Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Tôi đi dọc xuống Đại lộ Eastgate. Một cảm giác buốt giá xâm chiếm cơ thể tôi. Mặt trời đã lặn và sương đêm từ vùng khơi xa bắt đầu kéo về. Tôi cặp hai tay mình vào nách rồi lầm lũi đi dọc theo con đường xa tít phía trước. Hai hàm răng của tôi bắt đầu đánh vào nhau cành cạch. Cảm giác hồi hộp của cuộc trốn thoát vĩ đại giờ đã không còn nữa. Tôi bắt đầu nghĩ rằng, có lẽ, có lẽ mẹ đã đúng. Dù cho mẹ có đánh đập hay chửi rủa tôi thế nào đi nữa, nhưng ít ra, ở trong ga-ra vẫn còn ấm áp hơn là ở ngoài này. Hơn nữa, tôi tự nhủ, thật ra tôi cũng đã nói dối và ăn cắp thức ăn. Có lẽ tôi xứng đáng bị trừng phạt thật. Tôi ngừng lại một lát để suy nghĩ thêm về kế hoạch của mình. Nếu tôi trở về bây giờ, ngay bây giờ, bà ta sẽ chửi mắng và đánh đập tôi - nhưng tôi đã quá quen với những điều đó. Nếu tôi may mắn, ngày mai mẹ sẽ cho tôi ăn vài mẩu bánh vụn còn sót lại từ bữa tối. Rồi hôm sau tôi sẽ đánh cắp thức ăn ở trường. Quả thật, tất cả những gì tôi phải làm là quay trở lại. Tôi cười nhạo chính mình. Tôi lâm vào tình trạng còn khốn đốn hơn sau khi thoát khỏi mẹ.
Tôi thôi không bước tới nữa. Viễn cảnh quay trở về căn nhà đó cũng không phải quá tệ. Tôi còn tự nhủ, dù sao đi nữa tôi cũng sẽ không bao giờ tìm được đường đến dòng sông. Tôi quay lại. Bà ấy đã đúng.
Tôi hình dung cảnh mình ngồi dưới chân cầu thang, run rẩy vì sợ, hoảng hốt mỗi khi nghe tiếng động phát ra từ nhà trên. Tôi sẽ nhẩm đếm từng giây từng phút trôi qua và sợ hãi mỗi khi ti-vi phát chương trình quảng cáo; rồi tôi sẽ dáo dác, nín thở khi nghe thấy âm thanh cọt kẹt phát ra từ cửa trên khi mẹ đứng dậy rời khỏi chiếc ghế trường kỷ, đi vào nhà bếp lấy rượu để uống. Rồi bà sẽ réo tôi lên nhà trên, sẽ đánh đập tôi cho đến khi tôi không thể đứng được nữa, cũng không thể bò lết đi đâu được nữa.
Tôi ghét những đoạn quảng cáo ấy.
Tiếng gáy rích... rích... Của một con dế gần đó đưa tôi trở về thực tại. Tôi đảo mắt tìm nó. Nhìn thấy nó, tôi khựng lại một lúc. Tiếng gáy ngưng bặt. Tôi đứng yên không động đậy. Nếu tôi bắt được con dế, có thể tôi sẽ nhốt nó vào trong túi áo và biến nó thành con vật cưng của mình. Tôi lại nghe tiếng nó gáy. Vừa cúi xuống thò tay chực bắt lấy nó, tôi bỗng nghe thấy tiếng xe của mẹ gào rú sau lưng. Tôi vội núp sau một chiếc xe gần đó trước khi ánh đèn pha kịp chiếu vào tôi. Rồi chiếc xe đột ngột giảm tốc, chạy từ từ dọc theo con đường. Tiếng thắng gấp như tiếng kim loại chọc thẳng vào màng nhĩ tôi. Mẹ đang tìm tôi. Tim đập mạnh, tôi bắt đầu thở dốc. Ánh đèn pha từ xe của mẹ hắt thẳng về phía tôi, tôi co người nhắm chặt mắt. Tôi nín thở đón đợi giây phút mẹ dừng lại, nhảy ra khỏi xe, chộp lấy tôi và ném tôi vào xe như ném một con thú đã sập bẫy vào rọ. Tôi đếm từng giây. Tôi từ từ hé mắt ra, đúng lúc chiếc xe thắng kít lại. Thế là xong. Bà ấy đã tìm thấy tôi! Nhưng chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy phần nào nhẹ nhõm. Tôi sẽ không cần phải lần mò để tìm được đường đến dòng sông. Nỗi lo sợ phập phồng đó đã vắt kiệt sức của tôi. Đến đây nào, đến đây, tôi nhủ thầm. Đến đây đi. Cứ đến đây.
Chiếc xe lướt qua tôi.
Không thể tin được. Tôi rời chỗ ẩn nấp, mắt nhìn chằm chằm theo chiếc xe hơi dòng Sedan hai cửa bóng loáng cứ vài giây lại hãm thắng một lần. Đột nhiên, tôi có cảm giác xây xẩm cả người, mắt hoa lên. Dạ dày tôi thắt lại. Chất dịch chua loét trào lên cổ họng tôi. Tôi ngã nhào trên thảm cỏ và cố gắng nôn ra. Sau một lúc gồng mình nhưng chẳng nôn ra được thứ gì vì cái bụng trống rỗng, tôi ngả người nhìn lên những vì sao. Mảng trời trong veo mờ ảo sau những đám sương mù dày đặc. Những ngôi sao bàng bạc chiếu ánh sáng lấp lánh cả vòm trời. Tôi cố gắng nhớ lại xem đã bao lâu rồi tôi mới lại được ra ngoài để ngắm sao như thế này. Tôi nhắm mắt, hít thở thật sâu.
- Không! - Tôi hét lên. - Mình không quay lại đâu. Không bao giờ trở lại đâu!
Tôi quay lưng sải bước xuống đường, nhắm hướng bắc thẳng tiến đến cầu Golden Gate. Tôi đi ngang qua một chiếc xe đang đậu trên lối vào của một căn hộ bên đường. Tôi thấy một cặp vợ chồng đứng trên đầu cầu thang đang được chủ nhà tiếp đón nồng nhiệt lắm. Tôi nghe cả tiếng cười nói và những điệu nhạc du dương len ra khỏi cánh cửa để mở. Tôi tự hỏi không biết cảm giác khi được ai đó chào đón vào nhà sẽ như thế nào nhỉ. Đi qua khỏi căn nhà ấy, tôi bỗng ngửi thấy mùi thức ăn thơm phưng phức. Bụng tôi sôi lên sùng sục. Chất dịch chua lè lại trào lên khiến quai hàm tôi nhức buốt. Suy nghĩ phải có thứ gì đó để ăn cứ cắn xé trong tôi. Đó là đêm thứ Bảy, vậy là tôi đã không có gì trong bụng từ sáng thứ Sáu rồi. Thức ăn, tôi nhủ thầm. Tôi phải tìm cái gì để ăn mới được.
Một lúc sau, tôi đi đến ngôi nhà thờ cũ mà lúc trước tôi từng nhiều lần đến đấy. Mấy năm trước đó, mẹ có gửi mấy anh em chúng tôi, gồm có Ron, Stan và tôi đến lớp học giáo lý buổi chiều của nhà thờ trong vài tuần. Từ năm lên bảy, tôi đã không được đi nhà thờ nữa. Tôi nhẹ nhàng mở cửa. Ngay lập tức, tôi cảm nhận được hơi ấm ngấm vào da thịt mình qua những lỗ thủng của chiếc quần tây và cái áo tay dài mỏng tang như giấy. Rồi tôi khẽ khép cửa lại. Tôi thấy vị linh mục đang ngồi ở chiếc ghế cố hữu của mình, rồi ông cầm những quyển sách kinh lên. Tôi núp sau cánh cửa, chỉ mong ông đừng nhìn thấy tôi. Vị linh mục đi về phía hàng ghế nơi tôi đang nấp. Tôi thật sự rất muốn ở lại, nhưng... tôi nhắm nghiền mắt cố thu lấy thêm một chút hơi ấm trước khi với tay đẩy cánh cửa...
Tôi vùng chạy ra ngoài rồi băng qua đường. Đi được một đoạn, tôi nhìn thấy một dãy cửa hàng bách hóa san sát nhau. Tôi dừng lại trước một cửa hàng bánh rán. Nhiều năm trước, cha thường ghé vào đây để mua vài cái bánh rán nóng hổi trước khi lái xe đưa cả nhà đến Dòng Sông Nga xinh đẹp. Đó là khoảng thời gian huyền diệu nhất trong đời tôi. Giơ thì tôi chỉ biết thèm thuồng đứng nhìn mấy cái bánh rán phết mật ong thơm ngon kia qua lớp cửa kính. Tôi ngước mắt trông lên những nhân vật hoạt hình béo ú, sống động và vui nhộn được vẽ trên tường, rồi tôi rê rê ngón tay trên tấm kính trước khi rảo bước ngang những cửa hàng bán bánh rán khác.
Có mùi bánh pizza thơm ngậy lách qua khỏi những khe cửa để hở, xộc vào mũi tôi khiến đầu óc tôi càng trở nên quay cuồng. Tôi còn có thể hình dung rõ đó là những chiếc pizza vẫn thường xuất hiện trong những giấc mơ côi cút của mình. Tôi lảo đảo đi ngang qua vài cửa hàng nữa rồi dừng lại trước một cửa hiệu bán pizza. Nước bọt tôi ứa ra. Không chút đắn đo, tôi đẩy cửa bước vào. Đầu óc tôi trở nên mụ mẫm, tôi loạng choạng đi thẳng đến dãy bàn trong cùng. Tôi đảo mắt nhìn quanh và phải mất vài phút tôi mới có thể định hình được mọi thứ. Tôi nhìn thấy một cái bàn bi-a. Tôi còn nghe thấy tiếng cụng ly côm cốp và cả những tiếng cười nói râm ran. Tôi cảm giác như mọi ánh nhìn đều đổ dồn về phía tôi. Tôi dừng lại trong một góc khuất nơi quầy bar. Tôi đảo mắt nhìn quanh đễ tìm thức ăn thừa của thực khách. Chẳng tìm được thứ gì. Tôi lầm lủi đi về phía bàn bi-a, nơi hai người đàn ông vừa kết thúc xong một ván bi. Bỗng tôi nhìn thấy một đồng 25 xu nằm trên bàn. Tôi len lén lần tay che nó lại. Tôi đảo mắt quan sát một lần nữa rồi kéo rê đồng xu sát vào cạnh bàn, đoạn tôi nhanh tay nhặt nó lên và giữ nó thật chặt trong lòng bàn tay. Chẳng hiểu sao đồng xu ấy lại ấm đến vậy. Rồi tôi cố làm ra vẻ thản nhiên đi về phía quầy phục vụ. Có tiếng ai đó gọi tôi. Tôi cố tình lờ đi. Tôi cứ dợm bước đi, bỗng một bàn tay giữ chặt vai tôi lại. Ngay lập tức, tôi vừa thu người vừa gồng mình lại, chờ đợi một cú đánh thẳng vào mặt hay vào bụng của mình.
- Này nhóc, cháu đang làm gì vậy?
Tôi quay lại, nhưng tránh không ngước nhìn lên.
- Ta hỏi, cháu đang làm cái gì vậy? - Người đàn ông lặp lại câu hỏi.
Tôi rụt rè ngước nhìn lên. Trước mặt tôi là người đàn ông mặc một cái tạp dề bết đầy nước sốt pizza màu đỏ. Ông đang chống nạnh chờ câu trả lời của tôi. Tôi đã toan trả lời ông, nhưng rồi lại lắp bắp:
- À... ừm. Khô... không có gì... thưa chú.
Người đàn ông đặt tay lên vai tôi và dẫn tôi đến cuối quầy phục vụ. Rồi ông dừng lại, cúi xuống nói nhỏ với tôi:
- Này nhóc, cháu cần phải trả lại chú đồng xu ấy.
Tôi rụt rè lắc đầu. Trước khi tôi kịp đưa ra một lời nói dối, ông ấy đã tiếp:
- Này nhóc, chú đã thấy cháu làm gì rồi. Giờ cháu hãy trả lại đây. Các chú ở đằng kia cần nó để chơi tiếp ván bi mới đấy.
Tôi nắm chặt tay lại. Đằng xu ấy có thể dùng để mua được một ít thức ăn, có thể là một miếng pizza nữa ấy chứ. Người đàn ông vẫn nhìn chằm chằm vào tôi. Không còn cách nào khác, tôi từ từ mở lỏng bàn tay ra và thả đồng xu vào tay ông ấy. Ông ta búng đồng tiền về phía hai người đàn ông đang cầm gậy đánh bi.
- Cảm ơn cậu nhé, Mark. - Một trong số hai người họ nói lớn.
- Ừ, không có gì đâu anh bạn.
Tôi quay lưng toan bước ra phía cánh cửa chính thì Mark đưa tay tóm lấy tôi.
- Cháu làm gì ở đây? Sao cháu lại ăn cắp đồng xu đó?
Tôi co rúm người lại, đầu cúi gằm, mắt nhìn chằm chằm xuống sàn nhà.
- Này, cậu bé, - Mark cao giọng, - ta đang hỏi cháu đấy.
- Cháu không ăn cắp. Cháu... Cháu chỉ nghĩ là... ý cháu là, cháu nhìn thấy đồng tiền và... Cháu...
- Trước tiên, ta nhìn thấy cháu lấy cắp đồng tiền đó, kế đến nữa là, các chú kia cần đồng tiền ấy để chơi tiếp. Ngoài những điều đó ra, nào chàng trai, nói cho ta biết, cháu định làm gì với đồng tiền đó?
Tôi thấy như cơn giận trong tôi được dịp phun trào.
- Thức ăn! - Tôi buột miệng. - Tất cả những gì cháu cần là một miếng pizza. Thế đã đủ chưa?
- Một miếng pizza à? - Mark bật cười. - Này cậu bé, cháu từ... sao Hỏa đến đấy à?
Tôi cố nghĩ ra một câu trả lời. Tôi thấy lòng mình như tê cứng. Tôi thở ra rồi nhún vai.
- Nào chàng trai, bình tĩnh đã nào. Ngồi đây, kéo ghế ra nào. - Mark nói bằng một giọng nhỏ nhẹ. - Jerry này, lấy cho tôi một cốc nước ngọt nhé.
Mark nhìn tôi. Tôi cố thụt tay vào cái áo rộng thùng thình của mình để giấu đi những vết trầy xước và bầm tím. Tôi cố tránh cái nhìn của ông ấy.
- Này nhóc, cháu ổn cả chứ? - Mark hỏi.
Tôi lắc đầu. Không! Tôi nhủ thầm. Cháu không ổn một chút nào hết. Cái gì cũng không ổn hết! Tôi muốn kể hết cho ông ấy nghe biết bao, nhưng...
- Đây, cháu uống đi. - Mark vừa nói vừa đẩy ly nước ngọt sang cho tôi. Tôi chụp lấy cái ly nhựa màu đỏ bằng cả hai tay và ngậm lấy cái ống hút, hút ừng ực cho đến khi cái ly cạn sạch mới thôi.
- Này, nhóc. - Mark lại hỏi. - Cháu tên gì? Cháu có nhà không? Cháu ở đâu?
Tôi cảm thấy xấu hổ quá đỗi. Tôi biết rằng mình không thể trả lời những câu hỏi của ông ấy. Tôi đành hành động như thể không nghe thấy ông ấy nói gì.
Mark gật gù ra chiều thông cảm với tôi.
- Cháu ngồi yên đây. - Mark vừa nói vừa lấy cái ly từ tay tôi. Tôi quan sát thấy ông đi ra phía sau quầy phục vụ để rót thêm ly nước khác cho tôi, đoạn ông với tay nhấc điện thoại lên. Sợi dây điện thoại bị kéo căng hết cỡ khi Mark nhoài người ra đưa ly nước mới cho tôi. Gác ống nghe, Mark trở ra và ngồi xuống bên tôi.
- Cháu có muốn nói với chú chuyện gì đã xảy ra không?
- Mẹ và cháu không hợp nhau. - Tôi nói lí nhí trong miệng, hy vọng không ai nghe thấy. - Bà ấy... vâng... bà ấy... bảo cháu ra khỏi nhà.
- Cháu không nghĩ là bà ấy đang lo lắng cho cháu à?
- Chú đùa đấy à? - Tôi bỗng buột miệng thốt lên.
Ôi trời! Ông im đi - Tôi nghĩ thầm. Rồi tôi gõ gõ ngón tay lên quầy, cố tránh cái nhìn dò xét của Mark. Tôi liếc nhìn hai người đàn ông đang đánh bi-a và cả những người khác đang đứng ngồi nhốn nháo hên cạnh họ - họ cười nói, ăn uống, và rất vui vẻ.
Tôi ước gì mình được làm một con người thực sự.
Đột nhiên tôi lại thấy mình xuống tinh thần. Buông mình xuống ghế, tôi quay sang Mark.
- Cháu phải đi thôi.
- Cháu đi đâu?
- Ừm, chỉ là... Cháu phải đi thôi chú ạ.
- Có thật là mẹ cháu đuổi cháu ra khỏi nhà không?
Chẳng buồn nhìn ông ấy, tôi khẽ gật đầu.
Mark mỉm cười:
- Chú cá là mẹ cháu đang rất lo lắng cho cháu đấy. Cháu nghĩ gì thế? Chú nói sao với cháu nào. Cho chú số điện thoại của mẹ cháu, chú sẽ gọi cho bà ấy, được chứ?
Tôi thấy máu chạy rần rần trong người. Cánh cửa, tôi nhủ thầm. Chỉ việc tới đó rồi chạy đi thôi. Tôi hoảng loạn quay qua quay lại để tìm lối thoát.
- Cháu bình tĩnh đi nào. - Mark nhướng mày và nói chậm rãi. - Bây giờ cháu cứ ở yên đây. Chú sẽ làm cho cháu một cái bánh pizza...
Tôi ngẩng lên.
- Thật không ạ? - Tôi trố mắt ngạc nhiên. - Nhưng... Cháu không có...
- Này nhóc, cháu đừng lo chuyện đó. Cứ ở đây chờ chú.
Mark đứng dậy và đi về phía bếp. Qua ô cửa bếp để mở, ông nhìn tôi mỉm cười. Nước miếng trong miệng tôi bắt đầu ứa ra. Tôi thấy mình đang ăn một bữa nóng hổi - không phải là thức ăn được moi lên từ thùng rác, không phải là một mẩu bánh mì ôi thiu, mà là một bữa ăn thật sự.
Vài phút trôi qua. Tôi cứ ngồi thấp thỏm chờ đợi.
Một viên cảnh sát mặc đồng phục xanh đen mở cửa chính rồi đi thẳng vào cửa hiệu. Tôi không chút nghĩ ngợi vì sự xuất hiện của viên cảnh sát cho đến khi thấy Mark đi về phía ông ấy. Hai người nói chuyện một lúc, rồi Mark gật đầu và chỉ tay về phía tôi. Tôi quay ngoắt đi, mắt dáo dác tìm xem có cánh cửa nào ở nhà sau không. Chẳng có cánh cửa nào cả. Tôi quay lại tìm Mark. Ông ấy không còn ở đó nữa, cả viên cảnh sát cũng vậy. Tôi lại dáo dác tìm xem hai người đàn ông ấy đâu. Cả hai đều đã đi khỏi. Vậy là tôi đã quá lo lắng. Lòng tôi bây giờ mới lắng xuống. Tôi thở đều trở lại. Tôi mỉm cười.
- Này cậu bé....
Tôi ngẩng đầu lên nhìn viên cảnh sát đang cười với mình.
- Chú nghĩ cháu cần đi với chú.
Không! Tôi tự nhủ. Tôi không đi đâu hết! Mười đầu ngón tay của tôi bấu chặt vào mặt ghế. Tôi ngoái đầu cố tìm Mark. Tôi không tin ông ấy lại gọi cảnh sát. Trông ông ấy hiền lành thế cơ mà. Ông ấy đã cho tôi một ly nước ngọt và còn hứa cho tôi thức ăn nữa. Tại sao ông ấy lại làm như vậy? Tôi ghét Mark, nhưng tôi còn ghét mình nhiều hơn. Lẽ ra tôi cứ tiếp tục đi dọc theo con đường ngoài kia mới phải. Tôi không nên, không bao giờ nên bước chân vào hiệu bánh pizza này. Tôi biết mình nên ra khỏi thị trấn này càng sớm càng tốt. Sao tôi có thể hành động ngu ngốc như thế này chứ!
Tôi biết vậy là mình đã thua. Tôi cảm thấy như nguồn sức mạnh tôi có được trước đó giờ đã cạn kiệt. Giờ tôi chỉ muốn chạy đi tìm một nơi nào đó thật khuất rồi cuộn mình ngủ một giấc thật say thôi. Tôi nhón chân trượt khỏi chiếc ghế đang ngồi. Viên cảnh sát bước đi bên cạnh tôi.
- Đừng lo. - Ông ta nói. - Cháu sẽ không sao đâu.
Tôi mơ hồ nghe giọng ông loáng thoáng bên tai. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là bà ấy đang chờ tôi ở một nơi nào đó ngoài kia. Tôi sắp phải quay trở lại Cái nhà ấy - quay trở về với Mẹ. Viên cảnh sát dẫn tôi ra cửa trước.
- Cảm ơn anh đã gọi cho chúng tôi. - Viên cảnh sát nói với Mark.
Tôi dán mắt xuống sàn nhà. Tôi thật sự giận dữ. Tôi không thèm nhìn Mark. Tôi ước gì mình trở nên vô hình.
- Này nhóc, - Mark mỉm cười ấn vào tay tôi một chiếc hộp dẹp giấy màu trắng, - chú đã nói sẽ làm cho cháu một cái bánh pizza mà.
Tim tôi như thắt lại. Tôi cười với ông ấy. Tôi lắc đầu. Tôi biết mình không xứng đáng được như vậy. Tôi đẩy chiếc hộp trở về cho Mark. Bỗng chốc, mọi thứ trên đời đều trở nên vô nghĩa với tôi. Tôi nhìn vào mắt ông ấy. Tôi biết rằng ông ấy hiểu. Dù không nói với nhau nửa lời, nhưng tôi hiểu ông ấy muốn nói gì với tôi. Tôi nhận lấy chiếc hộp. Nhìn sâu vào mắt ông, tôi nói:
- Cháu cảm ơn chú.
Mark xoa đầu tôi. Còn tôi thì bị hút vào mùi thơm từ chiếc hộp.
- Đó là trách nhiệm. Và trẻ em thì... lại càng khó khăn. Cháu sẽ ổn thôi.
Mark vừa nói vừa đưa tôi ra cửa. Tay tôi vẫn ôm chặt lấy hộp bánh pizza. Hơi ấm dễ chịu tỏa ra từ hộp bánh. Ngoài trời, sương mù phủ dày đặc. Chiếc xe cảnh sát đậu thờ ơ ngay cạnh mép đường. Tôi áp chiếc hộp sát vào ngực. Viên cảnh sát mở cửa trước để tôi ngồi vào trong. Tôi nghe thấy tiếng rì rì của máy bơm nhiệt phát ra từ gầm xe. Tôi ngọ nguậy mấy ngón chân để cảm thấy ấm hơn một chút. Tôi nhìn viên cảnh sát đi vòng về bên kia để ngòi vào vô-lăng. Ông ấy ngồi vào xe, rồi cầm cái micro lên. Một giọng nói phụ nữ nhẹ nhàng ở đầu dây bên kia trả lời cuộc gọi. Tôi cố lảng đi, quay đầu nhìn về hiệu bánh pizza. Mark cùng một vài người nữa đang đứng bên ngoài cửa hiệu, run lên vì lạnh. Khi chiếc xe cảnh sát từ từ chuyển bánh, Mark đưa tay vẫy chào tạm biệt tôi. Rồi những người đứng xung quanh Mark cũng lần lượt vẫy tay cười chào tạm biệt tôi.
Cổ họng tôi nghẹn lại. Tôi cảm nhận rõ vị mằn mặn của những giọt nước mắt nóng ấm đang lăn dài xuống má. Chẳng hiểu sao tôi lại có cảm giác mình đã mất Mark. Tôi nhìn xuống đôi giày rách tả tơi và lại ngọ nguậy mấy ngón chăn. Một ngón thò ra ngoài qua cái lỗ thủng.
- Thế lần đầu cháu ở trong xe cảnh sát à? - Viên cảnh sát hỏi.
- Vâng thưa chú. - Tôi trả lời. - Có phải cháu... ừm... ý cháu là, có phải cháu đang gặp rắc rối không, thưa chú?
Viên cảnh sát mỉm cười.
- Không đâu. Bọn chú cũng chỉ vừa được báo. Hơi trễ một chút, cháu còn quá nhỏ để ở ngoài đường một mình vào giờ này đấy. Tên cháu là gì nhỉ?
Tôi liếc nhìn ngón chân lem luốc của mình.
- Nào, cháu chẳng bị làm sao khỉ nói cho chú biết tên của cháu đâu.
Tôi hắng giọng. Tôi không muốn nói gì với viên cảnh sát. Tôi không muốn nói chuyện với bất cứ ai. Tôi biết cứ mỗi lần tôi mở miệng, là tôi lại tự đưa mình trở về gần hơn hang ổ tội lỗi của mẹ. Nhưng, tôi tự nhủ, tôi có thể làm gì hơn chứ? Giờ đây tôi biết rằng mọi cơ hội trốn thoát tôi từng có để đến được dòng sông giờ đã không còn nữa. Sau vài giây chần chừ, tôi trả lời viên cảnh sát:
- Dạ... Dạ... David, thưa chú. - Tôi lắp bắp. - Tên cháu là David.
Viên cảnh sát mỉm cười. Tôi cũng cười đáp lại. Ông ấy nói rằng tôi là một cậu bé đẹp trai.
- Cháu mấy tuổi.
- Cháu chín tuổi ạ.
- Chín tuổi à? Hơi bé đúng không?
Chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau. Tôi không thể tin rằng viên cảnh sát lại quan tâm đến tôi nhiều như vậy. Tôi thấy ông ấy thực sự rất thích tôi. Ông ấy đậu xe trước đồn cảnh sát rồi dẫn tôi xuống cầu thang để đến một căn phòng trống có một cái bàn đặt ở giữa, rồi viên cảnh sát nói:
- Nào David, cháu hãy “xử lý” cái bánh pizza đi thôi, kẻo nó nguội mất đấy!
Tôi hào hứng hẳn lên. Tôi xé toạc vỏ hộp. Tôi cúi xuống hít hà mùi thơm của chiếc bánh.
- Nào David, - viên cảnh sát lại hỏi, - cháu nói nhà cháu ở đâu nhỉ?
Người tôi như tê cứng. Miếng pizza tôi đang cầm trên tay dường như chẳng còn ngon lành nữa. Tôi quay đi. Tôi đã hy vọng ông ấy có thể quên việc tại sao ông ấy lại đưa tôi đi như thế này.
- Thôi nào David. Chú thật sự quan tâm đến cháu mà.
Ông ấy nhìn thẳng vào mắt tôi. Lần này thì tôi không thể quay đi nơi khác. Tôi từ từ đặt miếng pizza trỗ lại chiếc hộp. Viên cảnh sát với tay nắm lấy tay tôi. Theo phản xạ, tôi rụt lại. Tôi cúi gằm mặt khi viên cảnh sát lại đưa tay nắm chặt tay tôi trấn an. Lòng tôi như đang gào thét. Chú không hiểu à? Mẹ cháu không ưa cháu, không thích cháu, không quan tâm đến cháu! Được chưa? Vì vậy... nếu được thì chú cứ để cháu một mình, cháu sẽ đi tiếp con đường của cháu. Thế nhé?!
Viên cảnh sát lùi chiếc ghế đang ngồi ra xa cái bàn rồi nhìn tôi và nói bằng một giọng nhẹ nhàng:
- David này, chú ở đây để giúp cháu. Cháu cần phải biết điều đó, và chú sẽ ở đây với cháu cho đến khi mọi chuyện được giải quyết.
Rồi ông chồm người đến và đưa tay ra nâng cằm tôi lên. Nước mắt tôi chảy xuống gò má. Nước mũi tôi nhòe nhoẹt. Tôi biết giờ thì không còn lối thoát nào cho mình nữa rồi. Tôi không đủ can đảm để nhìn vào mắt viên cảnh sát.
- Đại lộ Crestline, thưa chú. - Tôi lí nhí trong miệng.
- Đại lộ Crestline à? - Viên cảnh sát hỏi lại.
- Vâng, thưa chú... số 40 Đại lộ Crestline ạ.
- David, cháu đã làm đúng rồi đấy. Cho dù có chuyện gì đi nữa, chú tin chắc rằng chúng ta sẽ giải quyết được thôi.
Tôi nói cho ông ấy biết số điện thoại và ông ấy bỏ đi đâu đó một lát. Sau khi trở lại, ông ấy lại tiếp tục nhắc tôi ăn cho xong cái bánh pizza.
Tôi lấy thêm một miếng bánh pizza nữa. Nó nguội ngắt và nhão nhoẹt. Tôi thật sự rất muốn ăn, nhưng đầu óc tôi không thể nào tập trung được. Viên cảnh sát mỉm cười trấn an tôi:
- Mọi thứ sẽ ổn cả thôi cháu ạ.
Phải rồi! Tôi lại tự nhủ. Khoảng thời gian duy nhất cho tôi cảm giác an toàn, bình yên và khiến tôi luôn khao khát là lúc tôi còn nhỏ. Lúc ấy tôi mới lên năm. Cả gia đình chờ tôi leo qua một ngọn đồi nhỏ vào ngày cuối cùng tôi đi nhà trẻ. Tôi vẫn còn nhớ khuôn mặt mẹ lúc đó tràn ngập yêu thương khi bà nói to:
- Cố lên, bé cưng của mẹ. Cố lên nào, David!
Bà ôm ghì lấy tôi rồi mở cửa xe cho tôi. Rồi bà đóng cửa xe lại trước khi cha cho xe lăn bánh. Chúng tôi tiến thẳng đến Dòng Sông Nga. Mùa hè năm ấy, mẹ tập cho tôi nổi trên mặt nước. Tôi rất sợ, nhưng mẹ đã luôn ở bên tôi mãi cho đến khi tôi có thể tự mình nổi trên mặt nước mới thôi. Tôi đã rất tự hào khi thể hiện được mình trước mẹ, chứng tỏ cho mẹ thấy tôi là một cậu con trai vĩ đại, xứng đáng với sự quan tâm và mong mỏi của mẹ. Mùa hè năm ấy là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Nhưng giờ đây, khi tôi đang ngồi trước viên cảnh sát, tôi biết rằng thời tươi đẹp ấy sẽ không bao giờ trở lại với tôi được nữa. Thời tươi đẹp ấy của tôi giờ chỉ còn là ký ức mà thôi.
Bỗng viên cảnh sát ngước lên. Tôi quay lại và thấy cha đang đứng sau lưng mình, ông mặc một chiếc áo sơ mi màu đỏ. Một viên cảnh sát khác gật đầu nhìn viên cảnh sát đang ngồi cạnh tôi.
- Ông là ông Pelzer? - Viên cảnh sát ngồi cạnh tôi cất tiếng hỏi.
Cha tôi gật đầu xác nhận. Rồi cả hai người cùng đi vào một căn phòng khác. Viên cảnh sát khép cửa lại. Tôi ước có thể nghe được họ nói với nhau những gì. Tôi biết chắc họ đang nói về tôi, và về những rắc rối giữa tôi với mẹ. Dù sao thì tôi cũng cảm thấy bớt căng thẳng một chút khi bà ấy không đến đây. Tôi biết bà ấy sẽ không bao giờ dám mạo hiểm phơi bày con người thật của mình ra trước cơ quan chính quyền. Tôi biết bà ấy luôn dùng cha làm phương tiện cho việc làm bẩn thỉu của mình. Bà ta kiểm soát cha - cũng như cách mà bà cố làm để kiểm soát những người khác. Điều quan trọng nhất là tôi biết bà sẽ phải tuyệt đối giữ kín bí mật đó. Không một ai biết được mối liên hệ bí mật giữa chúng tôi. Nhưng tôi biết bà ấy đang mắc nhiều sơ suất. Bà ấy đang dần mất khả năng kiểm soát. Tôi cố gắng nghĩ xem rồi mọi chuyện sẽ thế nào. Để sống sót, tôi buộc phải biết tiên liệu.
Vài phút sau, cánh cửa gian phòng bên kia bật mở. Cha tôi bước ra, bắt tay viên cảnh sát. Viên cảnh sát tiến về phía tôi. Ông ấy cúi xuống:
- David ạ, chỉ là một sự hiểu lầm nho nhỏ thôi mà. Cha cháu vừa nói với chú rằng cháu buồn mẹ cháu vì bà ấy không cho cháu đi xe đạp. Cháu không cần phải bỏ nhà đi chỉ vì một chuyện như vậy đâu. Vì thế, giờ cháu hãy theo cha về nhà đi nhé, rồi cháu với mẹ cháu sẽ giải quyết được việc này nhanh thôi. Cha cháu nói rằng mẹ cháu đã phát ốm vì lo lắng cho cháu đấy.
Rồi ông ấy đổi giọng:.
- Và đừng bao giờ làm cho cha mẹ cháu lo lắng cho cháu như thế nữa nhé. Chú hy vọng cháu đã có được một bài học. Ngoài kia cũng đáng sợ lắm đấy, đúng không nào?
Tôi đứng lặng người, không thể tin được vào những điều mình vừa nghe thấy. Lái xe đạp à? Tôi thậm chí còn không có được một chiếc nữa cơ mà! Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ được ngồi trên một chiếc xe đạp cơ mà. Tôi định quay ra đằng sau xem ông ấy có đang nói chuyện với một đứa trẻ nào khác hay không. Cha đứng phía sau nhìn tôi. Đôi mắt ông vô cảm. Tôi chợt hiểu ra đây chỉ là một câu chuyện bịa đặt nữa của mẹ. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Viên cảnh sát nói tiếp:
- David này, hãy biết yêu thương và tôn kính cha mẹ cháu nhé. Cháu không biết được là mình may mắn thế nào đâu.
Đầu óc tôi trở nên mụ mẫm. Những lời viên cảnh sát nói cứ ong ong bên tai tôi..., “cháu không biết được là mình may mắn thế nào đâu. ..cháu không biết là mình may mắn thế nào đâu...”.
Tôi rùng mình khi cha đóng sầm cửa xe lại. Lúc rướn người đóng cửa phía bên ghế của tôi, ông vừa thở mạnh vừa nói:
- Lạy Chúa, David ơi! - Ông vừa nói vừa khởi động máy và nhấn ga. - Con nghĩ cái quái quỷ gì trong đầu con thế này? Con có ý thức chút gì về việc con đã làm không hả? Con có biết rằng con đã đặt mẹ con vào một tình trạng như thế nào không hả?
Tôi nghĩ thầm trong đầu: Đặt bà ấy vào tình trạng như thế nào ư? Còn con thì sao? Có ai quan tâm đến con không? Nhưng... tôi lại tự nhủ, có thể bà ấy đã suy kiệt. Có thể bà ấy thật sự quan tâm đến tôi. Cũng có khi mẹ đã hiểu ra rằng bà ấy đã đi quá xa chăng? Trong một khoảnh khắc, tôi tưởng tượng cảnh mẹ khóc lóc thảm thiết trong tay cha, tự hỏi tôi giờ đang ở đâu, tôi còn sống hay không. Tôi hình dung ra cảnh mẹ chạy bổ về phía tôi, nước mắt đầm đìa, ôm tôi vào lòng đầy yêu thương trìu mến, rồi trao cho tôi những nụ hôn và cả nước mắt đang tuôn chảy trên khuôn mặt của bà ấy nữa. Tôi còn có thể nghe thấy mẹ nói với tôi ba từ ngọt ngào nhất mà tôi ao ước được nghe. Và tôi sẵn sàng đáp lại mẹ bằng bốn từ cũng ngọt ngào không kém: Con cũng yêu mẹ!
- David! - Cha bất ngờ chộp lấy cánh tay tôi. Theo phản xạ, tôi nhảy tránh sang một bên, đụng cả đầu vào nóc xe. - Con có biết gì về những điều mẹ con đang làm không hả? Cha không có được một giây phút yên bình nào trong căn nhà đó. Chúa ơi, căn nhà đó đã biến thành địa ngục từ lúc con bỏ đi. Lạy Chúa, con không thể tránh xa những rắc rối à? Con không thể cố gắng làm bà ấy vui à? Chỉ cần tránh đường bà ấy ra và làm bất cứ điều gì bà ấy muốn thôi mà. Con không thể làm vậy hay sao? Con có thể làm vậy vì cha không? Hả David? - Cha hét lên, giọng cha cứ thế ong ong bên tai khiến tôi sởn hết cả gai óc.
Tôi khẽ gật đầu. Tôi không dám gây nên một âm thanh nào, nhưng trong lòng tôi khóc như mưa bão. Tôi biết tôi đã sai. Và, cũng như mọi khi, tất cả là lỗi của tôi. Tôi vừa quay sang nhìn cha vừa gục gặc đầu. Ông đưa tay vỗ nhẹ lên đầu tôi.
- Thôi được rồi, - cha dịu giọng lại, - vậy là tốt rồi. Vậy mới là Cọp con của cha chứ. Giờ thì về nhà con nhé.
Khi cha cho xe chạy dọc theo con đường mà tôi đã lang thang chỉ vài giờ trước đó, tôi ngồi nép sang một bên cách xa chỗ ngồi của cha, tựa hẳn người mình vào cửa xe. Tôi thấy mình như một con thú bị sập bẫy muốn thoát thân khỏi chiếc lồng ngột ngạt. Càng về gần đến nhà, tôi càng thấy bụng dạ mình bồn chồn. Tôi cần đi tắm. Nhà ư, tôi nhủ thầm. Tôi liếc nhìn xuống đôi bàn tay của mình. Tôi thấy mấy ngón tay của tôi đang run lên vì sợ. Tôi biết rằng chỉ ít phút nữa thôi, tôi sẽ trở lại nơi mà tất cả đã bắt đầu. Tất cả, không có gì thay đổi, và tôi biết sẽ không có gì thay đổi. Tôi ước gì mình là một người nào khác, bất cứ một ai khác, miễn không phải là tôi. Tôi ước gì mình có một cuộc sống, một gia đình, một mái nhà thật sự.
Cha lái xe vào ga-ra. Trước khi mở cửa xe, ông quay sang tôi:
- Rồi đấy, chúng ta về nhà rồi. - ông nói với một nụ cười giả tạo. - Chúng ta về nhà rồi.
Tôi ngước nhìn cha, hy vọng, cầu mong ông ấy hiểu được nỗi sợ hãi trong tôi, hiểu được nỗi đau đớn mà tôi đang phải chịu đựng. Nhà ư? Tôi tự nhủ.
Tôi không có nhà.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

CHƯƠNG 2 CÔ GOLD - THIÊN THẦN CỦA TÔI


Ngày 5 tháng 3 năm 1973, lời nguyện cầu bấy lâu của tôi đã được đáp lại sau bao nhiêu trông đợi tưởng chừng như vô vọng. Tôi được cứu thoát. Các thầy cô giáo của tôi và những người trong Ban giáo vụ trường Tiểu học Thomas Edison đã can thiệp và báo cảnh sát.
Mọi chuyện xảy ra chỉ trong chớp mắt. Tôi đã khóc hết nước mắt khi nói lời từ biệt với các thầy cô. Tôi có linh cảm rằng mình sẽ không bao giờ được gặp lại họ nữa. Nhìn những giọt nước mắt nơi khóe mắt thầy cô, tôi biết họ đã hiểu sự thật về tôi - một sự thật thật sự. Sự thật tại sao tôi lại quá cá biệt so với những đứa trẻ khác; tại sao cơ thể tôi lại luôn bốc mùi hôi thối và tôi luôn ăn mặc rách rưới; tại sao tôi lại leo vào thùng rác để kiếm những mẩu thức ăn vụn dư thừa...
Trước khi tôi rời khỏi nơi ấy, thầy giáo chủ nhiệm của tôi, thầy Ziegler đã cúi xuống nói với tôi lời tạm biệt. Thầy đã bắt tay tôi và dặn dò tôi hãy cố gắng làm một đứa trẻ ngoan. Rồi thầy khẽ nói với tôi rằng thầy sẽ nói cho cả lớp biết sự thật về tôi. Những lời thầy nói có ý nghĩa rất quan trọng đối với tôi. Tôi thật sự mong muốn được các bạn, các thầy cô... tất cả mọi người yêu thương và thừa nhận.
Viên cảnh sát đứng bên ngoài cửa văn phòng đã phải lên tiếng thúc giục.
- Nhanh lên nào David, chúng ta phải đi thôi.
Tôi lấy tay quệt mũi trước khi bước ra ngoài. Hàng triệu ý nghĩ thi nhau nhảy múa trong đầu tôi, nhưng toàn là những ý nghĩ tồi tệ. Tôi sợ hãi khi nghĩ đến những hậu quả mà mình phải gánh chịu khi mẹ phát hiện ra mọi việc. Từ trước đến nay, chưa có ai từng qua mặt mẹ như thế này cả. Tôi biết rằng nếu bà ấy mà phát hiện ra, thì mọi thứ sẽ biến thành địa ngục ngay lập tức.
Trong lúc viên cảnh sát dẫn tôi ra xe, tôi có thể nghe thấy tiếng cười đùa xôn xao của các học sinh trong trường đang vào giờ ăn trưa. Khi xe lăn bánh, tôi ngoái đầu lại nhìn sân trường lần cuối. Tôi đã rời khỏi trường Tiểu học Thomas Edison mà không có lấy một người bạn. Nhưng điều làm tôi hối tiếc nhất chính là việc tôi đã không thể nói lời từ biệt với cô giáo dạy tiếng Anh của tôi, cô Woodworth; hôm ấy cô bị bệnh. Trong suốt thời gian tôi làm tù nhân của mẹ, cô Woodworth đã âm thầm giúp tôi vượt qua nỗi cô đơn bằng những quyển sách cô cho tôi mượn. Tôi đã dành hàng giờ liền trong bóng tối dưới tầng hầm để đọc những quyển sách viết về những cuộc phiêu lưu vô cùng kỳ thú. Chính những giờ phút ấy đã giúp xoa dịu nỗi đau ẩn chứa trong tôi.
Tại đồn cảnh sát, sau khi điền vào một số giấy tờ, viên cảnh sát đã gọi cho mẹ tôi để thông báo rằng chiều hôm đó tôi sẽ không về nhà và rằng nếu có vấn đề gì thắc mắc, bà ấy có thể gọi cho người có thẩm quyền giải quyết các vấn đề tuổi vị thành niên của Hạt. Tôi ngồi im như tượng, vừa thấy sợ sệt, vừa thấy khoái chí khi nghe viên cảnh sát nói chuyện điện thoại với mẹ. Tôi chỉ có thể hình dung ra những suy nghĩ đang diễn ra trong đầu mẹ. Ông ấy nói với mẹ bằng một giọng lạnh lùng, nhưng tôi lại trông thấy những giọt mồ hôi lấm tấm rịn ra trên trán ông. Sau khi viên cảnh sát gác điện thoại, tôi bỗng tự hỏi xem đã từng có ai khác trải qua cảm giác như viên cảnh sát sau khi nói chuyện với mẹ tôi hay không. Đối với ông ấy, có vẻ như việc chúng tôi phải rời khỏi đồn cảnh sát ngay lúc đó là rất quan trọng. Còn tôi, tôi không thể cưỡng lại được cảm giác hồi hộp và thích thú lúc đó của mình khi cứ nhảy cẫng lên liên hồi và hỏi đi hỏi lại ông ấy cùng một câu:
- Bà ấy đã nói gì vậy chú? Bà ấy đã nói gì vậy chú?
Viên cảnh sát từ chối trả lời câu hỏi của tôi. Khi xe vừa chạy ra khỏi nội thành, trông ông ấy có vẻ thoải mái hơn. Lúc ấy ông mới chồm người nói nhỏ với tôi:
- David, cháu đã được tự do rồi đấy. Mẹ cháu sẽ không bao giờ có thể làm tổn thương cháu một lần nào nữa đâu.
Lúc ấy tôi không thể hiểu hết được tầm quan trọng của những gì viên cảnh sát nói. Vậy mà trước đó, tôi chỉ mong sao ông ấy sẽ đưa tôi vào một trại giam nào đó cùng với những đứa trẻ hư hỏng khác - như những gì mẹ đã khắc sâu vào đầu óc tôi suốt bao năm qua. Đã từ lâu, tôi vẫn xác định rằng thà tôi cứ bị tống giam vào một nhà tù nào đó còn hơn là sống với bà ấy. Tôi quay đi để tránh ánh nắng mặt trời. Một giọt nước mắt ấm nóng bỗng chảy dài trên gò má của tôi.
Trước giờ tôi vẫn luôn tự lau khô nước mắt và dồn nén nỗi đau vào trong vỏ bọc của mình. Lần này, tôi không muốn lau giọt nước mắt ấy đi. Tôi cứ để đấy để cảm nhận rõ nó đang chảy vào miệng tôi, để nếm vị mằn mặn của nó và để cho nó tự khô trên mặt mình dưới sức nóng của ánh nắng mặt trời chiếu qua lớp kính chắn gió. Tôi muốn mình nhớ rằng giọt nước mắt ấy không phải là giọt nước mắt của sợ hãi, của tức giận hay phiền não, mà là giọt nước mắt của niềm vui sướng và tự do. Tôi biết rằng kể từ giây phút đó, mọi thứ trong cuộc đời tôi sẽ sang trang.
Viên cảnh sát đưa tôi tới bệnh viện địa phương. Ngay lập tức, tôi được đưa vào phòng khám. Cô y tá dường như đã rất sốc khi nhìn thấy cơ thể đầy thương tích của tôi. Cô đã nhẹ nhàng tắm cho tôi thật cẩn thận và kỹ càng từ đầu đến chân bằng một miếng bông tắm mềm mại trước khi bác sĩ khám cho tôi. Tôi không thể nhìn thẳng vào cô ấy. Tôi cảm thấy thật xấu hổ khi ngồi trên chiếc giường khám bệnh bằng kim loại lạnh toát, mặc trên người đúng một chiếc quần lót nhàu nhĩ thủng lỗ chỗ. Tôi liếc nhìn căn phòng sơn màu vàng dán đầy hình của các nhân vật trong bộ phim hoạt hình chú chó Snoopy. Tôi nhìn xuống thân thể mình. Chân tay tôi rằn ri những khoang màu vàng nâu lẫn lộn. Những mảng tròn thâm tím nằm ngổn ngang giữa những vết bầm xanh khác - đó là vết tích của những lần tôi bị mẹ ngắt nhéo, bị thoi, bị xô ngã nhào xuống sàn nhà bếp. Khi vị bác sĩ bước vào, ông ấy dường như rất quan tâm đến hai bàn tay và cánh tay của tôi. Các ngón tay của tôi khô, thô ráp và đỏ au sau những năm tháng sử dụng hỗn hợp hóa chất tẩy rửa để lau nhà. Vị bác sĩ véo vào các đầu ngón tay của tôi và hỏi xem tôi có thấy đau không. Tôi lắc đầu. Tôi đã bị mất cảm giác ở các đầu ngón tay của mình từ lâu rồi. Ông ấy lắc đầu bảo rằng điều đó không đáng lo, vì vậy tôi cũng chẳng nghĩ gì về điều đó nữa.
Sau đó, viên cảnh sát lại dẫn tôi đi qua vài dãy hành lang, ghé vào nhiều phòng khác nhau để các bác sĩ tiến hành rất nhiều cuộc xét nghiệm, kiểm tra, thử máu và chụp X-quang cho tôi. Tôi cứ đi như thế trong một tâm trạng hết sức hoang mang. Tôi cảm giác như tôi đang chứng kiến số phận của một người nào khác bằng đôi mắt của chính mình. Trong tôi bỗng dâng lên một nỗi khiếp đảm mơ hồ đến nỗi tôi đã cầu xin viên cảnh sát hãy kiểm tra từng ngóc ngách trong từng căn phòng trước khi tôi bước vào. Chẳng hiểu sao tôi cứ đinh ninh rằng mẹ tôi đang chực chờ sẵn ở đâu đấy, sẵn sàng vồ lấy và mang tôi trở lại căn nhà khủng khiếp đó. Lúc đầu, viên cảnh sát từ chối, nhưng sau khi thấy tôi gần như tê dại đến nỗi phải thở dốc và không thể bước đi, thì ông ấy mới chiều lòng và làm theo những yêu cầu của tôi. Tận sâu trong lòng, tôi vẫn còn hoang mang bởi mọi chuyện đã xảy ra quá nhanh - tôi thoát khỏi mẹ sao mà dễ dàng quá.
Vài giờ sau đó, khi những cuộc kiểm tra cần thiết đã hoàn tất, tôi gặp lại cô y tá đã tắm rửa cho tôi trước đó. Cô ấy cúi xuống, định nói gì đó. Tôi chờ đợi. Cô ấy nhìn vào mắt tôi, rồi vội quay đi. Tôi nghe rõ tiếng cô sụt sịt. Vị bác sĩ bước đến bên tôi, ông vỗ nhẹ lên vai tôi rồi đưa một tuýp kem để tôi bôi vào mấy ngón tay.
Ông ấy còn dặn tôi phải luôn giữ cho hai cánh tay thật sạch sẽ. Tôi ngẩng lên nhìn viên cảnh sát, rồi nhìn xuống đôi tay của mình. Tôi không hiểu. Với tôi, đôi cánh tay của mình chẳng có gì khác trước - vẫn một màu đỏ au với lớp da thật mỏng. Thỉnh thoảng hai cánh tay cũng bị ngứa một chút, nhưng điều đó đã trở nên quá bình thường với tôi rồi. Trước khi viên cảnh sát và tôi rời khỏi bệnh viện, vị bác sĩ tiến đến căn dặn viên cảnh sát:
- Anh nhớ phải cho David ăn uống đầy đủ. Và quan trọng hơn nữa là hãy nhớ cho cậu bé tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng mặt trời nhé.
Nói đoạn, vị bác sĩ ghé người lại gần viên cảnh sát rồi hỏi nhỏ:
- Bà ta đâu rồi? Anh sẽ không gửi trả thằng bé cho... Của nó đấy chứ?
Viên cảnh sát nhìn thẳng vào mắt vị bác sĩ:
- Đừng lo, bác sĩ ạ. Tôi đã nói với thằng bé rồi. Mẹ nó sẽ không bao giờ còn có thể làm tổn thương nó thêm lần nào nữa.
Từ giây phút đó trở đi, tôi biết rằng mình đã được an toàn. Đứng cạnh viên cảnh sát, tôi chỉ muốn ôm lấy chân ông ấy, nhưng tôi biết rằng mình không nên làm như vậy. Mắt tôi ánh lên niềm hạnh phúc. Viên cảnh sát đã trở thành vị anh hùng của tôi.
Sau khi chúng tôi rời khỏi bệnh viện được vài phút, khi đi ngang qua những ngọn đồi nhỏ trên con đường một làn xe nhỏ hẹp, viên cảnh sát cho xe đi chậm lại. Tôi kéo kính xe xuống và sửng sốt ngắm nhìn những triền đồi thoai thoải màu nâu và những tàng cây gỗ đỏ cao vun vút. Đi thêm được một lúc, viên cảnh sát cho xe dừng lại.
- Nào, David, chúng ta tới nơi rồi.
Tôi nhìn xuống phía dưới, nơi có căn nhà đẹp nhất mà tôi từng được thấy trong đời. Viên cảnh sát nói rằng tôi sẽ sống ở đấy một thời gian và rằng đấy sẽ là nhà nuôi dưỡng mới của tôi. Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ được nghe cụm từ nhà nuôi dưỡng, nhưng tôi biết chắc rằng tôi sẽ yêu ngôi nhà ấy lắm. Đối với tôi, nó giống một căn nhà khổng lồ làm từ gỗ ghép với nhiều cửa sổ để mở. Tôi còn trông thấy phía sau căn nhà là một khoảng sân rất lớn, nơi những tiếng la hét ầm ĩ và tiếng cười đùa bất tận sẽ bị mặt nước của nhánh sông chảy qua làm cho vang vọng trở lại.
Một người phụ nữ đứng tuổi hiện đang quản lý căn nhà tự giới thiệu cô là “Cô Mary” đã niềm nở đón tôi ngay tại cửa bếp. Tôi cảm ơn viên cảnh sát và siết tay ông thật chặt. Tôi cảm thấy thật áy náy vì ông đã phải vì tôi mà làm việc bất kể giờ giấc thế này. Ông quỳ xuống cạnh tôi và nói bằng một giọng trầm ấm:
- David ạ, chính những đứa trẻ như cháu đã thôi thúc chú được trở thành một cảnh sát.
Không một chút nghĩ ngợi, tôi choàng tay ôm chặt lấy cỗ ông. Bị cọ xát mạnh, hai cánh tay của tôi bỗng nóng lên như thiêu đốt. Nhưng tôi chẳng mấy bận tâm.
- Cháu cảm ơn chú.
- Này nhóc, không có gì đâu mà. - Ông nhìn tôi rồi mỉm cười hiền từ đáp lời.
Rồi ông đi dọc theo con đường ngoằn ngoèo để trở ra xe. Từ trong xe, ông vẫy tay chào tôi rồi mới lái xe đi khỏi. Đến lúc ấy, tôi thậm chí còn không biết tên của ông.
Sau khi cho tôi ăn một bữa tối ngon lành với phi lê cá bơn, cô Mary dẫn tôi đến giới thiệu với bảy đứa trẻ khác. Cũng giống như tôi, các bạn ấy không còn sống cùng với cha mẹ vì nhiều lý do khác nhau. Tôi lướt nhìn qua khuôn mặt của từng người bạn cùng cảnh ngộ. Có những đôi mắt thảng thốt ngơ ngác, có những đôi mắt trĩu nặng lo âu, và cũng có những đôi mắt bối rối xấu hổ. Tôi chưa từng nghĩ rằng ngoài mình ra, vẫn còn có những đứa trẻ khác tồn tại trên đời này mà không được yêu thương. Suốt chừng ấy năm, tôi vẫn luôn nghĩ rằng mình hoàn toàn đơn độc giữa thế giới xa lạ này. Lúc đầu, tôi còn bẽn lẽn mắc cỡ, nhưng sau một vài câu chào hỏi từ mọi người, tôi đã trở nên cởi mở hơn. “Sao bạn lại đến đây?”, “Bạn gặp chuyện gì vậy?” - Các bạn hỏi tôi những câu đại loại như vậy.
Tôi vừa cúi gằm mặt vừa trả lời rằng mẹ tôi không ưa tôi bởi vì tôi là một đứa chuyên gây rắc rối. Tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi không muốn nói với họ biết bí mật giữa mẹ và tôi. Nhưng những gì tôi nói ra chẳng khiến họ mảy may ngạc nhiên. Bởi thật ra tôi cũng chỉ là một trong những trường hợp như họ mà thôi. Tôi ngay lập tức được mọi người đón nhận. Tôi cảm thấy như có một nguồn năng lượng vô biên nào đó dâng trào trong người mình. Kể từ giây phút ấy, tôi trở thành một đứa trẻ cuồng nhiệt hơn bao giờ hết. Tôi chạy nhảy nô đùa khắp nhà như thế có một nguồn sức mạnh bí ẩn nào đó đang thôi thúc. Tôi đùa giỡn, cười nói và la hét trong niềm vui sướng bất tận, bỏ lại sau lưng những năm tháng sống cô độc và câm lặng.
Tôi không thể kiểm soát được cảm xúc của mình nữa. Tôi chạy nhảy hết phòng này đến phòng khác, nhảy cẫng lên từng tấm nệm trong nhà. Tôi nảy người lên cao đến độ đầu tôi đụng cả vào trần nhà. Tôi cứ thế chơi giỡn cho đến khi mắt nổ đom đóm mới thôi. Nhưng tôi cũng không quan tâm. Những đứa trẻ khác thì cứ thế hò hét, vỗ tay cổ động cho tôi không ngớt. Tiếng cười của chúng không lạnh nhạt và khô khốc như những tiếng xì xầm cạnh khóe của những đứa bạn của tôi trong trường học, mà đầy ắp niềm hoan hỉ và khích lệ.
Lúc chạy qua phòng khách, tôi quá khích đến độ suýt làm ngã một cái đèn. Theo phản xạ, cô Mary túm tay tôi lại. Vừa định rầy la tôi thì cô ấy chợt khựng lại khi nhìn thấy tôi đang co rúm người. Tôi che mặt lại, và đầu gối bắt đầu run lên bần bật. Cô Mary là một phụ nữ đứng tuổi và rất nghiêm khắc. Cô nổi tiếng là người luôn giữ vững lập trường, nhưng lần này thì cô không la mắng tôi như đã từng la những đứa trẻ khác khi chúng cũng làm sai việc gì đó. Ngay buổi tối hôm đó, tính hiếu động thái quá của tôi cũng chấm dứt, nhanh như một trái bóng bay bị xì hơi. Cô Mary buông tay tôi ra và quỳ xuống bên tôi, nhẹ nhàng hỏi:
- Bà ấy đã làm gì cháu?
- Cháu xin lỗi. - Tôi lí nhí trong miệng. Tôi không chắc cô Mary đang muốn gì ở tôi, thế nên tôi lại rút trở vào vỏ bọc cố thủ của mình. - Cháu là một đứa trẻ hư, nên cháu đáng bị như vậy...
Đêm hôm đó, cô Mary dẫn tôi vào giường ngủ. Tôi bắt đầu khóc. Tôi nói với cô rằng tôi sợ mẹ sẽ đến và mang tôi đi. Nghe thế, cô trấn an rằng tôi đã được an toàn, rồi cô ở lại với tôi cho đến khi tôi thực sự cảm thấy an toàn và bình tâm trở lại. Tôi nhìn chằm chằm lên trần nhà tối om làm bằng gỗ cây tuyết tùng. Nó khiến tôi nhớ về căn nhà cũ ở Guerneville. Tôi chìm vào giấc ngủ, đầu óc vẫn lởn vởn ý nghĩ mẹ đang ở đâu đó ngoài kia, đang chờ để bắt tôi đi.
Rồi tôi thiếp đi. Những giấc mơ lại chập choạng ập tới. Tôi thấy mình đang đứng ở cuối một dãy hành lang rất dài và tối. Cái tối có thể khiến con người ta cảm thấy ngộp thở. Bỗng một cái bóng mờ xuất hiện ra ở đầu hành lang. Tôi mơ hồ nhận ra cái bóng ấy chính là mẹ. Bà bắt đầu tiến dần về phía tôi. Chẳng hiểu sao tôi vẫn cứ đứng yên đấy như tượng. Tôi không thể cử động, mà tôi cũng chẳng buồn gắng gượng.
Càng đến gần tôi, khuôn mặt đỏ lừ đầy thù hận của mẹ càng hiện ra rõ hơn và đáng sợ hơn. Trên tay mẹ là con dao nhọn sáng choang chực chờ, sẵn sàng đâm vào người tôi. Tôi thảng thốt quay lưng bỏ chạy dọc theo cái hành lang dài vô tận và hun hút tối ấy. Lấy hết sức bình sinh, tôi cố gắng sải chân chạy càng nhanh càng tốt, vừa chạy vừa dáo dác tìm kiếm chút ánh sáng phía trước. Tôi cứ thế chạy mãi, chạy mãi. Cái hành lang cứ quanh co, ngoằn ngoèo như trêu đùa trong lúc tôi cố tìm cho mình một lối thoát. Rồi tôi cảm nhận rõ hơi thở của mẹ phà vào cổ tôi, nghe thấy giọng mẹ lạnh lùng thổi vào tai tôi những lời chua cay rằng sẽ không có bất kỳ lối thoát nào cho tôi và rằng bà ấy sẽ không bao giờ để tôi thoát.
Tôi giật mình tỉnh giấc. Mồ hôi lạnh tuôn ra ướt đẫm cả mặt và ngực tôi. Tôi đưa tay ôm lấy mặt, chẳng biết mình đang tỉnh hay mơ. Sau khi hoàn hồn, tôi lại dáo dác nhìn quanh. Tôi vẫn đang ở trong căn phòng có trần nhà làm bằng gỗ cây tuyết tùng. Tôi vẫn đang mặc bộ pyjama mà cô Mary đã cho tôi mượn ban tối. Tôi vỗ mạnh vào người để xem có đau không. Chỉ là mơ thôi mà, tôi nhủ thầm. Một cơn ác mộng, chỉ vậy thôi. Tôi cố gắng kiểm soát nhịp thở, nhưng tôi vẫn không sao khiến cho đầu óc tỉnh táo trở lại. Những lời nói của mẹ cứ ong ong trong đầu tôi: Tao sẽ không bao giờ cho mày đi. Không bao giờ!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Tôi nhảy khỏi giường, lồm cồm bò trong bóng tối để tìm quần áo và tròng vội vào người. Rồi tôi quay trở lại ngồi bó gối ở phía đầu giường. Tôi không tài nào ngủ lại được. Bởi giờ đây thì mẹ đã tồn tại ngay cả trong giấc mơ của tôi. Bỗng tôi cảm thấy việc mình bị đưa đi xa như thế này quả là một sai lầm, và tôi biết rằng sớm muộn thì tôi cũng sẽ phải trở về với bà ấy mà thôi. Đêm hôm đó, và liên tiếp những đêm tiếp theo, trong khi mọi người ngon giấc thì tôi cứ thế ngồi bó gối, lắc lư người rồi tự lẩm bẩm với mình giữa căn phòng tối om. Thỉnh thoảng tôi chỉ biết nhìn ra ngoài cửa sổ, lắng nghe tiếng cây lá đung đưa trong gió đêm. Tôi thầm nhủ tôi sẽ không để mình gặp lại cơn ác mộng đó một lần nào nữa.
Hôm tôi đến Trung tâm Bảo vệ Trẻ em của địa phương, người đầu tiên tôi gặp là Cô Gold. Mái tóc dài vàng óng ả và gương mặt tươi sáng, phúc hậu thật đúng với tên gọi của cô.
- Chào cháu. - Cô mỉm cười. - Cô là nhân viên xã hội.
Và thế là giữa tôi và cô bắt đầu có những buổi làm việc kéo dài vài giờ liền, những lúc ấy tôi phải trình bày nhiều việc mà thậm chí tôi còn không hiểu rõ. Vào buổi làm việc đầu tiên, tôi ngồi thu mình vào một góc của chiếc ghế dài, còn cô Gold thì ngồi ở đầu ghế bên kia. Rồi cô nhích dần về phía tôi mà tôi không hề hay biết, đến khi cô chỉ còn ngồi cách tôi một khoảng rất ngắn, đủ để cô có thể nắm lấy tay tôi. Lúc đầu, tôi đã rất sợ hãi khi cô ấy chạm vào người mình. Tôi không xứng đáng để cô ấy phải đối xử tử tế với tôi như vậy. Nhưng cô Gold cứ giữ chặt lấy bàn tay của tôi, vuốt ve lòng bàn tay của tôi với tất cả sự yêu thương trìu mến và trấn an tôi rằng cô đang muốn giúp tôi. Ngày hôm đó, cô đã ở bên cạnh tôi suốt hơn năm giờ đồng hồ.
Những lần gặp gỡ sau đó cũng kéo dài suốt nhiều giờ liền như vậy. Thỉnh thoảng tôi lại cảm thấy sợ hãi đến độ không nói được lời nào và để cho những giây phút im lặng cứ thế trôi qua. Cũng có lúc chẳng hiểu sao tôi lại bật khóc nức nở. Nhưng cô Gold không quan tâm đến những điều đó. Lúc nào cô cũng chỉ ôm tôi thật chặt vào lòng, vỗ về tôi, thì thầm với tôi rằng mọi chuyện sẽ ổn. Rồi có những lúc hai chúng tôi nằm dài xuống ghế, tôi thủ thỉ kể cho cố nghe về những chuyện chẳng liên quan gì đến quá khứ u tối của mình. Những lúc như thế, tôi cứ mân mê nghịch ngợm những lọn tóc dài óng ả của cô Gold. Tôi ủ mình trong vòng tay ấm áp của cô, hít lấy mùi nước hoa thoảng trong tóc cô. Tôi nhanh chóng đặt lòng tin vào cô Gold.
Cô ấy đã trở thành người bạn thân thiết nhất của tôi. Sau khi tan học, chỉ cần nhìn thấy xe của cô Gold là tôi lại chạy hết tốc lực về nhà cô Mary, vì biết chắc rằng có cô Gold đến thăm tôi. Sau mỗi lần trò chuyện, hai cô cháu đều ôm chào tạm biệt nhau thắm thiết. Lần ấy, cô cúi xuống và nói với tôi rằng tôi không đáng bị đối xử như trước đây và rằng những gì mẹ đã gây ra cho tôi không phải do lỗi của tôi. Trước đây tôi cũng đã nghe những lời này của cô, nhưng sau nhiều năm tháng bị mẹ tẩy não, tôi dường như không còn mấy niềm tin vào những điều đó nữa. Quá nhiều chuyện đã xảy ra và xảy ra quá nhanh. Một lần tôi hỏi cô Gold tại sao cô ấy lại cần những thông tin về mẹ tôi và tôi như vậy. Và tôi kinh hãi khi cô ấy nói rằng, chính quyền địa phương cần những thông tin ấy để buộc tội mẹ tôi.
- Không được! - Tôi hoảng hốt van xin. - Không bao giờ được để bà ấy biết cháu đã nói những gì với cô! Không bao giờ!
Cô Gold trấn an rằng tôi đang làm đúng, nhưng khi cô ấy để tôi lại một mình với những dòng suy nghĩ, thì tôi lại nghĩ khác. Tôi cứ nhớ rằng mình là một đứa chuyên gây rắc rối. Tôi luôn bị phạt không vì lý do này thì cũng vì lý do khác. Bất cứ khi nào cha mẹ cãi nhau, thì tôi cũng chính là nguyên nhân. Vậy đó có thật là lỗi của mẹ? Có lẽ tôi đáng phải nhận lấy tất cả những điều đó trong suốt thời gian qua. Tôi đã nói dối và đánh cắp thức ăn. Tôi còn biết mình chính là nguyên nhân khiến cho cha mẹ không sống chung với nhau nữa. Liệu tòa án địa phương có bỏ tù mẹ tôi không? Rồi chuyện gì sẽ xảy đến cho các anh em của tôi? Ngày hôm đó, sau khi cô Gold ra về, tôi ngồi một mình trên chiếc ghế dài. Hàng ngàn câu hỏi nhảy múa trong đầu tôi. Tôi thấy lòng mình sao mà tê tái. Chúa ơi! Mình vừa làm gì thế này!
Vài ngày sau, vào một chiều Chủ nhật, khi đang ở ngoài sân học chơi bóng rổ, tôi nghe thấy tiếng xe quen thuộc của mẹ. Tim tôi như ngừng đập. Tôi nhắm mắt lại, nghĩ rằng mình đang mơ. Khi định thần trở lại, tôi quay đầu chạy thục mạng vào trong nhà và va vào người cô Mary.
- Đó là... Đó là... Của cháu. - Tôi lắp bắp.
- Ừ, Cô biết rồi. - Cô Mary ôm lấy tôi và dịu dàng trả lời. - Cháu sẽ không sao hết.
- Không! Cô không hiểu... đâu... Bà ấy đến để đem cháu đi! Bà ấy đã tìm thấy cháu rồi! - Tôi vừa hét lên vừa cố giằng mình thoát khỏi vòng tay của cô để chạy ra ngoài tìm một nơi nào đó thật an toàn để nấp.
Nhưng cô Mary không chịu buông tôi ra. Cô nói:
- Cô không muốn làm cháu lo lắng đâu. Bà ấy chỉ ghé qua để đưa vài bộ quần áo cho cháu thôi. Cháu sẽ đến tòa án vào thứ Tư này, và mẹ cháu muốn nhìn thấy cháu thật tươm tất.
- Không! - Tôi gào khóc. - Bà ấy sẽ đưa cháu đi. Bà ấy sắp mang cháu về nhà rồi cô ơi!
- David, bình tĩnh nào! Cô sẽ ở đây với cháu nếu cháu thấy cần. Nào, giờ thì bình tĩnh lại đã nào chàng trai!
Cô Mary cố hết sức để giúp tôi bình tĩnh trở lại. Nhưng mắt tôi gần như muốn nổ tung khi trông thấy mẹ đi xuống lối đi dẫn vào nhà, theo sau là bốn đứa con trai của bà ấy.
Tôi ngồi ngay cạnh cô Mary. Hai bên chào hỏi qua lại. Và giống như một con chó đã được huấn luyện, tôi trở về với phần tự kỷ xưa cũ của mình - đứa trẻ người ta gọi là “Nó”. Chỉ trong tích tắc, tôi từ một cậu bé hiếu động vụt biến thành tên nô lệ quen thuộc của mẹ.
Mẹ thậm chí còn không màng đến sự có mặt của tôi. Thay vào đó, bà ấy quay sang hỏi cô Mary:
- Nào, giờ thì cho tôi biết Thằng bé thế nào rồi?
Tôi nhìn cô Mary. Cô có vẻ hơi giật mình.
- David ư? David rất khỏe, cảm ơn chị. Cậu bé đang ở ngay đây, chị biết mà. - Cô Mary vừa trả lời vừa ôm chặt lấy tôi.
- Vâng. - Mẹ tôi lạnh lùng đáp lại. - Tôi nhìn thấy nó mà. À này, nó làm quen với những đứa trẻ khác như thế nào nhỉ? - Tôi có thể cảm nhận rõ lửa hận thù ánh lên trong mắt mẹ.
Cô Mary hất đầu về một bên ra chiều thách thức.
- Tốt cả. David rất lễ phép và thường hay giúp đỡ chúng tôi. Cậu bé luôn sẵn sàng giúp người khác khi họ gặp khó khăn. - Cô Mary trả lời, trong lòng đã hiểu rằng mẹ không có ý định nói chuyện trực tiếp với tôi.
- À... mà chị phải cẩn thận đấy nhé. - Mẹ lên tiếng cảnh báo cô Mary. - Nó chuyên đánh những đứa trẻ khác đấy. Nó sống không được hòa thuận lắm với những người xung quanh đâu. Thằng bé này rất hung tợn. Nó cần được đặc biệt chú ý và quản thúc, và việc đó chỉ có tôi mới làm được. Chị không biết Thằng bé này thế nào đâu.
Tôi cảm thấy tay cô Mary đang run lên và siết chặt lấy tôi. Cô hơi khom người về phía trước, nhìn mẹ tôi và cười rất tươi - kiểu cười như thể đấm thẳng vào sự bệnh hoạn của mẹ tôi. Rồi cô từ tốn: David là một cậu bé ngoan. David hơi khó bảo một tí... nhưng điều đó có thể được giải thích bởi những gì mà cậu bé đã phải trải qua!
Tôi bất chợt hiểu được chuyện gì đang diễn ra. Mẹ đang cố nắm quyền kiểm soát cô Mary, nhưng mẹ đã thất bại. Bề ngoài, tôi chùng vai, mắt dán xuống sàn nhà, thỉnh thoảng lấm lét nhìn mẹ dò xét. Nhưng bên trong, tai của tôi dỏng lên như một cái ra-đa, bắt lấy từng câu nói, từng âm tiết phát ra trong cuộc nói chuyện.
Cuối cùng, tôi nói với chính mình, cuối cùng cũng đã có người đặt mẹ vào đúng vị trí của bà ấy. Phải vậy chứ!
Càng nghe thấy giọng nói lúc trầm lúc bổng của cô Mary khi nói chuyện với mẹ, khuôn mặt tôi càng rạng rỡ hẳn ra. Tôi thấy thích thú làm sao. Tôi từ từ ngẩng đầu lên. Tôi đã dám nhìn thẳng vào mắt mẹ. Tôi cười thầm trong bụng. Chà, như thế này không tốt à. Đã đến lúc rồi đây, tôi tự nhủ. Ngồi nghe hai người nói chuyện, đầu tôi bắt đầu lúc lắc qua lại, như thể tôi đang theo dõi một trận đấu quần vợt vậy. Cô Mary đang cố làm cho mẹ thừa nhận tôi. Tôi quay sang nhìn mẹ gật đầu như thể công khai sự đồng tình của mình với những gì cô Mary nói.
Lúc bấy giờ tôi bắt đầu cảm thấy cực kỳ tự tin. Tôi đã được làm một ai đó. Tôi đã trở thành một người nào đó. Tôi cảm thấy cơ thể được thả lỏng thật thoải mái. Tôi không còn thấy sợ hãi nữa. Lần đầu tiên, mọi thứ đến với tôi thật tốt đẹp - cho đến khi tôi nghe tiếng chuông điện thoại. Tôi quay ngoắt sang bên phải khi nghe tiếng chuông điện thoại trong nhà bếp vang lên inh ỏi. Tôi hồi hộp đếm từng hồi chuông, cầu mong cho ai đó hãy gác máy đi. Cả người tôi căng lên sau hồi chuông thứ mười hai. Cô Mary quay về phía nhà bếp. Tôi níu tay cô ấy lại. Thôi nào, tôi tự nói trong lòng. Không có ai ở nhà đâu. Gác máy đi mà. Nhưng những hồi chuông vẫn cứ réo vang - hồi thứ mười sáu, thứ mười bảy, thứ mười tám. Gác máy đi mà! Gác máy đi mà! Cô Mary đang dợm người đứng dậy. Tôi bám chặt lấy tay cô, cố níu cô ở lại. Khi cô Mary đứng dậy, tôi cũng đứng lên theo. Tay phải của tôi cứ giữ chặt lấy cánh tay trái của cô. Bỗng cô dừng lại nhìn tôi, rồi cô nhẹ nhàng gỡ tay tôi ra.
- David, thôi nào. Cô phải đi nghe điện thoại. Vì Chúa, cháu đừng cư xử khiếm nhã như thế chứ. Bây giờ thì trở lại chỗ ngồi của cháu đi.
Tôi đứng đó như trời trồng, thảng thốt nhìn vào mắt cô Mary. Chừng hiểu ra ý của tôi, cô gật đầu.
- Thôi được rồi. - Cô Mary nói khẽ. - Đi nào, cháu cứ ở bên cạnh cô cũng được.
Tôi thở phào nhẹ nhõm rồi lẽo đẽo theo chân cô ấy vào nhà bếp. Đột nhiên, vai trái của tôi bị kéo ngược trở lại. Tôi gần như không đứng vững được nữa. Theo phản xạ, tôi vùng mình để giữ thăng bằng. Tôi nhắm mắt, bặm môi. Chân tôi run lên. Ngay trước mặt tôi là khuôn mặt tím tái của mẹ. Hơi thở dồn dập, nặng nề của bà khiến người tôi run lên bần bật. Tôi có thể thấy đôi mắt phía sau cặp kính của bà đang long lên dữ tợn. Tôi đảo mắt tìm kiếm vị cứu tinh của mình, nhưng cô Mary đã vào bếp tự lúc nào.
Tôi nhìn chằm chằm xuống sàn nhà, chỉ ước sao mẹ hãy tan biến đi. Bà bóp chặt lấy tay tôi.
- Nhìn tao đây này! - Bà rít lên.
Tôi như hóa đá. Tôi muốn la lên, nhưng cổ họng cứ ứ nghẹn lại. Đôi mắt ác quỷ của bà nhìn vào mắt tôi chòng chọc. Tôi rúm người và nhắm nghiền mắt lại khi bà cứ dí đầu vào mặt của tôi. Giọng nói vốn đều đều của mẹ trở nên hằn học.
- Phải mày đấy không, thằng con hoang tự phụ tự mãn? Ái chà, mày cũng đâu có cao lớn hơn là mấy đâu nhỉ. Đúng không nào? Chuyện gì thế nhỉ? Bà cô Mary bé bỏng của mày bỏ mày đi đâu rồi à? - Giọng bà nhài nhại mỉa mai.
Rồi mẹ kéo mạnh tôi để tôi buộc phải nhìn thẳng vào mặt bà. Trong lúc bà mắng, tôi có thể ngửi thấy hơi thở nồng nặc của mẹ và cảm giác được từng giọt nước bọt bắn thẳng vào mặt. Rồi giọng mẹ chợt lạnh như băng:
- Mày có biết mày đã làm cái quái quỷ gì không? Mày có biết không?! Mày có biết người ta hỏi tao những gì không? Mày có biết mày đã khiến gia đình phải xấu hổ vì những việc mày đã làm không hả?
Mẹ vừa đặt ra một đống câu hỏi vừa chỉ vào những người anh em của tôi đang ngồi cạnh bà.
Đầu gối của tôi như chùng xuống. Tôi muốn vào nhà tắm mà nôn ra. Mẹ mỉm cười, để lộ hai hàm răng vàng xỉn.
- Người ta nghĩ tao cố tình đánh đập mày. Vậy tại sao bây giờ tao phải làm điều đó nhỉ?
Tôi cố gắng ngoái đầu về phía nhà bếp. Tôi nghe loáng thoáng giọng của cô Mary vẫn đang đều đều nói chuyện với ai đó qua điện thoại.
- Này thằng kia! - Mẹ rít lên. - Thằng kia... mày nghe cho rõ đây! Tao không cần biết chúng nó nói những gì! Tao không cần biết chúng nó làm những gì! Mày chưa thoát khỏi tay tao đâu! Tao sẽ lôi được mày về! Mày có nghe tao nói không? Tao sẽ lôi mày về bằng được!
Nghe tiếng cô Mary gác điện thoại, mẹ buông tay ra và đẩy tôi đi. Tôi ngồi trở lại vào chiếc ghế rộng, lấm lét nhìn vị cứu tinh của tôi đang quay trở lại phòng khách và ngồi xuống cạnh tôi.
- Tôi xin lỗi vì chuyện vừa rồi. - Cô Mary nói.
Mẹ chớp mắt và phẩy tay. Đột nhiên bà ấy tỏ ra kiểu cách. Màn kịch bắt đầu.
- Chuyện vừa rồi? À, điện thoại? Không sao. Tôi phải... Ý tôi là, dù sao chúng tôi cũng sắp phải đi rồi.
Tôi lén nhìn mấy anh em của mình. Đôi mắt của chúng ánh lên những tia nhìn khó chịu. Tôi nhìn chúng chằm chằm, tự hỏi chúng đang nghĩ gì về mình. Ngoại trừ Kevin chỉ mới biết đi, thì những đứa còn lại dường như chỉ muốn ném tôi ra ngoài đường và mặc sức giẫm đạp lên người tôi mà thôi. Tôi biết chúng ghét tôi, và tôi thấy mình đáng bị như vậy. Bởi tôi đã tiết lộ bí mật bấy lâu của gia đình mình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Tôi cố tưởng tượng mấy anh em của tôi sẽ sống với mẹ thế nào. Chẳng hiểu sao tôi vẫn cầu nguyện để họ tha thứ cho tôi. Tôi thấy mình như một kẻ đào ngũ. Tôi cũng cầu nguyện cho vòng tròn thù hận ấy sẽ không chuyển sang ai trong số những người anh em của mình. Tôi lấy làm tiếc cho họ. Họ phải sống trong cảnh địa ngục với mẹ.
Sau vài câu pha trò lịch sự và thêm vài lời cảnh báo mẹ nói với cô Mary, gia đình tôi ra về. Nghe tiếng bánh xe cán rôm rốp trên con đường rải đá cuội, tôi vẫn còn thừ người ra trên ghế. Tôi ngồi như thế trong phòng khách suốt một đỗi lâu sau khi mẹ đi, lắc lư người và lặp đi lặp lại câu nói của mẹ: “Tao sẽ lôi mày về bằng được. Tao sẽ lôi mày về bằng được”.
Tối hôm ấy, tôi không ăn uống gì được. Tôi cứ trằn trọc trên giường rồi bật dậy ngồi bó gối thu lu ở góc giường. Mẹ nói đúng. Hơn ai hết, tôi thừa biết rồi bà sẽ bắt được tôi trở về nhà. Tôi nhìn ra cửa sổ. Tôi nghe thấy tiếng gió rít qua những tàng cây và tiếng những cành cây va vào nhau xào xạc. Ngực tôi thắt lại. Tôi khóc. Ngay lúc này đây, tôi biết sẽ không có lối thoát nào cho mình nữa hết.
Ngày hôm sau đến trường, tôi không thể tập trung vào bài vở. Tôi tha thẩn đi quanh sân trường như người chết rồi. Chiều hôm đó, tôi gặp cô Gold ở nhà cô Mary.
- David này, hai ngày nữa chúng ta sẽ ra tòa.
Cô muốn hỏi cháu một vài câu để rõ hơn trường hợp này của chúng ta. Được không bé cưng? - Cô vừa hỏi vừa nở một nụ cười thật tươi.
Tôi không nói không rằng và cứ thế ngồi yên ở góc chiếc ghế dài. Tôi không thể nhìn vào cô Gold. Trước sự ngỡ ngàng của cô ấy, tôi lí nhí:
- Cháu nghĩ là cháu không nên nói thêm điều gì nữa cả.
Cô Gold gần như muốn bật ngửa. Cô ấy định nói gì đó, nhưng tôi đưa tay cắt lời cô. Rồi tôi bắt đầu làm mọi cách để đính chính những gì mình đã nói trong thời gian qua. Tôi còn khẳng định mình đã nói dối mọi chuyện. Tôi nói rằng chính tôi đã gây ra những rắc rối ở nhà. Tôi nói với cô ấy rằng tôi đã bị té cầu thang. Tôi đã chạy tông vào nắm tay mở cửa. Tôi đã tự đánh đập mình. Tôi đã tự đâm vào da thịt mình. Rồi tôi khóc mà nói với cô Gold rằng mẹ tôi là một phụ nữ xinh đẹp, tử tế, rằng mẹ đã trồng được một vườn hoa rất đẹp, chăm sóc cho cả gia đình, và rằng tôi ghen tị với những người anh em của mình vì sự quan tâm mà mẹ đã dành cho họ, tôi khao khát được mẹ quan tâm nhiều hơn nữa. Và rằng mọi thứ là lỗi của tôi.
Cô Gold không nói một lời. Cô khẽ nhích lại gần chỗ tôi đang ngồi. Cô nhiều lần cố đưa tay ra nắm lấy tay tôi. Tôi hất bàn tay mảnh khảnh của cô ra khỏi tay mình. Quá nản chí, cô bật khóc. Sau nhiều giờ liền với biết bao nỗ lực, cô Gold lại nhìn vào mắt tôi, khuôn mặt cô vẫn còn nguyên những vệt nước mắt:
- David, bé cưng à. - Cô sụt sịt. - Cô không hiểu. Tại sao cháu lại không nói chuyện với cô? Làm ơn đi cưng ơi.
Rồi cô bắt đầu đánh vào tâm lý của tôi. Cô đứng bật dậy và chỉ tay về phía tôi.
- Cháu không biết chuyện này quan trọng thế nào sao? Cháu không biết là cô đã kể thế nào với mọi người về một cậu bé rất can đảm khi dám nói lên sự thật sao?
Tôi nhìn cô Gold, rồi tôi lại khiến cô sững sỡ.
- Cháu nghĩ cháu không nên nói thêm gì nữa hết. - Tôi lạnh lùng đáp lời cô.
Cô Gold cúi thấp người, cố để tôi nhìn vào mắt cô.
- David này, làm ơn đi cháu... - Cô ấy lại van nài.
Nhưng đối với tôi, lúc này cô ấy không còn tồn tại trước mặt tôi nữa. Tôi biết rằng cô nhân viên xã hội của tôi đang nỗ lực làm tất cả để giúp tôi, nhưng tôi lại sợ cơn phẫn nộ của mẹ hơn là của cô ấy. Từ giây phút mẹ tuyên bố Tao sẽ giành lại mày, tôi biết rằng mọi thứ trong thế giới mới của tôi sẽ không còn nữa.
Cô Gold đưa tay ra nắm lấy tay tôi. Tôi lại hất tay cô ra. Tôi quay lưng đi.
- David James Pelzer! - Cô ấy quát lên. - Cháu có biết mình đang nói gì không? Cháu có hiểu mình đang làm gì không? Tốt hơn là cháu nên nói ra mọi chuyện! Cháu sắp phải có một quyết định quan trọng, dù cháu còn khá nhỏ, và tốt hơn là cháu nên chuẩn bị tinh thần cho điều đó đi!
Cô Gold ngồi xuống, kẹp chặt tôi ở giữa hai đầu gối của cô.
- David, cháu phải hiểu rằng, trong cuộc đời mỗi người luôn có những phút giây quý giá. Đó là những thời điểm mà những quyết định, những lựa chọn mà cháu thực hiện sẽ tác động đến phần đời còn lại của cháu. Cô có thể giúp cháu, nhưng chỉ khi nào cháu để cho cô làm điều đó. Cháu có hiểu không?
Tôi lại quay đi. Đột nhiên, cô Gold đứng phắt dậy. Mặt cô đỏ bừng và tay cô run lên. Tôi cố gắng kiềm chế cảm xúc của mình, nhưng những cảm xúc trong tôi đã bùng nổ.
- Không! - Tôi hét lên. - Cô không biết à? Cô không hiểu à? Bà ấy sẽ đưa cháu về nhà thôi. Bà ấy sẽ thắng. Bà ấy luôn luôn thắng. Không ai có thể cản bước được bà ấy. Cô không thể, bất cứ ai khác cũng không thể. Bà ấy sẽ giành lại cháu mà thôi!
Cô Gold sững sờ.
- Chúa ơi! - Cô Gold vừa kêu lên vừa cúi xuống đỡ lấy tôi. - Có phải đó là điều bà ấy đã nói với cháu không? David, bé cưng à... - Cô dang tay ra ôm lấy tôi.
- Không! - Tôi hét lên. - Cô không để cháu yên được à? Cô... đi... Chỗ... khác đi!
Cô Gold đứng yên một lúc, rồi cô quay gót chạy ào ra khỏi phòng. Vài giây sau đó tôi nghe thấy tiếng đóng cửa đánh rầm từ phía nhà bếp. Không kịp suy nghĩ, tôi chạy ngay vào nhà bếp, nhưng rồi tôi lại đứng bất động đằng sau cánh cửa. Qua tấm rèm cửa, tôi thấy cô Gold trượt chân ngã xuống đất. Cô tuột tay đánh rơi mớ giấy tờ rồi lồm cồm đón nhặt từng tờ giấy đang rơi lả tả.
- Quỷ tha ma bắt! - Cô ấy hét lên.
Cô vừa gượng đứng lên được thì lại ngã xuống. Đầu gối bên phải của cô đập xuống nền nhà. Tôi nhìn thấy nỗi thất vọng tràn trề trên khuôn mặt của cô Gold khi cô ấy đưa tay lên miệng để dằn những tiếng nấc chỉ chực bật ra. Cô Gold lại gắng gượng đứng lên. Lần này cô cẩn trọng bước đi về hướng chiếc xe của Hạt đang đậu bên ngoài. Cô đóng sầm cửa xe và gục đầu lên vô lăng. Từ sau cánh cửa, tôi có thế nghe thấy tiếng nức nở vỡ òa của cô Gold - thiên thần của tôi. Một lát sau đó, cô nổ máy xe và lao đi.
Tôi đứng tần ngần sau tấm rèm, trong lòng dậy sóng. Tôi biết rằng không bao giờ tôi có thể tha thứ cho mình. Nhưng rõ ràng việc tôi nói dối cô Gold dù sao vẫn nhẹ hơn so với việc tôi nói ra bí mật của mẹ. Tôi một mình đứng đó sau tấm rèm cửa, lòng rối bời. Tôi cảm nhận được một điều, rằng nếu tôi nói dối, tôi đã bảo vệ được mẹ, tôi đã làm đúng. Tôi biết mẹ sẽ đưa tôi trở về nhà với bà và không ai có thể ngăn cản bà làm điều đó. Nhưng rồi tôi lại nghĩ về sự tử tế mà cô Gold đã dành cho tôi trong suốt thời gian qua. Tôi chợt nhận ra mình đã đặt cô ấy vào một tình thế khủng khiếp như thế nào. Không bao giờ tôi có ý định làm tổn thương ai cả, đặc biệt là cô Gold. Tôi cứ đứng chết trân như thế đằng sau tấm rèm cửa. Tôi ước mình có thể chui vào một tảng đá và ẩn mình ở đó, mãi mãi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

CHƯƠNG 3 THỬ THÁCH


Hai ngày sau đó, cô Gold đưa tôi đến tòa án địa phương. Chuyến đi hôm ấy diễn ra trong bầu không khí im lặng tuyệt đối. Tôi ngồi sát ra phía cửa xe, mắt chăm chăm nhìn cảnh vật hai bên đường. Chiếc xe chạy trên Đường cao tốc 280 hướng về phía Bắc, dọc theo hệ thống ống dẫn nước mà gia đình tôi vẫn thường lái xe chạy ngang qua trên đường đến Công viên Memorial(2) nhiều năm trước. Cuối cùng cô Gold cũng đã phá tan bầu không khí im lặng nặng nề đó. Cô nhỏ nhẹ nói rằng hôm nay quan tòa sẽ quyết định để tôi hoặc trở thành “đứa trẻ được đặt dưới sự giám hộ thường trực của tòa án”, hoặc phải trở về chịu sự quản thúc của mẹ tôi. Tôi không hiểu cái gọi là “đứa trẻ được đặt dưới sự giám hộ thường trực của tòa án”, nhưng tôi hiểu rõ thế nào là “trở về chịu sự quản thúc của mẹ”. Tôi rùng mình khi nghe cô Gold nhắc đến chuyện tôi trở về nhà với mẹ. Tôi ngẩng lên nhìn cô, tự hỏi sau phiên tòa, tôi sẽ đi cùng cô Gold hay sẽ trở về nhà trên chiếc xe của mẹ. Tôi hỏi cô Gold có khi nào mẹ giành được quyền bắt tôi trở về nhà hay không. Cô Gold vỗ nhẹ tay tôi và khẽ gật đầu. Đầu tôi như muốn đổ sụm về phía trước. Tôi không còn đủ sức để chịu đựng thêm nữa. Tôi đã không thể chợp mắt được kể từ lần cuối cùng gặp mẹ. Càng đến gần tòa án, tôi càng cảm thấy như mình đang trượt dần khỏi vòng bảo bọc an toàn của cô Gold mà trở về với những nanh vuốt của mẹ.
(2) Công viên Memorial là một công viên đô thị ở Houston, Texas. Đó là một trong những công viên đô thị lớn nhất nước Mỹ. Công viên này mở cửa từ năm 1924, có diện tích khoảng 1,466 mẫu - khoảng 6 km2.
Tôi nắm chặt hai bàn tay lại và bắt đầu đếm ngược.
Cô Gold nhẹ nhàng nắm chặt lấy bàn tay trái của tôi. Chẳng hiểu sao tôi lại giật mình thảng thốt rút tay lại rồi che lấy mặt. Phải mất một lúc tôi mới nhớ rằng người ngồi kế tôi là cô Gold chứ không phải là mẹ. Tôi hít một hơi thật sâu rồi tự gật đầu trấn an mình.
- David à, - cô Gold cất lời, - hãy lắng nghe cô thật rõ đây. Đây là cuộc nói chuyện của cháu với bà Pam - Pamela Gold, không phải với cô Gold, cô nhân viên xã hội của cháu đâu. Cháu có hiểu không?
Tôi không nén được tiếng thở dài. Tôi biết chúng tôi chỉ còn cách tòa án chừng vài dặm đường nữa mà thôi.
- Vâng, thưa cô. Cháu hiểu ạ.
- David à, những gì mà mẹ cháu đã gây ra cho cháu là hoàn toàn sai trái. Rất sai trái. Không đứa trẻ nào đáng bị đối xử như vậy cả. Bà ấy thật bệnh hoạn. - Giọng của cô Pam nhẹ nhàng và điềm tĩnh vô cùng. Nhưng dường như cô đang cố nén để không bật khóc. - Cháu có nhớ hôm buổi chiều thứ Hai cô có nói với cháu rằng một ngày nào đó cháu phải có quyết định cho cuộc đời mình không? Hôm nay chính là ngày đó của cháu đấy. Quyết định mà cháu phải đưa ra trong ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến phần đời còn lại của cháu. Chỉ có cháu mới có quyền quyết định số phận của mình. Những người khác chỉ làm những gì trong khả năng của họ - các thầy cô của cháu, cô y tá của trường cháu, cô Mary, tất cả mọi người. Còn bây giờ, tất cả phụ thuộc vào cháu. David à, cô rất tin tưởng ở cháu. Cháu là một chàng trai rất dũng cảm. Không phải đứa trẻ nào cũng đủ can đảm để nói lên sự thật như cháu đâu. Một ngày nào đó, những ký ức chỉ còn là quá khứ mà thôi.- Cô im lặng một lát. - David à, cháu là một chàng trai rất dũng cảm.
- Cô ơi, cháu lại không thấy mình dũng cảm chút nào cả. Cháu thấy mình... giống như... giống như một kẻ phản bội.
- David này, - cô Pam mỉm cười, - cháu không phản bội ai hết! Sao cháu không quên điều đó đi nhỉ.
- Nếu bà ấy bị bệnh, vậy thì những người anh em khác của cháu sẽ thế nào đây? Cô có sẵn lòng giúp họ không? Điều gì sẽ xảy ra nếu bà ấy lại nhắm vào họ?
- À, vào thời điểm này thì mối quan tâm duy nhất của cô chính là cháu. Cô không có bất cứ thông tin nào cho thấy mẹ cháu đang hoặc sẽ ngược đãi các anh em của cháu. Chúng ta hãy giải quyết cho xong chuyện này đã. Hãy thực hiện từng bước một cháu nhé. Được chứ? David này... - Cô Gold tắt máy xe. Chúng tôi đã đến tòa án.
- Vâng, thưa cô?
- Cô muốn cháu biết rằng cô yêu cháu. - Tôi nhìn vào mắt cô Gold. Đôi mắt ấy mới trong trẻo làm sao. - Cô thực sự rất yêu quý cháu. - Nói rồi cô Gold đưa tay vuốt nhẹ má tôi.
Tôi khẽ gật đầu, nước mắt lưng tròng. Cô Gold âu yếm nâng cằm tôi lên. Tôi ghì chặt đầu vào tay cô, tránh né ánh nhìn đầy quan tâm và thương yêu của cô. Tôi khóc vì biết rằng một lát nữa đây, tôi sẽ phản bội lại những tình cảm mà cô Pam đã dành cho mình.
Một lát sau, chúng tôi đi vào phòng chờ của tòa án. Cô Gold nắm chặt tay tôi. Mẹ và các anh em của tôi cũng đang ngồi đợi trên một băng ghế. Khi đi ngang qua chỗ mẹ, cô Gold khẽ gật đầu chào. Tôi trộm nhìn mẹ. Bà ấy mặc một chiếc đầm rất đẹp, đầu tóc được chải bới rất chỉn chu.
Chân của Ron có một vết hằn.
Không ai chú ý đến tôi, nhưng tôi vẫn cảm nhận được lòng thù hận của mẹ. Cô Gold và tôi ngồi xuống, chờ tới lượt mình. Khoảng thời gian chờ đợi ấy thật ngột ngạt. Tôi nép sát vào cô Gold rồi khẽ thì thầm hỏi xin cô một cây bút và một tờ giấy. Tôi bắt đầu viết nguệch ngoạc vào mẩu giấy nhỏ:
Gửi mẹ:
Con thành thật xin lỗi. Con không có ý làm mọi chuyện ra nông nỗi này. Con không có ý nói ra sự thật. Con không có ý làm tổn thương gia đình mình. Mẹ có thể tha thứ cho con không?
Con trai của mẹ, David.
Cô Gold đọc qua mẩu giấy rồi gật đầu ra hiệu đồng ý để tôi đưa cho mẹ. Tôi lúng túng đi về phía mẹ. Bất kỳ lúc nào phải đối diện với mẹ, tôi lại trở về là một thằng nhóc không được thừa nhận. Tôi cúi gằm xuống đất, hai tay ép sát vào người. Tôi chờ đợi mẹ sẽ nói điều gì đó, sẽ hét vào mặt tôi, sẽ tát tôi, bất cứ điều gì. Nhưng không. Bà ấy thậm chí còn không thèm để tâm đến sự hiện diện của tôi. Tôi len lén ngước nhìn bà. Rồi tôi rụt rè chìa mẩu giấy cho mẹ. Mẹ giật mạnh lấy mẩu giấy, đọc lướt qua rồi xé nó làm đôi. Tôi cúi đầu lầm lũi trở về chỗ cô Gold đang ngồi. Cô nhẹ nhàng choàng tay ôm lấy vai tôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Một lát sau, cô Gold, mẹ, bốn người anh em của tôi và tôi cùng đi vào phòng xử án. Tôi ngồi phía sau một cái bàn màu đen, lấm lét nhìn người đàn ông mặc chiếc áo choàng màu đen đứng ở phía trên.
- Đừng sợ. - Cô Gold thì thầm. - Quan tòa sẽ hỏi cháu vài câu. Việc cháu nói sự thật với ông ấy quan trọng lắm, rất quan trọng. - Cô Gold nhấn mạnh từng chữ.
Biết kết quả cuối cùng sẽ sớm được quyết định chỉ trong ít phút nữa thôi, nên tôi cứ bóp bóp tay cô Gold với vẻ bồn chồn. Cháu xin lỗi vì đã mang đến cho cô không biết bao nhiêu rắc rối... Tôi muốn nói với cô ấy sự thật - một sự thật thật sự - nhưng tôi lại không có đủ dũng khí. Lại thêm việc thiếu ngủ mấy đêm qua khiến đầu óc tôi trở nên mụ mẫm, cơ thể rệu rã. Cô Gold mỉm cười trấn an tôi, nụ cười để lộ hàm răng trắng như sứ tuyệt đẹp. Ngay lúc ấy, một mùi hương quen thuộc lại phảng phất trong tôi. Tôi nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu...
Viên thư ký phiên tòa bắt đầu đọc số và tên của tôi. Vừa nghe thấy tên của mình, tôi ngước nhìn về phía viên thẩm phán, ông ấy đưa tay chỉnh lại cặp kính và nhìn xuống chỗ tôi đang ngồi.
- Vâng, trường... à... trường hợp của cậu bé Pelzer. Vâng. Xin cho tôi biết đại diện từ phía địa phương đã có mặt chưa ạ? - Vị quan tòa hỏi.
Cô Gold đằng hắng lấy giọng và nháy mắt với tôi.
- Chúng tôi đã có mặt ở đây.
Viên thẩm phán gật đầu với cô Gold.
- Cô sẽ có vài lời giới thiệu chứ?
- Xin cảm ơn, thưa ngài. Như tòa đã biết, qua bản tóm tắt kết quả kiểm tra sức khỏe tổng quát của bác sĩ nhi khoa, qua những cuộc tiếp xúc với các thầy cô giáo cũ của cậu bé, một số cuộc tiếp xúc với những người có liên quan, và những báo cáo của tôi, địa phương xin khuyến nghị David Pelzer được tòa giám hộ thường trực.
Tôi sững sờ nhìn chằm chằm cô Gold. Chính là giọng nói của cô. Tôi biết người đang nói chính là cô, nhưng giọng nói ấy đã trở nên đanh thép lạ kỳ. Tôi nhìn xuống chân của cô. Đầu gối cô đang run lên. Tôi nhắm nghiền mắt. Ôi Chúa ơi, tôi thều thào. Khi tôi mở mắt ra, tôi thấy cô Gold đã trở về chỗ ngồi và cố giấu đi đôi tay đang run rẩy. Viên thẩm phán lại hỏi:
- Bà Pelzer? Bà có muốn nói gì không?
Mọi người đều quay về phía mẹ. Thoạt đầu, tôi nghĩ mẹ không nghe thấy lời của thẩm phán.
Bà chỉ nhìn về phía ghế ngồi của viên thẩm phán với gương mặt không một chút biểu cảm. Vài giây sau đó, tôi nhận ra mẹ đang toan tính điều gì. Mẹ đang nhìn chằm chằm vị quan tòa để cố tạo một chút áp lực đối với ông ấy.
- Ưm... Bà Pelzer đây đúng không ạ? Bà có muốn nói điều gì liên quan đến con trai bà là David hay không?
- Tôi không có gì để nói cả. - Mẹ trả lời bằng một giọng hết sức thản nhiên.
Viên thẩm phán nhăn trán rồi khẽ lắc đầu:
- Tốt. Cảm ơn bà, bà Pelzer. Tòa chấp nhận.
Rồi ông ấy quay sang cô Gold:
- Đây là một trường hợp rất phức tạp, rất bất thường. Tôi đã đọc qua bản cáo trạng, và tôi thấy băn khoăn ở điểm này...
Tôi không còn khái niệm về thời gian khi vị thẩm phán bắt đầu nói những câu dài lê thê. Tôi thấy lòng mình chùng xuống. Tôi biết, rồi đây mọi thủ tục cũng được hoàn tất và tôi sẽ trở về với mẹ. Tôi liếc nhìn về phía mẹ. Khuôn mặt bà lạnh như băng. Tôi nhắm mắt, hình dung cảnh mình sẽ quay lại cái chân cầu thang tăm tối và ngồi trên hai lòng bàn tay, đói khát, tủi nhục, bơ vơ như một con thú hoang. Tôi không biết rồi đây mình có trở lại với cuộc sống u ám và ngột ngạt đó hay không. Tôi chỉ muốn thoát khỏi những đớn đau và sỉ nhục ê chề mà thôi.
- David? - Cô Gold vừa huých vào người tôi vừa nói khẽ. - David, quan tòa muốn cháu đứng lên kìa.
Tôi lắc đầu định thần trở lại. Nãy giờ tôi lại buồn ngủ nữa rồi.
- Gì cơ ạ? Cháu không hiểu...
Cô Gold nắm lấy khuỷu tay tôi thúc giục.
- Nhanh lên nào, David. Quan tòa đang đợi đấy.
Tôi ngước nhìn vị thẩm phán, ông nhìn tôi gật đầu ra hiệu bảo tôi đứng dậy. Cổ họng tôi nghẹn lại như thể có một quả táo to mắc kẹt trong đó. Khi tôi từ từ đẩy ghế đứng lên, cô Gold vỗ nhẹ vào tay tôi và nói:
- Sẽ ổn cả thôi cháu ạ. Chỉ cần cháu nói với quan tòa sự thật là được rồi...
- Nào, cháu bé. - Quan tòa lên tiếng. - Sự việc có thể tóm tắt như thế này: Nếu tòa yêu cầu và nếu cháu tin rằng gia đình hiện tại không được như mong muốn của cháu... Cháu có thể trở thành đứa trẻ được tòa giám hộ thường trực, nếu không, cháu có thể trở về với mẹ và chung sống với gia đình của mình.
Tôi mở to mắt. Không thể tin được giây phút này rồi cũng đến. Mọi ánh mắt trong căn phòng nhỏ đều đổ dồn về phía tôi. Người phụ nữ đứng tuổi có mái tóc hoa râm đang đặt sẵn tay trên cái máy đánh chữ có hình thù kỳ lạ, chuẩn bị gõ lại những lời nói của tôi. Mỗi lần có ai đó nói, người phụ nữ ấy lại nhanh chóng gõ cạch cạch xuống cái bàn phím một cách tỉ mỉ. Tôi nuốt nước bọt một cách khó khăn và siết chặt hai bàn tay vào nhau. Liếc mắt về phía mẹ, tôi cảm nhận rõ lòng thù hận trong mẹ lại trỗi lên.
Tôi cố gắng tập trung nhìn vị quan tòa. Tôi lại nuốt nước bọt một cách khó khăn lần nữa trước khi bắt đầu thốt ra những lời nói mà trước đó tôi đã lặp đi lặp lại nhiều lần về việc tôi đã nói dối như thế nào, rằng thật sự chính tôi đã gây ra bao nhiêu rắc rối ở nhà và rằng mẹ chưa bao giờ ngược đãi tôi. Tôi lại lấm lét liếc nhìn về phía mẹ. Tôi thấy lửa hận thù trong đôi mắt mẹ như đang táp vào tôi, như muốn thiêu rụi tôi.
Thời gian như ngừng trôi. Tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng ra cảnh mình bị đưa trở về nhà với mẹ. Rồi bà sẽ đánh đập tôi, và tôi sẽ tiếp tục ở dưới chân cầu thang, nơm nớp lo sợ giây phút chương trình quảng cáo trên ti-vi được phát sóng. Và hằng đêm co ro trong cái ga-ra tối tăm lạnh lẽo, tôi lại khao khát một ngày nào đó mình có thể thoát khỏi mẹ để được làm một đứa trẻ bình thường, không còn sợ hãi và được vô tư chơi đùa...
Đột nhiên tôi quay về phía cô Gold và lại nuốt nước bọt một lần nữa. Tôi bỗng khựng lại vì một mùi hương quen thuộc. Là mùi nước hoa cô Gold vẫn thường dùng. Là mùi nước hoa tôi vẫn ngửi thấy mỗi khi cô Gold ôm lấy tôi hoặc khi cả hai cô cháu cùng nằm dài trên trường kỷ. Tôi lại hình dung ra cảnh mình đang đùa nghịch với những lọn tóc xoăn óng ả của cô.
Rồi tôi hình dung đến cảnh tôi đang ở ngoài sân nhà cô Mary, đang cười đùa với đám trẻ, cùng chơi bóng rổ, trốn tìm; đến chiều tối, cả bọn chúng tôi bị lôi vào nhà để tắm rửa sau khi đã thỏa thích chơi đùa, lùng sục bên bến sông. Tôi mở mắt, lén nhìn xuống đôi tay của mình. Chúng không còn tấy đỏ nữa. Giờ đây trông chúng chỉ như bị rám nắng thôi.
Tôi cảm giác như có một luồng điện từ mẹ bắn vào tôi và len lỏi khắp người tôi. Tôi thấy cơ thể mình như đang bị kéo nghiêng về phía mẹ. Một nỗi sợ hãi như điện chạy dọc sống lưng tôi. Tôi rùng mình. Tôi tự trấn an bằng cách hít thật sâu mùi nước hoa thoảng trong tóc cô Gold.
Tôi nín thở. Rồi tôi hít một hơi thật sâu như để thu lấy dũng khí, tôi thốt ra:
- Là với ngài, thưa ngài! Cháu muốn được ở với ngài! Cháu xin lỗi! Cháu thật sự xin lỗi! Cháu không có ý nói ra! Cháu không có ý gây ra bất cứ rắc rối nào cả!
Những tia lửa thù hận của mẹ như đang bốc lên ngùn ngụt. Tôi cố gắng đứng vững, nhưng đầu gối của tôi dường như sắp khuỵu xuống.
- Vậy thì hãy làm như thế. - Vị quan tòa nhanh chóng tuyên bố. - Đây cũng là phán quyết của phiên tòa ngày hôm nay. Cậu bé David James Pelzer sẽ trở thành đứa trẻ được tòa giám hộ và sự giám hộ này sẽ kéo dài cho đến khi cậu bé được mười tám tuổi. Bãi tòa!
Ngay khi vừa đưa ra phán quyết cuối cùng, ông giáng búa đánh cộp xuống miếng gỗ nhỏ một cách dứt khoát.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Tôi sững người. Tôi không dám tin vào những gì vừa xảy ra. Cô Gold nhảy cẫng lên ôm tôi thật chặt như thể muốn siết tôi đến nghẹt thở. Phải mất một lúc sau cô Gold mới lấy lại bình tĩnh. Tôi quệt nước mắt, nước mũi tèm nhèm trên mặt. Tôi nhìn về phía vị quan tòa, ông đang nhìn tôi mỉm cười. Tôi cũng nhoẻn miệng cười đáp lại ông. Ngay trong chính khoảnh khắc đó, chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ rằng chính Chúa đã nheo mắt cười với tôi.
Tôi thấy những tia nhìn thù hận của mẹ lóe lên, rồi vụt tắt.
Cô Gold đặt nhẹ tay lên vai tồi và nói:
- David, cô rất tự hào về cháu!
Trước khi cô kịp nói thêm điều gì đó, tôi đã bật khóc:
- Cô ơi, cháu xin lỗi cô nhiều lắm. Cháu không có ý nói dối cô. Cháu xin lỗi vì đã làm cô khóc. Cô có thể tha thứ cho cháu không? Cháu chỉ muốn...
Cô Gold vén những sợi tóc còn vương trên đôi mắt đẫm nước của tôi.
- Suỵt! Đã ổn cả rồi cháu ạ. Cô hiểu những gì cháu đang làm. Còn bây giờ, mẹ cháu muốn...
- Không! - Tôi hét lên. - Bà ấy sẽ đem cháu đi đấy cô ơi!
- Bà ấy chỉ muốn nói lời tạm biệt với cháu thôi. - Cô Gold trấn an tôi.
Lúc cô Gold và tôi rời phòng xử án, tôi nhìn thấy mẹ đang đứng đấy khóc ròng. Cô Gold đẩy tôi về phía mẹ. Tôi cứ chần chừ cho đến khi cảm thấy thật yên tâm vì có cô Gold đứng cạnh bên. Càng tiến gần hơn về phía mẹ, tôi càng khóc to hơn. Một cảm giác thật lạ len trong lòng tôi. Chẳng hiểu sao tôi lại không muốn xa mẹ. Mẹ dang rộng tay ra đón tôi. Tôi lao vào vòng tay rộng mở của mẹ. Mẹ ôm chặt lấy tôi như thể tôi là một đứa bé. Cảm xúc của bà khi ấy là rất thật.
Rồi mẹ buông tôi ra, nắm tay và dẫn tôi ra xe của bà. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy không hề sợ hãi khi đi bên cạnh mẹ. Tôi đứng cạnh chiếc xe của mẹ, mẹ bắt đầu chất lên tay tôi nào quần áo mới, nào đồ dùng cá nhân, nào đồ chơi... Tôi kinh ngạc vô cùng. Tôi cứ đứng đấy há hốc mồm trong lúc mẹ tiếp tục chất lên tay tôi bao nhiêu là thứ.
Giọng tôi như vỡ òa khi nói lời tạm biệt với các anh em của mình. Họ chỉ nhìn tôi lắc đầu.
Tôi thấy mình như một kẻ phản bội. Tôi nghĩ họ ghét tôi lắm vì đã tiết lộ bí mật của gia đình.
- Mẹ sẽ nhớ con lắm. - Mẹ vừa nói vừa khóc.
Không kịp nghĩ, tôi trả lời mẹ:
- Con cũng sẽ nhớ mẹ.
Tôi vui mừng vì phán quyết của tòa bao nhiêu thì giờ đây lòng tôi lại càng buồn bã bấy nhiêu. Tôi bị giằng xé giữa một bên là cảm giác tự do với cảm giác phải rời xa mẹ và gia đình. Mọi thứ quá tốt đẹp đến nỗi tôi không thể tin đó là sự thật - tôi được tự do, có quần áo mới, có đồ chơi đẹp. Nhưng thứ mà tôi trân trọng và khao khát nhất vẫn là vòng tay ấm áp của mẹ.
- Con thật sự xin lỗi mẹ về mọi chuyện. - Tôi nức nở. - Con thật sự rất... Con không có ý nói ra điều gì cả.
- Đó không phải là.... của con... - Mẹ thổn thức. Ánh mắt mẹ chợt thay đổi. - Không sao đâu. - Giọng mẹ đột nhiên đanh lại. - Giờ thì hãy nghe mẹ nói đây. Con đang có một cơ hội. Đây là một khởi đầu mới cho con. Mẹ muốn con trở thành một cậu bé ngoan.
- Vâng. - Tôi vừa quẹt nước mắt vừa đáp lời mẹ.
- Không! - Mẹ nói bằng một giọng lạnh băng. - Ý mẹ là như thế. Con phải trở thành một cậu bé ngoan. Ngoan hơn đấy!
Tôi nhìn vào đôi mắt mọng nước của mẹ. Tôi hiểu rằng mẹ muốn điều tốt nhất cho tôi. Tôi nhận ra rằng, trước khi tham dự phiên tòa, mẹ đã tiên liệu được kết quả.
- Con sẽ ngoan. Con sẽ cố gắng hết sức. Con sẽ làm cho mẹ tự hào về con. Con sẽ cố gắng hết sức mình để mẹ tự hào về con.
- Điều đó không quan trọng. - Mẹ nói. Trước khi đẩy tôi đi, bà lại ôm tôi lần cuối. - Hãy sống một cuộc sống thật hạnh phúc con nhé.
Tôi quay đi, sụt sịt không ngớt. Tôi không ngoái nhìn lại. Tôi suy nghĩ về điều cuối cùng mẹ vừa nói với tôi. Sống một cuộc sống hạnh phúc. Tôi thấy như mẹ đã đẩy tôi đi xa. Khi vừa đến chỗ cô Gold, tôi gần như quỵ ngã. Cô Gold giúp tôi chất đống tài sản quý giá trên tay lên xe hơi của cô. Hai cô cháu đứng cạnh nhau cho đến khi xe mẹ đi khỏi. Tôi vẫy tay chào mọi người, nhưng chỉ có mẹ vẫy tay đáp lại. Qua lớp kính xe đã được kéo lên, chẳng hiểu sao tôi cứ thấy môi bà mấp máy nhắc lại lời nói lúc nãy: Hãy sống một cuộc sống hạnh phúc.
- Hay ta ăn một cây kem nhé? - Cô Gold lên tiếng để phá tan bầu không khí căng thẳng.
Tôi đứng thẳng người và mỉm cười :
- Vâng ạ, thưa cô!
Cô Pam nhẹ nhàng nắm tay tôi. Những ngón tay thon dài, mềm mại của cô bao bọc lấy bàn tay tôi, rồi cô dẫn tôi đến căn-tin. Chúng tôi đi ngang qua vài cái cây mọc thưa thớt bên đường. Mùi hương cây cỏ thoảng trong gió thật dễ chịu. Rồi tôi dừng chân, mắt hướng về phía mặt trời. Tôi cứ đứng như thế một lúc lâu, như thể muốn ôm trọn vạn vật xung quanh. Một cơn gió nhẹ vờn lên tóc tôi. Tôi không run lên như mọi khi. Thảm cỏ dưới chân tôi trải dài xanh rì một màu mơn mởn, óng ánh vàng dưới nắng mặt trời. Tôi biết kể từ giờ phút này, cuộc đời tôi sẽ sang trang.
Cô Gold cũng dừng lại cạnh tôi.
- David, cháu vẫn ổn đấy chứ?
- Vâng ạ! - Tôi mỉm cười. - Cháu chỉ muốn ghi nhớ ngày hôm nay, ngày đầu tiên của quãng đời còn lại của cháu mà thôi cô ạ!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

CHƯƠNG 4 NHỮNG KHỞI MỚI


Khi những ảnh hưởng của phiên xét xử qua đi, tôi vẫn lững thững như người mất hồn.
Tôi hoàn toàn hiểu rằng mẹ không thể gây tổn hại đến thân thể tôi được nữa, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn có cảm giác mẹ đang ở đâu đó ngoài kia, cuộn mình như một con rắn chuông chực chờ ngóc đầu dậy và trả thù.
Nhưng thật lạ là trong tôi cũng có một phần cảm giác nào đó cho biết tôi sẽ không bao giờ gặp lại mẹ hay các anh em của tôi nữa. Tôi thấy bối rối và hoang mang trước những xúc cảm này. Tôi cảm giác mình không hề xứng đáng sống cùng gia đình, rằng tôi là một đứa không ra gì, và rằng chính tay mẹ đã vứt bỏ tôi. Tôi tự nhủ, với những kỳ tích mà cơ quan xã hội địa phương và tòa án vừa làm được, cuộc sống của tôi đã có một hướng đi mới. Tôi cố gạt bỏ quá khứ và chôn vùi những ký ức đen tối tận sâu trong lòng. Cũng giống như một tia sáng bỗng vụt lên phía cuối đường hầm hun hút, tôi cảm giác cuộc sống của mình cũng đang dần thoát khỏi hố đen thăm thẳm.
Tôi nhanh chóng làm quen với nhịp sống hàng ngày ở nhà cô Mary, cũng như ở ngôi trường mới. Mặc dù tôi không hề bị gò bó và hoàn toàn thoải mái khi ở nhà cô Mary, nhưng tôi vẫn còn khá nhút nhát và e ngại đối với các bạn học ở trường. Việc kết giao bạn mới đối với tôi rất khó khăn. Tôi luôn trong trạng thái né tránh, đặc biệt là khi ai đó hỏi tại sao tôi không sống cùng cha mẹ. Còn nếu có bất kỳ đứa bạn nào cứ khăng khăng muốn biết câu trả lời, tôi chỉ lắp bắp rồi nhanh quay đi nơi khác. Tôi không thể đối diện với họ để nói về hoàn cảnh của mình.
Nhưng cũng có khi tôi vui vẻ tuyên bố: “Tớ là một đứa con nuôi!”. Tôi tự hào được trở thành một thành viên trong gia đình mới của mình. Tôi cứ thế vô tư lặp đi lặp lại câu nói ấy cho đến một hôm, một người bạn lớn tuổi hơn tôi, cũng là con nuôi như tôi kéo tôi ra góc sân trường và cảnh cáo tôi không được nói với bất cứ ai về việc tôi “là ai” bởi vì “... rất nhiều người không thích những người như chúng ta”.
- Những người như chúng ta...? Anh đang nói cái gì thế? - Tôi hỏi. - Chúng ta có làm gì sai đâu.
- Đừng quá lo như thế nhóc. Rồi em sẽ hiểu thôi. Cứ vui vẻ nhưng đừng nói gì nữa cả.
Tôi làm theo lời anh ấy và mơ hồ nhận ra giờ thì mình đang sống trong một thế giới đầy rẫy những định kiến.
Giờ giải lao, tôi lủi thủi ngồi ở một góc sân ngắm nhìn chúng bạn cười đùa chơi trốn tìm và bóng ném. Dù tôi có cố gắng thế nào đi nữa thì đầu óc tôi vẫn cứ mơn man nhớ về ngôi trường mình đã học ở thành phố Daly. Tôi nhớ thầy Ziegler cùng những hình vẽ mặt trời vui nhộn sống động mà thầy thường vẽ trên bài viết của tôi. Tôi nhớ đến những tiết kiểm tra chính tả đáng sợ của cô Woodworth, nhớ những lúc tôi chạy như bay đến thư viện chỉ để nghe cô Howell mở bài “Octopus’s Garden”(3) của nhóm nhạc The Beatles(4).
(3) Octopus’s Garden: Tên một bài hát do Ringo starr sáng tác với sự hỗ trợ của George Harrison, bài hát này nằm trong album Abbey Road của nhóm The Beatles.
(4) The Beatles: Nhóm nhạc pop & rock huyền thoại, xuất thân từ thành phố Liverpool, nước Anh. Các thành viên nhóm The Beatles đều là giọng hát chính gồm: John Lennon (phụ trách guitar), Paul McCartney (phụ hách guitar bass), George Harrison (phụ trách guitar lead) và Ringo starr (phụ trách trống).

Ở trường mới, tôi hoàn toàn không còn hứng thú với chuyện học hành. Tôi không còn say mê các môn học như trước. Ngồi sau chiếc bàn thép màu xám, tôi mơ màng vẽ nguệch ngoạc lên tập vở, đếm ngược từng phút mong giờ học mau kết thúc. Nơi tôi từng xem là chỗ ẩn náu giờ đã biến thành nhà tù không cho tôi thỏa thích vui đùa như khi ở nhà nuôi dưỡng. Vì không tập trung nên nét chữ một thời rất khuôn mẫu và tròn trịa của tôi giờ đã trở nên xấu như gà bới.
Ở nhà cô Mary, chính sự khôi hài ngờ nghệch và tính bốc đồng thơ trẻ của tôi đã khiến tôi rất được lòng đám trẻ con ở đó. Bất kỳ lúc nào vào giờ trưa, khi có ai ra khỏi nhà cô Mary, tôi cũng được cho nhập bọn. Thỉnh thoảng chúng ra ngoài là để đi ăn cắp kẹo ở các cửa hàng tạp hóa trong thị trấn. Với mong muốn được chấp nhận cùng với kinh nghiệm có từ rất nhiều lần đánh cắp thức ăn trước đó, tôi nhanh chóng đi theo sự dẫn dắt của chúng. Nếu đứa nào ăn cắp được hai viên kẹo, tôi sẽ có cách để lấy được gấp đôi. Chuyện ăn cắp đối với tôi đã trở nên quá dễ dàng, đến nỗi chỉ sau vài buổi trưa như vậy, tôi đã trở thành thành viên nổi trội nhất trong nhóm. Tôi biết rất rõ mình làm vậy là sai. Tôi cũng biết rằng những đứa lớn hơn đang lợi dụng tôi, nhưng tôi không quan tâm. Sau nhiều năm tháng bị cô lập, cuối cùng tôi cũng được cả một nhóm người chấp nhận.
Không những thế, tôi còn ăn cắp ngay trong nhà nuôi dưỡng. Mỗi khi mọi người đi vắng, tôi thường lẻn vào nhà bếp lấy vài mẩu bánh mì đem giấu dưới gối. Đến khuya, tôi rón rén ngồi dậy rồi lén nhấm nháp chiến lợi phẩm hệt như con chuột gặm nhấm miếng phô mai. Một trưa Chủ nhật nọ, khi đã thấy chán bánh mì, tôi quyết định ăn cắp bánh nướng Dolly Madison(5) để trong tủ lạnh. Sáng sớm hôm sau, ngay khi vừa thức dậy, tôi phát hiện cả một đại đội kiến đang bò lên đầu giường. Nhanh như cắt, tôi âm thầm nhón chân đi vào nhà tắm giũ hết vụn bánh đầy kiến vào bồn cầu. Ngày hôm sau, trong lúc chuẩn bị bữa trưa để chúng tôi mang đi học, cô Mary phát hiện món tráng miệng đã biến mất và buộc tội Teresa, một đứa trong nhóm trẻ chúng tôi.
(5) Dolly Madison: Nhãn hiệu bánh mì của Công ty Sản xuất Bánh mì Liên bang (Mỹ), chuyên sản xuất và kinh doanh các loại bánh đóng gói làm từ bột mì.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Hôm ấy, mặc cho Teresa bị quát mắng thậm tệ và bị nhốt trong phòng sau giờ học, tôi vẫn không hé răng nửa lời. Tôi ăn cắp ở nhà cô Mary không phải thích thú với cảm giác hồi hộp, mà chỉ vì tôi muốn thủ sẵn thức ăn phòng khi tôi thấy đói.
Cô Mary không mất nhiều thời gian để biết được chính tôi là thủ phạm của những vụ mất trộm thức ăn. Từ đó trở đi, cô Mary để ý nhất cử nhất động của tôi và hạn chế không cho tôi ra ngoài vào giờ trưa. Lúc đầu, tôi còn thấy xấu hổ vì đã phản bội lại lòng tin và tình cảm mà cô đã dành cho tôi. Nhưng mặt khác, tôi cũng chẳng cần quan tâm xem “bà cô” Mary nghĩ gì về mình, bởi mối quan tâm duy nhất của tôi là làm sao để được những đứa lớn hơn chấp nhận.
Niềm hân hoan của tôi khi được mọi thành viên ở nhà cô Mary đón nhận bỗng tắt ngấm ngay trong tuần đầu tiên của tháng Bảy, khi tôi tiếp tục được chuyển đến nhà của cha mẹ nuôi mới của mình. Vậy mà chỉ trước đó không lâu, khi viên cảnh sát đưa tôi đến nhà cô Mary, tôi đã không khỏi háo hức khi nhìn thấy ngôi nhà mới của mình. Mẹ nuôi mới của tôi, bà Lilian Catanze đã chào đón cô Gold và tôi ngay ở cửa ra vào bằng một nụ cười cởi mở và ấm áp. Lúc theo chân bà Catanze và cô Gold đi lên những bậc thang rộng dẫn đến phòng khách, tay tôi vẫn giữ chặt chiếc túi màu nâu chứa tất cả những đồ dùng cần thiết. Đêm hôm trước, tôi đã thức đến khuya để thu gom cho bằng hết mọi thứ vào túi và cứ thế giữ khư khư nó bên cạnh.
Với những gì đã trải qua ở nhà cô Mary, tôi biết rằng nếu bỏ sót bất cứ thứ gì, tôi sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Tôi đã rất sốc khi lần đầu tiên chứng kiến cảnh những đứa trẻ trong nhà trở nên điên cuồng như những con cá piranha(6) khi có một đứa trẻ nào đó rời khỏi nhà cô Mary để đến với cha mẹ nuôi. Chỉ vài giây sau khi đứa trẻ kia đi khỏi, cả đám thi nhau oanh tạc căn phòng, lục soát gầm giường, bới móc các hốc kẹt và lục tung tủ quần áo. Chúng lục soát mọi nơi, không từ một ngóc ngách nào để tìm kiếm áo quần, đồ chơi hay bất cứ thứ gì có giá trị. Đáng giá nhất vẫn là tiền. Nhưng tôi sớm nhận thấy rằng thật ra bọn chúng không hẳn quan tâm đến những món đồ đó. Chẳng qua là việc sở hữu bất kỳ một món đồ có giá trị nào cũng sẽ giúp chúng đổi lấy thức ăn khuya, đổi lấy những thứ chúng thích hoặc đơn giản là đổi lấy phần việc nhà nhẹ nhàng hơn. Như thường lệ, tôi thích nghi rất nhanh và cũng hào hứng tham gia vào cuộc săn lùng ngay khi có đứa bạn nào đó rời khỏi. Tôi hiểu rằng thay vì tiễn đứa bạn đó ra xe và chúc nó may mắn, tôi chỉ cần đứng ngay cửa vẫy tay chào tạm biệt và rồi cứ lảng vảng đâu đó thật gần phòng của nó để có thể là người mở màn cuộc kiếm tìm thú vị. Nhưng để thể hiện phép lịch sự, chúng tôi biết rằng không nên đổ xô vào phòng lùng sục khi đứa bạn chưa đi khỏi. Thông thường, buổi tối trước đó chúng tôi đã thỏa thuận với nhau là sẽ ưu tiên cho đứa bạn cùng phòng lấy đồ trước. Thế nên hôm tôi dọn đồ chuẩn bị đi, tôi cũng mặc nhiên là phải để lại vài cái áo sơ mi và mấy món đồ chơi.
(6) Piranha là loại cá nhỏ nước ngọt ở vùng nhiệt đới Mỹ, thường tấn công và ăn các động vật sống.
Trong khi đang tưởng tượng cảnh những đứa trẻ khác oanh tạc căn phòng của mình, tôi nghe bà Catanze hỏi:
- David à, con đang nghĩ gì thế?
Tôi giữ khư khư túi đồ trong tay, gật đầu lia lịa mà rằng:
- Ngôi nhà đẹp quá, thưa bà.
Bà Catanze lắc đầu tỏ vẻ không hài lòng:
- Nào, giờ thì chúng ta không gọi nhau như vậy. Mọi người ở đây ai cũng gọi ta là “Lilian” hay “mẹ”. Con cũng có thể gọi ta là “mẹ”.
Tôi khẽ gật đầu. Tôi thấy không thoải mái lắm khi gọi bà Catanze hay những người phụ nữ tôi chỉ mới gặp vài lần là “mẹ”.
Vì đã biết nhau từ trước, nên Lilian tỏ ra rất thân thiết với cô Gold. Bà chăm chú lắng nghe từng lời của cô ấy và lắc đầu:
- Không liên lạc? Không liên lạc chút nào sao? - Bà ngạc nhiên.
- Đúng thế. - Cô Gold khẳng định. - David sẽ không có bất cứ liên lạc gì với mẹ hay các anh em của nó, trừ phi bà Pelzer chủ động hẹn gặp.
- Còn người cha? - Lilian lại hỏi tiếp.
- Không sao đâu. Ông ấy có số của chị và sẽ gọi cho chị sớm thôi. Cha của David không can dự gì đến các thủ tục của tòa án cả, nhưng tôi vẫn giữ liên lạc để cập nhật cho ông ấy biết tình hình của David.
Bà Catanze tiến lại gần cô Gold hỏi nhỏ:
- Còn gì đặc biệt mà tôi cần được biết không?
- À, - Cô Gold hắng giọng, - David vẫn còn trong thời gian điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống mới. Thằng bé hơi phá phách một chút, trong mọi thứ - ý tôi là trong tất cả mọi việc đấy. Và... thằng bé có một thói xấu là ăn cắp vặt, chắc chị hiểu ý tôi...
Tôi ngồi trên trường kỷ, đong đưa hai chân, mắt ngó nghiêng khắp phòng, làm như không để ý gì đến hai người, nhưng kỳ thực tôi đang lắng tai nghe từng câu từng chữ. Bỗng bà Catanze quay về phía tôi:
- David, sao con không vào bếp đợi, rồi lát nữa ta sẽ vào với con.
Tay vẫn khư khư ôm chặt túi đồ, tôi theo bà Catanze vào nhà bếp. Tôi ngồi xuống cạnh bàn ăn, khẽ với tay đón ly nước lọc Lilian đưa cho. Lilian dặn tôi thêm vài câu rồi kéo cửa bếp, đi lên nhà trên. Tôi nghe thấy tiếng bà Catanze kéo ghế ngồi xuống, nhưng hai người họ chỉ nói chuyện thì thầm. Tôi lặng nhìn kim đồng hồ gõ từng nhịp khô khốc mỗi giây phút trôi qua. Rồi cánh cửa bật mở. Tôi hơi chột dạ.
Cô Gold nhìn tôi cười rồi âu yếm ôm tôi vào lòng.
- Cô nghĩ rồi cháu sẽ thích nơi này thôi. Gần đây có một công viên giải trí, rồi cháu sẽ có thêm rất nhiều bạn cùng chơi với cháu. Cô sẽ ghé thăm cháu ngay khi cô sắp xếp được thời gian, vì thế phải thật ngoan ngoãn cháu nhé.
Tôi nhón chân ôm cô Gold thật chặt, đinh ninh chỉ vài ngày nữa sẽ được gặp lại cô. Tôi cứ thập thò ở cửa sổ nhà trên trông theo bóng cô. Trước khi lái xe đi khỏi, cô Gold lại vẫy tay chào tạm biệt tôi lần nữa và gửi cho tôi một nụ hôn gió. Tiếng xe của cô Gold xa dần rồi tắt hẳn. Tôi vẫn tần ngần bên cửa sổ nhìn xuống đường, tự hỏi chẳng biết tiếp theo mình sẽ làm gì. Bỗng có tiếng bà Catanze từ phía sau:
- Nào, con có muốn đi xem phòng của con không?
Nói rồi bà ấy nắm tay tôi. Mắt tôi sáng lên:
- Vâng, thưa bà.
- Phải nhớ lấy những gì ta đã nói chứ. - Lilian gằn giọng.
Tôi khẽ gật đầu.
- Cháu xin lỗi. Thỉnh thoảng cháu vẫn hay quên ạ.
Bà Catanze dẫn tôi đến căn phòng đầu tiên dưới hành lang. Sau khi cất đồ đạc vào tủ, tôi ngồi im lặng bên bà trên chiếc giường có tấm ra trải có những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh đầy màu sắc.
- Ta có vài điều cần giải thích với con, đó là những quy định trong gia đình. Con có trách nhiệm giữ cho phòng ốc sạch sẽ và phụ giúp ta làm việc nhà. Con không được vào phòng của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ. Không có chuyện nói dối hay ăn cắp trong nhà này đâu nhé. Nếu con muốn đi đâu, trước tiên con phải nói cho ta biết con đi đâu và đi trong bao lâu...
- Ý của bà là cháu được phép đi bất cứ đâu cháu muốn? - Tôi ngẩng lên nhìn bà ngạc nhiên.
- Tất nhiên là phải có lý do. Đây không phải là một nhà tù. Chỉ cần con hành xử có trách nhiệm thì mọi người cũng sẽ đối xử tốt với con. Ta nói vậy có chỗ nào con không hiểu không?
- Vâng, cháu hiểu rồi thưa bà. - Tôi e dè đáp lời bà, cảm thấy không thoải mái lắm nếu phải gọi bà là mẹ.
Bà Catanze vỗ nhẹ vào chân tôi rồi đứng dậy khép cửa bước ra ngoài. Tôi tựa lưng vào thành giường, hít thở đầy lồng ngực mùi hương gối mới. Tôi chú ý lắng nghe tiếng xe chạy qua lại trên con đường đồi dốc ngoài kia, cho đến khi thiếp đi. Chìm vào giấc ngủ, tôi thấy mình thật bình yên và an toàn trong ngôi nhà mới.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Tôi bị đánh thức bởi những giọng nói lao xao phát ra từ nhà bếp. Tôi tỉnh giấc, dụi mắt rồi dò dẫm xuống nhà dưới.
- Thằng nhóc đây phải không? - Một đứa có mái tóc màu vàng nhìn tôi có vẻ dò xét. - Nó không phải là một thằng nhóc. Một đứa ốm đói thì đúng hơn.
Lilian nghiêng người kẹp cổ gã thiếu niên tóc vàng cao nghều ấy.
- Larry, ăn nói cho cẩn thận đấy! David, con đừng giận nó nhé. Đây là Larry nhỏ. Còn Larry lớn, lát nữa cháu sẽ được gặp.
- Thôi nào Larry, cậu ấy nhỏ bé nhưng đáng yêu đấy chứ. - Một đứa khác lên tiếng. - Chào, tớ là Connie. Và tớ không muốn cậu động vào đồ đạc trong phòng của tớ. Cậu đã hiểu chưa?
Khi Connie đến gần, tôi gần như ngạt thở vì mùi nước hoa của cô ấy. Connie có mái tóc đen óng và hàng mi dài cong vút. Cô ấy mặc một chiếc váy ngắn. Vì nó rất ngắn nên tôi không thế không nhìn chằm chằm vào đôi chân của cô ấy. Connie bước lùi lại, khuôn mặt ửng đỏ.
- Mẹ kìa, thằng nhóc này bệnh hoạn quá đi!
Tôi quay sang nhìn bà Catanze:
- “Bệnh hoạn” là sao hả bà Catanze?
Lilian cười vang:
- Ấy là con không nên nhìn chằm chằm váy áo của các quý cô, con ạ!
Tôi không hiểu. Tôi vẫn muốn biết nghĩa của từ ấy là gì. Tôi cứ hỏi đi hỏi lại cho đến khi bà Catanze cắt ngang:
- Còn đây là Larry lớn.
Tôi phải ngước cổ hết cỡ mới thấy được một người đàn ông cao lớn có mái tóc sẫm màu xoăn tít, mang một cặp kính gọng đen cùng một nụ cười thân thiện. Anh ấy có gương mặt của một người tử tế và phúc hậu. Larry lớn mỉm cười và bắt tay tôi:
- Mẹ, tối nay con sẽ đi xem phim. Mẹ cho con dẫn Dave theo nhé?
Lilian cười nói:
- Ừ, nhưng con phải trông chừng thằng bé cẩn thận nhé.
- Vâng ạ, - Larry nhỏ phụ họa vào, - chắc chắn thằng bé sẽ không bị hoảng sợ hoặc phải xem những thứ bậy bạ đâu ạ!
Khoảng một giờ sau, Larry lớn dẫn tôi đến rạp chiếu phim. Tôi phát hiện thấy tính anh ấy cũng rất trẻ con và còn hay mắc cỡ nữa. Tôi có cảm tình với anh ấy ngay lập tức. Vừa tản bộ dọc theo các con đường dài bất tận của thành phố Daly, hai anh em chúng tôi vừa trò chuyện rôm rả. Nhưng tuyệt nhiên chúng tôi hiểu rằng không nên hỏi nhau về lý do tại sao mình lại có mặt ở nhà nuôi dưỡng ấy. Đó là điều bí mật tôi đã học được khi còn ở nhà cô Mary. Càng gần đến rạp chiếu phim, Larry lớn càng thân mật với tôi như một người bạn.
Larry nói rằng anh ấy đã xem bộ phim Sự sống và Cái chết(7) hơn mười lần rồi, thế nên tôi không hiểu tại sao lần này anh ấy lại muốn xem nữa. Nhung chỉ sau mười phút xem phim, tôi đã há hốc mồm và ngồi đờ ra trong chiếc ghế bên cạnh Larry. Tôi như bị thôi miên trước những pha hành động gây cấn và thứ âm nhạc dồn dập của phim. Sau bao nhiêu năm tháng sống trong bóng tối, thèm muốn những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, cuối cùng tôi cũng tận hưởng được điều đó qua phim ảnh. Trong khi Larry tỏ ra thích thú với những cô gái hấp dẫn mặc bikini, thì tôi lại hồi hộp đến ngộp thở khi chứng kiến cảnh nhân vật James Bond thoát chết trong gang tấc đồng thời cứu được nhân loại thoát khỏi cảnh diệt vong. Phim kết thúc, nhưng nhân vật James Bond cứ mãi ám ảnh trong tâm trí tôi như hình ảnh của vị siêu nhân mà tôi đã hình dung nhiều năm về trước.
(7) Sự sống và Cái chết (Live and Let Die): Bộ phim thứ tám của se-ri phim về điệp viên 007 - James Bond do Roger Moore thủ vai chính, sản xuất năm 1973. Bộ phim này được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ian Fleming.
Ngày tiếp theo cũng thật đặc biệt. Chồng của Lilian là Rudy đã đưa tất cả bọn trẻ chúng tôi lên hai chiếc xe chất đầy thức ăn cho chuyến dã ngoại thường niên mừng Quốc khánh Bốn tháng Bảy ở công viên Junipero Serra - cũng là công viên mà tôi từng được đến chơi khi còn nhỏ, lúc còn được xem là thành viên trong gia đình của mẹ. Khi đến nơi, tôi giúp mọi người mang các thùng và túi đầy bánh kẹo xuống nhưng loay hoay không biết phải đặt chúng ở chỗ nào.
- Cháu phải làm gì với những thứ này đây ạ? - Tôi hỏi.
- David à, con cứ đặt nó xuống chỗ nào cũng được. - Rudy trả lời tôi.
- Nhưng bàn nào cũng để đầy đồ đạc của những người khác rồi mà. - Tôi than.
Lilian bước lại gần Rudy. Họ nắm lấy tay nhau.
- Đúng thế, chúng ta biết chứ. - Lilian ôn tồn. - Nhưng tất cả những người này đều là người nhà của chúng ta cả đấy con ạ.
Tôi nhìn thấy rất nhiều người lớn đang uống sô-đa và bia, trẻ con thì chạy nhảy đầu này đầu nọ.
- Ôi chao, hết thảy họ là con của bà đấy sao?
Bỗng có tiếng của một phụ nữ kêu lớn. Tôi co rúm người hoảng hốt khi chị ta chạy như bay về phía tôi, chân mang một đôi giày làm bằng gỗ lộc cộc trông rất buồn cười.
- Mẹ! Cha! - Chị ta rú lên sung sướng. Rồi chị ta vòng tay cố ôm lấy cả Lilian và Rudy. Tôi nhìn chằm chằm chị ấy. Chị ta chẳng có nét gì giống ông bà Catanze cả.
Lilian sụt sùi. Đoạn bà đưa chiếc khăn tay của mình cho chị ta rồi nhắm mắt một lúc để trấn tĩnh trở lại.
- David này, đây là một trong những người con nuôi đầu tiên của ta, chị Kathy đấy con.
Giờ thì tôi đã hiểu. Tôi ngó nghiêng tròn mắt nhìn từng dòng, từng dòng người vây quanh Rudy và Lilian.
- Còn nữa, mẹ ơi, cha ơi, con đã có việc làm. Con kết hôn rồi. Con còn học lớp bổ túc ban đêm nữa và đây là... là con của con. - Kathy vui mừng thông báo khi một người đàn ông có chòm râu quai nón đặt vào vòng tay đang rộng mở của Rudy một đứa bé bụ bẫm được quấn trong một chiếc khăn màu vàng chanh. - Ôi bố mẹ ơi, gặp lại hai người con thực sự vui lắm! - Kathy không nén được vẻ xúc động.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Đám đông vẫn vây quanh gia đình Catanze. Bọn trẻ vẫn chạy nhảy la hét. Mỗi ông bố bà mẹ đều khoe con của mình với vẻ rạng ngời hạnh phúc. Họ còn trao nhau những cái ôm thắm thiết của những người thân lâu ngày gặp lại. Một lát sau, tôi lặng lẽ tách khỏi đám đông đi về phía triền đồi. Tôi ngồi xuống, tựa mình vào một gốc cây to rồi quan sát những chiếc máy bay cất cánh từ phi trường gần đó.
- Cảnh đẹp đấy chứ nhóc? - Một giọng nói quen thuộc cất lên.
Tôi quay lại và nhìn thấy Larry lớn cũng tựa vào thân cây, mắt nhìn xa xăm.
- Năm nào cũng thế này, chỉ khác một điều là mỗi năm lại có thêm nhiều người. Anh đoán là chú mày cũng thấy rằng họ rất yêu trẻ con. Thế em đang nghĩ gì đấy nhóc? - Larry hỏi.
- Ôi chao, có đến hàng trăm người ở đây! - Tôi kêu lên. - Anh đã đến đây lần nào chưa?
- Rồi, năm ngoái. Còn em?
Tôi dừng lại một chút để dõi theo một chiếc phản lực đang khuất dần về hướng tây.
- Khi em còn nhỏ... - Tôi ngập ngừng, không biết mình có thực sự muốn nói ra điều gì hay không. - Cha mẹ em, ý em là cha mẹ ruột của em, thường dẫn ba anh em của em đến công viên này chơi. - Tôi bất giác mỉm cười. - Cả nhà em ở cùng nhau cả ngày dưới chân đồi để chơi xích đu... - Tôi nhắm mắt lại, thấy rõ Ron, Stan và cả tôi đang vui đùa chạy nhảy giữa nắng vàng rực rỡ và gió mát mơn man. Tôi tự hỏi không biết giờ này những người anh em của mình đang làm gì...
- Này Dave! Em vẫn ổn chứ?
- Xin lỗi anh, em nghĩ rằng... em nghĩ em sẽ đi dạo một lát.
Sau khi xin phép Lilian, tôi lững thững đi xuống con đường lát đá dọc theo ngọn đồi. Chỉ vài phút sau, tôi đã đến được bãi cỏ quen thuộc của nhiều năm về trước. Nó vẫn một màu xanh mơn mởn. Ngày đó, tôi vẫn còn được xem là thành viên của một gia đình mẫu mực. Giờ đây, tôi vẫn là một đứa trẻ, nhưng là đứa trẻ đang lục tìm quá khứ của mình. Tôi bước về phía những chiếc xích đu và ngồi lên chiếc màu đen. Tôi đưa chân đá cát ở phía dưới, cát len đầy vào giày của tôi. Đầu óc tôi lại miên man suy nghĩ...
- Này anh ơi? Anh muốn chơi xích đu ạ? - Một thằng bé hỏi tôi.
Tôi tuột khỏi xích đu và chẳng hiểu sao cứ thế bước đi mà không để ý gì đến nó. Đầu óc tôi trống rỗng. Ngay phía trước mặt tôi, dưới những tán cây xanh mát rượi, một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi bên chiếc bàn mà cha mẹ tôi đã ngồi nhiều năm về trước trong lúc nhìn chúng tôi vui đùa. Rồi người phụ nữ đứng dậy, vẫy vẫy tay gọi mấy đứa con - như cách mẹ vẫn thường làm khi gọi chúng tôi. Bỗng cô ấy quay lại, ánh mắt chúng tôi chạm nhau. Cô ấy cười và khẽ gật đầu với tôi. Rồi tôi nghe thấy tiếng cười khúc khích giòn tan của mấy đứa bé đang chạy về từ những cái xích đu đằng xa. Tôi nhắm mắt lại, ước sao có thể hiểu được tại sao mọi chuyện giữa mẹ và tôi lại trở nên như thế.
Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn không thôi day dứt, tự hỏi đã bao giờ mẹ thực sự yêu thương tôi và tại sao bà ấy lại đối xử với tôi như vậy.
Buổi tối hôm đó, tôi rất muốn nói chuyện với bà Catanze, nhưng tôi lại không đủ can đảm. Sáng hôm sau, tôi dậy trễ và lê bước xuống nhà bếp.
- Bà ấy không có ở đây đâu, thằng ốm đói. - Larry nhỏ rít lên. - Mày phải tự kiếm cái ăn đấy.
Tôi không biết phải làm gì. Tôi không biết nấu nướng, không biết tô chén để ở đâu, cũng không biết pha bột ngũ cốc.
- Tao nghe nói hồi trước mẹ ruột của mày hay trát phân lên người mày lắm. Nói cho tao nghe xem, thứ đó như thế nào nhỉ? Ý tao là, lấy cái mặt làm nùi giẻ thì sẽ như thế nào ấy mà? - Larry nhỏ hỏi bằng giọng mỉa mai.
Tôi choáng váng trước điều hãi hùng mình vừa nghe thấy. Quá khứ nặng nề như cuồn cuộn chảy về trong tôi. Mỗi khi tôi ở bên cạnh Larry nhỏ, anh ta luôn tìm cách châm chích và chế ngự tôi. Tai tôi ong lên, mắt nhòe đi. Tôi chỉ còn cách cố kiềm chế, cố nghĩ ra điều gì đó để chống chế. Nhưng tôi không thể nghĩ được gì hơn. Cơn giận trong tôi cứ chờ chực tuôn trào.
- Nào thằng nhóc, nói cho tao biết cái đó thế nào đi? Ý tao là, tao đang tò mò. Bị ném phân vào người thì sẽ thế nào nhỉ? Tại sao mày không chống trả? Mày yếu đuối như thế sao?
Tôi quay lưng chạy nhanh về phòng. Trước khi kịp đóng sầm cửa phòng lại, tôi vẫn còn nghe thấy anh ta cười ngặt nghẽo sau lưng. Tôi vùi mình trên giường, tấm tức khóc như mưa mà không hiểu vì sao. Cả ngày hôm ấy tôi nhốt mình trong phòng, chẳng thiết ăn uống. Buổi chiều, khi bà Catanze chở tôi đi mua sắm, tôi rụt rè hỏi:
- Bà Catanze, có phải cháu là một kẻ yếu đuối không ạ? - Tôi cúi đầu để tránh cái nhìn của bà.
- Kẻ yếu đuối ư? Ai bảo con thế hả David?
Tôi không muốn nói là Larry nhỏ. Nhưng anh ta là một tên đáng ghét, và dù thế nào tôi cũng không thích anh ta. Tôi thấy buồn và tủi thân vì điều mà anh ta và những đứa trẻ lớn hơn khác đã nghĩ về tôi. Tôi thở một cách khó nhọc.
- Đừng để ý gì đến Larry. - Bà Catanze nhẹ nhàng trấn an tôi. - Cậu ấy có rất nhiều chuyện buồn. David ạ, ta có cả một danh sách của... - Tôi nhìn bà ấy khó hiểu. -... một danh sách của những người có hoàn cảnh khác nhau... với những nhu cầu đặc biệt khác nhau. Larry cũng là một người như vậy, dẫu cậu ấy có tỏ ra bất trị, bất cần và muốn chống lại mọi thứ. Hãy bao dung với cậu ấy. Cậu ta đang thăm dò con đấy. Hãy cho cậu ấy thêm một ít thời gian nữa nhé. Được không nào?
- Vâng, cháu hiểu rồi. Nhưng cháu có phải là kẻ hèn nhát chỉ vì cháu không dám chống cự? Ý cháu là, chống lại mẹ ruột của mình thì có đúng không ạ?
Bà Catanze cho xe rẽ vào bãi đậu xe trước công viên Tanforan(8). Bà tháo kính ra rồi quay sang nhìn tôi:
(8) Công viên Tanforan là một trung tâm mua sắm ở San Bruno, California, Mỹ.
- Không đâu, David ạ. - Bà nói rõ ràng từng chữ một. - Con không phải là một kẻ hèn nhát vì không chống lại mẹ. Ta không biết hết những gì đã xảy ra với con, nhưng ta biết chắc rằng con không phải là một người hèn nhát. Giờ thì đi nào. Ta đang giữ tờ ngân phiếu trị giá một trăm hai mươi bảy đô-la mà địa phương cấp cho con.
Lilian vừa nói vừa nắm chặt lấy tay tôi. Tôi ngạc nhiên hét lên sung sướng:
- Chao ôi, một trăm hai mươi bảy đô-la cơ à! Nhiều tiền quá!
- Một cậu bé biết suy nghĩ chín chắn không nói như thế. Chẳng lẽ con không có kế hoạch gì cho tương lai sao? Đó là số tiền họ cho chúng ta để chi tiêu trong cả năm nay đấy. - Lilian ôn tồn, tay mở cánh cửa dẫn vào cửa hàng Sears(9).
(9) Sears (tên đầy đủ là Sears, Roebuck and Company): Chuỗi cửa hàng thương mại tầm trung, do Richard Warren Sears và Alvah Roebuck đồng sáng lập vào cuối thế kỷ 19. Đến giữa thế kỷ 20, Sears đã trở thành hệ thống bán lẻ lớn nhất nước Mỹ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Sau hai giờ mua sắm, Lilian và tôi trở về nhà với ba chiếc túi đầy đồ. Tôi chạy nhanh vào phòng và đóng chặt cửa lại, miệng cười ngoác đến tận mang tai. Rồi tôi tỉ mẩn sắp xếp hết số quần áo ấy thật gọn gàng. Tôi để áo sơ mi theo từng màu, xếp đồ lót và tất chân rồi đem cất chúng riêng vào một ngăn tủ. Tôi quỳ gối ngồi bẹp trên giường một lát rồi lại kéo ngăn tủ ra, nhìn ngắm, rồi lại xếp quần áo của mình lần nữa. Đến lần thứ tư, tôi khẽ khàng lấy ra một chiếc áo sơ mi màu xanh đen. Tay tôi run lên. Hơi thở của tôi hòa vào mùi hương vải mới. Đúng thế! Tôi tự nhủ. Đây là quần áo của mình! Là những bộ quần áo chưa có ai động vào hay mặc trước đó. Đây không phải là đống giẻ rách mà mẹ bắt tôi phải mặc, không phải là mấy bộ quần áo mẹ rủ lòng thương ban cho tôi sau khi đã cất chúng từ mùa Giáng sinh năm trước, cũng không phải là quần áo mà cô Mary cho tôi sau khi những đứa trẻ khác đã mặc qua.
- Đúng thế! - Tôi hét to sung sướng.
Vài ngày sau, trong lúc tôi đang ngồi xem ti-vi đợi bữa trưa, Lilian vừa nói chuyện điện thoại xong với ai đấy đã gọi ngay tôi vào bếp. Bà ấy hỏi:
- Nào, hôm nay con thấy thế nào?
Tôi nhún vai:
- Tốt ạ, cháu nghĩ vậy. - Mắt tôi mở to. - Cháu đã làm gì sai đúng không ạ? Cháu gặp rắc rối gì phải không ạ?
- Không. - Bà điềm tĩnh. - Đừng bao giờ nghĩ như thế nữa nhé. Tại sao con luôn nói như vậy bất cứ khi nào có ai hỏi con chỉ một câu đơn giản như thế nhỉ?
Tôi lắc đầu. Tôi hiểu những gì bà ấy nói, nhưng tôi cũng không hiểu tại sao tôi luôn phát cáu bất cứ khi nào có người hỏi tôi điều gì đó.
- Cháu không biết.
Lilian gật đầu:
- Thôi, giờ thì chúng ta hãy bàn đến bữa ăn trưa nay đi. Ta sẽ cho tên Larry nhỏ kia ra rìa, chỉ có ta với con thôi, thế có được không?
Mắt tôi sáng lên:
- Tất nhiên là được ạ.
Tôi rất thích được một mình ở bên cạnh bà Catanze. Những lúc đó tôi cảm thấy thật ấm áp và hạnh phúc.
Lilian làm hai cái bánh mì sandwich kẹp thịt hun khói còn tôi thì chộp lấy một túi khoai tây chiên. Thấy tôi ngồm ngoàm thức ăn trong miệng, bà nhẹ nhàng nhắc nhở tôi phải biết kiềm chế thói quen ăn uống để giữ phép lịch sự khi ngồi trên bàn ăn. Tôi ngoan ngoãn vâng lời. Tôi cười khúc khích, chứng minh cho bà Catanze thấy rằng tôi vẫn có thể lịch sự vừa ngậm miệng vừa nhai thức ăn.
Trong khi đó bà Catanze lại ý nhị đưa miếng bánh lên miệng cắn một miếng. Tôi đang định hỏi tại sao bà lại nhai chậm như vậy thì nghe thấy tiếng gõ cửa rầm rầm. Tôi nhanh nhảu:
- Để cháu!
Miệng vẫn nhai thức ăn, tôi lao xuống cầu thang để mở cửa. Cửa bật mở, tôi gần như muốn phun hết thức ăn ra ngoài. Đầu óc tôi tê cứng. Tôi trố mắt đứng nhìn bà ấy trân trân.
- Này, con định không mời chúng ta vào nhà đấy hả? - Mẹ nói bằng một giọng điệu hết sức tử tế.
Rồi tôi nghe thấy Lilian đang bước xuống cầu thang.
- Xin chào... Tôi là Lilian Catanze. Chúng ta vừa nói chuyện điện thoại với nhau xong. Chúng tôi đang ăn trưa.
- Bà nói là một giờ trưa mà, đúng không? - Mẹ hỏi bằng giọng kẻ cả.
- À... vâng. Đúng thế. Xin mời vào. - Lilian nhỏ nhẹ.
Mẹ bước vào nhà, theo sau là những đứa con của bà ấy. Stan đi sau cùng, vừa cười toe toét vừa đẩy theo chiếc xe đạp mà bà ngoại đã mua cho tôi hồi Giáng sinh năm ngoái.
Chợt tôi bồi hồi nhớ lại ngày hôm đó, khi mẹ cho phép tôi được lái xe những hai lần. Tôi chưa bao giờ được đi xe đạp cả, và tôi đã bị ngã rất nhiều lần trước khi có thể giữ được thăng bằng và điều khiển nó. Chiều hôm ấy, tôi còn cán phải một cây đinh, thế là bánh xe trước xẹp lép. Thế nhưng nó vẫn còn đỡ hơn bây giờ rất nhiều khi mà Stan vừa dắt chiếc xe vào nhà Lilian, tôi đã thấy ngay cả hai bánh xe đều không còn tí hơi nào cả và nhiều bộ phận trên xe đã biến mất.
Nhưng tôi không quan tâm. Chiếc xe đạp màu vàng pha màu táo đỏ hiệu Murray với yên xe màu đỏ kim loại là phần thưởng rất quý giá của tôi. Tôi rất ngạc nhiên khi mẹ lại đem nó cho tôi.
Mẹ và các anh em của tôi chỉ ghé ít phút, nhưng Lilian đã rất thận trọng khi luôn ở bên cạnh tôi suốt ngần ấy thời gian. Mặc dù thái độ của mẹ đã hòa nhã hơn - không lạnh lùng và ứng xử giống những kẻ hạ đẳng như trong chuyến viếng thăm tôi ở nhà cô Mary lần trước - bà vẫn không nói chuyện với tôi. Tôi muốn nói với bà rất nhiều điều. Tôi muốn cho bà xem phòng của tôi, xem quần áo mới của tôi và cả những bức tranh tôi đã vẽ ở trường. Nhưng trên hết, tôi muốn cho mẹ thấy rằng tôi thật sự xứng đáng được bà chấp nhận.
- À, mẹ chỉ ghé ngang chút thôi. Nhớ này, David, mẹ sẽ kiểm tra con liên tục đấy, vì thế... phải thật ngoan đấy nhé. - Mẹ lên tiếng bằng một giọng tinh quái.
Lilian đưa tay ngăn lại, không để cho tôi kịp nói bất cứ điều gì:
- Cảm ơn bà đã ghé thăm chúng tôi, bà Pelzer. Nhưng vui lòng nhớ cho rằng, nếu mai mốt bà có ghé lần nữa thì phải gọi điện trước nhé. - Lilian nói rõ ràng và dứt khoát từng chữ nhưng vẫn bằng một giọng hết sức lịch sự.
Tôi chạy như bay lên lầu. Tôi đứng bên cửa sổ lớn, thập thò sau tấm rèm nhìn mẹ và các anh em lần lượt vào trong chiếc xe màu xám cũ kỹ của mẹ. Khi xe vừa lăn bánh, tôi điên cuồng đưa tay ra vẫy chào, nhưng không ai trông thấy tôi cả. Trong lòng, tôi biết rằng mọi nỗ lực của mình đã vô vọng. Tôi ước sao chỉ một lần - chỉ một lần thôi - có ai đó cười và vẫy tay lại với tôi.
Tôi nghe thấy tiếng Lilian thở dài, rồi bà đặt tay lên vai tôi:
- Con có ổn không đấy?
Tôi gật đầu. Tôi ngước nhìn Lilian, nước mắt lăn dài xuống má nóng hổi:
- Bà ấy không yêu cháu, có đúng không ạ? Ý cháu là... Cháu không hiểu. Tại sao lại như vậy? Tại sao bà ấy thậm chí còn không thèm nói chuyện với cháu? Chẳng lẽ cháu xấu xa đến thế sao? Tại sao bà không cho cháu biết bà ấy sẽ đến? Tại sao lại như vậy?... Cháu mệt mỏi vì bị bà ấy đối xử như là... như thể cháu không là gì cả. Cháu mệt mỏi vì bà ấy, mệt mỏi vì các anh em của cháu, cả tên Larry đáng ghét kia nữa... - Tôi chỉ tay vào cửa sổ. - Bà ấy thậm chí còn không thèm nói chuyện với cháu. Bà ấy không bao giờ chịu nói chuyện với cháu. Không bao giờ! - Tôi nức nở. - Chẳng lẽ cháu xấu xa đến thế sao? Cháu đã cố gắng ngoan ngoãn. Cháu đã cố gắng chăm chỉ. Chẳng phải cháu đã nói với bà ấy là hãy tha thứ cho cháu rồi sao? - Tôi vỡ òa, vừa nói vừa đi đi lại lại giữa phòng khách như người mất trí. - Cháu có nói bà ấy đánh cháu... bà ấy... bà ấy bỏ đói cháu từ ngày này sang ngày khác... hay bắt cháu phải ngủ dưới ga-ra như là... như là một con vật hay không chứ? Đêm xuống, bà ấy còn không cho cháu một tấm chăn để đắp. Cháu lạnh lắm... Cháu đã cố giữ ấm cho mình. Cháu đã rất lạnh. - Tôi khóc nấc.
Tôi đưa tay quệt nước mũi và nhắm mắt lại. Trong nháy mắt, tôi thấy mình đang ở nhà, đứng trước bồn nước trong nhà bếp. Bên cạnh tôi là một chiếc tã giấy màu hồng nồng nặc mùi hôi thối. Tôi giật mình mở mắt ra.
- Bà ấy bắt cháu phải thường xuyên dọn phân chó... Còn bà ấy ở trong phòng khách, nằm dài trên ghế xem ti-vi. Ngày nào cũng vậy, bà ấy chỉ có mỗi một việc là nằm dài xem ti-vi. Mỗi lần dọn phân chó, cháu phải nhanh tay quẳng đống phân vào máy nghiền rác, tuyệt đối không được để bà ấy biết, nếu không cháu phải ăn hết cái thứ đó vì bà ấy muốn như vậy. Cháu còn nhớ một buổi chiều Chủ nhật nọ, bà ấy phát hiện cháu chuẩn bị quẳng đống phân vào máy nghiền rác nên đã bắt cháu ăn cho hết trước mặt bà ấy. Cháu vừa ăn cái thứ hôi thối đó vừa khóc nghẹn... không phải vì... nhưng... bởi vì cháu đã để cho bà ấy đối xử với cháu như vậy. Trong suốt những năm tháng ấy, cháu đã để cho bà ấy đối xử với cháu như bà ấy muốn. Ngần ấy năm qua, cháu luôn sống trong cảm giác xấu hổ và mặc cảm tột cùng.
Tôi khóc nấc.
- Cháu không bao giờ nói ra. Cháu chưa bao giờ nói ra hết... Có lẽ Larry nói đúng. Có lẽ cháu chỉ là một kẻ hèn nhát thôi.
- Ôi trời ơi, David. Ôi Chúa ơi - Lilian kêu lên. - Chúng ta không hề biết...
- Bà nhìn xem.... - Tôi vạch áo sơ mi lên. - Đây là... đây là chỗ bà ấy đã đâm cháu. Bà ấy không cố ý. Đó là một tai nạn. Nhưng bà có hiểu tại sao không?
Máu như cuộn lên làm khuôn mặt Lilian đỏ bừng. Bà thảng thốt nhắm mắt lại rồi đưa tay che miệng.
- Không, David, ta không biết. Tại sao bà ấy lại làm thế chứ?
- Bà ấy nói rằng bà ấy sẽ giết cháu nếu cháu không thể rửa xong đống chén đĩa chết tiệt ấy trong vòng hai mươi phút. Đấy không phải là một trò vui hay sao? Buồn cười ở chỗ, kể từ khi tai nạn đó xảy ra, cháu chỉ muốn nói với bà ấy rằng cháu biết bà ấy không có ý giết cháu, rằng cháu biết đó chỉ là một tai nạn. Cháu thực sự đã cầu nguyện rằng tai nạn đó sẽ giúp mẹ cháu và cháu lại gần nhau hơn. Cháu chỉ mong bà ấy sẽ nhận ra mình đã đi quá xa, rằng bà ấy không thể giữ kín bí mật lâu hơn nữa. Cháu cũng muốn bà ấy hiểu được rằng cháu đã tha thứ cho bà ấy. Nhưng không! Bà ấy thậm chí còn không thèm để ý đến cháu, như thể cháu không hề tồn tại vậy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

Hai bàn tay tôi siết chặt vào nhau. Tôi nhìn bà Catanze, mắt tôi nhòe đi, đầu óc tôi như xây xẩm.
- Khốn khổ cho con! Tại sao lại như vậy? Tại sao? Tại sao vậy chứ? - Lilian quỳ xuống trước mặt tôi. Bà nức nở. - David ơi, ta không biết. Ta không hề biết. Chúng ta cần con nói chuyện này với ai đó, một người nào đó có thể giúp con. Đây là những thứ mà con cần loại ra khỏi đầu. Con cần một người có chuyên môn... một người biết phải làm gì để tốt cho con. Cô Gold và ta sẽ sắp xếp cho con nói chuyện với một người, người này sẽ giúp con tìm ra giải đáp cho những câu hỏi của con. Có được không hả con?
Tôi thấy cả cơ thể như tê cứng và kiệt sức hoàn toàn. Tôi nhìn trân trân vào từng cử động trên miệng của Lilian, nhưng tôi không thể hiểu được những điều bà nói. Bà nắm tay dẫn tôi về phòng. Tôi thút thít vùi mặt vào gối, bà nhẹ nhàng vuốt tóc tôi rồi thì thầm:
- Sẽ ổn cả thôi. Ta ở ngay đây với con này. Mọi thứ sẽ ổn cả thôi.
Vài giờ sau, tôi thức dậy. Lúc này đầu óc tôi đã tình táo hơn. Tôi theo bà Catanze đi vào gác xép để xem lại chiếc xe đạp. Tôi lắc đầu phẫn nộ:
- Là Stan chứ không ai khác! - Tôi kêu lên. - Stan muốn chơi khăm cháu đây mà!
- Thôi nào, David. - Lilian nói bằng một giọng chắc nịch. - vấn đề nằm ở chỗ, con định tiếp tục ngồi đây để trách móc hay sẽ làm một cái gì đó để cải thiện tình hình chứ? - Bà ngừng lại một lát như để cân nhắc chuyện gì đó. - David này, nếu con muốn... Con vẫn có thể kiếm thêm ít tiền để sửa cái xe đấy.
Một lát sau, tôi trở lên cầu thang và buông mình xuống ghế dài. Trong đầu tôi lúc bấy giờ chỉ có mỗi việc là phải làm thế nào để sửa được chiếc xe đạp. Khi Larry lớn đi làm về, tôi chạy ngay lên phòng anh ấy để hỏi xem nên làm gì. Suốt buổi tối hôm đó, Larry và tôi chụm đầu trao đổi để tìm ra cách tốt nhất có thể giúp tôi đạt được mục tiêu. Hơn mười giờ tối, chúng tôi đã có được một kế hoạch hoàn hảo, hoàn hảo đến nỗi Larry bảo đảm rằng trong vòng ba mươi ngày, chiếc xe của tôi sẽ được phục hồi như lúc mới mua. Chiến lược gia đại tài của tôi còn tuyên bố rằng khi ông bà Catanze nhìn thấy tôi làm như vậy, họ sẽ sẵn sàng ném cả cọc tiền cho tôi mà thôi.
- Chao ôi! - Tôi há hốc miệng. - Kế hoạch này tuyệt quá!
Trước khi đi ngủ, Larry lớn và tôi còn đặt tên cho kế hoạch của mình là Chiến dịch Bám sát.
Sáng hôm sau, tôi cứ bám riết lấy Lilian, năn nỉ bà cho tôi được làm thêm việc. Một giờ sau, bà đưa tay đầu hàng:
- Được rồi! Ta chịu thua rồi! Đây này, lấy mấy cái giẻ này đi lau chùi nhà tắm đi. Con biết cách rửa nhà tắm chứ?
Tôi cười thầm và tự nhủ: Lau chùi nhà tắm thì có gì là lạ! Rồi tôi nhìn bà chằm chằm, mắt nheo nheo dò xét:
- Bao nhiêu ạ?
Bà Lilian chớp mắt:
- Gì cơ?
- Rửa nhà tắm thì được bao nhiêu ạ? - Tôi hỏi bằng một giọng hết sức nghiêm túc.
Bà Catanze gật đầu:
- Thôi được, oắt con ạ. Ta sẽ trả cho con 25 xu...
Tôi cắt ngang lời bà:
- Không được! Thế không đủ.
- Này, con có tham lam quá không đấy? Thế bao nhiêu nào?
Tôi bỗng thấy chùn bước. Larry lớn không dạy tôi phải làm gì trong tình huống này.
- Cháu không biết. - Tôi trả lời, giọng nhát gừng.
- Biết nói thế nào với con nhỉ. - Bà Catanze tiếp lời, giọng thoáng chút đe đọa. - Ta sẽ cho con ba mươi xu. Lấy hay không tùy con.
Nhớ lời Larry lớn dạy rằng bất cứ khi nào có ai nói lấy hay không thì tùy thì hãy chớp lấy cơ hội, thế là tôi nhanh chóng gật đầu hoan hỉ:
- Thương lượng thành công. Chúng ta tiến hành luôn nhé.
Nhìn nét mặt Lilian, tôi biết bà ấy không quen với cách kiếm tiền ma mãnh của tôi. Tôi thấy như mình không chỉ đánh lừa để bà trả tiền cho tôi mà còn bắt bà trả nhiều hơn số tiền bà đã đề nghị lúc đầu.
Tôi mất gần hai giờ để lau chùi nhà tắm, vì bà Catanze yêu cầu kết quả công việc phải đạt yêu cầu của người trả tiền công. Thế nên tôi lại có cảm giác mình đã bị bà ấy lợi dụng. Trong lúc lau chùi sàn nhà tắm đến lần thứ ba, tôi quyết tối hôm đó phải nói chuyện với Larry để than phiền và bàn lại về kế hoạch hết sức ngu ngốc của chúng tôi.
Nhưng ngay khi Lilian thả vào tay tôi một đồng ni-ken và một đồng hai mươi lăm xu, cảm giác hậm hực trong tôi bỗng biến mất. Vui mừng đến quên cả cảm ơn bà ấy, tôi chạy ào về phòng, tìm một cái lọ và thả mấy đồng xu vào trong đó. Mỗi ngày tôi đều nhìn ngắm cái lọ với cảm giác khấp khởi. Chưa đến một tháng, tôi đã kiếm được hơn bốn đô-la - nhiều hơn số tiền tôi cần để tân trang lại chiếc xe đạp. Tiếp đó, tôi nài nỉ con trai của Lilian là Tony chở tôi đến tiệm bán phụ tùng xe đạp. Tony biết rõ chiếc xe của tôi cần những loại phụ tùng nào. Tôi cũng không để tâm lắm đến hóa đơn thanh toán, nhung thoáng chút ngạc nhiên khi Tony lại có thể trả nhiều hơn số tiền công tôi có.
Ngày hôm đó, tôi tìm vài thứ dụng cụ cần thiết và bắt đầu tân trang lại chiếc xe của mình. Sau nhiều lần trầy trật nhét ruột xe vào hai cái lốp xẹp lép, tôi đứng lên, phủi hai đầu gối tê cứng, lấm lem rồi nhảy phắt lên xe. Lần đầu tiên trong đời, tôi hét lên trong niềm vui chiến thắng khi cho xe lao đi như gió xuống con đường lớn, lòng không vướng bận bất cứ điều gì.
Tôi nhớ như in hôm đó là ngày 21 tháng 8 năm 1973, đó là ngày của tôi, ngày tôi được lái chiếc xe đạp của mình. Đó là ngày đầu tiên tôi thấy mình cũng là một đứa trẻ bình thường, ngất ngây tận hưởng một ngày huy hoàng mà tôi ngỡ không bao giờ có được. Suốt những năm trước đó, tôi chỉ có thể nghe thấy âm thanh vù vù khi những đứa trẻ hàng xóm lao xuống phố, la hét vui sướng và lướt qua mặt tôi trên những chiếc xe đạp của chúng. Ngày hôm đó, tôi lái xe chạy lên chạy xuống con phố trước nhà cả nghìn lần, và bà Catanze đã phải ra ngoài lôi tôi vào nhà.
- David Pelzer, trời sập tối gần một tiếng rồi! Con có chịu vào nhà không thì bảo! - Bà quát lên.
Dù hai chân đau nhức vì phải ra sức đạp xe liên tục, tôi vẫn cứ muốn ngày hôm đó sẽ còn kéo dài mãi. Trông thấy Lilian đứng chống nạnh, tôi nhảy xuống xe và thở phì phò suốt đoạn đường dắt xe vào nhà. Nhìn khuôn mặt của Lilian, tôi biết là bà sắp mắng tôi rồi. Biết thế nên tôi đã nhe răng cười thật tươi để xoa dịu bà.
- Thôi được rồi. - Bà vừa nói vừa vòng tay ôm lấy tôi. - Lại đây nào. Đừng lo gì cả. Ngày mai sau khi làm xong việc nhà, con có thể đem xe đạp của con tới công viên chơi.
- Vâng! - Tôi ôm bà thật chặt và hét lên sung sướng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

CHƯƠNG 5 TRÔI GIẠT


Sáng hôm sau, ngay khi bước xuống giường, tôi nhoài người ra cửa sổ để xem thời tiết thế nào. Tôi nuốt vội bữa sáng, làm xong việc nhà trong chớp nhoáng rồi chạy ào xuống cầu thang, vừa dắt xe vừa hét lớn để thông báo với bà Catanze rằng tôi đã rời khỏi nhà.
Tôi biết bà Catanze vẫn thường nhìn theo tôi từ trong nhà bếp, nên không bỏ lỡ cơ hội phô diễn tài nghệ lái xe, tôi đưa tay ra sau lưng vẫy chào bà. Ra đến đường lớn, tôi nhấn bàn đạp cho xe lao nhanh đến độ có lúc tôi tưởng mình đang bay. Đi được một lúc, tôi gác chân lên sườn xe và thả cho xe chạy men theo bờ cỏ của công viên. Tôi nheo mắt tận hưởng tiếng gió thoảng bên tai, cả mùi cây cỏ trong lành ẩn trong gió mát. Đến nơi, tôi tựa xe vào một gốc cây rồi trườn người qua khu pháo đài ba lớp gỗ. Tôi đu qua mấy sợi thừng, chạy nhảy trên chiếc cầu kéo bằng dây xích. Chơi đùa đến kiệt sức, tôi lại nằm dài xuống đất thở hổn hển. Tôi dang rộng tay chân, ngẩng mặt lên nền trời cao vút, cảm nhận hơi ấm của những tia nắng lách mình qua tán lá mơn mởn chiếu xuống bãi cỏ xanh rì rào trong công viên.
Văng vẳng có tiếng cười nói khúc khích. Tôi nép mình vào bụi cây và trộm nhìn say sưa những đứa trẻ đang chơi đùa với bạn bè và cha mẹ của chúng. Bất giác, tôi thèm được vô tư nô đùa cùng chúng. Nhưng tôi lại lánh đi nơi khác. Chẳng hiểu sao tôi vẫn có một cảm giác bất an khi tiếp cận với người lạ.
Tôi cứ thế lang thang hết nơi này đến nơi khác trong công viên, mải mê nhìn ngó và quan sát mọi thứ cho đến khi không thể chịu được cơn đói cồn cào đang sôi sục trong bụng. Thế là tôi nhảy lên xe và thong thả đạp về nhà. Theo thói quen, sau khi vào nhà, tôi luôn lấy giọng hét thật to: Cháu về rồi đây! Và lần nào cũng vậy, Lilian luôn đáp lại lời tôi bằng cách bảo tôi nhanh chóng rửa tay chân để chuẩn bị ăn cơm.
Nhưng một ngày nọ, sau khi đi chơi về, tôi chào Lilian như thường lệ thì không hề nghe thấy tiếng trả lời của bà. Tôi chạy vội lên cầu thang và ào vào nhà bếp.
Tôi tìm bà ở tất cả các phòng, trong mọi ngóc ngách, nhưng chẳng thấy đâu. Bất ngờ tôi nghe thấy tiếng nói từ sau lưng:
- Bà ấy không có ở đây đâu, thằng ốm đói. - Larry nhỏ vẫn giữ thái độ như mọi khi.
Lúc ấy thật sự tôi chỉ muốn hét lên cho anh ta biến đi, nhưng tôi cố mím môi kiềm chế. Tôi nhìn chằm chằm xuống sàn nhà tỏ vẻ sợ sệt. Tôi khẽ gật đầu, ngụ ý rằng anh ta đã thắng. Khi tôi quay lưng lẩn về phòng để đợi Lilian thì bị hắn ta ngáng đường. Chẳng nói chẳng rằng, hắn túm lấy tôi.
- Cậu bé của mẹ đi đâu thế? - Giọng hắn mỉa mai, tay vẫn siết chặt lấy tôi.
Tôi vừa ném vào mặt hắn một cái nhìn căm ghét vừa cố vùng vẫy để thoát khỏi vòng kìm kẹp của hắn.
- Này, anh... để cho tôi đi! - Tôi la lên.
- Đúng thế, Larr... Larry, để... để cho... à... để thằng bé... đi. - Chris lắp bắp. - Tôi quay đầu về phía Chris, một trong những người anh em con nuôi giống như tôi. Tôi rất ngạc nhiên khi trông thấy anh ấy vì Chris chỉ thường ở trong phòng dưới cầu thang mà thôi.
Larry nhỏ vẫn giữ chặt tay tôi, nhưng tôi kịp nhận ra cái nhìn ác ý của hắn đã chuyển về phía Chris. Hắn siết chặt tôi một lần cuối rồi xô tôi ngã nhào sang một bên.
- Chà... Chà... thằng đần kia, mày muốn gì đấy? Sao không trốn trong phòng của mày nữa đi? - Larry chế giễu.
Chris là người mắc chứng bại não đầu tiên mà tôi biết. Tôi nhìn thấy nỗi đau trong mắt anh ấy. Tôi hiểu cảm giác bị người khác chế giễu như thế nào, và tôi ghét bị như vậy. Tôi cũng biết rằng mong muốn duy nhất lúc này của Larry là làm tổn thương Chris. Chris chậm chạp tiến thẳng về phía Larry cho đến khi hai người mặt đối mặt. Larry nhướn mày thách thức còn cánh tay phải của hắn lăm lăm đung đưa lên xuống. Tôi cảm giác mình sắp chứng kiến cảnh Larry hạ đo ván Chris và đấm vỡ răng anh ấy. Không chút suy nghĩ, tôi hét lên:
- Không! Dừng lại! Không được làm vậy!
Larry vung tay về phía Chris. Nhưng chẳng hiểu sao hắn chỉ cố tình đấm sượt qua tóc anh ấy mà thôi.
- Bực thật! - Larry cười khẩy. - Ha ha! Đùa với hai đứa khùng này cũng đâu có mất mát gì đâu, đúng không nào?
Tôi thấy người mình nóng lên.
- Biến đi! - Tôi hét lên.
Larry trợn tròn mắt.
- Ái chà, cậu bé của mẹ cũng có miệng nữa cơ à. Tao sợ quá. Để tao nói mày nghe, thằng ốm đói. - Larry gầm gừ, đẩy tôi sát vào bàn bếp. - Sao mày không làm gì tao thử xem nào?
Tôi biết với thân hình đồ sộ của hắn, hắn có thể hạ tôi dễ như bẻ một nhành cây. Nhưng tôi không quan tâm.
- Lùi lại đi, anh bạn. - Tôi buột miệng thốt lên. - Tôi mệt mỏi vì anh lắm rồi. Chỉ vì anh lớn hơn và to con hơn tôi thôi... điều đó không có nghĩa là anh có quyền đối xử với chúng tôi như vậy, có đúng không? Anh có thích bị người khác chế nhạo không?
Larry hơi khựng lại. Rồi hắn ta lắc lắc đầu tỏ vẻ mỉa mai.
- Mày nghĩ mày là ai vậy? Bác sĩ Spock(10) 11 12 chắc?
Tôi ngừng một lát, suy nghĩ về điều Larry vừa nói. Spock à? Ý anh ta muốn nói đến anh chàng bảnh chọe Vulcan(11) trong phim Star Trek(12) sao?- Tôi tự hỏi.
(10) Bác sĩ Spock: Tên đầy đủ là Benjamin McLane Spock, một bác sĩ nhi khoa nổi tiếng người Mỹ. Ông là người viết quyển “Nghệ thuật chăm sóc trẻ sơ sinh” - một trong những cuốn sách dành cho bà mẹ bán chạy nhất mọi thời đại.
(11) Vulcan: Một nhân vật trong phim star Trek, có hình dáng giống người.
(12) Star Trek: Se-ri phim truyền hình khoa học giả tưởng của đạo diễn Gene Roddenberry được khởi chiếu từ 08/09/1966 đến 02/09/1969. Bộ phim nói về những chuyến thám hiểm của phi hành đoàn do Thuyền trưởng James T. Kirk dẫn đầu trên phi thuyền mang tên Enterprise trong bối cảnh của thế kỷ 23. Phiên bản gốc của Star Trek đã được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận là chương trình truyền hình sản sinh ra nhiều sản phẩm phụ nhất trong lịch sử truyền hình ở Mỹ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Bộ Ba Tiểu Thuyết Tự Thuật Của Dave Pelzer

Postby bevanng » 10 Jun 2018

- Tao nghĩ mày nên lo cho cái thân mày và lái xe đạp đi chơi đi. Nếu không, - hắn ta tiếp tục với giọng cười hô hố, - tao sẽ lấy khuôn mặt bé nhỏ của mày để làm nùi giẻ lau nhà đấy con ạ.
Tôi cảm thấy mình hơi mất bình tĩnh. Mặt tôi nóng bừng. Tôi chỉ muốn đu lên chân hắn ta mà đánh túi bụi vào mặt hắn. Tôi lao bổ vào Larry:
- Tao đã chán dính vào mấy chuyện tào lao của những thằng như mày rồi. Mày... mày... thằng điên! Mày nghĩ mày lớn lắm hả, Mày là một thằng hèn... một thằng du côn. Mày không phải... mày không phải đồ bỏ đi sao? Chẳng phải mày hay lắm sao? Hay giống cái cách mày chế nhạo người khác như chế nhạo Chris vậy sao? Mày muốn đấm tao không? Được thôi, tới đây, đấm đi! Cho tao thấy mày làm được gì đi. Đến đây nào thằng hèn! Sao nào...?
Tôi cảm giác như chân tay mình co rút lại. Tôi biết mình làm vậy là sai, nhưng trải qua những năm tháng bị đè đầu cưỡi cổ bởi những kẻ tự cho mình cao hơn người khác, tôi buộc phải phản ứng như vậy. Chính việc chứng kiến cảnh Larry nhỏ đối xử với Chris đã làm máu tôi sôi lên.
Khi tôi thấy khó thở hơn cũng là lúc tôi biết mình đã gây nên chuyện với Larry. Khuôn mặt Larry căng ra và sầm lại khi thấy tôi phản ứng dữ dội như vậy. Lần đầu tiên, tôi bộc lộ cơn giận cực độ của mình. Tôi thích cảm giác đó. Larry huých tôi ngã vào bàn bếp rồi hậm hực bỏ đi. Tôi cảm thấy đầu mình đụng vào một vật gì đó cứng lắm, nhưng cơn giận làm tôi quên cả đau.
Trước khi rời khỏi nhà bếp, Larry dứ dứ nắm đấm về phía Chris:
- Này thằng kia, mày lo cho thân mày thì hơn, nếu không, một ngày nào đó mày sẽ bị ngã lộn cỗ xuống cầu thang đấy. Và nhớ lấy điều này, tao tha cho mày không phải vì đã có một thằng hèn nhát nhảy vào bênh vực mày thế này đâu nhé!
- Còn mày! - Larry trừng mắt nhìn tôi. - Mày nên ăn nói cho cẩn thận. Nếu muốn... tao có thể làm cỏ cả cái đầu của mày... như thế này này! - Hắn ta cười ngạo mạn rồi bật ngón tay kêu tanh tách. - Cả hai đứa chúng mày, biến đi cho khuất mắt tao. Có hiểu không hả? Hai thằng đồng bóng?
Tôi bấu chặt tay vào cạnh bàn cho đến khi nghe tiếng Larry đóng rầm cửa lại. Hắn ta dập cửa mạnh đến nỗi cửa sổ nhà trên bật vào nhau kêu lạch cạch. Vài giây sau, tôi lấy lại bình tĩnh. Tôi nhắm mắt lại, cố gắng kiểm soát nhịp thở. Tôi tưởng như mình không cách nào có thể hoàn hồn lại được.
Tôi mở mắt ra, đảo quanh tìm Chris. Anh ấy đã biến mất. Tôi chạy ra khỏi nhà bếp, ào vào phòng khách và nghe thấy tiếng đóng cửa đánh sầm từ phòng anh ấy. Tôi chạy vội xuống cầu thang, vội vàng gõ cửa phòng Chris rồi xộc vào bên trong. Anh ấy đang quỳ gối thu lu trên giường, mắt nhìn chằm chằm xuống sàn nhà, nước mắt lã chã trên mặt. Tôi hơi khựng lại:
- Larry có đánh anh không?
- Khô... à... không! Anh có... Có thể... à... tự chăm sóc mình được, em biết mà! Anh không cần một thằng... một thằng nhóc còi cọc để... - Chris lắp bắp.
- Này anh, anh đang nói gì thế? - Tôi hỏi vặn. - Larry là thằng vô lại nhất trên đời này. Em đã mệt mỏi vì hắn cứ suốt ngày bắt nạt cả anh và em rồi.
Chris ngẩng đầu lên:
- Em... à... em nên tự lo cho mình. Nếu không... em có thể vướng vào nhiều... nhiều... rắc rối lắm đấy. Nếu mẹ... mà... mà biết được... anh... anh... thề... thề rằng... bà ấy sẽ...
Tôi xua tay gạt phắt câu nói dở của Chris. Anh khập khiễng lần bước về phía dàn âm thanh nổi. Anh lấy một cuộn băng dày, màu đỏ rồi nhét vào một cái máy hát mà anh gọi là máy hát tám hộc băng. Tôi chưa thấy cái máy hát nào như vậy bao giờ. Anh mở bài “Joy to the World” của nhóm Three Dog Night. Trong lúc cặp loa cũ kỹ của Chris ngân nga giai điệu của bài hát, tôi ngồi xuống giường cạnh anh ấy. Tôi biết những gì mình vừa làm ở nhà dưới là không ổn chút nào.
- Anh này, - tôi ngập ngừng. - Em xin lỗi. Em chỉ muốn cho anh ta biết là anh ta không nên như thế thôi. - Chris tỏ vẻ thông cảm. Tôi cười ngượng ngùng. - Chris này, Larry có ý gì khi nói “làm cỏ cả cái đầu em” thế?
Chris cười to trong khi mũi dãi chảy tèm lem:
- Ờ... à... Có nghĩa là hắn sẽ đá vào đầu em đấy!
- Nhưng tại sao hắn ta lại bắt nạt anh? Anh có chọc ghẹo gì hắn ta đâu? Em không hiểu.
Mắt Chris sáng quắc lên:
- Thằng nhóc này, em... buồn... buồn cười thật đấy. Nhìn anh đây này. Hắn ta không cần có lý do nào cả. Những thằng như Larry thích bắt nạt một thằng như anh bởi vì anh... anh là một đứa dị thường. Em... cũng là một đứa dị thường. Em nhỏ choắt nhưng lại to mồm.
Tôi tựa vào thành giường nghe anh kể về hoàn cảnh của mình. Anh bị cha mẹ ruột bỏ rơi khi còn rất bé và anh đã đến sống trong nhà nuôi dưỡng từ lúc đó. Anh đã sống với hơn mười nhà nuôi dưỡng trước khi chuyển đến sống trong gia đình của Rudy và Lilian. Nhà Catanze là nơi đầu tiên mang lại cho anh ấy cảm giác của một gia đình thật sự. Tôi chăm chú lắng nghe từng lời của Chris, cách nói lắp bắp của anh khiến tôi nhớ lại hình ảnh của tôi cách đây chỉ vài tháng. Nhưng trông Chris có vẻ sợ sệt hơn tôi nhiều. Ẩn đằng sau ánh mắt của Chris là một nỗi sợ hãi mơ hồ. Chris còn cho tôi biết rằng đây là năm cuối cùng anh ấy ở đây.
- Nghĩa là sao? - Tôi ngạc nhiên.
Chris nghẹn ngào, cố hết sức để trả lời thật rõ ràng câu hỏi của tôi.
- Ừm... thế này... điều đó có nghĩa là khi em... được mười tám tuổi, em sẽ phải... ra ngoài và phải... phải tự lo cho mình.
- Có nghĩa là năm nay anh mười bảy tuổi? - Tôi lại hỏi.
Chris gật đầu.
- Rồi sau đó ai sẽ chăm sóc cho anh?
Chris liếc nhìn xuống sàn nhà. Anh không trả lời. Nhưng giờ thì tôi đã hiểu tại sao anh lại luôn có vẻ lo lắng và sợ sệt như vậy.
Tôi khẽ gật đầu tỏ vẻ thông cảm với anh. Giờ thì tôi đã hiểu.
Từ sau lần gây gổ với Larry nhỏ, tôi thu mình lại và cố gắng tránh hắn càng xa càng tốt. Thế nhưng, bất kể khi nào tình cờ chạm mặt nhau, trong tôi lại dậy lên cảm giác căm ghét tột độ mà tôi cũng không hiểu được lý do. Có lúc, hắn chửi rủa tôi, có lúc hắn nhạo báng tôi, lúc thì rượt đuổi tôi chạy quanh nhà. Có lần hắn túm được tôi và vật tôi ngã lăn xuống sàn nhà. Hắn dùng cả thân mình đè lên người tôi rồi thụi tôi túi bụi. Như một con thú, hắn trừng mắt quát:
- Gọi “chú” đi!
Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi vùng vẫy, cố thoát khỏi hai cánh tay như gọng kìm của hắn.
- Không bao giờ! - Tôi hét vào mặt hắn.
Sau vài phút giằng co, mồ hôi của hắn nhỏ giọt xuống người tôi.
- Gọi chú! Gọi mau! - Larry thở hổn hển. - Đầu hàng đi, thằng nhóc!
Dù đã kiệt sức vì cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi Larry, tôi vẫn cảm thấy mình đã thắng được hắn ta.
- Không có chuyện đó đâu! Anh không phải chú của tôi. Xuống ngay đi!
Larry cười to rồi tuột khỏi người tôi. Chẳng hiểu sao tôi cũng cười to theo hắn. Hắn vỗ mạnh vào lưng tôi, hỏi:
- Mày không sao chứ nhóc?
Tôi gật đầu.
- Tao muốn nói với mày điều này, thằng ốm đói à. Mày rất gan dạ. Mày không bao giờ đầu hàng. - Hắn nói, tay vẫn vỗ vỗ vào người tôi. - Nhưng mày chính là thằng con điên rồ nhất của một...
Đột nhiên tôi bật dậy và xô hắn ta ngã nhào trên sàn nhà bằng tất cả sức mạnh cùng sự giận dữ của mình. Tôi chỉ tay vào mặt hắn ta, và Larry có vẻ kinh ngạc trước hành động của tôi.
- Tôi không điên! Và anh đừng bao giờ, đừng bao giờ, nói như vậy với tôi thêm một lần nào nữa! - Tôi gào lên, nước mắt rơi như mưa.
Bỗng tôi nghe thấy tiếng bà Catanze mở cửa ở nhà dưới. Trước khi chạy về phòng, tôi thu hết can đảm nhìn thẳng mặt Larry một hồi lâu.
- Chuyện gì thế này? - Lilian tức giận. - Hai đứa lại đánh nhau nữa chứ gì? Ta đã nói rồi, ta đã nói rõ ràng với cả hai đứa rồi cơ mà.
- Không phải lỗi của con, tại thằng nhóc đấy chứ. - Larry phân trần bằng một giọng rất ư nhỏ nhẹ. - Nó làm sai. Ý con là, nó đã cư xử như một thằng khùng. Con đang chơi với nó, thì nó lại nổi khùng với con.
Tôi quay mặt đi và òa khóc. Tôi không hiểu tại sao mình lại ngu ngốc như vậy. Tôi đã cố hết sức để ý xem nhũng người con nuôi khác đang nói gì để học hỏi - để được những đứa lớn hơn mình chấp nhận. Tôi thèm muốn được người khác yêu thương. Nhưng tôi vẫn không tài nào lĩnh hội được một tí gì. Có thể, tôi tự nhủ, tôi là một thằng khờ. Cũng có thể tôi bị điên.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 19 guests