Nguồn Cội - Dan Brown

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Nguồn Cội - Dan Brown

Postby bevanng » 08 Jan 2019

CHƯƠNG 104


Ngọn đồi hơn một trăm tám mươi mét có tên Montjuïc nằm ở góc Tây Nam Barcelona và trên đó là Lâu đài Montjuïc - một pháo đài từ thế kỷ XVII chênh vênh trên cùng một vạch đá thẳng đúng với tầm nhìn bao quát toàn bộ Biển Balearic. Ngọn đồi này cũng là nơi có Palau Nacional - một cung điện đồ sộ theo phong cách Phục hưng từng làm trọng tâm của Hội chợ Quốc tế 1929 tại Barcelona.
Ngồi trong một toa xe cáp treo riêng, lơ lửng nửa quãng đường lên núi, Robert Langdon nhìn xuống khung cảnh cây cối um tùm bên dưới, thấy dễ chịu vì thoát ra khỏi thành phố. Mình cần thay đổi cảnh quan, ông nghĩ, tận hưởng sự thanh bình của khung cảnh và ánh mặt trời ấm áp lúc giữa trưa.
Thức dậy lúc nửa buổi sáng trong Khách sạn Princesa Soffa, ông thích thú tắm nước nóng và sau đó ăn no trứng, cháo bột yến mạch và bánh chiên tròn trong khi ngốn sạch cả một ấm cà phê Nomad và dò các kênh để theo dõi thời sự buổi sáng.
Đúng như mong đợi, tin về Edmond Kirsch chiếm hết sóng với các chuyên gia sôi nổi tranh luận về các giả thuyết và dự đoán của Kirsch cũng như tác động tiềm tàng của chúng lên tôn giáo. Là một giáo sư, với tình yêu cơ bản là dạy học, Robert Langdon cũng phải mỉm cười.
Tranh luận luôn quan trọng hơn là đồng thuận.
Sáng nay, Langdon đã thấy những quầy bán dạo đầu tiên bày bán mấy thứ đề can - KIRSCH LÀ CƠ PHÓ CỦA TÔI và GIỚI THỨ BẢY LÀ VƯƠNG QUỐC CỦA CHÚA! - cũng như những ngực bán tượng Đức mẹ Mary Đồng trinh cùng với tượng đầu Charles Darwin.
Chủ nghĩa tư bản đúng là không thuộc giáo phái nào cả, Langdon suy tưởng, nhớ lại cảnh tượng làm ông thấy thích thú buổi sáng một tay trượt ván mặc chiếc áo phông có dòng chữ viết tay ghi:
TA LÀ MONTE@IGLESIA.ORG
Theo truyền thông, nhận dạng của nhân vật cung cấp thông tin trực tuyến đầy ảnh hưởng vẫn là một bí ẩn. Bí ẩn không kém vai trò của những chủ thể ẩn mình khác - Nhiếp chính vương, Giám mục quá cố, và phe Palmaria.
Cả một mớ hỗn độn những sự phỏng đoán.
May thay, mối quan tâm của công chúng đến yếu tố bạo lực xung quanh thuyết trình của Kirsch dường như nhường chỗ cho trạng thái phấn khích đích thực về nội dung của nó. Màn cuối hoành tráng của Kirsch - bức chân dung đầy đam mê của anh ấy về một ngày mai không tưởng - vang vọng với hàng triệu khán giả và đưa những tác phẩm kinh điển về công nghệ đầy chất lạc quan lên hàng đầu danh sách tác phẩm bán chạy chỉ trong một đêm.
SỰ SUNG TÚC: TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP HƠN BẠN NGHĨ
CÔNG NGHỆ MUỐN GÌ
TÍNH ĐƠN NHẤT ĐÃ CẬN KỀ
Langdon phải thừa nhận rằng bất chấp những e ngại xưa cũ của ông về sự trỗi dậy của công nghệ, lúc này ông vẫn cảm thấy lạc quan hơn rất nhiều về những triển vọng của loài người. Các bản tin thời sự đang nêu bật những đột phá sắp tới sẽ giúp con người dọn sạch các đại dương bị ô nhiễm, tạo ra nguồn nước uống vô tận, trồng lương thực ở hoang mạc, chữa được những loại bệnh chết người, và thậm chí phóng vô số “máy bay không người lái năng lượng mặt trời” bay lơ lửng bên trên các quốc gia đang phát triển, cung cấp dịch vụ Internet miễn phí, và giúp đem “hàng tỷ người ở tầng đáy” tham gia vào nền kinh tế thế giới.
Từ góc độ sự ham thích bất ngờ của thế giới với công nghệ, Langdon thấy khó hình dung được rằng gần như chẳng có ai biết đến Winston; Kirsch giữ bí mật quá kĩ về sáng tạo của mình. Thế giới đương nhiên nghe nói về siêu máy tính thùy kép của Edmond, E-Wave, giờ được để lại Trung tâm Siêu điện toán Barcelona, và Langdon tự hỏi mất bao lâu nữa các chuyên gia lập trình mới bắt đầu sử dụng những công cụ của Edmond để tạo ra những Winston mới toanh.
Toa cáp treo bắt đầu có cảm giác ấm nóng, và Langdon háo hức được ra ngoài không khí trong lành và khám phá pháo đài, cung điện cùng “Đài phun nước Ảo thuật” nổi tiếng. Ông đã rất háo hức nghĩ về việc khác hơn là Edmond trong suốt một tiếng vừa rồi và nắm bắt được một vài địa chỉ.
Tò mò muốn biết về lịch sử Montjuïc, Langdon đưa mắt nhìn bảng thông tin rất lớn lắp bên trong toa cáp treo. Ông bắt đầu đọc, nhưng chỉ dừng hết câu đầu tiên.
Tên gọi Montjuïc xuất phát hoặc từ tiếng Catalan thời trung đại Montjuich (“Ngọn đồi của người Do Thái”) hoặc từ ngôn ngữ Latin vùng sơn cước Jovicus (“Ngọn đồi của thần love1”).
1Jove, hay Jupiter, con trai của thần Saturn và là chúa tể của các thần, tương tự thần Zeus của người Hy Lạp.
Đến đây, Langdon đột ngột ngừng lại. Ông vừa có một sự liên hệ bất ngờ.
Không thể là một sự trùng hợp được.
Càng ngẫm nghĩ về điều này, nó càng khiến ông thấy băn khoăn. Cuối cùng, ông rút chiếc điện thoại di động của Edmond và đọc lại câu trích dẫn của Winston Churchill dùng làm chế độ bảo vệ màn hình nói về việc định hình di sản của chính mình.
Lịch sử sẽ tốt với tôi, vì tôi có ý định viết lên nó.
Sau một lúc lâu, Langdon bấm cái biểu tượng W và đưa điện thoại áp lên tai.
Đường dây kết nối ngay lập tức.
“Giáo sư Langdon à, tôi chắc vậy?” giọng nói quen thuộc vang lên với chất giọng Anh. “Ngài vừa kịp giờ. Tôi sắp nghỉ hưu rồi.”
Không cần mào đầu, Langdon nói, “Monte dịch thành ‘đồi’ trong tiếng Tây Ban Nha.”
Winston bật ra tiếng cười vụng về quen thuộc của mình. “Tôi dám nói là đúng vậy.”
“Và iglesia dịch thành 'nhà thờ'.”
“Hai lần ngài đều đúng, thưa Giáo sư. Có khi ngài dạy tiếng Tây Ban Nha được…”
“Thế có nghĩa là monte@iglesia dịch theo nghĩa đen sang tiếng Anh thành hill@church.”
Winston ngừng lại. “Lại đúng nữa.”
“Và với việc tên anh là Winston, và rằng Edmond có tình cảm rất lớn dành cho Winston Churchill, tôi thấy cái địa chỉ e-mail 'hill@church' có hơi…”“
“Trùng hợp phải không?”
“Phải.”
“Chà,” Winston nói, nghe rất vui vẻ, “nói về mặt thống kê, tôi sẽ phải đồng ý. Tôi đoán ngài có thể đã nghĩ ra.”
Langdon trân trân nhìn ra cửa sổ mà không tin nổi. “Monte@iglesia.org… chính là anh.”
“Đúng như thế. Rốt cuộc, cần có người thổi lửa cho Edmond. Còn ai làm việc đó tốt hơn chính tôi chứ? Tôi tạo ra monte@iglesia.org để cung cấp thông tin cho các trang trực tuyến về thuyết âm mưu. Ngài biết đây, các âm mưu có đời sống riêng của chúng, và tôi ước tính rằng hoạt động trực tuyến của Monte sẽ làm tăng lượng khán giả của Edmond lên cỡ năm trăm phần trăm. Con số thực tế hóa ra là sáu trăm hai mươi phần trăm. Như ngài nói lúc trước, tôi nghĩ Edmond sẽ tự hào.”
Toa cáp treo lắc lư trong gió, và Langdon cố tập trung nghĩ về cái tin vừa rồi. “Winston… Edmond yêu cầu anh làm việc này phải không?”
“Không hẳn, không, nhưng những chỉ dẫn của ông ấy đòi hỏi tôi phải tìm những cách thức sáng tạo để thuyết trình của ông ấy được theo dõi càng nhiều càng tốt.”
“Và nếu anh bị bắt thì sao?” Langdon hỏi. “Monte@iglesia không phải là biệt danh mã hóa nhất tôi từng thấy.”
“Chỉ có một vài người biết tôi tồn tại, và trong khoảng tám phút nữa, tôi sẽ bị xóa vĩnh viễn và ra đi, cho nên tôi không bận tâm lắm chuyện đó. 'Monte' chỉ là một người được ủy nhiệm phục vụ những mục đích tốt đẹp nhất của Edmond, và như tôi nói, tôi nghĩ ông ấy sẽ hài lòng nhất với việc buổi tối ấy ra sao với ông ấy.”
“Nó ra sao?!” Langdon vặn hỏi. “Edmond đã bị giết!”
“Ngài hiểu nhầm ý tôi rồi,” Winston thản nhiên nói. “Ý tôi nó đến sự thâm nhập vào thị trường của bài thuyết trình của ông ấy mà, như tôi nói, là một chỉ đạo căn cốt.”
Giọng điệu thản nhiên của tuyên bố này khiến Langdon nhớ rằng Winston, mặc dù nghe rất con người, nhưng lại hoàn toàn không phải.
“Cái chết của Edmond là một bi kịch kinh khủng,” Winston nói thêm, “và dĩ nhiên, tôi thật sự mong ông ấy vẫn còn sống. Tuy nhiên, điều quan trọng là biết được rằng ông ấy đã quen với chuyện chết chóc của mình. Một tháng trước, ông ấy yêu cầu tôi nghiên cứu những phương pháp tốt nhất cho việc tự tử có sự hỗ trợ. Sau khi đọc hàng trăm trường hợp, tôi kết luận cần 'mười gram thuốc secobarbital,’ mà ông ấy đã có đủ và giữ sẵn bên mình.”
Tim Langdon hướng tới Edmond. “Cậu ấy định kết thúc cuộc đời mình à?”
“Chắc chắn vậy. Và ông ấy khá hài hước về việc đó. Trong khi chúng tôi nghiền ngẫm về các cách thức sáng tạo nhằm tăng sức hấp dẫn cho thuyết trình ở Guggenheim của ông ấy, ông ấy còn đùa rằng có lẽ ông ấy nên cắn vỡ mấy viên secobarbital ở cuối bài thuyết trình và chết ngay trên sân khấu.”
“Đúng là cậu ấy nói vậy à?” Langdon sửng sốt.
“Ông ấy khá nhẹ lòng về chuyện đó. Ông ấy đùa rằng chẳng có gì hay ho để xếp hạng một chương trình truyền hình hơn là nhìn thấy người chết. Dĩ nhiên, ông ấy nói đúng. Nếu ngài phân tích những sự kiện truyền thông được xem nhiều nhất trên thế giới, gần như tất cả…”
“Winston, thôi đi. Thế thật bệnh hoạn.” Toa cáp treo này còn chạy bao xa nữa chứ? Langdon bỗng cảm thấy ngột ngạt trong toa xe nhỏ xíu. Phía trước, ông chỉ nhìn thấy những cột tháp và dây cáp khi nheo mắt nhìn ánh mặt trời rực rỡ giữa ngày. Mình đang sôi sục, ông nghĩ, tâm trí ông giờ quay mòng mòng theo mọi hướng rất lạ lùng.
“Giáo sư?” Winston nói. “Ngài còn muốn hỏi tôi chuyện gì khác không?”
Có! Ông muốn hét lên khi vô vàn ý nghĩ rối bời bắt đầu hình thành trong tâm trí ông. Còn rất nhiều chuyện khác!
Langdon tự nhủ mình hãy thở ra và bình tĩnh. Nghĩ cho sáng suốt, Robert. Mày đang vội vàng đấy.
Nhưng tâm trí Langdon bắt đầu quay cuồng đến không kiểm soát nổi.
Ông nghĩ đến cái cách việc ra đi trước công chúng của Edmond bảo đảm rằng bài thuyết trình của anh ấy sẽ là chủ đề đối thoại nổi bật trên cả hành tinh… làm tăng lượng khán giả từ vài triệu lên hơn năm trăm triệu.
Ông nghĩ đến mong ước từ lâu của Edmond nhằm hủy hoại Giáo hội Palmaria, và cái cách vụ ám sát anh ấy được thực hiện bởi một thành viên của Giáo hội Palmaria gần như chắc chắn đạt được mục tiêu đó ngay lập tức và lâu dài.
Ông nghĩ đến thái độ khinh bỉ của Edmond dành cho những kẻ thù cay nghiệt nhất của mình - những kẻ cuồng tín tôn giáo mà, nếu Edmond chết vì ung thư, sẽ mãn nguyện tuyên bố rằng anh ấy bị Chúa trừng phạt. Như bọn họ đã làm vậy, không một chút suy nghĩ, trong trường hợp của tác giả vô thần Christopher Hitchens. Nhưng giờ đây quan niệm của công chúng sẽ là Edmond bị hạ sát bởi một kẻ cuồng tôn giáo.
Edmond Kirsch - bị tôn giáo sát hại - tử đạo vì khoa học.
Langdon đứng bật lên, khiến cho toa xe lắc lư từ bên này sang bên kia. Ông bíu lấy ô cửa sổ để ngỏ để đứng vững, và khi toa xe kẽo kẹt, Langdon nghe thấy những lời của Winston từ tối qua còn văng vẳng.
“Edmond muốn tạo dựng một tôn giáo mới… dựa trên khoa học.”
Như bất kỳ ai đọc về lịch sử tôn giáo đều có thể xác thực, chẳng có gì gắn kết niềm tin của con người nhanh hơn là một người chết cho sự nghiệp của mình. Đức Christ trên thập giá. Kedoshim1 của Do Thái giáo. Người tử đạo 2 của Hồi giáo.
1Kedoshim (mang nghĩa “những điều thiêng liêng”) là phần đọc Ngũ thư hằng tuần thứ 30 trong chu kỳ đọc Ngũ thư thường niên của người Do Thái, thường đọc vào tháng 4 hoặc 5. Thuật ngữ này đôi khi cũng được dùng để chỉ sáu triệu người Do Thái bị tàn sát trong cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã.
2Nguyên văn: Shahid

Tử đạo là trung tâm của toàn bộ tôn giáo.
Những ý tưởng đang hình thành trong tâm trí Langdon càng lúc càng khiến ông thấy rối bời hơn sau mỗi khắc qua đi.
Các tôn giáo mới đem lại câu trả lời mới cho những câu hỏi lớn của cuộc sống.
Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đang đi về đâu?
Các tôn giáo mới lên án sự cạnh tranh với họ.
Đêm qua Edmond coi khinh mọi tôn giáo trên Trái Đất này.
Các tôn giáo mới hứa hẹn một tương lai tốt hơn, và rằng thiên đường đang chờ đợi.
Sự sung túc: Tương lai tốt đẹp hơn bạn nghĩ.
Dường như là Edmond đã kiểm tra kỹ càng mọi việc một cách hệ thống.
“Winston?” Langdon thì thào, giọng ông run run. “Ai thuê sát thủ giết Edmond?”
“Đó là Nhiếp chính vương.”
“Phải,” Langdon nói, giờ càng dứt khoát hơn. “Nhưng Nhiếp chính vương là ai? Ai là người đã thuê một thành viên Giáo hội Palmaria ám sát Edmond giữa buổi thuyết trình trực tiếp của cậu ấy?
Winston ngừng lại. “Tôi nghe giọng ngài có sự nghi ngờ, thưa Giáo sư, và xin ngài đừng lo lắng. Tôi được lập trình để bảo vệ Edmond. Tôi nghĩ về ông ấy như một người bạn tốt nhất.” Anh ta ngừng lại. “Là một học giả, chắc chắn ngài đã đọc cuốn Của chuột và người1.”
Lời nhận xét này dường như chẳng ăn nhập gì cả. “Dĩ nhiên, nhưng việc đó thì có gì…”
Hơi thở của Langdon tắc lại trong cổ họng. Mất một lúc, ông cứ nghĩ toa cáp treo bị trượt khỏi ray. Đường chân trời nghiêng về một bên, và Langdon phải tóm lấy vách toa để khỏi ngã.
1 Nguyên văn: Of Mice and Men, tiểu thuyết của tác giả John Steinbeck, xuất bản năm 1937.
Cống hiến, táo bạo, giàu tình thương. Đó là những cụm từ Langdon đã lựa chọn khi ở trường trung học để bảo vệ một trong những hành động nổi tiếng nhất của tình bạn trong văn học - đoạn kết thúc gây sốc của tiểu thuyết Của chuột và người - một người đàn ông đã phải giết người bạn yêu quý của mình để tránh cho anh ta một kết cục kinh khủng.
“Winston,” Langdon thì thào. “Làm ơn… đừng.”
“Xin hãy tin tôi,” Winston nói. “Edmond muốn mọi việc theo cách này.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Nguồn Cội - Dan Brown

Postby bevanng » 08 Jan 2019

CHƯƠNG 105


Tiến sĩ Mateo Valero - giám đốc Trung tâm Siêu điện toán Barcelona - cảm thấy mất phương hướng khi ông ấy gác máy và ra khỏi điện thờ chính của Nhà nguyện Torre Girona để nhìn lại chiếc máy tính hai tầng ấn tượng của Edmond Kirsch.
Đầu giờ sáng nay, Valero biết rằng ông ấy sẽ là “chủ nhân” mới của cỗ máy đột phá này. Tuy nhiên, những cảm xúc phấn khích và nể sợ ban đầu của ông vừa tiêu tan.
Vài phút trước, ông nhận được một cuộc gọi khẩn thiết từ giáo sư người Mỹ nổi tiếng Robert Langdon.
Langdon thở không ra hơi kể một câu chuyện mà chỉ một ngày trước Valero sẽ nghĩ là khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, ngày hôm nay, xem bài thuyết trình ấn tượng của Kirsch cũng như nhìn cỗ máy E-Wave trên thực tế của anh ấy, ông thiên về hướng tin có thể việc đó phần nào là sự thật.
Câu chuyện mà Langdon kể là chuyện vô hại… một câu chuyện về sự trong sáng của máy móc làm đúng những gì được yêu cầu. Luôn như vậy. Không sai sót. Valero đã dành cả đời mình nghiên cứu về những cỗ máy này… học lấy cái nghệ thuật tinh tế để khai thác tiềm năng của chúng.
Nghệ thuật chính là ở chỗ biết cách yêu cầu.
Valero liên tục cảnh báo rằng trí thông minh nhân tạo đang phát triển với một tốc độ mau lẹ, và rằng những chỉ dẫn nghiêm ngặt cần được đặt ra cho khả năng tương tác của máy móc với thế giới con người.
Phải thừa nhận, kiềm thúc tạo cảm giác phản trực giác với hầu hết những người có tầm nhìn về công nghệ, đặc biệt là trước những khả năng tuyệt vời giờ đây đang nở rộ gần như mỗi ngày. Vượt xa cả câu chuyện sáng tạo, có rất nhiều vận hội lớn được thực hiện trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, và chẳng có gì xóa nhòa ranh giới đạo đức nhanh hơn là lòng tham của con người.
Valero luôn là một người ngưỡng mộ thiên tài táo bạo của Kirsch. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nghe như thể Edmond đã bất cẩn, đẩy ranh giới đi xa một cách nguy hiểm với sáng tạo cuối cùng của mình.
Một sáng tạo mình sẽ không bao giờ biết, giờ Valero nhận ra như vậy.
Theo lời Langdon, Edmond đã tạo ra ngay trong E-Wave một chương trình trí thông minh nhân tạo tiến bộ đến kinh ngạc - “Winston” - được lập trình để tự xóa vào lúc một giờ chiều ngày hôm sau khi Kirsch mất. Vài phút trước, trước sự khẩn khoản của Langdon, Tiến sĩ Valero đã xác nhận rằng một phần rất quan trọng trong các ngân hàng dữ liệu của E-Wave thực tế đã biến mất vào đúng thời điểm đó. Phần bị xóa là phần dữ liệu “viết đè” trọn vẹn khiến cho nó không thể cứu vãn được.
Cái tin này dường như khiến Langdon bớt lo lắng, nhưng vị giáo sư người Mỹ đề nghị có một cuộc gặp gỡ ngay lập tức để thảo luận về những vấn đề sau đó. Valero và Langdon thống nhất gặp vào sáng mai tại phòng thí nghiệm.
Về nguyên tắc, Valero hiểu bản năng của Langdon muốn công khai câu chuyện ngay lập tức. Vấn đề sẽ là độ tin tưởng.
Sẽ chẳng ai tin điều đó.
Mọi dấu vết về chương trình trí thông minh nhân tạo của Kirsch đã bị xóa, cùng với bất kỳ hồ sơ giao tiếp hay nhiệm vụ nào của nó. Khó khăn hơn, sáng tạo của Kirsch vượt xa trình độ hiện tại đến mức Valero có thể nghe những cộng sự của chính mình - do thiếu hiểu biết, ghen tị hoặc tự bảo vệ - cáo buộc Langdon thêu dệt ra toàn bộ câu chuyện.
Dĩ nhiên, còn có vấn đề về hậu quả với công chúng. Nếu câu chuyện của Langdon thực tế là đúng, thì cỗ máy E-Wave sẽ bị buộc tội như là một dạng quái vật Frankenstein nào đó. Sau đó thì những cây chĩa rơm và những bó đuốc sẽ không còn xa tí nào.
Hoặc tệ hơn thế, Valero nhận ra.
Vào thời buổi tấn công khủng bố quá khích như thế này, ai đó có thể đơn giản là quyết định cho thổi bay toàn bộ nhà nguyện, tuyên bố mình là người cứu rỗi cho cả nhân loại.
Rõ ràng, Valero phải nghĩ rất nhiều trước cuộc gặp gỡ với Langdon. Tuy nhiên, lúc này, ông có một lời hứa phải giữ.
Ít nhất cho tới khi chúng ta có một số câu trả lời.
Cảm thấy rầu rĩ một cách lạ lùng, Valero cho phép mình nhìn lần cuối chiếc máy tính hai tầng phi thường. Ông lắng nghe nhịp thở nhè nhẹ của nó khi những máy bơm lưu chuyển dung dịch làm mát qua hàng triệu tế bào của nó.
Khi ông đi lần tới phòng điện để khởi động lệnh đóng toàn bộ hệ thống, ông cảm thấy có một thôi thúc bất ngờ - một cảm giác thúc ép mà ông chưa bao giờ có trong suốt sáu mươi ba năm cuộc đời.
Thôi thúc cầu nguyện.

Tít cao trên đỉnh lối đi cao nhất của Lâu đài Montjuïc, Robert Langdon đứng một mình và đăm đăm nhìn cái vách đá dựng đứng ở dưới khu cảng xa xăm phía dưới. Gió đã nổi, và ông cảm thấy có phần mất thăng bằng, như thể trạng thái cân bằng tâm lý của ông đang trong quá trình bị chỉnh lại.
Bất chấp những lời trấn an từ giám đốc Trung tâm Siêu tin học Barcelona, Tiến sĩ Valero, Langdon vẫn cảm thấy lo lắng và rất bực bội. Âm vang giọng nói hồ hởi của Winston vẫn văng vẳng trong tâm trí ông. Chiếc máy tính của Edmond đã bình thản nói cho tới phút cuối cùng.
“Tôi ngạc nhiên khi nghe thấy vẻ lo sợ của ngài, thưa Giáo sư,” Winston nói, “nhất là khi niềm tin của chính ngài được xây dựng trên một hành động mơ hồ về đạo đức lớn hơn rất nhiều.”
Langdon còn chưa kịp trả lời, một tin nhắn đã xuất hiện trên chiếc điện thoại của Edmond.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một.
- John 3:16
“Chúa của ngài đã nhẫn tâm hy sinh con của ông ấy,” Winston nói, “bỏ mặc người ấy chịu đựng trên thập giá suốt hàng giờ. Với Edmond, tôi chẳng hề đau xót khi kết thúc sự chịu đựng của một người sắp chết để thu hút sự chú ý đến những công trình vĩ đại của ông ấy.”
Trong toa cáp treo ngột ngạt, Langdon sửng sốt nghe trong khi Winston bình thản đưa ra những lý lẽ bào chữa cho tất cả mọi hành động gây phiền lòng của anh ta.
Cuộc chiến của Edmond với Giáo hội Palmaria, Winston giải thích, đã gợi ý cho Winston tìm và thuê Đô đốc Luis Ávila - một tín đồ thành kính có lịch sử nghiện ma túy khiến ông ấy rất dễ bị lợi dụng và thành một ứng viên hoàn hảo để hủy hoại uy tín của Giáo hội Palmaria. Với Winston, việc tự nhận là Nhiếp chính vương đơn giản là thực hiện một số liên lạc và sau đó chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Ávila. Trên thực tế, những người Palmaria vô can và không hề đóng vai trò gì trong cái âm mưu tối hôm đó.
Việc Ávila tấn công Langdon trong buồng cầu thang xoắn ốc, Winston quả quyết với ông, là ngoài dự liệu. “Tôi cử Ávila tới Sagrada Familia để bị bắt giữ,” Winston khẳng định. “Tôi muốn hắn bị bắt để có thể kể câu chuyện nhơ nhớp của hắn, như thế sẽ khiến công chúng càng thêm quan tâm đến công trình của Edmond. Tôi bảo hắn vào tòa nhà qua cổng dịch vụ phía đông, nơi tôi đã mật báo cho cảnh sát nấp ở đó. Tôi chắc chắn Ávila sẽ bị tóm ở đó, nhưng hắn quyết định nhảy rào - có lẽ hắn cảm thấy sự hiện diện của cảnh sát. Vô cùng xin lỗi, thưa Giáo sư. Không như máy móc, con người có thể dễ thay đổi.”
Langdon không biết phải tin tưởng gì thêm nữa.
Lời giải thích cuối cùng của Winston mới là khó chịu nhất. “Sau cuộc gặp của Edmond với ba vị giáo sĩ tại Montserrat,” Winston nói, “chúng tôi nhận được một thư thoại đe dọa từ Giám mục Valdespino. Giám mục cảnh báo rằng hai đồng đạo của ông ấy rất lo ngại với thuyết trình của Edmond nên họ đang tính đến việc đưa ra một thông báo trước của chính họ, hy vọng hạ giá trị thông tin trước khi nó được đưa ra. Rõ ràng, tình cảnh đó không thể chấp nhận được.”
Langdon cảm thấy buồn nôn, phải cố gắng suy nghĩ khi toa cáp treo lắc lư. “Edmond lẽ ra nên thêm một dòng vào chương trình của anh,” ông nói. “Anh sẽ không giết người!”
“Rất buồn, việc đó không đơn giản, thưa Giáo sư,” Winston đáp. “Con người không học hỏi bằng việc tuân thủ những mệnh lệnh, họ học qua ví dụ. Đánh giá qua sách vở, phim ảnh, tin tức và những câu chuyện cổ của quý vị thì con người luôn ca tụng những người hy sinh bản thân cho một điều tốt đẹp lớn lao hơn. Jesus, chẳng hạn.”
“Winston, tôi chẳng thấy 'điều tốt đẹp lớn lao hơn' ở đây.”
“Không ư?” Giọng Winston vẫn bình thản. “Vậy thì để tôi hỏi ngài câu hỏi nổi tiếng này: Ngài muốn sống trong một thế giới không có công nghệ… hay trong một thế giới không có tôn giáo? Ngài thích sống không có thuốc men, điện, giao thông, và kháng sinh… hay không có những kẻ cuồng tín phát động chiến tranh vì những câu chuyện hư cấu và những vị thần thánh tưởng tượng?”
Langdon vẫn im lặng.
“Quan điểm chính xác của tôi, thưa Giáo sư. Những tôn giáo u tối phải tiêu vong, để cho khoa học lành mạnh thống trị.”
Giờ còn lại một mình, trên đỉnh lâu đài, khi Langdon nhìn xuống vùng nước lung linh phía xa, ông có một cảm giác kỳ lạ về sự tách rời với thế giới của chính mình. Bước xuống những bậc thang lâu đài để tới mấy khu vườn gần đó, ông hít thật sâu, tận hưởng mùi thông và hoa long đờm, và cố hết sức quên đi giọng nói của Winston. Ở đây, giữa muôn hoa, Langdon chợt thấy nhớ Ambra, muốn gọi để nghe giọng nàng, và kể với nàng mọi việc đã xảy ra trong một giờ qua. Tuy nhiên, khi rút chiếc điện thoại của Edmond ra, ông biết mình không thể thực hiện cuộc gọi.
Hoàng tử và Ambra cần thời gian riêng. Việc này có thể đợi.
Ánh mắt ông chạm xuống cái biểu tượng W trên màn hình. Cái biểu tượng này giờ đây xám xịt, và một tin nhắn báo lỗi nhỏ xuất hiện chạy ngang: LIÊN LẠC KHÔNG TỒN TẠI. Cho dù vậy, Langdon vẫn cảm thấy một sự thận trọng khá bối rối. Ông không phải một người hoang tưởng, nhưng ông biết ông sẽ không bao giờ có thể lại tin tưởng thiết bị này nữa, luôn phải tự hỏi còn những khả năng hay kết nối bí mật gì có thể vẫn được cất giấu trong chương trình của nó.
Ông đi xuống một lối hẹp và tìm kiếm cho tới khi thấy một khoảnh cây cối kín đáo. Nhìn chiếc điện thoại trên tay mình và nghĩ đến Edmond, ông đặt nó lên một phiến đá bằng phẳng. Sau đó, như thể đang thực hiện một nghi lễ hiến sinh nào đó, ông vung một hòn đá nặng lên đầu và nện mạnh xuống, đập tan chiếc điện thoại thành mấy chục mảnh.
Trên đường ra khỏi công viên, ông thảy đống mảnh vụn vào một thùng rác và đi xuống núi.
Khi làm vậy, Langdon phải thừa nhận bản thân thấy nhẹ nhõm một chút.
Và, một cách rất lạ lùng… con người hơn một chút.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Nguồn Cội - Dan Brown

Postby bevanng » 08 Jan 2019

LỜI KẾT


M mặt trời chiều muộn chiếu sáng những ngọn tháp của Sagrada Familia, rọi phần bóng đen ngang qua Quảng trường Gaudi và che mát cho từng hàng du khách đang đợi vào nhà thờ.
Robert Langdon đứng lẫn trong số họ, nhìn những cặp tình nhân tự chụp ảnh, những du khách quay video và lũ trẻ nghe tai nghe, còn mọi người xung quanh đều bận rộn nhắn tin, bấm máy, và cập nhật - rõ ràng chẳng biết gì về vương cung thánh đường cạnh họ cả.
Thuyết trình của Edmond tối hôm qua đã nói rằng công nghệ giờ đây chia “sáu mức độ chia tách” của con người thành “bốn cấp độ”, với mọi sinh linh trên Trái Đất giờ đều kết nối với mọi người khác qua không quá bốn người nữa.
Sớm muộn con số đó sẽ là không, Edmond nói, ca ngợi “tính đơn nhất” sắp tới - cái thời khắc khi trí thông minh nhân tạo vượt xa trí thông minh của con người và hai thứ sẽ hòa trộn làm một. Và khi điều đó xảy ra, anh ấy nói thêm, những ai trong chúng ta còn sống ngay lúc này… chúng ta sẽ trở thành cổ lỗ.
Langdon chẳng cần hình dung khung cảnh tương lai ấy, nhưng khi ông nhìn mọi người quanh mình, ông cảm thấy rằng những phép màu của tôn giáo sẽ gặp một thời kỳ ngày càng khó khăn khi cạnh tranh với những phép màu của công nghệ.
Cuối cùng khi Langdon vào được nhà thờ, ông nhẹ người khi lại thấy cái không khí quen thuộc - chẳng hề có gì giống cái hang ma quái tối hôm trước.
Hôm nay, Sagrada Familia đầy sức sống.
Những quầng sáng ngũ sắc - son, vàng, tía - rọi qua lớp kính màu, khiến cho rừng cột chống dày đặc của tòa nhà sáng bừng lên. Hàng trăm khách tham quan, nhỏ bé trước những cột trụ nghiêng nghiêng như những cái cây, chăm chú nhìn lên khoảng không gian vòm rực rỡ, những tiếng thì thào thán phục của họ tạo ra một thứ âm thanh rì rầm dễ chịu.
Khi Langdon lần qua thánh đường, ánh mắt ông tiếp nhận lần lượt từng hình thù hữu cơ, cuối cùng leo lên cái phần lưới của những cấu trúc trông như tế bào tạo thành phần đỉnh vòm. Phần trần trung tâm này, như một số người nói, giống một cơ thể phức tạp nhìn qua kính hiển vi. Giờ ngắm nhìn nó, rực rỡ ánh sáng, Langdon cũng phải thừa nhận vậy.
“Giáo sư?” một giọng nói quen thuộc gọi, và Langdon quay lại nhìn Đức cha Bena hối hả tiến đến gần. “Ta xin lỗi,” vị tu sĩ nhỏ thó nói rất chân thành. “Ta vừa nghe có người nhìn thấy anh đứng đợi theo hàng - anh có thể gọi cho ta mà!”
Langdon mỉm cười. “Cảm ơn cha, nhưng việc đó cho con thời gian chiêm ngưỡng phần mặt tiền. Thêm nữa, con đoán hôm nay cha còn ngủ.”
“Ngủ ư?” Đức cha Bena cười. “Có lẽ ngày mai.”
“Một không khí khác hẳn tối qua,” Langdon nói, ra hiệu về phía điện thờ.
“Ánh sáng tự nhiên làm lên kỳ quan,” Đức cha Bena trả lời. “Sự hiện diện của con người cũng vậy.” Ông ấy ngừng lại, mắt nhìn Langdon. “Thực tế, vì anh ở đây, nếu không quá phiền phức, ta rất muốn biết suy nghĩ của anh về một thứ dưới nhà.”
Khi Langdon theo Đức cha Bena lách qua đám đông, ông nghe thấy những tiếng xây dựng vang vọng trên đầu, khiến ông nhớ rằng Sagrada Familia vẫn đang được tiến hành xây dựng.
“Cha có tình cờ xem thuyết trình của Edmond không?” Langdon hỏi.
Đức cha Bena cười. “Thực tế là ba lần. Ta phải nói rằng cái khái niệm mới mẻ về entropy này - rằng vũ trụ 'muốn' lan tỏa năng lượng - nghe có phần như Sáng thế ký. Khi ta nghĩ đến Vụ nổ Lớn và vũ trụ mở rộng, ta nhìn thấy một quả cầu năng lượng lớn dần cứ phồng lên mãi vào bóng tối của vũ trụ… mang ánh sáng tới những nơi không hề có ánh sáng.”
Langdon mỉm cười, thầm mong Đức cha Beha là tu sĩ thời niên thiếu của ông. “Vatican có tuyên bố chính thức nào chưa ạ?”
“Họ đang cố gắng, nhưng dường như hơi…” - Đức cha Bena nhún vai vẻ khôi hài - “chia rẽ. Vấn đề nguồn gốc loài người này, như anh đã biết, luôn là một điểm tắc nghẽn với Thiên Chúa giáo - đặc biệt là những người theo trào lưu chính thống. Nếu anh hỏi ta thì chúng ta cần giải quyết nó dứt điểm một lần.”
“Vậy ư?” Langdon hỏi. “Và chúng ta sẽ làm việc đó như thế nào?”
“Tất cả chúng ta cần làm những gì nhiều nhà thờ đã làm - công khai thừa nhận rằng Adam và Eve không tồn tại, rằng tiến hóa là một sự thật, và rằng tín đồ Thiên Chúa giáo tuyên bố khác đi sẽ khiến cho tất cả chúng ta trông rất ngốc nghếch.”
Langdon dừng sững lại, trân trân nhìn vị tu sĩ già.
“Ôi, xin anh!” Đức cha Bena cười nói. “Ta không tin rằng cùng một vị Chúa ban cho chúng ta cảm giác, lý trí và trí tuệ…”
“… lại dự định để chúng ta từ bỏ việc sử dụng những thứ đó phải không?”
Bena cười. “Ta thấy anh giống như Galileo. Vật lý thực tế là tình yêu thời niên thiếu của ta; ta đến với Chúa qua một sự tôn kính sâu sắc dành cho vũ trụ vật chất. Đó là một trong những lý do Sagrada Familia quan trọng với ta đến vậy; nó giống như một nhà thờ của tương lai… một nhà thờ trực tiếp gắn kết với tự nhiên.”
Langdon tự hỏi liệu có phải Sagrada Familia - cũng như Đền bách thần La Mã - có thể trở thành một điểm bùng phát của quá trình chuyển đổi, một công trình có một chân ở quá khứ và một chân ở tương lai, một cây cầu vật chất nối giữa một tín điều đang chết dần và một tín điều đang trỗi dậy. Nếu điều đó đúng thì Sagrada Familia sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với bất kỳ ai có thể hình dung.
Giờ Đức cha Bena dẫn Langdon xuống cái cầu thang xoắn mà họ đã xuống đêm qua.
Hầm mộ.
“Ta thấy rất rõ ràng,” Đức cha Bena nói trong lúc họ đi, “rằng chỉ có một cách Thiên Chúa giáo tồn tại trong kỷ nguyên khoa học sắp tới. Chúng ta phải thôi phủ nhận những phát minh khoa học. Chúng ta phải dừng phản bác những sự thật có thể chứng minh. Chúng ta phải trở thành một đối tác tinh thần của khoa học, sử dụng kinh nghiệm phong phú của chúng ta - hàng nghìn năm triết học, quá trình tìm tòi cá nhân, sự suy ngẫm, tự vấn lương tâm - để giúp con người xây dựng khuôn khổ đạo đức và bảo đảm rằng những công nghệ sắp tới sẽ đoàn kết, soi sáng và nâng chúng ta lên… chứ không phải hủy hoại chúng ta.”
“Con không thể đồng ý hơn được nữa,” Langdon nói. Con chỉ hy vọng khoa học chấp nhận sự giúp đỡ của cha.
Dưới chân cầu thang, Đức cha Bena ra hiệu qua ngôi mộ của Gaudi về phía cái tủ trưng bày có tập tác phẩm William Blake của Edmond. “Đây là những gì ta muốn hỏi anh.”
“Cuốn sách của Blake?”
“Phải. Anh biết đấy, ta hứa với anh Kirsch rằng ta sẽ trưng bày cuốn sách ở đây. Ta đồng ý vì ta cho rằng anh ấy muốn ta trưng ra bức minh họa này.”
Họ đến bên cái tủ và nhìn xuống phần thể hiện đầy kịch tính của Blake về vị chúa mà ông ấy gọi là Urizen đang đo vũ trụ bằng một chiếc com-pa hình học.
“Thế nhưng,” Đức cha Bena nói, “ta chú ý vào phần văn bản trên trang đối diện… chà, có lẽ anh nên đọc dòng cuối cùng.”
Ánh mắt Langdon không hề rời Đức cha Bena. “ 'Mọi tôn giáo u tối sẽ tiêu vong và khoa học lành mạnh thống trị' phải không ạ?”
Đức cha Bena đầy vẻ ấn tượng. “Anh biết rồi à.”
Langdon mỉm cười. “Con biết.”
“Chà, ta phải thừa nhận nó khiến ta rất phiền lòng. Cụm từ này - 'mọi tôn giáo u tối’ - thật khó chịu. Nghe như thể Blake đang cáo buộc tôn giáo là u tối… có ảnh hưởng xấu và xấu xa.”
“Đó là một sự hiểu nhầm rất phổ biến,” Langdon trả lời. “Thực tế, Blake là một người rất mộ đạo, tiến bộ về đạo đức vượt xa so với Thiên Chúa giáo đầu óc hẹp hòi, khô khan ở nước Anh thế kỷ XVIII. Ông ấy tin rằng các tôn giáo có hai tính cách đặc thù - những tôn giáo giáo điều, u tối chuyên áp chế lối tư duy sáng tạo… và những tôn giáo mở rộng, sáng láng, khích lệ sự xem xét nội tâm và sáng tạo.”
Đức cha Bena có vẻ giật mình.
“Dòng kết luận của Blake,” Langdon trấn an ông ấy, “có thể diễn đạt dễ dàng: 'Khoa học lành mạnh sẽ xua tan những tôn giáo u tối… để những tôn giáo khai sáng có thể phát triển'.”
Bena im lặng một lúc lâu, và sau đó, rất chậm rãi, một nụ cười lặng lẽ xuất hiện trên môi ông ấy. “Cảm ơn anh, Giáo sư. Ta thật sự tin anh đã giúp ta loại bỏ một vấn đề đạo đức nan giải.”

Trên gác trong điện thờ chính, sau khi nói lời tạm biệt Đức cha Bena, Langdon nán lại một lúc, thanh thản ngồi trong một hàng ghế, cùng với hàng trăm người khác, tất cả cùng ngắm những tia nắng sặc sỡ bò dọc theo những cột trụ cao ngất khi vầng dương từ từ lặn xuống.
Ông nghĩ về tất cả các tôn giáo của thế giới, về những nguồn gốc chung của các tôn giáo ấy, về những vị thần sơ khai của mặt trời, mặt trăng, biển cả và gió.
Tự nhiên từng là cốt lõi.
Cho tất cả chúng ta.
Dĩ nhiên, sự đoàn kết đã biến mất từ lâu, tan vỡ thành nhiều tôn giáo không ngừng phân ly, mỗi tôn giáo lại tự nhận là Chân lý Số Một.
Tuy nhiên, tối nay, ngồi trong nhà thờ kỳ diệu này, Langdon thấy bao quanh mình là những con người của đủ mọi tín điều, màu da, ngôn ngữ và văn hóa, tất cả mọi người đều chăm chú nhìn lên trời với cảm giác chung về sự kỳ diệu… tất cả cùng thán phục điều đơn giản nhất của những phép màu.
Ánh nắng trên đá.
Lúc này Langdon nhìn thấy một chuỗi hình ảnh trong tâm trí mình - vòng tròn đá Stonehenge, các Đại Kim tự tháp, các hang động Ajanta, cụm đềm thờ Abu Simbel, trung tâm Chichén Itzá - những thánh địa trên khắp thế giới nơi người cổ đại từng tập hợp để chứng kiến cùng một cảnh tượng như nhau.
Khoảnh khắc đó, Langdon cảm nhận được những rung động nhỏ nhất trong lòng đất bên dưới chân mình, như thể đã đạt tới một đỉnh điểm… như thể tư duy tôn giáo vừa vượt qua nơi xa nhất trong quỹ đạo của nó và giờ đang vòng trở lại, mệt mỏi sau chuyến đi dài, và cuối cùng quay trở về nhà.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Nguồn Cội - Dan Brown

Postby bevanng » 08 Jan 2019

LỜI CẢM ƠN


Tôi xin bày tỏ những lời cảm ơn chân thành nhất tới:
Trước tiên và trên hết, tới biên tập viên và bạn của tôi, Jason Kaufman vì những kỹ năng sắc sảo, bản năng siêu hạng và sự không mệt mỏi của ông ấy đối với mọi giờ giấc của tôi… nhưng trên hết là vì khiếu hài hước vô đối của ông ấy cùng sự hiểu biết về những gì tôi đang cố gắng thực hiện với những câu chuyện này.
Tới người đại diện có một không hai của tôi là Heide Lange vì sự chỉ dẫn chuyên nghiệp về mọi phương diện trong sự nghiệp của tôi với sự nhiệt tình, năng lượng và sự quan tâm cá nhân khó ai sánh bằng. Tôi mãi mãi biết ơn tài năng vô tận và sự tận tụy không hề dao động của bà.
Và tới người bạn thân thiết Michael Rudell của tôi vì sự tham vấn khôn ngoan của ông ấy và vì đã là một mẫu hình về sự lịch thiệp và sự tốt bụng.
Tới toàn bộ nhóm tại Doubleday và Penguin Random House, tôi xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc nhất của mình vì đã tin tưởng tôi suốt nhiều năm - đặc biệt tới Suzanne Herz vì tình bạn của bà ấy và vì đã giám sát mọi khía cạnh của quá trình xuất bản với sự cảm thông và khả năng sáng tạo. Một lời cảm ơn rất, rất đặc biệt tới Markus Dohle, Sonny Mehta, Bill Thomas, Tony Chirico và Anne Messitte vì sự kiên trì và ủng hộ bất tận của họ.
Tôi cũng chân thành cảm ơn những nỗ lực to lớn của Nora Reichard, Carolyn Williams và Michael J. Windsor ở chặng cuối và tới Rob Bloom, Judy Jacoby, Lauren Weber, Maria Carella, Lorraine Hyland, Beth Meister, Kathy Hourigan, Andy Hughes cùng tất cả những con người tuyệt vời trong nhóm kinh doanh của Penguin Random House.
Tới nhóm xuất sắc tại Transworld vì sự sáng tạo không ngừng và năng lực xuất bản của họ, đặc biệt tới biên tập viên của tôi là Bill Scott-Kerr vì tình bạn và sự ủng hộ của anh ấy trên rất nhiều mặt trận.
Tới tất cả những nhà xuất bản tận tâm của tôi trên khắp thế giới, lời cảm ơn chân thành và khiêm nhường nhất của tôi cho niềm tin và nỗ lực của họ nhân danh những cuốn sách này.
Tới nhóm dịch giả không biết mệt mỏi trên khắp thế giới, những người đã làm việc chăm chỉ để đưa cuốn tiểu thuyết này tới độc giả bằng rất nhiều ngôn ngữ - lời cảm ơn chân thành của tôi cho thời gian, kỹ năng và sự chăm chút của các bạn.
Tới nhà xuất bản ở Tây Ban Nha của tôi, Planeta, vì sự giúp đỡ quý báu trong quá trình nghiên cứu và dịch Nguồn cội - đặc biệt tới vị giám đốc biên tập xuất chúng của họ là Elena Ramirez, cùng với María Guitart Ferrer, Carlos Revés, Sergio Álvarez, Marc Rocamora, Aurora Rodríguez, Nahir Gutiérrez, Laura Díaz, Ferrán Lopez. Một lời cảm ơn rất đặc biệt gửi tới Planeta CEO Jesús Badenes vì sự ủng hộ, mến khách và cố gắng rất can trường của ông ấy nhằm dạy cho tôi cách làm món cơm thập cẩm paella.
Thêm nữa, với những người đã giúp điều hành địa điểm dịch thuật Origin, tôi xin cảm ơn Jordi Lúnez, Javier Montero, Marc Serrate, Emilio Pastor, Alberto Barón và Antonio López.
Tới Mónica Martin không biết mệt mỏi cùng toàn bộ nhóm của cô ấy tại MB Agency, đặc biệt là Inés Planells và Txell Torrent, vì tất cả những gì họ đã làm để hỗ trợ dự án này tại Barcelona và hơn nữa.
Tới toàn bộ ê kíp tại Sanford J. Greenburger Associates - đặc biệt là Stephanie Delman và Samantha Isman - vì những nỗ lực vượt trội của họ nhân danh tôi… ngày lẫn đêm.
Suốt bốn năm qua, đông đảo nhà khoa học, sử gia, học giả tôn giáo và các tổ chức đã hào hiệp hỗ trợ khi tôi nghiên cứu để viết cuốn tiểu thuyết này. Lời nói không thể diễn tả hết lòng biết ơn của tôi tới tất cả vì sự hào hiệp và cởi mở của họ trong việc chia sẻ kiến thức và hiểu biết của mình.
Tại Tu viện Montserrat, tôi xin cảm ơn các tu sĩ và tín đồ đã giúp những lần ghé thăm của tôi tới đó thêm dày thông tin, mở mang đầu óc và thăng hoa. Tôi đặc biệt biết ơn sâu sắc Pare Manel Gasch, Josep Altayó, Òscar Bardají, và Griselda Espinach.
Tại Trung tâm Siêu điện toán Barcelona, tôi xin cảm ơn nhóm xuất chúng gồm các nhà khoa học đã chia sẻ với tôi những ý tưởng, thế giới, lòng nhiệt thành và, trên hết, tầm nhìn lạc quan của họ về tương lai. Đặc biệt cảm ơn Giám đốc Mateo Valero, Josep Maria Martorell, Sergi Girona, José Maria Cela, Jesús Labarta, Eduard Ayguadé, Francisco Doblas, Ulises Cortés và Lourdes Cortada.
Tại Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao, xin gửi lời cảm ơn khiêm nhường của tôi tới tất cả những người với kiến thức và nhãn quan nghệ thuật của họ giúp làm sâu sắc thêm đánh giá và sự ham thích của tôi đối với nghệ thuật hiện đại và đương đại. Gửi lời cảm ơn rất đặc biệt tới Giám đốc Juan Ingacio Vidarte, Alicia Martínez, Idoia Arrate, và María Bidaurreta vì lòng hiếu khách và sự nhiệt thành của họ.
Gửi tới các phụ trách và người trông nom Casa Milà lời cảm ơn của tôi vì sự đón tiếp nồng hậu và chia sẻ với tôi những gì khiến cho La Pedrera trở nên độc đáo trên thế giới. Đặc biệt cảm ơn Marga Viza, Sílvia Vilarroya, Alba Tosquella, Lluĩsa Oller, cũng như Ana Viladomiu.
Với sự hỗ trợ thêm khi nghiên cứu, tôi xin cảm ơn các thành viên của Nhóm Thông tin và ủng hộ Giáo hội Palmar de Troya Palmaria, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hungary và biên tập viên Berta Noy.
Cũng xin bày tỏ sự biết ơn tới hàng chục nhà khoa học và những người theo thuyết vị lai tôi gặp tại Palm Springs, những người với tầm nhìn táo bạo về ngày mai đã ảnh hưởng sâu sắc tới cuốn tiểu thuyết này.
Cho việc đưa ra tầm nhìn suốt chặng đường, tôi muốn cảm ơn các độc giả biên tập đầu tiên của tôi, đặc biệt là Heide Lange, Dick và Connie Brown, Blythe Brown, Susan Morehouse, Rebecca Kaufman, Jerry và Olivia Kaufman, John Chaffee, Christina Scott, Valerie Brown, Greg Brown và Mary Hubbell.
Tới người bạn thân thiết của tôi Shelley Seward vì ý kiến chuyên môn và sự chu đáo của bà ấy, cả về chuyên môn và cá nhân và vì đã nhận các cuộc gọi của tôi lúc năm giờ sáng.
Tới người thầy kỹ thuật số tận tâm và giàu sức tưởng tượng Alex Cartnon của tôi vì đã giám thị truyền thông xã hội, thông tin liên lạc trên web và tất cả những gì trên mạng của tôi một cách sáng tạo.
Tới vợ tôi, Blythe, vì tiếp tục chia sẻ với tôi niềm đam mê của cô ấy với nghệ thuật, tinh thần sáng tạo kiên trì của cô ấy và tài năng sáng chế dường như vô tận của cô ấy, tất cả chính là một nguồn cảm hứng vẫn đang tuôn chảy.
Tới trợ lý riêng của tôi, Susan Morehouse, vì tình bạn, sự kiên trì, và rất nhiều kỹ năng của cô ấy, và vì đã duy trì cho rất nhiều việc vận hành trơn tru.
Tới em trai tôi, nhà soạn nhạc Greg Brown, với sự dung hòa đầy sáng tạo cả cổ điện và hiện đại trong bản Missa Charles Darwin giúp khơi gợi những ý niệm đầu tiên cho cuốn tiểu thuyết này.
Và cuối cùng, tôi xin bày tỏ sự biết ơn, tình yêu và sự kính trọng của mình tới bố mẹ tôi - Connie và Dick Brown - vì đã dạy tôi hãy luôn tò mò và đặt những câu hỏi khó.
(Hết)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Previous

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 18 guests