Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 14 Mar 2019

CHƯƠNG 15 Anna


Lũ cá heo bơi cạnh tôi trong vùng nước nông. Chúng lặn xuống dưới người tôi, sau đó lại nhô lên ở phía bên kia. Chúng tạo ra những âm thanh nghe thật buồn cười, và khi tôi nói chuyện với chúng, chúng làm như hiểu tôi lắm. T. J và tôi thích nắm lấy vây chúng để chúng kéo đi. Tôi có thể chơi với cá heo hàng giờ liền.
T. J chạy xuống, kêu lên: “Chị Anna, đoán xem em vừa tìm thấy gì này”.
Chiếc giày tennis còn lại của T. J đã được sóng đánh giạt vào bờ, nên bây giờ thằng bé chẳng còn lo chân bị thương nữa, thế nên nó dành hàng giờ liền trong rừng, tìm kiếm mấy thứ hay ho. Đến giờ thì nó chưa tìm thêm được gì ngoài những vết muỗi đốt, nhưng vẫn hì hục tìm kiếm. Ít nhất thằng bé cũng có việc để giết thời gian.
“Em tìm thấy gì thế?”, tôi vừa hỏi vừa vuốt ve một con cá heo.
“Chị đi giày vào và lên đây mà xem”.
Tôi đành tạm biệt lũ cá heo, lững thững theo thằng bé lên lều đi giày và tất vào.
“Rồi, chị tò mò lắm đây. Em tìm thấy gì nào?”
“Một cái hang. Em đang kiếm củi thì phát hiện ra có đống củi che khuất một miệng hang”.
Chỉ mất vài phút là chúng tôi đến được cái hang. T. J quy ở miệng hang rồi bò vào trong bằng cả hai tay hai chân.
“Hang này nông hơn em tưởng”, nó hét lên. “Chị nằm xuống rồi trườn sấp bụng vào đây đi. Chật nhưng vẫn đủ chỗ. Vào đây nào”.
“Không đời nào”, tôi hét lên. “Chị sẽ không bao giờ bước vào đâu”.
Tim tôi đập nhanh hơn, mồ hôi bắt đầu tủa khi tôi nghĩ đến việc phải chui vào cái hang ấy.
“Em đang sờ xung quanh. Em chẳng nhìn thấy gì cả”.
“Sao em dám làm thế? Nhỡ có chuột hoặc nhện khổng lồ thì sao?”
“Cái gì? Chị nghĩ là có nhện?”
“Không, không có gì”.
“Em nghĩ chẳng có gì ngoài đá và cành cây ở trong này cả. Nhưng em cũng không chắc”.
“Nếu là cành cây khô thì lấy ra đi. Chúng ta có thể vứt vào đống củi dự trữ”.
“Vâng”.
T. J bò ra khỏi hang, đứng thẳng lên, một tay cầm thứ gì đó trông như xương cẳng chân còn tay kia cầm một cái xương sọ. Thằng bé vứt ngay xuống đất, kêu lên: “Chết tiệt!”
“Chúa ơi!”, tôi cũng kêu lên. “Không biết đây là ai nhưng họ gặp phải chuyện thật tồi tệ”.
“Chị có nghĩ đây là người đã dựng cái lán không?”, T. J hỏi.
Chúng tôi nhìn chằm chằm vào cái hộp sọ.
Tôi gật đầu: “Chị cũng đoán thế”.
Chúng tôi quay lại lều, lấy một khúc củi đang cháy để làm đuốc rồi nhanh chóng quay lại cái hang. T. J quỳ xuống, bò vào trong, một tay cầm theo cái đuốc.
“Đừng để bỏng nhé”, tôi nói với theo.
“Không đâu”.
“Em vào chưa?”
“Rồi”.
“Em thấy gì?”
“Nguyên một bộ xương. Chẳng còn gì khác trong này cả”. T. J trèo ra, đưa tôi ngọn đuốc. “Em sẽ để lại mấy cái xương vào trong hang”.
“Ý hay đấy”.
T. J và tôi quay về lều. “Một phen hết hồn”, tôi nói.
“Mất bao lâu thì xác người chỉ còn lại bộ xương?”, T. J hỏi.
“Với khí hậu nóng ẩm thế này thì không lâu lắm đâu”.
“Em tin chắc đấy là người ở cái lán gỗ kia”.
“Có lẽ em đúng. Và nếu thế thật thì chúng ta đã mất một cơ hội được cứu rồi”. Tôi lắc đầu. “Ông ấy không quay lại bởi vì ông ấy chưa bao giờ thoát được khỏi đây. Nhưng thứ gì đã giết chết ông ấy nhỉ?”
“Em chịu”, T. J ném thêm chút củi vào đống lửa, đoạn ngồi xuống cạnh tôi. “Tại sao chị không chịu chui vào hang? Ý em là trước khi nhìn thấy bộ xương ý”.
“Chị không chịu nổi những không gian kín và hẹp. Chị rất sợ. Em còn nhớ căn nhà ven hồ mà có lần chị đã kể em nghe chứ? Căn nhà mà bố chị hay đưa chị em chị đi câu đó”.
“Vâng”.
“Chị Sarah và chị luôn chơi với bọn trẻ con khi chúng đi nghỉ cùng gia đình quanh khu nhà ấy. Có một con đường chạy quanh khu hồ, và có một ống cống chạy ngầm dưới con đường đó. Bọn trẻ con toàn thách nhau bò từ đầu này sang đầu kia. Một lần, chị Sarah và chị quyết định bò qua, và thuyết phục cả bọn bò theo. Bọn chị đi được nửa đường thì chị bắt đầu hoảng sợ. Chị không thể thở nổi, đứa bò phía trước chị không chịu bò tiếp. Chị cũng không thể bò lùi lại vì vướng đứa ngay đằng sau. Lúc dó chị mới lên bảy, và cũng không lớn lắm, nhưng đường ống bé tí xíu. Cuối cùng khi qua được đầu bên kia, chị Sarah phải chạy ngay đi tìm mẹ chị bởi vì chị không ngừng khóc. Chị vẫn nhớ như in cái ngày ấy, như thể mới hôm qua”.
“Chả trách chị không dám bò vào hang”.
“Có điều chị không hiểu tại sao ngài Xương lại bò vào đó mà chết cơ chứ”.
“Ngài Xương?”
“Chị cảm thấy ông ấy cần có một cái tên. Ngài Xương nghe cũng đỡ hơn là người từ cái lán”.
“Em thấy được đấy”, T. J đáp.

Tôi ngồi cạnh lều chơi bài một mình. Khi T. J bước đến, tôi biết ngay là có điều không ổn vì thằng bé đang ôm chặt một cánh tay. Vai nó buông thõng xuống.
Tôi đứng bật dậy: “Có chuyện gì thế?”
“Em bị ngã từ trên cây dừa xuống”.
“Lại đây nào”. Tôi vòng tay qua eo thằng bé, nhẹ nhàng đỡ nó ngồi lên xuồng. Chỉ một cử động nhỏ nhất cũng làm thằng bé nhăn nhó, và nó không giấu nổi tiếng rên khi tôi đỡ nó nằm xuống, cảm giác mãnh liệt muốn được chăm sóc, muốn được làm dịu nỗi đau của T. J làm chính tôi kinh ngạc.
“Chị sẽ quay lại ngay, chị đi lấy cho em ít thuốc Tylenol”.
Tôi đổ hai viên Tylenol ra lòng bàn tay, với lấy chai nước, đổ đầy nước từ bình chứa vào. Tôi đặt thuốc vào miệng T. J, nhấc đầu thằng bé lên để nó có thể nuốt được. Thằng bé nuốt viên thuốc và chậm rãi thở đều.
“Tại sao em lại trèo cây?”
“Em cố hái mấy quả dừa xanh mà chị thích ăn”.
Tôi mỉm cười. “Em thật tốt bụng, nhưng chị e xương đòn của em bị gãy rồi. Chị sẽ đợi thuốc - Tylenol có tác dụng rồi sẽ cố định lại chỗ xương gãy của em”.
“Vâng”, thằng bé nói, mắt nhắm nghiền.
Tôi nhìn vào va li, lấy ra một chiếc áo ba lỗ màu trắng. Sau khoảng hai mươi phút tôi giúp nó ngồi dậy.
“Chị xin lỗi, chị biết là em đau lắm”.
Tôi nhẹ nhàng gập tay T. J lại, đặt vào dây đeo mà tôi vừa tạo, rồi buộc cố định lại trên vai nó. Từ từ hạ nó nằm xuống, tôi dùng ngón tay rẽ mấy lọn tóc ra khỏi mặt nó, và đặt một nụ hôn lên trán: “Cố gắng đừng cử động nhé”.
“Vâng”.
Có khi cũng chẳng đau đến thế, bởi vì khi tôi đang định rời khỏi lều thì liếc thấy một nụ cười trên mặt thằng bé.
Đêm đó tôi tỉnh dậy để thêm củi vào lửa.
“Chị Anna?”
Giọng T. J làm tôi giật bắn mình, “Ừ?”
“Chị giúp em ra khỏi lều được không? Em buồn đi vệ sinh”.
“Được chứ”.
Tôi đưa nó ra khỏi cửa lều rồi quay lại vứt thêm củi vào lửa. Khi nó quay lại, tôi đưa thêm cho nó mấy viên Tylenol.
“Em đã ngủ được tí nào chưa?”, tôi hỏi.
“Chưa”.
Sáng sớm hôm sau, quanh chỗ xương bị gãy sưng to lên và xuất hiện những vết bầm tím. Thằng bé nhăn nhó khi tôi thắt chặt lại dây đeo vai nên tôi đưa thêm Tylenol cho T. J.
Sau đó thằng bé không chịu uống thêm viên nào nữa. “Em không muốn uống quá nhiều đâu chị Anna. Biết đâu về sau mình còn cần dùng”.
Sau ba ngày thì nó cũng đỡ hơn, và đi theo tôi mọi lúc mọi nơi như một chú chó vậy. Nó xuống biển cùng tôi khi tôi đi câu cá, nó lững thững vào rừng khi tôi đi nhặt quả bánh mì, nó cứ đòi giúp một tay để đổ nước ra khỏi thùng chứa. Khi nó nhất định theo tôi đi kiếm củi, tôi bắt nó quay lại nghỉ dưới gốc dừa.
“Em sẽ không bao giờ khỏi được nếu cứ đi đi lại lại suốt thế này đâu T. J ạ”.
“Nhưng em chán lắm. Và em cũng cần phải tắm nữa. Sau khi về chị giúp em tắm nhé?”
“Cái gì? Không, chị không tắm cho em đâu”.
Kỳ cục thật.
“Chị Anna, hoặc là chị giúp em, hoặc là chị phải chịu đựng mùi của em thôi”.
Tôi ngửi ngửi người T. J. “Đúng là mùi không dễ chịu như mọi khi. Thôi được, chị sẽ giúp em, nhưng chỉ tắm hộ một số chỗ thôi nhé và cũng chỉ bởi vì em bốc mùi thôi đấy”.
Thằng bé cười nhăn nhở: “Cảm ơn chị trước”.
Ngay sau khi tôi kiếm củi về, chúng tôi cùng xuống biển. T. J vẫn mặc quần soóc và ngồi xuống vũng nước nông để nước ngập đến thắt lưng. Tôi quỳ cạnh thằng bé, xát bánh xà phòng trong tay.
“Cầm cho chị”, tôi nói, đoạn đưa cho nó bánh xà phòng.
Tôi bắt đầu xoa nhẹ nhàng trên mặt của thằng bé bằng hai bàn tay đầy xà phòng rồi chụm tay vốc nước biển để xả sạch chỗ bọt đó đi, tay tôi chạm vào hai gò má, xương hàm và phía trên môi T. J.
“Thật dễ chịu”, nó bảo.
Tôi lấy đầy nước vào cái bình nhựa mang theo, dội đầu cho T. J. Tóc nó đã mọc rất dài, nó thường xuyên phải gạt tóc khỏi mắt. T. J vẫn thích dùng cái mũ cao bồi bằng rơm của tôi để giữ cho tóc khỏi lòa xòa xuống mặt, nên tôi cũng cho nó luôn vì lâu nay tôi đã chiếm dụng cái mũ bóng chày của nó rồi.
“Ước gì chúng ta có một cái kéo”, tôi nói. “Chị sẽ cắt tóc cho em”.
Thằng bé đưa xà phòng cho tôi, và tôi lại xát đầy xà phòng ra tay. Tôi kỳ cọ cổ nó, rồi chuyển xuống vùng ngực. T. J yên lặng quan sát tôi.
Tôi kỳ cọ phía dưới cánh tay lành lặn của T. J, và cả lưng nữa. Nó không nhấc được cánh tay bị thương lên nên tôi cẩn thận làm sạch xung quanh, cố tránh những vết bầm.
“Chị xin lỗi”, tôi nói khi nhìn thằng bé nhăn mặt.
Tôi đã vô cùng sai lầm khi trót nhìn xuống dưới để kỳ cọ hai chân cho T. J. Nước ở vùng nông này rất trong nên tôi có thể thấy rõ cái gì đang cương cứng trong quần soóc. “T. J!”
“Em xin lỗi”. Thằng bé nhìn tôi vẻ ngượng ngập. “Em không giấu được những lúc thế này”.
Đợi đã, vậy thằng bé đã như thế này bao nhiêu lần rồi?
Đột nhiên tôi chẳng biết phải nhìn đi đâu nữa. Cũng không phải lỗi của T. J; tôi đã quên mất điều gì sẽ xảy ra nếu mình dùng tay trần xoa khắp cơ thể một thằng nhóc mười bảy tuổi.
Hoặc là cơ thể của bất kỳ người đàn ông nào.
“Không, không sao mà. Chị chỉ bị bất ngờ thôi. Chị cứ nghĩ em bị đau”.
Với vẻ mặt bối rối, T. J nói: “À, em đâu có làm gãy cái ấy đâu mà đau ở đó”.
Thôi được rồi, quên chuyện này đi.
Tôi kỳ cọ hai chân của T. J, rồi đến bàn chân thì phát hiện nó bị nhột. Nó giãy chân ra, bất ngờ kêu: “Ôi” vì cử động đột ngột làm phần thân trên của nó bị đau.
“Xin lỗi em. Ổn rồi, em đã sạch rồi đấy”.
“Chị không định lau khô cho em à?” Thằng bé nở một nụ cười hi vọng với tôi.
“Ha ha. Buồn cười nhỉ. Chắc em nhầm chúng ta với những người sở hữu khăn tắm”.
“Cảm ơn chị Anna”.
“Không có gì”.
Tôi giúp T. J tắm trong suốt hai tuần sau đó, cho đến khi nó khỏi hẳn và có thể tự tắm. Mỗi lần tôi lại thấy bớt ngại ngùng hơn. Nhưng tôi không bao giờ dám liếc nhìn xuống dưới để xem cơ thể của T. J có phản ứng khác gì lần đầu không.
“Có vẻ bị thương cũng không làm em khó chịu lắm nhỉ?”, tôi hỏi khi đang gội đầu cho nó.
“Không hề chút nào”, T. J vừa nói vừa ngoác miệng cười. “Nhưng chị đừng lo”, thằng bé đột nhiên nghiêm nghị một cách giả tạo: “Em sẽ trả nợ chị sớm thôi. Khi nào chị bị đau, em sẽ tắm cho chị hàng ngày”.
“Chị sẽ ghi nhớ”
Tôi cố ghi nhớ thật cẩn thận. Tắm cho T. J đã kỳ cục lắm rồi nhưng vẫn chẳng là gì khi nghĩ đến việc bàn tay trơn tuột xà phòng của nó xoa khắp người tôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 15 Mar 2019

CHƯƠNG 16 T. J


Chị Anna đang đứng cạnh cái xuồng hơi. Tôi đưa cho chị ấy con cá mà tôi vừa bắt được và cần câu vào lều. “Có còn chút nước nào trong thùng chứa không chị Anna?”
“Không”.
“Chắc trời sẽ mưa sớm”.
Chị ấy ngước nhìn bầu trời với ánh mắt lo lắng và bắt đầu làm cá. “Chị cũng hi vọng thế”.
Đã bước sang tháng Mười một, chúng tôi ở trên đảo này được năm tháng rồi. Anna bảo phải đến tháng Năm thì mới bắt đầu mùa mưa. Trời vẫn mưa, cách ngày một lần, nhưng nhanh tạnh. Chúng tôi có nước dừa để uống nhưng vẫn khát khô cả cổ.
“Ít nhất thì mình cũng biết là không bao giờ được phép uống nước dưới cái ao ấy nữa”, chị Anna vừa nói vừa nhún vai. “Thật tệ”.
“Chúa ơi, em cũng nghĩ thế. Em cứ đinh ninh là em đã ị ra cả lá lách của mình rồi chứ”.
Chúng tôi không kiểm soát được lượng mưa, nhưng đảo Maldives có hệ sinh thái vô cùng phong phú. Dừa và quả bánh mì giúp chúng tôi không chết đói, nhưng những con cá đầy màu sắc mà chúng tôi câu được mới là nguồn dinh dưỡng chính.
Tôi đứng trong vùng nước nông để mực nước ngập đến hông, bắt từng con cá một, hết con này đến con khác. Không con nào dài hơn mười lăm xen ti mét - một cái khuyên tai và một dây ghi ta thì không giữ nổi con nào to hơn thế - tôi rất lo về việc một con gì to hơn cần câu sẽ làm đứt dây câu của chúng tôi. Cũng may là chị Anna mang theo vô khối khuyên tai vì tôi đã làm mất tiêu một cái rồi.
Dù chúng tôi có đủ đồ ăn nhưng chị Anna nói khẩu phần của cả hai vẫn thiếu rất nhiều chất cần thiết.
“Chị lo cho em, T. J ạ. Em vẫn đang thời kỳ cần phát triển mà”.
“Em vẫn phát triển tốt”. Chế độ ăn của chúng tôi cũng không tồi tệ đến thế, bởi vì khi máy bay đâm xuống biển, quần soóc vẫn dài đến đầu gối tôi, nhưng bây giờ thì nó ngắn đi ít nhất là hai phẩy năm xen ti mét.
“Chắc là trong quả bánh mì có vitamin C, nếu không thì có lẽ mình đã bị bệnh scurvy 1 rồi”, chị ấy thì thầm trong hơi thở.
1 Là chứng bệnh do cơ thể thiếu vitamin C, biểu hiện qua những triệu chứng như: chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương, các vết thâm tím lan rộng trên da, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng, dễ bị kích động và trầm cảm.
“Bệnh scurvy là cái bệnh quái quỷ gì?”, tôi hỏi. “Nghe khiếp quá”.
“Do cơ thể thiếu vitamin C”, chị ấy nói. “Cướp biển và thủy thủ rất hay bị mắc bệnh này sau những ngày dài lênh đênh trên biển. Mà bệnh này thì không dễ chịu chút nào đâu”.
Chị Anna nên lo lắng hơn về sức khỏe của chị ấy. Chiếc quần bơi nhăn nhúm trên mông, còn bộ ngực dần tong teo trong lớp áo bơi chứ không còn căng đầy như trước kia nữa. Hai xương quai xanh hiện rõ mồn một, từng chiếc xương sườn cũng bắt đâu nhô ra. Tôi cố ép Anna ăn nhiều hơn, và chị ấy cũng cố gắng, nhưng quá nửa các bữa ăn tôi phải ăn nốt phần của chị ấy. Khác chị Anna, đối với tôi việc ngày nào cũng ăn những món như nhau không thành vấn đề, và tôi ăn bất cứ khi nào tôi đói.
Vào một buổi sáng vài tuần sau đố, chị Anna nói: “Hôm nay là lễ Tạ ơn”.
“Thật thế?”, tôi chẳng quan tâm lắm đến thời gian, nhưng chị Anna vẫn đếm từng ngày.
“Ừ”. Chị ấy gấp quyển sổ tay lại, đặt xuống đất. “Chị nhớ là chị chưa bao giờ ăn cá vào lễ Tạ ơn cả”.
“Cũng không ăn dừa và quả bánh mì nữa chứ”, tôi đế thêm.
“Cũng chẳng quan trọng là mình ăn gì. Lễ Tạ ơn là để bày tỏ lòng biết ơn với những thứ mình có”.
Chị ấy cố gắng vui lên khi nói điều này, nhưng ngay lập tức lại lau nước mắt và đeo kính râm vào.
Cả hai chúng tôi đều không nhắc đến ngày lễ thêm một lần nào nữa cho đến cuối ngày. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ trải qua lễ Tạ ơn trên hoang đảo; tôi cứ đinh ninh mọi người sẽ tìm thấy chúng tôi sớm hơn cơ. Chị Anna và tôi gần như không bao giờ nói đến việc giải cứu nữa - việc này chỉ càng khiến chúng tôi buồn bực mà thôi. Tất cả những gì chúng tôi làm là hi vọng một ai đó sẽ bay qua đây. Thật khó khăn khi chúng tôi không thể làm gì để kiểm soát tình trạng của mình, trừ phi quyết định rơi khỏi hòn đảo trên xuồng hơi, mà chị Anna thì sẽ chẳng bao giờ đồng ý đâu. Nhưng chị ấy nói cũng đúng. Làm thế chẳng khác gì tự sát.
Đêm hôm đó, khi đã nằm trên giương, chị ấy thầm thì: “Chị thấy rất biết ơn vì mình còn có nhau, T. J ạ”.
“Em cũng thế”.
Nếu chị Anna chết trong vụ đắm máy bay và tôi phải sống một mình trên đảo, cóc hiểu nổi tôi có sống được đến giờ không nữa.

Chúng tôi dành cả ngày Giáng sinh để đuổi gà.
Sáng hôm đó, đang lúi húi nhặt củi để vứt vào đống củi dự trữ thì bất chợt tôi hét lên như một đứa con gái khi một con gà nhảy ra khỏi bụi cây và làm tôi sự hết hồn.
Tôi cố đuổi theo nó nhưng con gà ngay lập tức biến mất vào một bụi cây. Tay tôi khua khoắng loạn xạ mà không tài nào sờ được vào nó.
“Chị Anna, âm thanh đập cánh hôm nọ chúng ta nghe thấy chính là một con gà”, vừa về đến lều là tôi nói ngay.
“Có gà trên đảo?”
“Vâng. Em đuổi theo nó vào bụi cây và nó biến mất. Buộc dây giày tennis của chị vào đi. Chúng ta sẽ có thịt gà để ăn trong bữa tối Giáng sinh!”.

“Đằng này này. Chị nghe thấy tiếng nó rồi. Chị sẽ đá vào bụi cây từ phía này, khi nào nó lao ra phía bên em là em phải sẵn sàng bắt ngay đấy nhé”, chị Anna nói, cuộc đuổi bắt giữa Người và Gà bắt đầu. Tôi và chị Anna đuổi theo con gà đến hơn một tiếng đồng hồ, từ đầu này đảo sang đầu kia, rồi cuối cùng thì cũng thu hẹp được vòng vây.
“Nó đây này”, chị ấy hét lên khi con gà đập cánh loạn xạ lao ra khỏi bụi rậm ngay cạnh tôi.
Tôi cố gắng tóm lấy nó mà chỉ tóm được một nắm lông vũ. “Chết tiệt, con gà khốn nạn kia!”.
Tôi đuổi theo nó. Chị Anna theo kịp tôi, chúng tôi lùa nó vào một vòng tròn quanh mấy bụi cây. Nó bắt đầu ngọ nguậy trong kẽ lá, nhưng chị Anna vồ lấy nó. Tôi ngay lập tức tóm chân, lôi con gà ra khỏi bụi cây, đoạn đập mạnh xuống mặt đất.
Chị Anna không bỏ lỡ một phút nào. “Khá lắm T. J!”. Chị ấy vừa khen ngợi vừa vỗ lưng tôi.
Tôi cắt tiết, dốc ngược con gà lên cho đến khi máu nó chảy hết, rồi vặt lông, cố gắng không nhìn vào đầu nó.
Chị Anna dùng dao cắt con gà thành từng miếng.
“Nhìn không giống món gà hay được bán ở cửa hàng thực phẩm gì cả”, chị ấy nói.
“Nhìn cũng ổn mà”, tôi đáp. Thực ra chị ấy làm cho con gà nham nhở, nhưng chúng tôi vẫn đặt từng miếng lên trên phiến đá gần lửa để nướng chín.
Chị ấy hít hà. “Ngửi xem này”, chị ấy nói khi thịt gà đã chín.
Sau khi thịt chín, chúng tôi làm nguội và xé ăn ngay bằng tay. Một số chỗ bị cháy, một số chỗ còn chưa chín, nhưng mùi vị vẫn tuyệt cú mèo.
“Ngon miễn chê!”, tôi vừa liếm tay vừa nói.
Chị Anna gặm hết một cái đùi gà: “Đúng thế”. Chị ấy ném mẩu xương gà vào đống xương ngay cạnh ngọn lửa, lấy mu bàn tay chùi miệng, và hỏi: “Không biết còn bao nhiêu con gà nữa nhỉ?”
“Em chịu. Nhưng mình sẽ tìm từng con một”.
“Đây là con gà ngon nhất mà chị từng ăn đấy, T. J”.
Tôi ợ một tiếng rõ to rồi cười phá lên. “Chuẩn không cần chỉnh”.
Chúng tôi dọn sạch đám xương và trải chăn ra.
“Chị thường mở quà vào đêm Giáng sinh hay buổi sáng hôm sau?”
“Đêm Giáng sinh. Còn em?”
“Em cũng thế. Đôi khi Grace và Alexis còn năn nỉ xin bóc quà từ hôm 23, nhưng mẹ em luôn bắt chúng nó đợi”.
Chúng tôi nằm bên nhau cùng thư giãn. Tôi nghĩ về Grace và Alexis, về bố mẹ tôi nữa. Chắc họ đang rất đau buồn khi trải qua lễ Giáng sinh đầu tiên thiếu vắng tôi.
Ước gì họ biết tôi và chị Anna vẫn còn sống và đang cố gắng hết sức để tồn tại qua ngày.

Những cơn mưa quay lại vào tháng Năm, khiến tôi và Anna dễ chịu hẳn. Nhưng bão cũng thường xuyên xảy ra hơn, chúng tôi không thể làm gì ngoài việc run rẩy trong chiếc xuồng hơi, lắng nghe từng tiếng sấm đì đoàng và cầu nguyện cho cơn bão sớm qua.
Một cơn bão khủng khiếp đã quật ngã một cái cây, và tôi dùng cưa tay để xẻ thân cây thành những khúc củi. Phải mất đến hai ngày tôi mới cưa xong, nhưng chỗ củi mới đã đủ để chất kín căn lều.
Tôi đi ra phía bờ biển giải tỏa cơn nóng sau khi chẻ củi. Chị Anna đang đùa giỡn dưới nước với sáu con cá heo. Nhẹ nhàng lướt tới, tôi vuốt ve một con và tôi thề là nó mỉm cười lại với tôi.
“Sáu con cơ à. Thật là kỷ lục”, tôi nói.
“Chị biết. Tất cả bọn nó đều đến hôm nay”. Lũ cá heo bơi vào vùng nước nông rất đều đặn, sáng muộn và chiều muộn. Lúc nào cũng có ít nhất hai con, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy nhiều con đến cùng một lúc như thế.
“Em đổ mồ hôi ròng ròng kìa”, chị ấy nói. “Em lại chẻ củi nữa?”
Tôi nhúng đầu xuống nước, lắc mạnh như con chó khi ngẩng đầu lên. “Vâng, em chẻ xong rồi. Còn lâu nữa mình mới lại phải đi kiếm củi”. Tôi vươn vai, hai cánh tay tôi đau nhức. “Chị bóp vai cho em được không chị Anna?”
“Lại đây nào”. Chị ấy kéo tôi ra khỏi mặt nước. “Chị sẽ mát xa lưng cho em. Tay nghề mát xa của chị nổi tiếng toàn thế giới đấy nhé”.
Tôi ngồi trước mặt chị ấy và chút nữa đã rên lên khi chị ấy chạm vào vai tôi. Anna không hề khoác lác về khả năng mát xa của mình khiến tôi tự hỏi chắc là chị ấy hay mát xa cho bạn trai nên mới giỏi thế. Tay Anna khỏe hơn tôi tưởng, và chị ấy mát xa cổ và lưng tôi rất lâu. Tôi bắt đầu tưởng tượng đến việc bàn tay của Anna vuốt ve những nơi khác trên thân thể tôi, nếu đọc được suy nghĩ đó thì chắc chị ấy sẽ nổi trận lôi đình mất.
“Đó”, chị ấy nói khi đã mát xa xong. “Em có dễ chịu không?”
“Cảm ơn chị nhiều lắm, chị Anna”.
Chúng tôi quay lại lều. Chị Anna rót một nắp dầy xà phòng giặt Woolite vào thùng chứa nước mưa trên nóc xuồng và đảo đều.
“Lại đến giờ giặt quần áo sao?”
“Ừ”.
Tôi đã bảo chị Anna chia đôi nhiệm vụ giặt giũ cho cả tôi nữa nhưng chị ấy từ chối. Chắc chị ấy không muốn để tôi chạm vào đồ lót của mình lần nữa.
Chị ấy vứt quần áo bẩn của chúng tôi vào nước xà phòng rồi bắt đầu giặt. Khi lôi từng cái một ra xếp thành đống để đợi xả, chị ấy đột nhiên hỏi: “T. J này, quần lót của em đâu hết cả thế?”
Nhắc đến quần lót thì…
“Chúng chật hết rồi, gần như đã rách cả”.
“Thế em không còn chiếc nào à?”
“Không. Em đâu có cả một va li đồ như ai đó”.
“Như thế không làm em khó chịu sao?”
“Ban đầu thì cũng có, nhưng em quen rồi”. Tôi cười nhăn nhở, chỉ vào quần soóc của mình, “Em nhốt lính đặc công trong này, chị Anna ạ”.
Chị ấy cười phá lên, “Thế hả, T. J”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 15 Mar 2019

CHƯƠNG 17 Anna


Chúng tôi đã ở trên đảo được hơn một năm cho tới khi chiếc máy bay đột ngột bay qua.
Chiều hôm đó tôi đang mải mê nhặt dừa, và tiếng động cơ ồn ào bất chợt làm tôi giật bắn mình. Vứt lại tất cả mọi thứ, tôi chạy hết sức ra bờ biển.
T. J ló khỏi bụi cây. Thằng bé lao như tên bắn về phía tôi, cả hai thi nhau vẫy tán loạn trong bất lực khi nhìn chiếc máy bay bay qua đầu mình.
Chúng tôi hét ầm ĩ, ôm nhau nhảy nhót điên cuồng, nhưng chiếc máy bay rẽ phải rồi bay đi mất. Chúng tôi đứng bất động, lắng nghe tiếng động cơ xa dần.
“Cái máy bay có nghiêng cánh không?”, tôi hỏi T. J
“Em chịu. Có không nhỉ?”
“Chị cũng không rõ. Có lẽ có”.
“Nó có phao dưới chân đúng không?”
“Đó là một chiếc thủy phi cơ”, tôi khẳng định.
“Vậy nghĩa là nó hoàn toàn có thể hạ cánh ở đây đúng không?”, nó hỏi, chỉ tay ra phía vùng nước nông.
“Chị nghĩ vậy”.
“Họ có nhìn thấy chúng ta không?”, nó lại hỏi.
T. J mặc một cái quần soóc thể thao màu ghi với hai đương kẻ sọc màu xanh lam dọc hai bên và không mặc áo, nhưng tôi đang mặc bộ bikini màu đen nên rất dễ nhìn thấy trên nền cát trắng.
“Có chứ, ý chị là, liệu em có thể không để ý thấy hai người đang vẫy tay điên cuồng về phía em?”
“Cũng có thể”.
“Họ cũng không nhìn thấy ngọn lửa của mình”, tôi nói. Chúng tôi chưa kịp phá cái lều, cũng chẳng kịp vứt lá xanh vào để tạo thêm khói. Thậm chí tôi còn không chắc chúng tôi có chút lá xanh nào trong lều không nữa.
Chúng tôi ngồi im lặng không nói năng gì trên bãi biển suốt hai tiếng sau, cố lắng nghe tiếng động cơ máy bay.
Cuối cùng, T. J đứng lên. “Em sẽ đi câu cá”. Giọng nó nghe trống rỗng.
“Ừ”, tôi nói.
Sau khi thằng bé đi, tôi bước về phía cây dừa nhặt lại những quả mà lúc trước tôi vừa ném xuống. Trên đường trở về lều, tôi dừng lại ở cây bánh mì và nhặt hai quả, rồi mang tất cả về lều. Tôi nhóm cho lửa to lên, đợi T. J.
Khi thằng bé trở về, tôi làm sạch và nấu cá cho bữa tối, nhưng cả hai chúng tôi đều không muốn ăn. Tôi rơm rớm nước mắt, thở dài thườn thượt trong khi T. J lững thững bước vào rừng
Tôi nằm xuống chiếc xuồng hơi, cuộn tròn lại và khóc một mình.
Tất cả những hi vọng mà tôi vẫn cố níu kéo kể từ ngày máy bay rơi xuống đây đã vỡ tan thành trăm mảnh trong ngày hôm nay, tựa hồ như ai đó đã dùng búa tạ đập vỡ một khối thủy tinh trong lòng tôi. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng nếu có thể ở trên bãi biển khi chiếc máy bay tiếp theo bay qua thì chúng tôi sẽ được giải cứu. Có thể họ không nhìn thấy chúng tôi. Cũng có thể họ thấy, nhưng không nghĩ chúng tôi là những người mất tích, chẳng còn nghĩa lý gì vì họ sẽ không bao giờ quay lại nữa.
Nước mắt tôi khô dần, tôi tự hỏi hay là mình đã khóc cạn nước mắt rồi. Tôi bò khỏi xuồng hơi. Mặt trời đã lặn, T. J đang ngồi bần thần bên ngọn lửa, tay phải đặt hững hờ trên đùi.
Tôi lại gần hơn. “Ôi T. J, tay em bị gãy à?”
“Chắc thế”.
Không rõ thằng bé đã đấm vào đâu - tôi đoán là một thân cây - nhưng cú đấm đã khiến cho các khớp ngón tay chảy đầy máu và bàn tay sưng vù lên.
Tôi tìm hộp cứu thương, lấy ra hai viên Tylenol cùng chút nước.
“Em xin lỗi”, nó nói mà không nhìn vào tôi. “Điều cuối cùng chị cần vào lúc này là một cái xương gãy để chăm sóc”.
“Nghe này”, tôi vừa nói vừa quỳ xuống trước mặt T. J. “Chị sẽ không bao giờ phán xét bất cứ điều gì em làm miễn em cảm thấy dễ chịu hơn, được chứ?”
Cuối cùng thằng bé cũng chịu nhìn tôi, gật đầu và cầm lấy hai viên Tylenol. Tôi đưa cho nó chai nước để uống thuốc. Sau đó tôi ngồi xếp chân bằng tròn cạnh nó, lặng lẽ ngắm nhìn những tàn lửa tí tách bắn lên từ ngọn lửa.
“Chị giải tỏa bằng cách nào?”
“Chị khóc”.
“Có tác dụng không?”
“Thỉnh thoảng”.
Tôi nhìn chằm chằm vào bàn tay gãy, cố gắng ngăn lại ham muốn được rửa sạch máu và nâng niu nó trong tay mình. “Chị từ bỏ hi vọng rồi T. J ạ. Có lần em đã nói sẽ dễ dàng hơn nếu mình không nghĩ là họ sẽ quay lại và em đã đúng. Chiếc máy bay lần này cũng sẽ không quay lại. Một chiếc máy bay phải hạ cánh xuống vùng nước nông thì chị mới dám tin là mình sẽ rời khỏi hòn đảo này. Cho đến lúc đó sẽ chỉ có chị và em. Đó là điều duy nhất chị biết chắc”.
“Em cũng từ bỏ rồi”, T. J thì thầm.
Tôi nhìn nó, tan nát về cả thể xác lẫn tinh thần, hóa ra tôi vẫn còn có nước mắt để khóc.
Sáng hôm sau tôi xem lại tay thằng bé. Bàn tay đã sưng to gấp đôi hôm qua.
“Cần phải cố định lại”, tôi nói. Tôi nhặt lấy một cành củi ngắn ở đống củi, đoạn bới tung va li lên để tìm mảnh vải nào đó có thể quấn quanh được. “Chị sẽ không quấn chặt nhưng vẫn hơi đau một chút đấy”.
“Không sao mà”.
Tôi đặt que củi xuống dưới bàn tay nó rồi nhẹ nhàng quấn miếng vải đen qua mu bàn tay, quấn thêm hai vòng rồi thất nút bên dưới.
“Chị quấn tay em bằng cái gì vậy?”, T. J hỏi.
“Quần lọt khe của chị”, tôi ngẩng lên nhìn nó. “Em nói đúng; mặc nó rất không thoải mái. Nhưng để cứu thương thì tuyệt”.
T. J hơi nhếch mép. Nó nhìn thẳng vào tôi, đôi mắt nâu lấp lánh thứ ánh sáng vui vẻ mà tôi không thể tìm thấy tối hôm trước. “Một ngày nào đó em sẽ thấy đây là một câu chuyện thật buồn cười cho xem”, tôi nói.
“Chị biết không chị Anna? Em đã thấy buồn cười rồi.”

T. J tròn mười tám vào tháng Chín năm 2002. Nhìn nó không hề giống thằng bé mà tôi đã cùng bị đắm máy bay và rơi xuống đại dương mười lăm tháng trước nữa rồi.
Có điều, T. J thực sự cần cạo râu. Râu nó đã dài hơn kiểu ria mép lún phún rất nhiều, nhưng vẫn ngắn hơn một bộ râu quai nón. Nhìn thằng bé càng đẹp trai hơn. Tôi cũng không rõ nó thích để râu, hay chỉ đơn giản là không buồn cạo.
Tóc trên đầu nó đã mọc dài ra, đến mức nó sắp có thể buộc đuôi ngựa được, và đã bị ánh mặt trời gay gắt trên đảo tẩy thành màu nâu sáng. Tóc tôi cũng đã mọc dài đến giữa lưng khiến tôi phát điên. Tôi cố dùng dao cắt bớt nhưng lưỡi dao cùn và không có răng cưa không tài nào cắt nổi tóc tôi.
Mặc dù rất gầy nhưng T. J cũng cao thêm được năm xen ti mét, tức là cao hơn một mét tám.
Nhìn nó cũng già dặn hơn. Bản thân tôi đã bước sang tuổi ba mốt từ tháng Năm, nên chắc cũng già đi nhiều. Tôi không biết chắc vì tấm gương duy nhất tôi mang theo nằm trong hộp đồ trang điểm và nó đang trôi nổi đâu đó ngoài đại dương kia.
Tôi cố ép mình đừng hỏi xem T. J cảm thấy thế nào, hoặc nó có thấy bất cứ biểu hiện gì của bệnh ung thư không, nhưng tôi luôn theo dõi nó kỹ lưỡng. Nó có vẻ vẫn ổn, vẫn cao lớn ngay cả với chế độ dinh dưỡng tồi tệ hiện nay của chúng tôi.

Người đàn ông trong giấc mơ của tôi rên rỉ khi tôi hôn lên cổ anh ấy. Anh ấy vòng tay ôm tôi, đặt tôi nằm xuống, và hôn lên môi tôi. Nụ hôn ấy khiến tôi choàng tỉnh giấc.
T. J đang nằm trên người tôi. Chúng tôi nằm trên cái chăn dưới gốc dừa nơi nghỉ trưa. Tôi nhận thấy việc mình vừa làm và ngọ nguậy dưới người nó, mặt nóng bừng. “Chị vừa nằm mơ”.
Thằng bé nằm vật xuống, thở dốc.
Tôi đứng bật dậy, đi ra sát mặt nước, ngồi bệt xuống bãi cát. Khá lắm Anna ạ. Tấn công thằng bé trong lúc nó đang ngủ.
Vài phút sau thì T. J đi tới.
“Chị xấu hổ quá”, tôi nói.
Thằng bé ngồi xuống. “Đừng thế mà”.
“Chắc em thắc mắc lắm là chị đang làm cái quái quỷ gì”.
“À, vâng, nhưng sau đó em cũng nhập cuộc”.
Tôi nhìn thằng bé, miệng há hốc: “Em có điên không?”
“Gì cơ? Chính chị đã nói em là người dễ thích ứng với hoàn cảnh mà”.
Đúng vậy, và cũng khá cơ hội nữa.
“Bên cạnh đó”, T. J nói. “Chị cũng thích ôm mà. Làm sao em biết được chị định làm gì? Dễ nhầm lẫn lắm”.
Nỗi xấu hổ của tôi lại tăng thêm một bậc. Tôi thường xuyên tỉnh dậy giữa đêm, thấy mình nằm sát vào người T. J, cơ thể nó cuộn tròn lấy cơ thể tôi, và tôi đoán là nó ngủ rất ngon lành với tư thế đó.
“Chị xin lỗi. Hoàn toàn là lỗi của chị. Chị không cố ý làm em hiểu nhầm”.
“Không sao đâu mà chị Anna. Có vấn đề gì to tát đâu”.
Cả ngày hôm đó tôi cố gắng tránh xa T. J, nhưng đến đêm khi đã nằm trên xuồng, tôi nói với nó: “Em đúng về việc chị thích được ôm. Chỉ là chị đã quen ngủ với một người khác rồi. Chị đã ngủ cạnh anh ấy quá lâu”.
“Đó là người mà đêm qua chị mơ thấy?”
“Không. Một giấc mơ kỳ quặc và vô nghĩa, chị không biết rõ đấy là ai. Nhưng chị thực sự xin lỗi em”.
“Chị không cần phải xin lỗi mãi như thế đâu chị Anna. Em chỉ nói là em thấy bối rối thôi chứ có nói là không thích đâu”.
Ngày hôm sau khi từ bãi biển về, tôi nhìn thấy T. J đang loay hoay dùng dao để bậy cái niềng răng ra. “Em có cần chị giúp không?”
Nó nhổ một miếng kim loại nhỏ ra khỏi miệng, bắn đến một đống vài miếng đang nằm lăn lóc trên mặt đất,
“Không cần ạ”.
“Đúng ra thì lúc nào em phải tháo?”
“Sáu tháng trước. Em quên phéng mất cho đến tận hôm qua”.
Đến lúc đó tôi mới biết thứ đã đánh thức tôi dậy vào đêm hôm qua. Lần cuối cùng tôi hôn một chàng trai đeo niềng răng là từ hồi cấp ba.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 15 Mar 2019

CHƯƠNG 18 T. J


Khi chị Anna tìm thấy tôi, tôi đang đứng trước cái lán của ngài Xương. Mồ hôi chảy nhễ nhại hai bên thái dương chị ấy.
“Chị đuổi theo con gà khắp cả đảo nhưng nó chạy nhanh quá. Bằng mọi cách chị phải bắt được nó”. Chị ấy dừng lại, chống hai tay lên đầu gối, cố gắng thở. Chị ấy nhìn tôi: “Em đang làm gì đấy?”
“Em muốn dỡ ngôi nhà này xuống đem củi về trên bãi biển để xây nhà cho chúng ta”.
“Em có biết xây nhà không?”
“Không, nhưng em có thừa thời gian tìm cách. Nếu cẩn thận, em có thể dùng lại tất cả gỗ và đinh của căn lán này. Em sẽ làm một mái hiên với tấm vải dù để lửa không bị dập tắt”. Tôi xem xét cái bản lề trên cánh cửa, tự hỏi liệu còn có thể dùng lại được không. “Em cần có việc gì đó để làm chị Anna ạ”.
“Chị nghĩ đó là ý hay”.
Chúng tôi mất tới ba ngày để dỡ cái lán và mang hết gỗ về bãi biển. Tôi lôi tất cả đinh cũ ra, cất vào hộp dụng cụ.
“Chị không muốn ở gần rừng”, chị Anna nói. “Chị sợ lũ chuột lắm”.
“Được thôi”. Tôi không thể xây nhà trên cát vì cát sẽ lún. Vậy nên chúng tôi chọn một điểm ở giữa khu rừng và bãi cát, nơi có đất. Chúng tôi đào móng, thật tệ hại khi không có xẻng. Tôi dùng đầu nhọn của cái búa để lôi từng mẩu đất lên, còn chị Anna đi đằng sau tôi xúc từng mẩu đất vào cái bình chứa bằng nhựa.
Tôi dùng cưa cùn cắt từng mảnh gỗ thành kích cỡ mình muốn, chị Anna giữ những tấm ván khi tôi đóng đinh.
“Chị mừng là em quyết định làm việc này”, chị ấy nói.
“Chắc cũng phải lâu lâu em mới làm xong”.
“Không sao”.
Chị Anna lấy thêm mấy cái đinh từ trong hộp dụng cụ và đưa cho tôi, rồi nói: “Cần giúp gì cứ bảo chị nhé”.
Chị ấy nằm vươn vai trên tấm chăn gần đấy rồi nhắm mắt lại. Tôi ngắm chị ấy vài phút, lướt mắt từ chân lên bụng rồi lên ngực chị ấy, tự hỏi liệu da Anna có mềm như tôi vẫn tưởng tượng không. Tôi nhớ đến đêm hôm trước, khi chị ấy hôn tôi dưới tán cây dừa. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác tuyệt vời ấy. Đột nhiên chị ấy mở choàng mắt và nhìn tôi. Ngay lập tức tôi nhìn đi chỗ khác. Không thể đếm nổi chị ấy đã bắt gặp tôi nhìn trộm bao nhiêu lần rồi. Chẳng bao giờ chị ấy nói về chuyện đó, cũng không bắt tôi dừng nhìn trộm, càng thêm một lý do khiến tôi thích Anna hơn.

Đã bước sang năm thứ hai ở trường trung học của tôi và chị Anna rất phiền lòng vì tôi phải bỏ học nhiều quá.
“Chắc là em sẽ phải thi lấy bằng ĐTC. Chị cũng không thấy ngạc nhiên nếu em chọn phương án này thay vì quay lại học hết trung học”.
“Bằng ĐTC?”
“Bằng Đào Tạo chung. Đôi khi những học sinh phải bỏ học giữa chừng chọn phương án này thay vì quay lại trường. Nhưng đừng lo, chị sẽ giúp em”.
“Vâng”. Tôi cóc thèm quan tâm đến trường học với bằng cấp, nhưng có vẻ nó quan trọng với chị Anna.
Ngày hôm sau, trong lúc đang xây nhà, chị Anna hỏi: “Em có định cạo râu không?” chị ấy dùng mu bàn tay xoa xoa bộ râu của tôi. “Em không thấy nóng à?”
Hi vọng râu tôi đủ rậm để che bớt khuôn mặt đang đỏ bừng lên. “Em chưa bao giờ cạo râu cả. Lúc nó mới mọc lún phún thì đã rụng hết rồi vì hóa trị. Khi chúng ta rời khỏi Chicago, râu em mới bắt đầu mọc lại”.
“Giờ thì đầy mặt rồi này”.
“Em biết. Nhưng mình không có gương nên em chẳng biết phải làm thế nào”.
“Thế sao em không nhờ chị? Em biết là chị sẽ giúp em mà”.
“Tại vì em ngại”.
“Đi nào”, chị ấy vừa nói vừa kéo tay tôi về phía sau lều. Chị ấy mở va li, lấy ra một lưỡi dao cạo cùng kem cạo râu mà chị ấy thường dùng để cạo lông chân. Chúng tôi đi về phía biển.
Chúng tôi ngồi mặt đối mặt. Anna bơm một chút kem vào lòng bàn tay rồi bôi lên mặt tôi, sau đó tán đều ra. Chị ấy đặt một tay sau đầu tôi, kéo tôi nghiêng lại gần chị ấy, và bắt đầu cạo bên trái mặt tôi chậm chạp, cẩn thận.
“Nói cho em biết”, chị ấy bảo. “Chị chưa bao giờ cạo râu cho bất cứ người đàn ông nào đâu. Chị sẽ cố không cắt vào thịt em, nhưng không hứa trước đâu nhé”.
“Dù sao thì cũng hơn em tự cạo”.
Mặt chúng tôi cách nhau có vài phân, tôi nhìn thẳng vào mắt chị ấy. Đôi lúc chúng màu xám, có lúc lại màu xanh lam. Hôm nay là màu xanh lam. Tôi chưa bao giờ để ý lông mi chị ấy lại dài đến thế. “Mọi người có hay khen mắt chị không?”, tôi buột miệng.
Ngả ra sau, chị ấy rửa lưỡi dao bằng nước và đáp: “Đôi khi”.
“Mắt chị đẹp thật. Da chị càng rám nắng thì chúng càng trở nên xanh hơn”.
Anna cười: “Cảm ơn em”. Chị ấy vốc nước lên tay để xả hết kem cạo râu trên mặt tôi.
“Vẻ mặt này là có ý gì?”
“Vẻ mặt nào cơ?”
“Em đang nghĩ gì đúng không?”, Anna chỉ vào đầu tôi. “Chị thậm chí còn nhìn thấy ý nghĩ của em hiện cả lên mặt đây này”.
“Là khi chị nói chị chưa bao giờ cạo râu cho bất cứ người đàn ông nào. Chị coi em như một người đàn ông đúng không?”
Chị ấy dừng lại một chút trước khi trả lời: “Chị không coi em là một cậu bé”.
Tốt, vì tôi đâu có còn là một cậu bé.
Chị ấy lấy thêm ít kem cạo râu, nhẹ nhàng cạo nốt râu trên mặt tôi. Khi cạo xong, chị ấy nâng cằm tôi lên rồi nghiêng mặt tôi từ bên này qua bên kia, đoạn dùng mu bàn tay lướt nhẹ trên da mặt tôi.
“Xong rồi”, chị ấy nói. “Chị cạo sạch râu cho em rồi”.
“Cảm ơn chị. Chưa gì em đã thấy mát hơn”.
“Không có gì. Cứ nói với chị khi nào em muốn cạo râu lân nữa nhé”. *

Vào một đêm, tôi và chị Anna cùng nằm dài trên xuồng, tâm sự trong bóng tối.
“Chị nhớ nhà lắm”, chị Anna nói. “Chị luôn có một giấc mơ cứ chiếu đi chiếu lại trong đầu mãi. Chị tưởng tượng một chiếc máy bay sẽ hạ cánh ở vùng nước nông này khi chị và em đang ở ngay trên bờ biển, chúng ta bơi ra máy bay, người phi công không tin nổi chúng ta còn sống. Chúng ta bay đi và ngay khi tìm được điện thoại, chúng ta gọi về nhà. Em có tưởng tượng nổi mọi người sẽ phản ứng thế nào không? Được tin báo tử của một người thân, đã tổ chức lễ tang cho họ, rồi đột nhiên một ngày được nghe giọng họ qua điện thoại?”
“Chịu, em không thể tưởng tượng nổi”. Tôi nằm sấp xuống, chỉnh lại đệm ghế dưới đầu. “Em cá là chị ước gì đã không nhận lời dạy kèm em”.
“Chị nhận lời dạy em vì đây là một cơ hội tuyệt vời để đến một nơi mà chị chưa bao giờ được đến. Chẳng ai có thể đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra cả”.
Tôi gãi gãi vết muỗi đốt trên chân. “Chị sống với anh ấy à? Chị nói là chị ngủ cạnh anh ấy”.
“Ừ”.
“Chắc anh ấy không muốn chị đi xa lâu đến thế đâu nhỉ”.
“Ừ”.
“Nhưng chị vẫn muốn đi?”
Chị ấy im lặng đến hơn một phút. “Chị thấy nói chuyện này với em cứ kỳ cục thế nào ấy”.
“Tại sao? Chị nghĩ là em quá trẻ để hiểu mấy chuyện này?”
“Không phải. Mà vì em là đàn ông nên chị không biết liệu em có hiểu hết những điều chị nói không”.
“Ồ, xin lỗi chị”. Nhẽ ra tôi đừng nên nói thế. Chị Anna luôn làm tôi dễ chịu vì không đối xử với tôi như với một thằng nhãi ranh.
“Tên anh ấy là John. Chị muốn kết hôn, nhưng anh ấy chưa sẵn sàng, mà chị thì quá mệt mỏi vì cứ phải chờ đợi. Chị nghĩ là nếu chị đi đâu đó một thời gian thì sẽ tốt cho cả hai. Tốt cho việc ra quyết định nữa”.
“Hai người yêu nhau lâu chưa?”
“Tám năm”, giọng chị ấy nghe có vẻ bối rối. “Thế là anh ấy không bao giờ muốn kết hôn?” “Chị thì nghĩ anh ấy không muốn kết hôn với chị thôi”.
“Ổ”.
“Chị không muốn nói về John nữa. Thế còn em. Em có người yêu ở Chicago chứ?”
“Không còn nữa rồi. Em từng hẹn hò với một bạn tên là Emma. Em gặp bạn ấy ở bệnh viện”. “Cô bé ấy cũng bị ung thư hạch bạch huyết?” “Không. Bạn ấy bị bạch cầu cấp. Bạn ấy ngồi ở ghế ngay cạnh em vào ngày đầu tiên em hóa trị. Sau đấy thì bọn em dành rất nhiều thời gian bên nhau”.
“Cô bé bằng tuổi em?”
“Trẻ hơn một chút. Mười bốn tuổi”.
“Cô bé là người như thế nào?”
“Là người ít nói. Em thấy Emma rất xinh đẹp dù lúc đó bạn ấy đã rụng hết tóc. Bạn ấy căm thù việc bị rụng tóc nên lúc nào cũng đội mũ. Khi tóc em rụng hết thì Emma mới hết xấu hổ. Sau đó thì bọn em luôn để đầu trần khi ngồi với nhau và chẳng thèm quan tâm đến việc đó”.
“Chắc bị rụng hết tóc làm em buồn lắm”.
“Em nghĩ con gái sẽ thấy buồn hơn. Emma đã cho em xem ảnh cũ của bạn ấy với mái tóc vàng dài óng ả”.
“Em và bạn ấy cố ở bên nhau khi không phải hóa trị không?”
“Có. Emma biết mọi ngóc ngách trong bệnh viện. Các y tá thường lơ đi mỗi khi bắt gặp bọn em hôn nhau. Bọn em thường leo lên nóc bệnh viện để ngồi tắm nắng. Em rất muốn đưa bạn ấy ra ngoài chơi nhưng hệ miễn dịch của bạn ấy không cho phép đến những nơi đông người. Có đêm các y tá cho bọn em xem phim trong một phòng trống. Bọn em nằm trên cùng một giường và thưởng thức bắp rang bơ mà các y tá chuẩn bị.
“Cô bé ốm nặng lắm à?”
“Lúc bọn em mới gặp thì Emma vẫn ổn, nhưng sáu tháng sau đó thì bạn ấy ốm nặng lắm. Em vẫn nhớ một đêm bạn ấy gọi điện thoại, kể cho em nghe những việc bạn ấy muốn làm. Và nói rằng bạn ấy sợ mình sắp chết rồi”.
“Ôi, T. J”.
“Sau đó thì Emma cũng sống được đến sinh nhật mười lăm tuổi. Nhưng bạn ấy muốn sống đến khi mười sáu để được đi thi bằng lái xe. Bạn ấy cũng muốn đến buổi dạ hội hoặc bất cứ một buổi khiêu vũ nào của trường”. Tôi ngẩn ngơ, nhưng nằm cạnh Anna trong bóng đêm khiến tôi muốn tâm sự nhiều hơn. “Emma nói với em rằng muốn làm chuyện ấy, để biết cảm giác sẽ ra sao. Sau đó thì bạn ấy được chuyển ra một phòng riêng. Em nghĩ y tá biết mong muốn của bạn ấy, mà cũng có thể bạn ấy đã nói với y tá, nên họ để bọn em ở riêng trong phòng. Em đã hoàn thành được một ước nguyện trong danh sách, Emma qua đời ba tuần sau đó”.
“Thật buồn, T. J”. Giọng chị Anna nghe như kiểu đang cố kìm nén để không khóc. “Em có yêu cô bé đó không?”
“Em cũng không biết nữa. Em rất quan tâm tới Emma, nhưng đó là một khoảng thời gian kỳ lạ. Hóa trị đã không còn tác dụng nữa, nên em bắt đầu phải xạ trị. Em đã sợ phát khiếp khi bạn ấy chết. Nếu em yêu Emma thì em có biết không hả chị Anna?”
“Có chứ”, chị ấy thì thầm.
Đã lâu lắm rồi tôi không nghĩ về Emma. Nhưng tôi không hề quên em; dù sao thì đó cũng là lần đầu tiên của tôi.
“Thế chị đã quyết định thế nào về chú ấy rồi hả chị Anna?”
Chị ấy im lặng. Có thể chị ấy không muốn nói chuyện với tôi, hoặc có thể chị ấy đã ngủ rồi. Tôi lắng nghe tiếng sóng vỗ vào rặng san hô, tạo nên một âm thanh du dương khiến tôi rất dễ chịu, và tôi nhắm mắt lại ngủ một giấc cho đến tận khi ánh nắng mặt trời đánh thức tôi dậy vào sáng hôm sau.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 15 Mar 2019

CHƯƠNG 19 Anna


“Chị có muốn chơi poker không?”, T. J hỏi.
”Chơi, nhưng chị để bộ bài dưới biển rồi”.
“Em sẽ đi lấy”, nó đáp.
“Thôi không cần đâu. Đằng nào chị cũng đi tắm. Trên đường về chị sẽ mang về”. Tôi rất ghét phải lại gần khu rừng khi trời đã tối, mà chỉ còn có khoảng hai phút nữa là mặt trời lặn.
Tôi vừa mới cầm lấy bộ bài thì chuyện xảy ra. Tôi không thấy nó bay lại gần, chắc nó phải bay nhanh lắm bởi con dơi ấy lao bổ vào đầu tôi khiến tôi gần như ngã. Phải mất mấy giây tôi mới biết được con gì vừa đâm vào mình, và rồi tôi hét ầm lên. Tôi hoảng sợ tột độ, hai tay bới tung mái tóc lên để đuổi nó ra.
T. J chạy lại phía tôi. “Có chuyện gì thế?” Trước khi tôi kịp trả lồi thì con dơi đã cắm phập răng vào tay tôi khiến tôi hét to hơn. “Có con dơi trong tóc chị”, tôi hét khi vết cắn trên bàn tay đã bắt đầu đau nhức. “Nó cắn chị!”
T. J cố gắng gạt con dơi ra. Tôi lắc mạnh đầu cố để làm nó rơi xuống. Khi quay lại, T. J dúi đầu tôi xuống cát cho đến khi tôi nằm thẳng dơ.
“Đừng cử động”, T. J nói rồi vòng tay qua đầu tôi. Sau đó nó đâm lưỡi dao vào con dơi, con dơi ngừng cử động tức thì. “Chị cứ nằm yên để em lôi nó khỏi tóc chị”.
“Nó chết chưa?”, tôi hỏi.
“Rồi”.
Tôi nằm im. Tim tôi dập thình thịch và tôi sợ chết khiếp nhưng vẫn cố gắng nằm im để T. J gỡ con dơi ra.
“Nó ra rồi này”.
Ánh trăng mờ ảo khiến chúng tôi không thể nhìn rõ con dơi, nên T. J quay về lều lấy một que củi đang cháy dở để làm đuốc. Nó rọi vào xác con dơi.
Con dơi nhìn thật kinh tởm, với thân màu nâu nhạt, hai cánh to đen, tai nhọn hoắt và hàm răng sắc. Giữa thân nó là một vết thương hở. Đám lông quanh miệng nó ướt nhẹp và đầy nhớt.
“Chị lại đây”, T. J nói. “Để em lấy hộp cứu thương”.
Chúng tôi quay lại lều và ngồi bên ngọn lửa.
“Đưa tay cho em xem nào”.
Nó rửa sạch vết cắn với giấy thấm cồn, bôi thuốc mỡ kháng sinh, và băng lại. Tay tôi run rẩy.
“Có đau không?”
“Có”.
Tôi có thể chịu được đau, nhưng cứ nghĩ đến việc vi khuẩn đang lây lan trong mạch máu mình là tôi lại hoảng sợ.
Chắc T. J cũng nghĩ đến việc đó, bởi vì trước khi đi ngủ tôi thấy nó đặt lưỡi dao vào ngọn lửa và để thế cả đêm.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 15 Mar 2019

CHƯƠNG 20 T. J


Sáng hôm sau, chị Anna đã tỉnh dậy và ngồi cạnh đống lửa khi tôi đi câu về.
“Tay chị thế nào rồi?”
Chị ấy giơ tay lên, tôi bốc miếng băng cá nhân ra.
“Nhìn cũng không tệ lắm”, tôi bình luận, vết cắn đã đọng máu khô và tay chị ấy sưng hơn sau một đêm. “Em sẽ rửa lại lần nữa rồi thay một cái băng khác nhé?”
“Ừ”.
Tôi lại dùng giấy thấm cồn lau qua vết cắn. “Nhìn chị mệt quá”, tôi nói khi nhìn thấy vết thâm quầng dưới mắt Anna.
“Chị ngủ không ngon lắm”.
“Chị có muốn ngủ thêm một chút không?”
Chị ấy lắc đầu. “Chị sẽ ngủ sau”.
Tôi băng một miếng băng cá nhân mới. “Xong rồi, ổn rồi chị nhé”.
Chắc Anna không nghe thấy tôi nói gì, vì chị ấy cứ nhìn lơ đễnh đi đâu đó và im lặng.
Sáng hôm đó, tôi dựng xong khung của căn nhà và bắt đầu dựng tương. Cây bánh mì có nhựa dai dai màu sữa, và tôi dùng nó để bịt các vết nứt.
Chị Anna cùng làm với tôi - giữ tấm ván hoặc đưa đinh - trong im lặng.
“Hôm nay chị có vẻ ít nói”, tôi lên tiếng.
“Ừ”
Tôi đóng đinh xuống tấm ván để cố định nó vào khung nhà và hỏi: “Chị đang lo về vết cắn?”
Chị ấy gật đầu: “Nhìn con dơi nọ có vẻ bị bệnh T. J ạ”.
Tôi đặt búa xuống, quệt mồ hôi. “Nhìn nó không ổn lắm thật”, tôi thú nhận.
“Em có nghĩ là nó bị dại không?”
Tôi đặt miếng ván tiếp theo xuống rồi nhặt búa lên: “Không, em chắc chắn là nó không bị dại đâu”. Nhưng tôi biết là đôi khi dơi cũng mang theo mầm bệnh.
Chị Anna hít một hơi sâu, “Chị đoán là sẽ phải đợi thôi. Nếu trong vòng một tháng tới mà chị không bị ốm thì chị sẽ ổn”.
“Sẽ có các dấu hiệu gì?”
“Chị cũng không biết nữa. Chắc là sẽ bị sốt. Hoặc bị co giật. Căn bệnh sẽ phá hủy hệ thống thần kinh”.
Tôi nghe mà phát khiếp. “Em sẽ phải làm gì nếu như chị ốm?”, tôi cố nhớ lại những loại thuốc trong hộp cứu thương.
Chị Anna lắc đầu: “Em chẳng làm được gì cả T. J ạ”.
“Tại sao không?”
“Bởi vì nếu như không có thuốc phòng dại thì chắc chắn sẽ chết”.
Tôi không thở nổi vì sợ, cứ như thể gió đã thổi bạt hơi thở của tôi đi. “Giờ em mới biết điều ấy”. Anna gật đầu, mắt đầy nước. Tôi ném cái búa xuống và đặt tay lên vai chị ấy: “Chị đừng lo”, tôi nói, “Chị sẽ ổn thôi”.
Tôi cũng không biết liệu Anna có ổn không, nhưng cả hai chúng tôi đều cần phải có niềm tin.
Tôi đếm năm tuần tới và khoanh tròn ngày vào trong quyển sổ tay của chị Anna. Chị ấy muốn đợi lâu hơn một tháng để chắc chắn.
“Nếu đến lúc đó mà vẫn không có hiện tượng gì”, tôi nói, “thì nghĩa là chị ổn đúng không?”
“Chị đoán thế”.
Tôi gập quyển sổ tay lại, cất vào trong va li của chị.
“Vậy bây giờ chúng ta cứ sống như mọi ngày đi”, Anna nói. “Chị không muốn suốt ngày cứ nghĩ về việc này”.
“Được thôi, miễn chị thấy dễ chịu là được”.
Nhẽ ra Anna phải là diễn viên điện ảnh thay vì là cô giáo mới phải. Ngày qua ngày, chị ấy diễn những nụ cười tươi như thể chẳng có gì phiền muộn. Chị ấy cố giữ cho mình bận rộn, chơi với lũ cá heo hàng giờ liền hoặc giúp tôi xây nhà. Nhưng chị ấy không ăn gì, và rất khó ngủ về đêm.
Một đêm vào hai tuần sau đó, tôi tỉnh dậy khi Anna bò ra khỏi xuồng. Chị ấy luôn tỉnh dậy ít nhất một lần giữa đêm để ném thêm củi vào lửa, nhưng bao giờ cũng trở lại xuồng ngay. Lần này thì không thế, nên tôi ra ngoài để tìm chị ấy. Tôi bắt gặp Anna đang ngồi im lìm trong lều, mắt đăm đăm nhìn ngọn lửa.
“Này”, tôi vừa nói vừa ngồi xuống cạnh chị ấy. “Có chuyện gì vậy?”
“Chị không ngủ được”, chị Anna dùng một que củi khều khều ngọn lửa.
“Chị vẫn thấy khỏe chứ?”, tôi cố giữ giọng bình tĩnh. “Chị không bị sốt đúng không?”
Chị ấy lắc đầu. “Không, chị ổn, thật mà. Em đi ngủ đi”.
“Em không thể ngủ lại nếu như không có chị bên cạnh”.
Anna nhìn tôi sửng sốt: “Thật ư?”
“Thật. Em không thích chị cứ ngồi ngoài này một mình. Em cảm thấy lo cho chị. Chị cũng không cần phải thêm củi vào lửa hàng đêm đâu. Sáng hôm sau em có thể nhóm lửa lại mà”.
“Nó đã thành thói quen rồi”, chị ấy đứng dậy. “Đi nào. Ít nhất thì một trong hai chúng ta cũng cần phải ngủ”.
Tôi theo chị Anna vào xuồng và sau khi nằm xuống, chị ấy đắp chăn cho cả hai. Chị ấy mặc quần soóc và áo phông của tôi, nhanh chóng tìm được tư thế thoải mái khi chạm chân vào chân tôi. Chị ấy không hề rụt lại, tôi cũng thế.
Chúng tôi nằm im lặng trong bóng đêm, chạm chân vào nhau, và chẳng ai ngủ được gần như suốt đêm.
Anna đã đồng ý sẽ không thức dậy vào buổi đêm nữa, và vào một buổi sáng vài tuần sau, sau khi nhóm lửa, tôi nói: “Chị Anna, em ước gì chị có thể đo thời gian cho em. Em cá là bây giờ em nhóm lửa trong chưa đầy năm phút”.
“Lại thể hiện rồi”.
Chị ấy vừa nói vừa cười. Càng gần đến ngày khoanh trên lịch thì chị ấy càng phấn chấn hơn.
Khi năm tuần đã trôi qua, tôi cầm tay chị ấy và dùng ngón cái lần theo vết sẹo. “Em nghĩ là chị sẽ ổn thôi”, tôi nói. Và lần này thì tôi thật lòng tin thế.
Chị ấy mỉm cười: “Chị cũng nghĩ vậy”.
Hôm đó chị ấy làm sạch hẳn ba con cá cho bữa trưa.
“Chị vẫn đói? Em câu thêm cá nhé?”
“Không cần đâu, cảm ơn em. Đúng là chị đói thật, nhưng giờ thì no rồi”.
Chúng tôi bơi rất lâu và cùng xây nhà cho đến tận bữa tối. Chị Anna lại ăn nhiều hơn. Đến giờ ngủ thì chị ấy gần như không mở nổi mắt, và ngủ ngay lập tức khi tôi vừa nằm xuống bên cạnh. Tôi cũng ngủ ngay nhưng lại tỉnh dậy khi chị Anna cuộn tròn và tựa đầu lên vai tôi.
Tôi vòng tay qua Anna, kéo chị ấy lại gần.
Nếu chị ấy bị ốm thì quả thực tôi không biết phải làm gì ngoài việc bất lực nhìn chị ấy chịu đựng. Và khi chị ấy chết tôi sẽ chôn chị ấy cạnh Mick. Tôi cũng không biết liệu mình có thể sống thiếu Anna không nữa. Giọng nói của chị ấy, nụ cười của chị ấy, tất cả mọi thứ thuộc về chị ấy đã giúp tôi trụ vững với cuộc sống trên hoang đảo. Tôi ôm Anna chặt hơn và nghĩ nếu chị ấy tỉnh dậy, tôi sẽ nói cho chị ấy biết. Nhưng chị ấy không tỉnh dậy. Chị ấy chỉ thở dài trong giấc ngủ và cuối cùng thì tôi cũng thiếp đi.
Sáng hôm sau lúc tôi tỉnh dậy, chị ấy đã nằm quay mặt về phía bên kia. Tôi đang nhóm lửa thì chị ấy bò khỏi xuồng. Anna mỉm cười với tôi, duỗi tay và nói: “Đêm qua chị đã ngủ rất ngon. Lâu lắm rồi mới được một giấc ngon lành đến thế”.
“Em cũng ngủ khá ngon chị Anna ạ”.
Một vài đêm sau đó, chúng tôi nằm tranh cãi với nhau về top 10 album nhạc rock cổ điển hay nhất mọi thời đại.
“Album Những ngón tay dính của Rolling Stones 1 là hay nhất. Chị chuyển album Led Zeppelin z IV xuống vị trí số năm”, chị ấy nói.
1 Ban nhạc Anh huyền thoại, được thành lập năm 1962 ở London, nổi tiếng với thể loại âm nhạc rock & roll pha trộn với nhạc blues, rhythm & blues.
2 Ban nhạc rock Anh, được thành lập năm 1968 tại London. Họ được công nhận là một trong những bậc tiền bối đặt nền móng đầu tiên cho hard rock và heavy metal, mặc dù phong cách độc đáo của họ chiu ảnh hưởng từ một loạt các dòng nhạc khác, trong đó có cả âm nhạc dân gian.

“Chị đang phê à?” Ngay khi liệt kê những lý do phản biện - ai mà chẳng biết album Bức tường của Pink Floyd là đỉnh nhất - thì tôi xì hơi. Đôi khi quả bánh mì làm tôi bị dầy hơi.
Chị ấy hét ầm lên, ngay lập tức cố chạy ra khỏi xuồng, nhưng tôi đã ôm được eo Anna, kéo lại và trùm chăn qua đầu.
Đó là trò mà chúng tôi hay trêu đùa nhau.
“Ôi không, chị Anna à, ôi Chúa ơi, chị nên chui ra ngay”, tôi vừa trêu vừa cười phá lên. “Mùi chắc phải kinh khủng lắm”. Chị ấy vùng vẫy cố thoát ra, song tôi giữ cái chăn còn chặt hơn.
Cuối cùng khi tôi thả chị ấy ra, chị ấy vơ nôn ọe ầm ĩ: “Chị sẽ đá đít em đấy Callahan ạ”.
“Thật sao? Chị và đội quân nào cơ?” Chắc Anna nặng tầm bốn lăm cân. Cả hai chúng tôi đều biết chị ấy chẳng đá đít nổi ai cả.
“Đừng có vênh váo. Một ngày nào đó, chị sẽ tìm được cách hạ gục em”.
Tôi phá lên cười: “Ôi, em sợ quá, chị Anna ạ”.
Tôi không dám thú nhận là Anna có thể dễ dàng hạ gục tôi chỉ với một cái chạm tay nhẹ nhàng, nếu chị ấy đặt tay đúng chỗ.
Tôi tự hỏi liệu chị ấy có biết điều đó không.

“Chị đi tắm đây”, chị Anna nói khi tôi vừa từ biển về. Chị ấy cầm theo xà phòng, dầu gội cùng quần áo.
“Vâng”.
Khi chị ấy rời đi, tôi để ý thấy chúng tôi đã gần hết củi. Tôi cầm theo ba lô và nhét toàn bộ củi tôi tìm thấy vào trong. Mặt trời lặn dần, lũ muỗi vo ve quanh tôi. Tôi bước khỏi một lùm cây rậm rạp mà không hề chú ý.
Vừa bước khỏi lùm cây, tôi ngước mắt lên và bất chợt bắt gặp chị Anna đang xuống biển, mình trần. Tôi dừng khựng lại. Tôi biết mình nên đi chỗ khác ngay, nhưng không thể. Tôi nấp sau thân cây nhìn chị ấy.
Anna cúi xuống nước để làm ướt tóc, rồi quay lưng lại. Nhìn chị ấy đẹp tuyệt, những đường cong rám nắng của cơ thể chị ấy làm tôi mê mẩn. Chị ấy đứng trên bãi biển gội đầu, sau đó lại lội xuống nước xả tóc. Sau khi ngồi xuống bãi cát dể cạo lông chân, Anna lội xuống nước lần nữa để xả sạch xà phòng.
Trên đường về, đột nhiên chị ấy dừng lại, nhìn về phía tôi. Tôi vẫn đứng yên đằng sau thân cây, đợi cho chị ấy bước đi. Sau đó tôi lao như bay giữa các thân cây, về hướng ngược lại bờ biển.
“Chị về rồi à?”, tôi vừa nói vừa bước đến. Chị ấy đang đứng cạnh lều để đánh răng.
Chị ấy bỏ bàn chải ra, nhìn chằm chằm vào tôi, nghiêng đầu hỏi: “Em đi đâu về đấy?”
“Em đi nhặt củi”. Tôi mở khóa ba lô, đổ đống củi ra.
“Ồ”. Chị ấy đánh răng xong và ngáp. “Chị đi ngủ đây”.
“Em sẽ vào ngay”.
Sau đó, chị ấy đã ngủ ngon lành bên cạnh tôi. Đêm đó tôi không ngủ một chút nào.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 16 Mar 2019

CHƯƠNG 21 Anna


T. J trèo nên nóc nhà, bôi sáp quả bánh mì lên những tán lá cọ. “Em không chắc là làm thế này có chống dột được không nhưng đến khi trời mưa thì ta sẽ biết ngay thôi”.
Căn nhà gỗ đã gần hoàn thiện. Tôi ngồi xếp chân bằng tròn trên mặt đất, nhìn thằng bé nhảy xuống từ mái nhà, vớ lấy cái búa và đóng nốt vài cái đinh cuối cùng.
Nó đã buộc gọn tóc ra sau thành đuôi ngựa, đầu đội cái mũ rơm cao bồi của tôi và đeo cặp kính rám mắt chuồn. Da mặt nó rám nắng đến mức nhìn nó như thể được sinh ra trên đảo này. Thằng bé sở hữu một nụ cười chết người, với hàm răng trắng bóng thẳng tắp, xương gò má nhô cao và quai hàm vuông vức. Tôi lại phải cạo râu cho nó lần nữa.
“Nhìn em ổn lắm, T. J ạ. Rất khỏe khoắn”. Thằng bé khá gầy, nhưng vẫn có cơ bắp săn chắc, có lẽ do việc chúng tôi phải xây nhà bằng tay, và nó không hề có bất cứ biểu hiện gì của tình trạng thiếu dinh dưỡng, ít nhất là chưa có.
“Thật không?”
“Thật mà. Chị cũng không rõ bằng cách nào nhưng em đã phát triển khá tốt”.
“Nhìn em có già hơn không?”
“Có”.
“Nhìn em có bảnh trai không chị Anna?” Nó quỳ xuống, nhăn nhở trước mặt tôi. “Thôi nào, nói cho em biết đi”.
Tôi đảo mắt. “Có, T. J ạ”, tôi nói, đoạn mỉm cười với nó. “Em rất đẹp trai. Nếu có cơ hội thoát khỏi đảo này thì em sẽ làm các quý cô điên đảo”.
Nó đấm tay lên trời, kêu lên đầy khoái chí: “Có thế chứ!”. Sau đấy nó vứt búa xuống, với tay lấy bình nước. “Em không thể nhớ nổi mình trông thế nào trước vụ đâm máy bay. Còn chị?”
“Cũng có. Nhưng chắc là chị không thay đổi gì lắm”.
T. J ngồi xuống cạnh tôi. “Chúa ơi, em đau lưng quá. Chị đấm lưng cho em nhé?”
“Được thôi”. Tôi mát xa hai vai nó, bờ vai đã rộng ra hơn so với hai năm trước. Ngực nó cũng đã lớn hơn, và đôi cánh tay trở nên rắn chắc hơn. Tôi nhấc đuôi tóc của nó lên để mát xa hai vai.
“Tuyệt quá!”.
Tôi mát xa cho nó lâu hơn mọi khi, và khi gần xong, nó bảo: “Nếu chị thắc mắc trông mình dạo này thế nào thì chị vẫn đẹp lắm, chị Anna”.
Mặt tôi nóng lên, nhưng tôi mỉm cười. “Chị đâu có đẹp hả T. J. Nhưng dù sao thì cũng cảm ơn em”.

Hai đêm sau đó, chúng tôi ngủ trong ngôi nhà mới lần đầu tiên. Chúng tôi đã quyết định sẽ chỉ để một phòng lớn thay vì hai phòng nhỏ, vì như vậy chúng tôi sẽ có nhiều không gian hơn. Tôi có thể thay quần áo trong nhà, thay vì cứ lúi húi thay trong cái xuồng hơi. Va li của tôi được xếp vào góc nhà cùng hộp dụng cụ, còn cái hộp đựng đàn ghi ta được dùng để đựng hộp cứu thương, dao và dây thừng thì được dựng ngay bên cạnh.
T. J gỡ mái của cái xuồng hơi xuống vì bây giờ chúng tôi đã có một mái nhà đích thực rồi dùng nó cùng đống cửa cuốn làm thành cửa sổ để ánh sáng và không khí có thể tràn vào. Nó gắn miếng vải ni lông vào phía trước nhà, trải rộng ra, buộc hai đầu vào hai cây gậy dài cắm xuống đất, đoạn nó đào một hố lửa bên dưới.
“Chị tự hào về em, T. J ạ. Ngài Xương cũng thế”.
“Cảm ơn chị”.
So với ngày mới dạt đến đây, phải ngủ trên nền đất thì chúng tôi đã có những bước tiến vượt bậc. Giờ thì hai người bị đắm máy bay đã xây được một căn nhà.

Một chiếc thủy phi cơ hạ cánh ở bãi nước nông khi tôi và T. J đang bơi. Người phi công mở cửa, thò đầu ra, nói: “Cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy các bạn. Chúng tôi đã tìm kiếm lâu lắm rồi”.
Lúc đó tôi năm mười hai tuổi.
Tôi choàng tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa, cố kìm lại một tiếng hét chỉ chực thoát ra cổ họng.
Chỗ của T. J trống. Gần đây thằng bé dành rất nhiều thời gian trong rừng, nó đi nhặt củi vào cả sáng và chiều mỗi ngày.
Tôi thay quần áo, đánh răng rồi đi ra chỗ cây dừa. Khi đang lúi húi nhặt dừa dưới gốc cây thì một cành cây suýt rơi trúng đầu, khiến tôi giật bắn mình hét lên: “Chết tiệt!”.
Trở về nhà, tôi kiểm tra thùng chứa nước mưa. Bây giờ đang là tháng Hai, giữa mùa khô, và cũng không còn nhiều nước trong thùng lắm. Tôi đánh rơi thùng nước, vậy là ngay lập tức bật khóc khi nhìn thấy chút nước trong thùng chảy tràn ra đất.
T. J bước đến với cái ba lô đầy củi. “Chào chị”, nó vừa đặt ba lô xuống vừa hỏi. “Có chuyện gì thế?”
Tôi lau nước mắt. “Không có gì, chị chỉ thấy mệt mỏi và tức chính bản thân thôi, chị đánh đổ hết nước rồi”. Tôi lại bật khóc.
“Không sao đâu. Có khi lát nữa trời lại mưa”.
“Chưa chắc. Ngày hôm qua gần như không mưa mà”. Tôi ngồi bệt xuống đất, cảm thấy mình thật xuẩn ngốc.
Thằng bé ngồi xuống cạnh tôi. “Ừm, chị lại đến kỳ đèn đỏ hay sao?”
Tôi nhắm chặt mắt lại để nước mắt ngừng chảy. “Không, chỉ là chị có một buổi sáng thật tồi tệ”.
“Chị quay lại giường nghỉ đi”, nó nói. “Em sẽ quay về với chị sau khi câu cá, được không?” “Được”.
Tôi tỉnh dậy khi T. J xoa tay. “Cá nấu xong rồi”, nó nói và vươn vai bên cạnh tôi.
“Sao em không đánh thức chị dậy để chị làm sạch cá?”
“Em nghĩ là chị ngủ thêm chút nữa thì sẽ cảm thấy dễ chịu hơn”.
“Cảm ơn em. Đúng là thế thật”.
“Em xin lỗi vì đã hỏi chị vụ đèn đỏ. Em chẳng biết gì về mấy việc đấy cả”.
“Không sao, em hỏi cũng đúng”. Tôi ngần ngừ. “Chị không thấy đèn đỏ cũng khá lâu rồi”. Tôi vẫn còn thừa tampon trong va li.
T. J bối rối. “Tại sao?”
“Chị không biết. Chắc do chị gầy quá, căng thẳng quá, thiếu dinh dưỡng. Em đoán thử xem vì nguyên nhân nào?”
“Ồ”, thằng bé thốt lên.
Chúng tôi nằm đối mặt với nhau. “Đêm qua chị gặp ác mộng. Một chiếc máy bay hạ cánh xuống vùng nước nông khi chúng ta đang bơi”.
“Nghe đâu có giống ác mộng?”
“Bấy giờ chị đã năm mười hai”.
“Như vậy mình đã phải ở trên đảo này rất rất lâu. Đó là lý do chị buồn bực?”
“Chị muốn có con”.
“Chị muốn ư?”
“Ừ. Hai hoặc ba đứa. Đó cũng là điều mà John không muốn. Nếu họ không tìm thấy chúng ta cho đến tận khi chị năm mười hai thì đã quá muộn để sinh nở. Bốn mươi hai đã là già lắm. Lúc nào chị cũng có thể nhận con nuôi, nhưng chị thực sự muốn sinh ra ít nhất một đứa”. Tôi mân mê một sợi chỉ trên chăn. “Thật ngu ngốc khi cứ nghĩ về việc có con trong khi còn hàng đống thứ khác phải lo. Chị biết nói với em về việc có con bây giờ là quá sớm, nhưng thực sự đến một ngày nào đó chị mong có những đứa con của riêng mình”.
“Em cũng hay nghĩ về việc có con. Em bị vô sinh”.
Điều T. J nói làm tôi bất ngờ đến choáng váng. Tôi chẳng biết nói gì nữa. “Vì bệnh ung thư?”
“Vâng. Em đã hóa trị nhiều”.
“Ôi Chúa ơi, TJ, chị rất tiếc. Chị không biết”. Chẳng gì tồi tệ bằng việc cứ lải nhải chuyện con cái trước mặt một người bị vô sinh do quá trình đấu tranh với bệnh tật để giành giật sinh mạng cả.
“Không sao. Bác sĩ đã nói chuyện với em trước khi bắt đầu hóa trị. Ông ấy giải thích là nếu một ngày nào đó em muốn có con thì cần phải trữ lạnh tinh trùng ngay lập tức vì bắt đầu hóa trị thì sẽ không thể được nữa. Và em đã quyết định rằng một ngày nào đó có thể mình sẽ có con”.
“Ồ. Đó không phải là điều mà các cậu nhóc mười lăm tuổi thường quyết định đâu”.
“Không hề. Tuổi đấy thì chúng nó chỉ mải nghĩ đến việc làm sao để bạn gái không dính bầu thôi. Đoạn em sắp kể chắc sẽ làm chị buồn cười đau ruột. Mẹ em đưa em đến ngân hàng tinh trùng, và bà đưa cho em một quyển tạp chí Playboy 1 của bố em - trong tủ quần áo của em có một đống thứ mát mẻ hơn thế nhiều - và mẹ hỏi em một cách vô cùng nghiêm trọng xem em có biết phải làm gì không”.
1 Một tạp chí dành cho đàn ông của Mỹ được thành lập ở Chicago, Illinois. Tạp chí được xuất bản hàng tháng, đặc điểm nổi bật là những bức ảnh khỏa thân của phụ nữ.
“Chắc em đùa”.
“Không hề”. Nó bắt đầu cười lăn lộn. “Lúc đấy em mười lăm tuổi mà chị Anna, em phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó rồi ấy, và em chẳng có chút cảm hứng nào để nói với mẹ em về ba cái việc tự sướng cả”.
“Ôi Chúa ơi!”, tôi cười chảy cả nước mắt.
“Vâng, và lần sau quay lại ngân hàng tinh trùng thì bố đưa em đi”.
Tôi chùi nước mắt. “Em có muốn biết ưu điểm lớn nhất của em là gì không?”
“Là vẻ đẹp trai chứ gì?”, mặt nó ngây ra.
Tôi lại phá lên cười. “Chị mới khen có một câu mà sao em nhớ kỹ vậy. Không phải đâu. Mà là không có em thì mọi người khó lòng vui vẻ được”.
“Thật thế? Cảm ơn chị”, nó vỗ vỗ vào tay tôi. “Đừng lo, chị Anna. Họ sẽ sớm tìm thấy chúng ta và chị sẽ sớm có con thôi”.
“Chị hi vọng thế”.
Thời gian thì cứ vùn vụt trôi qua.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 16 Mar 2019

CHƯƠNG 22 T. J


Tôi đang ở trong rừng thì nghe thấy tiếng hét của chị Anna từ phía căn nhà vọng lại nên ngay lập tức rẽ các tán cây để lao như bay về hướng ấy.
Chị ấy bước đi lão đảo rồi ngã sụp xuống đất. Vừa thở dốc chị ấy vừa kêu lên: “Sứa”.
Những xúc tu của con sứa để lại vết tấy đỏ trên chân, bụng và ngực của Anna. Tôi không biết phải làm gì.
“Lôi nó khỏi người chị ngay”, chị ấy hét lên. Khi nhìn kỹ, tôi thấy mấy cái xúc tu trong suốt vẫn bám chặt vào bụng và ngực chị ấy. Tôi kéo nó ra và cũng bị đốt luôn.
Tôi chạy ngay tới chỗ đựng nước, đổ đầy bình chứa và mang lại chỗ chị Anna, đổ nước từ đầu tới chân chị ấy. Những cái xúc tu không chịu trôi đi còn chị Anna thì thét lên vì đau đớn, dường như nước càng làm chị ấy đau hơn.
“T. J, thử dùng nước biển xem”, chị ấy nói, “nhanh lên!”.
Tay vẫn cầm cái bình nhựa, tôi lao ngay xuống biển múc đầy. Tôi dội nước biển lên người chị ấy. Lần này thì Anna không thét lên nữa.
Chị ấy nằm rên rỉ trên nền đất khi tôi đang loay hoay chưa biết phải làm gì tiếp theo. Tôi biết chị ấy vẫn còn đau lắm khi nhìn chị ấy cố gắng quay trái quay phải để tìm tư thế thoải mái nhất.
Tôi chợt nhớ đến cái nhíp nên chạy ngay vào nhà lục tìm trong va li của Anna. Khi quay lại, tôi vội vã gắp hết đống xúc tu ra. Chị Anna nhắm nghiền mắt, không ngừng rên rỉ.
Khi tôi nhặt được gần hết số xúc tu thì da chị Anna bắt đầu đỏ ửng lên. Không chỉ những chỗ bị đốt mà toàn thân đều đỏ như con tôm luộc. Mí mắt và môi sưng phồng. Tôi phát hoảng, đổ thêm nước biển lên người chị ấy nhưng không ăn thua. Mắt sưng đến mức không mở nổi.
Tôi chạy ngay về lều, lôi hộp cứu thương ra. Tôi đổ tất cả mọi thứ có trong hộp xuống nền cát. Khi nhặt cái lọ chứa chất lỏng màu đỏ bên trong, tôi nhớ lại lời chị ấy nói.
Thứ này có thể cứu sống em đấy. Nó sẽ ngừng tất cả các triệu chứng dị ứng.
Mặt chị Anna lúc này nhìn đã như một quả bóng bay, hai môi sưng đến mức da môi nứt toác. Tôi đánh vật để mở cái nắp với thiết kế chống trẻ em, nâng đầu chị ấy lên và đổ thuốc Benadryl vào họng. Chị ấy ho, phun phì phì. Tôi không rõ đã cho Anna uống bao nhiêu thuốc nữa.
Bikini của chị ấy lệch sang một bên khi tôi nâng chị ấy lên. Nó trở nên quá rộng đối với Anna bởi vì chị ấy giảm cân nhiều, và khi nhìn xuống tôi thấy vẫn còn vài cái xúc tu bám trên ngực chị.
Tôi cởi áo Anna ra, rùng mình khi nhìn thấy vết thương trên ngực chị ấy. Đặt chị ấy nằm xuống, tôi đổ nốt chỗ nước biển lên mấy vết đốt rồi dùng nhíp nhặt từng cái xúc tu.
Tôi cởi phăng chiếc áo phông đang mặc để đắp cho chị ấy. “Chị sẽ ổn thôi chị Anna”. Sau đó tôi cầm tay chị ấy, chờ đợi.
Khi da chị ấy không còn đỏ nữa và đã đỡ sưng, tôi nhìn qua đống thuốc trong hộp cứu thương đang nằm lăn lóc trên cát. Sau khi đọc hết loạt nhãn, tôi chọn một tuýp thuốc mỡ giảm đau.
Tôi bắt đầu bôi từ chân chị ấy lên tất cả những nơi có vết đốt. “Chị thấy đỡ không?”
“Có”, chị ấy thều thào. Mắt Anna bớt sưng rồi nhưng vẫn không mở được. “Chị mệt quá”.
Tôi không biết liệu có nên để chị ấy ngủ không, vì tôi sợ mình vừa mới cho Anna uống thuốc quá liều. Khi kiểm tra lại lọ Benadryl, tôi thấy vẫn còn rất nhiều viên bên trong, và trên nhãn ghi rằng tác dụng phụ của thuốc là gây buồn ngủ. “Vậy chị ngủ đi”. Anna ngất đi ngay khi tôi vừa nói xong.
Tôi bôi thuốc mỡ lên bụng chị ấy, nhưng đến ngực thì ngần ngại. Tôi nghĩ Anna cũng không nhận ra tôi đã cởi áo chị ấy, hoặc có thể chị ấy cũng không quan tâm.
Tôi nhấc áo phông của mình khỏi ngực chị ấy và giật mình. Trông thật đáng sợ. Những vết tấy hằn trên da, một số vết đã chai lại cùng máu khô. Tôi gắng tập trung, chỉ nghĩ đến việc cứu chị ấy, và dùng đầu ngón tay chấm từng chút thuốc mỡ lên những vết tấy. Khi đã bôi xong, tôi kiểm tra toàn thân Anna để chắc chắn mình không bỏ sót vết nào.
Màu da của chị ấy đã trở lại bình thường, những vết sưng dần biến mất. Tôi đợi thêm một lúc nữa rồi bế Anna vào xuồng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 16 Mar 2019

CHƯƠNG 23 Anna


Tôi mở mắt, thở phào nhẹ nhõm khi không T. J còn cảm thấy bỏng rát nữa. T. J ngủ bên cạnh tôi, hơi thở đều và sâu. Tôi không mặc gì từ thắt lưng trở lên, và một thứ gì đó mềm mại như chăn che phủ ngực tôi. Tôi ngồi dậy, tuột cái áo phông khỏi đầu, hít vào mùi quen thuộc của T. J. Tôi quay sang bên cạnh rồi ngủ tiếp.
Đến sáng, tôi tỉnh dậy thấy mình đang nằm một mình. Tôi kéo áo phông lên nhìn. Những cái xúc tu để lại đường viền đỏ tấy, chắc sẽ phải lâu nữa mới nhạt màu. Kéo cái áo cao lên chút nữa, tôi muốn khóc khi thấy ngực mình. Những vệt đỏ sẫm giăng chằng chịt, bám đầy máu khô. Tôi bỏ hẳn cái áo ra, mặc đồ vào rồi bước ra để đi vệ sinh. Khi tôi quay lại, T. J đang nhóm lửa.
Nó đứng phắt dậy: “Chị cảm thấy thế nào?”
“Cũng gần như bình thường rồi”. Tôi kéo áo lên một chút để cho T. J xem bụng tôi. Nó dùng ngón tay lần theo từng vết đốt.
“Chị có đau không?”
“Không, không đau lắm”.
“Thế còn…?”, nó chỉ vào ngực tôi.
“Tệ hơn thế này”.
“Em xin lỗi. Vì có mấy cái xúc tu ở trong bikini của chị mà lúc đầu em không nhìn thấy”.
Tôi không nhớ gì về việc nó cởi áo tôi, mà chỉ nhớ là tôi đau đớn vô cùng. “Không sao đâu, cũng làm gì còn cách nào khác”.
“Da chị chuyển hết sang màu đỏ và toàn thân sưng tướng lên”.
“Thật á?”, tôi cũng không nhớ gì về chuyện này.
“Em cho chị uống Benadryl, sau đó chị ngất xỉu luôn”.
“Em làm đúng lắm”.
Nó trở lại căn nhà để lấy tuýp thuốc kháng sinh mỡ. “Em bôi cái này lên da chị. Hình như cũng có tác dụng. Trước khi thiếp đi chị còn nói là chị thấy đỡ hơn”.
Tôi với tay cầm lấy tuýp thuốc. T. J đã bôi lên cả ngực tôi ư? Tôi hình dung ra cảnh mình nằm dài trên nền cát, mặc mỗi cái quần bikini trong khi T. j xoa kem lên toàn thân mình, đột nhiên tôi không dám nhìn thằng bé nữa.
“Cảm ơn em”, tôi nói.
“Chị có thấy con sứa trước khi nó đốt chị không?”
“Không, chỉ tự nhiên thấy đau thôi”.
“Em chưa bao giờ nhìn thấy con sứa nào trong vùng nước nông cả”.
“Chị cũng thế. Chắc con này vô tình lạc vào qua rặng san hô”. Tôi vào nhà lấy bàn chải, bóp một phần bé xíu kem đánh răng lên trên. Khi quay trở ra, tôi nói: “Ít nhất thì con sứa đó cũng không làm chết người”.
T. J nhìn tôi sửng sốt. “Sứa mà cũng làm chết người được cơ?”
Tôi bỏ bàn chải ra khỏi miệng, đáp: “Một vài con có thể đấy”.
Cả ngày hôm đó chúng tôi không dám xuống nước. Tôi đi dọc bãi biển, cố nhìn ra xa để xem còn sứa không, tự nhắc mình là dù không nhìn thấy nguy hiểm thì không có nghĩa là không hề có mối nguy nào xung quanh. Tôi cũng thắc mắc liệu có một ngày nào đó chúng tôi không thể tìm nổi thứ thuốc cần thiết để cứu mạng mình trong hộp cứu thương không.

Đến tháng Sáu năm 2003 tôi đã sống trên đảo được hai năm. Tháng Năm vừa rồi tôi đã bước sang tuổi ba mười hai, và chỉ còn vài tháng nữa thôi là T. J tròn mười chín. Đến lúc đó nó đã cao ít nhất một mét tám mười tám và chẳng còn nét trẻ con nào trên khuôn mặt nữa. Đôi lúc khi nhìn T. J câu cá, sửa nhà hoặc ra khỏi khu rừng mà nó đã biết rõ như lòng bàn tay, tôi tự hỏi liệu nó có coi hòn đảo này là ngôi nhà đích thực không. Một nơi mà nó có thể làm bất cứ điều gì nó muốn, mọi thứ đều được chấp nhận, miễn là chúng tôi sống sót.

Chúng tôi ngồi xếp chân bằng tròn, mặt đối mặt trên bãi biển để tôi cạo râu cho T. J. Nó cúi người về đằng trước, chống hai tay trên đùi tôi để giữ thăng bằng.
“Tại sao tự nhiên chị lại trở thành người chăm sóc cá nhân cho em nhỉ?”, tôi đùa. “Chị đã tắm cho em, giờ lại cạo râu cho em nữa”. Tôi bơm thêm chút bọt cạo râu ít ỏi còn lại lên má T. J.
Nó cười ngoác miệng. “Chắc do em may mắn?”
“Em được nuông chìu quá đây mà. Khi nào chúng ta rời khỏi hòn đảo này, em sẽ phải tự cạo râu lấy”.
“Thế thì chẳng vui chút nào”.
“Em sẽ quen thôi”.
Tôi cạo râu xong cho nó rồi chúng tôi quay về nhà, chuẩn bị ngủ dưới bóng cây.
“Chị biết là em luôn sẵn lòng tắm và cạo lông cho chị đúng không? chỉ cần chị nhờ một câu thôi”.
Tôi cười phá lên. “Chị không cần đâu”.
“Chị có chắc không?” Nó nằm dài trên cái chăn cạnh tôi, kéo tay tôi lên rồi dùng mấy ngón tay lướt trên tay tôi. “ồ, da chị mịn thế”.
“Thôi ngay! Chị nhột đấy nhé”. Tôi gạt tay T. J ra.
“Thế còn chân chị thì sao?” nó hỏi, và trước khi tôi kịp trả lời, nó nhổm dậy lướt tay trên chân tôi, từ mắt cá chân lên đến đùi.
Một luồng khí nóng chạy dọc cơ thể khiến tôi ngạc nhiên. Tôi bật ra một âm thanh, và không kịp kiềm chế. Mắt T. J mở to, nó nhìn tôi chằm chằm, miệng há hốc. Sau đó thì nó mỉm cười, rõ ràng là rất sung sướng vì đã khiêu khích được tôi.
Tôi hít một hơi thật sâu: “Chị tự biết chăm sóc bản thân”.
“Em chỉ muốn trả ơn chị vì đã chăm sóc em thật tốt suốt thời gian qua thôi mà”.
“Cảm ơn vì sự tốt bụng của em, T. J ạ. Giờ thì ngủ đi”. Nó cười phá lên, quay lưng lại phía tôi. Tôi cũng nằm xuống, nhắm mắt lại.
Nó mới chỉ mười tám thôi. Như thế là quá trẻ.
Một giọng nói vang lên trong đầu tôi. Xét về mặt pháp luật thì mười tám tuổi là thành người lớn rồi.
Vào buổi chiều vài ngày sau, T. J và tôi cùng bơi với lũ cá heo. Có bốn con đang bơi lội tung tăng quanh chúng tôi. Tôi rất muốn đặt tên cho chúng mà không thể phân biệt nổi con nào với con nào.
Khi lũ cá heo bơi đi, tôi và T. J ngồi lại trên bờ biển. Tôi dùng ngón chân đào đào vào lớp cát mịn trắng.
“Không phải chị nói là chị định đi tắm à?”, nó hỏi.
“Ừ. Nhưng chị không mang đồ theo”. Mấy thứ đồ mỹ phẩm của chúng tôi cạn kiệt nhanh chóng. Giờ chúng tôi chỉ còn dùng xà phòng một lần một tuần. Tôi đã không còn để ý đến mùi cơ thể của mình nữa.
“Em sẽ về lấy đồ cho chị”, nó nói.
“Thật à?”
“Vâng”.
“Được thôi, nhưng chị cần cả quần áo nữa”.
“Không vấn đề gì”.
T. J mang theo tất cả đồ tới đặt trên cát. Tôi đợi đến khi nó đi khuất mới cởi quần áo.
Sau khi tắm xong, tôi đứng một phút dưới nắng cho khô. Tôi bước đến đống quần áo, hi vọng tìm thấy quần soóc và áo ba lỗ, hoặc một bộ bikini.
Những gì thằng bé chọn khiến tôi ngạc nhiên. T. J đã chọn cái váy duy nhất mà tôi mang theo. Đó cũng là cái váy tôi yêu thích. Nó còn chọn một cái quần lót màu hồng có ren, và tôi thấy má mình nóng bừng lên. Nó đã quên không lấy áo lót cho tôi, hoặc có khi nó không quên, nhưng dù sao thì tôi cũng không mặc áo lót khi mặc kiểu váy này bao giờ.
Khi tôi về đến căn nhà, T. J nhìn tôi chăm chú.
“Chúng ta có hẹn ăn tối ở nhà hàng nào tối nay mà chị không biết à?”, tôi hỏi.
“Em ước gì được thế”, nó đáp.
Tôi hỏi nó: “Tại sao em lại chọn cái váy này?”
Nó nhũn vai. “Em nghĩ là chị mặc sẽ rất đẹp”. Nó bỏ kính râm ra, nhìn tôi từ đầu xuống chân. “Đúng là thế thật”.
“Cảm ơn em”, tôi nói, cảm thấy hai má lại nóng bừng.
T. J đi câu cá, còn lại mình tôi ngồi trên tấm chăn dưới bóng dừa đợi nó về.
Tôi vẫn thường bắt gặp T. J nhìn trộm mình, nhưng nó chưa bao giờ tỏ vẻ hiển nhiên như bây giờ. Nó bắt đầu mạnh dạn hơn, để thử xem thái độ của tôi thế nào. Nếu ngày trước T. J cố gắng giấu cảm xúc của mình thì bây giờ nó chẳng quan tâm lắm đến việc đó nữa. Tôi không biết ý định của nó là gì, mà cũng chẳng rõ nó có ý định gì không, nhưng sống với T. J bắt đầu phức tạp rồi đây.
“Chị ước gì mình có một cái kéo”. Tôi ngồi trên tấm chăn trải bên ngoài ngôi nhà, cố gắng chải mớ tóc bù xù. Tóc tôi đã dài gần đến mông và khiến tôi phát điên. “Nhẽ ra chị nên nhờ em cắt ít tóc trước khi con dao cùn đi mới đúng”, tôi nói.
Tôi liếc nhìn ngọn lửa.
“Chị đang nghĩ đến việc đốt tóc à?” T. J hỏi.
Tôi nhìn nó như thể nó bị điên. “Không”.
Mà cũng có thể làm thế lắm chứ.
Tôi vẫn cố chải tóc.
T. J bước đến, chìa tay ra. “Đưa lược cho em, em sẽ chải cho chị. Đấy nhé, coi như em trả công chị cạo râu cho em”.
Tôi đưa cho nó cái lược. “Chuẩn bị mà choáng đi”.
Nó ngồi dựa lưng vào bức vách gỗ của căn nhà, còn tôi ngồi trước mặt nó. Thằng bé bắt đầu chải. “Chị phải có đến cả tấn tóc ý nhỉ”, nó nói.
“Chị biết. Tóc chị dài quá rồi”.
“Em thích tóc dài”.
T. J kiên nhẫn chải từng búi rối, chia nhỏ từng lọn tóc một. Mặt trời bắt đầu chói chang, nhưng bóng râm che mát chúng tôi, và từng cơn gió biển thổi mát rượi. Tiếng sóng biển vỗ vào rặng san hô vang vọng khắp nơi, cảm giác được chải đầu nhẹ nhàng khiến tôi thấy thư giãn vô cùng.
T. J nhấc tóc lên khỏi gáy tôi, rồi khẽ kéo tôi lại để lưng tôi dựa trên ngực nó. Tôi quay đầu lại, và nó kéo tóc tôi sang một bên vai. Nó vẫn tiếp tục chải, cảm giác dễ chịu đến mức tôi nhắm mắt lại rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Khi tỉnh giấc, tôi nghe nhịp thở đều đặn của T. J và biết là nó cũng đang ngủ. Hai tay nó ôm lấy eo tôi. Tôi nhắm mắt lại, tận hưởng cảm giác dễ chịu khi ở trong vòng tay của T. J.
Thằng bé khẽ cử động, thì thầm vào tai tôi: “Chị dậy rồi à?”
“Ừ, chị ngủ rất ngon”.
“Em cũng thế”.
Mặc dù không hề muốn nhưng tôi vẫn phải miễn cưỡng đứng lên khiến tay nó trượt trên bụng tôi. Tóc tôi rơi xuống lưng. Tôi nhìn qua vai, mỉm cười. “Cảm ơn em vì đã chải tóc cho chị”.
Mắt nó nhìn vẫn ngái ngủ và rõ ràng là rất thích thú với việc vừa rồi.
“Lúc nào em cũng sẵn lòng”.
Tim tôi đập loạn nhịp. Dạ dày tôi sôi lên, một cảm giác ấm áp lan tỏa.
Nếu nói mối quan hệ giữa chúng tôi ngày càng trở nên phức tạp là đã nói giảm nói tránh rồi đấy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 16 Mar 2019

CHƯƠNG 24 T. J


Tôi nhìn chị Anna bước đi sau khi chải tóc cho chị ấy. Tôi nhớ đến ngày hôm trước, nhớ đến những âm thanh chị ấy phát ra khi tôi sờ lên chân chị ấy. Thật ra nếu chúng tôi ở Chicago, chắc chắn tôi không thể cưa nổi Anna. Nhưng tôi bắt đầu phân vân, liệu ở trên hoang đảo này mình có chút cơ hội nào không.

Anna và tôi bơi lội trong vùng nước nông, đợi lũ cá heo tới. “Em chán quá”, tôi nói.
“Chị cũng thế”, chị ấy vừa nói vừa lật lưng. “Này, thử xem chúng ta có thể làm động tác nâng người giống như Johnny và Baby không nhé”.
“Em mà biết chị đang nói về cái gì thì em chết liền”.
“Em chưa xem Vũ điệu nóng bỏng sao?
“Em chưa”. Nghe tên có vẻ cũng hấp dẫn đấy chứ.
“Một bộ phim hay tuyệt. Chị xem nó từ hồi trung học. Hình như là năm 1987, chị nghĩ thế”.
“Lúc đó em mới có hai tuổi thôi”.
“Ồ. Đôi khi chị quên mất em trẻ đến thế nào”.
T. J lắc đầu. “Em cũng có trẻ đến thế đâu”.
“Ừ, sao cũng được, Patrick Swayze đóng vai Johnny Castle, một vũ sư tại khu nghỉ dưỡng ở Catskills 1. Jennifer Grey đóng vai Baby Houseman đến đó nghỉ cùng gia đình”. Chị Anna dừng một lát rồi nói tiếp: “Này, chị mới nghĩ ra. Baby và gia đình cô ấy đi nghỉ cả mùa hè rất xa nhà, cũng như em vậy”.
1 Một vùng nghỉ dưỡng trên núi nổi tiếng của nước Mỹ, cách thành phố New York khoảng 160 km về phía Bắc - Tây Bắc
“Cô ấy có khó chịu về chuyến đi như em không?”, tôi hỏi.
Chị Anna lắc đầu, cười. “Chị nghĩ là không. Cô ấy cặp kè với Johnny và họ dành phần lớn thời gian trên giường”.
Sao mình chưa bao giờ xem bộ phim này nhỉ? Nghe tuyệt thế cơ mà.
“Rồi Penny, bạn nhảy của Johnny có thai nên Baby phải nhảy thay. Có một động tác nâng người rất khó mà Baby tập mãi chẳng xong, nên họ phải tập dưới nước”.
“Và chị muốn làm động tác ấy?”
“Chị luôn muốn làm thử. Chắc không đến nỗi quá khó đâu”.
Anna đứng trước tôi, nói: “Được rồi, chị sẽ chạy về phía em, và khi chị nhảy lên thì em đặt tay ở đây nhé”, chị ấy cầm lấy tay tôi đặt lên hông mình. “Sau đó nâng chị lên quá đầu em nhé. Em có nghĩ là nâng được chị không?”
Tôi đảo mắt nhìn Anna. “Tất nhiên là được rồi”.
“Vì một lý do nào đó mà Baby mặc quần khi thực hiện động tác này dưới nước mà chị chẳng hiểu nổi tại sao. Được rồi, em sẵn sàng chưa?”
Khi tôi nói sẵn sàng, chị Anna chạy về phía tôi và nhảy lên. Ngay khi tay tôi chạm vào hông chị ấy thì chị ấy sụp xuống vì nhột. “Lần sau đừng có cù chị nhé”.
Tôi cười. “Em đâu có cù chị. Em chỉ đặt tay ở chỗ chị bảo thôi”.
“Được rồi, làm lại nào”, chị ấy lùi ra xa để chạy lại. “Chị đến đây”.
Lần này, khi tôi nhấc Anna lên, nước biển quá sâu nên tôi không thể đứng vững. Tôi ngã ngửa ra sau
“Chết tiệt, là tại em”, tôi nói. “Ta nên chuyển ra chỗ nước nông hơn. Thử lại nào”.
Lần này thì chúng tôi thực hiện một cách hoàn hảo. Tôi nhấc chị ấy lên còn chị ấy duỗi thẳng tay chân và ưỡn cong lưng.
“Chúng ta làm được rồi”, chị ấy hét lên.
Tôi giữ chị ấy lâu nhất có thể, rồi từ từ hạ tay xuống. Tôi lùi lại sau vài bước trước khi thả chị ấy xuống, và ngay khi chân Anna chạm đáy thì đầu chị ấy cũng ở dưới mực nước. Tôi với tay xuống rồi nâng chị ấy lên. Chị ấy hít một hơi và vòng tay qua cổ tôi. Chị ấy có vẻ ngạc nhiên, có lẽ vì không ngờ tới việc nước ngập đầu, mà cũng có thể là vì tay tôi đang chạm vào mông chị ấy.
“Bây giờ thì em chẳng còn chán chút nào, chị Anna ạ”.
“Tốt”. Chị ấy vẫn vòng tay qua người tôi, và tôi đang định hôn Anna thì chị ấy lên tiếng: “Chúng ta có bạn kìa”.
Tôi ngoái lại, thấy có bốn con cá heo đang bơi vào vùng nước nông, dùng mõm dụi dụi chúng tôi để rủ chúng tôi chơi cùng. Quá thất vọng, tôi di chuyển vào vùng nước nông hơn và đặt Anna xuống, đảm bảo chị ấy chạm được chân xuống đáy biển.
Tôi rất thích chơi với lũ cá heo, nhưng tôi thích chơi với Anna hơn nhiều.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 16 Mar 2019

CHƯƠNG 25 Anna


Chúng tôi ngồi dưới bóng cây chơi poker, lặng lẽ nhìn cơn bão chuẩn bị ập tới. Những tia sét rạch ngang bầu trời, không khí ẩm đè nặng lên tôi như một tấm chăn. Gió thổi ào ào làm xáo tung những lá bài.
“Mình nên vào nhà”, T. J bảo.
Khi đã vào trong, tôi nằm dài bên T. J trên chiếc xuồng hơi, nhìn từng tia sét sáng lóa rọi cả căn nhà.
“Đêm nay chắc mình sẽ mất ngủ cho xem”, tôi nói.
“Chắc vậy”.
Chúng tôi nằm cạnh nhau, lắng nghe tiếng mưa dội lên mái nhà. Cứ vài giây lại có một tiếng sấm vang trời.
“Chưa bao giờ chị thấy nhiều sét như hôm nay”, tôi nói. Cứ mỗi lần sét đánh là lông tay và lông tơ trên cổ tôi dựng đứng cả lên. Tôi tự trấn an bản thân rằng cơn bão sẽ qua nhanh, nhưng đã vài giờ đồng hồ trôi qua mà nó chỉ mạnh lên.
Khi những bức tương bắt đầu rung, T. J trèo ra khỏi xuồng và đi về phía cái va li của tôi. Nó ném cho tôi quần jeans. “Chị mặc vào đi”. Nó cũng mặc quần jeans rồi nhét cái cần câu cá tự chế vào hộp đựng đàn ghi ta.
“Tại sao?”
“Bởi vì em nghĩ ở đây không an toàn”.
Tôi bò khỏi xuồng. “Vậy chúng ta biết đi đâu?” Ngay khi vừa hỏi tôi đã biết câu trả lời rồi. “Không! Không đời nào chị chui vào đó. Bao nhiêu cơn bão khác mình vẫn vượt qua tốt mà. Ta cứ ở đây thôi”.
T. J với tay lấy cái ba lô và cất dao, dây thừng cùng bộ cứu thương vào trong. Nó ném cho tôi đôi giày tennis, rồi xỏ chân vào đôi Nike của nó mà không thèm tháo dây. “Chưa bao giờ có cơn bão nào tồi tệ thế này”, nó nói. “Chị cũng biết mà”.
Tôi vừa mở mồm định cãi lại thì cái mái nhà bị thổi tốc lên.
T. J biết là nó đã thắng. “Đi thôi”, tôi gần như không nghe được giọng nó khi gió thổi quá mạnh. Nó quàng tay qua ba lô, ném cái hộp đàn ghi ta cho tôi cầm. “Chị cầm cái này nhé”. Nó cầm hộp dụng cụ bằng một tay, tay còn lại xách va li của tôi, rồi chúng tôi nhanh chóng đi vào rừng đến bên cái hang. Mưa táp rát mặt, gió thổi ào ào như muốn nhấc bổng tôi lên.
Tôi chần chừ không dám bước vào hang.
“Vào đi, chị Anna”, T. J hét.
Tôi cúi người, cố gồng mình lấy hết can đảm để bò vào trong. Tiếng một cái cây bị sét đánh gãy nghe như tiếng súng nổ vang trời, T. J đặt tay lên mông tôi đẩy mạnh. Nó nhét hộp đàn ghi ta, hộp dụng cụ và cả cái va li vào ngay sau lưng tôi, đoạn chui vào sau cùng ngay khi một tiếng sét khác đánh gãy một cái cây, khiến nó nằm chắn ngang cửa hang và nhốt chúng tôi trong bóng tối.
Tôi va vào ngài Xương như thể quả bóng bowling va vào mấy cây ki. Cái đầu lâu lăn lông lốc trên nền hang, và vài giây sau, T. J chui vào cạnh tôi.
Hai chúng tôi - cùng tất cả những thứ chúng tôi sở hữu - rất khó khăn để vừa với chỗ chật chội như cái hang này. Chúng tôi phải nằm ngửa, vai sát nhau, và nếu tôi duỗi tay ra thì tôi sẽ chạm ngay phải vách hang, chỉ cách bên phải tôi vài phân. Chắc T. J cũng vậy. Cái hang bốc đầy mùi bụi bẩn, cây chết và cả mùi động vật nữa, hi vọng không phải dơi. May mà tôi mặc quần bò nên thoải mái bắt chéo chân ở ngay chỗ mắt cá để ngăn không cho con gì bò vào người. Trần hang cao chưa đầy sáu mười phân khiến tôi có cảm giác mình đang nằm trong một cỗ quan tài đóng nắp, tôi phát hoảng lên, tim đập loạn nhịp, hơi thở gấp gáp như thiếu không khí.
“Thở chậm lại, chị Anna”, T. J nói. “Ngay khi bão tan thì chúng ta sẽ chui ra ngoài”.
Tôi nhắm mắt, cố gắng hít sâu thở chậm. Hãy quên hết nỗi sợ hãi đi. Mình sẽ chết nếu chui ra lúc này.
T. J lồng các ngón tay vào tay tôi. Tôi cũng nắm chặt lấy tay nó như nắm lấy phao cứu sinh.
“Đừng bỏ tay ra nhé”, tôi thì thầm.
“Không đâu”.
Chúng tôi ở trong hang đến hàng giờ, lắng nghe tiếng bão gầm rú bên ngoài. Khi cơn bão cuối cùng cũng qua đi, T. J đẩy thân cây khỏi cửa hang. Mặt trời đã chiếu sáng, chúng tôi bò ra, sững sờ trước sự tàn phá của cơn bão.
Cơn bão đã nhổ gốc không biết bao nhiêu cây cối, biến khu rừng thành một mê cung tan hoang và chúng tôi phải lần mò đường để quay lại bãi biển. Cuối cùng khi đã thoát khỏi khu rừng đổ nát, chúng tôi ngỡ ngàng.
Căn nhà đã biến mất.
T. J nhìn trân trối nền đất nơi đã từng là căn nhà. Tôi ôm chặt nó và nói: “Chị rất tiếc”. Nó không đáp lời, nhưng vòng một tay qua ôm tôi, chúng tôi đứng bất động như vậy hồi lâu.
Chúng tôi tìm xung quanh, thấy cái xuồng hơi mắc kẹt dưới một gốc cây. Chúng tôi cẩn thận tìm xem có lỗ thủng nào không, thậm chí tôi còn cúi xuống lắng nghe xem liệu có tiếng xì hơi, nhưng cũng chẳng thấy gì. Cái thùng chứa nước trôi lềnh bềnh trên biển, cách bờ tới vài mét, và tấm bạt cùng cái mái của xuồng ca nô xoắn vào nhau phía sau đống đổ nát đã từng là căn nhà của chúng tôi.
Đệm ghế, áo phao và chăn nằm tứ tung trên bãi cát. Chúng tôi để mặc chúng tự khô dưới ánh mặt trời. Chúng tôi lại gắn nóc xuồng ca nô lên trên chiếc xuồng hơi, nhưng T. J đã cắt cánh cửa cuốn bằng ni lông để làm nhà từ lần trước rồi. Nóc xuồng sẽ giúp chúng tôi được khô ráo khi trời mưa, nhưng giờ chẳng còn gì ngăn được bầy muỗi tấn công cả.
Chúng tôi dành cả ngày hôm ấy để dựng lại một căn lều khác, sau đó đi nhặt củi chất vào lều cho khô. T. J đi câu cá còn tôi nhặt dừa và quả bánh mì.
Sau cùng, chúng tôi ngồi bên ngọn lửa ăn cá mà mí mắt chỉ chực sụp xuống. May sao chiếc xuồng không bị xì hơi nên khi mặt trời lặn tôi và T. J leo ngay lên xuồng ngủ. Tôi thiếp đi ngay khi vừa đặt lưng xuống, đầu gối lên tấm đệm ghế vẫn còn hơi ẩm.

Tôi đang thỏa sức vùng vẫy trong vùng nước nông còn T. J mải mê dựng lại căn nhà, nhưng nó hứa sẽ xuống với tôi ngay khi đóng xong mấy tấm ván nữa.
Mong muốn lại có một mái nhà vững chãi che đầu khiến thằng bé quên đi tất cả những thứ khác, và chỉ sáu tuần sau cơn bão, T. J đã làm được rất nhiều việc. Nó đã dựng xong khung nhà, đoạn bắt đầu dựng các bức tường. Vì đã có kinh nghiệm từ lần trước nên lần này nó làm rất nhanh, và chắc chắn sẽ chẳng nghỉ ngơi nếu tôi không ép nó dừng lại.
Tôi đang thả mình trong làn nước biển thì T. J lững thững bước đến. Đột nhiên, nó chạy như bay xuống bờ biển, hét ầm lên, ra hiệu cho tôi lên ngay. Tôi không hiểu nổi vì sao nó lại đột nhiên hoảng hốt như vậy nên quay đầu lại xem sao.
Tôi nhìn thấy cái vây cá chỉ một giây trước khi nó biến mất dưới làn nước. Nhìn hình dạng và kích cỡ, tôi biết đấy không phải cá heo.
T. J lao đến mép nước, hét lên: “Bơi đi chị Anna, bơi đi”.
Không dám quay đầu lại, tôi bơi nhanh hơn mức mình tưởng tượng. Tôi vẫn chưa thể chạm chân xuống đáy nhưng T. J lao ra, kéo tay tôi vào vùng biển nông. Ngay khi chân chạm đáy, chúng tôi phi như bay lên bờ.
Người tôi run bần bật khiến T. J phải nắm chặt lấy vai tôi trấn an. “Chị ổn rồi”.
“Em nghĩ nó đã bơi trong vùng biển nông của chúng ta bao lâu rồi?”
T. J nhìn qua mặt nước xanh biếc. “Em chịu”.
“Em nghĩ là loài gì?”
“Một loài cá mập nào đó”.
“Em không thể câu cá được, T. J ạ”. Thằng bé vẫn thường đứng ở vùng nước ngập đến eo, bởi vì dây câu của chúng tôi không dài lắm.
“Em sẽ lên bờ ngay khi nhìn thấy cái vây”.
“Chỉ sợ là em không kịp thấy thôi”.
Vài ngày sau đó, chúng tôi dành hàng giờ đứng trên bờ biển để theo dõi con cá mập. Mặt nước vẫn lặng như tờ. Lũ cá heo đến chơi nhưng tôi không dám xuống, chúng tôi thay nhau tắm nhưng đều chỉ dám tắm sát bờ, và chỉ dám xuống nước vài bước để xả sạch người.
Nguyên một tuần đã trôi qua mà không ai trong chúng tôi nhìn thấy con cá mập thêm lần nữa. Chúng tôi nghĩ nó đã bỏ đi nơi khác để kiếm ăn, việc nó bơi vào vùng nước nông này là do tình cờ, cũng giống con sứa hôm trước.
T. J lại bắt đầu câu cá.
Vài ngày sau đó, tôi đang ngồi cạo lông chân bên bờ biển thì T. J bước đến cùng với con cá câu được. Nó đứng nhìn tôi đưa từng lưỡi dao lên xuống trên đôi chân và cắt vào đầu gối khiến tôi bị chảy máu. Mặt nó nhăn lại.
“Lưỡi dao cùn quá rồi”, tôi giải thích.
Nó ngồi xuống cạnh tôi. “Chị không được xuống nước đâu đấy”. Vậy là tôi biết con cá mập đã quay trở lại.
T. J bảo tôi nó đã nhìn thấy con cá mập ngay khi câu xong con cá cuối cùng. “Nó cứ bơi qua bơi lại, song song với bờ, chỉ lộ một chút vây trên mặt nước. Nhìn như thể nó đang đi săn”.
“Em đừng câu cá nữa, T. J, chị xin em đấy”
Có những ngày tôi ngán món cá lên tận cổ, đó gần như là thực phẩm duy nhất mà chúng tôi có. Ngày nào chúng tôi cũng kiểm tra bờ biển xem có con cua nào không, hi vọng làm phong phú thêm thực đơn nghèo nàn của mình, nhưng chẳng bao giờ tìm thấy cả, và chúng tôi cũng không hiểu tại sao lại thế. Quả bánh mì và dừa cũng đủ để cầm hơi. nhưng tôi nhận ra chừng nào con cá mập còn ở trong vùng nước nông này thì chừng ấy chúng tôi vẫn phải chịu đói.
Đã hai tuần trôi qua, chúng tôi không nhìn thấy con cá mập nữa. Tôi vẫn không dám lại gần mặt nước, trừ khi đi tắm, và cũng chỉ dám mò ra vùng nước ngập đến đầu gối. Dạ dày chúng tôi sôi lên biểu tình. T. J rất muốn đi câu nhưng tôi nài nỉ nó đừng vội.
Tôi hình dung con cá mập đang kiên nhẫn đợi chúng tôi xuống nước sâu hơn. T. J lại nghĩ là nó đã bỏ đi vì không kiếm được gì ở vùng nước này. Chúng tôi cứ cãi nhau mãi.
Đã từ lâu tôi không cho rằng mình là “bề trên” của T. J nữa. Có thể tôi lớn hơn, có nhiều kinh nghiệm sống hơn nhưng những thứ đó chẳng còn nghĩa lý gì trên hoang đảo. Ngày qua ngày, chúng tôi cùng nhau đương đầu, giải quyết mọi việc. Nhưng rõ ràng việc tự đặt mình vào môi trường thuận lợi để làm mồi cho một con vật là vô cùng ngu ngốc, tôi đã nói với T. J như vậy. Có lẽ vì thế nên khi thấy T. J lội ra biển tới ngập eo để câu cá cho bữa tối vào hai ngày sau đó, tôi giận đến phát điên.
Tôi vẫy tay liên tục, không ngừng nhảy lên nhảy xuống trên bãi cát để thu hút sự chú ý của T. J. “Ra khỏi đó mau”.
Nó từ từ lội lên bờ, đi về phía tôi và hỏi: “Chị làm sao thế?”
“Em nghĩ em đang làm gì chứ?”
“Em đang câu cá. Em đói và chị cũng thế”.
“Đói không chết ngay được, T. J ạ, mà em thì đâu có khỏe vô địch chứ!” Cứ mỗi từ thốt ra là tôi lại chỉ mạnh vào ngực thằng bé, nó nắm lấy tay tôi để ngăn tôi không làm thế nữa.
“Lạy Chúa, chị bình tĩnh lại xem nào”.
“Hôm trước thì em không cho chị xuống nước, bây giờ thì em đứng ngập tới eo mà làm như không có gì to tát”.
“Hôm ấy chị đang chảy máu mà chị Anna! Và giờ em có năn nỉ thì chị cũng không đời nào dám bước xuống nước đâu nên đừng ra vẻ như chị cần sự cho phép của em”, nó hét lên.
“Tại sao em cứ khăng khăng tự đặt mình vào nguy hiểm, kể cả khi chị đã bảo em đừng làm thế?”
“Bởi vì việc em có xuống nước hay không thì cũng là quyết định của em, không phải của chị”.
“Quyết định của em có ảnh hưởng trực tiếp đến chị đấy, T. J ạ, vì thế chị nghĩ chị hoàn toàn có quyền ngăn cản những quyết định ngu ngốc!” Mắt tôi rơm rớm, môi tôi cong lên. Tôi quay lưng lại, bỏ đi. Nó cũng chẳng thèm đi theo.
Tuần trước T. J đã xây xong nhà. Tôi bước vào nhà, nằm vật xuống chiếc xuồng hơi. Sau khi đã khóc chán chê, tôi cố bình tĩnh lại, hít một hơi thật sâu, và chắc hẳn tôi đã thiếp đi một lát, bởi vì khi mở mắt ra tôi đã thấy T. J nằm bên cạnh tự lúc nào.
“Xin lỗi”, cả hai chúng tôi cùng nói.
“Bắt chước nhé. Em nợ chị một cốc Coca”, tôi nói. “Chị muốn một cốc to với thật nhiều đá”.
Nó mỉm cười. “Đó sẽ là thứ đầu tiên em mua cho chị khi mình rời khỏi hòn đảo này”.
Tôi chống tay nhỏm dậy, đối mặt với nó. “Chị đã phản ứng hơi quá. Cũng vì chị hoảng sợ quá thôi”.
“Em thực sự nghĩ con cá mập đã đi rồi”.
“Không phải chỉ là con cá mập đâu, T. J ạ”. Tôi hít một hơi thật sâu. “Chị quan tâm đến em nhiều lắm, chị không thể chịu nổi khi nghĩ là em sẽ bị thương hoặc thậm chí bị chết, chị chỉ có thể sống sót ở đảo này vì có em bên cạnh”.
“Chị vẫn sống được, chị Anna. Chị có thể làm được mọi thứ em làm, và chị cũng sẽ ổn thôi”.
“Chị sẽ không ổn chút nào. Khi ở nhà, chị hoàn toàn có thể sống một mình, nhưng ở đây thì không, T. J. Chị không tài nào sống một mình trên đảo này đâu”. Nước mắt tôi tuôn dài khi hình dung về việc mình sẽ đau khổ, cô đơn nhường nào nếu T. J không còn ở bên. “Chị không biết con người có chết vì cô đơn không, nhưng chắc là sau khi đã cô đơn đủ lâu, chị sẽ muốn chết đi còn hơn”, tôi thì thầm.
Nó nhỏm dậy, đặt tay lên tay tôi. “Đừng bao giờ nói thế”.
“Đó là sự thật. Đừng nói với chị là em chưa bao giờ nghĩ vậy”.
Lúc đầu thằng bé im lặng, nhưng nó cũng không nhìn thẳng vào mắt tôi. Cuối cùng nó gật đầu, nói: “Sau khi con dơi cắn chị thì em có nghĩ thế”.
Nước mắt tôi càng chảy nhiều hơn, ướt đẫm cả khuôn mặt. T. J kéo tôi vào lòng, ôm chặt tôi trong khi tôi nức nở, nó xoa lưng cho tôi và kiên nhẫn đợi tôi nín. Cả hai chúng tôi đều không mặc nhiều đồ lắm - nó chỉ mặc quần soóc và tôi chỉ mặc bộ đồ bơi - cảm giác da tiếp da khiến tôi bối rối không ngờ. Người thằng bé tỏa ra mùi đại dương, và đó là mùi mà tôi sẽ nhớ mãi khi nghĩ đến T. J.
Tôi thở dài hài lòng với việc được khóc thỏa thích. Đã lâu lắm rồi mới có người ôm tôi nên tôi không muốn cử động chút nào. Cuối cùng, khi tôi ngẩng đầu lên, T. J dùng hai tay ôm mặt tôi, đoạn nhẹ nhàng lau hết nước mắt còn đọng trên má tôi.
“Chị đã thấy khá hơn chưa?”
“Rồi”.
Nó nhìn vào mắt tôi và nói: “Em sẽ không bao giờ để chị một mình đâu, nếu như em có thể”.
“Vậy thì em đừng xuống biển nữa”.
“Được thôi”. Nó lau thêm mấy giọt nước mắt. “Đừng lo, chúng ta sẽ tìm cách khác để kiếm đồ ăn. Chúng ta luôn làm được mà”.
“Chị mệt mỏi quá, T. J”.
“Vậy chị nhắm mắt lại đi”.
Nó hiểu nhầm ý tôi. Ý tôi là tâm trạng - vì luôn có vấn đề mới phát sinh cần phải đối mặt và lúc nào cũng phải lo lắng về việc một trong hai chúng tôi bị ốm hoặc bị thương. Trời mới gần tối thôi nhưng ở trong vòng tay của T. J thật thoải mái nên tôi ngả đầu ra, nhắm mắt lại.
Nó ôm tôi chặt hơn, một tay đặt ở vai tôi, tay còn lại đặt trên cánh tay tôi.
“Em làm chị cảm thấy rất an toàn”, tôi thì thầm.
“Chị thật sự an toàn mà”.
Tôi dần dần chìm vào giấc ngủ, nhưng chỉ mấy giây trước khi thiếp hẳn đi, tôi cảm thấy làn môi T. J lướt qua môi mình với một chiếc hôn ngọt ngào dịu nhẹ.
Tôi tỉnh dậy trong vòng tay T. J ngay trước bình minh, vừa đói vừa khát vừa cần đi vệ sinh. Tôi trèo khỏi xuồng, ra khỏi nhà và đi vào rừng, trên đường trở lại tôi nhặt thêm mấy quả dừa cùng quả bánh mì. Bầu trời đã sáng dần, tôi loay hoay chải đầu đánh răng và chuẩn bị bữa sáng.
Trong lúc đợi T. J thức dậy, tôi ngồi nghĩ về những sự kiện đã xảy ra đêm qua. Nỗi thèm muốn của T. J gần như có thể sờ thấy được, tỏa ra phừng phừng như hơi nóng từ ngọn lửa. Hơi thở của nó trở nên nặng nề hơn, tim nó đập thình thịch ngay dưới ngực tôi. Nó đã kiềm chế hết sức khiến tôi tự hỏi liệu nó còn thỏa mãn với việc chỉ cần ôm tôi trong tay được bao lâu.
Và với tôi thì được bao lâu nữa.
Nó bước ra khỏi nhà chỉ vài phút sau, vừa đi vừa với tay buộc tóc đuôi ngựa.
“Chào”. Nó ngồi xuống cạnh tôi và bóp nhẹ vai tôi. “Sáng nay chị thế nào?” Nó đặt đầu gối cạnh đầu gối tôi.
“Ổn hơn nhiều rồi”.
“Chị ngủ có ngon không?”
“Có, còn em?”
Nó gật đầu, cười. “Em ngủ rất ngon”.
Chúng tôi ngồi trên bãi biển sau bữa sáng.
“Em đã nghĩ rồi”, nó vừa nói vừa gãi nốt muỗi đốt. “Nếu em đem cái xuồng hơi ra bãi nước nông để câu cá thì sao?”
Gợi ý của nó làm tôi chết khiếp. “Không được”, tôi vừa nói vừa lắc đầu quầy quậy. “Nhỡ con cá mập cắn xuồng thì sao? Hoặc là nó húc cho lật xuồng?”
“Có phải phim Hàm cá mập 1 đâu hả chị Anna. Hơn nữa, chị chỉ nói là không muốn em đứng dưới nước thôi”.
1 Là bộ phim được sản xuất năm 1975 của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg khi ông mới 29 tuổi. Bộ phim kể về cuộc tấn công người của một loài cá mập trắng khổng lồ ở bãi biển New England (Mỹ).
“Đúng là chị đã khăng khăng như thế”, tôi thừa nhận.
“Nếu em câu cá trên xuồng thì ta sẽ không bị đói nữa”.
Dạ dày tôi sôi lên rạo rực như thể con chó trong thí nghiệm của Pavlov 1 khi nghe T. J nhắc đến cá. “Chị không biết nữa, T. J ạ. Nghe có vẻ là một ý tồi”.
1 Nhà sinh lý học người Nga - Ivan Pavlov đã chứng minh phản xạ tự nhiên có điều kiện ở loài vật bằng cách nghiên cứu chức năng dạ dày và quan sát sự tiết dịch vị của loài chó. Ông nhận thấy bất cứ khi nào thấy một yếu tố liên quan đến đồ ăn (như bát đựng thức ăn, người hay cho ăn…), dạ dày của chú chó luôn tiết ra dịch vị khiến nó thèm ăn.
“Em sẽ không ra xa đâu. Chỉ vừa đủ sâu để bắt được cá thôi”.
“Được rồi. Nhưng chị sẽ đi với em”.
“Chị không cần phải làm thế”.
“Tất nhiên là chị cần”.
Chúng tôi phải xì hơi cái xuồng để đưa nó qua khỏi cánh cửa căn nhà. Sau đó lại bơm căng bằng cái bơm khí rồi đem nó xuống biển.
“Chị đổi ý rồi”, tôi nói. “Như thế này thật điên rồ. Ta nên ở trên bãi biển, chỗ an toàn thôi”.
T. J cười nhăn nhở. “Thế thì còn gì vui cơ chứ?”
Chúng tôi lôi cái xuồng xuống bãi nước nông. T. J móc mồi vào lưỡi câu và câu từng con cá một, sau đó ném chúng vào xô đựng đầy nước biển. Tôi không thể ngồi yên mà không nhìn ngó sang hai bên mạn xuồng. T. J kéo tôi xuống ngồi cạnh nó.
“Chị đang làm em sốt ruột đấy nhé”, nó nói, vòng tay qua người tôi. “Em sẽ bắt thêm vài con, sau đó mình sẽ về”.
Cái xuồng hơi lúc này không có mái che nên mặt trời chiếu thẳng xuống chúng tôi. Tôi chỉ mặc mỗi bikini, nhưng vẫn nhễ nhại mồ hôi dưới cái nóng như thiêu như đốt. T. J đang đội chiếc mũ cao bồi của tôi và nó cởi ra đội lên đầu tôi.
“Mũi chị đỏ rực rồi kìa”, nó nói.
“Chị đang bốc hỏa lên đây. Trời nóng quá”.
T. J với tay xuống, vốc một vốc nước tưới lên tôi. Nó làm tôi thấy nhột và nhiệt độ cơ thể còn tăng thêm đến mười độ. Nó lại thò tay xuống biển nhưng đột nhiên dừng lại. “Nó đây rồi”, và rút cần câu lên.
Tôi nhìn qua vai, ngay lập tức từng thớ cơ trên người tôi cứng dơ. Cái vây lượn lơ trên mặt nước cách chừng hai mười mét, đang tiến dần về phía chúng tôi. Khi nó đến gần đủ để nhìn rõ, tôi lập tức vớ lấy mái chèo và đưa một cái cho T. J. Chúng tôi nhìn con cá mập đang bơi quanh cái xuồng, chẳng ai nói một lời nào.
“Chị muốn quay lại bờ”, tôi nói.
T. J gật đầu, chúng tôi liền chèo đi, con cá mập bơi theo đến tận chỗ nước cạn. Khi nước chỉ còn ngang gối, T. J nhảy ra, kéo chiếc xuồng có cả tôi ngồi trên lên tận bờ cát. Tôi lập cập trèo ra.
“Chúng ta biết làm cái quái gì với nó bây giờ?”, thằng bé hỏi.
“Chị không biết”.
Bởi vì thực sự tôi không biết mình và T. J phải làm gì với một con cá mập dài gần ba mét cứ lượn lờ trong vùng nước nông cùng chúng tôi.
Chúng tôi đi bộ về nhà. T. J nhóm lửa còn tôi làm sạch cá và nấu bữa trưa. Chúng tôi ngấu nghiến ăn hết chỗ cá sau bao lâu phải nhịn. T. J bắt đầu bước đi ngay khi vừa ăn hết miếng cuối.
“Chị không thể tin được là em lại ở trên biển cùng với con cá mập đó”. Nó dừng lại, quay đầu nhìn tôi. “Chị không cần phải lo về việc em đứng dưới biển nữa. Em sẽ câu từ trên xuồng. Em chỉ hi vọng nó sẽ không táp cái xuồng một miếng”.
“Vấn đề là thế này T. J ạ. Ta không thể cứ bơm đi bơm lại cái xuồng hơi mỗi khi lôi nó ra vào nhà được. Chị không rõ ta còn bao nhiêu khí CO2 trong bình nữa. Nếu em muốn dùng cái xuồng để đi câu thì ta phải để nó hẳn bên ngoài, chúng ta có mái che nhưng không còn hai miếng vải ni lông để ngăn muỗi nữa”. T. J đã bị muỗi đốt chi chít vì hay đi vào rừng.
“Vậy con cá mập chết tiệt kia được quyền quyết định việc chúng ta có ăn hay không và chúng ta sẽ ngủ ở đâu?”
“Có vẻ là thế”.
“Chết tiệt. Nó có thể làm chủ dưới nước, chứ không phải trên bờ. Mình phải giết nó”.
Chắc thằng bé đang đùa. Giết một con cá mập nghe chẳng thực tế chút nào, chưa kể đến việc nó có thể ngoạm bọn tôi trước nữa. T. J vào nhà, quay trở ra với hộp dụng cụ. Nó gỡ sợi dây thừng thành từng lọn nhỏ.
“Em đang nghĩ cái quái gì thế?”, tôi hỏi, tự nhiên thấy sự phải nghe câu trả lời.
“Nếu đóng vài cây đinh lên trên sợi dây thừng này, em có thể kéo được con cá mập ra khỏi nước”.
“Em muốn thử bắt nó?”
“Vâng”.
“Từ trên xuồng?”
“Không, từ trên bãi biển. Nếu ở trên bờ, chúng ta sẽ có cơ hội thắng lớn hơn. Chỉ cần dụ nó vào vùng nước nông thôi”, T. J giải thích.
“Điều đó thì dễ. Chị rất ngạc nhiên khi lần trước thấy nó vào gần bờ đến mức nào”.
T. J gật đầu. Chẳng ai trong chúng tôi đề cập đến việc con cá mập hoàn toàn bơi được ở vùng nước chỉ ngập đến hông người.
T. J dùng búa nhổ ba cái đinh khỏi hông nhà, và trước khi lôi hẳn ra, nó dùng búa uốn cong phần đuôi của chúng. Nó buộc từng sợi thừng quanh mấy đầu đinh, tạo thành ba cái mốc nhỏ.
“Em không biết phải dùng gì làm mồi bây giờ”, T. J nói.
“Em muốn thử bắt cá mập luôn hôm nay sao?”
“Em muốn giành lại vùng nước nông của mình, chị Anna ạ”. Mắt thằng bé ánh lên vẻ sắt đá, tôi biết là sẽ chẳng có cách nào thuyết phục nó đổi ý.
“Chị biết chúng ta cần gì”. Không thể tin nổi là tôi đang tham gia vào kế hoạch điên rồ này.
“Cái gì?”
“Một con gà. Nếu chúng ta móc một con gà còn sống vào sợi thừng, nó sẽ giãy giụa và thu hút con cá mập”.
Thằng bé vỗ lưng tôi. “Em rất mừng khi chị cùng tham gia vào vụ này”.
“Miễn cưỡng thôi”. Nhưng tôi đồng ý với T. J là chúng tôi cần thử. Mặc con cá mập, con sứa và những nguy hiểm tiềm tàng khác vẫn chưa được biết, vùng nước nông này là của chúng tôi, và tôi hiểu vì sao T. J lại muốn chiến đấu. Tôi chỉ hi vọng chúng tôi sẽ không phải trả giá bằng cả mạng sống của mình.
Chúng tôi đã bắt thêm và chén hai con gà kể từ con đầu tiên bắt được hôm Giáng sinh. Tôi nghĩ vẫn còn lại một con, thậm chí là hai nếu chúng tôi may mắn. Cũng khá lâu rồi chúng tôi vẫn chưa nhìn hay nghe thấy con nào. Cứ như thể bọn gà biết chúng tôi đang rình bắt chúng.
Chúng tôi xới tung cả hòn đảo để tìm gà và chút nữa đã định bỏ cuộc trong thất vọng thì đột nhiên nghe thấy tiếng vỗ cánh. Phải mất thêm nửa tiếng nữa mới tóm được con gà. Tôi quay mặt đi trong khi T. J loay hoay buộc nó vào sợi dây thừng.
Thằng bé lội ra biển để nước ngập đến ngực, rồi thẳng tay ném con gà ra xa nhất có thể, đoạn cầm đầu sợi dây thừng lội vào bờ.
Con gà cuống cuồng vỗ cánh trên mặt nước, cố gắng thoát khỏi sợi dây. Chúng tôi im lặng quan sát, và bắt đầu thấy sợ hãi khi con cá mập lừ lừ tiến đến ngoạm chặt con gà. T. J kéo dây mạnh hết sức để những cái đinh móc vào miệng con cá. “Em nghĩ cách này hiệu quả đấy chị Anna. Em thấy nó đang bị kéo lại này”.
Thằng bé bước lùi vài bước, chôn chặt chân xuống cát, và nắm sợi dây thừng bằng cả hai tay. Đột nhiên sợi dây giật ngược lại, kéo T. J về phía trước, khiến nó ngã đập mặt xuống nước, trong khi con cá mập đang bơi ra biển. Tôi lao lên lưng T. J, dùng hai bàn tay bấu chặt xuống bãi cát. Con cá mập lôi cả hai chúng tôi đi như thể chúng tôi nhẹ tựa lông hồng. Khi chúng tôi cố gắng lấy lại thăng bằng và đứng được thì nước đã ngập đến đầu gối.
“Ra phía sau em mau”, T. J hét. Nó cuốn sợi dây thừng thêm hai vòng quanh cánh tay. Tôi siết chặt lấy đầu sợi dây thừng. Chúng tôi bước giật lùi vài bước, cố gắng giữ người trên mặt đất. Con cá mập giằng qua giằng lại, vừa đớp con gà vừa thoát khỏi mấy cái đinh móc.
Nó lại kéo chúng tôi về phía trước. T. J dùng hết sức bình sinh ghì chặt sợi dây, cánh tay nó sưng phồng lên. Mồ hôi nhễ nhại trên mặt tôi khi chúng tôi đang tranh đấu trong cuộc chiến không cân sức này, nước đã ngập tới đùi tôi.
Hai cánh tay tôi bỏng rát, và từng phút trôi qua, tôi nhận ra rằng chúng tôi sẽ không thể nào lôi được con cá mập lên bờ. Tôi nghĩ lý do duy nhất mà chúng tôi vẫn đứng được là vì nó để chúng tôi làm vậy. Phải cần đến ba người đàn ông lực lưỡng may ra mới có cơ hội thắng, và giờ là lúc phải từ bỏ thôi.
“Buông dây thừng ra, T. J. Ra khỏi đây thôi”.
Nó không cãi lời tôi nhưng sợi dây thắt quanh tay nó quá chặt nên không thể gỡ nổi. Nó cố vùng vẫy thoát thân trong khi con cá mập kéo nó xuống vùng nước sâu hơn. Nước đã ngập đầu thằng bé, sợi dây thừng đột nhiên chùng xuống. Thở phào nhẹ nhõm, tôi cứ đinh ninh rằng T. J đã thoát, nhưng rồi tôi nhận ra con cá mập đang bơi về phía chúng tôi.
“Lên bờ ngay, chị Anna”.
Tôi cứng đơ, nhìn T. J hoảng loạn gỡ sợi dây khỏi cánh tay. Cái vây cá lặn xuống dưới mặt nước, và tôi biết thằng bé sẽ không kịp vào bờ.
Tôi hét lên. Đột nhiên từ khóe mắt, tôi nhìn thấy rất nhiều những cái vây khác chuyển động cực nhanh và đến trong nháy mắt. Lũ cá heo đã tới, khoảng hai hay ba con bơi thành nhóm.
Tôi lội khỏi mặt nước, nhìn chúng bao vây để bảo vệ T. J khi thằng bé bơi vào bờ. Khi nó lên đến bờ cát với tôi, tôi vội choàng tay qua người nó, không ngừng thổn thức.
Thêm bốn con cá heo nữa đến và bây giờ có ít nhất bảy con. Chúng bao vây con cá mập, dùng mõm húc vào người nó, ép nó bơi vào vùng nước nông.
T. J nhìn thấy đầu sợi thừng đang nổi bập bềnh gần đàn cá heo. Nó lao xuống nước, vội vã nắm lấy đầu dây. Chúng tôi ra sức kéo, với sự trợ giúp của đàn cá heo, cuối cùng con cá mập cũng bị lôi lên bờ, đầu không ngừng lắc qua lắc lại, vài sợi lông gà rơi ra từ miệng nó.
T. J ôm chầm lấy tôi trong khi tôi co cả hai chân lên vòng qua eo nó. Cả hai chúng tôi đều hét lên vui sướng.
Lũ cá heo bơi qua bơi lại phấn khích. T. J và tôi lao xuống nước, cố gắng ôm lũ cá heo, mặc dù việc này chẳng dễ dàng gì. Vài phút sau, chúng bơi đi mất. T. J cùng tôi lên bờ, đứng cạnh con cá mập lúc này đã nằm thẳng đuỗn trên bãi cát.
“Chị không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu lũ cá heo không đến kịp”.
“Thì lúc đó tiêu đời là cái chắc”.
“Chị chưa bao giờ sợ hãi đến thế. Chị cứ nghĩ nó ăn thịt em đến nơi rồi”.
T. J ôm tôi, đặt cằm lên đầu tôi. “Nhưng nó đã không thể làm thế”.
“Còn bây giờ chúng ta sẽ ăn thịt nó, đúng không?”.
“Chuẩn không cần chỉnh”, nó vừa nói vừa cười ngoác miệng.
T. J dùng cái cưa tay để xẻ thịt con cá, đó là cảnh tượng kinh khủng nhất mà tôi từng chứng kiến. Tôi dùng dao cắt nhỏ thành từng miếng vừa ăn. Cưa và dao không phải dụng cụ hoàn hảo để lóc thịt một con cá mập, máu bắn đầy người chúng tôi, làm ướt đẫm bộ bikini màu vàng của tôi và quần soóc của T. J. Mùi tanh tràn ngập buồng phổi tôi mỗi khi tôi hít thở. Chúng tôi sẽ phải chôn bộ xương của nó ở đâu đó, nhưng đó là việc chưa cần làm lúc này.
Tôi kiểm tra lại đống thịt cá vừa lọc. Nhiều hơn mức chúng tôi có thể ăn, và cũng phải vứt đi phần lớn, nhưng bữa tối chắc chắn sẽ rất no nê.
Máu thấm đẫm trên ngực T. J. “Chị có muốn gột rửa một chút trước khi nấu không?”, nó hỏi khi chúng tôi quay về nhà.
“Không, em cứ tắm trước đi. Chị sẽ làm món quả bánh mì nghiền, sau đó sẽ xuống tắm”. Đã vài ngày nay tôi không còn cảm giác được sạch sẽ thật sự. Tôi dự định sẽ dùng xà phòng và tha hồ ngụp lặn ở chỗ nước sâu hơn ba mươi phân.
Thằng bé bước vào nhà, rồi quay trở ra với xà phòng, dầu gội đầu cùng quần áo trên tay.
“Em cứ để quần soóc dưới đó nhé. Chị sẽ giặt cho em sau”.
“Được thôi”, nó nói với lại.
Tôi say sưa với món quả bánh mì nghiền. Tôi đã tìm ra công thức vào một ngày dài buồn chán. Đầu tiên là nạo cơm dừa bằng một hòn đá, sau đó cho dừa nạo vào một cái áo phông để vắt lấy nước cốt. Tôi nướng quả bánh mì lên rồi cũng nạo thịt quả, rưới vào đó nước cốt dừa rồi nấu chín trong một cái sọ dừa. T. J thích mê món này.
Tôi xiên thịt cá mập vào que để nướng trên lửa.
“Đến lượt chị đấy”, T. J nói khi nó quay lại, người nó thơm hơn hẳn người tôi. “Em sẽ bắt đầu nấu ăn khi chị đi tắm. Khi nào chị tắm xong, mình có thể bắt đầu bữa tối được rồi”.
“Được thôi”. Tôi chỉ tay vào T. J, “Tránh xa món quả bánh mì nghiền ra nhé”.
Tôi bước vào nhà, lôi đống quần áo từ trong va li ra. Một món đồ màu xanh dương làm tôi chú ý.
Tại sao lại không nhỉ?
Tôi có đầy đủ lý do để ăn diện hôm nay. Bữa tối luôn đặc biệt khi chính tay ta giết chết con mồi, nhất là khi vừa thoát khỏi miệng chính con mồi đó.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 16 Mar 2019

CHƯƠNG 26 T. J


Tôi trải chăn ra cạnh đống lửa và trông chừng mấy xiên thịt cá mập cho khỏi cháy. Cũng chẳng quan trọng lắm vì chúng tôi vẫn còn cả đống, nhưng dạ dày tôi sôi lên sùng sục, tôi chỉ muốn được chén ngay lập tức.
Chị Anna quay lại trong chiếc váy màu xanh dương, mái tóc ướt đã được chải gọn ra sau. Toàn thân chị ấy tỏa mùi hương va ni. Tôi hít hà, nhướng mày nhìn chằm chằm khi chị ấy ngồi xuống cạnh tôi, khiến hai má chị ấy ửng hồng.
“Chị đẹp quá”, tôi nói.
“Cảm ơn em. Chị nghĩ nên mặc đẹp một chút. Bởi vì ta đang ăn mừng mà”.
Chúng tôi ăn nhiều cá hết mức có thể. Độ dai của miếng thịt làm tôi nhớ đến món bít tết, và hương vị thì đậm đà hơn mấy con cá nhỏ chúng tôi vẫn hay ăn nhiều.
“Chị muốn ăn thêm ít quả bánh mì nghiền không?”, tôi hỏi. Thay vì trả lời tôi, chị ấy ợ một tiếng rõ to. “Chị Anna, em bị sốc đấy”, tôi đùa.
“Em chưa bao giờ nghe chị ợ cả”.
“Bởi vì chị là một quý cô mà. Vả lại chị chưa bao giờ được ăn no đến mức ợ lên cả”, chị ấy cười. “Cảm giác thoải mái quá đi”.
“Thế chị có muốn ăn thêm quả bánh mì không? Sắp hết rồi đây”.
“Có chứ”, chị ấy vừa nói vừa cười vang. “Giờ thì bụng chị có thêm chỗ chứa rồi”.
Tôi đã quẹt một ít quả bánh mì nghiền lên ngón tay mình. Không nghĩ ngợi gì, tôi giơ tay ra cho chị ấy. Chị ấy thôi cười, nhìn tôi chăm chú như thể không hiểu nổi tôi định làm gì. Tôi vẫn giữ nguyên tay, rốt cuộc chị ấy vươn người về phía tôi. Khi chị ấy mút hết chỗ quả bánh mì, hơi thở tôi như loạn nhịp.
Tôi dùng cả hai tay ôm lấy mặt Anna và hôn cuồng nhiệt. Nhưng Anna không hề bảo tôi dừng lại. “Chậm lại nào, T. J”, Anna thì thầm.
“Anh không thể”.
Vào trong cô ấy là một cảm giác tôi chưa bao giờ trải qua. Emma quá căng thẳng, mà tôi thì sợ làm em đau, nhưng Anna có vẻ rất thư giãn, như thể cô ấy biết rõ mình đang làm gì.
Sau đó, tôi choàng tay qua người cô ấy, thì thầm: “Liệu đây có phải là chuyện chỉ xảy ra một lần giữa hai ta?”
“Không”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 16 Mar 2019

CHƯƠNG 27 Anna


Chúng tôi cùng đi vào nhà, nơi tối hơn và có ít muỗi hơn. T. J nằm xuống cạnh tôi, phủ chăn lên che người cho cả hai rồi ngủ ngay tức khắc.
Tôi thì vẫn thao thức.
Khi T. J hôn tôi, tôi không kịp dừng lại để suy nghĩ trước khi đáp lại. Cả hai chúng tôi đều đã là người lớn và đều tự nguyện, nhưng dù gì chăng nữa tôi cũng biết rằng khi chúng tôi rời khỏi đảo này, nếu mọi người biết những gì chúng tôi làm với nhau, chắc chắn sẽ có hậu quả to lớn. Khi nằm yên lặng trong bóng tối với T. J đang ôm chặt lấy mình, tôi thực sự thấy những gì chúng tôi đã làm thật tuyệt vời, nếu có bất cứ ai xứng đáng với điều này thì đó phải là chúng tôi. Những gì chúng tôi đã làm là việc riêng của chúng tôi chứ không phải của ai khác.
Ít nhất đó là những điều tôi đang tự thuyết phục mình.

Tôi quỳ trên một chân, đầu đội mũ bóng chày của T. J, tóc vuốt ngược ra sau cho khỏi lòa xòa. Cái que cong cong mà T. J thường dùng để tạo lửa, hai đống củi nhỏ, và đống xơ dừa khô với cỏ nằm rải rác trên mặt đất trước mặt tôi.
Khoảng một tuần sau khi bọn tôi giết được con cá mập, T. J chỉ ra rằng có một thứ mà tôi không biết làm. Từ trước đến nay T. J luôn là người tạo lửa, và T. J muốn chắc chắn rằng tôi cũng biết cách.
T. J đã dạy tôi, còn tôi sẵn sàng để thực hành, mặc dù tôi vẫn chỉ tạo nên vô số khối khói cùng mồ hôi nhễ nhại.
“Sẵn sàng chưa?”, T. J hỏi.
“Ừ”.
“Vậy tiến hành nào”.
Tôi nhấc cành cây lên, xỏ qua sợi dây giày, cố hết sức xoay tròn nó. Chỉ sau mười phút, khói bắt đầu bốc lên.
“Tiếp tục đi”, T. J động viên. “Gần được rồi đấy. Cần phải xoay cái que nhanh nhất có thể”.
Tôi xoay nhanh tay hơn, thế rồi hai mười phút sau, cánh tay đau nhức và mồ hôi nhễ nhại trên mặt, tôi đã nhìn thấy đóm lửa sáng rực. Tôi đào lên, chuyển sang đống cỏ khô bên cạnh, sau đó nhấc đống cỏ lên và nhẹ nhàng thổi.
Lửa bừng sáng, tôi thả đống cỏ xuống. “Ôi Chúa ơi!”
T. J đập tay với tôi. “Được rồi!”
“Ừ. Theo anh thì vừa rồi mất bao lâu?”
“Không lâu lắm đâu. Mà thật ra nhanh hay lâu cũng đâu có quan trọng. Quan trọng là em đã biết làm rồi”. T. J cởi mũ tôi ra và hôn tôi. “Giỏi lắm”.
“Cảm ơn”.
Với thành quả vừa đạt được, chẳng biết tôi nên vui hay buồn, bởi vì dù đã tạo được lửa, nhưng lý do duy nhất tôi cần làm thế là khi có chuyện gì đó không hay xảy ra với T. J.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 16 Mar 2019

CHƯƠNG 28 T. J


Chúng tôi đang ăn trưa thì một con gà chạy ra từ trong rừng.
“Anna, nhìn đằng sau kìa”.
Cô ấy quay lại. “Cái gì thế?”
Chúng tôi ngồi im nhìn con gà đang tiến đến gần. Nó vừa đi vừa mổ mổ trên mặt đất, nhìn không có vẻ gì vội vã cả.
“Cuối cùng vẫn còn lại một con”, tôi nói.
“Đúng vậy, và lại là một con ngu xuẩn nữa chứ”, Anna chỉ tay. “Nhưng nó vẫn là con cuối cùng còn sống sót, thế nên chắc nó phải làm gì đó tốt hơn những con khác”.
Nó đi thẳng về phía Anna, cô ấy nói: “Ồ, xin chào. Mày không biết bọn tao đã làm gì với đồng loại của mày à?”
Nó nghiêng đầu nhìn cô ấy như thể đang cố gắng hiểu xem cô ấy nói gì. Tôi đã ứa nước miếng khi nghĩ đến bữa tối thịt gà mà tôi và Anna sẽ ăn no nê. Nhưng cô ấy lại nói: “Hay là đừng giết con này nữa, T. J ạ. Thử xem nó có đẻ trứng không”.
Tôi dựng một cái chuồng nhỏ. Anna bắt con gà lên, đặt nó vào chuồng. Nó ngồi xuống, nhìn hai chúng tôi với vẻ mặt rất hạnh phúc với ngôi nhà mới. Anna rót chút nước vào cái sọ dừa đặt trước nó. “Gà ăn gì nhỉ?”, cô ấy hỏi.
“Chịu. Em là cô giáo mà, thử nói xem”.
“Em dạy tiếng Anh. Ở trong thành phố lớn nữa chứ”.
Cô ấy khiến tôi bật cười. “Anh cũng không biết nó ăn gì”. Tôi cúi xuống cái chuồng, nói: “Mày nên đẻ trứng thì hơn, bởi vì bọn tao đang phải tốn thức ăn nuôi mày đấy, nếu mày không thích ăn dừa, quả bánh mì, và cá thì mày sẽ chẳng thích thú gì ở đây đâu”.
Tôi thề có Chúa là con gà gật đầu.
Ngày hôm sau nó đẻ trứng. Anna đập quả trứng vào một cái sọ dừa rồi dùng ngón tay đảo đều. Cô ấy đặt cái sọ dừa gần lửa để trứng chín. Khi nhìn có vẻ đã chín, cô ấy chia đôi cho hai chúng tôi.
“Nhìn ngon quá”, Anna nói.
“Công nhận”. Tôi ăn hết phần của mình chỉ trong có hai miếng. “Chưa bao giờ anh được ăn món trứng bác nào ngon như thế. Hương vị đúng như anh vẫn nhớ”.
Hai ngày sau con gà lại đẻ thêm một quả trứng nữa. “Anna, ý kiến giữ con gà này lại thật tuyệt vời”.
“Chắc Gà cũng nghĩ thế”, cô ấy nói.
“Em đặt tên con gà này là Gà?”
Nhìn cô ấy có vẻ ngượng nghịu. “Khi chúng ta quyết định không giết nó thì tự nhiên em thấy gắn bó với nó”.
“Có vẻ ổn đấy”, tôi nói. “Có điều gì đó khiến anh nghĩ là Gà cũng rất thích em”.

Anna và tôi thong dong xuống biển tắm. Khi đến bờ, tôi cởi quần soóc, lao xuống nước, rồi quay lưng lại để nhìn cô ấy cởi đồ.
Anna cùng xuống nước với tôi, và tôi gội đầu cho cô ấy.
“Mình sắp hết sạch dầu gội đầu rồi”, cô ấy vừa nói vừa nhúng đầu xuống nước để xả tóc.
“Mình còn lại bao nhiêu?”
“Em không rõ, có thể là đủ cho vài tháng nữa. Xà phòng cũng không còn nhiều”.
Chúng tôi đổi chỗ, và cô ấy gội đầu cho tôi. Sau khi xả sạch, chúng tôi ngồi trên cát để từng cơn gió thổi cho khô người. Anna ngồi trước tôi, dựa lưng vào ngực tôi, thảnh thơi ngắm hoàng hôn.
“Anh đã từng nhìn trộm em tắm một lần”, tôi thú nhận. “Lúc đó anh đang đi kiếm củi, và không hề để ý. Em khỏa thân bước xuống bãi biển, anh trốn sau một thân cây nhìn ngắm em. Đúng ra anh không nên làm thế. Em đã tin tưởng anh mà anh lại đi nhìn trộm”.
“Sau lần đó anh còn nhìn trộm lần nào nữa không?”
“Không, mặc dù rất muốn nhưng anh không dám”. Tôi hít một hơi thật sâu rồi thở mạnh ra. “Em có giận anh không?”
“Không. Em luôn tự hỏi liệu anh có cố nhìn trộm em lần nào không.”
“Có”. Tôi đứng lên và cầm hai tay cô ấy. Chúng tôi quay trở vào căn nhà, nằm xuống cái xuồng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Tình Yêu Xanh Thẳm - Tracey Garvis Graves

Postby bevanng » 16 Mar 2019

CHƯƠNG 29 Anna


Tôi ngồi ngay sát bờ biển, mải mê sơn móng chân màu hồng. Trong tình cảnh này mà ngồi sơn móng chân thì thật ngốc, nhưng vì có mang theo lọ sơn móng trong va li, và có thừa thời gian, nên tôi đành lôi ra tô vẽ giết thời gian.
T. J bước đến. “Màu đẹp đấy”.
“Cảm ơn”, tôi nói, và sơn thêm lớp nữa. “Đã bao giờ em kể anh nghe về Lucy, chị thợ sơn móng cho em chưa nhỉ?”
T. J cười phá lên. “Anh còn không biết là có nghề đó”.
“Em có một chị chuyên sơn móng cho mà”.
“Ờ, vậy thì em chưa bao giờ kể về chị ấy cả”.
“Em vẫn thường đến cửa hàng của Lucy hai thứ Bảy một tháng”.
T. J nhướng mắt nhìn tôi.
“Vâng, hồi ở Chicago em chăm sóc bản thân kỹ hơn ở đây nhiều. Tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ của Lucy, mà thực ra em cũng chẳng biết chị ấy người nước nào, chỉ biết là em chẳng nói được thứ tiếng ấy. Nhưng nó không ngăn được những cuộc tâm sự dài lê thê giữa chúng em, dù chẳng ai hiểu người kia nói gì”.
“Thế em hay nói về điều gì?”
“Em cũng không biết, mấy thứ linh tinh thôi. Chị ấy biết em dạy học ở trường và em có bạn trai tên John. Em cũng biết chị ấy có đứa con gái mười ba tuổi rất thích mấy chương trình truyền hình thực tế. Chị ấy tốt tính lắm. Lúc nào chị ấy cũng gọi em là “cưng” và ôm em thật chặt mỗi khi chào hỏi. Lần nào em ghé qua chị ấy cũng hỏi đến bao giờ em và John mới làm đám cưới. Trong một bận cao hứng, em đã hứa rằng Lucy sẽ được làm móng cho em cùng toàn bộ đội phù dâu trong ngày cưới của em”.
Tôi đóng nắp lọ sơn móng, sau đó xem xét móng chân của mình. Cũng không hoàn hảo lắm. “Chắc Lucy sẽ phát khiếp khi nhìn thấy móng chân em thế này”. Tôi nhìn T. J. Anh ấy có vẻ mặt lạ chưa từng thấy. “Có chuyện gì à?”
“Không có gì”.
“Anh chắc chứ?”
“Ừ. Bây giờ anh sẽ đi câu cá. Em nên ngồi đợi cho móng khô rồi hẵng đi đâu thì đi nhé”.
“Ừ”.
Lúc quay lại với đống cá trên tay, nhìn mặt anh ấy đã bình thường trở lại. Bất cứ điều gì làm T. J phiền muộn chắc chắn cũng đã qua đi nhanh chóng.

“Tại sao em cứ phải mặc quần áo mà không chịu khỏa thân cả ngày?” T. J hỏi.
“Thì em đang khỏa thân đây”.
“Anh biết. Thế nên anh mới nghĩ em nên khỏa thân những lúc khác nữa”.
T. J và tôi đang lúi húi bên bờ biển, cố gắng giặt đống quần áo bẩn, cả những món đồ mà bọn tôi vừa mặc trên người nữa.
“Cái này vẫn hôi đúng không?”, T. J giơ cái áo phông lên cho tôi ngửi.
“Ừ, hơi hơi”. Thật khó giặt đồ cho sạch, nhất là khi chúng tôi đã hết sạch Woolite từ hơn một năm trước. Bây giờ chỉ còn cách cứ giũ đi giũ lại quần áo trong nước biển và tạm coi là sạch.
“Nếu mình khỏa thân mọi lúc thì đỡ mất công giặt quần áo, Anna ạ”, T. J nói với một nụ cười đầy ẩn ý. Chúng tôi bước lên bờ, phơi quần áo trên sợi dây thừng đã giăng sẵn giữa hai cây.
“Nếu lúc nào em cũng khỏa thân thì sau một thời gian anh sẽ chẳng còn hứng thú gì nữa đâu”.
Anh ấy khịt mũi. “Không đâu, lúc nào anh chẳng hứng thú”.
“Giờ anh nghĩ thế, nhưng một thời gian nữa thì sẽ khác”.
T. J nhìn tôi chằm chằm như thể tôi bị điên. Khi quay lại căn nhà, anh ấy nằm vật ra tấm chăn.
Tôi cũng không mặc quần áo gì vào bởi tất cả quần áo của chúng tôi đều đang ướt. Tôi nằm nghiêng, đối mặt với anh ấy và chống khuỷu tay lên.
“Ô, dáng nằm tuyệt đẹp”, T. J bình luận, “anh thích em nằm dáng này”.
“Sẽ như lúc nào anh cũng được ăn món yêu thích vậy”, tôi nói. “Ban đầu thì thật tuyệt nhưng sau một thời gian anh chẳng còn muốn ăn nữa. Anh sẽ thấy chán ngấy”.
“Anna à, lúc nào em cũng ngon mà”. Anh ấy vươn tới hôn cổ tôi.
“Nhưng dần dần anh cũng sẽ chán thôi”, tôi khăng khăng.
“Không bao giờ”. “Vẫn có thể xảy ra lắm chứ”, tôi nói, dù lúc này tôi cũng không còn tin chắc vào điều mình nói nữa.

Gà đi đến, ngồi phịch vào lòng tôi.
T. J phá lên cười, vươn người ra vuốt ve bộ lông của nó. “Nó làm anh buồn cười chết mất”.
Chúng tôi không còn phải nhốt Gà trong chuồng nữa. Có lần tôi cho Gà ra ngoài chơi, quên không nhốt nó vào, nhưng nó chỉ tha thẩn xung quanh chứ không hề chạy mất.
“Em biết, thật kỳ cục. Chẳng hiểu sao nó lại thích em đến thế”. Tôi vỗ nhẹ lên đầu Gà.
“Đấy là bởi vì em chăm sóc nó”.
“Em rất yêu động vật. Lúc nào em cũng muốn nuôi một con chó nhưng John lại bị dị ứng”.
“Khi nào trở về em có thể nuôi một con mà”, T. J nói.
“Một con Golden Retriever 1”.
1 Giống chó có kích thước trung bình, màu lông vàng nhạt. Còn có tên gọi khác là chó săn mồi hoặc chó tha mồi. Có thể làm chó đặc vụ để dò tìm ma túy. Đặc điểm chung của loài này là rất hiền lành, thông minh, trung thành và thích chơi đùa.
“Em thích giống ấy?”
“Ừ. Một con đã trưởng thành mà không được ai nhận nuôi ý. Em sẽ đến trạm cứu hộ động vật để nhận nuôi một con, ngay sau khi tìm được căn hộ của riêng mình”.
“Em đã nghĩ đến việc đó?”
“Em có thừa thời gian để nghĩ đến bất cứ việc gì, T. J ạ”.
Vài đêm sau đó, khi chúng tôi đang quấn lấy nhau, T. J rên lên một tiếng rồi đổ gục lên người tôi, thở dốc.
“Ồ”, tôi nói, cảm nhận được cơ thể anh ấy.
Anh ấy hôn cổ tôi, thì thầm: “Em có thích không?”
“Có chứ. Anh học ở đâu ra thế?”
T. J cười, cố lấy lại hơi. “Anh có một cô giáo tuyệt vời mà. Anh ấy kéo tôi nằm gối đầu lên ngực anh ấy. Phải đến tận hai sáu, hai bảy tuổi tôi mới biết chính xác mình muốn gì trên giường. Khi tôi cố nói với John, anh chẳng có vẻ gì hào hứng làm vừa lòng tôi hơn cả. Còn T. J không hề ngại ngần hỏi tôi thích gì, thế nên tôi cũng chẳng ngượng ngùng nói thẳng, chính vì thế chúng tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời.
Tôi thở dài. “Một ngày nào đó anh sẽ khiến một người phụ nữ vô cùng hạnh phúc, T. J ạ”.
Cơ thể anh ấy đột nhiên căng cứng, và ngừng xoa lưng tôi. “Anh chỉ muốn làm em hạnh phúc thôi, Anna ạ”. Giọng nói kiên quyết của anh ấy khiến tôi hối hận vì đã trót nói ra điều vừa rồi.
“Ồ, anh luôn làm em hạnh phúc”, tôi nhanh chóng lấp liếm.
Ngày hôm sau anh ấy không nói gì mấy. Tôi đi xuống biển, đứng cạnh T. J khi anh ấy đang câu cá.
“Em xin lỗi. Em đã làm anh buồn và em không bao giờ muốn làm thế cả”.
Anh ấy vẫn nhìn chằm chằm vào sợi dây câu. “Anh biết sẽ chẳng bao giờ có chuyện thế này xảy ra giữa hai ta nếu vẫn ở Chicago, nhưng làm ơn đừng nói chia tay khi mình vẫn còn đang kẹt trên đảo thế này”.
Tôi đặt tay lên cánh tay anh ấy. “Khi em nói anh sẽ làm người phụ nữ khác hạnh phúc, không có nghĩa em là người nói chia tay, sẽ là anh”.
T. J quay sang nhìn tôi, vẻ thắc mắc. “Tại sao anh lại muốn chia tay?”
“Bởi vì em già hơn anh những mười ba tuổi. Nơi đây có thể là thế giới của chúng ta, nhưng rõ ràng đây không phải thế giới thực. Anh vẫn còn quá nhiều thứ chưa được trải nghiệm. Anh sẽ không muốn bị ràng buộc với một người nào đó đâu”.
“Làm sao em biết được anh thực sự muốn gì hả Anna? Hơn nữa, anh đã không còn nghĩ tới tương lai, và anh vẫn chẳng thấy cái máy bay nào quay lại cả. Tất cả những gì anh biết lúc này là em làm anh hạnh phúc, anh chỉ muốn bên em. Em không muốn ở bên anh à?”
“Có chứ”, tôi thầm thì, “Em rất muốn”.
Tôi chỉ muốn nói với T. J tôi sẽ không bao giờ làm gì khiến anh ấy tổn thương nữa. Nhưng tôi sợ rằng đó là lời hứa tôi không thể giữ.
T. J tròn mười chín tuổi vào tháng chín. “Chúc mừng sinh nhật”, tôi nói. “Em đã làm món quả bánh mì nghiền cho anh”, tôi đưa cho anh ấy bát bánh mì nghiền và tặng anh ấy một nụ hôn. T. J kéo tôi ngồi vào lòng, bắt tôi cùng ăn.
“Tại sao chúng ta chẳng bao giờ ăn mừng sinh nhật em nhỉ?” Anh ấy nhìn tôi tinh nghịch: “Mà đó là ngày nào?”
“22 tháng Năm. Nhưng em chẳng thích thú gì với sinh nhật cả”.
Tôi từng rất thích tổ chức sinh nhật cho đến khi John làm tôi mất hứng. Năm tôi tròn hai bảy, tôi cứ đinh ninh anh sẽ cầu hôn, bởi vì anh đã đặt chỗ ở nhà hàng, bảo tôi ăn mặc thật đẹp và mời bạn bè đến uống mừng vài ly trước bữa tối. Tôi hình dung ra cảnh anh quỳ trên một gối, tay cầm nhẫn, tôi đã hào hứng đến mức gần như không thể kiềm chế khi xe taxi thả chúng tôi trước cửa nhà hàng. Chúng tôi cùng nhau bước vào và tất cả mọi người đã ở đó, gần như một buổi tiệc bất ngờ dành cho tôi. Khi sâm-panh được đưa ra, John lôi một hộp Tiffany 1 từ trong túi áo khoác và mở cho tôi xem đôi hoa tai bằng kim cương. Tôi cố giữ nụ cười trên môi đến hết tối nhưng sau đó John phải lôi tôi vào nhà tắm và an ủi. Những năm sau tôi không còn dám hi vọng gì, và hóa ra thế lại hay bởi cho tới ba sinh nhật sau, John còn chẳng thèm tặng đồ trang sức cho tôi nữa.
1 Nhãn hiệu trang sức cao cấp nổi tiếng, được thành lập từ năm 1837 tại New York, Mỹ bởi hai nhà sáng lập Teddy Young và Charles Lewis Tiffany. Nhãn hiệu này nổi tiếng với màu xanh lơ nhạt không thể nhầm lẫn.
“Anh muốn tổ chức sinh nhật sắp tới của em, Anna ạ”.
“Được thôi”.

Mùa mưa kết thúc vào tháng Mười một. Lễ Tạ ơn đến và đi như bao ngày khác, nhưng vào lễ Giáng sinh, T. J tìm thấy một con cua khổng lồ trên bãi cát. Tôi ứa đầy nước miếng khi nhìn anh ấy xiên cả con cua lên que củi để nướng. Một cái càng cua bám chặt lấy đầu que củi, trong khi cái càng còn lại không ngừng hua đi hua lại cố cắp lấy anh ấy. T. J ném hẳn con cua vào lửa, chẳng bao lâu sau chúng tôi cùng thưởng thức từng miếng thịt cua thơm ngon.
“Con cua này làm anh nhớ lại lễ Giáng sinh đầu tiên của mình trên đảo, khi bắt được con gà đầu tiên và có bữa ăn hiếm hoi không phải là cá”, T. J nói.
“Nghe cứ như là đã lâu lắm rồi ấy nhỉ”, tôi vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.
“Em ổn chứ?”
“Ừ. Chỉ là em cứ hi vọng mình sẽ được về nhà trước lễ Giáng sinh năm nay thôi”.
T. J quàng tay qua vai tôi. “Có thể là sang năm, Anna”.

Một ngày vào tháng Hai, tôi thức dậy sau giấc ngủ trưa. Một bó đầy hoa dại mọc rải rác khắp nơi trên hòn đảo được bó gọn gàng, nằm trên cái chăn ngay cạnh tôi.
Tôi tìm thấy T. J cạnh bờ biển. “Có người đã nhờ xem lịch kìa”.
Anh ấy cười vui vẻ. “Anh không muốn bỏ lỡ ngày lễ Tình nhân”.
Tôi hôn anh ấy. “Anh thật ngọt ngào”.
Kéo tôi lại gần, anh ấy nói: “Ngọt ngào với em thì đâu có khó, Anna”.
Tôi nhìn chăm chú vào mắt T. J, và anh ấy bắt đầu nhảy. Tôi vòng tay qua cổ anh ấy, chúng tôi cùng khiêu vũ, mải mê xoay những vòng tròn trên nền cát mềm mại, ấm áp.
“Anh không cần nhạc à?”
“Không”, T. J đáp. “Nhưng anh lại cần em”.
Vài ngày sau, T. J và tôi cùng đi dạo trên bờ biển lúc hoàng hôn. “Em nhớ bố mẹ quá. Dạo gần đây em nhớ nhà vô cùng. Em nhớ cả chị gái và anh rể em nữa. Cả Joe với Chloe. Hi vọng một ngày nào đó anh sẽ gặp họ, T. J ạ. Chắc chắn họ sẽ thích anh cho xem”.
“Anh cũng hi vọng thế”.
Đến lúc này thì tôi biết nếu chúng tôi được cứu thoát, T. J cũng sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của tôi ở Chicago. Việc sẽ gắn bó với nhau đến mức nào tôi cũng không biết trước được. Anh ấy đã bỏ lỡ quá nhiều thứ. Và sẽ không công bằng nếu như tôi chiếm quá nhiều thời gian của T. J. Phần ích kỷ trong tôi lại không thể chịu nổi việc sẽ không được ngủ trong vòng tay anh ấy hoặc không được ở bên anh ấy hàng ngày. Tôi cần T. J biết bao, chỉ nghĩ đến việc phải rời xa anh ấy tôi đã muộn phiền hơn mức dám thú nhận với bản thân mình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: tuvi and 37 guests