Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 26 Aug 2018

THẾ GIỚI BẤT AN


Mỗi buổi sáng thức dậy mở máy truyền hình theo dõi tin tức thế giới đã nghe mùi tử khí. Những dòng tin chiến sự mỗi ngày với những tổn thất nhân mạng mà người ta thường gọi “không đáng kể” trên các hệ thống truyền thông, chính là nỗi mất mát và đau đớn lớn lao của mỗi gia đình khi có con tử hận. Con người trong cuộc chiến là những con số vô tri, đôi khi chìm vào những dòng tin trên hệ thống truyền thông, mà xướng ngôn viên đã đọc với giọng đọc vô hồn, không một mảy may cảm xúc, còn tệ hơn một đám cháy nhà hay một giờ kẹt xe trên xa lộ.
Ba năm nay, người Mỹ đã hy sinh tại Afghanistan, Iraq đã lên tới con số nghìn. Tại Iraq trung bình mỗi ngày chết chừng ba chục người, không tính ta hay địch, quân chiếm đóng hay người địa phương. Nước Mỹ trong nội chiến, chỉ trong bốn năm, từ năm 1861 đến 1865 đã có nửa triệu binh sĩ bỏ mình trên chiến địa, chia ra Bắc quân 363,020 và Nam quân 199,110 người, trong Đệ I Thế Chiến mất 116,708 người, Đệ II Thế chiến với 408,306 người, trong đó chỉ riêng trận Trân Châu Cảng đã mất 2,388 binh sĩ. Còn các nước Đức, Nhật, Pháp, Ý… số người tử trận còn lên tới con số bao nhiêu? Trong cuộc chiến tranh giúp bảo vệ miền Nam Việt Nam, 58,219 binh sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh.
Tại Việt Nam để có cái ôm hôn của bác Hồ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp đã nướng 10,000 thanh niên miền Bắc trong chiến thuật biển người trong 56 ngày đêm tại thung lủng Lai Châu. Trong cuộc chiến tranh để chiếm miền Nam, Hà Nội phải mất gần hai triệu người và miền Nam hy sinh gần 800 nghìn binh sĩ.
“Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”, những tướng tá bất cứ trong cuộc chiến nào cũng nâng ly rượu “rửa lon” bằng cái chết của hàng ngàn binh sĩ thuộc quyền. Người ta khen ngợi tài dụng binh của một vị tướng, nhưng chỉ một nét bút chì trên bản đồ hành quân, một lệnh ban từ trung tâm hành quân, máu xương phải đổ ra trên trận tuyến, thành hay bại cái chết chừng cũng ngang nhau.
Nhìn một đàn kiến đang bò dưới gốc cây không biết có mấy nghìn con, mà con người chết đến hàng vạn người. Nỗi thống khổ của một gia đình, con cái, cha mẹ và những người thân thuộc được nhân lên hàng chục, hằng trăm rồi hằng chục nghìn, nỗi đau của con người cao vời vợi, biết bao nhiêu là oan trái, bao nhiêu là tuyệt vọng.
Bà Cindy Sheehan, 48 tuổi, cư dân Vacaville, California, có con tử trận tại Iraq, đã dẫn đầu một cuộc biểu tình gần trang trại của ông Tổng Thống Bush hôm 7 tháng 8-2005, cho tới nay nhiều lúc quy tụ hơn 200 người cùng biểu tình với bà. Tên Casey Sheehan, con của bà Cindy chỉ là một con số không hơn không kém trong con số vượt lên trên 2,500 binh sĩ Mỹ đã bỏ mình tại Iraq cho cái gọi là chiến dịch tự do “Iraqi Freedom”. Các lãnh tụ chính trị trên thế giới đã lùa bầy “con đỏ” vào những lò lửa chiến tranh, chắc chắn không biết đến cái đau của những bà mẹ như Cindy Sheehan. Người ta chỉ nghĩ đến những biến chuyển lớn của thế giới mà quên nỗi đau của từng người, của từng gia đình một, nhưng con người không thể coi thường những nỗi đau ấy. Nuôi một đứa con khôn lớn để rồi dâng hiến cho tổ quốc, tổ quốc của chúng ta hay tổ quốc của kẻ thù đều có những lý lẽ riêng để đòi hỏi sự hy sinh của quần chúng. Nhân mạng được tính bằng những con số. Những bản tin thời sự qua đi, nhũng con số thống kê còn lại trên hồ sơ và với hình ảnh nghĩa trang san sát những cây thập tự trắng.
Hết chết cho chiến tranh, con người lại như con sâu cái kiến chết vì thiên tai. Ở Trung Quốc hằng trăm người chết vùi trong những hầm mỏ. Nạn động đất ở Pakistan làm hơn 70,000 người chết. Xa hơn, tại bốn tiểu bang miền trung nam nước Mỹ, Katrina cướp đi 1,000 nhân mạng. Tsunami chết 135,000 người tại Đông Nam Á. Nước Mỹ mất 2,996 người trong thảm kịch 9/11.
Những con số nhỏ thì bão lụt ở quê nhà, Nam Bắc Trung mươi người bị cuốn theo dòng nước. Rải rác tại Đông Nam Á năm bảy người chết vì cúm gia cầm. Chúng ta từng nhìn một cái quan tài phủ cờ trong chiến tranh Việt Nam, đưa đám một người bạn thân, hay nhìn những nấm mộ san sát trong nghĩa trang, nhưng chưa bao giờ chúng ta tưởng tượng nổi là dịch bệnh, chỉ trong mùa thu 1918, hơn bốn mươi triệu người trên thế giới đã chết vì cúm Tây Ban Nha (Spanish flu). Thế giới hiện nay lại đang lo sợ nạn cúm gà sẽ giết hàng chục triệu con người trên trái đất trong những ngày sắp tới.
Nếu so với dịch bệnh thì thiên tai ít người chết hơn, so với thiên tai, thì số người chết trận là ít. So với những đám tang của người già, những người trẻ ra đi càng ngày càng nhiều bởi những cuộc chiến tranh và tàn sát nhau trên thế giới. Con người hiện nay lại phải đối đầu với thiên tai và dịch bệnh kinh hoàng chưa biết lúc nào sẽ trùm lên trái đất, mà thế giới này mỗi sáng thức giấc vẫn còn nghe tiếng súng, cùng tiếng la hét hận thù.
Sau những ngày kinh hoàng và được thoát chết, con người thấy đời sống quá ngắn ngủi và vô nghĩa, người ta có yêu nhau hơn, tha thứ và cảm thông được với người khác hơn không?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 26 Aug 2018

NHÀ TÙ

Hai mươi bốn năm trước, sáng hai mươi ba Tết, tôi bước chân ra khỏi nhà tù “cải tạo” Hàm Tân, đi một mạch ra đường quốc lộ 1, mà không dám quay đầu nhìn lại. Hai mươi bốn năm nay, nhiều đêm tôi nằm mộng thấy mình đang ở trong nhà tù với một niềm khổ đau tuyệt vọng. Thức giấc, trở về với thực tại, không hiểu vì sao tôi không có cảm giác mừng rỡ thoát cơn ác mộng mà cảm thấy buồn rầu. Tôi đã bỏ phí nhiều năm trong nhà tù một cách vô bổ, tiêu hao sức lực và đần độn đầu óc. Những gì mà kẻ thù hy vọng sẽ “cải tạo” chỉ là những thứ hoài công, hoặc chúng giả dối để rêu rao mục đích “cải tạo” nhưng chủ đích là giam cầm đối thủ để rảnh tay đàn áp quần chúng bên ngoài nhà tù. Mô hình nhà tù của Bắc Việt là mô hình nhà tù rẻ mạt nhất thế giới, ở đó tù tự kiếm tranh tre dựng lấy nhà giam mình, tự cuốc đất trồng khoai, làm gạch, nuôi heo để kiếm miếng ăn, không như các nhà tù ở các nước văn minh phải có đủ phương tiện ăn ở cho người tù bị giam giữ.
Một nhà bình luận thời cuộc đã có lần nửa đùa nửa thật nói với tôi: “Nếu ngay khi Hoa kỳ lật đổ Saddam Hussein, tất cả sĩ quan chế độ cũ đều được vào nhà tù “cải tạo” thì tình hình không diễn biến như ngày hôm nay”. Nhưng giam tù không là một giải pháp tốt đẹp để những nhà cầm quyền chọn lựa để đối xử với đối lập chính trị hay những kẻ tội phạm.
Một xã hội tốt đẹp chắc chắn không phải là một chế độ có quá nhiều nhà tù. Ngày nay nước Mỹ có 300 triệu dân nhưng có đến gần 2,2 triệu người tù (2,200,000) theo con số của Văn Phòng Thống Kê Tư Pháp (tháng 10/2006). Đông nhất là tại các trại tù liên bang với 173,959 người, Cali có 164,487 tù nhân và con số của Texas là 166,911 (theo con số thống kê cách đây vài năm). Con số này tăng khoảng 7.7% mỗi năm và cứ 100 người ra tù lại có 67 người phạm pháp trở lại nhà tù. Chúng ta cũng nên nhìn qua tỷ lệ tù nhân theo mỗi sắc dân; trên nước Mỹ, da trắng chiếm 70% dân số, có 35% trong số tù nhân bị giam giữ, da đen 12% dân số nhưng có đến 47%, Hispanic chiếm 4% dân số có 10% trong khi Á châu chiếm 4% dân số chi có 1% trong số tù nhân. Mặc dù chính phủ đã có nhiều phương cách bài trừ ma túy, con số tù nhân bị giam giữ liên quan đến ma túy đã tăng từ 8% năm 1980 lên đến 23% trong năm 1998. Tỷ lệ tù nhân của Mỹ trên dân số là 737/100.000, Nga Sô là 611/100,000, trong khi ở các quốc gia kỹ nghệ hóa Tây phương, tỷ lệ này chỉ có 100/100,000. Hoa Kỳ chiếm 5% dân số thế giới, nhưng có 25% số tù nhân của cả thế giới.
Ethan Nadelmann thuộc một cơ quan nghiên cứu tệ nạn ma túy đã nói rằng: “Chúng ta đứng hạng nhất thế giới về thành tích bỏ tù các công dân của chúng ta”. Trong khi ngân sách giáo dục, thuốc men cho người già bị cắt giảm, trên đường phố còn nhiều kẻ không nhà, thì chính phủ liên bang phải bỏ ra mỗi năm 13 tỷ đô, các tiểu bang và địa phương 24.9 tỷ để nuôi tù, và con số này càng ngày càng tăng nhanh. Tổng cộng ngân sách là 37.9 tỷ, trong khi đó ngân sách giáo dục cao nhất là 57.3 tỷ. Riêng tiểu bang Cali đã chi phí 2.1 tỷ mỗi năm cho các hoạt động nhà tù và hiện nay đang tiến hành việc bỏ ra gần 4 tỷ đồng nữa để chỉnh trang và xây thêm nhiều nhà tù.
Tại nhà tù liên bang, chính phủ phải tốn phí $20,027.00 mỗi năm cho một tù nhân, trong khi một người lao động tay chân có mức lương thấp ở Mỹ chỉ đạt đến con số $12,900 một năm (lương căn bản $ 6.25). Nhà tù đã quá tốn phí cho người đóng thuế mà không cải tạo gì được xã hội.
Theo như tập hồi ký “I Cried but You Don't Listen” (Tôi Khóc Nhưng Chẳng Ai Nghe) của Dwight Abbott, một người tù hiện đang chịu bốn bản án chung thân trong nhà tù Salinas Valley States Prison của California, mà dịch giả Nguyễn Ngọc Minh đã dịch lại bài Điểm Sách đăng trên NB Người Việt, thì chế độ nhà tù, mở đầu là các nhà tù của thiếu niên phạm pháp đã xô đẩy những con người càng ngày càng đi sâu vào tội lỗi, không hề có lối thoát. Chính trong hệ thống nhà tù tại Hoa Kỳ đầy dẫy những bạo lực, bất công và ác nghiệt đã khiến cho một thiếu niên, vì hoàn cảnh gia đình bị gởi tới một trung tâm cải huấn thiếu niên đã trở thành một tội phạm nặng tội hơn. Tại đây, ông tưởng sẽ được săn sóc, giáo dục nhưng trái lại, bị hiếp dâm vào ngay đêm thứ ba bởi một vị cố vấn luật pháp, điều này đã tạo nên lòng căm thù, nổi loạn và xô đẩy ông trở thành một người tù có bốn bản án chung thân.
Tác giả Dwight Abbott muốn được người ta hiểu ông như một con người bình thường, ông cũng có tình yêu, tình bạn, biết điều tốt xấu, nhưng chính hệ thống nhà tù ở đây với bao nhiêu điều bao che, xấu xa đã không nâng ông dậy mà còn đưa ông vào con đường tội lỗi. Jean Valjean, nhân vật trong “Les Misérables” của văn hào Victor Hugo, một người nghèo khó, đã bị xã hội đưa đẩy tới con đường tội lỗi, và sau đó hệ thống nhà tù đã làm cho ông trở thành một con người khác, chai đá và đầy lòng thù hận đối với cuộc đời.
Đó là chưa nói đến chế độ tư pháp ở bất cứ nước nào cũng đều có thể có những vụ xử oan ức, có người đã bị nằm tù oan vài ba mươi năm, khi ra tù thì đã già. Dù có được bồi thường bao nhiêu tiền cũng không thể lấy lại tuổi thanh xuân và xóa hết dấu ấn phai đậm oán hận trong lòng. Mặt khác những thành kiến xã hội đối với những người tù hay đã ra tù vẫn còn thiếu bao dung và khắc nghiệt, khiến xô đẩy họ càng ngày càng khó hoàn lương và càng ngày càng xa với cộng đổng, nơi mà họ đang sống hay từ đó họ lớn lên.
Nhà tù không những không xây dựng, cải tạo gì được cho con người, mà còn xô đẩy những người tù vào sâu thêm trong vòng tội lỗi, tạo cho họ lòng căm thù tột độ đối với cuộc đời, nói riêng là đối với hệ thống nhà tù và những kẻ cầm cân pháp luật. Theo thống kê của bộ Tư Pháp Mỹ, con số tù nhân càng ngày càng tăng không giảm, mà có đến 67% trở lại nhà tù. Như vậy thì còn mong gì cải tạo được xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn và những danh từ “cải tạo”, “cải huấn”, “house of correction” đều là những chữ nghĩa không hồn.
Chính phủ đã làm gì khi tội ác, cướp bóc, hiếp dâm càng ngày càng gia tăng trong xã hội? Người ta nói là cần thêm ngân sách hai, ba tỷ đồng để tuyển thêm cảnh sát, xây thêm nhà tù - không nghe ai nói xã hội có nhiều tội ác nên cần xây thêm trường, tuyển thêm nhiều giáo viên, mở thêm nhiều trường dạy nghề miễn phí hay xây thêm nhiều nhà tạm trú cho dân không nhà, trợ cấp thêm cho người neo đơn, thất nghiệp. Cũng không nghe ai nói chận đứng những trò chơi game, phim ảnh bạo lực, bắn giết, khiêu dâm hiện đang đầy dẫy trên thị trường.
“Bỏ tù” phải chăng là vũ khí duy nhất để cai trị?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 26 Aug 2018

TRĂM NGHỀ


Nước Mỹ hiện nay có 12 triệu di dân lậu, phần lớn là người Mễ. Nếu nước Mỹ nghèo khổ, thất nghiệp tràn lan, không kiếm ra việc làm thì không ai vượt biên tới đây làm gì. Sáng nay ở ngoài phố dưới cơn nắng đầu hè 82 độ, tôi thấy một người Mễ cao to đang quay vòng một tấm bảng dài, một đầu nhọn để chỉ vào một tiệm bán sale burrito đàng sau lưng ông. Đây cũng là một nghề ở Mỹ, tuy nó chẳng danh giá gì theo quan niệm của ông bà ta ngày xưa, nhưng cũng đủ mua bánh mì và xúp đậu cho sấp nhỏ.
Hồi ở Việt Nam, tôi nghe ở Mỹ chỉ lo không chịu làm chứ không lo thiếu nghề, na ná y như lời cụ Khổng: “Hựu bất tài, bất hựu vô vị” (Chỉ sợ không có tài chứ đừng lo không có có chức vị). Vậy phải nghĩ ra rằng những anh chàng lêu bêu, thất nghiệp dài dài là những anh chàng “bất tài” hạng nặng. Mặc dù đã căn dặn lòng mình, nghề gì cũng làm, tuy vậy không dễ gì kiếm ra một nghề khi mới đặt chân đến đây. Chuyện không khác gì ở Việt Nam, sau năm 1975, khi toàn dân thất nghiệp, cử nhân, tú tài cũng chạy xe ôm, bán chợ trời. Nhiều thanh niên tuấn tú, tương lai của đất nước bưng cái mẹt đi bán chanh ớt, bán gương lược, kim băng… thấy mà chảy nước mắt. Rồi nghề bán vé số, thuốc lá, nước sâm, vá sửa xe đạp đầu đường bày ra nhan nhản, thấy mà xót xa cho cuộc đổi đời, kiếm được một nghề để có bát cơm đâu phải dễ!.
Sang Mỹ rồi mới thấy ở đây có những nghề mà trước kia ở Việt Nam chúng ta không có như nghề bán… nước (uống), nghề cắt cỏ, nghề lau chùi nhà, nghề cắt lông chó. Ở bên nhà thì hơn hẳn ở Mỹ là nghề bán đề thi, nghề bán máu, nghề đưa đàn bà qua biên giới lấy chồng hoặc làm đĩ, nghề bán đàn ông đi làm cu-li khắp thế giới. Những nghề mà người dân bần cùng vẫn có thể làm để đổi bát cơm bới đống rác lượm bọc ny lông hay bắt ruồi xâu đem bán cũng rất phổ thông. Còn những nghề chung chung như bán dâm, chạy mối, bán chức vị, bán lương tâm thì hình như ở đâu cũng có, không ít thì nhiều.
Theo truyền thống xa xưa, hai nghề “chứa thổ, đổ hồ”(chứa gái và chứa bạc) là hai nghề bạc ác nhất, người làm nghề này thì cất đầu không nổi. Người xưa căn cứ vào đạo lý để lên án hai nghề này, nhưng hiện nay các vị tỷ phú “đổ hồ” ở Las Vegas vẫn ăn nên làm ra, những tay cá độ vẫn kiếm nhiều tiền, và những đường dây “gái gọi” ở Việt Nam vẫn chưa thấy mạt.
Chúng ta thường nghe mãi cái câu “chỉ có người hèn chứ không có nghề hèn!”, tuy vậy người có nghề cao sang thì khinh nghề hèn mọn, nghề làm ra nhiều tiền thì coi thường người làm ra tiền ít. Liệu một vị khoa bảng hành nghề như luật sư, bác sĩ, dân biểu, nghị sĩ có coi thường một người phu quét đường hay một người thợ nề không? Liệu những nghề nhiều tiền như bán súng bán đạn, bán xương máu của đồng đội, bán chức vụ (mua quan bán tước), có bị coi thường là nghề bất lương không, hay vẫn được người đời trọng vọng, vì những người làm nghề này đều, ở trong giới cầm quyền.
Ngày chân ướt chân ráo tới Mỹ, tôi mới thấy thấm thía cái câu “ấu bất học, lớn làm cu-li” của người mình. Vì không có bằng cấp, chữ nghĩa, cần phải sớm kiếm việc làm để “sống còn” tôi và bạn bè cũng như những người Mễ chúng ta thấy hôm nay là phải làm những việc tay chân nặng nhọc như cắt cỏ, bồi bàn, lau dọn cao ốc, bán xăng, làm bếp… Tuy vậy, có khi bây giờ chúng ta không còn làm những nghề ấy nữa, như đã qua lúc khó khăn ban đầu, thì chúng ta lại nhìn những người làm nghề ấy bằng “nửa con mắt”.
Các cụ ta ngày xưa thường nói tới bá nghệ (trăm nghề), bây giờ tuy văn minh tiến bộ, người ta đã thải nhiều nhân công, nghĩa là nhiều nghề đã bị gạch tên, nhưng trên cõi đời nầy vẫn có còn quá nhiều nghề, mà chưa ai lẩn thẩn ngồi để kiểm kê lại. Một đất nước càng nghèo đói, càng lạc hậu thì lại có nhiều nghề “không chính quy”, và nếu định nghĩa nghề là một việc làm gì đó có thể nuôi sống người ta, thì hiện nay thời đại mới đang sinh ra rất nhiều nghề. Nếu nghề làm ít tiền bị coi là nghề hèn, thì trái lại nghề kiếm ra nhiều tiền nhất có được gọi là nghề đáng trọng hay không? Nghề bắt chó chạy rong ngoài đường vẫn thường được coi là nghề hèn, dù là ở Âu hay ở Á. Điều đó chưa chắc đã đúng, vì thằng bắt chó không hề biết bóc lột ai, cũng không hề bán rẻ lương tâm. Hình như nghề càng cao, càng kiếm ra tiền nhiều thì người ta càng dễ bán lương tâm hơn. Tội nghiệp cho những người làm nghề bán McDonald’s hay bán nước lọc, có muốn bán lương tâm cũng không bao giờ có dịp để bán.
Người ta ghê sợ nghề đao phủ thủ, nhưng không có nghề này thì ai chém đầu tội phạm tử hình, người ta coi thường nghề đào huyệt nhưng không có nghề này thì ai chôn người chết? Vậy trong thiên hạ, dù có trăm nghìn nghề, nghề nào cũng cần, và nghề nào cũng có cái thú vui của nó, không vui thì làm sao đeo đuổi theo nghề suốt đời được?
Theo một nghiên cứu mới đây tại Hoa kỳ, nghề kiếm ra tiền nhiều nhất vẫn là nghề luật sư và nghề bác sĩ, còn nghề kiếm ít tiền nhất với số lương giờ căn bản là những nghề bán McDonald's, bán Kentucky Chicken… với cái tên là “Macjob”. Nhưng nói tới tính lương thiện và đạo đức nghể nghiệp so với đồng tiền cao thấp kiếm được, lại là một chuyện khác.
Ở trên trái đất này, không chừa một nơi nào, nếu chúng ta có một “không” là không nghề nghiệp, thì chúng ta sẽ có nhiều thứ không khác, như không vợ, không nhà, không xe, không bạn bè, không tình yêu và không cả đất chôn nữa. Con người sinh ra, phải tất bật, “đổ mồ hôi, sôi con mắt” mới có miếng bánh mì bỏ vào miệng, không ai ngồi không mà có ăn, trừ bọn bóc lột trên sức lao động của người khác. Nếu một nơi nào đó không có nghề, không phải đi kiếm nghề mà vẫn có cơm ăn áo mặc, chỗ trú ngụ mưa nắng… thì nơi đó hẳn là thiên đường. Vậy thì đất Mỹ hẳn là một thiên đường, ít ra cũng là thiên đường của người già và người tàn tật.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 27 Aug 2018

“TÌM BẠN TRI ÂM”


Ngày 21 tháng 6 vừa qua, truyền thông Mỹ vừa loan tin cô nữ sinh Katherine Lester, 16 tuổi, “tìm bạn tri âm” qua website đã phải lòng anh chàng người Palestine Abdulad Jinzawi, 20 tuổi. Cô định lên máy bay sang Jerusalem, nhưng đã bị nhà chức trách Hoa Kỳ giữ lại vì lý do an ninh. Nguồn tin cho biết có 87 triệu người vào trang Myspace.com để tìm bạn, trong đó có tới 20 triệu là tuổi choai choai như cô nữ sinh người Mỹ kể trên.
Tại Úc đã có 4,5 triệu người độc thân đã tìm đến việc hẹn hò qua internet. Match.com và RSVP, mỗi website có hơn hai triệu thành viên, và những thành viên này, ngày nay đã có đôi thành vợ thành chồng. Giám đốc điều hành những website này đã cho biết số người tìm bạn tăng rất nhanh trong vòng ba năm trở lại đây. Tuổi kết hôn của một người bình thường là từ 27 đến 29 tuổi, nhưng trong tuổi này, người ta lại quá bận rộn với những công việc sinh kế hằng ngày, ngoài thương trường hay trong công sở, nên ít có cơ hội giao tiếp với người khác phái để tìm hiểu và dẫn nhau tới hôn nhân. Vì vậy internet là cơ hội dễ dàng để những người này vào, trao đổi, tìm hiểu và cuối cùng đồng ý một chỗ hẹn hò. Mặc dầu trong nhiều năm qua, nhiều tội ác đã xẩy ra vì trao đổi trên internet, nhưng đó chỉ là con số nhỏ, nhu cầu trao đổi tìm bạn, tìm người để đi đến hôn nhân trên internet vẫn cần thiết.
Phụ nữ thường ở thế thụ động, nhưng internet chính là nơi để cho quý bà quý cô chủ động khi đưa hồ sơ mình lên net và sẵn sàng liên lạc với đối tượng nào mà họ thấy thích.
Ngày xưa, cách đây nửa thế kỷ, lúc chưa có internet, và ngay cả bây giờ tại trong và ngoài nước, đối với một số đông còn ít xử dụng tới internet, thì những dòng chữ trên báo vẫn còn quý giá để người ta có cơ hội trao đổi, tìm hiểu và chọn một người tri kỷ hay là một người tình. Kết quả đi đến hôn nhân, đương nhiên cũng có thể có, nhưng với bản tính người Á Đông, không ai muốn tiết lộ rằng mình lấy chồng hay lấy vợ là do mục “tìm bạn tri âm” trên báo chí.
Tôi nghĩ “Thẩm Mỹ” là tờ báo đầu tiên ở Saigon, cũng có thể là ở Việt Nam mở ra mục Tìm Bạn Tri Âm, để làm nhịp cầu cho người ta tìm đến nhau bằng thư từ gởi theo lối cổ điển là qua bưu điện. Cho đến bây giờ, ở quê nhà hay ở hải ngoại, tìm bạn vẫn là một nhu cầu cần thiết cho những tâm hồn cô đơn, mặc dầu tiết mục đã đổi qua nhiều tên khác nhau: “Tìm Bạn Tri Kỷ”, “Tìm Nhau Qua Lá Thư Hồng”, “Kết Bạn Thư Tín”…
Ngày trước, không biết có bao nhiêu người trưởng thành phải cần đến mục Tìm Bạn Tri Âm để kiếm cho được một người tri kỷ trong quãng đời trống vắng của họ, nhưng bọn học sinh trung học chúng tôi thời ấy thằng nào cũng sung sướng có được một vài lá thư xanh xanh từ Saigon, Nha Trang hay từ Vạn Tượng, Nam Vang hồi âm. Vài tuần trước đó, bọn chúng tôi đã cố nắn nót viết một bức thư trên giấy pelure xanh để gởi tới địa chỉ một cô nàng nào đó trên báo Thẩm Mỹ, rồi ngày ngày ngóng chờ người phát thư đi qua nhà gọi đến tên mình. Lẽ cố nhiên chúng tôi không bao giờ dám để cho ông bố nghiêm khắc của mình biết chuyện, vì không lo học mà “tìm bạn tri âm”, cũng như không dám khoe với bạn bè. Về phía con gái thì những cô thiếu nữ con nhà giàu, đẹp đẽ, nết na, đã không thiếu những anh chàng đeo đuổi, có khi chưa học xong trung học, đã có người đưa xe hoa tới rước, cần gì phải mất công đi tìm người trong mộng qua tờ báo. Về phía con trai, thì những anh chàng có “3 chữ gi…” thời ấy là những chàng “học… giỏi, nhà… giàu, đẹp… giai” thì đâu cần đi tìm những người chưa biết mặt biết tên, như những chàng trai mơ mộng khác:
“Chưa biết tên nàng, biết tuổi nàng,
mà sầu trong dạ đã mang mang”…
(Huy Cận)
Đất nước chúng ta, qua chiến tranh, ly biệt, đổi đời, con người gặp phải những hoàn cảnh đổ vỡ, ngang trái, nhiều người phải chịu cảnh cô đơn, nên trên mặt báo những mục tìm bạn tri âm, tri kỷ lúc nào cũng đông khách. Cũng có những trường hợp nam tìm nam, nữ tìm nữ, những thiếu phụ một lần đổ vỡ, những gái lỡ thời “chưa một lần kết hôn”, muốn tìm bạn trai “để sống nốt cuộc đời còn lại bên nhau”.
Năm 1975, sau khi bỏ nước ra đi, thi sĩ Cao Tần đã chán nản, đau xót kêu lên: “ta làm gì cho hết nửa đời sau?”. Thì đây là câu giải đáp trong mục “Tìm Bạn…” của một nam nhân 52 tuổi “thích dạo biển, dạo sông lúc hoàng hôn”: “ta dìu nhau đi cho hết 1/3 cuộc đời còn lại”, hay là của một single mom 50 tuổi: “nửa cuộc đời còn lại trao hết cho anh!” (nửa cuộc đời còn lại này chúng ta phải hiểu tính từ 50 đến chẵn 100 tuổi, vậy ai là người có lòng, xin đừng ngần ngại nữa!)
Không chỉ những thanh niên, thiếu nữ trung niên, dang dở cuộc đời, chính tuổi già đơn lẻ cũng cần tìm nơi nương tựa cuối đời. Không thiếu những ông cụ lục tuần, hay sắp sửa bước tới tuổi “cổ lai hy”, cũng có những lời nhắn tha thiết “tìm một bạn gái khoảng 50 tuổi nhưng vẫn còn say yêu.”!
Trên những dòng rao người ta tìm thấy một nền văn chương rất là mùi mẫn, ai oán làm xúc động lòng người, như bài thơ sau đây, vần điệu rất vững vàng:
- “Sáu mươi xuân lẻ, vẫn đơn côi
Khuya sớm cày thuê trả nợ đời.
Đất khách tào khang đà gẫy đổ
Quê nhà đơn độc, lệ đầy vơi.
Trần gian, nhi nữ ai tri kỷ
Chắp nối tơ duyên, trọn kiếp người”.

Khó mà tìm được trên các tờ báo tây hay trên internet, một dòng tìm bạn sang cả, đầy tính văn học như vậy, vì mỗi người Việt Nam là một thi sĩ. Điều đó thật không ngoa.
Bây giờ không phải chỉ ở hải ngoại tìm nhau, mà thấy nhiều cô gái ở Việt Nam, dư bằng cấp nhưng nuôi giấc mơ “đi lấy chồng xa”, mơ đi Mỹ, hèn chi con gái danh giá của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lấy Việt kiều Mỹ cũng phải. Qua lời rao tìm chồng ngay trên báo chí hải ngoại, chúng ta thấy đủ loại: Đại Học Ngoại Thương, Cử nhân Đại Học Tổng Hợp, Cao Đẳng Nha Khoa, Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học, giáo sư Đại Học, sinh viên Tiến sĩ, Saigon:
- “Tốt nghiệp đại học Anh Văn, ngoan hiền, mơ Mỹ Quốc. Thư đầu nhờ người bác ở Quận Cam chuyển”, - “Cao Đẳng Nha Khoa Saigon, hiền ngoan, muốn làm quen với các anh có quốc tịch Mỹ, thật lòng muốn về Việt Nam cưới vợ”.
Các cô gái tại quốc nội tìm chồng, không phải trường hợp từng người, mà có những lời rao từng “chùm”, như “chùm thơ”, “chùm tư tưởng” theo ngôn ngữ trong nước: “Sáu cô gái, người miền trung, đang đi học tại Nha Trang, Saigon. Cha mẹ đang ở tỉnh X. Muốn tìm bạn trai, bên này, hợp ý, sẽ tiến tới hôn nhân…”
Đang đi học xa nhà, mà đã muốn tìm chồng, đề nghị cha mẹ gọi về… đét đít.
Cũng có người ở hải ngoại đăng báo tìm chồng cho “một chùm” con cháu như sau: “Mình mới về Việt Nam thăm nhà, có ba đứa cháu tuổi từ 18 đến 22, hiền ngoan, thùy mỵ, đang học đại học muốn tìm bạn trai ở Mỹ, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, tuổi tác, miễn là có quốc tịch.”
Năm 1975, nhà nước Cộng Sản đã để cho chảy máu chất xám. Trí thức khoa bảng ùn ùn xuống tàu vượt biển vì không ưa chế độ Cộng Sản, bây giờ vì mơ Mỹ, nhiều cô tốt nghiệp đại học tại Việt Nam lại muốn bỏ nước ra đi theo con đường… tìm chồng. Không khéo lại xẩy ra một cuộc thất thoát chất xám thứ hai.
Ở Mỹ này người ta bắt đầu sợ mập, nên trong lời rao cô nào cũng cẩn thận ghi hai tiếng “không mập”, còn đàn ông sợ bị chê lùn, nên anh nào cũng không quên nhắc hai tiếng “cao ráo”. Một anh chàng lại ghi trong lời rao: “Nam, mong tìm được một nàng không ngoài 54, dáng gầy gầy…”.
Những lời rao trên các trang tìm bạn, hay cả trên internet chưa chắc đã là những lời nói thật, có lẽ mọi người đều giảm cái xấu của mình đi một tí và tăng cái tốt của mình thêm lên. Chuyện xưa kể rằng, có một cô gái chẳng may bị vá môi, khi chụp ảnh gởi cho bạn, cô ngậm một đóa hoa hồng, trông “romantic” hết ý! Phía chàng hai, trời bắt có cái lưng gù, chàng gởi cho nàng một bức ảnh đang ngồi trên lưng ngựa đang phi, trông hùng dũng biết bao! Thế mà trên một mục rao tìm bạn, một cô nàng đã dám ghi rõ “dữ và xấu, nên bị chồng bỏ, muốn tìm người thích bị ăn hiếp…”
Có lẽ vì vậy, mà nhiều lời nhắn nhe đã vừa cảnh cáo, vừa năn nỉ: “xin đừng đùa giỡn mà tội nghiệp!”
Khi người đời còn có nhu cầu, thì những mục tìm bạn trên báo chí hay qua mạng vẫn còn cần thiết. Nhiều người lúc nhỏ đi học, ra trường đi làm, chạy theo nghề nghiệp hay có người còn phải lo bổn phận cho gia đình, như nhân vật “Người Anh Cả” trong tác phẩm của Lê Văn Trương, chưa bao giờ nghĩ tới hạnh phúc của cá nhân mình. Lúc nhìn lại, thì ngày tháng quá quạnh hiu mà tình cảnh quá cô độc. Mỗi người mỗi cảnh, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay!” Phải chăng hình phạt dành cho một người tù là sự cô độc, vậy xin những ai đang còn cô đơn khuya sớm một mình, nếu không chịu nổi sự trống vắng, quạnh hiu xin đừng ngần ngại, vì “lời nhắn không quá 45 chữ, thư làm quen xin dán sẵn tem, kèm theo chi phiếu $5.00, xin gởi về…”
Xin các bạn yên tâm: “sẽ hồi âm, dù thư đến trễ…”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 27 Aug 2018

NỤ CƯỜI


Chúng ta vào cái thuở biết yêu, chắc thế nào cũng có một lần nào đó, ra đường gặp một nụ cười, về nhà mà bỗng nhớ mãi, bâng khuâng, vui sướng, chân sáo tung tăng và lòng như mở hội, nói như ai đó: “Một nụ cười chỉ nở ra trong khoảnh khắc nhưng có khi làm cho ta nhớ suốt đời”. Vậy thì một nụ cười chẳng mất vốn, người trao không nghèo đi, mà kẻ nhận thì bỗng cảm thấy mình giàu thêm. Thế gian dùng chữ nụ cười, xem đó như là một thứ bông hoa dâng hiến, luôn luôn đem lại niềm vui cho những người khác.
Người ta thường so sánh một cách bóng bẩy nụ cười như ngọn gió mát mùa hè, như tia nắng xuyên qua đám mây mù, như hơi ấm làm tuyết băng tan. Và nụ cười nào chẳng thơm tho như trong thơ Hoàng Anh Tuấn “chiếc răng khễnh, xin nụ cười cam thảo”. Nếu chúng ta không giàu có của cải thì hãy ban phát nụ cười, đừng bao giờ để quên nụ cười trong chiếc hòm có ổ khóa. Nói như Dale Carnegie trong cuốn “How to win friends…”: “Có nhiều bà muốn gây thiện cảm với mọi người, phí cả một gia tài để mặc vào người lụa là, gấm vóc đeo vào mình những châu cùng báu, nhưng than ơi, quên hẳn cái bộ mặt chua ngoa và ích kỷ của mình. Họ quên rằng đối với đàn ông, nét mặt nụ cười quan trọng hơn tơ lụa khoác lên mình”. Nhưng nụ cười này phải phát xuất từ tấm lòng chân thật, không phải là nụ cười lạnh nhạt chỉ bám ngoài môi. Người đối diện sẽ hiểu thế nào là nụ cười chân thật phát tự tâm hồn, thế nào là nụ cười nhếch mép chỉ điều khiển bằng cơ miệng.
Người ta khuyên các thương gia rằng: “Từ đây, khi giao tiếp, gặp ai cũng cười, lúc nào cũng mỉm cười, rồi đến đây cho tôi biết kết quả sẽ ra sao?”.
Về việc buôn bán phải giao tiếp với khách hàng, phương ngôn Trung Hoa có câu: “Không biết cười thì đừng mở tiệm”, nhưng thực tế rất nhiều ông bà đã mở tiệm mà không biết cười. Người điều hành một cửa hàng thành công là một người biết chọn một cô bán hàng có học lực lớp ba mà có nụ cười duyên dáng hơn là một cô có cử nhân mà mặt lạnh như tiền. Điều này nhìn vào sinh hoạt của cộng đồng người Việt, người ta thấy công việc làm ăn, buôn bán người Việt còn thiếu hẳn nụ cười.
Tôi không nói ngoa đâu, bạn cứ thử đi chợ một lần xem sao. Khi bạn bỏ hàng lên giây belt xong, cô bán hàng đứng ngay trước mặt bạn cũng không buồn nhếch mép, cũng không nhìn vào mặt bạn, chưa nói tới chuyện cô chào hỏi bạn một câu. Cô lạnh lùng “scan” món hàng, nói một con số, chìa tay lấy tiền bạn, trả lại tiền thối, thẫn thờ, uể oải như vừa bị mất ngủ đêm qua. Khi vui, thì cô còn quay đầu nghiêng ngửa nói chuyện với người bán hàng ở “line” bên cạnh hay với người bỏ hàng vào bao, mà không ngó ngàng gì tới người khách hàng đứng trước mặt.
Vào một tiệm ăn, người tiếp viên lừ đừ tiến lại, dí cho bạn tấm “mơ nuy”, ghi món ăn, rồi mang món ăn ra như một “robot” cổ điển, nếu là “robot” hiện đại như người Nhật mới phát minh gần đây thì chắc biết cả cười lẫn chào hỏi rồi. Cứ thử so sánh với một tiếp viên trong nhà hàng Mỹ thì chúng ta sẽ thấy rõ. Nhiều khi nghĩ tiếc đồng bạc, thà cho cái ông homeless đứng ở đầu đường còn có lý hơn. Nếu những ai không thích cái nghề hằng ngày phải tiếp xúc với khách hàng, nhất là với đồng hương tóc đen da vàng, thì họ có thể chọn một nghề khác, như nghề cắt cỏ ngoài vườn hay rửa chén ở bếp sau để khỏi phải nhếch mép với ai mà ông cho là quá khó nhọc.
Thế thì không biết, các ông chủ tiệm, chủ chợ đã chọn nhân viên phục vụ, bán hàng theo tiêu chuẩn nào, và trước khi thâu nhận vào làm, họ có được qua phần huấn luyện về sự giao tiếp với khách hàng không? Nghe nói các cô tiếp viên Air Việt Nam nay cũng đã biết cười rồi, thì hàng chè cháo hải ngoại cũng nên tu bổ lại hàng ngũ tiếp viên cho nó lịch sự đôi chút. Còn ở đây, sống nhờ đồng hương nhưng lại coi thường đồng hương, khách hàng chịu đựng dần dà thành quen, cũng chẳng ai buồn nói, có tránh chợ này thì cũng gặp chợ kia, chạy đâu cho thoát. Con cá có tươi hơn, bó hành có rẻ một chút nhưng lúc trả tiền nhìn những bộ mặt lạnh như băng thấy cũng nản.
Tiện đây cũng nên nói thêm một ngoại lệ. Khách hàng ở Hoa Kỳ thì cần đón tiếp bằng một nụ cười, trong khi các cô bán hàng thuộc hệ thống bán hàng của Wal Mart tại Đức Quốc thì được huấn luyện là không nên cười với khách hàng, vì sẽ bị khách hàng hiểu lầm là “flirting” (tán tỉnh).
Tôi thường trách vợ tôi và mấy đứa con gái trong nhà sao dễ cười với ba cái chuyện hài diễu trong các băng DVD nhạc của các trung tâm sản xuất. Nhiều khi coi hết một vở kịch mười lăm phút mà tôi chỉ nhếch mép được có đôi lần, trong khi vợ con thì cười như nắc nẻ. Về sau tôi mới khám phá ra là phái nữ dễ cười nhiều gấp ba lần phái nam. Không tin, các bạn cứ xem một đoạn băng quay phía khán giả ngồi dưới sân khấu, thấy các cô các bà cười nhiều, cười ngoẹo cả cổ, cong cả người, cười đến chảy nước mắt nước mũi. Không phải các ông không biết cười, nhưng cái cười của các ông phần nào chừng mực, không mở rộng, thoải mái và thả hết “ga” như quý bà.
Nhiều vị giáo sư thì cho rằng khi giảng bài đến những đoạn vui thì các nữ sinh viên dễ bật cười hơn là phía nam sinh.
Theo sự nghiên cứu của các chuyên gia, thì nhờ cái cười đó mà quý Bà có tuổi thọ hơn 6 năm so với tuổi thọ của đàn ông, còn đàn ông chúng ta không biết cười nên chết sớm là phải. Cho nên trên thế gian này, có nhiều quả phụ hơn là đàn ông chết vợ.
Mặc dầu là một bác sĩ tây y, Joseph Mercola trong Mercola.com đã cho chúng ta biết không có gì tốt cho sức khỏe, bằng cái cười, khỏi cần thuốc men. Cười lớn hay cười mỉm cũng tốt cho hệ thống tuần hoàn, hệ thống tiêu hóa, hệ thống hô hấp, trung khu thần kinh và cả hệ thống nội tiết. Theo nghiên cứu, cười có thể tăng sức cho hệ thống miễn dịch, giữ cho cơ thể khỏi bệnh tật, chống cảm cúm và nhất là đối với những người bị bệnh tiểu đường loại 2, cười có thể chuyển hóa chất đường sau mỗi bữa ăn.
Đối với những người bệnh tật, cười giúp cho việc chữa bệnh mau có kết quả, thì đối với những người khỏe mạnh, cười lại giúp cho ta không bị bệnh tật, vui với công việc và đem lại không khí tươi vui cho đời sống gia đình và giảm sự ưu phiền hằng ngày.
Đông y cũng xác quyết rằng cười chữa được rất nhiều thứ bệnh. Ngoài việc tốt cho bộ phận hô hấp, tiêu hóa, cười có thể làm cho người ta không bị thiên đầu thống, bớt đau lưng. Người ta còn chứng minh rằng cứ sờ vào bụng rồi bắt đầu cười to lên vài lần trong ngày thì hết táo bón, ung thư dạ dày cũng tiêu, mà đường ruột cũng tốt. Viêm khớp thì cứ nhìn vào khớp mà cười ha hả thì khớp cũng hết đau.
Đúng là “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ!”
Có người đăm đăm nghiêm nghị, khó chọc cười. Trong quân đội thì tướng tá khó cười hơn lính trơn. Ngoài dân sự thì Tổng Giám Đốc ít cười hơn thư ký, ông chủ khó cười hơn nhân viên bán hàng. Càng cấp cao thì càng ít cười, do đó tuổi thọ càng ngắn. Nhưng nhận xét này có lẽ không mấy đúng, vì chẳng mấy khi thấy các cô bán hàng ở các chợ Việt Nam nở một nụ cười với khách hàng cho mát ruột.
Không ai chứng minh được loài vật có cái cười, nên chỉ con người là con vật duy nhất cười được thôi, đó là ưu thế của Trời ban, sao không tận dụng.
Ở Huế khoảng năm 1950, có một ông nhà giáo tên Ngô Ganh, về sau làm Quản Đốc đài Phát thanh Huế có thể biểu diễn được 36 giọng cười theo âm thanh, nhưng về ý nghĩa thì có người cũng đã kê được con số không kém như thế: cười mỉa, cười đểu, cười khì, cười nịnh, cười cầu tài, cười ruồi, cười ngạo, cười nhạo, cười giả lả, cười nụ…
Còn cười gượng như Thúc Sinh khi Hoạn Thư bắt Kiều hầu đàn dưới trướng thì chỉ bầm gan tím ruột thêm, làm sao sống lâu được (Sinh càng thảm thiết bồi hồi - vội vàng gượng nói gượng cười cho qua). Một loại cười gượng gạo khác như “tiếu tợ nam nhi lạc đệ thì” thì cười xong còn nhìn quanh xem có ai biết mình vừa thi hỏng không? Người bi quan ủ rũ lại định nghĩa “cười là tiếng khóc khô không lệ”, hoặc cay đắng thì cho rằng: “khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”.
Cứ theo như cụ cố Nguyễn Văn Vĩnh thì có lẽ người Việt chúng ta ít bệnh tật và sống lâu, vì cụ đã phán: “An Nam ta gì cũng cười. Hay cũng cười. Dở cũng cười. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”. Chắc vì vậy, mà “nhà nước Việt Nam ta” vừa công bố số tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay là 83 tuổi (thực tế dưới 65), trong khi tuổi thọ của nữ giới Nhật nhất thế giới là 87.6 tuổi và Trung Quốc chỉ 67.88 tuổi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 27 Aug 2018

Ở ĐÂY LÀ NƯỚC MỸ!


Nhiều lúc lái xe đi trên đường Bolsa, giữa phố Little Saigon của Quận Cam, tôi thường quên mình đang ở trên đất Mỹ. Quanh quẩn mua bán trong khu phố của người Việt, tôi không phải nhọc công uốn lưỡi nói dăm câu tiếng Anh. Đường sá còn mang tên Mỹ nhưng những bảng hiệu thì chữ Việt đặc. Nhiều cô bà còn mặc “quốc phục” với áo bà ba, quần satin đen, chân đi dép, đầu đội nón lá đi bộ trên đường. Ở vỉa hè, nhiều bà già trầu đem rau răm, ớt, bí bầu trồng ở nhà ra bày bán ở dưới đất. Có khi có cả lòng heo, bê thui “home made”. Một vị sư áo vàng cầm bình bát đứng ở trước cửa chợ. Một vị trung niên mập béo đang ngồi bệt xuống góc tường, miệng thổi harmonica, trước mặt có cái nón nhựa để xin tiền của khách qua đường. Một bà dùng “shopping cart” chất đầy nhật báo đứng mời khách hàng qua lại.
Ở Little Saigon cái gì cũng có, từ con ba khía, hũ mắm lóc, chai mắm nêm cho tới bó rau muống. Gạo, đường, nước mắm, khô thiều, khô sặc… Không cần ở lại chiến đấu, di tản sang đây cũng có cà pháo mắm tôm. Buổi sáng, ngoài cà phê ra, muốn phở có phở, muốn bún ốc có bún ốc, muốn bún riêu có bún riêu. Muốn bánh mì cầm tay Ba Lẹ, Dakao hay Chợ Cũ cũng không thiếu. Điểm tâm, muốn Tây thì có croissant, cà phê Pháp, muốn Tàu thì có bánh bao, hủ tiếu. Món nhậu bồi dưỡng như hột vịt lộn rau răm, lòng lợn tiết canh có mặt quanh năm suốt tháng.
Món ăn tinh thần thì có nhật báo, tuần báo, tạp chí, băng dĩa nhạc không thiếu một thứ gì. Giải trí cuối tuần thì có phòng trà tân nhạc, khiêu vũ, hát cải lương, Hồ Quảng. Ba ngày Tết, lại được đốt pháo lén, vào khu Phước Lộc Thọ chơi “bầu cua cá cọp” thì còn gì đậm tình quê hương hơn nữa. Về các mục cấm kỵ thì đã có em này em nọ “phục vụ tới bến”, chỉ cần “xin cầm máy lên”. Thỉnh thoảng ngang qua quán cà phê còn nghe tiếng chưởi thề đặc sệt chính thống Việt Nam. Thật không có gì sướng bằng lưu lạc trên đất Mỹ mà thấy mình như đang ở Khánh Hội hay Cầu Ông Lãnh. Tha hương mà sống như đang ở quê mình.
Nghĩ trong lòng mà thấy thương Mỹ. Thời Đệ I Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ ra lệnh người ngoại quốc muốn cư ngụ làm ăn thì phải nhập Việt tịch, tên người thì phải phiên âm ra tiếng Việt để người ta có thể đọc được như tên Vòng A Sáng, Lý Phát Hòa. Các cửa hiệu không được treo bảng bằng tiếng Tàu, tiếng Tây mà phải đổi ra hoàn toàn tiếng Việt. Tiệm thuốc Bắc, nhà hàng Tàu, quán chạp-phô, nhất nhất đều đồng loạt mang tiếng Việt. Cuối thời Đệ Nhị Cộng Hòa, thì những tên ca sĩ như Jo Marcel, Elvis Phương… muốn trình diễn thì phải mang tên Việt Nam.
Ở Mỹ hôm nay, người ta muốn có quốc tịch để ăn tiền già, có thuốc men chữa bệnh, chứ thường trú nhân mà mở tiệm vàng hay mở hàng ăn cũng chẳng có ai thắc mắc gì! Nếu như chính phủ Mỹ bắt ai vào quốc tịch cũng phải đổi tên họ Mỹ thì giờ này chúng ta làm sao có những cái tên Việt Nam hay ho, dịu dàng mà gọi nhau. Vả lại người Việt chúng ta gọi nhau bằng tên (first name) thì lúc ấy rất dễ lẫn lộn vì cộng đồng chúng ta sẽ có vài nghìn anh Mai-Cồ, Tô-Ni hay vài nghìn cô Den-Ni-Phờ hay Rét-Xi-Ca. Còn bảng hiệu thì cứ như Saigon năm xưa, nào cháo cá Chợ Cũ, phở Tàu Bay, bánh cuốn Đakao, tiệm thuốc Bắc Phúc Thọ Đường, khiêu vũ trường Ritz…
Ông bà cụ người Việt nào ở các tiểu bang miền Đông tuyết giá hay miền Trung Mỹ khô cằn, tới tuổi già mà đang bị “câm”, “điếc”, “què”, cả đời lưu lạc không xơi hết một cái hamburger, thương nhớ quê hương mà không muốn “quyết định đúng” thì xin di chuyển về đây cho ấm tấm thân. Về đây cho có họ có hàng, có bà có con, có bầu có bạn, cùng nói chung một thứ tiếng, ăn cùng một miếng ăn quê nhà. Ở đây lo săn sóc sức khỏe cho quý vị, toàn là những vị bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng Hoa Kỳ. Lúc già có về chầu tổ tiên, thì cũng có nhà đòn “đổng hương phục vụ đồng hương”, có chỗ nằm trong nghĩa địa, gần bà con người Việt, khỏi sợ gặp ma Mỹ phải quơ tay quơ chân.
Ôi đi trên phố Bolsa của đất nước Hiệp Chủng Quốc, không thấy Mỹ thấy Nga mà chỉ thấy,., phe ta! Có người trở giọng chê chốn này là “gió tanh mưa máu”, chẳng qua là vì ganh tỵ, thèm phở mà không “mu” về được đó thôi, cũng chẳng nên để ý tới họ làm gì.
Không ai xấu miệng gọi nơi này là một “ghetto” được, vì chúng ta giàu có (trên đường chạy toàn Mercedes, Lexus), có học vấn (toàn là tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ), hòa đồng vào dòng chính của Mỹ (nhiều nhân vật dân cử đã đắc cử và đang tranh cử).
Ai nói gì cũng được, nhưng chớ coi nơi này như là cái làng Vũ Đại.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 28 Aug 2018

NHỮNG THÀNH PHỐ “BẤT LỊCH SỰ” NHẤT


Nguyên nghĩa tiếng “lịch sự” là trải việc đời, việc gì cũng biết, lâu ngày người ta dùng thành nghĩa biết giao thiệp khôn khéo, tử tế với người khác.
Muốn biết mức độ lịch sự của dân chúng tại các thành phố trên thế giới như thế nào, tạp chí Reader’s Digest của Mỹ đã cử phóng viên đi làm khoảng 2,000 cuộc trắc nghiệm bằng cách: 1/- thả một tờ giấy trên đường phố tấp nập xem có ai “lịch sự” cúi xuống nhặt không? 2/- xem người bán hàng có “lịch sự” cám ơn khách hàng không? 3/- xem người ta đã “lịch sự” đỡ những cánh cửa tự động cho người đi sau không?
Kết quả là thành phố Bombay của Ấn Độ được xếp hạng bét. Đứng trên một chút là Bucarest của Rumanie. Dân chúng ở những thành phố “bất lịch sự” thường cáu kỉnh, ích kỷ, không muốn giúp đỡ ai, như một người dân Moscow đã nói về việc đỡ cánh cửa cho người đi sau: Tôi đâu phải là người giữ cửa, nếu không muốn cánh cửa táng vào mặt thì tốt hơn là phải nhanh chân lên!”
Châu Á, một châu thường được coi là nho phong, quân tử, có nền văn hóa lâu đời lại được đánh giá là tồi, vì trong số 11 thành phố được xếp loại chót, có tới 8 thành phố Châu Á, trong đó có Bangkok, Hongkong, Taipei, Seoul, Singapore, Kuala Lumpur….Dân Mỹ thường bị Âu Châu coi là lấc cấc, thiếu văn hóa thì New York lại được xếp hạng nhất, và gần gũi với tinh thần Mỹ là Toronto được xếp hạng ba, trong khi Paris lại được xếp hạng thứ 15. Không nghe nói tới Hà Nội, đỉnh cao của nhân phẩm con người và thành Hồ, nơi có nhiều khẩu hiệu văn hóa vẽ đầy các khu phố. Bản tin ngày 30 tháng 8-2006 tại Saigon đã ghi nhận vụ một sinh viên đại học đã bóp cổ một bạn gái cùng lớp cho tới chết, vì lý do sinh viên sát nhân này đã bất lịch sự” không chịu nhặt giúp đồ vật của cô bạn đánh rơi, bị cô gái mắng là đồ “không phải là đàn ông”.
Ở thành phố này, cách đây 24 năm, nghĩa là lúc người viết bài này mới 45 tuổi, ra đường đi xe đạp lỡ cọ quẹt sấp nhỏ, đã bị kêu toáng lên là “cha già…” và công an gác đường, thấy xe tang đi ngang qua, cái mặt vẫn tỉnh bơ. Nay thì có vụ đụng xe, nạn nhân máu me nằm đường, thiên hạ bâu lại xem nhưng chẳng ai buồn gọi công an hay xe cứu thương, thậm chí chỉ một chiếc xe taxi.
Kết quả nghiên cứu của Reader's Digest cho rằng những người lịch sự nhất là những người dưới 40 tuổi, còn đàn ông trên 60 tuổi là những người tệ nhất. Đây là kết quả của cả thế giới, nhưng qua nhận xét cuộc sống chung quanh ta, có lẽ ta đã thấy phần nào. Đau ốm, bệnh tật, tuổi tác chất chổng, bực dọc chuyện nhà có thể đưa đến thái độ không mấy tốt đẹp trong lối đối xử ngoài đường phố của những người lớn tuổi.
Về trường hợp New York, các nhà tâm lý học đều cho rằng, sau biến cố 9/11, nghĩa là sau cái chết đến quá gần, sau khi thấy bao nhiêu đổ vỡ, bao nhiêu thảm cảnh của những người chung quanh, con người trở nên bao dung, tử tế hơn. Bằng chứng là sau ngày này, nhiều cặp đang chờ ly dị trở lại làm lành với nhau, và trong cuộc sống hằng ngày người ta trở nên dễ tha thứ, yêu thương nhau hơn. Đó là lý do giải thích việc dân New York được đánh giá là những người lịch sự nhất hành tinh hôm nay.
Nhiều người đã công nhận, phần đông người ta lịch sự với người ngoại quốc (nhất là người Âu Mỹ) do mặc cảm nhược tiểu, trong khi đối với đồng hương của mình thì coi thường, thiếu tôn trọng. Điều này chúng ta có thể thấy khi vào một tiệm ăn, nhìn thái độ đối xử khác biệt của chủ nhân hay người chạy bàn đối với hai loại khách này.
Tôi cho rằng cuộc trắc nghiệm của Reader's Digest chưa đều khắp và thấu đáo. Tôi và các bạn có thể cũng đã đến một vài thành phố mà thái độ của người dân ở đây thuộc loại “bất lịch sự”. Tôi vào một tiệm ăn ở đó, chờ mãi mới có người phục vụ đến (vì chủ nhân bao giờ cũng thuê người ít hơn với nhu cầu cho đỡ tiền). Người ta dọn cho chúng tôi hai cái chén ăn cơm để trên hai cái dĩa, một tô canh và mấy món khác. Tôi gọi cô hầu bàn mang lại cho một cái dĩa để đựng món cá trong tô canh chua. Cô hầu bàn lẳng lặng tiến lại, rút cái dĩa nhỏ dưới chén cơm của tôi, dằn xuống bàn và nói: “dĩa đây nè!”, ở một tiệm cơm khác, chúng tôi có bảy người bạn chung bàn, nhà hàng chỉ dọn ra một tô cơm, bạn tôi gọi đem ra thêm một tô cơm nữa. Ông hầu bàn hỏi lại cộc lốc: “lấy một tô cơm nữa hả?”. Ở một tiệm phở khá nổi tiếng khác, ông bạn ngồi quầy tính tiền mặt mày lầm lì, chuyên ném mạnh tay tiền thối ra trên bàn cho khách. Tôi đã lui tới tiệm này trên mười năm, chẳng bao giờ nghe ông ta dùng đến hai tiếng “cám ơn”.
Ở thành phố này, sau khi ăn tại một cửa tiệm xong, bạn đừng bao giờ dại dột để “góp ý” với chủ nhân về những thức ăn dở hay cách phục vụ bê bối của nhân viên nhà hàng. Bạn sẽ được chủ nhân dạy dỗ ngay một hồi như tôi đã từng bị.
Nói về việc trắc nghiệm vứt một mảnh giấy xuống đường cho người khác lượm, tôi e nhà nghiên cứu sẽ hoài công, trong thành phố này, vì thấy có giấy vụn dưới đất, không những chẳng ai lượm (họa là điên), mà người ta lại quẳng thêm giấy gói kẹo hay tàn thuốc lá xuống đất cho nó “rất ư là quê hương”.
Chuyện cánh cửa tự động là chuyện bình thường, nếu nhà nghiên cứu chịu khó quan sát một thương xá lớn nổi tiếng ở thành phố này thì sẽ thấy bao nhiêu phút mới có một người “lịch sự” đỡ cánh cửa cho người đi sau. Mà bạn có đỡ, cũng chẳng được một lời cám ơn cho mát ruột. Nhà văn Bá Dương trong cuốn “Xú Lậu Đích Trung Quốc Nhân” mà ông Nguyễn Hồi Thủ dịch là “Người Trung Quốc Xấu Xí”, đã kể chuyện trong thời gian ở Mỹ ông đã tập được thói quen giữ cánh cửa cho người đi sau, và luôn luôn được người ta nói lòi “cám ơn” nghe sướng cả lỗ nhĩ. Khi về tới Đài Loan, thói quen ấy đành phải bỏ, vì trong khi mình cung kính giữ lấy cánh cửa, thì ông bạn da vàng ở sau, mồm như ngậm “cứt khô”, không thể nào nghe được một âm thanh gì giông giống hai tiếng “cám ơn”. Từ đó về sau: “tôi bèn cứ thả cho cửa nó bung ra như thói quen cũ, mặc kệ mẹ cho nó đập vào mặt ai thì vào, có đập chết cũng được!” (nguyên văn)
Cũng như khi bạn nhường đường cho một chiếc xe ở phía trong đâm ra, họa hoằn mới được cám ơn bằng một cái vẫy tay, còn thì người lái xe mặt lạnh như tiền, y như thằng lính là bắt buộc phải nhường đường cho ông đại tá đi.
Nếu nói phải chờ sau một biến cố tầm cỡ như 9/11, thì con người ta mới tử tế với nhau, không lẽ cái thành phố này phải chờ cho tới ngày hỏa tiễn tầm xa của Bắc Hàn bắn tới, mới bắt đầu ăn ở phải quấy với nhau hay sao? Người dân ở đây không trải qua những giây phút kinh hoàng như việc hai chiếc máy bay đâm vào hai tòa cao ốc của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, nhưng đã trải qua nhiều nỗi khổ đau của chiến tranh, tù đày, áp bức và đôi lúc đã kề cận với cái chết ngoài mặt trận hay trên biển cả. Nhưng thật sự là con người ta rất chóng quên. Còn nói vì đời sống kinh tế khó khăn, làm ăn chật vật người ta sinh ra cáu kỉnh, khó chịu thì cũng không phải. Dân thành phố này hầu hết đều nhà lớn, xe đẹp. Người không đi làm cũng có cơm ăn, thuốc men đầy đủ, quanh năm cũng có đủ các mục cờ bạc, du lịch, ăn chơi.
Cũng có thể người ta chỉ lịch sự tử tế với người ngoại quốc (da trắng thôi) nhưng nếu cái thành phố này vẫn còn những điều chưa được lịch sự cho lắm, thì cũng không ai dám tới, dám đi sâu vào cái “ghetto” này.
Các bạn đừng vội nóng mà hỏi tôi: “thành phố nào thế?” Tôi cũng muốn nói, nhưng khổ một nỗi cái thành phố này không có tên: một nơi yêu dấu mà tôi đang sống. Người ta đã bực dọc, bất bình, nhưng thực sự nó là quê hương. Nhiều người nói rằng, khi đi xa về, dù là về từ Việt Nam, trong lòng, người ta cảm thấy an toàn, thân thuộc khi trở lại nơi này. Tôi đã bỏ cả quê hương, làng mạc, mồ mả cha ông mà ra đi rồi, bây giờ ở đây là họ hàng, thân thích, bạn bè khuya sớm vui buồn có nhau, nên tôi đành phải ôm cái thành phố này vào lòng cho đỡ nhớ: cái thành phố chắc sẽ được Readers Digest xếp vào hạng cầm cờ đỏ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 29 Aug 2018

BOLSA


Cái vùng đất này, năm 1990 khi tôi tới đây, ngồi ờ cà phê Lục Huyền Cầm, hiện giờ là tiệm bán giày Payless Shoe gần tiệm ăn Thành Mỹ, nhìn qua bên kia đường chi thấy một đám đất trống. Lâu hơn nữa nghe nói vùng này toàn là ruộng dâu hay ruộng cam mà bây giờ người ta gọi là quận Cam chăng? Ngược dòng thời gian đây là đất Mễ Tây Cơ, cho nên cũng không lạ tên tuổi đường sá ở đây toàn là tên Tây Ban Nha (mà đồng hương ở đây thường gọi là Mễ cho tiện việc sổ sách). Bolsa theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là cái ví, cái chợ, thị trường (như trong chữ “bolsa negro” theo nghĩa tiếng Anh là “black market”) thì chính danh rồi chứ gì nữa. Vì vậy mà đã có người chê tôi khi tôi bỏ Virginia để dọn về đây, theo lối nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm, rằng:
- “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” (ý nói các tiểu bang miền Đông hay các thành phố giàu có gần núi, gần biển), “mi khôn mi tìm chốn Bolsa” (là chốn chợ búa, gió tanh mưa máu chăng?) Nhưng thôi, ở đời mỗi người một ý, ai nói mặc ai.
Ở San José-Bắc Cali có đường King, đường Tully, ở Houston-Texas có đường Bellaire, nhưng không con đường nào nổi tiếng bằng đường Bolsa. Dân Việt Bolsa càng ngày càng đông, đất không lành sao chim đậu? Không cần nói tới thành phố Santa Ana, Westminster hay Garden Grove mà chỉ nói tới Bolsa là người ta đã định được vị trí rồi. Con đường Bolsa “thẳng mà dài”, nếu đi từ phía Đông sang Tây thì nó đi ngang rất nhiều cái Senior Home ở góc đường Ross (dân Bolsa gọi là nhà già), con đường này trước khi kết thúc ở kho đạn của Hải Quân Mỹ, sẽ đi qua khu thương xá Phước Lộc Thọ (!), và gặp Peek Family Funeral Home là một cái địa chỉ rất nổi tiếng của Bolsa thường được các nhật báo nhắc nhở ở trang 6, trang 8, trang 16. Âu đó cũng là một đặc điểm của đường Bolsa.
Dân Bolsa là dân bỏ nước ra đi nhưng không quên lý do vì sao mình có mặt ở đây, nên con đường Bolsa cũng đã đi vào lịch sử chống Cộng của đồng bào hải ngoại với thơ và nhạc như trong bài “Lửa dậy Bolsa”, khi cậu Trần Trường (dân Bolsa cho cậu cái nick name là Trần Truồng) nửa điên nửa khùng, treo cờ đỏ và ảnh “Bác” trong cửa tiệm sang băng lậu của y, cũng ở trên đường Bolsa. Cái tên Trần Trường tuy không danh giá gì nhưng nếu người lạ tới Bolsa, hỏi dân địa phương cái “khu Trần Trường”, ngụ ý khu chợ Bolsa bây giờ thì người ta sẽ dễ dàng chỉ cho bạn. Sau này, khi Trần Trường lâm nạn và bị bạc đãi ở Việt Nam, nhiều người chê Cộng Sản vô ơn, đáng lẽ phải ghi công, o bế anh chàng này mới phải. Nghĩ cho cùng, cậu Trần Trường không bị bắt đi “cải tạo” là may. “Bác” đã mồ yên mả đẹp, tự dưng cũng vì sự điên khùng của cậu, mà “Bác” và lá cờ đỏ sao vàng bị hằng nghìn người Việt hải ngoại nguyền rủa, dày xéo, chà đạp trong suốt 57 ngày đêm. Trần Trường đã làm một cái “test” và một cuộc thăm dò dư luận do sự chỉ đạo của San Francisco một cách vụng về, đem tiếng vang xấu về tới Hà Nội.
Mỗi năm hằng chục nghìn người Việt hải ngoại ở Hoa Kỳ cũng như các nước trên khắp địa cầu đã du lịch, về thăm Bolsa cũng như đông người ngoại quốc đi viếng Las Vegas vậy. Bolsa không có danh lam thắng cảnh gì, nhưng nói tới cái ăn thì tuyệt diệu, nên khách phương xa về Bolsa là phải đi “kéo ghế” (người Huế ám chỉ chuyện đi ăn tiệm). Nếu bạn muốn ăn sáng, trưa, chiều mỗi bữa một món, món nào cũng “quốc hồn quốc túy” đủ mặt Nam Bắc Trung thì bạn phải ở lại Bolsa ba tháng, và bảo đảm đi du lịch Bolsa về ai cũng lên cân. Tôi cam đoan các vị bô lão ở các tiểu bang xa, nhất là các tiểu bang miền đông, hoặc các vị từ các nước khác về ai cũng mê cái ăn cái uống ở Bolsa. Một tô phở ở Sidney (Úc) giá mười đô la, ở Oslo (Na Uy) hai mươi hai đô la, trong khi ở Bolsa chỉ có bốn đồng rưỡi, ăn mệt nghỉ và mình có quyền lựa chọn theo khẩu vị giữa bốn mươi tiệm phở khác nhau ở Bolsa. Không những phở, mà bún bò, bún mắm, bún ốc, bún riêu cua, bún chả… thứ nào cũng có, tôi nghĩ Bolsa nếu có thua Saigon thì chỉ thua món thịt chó thôi. Ngoài ra có khó tính tới mấy, thì con mắm ba khía, miếng dồi heo, tô cháo lòng hay đĩa tiết canh đều rất dễ kiếm. Năm ngoái Bolsa không bảo đảm an ninh cho những phái đoàn Cộng Sản rầm rộ đến đây, nhưng nếu “người anh em” thèm tô phở, dĩa bánh cuốn thì cứ xuống đây, miễn là đừng “ba hoa chích chòe” quá để người ta biết tới gốc gác của mình, làm cho người khác trong tiệm ăn mất ngon là đủ.
Người Mỹ nhận định về cộng đồng người Việt ở Bolsa có hai ưu điểm là giáo dục và thương mãi. Giáo dục thì người ta chú ý tới các học sinh xuất sắc và lớp khoa bảng càng ngày càng đông người Việt, không tin bạn cứ đi một vòng Bolsa để thấy các bảng hiệu bác sĩ, nha sĩ san sát kề nhau. Mỗi năm đến mùa tốt nghiệp, trên chỗ chúc mừng tân khoa không phải là ít. Việc buôn bán thì cửa hàng ngày càng đông, chợ búa Việt Nam nhộn nhịp kẻ vào người ra, đi tìm một parking vào ngày thường đã là khó. Vào những ngày cuối tuần, khi đồng hương ở các tiểu bang khác đổ về, khách phải xếp hàng chờ đợi trước cửa các tiệm ăn như chờ lãnh sổ gạo.
Kinh tế Bolsa còn thấy ở các nhà hàng Tàu, sáng chuyên “tỉm sấm”, chiều cuối tuần đãi tiệc cưới. Nếu không “đăng ký” trước ít nhất là một năm thì đôi tân lang, tân giai nhân khó lòng ký hôn ước. Điều đặc biệt là những nhà hàng đám cưới của Bolsa chỉ nằm trong năm bảy dặm vuông nên rất dễ tìm đường đi ăn cưới.
Nếu bạn từng sống qua nhiều tiểu bang trên đất Mỹ, thì bạn sẽ thấy người Bolsa rất “văn học”, chịu khó đọc sách báo rất nhiều. Không tin tôi, bạn cứ tới Bolsa mỗi buổi sáng, khách tản bộ, người đi chợ, ai cũng có tờ báo cầm trên tay, có khi hai ba tờ, mà đâu phải báo lượm đường, lượm chợ, muốn có tờ báo đọc, phải bỏ 25 cents ra mua. Bolsa có ba tờ nhật báo đều có độc giả riêng, có khi là độc giả chung, vì có cụ mỗi buổi sáng phải đọc hết cả ba tờ. Những nhà sách lớn, khoảng ba giờ chiều là không kiếm ra tờ báo phát hành buổi sáng. Bolsa có khoảng 5 nhà sách lớn, chỗ nào cũng ăn nên làm ra, nếu không có người đọc sách, làm sao nhà sách sống còn được.
Tôi ở một tiểu bang miền đông khá lâu, nghĩ tuổi già ngại xúc tuyết, nhớ phở, nhớ bạn bè nên phải về đây. Về đây, một tuần có bảy ngày thì bảy ngày có mặt ở Bolsa. Bạn thử nghĩ xem, từ tờ báo, ly cà phê đến khúc bánh mì, tô phở, mớ rau, chai nước mắm là nói tới cái ăn, ngoài ra còn chuyện bạn bè, sách vở, báo chí, rồi ông bác sĩ, món thuốc tây, giao thiệp với đồng hương dầu sao vẫn tiện. Tôi không phải như những nhà trương bảng hiệu ở Bolsa, nhưng vẫn thường nói: “tôi không bao giờ đọc báo tiếng Việt”, “không thích ở Bolsa xô bồ”, nhưng họ hoàn toàn sống nhờ Bolsa, khách hàng của họ là bà bán ớt trên hè phố cho tới ông cụ mỗi ngày đứng chờ ở những trạm xe buýt trên đường Bolsa này. Từ một nghị viên thành phố đầu tiên là ông Tony Lâm, hiện nay Bolsa đã có tới bảy, tám vị dân cử. Với cái đà này, năm 2015 Bolsa sẽ có thị trưởng người Việt, và năm 2025, không chừng California sẽ có Thống Đốc gốc Việt Bolsa. Cứ nghĩ tới cái cảnh ở Bolsa, mấy ông Tây bà Đầm tập nói tiếng Việt, khăn đóng áo dài, phất cờ VNCH mùa kiếm phiếu cũng đã thấy vui con mắt rồi.
Bolsa là đất lành, đất không lành sao chim lại đậu. Bolsa là chốn vui, chốn không vui sao lại đông người tới. Bolsa là Saigon của những người tha hương, nếu không người ta đã không gọi là Little Saigon. Bolsa là quê nhà của những người muốn tìm lại chút hơi hám Việt Nam. Thế mà có người đã chì chiết nơi chốn này bằng những lời lẽ cay độc như sau: “Trong nét sương buổi sáng sớm còn trong không gian, tôi thấy khu phố Việt Nam mang một vẻ gì rất là bình dân gốc Việt: tầm thường, hỗn độn, tạm bợ - và nhất là toàn cảnh của khu phố, từ bảng hiệu các cửa tiệm, đến văn phòng, hay nhà cửa đều mang một tính chất thẩm mỹ hạ cấp, bad taste. Nếu khung cảnh phố thị thể hiện văn hóa và trình độ thẩm mỹ của cư dân, thì khu phố Bolsa đúng là “người mần răng thì vác khúc săng như rứa” (con người như thế nào thì vác khúc gỗ như thế). Không lạ gì mà từ cộng đồng người Việt ở quận Cam chẳng có gì hay ho, thực chất hay cao thượng phát sinh được cả - ngoại trừ ba cái chuyện ồn ào, bát nháo, trống rỗng.”(Nguyễn Hữu Liêm -Talawas)
Bolsa ăn ở ra làm sao mà để người ta thù hận đến như thế? Hay tôi đã trích lầm những câu văn mô tả cái thành phố mang tên Hồ Chí Minh hôm nay?
Last edited by bevanng on 29 Aug 2018, edited 1 time in total.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 29 Aug 2018

TRỞ LẠI BOLSA


Tôi không đi đâu xa mà hôm nay phải trở lại Bolsa, tôi chỉ trở lại nói chuyện Bolsa mà thôi, vì chuyện Bolsa còn dài. Khi nghe tôi viết lách, cô em gái tôi hiện đang ở một tiểu bang xa, đã viết thư cho tôi khuyên hai điều: “một là đừng viết chuyện nhà kiểu vạch áo cho người xem lưng, hai là đừng đụng chạm tới ai”. Tôi cám ơn nhũng lời khuyên này, nhưng thực hiện không phải là dễ. Trước hết nói chuyện Bolsa là nói chuyện nhà, kiểu “vạch áo”, thứ hai viết về Bolsa mà không đụng chạm tới cái parking đậu toàn xe luxury nhưng xả rác vung vãi, hay cô bán hàng dấm dẳng, lạnh lùng thì thà chẳng viết là hơn.
Trước đây tôi có viết về câu chuyện “những thành phố bất lịch sự nhất thế giới” là nói đến cái thái độ của con người Bolsa, câu chuyện này thì không phải riêng tôi mà ông Bùi Bảo Trúc bên Việt Tide cũng đã nói đi nói lại nhiều lần. Đó là chuyện đỡ một cánh cửa cho người đi sau bị câm, chuyện nhường xe ngoài phố cho những đồng hương “tê liệt” cơ miệng, xuôi bắp thịt tay. Vừa rồi, nhân một bài báo mạt sát Bolsa của ông Luật Sư Nguyễn hữu Liêm ở trên San José, tôi “ngứa tay” mới có vài đoạn văn khen Bolsa, thì được quý vị đồng hương ở khắp nơi phản ứng khá mạnh mẽ, chê Bolsa của chúng ta quá bẩn, làm cho những người này ngượng với người bản xứ.
Thật ra người mình coi chuyện vệ sinh, “iđ” là chuyện tầm thường. Do đó ở Bolsa, người ở xa về khen nhà hàng có phở ngon nhưng có một cái nhà cầu quá tệ, hình như vài ba hôm cũng chưa có được một bàn tay mó vào chùi rửa. Tôi không có quyền nói ra tên tiệm trên trang báo, nhưng khách rành ăn uống ở đây, ai cũng biết. Thêm công việc, thêm người làm là tốn thêm tiền. Ở chợ Mỹ, hình như suốt ngày có một người janitor đi loanh quanh, đụng đâu chùi đấy, khách hàng làm vỡ một chai nước là chỉ mấy giây sau đã có người đến lau chùi dọn dẹp. Ở chợ Việt Nam, khách hàng không biết ai là nhân viên, ai là người đi chợ thì biết kêu ai. Chợ Việt Nam có rẻ thật, tuy hàng không được tuyển chọn, chợ còn mùi hôi, nhưng có những món hàng “dân tộc” mà chợ Mỹ không có, nên luôn luôn được khách hàng chiếu cố. Mấy ngày giáp Tết hay lễ lớn, chợ Việt Nam chen chân không lọt, kiếm ra một chỗ đậu xe thật khó khăn. Hình như người Việt mình ít khi chịu chi cho ba cái vụ lo vệ sinh trong chợ, trong nhà hàng ăn và cho đó là ba cái vụ lẻ tẻ, miễn là thu nhập càng ngày càng tăng là được. Ở bên hè phố thì có bà bán rau, ông già ngồi thổi kèn harmonica, cụ bán báo ai muốn xả rác thì xả, còn ai bảo được ai!
Một điều thiết nghĩ cũng cần phải nói tới là cách ăn mặc tùy tiện của Bolsa, có bà mang nguyên bộ “đồ ngủ” (pyjama), có ông áo may-ô ba lỗ, quần xà lỏn ra đường, xem đây như chợ làng không bằng. Người bản xứ đã biết đến khu Little Saigon, sẽ phải biết đây là những người Việt Nam chính thống đến từ bên kia biển Thái Bình Dương.
Một đồng hương ở tiểu bang khác về thăm Little Saigon, đã góp ý kiến trên trang độc giả, cho rằng rác trên parking ở đây như rải “vàng mã”, có độc giả nói rõ là khu chợ ABC. Nhận xét quả là hơi nặng và rất chi là Á Đông. Theo tôi còn một so sánh nữa, là nghĩ đến các bãi tha ma ở ngoại ô Saigon thường làm nơi công cộng, những nơi thường thấy treo bảng “cấm phóng uế - cấm xả rác”. Chúng ta trách ai? Trách cô vừa ăn kẹo hay trách chú vừa hút thuốc xong. Rõ ràng cũng là những người này, khi vào các khu chợ Mỹ, họ cầm cái giấy gói kẹo, cái tàn thuốc ấy, nhưng nhẹ nhàng bỏ vào thùng đựng rác, nếu không thì cũng đút túi đem về nhà, một phong cách rất ư là lịch sự của một người văn minh. Vậy thì rõ ràng chúng ta đã tự xem thường chúng ta.
Thứ hai là chúng ta trách ông bà chủ phố, dù là Tây, Mỹ, Đại Hàn hay Tàu khi cho thuê phố chắc là có điều khoản về vấn đề vệ sinh, dọn dẹp, mà người thuê ký hợp đồng phải bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình. Cũng nên trách ngay các ông bà chủ chợ, chủ tiệm không nghĩ tới vấn đề vệ sinh ngay căn phố thuê của mình. Đi từ đầu phố tới cuối mỗi con phố của Little Saigon, đố ai tìm ra được một cái thùng rác, cho nên việc bắt người ta đem một cái tàn thuốc đang cháy hay một cái vỏ quýt về nhà, coi bộ hơi khó.
Có người muốn yêu cầu hội đồng thành phố can thiệp về những khu phố dơ bẩn, nhưng cho đến nay Little Saigon thành lập đã lâu, đóng thuế đã nhiều cho thành phố, chúng ta lại có khá nhiều nam nữ nghị viên trong các hội đồng thành phố, nhưng có lẽ đây là chuyện nhỏ, không ai để ý tới. Thực ra cho đến nay, không ai rõ ai là người có trách nhiệm để giữ cho Bolsa được sạch sẽ cho đẹp mặt, không những cho người Bolsa mà cả cho người Việt đồng hương của chúng ta nữa, vì đây là một khu phố riêng biệt của người Việt. Vì sao khi người ta xả rác trên freeway thì bị biên giấy phạt mà xả rác trên đường phố, trong bãi đậu xe thì được cho qua. Nhưng Mỹ cũng chưa tới mức văn minh để phạt người xả rác như người ta đã áp dụng tại Singapore hay ở Nhật chăng? Cộng đồng là ai, nếu không phải là tất cả chúng ta, điều này mỗi người một tay, chúng ta tự làm được, vì sao phải dùng biện pháp, phải kêu gọi tới hội đồng thành phố.
Bolsa là “ao nhà”, khách phương xa mỗi cuối tuần vào những ngày lễ lớn vẫn thường về với quê hương nho nhỏ trên đất tạm dung này, nhưng cũng phải biết thế nào là “trong đục”. Những người đã phát biểu về Bolsa đều là những người yêu mến Bolsa, vì không ai hoài công nói tới một nơi chốn nào đó bên Tàu, bên Kampuchea mà du khách chỉ ghé qua một lần trong đời.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 29 Aug 2018

DÉP RÂU, NÓN CỐI


Đôi dép râu này được gọi từ đầu những ngày có lực lượng Việt Minh, là “dép Bình Trị Thiên”, đôi dép mang tên ba cái tỉnh nằm giữ eo lưng nước Việt, nghèo nàn, đói khổ, thiên tai nhất nước. Nhiều nhà thơ lại mỹ miều hóa đôi dép này bằng cách gọi là “dép hoa”. Nên hiểu “hoa” là một cái gì đơn giản, nghèo nàn nhất như khi ta gọi một bát cháo hoa có nghĩa là một bát cháo trắng, không đậu xanh đậu đỏ, cũng không thịt không cá, một bát cháo “không người lái”, cũng theo cách nói kỳ cục của những con người kỳ cục nhất của thế kỷ 20. Đôi dép này nếu gọi cho “chính danh” là đôi “dép lốp”, vì nó được làm ra từ những cái lốp xe, đương nhiên là lốp xe cũ, mòn hoặc bị phế thải. Dép lốp được thấy trong thơ Tố Hữu khi ca ngợi Phạm Tuân: “Với dép lốp ta bay vào vũ trụ”. Về sau, nó được đúc bằng cao su tại Trung Quốc và là một món hàng quân nhu được cung cấp cho bộ đội Cộng Sản Việt Nam.
Dép râu chính là “Hồ Chi Minh sandals”. Để luôn luôn đề cao tính tình giản dị của mình, ngay cả những lúc tiếp khách ngoại quốc như Mao Trạch Đông, ông Hồ cũng cứ xỏ luôn đôi dép râu. Sau này cũng còn nhiều anh văn nô, đặt chuyện ca tụng lãnh trụ của họ như sau: “Bác Hồ đi dép râu thì ai cũng biết. Bác đi một đôi dép đến mòn lẳn. Cậu bảo vệ đề nghị Bác thay nhiều lần nhưng Bác nhất định không chịu. Cuối cùng nài nỉ mãi không được, cậu phải lén lấy đôi dép ấy đi đỗi. Khi phát hiện, Bác không bằng lòng và nhất định bắt cậu bảo vệ phải đi lấy lại đôi dép râu cũ”(Lữ Phương). Nhà kịch sĩ đại tài này đã được nhà thơ Nguyễn Chí Thiện mô tả như sau:
“Chân đi dép lốp
Mồm đốt đô la
Bác Hồ chúng ta
Kịch gia xuất sắc!”

Đúng ra đôi dép này là một sáng chế cần được cầu chứng, nhưng cho tới giờ này trong văn kiện Đảng Cộng Sản không nghe nói tới ai là ông tổ của đôi dép này. Trong cuộc chiến bành trướng và thôn tính miền Nam, đôi dép râu, nón cối vẫn luôn luôn gắn liền với khẩu AK 47 của ông Lính Hồng Quân Liên Xô có cái tên khó nhớ là Mikhail Timofeerich Kalashnikov. Vào sinh nhật thứ 75, người sáng chế ra khẩu súng giết người này, lên tới Thiếu tướng trong khi tác giả đôi dép râu không biết đã chết rấp ở một xó xỉnh nào trong rừng núi Bắc Việt. Chỉ cần một miếng vỏ xe hơi và mấy sợi cao su rọc từ ruột bánh xe, người ta đã có một đôi dép tiện dùng băng rừng lội suối, đi bộ hằng trăm dặm đường từ quan chí quân. Mỗi người lính đều có một cái kẹp sắt bằng ngón tay để dùng những lúc giây dép bị tuột ra khỏi đế dép. Tôi đã nhìn thấy cái tiện dụng của đôi dép râu này khi thấy người lính Cộng Sản dùng nó để chà lưng khi tắm dưới suối hay kê dưới đầu làm gối. Thế mà khi cướp chính quyền xong, người lính vô sản đã tha hóa rất nhanh để trở thành những ông chủ đỏ phè phỡn, tham ô, dâm đãng…
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi sau khi trình diện với chính quyền mới để “đi tù”, một số anh em chúng tôi được lùa vào doanh trại của Liên Đoàn 5 Công Binh cũ ở Hốc Môn, nhất là đội 8 của chúng tôi lại được phân phối vào một cái kho đựng toàn lốp xe quân xa. Sau khi tất cả những lốp xe của những quân xa hư hỏng nằm trên bãi đã bị tù xẻ thịt, chúng tôi lần mò đến khu vỏ xe của liên đoàn Công Binh. Sự thích nghi của những người tù nhẹ dạ đối với chế độ AK - dép râu có lẽ quá sớm, hay đây cũng là một cách giải trí, đốt thời gian giữa những ngày tháng ngổn ngang chưa biết số phận của mình sẽ đi về đâu. Đây là thời gian tù miền Nam còn lệ thuộc sự quản chế của các đơn vị quân đội, chưa vào tay những tên coi tù chuyên nghiệp, nên sinh hoạt còn lỏng lẻo, dao kéo chưa bị kiểm soát và tù chưa phải xếp hàng đi làm lụng. Hằng ngày hoạt cảnh kiếm nhôm thép làm dao, xẻ thịt lốp xe làm dép râu để giết thời gian đã xẩy ra trong hầu hết các đội tù tại thành Ông Năm.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều anh em bạn tù hì hục suốt mấy ngày để sản xuất một bộ dép râu dành cho cả gia đình: đôi cho bản thân, đôi cho vợ, ba đôi từ vừa cho tới bé tí tẹo, dành cho các con nhỏ. Thấy những đôi dép râu tí hon mà muốn chảy nước mắt, lẽ nào cuộc đời bất nhẫn với tuổi thơ đến như vậy? Lẽ nào chúng ta chấp nhận số phận một cách dễ dàng như thế? Phải chăng đó là món quà “cải tạo” mà người tù hy vọng sẽ mang về cho con một tương lai gần. Mãi đến khi ra đến đất Bắc, trong các dịp “kiểm tra” hàng họ, thỉnh thoảng tôi còn thấy những đôi dép này bày hàng trên đống áo quần cũ nát cùng với những chiếc “gô cống” thê thảm.
Nói đến dép râu thì phải nhắc đến nón cối. Thời đại này nói đến “nón cối” là chúng ta phải nghĩ ngay đến Việt Minh, Việt Cộng, Cộng Sản hay bộ đội Cộng Sản. Chụp nón cối lên đầu người khác có nghĩa là vu vạ người khác là Việt Cộng. Cối đây không phải là cối xay hay cối đâm, mà “cối” có từ chữ “colonial” (thuộc địa), nón cối là cái nón của mấy ông Tây thuộc địa. Chúng ta cũng có thể thấy cái nón này ngay từ ngày còn bé khi xem phim Tarzan, có những ông Tây trắng đội “nón cối” cầm súng trong một đoàn thám hiểm có các người mọi da đen Phi Châu khiêng vác hành lý đi theo. Về sau, nón cối được làm mỏng hơn, có màu “olive” hay màu “cứt ngựa” là cái vật bất ly thân của mây anh “bộ đội cụ Hồ”. Nón cối không chỉ để đội lên đầu mà cũng còn là một vật dụng dùng để đựng, đa dụng như để múc nước tắm, đựng cơm, khoai sắn, nên một anh cán bộ cao cấp được đi công tác sang Mỹ, thấy tô phở hải ngoại đồ sộ quá đã ví von là “một nón cối phở”! Nón cối là một ám ảnh ghê gớm rất khó lòng gột rửa.
Ra đất Bắc, mới thấy không phải nón cối chỉ dành cho bộ đội, cán bộ, quan chức, mà người dân từ già đến trẻ, từ chị phụ nữ cho đến đứa bé chăn trâu đều đội nón cối, vì dân quá nghèo. Ngay tại Hà Nội, trên 36 phố phường Hà Nội, tất cả đàn ông từ anh mài dao kéo cho đến anh thiến lợn đều đội nón cối trên đầu, vì không đội nón cối thì chẳng có gì mà đội. Tất cả những gì người dân dùng đều là những tư trang của “bộ đội phục viên” hay là của cải được tuồn ra từ những bộ phận quân nhu hay được đổi chác cho cả “hai bên cùng có lợi”. Cũng nhờ cái nón cối “đại trà” này mà sau ngày 30 tháng 4-1975, người ta hầu như thấy toàn miền Nam tràn ngập nón cối để làm cho người ta tưởng lầm rằng quân số bộ đội Cộng Sản rất đông.
Trái với người miền Nam, người dân miền Bắc chịu đắng cay, nghèo nàn, gian khổ từ những ngày đầu theo đảng Cộng Sản với nón cối, dép râu để nuôi giấc mộng “thiên đàng Cộng Sản”, làm theo sức, hưởng theo nhu cầu. Ngày nay đất nước “đã được thống nhất” Tây Tàu cút sạch, các cấp lãnh đạo, các cán bộ đã vứt nón cối dép râu rất nhanh và lâu rồi để bước vào thời đại tư bản, có nhà cao, xe đẹp, hầu non, con cái du học… nhưng dân nghèo vẫn còn ôm khư khư lấy đôi dép râu dưới chân và chiếc nón cối trên đầu muôn năm, vì họ muôn đời vẫn là “nhân dân”.
Khi cấp lãnh đạo càng ngày càng giàu sang thì nón cối dép râu đâu còn là vật bất ly thân nữa, mà họ mau chóng phế thải ra. Càng mau chóng phế thải hai món này ra, thì dân đen càng sớm được “xóa đói giảm nghèo” bằng cách có nhiều thêm nón cối, dép râu. Chúng ta đã thấy gì, sau ba mươi mốt năm cướp chính quyền, no đủ rồi, nhưng toàn miền Bắc, trong xưởng máy, trên đồng ruộng, giữa phố chợ chúng ta còn thấy hầu hết nhân dân lầm than với nón cối, dép râu, một thứ trang phục muôn đời cho tới khi nhắm mắt buông tay. Chết rồi, thì nón, dép để lại cho thế hệ sau nữa để vinh danh “nếu là người, tôi sẽ là người Cộng Sản”.
Chúng ta vẫn thường nghe như câu ca dao XHCN: “Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ, mũ tai bèo che khuất nẻo tương lai”, nhưng từ ngày “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” bị khai tử thì mũ tai bèo cũng mất dạng, nhưng nón cối lại thống trị cả đất nước.
Còn Cộng Sản là nhân dân còn dép râu, nón cối muôn năm. Ngày nào mà đất nước chúng ta không còn tìm thấy một đôi dép râu hay cái nón cối nào, ngày ấy may ra dân tình mới khấm khá lên được.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 29 Aug 2018

CÂU CHUYỆN THƯƠNG GHÉT


Tháng 6 năm 1975, trong lúc tôi tập trung lên xe Molotova vào rừng thì bạn tôi còn giữ chức vụ Hiệu Trưởng một trường Trung Học lớn ở ngay Saigon. Lúc Cộng Sản ra lệnh hạ cờ Mặt Trận Giải Phóng xuống và bắt toàn dân treo cờ đỏ sao vàng, ông bạn tôi bị hạ xuống Hiệu Phó để kèm một thằng dốt nát mới mang “xắc cốt” từ miền Bắc vào làm Hiệu Trưởng. Tuy bị hạ bệ, nhưng nghĩ mình còn chưa bị nhà nước cho về vườn, sướng hơn nghìn lần mấy thằng bạn bây giờ đang tù tội, chưa biết sống chết ra sao, nên bạn tôi rất là cúc cung tận tụy, ngày đêm lo lắng cho việc trường, việc đảng, xứng đáng gấp trăm lần cấp trên mong mỏi, chẳng bù với thời trước, nhiều khi bỏ cả việc trường đi đánh bạc thâu đêm. Lúc này, thậm chí ra đường, gặp vợ thằng bạn đang đi tù “cải tạo” cũng không dám chào vì sợ dây dưa vào với đám chế độ cũ. Vào thời điểm ấy, đương nhiên là bạn tôi ca tụng sự khoan hồng tử tế của Cộng Sản hết lời.
Thế rồi, biên chế, chanh bạn tôi hết nước, nhất là xuất thân từ chế độ cũ, vì không phải người của đảng, bạn tôi bị đổi đi dạy tại một trường ngoại ô, như một loại “hàng thần lơ láo”. Trong lòng bạn tôi bắt đầu thấy ghét Cộng Sản, nhưng đến khi ngồi ăn hết của, lo đường vượt biên năm lần bảy lượt hết tiền, lại bị bắt lên bắt xuống, ở tù vượt biên, trở về, bạn tôi từ đây phải nói là căm thù Cộng Sản đến tận xương tủy. Bạn tôi ghét, và chống Cộng Sản vì mất đi những cái sở hữu của mình, chức vụ, nhà cửa, tiền bạc, danh giá.
Sau khi miền Nam tan hàng, dưới mệnh lệnh của ủy Ban Quân Quản chế độ mới, tất cả sĩ quan hay dân sự từ cấp chánh sự vụ trở lên, đảng phái… đều phải trình diện cơm đùm gạo bới đi “học tập cải tạo”. Trong hoàn cảnh vợ con nheo nhóc, không công việc làm ăn, phố xá tắt đèn đóng cửa, thân tù tội, khổ sai, đói lạnh không biết ngày nào về… thì gia đình tôi nhất định là ghét và căm thù Cộng Sản.
Nhiều gia đình giàu có bị đánh tư sản, nửa đêm công an đến nhà đọc lệnh tập trung cải tạo, kiểm kê sung công tài sản… thì toàn gia đình không một ai cảm tình với Cộng Sản là đương nhiên.
Ngoài phố, hàng hóa khan hiếm, nhu yếu phẩm tập trung vào các cửa hàng chính phủ, giá cả leo thang, gạo nát, đường mốc cũng không có mà mua, lúc ấy toàn dân phải chửi Cộng Sản.
Đổi tiền năm lần bảy lượt, đồng tiền để dành thành đống giấy lộn, quyết đưa Saigon bằng Hà Nội, thành thị thành nông thôn, toàn dân thành vô sản, ai mà ưa Cộng Sản nổi.
Nhiều vị tướng tá, quan viên chống Cộng chỉ vì bây giờ mất hết quyền cao, chức trọng, ngồi mà tiếc cái thuở vàng son xa xưa ấy. Giá mà Cộng Sản, sau khi chiếm miền Nam, dù dân có khổ gấp nghìn lần, nhưng bản thân quý vị không mất chức, không mất nhà, không đi tù lại được chút ưu đãi thì chắc còn lâu quý vị mới chống Cộng. Như vậy là chúng ta chống Cộng vì bản thân ta mất mát hay bị đối xử tệ. Bằng chứng là có người mới hô hào chống Cộng hôm qua, nay có chút hứa hẹn, dù chưa được liếm láp chút đỉnh chung, đã vội vàng trở giọng, thay đổi hẳn lập trường, tâng bốc Cộng Sản không tiếc lời, bất kể liêm sỉ.
Tôi cũng buồn khi thấy những vị “phản tỉnh” trong nước, trong số đó, đa số là những vị đã bị hưu trí, bãi chức, mất hết quyền lợi hay bị bạc đãi, thì việc bất mãn từ quyền lợi cá nhân đưa đến việc minh định lập trường, chống chế độ Cộng Sản đương quyền, tôi cho là không ổn.
Ở trong trại tù Cộng Sản, cứ nhìn anh em ta, mới được tí bồi dưỡng khẩu phần, cho chút chức vụ đội trưởng hay thi đua, khỏi lao động dầm mưa đội nắng, đã vội hí ha hí hửng, làm sao mà chê Cộng Sản nổi.
Khi chúng tôi bị lùa vào tù, đôi khi cũng tự hỏi, nếu xã hội chủ nghĩa thật sự đem lại được no ấm và tự do cho quần chúng và tiến bộ cho đất nước hơn chế độ cũ, thì việc vào tù của hàng trăm nghìn quân nhân viên chức, đảng phái miền Nam… nghĩ cũng đúng thôi. Chế độ chỉ tốt đẹp khi đem lại no ấm, tự do cho dân chúng, không phải cho quyền lợi của cán bộ cầm quyền. Nhưng thực tế như thế nào, trong ba thập niên qua, chúng ta đã thấy.
Mới đây, nghe ông bạn nguyên Hiệu Trưởng của tôi đã về hưu, nay đã hết lòng nói tốt cho chế độ. Con cái ông đều làm lương cao cả vài nghìn đô một tháng, có đứa du học Úc hay Hoa Kỳ. Nhà ông có xe hơi và hai người giúp việc. Hè này ông sẽ sang Mỹ du lịch thăm con. Từ thương đổi thành ghét, từ ghét lại đổi thành thương. Chế độ này đối với ông bạn tôi, tốt đẹp biết bao nhiêu! Tôi cầu cho dân ở dưới Gò Công, Sa Đéc hay ngoài Quảng Trị, Quảng Bình, nghìn người như một, ai cũng sung sướng như ông bạn tôi, để không còn ai thèm chống Cộng nữa. Có điều, đã ba mươi mốt năm qua, mà nay nhiều người về nước, chỉ mới thấy cái điện thoại, ngọn đèn điện, chiếc xe gắn máy, mái nhà lợp ngói ở dưới quê đã khen lấy khen để, không tiếc lời là lúc này dân mình giàu, chế độ Cộng Sản thay đổi lắm rồi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 29 Aug 2018

CHUYỆN CON BÒ CÁI


Theo một bản tin trên tờ Komsomolskaya Pravda (Nga Sô) thì thật là tội nghiệp cho một chàng trai trẻ ở vùng Kemerovo, Serbia vừa viết thư lên cho tổng thống Nga là ông Putin, cho phép anh ta được cưới một con bò cái làm vợ. Lý do chàng trai trình bày trong lá thư này là: “Tất cả cô gái đã rời bỏ ngôi làng bé nhỏ này để lên thành phố kiếm ăn, nên không thể nào tôi có thể kiếm ra một ý trung nhân.” (1)
(1) Việt Báo, Nam Cali 14/7/2006
Điều này mới nghe qua thì nghe hơi “quái đản”, nhưng chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng, tạp chí German Law Journal (số 9 - Sep 1, 2004) đăng tin, theo cơ quan IOM (International Organization of Migration) thì trong vòng hai năm 2001-2002, cảnh sát tuần tra biên giới Nga Sô đã ngăn chặn 5,000 phụ nữ Nga tìm cách vượt qua biên giới một cách bất hợp pháp để đi Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Đức, Bảo Gia Lợi và Phần Lan. Đó là chưa kể đến những phụ nữ đã đi theo đường chính thức theo những đường dây buôn người được sự tiếp tay của các viên chức chính phủ.
Những lý do thúc đẩy phụ nữ bỏ nước Nga, hậu Cộng Sản, để ra đi là vì nghèo đói, kỳ thị nam nữ, thất nghiệp, thiếu học hành, đất nước thiếu tài nguyên và thiếu ổn định về chính trị cũng như kinh tế. Số phụ nữ này hy vọng sẽ kiếm được việc làm ở nước ngoài và sau khi các bức màn sắt được tháo gỡ họ mong muốn được nhìn tận mắt thế giới tự do mà lâu nay bị chính quyền bưng bít. Nghề vũ nữ và tiếp viên trong các quán rượu là những nghề dễ kiếm tiền nhất dành cho các cô gái trẻ trung, có nhan sắc. Thường thì chủ đường dây buôn gái cũng là chủ nợ đã ứng trước cho cha mẹ các cô này một số tiền lớn và ràng buộc họ vào những món nợ không bao giờ trả nổi. Ở nước ngoài, nơi họ bị bắt làm điếm để trả nợ, họ không thể trốn thoát vì không có một loại giấy tờ tùy thân nào và luôn luôn bị hăm dọa giết chóc, cũng như không muốn làm liên lụy đến cha mẹ hiện đang sống ở quê nhà.
Số phụ nữ bỏ các nước Đông Âu để sang Tây Âu thường có liên quan tới tệ nạn buôn người và di dân làm gái điếm, nhất là sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989 và tình trạng nghèo đói trong các nước hậu Cộng Sản như Liên Xô và Đông Âu. Trước năm 1989, hầu hết những vụ buôn người đều đến từ Đông Nam Á và Châu Mỹ La tinh. Lý do lớn khác là sau năm 1989, tại các nước Đông Âu, các tổ chức tội ác bắt đầu tăng trưởng và họ đã tổ chức những đường dây buôn phụ nữ ra nước ngoài một cách quy mô. Hội đồng Châu Âu đã ước tính, hằng năm có khoảng 120,000 phụ nữ từ Đông Âu bị bán sang Tây Âu. Câu chuyện này làm người ta liên tưởng đến hoàn cảnh một đất nước mà tất cả các cô gái đều bỏ xóm làng, không chỉ lên thành phố làm thuê, ở đợ mà còn đua nhau bỏ nước. ra đi lấy chồng ngoại quốc. Đó là Việt Nam.
Việt Nam hiện nay số phụ nữ nhiều hơn số thanh niên vì đất nước đã trải qua nhiều năm dài chiến tranh, nhưng lại là một nước Cộng Sản mang đầy đủ các bệnh tật nghèo đói, thất học, phụ nữ bị khinh rẻ, không có công ăn việc làm. Trong một chế độ độc đảng, chỉ có ưu tiên cho giai cấp thống trị, còn phần lớn dân chúng nông thôn vẫn còn một cuộc sống nghèo nàn, áp bức, thậm chí, có người còn so sánh thua cả thời bị đô hộ. Các băng đảng buôn người có sự tiếp tay với chính quyền tham nhũng đã đẩy bao nhiêu thiếu nữ và các em bé vị thành niên ra nước ngoài. Món hàng phụ nữ này xuất phát từ đồng bằng sông Cửu Long và thượng du Bắc Việt. Những địa phương có phụ nữ kết hôn với người nước ngoài nhiều nhất là huyện Kế Sách, Long Phú trên 1,000 người, huyện Vĩnh Châu gần 750 người. Tại tỉnh Bình Dương, trong 9 huyện của tỉnh có đến 5,000 phụ nữ lấy chổng ngoại quốc, trong đó có 4,000 lấy chồng Đài Loan. Tại tỉnh Vĩnh Bình, có cù lao Dung, con gái ở đây lớn lên đều đi lấy chồng Đài Loan, nên cù lao này được gọi “chết tên” là “cù lao Đài Loan”
Theo Vietnam.net trong nước, hôm 27 tháng 4-2006 nhà chức trách đã bố ráp một đường dây buôn phụ nữ và cho biết chỉ một đường dây này thôi, đã có 4,527 nạn nhân đã bị đưa ra khỏi biên giới Việt Nam đến các nước láng giềng Á Châu, chủ yếu là Kampuchia và Trung Quốc. Với những đường dây được bao che hay không bắt được thì con số còn cao hơn nhiều. Tin tức cho biết có khoảng 1,500 vụ buôn phụ nữ và trẻ em khác và đã có 3,000 nghi can bị bắt. Chính quyền cho biết 6,148 trường hợp phụ nữ và trẻ em bị mất tích hiện nay chưa tìm thấy.
Tại hải ngoại, qua một vụ án mới đây, tại tiểu bang Washington và California, một nhóm người Việt đã tổ chức những vụ kết hôn giả, trong nhiều lần đã đưa hằng trăm thiếu nữ Việt Nam vào Mỹ và mỗi cô phải trả từ 20 đến 30,000 đô la, và chắc chắn sẽ còn nhiều nhóm khác chưa có ngày ra tòa. Từ 10 năm trở lại đây, đàn ông Việt từ Mỹ về Việt Nam cưới vợ đông hơn là các cô về lấy chồng. Lý do các chàng thanh niên hay ông cụ có thể chọn con gái Việt Nam tại gốc, trẻ, đẹp và nhất là họ không quá kén chọn như các nàng thiếu nữ ở Mỹ, cho nên già một chút, xấu trai một chút, không bằng cấp, lương ba cọc ba đồng, share phòng, đi xe cũ cũng không sao.
Báo chí cũng vừa đưa tin một gia đình người Việt ở Mỹ có hai con trai 24 và 22 tuổi về Vĩnh Long treo bảng tìm dâu, tuổi từ 16, 17 có sắc đẹp, học giỏi, con nhà tử tế để đủ 18 tuổi thì cưới đem sang Mỹ. Thông cáo này làm các phụ huynh có con gái đang học trung học tại thị xã Vĩnh Long lo lắng, sợ con mình bê trễ việc học với cái thông cáo hấp dẫn này, vì hầu hết các cô bây giờ đều mơ xuất ngoại lấy chồng.
Các cô ở Mỹ bây giờ càng ngày học vấn càng cao, sống tự lập càng nhiều, nên việc hôn nhân đã bắt đầu có lựa chọn. Nhiều cô bà bị chê là quá độc lập, quá hãnh tiến, đã không xem chồng bình đẳng còn muốn đứng cao hơn chồng một bậc, trong khi các ông theo lề lối xưa lại muốn vợ nhu mì, phục tòng. Trong thời đại mới, con gái ở Mỹ không chồng cũng chẳng sao, nếu là “single mom” cũng lo xoay xở nuôi con, không cần phải nương tựa vào người đàn ông. Lấy chồng ngoại quốc là cao trào tại Việt Nam hiện nay, Đài Loan, Đại Hàn còn OK, huống chi lại đi Mỹ, ở đất này các cô không có chú, dì thì cũng có cô bác, bạn bè, không phải là lấy chồng xứ lạ.
Mặt khác theo phúc trình mới nhất của Ủy Ban Dân Số vào tháng 7/2006, Việt Nam đang bị nạn trai thừa gái thiếu. Theo kết quả khảo sát mới đây ở sáu tỉnh, thành phố gồm Ninh Bình, Thừa Thiên, Huế, Đồng Nai, Bình Định, Cần Thơ và Đà Nẵng cho thấy cứ có 113, 114 trẻ sơ sinh nam mới có 100 gái. Có địa phương cứ có 200 trẻ nam mới có 100 nữ. Tỷ lệ nam nữ sinh năm 1999 là 150 nam/100 nữ. Nghĩa là trong vòng 20 năm nữa, khoảng 2026, Việt Nam phải nghĩ đến cách nhập cảng con gái từ Trung Quốc, Đài Loan, Nam Hàn trở lại.
Theo chính sách “một con” của Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Trung Quốc ban hành năm 1979, cộng với truyền thông trọng nam khinh nữ từ ngàn xưa (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô), ít nhất là có 60 triệu bé gái bị loại ra khỏi cuộc đời này bằng cách phá thai, bóp mũi, thả sông. Như vậy khoảng 15 năm nữa sẽ có 30 triệu thanh niên không thể có vợ vì số đàn bà thiếu hụt ở đây. Đến năm 2020, tình trạng này sẽ tạo ra tình trạng thanh niên đến tuổi lập gia đình, lớp đàn ông, nhất là đàn ông ở thôn quê, không lấy được vợ tại nước nhà thì còn hy vọng gì lấy vợ ngoại quốc, khi tiêu chuẩn về ngoại hình, học vấn, nhất là tài chánh dưới mức trung bình.
Một công ty mai mối ở Thượng Hải cũng đã mở những cuộc hẹn hò để cho các cô gái Trung Quốc có học vấn cao, lại nhiều tiền (phải có vốn dắt lưng 500,000 quan - khoảng 64,000 đô la) để kiếm chồng Mỹ. Tình hình này làm cho các chàng trai tuy có lương cao trong ngành Computer ở Thượng Hải vẫn phải ế dài.
Rồi đây trong tương lai, đàn ông con trai Việt ở trong nước sẽ rất vất vả để kiếm vợ, vì con số chênh lệch nam nữ, và bắt buộc người đàn ông phải có tiêu chuẩn cao hơn mới mong được các cô gái hiếm hoi còn lại chấp thuận.
Hy vọng rằng, với truyền thông “khó khăn khắc phục”, sẽ không có chàng trai trẻ thôn quê nào làm đơn xin Chủ Tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lấy một con bò cái làm vợ, vì đàn bà con gái bây chừ bỏ làng đi bán bia ôm hay đi lấy chồng Đài Loan ráo trọi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 30 Aug 2018

TRÁI TIM NÀY ĐÂU PHẢI TRÁI TIM TÔI!


Có khi nào bạn thử tưởng tượng ra một ngày nào đó, bạn đang sống với quả tim của một tên vô lại, quả thận của một người bạo dâm, da mặt của một kẻ giết người và hệ thống tuần hoàn thì chứa đầy máu của một người biển lận nào đó. Trong thế giới ngày nay điều này hoàn toàn không phải là một chuyện lạ, vì ngày nay, với sự tiến bộ của ngành y, người ta có thể thay thế các bộ phận của người này sang người khác một cách dễ dàng như người ta “rebuild” một máy xe hơi hay thay đổi các phụ tùng.
Cầu hiện nay nhiều hơn cung, những người chờ thay cơ phận quá nhiều, mà số cơ phận được cung cấp thì quá ít. Tại Hoa Kỳ, việc chờ ghép gan, đã có 17,000 người xếp hàng “stand-by” chờ đến lượt mình. Chúng ta cũng hiểu là những cơ phận này chỉ dùng được khi nó còn tươi từ những người bị trụy tim hay bị chết vì tai nạn lao động hay giao thông, căn cứ vào sự tình nguyện dâng hiến của những người có bằng lái xe đã có ghi sẵn trên bằng lái.
Theo báo Los Angeles Times những thành phố người ta phải chờ thay cơ phận lâu nhất là các thành phố New York, Los Angeles và San Francisco. Số cơ phận chỉ được cung cấp theo từng vùng vì sự ghép cơ phận phải được thực hiện nhanh chóng sau khi người hiến chết. Do đó số người phải chờ thay không kịp đã qua đời cũng nhiều hơn ở các vùng khác. Con số tình nguyện cung cấp cơ phận của mình như gan, mắt, tim… không nhiều. Ở Mỹ, tuy người ta biết rằng khi qua đời, nhà quàn sẽ mổ thi thể, lấy hết ruột gan ra rồi mới khâm liệm, nhưng chỉ có một số người rất ít hiến tặng cơ phận của mình.
Hiện nay Hoa Lục (tức Trung Cộng) là một thị trường cung cấp cơ phận con người lớn nhất thế giới, vì ở đây con số người bị hành quyết, theo các nhà hoạt động nhân quyền, có thể lên tới 10,000 người mỗi năm, những năm thấp nhất cũng gần 2,000 người. Theo cơ quan Amnesty International, trong năm 2005 ở đây, đã có gần 2.000 người bị xử tử, và bác sĩ Zhonghua Chen của Hoa lục đã tiết lộ cũng trong năm này, các bác sĩ Hoa Lục đã cấy ghép 8,102 quả thận, 3,741 lá gan và 80 trái tim. Theo một nguồn tin đáng tin cậy thì các tín đồ Pháp Luân Công tại Hoa Lục là những nạn nhân bị đàn áp và giết để nhà cầm quyền lấy cơ phận ngay tại chỗ.
Tại Tây An, Trung Quốc, vào tháng giêng 2006, bà Meng Zhiaoping có người con trai bị hành hình và bà đã đi khiếu nại khắp nơi để tìm hai câu trả lời, là vì sao con bà bị giết và hiện nay thi thể ở đâu. Câu trả lời thứ nhất dựa vào con số án tử hình hiện nay lên cao tại Trung Quốc, câu trả lời thứ hai là vấn đề mà hiện nay dân Trung Quốc ai cũng biết, là nhà cầm quyền đã lấy cơ phận các tử tội ngay sau khi giết họ để bán ra ngoài. Bà mẹ người tử tội này đã không hề thấy xác con, vì sau khi bị bắn thi thể con bà được đưa lên một chiếc xe van mang số 207 và chở đi đâu mất, chỉ biết là mang đi thiêu, nhưng ai cũng biết chuyện gì đã xẩy ra cho cái xác của người tử tù này.
Ở Mỹ đã có những người đi Trung Quốc về mang quả thận của một tên tử tù mới bị xử bắn hay quả tim của một nữ tín đồ Pháp Luân Công. Ngày nay Hoa Lục tức là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã thừa nhận họ có cung cấp món hàng quý là các cơ phận con người, lấy từ các tử tù bị hành quyết, vì hiện nay nước này không có vụ tình nguyện hiến cơ phận. Khách hàng bệnh nhân ngoại quốc đang cần thay cơ phận, trong khi tại nước họ phải chờ rất lâu, nên các người này đã ồ ạt đến Hoa Lục, chấp nhận phải trả một món tiền lớn và khỏi mất công chờ đợi.
Giá một ca thay thận là 36,000 đô la tại chỗ, chưa kể những tốn phí di chuyển nếu người nhận từ một nước khác tới. Việc càng ngày càng có nhiều người đến Hoa Lục để thay cơ phận, càng khuyến khích thêm sự cộng tác mật thiết giữa cơ quan công an và y tế của nước Cộng Sản có đông dân nhất hành tinh này, vì hai bên cùng có lợi. Gần đây những vụ đàn áp tín đồ Pháp Luân Công ở Hoa Lục càng ngày càng tồi tệ, có những thước phim quay được cảnh các tín đồ này bị bắn tại chỗ, đem lên xe cứu thương, đã có sẵn bác sĩ, y tá ở đó, thì bây giờ nhu cầu để kiếm ra các cơ phận bán cho người ngoại quốc giàu tiền của không còn là việc khó khăn nữa.
Người Tàu ngày xưa thường tin rằng, người được chôn cất sau khi chết mà thiếu một bộ phận nào thì kiếp sau đầu thai sẽ không có bộ phận ấy. Những vị thái giám (hoạn quan) phải cắt bỏ bộ phận sinh dục của mình để được hầu hạ trong cung cấm, gần gũi các vị nữ lưu tỳ thiếp của nhà Vua, phải cất “của quý” ấy trong một cái tráp (hộp) nhỏ sơn son thếp vàng, treo dưới mái nhà, ở một chỗ trang trọng và dễ thấy nhất, để khi vị thái giám này qua đời, người ta sẽ ráp “phi thuyền” trở lại cho nguyên vẹn, để xin chỉ làm thái giám kiếp này thôi. Tôi không biết những người tù tử hình ở Hoa Lục, khi tái sinh kiếp khác, người thì thiếu tim, kẻ thiếu thận, người thì khuôn mặt trơ hốc xương, không có da sẽ khốn khổ biết bao nhiêu. Có lẽ do lòng tin này mà người Á Đông ít tặng hiến các cơ phận mình hơn là những người phương tây.
Tôi cũng biết nếu tôi không sang Tàu thay thận thì người tù ấy cũng bị xử tử, nhưng cứ nghĩ rằng người ta đã lấy quả thận của một người tù để ráp vào thân tôi, tôi cũng không thấy vui. Tôi cũng như mọi người khác trên đời này, sợ chết và muốn sống lâu hơn nữa, cả người tù mang bản án tử hình kia cũng vậy. Mặt khác, tính tôi hay sợ ma, chết xuống âm phủ mà lũ quỷ đến bao vây, đứa đòi thận, đứa đòi lại trái tim, đứa đòi lại bộ da mặt, chỉ mới nghĩ đến mà đã kinh hãi.
Và rồi tôi cũng không thể nào nói “tôi mang dòng máu Việt Nam” hay “quả tim tôi xin dâng hiến cho em”, vì máu bây giờ có thể là máu Tàu Cộng và trái tim này đâu phải trái tim tôi!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 30 Aug 2018

QUÊ NHÀ LOẠN LẠC


Quê nhà của chúng ta đã tới hồi loạn lạc.
Ngày xưa chúng ta học lịch sử, khi nào nước nhà đến hồi loạn lạc là chúng ta nghĩ đến câu nói: “giặc giã nổi lên khắp nơi”. Chúng ta còn nhớ vào đời Lê, khi họ Trịnh giúp nhà Lê trung hưng, đất kinh kỳ dùng toàn dân Nghệ Tĩnh, gọi là ưu binh. Bọn này đời Trịnh Tạc (1674) cho tới đời Trịnh Khải (1782) không coi luật nước ra gì, kéo nhau từng đoàn đi giết người cướp của, sách sử gọi đây là loạn kiêu binh.
Cận sử thì từ năm 1975 trở đi khi đất nước đã vào tay đảng Cộng Sản thì quan quân gian đảng này đã tung hoành nổi lên chiếm cứ khắp nơi. Có khác chăng là bọn quan quân này được bổ nhiệm đàng hoàng và được che chở bởi nhà cầm quyền. Đây chính là bọn cướp ngày như câu nói: “cướp đêm là giặc; cướp ngày là quan”. Chúng có mặt khắp nơi, đàn áp dân đen thấp cổ bé miệng, cướp nhà, cướp đất, nỗi oán hận cao ngất trời xanh. Ở Bình Thuận, dân bị cán bộ cướp đất oan ức phải rạch bụng. Ở Hà Nội, nạn nhân phải tự thiêu.
Dân Ninh Bình bị bọn cướp ngày cướp đất, cướp nhà ở phía tây Sông Vân. Dân đi khiếu nại thì bị bắt vào đồn công an, bắt lăn tay đeo bảng số như bọn tội phạm. “Đầy tớ của nhân dân” như Trương Vĩnh Trọng, Bí Thư Trung Ương Đảng CSVN, kiêm Trưởng Ban Nội Chính, sau khi nhận đơn của nhân dân kiếu nại ở Vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội, lúc xe bắt đầu chạy, y vứt xấp đơn của bà con xuống đường. Đúng là Đảng vinh quang đã coi dân như “cứt đái”. Bà con gần 2,000 người bị vật vã, bức hại đã “làm đơn xin tử hình tập thể”, và thề sẽ nổi dậy “tiêu diệt hết lủ tham quan ngu đần, ăn hại, đái nát.”
Bà Kiều Thị Tạo ở Saigon tố cáo Phan Văn Khải vô trách nhiệm, để cho chính quyền “vô cảm, vô tư, thiếu tâm, thu vén cá nhân, tham ô, hủ hóa”. Chính phủ đã không làm được, dung túng cho bọn cường hào, ác bá, đẩy nhân dân vào đường cùng và đặt câu hỏi: “không biết rồi đây sẽ xẩy ra đổ máu, bạo loạn ngày nào?”
Ở miền tây, cán bộ cướp đất của dân chia cho cán bộ xây nhà. Ba mươi năm oan ức, đời cha không giải quyết, đến đời con vẫn còn vác đơn đi kiện. 50 người dân Bến Tre đòi cán bộ cướp cạn, trả đất trả nhà cho họ, hô khẩu hiệu đòi Công lý ngay tại Saigon, bị công an đàn áp.
Người dân Thái Bình kêu gọi nhà nước Cộng Sản trả nhà trả đất. Trước khi chính phủ dụ dân đi xây dựng nền kinh tế mới, đưa dân tới chỗ xa lạ, khí độc, rừng thiêng, làm cho dân trở thành người thất nghiệp đói nghèo. Chịu không nổi, dân trở về quê hương thì nhà, đất đã bị bọn cướp ngày chiếm đoạt. Khiếu nại đã 27 năm nay tại Hà Nội, ăn ngủ ngoài đường, ngày đi nhặt hạt mít ăn qua bữa, tối ngủ ghế đá công viên, con cái thất học, vợ chồng chia cách, đeo đuổi vụ kiện ngày nọ qua tháng kia, cuối cùng thể xác hao mòn, tóc đã bạc mà nỗi oan ức không ai giải quyết. Bọn cướp ngày còn làm giấy tờ giả mạo để công khai chiếm đoạt tài sản của dân. Dân kiên nhẫn cầm đơn đi từ xã lên huyện, lên tận trung ương, nhưng bọn này phủ bênh phủ, huyện bênh huyện, ác ôn hơn thời nô lệ. Dân khiếu nại, oan ức không được giải quyết trong suốt 27 năm, trong thời gian này, quốc hội ở Ba Đình đã hội họp 27 lần, báo cáo láo với thế giới là bọn chúng đã giải quyết việc khiếu nại của dân lên tới 97%!
Những người dân khiếu nại trên đây là những người Cộng Sản được kê khai như là cựu chiến binh, gia đình có công với cách mạng, thương binh, con liệt sĩ, nhất là dân ở Bến Tre, nơi trước đây được coi là hang ổ của Cộng Sản. Dân đen đã chán ngấy chế độ lên tận óc, nhưng không hiểu vì sao họ vẫn bám vào cái xác rữa Hồ chí Minh. Làm đơn vào ngày 5 tháng 6 thì bà Thiều Thị Tạo không quên ghi nhận ngày này là ngày Saigon làm lễ kỷ niệm “ngày bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước!” hay như trong bản chúc thư trước khi chết của bà Bùi Thị Chinh, như người trước khi tắt thở đã nhỏm dậy ca mấy câu vọng cổ: “Dù tôi có chết thì cũng xứng đáng là người bộ đội cụ Hồ!”
Dân không nghĩ đến đất nước Việt Nam tan nát như ngày nay, đưa nhân dân vào chỗ oan ức không được giải quyết, đói nghèo bị bóc lột, thống khổ hơn thời nô lệ Tàu, lệ thuộc Tây. Những quan Toàn Quyền, những Đốc Phủ Sứ không tệ hại hơn bọn đeo sao vàng trên ve áo như dưới cái thời được gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Hai câu thơ của Đỗ Phủ ngày xưa đã nói đúng như cảnh đời XHCN hôm nay:
“Lầu son rượu thịt thối
Ngoài đường xương máu rơi!”

(Chu môn tửu nhục xú,
Lộ hữu đống tử cốt).
Tôi xin kể hầu các bạn một chuyện khiếu tố cõi âm đã xẩy ra ngày trước ở cố đô Huế khi oan ức không được giải quyết. Một gia đình trung lưu có chuyện tranh chấp với một gia đình quyền quý sau khi gia đình này dùng thế lực cướp nhà đất. Nạn nhân đã đâm đơn kiện lên chính quyền từ cấp nhỏ đến cấp lớn, nhưng bị thế lực bao che, đồng tiền làm mờ khuất, không sao thắng được vụ kiện. Gia chủ tuyên bố rằng trên dương gian không kiện nổi thì ông ta đi kiện tới cõi âm. Mỗi đêm khuya nạn nhân đốt nhang đèn giữa trời than khóc kêu oan, trần gian oan khuất không được giải tỏa thì xin cầu cứu đến những đấng vô hình ở thế giới khác. Ông kiên trì kêu gọi thảm thiết như vậy cho tới lúc ông mất. Chẳng bao lâu, lời kêu oan ứng nghiệm, gia đình kẻ ỷ thế nhà quan, ức hiếp dân vô tội, “quả báo nhãn tiền”, bỗng sinh ra lụn bại. Trẻ sơ sinh thì dị tật, người lớn thì điên rồ, trung niên thì táng gia bại sản.
“Con giun đạp lắm cũng phải quằn!” Cộng Sản vẫn đã thường rêu rao: “Ở đâu có bất công, ở đó có tranh đấu!”
Khi một chế độ tai ác đã bị sự nguyền rủa của lê dân, không chóng thì chầy cũng đi tới chỗ diệt vong thê thảm.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 30 Aug 2018

NHỮNG NGƯỜI BỊ BỎ QUÊN


Một buổi chiều tháng 6 năm 1977, trong khi chồng đang ở trong tù, người vợ phải đưa đứa con gái út đang bị sốt nặng vào bệnh viện tỉnh nhà. Trong lúc làm hồ sơ bệnh lý, người y tá hỏi chồng chị đâu, thật thà, chị trả lời là anh đang “đi cải tạo chưa về”. Y không nói gì, nhưng một lúc sau, chị thấy y thầm thì gì với viên y sĩ đang khám bệnh, và sau đó kết quả là chúng bỏ mặc con gái chị nằm đợi trên sàn nhà cho tới lúc trời tối. Lúc thấy đứa bé sốt và bắt đầu mê man, nói lảm nhảm, chị hốt hoảng bồng con la hét cầu cứu. Một viên y sĩ mới lên phiên đã khám bệnh cho con chị và cho chị biết cháu bị sưng màng óc, cần phải chích một loại thuốc phải đi mua ngoài với một số tiền mà chị không thể nào có được. Chị phải ôm con suốt đêm, chờ sáng hôm sau, đến giờ làm việc mới bán được nửa lít máu, đủ tiền mua cho con một liều thuốc. Đứa bé này lớn lên, mất hết trí nhớ, thường lên cơn động kinh, trở thành tàn tật suốt đời.
Đó là điều người ta gọi là “đổi xử phân biệt”, không hề che dấu lòng thù hận một cách tàn bạo dưới chế độ Cộng Sản. Cũng như thế, hằng trăm nghìn người thương binh của miền nam, không thể nào che dấu lý lịch với đôi mắt mù, cái chân cụt và quá khứ đã là một người lính có thành tích chiến đấu chống Cộng Sản ngoài mặt trận. Không còn khả năng làm lụng để kiếm miếng cơm nuôi gia đình và chính bản thân mình, những người này còn phải sống trong không khí lạnh lùng, ngờ vực và khinh rẻ của kẻ chiến thắng không có tình người. Chính phủ, quân đội, đơn vị, cấp chỉ huy, đồng đội không còn, gia đình quyến thuộc không đủ sức cưu mang vì chính họ cũng bị nhận chìm tận cùng dưới đáy xã hội.
Trong xã hội mới, những người thương binh VNCH thật sự đã là “những người bị bỏ quên”.
Trước đây chúng ta có nghe tới 2,000 người trong cái làng Việt Nam ở Palawan và nói rằng họ là “những người bị bỏ quên”. Luật sư Trịnh Hội và nhiều cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, sức lực và thời gian mười năm để vận động cho họ được đi định cư, có một đời sống ấm no, hạnh phúc.
Những người con gái Việt Nam vì cơm áo, đã tự nguyện bỏ nước ra đi để lấy chồng ngoại quốc, chẳng may một số rơi vào hoàn cảnh bị bạc đãi, nhân phẩm bị chà đạp, ngay chính phủ đã đẩy họ vào con đường cùng cũng không làm gì để cứu họ. Vì họ là “những người bị bỏ quên” nên nhiều vị linh mục, cơ quan thiện nguyện đã gây quỹ để có thể đến tận nơi giúp đỡ, cứu vớt họ.
Những người chẳng may mắc phải những chứng bệnh phong cùi đang sống cuộc đời nghèo đói, bất hạnh trên khắp quê hương, trong khi chính phủ Việt Nam thờ ơ, không giúp đỡ, họ là “những người bị bỏ quên”, đã được các cơ quan phước thiện mở những phong trào cứu trợ rộng lớn, để đồng hương hằng tâm hằng sản của chúng ta tận tình giúp đỡ.
Ở Việt Nam, dân chúng bần cùng là “những người bị bỏ quên”: nhiều trẻ em ở các vùng nông thôn Việt Nam bụng đói, không có áo quần mặc và vì vậy cũng không có cơ hội đến trường. Nhiều nơi, người già không có cơm ăn. Nhiều trẻ em khuyết tật cần vá môi. Nhiều người mù cần mổ mắt. Hải ngoại luôn luôn nghĩ đến quê nhà và đồng bào nên đã có những chiến dịch rộng lớn để làm những công việc ấy, thường trực và khắp nơi vì cho rằng chính phủ Việt Nam không nghĩ đến hay không đủ sức lo cho họ. Trường học cần xây thêm, chùa và nhà thờ cũng cần phát triển rộng lớn hơn.
Đã có những hội đoàn, những tổ chức, những nhóm thiện nguyện cứu đói, cứu nghèo, cứu bệnh tật, cứu gái sa chân, cứu trẻ bị bán đi, cứu già thiếu gạo…
Tôi có cảm tưởng những vùng đất cứu trợ trên đã được chính quyền trong nước cho khai quang, có khi còn giữ “an ninh bãi đáp” cho trực thăng đổ người xuống cứu trợ để đỡ tay đỡ chân cho đảng lo việc trấn áp dân chủ, nhân quyền. Còn địa hạt thương phế binh VNCH còn đầy mìn bẫy, hầm hố, thù hận khiến công việc cứu trợ phải tiến hành lén lút, bí mật hay đột kích gây thêm nhiều trở ngại, khó khăn cho cả phía những người hảo tâm và cả những nạn nhân xấu số này.
Thương phế binh, đáng lẽ là những người mà hải ngoại cần phải nhớ trước tiên, từ khi cấp chỉ huy quân đội miền nam bước chân lên Đệ Thất Hạm Đội hay đảo Guam, từ khi người vượt biển được đặt chân lên đất liền, từ khi người cựu tù được người ra đón ở sân bay, lại là những người bị quên lãng nhất.
Bà Dương Nguyệt Ánh, chuyên viên chất nổ của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, tác giả trái bom “nhiệt áp” đã nói rằng, là một người tỵ nạn chiến tranh, bà “không bao giờ quên được hình ảnh người lính Hoa Kỳ và VNCH đã từng bảo vệ cho bà có một cuộc sống an toàn ở miền nam trước đây”. Chúng ta cũng hiểu rằng người lính VNCH thiệt thòi hơn cả sau chiến tranh chính là người thương phế binh hôm nay.
Cô Liên Hương, một bác sĩ trong nhóm Huynh Đệ Chi Binh ở San Jose, cũng như chúng ta đã có mặt tại Hoa Kỳ tự do, no ấm hôm nay sau những ngày “tan hàng” đã hoạt động để cứu giúp “những người bị lãng quên”, vì cô nghĩ rằng cô đã mang ơn những người này, người thương phế binh VNCH:
“Tôi viết thư cho anh hôm nay không phải như một người Việt Kiều xa xứ được ưu đãi trong một đời sống an lành và thoải mái hơn về vật chất lẫn tinh thần đang nghiêng mình xuống với người đồng loại bất hạnh, nhưng tôi viết với tâm trạng của một cô gái năm xưa đã lớn lên yên ổn giữa thành phố Saigon, nhìn tuổi thơ ấu của mình trôi qua dưới ánh hỏa châu và những tiếng bom đạn hằng đêm vẫn vọng về từ một chiến trường xa. Ở đó, bao nhiêu xương máu và nước mắt của cả một thế hệ tuổi trẻ đã đổ xuống để che chở cho những cô gái nhỏ như tôi được tiếp tục bình yên đến trường. Ở đó vẫn có biết bao nhiêu người chiến sĩ như các anh còn ôm tay súng chiến đấu đơn độc với những giờ phút chót, để gia đình chúng tôi có cơ hội xuống thuyền ra đi tìm đến những quê hương hạnh phúc mới bên này bờ biển Thái Bình Dương.
Chính với tấm lòng tri ân và ngưỡng mộ đó mà hôm nay tôi thấy cần phải viết cho anh cho các bạn của anh, những lời các anh xứng đáng được nghe nhưng có lẽ đã chưa bao giờ được nghe từ gần ba mươi năm qua, để các anh hiểu được rằng những hy sinh của mình đã không lãng phí hay vô ích. Những tượng đài có thể bị đạp đổ, nhưng những hình ảnh thần tượng ghi khắc trong lòng sẽ chẳng bao giờ bị xóa nhòa. Chúng ta đã mất mát rất nhiều thứ, những người thương binh như các anh đã mất hết một phần thân thể, tình yêu và tuổi trẻ, và những người Việt tỵ nạn như tôi cũng đã mất hết một nơi chốn dung thân để phải tha hương lưu lạc khắp mọi phương trời. Có một điều ngày hôm nay tôi mong chúng ta sẽ không đánh mất là tình người đến với nhau, để khoảng không gian anh đang sống và hít thở bớt đi niềm lẻ loi và cô độc.
Cuối cùng dù tôi không thể gởi nguyên một bài hát về cũng xin cho tôi được tặng anh và những người bạn anh hùng không tên tuổi của anh lời tựa của bài hát “You Are My Heroes”, bởi vì cuối cùng trong cuộc đời này không có điều gì anh hùng và cao thượng hơn là hy sinh cuộc đời mình để cho người khác được quyền sống. Trong mắt tôi mãi mãi không có những người phế binh thương tật mà chỉ có những con người trai anh hùng một thời chọn cho mình con đường đi và và sống đích thực có ý nghĩa nhất”.
(trích thư của cô Liên Hương gởi một người thương phế binh VNCH)

Những dòng chữ trên đây của một người con gái, một đứa em hậu phương cũng như tất cả chúng ta đã mang một món nợ không bao giờ trả nổi, món nợ xương máu mà chúng ta đã nương nhờ, vay mượn từ lúc chúng ta được yên ổn ở hậu phương, rất xa mặt trận, và cả đến lúc chúng ta ngoảnh mặt rời quê hương ra đi. Những năm trước, bức thư này đọc trên đài phát thanh ở Bắc Cali đã làm rơi lệ hằng nghìn người nghe ở hải ngoại, nhưng rồi cơm áo đa đoan, cuộc sống bề bộn, nhiều lúc chúng ta đã quên hẳn hình ảnh người thương phế binh Việt Nam một cách phụ bạc, nhẫn tâm mà đáng ra phải canh cánh ghi nhớ trong lòng.
Ở hải ngoại từ trước đến nay, những sự quyên góp giúp đỡ cho thương phế binh được đưa xuống hàng thứ yếu sau những chiến dịch dai dẳng cho người nghèo, cho trẻ thất học, cho chùa chiền, thánh thất, cho mổ mắt vá môi… Nếu có lòng, thì cũng với những hoạt động lẻ tẻ do một nhóm người, một tổ chức quy tụ một số thân hữu giúp cho năm bảy gia đình, hay khá hơn là vài trăm thương binh. Chúng ta chưa có được một ngày dành cho thương binh, một chiến dịch rộng lớn như những ngày chúng ta đóng góp cho quỹ kháng chiến, để rồi cuối cùng sự việc chẳng đi tới đâu, khiến lòng tin của hải ngoại mỗi ngày một suy kiệt.
Ẩn mình từ trong những xóm làng xa xôi sống nhờ trên mảnh đất khô cằn khoai sắn, hay bầm giập giữa phố thị với xấp vé số trên tay, thậm chí còn trở thành kẻ hành khất kêu gọi tình thương của người qua đường đâu đó. Nỗi xót xa, tủi nhục ấy bao giờ tiêu tan được, cũng như những nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn họ không bao giờ hết, trong khi qua thời gian làn da nơi chân tay què cụt đã chai đá, những vết thương đã lành. Lớn hơn hết là những người thương phế binh này đã mang mặc cảm là “người đã bị bỏ quên” trên quê hương, nơi mà thù hận chưa nguôi, đối xử vẫn còn phân biệt như những người lính lạc đơn vị bị bỏ lại trên đất địch…
Ôi những vòng hoa chiến thắng ngày nào, những câu hát từ người em gái hậu phương, những mỹ từ và lời xưng tụng người ta đã dành cho anh. Số phận của người lính thất trận đã đổ nhào thêm lên tấm thân cụt què, yếu đuối. Họ sống cuộc đời cay đắng ấy (nếu còn có thể gọi đó là cuộc đời), có người mới hơn ba mươi năm, có người đã gần hết cuộc đời, thế giới ngày nay của họ có thể là một chiếc giường tre của người bị bại liệt, trên chiếc xe lăn của người què cụt lê lết hay ốm đau, già nua quanh quẩn trên sân nhà.
Thế giới hôm nay của chúng ta so với đời sống thương phế binh ở quê nhà là thiên đường và địa ngục, tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Dù có san sẻ tới mức nào cũng không lấp đầy nỗi thống khổ, dù bù đắp tới mức độ nào cũng không xứng đáng với sự hy sinh. Nhưng không lẽ chúng ta khoanh tay để nhìn những thương binh VNCH sống lặng lẽ cho hết một cuộc đời tàn tạ mà không bày tỏ được một cử chỉ biết ơn hay sao?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 40 guests