Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 06 Nov 2017

Cha mẹ và con cái
(Trích từ internet)


Trong truyện cổ, người ta có kể chuyện một ông phú hộ và bốn người con trai. Khi bốn người con này lớn lên lập gia đình, ông phú hộ này đem một phần gia tài chia cho bốn người con, phần còn lại vợ chồng ông giữ để dưỡng già. Mấy năm sau khi vợ ông qua đời, mấy người con sợ rằng ông sẽ tìm vợ mới, lúc có con, gia tài này phải chia cho những đứa con khác. Chúng bàn với nhau thuyết phục cha, về ở với mình, săn sóc cha thật chu đáo, sung sướng để ông không cảm thấy cô đơn, khỏi cần phải tục huyền. Được ít lâu, chúng thuyết phục ông phú hộ chia hết tài sản cho chúng. Bùi tai và thấy không cần giữ riêng cho mình một tài khoản nào, ông đồng ý đem gia tài chia hết cho bốn đứa con.
Sau đó ông đến ở với đứa con thứ nhất, nhưng đứa con này nghe vợ, chỉ được ít hôm, bảo ông đến ở nhà đứa em kế. Cứ như thế, không ở được với đứa con nào. Không một đồng xu dính túi, người cha bị bỏ rơi, phải đi khất thực từng nhà. Bấy giờ cây gậy cũng còn có ích hơn là những đứa con. Cây gậy đó có thể giúp ông già xua đuổi những con chó, dò dẫm trên đường, tránh những vũng nước và giúp ông những lúc yếu chân sắp ngã.
Câu chuyện tương tự gần đây là câu chuyện của một bà mẹ ở Quận Cam. Sau Tháng Tư 1975, hai vợ chồng đem một đàn con vượt biển sang Mỹ. Trong nhiều năm, ông bà vừa nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài, dựng vợ gả chồng cho con, vừa tậu được một căn nhà khang trang trong vùng Bolsa. Sau khi người chồng qua đời ít lâu, bà vợ được con cái thuyết phục nên bán ngôi nhà đi, chia đều cho các con rồi về ở với con cháu cho đỡ cô đơn. Bà nghe theo, và cũng lần lượt ở với nhiều đứa con, chịu cảnh bạc đãi và cuối cùng bà quyết định phải rời khỏi nhà những đứa con ấy. May thay, trên đất Mỹ, bà già cô đơn này còn có chỗ nương tựa, đó là một món trợ cấp nhỏ và ngôi nhà “housing ” mà chính phủ đã đành cho bà. Nếu ở một xứ sở khác, chắc bà cũng cần đến một cây gậy.
Những đứa con mua nhà mới có thể đã không tính đến một chỗ cho cha mẹ già khi xế bóng, nhưng tôi biết nhiều bậc cha mẹ khi luống tuổi, con cái lập gia đình đi xa cả rồi, mà vẫn giữ cái nhà cũ nhiều phòng, với ý nghĩ dành cho con lúc trở về thăm viếng. Tôi có một người bạn được con trai bảo lãnh sang Mỹ, nhưng chỉ ít lâu sau cô con dâu muốn chồng bán căn nhà đang ở và đi mua lại một cái nhà nhỏ hơn, lấy lý do để tiết kiệm cũng là lý do để cha mẹ chồng phải dọn ra.
Cha mẹ đối với con lúc nào cũng hết lòng. Mẹ có thể lăn vào lửa để cứu con, cha có thể đổ mồ hôi nhọc nhằn để đứa con có được một nụ cười hạnh phúc, nhưng những đứa con, khi đã có gia đình riêng của mình, không giữ được sự chăm sóc, lo lắng cho đời sống của cha mẹ. Người mẹ nào cũng mỗi đêm kéo chăn đắp cho con, sờ trán con, hạnh phúc theo từng nụ cười của con, nhưng bây giờ con ở xa, thời giờ dùng để gọi về thăm mẹ đôi khi cũng hiếm hoi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 06 Nov 2017

Tình yêu như một sự khám phá bản thân mình
(Nguyễn Hưng Quốc)


Mặc dù lúc nào cũng băn khoăn, cũng thắc mắc, cũng trăn trở, các nhà thơ đã hoàn toàn thất bại; không ai đưa ra được một định nghĩa nào tương đối thỏa đáng về tình yêu cả. Cuối cùng lời thú nhận của Xuân Diệu cũng vẫn được xem như một sự thực không thể chối cãi được:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.

Bế tắc trong việc tìm một định nghĩa chung cuộc về tình yêu, chúng ta thử tìm hiểu một số tác động lớn của tình yêu. Thật ra, xin nói ngay, đây là một vấn đề rất rộng; chúng ta chỉ tạm giới hạn ở phạm vi thơ văn mà thôi. Và trong phạm vi thơ văn, chủ yếu là thơ, chúng ta cũng chỉ dừng lại ở những điểm quan trọng nhất và cơ bản nhất.
Sau khi đã giới hạn vấn đề như vậy, có thể nói, ý nghĩa lớn lao đầu tiên của tình yêu là giúp con người khám phá ra chính bản thân họ.
Kể ra, chúng ta có thể kiểm chứng nhận định này khá dễ dàng dựa theo kinh nghiệm của bản thân hoặc những điều chúng ta quan sát được từ những thanh thiếu niên bước vào tuổi dậy thì, trong lòng bắt đầu thấy xôn xao những gợn sóng ái tình. Biểu hiện đầu tiên khi tình yêu bắt đầu chớm nở là gì? Là bắt đầu biết diện, biết làm đẹp. Trước đó, khi còn hồn nhiên, các em thường rất ít chú ý đến diện mạo hay quần áo của mình. Tóc tai thì cứ để rối bù, quần áo thì lôi thôi, móng tay móng chân ít khi nào tự cắt cho đàng hoàng. Thế rồi, bỗng dưng, đến một tuổi nào đó, các em bỗng chăm chút đến bề ngoài của mình hơn. Quần áo lúc nào cũng thẳng thớm, cũng chỉnh tề. Hơn nữa, còn vòi vĩnh bố mẹ mua quần áo mới liên tục. Vào tiệm cắt tóc, các em phân vân chọn kiểu tóc lâu hơn. Nếu trước đây, sáng dậy, phải đợi bố mẹ la mắng mãi các em mới vội vàng tạt nước rửa sơ bộ mặt ngái ngủ của mình, thì bây giờ, các em lại bị bố mẹ rầy trách vì chiếm cứ phòng tắm hay toilet quá lâu, bắt người khác phải chờ đợi, để nặn mụn, để nhe răng ra dòm xem có sạch hay không, để tự ngắm mình trong gương, và để tập cười hay tập liếc mắt.
Nhà thơ Lê Văn Bái, thường ký bút hiệu là Leiba, trước năm 1945, có viết một bài thơ kể chuyện một cô gái lúc bắt đầu biết yêu như sau:
Em nhớ năm em mới lên mười
Tóc em buông xõa chấm ngang vai
Ngây thơ nào biết em xinh đẹp
Cùng trẻ bên đường đánh “chắt” chơi…
Em nhớ năm em lên mười hai
Một mình em lấy trộm gương soi
Đường ngôi đương kẻ thì anh đến
Anh đến bên em mỉm miệng cười
Em thẹn, quăng gương chạy xuống nhà
Nín hơi, anh gọi cũng không thưa
Sau mành lấp ló em nhìn trộm
Em đợi anh về mới dám ra.

Nhà thơ Leiba, trong một bài thơ khác, còn quan niệm ngay cả sự trang điểm cũng xuất phát từ tình yêu. Người ta làm đẹp là vì người khác chứ không phải là vì chính mình:
Yêu chàng, em cố chút hình dung
Tô cặp môi son, điểm má hồng.

Nhưng tình yêu không chỉ giúp con người khám phá ra chính mình như một thân xác mà còn chủ yếu giúp khám phá ra mình như một tâm hồn. Trong ý nghĩa này, biết yêu cũng đồng nghĩa với biết mơ mộng. Trước đây, các em thường chạy nhảy liên tục, ồn ào liên tục, lúc nào cũng hiếu động, cũng sôi nổi, cũng quấn quít bên bạn bè hoặc người thân. Bây giờ, bắt đầu biết yêu, các em cũng bắt đầu thích ngồi một mình lặng lẽ ngắm trời ngắm mây. Ở trong lớp học các em hay đưa mắt nhìn lung ra sân trường, ngẩn ngơ trước những hàng cây, những bông hoa, những dáng người thấp thoáng nói cười. Chính vì vậy, có một thời, trước năm 1975, ở miền Nam, các nhà văn và nhà thơ đã gọi tuổi dậy thì bằng nhiều danh hiệu khác nhau; thường nhất là tuổi mộng mơ và tuổi biết buồn.
Biết buồn, biết mộng mơ, người ta cũng bắt đầu thích sự cô đơn, thích tách ra khỏi đám đông. Trong các bài ca dao viết về tình yêu, hình ảnh chúng ta hay bắt gặp nhiều nhất là hình ảnh một người nam hay một người nữ đứng một mình thẫn thờ vào buổi chiều nhạt nắng hay vào những đêm khuya khoắt thanh vắng, kiểu:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ.

Thích đứng một mình ngắm trời, ngắm trăng ngắm sao như thế chủ yếu là vì thích lắng nghe những xôn xao khua động trong tâm hồn mình. Người đang yêu nào cũng là một kẻ hướng nội. Tình yêu giúp con người khám phá ra tâm hồn của mình như một thế giới bí ẩn nhưng lại giàu có vô hạn. Trong bài “Tình tự”, nhà thơ Huy Cận đã ví tâm hồn của người đang yêu với tủ áo, với ngày hội, đầy những màu sắc rực rỡ:
Sáng hôm nay hồn em như tủ áo
Ý trong veo, là lượt xếp từng đôi
Áo đẹp chưa anh, hoa thắm thêu đời
Áo mơ ước anh bận giùm chiếc nhé
Vàng rạng cùng xanh, hồng cười với tía
Xin mời anh chọn hình sắc yêu đương
Hồn em đây đủ muôn ánh nghê thường
Anh hãy bận hồn em màu sáng chói.
Anh có biết, hôm nay là ngày hội
Của lòng ta. Em trần thiết, trang hoàng.

Thích cô đơn, thích lắng nghe những tiếng động bồi hồi của tình yêu trong lòng mình, người ta cũng thường bắt đầu biết yêu thơ và thích khe khẽ đọc thơ. Ở Việt Nam, các nam nữ học sinh, cứ đến một lứa tuổi nào thì hay sắm một cuốn vở để ghi chép thơ, thật nhiều thơ, chủ yếu là thơ tình, từ thơ tình của Xuân Diệu đến thơ tình của Nguyễn Bính, của Nguyên Sa, của Cung Trầm Tưởng. Những bài thơ ấy thường được viết nắn nót bằng mực màu ngỡ như người viết trải tất cả sự âu yếm của mình lên trên trang giấy. Có một số người đi du học trước năm 1975, khi ra đi, bên cạnh những quần áo ngổn ngang các thứ, có cả cuốn vở chép thơ như thế. Người con gái trong thơ Vũ Hoàng Chương thì thẳng thắn thú nhận:
Anh ơi, từ buổi tình sâu nặng
Em thuộc gì đâu, chỉ thuộc thơ.

Có người không hài lòng với sự diễn tả của người khác. Người khác viết hay đến mấy thì vẫn là tâm sự của người khác. Họ muốn chính họ nói lên cái bâng khuâng cũng như cái ngổn ngang cái bồi hồi như lửa đốt trong lòng họ, do đó họ làm thơ. Trong bài thơ “Sơn tinh, Thủy tinh”, Nguyễn Nhược Pháp, sau khi tả nhan sắc lộng lẫy của Mỵ nương:
Con vua Hùng vương thứ mười tám
Mỵ nương xinh như tiên trên trần
Tóc mây viền má hây hây đỏ
Miệng nàng bé thắm như san hô
Tay nàng trắng nõn, hai chân nhỏ

liền thêm một câu thơ tuyệt vời, thường được người ta nhắc nhở mãi:
Yêu nàng, bao nhiêu người làm thơ.

Chúng ta cũng có thể nói chính tình yêu đã thúc đẩy người ta đi đến với thơ, từ việc đọc thơ đến việc làm thơ. Như vậy, tình yêu không những giúp con người phát hiện ra mình như một thân xác hay một tâm hồn mà còn là như một thi sĩ nữa.
Ngoài ra, cũng nhờ tình yêu, con người đã khám phá ra bản thân mình như một cái gì riêng, thật riêng, và khác, thật khác, so với đồng loại. Ở phương diện này, chúng ta cũng có thể nói, tình yêu đã giúp con người phát hiện ra con người như một cá nhân. Không phải ngẫu nhiên mà vào thế kỷ 18, khi đề tài tình yêu nở rộ trong văn học thì chủ nghĩa cá nhân cũng bắt đầu manh nha trong tâm thức người Việt Nam. Đi tiên phong có lẽ là Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Theo tôi, Chinh phụ ngâm trước hết là một bài ca ca ngợi cái riêng của từng phận người bé nhỏ. Thoạt đầu, khi chiến tranh mới bùng nổ, lệnh vua vừa truyền, người chinh phụ hầu như hoàn toàn tự đồng nhất mình với chồng và với bổn phận của kẻ làm tôi. Nàng suy nghĩ hoàn toàn theo quán tính như mọi người trong xã hội:
Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.

Giữa cái chung và cái riêng, nàng tự thấy cái riêng của mình vô cùng nhỏ nhoi, do đó, nàng sẵn sàng chấp nhận hy sinh cho đại cuộc:
Sứ trời sớm giục đường mây
Phép công là trọng, niềm tây sá nào.

Thế nhưng, khi người chồng vừa đi khuất, nàng đã thấy nhói trong lòng nỗi phân vân:
Quân đưa chàng ruổi lên đường,
Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?

Khi cả đoàn quân chỉ còn là một “hàng cờ bay trông bóng phất phơ”, nàng buồn rầu:
Dấu chàng theo lớp mây đưa,
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà

Khi tất cả đoàn quân đã mờ trong cảnh “ngàn dâu xanh ngắt một màu”, chỉ còn trơ trọi lại một mình nàng, người chinh phụ mới thấy mình không phải là một với chồng. Nàng so đo, phân bì:
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Đến đây, người chinh phụ không còn đồng nhất với chồng nữa. Nàng trở về với chính nàng, với sự cô đơn và đau khổ của chính nàng:
Lên cao trông thức mây lồng
Lòng nào là chẳng động lòng bi thương.

Dần dần, nàng cũng khám phá ra là nàng không còn đồng nhất với xã hội chung quanh nàng nữa. Nàng có những giấc mơ riêng:
Ước gì gần gũi tấc gang
Giãi niềm cay đắng để chàng tỏ hay.

Nàng chợt hiểu giấc mộng công hầu chỉ là điều vô nghĩa:
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.

Đây chính là lúc người chinh phụ ra khám phá cái tôi và những giá trị khác trước đó nàng không thấy, những giá trị có vẻ nhỏ nhoi nhưng thực sự đầy ý nghĩa với từng người cụ thể. Đó là tuổi trẻ, là thực tại, là giây phút mình đang sống. Đó cũng là cuộc đời, cái cuộc đời hiện thế này, chứ không phải là một thế giới mai hậu mơ hồ nào khác:
Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau.

Ngoài ra, người chinh phụ còn phát hiện ra một giá trị nữa, vô cùng quan trọng, có khi là quan trọng nhất đối với nàng:
Chàng chẳng thấy chim uyên ngoài nội
Cũng dập dìu chẳng vội phân trương
Chẳng xem chim én trên rường
Bạc đầu không nỡ đôi đường rẽ nhau?
Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh,
Nọ loài chim chắp cánh cùng bay.
Liễu sen là thức cỏ cây
Đôi sen cùng sánh đôi dây cùng liền
Ấy loài vật tình duyên còn thế
Sao kiếp người nỡ để đó đây?
Thiếp xin muôn kiếp duyên này
Như chim liền cánh, như mây liền cành.

Việc nhận thức ra giá trị của tình yêu xảy ra hầu như cùng lúc với việc nhận thức ra bản thân mình với tư cách một cá nhân biệt lập và độc lập. Đây là nhận thức quan trọng nhất trong Chinh phụ ngâm khiến tác phẩm này trở thành một kiệt tác, đồng thời cũng là tác phẩm mở đầu cho một thời đại văn học huy hoàng nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Sau khi Chinh phụ ngâm ra đời, vô số các nhà thơ khác bắt chước, tập trung khai thác đề tài tình yêu và thế giới riêng tư mà tình yêu mở ra cho con người, trong đó, nổi bật nhất là những tác phẩm đã trở thành cổ điển như Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Hoa Tiên, Nhị độ mai hay Sơ kính tân trang, v.v…
Nói một cách tóm tắt, mặc dù các nhà thơ không thể tìm ra một câu định nghĩa ngắn gọn và đầy đủ nào về tình yêu, nhưng người ta đã biết khá rõ những tác động của tình yêu, những ý nghĩa lớn lao của tình yêu lên trên cuộc sống. Trong những ý nghĩa ấy, ý nghĩa quan trọng nhất chính là nhờ tình yêu mà con người khám phá ra chính mình, chính bản thân mình, như một thân xác, một tâm hồn và một cái gì hết sức riêng tư. Đến lượt nó, chính khám phá này đã làm cho đời sống nội tâm của con người trở thành phong phú hơn, giàu có hơn và cũng phức tạp hơn. Cuối cùng, cũng chính khám phá này đã trở thành nguồn cảm hứng làm rộ nở bao nhiêu mùa hoa đầy hương sắc trong văn học.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 06 Nov 2017

Ngộ Đạo Đất Trời
(tramcamau)


Ông Tư bị ung thư và biết chắc không thể sống lâu hơn sáu tháng. Ông bình tỉnh chờ cái chết, và vui vẻ sống những ngày ngắn ngủi còn lại, mà không bi ai, không sợ hãi. Ông muốn sau khi chết, gia đình làm đám tang theo ý riêng của ông. Bà vợ nghe dặn dò cách thức làm đám tang kỳ dị, thì nói giọng buồn, với đôi mắt cầu khẩn:
“Em nghe nói ngày xưa ở Huế, người đàn bà đầu tiên đi xe đạp, bị cả thành phố phỉ nhổ, xem như là Me Tây, như kẽ phá hoại phong hóa nơi đất thần kinh. Cho đến khi chiếc xe gắn máy hiệu “Velo solex” ra đời, người đàn bà đầu tiên xử dụng, cũng bị xem như là thứ côn đồ, cao bồi du đảng, chẳng ai dám giao du thân mật. Đến như bà Thu, vốn là một công chúa, dù là con của vị phế đế, là người đàn bà có xe hơi, và lái xe hơi đầu tiên ở Huế, cũng bị thiên hạ nghi ngờ oan ức đến cái đức hạnh của bà, mà suốt đời không kiếm được một tấm chồng. Thế mà bây giờ, anh bảo em làm đám tang khác thiên hạ, không giống ai, thì chịu sao nỗi lời tiếu đàm của bà con, họ hàng!”
Ông Tư cười, nhìn vợ và nói:
“Cái gì cũng phải có khởi đầu, có người làm trước, về sau thiên hạ thấy hay mà làm theo. Không ai khởi đầu cả, thì làm sao có tiền lệ để mà bắt chước? Thời trước nếu không có cô, bà nào dám tiên phong leo lên xe đạp, thì bây giờ đàn bà đi bộ cho rã cẳng ra. Ngày nay, còn có ai xì xầm khi thấy các cô, các bà đi xe đạp, xe gắn máy và lái xe hơi đâu?”
“Sao anh bắt em phải làm cái việc khác đời, cho tội cho nghiệp em. Em đâu phải là hạng người thừa gan dạ, để có thể phớt lờ dư luận, khen chê của thế gian?
Ông Tư trả lời với giọng rất bình tỉnh:

Chỉ là ước mong nhỏ nhoi cuối cuộc đời của anh, mà em cũng không giúp anh được sao? Ai có nói gì, thì em cứ bảo đó là ý nguyện của anh trước khi chết. Mà có lẽ, mọi người đều biết anh muốn như vậy, em khỏi cần giải thích cho ai. Em không làm theo ý nguyện, anh chết không nhắm mắt, làm sao linh hồn siêu thoát? Như thế, em không sợ anh về quấy phá em mãi sao?

Nghe đến đây, thì bà Hoa tái mặt. Bà vốn sợ ma, sợ người chết, sợ bóng tối, sợ sự thiêng liêng. Bây giờ ông chồng còn sống, bà có thể lấn áp, bắt nạt ông được, chứ sau khi ông chết rồi, thì bà phải chịu thua, phải sợ ông. Ông Tư biết tính vợ, nên đem ma quỷ ra mà dọa trước, may ra sau khi ông chết, thì bà chịu theo lời ước nguyện của ông.
Nếu có ai biết ông Tư đang cận kề cái chết mà ái ngại cho ông, thì ông cười vui mà an ủi họ – chứ không phải là họ an ủi ông – rằng, nếu tin theo đạo Chúa, thì khi chết được về thiên đàng, ngồi dưới chân Chúa, sung sướng thế sao mà ai cũng sợ chết? Nếu theo đạo Phật, thì khi chết cũng sẽ về Tây Phương Cực Lạc, vĩnh cửu an bình, thì mừng vui chứ sao lại bi ai? Và nếu nói theo đức Đạt Lai Lạt Ma, thì cái xác thân ở trần gian, có thể ví như bộ áo quần ta mang, khi nó đã sờn cũ, xấu xí, rách rưới mục nát rồi, thì nên bỏ đi, mà mang bộ áo quần khác, đại ý nói đi đầu thai kiếp khác, mang thân xác mới hơn.
Ông Tư nói với bạn rằng, thân xác ông bây giờ như cái quần đã mục mông, rách đáy, không còn che được cái muốn che, thì phải bỏ đi, không xài nữa là hơn. Bởi vậy, ông bình tỉnh đón chờ cái chết cận kề. Khi biết ông bị ung thư sắp chết, thì phút đầu tiên, ông lặng người đi. Nhưng rất mau sau đó, ông nghĩ ra rằng bây giờ chỉ còn hai con đường để lựa chọn.
Một là rầu rĩ bi ai, than thân trách phận, oán thán trời đất, làm cho những ngày ngắn ngủi còn lại trở thành u ám, khổ sở, muộn phiền.
Hai là bình tỉnh chấp nhận điều không thể tránh được với thái độ tích cực, lạc quan, vui vẻ. Làm cho những ngày còn lại thành tươi vui, tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Khi ra đi sẽ không có chút tiếc thương vướng bận.
Ông chọn con đường sau, nên không buồn bả, không hoang mang, không bi ai. Ông thấy cuộc đời bỗng đáng yêu hơn, đẹp hơn. Ông mở lòng vui vẻ đón nhận từng thời khắc, từng ngày còn lại. Mỗi sáng dậy, ông ca hát nhạc vui, và nói chuyện khôi hài cùng vợ con. Ông cố làm đẹp lòng mọi người, vì ông nghĩ rằng, sau khi nhắm mắt nằm xuống, thì dù có muốn tử tế với những người thân thương, cũng không còn làm được nữa.
Ban đầu, vợ con, gia đình, ai cũng ái ngại, nên cư xử tế nhị, dè dặt, gượng nhẹ với ông. Về sau, thấy thái độ bình tỉnh của ông, mọi người quên đi chuyện ông sắp xa lìa cõi đời nầy, mà cư xử với ông không khác gì người bình thường. Đôi khi bị vợ gắt gỏng, bị con giận hờn, bị bạn bè to tiếng, ông không buồn giận, mà cảm thấy tức cười, và thấy thương họ hơn.
Ông Tư dặn thêm vợ rằng đừng đăng báo, không đăng cáo phó gì cả. Đừng làm rộn, bận trí bà con gần xa, buộc họ phải thăm viếng. Không nên để phiền ai phúng điếu chia buồn. Ông đưa tờ báo cho bà, và nói:
“Em nhìn vào mấy cái cáo phó nầy đây, đọc thấy buồn cười: “Chúng tôi đau đớn báo tin cho thân bằng quyến thuộc: Ông Nguyễn Văn Mỗ đã được Chúa gọi về vào ngày, tháng, năm, hưởng thọ 82 tuổi…” Được Chúa gọi thì phải vui mừng, sung sướng, chứ sao lại đau đớn báo tin? Về với Chúa là khổ lắm sao? Có đi tù cải tạo đâu mà đau buồn? Đáng ra phải cáo phó bằng câu: “Chúng tôi hoan hỉ báo tin cùng thân bằng quyến thuộc rằng, Ông Nguyễn văn Mỗ đã được Chúa gọi về vào ngày, tháng, năm,…”. Và đây, một cáo phó khác, cũng “khóc báo” với thân bằng quyến thuộc là thân nhân chúng tôi đã về cõi Phật. Về cõi ma vương quỷ sứ mới khóc báo, chứ về cõi Phật, sướng quá, mà khóc cái nỗi gì?”
Bà Hoa nhăn mặt nói:
“Anh đừng chi li bắt bẻ từng câu từng chữ. Đó là một lối nói thôi. Vì có ai biết chắc đi về đâu mà dám vui, buồn. Nhưng cứ cho là về thiên đàng, cực lạc, về với Chúa Phật, cho người sống an lòng. Không lẽ báo tin ông nội tôi được quỷ sứ rước đi rồi. Dù sống có gian ác đến đâu, khi chết cũng có quyền hy vọng về nơi lạc phúc, bình an.”
Ông Tư lắc đầu nói tiếp:
“Em có thấy ông cụ Trương nằm liệt giường hai năm, không cử động được, như bị hành hình, cả nhà lao đao lận đận chăm sóc. Hai vợ chồng bác Thu con cụ, vì khổ nhọc quá, gây gỗ nhau, gia đình suýt tan vỡ. Khi cụ mất, cả nhà thở phào sung sướng cho mọi người trong gia đình. Thế mà khi cáo phó, cũng đau đớn báo tin. Bà con bạn bè đăng báo chia buồn, cũng là vô cùng thương tiếc, vô cùng đau đớn. Tang gia mừng, mà bà con lại chia buồn. Bà con muốn cụ nằm đó mãi, để khổ thân cụ, khổ con cháu cụ lâu dài hơn nữa hay sao? Hay là họ không phải khổ cực chăm sóc cụ, không phải đau lòng khi thấy cụ nằm liệt ra đó, nên cụ chết họ buồn đau? Bởi thế, khi anh chết, anh không muốn cáo phó, không muốn ai phân ưu chia buồn. Chết cũng là một tiến trình của tự nhiên của trời đất, thì có chi mà phân ưu, chia buồn. Có ai sống mãi được?”
Bà Hoa không đồng ý, nói lớn:
“Mất mát nào mà không đau buồn? Dù biết chắc rằng, ông cụ Trương chết là thoát được khổ đau đang hành hạ. Nhưng khi cụ mất, cả nhà cũng buồn vì mất cụ, mà vui vì cất đi được gánh nặng, bớt được mối thương tâm khi thấy người thân yêu của mình khổ cực nằm đó.”
“Thế thì khi cụ mất, chắc chắn cả nhà vui nhiều hơn buồn, mừng nhiều hơn tiếc. Không ai dám nói mừng khi thấy thân nhân mình chết, vì sợ thiên hạ hiểu lầm, tiếu đàm. Thế thì đừng giả dối, nói là đau đớn, tiếc thương, mất mát. Mất cái gì mới ngại, chứ mất cái khổ đau hành hạ, thì cầu cho mất sớm, mất đi càng nhiều càng mau, càng tốt. Anh nghe nói người Lào có quan niệm rất hay về lẽ sống sự chết. Khi trong gia đình có người chết, họ không bao giờ khóc lóc rầu rĩ, mà bình tỉnh an nhiên, chắc rằng họ đã thấm nhuần cái lẽ thâm sâu của Phật giáo, biết chết là giải thoát, rũ sạch nợ đời.”
Bà Hoa hỏi:
“Hay là đời sống dân họ đau khổ lầm than quá, nên chết đi là khỏe chăng? Chết là hết lo cơm áo, khỏi đói khát bệnh tật?”
Bà Hoa nghĩ là ông Tư không thương bà đủ nhiều, nên cứ thản nhiên trước cái chết cận kề. Bà không biết làm sao chịu nỗi cảnh cô đơn khi sống thiếu ông trên đời.
Ông Tư thường nói với bạn bè rằng, rồi ai cũng phải chết. Không chết sớm thì chết muộn. Không chết lúc ba bốn mươi, thì bảy tám chín chục tuổi cũng phải chết. Cuộc đời, có thể ví như một đêm, không đi ngủ lúc chín mười giờ, thì mười hai giờ, một giờ sáng cũng phải đi ngủ. Nếu đêm không vui, thì tội gì không đi ngủ sớm cho khỏe, mà phải thức để nỗi buồn gặm nhấm. Nếu đêm nay đau răng thì cố thức làm gì, ngủ sớm đi mà quên đau.
Nhiều người sống với thái độ như sẽ không bao giờ chết, cho nên tích tụ của cải, bao nhiêu cũng không vừa, làm nhiều điều không đúng, không phải. Bởi vậy, khi biết mình sắp chết, thì hốt hoảng khóc lóc, bi ai, mà vẫn không tránh được. Nhiều vị vua chúa đời xưa cũng muốn sống đời, nên uống thuốc trường sinh, mà ngộ độc chết sớm. Còn gia đình, thì thời gian đầu thấy thiếu vắng, mất mát, nhưng rồi sau cũng quen dần, vì phải lo lắng nhiều công việc khác trong một cuộc sống bình thường, không còn có thì giờ mà tiếc thương, mà bi ai. Phần người chết, buông tay là xong tất cả, bình yên vĩnh viễn. Không còn phải lo công việc làm ăn, lo cơm áo gạo tiền, không còn lo làm giàu, lo tích trữ của cải, không còn ghen tuông, giận hờn, không còn phải thức khuya học hành, hoặc viết văn làm thơ mệt nhọc, không còn theo đuổi mộng lớn mộng bé, không ưu tư dằn vặt vì thời thế, vì đất nước, quê hương… Bỏ hết. Tất cả cũng chỉ là tro bụi. Thiên hạ còn ngưỡng mộ, còn khen ngợi những anh hùng liệt sĩ trong lịch sử, nhưng chính các người nầy có còn biết gì nữa đâu? Cũng là một mớ xương khô mục nát, đâu có nghe, có cảm xúc, hân hoan, vui thú gì. Có ca ngợi, nhắc nhở thì để các thế hệ con cháu về sau noi gương người đi trước mà gìn giữ quê hương, mà sống cho đàng hoàng, cho nên người, đừng làm việc xấu xa đê tiện.
Ông Tư dặn vợ làm một đám tang đơn giản, không mở nắp hòm cho bạn bè thăm viếng nhìn mặt. Hát nhạc vui trong tang lễ, không khóc lóc, mà vui cười tự nhiên. Sau khi thiêu xong thì gởi tro xương về quê nhà, đừng xây mộ, đừng đắp bia.
Bà Hoa thì chỉ muốn làm giống như tất cả mọi người. Ai làm sao mình làm vậy trong khả năng tài chánh của gia đình. Bà không muốn làm khác ai, để họ có thể dị nghị, bàn ra nói vào, thêm thắt thêu dệt. Nhưng bà cũng không nỡ từ chối ước nguyện cuối cùng của ông. Hai người con của ông bà, đứa con gái đầu thì tán thành, muốn làm theo ý kiến của bố, đứa con trai phản đối, vì sợ thiên hạ chê cười. Ông nói với con: “Con nên vì bố, không nên vì thiên hạ.”
Ông Tư xin nghỉ việc, đi thăm bà con họ hàng, đến đâu ông cũng nói chuyện khôi hài, vui vẻ, nồng nàn với bạn bè bà con, thức đêm, uống rượu, hát hò, ngâm thơ, ăn uống không kiêng cữ. Theo ông, thì kiêng cũng chết, mà không kiêng cũng chết, chết sớm hơn vài tháng, vài tuần, cũng chẳng nghĩa lý gì. Còn chẳng bao lâu nữa, kiêng cử làm chi cho khổ thân, cho đời mất đi một phần ý vị. Ông cho rằng, đã sống đến trên năm mươi tuổi là quá lời, quá đủ, không có gì để nuối tiếc. Thấy ông tươi vui, người biết ông có bệnh sắp chết, cũng quên mất là ông đang bệnh, người không biết bệnh trạng của ông, thì ông cũng không muốn nói ra làm gì. Ông đưa bà và hai con đi chơi một chuyến trên du thuyền. Ông tham gia các cuộc chơi tập thể trên du thuyền như hát hò, nhảy múa ca hát, tham gia các buổi hòa nhạc, uống rượu, cho đến khi mãn cuộc. Ông vui vẻ, bình tĩnh đến nỗi nhiều khi bà quên mất là vợ chồng không còn bên nhau bao lâu nữa.
Ông Tư chuẩn bị tinh thần cho vợ, cho con, để chấp nhận một sự thực không tránh được. Chấp nhận với sự bình tỉnh, sáng suốt, không vui vẻ nhưng không bi ai. Có người nói cho ông Tư nghe về kinh nghiệm của những kẽ đã chết thật rồi, mà sống lại nhờ sự mầu nhiệm nào đó. Rằng khi chết, thì thấy mình đi vào một vùng ánh sáng lạ, rất hân hoan sung sướng, khoái cảm tràn trề. Bởi vậy, nên người đã trãi qua cận tử, thì không còn sợ chết nữa, mà đón nhận như là một ân huệ của trời đất. Ông Tư không tin chuyện cận tử, vì ông vốn con người thực tế và lý trí, cái gì chưa kiểm nghiệm được thì chưa tin. Nhưng cho rằng, nếu được như vậy thì càng tốt. Nếu không được vậy, thì cũng thôi.
Cuộc đời ông Tư đã trãi qua nhiều giai đoạn sướng khổ. Chưa xong đại học thì bị kêu đi lính, tham dự những trận chiến kinh hoàng, ngày đêm trấn đóng nơi ma thiêng nước độc, đã từng bị bắt làm tù binh, đã vượt ngục. Khi miền Nam thua trận, phải đi tù nhiều năm. Đã sống trong chế độ hà khắc kìm khớp, bữa đói bữa no. Đã đi qua biển tìm tự do. Và ước nguyện rằng, được sống thêm một ngày trong xứ tự do, thì có chết cũng không có gì tiếc nuối. Thế mà ông đã sống thêm được nhiều năm trong một xã hội có tự do, dân chủ. Con người được pháp luật bảo vệ, tôn trọng. Ông biết ơn trời đất đã cho ông cái phần thưởng vô cùng quý giá đó trong nhiều năm qua.
Ông Tư chỉ là một người bình thường, có đủ cả tốt xấu. Có chút rượu chè, nhưng không ghiền và say sưa. Khi vui bạn vui bè, thì ai đến đâu, ông đến đó. Ông hòa đồng cùng đám đông. Thỉnh thoảng ăn nhậu cùng bạn bè, nói chuyện trời đất, vui chơi. Cờ bạc ông cũng có chút chút, từ xì phé, bài cào, cờ tướng, cờ vua, đi sòng bài. Nhiều khi ông xoa mạt chược cùng bạn bè, một mạch từ sáng thứ bảy cho đến chiều chủ nhật mới thôi, ai về nhà nấy để chuẩn bị cho ngày đi làm vào thứ hai.
Ông không mê, không lậm, biết dừng lại đúng lúc, không phải khi thua cờ bạc thì nóng mặt cố gỡ, và gỡ cho đến bán nhà. Trai gái ông cũng có, nhưng không làm hại đến ai, biết giới hạn của cuộc chơi. Không làm khổ vợ con, không gây khổ đau cho người khác phái. Thuốc lá, cà phê hàng ngày, ông không ghiền, nhưng cũng không bỏ hút thuốc. Ông Tư còn có chút máu nghệ sĩ. Ông thổi kèn hắc tiêu rất đạt, nên lâu lâu theo người bạn Mỹ gốc Phi Châu đến các hộp đêm thổi kèn chơi, không lấy thù lao. Ông có chân trong một ban nhạc tài tử, lâu lâu đi trình diễn ở các nơi công cộng. Ông Tư có sáng tác vài bản nhạc, nhưng không ai hát, và hát không ai nghe, không ai khen, nên ông không sáng tác nữa. Ông Tư cũng thích đọc truyện, đọc thơ. Ông cũng có làm thơ, nhưng bà Hoa là vợ ông, khuyên đừng để cho ai biết những bài thơ đó do ông viết, vì người sợ người ta cười lây cả bà. Ông nghe vợ chê, nản lòng, không muốn làm thơ nữa. Tuy nhiên, có nhiều khi cao hứng, không cầm được cảm xúc, ông cũng làm thơ chơi, và dấu kín, vì sợ vợ đọc được chê bai.
Một người bạn của ông Tư cũng thích thơ phú, thường cùng ông ngâm vịnh khi nhàn tản, một hôm nghe ông nói về quan niệm cuộc đời, lẽ sống và cái chết. Ông nầy ngồi nghe mà đờ ra, và nói:
“Bác chờ chút, tôi lục tìm bài thơ của một ông bạn tôi, sao mà ý tưởng của bác với ông kia trùng nhau, như cùng học một sách. Kỳ lạ ghê. Lần đầu đọc bài thơ nầy, tôi khoái quá, phải xin ông bạn cho tôi mượn, chạy ra phố, chụp lấy một bản, còn cất giữ đây.”
Ông Tư cầm lấy bài thơ dài, vừa đọc vừa gật gù, đọc xong ông vỗ đùi sung sướng, nói:
“Tuyệt. Hoàn toàn giống hệt suy nghĩ của tôi. Bác đem tôi đến giới thiệu tác giả bài thơ nầy đi. Bác xem đấy, đâu phải một mình tôi suy nghĩ khác đời đâu. Có nhiều người cùng một ý nghĩ, nhưng không dám nói ra, không dám thi hành. Đúng như cụ Nguyễn Công Trứ có viết là chỗ ta ngồi hiện tại, người xưa đã ngồi rồi. Tôi dốt chữ Hán, nhớ mang máng hình như là: “Ngã kim nhật tại tọa chi địa, cổ chi nhân tằn tiện ngã tọa chi”. Mấy ông Tây cũng từng viết là dưới ánh mặt trời nầy, không có cái gì mới cả. Những suy nghĩ của tôi về cái chết, sự sống, người xưa cũng đã viết nhiều, tàng ẩn bàng bạc trong kinh Thánh, kinh Phật. Ngày xưa khi còn nhỏ, bố mẹ tôi gởi tôi vào học nội trú trường đạo Thiên Chúa, mỗi ngày mỗi đêm đều đọc kinh Thánh. Hồi đó tôi không hiểu hết ý nghĩa của kinh, tôi tưởng lầm đọc kinh là ngày đêm kêu gào sự xót thương của Chúa. Tuổi trẻ ngu muội và ngông cuồng nên tôi không có cảm tình với chuyện kinh kệ, nhưng khi lớn lên, đọc lại kinh Thánh, tôi thấy hay quá ông ạ. Lời kinh an ủi, vỗ về con người trong khổ đau, trong bước đường hoạn nạn, khi gặp cam go chìm nổi, tìm được yên bình để chịu đựng mà hy vọng qua khỏi nghịch cảnh.”
Ông bạn cười, nói:
“Tôi thấy nhà bác thờ Phật, mà lại nói chuyện Chúa rành rẽ. Bác có theo đạo Cao Đài hay không?”
“Không phải đạo Cao Đài, nhưng Phật Chúa gì cũng hoan nghênh. Bà xã tôi vẫn thường đi chùa. Ngày xưa khi còn trong quân đội, đóng quân giữa núi rừng, mẹ tôi gởi cho mấy bộ kinh Phật, không có sách vở, báo chí, buồn mà đọc chơi. Không có tâm tu hành, nhưng đọc mãi, nó thấm vào trong tư tưởng lúc nào không hay. Bởi vậy, tôi có quan niệm rất rõ ràng về sự sống, cái chết, và bình tỉnh đón nhận như một lẽ thường của trời đất, tạo hóa.”
Hai người đang nói chuyện, thì có bà bạn ghé chơi. Bà nầy yêu cầu ông Tư và bạn ông đóng tiền để mua đất chôn cất và xây mộ cho một người đồng hương Việt Nam nghèo mới chết. Gia đình không đủ tiền để làm ma chay và mua đất chôn ở nghĩa trang. Ông Tư móc ví, đóng ba chục đồng, và nói:
“Kêu gọi thì tôi đóng tiền, chứ thực tình trong lòng tôi nghĩ khác. Chết thì hỏa thiêu là đẹp nhất, tốt nhất và lại vệ sinh. Chôn xuống đất cho dòi bọ nó rúc rỉa, cho sình thối chứ có được gì. Một vạn cái xác, mới có được một cái không thối rữa, mà cũng khô đét nằm nhăn răng ra, hôi hám xấu xí. Nằm chật chội trong tối tăm âm u, dưới đất lạnh lẽo, chứ có sung sướng gì đâu. Rồi lâu ngày, thịt da cũng rữa, xương cũng mục. Được bao nhiêu năm? Mà cứ nghĩ kỹ xem, nếu mỗi người chết phải có một nấm mồ chừng hai thước vuông, thì trên thế giới nầy từ triệu năm trước đến nay, và nhiều triệu năm sau nữa, tỉ tỉ người đã chết và sẽ chết, lấy đâu ra đất mà chôn. Không lẽ cả thế giới nầy chẳng còn một tấc đất mà trồng trọt, nhịn đói chết hết sao? Nhiều xứ văn minh hiện nay, người ta thiêu xác. Bên Nhật, bên Tàu, Ấn Độ và nhiều xứ khác nữa, người chết được hỏa thiêu. Đạo Phật chính tông, thì các tăng ni đều được hỏa táng, nhưng những người theo đạo Phật nửa vời, thì lại chôn cất. Bày đặt ma chay linh đình cho thêm tốn kém.”
Bạn ông Tư hỏi:
“Có phải người theo đạo Chúa không dám hỏa táng? Nghe đâu họ tin có ngày phán xét cuối cùng, và được sống lại. Bởi vậy nên phải giữ thân thể, không muốn thiêu tan thành tro bụi.”
Ông Tư cười lớn nói:
“Chờ đến ngày phán xét cuối cùng, thì sắt đá cũng đã mủn ra tro bụi, nói chi đến cái thân xác mong manh? Có lẽ những kẽ mê tín, kém hiểu biết, diễn dịch sai ý nghĩa của kinh Thánh chăng? Mà dù cho xương cốt có còn, thì cũng chỉ là bộ xương cũ mục, làm sao mà sống lại trên bộ xương đó được?”
“Nghe đâu các nghĩa trang cũng chỉ bán đất trong vòng một trăm năm thôi” - Bà bạn bàn thêm – “Sau một trăm năm thì không biết họ có đào lên, đem chôn ở hố tập thể, hoặc đem thiêu đốt đi chăng? Nhưng khi mua đất chôn, thân nhân, không nghe ai nói đến điều nầy. Mà dù cho chủ nghĩa trang có hứa miệng là bán đất vĩnh viễn, thì sau một trăm năm, họ đào bỏ đi, cũng chẳng ai hoài công đi kiện. Lời hứa trăm năm trước con cháu không nghe, không còn chứng cớ, cả người hứa hẹn lẫn người nghe hứa hẹn, đã chết từ lâu. Mà có lẽ con cháu cũng vì lo làm ăn, sinh kế, đi tứ tán, không ai còn đoái hoài chi đến mấy ngôi mộ của tiền nhân trong các nghĩa trang đây đó.”
Bạn ông Tư nói:
“Trong phim tài liệu về Tây Tạng, ở đó đạo Phật là quốc giáo, ông Phật sống cai trị dân như vua. Khi có người chết, thì họ quàng dây kéo lê lên núi, sau đó mấy ông chuyên môn chặt xác chết ra nhiều khúc, và ném cho chim kên kên ăn. Trông khiếp lắm. Không biết họ làm như thế, có đau lòng thân nhân? Rõ như câu nguyền rủa ở xứ mình là “chim tha quạ rỉa”.”
“Chẳng có đau lòng chi cả” – Ông Tư bàn thêm – “Bên đó toàn đá núi cứng. Muốn đào đá ra làm huyệt mộ cũng quá cực khổ. Thân nhân người chết, dẫu có muốn chôn cất đến mấy cũng không ai làm nỗi việc đó. Cho chim ăn là tiện nhất. Có điều, không biết làm sao chim kên kên không lây bệnh người chết, biết bao nhiêu là bệnh nan y, vi trùng, vi khuẩn. Bởi thế, nên tôi cho hỏa thiêu là sạch sẽ và tiện lợi nhất.”
Câu chuyện bàn rộng đến phong trào Việt Kiều về quê xây lăng mộ cho thân nhân, cho tổ tiên, đến nỗi có nhiều làng thi đua xây cất cho nguy nga, cho to lớn. Thấy lăng mộ người khác lớn hơn, thì đập cái cũ ra, xây lại cho lớn, cho đồ sộ hơn. Có nơi người ta đặt tên là Làng Ma, vì toàn cả lăng mộ. Ông Tư cho rằng, xây lại mồ mả cho tổ tiên để báo hiếu, cũng là một hành động tốt, không có chi sai trái. Nhưng thi đua nhau xây và xây cất có tính cách phô trương thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Liệu những phần mộ kia đứng vững được bao nhiêu năm, và còn được con cháu chăm sóc đến bao giờ? Rồi cũng có ngày trở thành hoang phế, chẳng ai đoái hoài đến, mà mục rữa với thời gian. May ra, những nơi thiêng liêng như đền quốc tổ Hùng Vương, lăng mộ các bậc anh hùng giữ nước, dựng nước, mới được con cháu tiếp tục tu sửa chăm nom. Thế mà cũng có còn tả tơi, tàn tạ, không ai chăm nom. Huống chi mình, là thứ thường dân, vô danh tiểu tốt, chưa làm được gì. Chưa kể những kẽ là tội đồ của dân tộc, bày đặt xây lăng ướp xác, như các ông lảnh tụ cọng sản từ Âu sang Á, từ từ rồi mồ mã cũng bị phá bỏ, san bằng. Bởi thế, ông Tư dặn vợ con đừng xây mộ, tạc bia cho ông làm chi.
Ông Tư mượn bài thơ của ông bạn về đánh máy và sắp xếp lại cho đẹp, in ra nhiều bản, phóng ra một bản lớn, để dành khi ông chết sẽ sử dụng.
Chỉ bốn tháng, sau khi được báo tin ung thư, ông Tư qua đời mà không đau đớn nhiều, không dùng hóa học trị liệu trước khi chết. Có người mách cho ông nhiều loại thuốc ngoại khoa, ông cũng dùng thử. Trong giới bạn bè thân tình, có người nói là ông Tư đã tự chọn lấy con đường ra đi nhẹ nhàng, không để bệnh hoạn hành hạ trước khi chết. Ông Tư thường đùa rằng, còn nước thì còn tát, biết là dù có tát thì thuyền cũng chìm, thì quẳng gàu đi cho đỡ mệt trước khi thuyền chìm.
Bà con bạn bè đến viếng tang ông Tư tại nhà, khi bước vào cổng, họ cố sửa soạn lại bộ mặt cho có vẻ buồn rầu, nghiêm nghị, để hợp với cảnh tang ma, dù trong lòng họ không có chút bi ai nào. Nhưng họ nghe có tiếng nhạc vui đang rộn rã vẳng ra từ bên trong, hòa với tiếng nhạc là tiếng cười vui vang vang, tiếng ồn ào. Người nào cũng giật mình, vội vả xem kỹ lại số nhà, sợ đi lầm.
Vào nhà, mỗi khách viếng tang được phát một tờ giấy màu hồng, bên trên ghi bài thơ “Sau Khi Tôi Nhắm Mắt”. Bài thơ cũng được chụp phóng lớn, dán trên tấm bảng che kín cả một bức tường. Khách và chủ đang vui vẻ chuyện trò, cười đùa. Không thấy quan tài ông Tư đâu cả. Trên bệ thờ có cái ảnh ông Tư phóng lớn, miệng cười toe toét, tóc bù gió lộng. Trước tấm ảnh có cái hộp vuông chứa tro xương của ông Tư. Tiếng nhạc vui vang vang từ máy hát. Bài thơ in đậm nét:
Sau Khi Tôi Nhắm Mắt.

Khi tôi chết, viếng tang đừng buồn bã
Cười cho to, kể chuyện tếu vui đùa,
Trong sáu tấm biết chắc tôi hả dạ,
Lên tinh thần, ấm áp buổi tiễn đưa,
Nếu làm biếng, cứ nằm nhà thoải mái
Viếng thăm chi, vài phút có thêm gì?
Mắt đã nhắm. Lạnh thân. Da bầm tái.
Dẫu bôi son, trát phấn cũng thâm chì.
Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó,
Ai thay da mãi mãi sống trăm đời.
Kẽ trước người sau, xếp hàng xuống mộ
Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi.
Nếu có khóc, khóc cho người còn lại,
Bởi từ nay thiếu vắng nỗi đầy vơi.
Cũng mất mát, dáng hình, lời thân ái
Tựa nương nhau, hụt hẫng giữa đất trời.
Đừng đăng báo, phân ưu lời cáo phó
Chuyện thường tình, phí giấy có ích chi?
Gởi mua gạo, giúp người nghèo đói khó
Dịu đau buồn những kiếp sống hàn vi,
Trỗi nhạc vui cho người người ý thức,
Cuộc nhân sinh sống chết cũng tương đồng,
Khi nằm xuống, xuôi tay và nhắm mắt
Thì đau buồn hạnh phúc cũng hư không.
Đừng xây mộ, khắc bia ghi tên tuổi
Vài trăm năm hoang vắng, chẳng ai hoài.
Vũ trụ vô cùng, thời gian tiếp nối,
Tỉ tỉ người đã chết tự sơ khai
Khi tôi chết đừng ma chay đình đám,
Hỏa thiêu tàn, tro xác gởi về quê
Dẫu bốn biển, cũng là nhà, bầu bạn
Trong tôi còn tha thiết chút tình mê
Thì cũng C, H, O, N kết lại
Nắm tro xương hài cốt khác nhau gì
Nhưng đất mẹ chan hòa niềm thân ái
Cho tôi về, dù cát bụi vô tri.

Khi đọc xong bài thơ, có người thì mĩm cười, có người vui hẳn, và nói chuyện oang oang. Họ cho rằng bài thơ đã nói hết ý nguyện của người chết. Người chết không muốn bạn bè buồn rầu, thương tiếc, thì việc chi mà lại làm bộ, gượng gạo tạo ra nét buồn khổ trên mặt.
Vợ con người chết cũng không tỏ vẻ buồn rầu, mà cũng không hớn hở. Không một tiếng khóc lóc, thở than. Nhạc vui vẫn dồn dập phát ra từ máy vang dội. Khi khách đã đến chật nhà, và đúng giờ cử hành tang lễ, bà vợ ông Tư và đứa con trai mang áo quần trắng đứng chắp tay bên bàn thờ, cô con gái đứng bên tấm ảnh ông, cầm máy vi âm nhoẻn miệng cười và nói:
“Thưa các cụ, cô bác chú dì, bà con bạn bè thân thiết xa gần, chúng tôi xin cám ơn quý vị đã có lòng đến viếng tang Ba chúng tôi. Tang lễ nầy làm theo ý nguyện của người quá cố. Không làm tang lễ theo tục lệ bình thường, vì sợ trái với ước vọng cuối cùng của Ba chúng tôi. Chúng tôi xin nhận lấy mọi lời trách móc nếu có từ bà con bạn bè. Ba chúng tôi đã bình tĩnh và vui vẻ đón cái chết như một sự trở về không tránh được. Trong những ngày cuối của cuộc đời, Ba chúng tôi rất vui, chuẩn bị kỹ cho gia đình và cho chính ông. Ông đã dặn dò chúng tôi, không nên khóc lóc, không nên buồn rầu, vì sự thực không có chi đáng buồn cả. Ông dặn chúng tôi vặn cuốn băng sau đây cho bà con cô bác nghe.”
Người con gái đến bên bàn thờ, bật máy, có tiếng ông Tư cười hăng hắc vui vẻ, làm một số người không cầm được, cũng cười theo. Một vài bà yếu bóng vía sợ xanh mặt. Sau tiếng cười chào, thì có tiếng ông Tư đọc bài thơ dán trên tường, giọng đọc rất chậm rãi, rõ ràng, như đang nói chuyện thủ thỉ với bạn bè. Mọi người im lặng lắng nghe, người thì nghiêm trang, người thì mĩm cười. Giọng Huế của ông Tư đọc chậm và ngân dài những đoạn ông đắc ý: “Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó. Ai thay da mãi mãi sống muôn đời, Kẽ trước người sau xếp hàng xuống mộ, biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi.” Cuối cùng, có một tràng cười ha ha của ông Tư để chấm dứt bài thơ. Sau bài thơ, có ba ông người Mỹ, hai ông da đen, một ông da trắng, cầm đàn và kèn trỗi lên mấy khúc nhạc vui, các ông nhún nhẫy uốn éo, nhiều lúc dậm chân xuống sàn. Ba ông cùng lúc lắc, làm hàng một, đi quanh phòng khách, như múa lượn trước bàn thờ ông Tư. Những ông nầy, là bạn chơi nhạc với ông Tư tại các quán ca nhạc ban đêm.
Bỗng nhiên, bà chị ông Tư nhào ra, lăn lộn trước bàn thờ mà khóc lóc gào lớn:
“Cậu Tư ơi là cậu Tư. Chúng nó đem cái chết của cậu ra mà bêu riếu họ hàng. Vợ cậu muốn đi lấy chồng sớm nên bày ra cái cảnh chướng tai gai mắt nầy. Con cậu cũng là thứ bất hiếu bất mục, cha chết mà không có một giọt nước mắt, còn cười nói lung tung. Chỉ có tôi là chị cậu, thương cậu thật tình thôi, ruột đứt lòng đau, nên khóc than đây.”
Ông chồng chạy đến ôm bà kéo ra, và nhỏ nhẹ giãi bày. Bà vùng vằng và càng khóc lớn hơn, xỉ vả bà Tư những câu tục tĩu nặng nề. Bà Tư ôm mặt khóc lóc. Bà chị chồng nói lớn: “Mai mốt chúng mày chết, bà đến phóng uế lên hòm chúng mầy”. Nhiều người bà con đến phụ ông chồng lôi bà chị ông Tư ra xe chạy đi.
Khách viếng tang lảng ra, và có người lẵng lặng ra về không chào hỏi ai, vì sợ gia quyến ngượng ngùng. Cô con gái ông Tư đứng ra xin lỗi mọi người vì chuyện không may, không vui vừa xảy ra.
Một bạn thân của ông Tư, quen nhau từ thuở trung học, đại diện bà con, đến trước bàn thờ, vỗ vào hộp tro xương, cười ha hả và nói:
“Tư ơi, ông là số một rồi đó, chả có ai bằng ông. Ông hiểu tận tường lẽ huyền vi của tạo hóa. Sống cũng vui, mà chết cũng vui. Sống cũng dám làm, mà chết rồi cũng dám làm, và làm được. Tôi cũng ước mong rằng, sau khi chết, vợ con làm cho tôi một đám tang như thế nầy, thì vô cùng sung sướng. Tưởng ông nói đùa chơi, ai ngờ làm thật.”
Một vị mục sư là bạn thân của gia đình, cũng đến trước bàn thờ, và đoan chắc rằng bây giờ ông Tư đã được về với Thiên Chúa. Ông cho rằng thái độ của ông Tư trước cái chết rất sáng suốt, đáng khâm phục, và đáng được mọi người noi theo. Một vị sư già, có bà con họ hàng với ông Tư, đã từng viết nhiều sách Phật và rao giảng đạo từ bi, nói trước linh vị:
“Bần đạo không cần đọc kinh cầu siêu cho thí chủ. Bởi linh hồn thí chủ đã thực sự siêu thoát trước khi chết. Thí chủ không vướng bận cõi trần, không hệ lụy vào cái thân xác tạm bợ. Thanh thản ra đi như kẽ đi chơi, thong dong, dễ dàng. Thí chủ đã hiểu thấu đáo cái lẽ vô thường trong đạo pháp.”
Mọi người ra về, lòng nhẹ nhàng, tưởng như đi trong mơ. Từ phía nhà ông Tư, còn vang vọng nhạc vui đưa tiễn đám tang khách.
Sau tang lễ, bà Hoa vợ ông Tư thở phào. Bà vui mừng vì đã làm được đúng lời căn dặn của chồng mà không bị tai tiếng. Bà chỉ sợ tai tiếng thôi. May mắn, đa số bà con đều tán thành nghi thức tang lễ, và nếu không tán thành, họ cũng im lặng, chỉ có bà chị ông Tư gây rắc rối thôi.
Nắm tro xương của ông Tư được vợ con gói kỹ bốn năm lớp, bỏ vào hộp bằng chất nhựa dày, để cho khỏi vỡ, rồi gởi bảo đảm về Việt Nam.
Chiếc xe chở hàng của hãng vận chuyển bị tai nạn trên đường ra phi trường. Xe rơi từ cầu xa lộ cao ba từng xuống đất, thùng xe vở nát, hàng hóa tung vung vãi, rách nát, cháy xém. Anh tài xế gảy hết tay chân và xương sống, hấp hối. Người ta đồn rằng anh tài xế buồn vì bị vợ cắm sừng, đã uống rượu say xỉn, không điều khiển được tay lái. Cái hộp tro xương của ông Tư bị rách và cháy xém mất một phần địa chỉ, được gởi lầm đi ngao du qua xứ Nambia bên Phi Châu. Cô con gái ông Tư hỏi tin tức bên nhà hàng ngày, qua liên mạng máy vi tính, về cái hộp tro xương, mãi đến hai ba tháng vẫn chưa nhận được. Bà Hoa viết nhiều thơ khiếu nại hãng chuyên chở. Họ trả lời là sẽ bồi thường cho bà hai trăm sáu mươi tám đồng. Bà Tư khóc lóc, thuê luật sư đâm đơn kiện. Sáu tháng sau, nhờ còn có địa chỉ người gởi, nên cái hộp tro xương được hoàn trả cho gia đình, với ghi chú là không có địa chỉ người nhận. Bà Hoa mừng ôm cái hộp mà khóc ròng.
Lần nầy, bà Hoa quyết định tự tay đem hộp tro xương ông chồng về tận Việt Nam. Bà sợ thất lạc thêm lần nữa, thì tấm lòng hoài vọng quê hương của chồng bà không được mãn nguyện, và bên kia cõi đời, ông Tư không yên ổn mà an giấc ngàn thu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 06 Nov 2017

Bí mật của Chàng
(Thanh Mai)


Trước khi cưới vợ, Tân rất bay bướm và đào hoa. Anh khá đẹp trai, ăn nói có duyên, lại biết đờn địch, ca hát và cả làm thơ nên được khá nhiều cô trong trường, và cả mấy cô láng giềng để mắt xanh tới. Nhưng cái gì tới tay dễ quá thường người ta không biết quý, Tân cứ như con ong bay lượn lờ giữa vườn hoa rực rỡ mà không chọn được cây nào để làm tổ. Năm này qua năm nọ cho đến khi ra trường có được việc làm Tân vẫn độc thân tại chỗ chèo queo một thân một mình. Đúng là lắm mối tối nằm không!
Cho đến khi Tân có công chuyện phải về thăm quê cũ thì gặp được Tiên. Đó là cô bạn thời thơ ấu đã từng cùng anh chơi những trò con nít như đi tắm mưa, đánh chõng, chơi u mọi, chơi trò cô dâu chú rễ… trước khi gia đình anh dọn về thành phố. Đã 15 năm, và suốt 15 năm không liên lạc, mất hẳn tin tức của nhau nên khi gặp lại nàng, anh suýt không nhận ra cô bé sún răng ngày xưa nếu không thấy cái nốt ruồi ngay lúm đồng tiền cứ như vì sao rụng xuống giếng mỗi khi nàng cười. Con bé sún răng ấy nay đã lớn phỗng phao trở thành một thiếu nữ duyên dáng, với đôi mắt bồ câu, và vẻ thẹn thùng mà rất lâu Tân không còn được gặp nơi các cô bạn gái thị thành của anh.
Tân theo đuổi nàng Tiên của anh rất lâu, mất rất nhiều lần về thăm lại quê xưa mới chiếm được trái tim người đẹp và sau đó cưới được nàng về nâng khăn sửa túi cho anh. Bạn bè biết tin cứ đùa chọc:
Ngồi buồn kể chuyện đời xưa
Có hai đứa nhỏ tắm mưa ở truồng
Lớn lên chúng cưới nhau luôn
Không mưa mà vẫn ở truồng bên nhau.

Cưới nhau xong, Tiên theo chồng về thành phố ở. Mỗi lần hai vợ chồng ra đường, cứ hết cô gái này đến phụ nữ kia tới chào hỏi tay bắt mặt mừng với Tân rất thân tình nên Tiên rất khó chịu. Không hiểu sao, nàng không thể nào thông cảm với sự quan hệ thân mật giữa chồng mình và những cô gái khác dù Tân có giải thích cách nào đi nữa.
Có lần một cô bạn học cũ không biết vô tình hay cố ý, tình cờ gặp Tân đã tự nhiên choàng vai bá cổ anh mà chẳng đếm xỉa gì đến Tiên đang đứng bên cạnh. Tiên nhìn thấy cảnh này bỗng dưng mặt tái xanh như bị trúng gió, người run bần bật, miệng há hốc như bị á khẩu. Nàng nhìn Tân với cặp mắt ai oán, trách móc rồi thân người dịu nhiễu và ngã nhào bất tỉnh. Trời ơi! Tân không thể ngờ vợ mình lại lên cơn ghen kiểu đó, chết người không chơi. Thà là nàng của nhảu càu nhàu cáu nhéo anh vài cái còn dễ chịu hơn.
Từ đó, Tân thông báo các cô bạn cũ, các cô em văn nghệ kết nghĩa, các bà chị nuôi… của anh phải để ý để tứ không được thân mật như xưa nữa. Và anh cũng cẩn thận đi soát lại những dấu tích như thơ từ, hình ảnh của những mối tình nhăng nhít ngày xưa còn sót trong nhà mà thủ tiêu sạch. Tân yêu vợ nên chỉ cần giữ một cây gỗ quý anh cũng có thể hy sinh cả khu rừng.
Tiên sống rất giản dị, không thích se sua như các cô gái thị thành. Nàng tằn tiện và lo cho Tân từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Với khoản thu nhập ít ỏi của đồng lương công chức, Tân giao hết cho vợ, vậy mà không hiểu sao Tiên vẫn xoay xở nổi mà không thiếu hụt.
Rồi khi sang xứ người, nàng tiếp tục coi sóc mọi thứ. Tiền lương của hai vợ chồng đều trực tiếp nhập vào tài khoản chung trong ngân hàng. Tiên quản lý tài khoản, lo trả mọi thứ hóa đơn và chợ búa cho gia đình. Nàng là một người vợ “nâng khăn sửa túi” không ai qua mặt nổi. Cứ vài ba ngày Tiên lại kiểm tra cái ví của chồng để xem nếu gần hết tiền thì tự động châm vào thêm khỏi chờ Tân nhắc. Nếu có thích mua gì bất ngờ nhiều hơn số tiền mặt Tân cũng có thể xài thẻ nhưng khi về là cho vợ biết ngay để nàng biết đường mà ghi vào sổ sách chi tiêu. Tiên không phung phí, biết cách tiêu pha, dành dụm cũng như công bằng trong việc gởi tiền về Việt nam giúp đỡ hai bên nội ngoại nên Tân yên lòng không màng đến chuyện tiền bạc trong gia đình. Đến nổi lâu ngày chày tháng có chuyện cần phải viết cái check anh cũng lúng túng hỏi đi hỏi lại.
Về Việt nam chơi, tên bạn thân của Tân có lần hỏi anh:
- Bên đó mày làm công chức chỉ có lương, không có bổng, không có lộc. Làm sao mà có được những khoản tiêu riêng?
Đến khi biết được cái khoản lương lãnh ra cũng tự động chui tọt vào tài khoản ngân hàng chung, nó lắc đầu:
- Vậy là mày không sướng bằng tụi tao bên này. Đàn ông cần phải có những khoản bí mật để tiêu riêng mới đã. Dĩ nhiên là mình chẳng làm gì sai, chẳng phung phí nhưng thỉnh thoảng cũng quá tay chút đỉnh. Nếu không có mấy cái khoản bí mật thì phải nhìn cái mặt cau có của bà xã, mất vui.
Nó nói cũng có lý, hóa ra là bộ trưởng tài chính của nó cũng y chang của mình. Nhớ có lần Tiên nhìn thấy chai rượu Tân mua về, cầm lên coi rồi phát biểu:
- Trời ơi! ba cái thứ độc hại vậy mà tới trăm mấy bạc, phí quá!
Không phải là loại nghiện nhưng vì tò mò khi đọc sách vở, coi phim ảnh, thấy dân xịn vẫn xài mấy thứ rượu này, Tân tính mua để nếm thử cho biết với đời. Không biết rượu ngon cỡ nào nhưng anh chàng cảm thấy mình ngon! Y như cảm giác của mấy cô mấy bà khi mặc bộ đồ xịn, mắc tiền mà cảm thấy mình có giá vậy! Thấy vợ kêu trời nên rút kinh nghiệm sau này Tân thường làm những động tác giả, mua đồ xong dán những cái nhãn giá tiền rẻ thật rẻ cho vợ khỏi càm ràm, và đôi khi còn được cô nàng khen nữa chứ.
Nhưng có lần Tân suýt bị bể mánh khi thấy anh mua đồ rẻ chỉ còn giá một phần mười, Tiên lên hãng khoe bạn và người bạn nhờ mua dùm. Cũng may Tân nhanh trí bảo là tiệm chỉ for sale trong vòng vài tiếng và anh là người may mắn mua được… cái chót.
Cuộc sống bên xứ người qua giai đoạn tất bật đầu tiên rồi cũng đến lúc ổn định. Tân có thời gian rảnh rỗi để trở lại cái thú văn nghệ văn gừng ngày nào nhưng không sinh hoạt xôm tụ như thời trai trẻ. Những buổi party anh chỉ ôm đờn hát vài bản nhạc tình, hoặc đôi khi ôm đờn hát cho vợ nghe những khi cao hứng. Anh còn làm thơ, viết văn rồi gởi cho các báo online.
Biết tính ghen của vợ nên Tân hạn chế tối đa những quan hệ giao du với cánh phụ nữ và tránh không cho vợ biết mình có làm thơ họa với thiên hạ trên net. Anh chỉ đăng bài và họa thơ với bút danh lạ hoắc lạ huơ để tránh nàng để ý tới nếu lỡ may một ngày nào đó Tiên tình cờ lang thang trên internet và phát hiện bí mật này. Làm thơ nhiều khi ngẫu hứng viết ra những câu thơ tình ướt át, nếu nàng đọc được có thể nghĩ bậy rồi nổi cơn ghen sẽ không hay.
Một hôm Tân nhận được email của một cô… em nuôi thuở còn độc thân xa xưa với vài dòng nghịch ngợm:
Bỗng dưng nhớ tới bạn hiền,
Lâu nay anh đã tới miền Bồng lai?
Để em thương nhớ miệt mài
Vắt chân lên cổ nhớ hoài ngàn năm?

Thấy vui vui anh họa lại vài câu. Thế là cứ “meo” qua “meo” lại một thời gian cứ như một trò đùa thú vị. Cô bạn cũ cũng là một tay thơ tiếu lâm ra phết làm Tân cứ như bị hút vào cuộc họa thơ. Rồi một thứ cảm tình quyến luyến tự nhiên phát sinh, nó không phải là tình yêu nhưng là một sự đồng điệu, một sự thú vị, một cái gì là lạ vui vui làm Tân đôi khi thấy lòng mình nhơ nhớ tới cô bạn này. Anh đã viết cho nàng:
Tình anh không nói nên lời,
Để nay ngớ ngẩn cứ ngồi chờ “meo”

Teo là đúng vì Tiên mà biết được là tiêu đời. Nhớ có lần nàng đã tuyên bố nếu Tân phản bội là nàng sẽ… chết vì ghen. Tân không muốn mình trở thành tội nhân thiên cổ, nhiều khi anh muốn thôi đến đây là stop, phải cắt đứt thứ tình thơ vừa mới chớm này. Thôi thì thôi nhé, chỉ ngần ấy thôi…! Nhưng khi cô bạn viết lại cho anh 2 câu thật cảm động thì anh lại chới với.
Cám ơn anh, cuộc tình này…
Có duyên không phận (vẫn) nhớ ngày nhớ đêm!

Biết rằng là thơ, là ảo nhưng bỗng dưng cái máu đa tình, lãng mạn của Tân sống dậy anh lại cầm lòng không đặng, lại trả lời thơ và tự nhiên thương thương nhớ nhớ người ta như thể đang yêu. Anh ví loại tình cảm này là “tình chay” vì chỉ để thơ thẩn cho vui chứ không dính dáng gì đến tình dục. Họ chỉ liên lạc với nhau qua email, tỏ nỗi lòng qua thơ ca chứ không tìm cách gặp nhau. Mà gặp nhau để làm chi vì Tân đã có vợ và rất yêu gia đình mình. Đâu có thể gọi là phản bội vợ nhưng không biết Tiên nếu biết được sẽ phản ứng thế nào. Thôi cứ dấu kỹ bí mật này và không nói nàng biết có lẽ tốt hơn.
Nhưng lạ, bỗng dưng cô bạn im hơi lặng tiếng mặc dù anh gởi mấy cái email hỏi han.
Tân gởi email hỏi thăm nhưng cô nàng vẫn không trả lời và rồi dần dần cái tình chay này của anh cũng mờ dần, chỉ còn là một ánh nến le lói trong tim.
Rồi bịnh hoạn tìm đến anh thật bất ngờ và không mong đợi. Tân bị đau tim và sau một thời gian dài chạy chữa anh bị ảnh hưởng thuốc mất dần khả năng tình dục. Gần bên cô vợ phơi phới anh vẫn không thể nào đáp ứng được. Cũng may Tiên không phải là người phụ nữ nặng về khoản đó nên cũng không có vấn đề gì phải lo cho nàng, có điều ý nghĩ bị trở thành một người đàn ông bất lực làm Tân không thể nào chấp nhận. Đối với anh, đó là vấn đề sinh tử rất quan trọng của một người đàn ông, là sĩ diện, là mặt mũi, là thước đo, là danh dự, nói chung là… tất cả nên Tân giữ bí mật bịnh hoạn của mình không bao giờ hé môi cho bà con, bạn bè sơ hay thân biết. Anh đã đổi vài bác sĩ, dùng thuốc bắc, thuốc ta mà cũng không khá lên được nên rất buồn và tuyệt vọng.
Còn đối với Tiên, từ ngày Tân bị bịnh và mất dần cảm hứng về chuyện tình dục, Tiên thấy buồn cho chồng nhiều chứ đối với nàng không ảnh hưởng gì.
Tiên thấy chồng buồn, thất vọng và ủ rũ thì theo an ủi:
- Chúng mình con trai con gái đều có, công việc đều ổn định, không nợ nần, nhà cửa xe cộ cũng paid off, chỉ lo về vấn đề sức khỏe cho tốt chứ nghĩ tới vấn đề đó mà lo buồn làm chi cho hại đến sức khỏe. Tâm bịnh dễ ảnh hưởng đến tim và những bịnh khác lắm anh à.
- Nhưng đàn ông mà thiếu khoản đó thì chán bỏ đời. Còn em chừng đến tuổi hồi xuân thì ngồi đó trách anh làm sao anh chịu nổi.
Tiên không muốn chồng ủ dột lo buồn vì chuyện bất lực nên mới nghĩ cách bày ra chuyện vợ chồng có quỹ riêng. Một bữa, trời không bão tuyết, cũng không có gì bất thường mà Tân nghe vợ mình nghiêm chỉnh đề nghị:
- Bây giờ tiền bạc mình cũng thong thả rồi, em tính mỗi đứa mình cũng phải có tiền riêng. Anh chịu không?
Tân rất ngạc nhiên không hiểu vợ tính chuyện gì, anh hỏi:
- Tiền riêng? Là tiền gì? Ở đâu ra?
- Mỗi cái check mình lãnh về phần đứa nào đứa nấy được cash ra bỏ túi 10%, còn lại góp chung để chi phí những khoản chung cho gia đình, dư bỏ vào saving chung. Còn tiền riêng, muốn tiêu gì thoải mái. Tiền overtime hay các khoản kiếm thêm khác cũng là tiền riêng. Quá sướng phải không?
Tân mở cờ trong bụng. Anh hỏi tới:
- Vậy còn tiền xăng cộ thì sao? Có tính vào tiền chung hay tiền riêng? Rồi tiền thuế cuối năm lấy về có chia không?
Tiên mắng yêu chồng:
- Mới đây mà tính kỹ vậy?
- Đã tính thì phải đâu ra đấy chứ em, tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát mà! Coi như đổ xăng hoặc chợ búa thì xài thẻ như hồi giờ. Còn tiêu riêng thì xài tiền riêng nghen.
Thế là 3 năm nay Tân và Tiên có quỹ riêng. Coi vậy mà thú vị và thoải mái hết sức. Tân bắt đầu lo tích trữ cho quỹ của mình, làm thêm overtime, buôn bán ebay lặt vặt, và… chạy mánh.
Đi khám bịnh bác sĩ cho toa mỗi tháng một số thuốc viagra anh cũng bán luôn vì bị bịnh tim không dám xài. Mới đầu bác sĩ cho toa mỗi tháng 6 viên mỗi viên 50 gram. Tân đem tặng mấy ông bạn già của mình mỗi ông một viên dùng thử cho biết sản phẩm mới ra lò. Không ngờ mấy ông bạn khen quá bảo anh xin bác sĩ tăng đô thuốc mỗi viên 100 gram để có gì bẻ làm đôi dùng được hai lần lợi hơn, và tội gì đem tặng, anh bán lấy tiền. Mắc cỡ không dám xin cũng phải có cái giá của nó chớ sao! Từ đó anh tích trữ lần lần tích tiểu thành đại, bán được rất nhiều tiền. Thị trường của anh cả bên Việt nam lẫn Mỹ.
Tân thường đánh tennis mỗi chiều và quen biết một đám bạn tennis lớn có nhỏ có. Anh em sau mỗi cuộc chơi thường rủ nhau đi uống nước, tán dóc và chỉ nhau cách làm ăn nên quỹ của chàng mỗi lúc một nhiều thêm. Nhưng Tân không thích mở tài khoản để bỏ tiền vào mà thích đổi ra những tờ 100 đô mới toeng cầm và đếm cho sướng tay. Với lại mở tài khoản, bank statement về mỗi tháng vợ biết hết tiền mình có bao nhiêu thì còn gì là bí mật, và muốn dùng vô chuyện bí mật cũng khó nữa.
Nhưng tiền mặt nhiều quá cất trong bóp thì không đủ chỗ, vả lại lỡ rớt bóp mất thì mất luôn tiền nên Tân phải cất bớt tiền mặt ở nhà. Anh chỉ bỏ vào bóp cỡ 500 đô, còn thì bỏ vào hộc tủ computer. Được vài ngày anh lại nghĩ bỏ cả gia tài tiền mặt vào đó lỡ có tên ăn trộm nào lọt vào chôm mất của mình thì mất trắng nên tốt nhất là chia làm 3 cất vài chỗ cho chắc ăn. Thế là Tân chia tiền và cất ở dưới đáy hộp đựng CD trong hộc tủ, nhét trong túi áo vest mà chàng ít mặc, dưới cái máy in, trong cái hộp giày… v.v. Được ít lâu suy nghĩ thấy cái chỗ cất tiền nào có vẻ không an toàn thì Tân dời đi cất chỗ khác. Cất dấu cứ y như con sóc dấu thức ăn để ăn dần vậy… Dấu và dời tới dời lui một thời gian quên mất tiêu không nhớ chỗ dấu luôn! Cái bí mật vậy là trở thành tuyệt mật.
Tân đang ngồi đọc tin ở computer, Tiên lau dọn gần đó bỗng lên tiếng:
- Anh có muốn mua một thông tin có lợi hay không?
Kể từ ngày có quỹ riêng, họ sòng phẳng mọi thứ theo chủ trương của Tân là “tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”. Hai đứa con đã đi làm thêm cuối tuần và sau giờ học cũng có tiền riêng, rảnh họ bày sòng bài ra, cha mẹ con cái sát phạt sòng phẳng. Việc nhà cũng phân công rõ ràng, ai không muốn làm thì thuê người khác. Tân đã từng kiếm trăm bạc ngon ơ để chùi mấy cái xoong cho vợ. Rồi khi làm biếng anh cũng mất lại trăm bạc thuê nàng đẩy cái máy cắt cỏ chạy khắp sân, công việc nhà coi bộ chạy êm ru hơn trước. Nghĩ là có lẽ cô nàng đang muốn kiếm chát, Tân chỉ cười cười:
- Thông tin trên internet thiếu gì mà phải mua?
- Bảo đảm không có trên net, vả lại có lợi trực tiếp cho anh, chỉ phải mất 20% tiền công trả cho em thôi.
Tân kéo vợ vào lòng nói:
- Tình nghĩa mới quý, nghĩa lý gì tiền. Em nói nghe thử coi.
- Vậy cho em 40% nghen, tiền thì nghĩa lý gì với anh mà phải không!
Tân kỳ kèo:
- Cũng nghĩa lý chút chút, thôi thì 10% vậy!
- Thôi không thèm nói nữa, để coi ai thiệt hại hơn nè, kỳ kèo bớt một thêm hai thấy bắt ghét!
Tân cười hề hề:
- Giao dịch!
Tiên cũng cười cười, moi trong túi ra 5 tờ bạc 100, chìa cho Tân 4 tờ và nói:
- Em dọn dẹp nhà cửa, tìm được cả mấy tháng nay vẫn không thấy anh hỏi, chắc là dấu rồi quên luôn phải không?
Nghe Tiên nói mà Tân vừa mừng vừa lúng túng vì bị lộ bí mật. Tiền của mình mất hồi nào mà không biết thật mình đã già lẩm cẩm lú lẩn rồi sao. Không nhận mình già cũng không được. Tân giả bộ hỏi dò vợ:
- Tiền này em tìm ra ở chỗ nào vậy? Em chỉ tìm thấy một chỗ thôi à?
Tiên lấp lửng:
- Thì ở cái chỗ mà anh quên đó. Bộ anh còn mất dấu chỗ khác nữa hả? Từ từ thì tiền của anh cũng tự động bò ra thêm à. Cụ Nguyễn Du nói trong Kiều là “Kiến trong miệng chén có bò được đâu”, anh đừng lo.
Thật ra, khi dọn dẹp nhà cửa, Tiên phát hiện lần lần mấy chỗ dấu tiền, có chỗ di chuyển liên tục, có chỗ nằm ì một chỗ, để hôm nào cuỗm cái món vẫn nằm yên trong túi áo vest quá lâu rồi bắt địa tiếp, phải lâu lâu một chút để anh chàng khỏi xót ruột. Tiên ca nho nhỏ đủ để anh chồng nghe:
- Tiền là tiền khi không mà có…
Qua cái phút lúng túng khi bị lộ bí mật, Tân tìm cách đánh trống lãng:
- Tại anh chưa xài tới nên chưa hỏi vậy thôi, mà em cũng tọc mạch quá đó nghen. Dù sao thì cũng giỏi, để sau này khi thành lập nội các, anh cho em kiêm luôn chức Bộ trưởng bộ Nội Vụ, hay ít ra cũng là Cục trưởng cục tình báo quốc gia!
Tiên lại thấy vui thật sự, vui vì bắt địa được, vui vì phá được điều bí mật nhỏ để anh chàng cụt hứng và mất trớn khỏi làm những bí mật lớn hơn, vui vì thấy anh chàng vẫn còn nể nang mình không như mấy đức ông chồng của vài con bạn ngang nhiên làm những điều mà vợ khổ tâm. Bởi vậy, vừa lau bàn Tiên vừa hát nho nhỏ:
“Chỉ có biển mới biết, thuyền đi đâu về đâu…”
Tân nghe câu hát như là một lời cảnh cáo “chớ mà làm ẩu, tớ biết hết mọi chuyện rồi đó”. Bỗng anh giật mình, không lẽ cô nàng còn biết những bí mật khác nữa sao. Tân thừ người ra hết cười nổi. Cái bà khỉ này tai quái thật. Hèn chi lâu lâu cứ đá lông nheo và cười mím chi cọp với anh ra bộ ta đây biết hết trọi mà anh đâu để ý. Cứ nghĩ là bả tửng tửng cười tình với mình chứ. Rồi anh thẩn thờ hỏi:
- Em còn biết cái gì nữa nói ra luôn đi.
Tiên cười cười:
- Em có chỉ mấy người bạn trong hãng nếu muốn mua… thần dược thì liên lạc với anh.
Lần này Tân thiếu điều nhảy nhỏm. Sự ngạc nhiên làm anh bỗng cà lăm:
- Cái gì? Em… em bảo họ liên lạc với anh để mua cái đó hả? Mà… mà sao em biết?
Tiên nói tỉnh bơ:
- Chuyện gì của anh mà em không biết. Bày đặt thần bí thì thầm này nọ.
Tân suy nghĩ một lát rồi gặn hỏi vợ:
- Có phải em check email và nghe lén phone của anh phải không?
Tiên bật cười nắc nẻ đắc ý:
- Ai thèm nghe lén. Muốn biết tại sao em biết không? Thấy bác sĩ ghi toa anh có thuốc Viagra mà không bao giờ thấy anh xài, thuốc lại đâu mất hết trơn nên em tìm hiểu. Hóa ra anh bán chợ đen… ha ha! Em có giới thiệu cho anh mấy người khách mà anh đâu có biết.
Hóa ra mấy bí mật của chàng Tiên đã biết gần hết. Thêm một chuyện mà Tân không muốn và không dám hỏi vợ là chuyện “tình chay” của anh dạo nào. Khi không mà đứt đường tơ chắc cũng có tay cô nàng dính vào đây. Thôi, khôn hồn thì lơ luôn chứ lôi ra thắc mắc chắc có nước bị cắt cổ. Bà xã mình thật là cao tay!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 09 Nov 2017

Anh cần một lối đi không có em
(Không Rõ)


Mỗi bước chân ta đi qua, là một ký ức, một khoảng thời gian in dấu trong đời. Vì thế, hôm nay, anh quyết định bước đi tiếp trên con đường của mình, sau một thời gian dài dừng chân nghỉ mệt để rồi ngủ quên và chìm đắm trong một giấc mơ. Trước khi cất bước, anh muốn một lần nữa được hồi tưởng về đoạn đường mà anh đang đứng, nơi đã ngập tràn những kỉ niệm về em. Có lần anh đã nói với một người về thói quen đã hình thành từ lúc nhỏ của anh, không biết là anh đã nói với em chưa. Đó là mỗi khi đi qua một nơi nào để lại trong anh nhiều ấn tượng, anh luôn ngoái lại nhìn thật lâu, nhìn mãi cho đến khi nơi ấy đã xa khuất không còn thấy nữa. Giờ thì anh vẫn chưa từ bỏ được thói quen ấy, có lẽ, như vậy mới chính là anh.
Ngày ấy, mọi chuyện đến sao tình cờ quá, nhẹ nhàng quá. Ngày em bước đến để từ đó, trên đoạn đường anh đi đã in thêm đôi dấu chân, em đến mang theo một làn gió mát thổi bay những chiếc lá khô đang ngủ yên, khiến nơi ấy bỗng trở nên đẹp và lãng mạn vô cùng. Anh đã thầm cảm ơn và mơ ước được cùng em đi mãi, về phía cuối đường. Nhưng giấc mơ của anh không có thật! Em chỉ đến thăm và an ủi một thằng ngốc đang bước đơn độc một mình cùng những nỗi đau. Những khoảnh khắc có em thật ngắn ngủi. Em đi, gió cũng ngừng thổi, cảnh vật chung quanh anh giờ lại như trước kia, tất cả lại im ắng ngủ vùi, nhưng trên mặt đường vẫn còn đó dấu chân của em. Đó là điều duy nhất em để lại cho anh cùng biết bao kỉ niệm và cảm xúc vui buồn, mỗi cảm xúc ấy mang một sắc màu mà anh yêu quý vô cùng. Đứng nhìn mãi dấu chân, anh không biết mình mãi khắc lên bao nhiêu chiếc lá chữ “nhớ em”. Anh tiếc nuối khi để em ra đi, chỉ biết đứng đó mà dõi theo em dần rẽ sang một hướng khác.
Anh ngồi gục xuống và buồn thật nhiều nhưng nỗi buồn của anh cũng không thể làm phai được hình ảnh em trong tâm trí. Ngày tháng cứ trôi qua lặng lẽ như tình cảm của anh, như ánh mắt luôn kiếm tìm bóng hình em. Trong mơ hồ anh nghĩ rằng: “Hay mình cứ đứng mãi ở đây, đừng đi đâu hết, biết đâu khi thấy nhớ, em sẽ quay lại và gặp được mình”. Thế là, em vẫn đứng đó và không hề bước đi, lá đã rơi đầy chung quanh nhưng em đã không về. Trong tĩnh lặng, ngột ngạt, anh bỗng thấy ghét gió, sao gió chỉ thổi khi có em? Lá cứ rơi, rơi trên vai anh, trên tóc anh ngày một nhiều. Anh không nhớ mình đã đứng đây bao lâu rồi? Chỉ biết nếu tiếp tục như thế, anh sẽ bị chôn vùi mất thôi. Sợ quá, anh vùng thoát khỏi và chạy về phía trước, vừa chạy, anh vừa nghĩ đến em. Khi em đi, em đã căn dặn anh rất nhiều, em dặn anh phải mạnh mẽ, phải bước tiếp vậy mà anh đã không nghe lời em. Nếu biết được điều này, chắc em buồn anh nhiều lắm! Anh chẳng mong nhìn thấy em buồn, anh muốn thấy em vui vẻ và thật hạnh phúc.
Thoát ra khỏi nơi ấy, anh mới nhận ra phía trước con đường dành cho anh vẫn rộng mở và còn dài lắm, khung cảnh quanh anh đẹp dịu dàng, anh chợt nhận ra gió vẫn luôn tồn tại quanh đây, gió vẫn làm mát cho cây cối, cho con đường và cả cho anh. Nhịp sống vẫn đang hối hả, những người bạn song hành cùng anh giờ đã đi trước anh thật xa vậy mà anh lại ngồi đây chẳng biết để làm gì? Không được đâu, phải tỉnh lại thôi, đừng đắm chìm trong cơn mơ mãi, anh đã tự thức tỉnh mình như thế. Anh chuẩn bị bước đi đây, anh sẽ nói lời chào tạm biệt với đoạn đường tràn ngập kỉ niệm đẹp nhưng cũng rất đau thương và tạm biệt dấu chân của em. Khi anh quay lưng lại, anh biết mình sẽ cũng xa em hơn nhưng anh sẽ lưu hình ảnh ấy vào một nơi thật kín trong tim mình. Tình cảm ngày nào anh dành cho em, anh sẽ chôn thật sâu, thật sâu vào tận đáy lòng, để trái tim mình được ngủ yên. Nếu tim có thể nói, chắc tim sẽ trách anh nhiều lắm em ạ.
Nhưng biết làm sao đành xin lỗi, xin lỗi tim thật nhiều vì anh đã để em vào quá khứ. Nơi đây, vẫn còn đủ gần để anh một lần nữa có thể hướng theo em và nhìn thấy con đường của em, em vẫn đang đi, đang hướng về phía trước. Anh vẫn muốn nhìn mãi cho đến khi em mất hút. Và phía trước của anh là chiều ngược lại với em! Cất bước đi, là anh không còn nhìn thấy em nữa. Cất bước đi, giữa em và anh còn lại gì nhỉ? Anh nhớ, mình còn một lời hứa. Dù anh biết điều đó rất hoang đường, dù biết mình rất ngốc nhưng anh vẫn muốn tin rằng: Quay lưng lại con đường của anh vẫn thênh thang chờ anh tiếp tục hành trình của mình. Con đường của anh hướng anh đến một cuộc sống không còn cô đơn nữa. Anh bước đi gió mát thổi nhè nhẹ, ngước nhìn lên cao, ánh mặt trời vẫn chiếu sáng rạng ngời, tâm hồn anh lâng lâng một niềm tin vào tương lai, xen lẫn một chút gì đó có thể gọi là xót xa? Nhưng kể từ nay, anh biết mình cần đi về phía trước. Một lần cho mãi mãi!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 09 Nov 2017

Chỉ chừng đó thôi
(Không rõ)


“Anh à,
Sài Gòn đã bắt đầu lác đác những cơn mưa chiều. Có một lần, Em vướng phải cơn mưa rào bất chợt trên đường phố, kề cà ghé vào trú mưa dưới một hiên nhà ở bên đường, ngắm nhìn đường phố vắng lặng với từng chùm bong bóng nước phập phồng trắng xóa. Nghe hòa lẫn trong tiếng mưa rơi, tiếng nhạc buồn da diết như rung lên những cung tơ lòng trầm lặng
Chỉ cần một cơn mưa
Là vai gầy thêm nữa
Cho ướt môi, mềm da
Chỉ cần giọt mưa sa
Chỉ chờ một cơn mưa
Để không ngờ chi nữa
Đi dưới mưa hồng nghe
Giọt nhẹ vào tim ta
Chỉ một chiều lê thê
Ngồi co mình trên ghế
Nghe mất đi tuổi thơ
Chỉ một chiều bơ vơ

Vào năm 1975, nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa một buổi chiều lặng lẽ mênh mang như thế vào dòng âm nhạc trữ tình buồn man mác về một tình yêu đôi lứa chia lìa. Lời thơ nhạc mộc mạc như chính tâm hồn đôn hậu tinh tế của người nghệ sĩ đã làm rung động người nghe khi hồi nhớ về một mối tình thơ mộng lãng đãng. Đó là một buổi chiều buồn lê thê mà viết nên những dòng nhạc “Chỉ chừng đó thôi”, khiến cho lòng người nhớ, tình người vương…
Những cảm xúc trong lời bài hát dạo đầu sao mà chất ngất nỗi lòng bẽ bàng câm nín, giờ chỉ như muốn tuôn trào theo nhịp mưa rơi. Có lẽ cuộc tình của đôi trai gái cũng bắt đầu trong một chiều mưa chăng? Họ yêu nhau một thuở “Adam ngù ngờ, Êva khù khờ” thánh thiện, mộng mơ và lãng đãng hương hoa. Thế mà phải chạnh lòng quên nhau chỉ sau một quãng thời gian thật ngắn ngủi trong dòng năm tháng vô biên của cuộc đời. Còn nỗi buồn nào hơn dẫu vẫn biết tình đời là con nước trôi, dẫu vẫn biết cuộc đời vốn dĩ đầy bất trắc? Lời ca cứ bàng bạc tiếc nuối… Yêu nhau tha thiết, mong được gắn bó dài lâu nhưng đôi uyên ương không sao vượt qua được những trớ trêu của phận người
Nhưng thiên tai chực chờ
Đôi uyên ương vật vờ
Chia nhau xong tội đồ
Đày đọa lâu mới tha

Hạnh phúc và đớn đau. Hội ngộ và ly biệt. Xót xa như một phận đời được định sẵn…
Ngoài trời, giọt mưa rơi xuống như giọt nước mắt biệt ly. Buồn làm sao. Nhưng đấy là cái buồn bã đẹp dịu dàng nhưng không ủy mỵ của cơn mưa chiều làm cho lòng người thêm đằm thắm và mở ra một cách độ lượng.
Cả triệu người yêu nhau
Còn ai là không thấu
Len giữa u tình sâu
Một vài giọt ơn nhau

Yêu thương nào cũng mong manh cho dù có lần ai đó đã nói với mình “Tôi yêu người còn hơn yêu tôi”…
Yêu thương mong manh, nhưng hạnh phúc là điều có thật. Cuộc tình dù đẹp đến mấy đi nữa thì cũng đến lúc phải mất nhau. Nếu đôi tình nhân có nên duyên thì cũng đến một lúc phải chia lìa. Không thể nên duyên thì được yêu nhau thêm một ngày cũng đã là quá đỗi hạnh phúc. Hạnh phúc vì đã nhận quá nhiều ở cuộc đời này. Chỉ cầu mong đến lúc nào đó phải mất nhau thì không làm khổ nhau, không làm đau nhau, để còn mãi trân trọng nhau. Trân trọng ngay cả những mảnh vỡ của cuộc đời.
Thế nên cái kết của bài hát đẹp lung linh
Tia sáng Thiên đường cao
Rọi vào ngục tim nhau…

Tháng Tư. Trời đổ giọt mưa rơi… giữa khu phố xưa rất hiền…”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 12 Nov 2017

Hãy bế em ra khỏi cuộc đời anh!
(Không Rõ)


Vào ngày cưới của tôi, tôi đã ôm vợ trên đôi tay của mình. Xe đưa dâu dừng tại trước tổ uyên ương của chúng tôi. Đám bạn thân của tôi nhất quyết bắt tôi phải đưa nàng ra khỏi xe trên đôi tay của mình.
Do vậy, tôi đã bế nàng vào nhà. Lúc đó, nàng là một cô dâu tròn trĩnh và e thẹn, còn tôi là một chú rể rất sung sức và tràn trề hạnh phúc.

Nhưng đó là cảnh của mười năm trước.
Những chuỗi ngày sau đó cũng giản dị như một cốc nước tinh khiết: chúng
tôi có con, tôi bước vào thương trường và cố gắng kiếm thật nhiều tiền.
Khi của cải trong gia đình chúng tôi mỗi lúc một nhiều hơn cũng là lúc tình cảm giữa hai chúng tôi suy giảm dần.
Vợ tôi là một công chức nhà nước. Mỗi sáng chúng tôi cùng ra khỏi nhà với nhau và hầu như về nhà cùng một lúc… Con chúng tôi thì học tại một trường nội trú. Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi nhìn bề ngoài hạnh phúc đến nỗi nhiều người phải ganh tị. Nhưng thật ra cuộc sống yên ấm đó gần như bị xáo trộn bởi những đổi thay không ngờ…

Đó là một ngày đầy nắng. Tôi đứng trước một ban công rộng lớn. Dew ôm vòng sau lưng tôi. Con tim tôi, một lần nữa, lại đắm chìm trong dòng suối yêu đương cùng nàng… Đây là căn hộ tôi mua cho cô ấy.
Dew nói: “Anh là mẫu đàn ông có sức cuốn hút với đàn bà nhiều nhất”. Câu nói của Dew đột nhiên nhắc tôi nhớ đến vợ mình. Hồi chúng tôi mới cưới, nàng nói: “Nếu là đàn ông như anh, khi thành đạt sẽ rất quyến rũ với phụ nữ”. Nghĩ đến lời nói đó của vợ mình, tôi thoáng do dự. Tôi hiểu mình đang phản bội lại nàng. Nhưng tôi đã không thể cưỡng lại chính mình.
Kéo tay Dew sang một bên, tôi nói: “Em đi mua mấy món đồ nội thất nhé? Anh có vài việc phải làm ở công ty”. Hiển nhiên là nàng thất vọng rồi bởi vì tôi đã hứa sẽ cùng đi với nàng. Ngay lúc ấy, ý nghĩ phải ly hôn xuất hiện trong tâm trí tôi mặc dù trước đây ly hôn là một điều tưởng chừng không thể.
Nhưng tôi nhận ra khó mà mở lời với vợ về chuyện này. Cho dù tôi có đề cập nó một cách nhẹ nhàng đến đâu chăng nữa, cô ấy chắc chắn sẽ bị tổn thương sâu sắc. Công bằng mà nói, cô ấy là một người vợ tốt. Tối nào, cô ấy cũng bận rộn chuẩn bị bữa ăn tối, trong khi tôi ngồi phía trước màn ảnh TV. Bữa ăn tối thường xong sớm. Sau đó, chúng tôi cùng xem TV. Không thì, tôi lại thơ thẩn bên máy tính, mường tượng thân thể của Dew. Đó là cách tôi thư giãn.
Một ngày nọ, tôi nửa đùa nửa thật nói với vợ tôi, “Giả dụ chúng ta phải ly hôn, em sẽ làm gì?”. Cô ấy nhìn chằm chặp tôi phải đến vài giây mà không nói lời nào. Hiển nhiên cô ấy tin rằng ly hôn là một cái gì rất xa vời với cô ấy. Tôi không hình dung được vợ tôi sẽ phản ứng thế nào một khi biết rằng tôi đang nói nghiêm túc về chuyện đó.
Lúc vợ tôi bước vào phòng làm việc của tôi ở công ty thì Dew cũng vừa bước ra… Hầu như tất cả nhân viên ở văn phòng tôi đều nhìn vợ tôi với ánh mắt ra chiều thông cảm và cố giấu giếm chút gì đó khi nói chuyện với nàng. Vợ tôi dường như có nghe phong phanh vài lời bóng gió. Cô ấy chỉ mỉm cười dịu dàng với đám nhân viên, nhưng tôi đọc được nỗi đau trong đôi mắt ấy.
Một lần nữa, Dew lại nói với tôi: “Ninh, anh ly dị cô ấy đi? Rồi chúng mình sẽ cùng chung sống với nhau”. Tôi gật đầu. Tôi biết mình không thể chần chừ thêm được nữa.

Khi vợ tôi dọn ra bàn chiếc dĩa cuối cùng, tôi nắm lấy tay cô ấy.
“Anh có điều này muốn nói với em”, tôi nói… Cô ấy ngồi xuống, lặng lẽ ăn.
Tôi lại nhìn thấy nỗi đau trong đôi mắt nàng. Đột nhiên, tôi không biết phải mở miệng như thế nào. Nhưng tôi phải nói cho cô ấy biết những gì tôi đang suy nghĩ thôi. “Anh muốn ly hôn”. Cuối cùng thì tôi cũng đặt vấn đề hết sức nặng nề này một cách thật nhẹ nhàng.
Cô ấy tỏ ra không khó chịu lắm với lời tôi nói mà chỉ hỏi nhỏ “Tại sao?”. “Anh nói thật đấy”, tôi tránh trả lời câu hỏi của cô ấy. Cái gọi là câu trả lời của tôi đã khiến cô ta giận dữ. Cô ấy ném đôi đũa đi và hét vào mặt tôi “Anh không phải là đàn ông!”.

Đêm đó, chúng tôi không nói chuyện với nhau. Cô ấy khóc lóc. Tôi hiểu cô ấy muốn biết chuyện gì đã xảy ra với cuộc hôn nhân của chúng tôi. Nhưng tôi khó đưa ra được câu trả lời thỏa đáng bởi vì trái tim tôi đã nghiêng về Dew.
Trong tâm trạng tội lỗi tột cùng, tôi thảo đơn ly hôn ghi rõ cô ấy sẽ sở hữu căn nhà, chiếc xe hơi và 30% cổ phần trong công ty tôi. Nhìn lướt qua tờ đơn, cô ấy xé nó ra từng mảnh… Tôi cảm thấy tim mình đau nhói. Người phụ nữ chung sống với tôi suốt mười năm nay bỗng trở nên xa lạ chỉ trong một ngày. Nhưng, tôi không thể rút lại những lời đã nói.
Cuối cùng, điều tôi mong đợi đã đến… Cô ấy òa khóc trước mặt tôi… Tiếng khóc của cô ấy thực sự là liều thuốc an thần cho tôi. Ý định ly hôn dằn vặt tôi suốt nhiều tuần qua giờ đây dường như càng trở nên rõ rệt và mạnh mẽ.

Trời khuya, tôi về nhà sau tiệc chiêu đãi khách hàng… Tôi nhìn thấy vợ tôi đang cắm cúi viết tại bàn làm việc. Tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Nửa đêm, tỉnh giấc, tôi thấy cô ấy vẫn ngồi viết. Tôi trở mình và ngủ tiếp.
Vợ tôi đưa ra điều kiện ly hôn:
Cô ấy không cần bất cứ thứ gì của tôi, nhưng tôi phải cho cô ấy thời gian một tháng trước khi chính thức ly hôn; và trong thời gian một tháng đó, chúng tôi phải sống với nhau một cuộc sống bình thường. Lý do chỉ đơn giản vì: tháng sau con trai của chúng tôi sẽ kết thúc kỳ nghỉ hè và cô ấy không muốn nó phải chứng kiến cuộc hôn nhân của chúng tôi đổ vỡ.
Cô ấy đưa cho tôi thư thỏa thuận cô ấy soạn sẵn và hỏi: “Anh còn nhớ em đã vào phòng cô dâu trong ngày cưới như thế nào không?”. Câu hỏi này chợt làm sống tại trong tôi tất cả những kỷ niệm tuyệt vời ngày ấy. Tôi gật đầu và nói: “Anh còn nhớ”.
“Lúc đó, anh đã bế em trên đôi tay của anh”, cô ấy tiếp tục, “do vậy, em có một yêu cầu là anh phải bế em ra vào ngày chúng ta ly hôn. Từ giờ đến hết tháng này, anh phải bế em từ giường ngủ đến cửa nhà mình vào mỗi sáng”. Tôi mỉm cười đồng ý. Tôi biết cô ấy đang nhớ lại những chuỗi ngày ngọt ngào hạnh phúc và muốn cuộc hôn nhân của mình kết thúc lãng mạn.

Tôi kể cho Dew nghe về điều kiện ly hôn của vợ mình. Cô ấy cười to và cho rằng đó là một yêu cầu ngu xuẩn. “Cho dù cô ta có đưa ra mánh khóe gì chăng nữa, thì vẫn phải đối mặt với kết cục ly hôn mà thôi”, cô ấy nói một cách khinh bỉ. Lời nói đó của Dew ít nhiều khiến tôi cảm thấy khó chịu.

Vợ tôi và tôi đã không đụng chạm gì về thể xác kể từ khi tôi có ý định ly hôn. Chúng tôi đối xử với nhau như hai người xa lạ. Vì vậy ngày đầu tiên tôi bế cô ấy, cả hai chúng tôi tỏ ra khá lóng ngóng, vụng về. Đứa con trai vỗ tay theo sau chúng tôi: “Cha đang ôm mẹ trên tay”. Lời nói của con trẻ làm tim tôi đau nhói. Từ phòng ngủ đến phòng khách, sau đó mới đến cửa ra vào, tôi đã đi bộ trên mười mét với cô ấy trên tay. Cô ấy nhắm mắt và nói nhẹ nhàng, “Chúng ta sẽ bắt đầu từ hôm nay đừng nói gì cho con hay”. Tôi gật đầu và cảm thấy chút gì đổ vỡ. Tôi đặt cô ấy xuống ở cửa ra vào. Cô ấy đứng đó chờ xe buýt, còn tôi lái xe đến công ty.
Vào ngày thứ hai, chúng tôi “diễn” dễ dàng hơn. Cô ấy dựa vào ngực tôi. Chúng tôi quá gần nhau đến nỗi tôi có thể ngửi được mùi hương từ áo khoác của nàng. Tôi nhận ra rằng đã lâu lắm rồi tôi không nhìn kỹ người phụ nữ thân yêu của mình. Tôi nhận ra vợ tôi không còn trẻ nữa. Đã xuất hiện một vài nếp nhăn trên gương mặt của nàng.
Ngày thứ ba, cô ấy thì thầm vào tai tôi: “Vườn ngoài kia đang bị xói mòn đấy. Anh cẩn thận khi đi qua đó nghe”. Ngày thứ tư khi tôi nâng cô ấy lên, tôi có cảm giác chúng tôi vẫn còn là một đôi uyên ương khăng khít và tôi đang ôm người yêu trong vòng tay âu yếm của mình. Những tơ tưởng về Dew trở nên mờ nhạt dần.
Đến ngày thứ năm và thứ sáu, cô ấy tiếp tục dặn dò tôi vài thứ, nào là cô ấy để chiếc áo sơ mi vừa ủi ở đâu, nào là tôi phải cẩn thận hơn trong lúc nấu nướng. Tôi đã gật đầu. Cảm giác thân thiết, gần gũi lại trở nên mạnh mẽ nhiều hơn.
Nhưng tôi không nói với Dew về điều này… Tôi cảm thấy bế cô ấy dễ dàng hơn.
Có lẽ mỗi ngày đều luyện tập như vậy đã làm tôi mạnh mẽ hơn. Tôi nói với cô ấy: “Có vẻ bế em không còn khó nữa”.
Vợ tôi đang chọn váy đi làm. Tôi thì đứng đợi để bế cô ấy. Cô ấy loay hoay một lúc nhưng vẫn không tìm ra chiếc váy nào vừa vặn cả. Rồi, cô ấy thở dài, “Mấy cái váy của em đều bị rộng ra cả rồi”. Tôi mỉm cười. Nhưng đột nhiên tôi hiểu rằng thì ra cô ấy đã ốm đi nên tôi mới bế cô ấy dễ dàng, chứ không phải vì tôi mạnh khỏe hơn trước. Tôi biết vợ mình đã chôn giấu tất cả niềm cay đắng trong tim. Tôi lại cảm thấy đau đớn. Theo phản xạ tự nhiên, tôi đưa tay chạm vào đầu cô ấy.
Đúng lúc đó, thằng con chúng tôi chạy đến “Cha à, đến giờ bế mẹ ra rồi” - nó nói. Đối với nó, hình như nhìn thấy cha bế mẹ ra đã là một phần tất yếu trong cuộc sống của nó rồi. Vợ tôi ra hiệu cho nó lại gần và ôm nó thật chặt. Tôi quay mặt đi vì sợ rằng mình sẽ thay đổi quyết định vào phút chót.
Tôi ôm cô ấy trong vòng tay, bước từ phòng ngủ qua phòng khách, qua hành lang. Tay cô ấy vòng qua cổ tôi một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Tôi ôm cô ấy thật chặt, tưởng tượng như chúng tôi đang trở về ngày tân hôn. Nhưng tôi thật sự buồn vì vợ tôi đã gầy hơn xưa rất nhiều.

Vào ngày cuối cùng, tôi thấy khó có thể cất bước khi ôm cô ấy trong vòng tay. Con trai chúng tôi đã lên trường. Vợ tôi bảo: “Thực ra, em mong anh sẽ ôm em trong tay đến khi nào chúng ta già”… Tôi ôm cô ấy thật chặt và nói: “Cả em và anh đã không nhận ra rằng cuộc sống của chúng mình từ lâu đã thiếu vắng quá nhiều những thân mật, gần gũi”.
Tôi phóng ra khỏi xe thật nhanh mà không cần khóa cả cửa xe. Tôi sợ bất cứ sự chậm trễ nào của mình sẽ khiến tôi đổi ý. Tôi bước lên cầu thang. Dew ra mở cửa. Tôi nói với cô ấy: “Xin lỗi, Dew, anh không thể ly hôn. Anh nói thật đấy”.
Cô ấy kinh ngạc nhìn tôi.
Sau đó, Dew sờ trán tôi. “Anh không bị sốt chứ”, cô ấy hỏi. Tôi gỡ tay cô ấy ra. “Dew, anh xin lỗi”, tôi nói. “Anh chỉ có thể xin lỗi em. Anh sẽ không ly dị. Cuộc sống hôn nhân của anh có lẽ tẻ nhạt vì cô ấy và anh không nhận ra giá trị của những điều bé nhỏ trong cuộc sống lứa đôi, chứ không phải bởi vì anh và cô ấy không còn yêu nhau nữa. Bây giờ, anh hiểu rằng bởi anh đưa cô ấy về nhà, bởi cô ấy đã sinh cho anh một đứa con, nên anh phải giữ cô ấy đến suốt đời. Vì vậy anh phải nói xin lỗi với em”…
Dew như choàng tỉnh.
Cô ta cho tôi một cái tát như trời giáng rồi đóng sầm cửa lại và khóc nức nở.

Tôi xuống cầu thang và lái xe đến thẳng công ty. Khi đi ngang tiệm hoa bên đường, tôi đặt một lẵng hoa mà vợ tôi yêu thích. Cô bán hàng hỏi tôi muốn viết lời chúc gì vào tấm thiệp. Tôi mỉm cười và viết “Anh sẽ bế em ra, vào mỗi sáng cho đến khi chúng ta già”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 16 Nov 2017

Nước mắt có bao giờ chảy ngược?
Từ Uyên


Con gái của mẹ,
Mẹ biết rằng chả bao giờ con đọc lá thư này cả, thứ nhất là con không đọc được tiếng Việt, mà mẹ lại không thể viết cho con bằng tiếng Anh. Nhưng không hiểu sao có một cái gì nó thôi thúc mẹ là phải viết cho con như được nói chuyện với con trực tiếp.
Đã lâu lắm rồi nhỉ, từ khi con tốt nghiệp ra trường trung học, hai mẹ con mình không còn được những buổi tối con cặm cụi học bài trong khi mẹ loay hoay với những việc trong nhà mà cả hai mẹ con mình đã suốt ngày bận rộn không dọn dẹp được.
Nhưng khi ấy con còn nhỏ, trong đầu óc mẹ nghĩ thế nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy mình nhầm. Giáo dục học đường ở bên này, mẹ không hiểu rằng đã tạo cho con thành một người tự lập cho dù con chưa đến tuổi trưởng thành.
Từ bao giờ, mẹ cũng không nhớ nữa, con đã có một thế giới riêng là căn buồng của con. Mà vì bận sinh kế suốt ngày, mẹ cũng ít khi ngó vào căn buồng ấy nên có lần mẹ vào tìm con, mẹ đã hết sức sửng sốt khi thấy sự vô trật tự trong cuộc sống của con. Sách vở lẫn lộn với quần áo trên giường, dưới sàn cùng mọi thứ vật dụng. Trong tủ treo áo quần thì như cả cái kho chứa đồ phế thải.
Phải mất vài phút mẹ mới định thần lại được, bỏ mất gần một buổi chiều để sắp xếp lại cho con.
Buổi tối, con về, mẹ ngồi yên ở phòng khách chờ phút giây con chạy ra ôm lấy mẹ mà cám ơn.
Nhưng thật là một bất ngờ lớn lao mà mẹ chưa bao giờ tưởng tượng ra nổi.
Thay vì cám ơn, con đã tung cửa buồng ra nói khá lớn tiếng:
“Mẹ làm mất hết trật tự trong buồng của con, bài vở của con mẹ để đâu hết rồi, mọi khi con vẫn để ở chân giường mà… Con xin mẹ từ nay mẹ đừng làm gì trong buồng của con cả. Con tự lo lấy được mà.”
Rồi con bỏ vào buồng, im lìm suốt buổi tối hôm đó.
Con ơi, con có biết những giờ phút ấy mẹ đã phải trải qua những tâm trạng như thế nào không. Mẹ ân hận vì đã làm con không vui! Mẹ buồn rầu vì con đã không hiểu cho lòng mẹ. Mẹ cô đơn vì không có ai chia sẻ nỗi buồn với mình. Mẹ lo lắng vì tính nết hoang toàng của con như thế thì khi lấy chồng, người chồng nào chịu cho nổi… Đêm ấy mẹ đã ngủ trên ghế sa lông để thấm thía nỗi buồn của mẹ mà nào con cũng đâu có hay.
Thế mà cảnh sống ấy cũng qua mau trong sự chịu đựng của mẹ. Bây giờ con ra trường, có công ăn việc làm, con đi về thất thường, có khi bỏ mẹ vò võ chờ con đến cả tuần. Mẹ cũng chẳng dám hỏi con.
Đến một ngày, hình như mẹ nhớ là ngày Mother’s Day, con mua một bó hoa hồng tươi về ôm lấy mẹ mà chúc mừng mẹ. Buổi chiều hôm ấy là ngày hạnh phúc nhất đời của mẹ. Mẹ cứ đi ra đi vào lóng ngóng chờ con mở cửa buồng để hỏi xem con thích ăn món gì mẹ sẽ nấu. Nhưng tối đến con đã chải chuốt mở cửa buồng đi ra mời mẹ đi ăn tiệm. Lại một hạnh phúc bất ngờ khác đến. Mẹ như được bơi lội trong hạnh phúc đến độ không thay nổi bộ quần áo đẹp để đi với con.
Sau bữa ăn thịnh soạn với cá 8 món, con đã thản nhiên nói với mẹ rằng:
“Mẹ ơi bây giờ con phải đi làm việc suốt ngày mà mẹ thì già rồi, ở nhà một mình không có ai chăm sóc nên con đã xin cho mẹ được vào sống ở khu người già, có người trông nom hằng ngày. Mẹ không phải lo gì cả. Đến bữa có người dọn cho ăn. Đau ốm có y tá săn sóc. Cuối tuần con sẽ về thăm mẹ, mẹ nhé.”
Bể hạnh phúc đã vỡ tan. Những bong bóng hạnh phúc chỉ còn ảo mờ như những bọt xà bông trong chậu tắm. Nó đã phản chiếu muôn màu và vỡ ngay sau đó.
Trong lòng mẹ chợt vẳng nghe lại được câu nói của bà ngoại xưa đã nói với mẹ: “Nước mắt chảy xuôi, con ạ.”…


Đinh Tấn Khương (Mùa đông Sydney 2011)


Đọc xong bài viết nầy, chúng tôi cảm nhận một sự xót xa trong lòng của một người mẹ đơn độc ngay từ những ngày đứa con gái mình vừa tròn “tuổi vị thành niên” và tiếp tục trải dài, mãi cho đến những ngày tuổi già, sức yếu…
1. Câu chuyện được nêu ra trong phần đầu lá thư của người mẹ, dường như khá quen thuộc. Không phải chỉ quen thuộc đối với chúng tôi mà còn cho cả nhiều gia đình khác, hiện đang định cư tại các nước phương Tây!?
Tại sao lại như thế?
Phải chăng:
- Nền giáo dục phương Tây đã truyền dạy cho con em chúng ta cái tư tưởng “tự lập” quá sớm, khiến cho chúng phải xa rời những sinh hoạt chung của gia đình như vậy ư!?
- Nền giáo dục phương Tây đã không chịu dạy cho con cái chúng ta nên biết thế nào là sự trật tự, ngăn nắp hay sao!?
- Nền giáo dục phương Tây đã không chịu dạy cho con cái chúng ta cần biết ơn những giúp đỡ của cha mẹ, người đã lo lắng, tốn nhiều công sức dọn dẹp phòng ốc của chúng cho được ngăn nắp, trật tự hay sao!?
Vâng, có lẽ cũng đúng như vậy!?
Chúng tôi nhớ lại lúc con gái chúng tôi còn đang theo học những năm đầu trung học. Nhà trường có mời một vị bác sĩ tâm lý khá nổi tiếng tại Sydney để nói về đề tài “Teenagers” dành cho các bậc phụ huynh có con em trong lứa tuổi nầy.
Trong buổi thuyết trình, câu chuyện đầu tiên của bức thư trên đây cũng đã được nhắc đến và có nhiều câu hỏi từ những bậc phụ huynh (nhiều nhất là những bà mẹ đủ mọi sắc dân), đưa ra:
- Hỏi: Chúng ta (cha mẹ) phải làm gì với một cái phòng của chúng, trông có vẻ vô trật tự & thiếu ngăn nắp như thế!?
- Đáp: Cứ việc để yên như vậy đi, coi như mình không thấy, không biết gì cả.
- Hỏi: Vô lý lại phải để một cái phòng như thế. Nếu có bạn bè chúng tôi đến thăm thì coi sao được?
- Đáp: Chỉ việc đóng cửa phòng của chúng rồi khóa lại. Đừng dẫn bạn mình vào căn phòng đó thì chẳng có gì để phải bận tâm.
- Hỏi: Vài năm trước đây chúng thường theo cha mẹ mua sắm, thường dành nhiều thì giờ sinh hoạt chung với gia đình, ngay cả cùng làm bài tập chung với nhau nữa. Thế mà bây giờ chúng không còn muốn gần gũi với cha mẹ, lúc nào cũng ở trong phòng riêng và đóng kín cửa. Tại sao lại như vậy?
- Đáp: Vì chúng đang cần một khoảng không gian riêng lẻ. Hãy tôn trọng sự riêng lẻ nầy.
- Hỏi: Tại sao phải như thế?
- Đáp: Có nhiều thay đổi về sự phát triển thể chất, tinh thần cũng như những thay đổi kích thích tố trong độ tuổi mới lớn. Thêm nữa, những băn khoăn về cái ngưỡng cửa mà chúng đang bước vào, đó là “ngưỡng cửa sắp được làm người lớn”.
- Hỏi: Xin nói một cách cụ thể hơn?
- Đáp: Trong độ tuổi dậy thì, giới tính phát triển rõ rệt, đồng bộ với những đổi thay về những kích thích tố trong cơ thể… dẫn đến những thay đổi về mặt tinh thần. Cách cư xử, ứng phó với những người chung quanh cũng thay đổi nhanh chóng. Chính bản thân của chúng cũng không nhận ra và kềm hãm lại được những thay đổi ấy. Chúng trở nên khá ồn ào, thích mở nhạc lớn hơn, dễ nóng giận cho dù lý do chẳng có gì đáng phải như vậy. Và quan trọng nhất là tính “phản kháng”, luôn làm ngược lại những gì mà cha mẹ hay ai khác yêu cầu hay đề nghị.
- Hỏi: Thế thì các bậc phụ huynh cần phải làm gì?
- Đáp: Cần phải thật sự hiểu được những thay đổi nhanh chóng ấy nơi chúng. Hiểu được rồi thì chúng ta mới chấp nhận được nó.
- Hỏi: Nếu gặp trường hợp có sự bùng nổ do nóng giận dẫn đến sự cãi vã to tiếng thì cha mẹ phải làm gì?
- Đáp: Tìm một ly nước lạnh mà uống rồi hãy im lặng lánh đi!
- Hỏi: Có nghĩa là mình chấp nhận phần lỗi về mình hay sao?
- Đáp: Không, chẳng ai có lỗi cả. Nhưng cha mẹ là người phải chịu “nhịn” trước. Rồi chúng sẽ hiểu ai đúng ai sai, nhưng chúng sẽ không bao giờ nói ra. Vì đang ở độ tuổi “phản kháng” mà!?
- Hỏi: Vô lý, lần nào mình cũng phải nhịn thì chúng sẽ “được đằng chân lân đằng đầu” sao?
- Đáp: Một cuộc cải vã mà không có người nhịn thì cuộc cãi vã đó sẽ kéo dài vô tận. Hoặc là sẽ kết thúc bằng những hậu quả khó lường. Cha mẹ là người đã trưởng thành và hiểu biết hơn trẻ con cho nên cha mẹ chính là người phải chịu “nhịn” trước. Con mình mà nhịn không được thì làm sao rèn được tính “nhẫn” khi đối diện với người khác, phải không?
Và còn nhiều câu hỏi nữa đã được nêu ra mà chúng tôi không tài nào nhớ hết (vì đang ở độ tuổi bắt đầu quên)
Nhưng quý vị cũng nên biết rằng buổi nói chuyện nầy chỉ được dành riêng cho các bậc làm cha mẹ mà không có sự hiện diện của những người con trong độ tuổi mới lớn. Như vậy, không có nghĩa là nhà trường đã dạy cho chúng những điều sai phạm nêu trên.
Nhà trường muốn giúp cho chúng ta, những phụ huynh có con em trong độ tuổi mới lớn nhận chân được những đổi thay nơi chúng. Nhờ thế chúng ta biết được là phải làm gì để “chịu đựng” với những “hậu quả” do sự đổi thay đổi mang lại nơi chúng.
Nếu quý vị không hiểu được, ắt hẳn chúng ta sẽ luôn mang một tâm trạng buồn tủi, trách hờn… để rồi cái khoảng cách giữa cha mẹ và con cái mỗi ngày một lớn dần hơn!?
Hiểu biết, chia sẻ và chấp nhận thực tế sẽ giúp cho tinh thần của chúng ta được thoải mái nhiều hơn là chấp nhận chịu đựng để ôm lấy những nỗi buồn, hờn tủi…
2. Câu chuyện được nêu ra trong phần cuối của bức thư cũng không mấy xa lạ đối với chúng ta. Tuy nhiên, “bể hạnh phúc” của người mẹ đáng thương nầy đã vỡ tan là do bởi thiếu sự chuẩn bị.
Người mẹ nầy đã không hình dung hay là nhìn thấy được những thực tế cuộc sống tuổi già phải trải qua, trước khi tuổi già nó đến.
Có lẽ bà luôn nghĩ cuộc sống của đứa con gái sẽ mãi gắn chặt với mình cho đến ngày cuối đời. Đó là một tư tưởng thiếu tính độc lập!
Bởi nghĩ thế cho nên bà đã bị xúc động quá mạnh, khi nghe đứa con gái của mình đề nghị đưa vào sống ở khu người già (hostel) *.
Có lẽ chưa chuẩn bị và hiểu rõ cuộc sống ở hostel như thế nào cho nên bà đã tưởng chừng, con mình không muốn chăm sóc mẹ già.
Phải chăng truyền thống Á đông ngày xưa vẫn còn in đậm trong lối suy nghĩ của những người lớn tuổi Việt Nam!?
Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết Chuẩn Bị Cho Tuổi Già. Nếu sức khỏe của chúng ta vẫn còn tốt, còn có thể thực hiện được những hoạt động cần thiết trong cuộc sống hằng ngày thì mình đâu có cần phải vào Hostel hay Nursing Home như người mẹ nầy đã nói như vậy!?
Phải chăng đây là một trong những bài viết cố tình làm cho đời sống tinh thần của người già hiện ở nước ngoài trở nên khó khăn hơn!?
Vì qua “bức thư” nầy, chúng ta đoán chừng tuổi của người mẹ không đến nỗi quá già, cũng như sức khỏe yếu kém thì không nghe đề cập đến.
Nếu tuổi chưa già và sức khỏe không yếu thì tại sao đứa con gái lại phải đề nghị để đưa bà vào ở một nơi của người già?
Nên biết rằng phần lớn con cái ở đây rất cần sự giúp đỡ của cha mẹ, nếu mình chịu chấp nhận hy sinh và sống hòa hợp được với chúng, một cách dễ dàng.
Chăm sóc nhà cửa, nấu ăn, trông coi các cháu… là những gì chúng luôn cần giúp đỡ. Tại sao chúng lại từ chối sự giúp đỡ nầy!?
Nền giáo dục Tây phương thì nương theo sự phát triển tự nhiên về thể chất và tinh thần của con trẻ.
Nền giáo dục Á đông thì dựa trên quyền lực và theo cái khuôn mẫu “Xưa Bày, Nay Làm”.
Quan điểm riêng của chúng tôi, không có gì là hoàn thiện. Chúng ta phải biết dung hòa và cầu tiến… thì cuộc sống chúng ta mới bớt đi phần nào phiền muộn!
Chúng tôi không biết, người mẹ nầy có hiểu được rằng xã hội Việt Nam ngày nay cũng đã đổi thay rất nhiều và rất nhanh hay chăng!?
Nhớ lại câu chuyện được đưa lên mổ xẻ trên báo điện tử cách đây vài năm đã gây xôn xao dư luận rất nhiều. Câu chuyện của một cô dâu Việt Nam thời đại, bị kết án là quá “coi trọng đồng tiền” cho nên đã không chịu đóng cửa cái công ty đang hoạt động mạnh để ở nhà cùng mẹ chồng và họ hàng lo nấu nướng mà cúng giỗ bố chồng, như mọi năm. Cho dù ngày hôm đó cô dâu đã thưa trước với mẹ chồng biết rằng, cô đã đặt sẵn những thức cúng từ một nhà hàng sang trọng, sẽ được giao tận nhà. Và cô sẽ trở về đúng giờ để kịp thắp nén hương cúng bố như đã được định sẵn, giống mọi năm.
Ấy vậy mà bà mẹ và một số người của họ bên chồng vẫn còn phiền trách và cho rằng cô dâu thời đại đã thiếu bổn phận, trách nhiệm vì chỉ biết coi trọng đồng tiền (lúc đó thì chồng cô thì đang bận công tác phương xa nhưng không nghe một ai kết án anh cả!?)
Phải chăng người lớn đã không hiểu được hoàn cảnh, những khó khăn trong cuộc sống… cho nên đã quá khắc khe với con mình hay không!?

* Sự thật thì Hostel rất khác xa với Nursing Home. Tại Úc, muốn vào ở trong Hostel thì điều kiện sức khỏe phải có là còn tương đối tốt. Còn đi đứng và sinh hoạt cá nhân một cách độc lập mà không cần một trợ giúp nào cả. Hostel sẽ cung cấp mọi dịch vụ chăm sóc y tế, ăn uống (tại canteen), những sinh hoạt văn nghệ hàng tuần, những buổi du ngoạn tập thể… một phần được tài trợ bởi chính phủ.
Tuy nhiên, muốn được vào ở trong một hostel như vậy thì phải hội đủ điều kiện tài chánh. Muốn vào ở một cái Hostel loại sang thì cần phải mua một cái unit trong đó (dành cho độc thân hay là còn đủ cặp). Thường phải mua trước, nếu chưa muốn vào ở thì có thể cho thuê. Nếu không mua được trước thì lúc mình cần vào ở thì có thể không còn chỗ trống nữa. Đến khi qua đời thì các con sẽ bán lại để thu hồi vốn. Hoặc là có thể tiếp tục cho thuê để giữ chỗ sau nầy. Đây cũng là một hình thức đầu tư vì bất động sản luôn lên giá.
Vào Hostel ở, người già sẽ cảm thấy vui hơn nhiều (nếu không trở ngại về ngôn ngữ). Vì nơi ấy có đông người ở cùng độ tuổi để trò chuyện, có nhiều sinh hoạt lành mạnh cũng như được chăm sóc chu đáo về các mặt y tế, tinh thần, ẩm thực thích hợp theo từng cá nhân.
Và mỗi cuối tuần, các con thường vào hostel để thăm hoặc là chở về nhà để được sum họp cùng với đàn con, đàn cháu.
Sự vui vẻ chấp nhận của chúng ta sẽ giúp các con an tâm lo cho cuộc sống của chúng và khoảng cách tình cảm giữa cha mẹ và các con sẽ gần hơn.
Chúng tôi không thể quên một câu chuyện vui vui được nghe kể lại, vào dịp đến thăm một Hostel tại Canberra (Thủ Phủ của Australia). Câu chuyện của một vợ chồng già làm chủ và cư ngụ tại một căn phòng gần với một bà cụ láng giềng.
Một hôm bà cụ nầy nổi lửa đốt phòng bởi vì bà khám phá ra là ông cụ thường len lén qua phòng bên cạnh để tâm sự với bà hàng xóm. Có lẽ vì tức giận quá nên bà đã dùng những lời lẽ hăm dọa lung tung cho nên bà đang bị mang ra tòa xét xử với nhiều tội danh. Quý vị có đoán biết là các cụ nầy đã bao nhiêu cái xuân xanh hay không?
Xin thưa, ai cũng đều ở trong độ tuổi xấp xỉ 90. Đúng là chuyện tình yêu, chuyện ghen tương không phân biệt tuổi tác chút nào cả!?


Quay lại câu chuyện của người mẹ trong bức thư, chúng tôi thiển nghĩ là, người mẹ nầy chưa hiểu hết về những thực tế của cuộc sống tại đây, cũng như luôn có định kiến không tốt về con mình. Thế rồi không chịu "chấp nhận” một cuộc sống vui vẻ của tuổi già, như những người Tây phương luôn có cái tư tưởng độc lập, không lệ thuộc và biết hy sinh cho con cháu mình.
Đã biết là “nước mắt chảy xuôi” thì cũng đừng nên phiền muộn như thế!?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 16 Nov 2017

Duyên Tiền Định
My Lăng

Cuộc gặp gỡ duyên tiền định


Chín năm trước, Michael sang Việt Nam làm tình nguyện viên cho một tổ chức của Anh. “Khi nộp đơn làm tình nguyện viên sang Việt Nam, tôi ghi danh hai năm và dự định hết hạn sẽ quay về Anh”, Michael nói. Nhưng rồi ông đã quyết định gắn bó những năm tháng còn lại với Việt Nam vì đã tìm thấy Bình - người phụ nữ ông tìm kiếm hơn nửa đời người.
Michael khẳng định: “Khi mới gặp Bình, tôi không nghĩ cô ấy là người mình đang tìm kiếm. Nhưng sau đó tôi biết đây chính là người có thể chia sẻ với mình mọi việc, người sẽ là một phần tâm hồn tôi. Tôi thích sự giản dị, chu đáo và biết quan tâm đến gia đình của Bình. Cô ấy nhẹ nhàng, nhân hậu, chăm chỉ lo toan cho con cái, dù vất vả nhưng lúc nào cô ấy cũng vui vẻ, dễ chịu, không kêu ca phàn nàn”.
Bà Bình kể: “Michael là khách quen của quán phở phía bên kia đường. Từ khi tôi mở gánh phở vỉa hè thì quán kia chuyển đi nơi khác. Anh ấy sang chỗ tôi ăn, chắc chỉ cho qua bữa nhưng thấy hợp khẩu vị nên đến thường xuyên hơn”. Khi ấy Michael đã 52 tuổi, chỉ biết nói “xin chào” và “cảm ơn” bằng tiếng Việt.
Rồi dần dần vị khách cao lớn ấy cứ 19g30 đến ăn, uống bia tới… 22g mới chịu về. Ông lặng lẽ đến, lặng lẽ ăn và lặng lẽ quan sát người phụ nữ bán phở cho khách.
Đêm mùa đông rét căm căm, quán gần biển nên lạnh tím tái cả da thịt. Thấy bà Bình ngồi co ro, Michael lẳng lặng về khách sạn lấy áo rồi ra dấu bảo bà mặc vào. Lần khác, ông mang cho bà đôi vớ…
Bà Bình cười bối rối khi nhớ lại: “Lúc ấy tôi xấu hổ quá. Tôi chỉ nghĩ anh ấy tốt, thấy mình khổ nên động lòng thương. Với lại mình cứ lụi cụi nấu nướng, chẳng để ý đến đầu tóc, mặc toàn quần áo cũ, sao dám nghĩ người ta yêu mình”. Thật ra cuộc hôn nhân quá nhiều đau khổ với người chồng trước và những lo toan cho ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học đã khiến trái tim bà gần như chai sạn.
Sau đó, Michael hay trò chuyện với những người con nhỏ của chủ quán bằng việc hỏi thăm chuyện học và sức khỏe. Những lúc bọn trẻ bận học, Michael lại giúp mẹ chúng lấy cái bát, đôi đũa cho khách.
“Tôi cứ thắc mắc chồng cô ấy đâu mà không gặp lần nào. Một lần gặp người bạn của Bình từ Hà Nội xuống, tôi nhờ hỏi giúp. Lúc đó tôi mới biết Bình đã ly dị từ năm 1999”, Michael kể.
Một năm sau (2001), Michael đề nghị được đóng tiền cho mỗi bữa cơm tối chung với mẹ con Bình. Thương người đàn ông nước ngoài lủi thủi một mình nơi đất khách, bà Bình đồng ý. Mấy tháng sau, Michael lại đề nghị bà chỉ bán phở từ thứ hai đến thứ sáu, hai ngày cuối tuần nghỉ ngơi, tiền bán phở của hai ngày đó Michael sẽ gửi. Bà Bình từ chối: “Tôi có sức khỏe nên vẫn phải làm để phòng những lúc con cái ốm đau”. Michael thuyết phục mấy lần nhưng bà vẫn không chịu.
Một thời gian ngắn sau, bà nhận lời Michael đi ăn nhà hàng mỗi trưa thứ bảy hằng tuần. Ngôn ngữ của họ chủ yếu vẫn là… ra dấu và thứ tiếng Việt bập bõm của Michael. “Anh ấy bảo tôi phải ăn nhiều cho khỏe và chỉ thích tôi làm việc ít thôi. Đến lúc này tôi mới nhận ra tình cảm của anh ấy - nhất là qua ánh mắt - nhưng cũng không dám mơ mộng gì xa xôi. Mình không còn trẻ trung, lại một nách ba con, đời sống thì khó khăn. Chẳng ai dại mà chuốc vất vả vào thân” - bà Bình kể.

Lời tỏ tình không giống ai


“Anh thích là chồng em” - lời tỏ tình được Michael thốt ra bằng thứ tiếng Việt ngọng nghịu sau một buổi cơm trưa làm bà Bình ngỡ ngàng. Bà Bình không trả lời. “Tôi phân vân vì không biết người ta yêu thương mình thật lòng hay không” - bà giải thích. Tối, Michael lại hỏi, bà chỉ cười. Tuần sau, Michael lặp lại câu nói ấy, đáp lại vẫn là sự im lặng. Mỗi đêm, Michael vẫn lẳng lặng giúp mẹ con bà dọn bàn ghế rồi mới về.
Một buổi tối của ngày thứ 30, Michael đưa cho bà mảnh giấy. Bà Bình không nén được xúc động trước dòng chữ tiếng Việt viết không tròn nét: “Anh thích là chồng em”. “Tôi nghĩ mãi. Ở cái tuổi 46 này mà đi bước nữa…” - bà Bình bỏ lửng câu nói. Mấy ngày sau, Michael lặp lại câu nói đó. Bà Bình gật đầu.
Michael & Bình cùng nhau làm thức ăn và đường đến trái tim đàn ông thông thường vẫn đi qua bao tử…
Từ đó, Michael thường xuyên tới nhà bà ăn cơm, gặp gỡ người thân trong gia đình bà nhiều hơn. “Nhìn cách anh ấy trò chuyện, quan tâm những đứa con của mình, tính ít nói và hiền lành của anh ấy, tôi nghĩ đây là người mình có thể gửi gắm”, bà Bình kể.
Sau khi kết hôn, Michael về Anh bán hết tài sản của mình. Ông đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai. Tìm nhà thuê (Kiôt) cho ba mẹ con bà Bình ở bến Đoan chỉ hơn 10m2. Michael bảo vợ phải mua nhà, ông sẽ lo tiền. Ngôi nhà đầu tiên rộng 18m2 ở phường Hạ Long, Michael ra vô phải khom người. Thấy vẫn chật chội, Michael sau đó đi tìm một căn nhà khác, là ngôi nhà hai tầng khang trang, yên tĩnh họ đang ở bây giờ trong một con hẻm rợp bóng ngọc lan của khu 6A (tổ 2, P. Hồng Hà, TP Hạ Long, Quảng Ninh). Michael còn lo cả việc làm cho các con riêng của vợ, thậm chí đứng ra làm đám cưới cho chúng. Nhìn cảnh ông sui mắt xanh tóc vàng đứng cạnh bà sui Việt Nam trao nhẫn cho cô dâu, chú rể… nhiều người rất ngạc nhiên và xúc động.
“Lúc mới lấy nhau, tôi có gợi ý chuyện sinh con thì Michael bảo: Bình - Michael đã có ba đứa con rồi. Nghe anh nói thế, tôi chỉ muốn khóc và thương anh nhiều hơn” - bà Bình tâm sự. Hỏi Michael, ông cười rất nhân hậu và bảo: “Với tôi bây giờ việc có con không quan trọng bằng cuộc sống bình yên và hạnh phúc với Bình. Bình đã vất vả quá nhiều rồi. Nếu có con cô ấy sẽ khổ thêm”.
“Tôi rất hài lòng với cuộc sống bây giờ của mình”, Michael nói. Bà Bình rạng rỡ nói thêm: “Thỉnh thoảng bạn bè của tôi đến nhà chơi hoặc hai vợ chồng đi đám cưới, anh ấy gặp được nhóm bạn của vợ là cứ như sáo sậu, đến cụng ly chúc mừng hỏi han. Michael rất vui tính, hiền lành và nhẹ nhàng. Nhiều khi tôi đang lúi húi làm việc, anh ấy lẳng lặng đến ôm và vỗ vỗ nhẹ vào vai làm tôi rất xúc động. Tôi thấy bình yên và hạnh phúc bên chồng mình”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 17 Nov 2017

Cậu bé mồ côi tìm mẹ khiến cả nước Đức cảm động rơi nước mắt
Theo NTDTV - Mai Trà biên dịch


Bé trai Derby hơn 9 tuổi là một cậu bé mồ côi người Đức mong muốn được tìm thấy mẹ. Để bày tỏ tình yêu của mình với mẹ, cậu bé đã nhờ mỗi người mà cậu giúp đỡ hãy giúp đỡ 10 người khác. Cậu nghĩ rằng, với cách này biết đâu một ngày nào đó mẹ cậu sẽ là người được đề nghị trợ giúp. Tình yêu của cậu bé đã làm cảm động tất cả những người dân nước Đức. Vì vậy, họ đã đặt ra một chiến dịch “Mười việc tốt” và Derby trở thành một cậu bé nổi tiếng nước Đức. Nhưng mà thật không may, câu chuyện của cậu đã kết thúc với sự thương tiếc của mọi người.
Con đường tìm mẹ đặc biệt của Derby
Tháng 2/1994, ở phía Bắc nước Đức tuyết trắng phủ dầy đặc, trại trẻ mồ côi Yite Luo nằm bên ven sông Rhine, đứng trang nghiêm mà tĩnh lặng trong gió tuyết. Sáng sớm hôm ấy, nữ tu sĩ Terri, 50 tuổi ra ngoài làm việc. Lúc vừa ra đến cổng, bà láng máng nghe thấy có tiếng trẻ con khóc. Bà liền tìm theo tiếng khóc thì phát hiện một bé trai tóc vàng được đặt trong một bụi cây ở cạnh cổng trại. Nữ tu sĩ này đã đưa cậu bé về trại trẻ nuôi dưỡng và đặt tên cho cậu là Derby.
Bảy năm ở cô nhi viện, cậu bé Derby lớn lên khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Cậu bé có tấm lòng lương thiện, nhưng tính cách lại có chút u buồn. Một ngày thời tiết nắng ráo, các nữ tu sĩ đã dẫn bọn trẻ đi qua một rừng cây để đến một đồng cỏ xanh ở ven bờ sông dạo chơi. Những người ở trong thị trấn gần rừng cây đều chỉ vào những đứa trẻ này và nói: “Những đứa trẻ này đều là bị cha mẹ bỏ rơi, nếu con mà không nghe lời, mẹ cũng sẽ đem bỏ con vào cô nhi viện đấy!”
Nghe thấy những lời nói này, Derby cảm thấy vô cùng đau lòng. Cậu bé không nhịn được liền hỏi nữ tu sĩ: “Mẹ ơi! Tại sao cha mẹ con lại không cần con? Có phải là họ ghét con không?” Giọng nói của cậu bé tràn đầy bi thương không hề giống với lời nói của những đứa trẻ khác cùng độ tuổi.
Nữ tu sĩ nghe xong giật mình hỏi Derby: “Tại sao con lại nghĩ như vậy?”
Derby trả lời: “Tại vì con nghe thấy mọi người đều nói như vậy, chúng con đều là những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi!”
Nữ tu sĩ an ủi cậu bé: “Mặc dù mẹ chưa từng gặp mặt mẹ của con, nhưng mẹ tin rằng nhất định mẹ của con rất yêu thương con. Trên đời này không có người mẹ nào là không yêu thương con cả. Năm đó mẹ của con để con lại, chắc chắn là vì một lý do bất đắc dĩ nào đó thôi.”
Derby nghe xong lặng im không nói lời nào. Nhưng từ đó trở đi cậu bé thay đổi rất nhiều. Cậu thường xuyên đứng bên cửa sổ của cô nhi viện nhìn ra dòng sông Rhine. Cậu hy vọng những dòng nước đang chảy trên sông Rhine có thể đem tình cảm của cậu đến với mẹ.
Vào “ngày của mẹ” năm 2003, không khí ấm áp của ngày lễ lại một lần nữa dấy lên khát vọng mãnh liệt được gặp mẹ của Derby. Ngày hôm đó, các kênh truyền hình đều đưa tin về các hoạt động ăn mừng, đăng tải những hình ảnh về tình mẹ con. Có một cậu bé 6 tuổi, mồ hôi chảy đầm đìa trên người đang giúp mẹ cắt cỏ. Mẹ của cậu bé nhìn cậu bé mà cảm động rơi nước mắt. Derby khi xem tới hình ảnh này đã nói với nữ tu sĩ: “Con cũng muốn được làm việc giúp mẹ! Mẹ ơi! Mẹ có biết cha mẹ của con đang ở đâu không ạ?”
Nữ tu sĩ trầm tư, không nói được lời nào, bởi vì suốt mấy năm qua bà không hề nhận được tin tức gì của cha mẹ cậu bé cả. Đột nhiên, Derby chạy ra ngoài đường, cậu cứ chạy, trên đường có rất nhiều người mẹ nhưng lại không có ai là mẹ của cậu bé cả. Derby đau khổ và gào khóc!
Mấy tháng sau, khi Derby được 9 tuổi, cậu bé rời khỏi cô nhi viện để đến học tập ở một ngôi trường gần đó. Một lần lên lớp, thầy giáo kể cho học sinh nghe một câu chuyện: “Thời xưa, có một vị hoàng đế rất yêu thích chơi cờ vây, vì vậy ông liền quyết định ban thưởng cho người phát minh ra trò chơi này. Kết quả, người phát minh này lại mong muốn ban thưởng cho anh ta mấy hạt gạo. Tại ô thứ nhất trên bàn cờ đặt một hạt gạo, ô thứ hai đặt hai hạt gạo, tại ô thứ 3 số hạt gạo gấp lên 4 lần… Theo đó suy ra, đến khi bỏ đầy bàn cờ thì số hạt gạo đã là 18 triệu tỷ hạt.”
Câu chuyện này làm cho hai con mắt của Derby lập tức sáng lên. Cậu nghĩ nếu như cậu giúp một người, sau đó yêu cầu người đó giúp 10 người khác… Với cách này, Derby hy vọng một ngày nào đó biết đâu người được yêu cầu trợ giúp lại là mẹ cậu. Ý nghĩ này đã khiến Derby vui mừng không tả xiết. Từ đó về sau, mỗi lần cậu làm một việc tốt giúp một người nào đó, lúc người đó cảm ơn cậu, cậu đều nói: “Xin cô (chú…) hãy giúp đỡ 10 người khác ạ! Đó là cách cảm ơn lớn nhất đối với cháu!” Những người này sau khi nghe xong, đều vô cùng cảm kích trước tấm lòng lương thiện của cậu bé. Tất cả họ đều thực hiện lời hứa của mình, mỗi khi họ giúp ai đó họ lại đề nghị người kia giúp đỡ 10 người khác. Cứ như vậy, toàn bộ người dân ở thành phố đó đều âm thầm thực hiện lời hứa của mình.
Sức mạnh của “10 việc tốt”
Derby không thể ngờ mình lại có thể giúp đỡ ông Rick, một người dẫn chương trình nổi tiếng của Đức.
Rick là một người dẫn chương trình nổi tiếng của Đức. Mặc dù ông đã 50 tuổi nhưng với ngôn ngữ hài hước hóm hỉnh của mình, ông vẫn thu hút sự yêu mến của khán giả. Các chương trình của ông gần như đều vạch trần hết những bí mật của những người nổi tiếng. Nhưng có lẽ là do áp lực từ hãng truyền hình và sự cạnh tranh trong công việc, hơn nữa phải chứng kiến quá nhiều mảng tối của xã hội nên vào năm 2003, ông mắc bệnh u buồn và không thể tiếp tục được công việc.
Tháng 10/2003, ông đã xin đài truyền hình cho ông được nghỉ dưỡng một năm. Ông hy vọng trong thời gian nghỉ ngơi, ông có thể buông lỏng thân thể để sức khỏe được tốt hơn lên. Một thời gian ngắn sau, ông Rick đã tới thành phố mà Derby đang sinh sống để thăm quan. Ông đã bị vẻ đẹp của dòng sông Rhine thu hút. Một lần khi trời chạng vạng tối, ông đang đi trên bờ sông dạo chơi thì bệnh tim của ông đột nhiên tái phát. Ông chưa kịp lấy thuốc từ trong túi ra uống thì đã ngã ngất xỉu trên mặt đất. Cậu bé Derby lúc ấy đang câu cá trên bờ sông phát hiện ra ông bị ngất xỉu nên đã gọi điện cho xe bệnh viện đến đưa ông đi cấp cứu.
Nhờ được cấp cứu kịp thời, ông Rick đã qua khỏi, ông nắm lấy đôi tay của Derby và nói: “Cháu bé, ông phải làm sao để cảm ơn cháu đây? Nếu như cháu cần tiền, ông có thể cho cháu rất nhiều tiền!”
Derby nghe xong liền lắc đầu nói: “Nếu như ông có thể giúp đỡ 10 người khác khi họ cần sự giúp đỡ, như vậy chính là ông đã cảm ơn cháu rồi ạ!”
Ông Rick cảm thấy khó hiểu liền hỏi cậu bé: “Cháu cái gì cũng đều không cần sao?” Derby cười và lắc đầu.
Ông Rick liền bị cậu bé kỳ lạ này thu hút. Ông đã để lại cách liên lạc cho Derby và đưa cậu bé trở về trường. Trước khi ông Rick rời đi, Derby lại dặn dò ông một lần nữa: “Cháu xin ông nhất định hãy làm đủ “10 việc tốt” ạ!” Ông Rick nhìn qua đôi mắt đang rực sáng của cậu bé, trong lòng ông cảm thấy nóng lên rồi ông gật đầu một cách rất nghiêm túc.
Từ đó về sau, ông Rick cảm thấy sống vui vẻ hơn và chăm chú giúp đỡ 10 người khác. Mỗi lần giúp đỡ được một người, trong lòng ông lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhất là những lúc họ nói lời “cảm ơn” với ông, ông cảm thấy bản thân mình có giá trị hơn rất nhiều.
Chưa đến nửa kỳ nghỉ phép, ông Rick đã trở lại đài truyền hình làm việc. Khi ông quay lại làm việc, tất cả mọi người đều ngạc nhiên vì sự thay đổi chóng mặt của ông. Ông trở nên vui tươi hơn, lạc quan hơn, hòa đồng với mọi người hơn.
Ngày 01/12/2003, ông Rick lần đầu tiên lên sóng truyền hình sau kỳ nghỉ dài. Tại đây ông đã nói với khán giả: “Trước đây, tôi đã nói rất nhiều những câu chuyện của người khác, hôm nay tôi sẽ kể câu chuyện của chính mình.” Ông xúc động kể về sức mạnh của “10 việc tốt” trong vòng một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, ông nói: “Có lẽ, không ai tin đây là chuyện thật, nhưng chuyện này đã khiến tôi nhiệt huyết hơn rất nhiều. Xin các bạn cũng hãy giúp đỡ 10 người khác khi họ cần giúp, tôi tin rằng bạn cũng sẽ cảm nhận được một loại cảm giác kỳ diệu!”
Thông qua truyền hình, chương trình của ông Rick được phát sóng trên khắp nước Đức. Mọi người đều rất xúc động về câu chuyện này. Đã có rất nhiều người gọi điện cho ông Rick nói rằng họ sẵn lòng làm “10 việc tốt” này. Thậm chí còn rất nhiều khán giả yêu cầu được nghe Derby nói chuyện trên truyền hình bởi vì họ muốn gặp cậu bé lương thiện này.
Tháng 1/2004, Derby đã đến đài truyền hình chia sẻ về câu chuyện của mình. Tại hiện trường, có người đã hỏi cậu: “Tại sao cậu lại có suy nghĩ như vậy?” Derby cảm thấy do dự, cậu đứng lặng một lúc mà cắn môi, sau đó cậu đã nói rõ ra suy nghĩ của mình. Rất nhiều người đã vô cùng xúc động và bật khóc trước tình yêu vô bờ bến của cậu bé dành cho mẹ mình.
Ông Rick đã ôm chặt lấy thân thể gầy yếu của Derby và nói: “Mẹ của cháu nhất định yêu cháu vô cùng, cháu nhất định sẽ tìm được mẹ!”
Tình yêu của hàng ngàn người mẹ
Sau sự tình ấy, toàn bộ người dân biết chuyện này đã đề ra chiến dịch “10 việc tốt”. Trước đây, mọi người đều lạnh lùng thì giờ đây lại đối xử với nhau rất có tình. Mọi người đều mong rằng người mà mình đang giúp chính là mẹ của cậu bé Derby kia.
Cậu bé Derby đã trở nên rất nổi tiếng và đài truyền hình cũng giúp cậu tìm mẹ. Nhưng mà, mẹ của Derby mãi vẫn không thấy xuất hiện…
Tháng 2/2004, một sự việc bất hạnh và đau lòng đã xảy ra với Derby. Nơi Derby sinh sống là một khu gồm những người nghèo. Sau khi Derby trở nên nổi tiếng, nhiều người trong xã hội đen nghĩ rằng cậu bé có nhiều tiền. Đêm ngày 16/02/2004, trên đường trở về trường học, Derby đã bị một nhóm lưu manh vây quanh. Nhưng mà bọn chúng không tìm được tiền trên người cậu bé, nên đã lấy dao găm đâm trọng thương cậu bé.
Cậu bé Derby bị đâm thủng bụng và gan, bị thương nghiêm trọng, nằm trên vũng máu mãi đến hai tiếng đồng hồ sau mới được cảnh sát tuần tra phát hiện. Họ đưa cậu bé vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, trong lúc hôn mê, Derby một mực gọi “Mẹ! Mẹ! Mẹ!…” mãi không thôi.
Đài truyền hình tiếp sóng trực tiếp tình trạng của Derby. Tất cả mọi người đều cầu nguyện cho cậu bé. Mấy chục sinh viên đến quảng trường Alexanderplatz, nắm tay nhau thành một vòng tròn và kêu gọi: “Mẹ! Mẹ!…” Những tiếng gọi này làm cảm động những người qua đường, họ liền gia nhập vào nhóm đứng xếp thành hình trái tim. Số người tham gia càng lúc càng đông lên, trái tim cũng càng lúc càng lớn hơn.
Điều cảm động hơn nữa là có hàng trăm người mẹ đã gọi điện đến đài truyền hình xin được giả làm mẹ của Derby. Cô Rita, một giáo sư tại trường đại học Munich đã khóc nức nở và nói: “Derby là một đứa trẻ tốt như vậy, được giả làm mẹ của cậu bé, tôi cảm thấy vô cùng tự hào.” Một phụ nữ khác 35 tuổi gọi điện đến nói: “Tôi từ nhỏ đã không có mẹ. Tôi cũng vô cùng khát khao được gặp mẹ. Tôi có thể hiểu được tâm tình của Derby.”
Có hàng trăm người mẹ đã gọi điện đến để xin được làm mẹ của Derby, nhưng mẹ của Derby thì chỉ có một. Cho nên, đài truyền hình đã thảo luận và chọn cô Judy làm mẹ của Derby. Bởi vì cô ấy sống cùng thành phố với cậu bé, hơn nữa giọng nói của cô ấy cũng giống với giọng của cậu bé, như vậy sẽ càng có cảm giác thân thiết hơn.
Sáng sớm ngày 17/02/2004, sau một thời gian dài bị hôn mê, cậu bé Derby đã mở mắt. Cô Judy đã ôm một bó hoa loa kèn đẹp xuất hiện ở đầu giường của Derby. Cô nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Derby và nói: “Con trai Derby yêu quý! Mẹ chính là mẹ của con đây!” Derby dường như nhìn thấy ánh mặt trời, đôi mắt cậu đột nhiên sáng rực lên, cậu đã rất ngạc nhiên và hỏi: “Mẹ thực sự là mẹ của con sao?”. Cô Judy dùng hết sức ngậm lấy nước mắt và gật gật đầu. Tất cả mọi người có mặt ở đây cũng mỉm cười nhìn Derby và gật đầu. Hai dòng nước mắt nóng chảy ra từ đôi mắt của Derby: “Mẹ ơi, con đã tìm mẹ từ rất lâu lắm rồi! Con xin mẹ đừng bỏ con nữa, được không mẹ?”
Cô Judy gật đầu và nghẹn ngào nói: “Con trai yêu quý của mẹ, con hãy yên tâm đi, mẹ sẽ không bao giờ rời xa con nữa…!” Trên khuôn mặt tái nhợt của Derby nở ra một nụ cười. Cậu còn muốn nói nhiều hơn nữa, nhưng mà đã không còn sức lực nữa rồi…
Đây là ngày cuối cùng của Derby ở trên cõi đời này, cậu bé luôn nắm thật chặt bàn tay của mẹ mà không buông ra, cậu cũng không muốn nhắm mắt lại vì muốn được nhìn thấy mẹ nhiều hơn… Tất cả mọi người đều òa khóc, cảm thấy như trái tim mình đang vỡ tan ra.
Hai giờ sáng ngày 18/02/2004, Derby đã nhắm mắt lại, vĩnh viễn rời xa thế gian nhưng đôi bàn tay của cậu bé vẫn còn nắm chặt bàn tay của mẹ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 17 Nov 2017

Ước mơ xa xỉ về sự giản dị
Hoàng Giang


Thời gian sau khi tốt nghiệp đại học và quyết định quay về Hà Nội đối với tôi là một quãng thời gian khá khó khăn. Điều tôi hoang mang nhất, và cho đến giờ vẫn là lý do khiến tôi xách va li rời xa khỏi nơi này, không phải là sợ nghèo, sợ bẩn, sợ thất nghiệp, mà là không “theo kịp” lối sống thủ đô.
Tôi có những người bạn bằng tuổi mà giàu khủng khiếp, hàng hiệu chất đầy tủ, du lịch khắp nẻo thế giới, ăn uống tại vô số nhà hàng sang, và đặc biệt thay xe như thay áo.
Dù có thể rất cạn kiệt về tiền, sự sang chảnh luôn luôn được giữ vững. Tôi mới về, ít bạn bè, nên cố gắng tạo được mối quan hệ mới qua người này người khác – những mối quan hệ bắc cầu. Vô tình bữa ăn hôm đó là sinh nhật của một “người bạn bắc cầu”, trước khi đi tôi hỏi qua về sở thích của nàng kia để tiện mua quà. Bạn tôi nói “Thôi chẳng cần mua đâu, con bé đó phải hàng hiệu xịn nó mới dùng, không là nó vứt xó.” Tôi chưng hửng. Và gần như im lặng suốt quãng thời gian ngồi trên xe taxi trên đường đến điểm hẹn.
Hà Nội những ngày đó lạnh và buồn. Tôi thấy rõ ràng một cảm giác bị tách biệt, dù chẳng một ai đẩy mình ra xa. Những người bạn vẫn í ới vô tư gọi mỗi khi tụ tập. Tôi với mái tóc không nhuộm, khuôn mặt chỉ đánh chút son, mặc áo hoodie dày yêu thích mua trong hiệu sách của trường mùa đông năm ngoái, đi xe tay ga cũ xì của mẹ đứng giữa tụi bạn xúng xính Gucci, Hermes, tán gẫu trong quán café đắt đỏ nhất thành phố… và thấy bản thân mình không thuộc về không khí sang trọng kiểu vậy.
“Sự nghiện sang chảnh” đó len lỏi vào từng ý tưởng về việc chọn công việc hay bạn đời.
Những câu chuyện tôi được nghe không còn là niềm đam mê, hay sở thích của mỗi người về công việc mơ ước của họ nữa, thay vào đó là những đòi hỏi về mức lương trên trời hay sự sắp đặt nhẹ tênh từ phía gia đình. Những anh chàng mà các cô gái đang kể về, chỉ biết được loại xe anh đi, địa vị chức tước của bố mẹ anh, chứ tuyệt nhiên không một lần đề cập đến khuôn mặt, cá tính của mỗi người.
Tôi đến Sài Gòn sau đó, gặp nhiều người từ vô số vùng miền khác nhau giữa thành phố lớn xô bồ và đông đúc. Tôi làm việc với người Sài Gòn phóng khoáng, vô tình gặp những cô gái miền Tây nổi loạn nhưng chân thành, tôi cũng sống cùng khu với một gia đình người Hà Nội xưa, giản dị và chắt chiu, đến mẩu bút chì ngắn cũn vẫn bắt đứa con nít giữ lại viết bằng hết. Từ đó, tôi nghĩ về Hà Nội của tôi ngày hôm nay.
Người ta vẫn cứ nói “người Tràng An thanh lịch”, mà thanh lịch, nghe âm đã thấy hiện lên một nét đẹp rất sâu, rất đậm, không khoa trương, không khoe mẽ. Mà có lẽ vẻ đẹp ấy đã nằm lại ở ký ức rồi.
Mấy bữa nay thấy bạn bè đồng loạt chia sẻ bài viết về cuộc sống của một cô ca sĩ hạng A tại Hàn Quốc. Nữ hoàng sexy bậc nhất giới showbiz Hàn cưới một ông chồng không đẹp trai, không giàu có, và có một đám cưới không một chút cầu kỳ. Cặp đôi giản dị ấy giờ dành thời gian cho nhau tại một ngôi nhà nhỏ tại đảo Jeju, tự trồng rau cỏ để ăn và nuôi động vật. Người người nói về cô, nhà nhà nói về cô, và mơ ước có được cuộc sống giản dị như thế.
Tôi ngơ ngác. Ủa, nếu mơ ước như thế, thì sao những ngày Tết đến, ngày hè sang, hay những dịp được nghỉ phép, không làm một chuyến về quê với ông bà, nhà tranh vách đất, xung quanh có hàng đống đàn gà, đàn lợn đang chờ được cho ăn, chó mèo nằm phễnh khắp sân, chỉ đợi có người về dắt đi chơi, ruộng rau nứt nẻ cần được bón phân tưới nước… có khác là bao những gì chị Lee Hyori đang làm đâu? Ấy, nhưng mà thế thì quê chết, làm gì có chỗ tập tành Yoga nắng chiếu xuyên cửa sổ, làm gì có bờ biển xào xạc bên tai như chỉ?
John Mason, nhà văn nổi tiếng với cuốn sách bán rất chạy có tựa đề “You were born an original. Don’t die a copy” (Bạn được sinh ra là một nguyên bản. Đừng chết như một phiên bản) để truyền cảm hứng cho mỗi cá nhân sống thật và sống hết mình. Cuộc sống giản dị là một cuộc sống tối giản nhất, bỏ qua những suy nghĩ toan tính về vật chất, tập trung thời gian và tâm trí để chú ý tới bản thân mình. Và nếu sự giản đơn cũng cần bắt chước, thì có lẽ, chúng ta đã lạc mất chính mình giữa cuộc đời.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 30 Dec 2017

Người yêu thật sự


Thế nào là một người yêu thật sự? Hàng tỉ người trên trái đất này đã yêu, đã nguyện thề và đã chung sống cùng nhau - nhưng có mấy ai trả lời được câu hỏi ấy và mấy ai là người yêu thật sự.
Để là một người yêu thật sự, bạn phải biết gắn bó, hòa nhịp với vũ điệu tình cảm của người mình yêu. Bạn biết đón nhận và trân trọng những gì người ấy mang đến cho bạn như một món quà mà bạn sẽ tán dương mỗi ngày. Bạn hiểu được rằng người mình yêu không chỉ thuộc về riêng bạn, mà người ấy thuộc về thế giới này, cuộc sống này.
Bạn là một người yêu thật sự khi bạn nhận ra không có điều gì xảy ra giữa hai người là vô nghĩa, và từng lời bạn nói đều có thể khiến cho người bạn yêu quý vui sướng hay đau khổ. Mỗi việc bạn làm đều có thể thắt chặt hay làm suy yếu mối dây liên kết giữa hai người.
Bạn là một người yêu thật sự khi mỗi sáng thức dậy, bạn lại thấy lòng tràn ngập hạnh phúc và niềm biết ơn sâu sắc vì bạn sẽ sống và được sống một ngày mới trong tình yêu nồng thắm của người mình yêu.
Có một người yêu trong đời là bạn nhận được một phần ý nghĩa quan trọng của cuộc sống. Bạn được ban tặng một món quà vô giá. Người ấy sẽ chia sẻ năm tháng cùng bạn, cả niềm vui lẫn những ưu phiền, cả hạnh phúc lẫn bất hạnh. Người yêu sẽ là người khám phá ra những điều thầm kín nhất trong bạn, sẽ là người hiểu và thông cảm với con người thật của bạn. Người yêu sẽ là người tìm ra bạn từ nơi ẩn náu và tạo cho bạn một thiên đường ngay trên trái đất này, trong vòng tay yêu thương và che chở.
Yêu nhau sẽ mang đến cho nhau những điều kỳ diệu nhất của cuộc sống. Người ta yêu có một thứ quyền năng có thể làm rạng ngời tâm hồn ta bằng nụ cười, bằng giọng nói, bằng mùi hương tỏa ra từ thân thể và bằng cả dáng đi của người ấy. Đó là người có thể xua đi nỗi cô đơn trong lòng ta. Ở bên cạnh người ấy, bạn bỗng thấy những điều bình thường nhất cũng trở nên phi thường và khi được siết chặt tay nhau cùng bước đi trong đời, nghĩa là bạn đã tìm thấy cánh cửa thiên đường ngay trong cuộc sống hiện tại.

(Tường Vân dịch Theo Internet)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 30 Dec 2017

Giành giật sự sống


Ung thư *. Những từ mà người ta đã lạnh lùng chẩn đoán đã khiến cho cuộc sống của tôi đảo lộn và thay đổi hẳn. Những từ đó dấy lên trong tôi biết bao cảm xúc lẫn lộn: giận dữ, sợ hãi, và cả hận thù.
Giờ đây dường như điều đó đã qua lâu rồi - từ thời điểm năm 1982 khi bác sĩ thông báo cho tôi biết tình trạng bệnh của mình, đến nay cũng đã chuyển sang một thế kỷ khác. Tôi có thể nhớ về cái ngày và giây phút khủng khiếp đó rõ mồn một như thể nó vừa mới xảy ra hôm qua vậy. Cảm giác sợ hãi vẫn còn hằn sâu trong ký ức tôi.
Năm 1982, lúc đó tôi 47 tuổi. Tôi thường xuyên chạy bộ và tôi cũng đã từ bỏ rượu bia, thuốc lá và các loại thịt đỏ từ rất lâu rồi. Vậy thì làm sao tôi lại có thể mắc căn bệnh ung thư *? Chắc hẳn phải có một sự nhầm lẫn ở đây. Người khác mắc căn bệnh này còn có thể hiểu được vì họ không quan tâm đến bản thân chứ tôi thì không thể. Thật không công bằng!
Tôi cảm thấy thương hại cho bản thân mình và tôi ghét cảm giác đó vô cùng. Tôi là một phụ nữ khỏe mạnh, tự tin - những đức tính thường thấy ở một trung úy trong lực lượng không quân Hoa Kỳ. Tôi là người đã phá vỡ những định kiến trước khi mọi người thực sự nhận ra điều đó. Sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi hầu như tự mình nuôi dạy hai đứa con năng động, thông minh của mình. Tôi đã hoàn tất chương trình đại học và thậm chí đã lấy được bằng tiến sĩ. “Tôi là phụ nữ. Tôi có sức khỏe. Ăn nói lại mạnh mẽ.”. Tôi thuộc mẫu người cứng rắn thế thì tại sao tôi phải sợ, tại sao phải khóc? Nước mắt chỉ dành cho những kẻ yếu đuối. Hệ giá trị, bản sắc và cả thế giới quan của tôi đang bị lung lay trước một sự thật phũ phàng. Mọi thứ đều đảo ngược, và tôi thực sự sợ hãi. Tôi còn bao nhiêu thời gian nữa? Tôi đã phải tự chăm sóc bản thân mình từ năm mười bốn tuổi mà chưa hề cầu xin sự giúp đỡ của ai cũng như chưa bao giờ cần đến điều đó. Nhưng bây giờ tôi đang rất cần sự cứu giúp của một ai đó, nhưng tôi phải cầu xin ai và xin như thế nào đây?
Giận dữ, điên loạn rồi than thân trách phận – tất cả như những lưỡi dao cứa vào tâm hồn tôi bằng những vết cắt sâu và sắc bén, như thể có một con quái vật đang lồng lộn cào xé tâm can tôi. Cảm giác bấn loạn, hoang mang lẫn lộn luôn trỗi dậy trong tôi - đó cũng là khởi đầu cho một cảm giác quay cuồng điên loạn. Để làm dịu bớt những cảm giác có tính hủy diệt như thế, tôi quyết định trở lại với bác sĩ lâm sàng của mình. Như một cách để phủ nhận, kiềm nén, lảng tránh sự thật, tôi đã bấu víu vào bất kỳ thứ gì, miễn là nó có thể giúp tôi tạm lắng bớt nỗi đau đớn đó.
Sự thâm nhiễm các ung thư biểu mô là một dạng ung thư di căn nhanh chóng nhưng diễn ra rất thầm lặng. Các bác sĩ đã theo dõi căn bệnh trong vòng ba năm kể từ khi tôi thông báo về khối u khả nghi trong ngực phải của mình. Bây giờ thì kích cỡ của khối u đó đã phát triển lớn bằng một quả bóng chơi gôn. Tôi biết bởi vì tôi đã nhìn thấy nó. Tôi đã yêu cầu được quan sát ca phẫu thuật, và tôi đã tận mắt chứng kiến họ cắt bỏ một khối mô đã chết, có kích thước lớn, màu đỏ trông rất gớm ghiếc. Nhưng do các tế bào ung thư đã lan khắp ngực nên các bác sĩ bảo rằng họ cần phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực để có thể triệt tiêu các tế bào ung thư gốc. Ngay khi tôi bình phục sau ca phẫu thuật ấy, họ lại phải cắt bỏ cả phần ngực còn lại của tôi vì nó cũng có nguy cơ ung thư rất cao. Tuy nhiên, điều tệ hại hơn là trong suốt thời gian ba năm các bác sĩ “theo dõi” khối u, họ lại để nó ăn vào xương và phổi trái của tôi.
Suy sụp vì cảm giác bị phản bội bởi hệ thống y tế và bởi chính cơ thể mình, tôi tình nguyện tham gia vào một nghiên cứu chữa trị bệnh ung thư * được tiến hành bởi bác sĩ kiêm nhà văn John McDougall. Tôi phải tuân thủ một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt (hoàn toàn không sử dụng đến các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật). Tôi sẽ thử mọi cách để cứu lấy cuộc sống của chính mình. Trở ngại duy nhất ở đây là tôi không được làm hóa trị liệu hay xạ trị bởi các bác sĩ muốn biết liệu một người chỉ ăn kiêng không thôi thì có thể chống lại căn bệnh ung thư được hay không. Tôi có kể chuyện này với người chồng lúc đó của tôi. Anh ta cho rằng tôi thật không bình thường khi nghĩ rằng ăn kiêng sẽ có tác dụng tốt đối với căn bệnh ung thư *, và anh ta cũng nghĩ rằng tôi đã rơi vào tay của một ông lang băm. Hơn nữa, chồng tôi còn nói rằng anh ta rất đỗi ngạc nhiên khi tôi lại cả tin vào những “chuyện rác rưởi” như thế. Tất cả bạn bè cũng như gia đình của tôi đều không biết nên khuyên can tôi như thế nào. Vì vậy tôi quyết định đi theo con đường mà mình đã chọn.
Vào thời điểm phải thực hiện những cuộc chẩn đoán, tôi tình cờ xem được một sự kiện thể thao trên truyền hình với tên gọi là “Cuộc thi thể thao 3 môn phối hợp dành cho những người có ý chí bằng thép”. Tôi thực sự bị lôi cuốn khi xem những vận động viên trẻ tuổi xuất sắc trổ tài. Sau khi bơi được 2,4 dặm, họ tiếp tục đạp xe qua 112 dặm rồi cuối cùng là chạy thêm 26,2 dặm đường. “Mình cũng muốn làm được điều đó.” Rồi tôi chợt nhớ: “Mình là một bệnh nhân ung thư, và 47 tuổi đã là quá già để tham gia cuộc thi này”. Nhưng đó không phải là một suy nghĩ tiêu cực mà là sự mách bảo của lý trí. Xét kỹ ra thì không một phụ nữ nào ở độ tuổi này lại tham gia cuộc thi dành cho “Những người thép”. Nhưng ý định đó vẫn không biến mất khỏi đầu tôi. Với chế độ ăn kiêng mới, tôi thấy mình mạnh mẽ hơn, sung sức hơn, nhanh nhẹn hơn và khỏe mạnh hơn. Tôi quyết định sẽ tham gia vào cuộc thi ấy. Tôi tăng cường tập chạy và tập thêm các môn bơi lội, đạp xe và thậm chí cả cử tạ nữa.
Tất nhiên, các bác sĩ bảo tôi là người hoàn toàn mất trí. Họ nói: “Cô nên nghỉ ngơi đi thì hơn. Những động tác gắng sức như thế đều không tốt cho sức khỏe của cô. Chạy bộ (đòi hỏi ít sức chịu đựng hơn bơi lội và đạp xe 100 dặm) sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cô.” Đó cũng chính là lúc tôi thôi không còn lệ thuộc hoàn toàn vào lời khuyên của bác sĩ.
Nhớ lại những ngày đó, trước khi mọi người biết đến cuộc thi này thì hầu như không có nhiều sự hướng dẫn rằng phải tập như thế nào cho những cuộc đua đòi hỏi nhiều sức chịu đựng như vậy. Vì thế tôi chỉ biết cố sức tập bơi cho đến khi không thể nhấc nổi cánh tay lên được nữa, đạp xe cho đến khi không thể nhấn bàn đạp được nữa, ra sức chạy cho đến khi không thể lê thêm một bước nào nữa và cố nâng tạ có trọng lượng càng nặng càng tốt mà vẫn giữ cho bản thân không bị thương tổn. Để thích nghi với các điều kiện của cuộc tranh tài chính thức, tôi đã tham gia tất cả các cuộc thi mà tôi biết. Nếu trong cùng một ngày mà có đến hai cuộc thi thì càng tốt bởi nó buộc tôi phải thi đấu ngay cả khi tôi đã mệt nhoài, và tôi biết đó là điều mà tôi sẽ đối mặt trong cuộc thi dành cho “Những người thép”. Tôi đã tham gia cuộc thi “Cuộc hành trình đến mặt trời”. Chúng tôi phải chạy một quãng đường dài 37 dặm để lên được đỉnh núi Haleakala cao trên 3000 mét nằm trên đảo Maui, Hawaii.
Tôi còn nhớ lúc leo lên được 26 dặm và ngoái lại nhìn đại dương bao la xa tít phía dưới, tôi không thể tin được rằng đôi chân này đã đưa tôi vượt qua chặng đường dài như một cuộc đua marathon thật sự. Rồi tôi quay lại nhìn đỉnh núi trước mặt, còn những hơn 10 dặm. Phản ứng đầu tiên trong tôi là “Chắc mình không thể hoàn thành chặng đường này”. Tiếp đó tôi lại nghĩ “Này, nếu mới như thế này mà đã nghĩ là gian nan thì khó khăn gấp bội đang chờ đón ngươi trong cuộc thi ‘Những người thép’”. Suy nghĩ đó đã giúp tôi tiếp tục. Nếu bỏ ngang đây, làm sao tôi có thể đối mặt với cuộc thi sắp tới? Vận dụng cách suy nghĩ như thế đã giúp tôi rất nhiều trong những tháng ngày sau đó. Thi đấu và giành được những thứ hạng cao trong những cuộc thi được tổ chức dành cho lứa tuổi của tôi giúp tôi tự tin hơn.
Tôi thấy mình trở nên mạnh mẽ hơn và cơ bắp cũng săn chắc hơn trước rất nhiều - một điều mà tôi không nghĩ là mình sẽ đạt được. Tôi cũng vượt qua được đợt kiểm tra ung thư sau đó: những đốm nhỏ trong xương - từng là nguyên nhân khiến tôi vô cùng tuyệt vọng vì nghĩ rằng đó là dấu hiệu ung thư nay đang dần biến mất và khối u trong phổi cũng không phát triển thêm nữa. Tất cả những điều này đã giúp tôi tránh được những đợt hóa trị liệu và xạ trị đồng thời cho phép tôi được tiếp tục tham gia cuộc nghiên cứu tính hiệu quả của chế độ ăn kiêng.
Dấu vết duy nhất khiến tôi nhớ rằng mình đang mắc chứng bệnh ung thư chính là hai vết mổ còn tấy đỏ, sâu và dài hằn in nơi vùng ngực của tôi - giờ đã phẳng lì như ngực của đàn ông. Vì phải luyện tập thường xuyên, phải tắm và thay áo quần vài lần mỗi ngày nên vết tích ấy cứ luôn xoáy thẳng vào mắt tôi. Tôi rất muốn có một cơ thể bình thường như trước kia. Các bác sĩ phẫu thuật tạo hình đã mang lại cho tôi một sự lựa chọn vô cùng tuyệt vời: Giờ đây tôi có thể có được một bộ ngực mới với kích cỡ tùy thích. Họ hỏi tôi: “Cô có muốn một bộ ngực với kích cỡ C không? Chúng tôi có thể giúp cô thực hiện điều đó”. Tôi trả lời rằng tôi không quá tham lam như thế đâu, “tôi chỉ muốn những gì trước đây tôi đã có, một bộ ngực trung bình, cỡ B thôi”. Đã thế, họ còn giúp tôi có được điều mà trước giờ tôi vẫn nghĩ là không thể: một bộ ngực không bao giờ bị... lõm xuống.
Tôi tin rằng chúng ta nên luôn nhìn vào mặt tích cực của cuộc sống và giờ đây ở độ tuổi 68, tôi thật sự hiểu rõ giá trị của điều này.
Hiện giờ, trên cơ thể tôi chẳng còn một dấu vết nào của căn bệnh ung thư nữa. Tôi vẫn tiếp tục chế độ ăn kiêng, tôi ăn rất ít chất béo trong vòng hơn 20 năm qua; tôi chưa bao giờ cảm thấy mình khỏe mạnh, săn chắc như thế này. Tính đến hôm nay, tôi đã tham gia cuộc thi “các môn thể thao phối hợp dành cho những người thép” được 6 lần, hơn 100 cuộc thi nhỏ khác, tổng cộng 67 cuộc chạy marathon và hàng trăm cuộc chạy có cự ly ngắn hơn khác. Năm 1999, tôi được tạp chí “Sống Khỏe” bầu chọn là một trong mười phụ nữ khỏe nhất nước Mỹ. Tháng hai năm 2000, trong cuộc thi “ Thời đại khỏe mạnh”, số điểm của tôi tương đương với số điểm của một cô gái 32 tuổi khỏe mạnh khác. Điểm thi aerobic của tôi tương đương điểm của một cô gái 16 tuổi.
Mật độ xương của tôi đã tăng trong suốt những năm khi tôi ở độ tuổi 50-60, điều mà ai cũng nghĩ rằng là không thể vì hầu hết mọi người đều cho rằng mật độ xương sẽ giảm đi bởi quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Huyết áp của tôi là 90/60, lượng cholesterol dưới 150. Cơ thể tôi chỉ có 15% là mỡ, và lượng sắt trong máu thì xếp trên cùng trong các thang biểu đồ.
Tôi chia sẻ những thông tin về tình trạng sức khỏe của mình không phải để khoe khoang (mặc dù tôi rất tự hào về điều đó), nhưng tôi chỉ muốn nói rằng những gì mà tôi đạt được là nhờ vào sự nỗ lực tập luyện và tính kỷ luật của bản thân mình.
Từ khi ăn kiêng, tôi không còn dùng đến thịt hay các sản phẩm làm từ bơ, sữa nữa. Chính vì điều này, nhiều người nghĩ rằng tôi sẽ bị thiếu protein, can xi và sắt nhưng có lẽ tôi là một trường hợp đặc biệt trong y học. Có thể chế độ ăn kiêng và sự luyện tập thể dục thường xuyên chưa phải là một giải pháp kỳ diệu cho tất cả mọi người nhưng tôi nghĩ mình là một ví dụ điển hình cho sự thay đổi phong cách sống và điều này cũng đáng được mọi người khám phá lắm chứ. Và đâu phải chỉ có mình tôi. Hầu hết mọi người đều biết rằng Lance Amstrong - một nhà vô địch trong giải đua “Vòng quanh nước Pháp” - đã thể hiện sức mạnh trên đường đua như thế nào sau những lần vật lộn để chiến thắng căn bệnh ung thư.
Khi nào cuộc hành trình kinh hoàng này mới kết thúc? Liệu tôi có buộc phải giảm dần và chuyển sang tập luyện như những người cao tuổi? Tôi thực sự không biết trước được nhưng tôi chỉ biết một điều rằng: Tôi đã từng mắc bệnh ung thư và bệnh đã di căn, lẽ ra lúc đó tôi đã buông xuôi nhưng sau cùng tôi quyết định phải sống. Tôi sẽ sống thật lâu, và chạy thật khỏe trong quãng đời còn lại của mình. Có thể sẽ rất ít người đi theo con đường mà tôi đã chọn, nhưng nếu việc chia sẻ kinh nghiệm của tôi có thể giúp một vài người tiếp tục tiến bước trong cuộc đấu tranh giành giật sự sống, thì điều này cũng đáng giá lắm chứ.
- Tiến sĩ Ruth Heidrich

Chịu đựng được những xáo trộn là bước đầu tiên trong việc điều trị. Nỗi đau đớn từ những mâu thuẫn rồi sẽ trở thành điều bí ẩn của những nghịch lý. Khả năng chấp nhận những nghịch lý sẽ là thước đo sức mạnh tinh thần của mỗi con người.
- Robert Johnson



Racing for life


Breast cancer. These words, this cold clinical diagnosis, were to shatter my life, then transform it. The words stirred a cauldron of red-hot emotions: rage, fear, hatred. Now it seems so long ago - literally another century, 1982 - when the doctor told me the condition. I remember the day and moment of the dreaded diagnosis as starkly as if it happened yesterday; the taste and smell of fear still lurk just below the surface of my memory.
It’s 1982 and I’m forty-seven years old. I run marathons regularly and long ago gave up alcohol, tobacco and red meat. So how could I have breast cancer? Surely it’s a mistake. Other people maybe, who don’t take care of themselves, but not me. Not fair!
I hate it when I feel sorry for myself. I’m a strong, self-reliant female - the equivalent of a lieutenant colonel in the U.S. Air Force. I shattered the so-called preconception before most people knew what it was. I’ve raised two dynamic, smart children, largely on my own after the breakup of two tough marriages. I’ve put myself through college up to and including my doctorate. “I am woman. I am strong. Hear me roar!”. I am one tough broad. Then why am I so frightened? Why am I crying? Tears are for sissies. My value system, my identity, my whole worldview is shaking under the assault of this terrible revelation; everything is turned upside down. And I’m really, really scared. How much time do I have left? I’ve taken care of myself since I was fourteen years old. I’ve never asked for anyone’s help, nor have I ever needed it. Now I need help. But whom do I ask? And how do I ask?
Anger, rage and self-pity - scalpels of the psyche - cut at my core with deep and vicious slashes, like a monster turned loose inside me. A jumble of confused and ambivalent feelings rise like bile in my belly - the beginnings of an emotional roller coaster ride gone amok. To calm this emotional holocaust, I revert to the clinician in me. As a way of denial, repression, avoidance, I cling to whatever gives me momentary relief from the maelstrom of grief.
Infiltrating ductal carcinoma - a moderately fast-metastasizing cancer. The doctors had been following it for the three years since I had first reported a suspicious lump in my right breast. Now it had grown to the size of a golf ball. I know because I saw it. I had insisted on watching the surgery when they removed the large, red, ugly mass of deadly tissue. But because the cancer had spread through the whole breast, the surgeons told me that they needed to perform a modified radical mastectomy. As soon as I recovered from that surgery, they would then have to remove the other breast due to its high risk of being cancerous as well. Worse yet, in the three-year period that the doctors had been “watching” the tumor, it had spread to my bones and left lung.
Devastated, feeling betrayed by the medical system and by my body, I enrolled in a breast cancer research study conducted by author and physician John McDougall. It required me to follow a vegan diet (pure vegetarian with no animal-derived products). I would have tried anything to help save my life. The only difficulty here was that I could not take chemotherapy or radiation because the challenge was to see if a vegan diet alone could reverse the cancer. I talked to my then-husband. He thought I was crazy to think that diet had anything to do with breast cancer, and he believed I had fallen into the hands of a quack. Furthermore, he said he was surprised I would fall for “such garbage.” None of my friends or family knew what to advise. So I decided to set my own course and follow where it led.
Around the time of my diagnosis, I saw a sporting event on television called the “Ironman Triathlon.” I was captivated as I watched these superb young athletes race through a 2.4-mile swim, followed immediately by a 112-mile bike ride, then a full 26.2-mile marathon. “ I want to do that,” then I remembered: You’re a cancer patient and you’re forty-seven years old - way too old to do such an event. But it wasn’t just negative self-talk; it was the voice of reason. After all, no woman that old had ever attempted the Ironman. But this idea just wouldn’t go away. With my new diet, I could swear I was feeling stronger, more energetic, faster, healthier and, I decided I was going to do it. I increased my running and added swimming, biking and even weight lifting to my training.
Of course, the doctors thought I was absolutely insane. “You should be resting,” they said. “All that stress on your body isn’t good for it - running marathons (much less endurance swims and 100-mile bike rides) will depress your immune system.” That’s when I stopped relying solely on the doctors for advice.
Back in those days, before most people had even heard of triathlons, there was little guidance on how to train for such grueling endurance races. So I just got out there and swam until I couldn’t lift my arms, biked until I couldn’t pedal anymore, ran until I couldn’t run another step and lifted as many pounds as I could without injuring myself. To simulate actual racing conditions, I entered every race I could find. If there were two on the same day, so much the better, because that would force me to race when tired, a condition I knew I’d face doing the Ironman. I entered “The Run to the Sun,” a 37-mile run up to the top of Haleakala, a 10,000-foot high mountain on the island of Maui, Hawaii.
I remember reaching the twenty-six-mile point and looking back down at the ocean far, far below, not believing that these two legs had already carried me the equivalent of a full marathon-straight uphill. Then I turned back toward the mountaintop, still more than ten miles beyond. My first response was “I don’t have it in me; I just can’t do it.” My next thought was, “Listen, Lady, if you think this is rough, just wait until you get in the Ironman!” That’s what kept me going. If I quit here, how could I face the Ironman? That technique served me well in the coming months. And competing and winning first-place trophies in my age-group events would help me feel more confident.
I found myself getting stronger and developing muscles I never knew I had. I was passing later my cancer check-ups as well: the small spots in my bones - once a source of despair because they indicated cancer - were disappearing, and the tumor in my lung stayed the same size, allowing me to avoid chemo and radiation, and to stay in the dietary study.
The only real reminder of the cancer were the two postsurgical, angry red gashes, which left a chest that resembled a prepubescent male’s. Because of all my training, I was having to shower and change clothes several times a day, so the reminders of the cancer were constant. I wanted so much to have a normal body again. Enter the plastic surgeons, who gave me a fabulous choice: I could now pick my new size. “You want a ‘C’?” they said. “We can do that!” I told them I wouldn’t be greedy _ “Just give me what I had before, a nice, average ‘B’.” They also gave me something else I never thought possible: breasts that will never sag.
I believe you have to look at the positive side of life, and now, at sixty-eight years old, I can really appreciate this benefit.
Today, there’s no sign of cancer in my body. I’ve continued my vegan, low-fat diet now for more than twenty years, and I have never been healthier or more fit in my life. To date I have raced the Ironman Triathlon six times, plus over a hundred shorter triathlons, a total of sixty-seven marathons, plus hundreds of shorter road races. In 1999, I was named one of the Ten Fittest Women in America by Living Fit magazine. In February 2000, on a Fitness Age test, my score was equivalent to a fit thirty-two-year-old’s. My aerobic capacity score was that of a sixteen-year-old.
My bone density has increased throughout my fifties and sixties, which is supposed to be “impossible” since most people are told they will lose bone density as part of the “natural” aging process. My blood pressure runs 90/60; my cholesterol is under 150; I have 15 percent body fat, and my hemoglobin - the test for iron in the blood - is at the top of the charts.
I do not share this information about my physical condition to boast (although I admit I’m proud of it), but to show what can be accomplished through dedication and discipline.
Since I’m a vegan - I eat no flesh or dairy products - I’m “supposed” to be deficient in protein, calcium and iron. Perhaps I’m an anomaly by most medical standards. And maybe a vegan diet and endurance exercise won’t be a magical answer for everyone, but I stand as an example of a lifestyle change that might be worth exploring. And I’m not alone. Most people know how Tour de France champion Lance Armstrong also demonstrated the power of racing for life after his own battles with cancer.
When will this awesome journey end? Will I have to slow down gradually, let go, cut back to walking laps around a retirement community? I really can’t say. But I know this: I had cancer and it had spread; I might have folded my cards, but I chose life, and I’m going to live as long as I can and run the good race in the remainder of my life. Maybe only a few will take the path I’ve chosen, but if sharing my story helps a few more to step forward and race for life, it will have been all the more worthwhile.
- Ruth Heidrich, Ph.D.

To suffer confusion is the first step in healing. Then the pain of contradiction is transformed into the mystery of paradox. The capacity for paradox is the measure of spiritual strength.
- Robert Johnson
Last edited by bevanng on 12 Feb 2023, edited 1 time in total.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 30 Dec 2017

Dải băng đỏ


Mọi người đều muốn mình là người giỏi nhất trong một lĩnh vực nào đó để nhận được dải băng màu xanh dương. Ngay cả bọn trẻ mẫu giáo cũng muốn đạt được dải băng màu xanh ấy. Trong lĩnh vực thể thao, tôi chưa từng một lần sở hữu dải băng đó. Trong các cuộc chạy đua, tôi luôn về chót. Trên sân bóng chày, tôi luôn bị gậy đánh trúng vào đầu hoặc làm rớt banh.
Còn đối với môn bóng rổ, tôi sẽ chơi rất tốt miễn là đừng có bất kỳ ai khác chơi trên sân. Tôi chẳng biết do đâu mà khả năng chơi thể thao của mình kém cỏi đến thế, chỉ biết rằng khả năng ấy xuất hiện trong tôi đã lâu.
Mùa xuân năm ấy, lớp mẫu giáo chúng tôi được đi chơi công viên tại một thành phố cách trường khoảng 20 dặm. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy chuyến đi đó thật ra chẳng phải là chuyện to tát gì. Nhưng khi bạn chỉ là một đứa nhóc mới sáu tuổi và trước giờ vẫn sống tại một thị trấn chỉ vỏn vẹn khoảng 300 cư dân, nay lại đi đến một thành phố rộng lớn khác với hàng ngàn con người thì đó quả là một sự kiện trọng đại. Tôi không nhớ rõ lắm về ngày hôm ấy, nhưng tôi có thể nhớ là chúng tôi đã ăn bữa trưa qua loa, đã chơi xích đu và trượt cầu tuột. Sau đó là thời gian tham gia các cuộc thi chạy.
Đó không phải là những cuộc chạy đua thông thường. Có người đưa ra ý tưởng tổ chức thi chạy kiểu như đi picnic, chẳng hạn như bạn phải vừa chạy về đích vừa chuyền một củ khoai tây kẹp dưới cổ hoặc giữ trứng yên vị trên một cái muỗng. Thực sự tôi cũng không nhớ nhiều lắm về những chi tiết đại loại như vậy, nhưng có một điều mà tôi sẽ không bao giờ quên, đó là cuộc thi “chạy đua ba chân”.
Các bậc phụ huynh quyết định thôi không dùng những bao tải khoai tây trong cuộc thi đặc biệt này. Thay vào đó, họ buộc chân của chúng tôi lại với nhau. Một cậu nhóc khá “may mắn” khi được làm đồng đội với tôi. Điều tôi muốn nói là cậu nhóc ấy chính là người khỏe thứ hai trong lớp. Tôi chắc rằng hẳn cậu ấy đã biết mình gặp phải rắc rối ngay khi người ta buộc chân cậu với tôi. Còn tôi lại cảm thấy xấu hổ. Thường thì cậu ấy luôn thắng trong mọi cuộc thi tài, nhưng tôi biết rằng khi được buộc chân với tôi, cậu ấy sẽ không còn cơ hội đó.
Dường như lúc đó cậu bạn tôi chẳng nhận thức rõ nhiều về chuyện ấy như tôi. Tay cậu ấy cũng bị buộc vào tay tôi; súng lệnh xuất phát vừa vang lên, thì chúng tôi đã lao về phía trước. Rất nhiều đôi khác bị vấp ngã xung quanh hai chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn còn đứng vững trên đôi chân của mình, cứ thế tiến về phía mức bên kia. Thật không thể tin được, khi vòng lại chạy lượt về, chúng tôi nhận ra mình đang dẫn đầu cuộc đua. Ngoài hai chúng tôi, chỉ có một đôi nữa là có cơ hội chiến thắng, nhưng họ còn ở sau chúng tôi một quãng khá xa.
Ngay khi chỉ còn cách đích chừng vài mét, điều tồi tệ nhất đã xảy ra: tôi bị trượt chân và té ngã. Vì lúc đó chúng tôi rất gần đích đến và đồng đội tôi có thể dễ dàng kéo lê tôi qua mức đến để giành chiến thắng. Cậu ấy hoàn toàn có thể làm được điều đó, nhưng cậu ấy đã không làm thế. Thay vào đó, cậu ấy quyết định dừng lại, cúi xuống và đỡ tôi đứng dậy. Vừa lúc đó, cặp đôi kia vượt lên băng qua mức đến. Hai chúng tôi về nhì và được trao cho một dải băng nhỏ màu đỏ.
Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc đó và tôi vẫn còn giữ dải băng bé nhỏ màu đỏ ấy. Mười ba năm sau, chúng tôi tốt nghiệp ra trường, tôi đã đứng trên lễ đài đọc bài diễn văn từ biệt của mình trước nhóm bạn năm xưa. Không một ai còn nhớ đến khoảnh khắc ấy. Tôi kể cho họ nghe về cậu bạn ngày xưa đã quyết định không chút do dự rằng việc dừng lại và đỡ bạn mình đứng dậy còn quan trọng hơn nhiều so với việc giành được dải băng xanh. Tôi nói: “Trong số những người đang ngồi trên lễ đài này có “cậu bé” tôi đang nhắc đến, nhưng tôi sẽ không tiết lộ với các bạn anh ấy là ai đâu”. Tôi không nói bởi vì sự thật là, tất cả họ đều có lần là “cậu bé” ấy, đã từng nâng tôi dậy khi tôi vấp ngã, hoặc gạt bỏ mục đích riêng để giúp đỡ bạn mình khi cần thiết.
Tôi cũng nói cho họ nghe lý do vì sao tôi giữ lại dải băng màu đỏ ấy: “Các bạn biết không, với tôi dải băng ấy luôn nhắc nhở rằng chúng ta không cần thiết phải trở thành người chiến thắng trong mắt của tất cả mọi người, mà hãy là người chiến thắng trong mắt những người thân thuộc bên cạnh mình. Mọi người có thể phân định bạn là người chiến thắng hay kẻ bại trận, nhưng những người thân tín bên cạnh bạn luôn biết rõ sự thật về bạn. Đây là điều vô cùng quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ suốt đời”.
Có thể bạn không có dải băng đỏ để kiểm chứng điều tôi nói, nhưng tôi thật sự hy vọng rằng chí ít bạn cũng có được những người bạn sẵn sàng gạt bỏ mục tiêu giành dải băng xanh trong mắt mọi người để giúp đỡ bạn. Tôi thực sự nghĩ rằng những người bạn như vậy sẽ thật đáng quý biết bao, và tôi biết rằng một người bạn như thế có ý nghĩa với tôi nhiều như thế nào.
- Staci Stallings

Hàng loạt những thất bại có thể dẫn đến một kết quả tốt đẹp nhất.
- Gisela M. A. Richter




The red ribbon


Everyone wants to win a first-place blue ribbon, to be the best in something. Even kids in kindergarten want that blue ribbon. In sports, I was never a blue-ribbon person. In a race I was always last. In baseball I was likely to be hit on the head or drop the ball. In basketball I was fine as long as there weren’t other players on the court with me. I don’t know where I got my horrible sports ability, but I got it _ and got it early.
During the spring of my kindergarten year, our class had a field trip to a park in a town about twenty miles away. Making that drive now is no big deal, but when you’re six and you’ve lived in a town of about 300 people all your life, going to a big town of a couple of thousand people is a major event. I don’t remember much of that day, but I’m sure we ate our little sack lunches, played on the swings and slid down the slide. Then it was time for the races.
These were no ordinary races. Someone had come up with the idea to have picnic kind of races, like pass the potato under your neck and hold an egg on a spoon while you run to the finish line. I don’t really remember too much about those, but there was one that I will never forget _ the three-legged race.
The parents decided not to use potato sacks for this particular event. Instead, they tied our feet together. One “lucky” little boy got me for a partner. Now what you have to know about this little boy is that he was the second most athletic boy in our class. I’m sure he knew he was in trouble the second they laced his foot to mine. As for me, I was mortified. He usually won at everything, and I knew that with me tied to him he didn’t have a chance.
Apparently, he didn’t realize that as deeply as I did at the time. He laced his arm with mine, the gun sounded and we were off. Couples were falling and stumbling all around us, but we stayed on our feet and made it to the other side. Unbelievably, when we turned around and headed back for home, we were in the lead! Only one other couple had a chance to win, and they were a good several yards behind us.
A few feet from the finish line, disaster struck: I tripped and fell. We were close enough that my partner could have easily dragged me across the finish line and won. He could have, but he didn’t. Instead, he stopped, reached down and helped me up _ just as the other couple crossed the finish line. We received a small red ribbon for coming in second.
I still remember that moment, and I still have that little red ribbon. When we graduated thirteen years later, I stood on the stage and gave the valedictory address to the same group of students, none of whom even remembered that moment anymore. I told them about the young boy who had made a split-second decision and decided that helping a friend get on his feet was more important than winning a blue ribbon. I said, “One of the boys sitting up here on the stage is that young boy, but I won’t tell you which one he is.” I wouldn’t tell because in truth, at one time or another, all of them had been that little boy - helping me up when I fell, taking time out from their pursuit of their own goals to help a fellow person in need.
And I told them why I’d kept that red ribbon. “You see, to me that ribbon is a reminder that you don’t have to be a winner in the eyes of the world to be a winner to those closest to you. The world may judge you a failure or a success, but those closest to you will know the truth. That’s important to remember as we travel through life.”
You may not have a red ribbon to prove it, but I sincerely hope you have at least a few friends who took time out from their pursuit of the world’s blue ribbons to help you. I’m thinking those friends will be the ones who really count _ I know that such a friend was the one who counted the most to me.
- Staci Stallings

A series of failures may culminate in the best possible result.
- Gisela M. A. Richter
Last edited by bevanng on 12 Feb 2023, edited 1 time in total.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 30 Dec 2017

Kỷ niệm với Bethany


Khói tỏa ra từ cửa sổ tầng hai. Tôi lấy ba lô che mặt và dùng quyển sách hóa học đập vỡ khung cửa sổ. Một tay phá cửa phòng còn tay kia ôm đứa bé, tôi thoát ra ngoài an toàn dù bị khói làm ho sặc sụa. Khi đó Bethany sẽ tình cờ đi ngang, cô sẽ ôm choàng lấy tôi và thốt lên: “Anh thật dũng cảm”…
Cuộc sống của tôi đầy sắc màu của trí tưởng tượng. Tất cả đều xoay quanh một mục tiêu khiến tôi luôn ám ảnh là Bethany Howe. Mọi người gọi cô ấy là B.H, nhưng tôi thì không. Tôi thích gọi là “Bethany” - dĩ nhiên chỉ là gọi thầm vì hiếm khi tôi có cơ hội tiếp cận cô.
Tòi biết Bethany khi chúng tôi còn là sinh viên năm nhất. Tôi để ý đến Bethany vì cô không cố tỏ ra lạnh lùng trước mặt mọi người. Bethany là người chân thành và giản dị, trầm tỉnh và rất kiệm lời. Tôi thích những cô gái như vậy.
Đã hai năm trôi qua mà chẳng có gì đặc biệt xảy ra giữa chúng tôi cả. Tôi thường gặp Bethany vào giờ ăn trưa, giờ học chung hoặc những khi đọc sách trong thư viện. Bethany làm thêm ở trung tâm dịch vụ của trường sau giờ học, thích đi biển và đặc biệt là có nụ cười đẹp mê hồn. Càng hiểu Bethany, tôi càng mến cô.
Tôi quyết định phải làm cô chú ý đến mình. Tôi gia nhập đội thi đấu thể thao, bỏ ra hai giờ mỗi ngày để tập chơi tennis. Tôi còn tích cực đọc báo mỗi sáng để có đề tài trò chuyện nếu tình cờ gặp Bethany. Cô thật sự đã có ảnh hưởng nhiều đến tôi mặc dù chúng tôi chưa từng trò chuyện. Tôi trở nên năng động hơn, quan tâm đến mọi người hơn, có nhiều bạn mới và rất chăm chỉ luyện tập thể thao để có thân hình bắt mắt. Ngày qua ngày, tôi luôn mong chờ cơ hội để được gặp gỡ và trò chuyện cùng cô.
Một hôm, thầy Houston nhờ tôi đến văn phòng lấy một ít giấy và băng video để minh họa cho tiết học hôm đó. Khi đi xuống hành lang, tôi lại bắt đầu nghĩ về Bethany. Tôi lấy giấy rồi sang bàn bên kia để nhận băng video trong khi tâm trí vẫn nhớ về Bethany trong từng cử chỉ. Đột nhiên tôi nghe có ai đó bảo rằng: “Cuốn băng này đã có người mượn rồi”.
“Sao?”
“Xin lỗi, nhưng cuốn băng anh cần đã có người mượn rồi”.
Tôi quay lại và nhìn thấy Bethany. Thì ra hôm nay cô trực phòng nghe nhìn.
“À, em có biết anh”, cô nói. “Anh học chung lớp sử với em mà”.
Vì không chuẩn bị trước, tôi lúng túng không biết nói gì dù lòng rất muốn nói chuyện với cô.
Tôi không nghĩ rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa chúng tôi sẽ diễn ra như vậy - trong một hoàn cảnh chẳng lãng mạn chút nào. Khi rời văn phòng, tôi quay lại chào khẽ: “Hẹn gặp lại, Bethany”.
“Anh vừa gọi em là gì vậy?”
“Bethany, đấy chẳng phải là tên em sao?”
“Vâng, nhưng mọi người đều gọi em là B.H.”
“Nhưng Bethany là một cái tên rất dễ thương!”
“Thật sao?”. Cô cười và thoáng chút bối rối.
“Ừ”.
Tôi không thể tin được là mình có thể nói những điều ấy với Bethany. Nhưng dẫu sao, tất cả đều là suy nghĩ thật lòng của tôi. Bất ngờ thật, tôi và Bethany đã thật sự trò chuyện cùng nhau.
“Anh là thành viên của đội tennis phải không? Thỉnh thoảng em cũng có tham gia thi đấu”.
“Tennis à?”
Khi cô gợi chuyện, quả thật tôi chẳng nhớ chút gì về môn thể thao này. Nhưng rồi tôi chợt nhớ rằng mình sẽ tham gia thi đấu tennis vào chiều hôm ấy, thế là tôi vội vàng ngỏ lời mời Bethany đến xem.
Chuông bắt đầu tiết học reo vang, tôi nhớ ngay ra rằng thầy Houston đang đợi tôi mang các giáo cụ về. Tôi vội vã chào Bethany rồi chạy nhanh về lớp, lòng lâng lâng một niềm vui khó tả.
Sau giờ học, tôi chuẩn bị trang phục thi đấu thể thao. Khi đến sân thi đấu, tôi đảo mắt nhìn quanh tìm Bethany nhưng không thấy. Đội chúng tôi đã giành chiến thắng với tỉ số áp đảo. Tôi đã hy vọng sẽ được cô nhìn thấy khi bị ngã đau hay khi đang thực hiện cú đánh thật đẹp mắt.
Sau trận đấu, tôi vẫn không tìm thấy Bethany. Tôi thất vọng quay về phòng thay đồ. Vừa đi được vài bước chân thì tôi nghe có tiếng ai đó gọi tên mình. Chính là Bethany. Tôi hoàn toàn bất ngờ vì không hề nghĩ rằng Bethany lại biết cả tên của tôi. Kỳ lạ thay, cái tên xấu xí của tôi nghe như một khúc ballad khi được thoát ra từ đôi môi xinh của cô.
Và vào một buổi chiều rải đầy nắng vàng, tôi đã bày tỏ tình cảm cùng Bethany. Rất hồn nhiên, trong sáng và một chút ngượng ngùng, cô cũng bảo rằng đã để ý đến tôi từ năm nhất nhưng vì chúng tôi ít có dịp gặp nhau nên cô cũng chẳng biết phải làm gì hơn. Tôi rất vui sướng vì sau cùng chúng tôi cũng đã hiểu được tình cảm của nhau sau thời gian dài chờ đợi. Ở bên Bethany, bên con người mộc mạc, giản dị ấy, tôi nhận ra rằng cho dù quần áo tôi có xộc xệch hay tóc tôi có rối bù thì cũng chẳng có vấn đề gì, tôi cũng không cần thể hiện sự dũng cảm vượt qua đám cháy như tôi từng tưởng tượng.
(Lam Anh dịch)




Only a Matter of Time


The smoke billowed out of the second-floor windows. I covered my face with my backpack and used my chemistry book as a battering ram to bust through the windowpane. Smashing through the apartment door with one hand, I grabbed the child with the other and ran to safety, coughing but alive. And there was Bethany, who happened to be passing by. “You’re a hero!” she said as she flung her arms around me.
I had a rich fantasy life. It all revolved around the object of my obsession, Bethany Howe. Everyone called her B.H. Except for me. I loved to say the name “Bethany”—to myself, of course, because I rarely got within ten feet of B.H.
I first saw Bethany during our freshman year. I noticed her because she wasn’t trying to be cool. I stood in silent solidarity with her on that front. I had given up trying to be cool in junior high. I learned my lesson after an unfortunate skateboarding incident. I won’t go into too much detail, but it involved board shorts my mom constructed out of a pair of my dad’s old Levi’s cotton Dockers—an attempt to make a fashion statement that failed miserably.
Not trying to be cool can be very liberating. It takes away a lot of pressure and stress. I didn’t think Bethany had a skateboarding incident in her past. She was too cute for that. Her lack of coolness was just cool.
Two years went by and not much happened between B.H. and me. I would see her at lunch. Sometimes we had class together. The more I learned about her, the more I liked her. She had a part-time job at a day-care center after school. She liked to go to the beach. She had the most amazing smile.
I decided I would have to get her to notice me. I joined the track team for Bethany. I spent two hours hitting tennis balls off the backboard every day so I could make the tennis team—for Bethany. I read the newspaper every morning so I’d have something interesting to say in case Bethany decided to talk to me. Bethany was a good influence on me, even though we never spoke. I made new friends, became more talkative and outgoing, and got into pretty good shape. Now if I could only meet her.
One day, I was asked by one of my teachers, Mr. Houston, to go to the office to get some paper and videos. As I walked down the hall, I was lost in thought, having another Bethany fantasy. I loaded up on the paper for Mr. Houston and went to the AV room to get the videos. I was arranging the paper, thinking about Bethany. And then I heard a voice. “This tape is checked out.”
“Huh?”
“Excuse me, but the tape you want is checked out.”
I looked up. It was Bethany. She worked in the AV center.
“Hey, I know you,” she said. “You’re in my history class.”
I stammered something, inaudibly.
Then she stammered something, inaudibly.
Then we both tried to speak at once.
I was flustered. I wasn’t prepared. Our first meeting wasn’t supposed to happen like this—it wasn’t even a good hair day, for me. I started to leave, then turned back and muttered, “See ya, Bethany.”
“What did you call me?”
“Bethany. Isn’t that your name?”
“Yeah, but everyone calls me B.H.”
“But Bethany is such a pretty name.”
“Really?” She laughed nervously.
“Yeah.”
I couldn’t believe it. We were actually having a conversation.
“Aren’t you on the tennis team? I go to the matches sometimes.”
“Tennis?” I couldn’t remember what that was. Something about a racket and a court was all I could remember as she spoke to me. Then I remembered I had a match that afternoon and before I could talk myself out of it, I invited her.
The bell rang before she could answer and I realized Mr. Houston was waiting for his supplies. After school, I suited up for my match. I scanned the stands for Bethany but didn’t see her. I can’t remember the score but I won. I hoped she saw when I made an especially good volley or an ace.
After the match, I still didn’t see her. I started walking toward the locker room when I heard my name being called. I didn’t even know she knew it. I’d always hated my name but it sounded like an angelic ballad when she said it.
That afternoon at the entrance to the guy’s locker room I asked Bethany out. She told me she’d had her eye on me since freshman year too, but our paths never seemed to cross. I’m kind of glad it took so long for us to get together. The day Bethany and I met, even though my hair was messed up and I wasn’t wearing my favorite shirt, I was ready to meet her. And I didn’t even have to brave a burning building.
Tal Vigderson
Last edited by bevanng on 12 Feb 2023, edited 1 time in total.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 24 guests