Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Những lời than thân trách phận của bà ngoại và chuỗi ta thán kể lễ của mẹ cách đây một hôm giống nhau đến từng lời, từng chữ.
- Thưa bà? - Tôi nhẹ nhàng xen vào. - Nếu mẹ đã say khi gọi cho bà, có lẽ bà không nên, bà biết đấy… không nên để tâm đến những lời mẹ cháu nói làm gì cả. - Dù thế nào đi nữa thì rõ rằng bà tôi cũng không phải là một người kém thông minh; trái lại, bà là một người thông minh và độc đoán, người thi thoảng vẫn thích thú với việc làm bẽ mặt con gái của mình. Cẩn trọng thăm dò bà, tôi đột nhiên nhận ra một vấn đề: điều bà quan tâm không phải là chuyện đang xảy ra trước mắt, mà là chính bản thân bà và cảm giác của bà tại thời điểm mọi chuyện đang xảy ra.
Tôi cảm thấy kiệt sức và gần như sụp đổ hoàn toàn. Trước khi bà kịp nói thêm một tràng những lời mắng nhiếc, chì chiết, tôi nói luôn:
- Bà nghe đây ạ, cháu biết đã trễ quá rồi, vì vậy cháu sẽ gọi lại cho bà sau. Cháu xin lỗi đã làm phiền bà. Cháu phải đi. Cháu sẽ gửi những lời chúc tốt đẹp nhất của bà đến cha cháu. Tạm biệt bà.
Trong lúc hạ từ từ ống nghe xuống, tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng bà lồng lộn ở đầu dây bên kia:
- David James Pelzer! Mày đừng có nghĩ đến việc cúp máy ngang như thế chứ! Tao đang phát bệnh, tao mệt mỏi vì bị tất cả dẫm đạp lên như một tấm thảm chùi chân rồi đây này. Mày phải thấy rằng với tất cả những gì tao đã làm, thì họ cũng phải tử tế mà nghĩ cho cảm giác của tao chứ…
Tôi mỏi mệt lê bước về phía chiếc trường kỷ. Alice kêu lên:
- Chúa ơi, trông con nhếch nhác quá đấy! - Vì luôn cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất việc nhìn mình trong gương, nên tôi chỉ có thể tưởng tượng ra bộ dạng của mình mà thôi. - Mấy hôm nay con đã không ngủ được thẳng giấc, còn ăn uống thì chẳng được là bao. Giờ thì mặt mủi và đầu cổ con còn đỏ ửng lên thế kia kìa… - Bà Turnbough sờ tay lên trán tôi và lắc đầu lo lắng. -… Con sốt cao lắm rồi đây này.
Khi Alice đi vào nhà tắm, tôi vật vã, Trời ơi, chuyện gì đang xảy ra thế này? Một lúc sau, Alice trở lại mang cho tôi vài viên aspirin và một ly nước. Tôi đón lấy nắm thuốc rồi cho tất cả vào miệng, nốc một hơi cạn ly nước.
- Con không hiểu… - Tôi nghẹn ngào nói với Alice. - Họ không quan tâm. Không ai hết. Cả mẹ lẫn bà ngoại, không ai hỏi thăm cha hết. Giờ đây, - tôi uất nghẹn theo dòng cảm xúc đang tuôn trào, - họ làm như thế cha chưa hề tồn tại. Điều đó khó khăn với họ lắm sao. Hay vì cha không có vai trò gì với họ cả? Con không biết. Họ đã không hỏi han gì về cha con cả - ông ấy thế nào, chuyện gì đang xảy ra, không hề quan tâm gì cả. Họ không mảy may muốn giúp cha con, ngay cả lúc ông không còn sống được bao lâu. Tại sao lại như vậy? Sao lúc nào họ cũng chỉ biết đến bản thân mình? Họ chỉ luôn miệng than van họ đau khổ thế nào này, họ đáng thương thế nào này, họ tội nghiệp thế nào này. Khốn nạn thật! - Tôi đấm tay mạnh xuống ghế, vỡ òa trong cơn tức giận.
Nhưng rồi tôi nhanh chóng trấn tĩnh lại.
- Con xin lỗi. - Tôi không muốn Alice nghĩ rằng tôi đang suy sụp tinh thần. Cảm thấy như lòng mình đã lắng xuống, tôi nói thêm: - Con không biết giờ mình có thể làm được gì nữa… Ý con là, làm gì cho cha con ấy. Con chỉ mong ước có một gia đình mà ở đó mọi người yêu thương nhau hoặc có thể một lần chôn vùi lòng thù hận và làm những gì cần thiết cho nhau. Con chỉ mong như vậy thôi mà…
- David! - Alice kêu to. - Dậy mau, chúng ta trễ mất rồi. Hơn chín giờ rồi. Chúng ta ngủ quá giờ rồi.
Tôi vội bật dậy, lao ra khỏi chiếc trường kỷ, vuốt lại bộ quân phục nhăn nhúm mà tôi đã mặc suốt bốn ngày qua và nhảy bổ ra trước cửa nhà. Alice và tôi lái xe đến bệnh viện trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Tôi hộc tốc chạy về phía hành lang và gặp Steve ở cửa ra vào phòng của cha. Steve dang tay chặn tôi lại.
- Chúng ta nói chuyện một lát. - Ông ấy đề nghị. Tôi liếc nhìn về phía cha. Dường như mọi thứ vẫn như vậy, ngoại trừ việc cha được trợ thở nhiều hơn. Nhưng nhìn nụ cười gượng của Steve, tôi như hiểu tất cả. - David, cậu cần phải hiểu rằng… đôi khi người ta không thể… người ta không thể ra đi… cho đến khi họ biết được rằng những người mà họ yêu thương vẫn khỏe mạnh. Cậu… à, cậu có hiểu được điều tôi nói không, David?
Tôi hoàn toàn hiểu thấu được điều Steve nói, chỉ là tôi chưa kịp chuẩn bị tinh thần mà thôi.
- David này, cha của cậu, ông ấy đang đau đớn lắm. Cậu phải nói với ông ấy là cậu sẽ ổn. Cậu phải để cho ông ấy ra đi. Cậu hiểu mà, đúng không, David? Ông ấy sẽ không thể ra đi nếu cậu không làm như vậy. Hãy giải thoát cho ông ấy. Điều đó cần thiết cho ông ấy lắm. Điều đó rất đáng để làm. Ông ấy sẽ không thể ra đi cho đến khi…
Tôi quay sang Alice.
- Mẹ vào trong trò chuyện với cha con, được không mẹ? - Tôi khẩn khoản rồi bần thần đi về phía cuối hành lang, buông người trên một băng ghế dài bằng gổ. Hàng triệu triệu ý nghĩ đang ngổn ngang trong đầu, tôi vẫn ngồi đó, bất động, mắt dán vào chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Timex rẻ tiền của mình. Chỉ còn vài phút nữa là đến mười giờ. Tôi đan tay vào nhau, khẽ cầu nguyện. - Con thật sự chưa bao giờ xin Ngài điều gì quá lớn. Ngài cũng biết con đã trải qua những gì. Con đinh ninh, con nghĩ rằng con có thể cứu sống cha con… Vì vậy, nếu Ngài chứng giám cho con điều này… nếu không còn cách nào khiến cha con khá hơn… thì Ngài hãy mang cha con đi. Hãy giải thoát cha con khỏi nhưng đau đớn và hãy mang cha con đi. Amen.
Tôi lau nước mắt, định tâm trở lại và đi về phía phòng của cha, trong lòng vẫn không biết phải làm gì tiếp theo. Một toán y tá, chuyên gia, những người có lẽ đã trở thành cầu nối liên hệ giữa cha với thế giới bên ngoài trong suốt mấy tháng vừa qua, dạt ra, nhường lối khi tôi bước vào phòng. Alice quay về phía tôi sau khi vỗ vỗ nhẹ vào tay cha.
- Ông là một người tốt, ông Pelzer ạ. Chúa sẽ phù hộ ông. - Alice nói khẽ, nước mắt bà chảy dài trên má, rồi bà rời khỏi phòng.
Steve thì thầm từ sau lưng tôi:
- Hãy để ông ấy ra đi.
Nói rồi Steve quay bước. Những người còn lại cũng lần lượt theo ông rời khỏi phòng.
Chỉ còn mình tôi bên cha. Sao căn phòng hôm nay lại lạnh và rộng thế này? Những tấm rèm được mở rộng hơn, để những tia nắng ấm áp ngoài kia len vào. Ngoài chiếc giường cha đang nằm, mọi vật dụng và dụng cụ y tế đều đã được mang đi hết. Tấm ra trải giường tinh tươm, chiếc áo bệnh nhân cha mặc trên người trông rất mới. Âm thanh duy nhất trong căn phòng lúc này chỉ là tiếng thở khó nhọc của cha. Tôi nhìn cha thật lâu, ngắm cha thật kỹ… Đến hôm nay tôi mới thấy dải băng dưới cổ cha không còn nữa. Chỗ ấy giờ đây là một khoảng da đã đen lại vì biểu hiện di căn của căn bệnh ung thư. Dù rất muốn xoa dịu nỗi đau của cha, rất muốn giúp cha thanh thản ra đi, tôi vẫn không tài nào nói lời từ biệt với cha.
Tôi ngồi cạnh cha, nắm lấy bàn tay run rẩy của ông. Tận sâu trong lòng, tôi thấy cảm xúc đang dâng trào, và tôi phải cố hết sức để nén đau thương:
- Con, à,… con có vài tin tốt lành đây cha ơi. - Tôi nói dối. - Bác sĩ nói rằng mọi chuyện sẽ ổn… và… họ sẽ giúp cha qua khỏi và xuất viện sớm thôi. - Một mặt, tôi thấy mình thật xấu xa khi nói những lời giả dối đó, nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ thế tưởng tượng ra những điều tốt đẹp hơn để nói với cha. Nhìn vào khuôn mặt của cha, tôi đĩnh đạc nhấn giọng: - Con chưa nói với cha điều này phải không… Con có một ngôi nhà ở cạnh Dòng sông Nga. - Tôi dừng lại, nhìn cha… Dường như ông hiểu được điều tôi vừa nói. - Tường và trần nhà được làm bằng gỗ thông có nhiều mắt cha ạ. Phòng của cha còn có một bếp lửa làm bằng đá nữa chứ. Ngôi nhà luôn ấm áp và tràn ngập ánh mặt trời. Nó đẹp lắm cha ạ. Nó có tất cả mọi thứ. Nó nằm bên bờ sông, và khi mặt trời lặn, mặt nước trông như là mặt gương vậy. Ban đêm, cha có thể ngửi thấy hương thơm của những tán cây gỗ đỏ… Nơi đó là vùng đất thiên đường, cha ơi. Là thiên đường…
… Nhớ năm xưa, khi con còn nhỏ, hè đó cha đã dẫn con đi dạo dọc bờ sông… Cha đã nói nơi ấy cũng như là thiên đường. Cha con mình sẽ sống ở đấy… cùng đi câu cá, ngồi ngắm cảnh trên bãi biền Johnson, hay làm bất cứ điều gì chúng ta thích. Mùa hè… cha con ta có thể đến San Francisco và chơi một trò gì đấy ở Candlestick (13) - lúc trước cha vấn muốn như vậy mà. Cha con ta sẽ cùng tận hưởng thiên đường ấy. Chỉ có cha và con mà thôi.
(13) Candlestick Park (thường được gọi là Candlestick hay The stick): Một khu vui chơi giải trí thể thao ngoài trời tọa lạc ở San Francisco, California, Mỹ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

… Chúng ta làm được mà, cha ơi! Chúng ta thực sự làm được mà! Mọi thứ sẽ ổn cả. Chúng ta sẽ ở bên nhau… cùng nhau sống một cuộc sống an bình. Chúng ta đã có một ngôi nhà, một ngôi nhà thật sự. Không còn cãi vã, không còn rắc rối, không còn ai đá chúng ta ra đường nữa. Chúng ta làm được điều đó mà cha! Sẽ ổn cả thôi mà cha. Cha cứ nghỉ ngơi đi… còn con… con sẽ chăm sóc cho cha… con sẽ lo liệu tất cả…
Tôi đột ngột dừng lại, cảm nhận rõ những ngón tay run rẩy của cha đang nắm chặt lấy tay mình. Cả quãng đời đã qua, cha và tôi chưa bao giờ nhìn nhau rõ và lâu đến vậy. Đôi mắt đen của cha thật trong trẻo. Ẩn sâu trong đôi mắt ấy, tôi đau đớn cảm nhận được sự tiếc nuối khôn nguôi, nỗi cô đon cùng cực nỗi buồn day dứt, và cả nỗi đau đớn đến tận cùng của cha…
- Cha biết không… Con luôn tự hào về cha. Cha luôn là vị anh hùng của con. Và với tư cách là con trai của cha, con thề có Chúa, một ngày nào đó, con sẽ, con sẽ khiến cha tự hào. Con đã và sẽ luôn luôn yêu cha, cha ơi. Giờ thì cha hãy nghỉ ngơi đi nhé… và cha con ta sẽ gặp nhau ở ngôi nhà ấm áp của chúng ta, ngôi nhà ở cạnh dòng sông…
Cha cựa mình. Cha dùng tất cả sức lực còn sót lại, cố gượng dậy để ôm hôn tôi. Tôi thận trọng đỡ lấy cha. Sau bao nhiêu năm tháng, cuối cùng thì cha con tôi cũng được ngồi cạnh nhau, thanh bình… như nhưng người cha và con trai khác. Tôi nhìn cha, mỉm cười với ông và hôn nhẹ trán ông… Thời gian như lặng đi. Mọi vật quanh tôi như ngừng thở… Mùa hè năm ấy… Đã lâu lắm rồi, cha con tôi cùng nhau tản bộ dọc Dòng sông Nga, cha cũng nhìn tôi… nháy mắt với tôi… Tôi thấy cha nháy mắt với tôi, rồi đôi mắt ấy khẽ khép lại… Mấy ngón tay của cha buông lỏng, rơi trên người tôi… Cha thanh thản ra đi…
Tôi ôm cha thật lâu. Tôi hôn cha, hôn từng ngón tay đang co cứng của cha rồi nhẹ nhàng đặt ông nằm xuống chiếc gối trắng. Nhìn gương mặt của cha, tôi mới thấy mình ngu ngốc làm sao khi từng có ý nghĩ sẽ có cách nào đó cứu được ông. Tôi ngắm nhìn cha thật kỹ ngắm nhìn người đàn ông mà tôi luôn ao ước được kề cận. Sau khi vuốt mắt cha, tôi thầm cảm ơn Chúa đã để cho tôi được ở bên cha vào những giờ phút cuối đời của ông. Tôi đưa mấy đầu ngón tay sờ lên má lòng cảm thấy chút ấm áp khi nhớ rằng trước giờ cha chưa từng hôn tôi. Mặc cho những khoảng trống đã từng tồn tại giữa cha và tôi trong quá khứ, giờ đây tôi đã có được ký ức đáng giá nhất của mình về cha. Đó là những gì mà suốt cuộc đời này tôi sẽ mãi nâng niu.
Tôi đứng dậy, kéo tấm chăn đắp kín cho cha rồi bước ra ngoài. Steve đang đợi tôi, dường như ông ấy đã hiểu mọi chuyện. Steve đưa điện thoại và một mẩu giấy cho tôi.
- Gì vậy? - Tôi hỏi với vẻ ngạc nhiên.
Steve nhìn ra xa, trả lời:
- Mẹ cậu… bà ta muốn biết thời điểm cha cậu ra đi… ngay khi điều đó xảy ra.
Tôi nhắm mắt lại, cảm giác mỏi mệt và muốn buông xuôi tất cả. Ngay tại thời khắc tồi tệ nhất của đời người, vậy mà mẹ, bằng tất cả quyền uy của mình, một lần nữa lại giành được khả năng kiểm soát mọi thứ. Theo lẽ đương nhiên, tôi thậm chí còn không được vinh dự nằm trong danh sách không chính thức nhưng số điện thoại cần liên lạc của quý bà ấy, thế nhưng tôi lại đủ khả năng giúp mẹ thực hiện công việc bẩn thỉu của bà. Ở đầu dây bên kia, tôi nghe thấy giọng nói nặng nề của mẹ. Tôi hít thở sâu và thực hiện nhiệm vụ của mình.
- Đây là cuộc điện thoại báo tin cho bà hay rằng, chồng của bà, ông Stephen Joseph Pelzer, vừa mới qua đời.
Tôi dừng lại một lát, ngạc nhiên bởi chính giọng nói vô hồn và sự trơ lì của mình. Tôi cảm thấy mình không còn mấy quan tâm đến mẹ hay những màn kịch lố lăng, kệch cỡm của bà nữa. Mẹ cũng chẳng ngần ngại:
- À… thế à. Như thế thật tốt biết bao, đúng không nào? ùm… - Rồi có tiếng mất tín hiệu ở đầu dây bên kia.
Tôi nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại. Tôi cũng không biết mình nên nghĩ gì vào lúc này. Steve đỡ lấy cái ống nghe từ tay tôi.
- Chúng ta cần nói chuyện một lát. - ông ấy vừa nói vừa nhìn tôi cười tươi. - Có nhớ tôi đã nói với cậu rằng ông ấy sẽ không ra đi nếu chưa sẵn sàng không?
Nước mắt lã chã rơi trên khuôn mặt tôi. Tôi gật đầu với Steve.
- Trước khi cậu đến, cha cậu chưa sẵn sàng. Ông ấy đã nán lại… ông ấy đã chờ đợi… ông ấy đợi cậu.
- Đợi tôi ư?
- Đúng thế! - Steve nói với giọng quả quyết.
- Nhưng… không biết cha tôi có… - Tôi lắp bắp.
- Điều đó không quan trọng, ông ấy biết mình đang làm gì. David, cậu hãy nghe cho rõ, cha cậu đã đấu tranh với bệnh tật rất lâu và rất khó khăn so với bất kỳ người nào khác mà tôi biết trong hoàn cảnh của ông ấy. Đáng ra ông ấy đã bỏ cuộc trước đó rất lâu rồi. Ông ấy biết rõ kết quả, ông ấy biết mình sẽ không bao giờ ra khỏi được nơi đây. Ông ấy đã chờ đợi. Ông ấy đã đợi cậu!
- …
- Cậu có hiểu tôi nói gì không? - Steve gặng hỏi trong lúc tay giữ chặt vai tôi.
- Vâng, tôi hiểu rồi. Tôi thực sự đã hiểu. - Tôi quẹt nước mắt. - Tôi biết ơn vì mọi thứ mà ông và tất cả mọi người ở đây đã làm cho cha tôi. Ít ra, - tôi dừng lại và nhìn một lượt nhóm chuyên viên y tế, - ít ra cha tôi đã không cô đơn khi ở đây. Vì điều đó, tôi rất lấy làm biết ơn. Tôi thực sự biết ơn. Cảm ơn ông. Cảm ơn tất cả.
Tôi bắt tay tất cả mọi người, rồi dừng lại thật lâu bên Steve.
- Ổn cả thôi mà, anh bạn, tôi hiểu mà. - Steve nói rồi ôm lấy tôi. Tôi đưa tay vào túi quần lấy ra một chiếc túi da thuộc màu đen đã cũ sờn.
- Đây là tấm huy hiệu của cha tôi. - Tôi trở nên phấn chấn.
- Cha cậu muốn cậu giữ nó. Ông ấy đã nói với tôi như vậy. - Steve nắm chặt lấy tay tôi.
- Đó là thứ duy nhất cha tôi có, nó chính là… là thứ không ai có thể tước đi. - Tôi dừng trong chốc lát. - Một ngày nào đó, tôi sẽ khiến cha tự hào về mình. - Tôi nhìn thẳng Steve, quả quyết tuyên bố. - Tôi sẽ làm được!
- David này, đừng quá đau buồn. Cậu đã làm được điều đó rồi. Ông ấy đã nói cho tôi nghe, ông ấy tự hào về cậu. Ông ấy nói rằng cậu đã làm được điều đó… cậu đã làm được điều đó khi cậu chiến thắng được những hoàn cảnh mà cậu đã phải chịu đựng.
- …
- Ngay lúc này, cha của cậu đang ở trên kia. Ông ấy có thể nhìn thấy cậu. - Steve suy tư. - Có thể ông ấy không ở bên cậu, không bằng xương bằng thịt ở bên cậu, nhưng ở trên kia, ông ấy sẽ dõi theo cậu… mãi mãi.
Bốn ngày sau, vào một sáng thứ Hai sương mù dày đặc, tôi đỗ chiếc xe của ông Turnbough trước ngôi nhà thờ mà năm xưa, cả Ron, Stan và tôi đã đến cùng với cô của mình khi chúng tôi còn ở độ tuổi mẫu giáo. Nhìn quang cảnh chung quanh, tôi nghĩ mình đã đến trễ. Nghi thức đám tang đã được tiến hành. Tôi mặc bộ quân phục màu xanh ô-liu, cùng Alice bước thật khẽ nhưng thật nhanh dọc theo lối đi bên trái của giáo đường, rồi chen vào một trong những dãy ghế đầu tiên.
Tôi quỳ xuống cầu nguyện. Lòng tôi đau nhói. Không thể tin rằng tôi lại có thể bất kính với cha như vậy khi đến trễ trong lễ tang của ông. Sau khi tạ ơn Chúa vì đã giải thoát cha khỏi mọi nỗi khổ đau, tôi chăm chú theo dõi buổi lễ. Tôi nôn nao và mong ngóng được nghe những điều tốt đẹp mà người khác nói về cha. Có lẽ như thế, tôi sẽ biết thêm điều gì đó về cha. Tôi đã luôn thắc mắc về quá khứ của cha mẹ mình, về suy nghĩ của họ, về dự định tương lai của họ, họ đã gặp nhau, yêu nhau thế nào, tại sao mọi thứ lại trở nên xấu đi như thế, làm sao mà một cặp vợ chồng tưởng như đã có tất cả nhưng rồi lại đánh mất mọi thứ như thế. Tôi đặc biệt thắc mắc về tình yêu mà tôi cảm thấy họ từng dành cho nhau. Nhưng thay cho những lời tốt đẹp mà tôi muốn nghe từ mọi người, vị mục sư chỉ vội vàng đọc một loạt những thông cáo.
- Buổi lễ vào chiều thứ Tư này sẽ được hủy bỏ. Nhưng bữa tối thường lệ vẫn được tiến hành như mọi khi…
Tôi quay sang Alice trong sự tức giận tột độ.
Rồi tôi chợt nhận ra không có bất cứ lẵng hoa, vòng hoa hay thậm chí một hộp nhỏ đựng đồ nào dành cho cha tôi phía sau bục giảng của mục sư.
- Nhìn kìa. - Tôi thúc khuỷu tay vào Alice.
Bà Turnbough nghiêng sang và thì thầm:
- Mẹ con nói rằng cha con muốn được hỏa táng.
- Không đời nào! - Tôi như phát rồ. - Cha con là một lính cứu hỏa cơ mà! Nghe này, một lính cứu hỏa! Lính cứu hỏa thì không thể bị hỏa táng… Không! - Tôi nói, cố gắng kìm nén cơn giận của mình. - Điều này thật điên rồ. Hoàn toàn điên rồ. Cha không đời nào muốn thế!
- Ta biết. - Alice nhẹ nhàng trả lời. - Nhưng đã quá muộn rồi con ạ. Bà ấy đã…
Không muốn nghe lời phán quyết cuối cùng cho số mệnh của cha, tôi quay đi và nhận lấy một ánh nhìn đầy thù hận từ mẹ. Ánh nhìn hằn học đó cho thấy bà cảm thấy bị xúc phạm khi tôi đã ở trong cùng một tòa nhà với bà và những đứa con quý hóa của bà, những kẻ tỏ ra vô cùng buồn bã trong suốt buổi tang lễ. Tôi tập trung sự chú ý vào vị mục sư, người vừa lấy giọng để cất lên lời cầu nguyện cuối cùng:
- … nhân danh Cha, Con và Thánh thần. Chúa ở cùng anh chị em.
- Và ở cùng cha. - Giáo đoàn đáp lại.
- Anh chị em ra về bình an. - Mục sư kết thúc.
Một cơn giận dữ dâng trào trong tôi. Làm sao mình có thể kém cỏi và bỏ lỡ cả đám tang của cha như thế này cơ chứ? Quỳ trước mặt Chúa, tôi tự nguyền rủa mình vì đã nhầm lẫn thời gian tiến hành đám tang của cha.
Alice nghiêng sang, nói khẽ:
- Ta thề rằng mẹ con đã nói với con là tang lễ sẽ tiến hành vào lúc chín giờ.
Tôi gật đầu, xem lại đồng hồ vừa chỉ hơn chín giờ được vài phút.
Vị mục sư cúi chào mọi người trước khi rời bục giảng, ông toan quay đi thì sắc mặt ông đột nhiên thay đổi. Và tôi biết chắc rằng ông đã bắt gặp ánh nhìn của mẹ. Vị mục sư vội quay trở lại bục và mở một trang giấy:
- Tôi xin lỗi. - Ồng ấy nói. - Nhà thờ muốn ghi nhận sự ra đi của Stephen Pelzer, người đã yên nghỉ thanh thản trong vòng tay của Cha trên trời. Một lính cứu hỏa đã nghỉ hưu của San Francisco, Stephen sẽ sống mãi… - Vị mục sư dừng lại để đọc mấy dòng chữ ghi trên trang giấy. -… Stephen sẽ sống mãi trong lòng người vợ hiền của ông ấy, bà Catherine, và bốn người con của ông ấy: Ronald, Stan, Russell và Kevin. Hãy cầu nguyện cho tất cả.
Tôi cúi đầu. Cảm thấy lạc lõng và tủi hờn. Đây chính là lời ca tụng người ta dành cho cha đó sao. Hai mươi, à không, ba mươi hai từ. Một cuộc đời mà chỉ được gói gọn trong một câu nói ngắn tựa hơi thở vậy thôi sao. Cha tôi thậm chí còn không xứng đáng có được một nhành hoa, một lời cầu nguyện, hay bất cứ thứ gì khác. Thật vô nghĩa, tôi tự nhủ, cả cuộc đời cha mà chỉ được gói lại trong một cái chớp mắt vậy thôi sao. Bỗng tôi giật mình. Bốn người con của ông ấy. - Ôi Chúa ơi! - Tôi nắm chặt hai bàn tay. - Bà ta lại làm cái trò đấy nữa rồi!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Tôi trừng mắt nhìn mẹ, bà ta đang lau nước chảy từ đôi mắt sưng mọng bằng một chiếc khăn tay trắng tinh. Như mọi khi, bà không bao giờ bỏ lỡ cơ hội thu hút sự chú ý của mọi người. Để cho thiên hạ trông thấy bà ấy cùng những đứa con của bà vây quanh, bà Pelzer đáng kính đang vào vai một góa phụ đáng thương một cách hoàn hảo.
Vị mục sư cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
- Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.
- Và ở cùng cha. - Giáo đoàn đáp lại.
- Tang lễ kết thúc. Anh chị em ra về bình an.
Tôi đứng lên, vẫn ném ánh nhìn giận dữ về phía mẹ. Bà ấy bị mất thăng bằng khi cố gắng đứng dậy. Tôi có thể nghe thấy nhiều tiếng thút thít phát ra từ đám đông. Trước màn kịch quá khéo của mẹ, mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía bà ấy. Tôi còn nghe thấy cả tiếng người ta chen nhau để đến gần an ủi bà góa phụ. Tôi lắc đầu đầy căm phẩn.
- Dah-veed? - Có tiếng ai đó gọi to. - Dah-veed, cậu có nhớ không? Cậu có nhớ chúng tôi không?
Tôi quay sang một cặp vợ chồng đứng tuổi. Mất một lúc, tôi mới nhận ra họ chính là những hàng xóm cũ ở kế nhà tôi, ông Tony và bà Alice.
- Cậu nhớ ra chúng tôi rồi, đúng không? - Tony hỏi bằng một giọng Anh không chuẩn lắm. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ông ấy vừa ngậm tẩu thuốc vừa đẩy máy cắt cỏ đi qua đi lại bãi cỏ trước nhà. Tôi còn nhớ một mùa đông nọ, mẹ bắt tôi trượt ván liên tục lên xuống dãy phố, không được dừng lại trong điều kiện thời tiết lạnh nhu băng, trong khi trên người tôi chỉ mặc một chiếc áo thun sờn mỏng và một chiếc quần cộc mà thôi. Mỗi lần Tony ra ngoài để lấy báo, lúc nào ông cũng co người trong một chiếc áo khoác dày cộp. Chúng tôi chỉ có thể gật đầu chào nhau. Không hiểu sao tôi vẫn có cảm giác là chúng tôi hiểu về nhau, tuy rất mơ hồ. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông ấy là vào ngày trước khi tôi được giải thoát. Bởi vì các căn nhà được xây san sát nhau, nên người ở nhà bên này có thể bước lên cầu thang dẫn lên cửa trước nhà mình và dễ dàng nhìn vào trong cửa sổ nhỏ của bếp nhà bên cạnh, nơi chỉ cách chỗ họ đứng vài bước chân. Buổi trưa hôm đó, mẹ chà chân lên mặt tôi khi tôi nằm sóng soài trên sàn nhà bếp. Tony đã nhìn thấy tôi trong khoảnh khắc đó. Máu đã chảy ra từ miệng và mũi tôi. Cũng như nhiều lần khác, ông ấy thừa hiểu hoàn cảnh của tôi, nhưng không thể làm được gì cho tôi cả.
- Cậu giờ ổn hơn rồi đấy. Tôi thấy cậu ở quân đoàn không quân. Cậu đã ổn rồi… ổn rồi. - Tony nói với vẻ đầy tự hào khi nắm chặt lấy tay tôi. - Chúng tôi tự hào về cậu. - Tony vừa nói vừa nhìn sang vợ. - Ai cũng biết hết rồi. Cậu là một chàng thanh niên tốt. Một đứa con tốt. Tất cả chúng tôi, tất cả hàng xóm của cậu đều biết rằng cậu và Ronald đã nhập ngũ. Các cậu là những chàng thanh niên tốt. Các cậu luôn luôn là những đứa con tốt.
Quá bất ngờ và bối rối, tôi không biết làm gì hơn ngoài việc gật đầu.
- Khi nào quân đội cho về phép, hãy ghé thăm Tony và Alice nhé.
Tôi chưa kịp trả lời thì một nhóm người mặc đồng phục xanh đen đi về phía chúng tôi. Tôi nín thở khi nhận ra đó là nhưng đồng nghiệp cùng làm ở đồn cứu hỏa với cha tôi. Tôi thoáng bỡ ngỡ, nghĩ rằng chắc họ đã nhầm tôi với một ai đó trong gia đình của mẹ. Một người đàn ông mà tôi nghĩ là đội trưởng - vì vẻ ngoài oai vệ của ông - nắm chặt tay tôi và thì thầm vào tai tôi:
- Cha cháu là một người tốt và là một chiến binh của ngành cứu hỏa. Đừng bao giờ quên điều ấy nhé, con trai.
- Vâng, thưa chú. Cháu sẽ nhớ, thưa Đội trưởng
- Này, cháu có nhớ ông chú này của mình không đấy? - Một giọng nói quen thuộc cất lên.
Giữa nhóm người là chú Lee, người đồng nghiệp lâu năm nhất của cha tôi. Chú bước đến và ôm hôn tôi thắm thiết. Từng người một của nhóm lính cứu hỏa bày tỏ lòng thành kính của mình với cha tôi, họ tạo thành một hàng dài như thế bảo vệ tôi khỏi ánh nhìn cay độc của mẹ.
- Cháu cảm ơn chú, chú Lee. - Tôi ôm chặt lấy chú.
- Vì điều gì?
- À… vì đã thừa nhận cháu. Cháu đã ở bên cạnh cha cháu… lúc cha lìa đời. Nhưng các chú không cần phải ở bên cạnh cháu. Cháu không muốn làm bất cứ điều gì có thể gây sự chú ý của bà ấy. - Tôi vừa nói vừa nhìn về phía mẹ.
- Thừa nhận ư? Ngốc ạ. Không điều gì có thể khiến chúng ta chùn bước. Cha cháu rất yêu các cháu. Cháu phải hiểu điều đó, David à. Có thể ông ấy không nói ra điều đó, mà cũng có thể ông ấy đã không ở bên khi cháu cần, nhưng ông ấy luôn nghĩ về các cháu. Mọi thứ chỉ là… chỉ là mọi thứ đã không đi đến đâu. Và nếu như Ronald có mặt ở đây, ta cũng sẽ nói với nó y như vậy. Các cháu cần phải biết. Không ai hoàn hảo cả. Cha của cháu đã làm những điều ngay cả ta cũng không ủng hộ, nhưng, - chú Lee thẳng thắn xác nhận, - cha cháu không phải là một người xấu. Cho dù ông ấy đã phạm phải lỗi lầm gì thì những lỗi lầm đó không phải do ông ấy cố tỉnh tạo nên. Cháu có hiểu ta nói không?
Tôi gật đầu.
- Cháu hiểu rồi ạ. Cháu cảm ơn chú, chú Lee.
- Nghe đây, - Lee quỳ xuống cạnh tôi, - cha cháu đã trao chiếc mũ bảo hộ của mình cho Ron. Còn cháu, cháu đã nhận được chiếc huy hiệu của ông ấy chưa?
Tôi đảo mắt nhìn quanh để chắc rằng không có ánh mắt nào đang theo dõi mình rồi trao bí mật của mình cho Lee:
- Vâng ạ, nhưng cháu không chắc mình có phải là người được giữ nó hay không. Có khi nào cháu phải giao nó lại cho các chú không ạ? Cháu phải làm gì đây ạ? - Tôi nghẹn lại một lúc. - Hay cháu phải đưa nó cho bà ấy?
- Đừng bao giờ làm thế! - Chú Lee kêu lên. - Nghe cho rõ đây. Đó là cách cha cháu nói rằng cháu có ý nghĩa với ông ấy như thế nào. Ông ấy luôn mong muốn để lại cho các cháu vật gì đó, thay cho cảnh sống ngục tù mà các cháu đã phải trải qua. David, cháu phải biết nói dối một chút và - chú Lee dừng lại để nhìn về phía bục giảng của mục sư - và chú mong cháu hãy hiểu ra vấn đề trước khi mọi thứ quá muộn. Cháu hãy giữ nó. Đối với cha cháu… thì, chiếc huy hiệu chính là hiện thân của mẩu người ông ấy muốn trở thành - trong cuộc sống cũng như trong công việc. Đối với ông ấy, nó còn quý giá hơn bất cứ món tiền bạc nào. Cháu có hiểu được điều đơn giản đó không?
Điều này cho dù mẹ cháu không biết thì cũng chẳng gây hại gì cho bà ấy. Vì thế, hãy im lặng và giữ lấy chiếc huy hiệu. Hãy để cho cháu được tự hào.
Tôi nhìn chú Lee, cảm thấy nhu mình đã lớn hơn trước rất nhiều. Trong phút giây tươi sáng ấy, tôi đã là một con người thực thụ.
Tôi đứng bên ngoài nhà thờ, run rẩy trong từng cơn gió lạnh thỉnh thoảng lại thốc tới. Cảnh vật xung quanh mờ ảo trong màn sương mù dày đặc.
- Xin lỗi! - Mẹ xuất hiện và nói bằng giọng mia mai, kệch cỡm. - Bà Trewnbow, tôi cần nói chuyện riêng với thằng bé một lát.
Alice - người suốt nhiều năm liền phải chịu đựng không biết bao đêm mẹ say xỉn rồi gọi điện lảm nhảm về những điều điên rồ - đã hiểu quá rõ về mẹ. Bà Turnbough toan buông lời chỉ trích mẹ, tôi đã kịp can thiệp và đưa mẹ đến bãi đậu xe cạnh nhà thờ. Vừa vào đến bãi đậu xe thưa vắng, mẹ chộp ngay lấy vai tôi và lắc mạnh:
- Mày nghĩ mày là ai chứ hả thằng khốn kia? Ai cho phép mày xuất hiện ở đây và bày trò như thế?
Sức chịu đựng của tôi hoàn toàn cạn kiệt. Tôi hất tay mẹ ra, chỉnh lại quần áo rồi buông lỏng tay hai bên đùi.
- Mẹ đã gọi. - Tôi nhìn thẳng bà và trả lời.
- Tao có nhớ đã từng gọi cho mày đâu nhỉ… Tao không thể theo dõi hết mọi chuyện… và đừng… tất cả chúng mày đừng hòng phủ nhận tao… không phải ngày hôm nay đâu… đồ cặn bã! Tao không nói rằng tao đã gọi hay đã không gọi, và nếu tao đã làm như thế thì cũng vì phép lịch sự mà thôi. Mày phải đủ thông minh để hiểu rằng mày không được chào đón mới phải chứ. Nhưng mày chẳng bao giờ hiểu được như thế cả, có đúng không?
- …
- Còn nữa, ý mày là gì khi để cho bọn người kia vuốt ve mày như thế mày là gì đấy đặc biệt lắm vậy?
Tôi nhìn mẹ, thấy rõ bà đang cay cú.
- Mày nghe cho rõ đây! Tao chỉ đưa mày đến đây, ra khỏi doanh trại không quân đáng khinh của mày, vì lòng tốt của tao. Đáng ra tao không cần làm vậy, mày biết mà. Vì vậy, hãy tránh xa mẹ con tao ra! Mày biết rõ mày là ai và mày là cái gì. Mày không thuộc về nơi này. Mày đừng bao giờ bước chân vào nhà của tao nữa! - Mẹ rít lên. Giọng bà vẫn cay nghiệt, khuôn mặt vẫn hung tợn và vẫn sấn sổ lao vào tôi như nhiều năm về trước. Chỉ khác là lần này bà không dùng mấy đầu ngón tay nhọn hoắt nâng cằm tôi lên. Tôi ngẫm nghĩ điều gì đấy, rồi từ từ ngước lên nhìn thẳng vào cặp mắt đỏ ngầu của mẹ.
Bà vẫn hằn học trấn sát người tôi:
- Mày không có gì cho tao à? Ông ta không đưa cho mày thứ gì trước khi nhắm mắt sao?
Tôi kín đáo lần tay ra túi quần sau, cảm thấy nhẹ nhõm khi chạm được vào chiếc huy hiệu. Chiếc huy hiệu quý giá của cha vẫn còn đây. Không một cái chớp mắt, tôi đáp lại cái nhìn lạnh băng của mẹ:
- Không. - Tôi trả lời bằng giọng không chút cảm xúc. - Cha không đưa cho con thứ gì cả.
- Mày nói láo! - Mẹ rít lên. Cùng lúc đó, tôi cảm nhận được cái tát tóe lửa của mẹ vào mặt tôi. Tôi loạng choạng lấy lại thăng bằng. Tôi phun máu đang chảy ra từ phần môi bị đánh dập xuống vỉa hè. Sự hành hạ về thân xác kiểu này của bà đã không còn ý nghĩa gì với tôi nữa. Hành động này của mẹ là bằng chứng cuối cùng cho sự thua cuộc của bà ấy - bà ấy hoàn toàn không thể kiểm soát được tôi, và cách duy nhất mà bà ấy có để chế ngự tôi là đánh tôi. Ngay cả khi tôi còn bé, cách này của bà cũng chưa bao giờ có tác dụng với tôi, và chắc chắn là bây giờ cũng vậy. Điều đó cũng cho thấy mẹ đã thật sự bế tắc khi phải sử dụng đến cách xử sự đó, đặc biệt là ở nơi công cộng.
- Tao đã gọi cho bệnh viện… và họ đã kiểm tra lại mọi vật dụng của ông ấy. Họ nói rằng ông ấy có vài thứ giấy tờ khi nhập viện, vì vậy đừng đứng đây mà nói với tao rằng mấy giấy tờ đó đã xuất hiện rồi tự biến mất đấy nhé! Và ai cho phép mày sắp xếp lại quần áo của ông ấy bên căn nhà thuê của ông ấy vậy? Tao đã gọi và họ nói rằng mày đã ghé qua rồi đem tất cả đi. Vậy hãy nói tao nghe, nói tao nghe ai cho phép mày đến đó và…
- Chính bà! - Tôi cắt ngang. - Khi bà không đến thăm cha. Khi bà cố tình thờ ơ, không mảy may giúp đỡ cha. Khi bà để cho cha của những đứa con của bà, để cho chồng bà, cho một người đã cùng chung sống nhiều năm trời với bà, chết dần chết mòn trên giường bệnh trong ngần ấy tháng trời. Bà đã không làm gì để giúp đỡ ông, bà chỉ khiến ông rơi vào hố sâu của cảm giác không còn chút giá trị và đơn độc mà thôi. - Tôi đáp trả, trút hết nỗi đau khổ của mình trước cái chết của cha và những gì ông phải chịu đựng. - Cho dù tôi đã làm điều gì, thì tôi đã làm với tất cả tấm lòng của mình. Ít nhất, tôi sẽ có thể tổ chức một lễ tang theo đúng nghi thức nhất cho cha. Tôi không hiểu tại sao bà lại… bà lại ghét mọi người và mọi thứ nhiều đến như vậy!
- …
- Bà nghĩ chỉ có bà là người duy nhất phải chịu đựng cảnh sống địa ngục sao? Bà mới chính là nguồn cội của tất cả mọi chuyện. Bà đã khiến cho cuộc đời của mọi người, của mỗi người trở thành cơn ác mộng có thật, rồi bà thoải mái ngồi thưởng thức điều đó. Bà tận hưởng nỗi thống khổ của người khác. Bà đã có mọi thứ. Rồi chính bà lại đạp đổ tất cả. Không phải tôi, không phải cha, không phải bà ngoại, không phải các thầy cô giáo, không phải những người hàng xóm, không phải bạn bè của bà, cũng không phải cậu Dan, Ron, Stan, Russell, hay là Kevin. Đó không phải là lỗi của tôi. Không phải, kể cả lúc tôi còn nhỏ hay ngay chính lúc này. Cha xứng đáng được đối xử tốt hơn thế. Cho dù đã xảy ra những bất kỳ cuộc cãi vã nào, cho dù lỗi lầm là của cha hay của bà, thì cha cũng xứng đáng được đối xử tốt hơn thế!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

- Làm thế nào mày dám huênh hoang, thằng bẩn thỉu kia… - Mẹ lắp bắp không nên lời. Một lần nữa, bà lại giơ tay lên để trấn áp tôi.
- Bà đừng bao giờ nghĩ đến điều đó nữa! - Tôi phản ứng lại. - Bà phải biết rằng, - tôi hạ thấp giọng nhưng nói rành mạch, - mọi thứ bà đã gây ra cho tôi, cho cha, cho tất cả mọi người, sẽ quay trở lại với bà. Đau đớn, tổn thương, sự chịu đựng, cảnh sống ngục tù… tất cả!
- Mày… mày đừng có mà… cố gắng lảng tránh vấn đề của tao. - Mẹ phản bác vụng về. - Một y tá đã… đã nói với tao… ông ta nói đã nhìn thấy mày… lục lọi áo khoác của cha mày và lấy đi những giấy tờ đó.
Giấy tờ ư? Tôi không có chút khái niệm nào về những gì mẹ đang kêu ca. Trừ khi bà ấy đang nói đến lần đầu tiên khi tôi đi tìm chiếc huy hiệu của cha ở bệnh viện…,và thấy được một xấp giấy tờ gì đó rồi cất hết vào túi sau, gần với chỗ để ví. Mối quan tâm duy nhất của tôi là chiếc huy hiệu của cha. Vừa phải đối phó với mẹ, với bà, lại thiếu ngủ trầm trọng, rồi một mình lo lắng cho những điều cha cần đến, thế là tôi đã quên không xem lại xấp giấy tờ kia…
Những biểu hiện trên gương mặt tôi hẳn đã tố cáo mọi suy nghĩ trong tôi.
- Đúng rồi. - Tôi lưỡng lự. - Tôi có giữ chúng. Tôi không cố tình… ý tôi là, tôi đã có ý đưa chúng…
- Câm miệng lại và đưa hết mấy giấy tờ chết tiệt ấy cho tao! - Mẹ ra lệnh.
Tôi chỉ có thể đoán xấp giấy tờ đó là một hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn mà cha đã mua nhiều năm về trước. Một phần trong tôi rất muốn chìa xấp giấy ra rồi nhìn mẹ quỳ mọp xuống đất khi tôi xé tất cả thành muôn nghìn mảnh giấy vụn. Trải qua những năm tháng chịu đựng khổ ải, những trò chơi, và đòn roi hành hạ của mẹ, giờ đây tôi đã nắm trong tay những gì mà bà ấy đang thèm khát đến tận cùng. Tôi bây giờ đã nắm quyển kiểm soát. Nhưng khi tôi đứng trước con người tội lỗi ấy, tôi nhận ra những suy nghĩ thoáng qua của mình không phải là điều sau cùng mà cha tôi hướng đến. Trên tất cả, tôi đã có được phần thưởng của riêng mình. Nhưng với việc nắm giữ xấp giấy tờ kia trong tay, tôi nghĩ rằng mình có thể sẽ gây tai tiếng cho phẩm cách mà cha đã gầy dựng được. Dù mẹ đã từng âm mưu giết chết tôi bao nhiêu lần đi nữa, việc hạ thấp mình bằng cách hành động giống như bà ấy quả thật không phải là điều mình nên làm.
- Đây. - Tôi vừa nói vừa đưa cho bà ấy tất cả giấy tờ tôi còn giữ. - Đây là lỗi của tôi. Tôi không nhớ là đã giữ chúng. Thật sự là tôi đã không nhớ. Tôi chưa từng có ý định lấy của bà thứ gì. Tôi sẽ giao chúng cho…
Ngay lập tức, mẹ vồ lấy mó giấy trong tay tôi. Mắt bà ấy sáng lên và bà thở ra đầy vẻ mãn nguyện.
- Và giờ thì, thằng nhãi ạ, tao thật sự đã có tất cả những gì tao muốn.
- Bà thua rồi. - Tôi mỉm cười.
- Mày nói gì? - Mẹ hỏi lại trong lúc đọc lướt qua các giấy tờ.
- Suốt những năm tháng qua, bà đã cố gắng hạ gục tôi, vậy mà giờ tôi vẫn đứng ở đây. Cha cuối cùng cũng được giải thoát, Ron thì nhập ngũ, và sớm muộn gì những đứa con còn lại của bà cũng đi theo con đường riêng của chúng mà thôi. Tôi là một người tốt. Tôi cố gắng hết mình cho những việc tôi làm, cho những ý nguyện của tôi. Tôi cũng phạm sai lầm, tôi thất bại, nhưng tôi đã học hỏi được nhiều điều. Tôi không đổ lỗi cho người khác. Tôi đứng bằng chính đôi chân của mình. Và một ngày nào đó bà sẽ thấy, tôi sẽ làm được điều gì đó vượt lên trên cả giới hạn khả năng của chính tôi. Cho dù tôi có phải làm công việc đào mương rãnh, hay đứng bếp làm món ham-bơ-gơ cho quân đội, tôi cũng sẽ là người giỏi nhất, và bằng cách nào đó, theo một hướng đi nào đó, tôi sẽ không bao giờ lãng phí cuộc đời của mình. Nếu có điều gì bà đã dạy cho tôi, thì bà đã dạy tôi được nhiều điều rồi đấy.
Ở phía cổng nhà xe, tôi trông thấy những đứa con của mẹ đang loanh quanh cùng vài người lớn nữa. Tôi bước đến nửa bước, tiến đến sát mẹ, chỉ tay vào gương mặt đỏ gay của bà:
- Hãy tránh xa tôi ra. Mọi thứ bà đã gây nên với người khác… - Tôi dừng lại một chút khi thấy giọng mình đang run lên. Tôi cảm thấy mọi sức lực trong tôi như tan biến hết. Bảy ngày vừa qua đã khiến tôi kiệt sức. Tôi hít một hơi thật sâu rồi bỏ tay xuống, lùi ra xa. - Tôi cầu nguyện cho bà hàng đêm, thề có Chúa, tôi thực sự cầu nguyện cho bà hàng đêm. Bà có thể có được giấy tờ, có tiền của, bất cứ thứ gì, nhưng bà đã thua!
Mẹ bất động, miệng há hốc. Trước khi bỏ đi, tôi đan chặt hai tay vào nhau rồi làm dấu và ghé sát vào tai bà ấy, thì thầm:
- Cầu Chúa phù hộ cho bà, bà Pelzer, vì sẽ không còn ai khác ở bên cạnh bà nữa đâu.
Mười giờ sau, cách đó ba nghìn dặm, tôi đã quay trở lại Căn cứ quân sự Hurlburt (14) ở Florida. Tôi nhanh chóng nhận ra tâm trạng buồn thảm của mình dường như không thích hợp với những gì đang diễn ra ở doanh trại. Sau khi phi đội chở hàng C-130 được trang bị đặc biệt hạ cánh, tôi mới biết tin đội bay đã trực tiếp tham gia và thất bại trong một cuộc giải cứu các con tin xấu số bị giam giữ ở Iran. Năm trong số tám người đã tử nạn. Mọi thứ còn tồi tệ hơn khi tôi biết những đồng đội của mình đã hy sinh đúng vào ngày cha tôi ra đi.
(14) Căn cứ Hurlburt: Một kho quân sự của Không quân Hoa Kỳ, đóng tại Hạt Okaloosa, Florida, ngay phía Tây thị trấn Mary Esther.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy và nhận thấy mình hầu như không thể thở như bình thường - cổ họng của tôi đã sưng lên như trái cam. Sau khi được xét nghiệm nhanh tại phòng y tế của doanh trại, tôi được khẩn cấp đưa đến bệnh viện và được chẩn đoán bị nhiễm bệnh tăng bạch cầu đơn nhân cấp tính. Vì đó là lần đầu tiên tôi nhập viện, cộng thêm nỗi đau vì mất cha, tôi đã rơi vào một trạng thái hết sức hoảng loạn. Cũng chính vì tình trạng đó, tôi được cho uống thuốc an thần liều cao. Khi thuốc phát huy tác dụng, tôi mới có thể quên đi nỗi đau của mình và tất cả những rắc rối để đi vào giấc ngủ.
Suốt đêm ấy, tôi mơ thấy mình được nằm bên cạnh cha. Tôi cố đưa tay ra để nắm lấy tay cha, nhưng tôi hoàn toàn không thể cử động. Tôi vùng vẩy gào thét gọi cha, để nói với cha điều gì đấy, bất cứ điều gì cũng được. Nhưng, cũng như cha, tôi không thể nói được dù chỉ một lời.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

CHƯƠNG 6 TÁI HỢP


Vì mắc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân cấp tính, nên tôi được bác sĩ cho dùng thuốc an thần liều cao và phải nằm trên giường bệnh hơn một tuần lễ. Sau khi được xuất viện, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy đầu óc và cả lồng ngực mình hoàn toàn trống rỗng. Mọi thứ như đổ vỡ và tan biến chỉ trong một cái chớp mắt. Tôi suy sụp vì cha mãi mãi sẽ không còn ở bên tôi. Suốt những năm qua, mục tiêu duy nhất của tôi là tránh xa những ham muốn tầm thường để tiết kiệm từng đồng, để có thể mua được một căn nhà, rồi đến San Francisco tìm cha và đưa cha về nhà ở với tôi. Không có cha, thì việc ngồi ở cabin thưởng ngoạn quang cảnh thanh bình quanh những hàng cây gỗ đỏ, câu cá bên bờ sông mỗi buổi hoàng hôn, trò chuyện bên bếp lửa hồng tí tách, hay bất cứ thứ gì giống như cuộc sống của bao gia đình bình thường khác bỗng chốc trở thành ảo tưởng.
Năm xưa, khi còn là một đứa trẻ suốt ngày lủi thủi và run rẩy trong ga-ra, tôi vẫn thường đối mặt với thử thách bằng cách kìm nén mọi cảm xúc của mình. Những lúc ấy, tôi cố nghỉ xem mình sẽ học được gì từ hoàn cảnh đó, và tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để khiến mọi thứ tốt đẹp hơn. Tôi luôn tính toán kỹ lưỡng mọi kế hoạch và phân tích chúng đến từng chi tiết nhỏ. Chính điều này đã giúp tôi đánh bại được mẹ, cũng là cách để tôi tự bảo vệ bản thân khi làm con nuôi của các gia đình và ngay cả khi tôi gia nhập quân ngũ. Chỉ cần có cơ hội - dù chỉ là tia hy vọng mong manh trong đêm tối mù mịt - thì tôi cũng sẽ cố hết sức để khơi thông đầu óc, giũ bỏ mọi ta thán để tiếp tục sống và tiến về phía trước.
Nhưng ngay lúc này đây, kế hoạch đã được tôi tính toán chi li đến từng chi tiết và phải đánh đổi rất nhiều thứ là được trở thành một hiệp sĩ mặc áo giáp sáng lóa đứng bên cạnh bảo vệ cha chỉ còn là một ý nghĩ viển vông và ngu ngốc. Lúc cha còn sống, cha và tôi không có nhiều thời gian ở bên nhau, nên việc cha con tôi không thể gần gũi như bất kỳ một ông bố và đứa con trai nào khác cũng là điều dễ hiểu. Nhưng tôi vẫn luôn tin rằng không có gì là quá muộn, kể cả việc xây dựng và bồi đắp lại tình cảm cha con thiêng liêng giữa cha và tôi. Chỉ cần tôi biết cách sắp xếp lại mọi thứ và nỗ lực hết mình. Quá trình kỳ công này từng là nỗi ám ảnh thường trực trong tôi. Suốt một thời gian dài, tôi không hề dám nghĩ đến bất kỳ một hoạt động tiêu khiển nào cho riêng mình. Làm sao tôi có thể thản nhiên cùng đồng đội tản bộ dọc bến sông, mua vài cái đĩa hát yêu thích, hay vài bộ quần áo để thay đổi khi biết cha đang co ro lạnh lẽo ở một nơi nào đó ngoài kia. Mọi thứ cứ căng thẳng và dằn vặt trong tôi, đến độ tôi không bao giờ làm chuyện gì khác ngoài việc mỗi sáng thức dậy, làm việc quần quật; tối đến thì trở về doanh trại để chợp mắt một lát, để rồi hôm sau sẽ lặp lại chuỗi công việc không khác gì hôm trước. Thỉnh thoảng có được một ngày nghỉ, tôi chỉ biết ngủ xem ti vi hoặc đọc sách. Làm điều gì khác những thứ này sẽ khiến tôi mất một khoản tiền, và điều này đồng nghĩa với việc tôi sẽ rời xa mục tiêu của mình thêm một chút. Mặt khác, phải thừa nhận rằng tôi bó hẹp mình trong bốn bức tường một phần cũng do tôi thiếu kỹ năng giao tiếp; tôi không muốn biến mình thành một người ngớ ngẩn trước đám đông. Ngay cả khi đã là một thanh niên tuổi hai mươi, tôi vẫn không biết lựa lời để nói, không biết lựa thời điểm để bày tỏ quan điểm, và đặc biệt là bất kỳ khi nào cảm thấy căng thẳng, tôi lại nói lắp không thể kiểm soát.
Chỉ có tập trung tất cả cho tương lai, tôi mới có thể quên đi quá khứ và hiện tại của mình.
Nhiều tháng trôi qua, tôi chợt nhận ra trước giờ tôi luôn nhớ đến hình ảnh của cha như thể đó là một lối thoát giúp tôi không phải đối mặt với cuộc sống mới của một người đang trưởng thành là tôi. Giờ đây, sự ra đi của cha khiến tôi buộc phải học cách đối diện với chính mình.
Những ngày sau đó, tôi đương đầu với cái chết của cha theo cách duy nhất mà tôi biết: làm việc. Làm xong nhiệm vụ, tôi hối hả quay về doanh trại thay quần áo để đến nhà hàng thức ăn nhanh Denny nhận ca trực với vai trò đầu bếp. Sau ca trực kéo dài tám tiếng, tôi rời nhà hàng Denny trở về doanh trại với thời gian chỉ đủ để thay vào bộ quân phục nhăn nhúm và đi thẳng đến quân trường cho một ngày làm việc mới. Có giai đoạn tôi không ngủ suốt mấy ngày liên tiếp. Tôi thực sự không quan tâm và cũng không nhận ra điều đó. Tôi ghét công việc của mình. Tôi ghét cuộc sống của mình. Một thời gian ngắn sau đó, cứ mỗi khi tôi đặt lưng chợp mắt một chút, tôi lại gặp những con ác mộng kinh khủng là bị trễ giờ làm trong quân đội lẫn ở nhà hàng Denny.
Nhưng chí ít thì giờ đây, tôi đã thôi không còn gặp ác mộng thấy cảnh mẹ tìm cách giết tôi nữa. Những con ác mộng như thế từng đeo bám tôi suốt nhiều năm liền. Bà thường xuất hiện trong những giấc mơ của tôi, đứng bất động ở cuối hành lang phủ đầy khói xám. Giờ đây, thỉnh thoảng bà vẫn xuất hiện trong những giấc ngủ chập chờn của tôi, nhưng khi mẹ lao nhanh về phía trước để tấn công tôi, thay vì bỏ chạy, tôi lầm lì tiến đến trước mặt bà, từng bước một. Khi mẹ giơ con dao sáng loáng lên toan đâm vào tôi, tôi sẽ phanh ngực áo ra và hét lớn: Giết tôi đi…! Làm đi, giết tôi đi! - Con dao bất động bên cạnh gương mặt đỏ bừng đầy hận thù của mẹ. Tôi chậm rãi bước đến trước mặt bà, khẽ thì thầm vào tai bà: - Giết tôi đi, nếu không, hãy để tôi yên! - Mặc dù vẫn còn bị mẹ đe dọa trong cuộc sống thực, nhưng dẫu sao tôi cũng đã thoát khỏi sự chế ngự của bà trong những giấc mơ. Tôi đã sợ hãi và ám ảnh suốt một thời gian dài, nhưng sau cái chết của cha, dần dần, tôi có một niềm tin rằng cuối cùng tôi cũng tự giải phóng mình khỏi móng vuốt của mẹ.
Không lâu sau, tôi hay tin phi đội của tôi được cấp trên chọn để bay đến Ai Cập và xây dựng một căn cứ quân sự tạm thời. Gần bốn trăm binh sĩ được bổ nhiệm vào đơn vị này đều đã được giao nhiệm vụ. Tôi cảm thấy mình thật sự khao khát được tham gia vào kế hoạch đặc biệt ấy. Là một binh sĩ hạng bét vì thời gian tại ngũ chưa tới một năm, đương nhiên tôi không được xem xét, nhưng một vị thiếu tá hậu cần đã nói với những sĩ quan khó tính của tôi hãy cho tôi một cơ hội. Họ đồng ý. Và thế là tôi nhận được một cơ hội. Sau cùng khi đã được chọn, tôi phấn chấn đến nỗi đã chạy bay đến nhà hàng Denny để xin thôi việc rồi quay về gói ghém đồ đạc.
Bài tập có tên “Bóng ma kiêu hãnh” đã mang đến cho tôi một triển vọng khác biệt để trở thành thành viên của đội bay. Giữa chốn sa mạc, bên ngoài Cairo, tôi làm việc quần quật từ mười đến mười hai giờ mỗi ngày trong cái nóng như lò thiêu vào ban ngày, rồi tiếp tục dưới cái lạnh cát da cát thịt khi đêm xuống, không một phút nghỉ ngơi. Tôi tự hào vì mình đã kề vai sát cánh lao động cùng các đồng đội, những người đã rất nỗ lực vì một mục đích chung là hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mỗi khi tranh thủ được chút thời gian cho riêng mình, thường thì tôi sẽ ra khỏi căn lều màu xanh đen ngột ngạt và dán mắt lên nền trời, nơi có những chiếc phản lực chiến đấu Phantom F-4 (15) đời cũ của Mỹ đang bay lượn, trình diễn cho các phi công Ai Cập những màn lao thẳng xuống đất hoặc phóng vút lên không trung với vận tốc vượt quá vận tốc âm thanh khiến cả mặt đất rung chuyển như thể núi lửa đang phun trào. Cơn chấn động thực tế có thể sẽ phá hủy lều nấu ăn của chúng tôi, hất tung mọi chai lọ, xoong chảo và nhiều vật dụng khác. Vào những lúc tĩnh lặng hơn, tôi lại đứng nhìn mê hoặc lên nền trời đỏ thảm khi ánh dương dần khuất sau những đụn cát nâu lốm đốm. Cũng có khi tôi chỉ đứng lặng im hít thở bầu không khí trong lành khi bình minh vừa ló dạng. Sau cùng thì ở cách nơi tôi sinh ra nửa vòng trái đất, cũng có những phút giây tôi thấy lòng thanh thản và tự nghiệm ra rằng mình không cần quá lo lắng cho tương lai, cũng đừng tìm cách trốn chạy quá khứ. Cuối cùng thì tôi cũng tìm thấy một chút an bình cho tâm hồn mình.
(15) Phantom F-4 Mẫu máy bay chiến đấu được thiết kế riêng cho Hải quân Hoa Kỳ, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1960.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Ngay khi từ Ai Cập trở về, tôi lập tức gọi cho Alice. Không để cho Alice kịp hỏi thăm hay nói gì, tôi đã hào hứng kể không ngớt về những chuyến phiêu lưu mệt nhoài kéo dài nhiều giờ liền ở căn cứ quân sự, chuyến viếng thăm Kim Tự Tháp, tượng nhân sư và về hàng loạt tấm bưu thiếp mà tôi đã gửi cho Alice và Harold. Đợi tôi dừng lấy hơi, Alice tranh thủ chen ngang, báo rằng cậu Dan của tôi đã qua đời. Cuộc trò chuyện giữa tôi với Alice gián đoạn. Tôi gọi ngay cho bà ngoại để xin số điện thoại của cô Jane, vợ cậu Dan. Cũng như mọi khi, tôi không biết mình sắp phải đối diện với điều gì, thế nên, tôi hít thật sâu, hồi hộp đợi bà nghe máy để phán đoán tâm trạng của bà. Tôi hơi bất ngờ và chột dạ trước giọng nói yếu ớt của bà. Tủ trước đến nay, tôi chưa lần nào cảm nhận rõ bà có thể dễ dàng bị tổn thương đến vậy.
- Cháu rất lấy làm tiếc khi nghe tin về cậu Dan. - Tôi nói một cách từ tốn.
Tuy cách nhau hàng ngàn cây số, từ khu vực ngoại thành của thành phố Salt Lake (16), tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng bà thút thít qua điện thoại. Sau khi khóc được một lúc, thái độ của bà bắt đầu thay đổi. Càng muốn được ở cạnh để an ủi bà, tôi càng nghĩ chẳng qua mình cũng chỉ là một khán giả bất đắc dĩ của bà mà thôi.
(16) Salt Lake City: Thứ đô và là thành phố đông dân nhất bang Utah, Mỹ. Tên của thành phố này thường được gọi tắt là Salt Lake hay SLC.
- Sẽ không ai hiểu được cảm giác này… - Bà bắt đầu than vẫn. - … Cảm giác khi mất đi nhưng đứa con, khi hoàn toàn cô đơn lạc lõng. Không ai hiểu được cả.
- Gì cơ ạ? - Tôi kêu lên. - Bà nói mẹ mất rồi ư? Mẹ cháu mất rồi sao?
- À, - bà lại sụt sịt, - lẽ ra nó nên chết rồi mới phải. Cháu xem, ít ra thì nó cũng nên tạt ngang thăm mẹ đẻ của nó chứ.
- Vậy là mẹ cháu còn sống? Cháu xin lỗi, cháu hiểu lầm. Cháu nghĩ bà nói… - Tôi bỏ lửng câu nói.
- Này nhóc, để ta nói cho cháu nghe. Khi mẹ cháu bán nhà cho một kẻ ngoại quốc nào đấy - nghe đâu nó kiếm được một món hời. Ngôi nhà vừa rao lên đã có người mua ngay. Nhưng nó có cho bà được gì không? Không. Khốn thật, chẳng có gì cả! Không một đồng xu lẻ, không một lời nói tử tế với mẹ đẻ của nó…
Tôi định thần, cố hiểu bà đang nói gì. Thực tâm tôi không chút bận lòng về việc mẹ đã chuyển chỗ ở.
Không một chút quan tâm. Tôi chỉ nghĩ ngay đến những người anh em của tôi - họ có tiếp tục ở với mẹ không, họ có được an toàn hay không? Nhưng cũng có thể họ đã có một cuộc sống hạnh phúc mới… Rồi tôi dần thoát khỏi trạng thái như đang mê man của mình. Tôi tự hỏi cuộc nói chuyện giữa bà và tôi rồi sẽ đi đến đâu. Tôi vẫn chưa quên quy tắc ngầm khi nói chuyện với bà, đó là hãy để cho bà nói khi nào bà còn muốn thế, đừng bao giờ đặt nghi vấn đối với những gì bà nói, đừng bao giờ ngắt lời bà, và quan trọng nhất là đừng bao giờ hỏi một câu nào cả. Bất kỳ câu hỏi nào cũng có thể gây ra những hậu quả khó lường.
- Thưa bà, cháu xin lỗi, nhưng… bà có thể cho cháu số điện thoại của cô Jane không? Cháu chỉ muốn nói với cô ấy vài lời chia buồn. Cháu đã xa nhà khá lâu, và cháu không muốn cô ấy nghĩ rằng cháu…
- À, - bà chen ngang, - ta không biết có tìm thấy số điện thoại không. Ta không biết mình phải làm gì đây. - Bà dừng lại một lúc và thở dài khó nhọc. - Nhưng cũng chưa hết đâu, cháu có thể tưởng tượng được là nó đang sống gần đây không? - Tôi nghe thấy bà gõ mạnh vào ống nghe điện thoại. - Tại sao lại ở đây mà không phải nơi nào khác? Mà nó cũng không biết phép tắc gì cả, nó chưa bao giờ đến thăm hỏi ta. Chưa một lần nào. Chắc là nó đang chờ ta ghé thăm nơi ở của nó và cúi chào cái về cao sang của nó đấy. Nếu thế thì nó cứ chờ cho đến khi địa ngục bị phủ đầy băng tuyết đi nhé! Ta không cần gì cả, cháu biết mà.
Tôi đứng trong buồng điện thoại chật chội, đầu gật lia lịa đồng ý với bà như một cái máy.
- Vâng, thưa bà, cháu hiểu ạ. - Nhưng thực tâm tôi chẳng có chút ấn tượng gì khi nghĩ đến việc mẹ đã chuyển đến thành phố Salt Lake. Bởi tôi nhớ lúc trước, khi chúng tôi còn bé, mẹ thường nói với Ron, Stan và tôi về Utah với giọng khinh miệt, về những mùa đông khắc nghiệt và cả về cái tên mà bà đã gán cho nó là “xã hội trong ‘Nhà thờ’”. Tôi cũng không thể ngờ rằng mẹ lại chọn đến ở gần nhà bà - người đã bị mẹ đối xử hết sức tàn nhẫn và độc ác.
Tôi giữ chặt ống nghe điện thoại, nhớ lại những lần mẹ thay đổi thái độ mỗi khi bà ngoại ghé qua nhà chơi. Ngay cả khi tôi đang ngồi dưới chân cầu thang ở tầng hầm, tôi cũng cảm nhận được lối cư xử vừa có chút dễ bảo, vừa có chút lạnh lùng đến thản nhiên của mẹ đối với bà. Dường như mẹ cố tỏ ra nhượng bộ trước bà, nhưng chỉ trong một giới hạn nhất định. Nếu bà càng cố thể hiện sự ảnh hưởng với mẹ, mẹ sẽ càng tỏ ra kháng cự và khước từ mọi đề xuất của bà. Lần nào cũng vậy, sau khi bà ra về thì đều có hậu quả để lại. Và thường thì tôi chính là phương tiện để mẹ trút cơn giận. Giờ đây, tôi không thể nhớ được một cử chỉ yêu thương hay quan tâm nhỏ nhặt nào giữa hai người phụ nữ ấy. Càng nghe những gì bà nói, tôi càng không thể không hình dung về một mối quan hệ đã héo hon giữa mẹ và con gái - tất cả chỉ vì lòng hận thù dai dằng; nhưng không thể phủ nhận họ cũng chính là hình ảnh phản chiếu của nhau.
Qua những cuốn sách về tâm lý học và về sự phát triển của loài người mà tôi đã đọc, tôi có thể kết luận rằng việc mẹ uống rượu, cách hành xử đầy thù hận và đương nhiên là cả cách đối xử tàn bạo của mẹ đối với tôi đều có liên quan đến quá khứ của bà.
Hơi thở khó nhọc của bà ngoại đưa tôi trở về thực tại. Giọng bà trở nên giận dữ:
- Ta không biết phải làm gì với Stan nữa. Ta giao cho nó làm những việc lặt vặt và dĩ nhiên là ta có trả tiền cho nó, nhưng cháu biết đấy, ta đâu có sống đời với nó được. Ta đã nhiều lần nói với nó, nó cần phải học cho xong và có được bằng trung học. Ta đã nói với nó không biết bao nhiêu lần rằng ta sẽ trả tiền cho thầy giáo dạy kèm. Cháu nghĩ nó có nghe lời ta không. Rồi cháu sẽ thấy, khi nó phải ra đời một mình mà không có lấy một tấc đất cắm dùi, nó sẽ lại chạy đến tìm ta cho xem… Cháu nghĩ đi, tất cả những điều ta đã làm…
Tôi phải xen vào để ngăn bà xem thường cậu em trai Stan của tôi. Stan là đứa đã chịu sự chậm phát triển thể chất nhẹ do trải qua một trận sốt thập tử nhất sinh khi còn nhỏ.
- Bà ạ. - Tôi cắt ngang lời bà. - Cháu xin lỗi về chuyện của Stan, nhưng cháu có thể… có thể phiền bà cho cháu xin số điện thoại của cô Jane được không ạ? - Nghe thấy bà dừng lại một lúc khá lâu ờ đầu dây bên kia, tôi biết mình đã chen ngang hơi quá đà, nhưng tôi cũng biết rằng yêu cầu đơn giản nhất của tôi luôn luôn gặp phải hàng loạt rào cản lớn.
Sau nhiều lần tôi giục giã nhẹ nhàng hơn, cuối cùng bà cũng mủi lòng. Tôi gác máy, cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Lúc ấy, thật tình tôi muốn gửi cho bà một tấm thiệp, một bó hoa, hoặc sẽ xin về phép để ghé thăm bà. Tôi đã rời khỏi nếp sống gia đình quá lâu đến nỗi giờ đây tôi không biết mình phải làm gì hay những ý định của tôi sẽ được đón nhận như thế nào nữa. Bao năm qua, tôi luôn muốn làm những điều đúng đắn để chuộc lại những điều sai quấy tôi đã gây ra trong quá khứ. Nhưng cũng chính vì vậy mà mặc cảm tội lỗi cứ bao trùm lấy tôi, và tôi không biết phải tiến hành mọi việc như thế nào nữa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Tôi bước ra khỏi buồng điện thoại, hít vài hơi thật sâu để đầu óc được thư giãn. Tôi biết hẳn là bà đã phải trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra tôi đang mải quanh quấn với nỗi sầu khổ của bà mà quên mất cậu Dan.
Trong cuộc nói chuyện, bà có đề cập vài thông tin liên quan đến cô Jane và các con của cô. Nhưng khi tôi hỏi đến các anh em của mình, thì bà gạt phắt đi để tiếp tục kể lễ và than vãn về nỗi thống khổ của bà. Cũng như mẹ, bà chỉ luôn hướng sự quan tâm của người khác vào bản thân mình mà thôi.
Tôi gọi cho cô Jane. Nói chuyện với cô cho tôi cảm giác hoàn toàn khác khi nói với bà ngoại vài phút trước đó. Cô quan tâm đến cảm xúc của tôi hơn là nỗi mất mát mà cô đang gánh chịu. Tôi nghĩ mình nên tìm cách tạm thời chuyển suy nghĩ của cô Jane sang vấn đề khác để cô có thể nhẹ lòng hơn trong chốc lát. Thế là tôi kể cho cô nghe về chuyến đi của mình đến Ai Cập và về mong muốn được học đại học để có thể làm được điều gì đó cho bản thân.
- Cháu đã làm được rồi, David ạ. Dan rất tự hào về cháu. Tất cả chúng ta đều tự hào về cháu. Nhưng cháu cũng đừng nên vội vàng quá, hãy biết tận hưởng cuộc sống cháu ạ. Hãy tranh thủ thời gian nhưng cũng phải biết thư giãn một chút.
Trong lúc nói chuyện với cô Jane, tôi lại nhớ đến hình ảnh cậu Dan. Cậu là người đàn ông dứt khoát, đam mê những môn thể thao ngoài trời, và cũng là người uống rượu nhiều không thua gì cha mẹ tôi. Tôi nhớ lúc nhỏ, có lần tôi nhìn sâu vào mắt cậu và cảm giác ngay rằng cậu Dan có cái gì đó rất giống với mẹ tôi - một người có tính khí thất thường và có thể bùng nổ vào bất cứ lúc nào. Khi nghe cô Jane bộc bạch chuyện gia đình giữa cô và cậu Dan, tôi mới hiểu cuộc hôn nhân của hai người không mấy suôn sẻ và hạnh phúc.
- … Sau những chuyện như thế, cuộc sống không còn dễ dàng gì, David ạ. Mọi thứ không còn như lúc đầu… Việc say xỉn, nặng nhẹ, to tiếng… mọi thứ…
- Cháu không cố ý gợi lại chuyện cũ đâu thưa cô. - Tôi thanh minh. - Cháu chỉ muốn biết để… để cháu không lặp lại như…
Cô Jane im lặng, như thể rất hiểu và thông cảm cho tôi.
- Ta hiểu. Cháu đừng quá câu nệ như thế. Như ta đã nói, khoảng thời gian trước đó là một thời kỳ khác hẳn; thời của cha mẹ cháu, và thời của ông bà cháu… Cháu không hình dung được đâu. Bất kể chuyện gì xảy ra, chúng ta đều cố tình trốn tránh. Những việc không hay trong gia đình đều bị giấu nhẹm. Nhiều người trong chúng ta rất hy vọng những tình huống chúng ta đã trải qua, hay cách chúng ta được nuôi dạy sẽ không được truyền cho con cháu chúng ta sau này. Đó chính là khó khăn lớn nhất đối với chúng ta. Nếu bọn trẻ các cháu có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này, thì đó chính là điều mong mỏi lớn nhất đối với tất cả người lớn chúng ta. Trong cuộc sống này không có gì được đảm bảo mãi mãi, vì vậy, hãy học từ những sai lầm của người khác. Khi còn có thể, hãy làm những gì trong khả năng của cháu. Đừng để bị hủy hoại như… À mà thôi, hãy thả lòng mọi thứ và để cho cuộc sống thật tự nhiên đi cháu.
Tôi thấy cô Jane đã nói lên được tất cả theo một cách ngắn gọn nhất. Nhiều tháng sau lần nói chuyện với cô, những lời cô nói vẫn vang vọng trong tâm trí tôi. “Đừng để những điều đó hủy hoại cháu”, điều cô nói khiến tôi nhớ lại như in những gì cha đã nói với tôi trước khi tôi đăng ký nhập ngũ: “Hãy làm những việc con phải làm. Đừng kết thúc tất cả như cha”. Cô đã giúp tôi nhận ra rằng tất cả những gì xảy ra giữa mẹ và tôi đều bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa khác chứ không đơn thuần chỉ là do mẹ say xỉn tối ngày. Giờ đây tôi có thể hình dung ra nỗi lo lắng mà mẹ, và thậm chí cả bà đã mang theo trong lòng suốt bấy lâu. Tôi không cách nào đổ lỗi cho ai trong hai người ấy; nếu có, tôi chỉ lấy làm buồn vì những gì đã xảy ra trong suốt thời thơ ấu của họ mà thôi.
Ký ức về những ngày chưa đến tuổi đến trường của tôi lại hiện về sống động như một thước phim hoạt hình dễ thương đầy màu sắc. Khi đó, tôi gọi mẹ là “mẹ của con”, còn mẹ thì dành cho Ron, Stan và tôi tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc vô bờ bến. Tôi còn nhớ có những lúc bà ngoại ghé thăm nhà chúng tôi, ngay sau khi bà vừa về, thế nào bốn mẹ con chúng tôi cũng hò reo vui mừng. Điều đó chứng tỏ mẹ vẫn xem bà ngoại như một người mẹ, và chỉ khi bà rời khỏi nhà, mẹ mới có thể làm theo ý mình. Một lần nọ, bà ngoại đến chơi và không muốn mẹ để anh em chúng tôi chơi trò Twister vì sợ chúng tôi bị trẹo xương, thế là ngay khi bà vừa ra về, mẹ đã trải tấm nhựa ra và cùng chơi với chúng tôi.
- Ôi, đừng sợ bà ngoại. - Mẹ nói khẽ. - Bà ngoại chẳng biết chơi đâu. Mẹ con mình cùng chơi đi!
Khi hồi tưởng lại quá khứ, tôi nghĩ đâu đó trong tâm hồn mẹ vẫn còn lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu; và bất cứ khi nào có dịp, bà cũng vẫn muốn sống lại cùng những ký ức tươi đẹp đó. Nhưng tiếc thay, cuộc sống thực tại với những màng màu tối đã nuốt chửng mẹ, và bà đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Khoảng thời gian tôi bị cô lập trong ga-ra u ám, phải ngủ co ro trên chiếc giường cũ kỹ, tôi vẫn luôn cầu xin cho “mẹ của tôi” - người mẹ thật sự của tôi quay trở lại và giải cứu tôi khỏi “người mẹ hiện tại” của mình. Chẳng hiểu sao sau tất cả những gì đã xảy ra, tôi vẫn luôn vững tin rằng một ngày nào đó, chắc chắn mẹ của tôi sẽ tỉnh giấc, và khi đó, tất cả chúng tôi sẽ được sống trong một gia đình hạnh phúc, ấm cúng mãi mãi.
Bằng một cảm quan kỳ lạ, tôi bắt đầu thấy tiếc cho mẹ. Tôi tự hỏi liệu tuổi thơ của mẹ có hạnh phúc không? Và có phải mẹ đã không hài lòng trước cách nuôi dạy của bà ngoại? Nếu sự thật là vậy, thì hẳn mẹ đã trở thành một con người mang đầy lòng thù hận bởi mẹ đã không thể đối diện với những vấn đề chưa được giải quyết của mình. Chỉ khi bước vào tuổi hai mươi, tôi mới nhận ra rằng, trừ khi có một sự thay đổi mạnh mẽ nào đó, nếu không thì cách nuôi dạy mà một người nhận được khi còn bé sẽ có sự tương đồng với cách người đó áp dụng đối với con cái của mình. Đối với tôi, vấn đề không còn nằm ở chỗ đổ lỗi cho mẹ tôi, hay quy kết cho ông bà ngoại của tôi, mà vấn đề là tôi phải làm thế nào để sống một cuộc sống tránh xa những đau khổ và tuyệt vọng. Và tôi phải làm thế nào để bất cứ điều gì đã đẩy mẹ tôi xuống vực thẫm cũng sẽ không có tác dụng gì đối với tôi. Tôi vẫn thấy bối rối, và chẳng hiểu sao tôi vẫn luôn tha thiết mong muốn được mẹ chấp nhận, được sống trong vòng tay yêu thương của bà. Nhưng sau chừng ấy năm, hy vọng và khao khát ấy dần bị mài mòn. Và giờ đây, tất cả những gì tôi có thể làm là thực hiện theo lời khuyên của cô Jane và sống hết mình với cuộc sống của mình.
Sau hơn hai năm làm việc với vai trò là đầu bếp quân sự, tôi đăng ký trở lại khu huấn luyện của phi đội. Nhờ đó, tôi bắt đầu làm việc theo thời khóa biểu từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều. Không phải thức dậy vào lúc ba giờ sáng để bắt đầu một ngày làm việc kéo dài từ mười đến mười bốn tiếng nữa, tôi bỏ mặc thời gian tự do trôi đi, tôi hân hoan chào đón cơ hội của mình. Khoảng thời gian này đối với tôi quá đỗi tuyệt vời. Để có thể trở thành phi công, tôi cần phải theo học đại học. Khi còn là đầu bếp, tôi phải làm việc không ngơi tay, và vì thế tôi không có thời gian để đăng ký bất kỳ lớp học nào. Nhưng giờ thì tôi đã có thể dành thời gian cho những việc mình cần.
Tuy vậy, việc tiếp cận lại với trường lớp sau một thời gian dài, cùng với những nỗ lực để hoàn thiện bản thân sau một ngày làm việc vất vã khiến tôi không ít lần nản lòng. Khi còn ở trường trung học tôi chỉ được học môn toán học căn bản, thế nên giờ đây, khái niệm về đại số đại cương quả thật vượt xa tầm hiểu biết của tôi. Ngay cả một trong những quy tắc cơ bản nhất là số âm nhân với số âm sẽ thành số dương, tôi cũng cảm thấy khó nắm bắt. Hầu như tôi không thể nào hiểu được tính lôgíc của vấn đề. Ngay cả sau khi được thầy giáo giải thích “đơn giản nó là như vậy”, tôi cũng không tài nào hiểu nổi. Bởi không thể lĩnh hội được những quy tắc cơ bản nhất, nên tôi phải mất hàng giờ liền để giải một bài toán đơn giản cho đến lúc đầu đổ gục xuống bàn học mới thôi.
Ngoài ra, mỗi lần hồi hộp và căng thẳng, tôi vẫn còn phát âm sai và lắp bắp, nên tôi đã bỏ ra hàng giờ liền đứng trước gương, tự nói chuyện với mình và theo dõi cử động của môi để tìm cách khắc phục. Cũng vì tự ti, nên tôi rất sợ tiếp xúc với các cô gái, và tôi hầu như rất ít ra ngoài cùng bạn bè. Tôi muốn hạn chế tối đa những tình huống mình trở thành trò cười của mọi người. Tôi chỉ có đúng một hình mẩu để sắm vai và đúng một nơi tôi cảm thấy an toàn. Cuộc sống của tôi chỉ có hai màu trắng và đen.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Tôi bị các bạn trong lớp bỏ xa đến nỗi điều duy nhất mà tôi học được là tự nguyền rủa sự ngu ngốc của mình. Đã có lúc tôi nghĩ rằng mình đang cố gắng trở thành một người nào đó, một người mà bản thân tôi biết rõ tôi không phải là họ. Trong khi những người khác đều tích lũy được kiến thức từ các môn học, tôi thấy mình mất phương hướng hoàn toàn. Thật buồn cười là tôi đã luôn tự hào vì bản thân luôn biết rõ những giới hạn của mình, thế nhưng giờ đây tôi lại rơi vào tình thế không thể kiểm soát được. Một đêm khuya nọ, sau khi hét lên thật lớn: “Mình đang đùa ai đây?”, tôi ném mạnh quyển sách toán vào tường. Tôi bỏ học.
Ban đầu, tôi cảm thấy bớt căng thẳng. Tôi được giải thoát khỏi những áp lực bài vở từng khiến đầu óc tôi mụ mỵ trong lớp học. Tôi dành thời gian rảnh rỗi mỗi tối để đọc những quyển sách như Operation Overflight của tác giả Gary Powers - viên phi công lái chiếc U-2, người đã hy sinh trên vùng trời nước Nga. U-2 là sản phẩm chế tạo của kỹ sư Kelly Johnson, người đã thiết kế chiếc SR-71. Khi tìm hiểu nhưng cuốn sách khác có nói đến nhưng chiếc phản lực độc nhất vô nhị chế tạo bởi thiên tài của ngành hàng không này - Johnson đã thành lập hẳn sư đoàn của riêng ông có tên gọi Skunk Works - tôi nhận ra rằng, để có một cơ hội mong manh trở thành một thành viên của đội bay, tôi cần phải trở lại trường học. Để xác nhận lại việc này, tôi gọi cho chuyên viên tiếp liệu trên không - người đã tiếp nhiên liệu cho chiếc SR-71 Blackbird, Trung úy D. K. Smith. Ông đã nói thẳng với tôi rằng, không chỉ lực lượng không quân đòi hỏi người tham gia phải có trình độ toán học cao cấp, mà cả những người muốn vào vị trí chuyên viên tiếp liệu cũng cần vững về kiến thức toán học, và những người ứng tuyển vào vị trí này cũng phải cạnh tranh với nhau hết sức khốc liệt. Giờ đây, mọi chuyện có vẻ đơn giản hơn, bởi tôi đã xác định được mình khao khát đạt được điều đó như thế nào; và vì thế, tôi sẵn sàng dấn thân để đạt được mục tiêu cuối cùng.
Phải mất thêm hai lần nỗ lực, cùng sự giúp đỡ hết lòng của một người thầy tận tâm, tôi mới đủ kiên nhẫn loay hoay trong mớ kiến thức hỗn độn của toán học, để rồi bỗng một ngày nọ, như có một nút thắt được tháo gở, tôi đã hiểu được thế nào là đại số học. Mọi thứ bỗng trở nên hết sức rõ ràng đối với tôi. Tôi bắt đầu thích thú với việc giải các phép toán. Tôi nhìn nhận toán học là một sự tuyệt đối - không phải những điều có lẽ xảy ra, những thứ cần phải có điều kiện, hay cứ để mọi thứ xảy ra tự nhiên, còn mình thì ngồi chờ xem kết quả thế nào. Nghiệm “x” luôn tương ứng với một thứ gì đó. Trong toán học, cũng như cuộc sống của tôi, không có chỗ nào là không rõ ràng.
Sau thành quả đầu tiên, tôi tiếp tục chiến đấu với môn đại số học cao cấp, rồi quay sang môn lượng giác. Thầy giáo của tôi là những người rất tài giỏi. Tôi bắt đầu tự tạo dựng cho mình một nền tảng tốt, học cách nắm bắt những phép toán phức tạp một cách có hệ thống. Tôi bắt đầu thấy tự tin trở lại. Tôi sống trong không gian kỳ thú của Florida, tôi tự thưởng cho mình bằng cách mua một chiếc xe máy có hình dáng kỳ dị mà dường như chỉ có tôi mới thấy thích nó, tôi vượt qua những đợt kiểm tra năng lực gắt gao, và tôi chính thức đăng ký vào phi đội ưu tú của quân đoàn. Tôi có một công việc tuyệt vời và thậm chí còn hoàn tất một khóa huấn luyện khắt khe dành cho lính nhảy dù. Tôi đang từng bước một thực hiện những việc cần làm để hoàn thiện bản thân. Đó cũng là lần đầu tiên những nỗ lực của tôi được đền đáp. Cuộc sống thật tuyệt vời. Tôi có cảm giác thoải mái và hạnh phúc như lần đầu tiên tôi trở thành con nuôi. Với tôi, giờ đây mỗi ngày là một quà tặng quý giá.
Một ngày cuối tháng 8 năm 1983, tôi bất ngờ nhận được lá thư từ em trai Russell. Vì đã lâu không liên lạc với bà ngoại, nên tôi tự hỏi không biết Russell làm thế nào mà có được địa chỉ của tôi. Tôi vội đọc lướt qua lá thư, rồi cẩn thận đọc đi đọc lại nhiều lần để có thể hiểu hết nội dung Russell viết. Tôi hồi hộp đọc kỹ từng dòng, từng chữ, lắng nghe tiếng nói từ đứa em một của mình. Đọc xong, tôi buông tay, người lặng đi. Thư của Russell một lần nữa khiến tôi nhớ lại mọi chuyện. Tôi nhớ bà đã nói với tôi rằng sau khi cha mất, mẹ đã chuyển đến sống ở vùng ngoại ô thành phố Salt Lake. Trong thư, Russell cũng nói rằng nó biết khi còn sống, cha chính là nơi để mẹ trút những bực dọc và sự tàn ác của mình; sau đó là đến lượt tôi với những năm tháng bị biệt lập trong ga-ra lạnh lẽo. Lòng hận thù và sự tàn bạo của mẹ ngày một tăng dần lên và hoàn toàn mất kiểm soát. Kể từ sau cái chết của cha và sự ra đi của tôi, Russell đã trở thành vật cho mẹ trút mọi cơn giận.
Tôi nhớ trong thời gian còn là con nuôi, có lần tôi đã va vào người Russell ở gần trường học cũ của tôi. Qua ánh nhìn lạ lùng trên gương mặt thằng bé, tôi đã hiểu. Khi tôi được an toàn trong vòng bảo bọc của chính quyền địa phương, thì mẹ đã cho các anh em tôi sống trong địa ngục. Kể ra, tôi chỉ sống và chịu đựng sự hận thù của mẹ mười hai năm, trong khi những người anh em của tôi đã phải chống chọi với sự cay nghiệt của mẹ ít nhất đến năm họ mười tám tuổi.
Rồi tôi nghĩ đến Stan. Trong thư, Russell nói rằng thằng bé lo cho Stan, bởi Stan đang phụ thuộc tài chính vào mẹ và giờ đây nó đang bất mãn với tình cảnh của mình. Stan là người tự trọng và vẫn luôn mong được là chính mình. Tôi tự hỏi, nếu có điều gì xảy ra cho mẹ hoặc bà, thì Stan sẽ ra sao? Tôi có thể làm được gì đây?
Ngay cả đối với Ron, tuy anh đã lập gia đình nhưng cũng không thể thoát khỏi vòng cương tỏa của mẹ. Russell nói mặc dù Ron và vợ anh là Linda đang sinh sống ở Colorado, nhưng để đạt được lợi ích, mẹ chỉ cần gọi cho họ một cuộc điện thoại là xong. Không khó để hình dung cảnh mẹ uống say túy lúy rồi điện thoại cho họ vào lúc nửa đêm để huyên thuyên rồi chửi rủa hàng giờ liền. Ron là sĩ quan cảnh sát trong quân đội, và vì thế tôi nghĩ anh chỉ có vài giờ ít ỏi để nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới. Tôi nghĩ người đàn ông tội nghiệp ấy chắc hẳn thường xuyên bị hành hạ bởi cả hai người phụ nữ. Đến khi nào thì anh ấy mới có được phút giây yên bình cho riêng mình? Làm sao Ron có thể kể cho Linda nghe về mẹ và về gia đình mình? Nếu mẹ vẫn giữ hình tượng mẩu mực như trước kia, hẳn trong mắt Linda, bà vẫn có thể vào vai một người mẹ dịu dàng, tử tế, một người sống cuộc đời hoàn hảo như tranh vẽ. Vai diễn đó của bà đã mang lại hiệu quả trong nhiều năm qua, nhưng giờ đây, có vẻ như bà khó lòng theo đuổi được vai diễn đó. Mọi thứ đã vượt quá sự kiểm soát của bà.
Tôi thoáng nghĩ đến tương lai của mình. Tôi tự hứa rằng nếu sau này tôi có quyết định gắn bó cuộc đời mình với ai, thì tôi tuyệt đối sẽ bảo vệ người ấy khỏi mối quan hệ bệnh hoạn giữa mẹ và tôi. Thậm chí nếu điều đó đi ngược lại với những gì tôi đã trải qua, tôi vẫn phải nói dối. Để có cơ hội đến với một người đặc biệt nào đó trong tương lai, tôi sẽ phải chôn vùi quá khứ của mình.
Nhưng ít ra thì trong thư, Russell có nói rằng đứa em út của tôi là Kevin không hiểu gì nhiều về những gì đã và đang xảy ra xung quanh thằng bé. Đối với Kevin, cách sống của mẹ và địa ngục do bà tạo ra là những điều hoàn toàn bình thường. Bằng một linh cảm kỳ lạ, tôi cảm thấy chính Ron, Russell và thậm chí cả Stan đã làm tất cả để bảo vệ đứa em nhỏ của mình. Nếu có điều gì xảy đến với Kevin, có lẽ bà ngoại sẽ cho thằng bé một nơi trú ẩn an toàn. Đọc lại lá thư một lần nữa, tôi bỗng cảm thấy vô cùng hối hận. Rõ ràng là trong tất cả các anh em, tôi là người may mắn nhất.
Lá thư kết thúc bằng một tin tức lạc quan. Russell sẽ sớm ghi danh vào Lực lượng Hải quân. Thằng bé có vẻ rất phấn khởi vì sắp gia nhập vào một lực lượng tỉnh nhuệ, còn tôi thì nghĩ rằng tình thân ái, những nhiệm vụ cao cả và sự vinh danh trong nghề nghiệp sẽ thích hợp với Russell. Nhưng điều quan trọng nhất là, càng tránh xa mẹ thì càng tốt cho Russell. Tôi mỉm cười với ý nghĩ đó của mình. Thế là trong năm anh em chúng tôi, đã có ba người tránh xa được mẹ, còn hai người nữa.
Tuy vậy, đã nhiều tuần lễ trôi qua mà lá thư của Russell vẫn giày vò tâm trí tôi. Hàng đêm, khi mở xấp giấy tờ tôi vẫn giữ trong quyển Kinh thánh, tôi lại đọc lá thư của Russell. Tại sao sau rất nhiều năm, Russell lại viết thư cho tôi? Thằng bé thật sự muốn gì đây? Nếu tôi có thể làm điều gì đó, thì tôi có thể làm gì đây? Sau nhiều năm dấn thân một cách ngớ ngẩn trong vô vọng, giờ đây tôi đã có một chỗ đứng trong cuộc đời của mình. Mặc dù vẫn mong mỏi câu trả lời cho quá khứ của mình, nhưng giờ đây tôi không còn cảm giác oán trách như trước. Sau ngần ấy năm sống trong mặc cảm mình chỉ là kẻ vô dụng, tôi giờ đây là một thanh niên sở hữu một chiếc mô-tô ấn tượng, có cơ hội làm được một điều gì đó cho bản thân bằng việc trở thành một phi công ưu tú. Nói chung, tôi nghĩ rằng mình là một người tốt: tôi làm việc chăm chỉ, biết tự lập, biết giữ kín mọi chuyện, tránh xa rắc rối, và nỗ lực hết sức để hoàn thiện bản thân. Tôi có những ưu điểm mà bất kỳ ai cũng mong muốn. Dần dần, khi thời gian trôi đi, tuổi thơ của tôi chỉ còn là ảo giác.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 11 Jun 2018

Một đêm nọ trong lúc đọc lại lá thư của Russell, tôi chợt nhận ra một điều. Mặc dù biết rằng lối sống của mẹ đã bị vạch trần trước mắt các anh em tôi, nhưng bản thân tôi - cũng như cha tôi ngày xưa - vấn giữ thái độ thụ động trong hoàn cảnh đó. Tôi chưa từng viết thư hay gọi điện cho ai, hay thậm chí chỉ là gửi một tấm thiệp mừng Giáng sinh cho những người anh em ruột thịt của mình. Sau nhiều năm cố gắng thích nghi với hoàn cảnh sống, tôi đã trở nên ẩn dật, khép kín. Chẳng nhớ tự bao giờ, tôi đã dễ dàng sống một cuộc sống như thế mình chưa bao giờ tồn tại. Một phần trong thâm tâm, tôi rất muốn xé nát lá thư của Russell. Nếu làm được vậy, lương tâm của tôi sẽ không còn bị những từ ngữ trong lá thư giày vò và ám ảnh nữa. Tôi sẽ tự bảo vệ mình bằng cách không nhìn về quá khứ thêm một lần nào nữa. Tôi nhắm mắt, nắm chặt lá thư trong tay. Tôi hít một hơi thật sâu, người tôi căng ra, hình dung cảnh tự tay mình xé nát lá thư thành nhiều mảnh vụn. Bỗng tay tôi run lên. Cảm giác xấu hổ và nghẹn ngào xâm chiếm lấy tôi. Tôi mở mắt ra, người run lên, tôi khuỵu người xuống và bật khóc. Tôi mân mê lá thư bằng mười đầu ngón tay run rẩy. Sau hơn mười năm trời tôi sống xa nhà, giờ đây lá thư của Russell là mối liên hệ duy nhất mà tôi có được với gia đình của mình. Có lẽ, lá thư ấy chính là cánh cửa tiềm thức đưa tôi trở về vói các anh em của mình. Giờ đây, điều tối thiểu mà tôi có thể làm là phải giữ lấy nó. Tôi cẩn thận đặt lá thư của em trai mình vào giữa quyển Kinh thánh, và tôi cầu nguyện cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến.
Ba tháng sau đó, lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi được về phép. Sau khi ghé thăm gia đình Turnbough, tôi lái chiếc mô-tô của mình đi liên tục không ngừng từ Bay Area đến thành phố Salt Lake. Dù cho tôi có thể ở lại cùng bà ngoại, nhưng tôi muốn dành thời gian càng nhiều càng tốt bên cạnh nhưng người anh em của mình. Và nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, thì sau cùng tôi cũng sẽ đối diện với mẹ. Suốt mấy tháng qua, kể từ khi tôi nhận được thư của Russell, bà ngoại và tôi đã tạm thiết lập một thỏa hiệp hòa bình mỏng manh. Mặc dù thỉnh thoảng bà vẫn trút giận lên tôi, nhưng ít ra thì giờ đây bà đã đối xử vói tôi như một người trưởng thành, có khả năng quyết định cuộc sống của riêng mình. Nhưng trước cuộc hành trình, khi tôi báo cho bà biết ý định của tôi, qua cách trả lời đầy mỉa mai của bà, tôi hiểu có điều gì đó không ổn. Tôi không hiểu mình đã nói gì khiến bà lại phật ý như thế. Khi đến gần Utah, tôi chỉ hy vọng bà sẽ không can thiệp vào chuyện của tôi thêm một lần nào nữa. Có thể sự có mặt của bà sẽ khiến cho anh em chúng tôi gần gũi nhau hơn, nhưng cũng có thể - chỉ là có thể thôi - sẽ khiến cho mẹ có cơ hội hành xử theo cách xưa nay của bà ấy. Giờ đây, kết quả thế nào là do tôi quyết định. Điều duy nhất tôi có thể chắc chắn là, khi tôi lái chiếc mô-tô đi về phía mặt trời, là tôi đang tiến về với những tình cảm yêu thương thời thơ ấu của mình, và cuộc sống của tôi sẽ đổi thay mãi mãi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 11 Jun 2018

CHƯƠNG 7 HÀNH TRÌNH NGỐC NGHẾCH


Lúc tôi tìm thấy ngôi nhà của bà ngoại nằm giữa khu nhà ở lưu động, trời đã quá nửa đêm. Tôi gõ cửa nhà bà liên tục, nhưng vì quá khuya, nên có lẽ bà đã đi ngủ từ lâu. Mệt lả sau chuyến đi không ngừng nghỉ từ California, tôi chỉ còn biết trải chiếc túi ngủ cột sân trên xe ra và nằm ngủ ngay trên một chiếc ghế trước hiên nhà.
Sáng hôm sau, tiếng kéo mạnh cánh cửa trượt làm tôi thức giấc. Nhiều năm qua, tôi vẫn hình dung đến cảnh tôi sẽ mừng bà bằng một vòng ôm nồng ấm như tôi vẫn thường xem trong phim, thế nhưng chưa kịp mở hết khóa kéo của chiếc túi ngủ, tôi đã thấy bà đứng chống nạnh ngay kế bên.
- Thế đấy, ta thấy cháu rồi nhé. - Bà nói như tuyên bố hơn là hỏi thăm tôi.
- Cháu xin lỗi. - Tôi vừa nói vừa ngáp và dụi mắt - Cháu lái xe đi một chặng đường dài nên mệt quá
Tôi mỉm cười đứng lên cạnh bà, rồi ngượng ngùng nghiêng người sang ôm bà. Trong tích tắc, tôi nghĩ bà có vẻ lưỡng lự. Tôi nhẹ nhàng ôm lấy bà vòng tay ra sau lưng bà. Mặc dù bà cũng đáp lại hành động của tôi bằng một cử chỉ tương tự, nhưng tôi cảm thấy cái ôm của bà có vẻ như máy móc - nó chẳng mang một ý nghĩa xúc cảm nào cả. Khi bà đẩy tay tôi ra, tôi cũng buông bà ra và theo bà vào bên trong căn nhà lưu động. Một mùi hương ngào ngạt đưa tôi trở lại những tháng ngày thơ ấu. Tôi nhớ những lần mẹ đưa Ron, Stan và tôi đến nhà bà ở San Francisco nhân dịp lễ Giáng sinh và chúng tôi đã dành cả ngày để trang trí cây thông Noel của bà. Chúa ơi, tôi nhủ thầm, khi đó chắc hẳn tôi chỉ mới năm hay sáu tuổi gì đó. Sau ngần ấy năm trời, dường như bà vẫn còn giữ những đồ vật năm xưa trong tình trạng gần như hoàn hảo. Tôi đứng há hốc miệng khi rê tay dọc theo bàn phím trên chiếc đàn dương cầm của bà.
Tuy đã ở cái tuổi bảy mươi, nhưng trông bà vẫn tràn trề sinh lực. Bà đưa tôi đến tiệm bánh địa phương để mua vài ổ bánh mì, sau đó là một chuyến đi dạo ngắn nhưng gấp rút quanh thành phố mà bà liên tục dừng xe lại, rồi chạy đi khiến tôi chỉ muốn nôn mửa. Sau đó, cả hai chúng tôi dừng lại trước hiên nhà của bà để dùng bữa trưa.
Vì một lý do gì đó tôi cũng không rõ, nhưng chẳng hiểu sao tôi cảm thấy không thật sự thoải mái. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến chuyện mình đừng làm gì hay nói gì khiến bà phật lòng. Cho đến lúc này thì chuyến đi của tôi không hề giống với những gì tôi mong đợi. Tôi thậm chí không thể nhìn vào khuôn mặt của bà lâu quá vài giây. Tôi nhận ra mỗi khi nói chuyện với bà, tôi đều quay mặt đi chỗ khác. Khi với tay lấy thức ăn, tôi thấy như mình đang bị đe dọa. Đối diện với con người thật của bà bên ngoài hoàn toàn không giống với khi tôi và bà nói chuyện với nhau qua điện thoại. Trước mặt bà, tôi chỉ là một đứa trẻ đáng thương.
Tình thế càng lúc càng căng thẳng và hầu như tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Tôi đằng hắng lấy giọng và phá tan bầu không khí ngượng ngập dè dặt khi quay sang hỏi bà:
- Bà vẫn còn chơi gôn thường chứ ạ?
Qua ánh nhìn của bà, tôi biết mình đã mở đầu bằng một câu hỏi đúng.
- Mỗi tuần rồi ta có chơi một vòng với một ông tướng bên Căn cứ Không quân Hill đấy. Cháu biết không, ông ấy là tổng chỉ huy đấy. Ta có hỏi xem ông ta có biết cháu không, à, mà ta nghĩ là có quá nhiều lính… như cháu.
- Lính không quân ạ. - Tôi đính chính.
Cầm mẩu bánh sandwich trên tay, bà lạnh lùng nhìn thẳng vào mắt tôi. Sau một hồi lâu im lặng, tôi lên tiếng xin lỗi. Bà nhìn thẳng tôi và nói:
- Này, dù sao đi nữa thì cháu cũng nên dành thời gian đến thăm Học viện Không quân ở Colorado Springs. Cháu nên đến để thấy nhà nguyện. Ta có tấm bản đồ để đâu rồi không biết. Xem nào, ta để nó ở đâu rồi nhỉ?
Khi bà toan đứng dậy để vào nhà tìm bản đồ, tôi vô tình chạm vào tay bà.
- Được rồi bà ạ. - Tôi khẽ nói. - Chúng ta sẽ tìm nó sau.
Nhưng nhanh như chớp, bà phủi tay tôi rồi lao nhanh vào nhà. Từ ngoài cửa, tôi có thể nghe rõ tiếng bà mở hết ngăn kéo này đến ngăn kéo khác để tìm kiếm tấm bản đồ. Vài phút sau, bà trở ra, trông có vẻ thất vọng.
- Bà ơi, cháu xin lỗi. Nhưng cháu sẽ không đi đến đó đâu ạ. Kỳ phép của cháu chỉ được vài ngày. Cháu chỉ còn đủ thời gian để trở về doanh trại thôi bà ạ.
- Vậy là cháu hết thời gian rồi còn gì nữa? - Bà ngắt lời.
Nhìn ánh mắt khó chịu và lạnh lùng của bà, tôi suýt đánh rơi chiếc bánh trên tay. Ngay lập tức tôi nhận ra sai lầm của mình. Tôi không cố ý khiếm nhã hay bất kính với bà, tôi chỉ cố gắng bày tỏ một suy nghĩ mà đối với tôi nó đã quá rõ ràng. Chặng đường hơn mười hai giờ đồng hồ mỗi ngày bằng xe mô-tô, đi qua nhiều tiểu bang khác nhau trong suốt ba ngày trời khiến tôi không còn thời gian cho bất cứ chuyến đi ngoài kế hoạch nào nữa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 11 Jun 2018

Nhưng để xoa dịu tình thế, tôi chuyển đề tài:
- Cách đây hai tháng, cháu có nhận được thư của Russell. Cháu nghe nói nó sắp gia nhập hải quân. Bà chắc phải tự hào lắm - giờ đây, ba đứa cháu của bà đã nhập ngũ vào ba quân chủng khác nhau.
- Russell à? - Bà kêu lên. - Để ta kể chuyện Russell cho cháu nghe nhé. Nó mượn ta một cái hòm bằng kim loại. Ta cho nó mượn… rồi nó chuồn đi cùng với một nhóm nào đấy ở nhà thờ đến Hawaii, thu hoạch thơm… hay làm cái trò gì đó ở đấy. Ta không hiểu nổi tại sao những người đó không chịu lo việc của mình đi. Nếu cháu rủ rê ta, ta sẽ không đi đâu hết nếu đó không phải là một kỳ nghỉ. Vào thời của ta, khi cháu làm việc, chắc chắn không phải là đến đó với những cây cọ đâu, điều đó ta đã nói với cháu rồi mà. Công việc vất vả lắm, làm suốt ngày và ngày nào cũng thế.
Thế nhưng, từ khi nó trở về - vô cùng kiêu ngạo, ta muốn nói thêm như vậy - nó đến nói với ta rằng lần sau ta mới lấy lại được món đồ của ta; nó quên mang theo hay nó quá bận gì đấy. Lúc ta nhận lại cái hòm chết tiệt của mình, trông nó vô cùng khủng khiếp. Cái hòm hoàn toàn không giống với lúc ta cho nó mượn, ta khẳng định với cháu như vậy đấy!
Tôi ngồi im, mặt mũi như đông cứng lại. Không thể tin được là chính tôi lại tạo điều kiện để bà giải tỏa ức chế như thế. Bà lại trở về với nhưng cơn hằn học. Tôi thở dài tựa lưng vào ghế, tự hỏi liệu có bất cứ đề tài hay người nào được nhắc đến mà không có chuyện không. Bà lại tiếp tục:
- Giờ thì ta không sử dụng cái hòm đó được nữa. Cháu nghĩ xem, chuyện ta yêu cầu nó trả lại cho ta cái hòm nguyên vẹn như lúc ta cho nó mượn đâu có gì là quá đáng!
- Bà ạ! - Tôi miễn cưỡng xen vào. - Bà đã đi lại nhiều, nên chắc bà biết mà. Thứ gì cũng có tuổi của nó. Bà có thể đã dùng cái hòm đó trong bao lâu, nhiều năm rồi đúng không? Cháu chắc một điều là Russell không hề biết chiếc hòm có ý nghĩa thế nào với bà. Ngoài ra, - tôi nhún vai, - thằng bé làm sao tránh được những chuyện ngoài ý muốn khi người ta vận chuyển chiếc hòm từ máy bay này sang máy bay khác khắp Hawaii chứ bà?
- Chuyện đó không quan trọng! - Bà bực tức. - Ta đã bỏ rất nhiều tiền để mua chiếc hòm đó. Đáng lẽ nó phải xin lỗi ta. Ta có thể chấp nhận như vậy hơn là… là hành động dối trá của nó. Ta không thể và sẽ không bao giờ tha thứ cho một kẻ nói dối!
Tôi muốn chồm đến ôm lấy bà để xua tan mọi nỗi thất vọng trong bà. Tôi không thể tin bà có thể lại tức giận vì một chuyện nhỏ nhặt như vậy. Tôi nói:
- Bà ạ, có thể Russell quá bối rối. Có thể nó sợ phải mang trả cái hòm cho bà sau khi đi Hawaii về. Bà có nghĩ rằng có lý do nào đó khiến nó muốn tránh gặp bà không? - Tôi hỏi một cách tế nhị, cố gắng xoa dịu tình hình một lần nữa.
- Không quan trọng! Nếu cháu không biết phải nói năng thế nào, thì hãy ngậm miệng lại đi! - Bà gắt, giọng hằn học như thể đang trao cho tôi một thông điệp đầy ẩn ý.
Tôi hiểu bà muốn gì. Tôi thở dài, cố thư giãn đầu óc.
- À, - tôi mỉm cười, đổi đề tài, - nhà bà trông tuyệt thật. Lần trước bà có nói với cháu là Stan giúp bà chăm nom nhà cửa phải không? Stan đã làm việc rất…
- Stan ư? Để ta kể chuyện Stan cho cháu nghe! - Tôi chưa kịp nói gì thêm, bà đã làm tiếp một tràng ta thán khác. - Ta đã nói là nó phải học cho xong để có thể kiếm một việc gì đó đàng hoàng. Ta đã nói với nó những điều nó cần làm. Ta còn đề nghị giúp nó môn đọc hiểu. Nếu nó không học hành đàng hoàng, - bà tức tối, - ta không biết nó sẽ trở thành loại người gì nữa. Nếu không học, cháu chỉ có thể là một thằng đi giao bánh pizza mà thôi. Thẳng bé cần phải đến trường và học một nghề gì đó. Ta dứt khoát không trở thành người chịu trách nhiệm cho cuộc đời của nó đâu.
Tôi nghĩ mình đã chịu đựng quá đủ. Tôi siết chặt nắm tay dưới gầm bàn.
- Thưa bà, - tôi lạnh lùng nói, - Stan bị chậm phát triển trí tuệ. Đó không phải là lỗi của nó.
- Ta biết rất rõ điều đó. Nhưng không có nghĩa là Stan phải đi xin của bố thí suốt cuộc đời của nó. - Bà vặn lại. Qua cách nói của bà, tôi nghĩ ít ra thì giờ đây bà cũng đang nói đến Stan như nói đến một con người.
- Khả năng nhận thức và hiểu biết của Stan bị hạn chế. Bà có thể tưởng tượng ra việc bà phải đọc một thứ gì đó và không những không hiểu được, mà còn không thể nhớ là đã đọc gì, cảm giác đó sẽ là như thế nào không? Hãy tin cháu, cháu biết. Nhưng thứ như vậy rất đáng sợ. Thật sự mà nói, cháu nghĩ Stan rất bối rối đấy ạ. Cháu nghĩ Stan biết nó sẽ phải làm việc cật lực cho cuộc sống sau này của mình. Cháu… cháu… - tôi lắp bắp, - cháu không hiểu rõ Stan lắm, nhưng… Stan thì… à, cháu nghĩ vì lòng tự trọng, Stan đã không thừa nhận điều đó bà ạ.
Bà quắc mắt:
- Cháu không biết gì về nó cả - cũng không biết gì về mấy đứa khác. Như ta đã nói, nếu cháu không biết mình đang nói gì, thì hãy im miệng lại đi. - Bà dừng lại một chút như thể để lời nói của mình phát huy hiệu lực. - Ngoài ra, nó cần phải bớt vênh váo lại đi.
Cảm xúc trong tôi như dâng trào tột độ. Mặc dù ngồi trước mặt tôi là một người thân, một người lớn tuổi mà tôi phải kính trọng, nhưng tôi thật sự cảm thấy ghê sợ lòng hận thù của bà ngoại. Dù vậy, trước khi tôi định nói thêm điều gì đó, tôi xin phép đi vào nhà tắm và tát nước lạnh liên tục vào mặt để tỉnh táo và bình tĩnh trở lại. Tôi nhìn mình trong gương. Mặt tôi vẫn còn bơ phờ và đôi mắt đỏ ngầu vì chuyến đi lạnh đến tê cóng vượt qua sáu trăm dặm đường trên chiếc mô-tô mà không một vật che mưa chắn gió. Khi với tay lấy khăn lau mặt, tôi lại nghĩ đến bà. Tôi không thể hiểu nổi tại sao gần như chuyện gì bà nói ra cũng chứa đầy sự hiểm ác và hằn học. Cách bà nói chuyện, giọng điệu của bà, những từ bà dùng… gần như là một nguyên mẩu của mẹ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 11 Jun 2018

Một lúc sau, tôi lấy lại bình tĩnh. - Ôi Chúa ơi!
Bước ra khỏi nhà tắm, tôi nhìn lướt qua phòng khách của bà. Mọi thứ thật chỉn chu. Mỗi đồ vật, dù lớn nhỏ thế nào hay dù ít nhiều ra sao, cũng đều được sắp xếp một cách có chủ ý. Tôi ngó quanh và không thấy tấm ảnh nào của mẹ. Ngoài một số ảnh của các cháu được đặt rải rác khắp phòng, không có bức ảnh nào của ông ngoại - người đã qua đời từ khi tôi vừa được sinh ra; cũng không có ảnh của bất kỳ người họ hàng nào. Tôi chạnh lòng nhớ ngay đến lần tôi đến nhà mẹ trước lúc cha mất, tôi cũng thấy những bức ảnh tương tự thế này - hoàn toàn không có mặt đủ các thành viên trong gia đình.
Bà làm tôi giật mình khi thình lình xuất hiện ở cánh cửa kéo. Ánh nhìn của bà cho tôi thấy bà không đồng ý với sự đường đột của tôi. Khi bà kéo ghế ngồi xuống, dáng điệu của bà khiến tôi hiểu rằng tôi đã làm cho bà phật lòng. Tôi rê tay qua bức ảnh chụp Ronald mặc quân phục - giống với bức ảnh tôi đã nhìn thấy ở nhà mẹ vài năm trước.
- Bà kể cho cháu nghe vẻ mẹ đi. Ý cháu là, khi mẹ cháu còn trẻ ấy. Cuộc sống của mẹ cháu có hạnh phúc không?
Bà ngẩng đầu lên. Bà ấp úng một lát rồi đưa tay chống cằm.
- Hạnh phúc ư? À… ừ… - Giọng bà ngập ngừng trong lúc cố kiểm soát lại hành động của mình. Bà hắng giọng. - Thời bà, có ai hạnh phúc đâu. - Bà nói như thế lẽ ra tôi phải biết tất cả rồi mới phải. - Mọi thứ rất khắc nghiệt. Ta còn nhớ khi ta còn là thiếu nữ…
Trong lúc bà tiếp tục kể lễ không ngớt, tôi vẫn kiên nhẫn đợi đến khi bà nói xong. Nhưng đến khi chiếc đồng hồ cổ trên tường nhà bà điểm hai tiếng tôi cắt ngang:
- Vâng, cháu hiểu rồi ạ. Nhưng còn mẹ cháu thì sao ạ? Bà không thấy là cháu chẳng biết gì về mẹ đẻ của cháu hay sao?
- Người khó khăn. Không bao giờ đánh giá cao người khác. Cháu thử nghĩ về một hành động tử tế nào đấy của mẹ cháu xem. - Bà dừng lại một lúc rồi ngẩng nhìn lên. - Ta đã nói với nó là nó sẽ không bao giờ học xong lớp y tá ấy đâu. - Bà nói theo giọng điệu “bà đã bảo cháu rồi mà”.
- Không bao giờ học xong là thế nào ạ? Cháu cứ nghĩ nhờ là y tá mẹ mới gặp được cha cháu chứ? Ý cháu là lúc hai người gặp nhau, mẹ cháu đã là y tá rồi chứ?
- Quỷ tha ma bắt! Nó làm việc cho một hiệu thuốc đối diện đồn cứu hỏa. Nó luôn như thế, cứ cố gắng tạo ấn tượng với người ngoài. Luôn phô trương. Không bao giờ chấp nhận con người thực của mình. Không bao giờ đối diện với sự thật. - Bà càu nhàu.
Tôi hoàn toàn sửng sốt. Ký ức của tôi đã hằn sâu ý nghĩ rằng ước mơ cả đời của mẹ chính là trở thành một nữ y tá để giúp đỡ người khác khi họ cần. Tôi nhớ khi tôi còn bé, bất cứ khi nào trong xóm có trẻ con bị trầy xước do nghịch phá thì mẹ đều có mặt để giúp chúng. Đầu óc tôi bắt đầu hoang mang và rối bời. Liệu có điều gì trong cuộc sống của tôi là sự thật hay không? Phải chăng mọi thứ đều là bí mật và bí mật? Tại sao lại có quá nhiều sự giả dối như vậy?
Bà không bao giờ dừng lại quá lâu. Bà lại tiếp tục:
- Ta đã nói với nó, hết lần này đến lần khác, nhiều lần lắm rồi, là nó không bao giờ trở thành một y tá được đâu. Nó không bao giờ chịu nghe. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ. Không bao giờ thừa nhận bất cứ điều gì ta đã làm cho nó. Ngay cả lúc này, tất cả những gì nó làm là gọi cho ta, ta không biết mỗi ngày bao nhiêu lần, nhưng nó luôn gọi cho ta trong tình trạng say xỉn như một kẻ mạt hạng. Có lúc ta chỉ biết gác điện thoại xuống và đi ra ngoài để khỏi phải nghe giọng nói lè nhè của nó.
- Nhưng bà nghĩ xem tại sao, - tôi từ tốn dò hỏi. - Điều gì đã khiến mẹ cháu trở nên như vậy? Ý cháu là… hẳn có điều gì đó trong quá khứ của mẹ cháu…
- Cháu không được phép…! - Bà chồm người về phía trước, ngón tay run run đưa lên chỉ thẳng vào mặt tôi. - Ta không bao giờ, không bao giờ ngược đãi nó! Cũng có thể ta từng đánh Roerva. Cũng có thể ta từng để nó nhịn đói bởi nó không biết quý trọng những gì nó đang có, nhưng ta không bao giờ, chưa bao giờ ngược đãi nó! - Bà vừa nói vừa đập mạnh hai bàn tay vào nhau. - Nếu cháu hỏi ta, mẹ cháu rất dễ bị như thế…
Những gì mà ngày nay người ta gọi là “ngược đãi”… rất khác so với thời của ta. Dù sao thì… - Giọng bà dịu lại. Bà ngồi ngay ngắn vào ghế trở lại. - Lúc đó ta không biết chuyện gì đã xảy ra. Đó không phải là chuyện của ta. Chuyện gì xảy ra ở nhà ai thì người đó biết. Đó không phải là việc của người khác. Ta thấy không cần thiết phải mở chiếc hộp Pandora (17) ra. Điều đó chẳng có ích lợi cho ai cả. - Bà nhìn tôi nói như thế tôi phải ngoan ngoãn vâng theo lời bà.
(17) Chiếc hộp Pandora (Pandora’s box): Theo thần thoại Hy Lạp, Pandora là người đàn bà đầu tiên được thần Zeus phái xuống trần để trừng phạt loài người (người Hy Lạp cổ quan niệm rằng đàn bà là nguồn gốc của mọi sự độc ác và rắc rối). Pandora trở thành vợ của Epimete. Pandora rất tò mò. Một ngày kia vì không kiềm được sự tò mò, nàng đã mở chiếc hộp mà chồng đã dặn là không được mở, và thế là mọi sự xấu xa nhất được cất giữ trong chiếc hộp được giải thoát ra ngoài và đe dọa thế giới loài người. Pandora kịp đậy chiếc hộp lại trước khi quá muộn, và thế là trong hộp chỉ còn sót lại thứ quý giá nhất - đó là niềm hy vọng (Hope).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 11 Jun 2018

Tôi chỉ có thể gật đầu đồng ý với bà. Tôi đã nghe thấy. Và quan trọng hơn, tôi đã hiểu thông điệp của bà.
Im lặng một lúc, bà nói tiếp:
- Ta là người đã gọi điện cho chính quyền địa phương trước khi cháu được đưa đi đấy.
Tôi ngồi chết lặng trước sự thay đổi quá đột ngột của câu chuyện.
- Cháu không hiểu. Cháu…
- Đừng già vờ ngây thơ như thế chứ. Ta biết hết, cả chuyện có người phụ nữ ghé nhà cháu, rồi mẹ cháu cho cháu mặc đồ đàng hoàng rồi dẫn cháu đi lòng vòng. Thế cháu nghĩ ai đã mua cho cháu chiếc xe đạp vào mùa Giáng sinh cuối cùng trước khi cháu được đưa đi? Chắc chắn là mẹ cháu không bao giờ làm điều đó, ta khẳng định với cháu như vậy! Mẹ cháu mua xe đạp mới cho tất cả các con của nó, trừ Kevin, vì thằng bé còn quá nhỏ. Chuyện cháu không có xe đạp, nó chỉ nói đơn giản là nó quên, và khi nó nhớ ra, thì nó đã hết sạch tiền. Đại khái vậy. Ta không cần phải mua cho cháu một chiếc xe, cháu biết mà. Nhưng ta đã bỏ tiền mua nó bằng nhiều cách mà cháu không nghĩ đến.
Tôi chết lặng. Trong tất cả mọi người, thì bà tôi, người vừa cứng rắn tuyên bố: “Chuyện gì xảy ra ở nhà ai thì người đó biết” lại chính là người đầu tiên gọi cho chính quyền địa phương. Tôi ngồi bất động trước mặt bà, không thể tin vào tai mình.
Tôi nhớ ngay đến chiếc xe đạp của mình. Khi còn sống trong nhà của mẹ, tài sản duy nhất của tôi là những bộ quần áo rách nát mà tôi phải tự giặt bằng tay ngay trong chậu nước dưới tầng hầm. Mặc dù tôi chỉ được cho phép lái chiếc xe đạp màu táo đỏ hiệu Murray có hai lần vào mùa đông năm đó, nhưng cảm giác hồi hộp khi được tự do bay chạy vẫn là một điều gì đó thật phi thường trong tôi. Tôi không mảy may nghi ngờ; tôi đã luôn nghĩ rằng mùa Giáng sinh năm 1972, bằng lòng tốt của mình, mẹ đã phá lệ và mua chiếc xe đó cho tôi.
Tôi cười và cảm ơn bà vì đã gọi điện thoại cho chính quyền. Khoảng thời gian đó, cũng như nhiều người khác, bà biết rõ tôi bị đối xử như thế nào. Một lần đến chơi, bà bắt gặp tôi đứng trước gương trong phòng ngủ và liên tục tự hét vào mặt mình: “Tôi là một thằng bé hư! Tôi là một thằng bé hư!”. Lúc đó, nước mắt tôi ràn rụa, và tôi luôn miệng xin lỗi vì đã làm cho mẹ buồn. Một lần khác khi thấy tôi như vậy, bà đã đưa hai tay nâng mặt tôi lên và nói:
- Cháu là đứa trẻ đáng thương nhất mà ta từng gặp! Hãy thôi tự trách móc và dằn vặt bản thân và làm điều gì đó có ích đi chứ!
Khi ấy, tôi không ý thức được tất cả những gì đang xảy đến với tôi là hoàn toàn sai trái - tôi chỉ nghĩ rằng mình là một đứa trẻ hư.
Mặc dù có một sự thôi thúc khiến tôi muốn bước đến ôm chặt lấy bà để bày tỏ lòng biết ơn vì bà đã giúp tôi mà không nói ra, nhưng chẳng hiểu sao tôi chỉ đứng yên. Bà vẫn không nói một lời nào bày tỏ tình yêu thương hay nỗi đau buồn về quá khứ. Bà chưa bao giờ bày tỏ hay thể hiện một chút tiếc thương đối với cái chết của cha, cho những gì mà các anh em tôi đã phải trải qua, hay những gì mà tôi đã phải gánh chịu từ chính bàn tay con gái của bà. Có lẽ, theo quan điểm của bà, cuộc sống là một chuỗi những tháng ngày đau khổ. Bạn không thể mãi vật lộn với cuộc sống bằng sự ta thán hay khóc than, mà phải làm bất cứ điều gì để thoát khỏi bất hạnh và bi kịch của chính mình, bất kể tuổi đời và trải nghiệm. Và đương nhiên là quá trình đó sẽ khiến bạn ngày càng trở nên gai góc - tôi đoán vậy.
Điều gì đã khiến bà trở nên như thế? Điều gì khiến trái tim bà trở nên chai sạn như vậy? Vào thời của bà, tôi nghĩ bà buộc phải sống khắt khe và tàn nhẫn để có thể tồn tại. Nhưng cho dù bà là một người hằn học và thường ác ý trong mỗi lời nói ra, nhưng dẫu sao thì bà vẫn là người đáng tin cậy.
Có thể sau khi đã dành gần trọn cuộc đời để chống chọi với cuộc sống trong thân phận một góa phụ phải nuôi dưỡng hai đứa con, bà đã kiệt sức và ngán ngẩm trước cuộc sống quá khắc nghiệt. Và có lẽ đó là một trong những lý do mà cha đã khuyên tôi trước lúc tôi gia nhập quân ngũ, khi ông thấy tôi cứ bị giày vò bởi quá khứ: “Tốt hơn hết, con nên quên hết đi. Tất cả mọi chuyện. Xem như chưa hề có chuyện gì xảy ra”. - Khi đó, tôi cứ nghĩ cha muốn tôi phải chôn vùi bí mật của gia đình. Nhưng có lẽ, cha làm thế để ngăn tôi không đối mặt với một cuộc sống thất bại đầy ám ảnh. Và có lẽ, đó cũng là lý do khiến cha đau khổ và tuyệt vọng. Bởi cha càng cố gắng bao nhiêu, thì mọi nỗ lực của ông càng rơi vào bế tắc bấy nhiêu. Đó có thể là nguyên nhân, - tôi quả quyết - nguyên nhân lý giải tại sao bà lại đề cập đến chiếc hộp Pandora khi nói về quá khứ; bởi một khi nó được mở ra, những đau đớn cực độ của con người sẽ theo đó mà thoát ra ngoài. Nhưng sau cùng thì chẳng có gì thay đổi cả. Nửa đầu sau của tôi bắt đầu nhói lên từng cơn. Có lẽ, mình đã suy nghĩ quá nhiều. - Tôi tự nhủ.
- À, - tôi đứng dậy, giạng chân như tư thế trong quân đội, - cháu đi gặp Russell đây ạ. Cháu còn ít thời gian quá.
- Ồ không, cháu không được đi! - Bà nói. - Cháu không được đến đó. Ta không muốn cháu gặp mẹ cháu.
- Không sao đâu, bà ạ. - Biết bà hiểu lầm, tôi bình tĩnh đính chính. - Không phải cháu đi gặp mẹ đâu ạ. Cháu chỉ đi gặp Russell thôi. Mọi việc đã được cháu tính toán cả rồi; mẹ sẽ không biết đâu ạ. Không có gì đâu ạ, thật đấy. - Tôi trấn an bà.
- Cháu không được đi gặp nó. Ta cấm đấy! - Giọng bà nghẹn lại. - Cháu không có ở đây. Ron thì ở xa. Không ai biết hết; ta cô đơn lắm. Mẹ cháu chỉ biết gọi điện thoại - gọi suốt, cả ngày lẫn đêm. Ta ngạc nhiên vì hôm nay chưa thấy nó gọi đấy. Ta không gây ra điều gì cả. Chính nó đã tìm đến với rượu và đắm mình trong đó hết ngày này sang tháng khác. Nó đã khiến cho mẹ đẻ của nó sống trong cảnh địa ngục. Nếu nó đánh hơi được cháu đang có mặt ở đây, hậu quả sẽ thật khôn lường, và ta sẽ là người gánh chịu hậu quả đấy!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 11 Jun 2018

Tôi chỉ còn biết lắc đầu. Tôi chẳng có ý làm tổn thương bất cứ ai, nhưng trong chuyến đi ngắn ngủi của tôi đến đây, mọi cử động, mọi ý định của tôi đều bị tra hỏi và săm soi kỹ lưỡng. Một lần nữa, tôi lại bị giằng co giữa việc làm vui lòng bà với việc đi thăm người em trai ruột mà tôi đã không nói chuyện trong mười năm qua. Một cảm giác tội lỗi quen thuộc xâm chiếm tâm hồn tôi.
- Bà ạ, - tôi an ủi, - bà đừng tự làm khổ mình như vậy. Nếu mẹ cháu còn gọi và hành xử như thế nữa, thì bà cứ gác máy. Chuyện ấy đơn giản mà. Đừng để mẹ cháu chọc tức bà chứ. Cứ việc gác điện thoại và đi chỗ khác thôi bà ạ. Cháu không có ý bất kính, nhưng hãy để mặc mẹ cháu ở trong cái thế giới nhỏ bé của bà ấy đi. Bà hãy ra ngoài mà chơi gôn. Bà sẽ thấy thoải mái thôi. Nếu bà cứ tiếp tục như thế với mẹ, thì đó cũng chỉ là một trò vui cho mẹ cháu mà thôi.
- Cháu không biết, không ai biết cả, cảnh sống địa ngục mà mẹ cháu đã đẩy mẹ đẻ của nó vào đâu…
Từ lúc đó, tôi có cảm giác như mình bị thao túng. Là một người trưởng thành và hoàn toàn tự chủ về bản thân, tôi thấy mệt mỏi với việc phải cẩn trọng với từng vấn đề mình nói ra, mệt mỏi với việc xin phép được làm những điều mà bất cứ người bình thường nào cũng có thể tự do thực hiện.
- Cháu đã hứa với Russell rồi, - tôi phân trần. - Cháu phải đến gặp nó.
Ngay lập tức, giọng bà chuyển từ thất vọng sang hận thù vô cảm:
- Russell, Russell, Russell! Nó không đáng để cháu phí thời gian đâu. Ta chẳng thấy chuyện này cần thiết chỗ nào cả. Chẳng việc gì phải vượt đường sá xa xôi để đến thăm nó hết. Chẳng ích lợi gì đâu, nó không đáng một xu. Ta nghĩ như vậy đấy. Ta không định nói cháu phải làm điều gì, nhưng nếu cháu muốn một lời khuyên đơn giản của ta…
Tôi đứng trước mặt bà, chờ đợi bà ra lệnh cho tôi ở lại. Và tôi sẽ lại làm theo lời bà. Không chút do dự - cũng giống như bao lần tôi phải đối mặt những hoàn cảnh có liên quan đến cảm xúc của người khác - tôi nhượng bộ bà bằng cách im lặng, giấu lòng tự tôn vào trong, và quên hết mọi thứ. Sau một hồi im lặng, tôi chộp lấy chiếc nón bảo hiểm và nói:
- Sẽ không sao đâu, bà ạ. Chẳng phải tận thế đâu mà bà sợ. Chỉ là một chuyến đi thăm cậu em của cháu thôi mà.
Vài phút sau đó, tôi lái mô-tô đi qua một mê cung của những công trình đường đang xây dựng, thoải mái giải phóng hình ảnh của bà ra khỏi tâm trí. Tôi đậu chiếc Honda CBX trên đường Mulberry, nơi mà vì mẹ, Russell được bạn bè nhà thờ cho ở tạm. Tôi bước lên phía con đường nhỏ, không biết chuyện gì sắp xảy ra. Lòng tôi cứ bồn chồn với cảm giác e sợ cho đến khi một thanh niên cao lớn với khuôn mặt đầy tàn nhang mở toang cánh cửa và chào đón tôi bằng một cái ôm vội. Sau khi giới thiệu qua loa, Russell nhảy lên yên xe mô-tô, chúng tôi phóng đi tìm một nơi nào đấy để cả hai có thể nói chuyện với nhau.
Đi được gần một dặm, tôi dừng xe cạnh một hội quán chơi pun (18). Đi vào một nơi như thế với một trong những người anh em trai của mình là điều tôi từng mơ tưởng trước đây - như những người đàn ông với nhau. Tôi đi thẳng đến quầy rượu lớn, nhìn người nhân viên pha chế, dằn xuống bàn tờ hai mươi đô-la rồi nói lớn:
- Một ly bia cho cậu em tôi, sĩ quan hải quân tương lai xuất sắc đấy. Thực chất là hôm nay cậu ấy đãi tôi đấy nhé! Đem đồ uống đến cho chúng tôi đi nào!
(18) Đánh pun (Pool game): Một môn thể thao trong bộ ba môn chơi có sử dụng bi (như môn bi-a) là: pool hay bi-a lỗ, bi-a France (có xuất xứ từ nước Pháp), snooker (gần giống với pool nhưng được chơi trên bàn lớn hơn, viên bi-a và lỗ bi-a nhỏ hơn và dùng nhiều viên bi-a hơn pool). Trong môn pool/đánh pun, người ta dùng cây cơ để làm cho các viên bi rơi xuống lỗ hoặc khay được thiết kế xung quanh cạnh bàn. Pool thường được chơi với chín bi hoặc mười lăm bi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 11 Jun 2018

Cả hội quán bỗng im lặng đáng sợ. Tôi không quen với việc uống rượu bia bên ngoài, nên cứ nghĩ rằng phản ứng của mọi người là bình thường, thậm chí tôi còn coi đó là một dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng của họ dành cho chúng tôi nữa. Russell giật giật tay áo tôi.
- Không sao đâu mà, em cứ thoải mái đi. - Tôi nói theo kiểu “tôi là cái rốn của vũ trụ” - Cứ mặc anh.
Thật ra, tôi đang cạn túi. Nhưng đây là cơ hội chỉ-có-một-trong-đời. Tôi cười, vỗ vai Russell, xem nó như một nạn nhân khác vừa trốn thoát khỏi ngôi nhà điên của mẹ. Một tù binh chiến tranh hồi hương. Một chàng trai trẻ đang quyết tâm trở thành người lớn. Vâng, thực sự, đó là một khoảnh khắc đáng tự hào.
- David? - Em trai tôi thì thầm, phá vỡ sự tập trung của tôi.
- Nào, em. - Tôi cắt ngang. - Đừng lo, em đã mười tám tuổi rồi, đúng không? Đừng lo mà, họ sẽ phục vụ em. Anh biết cách làm sao cho phải ở những nơi như thế này mà. Cho họ năm đô-la rồi họ sẽ đem đến cho chúng ta thôi. Thôi nào. Em chỉ sống một lần thôi. - Tôi vỗ vai Russell. Lần đầu tiên trong đời, tôi tỏ ra thiếu thận trọng trong hành động và vô tư cư xử theo cảm xúc nhất thời của mình. Tôi là một gã đàn ông bình thường, không vướng bận vấn đề gì, không thu mình vào vỏ bọc của mình nữa. - Thôi nào, em đừng làm mất vui thế chứ.
- David, nghe em nói này. - Russell quát lên. - Họ không bán bia.
- Thì lấy… - Tôi đáp lại.
- Đây là thành phố Salt Lake, Utah, anh hiểu không? Không có quán rượu (19).
(19) Bang Utah của Mỹ là nơi có đa số cư dân theo giáo phái Mormon, một giáo phái cấm uống rượu và hút thuốc.
Khi Russell nói cho tôi biết về phong tục ở địa phương này, ánh nhìn của người nhân viên pha chế càng khiến tôi cảm thấy mình thực sự ngớ ngẩn. Khuôn mặt đỏ bừng của người đàn ông nọ khiến tôi hiểu rằng lần này, mình lại đi quá trớn. Tôi nói khẽ với người đàn ông:
- Tôi xin lỗi. Tôi thật sự xin lỗi. Tôi không cố ý tỏ ra thô lỗ đâu, thưa anh.
Bao nhiêu hoạt chất adrenaline có trong tôi trước đó như tắt ngấm. Tôi lịch sự hỏi mua hai lon Coca, để lại một khoản tiền bo hậu hĩnh và chọn một chiếc bàn phía sau, tránh xa ánh nhìn gay gắt của đám công nhân xây dựng đang chơi đánh pun quanh đó.
- Em thấy đấy, anh vẫn làm việc theo cách nghĩ cách hiểu của mình. - Tôi thú nhận.
- Anh không ra ngoài nhiều à? - Russell hỏi với vẻ chỉ trích.
- Anh chơi Bingo. - Tôi uống một ngụm Coca rồi nói. Tôi nghĩ đã đến lúc phải chuyển đề tài khác. - Này em, anh không thể không nói với em điều này. Trông em tuyệt thật đấy. Sao rồi, mọi chuyện thế nào?
- Ổn hơn rồi. - Russell thở dài. - Giờ thì em đã thoát khỏi căn nhà ấy rồi! - Tôi nhanh chóng hiểu được ý cậu em. - David ạ, anh không thể tưởng tượng nổi về bà ấy đâu. Em không có ý nói rằng anh đã vượt qua chuyện đó dễ dàng, nhưng hãy tin em, anh ra đi thật đúng lúc. Bởi mọi chuyện sau ngày anh đi càng tồi tệ hơn. - Russell như sẵn sàng trút hết nỗi lòng. - Để em kể anh nghe, có khi bà ấy đuổi em chạy khắp nhà. - Russell thở dài. - Nếu không điên tiết lên, thì bà ấy cũng phàn nàn không ngớt về mọi thứ, bất kể giờ giấc. Khi đã chán chê với việc xem em như cái thùng rác để trút mọi bực dọc, mẹ lại chuyển sang bà ngoại và thậm chí sang cả anh Ron và chị Linda, vợ anh ấy nữa. Không ai được yên thân. Ron thậm chí còn không thèm nghe điện thoại của mẹ, nhưng mẹ đâu có chịu thua. - Russell dừng lại một lúc. - Còn Stan thì… Ý em là, rồi anh ấy sẽ làm gì đây? Anh ấy bị phụ thuộc tài chính vào mẹ. Và anh ấy ghét điều đó. Nếu có chuyện gì xảy đến cho mẹ, anh ấy sẽ không thể nào tự lo cho mình được. Anh ấy còn nghĩ mình chính là Ông-thợ-sửa-chữa, giống ngài Bob Vila (20) ấy. - Russell mỉm cười.
(20) Robert J. “Bob” Vila (20/6/1946 -): Một phát thanh viên người Cuba của chương trình truyền hình gia đình ở Mỹ, nổi tiếng với các chương trình This Old House (1979-1989), Bob Vila's Home Again (1990-2005), và Bob Vila (2005-2007).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 24 guests