Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 21 Aug 2018

NHỮNG KẺ KHÔNG NHÀ TRÔI GIẠT


Người ta thường cầu nguyện và mơ ước để được có thêm điều này hay điều khác, nhưng ít ai cầu nguyện để đừng mất đi những gì mình đang có.

Chiều thứ năm tuần rồi lễ Thanksgiving, theo thông lệ hằng năm từ khi định cư tại Mỹ, nhiều gia đình đã có một bữa cơm đơn giản, thân mật, sum họp cùng các con cháu. Ý nghĩa bữa cơm chiều Tạ ơn là cám ơn Trời Phật đã cho chúng ta có được ngày hôm nay. Từ khi tới đây, nhiều gia đình đã có thêm dâu rể và các cháu nội ngoại, tiền của, nhà đất, tự do và nhân phẩm. Gia đình nào mất mát cũng nhiều, nhưng những điều có thêm được cũng không ít. Người ta thường cầu nguyện và mơ ước để được có thêm điều này hay điều khác, nhưng ít ai cầu nguyện để đừng mất đi những gì mình đang có.
Trong chiến tranh, tù đày, chia cắt, những gia đình Việt Nam chúng ta, không ít thì nhiều đã mất mát, chia cắt, khốn khổ. Nhưng rồi ra, nhìn quanh chúng ta thấy những mất mát, khổ đau của bạn bè, họ hàng, đồng bào ruột thịt còn thảm thiết hơn nhiều, tôi đã nghĩ phải chăng đây là sự đóng góp, chia xẻ của mọi gia đình đối với tai họa của quốc gia và nỗi thống hận của quê hương ngày đó, vì vậy lòng chúng ta cũng thấy nguôi ngoai.
Ở Mỹ, nhiều buổi tối lái xe trên những xa lộ không đèn, đi qua những khu nhà nằm ẩn trong bóng tối của cây cối, tôi tự nghĩ, nếu thực sự đêm nay tôi không có một chỗ để về thì có thể tôi sẽ điên mất. Hoặc như là vào mùa Đông, vào dịp những ngày lễ lớn cuối năm, tưởng tượng một người trở về nơi mình ở trong một gian phòng hiu quạnh, lẻ loi, không một bóng người, nỗi cô đơn sẽ dày vò tâm hồn họ như thế nào.
Theo nguồn tin báo chí mấy ngày hôm nay, có một người mẹ Việt Nam sang Mỹ tìm một đứa con đau ốm và lang thang không nhà. Trước ngày lễ Tạ ơn trên đất Mỹ, người mẹ ấy đã tìm lại được đứa con đã hai mươi năm biền biệt không tin tức. Đây chính là ngày vui nhất của người mẹ đi tìm con, cũng là niềm vui của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ, được như vậy cũng là nhờ lòng tử tế, giúp đỡ của tất cả mọi người quan tâm và biết nghĩ đến người khác.
Ngày lễ Tạ ơn, chúng ta nghĩ đến ai, những người chúng ta đã mang ơn để nói một lời cảm tạ. Nghệ sĩ Nam Lộc vừa lên tiếng trong một bức thư ngắn kêu gọi cộng đồng hãy trao lời tạ ơn này đến với anh em thương phế binh đang chịu nhiều nỗi thiệt thòi ở quê nhà. Văn chương, âm nhạc đã nói đến “ơn Cha, ơn Mẹ, ơn Em…” nhiều rồi, nhưng ngoài những người thân thuộc, trong đời chúng ta mang ơn rất nhiều người mà chúng ta chưa hề biết mặt. Tôi muốn nói đến những người lính vô danh xả thân ngoài trận tuyến hay nơi chốn tù đày trong những ngày đất nước hấp hối để cho những người khác có thể vun quén, thu xếp hành trang ra đi tìm sinh lộ.
Và cuối cùng đây là nước Mỹ. Chúng ta đã từng quyên góp rất nhiều cho đồng bào chúng ta ở những vùng đất nghèo nàn của đất nước, lo những người cùi, những người mù, những đứa trẻ thơ tật nguyền mà chúng ta biết bao nhiêu cũng không đủ, nhưng nghĩ đến những người Mỹ co ro không nhà giữa buổi chiều giá lạnh hôm nay, lòng chúng ta không thấy vui. Ở góc đường nào đó, nơi chỗ đèn xanh đỏ lưu thông, một người Mỹ râu tóc dài, mang tấm bảng ghi những dòng chữ “hungry, Vietnam veteran, homeless”. Cũng như những thương binh ở quê nhà, những người này bị bỏ quên trên dòng đời xuôi ngược, bon chen, không ai buồn nhìn lại.
Vào giờ này, chỉ ngay tại Quận Cam thôi, đang có bao nhiêu người không nhà, ngủ vờ vật trong những góc phố hay trên hiên những ngôi nhà không chủ. Trong bệnh viện không thiếu người đau ốm, trong nhà tù còn nhiều người đang trả giá cho những phút lỡ lầm.
Con số người “không nhà” trên nước Mỹ, mảnh đất giàu sang này của thế giới là một con số lớn, nếu chúng ta biết rằng chỉ ngay trong quận hạt Los Angeles thôi, đã có tới 88,000 người không nhà. Chúng ta cũng đừng khinh thị cho đây là lớp người thất học, ngu dốt khi chúng ta biết rằng 48% số người này đã qua trung học và tới 32% có bằng cử nhân hoặc cao hơn. Điều đau đớn và mỉa mai nhất, là những người đã xả thân, hy sinh một quãng đời để phục vụ cho đất nước Hoa Kỳ, là những cựu quân nhân chiếm gần 20% những người ngủ bờ ngủ bụi. May mắn là tỷ lệ những người Á Châu, Thái Bình Dương chỉ chiếm số 2%, hy vọng rằng người Việt định cư tại Hoa Kỳ chỉ chiếm 1/10 tức là 0,20% cũng là điều an ủi, phải chăng chúng ta nhờ cần cù, đùm bọc nhưng chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng chính yếu là nhờ chính sách nhập cư cho những người tỵ nạn, từ tỵ nạn mới có những lớp người di dân. Chúng ta đều nằm trong trong lớp người may mắn ấy.
Vị Nữ Thần Tự Do giơ cao ngọn đuốc bên cửa biển của miền đông nước Mỹ, đã cất lời gọi: “hãy gởi đến đây những kẻ không nhà mà bão biển cuồng phong trôi giạt” (1) Tôi, một người từ một đất nước xa xôi, không họ hàng, nợ nần gì với nước Mỹ trôi giạt đến đây đang có cuộc sống no đủ, ấm áp hơn hẳn hàng chục triệu người Mỹ sinh ra và lớn lên tại đây, đang lâm cảnh nghèo nàn, túng quẫn như kẻ không nhà còn ôm tấm bảng kêu gọi lòng từ tâm của khách qua đường chiều nay.
Tôi là kẻ mang ơn mà không sao trải hết được tấm lòng biết ơn đối với nước Mỹ.
(Thanksgiving 2006)
(1) “Give me your tired, your poor,
Your huddled masses yearning to breathe free,
The wretched refuse of your teeming shore,
Send these, the homeless, tempest-tost to me,
I lift my lamp beside the golden door!”

(Thơ của Emma Lazarus khắc trên bệ tượng Nữ Thần Tự Do ở New York)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 21 Aug 2018

ĐI LẤY CHỒNG… MỸ


Cuối năm 1966, trong khi theo một khóa học chuyên môn tại Ft. Benjamin Harrison, tiểu bang Indiana, tôi có tiếp xúc với một hạ sĩ quan Hoa Kỳ đang phục vụ tại căn cứ này, có vợ là người Nhật mà ông đã mang về Mỹ sau thời Đệ II Thế Chiến. Quân nhân nói trên muốn mời tôi về nhà dùng cơm tối, vì vợ ông khi nghe có một người Việt đang theo học tại trường, đã muốn gặp tôi. Lý do là tôi, dù là khác quốc gia, nhưng cùng là dân châu Á, có một cái gì gần gũi với họ, những người đi lấy chồng xa xứ.
Bà giới thiệu với tôi hai thiếu phụ Nhật khác ở gần nhà. Phải nói là những người đàn bà Nhật này đã bày tỏ sự mừng rỡ thật sự, và chúng tôi đã đối thoại với nhau bằng một thứ tiếng Anh lõm bõm. Theo chồng sang Hoa kỳ gần hai mươi năm nay, họ sống từ trại lính này sang trại lính khác, với nỗi cô đơn xa nhà, ngôn ngữ, văn hóa bất đồng, nhất là đối với những người đàn bà không con, vì phần đông họ đến Hoa Kỳ trong lúc đã luống tuổi. Họ chỉ còn một niềm vui là chuyện trò với những người đàn bà cùng hoàn cảnh đã rời bỏ quê hương, đã đi nửa vòng trái đất để theo chồng đến đây. Những thiếu phụ này thường thất học, nhiều người đã mất cha mẹ trong chiến tranh, hay thuở con gái trôi giạt vào những quán rượu, thanh lâu, không còn biết cha mẹ là ai. Họ không còn họ hàng, thân thích nên cũng không có một quê nhà để trở về. Nếu có trở về Nhật du lịch thì họ cũng chỉ là một người khách lạ trên quê hương. Qua câu chuyện tiếng được, tiếng mất, tôi thấy trong mắt người đàn bà “đi lấy chồng xa” này hình như có ngấn lệ, và lòng tôi cũng chùng xuống thương cảm cho nỗi buồn của họ.
Họ không thể nào hòa nhập với đời sống nơi xứ sở của chồng. Trong những buổi tiếp tân tại phòng hội căn cứ này, những người đàn bà Nhật cùng đứng ra thành một nhóm riêng, chuyện trò với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Họ không có đủ sự tự tin và thoải mái để chuyện trò với người Mỹ, bạn bè của chồng. Lâu rồi, những người chồng Mỹ cũng xem đó như là chuyện thường tình, không có gì phải quan tâm.
Đất nước chúng ta, trong thời gian chiến tranh, cũng có những người đàn bà như thế. Có thể họ từ một quán rượu nào đó ở căn cứ Chu Lai, Cam Ranh, Biên Hòa… hay cũng có thể là một sinh viên, một nhân viên sở Mỹ ở ngay tại thủ đô Saigon đã kết hôn với một quân nhân Mỹ và theo họ về nước trước khi chiến tranh kết thúc hay trong những ngày hỗn loạn cuối tháng tư. Sự kết hôn giữa một cô gái Việt Nam và một người Mỹ trong thời điểm này, dù với lý do gì, tình yêu hay để thoát khỏi sự nghèo đói, cũng đưa những người đàn bà đi lấy chồng xa này vào những nỗi cô đơn không thể tránh khỏi. Họ, dù có học vấn cũng chỉ là một người đàn bà xa lạ trong một đại gia đình người Mỹ, chưa nói đến những sự kỳ thị họ phải gánh chịu với cái nhìn không mấy thiện cảm của dân bản xứ đối với người đàn bà được một người lính viễn chinh mang về từ một đất nước xa lắc xa lơ.
Trước tháng tư năm 1975, người Việt trên đất Mỹ không nhiều. Quê nhà của những người chồng Mỹ có thể ở những vùng quê hay những tiểu bang xa xôi không bao giờ có thể tìm thấy một người Việt Nam nào để chia xẻ tiếng nói hay một món ăn quê hương. Họ nhớ những bữa cơm bên ngọn đèn dầu, nhớ câu hát giọng hò, tiếng cười nói lao xao của buổi chợ, hay nhớ Saigon với tiếng xích lô máy buổi sớm mai, tiếng xe thổ mộ lóc cóc trên đường về chợ quận… Có những người đàn bà lỡ một lần đi lấy chồng xa bị vây quanh bởi láng giềng, tiếng nói, cái nhìn, phong tục và cảnh trời đất hoàn toàn xa lạ. Tâm trạng đó khác xa hơn tâm trạng của chúng ta ngày nay đã có đủ mùi vị, màu sắc và âm thanh của một quê hương thu nhỏ trên đất khách. Thế hệ con cháu chúng ta ngày nay tại hải ngoại kết hôn với một người Mỹ, người Tàu trên đất này không còn là những người đàn bà đi lấy chồng xa nữa.
Sở dĩ tôi trở lại câu chuyện này là vì mới tuần trước đây, tôi nhận được một cú điện thoại xa từ tiểu bang Kansas của một người đàn bà tự nhận là người “đi lấy chồng xa”. Bà trách tôi sao trong “Đi Lấy Chồng Xa” không hề nhắc đến hoàn cảnh và tâm trạng của những người như bà. Bà đến Mỹ một mình vào cuối tháng 4 năm 1975, ít lâu sau đó bà kết hôn với một người Mỹ quen biết. Người chồng này là một người tử tế, không rượu chè, cờ bạc và rất thương yêu vợ con. Tuy vậy ngày đó tiểu bang Kansas không có mấy người Việt, người đàn bà này rất đỗi cô đơn, nhớ nhà và ước ao có được một vài gia đình đồng hương để bà có thể lui tới chuyện trò cho khuây khỏa nỗi nhớ nhà.
Những đợt thuyền nhân và gia đình tù “cải tạo” đến Mỹ càng ngày càng đông, nhất là từ năm 1990 trở về sau. Gia đình bà cả vợ lẫn chồng đều phấn khởi, hết lòng hợp tác với các cơ quan từ thiện, bỏ nhiều thời giờ và tiền bạc, giúp đỡ đón tiếp đồng hương đến vùng nơi bà cư ngụ, với hy vọng từ nay bà sẽ có những người cùng tiếng nói, quen biết, thân thiện, để thoát khỏi nỗi cô đơn đã dày vò bà trong nhiều năm. Bà cũng đã nhờ chồng bảo lãnh gần như cho toàn gia đình bà đến Mỹ và nghĩ rằng từ nay bà sẽ có chị có em để lui tới, không còn cô độc như trước đây.
Nhưng không phải mọi sự đều diễn tiến êm xuôi như lòng bà mong đợi. Dần dà khi những người bà giúp đỡ hay bảo lãnh sang đây đã có một đời sống khá giả, no đủ, nhà lớn, xe đẹp, con cái tốt nghiệp đại học, và từ đây họ bắt đầu nhìn bà bằng một con mắt lạnh nhạt, vì trước mắt họ, bà không được xếp ngang hàng với họ: bà chỉ là một “me Mỹ”. Trong số người ngoảnh mặt với bà có cả những người ruột thịt. Là “me Mỹ”, bà không đàn đúm, phấn son, có nhẫn kim cương đeo mang như những người vừa khá lên trong những ngày đến Mỹ. Bà vẫn yêu quê hương, con cái bà tuy là con Mỹ vẫn nói được tiếng Việt, thích ăn món quê nhà Việt Nam do bà nấu nướng.
Tuy vậy từ đây, bà thấy cộng đồng Việt Nam, dù càng ngày càng đông, nhưng càng xa lạ với bà, và không còn là một nơi nương tựa tình cảm cho một người có chồng ngoại quốc như bà. Bà sợ hãi và rút về trong tổ ấm gia đình, vẫn như cảm thấy thiếu thốn một điều gì, đó là tình đồng hương bà đã hun đúc, xây dựng nhưng không được như lòng mong đợi trước kia. Bây giờ, cộng đồng đã rất gần, chung quanh nơi đây, nhưng bà vẫn cảm thấy một điều gì đó cách biệt, nếu không nói là ghẻ lạnh.
Mỗi khi thèm món ăn quê hương, bà thường rủ chồng đến một tiệm ăn trong vùng, ở đây bà thường gặp phải những đôi mắt đồng hương lạnh nhạt không mấy thiện cảm. Tuy đã sống trên quê hương của chồng hơn ba mươi năm, bà chưa phải là một người Mỹ hoàn toàn, máu thịt và tâm hồn bà vẫn là Việt Nam.
Nghe đến chuyện “đi lấy chồng xa”, bà tưởng nơi đó có chút hình ảnh của những người như bà, và bà đã thất vọng. Hoàn cảnh của những người như bà có thể sung sướng vì có một mái gia đình, sống trong một xã hội tử tế hơn những người lấy chồng Đài Loan, Trung Quốc… nhưng như nhiều người Việt Nam trong nước cảm thấy lưu vong ngay trên xứ sở của mình, bà cảm thấy mình cô đơn trong một cộng đồng Việt Nam càng ngày càng lớn mạnh, nhưng đầy kỳ thị, đố kỵ, ghét bỏ vì những thành kiến đã bén gốc mọc rễ không bao giờ có thể thay đổi được.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 22 Aug 2018

“NOI NÒI NÓI”


Ngày xưa, tuy rất thương mẹ, nhưng tôi phải công nhận tính bà thường hay nói đi nói lại nhiều lần một vấn đề. Ông bố tôi dạy vợ bằng cái lối chữ nghĩa cụ đồ khinh mạn. Chẳng những ông miệt thị cả đàn bà bằng thành ngữ của cụ Khổng “phụ nhân nan hóa”, và khi con cái có đứa nào vô ý nói nhiều thì ông lại bày trò chơi chữ, gọi chúng tôi là “noi nòi nói”. Ông anh tôi thì dạy con bằng cách chứng minh ông Trời, bà Mụ thuở sơ khai đã có ý tứ khi nặn ra hình thể con người: “Con người ta có hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi (hai bên), hai tay, hai chân, nhưng chỉ có độc nhất một cái lỗ miệng. Vậy thì hãy nghe thật nhiều, quan sát thật kỹ, thở nhiều, làm việc tay chân nhiều, đi nhiều càng tốt… nhưng chớ có nói nhiều”.
Các cụ sành Hán thường nói “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã (1) nan truy” (một lời nói ra, bốn ngựa cũng không đuổi theo kịp). Tục ngữ lại nói “lỡ chân còn bước lại được, lỡ lời thì khó lui”, vì trong cuộc đời này nhiều người bị vạ miệng mà thân phải bị tù tội, có khi mất mạng. Đó là “thần khẩu hại xác phàm”. Khoảng năm 1956, tôi có người bạn thơ là Yên Khanh, tên họ là Tôn Thất Khái, thiếu úy thuộc một đơn vị đóng ở Sa Đéc, một buổi trưa ăn cơm trong câu lạc bộ sĩ quan, ông vui miệng “xúc phạm” đến bà Cố Vấn, không biết ai đã báo cáo lên cấp trên mà ông bị phạt trọng cấm, sau đó được mời ra khỏi quân đội về “đuổi gà cho vợ”. Bệnh vạ miệng được gọi là “bệnh Dương Tu”. Dương Tu là quan Chủ Bạ của Thừa Tướng Tào Tháo, biết quá nhiều mà để trong lòng thì ấm ức, nói ra tất phải chết. Có hai vụ nặng nhất. Một là lúc Dương Tu đưa đám tên lính bị Tào Tháo chém, chỉ vào quan tài mà nói: “Không phải Thừa Tướng ngủ mê đâu, chính mày mới thực ngủ mê”. Đến vụ thứ hai là vụ “Kê Cân” (gân gà), Dương Tu bị ghép vào tội làm náo loạn ba quân thì không sao tránh khỏi rụng đầu.
(1) có sách dẫn là con ngựa giống Tứ.
Ra đời dần dần tôi nhận xét thấy, người nói nhiều thì ít làm, ca sĩ nói nhiều thì hát không hay, người làm chính trị nói nhiều, tuyên bố nhiều thì làm dở. Mấy ông cụ cao niên gặp nhau nói chuyện chơi bời ngày xưa vì ngày nay đã hết “làm” được. Cách đây không lâu, khi cần đi điều trị tại một bác sĩ già “nắn xương”, ông ta thường tán gẫu với tôi, một hôm ông nói: “Bọn mình tuổi này toàn là dân NATO cả!” Trước kia, tôi chỉ biết NATO là “Tổ Chức Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương” nên ngạc nhiên hỏi lại. Tôi bật cười khi nghe ông giải thích bốn chữ NATO là “No Acting, Talking Only!”
Ngoài ra điều gì mình nói nhiều là điều không có. Hễ chỗ nào mà Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc nói đến nhiều nhất thì y như chỗ đó chẳng độc lập, không tự do mà hạnh phúc của nhân dân cũng không có nốt. Chỗ nào nói tới xóa đói giảm nghèo thì y như chỗ đó là nghèo mạt hạng. Chỗ nào nói là bài trừ tham nhũng thì chắc chắn đó là ổ tham nhũng. Chỗ nào là khu phố văn hóa thì chỗ đó nếp sống tồi tệ nhất. Tôi không nói ngoa đâu, ở xứ mình, nơi nào ghi bảng “Cấm Phóng Uế’ thì chất thải ngập ngụa, chốn nào ghi “Cấm Đổ Rác” là một đống rác cao ngất trời!
Hồi mới chân ướt chân ráo tới Mỹ, tôi được đi dự một buổi họp mặt của một tổ chức cựu tù nhân. Hôm đó, sau khi xướng ngôn viên đọc tên một vị “nhân sĩ Mạnh Thường Quân (!)” đã có nhã ý tặng tổ chức 100 đô la, thì tiếp đến là mục nhân sĩ này lên đăng đàn diễn thuyết “hàng giang đại hải” về chuyện chính trị, nói những chuyện thuộc loại “dao to búa lớn” chẳng đâu vào đâu. Mục này kéo dài đến hơn nửa tiếng đồng hồ, làm chúng tôi, những thằng tù mới sang chưa quen vụ giờ giấc, ngáp dài ngáp ngắn. Nghe nói ông này giàu có, nhưng tính không được rộng rãi. Nếu ông “Mạnh Thường Quân” này cho 200 đô la, chắc bài diễn văn phải dài gấp đôi cho xứng “đồng tiền, bát gạo”.
Trong những tiệc cưới, khi cô dâu chú rể đi chào bàn, khách phải ngừng nhai, thôi gắp, ngồi lại ngay ngắn đàng hoàng, trong lúc ông đại diện trong bàn đứng lên làm một bài chúc tụng, văn vẻ khá dài, chấm dứt bằng vài ba cái vỗ tay lốp bốp. Mừng thầm tưởng đã xong, tôi bỗng thấy ông đại diện thò tay vào túi rút ra một mảnh giấy (có chuẩn bị sẵn y như các tài tử lãnh giải Oscar ở Hollywood), vuốt lại ngay ngắn, tằng hắng đọc một bài thơ Đường luật để chúc mừng cô dâu chú rể. Những bài thơ này không bao giờ được lên báo, chỉ đăng “báo miệng” có mỗi một lần. Nếu tác giả tiết kiệm làm những bài thơ không có tên cô dâu chú rể, không ghi rõ hai họ mà chỉ nói chung chung, thì có hy vọng dùng lại được vài ba tiệc cưới nữa. Nếu không được làm đại diện cho bàn tiệc, thì ông sẽ xung phong lên sân khấu. Cái này mới khổ cho thiên hạ!
Đồng hương Việt Nam chúng ta cũng biết cách chơi chữ như ông cụ tôi, đã nói ở trên, về trường hợp này là “nói dai, nói dài, nói dở”.
Nói nhiều bị trách “ tía lia”, “ba hoa chích chòe”, “ba voi không được một đọi (bát) nước xáo”, nhưng thiếu tiếng nói thì cuộc đời này buồn biết bao nhiêu, vì tôi không muốn xem cuộc đời này là một cuốn phim câm. Tôi biết nhiều ông cụ già đơn độc, sống một mình, phải mở TV suốt ngày cho có tiếng nói. Có ông chết ngồi trên ghế mấy ngày sau, người ta mới khám phá ra, trong khi máy truyền hình vẫn còn hoạt động. Nhiều bà cụ già trên đất Mỹ rất cô đơn không biết ai trò chuyện, vì ai cũng tất bật suốt ngày, rồi bà lẩn thẩn nói một mình hay đôi khi cố nói với đàn cháu nội ngoại, thế hệ thứ ba. Bà không hiểu sao mỗi lần bà nói, chúng nó cứ kêu toáng lên hai chữ “Xe đạp! Xe đạp!”.
Nếu bà hiểu chúng nói “Shut up! Shut up!” thì bà có thể buồn héo hắt mà chết đi được.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 22 Aug 2018

NHỚ NHỚ QUÊN QUÊN


Nếu nói chuyện nhớ chuyện quên thì không chỉ những tuổi già mới là nạn nhân mà trung niên cũng không tránh khỏi. Đã bao nhiêu người quên cái kính ở đâu, cái chìa khóa xe không biết để nơi nào, đi shopping ra, giữa bãi parking mênh mông không nhớ chỗ mình đậu xe, có khi thiếu điều muốn khóc. Ngày xưa, tôi có người bạn, tới giờ đón con đi học về, mãi vui với bạn bè, quên bẵng đi cho tới tối mịt lò dò về đến nhà, mới nhớ là mình chưa đón con.
Nhân nói chuyện quên và nhớ giữ mùa hè đang nóng dữ dội này, tôi xin nhắc bạn những thảm kịch đau xót như một người mẹ chở con trong xe, về đến nhà bà để xe ngoài sân và quên đem con vào. Mệt mỏi, bà ngủ một giấc tới chiều, khi tỉnh dậy, nhớ ra thì đứa trẻ hai tuổi ngồi trong car Seat đã chết vì nóng. Bạn còn nhớ một thảm kịch xẩy ra vào mùa hè năm ngoái, một giáo sư đại học UCI hằng ngày thường đưa con đến nhà trẻ trước khi đến trường. Nhưng một buổi sáng, ông quên ghé nhà trẻ, đậu xe trong parking của nhà trường, vào lớp dạy, ông vẫn đinh ninh là đã “drop” con ở nhà trẻ rồi. Khi hết giờ dạy, ra xe thì con ông đã chết.
Theo thống kê, từ năm 1995 đến năm 2002, trong nước Mỹ đã có 171 trẻ em chết nóng trong xe vì cha mẹ quên con (trong đó có một trường hợp là ông nội quên cháu). Việc để con trên xe vì quên không đem con lại nhà trẻ trong mùa hè nóng dữ dội không phải là chỉ một vài trường hợp quá hy hữu. Trong tổng số trên đã có tới 32 trường họp cha mẹ đinh ninh là đã gởi con tới nhà trẻ rồi, số còn lại là vì mẹ uống rượu ngủ quên, bận đi shopping hay mải hú hí với bạn trai. Ở Mỹ, để một con chó trong xe trong khoảng thời gian hai tiếng đồng hồ dưới sức nóng 90 độ F đã là một tội hình, huống gì để con chết. Sự quên lãng hay đãng trí chết người này, người ta đã cảnh báo rất nhiều lần nhưng cuối cùng người ta vẫn mắc phải.
Xin hãy coi chừng những việc làm có tính cách thường nhật, có khi chúng ta làm như một cái máy, đầu óc để đâu đâu. Đời sống ở các nước văn minh quá bận rộn, hết việc này thì tới việc khác, mất hết bình tĩnh, nên có những việc chưa làm mà tưởng đã làm xong, có khi làm xong mà tưởng chưa làm. Đến tuổi “tri thiên mệnh” đã bắt đầu quên, rồi “cổ lai hy” nữa, thì nhớ nhớ quên quên vẫn là chuyện thường ngày, có hôm đang lái xe giữa đường, bất chợt hỏi “mình định đi đâu đây?”, phải định thần hồi lâu mới nhớ ra, hoặc điện thoại bên kia reo, có tiếng người trả lời rồi, mới nhớ ra là không biết “mình định điện thoại cho ai nhỉ”? Gặp một ông bạn cố tri từ năm ba mươi năm trước, đầu óc cố rặn mãi, mà không nhớ nỗi cái tên, thật chết người. May mà mình vẫn quần rách áo ôm, không bạn lại ngờ “giàu bỏ bạn, sang bỏ vợ” thì tội nghiệp quá. Không biết trong não bộ, phần não thùy nào để nhớ tên người, phần nào để nhớ sự việc. Có nhiều chuyện đã quên thật rồi, quên bẵng, mà nhiều chuyện vẫn rõ mồn một như mới xảy ra hôm qua đây thôi. Nhiều chuyện lúc ban ngày không thấy nhớ, mà lúc ngủ lại nằm mơ thấy như những ngày còn ở tù, hay thấy lại ông bà cha mẹ, phải chăng đó là một phần hình ảnh, sự việc vẫn nằm trong tiềm thức.
Cái cần nhớ bộ não không cho nhớ, cái chưa muốn quên thì trời lại bắt quên. Tưởng tượng một buổi chiều ra sở, không nhớ cả con đường về nhà, chạy lang thang một hồi, may ra còn nhớ tới ông cảnh sát, trình ID ra và nói rõ sự việc, để nhờ ông đưa giúp về nhà. Ôi ông già có khác gì đứa con nít. Ở đây, vào thời gian này, tuổi “boomer age” của Mỹ đã bắt đầu trở thành ông lão, thì phần phía cộng đồng người Việt, từ tháng 4-1975, tuổi di tản, tuổi vượt biển, tuổi H. O., tuổi di dân… cũng đã bắt đầu già… lủ khủ. Chán gì thông báo đi lạc trên radio, mà ngày nay không danh từ “tìm trẻ lạc” nữa, mà người đi lạc là cha già, mẹ yếu lú lẫn, nhớ nhớ quên quên, hễ cửa mở là vội vã bước ra đường, rồi không biết đâu mà lần về nhà nữa. Tốt hơn là đóng cửa lại cho chắc. Cha mẹ bây giờ ở Mỹ như chim nhốt trong lồng, dù son thếp bạc, nhưng thiếu bay nhảy, thiếu bạn bè, thiếu người tâm sự, ủ rũ làm sao.
Nhiều bà mẹ buổi tối cơm nước đã xong, vẫn hỏi “sao bây chưa cho mẹ ăn gì cả?” Nhiều người già không nhớ cả tên con, tên vợ chồng mà còn nhớ những gì rất xa, xa tắp mịt mù trong dĩ vãng, hồi tưởng rồi cười một mình. Con cháu nhỏ ở Mỹ bảo ông bà điên vì hay ngồi nói bâng quơ hay cười sảng. Sung sướng biết bao nhiêu cho những người già, thấy mình bỗng trẻ thơ lại và ngây ngô hành động như một đứa trẻ lên ba. Bệnh Alzheimer tàn phá bộ nhớ của người và chúng ta đã gặp những người già không còn biết tới gia thế con cái và mình là ai, những ngày sống cuối đời thường lặng lẽ và cũng hiền lành như cây cỏ.
Bệnh quên quả là một bệnh thời đại, tương tự bệnh cúm gà, rất khó chữa. Mới ba mươi năm mà nhiều người đã bị quên nặng, nếu không có những khu phố mang tên Việt, những tiệm ăn Việt, những con người Việt đi lại chung quanh đây nhắc nhở cho họ, thì đôi khi họ nghĩ nhầm mình là người Mỹ. Có đôi lúc những người này không còn nhớ mình là ai và vì sao mình đã tới đây, một đất nước cách xa quê hương mình tới nửa vòng trái đất. Nhiều người nói một cách “hãnh diện”: “Tôi chẳng bao giờ đọc báo tiếng Việt hay nghe đài phát thanh Việt Nam”, vì thực sự họ muốn quên nguồn gốc, nhưng có một điều họ vẫn nhớ là ở đây có cộng đồng Việt Nam, nên đã khuyến khích con họ đã phải mở phòng mạch hay cơ sở làm ăn tại vùng này mới sống và làm giàu được.
Nhiều vị tên tuổi cũng mang tính hay quên hay giả vờ quên, vì mới đây thôi, họ sống như một người tỵ nạn trong cộng đồng này, và đã được cưu mang đời sống cơm áo cũng như tiếng tăm của họ. Thế mà một sáng một chiều, những người này nhìn lại cộng đồng như đám phong hủi mà họ muốn lánh xa, đưa ra những lời miệt thị, tưởng chừng như lầm lỡ lớn nhất của đời họ, là đã bước chân tới đây và sống chung lộn với đám đông này. Nếu bạn không còn nhớ họ là ai thì cũng thoải mái cho đầu óc của bạn, nhưng nếu còn nhớ thì cũng nên quên họ đi.
Nhiều người đã quên những con tàu rách nát, giờ đã là cát bụi trên những bờ biển Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân. Nhiều người đã quên những ngày gian nguy, hãi hùng trên biển đông. Nhiều người đã quên những ngày tù đày, khốn khổ trong trại tập trung.
Hình như bây giờ người ta quên nhiều, chẳng bù với ngày trước, chỉ toàn nhớ:
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”
(ca dao)
hay:
“Hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm,
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi”
(Xuân Diệu).
Nếu có quên thì cũng là quên giả vờ cái kiểu “hôm qua tát nước đầu đình, bỏ quên cái áo trên cành hoa sen!” mà thôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 22 Aug 2018

MẶC CẢM


Trong Cổ Học Tinh Hoa có kể chuyện Án Tử làm tướng nước Tề mà tính khiêm cung, nhún nhường, trong khi anh đánh xe ngựa của ông thì mỗi lần ra đường đi với chủ, tay cầm cây dù, tay cầm dây cương, mặt vác lên trời, dương dương tự đắc. Vợ người đánh xe, thấy thế làm nhục, đòi bỏ đi. Bên Tây, thì ông La Fontaine có chuyện ngụ ngôn “con lừa lưng mang hòm sắc” (của Vua), có võng lọng, lính hầu, đi tới đâu cũng được người ta quỳ lạy, thấy thế bèn lên mặt, vênh váo. Sau khi đem sắc Vua xuống rồi, người ta đánh cho lừa một trận chạy trối chết.
Ngày xưa có những người mang mặc cảm tự tôn quá đáng vì cậy nhờ vào thế lực của những ông chủ của họ. Chúng ta hãy còn nhớ hình ảnh ông lính lệ nhà ông Dương Lễ dơ cao ngọn roi đánh Lưu Bình trong sách Luân Lý Giáo Khoa Thư, hay anh lính cửa quan huyện vênh váo trong vở kịch “Nghêu Sò Ốc Hến”. Những người được làm dưới quyền cạnh những người có chức có quyền mà người dân phải sợ hãi, nhờ cậy thì họ mang một mặc cảm tự tôn không đúng chỗ, đó là lối mặc cảm mượn “oai hùm”. Đó là những ông chánh văn phòng, bí thư hay kể cả cận vệ của những ông lớn từ Tổng Thống, Tư Lệnh Vùng cho đến cả một cấp Quận Trưởng nhỏ đứng trước người dân khúm núm vì nỗi sợ hãi đã mọc rễ trong đầu óc họ từ thời phong kiến, ngoại thuộc.
Những người có quyền thế, làm những việc giúp đỡ người khác vì bổn phận qua chức vụ, hay trong trường hợp họ có quyền ban phát lợi lộc, chức vụ, quyền thế, kể cả có quyền sinh sát trong tay, rất nhiều người mang mặc cảm tự tôn để trở thành những nhân vật “Quận Hách” của báo chí thời trước. Nhiều người không có chức quyền, thế lực nhưng công việc của họ lại có liên hệ đến sinh mạng hay việc sống chết của con người, trong cơn lo lắng cho sinh mạng người nhà, họ luôn luôn được đám dân đen “một bẩm hai thưa”, đó là những “quan đốc tờ” thời nô lệ. Ngày nay mặc dầu đã qua thời nô lệ, nhưng cảnh ấy vẫn còn xẩy ra ở các bệnh viện quê nhà. Ở hải ngoại, khám bệnh lấy tiền mặt hoặc do công ty bảo hiểm trả, vì không ở đâu có nhà thương thí hay bác sĩ thí, nên cảnh “quan đốc” không thể tồn tại nữa.
Người mặc cảm tự tôn cho ai cũng thua mình và nhìn người thua mình một cách khinh miệt, bởi vậy mới có cảnh người giàu khinh kẻ nghèo, người có học coi thường người ít học, người làm việc trí óc cho mình hơn kẻ làm việc tay chân. Thậm chí trong cộng đồng chúng ta còn có cảnh người sang trước xem thường người qua sau, ông công chức khinh anh cu-li, kẻ thành công coi rẻ người thất bại. Mặc cảm đã đốt cháy tính nhân ái sẵn có trong mỗi một con người.
Ông “mặc cảm công thần” thì cho mình là có công nên nghĩ mình có thẩm quyền để ăn trên ngồi trước kẻ khác, có khi sinh ra loạn lạc như ngày xưa có loạn Kiêu Binh, thì nay có loạn đảng viên. Bạn có bao giờ nghĩ rằng “tù cải tạo” cũng là một thứ công thần. Ngày nay, để minh định lập trường, nhiều người đem những năm tù cải tạo ra để làm “credit”, chẳng hạn: “tôi đã ở tù cải tạo nhiều năm, tôi không thể nào là Cộng Sản”
Người “mặc cảm nhược tiểu” thì mãi cho da trắng, Tây Mỹ là nhất, điều này nó đã ăn sâu vào đầu óc, nên ngay cả khi dịch một câu nói phát ra từ miệng người ngoại quốc nói với người Việt, thì người ta dịch ngôi thứ nhất, thứ hai, thành “ tao - mầy” hết thay. Tôi đã đọc một câu văn, đại khái như sau: “Ông ấy hỏi tôi:- Mày đi đâu? Tao đợi mày ở văn phòng đã lâu!” Ở những chức tước lớn thì khúm núm gọi bằng “Ngài”. Tôi đề nghị những ai còn đầu óc “mặc cảm nhược tiểu” sẽ dịch những bài diễn văn xin phiếu của các ông Tây, bà Đầm trong mùa bầu cử khi có những chữ “You - I - Me” như sau: “Xin chúng bay dồn phiếu cho tao, tao hứa là sẽ phục vụ tốt cho cộng đồng chúng mày”.
Ông Cộng Sản muốn bịt mắt thiên hạ nên luôn luôn dạy cho người ta có mặc cảm tự tôn về đảng, về lý thuyết Cộng Sản. Cái gì của Cộng Sản cũng là nhất nên Liên Xô bắt buộc phải là nhất, từ ổ bánh mì, chiếc xe hơi cho đến đôi dép, thế nên mới có những câu đồng dao lố bịch như:
“Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ,
Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ (?)”

Vào đến miền Nam, toàn dân mở mắt ra mới thấy miền Nam hạnh phúc, giàu có, tự do quá, thì tâm lý người chiến thắng bỗng hụt hẫng, cảm thấy mình thấp hèn quá. Mặc cảm tự ty khiến họ phải đập phá hết, nhận xuống bùn đen hết vì công nhận cái hay điều tốt của miền Nam là tự sỉ vả lấy mình, phải mươi năm mới dám đào lên, đánh bóng lại mà dùng. Mặc cảm nghèo đói, quê mùa khiến người cán binh vào tiếp thu Saigon phải xài sang, phở phải tô lớn hai hột gà, cà phê phải là cà phê sữa đá, thuốc lá phải là thuốc cán. Cũng vì mặc cảm tự ty thất học, lớp người mới dùng quyền lực thay cho tri thức, hoạnh họe, dọa nạt, la lối để trấn áp đối phương. Sự kiêu căng quá đáng của kẻ thắng trận đã nhận chìm dân tộc Việt Nam vào một trong các nước chậm tiến về mọi mặt trong suốt ba mươi năm nay.
Thời phong kiến, Tây thuộc, các quan quyền đã tạo cho dân chúng mặc cảm sợ quan, coi bộ máy cai trị là cao sang, quyền lực tuyệt đối để dễ trị. Tôi đã chứng kiến những cảnh tượng phải nói là tội nghiệp của dân chúng ở các vùng quê xa đô thị. Chỉ mới đây thôi, vào năm 1958, khi có dịp tháp tùng một phái đoàn trung ương ra thăm vùng Bến Hải, trên con đường công xa chạy, tôi ngạc nhiên thấy hai bên đường, khi xe qua, dân chúng đứng lại, quay mặt về hướng xe, chấp tay vái, mặc dầu họ không biết trên xe là thằng “cha căng chú kiết” nào.
Các bạn đừng bực mình khi vào tiệm ăn mà người hầu bàn không tử tế với bạn, đôi khi còn tỏ ra bất cần hay lớn lối với khách. Cô bé bán hàng trong tiệm kia cũng vậy. Cứ vào một cơ quan mà xem, cái ông hách xì xằng nhất là ông “bảo vệ”, hạch hỏi, có khi nạt nộ coi mình cũng có một chút quyền lực nào đó, dù là trong phạm vi tí tẹo đó, nhưng nhớ là không ai được coi thường. Họ là những người không mấy thành công trong xã hội, làm những công việc tầm thường, trong cuộc tiếp xúc hằng ngày, họ có thể bị người khác xem thường. Nếu họ vâng vâng, dạ dạ thì hóa ra họ chấp nhận vai trò tầm thường của mình và xác nhận là họ thấp kém hơn bạn. Đó là phản ứng tự nhiên của người tự ty phải hùng hổ lên mặt để che lấp những điều thiếu sót của mình. “Không ai cho mình là không quan trọng!”, cứ thổi họ lên, bạn sẽ là người biết đắc nhân tâm.
Phần lớn những điều tự tôn chúng ta thường gặp ngoài đời là do sự tự ty mà có, giống như người sợ ma đi trong bóng đêm, cố hét to lên hay hát hò cho đỡ sợ. Cũng có người muốn lấp cái hố khuyết điểm của mình bằng những chức tước, hội hè, địa vị như ngày xưa người ta vác tiền đi mua phẩm trật để lòe với xóm làng.
Có những chuyện tự ti làm khổ cho người khác, nhưng cũng có những mặc cảm làm cho người ta tiến bộ. Lưu Bình vì mặc cảm thua thiệt, thấp kém mà cố gắng vươn lên cho bằng người, nhất là để trả thù Dương Lễ, nhưng mặc cảm cũng là căn bịnh dày vò làm khổ cho bao nhiêu con người. Mấy ai thắng mà không kiêu, bại mà không nản, người đó hẳn là Thánh.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 23 Aug 2018

KHÍCH TƯỚNG


Giải túc cầu thế giới 2006 đã kết thúc, nhưng chuyện luận bàn vẫn còn dai dẳng. Cú húc đầu của Zidane vào tiền vệ Ý Marco Materazzi trong trận cầu chung kết đã làm cho nước Pháp xấu hổ, giới yêu chuộng thể thao hết sức bất bình và cũng có thể là lý do đưa nước Pháp thua trận. Zidane, thần tượng của giới đá bóng đã dùng bạo lực trên sân cỏ, không khác gì Mike Tyson đã cắn lỗ tai đối thủ Evander Holyfield trong một trận so tài. Cái mà người ta gọi là “tinh thần thể thao” không còn được tôn trọng. Cả thế giới lên án Zidane vì hành động thô bạo này, và dù có dùng tới cả nghìn lý do “tại, bởi, vì”… thì chuyện trả đũa đối thủ trước hơn một tỉ người theo dõi trận đấu cũng được đánh giá là tồi.
Theo tin tức của giới truyền thông thì phản ứng tức giận của Zidane là do trước đó Marco Materazzi đã buông những lời khích bác, thóa mạ Zidane. Nhưng những điều này cũng không thể nào biện hộ được cho hành động trả đũa này. Bình tĩnh lúc nào cũng nắm được ưu thế dù là trên sân cỏ, cả trong lúc đấu lực hay đấu trí. Người ta đã nói đến sự bình tĩnh như sau: “Muốn đâm trúng tim kẻ thù, hãy uống một ly nước lạnh trước khi ra tay”. Trong bàn hội nghị hay trong việc thương thảo khó khăn, bình tĩnh để đối phó bao giờ cũng nắm được ưu thế. Tức giận là hỏng việc. Do vậy, chọc giận đối thủ, làm đối thủ mất bình tĩnh là một chiến thuật rất hữu hiệu. Vào năm 1961, tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, thủ tướng Liên Xô Nikita Krutchev đã cởi giày đập thình thịch vào bục diễn đàn và la lối: “Cộng sản sẽ thắng…” cũng đâu có làm ai sợ. Nhưng cử chỉ thô bạo của tay trùm Cộng Sản này trước con mắt của cả thế giới trông chẳng đẹp mắt chút nào.
Tôi nghĩ trước khi ra trận giao tranh với đối thủ, hai bên đều phải điều nghiên đối thủ, thế lực, đấu pháp và cả tính tình, gia thế của bên kia. Nhất là trong một trận bóng như giải túc cầu thế giới, các huấn luyện viên đã cho cầu thủ nhà nghiên cứu từng trận đấu một mà phe đối thủ đã tham gia, nghiên cứu sở trường, sở đoản của từng cầu thủ địch. Từ đó sửa soạn một đấu pháp phù hợp với đối thủ (nếu không nói là kẻ thù), phân công việc kìm kẹp theo dõi từng người phía bên kia. Thậm chí họ đã chuẩn bị cho trường hợp đá luân lưu, biết thủ môn địch thuận phía nào, dễ sơ hở phía nào. Ở đây, trên cầu trường không khác gì trên trận địa của một cuộc chiến tranh: “biết địch, trăm trận trăm thắng!”
Chúng ta không loại trừ, những câu châm chọc, khích bác Zidane, niềm hy vọng của đội Pháp đã được sửa soạn trước, ra chiêu đúng lúc, để loại trừ “tay súng thiện xạ” này ra khỏi mặt trận sắp tới hồi kết thúc. Những đoạn phim quây từ nhiều góc cạnh của trận bóng lịch sử này đã cho chúng ta thấy sau khi nắm áo Zidane, Materazzi và Zidane đã lời qua tiếng lại nhưng không có vẻ gì là căng thẳng. Sau khi Zidane đã đi vượt lên trước, Materrazzi vẫn còn đang nói lải nhải gì đó đằng sau, thình lình Zidane quay lại, húc mạnh đầu vào ngực cầu thủ này khiến Materazzi ngã ngửa người xuống sân cỏ. Trường hợp này, tức giận đúng là một cơn điên ngắn.
Theo binh pháp Tôn Tử: “Nếu tướng của đối phương tính tình nóng nảy, thì cố ý khiêu khích cho hắn tức giận, để tình cảm bị rối loạn, mất lý trí tất nhiên sẽ hành động mất sáng suốt”. Chẳng vậy mà trong truyện Tầu xưa, khi hai tướng giục ngựa ra trận, trước tiên là trỏ ngọn gươm hay giáo chưởi nhau một hồi, hết lời nhục mạ đối phương. Gặp tướng trẻ thì gọi “chưa sạch máu đầu”, đụng tướng già thì khích “gần đất xa trời”, có khi gọi cả dòng họ ra mà chửi, cốt ý làm cho đối thủ tức giận mất bình tĩnh. Khi đã tức giận, mất bình tĩnh, thì đường gươm thiếu chính xác, tinh thần giao động, không làm chủ được mình, đó là lẽ thường tình “giận mất khôn”.
Trong Tam Quốc Chí, vào năm công nguyên 234, Gia Cát Lượng xua quân ra núi Kỳ Sơn lần chót với tâm trạng nôn nóng muốn đánh nhanh, đánh mạnh để thôn tính đối phương, nhưng bất luận khiêu chiến thế nào, Tư Mã Ý vẫn án binh bất động. Gia Cát Lượng dụng mưu “khích tướng”, lấy y phục và đồ trang sức phụ nữ gởi tặng Tư Mã Ý cốt chê cười Tư Mã Ý không xứng đáng là bậc trượng phu, khích cho đối phương tức giận mà xuất chiến. Kế này quả lợi hại, Tư Mã Ý rất giận vì Gia Cát Lượng coi thường mình hèn nhát, định xua quân đánh nhau, nhưng sau đó đã lấy lại bình tĩnh, tươi cười tiếp sứ, chỉ hỏi thăm về sức khỏe của Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng không thể xua quân tác chiến như kế hoạch, mà cũng không muốn rút lui. Quân binh Thục lâu ngày không giao chiến, kỷ luật lỏng lẻo, tinh thần suy sụp. Gia Cát Lượng không “khích tướng” được Tư Mã Ý, lòng đã buồn rầu, lại một tay lo toan bao nhiêu công việc, sức khỏe hao mòn, sau đó bị bệnh mà qua đời.
Người xưa vẫn luận: “Giữ được thái độ bình tĩnh trước những việc xẩy ra bất ngờ, không tức giận trước những lời nói khích, kẻ đó mới thực anh hùng.”
Nếu bình tĩnh, nén giận, không bị khích tướng được như Tư Mã Ý trong trận Kỳ Sơn, Pháp có được “anh hùng” Zidane trong hồi kết cuộc, chắc gì Ý đã thắng được hai quả luân lưu để chiếm chức vô địch túc cầu thế giới 2006.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 23 Aug 2018

PHẢI BIẾT HỔ THẸN


Nhà văn Trần Tự Triển bên Tàu có kể một câu chuyện về sự hổ thẹn như sau: “Lâu Sư Đức làm Tể Tướng, cất nhắc cho em, một tên bất tài đi làm Đô Đốc vùng Đại Châu. Trước khi ra đi nhậm chức, tên Lâu Tể Tướng mới hỏi em: “Ta là người bất tài làm đến Tể tướng, lại cất nhắc mi đi làm Đô Đốc một châu. Nếu có ai đem lòng khinh ghét mà chưởi bới tới dòng họ ta, thì mi nghĩ sao”.
Người em thưa: “Xin anh đừng quá lo lắng, nếu có ai nhổ vào mặt em, em cũng chỉ im lặng lau đi là xong. Và như thế chắc không phiền gì tới anh đâu, xin anh an tâm.”
Lâu Sư Đức nói: “Ôi! Chính vì thế mà ta mới lo. Giá mi bị ai nhổ vào mặt, cứ vui cười, để vậy cho khô đi có hơn không. Vì lau khô đi càng thêm làm người ta tức giận.” Người em khâm phục vì nghệ thuật hứng nước bọt, bất cố liêm sỉ của ông anh Lâu Sư Đức, bèn cúi đầu lĩnh hội lời dạy bảo, từ biệt ra đi.
Bên Tàu cũng có thêm một chuyện bất cố liêm sỉ khác như sau: Phùng Đạo, đời Ngũ Châu đã vác cái mặt mo đi quỳ gối tại bốn nước, làm quan mười triều vua, về sau làm tới chức Tể tướng. Y vênh váo tự phong cho mình danh hiệu “Trường Lạc Lão” (Lão Vui Lâu). Người đời có kẻ khinh bỉ, viết hai chữ “Phùng Đạo” vào cái mo cau, đeo vào mặt một con lừa và thả đi ngoài phố. Phùng biết người ta ám chỉ mình, nhưng tảng lờ đi. Có kẻ thân cận đem chuyện ấy trình lên, y bình thản mà nói rằng: “Ở kinh đô này, thiếu gì có người trùng tên, chắc gì Phùng Đạo ấy là tên tôi. Cũng có thể, ai bắt được con lừa đi lạc rồi mang đi tìm chủ để trả lại cũng nên?”
Nghệ thuật “bất cố liêm sỉ” này của hai vị Tể Tướng bên Tàu này đúng là mặt dạn mày dày, thuộc loại có một không hai, tuy vậy đời này không phải là không có những loại người như thế.
Ngày xưa ông cha chúng ta thường răn dạy, ra đời đừng làm việc gì xấu xa để mang tiếng tới cha mẹ, hay để người ta nói động đến ông bà, tổ tiên và dòng họ. Cho nên, cái thẻ căn cước cá nhân thời Tây cũng như dưới chế độ VNCH, đều có ghi rõ tên cha tên mẹ nghĩ cũng hay. Nói tới ông Nguyễn Văn Ổi thì người ta biết tới con ông Nguyễn Văn Xoài và bà Phan Thị Mít. Làm tốt thì để tiếng thom cho cha mẹ, làm điều xấu thì cha mẹ bị lôi ra mà chửi bới. Mất một con gà, hàng xóm cũng đem ông nội, ông ngoại, cao tằng cố tổ, năm bảy đời trước thằng ăn trộm gà ra mà chửi từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Chưa đã, người mất gà còn muốn đào mồ cuốc mả cha ông thằng ăn trộm gà lên. Như vậy, nếu làm bậy thì mồ mả, tên tuổi cha ông cũng không yên. Người ta khi gặp một thằng làm bậy, nếu không rủa tới cha mẹ thì cũng chửi là “đồ không cha không mẹ”.
Người ta có kể tới một giai thoại về việc chọn cấp chỉ huy hành chánh hay quân sự của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Khi lý lịch một ứng cử viên được trình lên, ông thường hỏi: “thằng ni con nhà ai, cha mẹ ra răng”? Có lẽ ông nghĩ rằng con nhà tử tế thì không dám làm bậy, sợ nhục đến cha ông.
Thời nay, thiên hạ làm bậy, không hề nghĩ đến chuyện người ta chưởi đến cha, đến mẹ. Mà cha mẹ thời nay thấy con vênh vang xe ngựa, vác tiền về nhà là quý rồi, còn đồng tiền đó là tiền ăn cắp, ăn trộm, đồng tiền bán thân cũng không sao. Phải có những bậc cha mẹ biết xấu hổ vì con, những người vợ biết thẹn mặt vì chồng, những đứa con ra đường biết ngượng ngùng vì bố thì may ra cái xã hội ấy mới khá lên được.
Phải chăng vì không biết ngượng ngùng, mắc cỡ, hổ thẹn nên khi vì tiền, ca sĩ, người mẫu, tài tử đóng phim cũng đi làm gái mua vui cho thiên hạ. Vụ án PMU 18 ở Hà Nội không phải là một vụ án duy nhất được phanh phui trong một chế độ chuyên bưng bít. PMU 18 bắt đầu từ năm 1999 có nhiệm vụ quản lý việc xây dựng, nâng cấp các công trình trên quốc lộ 18 (từ Hải Dương đi Hòn Gay-Vịnh Hạ Long). Trong chế độ này có khẩu hiệu: “không làm không có ăn, có làm mới có ăn!” Ăn sắt, ăn xi măng, ăn cát, ăn sạn… nên cầu chưa khánh thành đã sụt lở, đường chưa làm xong đã bể nát. Sự can đảm của những con người dám thay xi măng cốt sắt bằng xi măng dỏm cốt tre đủ nói lên cái “ưu việt lưu manh” của thời đại mới.
Đồng tiền kiếm ra từ những công trình xây dựng này quá dễ dàng, nên chúng mới dám bỏ một hai triệu đô la để cá độ, năm bảy trăm nghìn để đút lót, nhà đẹp, xe lộng lẫy, ăn chơi cờ bạc, bày trò dâm đãng như chính báo chí trong chế độ ấy đã tố cáo ra. Trong mỗi con người đều có thú tính, chẳng qua đè nén được thú tính thì thành người, để thú tính phát triển thì thành thú vật, đừng nói gì tới liêm sỉ hay danh dự của cha ông. Khi văn phòng chính phủ Cộng Sản Hà Nội đã khẳng định không có luật lệ, thông tư nào cấm nhận phong bì hối lộ thì cả cơ chế ấy, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản đã mặc nhiên công nhận tất cả những điều xấu xa, tội lỗi trên đều là chuyện thường, không có gì đáng nói.
Chỉ một vụ này thôi, Mai Chí Thọ một viên chức cao cấp của Hà Nội đã cho rằng, đây là một mối “sỉ nhục quốc gia”. Còn như tệ nạn tham nhũng, việc mua bán phụ nữ và trẻ em vị thành niên, cán bộ, đảng viên sống xa hoa, trác táng trên sự đói khổ của đa số quần chúng đã phát sinh từ một chế độ tồi tệ, không biết lẽ phải, không có lương tâm, không biết hổ thẹn. Cán bộ cấp lớn, cấp nhỏ trong chế độ này dựa vào thế lực của đảng cầm quyền thi đua làm những điều tệ hại, hiếp đáp dân lành, cướp đất của dân như những kẻ cướp ngày giữa chợ, để dân chúng oan ức, tự thiêu, thống khổ cao lên tận trời xanh. Trước những điều tệ hại này, nhà cầm quyền vẫn dửng dưng, quay mặt. Họ là những con người, nhưng là con người mất nhân tính.
Còn như nói chuyện hổ thẹn, tôi nghĩ những cái mặt mo này cũng không thua gì mặt mo của Tể Tướng Phùng Đạo ở câu chuyện trên. Nghệ thuật chịu đấm ăn xôi, bất cố liêm sỉ của cả bọn băng đảng thời nay, theo đúng “chủ thuyết” của Lâu Sư Đức: “bị ai nhổ vào mặt, cứ vui cười, để vậy cho khô đi. Vì lau khô đi càng thêm làm người ta tức giận”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 23 Aug 2018

ĐỨC KHIÊM CUNG


Năm 1925, Hàn Lâm Viện Thụy Điển quyết định trao giải thưởng Nobel về văn chương cho nhà soạn kịch đại tài Georgre Bemard Shaw. Nhưng ông Shaw đã từ chối giải thưởng cao quý này: “Nó dành cho người trẻ, họ sẽ sung sướng. Tôi đã vượt qua mọi sự ca tụng này, đối với tôi, nó là trò trẻ con”. Việc từ chối này đã gây mất mặt cho Hàn Lâm Viện và Đức Vua Thụy Điển. Thế là bao nhiêu vị lãnh tụ, Vua Chúa và cả những người bình thường trên thế giới đều viết thư năn nỉ ông, xin ông nhận giải cho, nếu không là cả một sự sỉ nhục cho giải Nobel.
Ông gây náo động cho cả thế giới năm bảy ngày rồi mới chịu nhận giải Nobel Văn Chương, với lý do là bao nhiêu Vua Chúa, Nữ Hoàng trên thế giới đều viết thư khẩn cầu ông nhận giải, nể lòng họ, ông mới phải nhận. Ông nói với thiên hạ rằng, không lẽ tin G. B Shaw được trao giải Nobel chỉ được đăng một cột nhỏ trên những tờ báo. Ông cũng tuyên bố sẽ trao hết số tiền lãnh giải cho Hội Fabian, và về sau người ta khám phá ra Fabian là một hội mà GB Shaw vừa là chủ tịch, vừa là hội viên duy nhất. Đó là “đức khiêm cung” của một thiên tài!
Những người bình thường hơn không cần phải làm như vậy.
Tôi mới gặp một ông bạn già ngoài Phước Lộc Thọ. Câu hỏi đầu tiên tôi hỏi ông là: “Ông mới ở Việt Nam về phải không?”. Ông hỏi lại tôi: “Tôi mới về Việt Nam làm việc thiện, nhưng sao ông biết?” Tôi biết bạn tôi hỏi lại cho có lệ thôi. Mỗi lần bạn tôi về Việt Nam trở lại, ít nhất là có ba tờ báo ở Little Saigon đăng bài về chuyến đi của ông từng chi tiết, ông đi đâu, làm gì, giúp những ai. Bài kèm theo hình ảnh của ông bà chụp ở đâu đó, tươi cười rạng rỡ đứng bên nhau. Tôi cũng biết ông đã dụng công nhiều để bài ca tụng ông bà được đăng, vì nếu thật sự, báo chí ở đây đăng hết những hoạt động cứu trợ quý ông bà về quê, giúp đỡ người này, cứu trợ người kia thì một nghìn trang báo cũng không đủ chỗ. Hầu hết nhân chuyến du lịch thăm quê, họ đã giúp nhiều đồng bào, đi làm nhiều việc thiện, nhưng không ai muốn tên tuổi mình được đưa lên báo. Trước hết vì lòng tự trọng, sau là việc thiện không phải là điều cần khoe khoang, tỏ bày cho người khác biết. Chúa đã dạy “tay phải cho, tay trái không biết”. Phật thì nói “thi ân không cần báo đáp”. Tuy vậy nếu ông bạn già trên không đi cậy cục để kiếm một chỗ quảng cáo trên báo thì ai biết tới “công đức” của ông bà.
Nhiều ông bà không lấy gì làm quen biết cho lắm, chỉ sau vài câu xã giao là chúng ta đã có thể biết toàn bộ “lý lịch trích ngang” với bằng cấp, gia sản của gia đình họ, gồm có ông bà và năm bảy người con, ai đổ bác sĩ, ai dược sĩ và ai hiện nay làm lương đến hai trăm nghìn một năm. Nhiều buổi tiệc cưới MC phải mất mấy phút đồng hồ mới giới thiệu hết chức tước của bà con họ hàng. Năm nào mùa tốt nghiệp, cũng có nhiều lời chúc tụng quý vị khoa bảng ra trường đăng trên các trang báo, nhưng nếu là cha đăng báo chúc mừng con thì quả thật lố bịch. Chuyện này là chuyện vui thân mật trong nhà, thương quý chỉ nói cho nhau vừa đủ nghe, cha có mừng cho con thì cũng nên để trong lòng, có đâu lại bỏ ra trăm bạc để đăng báo chúc tụng con. Có lẽ ông bố nghĩ rằng, không đăng báo, thì ai biết cho, là mình vừa có con đỗ bác sĩ.
Người ta có cái gì khoe cái đó. Một người bạn kể chuyện hồi mới sang Mỹ, gặp một ông bạn cũ sang Mỹ đã lâu, sau khi tay bắt mặt mừng, ông kia cứ nằng nặc đòi chở hai vợ chồng anh bạn tôi về thăm nhà ông cho biết, vì nhà cũng gần đây thôi. Sau khi đi vòng vo khoảng nửa giờ, chiếc xe chạy vào sân của một ngôi nhà lộng lẫy hai tầng. Bạn tôi được chủ nhân mở cửa xe, mời xuống, mở cửa phòng khách, đi xem nhà bếp, lên lầu mở cửa từng phòng một, từ master bedroom đến cả phòng con trai con gái. Nơi nào chủ nhà cũng mở rộng cửa, miệng luôn thuyết trình về tiện nghi của phòng ốc, tận tình hơn cả một tay bán nhà chuyên nghiệp. Vợ chồng bạn tôi thấy ngượng, tới đâu cũng chỉ ló cái đầu vào một tí cho phải phép. Xong nhà đến vườn. Đây là hồ cá Koi. Đây là hòn non bộ. Đây là giống lan quý. Xong vườn trở lại nhà. Đây là lúc đi vào chi tiết. Vợ chồng bạn tôi được cho xem từ cái tượng Phật bằng ngọc bích mua ở Thái Lan tới năm nghìn đô la cho đến cái đĩa cổ đời Càn Long bên Tàu do một người chơi đồ cổ nổi tiếng nhường lại. Chuyện này có thật, vì chủ nhà có nhắc đến tên người bán, một cái tên đương nhiên là xa lạ với hai người khách quý mới được mời đi thăm nhà.
Sau một chầu trà lá, là đến giờ chiếu phim. Chủ nhà đứng dậy bỏ cuốn phim vào máy và cho biết đây là cuốn phim đám cưới của thứ nữ tháng trước, không quên phụ đề về những nhân vật xuất hiện trên màn ảnh. Đây là một màn tra tấn khá quen thuộc.
Khi hiện tại không có gì đáng nói, người ta khoe dĩ vãng. Sau một cái bắt tay, thăm hỏi xã giao, người ta đã biết ông nguyên là một sĩ quan cao cấp thời trước, đã từng giao du với ông tướng này, đánh tennis với ông bộ trưởng kia. Chính vì lối khoe khoang, nói năng này mà bà vợ ông Tư lệnh Sư Đoàn, vợ ông Trung Đoàn Trưởng kia mỗi lần vào tiệm uốn tóc, hay tiệm vàng đã vanh vách kể chuyện cơ mật, kể cả ngày giờ hành quân, mà ông chỉ huy đơn vị khi hứng chí trong phòng the đã vui miệng kể cho vợ nghe.
Hầu như tất cả các cuốn hồi ký, sự thật về lịch sử thì ít mà nói tới cái tôi của tác giả thì khá nhiều, đương nhiên cái tôi ở đây khá tròn trịa, trung nghĩa, anh dũng. Trong sách cái nhân vật mang tên “Tôi” không hề có một chút gì khuyết điểm, và cũng không có đoạn nào phải xin lỗi quốc dân về những điều mình đã làm bẩn cho những trang lịch sử. Người xưa không những chê cái khoe khoang hèn mọn, dương dương tự đắc của tên đánh xe của Án Tử, mà cũng không dung cái nông nổi của Dương Tu về sự khoe tài, khoe trí của mình để đến phải chết dưới tay Tào Tháo.
Có người có rất nhiều thứ: tiền của, thông minh, bằng cấp, con cái, danh vọng… nhưng chỉ thiếu một điều, đó là đức khiêm cung.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 24 Aug 2018

ĐỒNG TIỀN


Tôi có người bạn tù sang đây, mỗi lúc lái xe đi Las Vegas, anh thường gởi xe vào valet parking, lúc lấy xe có mấy đồng bạc mà được anh chàng da trắng mở cửa xe mời lên ngồi, cẩn thận đóng cửa xe, không quên gởi theo một lời chúc. Lúc về lại thăm nhà ở Việt Nam, xuống ga Hàng cỏ, Hà Nội, đã có sẵn một chiếc SUV do một trung úy công an mặc thường phục lái ra đón. Người nhà của anh đã hợp đồng với Bộ Nội Vụ thuê sẵn cho gia đình anh một chiếc xe (cơ quan nào cũng dành ra một vài cái xe và người lái, để “cải thiện đời sống cho nhân viên”). Dưới “mác” Việt Kiều, tiền típ hậu hĩ, trong những ngày ở Hà Nội, người trung úy lái xe này rất lễ phép với người thuê xe, ở khách sạn ra anh được mở cửa xe, và mỗi lần qua trạm kiểm soát, thấy bảng số xe, công an gác trạm đều đưa tay chào. Nhớ lại những ngày đi tù lao khổ, đẵn tre, chém nứa trong rừng Việt Bắc, bị những cán binh công an áo vàng mặt búng ra sữa chì chiết, người bạn của tôi mới thấm thía hai chữ “đồng tiền”.
Việt Nam có câu tục ngữ “có tiền mua tiên cũng được”, bởi vì khi nghèo đói không có tiền, không làm ra tiền, người ta thấy thèm đồng tiền, ước mơ tới đồng tiền. Phải chi có tiền mình sẽ có tất cả. Câu nói “đồng tiền không mang lại hạnh phúc” dễ chừng là câu nói của những anh chàng đã quá nhiều tiền, nhưng còn thiếu vắng, bất mãn một vài điều. Câu nói này nghe không lọt lỗ tai con nhà nghèo, đổ mồ hôi, xót con mắt mà mỗi ngày không kiếm nổi đủ tiền để buổi chiều có mấy lon gạo thổi cơm cho bầy con nheo nhóc, chứ chưa nói gì tới áo quần, cái chăn đắp, đôi dép xỏ chân, mái nhà đụt mưa che nắng, chui ra chui vào.
Con cháu chúng ta suốt ngày bên cạnh đống rác, moi móc cho lắm, quy ra tiền chưa mua nổi cái trứng vịt (đơn vị căn bản để tính toán của con nhà nghèo) thì chúng có cần tiền không? Nhà nghèo, đưa con vào nhà thương cứu cấp, bán xới cả gia tài, không đủ mua nổi bịch máu cho con, họ có cần tiền hay không? Đọc Hồ Biểu Chánh mô tả đời sống nông dân dưới thời nô lệ, Pháp thuộc thấy cái khổ đã rùng mình, đọc Trần Ngọc Tư nói về nông dân thời độc lập, tự do đi tiến lên “xã hội chủ nghĩa” như “đến mùa giáp hạt, tôi nghe tiếng cạo cháy của con, tiếng muỗng dừa vét gạo dưới đáy thạp mà rát bỏng trong lòng!”, thì đồng tiền không phải là không có giá trị.
Trong xã hội này ở trước cửa bệnh viện, mờ đất, đã có người tranh giành nhau chỗ ngồi xếp hàng để bán máu, có mẹ dắt con đi bán trinh cũng chỉ để kiếm đồng tiền. Nhiều khi người ta gây ra tội ác chỉ vì vài ba đồng bạc, số tiền chỉ đủ cho một bữa cơm.
Trong một xã hội tử tế, thì người ta trọng nghĩa khinh tài. Trong xã hội không tử tế thời này thì “trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường” để ca tụng và cũng là để mai mỉa thế lực của đồng tiền: “Đồng tiền là Tiên, là Phật…”
Ở trong xã hội đương thời này, có thể nói đồng tiền mua được tất cả, từ chức tước, địa vị, nhà lầu, xe hơi, tiện nghi, bằng cấp… Vì “đồng bạc đâm toạc tờ giấy” nên việc gì cũng có thể đổi trắng thay đen. Cũng vì đồng tiền, con người trở thành đảo điên, tráo trở, bất cố liêm sỉ, làm bất cứ điều gì miễn là có được đồng tiền trong tay, từ mua trinh, mua vợ, mua bằng cấp, mua chức vụ… Trong xã hội này, người ta ca tụng những kẻ có tiền (đưa đến có thế lực), còn như kẻ không tiền, dù sống có nhân cách cũng bị xem thường.
Người xưa cũng đã xác nhận:
“Vai mang túi bạc kè kè
Nói quây nói quá, người nghe ầm ầm!”

tương đương như câu thơ sau đây của Trần Tế Xương:
“Ví khiến trong tay tiền bạc có,
Nói dơi nói chuột chán người nghe.”

Người ta có thể dẫn chứng mãnh lực của đồng tiền xưa cũng như nay bằng hằng trăm câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong ca dao bình dân và cả trong câu nói của những triết gia bi quan.
Chu Mãi Thần cũng bị cảnh nghèo mà vợ bỏ, sau ra làm quan, vợ lại tìm đến, Chu giận đời đen bạc, hắt bát nước đang uống xuống đất bảo vợ hốt lên được thì đoàn tụ. Tô Tần, sau khi chu du thiên hạ để biện thuyết, thất bại đói rách trở về nhà, vợ đang ngồi dệt cửi, ngoảnh mặt làm lơ, chị dâu cũng từ chối một bát cơm khất thực. Sau khi Tô Tần được sáu nước phong tướng, về đất Lạc Dương, vợ và chị dâu phục đầu sát đất ở ven đường. Khi có tiền, bạn sẽ nhìn người chung quanh đối xử với bạn như thế nào so với những ngày bạn nghèo sát ván. Nhiều người lại cho rằng “đồng tiền không mang lại hạnh phúc”, vì thực sự chúng không mang lại cho chúng ta sự sung sướng về tinh thần, nhưng đối với vật chất, không có tiền quả là một đại nạn. Nhưng nếu xử dụng tiền không đúng chỗ thì có tiền cũng không hẳn là có hạnh phúc.
Chuyện của nhà văn Tolstoi kể: “Một anh chàng thợ may, suốt ba mươi năm tuần nào cũng có thói quen mua vé số. Cuối cùng anh cũng trúng được một vé số độc đắc. Vui mừng tột độ, anh đóng cửa tiệm may, vứt cái chìa khóa tiệm xuống giếng nước và bắt đầu sống một cuộc đời xa hoa, ở những căn nhà lộng lẫy nhất, đi những chiếc xe đắt tiền nhất, bao những cô gái tuyệt trần nhất, ăn những bữa ăn xa hoa nhất, mặc những bộ áo quần bảnh bao nhất. Sau một thời gian ngắn, số tiền lớn kia đã hết nhẵn. Từ một con người khỏe mạnh trước kia, chỉ sau một năm, người thợ may trở thành già nua ốm yếu vì rượu, gái và sống một cuộc đời trác táng, không chút điều độ. Một ngày nọ, anh lại phải mò về cái giếng cũ để tìm lại cái chìa khóa anh đã vứt xuống”.
Trong lịch sử những người trúng loto trở thành triệu phú, không ít người trở lại trắng tay.
Tôi đã đọc ở đâu đây những câu rất bình thường nói về đồng tiền:
“Đồng tiền mua được nhà, nhưng không mua được một mái gia đình
“Đồng tiền mua được cái đồng hồ, nhưng không mua được thời gian”.
“Đồng tiền mua được cái giường, nhưng không mua được giấc ngủ
“Đồng tiền mua được những cuốn sách, nhưng không chắc mua được sự hiểu biết”.
“Đồng tiền mua được địa vị, nhưng không mua được lòng kính trọng của những người chung quanh.
“Đồng tiền có thể cho ta gặp bác sĩ, nhưng không mua được sức khỏe”.
“Đồng tiền có thể sửa sắc đẹp nhưng không mua được nhan sắc”.
“Đồng tiền có thể lên vũ trụ, nhưng không lên được thiên đàng” (nếu có).
“Đồng tiền có thể mua máu, nhưng không mua được đời sống.
“Đồng tiền có thể mua sex hay mua vợ, nhưng không mua được tình yêu”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 24 Aug 2018

Image

Đói


Xin hãy xem kỹ bức ảnh sau đây, bức ảnh chụp một em bé gái ở Sudan, đói trơ xương đang kiệt sức gần một trại thực phẩm của Liên Hiệp Quốc, sau lưng em bé là một con “kên kên” (vulture) đang đứng chờ lúc em bé khốn khổ này ngã xuống chết là vồ lấy mà rỉa lấy thịt. Bức ảnh làm rúng động thế giới loài người. Tác giả bức ảnh là Kevin Carter (1961-1994) một nhiếp ảnh gia Nam Phi không mấy tăm tiếng, đã đi thăm Sudan vào năm 1993. Không ai biết số phận em bé trong bức ảnh ra sao, vì Kevin Carter đã rời nơi ấy sau khi chụp bức ảnh này. Bức ảnh này đã được đăng lần đầu trên tờ New York Times và đã được giải nhiếp ảnh đặc biệt “Pulitzer Prize” năm 1994.
Xin hãy đọc những dòng chữ gần như được coi là “tuyệt mệnh” sau đây của nhà nhiếp ảnh Kevin Carter:
“Lạy Thượng Đế, con xin hứa sẽ không bao giờ phí phạm thức ăn dù dở đến mấy đi nữa hay dù đã quá no. Xin Thượng Đế che chở đứa bé này, hướng dẫn và đưa nó ra khỏi cảnh khốn cùng. Cầu xin chúng ta sẽ ý thức nhiều hơn đến thế giới chung quanh và không bị mù quáng vì bản chất và quyền lợi ích kỷ của chúng ta.
Hy vọng bức ảnh này sẽ nhắc nhở chúng ta là chúng ta đã được may mắn như thế nào và đừng bao giờ cho rằng mọi sự tự nhiên mà có.
Xin tiếp tục chuyển bức ảnh này đến bạn bè của chúng ta, và xin hãy cầu nguyện cho những nỗi khổ đau bất cứ nơi nào và lúc nào trên quả địa cầu này. Hãy suy nghĩ và nhìn vào bức hình này… mỗi khi chúng ta phàn nàn về những thực phẩm mà chúng ta đã phung phí hằng ngày”.

Hai tháng sau, nhà nhiếp ảnh Kevin Carter đã tự sát vì không chịu nỗi sự khủng hoảng tâm lý đã dày vò ông ta.
Vậy mà ở đây, trung bình ít nhất mỗi tuần người ta phải dọn sạch tủ lạnh, vứt bỏ những thức ăn thừa còn để lại từ tuần trước. Nào là món cơm chiên thập cẩm, đĩa tôm rang mặn “to go” về từ một bữa cơm gia đình nào đó, món canh chua cá bông lau còn dư lại hai hôm trước, đĩa mì xào hay bát cơm đã khô quắt, cái bánh kem sinh nhật hãy còn cả tuần nay, bình sữa đã quá hạn dùng và nhiều thức ăn “bị bỏ quên”. Nếu chiếc tủ lạnh chưa đầy ắp thì có lẽ chúng còn nằm đó lâu thêm một thời gian nữa.
Trong túi chúng ta có ít bạc lẻ, trong nhà băng vẫn còn tiền, quán xá chợ búa không xa, kỳ lương cũng sắp đến, kẹt lắm cũng còn nơi nhờ vả, vay mượn. Bao gạo gia đình cũng còn một nửa, thùng mì gói chưa hết, gói lạp xưởng sắp mốc, trong tủ trà còn bánh kẹo. Điều may mắn hơn hết là chúng ta đang ở Mỹ, không phải ở Bắc Hàn, Sudan, cũng không phải ở các làng quê xa các đô thị “phồn vinh” của Việt Nam phải ăn xương rồng hay nòng nọc thay bữa, vậy thì làm sao chúng ta có thể bị đói và nghĩ đến cái đói được.
Trên đời này có người chưa bao giờ phải chịu đói một ngày nào nên chưa biết cái đói nó như thế nào, cảm giác của người bị đói ra sao, nhưng là một người Việt Nam bình thường trong một đất nước chiến tranh, loạn lạc, mất mùa, tù đày, vượt biển… như Việt Nam thì ít ra một lần cũng biết thế nào gọi là đói. Ở Bắc Việt, năm Ất Dậu (1945) hơn hai triệu đồng bào của chúng ta chết đói, xác nằm vương vãi trên hè phố, đường làng đã là một trang sử bi đát, thê thảm của dân tộc, nhưng nếu chúng ta biết được những con số chết đói kinh hoàng sau đây thì chúng ta sẽ thấy đất nước và dân tộc chúng ta cũng còn chút may mắn.
Trên thế giới đã có 57 triệu người chết đói, trong đó có 10,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Chỉ trong một năm mất mùa 2003 ở Nigeria, Châu Phi, quốc gia này đã giết mất 150.000 trẻ em. Chúng ta không bao giờ dám nghĩ rằng trong một phút, trên thế giới có 23 đứa trẻ chết vì đói, và tối nay, trên thế giới có hàng trăm triệu trẻ em lên giường hay nằm vật vạ ở một xó xỉnh nào đó mà không có gì để bỏ vào trong miệng, nằm mơ có một miếng bánh mì, một củ khoai, nhưng giấc mộng không bao giờ trở thành sự thật!
Nhân vật trong câu chuyện “Đói” của nhà văn Thạch Lam chỉ đói có một ngày thôi, mà cái đói đã xé ruột gan, làm tay chân run rẩy, mắt hoa lên. Ở miền Bắc XHCN người ta đã đói dài dài, mà sau ngày “giải phóng” miền Nam cũng đói theo. Cái đói của người tù trong các “trại cải tạo” miền Bắc sau năm một nghìn chín trăm bảy lăm là cái đói âm ỉ, như cơn sóng ngầm làm hao mòn thể lực. Vậy mà khi về đến nhà, khi sang đến Hoa Kỳ, những người tù “cải tạo” như tôi, khi ăn vẫn không vét sạch chén cơm, sau bữa ăn vẫn thản nhiên vứt thức ăn thừa vào thùng rác mà không chút mảy may động lòng khi nghĩ đến những ngày đói khát.
Ở đất Hoa Kỳ này, tỷ phú thì cũng ăn ngày ba bữa, có bữa cũng chỉ dùng một cái hamburger, nghèo thì cũng hai bữa một ngày, để mua được một cái bánh mì thịt băm cũng không khó. Ở quê nhà của chúng ta, thời buổi đói kém, người Việt chúng ta đói không có cơm ăn, đành phải ăn khoai sắn. Không có tới khoai sắn thì chúng ta ăn rau hay bắt cóc nhái ngoài đồng. Khi chung quanh không còn gì để quơ quào cho vào miệng, quá đói thì phải ăn những gì không ăn được như thân cây xương rồng, lá sắn hay cả con nòng nọc, nhưng bọn cầm quyền lại rượu thịt ê hề, cá độ một trận bóng tròn lên hơn triệu bạc.
Nạn đói phần lớn không do tài nguyên mà do chính sách cai trị. Muốn cho dân khỏi đói thì phải thay đổi chế độ chính trị, phải đập tan bọn cầm quyền vô lại. Sudan, Bắc Hàn hay Việt Nam cũng vậy thôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 25 Aug 2018

TRI ÂN NƯỚC MỸ


Có những buổi chiều, nhập vào dòng xe vội vàng trên xa lộ của nước Mỹ, tôi bỗng thấy lạ lùng cho tôi, thấy tôi ở đây. Tôi nhớ lại những ngày thơ ấu, nhớ Saigon, nhớ những dòng sông quê hương, nhớ thời áo trận, nhớ lúc tù đày, nhớ những ngày bữa đói bữa no, nhớ những đêm lo lắng không biết cuộc đời sẽ đưa đẩy mình đến đâu. Thế mà dòng đời trôi chảy đã đưa tôi đến đất nước này, dù không giàu có sang trọng gì cũng cơm ngày hai bữa, tối ngủ ngon giấc, yên tâm nhìn con cháu được sống bình an.
Chúng ta, người Việt tỵ nạn đã trải qua một cuộc đổi đời đau đớn nhất của đời người mà có lẽ chúng ta không bao giờ quên được. Có quên chăng là vì chúng ta đã làm lại cuộc đời lành lặn, có phần tươi đẹp hơn xưa. Chúng ta đang sống trên đất Mỹ, với bổn phận và quyền lợi như một người Mỹ bản xứ, xem nước Mỹ như là đất nước của mình mà lạ thay chúng ta lại quên nước Mỹ. Nhiều người cho rằng Hoa Kỳ phải có trách nhiệm bao bọc chúng ta vì đã bỏ rơi miền Nam, nhiều người cho rằng người Việt cũng làm việc, cũng đóng thuế đâu có gì mà ơn với nghĩa. Nước Mỹ phồn thịnh nhờ di dân, chúng ta cũng là di dân xây dựng kinh tế cho Mỹ, nước Mỹ cũng mang ơn chúng ta.
Có ai còn nhớ những ngày lôi thôi lếch thếch được vớt lên tàu cứu nạn, những ngày thanh lọc được tin mừng đi Mỹ hay chầu chực ở Sở Ngoại Vụ Saigon để có được một visa cho toàn gia đình. Và cả ngày nào, chúng ta đứng trong đám đông người đủ mọi sắc dân đến từ nhiều lục địa, dưới ngọn cờ của quốc gia này, lặp lại những lời thề mà có khi chúng ta chưa hiểu hết ý nghĩa, nhưng chắc chắn đó là những lời cam kết gắn bó đời sống mình với đất nước này.
Bây giờ mọi sự đã qua đi, đời sống tưởng chừng như một dòng sông chưa hề nổi sóng, những buổi sáng tất bật, những buổi chiều bận rộn và nhiều đêm không có cả thời giờ để ngủ để chạy theo cơm áo, tiền bạc cùng với những gì mà chúng ta mơ ước xây đắp cho cuộc đời của chính chúng ta và cả cho con cháu.
Tôi có những người bạn lính sau khi đi tù về, vợ con nheo nhóc đã còng lưng trên những cuốc xe ôm, kiếm khách trên bên “bắc” Mỹ Thuận, không phải một đôi tháng, mà suốt mười-bốn-năm mưa nắng, cho đến ngày anh và gia đình cầm được tấm giấy xuất cảnh trong tay. Đứa con út của bạn tôi, ngày nay là một kỹ sư ở Mỹ, thời khốn khó ôm bình “cà rem” bán dạo suốt ngày ngoài chợ Đầm Nha Trang, nếu không có nước Mỹ, cuộc đời cháu sẽ ra sao? Cô cháu của tôi, một đứa con lai đen được bà chị họ tôi đem về nuôi tận Quảng Bình, sống những ngày thơ ấu lem luốc, nhục nhằn với những lời chửi rủa, kỳ thị của đám trẻ con cháu “bác Hồ”, ngày nay đang sống một cuộc đời tử tế, tươm tất ở miền đông nước Mỹ.
Chúng ta có khi nào nhìn lại chặng đường đã đi qua, bỗng một hôm nào đó, tự dưng nhìn lại mình và đặt câu hỏi, sao mình lại ở nơi đây, nơi tha phương nghìn dặm, cách trở quê hương muôn trùng, mà chưa bao giờ có ý nghĩ trở lại quê cha đất tổ. Khi nghĩ mình vì sao đã trôi giạt đến đây, và nước Mỹ ngày nào đã giang đôi cánh tay đón nhận chúng ta, không chỉ với ly sữa, bữa cơm mà cả một cuộc đời sống yên ổn, nhân cách được tôn trọng và trước mắt là cả một tương lai cho con cháu chúng ta. Chẳng phải dựng bia tri ân, hay dùng dao khắc lên đá những điều ơn nghĩa như người xưa vẫn thường làm. Nhiều người đã chẳng mỉm cười khinh mạn khi nghe nói chuyện ơn nghĩa hay sao. Những thứ ơn như người nung gạch cho ta có nhà ở, người cày ruộng cho ta có cơm ăn, người trồng bông cho ta có áo mặc hẳn là ơn gián tiếp mơ hồ, phai nhạt. Nhưng câu hỏi, nhờ ai anh có mặt trên đất Mỹ và đàn con đã thành đạt hôm nay, hẳn câu trả lời phải rất đơn giản mà chúng ta rất dễ trả lời.
Nước Mỹ đã có truyền thống cứu vớt và cưu mang những người lỡ bước như câu thơ: “Send these, the homeless, tempest-tost to me…” khắc dưới chân tượng Nữ Thần Tự Do trên bờ biển New York. Nước Mỹ là đất lành nên có bao nhiêu loài chim tránh cơn giông bão về đậu (có gần 65 quốc gia có người tỵ nạn, di dân đến Mỹ). Những người thành lập quốc gia Hoa Kỳ đầu tiên là di dân, họ thông cảm với những người di dân. Nước Mỹ không kỳ thị, đóng cửa, chặt cầu, là đất cơ hội, nên ai đến Mỹ cũng có thể học hành, có cơ hội thăng tiến và vươn lên bằng hay hơn người Mỹ. Chúng ta nhìn lại các nước Đức, Pháp, Anh… để rõ thêm điều này. Các nước Cộng Sản chia đều nghèo đói cho dân chúng, trong khi Hoa kỳ chia đều cơ hội giàu có cho mỗi người dân.
Thanksgiving đã trở thành một truyền thống từ khi tổ phụ người Hoa Kỳ tổ chức ngày ghi ơn đầu tiên năm 1862, sau một mùa gặt để cám ơn Thượng Đế và những người dân da đỏ địa phương. Chúng ta đặt chân lên mảnh đất này đã ba mươi hai năm, đã có bao nhiêu “mùa gặt”, nhưng chưa có một lần hay một ngày tỏ tấm lòng biết ơn nước Mỹ. Cổ nhân đã nói: “Người tầm thường chỉ mong được ơn người, khi chịu ơn rồi thì chẳng nhớ, trái lại người hiểu biết không coi nhẹ sự chịu ơn người, vì chịu ơn rồi rất khó quên”. Tôi xin ca ngợi sáng kiến của ai đó vận động để có một ngày “tri ân nước Mỹ”, dù là chậm, không có nó, còn mặt mũi nào mà nhìn ai nữa, nhất là khi chúng ta còn sống ở đây dài dài, cho đến đời con đời cháu, có thể không có ngày trở lại quê hương, hay có ngày trở lại mà ta vẫn muốn ở lại đây.
Nước Mỹ chưa phải là thiên đường hạ giới, nước Mỹ chưa phải là một xã hội mẫu mực trên trái đất này, nhưng tôi có tình yêu và lòng tri ân nước Mỹ vì quốc gia này đã cứu vớt đời tôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 25 Aug 2018

CHUYỆN MAY RỦI


Mồng một năm nay, bạn sẽ xuất hành vào hướng nào, giờ nào cho gặp Thần Tài, cho gặp hên suốt năm theo lịch của các ông Lốc Cốc Tử. Theo quan niệm của ông bà ta, ngày mồng một làm gì, gặp chuyện gì thì sẽ ảnh hưởng suốt năm, vì vậy người ta có đòi nợ thì hạn chót là chiều ba mươi Tết, và có mắc nợ ai, thì cũng ráng thanh toán cho hết, đừng để người ta tới réo trước cửa mấy ngày đầu năm. Cửa nhà quét dọn sạch sẽ, vợ chồng con cái đừng gây gổ la ó, có ảnh hưởng không tốt cho cả năm. Ngày mồng một đừng nói tục, đừng chửi bới, nói lời dịu dàng, tử tế với nhau để cho cả năm tốt đẹp. Trong gia đình có ai qua đời thì cũng ráng chôn gấp, đừng để đầu năm kèn trống, xui xẻo cho cả gia đình.
Phải chi suốt năm, chúng ta sống, làm việc tốt đẹp như ngày mồng một Tết thì cuộc sống này đỡ buồn, đỡ khổ hơn biết bao.
Ai cũng hy vọng là năm mới sẽ may, hên hơn năm cũ, tiền bạc vào như nước, thăng quan tiến chức, sống lâu trăm tuổi, nói chung là Phước-Lộc-Thọ toàn vẹn. Con người lúc nào cũng vấn vương, lo lắng về những chuyện hên xui, may rủi ở đời nhưng vì bản tính bi quan, đụng xe thì cứ nghĩ mình xui rủi, chứ không nghỉ đụng xe khỏi chết hay khỏi bị vào bệnh viện là may. Mua vé số không trúng là đang còn xui, chứ không nghĩ rằng số người bị tai nạn xe hơi chết hằng tuần trên đất Mỹ lớn hơn nghìn lần những người trúng độc đắc.
Có người cho là ra ngõ gặp gái, gặp mạng nhện, lánh vỡ, cú kêu hay gặp ngày thứ sáu 13 là xui. Người thì cho đưa dâu gặp mưa, lượm được cái móng ngựa trên đường là may. Có người làm chuyện vụng về xẩy ra tai nạn cho là vận xui cho đỡ trách nhiệm, làm giàu đúng cách, đúng thời gặp lời lớn đâu phải là vì may mắn. Người bi quan thì cho rằng “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”, chuyện xui khi đến thì đến dồn dập, chuyện may ít khi trùng lặp. Người có tài, thành công lúc khiêm nhường vẫn cho rằng mình chỉ gặp may mắn mà thôi. Người thất bại trên trường đời lại cho mình gặp xui.
Người Nam gọi là “hên, xui”, người Bắc gọi là “may, rủi”, văn vẻ và lớn lao hơn thì người xưa gọi là “phúc, họa”. May rủi, hên xui, phúc họa khôn lường, nó chồng chéo lên nhau trong một ngày, một năm và một đời người.
“Tái Ông thất mã” là một câu chuyện trong Cổ Học Tinh Hoa mà chúng ta hầu như ai cũng biết. Ông lão ở gần biên giới có một con ngựa tự nhiên một hôm bỏ đi mất. Hàng xóm hỏi thăm, an ủi, ông già nói: “Biết đâu mất ngựa thế mà may cho tôi!”. Mấy tháng về sau, con ngựa của ông lão trở về lại “quyến” thêm một con ngựa hay khác. Người quen ai cũng cho là ông lão gặp may. Ông cười: “Biết đâu họa tới chẳng nên!”. Từ khi có con ngựa hay, đứa con trai ông lão thích cỡi, chẳng may bị té gẫy chân. Thiên hạ hỏi thăm chuyện rủi của ông, ông lão bình tĩnh nói: “Con bị què như thế có thể là may đấy!” Ít lâu sau có giặc xâm chiếm, cả nước có lệnh “tổng động viên”, con ông lão được miễn dịch. Đúng là may!
Chuyện “Tái Ông…” được tái diễn như sau. Gần cuối tháng 4 năm 1975, ông bạn nhà binh được thăng cấp Thiếu Úy, ai cũng mừng, đâu có biết là xui Cộng Sản chiếm miền Nam, ông Thiếu Úy bị bắt đi tù biền biệt nhiều năm, ai dám nói là may. Ở tù ra, ông sĩ quan “cải tạo” này được đi định cư ở Mỹ cùng với gia đình, đúng là may thật. Cũng như cô bé ngày nào xin được việc làm sở Mỹ lương cao, ai cũng khen là may. Đúng một cái có có bầu với Mỹ, gia đình cho đây là đại họa. Nhưng họ có biết đâu cả chục năm sau, đây là chuyện may, cô cháu lai Mỹ đưa được cả gia đình ra khỏi Việt Nam. Ở trong một đất nước thiếu ổn định, có chiến tranh, xài luật rừng, hết đảo chánh đến thanh trừng, thì chuyện “lên voi xuống chó”, phải coi là chuyện cơm bữa đâu có gì phải ngạc nhiên mà than van. Có tài không được dùng thì ai cũng cho là xui, bất tài mà gặp thời “chó nhẩy bàn độc”, thì người đời thường gọi là may.
Người con gái lớn lên, phải chăng lấy chồng cũng do số phận may rủi:
“Thân em như hạt mưa rào
Hạt sa xuống giếng, hạt vào vườn hoa.
Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào lầu trướng, hạt ra ruộng cày!”

hay:
“Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.”

Để an ủi khi bị mất tiền bạc, tư trang hay hư hại nhà cửa, người Á Đông rất biết chuyện tương đối ở đời, thường tự an ủi lấy mình khi nói rằng “của đi thay người” hay chữ nghĩa hơn là “hữu phước tản tài, vô phước tản mạng”, cho rằng mình may mắn mới mất tiền, nếu rủi thì đã mất mạng rồi. Người không tin hên xui thì tin vào số mệnh, ngày đó đụng xe, tháng đó đau ốm, hay năm đó cháy nhà là trong lá số tử vi đã rõ rành rành rồi.
Nhiều người tin vào khoa tử vi, tin vào tướng số là tin vào sự an bài, an phận, mất tính cách tranh đấu để thoát ra nghịch cảnh. Tuy vậy, người mê tín cũng tin vào số mệnh để an ủi nếu cuộc đời chẳng may gặp cảnh ngang trái, đau khổ. Nếu có lần ở tù không phải là xui, mà là do số mệnh đã rành rành.
Người có trí tuệ hiểu rằng phước hay họa là do tâm mình tạo nên, tự mình làm, tự mình nhận lấy kết quả. Người không hiểu biết thì oán trách số mệnh.
Một người Anh, ông John Lyne được coi như người đàn ông xui nhất thế kỷ. Hồi còn trẻ, ông cỡi ngựa bị té, đi xe bò cũng bị rơi xuống đất, bị xe van giao hàng cán phải. Lớn lên ông bị gẫy tay, trên đường từ bệnh viện trở về nhà, chiếc xe buýt của ông gặp tai nạn, lần này, ông lại bị gẫy ở cánh tay khác. Ông đã gặp tất cả 16 tai nạn gần chết trong đời, như bị sét đánh hai lần, một lần té xuống hầm mỏ, và một lần sắp chết đuối, đụng xe nặng ba lần. Các bạn có cho rằng ông Lyne thật sự bị xui xẻo không, hay ông chỉ là một người vụng về. Dù gặp toàn chuyện không may, ông và gia đình cũng như bạn bè vẫn vui vẻ vì thấy ông được sống sót qua quá nhiều tai nạn. Có nhiều điều ông không thể cắt nghĩa được. Nhưng theo các bạn, ông Lyne là người gặp may hay xui? Theo tôi, ông thiệt là hên, nếu không hên ông ta đã chết mất đất từ hồi nhỏ rồi, ngay trong tai nạn thứ nhất khi ông bị ngã ngựa.
Hôm nay là một ngày xui xẻo của tôi. Sáng nay chuẩn bị đi làm thấy cái xe bị đứa trẻ nào rắn mắt rạch một đường dài. Lái xe xuống freeway mải suy nghĩ ủi vào đít xe đằng trước, phải xuống xe trao đổi bảo hiểm, biết đâu ngoài chuyện bồi thường sơn xe, đối phương còn tính chuyện đi bác sĩ để ăn vạ. Để ý nghĩ lan man, đến “stop sign” không dừng hẳn, chạy một quãng ngắn thì thấy đèn xanh đỏ xe cảnh sát chớp liên hồi sau lưng.
Thật là một ngày xui hết chỗ nói. Vậy mà còn hên chán, khi nghe nói trên thế giới hiện nay, mỗi ngày có bao nhiêu trăm triệu người bị xui rủi, nhà cháy, động đất, sóng thần, bão lụt, thân nhân bị tai nạn, bị bom đạn qua đời. Và ngay trên trang nhất tờ nhật báo hôm nay, chỉ trong một ngày thôi, tại Iraq có gần 150 người tử nạn trong một vụ bom tự sát ngay trên đường phố Baghdad!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 25 Aug 2018

CHUYỆN CHÓ CHẾT


Một buổi chiều “rush hour” vào tháng 2 năm 2000, bà Sara McBurnett, cư dân Bắc Cali, chạy đằng sau một chiếc xe SUV và đụng vào đít chiếc xe này đang trên đoạn nhập vào xa lộ tại San Jose. Hai xe ngừng lại và chủ nhân chiếc xe bị đụng, cùng họ với bà Sara, Andrew Burnett, 27 tuổi, sừng sộ đến bên cửa xe của Sara, giận dữ, hoa tay múa ngón. Bà Sara xuống kiếng xe và lên tiếng xin lỗi. Thế nhưng người đàn ông kia, không nói không rằng, chộp lấy con chó nhỏ tên Leo đang ngồi trong lòng bà và ném ra giữa xa lộ đầy xe vùn vụt. Kết quả, con chó bị cán chết trước sự hãi hùng của bà.
Người đàn ông vọt lên xe bỏ chạy, nhưng hành động thô bạo của ông này tạo thành làn sóng phẫn nộ không những trên nước Mỹ mà còn khắp thế giới, sau khi báo chí và truyền hình đưa tin vụ “chó chết” này. Vậy là “tên ném chó” bị truy lùng ráo riết như một kẻ tội phạm. Người ta (những người yêu chó và những ai phẫn nộ vì hành động bất nhẫn này) đã đóng góp một số tiền hơn $100,000 đô la dành tặng chủ nhân con Leo để treo giải thưởng cho ai chỉ điểm được kẻ “sát cẩu” dã man kia. Lưới trời lồng lộng, Andrew Burnett bị còng tay ra tòa lãnh bản án ba năm tù ở tội đại hình vì đối xử tàn bạo với thú vật.
Dân Mỹ mà Andrew quên rằng nước Mỹ đã xếp hạng ông ta sau cả chó lẫn đàn bà. Đụng tới con chó đã mệt, tên này đã đụng tới một người đàn bà yêu súc vật, làm cho bà ta sau khi chứng kiến sự “thảm sát” tàn bạo con chó nhỏ thân yêu của bà đã đau khổ, trầm uất, mất ăn bỏ ngủ, thì anh ta bị vào tù là cái chắc.
Không đầy hai năm nằm trong tù, Burnett lại cảm thấy mình bị xấu hổ, khổ đau, dằn vặt, tổn thương vì những lời cáo buộc của bà McBurnett và thế giới. Như vậy theo sự cố vấn của một ông luật sư, Burnett lại có thể khởi đơn kiện bà Sara và giới truyền thông là đã lăng nhục và làm cho ông ta khổ đau. Bằng chứng được nêu ra là trong lời khai với cảnh sát được tờ San Jose Mercury News đăng tải, Burnett đã bị “nhục mạ một cách cố ý và quỷ quyệt” khiến cho cả thế giới nổi giận với ông ta về câu chuyện con chó nhỏ đó. Và, rằng vụ kiện của ông không có luật sư càng khiến cho ông ta lâm vào tình trạng “đau khổ, ray rứt, nhục nhã, xấu hổ, sợ hãi, choáng váng” cộng thêm tình trạng suy sụp tinh thần trầm trọng và thiệt hại về tài chánh bởi mất công ăn việc làm. Tính chung lại, Burnett đòi bà McBurnett và làng báo bồi thường một triệu đô la.
Trong thực tế, nhiều kẻ phạm tội vào tù bị “đau khổ tinh thần, ray rứt, nhục nhã, xấu hổ, sợ hãi,…” rổi lại lấy cái cớ dằn vặt về tinh thần đó kiện ngược lại nạn nhân của chính họ gây ra. Chúng ta đi kiện một tên sát nhân, rồi sau đó lại lo sợ hồi hộp không biết lúc nào mình lại bị kiện ngược lại. Nếu pháp luật nước Mỹ không tước bỏ quyền phản kiện của thủ phạm thì rồi đây chúng ta sẽ phải cần thêm nhiều luật sư, dựng thêm nhiều tòa án nữa.
Theo ý nghĩ quê mùa của người viết bài này thì những người đã xúc động về cái chết của một con chó không biết có xúc động tới cái chết về mùa đông trên đường phố của hàng chục người homeless ở Los Angeles, New York hay Chicago không? Dùng có $100,000 này để nuôi bao nhiêu người sắp chết đói có lẽ có ý nghĩa hơn để chạy theo một con chó chết trên xa lộ ở San José. Về phần Andrew Burnett, phải chi anh ta ghìm được con nóng giận trong giây lát thì không phải nằm tù ba năm và bây giờ ra đường phải xấu hổ cúi mặt xuống vì ai cũng nhìn mình như một thằng dã man, đã có hành động trả thù nhỏ nhen như vậy.
Cuối cùng là phải hết sức cẩn trọng. Ở Mỹ, đừng bao giờ đụng tới con chó, con mèo, nhất lại là con chó con mèo của quý cô, quý bà.
Chuyện thứ hai liên quan đến thung lũng Hoa Vàng là năm ngoái một bà cư dân quận San Bernadino, kiếm một ngón tay bị đứt của một ông bạn, đi xe đò lên tận San José, vào một tiệm Wendys, kêu một tô xúp đậu, ăn vài muỗng, bỏ ngón tay đứt vào, rồi tri hô lên. Tưởng là lần này, bà sẽ kiếm một món tiền vài ba triệu, vượt xa bà Stella ở New Mexico. Tiệm Wendys tức khí, kiếm thám tử điều tra, lần ra người bị đứt ngón tay, rồi dở từng vụ kiện trước đây của bà này, thấy đương đơn chuyên nghề… đi kiện.
Chuyện bà Stella LieBeck kiện công ty McDonald's là một vụ án buồn cười nhất, nếu bạn cho là buồn cười mà kết quả lại quá sức tưởng tượng. Nguyên bà Stella, cư dân tiểu bang New Mexico, vào năm 1992 bà đã 79 tuổi. Bà ghé vào McDonald's mua một ly cà phê đen (nóng). Vào xe, bà loay hoay xé bao đường hay làm điều gì đó, vì hai tay bận, bà kẹp ly cà phê vào giữa hai đùi. Ly cà phê bị đổ ra, bà bị phỏng hai đùi và cả… chỗ không đáng bị phỏng. Bà đâm đơn lên “ba tòa quan lớn” tại thành phố Albuquerque, tòa xử McDonald's phải bồi thường cho bà Stella một số tiền là $2.9 triệu (hai triệu chín trăm nghìn đô la).
Cũng vì cái vụ bà Stella làm đổ cà phê lên đùi kiếm 2 triệu 900 nghìn ngon ơ nó buồn cười quá, nên sau này nhiều anh “đùa dai” đặt ra những vụ án không có thật, không kém phần kỳ quái rồi tung lên net để mua vui cho bà con có được một nụ cười giải trí, trong một cái xã hội căng thẳng, lo toan như xã hội Mỹ này.
Trong khi đó, tại một nhà hàng Burger King ở Hà Lan, Astrid Roed, một phụ nữ 23 tuổi, sau khi ăn hết nửa dĩa xà lách trộn, đã thấy một con ếch sống trong dĩa của bà. Bà này đã hốt hoảng đứng bật dậy, la chói lói. Phát ngôn viên của công ty Burger King xác nhận bà khách hàng đã đến gặp người quản lý và đưa con ếch ra. Cô Roed cho biết đã khiếu nại lên cơ quan Thực phẩm Hòa Lan nhưng nói rằng cô không có ý đi kiện để đòi bồi thường sự thiệt hại về tâm lý như người ta vẫn thường làm.
Nếu ở Mỹ thì câu chuyện còn dài, và công ty Burger King chắc chắn bị lôi ra tòa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 25 Aug 2018

MỘT CHỖ NGỒI


Cuối tháng sau, tôi được mời đi dự tiệc cưới của con gái một người bạn cũ, nhưng tuần này, bạn tôi đã điện thoại hỏi tôi có nhận lời đi hay không và đây mới là câu hỏi quan trọng: “Ông muốn ngồi với ai, có kỵ thằng nào không, để tôi còn sắp chỗ?”
Thật tình tôi rất thông cảm với bạn tôi về chuyện này. Tổ chức một đám cưới cho con thì chuyện bàn bạc với thông gia, mua lễ vật, tổ chức giờ giấc, mời bà con đi họ, in thiệp cưới, thuê chụp ảnh quây phim… đều là những việc nhỏ, chỉ duy có việc sắp chỗ ngồi trong tiệc cưới mới là… đau đầu, và chính tôi cũng có nhiều kinh nghiệm về vụ này sau khi dựng vợ gả chồng cho con cả chục năm về trước. Bây giờ chỉ còn đi đóng hụi… chết, chứ chẳng phải lo lắng gì nữa việc tổ chức cưới hỏi cho con cái.
Trong số quan khách, bà con, bạn bè đủ loại qua rất nhiều thời gian giao hảo, có thằng bạn nối khố quen nhau cả nửa thế kỷ trước, có người mới biết trong một cuộc hội họp gần đây, mình đâu có biết trong các nhân vật này, ông nào ghét ông nào, bà nào không chịu ngồi chung với “con mẹ” nào. Không những ghét, mà có người còn thề “không đội trời chung” với người khác nữa, người chủ nhà đâu có biết nguyên do, lai lịch những chuyện đấm đá, thù hận thương ghét giữa những “Ốc đảo” này để thu xếp cho trọn vẹn, nên cố gắng hỏi thật tình người khách mời, để thà “mất lòng trước được lòng sau” là chu đáo nhất. Không phải có người chỉ kỵ ngồi chung bàn thôi mà còn kỵ cả chung tiệc nữa: “Ông mời nó, thì chừa tôi ra, ông nhá! Thấy cái bản mặt nó là tôi chịu không nỗi rồi!”
Tôi xin kể một câu chuyện mà hình như đã kể với bạn rồi để minh chứng cho chuyện này. Trong một buổi ăn nhậu tất niên của một hội đoàn tại địa phương này, địa phương có tới những hai ba đại diện “cộng đồng”, lẽ cố nhiên mỗi cộng đồng phải có một ông hay bà chủ tịch. Ông Chủ Tịch Cộng Đồng B, khi bước vào cửa, đến bàn tiếp tân, câu hỏi đầu tiên ông là: - “Có ông X., chủ tịch cộng đồng A. trong này không?” Cô tiếp tân, sau khi rê ngòi bút trên danh sách quan khách, bèn lễ phép trả lời: - Thưa Ông có, ông X. ngồi chung bàn với ông, số 13.” Thế là ông Chủ tịch Cộng Đồng đến sau hầm hầm quay gót trở ra cửa, vừa đi vừa nói chủ ý cho người khác nghe: “Xin lỗi, có thằng chả là không có tôi”. Tôi nghĩ nếu ông là người đến trước thì “thằng chả kia” cũng phản ứng như thế thôi, không hơn không kém. Nhưng trường hợp người tổ chức hôm ấy bắt buộc phải mời cả hai ông Chủ tịch là đúng lễ, không lẽ mời ông này bỏ ông kia, rồi ra sinh hoạt như thế nào và ăn nói sao đây?
Nhiều ông chủ báo đã viết những bài tràng giang đại hải để chửi bà chủ đài suốt mấy tháng, dùng những danh từ rất thậm tệ, bà cũng đáp lại gọi ông bằng những câu nói ra cũng ngượng miệng. Tôi làm đám cưới cho con, lại đi đôi với cả hai ông bà này khá thân, tôi biết xử trí làm sao đây, xin nhờ chư liệt vị cao kiến chỉ dẫn giùm. Quý vị cũng nhớ thêm có khi tôi mời ông, ông không mấy hứng thú, nhưng không mời thì lại bị xỉ vả thậm tệ, như coi thường hay khinh ông ấy không xứng đáng để “quang lâm” dự tiệc cưới của cháu.
Người ta thường nói đàn ông rộng lượng, dễ tha thứ cái gì cũng bỏ qua, còn lòng dạ đàn bà thì hẹp hòi, cho nên người mời khách dự tiệc lại còn phải coi có thể xếp bà này vào ngồi chung với bà kia không? Ngạn ngữ Tây Phương đã nói: “đàn ông nhìn vẻ đẹp của cô dâu, còn đàn bà nhìn áo quần cô dâu”. Ra đường cánh đàn ông chúng ta đừng có nghĩ mình là người đã nhìn chầm chập vào cô kia, mà chính các bà mới là người quan sát kỹ, vậy thì trong tiệc cưới quý bà nhìn cái gì của bà bên kia nào? Phấn son, dấu vết của thẩm mỹ viện hay là thời trang: Saint John, Chanel hay Wal Mart, Ross?
Các bạn đã bao giờ mời khách Mỹ đi dự đám cưới của gia đình mình chưa. Sao người ta ăn mặc xoàng xỉnh đến thế, giá trong bàn có một cô vậy thì nó giảm hẳn giá trị của các mệnh phụ trong cái bàn này. Tôi cũng xin khuyên ông bạn bố cô dâu của tôi, anh có xếp bàn thì xếp cánh đồng nghiệp vào với nhau, cánh di dân sau theo sau, trước đi với trước ngồi với nhau. Dù họ không ưa nhau thì cũng chẳng sao, chứ anh đừng có chỉ nghĩ đến bạn nào cũng là bạn, mà dại dột xếp anh bạn cũ cắt chỉ trong shop may, ngồi cạnh một ông bác sĩ đương thời đang hái ra tiền nhé. Thật ra cũng không có gì lôi thôi đâu, nhưng họ có chuyện gì để nói với nhau, vả lại cả hai người đều ăn chẳng thấy ngon hôm ấy, không phải vì họ sợ món tôm hùm vốn nhiều cholesterol, mà hẳn là có nhiều điều bất như ý khác.
Hôm nay tôi đọc đi đọc lại chuyện của ông Bá Dương, nên chắc cũng ảnh hưởng cái cay đắng của nhà văn này khi viết về dân tộc của ông (*). Tuy vậy, thật tình, tôi muôn vàn thông cảm cái câu hỏi hồn nhiên của bạn tôi, vì bạn tôi cũng thấy cái khó khăn khi phải xếp bàn, nó mất thời gian và mệt óc nhất trong các công việc sửa soạn ngày đám cưới cho con, xóa đi, sửa lại cả chục lần mà vẫn chưa ổn. Có người hứa đến rồi lại không đi, có người đã bảo bận, cuối cùng nể tình mà tới. Rồi mưa gió, kẹt xe, hai nhà thông gia chạy ra chạy vào, nghĩ đến chuyện dồn bàn thì bất nhã quá, mà không thì cũng tội nghiệp cho đôi trẻ.
(*) Người Trung Quốc Xấu Xí.
Nhưng rồi mọi việc cũng xong, cái đau đầu nhất đã qua. Anh chị còn đứa nào nữa không, vài ba năm nhức đầu một lần cũng không sao. Thông cảm với nỗi lòng của bạn, tôi đành trả lời: “Ngồi đâu cũng được, tôi không chấp”. Gặp người hàng xóm không ưa, không lẽ bán nhà mà dọn đi chỗ khác, nhà cửa lúc này rất khó bán, kén người mua. Ngoài nghĩa địa thì khi mua huyệt xong mới biết mình sẽ nằm cạnh ai và ai là người sẽ được chôn cạnh mình, chọn đất hay cải táng đều là những việc quá phức tạp.
Một chỗ ngồi trong tiệc cưới kéo dài cho lắm cũng chỉ mất ba tiếng đồng hổ. Vả lại ở đất tha phương này, chỉ có chỗ đám ma, đám cưới, bạn bè, họ hàng, cố tri, mới dễ có cơ hội gặp nhau. Bỗng dưng, gặp lại một thằng bạn cũ, năm mươi năm rồi biệt tích giang hồ, “tha hương ngộ cố tri”, kêu lên những tiếng “mày tao”, không sướng sao?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ấm Lạnh Quê Người - Huy Phương

Postby bevanng » 26 Aug 2018

THA PHƯƠNG CẦU THỰC


Khoảng năm 1985 ở Saigon, một buổi sáng ngồi trong tiệm cà phê, tôi thấy một thanh niên còn trẻ tuổi, nói giọng Bắc mới, ăn mặc xuềnh xoàng đi từng bàn một ngửa tay xin tiền khách trong quán. Ngạc nhiên, tôi hỏi anh, quê quán nơi đâu, vì sao trẻ tuổi như thế mà phải đi ăn xin. Người thanh niên cho tôi biết, vì làng anh ở ngoài Bắc xa xôi kia quá nghèo, lại mất mùa liên tiếp không có cái ăn bỏ vào miệng nên cả làng phải túa đi khắp nơi, xin ăn qua ngày.
Anh cũng cho biết, miền Bắc nghèo chưa có cái ăn, cái mặc, tiền đâu mà họ cho, nên anh và người làng phải lặn lội vào Nam. Với một giọng nói rất lạc quan, anh cho biết trong này, ngửa tay xin tiền mười người thì đã có năm sáu người cho.
Bức ảnh hai vợ chồng già, một mù một sáng dẫn dắt nhau đi ăn xin trên trang bìa cuốn sách “Chuyện Làng Ngày Ấy” của Võ Văn Trực là một hình ảnh quen thuộc “tha phương cầu thực” của những người từ miền bắc vào, vẫn thường thấy ở các phố thị miền nam sau ngày 30 tháng 4-1975.
Nếu cả một làng phải bỏ nhà cửa, mồ mả ông cha, đi xứ khác xin ăn thì đó là nỗi nhục cho cả làng, cả huyện và cả những người cầm quyền đang ngồi trong những căn phòng đầy đủ tiện nghi tại Hà Nội. Tôi cũng nghe câu chuyện sau khi chiến thắng miền Nam, một phái đoàn đại diện chính phủ Hà Nội sang Âu Châu xin viện trợ, bị một viên chức ngoại giao nói thẳng vào mặt: “Sao suốt đời các anh cứ ngửa tay đi xin vậy, không biết xấu hổ hay sao?”
Thống nhất, độc lập, “Mỹ cút”, “Ngụy nhào” rồi dân Việt vẫn chịu cái cảnh tha phương cầu thực nhờ chính sách đưa dân đi vắt mồ hôi, nước mắt, “bán cơ bắp” trên khắp thế giới để có miếng ăn. Đưa đàn bà con gái đi ở đợ, làm “oshin” trên toàn thế giới từ một thành phố nhỏ ở rẻo đất băng giá Á Châu nào đó đến vùng đất lửa đạn Trung Đông, nếu không “tha phương cầu thực” là gì? Thảm thiết chảy máu mắt nhất, là đàn bà con gái Việt Nam tha phương cầu thực không bằng trí tuệ hay chân tay mà bằng tấm thân đàn bà cha mẹ sinh ra.
Một bản tin từ Hà Nội đăng trên tờ Việt Báo ngày 17/4 ghi rõ là có 300 người dân “tha phương cầu thực”(nguyên văn) từ các tỉnh biên giới phía nam như Châu Đốc, Tây Ninh, vượt hàng nghìn cây số ra ngồi ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hà Nội để đòi đất, đòi nhà. Biết là chẳng hy vọng có kết quả gì, họ vẫn ngồi ở đây hằng tuần lễ, đói khát thì phải xin ăn tại chỗ, nhờ người Hà Nội bát cơm, ly nước. Họ có nhà, có đất nhưng bị bọn cướp ngày lấy mất, đành phải dắt díu ra đây, đâu phải là bọn “tha phương cầu thực” ngay trên đất nước của mình.
Hằng năm, hàng chục nghìn người Mễ Tây Cơ vượt biên giới bằng mọi cách sang Hoa Kỳ để kiếm ăn, vì chính phủ nước này chỉ cung cấp khoảng 400,000 công việc trên 1, 3 triệu nhân công. Số còn lại là thất nghiệp và… tha phương để đem về cho quê nhà của họ trung bình 13 tỷ đồng mỗi năm. Tổng Thống nước này đã không can đảm nhận trách nhiệm là chính phủ mình không đủ sức kiếm ra công ăn việc làm cho dân chúng, không biết xấu hổ, còn lên án Hoa Kỳ về việc xây tường ngăn cản, hạn chế cho con dân mình leo qua đất Mỹ “cầu thực”.
Những người Việt Nam đã bỏ nước ra đi sau biến cố 30/4, ngày nay hiện diện trên khắp trái đất này, chắc chắn không phải vì miếng cơm. Dân miền nam những ngày ấy chưa đói, nhưng đã biết sợ “hà chính như mãnh hổ” (chính sách cai trị khắc nghiệt hơn hổ dữ) nên cha con đã dắt díu bồng bế nhau lên phi cơ. Nếu cho những người này bỏ nước ra đi chỉ vì hoảng loạn trong những ngày đầu, thì năm mười năm sau những người ở lại phải thấy cái tốt đẹp của chế độ, có đâu cả nước lại tìm đường vượt biển, bất chấp mất mạng, đói khát cướp bóc. Cuộc vượt thoát ra đi kéo dài gần hai mươi năm làm xúc động lương tâm loài người. Ngày nay ở xứ người, nhân phẩm của họ được tôn trọng, an ninh của họ được bảo vệ và tài năng của họ được tin dùng, họ không phải là kẻ bỏ quê hương lang bạt trên xứ người để kiếm chút cơm thừa canh cặn. Vậy mà lớp người này được gọi là đám “tha phương cầu thực”.
Khổ thay họ là những người “tha phương cầu thực tốt bụng” và ở quê nhà vẫn thường xem họ như con bò sữa mà nguồn cung cấp hầu như bất tận. Có người nói đùa rằng chế độ Cộng Sản đã đặt được tại hải ngoại nhiều bộ đặc trách các vấn đề làm thay cho chính phủ trong nước, để nhà nước này rảnh tay xây sân gôn, khách sạn, nhà hàng đặc sản hay tuyển mộ thêm công an, lập tòa án và xây nhà tù. Ở hải ngoại này có Bộ Y Tế để lo thuốc men, dụng cụ, bác sĩ; có Bộ Giáo Dục để lo học bổng, cấp sách vở bút mực, xây trường; có Bộ Xã hội để lo đào giếng làm đường, xây cầu, xin gạo nấu cơm hay giúp đỡ người tàn tật; có Bộ Tôn Giáo để lo đón tiếp các vị chức sắc sang đây gây quỹ đem tiền về xây chùa, sửa nhà thờ. Thậm chí có cả Bộ Thông Tin, Tuyên Truyền đã gầy dựng được những tờ báo, phát thanh, chương trình truyền hình cho không, những chương trình ca nhạc có “sản phẩm nội địa”, phát không những DVD tuyên truyền trắng trợn cho chế độ Cộng Sản.
Ôi cái đám “tha phương cầu thực” tốt bụng mà ngây ngô biết là chừng nào! Với ba tỷ đồng mỗi năm - con số mà chính phủ miền Nam trước đây đã mơ ước để có vũ khí ngăn giữ Cộng Sản, cộng với những hoạt động của các Phủ, Bộ “tha phương cầu thực” cung cấp tiền bạc, vật liệu về nước làm cho chính phủ Cộng Sản hối hận là không đóng thêm hàng chục nghìn, chiếc tàu sắt để đưa thêm bọn “chống phá tổ quốc” ra đi hồi nẵm, để nay có thêm nhiều nhiều những “núm ruột thân thương nghìn dặm” gởi tiền về.
Cái lằn ranh giữ hai loại tỵ nạn chính trị và di dân kinh tế rất rõ ràng, nhưng nhà nước chỉ muốn có những loại di dân kinh tế, ra nước ngoài kiếm ăn, để cứu đói cho quê nhà chứ đâu muốn có những người tỵ nạn chính trị chuyên môn vạch trần cái bất công, xấu xa của chế độ. Quý ông muốn phân biệt “tha phương cầu thực” với tỵ nạn Cộng Sản thì cứ so sánh cảnh hải ngoại chống đối Trần Trường mấy năm trước và cảnh người dân tha phương cầu thực, sản phẩm của quý vị gởi sang Nam Dương, Mã Lai phải nằm đường, bắt chó mèo của dân địa phương làm thịt mấy năm trước đây thì rõ.
Động lực chính của một người Đông Đức can đảm vượt qua bức tường Bá Linh, hay người miền Bắc bơi qua sông Bến Hải không phải là ổ bánh mì hay bát cơm. Một triệu người bỏ miền Bắc sau hiệp định Genève năm 1954 không thể gọi họ là tha phương cầu thực, những người bỏ miền Nam để chấp nhận đổi chết lấy tự do cũng không thể là tha phương cầu thực. Những người hiện sống dưới chế độ Cộng Sản ở quê nhà đã hớp những giọt sữa của con bò hải ngoại không thể cất cao lời mạ lỵ gọi chúng ta là những kẻ “tha phương cầu thực”, một lời nói vô ơn, có tính cách mạ lỵ. Chẳng qua là chúng ta, những người bỏ nước ra đi vẫn còn canh cánh bên lòng tình yêu quê hương, thương xót, nhẹ dạ nên mới ra nông nỗi này.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 25 guests