của hãng bay cùng một chiếc áo phông nhuộm lòe loẹt to nhất mà tôi từng thấy. Hai chân anh ấy để trần. Mồ hôi đọng thành giọt trên viền môi và trên trán, anh ấy chén nốt miếng cuối chiếc bánh kẹp rồi lau mặt bằng một tờ giấy ăn.
“Tôi là Anna và đây là T. J”, tôi giới thiệu, vừa mỉm cười vừa bắt tay anh phi công. “Tất nhiên chúng tôi không thấy phiền”.
Chiếc DHC-6 hai động cơ có mười chỗ ngồi, bốc mùi xăng và ẩm mốc. T. J thắt dây an toàn, chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi ngồi ghế phía bên kia, nhét túi và hành lý xách tay xuống dưới ghế, hai tay xoa xoa mắt. Mick bắt đầu khởi động động cơ. Tiếng ồn át cả tiếng nói của Mick nhưng nhìn anh ấy quay đầu và mấp máy môi là tôi đoán rằng anh ấy đang liên lạc với ai đó qua tai nghe. Anh ấy bẻ lái rời khỏi bến đỗ, tăng tốc, rồi chúng tôi dần bay lên.
Tôi bắt đầu nguyền rủa việc mình không thể ngủ trên máy bay. Tôi luôn luôn ghen tị với những ngươi có thể ngủ ngay khi máy bay vừa cất cánh và không hề tỉnh giấc cho đến khi bánh máy bay lại chạm đất. Tôi cố gắng chợp mắt, nhưng ánh sáng mặt trời xuyên qua cửa máy bay, cộng với đồng hồ sinh học đang rối loạn khiến việc chợp mắt chút xíu cũng trở nên xa xỉ. Khi tôi chịu thua và đành mở mắt, T. J đang nhìn tôi chằm chằm. Mặt cậu bé đỏ lựng chắc cũng không kém mặt tôi lúc này là mấy. Nó quay đi, lúi húi nhét chiếc ba lô xuống gầm ghế, và vài phút sau đã chìm trong giấc ngủ.
Không thể ngủ được, tôi đành tháo dây an toàn, đoạn đi lại phía Mick hỏi xem còn bao lâu nữa thì chúng tôi hạ cánh.
“Có lẽ khoảng một tiếng nữa”. Anh ấy chỉ tay vào ghế lái phụ. “Cô có thể ngồi đây nếu muốn”.
Tôi ngồi xuống, thắt dây an toàn, cố mở to mắt dưới ánh mặt trời gắt gao, tôi thu vào tầm mắt phong cảnh tuyệt trần. Bầu trời trong vắt không một gợn mây vẽ lên màu xanh cô ban hoàn hảo phía trên đầu. Còn dưới chân là dòng nước pha lẫn giữa màu xanh bạc hà dịu mát với màu xanh ngọc lam lóng lánh của Ấn Độ Dương.
Mick dùng một nắm tay xoa ngực, đoạn với lấy một viên giảm nồng độ axit. Tống một viên vào miệng, anh ấy giải thích, “Chứng sôi dạ dày. Cứ khi nào ăn bánh kẹp phô mai là tôi lại bị thế. Nhưng cô biết đấy, mấy cái bánh ấy ăn đứt mấy đĩa sa lát nhạt toẹt”. Anh ấy cười phá lên còn tôi thì gật gù đồng ý.
“Thế hai ngươi từ đâu tới?”
“Chicago”.
“Cô làm gì ở Chicago?” Anh ấy lại uống thêm một viên giảm axit.
“Tôi là giáo viên tiếng Anh lớp 10”.
“À, vậy là cô đi nghỉ hè”.
“Thực ra thì không phải kỳ nghỉ của tôi. Tôi vẫn thường làm gia sư vào kỳ nghỉ hè”. Tôi ra dấu về phía T. J. “Bố mẹ cậu bé thuê tôi làm gia sư cho nó để nó theo kịp tiến độ trên lớp. Thằng bé bị máu trắng và phải nghỉ học rất nhiều”.
“Tôi cũng thấy cô quá trẻ nên không thể la mẹ thằng bé đó được”.
Tôi mỉm cười. “Bố mẹ và chị của thằng bé đã bay tới đây vài ngày trước rồi”.
Tôi không thể bay sớm cùng nhà Callahan vì trường công mà tôi đang dạy bắt đầu kỳ nghỉ hè muộn hơn vài ngày so với trường tư của T. J. Khi T. J biết điều đó, nó đã nằn nì bố mẹ cho phép ở lại Chicago đến hết tuần và sẽ bay cùng tôi. Bà Jane Callahans đã gọi để hỏi tôi liệu như vậy có phiền cho tôi không.
“Ben, bạn của T. J tổ chức một bữa tiệc. Thằng bé rất muốn tham dự. Cô có chắc là sẽ không phiền không?”, bà ấy hỏi.
“Không sao đâu”, tôi trả lời. “Chúng tôi sẽ có cơ hội để hiểu nhau hơn mà”.
Trước đó tôi mới chỉ gặp T. J có một lần, khi đến trao đổi với bố mẹ nó. Chắc phải mất thời gian thì thằng bé mới cởi mở được; làm việc với học sinh mới bao giờ cũng thế, nhất là một cậu nhóc tuổi ẩm ương.
Giọng nói của Mick cắt ngang suy nghĩ của tôi. “Cô sẽ ở đây trong bao lâu?”
“Cả mùa hè. Họ đã thuê nhà trên đảo rồi”.
“Thế bây giờ thằng bé khỏe chưa?”
“Vâng. Bố mẹ nó nói thằng bé đã rất ốm yếu trong một khoảng thời gian dài, nhưng đang hồi phục được vài tháng nay”.
“Thật là một địa điểm tuyệt vời cho một công việc mùa hè đấy nhỉ”.
Tôi cười, “Hơn hẳn thư viện là cái chắc”.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trong im lặng thêm một lúc. “Thực sự là có tới 1200 hòn đảo ở dưới kia cơ à?”, tôi hỏi. Tôi mới chỉ đếm được ba hay bốn đảo, nổi lên giữa đại dương như những miếng ghép hình khổng lồ. Tôi đợi câu trả lời của anh ấy. “Mick ơi?”
“Gì cơ? À ừ, khoảng khoảng đó. Chỉ có chừng 200 đảo là có người ở, nhưng tôi nghĩ cứ đà phát triển thế này thì con người sẽ có mặt trên nhiều đảo hơn nữa. Cứ mỗi tháng lại có thêm một khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng khai trương”. Anh ấy cười khúc khích: “Ai cũng muốn có một mảnh của thiên đường”.
Mick lại xoa ngực lần nữa, đưa tay trái lên khỏi cần số, duỗi ra trước mặt. Tôi để ý thấy vẻ mặt đau đớn và những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán anh. “Anh không sao chứ?”
“Tôi ổn, chỉ là chưa bao giờ tôi bị sôi dạ dày đến mức này thôi”. Anh ấy uống thêm hai viên giảm axit và vò nát cái vỏ thuốc rỗng.
Một cảm giác bất ổn chợt vụt qua tâm trí tôi. “Anh có muốn tôi gọi ai giúp đỡ không? Nếu anh hướng dẫn tôi cách dùng radio, tôi sẽ gọi”.
“Không cần đâu, khi nào thuốc có tác dụng là tôi đỡ ngay ấy mà”. Anh ấy hít một hơi thật sâu rồi mỉm cười: “Dù sao cũng cảm ơn cô”.
Mick có vẻ ổn được một lúc, nhưng mười phút sau anh ấy rút tay khỏi cần số, không ngừng xoa xoa bên vai trái. Mồ hôi chảy ròng ròng trên khuôn mặt anh. Từng nhịp thở nông dần, Mick ngồi ngả hẳn ra trên ghế lái vì xoay xở mãi cũng không tìm được tư thế phù hợp. Cảm giác bất an của tôi đã trở thành nỗi sợ hãi.
T. J tỉnh dậy. “Chị Anna”, nó gọi, đúng ra là hét lên để át tiếng động cơ. Tôi quay lại. “Mình sắp đến nơi chưa?”
Tôi tháo dây bảo hiểm, quay về ngồi ghế cạnh T. J. Tôi không muốn phải hét lên nên kéo thằng bé lại gần và nói, “Nghe này, chị nghĩ Mick đang lên cơn đau tim. Anh ấy bị đau ngực, nhìn rất tệ nhưng lại cứ nghĩ là bị sôi dạ dày”.
“Cái gì! Chị không đùa đấy chứ?”
Tôi gật đầu. “Bố chị đã may mắn sống sót sau một cơn đau tim nặng vào năm ngoái, nên chị biết chắc chắn. Chị nghĩ anh ấy sợ nên không dám thú nhận thôi”.
“Thế còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có lái được cái máy bay này không?”
“Chị không biết”.
T. J và tôi cùng bước tới ghế lái. Mick đã dùng cả hai tay ấn vào ngực, hai mắt nhắm nghiền. Tai nghe của anh ấy đã lệch sang một bên còn mặt xám ngoét đi.
Tôi ngồi xuống bên cạnh anh ấy, cảm giác sự hãi bao trùm. “Mick”. Giọng tôi hốt hoảng. “Chúng ta cần gọi trợ giúp ngay”.
Anh ấy gật đầu. “Tôi sẽ hạ cánh xuống nước trước và một trong hai người hãy dùng radio”, Mick thở hổn hển, cố gắng nói tiếp. “Mặc áo phao vào. Chúng ở trong tủ đồ bên cạnh cánh cửa này. Sau đó về chỗ ngồi và thắt dây an toàn”. Anh ấy nhăn nhó trong đau đớn. “Đi đi!”
Trống ngực tôi đánh thùm thụp, máu nóng dồn lên khắp cơ thể. Chúng tôi chạy ngay lại tủ đồ, lôi đống áo phao ra.
“Tại sao chúng ta phải mặc áo phao hả chị Anna? Chiếc máy bay này tự nổi được cơ mà, đứng không?”
Bởi vì anh ấy sợ là sẽ không kịp hạ cánh.
“Chị không biết, có thể đây là quy trình tiêu chuẩn khi hạ cánh khẩn cấp giữa đại dương”. Tôi tìm thấy áo phao được xếp trong hộp đồ hình trụ có ghi XUỒNG BƠM HƠI và một đống chăn. “Cầm lấy này”, tôi nói, đưa cho T. J một cái áo phao rồi mặc một cái khác vào. Chúng tôi về chỗ ngồi, cài dây an toàn, tay tôi run đến nỗi phải cài hai lần mới được.
“Nếu anh ấy bất tỉnh chị sẽ hô hấp nhân tạo ngay. Em phải tìm radio đấy nhé T. J?”
Thằng bé gật đầu, mắt mở to. “Em làm được”.
Tôi nắm chặt hai thành ghế, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, mặt nước đang ngày một gần hơn. Nhưng thay vì từ từ hạ độ cao, máy bay lại tăng tốc và chúng tôi đâm xuống theo phương gần như thẳng đứng. Tôi liếc mắt về phía đầu máy bay. Mick đã gục trên cần số, không động đậy. Tôi tháo dây an toàn, cô bước ra hành lang.
“Chị Anna”, T. J hét lên. Đường viền áo phông của tôi sượt qua khi nó cố nắm lấy tay tôi.
Trước khi tôi đến được ghế lái, Mick đã đổ ngược ra phía lưng ghế, tay vẫn còn nắm chặt cần số, một cơn co thắt dữ dội đang hành hạ ngực anh ấy. Mũi máy bay ngóc hẳn lên và đuôi máy bay chạm xuống nước trước, đập lên đập xuống trên từng đợt sóng. Đầu cánh máy bay chạm xuống mặt nước, chiếc máy bay đã ngoài tầm kiểm soát.
Cú hạ cánh bất ngờ làm tôi khuỵu xuống, cứ như thể một ai đó dùng dây trói quanh mắt cá chân tôi và siết thật mạnh. Tiếng cửa kính vỡ làm tai tôi ù đi, tôi có cảm giác bồng bềnh như đang bay ngay trước khi một cơn đau đớn kinh hoàng dội tới lúc máy bay vỡ tan.
Tôi bị ném xuống giữa đại dương, nước biển tràn vào đầy họng. Tôi hoàn toàn mất phương hướng, nhưng chiếc áo phao đã giữ tôi nổi lên. Đầu tôi đập mạnh xuống mặt nước, và tôi ho không ngừng, cố gắng hít không khí vào và đẩy nước ra.
T. J! Ôi Chúa ơi, T. J đâu rồi?
Tôi tưởng tượng ra cảnh thằng bé bị kẹt ở ghế ngồi, không thể tháo dây an toàn ra được, vậy là tôi cố nhìn quanh trên mặt nước, nheo mắt dưới ánh nắng gắt và không ngừng gào thét tên nó. Ngay khi tôi nghĩ nó đã chìm rồi thì thằng bé trồi lên trên mặt nước, ho sặc sụa, cố nhổ nước biển ra phì phì.
Tôi bơi về phía nó, cảm thấy có vị máu trong miệng, đầu tôi đau đến mức tôi nghĩ nó sắp nổ tung. Ngay khi bơi đến chỗ T. J, tôi nắm lấy tay nó, cố để cho nó biết tôi vui sướng nhường nào khi thằng bé không chết, nhưng tôi chẳng thể thốt nên lời và chợt cảm thấy chếnh choáng như đang chơi vơi giữa một làn sương mờ.
T. J hét lên đánh thức tôi tỉnh lại. Tôi nhớ từng đợt sóng vỗ không ngừng vào mặt khiến tôi uống không biết bao nhiêu là nước, rồi tôi chẳng còn nhớ gì hết.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 2 T. J


Nước biển vây quanh tôi, xộc vào mũi, ùa vào cổ họng, và tràn đầy hai mắt, tôi không thể thở nổi giữa những cơn sặc nước liên hồi. Anna bơi về phía tôi, nước mắt giàn giụa hòa trộn với máu và những tiếng thét hoảng loạn. Chị ấy cầm lấy tay tôi, cố gắng nói điều gì đó, nhưng mớ âm thanh khi thoát ra khỏi miệng chị ấy bỗng dưng xáo trộn hết vào nhau, khiến tôi không tài nào hiểu được. Đầu chị ấy bắt đầu nghiêng ngả sang hai bên, và đột nhiên đập mặt xuống làn nước biển. Ngay lập tức tôi túm lấy tóc Anna kéo lên. “Tỉnh dậy, chị Anna, tỉnh dậy ngay!” Sóng xô từng đợt ào ào, mạnh đến mức sẵn sàng tách đôi chúng tôi về hai phía khác nhau bất cứ lúc nào, thế nên tôi xỏ tay phải vào dưới dây đeo áo phao của Anna và giữ chặt chị ấy.
Tôi nâng mặt chị ấy lên. “Anna. Anna!” Ôi Chúa ơi. Hai mắt chị ấy vẫn nhắm nghiền, chị ấy không hề có bất cứ phản ứng gì, tôi tiếp tục xỏ tay trái vào dưới dây áo phao và nằm ngửa ra, kéo Anna dựa lên trên ngực mình.
Từng đợt sóng nhấp nhô đẩy chúng tôi ngày một xa dần xác máy bay. Những mảnh vỡ của chiếc máy bay nhanh chóng biến mất dưới mặt biển, chẳng mấy chốc đã không còn chút tàn tích nào của vụ tai nạn nữa. Tôi cố không nghĩ tới Mick vẫn đang mắc kẹt trên ghế lái.
Trôi nổi bập bềnh theo làn sóng, ngất đi tỉnh lại không biết bao lần, nhưng tôi vẫn cảm nhận được trái tim mình đập loạn nhịp trong lồng ngực. Bao quanh bốn bề là sóng nước mênh mông, tôi cố giữ đầu của chúng tôi nổi trên mặt nước, ép bản thân mình không được hoảng sợ.
Liệu họ có biết chúng ta bị nạn không? Liệu họ có dò tìm chúng ta bằng sóng ra đa không?
Có thể là không, bởi lẽ chẳng có ai tới cả.
Bầu trời tối dần, mặt trời bắt đầu lặn xuống. Anna lầm bầm điều gì đó khiến tôi tưởng chị ấy đã tỉnh lại, nhưng toàn thân chị run lên và bất chợt nôn lên người tôi. Sóng biển rửa sạch bãi nôn ngay tức khắc, tôi kéo Anna sát lại gần vì chị ấy run như cầy sấy, cố gắng chia sẻ với chị ấy chút hơi ấm từ thân mình. Tôi cũng rét run lên, mặc dù nước biển rất ấm. Không có lấy một ánh trăng nào, tôi khó lòng nhìn thấy làn nước xung quanh, lúc này đã chuyển sang màu đen thẫm chứ không còn ánh xanh biếc nữa.
Tôi lo sợ khi nghĩ đến đàn cá mập. Lôi một tay ra khỏi áo phao của Anna, tôi cố gắng nhấc cằm chị ấy khỏi ngực mình. Tôi cảm thấy âm ấm ngay dưới cổ, chỗ Anna vừa dựa vào. Chẳng lẽ chị ấy vẫn chảy máu? Tôi cố gắng đánh thức Anna dậy, nhưng chị ấy chỉ phản ứng rất yếu ớt mỗi khi tôi lắc mạnh khuôn mặt chị. Tôi chẳng muốn làm đau chị ấy, nhưng tôi muốn biết chắc là Anna còn sống. Không một cử động nào. Tôi sợ đến phát điên. Nhưng rồi đột nhiên chị ấy lại nôn và run bần bật trong vòng tay tôi.
Tôi cố hết sức để giữ bình tĩnh, hít thở nhẹ nhàng. Nằm ngửa trên những con sóng là cách dễ nhất để đỡ mất sức, tôi cùng Anna cưỡi trên từng con sóng trôi bập bềnh trên mặt biển. Thủy phi cơ không được phép bay vào ban đêm, nhưng tôi chắc chắn họ sẽ cử một chuyến bay đi tìm chúng tôi ngay khi mặt trời vừa ló dạng. Đến lúc ấy, chí ít một ai đó phải biết rằng chúng tôi đã gặp nạn.
Thậm chí bố mẹ mình còn không biết là mình đã ở trên chuyến bay.
Từng giờ trôi qua, tôi không thể nhìn thấy bất cứ con cá mập nào trong màn đêm đen kịt. Có lẽ chúng ở đó, chỉ là tôi không hề biết mà thôi. Kiệt sức, tôi chợp mắt trong chốc lát, thả lỏng đôi chân đã mỏi rã rời vì liên tục quẫy đạp sát mặt nước. Tôi cố không nghĩ tới bầy cá mập, có lẽ ngay lúc này đang bơi vòng tròn bên dưới.
Khi tôi lay Anna một lần nữa, chị ấy vẫn không có phản ứng gì. Tôi nghĩ rằng tôi cảm nhận được lồng ngực chị phập phồng lên xuống, nhưng thậm chí cũng không dám chắc về điều này. Đột nhiên có một cơn sóng lớn vỗ ầm ầm bên cạnh khiến tôi giật bắn mình, đầu Anna ngoẹo hẳn sang một bên, và tôi phải kéo chị ấy lại gần mình hơn nữa. Đợt sóng lớn vẫn tiếp tục vỗ, tạo nên một giai điệu kỳ lạ. Tưởng tượng ra không chỉ một mà là năm, mươi hoặc thậm chí nhiều con cá mập hơn thế khiến tôi lão đảo. Một thứ gì đó đột nhiên nhô lên khỏi mặt nước, phải một lúc tôi mới định thần được đó là gì. Tiếng ầm ầm chính là do từng cơn sóng vỗ vào lớp đá ngầm bao quanh một hòn đảo.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy nhẹ nhõm đến vậy trong suốt cuộc đời mình, kể cả khi bác sĩ nói với chúng tôi rằng các liệu pháp điều trị đã giúp tôi chiến thắng căn bệnh ung thư.
Từng đợt sóng đẩy chúng tôi tới gần đảo hơn, nhưng không thẳng hướng về phía hòn đảo. Nếu tôi không làm gì cả thì chứng tôi sẽ bị đẩy dạt xa khỏi nó. Tôi không thể dùng tay vì cả hai tay đều đang vướng dưới áo phao của Anna, vậy nên tôi ngửa thẳng lưng ra làm trụ, lấy hết sức bình sinh đạp mạnh hai chân. Đôi giày của tôi bị tuột, nhưng tôi không bận tâm, nhẽ ra tôi nên tháo chúng ra từ vài giờ trước.
Đất liền vẫn còn cách chúng tôi chừng bốn mươi lăm mét 1 nữa. Thậm chí chúng tôi còn bị dạt ra xa hơn lúc trước. Không còn cách nào, tôi buộc lòng phải dùng một cánh tay, vừa bơi nghiêng vừa kéo Anna theo. Ngóc đầu lên, tôi thấy chúng tôi đã rất gần bờ. Đạp chân điên loạn, hai phổi bỏng rát, tôi bơi hết sức bình sinh.
1 Nguyên bản: 50 yard.
Chúng tôi đã vào vùng nước lặng phía trong dải đá ngầm, nhưng tôi vẫn không hề dừng lại cho đến khi bàn chân bắt đầu chạm vào nền cát. Tôi chỉ còn chút sức tàn để lôi được Anna lên bờ trước khi ngã quỵ bên cạnh chị ấy và lả đi.
Ánh mặt trời chói lóa đã đánh thức tôi dậy. Toàn thân cứng ngắc vì đau đớn, tôi chỉ có thể hé một mắt ra quan sát xung quanh. Tôi cố sức ngồi dậy, tháo tung chiếc áo phao khỏi người, rồi quay sang nhìn Anna. Khuôn mặt chị ấy sưng vù với một vết tím bầm hằn chéo trên trán và kéo dài tới tận má. Chị ấy vẫn nằm bất động.
Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực, nhưng tôi vẫn cố gắng vươn ra chạm vào cổ chị ấy. Làn da Anna vẫn ấm áp, tôi như trút được gánh nặng ngàn cân khi cảm nhận được nhịp mạch yếu ớt đang khe khẽ đập dưới mấy ngón tay mình, chị ấy vẫn còn sống, nhưng tôi sợ hãi khi nghĩ rằng có thể Anna đã bị một chấn thương rất nặng ở vùng đầu. Nhỡ chị ấy không bao giờ tỉnh lại?
Tôi lay chị ấy một cách thận trọng. “Anna, chị có nghe thấy em không?” chị ấy không có phản ứng gì, nên tôi lay lại một lần nữa.
Tôi đợi chờ và mong mỏi chị Anna mở mắt ra. Đôi mắt tuyệt đẹp màu xanh lam phảng phất chút ánh ghi. Đó là nét đầu tiên tôi chú ý khi gặp chị ấy. Chị ấy đã đến căn hộ nhà tôi để bố mẹ tôi phỏng vấn, và tôi thực sự bối rối khi mà Anna quá xinh đẹp còn mình thì gầy còm, trọc lốc, trông như một thằng mọi.
Nào, Anna, cho em ngắm đôi mắt chị lần nữa đi nào.
Tôi lay chị ấy mạnh hơn, cho đến khi chị ấy cuối cùng cũng chịu mở mắt ra. Tôi khẽ thở phào.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 3 Anna


Hai hình ảnh mờ mịt của T. J nhảy múa trước mặt tôi, tôi chớp mắt đến khi chúng nhập vào thành một. Mặt thằng bé có một vết cắt, mắt trái thì sưng vù đến độ không mở ra nổi.
“Chúng ta đang ở đâu thế này?”, tôi hỏi. Giọng tôi lạc hẳn đi và miệng dầy vị muối.
“Em không biết. Một hòn đảo nào đó”.
“Thế còn Mick thì sao?”, tôi hỏi.
T. J lắc đầu. “Phần còn lại của máy bay đã chìm rất nhanh”.
“Chị chẳng nhớ gì cả”.
“Chị đã ngất đi trên biển, khi không thể đánh thức chị dậy em đã nghĩ là chị chết rồi”.
Đầu tôi đau như búa bổ. Tôi sờ tay lên trán, chạm phải một cục u to đùng. Một bên mặt của tôi dinh dính. “Chị bị chảy máu à?”
T. J cúi xuống, chải tóc tôi bằng mấy ngón tay để tìm chỗ chảy máu. Tôi đau phát khóc khi nó tìm thấy.
“Xin lỗi”, nó nói. “Một vết cắt khá sâu đấy. Cũng không còn chảy máu nhiều nữa. Lúc đang lênh đênh trên biển chị chảy máu nhiều lắm”.
Nỗi sợ hãi xâm chiếm cơ thể tôi. “Có cá mập không?”
“Em cũng không biết. Em không nhìn thấy con nào, nhưng em cũng lo là sẽ có”.
Hít một hơi sâu, tôi cố gắng ngồi dậy. Mặt biển trước mắt tôi quay cuồng. Đặt hai tay trên nền cát, tôi cố ngồi im cho đến khi cơn chóng mặt tồi tệ nhất qua đi. “Chúng ta đến đây bằng cách nào thế?”, tôi hỏi.
“Em vòng tay qua áo phao của chị và chúng ta cứ trôi theo cơn thủy triều cho đến khi vào bờ. Sau đó em kéo chị lên bờ cát”.
Nhận thấy những gì cậu bé vừa làm đã thực sự cứu sống tôi khiến tôi lặng đi trong giây lát. Tôi lặng lẽ nhìn mặt nước hồi lâu. Tự dưng tôi nghĩ rằng nếu thằng bé bỏ mặc tôi hoặc nếu lũ cá mập kéo đến hoặc nếu không có hòn đảo này thì chuyện gì sẽ xảy ra cơ chứ. “Cảm ơn em, T. J”.
“Không có gì”, nó nói, chỉ nhìn vào mắt tôi vài giây trước khi quay mặt đi chỗ khác.
“Em có đau lắm không?”, tôi hỏi.
“Em ổn. Em nghĩ là đã đập mặt vào cái ghế phía trước mình”.
Tôi cố gắng đứng lên nhưng lại loạng choạng ngã xuống, một cơn chóng mặt làm tôi xây xẩm. T. J đỡ tôi đứng dậy, lần này thì tôi đứng được trên đôi chân của mình. Tôi mở khóa áo phao, để nó rơi xuống bãi cát.
Quay lưng lại phía biển, tôi hướng tầm mắt nhìn vào hòn đảo. Hòn đảo trông không khác mấy những hình ảnh tôi hay thấy trên Internet, chỉ thiếu mỗi một khách sạn hạng sang và những khu nghỉ dưỡng cao cấp mà thôi. Làn cát trắng tinh khôi như đương xào xạo dưới bàn chân trần của tôi, làm tôi chợt nhận ra không biết đôi giày của mình đã văng đi đường nào. Đường bờ biển cát trắng đã được thay thế bằng những bụi hoa và cây nhiệt đới, rồi những rặng cây cao vút đứng sát bên nhau tạo thành những vòm lá đan xen màu xanh biếc kết thúc tầm mắt của tôi. Mặt trời rực rỡ trên cao chiếu ánh nắng gay gắt xuống hòn đảo. Từng cơn gió biển thoang thoảng không giúp gì cho việc giảm thân nhiệt đang ngày càng lên cao của tôi khi từng giọt mồ hôi thi nhau tuôn đầy trên mặt và quần áo cứ dính chặt vào làn da nhớp nháp.
“Chị phải ngồi xuống một lát đã”. Dạ dày tôi sôi lên, tôi sắp nôn đến nơi. T. J ngồi xuống cạnh tôi và khi cơn buồn nôn qua đi tôi nói, “Đừng lo. Chắc chắn họ sẽ biết chúng ta bị rơi máy bay và sẽ sớm tìm kiếm thôi”.
“Chị có biết mình đang ở dâu không?”, nó hỏi.
“Không hề”.
Tôi dùng ngón tay vẽ trên nền cát. “Những hòn đảo tập trung thành chuỗi gồm hai mươi sáu đảo san hô trải dài từ bắc xuống nam. Đây là nơi chúng ta định đến”. Tôi chỉ tay vào một đám biểu tượng vừa vẽ. “Còn đây là Malé, nơi chúng ta khởi hành. Chắc giờ mình đang ở đâu đó quãng giữa này, trừ khi những đợt thủy triều đẩy chúng ta dạt hẳn sang đông hoặc tây. Chị còn chẳng rõ Mick có đi đúng hướng, hay thậm chí chiếc thủy phi cơ có được lập trình bay theo đường đã định sẵn hoặc được kiểm soát qua sóng ra đa hay không”.
“Bố mẹ em chắc sẽ phát hoảng lên mất”.
“Ừ”. Bố mẹ T. J chắc chắn sẽ ra sức gọi vào di động của tôi, nhưng chắc giờ này nó đã nằm dưới đáy đại dương rồi.
Mình có nên nhóm một ngọn lửa cầu cứu không? Khi bị lạc mọi người đều làm thế đúng không? Nhóm lửa lớn lên để mọi người có thể phát hiện ra nơi mình đang bị lạc?
Tôi không hề biết cách làm sao để nhóm lửa. Kỷ năng sinh tồn của tôi chỉ dừng ở những kiến
thức học được trên tivi và trong sách. Cả tôi và T. J đều không đeo kính, không thì chúng tôi đã có thể dùng kính hội tụ ánh nắng mặt trời để tạo lửa rồi. Chúng tôi cũng chẳng hề có lấy một viên đá lửa hay miếng thép nào. Chỉ còn hi vọng vào lực ma sát mà thôi, liệu cứ cọ hai que củi vào nhau thì có lên lửa không? Có lẽ chúng tôi cũng chưa cần phải lo nhóm lửa. Họ chắc chắn sẽ nhìn thấy chúng tôi nếu như bay thấp và nếu chúng tôi ở ngay sát bãi biển.
Chúng tôi cố viết chữ SOS. Đầu tiên là dùng chân di trên cát, nhưng nông như thế thì tôi sự rằng từ trên máy bay sẽ không thấy nổi. Đoạn chúng tôi đi ngắt lá để xếp, nhưng gió biển thổi tung chúng đi trước khi chữ SOS kịp hiện ra. Cũng chẳng có hòn đá nào đủ to để giữ lá khỏi bay cả, chỉ toàn những hòn sỏi và những mảnh san hô nhỏ. Đi đi lại lại khiến chúng tôi càng nóng hơn, vết thương trên đầu tôi càng đau đớn dữ dội. Chúng tôi đành bỏ cuộc và ngồi bệt xuống cát.
Mặt tôi cháy nắng bỏng rát, còn tay và chân của T. J cũng trở nên đỏ ửng. Chỉ một lát sau chúng tôi đành phải rời khỏi bờ biển để nghỉ ngơi dưới bóng râm của cây dừa. Những quả dừa rơi đầy trên mặt đất, chúng tôi biết chắc bên trong chứa ăm ắp nước. Chúng tôi thi nhau đập dừa vào thân cây nhưng không tài nào làm nứt được quả dừa.
Mồ hôi túa đầy trên mặt khiến tôi phải túm hết tóc lại búi ngược. Lưỡi sưng phồng và miệng khô khốc khiến tôi không tài nào nuốt được.
“Em sẽ đi xung quanh xem sao”, T. J bảo. “Chắc sẽ có nước ở quanh đây”. Thằng bé đi một lát là quay lại ngay chỗ gốc dừa, tay cầm theo một thứ gì đó.
“Em không tìm thấy nước nhưng tìm thấy thứ này”.
Nó to bằng quả bưởi, vỏ có rất nhiều gai lởm chởm màu xanh.
“Cái gì thế?”, tôi hỏi.
“Em chịu, nhưng chắc là sẽ có nước ở bên trong, giống như quả dừa ý”.
T. J dùng móng tay bóc vỏ. Bất kể là loại quả gì thì lũ sâu bọ cũng đã mở tiệc trước chúng tôi. Thằng bé vứt ngay xuống đất và đá nó ra thật xa.
“Em tìm thấy quả này dưới một cái cây”, T. J nói. “Có rất nhiều quả ở trên cây nhưng cao quá em không hái được. Nếu đứng lên vai em, chắc chị sẽ chọc được một quả. Chị có đi được không?”
Tôi gật đầu, “Nếu đi chậm thì được”.
Khi đến nơi, T. J nắm tay tôi và giúp tôi trèo lên vai nó. Tôi cao một mét bảy, nặng hơn năm mươi tư cân. T. J cao hơn tôi ít nhất mười xen ti mét và nặng hơn tôi gần mười bốn cân, nhưng thằng bé cũng chao đảo khi phải cố gắng giữ cho tôi đứng thẳng. Tôi cố với lên càng cao càng tốt, vươn tay về phía chùm quả. Tôi không tài nào nắm được chúng nên đành dùng tay đấm thật mạnh. Hai lần đầu chẳng ăn thua, nhưng tôi cố đấm mạnh hơn khiến một quả rơi xuống. T. J hạ tôi xuống, tôi nhặt ngay thứ quả đó lên.
“Em vẫn không biết đây là quả gì”, thằng bé nói, sau khi tôi đưa cho nó.
“Có khi là quả bánh mì cũng nên”.
“Quả gì cơ?”
“Đấy là một loại quả có vị như bánh mì”.
T. J bóc vỏ, và mùi thơm tỏa ra khiến tôi nghĩ đến quả ổi. Chúng tôi chia đôi, thi nhau hút hết nước bên trong quả để làm dịu cơn khát, chúng tôi nhai và nuốt phần thịt quả. Cảm giác dai dai của nhựa quả làm tôi nghĩ nó chưa chín hết, nhưng cả hai vẫn ăn ngon lành.
“Em chẳng thấy vị bánh mì gì cả”, T. J nói.
“Nếu như chúng ta nướng lên thì có thể sẽ giống hơn”.
Sau khi ăn xong, tôi lại leo lên vai T. J, hái thêm hai quả nữa để ăn luôn. Sau đó chúng tôi lững thững đi về phía cây dừa, ngồi xuống dưới gốc cây và tiếp tục chờ đợi.
Đến chiều muộn, bầu trời bất chợt đổ mưa tầm tã mà không có một dấu hiệu báo trước. Chúng tôi chui ra khỏi bóng cây dừa, ngửa mặt lên trời, há to miệng, nhưng cơn mưa chỉ kéo dài tầm mười phút.
“Bây giờ đang là mùa mưa”, tôi nói. “Có lẽ trời sẽ mưa hàng ngày, vài lần một ngày cũng nên”. Chúng tôi chẳng có vật dụng gì để trữ nước mưa cả, nên những giọt mưa rơi được vào miệng tôi chỉ càng làm tôi khát thêm.
“Những người tìm kiếm đâu rồi?”, T. J hỏi khi mặt trời bắt đầu lặn. Giọng thằng bé chứa đầy thất vọng, cũng chẳng khác gì tâm trạng của tôi.
“Chị không biết”. Tôi không thể hiểu nổi tại sao máy bay tìm kiếm vẫn chưa đến. “Chắc ngày mai họ sẽ tìm thấy chúng ta thôi”.
Chúng tôi lại lết ra bãi biển, nằm sõng xoài trên bờ cát, đầu gối lên hai chiếc áo phao. Không khí dịu mát cùng làn gió biển khiến tôi run rẩy. Vòng hai tay ôm lấy người và cuộn tròn như trái bóng, tôi lắng nghe tiếng sóng du dương vỗ vào rặng san hô.
Chúng tôi nghe thấy tiếng động mà chưa kịp định thần xem đó là tiếng gì. Tiếng vỗ cánh tràn ngập không gian, ngay sau đó là bóng của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con dơi. Chúng che khuất cả ánh trăng khiến tôi rùng mình nghĩ đến việc chúng treo lơ lửng đâu đó ngay trên đầu chúng tôi khi chúng tôi đi hái quả bánh mì.
T. J ngồi bật dậy, “Em chưa bao giờ nhìn thấy nhiều dơi đến thế”.
Chúng tôi sững người nhìn lũ dơi một lúc trước khi chúng bay đi săn mồi. Vài phút sau, T. J lại ngủ. Tôi nhìn đăm đăm lên bầu trời, biết rằng sẽ chẳng ai đi tìm chúng tôi giữa đêm như thế này đâu. Chắc phải đến sáng mai mọi ngươi mới tiếp tục tìm kiếm. Tôi hình dung ra bố mẹ của T. J đang quẫn trí đợi trời sáng. Cứ nghĩ đến việc gia đình tôi phải nhận tin dữ là tôi lại chảy nước mắt.
Tôi nghĩ đến chị gái Sarah và câu chuyện mà chúng tôi mới nói với nhau vài tháng trước, chúng tôi đã cùng ăn tối ở nhà hàng Mexico, và khi ngươi bồi bàn mang đồ uống ra, tôi đã uống một ngụm margarita 1 rồi nói, “Em đã nhận công việc gia sư mùa hè mà hôm trước em kể với chị. Em sẽ dạy thằng bé bị ung thư đó”. Tôi đặt ly đồ uống xuống, xúc một ít sốt salsa 2 vào miếng bánh giòn tortilla 3 rồi bỏ tọt vào mồm.
“Cái vụ dạy học mà em sẽ được đi du lịch với gia đình ngươi ta ấy hả?”, chị ấy hỏi.
1 Một loại cốc tai phổ biến tại Mỹ, có thành phần chủ yếu là rượu Tequila, nước cốt chanh, muối và đương.
2 Một loại nước sốt cay bắt nguồn từ Tây Ban Nha, được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Mexico, nguyên liệu chính là cà chua, quả bơ, ớt chuông, ớt cay, nước cốt chanh và các gia vị khác.
3 Một loại đồ ăn khai vị, được làm từ bột ngô, cắt hình tam giác thật mỏng và rán giòn, thường được ăn kèm với sốt salsa.

“Vâng”.
“Em đi cũng lâu đấy nhỉ. Thế John bảo sao?”
“John và em lại nói về chuyện kết hôn. Nhưng lần này em nói với anh ấy là em muốn có con”. Tôi nhún vai. “Rồi tự nhiên em nghĩ, sao không chia tay quách cho rồi”.
“Ôi, Anna à”, Sarah kêu lên.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không nghĩ nhiều về việc có con. Tôi rất thích thú với việc làm dì của hai đứa trẻ nhà Sarah - Chloe hai tuổi và Joe năm tuổi. Rồi tất cả mọi người tôi biết bắt đầu khích tướng tôi, khiến tôi đột nhiên nhận ra tôi muốn có đứa con của riêng mình. Cơn sốt thèm con cộng với việc đồng hồ sinh học đang tích tắc không ngừng khiến tôi thấy kinh ngạc với bản thân. Tôi cứ nghĩ việc muốn sinh con sẽ đến thật từ từ chậm rãi, nhưng không, đột nhiên một ngày cảm giác này xâm chiếm toàn bộ tâm trí tôi.
“Em không thể cứ sống thế này được, Sarah ạ”, tôi nói tiếp, “Làm sao John có thể chăm con được nếu như anh ấy còn không muốn kết hôn?” Tôi lắc đầu. “Sao với những ngươi phụ nữ khác thì dễ dàng đến thế. Họ gặp một ai đó, yêu người đó, rồi kết hôn. Trong khoảng một đến hai năm sau là họ bắt đầu một gia đình rồi. Đơn giản đúng không? Khi em và John cùng bàn bạc về tương lai, câu chuyện của bọn em lãng mạn cứ như thể giao dịch bất động sản, với nhưng màn cãi vã nhiều không kém”. Tôi với lấy giấy ăn chấm mắt.
“Chị rất tiếc, Anna. Thẳng thắn mà nói chị cũng không hiểu tại sao các em lại dùng dằng lâu như vậy. Bảy năm là thừa để John biết chính xác nó muốn gì chứ”.
“Tám rồi, Sarah ạ. Đã tám năm”. Tôi lại nhấc ly cốc tai lên, uống cạn trong hai ngụm.
“Ồ, vậy là chị đã nhớ thiếu một năm”. Ngươi bồi bàn đến hỏi liệu chúng tôi có muốn uống thêm một ly nữa không.
“Cứ thấy cạn thì anh rót thêm vào cho tôi”. Sarah đáp. “Thế cuộc nói chuyện kết thúc thế nào?”
“Em nói với John rằng em cần đi đâu đó trong mùa hè này, và em sẽ dùng thời gian ở một mình để suy nghĩ kỹ xem thực sự thì em muốn gì”.
“Thế nó bảo sao?”
“Vẫn như mọi khi thôi. John nói anh ấy yêu em, nhưng anh ấy vẫn chưa sẵn sàng. Anh ấy lúc nào cũng thẳng thắn với em nhưng em nghĩ đó là lần đầu tiên John nhận ra quyền quyết định không chỉ ở phía anh ấy”.
“Em đã nói với mẹ về việc này chưa?”, Sarah hỏi.
“Em nói rồi. Mẹ bảo em hãy tự hỏi bản thân xem cuộc sống của em sẽ tốt đẹp hơn nếu có anh ấy hay là không có anh ấy”.
Sarah và tôi thật may mắn vì mẹ chúng tôi luôn biết cách đưa ra những lời khuyên vừa đơn giản lại vừa thiết thực. Bà lúc nào cũng ở phía trung lập - không bao giờ phán xét. Thật là một điều bất thường so với đa phần các bậc cha mẹ của bạn bè tôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 4 T. J


Ngày thứ hai

Tôi thức dậy ngay khi ánh nắng đầu tiên chiếu lên bãi biển. Anna đã tỉnh giấc, đang ngồi bên tôi nhìn ngắm bầu trời. Dạ dày của tôi sôi lên òng ọc mà tôi không dám khạc nhổ.
Tôi ngồi dậy. “Chào. Đầu chị sao rồi?”
“Vẫn còn khá đau”, chị ấy đáp.
Mặt Anna nhìn tệ không kém gì tôi. Vết bầm tím chạy dài trên hai má còn sưng phồng và có một vệt máu đã khô dính bết nơi chân tóc.
Chúng tôi đi lại phía cây bánh mì, Anna lại trèo lên lưng tôi hái xuống hai quả. Tôi cảm thấy yếu hơn hẳn, ngươi cứ chao đảo nên rất khó giữ chị ấy đứng yên. Chị ấy nhảy xuống ngay khi quả bánh mì bất ngờ tự rơi xuống dưới chân tôi. Chúng tôi nhìn nhau.
“Thế có phải dễ hơn không nào”, chị Anna nói.
Chúng tôi dọn sạch những quả hỏng rơi dưới gốc cây để khi quay lại có thể ăn những quả mới rụng. Tôi nhặt ngay lấy quả vừa rụng và bóc. Nước quả ngọt hơn, thịt quả cũng không còn dai như quả hôm qua nữa.
Cần nhất là tìm thứ gì đó hứng nước mưa nên chúng tôi đi dọc bờ biển cố tìm ống lon, chai lọ hay thùng chứa rỗng - bất cứ thứ gì có thể đựng. Chúng tôi tìm thấy những mảnh vụn mà tôi đoán là từ vụ rơi máy bay hôm qua, ngoài ra chẳng còn gì. Chẳng tìm thấy chút rác thải của loài người nào làm tôi hoang mang không hiểu mình đang ở chỗ quái nào.
Chúng tôi đi sâu vào đất liền. Những tán cây lớn che khuất ánh mặt trời và đàn muỗi lao vào chúng tôi. Tôi đập chúng liên tục và phải quẹt mồ hôi trán bằng cánh tay. Chúng tôi tìm thấy một cái ao nhỏ. Thực ra thì giống một vũng nước lớn hơn với đầy nước đục ngầu, đột nhiên cơn khát lại dâng lên cồn cào trong tôi.
“Mình uống nước này được không?”, tôi hỏi.
Anna quỳ xuống, thò tay lùa nước. Chị ấy múc một ít nước đưa lên mũi ngửi và ngay lập tức nhăn mũi. “Không được, đây là vũng nước đọng. Có lẽ là không uống được đâu”.
Chúng tôi tiếp tục đi nhưng không tìm thấy thứ gì đựng nước nên đành quay lại gốc dừa. Tôi nhặt lấy một quả dưới gốc, đập thật lực vào thân cây, nhưng cũng chẳng ăn thua nên tôi tức giận ném thẳng nó ra xa, Tôi giang chân đá mạnh vào thân cây làm chân đau điếng. “Chết tiệt”.
Nếu tôi mà bửa được một quả dừa thì có phải chúng tôi đã có thể uống nước dừa, ăn cùi dừa và dùng gáo dừa đựng nước mưa rồi không.
Anna có vẻ chẳng để ý gì đến cơn tức giận của tôi. Chị ấy lúc lắc đầu rồi nói, “Không thể hiểu nổi tại sao chúng ta vẫn chưa nhìn thấy cái máy bay nào nhỉ. Họ đang ở đâu chứ?”
Tôi ngồi phịch xuống cạnh chị ấy, hơi thở nặng nề và mồ hôi túa đầy ngươi. “Em chịu”. Chúng tôi im lặng một lúc, mải mê suy nghĩ. Cuối cùng, tôi lên tiếng, “Chị có nghĩ là nên nhóm lửa không?”
“Em có biết cách nhóm lửa không?”, chị ấy hỏi.
“Chịu”. Từ bé tôi đã sống trong thành phố, và số lần tôi đi cắm trại chưa đếm nổi trên một bàn tay. Mà chúng tôi nhóm lửa trại bằng bật lửa. “Còn chị?”
“Không”.
“Nhưng cứ thử xem sao”, tôi nói. “Chúng ta có thừa thời gian mà”.
Chị ấy cố cười trước câu đùa nhạt nhẽo của tôi. “Được thôi”.
Chúng tôi cọ sát hai cái que vào nhau suốt một tiếng đồng hồ sau đó. Anna cố gắng cọ sát cho đến khi người nóng rực lên mới thôi. Tôi khá hơn một chút - có lúc tôi đã thấy khói bay lên - nhưng vẫn chẳng có lửa. Hai tay tôi đau buốt.
“Em chịu thua”, tôi nói, quẳng ngay hai cái que xuống cát, kéo cả vạt dưới áo phông lên để lau mồ hôi trước khi nó chảy vào mắt.
Trời lại bắt đầu mưa. Tôi cố hết sức há to mồm để uống được nhiều giọt mưa hơn, cảm thấy sung sướng khi uống được một ngụm nhỏ. Cơn mưa tạnh hẳn chỉ sau vài phút.
Mồ hôi vẫn chảy ròng ròng, tôi bước xuống bãi biển, cởi phăng áo phông, và nhảy xuống biển khi chỉ mặc độc chiếc quần ngố. Nhiệt độ của vùng biển lặng này khiến tôi nhớ đến nước tắm, nhưng tôi cố chúi đầu xuống sâu hơn để đón nhận làn nước mát rượi. Anna đi theo tôi nhưng chị ấy dừng lại sát mép nước. Chị ấy ngồi xuống biển, tay nhấc mớ tóc dài lên khỏi cổ. Chắc chị ấy phải nóng phát điên trong chiếc áo dài tay và quần jeans mất. Vài phút sau chị ấy đứng dậy, lưỡng lự, rồi kéo áo phông qua đầu. Chị ấy cũng cởi quần jeans, và chậm rãi đi về phía tôi, trên người chỉ còn mỗi bộ đồ lót màu đen.
“Cứ giả vờ là chị đang mặc đồ bơi nhé”, chị ấy nói khi lao xuống chỗ tôi. Mặt chị ấy đỏ gay, gần như không dám nhìn thẳng vào tôi.
“Tất nhiên rồi”. Tôi cũng xấu hổ đến mức gần á khẩu.
Thân hình chị Anna đẹp tuyệt, chân dài, eo thon. Thật là quyến rũ. Tăm tia chị ấy không phải là điều tôi nên làm lúc này. Không đời nào tôi nghĩ mình lại có thể “hứng lên” sau một loạt những đói khát, mệt mỏi phải trải qua. Nhưng tôi nhầm to. Tôi đành phải bơi ra xa chị ấy cho đến khi kiểm soát được cảm xúc.
Chúng tôi ở dưới biển một lúc lâu và khi lên bờ, chị ấy quay lưng lại phía tôi để mặc quần áo. Chúng tôi quay lại chỗ cây bánh mì nhưng chẳng có quả nào rụng xuống. Anna đành trèo lên vai tôi, tôi giữ cho chị ấy khỏi ngã bằng cách bám chặt vào chân chị ấy, hình ảnh cặp chân trần dài và thon lại lướt qua tâm trí tôi.
Chị ấy hái xuống thêm hai quả. Tôi chẳng thấy đói mấy trong khi nhẽ ra dạ dày tôi trống rỗng mới phải. Anna có vẻ cũng không đói lắm, vì chị ấy chỉ uống nước chứ không ăn thịt quả.
Khi mặt trời lặn, chúng tôi lại nằm dài bên bờ biển, nhìn ngắm đàn dơi phủ kín trời.
“Tim em đang đập rất nhanh”, tôi nói.
“Đấy là dấu hiệu bị mất nước”, Anna đáp.
“Các dấu hiệu khác là gì?”
“Mất cảm giác thèm ăn. Không buồn đi vệ sinh. Mồm khô khốc”.
“Em bị tất cả rồi”.
“Chị cũng thế”.
“Chúng ta có thể sống bao lâu mà không có nước?”
“Ba ngày. Có thể ít hơn”.
Tôi cố nhớ lại lần cuối đã uống no nê là lúc nào. Hình như ở sân bay Sri Lanka thì phải? Lúc trời mưa chúng tôi cũng uống được một ít, nhưng chẳng đủ để sống sốt. Tự nhiên nhận thấy việc chúng tôi chẳng còn mấy thời gian làm tôi sợ chết khiếp.
“Thế còn nước ở cái ao thì sao?”
“Một ý kiến tồi”, chị ấy nói.
Chúng tôi không dám nói điều mình đang nghĩ. Nếu phải chọn giữa nước ao và không một giọt nước nào, chắc chúng tôi vẫn phải liều mà uống thôi.
“Ngày mai họ sẽ đến”, chị ấy nói, nhưng nghe giọng có vẻ chính chị ấy cũng chẳng dám tin.
“Em hi vọng thế”.
“Chị sợ quá”, chị ấy thì thầm.
“Em cũng sợ”. Tôi quay sang một bên nhưng phải rất lâu sau mới ngủ được.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 5 Anna


Ngày thứ ba

Khi T. J và tôi tỉnh dậy, cả hai đều nhức đầu như búa bổ và cảm thấy buồn nôn. Chúng tôi cố gắng ăn một ít quả bánh mì, phải cố lắm tôi mới không nôn. Mặc dù chẳng còn mấy năng lượng nhưng chúng tôi vẫn đi ra bờ biển để gắng nhóm lửa. Tôi có niềm tin là hôm nay máy bay sẽ qua đây, tôi biết chắc một đống lửa là cách tốt nhất để họ thấy chúng tôi.
“Hôm qua chúng ta làm sai cách rồi”, T. J đáp. “Em đã nghĩ cả đêm qua, trước khi đi ngủ, và em nhớ đã xem trên tivi một chương trình có một gã buộc phải nhóm một đống lửa. Anh ta xoay tròn cái que chứ không sát mạnh hai que với nhau. Em có ý này. Em sẽ thử xem có tìm được những thứ cần không”.
Khi thằng bé đi tìm, tôi nhặt nhạnh những thứ dễ cháy phòng khi chúng tôi nhóm được lửa. Không khí quá ẩm ướt và thứ duy nhất khô trên hòn đảo này là miệng tôi. Bất cứ thứ gì tôi nhặt lên đều ẩm, nhưng cuối cùng tôi cũng tìm được vài chiếc lá khô dưới gốc một cây hoa. Tôi cũng cố lộn trái túi quần jeans để kiếm chút xơ vải, rồi vo vào đống lá vừa nhặt được.
T. J quay lại với một cái que cùng một đống củi nhỏ.
“Em có chút xơ vải nào trong túi không?”, tôi hỏi. Thằng bé lộn trái tất cả các túi, tìm thấy một ít và đưa cả cho tôi.
“Cảm ơn em”. Tôi vo đống xơ vải và lá cây thành một cái tổ nhỏ. Tôi cũng thu thập một ít que, một đống lá cây hơi ẩm để tạo khói.
T. J ngồi xuống, cầm cái que lên, đặt vuông góc với miếng củi ở dưới.
“Em đang làm gì vậy?”
“Em đang tìm cách xoay cái que này”. Thằng bé loay hoay một lúc. “Em nhớ cái gã trên tivi dùng một sợi dây. Ước gì em đừng đá đôi giày của em đi nhỉ, thì bây giờ đã có dây mà dùng”.
Thằng bé xoay xoay cái que bằng một tay nhưng không tài nào quay đủ nhanh để tạo lực ma sát. Mồ hôi túa đầy trên mặt nó.
“Chết tiệt, không làm nổi”, nó làu bàu rồi ngồi vật ra nghỉ vài phút.
Với quyết tâm mới lấy lại, thằng bé dùng cả hai tay xoay cái que. Lần này thì cái que xoay nhanh hơn hẳn, và T. J nhanh chóng vào đà. Sau khoảng hai mươi phút, cái que bốc lên một chút khói bụi màu đen ở vết nứt mà nó mới tạo nên trên miếng củi.
“Nhìn này”, T. J nói, khi một làn khói mỏng bay lên.
Ngay sau đó là rất nhiều khói. Mồ hôi chảy cả vào mắt nó nhưng T. J không hề ngừng xoay que.
“Em cần đống lá và vải của chị”.
Tôi ngồi sát xuống cạnh thằng bé, nín thở, xem nó thổi nhẹ vào vết nứt trên miếng củi. Nó cẩn thận dùng cái que chuyển một ít tàn hồng sang đống lá khô và sợi vải. Nhấc cả đống lá, T. J khẽ khàng thổi khiến ngọn lửa bùng lên lập lòe. Ngay lập tức nó vứt đống lá xuống đất.
“Ôi Chúa ơi”, tôi nói. “Em làm được rồi”.
Chứng tôi vứt thêm ít bùi nhùi lên đống lửa. Ngọn lửa bùng lên mạnh hơn, chúng tôi nhanh chóng dùng hết đống que mà tôi đã thu thập được. Ngay lập tức chúng tôi tỏa đi tìm thêm củi và trở lại với một ôm củi to. Đúng lúc ấy thì trời mưa to như trút. Chỉ trong vài giây, ngọn lửa mới nhóm của chúng tôi chỉ còn lại là một đống than củi ướt sũng.
Cả hai chỉ biết đứng nhìn trân trân vào đống tàn tro trước mặt. Tôi muốn òa khốc. T. J khuỵu xuống nền cát. Tôi cũng ngồi thụp xuống cạnh thằng bé, ngửa cổ lên cố gắng uống chút nước mưa. Lần này trời mưa khá lâu nên tôi cũng uống được một ít, nhưng đầu óc tôi chỉ nghĩ về nước biển mênh mông đang bao vây lấy hòn đảo.
Thực tình tôi chẳng biết phải nói gì với thằng bé. Khi trời tạnh mưa, chúng tôi nằm dài dưới bóng dừa, chẳng nói với nhau câu nào. Chúng tôi không thể nhóm lửa lại ngay, bởi vì mọi thứ đều ướt sũng, thế nên đành gà gật ngủ một cách chán chường.
Khi chúng tôi tỉnh dậy vào lúc chiều muộn, cả hai đều không muốn ăn thêm quả bánh mì. T. J chẳng còn đủ sức nhóm lại một ngọn lửa khác, và chúng tôi cũng chẳng có gì để che chắn ngọn lửa khỏi cơn mưa cả. Tim tôi đập liên hồi trong ngực, chân tay râm ran như có kiến bò. Tôi đã thôi không còn toát mồ hôi nữa.
Khi T. J đứng lên và bước đi, tôi liền đi theo. Tôi biết nó đi đâu, nhưng tôi không thể lên tiếng ngăn nó lại. Vì tôi cũng muốn đến đó.
Khi chúng tôi đến cái ao, tôi quỳ xuống sát mép, chụm tay múc một ít nước đưa lên miệng. Vị thật kinh khủng, vừa nóng vừa hơi mằn mặn, nhưng tôi ngay lập tức muốn uống thêm. T. J quỳ bên cạnh tôi, đoạn uống thẳng từ ao. Một khi đã bắt đầu, chẳng ai trong chúng tôi dừng được cả. Ngay khi uống no một bụng nước, chúng tôi gục xuống, tôi chỉ muốn nôn hết ra nhưng rồi lại kìm được. Muỗi vẫn bay vo ve và tôi cố đuổi chúng khỏi mặt mình.
Chúng tôi lại lếch thếch đi bộ ra biển. Trời đã gần tối nên cả hai nằm dài bên nhau trên cát, đầu gối lên áo phao. Tôi nghĩ mọi việc rồi sẽ ổn cả. Chúng tôi phải ở đây lâu thêm một chút thôi. Ngày mai nhất định họ sẽ tới.
“Chị rất tiếc về đống lửa, T. J ạ. Em đã cố hết sức rồi, và em đã làm rất tốt. Chị thì sẽ chẳng bao giờ biết cách nhóm lửa”.
“Cảm ơn chị Anna”.
Chúng tôi ngủ thiếp đi, nhưng chỉ lát sau là tôi tỉnh lại. Bầu trời vẫn đen kịt, tôi nghĩ chắc vẫn đang nửa đêm. Dạ dày tôi đau quặn. Tôi cố lờ đi, quay sang một bên. Một cú quặn thắt nữa tấn công tôi, càng ngày càng dữ dội. Tôi ngồi dậy, rên rỉ. Mồ hôi túa ướt trán.
T. J tỉnh dậy. “Chị sao thế?”
“Chị đau bụng quá”. Tôi cầu cho cơn quặn thắt chóng qua nhưng nó chỉ càng trở nên tồi tệ hơn, tôi biết chuyện gì sắp xảy ra. “Đừng đi theo chị đấy”, tôi nói vội. Tôi lão đảo đi vào rừng, gần như không kịp cởi quần jeans và quần lốt xuống trước khi cơ thể xả ra mọi thứ. Khi chẳng còn gì trong bụng, tôi quằn quại ôm bụng nằm gục xuống đất, từng cơn quặn thắt cứ liên tục dội đến, hết cơn này đến cơn khác. Người tôi sũng mồ hôi. Cơn đau lan từ bụng xuống tới hai chân. Tôi nằm im hồi lâu, sợ rằng mình chỉ cần cử động chút thôi cũng sẽ khiến cơn đau bùng lên. Muỗi thi nhau vo ve quanh mặt tôi.
Rồi đàn chuột kéo đến. Khắp nơi xung quanh tôi là những cặp mắt sáng lóe lên trong bóng tối. Một con chạy qua chân tôi, làm tôi hét lên. Tôi loạng choạng đứng lên kéo quần, nhưng cơn đau dữ dội lại kéo đến khiến tôi ngã sụp. Tôi nghĩ chắc mình chết mất, thứ đã làm nước ao ô nhiễm chắc cũng sẽ giết chết tôi thôi. Tôi đành nằm im. Kiệt sức và yếu ớt, tôi ngất đi mà chẳng biết T. J đang ở đâu.
Tiếng vo ve đánh thức tôi dậy. Chắc là lũ muỗi. Nhưng trời đã sáng rõ, đa phần lũ chuột bọ đã biến đi. Tôi gắng sức nhấc đầu dậy khi thấy mình đang nằm nghiêng, đầu gối co lên tận ngực.
Đó là âm thanh của một chiếc máy bay.
Tôi cố dựng người dậy, bò bằng cả tứ chi ra bãi biển, miệng không ngừng hét tên T. J cố gắng đứng thẳng trên hai chân, tôi lao ra phía bãi biển, cố dùng sức mạnh cuối cùng còn sót lại để nhấc tay lên khỏi đầu, vẫy thật lực. Tôi không thể nhìn thấy chiếc máy bay, nhưng tôi nghe thấy tiếng động cơ, âm thanh cứ xa dần, xa dần.
Họ đang tìm kiếm chúng tôi. Họ sẽ quay lại ngay thôi.
Âm thanh của nó ngày càng nhỏ, cho đến khi tôi chẳng thể nghe thấy nữa. Chân tôi khuỵu xuống, và tôi ngã xuống bãi cát, thổn thức không ngừng tới lúc bị tăng hô hấp. Tôi nằm nghiêng sang một bên, tiếng nức nở nhỏ dần, mắt đờ đẫn nhìn làn nước biển.
Tôi không biết đã bao lâu trôi qua, nhưng khi nhìn sang thì thấy T. J đã nằm cạnh mình.
“Có một chiếc máy bay”, tôi nói.
“Em cũng nghe thấy. Nhưng em không thể cử động nổi”.
“Họ sẽ quay lại”.
Nhưng họ chẳng hề quay lại.
Ngày hôm đó tôi đã khóc rất nhiều. T. J thì im lặng. Nó nhắm chặt mắt, tôi cũng không chắc là nó đang ngủ hay quá yếu nên không thể nói chuyện. Chúng tôi không hề nhóm lửa, cũng không ăn thêm một quả bánh mì nào. Cả hai đều chẳng thiết ra khỏi bóng cây dừa, trừ khi trời mưa.
Tôi không muốn lại gần khu rừng khi trời tối, nên chúng tôi lại ra biển nằm. Ngay khi nằm xuống cạnh T. J trên bãi cát, chỉ có duy nhất một điều hiện lên trong đầu tôi. Nếu một chiếc máy bay khác không đến cứu hoặc chúng tôi không tìm cách trữ được nước, T. J và tôi sẽ chết.
Tôi ngủ lơ mơ cả đêm, cuối cùng đến khi chìm vào giấc ngủ sâu, tôi bừng tỉnh, hét ầm lên vì mơ thấy một con chuột đang cắn chân mình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 6 T. J


Ngày thứ tư

Khi mặt trời lên cao, tôi gần như không thể nhấc đầu lên khỏi bãi cát. Hai cái đệm ghế trên máy bay đã bị sóng đánh dạt vào bờ, một thứ gì đó màu xanh khiến tôi chú ý. Tôi lăn về phía Anna, lay hết sức để đánh thức chị ấy dậy. Chị ấy nhìn tôi với đôi mắt trũng sâu, đôi môi chị ấy nứt nẻ và chảy máu.
“Cái gì kìa?”, tôi chỉ tay về phía thứ màu xanh đang trôi nổi nhưng ngay cả việc cố giơ tay lên cũng là quá sức đối với tôi, nên cánh tay lại rơi xuống bãi cát.
“Đâu cơ?”
“Kia kìa. Ngay cạnh mấy cái đệm ghế”.
“Chị không biết”, chị ấy đáp.
Tôi nhấc cao đầu dậy, nheo mắt dưới ánh nắng chói chang. Nhìn quen quen và đột nhiên tôi nhận ra nó là thứ gì. “Đấy là ba lô của em. Chị Anna, đấy là cái ba lô của em.”
Tôi loạng choạng đứng dậy, cố sức đi ra mép biển, kéo cái ba lô vào. Khi quay lại, tôi quỳ cạnh chị Anna, mở khóa ba lô, và lôi ra chai nước mà chị ấy đã đưa cho tôi ở sân bay Malé.
Chị ấy ngồi dậy. “Ôi Chúa ơi”.
Tôi mở nắp, chúng tôi chia nhau uống chai nước, cố gắng không uống quá nhanh. Có khoảng gần một lít, cả hai đã uống cạn mà tôi không đã khát chút nào.
Chị Anna cầm chai nước rỗng: “Nếu mình lấy một cái lá làm phễu thì sẽ hứng được nước mưa vào trong chai”.
Chúng tôi bước những bước run rẩy, yếu ớt về phía cây bánh mì và hái một cái lá to từ những cành thấp. Chị Anna xé cho vừa, cuộn tròn lại nhét trong miệng chai. Có bốn quả bánh mì mới rụng trên nền đất nên chúng tôi đem cả ra bờ biển rồi chén sạch.
Tôi lôi hết đồ ra khỏi ba lô. Cái mũ lưỡi trai Chicago Cubs đã ướt sũng nhưng tôi mặc kệ, vẫn đội lên đầu. Có một cái áo nỉ cổ mũ màu ghi, hai cái áo phông, hai cái quần soóc, quần bò, quần lót và tất, một chiếc bàn chải và một tuýp kem đánh răng, và máy nghe nhạc của tôi. Tôi vớ ngay lấy bàn chải và kem đánh răng. Miệng tôi đang có vị gớm không thể nào tả nổi. Tôi mở nắp tuýp kem đánh răng, bóp một ít ra bàn chải của tôi và đưa cho chị Anna. “Chị có thể dùng chung bàn chải với em nếu không ngại”.
Chị ấy cười: “Chị không ngại đâu, T. J ạ. Nhưng em đánh trước đi, nó là của em mà”.
Tôi đánh răng ngay lập tức, rồi xả sạch bàn chải dưới biển và đưa lại cho chị Anna. Khi đã xong xuôi, chị ấy rửa lại, đem trả tôi. “Cảm ơn em nhé”.
Chúng tôi cùng ngồi đợi trời mưa, và khi mưa xuống vào lúc chiều sớm, chúng tôi đã hứng được đầy bình nước. Tôi đưa cho chị Anna trước, chị ấy uống hết nửa chai, đoạn đưa lại cho tôi. Sau khi tu một hơi hết sạch chai nước, chúng tôi đặt cái phễu lá lên, và chai nước lại đầy lần nữa. Chị Anna và tôi uống cạn chai lần thứ hai. Chúng tôi vẫn còn cần rất nhiều nước, hơn thế này nhiều, nhưng tôi bắt đầu nghĩ có lẽ mình sẽ không chết.
Chúng tôi biết cách hứng nước, chúng tôi có quả bánh mì, và chúng tôi biết cách nhóm lửa. Giờ thì chỉ cần tìm chỗ trú mưa để giữ cho lửa khỏi tàn thôi.
Chị Anna muốn dựng lều trên bãi biển vì lũ chuột làm chị ấy khiếp vía. Chúng tôi bẻ hai cành cây chữ Y rồi chôn gốc xuống cát, đặt cành cây dài nhất tìm được lên giữa hai cành chữ Y. Sau đó chúng tôi cắm rất nhiều cành để làm điểm tựa hai bên cho hai cành lớn. Lá cây bánh mì được trải làm nền, chỉ chừa một vòng tròn nhỏ để chúng tôi đốt lửa. Chị Anna nhặt những viên sỏi nhỏ xếp vòng xung quanh chỗ đốt lửa. Như thế sẽ làm trong lều đầy khói, nhưng ít nhất chúng tôi cũng không sự bị lũ muỗi làm thịt.
Chúng tôi quyết định đợi đến sáng mới nhóm lửa. Bây giờ chúng tôi đã có lều nên có thể nhặt củi đặt trong lều, chờ đến khi khô.
Trời lại mưa, lần thứ ba chai nước được đầy; chưa bao giờ tôi uống thứ gì ngon tuyệt cú mèo đến thế.
Khi mặt trời lặn, chúng tôi lôi hai tấm đệm ghế, áo phao và ba lô của tôi vào trong lều.
“Chúc em ngủ ngon, T. J”. Chị Anna nói, nằm gối đầu lên một tấm đệm ghế, ngọn lửa bập bùng ở giữa chúng tôi.
“Ngủ ngon, chị Anna”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 7 Anna


Ngày thứ năm
Tôi mở choàng mắt. Ánh nắng đã len lỏi qua các kẽ lá của mái lều. Bụng dưới của tôi đột nhiên thấy nặng nặng - lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác này - khiến tôi bỡ ngỡ trong chốc lát, rồi tôi mỉm cười.
Tôi cần đi vệ sinh.
Tôi rón rén chui ra khỏi lều để tránh làm T. J tỉnh giấc và bước vào rừng. Tôi ngồi xổm đằng sau một cái cây, chun mũi lại trước mùi ammoniac bốc lên từ nước tiểu của chính mình. Khi kéo quần lên, sự ẩm ướt giũa hai chân khiến tôi rùng mình.
Lúc tôi quay về, T. J đã tỉnh giấc, đang đứng cạnh lều.
“Chị đi đâu đấy?”, thằng bé hỏi.
Tôi nhăn mặt cười, “Đi vệ sinh”.
Thằng bé đập tay với tôi, “Em cũng cần đi”.
Ngay khi nó quay lại, chúng tôi tìm tới cây bánh mì và nhặt ba quả rụng ở gốc. Chúng tôi ngồi xuống cùng thưởng thức bữa sáng.
“Để em xem đầu chị nào”, T. J nói.
Tôi rướn người về phía nó, T. J cẩn thận dùng ngón tay rẽ tóc tôi ra cho đến khi nhìn thấy vết cắt.
“Khá hơn rồi. Nhẽ ra chị phải khâu vết này lại. Em không thấy máu khô, nhưng vì tóc chị tối màu nên khó nhìn lắm”. Nó chỉ vào cổ tôi: “Các vết bầm đang mờ dần đi. Vết này đã chuyển sang màu vàng rồi”.
Mặt mũi của T. J trông cũng đã khá hơn. Mắt nó đã bớt sưng, vết cắt trên mặt đang liền miệng. Nó nhanh lành hơn tôi, chắc do nó thắt dây bảo hiểm lúc ở trên máy bay. Khuôn mặt của nó - rất đẹp trai tuy vẫn còn hơi trẻ con - chắc chắn sẽ không bị sẹo sau cú va chạm này. Tôi không biết mấy vết thương trên mặt mình có được như thế không, nhưng nói thật đấy không phải điều tôi bận tâm vào lúc này.
Ngay sau bữa sáng, T. J nhóm lửa một lần nữa.
“Ấn tượng đấy, cậu bé thành phố ạ”, tôi vừa nói vừa bóp vai nó.
Thằng bé mỉm cười, vứt thêm mấy mẩu củi nhỏ vào làm cho ngọn lửa bốc lên cao hơn, rõ ràng là đang thấy tự hào. Nó quẹt mồ hôi trên mắt và nói: “Cảm ơn chị”.
“Để chị xem tay em nào”.
Thằng bé giơ tay ra cho tôi xem, hai bàn tay úp xuống. Những vết bỏng rộp phủ kín bàn tay thằng bé đang dần biến thành những vết chai, nó co rúm người lại khi tôi chạm phải mấy vết đó.
“Chắc em phải đau lắm”.
“Đúng thế”, nó thừa nhận.
Ngọn lửa làm cho lều của chúng tôi đầy khói nhưng ít nhất lửa sẽ không bị dập tắt khi trời mưa. Nếu chúng tôi nghe thấy tiếng máy bay, chúng tôi sẽ phá ngay căn lều và vứt lá vào ngọn lửa dể tạo thật nhiều khói.
Tôi chưa bao giờ sống nổi mà không tắm lâu đến thế, ngươi tôi đang bốc mùi thật đáng sợ. “Chị sẽ đi tắm một chút”, tôi nói. “Em phải ở đây đấy nhé”.
Thằng bé gật đầu, đưa cho tôi một cái áo phông cộc tay từ ba lô của nó. “Chị có muốn mặc áo này thay vì cái áo dài tay của chị không?”
“Có. Cảm ơn em”. Tôi mà mặc cái áo phông của nó thì chắc sẽ thành váy mất, nhưng tôi chẳng bận tâm lắm.
“Em cũng định đưa cho chị cái quần soóc nhưng mà rộng lắm”.
“Không cần đâu”, tôi nói. “Áo phông này là được rồi”.
Tôi đi ra bãi biển, chỉ đến khi không còn nhìn thấy T. J và căn lều nữa thì tôi mới dám cởi bỏ quần áo. Tôi ngửa mặt nhìn bầu trời, trong xanh không một gợn mây.
Giờ mà có chiếc máy bay nào bay qua thì hay phải biết. Ai lại có thể lờ đi một người phụ nữ đang khỏa thân trên bãi biển cơ chứ.
Tôi trầm mình trong bãi nông gần bờ, khiến lũ cá bơi tán loạn, vết cháy nắng trên bàn tay và bàn chân tôi đã mờ dần đi thành màu da rám, đối lập hẳn với cánh tay và cẳng chân vẫn trắng bốc của tôi. Tóc tôi túm thành một búi rối tung.
Tôi kỳ cọ cơ thể bằng hai bàn tay, giũ qua quần áo bằng nước biển. Rồi tôi dùng những ngón tay để chải tóc và ước gì mình có một cái dây buộc tóc để có thể cột đuôi ngựa được đám tóc rối của mình.
Cảm thấy sạch sẽ hơn một chút, tôi bước khỏi làn nước, mặc lại bộ đồ lót ướt sũng và trùm áo của T. J qua đầu. Áo dài đến tận giữa đùi nên tôi không cần phải mặc quần jeans nữa.
“Chị biết là chị đang không mặc quần”, tôi giải thích khi quay lại lều. “Nhưng chị đang rất nóng và cũng muốn phơi quần cho khô nữa”.
“Không vấn đề gì, chị Anna”.
“Ước gì mình có vật dụng để bắt cá nhỉ. Có hàng tấn cá trong vùng nước nông kia”. Tôi ứa đầy nước miếng, dạ dày thì sôi òng ọc.
“Chúng ta sẽ cố xiên chúng. Sau khi em đi tắm, chúng ta phải đi kiếm thêm ít củi dài. Chúng ta cũng sắp hết củi để đốt rồi”.
T. J quay lại lều chỉ sau năm phút, với mái tóc ướt rượt và bộ quần áo sạch trên người. Tay nó đang kéo một thứ gì đó to lớn đồ sộ.
“Xem em tìm được gì dưới nước này”.
“Cái gì thế?”
Thằng bé đặt thứ đó xuống để tôi có thể đọc được chữ viết.
“Đây là xuồng cứu hộ trên máy bay đây mà”. Tôi quỳ xuống. “Chị nhớ là đã nhìn thấy nó khi đang tìm áo phao”.
Chúng tôi mở thùng chứa, lôi cái xuồng ra. Tôi lôi từ trong túi bóng chống nước ra một tờ hướng dẫn. Tôi đọc to lên cho T. J cùng nghe:
“Xuồng ca nô, đặt bên trong hộp đồ cứu hộ, có hai cửa cuốn và một thùng trữ nước mưa trên nóc xuồng. Có túi đựng đồ cứu hộ bao gồm đèn hiệu radio và đèn báo tín hiệu khẩn cấp”.
Hi vọng của tôi lại bùng lên. “T. J, hộp đồ cứu hộ đâu rồi?”
T. J tìm trong thùng và lôi ra một cái túi chống nước khác. Tay tôi run rẩy khi lần vào trong cái túi ấy, rồi tôi đổ tất cả mọi thứ trong túi ra trên nền cát. Chúng tôi xem qua tất cả các thứ, vội vã đến mức tay tôi và tay T. J liên tục chạm vào nhau.
Chẳng có gì có thể giúp chúng tôi cầu cứu cả.
Chẳng thấy đèn báo tín hiệu khẩn cấp đâu. Không đèn hiệu radio, không điện thoại vệ tinh, cũng không máy phát.
Niềm hi vọng của tôi bị dập tắt. “Chắc họ thấy túi đựng đồ cứu hộ khẩn cấp là không cần thiết”.
T. J chậm rãi lắc đầu.
Tôi đã nghĩ ra biết bao điều để làm khi chúng tôi tìm thấy đèn báo tín hiệu khẩn cấp.
Chỉ cần bật lên và họ sẽ đến cứu mình đúng không nhĩ?
Mắt tôi nhòa lệ. Cố nuốt nước mắt vào trong, tôi xem xét kỹ những vật còn lại trong thùng: dao, bộ cứu thương, mảnh vải dù, hai cái chăn, dây thừng và hai bình chứa bằng nhựa có thể xếp gọn lại được với dung tích lên đến 1,8 lít.
Tôi mở túi đồ cứu thương ra: Tylenol, Benadryl, thuốc mỡ kháng sinh, thuốc giảm đau cơ dạng kem, băng cá nhân, giấy tẩm cồn và Imodium.
“Đưa chị xem tay em nào”, tôi nói với T. J.
Thằng bé xòe tay ra, tôi bồi thuốc mỡ kháng sinh và dán băng cá nhân lên những vết phồng rộp.
“Cảm ơn chị”.
Tôi nhấc lọ Benadryl lên. “Thứ này có thể sẽ cứu sống em đấy”.
“Bằng cách nào thế?”
“Nó sẽ làm ngưng các triệu chứng dị ứng”.
“Thế còn lọ kia?”, T. J hỏi, chỉ tay vào lọ màu trắng.
Tôi liếc thằng bé và quay đi. “Đấy là Imodium. Thuốc trị tiêu chảy”.
Thằng bé khịt mũi khi nghe tôi nói thế.
Cái xuồng được bơm hơi bằng một hộp nhỏ chứa các-bon đi-ô-xít. Khi chúng tôi bấm nút, cái xuồng được bơm nhanh đến mức chúng tôi phải nhảy ngay khỏi nó.
Chúng tôi đưa thùng hứng nước mưa lên nóc xuồng. Cái xuồng cứu hộ làm tôi nhớ đến nhà hơi mà các cháu tôi vẫn hay chơi, có điều là không cao như thế.
“Chắc cũng phải trữ được tầm chục lít nước”, tôi vừa nói vừa chỉ tay vào thùng chứa nước mưa. Cơn khát của tôi nhanh chóng quay trở lại, hi vọng là chiều nay sẽ mưa sớm.
Tấm ni lông kéo từ mái được đính vào một bên xuồng nhờ miếng dán. Mở tấm ni lông này lên vào ban ngày sẽ giúp xuồng được thoáng khí.
Tấm cửa cuốn làm bằng lưới tạo nên một lối ra vào nhỏ.
Chúng tôi đẩy cái xuồng về gần căn lều, đoạn bỏ thêm nhiều củi vào lửa trước khi đi về phía cây dừa. T. J cắt lớp vỏ một quả dừa, rồi khéo léo luồn dao vào trong để bửa đôi nó ra. Tôi dùng một bình nhựa chứa nước dừa.
“Thế mà em tưởng nước dừa sẽ ngọt hơn cơ đấy”, T. J nói sau khi uống thử một ngụm.
“Chị cũng thế”. Vị hơi đắng nhẹ, nhưng không quá tồi.
T. J nạo cùi dừa bằng con dao. Tôi đói đến mức muốn ăn hết tất cả dừa rụng trên mặt đất. Chúng tôi ăn hết năm quả thì cơn đói của tôi mới dịu xuống. T. J ăn thêm một quả nữa, và tôi tự hỏi phải bao nhiêu thức ăn mới lấp đầy dạ dày một thằng nhóc mười sáu tuổi.
Một tiếng sau trời mưa. T. J và tôi ướt sũng, nhưng cả hai đều cười tươi sung sướng khi nhìn những bình chứa đầy tận miệng. Quá hưng phấn về lượng nước dồi dào, tôi uống tới khi không thể uống thêm được nữa, vậy là cứ mỗi khi tôi di chuyển nước lại ọc ạch trong dạ dày.
Chỉ trong vòng một tiếng, cả hai chúng tôi đều phải đi tiểu. Chúng tôi ăn mừng bằng cách chén thêm một quả dừa cùng hai quả bánh mì.
“Chị thích ăn dừa hơn là quả bánh mì”, tôi nói.
“Em cũng thế. Nhưng bây giờ chúng ta có lửa rồi, hay thử nướng lên xem ăn có ngon hơn không”.
Chúng tôi gom thêm ít củi và tìm được mấy cái que dài để xiên cá. Chúng tôi vứt thêm miếng vải dù lên nóc lều, buộc chặt lại bằng sợi dây thừng để chắn mưa tốt hơn.
Đến lúc đi ngủ, chúng tôi nhóm lửa to đến mức suýt chút nữa thì cháy lều. T. J trèo lên cái xuồng hơi và tôi đi theo nó, mặc mỗi cái áo sơ mi nó cho tôi mượn làm váy ngủ. Tôi đóng tấm cửa cuộn lại để tránh lũ muỗi.
Chúng tôi hạ tấm ni lông xuống rồi cố định bằng miếng dán. Tôi trải chăn ra, đặt tấm đệm ghế xuống làm gối. Cái chăn hơi rậm rạp nhưng sẽ giữ ấm tốt cho cả hai khi đêm xuống và nhiệt độ giảm mạnh. Tấm đệm ghế khá mỏng, lại có mùi ẩm mốc nhưng rõ ràng vẫn xa xỉ hơn hẳn so với việc phải ngủ dưới đất.
“Ngủ thế này mới khoái chứ”, T. J nói.
“Chị biết”.
Cái xuồng hơi nhỏ hơn chiếc giường đôi một chút. Nằm ngủ cùng T. J khiến chúng tôi chỉ cách nhau có chục phân. Nhưng tôi quá mệt nên cũng chẳng quan tâm đến chuyện ấy.
“Chúc em ngủ ngon, T. J”.
“Chúc chị ngủ ngon, chị Anna”. Giọng nó nghe đã ngái ngủ lắm rồi, nó xoay người ngủ ngay lập tức. Vài giây sau, tôi cũng chìm vào giấc ngủ.
Tôi tỉnh dậy giữa đêm để kiểm tra đống lửa. Chỉ còn chút tàn tro, nên tôi bỏ thêm củi vào, khiến ngọn lửa lại tí tách. Khi ngọn lửa bùng lên, tôi yên tâm quay lại ngủ.
T. J tỉnh dậy khi tôi vừa nằm xuống cạnh nó. “Sao thế?”, nó hỏi.
“Không sao. Chị chỉ cho thêm củi vào lửa thôi. Em ngủ tiếp đi”.
Tôi nhắm mắt lại và chúng tôi ngủ đến khi mặt trời mọc.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 8 T. J


Tôi tỉnh dậy và bị cương cứng.
Tôi thường xuyên bị như vậy, gần như không thể kiểm soát nổi. Khi chúng tôi bắt đầu tìm được nguồn sống, cơ thể tôi quyết định sẽ quay lại với các thói quen cũ. Ngủ cạnh một người con gái, mà lại như chị Anna nữa chứ, thì chắc cú là tôi sẽ bị cương cứng khi tỉnh dậy.
Chị ấy nằm quay mặt về phía tôi, vẫn ngủ ngon lành. Vết cắt trên mặt đã mờ dần đi, may cho chị ấy là chúng sẽ không để lại sẹo. Anna đạp chăn ra mấy lần trong đêm, vậy là tôi tranh thủ tăm tia đôi chân thon dài của chị ấy, thật không đứng đắn chút nào, cứ nhìn thứ đang đội quần tôi dậy thì biết. Nếu mở mắt ra, Anna sẽ thấy tôi đang chăm chú ngắm chị ấy, thế nên tôi bò ra khỏi xuồng hơi, cố nghĩ về hình học để phần dưới xẹp xuống.
Mười phút sau thì chị Anna tỉnh dậy. Chúng tôi ăn dừa và quả bánh mì cho bữa sáng, sau đó tôi đánh răng.
“Đây”, tôi chìa bàn chải với kem đánh răng cho chị ấy.
“Cảm ơn em”. Chị ấy bóp chút kem đánh răng ra và đánh.
“Biết đâu hôm nay lại có máy bay bay qua thì sao”, tôi nói.
“Có thể”, chị Anna đáp mà không nhìn tôi.
“Em sẽ đi loanh quanh xem có gì hay trên đảo này không”.
“Cẩn thận đấy”, chị ấy nói. “Chúng ta đang đi chân đất đấy nhé”.
Tôi đưa cho chị Anna một đôi tất để chị ấy bớt cảm thấy ghê chân. Ra phía sau căn lều, tôi thay quần jeans để đỡ bị đàn muỗi tấn công, đoạn chúng tôi đi vào rừng.
Không khí ẩm bám rít lấy lỗ chân lông trên da tôi. Chúng tôi đi qua một đàn muỗi mắt, tôi phải ngậm chặt miệng và xua tay liên tục. Chúng tôi đi sâu hơn vào rừng, mùi rễ cây bốc lên càng mạnh. Đám lá trên đầu che gần hết ánh nắng, âm thanh duy nhất là tiếng lá xào xạc cùng tiếng thở nặng nề của chúng tôi. Mồ hôi ướt sũng quần áo của tôi. Cả hai vẫn bước đi trong im lặng, tôi thắc mắc không hiểu phải mất bao lâu nữa chúng tôi mới thoát khỏi dám cây quái quỷ này và sang phía bên kia hòn đảo.
Khoảng mười lăm phút sau thì chúng tôi thoát được đám cây. Chị Anna đi sau lưng tôi, nên tôi nhìn thấy nó đầu tiên. Tôi quay lại, ngoắc tay ra hiệu cho chị ấy bước lại gần.
Anna bước lại chỗ tôi thì thầm, “Cái gì thế nhỉ?”
“Em chịu”.
Trước mặt chúng tôi là một cái lán gỗ, cỡ bằng một ngôi nhà nhỏ dành cho một người, cao khoảng mười lăm mét. Chẳng nhẽ lại có người khác ở trên đảo ư? Một người nào đó mà không thèm đến chỗ chúng tôi chào hỏi vài ba câu? Chúng tôi thận trọng bước về phía lán. Cánh cửa khép hờ trên một cái bản lề đã hoen gỉ, và chúng tôi hé cửa.
‘Xin chào?”, chị Anna lên tiếng.
Chẳng có ai trả lời nên chúng tôi bước qua bậc cửa vào bên trong. Còn một chiếc cửa khác ở phía không có cửa sổ của cái lán, nhưng đang đóng im ỉm. Chẳng có tí đồ dạc nào. Tôi nhấc thử đống chăn trong gốc, giật nảy mình khi thấy lũ bọ bò ra.
Khi mắt đã quen với ánh sáng mờ mờ, tôi để ý thấy một hộp dụng cụ to dùng bằng kim loại đặt trên nền. Có một cái búa, mấy gói đinh ốc, thước dây, kìm, và một cái cưa cầm tay. Chị Anna tìm thấy ít quần áo. Chị ấy nhấc một chiếc áo sơ mi lên và cái tay áo tuột xuống.
“Chị cứ nghĩ là mình có thể tận dụng được chiếc áo này, nhưng thôi kệ đi”, chị ấy nói, nhăn mặt.
Tôi mở cánh cửa dẫn vào căn phòng thứ hai, chúng tôi chậm rãi bước vào. Vỏ gói khoai tây chiên và vỏ kẹo vứt đầy sàn. Có một cái thùng chứa miệng rộng bên cạnh đó. Tôi nhấc lên, nhìn vào trong. Trống rỗng. Ai ở đây chắc hẳn đã dùng nó để trữ nước. Nếu chúng tôi chịu đi tìm kiếm quanh đảo và tìm thấy cái lán này sớm hơn thì đã không phải nhắm mắt nhắm mũi mà uống nước từ cái ao tù. Nếu vậy thì cả hai đã có thể ở trên bãi biển khi chiếc máy bay nọ hay qua.
Chị Anna nhìn cái thùng chứa trong tay tôi. Chắc chị ấy cũng nghĩ như tôi nên mới nói: “Chuyện gì đã xảy ra thì cũng xảy ra rồi, T. J ạ. Chúng ta chẳng làm gì để thay đổi được đâu”.
Một chiếc túi ngủ bị mốc nằm nhăn nhúm trên sàn. Có một cái hộp màu đen dựng trong góc. Tôi mở khóa, nhấc nắp lên. Bên trong là một chiếc ghi ta gỗ vẫn còn tốt.
“Thật tình cờ”, chị Anna nói.
“Chị có nghĩ là có người ở đây không?”
“Nhìn có vẻ là thế”.
“Họ làm gì nhỉ?”
“Bên cạnh việc trình diễn như Jimmy Buffett 1 á?” Chị Anna lắc đầu. “Chị không biết. Nhưng dù là ai đi chăng nữa thì cũng lâu lắm rồi họ chưa về nhà”.
1 Ca sĩ ngươi Mỹ, rất nổi tiếng với cây đàn ghi ta.
“Đây không phải là khu rừng thưa”, tôi nói. “Nó được che chắn bởi vô số cây thân gỗ. Em không biết họ đến đây bằng cách nào, thuyền hay máy bay, nhưng có vẻ họ không đến đây để chơi. Mà những người đó đi đâu rồi nhỉ?”
“T. J à”, chị Anna nói, mắt sáng rỡ. “Có thể họ sẽ quay lại cũng nên”.
“Em cũng mong thế”.
Tôi đặt cây ghi ta vào trong hộp và đưa cho chị ấy. Tôi nhấc hộp dụng cụ lên, đoạn chúng tôi quay lại bờ biển.
Vào bữa trưa, chị Anna nướng quả bánh mì trên một tảng đá phẳng cạnh ngọn lửa, còn tôi bổ dừa. Chúng tôi ăn hết sạch - tôi vẫn chả thấy chúng giống vị bánh mì tẹo nào cả - và uống nước dừa. Sức nóng từ ngọn lửa cộng với nhiệt độ ngoài trời hơn ba mươi độ làm chúng tôi không thể ngồi lâu trong lều. Mồ hôi rơi ướt đẫm gương mặt đỏ bừng của chị Anna, và tóc chị ấy bết vào cổ.
“Chị có muốn xuống bơi không?” vừa mở mồm ra là tôi đã thấy ân hận đến mức muốn nuốt lại mấy từ vừa thốt. Chắc chị ấy sẽ nghi tôi muốn nhìn thấy chị ấy cởi hết quần áo mất.
Chị ấy lưỡng lự chút đỉnh, nhưng cũng nói: “Có, chị đang nóng lắm đây”.
Chúng tôi ra phía bờ biển. Tôi vẫn chưa thay lại quần soóc nên cởi bỏ tất, áo phông và quần jeans. Trên người tôi chỉ còn độc chiếc quần lót màu ghi.
“Cứ giả vờ là em đang mặc quần bơi đi nhé”, tôi nói với chị Anna.
Chị ấy liếc nhìn quần lót của tôi, mỉm cười: “Được thôi”.
Tôi đợi Anna cùng xuống, cố gắng không nhìn chằm chằm khi chị ấy cởi đồ. Nếu chị ấy có gan cởi đồ trước mặt tôi, chả nhẽ tôi lại không thể cố tỏ ra tự nhiên được?
Tôi lại cương cứng lần nữa, chỉ mong chị ấy không để ý.
Chúng tôi bơi một lúc và khi lên, chúng tôi mặc quần áo ngồi nghỉ trên bãi cát. Chị Anna nhìn chăm chú lên bầu trời.
“Chị cứ đinh ninh là cái máy bay hôm đó phải lượn lại một vòng cơ đấy”, chị ấy nói.
Khi trở lại lều, chúng tôi vứt thêm ít củi vào lửa. Chị Anna lôi một tấm chăn từ trên xuồng hơi xuống, trải ra đất và ngồi lên. Tôi ôm cây đàn ghi ta rồi ngồi xuống bên cạnh.
“Em có biết chơi không?”, chị ấy hỏi.
“Không, nhưng một thằng bạn em đã dạy em chơi một đoạn”. Tôi chỉnh lại dây đàn, dạo khúc đầu của bài Wish you were here (Ước gì em nơi đây).
Chị Anna mỉm cười. “Nhạc của Pink Ployd 1”.
1 Là một ban nhạc Rock của Anh được thành lập năm 1965, nổi tiếng với những ca từ triết lý, những khám phá về âm thanh, những bìa album đầy sáng tạo và những buổi liveshow hoành tráng.
“Chị thích Pink Floyd?”
Chị ấy gật đầu. “Chị thích bài này”.
“Thật á? Tuyệt đỉnh. Em không biết đấy”.
“Tại sao? Thế em nghĩ chị nghe loại nhạc gì?”
“Em không biết, Mariah Carey?”
“Không, chị thích mấy thể loại cũ hơn cơ”, chị ấy nhún vai. “Biết sao được, chị sinh năm 71 mà”.
Tôi nhẩm tính tuổi chị ấy. “Chị ba mươi rồi cơ á?”
“Ừ”.
“Thế mà em tưởng chị mới hai tư hay hai lăm”.
“Không”.
“Chị chẳng giống ba mươi chút nào”.
Chị ấy lắc đầu, cười khúc khích. “Không biết đây là lời khen hay chê?”
“Ý em là rất dễ nói chuyện cùng chị”.
Chị ấy mỉm cười với tôi. Tôi gảy đàn thêm lúc nữa, vẫn giai điệu của Pink Floyd, nhưng một lúc là phải dừng vì tay tôi bỏng rát do nhóm lửa.
“Nếu chúng ta tìm được thứ gì làm cần câu, em sẽ làm ngay một cái”, tôi nói. “Dây ghi ta này mà làm dây câu thì chuẩn không cần chỉnh”. Tôi đã nghĩ đến việc dùng mấy cái đinh trong hộp dụng cụ, nhưng lũ cá không to lắm nên tôi cần thứ gì đó nhỏ và nhẹ hơn.
Sau đó chúng tôi đi ngủ, và chị ấy nói: “Chị hi vọng là bữa tiệc mà em ở lại dự đủ hay ho để đáng với việc bị lạc trên đảo thế này”.
“Chẳng có bữa tiệc nào cả. Em nói với bố mẹ thế thôi”.
“Là sao?”
“Bố mẹ Ben đi vắng. Em họ nó về nghỉ hè, và thằng đấy sẽ về cùng bạn gái. Con bé đó sẽ mang theo hai đứa bạn nữa. Ben cá là nó sẽ cưa được một trong hai em kia. Em thì cá với nó hai mươi đô là nó không cưa nổi”. Tôi không nói với chị Anna rằng mình cũng có ý định cưa cẩm chút đỉnh.
“Thế Ben có cưa được không?”
“Chúng nó có thèm đến đâu mà cưa. Bọn em ngồi cả đêm uống bia, chơi điện tử. Hai ngày sau thì em lên máy bay với chị”.
“Ồ, T. J à, chị rất tiếc khi nghe chuyện”, chị ấy nói.
“Vâng”. Tôi đợi một phút rồi hỏi: “Người đàn ông tiễn chị ở sân bay là ai thế?”
“Bạn trai chị, John”.
Tôi nhớ lại nụ hôn chú kia dành cho chị ấy. Cứ như thể chú ấy đang cố nhét lưỡi xuống họng chị Anna không bằng. “Chắc chị nhớ chú ấy lắm”.
Chị ấy không trả lời ngay, nhưng cuối cùng chị nói: “Không nhiều như chị tưởng”.
“Thế nghĩa là sao?”
“Chả sao cả. Phức tạp lắm”.
Tôi quay người sang bên kia, nhét cái đệm ghế xuống dưới đầu. “Chị nghĩ tại sao cái máy bay ấy vẫn không hề quay lại hả chị Anna?”
“Chị không biết nữa”, chị ấy nói. Nhưng tôi đoán là chị Anna biết.
“Họ nghĩ là chúng ta chết rồi đúng không?”
“Hi vọng không phải thế”, chị ấy nói. “Bởi vì nếu thế thì họ sẽ dừng mọi hoạt động tìm kiếm lại”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 9 Anna


Sáng hôm sau, T. J dùng con dao để vót nhọn hai đầu gậy.
“Chị sẵn sàng đi xiên cá chưa?”, nó hỏi.
“Tất nhiên là sẵn sàng”.
Khi chúng tôi ra đến bờ biển, T. J quỳ xuống nhặt lên thứ gì đó.
“Cái này chắc là của chị”, nó nói, đưa cho tôi một chiếc giày bệt màu xanh thẫm.
“Đúng rồi”. Tôi nhìn quanh trên mặt nước. “Chiếc còn lại chắc sẽ dạt vào bờ sớm thôi”.
Chúng tôi trầm mình trong vũng nước nông chỉ tới hông. Mới sáng ra, nước không nóng lắm nên tôi mặc cả chiếc áo phông của T. J thay vì chỉ mặc bộ đồ lót. Gấu áo ướt sũng nước, dính chặt vào đùi tôi. Chúng tôi gắng sức cả tiếng đồng hồ mà không xiên được con cá nào. Vừa nhỏ vừa nhanh, lũ cá tản ra ngay khi chúng tôi di chuyển.
“Em có nghĩ là mình nên ra xa bờ hơn một chút không?”, tôi hỏi.
“Em không rõ nữa, cá chắc sẽ to hơn nhưng mình cũng sẽ khó xiên chúng hơn”.
Tôi để ý thấy có thứ gì đó dập dềnh trên mặt nước. “Cái gì kìa T. J?” Tôi chụm hai tay lên che mắt để nhìn rõ hơn.
“Đâu cơ?”
“Ngay thẳng kia kìa. Em có thấy nó đang dập dềnh lên xuống không?”, tôi chỉ tay về hướng có vật lạ.
T. J liếc mắt về đằng xa. “Ôi chết tiệt, chị Anna, đừng nhìn”.
Quá muộn rồi.
Ngay trước khi thằng bé nói tôi đừng nhìn, tôi đã nhận ra đó là gì. Tôi đánh rơi ngay cây gậy trên tay, nôn thốc nôn tháo lên mặt biển.
“Chú ấy sẽ bị trôi dạt vào bờ nên chúng ta vào bờ thôi”, T. J nói.
Tôi theo nó lên bờ. Khi lên đến bờ cát, tôi lại nôn lần nữa.
“Anh ấy vào đến đây chưa?”, tôi hỏi, giơ tay chùi miệng.
“Sắp rồi”.
“Chúng ta phải làm gì bây giờ?”
Giọng T. J nghe run rẩy và không chắc chắn. “Chúng ta phải chôn chú ấy ở đâu đó. Có thể dùng một trong những chiếc chăn, trừ khi chị không muốn”.
Mặc dù rất ghét phải lôi số đồ ít ỏi của mình ra dùng, nhưng tôi cũng thấy cuộn anh ấy trong chăn là việc nên làm để bày tỏ lòng kính trọng. Thành thực mà nói, không đời nào tôi dùng tay không để chạm vào một xác người cả.
“Chị sẽ đi lấy chăn”, tôi nói, cảm thấy nhẹ nhõm khi tìm được cái cớ không phải ở đây khi xác anh ấy dạt vào bờ.
Khi cầm chăn quay trở lại, tôi đưa cho T. J, và chúng tôi gói cái xác vào tấm chăn bằng cách dùng chân đẩy đẩy. Mùi thịt người đang phân hủy bị ngâm nước lâu ngày dâng đầy trong mũi tôi, tôi phải bịt mũi bằng khuỷu tay.
“Chúng ta không thể chôn anh ấy trên bờ biển được”, tôi nói.
T. J lắc đầu, “Đúng là không”.
Chúng tôi chọn một chỗ dưới gốc cây, cách rất xa căn lều, và bắt đầu dùng tay đào đất.
“Thế này đã đủ rộng chưa nhỉ?”, T. J hỏi, nhìn xuống cái hố.
“Chị nghĩ là rồi”.
Chúng tôi chẳng cần phải đào một nấm mồ thật lớn cho Mick vì cá mập đã ăn hết hai chân và một phần thân trên của anh ấy. Cả một cánh tay nữa. Một con gì khác đã rỉa gương mặt trương phồng và trắng bệch của Mick. Viền chiếc áo phông nhuộm mà anh ấy mặc còn treo lơ lửng trên cổ.
T. J đứng đợi trong khi tôi nôn khan, rồi tôi nắm một góc chăn để giúp nó kéo Mick xuống dưới hố. Chúng tôi phủ đầy đất lên trên anh ấy, sau đó đứng một lúc.
Từng giọt nước mắt lăn dài trên mặt tôi. “Mick đã chết trước khi bị đâm sầm xuống biển rồi”. Tôi nói, giọng chắc như đinh đóng cột.
“Đúng vậy”, T. J đồng tình.
Trời bắt đầu mưa, chúng tôi quay trở lại và bò vào xuồng. Chiếc xuồng giúp chúng tôi khô ráo, nhưng tôi run lẩy bẩy. Tôi kéo cái chăn lên - chiếc chăn duy nhất chúng tôi còn lại - và cả hai cùng ngủ.
Khi thức dậy, T. J và tôi thu gom quả bánh mì và dừa. Chẳng ai nói gì hết.
“Đây”. T. J dưa tôi một miếng cùi dừa.
Tôi đẩy tay nó ra. “Không, chị không muốn ăn. Em ăn đi”. Dạ dày tôi lại sôi lên. Chắc sẽ chẳng bao giờ tôi gạt được hình ảnh Mick ra khỏi đầu.
“Dạ dày chị vẫn khó chịu à?”
“Ừ”.
“Chị uống chút nước dừa đi vậy”, nó nói, đưa một ít cho tôi.
Tôi nhấc cái bình chứa bằng nhựa đưa lên miệng rồi uống một ngụm.
“Chị uống được chứ?”
Tôi gật đầu. “Chắc chị sẽ chỉ uống nước dừa trong mấy bữa tới”.
“Em sẽ đi kiếm ít củi đun”.
“Ừ”.
Nó vừa đi được mấy phút là tôi bắt đầu thấy ẩm ướt lạ thường.
Ôi Chúa ơi, không.
Hi vọng là báo động giả, tôi đi về phía ngược với T. J, đoạn kéo quần jeans xuống. Đó, dưới đáy chiếc quần lót màu trắng bằng vải cotton của tôi là bằng chứng cho thấy tôi vừa đến kỳ đèn đỏ.
Tôi nhanh chóng trở lại lều, lôi chiếc áo phông dài tay của mình ra. Quay vào rừng, tôi xé vải, cuộn lại và nhét vào dưới đáy quần lót.
Ước gì ngày tồi tệ này sớm qua đi.
Khi mặt trời lặn, đàn muỗi mở tiệc linh đình trên cánh tay tôi.
“Chắc chị quyết tâm thà bị muỗi đốt còn hơn bị nóng?”, T. J nói khi nó nhìn thấy tôi đập muỗi liên tục. Nó đã mặc cái áo dài tay và quần jeans vào ngay khi lũ bọ bắt đầu xuất hiện.
Tôi nghĩ đến cái áo dài tay của mình đang bị giấu dưới một bụi cây nào đó mà tôi hi vọng sẽ tìm lại được.
“Ừ, đại loại thế”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 10 T. J


Trong suốt mười tám ngày tiếp theo, chúng tôi chỉ toàn ăn quả bánh mì và dừa, quần áo chúng tôi bắt đầu rộng thùng thình. Dạ dày chị Anna sôi lên sùng sục trong lúc chị ấy ngủ, còn dạ dày tôi cũng đau âm ỉ. Tôi e rằng những người cứu hộ chẳng còn thiết tha gì đi tìm chúng tôi nữa, một cảm giác trống rỗng hòa cùng cơn đói tạo nên những cơn đau buốt ruột mỗi khi tôi nghĩ về gia đình và bạn bè mình.
Tôi nghĩ nếu mình xiên được một con cá thì chị Anna sẽ ấn tượng lắm cho xem. Nhưng tôi toàn đâm phải chân, đau điếng, mà lại không dám kêu vì sợ chị ấy cười.
“Chị sẽ phải bôi thuốc mỡ kháng sinh lên chân em”, chị Anna nói. Chị ấy bôi chút thuốc lên vết thương rồi dùng băng cá nhân dán kín lại. Chị ấy bảo khí hậu ẩm ướt trên hòn đảo là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn hoạt động, ý nghĩ một trong hai chúng tôi bị nhiễm trùng khiến chị ấy sợ chết khiếp. “Em không được nhúng nước cho đến khi vết thương lành hẳn nhé T. J. Chị muốn giữ cho vết thương được khô”.
Tuyệt. Không được xiên cá. Cũng quên luôn cả chuyện được tắm táp đi.
Ngày ngày trôi qua chậm rãi. Chị Anna ngày càng ít nói hơn. Chị ấy ngủ nhiều hơn, và tôi bắt gặp chị ấy lau nước mắt khi tôi trở về sau mỗi chuyến kiếm củi hoặc đi khám phá hòn đảo. Một ngày, tôi thấy Anna ngồi trên bãi biển, lặng lẽ ngắm bầu trời.
“Sẽ dễ dàng hơn nếu chị quên ý nghĩ là họ sẽ quay lại đi”, tôi nói với chị ấy.
Anna nhìn tôi. “Vậy là chị chỉ nên đợi một chiếc máy bay nào đó vào một ngày đẹp trời bất kỳ sẽ tình cờ bay qua đây ư?”
“Em cũng không biết, chị Anna ạ”.
Tôi ngồi xuống cạnh chị ấy. “Chúng ta có thể dùng chiếc xuồng ra khơi”, tôi nói. “Mình sẽ trữ thật nhiều thức ăn, mang theo cái thùng chứa bằng nhựa để hứng nước mưa. Cứ chèo ra biển thôi”.
“Thế nếu như chúng ta hết thức ăn giữa chừng hoặc có chuyện gì xảy ra với cái xuồng thì sao? Như thế chả khác gì tự sát cả, T. J ạ. Rõ ràng là chúng ta không nằm trên tuyến bay qua những hòn đảo có người ở, và chẳng gì đảm bảo là sẽ có một chiếc máy bay bay qua đây cả. Những hòn đảo này cách biệt nhau tới hàng ngàn kilomet mặt nước. Chúng ta không thể bơi ra đấy được. Nhất là khi đã chứng kiến điều gì xảy ra với Mick. Chị thấy ở trên đảo này an toàn hơn. Và mặc dù chị biết họ sẽ chẳng quay lại đâu, nhưng nói ra thì nghe như là chúng ta đầu hàng số phận vậy”.
“Em cũng hay cảm thấy thế, nhưng giờ thì hết rồi”.
Chị Anna nhìn tôi chăm chú. “Em dễ thích nghi nhỉ!”.
Tôi gật đầu: “Bây giờ mình sống ở đây rồi”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 11 Anna


T. J hét ầm tên tôi khi tôi đang ngồi cạnh lều, thơ thẩn ngắm trời mây. Nó chạy về phía tôi, tay kéo theo một cái va li.
“Chị Anna, nó là của chị à?”
Tôi đứng bật dậy, chạy về phía T. J. “Đúng rồi!” Làm ơn hãy là cái va li mà tôi mong chờ.
Tôi quỳ xuống nền cát, nhanh chóng mở khóa va li và mỉm cười sung sướng.
Vứt quần áo ướt sang một bên, tôi lục tìm túi đồ trang sức của mình. Tôi tìm thấy cái túi có khóa, mở ra và dốc mọi thứ bên trong xuống đất. Tay tôi lần tìm qua các món đồ, đoạn dừng lại khi tìm thấy đôi hoa tai bằng dây thép mảnh uốn thành vòng tròn. Tôi giơ đôi hoa tai lên cho T. J xem với vẻ mặt đắc thắng.
Nó bật cười, xem xét đôi hoa tai và nói: “Thật là một cần câu hoàn hảo chị Anna ạ”.
Tôi lôi tất cả mọi thứ còn lại ra khỏi va li: bàn chải cùng hai tuýp kem đánh răng thường, một tuýp làm trắng răng Crest, bốn bánh xà phòng, sữa tắm, dầu gội đầu, dầu xả mỗi loại hai lọ, kem cạo râu, dao cạo cùng hai gói lưỡi dao thay thế. Ba thanh lăn khử mùi - hai cái loại sáp cứng và một cái loại gel - dầu trẻ em và bông để tẩy trang, son nẻ vị anh đào, và - tạ ơn Chúa - hai hộp tampon 1 nữa chứ. Sơn móng tay và lọ tẩy sơn móng tay, nhíp, bông ngoáy tai, giấy ăn Kleenex, một chai bột giặt Woolite để tôi giặt tay đồ bơi của mình, thêm hai tuýp kem chống nắng Coppertone với chỉ số chống nắng 30 SPF. T. J và tôi đã cháy nắng lắm rồi nên hai tuýp kem chống nắng này sẽ chẳng có tác dụng gì nữa.
1 Băng vệ sinh dạng ống.
“Ồ”, T. J thốt lên khi tôi phân loại xong xuôi đống hóa mỹ phẩm của mình.
“Hòn đảo mà chúng ta dự định đến không có hàng tạp hóa”, tôi giải thích. “Chị đã kiểm tra trước khi lên đường”.
Tôi cũng tìm thấy một cái lược, cặp tóc và dây buộc tóc, một bộ bài, cuốn sổ tay với cây bút, hai cặp kính râm - một cặp kính mắt chuồn của Ray-Ban và một cặp kính gọng to màu đen - một chiếc mũ cao bồi đan bằng rơm mà tôi thường đội khi ra bể bơi nữa.
Tôi nhặt từng món quần áo, vắt cho kiệt nước, phơi trên cát cho khô. Bốn bộ đồ bơi, quần vải cotton, quần soóc, áo sát nách, áo phông, và một cái váy mỏng. Đôi giày tennis cùng vài đôi tất. Một cái áo phông buổi hòa nhạc REO Speedwagon 1 màu xanh, một cái áo phông hiệu Nike màu xám với logo màu đỏ ở một bên. Hai chiếc áo này đều là cỡ to nên tôi sẽ mặc chúng đi ngủ.
1 Ban nhạc rock của Mỹ, thành lập năm 1967.
Tôi ném đống đồ lót lại vào va li rồi đóng nắp lại. Tôi sẽ xử lý chúng sau.
“May mà là cái va li này dạt lên bờ đấy”, tôi nói.
“Thế còn cái va li kia của chị chứa gì?”
“Sách giáo khoa và bài tập cho em”. Tôi đã lên một giáo trình rất tỉ mỉ về những điều T. J cần học trong mùa hè này. Cả những cuốn tiểu thuyết tôi dự định đọc trong suốt mùa hè, chúng sẽ giúp ích biết bao khi tôi muốn giết thời gian trên hoang đảo này. Tôi nhìn T. J tràn trề hi vọng. “Có thể chúng ta cũng sẽ tìm thấy va li của em nữa”.
“Không được đâu. Bố mẹ em đã mang đi trước rồi. Đó là lý do tại sao em chỉ có một ít quần áo và bàn chải đánh răng trong ba lô. Mẹ em muốn em mang theo mấy thứ đó phòng trường hợp chuyến bay bị hoãn và mình phải qua đêm đâu đó”.
“Thật à?”
“Vâng”.
“Hừ, đúng là không ai ngờ chúng ta lại mắc kẹt trên hoang đảo”.

Tôi thu thập mọi thứ tôi cần. “Chị phải đi tắm đây”, tôi nói. “Em sẽ không bao giờ được phép xuống biển khi mà chị đang ở dưới đó. Rõ chưa?”
T. J gật đầu. “Em sẽ không xuống đâu. Hứa đấy. Em sẽ tìm cách làm một cái cần câu trong lúc chị tắm. Khi nào chị quay lại thì em sẽ đi tắm”.
“Đồng ý”.
Khi ra đến bờ biển, tôi trút bỏ quần áo, xuống nước, và nhúng đầu xuống. Tôi gội đám tóc rối tung, bẩn thỉu của mình, xả, rồi gội lại lần nữa.
Dầu gội đầu thơm ngào ngạt, hoặc có thể là do người tôi quá đỗi hôi hám. Sau khi thoa dầu xả lên tóc, tôi xát xà phòng khắp người rồi ngồi trên bãi biển cạo lông chân, lông nách. Tôi lại xuống nước, xả sạch ngươi, nằm thư giãn trên sóng biển một lát, cảm thấy vô cùng dễ chịu và sạch sẽ.
Tôi mặc bộ bikini màu vàng vào, dùng lăn khử mùi, gỡ rối mái tóc, và búi cao lên. Tôi đeo cặp kính râm gọng to màu đen và để dành cặp kính Ray-Ban cho T. J.
T. J nhìn tôi sững sỡ khi tôi quay về. Lúc tôi ngồi xuống cạnh nó, thằng bé rướn người sang, hít hà mùi thơm tỏa ra từ ngươi tôi, và trêu: “Hôm nay lũ muỗi sẽ ăn thịt chị cho xem”.
“Chị đang cảm thấy rất thoải mái nên chẳng thèm quan tâm đâu”.
“Chị nghĩ sao?”, nó hỏi, tay giơ cái cần câu lên. T. J đã đục một lỗ ở cuối cây gậy dài và xỏ sợi dây ghi ta vào. Đầu kia sợi dây được nó gắn chặt vào cái hoa tai của tôi đã được bẻ cong thành lưỡi câu.
“Nhìn tuyệt đấy. Khi nào em tắm xong, chúng ta sẽ thử đi câu xem sao. Chị để mọi thứ lại trên bờ biển đấy. Em cứ dùng tự nhiên nhé”.
Khi T. J quay lại, nhìn thằng bé sạch sẽ, thơm tho y như tôi. Tôi đưa cho nó cặp kính Ray-Ban.
“Cảm ơn chị”, nó nói, và đeo kính vào. “Nhìn ngầu đấy chứ”. Nó nhặt mấy cái cần câu lên.
“Chúng ta biết lấy gì làm mồi bây giờ?”, tôi hỏi.
“Em đoán là đào giun thôi”.
Chúng tôi mải mê đào dưới gốc cây tới khi tìm thấy một ít giun. Nhìn chúng giống những con giòi khổng lồ hơn là giun, với màu trắng bệch và ngoe nguẩy, khiến tôi rùng mình. T. J bắt lấy một vốc đầy, đoạn chúng tôi đi xuống biển.
“Dây câu này không dài lắm”, T. J nói. “Em không muốn dùng tất cả dây đàn phòng trường hợp bị đứt dây hoặc mất cần câu”.
Sau khi lội ra ngập đến hông, nó ném dây câu ra. Chúng tôi đứng im thin thít.
“Có con gì đó đang rỉa mồi”, T. J bảo.
Nó giật mạnh cần câu lên khỏi mặt nước. Tôi hò reo khi nhìn thấy con cá đang vùng vẫy.
“Nhìn này, mình câu được rồi”, nó thông báo.
T. J bắt được thêm bảy con cá trong chưa đầy nửa giờ. Khi trở lại lều, nó đi kiếm thêm củi còn tôi làm sạch cá bằng dao.
“Chị học đâu cách làm này thế?”, nó hỏi khi quay lại. Thằng bé quẳng hết củi trong ba lô vào ngọn lửa.
“Bố chị dạy đấy. Hồi chị còn bé, ông hay đưa chị và Sarah, chị gái chị, đi câu cùng ở cái hồ sau nhà. Ông luôn đội một chiếc mũ mềm có in hình con cá nhìn rất kỳ quặc, chị giúp ông làm sạch những con cá mà ông câu được”.
T. J chăm chú nhìn tôi đánh vẩy và cắt đầu con cá cuối cùng. Tôi dùng dao phi lê thịt cá khỏi da. Tôi dùng nước mưa rửa sạch máu và ruột cá, sau đó đặt con cá lên tảng đá phẳng mà chúng tôi vẫn hay dùng để nướng quả bánh mì. Chúng tôi ăn hết sạch bảy con. Chúng là những con cá ngon nhất mà tôi từng được ăn trong đời.
“Em nghĩ đây là loại cá gì?”, tôi hỏi T. J.
“Em chịu. Nhưng ăn ngon đấy chứ”.
Sau bữa tối, chúng tôi ngồi nghỉ trên tấm chăn, đây là lần đầu tiên dạ dày chúng tôi được no nê sau mấy tuần. Tôi lục trong vali ra quyển sổ tay, vuốt thẳng mấy trang bìa.
“Chúng ta ở đây bao lâu rồi nhỉ?”, tôi hỏi T. J.
Thằng bé bước lại phía cái cây, đếm những vết khắc nó đã dùng dao khắc lên. “Hai mươi ba ngày”.
Tôi khoanh tròn ngày trên lịch. Đã gần sang tháng Bảy rồi. “Từ giờ chị sẽ đếm ngày”. Đột nhiên tôi nghĩ đến một điều. “Khi nào thì em đến lịch khám bác sĩ?”
“Cuối tháng Tám. Em sẽ phải đi chụp cộng hưởng từ”.
“Đến lúc đấy chắc họ dã tìm thấy chúng ta rồi”.
Thực sự thì tôi không nghĩ thế. Nhìn mặt T. J là tôi biết thằng bé cũng không nghĩ thế.

Tôi đang đi vệ sinh sau một cái cây thì đột nhiên nghe thấy âm thanh lạ. Tiếng vỗ cánh làm tôi giật mình, suýt nữa thì ngã ngay vào bãi nước tiểu của chính mình. Tôi đứng bật dậy, kéo quần lên, và lắng tai nghe, nhưng lại không thấy âm thanh đó nữa.
“Chị nghĩ là chị nghe thấy tiếng con gì đấy”, tôi nói với T. J khi quay về.
“Con gì cơ?”
“Chị cũng chẳng biết nữa. Chị nghe như tiếng nó vỗ cánh. Em nghe thấy gì không?”
“Có, em cũng nghe thấy”.
Chúng tôi đi lại phía vừa nghe thấy tiếng động, nhưng không tìm được gì cả. Chứng tôi thu thập thêm củi trên đường quay về và vứt vào đống củi dự trữ.
“Chị có muốn đi bơi không?”, T. J hỏi.
“Có chứ”.
Bây giờ tôi đã có đồ bơi nên việc đi bơi luôn là một ý tưởng tuyệt vời.
Nước ở vùng nông trong vắt nên rất phù hợp để ngụp lặn. Chúng tôi vùng vẫy khoảng nửa tiếng, ngay khi vừa lên khỏi mặt nước, T. J dẫm phải thứ gì đấy. Nó mò và lôi lên một chiếc giày tennis.
“Giày này của em à?”, tôi hỏi.
“Vâng. Em biết sớm muộn gì nó cũng sẽ trôi dạt lên đây mà”, nó đáp.
Chúng tôi ngồi trên bãi biển để những cơn gió đại dương hong khô người.
“Tại sao bố mẹ em lại chọn hòn đảo ấy?”, tôi hỏi. “Như thế phải bay xa quá”.
“Là do môn lặn với bình hơi. Hòn đảo đó là nơi lặn đẹp nhất trên thế giới. Cả bố em và em đều có chứng chỉ lặn”, T. J nói, chân đào đào trên bãi cái trắng. “Lúc em bị ốm, bố đã nói với mọi người là ngay khi em khỏe lại, gia đình em sẽ đi nghỉ một chuyến ra trò. Em cóc thích gì cái vụ ấy”.
“Em không muốn đến đây à?”
T. J lắc đầu.
“Tại sao không?”
“Chẳng đứa nào lại dở hơi đến mức muốn dành cả mùa hè ở bên bố mẹ cả. Em chỉ thích ở nhà để đi lượn lơ với lũ bạn thôi. Thế mà đột nhiên bố mẹ nói với em là chị sẽ đến và em sẽ phải học bù nếu như không muốn bị đúp lớp 10. Em tức điên lên được”. Thằng bé nhìn tôi hối lỗi: “Em không có ý xúc phạm chị đâu nhé”.
“Không vấn đề”.
“Thế mà họ có thèm nghe em nói quái đâu cơ chứ. Bố mẹ em cứ khăng khăng chuyến đi sẽ là một dịp tuyệt vời để cả gia đình bên nhau. Nhưng thậm chí mấy con em của em cũng phát bực lên vì chuyến đi này. Chúng nó thích đi Disney World 1 cơ.
1 Công viên giải trí quy mô lớn do hãng Walt Disney đầu tư, lấy cảm hứng từ những nhân vật hoạt hình mà hãng này đã sản xuất.
“Chị rất tiếc, T. J ạ”.
“Không sao đâu”.
“Em của em mấy tuổi rồi?”
“Alexis thì lên 9 còn Grace 11 rồi. Chúng nó cũng hay làm em phát điên lên - hai cái máy nói không bao giờ ngừng - nhưng chúng cũng vui phết”, nó nói. “Chị có anh chị em không?”
“Chị chỉ có một chị gái tên là Sarah. Chị ấy hơn chị ba tuổi và đã kết hôn với anh David. Họ có hai con - Joe mới lên năm còn Chloe thì vừa bước sang tuổi thứ hai. Chị nhớ chúng nó lắm. Chị không thể hình dung nổi gia đình mình đang phải đau khổ như thế nào, nhất là bố mẹ chị”.
“Em cũng nhớ nhà lắm”, T. J nói.
Tôi ngắm nhìn bầu trời xanh tuyệt diệu với làn nước xanh biếc ngút mắt, lắng nghe âm thanh du dương của những con sóng vỗ vào rặng san hô. “Thực ra ở đây rất đẹp”, tôi nói.
“Đúng vậy”, T. J đồng tình. “Quả thực rất đẹp”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 12 T. J


Một trong những điều khổ khăn nhất khi sống trên hòn đảo này là nỗi nhàm chán đến cùng cực. Thu thập củi và thức ăn cũng khá mất thì giờ, và chúng tôi đi câu tầm hai đến ba lần một ngày nhưng vẫn còn thừa quá nhiều thời gian. Chúng tôi thám hiểm quanh đảo, bơi lội, và nói chuyện nữa. Chẳng mấy chốc mà tôi thấy nói chuyện với chị Anna thoải mái chẳng khác gì nói chuyện với mấy đứa bạn tôi. Chị ấy lắng nghe mọi thứ tôi nói.
Chị ấy hay hỏi về cảm xúc của tôi. Đàn ông thì phải cứng rắn, nên có đánh chết tôi và Ben cũng không bao giờ ngồi tâm sự với nhau về cảm nhận của bản thân, nhưng tôi phải thừa nhận với chị Anna rằng tôi luôn có một cảm giác lạ lùng khó chịu dâng lên trong dạ dày khi nghĩ đến việc liệu có bao giờ người ta tìm thấy chúng tôi ở đây không. Tôi cũng nói với chị ấy rằng thỉnh thoảng tôi thấy sợ hãi. Tôi nói chẳng phải đêm nào tôi cũng ngủ ngon. Chị ấy cũng thế.
Tôi rất thích nằm ngủ chung với chị Anna. Đôi khi chị ấy cuộn tròn bên cạnh tôi, đầu gối lên vai tôi, có lần chị ấy còn chạm ngực sát vào lưng tôi và co hai đầu gối đặt sát vào sau hai đầu gối của tôi nữa. Chỉ lúc ngủ say chị ấy mới thế, nên chắc chắn chị ấy chẳng có ý gì đâu, nhưng dù sao tôi cũng thấy thật dễ chịu. Emma và tôi mới chỉ ngủ với nhau có vài giờ và thực ra là vì em quá ốm.
Tôi thích chị Anna lắm. Nếu không có chị ấy thì hòn đảo này sẽ trở nên kinh khủng.

Chẳng ai đến cứu chúng tôi cả nên tôi đành lỡ buổi hẹn khám lại với bác sĩ ung thư vào cuối tháng Tám. Anna nhắc đến chuyện này vào một bữa sáng.
“Chị thấy lo vì em không thể đi gặp bác sĩ”, chị ấy nói và đưa cho tôi một mẩu cá nướng. “Cẩn thận, nóng đấy”.
“Em ổn mà”, tôi vừa nói vừa thổi phù phù cho cá nguội.
“Ừ nhưng em đã ốm rất nặng đúng không?”
“Vâng”.
Chị ấy đưa cho tôi chai nước. Tôi uống một ngụm rồi đặt xuống.
“Kể cho chị nghe đi”.
“Mẹ em cứ tưởng em bị cúm. Em sốt, đổ mồ hôi cả đêm. Em sụt cân nữa. Sau đấy thì bác sĩ phát hiện ra một khối u trên cổ em, hóa ra nó là một cái hạch bạch hầu bị sưng. Các bác sĩ làm một số xét nghiệm kiểu như chụp X-quang, sinh thiết, chụp cắt lớp và chụp cộng hưởng từ. Rồi họ phán em bị ung thư hạch bạch huyết giai đoạn ba”.
“Sau đấy em hóa trị luôn à?”
“Vâng. Nhưng chẳng ăn thua gì. Họ cũng tìm thấy một chuỗi u ở ngực em, nên em phải xạ trị”.
“Nghe thật tệ”.
Chị ấy cắt lấy một miếng quả bánh mì rồi đưa hết cho tôi phần còn lại.
“Cũng chẳng thích thú gì. Em phải ra vào viện suốt”.
“Em bị ốm trong bao lâu?”
“Khoảng tầm một năm rưỡi. Có những lúc em thực sự rất yếu. Các bác sĩ cũng không biết phải làm gì nữa”.
“Chắc em phải sợ lắm nhỉ T. J?”
“Họ cố giấu em, điều này làm em ghét nhất. Em chỉ biết là tình hình của mình rất tệ khi chẳng ai dám nhìn vào mắt em khi em hỏi cả. Hoặc họ nhanh chóng chuyển chủ đề. Điều đó khiến em sợ nhất”.
“Hẳn là thế rồi”.
“Lúc đầu thì bạn em vào thăm em suốt, nhưng khi em không đỡ hơn chút nào thì một số đứa không thèm vào thăm nữa”. Tôi dừng lại uống thêm ngụm nước và đưa chai nước lại cho chị Anna. “Chị biết thằng Ben bạn em đấy”.
“Ừ”.
“Ngày nào nó cũng đến. Nó dành hàng giờ đồng hồ xem tivi với em, hoặc chỉ ngồi trên ghế cạnh giường khi em cảm thấy quá mệt nên không thể nói chuyện hay cử động gì được. Bố mẹ em và bác sĩ thường nói chuyện rất lâu ngoài hành lang, còn em nhờ Ben nghe lỏm. Nó sẽ kể lại tất tần tận cho em nghe, bất kể là họ nói gì. Nó cũng biết là em muốn nghe sự thật đến mức nào, chị hiểu chứ?”
“Tất nhiên rồi”, chị ấy nói. “Cậu ấy là một ngươi bạn tuyệt vời đấy nhỉ?”
“Chuẩn không cần chỉnh. Thế chị có bạn chí cốt không?”
“Có chứ. Tên chị ấy là Stefani. Bọn chị chơi với nhau từ hồi mẫu giáo cơ”.
“Thế thì lâu thật”.
Chị ấy gật đầu. “Bạn bè quan trọng lắm. Nên chị hiểu tại sao em muốn dành cả mùa hè để chơi với bạn em”.
“Vâng”, tôi nói và nghĩ về lũ bạn ở Chicago. Chắc chúng nó nghĩ tôi đã chết rồi.
Chị Anna đứng dậy, đi về phía đống củi. “Em sẽ nói với chị nếu để ý thấy có triệu chứng gì khác thường chứ?” Chị ấy nhặt một que củi ném vào đống lửa.
“Tất nhiên rồi. Chỉ có điều đừng có mà suốt ngày hỏi xem em có ổn không nhé. Mẹ em suốt ngày làm thế khiến em phát điên lên”.
“Chị sẽ không hỏi đâu. Nhưng cũng sẽ lo lắng chút đỉnh đấy”.
“Vâng. Em cũng lo”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 13 Anna


Mặt trời chói chang đánh thức tôi dậy bằng những tia nắng chiếu rọi vào trong xuồng câu. Tôi ngáp và vươn vai, rồi bò ra khỏi chỗ ngủ. Cái va li của tôi được đặt trong lều, tôi với lấy một bộ bikini, quay lại xuồng để thay ra. Sau khi thay xong, tôi cuốn tấm vải ni lông lên để lấy chút khí trời.
T. J quay về cùng con cá cho bữa sáng. Nó cười:
“Chào buổi sáng”.
Tôi kiểm tra quanh gốc cây bánh mì cùng cây dừa, nhặt tất cả những quả rụng dưới gốc và mang về lều. T. J bổ dừa trong khi tôi làm sạch rồi nướng cá.
“Chào”.
Sau bữa sáng chúng tôi đánh răng, đoạn tôi lại đánh dấu thêm một ngày nữa trong quyển sổ tay. Đã là tháng Chín rồi. Thật khó tin.
“Chị có muốn đi bơi không?”, T. J hỏi.
“Có chứ”.
Tuần trước T. J đã nhìn thấy hai cái vây cá mập lượn lờ phía ngoài rặng san hô. Chúng tôi hốt hoảng bỏ chạy lên bờ, nhưng những cái vây cá tiến sâu hơn vào vùng nước nông. Là cá heo. Chúng tôi từ từ tiến xuống nước, chúng cũng không hề bơi đi mà kiên nhẫn đợi chúng tôi lại gần.
“Cứ như thể chúng đến để làm quen với chúng ta ý nhỉ”, tôi thốt lên thích thú.
T. J vuốt ve một con, cười to khi nó phun nước qua cái lỗ trên đầu. Tôi chưa bao giờ thấy loài vật nào lại thân thiện đến vậy. Chúng bơi cùng chúng tôi một lát trước khi vội vã rời đi, cứ như là theo một lịch trình đã định trước nào đó.
“Có khi hôm nay lũ cá heo sẽ quay lại đấy”, tôi nói khi cùng T. J bước xuống biển.
T. J cởi áo sơ mi, lội xuống biển: “Thế thì quá đỉnh. Em sẽ cưỡi một con”.
Chúng tôi tự giải trí bằng cách dùng một cái bình chứa có thể xếp lại được làm mặt nạ lặn. Có hàng bầy cá đủ màu sắc - tím, xanh, và sọc vàng đen. Chúng tôi còn nhìn thấy cả rùa biển cùng một con lươn đang chúi mình dưới đáy. Tôi bơi ngay đi khi nhìn thấy nó.
“Không có cá heo”, tôi nói sau khi tôi và T. J đã bơi lội suốt cả tiếng đồng hồ. “Chắc mình bỏ lỡ chúng rồi”.
“Sau khi ngủ dậy chúng ta thử xuống lại xem sao”. Đột nhiên thằng bé chỉ tay ra bờ biển. “Chị Anna, nhìn kìa”.
Một cái càng cua mắc trong cát, đang quặp ra quặp vào liên tục. Chúng tôi lao lên bờ.
“Em sẽ đi lấy cái áo phông”, thằng bé nói.
“Nhanh lên, nó đang tự chôn mình đấy”.
T. J quay trở lại nhanh kỷ lục, cuộn cái áo quanh con cua rồi lôi nó lên khỏi bãi cát. Chúng tôi quay về lều, ném nó vào lửa.
“Ôi Chúa ơi”, tôi thốt lên khi nghĩ đến việc giết con cua một cách dã man.
Nhưng cảm giác tội lỗi qua ngay lập tức.
Chúng tôi kẹp càng con cua bằng cái kềm tìm thấy trong hộp dụng cụ hôm trước, và ăn ngấu nghiến. Thịt cua - ngay cả khi thiếu bơ nấu chảy ăn kèm - ngon chưa từng thấy. Bây giờ chúng tôi đã biết chỗ bọn cua hay vùi mình trong cát, T. J và tôi sẽ kiểm tra hàng ngày. Tôi đã ngán cá, dừa và quả bánh mì lên đến tận cổ rồi nên có chút thịt cua sẽ làm phong phú thêm thực đơn vốn đã rất nghèo nàn của chúng tôi.
Khi con cua chỉ còn lại một đống vỏ, tôi lôi chăn từ trong xuồng hơi ra trải dưới gốc dừa, Chúng tôi nằm dài bên nhau. Bóng râm mát của cây dừa là nơi tránh nắng của chúng tôi vào những lúc nóng nhất trong ngày, và đã thành nơi ưa thích cho giấc ngủ trưa của cả hai.
Một con nhện to, đầy lông lá và rất đáng sợ - mình nó to bằng đồng hai mươi lăm xu - lười biếng bò qua vai của T. J làm tôi hốt hoảng dùng tay bắn ngay nó ra khỏi vai thằng bé. “Con nhện ấy làm chị chết khiếp”, tôi thốt lên.
T. J rùng mình. Nó ghét nhện nên lúc nào cũng giũ chăn rất kỹ trước khi cất vào xuồng. Tôi thì lại ghét rắn. Tôi đã từng giẫm lên một con và may mà tôi đang đi đôi giày tennis nên không bị cắn. Cứ nghĩ đến việc chân không giẫm phải một con là tôi thấy sởn gai ốc, kể cả những con không có độc chăng nữa.
Tôi cứ đinh ninh T. J đã ngủ rồi, nhưng đột nhiên nó nói: “Chị nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra với chúng ta hả chị Anna?”. Giọng nó nghe đã ngái ngủ lắm.
“Chị không biết, chị nghĩ chúng ta cứ làm những gì đang làm và cố đợi cho đến khi có người tới cứu thôi”.
“Chúng ta cũng vẫn đang ổn”, T. J nói, lăn người lại nằm sấp. “Em cá là ối người sẽ kinh ngạc khi biết khả năng xoay xở của mình cho mà xem”.
“Đến chị cũng thấy kinh ngạc nữa là”. Dạ dày được lấp đầy bằng thịt cua cũng khiến tôi buồn ngủ. “Thực ra vì chúng ta làm gì có lựa chọn nào khác đâu, T. J. Hoặc phải cố mà tồn tại hoặc là chết”.
T. J nhấc đầu lên khỏi chăn, nhìn tôi vẻ trầm ngâm. “Chị có nghĩ ở nhà mọi người tổ chức tang lễ cho mình không?”
“Ư”. Cứ nghĩ về việc gia đình mình ngậm ngùi trong tang lễ của chính mình khiến tôi cảm thấy đau đớn đến mức chỉ muốn nhắm chặt mắt vào ngủ ngay lập tức, hi vọng những hình ảnh về nhà thờ đông đúc, cỗ quan tài trống rỗng và gương mặt đẫm nước mắt của bố mẹ tôi sẽ sớm tan biến.
Sau khi ngủ dậy, chúng tôi đi thu nhặt gỗ, một công việc buồn tẻ không có điểm dừng. Chúng tôi giữ ngọn lửa luôn cháy, phần để T. J đỡ mất công nhóm ngọn lửa mới, phần vì chúng tôi vẫn hi vọng máy bay sẽ bay qua đây một lúc nào đó. Đến lúc đó, mọi thứ đã được sẵn sàng, đống lá xanh sẽ tạo nên tín hiệu khói ngay khi chúng tôi quẳng vào lửa.
Chúng tôi chất thêm củi vào đống củi dự trữ bên trong lều. Rồi tôi múc đầy nước biển vào thùng chứa vẫn hay đặt trên nóc xuồng, bỏ một nắp bột giặt Woolite, và giặt đống quần áo bẩn của cả hai.
“Hôm nay là ngày giặt giũ sao?”, T. J hỏi.
“Ừ”.
Chúng tôi buộc dây thừng lên giữa hai thân cây, sau đó treo quần áo lên cho khô. Chúng tôi cũng chẳng có nhiều quần áo lắm; T. J chỉ mặc độc quần soóc. Tôi thì mặc bikini cả ngày, chỉ mặc áo phông của T. J cùng một cái quần ngắn để đi ngủ thôi.
Tối muộn hôm đó, sau bữa tối, T. J rủ tôi chơi bài.
“Chơi Poker 1 nhé?”
1 Một cách chơi bài phổ biến ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Mỗi người chơi được chia 2 lá bài, và không nhìn thấy bài của nhau. Sau đó 5 lá bài chung được rút theo thứ tự 3 lá đầu tiên, rồi 1 lá kế tiếp, và 1 lá cuối cùng cho mọi ngươi nhìn thấy để quyết định đặt cược, theo, hay rút lui ở từng lượt. Ngươi chơi chọn ra 5 lá bài cho là lớn nhất đem so với bài của người khác, ai có lá lớn hơn sẽ chiến thắng. Màu hoặc chất (cơ, rô, chuồn, bích) của lá bài không có ý nghĩa.
“Thật á? Lần trước chị thua em liểng xiểng mà chưa chừa à?”
T. J mới dạy tôi chơi, nhưng thú thật là tôi không giỏi lắm. Ít nhất thì đấy là thằng bé nghĩ thế. Tôi đã bắt đầu nắm được mẹo chơi, và sẽ thắng nó dễ dàng cho xem.
Sáu ván sau đó - tôi thắng tới bốn - nó bảo: “Hừ, chắc hôm nay em gặp xui. Chị có muốn chơi cờ không?”
“Được thôi”.
Nó vẽ một bàn cờ trên nền cát. Chúng tôi dùng sỏi thay quân cờ rồi chơi ba ván.
“Thêm ván nữa nhé?”, T. J rủ rê.
“Không, chị phải đi tắm đã”.
Tôi bắt đầu lo về lượng xà phòng cũng như dầu gội còn lại. Tôi đã đem theo rất nhiều nhưng T. J và tôi vẫn thống nhất sẽ tắm gội cách ngày. Phòng trường hợp xấu chúng tôi phải ở lại đây lâu lắc. Chúng tôi cũng khá sạch sẽ do bơi cả ngày, nhưng thú thực chẳng thơm tho cho lắm.
“Đến lượt em đấy”, tôi nói khi trở lại.
“Ôi em nhớ lúc được tắm quá đi mất”, T. J nói.
Sau khi T. J tắm, chúng tôi đi ngủ. T. J đóng cửa cuốn của xuồng và bò vào nằm cạnh tôi.
“Em sẵn sàng đổi bất cứ thứ gì để có được một lon Coca vào lúc này”.
“Chị cũng thế. Một cốc thật to, đầy đá”.
“Em cũng thích bánh mì nữa. Không phải là quả bánh mì đâu. Mà là bánh mì thật ấy. Một cái bánh kẹp thật to, với khoai tây chiên và dưa chuột muối”.
“Pizza nữa, theo phong cách Chicago”, tôi hưởng ứng.
“Một cái bánh kẹp pho mát đại bự và béo ngậy nữa”.
“Bít tết”, tôi bổ sung. “Ăn kèm khoai tây nướng với pho mát và kem chua nữa chứ”.
“Sẽ có bánh sô cô la để tráng miệng”.
“Chị biết cách làm bánh sô cô la đấy. Mẹ chị dạy chị làm rồi”.
“Loại bánh mà có kem sô cô la trên mặt bánh á?”
“Ừ. Khi nào rời khỏi đảo này, chị sẽ làm cho em một cái”. Tôi thở dài. “Chúng ta chỉ đang tự tra tấn nhau thôi”.
“Em biết. Giờ thì em đói cồn cào”.
Tôi quay lưng lại T. J, tìm tư thế thoải mái để ngủ. “Chúc ngủ ngon, T. J”.
“Chúc ngủ ngon”.

T. J đặt con cá vừa câu được xuống cạnh tôi rồi ngồi xuống.
“Trường học đã vào kỳ mới được vài tuần rồi”, tôi nói. Tôi đánh thêm một dấu X lên tờ lịch, đặt quyển sổ tay sang một bên, và bắt đầu làm cá.
T. J để ý thấy vẻ mặt của tôi và nói, “Chị có vẻ buồn”.
Tôi gật đầu. “Thật khó khăn khi nghĩ đến việc có người khác đang dạy dỗ học sinh của chị vào lúc này”.
Tôi dạy tiếng Anh cho học sinh trung học năm thứ hai, tôi rất thích đi mua văn phóng phẩm cho nhà trường hoặc đi mua sách cho kệ sách của mình. Tôi lúc nào cũng để đầy bút trong một cái cốc to đặt trên bàn, thưởng thì sẽ chẳng còn lại cái nào đến cuối năm học.
“Chắc chị yêu nghề lắm?”
“Ừ, chị yêu nghề lắm. Mẹ chị cũng là giáo viên - bà vừa nghỉ hưu năm ngoái - chị luôn biết mình sẽ trở thành một giáo viên. Khi còn nhỏ, chị hay chơi trò dạy học, mẹ chị thường đưa chị mấy ngôi sao màu vàng để thưởng cho những học sinh bằng thú bông”.
“Em dám cá chị là một giáo viên tốt”.
Tôi mỉm cười. “Chị luôn cố gắng để là một giáo viên tốt”. Tôi đặt con cá đã được làm sạch lên trên hòn đá phẳng để nấu. “Có tin được là nhẽ ra em đã bắt đầu năm nhất ở cấp ba rồi không?”
“Không. Em chỉ thấy đã lâu lắm mình chưa đến trường thôi”.
“Em có thích trường học không? Mẹ em nói với chị em là học sinh giỏi đấy”.
“Cũng được. Em chỉ muốn học đuổi cho kịp các bạn trong lớp. Em cũng muốn được trở lại đội bóng bầu dục nữa. Lúc bị ốm em đã phải bỏ chơi bóng rồi”.
“Vậy là em thích thể thao?”, tôi hỏi.
Thằng bé gật đầu. “Nhất là bóng bầu dục và bóng rổ. Thế còn chị?”
“Chị cũng thích thể thao lắm”.
“Chị có chơi môn nào không?”
“À, chị chỉ chạy bộ thôi. Năm ngoái chị đã tham dự hai giải ma ra tông, hồi học trung học chị cũng thi chạy và chơi bóng rổ. Đôi lúc chị tập cả yoga”. Tôi kiểm tra con cá, đặt nó ra xa lửa để nguội dần. “Chị nhớ tập thể dục quá”.
Tôi không dám nghĩ đến việc chạy vào lúc này. Cho dù có đủ thức ăn để chạy chăng nữa thì nghĩ đến việc chạy quanh hòn đảo này vẫn khiến tôi liên tưởng về con chuột lang chạy trong lồng. Cứ mải miết chạy mà chả đến đâu.

T. J mang một ba lô đầy củi về. “Chúc mừng sinh nhật”, tôi nói.
“Đã ngày 20 tháng chín rồi?” Nó vứt một cành củi vào lửa rồi ngồi xuống cạnh tôi.
Tôi gật đầu. “Chị xin lỗi đã không mua quà gì cho em. Trung tâm thương mại trên hoang đảo này thật nghèo nàn”.
T. J bật cười: “Không sao đâu, em không cần quà”.
“Có thể em sẽ mở một bữa tiệc hoành tráng khi mình thoát khỏi hòn đảo này”.
T. J nhún vai: “Vâng, có thể lắm chứ”.
T. J có vẻ già hơn tuổi mười bảy. Có chút gì đó kín đáo. Có thể việc từng trải qua cơn bạo bệnh đã loại bỏ một số hành động trẻ con giống như những thằng bé khác chẳng phải lo gì ngoài việc thi lấy bằng lái xe, cúp cua, hoặc phá giờ giới nghiêm.
“Thật không thể tin được sắp đến tháng Mười rồi”, tôi nói. “Chắc cây lá ở nhà bắt đầu chuyển màu rồi”.
Tôi rất thích những trận bóng bầu dục mùa thu, thích đưa Joe với Chloe ra ruộng bí đỏ, và tận hưởng những làn gió se se lạnh. Đó là những điều tôi yêu thích.
Tôi ngồi nhìn chằm chằm vào hàng cây cọ, những tán lá đung đưa trong gió. Mồ hôi chảy dài trên mặt tôi, mùi dừa ở tay khiến tôi nghĩ đến lọ kem dưỡng da.
Trên hòn đảo này thì bốn mùa đều là hạ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 14 T. J


Mưa rơi tầm tã. sấm rền vang, chớp giật sáng lóa cả bầu trời. Gió giật làm lung lay xuồng hơi, tôi sợ là gió sẽ thổi cái xuồng xuống tận biển. Tôi cố ghi nhớ: Ngày mai phải neo xuồng hơi vào một cái gì đó mới được.
“Chị tỉnh chưa?”, tôi hỏi chị Anna.
“Rồi”.
Cơn bão kéo dài tới hàng giờ. Chúng tôi run rẩy bên nhau, kéo kín chăn trùm đầu. Mảnh vải ni lông mỏng manh che phủ một bên chiếc xuồng hơi là thứ duy nhất bảo vệ chúng tôi khỏi sấm sét, nên chúng tôi gần như không hề được che chắn gì hết. Chúng tôi lặng im không nói với nhau, chỉ kiên nhẫn ngồi đợi bão tan, và cuối cùng khi bão đã tan chúng tôi lăn ra ngủ vì kiệt sức.
Buổi sáng hôm sau, chị Anna mang về một vài quả dừa xanh bị bão bứt xuống khỏi cây. Chúng tôi bổ dừa chia nhau. Cùi dừa rất ngọt, nước dừa cũng không có vị đắng như mấy quả dừa vỏ đã ngả màu nâu.
“Mấy quả này ngon tuyệt”, chị Anna thốt lên.
Căn lều của chúng tôi đã tan tành trong cơn bão, ngọn lửa cũng bị dập tắt nên tôi phải nhóm lên một ngọn lửa khác. Tôi dùng dây giày của mình buộc vào cuối một cành củi cong. Tôi buộc tiếp một que củi khác để nó vuông góc với mảnh gỗ tôi dùng làm điểm tựa.
“Em làm gì thế?”, chị Anna hỏi.
“Em sẽ làm thế này để xoay tròn que củi. Em nhớ người đàn ông trong tivi đã làm thế này mà”.
Tôi nới lỏng sợi dây, chỉnh độ nghiêng của que củi. Phải mất một lúc tôi mới quay cái que đủ nhanh, nhưng khi đã đạt được tốc độ mong muốn thì chỉ mất mười lăm phút là tạo được một ngọn lửa.
“Này”, chị Anna nói, “Em cũng cừ phết đấy nhé”.
“Cảm ơn chị”. Tôi cẩn thận chuyển ngọn lửa sang đống bùi nhùi và nhìn nó cháy bùng lên nhanh chóng. Chị Anna và tôi dựng lại túp lều.
Tôi chùi mồ hôi khỏi mắt và nói, “Em hi vọng đây là cơn bão tồi tệ nhất mà mình phải trải qua ở đây”. Tôi dựng cành cây cuối cùng lên dựa vào một bên lều. “Vì em không biết mình phải trú ở đâu nếu như bão to hơn nữa”.

Chị Anna đi tắm. Tôi nhìn vào va li của chị ấy, cố gắng tìm cái áo phông REO Speedwagon. Chị ấy bảo tôi có thể mặc nó và cả cái áo phông Nike nữa vì sẽ vừa với tôi. Tôi chẳng tìm thấy cái áo nào cả, nên cố gắng lục sâu hơn.
Có hai cái tampon được vùi dưới lớp quần cộc.
Khi đống này hết thì chị ấy biết xoay xở thế nào đây?
Tôi lục tìm, nhìn thấy mấy cái áo lót được xếp gọn thành chồng, với chiếc màu đen nằm trên cùng. Tôi nhấc một lọ kem dưỡng da mùi vani lên, xoáy nắp ra, hít một hơi sâu.
Chả trách chị ấy hay có mùi thơm như bánh nướng vậy.
Tôi mở một hộp nhựa hình tròn. Bên trong là những viên thuốc bé tí tẹo, có đánh số ngày bên ngoài. Còn lại năm viên. Phải mất một lúc tôi mới biết đấy là thuốc tránh thai. Tôi tìm thấy hai hộp còn nguyên chưa bóc.
Anna không khó chịu vì tôi lấy đồ trong va li của chị ấy - tôi cũng cất quần áo của mình trong này mà, vì chúng tôi dùng cái ba lô của tôi để đi kiếm củi - nhưng chắc chị ấy cũng chẳng muốn tôi chạm vào đồ riêng tư đâu. Tôi đang định đóng nắp va li lại thì nhìn thấy mấy cái quần lót của chị ấy ở dưới đáy, cạnh đôi giày tennis. Nhìn qua vai xem Anna có đang ở quanh không, tôi nhanh chóng nhón lấy một chiếc màu hồng và giơ lên.
Không biết lúc chị ấy mặc mấy cái quần này thì có nhìn xuyên qua được không nhĩ?
Tôi cất lại, lấy ra một chiếc quần lọt khe màu đen.
Gợi cảm thật. Nhưng mình cá là mặc nó sẽ chẳng thoải mái chút nào.
Tôi lại cầm chiếc màu đỏ với cái nơ nhỏ xíu màu đen đính ngay eo.
Ô, quá nóng bỏng!
Tôi nhấc một đống tới năm sáu cái liền lên, vùi mặt vào, hít một hơi thật sâu.
“Em đang làm gì thế?”, chị Anna đột nhiên hỏi.
Tôi quay ngoắt lại. “Chúa ơi, chị làm em phát khiếp!” Tim tôi đập thình thịch, mặt thì đỏ lựng lên.
Chị ấy đứng đây từ bao giờ?
“Em đang tìm cái áo phông REO Speedwagon của chị”. Tôi vẫn đang cầm mấy cái quần lót của chị ấy trên tay nên nhanh chóng vứt lại vào va li.
“Thật chứ?”, chị ấy hỏi. “Bởi vì nhìn như kiểu em đang chơi với đống quần lót của chị vậy”, chị ấy cất xà phòng, dầu gội vào va li.
Nhìn Anna không có vẻ gì là giận cả, thế nên tôi lôi cái quần lọt khe của chị ấy ra và giơ lên: “Nhìn trông chẳng thoải mái chút nào”.
“Đưa cho chị”, chị ấy giật cái quần khỏi tay tôi, nhét lại vào va li, ngậm chặt môi cố gắng để không cười.
Khi tôi nhận ra chị ấy chẳng hề giận mình, tôi phá lên cười và nói: “Chị biết không Anna? chị hơi bị được đấy”.
“Mừng là em nghĩ thế”.
“Thực sự thì em đang tìm cái áo phông REO Speedwagon mà chẳng thấy đâu”.
“Chị đang phơi trên dây, chắc cũng khô rồi”.
“Cảm ơn chị”.
“Không có gì, nhưng nhớ là đừng ngửi quần lót của chị nữa
“Chị nhìn thấy?”
“Phải!”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Next

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 39 guests