Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

CHƯƠNG 2 BAY CAO


Ngày 24 tháng 8 năm 1979
Chiếc áo khoác dầy và nhớp nháp mồ hôi đang chạm vào từng lỗ chân lông trên người tôi. Bụng tôi quặn thắt vì lo sợ. Các ngón tay tôi nóng bừng lên như thế chúng đang được nung chảy trên bếp lò. Tôi muốn nhắm chặt mắt lại nhưng cảm giác hồ hởi, cuốn hút xen lẫn sợ hãi khiến tôi cứ dán chặt mắt vào ô cửa làm bằng thủy tinh Plexi. Tôi đã nghiên cứu tỉ mỉ từng đặc điểm của Bay Area(2) trong suốt 18 năm qua.
(2) Bay Area: Còn gọi là San Francisco Bay Area, là vùng bao quanh San Francisco và Vịnh San Pablo.
- Mình đang bay đấy sao? - Tôi tự hỏi, lòng không khỏi ngạc nhiên thích thú.
Chiếc Boeing 727 đột ngột lộn vòng sang phải, tôi bị trượt khỏi ghế ngồi và chắc mẩm rằng mình sẽ văng khỏi máy bay. Quá hoảng sợ, tôi nhắm chặt mắt lại. Không sao. Mình không sao. Mình vẫn ổn. Chúa ơi, thật không thể tin được, mình đang bay, đang bay thật rồi! Tôi có thể cảm nhận rõ mình đang bị cuốn đi. Mấy ngày nay tôi không tài nào ngủ được vì quá phấn khích bởi rốt cuộc mình cũng được gia nhập vào lực lượng Không quân Hoa Kỳ, thế nên giờ đây đầu óc tôi cứ lờ đờ. Khi tiếng gầm của động cơ máy bay êm dần thì tôi mới bắt đầu thả lỏng người. Khi cả cơ thể tôi đã thực sự thư giãn, tôi bắt đầu ngẫm xem mình đã bay được bao xa.
Những ngày sống vất vưởng trong ga-ra tối om, lạnh lẽo ở nhà mẹ, tôi chưa từng dám mơ rằng một ngày nào đó điều này sẽ trở thành sự thật. Thời gian ấy, tôi biết mẹ có thể sẽ giết tôi, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn không hề lo sợ. Chỉ có điều tôi đã từ bỏ mọi hy vọng.
Nhưng vào ngày 5 tháng 3 năm 1973, ngay sau ngày mẹ đẩy tôi ngã xuống cầu thang thì các thầy cô giáo của tôi đã gọi điện cho cảnh sát; và ngay lập tức họ đã giải thoát cho tôi. Tôi được tự do. Dẫu lòng khấp khởi hạnh phúc vì thoát khỏi cuộc sống ngục tù, nhưng không hiểu sao tôi vẫn cảm nhận rõ một sự trống trải trong tâm hồn. Trải qua nhiều lần xét xử tại tòa án địa phương, tôi luôn cảm thấy rằng chính Mẹ đã vứt bỏ tôi, rằng tôi là đứa con hư đốn và tồi tệ bị gia đình ghẻ lạnh và chối bỏ. Khi cô Gold - nhân viên xã hội, đồng thời là thiên thần may mắn của tôi - thông báo rằng tôi sẽ không bao giờ nên liên lạc với Mẹ hay các con của bà thêm một lần nào nữa, tôi cảm thấy tim mình như vỡ vụn ra từng mảnh.
Kể từ đó, tôi luôn bị ám ảnh với việc tìm ra câu trả lời cho quá khứ của mình. Mặc dù vẫn luôn hoảng sợ mỗi khi nghĩ đến mẹ, nhưng tôi vẫn luôn muốn tranh đấu để chứng minh rằng tôi xứng đáng với tình yêu thương của bà và xứng đáng là một thành viên trong gia đình bà.
Với thân phận là một đứa con nuôi, tôi sớm nhận ra rằng tôi không hề biết gì về cuộc sống trong thế giới thực. Trước đây khi là tù nhân của mẹ, cuộc sống của tôi bị chi phối hoàn toàn bởi những nhu cầu cơ bản để tồn tại. Thế nên sau khi được giải thoát, tôi thấy mình chẳng khác gì đứa bé mới lững chững tập đi. Những điều đơn giản mà tất cả trẻ con mẩu giáo đều biết, thì đối với tôi lại là trở ngại hết sức khó khăn. Sau nhiều năm thường xuyên phải ngồi trong ga-ra với tư thế tay đặt dưới mông, đầu ngửa ra sau như tù binh chiến tranh, giờ đây trông tướng tôi như bị tật. Trong thời gian còn là con nuôi, tôi đã phải tập trung học cách đi đứng thẳng người. Mỗi khi căng thẳng hoặc lo sợ điều gì đó, tôi lại nói lắp đến từng từ một. Dường như tôi chưa bao giờ nói được một câu nào cho trọn vẹn. Mẹ nuôi của tôi là bà Turnbough đã mất hàng giờ mỗi ngày để dạy tôi phát âm, giúp tôi tưởng tượng hình ảnh từng từ trôi qua miệng, liền mạch thành câu như dòng nước đổ xuống thác. Nhưng những nỗ lực không mệt mỏi của mẹ Turnbough cũng chẳng ích gì. Tôi liên tục khiến cha mẹ nuôi của mình phát cáu. Dẫu vậy, bất kỳ lúc nào gặp ai tôi cũng muốn thể hiện là mình có khả năng giao tiếp như người bình thường, nhưng rõ ràng khả năng phát ngôn đã trở thành điểm yếu của tôi.
Với điệu bộ chẳng giống ai và cách nói chuyện khập khựng ngớ ngẩn, tôi nhanh chóng trở thành tâm điểm cho người khác trêu chọc. Những lúc bị ức hiếp và dồn vào đường cùng, tôi cũng chỉ còn biết ngọ nguậy hai tay sau vạt áo, mặt đỏ gay và nước mắt lưng tròng chứ chẳng thể thốt được lời nào; bởi càng tức giận, sợ hãi, tôi càng không thể nói dù chỉ một từ.
Tôi không có bạn. Cách duy nhất tôi nghĩ mình có thể kết bạn là làm sao để họ chấp nhận tôi, vì thế tôi sẵn sàng làm những chuyện trái khoáy chỉ để được mọi người thừa nhận. Tôi cũng biết những gì mình đang làm là hoàn toàn sai nhưng sau nhiều năm bị ruồng bỏ và cô lập, khát khao được hòa nhập trong tôi trỗi dậy mạnh mẽ, đến nỗi tôi đã bất chấp tất cả. Cha mẹ nuôi đã cố gắng giúp tôi lấy lại tinh thần, chỉ bảo cho tôi biết những việc làm của tôi là sai trái và gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào.
Tôi biết rằng muốn sống sót, tôi cần phải làm việc. Ngay từ những ngày đầu mới làm con nuôi, tôi đã biết rằng những đứa con nuôi chẳng có ý nghĩa gì cả. Con nuôi thì sẽ không được học hết cấp ba, chứ đừng nói là được vào đại học. Tôi cũng sớm biết rằng đến lúc mười tám tuổi, tôi sẽ không còn được ai bảo trợ, sẽ không có cha mẹ để dựa dẫm, và vì thế, tôi phải tự bươn chải cho cuộc sống của mình. Càng lớn thì tôi càng sợ mình sẽ bị bỏ rơi và trở thành kẻ không nhà. Tận sâu trong lòng, tôi cảm thấy thật sự lo sợ mình sẽ không đủ mạnh mẽ để có thể chọn cho mình một lối đi riêng. Lúc còn sống trong ga-ra nhà mẹ, luôn nơm nớp lo sợ, luôn bị đánh đập và bỏ đói, tôi đã tự hứa là nếu một ngày nào đó có thể trốn thoát, tôi sẽ cố gắng kiếm thật nhiều tiền để không bao giờ bị đói. Vậy nên ngay khi còn ở tuổi niên thiếu, tôi đành gạt bỏ những sở thích mà bất kỳ đứa trẻ nào trạc tuổi tôi cũng có, để tập trung kiếm tiền. Mười lăm tuổi, tôi làm nghề đánh giày. Để được nhận làm nhân viên phục vụ bàn, tôi đã khai gian tuổi. Tôi làm bất kỳ việc gì trong ít nhất là bốn mươi giờ một tuần để kiếm tiền. Năm đầu học trung học, tôi làm việc đầu tắt mặt tối trong cả sáu ngày với hơn sáu mươi giờ một tuần. Tôi còn gồng mình làm thêm một giờ mỗi tuần để kiếm thêm 2 đô-la 65 xu. Cứ như thế cho đến một lần nọ khi đang trong lớp học, tôi gục đầu trên bàn và sau đó ốm li bì vì kiệt sức thì tôi mới chịu nghỉ ngơi.
Nhiều lúc ngẫm nghĩ, tôi cũng cảm thấy tự hào vì mình vẫn có thể xoay xở cho cuộc sống của mình, nhưng chẳng hiểu sao cảm giác trống rỗng và lạc lõng vẫn cứ len lỏi trong lòng. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy ganh tị với bọn con trai cùng tuổi đang mải mê hẹn hò với những cô nàng váy ngắn xinh xắn, vung tiền như giấy và lái những chiếc xe bóng loáng ngoài kia. Tôi ganh tị với cuộc sống may mắn, đủ đầy của họ.
Bất cứ khi nào cảm thấy hơi chán nản thì tôi sẽ vùi mình vào công việc nhiều hơn. Tôi càng gồng mình chú tâm vào những việc đang làm thì mong muốn được trở thành một thanh niên bình thường trong tôi cũng dần biến mất. Và quan trọng hơn, ý nghĩ luôn nung nấu trong tôi là phải tìm cho ra câu trả lời về quá khứ giờ đây dường như đang ngủ yên.
Với tôi, làm việc đồng nghĩa với sự yên bình trong tâm hồn.
Mùa hè năm 1978, ở tuổi mười tám, tôi quyết định bỏ học để phấn đấu hơn nữa cho sự nghiệp trở thành nhân viên bán xe ô tô đạt doanh số cao nhất. Nhưng chỉ vài tháng sau, sau một cuộc suy thoái ảnh hưởng đến toàn bang, tôi cay đắng nhận ra mình chỉ là một gã thanh niên không bằng cấp, không nghề nghiệp và số tiền tiết kiệm của tôi cũng nhanh chóng tiêu tan. Cơn ác mộng tồi tệ nhất của tôi đã thành hiện thực. Tất cả những kế hoạch được cân nhắc cẩn thận cùng sự đánh đổi không gì bù đắp được của tôi chẳng mấy chốc đã tan thành mây khói. Vì không có bằng cấp gì nên tôi chỉ có thể làm phục vụ tại các cửa hàng thức ăn nhanh. Tôi biết rằng tôi sẽ không đạt được điều gì nếu gắn bó với những công việc như vậy trong suốt quãng đời còn lại của mình.
Hồi còn làm tù nhân của Mẹ, tôi luôn mơ ước mình sẽ làm được điều gì đó cho bản thân. Mẹ càng la mắng, nguyền rủa và nhẫn tâm để tôi một mình nằm bất động trên sàn nhà bao nhiêu thì tôi càng có sức mạnh để tranh đấu cho sự sống còn của mình bấy nhiêu. Tôi luôn tự nhủ rằng một ngày nào đó Mẹ sẽ thấy! Một ngày nào đó, tôi sẽ khiến mẹ phải tự hào về tôi. Nhưng những dự đoán của Mẹ không sai, tôi đã thất bại thảm hại. Chính vì thế tôi căm ghét bản thân mình đến tận xương tủy.
Khoảng thời gian thất nghiệp bắt đầu giày vò tôi. Đầu óc tôi không lúc nào thôi suy nghĩ. Tôi nghĩ mẹ nói đúng. Có lẽ tôi luôn là kẻ thua cuộc và tôi đáng bị đối xử như vậy. Vì quá hoang mang vẻ tương lai mịt mù của mình nên chẳng đêm nào tôi được thẳng giấc. Tôi sục sạo trong đêm tối để vạch ra bất kỳ kế hoạch nào có thể giúp tôi sống sót. Trong chuỗi ngày dài u ám đó, chẳng hiểu sao tôi bỗng nghĩ đến cha tôi nhiều hơn.
Trong suốt sáu năm làm con nuôi, tôi gặp cha không đến chục lần, và trong lần gặp cuối, ông tự hào khoe với tôi một trong những tài sản còn sót lại của ông, đó chính là chiếc huy hiệu đội cứu hỏa San Francisco trao tặng khi ông về hưu. Trước khi tiễn tôi lên xe buýt đi Greyhound, cha ngậm ngùi nói với tôi bằng một giọng khàn khàn: “David à, con hãy đi khỏi nơi này. Đi càng xa càng tốt, con đã trưởng thành rồi và hoàn toàn có thể làm được điều đó”. Đôi mắt ông ưu tư và trĩu nặng. Khóe mắt nhăn nhúm như đang ép vỡ giọt nước mắt khô khốc đã từ lâu không xuất hiện trên gương mặt người đàn ông khốn khổ này. Vai ông khẽ run lên, ông bóp chặt lấy tay tôi rồi cười nói: “Hãy làm những gì con phải làm… Đừng bỏ cuộc… Đừng bỏ cuộc như cha”.
Trong thâm tâm, từ lâu tôi đã xem cha là một kẻ nghiện rượu không nhà. Sau nhiều năm cống hiến cho ngành cứu hỏa, cứu thoát không biết bao nhiêu người khỏi những tòa nhà bốc cháy ngùn ngụt, cuối cùng cha đã không thể cứu thoát chính mình. Ngày hôm ấy, khi xe buýt vừa lăn bánh, tôi ngoái nhìn cha và không thể cầm được nước mắt. Thật sự, tôi đã luôn nghĩ về cha. Nhưng chính cuộc sống khắc nghiệt đã khiến tôi phải dồn nén những suy tư đó của mình tận sâu trong lòng. Ông vẫn luôn là một mảng vỡ của cuộc đời tôi. Mỗi khi đi ngang qua những người vô gia cư nằm co ro ở một góc tối, tôi lại hình dung đến cha. Tôi cảm thấy có lỗi với ông. Và càng cảm thấy giày vò, tôi càng biết mình không thể, không thể bỏ cuộc như cha. Đừng bỏ cuộc như cha. Câu nói cuối cùng cha nói với tôi giờ đây lại sống lại trong tôi, vang vọng, thúc giục.
Tôi nghĩ rằng cơ hội duy nhất của tôi lúc này là tham gia vào quân chủng. Thậm chí tôi còn mơ tưởng rằng tôi sẽ làm lính cứu hỏa phục vụ trong không quân, để rồi một ngày nào đó, khi trở về Bay Area, tôi sẽ khoe với cha huy hiệu của mình. Việc tôi cố gắng gia nhập vào lực lượng không quân quả là một thử thách lớn lao. Sau khi chật vật giành được chứng chỉ giáo dục tương đương (GED), tôi đã phải điền vào một đống giấy tờ cho mỗi lần tôi bị đuổi từ nhà nuôi dưỡng này đến nhà nuôi dưỡng khác, sau đó tôi còn phải giải thích lý do vì sao tôi bị chuyển đi như vậy. Mỗi khi viên sĩ quan không quân hỏi về quá khứ của tôi, tôi lại sợ hãi đến mức nói lắp bắp như một kẻ ngớ ngẩn. Sau nhiều lần lảng tránh, cuối cùng tôi đành lấy hết can đảm để đối mặt và giải thích sơ qua với vị sĩ quan đó vì sao Mẹ và tôi không còn liên lạc. Tôi thấp thỏm chờ đợi phản ứng của anh ta. Tôi biết nếu viên sĩ quan đó nghĩ tôi là một kẻ chuyên gây rắc rối, anh ta có thể từ chối đơn xin việc của tôi.
Suốt nhiều tuần liền, sáng nào tôi cũng chực chờ bên ngoài văn phòng của lực lượng không quân, đợi đến khi họ mở cửa, tôi lại vội vào trong để tiếp tục điền đầy đủ vào đống giấy tờ, tỉ mẩn nghiên cứu những bộ phim và bất cứ quyển sách hướng dẫn nào mà vị sĩ quan tuyển dụng đưa cho tôi. Tôi trở nên ám ảnh với khao khát được gia nhập vào lực lượng không quân, bởi tôi biết đó chính là cánh cửa duy nhất mở ra cuộc sống mới cho tôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Sau khi các giấy tờ cần thiết được điền đầy đủ, kiểm tra kỹ lưỡng và được xác minh lại, tôi tiếp tục trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ không bỏ qua bất kỳ một chỗ nào trên cơ thể tôi. Sau cùng, khi tôi ngồi trên ghế trong tư thế trần truồng, bác sĩ nhìn tôi với cái nhìn dò xét và hỏi về những chỗ sưng, những vết sẹo và cả vết bỏng trên khắp người tôi. Tôi đã nhún vai nói rằng mình là một đứa trẻ vụng về. Vừa dứt lời, tôi đã cảm thấy tim mình bị bóp nghẹt lại vì tôi biết mình đã nói dối. Vị bác sĩ thở dài và khẽ nhíu mày. Lo sợ câu trả lời đó sẽ khiến mình bị loại, nên tôi vội vàng nói thêm rằng đó là một chặng đường dài tôi đã trải qua khi còn bé.
- Khi còn bé ư? - Vị bác sĩ hỏi với vẻ nghi hoặc.
- Vâng, lúc tôi sáu hay bảy tuổi gì đó. Nhưng giờ tôi không còn hậu đậu như vậy nữa, không hề thưa ông…
Vị bác sĩ ra hiệu cho tôi mặc đồ vào. Trộm nhìn sang chỗ ông ngồi, tôi vô cùng nhẹ nhõm khi thấy ông đánh dấu vào ô báo tôi hoàn toàn đủ sức khỏe để gia nhập không quân. Tôi sung sướng đến độ nhảy cẫng lên, rồi thở phào tựa mình vào chiếc bàn ở phía sau mà không để ý là nó ở quá xa. Thế là tôi mất đà, quờ quạng rồi ngã bật ra sau, tay chới với hất luôn chồng giấy tờ cao ngất trên bàn xuống đất. Giấy tờ bay tứ tung. Vị bác sĩ nhìn tôi ngán ngẩm, thở dài bảo tôi cứ để đó, ông sẽ thu dọn. Trong lúc tôi luống cuống đi ra phía cửa, ông mỉm cười và nói với theo:
- Anh đã qua cái thời hậu đậu thật rồi chứ?
Vài giờ sau đó, tôi hồi hộp ngồi cứng đờ bên cạnh một viên trung sĩ không quân đang lọc cọc gõ những chuỗi thông tin chi chít trước máy vi tính. Đoạn viên trung sĩ dừng tay, xoay ghế về phía tôi và hỏi một cách thờ ơ:
- Cậu muốn gia nhập không quân vào ngày nào?
Tôi ngạc nhiên, há hốc mồm không thể tin được vào tai mình. Tôi kéo ghế ngồi lại gần viên trung sĩ hơn và hỏi:
- Ý trung sĩ là… là tôi có thể gia nhập không quân? Trung sĩ đang hỏi là tôi có muốn tham gia vào không quân không?
- Đừng có làm rắc rối vấn đề. Tất nhiên là cậu sẽ gia nhập không quân, trừ phi FBI thông báo cậu là tội phạm. - Viên trung sĩ nói như trêu chọc.
Nghe đến đấy, tôi chợt nghĩ ngay đến những cuộc điện thoại cảnh sát đã gọi cho tôi gần đây vì tội chạy quá tốc độ. Tim tôi đập thình thịch. Tôi sợ nếu họ biết được chuyện này chắc tôi sẽ chẳng còn gì hết. Viên trung sĩ bất ngờ vỗ mạnh vai tôi:
- Này, Pelzer, thoải mái đi. Vậy khi nào cậu muốn gia nhập không quân đây?
Tôi thấy kinh ngạc quá đỗi. Đã đến lúc mình có cơ hội làm điều gì đó cho bản thân. Đã đến lúc xây dựng cuộc sống cho riêng mình. Chỉ là, tôi không thể tin được sau sáu tháng nỗ lực hết mình, cuối cùng tôi cũng đã thực hiện được ước mơ của mình.
Tôi định thần, hít thật sâu rồi mỉm cười hỏi lại viên trung sĩ:
- Thế khi nào là thời điểm sớm nhất tôi có thể gia nhập không quân?
Anh ta nhìn tôi ra chiều thông cảm.
- Vấn đề bạn gái phải không? - Trước khi tôi kịp trả lời, viên trung sĩ lại lúi húi gõ lọc cọc bàn phím, và sau vài thao tác, anh nhìn tôi nói tiếp: - Nếu cậu thực sự cảm thấy cần tăng tốc, ngay tối nay tôi có thể đưa cậu lên máy bay và bắt đầu nhưng bài huấn luyện cơ bản. Còn nếu cậu thấy lấn cấn thời gian thì tuần sau chúng ta sẽ bắt đầu. Thế cậu thích thế nào?
Ngay lúc đó tôi biết mình phải làm gì, nhưng một cảm giác ngượng ngùng bỗng bao trùm lấy tôi. Mấy tháng trước tôi luôn nói dối cha mẹ nuôi rằng tôi đang tham gia thực hiện các bài kiểm tra chuyên ngành và phỏng vấn xin việc. Cha mẹ Turnbough không hề có ý kiến gì đối với những quyết định của tôi. Tôi chỉ cảm thấy có một sự thôi thúc mỗi lúc một mãnh liệt rồi bùng lên bất chợt, khiến tôi cứ thế bỏ nhà đi rồi gia nhập không quân, và tôi nghĩ mình có thể gọi điện về báo với họ khi đã ở trong doanh trại. Ngoài cha mẹ nuôi và một vài người bạn thân, tôi không còn ai thân thích. Không bạn gái, không đồng nghiệp, không bạn bè cùng đi xem phim hay xem xiếc, không họ hàng để nói chuyện - không ai hết. Tôi cảm thấy nếu mình có biến mất khỏi thế gian thì cũng sẽ chỉ có vài người quan tâm đến điều đó. Dẫu vậy, trong thâm tâm, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc khi có được một gia đình thực sự - nơi đó có cha mẹ nuôi và những người bạn của tôi. Và quan trọng hơn cả là tôi có danh dự. Tôi thở dài rồi quay sang viên trung sĩ:
- Tuần sau tôi sẽ bắt đầu.
- Được thôi, tuần sau. Cậu chắc vẻ quyết định của mình chứ? - Anh ta nhã nhặn hỏi lại.
- Vâng. - Tôi gật đầu dứt khoát.
Tôi vừa dứt lời, viên trung sĩ xoay người về phía chiếc máy vi tính, sau tiếng gõ phím đánh cạch của anh, tiếng máy in rè rè vang lên.
- Hãy ký vào đây, đây, đây, đây… và đây nữa. - Viên trung sĩ vừa nói vừa dí ngón tay vào mớ giấy tờ mới được in ra. Tôi nhìn chằm chằm vào những ô đánh dấu đỏ Xs. Đây rồi - tôi tự nhủ. Tôi vớ lấy chiếc bút gần đó và ký tên theo hướng dẫn của viên trung sĩ. Trong lúc đợi anh ta kiểm tra lại một lần nữa đống giấy tờ tôi vừa ký, tôi giết thời gian bằng việc ngắm nhìn những khung ảnh hình máy bay chiến đấu công nghệ cao của không quân. Tôi bắt đầu thả hồn tưởng tượng hình ảnh từng đoàn máy bay như những con chim ưng khổng lồ lao vun vút trên nền trời xanh bao la.
- Đây có phải là máy bay chiến đấu phản lực F-15 không? - Tôi chỉ vào bức ảnh ở trên bàn anh ta.
- Không. Đó là chiếc F-16. - Viên trung sĩ đáp, mắt vẫn không rời màn hình vi tính.
Tôi gật gù. Rồi bỗng tôi nói một cách vô thức:
- Nếu tôi không nhầm thì đó là chiếc F15 Eagle của hãng McDonnell Douglas - kiểu máy bay tiêm kích chiến thuật khống chế không phận, có vận tốc nhanh gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh, được trang bị hai động cơ phản lực G. E. F-100…
Viên trung sĩ há hốc miệng ngẩng lên nhìn tôi.
Tôi hơi chột dạ. Tôi khựng lại vài giây để định thần những gì mình vừa nói. Bản thân tôi cảm thấy rất đỗi ngạc nhiên khi tôi lại có thể nói một mạch những kiến thức kỹ thuật cơ bản về máy bay như vậy. Tất cả những thông tin đó đều do tôi đọc được từ mấy cuốn sách giới thiệu do bộ phận tuyển dụng không quân phát và từ một loạt những cuốn sách mà tôi đã tóm tắt một cách có hệ thống trong vài tháng qua.
Rồi viên trung sĩ nhẹ nhàng gật đầu ra hiệu cho tôi nói tiếp.
Ngay lập tức tôi nghĩ đây sẽ là một bài kiểm tra kỳ lạ mà tôi phải vượt qua. Tôi nhắm mắt tập trung để nhớ thêm những thông tin đã từng đọc.
- À… vâng… Tôi biết nó còn có… ý tôi là nó còn được trang bị thêm tên lửa AIM-7 Sparrow và AIM - 9 Sidewinder. Và… tôi nghĩ… hai hay ba năm trước có một chiếc F-15 Streak Eagle đã phá vỡ kỷ lục bay ở độ cao cao nhất so với mặt biển được lập bởi một chiếc máy bay MeG của Nga. - Tôi ngừng một chút để lấy hơi và chờ đợi phản ứng của viên trung sĩ. Tôi rất mong nhận được một tín hiệu tích cực từ anh bởi tôi sợ anh ta sẽ nghĩ rằng tôi đang cố ra vẻ ta đây. Nhìn ánh mắt đang ánh lên vẻ thân thiện của viên trung sĩ, tôi biết anh ta không chỉ ấn tượng mà cũng rất quan tâm đến đề tài này.
- Pelzer này, MiG chứ không phải MeG. - Anh ta vừa nói vừa cười. - Thế chiếc Streak Eagle bay lần đầu tiên ở đâu?
- Grand Forks, North Dakota! - Tôi trả lời đầy tự tin.
- Um… cũng không tệ nhỉ. Vậy tại sao lại là Grand Forks?
Tôi cười lại với viên trung sĩ và thật sự thích thú với những gì đang diễn ra.
- Do không khí ở nhiệt độ thấp có mật độ phân tử dày đặc hơn, giúp máy bay nhanh chóng đạt được vận tốc và cao độ cần thiết hơn, đồng thời tiêu thụ ít nhiên liệu hơn. Ý tôi là… tôi nghĩ nguyên do là vậy.
Viên trung sĩ nhìn tôi cười toe toét và vỗ vai tôi:
- Ở đâu mà cậu…
Theo bản năng, tôi cảm thấy có chút do dự.
- Tôi đọc sách…
- Cậu đọc sách ư?
- À… vâng. Tôi đọc khá nhiều. Tôi luôn mong được… ý tôi là… Trung sĩ? Trung sĩ có nghĩ là họ sẽ để cho tôi bay không? - Tôi dè dặt hỏi.
- Ôi trời! Cậu nghĩ đơn giản vậy sao? - Nói rồi viên trung sĩ quay về phía cuối dãy phòng. - Này Max, chúng ta lại có một Chuck Yeager(3) ở đây này. Và Chuck Yeager của chúng ta muốn biết liệu anh ta có thể bay được không này.
(3) Charles Elwood “Chuck” Yeager (sinh 13/02/1923): Cựu thiếu tướng của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, ông làm việc trong bộ phận lái thử máy bay. Năm 1947, ông trở thành phi công đầu tiên (năm ông 24 tuổi) bay nhanh hơn tốc độ âm thanh.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Một tràng cười sảng khoái vang lên, tôi nhắm nghiền mắt lại. Dường như tôi luôn nói những điều ngu xuẩn không đúng thời điểm và tự biến mình thành một kẻ xuẩn ngốc.
Tôi hít một hơi thật sâu. Viên trung sĩ quay sang nhìn tôi. Tôi lấy hết can đảm nhìn thẳng viên trung sĩ và nói với giọng kiên quyết:
- Trước khi bay, Chuck Yeager cũng từng phải đăng ký gia nhập không quân mà!
Viên trung sĩ vừa lật lật xấp giấy tờ của tôi vừa nói:
- Nghe này Pelz. Cậu hầu như không đủ chuẩn để bay. Cậu bỏ học từ cấp ba, điểm năng khiếu của cậu luôn dưới trung bình, cơ thể cậu ốm yếu, còn thị lực thì giống Stevie Wonder (4). Phi công ư? Tôi nghĩ cậu muốn trở thành một lính cứu hỏa chứ. - Ngừng một chút, viên trung sĩ nói tiếp: - Nghe này Pelz, đây là những việc cậu nên làm: hãy học hỏi thêm những kiến thức cần thiết cho một người lính cứu hỏa và đăng ký học đại học nào đó trong khả năng của cậu. Không quân sẽ trả học phí cho cậu. Vài năm sau nếu cậu vẫn còn thích thì có thể thi tuyển vào một vị trí nào đó. Đó mới là mục tiêu hàng đầu, nhưng nếu cậu thực sự nghiêm túc, đương nhiên thời gian sẽ rút ngắn lại. Cậu thấy sao?
(4) Stevie Wonder: Sinh 13/5/1950, là ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công có thể chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau và là nhà sản xuất băng đĩa. Ông từng đạt được 22 giải Grammy, giải thưởng Academy cho bài hát hay nhất cùng nhiều giải thưởng khác, ông bị mù bẩm sinh.
Tôi nuốt xuống khó nhọc, cảm thấy có cái gì nghèn nghẹn nơi cổ họng. Tôi lý nhí:
- Vâng, tôi hiểu, rất cảm ơn lời khuyên của trung sĩ.
- Đó là lý do vì sao tôi ở đây đấy. - Viên trung sĩ đứng dậy, tỏ ý rất thông cảm và ủng hộ tôi. - Không có gì phải lo đâu Pelz. Cậu cứ tiếp tục học rồi một ngày nào đó họ sẽ cho cậu tham gia lớp phi công SR - 71. - Đoạn viên trung sĩ nhíu mày nhìn tôi. - Mà này, tôi dám chắc với những kiến thức của cậu, hẳn cậu biết Blackbird chứ?
Mắt tôi sáng lên khi nghe thấy tên chiếc máy bay ưa thích của mình.
- Vâng, tôi biết rất rõ chiếc Blackbird!
- Vậy thì tốt rồi. Chúng ta sẽ gặp nhau vào tuần tới. - Viên trung sĩ tươi cười đưa tay ra bắt tay tôi.
- Xin cám ơn trung sĩ. - Tôi vừa nói vừa siết chặt tay anh ta. - Tôi sẽ làm trung sĩ tự hào, rồi trung sĩ sẽ thấy.
Viên trung sĩ tủm tỉm cười, bỏ tay tôi ra, sau đó nhìn tôi và chào một cách dứt khoát:
- Hẹn gặp lại, chàng phi công Pelz-a-Yeager!
Chiều tối hôm đó, tôi ngồi xem ti vi với cha mẹ nuôi trong phòng khách. Sau khi cân nhắc, tôi ngập ngừng:
- Con đã đăng ký vào không quân. Tuần tới con sẽ rời nhà mình…
- Ồ, thật vậy sao? - Cha nuôi tôi, ông Harold Turnbough, hỏi lại ngay.
Tôi nhìn vào mắt cha mẹ nuôi để xem phản ứng của họ thế nào trước tin tôi vừa báo. Một không khí im lặng nặng nề bao trùm. Tôi nói khẽ:
- Con chưa từng đi đâu hết. Con vẫn luôn tự biến mình thành một thằng ngốc. Con nghĩ con có thể tìm được câu trả lời cho quá khứ của mình, để lý giải tại sao Mẹ con lại đối xử với con như vậy. Và bây giờ, đã đến lúc, đến lúc con phải làm điều gì đó cho bản thân mình. Con đã từng bỏ lở rất nhiều cơ hội. Nếu con cứ ở đây, cứ mãi vùi đầu vào những việc con đã làm, thì một ngày nào đó con sẽ phải hối tiếc. - Tôi tạm dừng để phán đoán phản ứng của họ. Cha mẹ nuôi tôi vẫn cứ ngồi yên đó. - Chẳng phải đó là điều cha mẹ đã cố dạy con… ý con là, trở thành một người tự lập sao? Không phải sao ạ…? - Tôi thở dài chán nản.
Alice và Harold gật gù rồi bật cười. Tôi lắc đầu giận dữ. Trải qua một ngày dài đầy căng thẳng do phải tập trung cao độ trước nhưng bài kiểm tra dồn dập, lo sợ kết quả kiểm tra sức khỏe sẽ không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của không quân, lo lắng khi phải giấu kín chuyện này trong một thời gian dài, giờ đây bụng tôi sôi lên sùng sục và quặn thắt. Tôi quá mỏi mệt và không thể kiềm chế được. Tôi hét lên:
- Cha mẹ thôi đi! Có gì đáng để cười? Đây là vấn đề nghiêm túc. Con đã ký vào tất cả giấy tờ cần thiết…
Alice chồm người đến ôm tôi:
- Cha mẹ đã biết cả rồi David à!
Harold nhìn tôi cười bí hiểm:
- Cứ nhìn mấy cuốn sách vứt la liệt và lúc nào cũng nghe con lẩm bẩm về máy bay này máy bay kia thì liệu cha mẹ có thể không biết gì về chuyện con đang làm không chứ?
- Thế cha mẹ không bực mình sao? À… ý con là…
- Tất nhiên là không, David à. Nhưng hãy trả lời mẹ câu này… - Alice có vẻ trầm ngâm. - Tại sao con lại muốn phục vụ trong không quân? Ba năm là một quãng thời gian dài…
- Bốn năm, con sẽ tham gia vào khóa huấn luyện trong bốn năm. - Tôi chỉnh lại khoảng thời gian cho chính xác. - Con thấy chán nản. Con mệt mỏi vì cuộc sống tạm bợ qua ngày. Làm việc như một thằng hề, vì cái gì? Không vì điều gì hết! Con đã sống vô cùng tằn tiện và làm việc đầu tát mặt tối, và rồi con cũng không có gì hết. Cha mẹ hãy thử tính xem, trong vòng bốn năm, con sẽ trưởng thành và học hỏi được nhiều điều, con có thể khám phá và nhận thức mọi việc sâu sắc hơn. - Tôi ngập ngừng rồi lý nhí. - Có lẽ rời khỏi đây sẽ giúp con… giúp con tìm ra câu trả lời…
Bà Turnbough nắm chặt lấy tay tôi.
- David, có thể con không bao giờ biết được rằng, đôi khi những điều tồi tệ sẽ xảy ra. Bởi không có gì là tuyệt đối cả.
- Không! - Tôi ngắt lời. - Không phải như vậy. Con phải biết. Con phải tìm hiểu cho bằng được. Nếu con không đối mặt với điều đó, thì tất cả những gì con làm cũng chỉ là che giấu bí mật như bao người khác. Và nếu con làm vậy, thì sau này lấy gì đảm bảo là con không giống bà ta hay giống cha của con? Có điều gì đó mới khiến họ trở nên như vậy. Mọi việc đều có nguyên do của nó. Con muốn hiểu và con muốn biết. Và nếu con không tự đi tìm câu trả lời cho mình, thì ai sẽ làm việc đó đây? Có bao nhiêu đứa trẻ cha mẹ nhận nuôi xuất thân từ những ngôi nhà giống như con kia chứ? Vấn đề không phải là ra đi để trốn chạy hay để che đậy quá khứ. Ngày nào những chuyện tương tự như vậy cũng xảy ra, và mọi người đều hành động như thế chẳng có gì sai trái ở đây cả. Không ai muốn đề cập đến những chuyện đó, họ cứ để mặc người trong cuộc đương đầu với bất kỳ hậu quả nào xảy ra sau đó. Đó là một việc hết sức sai lầm, và đã đến lúc mọi người phải lên tiếng. Chẳng phải đó là điều mà mẹ và những người khác luôn muốn con phải ghi nhớ kể từ lúc con được cứu thoát sao? Trở thành một người có ích, trung thực và công bằng, tìm kiếm những gì mình tin tưởng, làm việc chăm chỉ và nắm lấy vận mệnh của mình dù phải mất bao lâu? Không phải vậy sao…?
Cha mẹ nuôi tôi gần như bất động. Suốt những năm sống cùng họ, chưa bao giờ tôi thấy họ nhìn tôi với ánh nhìn khắc khoải đến như vậy. Tôi tiếp tục bằng giọng nhẹ nhàng:
- Cha mẹ à, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Con có thể kiểm soát được mọi việc. Con sẽ ổn thôi, nhưng mong cha mẹ hãy hiểu, con không muốn trở thành những người như vậy. Con phải làm một điều gì đó.
Tôi ngừng một lát để suy nghĩ về những điều mình sắp nói tiếp. Tôi không muốn cau mặt và nói với cha mẹ nuôi theo cái cảm xúc khó chịu đang dâng trào trong lòng. Tôi cố tỏ ra điềm đạm.
- Con rất yêu cha mẹ. Cha mẹ đã đối xử với con như một con người thực sự. Nhưng nếu con ở trong không quân, con sẽ tiết kiệm được từng đồng. Con muốn có một ngôi nhà… ngôi nhà của con. Con sẽ mua một ngôi nhà ở Guerneville bên Dòng sông Nga. Từ hồi học mẫu giáo, con đã xác định đó chính là ước mơ cả đời con sẽ theo đuổi. Lúc còn sống ở nhà Mẹ và trải qua khoảng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời, con đã luôn mơ về một ngôi nhà gỗ bên bờ sông với một chiếc lò sưởi ấm áp cùng mùi gỗ tùng thoang thoảng. Lúc ấy, chính suy nghĩ đó đã giúp con cảm thấy an toàn hơn. Bà ấy đã làm mọi điều khủng khiếp nhất với con, nhưng bà không thể nào cấm con mơ ước đến một ngôi nhà bên sông. Cũng chính ước mơ đó đã cho con nghị lực để tiếp tục sống. Con muốn một ngôi nhà của riêng mình. - Cổ họng tôi nghẹn lại, đăng đắng. Nước mắt bắt đầu chảy dài hai bên má. Tôi cố kìm nén cảm xúc của mình, nhưng ký ức về những năm tháng tuổi thơ kinh hoàng dường như đang cuồn cuộn chảy về trong tôi.
- David, sao vậy, có chuyện gì vậy con? - Bà Turnbough khẽ hỏi.
Tôi nhắm nghiên mắt, và rồi bật khóc nức nở.
- Cả đời… tất cả những gì ông ấy muốn là có được một điều gì đó… Và giờ đây, ông đang cô độc, lủi thủi trên đường phố và không còn gì hết. Điều đó thật không thể chấp nhận được.
- Ai cô đơn? Con đang nói về ai vậy? - Alice hỏi dồn.
- Cha của con! - Tôi nức nở. - Con sẽ mua một căn nhà và đón cha về ở cùng. Đó là điều con nên làm. - Tôi quẹt nước mắt, sụt sịt. - Hơn nữa, con muốn đi tìm câu trả lời cho riêng mình, và giờ con đã sẵn sàng, con sẽ làm bất cứ điều gì để thực hiện mong muốn của con.
- Vậy nên con tham gia vào không quân? - Harold hỏi với một chút hóm hình. - Con có chắc là sẽ tránh khỏi các rắc rối không?
Tôi mỉm cười hiểu ý Harold.
- Vâng, thưa cha. Con sẽ làm cho cha phải tự hào, cha hãy chờ xem. Một ngày nào đó cha sẽ thấy. Con sẽ làm cho cha cảm thấy tự hào vì con.
- Được thôi. - Alice ngắt lời. - Giờ con đã quyết định, vậy con tính khi nào mới nói với cha mẹ con?
Tôi hít một hơi thật sâu. Tôi cảm thấy thật khoan khoái dễ chịu. Toàn thân tôi thư giãn hoàn toàn, như thế tôi đang được thiếp đi trên một chiếc giường rộng và êm ái. Lần đầu tiên trong gần nửa năm, tôi cảm thấy mình thật sự thanh thản. Cha mẹ nuôi tôi vẫn đang ngồi cạnh nhau, tay trong tay. Tôi nhẹ nhàng đặt tay mình lên tay họ.
- Dạ vâng, thưa Mẹ, - tôi nói và nhìn vào mắt Alice, - và thưa Cha, - tôi nhìn sang Harold. - Con đã được tuyển vào Không quân Hoa Kỳ. Con sẽ rời khỏi nhà vào tuần tới. Cha mẹ có hỏi gì nữa không?

Chiếc Boeing 727 đột ngột lắc lư khiến tôi bừng tỉnh và quay về với thực tại. Tôi chớp mắt, cố tập trung vào đường chân trời San Antonio bên ngoài cửa sổ máy bay. Tôi đang ở ngưỡng cửa của một cuộc sống mới. Tôi hít một hơi thật sâu rồi mỉm cười.
Và cuộc sống đó bắt đầu!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

CHƯƠNG 3 THƯ NHÀ


Tham gia huấn luyện cơ bản trong không quân không phải là một việc dễ dàng, nhưng sau hai tuần đầu tiên với nhiều bỡ ngỡ, tôi đã bắt đầu thích nghi và thấy thoải mái với những mục tiêu đào tạo của các trung sĩ huấn luyện cho tôi. Thật lạ là khóa học này làm tôi nhớ lại khoảng thời gian sống với mẹ đẻ của mình. Tôi đủ khôn ngoan để không ngẩng đầu lên, cũng không bao giờ nhìn thẳng vào mắt của các vị huấn luyện mỗi khi các vị ấy chửi mắng té tát phi đội chúng tôi. Tôi cố gắng thực hiện các nhiệm vụ được giao thật nhanh chóng và chính xác nhất có thể, và quan trọng nhất là tôi luôn tự nhắc mình phải giữ cho cái miệng hay nói lắp bắp thật yên lặng. Bất cứ khi nào có thời gian rảnh, tôi lại ngồi viết thư gửi cho cha mẹ nuôi, cho người thầy thông thái về hàng không Michael Marsh của tôi từ những ngày tôi còn là một đứa con nuôi, cho cha của tôi để hùng hồn kể lại những sự cố mình đã gặp phải trong thời gian tập luyện.
Cứ mỗi buổi chiều là thời điểm đội của tôi nhận được thông báo có thư gửi đến, và mỗi lần như thế tôi lại thấy hồi hộp vô cùng. Nhưng tôi chỉ đều đặn nhận được những lá thư nhăn nhúm có địa chỉ người nhận là cha với con dấu TRẢ LẠI CHO NGƯỜI GỬI trên bì thư. Sau nhiều lần như thế, tôi không còn đủ kiên nhẫn để cố liên lạc với cha qua thư từ nữa. Từ đó trở đi, tôi tìm cách kết nối với ông bằng tâm linh, qua những lời cầu nguyện.
Sau khi cầu nguyện vào buổi tối, tôi cuộn tròn trong tấm chăn ấm, lòng thấy thanh thản với cảm giác mình thật sự đã thoát khỏi vòng luẩn quần của lòng căm thù và sự giả dối của mẹ. Tôi biết bà ấy không thể chi phối hoặc làm tổn thương tôi bằng bất cứ cách nào nữa. Lần đầu tiên trong đời, tôi được là chính mình. Sau cùng thì tôi cũng đã đẩy lùi được hình ảnh của mẹ vào góc khuất sâu kín nhất trong tâm hồn mình. Tôi thấy phấn chấn biết bao vì câu hỏi lớn nhất luôn dằn vặt tôi bấy lâu giờ đã không còn quan trọng với tôi nữa. Tôi đã được tự do.
Thế nhưng cũng giống như khoảng thời gian tôi còn sống ở nhà cha mẹ nuôi, hàng đêm tôi vẫn thường thấy mẹ hiện rõ mồn một trong từng giấc mơ của mình. Như mọi khi, bà ấy cũng đứng ở con đường dài hun hút như một bức tượng vô cảm. Tôi đứng trước mặt bà, cảm giác bất lực và vô vọng. Và rồi bà ấy chớp mắt. Bà mỉm cười hiểm độc rồi liếc xuống cánh tay xương xẩu của mình, rút ra một con dao sắc nhọn sáng loáng. Tôi biết mình cần phải làm gì đó, bất cứ điều gì để thoát khỏi bà, nhưng nỗi sợ hãi đã khiến cả cơ thể tôi tê cứng lại. Mẹ từ từ tiến lại gần tôi. Ánh mắt đờ đẫn của bà như nhìn thấu tâm can tôi. Ngay trước khi bà tóm được tôi, tôi quay lưng hộc tốc bỏ chạy. Tim tôi đập thình thịch, tay chân lạnh toát. Tôi cứ thế cấm đầu chạy mãi, chạy mãi…, nhưng không thể ra khỏi con đường hun hút tối đen ấy. Tôi quờ quạng, miệng ú ớ và rồi chẳng hiểu sao lại va thẳng vào người mẹ. Bà cười nham hiểm để lộ hàm răng ố vàng và hơi thở nồng nặc mùi bia rượu. Tôi nhìn vào mắt bà van lơn, nhưng bà vẫn sấn tới với con dao sáng loáng trong tay. Tôi bàng hoàng nhắm mắt, co rúm người và hét lên thất thanh:
- Tại sao…?
- Này, Pelzer, dậy nào. Tỉnh đi nào! - Cậu bạn chung giường với tôi là Randy vừa lay tôi vừa thì thào thật khẽ để không ai nghe thấy. - Cậu lại mơ những giấc mơ ấy nữa rồi.
Tôi tỉnh giấc, thở hổn hển, đưa tay lau mồ hôi đang túa ra trên trán và đảo mắt nhìn quanh để nhìn cho rõ những đồng đội khác của mình vẫn còn đang say ngủ. Tạ ơn Chúa vì tôi đã không đánh thức cả đội dậy. Có vẻ như không ai hay biết gì cả. Tôi đưa tay sờ lên ngực để chắc chắn rằng mẹ đã không tấn công và đâm tôi. Tôi quay sang cảm ơn Randy vì sự quan tâm của cậu ấy. Và rồi từ lúc đó cho đến khi trời sáng, tôi cứ ngồi thu lu bên thành giường, không thể ngủ lại được nữa.
Sáng hôm sau, sau một cuộc điều tra, viên sĩ quan huấn luyện cho gọi tôi lên văn phòng của ông ấy. Trong lúc đứng nghiêm trước bàn làm việc của ông ấy, tôi sợ hãi đến mức cả thân người bắt đầu run lên. Tôi cố gắng nhìn thẳng về phía trước và nín thở, cầu mong sao cho viên sĩ quan không phản ánh gì về sự cố vừa qua.
- Binh sĩ, nghỉ! - Vị thượng sĩ ra lệnh. - Theo như báo cáo tôi nhận được thì cậu lại để cho những chuyện như trước đây tái diễn. - Ông vừa nói vừa nhìn lướt qua bản báo cáo. - Đây là lần thứ ba trong tuần rồi. Vấn đề của cậu là gì nhỉ? Cậu nhớ mẹ ở nhà à?
Trong lúc cố động não để tìm ra câu trả lời hợp lý, tôi vẫn nhanh trí để không phải nói ra sự thật. Tôi nói to:
- Hoàn toàn không phải, thưa ngài! Tôi không nhớ nhà, không một phút nào cả, thưa ngài! - Tôi nhìn thẳng vào mắt viên sĩ quan. Dường như ông ấy chẳng hề bận tâm mấy đến câu trả lời theo kiểu ứng khẩu của tôi. Môi tôi run lên, còn chân thì cố gắng trụ vững. - Điều đó sẽ không xảy ra lần nào nữa đâu, thưa ngài! Không bao giờ nữa cả! - Tôi hứa bằng một giọng run rẩy.
- Phải chắc rằng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, binh sĩ. Phải chắc! Cậu hiểu điều đó không? - Vị thượng sĩ nói xong thì đứng bật dậy, bước tới đứng cách tôi khoảng vài bước. - Không quân Hoa Kỳ không có chỗ cho bất cứ cậu bé yếu đuối suốt ngày chỉ biết nhớ mẹ, nhé. Mục tiêu duy nhất của chúng ta, mục đích duy nhất của chúng ta là phải bảo vệ tự do cho nền dân chủ này. Đã rõ chưa? Nếu cậu không thông được tầm quan trọng của nhiệm vụ đó, hãy cuốn gói ra khỏi đây! Nếu cậu vẫn muốn tiếp tục tham gia khóa huấn luyện, tôi sẽ vẫn để cậu tham gia, nhưng tôi sẽ cho cậu kiểm tra tâm lý để áp dụng liệu pháp y tế phù hợp. Tôi nói có chỗ nào chưa rõ với cậu không… Binh sĩ Pelzer?
Tôi như nín thở.
- Rất rõ, thưa ngài! - Ngay khi vừa thốt ra những lời ấy, tôi biết “kế hoạch vĩ đại” của mình thế là đã tan theo mây khói. Ước mơ khi ấy của tôi - ước mơ bên mái nhà làm bằng gỗ ghép, tôi ngồi cùng cha ngoài hiên hay cùng câu cá bên Dòng sông Nga (5) - đang mờ dần đi. Sau khi được vị thượng sĩ cho lui ra, tôi chào ông ấy rồi rời khỏi văn phòng. Ngay lập tức, tôi chạy vào nhà vệ sinh mà nôn thốc nôn tháo. Chân tay tôi bủn rủn và mỏi nhừ, tôi nguyền rủa bản thân đã để cho mẹ tiếp tục kiểm soát mình. Tôi thấy vô cùng xấu hổ.
(5) Dòng sông Nga (Russian River): Tên một con sông ở Bắc California, Mỹ. Đầu thế kỷ 19, một số người Nga trong lúc đi săn đã phát hiện ra con sông này và đặt tên nó là Russian River. Ngoài ra, con sông còn có tên gọi khác là Misallaako, Rio Ruso, Shabaikai, Slavianka và Slavyanka.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Sau trận ói mửa lần ấy, tôi đâm ra giận dữ - không phải với mẹ mà với chính bản thân tôi. Những gì tôi đã học được - từ việc đọc sách về những cuộc phiêu lưu mạo hiểm vĩ đại trong những tháng ngày đen tối dưới ga-ra của mẹ đến việc phải lao động không ngừng nghỉ trong các nhà hàng thức ăn nhanh - theo một cách nào đấy đã khiến tôi thấy khá hơn và cho tôi hành trang bước vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc sống thật sự. Nếu tôi bị buộc phải rời khỏi quân ngũ, thì đó là lỗi lầm của tôi, không phải của bất cứ ai khác. Vì thế, đúng như hàm ý mà vị thượng sĩ đã cố tình nhấn mạnh: Tôi phải làm điều gì đó để thay đổi tình trạng hiện tại của mình.
Buổi sáng hôm đó, tôi đã cố nghĩ ra cách làm thế nào để những sự cố như thế không tái diễn, cũng là để khỏi bị người khác khinh khi. Bị sa thải khỏi quân ngũ do sự non nớt hay những giấc mơ trẻ con không phải là điều tôi mong muốn. Vì tôi hay gặp ác mộng khi trời gần sáng và người đồng đội của tôi, Randy là một người ngủ tỉnh, thế nên tôi nhờ cậu ấy đánh thức tôi dậy ngay khi tôi bắt đầu có bất kỳ dấu hiệu nào. Nhưng sau hai đêm, tôi cảm thấy như thế là quá phiền anh bạn Randy của mình, thế nên tôi quyết định tình nguyện nhận ca trực từ hai giờ đến sáu giờ sáng. Ý tưởng ấy lập tức phát huy tác dụng, nhưng những ngày sau đó, việc thiếu ngủ khiến tôi không thể tập trung vào các bài tập huấn luyện. Trong lớp học, cứ cầm quyển sách lên là tôi lại thấy chữ nghĩa trở nên mờ ảo và dính chùm vào nhau. Tôi thường xuyên ngủ gật trong lớp và bị viên sĩ quan huấn luyện nổi giận đánh thức dậy. Suốt buổi tập dợt diễu binh, tôi bước lệch chân liên tục và nhanh chóng bị đuổi ra ngoài để tập đi một mình cho chuẩn xác dưới cái nắng gay gắt của Texas, để khỏi gây cản trở cho đồng đội của mình. Tôi bị các sĩ quan huấn luyện chỉ trích vì sự lơ là, thiếu tập trung và sự vụng về của mình.
Nhưng tôi quyết không đầu hàng. Tôi không để tâm đến việc mình bị khiển trách; nếu có điều gì làm tôi bận tâm thì trong từng hoàn cảnh cụ thể, sự đấu tranh nội tâm trong tôi sẽ cho tôi sức mạnh vượt qua nhưng yếu đuối của mình. Chỉ cần tôi không bị buộc phải gặp bác sĩ tâm thần, thì việc luyện tập duyệt binh bằng chân trần trên mặt đường nhựa nóng rát chẳng là gì đối với tôi.
Lời đồn đại về sự vụng về cũng như những cơn ác mộng hàng đêm của tôi lan ra khắp nơi, thế là tôi bị mọi người nhìn bằng ánh mắt thương hại và kẻ cả.
Giờ đây tôi chỉ còn có thể nói chuyện với những đồng đội cùng chung nhiệm vụ lau chùi nhà xí. Trong phân môn sau cùng, đơn vị chúng tôi được thưởng bằng cách được ra ngoài vào các buổi trưa cuối tuần. Tôi từ chối tham gia và ở lại doanh trại để xem lại bài vở, tập diễu binh trên những hành lang dài vắng tanh, để là những bộ quân phục của mình cho thật phẳng phiu, để đánh bóng đôi ủng bằng một trái banh vải ẩm ướt cho đến khi chúng sáng bóng như gương. Nhiều giờ sau đó, từng toán đồng đội của tôi quay trở về. Họ bắt đầu khoe khoang về chuyến đi chơi của mình. Rằng họ đã uống bia, nhảy nhót, và các cô gái bên ngoài đã ngưỡng mộ thế nào khi họ khoe những bộ quân phục của lính không quân. Về phần tôi, tôi chỉ đếm từng ngày để được tham gia khóa huấn luyện dành cho lính cứu hỏa mà thôi. Quan trọng hơn, tôi còn nhắm tính số tiền đã để dành được trong thời gian tham gia quân ngũ. Càng dành dụm được nhiều tiền, trong tôi càng trào dâng niềm tự hào về sự thật rằng cuối cùng thì tôi cũng thực hiện được một bước của kế hoạch mua một căn nhà bên Dòng sông Nga.
Trong tuần lễ cuối cùng của khóa huấn luyện cơ bản, khi trình bày với vị cố vấn nghề nghiệp về nguyện vọng trở thành lính cứu hỏa của mình, qua ánh nhìn dè dặt của ông, tôi biết sở nguyện của mình sẽ không thành hiện thực. Viên sĩ quan không nhìn tôi, ông vừa lục lọi xấp giấy tờ vừa lầm bầm:
- Binh sĩ… có một chút thay đổi trong đề xuất chuyên môn của cậu, và… là thế này, trước khi điều này được làm rõ… thì… đừng hỏi tôi lý do tại sao… nhưng những việc này đã xảy ra… vì vậy…
Vị cố vấn chưa dứt lời, tôi đã thấy như đất trời sụp đổ dưới chân mình.
Trong thoáng chốc, tôi nghĩ rằng vấn đề có thể là do những vi phạm liên tục của tôi trong thời gian qua và kết quà “đánh giá tâm lý” không được bình thường. Tôi lắc đầu, chỉ mong sao viên sĩ quan kia đang đùa cợt mình, và rằng đây chỉ là một phép thử mà các chuyên viên tư vấn dành cho những anh lính trẻ non nớt như tôi.
- Thưa ngài, tôi không hiểu. Ý ngài là gì ạ?
Vị sĩ quan đằng hắng và nói luôn rằng các vị trí dành cho lính cứu hỏa đã hết.
- Không sao. - Tôi kiên trì. - Tôi có thể đợi mà.
- Không thể được! - Vị cố vấn phản đối lời tôi ngay. - Không còn chỗ trống nào nữa cả. Cậu, - ông ấy vừa nói vừa chỉ tay thẳng vào cặp kính gọng nhựa màu đen của tôi, - không thể, tôi nhắc lại là, cậu không thể trở thành một lính cứu hỏa được!
Tôi gạt bỏ mọi nghi thức kỷ luật quân đội, cố hỏi vặn:
- Nhưng… đó là vị trí tôi đã đăng ký cơ mà. Đó cũng chính là lý do tôi nhập ngũ. Tôi…
- Tôi xin lỗi, - viên sĩ quan ngắt lời tôi. - Tôi thật sự xin lỗi cậu. Nhưng nhiệm vụ nào cần thiết thì phải được đặt lên hàng đầu…
- Nhưng, thưa ngài! - Tôi cắt ngang. - Tôi đã mất rất nhiều thời gian để được có mặt ở đây… để hoàn thành tất cả các bài thi ấy, để tham gia phỏng vấn…
Điều này không thể được. Ý tôi là, cả cuộc đời này của tôi, tất cả mong ước của tôi… cha tôi! - Tôi hét lên. - Ông ấy là một…
- Nghỉ! Bình tĩnh nào, binh sĩ. - Viên sĩ quan ngắt lời tôi. - Lực lượng không quân không thể đáp ứng hết mọi nguyện vọng của các cậu! Nghe đây, - ông ấy hạ thấp giọng một chút. - Tôi hiểu trường hợp của cậu. Tôi cũng còn vài trường hợp nữa cũng tương tự như cậu. Lúc mới đăng ký cậu cũng biết rằng tùy vào từng loại nhiệm vụ cụ thế mà sẽ có sự ưu tiên. Tại thời điểm này, không quân đang ưu tiên cho nhiệm vụ có số hiệu 62210s.
- 62210s? - Tôi hỏi lại, người tựa hẳn vào bàn ông ấy.
Vị sĩ quan lấy ra một tập hồ sơ, lật lật vài trang như để tìm công việc ứng với mã hiệu ông vừa nói. Cứ nhìn cái cách của ông thì tôi biết mình sẽ sốc thêm lần nữa.
- À, là chuyên gia dinh dưỡng.
- Gì cơ, thưa ngài? - Tôi lắc đầu, mắt mở to hỏi lại ông ấy.
- Là đầu bếp, binh sĩ Pelzer. Cậu sẽ là một đầu bếp. Thôi nào, - vị sĩ quan lại chuyển sang giọng điệu đầy hoan hi, - công việc này khá tốt cho cậu đấy chứ. Cậu chỉ việc vào ca vài giờ, rồi về nhà - từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều. Như giờ làm việc của nhân viên ngân hàng ấy nhỉ. Giống một cuộc dạo chơi thôi mà. Này, ở hầu hết các căn cứ, sẽ có người nấu nương, họ sẽ làm hết, cậu chỉ giám sát thôi!
- Vậy… trong thời gian trống, tôi có thể đi học hoặc làm một công việc ngoài giờ được chứ ạ? -Tôi hỏi dò. Gần như tôi đã chấp nhận số phận của mình, và chẳng hiểu sao tôi còn cố gắng nhẩm tính trong đầu đường đi nước bước nhằm làm một cuộc lội ngược dòng để đạt được mục đích của mình bất chấp những ngăn trở trước mắt.
- Nghe đây, - vị cố vấn tiếp, - cậu có rất nhiều thời gian, cậu sẽ trở thành một gã nhàn rỗi chán ngắt nếu cậu không tham gia vào một hoạt động nào đấy khác đi. Rồi cậu sẽ sống cả phần đời còn lại của mình ở những nơi khỉ ho cò gáy mà thôi. Nhưng này, tôi chưa từng thấy chuyện đó xảy ra bao giờ. Đừng có quan trọng hóa như thế. Trong ba năm, nếu cậu hoàn thành tốt nhiệm vụ, cậu có thể được huấn luyện lại và trở thành lính cứu hỏa.
- Nhưng nếu tôi ở lại, tôi muốn được bay. Đó là lý do tôi muốn đi học. - Tôi thẳng thắn.
- Được rồi, chắc rồi. Sao cũng được cả. Đừng quá lo lắng. Chỉ cần cậu ký vào tờ giấy mà tôi đã tóm gọn cho cậu nãy giờ là được. Và đừng lo lắng gì hết, cậu cứ cố gắng thật nhiều vào là ổn. Chuyện gì cũng có thể xoay chuyển được hết. Cứ phấn đấu nhé!
Không chút do dự, tôi chộp lấy cây viết, nguệch ngoạc ghi tên, cấp bậc của mình và ngày tháng vào tờ giấy. Thật lạ lùng là sau nhiều tháng trời ấp ủ ước mơ mãnh liệt, cuối cùng cuộc đời tôi cũng chuyển sang một hướng mới mà tôi không thể nào kiểm soát được. Tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực. Những ước mơ thơ trẻ của tôi bỗng chốc đã bị xóa sạch chỉ bởi một vết bút. Tôi nhìn cây viết bi màu đen rẻ tiền có đóng dấu CHÍNH PHỦ HOA KỲ một lúc rồi ném nó lên chồng giấy nằm trên bàn. Tôi lặng người, lững thững đi ra khỏi văn phòng, quên cả xin phép viên sĩ quan.
Vài tuần sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện cơ bản và được chuyển tới căn cứ huấn luyện chuyên biệt, cú sốc khi phải phục vụ trong không quân với vai trò là một đầu bếp mới bắt đầu tan biến. Tôi xấu hổ đến nỗi không dám kể chuyện này với cha mẹ nuôi của mình. Tôi phải đối diện với một sự thật rằng tôi đã khiến cha ruột của tôi thất vọng. Tôi biết, việc trở thành một người lính cứu hỏa rất có ý nghĩa với cha, và dường như cha đã rất phấn khởi khi tôi gọi cho ông vài ngày trước khi nhập ngũ. Tôi đã rất khát khao để gây ấn tượng với cha, để cha phải ngạc nhiên khi thấy David Pelzer - một thằng bé không được thừa nhận, đứa trẻ bị mẹ mình xem như một thứ đồ vật - một ngày nào đó sẽ được người khác tin tưởng mà giao phó trọng trách bảo vệ mạng sống cho nhiều người khác, giống như người hùng một thời của tôi… cha tôi.
Tôi còn nhớ hôm tôi gọi cho cha, khi huyên thuyên với cha về những kế hoạch vĩ đại của mình, rằng tôi sẽ lấy được chứng nhận lính cứu hỏa sau khóa huấn luyện cơ bản, tôi cảm nhận được cha hạnh phúc thế nào ở đầu dây bên kia. Những cơn ho dữ dội hành hạ ông bấy lâu nay cũng tạm lắng xuống, và giọng nói của ông dường như bớt căng thẳng hơn, ấm áp hơn. Tôi gần như bật khóc khi nghe cha gượng cười một cách mệt mỏi và nói rằng ông tự hào về tôi biết bao.
- Con sẽ làm tốt thôi, Cọp con à. Con sẽ ổn thôi.
Tôi giữ chặt điện thoại bằng cả hai tay, áp sát vào tai và im lặng thật lâu như muốn nghe lại cho rõ từ “Cọp con”. Lúc tôi còn bé, trước khi thế giới của tôi trở nên đen tối không chút hy vọng, thì “Cọp con” chính là cách gọi thân thương mà cha trìu mến dành cho tôi. Sau khi cúp điện thoại, tôi cứ tần ngần. Sau ngần ấy năm, cha vẫn nhớ cái tên gọi tuy đơn giản nhưng rất đỗi thân thương và quý giá với tôi. Từ tận đáy lòng, tôi khao khát mơ đến một ngày có thể làm cho cả cha lẫn mẹ phải tự hào về tôi. Hơn nữa, chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ rằng nếu tôi trở thành một người lính cứu hỏa, tôi sẽ giúp xoa dịu nỗi cô đơn và những đau đớn mà cha đã phải chịu đựng trong những năm tháng qua - vì một đứa con trai, một người vợ, và cả một gia đình mà ông đã và sẽ không thể bảo vệ.
Tôi tạm gác lại những ước mơ cháy bỏng, chôn sâu lòng tự tôn vào một góc khuất trong lòng để tập trung thể hiện hết khả năng của mình trong công việc trước mắt. Với kinh nghiệm sẵn có từ những năm tháng làm việc cho các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, tôi nhanh chóng thích nghi với những buổi tập huấn đầu bếp. Tôi thao tác thuần thục với các loại nguyên vật liệu và đạt được điểm số gần như tuyệt đối với kỹ năng thực hành khiến cả lớp phải sững sờ thán phục. Trong khi những người đồng cấp với tôi để mặc cho thức ăn bừa bãi, lộn xộn, thì tôi phân chúng theo từng kích cỡ, công thức nấu nướng rồi chia ra cho từng ca trực sử dụng. Dù tôi nấu món gì - trứng chiên mỏng với bột phó mắt phủ ở trên, món rau quả tươi sống, hay món sườn nướng BBQ(6) thì tôi đều cảm nhận được rằng tôi luôn hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trong việc tạo nên những bữa ăn hoàn hảo. Mỗi khi giám sát viên hoặc bất cứ ai đi qua khu vực nhà bếp, hoặc khi một đồng đội bên không quân ‘ném’ cho tôi một lời khen tặng nào đó thì lòng tôi lại lâng lâng tự hào.
(6) BBQ (Bar-B-Q hay Bar-B-Que): Chữ viết tắt của từ thường dùng “barbeque” hay “barbecue” để chỉ món sườn nướng. Đây là món ăn được chế biến từ thịt được ướp với nhiều loại gia vị khác nhau và được nướng trên than hoặc củi,… BBQ là món ăn sử dụng phổ biến ở phương Tây, thường được chế biến ngoài trời, trong các buổi dã ngoại, ở các nhà hàng, người ta chế biến món này trong các lò nướng được thiết kế chuyên dụng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Những lúc rảnh rỗi, trong khi các đồng đội thoải mái tiệc tùng tại Câu lạc bộ dành cho lính không quân, thì tôi vẫn ở lại trại lính, quyết tâm dè sẻn từng đồng. Tôi vùi đầu vào những cuốn sách viết về lịch sử của không quân hay về những trận không chiến dữ dội. Chẳng bao lâu, tôi đâm nghiện những cuốn sách này và bắt đầu tạo nên một thư viện về hàng không của riêng mình. Mỗi lần được trả lương, tôi trích ra một ít để mua những mô hình máy bay đặc biệt mà theo những hiểu biết của tôi thì chúng đã làm thay đổi lịch sử ngành hàng không. Tôi nhanh chóng trở thành một bộ bách khoa toàn thư sống về lĩnh vực hàng không, và tôi khao khát một ngày nào đó tôi cũng có thể tạo nên một điều gì đó khác biệt cho thế giới mới của mình, thế giới của những chuyến bay.
Dù ngày hay đêm, bất kể khi nào căng thẳng vì việc học tập không ngừng nghỉ, tôi lại ra ngoài, đi bộ vài vòng quanh doanh trại. Những lúc ấy tôi lại đi về phía hòm thư của mình, mắt ngập ngời hy vọng. Tôi lầm rầm cầu nguyện thật nhanh, hít thật sâu trước khi mở khóa. Nhưng lần nào cũng vậy, tôi luôn chuẩn bị tinh thần để đón nhận cảm giác khi tia hy vọng heo hắt nhất cũng tát ngấm. Tôi tự trấn an mình bằng cách nhún vai như thể tôi không hề bận tâm. Như thế tôi sẽ bớt đau buồn hơn. Cũng như những năm tháng sống trong ngôi nhà của mẹ, để bảo vệ mình, tôi đã dập tát mọi cảm xúc và tạo cho mình một vỏ bọc thật cứng rắn, lì lợm.
Một ngày nọ, vào giờ nghỉ trưa, tôi quyết định không kiểm tra hòm thư. Tôi tự nhủ mình sẽ đi ngang đó mà không mảy may suy nghĩ gì cả. Tôi đã chịu đựng nỗi thất vọng quá nhiều rồi. Chỉ còn năm bước chân nữa là đến hòm thư, tôi dợm chân quay lưng đi nhưng rồi vội vã quay trở lại. Vài giây sau, tay tôi run rẩy lấy ra một bức thư nhăn nhúm, bết bẩn. Tôi há hốc nhìn trân trân vào mấy dòng chữ viết vội vàng không rõ nét. Tim tôi đập liên hồi, tay chân run lên bần bật trong lúc luống cuống mở phong thư. Tôi vội lướt qua lá thư, cả người cứng đờ. Những dòng chữ nguệch ngoạc là của cha.
Một người bạn thấy tôi đứng chết lặng đã đến gần lay tôi.
- Cậu có chuyện gì thế?
Tôi vẫn bất động.
- Cha… à…, cha của tớ… ông ấy không khỏe…
Bạn tôi thở dài lắc đầu.
- Tớ hiểu rồi. Nhưng cậu cũng không nên lo lắng quá như thế. Cha mẹ nào rồi cũng đến tuổi già yếu. Nhưng chắc là đã có mẹ cậu lo cho ông ấy rồi. Thôi nào… chuyện gì đến sẽ đến thôi.
Không! Tôi muốn thét lên. Cậu không hiểu đâu… Nhưng tôi kịp định thần lại. Cậu bạn vỗ vỗ vai tôi ra chiều thông cảm rồi chạy biến vào đám đông nhưng người lính không quân khác đang lấy thư và reo hò giơ nhưng bức thư lên cao. Tôi cúi đầu lủi thủi lùi dần khỏi đám đông ồn ào náo nhiệt ấy. Ước gì tôi chưa từng nhận được lá thư kia…
Tôi lang thang bên ngoài doanh trại, lòng ngổn ngang. Tôi nặng nề lê bước đến một băng ghế dài và ngồi xuống. Tôi hoang mang đến nỗi không thể hiểu ngay được nội dung trong thư. Khi lờ mờ hiểu ra, tim tôi như thắt lại. Trong thư, cha cho hay ông đang phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Ông không thể tìm được việc làm thêm, không ai nhận ông rửa chén bắt hay phục vụ trong nhà hàng thức ăn nhanh nữa. Thời gian đầu, cha còn xin bạn bè ngủ nhờ qua đêm, nhưng về sau, cảm thấy không thể làm phiền mọi người mãi như vậy được, cha đành lang thang, co ro trong những hẻm tối khi đêm xuống. Tôi muốn gửi cho cha một ít tiền để phần nào giúp cha đỡ khốn đốn.
Tôi đọc lại lá thư một lần nữa, rồi lật tới lật lui chiếc phong bì nhàu nát để tìm địa chỉ hồi âm. Nhưng không có gì cả. Chữ viết của cha trước kia rất dễ đọc, nhưng nét bút của ông trong lá thư này thì hoàn toàn khác hẳn. Cả bức thư câu nào cũng viết dở dang, lan man không có chủ đích. Từ ngữ thì bị sai chính tả, lộn xộn và vô nghĩa. Càng nhìn những dòng chữ của cha, lòng tôi càng nghẹn ngào từng cơn đau nhói. Nhưng rồi bất chợt tôi nghĩ rằng có thể cha đang say khi viết lá thư này cho tôi. Đó có vẻ là tình huống khả dĩ nhất. Điều đó giúp giải thích tại sao lá thư lại bị lấm lem như vậy, nét chữ của cha lại run rẩy như vậy, và, quan trọng hơn cả, là tại sao cha lại quên để địa chỉ trên bì thư.
Trong thoáng chốc, tôi thấy sợ hãi. Tôi cảm thấy xấu hổ vì cuộc sống hiện tại của cha. Làm thế nào, tôi tự hỏi, làm thế nào mà cha cứ vùi đầu vào men rượu một cách ngu ngốc đến thế? Lẽ ra cha phải nhận ra rằng những cuộc chè chén say sưa - cung cách sống bấy lâu nay của ông - chỉ đưa ông đến chỗ chết mà thôi. Tại sao? Tôi thổn thức. Tại sao cha không thể từ bỏ nó một lần vì phần đời còn lại của ông chứ? Ngày xưa, khi còn là một người lính cứu hỏa, cha đã can trường thế cơ mà; vậy thì tại sao ông không thể tập trung sức mạnh ý chí của mình để từ bỏ một điều đơn giản như thế? Quẳng chai rượu sang một bên chẳng lẽ lại khó khăn đến thế sao?
Tôi nhắm mắt, hồi tưởng về khoảng thời gian bất tận mà cha say xỉn hầu như mỗi ngày. Những lúc đó, ông nằm vật ngay giữa nhà, hai mắt đỏ lư và quần áo thì bốc mùi nồng nặc. Đó cũng là khoảng thời gian cha luôn hứa hẹn một ngày nào đó, bằng một cách nào đó, cha sẽ giải thoát tôi khỏi móng vuốt của mẹ. Tôi đã đặt trọn niềm tin nơi cha, nhưng rồi tôi sớm nhận ra tất cả chỉ là nhưng hứa hẹn hão huyền của cha mà thôi.
Tôi cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng. Với tôi, cha không phải là người xấu. Có thể sự hung tợn của mẹ đã đẩy cha vào con đường nghiện ngập. Có thể vùi đầu tìm những cơn say là lối thoát duy nhất của ông. - Tôi biện hộ. “Ôi, Chúa ơi!” - Tôi gục đầu vào lòng bàn tay. Lẽ nào cha nghiện ngập là để trốn chạy khỏi cảnh sống địa ngục giữa mẹ và tôi? Lẽ nào tôi chính là nguyên nhân khiến cha ra nông nỗi này?
Tôi rùng mình. Cảm giác ray rứt cứ dằn vặt trong tôi. Nếu tôi chính là nguyên nhân đẩy cha vào cảnh sống lây lất như thế này, thì tôi cũng phải chịu trách nhiệm về mọi chuyện. Tôi phải chịu trách nhiệm về việc gia đình mình bị hủy hoại, chịu trách nhiệm cho sự chia ly của cha mẹ, chịu trách nhiệm về sự sa sút của cha trong công việc ở đồn cứu hỏa; tôi chính là nguyên nhân cho cuộc sống hiện tại của cha. Tôi bật khóc nức nở.
Trong hoàn cảnh này, tôi nghĩ mình nên gửi cho cha một ít tiền. Cho dù cha có dùng số tiền ấy để mua rượu, tôi cũng sẽ gửi. Sau tất cả những khổ ải mà tôi đã gây ra cho cha, đây là điều tối thiểu tôi có thể làm cho ông. Nếu số tiền đó có thể giúp xoa dịu phần nào nổi cô đơn và tuyệt vọng trong cha dù chỉ trong vài giờ ngắn ngủi, thì cũng cứ nên làm như thế.
Tôi hít một hơi thật sâu. Tôi đã xác định việc trước mắt mình cần làm. Tay chân tôi thôi run rẩy. Tôi quẹt nước mắt, nhìn xuống phong thư dúm dó. Mọi thổn thức trong tôi như vỡ òa khi tôi nhớ ra cha đã không để lại địa chỉ của ông trên thư.
- Khốn nạn thật! - Tôi bật khóc tức tưởi. - Tại sao chứ? - Tôi nắm chặt lá thư. - Sao cuộc đời lúc nào cũng thích trêu đùa với mình thế này chứ!
Ròng rã mười hai năm trời, mẹ đã bày ra nhiều trò để hành hạ và giết hại tôi, nhưng không khi nào tôi chống trả. Tôi cũng không bao giờ trốn chạy. Tôi chỉ âm thầm chịu đựng sự ngược đãi của mẹ bằng cách gồng mình để sống sót qua từng ngày, từng giờ. Thời gian làm con nuôi, cuộc sống của tôi không phải lúc nào cũng êm đẹp, nhưng tôi đã rất cố gắng để tiếp tục sống. Đến tuổi vị thành niên, trong khi những đứa bạn đồng trang lứa mải mê chơi bời, tôi lại lao vào làm việc cật lực. Đến lúc nộp đơn xin gia nhập quân ngũ, tôi cũng phải mất nhiều thời gian hơn mọi người mới có thể được góp mặt trong lực lượng không quân. Khi ước mơ được trở thành một người lính cứu hỏa vỡ tan tành vì những rắc rối tôi đã gây ra, tôi vô cùng hụt hẫng. Còn giờ đây, tôi thậm chí không giúp nỗi cha mình chỉ bởi vì ông không để lại địa chỉ hay số điện thoại liên lạc. Tôi cũng không thể gọi cho mẹ và hỏi thông tin về cha, bởi từ lâu tôi đã không được phép liên lạc với gia đình quý hóa của bà ấy. Tôi ngồi đó trong bế tắc. Tôi chỉ ước gì mình là một ai khác, chứ không phải David James Pelzer. Tôi gục đầu vào tay, cố gắng vắt óc để tìm ra giải pháp.
Tôi nghĩ không còn cách nào khác ngoài việc cầu mong cho cha sẽ viết tiếp cho tôi một bức thư khác với đầy đủ địa chỉ hồi âm. Thế là tôi cầu nguyện. Bất cứ khi nào phải đối mặt với những khó khăn không thể giải quyết, tôi lại nghỉ đến Chúa. Lúc bé, khi phải sống trong cảnh bị ngược đãi tăm tối, tôi luôn cầu nguyện một lúc nào đó Ngài sẽ cứu vớt tôi khỏi tay mẹ; còn giờ đây, tôi nguyện cầu Người hãy che chở cho cha tôi được bình an. Tôi xin Ngài bằng cách nào đó, hãy xoa dịu nỗi đau đang ngày đêm giày vò cha tôi.
Tôi lầm rầm cầu nguyện. Quanh tôi, tuyết phủ trắng xóa. Trắng cả bộ quân phục tôi đang mặc, trắng cả băng ghế tôi đang ngồi, cả đất trời phủ một màu trắng lạnh lẽo. Các đầu ngón tay của tôi tím bầm, tê cóng, vành tai tôi nhức nhối đau vì lạnh, nhưng tôi vẫn thấy lòng nhẹ nhàng và ấm áp. Một con gió từ đâu thốc đến, thổi vào mặt tôi rát lạnh. Tôi nheo mắt, khẽ rùng mình.
- Tất cả tùy thuộc ở Đức Chúa. - Tôi tự nhủ. Lúc này, chỉ có Chúa mới bảo vệ được cha mà thôi.
Ngày dài thành tuần, tuần dài thành tháng. Thời gian cứ thế thẩn thờ trôi. Tôi càng trông đợi, càng cầu nguyện, thì cha tôi càng bặt vô âm tín.
Sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện chuyên môn, tôi được chuyển đến căn cứ thường trực ở vành đai Florida. Tại đây, tôi đã rất hy vọng mình sẽ được làm việc bài bản đúng như lời vị cố vấn đã vẽ vời trong thời gian tôi còn theo học khóa huấn luyện cơ bản. Nhưng thực tế quả thật quá khác biệt. Tôi phải đóng quân cùng một nhóm kỹ sư chiến trận, suốt ngày làm việc dưới một cái lều tạm bợ chứ không được chỉ đạo người khác trong một khu nhà có gắn máy điều hòa như vị cố vấn từng nói. Tôi rất sợ cảm giác phải bò ra khỏi giường vào lúc tờ mờ sáng, sau đó lái xe hơn một giờ đồng hồ qua một vùng hoang vắng để đến địa điểm đã xác định, và cứ thế làm việc liên tục không nghỉ, rồi hoàn tất công việc vào lúc chín giờ tối, để rồi hôm sau cũng lặp lại chu trình như ngày hôm trước. Tôi ghét cay ghét đắng công việc này. Tôi thấy mình thật thấp kém, hèn mọn nhu lúc còn sống với mẹ vậy.
Cũng như mọi khi, tôi cố kìm nén lòng tự tôn và đối mặt với thử thách. Nhưng càng cố gắng, tôi càng thấy bức bối và chẳng làm được việc gì nên thân khi hai người giám sát khó tính lúc nào cũng kè bên, luôn miệng mắng mỏ vì bất kỳ sơ sót lớn nhỏ nào của tôi. Nhưng tôi quyết không thoái chí. Thay vì thức dậy lúc 4 giờ rưỡi như những người khác, tôi dậy lúc 3 giờ để đảm bảo tuyệt đối đúng giờ. Trong lúc những người khác trình diện để nhận nhiệm vụ, thì tôi đã phải hoàn tất nấu nướng và mang ra ngoài để sẵn sàng phục vụ mọi người. Sau khi xong việc, tôi còn phải đợi lệnh để thực hiện vài nhiệm vụ khác nữa. Thời gian cứ thế trôi qua, trong tôi luôn dồn nén một cảm giác nặng nề, áp lực. Tôi thấy như mình đang ở trong một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát. Chỉ một thời gian ngắn sau, tôi phát hiện ra mình là đầu bếp duy nhất phải chịu trách nhiệm cho tất cả mọi việc liên quan đến bếp núc, không một ai khác giúp tôi. Đã thế, trong lúc tôi làm việc, các vị sĩ quan đều dồn mắt săm soi để bắt ra những sai sót của tôi. Trông thấy tôi mồ hôi nhễ nhại, các viên sĩ quan và lính không quân khác có vẻ hài lòng lắm.
Một buổi trưa nọ, người giám sát tôi là Trung sĩ Kỹ thuật Campbell, một người đàn ông da đen cao lớn, người luôn hét ầm tên tôi trong khi hai hàm răng trắng bóng vẫn ngậm hờ một điếu xì gà to đùng, đã bất ngờ gọi tôi lại.
- Nghe đây binh sĩ Pelt-der, cậu đúng là một chàng ngốc chỉ biết đến công việc. - ông ta nói xong rồi cười to.
Tôi cúi nhìn đôi ủng bết bẩn của mình.
- Tôi đã rất cố gắng, thưa Trung sĩ Campbell.
- Cậu phải hiểu rằng, công việc của phi đội là xây dựng các căn cứ quân sự từ chỗ không có gì cả, và sửa chữa đường bay nếu chúng bị hư tổn sau khi bị kẻ thù tấn công. Đường bay không được sửa chữa thì máy bay không thể cất cánh. Mọi người sẽ không thể làm việc được nếu họ bị bỏ đói. Điều đó quá đơn giản mà. Cậu có hiểu những điều tôi nói không? - Tôi gật đầu. - Tôi bắt cậu làm việc cật lực để xem cậu có bỏ cuộc hay không. Đó là lý do tôi áp chế cậu. Áp chế cậu thật nhiều. Hãy hoàn tất mọi công việc, đó là những gì tôi muốn. Chúng ta có mặt ở đây để sát cánh cùng nhau. Nhưng cậu nên điều chỉnh thái độ của mình đi. Chẳng có gì đáng xấu hổ khi làm một đầu bếp cả. Tôi biết cậu có những mong muốn khác; cậu có thể làm bất cứ điều gì cậu muốn trong tương lai, chứ không phải bây giờ, khi cậu còn ở đây với chúng tôi. - Trung sĩ Campbell tiếp tục. - Cậu đã làm việc rất tốt! Không cần phải có ai trông coi cậu làm gì nữa cả. - Nói xong ông cười toét rồi vỗ mạnh vai tôi.
Lúc đó tôi mới hiểu tại sao trước giờ tôi lại liên tục bị để ý và bị áp lực phải cáng đáng nhiều công việc hơn những người khác. Họ muốn thử tôi. Tôi thở dài. Ít ra mình cũng đã làm tốt một việc mà mình không thích, và mình đã làm bằng cả sự nhiệt tâm.
Trên hết, tôi biết mình không bao giờ đầu hàng, và với tất cả sự quyết tâm trong tôi, tôi tin rồi mình sẽ giành được sự nể trọng của người khác.
Một thời gian ngắn sau đó, tôi nhận nhiệm vụ tạm thời đầu tiên. Được sự tin tưởng của Trung sĩ Campbell, tôi cùng hai đồng đội nữa là ba đầu bếp phục vụ cho một nhóm phi công và chuyên viên hỗ trợ ở một địa bàn xa xôi. Chúng tôi làm việc từ lúc trời tờ mờ sáng đến tận tối mịt, và những nổ lực của chúng tôi đã được tưởng thưởng xứng đáng bởi sự thừa nhận và ca ngợi của mọi người. Trong thời gian này, tôi đã dần thấy lòng mình trào dâng một niềm tự hào khó tả, bởi tôi hiểu tuy chỉ là những việc nhỏ bé, nhưng ít nhiều tôi cũng đã cống hiến hết sức mình cho thành quả chung của nhóm.
Một buổi tối nọ, trong khi hai đầu bếp kia đi đến quán rượu địa phương để giải trí, thì tôi chỉ ở nhà nghiền ngẫm mấy quyển sách. Thật ra, lý do chính là tôi luôn cảm thấy thiếu tụ tin khi đứng trước mọi người. Trong khi những người lính khác có thể say sưa kế những câu chuyện về nơi họ đã sinh ra, về ngôi nhà họ đã sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, về những cuộc rong chơi khi tuổi đến trường, về những buổi hẹn hò lãng mạn… thì tôi lại trở nên sợ sệt, thu mình lại như một pho tượng mỗi khi có ai nhắc đến những chuyện đó. Mỗi khi có ai bắt chuyện, tôi không thể nhìn thẳng vào mắt họ, tôi chỉ đứng nép mình và tìm cách né tránh. Vì vậy, tôi quyết định tốt hơn mình nên ở nhà, còn hơn là biến mình thành một thằng ngốc vụng về trong mắt mọi người.
Nhiều giờ sau khi đọc xong vài chương sách, đọc đi đọc lại lá thư mà tôi đã viết cho cha nhưng sẽ không bao giờ gửi được, tôi vẫn dán mắt lên trần nhà, trằn trọc không tài nào ngủ được. Dường như có cái gì đó khiến tôi cảm thấy không thoải mái. Tôi cứ trằn trọc như thế cho đến khi các đồng đội trở về. Cả đêm hôm đó, tôi cũng chỉ lăn qua lăn lại, bồn chồn mãi cho đến khi trời sáng.
Ngày hôm sau, sau khi phục vụ xong bữa ăn trưa, một đầu bếp đồng đội chuyển ống nghe điện thoại cho tôi rồi vội quay đi. Tôi thấy hơi lúng túng. Lưỡng lự một lúc, tôi đưa ống nghe lên tai:
- Alô? - Tôi nói rành mạch.
- Có phải David đó không? - Giọng nói dường như bị đứt quãng vì khoảng cách địa lý quá xa.
Tim tôi như ngừng đập.
- Mẹ, có phải mẹ không? Có chuyện gì vậy mẹ? Đã xảy ra chuyện gì sao? Làm sao mẹ có số điện thoại này? Sao mẹ lại gọi cho con? - Tôi hỏi dồn người mẹ nuôi của mình như sợ sẽ bị mất tín hiệu giữa chừng.
- Chúa ơi! - Alice kêu lén. - David, ta xin lỗi con. Ta xin con, hãy tha lỗi cho ta. Phải mất mấy ngày, ta muốn nói là phải vài ngày ta mới liên lạc được với con… Phi đội của con… ở Florida… họ không biết chắc con đang ở đâu… Ta đã cố gọi từng số điện thoại họ cho ta. Con ơi, hãy biết rằng ta…
- Khoan đã! Mẹ nói chậm lại đi, con không nghe thấy gì hết. Đường dây… đường dây bị nhiễu quá mẹ ơi. Nói cho con nghe, có chuyện gì? Chuyện gì đã xảy ra vậy mẹ?!
- Harold khỏe. Ta cũng khỏe… David, hãy tin ta, ta đã rất cố gắng. Thề có Chúa, ta đã rất cố gắng…
Bụng tôi bắt đầu quặn thắt lại. Tôi cố phán đoán những tình huống có thể xảy ra, nhưng hình như đó chỉ là cách tôi tự lừa dối mình, bởi câu trả lời dường như đã quá rõ ràng.
- Mẹ nói đi, - tôi nhắm nghiền mắt, tay chân run bần bật, môi rì rầm một lời cầu nguyện, - hãy nói với con… Hãy nói rằng cha con không…
Tôi cảm nhận rõ mẹ Alice ở đầu dây bên kia đã không còn giữ bình tĩnh được nữa.
- Về nhà nhanh lên, David. Về nhà ngay đi con. - Bà nức nở. - Cha con nhập viện rồi. Bác sĩ nói rằng cha con sẽ không thể… ông ấy chỉ còn vài ngày nữa… Về nhà nhanh lên, David. Về nhanh lên con ơi…
Từng lời của mẹ Alice tựa búa bổ vào tim tôi. Tim tôi như ngừng đập. Tôi đánh rơi ống nghe, quỵ xuống.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

CHƯƠNG 4 MỘNG ƯỚC


Tôi hoàn toàn chưa hề chuẩn bị tinh thần để gặp cha. Khi đến bệnh viện Kaiser, nằm ở trung tâm San Francisco, tôi cảm thấy không thể chịu được cô y tá chịu trách nhiệm chăm sóc cho cha tôi. Cô ấy cứ thờ ơ nhìn Alice Turnbough và tôi như thể chúng tôi không hề tồn tại. Cô ấy phớt lờ câu hỏi liệu cha tôi là ông Stephen Pelzer có đang nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt không, huống chỉ là những câu hỏi khác liên quan đến sức khỏe và sự an nguy của ông. Do chứng mất ngủ kéo dài hành hạ, lại thêm việc vừa trải qua một hành trình dài suốt đêm cùng nỗi khác khoải khi sắp được gặp cha, tôi hoàn toàn đuối sức và cảm thấy dễ dàng bùng nổ bất cứ lúc nào.
Lúc ngồi trên máy bay, dù đã hình dung đến rất nhiều tình huống khác nhau, nhưng việc đối diện với thực tế vẫn gây cho tôi những căng thẳng không thể tưởng tượng được. Trước đó chừng vài tiếng, tôi dường như rất bình tĩnh trước mỗi ý nghĩ về cha, nhưng giờ đây, tôi đang cố gồng mình tựa người vào bàn hướng dẫn ở bệnh viện để tránh ngã quỵ. Tôi cảm thấy sức kháng cự từng giúp tôi trụ vững, để theo đuổi một mục tiêu rõ ràng nào đó, đang dần mất đi. Mùi thuốc sát trùng nồng nặc khiến mũi tôi muốn ứa máu và ký ức khiếp đảm về những ngày bị mẹ nhốt trong phòng tắm, cho ngửi dung dịch ammoniac hòa lẫn Clorox chợt hiện ra như in trong đầu tôi. Nghĩ đến việc không chỉ đối mặt trực diện mà còn phải đương đầu với mẹ bất cứ khi nào bà xuất hiện, tôi cảm thấy mọi thứ như đang rơi vào chốn địa ngục. Tôi chỉ ước một điều duy nhất là làm thế nào đó - chỉ một lần này thôi cũng được - mẹ hãy chôn vùi những thù hằn sâu trong lòng, để cho tôi được ở bên cha mà không trút những cơn cuồng nộ vô lý lên đầu cha con tôi.
Nhưng có thể mình đã suy diễn quá xa chăng? - Tôi tiếp tục tiên đoán. Thật ra chính mẹ đã gọi cho Alice để thông báo về tình hình của cha. Có lẽ có một sự thay đổi nào đó trong chiến lược vỏ bọc phòng thủ của mẹ chăng? Trước lúc lên đường nhập ngũ, tôi gọi báo tin cho mẹ và bà đã tỏ ra vui mừng thái quá, thậm chí còn tỏ vẻ tự hào vì những nỗ lực của tôi nữa. Ngay thời khác đó, giọng nói ấm áp của mẹ khiến tôi nhớ đến một người mẹ tràn đầy tình yêu thương thuở tôi còn được sống trong vòng tay bảo bọc của gia đình. Có khi nào bệnh tình của cha sẽ mang họ trở về với nhau không? - Tôi tự hỏi. Khi còn bé, trước khi gia đình tôi đổ vỡ, tôi biết cha mẹ rất yêu thương nhau. Tôi cũng từng nghe nói cứ sau mỗi lần khủng hoảng, những mối quan hệ vốn căng thẳng sẽ có cơ hội được hàn gắn. Hẳn là phải có lý do nên cha mẹ tôi mới không ly hôn sau bao nhiêu năm sống ly thân. Vì thế, đây chính là một tia hy vọng để tôi bấu víu. Tôi tin như vậy! Nỗi lo lắng khi cha phải nhập viện giờ đây có thể mang lại điều tốt đẹp nhất cho cả gia đình tôi…
Càng nghĩ đến viễn cảnh tốt đẹp đó, tôi càng nôn nóng muốn gặp cha gấp bội. Cũng như bao người rơi vào hoàn cảnh tương tự, lúc đầu tôi cũng có những phản ứng thái quá. Nhưng khi đã lấy lại bình tĩnh, tôi hình dung ra cảnh mình sẽ làm thủ tục xuất viện cho cha, rồi hai cha con sẽ ở bên cạnh nhau, rồi sau đó có thể là… một ngày thật gần đây… tôi sẽ xuất ngũ trở về, và cả nhà sẽ cùng ngồi ăn tối với nhau. Một cảm giác bình an tạm thời cứ lâng lâng trong lòng. Tôi tự nhủ dù có thể nào đi nữa thì mọi thứ cũng sẽ không tồi tệ như xưa. Mọi chuyện đã thay đổi kể từ giây phút mẹ gạt mối hận thù trong lòng để gọi cho bà Turnbough. Bi kịch sẽ chấm dứt.
Tôi gật đầu tự trấn an mình, nhưng cái chính là gật đầu với người phụ nữ khó chịu ở chỗ phòng y tá. Cô ta cứ làm ra vẻ như mình đang bận giải quyết nhiều vấn đề quan trọng lắm vậy. Nhưng giờ đây thì chuyện đó cũng không làm tôi cảm thấy bực bội nữa. Tôi đã kiểm soát được cảm xúc của mình, và tôi biết rằng mọi thứ sẽ ổn thôi.
Bỗng một nam y tá đeo bảng tên STEVE bước vào. Ông ta liếc đọc dòng tên thêu trên ngực áo bộ quân phục không quân màu xanh của tôi rồi thở dài.
- Cha tôi là ông Stephen Pelzer có ở đây không? Ý tôi là, cha tôi có ổn không, và ông ấy đang nằm ở bệnh viện này, ở tầng này, đúng không? - Tôi buột miệng hỏi dồn. Cô y tá kênh kiệu khi nãy tỏ vẻ khó chịu rồi hất tóc bỏ đi.
Trước khi trả lời tôi, Steve hắng giọng và đặt tay lên miệng như suy nghĩ xem nên nói với tôi thế nào.
- Chúng tôi đang đợi cậu đây. À… cha cậu đang ở đây, và… ừ, ông ấy nằm ở tầng này. Nhưng cậu hãy bình tĩnh đi. Cậu cần biết qua vài điều…
Tôi tròn mắt nhìn ông thúc giục.
- Vậy là… - Tôi càu nhàu. - Nghĩa là sao? Chuyện gì đã xảy ra? Cha tôi bị té, bị gãy một tay? Chuyện là thế nào? Khi nào cha được xuất viện?
Trong lúc Steve gõ gõ tay xuống mặt bàn, phân vân chưa biết phải nói với tôi thế nào, thì tôi nghe thấy tiếng ho khan yếu ớt phát ra từ căn phòng gần đó. Tôi nhìn Steve, rồi không đợi ông trả lời, tôi phóng nhanh về căn phòng cạnh phòng trực của y tá. Mất vài giây tôi mới có thể định thần. Trên chiếc giường hẹp phủ ra trắng toát, cha tôi nằm đó, gầy trơ xương, run rẩy trong bộ quần áo mỏng manh dành cho bệnh nhân. Cha gượng người, hai tay huơ trước mặt như để cố giữ thăng bằng. Dường như cha đang cố gắng hết sức để đến nhà vệ sinh. Nhìn ánh mắt đờ đẫn của cha, tôi biết cha không thể nhận ra tôi là ai, cha thậm chí cũng không biết đang có người trong phòng mình. Tôi chạy vội đến bên cha, đỡ tay cha, vòng tay ôm lấy lưng cha và dìu ông đi. Cha run rẩy tựa vào người tôi, cố hết sức để đứng thẳng trong lúc đi vệ sinh. Tôi choáng váng và hoang mang. Tôi không thể ngờ có ngày mình gặp lại cha trong hoàn cảnh như thế này. Tôi cứ hỏi đi hỏi lại cha cùng một câu như một thằng ngốc:
- Cha có ổn không? Cha có sao không? Cha…
Lúc đưa cha trở lại giường, tôi mới nhận thấy sắc diện của cha trầm trọng đến nhường nào. Đôi mắt cha vô hồn. Đôi mắt ấy cứ đờ đẫn nhìn theo bất kỳ vật gì cử động hoặc có thể thu hút sự chú ý của ông trong tích tắc, rồi lại lướt sang nơi khác, vô định. Chỉ đến khi cha nằm hẳn xuống giường, đan hai tay vào nhau thì đôi tay cha mới thôi run rẩy, quờ quạng. Tôi nhìn cha, mỉm cười, mong sao có để đón được ánh nhìn liên tục thay đổi của ông. Hai má cha hóp lại, còn vùng da quanh xung quanh gò má thì đỏ thẩm. Tôi để ý thấy một dải băng trắng quấn ngang từ cổ đến bả vai phải của cha, nhưng tôi không quan tâm đến nó lắm. Tôi chồm người nắm lấy bàn tay cha:
- Cha ơi… - Tôi khẽ gọi. - David đây cha ơi.
Cha vẫn nằm bất động.
- Cha ơi. - Tôi gọi rõ hơn. - Cha có nghe con nói không?
Cha tỏ ra hơi khó chịu.
Tôi nghe thấy tiếng mẹ Alice sụt sịt ở cửa ra vào. Tôi nằm xuống cạnh bên cha, áp mặt cạnh cha.
- Cha? Cha này! Cha có… cha có nghe con nói không? Con đây, David đây cha. Cha nói gì đi cha, nói gì cũng được. Cha ơi?
Tôi chăm chú nhìn vào mắt cha, cố tìm một phản ứng dù nhỏ nhất trong đôi mắt vô hồn ấy. Tôi nghĩ, nếu cha không nói được, thì ít nhất cha cũng có thể giao tiếp bằng mắt. Nhiều phút trôi qua, vẫn không có dấu hiệu gì cả. Tôi muốn bóp vào hai má cha, ép cha phải nói, bất kỳ điều gì để tôi biết là cha thật sự biết tôi đang ở bên ông.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Bỗng tôi cảm nhận một bàn tay bóp nhẹ phía vai phải. Tôi mừng rỡ mỉm cười quay lại nhìn cha, nghĩ rằng cuối cùng cha cũng đã thoát khỏi con mê.
- Con ở đây, cha ơi. Con ở ngay đây này. - Tôi khẽ khàng, lòng thấy nhẹ nhàng một niềm vui sướng. Tôi vỗ nhẹ tay cha, giật mình mới hay người vỗ vai tôi không phải là cha mà là y tá Steve.
- Chúng ta cần nói chuyện một chút. - Steve nói, không chút lúng túng trước thái độ thất vọng tràn trề của tôi.
- Nhưng còn cha tôi…?
- Ta sẽ ở lại với ông ấy. - Bà Turnbough vừa nói vừa đến bên giường cha tôi.
Khi cả hai chúng tôi vừa ra khỏi phòng, Steve cẩn thận khép cánh cửa lại.
- Điều gì đã xảy ra với cha tôi vậy? - Tôi gặng hỏi. - Ông đang chữa trị cho cha tôi bằng loại thuốc gì vậy? Tại sao cha không nhận ra tôi? Có phải do thuốc không? Tình trạng này còn kéo dài bao lâu nữa? Khi nào cha tôi khỏe và tăng cân lại? Ông nghĩ khi nào cha tôi mới có thể xuất viện? - Tôi trở nên mất bình tĩnh và hỏi dồn.
- Này cậu, - Steve đưa tay lên ngắt lời, - từ từ đã nào. Mẹ cậu không nói gì với cậu sao…? Cậu không biết gì thật sao?
- Biết gì cơ? Nếu biết, tôi đã không làm phiền ông thế này rồi! - Tôi nói với giọng mỉa mai. - Hãy cho tôi biết, chuyện quái gì đang xảy ra thế này? Làm ơn đi! - Giờ thì tôi lại xuống giọng van lơn. - Tôi cần được biết.
Steve ra hiệu cho tôi theo ông về phía cuối hành lang. Ông muốn nói chuyện ở một nơi yên tĩnh hơn. Đến cuối hành lang, ông đẩy nhẹ ghế mời tôi ngồi. Tôi từ chối. Ngay lúc này đây tôi chỉ muốn đứng.
- Đã hơn bốn tháng nay kể từ khi cha cậu chấp nhận…
- Bốn tháng! - Tôi kêu lên. - Chấp nhận? Chấp nhận gì cơ? Tại sao không ai cho tôi biết? Tại sao lại để đến tận bây giờ?
- Làm ơn, - Steve xen vào, - để tôi nói nào. Cha cậu… ông ấy muốn giữ kín mọi chuyện. Nhiều bệnh nhân khác cũng có tâm lý như vậy. Dù thế nào đi nữa, chỉ sau khi chúng tôi tiến hành tất cả các cuộc xét nghiệm, việc chẩn đoán của chúng tôi mới được chắc chắn David ạ, cha cậu bị ung thư. Tôi e rằng đã đến giai đoạn cuối rồi. Ông ấy đang ở trong giai đoạn cuối. Tôi rất tiếc. - Steve đưa tay ra đỡ lấy tay tôi. - Chúng tôi không thể làm được gì hơn.
- Khoan đã! - Tôi lùi lại, thận trọng tránh cử chỉ của Steve. - Ý ông là gì, giai đoạn cuối? Tôi không hiểu…
- David, - Steve nói bằng giọng chậm rãi, thận trọng, tay giữ chặt hai vai tôi, - cha của cậu… ông ấy không còn sống được bao lâu nữa.
- Ý ông là… ông nói rằng cha tôi sắp chết? Cha của tôi sắp chết? Không bao giờ! - Tôi lắc đầu chắc nịch, bác bỏ hoàn toàn lời nói của Steve. - Ông phải làm gì để giúp cha tôi chứ… hay là… tôi nghĩ phải có một phương pháp trị liệu nào đó chứ. Nếu ông cần tiền… làm ơn, xin đừng để ông ấy chết. Đừng để điều đó xảy ra lúc này. Tôi xin ông! - Tôi van lơn, như thể Steve có thể quyết định số phận của cha tôi vậy.
- David, nghe đây, bình tĩnh nào. Tôi không biết, không ai biết chính xác cha cậu còn sống được bao lâu nữa, nhưng, - ông ấy nhấn mạnh từng từ, - điều tôi biết chắc chắn là: cha của cậu không còn sống được bao lâu nữa. Và không một điều gì, không điều gì mà cậu, tôi hay bất cứ người nào khác có thể làm để thay đổi tình hình này. Thôi nào, cậu không phải là một đứa trẻ. Cậu phải hiểu những điều này chứ. Đó là quy luật của cuộc sống. Cha của cậu đã sống trọn cuộc đời rồi, và giờ là lúc ông ấy được giải thoát.
- Steve im lặng một lúc. Nhìn ông ấy, tôi hiểu ông đã căng thẳng và vất vả thế nào để thông báo và giúp tôi hiểu được vấn đề. Trong một giây thoáng qua, tôi tự hỏi mỗi tuần không biết ông ấy phải mất bao nhiêu thời gian cho những người như tôi. Tôi cảm thấy mình thật ngốc nghếch và đáng xấu hổ. - David,
- Ông ấy nắm chặt tay tôi nói tiếp. - Tôi rất tiếc. Tôi thật sự rất tiếc.
Suy nghĩ trong tôi trở nên mông lung và rời rạc. Tất cả sinh lực trong tôi bỗng chốc tan biến hết. Cuối cùng, ngay tại phút giây này, ngay lúc tôi cần phải bình tĩnh, để thật mạnh mẽ, để đối mặt với tất cả, thì tôi lại thấy bản thân mình hoàn toàn vô dụng, vô dụng một cách đáng thương. Tôi có quá nhiều thắc mắc, nhưng tôi lại không thể hỏi thành lời bất kỳ câu hỏi nào. Tôi cứ thế đứng trước Steve như một cái xác không hồn. Tôi muốn để tất cả suy nghĩ và cảm xúc trong tôi nổ tung, và khóc. Tôi cố lấy lại bình tĩnh, nén cơn xúc động trong lòng và hỏi Steve:
- Bốn tháng rồi ư? - Tôi hỏi bằng giọng đứt quãng. - Ông nói cha tôi đã ở đây lâu như vậy rồi sao? Cha tôi rơi vào tình trạng như hiện giờ… bao lâu rồi? Tại sao cha tôi không nói được gì hết? Cha tôi có phải dùng thuốc an thần không? Ý tôi là, cha tôi hình như không hề biết tôi là ai… Tôi không… Tôi không hiểu tại sao… - Tôi lắp bắp. - Tôi chỉ muốn biết. Tôi chỉ muốn biết thôi…
- À, - Steve vừa ôn tồn trả lời, vừa kéo ghế cho tôi ngồi cạnh ông, - như tôi đã nói, cha của cậu nhập viện cách đây vài tháng. Từ đó, sức khỏe của ông ấy suy giảm nhanh chóng. Ban đầu bệnh chủ yếu diễn ra ở một bên cổ, nhưng rồi sau đó lan ra cả vùng cổ họng. Ông ấy đang được trị liệu bằng thuốc, và với hoàn cảnh thế này thì tôi chắc rằng cậu có thể hiểu. Đó là lý do tại sao ông ấy mất khả năng nhận thức. Nếu chúng tôi ngưng cho ông ấy dùng thuốc, khả năng nhận thức của ông ấy sẽ khá lên, nhưng ông ấy sẽ phải chịu đựng những cơn đau đớn vô cùng.
- Vậy là… cha tôi sẽ không bao giờ có thể nói được nữa sao? Có bao giờ…? - Giọng tôi lạc đi.
- Đúng thế. Ông ấy không thể nói được nữa. - Steve gật đầu xác nhận.
Tôi tựa người vào thành ghế, vẫn chưa thể tin được những gì đang xảy ra. Tôi cọ hai tay vào nhau, hoang mang, tự hỏi mình còn có thể làm gì để xoa dịu nỗi đau cho cha. Chợt tôi nghĩ đến mẹ. Đó cũng là lần duy nhất trong đời, tôi thật sự vui mừng khi nghĩ đến mẹ. Với tất cả những thủ đoạn, mưu chước của mình, bà ấy ắt hẳn phải có cách gì đấy để giúp cho tình cảnh này của cha tôi.
Steve phá vỡ bầu không khí yên lặng nặng nề:
- Cậu biết không, lần đầu tiên cha cậu đến đây, tôi không nghĩ ông ấy ý thức được bệnh tình của mình nghiêm trọng đến mức nào đâu. Có rất nhiều bệnh nhân giống như cha cậu. Họ không chịu làm xét nghiệm cho đến khi mọi chuyện quá trễ. Tôi cho rằng đó là sự ngu dốt, là điều đáng tiếc mà lẽ ra họ có thể kiểm soát tốt hơn. Nhưng hãy vui lòng nhớ cho rằng, chúng tôi đã làm tất cả cho cha cậu. Cậu cần phải hiểu điều quan trọng đó nhé.
- Vâng, tôi hiểu. Xin cảm ơn, nhưng, - tôi thăm dò, - lúc cha tôi vào đây, ông ấy có nói được không?
Steve gật đầu.
- Vậy thì tại sao cha tôi không gọi cho ai cả? - Tôi cố tìm hiểu.
- Ông ấy có gọi. - Steve cau mặt lại. - Chắc chắn là ông ấy có gọi, ngay sau khi nhập viện, vì anh trai Ronald của cậu đã vào thăm ông ấy. Hai cha con ở bên nhau vài ngày. Tôi đoán cậu ấy cũng ở trong quân ngũ như cậu vậy.
- Ronald ư? - Tôi kinh ngạc. Ronald là anh cả của tôi. Tôi đã không gặp anh kể từ khi tôi trốn thoát khỏi mẹ vào năm 1973. Thế là cuối cùng anh cũng phải tìm cách trốn khỏi nanh vuốt của mẹ bằng cách nhập ngũ khi vừa được mười tám tuổi. Chừng ấy năm trôi qua, tôi đã không hề nghĩ hay nhớ gì đến Ron. - Thế cha tôi có nói chuyện được không? Ý tôi là, ông ấy có nói chuyện với Ronald được không?
- À, có. Ông ấy đã rất cố gắng. Cha cậu đã chịu rất nhiều đau đớn. Ngay khi anh trai cậu rời khỏi, cha cậu cũng không còn nói được nữa. - Steve nhẹ nhàng giải thích cho tôi nghe.
- Đã bao lâu rồi… Ý tôi là, Ronald đến thăm cha tôi bao lâu rồi?
- Tôi nghĩ cũng đã hai hay ba tháng gì đó.
- Còn những người khác thì sao? Mẹ và các anh em của tôi, những người bạn thân trong đồn cứu hỏa của cha tôi thì sao? Họ có nói chuyện với ông ấy được không? Ý tôi là, khi ấy cha tôi có còn minh mẫn không? Ông ấy có biết ai đến thăm mình không?
- Này, - Steve cắt ngang lời tôi, - những người khác nào chứ? Ronald là người duy nhất đến thăm ông ấy. Còn ai khác đến gặp cha cậu đâu chứ.
- Nhưng còn mẹ, bà ấy ắt phải biết…?
- Không có ai cả. - Steve trả lời dứt khoát. - Tôi nhắc lại là không có ai cả. Chúng tôi thậm chí còn không biết rằng ông ấy có vợ con cho đến khi chúng tôi kiểm tra hồ sơ nhập viện của ông ấy. Sau khi nói chuyện với cha cậu, tôi mới biết họ đã không thường xuyên liên lạc với nhau. Đáng lý chúng tôi đã có thể biết được bệnh trạng của cha cậu sớm hơn, nhưng mẹ cậu thậm chí cũng không…
- Ổ, bà ấy biết đấy. - Tôi phản đối, cả cơ thể đột nhiên cứng lại vì căng thẳng.
- Tôi chắc rằng nếu bà ấy mà… - Steve nói cố.
- Không bao giờ. - Tôi cao giọng. - ông không hiểu đâu. Ông không hiểu bà ấy đâu.
- Vậy sao cậu hiểu được? - Ông ấy hỏi vặn.
- Thôi nào, Steve, hãy nghĩ thử xem. Ông nghĩ xem ai đã gọi cho anh Ron và cho bà Turnbough nữa chứ? - Tôi nheo mắt nhìn Steve.
Steve thôi không đề cập đến chuyện tôi và ông đang nói nữa.
- Thôi được rồi. Nhưng ngay lúc này, cậu là người thân duy nhất của ông ấy có mặt ở đây, cậu lo thu xếp cho cha mình đi.
Tôi như muốn bật khóc. Tôi vẫn không thể chấp nhận được việc mình sắp mất cha.
- Vậy… tôi có thể làm gì đây? - Tôi thổn thức, như vẫn muốn tìm kiếm một điều gì đó, bất cứ điều gì mà các bác sĩ đã bỏ qua hoặc không chú ý đến trong quá trình điều trị cho cha tôi. - Tại sao ông ấy không nhìn tôi? Ông ấy có biết, ý tôi là, ông ấy có khả năng biết được tôi đang ở đó vói ông không?
Steve thở dài như thế đã quá mệt mỏi vì hàng loạt những câu hỏi của tôi.
- Thế này nhé. Ông ấy có vẻ tỉnh táo được một chút vào buổi sáng, nhưng mỗi lần như vậy không quá vài phút đâu. Phần lớn thời gian ông ấy đều rơi vào tình trạng hôn mê. Nguyên nhân chính vẫn là do ông ấy phải dùng thuốc liều cao. Tôi nhắc lại một lần nữa là điều này rất bình thường đối với những trường hợp như cha cậu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Steve càng nói, tôi càng cảm thấy như có một vật gì đó đang đè nặng trên ngực mình. Tôi nhìn Steve, như muốn bật khóc.
- Tôi biết cậu sẽ phải chuẩn bị rất nhiều thứ. - Ông lắc đầu, thở dài. - Nhưng điều gì cần thì phải thực hiện trước thôi. Hãy dành thời gian cho cha cậu. Đó là ưu tiên số một đấy. Tôi sẽ giúp cậu tiến hành mọi thứ giấy tờ và các thủ tục khác khi thời điểm đó đến. Còn bây giờ, hãy dành thời gian ở bên cha cậu đi…
- Tôi không biết phải làm gì nữa… Cha tôi thậm chí còn không biết được sự có mặt của tôi…
- Thôi nào, David. Cha cậu đã sống tách biệt khỏi thế giới bên ngoài kể từ lúc ông ấy nhập viện. Cha cậu không thể hiện ra ngoài đâu, nhưng ông ấy rất sợ hãi. Ông ấy biết mình không còn sống được bao lâu nữa. Những điều cậu làm sẽ rất ý nghĩa với ông ấy đấy. Ông ấy hoàn toàn cô độc. - Steve vẫn nhẹ nhàng, nhưng có phần như đang quở trách tôi. - Cậu hãy ở bên cha cậu. Hãy… hãy hồi tưởng lại khoảng thời gian hạnh phúc mà cha con cậu đã từng chia sẻ cùng nhau. Hãy động viên ông ấy. Ông ấy biết hết đấy.
Khoảng thời gian hạnh phúc ư? - Tôi chẳng biết phải nói sao với Steve về khoảng thời gian hạnh phúc của cha con tôi…
Tôi cẩn trọng đẩy cửa bước vào căn phòng sặc mùi thuốc sát trùng. Bà Turnbough quay lại nhìn tôi cười thật tươi.
- Cha con và ta đã nói chuyện với nhau vui lắm đấy. Ta đã kể cho ông ấy nghe con đã trở thành một chàng trai tuyệt vời như thế nào. - Mẹ Turnbough vừa nói vừa nắm lấy tay cha.
- Chúa ơi! Cha con có thể nói được sao? - Tôi như muốn bật khóc.
- Ồ, ông đâu cần để cho người khác biết là ông vẫn có thể nói chuyện bình thường, phải không ông Pelzer? - Alice quay lại dịu dàng cười với cha. - Bây giờ, tôi sẽ để cho hai quý ông tự nhiên trò chuyện với nhau nhé. - Nói rồi mẹ Turnbough đặt tay cha tôi xuống rồi nhẹ nhàng rời khỏi phòng.
Tôi lóng ngóng chẳng biết phải làm gì hay nói gì, chỉ thấy toàn thân như tê liệt. Sau gần hai năm, cuối cùng tôi cũng có cơ hội được ở cạnh cha mình. Khi chăm chú nhìn cha, tôi giật mình nhận ra mình không hề biết gì về cha cả. Theo những ký ức nhạt nhòa trong tôi, những lần trò chuyện giữa cha và tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay, tổng cộng chỉ trong khoảng hai mươi giờ đồng hồ thì phải; vì thế, tôi tự hỏi, liệu mình có thể quay ngược thời gian để trở về những năm tháng xưa cũ, để yêu thương cha và mong sẽ được cha yêu thương mình lại như vậy? Khi còn bé, tôi luôn khao khát được ở bên cha, nhưng giờ đây, nhìn cơ thể cha quằn quại trong đau đớn khi ông cố thở, tôi đau khổ đến mức chỉ muốn bỏ đi thật xa. Bất giác, nước mắt tôi tuôn trào.
- Con, à… Con đã cố gắng viết thư. Ý con là, con đã viết… nhưng con không biết địa chỉ của cha. - Tôi lắc đầu, tự thấy mình chẳng khác gì một thằng ngốc. - Con nhận được thư của cha khi con đóng quân ở Colorado. Con đã không… - Ý con là, con đã không thể tìm được địa chỉ của cha. Con xin lỗi. Con thật sự xin lỗi. Con đã không biết. Đáng lẽ con phải đến sớm hơn. Con không biết cha ơi…
Tôi quay đi để trấn tĩnh lại. Điều cuối cùng tôi nghĩ mình có thể làm là không để cha thấy tôi sợ hãi. Lúc này, điều tôi nên làm là cố gắng đáp ứng những mong muốn của cha hơn là tìm cách khỏa lấp nỗi buồn của mình. Sau vài giây yên lặng, tôi nhớ đến lời khuyên của Steve về việc phải động viên tinh thần cha. Tôi khẽ ngồi xuống cạnh cha, kéo lại tấm ra giường cho ngay ngắn. Tôi nắm lấy bàn tay bất động của cha áp vào ngực mình. Những ký ức về cha bỗng ùa về trong tôi…
- Chắc cha không nhớ đâu… - Tôi khẽ nói. - Nhưng năm con bốn hay năm tuổi gì đấy, cha đã đưa cả nhà chúng ta đến Dòng sông Nga… Mỗi buổi hoàng hôn, cha thường ra ngoài đi dạo - Tôi rùng mình. Những mảnh ghép thời gian cứ hiện rõ mồn một. - Con đã lẻn ra ngoài để đi theo cha. Con mang đôi ủng nhỏ hiệu Forest Ranger, con cố gắng bắt kịp cha nhưng phải hết sức nhẹ nhàng để không bị cha phát hiện. Con nhớ con vừa đi được khoảng mười bước thì cha phát hiện. Ngay lập tức cha quay lại chỗ con. Con cứ nghĩ cha sẽ đánh con đau lắm. Nhưng cha… - Tôi dừng lại. Cổ họng nghẹn đắng. Tôi nhìn cha cười. - Cha chỉ xòe bàn tay to lớn của cha ra nắm trọn bàn tay bé nhỏ của con… Và thế là cha để cho con được đi bên cạnh cha…
… Cha biết không, đối với một đứa bé, điều đó thật tuyệt vời. Lúc đó, cả anh Ron, Stan và con đã cùng tranh nhau xem ai có thể được đi dạo cùng cha như thế, cho nên, sau đó con cứ luôn miệng kể về cuộc đi dạo của hai cha con mình. Mùa hè năm đó, con nghĩ sau này mình nhất định sẽ đến sống nơi Dòng sông Nga yên bình. Những hàng cây xanh mắt, dòng sông thơ mộng lượn lờ, mùi hương thoang thoảng trong gió chiều, những khoảnh khắc quý giá bên cha… là những gì đọng lại trong con sau lần đầu tiên con đặt chân đến đó. Từ đó trở đi, mỗi khi ở bên cha, con lại thấy mình được an toàn. Đối với con, cha là siêu anh hùng của con, là vị siêu nhân của riêng con. Con biết mình thật ngốc nghếch khi nói ra điều này, - tôi nhạo báng chính mình, - nhưng đó là lần duy nhất cha nắm tay con. Đó là lần duy nhất cha muốn ở bên con.
Tôi dừng giây lát, nhắm chặt mắt. Khi ấy, hình ảnh ngày xưa của cha cũng nhạt nhòa dần trong tôi. Mọi cảm xúc dồn nén trong tôi bấy lâu nay như trỗi dậy. Trong thời gian tôi ở nhà cha mẹ nuôi, tôi đã nôn nóng chờ đợi đến lúc mình trưởng thành để nói hết cùng cha về những gì tôi đã trải qua trong quá khứ. Tôi vẫn luôn hy vọng rằng chỉ có cách đó mới có thể giúp hai cha con tôi xích lại gần nhau hơn. Tôi không hề có ý định làm cha buồn hay quy trách nhiệm cho bất kỳ ai về những gì đã xảy ra. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, nếu tìm được đáp án cho những vấn đề đã xảy đến với mình, tôi sẽ không bao giờ lặp lại tấn bi kịch của lòng thù hận ấu trĩ và bạo lực kia nữa. Tôi nhìn cha, lòng quặn đau khi nghĩ rằng chính mẹ đã cố tình thao túng và tạo ra tất cả tình cảnh này, rằng bà chỉ cho tôi biết sau khi cha không thể nói nữa dù chỉ một lời đơn giản.
- Thời gian con còn ở nhà, con nhớ tất cả những lần cha đang làm việc ở đồn cứu hỏa nhưng vẫn tranh thủ tạt ngang về nhà dù chỉ ít phút để xem con thế nào. Mẹ không hề biết điều đó, nhưng con chắc chắn cha thường cố tình về lúc con đang rửa chén, để con có thể thấy được cha. Có những lúc cha về, con phải ở nhà sau để làm việc, con cứ ngấp nghé để được nhìn thấy cha, và thế là, cha biết mẹ mà… thế là con phải trả giá sau khi cha đi khỏi. Con biết bà ấy không bao giờ cho phép cha xuống tầng hầm, vì thế con cứ rửa đi rửa lại đống chén đĩa cho đến khi con nghe thấy tiếng mở cổng của cha. - Tôi dừng lại, nhìn thẳng vào mắt cha. - Cha đã bảo vệ con. Dù chỉ là một vài phút ít ỏi trong nhà bếp, khi chỉ có hai cha con mình. Với con, như vậy cũng là quá đủ rồi cha ạ. Có những lúc cha bước lại gần con, con lại cố hít thở mùi nước hoa Old spice (7) của cha. Cha là sức mạnh vô hình của con. Con xin lỗi cha, xin lỗi những người anh em của con - xin lỗi mọi người - vì đã phải chịu đựng quá nhiều điều phiền phức từ con. Thật nực cười là con cứ nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ bù đắp cho cha, cho mọi người…
(7) Old Spice: Một thương hiệu mỹ phẩm dành cho nam giới của Mỹ. Thương hiệu Old Spice được Procter & Gamble mua lại của công ty Shulton vào năm 1990.
… Cha à, con biết hết. Con biết cha trở về nhà là vì con. Và bây giờ, cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, con cũng sẽ ở đây với cha. Dù ai có nói gì đi nữa, con cũng sẽ đứng ra bảo vệ danh dự cho cha.
Có tiếng khép cửa của Alice. Tôi quay nhìn Alice khẽ gật đầu rồi tiếp tục trò chuyện với cha. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình thật sự cởi mở với cha.
- Khi còn bé, con luôn tự hào vì cha mình là một người lính cứu hỏa. Con… con, à, con nhớ lúc mẹ làm Hội trưởng Hội Hướng đạo sinh, mẹ đã đưa cả nhà đến đồn cứu hỏa của cha trên Phố Post (8). Cha trông thật oách trong bộ đồng phục màu xanh đen, đứng tựa bên chiếc xe cứu hỏa bóng loáng. Con nhớ khi ấy hình như con đang học lớp một. Kể từ đó, con luôn ấp ủ ước mơ trở thành một người lính cứu hỏa. Đó là lý do con gia nhập không quân. - Tôi đột ngột dừng lại. Tôi không đủ can đảm để nói với cha rằng thực ra, tôi chỉ là một chuyên gia dinh dưỡng thảm hại. Nếu tôi có nói dối, tôi biết chắc cha cũng sẽ biết được sụ thật qua giọng nói của tôi. Thật sự tôi chỉ muốn cha tự hào về tôi. Tôi khao khát muốn chứng minh cho cha thấy rằng tôi không phải là một kẻ thua cuộc, rằng tôi sẽ không kết thúc tất cả như là… như là…
(8) Post Street: Một con đường ở thành phố San Francisco, bang California, nước Mỹ.
Một thoáng bối rối xâm chiếm lấy tôi. Càng nhìn cha, tôi càng thấy mình là một kẻ vô dụng. Dù tôi có cố gắng thế nào đi nữa thì cũng không bao giờ đổi lấy được điều quý giá nhất.
Bỗng tôi nhớ đến chiếc huy hiệu lính cứu hỏa của cha.
- Cha ơi, cha, cha có… có… cha có còn giữ chiếc huy hiệu của cha không? Chiếc huy hiệu lính cứu hỏa của cha đấy?
Tôi nhớ lại lần cha tiễn tôi ra xe buýt, khuôn mặt cha đã rạng rỡ tự hào như thế nào khi cha khoe với tôi chiếc huy hiệu bằng bạc sáng lấp lánh, có khắc số hiệu của cha.
- Đó là thứ duy nhất cha con có được. - Tôi quay sang nhìn Alice. - Chiếc huy hiệu đó là minh chứng cho những cống hiến của cha con. Sau ngần ấy năm, đó là tất cả cha con có…
- David! - Alice thì thầm. - Nhìn cha con kìa!
Tôi quay vẻ phía cha. Đầu cha giật giật liên tục, nhưng lệch nhiều về bên phải. Mắt cha căng ra như thế bảo tôi hãy nhìn vào…
- Tủ để đồ! - Tôi kêu lên. - Cha muốn con nhìn vào tủ để đồ của cha phải không?
Tôi chờ đợi từng phản ứng trên gương mặt cha. Dường như cha đang cố tập trung mọi sức lực để nhìn về phía tủ chứa đồ. Tôi lao đến mở toang cánh cửa ra. Treo ngay ngắn trong đó là một chiếc quần đã mòn rách, một chiếc áo sơ-mi cũ kỹ và một chiếc áo khoác bạc màu. Tôi đảo mắt tìm chiếc túi du lịch Pan Am(9) cha vẫn thường dùng để đựng vật dụng khi còn làm việc ở đồn cứu hỏa. Sau một lúc lục lọi, tôi chỉ tìm thấy một đôi giày cũ sờn, bạc màu. Tôi mở tất cả các ngăn tủ ra, cũng chỉ tìm thấy một đôi vớ màu trắng. Không có quần áo, giấy tờ, ví tiền, cũng không có huy hiệu lính cứu hỏa. Tôi trở lại bên cha, lắc đầu vô vọng. Cha nhìn tôi thật lâu. Tôi linh cảm mình đã hiểu được điều cha muốn nói qua ánh nhìn của cha. Tôi nhìn cha, khẽ gật đầu rồi quay trở lại tủ để đồ, lục tìm trong chiếc áo khoác.
(9) Pan American World Airways: Thường được biết đến với cái tên Pan Am, là hãng hàng không quốc tế chính của nước Mỹ từ thập niên 1930 cho tới khi Hãng chấm dứt hoạt động vào năm 1991.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Một cảm giác vừa bồn chồn, lo lắng, vừa nôn nóng lan tỏa khắp người tôi. Tìm thấy hai tờ giấy được gấp nếp gọn gàng trông có vẻ rất trang trọng, tôi nhét vào túi quần sau của mình, không kịp suy nghĩ. Tôi nghĩ mình có thể đọc sau. Điều quan trọng duy nhất bây giờ là chiếc huy hiệu của cha. Tôi hít sâu để bình tĩnh trở lại. Trong lúc lục tìm từng ngóc ngách, tôi vẫn không ngừng quan sát biểu hiện trên gương mặt cha. Khi đưa tay vuốt dọc chiếc áo khoác, tôi cảm giác một vật gì đó cộm lên. Tôi lôi ra một cái bao da nhỏ màu đen.
- Có phải là… của cha con đây không? - Bà Turnbough hỏi.
- Vâng ạ. - Tôi mở chiếc túi da, lấy ra một chiếc huy hiệu bằng bạc và đưa cao lên cho cha thấy.
Gương mặt cha run lên, hai môi lập bập liên hồi rồi thở ra nhẹ nhõm. Tôi giữ chặt chiếc huy hiệu trong tay, cảm nhận rõ ý nghĩa của vật nhỏ bé này đối với cha. Đến giờ phút này, thứ duy nhất tượng trưng cho thành tựu mà cha đã cống hiến cả đời để đạt được chính là vật tôi đang giữ trong tay. Cha nhắm mắt lại, dường như cha đang suy nghĩ điều gì đó rất quan trọng. Tôi để ý thấy môi cha mấp máy. Tôi ghé đầu sát lại gần cha, nhưng cho dù có cố gắng thế nào đi nữa tôi vẫn không tài nào đoán được cha đang muốn nói gì. Cha mở mắt, dẫu ánh mắt cha đờ đẫn và mỏi mệt, nhưng cha vẫn nhìn tôi không chớp mắt. Tôi nhìn cha lắc đầu:
- Con không hiểu cha ơi! - Tôi nghẹn ngào. - Con không hiểu điều cha đang cố để… - Chưa dứt câu, tôi bỗng có cảm giác rất lạ nơi tay phải của mình.
Tôi khựng người, khẽ nhìn xuống. Những ngón tay xương xẩu của cha đang nắm trọn lấy bàn tay đang giữ chiếc huy hiệu của tôi. Toàn thân tôi run lên theo từng nhịp run rẩy của cha. Cha cố hết sức để khép gọn năm ngón tay của tôi lại để chúng giữ trọn chiếc túi da màu đen. Tôi nhìn sâu vào mắt cha. Tôi nghĩ mình hiểu ý cha. Tôi thì thầm vào tai cha, cầu mong sao cha có thể nghe được lời tôi nói:
- Thề có Chúa chứng giám, con sẽ giữ gìn, bảo vệ chiếc huy hiệu của cha. Con sẽ luôn mang nó bên mình như một tấm huân chương danh dự.
Khi những ngón tay cha dần buông lơi, tôi biết cha đã chìm lại vào giấc ngủ. Tôi nắm chặt tay cha, hôn lên từng ngón tay lạnh toát của cha rồi đặt nhẹ đôi tay run rẩy ấy lên ngực cha. Tôi kéo tấm chăn lên ngang ngực cha rồi nhẹ nhàng đứng dậy. Phía cửa phòng, cả Steve và Alice đều lặng im nhìn hai cha con tôi.
- Giờ thì tôi nghĩ ông ấy có thể an tâm nghỉ ngơi rồi. Cậu đã làm cho ông ấy rất hạnh phúc đấy. Đấy là việc cần phải làm. Hôm nay là một ngày hạnh phúc đối với cha cậu. Rất hạnh phúc đấy. - Steve nói bằng giọng xúc động.
- Làm sao cha tôi có thể… Ý tôi là, không biết cha có hiểu tôi nói gì không. Nếu cha tôi nói chuyện được thì…
- Ồng ấy đang nói chuyện với cậu đấy thôi. Và cậu đang học cách để lắng nghe ông ấy đấy. Điều đó không dễ chút nào. Nhưng chỉ cần cha cậu biết cậu đang ở đây với ông thì cậu hãy cứ làm thế. Tôi nghĩ đó mới là điều quan trọng.
- Ông ấy sẽ không… cha tôi sẽ không… không còn sống được bao lâu nữa phải không? - Tôi bật khóc, nghẹn ngào không nói nên lời. Nhìn cha, lòng tôi cứ thắt lại, đau đớn. - Cha con sắp chết. - Tôi thì thầm với Alice. Nhưng như chợt nhận ra điều gì, tôi vội tát vào miệng mình. Tôi không thể chấp nhận việc mình lại nói những lời như thế. Chỉ vài phút trước đây thôi, tôi vẫn cố kìm nén mọi cảm xúc như để chờ đợi một phép màu. Trong thâm tâm tôi vẫn có cảm giác kỳ lạ là chỉ có cách cứu cha thoát khỏi cuộc sống vô vọng, thì cuộc đời tôi mới được cứu rỗi.
Tôi quay sang nhìn Steve.
- Làm sao tôi biết được… khi nào mới đến lúc?
- Cậu vẫn còn một ít thời gian. Luôn có người theo dõi tình trạng của cha cậu. Chúng tôi sẽ thông báo cho cậu biết khi có chuyển biến. - Steve trở về với giọng điệu của một y tá. - Sẽ ổn cả thôi.
Sau khi được trấn an rằng cha cần thời gian để nghỉ ngơi, tôi lái chiếc Plymouth Fury màu xanh đã gỉ sét của Alice rời khỏi bệnh viện. Alice ngồi cạnh bên tôi, lặng im. Tôi chầm chậm cho xe chạy vào Công viên Golden Gate nằm trên đường John F. Kennedy. Đến Thác Rainbow (10), tôi dừng xe lại và kéo kính xe xuống. Ký ức tôi lại trở về với thuở ấu thơ, khi cha mẹ đã hàng trăm lần đưa Ron, Stan và tôi dạo chơi khắp nơi đây. Những lúc ấy, mấy anh em chúng tôi thường dí mũi vào kính xe rồi tha hồ nhìn ngắm cả một rừng hoa bạt ngàn rực rỡ sắc màu. Lúc đó nếu có ai kéo kính xe xuống, lập tức chúng tôi sẽ được ngửi mùi đặc trưng của cây khuynh diệp. Khi đi ngang qua khu vực hồ Lloyd (11), thỉnh thoảng chúng tôi còn được thấy những con rùa đầu đỏ nằm phơi nắng. Ngay cả thời gian mối quan hệ giữa tôi và mẹ không còn như trước nữa, thì tôi vẫn cảm thấy an toàn mỗi khi được cùng mọi người sum họp nơi đây. Tôi từng cầu nguyện sao cho một ngày nào đó, cuộc sống của tôi sẽ tươi sáng và xinh đẹp như cảnh vật trong công viên này.
(10) Rainbow: Một trong những thác nước nổi tiếng nhất thế giới, thuộc bang California của Mỹ.
(11) Lloyd: Một hồ nước nằm trong công viên Golden Gate, San Francisco, nước Mỹ.

Một cơn gió nhẹ thoảng qua, lay tôi trở về với thực tại. Tôi hít một hơi thật sâu rồi nhìn mẹ Alice.
- Con cần phải gặp bà ấy. - Tôi nói không chút biểu cảm.
- Ta biết. - Bà Turnbough khẽ đáp và gật đầu đồng ý.
Tôi hơi ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ rằng mẹ Alice sẽ ngăn cản tôi như trước giờ. Tôi còn nhớ khi Mẹ gọi cho tôi trước khi tôi nhập ngũ, chính mẹ Alice là người đã sáng suốt ngăn tôi đến gặp Mẹ. Bất cứ vấn đề gì của tôi liên quan đến Mẹ, tôi đều hỏi ý kiến của bà Turnbough trước tiên. Còn giờ đây, tôi nhận ra Alice đã đặt tôi vào một vị trí khác trước, cho phép tôi được quyền có quyết định của riêng mình.
Tôi lặng im nhìn Thác Rainbow hùng vĩ một lần nữa rồi lái xe lên đại lộ, lao xuống con dốc của Công viên Golden Gate… thẳng hướng Đại lộ Crestline của Thành phố Daly.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

CHƯƠNG 5 SỰ RA ĐI


Tôi ngập ngừng bước lên những bậc thang màu đỏ thẩm dẫn vào nhà mẹ, lòng biết rằng mình không thể quay lại được nữa. Có thể suốt cuộc đời này, tôi sẽ không thể nào hiểu được tại sao mình vẫn thấy buồn vì bà ấy như vậy. Tôi để bà Turnbough ở lại Plymouth. Tôi không muốn kéo người mẹ nuôi ấy vào thế giới nhớp nhúa một thời của tôi nữa. Lên đến bậc thang cuối cùng, tôi hít thật sâu để không quay đầu bỏ chạy. Tôi gõ mạnh cửa. Ngay lúc đó, tôi nhận thấy đôi bàn tay mình run rẩy và ướt nhẹp mồ hôi. Tôi giấu bàn tay ra sau lưng, giữ tư thế của một quân nhân. Tôi còn nghĩ đến việc chải tóc lại cho thẳng hoặc làm gì đấy tương tự để trông mình thật chỉnh tề trước khi có ai đó mở cửa.
Có tiếng cọt kẹt quen thuộc, rồi một cậu bé xuất hiện ngay của. Cậu nhìn bộ đồng phục không quân của tôi từ trên xuống dưới rồi cất tiếng:
- Này, anh cũng là người nhà Pelzer đúng không? - Nói rồi cậu nhóc quay vào trong hét to. - Mẹ ơi! Ra mà xem ở đây có một người họ Pelzer nữa này…
- Chúa ơi, Kevin đấy hả em? - Tôi buột miệng thốt lên.
Ký ức hiện về trong tôi rõ mồn một. Lúc ấy Kevin vẫn còn là một cậu nhóc bé xíu, bò lóp ngóp khắp nhà. Những tiếng cười la giòn tan đầy phấn khích trong lúc nó vui đùa bao giờ cũng khiến trái tim tôi như tan chảy. Mặc dù bị mẹ cấm, nhưng tôi vẫn lén nhìn nó và luôn muốn ôm nó thật chặt vào lòng. Nhưng giờ đây, nhìn biểu hiện của nó, tôi biết chắc Kevin không hề nhận ra tôi là ai.
Thằng bé mở to mắt, khuôn mặt lộ rõ vẻ sửng sốt.
- Mẹ à?
Thêm một người nữa sấn tới từ đàng sau. Đó là một thanh niên cao lớn, khuôn mặt đầy tàn nhang. Cậu đẩy Kevin sang một bên, tư thế bặm trợn như sẵn sàng tấn công người khác. Cậu ta vừa quan sát tôi từ đầu đến chân vừa ra vẻ hùng hổ. Tôi nhận ra ngay là Russell. Russell càng cố che giấu, tôi càng đọc được vẻ căng thẳng lộ rõ qua những cử chỉ bồn chồn lo lắng của nó. Nó hất mặt hỏi như thách thức:
- Anh muốn gì đây?
Tôi thận trọng trả lời:
- Anh cần gặp mẹ. Được chứ? - Tôi cố xoa dịu thái độ hằn học của cậu em.
- À, được thôi. - Russell gật đầu, như thể tôi có hẹn trước với bà ấy vậy.
Russell chỉ tay về phía phòng khách, ra hiệu cho tôi vào nhà, nhưng lại đi theo sau tôi như thể đang áp giải tù binh. Tôi nghĩ cách hành xử của Russell một phần là do kết quả của những năm tháng mẹ thực hiện tẩy não cho nó, nhưng cũng có thể là do sự đố kỵ vì tôi đã thoát khỏi móng vuốt của mẹ, trong khi nó và những người anh em khác vẫn phải ở lại nhà này. Chẳng hiểu sao tôi có một cảm giác kỳ lạ là Russell rất căm ghét tôi, có thể vì tôi trốn thoát và thằng bé đã trở thành vật thế thân chăng?
Trong lúc Kevin không ngừng nhún nhảy trước mặt tôi, tôi tranh thủ đảo mắt khắp căn phòng. Bảy năm qua, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi. Phần lớn đồ vật trong nhà đều ở nguyên vị trí như trước kia. Có khác là căn phòng đã trở nên nhỏ hẹp và tối tăm hơn trước bởi những tấm rèm cửa mỏng tang dơ bẩn và bốn bức tường loang lổ bám màu ni-cô-tin. Cả căn phòng ngập ngụa trong mùi hôi thối đến nồng nặc, thứ mùi mà tôi tin chắc là do lũ chó mèo phóng uế dồn ứ suốt mấy năm qua. Mắt tôi cay xè. Tôi ho sặc sụa và lắc đầu với cảm giác ghê tởm. Đây chính là ngôi nhà của người phụ nữ lịch thiệp một thời từng đón tiếp những đoàn khách lịch sự đến chơi và tự hào với phong cách bài trí nhà cửa trang nhã của mình đó sao?
Bước qua cửa bếp, tôi thấy bóng mẹ thấp thoáng. Cả người tôi như tê cứng lại - hai tay tôi buông thõng, đầu cúi gằm, mắt dán vào những chấm nhỏ nhiều màu trên sàn nhà. Phải mất một lúc tôi mới trấn tĩnh trở lại. Nhưng đã quá trễ. Giọng cười đáng sợ của mẹ chứng tỏ bà đã nhìn thấy mọi phản xạ vô thức của tôi. Tôi đứng cách mẹ một khoảng vừa đủ để tôi có cảm giác an toàn. Tôi chấp hai tay sau lưng, tựa người vào cạnh bàn ở tư thế nghỉ để định thần trở lại.
Mẹ đang trút một bao giấy màu nâu đầy đồ tạp hóa ra ngoài. Bỗng bà liếc nhìn tôi và cười bằng giọng cay độc:
- Vậy là… tao nghĩ là mày đã đến gặp ông ấy?
- Vâng, thưa mẹ. - Tôi trả lời không chút xúc động.
- Vậy ông ấy bây giờ thế nào? - Mẹ cười chế nhạo.
Tôi hỏi lại mẹ, cân nhắc từng từ:
- Mẹ vẫn chưa gặp cha, đúng không?
Ngay lập tức bà chống nạnh, lườm mắt và bước đến trước mặt tôi. Thật kỳ lạ, lần đầu tiên trước thái độ hung tợn của bà, tôi vẫn không lùi lại. Tôi đứng im, giữ nguyên tư thế của mình.
- Việc quái gì đến mày mà hỏi! - Bà rít lên. - Nghe cho rõ đây, đồ cặn bã! Tao là người đã ban cho mày một ân huệ! Tao không cần phải gọi điện thoại cho con mụ - con mụ nhận nuôi mày đấy. Tao không cần phải làm điều đó, mày hiểu chứ.
- Bà Turnbough. - Tôi chậm rãi sửa lời mẹ.
- Ai cũng được! - Mẹ quay lại bàn bếp và bắt đầu ho sặc sụa, nghe giống như phổi bà sắp nổ tung. Bà hành động như thể mình đang trong trạng thái căng thẳng lắm vậy. Nghe thấy cơn ho dữ dội của mẹ, Russell vội chạy lại toan đỡ lấy bà, như thế bà sẽ ngã xuống bất cứ lúc nào. Phán đoán được hành động đó của Russell, mẹ hất tay, nghiêng đầu ra sau, la lớn:
- Mẹ khỏe. Mẹ không sao. - Chỉ đến khi Russell lùi lại, bà mới bỏ tay xuống. Rồi với một giọng đầy thù hận, bà lại rít lên:
- Tất cả các người, các người không có quyền. Không ai có quyền phán xét tôi. - Khuôn mặt mẹ chuyển từ đỏ bừng sang trắng bệch. - Không ai biết, - mẹ nức nở, - không ai biết điều này khó khăn… đối với tôi như thế nào hết!
- Giờ thì xem anh đã làm những gì kìa! - Russell hét lên.
Tôi thoáng bối rối. Phải chăng câu hỏi thẳng thừng của tôi khiến mẹ trở nên như vậy, hay chính sự xuất hiện của tôi khiến mẹ cảm thấy quá sức chịu dụng? - Tôi thầm nghĩ. Nhưng cũng có thể đây là một màn kịch bà ấy dựng lên nhằm lôi kéo sự quan tâm của mọi người vào bản thân bà, chứ không phải vào tình huống đang được đề cập đến. Nghĩ đến đó, tôi châm thêm:
- Con chỉ không thể nào hiểu nổi. Sao cha nằm viện lâu như vậy mà mẹ chưa một lần đến thăm là thế nào?
Mẹ trừng mắt quát lớn:
- Những tổn thương tao phải chịu đã quá nhiều rồi. Mày không hiểu sao? Tao hiểu ông ấy hơn… bất cứ ai. Như thế, như thế là quá đủ rồi!
Tôi gật gù, ra vẻ đồng tình với câu nói vừa rồi của mẹ. Nhưng trong lòng, tôi mỉa mai: Và giải Oscar dành cho vai diễn xuất sắc nhất - dưới sự ép buộc giả tạo - đã thuộc về… Catherine Roerva Pelzer!
Không để tôi tiếp tục suy nghĩ, mẹ lại buông lời chỉ trích:
- Mày không hiểu được đâu. Ông ấy không bao giờ ở bên cạnh tao hay các con của ông ấy. Nếu không đi làm, ông ấy lại lang thang đàn đúm, uống rượu với bạn bè ở những nơi mà chỉ có Chúa mới biết thôi.
Một lần nữa, tôi lại gật đầu còn trong lòng thì hiểu rõ mẹ đang cố bao biện cho nếp sống bừa bãi và thiếu lòng nhân của bà.
- Các con, - mẹ nói lớn, - xin lỗi các con. - Bà ra lệnh bằng một cái phất tay.
- Nhưng, mẹ ơi… - Kevin lên tiếng.
- Mẹ nói rồi, lui hết vào trong! - Bà rít lên. - Trước khi mẹ cho chúng mày biết tay đấy!
Như có ma lực, mấy đứa em của tôi nhốn nháo chạy khỏi phòng.
Trong khi mẹ liên tục càm ràm, than thở, tôi bắt đầu nhận ra đầu óc mình đã trở nên quá tải sau một ngày với biết bao chuyện xảy ra. Tôi không biết mình sẽ còn ở trong ngôi nhà này thêm bao lâu nữa.
- Vậy, - tôi cắt ngang, - chuyện cha thế nào?
- Tao đã nói với mày rồi mà! - Mẹ gào lên.
- Không, mẹ à. - Tôi đáp lại bằng một giọng nhẹ nhàng. Bà nhìn tôi chằm chằm, bởi bà biết lần này tôi sẽ không nhượng bộ. - Cha vẫn là chồng của mẹ. Cha hoàn toàn cô độc. Hiện giờ cha đã yếu lắm rồi. - Tôi cố giữ bình tĩnh. Trước mặt mẹ - trong ngôi nhà của bà ấy - tôi phải giữ được sự điềm tĩnh tuyệt đối. - Cha không còn sống được… bao lâu nữa. Không còn nhiều thời gian nữa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Tôi trông chờ phản ứng của mẹ, chờ mẹ thức tỉnh, mặc áo khoác vào và đi ngay để gặp cha. Ngay lúc đó, tôi cũng ý thức rằng mình đang đứng trước một thời khắc không bao giờ quay trở lại, thế nên tôi bước đến trước mặt mẹ, nhìn thẳng vào mắt bà và nói khẽ, đủ để bà nghe thấy:
- Ông ấy là cha của các con của mẹ. Đừng kết thúc mọi chuyện như thế này. Làm ơn đi, con xin mẹ. Hãy làm việc cần làm đi mẹ. Đến gặp cha đi.
Nhìn vẻ căng thẳng hiện rõ trên khuôn mặt mẹ, tôi biết những lời nói của mình ít nhiều đã tác động đến bà. Như một phép lạ, mẹ khẽ gật đầu đồng ý. Sau cặp kính gọng bạc đã xỉn màu của mẹ, tôi thấy mẹ khóc. Lần cuối cùng tôi thấy mẹ giũ bỏ vỏ bọc tự vệ của mình - giống như thế này - là vào ngày trước khi tôi được giải thoát, một ngày tháng 3 năm 1973, lúc đó cả hai chúng tôi cùng đứng trong một căn phòng, mẹ ngã quỵ và bắt đầu chia sẻ với tôi về những ngày tháng quá khứ của mình. Giờ đây, đứng trước mặt bà ấy, tôi lại nguyện cầu để không bao giờ đánh mất bà thêm lần nào nữa. Mục tiêu duy nhất của tôi là làm sao để mẹ trở về bên cạnh cha. Có thể, bằng cách nào đấy, tôi tự nhủ, một vài giây phút tĩnh tâm sẽ giúp gột rửa hết những năm tháng hận thù trong mẹ. - “Nhanh lên,” - tôi khẽ giục mẹ, - “tất cả chúng ta hãy cùng đến gặp cha đi mẹ. Nhanh lên nào.” - Tôi mỉm cười khi chìa bàn tay của mình về phía bà.
- David… - Mẹ khóc khi dang cánh tay run rẩy của mình ra. Không chút lưỡng lự, tôi nắm lấy tay mẹ. Ngay lúc đó, bà bỗng thở dài.
- Sẽ ổn thôi mà. Sẽ không sao cả. - Tôi trấn an mẹ. Cả thân người bà bắt đầu run lên. Mẹ nhắm nghiền mắt lại, như thế bà đang tẩy rửa mọi nỗi đau mà bà đã giữ chặt trong tim bấy lâu. Bà lại thở dài, như đang muốn thanh lọc chính bản thân và tâm hồn mình. Tôi nhìn vào khuôn mặt mẹ… Hình như… Sắc mặt bà dường như đang có sự thay đổi… Từ vẻ đang nhàu nhĩ vì buồn đau, ánh mắt bà trở nên đỏ ngầu, hung tợn. Cũng như bao lần trước, tôi biết chuyện gì sắp xảy ra. Bàn tay run run của bà cũng lại, chuyển sang lạnh băng như đá tảng.
- Đúng! - Tôi van nài. - Làm ơn đúng mà!
Tôi chưa kịp phản ứng, mẹ đã hất mạnh tay tôi ra. Cũng như phản xạ từ nhiều năm về trước, tôi vội bước lùi lại. Nhìn nụ cười hiểm ác và cay nghiệt của mẹ, tôi biết mẹ đã trở lại, tàn độc hơn bao giờ hết.
- Chao ôi, xem mày khua môi múa mép khéo léo chưa này, đồ cặn bã! Tao cá là bọn cha mẹ nuôi của mày chắc phải tự hào về mày lắm nhỉ! Còn ở đây, mày lại đang lảng vảng trong nhà của tao, dạy tao phải làm thế này thế nọ nữa chứ. Ai biến mày thành Đấng Cứu Thế vậy? - Mẹ dừng lại lấy hơi, rồi châm một điếu thuốc, đưa lên miệng rít một hơi dài. - Mày, - bà chỉ thẳng vào mặt tôi, khói thuốc uốn éo luồn qua khe hở từ đôi môi tái bầm của bà, - tất cả lũ chúng mày không có quyền. Mày có thể có chút giá trị với Lục lượng Không quân của nước Mỹ, nhưng mày biết đấy, - mẹ ngập ngừng, như thế sợ tôi không hiểu hết những lời bà nói, -… mày biết mày là ai mà. Thực chất, mày chẳng là gì cả. Mày thậm chí còn không xứng đáng được thở chung bầu không khí với tao và các con của tao nữa kia. Làm sao mày có thể ngang nhiên bước vào nhà tao, như thế mày là chủ nó vậy, rồi còn dạy tao phải làm thế này, đừng làm thế kia chứ hả? Làm sao mày có thể làm như vậy, sau tất cả những gì tao đã làm cho mày, hả? Ai cho phép mày được quay lại đây?
Tôi cố gắng giữ cho mình vẻ điềm tĩnh. Cũng như nhiều năm trước, trước những lời miệt thị của mẹ, tôi chỉ biết nín lặng và thu mình lại - như một vật nửa người, nửa máy. Nhưng câu nói “sau tất cả những gì tao đã làm cho mày” khiến tôi không khỏi sững sờ.
- Những gì mẹ đã làm cho con ư? - Tôi lý nhí.
- Mày vẫn không hiểu ra à, thằng kia? - Mẹ cười khinh bỉ sau khi kéo một hơi thuốc thật dài. - Đáng lý tao đã không thả cho mày đi. Không! Tao đã để mày đi đấy chứ. Tao đã không còn liên quan gì đến mày nữa. Mày không có ích lợi gì cho tao cả, vì thế mày phải bị loại bỏ. - Mất một lúc, tôi mới hiểu được những gì mẹ đang nói. - Mày là thứ rác rưởi, và là rác rưởi thì tao phải vứt mày đi thôi. - Với điệu bộ như một nhà quý tộc tao nhã, mẹ tiếp tục mỉa mai. - Ôi Chúa ơi, sao mình lại thô lỗ thế này. Có phải tao đang đập tan giấc mộng hão huyền của mày không nhỉ? Và trong ngần ấy thời gian, tao cá mày đã nghĩ rằng tất cả những kẻ đáng kính đã giải cứu mày ở trường học là những kẻ chịu trách nhiệm cho cuộc giải thoát ngoạn mục của mày đấy. - Rồi bằng một giọng chỉ vừa đủ nghe, mẹ thì thầm vào tai tôi: - Mày không biết rằng mày đã may mắn thế nào đâu. Phải chỉ tao chấm dứt tất cả. Như… thế… này, - mẹ nhấn mạnh từng từ với một cái bật tay đánh tách. - Mày biết mày là cái gì mà, nên nếu tao là mày, tao sẽ biết giữ cái miệng tao ngậm lại. Đừng cố ép cái gì cả. Mày chỉ may mắn một lần thôi, vì thế đừng nghĩ rằng tao đã không làm gì cho mày đấy nhé.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Từ phía phòng ăn, Kevin thò đầu ra. Nhìn thấy thằng bé, mẹ lại trở về với vai diễn một người vợ đau khổ. Từng dòng nước mắt tuôn rơi lã chã trên gương mặt mẹ. Bà nghiêng đầu về phía sau như thể làm vậy là có thể xoa dịu nổi đau khổ vô cùng tận mà bà đang phải chịu đựng. Mẹ lão đảo ngồi xuống ghế như thể quá đau khổ không thể đứng vững được. Tất cả xảy ra trước mắt tôi như một màn trình diễn hoàn hảo. Tôi tin chắc rằng trước đó, cả Ron, Stan, Russell và Kevin đã chứng kiến cảnh tượng như vậy nhiều lần rồi.
- Quan tâm ư? - Mẹ với lấy Kevin bằng một cánh tay run rẩy quá mức. - Ồ, mẹ quan tâm đến cha của con - đến ông ấy chứ. Mẹ có quan tâm. Đó mới là vấn đề, mẹ quan tâm quá nhiều. - Nói xong bà đưa tay quệt nước mắt.
Tôi thận trọng đứng chịu trận, dầu biết mọi thứ đang diễn ra như một màn kịch. Tôi nghĩ mình đã đẩy bà ấy đi quá xa, nên tôi không muốn nói thêm bất cứ điều gì để khơi gợi lại câu chuyện ấy nữa. Mặc dù vậy, tôi vẫn thấy ngạc nhiên vì bản thân mình đã không hề khuất phục trước mẹ. Không thể ngờ là tôi đã thực sự nhìn thấu được những suy nghĩ bao biện của bà ấy, mặt đối mặt với mẹ và đặt câu hỏi với bà về tư cách của một người vợ. Có thể sau chừng ấy năm, hôm nay tôi mới có dũng khí để thực hiện điều đó, nhưng cũng có thể vì mẹ đã mất đi quyền lực của bà đối với tôi cũng nên.
Kevin phá vỡ bầu không khí căng thẳng:
- Vậy là anh đã từng sống ở đây sao?
Chắc hẳn mẹ đã nói gì về tôi với thằng bé và về lý do tại sao tôi không sống với họ nữa. Đương nhiên bà ấy phải giải thích về sự ra đi của tôi. Dù bà ấy có thâu tóm mọi thứ đến đâu, thì sự thật ít nhiều cũng phải rò rỉ. Tôi cười với Kevin, thằng bé cũng đáp lại tôi bằng một nụ cười toe toét.
- Đúng thế. - Tôi trả lời đầy tự tin. - Anh đã sống ở đây, nhưng cách đây rất lâu rồi…
- Ôi, không phải vậy, nó không có sống ở đây! - Mẹ phản bác. - Đừng nghe nó! Nó… nó là một thằng nói láo. Nó không giống với chúng ta đâu. - Để nhấn mạnh ý của mình, mẹ giơ tay lên. - Có nhớ mẹ đã nói gì với con không? Về… về những kẻ xấu đấy?
Tôi nhìn thẳng vào mắt mẹ, tự nhủ: Bà nói đúng. Bà nói hoàn toàn đúng. Tôi không giống với bà.
Trước khi mẹ kịp tiếp tục, Kevin chen vào:
- Vậy, anh có muốn đi xem qua nhà của em không?
Một cảm giác tò mò xâm chiếm lấy tôi khi tôi đi ngang qua mẹ, theo Kevin đi vào phòng ăn. Tôi rảo quanh chiếc bàn ăn rồi dừng lại, nhìn xa xăm về phía những ngọn tháp màu đỏ của cây cầu Golden Gate. Những ký ức xa xăm của tuổi thơ lại hiện về, tràn ngập trong lòng tôi. Tôi nhìn xuống khoảng sân sau nhà mình, nơi tôi đã trải qua không biết bao nhiêu lần, bao nhiêu giờ đồng hồ ngồi trên hai bàn tay trong tư thế tù binh trên một thảm đầy đá - một hình phạt quen thuộc cho bất cứ tội trạng nào chẳng may tôi mắc phải. Tôi nhớ đến cảnh mình ngồi run rẩy trong màn sương mù dày đặc, quần áo mỏng manh nhưng lại sợ không dám chà xát hai bàn tay vào nhau cho ấm vì sợ bị mẹ bắt gặp. Tôi chùn lòng, cảm nhận rõ cảm giác hổ thẹn và yếu đuối đang ùa về trong lòng. Tôi quay mặt đi. Tôi lại nhớ về những tháng ngày tươi đẹp, khi Ron, Stan và tôi còn chưa đến tuổi đến trường, chúng tôi đã cùng nhau rượt đuổi ở mảnh sân sau nhà. Cũng nơi đó, mẹ đã dạy chúng tôi cách phân biệt các loài hoa và cách chăm sóc chúng. Thuở đó, dường như mẹ luôn dành hết thời gian để chăm sóc và vui đùa cùng chúng tôi. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh mẹ quỳ trên mặt đất, tay mang đôi găng tay làm vườn, nhổ cỏ dại cho những thảm hoa tuyệt đẹp, những thảm hoa đã nhận được không biết bao nhiêu lời khen tặng của khách khứa đến chơi, và mẹ đã trang trí cho ngôi nhà của mình bằng những nhành hoa lan xinh xắn mà mẹ đã bỏ công chăm chút tỉ mẩn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhìn thấy những dấu vết còn sót lại của cảnh tượng tuyệt đẹp một thời ấy.
- Đó là thác nước do Stan làm đấy. - Mẹ lên tiếng, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Tôi giật nảy mình. Tôi mỏi mệt đến độ không hề nghe thấy tiếng bước chân của mẹ đằng sau. - Thằng bé rất khéo tay. Nó luôn làm cho mọi thứ sống động và sinh sôi này nở. Thằng bé là người tỉ mỉ, mày biết đấy. Khi Ronald nhập ngũ, tao thực sự không biết phải xoay xở ra sao. Stan bây giờ chính là người đàn ông của gia đình này. - Mẹ khoe bằng giọng tự hào. Giữa không gian ngột ngạt, tôi nghe thấy rõ tiếng Russell thở dài đầy thất vọng. Trộm nhìn Russell, tôi hiểu có một cuộc cạnh tranh ngấm ngầm giữa nó và Stan - người đã trải qua một trận sốt rất nghiêm trọng khi còn nhỏ khiến cơ thể phải chịu nhiều biến chứng. Lúc Stan còn nhỏ, mẹ luôn luôn tìm cách bảo vệ Stan một cách vô cớ - ưu ái tắm cho nó, khen nó can đảm, mạnh mẽ và thông minh. Nhưng ngay từ khi còn nhỏ, Stan đã bày tỏ lòng ghen tị với Ronald, người anh cả luôn được cha tin tưởng giao việc mỗi khi ông đi làm.
Kevin tiếp tục dẫn tôi đi qua phòng khách, rồi xuống phía hành lang hẹp. Vừa bước xuống lối đi, một mùi hương quen thuộc của nhiều năm vẻ trước lấn át khắp các giác quan của tôi. Tôi nhìn xuống tấm thảm lót sàn đã cũ và dừng lại trước cửa nhà tắm. Kevin cũng dừng lại, nhìn tôi ngạc nhiên:
- Ta đi tiếp chứ?
Tôi đứng sửng trước căn phòng bé xíu, nơi tôi từng tưởng mình đã chết vì bị nhốt trong đó với thứ hóa chất hỗn hợp ammoniac và thuốc tẩy Clorox mà mẹ pha sẵn. Tôi ghé mắt nhìn vào góc trái trên nền nhà tắm, ở đó có một cái lỗ cống nhỏ - nơi tôi đã chúi đầu vào hít lấy một ít không khí để khỏi phải nôn ọe đến chết. Phía trên bồn nước là tấm gương cáu bẩn đã xỉn màu. Tôi từng đứng đấy, nhìn vào gương, để thấy rõ hơn những vết thương còn đỏ ửng dưới cằm, trên lưỡi và cả những mảng da bị lột nham nhở sau khi bị ép uống những muỗng ammoniac. Cũng chính chiếc gương đó là nơi tôi thường xuyên nhìn vào để tự chửi mắng, xỉ vả mình vì những việc tôi đã làm sai khiến mẹ có cớ đánh đập, hành hạ tôi. Tôi từng căm ghét tất cả những gì thuộc về mình - vẻ ngoài nhếch nhác của tôi, tật nói lắp của tôi… tất cả mọi thứ. Nhiều lần tôi còn khao khát mình có thể biến vào trong gương, tan biến vĩnh viễn khỏi thế giới này, hay ít ra là khỏi căn nhà ma quái này.
- Anh có muốn vào trong nhà vệ sinh không? - Kevin hỏi, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
- Không, anh không sao. - Tôi trả lời, giọng tự nhiên run rẩy.
Tôi liếc nhìn mẹ. Bà đang nhìn tôi cười đầy giả tạo.
- Có điều gì không ổn à? - Bà ta hỏi khẽ.
Kevin tiếp tục dẫn tôi vào phòng ngủ ở góc nhà, là nơi Kevin và Russell ngủ chung. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy căn phòng này là khi Kevin còn đang nằm trong nôi. Tôi gật gù toan quay đi, Kevin giật giật tay tôi. Nó dõng dạc:
- Còn đây là phòng của mẹ.
Đây là một trong những lần hiếm hoi tôi đặt chân vào lãnh địa của mẹ. Mọi vật dụng dường như nhỏ lại. Kia vẫn là chiếc bàn trang điểm có gắn gương soi, và cả những lọ nước hoa phủ đầy bụi bẩn nằm lăn lóc…
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Tôi dợm bước quay ra, bỗng giật mình ngoảnh lại nhìn mấy bức ảnh treo trên tường. Tấm ảnh phía trên, bên trái là một tấm ảnh màu chụp Ronald mặc quân phục. Nhìn nét mặt của Ron, tôi biết anh ấy đã sống đúng với con người thật của mình. Trông anh rất oai vệ trong bộ quân phục. Tôi cảm thấy tự hào về anh ấy. Anh ấy đã dám thoát ly. Bên cạnh là những tấm ảnh đã ố màu chụp Stan, Russell và Kevin khi còn là học sinh tiểu học. Ở vị trí trung tâm, bao quanh bằng nhiều tấm hình khác, là tấm chân dung trắng đen chụp mẹ trong ngày cưới. Catherine Roerva Pelzer đã làm tôi sững sờ. Đôi mắt bà rạng ngời yêu thương. Làn da bà không chút tì vết. Trông bà giống như mẩu cô dâu trẻ điển hình không thể trì hoãn cuộc sống hôn nhân ngập tràn niềm vui và hạnh phúc. Trong lúc say sưa ngắm nhìn bức chân dung của bà, tôi bỗng nhận ra cha không hề có mặt trong bộ ảnh đó. Cả tôi cũng không. Giờ thì tôi hiểu tại sao mẹ lại từ chối làm bất kỳ việc gì cho cha. Làm sao bà có thể toàn tâm toàn ý lo cho ông khi mà, trong lòng bà, ông đã chết từ lâu?
Tôi nhìn quanh để tìm mẹ, để xem phản ứng của bà thế nào trước những tấm ảnh đó, nhưng bà đã lui về không gian an toàn của mình trong nhà bếp tự lúc nào. Tôi thẩn thờ. Bởi tôi không hiểu sao con người ta lại có thể bấu víu vào thù hận để mà sống như thế. Và rồi hẳn là bà đã nghĩ cách để hợp thức hóa câu chuyện bịa đặt của mình với những cậu con trai. Bà ấy quả thật rất có khả năng làm cho những vấn đề phiền toái của mình hoàn toàn biến mất.
- Anh nghĩ gì về gia đình em? - Kevin cất giọng.
- Tốt cả. - Tôi mỉm cười trả lời.
Mẹ đang đứng ở cuối hành lang hẹp hút thuốc.
- Vậy là mày đã thấy hết những gì muốn thấy khi đến đây rồi chứ? - Mẹ trệu trạo bằng giọng của một kẻ bất lương. Đối diện với bà, tôi như người quẩn trí. Tôi biết mình nên đi, vì cố gắng thuyết phục mẹ đến gặp cha là điều vô ích. Cảm nhận được vẻ yếu thế của tôi, mẹ nói thêm. - Ronald đang ở trong quân ngũ, mày biết đấy. Thằng bé làm tốt lắm. Nó gửi cho tao tất cả các huân chương của nó. - Nói rồi mẹ đưa ra một chiếc hộp đựng những chiếc mề đay được phân loại rõ rằng. Tôi như chết lặng, chỉ biết đưa mắt nhìn chiếc hộp mà mẹ đang khoe khoang. - Đây là huân chương thiện xạ… còn đây là huân chương huấn luyện cơ bản… à… cái này… tao không nhớ rõ lắm. Nhiều quá mà, tao không thể nhớ hết được… Nó đang đóng quân ở Alaska. Thường thì họ không để bất cứ ai đóng quân ở đó. Thằng bé không nói ra điều đó, nhưng tao biết rõ. Nó là một trong những quân nhân giỏi nhất mà họ có. Tao tự hào vì một trong những đứa con của mình đang phụng sự cho đất nước. Mày không hình dung được niềm hãnh diện của tao đâu. - Mẹ thở dài. Bà vẫn huênh hoang như mọi khi.
- Con… đang phục vụ trong không quân.
Mẹ rời mắt khỏi chiếc hộp và nhìn lên, thoáng chút bối rối, như thế bà ấy chưa hề biết gì về chuyện ấy, dầu trước khi nhập ngũ, tôi đã gọi cho bà và ngay lúc này đây, tôi đang mặc trên người bộ quân phục của lính không quân.
- À, vậy sao, nghe hay nhỉ. Quân đội cũng nhận một kẻ như mày sao? - Bà vẫn không thôi giọng mỉa mai. - Thế có thật là mày đang làm việc bảo vệ đất nước này không đấy?
Tôi cười đắc ý.
- Con là một đầu bếp.
Nhưng ngay khi vừa nói xong câu đó, tôi thấy mình như một thằng ngốc.
- Đầu bếp ư? - Russell phá lên cười.
- Chứ không phải mày đã đăng ký làm lính cứu hỏa à? - Mẹ nói bằng giọng cay nghiệt. - Chuyện gì đã xảy ra thế, người ta đã loại mày khỏi danh sách chứ gì? Tao cứ nghĩ không quân là phải làm gì đó liên quan đến máy bay chứ. Có ai đi làm đầu bếp đâu.
Không khí trở nên im lặng, nặng nề. Tôi thấy tim mình như bị bóp nghẹt. Tôi khẽ gật đầu, như thế để cảm on bà vì đã dành thời gian cho tôi, vì đã tiếp đón tôi, rồi tôi đi nhanh ra ngoài. Ra đến cửa, tôi vẫn cảm nhận rõ mọi ánh mắt vẫn đang dồn về phía mình, săm soi. Ngay khi tôi khép cánh cửa lại, phía sau lưng tôi là một tràng cười nghiêng ngã đầy miệt thị.
Tôi rảo bước ra xe, noi bà Turnbough vẫn đang đợi tôi tự nãy giờ. Tôi ngồi vào xe, không nén được tiếng thở dài.
- Xong việc chưa con? - Bà Turnbough gạn hỏi.
- Rồi ạ. Bà ta chẳng có vẻ gì là sẽ đến gặp cha cả. - Tôi trả lời không chút cảm xúc.
- Chúa ơi! Sao lại có một người phụ nữ như vậy chứ…
- Con chỉ hy vọng bà ấy suy nghĩ lại. Thật chẳng ra làm sao cả. - Tôi cố gắng trấn tĩnh. Đầu óc tôi tưởng chừng như sắp nổ tung vì cảm giác căm ghét và kinh sợ mà tôi dành cho mẹ. Bằng trực giác, tôi cảm nhận thấy mấy thằng con trai yêu quý của mẹ đang đứng ở cửa sổ phòng ngủ dõi theo tôi, thế nên tôi cố trấn tĩnh, khởi động xe và lái đi. Vậy mà, không hiểu sao, đã có lúc tôi lại nghĩ mọi chuyện sẽ khác đi. Nhưng, như mọi khi, khi đối diện với mẹ, tôi đã cư xử thật ngốc nghếch.
Sáng hôm sau, tôi quay trở lại phòng bệnh thăm cha. Đầu tôi nhức như có hàng trăm, hàng ngàn mũi khoan rì rầm xoáy thẳng vào óc.
Tôi cố nghĩ xem mình phải làm gì tiếp theo. Trong tôi như có sự thúc giục phải làm một điều gì đó. Tôi muốn lén đưa cha đi, muốn cùng chơi bóng chày với ông, cùng đi dạo công viên, hay thậm chí cùng ngồi với ông trong một quán rượu tồi tàn mà nói chuyện phiếm, tôi muốn đưa cha đi bất cứ nơi đâu khi cả hai cha con còn được ở bên nhau. Nhưng giờ thì tôi không cách nào làm được những điều đó.
Ngay lúc này đây, tôi cũng không biết chính xác cảm xúc trong tôi là gì. Là buồn đau, là xót xa, là bất lực, hay là căm phẩn? Tôi chỉ còn biết làm những gì có thể. Tôi rút ví, lấy ra một tờ tiền nhăn nhúm để gọi điện thoại cho bà ngoại.
Chỉ ít phút sau khi tôi gác máy, em trai của mẹ là cậu Dan đã có mặt ở cửa thang máy bệnh viện. Sau khi ôm hôn tôi thật chặt, cậu kéo ghế lại gần giường của cha và thì thầm điều gì đó vào tai ông. Tôi đứng cạnh Alice, tựa lưng vào cửa nhìn ra ngoài để cho hai người đàn ông được tự do bên nhau. Tôi biết mình đã làm đúng.
- Suốt một thời gian dài, không ai biết tin gì về ông ấy cả. Không một ai. - Cậu Dan quay nhìn tôi.
Nhìn cha và cậu Dan ở bên nhau, tôi đoán họ từng rất thân thiết.
- Này, Steve, - Dan lầm bầm, - nhanh nào, anh mặc quần áo vào đi. Em có mấy chai rượu ngon lành và hai cô em xinh đẹp trong xe kia kìa. Nhanh nào, đừng để họ đợi chúng ta lâu chứ. - Tôi hoảng hồn, không thể tin vào tai trước những lời cậu Dan vừa nói. Ngay lúc này thì cậu không thể nói những điều khiếm nhã như vậy dược. Nhưng nhìn vào ánh mắt trả lời của cha, tôi nhận ra thâm ý của cậu Dan. Tôi chợt nhận thấy mình thật ích kỷ, ích kỷ bởi cái cách tôi luôn muốn chăm sóc và bảo vệ cha như một đứa trẻ. Alice nhẹ nhàng kéo tôi rời khỏi phòng. Tôi ngồi bất động ở một băng ghế dài trong bệnh viện, chợp mắt chốc lát và nghĩ đến những việc cần làm.
Một lát sau, cậu Dan lay tôi dậy và khuyên tôi nên về nhà với Alice. Nhìn sang cha, tôi cảm thấy nhu cầu tầm thường là được ngủ của mình giống như một kẻ phản bội đối với ông. Cảm giác có lỗi với cha, niềm phấn khởi khi được gặp lại cậu Dan và cảm giác căm phản đối với mẹ cứ đan vào nhau, lởn vởn trong đầu tôi suốt đoạn đường về nhà, mãi đến khi tôi ngả người trên chiếc trường kỷ quen thuộc ở nhà Alice.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Tôi vừa chợp mắt được một lúc, Alice đánh thức tôi dậy. Tôi bật dậy, trong đầu bấn loạn nghĩ đến tình huống xấu nhất. Nhưng vừa đưa điện thoại cho tôi, Alice vừa kịp trấn an tôi rằng người gọi không phải là Bệnh viện Kaiser mà là bà ngoại của tôi. Lúc nào cũng vậy, đối diện với bà ngoại luôn là một điều khó khăn đối với tôi. Từ khi tôi còn bé, mẹ và bà đã có một mối quan hệ yêu-ghét sâu đậm. Đó là điều cả mấy anh em chúng tôi đều cảm nhận được mỗi khi chứng kiến nhưng cuộc cãi vã giữa bà và mẹ. Mặc dù không có nhiều cơ hội gần gũi nhau, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn luôn có cảm giác bà ngoại là một đồng minh không chính thức của tôi khi tôi còn bé.
Tôi dụi mắt, cố gắng định thần. Vì biết năm nay bà cũng đã lớn tuổi lắm rồi nên tôi chủ tâm nói giảm đi bệnh trạng của cha. Bởi những hành xử thiếu tôn trọng của mẹ đối với cha, nên tôi luôn thấy mình giống như một trọng tài đứng giữa họ vậy. Nhưng hôm nay, tôi thấy tự hào về bản thân mình. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã làm được một việc có ích cho gia đình. Nghĩ thế, nên tôi mỉm cười và nói chuyện với bà bằng giọng vui vè:
- Bà ơi! Gặp được bà cháu vui lắm. Mọi thứ ổn cả bà ạ. Cha đang ngủ và thực sự không có gì thay đổi sau khi…
- Việc quái gì đang xảy ra ở đấy thế hà? Mày đang làm cái quái gì thế hả? - Giọng bà tức giận.
- Sao cơ ạ? - Tôi lúng túng hỏi lại. - Có chuyện gì thế ạ? Cha cháu khỏe mà. Cháu… cháu chỉ vừa… về nhà thôi. - Sự im lặng của bà ở đầu dây bên kia khiến tôi thấy lo lắng. - Cháu chỉ vừa rời khỏi cha cách đây hơn một giờ thôi ạ. Cháu xin lỗi, cháu chỉ định chợp mắt một lát. Cháu đã nói chuyện với y tá. Ông ấy nói rằng mọi chuyện ổn cả và nếu có thay đổi gì thì ông ấy sẽ gọi ngay cho cháu. Cháu thề đấy. Kể từ khi về nhà, cháu chưa hề chợp mắt một lúc nào cả. Cháu thật sự xin lỗi. - Tôi biết mình không nên rời khỏi bệnh viện để nghỉ ngơi trong khi cha đang đấu tranh từng giờ từng phút để giành lấy sự sống đang dần rời xa…
Bà ngắt lời tôi:
- Mày đang lải nhải cái quái gì vậy? Bây giờ tao không quan tâm đến cha mày. Tao muốn có ngay một lời giải thích. Mày đã làm gì? Sao mày có thể… vào thời điểm này kia chứ? Lạy Đức Mẹ lòng lành… mày phải giải thích đi chứ, thằng nhóc!
Tôi thật sự bối rối.
- Gì cơ ạ? - Tôi van nài. - Bà à, làm ơn, bình tĩnh đã ạ. Cháu đã làm gì cơ? Bà nói gì thế ạ…?
- Đừng có ngắt lời tao như thế chứ. Đừng có phóng đại mọi chuyện lên như thế chứ. Tao đã phát bệnh và quá mệt mỏi vì mày, vì tất cả những kẻ đã qua mặt tao. Tao sẽ thật là khốn khổ nếu cứ phải ngồi đây, ngồi đây một mình và chịu đựng… cái trò này! - Tôi không thể tin vào tai mình. Tôi dằn vặt. Không lẽ đến giờ phút này mà tôi còn phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng nào nữa sao? Tôi dằn lòng, cố bình tĩnh nghe xem bà đang đề cập đến chuyện gì.
- Mày biết rõ mày đã làm những gì mà - hồi chiều này mày đã xông vào nhà mẹ mày…, mày huênh hoang và nói sảng như một thằng điên… mày đe dọa mẹ mày và phá nát mọi thứ mày thấy… mày ném đồ đạc trong nhà… yêu sách điều này điều nọ… mày lục lọi từng căn phòng cứ như thể mày là lão tướng Patton (12) vậy! May cho mày là mẹ mày đã không gọi cảnh sát đấy. Mày nghĩ mày là ai vậy? Làm sao mày có thể hành xử như vậy trong thời điểm này chứ? Có ai quan tâm đến… đến cảm giác của bà già này không? - Bà dừng lại, tôi nghe thấy tiếng bà khóc ở đầu dây bên kia. - Tao trơ trọi một mình ở đây này. Tao không còn trẻ nữa… tao gần một trăm tuổi rồi… Tao rất là… rất là xấu hổ vì mày, David James Pelzer ạ!
(12) General Patton: Tên đầy đủ là George Smith Patton, Jr. hay còn là George Smith Patton III (11/11/1885-21/12/1945) là một vị tướng nổi tiếng của Không quân Hoa Kỳ.
Nghe bà liên tục mắng nhiếc, tôi chỉ có thể lắc đầu bất lực. Tôi biết sẽ thật vô ích để giải thích với bà rằng, thật sự tôi không hề đe dọa mẹ hay hủy hoại nhà cửa của bà ấy. Sau chừng ấy năm, mẹ vẫn mưu mẹo và nguy hiểm như ngày nào. Đồng hồ lúc bấy giờ cũng sắp gõ hết ngày. Cũng như mẹ, bà là người không ai có thể ngăn cản nổi. Tôi chỉ còn biết thỉnh thoảng đáp lời bà bằng từ “Vâng, thưa bà” hoặc “Không phải đâu, bà ạ” khi nào tôi cảm thấy câu trả lời của mình là cần thiết. Một giờ sau đó, sau khi bà đã lập đi lặp lại không biết bao nhiêu lần những lời trách móc, tôi chen ngang:
- Bà ạ, cháu đã gặp mẹ ngày hôm qua, không phải hôm nay. Và khi bà nói chuyện với mẹ, trước khi bà gọi cho cháu, mẹ cháu đã say… có phải không ạ?
Tuy cách xa nhau đến hàng trăm dặm, tôi vẫn có thể nghe bà hít vào một hơi thật sâu. Tôi cố tâm đề cập điều bà không muốn nói đến. Không cố ý vô lễ với bà, tôi làm vậy chỉ để ngăn bà khỏi nổi điên mà thôi. Thấy bà có vẻ lắng dịu lại, tôi chớp thời cơ đưa bà trở về với thực tại bằng một câu hỏi khiến bà phải suy nghĩ và nhận ra sự thật: Tất cả chỉ là một trò bịa đặt vô ích của mẹ mà thôi.
- Thế à, - bà vẫn khăng khăng, - mày biết rõ mẹ mày thế cơ à! Say rượu ư? Mẹ mày lúc nào chẳng say. Tao đến phát bệnh và quá mệt mỏi vì những cú điện thoại của nó rồi. Tao còn phải lo việc của tao, mày biết đấy. Tao chẳng muốn quan tâm đến ai hết, vậy mà ngày nào tao cũng phải giải quyết hết chuyện này đến chuyện nọ của nó. Tao đã nói với tất cả mọi người và giờ là với mày: tao không còn trẻ trung gì nữa. Thật không dễ dàng chút nào… nhưng có ai quan tâm xem tao cảm thấy thế nào không? Có ai không? Hả…?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 108 guests