Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 17 Aug 2018

Image

Huy Phương


Ấm Lạnh Quê Người


Tạp ghi HUY PHƯƠNG
Ấn hành lần thứ hai Kỷ niệm ngày 17-9-2007
Nhà xuất bản NAM VIỆT Xuất bản và phát hành (2007)


Gởi độc giả đầu tiên của tôi.
… Như em bé tội nghiệp trong câu chuyện trên, không có nổi một đóa hoa để tặng cô giáo trong ngày lễ của Tình Yêu, thứ ba tuần rồi, tôi cũng không có nổi một hạt kim cương bé nhỏ để đeo vào ngón tay già nua, héo úa của em, hay nhớ để mua cho em một đóa hồng, nhưng làm sao chúng ta sống với nhau tử tế đến cuối cuộc đời, để lúc ra đi không có gì phải tiếc nuối hay ân hận về những điều đã ăn ở “không phải” với nhau.
(Đóa Hoa Cho Tình Yêu - trang 25)


Nguyệt San KHỞI HÀNH:
“Mỗi bài là một sự suy nghĩ chính chắn từ chính kinh nghiện bản thân hay những bản tin thời sự liên quan đến số mệnh chung của một nhóm người hay của cả một đất nước. Nhiều câu câu kết bất ngờ, khiến người đọc nhìn vấn đề thêm một khía cạnh khác.
Đọc giả đọc ông không như đọc những bài phiếm sơ sài phù phiếm, mà đọc để bắt gặp những vấn đề đáng quan tâm hơn. Chính lối viết ấy khiến ông có một chỗ đứng rất riêng biệt và người đọc có cảm tưởng ông đã chọn được một cách thể hiện đặc biệt những ưu tư của mình”.

NGUYỄN ĐẠT THỊNH:
“Huy Phương là một nhà thơ, một nhà văn có tâm hồn và một người bạn có thủy, có chung, có tư cách”.

BÙI BẢO TRÚC:
“Ông không bao giờ đánh mất cái nét nhân bản, hiền lành và tử tế trong cách viết của ông. Đọc Huy Phương, quý vị sẽ thích Huy Phương”

PHẠM CẠO DƯƠNG:
‘Trong Ấm Lạnh Quê Người Huy Phương đã tỏ ra bình tỉnh, thanh thản hơn và từ đó nhẹ nhàng hơn, bao dung hơn, độ lượng hơn, khéo léo hơn nhưng cũng thâm trầm hơn”.

QUỲNH GIAO:
“Tâm ông mở ra khắp bốn phương, đón nhận mọi màu sắc, mùi vị lẫn tâm tình xấu tốt, và cái tâm đó trở thành cái lọc, để gạn ra những điều xấu đẹp và viết lại như một thời thủ thỉ nhẹ nhàng về mọi chuyện trên đời.
Ở Huy Phương, gây thấm thía cho chúng ta chính là cái lọc ở trong tâm của ông. Như một đóa hướng dương luôn luôn xoay về ánh mặt trời, Huy Phương luôn có hướng thiên về luân lý, đạo đức, về sự đúng sai trong cách xử thế. Có lẽ, người tù đã xuống tận cùng của tuyệt vọng và vẫn vươn lên thì mới có thể cảm thông với sự yếu đuối và kiên nhẫn chỉ ra cái hướng tử tế hơn trong cách sống.”


XIN ĐỌC TRONG TẬP SÁCH NÀY:
Nhận xét về tạp ghi Huy Phương của các nhà văn:
* Toàn Phong NGUYỄN XUÂN VINH * BÙI BẢO TRÚC
* NGUYỄN MẠNH TRINH * ĐỖ VĂN PHÚC
* PHẠM CAO DƯƠNG * QUỲNH GIAO.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Lien 53

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 17 Aug 2018

TIẾNG CHIM BUỔI SỚM


Ngày bị đày ra tận Hoàng Liên Sơn, “lán” tù tôi ở bên một dòng suối nhỏ, đầu “lán” có một cây rừng, đến mùa hè hoa nở đỏ. Buổi sáng, tôi thường thức giấc sớm, nghe có con chim lạ đến hót những tiếng líu lo ở trên cành. Tôi nằm yên, quên hết phiền muộn, tận hưởng những âm thanh tuyệt diệu, âm thanh đầu tiên của một ngày. Để sau đó, không bao lâu, là tiếng kẻng tù gắt gỏng nổi lên giữa buổi sớm mai, bắt đầu một ngày lưu đày khốn khổ.
Ai cũng cho rằng khi nằm trên giường thì bắp thịt ta được nghỉ ngơi, nhịp tim đều đặn, hơi thở nhẹ nhàng, giác quan tinh tế hơn, và ta có thể tập trung tinh thần vào những cảm giác hay những ý tưởng của mình một cách tuyệt đối. Ông Lý Lạp Minh, một nhà văn Trung Quốc khuyên ta buổi sáng nên nằm trên giường mà nghe chim hót, là điều thú vị nhất. Tôi cũng đã hưởng được những giây ấy, mặc dù là ngắn ngủi. Ở thành phố hay thôn quê, đâu cũng có chim, chẳng qua là vì cuộc sống tất bật, chúng ta không để ý đó thôi.
Tôi còn nhớ Saigon, buổi sớm mai, những quãng đường như Hồng Thập Tự với những hàng cây cao đầy bóng mát, luôn luôn ríu rít tiếng chim kêu. Ngày ấy đời còn vui, chim còn đậu đất lành, tiếng động cơ của xe cộ hay tiếng xích lô máy nổ dòn dã cũng không đuổi hết đàn chim phải bay rời xa tổ. Ngày đất nước rã rời, phải lên tàu Sông Hương ra Bắc, những hôm phải vác một con dao lên những đồi tre, qua những cánh rừng, chặt chục cây mương hay kiếm mớ củi, cô đơn lầm lũi giữa làn cây, nghe tiếng chim kêu mới thấy nỗi sầu trong dạ.
Có những tiếng chim chiêm chiếp như tiếng gà con, bồi hồi nhớ đến đàn con còn bé dại ở quê nhà. Có tiếng chim cu gáy xa xa, đáp lại ở đâu đó tiếng đồng loại hòa điệu, nghĩ lại tấm thân cô đơn với nỗi buồn nơi xứ lạ. Rồi tiếng chim rừng khắc khoải “bắt cô trói cột” vẫn thường nghe mỗi trưa nơi rừng Việt Bắc, tiếng kêu kéo dài cho đến lúc nắng quái buổi chiều. Tiếng kêu đanh lại, nghe như gằn từng tiếng, theo đầu óc tưởng tượng của mỗi người với những hoàn cảnh riêng, như lời kêu thống thiết, oán thán, trách móc não nuột. Tiếng chim “bắt cô trói cột” nghe thành “hết cơm tới bột” còn chút khôi hài, đói rã họng “đói cơm đứt ruột” còn nghe lời động viên “khó khăn khắc phục” lập đi lập lại nghe tới nhàm chán. Nghĩ theo lời chim, mường tượng như nỗi than khóc “nhớ con đứt ruột”.
Rồi con chim “cuốc” lầm lũi đâu đó trong khóm lúa, bụi cây, vào cuối xuân hay đầu mùa hè, không hề biết hót mà kêu lên những tiếng khắc khoải, từng tiếng từng tiếng một, nghe ra não nùng, hờn oán của người “mất nước” phải khoanh tay, để “nhớ nước đau lòng con quốc quốc” (Bà Huyện Thanh Quan). Con chim này được gọi là Đỗ Quyên hay Từ Quy, theo tích xưa, là hóa thân của Vua Thục Đế, mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành con chim, cất lên những tiếng kêu não nùng. Tiếng chim “cuốc” nghe xót xa phù hợp tâm trạng người “mất nước” phải xuống tàu đày đi biệt xứ. Nhớ lại câu thơ của Chu Mạnh Trinh:
“Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu
Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm.”
Cung miếu triều xưa nay vắng ngắt,
Trăng mờ khắc khoải “cuốc” kêu thâu.

(Tiên Đàm dịch)
Hay của tướng trung liệt Phan Thanh Giản:
“Ải Bắc ngày chờ tin nhạn vắng,
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu!”

Còn loài “chim quyên” khác ta thường thấy là một loài chim nhỏ, có bộ lông óng ánh, nâu pha đốt đỏ, có tiếng hót rất hay, thường vào ban trưa ở trong bụi hay đầu hồi nhà. Nhưng không hiểu tại sao người ta lại đánh giá cao để ví chim quyên cao như người quân tử, quân tử sao mà sa cơ, như “chim quyên xuống đất ăn trùn, anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than”.
Gà là loại cầm, nó không biết hót, nhung con gà trống có tiếng gáy vào buổi ban trưa làm cho người ta nhớ đến bao nhiêu điều: “hiu hắt gà trưa gáy não nùng”. (Lưu Trọng Lư)
Nhà văn Lâm Ngữ Đường thích nghe tiếng kêu của một loại “gà nô” (tiếng Tàu còn gọi là “giá cô”). Nói là giống gà nhưng nó hót như chim. Tiếng hót có ba âm do, re, mi… âm mi kéo dài hai ba nốt, ngưng hẳn một tí, rồi tiếp theo bằng một nốt thấp hơn. Giống chim này có nhiều ở phía Nam Trung Quốc, hót trễ vì đây là một giống chim dạn dĩ, không sợ giàng thun bọn trẻ, trái lại hầu hết loại chim khác đều hót sớm vì sợ loài người ác độc. Có khi chúng bặt tiếng luôn vì lưới bẫy giăng khắp nơi, ví lưới chim đem ra chợ bán là một nghề mới kiếm cơm.
Tiếng hót của giống gà nô này có bốn âm và âm cuối kéo dài, có người nghe là “chè, xôi, chuối… thịt”, âm thịt kéo dài ra, thấp xuống rồi ngưng bặt (theo Nguyễn Hiến Lê). Nghe giống như ý nghĩ mấy ông xôi thịt làng xã ngày trước và ngay cả hôm nay. Giống chim này ở Việt Nam cũng có, thời Tây thuộc tôi có nghe người ta nhại tiếng chim là “père, mère, frère… tout est perdu” (cha mẹ anh em mất cả rồi). Nghe ra ngậm ngùi làm sao, như sau một trận hồng thủy, chiến tranh… như một câu oán than: “cha mẹ già đã khuất núi, quê hương đã thất lạc, mộng ước đã tàn phai…” (Bùi Bích Hà).
Tôi có người bạn già vẫn bị người ta chê là đã vì tự do mà bỏ xứ, sao bây giờ lại giam cầm bao nhiêu loại chim trong khu vườn nhỏ, gây nên cảnh “chim lồng cá chậu”, khuya sớm lo quạt nồng, ấp lạnh, vất vả tấm thân già. Nhưng bù lại, bạn tôi hưởng được cái thú ở đời là mỗi buổi mai thức giấc nằm nướng trên giường nghe tiếng chim khướu hót ngoài hiên. Những buổi sáng đầu mùa hè, tiếng chim sơn ca (chiền chiện) trong ánh sáng mờ mờ của buổi rạng đông đã bắt đầu cất tiếng hót. Những lúc sung sức, ăn uống đầy đủ giọng sơn ca “luyến láy” tuyệt vời, nói theo danh từ làng ca kỹ. Ban trưa, khi trời nắng ấm là lúc những con chim khoen (gọi là vành khuyên vì trên mắt chim có hai vòng khoen trắng) rộn ràng tiếng hót. Buổi tối nếu trong nhà còn đèn sáng, sơn ca vẫn còn cất tiếng, khi có tiếng nhạc ồn ào, thì giống chim khuyên cũng líu lo tưng bừng. Ban trưa nắng, trời ấm nghe tiếng chim cu gù. Những đêm trăng, chúng ta còn nghe tiếng chim “mocking bird” kêu, một loại chim có rất nhiều trên đất Mỹ. Dù là giống chim trời của bốn phương, nhưng giống chim cùng loại đậu ở đâu cũng hót tiếng như nhau, nên người chơi chim còn nghe được chút âm thanh quê hương đâu đó. Họa Mi, khướu và những giống chim Á Đông đã theo những người nuôi chim bằng nhiều con đường khác nhau, sang đến miền đất này, để khuya sớm chuyện trò với gia chủ bên tách trà buổi sớm.
Trời đất yêu loài chim nên tạo ra rừng cây, loài người yêu chim thì phát minh ra cái lồng. Ông Trịnh Bản Kiều bên Tàu, ngày xưa khuyên em ông đừng bao giờ nhốt chim trong lồng, vì chúng ta nên dung hòa với thiên nhiên và vui với vạn vật. Ông cho rằng không phải vì không yêu chim mà ông khuyên em đừng nhốt chim trong lồng, nhưng vì có cái đạo yêu chim và nuôi chim. Muốn nuôi chim thì trồng vài trăm cây chung quanh vườn nhà để chim tìm tới làm tổ. Buổi sáng tỉnh giấc, còn trăn trở trên giường mà nghe tiếng chim hót thì còn gì thần tiên bằng. Lúc đã xuống giường, mặc áo, đánh răng súc miệng, uống trà, còn thấy chim vỗ cánh rực rỡ, bay qua bay lại thì cái vui nhìn chim trong lồng đâu có so sánh được.
Ở trên đời này ai cũng ghét giọng con chim cú, nhất là chim cú kêu nửa đêm, để người ta miệt thị là “cú dòm nhà” hay “cú kêu nhà bệnh”. Cũng là loài chim, nhưng chúng lại không có tiếng hót của trời cho, mà chỉ có tiếng kêu như giống ngan ngỗng tầm thường. Một loài chim khác chỉ biết kêu hay nói, là giống vẹt. Chúng mang màu sắc sặc sỡ như xiêm áo của bà đồng cốt, tiếng kêu chát chúa chói tai mà nhiều người vẫn thích do cái tài bắt chước ngọng nghịu tiếng nói của loài người, đó là “nói như vẹt”. Đến thăm nhà nuôi vẹt, nghe tiếng vẹt nói ngộ nghĩnh, chúng ta thường cất tiếng cười hỉ hả, nhưng giống vẹt lại cho đó là tiếng tán thưởng vì giọng nói ngô nghê, sao chép vô nghĩa của nó. Ta có bao nhiêu giọng nói quen thuộc, chúng ta chưa đến nỗi thiếu giọng người, thế mà cũng có người thích giọng vẹt-người.
Những ngày mới đến Mỹ, tôi nhận thấy ở Mỹ có nhiều bầy quạ đen. Chúng kêu loét choét sau vườn, nhiều khi sà cả bầy xuống sân cỏ. Tôi cho đây là loại chim vô tích sự. Người đời quý màu sắc, mà loài quạ chỉ mỗi màu đen. Người ta thích tiếng hót mà loài quạ chỉ biết kêu. Ai cũng thích sự hiếm quý, mà loài quạ bay đến từng đàn, đuổi đi không hết. Vậy mà nhà thơ Trương Kế của Trung Hoa ngày xưa, nửa đêm nghe tiếng quạ kêu cũng sinh tình làm bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” bất hủ. (Nguyệt lạc, ô đề sương mãn thiên…)
Trong khi trái đất này còn quá nhiều loại quạ, vẹt, cú, kên kên… mà chúng ta còn nghe được tiếng chim hót, hạnh phúc biết bao! Nếu bạn ở trong một vùng vắng tiếng xe, một buổi sớm mai nào đó, thức giấc, nằm yên trên giường, xin im lặng, thử tìm nghe có tiếng con chim nào đến hót trên cành cây ở đầu nhà không?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, anhhat26, mnghia812003

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 17 Aug 2018

SỐNG VÀ CHẾT TRONG LÃNG QUÊN


Cách đây gần 12 năm, tôi lạc đến vùng down town Philadelphia, một vùng phố cổ với nhiều thứ dân tạp chủng, xô bồ với những quán rượu, miếng chai đầy đường, graffiti dày đặc trên vách phố. Nhưng những gia đình người Mỹ sống ở đây lâu năm, từ thế hệ này sang thế hệ khác, lại không muốn chuyển đi nơi khác, hình như họ trung thành với những dấu tích, hơi hám của tổ tiên. Có những ông bà cụ, hoặc những người già sống đơn lẻ vẫn còn lại trong những căn nhà khép kín, trong khi con cái đã bay nhảy đi xa.
Láng giềng của tôi ở là một ngôi nhà như thế. Mấy hôm nay tôi nghe tiếng chuông điện thoại reo liên tục trong ngôi nhà đóng kín ấy từng hồi, nhưng không có người nhấc máy. Buổi chiều, rồi tối, tiếng chuông lại tiếp tục. Ngày hôm sau, ông cụ hàng xóm cho tôi biết, trong ngôi nhà ấy có hai mẹ con, nhưng người con trai đã bỏ đi làm ăn ở tiểu bang khác từ lâu, chỉ còn mỗi cụ bà sống lặng lẽ một mình. Cách đây một tuần, xe cấp cứu đã đến gõ cửa nhà và đưa bà cụ vào bệnh viện. Khi tôi hỏi về những hồi chuông điện thoại dai dẳng, ông cụ hàng xóm phân trần, cho rằng đó có thể là điện thoại của một người quen, và cũng có thể là đứa con ở xa gọi về thăm mẹ. Bà cụ này đã vào bệnh viện và biết đâu đã qua đời, xác vô thừa nhận vì không có ai là thân nhân. Điều đó không có gì lạ lùng, vẫn thường xẩy ra trên đất Mỹ này.
Ở thành phố New York, tại khu Hampton Bays, khi cảnh sát đến điều tra một vụ nổ ống nước tại đây, họ phát giác ra trong một căn nhà, một ông cụ chết đã hơn một năm qua, đang ngồi trên ghế trước màn ảnh TV vẫn còn chiếu các chương trình liên tục. Ông Vincenzo Ricardo, gốc Ý, 70 tuổi, đã chết vì những lý do tự nhiên, nghĩa là không vì những lý do như trụy tim hay tai biến mạch máu não. Có lẽ ông cụ ra đi như một thân cây đã khô héo, hết nhựa sống. Hàng xóm thì vẫn nghĩ rằng ông cụ này đang nằm trong một bệnh viện nào đó với căn bệnh tiểu đường đến hồi trầm trọng. Cũng không ai để ý đến căn nhà đèn vẫn sáng từ suốt gần hai năm nay, từ tháng 12 năm 2005. Chuyện này không phải mới nghe lần đầu, mà hai ba năm về trước cũng đã có những trường hợp tương tự xẩy ra đâu đó trên đất Mỹ.
Tại thành phố Essen, Đức Quốc, ngày 10 tháng 5-2007, cảnh sát đã tìm thấy thi hài đã rữa của một người đàn ông 59 tuổi, đang ở trong tình trạng thất nghiệp trong một căn phòng ở một cao ốc. Theo những tài liệu thu lượm được, cảnh sát cho biết người đàn ông này chết đã 7 năm mà không hề một ai hay biết, vì ông không có thân nhân cũng như không gia đình nào có người mất tích để thông báo cho sở cảnh sát.
Ở Quận Cam, California, nơi có nhiều người Việt cao niên nhất nước Mỹ sinh sống, chúng ta cũng biết đến những trường hợp như thế. Một vị cựu tướng lãnh đã chết trong một căn nhà dành cho người cao niên, phải ba ngày sau người ta mới biết. Một người khác, té quỵ trong phòng tắm, phải sáng hôm sau người ở tầng dưới mới phát giác ra vì nước suốt đêm đã tràn xuống nhà dưới. Một học giả cũng lặng lẽ với giấc ngủ dài trong căn nhà của mình nhưng không ai hay. Những ai đang sống trong những căn nhà già cô quạnh, trong cơn đau yếu bất chợt nếu không kịp nắm giây chuông cấp cứu, cũng đều có thể lâm vào tình huống ấy.
Nhiều người bạn già của tôi, tâm sự muốn sau khi chết, thi hài của họ phải được thiêu đốt rồi “gởi gió cho mây ngàn bay”. Họ không muốn nằm trong phần mộ để rồi bị quên lãng không ai thăm viếng, như những đứa con đã quên cha mẹ trong những “hộp cao ốc” người già, quên cha mẹ lạnh lẽo trong nursing home.
Nhiều bậc cha mẹ đã trải qua chiến tranh, tù đày, vất vả nuôi con, rồi lại đưa con đến đây, nơi mà chúng có thể ăn học thành tài, nhưng rồi cha mẹ lại nhận sự trả ơn một cách lạnh nhạt, thờ ơ.
Trong bài “Thính Biên Phòng” (Nghe Tiếng Ngỗng Trời Ngoài Biên Ải) nhà thơ Bạch Cư Dị mô tả cảnh ngoài cửa ải, một đàn ngỗng bị cơn gió mạnh thổi đến phải bay lên, một nửa đáp xuống bãi cát, một nửa bay khuất vào trong mây, và ông tự hỏi nếu nàng Chiêu Quân trong hoàn cảnh đang dưới ánh trăng, hay ông Tô Vũ, trong bãi tuyết lạnh nghe tiếng ngỗng kêu như thế thì họ sẽ nghĩ gì (vị vấn Chiêu Quân nguyệt hạ thính - hà như Tô Vũ tuyết trung văn?). Ta cũng biết tích nàng Chiêu Quân thời Hán Nguyên Đế bị đem gả cho Hung Nô và ông Tô Vũ, cũng đời Hán Nguyên Đế đi sứ Hung Nô, bị đày đi chăn dê trên núi tuyết, mười chín năm mới được tha về. Cả hai đều vì hoàn cảnh của đất nước, buộc phải ly hương, mang trong lòng nỗi thống hận khôn nguôi. Bản thân ông Bạch Cư Dị cũng có lần bị đày đi làm Tư Mã Giang Châu, tấm thân lưu lạc nên cảm hoài tới cổ nhân, mà viết nên bài thơ trên.
Bây giờ đã vào giữa tháng giêng, nhưng trời còn lạnh, những người lính già đất khách, đem thân lưu lạc không có ngày về, lại quạnh hiu, cô đơn trong những ngôi nhà bị bỏ quên, không biết họ có phiền muộn không? Đây là những người đã bỏ nước ra đi, đến nay ròng rã nhiều năm, vẫn canh cánh niềm riêng bên lòng, chưa hề một lần trở lại quê nhà. Không ai muốn sống ly hương, dù nơi đó có những điều kiện sinh sống tốt đẹp hơn ở quê nhà, phải chăng là vạn bất đắc dĩ.
Nhiều người trong chúng ta cũng bỏ nước ra đi, nhưng vì ở nơi chăn êm nệm ấm, gia đình yên vui, con cái học hành đỗ đạt, một vài năm lại quy cố hương, xênh xang áo gấm về làng thì sao gọi được là người lưu lạc, làm sao có nỗi cảm hoài để thông cảm vói nỗi cô quạnh của người xưa như thế.
Tại trên đất Mỹ, những người già phiêu bạt đủ các quốc tịch và mang đủ các khổ nạn trong quá khứ khiến họ phải đến đây, không biết có buồn vì nỗi cô quạnh của mình không, nhưng bao nhiêu người Việt sau nhũng biến cố đổi đời, trôi giạt đến đây, nghĩ sao khi cuối đời sống lạnh lẽo trong những căn nhà hộp không sinh khí và đôi khi ra đi trong sự quên lãng của mọi người?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 17 Aug 2018

SỰ TRẢ ƠN


… Hãy cố gắng ghi lên cát những gì mình bị tổn thương, và khắc lên đá những điều mình chịu ơn.

Chiều thứ hai tuần rồi, trên đường đến phi trường Houston, Texas để lên máy bay trở lại Los Angeles, chiếc xe của người bạn đưa chúng tôi đi thình lình bị nổ bánh trên xa lộ. Phải nói đây là lúc bối rối và lo lắng nhất, vì giờ máy bay cất cánh đã gần kề mà việc thay bánh xe trên freeway là một chuyện rất nguy hiểm. Bạn tôi đành gọi về nhà nhờ các con anh lên tiếp tay lo cho cái xe cũng như đưa chúng tôi đến phi trường, nhưng tôi nghĩ là thời gian đã quá trễ, thế nào đêm nay chúng tôi cũng phải nằm lại phi trường để chờ chuyến bay kế tiếp về nhà.
Thế rồi một chiếc xe Sequoia tấp vào lề, sau chiếc xe của chúng tôi, trên xe bước xuống một thanh niên người Nam Mỹ, mặc đồng phục của một hãng sửa xe.
Anh tỏ ý muốn giúp chủ nhân chiếc xe bể bánh thay bánh xe và ngoài vợ anh, trên xe còn ba đứa con nhỏ, đưa chúng tôi đến phi trường cho kịp giờ phi cơ cất cánh. Thật là một vị cứu tinh đến với chúng tôi đúng lúc, nhưng thật là ngại ngùng, vì nếu một chiếc xe tow hay xe taxi lại là khác, ở đây lại là một người qua đường sẵn lòng giúp đỡ mà không đặt một điều kiện nào. Người thanh niên nói với chúng tôi đem hành lý sang xe, để vợ anh sẽ đưa chúng tôi lên phi trường cho kịp giờ, còn anh sẽ ở lại với bạn tôi. Trong khi chúng tôi đang ngần ngại, anh ta nói: - “Tôi muốn giúp ông bà, tôi là người Thiên Chúa giáo”.
Lúc đến phi trường, chúng tôi cố dúi vào tay người đàn bà tốt bụng một số tiền trả ơn, nhưng nhất định bà ta không nhận. Tôi thoáng có ý nghĩ là để tiền trên nệm xe, nhưng kịp nghĩ lại, đó là một điều bất nhẫn sẽ làm cho người ra ơn phẫn nộ, và họ sẽ không có được một buổi chiều thư thái trong lòng sau khi đã giúp đỡ được một việc hữu ích cho người khác. Chúng tôi là những hành khách vào phi cơ cuối cùng, yên tâm trở lại nhà đúng chuyến bay nhưng đầu óc vẫn nghĩ đến hai vợ chồng tốt bụng mà tôi đã may mắn gặp giữa đường rất đúng lúc. Cũng tối hôm đó, bạn tôi ở Houston điện thoại cho biết người thanh niên sau khi thay bánh xe cho bạn tôi trên xa lộ, đã không nhận một đồng tiền công nào, mà chỉ yêu cầu để cho anh lái xe vào một tiệm Mac Donald gần đó để gọi vợ anh ta đến đón về.
Lắm lúc chúng ta cầu nguyện Quán Thế Âm nhưng Đức Mẹ lại cho một người đến giúp và nước Mỹ vẫn còn ấm áp tình người biết bao nhiêu.
Có một câu chuyện trả ơn như thế này: “Một buổi chiều nọ, trên đường phố một thanh niên có lòng tốt đã giúp một thiếu phụ sang trọng qua đường, sửa cho chiếc xe hơi tắt máy của bà. Xong công việc, mặc dầu bà năn nỉ trao cho thanh niên một số tiền trả công, nhưng nhất định người này không nhận. Anh chỉ nói tóm tắt: - Giúp bà là bổn phận của tôi. Nếu được, có dịp bà giúp đỡ cho người khác là quý rồi.
Một ngày nọ, người thiếu phụ này vào một quán ăn nhỏ, bà thấy một người đàn bà đang chùi dọn trong nhà hàng. Người đàn bà này có vẻ tiều tụy, mệt nhọc và đang có bầu. Động lòng trắc ẩn, bà gọi người ấy ra góc quán ngỏ lời thăm hỏi và giúp đỡ cho người này một trăm đồng bạc. Người đàn bà quét dọn trong quán ăn, buổi chiều về nhà kể câu chuyện này cho người chồng nghe và mô tả hình ảnh người thiếu phụ này. Nhận ra đây là thiếu phụ mình đã giúp đỡ ngoài đường phố mấy tháng trước, anh chỉ mỉm cười và nói với vợ: - Thôi em hãy giữ lấy số tiền này, có dịp chúng ta sẽ san sẻ lại cho người khác.”
Thái độ muốn trả ơn vội vàng là một thái độ vô ơn. Nhiều người được người khác cho một món quà, muốn đi mua một món quà khác cho lại để khỏi phải mang ơn. Nhiều gia đình được bạn mời cơm, chưa đầy một tuần sau đã cố nài nỉ bạn lại nhà mình để trả lại một bữa cơm khác. Tâm lý chung là chúng ta thường nghĩ mình không hề mắc nợ ai và không muốn mắc nợ ai, nhưng thật ra chúng ta mắc rất nhiều món nợ mà chúng ta vô tình không biết. Chính vì vô tình không biết nên chúng ta thường là những kẻ vô ơn, mà lòng vô ơn thường đi theo lòng tự cao, tự đại. Nếu khi chúng ta nhìn xung quanh, thấy ai cũng là kẻ ra ơn cho mình, và mình mắc nợ rất nhiều người, thì hẳn lòng ta đã ấm áp trở lại và cảm thấy thương yêu tất cả mọi người. Tôi không biết giữa người bác sĩ và bệnh nhân của ông, ai phải mang ơn ai đây, nếu hai người cùng chịu ơn nhau, mối giao hảo sẽ rất bình đẳng và cộng đồng sẽ đối xử với nhau như anh em.
Có những việc mà ngày xưa chúng ta đã có dịp giúp người khác, mà thời gian làm cho chúng ta quên bẵng đi, ba bốn mươi năm sau, người được giúp đỡ có dịp gặp gỡ và nhắc lại. Cũng như trong đời, chúng ta đã mang ơn một vài người, vẫn nhớ và đi tìm họ, nhưng có những món nợ không bao giờ trả nổi. Chúng ta quanh quẩn chuyện mang ơn và ra ơn. Ra ơn thì không bao giờ nhớ hết, mà mang ơn thì trong lòng canh cánh không quên, như lời Chu Tử: “Thi huệ vô niệm, thọ ân mạc vong - Làm ơn đừng nghĩ tới, mang ơn chớ khá quên.
Tôi đã có lần giúp đỡ cho một vài người quen thuộc, nhưng được trả lại bằng sự vô ơn. Tôi buồn bực vì biết rõ những người ấy, nhưng nếu tôi giúp cho ai đó mà tôi chẳng hề biết đến họ, coi như giúp cho một kẻ qua đường, có lẽ lòng sẽ thanh thản hơn. Có thể tôi cũng đã mang ơn ai đó, ở xa hay gần, trong quá khứ hay mới đây thôi, mà vô tình không hề biết hay đã lãng quên để lòng người ra ơn cũng không vui như vậy. Có ai nói được rằng, trên đời này mình chưa hề chịu ơn ai!
Về chuyện ân và oán, tôi xin ghi lại một câu chuyện mà tôi đã đọc được đâu đó: “Hai người bạn cùng đi băng qua một sa mạc. Một ngày nọ họ cãi nhau và một trong hai người bị người kia đấm vào mặt. Người bị đánh không nói một lời, anh viết trên bãi cát gần đó: - Hôm nay người bạn thân nhất của tôi đã đánh vào mặt tôi.
Họ tiếp tục đi và một ngày kia họ đến một hòn đảo nhỏ và họ quyết định xuống tắm, chẳng may người bị đánh hôm qua bị lún sâu vào một hố cát nhưng được bạn mình cứu thoát. Ra đến nơi an toàn, người được cứu dùng dao khắc lên đá: - Hôm nay bạn tôi đã cứu tôi! Người bạn kia bèn hỏi: - Sao lúc tôi đánh anh, anh ghi vào cát, mà chuyện tôi cứu anh, anh lại khắc vào đá?
Người bạn kia đáp: - Khi ai làm tổn thương hạn, hãy ghi vào cát và để gió cuốn đi, ra khỏi ký ức bạn. Khi ai đó làm điều tốt cho bạn, thì hãy tạc lên đá để thời gian còn giữ lại mãi.
Bạn hãy cố gắng ghi lên cát những gì mình bị tổn thương, và khắc lên đá những điều mình chịu ơn. Người ta nói cần một phút để tìm xem ai là người đặc biệt, một giờ để thấy người ấy đáng quý, nhưng hết một đời đâu dễ đã quên!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Tố Cầm

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 17 Aug 2018

ĐÓA HOA CHO TÌNH YÊU


Thời niên thiếu, tôi có đọc ở đâu đó một câu chuyện về hoa và ngày lễ Tình Yêu. Trong một lớp học mẫu giáo, nhân ngày lễ Tình Yêu, trong lớp nhiều học sinh đã đem hoa, kẹo và quà cho cô giáo. Riêng một em nhỏ nhà nghèo đã không có tiền mua hoa hay quà, em mặc cảm lủi thủi đứng riêng một mình. Em đã đi quanh sân, trong ý nghĩ non nớt, muốn tìm một món gì đó để tặng cô giáo của em. Mắt em sáng lên khi nhìn thấy trong thùng rác một bó hoa đã héo tàn mà ai đó đã vứt bỏ. Em mừng rỡ nhặt lên, hối hả chạy vào lớp, rụt rè đưa cao bó hoa tàn lên tặng cô giáo. Cả lớp trông thấy bó hoa cùng cười ồ lên trong khi em bé xấu hổ nước mắt ràn rụa. Nhưng cô giáo đã ôm bó hoa cũng như em bé vào lòng, mắt cô cũng ngấn lệ. Khi cả lớp đã im lặng, cô giáo nói với các em học sinh: “Trong đời cô, đây là bó hoa đẹp nhất mà cô đã nhận được.”
Thật tình tôi đã quên mất ngày Valentine. Bằng chứng là tối thứ ba ngày 14 tháng 2 năm nay, tôi đã không nhớ đây là một ngày lễ lớn của nước Mỹ, lại dại dột mời một người bạn ở tiểu bang miền đông về đi dùng cơm tối. Từ 6 giờ 30 tối, tôi đã lái xe tới ba nhà hàng nhưng không chỗ nào chen chân lọt, với một dãy dài người đứng đợi ở ngoài trời trong khi thời tiết khá lạnh. Cuối cùng thì chúng tôi phải chọn một nhà hàng Tàu để giải quyết bao tử, ở đó khách khứa còn lơ thơ, vì không ai muốn mời bạn bè hay người yêu đi dùng bữa tối ngày Valentine trong một khung cảnh không lấy gì làm ấm cúng và cũng chẳng “romantic” tí nào.
Nhưng chúng ta muốn “lãng mạn” sao được khi đang ngồi ăn dưới ánh đèn cầy, với ly rượu vang trên tay mà tiếp viên nhà hàng qua lại, chỉ muốn tống khứ lượt khách này đi để mở cửa mời lượt khách khác. “Romantic” sao nổi khi bao nhiêu người khách đang đứng lố nhố trước cửa nhà hàng, liếc qua cửa kính để trông có khách bàn nào đang xỉa răng, gọi nhà hàng tính tiền, chuẩn bị đứng dậy để nghe gọi tên mình vào điền chỗ?
Biết bao nhiêu ngày đẹp trời khác để có thể mời người yêu đi dùng một bữa cơm tối, sao lại phải chen chúc xếp hàng để chờ vào cửa, đứng chực ở sau lưng người khác vừa ăn xong đứng dậy, để ngồi xuống một cái ghế còn ấm chỗ và trước một cái bàn vừa được lau vội vàng, có khi còn vướng vất mùi hóa chất nồng nặc. Công việc đó phải chăng là một công việc phải làm cho xong, làm lấy lệ, không thể không có được. Nếu không có một bữa ăn vào ngày Valentine thì tình yêu mất hết ý nghĩa chăng?
Sau lễ Giáng Sinh ngày Mother's Day, ngày thứ ba tuần lễ vừa rồi là một ngày lễ lớn. Theo National Retail Federation, nước Mỹ đã tiêu $13.7 tỷ cho ngày lễ Tình Yêu để mua sắm quà cáp cho vợ chồng hay người yêu của mình. Đã có 36 triệu chiếc hộp đựng chocolate mang hình trái tim màu đỏ, và 180 triệu đóa hồng đã được bán ra. Cũng theo con số thống kê trên 56% phần trăm mua hoa hồng, 23% hoa đủ loại, 10% mua hoa cẩm chướng và 11% cho các thứ hoa khác. Có 22, 700 tiệm hoa trên nước Mỹ đã tất bật từ ba ngày hôm trước để sắp đặt, đơm kết hoa, và trong ngày lễ, từ sớm tinh mơ tới xế trưa, không có nghỉ ngơi, ăn uống để giao hoa, và hầu hết ai cũng muốn nhận hoa trước 12 giờ sáng.
Phái nam tiêu nhiều tiền hơn phụ nữ trong ngày lễ. Trung bình các ông tốn $128 trong khi quý bà chỉ tốn $74. Vào năm 2001, trung bình người ta chỉ xài $82.60, nhưng năm nay, 2006, phải xài tói $100.89, không biết càng ngày tình yêu càng được tôn vinh hay là vì giá cả càng ngày càng đắt đỏ hơn. Về phía quý ông có 71% đưa vợ hay bồ đi ăn tối ở nhà hàng, 65% mua hoa tặng, 52% có kim cương hay nữ trang để tặng nàng. Quý nương có tới 61% rủ bạn trai hay đãi chồng một bữa ăn tối ở ngoài, và đương nhiên không mua hoa hay hột xoàn để tặng người yêu, nhưng 53% mua băng nhạc hay sách và 42% mua kẹo làm quà.
Những người làm thương mãi ở Mỹ quả đã thành công vượt bực với những quảng cáo cho các ngày lễ lớn, để người tiêu thụ không ngần ngại dốc túi tiền đi mua sắm và văn hóa Mỹ có mãnh lực làm điên đảo nhiều quốc gia, ngay cả những quốc gia bài Mỹ. Cứ thấy các hình ảnh lễ Valentine ở các quốc gia Cộng Sản như Trung Quốc, Việt Nam mới thấy cơn sốt văn hóa Mỹ đã lây lan nhanh chóng như thế nào. Ngay cả cái thời miền Nam mang tiếng là lệ thuộc Mỹ, chúng ta không hề thấy Halloween, Valentine tràn ngập phố phường như hôm nay.
Theo bản thống kê trên về lễ Tình Yêu thì hình như tình yêu càng ngày càng phai nhạt, xuống dốc theo tuổi tác. Lớp tuổi 25-30 đã tốn $96 cho ngày lễ này, trong khi quý ông bà lớn tuổi 55-65 chỉ tiêu có $59. Ôi quả tim của chúng ta vào tới tuổi trên 60 cũng đã bắt đầu đập chậm lại, không còn sôi nổi như những ngày còn trai trẻ thuở trước. Ngoài tình yêu ra chúng ta còn có quá nhiều bạn đồng hành như cao máu, cao mỡ, tiểu đường, tim mạch, dạ dày, thấp khớp và cả nỗi buồn của tuổi già. Chúng ta không còn cả nỗi vui mừng với quả tim rộn ràng của tuổi thanh xuân, tình yêu hầu như có phần nào phai nhạt. Tiếng Em, tiếng Anh đã biến thành tiếng “Má Nó - Ba Nó” rồi tiếng “Bà Ngoại, Ông Ngoại ơi!” lúc nào không hay. Tôi biết nhiều ông bà đã ngủ riêng ra từ mười hai mươi năm nay. Rồi chúng ta mỗi ngày một xa nhau, hai chữ “Tình Yêu” không còn là cái gì nghe âu yếm, quen thân nữa mà như một thứ gì xa lạ, ngỡ ngàng chưa hề gặp mặt hay chung sống.
Như em bé tội nghiệp trong câu chuyện trên, không có nổi một đóa hoa để tặng cô giáo trong ngày lễ của Tình Yêu, thứ ba tuần rồi, tôi cũng không có nổi một hạt kim cương bé nhỏ để đeo vào ngón tay già nua, héo úa của em, hay nhớ để mua cho em một đóa hồng, nhưng làm sao chúng ta sống tử tế với nhau đến cuối cuộc đời, để lúc ra đi không có gì phải tiếc nuối hay ân hận về những điều đã ăn ở “không phải” với nhau.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 17 Aug 2018

MÙA HẠ CŨNG SẮP QUA


Ngày xưa, thời gian nắm lấy bàn tay thơ bé của chúng ta dẫn đi.
Lớn lên, thời gian choàng vai chúng ta như một người bạn đồng hành.
Bây giờ, thời gian đẩy chúng ta tới, tới đi, mà chúng ta thường muốn quay đầu lại, chần chừ một lúc để nhìn lại dĩ vãng.

Tôi về ở khu chung cư này đã được gần sáu năm. Ba tháng sau khi chúng tôi dọn tới, một đôi vợ chồng trẻ người Ấn Độ cũng dọn về sát cạnh nhà tôi. Người chồng là một chuyên viên điện toán, mới trở về nước cưới vợ và đem sang Mỹ. Họ sống lặng lẽ, ít bạn bè lui tới và họa hoằn lắm tôi mới gặp họ để chào một câu thường lệ ngắn ngủi. Sau đó ít lâu, họ có đứa con gái đầu tiên, rồi đứa bé cũng lớn nhanh như thổi, nó thường đi chập chững trước sân nhà và giương đôi mắt ngây thơ nhìn tôi. Cách đây vài tháng, tôi có ý ngạc nhiên khi thấy đôi vợ chồng này ra xe, trên tay người đàn bà có ẵm thêm một đứa bé trai. Thời gian đâu có ngắn, chẳng qua tôi không để ý đến cuộc sống của người láng giềng này mà thôi. Ngày nào họ mới cưới nhau, dọn tới đây mà nay đã hai con. Năm nay, đứa con gái lớn đang chuẩn bị đi nhà trẻ.
Tôi có một đứa cháu ngoại mà tôi vẫn đinh ninh nó hãy còn bé lắm. Chuẩn bị cho năm học tới, tôi có hỏi cháu có phải năm nay nó lên lớp 1 không? Nó có vẻ ngạc nhiên nhìn tôi và nói: “Ông ngoại không nhớ sao, năm nay con học lớp 2”. Chính tôi đã đưa cháu đi trắc nghiệm tại học khu, rồi sau đó lần lượt đưa cháu vào trường, lớp mẫu giáo, rồi năm vừa rồi là lớp 1. Không có gì nhắc nhở, có lẽ tôi đã nghĩ thời gian không trôi, những đứa trẻ không hề lớn và tôi không già đi. Vì mái tóc trên đầu không phải sau một đêm trở dậy mà bạc trắng như Ngũ Tử Tư, mà nó bạc từ từ, cũng như cơ thể tôi đã mòn mỏi, tiêu hao lần hồi mà tôi không hề biết. Ý thức về thời gian quả không có gì rõ rệt. Nếu không nhìn lại hai đứa trẻ Ấn Độ bên hàng xóm, hay tình cờ hỏi đứa cháu ngoại năm nay lên lớp mấy, có lẽ tôi đã quên bẵng thời gian, và nhớ lại giật mình không ngờ thời gian qua quá nhanh như thế! Tôi cũng mong những đứa cháu tôi ăn no chóng lớn, mau thành người, nhưng đôi khi tôi lại quên, mình cũng phải già đi.
Mùa hạ năm nay, cả nước đã lên cơn sốt, nghĩa bóng vì xăng dầu, chiến tranh cũng có, nhưng theo nghĩa đen, nhiệt độ đang lên quá cao, “cái nóng nung người, nóng nóng ghê!”, nhiều khu rừng đang bốc lửa trong thời điểm tột đỉnh của mùa hạ. Rồi mùa hạ cũng sắp qua, nhưng chúng ta không thể nào không nghĩ đến mùa hạ.
Bạn có cảm giác gì khi đi ngang một ngôi trường vắng lặng, không một tiếng reo cười? Tôi có cảm tưởng ngôi trường cũng đang buồn vì vắng bóng các em học sinh. Thời đại này người ta nhấn nút điện cho tiếng chuông reo. Ngày xưa là người phu già đánh những tiếng trống tựu trường, ra chơi hay tan học. Hình ảnh người phu trường luôn luôn là một hình ảnh quen thuộc, thân yêu. Ôi những giờ toán học khô khan chán nản của những đứa học sinh, dốt toán lại lười, qua khung cửa, mừng thấy bác phu trường dơ cao dùi trống, đánh những tiếng trống chắc nịch, dội vào từng lớp học, chạy dài trên dãy hành lang. Nó khẽ đóng tập vở lại nhẹ nhàng để thầy giáo khỏi trông thấy, rồi len lén chuồi vào trong chiếc cặp. Thân mình chỉ chực nhỏm dậy, sau khi thầy giáo rời lớp học, chen chúc ra cửa, chạy biến ra sân, tìm chiếc xe đạp, nhảy phóc lên.
Những đứa học trò lười, nó đâu biết buồn khi mùa hạ tới. Hơi nóng theo cơn gió nam gọi tiếng ve trong những khu vườn xanh mát bóng cây và làm nở những cành phượng đầu mùa. Trước đó, chúng trao nhau những tập lưu bút đóng bằng những tờ giấy pelure màu, mỏng. Bạn bè chúng vẽ, tô màu, nắn nót những dòng chữ trao đổi chia tay, hẹn hò, thương nhớ bâng quơ rất đỗi ngờ nghệch, đến nỗi vài ba mươi năm sau, khi đọc lại, chúng không ngờ chính mình đã một lần viết ra những dòng chữ ấy. Được nghỉ học, không phải dậy sớm, buổi tối dưới ngọn đèn, không phải ê a những bài học thuộc lòng, còn gì tự do bằng. “Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ!”
Nhưng ngôi trường buồn. Không còn những bước chân dẫm lên cỏ, tiếng guốc ngoài hiên lớp. Cả tiếng huyên náo của giờ đến lớp, ra chơi hay tan trường. Không còn tiếng trống mỗi ngày. Tiếng chim và tiếng lá rơi trên thảm cỏ xanh nhiều khi còn nghe thấy. Chiếc bảng đen cũng buồn và viên phấn dở dang nằm đợi đến niên học tới, mà ngày khai giảng ai còn đụng đến một mẩu phấn nằm quạnh hiu từ đầu mùa hạ trước!
Trước năm học mới sẽ không bao giờ còn gặp người thầy cũ: con tàu đã đi tới sân ga mới. Lớp học cũng không còn nguyên vẹn, những xô đẩy của dòng đời đã cuốn trôi đi nhiều khuôn mặt, rồi qua mươi năm sau chúng ta sẽ tình cờ gặp lại hay sẽ không bao giờ còn trông thấy. Đó là những nỗi chia ly, nỗi đau nhẹ nhàng đầu tiên của một thời niên thiếu.
Người ta ví ngôi trường vào mùa hạ như người mẹ khi những đứa con trưởng thành đã rời đôi cánh che chở ngày nào để đi xa. Đây hình ảnh người mẹ bên ngọn đèn chiều bên mâm cơm, chờ những đứa con trở về. Người ta ví ngôi trường vào mùa hạ, như những sân ga vắng lạnh khi con tàu đã đi qua.
Trong đời chúng ta ai cũng có một buổi học cuối cùng, và một mùa hạ cuối cùng để giã từ đời niên thiếu, bước vào một cuộc đời vô định. Tuy vậy mà mùa hạ không bao giờ được gọi là mùa… chia ly, vì người ta đã quen nhìn phong cảnh tiêu sơ của mùa thu, như cảnh “người lên ngựa, kẻ chia bào, rừng phong thu đã nhuộm màu quan san”. Chúng ta, những người đang bước tới tuổi già, còn nhớ lại những gì của những mùa hạ năm cũ và cuộc đời chúng ta, đã đi qua bao nhiêu mùa hạ như thế…
Mùa hạ này cũng sắp hết, mấy hôm nay, trời buổi tối có vẻ trở lạnh, hình như xương xẩu những ông già cũng có nhức mỏi hơn. Vài hôm nữa, tôi lại đưa cháu đến trường. “Cháu học lớp 2 chứ không phải lớp 1 đâu ông!” Không lẽ thời gian đi nhanh quá vậy, biết, mà vẫn tự hỏi mình.
Đời chúng ta đã trải qua bao nhiêu ngày khai trường với bao nhiêu kỷ niệm trong những ngày tháng cũ, rồi những buổi đưa con đến trường, bây giờ là tình thương với cháu nhỏ. Cuộc đời chúng ta đổi thay, thế giới cũng đổi thay, duy chỉ có thời gian vẫn chậm rãi, đều đặn từng bước một. Ngày xưa, thời gian nắm lấy bàn tay thơ bé của chúng ta dẫn đi. Lớn lên, thời gian choàng vai chúng ta như một người bạn đồng hành. Bây giờ, thời gian đẩy chúng ta tới, tới đi, mà chúng ta thường muốn quay đầu lại, chần chừ một lúc để nhìn lại dĩ vãng.
Rồi một mùa hạ nữa cũng sắp qua.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Tố Cầm

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 17 Aug 2018

CHỮ HIẾU THỜI NAY


“Chín đứa con vẫn có vị trí trong bàn tay của cha chúng, nhưng cha chúng lại chẳng bao giờ có được vị trí trong gia đình của chín đứa con” (Ngạn ngữ Estonia)

Nhật báo Los Angeles Times ngày 15 tháng 4 vừa qua đã loan tin chính quyền địa phương một vài nơi ở Trung Hoa đã đưa ra vài biện pháp hành chánh để cứu vãn tình trạng chữ hiếu bị quên lãng trong quốc gia đông người nhất hành tinh này. Những hình phạt sau đây sẽ áp dụng cho những đứa con bất hiếu:
- trong thời gian ba tháng mà không hề viếng thăm cha mẹ được một lần thì tên tuổi đứa con này sẽ được yết trên bảng cáo thị ở nơi công cộng.
- những đứa con trong ba ngày Tết Nguyên Đán mà không về thăm cha mẹ sẽ bị phạt 5 đô la.
- sẽ bị phạt tù tới 5 năm nếu bỏ bê, không săn sóc tới cha mẹ.
Ngày nay, ở thôn quê chỉ có 6% vị cao niên được lãnh tiền già, còn ở các thành phố lớn có tới 60%. Tuy vậy tiền bạc không đáng kể bằng những giá trị của nền nếp gia đình hiện nay đang bị xói mòn. Nhiều vị đã bắt con phải ký vào những văn bản là phải nuôi cha mẹ lúc về già, nhưng phần lớn cha mẹ lại cho rằng không cần thiết và lý luận “những đứa con này đâu phải từ dưới lỗ nẻ chui lên”.
Để giữ gìn phong hóa, chính quyền sẽ đưa ra những biện pháp phạt vạ, bêu xấu, bỏ tù thậm chí còn dùng những phương tiện không chính đáng khác, miễn là để cho con cái trở lại thời xưa, là biết hiếu thảo với cha mẹ. Chính quyền đã dùng các phương tiện báo chí, phát thanh, truyền hình để cổ vũ cho lòng hiếu thảo, ví dụ như trình bày một đoạn phim ngắn mô tả một bà mẹ già chờ con về ăn tối, nhưng cuối cùng chỉ nhận được những lời thoái thác của đàn con qua điện thoại. Những vở kịch ngắn mang chủ đề “hiếu thảo” cũng được diễn thường xuyên trên đài truyền hình quốc gia.
Chính những chiến dịch như thế này đã cho ta thấy chính quyền Trung Quốc hết sức lo sợ là nền đạo lý đang bị xói mòn.
Đối với khế ước xã hội của Á Đông, cha mẹ phải săn sóc con cái khi thơ ấu, và trái lại con cái phải lo lắng cho cha mẹ lúc tuổi già. Người Tàu từ xưa vẫn hãnh diện là xứ sở của trung hiếu, đã nghĩ rằng nếu không chấn chỉnh được tình trạng này thì họ sẽ mất hết cá tính của một người Trung Hoa. Trước kia, chúng ta thấy ông bà, con cái và cháu chắt trong ba bốn thế hệ đều sống chung với nhau dưới một mái nhà. Chỉ có 1% quý vị cao niên là phải vào nhà dưỡng lão, trong khi con số đó ở Mỹ lên đến 20%.
Nhưng thời nay, lúc mà văn hóa suy đồi, văn hóa tây phương du nhập mạnh mẽ vào đời sống, nền kinh tế thay đổi và cả lý thuyết Cộng Sản lớn mạnh hơn truyền thống văn hóa, thì con cái hình như đã bỏ quên bổn phận đối với cha mẹ. Nhiều người đã lên án cuộc cách mạng văn hóa dưới thời Cộng Sản từ năm 1966-76 tại Trung Hoa, khi Khổng Giáo bị lên án, con cái được cổ võ tố cáo cha mẹ về những hành động vi phạm của cha mẹ, kể cả việc “từ” cha mẹ nếu họ xuất thân từ giai cấp địa chủ hay có những gốc rễ “xấu”. (Chỉ cầu được gia nhập đảng viên để mong cho mình được vinh thân phì gia, bất kể thủ đoạn, đây là một suy nghĩ vô cùng hoang dại và sơ đẳng cho cái gọi là “chỉ cần đạt được mục đích bất kể phương thức”, đây cũng là một tiến trình làm phân hóa và băng hoại xã hội rất khác biệt như trong xã hội tiến bộ đang cố gắng làm xóa mờ ranh giới sự phân biệt giữa người và người)
Chính quyền cũng có nhiều biện pháp thi đua, khen thưởng để khuyến khích như mở cuộc tuyển chọn người con hiếu thảo nhất trong năm. Bà Vương Vĩnh Dung, 47 tuổi, cư dân của tỉnh Shanxi đã được chọn trong tám ứng viên để trở thành “cô dâu gương mẫu nhất trong năm”. Bà thú nhận trước đây cũng có xung đột với mẹ chồng đôi lần, nhưng hiện nay bà đã tận tình săn sóc ông cha chồng, hai đứa em tàn tật, ba đứa cháu và một bé mồ côi trong suốt hai mươi năm làm dâu. Tiên Chỉ Hồ, một luật sư ở Quảng Châu được coi như “nhân vật trong năm của Trung Quốc” vì đã hiến cho mẹ mình một quả thận mà không cho bà biết, người con hiếu thảo này đã phát biểu: “điều mà tôi hiến dâng cho mẹ tôi không thể nào so sánh được với những gì mà bà đã hy sinh cho tôi.”
Chính quyền Trung Quốc cũng có nhiều hình phạt bằng cách đưa những đứa con bất hiếu ra tòa, và đã kết án một cô dâu 8 tháng tù vì thiếu bổn phận đối với mẹ chồng, một người đàn ông khác một năm tù vì bỏ bê cha mẹ. Một nông dân, trong lúc đốn cây để đóng hòm (quan tài) cho mình, như một cổ tục của người Tàu, đã bị cây đè và bị bại liệt. Vì thằng con trai và bốn đứa con gái khốn nạn của ông đã không săn sóc ông và đuổi ông ra khỏi nhà. Theo sự khuyến khích của bà Chủ Tịch Hội Phụ Nữ xã, ông đã đưa mấy đứa “tặc tử” này ra tòa và đã thắng kiện. Tòa bắt chúng phải cung cấp tiền bạc và săn sóc ông. Cha cầm đơn đi kiện con quả thật là một điều bất đắc dĩ. Quốc hội Trung Quốc vừa làm một cuộc khảo sát qua các vị cao niên, 52% vị này đã cho rằng hiện nay con cái đã không thèm đếm xỉa gì đến vấn đề an sinh của cha mẹ.
Ở một vài địa phương, trẻ con mẫu giáo đã bắt đầu được học hỏi về việc hiếu để đối với cha mẹ theo luân lý Khổng giáo như phải tôn kính, hiếu thảo với cha mẹ. Người ta cho rằng trong thế kỷ vừa qua, văn hóa Trung Quốc đã thay đổi quá nhiều, đạo đức suy đồi, lòng hiếu thảo đã bị quên lãng, quan niệm về lòng hiếu thảo có thể thay đổi chứ không thể bị vứt bỏ. Để cứu vãn tình trạng này, người ta đã đưa vào trong chương trình tại nhiều trường Đại Học Cộng Đồng môn học “hiếu thảo với cha mẹ”. Tại đại học LiaoCheng, sinh viên đã được học phải viết thư và gọi điện thoại hỏi thăm song thân thường xuyên và bài thực tập về lòng hiếu thảo là sinh viên phải rửa chân cho cha mẹ. Lúc đầu thì cô sinh viên Vương Văn Phan tại Đại Học này ngần ngại nhưng sau đó lại cảm thấy hài lòng khi thấy cha mẹ mình thật sự sung sướng vì cử chỉ trên của con, nhưng tiếc thay, hơn một nửa lớp đã nói rằng chúng quên (hay lơ) thực hành bài tập này. Có đứa lại phản đối và cho rằng “bài thực hành” này thật là “vô nhân đạo”, cứ kính trọng cha mẹ, học hành giỏi giang là đủ, nếu cha mẹ nào muốn thì cứ vô tiệm nails làm massage chân, con cái đâu cần phải làm việc đó.
Kẻ thù của lòng hiếu thảo là nếp sống văn minh tây phương và chế độ Cộng Sản còn hiện hữu trong nhiều quốc gia mà tất cả đều nghèo đói. Trung Quốc và Việt Nam hiện nay có đủ hai điều kiện ấy. Việc dò xét, báo cáo và đấu tố cha mẹ được khuyến khích và khen thưởng trong chế độ Cộng Sản, không dễ gì ngày một ngày hai đã phục hồi đạo lý lại được. Chỉ nghe nói tới “trung với đảng, hiếu với dân” mà không nghe nói gì tới hiếu để với cha mẹ. Gần đây, nhiều gương “hiếu với dân” của cán bộ cấp cao trong nước khiến cho dân phải hãi hùng. Mặt khác, trong thời gian mở cửa, các nước Cộng Sản cũng hấp thụ không lựa chọn, kể cả điều xấu của văn minh phương tây. Việc trừng phạt, khuyến khích hay đem cả chương trình “hiếu thảo” vào trường học Trung Quốc, cho ta thấy rõ mối lo sợ của nhà cầm quyền trước luân thường, đạo lý bị đảo lộn tại quốc gia Cộng Sản này.
Đạo Đức kinh, chương 18, Lão Tử đã viết:
“Thất đạo nhi hậu Đức, thất Đức nhi hậu Nhân, thất Nhân nhi hậu Nghĩa, thất Nghĩa nhi hậu Lễ, phù Lễ giai trung tín chi bạc nhi loạn chi thủ”. (Mất Đạo mới tới Đức, mất Đức mới tới Nhân, mất Nhân mới tới Nghĩa, mất Nghĩa mới tới Lễ. Ôi lễ ấy là sự mong manh của lòng trung tín, mà mở đầu của loạn lạc).
Từ xưa, lòng hiếu thảo xuất phát tự bản chất tự nhiên của con người là đúng đạo lý. Khi đã để mất đạo lý, phải dùng tới lễ (ràng buộc trong quan hệ) để bắt buộc người ta phải làm theo cũng đã tệ lắm rồi. Nay lại dùng những hình luật (như cầm tù, phạt vạ) hay đem nhử con người bằng điều lợi lộc (thi đua, khen thưởng) để giữ lòng hiếu thảo, thì quả là quá tệ.
Gần đây tại California, tôi có đến viếng một người chết tại nhà quàn Forest Lawn Covina Hill, sau khi được biết số phòng qua điện thoại của gia đình ông. Tôi ngạc nhiên đến sững sờ khi mở cửa phòng, trong căn phòng nhỏ chỉ có quan tài người đã mất, mấy vòng hoa, một dĩa trái cây và một bình hương chỉ có que nhang. Lúc sinh thời, ông là một nhân vật có tiếng tăm, đã đem gia đình đến Mỹ rất sớm vào năm 1975. Các con ông ở Hoa Kỳ đều thành đạt vượt mức trung bình, vợ con vẹn toàn, dâu rể đầy đủ, nội ngoại đề huề. Tôi rất buồn khi thấy ông nằm một mình lạnh lẽo như thế, trước khi được đưa ra nghĩa địa, kết thúc một kiếp người.
Chúng ta mong rằng, con cái người Việt ở hải ngoại chưa đến nỗi phải dùng tới lợi lộc hay hình phạt để duy trì chữ hiếu, mặc dù nhiều đứa con ở riêng cả tháng không buồn gọi về hỏi thăm cha mẹ. Có bà mẹ cuối tuần phải nấu nướng xong mới gọi con về ăn để có dịp gặp mặt con.
Dù khó khăn, tất bật, nhiều bậc cha mẹ, bạn bè của chúng tôi vẫn còn sống chung với con cái hay được con cái thường xuyên săn sóc, thăm viếng. Dù không nói vơ đũa cả nắm, phải chăng những bậc cha mẹ này đã có cái may mắn không có con cái quá thành đạt hay đã “Mỹ hóa”. Điều này làm cho chúng ta nhớ tới một câu ngạn ngữ của người Trung Hoa: “Chỉ có bàn thờ những người khốn khổ mới nghi ngút khói hương!”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Tố Cầm

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 18 Aug 2018

CÁI SƯỚNG Ở ĐỜI


Ở đây tôi không dám bàn tới cái sướng của nền văn chương “miệt dưới” đang làm ầm ĩ trên báo chí, mà cụ Trạng Quỳnh xưa kia cũng đã tham gia bằng các câu nói lái, “may cái tóc” và “sương cho sáo”. Cũng có người hiểu lầm tứ khoái là bốn món tầm thường như cái loại ăn, ngủ…, và chúng ta cũng nghe bốn cái sướng của người xưa:
“Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng kiến danh đề!”

Thường thì chúng ta nghĩ trong bốn cái sướng của cổ nhân, trừ cái sướng thứ ba là cái sướng của xác thịt, còn ba cái sướng kia thuần là sướng tinh thần. Nhưng Lâm Ngữ Đường thì lại phản bác sự phân biệt ấy, ông cho rằng không thể phân biệt cái sướng tinh thần và cái sướng vật chất vì phân biệt như vậy là không đúng.
Lạc thú thuộc về cảm giác, cái cảm giác khi được ăn ngon và cái cảm giác vui sướng khi đọc được một bài thơ hay có khác nhau không? Con người nhờ cảm giác mà thấy lạc thú ở đời. Nhờ cái gì mà ta có được cái cảm xúc cao cả, đẹp đẽ nhất, nếu không phải là giác quan. Thưởng thức âm nhạc là cái thú thanh cao, nhưng nhờ vậy là vì chúng ta có giác quan, mà dùng tới giác quan là dùng tới vật chất rồi.
Nhà văn Thoreau thì thích nghe tiếng dế kêu, Whitman thì có cái thú nhìn, nghe và ngửi mùi tuyết rơi. Ông Kim Thánh Thán, nhà phê bình của Trung Hoa thì cho rằng những lúc tinh thần và cảm quan liên hệ chặt chẽ với nhau, là những lúc sung sướng nhất. Trong ba mươi cái vui của ông Kim, thiết nghĩ chúng ta có lúc cũng đã có như: - mùa hè nóng nực, trời bỗng đổ cơn mưa, - mưa dầm suốt tháng, sáng nay trời bỗng hừng nắng, - đêm xuân uống rượu, có người đem pháo ra đốt,- mua được một món đồ nhỏ muốn mua ở ngoài chợ trời, - có tiền cho bạn nghèo mượn lại mời bạn ở lại uống rượu với mình, - ngẫu nhiên cất được nhà lớn, hoàn tất nhà và có bạn bè tới chơi đông đủ… Tôi thích nhất ba cái thú của ông là: - đêm đông, mở cửa thấy tuyết rơi ngập đầy ngoài sân, - xa quê lâu ngày trở về, nghe bà con nói tiếng quê hương,- mở hòm rương cũ, vô tình tìm được một bức thư của cố nhân. Nhưng ông cũng có những cái thú rất lạ: - lở trong chỗ kín, thỉnh thoảng lấy nước nóng ra rửa, - nếu đi tu mà cho ăn thịt, thì cạo đầu cũng thú, - sáng sớm nghe tin một thằng vô lại trong xóm mới chết đêm qua, - đêm nghe chuột phá, bỗng nghe tiếng mèo đuổi chuột.
Ông lại khoái thấy diều đứt giây (!), thấy cảnh đốt cỏ ngoài đồng, mở cửa cho con ong bay ra ngoài; làm quan mà tới giờ bãi việc; thấy viết chữ triện lớn; trả hết một món nợ. Nếu lạc thú ở đời như ba mươi cái thú của Kim Thánh Thán thì chúng ta đâu có tìm đâu xa mà ở ngay trong cuộc sống, mỗi ngày cũng hưởng được dăm ba cái thú, đâu đến nỗi để cuộc đời khó khăn, băn khoăn, mặt mày nhăn nhó như “khổ vì bệnh trĩ”.
Cái sướng như bông hoa nở rộ trong vườn, cũng dễ kiếm. Mua được một món hàng ưng ý, tìm được một cuốn sách cũ, nghe một người bạn cố tri, lâu không gặp gọi lại để lời nhắn trong máy. Thi sĩ Viên Linh có nói: “Đọc được một bài thơ hay, sướng cả một ngày!” Theo tôi, sướng cả hai ba ngày cũng chưa chừng. Có khi nghe được một bản đàn hay, thấy một phong cảnh đẹp tráng lệ hùng vĩ, sướng đến ứa nước mắt. Thấy một giò lan đẹp đã sướng, thấy được một người đẹp cũng sướng chứ sao! Cũng có lúc tình cờ mở radio, nghe được một bài nhạc hay, lại do một ca sĩ mình ưng ý hát, cũng thấy sướng lâng lâng. Chúng ta đâu kém người xưa. Xưa có cái sướng xưa, thì nay ta cũng có cái sướng nay:
- Buổi sáng ra phố thấy giá xăng xuống thấp, bình xăng cũng sắp cạn, trong túi còn đủ tiền, đổ một bình xăng đầy. Chẳng khoái ư?
- Trong một buổi họp mặt bạn bè, đang nói chuyện rôm rả, bỗng thèm hít một hơi thuốc, sờ túi, đứng dậy. Thấy hai bạn khác “đồng bệnh tương lân”, cười cười, cũng đứng dậy ra theo. Chẳng khoái ư? (cái sướng này làm tôi nhớ tới ông Ngô Mạnh Thu và Phạm Quốc Bảo)
- Xuống phi trường, gặp thằng bạn cũ ra đón, tóc đã bạc phơ, nhưng còn khỏe mạnh, tươi tắn. Chẳng khoái ư?
- Những hôm trời Cali âm u trở rét, đi với bạn hiền ăn được một bát phở ngon, uống được một ly cà phê pha đúng, hay thưởng thức một tách trà thơm. Chẳng khoái ư?
Sướng theo lối này, tôi cam đoan chúng ta tìm ra cả trăm cái “chẳng sướng ư” cho đời bớt khổ? Trong đó cũng có cái sướng phải la lên: “Ôi! sướng quá!”, nhưng cũng có cái sướng làm cho chúng ta lặng người đi và rơm rớm nước mắt!
Là người sinh sau, đẻ muộn, luận về cái sướng, tôi trách cả hai ông Lâm Ngữ Đường và Kim Thánh Thán. Ông Lâm Ngữ Đường thì nói rằng: “Sau một bữa ăn ngon, tôi ngã người trong chiếc ghế bành, chung quanh không có một người nào mà tôi ghét cả, cùng nhau mạn đàm bâng quơ…”. Vậy, nếu không để bụng ghét ai, có phải mình dễ tìm cái sướng hơn không? Còn ông Kim Thánh Thán thì sáng sớm thức giấc, nghe đêm qua con người giảo quyệt, mưu mô nhất trong thành vừa chết, ông bèn “chẳng khoái ư?” Đã là con người với nhau, tôi trộm nghĩ, có thằng giảo quyệt ấy chết, mình không buồn thì cũng dửng dưng, có đâu lòng dạ lại cảm thấy sung sướng được, như thế chẳng hóa ra bất nhân!
Tôi còn nhớ bài thơ học thuộc lòng “Nghỉ Hè” ngày trước:
“Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về…”

Đó là cái sung sướng của tuổi thơ khi niên học vừa chấm dứt. Giá mà quý cụ lúc ra đi cũng có cái sướng như vậy, có gì sướng bằng “giờ cuối cùng đã hết!”, khi con cháu đầy đàn, nhiệm vụ đã xong!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 18 Aug 2018

NGHỈ HÈ


Tôi thường được bạn bè kể chuyện đi nghỉ hè và giới thiệu cho nhiều tour du lịch, phần đông được kể tới như những chuyến đi ngắn ngày, đi được nhiều nước, nhưng tôi cũng đã thấm thía những chuyến tham quan, du khách phải theo sát chương trình đã vạch sẵn, buổi sáng đúng giờ nào thức dậy, mấy giờ xuống phòng ăn, mấy giờ ra xe, buổi sáng đi những đâu, trưa ghé ăn ở đâu, chiều về chỗ nào. Giờ giấc đã được công ty tổ chức ấn định, đều phải răm rắp theo, nếu không muốn bỏ lại đằng sau như chính sách giáo dục của ông Bush (no one left behind). Về đến phòng ngủ thì đầu cũng đau mà tứ chi bải hoải, nhất là cặp giò, nếu lúc đó mà có một màn “massage chân” thì đáng đồng tiền bát gạo, nhưng tiếc là mình không phải đang ở Thái Lan hay Saigon mà ở tại một thủ đô nào đó của Âu Châu. Đi đến nước thứ năm, thì buổi tối nằm xuống là ngủ như chết, sáng nghe tiếng điện thoại báo thức tự động của khách sạn cũng không buồn mở mắt nữa.
Tôi vừa đi “nghỉ hè” về, mà lại về từ phi trường Luân Đôn sau ngày 11 tháng 7 - 2006, ngày khủng bố dọa cho nổ những chuyến máy bay phát xuất từ nước Anh đến Hoa kỳ, nên chuyến đi thành một cực hình vì phải chịu sự lục soát từ trong ra ngoài, gây bao nhiêu nỗi phiền toái, mỏi mệt. Một chai nước mới mua xong chưa kịp uống, một chai dầu cạo râu, một ống kem đánh răng đã bị vứt vào thùng rác. Kéo lê chiếc xách tay đi qua những nhân viên an ninh vừa được tăng cường, tôi không còn mang cảm tưởng mình là một du khách, sắp trở về đất Mỹ, mà là một kẻ bị tình nghi được nhân viên an ninh theo dõi. Trên những chuyến bay gần đây, vì thời buổi khó khăn, những hàng ghế được xếp gần lại khiến cho một người Á Đông nhỏ thó cũng khó lòng cựa quậy. Một chuyến bay dài bốn năm tiếng cũng chỉ được phát một ly nước lạnh nhỏ, một cái bánh ngọt cũng phải mua. Tôi nghĩ giá các công ty hàng không tăng giá máy bay chút đỉnh nhưng phục vụ ăn uống tươm tất, có lẽ hành khách sẽ vui lòng hơn, vì khi chúng ta lấy vé, dù có hơn thua vài ba chục đổng cũng chẳng sao.
Ở nhà thì ăn uống còn phải kiêng khem, nay đi Tàu thì dầu mỡ, đi Tây thì thèm cơm, đến Ý thì không thể nào nuốt nổi hết một đĩa macaroni. Không ai có thời gian nhàn hạ để tìm ra một nhà hàng Tàu hay Việt Nam nằm đâu đó để tìm lại một thức ăn đã quen “cơm với cá như mạ với con”.
Ở Nice là đất du lịch trong những ngày hè thì đầy những du khách, đầy từ trong phòng ngủ, ra đến đường, xuống tới bãi biển, toàn là người, đi trên đường phải cẩn thận không va vào người khác, và đạp phải “mìn bẫy” của loài chó để lại trên mặt đường. Buổi trưa mang tấm vải xuống bãi biển cũng khó tìm ra chỗ nằm, buổi tối vào những nhà hàng trên con đường sát biển nhiều khi phải xếp hàng. Đi nghỉ hè, mà buổi sáng các ông bà, cô cậu du khách mặc “quần xà lỏn” còn “tranh thủ” chạy trên đường cho tan mỡ, ở các nhà hàng internet người ta còn vào check mail mỗi ngày thì còn gì gọi là “nghỉ” và “ngơi” nữa cho đúng với danh từ nghỉ hè. Ngay cả ngủ người ta cũng phải dè xẻn, không lẽ mua cái vé máy bay sang đến đây bạc nghìn mà chỉ để ngủ thì quả là phí của đời. Vì vậy về tới nhà, ai cũng bơ phờ, vì múi giờ, vì mệt mỏi, phải một tuần sau mới lấy lại sức.
Đến mỗi nơi, việc trước tiên và cần thiết là lại chụp ảnh để đem về dán vào tập ảnh, thiếu là không được. Có những lâu đài, những ngôi nhà thờ, những chiếc tháp, nhiều khi không đủ thời giờ để vào hay leo lên bên trong, đành phải làm theo kiểu “cỡi ngựa xem hoa”. Mà cái gì đó phải có kèm theo lời thuyết trình về lịch sử, nặng bao nhiêu tấn, ghép bằng bao nhiêu thanh sắt, xây bởi bao nhiêu viên gạch. Không có những lời thuyết trình này thì những món đi xem coi như không có giá trị. Người ta nói người Trung Hoa (ngày xưa) có thể leo lên một ngọn núi cao ở Hàng Châu để nhìn những đám mây mờ mịt và một dãy núi xa xa, nhưng người Mỹ khi leo lên đỉnh núi thì ở đó phải có một bức tượng cao lớn thế giới hay một ngọn tháp nghìn năm. Theo quan niệm này thì núi lớn, cây cao, biển rộng, nói chung là thiên nhiên có khả năng di dưỡng tinh thần của chúng ta hơn là những vật thể nhân tạo, vậy thì đi xem thác nước Niagara hơn là đến New York leo lên tòa nhà chọc trời hay đến Washington DC xếp hàng lên Tháp Bút.
Đồng ý ngành du lịch hiện nay ở nhiều nước là kỹ nghệ kiếm ra tiền nhiều nhất, Pháp, Thái Lan hay Trung Quốc cũng vậy, nhưng cái thú du lịch để cho tâm hồn được phong phú hơn, theo nhà văn Lâm Ngữ Đường đã không còn nữa. Ông cho đó là lối du lịch “ngu xuẩn”, đẻ ra một hạng người du lịch gắn liền tấm lịch và cái đồng hồ, mấy giờ thì tới Vienne, ngày nào thì tới Budapest. Ông dùng chữ du lãm để nói về cái thú này, đến một nơi xa lạ, phong cảnh hữu tình, không đi dạo cửa hàng, không mua sắm, không mục đích, đi như một hướng đạo sinh lạc trong rừng. Đi chơi như vậy khi về nhà mới thấy mình không cần phải lệ thuộc vào cái máy Computer hay cái điện thoại cầm tay nữa.
Tuy vậy, ngày nay chúng ta thấy không thiếu những thanh niên không câu nệ phương tiện, giờ giấc đã đi du lịch như thế mà danh từ người Việt gọi là “Tây Ba Lô”. Họ có thể ngủ đường, ăn cơm trong quán bình dân, đi xe ôm, thích đâu thì ở đó dăm ngày, hay thuê xe đạp đi một quãng đường hằng trăm cây số. Bạn thử tưởng tượng đi du lịch ở Pháp mà được về miền quê, trọ trong nhà của một nhà nông, buổi sáng nghe tiếng chim gù hay tiếng gà gáy sáng, uống cà phê bà chủ nhà xay bằng máy quay tay, ăn trứng gà mới đẻ trong chuồng hay khúc xúc xích treo trên bếp lửa ám khói, ngồi trên bộ ghế bàn ăn bằng gỗ, gần gũi với người địa phương cho biết dân tình, văn hóa, chắc là thích thú không kém chuyện được trèo lên tháp Eiffel hay đi “bateau-mouche” trên sông Seine.
Bao giờ thì chúng ta có được cái thú, giăng võng giữa hai thân cây dừa trong một khu vườn đầy tiếng chim và có ngọn gió mát thổi hây hây, nằm đọc sách, khi đói thì ăn, khi buồn ngủ thì ngủ, hay “dựa gối ôm cần lâu chẳng được, cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Ở đó không có máy truyền hình, không cần Computer, không có cả tiếng reo của điện thoại. Bây giờ đi nghỉ hè về, không những đã xuống cân, toàn thân ê ẩm mà công việc phải bù đầu. Gọi là “nghỉ” hè mà đi về thấy ai cũng than mệt mỏi, nhức đầu, cần ngủ để lấy lại sức, thì sao còn gọi được là “nghỉ”?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 18 Aug 2018

“CẦN NUÔI ÔNG BÀ NGOẠI”


Cô Agat Czemierys, sống ở Bialystok, Ba Lan vừa tung lên lưới internet… một lời rao để tìm một ông hay bà ngoại cho các con của mình như sau: “Chúng tôi muốn nhận nuôi một ông hay bà, người sẽ sống, tận hưởng các kỳ nghỉ hè và đi mua sắm cùng chúng tôi suốt đời. Không ràng buộc về tiền bạc, mà chỉ có tình thương.” Cô đã được đáp ứng bởi hàng nghìn thư của các ông bà già trên đất Ba Lan hồi âm, sẵn sàng làm ứng viên ông bà ngoại theo lời rao này.
Sau khi chế độ Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, các nước hậu Cộng Sản đã đổ xô về các nước Tây Phương để kiếm việc làm sinh sống, để lại những ông bà cô đơn hiu quạnh. Cái tội nghiệp của người thiếu phụ Ba Lan Agat Czemierys này là tấm lòng xót xa của cô khi cô nói: “Tôi có một trái tim lớn nhưng không thể nhận nuôi tất cả các cụ già neo đơn trên toàn nước Ba Lan”
Thế giới càng văn minh, tuổi thọ của quý cụ càng dài. Tuổi thọ càng dài sự cách biệt với con cháu càng xa. Chúng ta cũng biết đây những vị cao niên cô đơn là những người không có con cháu hay gia đình quây quần bên cạnh. Trong thế kỷ này, người ta không còn sum họp qua nhiều thế hệ dưới bóng mát của một mái nhà đại gia tộc như ngày xưa nữa. Con cái tự lập, không gần gũi cha mẹ, vì công ăn việc làm thường bỏ đi xa, không thể đem cha mẹ già đi theo. Cha mẹ già trở nên vô dụng, không đỡ đần gì cho con cái trong cuộc sống văn minh tất bật, ông bà nội, ngoại trở thành lạc hậu, không theo dõi kịp bài vở ở trường, không giỏi Computer, đôi khi không biết cả lái xe để đưa cháu đi đá banh, họp bạn hay học nhạc. Ở những nước chậm tiến, người già không được chính phủ trợ giúp sinh sống, đã trở thành một gánh nặng cho con cái, và họ cảm thấy cuộc sống dư thừa trong gia đình.
Về phía những vị cao niên, họ cũng rất cần gần gũi với con cháu. Chính sự hồn nhiên của tuổi thơ đã mang lại sự ấm áp và là một liều thuốc để giảm căng thẳng và xóa phiền muộn. Thử nghĩ chúng ta đang bực bội, buồn phiền về một chuyện gì đó, được một đứa cháu sà vào lòng ông bà, bi bô những câu ngây thơ, làm những cử chỉ có thể làm mềm lòng người. Cầm bàn tay mũm mĩm, hôn lên mái tóc mịn màng như tơ óng của đứa cháu rồi thì ông bà làm sao có thể còn cau có, bực dọc hay thốt ra những lời giận dỗi được, và bao nhiêu nỗi buồn phiền đều được trút nhẹ. Bạn có để ý là các bà ngày xưa thời trẻ thường kể chuyện con, bây giờ gặp bạn bè vẫn thường muốn san sẻ niềm vui với bạn về những lời nói, cử chỉ của những đứa cháu của mình. Các ông bà trong tuổi về già, đi đâu xa thì nhớ cháu chứ không bao giờ nhớ đến con.
Ngạn ngữ Pháp có câu: “Chỗ ngồi êm ái nhất của một đứa trẻ là trên đùi của bà ngoại” (hay bà nội). Vì sao không là mẹ, không là cha, hay cô dì chú bác. Nhiều gia đình có ông bà thì những đứa cháu lại gần gũi với ông bà hơn. Những lúc buồn phiền, giận hờn hay khóc lóc thì bà ngoại là chỗ dựa tin cậy nhất. Đến đây, chúng ta lại đi vào chỗ phân biệt giữa bà ngoại và nội.
Trong cuộc đời thì người ta thường nói đến bà ngoại mà ít ai nhắc đến bà nội, vì người đời phần lớn ai cũng yêu bà ngoại hơn. Chúng ta ít khi thấy một bài thơ, một áng văn hay một bài hát nào ca tụng bà nội mà chỉ toàn là nói đến bà ngoại, quê ngoại. Phần quý bà cũng thường dành tình thương của mình hầu hết cho những đứa cháu ngoại, có lẽ vì bà thương con gái dứt ruột ra hơn là thương dâu ở đâu đem về. Đứa cháu thích và gần gũi với bà ngoại hơn là vì lúc nào mẹ cũng nhắc đến bà, trang trải tấm lòng yêu thương bà, chứ không mấy khi thấy mẹ nhắc đến bà nội, vì: “thương chồng mà khóc mụ gia (nhạc mẫu), nghĩ tôi với mụ có bà con chi!” Phần lớn ông bà thích sống với con gái hơn là con trai, vui buồn trong gia đình phần lớn do ở người đàn bà, con gái đương nhiên phải đậm đà ruột thịt thân ái hơn nàng dâu. Vả chăng đàn ông thường không chấp chuyện nhỏ, sống với rể hẳn phải dễ chịu hơn là sống trong một gia đình có sự quán xuyến của một bà dâu!
Ngày xưa khi người con gái lấy chồng sinh con, thông thường để cho người con gái về nhà mẹ, vì cảnh làm dâu không sao êm ấm sung sướng bằng ở bên mẹ. Bà ngoại thường khổ vì con, nay lại khuya sớm khổ vì cháu, những đứa cháu mang họ nội nhưng vất vả về phía ngoại, đúng là “cháu bên nội, tội bên ngoại”. Nhiều bà ngoại nuôi con rồi lại nuôi cháu, khi con gái dở dang tình duyên, chấp nhận nuôi cháu cho con đi làm lại cuộc đời. Hai tiếng “quê ngoại” dịu dàng, thân yêu biết bao nhiêu.
Nhưng dù ngoại hay nội, điều hạnh phúc của những đứa trẻ trong tuổi ấu thơ là có được ông bà. Ngày nay ở hải ngoại, khi thấy một đứa trẻ lên ba ngoan ngoãn, nói sành sõi tiếng Việt, có khi thuộc lòng cả ca dao, biết hát những bài hát phổ thông, người ta có thể nghĩ ngay đó là những đứa trẻ may mắn có được một bà ngoại hay bà nội cùng sống chung dưới một mái gia đình. Ở Mỹ, suốt ngày cha mẹ phải đi làm tất bật, con cái sau giờ học phải gởi ở lại trường hoặc phải nhờ người đưa rước, chăm sóc cho tới lúc cha mẹ về. Đối với những gia đình có làm thương mãi, mở quán xá hay dịch vụ, thì chiều tối mỗi ngày hay thứ bảy chủ nhật, cha hay mẹ đều ít có thời gian chăm sóc con cái, một bà nội hay bà ngoại trong trường hợp này là một món quà quý giá trời cho. Việc săn sóc của nhà giữ trẻ, dù tiện nghi đến đâu, chuyên viên có thể có đầy đủ licence đến mấy cũng không đủ tấm lòng yêu thương che chở của người bà ngoại hay bà nội trong tổ ấm gia đình.
Mà không phải cho đến thời nay, trẻ con mới cần đến bà khi cha mẹ suốt ngày vất vả theo công việc sinh nhai. Những người hôm nay đang bước vào tuổi già, còn nhớ chăng những câu học thuộc lòng thời sơ học và những câu ru mà chúng ta đã thuộc nằm lòng:
“Trưa mùa hè, trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Trong nhà ngoài ngõ vắng vẻ tĩnh mịch. Ở một chái bên, bà ôm cháu vào lòng. Hai bà cháu nằm trên cái võng, đưa đi đưa lại, tiếng kêu kẽo cà kẽo kẹt theo một điệu.
Bà cất tiếng hát, bà ru:
- Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về…
Cháu nghe êm tai, ra chừng thiu thiu ngủ, mà bà cũng ra dáng lim dim hai con mắt:
- Cái ngủ mày ngủ cho say
Mẹ mày vất vả chân tay tối ngày.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 19 Aug 2018

NHỚ HOÀNG LIÊN SƠN!


Thương tặng các bạn tù trại Cấm Nhân (HLS).
…Tôi nhớ đến tiếng chim rừng và cả tiếng trâu nghé ngọ trong chuồng nhà ai. Tôi nhớ những lúc thèm nhìn những bếp lửa buồi chiều mùa đông lạnh trên căn bếp của những người Mèo, với cái bụng đói và tấm lòng buồn thảm khôn nguôi.


Những ai đã là tù “cải tạo”, nhất là những anh em đã trải qua những ngày đói rét ở Hoàng Liên Sơn, không thể nào ngăn được giọt nước mắt khi đọc bài “Núi Lạnh” (Hành Trình Tìm Về Những Nấm Mồ Hoang) của phóng viên Trần Tiến Dũng trên báo Người Việt ngày Chủ Nhật vừa qua (1/10/06). Nhờ những thông tin qua vụ cựu tù “cải tạo” Lê Chu chỉ nơi tìm mộ người bạn tù Nguyễn Văn Nô, người ta biết nơi vùng đất đó còn nhiều người lính VNCH còn nằm lại chưa về với gia đình.
Phóng viên Nguyễn Tiến Dũng đã cất công đi tìm lại dấu vết những nắm xương tàn của anh em chúng tôi, những người tù xa xứ, để lại trên núi hoang rừng thẳm của đất Bắc. Công lao ấy không phải là nhỏ, ân đức vời vợi, nhất là sau bài báo này đã có thân nhân những người tù “cải tạo”, sau bao ngày vô vọng, đã biết được tin, sẽ đến nơi, hốt cốt thân nhân về, ấm áp chút khói hương, kẻo thời gian gần ba mươi năm đã là quá trễ. Sự quên lãng và không quan tâm này chính là hậu quả hận thù vẫn còn dai dẳng trong quả tim đã chai đá của những người thắng trận.
Phải chi những người Cộng Sản cao cấp, có quyền lực ở Hà Nội, có đầu óc suy nghĩ và nói được một câu nói như của ông Lê Đức Hùng, một đại úy CS giải ngũ ở xã Việt Cường: “Ngày xưa tôi và các bác ấy ở hai bên chiến tuyến. Anh nghĩ có thể làm gì được khác ngoài chuyện bắn nhau nào. Bây giờ các bác ấy nằm tại khu đất này, làm gì được chúng tôi sẽ làm, thú thật không ngại gì hết.” Nếu như, bộ máy cầm quyền Hà Nội có suy nghĩ cho ra con người như thế, thì đất nước Việt Nam đã khá hơn rồi, mà Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, không đến nỗi xác xơ, mồ xiêu mả lạc như bây giờ.
Những ngày đầu tiên đưa tù VNCH ra Bắc, dù không cho phép họ được thăm nuôi suốt ba năm đầu, thì ít ra ban quản trị trại cũng có địa chỉ, quê quán cùng danh tính thân nhân của những người tù này, để khi họ nằm xuống, chôn vội chôn vàng trên đồi, giữa ruộng, cạnh gốc cây, có chút lòng nhân, thông báo cho gia đình biết để họ cải táng về Nam. Vào thời điểm 76 - 77, là lúc Nam Bắc đã thông thương, không còn bom đạn, tàu Thống Nhất đã có, thì việc thông báo cho gia đình đâu phải là chuyện khó khăn. Về câu chuyện này, chính một người đàn bà bình thường trên chuyến xe với tác giả Trần Tiến Dũng, cũng đã biết nói cái câu: “Nếu có, nhà nước đã báo chứ, đã đưa người ta ra tận đây kia mà!”
Cái câu nói: “Chỉ có đế quốc Mỹ là thua, còn Nam Bắc không ai thắng ai bại” là do ai nói ra? Chính sách của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam trong những ngày đầu tháng 5/1975 còn đó. Những chiêu bài khuyên dụ người Việt ở hải ngoại với những thành ngữ “quên quá khứ”, “xóa hận thù” trở thành vô nghĩa. Vậy mà Bắc Nam đối với nhau không còn chút gì có nhân tính, người chết lấp bụi lấp bờ không hơn một con vật: đó chính là đường lối, chính sách của những con người Cộng Sản trung kiên, đối với kẻ thù, nếu chúng ta còn dùng đến danh từ “con người” để mô tả họ.
Nói về vẻ đẹp của đất nước, những ngày quê hương chia cắt, tôi vẫn mong có một ngày thanh bình nào đó, lái xe đi một vòng từ mũi Cà Mau cho tới ải Nam Quan, mỗi tỉnh dừng chân lại một hai ngày, để đi xem đất nước mình đẹp tới ngần nào, mà trong những ngày thơ ấu trên ghế học đường, tôi chỉ được nhìn qua hình ảnh hay biết trên sách vở. Nhưng tiếng súng đã dứt, hận thù lại cao ngùn ngụt, cả một miền Nam phải vào tù. Tôi được thấy nhìn miền Bắc lần đầu một buổi sáng đẹp trời, khi chiếc ca-nô chở mỗi toán ba mươi người tù miền Nam, qua thác Bà, đổ bộ lên vùng đất Hoàng Liên Sơn. Trước cảnh hoành tráng của mây, nước, đất, trời, dù trong lòng còn rầu rĩ, tôi vẫn phải công nhận là phong cảnh quê hương mình quá đẹp. Đã là quê hương thì đâu phải của riêng ai? Tôi bỗng buột miệng hỏi một anh lính miền Bắc còn trẻ, tuổi chừng hai mươi, đứng cạnh tôi: “Đây là đâu, hả cán bộ?” Y trừng mắt nhìn tôi như tôi vừa phạm một lỗi lầm gì ghê gớm lắm, y cất cao giọng như muốn răn đe cả toán tù: “Hỏi làm gì, hỏi để tìm đường trốn hử?”
Câu nói buổi sáng hôm ấy như một gáo nước lạnh tạt vào mặt tôi.
Bây giờ nhìn những bức ảnh chụp ở vùng đất Yên Bái, với cảnh núi rừng mây phủ, những con đường đá sỏi, những căn nhà tôn, lá tuềnh toàng, cái giếng nước, con chó già gầy guộc, những bà mẹ quê rách rưới, nghèo khổ suốt đời, tôi lại nhớ Hoàng Liên Sơn da diết. Hà Nội, Saigon, Nha Trang, Đà Nẵng và tất cả thành phố lớn vốn dùng để phô trương bộ mặt “phồn vinh giả tạo” đã thay đổi nhiều với nhà cao cửa rộng, nhà hàng, khách sạn, sân gôn, nhưng cái cảnh những làng quê Yên Bái, từ ngày chúng tôi được chuyển về trại Phú Sơn, Bắc Thái đến nay đã gần ba mươi năm, sao vẫn thế, nghèo nàn, lạnh lẽo và dường như cam chịu.
Tôi nhớ đến những căn nhà sàn ủ khói, những ruộng lúa bậc thang, những cô gái thượng du ngồi nghỉ chân bên đường chỉ chỏ khi thấy đoàn tù rách rưới đi qua. Tôi còn nhớ tiếng suối chảy rì rào sau lưng trại tù, và buổi chiều nghe tiếng “trâu bò về, dục mõ xa xôi…”.Tôi nhớ đến tiếng chim rừng và cả tiếng trâu nghé ngọ trong chuồng nhà ai. Tôi nhớ những lúc thèm nhìn những bếp lửa buổi chiều mùa đông lạnh trên căn bếp của những người Mèo, với cái bụng đói và tấm lòng buồn thảm khôn nguôi. Nhìn về Nam, chỉ thấy núi rừng trùng điệp với những đám mây xuống thấp, che tầm mắt, “che mặt trời không thấy người thương”.
Tôi nhớ bà cụ già hom hem, lưng còng, ở ngôi nhà bên vệ đường, đã cho tôi nắm ớt cùng với nụ cười đôn hậu, người “dân tộc” nơi căn nhà sàn gần trại Cẩm Nhân, đã liệng cho tôi mẩu sắn còn nóng vào buổi chiều, khi tôi vác bó củi thất thểu đi qua. Những con người tử tế ấy đã sống suốt một cuộc đời tối tăm, thiệt thòi, có thể chưa bao giờ bước chân ra khỏi bản làng, cũng chưa hề biết thế nào là lòng căm thù, xảo trá. Còn tôi, đã qua nhiều thay đổi, đã đi xa nửa vòng trái đất, tôi chưa làm gì được để giúp cho những con người ấy, những con người khốn khổ hơn tôi, đã sinh ra trên một vùng đất khổ nạn.
Tôi nhớ đến bao nhiêu bạn bè đã nằm xuống ở rừng núi Hoàng Liên Sơn, ước chi có ngày trở lại để thắp một nén nhang dù là một nén nhang chung, và thăm lại những con người có lòng, dù giờ này chắc chi đã còn sống, để tạ tấm lòng của “bà Phiến Mẩu” năm xưa.
9/2006
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 19 Aug 2018

“THẰNG ĂN CẮP”


“Oan ức không cần biện bạch…”

Trong thời gian đi tù “cải tạo”, có những lúc những người tù phải chịu đựng cơn đói hành hạ khủng khiếp, nó khiến cho con người trở thành yếu đuối, hành động theo bản năng như đào khoai, bắt cóc, chụp nhái, nhặt nhạnh “linh tinh”, thậm chí không dằn lòng được, có người phải ăn cắp thức ăn của bạn tù để đáp lại lời kêu gọi thống thiết triền miên của bao tử.
Tôi còn nhớ hồi đó vào mùa đông năm 1978, sau khi chúng tôi từ Hoàng Liên Sơn, nơi bộ đội Cộng Sản giam giữ, về Phú Sơn, Bắc Thái bàn giao qua cho lực lượng công an giữ tù. Trong bốn bức tường gạch, trại có tháp canh và vòng rào cao, thật tình lúc đó nhìn quanh không có gì để nhặt nhạnh hay lượm lặt để cho vào mồm, ngoại trừ hai bữa “cơm” tù, được một cục bột mì bằng bánh xà bông luộc hay một chén bánh canh lều bều. Trời lại quá lạnh (rét Bắc Thái) thêm cái đói hành hạ, lao động như gánh nước, cuốc đất, làm gạch quá vất vả, những người tù miền nam xuống sức thê thảm, vàng vọt xanh xao. Vào những buổi tối ngồi kiểm thảo, phê bình, dưới ánh đèn dầu leo lét trông đám tù như những người ở cõi âm hiện về.
Thời gian đó, chỉ một số nhỏ những gia đình giàu có mới đủ khả năng từ nam ra bắc, qua những “khâu” giấy phép, mua quà cáp và di chuyển những đoạn đường vất vả xa xôi để đến tận trại tù Phú Sơn. Trong hoàn cảnh của một người lính nghèo, vợ nhà không xoay xở nổi một ngày hai bữa cơm cho bầy con, tôi là thằng tù đói mờ người, tới năm tù thứ ba, cầm cục kẹo lớn bằng đầu ngón tay của người bạn tù cho, bỏ vào miệng ngậm mà ứa nước mắt.
Điều xui xẻo cho tôi, là trong thời điểm ấy, tôi lại được xếp nằm gần một người bạn vừa được người nhà từ Saigon ra tiếp tế rất nhiều thức ăn. Các bạn cũng biết tôi khổ tâm chừng nào khi ngồi ăn gần một người bạn “giàu có” như thế, chỉ chuyện mỗi tối, bạn tôi sột soạt “kiểm tra”, sắp xếp các bao cói thức ăn, đem ra nào đường tảng, mì gói, ruốc thịt chà bông, kẹo, bánh cũng làm tôi khổ tâm biết chừng nào. Tôi có thể tránh giờ ăn ban ngày bằng cách cầm cục mì luộc ra hội trường hay góc hè ngồi nhấm nháp, nhưng không thể thay đổi chỗ ngủ, ôm mùng chiếu đi nằm nơi khác.
Nhưng một ngày nọ, sau khi cùng đi “lao động” trở về, người bạn nằm cạnh tôi trong lúc kiểm soát nơi để thức ăn, đã tỏ vẻ bối rối và hốt hoảng. Tuy tôi có thoáng thấy thái độ này, nhưng cho điều đó không liên quan gì tới mình, nên cũng không thăm hỏi hay để ý đến. Sau đó ở ngoài sân, tôi thấy người bạn tôi thì thầm gì đó với người vẫn ngồi ăn cơm chung, và bất chợt tôi thấy cả hai người ném về tôi những tia mắt không mấy thiện cảm. Mấy ngày sau, người bạn “đồng sàng” với tôi, giờ nằm cạnh nhau hay cả ở ngoài chỗ làm việc không hề nói với tôi một câu và lúc nào cũng nhìn tôi với một đôi mắt, mà tôi cảm nhận được, sự khinh bỉ và xa lạ.
Tôi dần hiểu ra, bạn tôi bị mất mát chút quà trong kho thực phẩm vừa được tiếp tế sau chuyến thăm nuôi của vợ vừa qua. Một người bạn thân cùng đội tù cho tôi biết người bạn nằm cạnh đã nói với một vài người, nghi tôi đã lấy cắp thức ăn của anh ta. Theo sự phán đoán của người tù này, thủ phạm không ai khác, chính là thằng tù đói rách nằm bên cạnh, mặc dầu bạn tôi trong giờ ăn cũng có liếc qua tô bột lõng bõng của tôi, hay lúc tôi vắng mặt chắc cũng không quên kiểm soát chỗ nằm của “thằng ăn cắp”, nhưng không thấy bằng chứng gì. Chắc nó phi tang khéo léo và quá nhanh. Tôi mang hai cái tội, tội thứ nhất là có chỗ nằm cạnh một người tù vừa được tiếp tế, tội thứ hai nặng hơn, là tội nghèo.
Không ai chỉ mặt tôi để nói tôi là thằng ăn cắp hay bắt quả tang trong “bị gậy” của một thằng tù không được thăm nuôi như tôi có mì ăn liền hay đường táng. Nhưng bạn cũng biết tôi đã đau buồn như thế nào khi bị nghi ngờ là một thằng ăn cắp, chỉ vì nó quá nghèo, ba năm trong tù mà chưa được một lần tiếp tế. Nếu tôi no đủ ở trong tù, không có thằng nào dám coi thường tôi, đức hạnh của tôi trong sáng là chừng nào.
Về sau, trong đội tù này, người ta tìm được “thằng ăn cắp”. Anh ta ngủ ở tầng trên. Tội nghiệp cho anh vốn người cao lớn, lại là “con bà xơ”(1), không chịu nổi với cái đói, lại hay khai bệnh nằm nhà. Người bạn nằm cạnh anh, cho biết anh có cả đường táng để ăn và cả mì ăn liền, trộn dưới tô canh, những thứ mà người bạn nằm cạnh tôi đã mất. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, phần nào được giải tỏa nỗi oan và anh bạn nhà giàu nằm cạnh, dù nghi ngờ kịch liệt, cũng chỉ để lòng, nên không có gì để nói với tôi.
(1) Danh từ để chỉ những bạn tù không có ai thăm nuôi.
Sau này khi ra tù, gặp lại anh bạn chung giường ngày nào ở Bắc Thái, hồi tưởng chuyện đói no, tôi hỏi thật có phải ngày trước, có lần anh đã nghi tôi là thằng ăn cắp không. Anh ta ôm lấy tôi, có vẻ ngượng và ngỏ lời xin lỗi. Tôi nói với anh ta: “Trường hợp tôi là anh, tôi cũng nghi cái thằng tù ba, bốn năm không có tiếp tế, ốm yếu, xanh xao nằm cạnh là thủ phạm. Hồi đó, may mà không có ai vu vạ cho tôi bằng cách dấu một nắm mì ăn liền trong đống áo quần rách trên đầu nằm của tôi, nếu không, không chịu nổi oan ức, chắc tôi không có ngày về gặp mặt vợ con, mà đã treo cổ trong nhà xí rồi cũng nên!”
Này người bạn của tôi, tôi còn nhớ trong mười điều tâm nguyện của Đức Phật, đã có một điều nói về sự oan ức: “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả!”
Nỗi oan của bạn đâu có nhục nhã bằng nỗi oan của tôi, và giờ đây bạn đâu có cô đơn như tôi ngày trước.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 19 Aug 2018

XIN HÃY LÀM VIỆC ẤY HÔM NAY

Những điều chúng ta đã đánh mất không bao giờ tìm lại được là cơ hội không còn nữa, thời gian đã trôi qua.

Tôi có một ông bạn già tuổi đã trên tám mươi, lại bệnh hoạn rề rề, ở cách xa tôi chừng một giờ xe. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn trao đổi hỏi han tin tức nhau qua điện thoại nhưng gần đây khi tôi biết ông bạn bệnh khá nặng và ông thở than không biết sẽ ra đi lúc nào. Tôi định bụng một ngày cuối tuần nào đó sẽ lên thăm ông, vì những ngày khác trong tuần xa lộ thường kẹt xe, nhưng rồi cuối tuần nào cũng hết đám cưới lại đám ma, hẹn hò đi uống cà phê với bạn bè, lại sinh hoạt cộng đồng, thoáng chốc đã nhiều tuần lễ trôi qua, cho đến khi, qua điện thoại, tôi được tin người bạn già đã qua đời. Nhân chuyện này, tôi đã tự trách tôi, nếu cần đi thăm người bạn ấy, và cần quyết định tức khắc trong một ngày nào đó thì tôi có thể bỏ hết mọi việc, bất kể là thứ hai hay thứ bảy, bất kể là đám cưới hay đám ma, nhưng rồi lần lữa để tháng ngày trôi qua. Trong cuộc đời của tôi hay trong cuộc đời của bạn, có bao nhiêu lần chúng ta đã định làm một chuyện gì đó, định nói một điều gì đó với ai, định đi đến một nơi nào đó… nhưng rồi đã không bao giờ thực hiện được, và đã bỏ mất đi cơ hội về những chuyện xem ra rất dễ dàng.
Hôm qua trong hằng chục e-mail thường lệ tôi nhận được hằng ngày, có một lá thư đính kèm có nội dung tương tự như câu chuyện trên, tôi xin dùng những ý chính để chuyển lại cùng các bạn như sau:
“Bạn tôi mở một ngăn tủ của người vợ và tìm thấy một chiếc hộp nhỏ, bọc giấy, mở ra, đó là một chiếc khăn quàng rất đẹp mà bạn tôi đã mua tặng vợ cách đây 8, 9 năm khi anh đi Âu Châu về. Người vợ cất giữ chiếc khăn choàng này và định sẽ dùng nó vào một dịp đặc biệt nào đó, nhưng giờ đây nàng đã qua đời và người ta sắp khâm liệm nàng. Không có cách gì khác hơn là bạn tôi vội vã đem tới nhà quàn và liệm theo nàng”.
Đừng bao giờ để lại một chuyện gì để chờ cơ hội, mà chính mỗi ngày là mỗi cơ hội. Chiều nay, tôi dùng thời giờ lẽ ra dành cho việc cắt cỏ trong vườn để đọc một cuốn sách mua từ lâu mà tôi rất thích, nhưng chưa… có thời giờ. Tôi đã dành nhiều thời giờ cho bạn hữu hơn là công việc. Tôi không cất giữ một thứ gì, một chiếc áo mới còn treo trong tủ, một máy cạo râu bằng điện các con tôi mua cho đã lâu, mà tôi cất kỹ trong hộp, chưa dám dùng tới. Tôi chờ cơ hội, nhưng chính cơ hội có sẵn ở đó hằng ngày. Những gì tôi muốn xem, muốn nghe, muốn nói, muốn làm, tôi sẽ thực hiện ngay hôm nay.
Nếu bạn nghĩ rằng ngày mai, ngay ngày mai thôi, bạn sẽ chết thì hôm nay bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ điện thoại thăm những người mà bạn quý mến, bạn sẽ ngỏ lời xin lỗi về những điều lỗi lầm bạn đã làm cho người khác. Bạn sẽ không còn áy náy về những chuyện chưa làm dù là những việc vặt vãnh. Bạn sẽ không còn tiếc rẻ vì chưa đi thăm những người mà bạn quý mến và đã có dự định viếng thăm. Bạn sẽ nói chuyện thường hơn với những đứa con trong gia đình, sẽ ôm những đứa cháu vào lòng lâu hơn, nếu thương yêu hãy bày tỏ tình cảm với chúng. Bạn hãy viết những lá thư đã dự định mà nhiều lần chưa viết”.
Xin đừng hẹn lại một điều gì, cất giữ một vật gì, thậm chí nếu cần nói yêu ai, xin hãy nói hôm nay: “Nếu có yêu tôi xin hãy nói yêu tôi bây giờ - So, if you love me, even a little bit, please tell me now-”(vô danh). Có khi nào bạn mang tâm trạng một người con trai, một ngày nào đó, nghe pháo nổ bên nhà cô hàng xóm, mới biết mình đã bỏ cơ hội để ngỏ lời yêu đương, chỉ còn lại muộn màng những xác pháo vương vãi trên sân nhà ai. Lớn lên, khi nuôi con vất vả, cực khổ chúng ta mới biết lòng cha mẹ, cũng đã phần nào muộn màng. Khi tới tuổi già tóc đã bạc, thấy ra mình bất hiếu thì cha mẹ đã không còn nữa, có muốn đền đáp cũng không còn cơ hội. Chúng tôi vẫn còn nhớ đề tựa một cuốn phim ăn khách ngày xưa vào một mùa hè nào đó: “Ngày Mai Đã Muộn Rồi!”, dù đối với tình yêu, bạn bè, vợ chồng, mẹ con, thầy trò… cũng như thế cả.
Bây giờ đã vào cuối tháng 11, nếu có mang ơn ai xin đừng ngần ngại bày tỏ một lời cám ơn, nếu có lấn cấn với bạn bè hay thân quyến, xin hãy nói một lời xin lỗi. Chúng ta đã bỏ nhiều cơ hội trong quá khứ, nhiều khi chỉ bỏ qua một lần điện thoại, quên gởi một tấm thiệp chúc mừng, bỏ một lần thăm viếng mà ân hận suốt cuộc đời.
Những điều chúng ta đã đánh mất không bao giờ tìm lại được là cơ hội không còn nữa, thời gian đã trôi qua.
Ngoài ra còn có thêm câu chuyện là rất nhiều người bạn của tôi vẫn than phiền hằng ngày nhận được hằng trăm lá thư của những người gởi không quen biết, của những diễn đàn, trong đó có những chuyện thị phi vô bổ, những lời chửi bới, mạ lỵ nhau không tiếc lời, mà bạn phải bỏ ra hằng ba mươi phút để xóa đi. Từ ngày bạn mở một địa chỉ hộp thư trên “net”, bạn phải nhận bao nhiêu thứ rác rưởi, những thứ mà ban biên tập một tờ báo sẽ không bao giờ chọn đăng, một đài phát thanh sẽ không bao giờ chọn đọc. Những thứ rác rưởi này được đưa lên lưới một cách tự do, chẳng tốn kém, mà cũng không ai ngăn cấm, của những người quá nhàn hạ đã lợi dụng tiện nghi thông tin của thời đại mới để quẳng những thứ dơ bẩn, lên đầu lên mặt người khác. Lời lẽ qua lại ở dưới mức trung bình một cuộc chửi bới của hai mụ đàn bà ngoài chợ cá, và vô đạo đức bằng những chuyện chụp mũ, bôi bẩn, xoi mói nhau chẳng tiếc lời.
Tôi chủ trương thà đọc lầm còn hơn xóa lầm tất cả thư từ bạn bè đã gởi đến địa chỉ mình, do đó mà thỉnh thoảng trong đống rác ấy, tôi lại tìm được, nếu nói là những viên ngọc thì hơi quá đáng, nhưng là những vật còn dùng được, những câu chuyện lý thú, những bài học quý giá, trong đó có câu chuyện mà tôi vừa kể hầu quý bạn ở trên.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 19 Aug 2018

MÌ GÓI VẠN TUẾ


Tôi thật là kẻ vô ơn. Hồi đi học có mỗi cái cân, tôi cũng biết do ông Roberval chế ra, về định luật trọng lượng, tôi cũng biết nhờ ông Archimède, rồi sức hút của quả đất cũng biết tới ông Newton. Thế mà gần bốn mươi năm nay, tôi không biết ông tổ của mì gói hay mì ăn liền là Momofuku Ando, chủ tịch công ty Nissin Food Products Co. cho đến khi nghe tin ông qua đời. Tôi vô ơn là vì trước năm 1975, tôi ít gắn bó với tô mì gói “Hai Con Cua” của hãng Vifon ở Chợ Lớn, nhưng từ sau tháng tư ấy, cuộc đời tôi phải nói là gần như dính liền với sáng chế tuyệt vời của ông Ando.
Tôi là lính tâm lý chiến ở một trung tâm huấn luyện tân binh, tức là dạy cho lính biết thế nào là Cộng Sản và vì sao phải đánh Cộng Sản, thế mà ngày 23 tháng 6 năm 1975, nghe thông báo trình diện “học tập cải tạo” tôi đem đúng 7 gói mì. Theo tinh thần “hòa giải dân tộc”, sau 7 gói mì là tôi trở lại đi dạy học vì không còn là lính nữa. Thay vì 7 gói mì, nếu có thêm và có đầy đủ, tôi phải ăn cho hết cái tội ngu của tôi là 2,455 gói chia cho 365 ngày là chẵn 7 năm. Nhưng vào cái thời buổi ấy đói rã họng, làm gì có mì gói là thứ thực phẩm cao cấp mà ăn. Mãi cho đến năm năm sau ngày vào tù, được vợ thăm nuôi cho mấy bao mì gói, bẻ nửa gói cho vào một cái “gô”, mấy ngọn rau lang vừa “cải thiện”, thêm một con nhái nữa là thành một món ăn tuyệt hảo nhất thế giới, ăn vào mát cả ruột gan.
Món cơm sấy cho lính tác chiến ngày trước của Cục Quân Nhu nhạt nhẽo vô vị, tôi tự hỏi sao thời ấy mấy ông có trách nhiệm không phát cho lính mì gói để đi hành quân. Có nước nóng càng quý, nước lạnh cũng không sao, mà ăn không rồi uống nước vào sau cũng tốt. Từ ngày qua Mỹ, tôi thấy người Việt mình, gia đình nào cũng mì gói bất ly thân, thời buổi khó khăn, sáng trưa chiều, bận rộn không nấu nướng thì điểm tâm, ăn trưa ở sở hay no lòng buổi khuya cũng là nó. Hồi còn đi làm cu li, để khỏi mang thịt cá tanh hôi vào sở, chỉ một tô mì gói, đổ nước lạnh vào, bỏ vô microwave ba phút là xong. Suốt mấy năm, đồng nghiệp trong sở đặt cho tôi cái biệt danh “Mr. Noodle” cũng không có gì là quá đáng. Một cô đầm, tò mò coi cái công thức ở bao mì, khi thấy mấy chữ L. glutamade và monosodium glutamate in trên nhãn bao, cô đâm hoảng bảo rằng ăn nó vào là ung thư cấp kỳ. Tôi không buồn cãi lại, vì nếu ung thư thì đồng hương Việt Nam ở Mỹ chắc đã chết hết lâu rồi.
Đồng hương đi chợ Việt, món mì gói hầu như gia đình nào cũng có chất trên xe đẩy. Tôi cũng biết nhiều người ăn mì gói trường kỳ mà có tiền giúp thương binh, xây chùa hay góp tiền cho người ta mổ mắt, giúp người cùi, thì mì gói phải được mấy ông dân cử trao bằng khen. Tôi cũng biết nhờ mì gói mà các chàng trai trẻ lương “ba cọc ba đồng” có thể mua xe SUV đắt tiền hay đi Việt Nam đều đều. Nếu các cô gái Việt Nam theo chồng đến Mỹ, vào nhà thấy mấy thùng mì gói chất lên nhau trong nhà bếp, thì đừng thất vọng. Thứ nhất là vì bếp núc lạnh lẽo, phải ăn mì gói đều đều nên mới cần cưới các cô đến Mỹ, sau đó các cô cũng phải biết nhờ mấy thùng mì gói đó, mà cô mới có được “một đôi lợn béo, một vò rượu tăm.”
Các bạn ở các tiểu bang miền Bắc, miền Trung Hoa Kỳ ít người Việt, xa hàng quán Việt Nam, không có tiệm “cơm chỉ”, “xa quê hương, nhớ mẹ hiền”, không nuốt nổi mấy miếng khoai tây chiên, thì tô mì gói cũng làm người ta gần gũi với hương vị Việt Nam, cũng đỡ nhớ nhà lắm chứ! Tôi vẫn thắc mắc không biết mấy đứa cháu ngoại của tôi, có phải vì có máu Việt Nam lưu thông trong huyết quản không, mà đi học về, nghe nói đến mì gói thì đứa nào cũng sáng mắt ra, nhưng vì biết mì gói độc, nên chỉ thỉnh thoảng chúng mới được thưởng thức.
Trong tất cả các món ăn chơi Việt Nam thì Phở, Bún Bò, Hủ Tiếu, Mì là tứ quý, nhưng cuối cùng thì chỉ còn phở và mì là hai món thông dụng nhất. Sau năm 1954, phở hầu như chiếm lãnh thị trường nhưng không đánh bạt được mì ở phía nam, nhờ khối người Hoa còn đông đảo và mì nấu đơn giản hơn, rẻ tiền hơn. Thời đó, tôi còn nhớ đến tiếng “sực tắc” trong cuốn phim đen trắng “Kiếp Hoa” do hai cô đào miền Bắc là Kim Chung và Kim Xuân thủ diễn, tức là tiếng mì gõ phổ biến bây giờ ở Saigon. Nhưng nghệ thuật “cô đọng” thì phở không làm nổi, nên phở ăn liền không làm nổi danh phận gì như gói mì ăn liền.
Tôi là người Việt Nam sợ món ăn Mỹ, nên sang đây trong mười mấy năm, chỉ gặm hamburger trong những trường hợp bất đắc dĩ, còn mì gói, thì tứ thời bát tiết, sáng tối lúc nào cũng được, mà ăn lúc nào cũng thấy ngon. Mì gói mang đặc tính tiện lợi, nhanh chóng, xổi xổi lúc nào cũng dùng được ngay, nên người ta mới có thành ngữ “mì ăn liền”, để nói tới một cái gì tạm bợ, thiếu phẩm chất như những cuốn phim được sản xuất trong thời mở cửa bên xứ xã hội chủ nghĩa. Nhu cầu sản phẩm chỉ để dùng tạm bợ thì người ta có thể sản xuất nó một cách đơn giản, xài qua một lần rồi bỏ, như các thứ ly tách, chén, tô, khăn ăn bằng giấy. Nhưng các thứ như nhà cửa, cầu cống, đường sá mà xây dựng cẩu thả, tạm bợ, thiếu phẩm chất, kiểu “mì ăn liền” thì tiếng xấu không bao giờ rửa sạch, làm cho món mì gói của tôi cũng phải chịu miệng tiếng với đời.
Dù sao tôi cũng phải chịu ơn Ông Momofuku Ando và cái công ty chuyên sản xuất mì Nissin của ông. Những ngày mới đến Mỹ, tôi nhớ đến ông lúc trời còn chập choạng chưa sáng đã phải dậy đi làm, những buổi trưa nghỉ trong cái góc của nhà máy giấy bề bộn, hay có những năm đi làm ca hai về khuya. Thật là mang ơn ông hết sức. Cảm khái, tôi nhại mấy câu ca dao sau đây:
“Giả ơn thùng mì gói này
Ban đêm gà gáy có mày có tao.
Giả ơn mì gói mươi bao
Ban đêm gà gáy có tao có mày!”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 20 Aug 2018

CÁI THUỞ BAN ĐẦU


Một hôm, sau một hồi cãi vã không ai chịu nghe ai, để làm dịu không khí căng thẳng, người thanh niên đã đến ôm lấy vai vợ như một dấu hiệu giảng hòa. Được thể, người vợ bỗng khóc nức nở làm cho người chồng bối rối không biết chuyện gì sẽ xẩy ra, rồi trong giọt ngắn giọt dài, người vợ kể lể những điều tệ bạc của chồng, rằng: anh không còn yêu cô ấy nữa, anh không còn là anh ngày xưa nữa.
Ngày xưa khi mới quen nhau, lúc nào anh cũng dịu dàng, lịch sự. Anh mở cửa xe cho cô ấy, chờ cho cô ngồi yên chỗ mới đóng cửa xe, rồi đi vòng qua phía bên kia, mở cửa lái xe đi. Bây giờ, mạnh ai người ấy lên xe, nếu cô ấy chưa kịp đóng cửa xe, có thể anh đã vọt xe đi. Ngày xưa đi qua đường anh nắm tay cô, bây giờ anh băng băng đi trước, cô đi không kịp, chẳng may đèn đỏ thì ráng đứng lại chờ bên kia đường.
Ngày xưa vào tiệm ăn, anh mở cửa cho vợ vào trước, kéo ghế cho cô ấy ngồi, lịch sự đưa thực đơn cho cô, hỏi cô thích món gì. Bây giờ anh đi trước, có khi quên đỡ cánh cửa ra vào, suýt đập vào mặt cô. Vào tiệm anh kéo ghế ngồi trước, gọi ngay những món ăn gì anh khoái khẩu. Anh không còn mua những món quà cô thích. Anh không mua quà cho ba má cô trong những dịp Lễ Tết. Anh không còn hôn cô âu yếm mỗi đêm thức giấc hay buổi sáng trở dậy đi làm. Anh quên cả ngày sinh nhật của cô và đương nhiên luôn cả ngày cưới.
Anh quả là thằng đàn ông khốn nạn, bạc bẽo, chóng thay đổi.
Cô ấy càng khóc lớn hơn, anh thấy càng bối rối. Đúng ra anh cũng muốn nói lại cho nàng vài điều, nhưng không thể nói ra trong lúc này. Trong lúc nàng nói “lỗi tại anh!”, không lẽ tôi trả ngay là: “lỗi tại em!”
Xưa kia, biết anh thích bún bò Huế, cuối tuần nào nàng cũng chịu khó bỏ thời giờ trổ tài nấu nướng, vui sướng nhìn anh ăn. Biết anh không bao giờ đụng đũa đến món canh bí đỏ, mà bây giờ thỉnh thoảng anh cũng phải ăn món canh ấy vì không có gì khác. Bây giờ nàng thức dậy quá trễ vì đêm qua bận xem phim bộ tới khuya, anh phải tự lo khoản cà phê, bánh mì, có khi là mì gói, không như ngày mới cưới. Bây giờ nàng không chờ anh ở cửa khi anh đi làm về và hỏi chồng có mệt không, công việc ở sở như thế nào. Bây giờ nàng bận điện thoại cho bạn bè, khi anh cần gọi về nhà, nàng cũng không chuyển đường dây sang.
Bây giờ khi đi làm về, anh không thể nói “anh đây em”, vì nàng đang bận ngồi trước TV, la con cái ào ào và không để ý đến những gì anh đang nói với nàng.
Nàng quên cả sinh nhật của chồng, đừng nói gì chuyện bắt nàng phải tới ngày giỗ của bố anh.
Chính sự trách móc bùng phát của nàng chiều hôm ấy cho anh thấy rõ được con người mình. Xưa kia anh chú ý tới từng điều nhỏ nhặt để làm nàng vui lòng, bây giờ nàng và anh đều chẳng ngó ngàng chi tới niềm vui của người bạn đời.
Muốn thông cảm, thương yêu, muốn cho hai người mỗi ngày đừng cách xa nhau thêm như con thuyền không buộc chặt, đang dần dần trôi xa bờ, chỉ có sự đối thoại thẳng thắn mới hàn gắn được tình trạng này. Hai bên, cả anh và nàng đều giữ kín những bất mãn của mình quá lâu, lên men ở trong lòng, mỗi ngày mỗi lạnh lùng, xa cách và chán ngán nhau.
Điều khó khăn là chúng ta chỉ có thể nói những điều ấy trong cơn nóng giận, những lúc gần gũi lại e dè không dám nói lên những điều bất mãn ấy, vì nói ra lại sợ mất hòa khí. Như vậy chúng ta đều phải là những người bình tĩnh, dám nhận lỗi và dám đương đầu với sự thật. Và anh đã nói: “Anh thực sự hối lỗi. Anh thành thật xin lỗi em. Anh thật là người vô tình. Anh sẽ chú ý lại những việc làm nhỏ nhặt như những ngày mình mới gặp nhau.” Còn nàng, nàng sẽ nói sao?(1)
(1) Theo Tỳ Kheo Visuddhàcàra - Không Tuệ
Đó là những ngày còn trẻ. Bây giờ già rồi, có phải chăng “tình không còn, chỉ còn nghĩa” như nhiều người vẫn biện minh. Ông than phiền bà nằm ngủ hay cựa quậy hay thường lục đục tới khuya chưa chịu vào giường. Bà than ông hay dậy đi tiểu đêm, khi ngủ ngáy lớn tiếng làm bà không ngủ được. Không chỉ những “đồng sàng dị mộng”, hai ông bà cũng “dị sàng” từ vài chục năm trước, họ thỉnh thoảng vẫn “thức chung” nhưng tuyệt đối ngủ riêng. Ban đêm bà có trúng lạnh, ông có lên cơn suyễn, ngộp thở cũng chẳng buồn kêu đến người kia vì sợ phiền. Bà đi Việt Nam thăm chị, thăm em cả tháng trời, ông cũng không thấy có gì thay đổi trong nếp sống hằng ngày. Ông theo bạn bè đi du lịch Trung Quốc cả mười lăm hôm, vì bà than đau chân không đi bộ nhiều được, cũng chẳng sao. Vào mùa hè, có khi bà sang nhà con gái ở bên miền Đông vui với cháu ngoại hai tháng mới về. Không thương, không nhớ, chẳng có thói quen gần nhau, nên cái câu “… chim quen lồng, lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi” bây giờ nghe không còn đúng nữa.
Người mình vẫn hay nói tới “nghĩa” thay cho tình, nên cuộc sống của người già không còn mặn nồng, âu yếm như những người Tây Phương, vẫn thường đi du lịch, nghe nhạc, ngồi ở bờ biển tình tự hoặc cầm tay nhau hoặc hôn nhau như thời trẻ trung. Bây giờ họ không còn gọi nhau bằng tên hay “anh-em” như ngày trước, mà gọi nhau là “bà-tôi”, “ba nó-má nó” hay “ông ngoại - bà ngoại”. Gọi “anh-em” hay tỏ cử chỉ âu yếm, sợ con cháu nó cười, bảo “già mà không nên nết”. Ra đường ông đi trước cả đoạn, bà mới lụp chụp theo sau. Ngày xưa, vợ chồng vẫn thường được chúc “trăm năm hạnh phúc”, đẹp đôi cho tới khi “đầu bạc răng long”. Nhưng chắc chắn hai người không thể cùng nhau đi hết một đoạn đường, bên nhau cho tới ngày cuối cùng. Bây giờ đầu đã bạc, răng đã long rồi là những lúc phải cần đến nhau hơn.
Cái này nó không phải tự nhiên một ngày mà có, cũng không phải “lỗi tại anh” hay “lỗi tại em”, mà nó từ từ như con thuyền không buộc chặt mỗi ngày mỗi trôi xa bờ như đã nói ở đoạn trên. Hy vọng rằng cụ ông hay cụ bà hôm nay vẫn là anh và em thuở xưa, của những tháng ngày đã bốn, năm mươi năm về trước.
Khí hậu mùa xuân, hạ đủ ấm áp, nhưng tới mùa đông, có lẽ phải cần nhen lên ngọn lửa trong bếp lửa gia đình để xua tan nỗi băng giá và phiền muộn của thời gian.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Next

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 21 guests