Hối Hận - Đông Tây

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

Image

Hối Hận

Đông Tây

Dịch: Nguyên Trần


Những tưởng chỉ có nói đổi mới làm tổn hại đến những người xung quanh, nhưng với Tăng Quảng Hiền, lời nói chân chất của cậu lại là nguồn cơn bi kịch cho cả gia đình. Bố bị hãm hại, mẹ tự sát, em gái bỏ đi. Chỉ trong phút chốc, cậu đã trở thành tội đồ trong mắt mọi người.
Trải qua thời thơ ấu tủi nhục, sóng gió cuộc đời một lần nữa lại ập đến khi Tăng Quảng Hiền phải đối mặt với bản án mười năm tù chỉ vì chút nhục cảm bồng bột của tuổi trẻ.
Mười năm gian lao trong tù, bên ngoài song sắt là một tình yêu trung trinh đang chờ đợi cậu. Nhưng đến khi mãn hạn, điều đón chờ Tăng Quảng Hiền lại là hoa trong bóng kính, trăng nơi đáy sông, khiến cậu không ngừng sai lầm càng thêm sai lầm, hối hận lại càng hối hận…


Lời tựa


Ngày nay, phàm là những ai tiếp xúc với văn học đều có cảm giác độc giả đã quay lưng lại với nó, nền văn học từng có một thời xán lạn không thể không đối diện với sự thụt lùi. Có người cho rằng đây là hiện tượng bình thường văn học đã quay về sự phát triển bình lặng của nó; có người nói, đây là do độc giả không có ý chí tiến thủ; cũng có người nói, lẽ nào tôi không đọc ‘Hồng lâu mộng' thì chất lượng cuộc sống của tôi sẽ giảm đi sao? Văn học đã cho người làm công tác văn học một lời than thở và thẩm xét lại chính mình. Nhưng tôi lại thấy một cách rõ ràng, nếu những lời quảng cáo đang cố tìm ý thơ, tin tức thời sự lại đang viết như kể chuyện, những tin ngắn đang ưu việt hóa ngôn ngữ thì mạng internet đang thể hiện trí tưởng tượng, phim ảnh đang cố gắng biểu đạt nội dung tư tưởng. Hình như không có hoạt động nào mà văn học không có mặt, khả nâng ký sinh của văn học hình như chưa bao giờ mạnh mẽ như thế này, nhu cầu của con người đối với văn học cũng chưa bao giờ bị giảm sứt.
Trong quá khứ, các nhà văn chỉ có thể viết cho các tạp chí văn học, lấy việc tác phẩm của mình được đăng trong nhũng tạp chí danh tiếng làm vinh dự. Và cũng chỉ có những tạp chí có số lượng phát hành lớn ảnh hưởng rộng mới có thể khiến một người vô danh trở thành một người nổi tiếng. Tạp chí văn học vô hình trung đã trở thành con đường tất yếu phải đi qua của những ai muốn thành công, muốn khẳng định tên tuổi. Cho nên, đa số các nhà văn đều phải sáng tác theo những tiêu chuẩn của tạp chí. Nhưng ngày nay, con đường sáng tác đã rộng mở, các nhà văn hoàn toàn có thể đi theo bất kỳ lựa chọn nào, không muốn đăng trên tạp chí thì trực tiếp đến nhà xuất bản in thành sách, không muốn in sách thì cứ tung tác phẩm của mình lên mạng, cũng có thể viết kịch bản điện ảnh trước rồi sau đó cải biên thành tiểu thuyết, hoặc có thể đưa tác phẩm của mình đến tham dự những cuộc bình chọn giải thưởng lớn nhỏ tùy ý… Mỗi cách thức đều có tiêu chuẩn của nó: tạp chí có tiêu chuẩn về văn học, nhà xuất bản có thị trường định lượng, mạng internet thì cởi mở, phim ảnh phải xem rạp chiếu, dự giải thì phải xem chủ đề. Công việc viết lách có quá nhiều đường ra, nhận được quá nhiều tự do, cho nên không việc gì phải lo văn học bị treo trên cây mà chết.
Song song vào đó, tiêu chuẩn càng nhiều thì khả năng viết lách càng phong phú. Hoàn cảnh sáng tác mà những người cầm bút từng mong cầu cuối cùng cũng đã xuất hiện. Vấn đề là, hoàn cảnh càng rộng mở thì thường kéo theo nó mối nguy hiểm sa sút về chất lượng, vì thế người cầm bút hoàn toàn có lý do chọn lựa cho mình một tiêu chuẩn. Không được giải thưởng thì cứ phát hành với số lượng thật nhiều để an ủi, không được đăng trên tạp chí thì treo trên mạng mà tìm một chút tự do, tiểu thuyết xuất bản không được thì đã có công ty điện ảnh sẵn sàng viết lại thành kịch bản, sách bán không chạy thì mời nhà phê bình đến là xong. Người cầm bút thời nay cũng học theo thói “phép thắng lợi tinh thần” của anh chàng AQ ngày nào, bị thương ở chỗ này thì đến chỗ kia bốc thuốc, rất ít khi có cảm giác thất bại. Khi viết lách trở thành việc dễ dàng nhất, nhận được sự tự do quá độ, nó sẽ đem tiêu chuẩn biến thành vô tiêu chuẩn. Chỉ có nhũng độc giả kinh sợ trước những chuyện ấy mới có thể duy trì sự tôn nghiêm của văn học. ‘Bởi vì đối với tôi mà nói, mỗi cuốn sách viết sau đều viết khó hơn so với cuốn trước; tiến trình văn học càng ngày càng phức tạp hơn' Mulcahy đã từng cảm thán như thế.
Nhưng, đối với tôi mà nói, viết tuyệt đối có một tiêu chuẩn bất biến, chính là ‘trên người kêu lên một tí”. Đó là lý luận của Einstein. Khi ông ấy trông thấy những tính toán của ông thống nhất với những điều chưa được giải thích của thiên văn, ông ta cảm thấy trên thân thể mình có cái gì đó kêu lên. Mượn quan điểm này áp dụng vào sáng tác văn học, ‘kêu lên một tí’ có thể là một phát hiện, cũng có thể là sự cảm động, thậm chí phẫn nộ. Không ai hoài nghi chuyện sáng tác là lao động trí óc, ‘suy nghĩ’ là yêu cầu cao nhất của công việc viết lách, không ít người cầm bút đều có khát vọng tiểu thuyết của mình mang tâm triết học cao. Nhưng thành ngữ tục ngữ không có lợi cho việc biểu đạt, thuyết lý không đồng nghĩa với tiểu thuyết. Có người giác ngộ được điều này nên kêu gọi viết về tâm linh, chủ trương dùng tâm linh để viết, trung thành với nội tâm, phê phán những ai dùng quá nhiều trí lực trong sáng tác, vất bỏ sự dựa dẫm quá độ vào trí tuệ. Yêu cầu của kiểu viết này hình như không có gì phải bắt bẻ nữa, nhưng cũng có người chưa cảm thấy hài lòng, cho rằng một tác phẩm chủ yếu là phục vụ cho độc giả, mà độc giả thường có tính sáng tạo, họ không chỉ dựa vào tâm mà còn phải dựa vào não và sự mẫn cảm để cảm thụ tác phẩm. Những độc giả kiểu này có thể cảm thụ những tình cảm tế nhị mà tác giả muốn truyền đạt cho họ. Từ đó có thể thấy, viết tiểu thuyết không chỉ là lao động trí óc mà còn là sự nghiệp tâm hồn, là sự thể nghiệm cuộc sống. Cho nên mới có người nói: 'Thi nhân ngày nào cũng đối diện với một thế giới luôn luôn mới, kỳ lạ, phức tạp, khó lòng nhận biết đến nơi đến chốn nhưng lại phải gắng sức dùng ngôn ngữ để trói nó lại. Điều này là do những tiếp xúc căn bản của ngũ quan với việc đối chiếu sự thực quan trọng hơn bất kỳ kết cấu tinh thần nào.
Đây mới chính là những 'sáng tác về thân thể' chân chính. Nó không phải là 'cởi’, cũng không phải là “hạ bộ” mà nhấn mạnh sự thể nghiệm và phản ứng của thân thể, mỗi từ ngữ đều phải trải qua sự khảo nghiệm của ngũ quan, mỗi tình tiết đều phải có cảm giác về “nỗi đau cắt da cắt thịt”, “nước mắt lưng tròng nhưng trái tim thì ấm lên” đều thuộc phạm vi này. Nếu thân thể của người cầm bút trước tiên không “kêu lên một tí” thì những tình cảm tế nhị của độc giả không được khởi động. Thế nên, trước khi viết một cái gì đó, tôi đều tìm một sự kiện hoặc một người nào đó có thể làm cho thân thể tôi “kêu lên một tí”. Tôi hao phí rất nhiều thời gian để tìm và phát hiện những chuyện này một cách hoàn toàn tự nguyện. Cho dù tiêu chuẩn viết có đến ngàn vạn điều, nhưng tôi vẫn tin rằng chỉ có thứ văn học phát hiện bí mật, làm tấm lòng con người ấm lại, làm thần kinh con người rung động mới có thể nhảy lên cao trước một ngưỡng cửa thấp, mới có thể lôi kéo được những độc giả đang quay lưng bỏ di.
Xin cám ơn Nhà xuất bản Văn nghệ Giang Tô và Công ty cổ phần thư viện Thời đại Hoa ngữ Bắc Kinh đã cho tôi cơ hội kéo độc giả về phía mình, chỉ mong là tôi không lôi rách vạt áo của họ mà thôi. Những gì mà các tiểu thuyết tôi viết ra đã từng “kêu lên một tí” trong lòng tôi, nhưng không biết là liệu nó có thể làm cho lòng của độc giả “kêu lên một tí” hay không. Tôi đã từng đọc “Cuộc sống không có ngôn ngữ”, cơ hồ ngày nào “tai tôi cũng vang”, bởi vì “Bạn không biết cô ấy đẹp đến nhường nào” cho nên mới than thở “Vì sao tôi lại không có Tiểu Mật”… Sau “Tiểu Mật” sẽ là “Hối hận”, sau “Hối hận” sẽ là “Cứu mạng”. Cuối cùng thì tôi đã tự buộc chặt mình lại rồi mới hỏi “Ai nhìn thấu chúng ta”? Cứ như thế mà “Từ từ lớn lên” vậy, cứ để cho những con chữ “Cánh cửa vượt thời gian” nóng bỏng tay rồi dần dần “Rời khỏi phương Nam”.
ĐÔNG TÂY
Ngày 19 tháng 10 năm 2011
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

CHƯƠNG 1 Cấm dục

1


Ngày ấy, mái tóc tôi xoăn tít, giọng nói bắt đầu ồ ồ nhưng chưa có một sợi râu mép nào. “Đàn ông mà chẳng có râu. Đụng đến công việc còn lâu mới thành”. Bố tôi - Tăng Trường Phong, vẫn thường dùng câu nói ấy để răn đe, cảnh báo tôi. Thời nay phương tiện để giải buồn, nào là ti vi, nào là internet… đã đầy rẫy, nhưng ngày ấy làm sao có được. Đừng nói đến quán cà phê, vũ trường, càng không thể nói đến tiệm karaoke, mát xa… ngay cả những quán trà cũng đã bị đóng cửa, chợ búa lưa thưa, đường phố hiu hắt ảm đạm. Ngoài việc lên lớp và mở hội đấu tố ra, chúng tôi chỉ còn mỗi việc luyện tập mấy bài đồng ca, hợp xướng. Trên lớp thì chẳng có bài giảng nào đề cập đến vấn đề giới tính, ngay cả việc nói năng cũng hiếm khi chạm đến những bộ phận nhạy cảm trên thân thể con người. Trăm ngàn lần cô cũng không thể tưởng tượng được rằng, bài học về giới tính của tôi lại được hai con chó của nhà tôi dạy cho.
Đó là một ngày chủ nhật. Hai cái mông của hai con chó đốm nhà tôi dính chặt lại với nhau. Chúng đứng trước nhà kho, dưới nắng, thè hai cái lưỡi dài ngoằng và nhìn chúng tôi đầy cảnh giác. Bố tôi lôi ra một chiếc chiếu chặn hai con chó lại. Tôi cùng Vu Bách Gia kéo một chiếc chiếu khác chặn chúng lại từ phía sau rồi trước sau quây lại. Thế là hai con chó bị vây chặt, một con cuống cuồng chạy về phía trước, con còn lại ngã lăn xuống đất, mồm kêu lên những tiếng kêu nho nhỏ, đau đớn. Vu Bách Gia cực kỳ hưng phấn gào lên:
- Mau lên! Mau đến xem! Năm xu một vé!
Liền ngay sau đó có mấy người từ phía nhà kho chạy đến. Đầu tiên là vợ chồng nhà họ Vu - Vu Phát Nhiệt và Phương Hải Đường, tiếp theo là Triệu Lão Thực và vợ lão ta là Trần Bạch Tú. Họ đến bên cạnh vòng tròn, há to những cái mồm hình dáng bất đồng, để lộ những hàm răng trắng có, vàng có, đen có,… có người cười đến nỗi văng cả nước bọt. Hai con chó thấy người càng ngày càng đông nên càng hoảng sợ, bốn con mắt lấm lét đáng thương ngước nhìn con người, bước chân hỗn loạn, xiêu vẹo. Con đực chạy men theo bức tường bằng chiếu, con cái bị quay ngược lại nên bám chặt những chiếc móng xuống đất tạo thành những vệt dài. Chúng kéo nhau chạy mấy vòng, những vệt móng của con cái hằn trên đất trông giống như những lằn chạy chung quanh sân vận động.
Có thể cô không biết, trong thời kỳ rất đặc biệt ấy, một số thành phần bất hảo như chúng tôi muốn tìm một chút lạc thú còn khó hơn cả việc kiếm tiền. Do vậy mà tất cả mọi người đều lộ rõ vẻ hả hê, dường như họ sẵn sàng đem tất cả số tiền còn sót lại trong túi để mua lấy trận vui này. Không giấu gì cô, cười đến nỗi nước dãi chảy lòng thòng chính là bố tôi; cười một cách ác ý chính là bác Vu trai; bịt miệng cười rỉnh rích là bác Vu gái; lão Triệu cười nhe cả hai hàm răng đen ngòm; bà Trần cười đến độ đầu choáng mắt hoa…
Trong lúc mọi người đang sử dụng các kiểu cười khác nhau thì Triệu Sơn Hà lạch bạch chạy ra từ nhà kho, mặt đanh lại, quát to:
- Bố! Mẹ! Hai người đã bị lợi dụng rồi! Không mở mắt mà xem đã lãng phí hai chiếc chiếu nhà ai à?
Tiếng cười của vợ chồng lão Triệu lập tức tắt nhưng cái mồm đang cười của họ thu lại không kịp, mà có muốn thu lại cũng rất khó khăn. Điều này làm cho Triệu Sơn Hà cảm thấy mất mặt. Cô ta là con gái của Triệu Lão Thực, đang làm công việc sản xuất đạn dược tại xưởng công binh ở ngoại ô, người như một quả bóng da, đúng hơn là như một chiếc trống dựng đứng. Đặc biệt là bộ ngực, to đầy đến nỗi tìm khắp cả cửa hàng bách hóa cũng chẳng ra chiếc nịt * phù hợp. Bố tôi vẫn mặt dạn mày dày lớn tiếng:
- Sơn Hà, mọi người sắp chết vì ngạt thở đây! Mau dựng một cái sân khấu mời bà con láng giềng đến xem kịch!
- Sao anh không dùng chiếu của mình mà dựng sân khấu?
- Lẽ nào cặp chó nầy không phải là của nhà tôi hay sao? Tôi đã thuê diễn viên miễn phí, đến tối thì lại cho chúng ăn. Chịu thiệt thòi nhiều nhất đâu phải là đôi chiếu nhà cô.
Triệu Sơn Hà vươn cổ, liếc mắt nhìn đôi chó trong vòng và… bật cười khì khì. Cuối cùng thì cô ta cũng đã vất bỏ cái vẻ đạo mạo của mình, cùng hòa tiếng cười sảng khoái với mọi người. Đúng lúc ấy, Triệu Vạn Niên - anh trai của Triệu Sơn Hà cưỡi xe đạp về đến, trông thấy em gái đang cười sao mà phóng đãng, sắc mặt bỗng như bị bôi một lớp sơn đen, một tay chống nạnh, một tay gí vào ngực từng người, quát lớn:
- Các người thật chẳng ra gì cả! Đây là trò vui hạ đẳng, cần phải đưa mọi người ra đấu tố thôi!
Triệu Vạn Niên là hiệu trưởng Trường Trung học số 5, là kiểu thanh niên chưa vợ trứ danh đương thời. Ngay cả câu “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã”(1) anh ta còn không giảng giải được nhưng lại làm đến hiệu trưởng, không thể không thừa nhận anh ta đã được hưởng hào quang của “giai cấp công nhân”. Lời nói hung hăng của anh ta khiến sắc mặt của mọi người đột nhiên trắng bệch, những bàn tay nắm mép chiếu từng cái từng cái một buông ra, cuối cùng hai chiếc chiếu không còn ai đỡ lấy nên đổ ụp xuống đất, hai con chó hiện ra trần trụi trước mắt mọi người. Triệu Vạn Niên xoa xoa đôi bàn tay, cao giọng:
1 Câu nói của Khổng Tử trong thiên Vi chính sách Luận ngữ, có nghĩa là: “Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy”.
- Đem gậy đến đây!
Tôi nhảy vọt vào nhà kho vơ vội một khúc gỗ chạy ra. Triệu Vạn Niên chộp lấy, nhằm ngay chỗ nối liền hai con chó đập một phát. Cả hai kêu gào thảm thiết rồi tập tễnh chạy ra đường. Đúng lúc ấy, bước chạy của chúng lại xuất hiện một kỳ tích: Cho dù là con đang chạy theo hướng thuận hay con đang chạy lui, tám chân của chúng lại rất nhịp nhàng, trông chẳng khác nào con người đang hô “một hai một hai…” cho chúng vậy. Những bước chân nhịp nhàng ấy đang chạy giữa đường thì đầu con chó chạy trước đâm sầm vào một chiếc xe đang trờ tới khiến đầu xe lõm vào. Cái âm thanh của thịt xương đập vào sắt thép ấy hình như vang lên rất lâu, rất lâu… Bánh xe nghiến qua thân xác chúng, máu và ruột non ruột già của chúng trào ra, có điều hai cái mông vẫn dính liền nhau, rất chặt, giống như hai miếng bánh bột không thể tách rời dính xuống mặt đường.
Dường như có bụi bay vào mắt tôi, nước mắt không kềm được cứ trào ra. Bố tôi dùng chiếu quấn xác hai con chó rồi ném trước cửa nhà kho. Triệu Vạn Niên cùng Vu Bách Gia cầm gậy khiêng chúng lên rồi đặt trên chạng cây trước cửa, chiếc gậy nằm đúng vị trí nối với nhau chỗ mông của hai con chó. Mông chúng hướng lên trời, đầu chúi xuống dưới đất, treo toòng teng đối xứng nhau trông giống như chỉ có một con đang soi gương. Mọi người vừa mới giải tán xong bây giờ đã tụ tập lại. Triệu Vạn Niên chỉ vào cặp chó, nói:
- Đừng bao giờ cho rằng đây chỉ là chuyện của chó, vấn đề then chốt là có người cố ý bày đặt chuyện này chuyện nọ. Tội công khai phơi bày chuyện sắc tình so với truyền bá sách báo tình ái lăng nhăng còn nghiêm trọng hơn nhiều. Các người đều có mặt tại hiện trường, mong rằng ai ai cũng có thể tố giác vạch trần tội lỗi.
Bố tôi quay người bỏ đi. Khi giữa đám người có một khoảng trống do bố tôi để lại hiện ra thì cũng là lúc mẹ tôi tan ca vừa về đến nhà điền vào chỗ ấy. Bà vừa xuất hiện thì đôi mắt của Triệu Vạn Niên bỗng nhiên hấp háy. Tên mẹ tôi là Ngô Sinh, là con nhà khuê các, biết viết thư pháp, lại thêu thùa, giỏi đánh đàn. Tuy vậy, danh tiếng bà có được đương nhiên không phải nhờ ở thư pháp, cũng chẳng phải do thêu thùa mà do bà quá đẹp. Sau ngày giải phóng, bà không ngừng cố gắng cải tạo cách nhìn về cuộc sống, nỗ lực dùng đôi tay cần mẫn của mình để chăm nuôi mấy con vật trong vườn thú. Triệu Vạn Niên nhìn thẳng vào mặt mẹ tôi, nói:
- Những ai đã từng xem qua hai con chó giao phối hôm nay, hoặc là phải viết một bản kiểm điểm cho thật sâu sắc, hoặc là phải cung cấp một số tài liệu tố giác để đưa ra đấu tố. Ba ngày sau phải nộp đến tận tay cho tôi.
Mọi người lần lượt rời khỏi hiện trường, lão Triệu cũng nhổ toẹt một bãi nước bọt rồi quay lưng bỏ đi. Cuối cùng, đứng trước mặt Triệu Vạn Niên chỉ còn lại bốn đứa học sinh Trường Trung học số 5. Đó là tôi, Vu Bách Gia, Tiểu Trì và Vinh Quang Minh. Đôi mắt Triệu Vạn Niên đang dõi theo những chiếc bóng đang rời xa, nhưng miệng vẫn nói:
- Bắt hổ dựa vào sức anh em ruột, xây dựng tiền đồ nhờ vào sức thầy trò. Người nào lần này không viết gì, từ nay về sau chẳng còn cơ hội nữa. Các em học sinh, bọn họ không viết thì các em viết! Các em phải viết thật hay vào, viết thật hay thì mới có thể mang đến đọc trên loa phóng thanh của nhà trường.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

2


Tôi cần phải nói trước vài câu về cái nhà kho. Nhà kho này là do ông nội tôi để lại. Ông là một nhà tư sản, trước giải phóng chuyên buôn bán thuốc tây. Năm 1949, thành phố được chính quyền mới tiếp quản, ông đem toàn bộ gia sản hiến tặng chính quyền rồi xách một cái va li da rách nát dẫn toàn bộ gia đình đến ga tàu hỏa về quê cũ. Vị thị trưởng mới niệm tình ông tôi tích cực trong việc sung công tài sản nên đã phái hai thư ký đến nhà ga giữ ông tôi lại, đồng thời đem cái nhà kho chứa thuốc trả lại cho ông tôi làm nơi cư trú. Đương nhiên, không chỉ có một gia đình ở đó, ở rộng rãi như vậy có khác nào vẫn chưa thực hiện cải tạo, vẫn còn là nhà tư bản thúi! Ba gia đình đã được phần vào ở trong nhà kho, ngoài gia đình tôi còn có gia đình Vu Phát Nhiệt và Triệu Lão Thực. Nhà họ Vu xưa kia vốn là quản gia của nhà họ Tăng chúng tôi, còn nhà họ Triệu nguyên là đầy tớ trong nhà, làm công việc kéo xe, quét dọn và khuân vác. Lúc ấy tôi chưa ra đời, những chuyện ấy tôi đều nghe qua từ người lớn. Đến khi tôi chào đời, ông nội đã sớm về gặp Diêm Vương, mọi việc có liên quan đến ông tôi không biết một tí nào. Hoàn cảnh ấy cũng giống như em gái tôi trong lòng bàn tay có một cái bớt màu đen, giống như tôi trên đầu có một mái tóc xoăn tít, chà xát thế nào cũng không hết đen, kéo thế nào cũng không thể duỗi thẳng. Ngày ấy, cái mũ “yêu nghiệt tàn dư của tư bản” nặng chẳng khác nào một tòa nhà mười tầng, đội lên đầu người nào thì xương cổ người ấy sẽ gãy sụm, thậm chí có thể biến thành “tể tướng Lưu Gù”, không thể ngẩng đầu lên được, mắt lúc nào cũng nhìn chăm chăm xuống chân mình. Ôi trời! Tôi đã nói lạc đề rồi, thôi thì hãy nói về cái nhà kho vậy.
Nhà kho được những viên gạch đỏ ngăn thành ba hộ gia đình, mỗi nhà đều có bếp và phòng ngủ riêng, chỉ có nhà vệ sinh và mái nhà là dùng chung. Ban đầu, nhà vệ sinh nằm ở phía sau nhà kho, có năm bồn cầu, đủ để cho năm người, ba nam hai nữ sử dụng cùng một lúc. Mỗi bức tường chỉ xây cao bốn mét, không đóng trần nhà nên đứng ở nhà mình, chỉ cần ngước đầu lên là có thể nhìn thấy nóc nhà, ngói và nhũng miếng ngói bằng kính để lấy ánh sáng, đó là không gian chung. Những thanh âm vang lên từ mỗi nhà chẳng khác nào hơi nước bốc lên, hội tụ và giao thoa trên nóc, lan xuống hiên nhà rồi truyền đi khắp nơi.
Đêm ấy, khoai lang, bí đỏ được bày ra trên bàn ăn nhà tôi. Bố tôi cắn vài miếng rồi buông đũa, nhặt lấy con dao đi ra cửa để cắt thịt chó, còn nói cho chúng tôi ăn thịt chó nướng đỏ. Tôi kêu lớn:
- Con không ăn thịt chó!
Bố vung vẩy con dao, nói:
- Mày sợ thịt chó mắc trong cổ họng mày à?
Tôi quệt nước mắt:
- Tại bố cả. Nếu không phải bố lấy chiếu ngăn lại, chó nhà ta sẽ không chết.
- Chúng nó không muốn sống, tại sao lại dồn trách nhiệm lên đầu tao?
- Tại bố! Nếu bố không quây chúng lại, hiệu trưởng Triệu sẽ không thấy. Ông Triệu không thấy thì chúng không bị đánh. Không bị đánh thì chúng không bỏ chạy. Không bỏ chạy thì không có chuyện chúng đâm đầu vào xe…
- Mày đúng là đồ xỏ lá! Thế tao hỏi, đứa nào đem gậy đến cho Triệu Vạn Niên?
Bất giác tôi ngẩn người. Không phải là tôi đã mang gậy đến sao? Tại sao tôi lại đem gậy đến cho anh ta? Nếu tôi không đưa gậy cho anh ta mà ôm hai con chó bỏ chạy, thế không phải là chúng vẫn còn sống sao?
- Không được nhất cử nhất động đều đổ lỗi người khác như thế. Cần phải học cách tìm ra nguyên nhân từ bản thân mình.
Vừa nói, bố tôi vừa định ra khỏi cửa. Mẹ tôi dùng đũa gõ cạch cạch xuống bàn, nói với theo bằng một giọng ác độc:
- Theo tôi thì ngay cả ông cũng không thể học được cách tìm ra nguyên nhân từ bản thân mình! Nếu ông muốn ăn cái thứ bẩn thỉu ấy thì tốt nhất là ông hãy bỏ tôi trước.
Vì chuyện ăn hay không ăn thịt chó mà giữa bố mẹ tôi đã xảy ra một trận đấu khẩu gay gắt khiến cho Tăng Phương khóc rống lên. Bố tôi không thể không vất con dao xuống, miễn cưỡng kiềm chế sự thèm khát được ăn thịt chó để tiếp tục nuốt mấy miếng bí đỏ. Trong suốt thời gian ăn tối, ông trở thành một người câm trong khi tiếng của mẹ tôi lại giống như một vòi nước mạnh bị vỡ, tuôn ra ào ào:
- Vườn thú vừa đưa về một con hổ bị người ta bắt ở rừng cấm. Nó hung dữ hơn so với bất kỳ con hổ nào khác, nhưng giám đốc Hà lại đặt cho nó một cái tên rất đàn bà là Lan Lan…
- Nếu mà mày không rửa thì bắt đầu từ hôm nay đừng bao giờ nhìn tao, tránh làm tao bị bẩn…
Giọng nói của Triệu Vạn Niên giống như một viên gạch đột nhiên từ trên nóc nhà rơi xuống làm đứt đoạn lời kể của mẹ tôi. Tôi và Vu Bách Gia chạy đến trước cửa nhà họ Triệu, trông thấy trên bàn ăn của họ có một chậu nước, Triệu Vạn Niên đang ra lệnh cho Triệu Sơn Hà rửa mặt. Triệu Sơn Hà có vẻ không phục tùng, ấm ức:
- Chỉ nghe nói rửa tay trước khi ăn, chưa hề nghe nói rửa mắt…
Triệu Vạn Niên túm lấy đầu tóc của Sơn Hà, ấn khuôn mặt của cô ta xuống chậu nước. Triệu Sơn Hà vùng vẫy làm chậu nước lật nghiêng, đổ xuống khỏi mặt bàn làm ướt hai ống quần của Triệu Vạn Niên. Triệu Sơn Hà vung vẩy bím tóc, gào to:
- Tay anh ngứa ngáy rồi à? Anh muốn biến tôi thành giai cấp thù địch để mà huấn luyện à?
- Mày mà còn mặt mũi nữa à? Mày có nhìn cặp chó ấy không? - Triệu Vạn Niên vừa phủi ống quần vừa nói.
- Bố nhìn, mẹ nhìn, dì Phương cũng nhìn, ngay cả bọn trẻ con cũng nhìn, dựa vào cái gì mà tôi không thể nhìn? Không phải là chúng đấu mông vào nhau hay sao? - Âm thanh từ miệng của Triệu Sơn Hà vang đến nỗi làm cho mái ngói trên đầu như rung chuyển, vừa nói cô ta vừa dẩu môi cong cớn.
- Ý thức của mày thế nào? Bọn họ xem bởi vì bọn họ đều là hậu duệ của tư sản yêu nghiệt, còn mày, mày là cái gì? Mày là giai cấp công nhân gốc thẳng mầm đỏ. Quan trọng hơn, mày là một đứa con gái!
- Con gái không phải là người à?
- Mày xem, mày bị trúng độc rồi phải không? Con gái cần phải thanh thanh bạch bạch như một tờ giấy trắng, không được để cho những thứ không chính đáng, người chẳng ra người ma chẳng ra ma làm cho vẩn đục chứ!
- Tôi thích bị vẩn đục! Tôi hận là không bị vẩn đục ngay lúc này. Anh quản lý được tôi sao?
Nói xong, Triệu Sơn Hà nguẩy mông đi vào nhà trong, cánh cửa đánh “rầm” một tiếng sau lưng cô ta. Triệu Vạn Niên tức giận đến nỗi ngón tay run lẩy bẩy. Có lẽ từ lúc gia nhập giai cấp công nhân và trở thành ông chủ của gia đình này, đây là lần đầu tiên anh ta “húc” phải loại thanh âm cương ngạnh đến như vậy nên nổi điên, giơ cao tay đi đi lại lại như định tìm một vật gì đó, cuối cùng thì tìm được cái khung ảnh treo trên tường. Khung ảnh rơi xuống sàn, thủy tinh vỡ tan tành không thể đếm được là bao nhiêu mảnh, từng mảnh từng mảnh lấp lánh hào quang vạn trượng, nằm dưới những tia hào quang ấy là tấm ảnh phóng to của Triệu Sơn Hà.
Triệu Vạn Niên muốn cứu vớt những suy nghĩ lầm lạc xuất hiện quá đột ngột, có thể chỉ là nhất thời của em gái. Anh ta tìm lão Triệu để bàn về chuyện có thể sẽ tổ chức một cuộc phê đấu đặc biệt ngay tại nhà kho này. Anh ta cho rằng chỉ có đem hai con chó ra đấu tố cho thật thối, thật thấu suốt mới có thể tẩy rửa được vết nhơ mà Triệu Sơn Hà đã bị nhiễm. Lão Triệu nhổ toẹt một bãi nước bọt, nói:
- Ngài đại hiệu trưởng của tôi ơi, ngoài việc mở hội phê bình đấu tố ra, ngài không còn việc gì để làm nữa hay sao? Ngài đến bất kỳ chỗ nào để mở hội phê đấu đều được, chỉ có điều không được tổ chức ở nhà kho này, đừng để cho tôi nhìn thấy. Mắt không thấy thì lòng không phiền.
Triệu Vạn Niên chỉ lắp bắp nói đi nói lại hai tiếng “yêu nghiệt”, từ đó trở về sau anh ta chẳng bao giờ bàn công chuyện với Triệu Lão Thực nữa, ngay cả việc nhìn thấy cái đũng quần của bố bị rách, anh ta cũng chẳng thèm nhắc khiến mặt mũi của Triệu Lão Thực như bị lột ra vất xuống đất.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

3


Đêm ấy, giường ngủ của nhà tôi dường như có găm những chiếc đinh khiến bố tôi trăn qua trở lại, lúc thì dùng lưng, lúc thì dùng cánh tay, lúc thì dùng da bụng để ngủ, có lúc lại ngồi dậy khiến cho tôi - vốn có biệt danh là “con sâu ngủ gật” tóc tai cứ dựng đứng cả đêm. Lát sau, hình như mông của bố tôi có mọc nhọt, ông nhẹ nhàng mò mẫm trên sạp giường, một nửa cái mông lòi hẳn ra ngoài giường, sau đó là cả cái mông vổng tít lên trời. Sạp giường nhẹ nhàng được nâng cao lên, tôi cũng cao lên vài phân. Rồi cũng rất nhẹ nhàng, ông mò mẫm đến bên mẹ tôi. Nói thật lòng, tôi không hề tự nguyện nghe những âm thanh ấy vì chúng đã khiến tôi hiểu cái gọi là “phức tạp” quá sớm!
Bố tôi dùng giọng điệu mượn tiền, nói:
- Đồng chí Ngô Sinh à… Xin đồng chí… Chỉ lần này, được không?
- Không được. Ông nói đi, ông làm như vậy so với hai con chó thì khác nhau ở chỗ nào?
- Tôi đã suy nghĩ đến nổ tung đầu óc rồi. Bà cứ làm như là nhắm một mắt mở một mắt, tuồng như không thấy gì cả. Cho tôi… một lần đi! Tôi bảo đảm chỉ một lần!
- Như thế không bằng ông lấy dao cho tôi một nhát là xong. Tôi đã dùng mười năm ròng, tốn đến cả xách xà phòng thơm mới có thể tẩy rửa thân mình tinh khiết như băng tuyết, nếu ông đối với tôi vẫn còn một chút tình hữu nghị cách mạng thì mời ông cách xa tôi ra một tí, đừng đổ nước cống lên tuyết trắng!
Bố tôi thở dài rời khỏi nhà, ngồi suốt đêm trước nhà kho. Khi chút ánh sáng ban mai bắt đầu đến trên đầu ngọn cây thì đôi mắt bố tôi cũng đã đỏ lên sòng sọc chẳng khác nào vương phải dầu gió Thanh Lương. Ông nghiền nát mấy con kiến vô phúc đang bò trên bắp chân, khạc nhổ tứ tung và đúng lúc ấy, ông nghe thấy tiếng nói từ chiếc loa phóng thanh nhãn hiệu Hồng Đăng. Đó là lần phát thanh đầu tiên trong ngày. Tất cả những điều này khiến bố tôi cảm thấy mình còn có chút hữu dụng, chí ít là còn có thể giết vài con kiến, sản xuất loa phóng thanh. Tôi quên kể chuyện này, bố tôi là công nhân xưởng vô tuyến điện số 3, chiếc loa trước nhà kho là do chính tay ông lắp đặt. Từ ngoài đường, âm thanh của tiếng chổi quét đường cùng với tiếng bánh xe ba bánh nghiến xuống mặt đường vang vọng đến. Trời đã sáng hơn một tí, vừa rồi cây cối chỉ có thể cảm nhận thành từng lùm từng lùm, đến giờ thì từ từ tách nhau ra, biến thành cành cây, lá cây, cuối cùng ngay cả hai con chó đang bị treo ở chạng cây cũng hiện ra rõ mồn một.
Bố tôi dự định xin công xưởng nghỉ một ngày, nhân cơ hội mẹ tôi đi làm lén lút xẻ thịt hai con chó hầm một nồi, còn tính đến việc hầm chung với mía và hồi hương. Nhưng hình như mẹ tôi đã nhìn thấu bụng dạ ông nên đã dậy từ sáng sớm, bỏ hai con chó vào bao gai, lại còn buộc chặt miệng bao bằng ba sợi dây thừng. Bố tôi hỏi:
- Có phải bà muốn đem chuyện trong nhà lôi ra ngoài đường, muốn chuyện bé xé ra to?
- Đem hai con chó này cho hổ ăn, vườn thú có thể trả chúng ta một ít tiền.
Đôi mắt bố tôi trừng trừng nhìn theo mẹ tôi đặt cái bao lên yên xe đạp rồi phóng đi. Hễ chiếc xe rung lên là cái bao sau xe cũng rung theo. Đôi mắt bố tôi không rời khỏi một nhịp rung nào cho đến khi nó mất hút khỏi tầm mắt của ông. Ông đứng dậy, vào nhà rửa mặt, lầm bầm:
- Đã đem chó đi rồi thì xin nghỉ làm quái gì…
Ngày ấy, mẹ tôi ôm về một chiếc thùng bằng giấy thật nặng. Bà trông thấy Phương Hải Đường đang thu dọn quần áo trước cổng, bèn ôm chiếc thùng đi đến bên cạnh, đem chuyện con hổ ăn hai con chó nói với bà ta. Phương Hải Đường hắt xì hơi, nói:
- Xin lỗi, hình như tôi bị cảm cúm.
Đúng lúc ấy, lão Triệu ngậm tẩu đi từ trong cổng ra. Mẹ tôi tiến đến, đem chuyện con hổ ăn hai con chó nói một đỗi. Lão Thực nhả ra một đụn khói từ mũi và mồm, nói:
- Xin lỗi, tôi phải đi mua nước tương ở cửa hàng.
Mẹ tôi đã đem chuyện “con hổ ăn hai con chó” nói ra đến hai lần nhưng chẳng nhận lại được một câu hưởng ứng, chí ít cũng là một lời phụ họa nào, trong thâm tâm thất vọng vô cùng. Do vậy mà bà tự giận mình, ôm chiếc thùng đứng mãi ngoài cổng. Cuối cùng thì Triệu Vạn Niên cũng trở về, mẹ tôi lại đem chuyện con hổ ăn hai con chó nói lại lần nữa. Triệu Vạn Niên vỗ lên vai mẹ tôi nói:
- Đồng chí Ngô Sinh, chị làm như thế rất tốt!
Lúc ấy, mẹ tôi mới cảm thấy cánh tay mình đau nhức, đau đến nỗi như muốn rời khỏi vai, hai bàn tay ôm cái thùng hằn rõ những đường gân máu đỏ thẳm. Bên trong chiếc thùng giấy ấy toàn là xà phòng!
Đừng nghĩ rằng mẹ tôi kể ba lần câu chuyện “con hổ ăn hai con chó” là đã có thể ngừng. Đó chỉ là đoạn dạo đầu của vô số lần mẹ tôi kể lại sau này, chẳng khác nào trước khi ăn tiệc người ta cần một món khai vị vậy. Cô nói xem, việc quái gì cứ phải đi tìm người khác để bắt chuyện nào? Có phiền phức quá không? Nói nhiều nhưng liệu người khác có nghe hay không? Biết đâu rằng, cô chưa kịp mở miệng nói thì người ta đã cười thầm trong bụng rồi. Nhưng, mẹ tôi thì không tỉnh táo để nhận ra điều ấy, cho nên ngày ấy, trước khi ăn tối bà lại đem ra kể với chúng tôi. Bà kể rằng, con hổ bổ nhào đến, dùng mồm xé rồi hất xác hai con chó bay lên trời giống như trong phim vậy, rơi xuống. Rơi được nửa chừng thì xác hai con chó tách rời nhau, một con bay sang đông, một con bay về tây… Còn con hổ ăn hai con chó cụ thể như thế nào, tôi không nhớ kỹ lắm, nhưng xui xẻo thay, tôi không quên được thần thái của mẹ tôi khi kể chuyện. Hưng phấn, đắc ý…, hai tay bà không ngớt chém lên chém xuống, đôi môi siêu tốc động đậy, mặt như uống phải rượu trắng, đỏ đến tận cổ. Đang kể thì bố tôi hỏi:
- Tiền đâu? Sao không mua ký thịt lợn để chúng tôi nhét vào kẽ răng?
Mặt mẹ tôi giống như đụng phải một cái mông lạnh lẽo, sự hưng phấn, đắc ý ngay lập tức biến mất. Bà lặng yên rất lâu mới nói cho chúng tôi biết rằng, bà đã dùng tiền để mua một thùng xà phòng. Bố tôi chế giễu:
- Mua nhiều xà phòng như vậy để nấu thành thịt ăn à?
- Ông xem, hai cục cưng của ông đứa nào đứa nấy đều bẩn thỉu, cổ áo tay áo của ông cũng bẩn chẳng kém. Lại còn mùng mền nữa, cái nào chỗ nào cũng thấy bẩn. Một thùng xà phòng e rằng chưa đủ để làm sạch. Đời người không thể chỉ quan tâm đến chuyện ăn thịt, phải nghĩ đến chuyện vệ sinh, lỗ tai phải sạch, móng tay móng chân cũng phải sạch, toàn thân phải sạch thì tâm hồn mới trong sạch được!
Mỗi ngày tan học về nhà, tôi đều đổ một đống xà phòng lên tóc, biến toàn bộ đầu tôi thành một đống bọt, sau đó thì nắm tóc kéo thật lâu nhằm làm cho chúng thẳng ra. Có lần, tôi kéo đến độ phát mệt bèn nhờ Tăng Phương giúp đỡ. Nó cắn môi, đứng dạng chân, tư thế giống như đang nhổ cỏ, ra sức kéo, thiếu chút nữa thì da đầu của tôi tróc ra. Kéo xong, tôi dùng bọt xà phòng làm dầu tóc, ép mái tóc xoăn tít xuống tận da đầu. Ngày ấy, việc cấp thiết của tôi là làm sao cho đầu tóc thẳng ra, còn việc trọng đại nhất của Tăng Phương là dùng xà phòng rửa tay. Nó bôi xà phòng đầy lòng bàn tay rồi chà xát cho đến khi bọt nổi lên, sau đó ngâm bàn tay vào chậu nước. Nước trong chậu lập tức dâng lên, bọt xà phòng giống như bông trắng được mùa trào ra khỏi vành chậu. Bàn tay của Tăng Phương bị xà phòng ăn đến độ trắng bợt, thậm chí nhăn nheo trông giống da người già. Ôm chặt lấy lòng bàn tay trái có cái bớt màu đen, nó hỏi tôi:
- Anh hai, em dùng nhiều xà phòng như vậy sao lại không tẩy nó đi được?
- Đồ ngu! Đó là da thịt, rửa không hết đâu.
Có điều Tăng Phương không từ bỏ quyết tâm, do vậy mà so với tôi, nó lãng phí xà phòng hơn nhiều lần. Sau đó, tôi phát hiện tóc càng dài thì xà phòng càng không thể ép nằm cố định được. Một cách dứt khoát, tôi đến tiệm cắt tóc thật ngắn, vừa đủ cho đầu tóc quăn không quá khó coi, cũng vừa đủ để phân biệt và có khoảng cách với những người bị phê đầu thường hay trọc đầu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

4


Dưới sự chỉ đạo của mẹ tôi, tôi viết một bài phê đấu đôi chó. Không nói cũng biết, mỗi chữ trong đó đều là những trái đạn pháo đã nhét đầy thuốc nổ, đường bay của chúng có thể thẳng tới Đài Loan. Tôi đã dùng những từ ngữ thông dụng đương thời như “gây tội ác cực đại, làm suy đồi phong tục, ác không thể tha”, ngay cả những từ ngữ trên báo về hành vi hiếp dâm cũng được tôi đưa vào bài phê đấu của mình. Bọc một bài phê đấu kiểu ấy, tôi cảm thấy túi áo nặng trình trịch chẳng khác nào bọc một quả chùy sắt, bất kỳ lúc nào nó cũng có thể xé toạc lớp vải mỏng mà chui ra. Nhưng Triệu Vạn Niên mấy ngày ấy lại không về nhà. Ở trường học anh ta có nhà riêng, hễ gặp chuyện gì phức tạp là không thèm về nhà. Tuần này ở trường công việc lộn tùng phèo, ngay cả bóng dáng của anh ta tôi cũng không hề thấy.
Đến cuối tuần, mẹ tôi bảo tôi và Tăng Phương cùng bà giặt mùng trước cửa nhà kho. Chúng tôi đem những cái đã giặt sạch ra phơi, những giọt nước từ trên mùng không ngừng rơi xuống, trên đất nhanh chóng xuất hiện một hình chữ nhật. Trên cái mùng ướt nhẹp thấp thoáng tia nắng mặt trời, từ đó phát ra những âm thanh tách tách như lửa gặp nước, chú ý mở to đôi mắt thì có thể trông thấy những hạt nước biến thành hơi như thế nào. Tăng Phương vén mùng lên chui vào rồi lại chạy ra. Mùng lay động, những giọt nước bắn tung tóe loạn xị khắp bốn hướng, hình chữ nhật trên đất cũng mờ đi. Đúng lúc ấy, tôi thấy Triệu Vạn Niên với gương mặt đầy mồ hôi trở về. Gương mặt anh ta cứng như một cục thịt lợn đông lạnh, không chào hỏi ai, bước vào nhà là khóa chặt cửa.
Nhà họ Triệu đột nhiên yên ắng, yên ắng như từng là nhà họ Triệu. Bỗng âm thanh của bàn chân đá vào ghế vang lên, tiếp theo là tiếng Triệu Sơn Hà:
- Trả cho tôi!
- Té ra là đêm nào mày cũng nằm trong mùng đọc thứ lăng nhăng này, thế mà tao cứ tưởng mày đọc Các Mác, Lênin! Mày nhìn đây! Chữ này không làm cho người ta phải đỏ mặt hay sao? Câu nào câu nấy cũng đủ để kết tội lưu manh! Có lẽ nào đây lại là việc cần làm lúc này của mày? Mày còn muốn lên làm chủ nhiệm phân xưởng nữa không? - Giọng Triệu Vạn Niên lúc cao lúc thấp.
Tiếng Triệu Sơn Hà rất to:
- Trả lại cho tôi!
Tiếp ngay sau đó là âm thanh của một cuộc giành giật.
- Muốn bỏ việc về nhà à? Không vấn đề gì! Nhưng mày phải nói cho tao biết, thằng lưu manh nào gửi cho mày!
Lại một trận giành giật. Âm thanh của một chiếc cốc bị ném xuống đất vỡ tan. “Ầm!” một tiếng đóng cửa. “Rầm!” một tiếng đẩy cửa. Tiếng bước chân chạy thình thịch. Tiếng đôi ủng đi mưa treo trên tường rơi xuống đất. Tiếng Triệu Vạn Niên:
- Á! Á! Á!… Mày dám cắn tao à!
“Bốp!”. Hình như bàn tay của ai đó đã đập vào mặt ai đó. Tiếp theo là tiếng khóc thút thít của Triệu Sơn Hà.
Triệu Vạn Niên cầm một bì thư, gương mặt tối sầm bước ra, đi thẳng khỏi nhà kho. Chiếc mùng của nhà tôi lúc này đã được ánh nắng phơi khô, một cơn gió nhẹ thổi tới khiến nó bay lất phất.
Triệu Vạn Niên đứng dưới bóng râm của chiếc mùng, lật thư ra xem, còn chúng tôi thì ngồi ngay trước cổng nhà kho nhìn anh ta. Anh ta ngước đầu lên, vẫy tay về phía tôi. Tôi chạy đến. Anh ta vén chiếc mùng lên cùng tôi chui vào trong, chiếc mùng che chúng tôi lại. Nhìn qua làn vải mùng mỏng, tôi nhìn thấy một đám đông lố nhố ngoài cửa, nhưng có thể họ thấy chúng tôi một cách lờ mờ. Triệu Vạn Niên đưa lá thư đang cầm trên tay cho tôi, nói:
- Mày nhìn xem, đây có phải là chữ viết của bố mày hay không?
Tôi chú mục vào tờ giấy, lắc đẩu.
- Có thể là của Vu Phát Nhiệt chăng?
- Không biết.
Triệu Vạn Niên đưa lá thư đến sát mũi nhìn một đỗi, cau mày nhăn trán:
- Ai viết cái này nhi? Đúng là gan bằng trời. Bố mẹ mày lâu nay có cãi nhau không?
Tôi gật đầu.
- Cãi về chuyện gì?
- Bố cần làm gì đó một lần với mẹ. Mẹ em không cho.
- Vậy thì đúng rồi. Mày có thể nói bố dùng tay trái viết mấy chữ không?
- Có cần bố viết những chữ ở trên lá thư đó không?
Triệu Vạn Niên gật đầu, ánh mắt như dò tìm gì đó trong lá thư.
- Bảo bố viết mấy chữ Sơn Hà thân yêu, được không?
- Cục cứt! Mày bảo ông ấy viết bốn chữ “thương nhớ Tổ quốc”, đúng rồi, bốn chữ ấy, dùng tay trái nhé. Không được nói chuyện này với ai. Làm xong việc này, anh cho mày đeo khăn quàng đỏ.
Tôi gật đầu, lôi bài phê đấu hai con chó đưa cho Triệu Vạn Niên. Anh ta nhận lấy, liếc nhìn:
- Đồ ngốc! Ấy là anh dọa họ cho vui thôi, ai bảo mày viết thật.
Vừa nói anh vừa vò viên tờ giấy vất xuống đất, quay người bỏ đi. Tôi nhặt bài phê đấu của mình lên, cảm thấy tiếc nuối vô cùng. Tôi viết sao mà sinh động, anh ta lại chẳng liếc mắt qua, lại còn nói phét là được đọc trên loa phóng thanh của trường!
Từ ngày ấy về sau, đôi mắt của tôi lúc nào cũng dõi theo cánh tay trái của bố. Tay trái vẫn cứ là tay trái, với tay phải chẳng có gì khác nhau, những đường gân trên mu bàn tay vừa to vừa lồi, trông chẳng khác nào muốn bung ra khỏi da, có lúc tôi có một so sánh kỳ dị là giống như một nhân tài muốn trốn chạy khỏi cơ quan cũ bất kỳ lúc nào. Trừ ngón cái ra, các lóng tay của bốn ngón còn lại đều có những sợi lông mọc lưa thưa, trên các đốt ngón tay là những vết nhăn chen chúc nhau trông giống như những vết nẻ xù xì trên vỏ cây. Móng tay mặc dù rất dài nhưng hầu như không có vệt ghét bẩn, mỗi đầu ngón tay đều thon, tròn như đầu quả trứng. Cổ tay có một chấm đỏ hồng, đó là do muỗi đốt. Bố tôi dùng bàn tay trái để bê bát cơm, gãi ngứa ở nách phải, cởi cúc áo… Gắn với túi quần bên trái chính là nó, cầm những trái đậu lạc để bóc vỏ cũng là nó, nâng đáy chén tra lên cũng là nó. Nói tóm lại, nó làm hết mọi công việc của tay phải, phối hợp với tay phải, có thể chấp nhận những điều uẩn khúc, có thể làm tất cả mọi việc, chỉ có điều từ trước đến nay nó chưa hề viết một chữ nào.
Cũng bởi quan sát quá nhiều đến tay trái của bố nên cơ thể tôi đột nhiên phát sinh những biến đổi kỳ diệu. Tôi nhận ra rằng khi uống nước canh, tôi dùng tay trái để cầm thìa; việc đeo túi xách không hiểu sao cũng từ bên phải chuyển qua bên trái; lại còn dùng tay trái để vặn vòi nước, cầm đũa bằng tay trái. Chỉ trong vòng mấy ngày mà tôi bỗng nhiên trở thành loại người mà người đời vẫn thường nói “đồ thuận tay trái bỏ đi”, đến bây giờ vẫn chưa cải chính được nhưng dù sao trong sinh hoạt hàng ngày, tôi vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn của cái danh hiệu “thuận tay trái”. Cái danh “thuận tay trái” mà tôi có chẳng qua cũng giống như có một hào mà tưởng mình đã là phú ông vậy. Có điều, quỷ khiến thần sai thế nào mà tôi lại viết chữ bằng tay trái! Bố thấy tôi viết tay trái thì giật phắt cây bút trên tay tôi, chửi: “Tại sao mày trở thành phái tả?”. Tôi cầm lấy bút chuyển qua tay phải, nhưng viết được vài chữ thì không biết thế nào mà cây bút đã chuyển sang tay trái. Tôi dùng tay trái viết không biết bao nhiêu lần bốn chữ “thương nhớ Tổ quốc” trên giấy, viết mãi rồi cũng hóa thành nhớ thương thật! Bố xem tôi viết đến độ hoa mắt, một cách quán tính, ông chộp lấy cây bút trên tay tôi rồi dùng tay trái viết bốn chữ “thương nhớ Tổ quốc”. Viết xong, bố cười:
- Tay trái của mày làm sao có thể so sánh được với bố! Xấu hổ chưa!
Tôi dùng kéo cắt bốn chữ “thương nhớ Tổ quốc” mà bố tôi đã viết ra, nhét vào một bì thư cũ, cảm thấy vẫn chưa chắc, bèn dùng bì ni lông bọc thêm bên ngoài, làm xong, tôi thở phào nhẹ nhõm như đã hất được tảng đá trên vai xuống đất. Tôi nhét bì thư vào trong lòng một cuốn sách, nhét cuốn sách vào trong cặp sách, đem cặp sách treo trên tường rồi gieo mình xuống giường. Hình như có rất nhiều lần tôi nghĩ mình đã ngủ nhưng lại bị tiếng ho sù sụ của bố đánh thức. Tôi nhẹ nhàng bò dậy, lấy cặp sách từ trên tường xuống, đặt xuống dưới gối. Sau gáy tôi có cảm giác cồm cộm của cặp sách, thậm chí còn cảm thấy được vị trí chính xác của mảnh giấy có bốn chữ “thương nhớ Tổ quốc”. Đến lúc ấy, như được uống thuốc an thần, tôi nhanh chóng không còn nghe thấy những âm thanh phát ra từ những người chung quanh nữa.
Ngày hôm sau, khi cửa phòng làm việc của Triệu Vạn Niên vừa mở, tôi đã bước vào, tay nâng cao mảnh giấy. Ánh mắt anh ta đột nhiên lóe lên, một tay cầm mảnh giấy, một tay thò vào túi áo lục tìm lá thư. Anh ta trải lá thư trên bàn. Đó chính là lá thư mà tay lưu manh nào đó đã viết cho Triệu Sơn Hà, sau đó dùng kéo cắt đôi mảnh giấy tôi đưa cho, bốn chữ bố tôi đã viết chỉ còn lại hai chữ “thương nhớ”. Thì ra anh ta chỉ cần hai chữ này. Anh ta cầm hai chữ ấy bắt đầu đối chiếu với lá thư, hễ gặp chữ “thương nhớ” nào trên lá thư là ánh mắt anh ta dừng lại rất lâu, dán chặt vào chỗ đó, xem bên trái rồi xem bên phải. Đến khi đối chiếu hết lá thư, anh ta mới ngước đầu lên:
- Trong lá thư này có tổng cộng chín lần “thương nhớ”, trong đó có bốn lần giống với chữ viết của bố mày, mày nhìn xem.
Tôi cúi đầu nhìn. Anh ta hỏi:
- Có giống không?
- Giống một chút, không giống lắm.
- Anh cũng không dám khẳng định, chắc phải đi nhờ chuyên gia thẩm định thôi. Trong thời gian này, mày phải theo dõi bố thật kỹ, chỉ cần ông ấy có gì đó không bình thường thì báo ngay cho anh nhé.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

5


Nửa đêm trở về trước, bố tôi có thể ngáy khò khò, nhưng nửa đêm trở về sau, ông thường bò dậy, vơ lấy bình nước để trên bàn ồng ộc rót nước sôi để nguội vào mồm. Tiếng uống nước của ông vang lên một cách đặc biệt, bác Vu ở phía vách bên kia thường đưa hai ngón tay lên với tôi nói, bố mày tối qua uống hết hai bình nước. Bố tôi uống nhiều nước như vậy chỉ vì ông cảm thấy nóng trong người. Ông thường nói đến nửa đêm thì ngũ tạng lục phủ cháy bừng lên, nói chung là không thể ngủ được. Có một lần đêm đã khuya, bố tôi quạt phành phạch, đi đi lại lại trong nhà, thi thoảng lại đập muỗi đen đét, sau đó nói rất to:
- Các người nghe đây! Các người nghe đây! Còn thể thống gì nữa không? Cuối cùng thì có để cho người ta sống hay không?
Tôi bị tiếng hét của bố làm giật mình tỉnh giấc. Lại có tiếng một người phụ nữ rên rỉ, đứt đoạn, lúc thì vấn vít trên nóc nhà, lúc như muốn vượt qua khuôn cửa sổ để tản mát trong không gian. Tôi vểnh tai nghe ngóng rất lâu mới phát hiện đó là âm thanh phát ra từ bà Phương Hải Đường phía bên kia vách. Có lẽ bà ấy đau lắm thì phải, mặc dù đã cố kiềm nén nhưng tiếng rên vẫn cứ vang lên. “ Ôi! Ái da! Ôi!…” càng lúc càng liên tục, gấp gáp hơn, âm lượng cũng cao hơn. Lúc bà ấy rên thì cái sạp giường gỗ cũng kêu lên cọt kẹt như phụ họa thêm cho tiếng rên của chủ nhân. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu không đau đến nỗi lăn lộn trên giường thì không đến nỗi sạp giường phải kêu lên như thế. Bố tôi bước đến bên giường mẹ, vỗ vào lưng mẹ:
- Bà nghe xem, nghe xem người ta như thế nào…
Không có tiếng mẹ tôi trả lời, có lẽ bà ngủ quá say chẳng khác gì một tảng đá. Bố đập bàn tay vào đùi rồi mở cửa bước ra ngoài.
Hầu như đêm nào cũng thế, sau nửa đêm là bố tôi ra đứng ở bờ ao phía sau nhà kho để giải nhiệt. Ông dội nước ào ào từ đầu xuống, lâu lâu lại dội mấy thùng chẳng khác nào cần phải dội nước thật nhiều để dập tắt ngọn lửa trong thân thể ông. Dội nước xong, ông lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế xi măng, liên tục đốt thuốc lá hiệu Kinh Tế để giết thời gian, hết điếu này nối điếu khác để cho thời gian cứ liên tục nối tiếp nhau. Ông đã từng nói với tôi rằng, hút thuốc không làm vơi đi những nỗi buồn phiền đúng nghĩa, chẳng qua là để đuổi mấy con muỗi đáng ghét mà thôi. Bác Vu thì đêm nào cũng dậy đi tiểu một lần, rất đúng giờ, chẳng khác nào chiếc đồng hồ ốp gỗ treo trên tường. Có lúc ông ta chạy thẳng ra nhà vệ sinh đằng sau nhà kho để tiểu, có lúc vì tiết kiệm mấy bước chân, ông ấy chạy đến gốc cây to ở ngoài cổng, thập thò đái một bãi lộ thiên. Cho dù có nhìn thấy gương mặt và hai ngón tay của bố tôi nhờ đốm lửa ở đầu điếu thuốc lóe lên, ông ta cũng chẳng thèm đến gần để buông một lời chào hỏi, chẳng khác nào một người mồm đầy thịt cá chẳng có thời gian để quan tâm đến kẻ ăn mày vậy.
Có một lần, bác Vu vừa lôi cái của quý trong đũng quần ra thì bố tôi lên tiếng:
- Thương Sơn!
Nước tiểu của bác Vu vừa kịp trào ra, không thể nào thu lại được. Lâu lắm rồi ông ta không nghe thấy cách gọi ấy khiến cái mồm của ông ta lắp bắp một cách vô ý thức:
- Thiếu… thiếu gia!
Đó đều là những cách xưng hô trước giải phóng. Ngày ấy, bác Vu còn trẻ măng, làm công việc ghi sổ sách thu chi - giống như kế toán viên bây giờ cho tiệm thuốc tây của ông nội tôi. Thương Sơn là tên ông nội tôi đặt cho ông ta. Sau giải phóng, bác Vu cảm thấy cần phải thể hiện sự thức thời để hưởng chút ánh sáng mới bèn tự đổi tên thành Phát Nhiệt. Buộc xong dây rút của chiếc quần cộc, ông ta mới đi đến bên bố tôi:
- Vẫn còn đến mấy chục năm nữa, ông định ngồi đấy cho đến già à?
Bố tôi thở dài, nói:
- Hai người có thể nhẹ nhàng một chút không? Nói với Hải Đường là không việc gì phải rên lớn đến như vậy. Tôi vốn có ý định ăn chay suốt cuộc đời còn lại, nhưng một khi nghe tiếng kêu rên của Hải Đường là nó lại khơi gợi cái thói muốn ăn thịt của tôi, người tôi như bị bỏ vào vạc dầu, hành hạ trừng phạt thế này quá sức chịu đựng rồi!
- Con đàn bà thối! Tôi đã bảo bà ấy đừng kêu rên bà ấy càng rên to hơn, lần sau tôi sẽ nhét chiếc gối vào miệng bà ấy là xong!
- Như thế cũng không cấm bà ấy được đầu, e rằng còn nguy đến tính mạng đấy.
- Căn nhà này cũng thật quá đáng, khiến người ta muốn giữ một chút bí mật riêng tư cũng chẳng được. Ngày ấy nếu chúng ta không đem tất cả nhà cửa cống hiến thì bây giờ muốn gào muốn rên thì cứ thỏa sức mà gào mà rên, e rằng có to một cái loa phóng thanh cũng chẳng làm phiền người khác.
Tán gẫu một lát, bác Vu quay người bỏ đi. Bố tôi khẽ khàng:
- Thương Sơn!
- Còn có chuyện gì nữa à? - Bác Vu quay đầu lại, hỏi.
- Thôi… khỏi, ông đi đi. - Bố tôi do dự.
- Hết tiền rồi phải không? Muốn mượn một ít à? - Bác Vu bước lại gần bố.
- Việc này… tôi khó mở miệng quá…
- Có lẽ nào còn có chuyện so với việc mở miệng mượn tiền còn khó hơn sao?
- Đây lại là vết thương trong lòng, thật khó khăn để bày ra cho ông xem. Từ khi Ngô Sinh tham gia lớp học tập cải tạo tư tưởng đến nay, đầu óc bà ấy đột nhiên biến thành một tờ giấy trắng, tinh khiết đến nỗi không cho phép tôi lại gần. Hình như cũng đã mười năm rồi, tôi chưa hề làm cái chuyện giống như ông vẫn làm hằng đêm. Cứ như vậy tôi e rằng tôi sẽ không chịu đựng được thêm nữa…
- Ông với Ngô Sinh cãi nhau chúng tôi đều nghe thấy hết, chẳng qua là không biết rõ cãi vì chuyện gì? Bà ấy cớ gì lại biến thành như thế?
- Bà ấy cảm thấy bần. Bà ấy cho rằng một người cao thượng không được làm chuyện ấy. Tất cả là do lãnh đạo của bà ấy tuyên truyền mà ra. Tôi với bà ấy sống chung đã gần hai mươi năm, nhưng bà ấy nào có nghe lời tôi, lại đi nghe lời bọn lãnh đạo cứt chó ấy. Cũng không biết bọn lãnh đạo ấy có yêu thuật gì hay không nữa.
- Có thể bốc cho bà ấy một ít thuốc không?
- Cái gì cũng thử hết rồi, chẳng có tác dụng. Có mấy lần tôi cũng định phạm tội, nhưng lại sợ ngồi tù, thậm chí có lúc tôi cũng đã có ý định tự tử nữa… Thương Sơn, ông có thể giúp tôi…
- Không phải là quét sân, lau bàn chùi ghế, cũng không phải là xách nước nấu cơm… Tôi giúp ông như thế nào?
Bố tôi đột ngột quỳ xuống trước mặt bác Vu:
- Thương Sơn, tôi cầu xin ông. Chỉ có ông mới có thể giúp tôi…
Bác Vu hình như đã hiểu ra điều gì đó, giọng đã bắt đầu run:
- Trường Phong! Sao ông lại nghĩ ra được điều ấy? Ngay cả anh em cùng một mẹ sinh ra cũng không thể làm được như vậy!
- Chỉ một lần, ông nói với Hải Đường, chỉ một lần. Suốt cuộc đời còn lại tôi sẽ làm bốn chiếc bánh xe để báo đáp hai người.
Bác Vu quay người, uất giận bỏ đi, những viên sỏi bị bàn chân ông ta hất tung lên. Bố tôi vẫn như cục đá quỳ dưới đất.
Mấy ngày sau, bác Vu cầm một gói giấy đến đưa cho bố tôi, nói:
- Đây là thứ mà tôi đã tìm đến thầy thuốc ở đường Tam Hợp bốc cho ông, mỗi tháng hai lần, đảm bảo đầu óc ông không nghĩ đến những điều xằng bậy, loạn xị bát nháo nữa.
Bố tôi đưa bọc giấy lên mũi ngửi ngửi, hít một hơi thật sâu, đột nhiên vung tay vất mạnh. Bọc giấy vỡ tung tóe, những lá thuốc vương vãi trên mặt đất. Bác Vu cúi người nhặt từng chiếc lá một.
- Vu Phát Nhiệt ơi là Vu Phát Nhiệt! Ông không giúp tôi thì thôi, cớ gì mà phải hủy hoại thân xác của tôi?
- Đừng nghĩ xằng! Tôi chỉ lo cho ông ngồi suốt cả đêm, e rằng sẽ có ngày mang bệnh thôi!
Cảm ơn lòng tốt của ông. Tôi hối hận vì đã tâm sự nhiều với ông như vậy.
- Việc gì tôi cũng có thể giúp ông, nhưng việc này tôi không thể nghĩ ra cách giải quyết. Tôi nuốt không nổi cục nghẹn trong cổ!
- Không phải tất cả mọi người đều không hiểu tâm lý con người như ông. Không phải tất cả mọi người đều không nghĩ đến tình cũ nghĩa xưa như ông. Ngày trước họ Tăng nhà tôi đã cứu trợ cho biết bao người, ngay cả bọn ăn mày đến cửa nhà cũng đều không phải ra về tay không. Tôi không tin là trong tất cả bọn họ lại không có người mềm lòng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

6


Thêm mấy ngày nữa, đột nhiên trên gương mặt bố tôi xuất hiện những nét phấn khởi, hồng hào trở lại, ấy là những biểu hiện mà người đời thường nói là sự khỏe mạnh, là sức sống. Tiếng ngáy của ông cũng càng ngày càng vang, càng ngày càng dài, có thể kéo dài từ đầu hôm đến lúc trời sáng bạch. Sau nửa đêm ông cũng không rời khỏi giường nữa. Lúc rửa rau hay nấu cơm, miệng ông không chỉ nếm mùi vị mà còn ngân nga cả một khúc dân ca phương nam. Ông không uống thuốc, sao lại biến thành một người hoàn toàn khác như vậy?
Nếu tôi không đuổi theo để bắt con chim sẻ, có lẽ gương mặt ấy của bố tôi sẽ còn kéo dài lâu hơn. Nhưng con chim sẻ ấy hình như cũng biết trêu ngươi, giống như một người phụ nữ đang liếc mắt vẩu môi với anh, nếu anh không hiểu được ý định của cô ta thì chứng tỏ anh chẳng phải là người có năng lực. Lúc ấy tôi cũng chẳng có khả năng suy diễn như thế đâu, mọi việc diễn ra xong tôi mới bắt đầu nghi ngờ rằng nó là một con chim sẻ mái, nếu không thì nó không thể tinh quái chẳng khác nào yêu ma như vậy; thậm chí có lúc tôi còn nghĩ rằng nó được Triệu Vạn Niên phái đến. Từ trên mái ngói nhà kho, nó bay đáp xuống bên cạnh tôi, khoảng cách không đầy một mét, lông cánh run rẩy, miệng kêu chiêm chiếp. Tôi nhẹ nhàng bước tới, vươn tay định chụp lấy thì nó chạy về trước mấy bước. Tôi tiếp tục chụp, nó lại tiếp tục chạy về trước mấy bước. Lần nào cũng thế, nó vừa chạy vừa bay nhưng không quá xa, trước sau vẫn giữ cự ly an toàn với cánh tay của tôi, chẳng khác nào nó đã được các thầy dạy toán dạy cho cách đo khoảng cách vậy. Có lúc, tay tôi đã chạm được vào lông cánh của nó, nhưng dường như nó cũng chẳng tỏ ra sợ hãi, vẫn cứ thản nhiên bay nhảy như muốn chờ đợi, dụ dỗ tôi. Tôi đứng lại, hít một hơi thật sâu rồi ngừng thở, bổ nhào về phía trước, sống mũi đập xuống đất đau rát. Nó vùng vẫy trong tay tôi một lát rồi thoát ra, bay thẳng lên mái nhà, miệng không ngừng kêu. Tôi nhặt một hòn đá ném mạnh, nó nhảy lung tung rồi bay vào tổ trên nóc nhà.
Tôi ôm cột nhà bằng gỗ leo lên, chật vật đến hai ba lần trèo lên tuột xuống, cuối cùng cũng bám được rường ngang và bò lên mái nhà. Thò tay vào tổ, hai con chim sẻ bên trong bất đồ bay vù ra, tôi giật mình, tay chân loạng quạng dẫm vỡ một viên ngói làm đôi. Tôi đã từng kể, ba nhà chúng tôi chỉ cách nhau bằng những bức vách, trên đầu mỗi nhà là mái ngói nhà kho chung. Chim sẻ đã bay mất, rỗi việc tôi ghé mắt nhìn vào khoảng trống, khe hở của miếng ngói bị vỡ và cho rằng mình đang biến thành ông trời để nhìn xuống hạ giới. Chăn màn, tủ quần áo, bình chứa nước… của nhà họ Vu hiện ra rõ mồn một. Bên nhà họ Triệu, lão Triệu đang ngồi ngậm ống điếu, một đám khói trắng vần vũ trên đầu lão ta. Trong phòng ngủ nhà họ Triệu, bố tôi đang nằm, hình như đang ngủ ngon lành bên trên thân thể của Triệu Sơn Hà. Trời ơi! Không hiểu sao mà tôi lại run bắn lên, ngay cả những sợi lông trên người cũng dựng đứng, dường như cả căn nhà kho đang rung rinh. Nửa viên ngói đang bị mặt tôi áp chặt đột nhiên rơi xuống ngay trước mặt của lão Triệu, vỡ ra thành hàng trăm mảnh. Lão Triệu ngước đầu lên, quát lớn:
- Ai?
Bố tôi lăn nhanh xuống khỏi người Triệu Sơn Hà, khoác vội chiếc áo vào người che lấy phần bên dưới, ngước đầu nhìn lên. Cùng lắm họ cũng chỉ có thể nhìn thấy một phần gương mặt của tôi, nhưng tôi thì lại nhìn thấy họ tất cả.
Lão Triệu từ cửa sau nhà kho chạy ra, tay vịn vào mái che nắng, nhìn tôi:
- Thì ra là mày, thằng cháu quý hóa!
Tiếp theo sau lão Triệu là bố tôi. Ông chỉ tay vào tôi, rống lên:
- Mày muốn chết à? Mày xem, tao sẽ xử mày như thế nào!
Vừa nói bố tôi vừa nhảy chồm chồm trên đất, trông ông lúc ấy chẳng khác nào một con chim sẻ đang nhảy tìm một cái gì đó trên mặt đất, cuối cùng ông cũng tìm thấy một chiếc roi trúc, cầm trong tay vung vẩy, miệng vẫn quát ầm ầm:
- Mày có xuống ngay không!
Tôi đứng trên mái nhà, hai chân run chẳng khác gì ngọn cỏ đầu tường trong gió. Lão Triệu giằng lấy chiếc roi trong tay bố tôi, nói:
- Đừng làm nó sợ!
Tôi định ôm lấy đầu cây cột tuột xuống, nhưng tay tôi dường như đã bị tê liệt, ôm không chắc, suýt chút nữa thì đã rơi giống như viên ngói vừa rồi. Lão Triệu ngước đầu lên, giọng vỗ về:
- Quảng Hiền, đừng sợ! Cháu ôm chặt một tí, tụt xuống chầm chậm thôi… Đúng rồi. Dùng cả hai tay ôm chặt lấy nó. Tốt lắm! Như thế nhé, hai chân kẹp cứng lại, chậm thôi, tụt xuống từ từ. Cháu đừng lo, thời nhỏ, bác Triệu đây cũng đã từng trèo lên tụt xuống ở ngay cây cột này để bắt chim sẻ trên nóc nhà cho ông nội cháu nhắm rượu. Lúc vui vẻ, ông ấy còn bắt bác uống vài cốc… Đúng rồi, cứ thế mà tụt xuống, chậm thôi…
Theo hướng dẫn của lão Triệu, tôi tụt xuống, hai chân vừa chạm xuống đất, không chờ cho cơ thể tôi đứng vững, vành tai tôi đã bị bố xách ngược lên. Tôi kêu lên đau đớn, nhón gót chân lên. Bố tôi quát lớn:
- Mày đã nhìn thấy những gì?
- Con thấy bố không mặc quần áo.
Hình như vành tai tôi được kéo lên cao hơn:
- Cuối cùng thì mày đã thấy gì?
Hai tay tôi ôm lấy tai, đau đến độ không thể nín khóc.
- Mày còn vờ khóc được à? Cuối cùng thì mày thấy gì? Nói!
- Con… không thấy gì cả!
- Nhớ kỹ! Mày không thấy gì cả. Nếu không, tao đánh rụng hết răng cửa đấy!
Bố tôi buông tay. Vành tai như một hòn than nóng rực đốt cháy lòng bàn tay tôi. Lão Triệu dẫn tôi vào nhà ông ta, lấy một ve thuốc nhỏ bôi vào chỗ vành tai bị đau của tôi, vừa bôi vừa xoa vừa nói:
- Bắt đầu từ hôm nay, coi như cháu đã lớn. Lúc bác bằng tuổi cháu, bác đã từng đói suýt chết ở bên đường lộ đến mấy lần, lần cuối cùng, bác đói đến ngất xỉu ngay trước cổng nhà cháu, ông nội cháu đã nhận nuôi bác. Bác không nhớ đến ân tình của ông nội cháu thì bữa nay không có chuyện đối xử tốt với bố cháu như thế đâu. Triệu Lão Thực bác đây tuy xuất thân bần hàn nhưng tuyệt đối không phải là một kẻ vô tình vô nghĩa. Người ta cho mình một miếng cơm, mình phải đáp lại bằng một biển cơm. Bác làm như vậy chẳng qua là vì gia đình cháu, vì sức khỏe của bố cháu. Bố cháu mà vướng phải bệnh tật gì, hoặc là nghĩ cạn đâm đầu xuống giếng hay nhảy sông, thế thì mấy cái mõm còn lại của nhà cháu chỉ biết ngáp rồi chết đói thôi, sống so với quá khứ của bác chưa chắc đã bằng, ngay cả quần áo cũng không có mà mặc nữa. Những đạo lý mà bác vừa nói cháu có hiểu không? Nếu hiểu thì hãy dùng băng keo dán cái miệng của mình lại nhé, đừng bao giờ đem những điều trông thấy bữa nay nói với ai.
Lão Triệu nói xong thì dùng bông xoa xoa rồi ấn mạnh lên vành tai của tôi. “Ai da! Đau quá!”. Tôi kêu lên. Đúng lúc ấy tôi mới phát hiện một đôi mắt đang chăm chú nhìn mình. Đó là đôi mắt của Triệu Sơn Hà. Cô ta mặc một bộ quần áo mới, đứng tựa vào khung cửa cắn hạt dưa, thi thoảng một chiếc vỏ hạt dưa từ miệng cô ta bay vèo về phía tôi. Trên gương mặt cô ta vẫn lộ vẻ bình tĩnh, tựa hồ như chẳng có chuyện gì xảy ra, có lẽ cô ta đã quá quen thuộc với chuyện này. Vỏ hạt dưa màu trắng đục lổn nhổn dưới đất, một chiếc bay thẳng vào đầu lão Triệu. Không thể kiềm chế được nữa, lão rống lên:
- Cút! Đừng tưởng mình là chính cung nương nương! Cùng lắm cũng chỉ là vợ bé!
Triệu Sơn Hà lầm bầm trong cổ họng, ngoe nguẩy cái mông tròn lẳn rời khỏi nhà.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

7


Sau khi biết được một bí mật của người nào đó, liệu cô có cảm giác gì? Có lẽ nó cũng giống như trong lồng ngực cô có hàng nghìn, hàng vạn con ngựa đang phi nước kiệu rầm rầm, bất kỳ lúc nào cũng có thể gây ra những mối nguy hiểm. Tôi bỗng nhiên biến thành một người giống như bố tôi trước đó, liên tục nốc những ngụm nước lạnh thật to, có khi mỗi ngày hết vài ba bình nước. Cứ theo cái đà uống nước kiểu này thì cho dù sức khỏe có tốt tới đâu cũng sẽ mắc phải chứng thận hư mà thôi. Lúc ấy tôi cứ nghĩ, bố tôi thật là kẻ lòng lang dạ sói, ông ấy đã tìm được cho mình một đối tượng để giải phóng sinh lực thừa nhưng lại đem tất cả những áp lực mà ông ấy đã từng chịu trút lên đầu tôi. Mà ông ấy cần phải biết là lúc ấy tôi mới mười lăm tuổi.
Có một quãng thời gian, ban đêm bố tôi thường không về. Ông nói rằng để chuẩn bị cho một hội nghị rất quan trọng cần phải tăng ca sản xuất cho đủ số loa phóng thanh. Cấp trên yêu cầu chất lượng thanh âm của số loa này phải vừa to vừa rõ hơn so với số loa đã sản xuất trước đây, có thể truyền âm thanh xa đến mười cây số mà một tiếng cũng không được mất, ngay cả âm thanh của những tiếng thở dài, tiếng xuýt xoa… cũng không được bỏ sót. Nhà máy đã thành lập một tổ sản xuất xung kích, ông là một thành viên của tổ. Bố tôi không về nhà, gương mặt mẹ tôi quái lạ thay lại xuất hiện những nụ cười, quái lạ như chuyện dùng hành tây ăn dặm với khoai lang luộc vậy. Một đêm nọ, mẹ tôi trông chừng tôi và Tăng Phương tắm rửa, yêu cầu chúng tôi dùng nhiều xà phòng thơm kỳ cọ thân thể đến mấy lượt, càng sạch càng tốt. Sau đó bà mang hai bộ quần áo đã giặt phơi khô đến bảo chúng tôi mặc. Hai bộ quần áo quá trắng, quá sạch khiến chúng tôi không dám ngồi xuống ghế, chỉ dám đứng ngây người, ngay cả hai bàn tay đặt vào đầu chúng tôi cũng chả biết. Mẹ tôi nói:
- Hai đứa yên tâm ngồi xuống đi, toàn bộ mấy chiếc ghế trong nhà này mẹ cũng dùng xà phòng rửa sạch rồi.
Tôi và Tăng Phương vừa ngồi xuống, mẹ tôi đã nói tiếp:
- Hai đứa tốt nhất là đừng có động đậy, chờ một tí mẹ cho xem cái này để sáng mắt ra!
Chúng tôi vươn cổ, hai tay đặt lên đầu gối, lúc ấy mà có con muỗi cắn trên mặt e rằng chúng tôi cũng chẳng dám đưa tay lên đập, chuyên chú lắng nghe những âm thanh do mẹ tôi gây nên vang ra từ phòng giặt quần áo.
Cuối cùng thì mẹ tôi cũng đã bước ra, trên người mặc một chiếc áo kẻ ca rô vuông được giặt quá nhiều lần nên đã trắng bệch. Chiếc áo tuy không còn mới nữa, các đường viền ống tay cũng đã bị sờn nhưng xem ra nó còn sạch hơn bộ quần áo mới của chúng tôi nhiều lần. Bà mở chiếc hộp đang cầm trong tay, nói:
- Mẹ cho hai đứa mở rộng tầm mắt nhé.
Chúng tôi chúi đầu vào nhau để xem. Trong hộp là một chai nước hoa.
- Mẹ đã lén giấu chai nước hoa này, các con đừng lên tiếng.
Vừa nói, bà vừa vẫy vài giọt lên người chúng tôi. Tôi chun mũi hít một hơi thật sâu, một mùi thơm đậm đặc xộc vào mũi. Tăng Phương cũng xuýt xoa thơm quá thơm quá. Mẹ tôi đưa ngón tay cái lên biểu hiện của sự thỏa mãn.
Đó là lần đầu tiên tôi dùng nước hoa và mùi hương này về sau không bao giờ quay trở lại trong cuộc đời tôi. Mẹ tôi cũng vẫy vài giọt lên người bà, sau đó khép mắt lại, thì thầm:
- Chỉ cần ngửi thấy mùi này là mẹ nhớ lại những ngày còn con gái…
Chúng tôi ép sát vào người mẹ hít lấy hít để như sợ chút hương thơm trên quần áo mẹ nhất thời bay đi mất.
- Nhưng đây lại là cách sống đa tình của giai cấp tiểu tư sản, nói ra sẽ bị phê bình, đấu tố. Tối nay phá lệ để cho hai đứa hưởng thụ một tí, các con có biết tại sao không?
Chúng tôi đồng loạt lắc đầu.
- Bởi vì Quảng Hiền đã được mười sáu tuổi.
Đến lúc này tôi mới sực nhớ hôm nay là sinh nhật của tôi, đôi mắt đột nhiên cảm thấy cay cay, ươn ướt vì hình như nước mắt đã trào ra, khóe miệng đã bắt đầu rung rung, những gì muốn nói bị chôn trong bụng đã trào ra đến tận kẽ răng, cho dù có dậm chân múa tay, vặn vẹo thân hình cố nín nhưng chúng đang chuẩn bị để thoát ra khỏi miệng bất kỳ lúc nào. Nhưng đột nhiên tôi cảm thấy một cơn lạnh chạy dọc theo sống lưng nên vội vàng đưa tay tát vào miệng mình, nén chặt những gì định thoát ra xuống tận ruột non ruột già. Mẹ tôi vẫn đang nhắm mắt hưởng thụ, lồng ngực lúc thì nhô lên cao, lúc thì hạ xuống thật thấp rất chậm chạp, đôi bờ mi thật dài của bà nhẹ nhàng rung động, hai cánh mũi ở hai bên cái sống mũi cao cao cũng nhẹ nhàng phập phồng, da mặt trắng khác nào múi tỏi, gương mặt bình yên như mặt gương trong suốt, thật khó lòng hình dung rằng lại có người đang lừa dối bà. Quái lạ là, vẻ mặt mẹ tôi càng biểu hiện sự thanh thản thì cái miệng của tôi càng muốn há ra, như một cổng thành sắp bị thất thủ trước sự tấn công từ bên ngoài lẫn bên trong, tôi dồn thêm sức vào bàn tay, tiếp tục tát mạnh vào miệng mình. Đôi hàng mi dài của mẹ tôi hấp háy, đôi mắt đẹp của bà mở to nhìn tôi. Tôi quay lưng lại phía mẹ và vẫn tiếp tục vả vào miệng mình.
- Đồ trứng thối! Cho dù có tự vả đến sưng vù lên cũng không thể lưu được mùi nước hoa trên miệng đâu!
Vừa nói, mẹ tôi vừa mở nắp lọ nước hoa, dùng đầu ngón tay xoa xoa lên miệng lọ rồi đổ rất nhiều lên cổ tôi. Đúng là lãng phí! Bàn tay vả miệng của tôi vẫn không dừng lại, càng lúc càng nhanh giống như người ta vỗ vào mông đít con ngựa của lãnh đạo. Mẹ tôi cười thành tiếng, tiếng cười vừa nhẹ vừa trong.
- Mẹ… có người đang lừa mẹ đấy!
Lời vừa buông ra, ngay lập tức tôi đưa tay bụm miệng lại, sợ rằng câu này vừa dứt thì câu kia lại tiếp tục tuôn ra. Đôi mắt mẹ tôi từ từ to lên:
- Ai đang lừa mẹ?
- Bố!
Cuối cùng thì tôi đã không giữ được những câu nói trong lòng.
- Bố con không làm tăng ca à?
- Không phải lừa chuyện đó.
- Thế… ông ấy còn có cái gì để lừa mẹ nào?
- Con thấy bố nằm ngủ trên người Triệu Sơn Hà. Bố không cho con nói với mẹ.
Mẹ tôi thoáng lặng người, từ từ ngồi xuống.
- Chuyện này cuối cùng cũng xảy ra, mẹ biết sớm muộn gì nó cũng sẽ xảy ra, không phải bữa nay thì nhất định là ngày mai, nếu không là Triệu Sơn Hà thì cũng sẽ là Phương Sơn Hà, chuyện xảy ra là chuyện đã được định trước.
Bà đậy nắp lọ nước hoa cẩn thận rồi bỏ vào hộp gỗ một cách nâng niu, đóng nắp hộp gỗ lại. Hình như thông tin vừa rồi không ảnh hưởng quá lớn đến bà, nhưng khi bà vươn tay ra để khóa chiếc hộp gỗ, tôi thấy tay bà run run, ngay cả khóa chiếc hộp mà bà phải làm đến mấy lần mới xong.
Vừa nghe thấy tiếng bước chân quay về nhà của bố, toàn thân tôi bỗng dưng run rẩy, vành tai đã bắt đầu cảm thấy đau, sợ rằng vì chuyện của Triệu Sơn Hà mà bố và mẹ sẽ quấn chặt lấy nhau, thậm chí sau đó sẽ là bình nước, ly tách, gương kính thi nhau vỡ vụn. Đã nhiều lần tôi thấy trên nền nhà đầy những mảnh vỡ, nhưng chỉ trong chớp mắt, nền nhà đã sạch quang, chẳng còn lưu lại bất kỳ vật gì. Nhiều khi tôi cứ ngỡ những gì tôi đã trông thấy đều xuất phát từ tưởng tượng của mình. Gia đình tôi có thể duy trì sinh hoạt, lúc cần ăn cơm thì ăn cơm, lúc nên ngủ thì đi ngủ, tất cả toàn dựa vào một tay mẹ tôi. Cho dù có xảy ra chuyện to đến mấy, tất cả thói quen của bà, kể cả việc thích sạch sẽ, kể cả việc cãi vã hoặc nhịn nhục… đều không hề thay đổi, có điều những lúc ấy, bàn tay đang làm việc của bà như lau chùi bàn ghế chậm hẳn lại, có khi cầm cốc nước trên tay đứng đến ngây người rất lâu mà thôi.
Tôi ước gì có một chiếc phéc mơ tuya để khóa hẳn cái mồm của mình lại, không đem chuyện của bố ra nói lại lần nào nữa. Nhưng từ trước đến giờ tôi lại có thói quen là bất kỳ chuyện gì cũng nói lại với Vu Bách Gia. Tôi thường đem so cái thói quen của mình như chuột không thể để thức ăn lại cho hôm sau, người nghiện rượu không thể cầm lòng trước nửa chai rượu còn lại. Bách Gia lớn hơn tôi hai tuổi, gương mặt có những vết hằn ngang hằn dọc như đã từng bị dao sắc chém qua chém lại, thoạt trông rất chai lỳ gan góc chẳng khác nào những chiến sĩ cách mạng đã từng nhiều phen ngồi trên ghế điện hoặc uống nước ớt cay xè khi bị kẻ địch tra tấn vậy. Khi đã lỡ đem chuyện ấy nói với cậu ta rồi, tôi đâm ra hối hận pha chút sợ hãi, yêu cầu cậu ta thề là không được nói lại với bất cứ ai. Bách Gia đưa tay lên trời:
- Nếu tao nói chuyện này với người khác thì cái mồm của tao sẽ nát bét!
Yên tâm, bình tĩnh chỉ được vài hôm, không nín nổi nữa, tôi lại đem chuyện ấy nói với bố mẹ Vu Bách Gia. Bố cậu ta nói:
- Câm ngay cái mồm quạ đen của mày lại ngay! Chuyện này không rơi vào nhà tao, tao phải cám ơn trời đất thôi.
Vu Bách Gia giáng cho tôi một cú gậy vào đầu. Tôi cắn chặt răng, từ đó không bao giờ hé miệng với bất cứ ai nữa, cho dù có gặp Trần Bạch Tú, có thấy Phương Hải Đường tôi cũng không nói, cho dù tôi biết họ muốn nghe tôi nói vô cùng. Có một ngày, Triệu Vạn Niên quay về, vỗ vỗ vào ngực tôi, cười hi hi:
- Thư tình còn có ý nghĩa gì nữa. Bọn họ đã ngủ với nhau rồi!
- Anh nói gì? Anh nói lại đi!
Triệu Vạn Niên chộp lấy tôi. Tôi vùng vẫy thoát khỏi tay anh ta chạy biến ra đường. Vừa chạy, tôi vừa vả mạnh vào mồm, những cú vả này mạnh hơn, chuẩn xác hơn rất nhiều lần so với những lần tôi tự vả trước đó.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

8


Trước sau tôi đã nói đến ba lần về chuyện xấu xa của bố tôi, hai lần trước đều không xảy ra động tĩnh gì, do vậy tôi thầm cầu khẩn ông trời phù hộ: Nhất thiết không để cho Triệu Vạn Niên nổi khùng, nhất thiết đừng để Triệu Vạn Niên và bố tôi chửi nhau. Không khí trong nhà kho trước sau vẫn bình lặng, ngoài việc tiếng ho, tiếng hắt xì của lão Triệu so với trước càng lúc càng nhiều hơn thì không có điều gì bất bình thường, tất cả mọi người khi cần ăn thì ăn, cần ngủ thì ngủ, cần đi làm thì đi làm…
Sáng thứ tư, mẹ tôi gọi giật giọng:
- Quảng Hiền! Sáng nay con đừng đi học, đi với mẹ đến xưởng của bố!
- Đi thăm bố làm tăng ca à?
- Suốt ba ngày nay ông ấy không về, con không thấy điều đó là không bình thường sao?
Tôi đi theo mẹ đến xưởng sản xuất loa phóng thanh số 3. Người ở đó tròn mắt nhìn chúng tôi nói, tại sao hôm nay mới đến, hai ngày trước Tăng Trường Phong đã bị mấy người Hồng vệ binh bắt đi rồi. Tôi lại bắt đầu thói quen vả vào mồm mình. Đôi mắt của mẹ như những chiếc đinh sắt găm vào da thịt tôi khiến tôi không thể cựa quậy trong mấy giây:
- Chuyện hay ho này nhất định là do Triệu Vạn Niên làm. Có phải là con đã nói gì với nó?
Tôi sợ hãi trước ánh mắt của mẹ, quay người bỏ chạy. Mẹ tôi đuổi theo. Từ tiếng bước chân chạy thình thịch sau lưng mà phán đoán, tôi biết là mẹ đang giận, mà không phải một cơn giận bình thường. Tôi chạy qua sân, chiếc bóng của mẹ đã vượt qua khỏi người tôi, càng ngày càng dài và trong chớp mắt nữa thôi, nó sẽ vượt qua cái bóng của tôi. Tôi rẽ ngoặt một cách đột ngột, chui thẳng vào gian nhà vệ sinh nam bên cạnh. Tôi nghe rõ tiếng thở dốc của mẹ ở phía bên ngoài, rất lâu sau đó bà mới gào lên:
- Tăng Quảng Hiền! Ra đây mau!
Một thoáng yên lặng sau đó, tiếp theo vẫn là tiếng mẹ tôi:
- Mày có biết hậu quả của việc này là như thế nào không? Không chừng bọn họ sẽ lùa cả nhà ta đưa đi phê đấu, mẹ mày từ đây sẽ trở thành bà góa mất thôi. Cái mồm thối của mày nói cái gì cũng được, nói với ai cũng xong, sao lại đem chuyện ấy mà nói với Triệu Vạn Niên? Mày nghĩ rằng nói ra chuyện này sẽ được lĩnh thưởng à? Ra đây! Xem tao có xé cho cái miệng mày nát bét ra được không?
Lòng tôi như bị ai đó túm lấy bóp mạnh, tôi khóc thất thanh, tiếng khóc như vỡ ra rồi nghẹn lại. Ruột gan tôi quặn thắt. Đột nhiên tôi nhận ra rằng, cái miệng của mình rất đáng bị xé cho nát nhừ ra! Không xé nát thì không thỏa hận, không xé nát thì còn có thể gây ra bao nhiêu chuyện phiền phức nữa. Tôi chùi nước mắt, bước ra khỏi nhà vệ sinh, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để mẹ tôi xé hay vả vào miệng thì tùy. Bên ngoài nhà vệ sinh đã có một đám người lố nhố, mẹ tôi đứng ở phía trước. Hai ngón tay mẹ kẹp lấy môi tôi kéo nhẹ rồi ôm chặt tôi vào lòng, nước mắt lã chã như mưa, tôi có cảm giác nước mắt đã thấm ướt cả gương mặt bà. Trước mặt rất nhiều người mà lại rơi nhiều nước mắt đến như thế, nếu xét về lý thì bà phải dùng tay để lau nước mắt, nhưng mẹ tôi lại không làm như thế, hình như đôi cánh tay mẹ không đủ sức để đưa lên được, chỉ ôm chặt lấy tôi, chặt đến nỗi tức thở. Mẹ ôm càng chặt tôi càng muốn đưa tay lên vả vào miệng mình.
Chúng tôi đến cổng Trường Trung học số 5, mẹ tôi nói:
- Mẹ không muốn gặp mặt cái thằng họ Triệu ấy. Dù sao thì chuyện này cũng do con gây ra, con vào gặp hắn để đòi bố, đi đi!
Bước thấp bước cao, tôi tiến vào trường, từ xa đã thấy bóng dáng Triệu Vạn Niên đang đi lại trong phòng làm việc. Chạy nhào đến cửa, tôi gào to:
- Báo cáo!
- Sao lại mồ hôi đầm đìa thế? - Anh ta ngoái đầu lại. - Mau vào đây lau mồ hôi đi!
Tôi bước vào phòng. Anh ta đưa cho tôi một chiếc khăn.
- Bố em đâu?
- Mẹ mày sao không tự đến đây?
Tôi ngoái đầu nhìn lại phía sau.
- Có phải mẹ mày đã đến bên ngoài cổng trường?
Tôi lắc đầu.
- Tao biết mẹ mày đang rất tức giận thầy nhưng vẫn cố làm ra cái cung cách của giai cấp tư sản. Nhưng chuyện xảy ra to thế này, bà ấy sao có thể không đến đây? Mày cần phải biết, có một số chuyện mà người khác không thể thay mặt làm được, giống như chuyện đàn ông không thể thay thế cho đàn bà vậy. Nếu bà ấy muốn giải quyết riêng, tao không có ý kiến gì. Nếu bà ấy không muốn, bố mày chỉ có thể kêu lên mấy tiếng thảm thê thôi! Không thể chỉ để cho nhà họ Triệu đứng ra giải quyết, nhà họ Tăng của mày cũng phải làm một cái gì đó chứ! Đi đi! Ra bảo mẹ mày vào đây, tao muốn thương lượng với bà ấy.
Anh ta chẳng cần thương lượng gì với tôi đã đẩy tôi ra ngoài. Trong lúc chạy ra cổng, tôi ân hận vì mình đã ngoái đầu nhìn lại phía sau. Mẹ tôi chạy đến:
- Bố con đâu?
- Anh Vạn Niên nói cần phải nói chuyện với mẹ.
- Làm sao mà nó biết mẹ đang ở ngoài này?
- Con ngoái đầu nhìn lại phía sau là anh ấy nhận ra ngay ạ.
Mẹ tôi bực tức dậm chân:
- Đúng thế thật! Đúng thế thật! Mày không ngoái đầu lại thì mày phải chết à? Việc gì mà mày phải ngoái đầu? Nói với nó, mẹ đã về rồi. Mày bảo anh ta đưa mày đến gặp bố.
Mẹ đẩy tôi đi vào trường. Lần này vừa được trải nghiệm bài học nên tôi không chạy mà lại đi rất chậm, cố ý đi thật chậm như để cho cái đầu nóng của mình lạnh thêm một tí, để khi đứng trước mặt Triệu Vạn Niên, tôi không nói một lời nhầm lẫn nào, không làm một động tác thừa nào.
Triệu Vạn Niên vươn cổ qua khỏi cửa sổ, nói:
- Mẹ mày không muốn gặp tao à?
- Mẹ em đi về rồi.
- Thế thì chỉ còn mày mới có thể cứu bố mày thôi.
- Bố em bị làm sao?
- Đầu óc bố mày bị gỉ sắt rồi. Ông ta ngoan cố không thừa nhận đã hiếp dâm Triệu Sơn Hà. Mày chỉ cần đem chuyện mày đã nhìn thấy những gì hôm ấy nói ra để bố mày nhận thức được sai lầm của mình một cách đầy đủ, thế là ông ta có khả năng tránh được cái số phận vì đầu óc bị hoen gỉ nên làm chuyện hủ bại thôi.
- Ngày ấy em không thấy gì cả.
- Đừng nói dối. Nói dối sẽ hại chết bố mày đấy. Người ta đang chuẩn bị tổ chúc phê đấu, kẻ nào ngoan cố thì đập gãy chân phải của kẻ ấy. Nếu tiếp tục ngoan cố, chân trái sẽ tiếp tục bị đập gãy. Nếu hai chân đã bị đập gãy mà vẫn tiếp tục ngoan cố, lúc ấy sẽ bẻ gãy luôn cả hai tay, sau này ngay cả bát cơm cũng bưng không được nữa. Mày không muốn ngày nào cũng phải đút cơm cho bố mày ăn phải không?
Tôi lắc đầu nhè nhẹ.
- Thế thì hãy nói hết những gì mày đã thấy ra!
Anh ta đóng cửa sổ, lôi tôi đi ra cổng. Tôi giãy giụa nhưng vẫn không thoát, bèn ôm chầm lấy một thân cây to ở ngoài sân. Anh ta ra sức lôi, lôi mạnh đến độ ống tay và bả vai áo của tôi rách toạc nhưng tôi vẫn không buông tay.
- Thằng nhóc này! Còn ngoan cố hơn cả bố mày nữa!
Vừa quát, anh ta vừa dùng sức lôi mạnh hơn. Hình như cánh tay phải của tôi đã rời khỏi bả vai, đau đến nỗi nước mắt đã trào ra đầy hốc mắt. Nhưng tôi không khóc. Chuyện này là do tôi gây ra, cho dù có cắn nát môi, tôi cũng phải đứng vững.
Đúng lúc ấy, một đôi chân vòng kiềng theo sau đôi chân của mẹ tôi cùng chạy vào. Đôi chân vòng kiềng ấy chính là của lão Triệu, tôi đã quá quen thuộc. Ông ta giơ cái ống điếu trong tay lên nhằm đầu Triệu Vạn Niên gõ xuống. Triệu Vạn Niên vừa né tránh, vừa quát to:
- Bố! Đây là trường học! Bố phải nói và làm cho đúng quy củ!
- Làm gì có chuyện bố nói chuyện quy củ với con! Mày phải thả bố thằng Quảng Hiền ra ngay lập tức!
- Ông ta chưa thật thà khai nhận!
- Mày muốn ông ấy thật thà khai nhận cái gì? Thật thà khai nhận chuyện ngủ với em gái mày à? Mày không cần mặt mũi nhưng tao thì cần! Nếu là trong xã hội cũ, ông ấy còn cưới mấy bà vợ, biết đâu rằng mày phải gọi ông ấy là anh rể nữa cơ đấy!
- Thảo nào chuyện này lại xảy ra. Thì ra đầu óc bố đã nghĩ ra chuyện hay ho này. Nếu không phải là bố tôi thì đợt phê đấu sắp tới, bố không thể vắng mặt được đâu.
- Ngay cả chuyện chết đói tao còn không sợ, huống hồ còn sợ chuyện phê đấu của mày? Cuối cùng thì lúc nào mày thả người?
- Đây không phải chuyện của mỗi một mình tôi!
- Dù sao thì mày cũng phải thả người, nếu không… tao sẽ húc đổ cái cây này cho mày thấy!
Đó là một thân cây không hề nhỏ tí nào. Khi ôm lấy nó, hai cánh tay của tôi vừa khít một vòng, thừa lại chẳng bao nhiêu. Lão Triệu muốn dùng đầu húc vào nó, kẻ bị húc đổ khẳng định không phải là cây. Triệu Vạn Niên thấy hàm râu dưới cằm của bố rung rung, cổ dần dần phình to ra thì nhận ra đây không còn là chuyện đùa nữa nên vội vàng nói:
- Các người về trước đi, ngày mai nhất định tôi sẽ thả người.
Lão Triệu lại giơ ống điếu lên:
- Ngày mai mà tao không thấy người, mày sẽ là thằng do chó đẻ ra, tao không thừa nhận là bố của mày nữa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

9


Sáng sớm hôm sau, khi mở cổng nhà kho, tôi giật mình kinh sợ đến độ chiếc chậu rửa mặt trên tay rơi xoảng xuống đất. Một chiếc cáng đặt ngay trước cổng, bố tôi đang nằm ngủ trên đó. Đôi mắt bố nhắm nghiền, hàm râu rối như cỏ dại, hai bàn tay dính đầy bùn đất, những ngón tay co quắp đến độ đầu ngón tay cắm sâu vào trong lòng bàn tay. Một người bình thường nếu không bị hành hạ đến cùng cực thì những ngón tay của anh ta không thể co quắp đến độ cứng đờ ra như thế.
Chúng tôi khiêng bố vào nhà. Không tìm thấy vết thương nào trên mặt, trên ngực, kể cả trên lưng; chân tay đều bình thường… Vậy thì tại sao nhịp thở của bố lại yếu, lúc ngừng lúc nhanh như vậy? Lão Triệu bê một bát thuốc nước đi vào, nói:
- Tuột quần ông ấy ra! Tôi biết thằng con quý hóa của mình ra tay ở chỗ nào rồi!
Bác Vu định cởi quần thì bố tôi đột nhiên động đậy đôi môi:
- Đừng…
Mẹ tôi định ra tay thì toàn thân bố tôi động đậy, thều thào:
- Không… không…
Lão Triệu bước tới, đưa tay vào thắt lưng quần, bố tôi càng vặn vẹo thân hình mạnh hơn:
- Không… không được!
- Thiếu gia, ông đừng có xấu hổ. Tôi từ nhỏ đã cùng lớn lên với ông, mỗi chỗ trên thân thể ông tôi đều sờ hết rồi, thấy hết rồi, thậm chí còn quen thuộc hơn cả ông.
Bố tôi há miệng như một con cá sắp chết, cố ngáp những giọt không khí cuối cùng:
- Các người đi ra hết đi, để Quảng Hiền ở lại cho tôi uống thuốc thôi. Quảng Hiền đâu? Con trai tôi đâu?
Tôi đã hại bố ra đến nông nỗi này, ông lại còn gọi tên tôi bảo cởi quần, điều đó cho thấy trong lòng ông, tôi có vị trí như thế nào, ngược lại, bố trong lòng tôi sao mà nhỏ bé.
Mọi người lần lượt đi ra ngoài, trong nhà chỉ còn lại tôi và lão Triệu. Hai bàn tay tôi run run cởi thắt lưng quần bố, phát hiện đũng quần đang dính chặt vào cái ấy của bố, loang lổ máu. Mỗi lần tôi cố gắng kéo quần xuống dưới một tí là mỗi lần bố tôi nhăn mặt đau đớn. Để bố đỡ đau, đôi tay tôi di động thật nhẹ, thật chậm nhưng khi tôi đếm được hai mươi ba lần ông nhăn mặt đau đớn, chiếc quần của ông mới được cởi ra. Lão Triệu kêu lên nho nhỏ:
- Ác nghiệt! Ác nghiệt!
Vừa kêu, lão vừa chấm thuốc lên chỗ vết thương của bố. Đúng lúc ấy, tôi đã trông thấy một cách rõ ràng, bìu dái của bố tôi đã sưng lên to tướng, to như một cái bát ăn cơm, căng mọng, sáng loáng đến độ phản chiếu cả cái bát thuốc và đôi tay đang di động của lão Triệu vào trong ấy. Nếu tôi không tận mắt trông thấy thì cho dù có giàu sức tưởng tượng đến bao nhiêu, tôi cũng không thể hình dung cái ấy lại khó coi đến độ như vậy. Nó không còn hình dáng ban đầu, tròn vo, tròn chẳng khác một quả tạ, nhưng lại không giống quả tạ, bởi vì nó rất mềm, không ngừng thay đổi hình dạng theo bàn tay bôi thuốc nước của lão Triệu, có điều cho dù có thay đổi bao nhiêu hình dạng, về cơ bản nó vẫn tròn, không hề dài ra. Tôi đứng nhìn đến độ tứ chi lạnh cóng, toàn thân run rẩy, không ngừng đưa tay vả vào miệng mình như muốn thu hồi toàn bộ những gì đã nói với Triệu Vạn Niên.
- Quảng Hiền à, bố chẳng còn bao nhiêu sức nữa đâu, chưa chắc đã có thể sống được. Bố xin lỗi vì đã bôi tro trát trấu lên mặt tất cả mọi người. Bố không có gì để lại cho con, thôi thì để lại một lời vậy… Sau này, con có thể làm bất cứ việc gì nhưng đừng bao giờ làm những điều mà bố đã làm. Bố đã cố gắng cắn răng mà sống trong mười năm, không ngờ cuối cùng cũng phải vấp ngã. Quảng Hiền, con có nhớ lời bố nói không?
- Nhớ rồi ạ…
Lão Triệu đột nhiên khóc rống lên:
- Thiếu gia, ông đừng lo. Đây là phương thuốc bí truyền do ông nội của ông để lại, là phương thuốc tốt nhất để điều trị chấn thương do bị đánh đập. Chẳng mấy ngày là ông sẽ khỏe lên thôi. Tôi biết lòng dạ lang sói của thằng con trai mình nhưng không ngờ nó lại lang sói đến độ này.
Hình như bố tôi đã nói hết những gì cần nói, miệng ông đã ngậm chặt lại. Nếu cái miệng của tôi mà ngậm chặt được như của bố bây giờ thì sẽ không gây ra nhiều phiền phức đến vậy! Tôi cắn chặt môi, trong lòng thắm hạ quyết tâm: Nếu sau này có kẻ nào đó cầm súng gí vào sau mông, tôi cũng không ngủ chung với đàn bà, thà chết còn hơn. Chuyện của bố đã khiến tôi sáng tỏ một điều:
Ngủ với một người đàn bà không phải vợ mình thì sẽ nhận một kết cục rất đau đớn, không chừng ngay cả việc đái cũng chẳng ra nước. Một người mà ngay cả việc đái không ra nước, cho dù có làm đến tư lệnh cũng chẳng được tích sự gì. Đây chính là những điều mà mấy ngày nay tôi đã nghiệm ra, suy nghĩ ấy càng ngày càng vững vàng như bê tông cốt thép.
Sau khi chuyện xảy ra, bệnh viêm ruột thừa của mẹ tôi phát tác trở lại, nặng hơn. Như một nhân vật có những cống hiến kiệt xuất, bà được nằm lỳ trong bệnh viện. Một ngày nọ, tôi đang bón cơm cho mẹ ăn - thực ra thì bà cũng có thể tự ăn, tôi chỉ muốn biểu hiện tình cảm thôi - mẹ nuốt miếng cơm, nói:
- Quảng Hiền à, thế gian này loạn xị bát nháo rồi, mẹ thấy phiền não vô cùng, chẳng muốn sống nữa… - Vừa nói đến đây, mẹ vội vàng đưa tay lên bụm miệng, nhìn tôi một cách đầy cảnh giác rồi nói tiếp. - Mẹ nói những lời vừa rồi, con đừng nói lại cho người khác nghe nhé…
- Không đâu, cùng lắm thì con cũng chỉ nói với bố. Bố biết thì ông ấy sẽ không cho phép mẹ không muốn sống…
Nét mặt mẹ tôi chợt tối lại nhưng giọng nói thì lại cao hơn:
- Mẹ sợ nhất là cái mồm toe toét của mày, biết chưa? Có những việc nói ra nhưng làm không được, e rằng muốn chết cũng không chết được đâu.
Vừa nói, bà vừa hất tấm chăn đang đắp trên người xuống, ngồi dậy rời khỏi giường lôi tay tôi dẫn đi đâu đó. Mọi cử động của bà không hề giống với người đang bị viêm ruột thừa.
Tôi theo mẹ đến ngõ số 6 phố Tam Hợp, lách qua một khuôn cửa tối tăm ẩm ướt. Lúc này, trời đã tối đen nhưng trong nhà không hề bật đèn. Mẹ tôi gọi to: “Bà Cửu”. Ngay lập tức ánh sáng đã làm tôi lóa mắt, một gương mặt phụ nữ già nua xuất hiện rõ nét dần trước mặt tôi.
- Tiểu thư Ngô à? Lâu lắm rồi cô không đến đây.
- Bà bịt chặt giúp cái miệng của Quảng Hiền nhà tôi với. Cái miệng của nó gần đây đã gây ra đại họa cho gia đình nhà tôi.
Mẹ tôi đưa ra một tờ tiền giấy, bà già nhận lấy. Căn nhà lại trở nên tối om. Một que diêm được đánh lên và một xấp giấy đã được đốt. Tôi nhận từ bà già ba que hương, quỳ lạy ba lần. Bà Cửu ra lệnh:
- Nhắm mắt lại!
Tôi nhắm mắt.
Bà ta đặt bàn tay sù sì, có lẽ còn già hơn cả vỏ cây đại thụ lên đầu tôi rồi trượt xuống trán, mũi, cuối cùng nặng nề dừng lại ở ngay miệng tôi. Những chỗ có bàn tay bà ta lướt qua tôi có cảm giác như bị một lưỡi dao rạch vào da thịt mình.
- Quảng Hiền! Sau khi được bịt mồm, đừng bao giờ nói năng bậy bạ nữa nhé!
Tôi gật đầu. Bà già dùng một mảnh giấy nhỏ dán lên trên miệng tôi. Đó là một mảnh giấy màu đỏ cỡ chỉ bằng hai ngón tay được dán theo chiều thẳng đứng, một nửa dán vào môi trên, một nửa dán vào môi dưới. Bà già còn nói, ít nhất là phải dán nửa tiếng đồng hồ may ra mới có hiệu quả. Để tranh thủ thời gian, với mảnh giấy đỏ trước miệng, tôi leo lên xe buýt với mẹ. Rất nhiều người ngó nghiêng nhìn tôi khiến da mặt tôi đỏ bừng lên, so với mảnh giấy e rằng còn đỏ hơn. Trên đường về nhà, mảnh giấy rơi xuống hai lần, cả hai lần tôi đều nhặt lên, thấm vào đó một chút nước bọt rồi dán vào vị trí cũ. Tôi có cảm giác mảnh giấy ấy chính là tờ giấy ghi công trạng thưởng cho cái mồm rất nỗ lực phấn đấu của mình trong suốt thời gian qua.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

10


Số lần Triệu Sơn Hà về nhà rõ ràng đã giảm đi rất nhiều, nhưng chỉ cần mỗi lần trở về là đi sượt ngang qua vai bố tôi. Những lúc ấy, đôi môi của bố tôi không ngừng rung động trông chẳng khác nào đôi cánh của châu chấu. Hình như bố rất muốn nói gì đó nhưng lại không dám nói, ngắc ngứ, cổ cứ quay ngược quay xuôi như sợ phía sau có người nghe trộm. Riêng Triệu Sơn Hà thì vẫn ngẩng cao đầu, cố ý để cho ánh mắt của mình nhìn lên không trung, cái mông ngúng nguẩy như cái bàn đu dây, sải bước đi qua làm như không biết bố tôi là ai.
Lão Triệu vẫn sợ hai người ăn quen không nhịn được, bèn tìm cho Triệu Sơn Hà một gã lái tàu hỏa cao một mét tám, với tốc độ giống như tiến độ của việc xây dựng một nước Trung Quốc mới, bàn tính chuyện tổ chức lễ cưới. Ngày chủ nhật, một chiếc xe vận tải treo đầy cờ hoa màu sắc rực rỡ dừng trước cổng nhà kho, mấy người mặc đồng phục của ngành đường sắt, trong đó có gã lái tàu họ Đổng nhanh chóng nhảy từ trên xe xuống, lôi Triệu Sơn Hà và khiêng năm chiếc thùng gỗ vốn dùng để đựng đạn vất lên xe rồi nổ máy chạy biến. Cờ hoa bay phần phật, loa phóng thanh buộc ở đầu xe oang oang: “Đẹp thay Đại Cách mạng văn hóa của giai cấp vô sản! Đẹp thay! Đẹp thay! Đẹp thay!…”. Ngoài bố tôi và Triệu Vạn Niên không có mặt, tất cả những thành viên còn lại của nhà kho đều đứng tại cổng dõi mất theo chiếc xe đang xa dần. Ngay cả khi chiếc xe rẽ vào đường quốc lộ, bài đồng ca trong loa phóng thanh cũng đã im hơi lặng tiếng, chúng tôi vẫn đứng đó.
Sau này bố tôi mới tiết lộ rằng, lúc ấy ông đứng tại một ngõ hẹp nhìn chiếc xe vút qua trước mặt. Triệu Sơn Hà đứng trên thùng xe, hai tay bám chặt vào thành xe, đầu tóc bị gió thổi tung rối rắm trông chẳng khác nào vải bố rách bay trong gió. Gương mặt cô ta chẳng tỏ vẻ thương tâm, cũng không có chút tiếc nuối, thậm chí còn tỏ ra có phần đắc ý, không nhận ra bố tôi đang âm thầm tống tiễn cô ta theo chồng. Bố tôi đã chạy theo chiếc xe, chạy qua cửa hàng bách hóa, vượt qua khách sạn Triệu Dương nhưng vẫn không đuổi theo kịp, bèn dừng lại bật khóc. Bố nói, ông đã khóc suốt một buổi chiều!
Về căn bản, tôi tin những lời của bố là sự thật, bởi ngày ấy ông về nhà rất muộn, đôi mắt sưng hum húp, những tia máu đỏ hằn lên rất rõ. Ông ngồi ngây người rất lâu bên bàn ăn mới bê bát cơm mà mẹ tôi để phần lên và một miếng rồi nhai chẳng khác bò nhai trấu, mỗi lần và một miếng cơm có đến một nửa các hạt cơm rơi xuống bàn. Đôi mắt bố như đang nhìn vào đĩa thịt kho trong mâm nhưng đầu đũa lại quay ra phía ngoài mâm nên cứ gắp mãi mà vẫn không gắp được miếng thịt nào. Bố cũng không hề nhận ra rằng, bát cơm mà mẹ tôi để phần cho ông tối hôm đó, bà đã cố ý nén chặt nên nặng hơn bình thường rất nhiều. Ông cũng không để ý đến chuyện bữa tối ấy khác với mọi ngày là có thêm đĩa thịt kho, dường như nó cũng chẳng đem lại một chút kích thích nào cho vị giác của ông so với những bữa ăn chỉ có bí đỏ. Bố phải mất gần một tiếng đồng hồ mới ăn xong bữa tối, mà cũng chỉ nuốt hết khoảng nửa chén cơm, bởi trong phần lớn thời gian ăn cơm, miệng ông ngậm chặt là chính. Ông đã phớt lờ công sức của mẹ tôi khi bà vì ông mà nấu bữa ăn đặc biệt này, cũng giống như Triệu Sơn Hà đã phớt lờ tình cảm của ông để đi lấy chồng vậy.
Lần đầu tiên, không khí gia đình tôi trầm lắng, nặng nề đến vậy. Ngay cả cái nhà kho to tướng có đến mấy gia đình bên trong cũng trầm lắng đến rợn người. Bố tôi trăn trở trên giường cho đến khi ngoài cửa sổ, trời đã bắt đầu sáng ông mới chợp được mắt. Ông không ngáy như mọi đêm mà thay vào đó là những tiếng nghiến răng. Rồi đột nhiên, ông quàng tay ôm chặt lấy tôi, mồm mê sảng: “Sơn Hà!”, “Sơn Hà!”… khiến tôi sợ muốn chết, cổ rụt sát đến tận vai. Hình như ông cũng nhận ra mình đã nhầm lẫn nên buông tay, nghiêng người qua phía bên kia. Mẹ tôi ho lên mấy tiếng rõ to rồi trở dậy trên giường của bà. Những âm thanh tạm thời trầm lắng trong đêm qua bắt đầu quay trở lại: Tiếng đánh rắm của bà Phương, tiếng khạc đờm của lão Triệu… Trong những âm thanh quen thuộc ấy, chúng tôi đón chào buổi sáng, rửa ráy mặt mũi rồi ra khỏi nhà, chỉ còn bố tôi nằm nướng ở trên giường.
Nếu chỉ có một lần ấy thôi thì mẹ tôi đã có thể tha thứ cho bố, có thể tôi cũng sẽ tha thứ cho ông. Nhưng sau đó bố tôi cứ lặp đi lặp lại nhiều lần chuyện ông ôm lấy tôi chặt cứng trong lúc ngủ và gọi “Sơn Hà!”, “Sơn Hà!”… Cơn nổi da gà cũ chưa kịp tan thì cơn nổi da gà mới đã đến, tôi đành phải dùng hai chiếc ghế băng ghép lại thành giường để ngủ. Việc đã đến nước ấy nhưng bố tôi vẫn chứng nào tật nấy, đêm đêm lại ôm lấy chiếc gối và mồm thì gọi tên người đàn bà ấy. Không thể chịu đựng được nữa, mẹ tôi rít lên rồi chộp lấy chiếc cốc thủy tinh ném thẳng vào đầu bố, dùng hết sức quát lên:
- Đồ lưu manh! Cút ra khỏi nhà ngay!
Bố tôi lẳng lặng rời khỏi giường, khoác lên người cái áo rồi bỏ đi khỏi nhà thật. Như một bóng ma, ông đi thẳng về phía trước, dọc theo đường sắt, đến ngõ Tam Hợp rồi dừng lại chỗ ngã tư cắt ngõ Tam Hợp với đường sắt. Các bạn biết không, lúc ấy đã khuya, cả thị trấn đang ngủ, chỉ có những đoàn tàu chạy trên đường sắt là không ngủ mà thôi, chúng chạy ngược chạy xuôi, có đoàn ánh sáng đèn rực rỡ, có đoàn tối thui đen sì như một con quái vật khổng lồ. Bố tôi ngồi ngay ngã tư ngắm nhìn các đoàn tàu. Tại sao bố lại phải nhìn các đoàn tàu nhỉ? Thì ra ông đã lén lút đến xưởng công binh, người ở đó nói là không thấy Triệu Sơn Hà đến làm nữa, hình như đã được điều động đến làm việc trên đoàn tàu do gã lái tàu họ Đổng lái, sướng thật, vì rồi sẽ có một ngày cô ta đặt chân lên khắp đất nước Trung Quốc thôi.
Một hôm chúng tôi vừa về đến nhà thì thấy trên bàn ăn có một tờ giấy. Đó là nét chữ của bố tôi: “Tôi có việc phải đi Bắc Kinh một chuyến, năm ngày nữa về”. Bàn tay cầm tờ giấy của mẹ tôi run rẩy:
- Các con có biết ông ấy đi Bắc Kinh làm gì không?
- Đi thăm Mao Chủ tịch. - Tăng Phương mau miệng nói.
- Ông ấy không có vinh dự ấy đâu. Đi đến ga Bắc Kinh tìm Triệu Sơn Hà thì có. - Vừa nói, mẹ vừa xé vụn tờ giấy trong tay, vất xuống đất, dùng chân xéo qua giẫm lại. - Bố chúng mày là một kẻ lưu manh, mẹ không còn cách nào để có thể sống cùng ông ấy nữa. Nếu không nghĩ đến số phận của hai anh em chúng mày, mẹ đã ly hôn với ông ấy hàng nghìn lần rồi. Sao ông ấy không nghĩ lại, Triệu Sơn Hà là cái thá gì. Cô ta có chỗ nào tốt đẹp hơn mẹ chúng mày nào? Cô ta có thuộc được Ngữ lục không? Cô ta biết đánh đàn không? Cô ta có biết thêu thùa không? Cô ta biết viết thư pháp không? Tất cả đều không. Chỉ biết nguẩy mông! Cả hai người bọn họ đều là lưu manh!
Ăn cơm tối xong, mẹ tôi bắt đầu thu dọn đồ đạc, xếp quần áo của bà và Tăng Phương rất chỉnh tề vào chiếc va li da cũ, không quên nhét vào đó lọ nước hoa chỉ còn độ một nửa. Tôi kêu lên:
- Mẹ! Còn quần áo của con?
- Không thể đi hết được. Con phải ở lại trông nhà cho mẹ.
Mỗi ngày trở về sau khi hết giờ làm việc, mẹ tôi đều thu dọn đồ đạc, có lúc sực nhớ lại một cuốn sách, có lúc nghĩ ra cuốn album ảnh gia đình, có lúc đột nhiên nhớ tới một chiếc lược… Nói chung là nhớ tới cái gì là bà cho tất tần tật vào trong chiếc va li. Sau khi không thể nhét thêm được gì nữa vào va li thì bà bỏ vào túi ni lông hoặc túi lưới rồi buộc bên ngoài. Chiếc va li được mở ra đóng lại không biết bao nhiêu lần vì mẹ tôi không ngừng thay đổi cách sắp xếp đồ đạc, cứ lôi ra rồi lại nhét vào, nhét vào rồi lại lôi ra… Chuyện này cứ lặp đi lặp lại đến bốn năm ngày liền.
Một buổi chiều nhá nhem tối, bố tôi đầu bù tóc rối quay về. Mẹ tôi xách va li lên, nói:
- Chúng ta có tất cả hai đứa con, mỗi người chịu trách nhiệm một đứa!
- Các người định đi đâu?
- Tôi định đi làm bạn với các loài động vật còn hơn là sống cùng với ông. Chừng nào ông nghĩ ra một cách rõ ràng minh bạch thì lúc ấy tôi sẽ trở về để bàn tính những thủ tục với ông.
Bố tôi ngồi thụp xuống, hai tay ôm đầu. Mẹ tôi dắt Tăng Phương đi ra. Tôi đá văng một chiếc ghế, chửi đổng:
- Đáng kiếp!
Bố tôi ngước đầu lên, hỏi.
- Đáng kiếp ai?
- Bố vẫn chưa nghĩ ra à? Không thể tin được là đến lúc sắp chết mà bố vẫn không chịu hối cải.
Bố tôi đứng dậy:
- Đây là tình yêu, mày có hiểu không?
- Yêu là yêu vợ của mình! Yêu vợ người khác là đồ lưu manh!
- Mày muốn bố giải thích à? - Bố tôi đi loanh quanh tới lui. Thế thì bố nói cho mày biết nhé. Giả sử mười năm rồi miệng mày không hề dính tí dầu mỡ, bỗng nhiên có ai đó làm một mâm đầy ắp thịt cá cho mày ăn, liệu mày có thể quên người ta được không? Có bỏ người ta được không?
- Khi bị thương bố đã nói gì với con, bố có nhớ không? Bố đã tự đem những lời nói của mình vất cho chó gặm mất rồi!
- Rồi sẽ có một ngày con hiểu bố. - Bố thở dài, nói.
- Cho dù có sống đến trăm tuổi, con cũng không thể hiểu nổi đâu! Đồ hạ lưu!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

11


Lúc ấy, cuốn album ảnh gia đình chúng tôi dày khoảng hai tấc, mẹ tôi chỉ chọn những tấm phù hợp nhất, quan trọng nhất với bà để mang theo. Tôi lục tìm trong đống ảnh còn lại những tấm tôi và bố chụp chung rồi dùng kéo cắt phăng ảnh của ông. Toàn là ảnh đen trắng, chỉ có những tấm ảnh đặc biệt mới có màu. Có những tấm chỉ to khoảng ba ngón tay chụm lại, gương mặt những người trong ảnh nhỏ như một hạt đậu, có những tấm mà những người trong đó dính chặt vào nhau không có một kẽ hở. Để cắt rời ảnh của bố, có khi tôi phải cắt luôn cả vai hoặc tay của mẹ hoặc của tôi. Có những tấm ảnh bố đang ôm tôi trong lòng khi tôi còn bé tí, cắt được những tấm ảnh này phải nói là cực kỳ công phu, tôi đưa mũi kéo nhẹ nhàng chậm rãi theo đường viền của ảnh mình hết một vòng, phần còn lại là ảnh bố tôi rơi xuống đất, phần trong tay tôi chỉ còn lại hình đôi tay bố đang ôm lấy tôi mà thôi. Không thể bỏ qua đôi tay đã từng làm tôi nổi da gà nhiều lần này, tôi bèn dùng mũi dao gọt tẩy, gọt tẩy cho đến khi nó hoàn toàn biến mất mới thôi.
Xong tất cả đâu vào đấy, tôi mới cảm thấy mình đã trở nên sạch sẽ, nhưng bố tôi thì vẫn chưa thể sạch được. Tôi hận là mình không thể lôi cả lục phủ ngũ tạng của bố ra để đổ mười lần, mười hai lần xà phòng vào mà tẩy, mà giặt rồi nhét vào lại trong người bố. Tôi bắt đầu ra mặt coi thường bố, cụ thể nhất là không thèm động chân động tay vào bất cứ việc gì mà nằm xoài trong nhà, dang chân dang tay đọc mấy tờ báo bố mang về nhà. Trong lúc tôi đọc báo, bố thường cúi đầu bước vào, ném mấy tờ báo mới đến trước mặt tôi, sau đó không nói tiếng nào, đi thẳng vào nhà bếp nấu cơm. Trong lúc tôi đọc từng chữ một trên tờ báo, kể cả những dấu chấm dấu phẩy… tôi nghe thấy ông gọi đến ba bốn lần: Có thể ăn cơm được chưa, lúc ấy tôi mới vất tờ báo, đến ngồi bên bàn ăn rục đầu ăn ngấu nghiến, một câu nói cũng không thoát khỏi cửa miệng. Đôi mắt bố thi thoảng quét trên người tôi như hy vọng tôi có thể mở miệng nói cái gì đó, nhưng tôi chẳng thiết nói gì cả. Người ta đã viết rất rõ trên các tờ báo rằng, đối với kẻ xấu phải trừng trị thích đáng, phải tỏ ra vô tình với chúng. Một kẻ xấu phải chấp nhận sự lạnh nhạt, sự coi thường của những người chung quanh.
Xuất thân của bố tôi đường đường là một thiếu gia, ông không thể chịu thấu sự lạnh nhạt, sự coi thường. Cho nên chẳng bao lâu sau, bố chủ động nói chuyện với tôi:
- Quảng Hiền à! Con đừng nhìn bố bằng đôi mắt trắng dã như vậy. Con không biết thôi, những người có thân phận như bố trong xã hội cũ có thể có năm thê bảy thiếp, chuyện ngủ với Triệu Sơn Hà thì có đáng gì? Mẹ con không hiểu được chuyện này bởi vì bà ấy với bố chẳng có quan hệ huyết thống nào cả. Còn con, con là từ thân xác bố mà chui ra, là con ruột của bố, lẽ nào con cũng không chịu hiểu cho bố, không đồng tình với bố chút nào sao?
Từ trong cách nói năng, ngữ điệu của bố, tôi biết những tình cảm xấu xa của bố dành cho Triệu Sơn Hà vẫn chưa bị dập tắt. Bố làm sao mà biết được rằng, Tăng Quảng Hiền đang ngồi trước mặt ông lúc này không còn là Tăng Quảng Hiền của ngày xưa nữa. Tăng Quảng Hiền này không phải đọc báo chỉ để mà đọc, nó đã biết vận dụng những lý luận viết trên báo để vũ trang cho đầu óc của mình.
Một buổi chiều tối, một cuốn sách rơi ra từ trong túi quần bố tôi. Bìa cuốn sách được làm bằng một tờ báo cũ. Mấy trang sách lật ra, những tấm ảnh - ảnh màu hẳn hoi - của những người đàn bà mông trần như nhộng bày ra. Tôi bị những tấm ảnh xấu xí ấy làm cho ngây người. Bố tôi cúi xuống nhặt cuốn sách lên, vỗ vỗ phủi bụi rồi nhét vào túi quần. Ông vẫn mang cuốn sách ấy trong túi quần đứng bên bồn nước rửa chén bát, hai cánh tay dao động, trên lưng áo thấm mồ hôi có mấy chỗ bị rách, tóc đã khá dài nên mái tóc bạc càng thêm rối mắt. Nhìn sự vất vả và dáng vẻ tiều tụy cần mẫn của bố, lòng tôi chợt xúc động và nghĩ rằng, nếu không cứu vớt kịp thời, có lẽ ông sẽ vĩnh viễn đắm chìm trong sự trụy lạc, sẽ biến thành một kẻ chuyên ghẹo nguyệt trêu hoa và biết đâu sẽ trở thành một tội phạm hiếp dâm phụ nữ. Làm sao tôi có thể đang tâm để mất con người này!
Bây giờ nói ra cô có thể nghĩ tôi là thằng nói dóc, nhưng tôi đảm bảo với cô rằng, tôi không hề nói ngoa. Tôi là một thằng giác ngộ chính trị từ rất sớm, không giống với lớp trẻ bây giờ không hề quan tâm đến chuyện chính trị nên chẳng có chút tiền đồ xán lạn nào. Tôi chưa từng thấy Triệu Vạn Niên tỏ ra bái phục người nào, ngay cả lúc đánh rắm, hai cái lỗ mũi của anh ta cũng ngẩng lên trời cao, rất ít khi cúi đầu nhìn xuống. Nhưng, anh ta lại khâm phục tôi. Lúc ấy, tôi đi tìm anh ta với mục đích là cứu vớt bố tôi.
- Phê đi đấu lại, ông ấy vẫn làm chuyện đồi bại với Triệu Sơn Hà. Mọi người không còn chút hứng thú gì với việc này nữa đâu. - Triệu Vạn Niên nói.
- Thực ra thì vẫn còn một chuyện có thể khai thác.
Triệu Vạn Niên ngước đầu nhìn tôi, lần đầu tiên tôi thấy trong ánh mắt anh ta có vẻ coi trọng tôi.
- Bố em với bác Triệu giống nhau ở chỗ, cả hai thường đem chuyện có thể cưới ba bốn bà vợ ra đặt ở đầu lưỡi. Đây có phải là tư tưởng còn rơi rớt lại của xã hội phong kiến? Bố em cho rằng nhà họ Triệu của anh ngày xưa là nô bộc của ông ấy, do vậy mà ngủ với Triệu Sơn Hà là chuyện mà ông cho là coi trọng nhà anh. Đây có phải là lý luận mang tính ưu việt của giai cấp tư sản?…
Vừa nói đến đây, tôi nghe thấy tiếng chép miệng của Triệu Vạn Niên, tiếng chép miệng ấy rất giống tiếng khà tán thưởng của một người được uống một tợp rượu ngon. Tôi hưng phấn nói tiếp:
- Càng đáng nói hơn là bố em đang xem một cuốn sách vàng, cuốn sách này so với việc xem hai con chó giao phối với nhau thì màu vàng của nó còn hơn gấp trăm lần.
Tôi nhìn thấy vẻ bái phục như nước đang chảy túa ra dâm dấp từ trong đôi mắt của Triệu Vạn Niên. Anh ta vỗ vỗ vào ngực tôi:
- Mẹ kiếp! Mày là một thằng làm chính trị bẩm sinh rồi đó!
Sau đó, một đội Hồng vệ binh đến lục lọi nhà tôi, lôi bố tôi cùng với cuốn sách ra khỏi nhà. Hai gã cao to vặn trái hai cánh tay của bố tôi, số còn lại ùn ùn đi theo sau. Bố tôi lọt thỏm giữa một rừng sắc phục màu xanh, giãy giụa, gào thét, thân hình lúc vươn lên cao, lúc thụp xuống thấp, cuối cùng chiếc đầu của ông cũng bị những bàn tay thô bạo ấn xuống, ngược lại cái mông của ông chổng ngược lên trời. Họ nhét bố tôi vào xe, chiếc xe gầm rú rồi ngật ngưỡng chạy đi. Đột nhiên, cái đầu của bố tôi nhô lên cao hơn hẳn so với năm bảy bàn tay, vươn về phía thành xe và tôi nghe tiếng bố gào lên:
- Quảng Hiền! Bố không thể nấu cơm cho con ăn nữa rồi. Phiếu mua gạo bố để dưới chiếu, tiền bố nhét dưới gầm tủ. Ban đêm con đừng đi đâu nhé, làm thêm một đòn chặn cửa. Nếu sợ, con cứ qua nhà bác Vu mà ngủ. Chẳng may bố không trở về, con đến ở với mẹ cho qua ngày đoạn tháng. Nói với mẹ là mẹ đừng hận bố. Con có nghe thấy không? Quảng Hiền…
Chiếc xe càng xa, tiếng bố càng nhỏ dần và cuối cùng biến thành những tiếng kêu thê thảm.
Tôi vốn không muốn khóc, nhưng nước mắt lại cứ trào ra trong hốc mắt khiến tôi nghĩ là nhìn tôi lúc này, mọi người sẽ không cho rằng tôi là một thằng bé kiên cường. Triệu Vạn Niên là người cuối cùng rời khỏi nhà tôi, trước khi bò lên chiếc xe Jeep, anh ta còn xoa đầu tôi:
- Đã làm cách mạng thì ít nhiều cũng đều phải trả giá. Có rất nhiều nhân vật nổi tiếng đã vì sự nghiệp cách mạng mà cống hiến ngay cả người thân của mình.
Anh ta vừa nói xong thì chiếc xe Jeep cũng phóng vút đi. Tôi vẫn đang nghĩ, chuyện này cũng đáng thôi, chỉ cần họ có thể xóa sạch những suy nghĩ và thói quen lưu manh trong đầu óc bố tôi như xóa một chữ viết sai trên bảng thì bố và tôi có chịu một ít khổ cũng xứng đáng lắm rồi.
Mấy ngày sau đó, chiếc xe ấy đưa bố tôi trở về. Trên xe chỉ có bốn năm Hồng vệ binh. Họ mở nắp thùng xe, nắm chân, lôi tay, bê mông bố tôi vất xuống. Bố tôi rơi chạm đất như một bị gạo, mồm ngậm đầy đất. Bác Vu và lão Triệu đỡ bố dậy. Miệng, mặt, cánh tay và ngực bố đầy những vết máu, vừa nhìn là biết ngay đã bị dây thừng quất vào. Hai người đỡ bố tôi vào nhà kho, bước đi của bố xiêu vẹo, liên tục nôn ra những búng máu tươi, trong máu có trộn lẫn một vài cái răng. Bố vẫn còn có thể lên tiếng:
- Chỉ là một cuốn sách đưa về từ Hồng Kông nhưng bọn chúng cứ vu cho tôi cái tội tư thông với nước ngoài, là đặc vụ. Bọn chúng đâu có biết bên Hồng Kông những loại sách như thế này được bày bán công khai. Bọn chúng đã học qua mỹ thuật đâu nên không thể hiểu rằng thân thể con người là một cái đẹp. Đúng là ngu xuẩn hơn cả các loài động vật!
Đêm. Bố tôi nằm thở vắn than dài trên giường, càng lúc càng thê thiết hơn. Ông bảo tôi tắt điện, sau đó thì thầm:
- Nếu bọn chúng quay lại để hành hạ bố, bố không muốn sống nữa.
Cả bố lẫn mẹ đều nói không muốn sống nữa, làm như đây là một cuộc so tài, ai nói nhiều hơn thì người ấy là kẻ chiến thắng, là quán quân. Tôi không lên tiếng.
- Quảng Hiền, con lại đây…
Tôi đứng yên, bất động.
- Quảng Hiền, lại đây! Bố có lời muốn nói với con. Nỗi nhục lớn nhất trong cuộc đời bố là vướng vào đàn bà. Con đừng bao giờ mang nỗi nhục này như bố. Bố dạy con một cách có thể khiến cả đời con không cần tiếp xúc với đàn bà vẫn có thể sống tốt. Bố nhận ra điều này khi đã quá muộn, nếu không thì làm sao lại có thể nhận bao nhiêu là cú đá nắm đấm như thế này. Nếu không vì bất đắc dĩ, bố cũng chẳng nói với con, nhưng tình thế đã phức tạp đến nỗi này, bố nói chết không chừng là sẽ chết ngay lập tức, đến lúc ấy muốn nói cũng không còn cơ hội nữa. Con lại đây, bố sẽ nói với con. - Tiếng nói của bố hạ thấp hơn. - Nếu trong thực tế con có nghĩ đến đàn bà, nói gì thì nói con cũng sẽ phạm sai lầm, con có thể dùng tay để giải quyết, biết không? Như thế này, cứ dùng tay mà đưa lên đưa xuống thế này. Đây là thân xác của con, con có quyền sử dụng nó, chỉ cần con không nói ra thì không ai có quyền chộp lấy cái ấy của con. Bố đã từng nghĩ một thằng đàn ông cần phải có một con đàn bà mới trở nên hoàn chỉnh nhưng hôm nay bố mới vỡ lẽ ra điều này. Ông trời ơi! Ông đã xui khiến cho đàn ông chúng tôi tự giải quyết, hà cớ gì ông lại nặn ra đàn bà…
Không ngờ trong đầu óc bố tôi vẫn còn đang có một hố phân. Tôi quay người bỏ chạy, cánh cửa đánh rắm phía sau, âm thanh còn to hơn cả tiếng đại bác nổ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

12


Cô có biết lúc ấy tôi căm hận nhất là thứ gì không? Lưu manh! Lưu manh giống như bố tôi! Do vậy, khi bố tôi bị một toán Hồng vệ binh khác bắt lôi đi, tâm tình của tôi bình tĩnh đến độ giống như mặt nước hồ thu, cứng cỏi như mặt đường rải nhựa, thậm chí không thèm bước ra khỏi cửa. Chờ cho đến khi những tiếng la hét, quát tháo cùng với tiếng còi hụ của ô tô dẫn đường ở bên ngoài rời khỏi đôi tai, tôi mới hắng giọng và cất tiếng hát: “Bên sườn núi hoa mai nở rộ, Đạp bằng vạn dặm tuyết sương dưới chân. Nào sợ tháng chín tháng ba rét cóng, Một tấm lòng son hướng đến mặt trời… A! A! A! Hướng đến mặt trời nở hoa…”. Đang hát, khung cửa sổ bằng kính trước mặt tôi bỗng nhiên vỡ loảng xoảng. Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ là tiếng hát của tôi đã làm rung khung cửa khiến kính bị vỡ, nhưng sau đó tôi trông thấy một viên sỏi từ ngoài bay vào, tiếp theo đó, một viên sỏi nữa từ một khung cửa sổ khác cũng đã bị vỡ tiếp tục bay vào. Tôi biết, đó là hai viên sỏi phát xuất từ hai chiếc ná cao su của Vu Bách Gia và Vinh Quang Minh. Hai viên sỏi rơi ngay trên mùng của tôi. Có điều, không phải vì chuyện ấy mà tôi dừng tiếng hát, tôi vẫn đúng nguyên chỗ cũ để hát xong bài hát, hát đến độ toàn thân phát hỏa, mồ hôi túa ra ướt đẫm trán, hình như toàn thân tôi đang phát ra một năng lượng vô bờ bến. Nên nhớ rằng, lúc ấy đang là mùa đông, không có một trình độ nhất định thì không thể hát đến độ đổ mồ hôi được.
Sáng sớm hôm sau, hai chiếc xe tải dừng ngay trước cổng nhà kho. Từ trên xe có rất nhiều người nhảy xuống, chia nhau khiêng tất cả đồ gia dụng của nhà họ Vu và họ Triệu lên xe. Bác Vu đang ngậm bàn chải đánh răng và một miệng đầy bọt chạy thẳng ra cổng, gào lên:
- Các người định cướp nhà người ta phải không?
Một người có lẽ là thủ lĩnh nói:
- Cần phải phát huy hết tác dụng của căn nhà kho này, các người cần phải chuyển đi!
Bác Vu nhổ toẹt bàn chải đánh răng và cả bọt xuống đất:
- Nói chuyển là chuyển ngay được à? Sao không hể có thông báo thương lượng gì cả?
- Giảm bớt cái mồm lại! Ông muốn đội mũ nhọn chịu phê đấu à?
Đám người vẫn ổn ào cười nói râm ran tiến thẳng vào phòng ngủ nhà họ Vu. Bà Phương cất tiếng kêu thất thanh. Bác Vu nói:
- Cho dù có chuyển cũng không cần phải gấp gáp đến như thế. Các ông hãy để cho vợ tôi mặc quần áo vào đã.
- Đ. mẹ! Các người là một bọn tư bản thối, chỉ biết hưởng thụ. - Tay thủ lĩnh chửi thề. - Mặt trời đã chiếu đến mông đít, sao lại chưa mặc quần áo?
Lão Triệu nằm ngang trên ngạch cửa nhà mình, quyết chí ngăn cản không cho chuyển nhà. Bọn người nọ bước qua người của lão, sau đó lại bước qua, trên tay bê rương gỗ, khung giường, chăn chiếu… Họ đi qua đi lại, dường như chẳng quan tâm gì đến cái thân hình đang nằm ngang ngạch cửa, khác biệt duy nhất là khi đến bên cạnh cái thân hình ấy, bước chân của họ chậm lại, cao hơn và dài hơn mà thôi. Trên đầu của lão Triệu toàn là những cái đũng quần qua qua lại lại, vào vào ra ra. Lão cảm thấy việc ngăn cản của mình chẳng đem lại kết quả gì, thậm chí còn bị bước qua đầu qua cổ, đúng là gặp phải đại nạn, bèn vừa gào vừa đứng lên:
- Các người đừng làm loạn! Tôi là bố của hiệu trưởng Triệu Vạn Niên!
Có ai đó cười ha hả:
- Thì chúng tôi đến chuyển nhà theo lệnh của hiệu trưởng Triệu đây mà!
Tất cả đồ đạc đã được dọn xong, lão Triệu bám chặt lấy khung cửa không chịu rời khỏi nhà. Mấy người khiêng lão ta lên, trông chẳng khác nào đang khiêng đồ đạc. Lão Triệu quẫy đạp như con gà sắp bị cắt tiết trong tay bọn chúng, chửi:
- Triệu Vạn Niên! Mày là đồ chó! Tao đã ở chỗ này đến hơn nửa đời người, mày muốn đưa tao đến đâu? Mày đưa tao đi không bằng mày giết tao, không bằng cứ để cho tao chết một cách đường hoàng trong nhà kho này. Mày biết là ngoài cái nhà kho này, không còn chỗ nào nữa, kể cả điện vàng gác ngọc tao cũng không quen… Mày đáng bị muôn ngàn mũi dao… Rồi cũng sẽ có ngày ông trời trừng phạt mày…
Lão Triệu kêu gào không ngừng nhưng khi bị lôi đến trước mặt tôi, đột nhiên lão ngừng hẳn. Lão trợn trừng đôi mắt to chẳng khác nào hai chiếc cốc uống trà, chăm chăm nhìn vào tôi, nhổ một bãi nước bọt:
- Tất cả là do cái mồm thối của mày mà ra!
Không chỉ lão Triệu mà kể cả Vu Phát Nhiệt, Phương Hải Đường, Triệu Bạch Tú, tất cả khi đi ngang qua trước mặt tôi đều nhổ rất nhiều nước bọt. Bọn họ giống như bị ai cướp mất tiền trên tay, nét mặt đều đen sì, rất chuẩn xác nhổ nước bọt ngay trước mặt tôi, thậm chí có bãi còn rơi trên mũi giày của tôi. Chỉ còn Vu Bách Gia vẫn chưa rời khỏi nhà kho, tôi nghĩ cậu ta sẽ không giống như bọn họ, không nhổ nước bọt trước mặt tôi, nhưng cho dù có làm như thế thì tôi và cậu ta vẫn là bạn bè thân thiết. Loa phóng thanh trên xe rống lên mấy tiếng. Vu Bách Gia ôm một đống giày rách, dính bùn đất lem nhem dừng lại trước mặt tôi, nhắm thẳng vào mặt tôi nhổ liên tục hai bãi nước bọt. Không những nhổ nước bọt, mà còn nhổ tới hai lần, thậm chí còn nhổ vào mặt tôi. Tôi nhào tới chộp lấy nó, nó chỉ cần vung nắm đấm lên, chỉ một lần, là tôi đã ngã sóng soài ra đất. Vì cú đấm này mà tất cả những chiếc giày của cậu ta văng tứ tán. Bọn họ vì sao lại nhổ nước bọt vào tôi, một đứa trẻ có tư tưởng rất kiên định và đúng đắn? Có lẽ nào những điều mà báo chí đã viết ra đều sai?
Tôi vội vàng chạy đến khu tập thể của mẹ ở vườn thú. Cổng khu tập thể khép hờ, từ bên trong vang ra mấy tiếng “Đừng! Đừng! Đừng!…” có vẻ sợ hãi, van nài. Qua cánh cửa khép hờ, đôi bàn tay của giám đốc Hà đang lột quần áo mẹ tôi. Đôi bàn tay của mẹ tôi đang đẩy tay giám đốc Hà. Bốn bàn tay đẩy qua đẩy lại như đang đẩy một món quà vô cùng quý giá. Tôi đẩy cửa, căn phòng ngay lập tức sáng choang. Giám đốc Hà chắp tay sau mông đi ra, mẹ tôi sửa sang quần áo, gương mặt hình như có đỏ lên một tí, màu đỏ ấy giống như màu đỏ phủ lên đất đai núi sông của tổ quốc. Tôi đem toàn bộ nỗi ô nhục đã chịu đựng hai tiếng đồng hồ trước trút vào mẹ tôi, nhắm ngay mặt bà nhổ nước bọt liên tục, số lần và số lượng nước bọt e rằng còn nhiều hơn tất cả mọi người cộng lại đã nhổ vào tôi.
- Quảng Hiền…, để mẹ giải thích…
- Con không muốn nghe!
- Đúng thế, đúng thế. Bây giờ mẹ có nhảy giếng nhảy sông cũng rửa không sạch. Con biết mẹ không phải là loại người ấy, đúng không? Hắn buộc mẹ phải vạch tội bố, mẹ không đồng ý, hắn liền động chân động tay. Con thử nghĩ xem, mẹ có thể làm những chuyện mà không đếm xỉa gì đến mặt mũi của mình sao? Chỉ là người ta có quyền có thế, mẹ không dám tố cáo, sợ rằng chó bị dồn đến đường cùng sẽ cắn người. Đúng rồi, danh dự của một đời mẹ đã bị hủy hoại mất rồi…
Trong lúc giải thích, sắc mặt của mẹ vẫn cứ đỏ bừng, không thể phục hồi sắc mặt vốn có.
- Nhà kho có chuyện rồi!
- Nhìn thấy mồ hôi chảy ròng trên mặt con, mẹ đã biết là có chuyện chẳng hay ho gì rồi.
Một tiếng gầm của hổ vang đến từ trong chiếc chuồng sắt bên cạnh, sống lưng tôi như bị một viên đá lạnh miết từ trên xuống dưới. Mẹ tôi vẫn không ngừng giải thích chuyện vừa rồi, ngay cả lúc ngồi trên xe buýt, bà vẫn không ngừng nói. Khi xe chạy trên đường Thiết Mã Đông, chúng tôi nhìn thấy ngói trên mái của nhà kho văng tung lên trời cùng vói bao nhiêu là bụi bặm, cái miệng đang nói của mẹ chết cứng giữa không trung như một con cá đông lạnh. Cánh cửa xe bật mở, mẹ tôi là người nhảy xuống đầu tiên. Tôi đuổi theo mẹ về đến nhà kho, bò qua bậu cửa. Bên trong nhà kho bụi đất mù mịt, một đám tiểu tướng Hồng vệ binh đang vung tạ vung búa đập ầm ầm vào mấy bức vách nhà tôi, cuối cùng một tiếng “rầm”, vách nhà đổ ụp xuống, trùm lên tất cả những vật dụng vốn đã được tôi và bố chùi rửa rất kỹ càng. Phần lớn bụi bặm bốc lên cao trông như những đám mây dưới chân các thần tiên hay yêu quái trong phim, bay vần vũ giữa không trung. Mẹ tôi xông vào dùng hai tay đào bới trong đống gạch vụn. Đào bới đến độ những đầu ngón tay tóe máu nhưng mẹ tôi vẫn không tìm thấy bất kỳ vật gì đáng giá, chỉ nhặt được một tấm ảnh, trời xui đất khiến thế nào mà đó lại là tấm ảnh chụp đúng ngày bà bước chân vào nhà kho này, trên tấm ảnh vẫn còn hàng chữ “chụp năm 1950”. Cầm tấm ảnh trên tay, mẹ tôi từng bước từng bước, mỗi bước là một dấu chân hiện ra, rời khỏi nhà, nước mắt chảy ròng ròng trên má. Máu rỉ ra từ những đầu ngón tay của bà, bụi bặm bám đầy mặt, đáy tóc. Quần áo bình thường vốn rất sạch sẽ tinh tươm của bà bây giờ cũng không còn tinh tươm sạch sẽ nữa. Nhưng đến thời khắc ấy, trong hoàn cảnh ấy bà vẫn không quên chuyện ấy, lẩm nhẩm:
- Quảng Hiền, con nhất định phải tin mẹ. Mẹ thà chết chứ không bao giờ làm chuyện nhơ nhớp!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

13


Tôi cho rằng mẹ tôi chết vì xấu hổ, cho đến lúc này tôi vẫn đinh ninh như vậy. Trong mắt tôi, bà tinh khiết mà cao thượng, hoàn mỹ như một tờ giấy trắng. Không chỉ bà tự mình căm hận những hành vi lỗ mãng, lưu manh mà còn lôi kéo chúng tôi căm hận cùng với bà. Khi mẹ tôi đã dẫn dụ chúng tôi vào con đường căm hận những kẻ lưu manh; bà không thể giữa đường dứt gánh; bỏ mặc không quan tâm đến những đứa con đang theo chân bà. Do vậy, bất luận là thế nào bà cũng không thể chịu đựng được chuyện tôi đã chứng kiến tận mắt cảnh người ta sờ mó bà. Mười năm rồi, mẹ tôi đã xây dựng được hình ảnh như thế nào trước mắt tôi? Là hình ảnh một người đàn bà không để cho bất kỳ ai sờ mó, bây giờ đột nhiên lại bị người ta sờ mó, bà không thấy xấu hổ mới là chuyện lạ, ngay cả tôi cũng xấu hổ thay cho bà.
Trưa hôm sau, sau khi đuổi em gái Tăng Phương của tôi đi chơi xa, mẹ tôi mang một túi thịt đến cho con hổ có tên là Lan Lan ăn. Phía sau chuồng hổ có một cái cửa, sau cửa là khu chạy nhảy hoạt động của con hổ. Ở đó có cây, có giả sơn, chung quanh là tường xi măng rất cao. Mẹ tôi thả Lan Lan ra nhưng lại không ném thịt cho nó mà lại tự ném mình vào trong. Như thế, một nửa thân người của mẹ tôi đã đem cho con hổ ăn, nửa còn lại được đơn vị mua vải trắng về bó lại, đứng chung quanh túi vải trắng là giám đốc Hà và những đồng nghiệp của bà. Trong đầu tôi đột nhiên lóe lên vẻ mặt xấu hổ đỏ rực của mẹ, lóe lên những lời giải thích của mẹ, lóe lên toàn bộ hình hài đầy bụi đất và những ngón tay tóe máu của mẹ khi đào bới được tấm ảnh… Cuối cùng, tôi tin tưởng một cách chắc chắn rằng, mẹ tôi vì xấu hổ mà chết. Bà chết rồi nhưng bố tôi vẫn không hề hay biết, Tăng Phương cũng không thấy đâu. Đến lúc ấy tôi mới cảm thấy sợ, mới nhận ra rằng, trong cái thành phố to lớn này, tôi đã không còn lấy một người thân để mà dựa dẫm nữa. Không chỉ là một cái thành phố to đùng mà là trên quả đất to tướng này, tôi không còn được bất kỳ ai quan tâm nữa.
Đêm. Tôi cô độc ngồi trước cổng nhà kho. Gió lạnh xộc vào mũi, vào tai tôi, mùi xi măng, mùi gạch ngói từ nhà kho xông lên, nồng nặc. Nhưng rồi dần dần, những mùi lạ ấy đã ẩn đi, cái mùi của quá khứ lại xộc lên. Đó là mùi đánh rắm của bác Vu, mùi thuốc lá của lão Triệu, mùi mồ hôi của bố, mùi nước hoa của mẹ… Bọn chúng như những dòng nước chảy vào mũi tôi, liên tục khiến tôi ho lên một tràng dài. Đến nửa đêm, khi những âm thanh trên đường quốc lộ đã tắt, tôi lại nhớ bố tôi. Tôi lại nhớ một kẻ lưu manh! Lòng tôi bất phục, không muốn thừa nhận, mong muốn rằng đó không phải là chuyện có thật, là tưởng tượng thôi. Nhưng quái lạ, nó cứ treo trong đầu tôi như một cục sắt, đưa tay sờ thử thì cảm nhận được ngay sức nặng của nó. Thậm chí tôi còn mơ hồ nhận ra rằng, tôi đã sai lầm ở chỗ nào đó, hình như tôi bị người ta lừa, nhưng ai đã lừa mình thì tôi hoàn toàn không nhận ra.
Ban ngày, tôi đi tìm Triệu Vạn Niên để dò la tin tức của bố. Triệu Vạn Niên nói:
- Bố mày bây giờ đã rất nổi tiếng, ngay cả tao cũng không biết ông ấy ở đâu. Người muốn phê đấu giai cấp bóc lột cũng tìm ông ấy, người cần phê đấu lưu manh cũng tìm ông ấy, người thích phê đấu những kẻ đến chết mà vẫn không hối cải cũng tìm ông ấy. Hình như toàn bộ các bộ phận trên cái xác thối của ông ấy đều có thể lấy làm tài liệu học tập. Mày phải đến những hội trường nào có tổ chức phê đấu để tìm ông ấy thôi, không nên tìm mỗi một phái của chúng tao, những phái khác cũng phải tìm. Đôi khi không có đối tượng, bọn chúng cũng có thể mượn bố mày để tổ chức phê đấu.
Trên đường phố, chỗ nào cũng đầy ắp người đi chợ mua sắm, chắc là tết sắp đến rồi, với đôi tay không, tôi chạy hết phố này lại băng qua phố khác, từ trường này đến trường khác, từ hội trường này đến hội trường khác, vừa chạy vừa lau mũi dãi lòng thòng để tìm bố. Tại phố Tam Hợp, tôi trông thấy một ông già tóc bạc phơ phơ bị những tiểu tướng Hồng vệ binh quặp đôi tay về phía sau lôi đi khiến tôi ngờ rằng đôi tay ông ấy mọc ra từ phía sau lưng. Tại phố Thượng Vũ, tôi thấy đôi kính trắng của một người trung niên tóc hoa râm bị một nắm đấm đập vỡ, mảnh kính chọc thẳng vào mắt ông ta, máu từ đó tuôn ra như suối. Tại một ngõ hẻm ở phố Thiết Mã, tôi trông thấy một đám người xấu bị những tiểu tướng lột truồng nằm tênh hênh trên nền đá lạnh căm, chân hướng thẳng về phía mặt trời… Tôi trông thấy rất nhiều cảnh mà tôi không thể tưởng tượng được, nhưng không hể nhìn thấy bố tôi. Tuyết sắp rơi rồi mà tôi vẫn chưa tìm thấy bố.
Có thể ông vẫn ở những nơi mà tôi đã tìm nhưng không gặp? Cũng có thể ông đã chết? Tôi không dám nghĩ đến chuyện đó nhưng mỗi khi màn đêm bắt đầu buông xuống, tôi không thể không nghĩ đến chuyện đó. Ban đêm tôi ngủ trên tầng hai của nhà kho, ban ngày tôi ngồi trước cổng nhà kho. Lão Triệu đến định đưa tôi đến ở với lão tại nhà mới nhưng tôi không đi. Bác Vu cũng đến gọi, nhưng tôi từ chối. Gặp ai tôi cũng nói phải chờ bố quay trở về. Tôi vẫn không tin là đến ngày tết mà bố vẫn không trở về. Bố không về thì ông còn chỗ nào để đi, trừ phi ông đã chết.
Ngày tiếp ngày trôi qua, thời tiết càng lúc càng lạnh. Đêm mai đã là giao thừa, mùi thịt lợn hầm lan tỏa khắp nơi. Đúng lúc ấy, tuyết bắt đầu rơi, chỉ vài tiếng đồng hồ mà tất cả mái nhà, đường sá đã bị phủ một lớp tuyết dày trắng xóa. Người đi lại thưa thớt, những chiếc xe chạy trên con đường trơn nhẫy cũng thưa thớt, những cành cây bị tuyết bám đầy cũng đã oằn mình xuống tận đất. Trên đường quốc lộ đầy tuyết, một bóng hình trông giống một con chó đang vừa bò vừa lết, để lại hai vệt vừa dài vừa sâu trên tuyết. Tôi kêu lên thất thanh: Bố! rồi chạy đến. Hình như bố chẳng nghe thấy gì, cứ cúi gằm đầu mà bò. Tôi ngồi xuống đỡ lấy bố, ông đẩy tôi ra:
- Thẳng súc sinh! Đừng đụng vào tao!
Tôi lặng người.
Đầu tóc của bố tôi đã bị gọt mất một nửa, thời ấy người ta gọi kiểu cạo tóc này là “đầu âm dương”. Máu bám cứng trên da mặt bố, những bông tuyết bám đầy râu, trên tay, trên lưng, trên chân ông. Ông bò về phía nhà kho, chân phải bị kéo lê, hình như một nửa người ông đã biến thành một cành cây khô. Chính là do một chân đã bị gãy đã khiến bố biến thành một loài bò sát. Tôi nhìn lại phía sau bố, hai vết hằn trên tuyết từ dưới mông ông chạy dài đến tận khúc quanh trên đường quốc lộ, vừa sâu vừa dài, nếu so với những vết hằn do xe chạy để lại e rằng còn sâu hơn, hình như thân thể bố còn nặng hơn cả những chiếc xe ấy.
Tôi tiếp tục cúi xuống đỡ lấy bố. Ông thu hết tàn lực đẩy tôi ra, gầm gừ:
- Đừng đụng vào tao! Suốt cuộc đời còn lại mày đừng bao giờ đụng vào tao. Tao cứ nghĩ người khác đem chuyện đó nói ra chứ không hề nghĩ là mày. Không ngờ lại là mày! Ngay cả việc tao dạy cho mày cách dùng tay để làm chuyện ấy, mày cũng đem ra tâu lại với Triệu Vạn Niên. Mày là con của hắn hay con của tao? Mày cút đi! Đi càng xa càng tốt, đừng bao giờ để tao thấy mặt mày nữa!
Vừa chửi, bố vừa chống tay lết đi. Ông không hề biết rằng, chỉ còn khoảng hai mươi mét nữa là ông có thể trông thấy ngôi nhà không còn tồn tại nữa, càng không biết rằng Tăng Phương đã mất tích, lại càng không biết rằng mẹ tôi đã chết. Bố nghĩ rằng chiếc giường của ông hãy còn ấm, bình nước lạnh của ông vẫn chờ, gia đình vẫn tồn tại. Tôi muốn đem tất cả mọi chuyện đã xảy ra nói với bố nhưng theo thói quen một cách vô thức, tôi lại giơ tay lên vả vào miệng mình, vả liên tục, tất cả những lời định nói đều bị ém xuống bụng. Nhìn theo bố đang lết về nhà kho, nín không được nữa, tôi khóc òa, vừa khóc vừa đập đầu xuống tuyết, đập rất mạnh, rất nhanh, tiếc là đầu mình không vỡ được vì tuyết quá mềm…
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hối Hận - Đông Tây

Postby bevanng » 17 Sep 2018

14


Xin lỗi, tôi thất lễ rồi. Kể đến đây, tôi không thể dằn lòng được… Mà sao cô cũng khóc? Khăn tay đây, cô hãy lau nước mắt đi! Cô đã khóc, chứng tỏ cô đồng tình và thông cảm với tôi. Bây giờ, tìm được một người có lòng thông cảm như cô quả thật là càng ngày càng khó. Không giấu giếm cô, ngay cả Vu Bách Gia và Vinh Quang Minh cũng không bao giờ thích nghe tôi nói, bọn nó tránh mặt tôi như tránh mặt chủ nợ, như sợ rằng tôi sẽ làm hỏng công việc làm ăn buôn bán của bọn nó. Trương Náo còn thái quá hơn. Cô ta đến bưu điện gửi mua một chiếc điện thoại để bàn có nhiều chức năng, nhưng nhiều chức năng làm quái gì, cô ta chỉ biết dùng một chức năng duy nhất là nhập toàn bộ số điện thoại quen biết vào trong ấy, khi tôi gọi điện đến thì chiếc điện thoại đổ chuông theo điệu nhạc của bài hát “Mạt lê hoa”. Chỉ cần nghe bài dân ca này là cô ta không thèm nhấc điện thoại lên nữa. Nghe chán bài “Mạt lê hoa”, cô ta lại đổi thành bài “Sóng xô trong hồ” hoặc bài “Hoài niệm bạn xưa”. Nói chung là mấy năm nay, cô ta toàn nghe dân ca, trình độ thưởng thức dân ca của cô ta cũng giống như tòa nhà kia, tầng chồng lên tầng. Tôi cũng đã từng dùng danh nghĩa đến thăm mấy đứa trẻ đến ấn chuông nhà cô ta, một đứa con trai đứng chặn ngang trước cửa nói: “Mẹ cháu nói rồi, mẹ không có nhà” khiến tôi có cảm giác như mình bị tạt nước lạnh vào mặt.
Ôi dào! Tôi lại đi xa vấn đề rồi, thôi thì tôi kể với cô về Tiểu Trì vậy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,326
Posts: 14095
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Next

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 17 guests