Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 25 Aug 2018

Ông Nguyễn Văn Linh Lại Hỏi “Tại Sao A Thần Phù Đánh Vào Điển Hình Tiên Tiến”?

Đầu năm 1983, nhiều tờ báo ở Sài Gòn có bài ca ngợi một nhân vật xuất chúng: Đó là ông Nguyễn Văn Tài phó tiến sĩ Đông Đức, phó giám đốc Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình. Tài là “hạt giống đỏ”, con trai bí thư Tỉnh Ủy Tây Ninh thời chống Mỹ, đồng chí thân thiết của bí thư Thành Ủy Nguyễn Văn Linh. Xí nghiệp này đã chết sau ngày 30-4-1975, nhờ tài năng và nghị lực phi thường của Nguyễn Văn Tài nó được hồi sinh và trở thành “Lá cờ đầu phong trào thi đua ngành công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh”. Nhưng sau đó không lâu, có hàng chục cán bộ công nhân của xí nghiệp kéo đến Ban sản xuất thử (cấp trên của Xí nghiệp này), Liên hiệp công đoàn thành phố, báo Công Nhân Giải phóng, báo Lao Động, tố cáo ông Tài phạm rất nhiều điều sai trái. Họ cho biết, ông Tài vượt quyền giám đốc tự tiện đặt ra những quy định trái pháp luật: hạ mức lương thực của nữ công nhân làm việc nặng từ 17 kg xuống 13,5 kg. Tài nói: “Mấy thằng cha làm chính sách dốt quá! Đàn bà dù làm việc nặng cũng không thể ăn nhiều được. Ông bà đã nói 'nữ thực như miêu' mà”! Ông cắt lương những ngày nghỉ lễ vì: “Mấy thằng làm chính sách không quán triệt nguyên tắc “không lao động không trả lương”. Ông đặt ra những hình phạt đối với người lao động như ở thời trung cổ: phơi nắng, quỳ gối, bò vòng quanh xí nghiệp…
Anh Trần Thanh Bình phó tổng biên tập báo Công Nhân Giải phóng viết một loạt bài về sai phạm của Tài đăng liên tiếp mấy kỳ báo. Tài chạy lên tòa soạn yêu cầu ngưng đăng những bài viết “gây tác hại cho sản xuất”. Anh ta từ chối tiếp thụ phê bình trên báo cũng với lý do đó: “Làm mất uy tín của lãnh đạo trước mắt công nhân, ảnh hưởng xấu đến kỷ luật sản xuất”. Tài chạy thẳng lên bí thư Thành Ủy Nguyễn Văn Linh cầu cứu.
Xin nhắc lại đôi chút về Nguyễn Văn Linh: Tháng 12 năm 1976, ông rời vị trí Bí thư Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh để nhận chức Trưởng ban cải tạo công nông thương nghiệp Trung Ương sau đó được chuyển sang làm Chủ tịch Tổng Công đoàn. Đại hội 5 (tháng 3-1982) không được vào Bộ chính trị, ông xin về làm Bí thư Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh (tháng 4-1982) thay cho ông Võ văn Kiệt ra Trung Ương. Trong hồi ký (đăng trên Viet-studies tháng 3-2015), Dương Văn Ba kể: Trong bữa cơm cô Hòa con gái ông góp ý với bố: “Con thấy chú Sáu Kiệt đâu có vấn đề gì căng thẳng với bố mà bố không được khách quan với chú”. Ông Linh nổi nóng quát “Mày biết gì mà nói” rồi ông cầm tô canh tạt vào mặt con gái. Dương Văn Ba còn kể chuyện đứa con trai duy nhất của ông nằm trên giường bố mẹ, dùng súng của bố bắn vào đầu mình, nhưng không nói rõ nguyên do. Ông Mai Văn Bảy nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành Ủy kể với tôi: Đó là đứa con trai duy nhất tên Nguyễn Văn Linh mà ông Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc) đã mượn tên làm bí danh khi hoạt động ở miền Nam, rồi sau này trở thành tên chính thức khi ông mang các chức vụ của Đảng. Nguyên do khiến cậu Linh tự sát là: Cũng trong một bữa cơm, ông Mười Cúc nổi nóng vì cậu con nuông đã học dốt lại lười học, sau khi tốt nghiệp trung cấp, không chịu học tiếp đại học. Đã vậy khi ông mắng, nó còn dám lớn tiếng trả treo. Vốn quen ra lệnh, không quen nghe ai trái ý mình, huống hồ lại là thằng con, ông nổi xung bưng tô canh tạt thẳng vào mặt nó. Lập tức Linh buông đũa nhảy xuống, chạy biến khỏi nhà. Hơn một tuần sau, không thấy bố mẹ tìm kiếm mình, đã cạn túi, cậu ta quay trở về và được biết bố mẹ vừa đi Liên Xô nghỉ dưỡng. Có lẽ cậu con nuông phẫn uất khi nghĩ bố mẹ quá vô tình, bố thô bạo khiến mình phải bỏ nhà, vậy mà không thèm tìm kiếm, lại còn dắt nhau đi du hí!
Tháng 4-1982, khi ông trở lại làm Bí thư Thành Ủy tôi đang là Trưởng ban Tuyên giáo của Liên hiệp Công đoàn thành phố, do đó có nhiều dịp làm việc với ông. Một lần báo cáo về tình hình công nhân thành phố, tôi nói, giai cấp công nhân ở thành phố này rất ngạc nhiên khi nghe chúng ta nói họ là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Họ nói với nhau, mấy cha này coi tụi mình như con nít, xí gạt quá trắng trợn. Họ cho rằng chế độ Sài Gòn đối xử với công nhân tốt hơn nhiều.
Trong giờ nghỉ giải lao, ông Linh bảo anh Quới thư ký riêng của ông ra gọi tôi, anh Mười bảo mời anh vào gặp riêng. Ông Linh hỏi tôi định làm gì để tuyên truyền giáo dục công nhân đạt hiệu quả và yêu cầu tôi nói thêm điều đó trước hội nghị. Tôi cho rằng “bốn bài học cơ bản để giáo dục giai cấp công nhân” do Ban Tuyên huấn Trung Ương Đảng soạn với “lý thuyết cao siêu” không thích hợp. Do đó, tôi tự biên soạn quyển “Công nhân làm gì để khôi phục sản xuất tự cải thiện đời sống.” (Tôi dùng bút danh là Anh Thông, được nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố in, Công đoàn mua phổ biến đến công đoàn cơ sở toàn thành phố.) Ông Linh tỏ ra hết sức hài lòng. Sau này, nhiều người nói đùa với tôi: “Ngay từ đầu ông ấy đã để mắt xanh tới cậu rồi, nếu cậu ngoan ngoãn, giữ cái đà ấy mà đi tới thì chắc đời cậu đã lên hương”! Tôi hoàn toàn thất bại trong mối quan hệ với ông Linh. Bước ngoặt xấu nhất trong quan hệ của tôi đối với ông là vụ Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình và ông phó giám đốc Nguyễn Văn Tài của xí nghiệp này.
Hôm đó, Bí thư Thành Ủy triệu tập cuộc họp với trưởng ban tuyên giáo các đoàn thể và quận, huyện. Tôi đến họp khi cử tọa đã khá đông. Bí thư Nguyễn Văn Linh ngồi trên ghế chủ tọa. Khi tôi vừa ngồi xuống hàng ghế đầu đối diện thì ông lên tiếng: “Này ông công đoàn. Tại sao tờ báo của ông “a thần phù” đánh vào điển hình tiên tiến của thành phố mà không thèm hỏi ý kiến tôi một câu?” Tôi đứng lên trả lời: “Thưa anh Mười, chúng tôi làm việc này với đầy đủ ý thức trách nhiệm. Nếu anh Mười sắp xếp thời gian để nghe chúng tôi báo cáo trong vòng một giờ, anh sẽ thấy chúng tôi đúng 100%.” Bí thư Nguyễn Văn Linh cau mặt lại, lên giọng: “Chao, đến lúc này mà anh vẫn còn tự cho là mình hoàn toàn đúng à? Các anh có vẻ đúng về hình thức, nhưng cái cốt lõi là sai, sai từ trong bản chất! Lê nin đã dạy, quần chúng có ba loại: tiên tiến, trung bình và lạc hậu. Người cộng sản phải biết dựa vào số người tiên tiến ít ỏi, để lôi kéo người trung bình và giáo dục người lạc hậu bằng nhiều hình thức kể cả kỷ luật, phạt. Các anh đã không làm như vậy. Nghe quần chúng lạc hậu kêu ca, các anh nhảy vô bênh họ ngay. Thái độ đó không phải là của những đảng viên cộng sản chân chính theo chủ nghĩa Mác-Lê mà là của những kẻ theo đuôi quần chúng lạc hậu. Lênin lên án gọi “Đó là những kẻ theo chủ nghĩa công đoàn”! Đồng chí Nguyễn Văn Tài là phó tiến sĩ khoa học ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức, nước phát triển nhất trong phe xã hội chủ nghĩa. Sở dĩ phát triển nhất trong phe là do người Đức có kỷ luật thép. Đồng chí Nguyễn Văn Tài quyết đem tinh thần kỷ luật thép của nước bạn về thực hiện ở Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình thì bị các phần tử lạc hậu phản ứng và các anh những người theo chủ nghĩa công đoàn lên tiếng bênh vực họ”.
Thấy ông đã dứt lời, tôi liền đứng lên với ý định sẽ nói rằng việc làm của Tài không nên gọi là áp dụng kỷ luật thép mà phải nói đó là thứ hình phạt của chủ nô lệ. Nhưng không để cho tôi được nói, ông tiếp tục ề à thêm mấy câu, rồi cáu kỉnh gắt lên: “Đồng chí ngồi xuống đi chứ”! Cả hội trường ái ngại nhìn tôi. Dù rất bức xúc, nhưng tôi biết ở đây không phải lúc đôi co, nên im lặng ngồi xuống.
Lúc giải lao mọi người ra ngoài sân uống nước. Anh Võ Nhân Lý (Bảy Lý), nguyên là người phát ngôn của Ban quân quản Sài Gòn - Gia Định, lúc này đang là Phó ban thứ nhất Ban Tuyên huấn Thành Ủy, kiêm Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng gặp tôi, tỏ ý thông cảm: “Tôi làm việc với ông ấy gần 20 năm ở trong rừng chưa bao giờ thấy ông ấy mất bình tỉnh, cáu kỉnh như hôm nay. Ban nãy anh trả lời như vậy là đúng mực và anh ngồi xuống cũng đúng. Theo tôi, anh nên bàn với lãnh đạo công đoàn, gửi văn bản kiến nghị tổ chức một cuộc thanh tra xí nghiệp này. Sau khi thanh tra, nếu ý kiến của anh là đúng thì anh lại đưa lên báo. Lúc đó, dù không muốn ông ấy cũng phải nhận là mình sai”.
Sau khi Liên hiệp Công đoàn Thành phố gửi kiến nghị yêu cầu tổ chức thanh tra, Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố đã lập “Đoàn thanh tra Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình” do ông Phó chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn. Sau 7 tháng, Đoàn thanh tra mới gửi “Bản dự thảo kết luận tranh tra xí nghiệp Hóa màu Tân Bình” cho Thành Ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố và các cơ quan có liên quan. Bản Dự thảo có nội dung như là để minh họa ý kiến của bí thư Thành Ủy Nguyễn Văn Linh tại cuộc họp tuyên huấn các đoàn thể. Trong đó, họ dành hai trang phân tích những bài trên báo Công Nhân Giải Phóng phê phán Nguyễn Văn Tài và kết luận: “Do xơ cứng về nhận thức và hạn chế về kiến thức quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa, tác giả các bài báo đã lệch lạc”.
Tôi đáp lại bằng một văn bản có tiêu đề “Nhận xét về Bản dự thảo kết luận thanh tra Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình” với kết luận: “Đoàn thanh tra kém năng lực hoặc không công tâm trong công tác thanh tra. Chúng tôi đề nghị Đoàn này đứng sang một bên quan sát chúng tôi thanh tra. Trong ba tháng nếu chúng tôi không kết luận được những tiêu cực sai trái như nội dung các bài báo thì Tổng biên tập báo Công nhân Giải phóng xin nhận hình thức kỷ luật cách chức”.
Anh em công nhân viên chức Xí nghiệp Hóa màu biết Đoàn thanh tra bao che cho Nguyễn Văn Tài và chống lại báo Công nhân Giải phóng đã hết sức phẫn nộ. Anh em đến tòa báo cung cấp những chứng cứ rất quan trọng: Bà Bảy Huệ (Ngô thị Huệ) vợ Bí thư Nguyễn Văn Linh đã gửi tiền ở Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình với lãi suất cao hơn hẳn mức lãi do Ngân hàng Nhà nước quy định; hàng tháng bà Huệ đi chiếc xe của bí thư Thành Ủy đến xí nghiệp nhận tiền lãi. Tôi kể chuyện này với ông Trần Bạch Đằng chỉ với ý chia sẻ sự khó khăn trong việc đấu tranh chống tiêu cực. Không ngờ ông đến nhà riêng của ông Linh, kể lại chuyện trên và đặt câu hỏi: “Nếu ở Đại hội Đảng sắp tới Tống Văn Công đưa chuyện này ra tố cáo thì anh tính sao”? Trần Bạch Đằng cho biết, khi ông hỏi như vậy, ông Linh giận tái mặt và nói, để tránh dư luận xấu, trước mắt ông sẽ chuyển giao việc chỉ đạo Thanh tra Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình cho ông Chín Đào (Tức Phan Minh Tánh, lúc đó là phó bí thư, Trưởng ban Tổ chức Thành Ủy. Đến Đại hội 6 ông là Ủy viên Trung Ương, Trưởng ban Dân vận Trung Ương. Ông nghỉ hưu, sống ở Sài Gòn, năm 2015 có bài viết trên báo Tuổi Trẻ về yêu cầu cấp bách phải dân chủ hóa đất nước, được dư luận hoan nghênh).
Dưới sự chỉ đạo của ông Chín Đào, không đến hai tháng sau, Đoàn Thanh tra gửi giấy mời các cơ quan có liên quan đến dự cuộc họp công bố kết luận chính thức của Đoàn thanh tra.
Lẽ ra, người đại diện Liên hiệp Công đoàn Thành phố đi dự cuộc họp này là ông Lê Hồng Tư, chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của công đoàn, nhưng Ban Thường vụ Công đoàn yêu cầu Tổng biên tập báo Công nhân Giải phóng đi dự. Trước khi đi, tôi chuẩn bị tư liệu chứng cứ để vào cuộc “đấu đá”. Không ngờ mọi việc diễn ra hết sức tốt đẹp: Ông Nguyễn Văn Thuyền (tức Ba Tôn, hiện nay là chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến thành phố), chủ nhiệm Ủy ban Thanh Tra Nhà nước thành phố trực tiếp đọc bản kết luận thanh tra, nêu ra rất nhiều chủ trương và việc làm của Nguyễn Văn Tài vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng cuối cùng Đoàn Thanh tra kiến nghị: Cách chức phó giám đốc và từ nay chỉ sử dụng Tài về kiến thức hóa màu, tuyệt đối không cho làm công tác quản lý, lãnh đạo.
Ông Mai Văn Bảy chủ tịch Liên liên hiệp công đoàn thành phố Hồ Chí Minh bảo tôi: “Bản kết luận thanh tra được công bố chắc đã làm cho ông Nguyễn Văn Linh khó chịu lắm.” Ông Bảy biết rõ tính nết của ông Linh nên nói thêm: “Cha này có tính thù dai và nhỏ mọn lắm, coi chừng ông ta tìm cơ hội phản đòn chúng mình đấy! Anh Năm Hoàng phó ban Tổ chức Thành Ủy có lần dám góp ý nhẹ với ông ta, vậy mà mấy năm sau anh xây dựng nhà ở đường Điện Biên Phủ đã bị ông ta kiếm cớ cho là sai quy định, bắt phải giở nhà”!
Bài trên đây tôi đã gửi đăng trong tập “Một thời làm báo”, tổng tập “Hồi ký của các nhà báo cao tuổi” tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 8 năm 2008, do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Bài đã bị cắt xén nhiều đoạn và sửa đổi nhiều câu quan trọng, ví dụ: Tôi viết “Bí thư Thành Ủy Nguyễn Văn Linh cau mặt, lên giọng” đã bị ban biên tập đổi thành “một đồng chí lãnh đạo Thành Ủy nhìn tôi nhẹ nhàng hỏi”?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 25 Aug 2018

Bị Nguyễn Văn Linh Phản Đòn.

Điều ông Mai Văn Bảy dự báo đã xảy ra: Ông Nguyễn Văn Linh đã bắt thóp được tôi. Hôm đó, tôi đang dự cuộc họp do Ban Tuyên giáo Thành Ủy triệu tập thì anh Năm Dũng Trưởng phòng Báo chí của Ban Tuyên giáo đến rỉ tai: Báo Công Nhân Giải phóng vừa báo cáo, cách đó nửa giờ cô vợ tôi đến tòa báo làm ầm ĩ, tố cáo tôi có quan hệ bất chính với phóng viên Mai Hiền. Anh Năm Dũng vừa lo cho việc chung của hệ thống báo chí thành phố vừa muốn bảo vệ cá nhân tôi, nên góp ý: “Theo mình thì Công nên viết bản kiểm điểm, nhận sai lầm và hứa chấm dứt mối quan hệ giữa hai người. Tổ chức sẽ tìm mọi cách bảo vệ Công”. Tôi trả lời vắn tắt: Tôi đã sai vì chưa ly dị mà yêu người khác. Nhưng đây không phải chuyện trăng gió mà là chúng tôi yêu nhau. Anh Năm Dũng ngạc nhiên, lo lắng. Sự lo lắng của anh Năm Dũng cũng giống như nhiều người cấp trên của tôi. Bởi vì lúc này tôi kiêm nhiệm nhiều chức vụ Phó ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ như: Trưởng ban Tuyên giáo Liên hiệp Công đoàn thành phố, Tổng biên tập báo Công nhân Giải phóng, Phó Tổng biên tập phụ trách phía Nam của báo Lao Động, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo của Đảng Ủy cơ quan Công đoàn.
Ngay chiều đó tôi gửi một lá thư “nhận tội” đến bà Lê Thị Bạch, Bí thư Đảng Ủy, Phó chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thành phố. Lập tức ông Mai Văn Bảy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành Ủy, Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thành phố gọi tôi đến nhà riêng và hỏi: “Trong túi của vợ anh có cái gì chứng minh được quan hệ tình cảm của anh với phóng viên Mai Hiền không”? Tôi đáp: “Không”. Ông nói: “Vậy thì anh ró điên không mà nhận tội? Chối ngay! Rồi đưa đơn ra tòa xin ly dị. Ly dị xong sẽ tính. Hiểu không”? Tôi đáp: “Tôi đã đưa thư 'nhận tội' tới bí thư Đảng Ủy Chín Bạch rồi”? Ông Mai Văn Bảy cười đáp: “Bà ấy đã xé vứt sọt rác rồi”! Tôi nói: Không được! Chuyện này có nhiều người biết. Vợ tôi gửi đơn tố cáo tôi tới ông Nguyễn Văn Linh rồi. Nếu tôi chối, nhiều người không tin, họ cho là tôi hèn. Tôi không muốn chối, tôi nhận kỷ luật một cách sòng phẳng, xong, sẽ đưa đơn ly dị”. Ông Mai Văn Bảy lắc đầu. Sau này, Đinh Khắc Cần (anh ruột phi công Nguyễn Thành Trung) nói lại: “Mai Văn Bảy bảo, cứ tưởng thằng cha Công thông minh không ngờ quá sức cù lần”!
Hôm Ban Thường vụ Liên hiệp Công đoàn và Đảng Ủy cơ quan kiểm thảo tôi có ông Lê Công Trung Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành Ủy đến dự. Tôi đọc bản kiểm điểm chỉ một trang giấy: Sai lầm đầu tiên của tôi là, giữa lúc thất vọng buồn chán, tôi đã lấy người mình không yêu làm vợ. Sau khi sinh con gái đầu lòng, tôi đã rất cố gắng cho cuộc sống chung vì con. Nhưng chúng tôi tính nết không hợp nhau, đến năm con gái lên hai, chịu hết nổi, tôi quyết định sống ly thân và đưa đơn xin ly dị. Thời ấy, chi bộ Đảng cộng sản rất giống giáo hội, không tán thành ly hôn. Tòa án ở miền Bắc không bao giờ xử ly hôn. Ở báo Lao Động có anh Nguyễn Thế Dân đưa đơn ly hôn 15 năm mà không được xử, phẫn uất quá anh viết lá thư tuyệt mệnh trước khi đến Hồ Tây tự tử, khiến cả cơ quan tìm cứu. Trong bốn năm ly thân, nhiều lần vợ tôi năn nỉ, hứa hẹn sẽ sửa chữa tính nết. Trong bốn năm ly thân, tôi cũng có quan hệ yêu đương, nhưng khi những người yêu tôi tỏ ra không yêu con gái tôi thì tôi chia tay. Vì thương con, nên khi vợ tôi nhận lỗi, tôi dễ xiêu lòng, tái hợp. Tuy nhiên, sau khi có đứa con thứ hai thì vợ tôi không cần giữ ý nữa mà hằng ngày bộc lộ mọi xung khắc trái chiều với tôi! Về phóng viên Mai Hiền, tức là vợ tôi hiện nay cùng làm việc trong cơ quan báo, được nghe các đồng nghiệp kể về tình trạng gia đình tôi, cô đã đem lòng thương cảm. Cô rất cố gắng tạo quan hệ tốt với các con tôi, làm cho tôi vô cùng cảm kích. Chưa ly hôn mà tôi có quan hệ yêu đương với người khác là sai. Tôi sẽ tạm dừng mối quan hệ này và xin nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào. Ông Lê Công Trung tỏ ra rất thông cảm đối với tôi, ông nói: “Các đồng chí đã biết rõ tình trạng gia đình của đồng chí Công không yên ấm, đã từng ly thân tới 4 năm là quá nghiêm trọng, sao cố ép phải sống chung? Nếu sớm ly dị thì không bị vấp váp thế này”. Sau này tòa xử cho tôi ly hôn dễ dàng (không qua hai lần hòa giải như quy định thời đó) là vì tôi đề nghị tòa tham khảo ý kiến của Liên hiệp Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh nơi vợ tôi công tác và Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh nơi quản lý tôi để biết rõ sự việc. Khi xét khuyết điểm của tôi, hầu như những người có trách nhiệm không có ai nỡ chọn một hình thức kỷ luật nào đối với tôi.
Nhưng ông Nguyễn Văn Linh có ý kiến hoàn toàn khác. Ông nói: “Cơm no bò cưỡi. Đã 'gái' thì cần phải có 'tiền'. Do đó phải tổ chức ngay một cuộc thanh tra để kết luận đã có thâm lạm thế nào, phải khởi tố trừng trị cho thích đáng”. Đó là lời của quyền lực. Dù không đồng tình, nhưng Liên hiệp Công đoàn thành phố phải phối hợp với Sở Thông tin Văn hóa tổ chức một đoàn thanh tra báo Công nhân Giải phóng. Sau hơn một tháng, Đoàn Thanh tra kết luận: “Mọi thu chi đều minh bạch, đúng chính sách, công bằng”. Thế nhưng ý kiến chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Văn Linh “khai trừ Đảng, cách chức” vẫn không được rút lại! Dư luận so sánh mức sai phạm của tôi với sai phạm của ông T. N. giám đốc một cơ quan để cho rằng có sự bất công quá đáng trong việc xử lý kỷ luật. Ông T. N. gia đình yên ấm, lại bí mật sống như vợ chồng với người khác, làm cho vợ phẫn uất đâm đầu vào xe hơi. Nhưng ông chỉ bị phê bình, vì thời kỳ ở trong rừng ông này thân cận với Nguyễn Văn Linh.
Dù không muốn thi hành kỷ luật tôi, nhưng không ai dám nói ra, do đó, việc bị “đình chỉ công tác chờ xử lý” của tôi trở thành vô thời hạn. Chờ đợi gần một năm, tôi phải lên gặp ông Lê Công Trung xin được nhận kỷ luật với hình thức cách chức, để tôi sớm ổn định công tác và cuộc sống. Tôi cảm thấy ông Lê Công Trung dù như trút được gánh nặng, nhưng vẫn không đành: “Đồng chí không thấy như vậy là quá nặng sao”? Tôi đáp: “Trước đây, có lúc tôi đã được giao một trọng trách, nhưng Đảng lại giao thêm một chức vụ nữa, rồi hai chức vụ nữa, tôi vẫn không từ chối. Thế thì nay tôi phạm khuyết điểm, bị cách chức sao lại không muốn nhận”? Ngay hôm sau, Ban Thường vụ Thành Ủy họp và ra quyết định cách chức tôi do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Lê Công Trung ký.
Sau khi đã có quyết định cách chức (tức là vụ việc đã được xử lý xong), tôi gửi thư cho anh Xuân Cang Tổng biên tập báo Lao Động xin anh cho tôi được trở về báo Lao Động. Anh Xuân Cang trả lời rất nhanh, anh nói nếu năm 1983, Công trở về báo Lao Động thì Xuân Cang phụ tá cho Công, còn nay tình thế đảo ngược, Công phải ra Hà Nội làm phụ tá cho Xuân Cang. Trả lời anh, tôi nói, mình chưa ra Hà Nội được vì còn phải làm hai việc: Ly hôn và cưới vợ. Một tuần sau, ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vào đề nghị Thành Ủy cho tôi được chuyển công tác về cơ quan báo Lao Động ở miền Nam. Ông Phạm Văn Hùng (cha của nhà báo Phạm Chí Dũng hiện nay đang là chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam) mời tôi đến góp ý: “Lãnh đạo thành phố hiện nay đều quý anh, muốn anh ở lại làm việc. Chúng tôi chọn cho anh bốn nơi: Một là nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố, hai là Ban tuyên huấn Thành Ủy, ba là Đài phát thanh, bốn là báo Sài Gòn Giải Phóng. Anh về một trong bốn nơi đó làm chuyên viên, sau một thời gian sẽ tính tiếp”. Tôi nói: “Tôi đã ly dị, nhường nhà ở cho vợ con, đang ở nhờ trong trụ sở báo Lao Động. Nếu tôi không về làm việc cho báo Lao Động thì không thể ở trong nhà của người ta. Vậy trước khi nhận công tác ở thành phố, tôi xin được một chỗ ở”.
Ông Phạm Văn Hùng đồng ý với yêu cầu chính đáng đó. Nhưng ông Mười Hải giám đốc Sở Nhà đất không đồng ý, ông nói: “Ly dị thì chia nhà ra mà ở chứ sao phải cấp nhà mới”? Không giải quyết được yêu cầu của tôi, tháng 6 năm 1986, ông Phạm Văn Hùng ký quyết định cho tôi chuyển công tác về báo Lao Động. Tổng biên tập Xuân Cang thông báo miệng (không có ký quyết định) ban biên tập giao cho tôi phụ trách cơ quan miền Nam của báo Lao Động.
Lúc này, ông Nguyễn Văn Linh đã được điều động ra Hà Nội làm thường trực Ban bí thư Trung Ương. Dịp kỷ niệm thành lập Đài phát thanh, ông được mời vào dự. Tại đây, gặp anh Nguyễn Nam Lộc người thay tôi làm Tổng biên tập báo Công nhân Giải phóng, ông hỏi: “Cái tay Tống Văn Công bây giờ làm gì”? Anh Nam Lộc cho biết tôi đã chuyển sang phụ trách cơ quan miền Nam của Báo Lao Động. Ông Linh cau mày: “Lại đá lên à”? Tôi trách anh Nam Lộc, phải chi anh đừng nói tôi là “phụ trách”, rồi đây tôi sẽ còn mệt với ông ấy!
Một hôm với tư cách phóng viên tôi đi bộ theo đường Nguyễn Du vào cổng bên hông tới Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập) để dự cuộc họp do ông Võ Văn Kiệt chủ trì. Anh Lê Văn Triết (sau này là Bộ trưởng Bộ Thương mại) lúc đó là Ủy viên Ban thường vụ Thành Ủy, Phó chủ tịch úy ban Nhân dân Thành phố nhìn thấy tôi, anh cho dừng xe hơi, xuống đi bộ với tôi, nói: “Hôm xét kỷ luật mày tao có dự. Chúng tao đều thấy mày không có khuyết điểm gì đáng kỷ luật cả! Nhưng mày cũng biết, chúng tao phải làm như vậy”. Anh Lê Văn Triết từng là bạn cùng lớp với tôi thời trung học, chúng tôi không sửa được cách xưng hô “mày, tao” đã quen. Tôi nói đùa: “Tao không có thắc mắc gì chuyện bị cách chức. Nhưng nghe mày nói vậy tao đâm ra bực mình, chiều nay tao sẽ gửi đơn kiện chúng mày.” Anh Triết kêu lên: “Chớ có dại. Tao nói là để mày biết mọi người thông cảm với mày. Nhưng nếu mày kiện thì mày thua nặng đấy. Mày phải biết có lúc phải im lặng, nghe chưa”?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 25 Aug 2018

Khi Ngòi Bút Chạm Vào Quyền Lực.

Mấy chục năm đấu tranh chống tham nhũng của “báo chí cách mạng Việt Nam” trong chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ có cuộc đấu tranh trên báo Lao Động đối với ban lãnh đạo Tổng cục Cao su đứng đầu là Ủy viên Trung Ương Đảng, Tổng cục trưởng Đỗ Văn Nguyện là giành được thắng lợi. Không phải các nhà báo làm vụ này tài giỏi hơn những đồng nghiệp ở các vụ khác mà chỉ vì vụ này bắt đầu ngay sau Đại hội 6 năm 1986 khi mà luồng gió dân chủ sau “đổi mới” đang mạnh và các nhà lãnh đạo cộng sản chưa bị hoảng sợ bởi sự sụp đổ của Liên Xô, Đông Âu.
Tôi về cơ quan miền Nam báo Lao Động đúng lúc phóng viên Trương Đăng Lân phát hiện chuyện trù dập rất man rợ ở Tổng cục Cao su: Đầu năm 1985, Đoàn Thanh tra Nhà nước đến thanh tra Tổng cục Cao su, phát hiện nhiều “phi vụ” mua bán, ăn chia bất hợp pháp mà đầu mối quan trọng là Công ty Phục vụ Đời sống do Tổng cục trưởng trực tiếp chỉ đạo. Đoàn thanh tra dành nhiều thời gian làm việc riêng với Ngô Văn Định phó giám đốc Công ty này. Ông Đỗ Văn Nguyện, Ủy viên Trung Ương Đảng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su được mật báo là Ngô Văn Định đã bị Đoàn Thanh tra khuất phục, đã cung khai nhiều việc làm sai trái mà người chịu trách nhiệm cuối cùng chính là ông. Đỗ Văn Nguyện nghĩ cách vô hiệu hóa bản kết luận của Đoàn Thanh tra dựa vào lời khai của Ngô Văn Định. Ông ta cho rằng cách tốt nhất là phải biến Ngô Văn Định thành bệnh nhân tâm thần! Vậy là một kế hoạch cưỡng bức Định được tổ chức tỉ mỉ: Trước hết, Trưởng ban Y tế Tổng cục Cao su, bác sĩ Đoàn Huỳnh làm tờ trình chi tiết gửi lên Tổng cục trưởng, kể ra rất nhiều hiện tượng điên khùng của Ngô Văn Định và cho rằng “một người có bệnh tâm thần mà buộc phải đảm trách công việc kinh doanh, suốt ngày tính toán lo toan thì chẳng những sẽ làm hư hỏng công việc, có nguy cơ vi phạm pháp luật mà còn có hại cho sức khỏe của anh ta”. Ban Y tế kiến nghị: “Do người bệnh tâm thần không bao giờ nhận mình có bệnh, cho nên cần phải tổ chức cưỡng bách anh ta đi chữa bệnh”. Căn cứ đề nghị của Trưởng ban Y tế, ngày 18-5-1985, Tổng cục trưởng Đỗ văn Nguyện ký quyết định tổ chức đưa Ngô Văn Định đi Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Để che mắt cán bộ cơ quan Tổng cục, Bộ máy thực hiện việc cưỡng chế này huy động nhiều cán bộ đảng viên trung, cao cấp như, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức, Phó trưởng ban Bảo vệ, Trưởng ban Y tế và nhiều bác sĩ. Ngày 18-5-1985, như mọi ngày, Ngô Văn Định đang làm việc tại văn phòng Phó giám đốc Công ty thì Trưởng ban Y tế Đoàn Huỳnh tới đọc quyết định của Tổng cục trưởng. Thừa lệnh Tổng cục trưởng, ông Huỳnh yêu cầu Ngô văn Định tạm ngưng công việc để đi khám bệnh. Đứng sau Đoàn Huỳnh là Phó ban bảo vệ có mang súng và nhiều vệ sĩ mang theo dây trói. Ngô Văn Định kể: “Họ bảo tôi chích hai mũi thuốc cho khỏe. Chích xong tôi lịm đi, đến 7 tiếng đồng sau mới tỉnh dậy thì thấy mình bị nhốt trong gian phòng có chân song sắt cùng với 4 bệnh nhân tâm thần”.
Các bác sĩ, y tá của bệnh viện Tâm thần Biên Hòa trực tiếp điều trị cho Ngô văn Định rất ngạc nhiên khi được Trưởng ban Y tế, bác sĩ Đoàn Huỳnh nhờ họ ghi tên những ai đến thăm Ngô văn Định. Do đó, anh em rất chú ý quan sát bệnh nhân đặc biệt này. Sau một ngày tiếp xúc, không thấy anh Định có biểu hiện của người bệnh tâm thần, lại nghe anh kể chuyện mình bị cưỡng bức, họ khuyên anh nên giấu số thuốc được cấp, để sau này làm chứng cứ cho cuộc đấu tranh. Nhờ sự giúp đỡ đó, anh Định giấu được một bọc to các thứ thuốc Aminazin, Séduxen.
Do việc cưỡng chế được tổ chức với quy mô và cách thực hiện không bình thường, khiến dư luận trong Tổng cục Cao su đặt ra nhiều nghi vấn: Tại sao Ngô Văn Định mắc bệnh tâm thần nặng mà lâu nay mọi người tiếp xúc với anh, cả những nhân viên dưới quyền anh không ai nhận thấy? Tại sao việc đưa một bệnh nhân đi bệnh viện mà Tổng cục trưởng phải ra quyết định? Tại sao không đưa bệnh nhân đi đúng tuyến là Bệnh viện Thống Nhất, nơi đây cũng có Khoa Tâm thần? Hằng trăm cán bộ nhân viên làm kiến nghị cá nhân và tập thể yêu cầu Tổng cục trưởng phải ký quyết định đưa Ngô văn Định trở về, nếu không họ sẽ tố giác với Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Trung Ương Đảng, ông Đỗ Văn Nguyện buộc phải ký quyết định cho Ngô Văn Định về làm việc để xoa dịu anh em.
Tôi xem rất kỹ hồ sơ tài liệu, nhưng vẫn băn khoăn: “Chẳng lẽ bao nhiêu người mang danh nghĩa rất khả kính, chỉ vì muốn che giấu sự thật mà nhẫn tâm dùng thủ đoạn cực kỳ tàn bạo đối với đồng chí của mình”? Tôi nói với phóng viên Trương Đăng Lân: “Trước khi quyết định đưa vụ này lên báo, mình muốn được gặp trực tiếp những anh chị có vai trò chủ chốt đứng ra tố cáo. Bởi nhiều năm làm báo đã cho mình bài học kinh nghiệm (hình như cũng đã được các bậc thày đúc kết thành bài giảng cho nghề báo) là: “Không có nguồn tin nào không đáng cho nhà báo phải nghi ngờ. Nên nhớ rằng người cung cấp nguồn tin có thể sử dụng nhà báo cho mục đích của họ, cũng ngang như nhà báo sử dụng họ cung cấp tư liệu cho bài viết của mình. Thông thường, nhà báo tìm nguồn tin ở các đối tượng: Kẻ chống đối, kẻ thua cuộc, nạn nhân, các chuyên gia, cơ quan chức năng. Ở trường hợp này, những người chúng ta định viết bài chỉ trích, phê phán đang là những cán bộ cách mạng cao cấp, “mũ cao, áo dài”. Do đó mình nghĩ rằng, chúng ta phải có những người “đạo cao, đức trọng” dám đứng ra đương đầu với cường quyền, cung cấp và bảo trợ nguồn tin”.
Hôm sau, Trương Đăng Lân đưa Ngô Văn Định và 5 cán bộ Tổng cục Cao su đến cơ quan miền Nam báo Lao Động. Trong số đó, tôi đặc biệt chú ý hai người thuộc lớp cán bộ cách mạng đàn anh là ông Nguyễn Gia Đằng, cán bộ tiền khởi nghĩa, hiện là Phó trưởng ban Thi đua của Tổng cục Cao su mà trưởng ban là Tổng cục trưởng (sau này, ông Nguyễn Gia Đằng sang Campuchia làm cố vấn an ninh cho các ông Heng Sam ring, Chia xim). Người thứ hai là ông Vũ Lăng, nguyên Tổng biên tập báo Hải Phòng Kiến thiết (nơi có cô nữ phóng viên Nguyễn Thụy Nga, tức Bảy Vân vợ hai của Tổng bí thư Lê Duẩn) đang làm Trưởng ban Thanh tra của Tổng cục Cao su. Cả hai ông có phong thái đỉnh đạc, khoan hòa, trình bày và phân tích sự việc rành mạch, khách quan. Hai người này đã cho tôi niềm tin rằng, họ chỉ vì sự thật và lẽ phải mà đứng ra. Bây giờ là cách đưa lên báo bài đầu tiên thế nào cho có sức thuyết phục cao, gây tiếng vang lớn. Chúng tôi cho rằng, nên dùng nguyên văn lá thư của chính Ngô Văn Định đứng ra tố giác việc mình bị cưỡng bức hơn là bài viết của phóng viên.
Ngày 7 tháng 8 năm 1986, báo Lao Động số 32 đăng lá thư tố giác của Ngô văn Định. Bài báo chẳng những chấn động trong ngành cao su mà còn gây xúc động nhân dân cả nước. Đây là lần đầu tiên, báo chí tố cáo một Ủy viên Trung Ương Đảng bịt miệng người chống tiêu cực một cách thô bạo và có tổ chức. Tổng cục trưởng Đỗ Văn Nguyện phản ứng quyết liệt, ra lệnh toàn ngành cao su phải thu hồi tờ báo Lao Động Số 32, không để cán bộ công nhân đọc. Ông đích thân gọi điện cho Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN Phạm Thế Duyệt (cơ quan chủ quản của báo Lao Động): “Báo Lao Động đã đăng bài của một kẻ đang mắc bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Anh ta đang là con rối trong tay những kẻ bất mãn. Bài báo này có tác động rất xấu, gây mất ổn định trong toàn ngành cao su, phá hoại sản xuất và đời sống của hàng vạn cán bộ công nhân cao su. Quan trọng hơn là nó xúc phạm một Ủy viên Trung Ương Đảng, cũng tức là bôi nhọ Đảng. Tôi đề nghị đồng chí Chủ tịch ra lệnh cho báo Lao Động ngưng ngay việc đưa tin sai trái về vụ này, đồng thời mau chóng có bài viết đính chính theo quan điểm của Đảng đoàn Tổng cục Cao su.” Chủ tịch Phạm Thế Duyệt hứa sẽ nghiêm túc xem xét vấn đề này. Sau đó, ông nghe Tổng biên tập Xuân Cang báo cáo tình trạng tiêu cực của ngành cao su và nguyên nhân vụ cưỡng chế Ngô Văn Định. Tuy đã nghe tổng biên tập Xuân Cang báo cáo, nhưng Chủ tịch Phạm Thế Duyệt vẫn trực tiếp gọi điện cho tôi, hỏi: “Anh Công có tin chắc bài này viết đúng sự thật không”? Tôi đáp: “Tôi tin chắc và xin chịu trách nhiệm”. Ông nói: “Chắc anh cũng đã lường trước là lần này các anh phải đương đầu với một thế lực rất mạnh, cho nên phải hết sức thận trọng, kiểm tra kỹ từng chi tiết trước khi đưa lên báo”. Cuối cùng ông hỏi: “Anh Công còn có điều gì lo ngại không”? Tôi đáp thực lòng: “Chúng tôi đã nhận thấy mình đang phải đương đầu với một đối tượng khổng lồ, những nguồn tin thu được cũng khổng lồ và đầy mâu thuẫn. Chúng tôi không chỉ làm một bài điều tra mà phải lập một kế hoạch rất chi tiết cho một loạt bài điều tra, chuyện nào trước, chuyện nào sau, phân công anh em chia nhau mà làm. Đồng thời chúng tôi còn lường trước các trở ngại, các bước ngoặt bất ngờ có thể xảy ra. Thú thực, trước khi bắt đầu vụ này, chúng tôi lo nhất là Tổng biên tập rụt rè trước một đối tượng đầy quyền lực và lo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động không ủng hộ. Còn bây giờ chúng tôi đã yên tâm”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 25 Aug 2018

Những số báo sau đó, chúng tôi đưa liên tiếp ý kiến cán bộ, công nhân ngành cao sư hưởng ứng thư tố cáo của Ngô văn Định và cung cấp tài liệu phanh phui nhiều tiêu cực ở các Công ty Cao su nơi họ đang làm việc. Phó ban Thi đua Tổng cục Cao su Nguyễn Gia Đằng gửi đăng báo một lá thư “nặng ký”: Xác nhận tố cáo của Ngô Văn Định và các cán bộ công nhân toàn ngành là đúng sự thật: “Tất cả những bê bối tiêu cực của các vị trong ban lãnh đạo Tổng cục Cao su mà báo Lao Động đã nêu ra là có thật. Tôi xin đề nghị các cơ quan cấp trên của Đảng và nhà nước chỉ đạo các ban ngành chức năng vào cuộc, làm rõ đúng, sai để giúp cho những người đấu tranh chống tiêu cực ở ngành cao su không bị trù dập”.
Tổng cục trưởng Tổng cục cao su ra lệnh cho báo Cao su ngày 15-9-1986 phải đăng 2 văn bản “để cho cán bộ, công nhân toàn ngành cao su được biết sự thật về việc vì sao Tổng cục trưởng phải quyết định đưa Ngô Văn Định đi Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa”:
Một là, công văn số 2474 - ĐTR ngày 2-5-1986 của tiến sĩ Phạm Song, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Giám định Y khoa Trung Ương xác nhận: Hội đồng giám định Y khoa do ông làm chủ tịch gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ hàng đầu khoa tâm thần của cả nước đã giám định rất kỹ và nhất trí kết luận Ngô Văn Định bị bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Văn bản này còn ghi thêm một câu “Do bị bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, ông Ngô Văn Định không phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình trước pháp luật”. Câu này có tác dụng “chiêu hồi” Ngô Văn Định, lúc bây giờ là Phó giám đốc Công ty Phục vụ Đời sống, một trung tâm thực hiện những chủ trương mua bán, chia chác gian dối, nếu bị phanh phui thì anh phải liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Văn bản thứ 2 là công văn số 859 - BV.TT ngày 16-6-1986 của bác sĩ Nguyễn Quốc Hà giám đốc Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, có nội dung giống như công văn số 2474 - ĐTR của Thứ trưởng Bộ y tế tiến sĩ Phạm Song.
Chúng tôi nhận ra 2 điều không minh bạch của 2 văn bản nói trên: Một là, Tổng cục trưởng Đỗ văn Nguyện yêu cầu Hội đồng Giám định Y khoa Trung Ương giám định sau khi Ngô Văn Định đã xuất viện hơn 6 tháng, đang làm việc bình thường. Sự thật là biên bản của Hội đồng giám định Y khoa Trung Ương không đạt được sự “nhất trí kết luận” như ông Thứ trưởng tiến sĩ Phạm Song nói. Một thành viên rất quan trọng là giáo sư Trần Đình Xiêm, giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP. HCM (nhà thương Điên Chợ Quán cũ), không đồng ý ký tên. Giáo sư Trần Đình Xiêm chủ biên một công trình nghiên cứu Tâm thần học dài hơn 400 trang. Ông đã chủ trì một Ban giám định gồm nhiều giáo sư tâm thần hàng đầu ở phía Nam để giám định tâm thần Ngô văn Định, kết luận anh này không có bệnh. Ông là một bác sĩ trong Hội đồng giám định y khoa của Phạm Song có điều kiện biết rõ người và việc ở ngành cao su hơn cả. Chúng tôi còn có trong tay giấy xuất viện của Ngô Văn Định do Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa cấp trước cuộc giám định của Phạm Song 6 tháng ghi rằng: “Không thấy có hiện tượng của bệnh tâm thần”. Có lẽ lúc ấy Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa không dám liều lĩnh ghi Ngô Văn Định có bệnh, còn nay họ đã có chỗ dựa là biên bản của Hội đồng Giám định y khoa Trung Ương do tiến sĩ Thứ trưởng Phạm Song làm chủ tịch!
Ngày 26-9-1986 báo Lao Động đăng bức thư của Ngô Văn Định “Kính gửi Thứ trưởng Phạm Song”, có đoạn viết:
“Là người có phần trách nhiệm về các vụ tiêu cực, nếu muốn cứ tiếp tục lao vào bóng tối, chắc tôi phải cám ơn Thứ trưởng vì đã có văn bản cho tôi được miễn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng tôi không nhận sự “nhân đạo” giả dối ấy, tôi quyết rời khỏi bóng tối, tố cáo tiêu cực, đem lại sự trong sạch lành mạnh cho ngành cao su”.
Tôi trực tiếp đến Bệnh viện Tâm thần TP HCM xin gặp giáo sư Trần Đình Xiêm. Ông tiếp tôi rất lịch sự, nhưng xin được từ chối trả lời câu hỏi vì sao ông không ký tên vào biên bản của Hội đồng giám định Y khoa Trung Ương do tiến sĩ Thứ trưởng Phạm Song làm chủ tịch. Ông nói “Xin nhà báo thông cảm vì lý do rất tế nhị trong ngành, tôi không thể trả lời. Bởi vì tôi không ký tên, nhưng nhiều đồng nghiệp của tôi đã ký”. Biết khó thuyết phục ông lúc này, trước khi chào từ biệt, tôi chỉ nói: “Việc giáo sư từ chối ký tên vào biên bản giám định do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Song làm chủ tịch là rất trung thực và dũng cảm. Tôi rất cảm phục. Tuy nhiên nếu chỉ bấy nhiêu thôi thì vẫn không thể đẩy lùi cái ác. Biên bản đó đã giúp cho cái ác lộng hành. Tôi mong giáo sư suy nghĩ thêm vì số phận của nhiều người thấp cổ bé họng đang bi đày ải”. Ông im lặng tiễn tôi ra cửa. Hai hôm sau, bác sĩ trợ lý của ông đến trụ sở miền Nam báo Lao Động tìm tôi, cho biết: “Sau khi từ chối trả lời nhà báo, thầy Trần Đình Xiêm của chúng tôi bứt rứt không ăn không ngủ được. Thầy cử tôi lên mời nhà báo trở lại bệnh viện để thầy trả lời câu hỏi mà thầy thấy mình phải có trách nhiệm”.
Giáo sư Trần Đình Xiêm mời nhiều giáo sư, bác sĩ tâm thân đã cùng ông tổ chức giám định tâm thần cho Ngô Văn Định tiếp tôi. Ông cho biết: Sau khi từ chối ký tên vào biên bản của Hội đồng giám định y khoa do Thứ trưởng Phạm Song làm chủ tịch, ông đã cùng các giáo sư có mặt hôm nay tổ chức một cuộc giám định suốt 2 buổi đối với Ngô Văn Định. Trong cuộc giám định y khoa này, các giáo sư đã dùng các hiện tượng mà Hội đồng giám định Y khoa Trung Ương dùng làm căn cứ để kết luận Ngô Văn Định mắc bệnh tâm thần phân liệt. Ông mời nhiều thành viên Hội đồng cùng tiếp tôi và tặng báo Lao Động 2 băng cát xét ghi âm cuộc giám định ấy. Ngoài ra, ông còn cử phó giám đốc bệnh viện đến Ban Tổ chức Thành Ủy TP HCM xin Bản báo cáo dài 16 trang giấy A4 của chuyên viên Nguyễn Văn Đích được ban này cử đi điều tra việc cưỡng bức Ngô văn Định. Bản báo cáo tường thuật chi tiết, phân tích rành mạch nguyên nhân và hậu quả của việc này. Bản báo cáo đặt ra nghi vấn: Vì sao sau khi Ngô Văn Định đã có giấy xuất viện ghi là “không thấy có hiện tượng của bệnh tâm thần” và anh đã làm việc bình thường 6 tháng, mà sau đó Tổng cục Cao su lại tổ chức để Hội đồng giám định Y khoa Trung Ương giám định bệnh tâm thần? Chuyên viên Nguyễn Văn Đích nhận xét “Nhiều kết luận của Hội đồng giám định y khoa Trung Ương có tính áp đặt, không khách quan.” Các giáo sư đều cho rằng bản báo cáo của chuyên viên Nguyễn Văn Đích có giá trị khoa học rất cao.
Trên cơ sở các tài liệu đã có, tôi viết một bài báo bác bỏ biên bản kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa Trung Ương. Biên bản này đã giúp cho lãnh đạo ngành cao su che giấu bộ mặt gian trá và bào chữa hành động tàn bạo của họ. Rất tiếc, Tổng biên tập Xuân Cang không đồng ý đăng bài này. Ông cho rằng: Cuộc chiến với lãnh đạo Tổng cục Cao su đang hồi quyết liệt, không nên mở thêm một trận chiến khác, đối đầu với một lực lượng gồm nhiều giáo sư tiến sĩ khoa học hàng đầu của cả nước(!) Tuy vậy, ông đồng ý cho chúng tôi tiếp tục điều tra tình trạng tiêu cực tham nhũng ở toàn ngành cao su. Sự nhân nhượng của ông Xuân Cang đã đưa Phạm Song sau đó vào Ban chấp hành Trung Ương Đảng cộng sản khóa 7, thăng lên ghế Bộ trưởng Bộ y tế, được phong Thày thuốc Nhân dân, leo lên Viện sĩ Viện Hàn lâm Liên bang Nga, đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Chỗ yếu chí mạng của Phạm Song và Hội đồng giám định Y khoa của ông ta là sự giả dối: Ngô Văn Định, người mà họ kết luận điên khùng đang minh mẫn kết tội họ! Kết luận của Hội đồng giám định Y khoa do giáo sư Trần Đình Xiêm chủ trì có đủ căn cứ khoa học bác bỏ họ. Tiếc thay, trong chế độ toàn trị không có chỗ để làm điều đó.
Báo Lao Động số 39, đăng bài viết của tôi, tựa đề “Không thể để công nhân cao su sống như thế” dẫn chứng tình trạng: Các tiêu chuẩn gạo, thịt, dầu thắp sáng, thuốc chữa bệnh của công nhân đều bị cắt xén. Hầu hết cán bộ công nhân ngành cao su đang phải sống trong nhà tranh dột nát. Ban y tế Tổng cục Cao su nhiều năm bán thuốc cấp theo tiêu chuẩn của công nhân để lập quỹ đen. Bài báo kết luận: Chính các tổ chức được gọi là “phục vụ đời sống” của Tổng cục Cao su mới thực sự mắc bệnh tâm thần phân liệt!
Tiếp theo báo đăng bài “Cây cao su kêu cứu” của Minh Phương. Bài báo nêu những hành vi tiêu cực đang làm cho cây cao su ngày càng ốm yếu: Nạn buôn bán phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức chăm sóc vườn cây không đúng quy trình kỹ thuật. Tuần kế tiếp báo đăng bài “Sự lộng hành của một giám đốc”, nói về “ông trời con” ở Công ty Cao su Chư Pah.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 25 Aug 2018

Sau mấy bài báo này, tôi được điện thoại của ông Trần Bạch Đằng mời tới nhà riêng để “bàn chuyện cao su”. Tôi đề nghị, sẽ đến cùng với một phóng viên chuyên trách theo dõi ngành cao su. Ông không đồng ý: “Cậu nên đến một mình thôi, chúng mình nói chuyện cho thoải mái”. Khi tôi tới, ông đã đứng đợi sẵn trước cổng sau nhà ở đầu đường Phan Kế Bính, trong tay có cầm mấy tờ báo Lao Động. Ông đưa tôi vào phòng khách, bắt đầu câu chuyện: “Anh Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt) mới hỏi mình có nắm được vụ Tư Nguyện trên báo Lao Động không. Mình bảo, theo tôi biết, thì vụ này do Tống Văn Công chủ trì. Mình hứa sẽ gọi hỏi cậu cho rõ. Ngày hôm qua, Tư Nguyện tới nhà mình cầu cứu. Chắc cậu chưa biết, Tư Nguyện thời chống Mỹ là chỉ huy đội bảo vệ cơ quan Trung Ương Cục miền Nam. Như vậy có thể coi anh ta là cấp dưới của mình. Tư Nguyện tha thiết yêu cầu mình viết bài phản bác loạt bài của báo Lao Động. Mình đã được Tư Nguyện cung cấp nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có biên bản kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa Trung Ương. Chắc cậu cũng thấy, nếu như tớ “xuất chiêu” thì có thể cán cân sẽ chao đảo, gây bất lợi cho các cậu”.
Tôi quen biết ông Trần Bạch Đằng từ năm 1952, khi ông là chủ bút báo Nhân Dân miền Nam còn tôi là cộng tác viên tích cực của báo này. Về mối quan hệ với tôi, ông Trần Bạch Đằng có kể trong hồi ký “Nhớ một thời làm báo Nhân Dân” (Nhà XBCTQG, 1996, trang 61). Do đó, tôi thẳng thắn nói với ông: “Nếu anh viết bài thì chỉ có hại cho uy tín của anh thôi, chứ cán cân không thể chao đảo. Bởi vì trong tay tôi đang có:
1- Giấy xuất viện của Ngô Văn Định do Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa cấp tháng 11 năm 1985, tức là sau 6 tháng nhốt Ngô văn Định trong phòng bệnh có chấn song sắt để theo dõi. Giấy này ghi: “Không thấy bất cứ hiện tượng nào của bệnh tâm thần”.
Lúc này, chưa có Bản kết luận của Hội đồng giám định Y khoa Trung Ương, cho nên ông giám đốc Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa chưa dám liều lĩnh ghi Ngô Văn Định có bệnh.
2- Chúng tôi có một băng ghi âm do ông Vũ Lăng, Trưởng ban Thanh tra của Tổng cục Cao su ghi lại cuộc hỏi đáp giữa ông với Ngô văn Định qua song sắt của gian phòng nhốt bệnh nhân tâm thần. Ngô văn Định đã trả lời rất rành mạch các câu hỏi của ông Vũ Lăng. Xen vào băng ghi âm này còn có tiếng của phát thanh viên “đài phát thanh Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa”.
3- Một băng ghi âm ý kiến nhận xét của các bác sĩ và y tá trực tiếp điều trị cho Ngô Văn Định, tất cả đều cho rằng, theo kinh nghiệm nhiều năm điều trị bệnh nhân tâm thần, họ đoan chắc rằng, Ngô văn Định bị trù dập chứ không hề có bệnh tâm thần.
4- Hằng trăm thư, kiến nghị của đảng viên, cán bộ, công nhân Tổng cục Cao su cung cấp nhiều chứng cứ tiêu cực, tham nhũng rất lớn ở các đồn điền cao su.
5- Bản báo cáo dài 16 trang của chuyên viên Nguyễn Văn Đích thực hiện theo chỉ thị của Ban Thường vụ Thành Ủy TP HCM.
6- Hai băng ghi âm cuộc giám định y khoa đối với Ngô Văn Định do giáo sư Trần Đình Xiêm chủ trì.
Ông Trần Bạch Đằng công nhận những tài liệu tôi đang có là những chứng cứ khó bác bỏ. Tôi đề nghị ông dùng uy tín của mình khuyên ông Đỗ Văn Nguyện nên tiếp thụ phê bình và có kế hoạch xây dựng lại ngành cao su trong sạch, vững mạnh.
Ngày 1-10-1986, ông Đỗ Văn Nguyện gửi thư cho báo Lao Động, tuy không tiếp thụ phê bình, nhưng hứa sẽ làm rõ vụ việc và “sớm thông báo với báo Lao Động khi kết thúc nội vụ”.
Chúng tôi họp bàn về lá thư xin “hưu chiến” của ông và nhất trí cho rằng: Chúng ta phải độc lập tìm hiểu, điều tra để phanh phui ra sự thật đang bị che giấu và chịu trách nhiệm xã hội, chứ không thể ngồi chờ cơ quan thanh tra kết luận. Huống hồ ở đây những người đang nắm quyền lực, có nhiều hành động trấn áp cấp dưới, sau bài báo đầu tiên đã phản ứng kiểu bề trên, thì chớ tin họ!
Ngày 20-10-1986 Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su gửi giấy mời các báo Trung Ương và TP HCM “lên Công ty Cao su Dầu Tiếng đón mừng dòng nhựa đầu tiên của Vườn cây Cao su hợp tác với Liên Xô, nhân dịp chào mừng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga vĩ đại”.
Sau đây, xin trích bài viết có tựa đề “Mượn gió bẻ măng” của nhà báo Văn Thính tường thuật cuộc họp báo của Tổng cục Cao su tại Công ty Cao su Dầu Tiếng:
“Tổng cục trường Tổng cục cao su chủ trì cuộc họp báo. Phía Tổng cục Cao su có mặt hầu hết các Tổng cục phó, Trưởng ban, Vụ trưởng, giám đốc các Công ty. Và đáng để ý là có cả các giám đốc Công ty cao su Chư Pah, giám đốc Công ty Cao su Tân Biên, là những người đã bị báo Lao Động và một số tờ báo khác nêu tên trong các bài viết về những vụ tiêu cực lớn ở Tổng cục Cao su.
Phó ban Thỉ đua - Tuyên truyền Tổng cục Cao su, người mà giới báo chí cho rằng có vai trò tham mưu cho Tổng cục Cao su về tiếp xúc báo chí, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tư liệu, giới thiệu khách và chủ, nêu mục đích yêu cầu cuộc họp báo và mời Tổng cục trưởng phát biểu mở đầu. Nội dung các bài báo Lao Động viết về Tổng cục Cao su được đặt ra như là nội dung chính mà cuộc họp báo có yêu cầu làm cho sáng tỏ, bởi vì báo Lao Động đã nói quá đáng, đăng sai sự thật”.
Đến đây, phóng viên Hữu Tính báo Lao Động đã đứng lên: “Tôi xin lưu ý các đồng chí về nội dung cuộc họp báo đã được ghi rõ trong giấy mời”. Hữu Tính đề nghị, các đồng nghiệp muốn tìm hiểu sự thật trong các bài báo Lao Động viết về những vụ tiêu cực ở Tổng cục Cao su thì xin đến Tòa báo Lao Động. Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Cao su tìm gặp Ban Biên tập báo Lao Động để bàn bạc cách tiếp thu những bài báo ấy.
Phía Tổng cục Cao su có phần lúng túng khi Tổng cục trưởng buộc phải công nhận đề nghị của phóng viên Hữu Tính là hợp lý. Nhưng các Trưởng ban, Vụ trưởng vẫn tiếp tục lên diễn đàn với tài liệu viết sẵn và những bản thống kê của họ. Vụ trưởng Vụ Tài vụ Đoàn Minh Sĩ lên diễn đàn với chiếc cặp dày cộp, mở đầu bằng câu: “Trong bài “Cây cao su kêu cứu” của báo Lao Động…”
Tôi chán ngán nhìn quanh thấy các bạn đồng nghiệp Nô-vôt-xki, Tass và các chuyên gia Liên Xô chừng như đang sốt ruột. Bỗng cả hội trường như giật phắt dậy bởi hành động bất ngờ của Hữu Tính. Anh đứng tại chỗ nơi hai phóng viên báo Lao Động ngồi dối diện với đoàn chủ tọa và Tổng cục trưởng) dõng dạc nói: “Tôi đề nghị đồng chí Tổng cục trưởng chỉ thị cho anh Đoàn Minh Sĩ rời diễn đàn vì anh này tiếp tục nói không đúng yêu cầu cuộc họp báo. Hãy trả diễn đàn này cho các nhà báo nêu những yêu cầu của mình”.
Mọi cặp mắt đổ dồn vào Đoàn Minh Sĩ đang đứng như “trời trồng” chờ đợi cách xử sự của Tổng cục trưởng. Tổng cục trưởng liếc nhìn vị “tham mưu” của mình rất nhanh và cũng rất nhanh hiểu rằng cần phải tự xử lý, nên đã ra lệnh: “Thôi, đi xuống!”

Qua vụ này chúng tôi càng thấy rõ sự ngoan cố tới cùng của những người tay trót nhúng chàm. Chỉ có thể buộc họ cúi đầu khi chúng ta đưa ra những bài báo đầy ắp chứng cứ khiến họ hết đường chối cãi. Lúc này báo Lao Động đã đăng hơn 30 tin và bài quan trọng. Chúng tôi đề ra hai việc cần làm tiếp:
Vận động các báo cùng vào cuộc, trước hết là báo Cao su Việt Nam của Tổng cục Cao su. Tôi đề nghị hai ông Nguyễn Gia Đằng và Vũ Lăng bàn bạc với anh Năm Xuân Tổng biên tập báo Cao su khéo léo đưa mục chống tiêu cực lên tờ báo của ngành. Năm Xuân đồng ý gặp tôi bàn cách cùng phối hợp công tác điều tra một số trọng điểm đã phát hiện có dấu hiệu tiêu cực. Chúng tôi gặp hai anh Bửu và Kim Tinh Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập báo Ấp Bắc của tỉnh Tiền Giang là tờ báo địa phương mạnh lúc bấy giờ, có số phát hành khá lớn ở Sài Gòn, phối hợp xuất bản tập sách Cây cao su kêu cứu gồm những bài trên báo Lao Động. Chúng tôi giúp báo Ấp Bắc việc biên tập, in ấn và phát hành ở TP HCM. Sách in 20,000 bản bán hết trong vài ngày.
Ngày 10-10-1986 Ban bí thư Trung Ương ra chỉ thị thành lập Đoàn thanh tra đến Công ty Cao su Chư Pah, nơi báo Lao Động đã có bài “Sự ngang ngược lộng hành của một giám đốc”.
Tổng biên tập báo Cao su Việt Nam hẹn làm việc với các Công ty cao su Tân Biên do Nguyễn Chí Đức (đang được Tổng cục trưởng đề nghị phong danh hiệu anh hùng lao động) làm giám đốc.
Mặc dù anh Năm Xuân đã điện trước một tuần hẹn lịch làm việc, nhưng khi chúng tôi đến, chánh văn phòng Công ty cho biết: “Giám đốc chúng tôi cáo lỗi không thể tiếp và làm việc với các anh được. Chiều hôm qua, giám đốc chúng tôi mới nhận được lệnh triệu tập của Tổng cục trưởng. Vì thói ngạo mạn, hoặc có thể vì ngại phải trả lời những câu hỏi khó mà Nguyễn Chí Đức đã tìm cách lẫn tránh. Nhưng chúng tôi không bỏ đi mà tiếp tục thâm nhập xuống các đội, các tổ, các gia đình cán bộ công nhân. Nhờ đó chúng tôi thu thập được rất nhiều điều: Trước khi về đây, Nguyễn Chí Đức là quyền giám đốc Công ty cao su Đắc Min. Anh ta tham nhũng, ăn chơi trác táng, hiếp đáp công nhân, trù giập người tố cáo. Cơ quan chức năng Đắc Min thu thập hồ sơ đề nghị bắt giam. Trước khi xử lý hình sự, huyện Ủy Đắc Min ra quyết định xóa tên Nguyễn Chí Đức trong danh sách đảng viên. Nhưng Tổng cục trưởng Đỗ Văn Nguyện lập tức bảo vệ cánh hẩu, ra quyết định thuyên chuyển Nguyễn Chí Đức về Công ty Cao su Tân Biên làm giám đốc và chỉ sau đó 8 ngày, đảng Ủy Công ty này tổ chức kết nạp Nguyễn Chí Đức vào Đảng. Cảm thấy có thể đạp lên lên pháp luật quá dễ dàng khiến cho Nguyễn Chí Đức “coi trời bằng vung”. Vừa nhận chức giám đốc Công ty Cao su Tân Biên, anh ta cấu kết với phó giám đốc Nguyễn Bình Thuận và giám đốc Xí nghiệp phục vụ đời sống Cao Hoàng Đức bày mưu kế tham ô tài sản, hiếp đáp công nhân và ton hót cấp trên. Đúng lúc chuẩn bị đón nhận danh hiệu anh hùng lao động thì Nguyễn Chí Đức bị một đòn “trời giáng”: Báo lao Động đăng bài tường thuật cuộc giải cứu của Tổng cục Cao su giúp một tên phạm pháp ở Đắc Min về Tân Biên, trở thành giám đốc giỏi và ứng viên danh hiệu anh hùng lao động đã diễn ra như thế nào? Lập tức, tỉnh Tây Ninh tổ chức điều tra các hành vi phạm pháp của Nguyễn Chí Đức từ lúc về đây. Chỉ mất vài tháng, Viện Kiểm sát Tây Ninh đã có đủ cơ sở để ra quyết định khởi tố bắt giam cả 3 tên.
Cuộc thanh tra ở Công ty cao su Chư Pah đưa tới quyết định bắt giam tên Hộ, một “giám đốc ngang ngược lộng hành”. Cuộc thanh tra của tỉnh Đắc Lắc lần theo những phát hiện của các bài báo về Công ty Cao su Đắc Min đã khởi tố bắt giam Hồ Doãn Đại kế toán trưởng và Phan Thanh Sơn trưởng phòng kiến thiết cơ bản. Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bắt giam 4 cán bộ lãnh đạo của Công ty phục vụ đời sống của Tổng cục Cao su. Đến đây, đã có đủ tài liệu để tôi chấp bút bài báo phân tích nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm tan nát ngành cao su, gây khó khăn điêu đứng cho cuộc sống hàng vạn con người: Sự thoái hóa biến chất của cả hệ thống tổ chức Đảng do Ủy viên Trung Ương Đảng Đỗ Văn Nguyện đứng đầu, đưa tới tình trạng bè phái, trù giập người ngay, bao che kẻ xấu, cất nhắc bọn khéo nịnh nọt! Cảnh báo của chúng tôi vẫn không được những người lãnh đạo của Đảng lắng nghe, để xây dựng nền tư pháp độc lập, do đó tệ nạn tham nhũng ở những năm sau đã sinh sôi ghê gớm hơn nhiều! (Qua bài viết này đã chứng tỏ rằng phóng viên báo chí và những người thi hành luật pháp (tòa án) rất khó có khả năng làm đúng vai trò của mình nếu không mang được tính độc lập, tính bất khả xâm phạm để thực thi nhiệm vụ cao cả của mình là toàn tâm phục vụ nhân dân sẵn sàng đập tan mọi hành vi, mọi thế lực tiêu cực làm thiệt hại đến quyền lợi của đất nước, không ai được quyền chụp mủ, bắt bớ công dân nếu không thông qua thủ tục pháp lý bởi lẽ nó thể hiện cho sự công bình và nó là điều kiện ắt có và đủ để mang lại lòng tin cho người dân)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 25 Aug 2018

Vụ Phong Thánh 117 Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam.

Ngày 22-6-1987 Giáo Hoàng Gioan - Phao lô II chủ trì cuộc họp tại Roma (Italia) quyết định phong Hiển thánh cho 117 Á thánh chết vì đạo ở Việt Nam từ 1625 đến 1861 và ấn định năm sau, ngày 19-6-1988 sẽ tổ chức lễ phong thánh tại Roma.
Ngày 12-10-1987 Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam gửi công văn cho Ủy ban Nhân dân và Ban Tôn giáo các tỉnh, thành, đặc khu cả nước, nhận định:
“Quyết định của Vatican là một việc làm có dụng ý chính trị xấu và xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, kích động tâm lý cuồng tín “tử vì đạo” trong một bộ phận giáo dân và giáo sĩ Việt Nam; gây chia rẽ giáo, lương; làm tổn hại đoàn kết dân tộc của nhân dân ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Đảng và Nhà nước ta đang ra sức thực hiện đúng đắn chính sách tôn giáo, tăng cường đoàn kết toàn dân vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
“Trước tình hình đó, ngày 18-9-1987, thừa lệnh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ban Tôn giáo của Chính phủ đã triệu tập các giám mục trong Ủy ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam để vạch rõ tính nghiêm trọng của sự kiện nói trên, nghiêm khắc phê phán việc làm sai trái này của một số giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, của Vatican và bàn biện pháp xử lý tình hình phức tạp có lý có tình”.
Sau đó nhiều cuộc hội thảo được tổ chức khắp cả nước, nhiều cây bút sắc bén nhất của chế độ như Trần Bạch Đằng, Nguyễn Khắc Viện… viết bài theo quan điểm nói trên.
Bài viết của ông Nguyễn Khắc Viện có tựa đề “Chết vì đạo, chết cho ai”? Mở đầu ông cho rằng “Tôi vẫn cảnh giác cao độ với những mưu đồ xuất phát từ phương Tây mong lợi dụng đạo Ki tô để phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nước ta.” Ông cho rằng không thể biết chính xác tất cả những người được nêu tên đã chết trong hoàn cảnh nào, họa chăng tư liệu còn lại cho biết rõ trường hợp một vài người. Ông nhấn mạnh hai sự kiện:
- Một là chuyện giám mục Adran đưa Hoàng tử Cảnh bái yết vua Pháp Louis 16 năm 1787, với kế hoạch tấn công Đà Nẵng.
- Hai là chuyện người Công Giáo đã giúp Pháp tiêu diệt phong trào Văn Thân (Văn Thân có khẩu hiệu “bình Tây sát tả”, có nghĩa là dẹp tây, diệt đạo). Nguyễn Khắc Viện nhận định Lễ Phong Thánh sẽ gây ra: “Rồi nhiều người trên thế giới đặc biệt trong giáo dân, đâm ra thương hại cho Giáo hội Việt Nam đang sống trong cảnh bị áp bức, rồi một số người Việt Nam ngoại đạo, một số cán bộ sẵn có định kiến lại thốt lên: Đã bảo mà, tin sao được bên đạo, bao giờ họ cũng hướng về phương Tây. Rõ ràng việc phong thánh này là một đòn hiểm đối với khối đoàn kết dân tộc của chúng ta.”
Thật là “thần hồn nát thần tính”, Đảng cộng sản Việt Nam cứ nghĩ là các thế lực thù địch lúc nào cũng đang âm mưu đánh phá mình, phong thánh chắc phải là đòn hiểm(!) Thực ra tất cả 117 vị tử đạo không có người nào bị giết vì dính líu với thực dân Pháp, họ chỉ bị giết vì là “tả đạo”, trái với đạo Nho mà triều đình nhà Nguyễn tôn thờ. Các vị đều có lý lịch rõ ràng về quê quán, chức sắc, ngày bị giết, hình thức bị giết (xử trảm, xử giảo, hay chết trong tù).
Những người công giáo chân chính có nhiều bài viết cho rằng chuyện phong thánh là việc riêng của giáo hội và việc này hoàn toàn đúng đắn bởi mục đích tôn vinh những giáo dân dám từ chối đạp lên thập giá, chịu chết vì đạo Chúa. Các Linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Ngô văn Ân, Thanh Lãng có những bài viết, tham luận bác bỏ những lập luận không đúng sự thật lịch sử. Đặc biệt hai ông Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan đã từng hoạt động chống chiến tranh, chống sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam, đòi trả tự do cho tù chính trị, những người bị giam ở Côn Đảo, do đó họ đã bị chế độ miền Nam cho là thân cộng. Sau 1975, hai ông được nhà nước cộng sản mời tục bản Đối Diện với tên mới là Đứng Dậy, nhưng chẳng bao lâu đã bị đóng cửa. Giờ đây với việc bảo vệ vụ Phong thánh, hai ông bị nhà nước cộng sản cho là phá bỉnh, đã dùng biện pháp “bịt mồm”, rồi một người bị quản chế tại gia, một người được mời rời khỏi xứ đạo, an trí ở Cần Giờ. Bài “Nói chuyện Tử đạo với ông Nguyễn Khắc Viện” của linh mục Nguyễn Ngọc Lan (Bài có gửi cho báo Công Giáo Và Dân Tộc do linh mục Trương Bá Cần làm Tổng biên tập nhưng không được đăng) có đoạn:
“… Ông muốn dạy dỗ chúng tôi, những người công giáo Việt Nam 'nên nghĩ thế nào' về việc phong 117 vị thánh liên hệ trực tiếp và trước tiên đến chúng tôi. Đó là quyền của ông, quyền hiểu theo nghĩa tự do chủ nghĩa (libéralisme) tạm gọi là của thế giới tư bản. Còn nếu “quyền” được hiểu với một chút màu sắc đạo đức nào đó thì thưa ông, tại sao ông không tự đặt cho mình một số câu hỏi tương tự như: Bài của ông là bài thứ mấy viết về vấn đề này? Ông có thể tính bằng đầu ngón tay thì phải…”
Tại sao chỉ có giám mục Bùi Tuần có tiếng nói về vấn đề này trên tờ Công Giáo Và Dân Tộc? Các giám mục Việt Nam khác ở đâu? Các người Công Giáo khác ở đâu? Họ không biết nghĩ thế nào cả sao? Họ không biết viết thành câu cú những điều họ nghĩ sao?
Tại sao mấy trang góp ý của linh mục Chân Tín một người quen thuộc với cả báo chí trong nước và ngoài nước không hề được đăng trên báo Công Giáo Và Dân Tộc, khi mà những trang góp ý ấy đã được đọc lên trong buổi họp của Mặt Trận Tổ Quốc ở quận 3 chiều ngày 18 tháng 1 năm 1988 và đã được giới Công Giáo chú ý đến nhiều? Tại sao ngay cả trong tập “Tài liệu tham khảo” về “Việc phong thánh các Chân phúc tử đạo Việt Nam” do Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo yêu nước Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh in ronéo tháng 2-1988 trong phần II dành cho “một số bài viết liên quan đến việc phong thánh” người ta đăng 9 bài viết ở Việt Nam, trong số đó có bài của ông, hai bài của linh mục Thiện Cẩm ba bài của giám mục Bùi Tuần, nhưng vẫn không có bài của Chân Tín để rộng đường dư luận?
Chúng ta đang sống ở thời nào đây? Thời Staline hay thời Gorbatchev? Thời báo Etudes Vietnamiennes của ông ngày trước hay thời tờ Đoàn Kết của Việt kiều ta bây giờ ở Pháp”?

Nguyễn Ngọc Lan phê bình cái tựa đề “Chết vì đạo, chết cho ai” là “lớn lối”. Ông Lan hỏi, giả sử “học giả nào đó viết mấy chữ 'chết vì nước chết cho ai' trên tấm bia liệt sĩ thì liệu có tờ báo nào vô ý thức, thiếu tự trọng đến mức có thể đăng lên một cái tựa đề như vậy? Còn nội dung bài thì cũn cỡn mà lại lạc đề, bởi vì 117 vị tử đạo không có ai bị giết bởi phong trào Văn Thân cả!”
Linh mục Chân Tín kể: Ông bị ông đại tá Nguyễn văn Tòng giám đốc Sở Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh chất vấn vì sao báo nước ngoài đăng bài tham luận của ông ở Mặt Trận Tổ Quốc? Linh mục Chân Tín đáp: “Lẽ ra đó là điều tôi hỏi ông chứ không phải ông hỏi tôi! Bởi vì sau khi đọc xong, tôi nộp bản tham luận cho các ông”. Ông giám đốc Sở Văn hóa Nguyễn Văn Tòng đe dọa nếu gửi bài viết sai trái chủ trương chính sách của nhà nước ta ra nước ngoài thì có thể bị trừng trị. Chân Tín bảo mình đã bị chế độ Sài Gòn đe dọa như vậy nhiều rồi, nhưng mình đâu có ngán, lúc nào cũng vẫn hành động theo hai câu thơ Nguyễn Trãi:
“Ung dung ta nói điều ta nghĩ,
Cúi ngửa theo người quyết chẳng theo”

Giám đốc Tòng nói, chính quyền Sài Gòn bắt ông là vinh dự cho ông, còn đây là nhà nước cách mạng bắt ông thì đó là ô nhục cho ông. Linh mục Chân Tín đáp: “Tôi thấy không có gì khác nhau cả, đều là quyền lực chống lại con người dám nói thẳng nói thật đó thôi”.
Tháng 5 năm 1990, linh mục Chân Tín bị trục xuất khỏi nội thành, lưu đày ra Cần Giờ. Linh mục Nguyễn Ngọc Lan đã xuất tu và lập gia đình với bà Thanh Vân biên tập viên tờ Tin Quận 5. Ông Lan bị quản chế tại gia, bà Thanh Vân bị buộc thôi việc. Ông Lan qua đời năm 2007. Linh mục Chân Tín mãn hạn lưu đày trở về Dòng Chúa Cứu Thế năm 1993. Năm 2006 ông chủ trương tờ báo chui “Tự do ngôn luận” đòi quyền tự do căn bản cho người dân Việt Nam. Linh mục Chân Tín từ trần ngày 1 tháng 12 năm 2012.
Cái “định kiến” mà ông Viện nêu ra vẫn còn cho tới hôm nay. Nguồn gốc của nó từ đâu? Vì quan điểm “tôn giáo là thuốc phiện của dân nghèo”, hay là vì “Công Giáo là đạo giáo được người Pháp ưu đãi”? Trong quyển sách “Nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam hiện nay” của giáo sư, tiến sĩ Dương Phú Hiệp chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2010 nhận định: “Trong giai đoạn hiện nay, những thế lực chống đối trong và ngoài nước chưa từ bỏ việc lợi dụng tôn giáo để làm mất ổn định chính trị, gây hoang mang chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy cần giải quyết vấn đề tôn giáo dưới góc độ văn hóa và phải xem giáo dục tôn giáo là vấn đề quan trọng.” Thật ra chẳng có thế lực trong ngoài nước nào gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc cả. Xin nêu một chuyện xảy ra ở Nhà thờ Thuận Phát, phường Tân Kiểng, quận 7, nơi tôi cư ngụ nhiều năm. Sau 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền Cách mạng yêu cầu nhà thờ giao 3 phòng họp trong khuôn viên của Nhà thờ. Từ đó, 3 phòng này được dùng để hội họp dân phố. Mấy năm gần đây, Nhà thờ Thuận Phát gửi đơn lên Quận Ủy và Ủy ban Nhân dân quận 7 xin được trả lại 3 phòng họp này để sinh hoạt tôn giáo. Quận Ủy chủ trương không trả lại. Đảng viên lão thành Lê Ngọc Tưởng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quân Ủy Nhà Bè (thời 1975-1980, vùng đất này thuộc quận 7 còn nằm trong Nhà Bè) gửi thư góp ý: Quận Ủy nên đồng ý cho Ủy ban Nhân dân quận 7 trả 3 phòng họp lại cho Nhà thờ Thuận Phát dùng làm nơi sinh hoạt hội họp giáo dân. Ông Tưởng viết: “Giáo dân cũng là công dân, Đảng có trách nhiệm giúp họ có nơi hội họp, học tập. Làm được như vậy giáo dân sẽ gắn bó với chế độ do Đảng lãnh đạo”. Ông Tưởng không được những người kế nhiệm mình cầm quyền sau 40 năm (lúc ông cầm quyền, họ còn là những đứa trẻ, được ông đưa vô nhà trường xã hội chủ nghĩa) trả lời. Họ phái một đại úy công an đến nhà ông Tưởng chất vấn: “Tại sao ông khuyến khích giáo dân ở giáo xứ Thuận Phát vùng dậy đòi phải trả 3 phòng họp”?
Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo, trong báo cáo tổng kết tình hình Tự do Tôn giáo ở Việt Nam năm 2015 nhận xét:
“Cả năm 2015 các cơ quan thuộc chính phủ Việt Nam đã có 50 vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo. Các Giáo hội đều bị Nhà nước khống chế, lũng đoạn và xâm nhập. Các quyền tự do tôn giáo chính yếu đều bị cấm cản:
- Mọi tôn giáo không được độc lập trong việc tổ chức nội bộ. Nhà cầm quyền tìm cách kiểm soát và ảnh hưởng lên việc chiêu sinh, huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm và thuyên chuyển hàng ngũ chức sắc lãnh đạo.
- Mọi tôn giáo không được tự do trong sinh hoạt phụng thờ. Các sinh hoạt này chỉ được thực hiện trong những nơi thừa tự đã được nhà nước công nhận. Các lễ nghi hay lễ hội lớn đều phải xin phép nhà cầm quyền.
- Mọi tôn giáo không được truyền bá giáo lý bên ngoài các cơ sở của mình ra xã hội, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, lên mạng thông tin toàn cầu.
- Mọi tôn giáo không được góp phần giáo dục giới trẻ qua hệ thống giáo dục từ tiểu học đến đại học. Hiện thời các giáo hội chỉ được mở trường mẫu giáo, nhưng vẫn dưới sự kiểm soát đủ mặt của chế độ.
- Mọi tôn giáo không được có tín đồ giữ các chức vụ cao trong bộ máy cai trị (quốc hội và chính quyền), trong hàng ngũ công an, quân đội cũng như trong hệ thống giáo dục.
- Mọi tôn giáo đều bị chính quyền tước đoạt đất đai và cơ sở thừa tự trước đó, nhưng không được trả lại. Hiện nay các giáo hội đều không có sở hữu đất đai và không dễ dàng mở rộng cơ sở.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 25 Aug 2018

Nhân Vụ Học Trò Đánh Thày Giáo.

Báo Tuổi Trẻ ngày 23 tháng 5 năm 1989 có bài viết về vụ thày Hoành bị học trò cũ tìm tới nhà hành hung. Bị đâm một nhát dao, thày nhảy từ lầu 2 xuống, gãy nhiều xương. Thày than thở với nhà báo: “Tôi không muốn thốt lên đây một tiếng kêu than thêm vào những tiếng kêu than đã nhiều lắm rồi. Ở một ngành có thể tiêu biểu cho mọi sự khốn khó nhất: mặc tồi tàn, ăn kham khổ, sống hèn hạ… Tất cả những cái đó đã quá tủi đối với tư cách nhà giáo. Chuyện học trò đánh thày phải chăng là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Người xưa nói sanh nghề tử nghiệp. Nghề của chúng tôi là giáo dục học sinh nên người. Thế nhưng chúng tôi đã giáo dục tồi, tạo ra những học sinh kém, chuyện học sinh đánh thày là trái đắng nhất mà chúng tôi phải chịu. Nhưng còn xã hội, gia đình, luật pháp”?
Mổ xẻ nguyên nhân nào đã khiến cho nhà giáo từ chỗ được xã hội “tôn sư trọng đạo” trở thành “tiêu biểu cho mọi sự khốn khổ nhất: mặc tồi tàn, ăn kham khổ, sống hèn hạ” hẳn là một việc làm không dễ dàng nhưng rất cần thiết. Trước tháng 4 năm 1975, ở miền Nam, nghề giáo vẫn còn là một nghề được trọng vọng không khác bao nhiêu so với nhà giáo trước cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhà giáo có mức lương đủ cho gia đình có mức sống trung lưu, được xã hội tin cậy hơn những người có chức sắc trong chính quyền bởi cuộc sống thanh bạch. Thế mà chỉ 14 năm sau đã ra nông nổi này! Nhớ lại ở miền Bắc sau 1954 nghề giáo cũng có hiện tượng sa sút na ná như vậy, bị xã hội xem thường, nhưng không quá nhanh và quá tệ như bây giờ. Khoảng cuối những năm 60 nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bắt đầu có chính sách ưu đãi để khuyến khích sinh viên vào ngành sư phạm. Đó là khởi đầu có sự sa sút của ngành giáo dục.
Năm 1981, khi được bổ nhiệm làm Phó tổng biên tập báo Lao Động phụ trách miền Nam, tôi ra Hà Nội thăm gia đình ông Tổng biên tập Trần Nhật Dụ. Tại đây tôi được gặp người em rể của ông là hiệu trưởng trường cấp 2 ở Hà Tỉnh vừa nghỉ hưu, được cho đi du lịch “theo chế độ”. Hai ông cùng tuổi, cùng vào nghề giáo trước cách mạng Tháng Tám, ông Dụ là giáo viên tiểu học, còn ông kia giáo viên trung học. Nhìn lại bước đi của hai người đã cho tôi một phát hiện lý thú: Sau cách mạng, ông Dụ tham gia hoạt động công đoàn ở trường tiểu học, sau đó được điều lên làm cán bộ công đoàn huyện, rồi lên tỉnh, lên Trung Ương làm Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam. Từ chức Chủ tịch công đoàn ngành, ông bước lên ghế Chánh văn phòng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Sau khi ông Lê Vân Tổng biên tập báo Lao Động qua đời, ông Dụ được chuyển sang thay thế, tiền lương 150 đồng/tháng. Trong khi đó, người em rể đồng nghiệp của ông chí thú với nghề giáo, không tham gia công tác đoàn thể, đến cuối đời lên đến chức hiệu trưởng, tiền lương 86 đồng/tháng. Chuyện này gợi cho tôi nhiều tò mò.
Từ những năm 50 của thế kỷ 20, người Việt Nam đã bắt đầu được nghe: Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Nhà nước này sắp xếp lại thứ tự của “tứ dân”, từ sĩ, nông, công, thương trở thành: Giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng thông qua Đảng Cộng sản; giai cấp nông dân là quân chủ lực của cách mạng, chia thành cố nông, bần nông, trung nông. Cố nông, bần nông là chỗ dựa tin cậy; Trung nông kém tin cậy hơn, phải chia ra lớp dưới và lớp trên để có phân biệt đối xử. Phú nông vừa lao động vừa bóc lột, phải tước bỏ phần bóc lột của họ. Địa chủ là đối tượng phải tiêu diệt. Tầng lớp trí thức có cái đuôi là tiểu tư sản, được gọi đùa là “tạch tạch xè”, bị xem là có lập trường bấp bênh, dễ dao động, phải luôn luôn được theo dõi, giáo dục. Thương nhân là hạng xấu xa nhất, phải cải tạo để thành người lao động. Theo cách sắp xếp này, thày giáo thuộc tiểu tư sản, “tạch tạch xè”. Nhiều người cho rằng cách sắp xếp này đã đem tay chân thay cho đầu óc của xã hội.
Thời xưa các ông đồ được xã hội kính trọng không kém những bậc phú hộ và những vị có chức sắc trong chính quyền. Đến thời tân học các nhà giáo cũng được quý trọng như thế. Miền Bắc trước năm 1954 và miền Nam trước tháng 4 năm 1975, thày giáo cấp 1 có mức lương đủ nuôi vợ con và thuê người giúp việc. Các chàng trai vừa tốt nghiệp ngành sư phạm đã được các gia đình giàu có đánh tiếng muốn gã con. Thời ấy phải là người học giỏi mới dám thi vào ngành sư phạm, vì ngành này tuyển sinh khắc khe nhất. Miền Bắc sau năm 1954, và miền Nam sau năm 1975, trở thành xã hội chính trị (trong chế độ toàn trị do Đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo). “Cấp Ủy” Đảng được coi là những người danh giá nhất trong làng, xã, quận, huyện, tỉnh, thành. Nhà giáo là “tạch tạch xè”, nhưng chủ tịch công đoàn ngành giáo dục thì lại là “chiến sĩ vô sản”. Trong bài nói với sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho nhà giáo nhiệm vụ mà họ không thể làm nổi: “Người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”. Ông thầy giáo làm sao so nổi với ông “cấp Ủy”! Các thành viên của cấp Ủy chia nhau nắm chính quyền, các đoàn thể như công đoàn, nông hội, thanh niên, phụ nữ, phụ lão. Giáo viên mà không có chân trong ban chấp hành công đoàn giáo dục thì chỉ ngang với một đoàn viên của các đoàn thể công đoàn hoặc nông hội, nhưng kém hơn họ về mức sống, vì ngoài tiền lương chết đói, ông thày giáo không có thu nhập gì thêm. Thu nhập thấp thì địa vị xã hội cũng xuống thấp, việc tuyển sinh vào các trường sư phạm khó khăn, phải hạ dần điểm tuyển, miễn học phí, đưa tới chất lượng giáo viên kém dần. Bởi vì những người học lực kém mới phải vào ngành sư phạm. Để trang trải cuộc sống, nhà giáo phải tìm cách đối phó. Trên lớp thì dạy qua loa để buộc học sinh phải xin học thêm. Thu nhập từ dạy thêm cao gấp mấy lần tiền lương. Các thầy dạy môn lịch sử, địa lý không thể dạy thêm nên đành phải làm đủ mọi nghề, kể cả rửa bát nhà hàng, đạp xích lô. Hình ảnh và phẩm chất thầy giáo bị tàn phá từ vật chất đến tinh thần. Đòn đánh chí mạng vào nghề giáo là tinh thần “tôn sư trọng đạo”, sau đó mới đến đòn đánh bằng dao gậy mà thầy Hoành phải chịu kể trên.
Thày Hoành tự cho mình dạy tồi cho nên phải bị đánh. Có lẽ thực lòng thày không nghĩ như vậy cho nên thày mới hỏi tiếp: “Nhưng còn xã hội, gia đình, luật pháp”? Xin lạm bàn cùng thày.
Nền giáo dục của nước ta từ 1975 đến nay có hai ách tắc không thể vượt qua được. Những điều thày Hoành nói chỉ là cái ách tắc thứ hai. Gọng kềm ý thức hệ mới là cái ách tắc thứ nhất. Tháng 9 năm 1949, Hồ Chí Minh đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc trung Ương (nay là Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh) đã viết vào “sổ vàng” của trường một câu được coi là mục tiêu của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa “Học để làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Trong bài nói ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tháng 10 năm 1964, Hồ Chí Minh cho rằng thày giáo phải xứng đáng là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”; và để được như vậy thì phải học tập chính trị, bởi vì “có học tập lý luận Mác, Lê-nin thì mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết về trình độ chính trị mới làm nòng cốt công tác Đảng giao phó.” Tiếp thụ tinh thần đó, ngày 14-1-1988, thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Trần Chí Đáo tuyên bố “Chủ trương của Bộ về tuyển sinh và đào tạo là bảo đảm Đảng tính và giai cấp tính.” (báo Tuổi Trẻ). Nghị quyết Trung Ương 29 - NQ/TW khóa 11, ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh “Coi trọng công tác phát triển Đảng, công tác chính trị tư tưởng trong các trường học, trước hết là trong đội ngũ giáo viên. Bảo đảm trường học phải có chi bộ, trường đại học có đảng bộ. Đổi mới chương trình. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.” Đọc những điều nói trên cho thấy nhũng người lãnh đạo Đảng cộng sản muốn ngành giáo dục phải đào tạo lớp trẻ theo khuôn mẫu do họ chọn, để trở thành công cụ xã hội chủ nghĩa đắc lực. Để thực hiện điều đó, ngành giáo dục phải che giấu những thông tin, dữ kiện bất lợi cho chế độ toàn trị, phải chọn những thông tin, dữ kiện dù lỗi thời nhưng có thể phục vụ cho định hướng của Đảng, đưa vào giáo trình.
Năm 1985 ông Mai Chí Thọ khi làm bí thư Thành Ủy Sài Gòn, khi đến thăm một trường mẫu giáo, đã tỏ ý ngạc nhiên vì các bài học của trẻ lên ba quá đậm chất chính trị. Ông đã có câu nói đúng: “Tôi e chẳng những không thể đạt được yêu cầu chính trị mà mục đích trồng người cũng không đạt”. Cho đến nay (2013) thử tìm xem một số sách giáo khoa cho trẻ sẽ thấy tình trạng đó vẫn còn nguyên. Quyển sách do Vũ Xuân Vinh soạn, Nhà xuất bản Đại học ấn hành, phần lớn theo thể thơ lục bát, một số theo thể thơ ngũ ngôn, hầu hết không có “chất thơ”, không đúng vần, như “Công viên đường phố thật vui. Thêm yêu đất nước thêm yêu phố phường”; “Mỗi năm một tuổi thêm vui; Thi đua phấn đấu thành người trò ngoan”; “Ôi lá cờ Tổ quốc. Đứng nghiêm giơ tay chào”… Trong sách Tiếng Việt, lớp 3 có những “chủ điểm” như: Đơn xin vào Đội, Tập tổ chức một cuộc họp; Người lính dũng cảm… Sách chỉ chọn tác phẩm của các nhà thơ kháng chiến, nhiều bài rất dở. Bài thơ “Đi hội chùa Hương” nhạt nhẽo, được chọn có lẽ vì mấy câu kết: “Ôi phải đâu lễ Phật, Người mới đi chùa Hương. Người đi thăm đất nước, Người về trong yêu thương”. Với lập trường duy vật vững vàng, nhà soạn sách chọn bài thơ này vì nó lớn tiếng hô hào rằng đi chùa không phải vì lễ Phật, còn bài thơ “Đi chùa Hương” nổi tiếng của Nguyễn Nhược Pháp cứ “Nam mô a di đà” cho nên không thể chọn!
Năm 2009, trên báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh số Xuân đăng bài Điều ước đầu năm của chị Trần Mai Liên, mẹ của một học sinh cấp 1 ở Gò Vấp: “Cầu mong năm mới, sách giáo khoa sửa đổi, môn công dân giáo dục không còn tiếp tục dạy những ý tưởng quá cao xa không hợp với trẻ. Đối với trẻ, cần phải dạy cho chúng biết yêu ông bà, cha mẹ, anh em và mọi người; biết sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, không tham lam ích kỷ”. Có lẽ chị muốn ngầm nhắc nhà giáo về “Năm điều Bác Hồ dạy” được treo cao giữa các lớp học, đã không có điều nào dạy trẻ yêu cha mẹ, tôn trọng thầy giáo. Năm năm sau lời cầu mong của chị Trần Mai Liên, giáo sư Văn Như Cương bức xúc kêu lên: “Chuyện dạy làm người vẫn mãi là khoảng trống trong giáo dục phổ thông.” Ông trích sách “Giáo dục công dân” một bài giảng có tựa đề “Phủ định siêu hình và phủ định biện chứng”. Bức xúc của giáo sư Văn Như Cương không được trả lời, vì giáo dục xã hội chủ nghĩa đã khẳng định: “Không có khoảng trống nào cả! Ngành giáo dục vẫn trung thành với khuôn mẫu ý thức hệ nhằm đào tạo những con người kế thừa để xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.” Cách làm của họ đúng như nhà giáo dục vĩ đại John Dewey nhận xét về nền giáo dục bảo thủ là “làm cho tương lai phù hợp với quá khứ”.
Thực ra “dạy người” không chỉ ở môn giáo dục công dân mà phải trong toàn bộ chương trình giáo dục. Ở các nền giáo dục tiên tiến, người ta đặt nhiệm vụ giáo dục là đào tạo con người tự do, con người đầy ắp ý kiến phản biện, con người dám khác với những người đi trước dù đó là những vĩ nhân. Albert Einstein nói: “Chúng dựa trên tự do của lòng tin và giáo dục, trên nguyên lý rằng, ước muốn tìm chân lý phải đặt trước mọi ước muốn khác” và “không có tự do kia thì sẽ không có Shakespeare, không có Goethe, Newton, không có Faraday và Pasteur.” Đúng vậy, chúng ta có thể bổ sung cho câu nói của ông “không có tự do thì cũng không có Albert Einstein”.
Khi tôi viết đến đây thì trên báo Tuổi Trẻ hôm nay (11-5-2016), cô giáo Hoàng thị Thu Hiền ở TP Hồ Chí Minh gửi “8 thỉnh cầu đến Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo”:
1- Giảm bớt những kiến thức ôm đồm ra đời không dùng được; dạy cho các em biết bênh vực cái tốt, dám chống lại cái ác.
2- Đừng thay đổi liên tục, từ “nghiên cứu bài học” chưa đâu vào đâu đã chuyển sang “tích hợp liên môn”, rồi “bàn tay nặn bột”. Việc thi cử cũng thay đổi xoành xoạch!
3- Xin hãy để cho tất cả giáo viên có quyền thực sự lựa chọn hiệu trưởng của trường và quyền ứng cử vào vị trí mà họ thấy phù hợp. (Hình như cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền không nhớ rằng, hiệu trưởng phải là đảng viên)?
4- Hãy đánh giá giáo viên ở phương pháp giảng dạy, chứ không phải chăm chỉ ghi chép đầy đủ vào các loại sổ do bộ quy định.
5- Thời đại công nghệ thông tin nhưng cách quản lý vẫn còn “đèn nhà ai nấy rạng”.
6- Tăng thêm mức đãi ngộ, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa.
7- Hiện nay nhiều sinh viên ra trường khó tìm được việc làm là vì chương trình đại học có đến 30 % những điều không cần trong cuộc sống.
8- Nói chung chú trọng nhồi nhét kiến thức (nhiều điều không dùng được) mà không chú ý giáo dục đạo đức nhân cách con người.
Ngày 12-5-2016 rất nhiều người hưởng ứng bức thư cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, đã đề xuất thêm điều thứ 9 “Chống bệnh thành tích trong giáo dục” và “Hãy để cho giáo viên sống được bằng lương”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 25 Aug 2018

Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh Vĩ Nhân Tôm Cá.

Từ 17 đến 20 tháng 10 năm 1988 Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ 6 đã bầu ông Xuân Cang Tổng biên tập báo Lao Động vào Ban lãnh đạo Tổng Liên đoàn, phụ trách Trưởng ban Tuyên giáo. Tổng Liên đoàn Lao dộng tổ chức thăm dò chọn Tổng biên tập mới bằng hình thức bỏ phiếu kín. Có lẽ vì tôi đã làm tốt cuộc đấu tranh với Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su, nên số đông cán bộ, phóng viên báo Lao Động bỏ phiếu chọn tôi làm tổng biên tập. Ông Phạm Thế Duyệt chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động đã vào Sài Gòn gợi ý tôi ra Hà Nội nhận trách nhiệm tổng biên tập báo Lao Động. Khóa trước, tôi đã từ chối, nhưng lần này tôi muốn nhận vì để chứng tỏ, dù ông Nguyễn Văn Linh quyết “đánh” cho chết, tôi vẫn sống đàng hoàng. Từ Đại hội VI, không khí dân chủ đã đem lại hi vọng sáng tạo. Tôi cũng muốn nhân dịp này góp phần đổi mới báo Lao Động, đưa nó ra khỏi ngăn kéo của cán bộ công đoàn, góp mặt trên các sạp báo cả nước.
Tại Đại hội 6, Lê Đức Thọ muốn tranh ghế Tổng bí thư với Trường Chinh, để nội bộ Đảng được yên, người ta chọn phương án Nguyễn Văn Linh. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thi thố tài năng ra sao mọi người đã biết. Ở đây chỉ xin kể đôi việc ông chỉ đạo tổ chức Công đoàn.
Ông Mai Văn Bảy chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vì ông đã tích cực bảo vệ tôi, chống lại chỉ thị của Nguyễn Văn Linh là phải khai trừ Đảng và khởi tố tôi, do đó ông Linh đã gây mọi áp lực buộc Mai Văn Bảy phải rời khỏi mọi chức vụ ở thành phố. Bà Hoàng Thị Khánh là người được đề cử lên thay Mai Văn Bảy. Ông Linh cũng không đồng ý. Nhiều người cho rằng chỉ vì Hoàng Thị Khánh tính thẳng thắn, dám nói trái ý ông. Ông Linh chỉ đạo đưa ông Nguyễn Văn Tư, Ủy viên dự khuyết Trung Ương Đảng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt về làm Chủ tịch Công đoàn thành phố. Đây là chuyện chưa từng có trong việc chọn người cho chức vị này. Được Tổng bí thư giới thiệu, ông Nguyễn Văn Tư đắc cử Chủ tịch Công đoàn thành phố, rồi đi dự Đại hội Công đoàn toàn quốc và đắc cử Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động ngoài ý muốn của cả ông và ông Linh. Vậy là bà Hoàng Thị Khánh lên thay ông Tư ngoài dự liệu của ông Linh.
Ở Đại hội Công đoàn toàn quốc, ông Nguyễn Văn Linh cho rằng những cán bộ đang có trong hệ thống công đoàn không có ai xứng đáng lên ghế Chủ tịch. Ông chỉ thị đưa ông Nguyễn Văn An, Ủy viên Trung Ương Đảng, Phó ban Ban Tổ chức Trung Ương ứng cử chức Chủ tịch. Ông đến đại hội thuyết phục đại biểu bầu cho ông Nguyễn Văn An. Đại hội chia tổ thảo luận, 100 % số tổ không đồng ý chọn ông Nguyễn Văn An làm chủ tịch với lý do: Ông này chưa bao giờ làm công tác công đoàn. Cuối cùng ông Linh phải cho rút ông An và chỉ thị Đại hội bầu một người trong các phó chủ tịch nhiệm kỳ vừa qua. Ông hứa sẽ đưa người đắc cử chức chủ tịch bổ sung vào Ban chấp hành Trung Ương Đảng khóa 6. Một lần nữa, Đại hội cũng không bỏ phiếu theo chỉ đạo của ông mà bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Sau này dư luận cho rằng ông Nguyễn Văn An là người may mắn nhất trong vụ Đại hội Công đoàn bác chỉ thị của ông Linh, bởi vì nhờ bị thất cử mà ông không bị kẹt ở Công đoàn, có cơ hội để đến Đại hội 7 được bầu vào Bộ Chính trị làm Trưởng ban Tổ chức Trung Ương, rồi kế tiếp là Chủ tịch Quốc hội!
Sau khi tôi ra Hà Nội làm Tổng biên tập báo Lao Động khoảng nửa tháng thì có cuộc họp của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đến huấn thị về công tác công đoàn thực hiện Nghị quyết của Đảng. Đứng trên lễ đài nhìn xuống cử tọa, chạm mắt tôi đang ngồi cạnh chủ tịch Nguyễn Văn Tư, ông cau mày, nói như hụt hơi. Tuy biết ông đang khó chịu, nhưng tôi không thể ngờ ông tiếp tục ra “đòn thù dai” đối với tôi. Sau khi nói chuyện với hội nghị, ông gặp riêng Chủ tịch Nguyễn Văn Tư chỉ thị: “Có lẽ các đồng chí không biết rõ tay Tống Văn Công nên đã bổ nhiệm hắn làm tổng biên tập cơ quan ngôn luận của tổ chức giai cấp tiên phong. Tôi đề nghị chọn người khác có quan điểm giai cấp công nhân thật vững vàng để thay ngay anh ta”.
Ngay hôm sau, ông Nguyễn Văn Tư triệu tập Đảng đoàn Tổng Liên Đoàn Lao động phổ biến chỉ thị của Tổng bí thư. Tất cả đều kinh ngạc vì thấy vô lý, nhưng chưa biết phải đối phó thế nào. Ông Đinh Gia Bảy, Ủy viên Đảng đoàn, Trưởng ban Tổ chức là người có trách nhiệm về nhân sự, phát biểu: “Ngay sau khi có chỉ thị của Tổng bí thư, chúng ta đã họp bàn cách giải quyết. Như vậy tức là chúng ta rất nghiêm túc thực hiện chỉ thị của đồng chí ấy. Tuy nhiên, việc đánh giá cán bộ trong tổ chức của mình thì chắc chắn chúng ta có điều kiện để hiểu rõ hơn đồng chí ấy. Do đó, theo tôi chúng ta có trách nhiệm làm cho đồng chí ấy hiểu vì sao chúng ta đã quyết định chọn Tống Văn Công làm Tổng biên tập. Trừ ông Bí thư Đảng đoàn Nguyễn Văn Tư, tất cả những người còn lại đều quen biết tôi không dưới 5-10 năm. Phó bí thư Đảng đoàn, Ủy viên Trung Ương Cù Thị Hậu quen biết tôi từ khi bà còn là cô thợ dệt, tôi với tư cách nhà báo đã gặp gỡ bà ở xí nghiệp, đến thăm gia đình, hỏi chuyện và viết nhiều bài đăng báo, in sách. Bà nói: “Anh Công là nhà báo đi sát công nhân và tổ chức công đoàn. Anh đã viết rất nhiều điển hình của ngành dệt và ở các ngành nghề khác. Anh là người sáng lập và đồng sáng lập hai tờ báo của Công đoàn. Chúng ta chọn một người như vậy làm tổng biên tập là đúng đắn. Về chuyện riêng, ai cũng biết ở cuộc hôn nhân đầu tiên anh không có hạnh phúc.” Anh Dương Xuân An từng trả lời phỏng vấn của tôi khi anh là chủ tịch công đoàn ngành xây dựng kể: “Tống Văn Công có quan hệ rất tốt với các công đoàn ngành và các cơ sở, tìm hiểu mọi chuyện rất cặn kẽ. Một lần tôi được phỏng vấn, nghe cách đặt vấn đề, tôi biết tay này đã nắm chắc mọi chuyện ở đây, ta phải hợp tác cùng mổ xẻ những mắc míu, chứ không thể nói xuôi chiều”. Chị Hoàng Thị Khánh quen biết tôi khi chị còn làm Chủ tịch Công đoàn quận 10, tôi làm Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Tổng biên tập báo. Mỗi người nêu một chuyện để chứng minh rằng Tống Văn Công có năng lực và tinh thần trách nhiệm trong công việc, không phải là người xấu. Tất cả các ý kiến phát biểu được ghi vào biên bản, cuối cùng tổng hợp lại thành bản báo cáo “kính gửi đồng chí Tổng bí thư”. Mấy hôm sau, Chủ tịch Nguyễn Văn Tư cùng với Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trần Trọng Tân đến gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trình các văn bản nói trên. Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Tư kể lại, suốt buổi làm việc hôm đó Tổng bí thư chỉ nghe, không hỏi, cũng không có ý kiến nhận xét. Từ đó cho tới hết nhiệm kỳ, ông Nguyễn văn Linh không có ý kiến gì về báo Lao Động và cá nhân tôi. Đến năm 1993 khi có Tám Đăng (Phó tổng biên tập, nguyên trợ lý báo chí của Tổng bí thư Nguyễn văn Linh) vu cáo tôi làm bình phong cho một âm mưu diễn biến hòa bình do Lý Quý Chung (nguyên Bộ trưởng trong chính phủ Dương Văn Minh) cầm đầu, ông mới gửi thư “cố vấn” cho Đỗ Mười chỉ đạo Tổng Liên đoàn Lao động buộc tôi “về vườn”.
Thời chống Pháp, tôi có nhiều năm công tác ở Sở Giao thông - Liên lạc Nam Bộ, sau đó là Đội Thông tin - Liên lạc thuộc Phòng Tham mưu Bộ Tư Lệnh Nam Bộ, những nơi có điều kiện để biết tên tuổi, chức vụ, địa chỉ của các nhà lãnh đạo, vậy mà tôi chưa hề nghe tên ông Nguyễn Văn Cúc (tên cúng cơm của Nguyễn văn Linh). Đến thời chống Mỹ, tôi được biết Nguyễn Văn Linh là phó bí thư Trung Ương cục miền Nam (bí thư là Nguyễn Chí Thanh, sau năm 1968 là Phạm Hùng). Năm 1969 trong lễ tang Cụ Hồ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông Linh, người trẻ nhất trong những ông Ủy viên Ban chấp hành Trung Ương ở lễ truy điệu tại Hội trường Ba Đình. Sau 30-4-1975, ông Linh làm bí thư Thành Ủy Sài Gòn. Lúc này tôi là tổng biên tập báo Lao Động Mới của Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam do ông Nguyễn Hộ làm chủ tịch. Bạn tôi, anh Trương Quang Lộc (tức Trương Tịnh Đức phụ trách Trường Báo chí của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) bảo tôi: “Mày ơi, ông Nguyễn văn Linh làm to vậy chứ dốt lắm. Đến bất cứ cuộc hội nghị nào ổng cũng chỉ nói 'thế giới chia làm hai phe, có bốn mâu thuẫn'”. Tháng 3-1982 ông Linh bị thất sủng, rời khỏi Bộ chính trị khóa Đại hội 5, xin về làm bí thư Thành Ủy Sài Gòn thay ông Võ Văn Kiệt được điều ra Trung Ương. Ở đây ông thừa hưởng kết quả “xé rào” của ông Võ văn Kiệt. Chính môi trường này tạo cơ hội để ông trở thành Tổng bí thư ở Đại hội 6. Nhưng đó là một trong những lý do khiến ông tìm cớ dìm ông Võ Văn Kiệt.
Năm 1990 phong trào dân chủ nổi lên mạnh mẽ ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô. Ở trong nước, Trần Xuân Bách đòi đổi mới chính trị, văn nghệ sĩ đòi tự do tư tưởng, tự do sáng tác. Nguyễn Văn Linh đã dùng mọi thủ đoạn nhằm bảo vệ sự độc quyền của Đảng cộng sản: Đi Thành Đô cầu hòa với địch, cách chức Trần Xuân Bách, chỉ đạo cách chức nhà văn Nguyên Ngọc, giữa hội trường Ba Đình dịp mừng ngày Quốc khánh năm 1990 ông ta công khai gọi “con Dương Thu Hương chống Đảng, thằng Nguyễn Quang Sáng hư hỏng”. Báo Lao Động Chủ Nhật ngày 9 tháng 9 năm 1990 đã phê phán hành vi vô văn hóa này bằng bài tiểu phẩm có tựa đề “Hai năm, ba chữ” của nhà báo Nguyễn An Định. Bài báo kể chuyện Bưu điện tỉnh Quảng Ninh phải mất 2 năm mới huấn luyện các nhân viên tổng đài điện thoại nói được 3 chữ “dạ, tôi nghe” khi trả lời khách gọi tới thay cho cách trả lời trước đây “muốn gặp ai?”, “gọi gì đó”? Bài báo kết luận “dù phải mất 2 năm chỉ được có 3 chữ “nhưng ta hãy cứ mừng, bởi ngay bây giờ đây, trên diễn đàn công khai, người ta còn văng thằng nọ con kia cơ mà”! Báo phát hành hôm trước, hôm sau anh Hoàng Trọng Đinh nguyên phó tổng biên tập báo Lao Đông đã nghỉ hưu đến thăm tôi, vừa khen, vừa tỏ ra lo lắng: “Các cậu to gan, liều lĩnh quá! Đọc bài này ai cũng biết là phê bình Tổng bí thư. Xóm cán bộ về hưu chúng mình xôn xao bình luận, nói chung là đồng tình với các cậu”. Sau đó ít lâu, từ Sài Gòn nhà thơ Nguyễn Duy viết bài thơ Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ có hai câu “tức cảnh”: “Ta nhờn nhọn cái há mồm vĩ nhân tôm cá. Khạc đủ nghề thằng nọ con kia”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 25 Aug 2018

Ngày Nhận Việc Được Gặp Các Bạn Văn Nổi Tiếng.

Ngày tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội làm tổng biên tập báo Lao Động không có lễ lạc “nhận chức”. Không biết vì sao lại được sự có mặt của bốn bạn văn nổi tiếng thời ấy là Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Mai Thục, Vương Trí Nhàn.
Mai Thục là tổng biên tập tờ Phụ Nữ Hà Nội, là đồng tác giả với Đỗ Đức Hiểu soạn quyển “Điển tích văn học” xuất bản năm 1995. Chị bận với tờ báo của mình nên không có bài cho Lao Động. Anh Vương Trí Nhàn viết bài cho Lao Động đều đặn. Khi Hoàng Hưng xuất bản tập thơ có bài “Người về” (nói lên tâm trạng, tình cảnh người tù của chế độ), bị Công an văn hóa bắt bẻ, anh đưa đơn từ chức Trưởng ban Vãn hóa Văn nghệ báo Lao Động. Lúc ấy, tôi mời anh Vương Trí Nhàn về thay vị trí của Hoàng Hưng, việc chưa xong thì tôi đã bị buộc về hưu.
Phạm Thị Hoài đã nổi tiếng với tiểu thuyết “Thiên Sứ.” Lao Động Chủ nhật số 2 có bài “Phỏng vấn Hồ Xuân Hương” của chị. Trong bài này, chị đã để “bà chúa thơ Nôm” đưa ra quan điểm về tính dục trong sáng tác văn học, một vấn đề đang bị các nhà tuyên huấn của Đảng lúc nào cũng lên giọng đạo đức săm soi, phê phán. Chị khai sinh và viết cho báo Lao Động Chủ Nhật chuyên mục “Câu lạc bộ Bạn trăm năm” được bạn đọc hoan nghênh. Chị đóng góp nhiều truyện ngắn hay suốt thời gian tôi làm tổng biên tập. Năm 1990 Hội nhà văn Việt Nam (lúc này ông Vũ Tú Nam là Tổng thư ký) công bố hoãn việc xét kết nạp chị vào Hội Nhà văn. Phạm Thị Hoài có thư đáp lại, sẽ không bao giờ xin vào Hội Nhà văn nữa. Tôi đăng thư này trên Lao Động gây dư luận lên án thói quan liêu của Hội nhà văn. Trong cuộc họp thường kỳ, ông Trần Trọng Tân góp ý nhẹ: “Lẽ ra chuyện này anh nên trao đổi riêng với anh Vũ Tú Nam, tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Anh đưa tuyên bố của nhà văn Phạm Thị Hoài như vậy mất mặt Hội nhà văn quá”!
Dương Thu Hương đã nổi tiếng với “Những bông hoa bần ly”, “Chuyện tình kể trước lúc rạng đông”, “Bên kia bờ ảo vọng”, “Những thiên đường mù”… Sau khi quen nhau ở ngày tôi nhận việc, tuần nào chị cũng đến chơi. Chị thân thiết với những nhà bất đồng chính kiến như Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang, còn tôi tổng biên tập tờ báo “công cụ” mà được chị kết bạn là một biệt lệ. Anh chị em báo Lao Động xem chị như người thân, ban bảo vệ, phòng hành chánh không ai hỏi chị đến vì việc gì. Chị nghĩ, nhà báo là nhà nghèo nên thường mua bia mang đến phòng tổng biên tập cùng tôi nhâm nhi và bàn đủ thứ chuyện. Một hôm chị đến, thấy tôi đang tiếp nhà văn Lê Phương, chị hỏi: “Hai người quen nhau à”? Tôi đáp: “Bạn nối khố đấy. Khi quen với mình, anh ta chưa viết được câu văn nào”. Dương Thu Hương cười: “Nhung có một chuyện anh ta chưa kể với anh đâu”. Dương Thu Hương ngồi xuống ghế, kể: “Khi lần đầu em đi dự trại viết văn ở Vũng Tàu thì anh ta đã có cuốn “Thung lũng Cô Tan”, đã là nhà văn nổi tiếng rồi, cho nên nhìn em như con cừu non và xáp vào tán tỉnh rất thô bạo…” Kể xong chị hỏi: “Bà có nói oan điều gì không hở, thằng mặt dày”? Lê Phương ngồi đực ra, im lặng. Cứ tưởng Dương Thu Hương chẳng coi Lê Phương ra gì, nhưng đọc “Đỉnh cao chói lọi”, mà ở lời nói đầu chị cho biết các nhân vật đều đúng sự thật, truyện có nhân vật Lê Phương được miêu tả một cách trân trọng.
Tháng 4 năm 1991, người ta gài bẫy để bắt Dương Thu Hương, bảy tháng sau, do áp lực quốc tế, phải thả với “lý do nhân đạo.” Ra tù Dương Thu Hương đến thăm tôi, nói hôm nay em mời anh đi nhà hàng. Tôi nói, hôm nay để mình mời, mừng Hương ra tù, nhưng Dương Thu Hương dứt khoát không đồng ý. Khi cô tiếp viên đưa món đầu tiên là lẩu cá quả, tôi hỏi, có giữ bộ lòng cá không. Cô đáp không, lòng cá này đắng, không ăn được. Tôi nói, con cá này trong miền Nam gọi là cá lóc. Số đông người trong đó, có tôi coi bộ lòng có giá trị 70% của con cá, có người chỉ ăn bộ lòng còn thịt cá nhường cho con trẻ. Dương Thu Hương hỏi tôi nói thật hay đùa. Tôi đáp, nói thật chứ. Trưa hôm sau, Hương lại đến bảo, hôm nay em muốn đền anh con cá quả còn bộ lòng. Đến nhà hàng, chị đưa tới bể nuôi cá hỏi tôi, làm sao biết con cá nào ngon nhất. Tôi nói, con có thân ngắn mập tròn là con cá cái. Hương dặn đầu bếp phải giữ bộ lòng cá.
Vừa ăn, Hương vừa kể với tôi chuyện trong tù. Một hôm anh trưởng trại giam báo cho biết để chị chuẩn bị ngày hôm sau sẽ được Bộ trưởng Mai Chí Thọ đến gặp. Anh này cứ nghĩ chị sẽ vui mừng vì đây là một ân huệ vô tiền khoáng hậu. Nhưng Hương cau mặt đáp, “bà chẳng thích nhìn thấy hắn, bảo hắn đừng hòng được gặp và nói chuyện với bà”. Trưởng trại đành phải xuống nước năn nỉ: “Chị ơi, chị thương em. Chị mà không chịu gặp ông ấy thì em bị kỷ luật nặng”. Thương hại anh trưởng trại, Hương đồng ý gặp Mai Chí Thọ. Chị lên tiếng trước: “Vì sao ông xin được gặp tôi?” Mai Chí Thọ tỏ vẻ bình thản đáp: “Tôi muốn gặp cô để biết vì sao mà cô căm thù chế độ này đến thế”? Dương Thu Hương cau mày hỏi: “Thằng nào báo cáo với ông như thế, hay ông tự nghĩ ra? Chế độ này được dựng lên có mồ hôi và máu của tôi đó. Tôi từng có mặt dưới thành cổ Quảng Trị đẫm máu. Tôi từng có mặt bên chiến tuyến biên giới phía Bắc chống bọn bành trướng Bắc Kinh xâm lược. Căm thù à? Tôi chỉ căm thù và muốn tiêu diệt cái lũ quan liêu như ông thôi”! Tôi hỏi, khi bị cô giáng một đòn kinh khủng như vậy thái độ ông ta thế nào? Hương đáp, ông ta ngửa mặt lên cười to. Tôi khen, cha này giỏi, ngang cơ với Dương Thu Hương. Một người ngay thẳng, trung thực, ăn nói không kiêng dè như Dương Thu Hương luôn luôn đối chọi với chế độ đã buộc phải ly hương.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 25 Aug 2018

Kỳ Lâm-Cầm Ly

Kỳ Lâm và Chóe có quyển sách in chung tựa đề là “Những nụ cười trào lộng” dài 300 trang. Sách gồm những bài của Kỳ Lâm viết cho chuyên mục “Tản mạn cuối tuần” và Chóe vẽ hí họa cuối tuần trên báo Lao Động. Báo chí có thể loại “tiểu phẩm” được định nghĩa là bài viết ngắn nói về đề tài thời sự, có tính châm biếm; về tranh thì có “biếm họa” nhằm chỉ trích những thói hư tật xấu. Nhưng Kỳ Lâm và Chóe không đồng ý với định nghĩa đó, cho rằng mình chẳng biếm ai cả mà chỉ góp những nụ cười trào lộng.
Kỳ Lâm tên thật là Trần Văn Nuôi, sinh năm 1929, vào Đảng năm 1948. Ông Dương Đình Thảo khi làm phát ngôn của Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ở hòa đàm Paris, đã xin Trần Văn Nuôi làm phụ tá cho mình. Cán bộ ban tổ chức Trung Ương Đảng đến nhà gặp lúc anh Nuôi đang cởi trần nằm ngủ, bên gối có quyển Thánh Kinh. Ông này báo cáo với cấp trên là một người say mê Thánh Kinh như thế không thể dùng được. Trong báo Người Lao Động lúc đó có chú liên lạc tên Kỳ Lâm thường cằn nhằn “chú Nuôi kỳ quá, tại sao chú không ký tên mình mà cứ ký tên của cháu”? Anh Nuôi cười: “Kỳ Lâm của cháu là rừng lạ, đẹp, còn Kỳ Lâm của chú là cầm ly, hoàn toàn khác nhau mà”! Khi tôi được điều đến làm Tổng biên tập báo Người Lao Động, anh đang làm Ủy viên ban biên tập. Tôi đã bãi chức anh do khi triệu tập họp ban biên tập, anh đến trong tình trạng say xỉn.
Trông bề ngoài, mọi người cứ tưởng anh không quan tâm chuyện của mọi người trong cơ quan, nhưng không phải vậy. Một lần anh tìm tôi, cho biết: “Trong cơ quan có hai cô cậu đã có gia đình yên ấm nhưng đang lẹo tẹo với nhau đấy. Anh nên góp ý với họ, kẻo tan vỡ cả hai gia đình, tội cho sắp nhỏ”. Một lần khác, anh gửi thư ra Hà Nội gọi tôi: “Anh thu xếp vào ngay, kẻo mất Chóe. Chóe đang bất mãn với trưởng ban miền Nam”.
Một sáng Chủ nhật anh đạp xe đến nhà tôi. Hai anh em uống trà, trò chuyện. Chợt anh hạ giọng thầm thì: “Mình nói thật với Công, mình ra Đảng lâu lắm rồi, hằng chục năm rồi, nhưng chỉ vì mình hèn, không dám làm đơn xin ra”! Tôi (Tổng biên tập kiêm nhiệm Bí thư Đảng Ủy) hỏi “tại sao”? vẫn giọng thì thầm: “Chắc anh cũng đã nhận thấy cộng sản là… là… phi nhân mà”! Tôi đáp: “Nhưng sau mỗi sai lầm, Đảng cũng đã tự phê bình. Chúng mình có trách nhiệm góp ý đòi hỏi Đảng trở nên nhân văn hơn”. Anh hỏi lại: “Có ảo tưởng không vậy ông”? Chúng tôi im lặng uống trà.
Ngày 15-11-1992, anh viết bài báo cuối cùng có tựa đề “Khiếp sợ”. Anh đến tòa soạn nộp bài đúng giờ rồi quay xe đạp đến quán rượu “cầm ly”. Đã chếnh choáng hơi men, anh chợt nghĩ phải có thêm lời bình, nên lại đạp xe tới tòa soạn viết thêm: “Ôi khiếp sợ! Món quà nghiệt ngã mà thiên nhiên và xã hội ép mọi người chúng ta phải nhận từ khi mở mắt chào đời. Nó chính là thước đo sự yếu đuối của bạn và tôi…” Nộp lại bài đã chữa, anh lên xe lạng quạng rời tòa báo hơn hai trăm mét thì bị một xe gắn máy đi cùng chiều tông ngã, làm chấn thương sọ não và qua đời sau mấy hôm!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 25 Aug 2018

Nguyên Do Nhà Văn Trần Hoài Dương Bỏ Đảng.

Năm 2002 tôi được gặp nhà văn Trần Hoài Dương trong bữa cơm ở gia đình nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của Trần Hoài Dương, đặc biệt là quyển “Miền Nam xanh thẳm” được các nhà phê bình nhận xét là “một thế giới trong ngần còn mãi”. Nhà thơ Vy Thùy Linh nhận xét Trần Hoài Dương là “con người thuần phác, ngay thẳng, hiền và nhiều rụt rè, e ngại trước những chấn động ồn ã, nhưng lại cực đoan, quyết liệt trước những thói xấu xa, đê hèn… Và, tôi như thấy chú Dương từ tốn và quả quyết mở ô cửa xanh vào bầu trời trong ngần, với nụ cười sáng bao trìu mến”.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn giới thiệu hai chúng tôi với nhau rồi vui vẻ gợi ý: “Hoài Dương kể cho anh Công nghe chuyện đưa đơn xin bỏ Đảng đi”. Rất thoải mái Trần Hoài Dương kể.
Năm 1967, Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp Đại học Văn khoa Hà Nội. Anh giới thiệu Trọng vào làm phòng tư liệu của Tạp chí Cộng sản. Lúc này, Trần Hoài Dương là cán bộ biên tập của tạp chí nhưng lúc rảnh, anh không hề nghiên cứu lý luận Mác-Lê mà chúi mũi sáng tác truyện ngắn, truyện dài, rồi đưa đơn xin chuyển công tác sang báo Văn Nghệ. Tổng biên tập Hồng Chương phê vào đơn: “Anh phải đào tạo một biên tập viên khả dĩ thay thế mình thì mới có thể được cho đi”. Trần Hoài Dương đề nghị Nguyễn Phú Trọng vào phòng biên tập để anh kèm cặp. Anh nhận xét người mình đề cử với Tổng biên tập: “Cậu này không thông minh, kém sáng kiến, nhưng được cái cần cù và cẩn thận, không bao giờ để sai sót bản in so với bản chính”. Gần một năm sau, ông Hồng Chương xem xét năng lực biên tập của Nguyễn Phú Trọng và cho rằng đã có thể tạm cáng đáng công việc, nên ký đơn cho Trần Hoài Dương chuyển sang báo Văn Nghệ. Từ đó Trần Hoài Dương chỉ quan hệ với bạn bè văn chương, không quan tâm Nguyễn Phú Trọng đã tiến thoái như thế nào. Sau năm 1975, Trần Hoài Dương vào sài Gòn làm việc ở bộ phận miền Nam của báo Văn Nghệ.
Năm 2001, Tạp chí Cộng sản tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, gửi thư mời tất cả những người từng cộng tác ở tạp chí về dự. Trần Hoài Dương từ Sài Gòn ra, đi xích lô đến nơi hành lễ. Sau đó, anh được chứng kiến cảnh tiền hô hậu ủng đón tiếp Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành Ủy Nguyễn Phú Trọng. Đến lúc này, Trần Hoài Dương mới hay, thằng đàn em “không thông minh, kém sáng kiến” mình từng kèm cặp nâng đỡ ngày nào, nay trở thành một nhân vật lớn của Đảng! Anh tìm chiếc bàn ở cuối phòng, ngồi tư lự. Là một nhà văn chăm quan sát, suy ngẫm, từ lâu anh rất nặng lòng khi nhìn thấy sự sa đọa đạo đức và trí tuệ của Đảng và xã hội, nhưng chưa tìm đủ sự lý giải.
Nguyễn Phú Trọng tự ý thức mình là một nhân vật quan trọng nhất trong những bạn bè xuất thân từ Tạp chí Cộng sản đang tề tựu hôm nay, bèn đi đến từng bàn tiệc bắt tay Ủy lạo từng người. Đến chiếc bàn cuối cùng, Nguyễn Phú Trọng reo lên khi nhìn thấy người bạn quý, người đàn anh từng kèm cặp mình ở thời “vạn sự khởi đầu nan”. Trần Hoài Dương miễn cưỡng đứng lên, đưa tay bắt, giọng hiu hắt: “Lẽ ra tao phải mừng cho mày, nhưng vì mối lo cho Đảng lấn át khiến tao ngồi im. Tao quá ngạc nhiên vì một người như mày lại có thể trở thành Ủy viên Bộ chính trị của Đảng. Tao nói thật lòng mày đừng giận, tao nghĩ có lẽ Đảng này đã đến hồi mạt vận rồi! Tao phải ra khỏi Đảng”! Và Trần Hoài Dương đã làm đúng như vậy, vừa về tới nhà ở Sài Gòn, anh viết ngay lá đơn gửi chi bộ tuyên bố rời khỏi Đảng cộng sản vì không còn niềm tin đối với một Đảng đã thoái hóa về trí tuệ.
Trần Hoài Dương sống độc thân. Anh bị nhồi máu cơ tim đột tử ngày 6 tháng 5 năm 2011. Nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh từ nước Anh gọi về bố nhiều lần không được, đã nhờ bạn đến nhà thăm, mới hay Trần Hoài Dương đã qua đời từ hai ngày trước!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 25 Aug 2018

Một Ông Thư Ký Tòa Soạn Tập Nhịn Đói.

Tôi rời ngôi nhà 51 Hàng Bồ báo Lao Động từ tháng 5-1975, đến năm 1988 mới trở lại. Mười bốn năm qua, nó không hề được tu sửa. Người ngồi trên tầng 3 phải xuống tầng trệt tiểu tiện, vì ống dẫn nước đã hỏng. Số người vào báo Lao Động cùng thời với tôi còn non một nửa. Tất cả sống lây lất với số lương còm như công nhân viên chức hành chánh ở mọi ngành. Tuy tờ báo vẫn đang sống bao cấp, năm trước Tổng Liên đoàn Lao động phải bù lỗ. Dù vậy, tôi quyết định trước hết phải chăm sóc con người. Con người phải được sống tốt mới có thể suy nghĩ sáng tạo tốt. Dù chế độ xã hội chủ nghĩa có nhiều vùng cấm, nhưng nhà báo trung thực vẫn tìm được sự thật và cách viết đáp ứng mong muốn của bạn đọc. Tờ báo Tin Sáng sau tháng 5-1975 và một số tờ báo ở Sài Gòn đã làm được điều đó. Việc đầu tiên, tôi thực hiện là tổ chức bữa ăn trưa miễn phí tại tòa báo như các doanh nghiệp từ khi “đổi mới”. Vài hôm sau, chị cấp dưỡng cho tôi biết, anh Việt Quốc thư ký tòa soạn không ăn cơm trưa, dù không được nhận tiền của bữa ăn. Anh ấy pha một ấm trà, loại “9 hào 3” (tiếng lóng để chỉ loại trà cám rẻ tiền, giá mỗi gói 3 hào), vừa uống vừa rít thuốc lào. Thời tôi làm phóng viên, Việt Quốc là nhân viên chữa morat, gọi nhau mày tao.
Tôi đến hỏi Việt Quốc, sao mày không ăn cơm trưa? Việt Quốc không xưng hô như ngày xưa: “Tôi đã tập nhịn bữa trưa mất một năm nay mới quen. Tôi thừa biết các ông thủ trưởng mới bao giờ cũng tìm cách lấy lòng nhân viên. Nhưng tiền ở đâu ra để ông có thể tiếp tục chi cho bữa cơm trưa? Tôi không dám liều để rồi đến khi ông kêu hết tiền, tôi lại phải mất một năm để tập nhịn ăn cho cái bụng quen thói”! Tôi nói “Nếu không cải tiến tờ báo, đưa nó ra bán được ở các sạp mà chỉ giao cho các ông chủ tịch công đoàn đút vào ngăn kéo thì đúng là sẽ không còn tiền chi! Nhưng chúng ta sẽ cùng nhau góp sức cải tiến tờ báo chứ”? Việt Quốc chỉ cười mỉm không trả lời.
Sau một tuần xem xét, tôi nhận ra, với những con người và cách bố trí công việc như lâu nay thì không thể cải tiến được tờ báo. Phòng thư ký tòa soạn với ông trưởng ban Việt Quốc là một trong những khâu ách tắc. Việt Quốc chỉ thuộc quy trình công việc, việc này rồi đến việc kia, người này xong thì chuyển qua người nọ, chứ không có khả năng nâng cao chất lượng trang báo. Sau 14 năm, anh nhân viên chữa morat Việt Quốc được đề bạt lên làm trưởng ban thư ký tòa soạn với kiến thức y như cũ. Nhìn toàn cơ quan chỗ nào cũng thấy hiện tượng giống nhau đó. Với đội ngũ này thì đúng như Việt Quốc hỏi “tiền ở đâu ra để ông tiếp tục chi”. Tôi xây dựng đề án cải tiến tổ chức: Chọn người có năng lực thích hợp cho từng vị trí công tác. Tôi gặp riêng Việt Quốc phân tích có tình có lý với anh, khuyên anh trở lại công việc chữa morat mà anh rất thông thạo, hứa giữ nguyên bậc lương hiện nay. Không ngờ anh hết sức tức giận: “Khi đã là tổng biên tập thì ông tự cho mình muốn buộc ai làm gì theo ý ông cũng được à? Không, tôi không chấp nhận. Tôi sẽ đưa đơn lên Tổng Công đoàn xin nghỉ hưu”. Tôi nói “Nếu Quốc muốn nghỉ hưu thì mình giải quyết cũng được”. Anh nói như rít từ kẽ răng: “Không! Tôi phải đưa lên Tổng Công đoàn để người ta biết ông là người thế nào”.
Anh đã đưa đơn lên Tổng Công đoàn và họ đã trao cho anh quyết định nghỉ hưu mà không cho anh biết đã nhận xét tôi là người thế nào!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 26 Aug 2018

Hai Ông Thầy Tướng.

Chuyện Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ thị cho Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) phải chọn người khác thay tôi làm tổng biên tập, nhưng Ban lãnh đạo TLĐLĐ đã nhất trí bảo vệ tôi cả cơ quan báo đều biết. Một hôm cùng ngồi bàn trà trước giờ làm việc, phóng viên Tô Thành vui vẻ nhận xét đôi nét trong “nhân tướng” của tôi là luôn có “quý nhân phù trợ”. Tôi hỏi: “Tô Thành có nghiên cứu tướng pháp à”? Gợi đúng sở thích, anh cho biết mình mê sách tướng từ thời trung học. Năm 1955, trong buổi đón Thủ tướng Ngô Đình Diệm ra thăm Hà Nội, anh chọn chỗ đứng tốt nhất để xem tướng ông và nhận xét: “Ông này quý tướng nhưng đoản mệnh.” Đầu năm 1977 khi được thông báo sáng hôm sau ông Nguyễn Văn Linh đến nhận chức Chủ tịch TLĐLĐ, anh đến bãi xe ngồi chờ từ sớm. Ông Nguyễn Văn Linh vừa mở cửa xe bước ra, Tô Thành đã bước tới, vừa “kính chào đồng chí” vừa đưa tay ra. Ông Linh bắt tay, đáp lời chào. Tô Thành nhận xét: Bàn tay đầy đặn, không cứng nhắc cũng không quá mềm, ấm áp như truyền sinh lực sang cho mình; ngước nhìn lên, đôi mày rậm, dài, mắt sáng, mũi trái mật, miệng vuông, cằm vuông, nói nhỏ mà vẫn âm vang; khi ông quay đi, chân bước nhẹ vững chãi. Người như vậy, chỉ xô đổ người khác, chứ không ai xô đổ ông ta được. Từ đó, thỉnh thoảng tôi hay hỏi Tô Thành về nhân tướng của một số người trong cơ quan. Nhiều nhận xét của anh tôi vẫn nhớ: Nhà báo Nguyễn An Định tài hoa và có sức khỏe hơn người, nhưng Tô Thành bảo “để rồi anh xem, hắn chết sớm, có thể bất đắc kỳ tử”. Mấy năm sau Định bị ung thư đại tràng, không qua tuổi năm mươi. Tôi hỏi, Chị Tước đẹp vậy mà tại sao cả hai lần để tang chồng”? Tô Thành: “đàn bà mắt sắc như dao cau, ngửa mặt lên trời cười ha hả, chồng nào sống nỗi. Trước năm bà ấy 55 tuổi, ông nào lấy bà ấy đều phải quy thiên”. Tôi muốn đề bạt anh Nguyễn từ phóng viên lên trưởng phòng, nên hỏi Tô Thành về nhân tướng anh này. Tô Thành đáp phũ phàng: Anh hỏi làm gì cái thằng tướng tá chẳng ra gì”. Tôi vẫn hỏi tiếp “mình thấy nó tuấn tú khôi ngô mà”? Thành đáp “anh biết xem tướng thì còn hỏi em làm gì? Tướng hắn hỏng bét”! Khoảng một năm sau Nguyễn lấy cô vợ ở Sài Gòn đưa về Hà Nội quê chồng. Tô Thành đến cơ quan thấy có cô gái lạ ngồi ở phòng khách, hỏi chị em tiếp tân và được biết đó là vợ của Nguyễn. Anh chửi thề “đù má cái thằng tướng mạo xoàng quá mà lấy được con vợ ngồi sáng cả cái phòng”! Sau đó Tô Thành tìm dịp nói lại với tôi: “từ nay số phận của Nguyễn sẽ thay đổi”. Tôi thắc mắc: “tướng của ai thì ứng với người đó chứ? Tại sao tướng của vợ có thể thay đổi số phận của chồng”? Tô Thành đáp: “Cha mẹ với con cái; anh chị em ruột, tướng của ai ứng với số phận người đó, nhưng vợ chồng thì có thể thay đổi số phận của nhau”. Hơn mười năm gặp lại, Tô Thành nhắc trường hợp Nguyễn đã chứng tỏ anh nói đúng: Nguyễn phát cả danh vị, tiền tài, con cái thành đạt.
Một lần tôi hỏi Tô Thành “nhận xét nhân tướng của mọi người thì rất hay, nhưng Tô Thành chưa tự nhận xét xem sao”? Tô Thành đáp: “đôi mày của em hơn anh. Mồm miệng của em hơn anh. Nhưng em hỏng bét vì mặt to mà mũi nhỏ. Mũi không đỡ nổi mặt. Do đó, em không bao giờ trách anh vì sao không cất nhắc em”.
Ông thày tướng thứ hai là nhà văn Bùi Việt Sĩ tác giả của nhiều tác phẩm văn học, trong đó có tiểu thuyết “Người dân đường thọt chân”, dư luận cho rằng nhằm ám chỉ sự lãnh đạo khập khiễng của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng ý kiến chính thức của các cơ quan lãnh đạo xuất bản xếp tác phẩm này là “tác phẩm văn học trong thời kỳ đổi mới”. Bùi Việt Sĩ không muốn mọi người biết mình xem tướng. Chỉ khi nào tôi khen một người nào đó trái ý anh thì anh mới dùng nhân tướng của người đó để phản bác.
Một lần, anh vào Sài Gòn dự họp với cơ quan báo Lao động ở miền Nam, lúc này Trưởng ban Quốc tế của báo Lao Động ở miền Nam là Phan Tùng. Phan Tùng từng là tình nguyện quân Việt Nam ở Campuchia, sử dụng được hai ngoại ngữ, Anh và Pháp. Tôi có ý định đề bạt anh làm trưởng cơ quan miền Nam thay cho Hồng Đăng khi anh này ra Hà Nội thay tôi làm tổng biên tập. Tôi hỏi Bùi Việt Sĩ nhân tướng của Phan Tùng. Anh xua tay “ô, khó nói lắm”! Tôi ngạc nhiên hỏi vì sao, Bùi Việt Sĩ nói: “vì là nhân vật quan trọng và được anh đặc biệt tin cậy”. Tôi cười: “Không sao. Sĩ cứ nói thẳng, mình hứa sẽ giữ kín, chỉ hai chúng mình biết để lưu ý đến kết cục”. Sĩ nói: “Đó là một thằng phản phúc”! Tôi kêu lên: “Trời, cái sự phản phúc nó biểu hiện ở đâu vậy”? Sĩ: “Ở đôi mắt nó”. Tôi nói: “Mình chỉ thấy là nó cận thị nặng phải mang kính”.
Câu chuyện dừng ở đó. Mãi một năm sau khi Hồng Đăng sắp thay tôi làm tổng biên tập và Phan Tùng sắp sửa thay Hồng Đăng làm trưởng cơ quan miền Nam báo Lao Động thì xảy ra chuyện “phản phúc” mà thày tướng Bùi Việt Sĩ đã nói. Chuyện đó sẽ kể ở phần sau.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 26 Aug 2018

Kết Bạn Với Nguyễn Kiến Giang.

Một dịp vào Sài Gòn thăm con, anh Nguyễn Kiến Giang (tên thật là Nguyễn Thanh Huyên, bút danh Lương Dân, Lê Diên, Lê Minh Tuệ) đến tìm tôi ở cơ quan miền Nam của báo Lao Động. Nghe tên anh, tôi nhớ ra ngay danh sách “nhóm xét lại, chống Đảng” khi học Nghị quyết 9 Trung Ương hồi năm 1963. Hồi đó, các giảng viên đã làm cho người nghe hình dung nhóm này gồm những người không bình thường, “trứng đòi khôn hơn vịt”, đảng viên mà đòi dạy Bộ chính trị. Lạ thay, Nguyễn Kiến Giang một cốt cán của nhóm xét lại, bị buộc vào trại cải tạo vẫn khư khư bảo lưu quan điểm của mình, không chịu tiếp thu Nghị quyết 9 lại là một người có dung mạo mà các sách tướng pháp miêu tả một trang “quân tử”: mặt vuông, miệng vuông, trán cao, mắt sáng, giọng nói trầm ấm, thái độ từ tốn, khoan hòa. Người ta có thể nhân danh công lý giam hãm một người như thế này? Khi đã thân nhau, anh Kiến Giang cho biết, anh muốn tìm gặp tôi là vì được nghe kể tôi dám cãi ông Nguyễn Văn Linh ở một cuộc họp cán bộ tuyên huấn Sài Gòn.
Anh Nguyễn Kiến Giang sinh ra trong gia đình “cộng sản nòi”, bố là đảng viên từ năm 1930, mẹ là đảng viên từ năm 1936. Khi lên năm lên sáu, anh được mẹ đưa tới nhà tù Lao Bảo thăm bố là tù cộng sản, 14 tuổi anh tham gia Việt Minh, 16 tuổi được kết nạp vào Đảng, 17 tuổi là huyện Ủy viên, 18 tuổi là tỉnh Ủy viên, rồi Thường vụ Tỉnh Ủy. Tập kết ra Bắc, anh được bổ nhiệm làm Trưởng ban của báo Nhân Dân (tương đương vụ trưởng). Tại đây, anh viết quyển “Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám”, được Trường Chinh khen rất hay. Sau đó ông được giao làm “tuyển tập Hồ Chí Minh” và chuyển sang làm Phó giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật. Năm 1962 anh và một số cán bộ cốt cán được Đảng cử đi học trường Đảng cao cấp của Liên Xô nhằm đào tạo thế hệ lãnh đạo kế cận. Không ngờ chuyến đi này đưa tới bước ngoặt: Nguyễn Kiến Giang và hầu hết số người này trở thành “nhóm xét lại chống Đảng”.
Sau khi Stalin qua đời (3-1953) Khrushchev được bầu Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô (9-1963), lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin. Đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Liên Xô chủ trương cải tổ theo hướng dân chủ, đưa ra lý thuyết “tam hòa”: hòa bình thi đua giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; hòa bình đòi trả lại độc lập ở các nước thuộc địa; mỗi nước hòa bình đi lên chủ nghĩa xã hội, và “nhị toàn” là: nhà nước của toàn dân, Đảng của toàn dân. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp tỏ ra tán thành Khrushchev. Tháng 1-1963 Tổng bí thư, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Novotny của Tiệp Khắc thăm Việt Nam. Bản Tuyên bố chung Hồ Chí Minh - Novotny ca ngợi đường lối chung sống hòa bình là đúng đắn. Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng đứng về phía Trung cộng chỉ đạo Hội nghị Trung Ương lần thứ 9, ra Nghị quyết chống chủ nghĩa xét lại hiện đại. Các đảng viên đang học ở Liên Xô được gọi về nước để học Nghị quyết 9. Tại đây có sự phân hóa, một số không chịu về, cho rằng về sẽ bị trừng trị. Một số cho rằng nên về để phân tích lý lẽ giúp lãnh đạo Đảng đồng ý cải tổ theo hướng dân chủ của Đại hội 20. Nguyễn Kiến Giang là một trong số người trở về và dũng cảm phê phán Nghị quyết 9 là bảo thủ, giáo điều. Những người chống Nghị quyết 9, không được trọng dụng, nhưng chưa bị bắt. Có một trường hợp gây xúc động là ông Dương Bạch Mai, Ủy viên Thường vụ của Quốc hội, phát biểu: “Học Nghị quyết 9, tôi càng thấy cái gọi là chủ nghĩa xét lại hiện đại sao mà nó hay quá, đúng đắn quá”! Bị ông Phạm Văn Đồng phê phán, ông giận dữ phản ứng lại, bị đột quỵ và qua đời tại hội trường Quốc hội ngày 4 tháng 4 năm 1964 ngày họp cuối cùng của Quốc hội khóa 2. Năm 1967, nhằm tạo môi trường chính trị thuận lợi cho cuộc tập kích Tết Mậu Thân, Lê Duẩn sang xin Mao giúp đỡ. Mao bảo Lê Duẩn: “Muốn được chúng tôi ủng hộ thì ít nhất các đồng chí cũng phải hưởng ứng chủ trương chống phái hữu của Trung Quốc chứ”! Vậy là về nước Lê Duẩn lập tức cho bắt 30 cán bộ cao cấp không tán thành Nghị quyết 9 để chứng tỏ với Mao là đã hưởng ứng chống phái hữu. Nguyễn Kiến Giang nằm trong số này. Khi kể với tôi chuyện này, anh nói “ông bà mình có câu 'hùm dữ không ăn thịt con', nhưng Đảng mình thì ăn hết”! Ít lâu sau, ngót 300 cán bộ các cấp tiếp tục bị đày ải. Khi bị giam trong trại cải tạo, các anh có gửi thư cho Lê Đức Thọ yêu cầu được đưa ra tòa xử, kêu án, để biết mình phạm tội gì và phải ở tù bao lâu. Lê Hồng Hà, chánh văn phòng Bộ Công an, được phái vào truyền đạt ý kiến Lê Đức Thọ: “Các đồng chí yên tâm ở trong trại cải tạo là đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng”, Ông Lê Hồng Hà qua chuyến công tác đặc biệt này, đã đứng hẳn về phía những người bị giam. Ông viết kiến nghị xóa bỏ vụ án “nhóm xét lại chống Đảng”, cuối cùng chính ông cũng bị vào khám!
Từ năm 1989 khi tôi ra Hà Nội làm tổng biên tập báo Lao Động, quan hệ giữa anh và tôi càng khăng khít. Tôi đã đưa anh vào danh sách cộng tác viên có hưởng lương hằng tháng của báo Lao Động. Anh đưa tôi đến thăm cụ Lê Giản nguyên giám đốc Nha Công an từ năm 1945 tại nhà riêng ở số 5 - Nguyễn Thượng Hiền. Tại đây tôi được hai người kể cho nghe nhiều chuyện, trong đó có chuyện Cụ Hồ với cô vợ trẻ Nông Thị Xuân và kết cục bà “hoàng hậu” Nông thị Xuân phải chết thảm mà ông “vua Hồ” bất lực phải giả câm giả điếc. Đây là lần đầu tiên óc sùng bái Cụ Hồ của tôi bị giáng cho một đòn chí mạng. Với bút danh Lương Dân hàng tuần anh có bài viết đề cập các vấn đề kinh tế, văn hóa, giáo dục trên Lao Động. Thời kỳ này, A.25 (Cục an ninh văn hóa, Bộ Công an) công khai việc cử thiếu tá Đỗ Văn Phú theo dõi báo Lao Động (sau khi tôi về hưu, người kế nhiệm Tổng biên tập là Phạm Huy Hoàn đã khôn ngoan mời thiếu tá Đỗ Văn Phú về làm Chánh văn phòng báo Lao Động. Thế là cơ quan an ninh không phải mất thêm người theo dõi). Mỗi lần anh Kiến Giang đến gặp tôi thì khoảng một giờ sau, thiếu tá Đỗ Văn Phú đến hỏi: “Ông Nguyễn Kiến Giang đến có việc gì vậy đồng chí”? Do đó, tôi giao ước với anh Kiến Giang, anh đến tôi, chứ tôi không đến anh. Tôi đã nói với công an: “Cửa tòa soạn báo phải mở rộng với tất cả cộng tác viên và bạn đọc”. Lương tháng và nhuận bút đã giúp gia đình anh chị đỡ khó khăn hơn trước. Một lần, báo Lao Động yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm viết một loạt bài về đường lối đối ngoại của nước ta. Vài ngày sau, anh Kiến Giang cho tôi xem bản thảo anh viết loạt bài này theo “đặt hàng” của cán bộ giúp việc Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm. Cán bộ giúp việc Bộ trưởng nhận nhuận bút từ tòa báo, sau đó đưa lại cho anh. Có lần, anh Kiến Giang cho tôi Bản dự thảo phương hướng hoạt động đối ngoại của Ban đối ngoại Trung Ương Đảng do cán bộ Ban này nhờ anh chấp bút. Sau khi anh về khoảng nửa giờ, thiếu tá Đỗ Văn Phú của A25 tới hỏi, tôi nói đúng sự thật. Phú ngõ ý muốn được xem, tôi đã đưa cho anh. Dần dà thiếu tá Đỗ Văn Phú cũng cảm mến anh Kiến Giang vì nhận ra anh một người đầy lòng yêu nước hiểu biết rộng mà sự đóng góp trí tuệ cứ phải âm thầm.
Năm 1993 nhân Hội nghị Quốc tế Nhân quyền ở Vienna, nhiều người Việt ở hải ngoại lên tiếng phê phán Chính phủ Việt Nam không tôn trọng nhân quyền. Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung Ương, tôi viết một bài báo cho rằng cuộc chiến tranh giải phóng do Đảng cộng sản lãnh đạo đã giành nhân quyền cao nhất cho dân tộc là Độc lập. Lập tức, anh Kiến Giang đến gặp tôi và phản ứng rất gay gắt: “Mình coi Tống Văn Công là người bạn thân nhất, nhưng Công là tác giả bài báo thì mình không thể chịu được. Người ta đang đòi hỏi các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội… Tống Văn Công như một người điếc, hay là giả điếc, cứ thuyết lý hùng hồn về một điều cũ rích chẳng ai buồn nghe”! Đây là một đòn đánh mạnh vào não trạng “ngu trung” của tôi.
Có lần nghe một bạn trẻ dè bĩu chuyện những ông “cốp” đứng tên bài do anh chấp bút, Nguyễn Kiến Giang nói: “Thực lòng mình rất quý trọng những người chịu đứng tên dùm các bài mình viết. Bởi vì những người ấy đồng quan điểm với mình, hơn nữa còn giúp mình quảng bá tư tưởng mà mình hằng nung nấu nhưng không được phép công bố trên sách báo”. Anh đã viết hơn 20 tác phẩm, dịch hơn 40 quyển sách, nhưng đến ngày qua đời (2-12-2013) và tận hôm nay tên Nguyễn Kiến Giang vẫn chưa được phép xuất hiện, dù là sách về văn hóa. Tôi đang giữ một số bản thảo của anh, trong đó có quyển “Cõi tâm linh” gồm những bài: “Rồi ai cũng về cõi âm”, “Con người và cái chết”, “Đời sống tâm linh và ý thức tôn giáo”, “Thờ cúng tổ tiên trong đời sống tâm linh người Việt”. Anh thường tỏ ý rất quý trọng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện người đứng tên nhiều quyển sách do anh viết. Do đứng tên những quyển sách của Nguyễn Kiến Giang chấp bút mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được xếp vào hàng “những nhà dân chủ tiên phong” (ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang). Năm 1989, sau khi đã bắt Dương Thu Hương, trung tướng Dương Thông nói trong cuộc gặp các tổng biên tập báo, sắp tới có thể sẽ bắt Nguyễn Khắc Viện. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe ông tiết lộ chuyện này và phán đoán: “Có lẽ Đảng muốn ông Viện biết sự răn đe này để giữ mình, bởi vì bắt ông Viện sẽ gây bất lợi cho Đảng trong dư luận.” Tôi kể với anh Nguyễn Kiến Giang chuyện Dương Thông đe bắt Nguyễn Khắc Viện để anh báo cho ông Viện biết. Ít lâu sau, có tin Nguyễn Khắc Viện gửi đơn xin được thưởng Huân chương Độc lập. Cách đối phó này quả là rất cao tay! Làm sao có thể nghi ngờ một người đưa đơn xin huân chương lại có âm mưu chống Đảng! Năm 1997, trong dịp vào Sài Gòn, anh Kiến Giang kể: Trước khi qua đời, ông Viện có trối trăng với vợ ông là bà Nhất và một số bạn bè có mặt: 1 - Ông muốn được trả lại sự thật là mình đã đứng tên gần mười quyển sách của Nguyễn Kiến Giang; 2 - Ông xin Đảng, Nhà nước cho ông được an táng ở nghĩa trang Mai Dịch. Anh Kiến Giang coi mong muốn được nằm ở Mai Dịch của ông Viện là một vết nhơ cuối đời. Cho đến khi qua đời, bà Nhất vẫn không chịu thực hiện việc trả lại tên tác giả gần mười quyển sách cho Nguyễn Kiến Giang, trong đó có những quyển được nhiều người đánh giá cao như “Từ điển xã hội học”, “Cách mạng Pháp 1789 và chúng ta”, “Liên Xô 70 năm trên đường khai phá”. Dịp kỷ niệm lần thứ 200 ngày Cách mạng 1789, đại sứ Pháp đến nhà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mời ông qua Pháp. Ông Viện cho ông đại sứ biết, tác giả quyển sách nói trên là Nguyễn Kiến Giang, còn mình chỉ là người “cho mượn” tên để sách được phép in. Người đại diện chính phủ Pháp lại tìm đến mời Nguyễn Kiến Giang và nói rõ mọi chi phí chuyến đi do Pháp đài thọ, nhưng Nguyễn Kiến Giang không được phép xuất ngoại!
Nguyễn Kiến Giang viết rất nhiều tác phẩm có giá trị, một trong số đó là bài “Khủng hoảng và lối ra”. Bài này anh viết đầu năm 1991 trước thêm Đại hội 7 theo sự Ủy nhiệm của nhiều đảng viên lão thành, nhưng viết xong chỉ ông Lê Giản dám ký tên, số còn lại từ chối vì sợ bị trừng trị như Trần Xuân Bách. Sau khi phân tích tình trạng khủng hoảng toàn diện từ kinh tế xã hội, tinh thần và đạo đức, tư tưởng và chính trị, tác giả chỉ lối ra: “Phải chủ động thực hiện dân chủ hóa và đổi mới chính trị từng bước vững chắc, triệt để. Chỉ có Đảng nào không gắn bó với nhân dân biến sự lãnh đạo của mình thành chế độ đảng trị và cố bám giữ lấy nó thì mới sụp đổ. Phải chuẩn bị mảnh đất tốt cho sự phát triển lâu dài của đất nước trên nền tảng văn minh chung của loài người đã được khảo nghiệm là xã hội công dân, kỉnh tế thị trường, nhà nước pháp quyền”.
Năm 2009 tôi viết bài phản biện đầu tiên “Đổi mới Đảng tránh nguy cơ sụp đổ”. Anh Kiến Giang khen bài có ích và đúng lúc. Mấy năm qua anh không viết được vì sức khỏe quá sa sút. Anh không nói, nhưng tôi biết anh vui vì thấy nhiều bạn bè đang tiếp bước mình. Anh bị bệnh nặng và qua đời ngày 2 tháng 12 năm 2013.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hồi Ký Đến Già Mới Chợt Tỉnh - Tống Văn Công

Postby bevanng » 26 Aug 2018

Nhà Báo Trần Minh Tước - Xích Điểu.

Nhà báo Trần Minh Tước bút hiệu Xích Điểu sinh năm 1911 cùng tuổi với Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, tham gia Đảng cộng sản từ 1930, bị thực dân Pháp đày Nhà tù Lao Bảo cùng thời với Lê Đức Thọ. Năm 1938 ông viết “Nhà thơ của tương lai” đăng trên Phụ Nữ Tân văn giới thiệu Tố Hữu. Sau tháng Tám 1945, ông làm chủ tịch tỉnh Lạng Sơn, sau đó được chuyển làm giám đốc Sở báo chí Trung Ương, rồi Phó tổng biên tập báo Giải phóng, cuối cùng cộng tác với các báo. Lúc đang là Phó tổng biên tập báo Giải Phóng ông viết bài cho báo Tin Sáng nhiều hơn cho báo nhà, do đó bị Tổng biên tập Nguyễn Thành Lê phê bình. Ông bảo, thích viết cho Tin Sáng không phải vì tiền mà vì ban biên tập báo này biết đánh giá, trân trọng bài viết và tờ báo này được bạn đọc vồ vập đón nhận. Ông còn được bạn đọc yêu vì là tác giả những bài thơ trào phúng rất có duyên. Tôi mời ông viết bài thường xuyên, rồi trở thành bạn vong niên.
Tuy đường hoạn lộ không hanh thông, nhưng ông được các vị lãnh đạo cao cấp trọng nể. Ông kể, lúc Trường Chinh ra tập thơ “Sóng Hồng”, ông được đề tặng trang trọng và mời đến nhà riêng đàm luận. Lúc ông đang bình thơ và Trường Chinh chăm chú lắng nghe thì nhân viên bảo vệ đưa ông Vụ trưởng của Thông tấn xã Việt Nam vào. Ông này đích thân mang tập ảnh phóng viên chụp Chủ tịch Trường Chinh đi thăm các tỉnh Tây Bắc. Thấy Chủ tịch và vị khách say sưa trò chuyện, ông vụ trưởng lùi vào chiếc bàn gần đó ngồi chờ. Nhưng ngồi chờ gần một tiếng đồng hồ mà cuộc đàm luận chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Ông Vụ trưởng khúm núm bước tới cúi chào xin phép đi về.
Ông Trường Chinh dừng nói, ngẩng nhìn ông vụ trưởng, hỏi: “Anh đến tặng tập ảnh phải không”? Thưa vâng! Lại hỏi: “Anh đã nói lời tặng chưa? Và tôi đã nhận chưa mà anh xin về”? Ông vụ trưởng xin lỗi, cầm tập ảnh lên, lắp bắp những lời kính tặng như đứa trẻ vừa phạm lỗi bị đe nẹt, rồi cúi đầu chờ ông bố tha thứ! Kể xong, Xích Điểu có lời bình “ông chủ tịch nước cũng giống như ông vua với thần dân”! Tôi nói “cũng may là cụ không trở thành một ông to cho nên vẫn giữ được sự bình đẳng trong quan hệ với mọi người”.
Một lần, Lê Đức Thọ vào Sài gòn ghé thăm ông. Khi nói chuyện, ông gọi ông Thọ là ông và xưng tôi. Ông Thọ nói “tao thích mày gọi tao là thằng như hồi ở tù Lao Bảo mày ạ”. Ông đáp “khổ quá, làm sao gọi như vậy được, khi mà các ông đã biến tôn ti trật tự trong Đảng như một triều đình? Hồi ở tù Lao Bảo, tôi với ông là hai thằng tù cùng tuổi đời, tuổi Đảng. Tôi lại là thày dạy ông học tiếng Tây, dạy ông làm thơ. Còn ngày nay ông là Ủy viên Bộ Chính trị, có dàn trợ lý, cận vệ, cần vụ. Tôi chỉ là thằng viết báo kiếm nhuận bút.” Lê Đức Thọ cười lớn “mày tự ti đó mày ơi! Tao vẫn coi mày là thày tao”. Kể tới đó, ông cười và nói tiếp chuyện đời: Một lần, Ủy viên Bộ Chính trị Tố Hữu đến nói chuyện với các nhà văn nhà báo. Xích Điểu trong đám cử tọa ngồi nghe. Đến lúc nghỉ giải lao, Tố Hữu với giọng kẻ cả hỏi Xích Điểu giữa đám đông: “Ông ơi, lâu nay ông bận việc tới nỗi không có thì giờ đọc thơ tôi hay sao mà không thấy ông bình luận gì cả”? Xích Điểu vui vẻ trả lời: “Hồi đó trên văn đàn Việt Nam người ta không biết có nhà thơ Tố Hữu. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân không nhắc tới. Nay thì có tập thơ nào của Ủy viên BCT Tố Hữu mà không được Hoài Thanh và bao nhiêu nhà phê bình trẻ ca tụng. Tôi viết tụng ca làm sao bằng họ”! Tố Hữu tuy rất khó chịu nhưng cố im lặng.
Sau năm 1975, ông vào Sài Gòn làm báo. Hai vợ chồng già sống trong gian phòng của ngôi nhà tập thể báo Đại Đoàn Kết. Cụ bà mất năm ông 76 tuổi. Trong vụ đấu tranh chống tham nhũng ở Công ty Dịch vụ Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tôi viết thư mời ông làm thơ đả kích bọn này. Cô Ngọc Dung học ở Ba Lan về được gọi là “Dung Ba Lan” mang thư tôi đến ông. Ông viết liên tục những bài thơ đả kích theo diễn biến của cuộc đấu tranh. Thực không ngờ, sau khi quật ngã được bọn tham nhũng, ông mời tôi dự lễ cưới của ông với Dung Ba Lan. Họ sống hạnh phúc đến năm ông qua đời ở tuổi 94.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 110 guests