Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korneliu

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Nước Nga và Putin: Những cuộc đời song song
Một quốc gia được yêu quý, một vị tổng thống khó nhằn


Vladimir Putin hẳn biết rõ mình làm gì với chó. Tổng thống Nga yêu chó, nhưng Angela Merkel thì không. Thực ra bà sợ chó, đặc biệt sau khi bị một con chó tên Bessi tấn công vào tháng 8 năm 1995. Khi đó Merkel đang đạp xe bên ngoài ngôi nhà nghỉ cuối tuần của bà ở Uckermark thì con chó săn của người hàng xóm xông đến cắn vào đầu gối bà. Sau đó, Merkel từ bỏ việc đạp xe và có khuynh hướng tránh xa lũ chó. Một người như Putin hiểu rõ những điều như thế. Ông có bản năng để nhận ra.
Nên khi Angela Merkel, vừa tuyên thệ nhậm chức thủ tướng, thăm chính thức Moscow vào tháng 1 năm 2006, Putin vạm vỡ cơ bắp đã tặng bà một chú chó búp bê đồ chơi. Nó ngồi trên tay ghế bà cho đến khi cố vấn ngoại giao của bà, Christoph Heusgen, có cơ hội cầm lên và mang ra khỏi điện Kremlin một cách kín đáo nhất có thể. Đây là phần đầu của vở kịch nhỏ đầy ác ý. Phần tiếp theo đến sau đó một năm. Lần này Putin tiếp đón Merkel trong dinh thự công vụ của ông bên bờ Biển Đen. Cánh cửa bỗng mở ra và con chó giống Labrador của ông, Koni, xông vào trong phòng, khịt mũi Merkel rồi nằm xuống chân bà. Các máy quay đã ghi lại cảnh tượng Merkel môi mím chặt, chân bắt chéo chặt còn Putin thì dạng chân, ngả người ra sau ghế, mi mắt hạ thấp vẻ trịch thượng - có thể được miêu tả như một điệu bộ ác dâm. Rõ ràng Merkel không thích những chuyện như vậy. Kể từ đó, những buổi gặp giữa bà và Putin luôn tuân thủ chặt chẽ những chương trình chính thức và làm theo các nghi thức ngoại giao bài bản, nên chó được giữ kỹ ở xa.
Cũng như với Hoa Kỳ, trong tim mình Merkel biết hai nước Nga - nước Nga của riêng bà, và một thứ có thể được gọi là nước Nga “công việc”. Nhưng chúng ta đã thấy, Angela Kasner biết đến nước Nga “riêng” nhờ những cuộc thi ngôn ngữ ở trường, những chuyến thăm đất nước này và văn học Nga - Tolstoy và Dostoevsky nằm trong số những tác giả ưa thích của bà. Trái với lời đồn, bà chưa từng học ở Nga, nhưng bà đã thăm Moscow cũng như miền nam nước Nga và vùng Caucasus. Khía cạnh này của nước Nga có liên hệ tích cực với nữ thủ tướng, vốn yêu ngôn ngữ Nga và thông thạo thứ tiếng này. Song nước Nga “chính trị” thì không thể tách rời khỏi Vladimir Putin.
Putin đã làm tổng thống suốt năm năm vào lúc bà trở thành thủ tướng. Sau đó ông hoán đổi vai trò để làm thủ tướng trong một thời gian trước khi quay lại lãnh đạo quốc gia vào năm 2012. Kể từ khi Merkel làm chủ tịch CDU, Putin đã luôn là nhà lãnh đạo Nga. Không chỉ thế, họ gần như bằng tuổi nhau - Putin hơn bà hai tuổi - và có những bước đi tương tự nhau trên đường đời, gần như thể họ là hình ảnh phản chiếu của nhau. Putin từng sống năm năm ở Dresden nơi ông chứng kiến sự sụp đổ của Đông Đức và Hiệp ước Warsaw và trở nên thông thạo tiếng Đức. Merkel lớn lên tại thị trấn Templin có quân Xô viết đồn trú, phô diễn năng khiếu ngoại ngữ bằng cách học tiếng Nga, và cũng giống Putin, bà đã trực tiếp nếm trải sự sụp đổ của Bức tường. Tuy Merkel luôn tán dương Tây Đức và thể hiện tình yêu tự do của bà bằng cách làm theo nền chính trị phương Tây, thì 1989, năm đổi thay vĩ đại, rõ ràng đã không biến Putin thành một nhà dân chủ nhiệt tình. Mỗi khi Merkel và Putin gặp gỡ, hai thế giới quan liền xung đột nhau. Với Merkel, sự sụp đổ của Bức tường Brlin là một trải nghiệm giải phóng, còn với Putin, một trung tá KGB, đó lại là một sự kiện bi thảm. Ông xem sự sụp đổ của khối Xô viết như một thất bại lịch sử.
Nên không có gì ngạc nhiên khi mối quan hệ cá nhân giữa họ có ảnh hưởng sâu sắc lên quan hệ Đức-Nga nói chung. Theo nghĩa này, chính sách ngoại giao nhất định mang một chiều hướng cá nhân. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi những cuộc gặp giữa hai người đôi khi vẫn ghi dấu ấn bằng sự mỉa mai cay độc. Tuy một lượng đáng kể lòng tôn trọng đã phát triển giữa hai người suốt nhiều năm qua, sự kình địch của họ chưa bao giờ thật sự mất đi, và dấu hiệu nguội lạnh nhỏ nhất trong mối quan hệ của họ luôn được cảm nhận một cách thích thú. Khi Merkel tiếp đón Putin ngay sau khi ông trở lại làm tổng thống, bà quở ông bằng giọng điệu nghiêm nghị của một người mẹ rằng ông lại đến trễ như mọi lần - có lẽ ám chỉ đến Mikhail Gorbachev, người từng nói rằng “cuộc đời trừng phạt người đến quá trễ.”
Putin đáp trả rằng đó là tính cách Nga - chắc chắn bà đã biết về điều đó. Hai người họ đã có nhiều cuộc tranh cãi gay gắt. Merkel cùng các cố vấn của bà sẽ không bao giờ quên một chuyến thăm Crimea vào năm 2007. Một năm trước đó bà đã giành được sự kính trọng trong nước vì đã dùng chuyến thăm đầu tiên của bà đến Moscow sau khi thắng cử để gặp gỡ những chính trị gia đối lập người Nga. Putin, vốn không có nhiều phụ nữ trong đoàn tùy tùng của mình, đã phải hiểu rằng ông đang không đối phó với một người phụ nữ mà ông có thể đề nghị tổ chức một cuộc trình diễn thời trang làm minh chứng cho sự hợp tác Đức-Nga.
Song bài kiểm tra sức mạnh thực thụ đầu tiên diễn ra ở Sochi. Trong chương trình nghị sự chỉ có ngành công nghiệp dầu hỏa và khí đốt, các vấn đề an ninh và Ukraine - toàn những chủ đề thông thường. Putin đóng vai sĩ quan KGB. Đôi khi ông lớn tiếng, rồi ông hạ giọng và nói bằng tông nhẹ và đều, sử dụng những từ ngữ tục tĩu, viết nguệch ngoạc lên các văn bản, chỉ tay vào các số liệu và vung tay - tất cả là những phương thức giao tiếp do cơ quan tình báo đào tạo. Không có gì ngạc nhiên khi loại hành vi này gợi cho Merkel nhớ về Stasi. Bà đứng dậy trước mặt ông: những phản xạ xưa cũ của bà bỗng được kích thích, về sau những người có mặt nói rằng có lúc ông (Putin) đã siết cánh tay bà.
Bầu không khí đối đầu này vẫn tồn tại giữa Merkel và Putin. Tuy nhiên Tổng thống Nga đã học được rất nhiều từ đó và giờ đang cố gắng đánh bại Merkel trong môn sở trường của bà. Ví dụ, nếu nữ thủ tướng phê phán cách giới cầm quyền Nga giải quyết những khoản đóng góp nước ngoài dành cho các đảng phái chính trị, Putin sẽ phản pháo bằng cách viện dẫn luật pháp Đức về từ thiện và xã hội cùng với những điều kiện áp đặt đối với hoạt động chính trị. Thông điệp của ông là: có gì khác nhau đâu? Trong những cuộc va chạm này, đôi khi thật khó mà không có ấn tượng rằng nữ thủ tướng và ngài tổng thống giống một cặp vợ chồng già đã quá quen với các mánh lới của nhau. Như Merkel thường nói, bạn phải luôn cảnh giác với ông ấy. Còn Putin cũng luôn thận trọng tương tự.
Sự thiếu tin tưởng căn bản này không ngăn Merkel theo đuổi những chính sách có lợi cho Nga nếu chúng trùng khớp với niềm tin của bà. Chẳng hạn, vào tháng 4 năm 2008, như chúng ta đã biết, bà đã chống lại sức ép mãnh liệt từ Hoa Kỳ khi họ muốn dọn đường cho Gruzia và Ukraine gia nhập NATO. Tại hội nghị NATO ở Bucharest, chính Merkel là người từ chối thi hành thứ được gọi là “Kế hoạch hành động thành viên” (Membership Action Plan) cho hai quốc gia bất ổn này. Hoa Kỳ chủ yếu muốn củng cố cho Gruzia và dùng nước này làm một bức tường thành và tiền đồn tại khu vực biên giới phía nam của Nga, cũng như cánh cổng dẫn đến Trung Á, vốn giàu tài nguyên thô. Merkel phản đối - ở đó có quá nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết, rủi ro chiến tranh thường xuyên, một nền dân chủ không bền vững và một lựa chọn ngôi vị tổng thống kỳ lạ đối với Saakashvili, người mà cách duy nhất lấy danh tiếng là nịnh bợ Washington.
Tổng thống George W. Bush phản ứng một cách giận dữ trong khi Putin bày tỏ sự biết ơn. Theo quan điểm của Merkel, quyết định của bà hoàn toàn khách quan - rốt cuộc, bà có đủ lý do để làm mất mặt Putin. Vị tổng thống Nga đã công kích bà năm trước đó tại hội nghị Munich về chủ đề an ninh, khi ông phát biểu một bài bút chiến đầy bạo lực nhằm vào phương Tây như thể hai bên đang trên bờ vực chiến tranh. Merkel ngồi với vẻ mặt lạnh lùng và không nói gì, và toàn bộ tổ chức an ninh phương Tây cũng thế.
Merkel từng hy vọng rất nhiều vào vị tổng thống chuyển tiếp của Putin, Dmitri Medvedev, nhậm chức vào mùa xuân năm 2008. Mặc dù cú chuyển giao quyền lực được kiểm soát kỹ lưỡng và vị tổng thống mới chỉ là học trò của nhà cựu tổng thống, nữ thủ tướng vẫn hy vọng việc kinh doanh với Nga từ nay sẽ dễ dàng hơn. Từ lâu bà đã nằm trong nhóm những người nghĩ rằng hai người họ đại diện cho hai thái cực, và rằng một ngày nào đó Medvedev sẽ thoát khỏi Putin để phát triển phong cách của riêng mình. Bà từ chối chấp nhận học thuyết cho rằng với tư cách đại diện cho một nước Nga chuyên chế và quan liêu, Putin kiểm soát hoàn toàn Medvedev, người vốn ủng hộ giới tài phiệt chính trị. Cuối cùng, bí ẩn này được vén màn bởi chính nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev, khi vị nguyên thủ quốc gia sắp rời nhiệm sở tiết lộ kế hoạch thật sự của cú chuyển giao quyền lực tại một buổi họp báo: việc họ hoán đổi vai trò đã được chuẩn bị trước đó nhiều tháng. Merkel thất vọng sâu sắc - bà đã bị bịp.
Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất liên quan đến Nga xảy ra trong nhiệm kỳ của Medvedev khi, vào đầu tháng 8 năm 2008, tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili tấn công Nam Ossetia đang đòi ly khai sau hàng loạt khiêu khích lẫn nhau. Nhiều công trình nghiên cứu dài và chi tiết đã được viết về vụ bùng nổ này, nguyên nhân và tiến trình của tất cả những sự thù địch đó: ngày hôm nay chúng có thể được tóm tắt lại chỉ bằng vài từ. Saakashvili đánh giá quá cao sức mạnh của bản thân ông và muốn tạo ra xung đột. Trông đợi hỗ trợ của nước ngoài, ông kích động dân chúng và phản ứng lại những lời chế nhạo, ông tấn công và nhanh chóng rơi vào bẫy của người Nga. Nước Nga đáp trả bằng một đợt phản công và chiếm lấy Nam Ossetia, vốn đã tuyên bố độc lập kể từ đó nhưng chỉ được bốn nước công nhận - dĩ nhiên bao gồm Nga.
Merkel theo sát cuộc khủng hoảng dưới cái bóng của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, vừa nhậm chức chủ tịch EU và đang liên tục qua lại giữa hai bên đối đầu như một vị tu sĩ. Quan ngại chính của bà là đối với Hoa Kỳ, trong trường hợp họ bị buộc phải thể hiện tình đoàn kết chính trị với Saakashvili nhiều hơn. Tuy nhiên, cơn giận dữ của bà được hướng vào Nga, vốn đang khoe cơ bắp bằng màn diễu binh hàng đoàn xe tăng ở trung tâm Gruzia, cách rất xa Nam Ossetia. Nữ thủ tướng ủng hộ Sarkozy và phải gánh chịu một lượng chỉ trích đáng kể, chủ yếu từ Hoa Kỳ: nếu Saakashvili được cho phép gia nhập NATO sớm hơn ba tháng thì đã không có cuộc chiến nào. Merkel bị cáo buộc một cách gián tiếp tội bật đèn xanh cho Nga, bởi vì quyết định của bà đồng nghĩa rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng để củng cố những đường biên giới ở phía nam Caucasus.
Sai hết, Merkel trả lời: chính Saakashvili khơi mào cuộc chiến, và sẽ không tốt lành gì cho NATO nếu ông ta làm thế dưới sự bảo hộ của tổ chức này. Dù sao chăng nữa, trong suốt cuộc xung đột bà đã bay đến gặp Medvedev rồi Saakashvili ở Tbilisi. Bà tỏ rõ trong chuyến bay về rằng bà đã có quyết định của mình. Khi cân nhắc giữa sự xuẩn ngốc của Saakashvili và phản ứng mất cân xứng của người Nga, bà đã nói: “Gruzia là một đất nước tự do và độc lập, và mọi đất nước tự do và độc lập đều có thể quyết định, cùng với những thành viên của NATO, làm thế nào và khi nào họ có thể được chấp thuận vào trong tổ chức này. Sẽ có một báo cáo sơ bộ vào tháng 12, rồi sẽ rõ lối để (Gruzia) đăng ký làm thành viên NATO.” Đây là câu chữ mang thương hiệu Merkel: “Cùng với những thành viên của NATO” - nói cách khác, Đức cũng phải đồng ý. Thậm chí bốn năm sau đó, “lối” vẫn chưa “rõ,” nhưng Merkel muốn nhấn mạnh trước Nga rằng bà sẽ không dung thứ cho loại hành vi chiếm đóng từng chứng kiến trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Sau bảy năm làm thủ tướng, Merkel luôn duy lý đến mức gây khó hiểu xung quanh vấn đề nước Nga. Vào lúc bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng, bà đã vận dụng mối quan hệ gần gũi của người tiền nhiệm với Putin - với tư cách phiên bản trái ngược trực tiếp với Schröder, kết quả là bà đã dễ dàng giữ khoảng cách và tận dụng sự thừa nhận mà bà giành được trước đó. Một cuộc gặp với những chính trị gia phe đối lập, một ly rượu vang với các thành viên đảng Dân chủ - và một khoảng cách hợp lý với nhóm đầu sỏ chính trị đã được khôi phục. Những người đàn ông hay khoe mẽ nam tính như Gerhard Schröder và niềm đam mê tắm hơi của Helmut Kohl không thuộc sở thích của bà. Bà cũng dị ứng với quan điểm lãng mạn mà nhiều người Đức vẫn dành cho nước Nga, những người luôn nhìn thấy một sợi dây tinh thần nối giữa hai nước. Merkel đương nhiên yêu Nga như một quốc gia, nhưng là theo cách riêng của bà. Bà gặp khó khăn với phe nhóm hay sùng bái Nga trong CDU, những người đã tạo dựng ấn tượng của họ về Nga trong thời của Gorbachev và Yeltsin, và hiện đang cáo buộc bà đã thất bại trong việc thu lợi chiến lược từ di sản đó. Bà đáp rằng những tháng ngày của Gorbachev đã qua lâu rổi - rằng nước Nga ngày xưa giờ không còn tồn tại nữa.
Những sáng kiến về Nga từng được áp dụng bởi ngoại trưởng đầu tiên của bà, Frank-Walter Steinmeier - bộ sáng kiến hiện đại hóa kết hợp với chiến lược về Trung Á - giờ đang bị xếp xó, có lẽ vì thế giới đã lại đổi chiều còn Nga thì đã thi hành một chính sách phá rối, không chỉ đối với những vấn đề như Iraq hay Syria, vốn ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng quốc tế. Nga giờ đây hiếm khi chấp thuận bất cứ sáng kiến đối ngoại nào do Đức hay EU đề xuất. Nước này không còn bận tâm tìm kiếm tình hữu nghị, mà muốn giữ khoảng cách và đang bận xây dựng một Liên minh Á-Âu, một khối ảnh hưởng mới. Bản thân Merkel cũng xây dựng một thái độ duy lý hơn đối với Nga. Quốc gia này từ chối mọi nỗ lực xích lại gần nhau, và sau nhiều năm trong cương vị tổng thống lẫn thủ tướng, Putin đã rắn lại thay vì mềm ra, sự chống đối của Nga đã mạnh hơn và đang tái định nghĩa chính nó. Giữa tâm điểm cuộc khủng hoảng đồng euro, Merkel đã luôn né tránh chủ đề này - song với tư cách một nước láng giềng châu Âu, Nga sẽ không biến mất khỏi bản đồ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Kinh doanh hay niềm tin
Xung đột về hệ thống với Trung Quốc


Đôi khi tất cả những gì cần làm để thấy thế giới đang đổi thay nhanh đến chừng nào là nhìn ra ngoài cửa sổ xe hơi. Angela Merkel thường ít có lựa chọn nào khác ngoài làm thế, đặc biệt khi bà đến Trung Quốc. Nữ thủ tướng thường xuyên đến đó, gần như mỗi năm một lần. Và, trước lúc rời khỏi vị trí của mình sau sự thay đổi quyền lực trong ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng từng đến Đức mỗi năm một lần. Tổng thống và các nguyên thủ quốc gia đến rồi đi, nên đó là lý do tại sao mối quan hệ giữa bà và Ôn Gia Bảo là một trong những điều không đổi trong nhiệm kỳ thủ tướng của Merkel.
Và cảnh tượng bên ngoài cửa sổ xe hơi cũng là điều bất biến trong những chuyến thăm Trung Quốc của Merkel: nó cho bà thấy trên đường có nhiều xe đạp hay xe hơi hơn, điều gì làm những chiếc xe hơi mắc kẹt trong những đám tắc đường, những quận nội thành đang thay đổi thần tốc ra làm sao. Kể từ khi Merkel làm thủ tướng, xe đạp ngày càng ít trên những con đường ở Trung Quốc và có thêm rất nhiều ô tô Đức. Ở Bắc Kinh, đôi khi bạn đặt mạng sống vào tay mình khi đạp xe đạp. Và bên cạnh những khu nhà ít thay đổi giống những tổ ong, những tòa nhà mới mang phong cách thuộc địa kiểu cũ hay những tòa nhà trong các khu vực lịch sử của thành phố đã được xây dựng. Một nét Disney mang phong cách Trung Quốc - nhưng cũng là dấu hiệu của sự thịnh vượng gia tăng vốn kèm theo ý thức về những gì được xem là đẹp đẽ và có giá trị.
Khi ở Trung Quốc Angela Merkel không thể đơn giản bước xuống đường. Là khách mời của quốc gia, việc bà rời khách sạn như một du khách và đi dạo sẽ làm phật lòng nước chủ nhà. An ninh, nghi thức ngoại giao và lề thói chính trị quy củ đều ngăn cấm việc này. Những chuyến thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - bà luôn đến Bắc Kinh trước rồi mới ghé thăm một trong những vùng còn lại - đều được chuẩn bị đến chi tiết cuối cùng. Nhà cầm quyền Trung Quốc không phó mặc bất cứ điều gì cho may rủi. Một lần, phái đoàn Đức - trong cơn ngẫu hứng - tìm cách qua mặt nước chủ nhà và bảo họ rằng nữ thủ tướng muốn ghé thăm một chợ trời. Kế hoạch không thành: những người khách Trung Quốc đến chợ hôm đó đều là các nhân viên được tuyển chọn đặc biệt từ lực lượng an ninh quốc gia. Chỉ những chủ sạp là không thể thay thế do không kịp, một cuộc hội thoại chóng vánh thông qua phiên dịch tiết lộ điều này.
Merkel ưa thích những trải nghiệm như thế, đặc biệt ở Trung Quốc. Như mọi khách du lịch, bà yêu thích mọi điều hấp dẫn mang tính địa phương, chẳng hạn như nhìn ra cửa sổ phòng khách sạn và thấy một nhóm cụ già tập thể dục buổi sáng. Bà thích miêu tả chuyến thăm đội quân đất nung - món quà bà dành tặng cho mình nhân dịp đón sinh nhật lần thứ 56 ở Trung Quốc. Bà cũng ấn tượng bởi những vị chủ tịch tỉnh bà gặp gỡ tại bữa tối ở đại sứ quán Đức tại Bắc Kinh. Họ đến từ những vùng từng tổ chức một triển lãm du lịch do Bộ ngoại giao và Viện Goethe tổ chức. Giờ đây khi đã đến Bắc Kinh và được đại sứ Đức Michael Schäfer mời dự bữa tối, ông đại sứ vốn thường tổ chức những buổi tiếp đãi tại nhà ông trên đường Đông Trực Môn Ngoại Đại Nhai. Bữa ăn có phiên dịch tức thời, giúp cho bầu không khí sống động hơn. Một câu hỏi đơn giản từ Merkel đã khơi gợi một dòng thác những câu trả lời từ những vị khách: các chủ tịch nghĩ gì khi họ đi ngủ buổi tối, và họ nghĩ đến điều gì đầu tiên khi thức dậy?
Phản ứng hoàn toàn không qua kiểm duyệt: các chủ tịch kể cho bà về số lượng việc làm khổng lồ phải tạo ra mỗi năm, vấn nạn công nhân di trú, những căng thẳng xã hội trong vùng của họ, các vấn đề môi trường và số lượng đông đảo các sinh viên. Merkel nghe ngấu nghiến. Bà ít khi nhận được quan điểm không bị che đậy về những vấn đề của Trung Quốc. Buổi tối hôm đó, bà nhận ra quốc gia này rộng lớn đến chừng nào.
Quan điểm của Merkel về Trung Quốc đã thay đổi rõ rệt trong trong hai nhiệm kỳ thủ tướng của bà. Phần lớn sự thay đổi nhờ vào Ôn Gia Bảo, chính trị gia Trung Quốc đầu tiên bà quen biết. Qua nhiều năm, bà đã xây dựng một mối quan hệ thâm giao với ông. Ôn Gia Bảo đã giữ lời hứa của ông, và theo cách tương tự, Merkel được Bắc Kinh xem là người đáng tin cậy. Người Trung Quốc là bậc thầy giữ khoảng cách trong các mối quan hệ. Không ai có thể thật sự nhìn xuyên thấu lớp vỏ ngoài của người Trung Quốc. Có lẽ Merkel đã thất vọng sâu sắc trong nhận thức của bà về Ôn Gia Bảo, vốn được bà xem là một người chân thật và gần gũi nhân dân. Đôi khi người ta có ấn tượng rằng bà cảm thấy hối tiếc cho ông, một người đàn ông thấp bé, luôn mang một vẻ ủ dột thường trực và có một lượng công việc nặng nề. Dẫu vậy, do bà không thể nhìn sâu thêm, bà không có một khái niệm chân thực nào về mê cung những mối quan hệ và lòng trung thành vây quanh một quan chức Trung Quốc cấp cao. Dòng tộc Ôn Gia Bảo được xem là rất giàu có, và người ta có thể nghe được những câu chuyện đồn thổi về sự kết hợp lợi ích gia đình và quyền lực nhà nước trên mọi góc phố ở Bắc Kinh. Merkel chưa bao giờ nói gì về điều này - song lòng kính trọng của bà dành cho những thành tựu của chính phủ của đất nước Trung Quốc đa sắc, bị chấn động trước sự bùng nổ tăng trưởng của nước này, rõ ràng đã tăng sau mỗi chuyến thăm.
Sự gần gũi của bà với Ôn Gia Bảo thậm chí còn cả về mặt vật lý - ngài thủ tướng ngày càng trở nên thoải mái bên cạnh bà. Trong chuyến thăm thứ hai của Merkel vào năm 2007, ông đã tiếp đón nữ thủ tướng trong một bầu không khí riêng tư theo tiêu chuẩn Trung Quốc. Ông mặc chiếc áo sơ mi không cài cúc cổ trong không gian đóng kín u tịch của khu Trung Nam Hải dành riêng cho giới yếu nhân (VIP), nơi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sinh sống và làm việc. Đằng sau những bức tường và cánh cổng cao là một khu vực công viên rộng lớn với những căn nhà ở, nhà khách, phòng họp và đình đài lầu các, tất cả tọa lạc diễm lệ bên bờ một hồ nước. Rất ít người nước ngoài được mời đến đây. Năm 2012, người ta quyết định phiên dịch đồng thời những cuộc hội thoại của các phái đoàn thay vì lần lượt như trước đây, nhằm tiết kiệm thời gian. Đây là sự nhượng bộ đáng kể về phía những chính trị gia Trung Quốc đầy cảnh giác, bởi việc này sẽ đem lại nhiều thời gian hơn cho những cuộc trò chuyện và không đủ thời gian để nghĩ câu trả lời đúng. Trong bất cứ trường hợp nào, nghệ thuật xử lý những cuộc họp trịnh trọng cao cấp này bao gồm cả việc kết thúc những chủ đề nhàm chán càng nhanh càng tốt, cũng như chấm dứt những cuộc trò chuyện tẻ nhạt kèm theo. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng vì bị ngăn cấm bởi bộ quy định được đặt ra từ trước. Bất cứ ai nói chuyện với một người Trung Quốc mà làm người này xấu hổ sẽ không thu được gì. Những chuyến thăm Trung Quốc cũng là những cuộc nghiên cứu văn hóa về sự cởi mở và giao tiếp thông tin.
Là đứa con của Đông Đức, trải nghiệm Trung Quốc của Angela Merkel tràn đầy mâu thuẫn. Một mặt, bà có một sự không thích, thậm chí là ghét bỏ đối với chế độ độc đảng, nhà cầm quyền chuyên chế và đàn áp người bất đồng chính kiến của Trung Quốc. Mặt khác, rõ ràng bà bị mê hoặc bởi sự năng động và dẻo dai của Trung Quốc. Dẫu nói ra thì thừa, nhưng trong quan hệ Đức-Trung Quốc, xuất nhập khẩu, tiền bạc và thương mại đóng một vai trò nổi bật. Chủ nghĩa lý tưởng đối đầu chủ nghĩa thực tế - như những vị tiền nhiệm của Merkel là Gerhard Schröder và Helmut Kohl đã thấu hiểu: lối tiếp cận khôn ngoan nhất là tạo ra sự cân bằng, tránh nịnh bợ, trung thành với giá trị con người và sức mạnh luật pháp trong những giới hạn nhất định. Nhưng những giới hạn này chính xác là gì?
Với Merkel, Trung Quốc là một quá trình học hỏi. Năm 2007, năm thứ hai của liên minh CDU-SPD, bà tiếp đón Đạt Lai Lạt Ma tại văn phòng thủ tướng và tạo ra cú bất đồng đầu tiên xung quanh chính sách ngoại giao trong chính phủ cũng như làm phật lòng Bắc Kinh. Một trong những nỗi lo chính của nhà cầm quyền Trung Quốc là sự tan rã của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Merkel ủng hộ độc lập cho Tây Tạng hay bà chỉ đơn giản muốn củng cố quyền lợi của các dân tộc thiểu số và phản đối áp bức? Bà chưa bao giờ trả lời câu hỏi này, nhưng bà đã tiếp đón Đạt Lai Lạt Ma. Ngoại trưởng Frank - Walter Steinmeier và bộ của ông đã tư vấn mạnh mẽ cho bà đừng làm thế. Có hai lĩnh vực đặc biệt khó xử: một là địa điểm, văn phòng thủ tướng, vốn đem lại cho chuyến thăm một địa vị chính trị cấp cao và một danh phận chính thức. Lĩnh vực còn lại là hoàn cảnh mà công luận biết về chuyến thăm: Merkel đã không nhắc đến nó trong buổi gặp gỡ không nghi thức cùng Ôn Gia Bảo trước đó chỉ vài tuần. Người Trung Quốc cảm thấy bà đã lừa gạt họ. Giới ngoại giao thì đứng ngồi không yên.
Trung Quốc đã phản ứng giận dữ và nhanh chóng: những cuộc gặp bị hủy, những buổi thảo luận về quy tắc luật pháp bị hoãn. Nước Đức cảm nhận trọn vẹn sức nặng từ cơn thịnh nộ của Trung Quốc. Steinmeier phải xoa dịu những tâm hồn bị tổn thương bằng một nỗ lực nối lại tình hữu nghị đầy tinh vi, và gửi một lá thư xin lỗi trong đó Đức công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc - một sự khúm núm đến giờ vẫn bị xem như quá mức cần thiết trong văn phòng của nữ thủ tướng, người giữ ý kiến cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng một bất đồng liên minh nội bộ dựa trên sự kiện này. Tất nhiên đây không phải quan điểm trong bộ ngoại giao của Steinmeier, miêu tả hành động của nữ thủ tướng là vụng về. Dù con lắc nghiêng về hướng đạo đức hay chính sách thực dụng, câu chuyện đã cho thấy Đức cần phải cân nhắc việc sử dụng sức mạnh với Trung Quốc một cách thật kỹ lưỡng. Kể từ đó, nữ thủ tướng luôn nhớ kỹ kiến thức thực tế này. Đến hiện tại chưa xảy ra thêm một sự việc Đạt Lai Lạt Ma tương tự nào khác, nhưng có thể chỉ là do bà chưa yêu cầu có thêm một cuộc gặp gỡ nào nữa, mặc dù văn phòng thủ tướng vẫn duy trì liên lạc với đại diện của vị thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng.
Mỗi khi Merkel đi nước ngoài, thông tin của bà đều đến từ hai nguồn. Các chuyên gia từ Cơ quan tình báo liên bang trình bày những phát hiện của họ cho các tư vấn viên tùy theo lĩnh vực tại văn phòng của bà. Tài liệu vắn tắt sau đó sẽ được trình cho nữ thủ tướng. Quy trình này được lặp lại bởi các chuyên gia từ Viện sự vụ an ninh và quốc tế, “vựa tư duy” (think-tank) chính về chính sách đối ngoại ở Berlin và được chính phủ cấp tiền. Hai quá trình thu thập thông tin này diễn ra độc lập với nhau, và cả hai cơ quan đều yêu cầu bảo mật. Cơ quan tình báo đặc biệt thích giữ bí mật. Mỗi khi có một chuyến thăm đến Trung Quốc, vấn đề nhân quyền lại được nêu lên, và lại xuất hiện các danh sách về những vụ việc liên quan đến người bất đồng chính kiến bị bắt giam hoặc đối mặt với án tử hình. Làm việc bên lề những cuộc hội thảo, cố vấn của Merkel về nhân quyền, Christoph Heusgen luôn trình bày một danh sách các trường hợp vi phạm nhân quyền, còn các thành viên chính phủ làm việc với những trường hợp này thì được yêu cầu thẩm tra thêm về số phận của từng cá nhân bất đồng chính kiến.
Phê phán Trung Quốc và việc vi phạm nhân quyền của nước này đã trở nên hơi giống một màn trình diễn - và chính quyền Bắc Kinh cũng xem nó y như thế, mặc dù đã có vài dấu hiệu cải thiện nhỏ. Chẳng hạn, ngay trước khi rời nhiệm sở, Ôn Gia Bảo muốn có một cuộc nói chuyện Đức-Trung cuối cùng, rõ ràng ông rất thích những buổi gặp Cấp bộ trưởng được tổ chức dưới thời của Merkel vốn ngày càng trở nên phổ biến như một hình thức ngoại giao. Ôn Gia Bảo rõ ràng là muốn biến hình thức giao tiếp này trở thành lâu dài trước khi người kế nhiệm lên thay. Nên ông yêu cầu cuộc gặp mặt được tổ chức sớm hơn, vào mùa hè năm 2012. Văn phòng nữ thủ tướng đồng ý với một điều kiện: phải nối lại những cuộc thảo luận về nhân quyền, vốn bị ngưng trệ sau một đợt phản đối của Trung Quốc.
Thế là cuộc trò chuyện về nhân quyền và tự do đã được nối lại, nhưng kết quả ra sao? Liệu chúng vẫn chỉ là một màn diễn? Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn người tham dự sự kiện và cẩn thận ghi lại những buổi gặp mặt. Ngay cả những cuộc nói chuyện bao gồm những phái đoán chính trị kém quan trọng hơn từ Đức cũng bị kiểm tra gắt gao. Christoph Heusgen liên tục thất bại trong những nỗ lực duy trì liên hệ cá nhân với những người đồng cấp của ông trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Đúng là người ta đã trao đổi số điện thoại di động cho nhau, đã có những sự trấn an lẫn nhau về hợp tác thẳng thắn và gần gũi, nhưng rồi đầu mối liên lạc bỗng dưng bị cắt đứt. Rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa là những trở ngại lớn, còn nhà cầm quyền Trung Quốc thì không thích những mối quan hệ cá nhân được thiết lập mà không có giám sát, và nếu đây là những mối quan hệ cá nhân bí mật thì đương nhiên không được phép. Nên không ai dám trả lời dù họ có nhận được cuộc gọi điện thoại.
Dần dần, người ta càng ngạc nhiên hơn khi Merkel ra một quyết định sáng suốt nhằm hợp tác hơn là đối đầu. Quan hệ Đức-Trung diễn ra chủ yếu ở mức độ một bảng cân đối tài sản. Một lượng giao dịch thương mại hai chiều trị giá 144 tỉ euro năm 2011, trong đó xuất khẩu của Đức vào Trung Quốc là 65 tỉ euro, và 5 ngàn doanh nghiệp Đức đang hoạt động ở Trung Quốc: Trung Quốc nhanh chóng trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức bên ngoài EU, và không một quốc gia EU nào có được một mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc như Đức. Hội đồng châu Âu về Quan hệ quốc tế từng cảnh báo về “mối quan hệ đặc biệt” giữa Đức và Trung Quốc. Phụ thuộc về kinh tế sẽ tạo ra áp lực về chính trị. Berlin đang được xem như một hạng mục tách rời so với các nước phương Tây và châu Âu khác. Đức là nước ủng hộ lớn nhất của Trung Quốc đối với công cuộc cải tạo xã hội công nghiệp của quốc gia này từ những dây chuyền sản xuất hàng loạt đơn thuần thành một nước công nghệ cao. Và sự trỗi dậy chóng mặt của Trung Quốc đã không thể thành công mà thiếu vắng trình độ kỹ thuật của Đức. Nhưng ở một điểm nào đó, con lắc vẫn nghiêng về phía bên kia - ngay cả bây giờ phần lớn châu Âu vẫn không có lợi gì đối với thị trường Trung Quốc.
Merkel không bị những chỉ trích làm cho xao động. Bà được dẫn lối bởi niềm tin rằng Trung Quốc sẽ phát triển thần tốc dù có thiếu vắng Đức. Châu Âu sẽ phải vươn đến tiêu chuẩn Trung Quốc nếu khối này muốn trụ vững trước sức ép toàn cầu hóa.
Bà xem bản thân Trung Quốc là một cuộc thí nghiệm kỳ thú: quốc gia này sẽ duy trì chế độ như hiện tại trong bao lâu nữa, khi khao khát thịnh vượng và tự do (của người dân) ngày một tăng? Trong bài phát biểu trước Trường Đảng tại Bắc Kinh vào năm 2010, bà nói sẽ đến một lúc mà mọi quốc gia sẽ xem sự khác biệt là một phần của quyền con người thay vì mối đe dọa. Hai năm sau đó, bà quan sát: “Cuộc đấu tranh giành tự do đang có tiến triển tại Trung Quốc. Nó khiến người ta muốn được tự do. Người dân càng được giáo dục tốt bao nhiêu, càng đủ ăn và phát triển bản thân bao nhiêu, thì câu hỏi đó sẽ càng liên tục được nêu lên bấy nhiêu.”
Lại một lần nữa, ta thấy tinh thần chủ đạo của Merkel đối với sự cạnh tranh giữa những thể chế, năng lực của phương Tây và khả năng thắng thế của nền giá trị phương Tây. Chúng ta hay là họ - tự do của phương Tây hay chủ nghĩa chuyên chế của Trung Quốc. Với Merkel, đó chính là thông điệp thật đằng sau tất cả những chuyến thăm, bảng cân đối tài sản và nghĩa cử hữu nghị…
Nhưng có một rủi ro khổng lồ: chính sách đối ngoại của Trung Quốc có xu hướng công kích hơn là phòng thủ, đặc biệt đối với những láng giềng gần nhất của họ. Trung Quốc đang tái vũ trang: những người theo chủ nghĩa dân tộc và những lưu ý mang tính gây hấn đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những nước châu Á khác - cũng như cho giới đầu tư. Đức quá yếu để thách thức Trung Quốc trong trò chơi địa chính trị - Hoa Kỳ đã đảm nhiệm vai trò này với chính sách “tấn công Thái Bình Dương” của chính quyền Obama, cũng như một chiến lược cân bằng quân sự có mục đích giảm áp lực cho các láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt ở biển Đông. Merkel chào đón chính sách này và xem việc giúp châu Âu mạnh mẽ hơn để tạo ra nền kinh tế đối trọng là nghĩa vụ của Đức. Sẽ đến lúc bà phải quyết định giữa lợi ích Mỹ và lợi ích kinh tế của Đức ở Trung Quốc. Nhưng bà chưa phải đối mặt với lựa chọn này - song thật khó đoán trước cuối cùng thì bà sẽ nghiêng về phía nào.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Cuộc khủng hoảng vĩ đại
Cuộc chiến vì châu Âu của Angela Merkel


Đại học châu Âu (The Colỉege of Europe) ở Bruges mỹ lệ có thể được gọi là trung tâm của chủ nghĩa lý tưởng. Ai tin vào châu Âu và thứ tinh thần hợp nhất châu lục này đều đến đây học tập. Học xá mới trên đường Verversdijk nhìn giống một chiếc bơm ôxy khổng lồ, một khối bê tông khiến liên tưởng đến một tổ ong có mái dốc lợp thủy tinh, liên tục cung cấp không khí sạch cho khối châu Âu. Tinh thần của EU thể hiện ở đây rõ hơn bất cứ nơi nào khác, và đây là nơi Angela Merkel muốn phát biểu đôi điều từng trải cho những người châu Âu trẻ vốn chỉ đang bắt đầu đường đời. Hay có lẽ đơn giản bà chỉ muốn lên tinh thần cho chính mình.
Đó là ngày thứ ba, 2 tháng 11 năm 2010. Vài ngày trước đó, các lãnh đạo EU quyết định rằng mạng lưới an toàn được thiết lập vội vã cho những nước thành viên gặp khó khăn tài chính phải bị dỡ bỏ và tái xây dựng. Người ta cần thứ gì đó mang tính lâu dài. Để làm điều này, những hiệp ước EU phải được điều chỉnh - cơn ác mộng với những ai còn nhớ quá trình khổ ải để biên soạn nội dung cho chúng cùng sự phản kháng trong những cuộc trưng cầu quốc gia. Nhưng phải làm một điều gì đó: châu Âu đang ở trong một trạng thái thảm hại. Suốt khoảng một năm, cơn khủng hoảng tài chính đã tàn phá toàn bộ các nước châu Âu, còn ngân khố của họ thì cạn kiệt do phải cứu các ngân hàng. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Hy Lạp, và vào tháng 11, Ireland rồi đến Bồ Đào Nha cũng yêu cầu được EU giúp đỡ. Đức và Pháp bất đồng xung quanh các giải pháp thoát khỏi thế bế tắc này, và kiểu gì thì người ta cũng khó có thể hiểu được căn nguyên của nó, vốn nguy hại và chưa có giải pháp đã qua kiểm nghiệm nào.
Sáng hôm ấy, Angela Merkel nhận được thứ gì đó trong hòm thư. Một bưu kiện nhỏ: nữ thủ tướng trông thấy trước, và đội an ninh nhanh chóng loại bỏ nó, một quả bom thư được gửi từ Hy Lạp đến địa chỉ của nữ thủ tướng. Những việc thế này hiếm khi xảy ra, và khi xảy ra thì công luận hiếm khi nghe về chúng. Angela Merkel là mục tiêu của thành phần cực đoan Hy Lạp? Sau vài tuần nóng bỏng đầu tiên của cuộc khủng hoảng, điều này không còn là ngạc nhiên lớn. Song tâm trí nữ thủ tướng mãi tập trung vào một thông điệp khác trong cùng ngày hôm đó. Công luận khi đó đang chuẩn bị nghe một giai thoại về Albert Einstein, vốn được Merkel kể một cách hấp dẫn nhất có thể lúc bắt đầu bài phát biểu tại Bruges. Nữ thủ tướng đã đến Bỉ để khai mạc năm thứ 61 của ngôi trường. Mỗi đợt nhận sinh viên đều mang tên một người đỡ đầu, và năm nay đó là bậc thầy ngành vật lý Albert Einstein, một lựa chọn khiến Angela Merkel, vốn cũng học vật lý, đặc biệt vui lòng.
Merkel bảo các sinh viên nghĩ về cuối thế kỷ 19. Bà nhắc họ nhớ về Marie Curie, Niels Bohr và Albert Einstein. Rồi bà nói ngay cả một nhà khoa học vĩ đại như Einstein cũng gặp khó khăn trong việc thấu hiểu “một thế giới lớn lao khác, thế giới của cơ học lượng tử, ngay cả khi rất nhiều khía cạnh quan trọng trong hai lĩnh vực này liên quan gần gũi đến nhau.” Các sinh viên có lẽ cười và nghĩ: đây là lý do họ chọn học khoa học xã hội thay vì vật lý, do linh cảm rằng họ sẽ không bao giờ thấu hiểu mối liên hệ giữa khoa học xã hội và cơ học lượng tử. Merkel hiểu về môn này, song bà đang cố gắng làm rõ một điểm khác: trường hợp của Einstein, bà nói, cho thấy việc rời khỏi một khái niệm quen thuộc để chấp nhận một khái niệm mới, có được nhờ những phát kiến khoa học thì khó khăn đến nhường nào. “Nó phơi bày những hạn chế của chúng ta - những hạn chế trong chính kiến thức của chúng ta và của một giai đoạn nhất định.”
Merkel chưa chuẩn bị để chấp nhận những hạn chế đối với kiến thức của riêng bà. Bà muốn hiểu biết, muốn thử thách những giới hạn của bản thân, bên trong cuộc khủng hoảng đồng euro và trong mọi điều khác. Sự kiện này đã đặt bà vào thế đối mặt với những hạn chế của bà, nên vào ngày 2 tháng 11 hôm đó, Merkel đang chơi bài câu giờ. Thời gian luôn hữu ích khi bạn cảm thấy đã đi xa hết mức có thể. Và khi bà đang phát biểu tại Đại học châu Âu, Merkel thể hiện lòng tự tin của bà rằng đến một lúc nào đó mọi rào cản sẽ bị đốn ngã, bị phá vỡ bởi những “đầu óc vĩ đại”. “Nếu bạn tư duy, hành động và khai phá trong không gian mới đó, mọi thứ bỗng trở nên đơn giản, bạn không hiểu nó từng là cuốn sách bị niêm kín đối với các thế hệ trước.”
Đó là Merkel đang phát biểu với tư cách một nhà khoa học tự nhiên đang muốn làm rõ luận điểm rằng bà có thể giải quyết các vấn đề bà đối mặt bằng những “phát kiến khoa học.” Bà hy vọng sẽ tiến vào được một không gian mới, nơi vật chất có thể được nhìn thấy một cách rõ ràng và đơn giản. Cuộc khủng hoảng chưa có vẻ gì giống thế, mà - như bà nói trong một dịp khác - giống như khi ta ở trong một căn phòng tối, tối đến mức bạn không thể nhìn rõ tay mình ngay trước mặt và phải mò mẫm đường đi. Chỉ cần sảy một bước, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy lối ra.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Con đường đến châu Âu

Lúc mới bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình, con đường của Angela Merkel đến châu Âu trải đầy thận trọng: bà lần dò từng bước một. Trong những ngày cuối cùng của Đông Đức, với tư cách là phát ngôn viên của chính phủ de Maizière, bà phát hiện Cộng đồng kinh tế châu Âu vận hành tàn nhẫn ra sao. Khi đồng Mark của Tây Đức được mang vào Đông Đức cũ với tỷ giá 2:1, tất cả tiền của Tây Đức cũng không thể cứu được nền nông nghiệp điêu tàn của Đông Đức. Qua một đêm, hàng hóa không tiêu thụ được, nông dân đốt trụi cây trồng, như thể toàn bộ một ngành kinh tế đã bị loại bỏ. Thực phẩm Tây Đức tràn vào Đông Đức, tất cả sản phẩm của một thị trường được trợ giá cao độ. Khi đó, trợ giá là một trong những đặc trưng của Cộng đồng kinh tế châu Âu.
Merkel không sinh ra đã là người của Liên minh châu Âu. Gần như mỗi lần có cơ hội, bà lại nhấn mạnh rằng trong suốt 35 năm, bà đã nhìn châu Âu từ bên ngoài. Như mọi người Trung Âu khác, nhãn quan về phương Tây của bà được định hình bởi những nước nói tiếng Anh. Đây có thể là ảnh hưởng đến từ mẹ bà, vốn dạy tiếng Anh, cũng như sự quyến rũ mà nước Mỹ thể hiện trước mắt bà. Ảnh hưởng châu Âu cổ điển đối với những chính trị gia thuộc đảng CDU từ miền tây nam nước Đức như Helmut Kohl và Wolfgang Schäuble không có tác dụng với bà. Họ là những học trò của Adenauer, người xem sự hòa giải Đức-Pháp là nền tảng cho sự thống nhất châu Âu. Helmut Kohl không ngừng kể câu chuyện rằng họ, khi còn là sinh viên, đã phá đổ hàng rào biên giới ngăn giữa Palatinate và Lorraine ra làm sao. Từ đỉnh thị trấn quê nhà Gengenbach ở Baden - Württemberg, Wolfgang Schäuble có thể phóng tầm mắt nhìn đến Pháp. Angela Merkel là người xa lạ trước não trạng ám-ảnh-bởi-hàng rào này. Bà học về khối châu Âu một phần nhờ những cuộc trao đổi kéo dài cùng những đồng nghiệp đã giải thích tình trạng Tây Đức dạng này với bà.
Pháp để lại ấn tượng cho bà là một đất nước châu Âu đặc biệt. Bà từng học tiếng Pháp trong một thời gian ngắn tại trường học ở Đông Đức, song giáo viên của bà cưới một người Canada, đăng ký visa xuất cảnh và không quay trở lại. Merkel đã không thăm Pháp hay du ngoạn đất nước này mãi đến vài năm đầu sau khi nước Đức thống nhất. Bà du lịch vùng Provence, và thông qua Kohl quen được Joseph Rovan, phóng viên kiêm sử gia người Pháp gốc Đức-Do Thái, từng là một trong những vị cha đỡ đầu của sự hòa giải Pháp-Đức. Bà kết bạn với nhà khoa học chính trị Henri Ménudier, người dẫn bà cùng chồng Joachim Sauer một vòng quanh Normandy. Từng là Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Thanh niên, bà nếm mùi hung hăng từ một enarque - sinh viên của một đại học hàng đầu của Pháp: Trường hành chính quốc gia (École Nationale d’Administration). Người đồng cấp của bà trong nội các Pháp là một cựu sinh viên trường này, và ông thể hiện thái độ thiếu quan tâm đến nữ bộ trưởng của Đức một cách khó rõ ràng khi để nhân viên nói chuyện với bà trong khi ông ngồi đọc hồ sơ. Nên Merkel cũng đọc hồ sơ và để cho cán bộ của mình nói chuyện với bên kia.
Khi làm Bộ trưởng Môi trường, bà sống qua ngày hoàng kim của nhóm nghiên cứu không chính thức gồm các bộ trưởng, đến những nơi đẹp nhất ở châu Âu trong vài ngày - một sự xa hoa khó tưởng tượng vào ngày hôm nay. Một đồng nghiệp Ireland mang một nhóm trong đoàn đến các quán bar ở Dublin để nghe nhạc banjo, và ngày hôm sau thì họ ăn tôm hùm bên bờ biển. Ở Camargue, các bộ trưởng cưỡi ngựa còn ở Tây Ban Nha họ uống rượu sherry từ những thùng lớn - tất cả dưới danh nghĩa nghiên cứu văn hóa dân gian châu Âu.
Tuy nhiên, khi Merkel lần đầu đến Brussels để dự cuộc họp của Hội đồng châu Âu với tư cách lãnh đạo chính quyền Đức, bà được xem như một tờ giấy trắng - mặc dù với tư cách chủ tịch đảng CDU, bà đã thúc đẩy việc bổ nhiệm Barroso, người theo phái bảo thủ Bồ Đào Nha, làm Chủ tịch ủy ban châu Âu. Ngoài ra, bà còn “mang tiếng” là một tín đồ văn hóa Anh với rất ít kinh nghiệm về chính trị. Danh tiếng này thay đổi vào khoảng 3 giờ sáng ngày 20 tháng 12 năm 2005. Trong hội nghị kéo dài qua đêm đầu tiên của mình, Merkel đàm phán về ngân sách châu Âu mới (hay dự báo tài chính theo thuật ngữ EU) cho đến năm 2013. Bà là người chuẩn bị kỹ lưỡng nhất trong số các nguyên thủ có mặt, nói chuyện trực tiếp với từng người, và là người duy nhất hoàn toàn quyết tâm môi giới cho được một thỏa thuận. Cuối cùng, phương án của Merkel thắng thế những đề xuất của Blair, Chirac và Kaczyhski: bà dùng dữ kiện để đẩy đối thủ vào chân tường, đập tan hết phản bác này đến phản bác khác bằng lập luận mạnh mẽ, từ đó buộc mọi người vào thế phải ký vào thỏa thuận - không còn lựa chọn nào khác. Bà giành được sự kính trọng lớn lao vào đêm đó.
Hành động phi thường thứ hai của bà đến sau đó hai năm, khi Đức làm chủ tịch Hội đồng châu Âu lẫn khối G8. Khi đó, Merkel đã được công nhận là một nữ nguyên thủ: bà đem lại cho nước Đức sự hiện diện nhiều hơn trên sân khấu thế giới, và đã chứng minh tại Trung Đông rằng bà có thể giữ lợi thế ngay cả trong ván cờ ngoại giao khó khăn nhất. Song chức Chủ tịch Hội đồng là nhiệm vụ nan giải hơn nhiều. Châu Âu đang lạc lối. Hiệp ước Hiến pháp (The Constitutional Treaty), ký bởi các nguyên thủ trong một buổi lễ trang trọng phía trước phông nền trang trí hình cột hào nhoáng tại Rome năm 2004 là một thất bại chấn động. Bị phủ quyết bởi dân Pháp lẫn Hà Lan, hiệp ước không có giá trị pháp lý, nên người ta nhanh chóng cần đến một thứ khác. EU, vốn vừa được mở rộng khi có thêm mười nước Trung và Đông Âu, không đủ khả năng hành động. Mọi niềm hy vọng được đặt vào Merkel, người giữ chức Chủ tịch Hội đồng vào ngày 1 tháng 1 năm 2007.
Những tháng trước khi đến điều này, văn phòng nữ thủ tướng ngập trong việc. Nhóm châu Âu của Merkel - Thomas de Maiziere, khi đó là chánh văn phòng, thư ký riêng Beate Baumann, phát ngôn viên uli Wilhem, Uwe Corsepius, rồi trưởng Bộ phận châu Âu và cố vấn đối ngoại Christoph Heusgen - đã trình bày một bản phân tích toàn diện về các vấn đề của bản hiệp ước, một bản nháp văn kiện hiến pháp và, quan trọng nhất, của những đối thủ chính có tham gia. Merkel thích khám phá liệu những đồng nghiệp tại Hội đồng châu Âu của bà đứng ở đâu đối với chính trị đối nội. Bà hoạch định một chương trình cho sáu tháng đàm phán, mặc dù bà hiểu rõ rằng có thể sẽ không đạt được một giải pháp trước khi phiên chủ tịch của Đức kết thúc. Những vấn đề như thế thường không được giải quyết cho đến phút cuối cùng.
Khi Merkel bắt đầu nhiệm vụ vào đầu tháng 1 năm đó, bà làm việc theo một lịch trình chặt chẽ gồm những ai bà sẽ thăm, làm việc cùng và khi nào. Về sau một trong những cố vấn của bà cho biết nữ thủ tướng liệt kê các vấn đề như một cuốn tiểu thuyết “với 17 âm mưu phụ phải giải quyết dần”. Giải quyết vấn đề là ý tưởng xử lý chính trị của Merkel. Bà nhận diện một chủ đề, đặt nó vào thế giới ý tưởng của bà, chia thành nhiều vấn đề nhỏ, rồi giải quyết chúng. Nên bà đã lập một danh sách những nước và cá nhân chủ chốt trong vấn đề hiến pháp, một ma trận thể hiện những cố vấn viên và diễn viên chính trị quan trọng nhất. Merkel muốn biết nếu cố vấn X của tổng thống Pháp phản ứng tiêu cực với một vấn đề đưa ra, thì điều có có ý nghĩa gì, và liệu việc nghiên cứu phản ứng này với sự giúp đỡ của một cố vấn từ một nước thế giới thứ ba có tác dụng hay không. Chương trình tiên liệu những thảo luận cá nhân, rồi đến những cuộc họp của từng nhóm nhỏ trong những phiên hội thảo cuối tuần tại Schloss Meseberg, khu nhà khách của chính phủ Đức. Bà đi từ phòng này sang phòng khác như quản lý của một ký túc xá, và khi hội nghị Brussels đến gần, bà là người duy nhất biết rõ từng lãnh đạo châu Âu có thể chịu “đau” đến mức nào.
Song bà đã không tính đến sự chống đối của Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski, cùng với thủ tướng nước này (cũng là anh em song sinh) Jaroslaw đằng sau hậu trường, liên tục đưa ra yêu sách về số phiếu bầu khác nhau dành cho mỗi nước. Ba Lan muốn hệ thống phổ thông đầu phiếu đối với những quyết định của đa số phải được điều chỉnh lại dựa vào một “công thức căn bình phương”, điều khiến các nhà lãnh đạo khác tròn mắt vì khó chịu. Lech Kaczyhski cứ liên tục rời phòng họp để nghe hướng dẫn từ người anh em song sinh của mình ở Warsaw. Hai nguyên thủ Ba Lan khẳng định cuộc đàm phán là vấn đề mang tính sống chết - và khiến ai nấy đều than vãn trước một tuyên bố cường điệu quá mức như vậy. Merkel đang mãi điều phối và chèo lái những cuộc thảo luận theo kết quả bà đã hoạch định. Và khi Ba Lan vẫn từ chối bỏ phiếu thuận, bà thẳng thừng bỏ ra khỏi vòng đàm phán đó. Bà không chịu nhiều rủi ro - bà biết mình có thể dựa vào những người còn lại. Ngay cả trước khi có kết qủa - về sau được biết đến dưới tên gọi Hiệp ước Lisbon, tờ Die Zeit đã ca ngợi kỹ năng đàm phán của Merkel: “Nữ thủ tướng đã nắm bắt lược các bộ phận cấu thành của chính trị hậu hiện đại, và cùng với nó là bản chất của châu Âu, vì trong khối EU, tiến bộ chỉ có thể đạt được bằng những biện pháp đối thoại hiện có.” Merkel và bản chất của châu Âu - hai điều vốn chưa từng được xem như một thực thể duy nhất - đã bất ngờ xích lại gần nhau.
Merkel đã làm việc cật lực cho ý niệm về châu Âu của bà, vốn thường dựa trên lý tính: vì ý tưởng này của bà là một quan niệm mang tính duy lý. Và vì thế Merkel thường xuyên truyền tải thành quả những nỗ lực trí tuệ của bà thông qua những bài phát biểu (bà thích phát biểu trước quốc hội hơn cả), đôi khi tại một sự kiện ăn mừng. Đã hai lần bà truyền tải ý niệm này cho khối EU bằng văn bản trong năm nhậm chức của bà vào năm 2007. Một lần khác, bà canh cho bài phát biểu của mình trùng với dịp kỷ niệm 15 năm ký kết Hiệp ước Roma. Theo lịch, sự kiện sẽ trùng với dịp Đức nhậm chức chủ tịch EU, nên Merkel đã tổ chức một lễ ăn mừng tại Berlin vào tháng 3 năm 2007. Cũng trong dịp này, bà nhắc lại quan điểm chủ đạo về sức mạnh của tự do: “Nếu chúng ta găm những hy vọng của mình vào sức mạnh của tự do, thì chúng ta đang găm những hy vọng này vào nhân loại. Nhân loại nằm ở tâm điểm,” bà nói thêm. “Sự đình trệ đồng nghĩa với thất bại. Phải mất nhiều thập kỷ để xây dựng niềm tin, song hy vọng thì có thể bị phá đổ chỉ sau một đêm” - như mọi thứ đã xảy ra sau đó vài năm.
Ở Berlin, thế giới chính trị vẫn nằm trong trật tự. Merkel là ngôi sao mới trên bầu trời chính sách đối ngoại. Giới truyền thông tung hô bà là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới. Bà đã đạt được một lời hứa về vấn đề biến đổi khí hậu từ những nhà lãnh đạo châu Âu, và cả tổng thống Mỹ sau đó không lâu. Và giờ đây, vào dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập EU, bà đã trình bày một chủ đề vốn sẽ được lặp đi lặp lại trong những bài phát biểu của bà, trước sự tán thành lẫn phản đối của lục địa này. “Chúng ta may mắn được là thành viên của một Liên minh châu Âu thống nhất.” Đây là một tuyên bố nặng ký: nó sở hữu một nội dung vừa không tránh khỏi vừa gần như mang tính định mệnh, như thể có một quyền năng tối thượng buộc châu Âu phải thống nhất. Không những thế, bà còn chơi chữ với sự song nghĩa của từ tiếng Đức Glück - nghĩa là vận may hoặc ăn may - và Merkel biết làm thế sẽ tạo ra ấn tượng tốt. Văn phòng thủ tướng đã chọn mẫu câu này với một ngụ ý chỉ đến những quyền được khắc ghi trong bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ - quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc (Glück).
Một bài phát biểu khác của bà trong cùng giai đoạn đó, vốn truyền tải một tuyên ngôn về nguyên tắc thì không thu hút nhiều chú ý lắm. Merkel đọc bài phát biểu vào ngày 17 tháng 1 năm 2007 tại Strasbourg, một ngày mùa đông ảm đạm như điềm báo cho một điều không may. Mưa trút nước, gió gào thét, chương trình dự báo thời tiết nói về một cơn bão cả thế kỷ mới có một lần: vùng áp thấp kinh hoàng mang tên Kyrill ở châu Âu đang đến gần. Cơn bão sẽ ập vào Đức ngày hôm sau, mang đến chết chóc và tàn phá. Có lẽ đây là lý do tại sao không ai chú ý nhiều đến nữ thủ tướng khi bà trình bày trước Nghị viện châu Âu về những điều bà đang mong chờ.
Việc một nhà lãnh đạo chính phủ ghé thăm Strasbourg, trụ sở của Nghị viện châu Âu vào đầu nhiệm kỳ chủ tịch châu Âu của họ là lẽ thường tình - một nghĩa vụ chán ngắt với hầu hết nhà lãnh đạo chính phủ nào. Nghị viện (châu Âu) là mắt xích yếu nhất trong cơ cấu quyền lực chầu Âu. Nicolas Sarkozy thể hiện sự thiếu tôn trọng của ông đối với nó - dù kín đáo - bằng cách sửa lại sảnh đường dành cho các phiên họp toàn thể. Vị chủ tịch Hội đồng châu Âu thường ngồi trên chiếc ghế trong phòng thính giả trước khi được mời lên bục phát biểu của diễn giả. Như mọi chiếc ghế khác trong sảnh đường, chiếc ghế này cũng được đánh số: số 2. Không vị tổng thống Pháp nào chấp nhận điều này. Theo quan điểm của Sarkozy, tổng thống Pháp không thể đứng vị trí thứ hai sau bất cứ ai. Và thế là ông cho xóa số 2 trước khi tiến vào sảnh.
Trong thế giới của Angela Merkel, số ghế không quan trọng. Với bà, những nghị viện có tính xác đáng lớn lao hơn nhiều, và quốc hội Đức luôn nằm ở vị trí trung tâm trong dấu ấn dân chủ của bà. Bà cũng thấy mình có nghĩa vụ với Nghị viện châu Âu lúc bà đang chuẩn bị phát biểu bài tuyên ngôn về niềm tin châu Âu tại Strasbourg. Đó là một bài phát biểu hùng hồn, và rõ ràng là bài phát biểu quan trọng nhất về châu Âu của bà trước cuộc khủng hoảng. Nữ thủ tướng đã tốn khá nhiều thời gian cho nó. Vài tuần trước khi nhiệm kỳ chủ tịch bắt đầu, người ta đã bàn luận về thông điệp cơ bản sẽ gửi đi. Merkel nhóm họp êkíp thân cận của bà cùng hai cố vấn bên ngoài quanh bữa tối diễn ra trong văn phòng nữ thủ tướng trên tầng tám của dinh thủ tướng. Những người có nhiều điều để nói nhất là Wilhelm và Corsepius, cố vấn về châu Âu: Làm sao họ có thể chiếm được trái tim và khối óc châu Âu? Cần phải có một thông điệp khác vượt khỏi những vấn đề “cơm áo gạo tiền” truyền thống, như cách bộ sậu của bà nói về những cuộc tranh luận liên miên trong cương lĩnh chính trị. Nên những cuộc thảo luận tập trung vào các chủ đề kinh điển như tính đa dạng, sự tôn trọng lẫn nhau, chiến tranh và hòa bình - cho đến khi có ai đó nhắc đến “lòng khoan dung”. Ngày hôm nay, họ vẫn nói về “bài phát biểu về lòng khoan dung” trong văn phòng của nữ thủ tướng, như thể mọi người đều biết họ đang nói về điều gì. Merkel cố tìm câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của châu Âu, vốn cũng là cốt lõi của vấn đề. Điều gì giữ châu Âu gắn kết lại với nhau? Châu Âu có công dụng gì? Làm sao người ta có thể thật sự cảm nhận được châu Âu?
Câu trả lời của bà là một bộ ba giá trị: Tính đa dạng, tự do, lòng khoan dung. “Người ta kiến tạo nên châu Âu với diện tích nhỏ, và còn chia nó ra làm nhiều mảnh, nên trái tim của chúng ta sẽ vui sướng không bởi kích cỡ mà bằng sự đa dạng,” bà nói, trích dẫn câu nói của nhà văn người Czech Karel Capek. Dẫu vậy, trong quan điểm của Merkel, niềm vui trong sự đa dạng vẫn chưa đủ, vì sự đa dạng cần một điều kiện mà nếu thiếu nó thì sự đa dạng không tồn tại được. Merkel làm rõ vấn đề hơn: sự đa dạng sẽ không tồn tại lâu nếu nó không song hành cùng tự do. “Tự do trong tất cả hình thái của nó: tự do phát biểu ý kiến của bạn một cách công khai, tự do tin hoặc không tin, tự do thương mại và kinh doanh, tự do của người nghệ sĩ trong việc định hình tác phẩm của anh ta theo chính những ý tưởng của anh ta.”
Một lần nữa đây lại là tự do của Merkel, thứ tự do mà “châu Âu cần như cần không khí để thở.” Bởi vì “chúng ta sẽ tàn úa nơi tự do bị hạn chế.” Song bà còn đi xa hơn khi nêu lên câu hỏi cốt yếu: Điều gì cho phép con người nhìn ra giá trị trong sự đa dạng, và hành xử một cách có trách nhiệm bằng tự do của họ trong tất cả sự đa dạng đó? Câu trả lời: lòng khoan dung. “Trái tim và tâm hồn của châu Âu nằm ở lòng khoan dung. Châu Âu là châu lục của lòng khoan dung.”
Liệu một vị thủ tướng Đức có được phép nói ra những điều như vậy không? Liệu bà có được phép bàn về khoan dung khi lòng khoan dung của người Đức đã khiến châu Âu phải quỵ gối hết lần này đến lần khác? Đi kèm những lập luận của mình, nữ thủ tướng không còn lựa chọn nào khác: bà phải nói ra điều đó. “Chúng ta đã mất hàng thế kỷ để hiểu ra điều này. Trên con đường dẫn đến lòng khoan dung, chúng ta đã phải sống qua rất nhiều thảm họa. Chúng ta đã ngược đãi và tiêu diệt lẫn nhau. Chúng ta đã tàn phá chính đất nước của mình. [… ] Thời kỳ tồi tệ nhất của thù hận, điêu tàn và hủy diệt đã xảy ra chưa đầy một thế hệ trước. Tất cả đã diễn ra nhân danh dân tộc tôi.” Nếu đây là vấn đề, Merkel nói, trong một lời cảnh báo về việc thể hiện sự ngạo mạn trước người khác dành cho tất cả những ai gặp khó khăn trong việc chấp nhận ý tưởng về lòng khoan dung, thì châu Âu có nghĩa vụ thi hành lòng khoan dung và khích lệ nó ở bất cứ đâu mà đức tính này được tìm thấy. “Chúng ta phải biết ơn rằng tất cả những gì mà người châu Âu chúng ta từng đạt được đều đến từ bản chất xung khắc của chúng ta,” Merkel nói, trích lời của nhà văn Peter Prange, “đến những mâu thuẫn thiên thu trong lòng chúng ta, sự trao đổi bất tận những ý kiến và phản kiến, ý tưởng và phản ý tưởng, luận cứ và phản luận cứ.” Vậy tại sao châu Âu lại không thành công cho được? Câu trả lời của Merkel rất quen thuộc: vì châu Âu đã học được giá trị của lòng khoan dung. Song không lâu sau bài phát biểu của bà, lòng khoan dung đó đã chịu một cuộc sát hạch dữ dội.
Để hiểu Merkel với tư cách một chính trị gia đang đương đầu với khủng hoảng, chúng ta phải nhìn vào một khoảnh khắc trong giai đoạn tiền-khủng hoảng, thời kỳ của những bài phát biểu chính sách và các tuyên xưng đức tin. Châu Âu thường đòi hỏi những nhân vật chính trị của nó liên tục cho ra đời những bài phát biểu như thế. Châu lục này dường như có một cơn khát nhất định dành cho chúng. Ở Brussels, các vựa tư duy (think tank) cung cấp môi trường cho mọi hành vi suy ngẫm sâu sắc. Ở Berlin có hàng loạt bài phát biểu dài kỳ được trình bày tại Đại học Humboldt mang tên “Những bài phát biểu Humboldt”, trong đó những diễn giả khách mời thổ lộ tâm hồn chính trị của họ. “Diễn văn châu Âu” của Berlin, một bài diễn văn nặng tính lý thuyết suông hơn là thời sự về “tình hình của Liên minh (châu Âu)”, thì năm nào cũng có. Rồi đến giải thưởng danh giá Charlemange.
Merkel hay nói về các nguyên tắc. Bà đã đoạt giải Charlemange và đã có Diễn văn châu Âu. Nhưng cũng như mọi chính trị gia hàng đầu khác của châu Âu bà đã không nhìn thấy trước được cuộc khủng hoảng lan tràn toàn châu Âu vào mùa thu năm 2009. Bà đã không phân tích, dù chỉ một lần, một đồng tiền chung thiếu một chính sách kinh tế châu Âu thống nhất có thể gây ra thâm hụt ngân sách. Bà chưa bao giờ xây dựng được một kế hoạch để sửa chữa những khiếm khuyết lớn nhất của châu Âu. Dấu hiệu đầu tiên của một kế hoạch hành động nhằm đối phó khủng hoảng đến trong bài phát biểu Humboldt vào tháng 5 năm 2009, sáu tháng trước khi vụ thâm hụt ngân sách của Hy Lạp bại lộ. Tại đây, bằng tầm nhìn dự báo phi thường, bà chỉ ra rằng chính sách châu Âu cũng tương tự như chính sách đối nội - một năm sau đó, quốc hội Đức đã đương đầu với chính những vấn đề mà châu Âu gặp phải.
Việc liên hệ đến bản hiến pháp (châu Âu) của Merkel cũng quan trọng trong ngữ cảnh này: Cộng hòa Liên bang Đức nói rõ rằng mục tiêu của nước này là “phục vụ sự nghiệp hòa bình thế giới với tư cách thành viên của một châu Âu thống nhất có những quyền lợi bình đẳng” - những ngôn từ này đến từ phần lời tựa của Hiến pháp Đức, và rất quan trọng trong việc đánh giá cuộc khủng hoảng ba năm sau đó, khi Tòa án hiến pháp phải quyết định về tính hợp pháp của việc chuyển giao chủ quyền quốc gia, vì với tất cả những ai ủng hộ châu Âu, việc trích dẫn lời tựa là bằng chứng cho thấy giữa hiến pháp (Đức) và EU không có mâu thuẫn nào. Merkel đã làm rõ điểm này trong một tuyên bố chính trị lớn: “Đức luôn hiểu sự thống nhất của châu Âu như một phần của lợi ích của quốc gia này.” Lại một lần nữa bà nhắc tới lợi ích quốc gia, khái niệm bà thường chỉ đề cập đến khi nói về những mối quan hệ vượt Đại Tây Dương hoặc với Israel.
Có thể hiểu Merkel như người xem châu Âu là lợi ích lớn nhất của nước Đức. Nên bà không thích việc Đức bị nhắc đến như “người phát lương” của châu Âu, do Đức hưởng lợi lớn từ các thị trường quốc tế và nhận được lợi ích chính trị khổng lồ từ sự gắn bó của nước này với EU. Trong bài diễn văn Humboldt của mình, Merkel còn lập luận rằng châu Âu không thể tiếp tục chấp nhận số lượng không giới hạn các thành viên mới. Sự củng cố, tức cải thiện những cơ cấu hiện có, phải được ưu tiên trước sự mở rộng. Củng cố cũng không có nghĩa Brussels thâu tóm thêm nhiều quyền lực bằng cửa sau. “Những nhà nước tự chủ (nation State) là ông chủ của những hiệp ước” là câu nói ưa thích của Merkel trong suốt cuộc khủng hoảng. Những ai đánh giá EU bằng “những tiêu chuẩn của luật hiến pháp”, vốn đang cho Nghị viện châu Âu quyền tạo ra những điều luật mới hoặc chuyển thêm nhiều quyền lực cho Brussels, sẽ chỉ khiến “làm quá tải hệ thống và kích hoạt chuông báo động.”
Merkel đã đặt Nghị viện châu Âu của riêng bà vào trật tự trước khi bản thân châu Âu thử thách bà. Bà vật lộn với hệ thống, vốn là thứ bà muốn mở rộng quyền lực, và vật lộn với sự thiếu kiên nhẫn của các nước thành viên, vốn thích được ở trong một châu Âu di chuyển với vận tốc khác hơn. Thời điểm đó, Merkel ngần ngại thừa nhận một hệ thống như vậy là hợp lý, bởi vì, như bà nói, “chúng ta sẽ loại bỏ những nghị sĩ từ các quốc gia không hợp tác với chúng ta sao? Vậy ai sẽ ra quyết định? Điều này sẽ hủy hiệt toàn bộ kết cấu của Liên minh châu Âu.” Trên thực tế, nữ thủ tướng tỏ ra khá nóng nảy đối với câu hỏi này. “Nên tôi sẽ yêu cầu những ai đề xuất sáng kiến đó phải suy nghĩ lại.” Ba năm sau - ở tận đáy cuộc khủng hoảng - những nguyên tắc của bà không còn quá bất di bất dịch nữa. Merkel đã suy nghĩ lại, và chấp nhận tính khả thi của việc di chuyển với vận tốc khác. Bà đã thận trọng dành cho mình một lối thoát vào năm 2009, khi bà nói: “Có lẽ tôi đã bỏ qua điều gì đó, nhưng tôi không nghĩ thế.”
Còn một điều khác mà bà đã đủ khôn ngoan để làm rõ trước những khán giả trong nước: bà không trình ra bất cứ kế hoạch tài chính nào - ít nhất cũng không trình một cách công khai. Trong bài diễn văn Humboldt của mình nhiều năm trước đó, Joschka Fischer đã đặt ra tiêu chuẩn khi ông nói về hành động cuối cùng. Bà không đóng góp vào cuộc tranh biện về tính chung cuộc, hay trả lời câu hỏi cốt yếu về việc EU sẽ ra sao khi những cơ cấu của nó được hoàn thiện. “Tôi sẽ phải làm các bạn thất vọng, bởi vì tôi nghĩ những mục tiêu dài hạn [… ] đôi khi gây khó khăn cho việc thực hiện bước đi chính trị tiếp theo.” Thông điệp của bà là bất cứ ai nói về tính chung cuộc đều tự tước đoạt sự linh hoạt của người ấy. Là một nhà chiến thuật, Merkel không bị rơi vào cái bẫy đó. Bà thà nghiên cứu từng cái cây đơn lẻ hơn là ngợi ca vẻ đẹp của toàn khu rừng. Chẳng ai ngờ được: một ngày nào đó bạn có thể bị lạc lối trong rừng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Hy Lạp vỡ nợ

Cuộc khủng hoảng thật sự bắt đầu vào ngày 15 tháng 9 năm 2008, với sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers. Trong năm cuối cùng của liên minh CDU-SPD, họ đã vật lộn để ngăn chặn sụp đổ nền kinh tế, và chỉ có vài tuần để ra quyết định về việc đảm bảo cho những quỹ khổng lồ, giải cứu giới ngân hàng và kích thích nền kinh tế. Đến tháng 10 năm 2009, cuộc khủng hoảng chỉ dịch chuyển - sang ngân sách của các nước thành viên châu Âu. Ở mọi nước, nợ quốc gia đều đang tăng, các chính phủ phải ra tay cứu những ngân hàng sắp sụp đổ, từ đó phơi mình trước những rủi ro. Khi chính phủ của Papandreou, chỉ vừa được bầu trong tháng đó, tận dụng sự khởi đầu mới này nhằm sửa đổi bản dự thảo thâm hụt ngân sách của Hy Lạp, không ai lên tiếng phản đối ngay. Người ta đã chờ đợi tin xấu từ Athens: thâm hụt ngân sách chiếm mười hai thay vì sáu phần trăm tổng sản phẩm quốc nội.
Đó là vài tuần trước khi người ta nắm bắt được tính chất quan trọng của thông báo này. 12% GDP đi quá rất xa giới hạn nợ mà EU ấn định, nhưng cũng không có dấu hiệu gì cho thấy nó sẽ được điều chỉnh ra làm sao. Điều này đã có những hiệu ứng tức thì đối với hoạt động tài trợ bằng việc cho vay nợ: giới chủ nợ ở thị trường tài chính tính thêm những món phụ phí khổng lồ lên các khoản vay dành cho Hy Lạp. Đến tháng 12 năm đó, hãng đánh giá tín dụng Fitch là đơn vị đầu tiên đánh tụt chỉ số tín nhiệm của nước này. Việc vay tiền trở nên đặc biệt bất khả thi đối với Hy Lạp.
Một vòng luẩn quẩn đã hình thành, và không ai có thể thoát ra một cách nhanh chóng. Nợ cao, đòi hỏi tín dụng cao, những khoản phụ phí cao trên những khoản vay đắt đỏ - một xâu chuỗi chỉ có thể phá vỡ nếu quốc gia giảm được nợ. Nhưng khi đó, nền kinh tế cần phải tăng trưởng. Để điều này xảy ra, thu nhập từ thuế cần phải tăng mạnh, và để điều này xảy ra nữa, thì những khoản vay lãi suất cao cần phải được giảm lãi suất và việc chi tiêu phải bị cắt giảm. An sinh xã hội, tiền trợ cấp và phí tổn chăm sóc y tế cần phải được giảm thiểu đáng kể. Và để điều này xảy ra, cần phải giảm số lượng công chức và tăng thuế. Mọi nhà kinh tế đều hiểu rõ trọng trách trước mặt Hy Lạp về mặt lý thuyết. Nhưng để thực hiện thì khó vô cùng, còn Hy Lạp và những chính trị gia của họ thì nổi tiếng thiếu khả năng đưa ra quyết định.
Và người ta cũng không thể cách ly Hy Lạp, dù cho những vấn đề của nước này có thể lây lan sang những nước khác. Mọi người đều nhận ra rằng vòng luẩn quẩn này có thể kết thúc nếu chính phủ Hy Lạp tuyên bố vỡ nợ. Hy Lạp sẽ phá sản và không còn khả năng thanh toán nợ. Trong hoàn cảnh không may này, các nước thường vặn đồng hồ về lại số 0 và ban hành một đồng tiền mới hoặc phá giá đồng tiền cũ. Nhưng với Hy Lạp, điều này là bất khả thi, vì mọi giao dịch đều bằng đồng euro - như mọi giao dịch trong 16 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Nếu Hy Lạp được chấp nhận phá sản theo một cách không kiểm soát được, họ sẽ kéo theo vài nước châu Âu khác.
Vấn đề thứ hai là việc các ngân hàng Hy Lạp được liên kết chặt chẽ với những ngân hàng khác ở châu Âu, và các ngân hàng nước ngoài khi đó đang nắm giữ những số lượng lớn các khoản vay vô giá trị của Hy Lạp. Một tuyên bố phá sản đột ngột không chỉ đồng nghĩa với sự sụp đổ của một ngân hàng duy nhất tại Hy Lạp, mà sẽ tạo ra hiệu ứng domino với những hậu quả không thể lường trước, có lẽ sẽ tác động đến Deutsche Bank hoặc Commerzbank ở Đức. Thất bại tài chính sẽ cắt đứt Hy Lạp ra khỏi khu vực kinh tế, các khoản dự trữ đồng euro của Hy Lạp sẽ vượt quá mức giới hạn - và quốc gia này sẽ không còn khả năng thanh toán hàng nhu yếu phẩm và dịch vụ từ nước ngoài. Mọi viễn cảnh tăm tối và ảm đạm đều được tính đến, với làn sóng di cư ồ ạt cùng bạo loạn tại những điểm nóng. Sự việc không được phép lên đến mức này.
Song liệu một lối thoát có kiểm soát có là giải pháp? Liệu một thỏa thuận có thể đạt được về sự ra đi cho Hy Lạp, được giám sát thông qua những thỏa thuận và nhiều tiền mặt? Hy Lạp sẽ phải rời khu vực đồng euro và tung ra một đồng tiền mới - với tất cả rủi ro liên quan đến các ngân hàng và nền kinh tế. Chính phủ của Papandreou nhanh chóng nói rõ rằng họ không quan tâm đến phương án này. Và họ có luật pháp đứng bên cạnh: một quốc gia không thể bị ném ra khỏi Liên minh châu Âu: các bản hiệp ước không cho phép một trạng huống như thế xảy ra. Một cú ly khai sẽ rất đáng sợ và bản thân đồng euro sẽ bị tổn hại đến ngưỡng không thể khắc phục. Đó không phải vấn đề của những nước đủ khả năng thanh toán nợ có khả năng đe dọa Hy Lạp hay không, mà chính những nước đang gặp khủng hoảng, mà về sau bao gồm cả Tây Ban Nha và Ý, khiến câu lạc bộ những nước giàu phải run sợ.
Cốt lõi của cuộc khủng hoảng vẫn chưa thay đổi. Thế tiến thoái lưỡng nan ngày càng rõ nét hơn khi Ireland và Bồ Đào Nha yêu cầu được bao gồm trong kế hoạch cứu trợ, rồi đến Tây Ban Nha lẫn Ý thấy bản thân gặp nguy hiểm. Đến lúc này, người ta thấy rõ rằng vấn đề không chỉ là nợ, mà rằng khu vực đồng euro có một thiếu sót lớn trong cấu trúc của nó, vốn không thể khắc phục bằng cách rót thêm tiền hay tống cổ Hy Lạp. Châu Âu không đơn giản chỉ đang trải qua một cuộc khủng hoảng tiền tệ, mà cộng đồng này, đặc biệt là các nước trong khu vực đồng euro đang bị bủa vây từ ba hướng: có những nước rõ ràng đang nợ quá nhiều, có những chênh lệch khổng lồ về tính cạnh tranh giữa những nước có nền kinh tế năng động và trì trệ, và chưa có một cơ chế chính trị nào được sinh ra để giúp đẩy lùi một thảm họa như chính thảm họa đang đe dọa Hy Lạp.
Chính các thị trường đã bộc lộ ba cơn khủng hoảng này một cách tàn nhẫn. Đâu đâu ở châu Âu cũng vang lên những lời buộc tội lớn tiếng dành cho “thị trường”, cho những quản lý quỹ đầu cơ ẩn danh và cho những con “cá mập” đầu tư kiếm sống trên xương máu những quốc gia nợ nần, đẩy lãi suất lên cao và làm đầy túi của họ bằng cách đặt cược vào tương lai. Phải mất vài năm để cơn thịnh nộ lắng xuống. Phải đến năm 2012, người ta nhận ra rằng thị trường đang hoạt động theo cách hoàn toàn hợp lý. Và rằng thị trường còn bao gồm những quỹ lương hưu của các doanh nghiệp như Siemens và Volkswagen, của những quỹ tiết kiệm và của những người dân bình thường để dành tiền của họ trong những quỹ đầu tư vững chắc như bàn thạch. Những nhà đầu tư này có đáng bị quy tội khi đề xuất dùng tiền của khách hàng để cho những nước có nền kinh tế mạnh khỏe hơn, có tính cạnh tranh cao hơn và có những ngành công nghiệp sinh lời và hiện đại hơn vay mượn?
Không, khu vực đồng euro đã đi sai hướng, một thực tế mà thị trường đã cho thấy vào giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng nợ: khu vực đồng euro có thể là một khu vực tiền tệ, song nó cũng là khu vực của những thế lực cạnh tranh nhau gắt gao. Nếu khối đa dạng này thích thú việc có một chính sách tiền tệ chung nhất, nếu mọi nước đều có thể vay tiền dưới những điều khoản giống nhau bất chấp khác biệt trong năng lực của họ, thế thì có vấn đề. Sự đời dứt khoát không thể vận hành như vậy.
Sau năm 2010, một lợi thế của cuộc khủng hoảng là không chỉ từng đại biểu quốc hội Đức được học khóa ngắn hạn miễn phí về kinh tế và chính sách tiền tệ, mà mọi thành phần trí thức trong xã hội cũng thế. Dẫu thế, suốt một thời gian dài tại Đức, cuộc khủng hoảng trông giống một khái niệm mơ hồ: trong khi 50% số người trẻ thất nghiệp ở Tây Ban Nha và giới chủ bất động sản ở Ireland nhanh chóng đích thân trải nghiệm hiệu ứng của cuộc khủng hoảng tiền tệ, thì người Đức hoặc phải nuốt lấy lời của nữ thủ tướng, hoặc trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau trước bản tin thời sự tối, mà trong đó người Hy Lạp đôi khi bị lạc lối, hoặc những nghị sĩ giận dữ gào lên “Đủ rồi!” và đòi đồng Mark Đức quay trở lại.
Rõ ràng không có một giải pháp giản đơn nào, như nữ thủ tướng nhận ra vào ngày 23 tháng 4 năm 2010, khi chính quyền Hy Lạp đăng ký nhận viện trợ từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Từ giây phút đó trở đi, mọi sự ở châu Âu không còn như trước nữa: tất cả hoạt động hùng biện êm tai của châu Âu đều ngưng lại, và Liên minh châu Âu quay sang đấu đá chính trị nội bộ. Bất cứ ai vẫn tưởng họ đang sống trong Hoa Kỳ của châu Âu đều nhanh chóng vỡ mộng: mỗi quốc gia bỗng dưng biến thành những quốc gia độc lập, một giai đoạn tập trung chính trị không khoan nhượng bắt đầu và lãi suất được phân định bởi những đường biên giới. Châu Âu giờ đây ở trong tình trạng khẩn cấp về chính trị, còn những nhà lãnh đạo của nó đôi lúc bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng hiện hành. Châu lục này chứng kiến sự hồi sinh của định kiến vốn từ lâu tưởng chừng đã chết và bị chôn vùi, và nhận ra rằng cộng đồng của nó được xây trên cát. Vì thậm chí nếu không có chính trị gia nào - đương nhiên không phải Angela Merkel - dám nói lên sự thật, thì cuộc khủng hoảng vẫn có tiềm năng hủy diệt Liên minh châu Âu. Nếu một nước rời khu vực đồng euro, điều đó sẽ chứng tỏ châu Âu không đủ sức theo kịp cuộc đua toàn cầu hóa, rằng nó đang quay trở lại những quốc gia nhỏ cùng nhiều đồng tiền nhỏ, lỗi thời và không có năng lực để đổi mới. Cuộc thí nghiệm lớn nhất thế kỷ, một nỗ lực giảng hòa và xoa dịu một châu lục khét tiếng bất ổn, đang lâm nguy. Bất cứ ai hiểu biết có chút kiến thức lịch sử hẳn đã cảm thấy không yên ổn trong suốt những tháng khủng hoảng đó.
Ban đầu, bản thân Angela Merkel không hiểu rõ phạm vi đầy đủ của cuộc khủng hoảng. Không ai hiểu cả. Ngay cả khi bà đang đọc diễn văn chào mừng sinh viên bước vào năm Einstein ở Bruges vào tháng 11 năm 2010, bà chỉ đang cầu nguyện lấy cảm hứng. Chỉ khi đến giữa năm 2011, bà mới bắt đầu phát biểu một cách chắc chắn về những nguyên nhân và hệ quả của cuộc khủng hoảng. Dẫu vậy, ngay cả lúc đó người ta cũng thấy rõ rằng cuộc khủng hoảng sống nhờ yếu tố bất ngờ, rằng những vấn đề không lường trước đang liên tục xuất hiện. “Lái xe mù” là lối ẩn dụ được dùng nhiều trong văn phòng thủ tướng. Hẳn là rất phiền muộn cho Merkel, người vốn thích làm việc một cách có hệ thống, khi thấy cuộc khủng hoảng không chịu bộc lộ cơ chế hoạt động bên trong của nó. Khi giới chính trị gia châu Âu tìm cách giải quyết vấn đề, họ liên tục bị ngạc nhiên bởi những diễn biến mới và sự kiện mới, những số liệu tồi tệ mới và những cuộc thảo luận gây nản lòng không ngớt. Trong một cơ chế phức tạp cao độ, những chi tiết nhỏ bắt đầu hiển hiện dưới hình hài của các chính sách kinh tế và tiền tệ, những phản ứng tức thì trước khủng hoảng và những kế hoạch dài hạn cho an ninh, chính trị quốc nội và luật hiến pháp. Ngày bầu cử, đơn từ chức, quốc hội, thảo luận - tất cả những điều này đều cần đến thời gian, mà thời gian là món hàng giá trị nhất với tất cả, thứ mà Merkel tiếc nuối một cách chua xót trong cuộc tìm kiếm sự ổn định của bà.
Nếu có một điều mà nữ thủ tướng cảm thấy chắc chắn một cách rất sớm, thì đó là sự thiếu tin tưởng của bà đối với những giải pháp chóng vánh được trình lên bà, do nhiều cố vấn bên ngoài cung cấp. Đó là lý do tại sao bà ngày càng tách mình khỏi họ. Cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2008 đã khiến bà ngạc nhiên, chính quyền (Đức) đã chuẩn bị yếu kém cho cục diện đầy đủ của vấn đề. Có lẽ đã có một nhóm chuyên gia thuộc hàng ngũ của họ có thể giải thích về những khái niệm bán khống, đạo hàm và nghĩa vụ nợ thế chấp. Một buổi tối đã lưu lại trong ký ức các cố vấn của Merkel: Josef Ackermann, khi đó là CEO của Deutsche Bank, giải thích về hệ thống điều chỉnh giá trị cho Merkel bằng những chai rượu vang đỏ đắt tiền. Nếu bạn có 500 chai, mỗi chai giá 500 euro, trong hầm, và bạn bán một trong những chai này với giá chỉ 100 euro, thì giá trị của những chai còn lại cũng phải giảm theo tương ứng.
Merkel cùng nhóm của bà học được bài học từ ví dụ về chai rượu vang. Trưởng cố vấn kinh tế trong văn phòng thủ tướng, Jens Weidmann, đã thành lập một đơn vị đặc biệt để giải cứu các ngân hàng, tuyển dụng nhân viên là những chuyên gia trong thị trường vốn. Bản thân ông từng là chuyên gia đầu ngành về chính sách tiền tệ châu Âu và viết luận án tiến sĩ về chủ đề này. Bất cứ ai mong muốn hiểu được chính sách quản trị khủng hoảng của Merkel trước hết đều cần hiểu về nhà kinh tế học này, sinh năm 1968 và là mẫu đồng nghiệp hợp với lựa chọn của nữ thủ tướng: kín kẽ, chăm làm, rất thông minh. Thomas de Maiziere, vị bộ trưởng trong văn phòng của nữ thủ tướng, đã gọi ông là một tia sáng.
Merkel và Weidmann rất giống nhau: cả hai đều có óc phân tích, cẩn trọng và đa nghi. Nên không ngạc nhiên khi Weidmann nổi đóa vào đầu tháng 5 năm 2010, khi một quỹ được tạo ra gần như chỉ trong mấy ngày cuối tuần, bởi vì Hội đồng châu Âu muốn bơm tiền vào đó, đơn giản nhằm đưa ra tín hiệu rõ ràng đối với yêu cầu được cứu trợ của Hy Lạp. Vào ngày 2 tháng 5, các bộ trưởng tài chính đã thông qua gói cứu trợ 110 tỉ euro, song điều này không làm thị trường ấn tượng. Những suy đoán về Hy Lạp vẫn tiếp tục, nên khu vực đồng euro quyết định thành lập EFSF - Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu, như một hình thức “lưới” an toàn.
Merkel phản đối, nói rằng bà cần thời gian để suy nghĩ về điều này, và vào ngày 8 tháng 5 bà đến Moscow tham dự lễ kỷ niệm 55 năm ngày chấm dứt Thế chiến II. Ngay cả khi ở trên bục trong suốt cuộc diễu hành của những cựu chiến binh, bà liên tục bị tấn công bởi những câu hỏi của người Nga và người Trung Quốc. Vào cuối tuần đó, bà đồng ý thành lập quỹ, nhưng với hai điều kiện: số tiền tùy thuộc vào kết quả và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải tham gia dưới hình thức cơ quan an toàn, bởi vì những điều luật của IMF không thể bị phá vỡ, ngay cả bởi những nước đang nợ nần ở châu Âu. Nước Đức cảm thấy được bảo vệ bởi sự tham gia của IMF. Khi được giăng lên, hệ thống lưới an toàn mang đến khoảng không để “thở” và giúp kéo dài thời gian - thời gian để hiểu rõ cuộc khủng hoảng, để cố gắng đối mặt nó và để làm cho khủng hoảng lắng dịu.
Trong giai đoạn đầu tiên này, Merkel có rất nhiều đối thủ. Ví dụ, tổng thống Pháp được thuyết phục rằng thị trường chỉ bình ổn trở lại khi có sẵn đủ tiền. Trên thực tế, đây cũng là ý kiến của hầu hết nhà kinh tế toàn cầu: họ không thể hiểu được yêu cầu cắt giảm ngân sách của Merkel. Merkel và Sarkozy có một mối quan hệ rõ ràng khó khăn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi Sarkozy đến Berlin lần đầu với tư cách tổng thống - ông được bầu sau khi bà làm thủ tướng Đức được một năm rưỡi, và theo các quy tắc, ông phải đến thăm xã giao bà - ông đã trì hoãn khá lâu trước khi bước ra khỏi xe hơi để tiến vào dinh thủ tướng. Merkel đang đứng chờ ở đầu bên kia của thảm đỏ, song tổng thống Pháp không có ý định làm người chủ động. Ông tưởng Merkel phải tiến đến chào, song bà đã không làm thế. Sau một lúc khó xử, vị khách cũng phải tuân phục.
Merkel và Sarkozy khác nhau một trời một vực. Nên mối quan hệ mà hai người đã tìm cách phát triển sau năm năm càng đáng chú ý hơn. Merkel sẽ nói bà không phải người thay đổi trước - vậy có lẽ chính Sarkozy là người đã đột nhiên trở nên sẵn sàng thỏa hiệp, thấu hiểu hơn và bớt thất thường hơn. Một trong những chuyến thăm đầu tiên của ông đến văn phòng của Merkel được người ta nhớ đến vì việc ngài tổng thống đột nhiên nhổm dậy giữa cuộc nói chuyện để gọi một cuộc điện thoại. Hoặc bài phát biểu ông trình bày tại bữa ăn trưa tại căn hộ ở Paris thuộc về vợ ông, Carla Bruni: giữa một thời điểm nhạy cảm của cuộc khủng hoảng, ông nói với công chúng rằng Đức vẫn đang bận suy nghĩ trong khi Pháp thì đã hành động. Merkel và Sarkozy từng dạo bãi biển cùng nhau, tranh cãi với nhau tại văn phòng của từng người, cãi nhau trước thiên hạ, nhưng Merkel nhận ra một cách thích thú rằng qua nhiều năm, người đồng cấp của mình có vẻ ngày càng bớt ganh đua với bà, như thể bà tạo ra một ảnh hưởng điềm đạm lên ông. Trong những tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng, Sarkozy dùng những bộ trưởng của ông công kích Merkel và quy cho sức mạnh nền kinh tế Đức là một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng, nhưng vào tháng 10 năm 2011 ông bắt đầu sử dụng cẩm nang quản trị khủng hoảng của Merkel, và thậm chí còn chuẩn bị cho người Pháp sẵn sàng tiến hành cắt giảm.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Cuộc chạy đua chống sụp đổ

Liên minh châu Âu phản ứng với cuộc khủng hoảng như một cơ thể đang lên cơn sốt. Vào lúc đó, cơ thể chưa tạo ra miễn dịch để chống lại virus, và không thể biết trước sẽ có bao nhiêu cơn sốt khác sẽ đến trong tương lai. Nhưng ít nhất bác sĩ cũng đã tìm ra cách nhận biết các triệu chứng. Đến bây giờ, người ta đã định nghĩa được ba giai đoạn của cuộc khủng hoảng. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu với yêu cầu được cứu trợ của Hy Lạp vào tháng 4 năm 2010 cùng kế hoạch giải cứu được đồng thuận một cách hấp tấp vốn giúp chặn đứng sự phá sản của nước này vào ban đầu. Hy Lạp là tâm điểm của giai đoạn này, mặc dù Iceland sau đó cũng được săn sóc đặc biệt vào tháng 11 năm 2010, theo sau là Bồ Đào Nha vào tháng 5 năm 2011. Tuy thế, cuộc khủng hoảng tiền mặt có vẻ như là một vấn đề mang tính quốc gia, một hiện tượng có giới hạn về địa lý, và được định nghĩa bởi các đặc tính kinh tế riêng biệt của ba quốc gia độc lập này. Chính vào lúc này, người châu Âu bắt đầu quen với những hãng xếp hạng tín nhiệm chính của Mỹ, vốn giống như Cassandra - nhân vật luôn mang tin xấu - hay bản thân những hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng là nguyên nhân. Dù gì chăng nữa, sự giận dữ cao độ được hướng thẳng vào những hãng này, và người ta lớn tiếng đòi hỏi vấn đề phải được giải quyết một lần cho dứt điểm bằng biện pháp bơm thật nhiều tiền.
Và yêu cầu này nhằm vào Merkel, với tư cách thủ tướng của nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro đang dẫn đường cho những quốc gia khác kém thịnh vượng hơn. Bà luôn phải đối mặt với cùng một yêu cầu: công trái châu Âu có thể giúp ba nước trên thoát khỏi rắc rối. Một gói vay nợ quốc gia đồng nhất, duy nhất cho tất cả mọi người - và nó sẽ khiến cuộc sống trở nên đắt đỏ hơn đôi chút đối với người Đức và dễ thở hơn đôi chút đối với người Hy Lạp, song ít nhất thì nguồn cung tiền từ những thị trường tài chính sẽ được đảm bảo. Lập luận logic rằng những ai dùng chung một đồng tiền cũng cần chung một loại công cụ tài chính. Lập luận đối trọng của Merkel cho rằng đồng tiền có thể chung, nhưng chính sách kinh tế thì không. Công trái châu Âu chỉ hợp lý nếu chính phủ mọi nước đều đặt cọc tiền của họ, cùng vay tiền với lãi suất hợp lý giống nhau và được giám sát theo cùng một cách. Quan trọng hơn cả là tranh cãi xung quanh những hiệp ước: những công trái hoặc khoản nợ như vậy không chỉ bất khả thi mà còn bị ngăn cấm tuyệt đối bởi những hiệp ước châu Âu, trong đó các nước không thể trợ tiền cho nhau. Và ngay cả khi họ muốn làm thế, thì công luận Đức cũng sẽ lên tiếng.
Ở giai đoạn ban đầu, có hai cơ quan trọng yếu đã ủng hộ vị thế của Merkel: Tòa án hiến pháp liên bang và Quốc hội Đức (Bundestag). Merkel có thể cảm nhận được đảng của chính bà đang phả hơi vào gáy mình, một đảng mà trong đó những kẻ thù của đồng euro có thể tạo thành một đám đông giận dữ chỉ trong tích tắc. Không chỉ thế, bản thân sự tồn tại của liên minh cũng đang gặp nguy hiểm, bởi vì FDP cũng đang bị chia rẽ xung quanh chính sách đối phó khủng hoảng của họ. Đảng này thậm chí còn phải tổ chức rút thăm giữa các thành viên để quyết định xem có nên tiếp tục với nỗ lực giải cứu hay không. Rồi đến Tòa án Tối cao tại Karlsruhe, vốn đang quan sát thận trọng vấn đề chủ quyền quốc gia, điều có thể bị tổn hại nếu chính quyền loại bỏ quyền lực của quốc hội Đức đối với vấn đề ngân sách.
Merkel nhanh chóng làm rõ rằng bà sẽ chỉ ngừng phản đối kế hoạch cứu trợ và ủng hộ Hy Lạp dựa trên những điều kiện sau. Yêu cầu trước tiên của bà là những nước nợ phải thi hành toàn diện chính sách cải tổ: họ phải thúc đẩy nền kinh tế di chuyển và trở nên cạnh tranh hơn. Đó là cách duy nhất thoát khỏi bẫy nợ. Yêu cầu thứ hai là bà chỉ có thể ủng hộ về mặt chính trị gói cứu trợ từ Đức nếu tình huống đáng tiếc này sẽ không bao giờ lặp lại lần nữa - tốt hơn cả là thông qua các hiệp ước ràng buộc.
Merkel tìm kiếm một đồng minh có tầm vóc phù hợp cho kế hoạch của bà, và tìm thấy người này ở tổng thống Pháp. Vào tháng 10 năm 2010, bà và Sarkozy đi dạo trên bãi biển Deauville lúc hoàng hôn và đồng ý về những bước cần phải thực hiện tiếp theo. Kế hoạch giải cứu là chưa đủ, họ nói, mà cần phải có một cơ cấu bền vững hơn, một cơ cấu được chống đỡ bằng rất nhiều tiền và một sự xác tín cũng lớn không kém. Thứ hai, sự bảo vệ này chỉ có được khi một hiệp ước ổn định - thứ có thể được miêu tả như một bản hiến pháp soi đường dẫn lối cho châu Âu xử lý tiền của họ - được cải thiện và đính kèm trong các hiệp ước. Tuy nhiên Merkel đã thất bại trong một yêu cầu quan trọng: bà muốn có những sự trừng phạt khắc nghiệt được bao gồm trong danh sách những biện pháp cấm vận dành cho bất cứ nước nào phá vỡ các hiệp ước, mà hiệu quả nhất là tước bỏ quyền phủ quyết. Ở Deauville, Sarkozy đồng ý với bà, nhưng ngay sau đó, hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia đã từ chối thông qua yêu cầu này. Việc thu hồi những quyền dân chủ có lẽ là một bước quá xa.
Điều này, cùng với điều thường được xem như sự thiếu tự tin nơi nữ thủ tướng, đã đem lại cho bà một thanh danh tai quái. Merkel Thatcher của châu Âu, Merkel tân Bismarck, Merkel người giữ kỷ luật của châu Âu. Trong danh sách của tạp chí Forbes về những người quyền lực nhất thế giới năm đó của Forbes, bà trượt xuống hạng tư, và còn phải chia sẻ vị trí này với Giáo hoàng. Trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới, bà bị Michelle Obama đánh bật. Vào thời điểm rốt cuộc các bộ trưởng tài chính cũng đồng ý cải tổ hiệp ước bình ổn và sự thành lập ESM (European Stability Mechanism - Cơ chế bình ổn châu Âu) trở nên có hiệu lực, Merkel có thể xem bà là chính trị gia được thấu hiểu ít nhất và bị ghét nhiều nhất thế giới. Song những điều tệ hơn còn chưa đến.
Giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng là vào mùa hè năm 2011, khi không còn nhiều thời gian để dạo chơi trên bãi biển. Hy Lạp lại một lần nữa ngấp nghé bờ vực mất khả năng thanh toán nợ, các đòi hỏi trút xuống Merkel từ mọi hướng. Đức và Pháp tổ chức một hội nghị đặc biệt ở Brussels vào ngày 21 tháng 7. Đầu tiên các cố vấn gặp ở Paris, rồi Tổng thống Sarkozy bay đến Berlin buổi chiều trước ngày hội nghị. Vào phút chót, lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng được yêu cầu đến dự. Một máy bay chính phủ chở Jean-Claude Trichet từ Frankfurt, và suốt đêm đó người ta tranh cãi gay gắt trong văn phòng của nữ thủ tướng - với tâm điểm trên tất cả quanh câu hỏi liệu những chủ nợ tư nhân có nên được yêu cầu đóng góp vào gói cứu trợ hay không. Sarkozy có rất nhiều băn khoăn.
Một lần nữa quyết định trên đòi hỏi gói cứu trợ hồi tháng 4 năm 2010 phải mở rộng thêm 109 tỉ euro nữa. Giới chủ nợ tư nhân được yêu cầu, hay đúng hơn là bị buộc phải hoán đổi trái phiếu nhà nước (mà họ đang sở hữu) lấy những vật đảm bảo có giá trị kém hơn. Giây phút kịch tính này, vốn là lần đầu tiên giới chủ nợ tư nhân tham gia vào cuộc giải cứu Hy Lạp, có giá của nó: sự hồ nghi tăng dần rồi bỗng vượt quá tầm kiểm soát. Vào tháng 7, lãi suất đối với các khoản cho vay của chính phủ Tây Ban Nha và Ý tăng vọt, còn đến tháng 8, Ngân hàng Trung ương châu Âu bị buộc phải mua lại những khoản cho vay từ hai nước này nhằm làm bình ổn lại thị trường. Đây không còn là vấn đề của từng nước đơn lẻ nữa: một cuộc thảo luận đã diễn ra về tính thống nhất của khu vực đồng euro, cùng cơ sở hợp lý đằng sau đồng tiền chung này. Thông điệp của giới chuyên gia là rất rõ ràng: đồng euro không thể tiếp tục mãi như thế được. Một đồng tiền chung cần một chính sách kinh tế chung. Cuộc khủng hoảng nợ đã trở thành cuộc khủng hoảng của bản thân hệ thống châu Âu.
Ba tháng sau lại có một cuộc khủng hoảng mới. Một lần nữa lại là Hy Lạp, mối nguy hiểm của một cơn sụp đổ nữa, những cuộc thương thảo không dứt về điều kiện cải cách và việc mở rộng hạn mức tín dụng. Giữa tất cả những chỉ trích đó, Merkel vẫn kiên định với nguyên tắc cơ bản của bà: tiền chỉ đổi lấy kết quả. Song càng lúc mọi chuyện ngày càng rõ rằng không phải toàn bộ tiền ở Hy Lạp đã đủ để giữ cho ngọn núi nợ của quốc gia này khỏi sụp xuống. Nên, sau ba vòng thảo luận về tiết kiệm và cải cách, Merkel cũng đồng ý cho phép nợ của Hy Lạp được giảm từ 160 xuống còn 120 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội của họ - một màn trình diễn sức mạnh cần đến hai vòng hội nghị tại Brussels, cách nhau vài ngày, vì Quốc hội Đức cần được tham vấn. Giữa tất cả những hỗn loạn này, Tổng thống Sarkozy đã lỡ dịp chào đời của cô con gái vì ông mải bận tham dự cuộc họp tại Nhà hát Opera Frankfurt.
Merkel bị quấy nhiễu bởi những vấn đề rất khác nhau. Bà không còn tiếp tục trông cậy vào sự ủng hộ của Quốc hội Đức nữa. Ngoài ra, và khó chịu một cách hiển nhiên, Tòa án hiến pháp Đức đã buộc gói cứu trợ cho Hy Lạp phụ thuộc vào những điều kiện ngặt nghèo. Merkel bị cô lập. Trước đám đông ngày một tăng, bà dường như là rào cản duy nhất trước giải pháp dành cho vấn đề nợ của Hy Lạp, bởi bà từ chối thừa nhận rằng việc cứu trợ dựa trên cắt giảm đang bóp nghẹt quốc gia này. Vấn đề nằm ở chỗ không ai có giải pháp nào tốt hơn, không ai có thể phản bác lý lẽ của bà bằng một kế hoạch đáng tin cậy. Ai cũng thừa nhận việc bơm tất cả số tiến đó thì có thể sẽ giúp kéo dài thời gian, song nó sẽ không giải quyết được những vấn đề cơ bản về cải cách và sức cạnh tranh của Hy Lạp.
Phản ứng của người Đức trước cơn thảm họa khá là tự-mâu thuẫn: hai phần ba dân số Đức nghĩ những điều kiện quá khắc nghiệt và cảm thấy tội nghiệp người Hy Lạp. Song cùng lúc đó, phần đông người dân có thể đã rất vui nếu được thấy Athens bị tống khỏi EU ngay lập tức. Merkel gánh vác sức nặng cơn giận của người Đức: tỷ lệ đồng thuận với chính sách giải cứu của bà, thống kê bởi hãng nghiên cứu Wahlen, chưa bao giờ tệ như mùa thu năm 2011. Merkel đáp trả bằng một cơn bùng nổ đầy cảm xúc: “Nếu đồng euro thất bại, cả châu Âu sẽ thất bại theo,” bà nói trong một tuyên bố trước Quốc hội Đức vào ngày 26 tháng 10 năm đó. Với những ngôn từ này, bà lập tức chiếm được sự chú ý của người dân Đức, những người vốn đang không cảm nhận được nỗi đau, và cảnh báo họ trước thực tế rằng đây là bài kiểm tra khắc nghiệt nhất mà Liên minh châu Âu từng đối mặt kể từ khi thành lập. Một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra: liệu châu Âu có thể thất bại không, liệu nữ thủ tướng có đang thổi phồng tình hình? Châu Âu có thể hoạt động tốt mà thiếu đồng euro không? Giữa tất cả những sự huyên náo ấy, không ai nhớ rằng Merkel đã từng có mặt ở đây trước kia rồi, cụ thể là một năm rưỡi trước đó, khi tiến hành bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ đầu tiên cho Hy Lạp vào tháng 5 năm 2010.
Ở thời điểm này, Merkel cảm thấy vô cùng thất vọng với châu Âu “của bà” - một tâm trạng kéo dài đến tận năm 2012. Bà không ngờ sẽ phải đối mặt với nhiều oán hận đến thế dành cho cách làm lý trí của bà đối với cuộc khủng hoảng. Nó làm lòng bà sôi sục khi cứ phải giải thích cho những nguyên thủ quốc gia khác rằng tại sao công trái châu Âu sẽ không chấm dứt được cơn khủng hoảng, mà rất có thể còn làm nó trở nên tồi tệ hơn - bởi vì công trái châu Âu không giúp mọi nước có sức cạnh tranh ngang nhau, có nghĩa cuộc sống của người dân Nam Âu sẽ được hỗ trợ bằng tiền đến từ công sức lao động của người Đức và toàn bộ các nước Bắc Âu. Không xã hội nào chấp nhận điều này. Merkel luôn mang theo các đồ thị bên mình để tăng cường lý lẽ của bà. Bà vẽ những đường cong có màu sáng để minh họa chi phí nhân công hoặc nợ của từng nước châu Âu đơn lẻ. Từ những đường cong này có thể thấy rõ đồng euro đã ổn định ra sao trong vòng 10 năm qua, mặc dù các quốc gia trong khu vực đồng tiền chung euro khác biệt lớn về mức độ nợ và sức mạnh kinh tế.
Merkel thường nhìn cuộc khủng hoảng qua con mắt của người Đông Đức. Bà đã trực tiếp chứng kiến sự sụp đổ của một hệ thống và muốn tránh cho châu Âu một trải nghiệm như vậy. Bà ngày càng tìm thêm được đồng minh là lãnh đạo chính phủ các nước Trung Âu và các nước vùng Baltic, vốn biết rõ rơi xuống vực thẳm là như thế nào và ngày càng khó chịu trước những người Nam Âu - chẳng hạn theo quan điểm của Giáo hoàng - than phiền về một điều kiện sống vốn đã cao. Đến năm 2011, châu Âu đã trở thành một nhóm các nước đấu tranh vì quyền lợi quốc gia, trong khi chỉ có người theo chủ nghĩa lý tưởng mới bận tâm về sự vận hành của cộng đồng.
Merkel đặc biệt cảm thấy bị cô lập tại hội nghị G20 ở Cannes vào đầu tháng 11. Hội nghị EU vào tháng 10 trước đó đã đồng ý cắt giảm nợ cho Hy Lạp, Quỹ bình ổn tài chính châu Âu EFSF đã được tăng lần nữa và các nguyên thủ quốc gia đang thảo luận về một thỏa thuận tài khóa mà họ muốn được thông qua muộn nhất là vào tháng 12 - một tín hiệu chính trị quan trọng, bởi vì một bộ thắng hợp pháp về vấn đề nợ rồi sẽ trở thành một phần trong hiến pháp của tất cả quốc gia thuộc khu vực đồng euro. Merkel gạt bỏ một yêu cầu do tổng thống Pháp đưa ra, vốn muốn cho kế hoạch giải cứu một giấy phép ngân hàng - một nỗ lực tránh bị kiểm soát bởi chính phủ các nước. Nhưng rồi thủ tướng Hy Lạp làm tất cả mọi người (bao gồm chính những đồng nghiệp của ông) ngạc nhiên khi từ chối việc xóa nợ gắn liền với những động thái kinh tế nghiêm khắc hơn. Ông tuyên bố người dân Hy Lạp phải được quyết định. Kết quả rõ như ban ngày: từ chối.
Merkel nổi giận, và Tổng thống Pháp Sarkozy cũng thế. Papandreou sắp hủy hoại tất cả nỗ lực của họ và vứt bỏ đồng tiền chung, chính vào lúc này, nhóm 20 nước công nghiệp và mới công nghiệp hóa gặp gỡ nhau, và Merkel bị sốc khi thấy một kế hoạch huy động còn nhiều tiền hơn thế để giúp những nước đang gặp khủng hoảng đã và đang được thảo luận: Quỹ Tiền tệ Quốc tế làm điều này bằng cách thế chấp những khoản dự trữ vàng của nhiều ngân hàng quốc gia. Nước Đức sững sờ trong kinh ngạc: dự trữ vàng là bất khả xâm phạm, trên thực tế lại gần chúng thôi cũng đã là bất hợp pháp. Merkel bị phơi bày trước chỉ trích đến từ mọi phía, song dù muốn nhượng bộ đến cỡ nào, bà vẫn phải giữ vững lập trường. Không thể có bất cứ sự trưng thu ngoại lệ nào lên Bundesbank (Ngân hàng Trung ương Đức). Nguyên thủ những nước còn lại nổi đóa, các bản tuyên bố được soạn nháp, cân nhắc rồi bác bỏ. Cuối cùng, Tổng thống Obama đã thấu tình đạt lý và kêu gọi ngừng công kích. Trên chuyến bay từ Cannes trở về, Merkel bình thản nói với các phóng viên rằng dẫu vậy, có nhiều việc đã được làm để bảo vệ lập trường của một người trong cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, mùa thu của sự bất mãn này vẫn tạo ra hai chiến thắng: đầu tiên, Sarkozy công khai ủng hộ kế hoạch giải cứu của người Đức. Mối quan hệ Đức-Pháp diễn ra tốt đến mức những thành viên còn lại của EU phải đồng thuận. Chiến thắng thứ hai là hội nghị tháng 12 đã đem lại quyết định thông qua sự phát triển “sản phẩm” mới nhất từ “Ngôi nhà của Merkel”. Đó chính là bản thỏa thuận tài khóa - một cam kết toàn diện để giữ ngân sách các nước luôn ở mức kiểm soát được.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Merkel còn có thể tận hưởng hai thành công thầm lặng khác. Ở Ý, Silvio Berlusconi từ chức: áp lực trở nên quá lớn, và vị thủ tướng không còn có thể thuyết phục chính phủ liên hiệp của ông chấp nhận bất cứ cải cách nào khác. Merkel có thể đã rất hoan hỉ, vì Berlusconi thuộc về nhóm chính trị gia vị kỷ mà bà luôn tránh. Ông đã luôn giả điếc trước những lý lẽ đằng sau kế hoạch giải cứu của bà: những tờ báo của ông cho đăng hết đợt công kích này đến đợt công kích khác về “Triều đại thứ ba của Merkel”, 21 và xuất hiện những cuộc nghe lén điện thoại cho thấy ông dùng những lời lẽ khinh miệt quá sức khiếm nhã dành cho nữ thủ tướng Đức. Với sự đồng thuận của mọi đảng phái chính trị, nhà kỹ trị Mario Monti lên thay thế, và trong vòng bốn tuần đã thay đổi được thái độ của thị trường theo hướng có lợi cho đất nước ông. Trong lúc đó, Tây Ban Nha tổ chức bầu cử và loại bỏ chính phủ của Zapatero, vốn không có thiện chí tiến hành cải cách. Thủ tướng mới (của Tây Ban Nha) là một người theo hướng bảo thủ, Mariano Rajoy, người mà ban đầu Merkel đã đặt nhiều kỳ vọng. Trên tất cả, bảy nước châu Âu đã quy hàng cuộc khủng hoảng - gần một nửa quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung euro đã phải thay lãnh đạo.
21 Chỉ nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba của Angela Merkel.
Nhưng Merkel đã phạm hai sai lầm lớn, mà hệ quả của chúng sẽ được cảm nhận trong vòng sáu tháng tiếp theo. Cùng với Sarkozy, bà ngăn người dân Hy Lạp bỏ phiếu chống lại gói cứu trợ bằng cách đe dọa gián tiếp vị thủ tướng tuyệt vọng Papandreou rằng Hy Lạp sẽ bị tống ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro. Merkel chưa bao giờ thể hiện bản thân rõ đến thế về vấn đề Hy Lạp, và bà cũng không bao giờ làm thế lần nữa. Kết quả là Merkel hứng chịu một vấn đề nội địa khổng lồ dưới hình hài của Hy Lạp. Trong vòng sáu tháng, việc làm tại Athens chững lại, với những chính phủ quá độ cùng hai cuộc bầu cử.
Sai lầm thứ hai nghiêm trọng hơn, vì nó khiến con virus khủng hoảng lan khắp toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu mau hơn trước: Merkel đảm bảo với cộng đồng rằng giới chủ nợ tư nhân sẽ phải đóng vai trò của họ trong việc xóa nợ cho Hy Lạp. Thông điệp đối với giới đầu tư thì rất hiển nhiên: hãy tin tưởng đưa tiền của bạn cho chúng tôi và bạn có thể không lấy lại được. Thị trường tài chính rõ ràng là hiểu và thường ghi nhận các rủi ro. Tuy vậy, đến bây giờ hầu như vẫn chưa có rủi ro nào liên quan đến việc cho các chính phủ vay tiền. Trái phiếu chính phủ phải được đảm bảo bên trong khu vực đồng tiền chung châu Âu hơn bất kỳ nơi nào khác. Nên quyết định liên quan đến giới chủ nợ tư nhân có tác dụng lập tức lên hành vi của giới đầu tư. Bỗng nhiên, không ai muốn mua trái phiếu của chính phủ Ý và Tây Ban Nha cả.
Cuối cùng, một mẩu tin tức dư thừa gây ra quan ngại: Anh và Cộng hòa Czech không muốn trở thành một phần của thỏa thuận tài khóa. Thủ tướng Anh David Cameron bị những đòi hỏi của ông cuốn đi. Những thành viên đảng Bảo thủ trong Hạ viện Anh không bằng lòng thông qua bất cứ hiệp ước châu Âu mới nào. Sự cự tuyệt này có hai hệ quả: thỏa thuận tài khóa không được bao gồm trong những hiệp ước châu Âu hiện hành - điều này chỉ có được khi mọi nước thành viên EU cùng đồng ý. Nên bản thỏa thuận phải được đàm phán riêng rẽ, và phải được ký kết trực tiếp giữa các nước có liên quan. Khi liên quan đến luật pháp quốc tế, đây không còn là chuyện vặt; lý lẽ căn bản đằng sau những hiệp ước châu Âu đang bị bóp méo - và nhiều người còn không nhận ra. Trong văn phòng của nữ thủ tướng đương nhiên có kẻ đã hoan hỉ trước vận rủi của người khác. Bản thân Merkel thích việc Brussels không có thêm bất cứ quyền giám sát mới nào, vốn cũng đồng nghĩa là có thêm nhiều quyền lực.
Merkel có thể trở nên tàn nhẫn khi thi hành chiến lược từng-bước-một của bà. Và bước tiếp theo sẽ là hội nghị vào ngày 31 tháng 1 năm 2012, thời điểm thỏa thuận tài khóa nhận được sự ban phước cuối cùng từ các nguyên thủ quốc gia. Ba tuần sau, gói cứu trợ thứ hai đã lên kế hoạch từ lâu cho Hy Lạp được quyết định, với mức tối đa 130 tỉ euro, và gắn liền với mức xóa nợ của Hy Lạp.
Vậy thế đã xong chưa? Hy Lạp cuối cùng đã có đủ tiền và có chỗ thở để hồi sinh chính mình chưa? Đã có nhiều hy vọng lớn lao, một điều thường thấy sau những nỗ lực vĩ đại như thế. Song giai đoạn thứ hai của cuộc khủng hoảng thì chưa kết thúc. Thất bại của cuộc bầu cử Hy Lạp đã tạo ra những vấn đề liên tiếp: quốc gia này không thể thành lập một chính phủ ổn định nên có rất ít cơ hội bình ổn. Và giờ đây khi vị thần hồ nghi đã thoát ra khỏi cây đèn, mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều: vẫn tồn tại rất nhiều nỗi lo, đặc biệt ở Tây Ban Nha. Các chính quyền tại Roma và Madrid đang nỗ lực để tiến hành cải cách, song những nỗ lực này lại không được thị trường công nhận. Tại Tây Ban Nha, người ta cần làm gì đó với những ngân hàng có các khoản vay khó thu hồi trị giá hơn 60 tỉ euro trên sổ sách, còn ở Ý, lòng can đảm của một Monti cương nghị đã phản bội ông khi chạm đến vấn đề cải cách thị trường lao động.
Đến lúc này, bản thân Merkel đã trở thành vấn đề. Những quốc gia chịu ít thiệt hại nhất từ cuộc khủng hoảng coi bà như nguồn cơn gây đau khổ cho họ. Hình ảnh của bà bắt đầu xuất hiện trên cờ hình chữ thập ngoặc (swastika), bà bị mô tả giống như phù thủy, một người đàn bà bá quyền hoặc một mụ dì ghẻ độc ác; thậm chí người ta còn nhắc về Đế chế thứ ba và đôi khi là cả Đế chế thứ tư, 22 và bà bị buộc tội âm mưu thống trị toàn châu Âu. Merkel đã trở thành chủ đề của những học thuyết âm mưu kinh hoàng nhất, trong khi bất kỳ sự liên đới nào của những quốc gia mắc nợ cũng đều bị làm ngơ. Định kiến dân tộc của châu Âu bỗng tái xuất hiện, chứng minh cho tính đúng đắn của câu nói “phải mất nhiều thập kỷ để hàn gắn thâm thù, song chỉ mất vài tuần để khơi dậy nó.”
22 Đế chế thứ ba (Third Reich) chỉ nước Đức giai đoạn 1933 đến 1945, khi quốc gia này do chế độ độc tài của Đảng Quốc xã dưới trướng Adolf Hitler cai trị. Như vậy, "đế chế thứ tư” là cách nói ác ý nhằm mỉa mai chính quyền của Angela Merkel áp đặt chế độ "độc tài" lên nước Đức hiện đại. (ND)
Khi Merkel đến Rome vào mùa hè năm 2012 để dự những cuộc đàm thoại cấp chính phủ, việc này được dự định là một cử chỉ thiện chí và ủng hộ đối với Mario Monti. Song người dân Ý có quan điểm hoàn toàn khác về vị khách hùng mạnh của họ. Một phóng viên nữ gọi bà là Nữ hoàng châu Âu. Merkel phớt lờ cách xưng hô này. Sau đó cùng năm, khi bà chuẩn bị những chuyến thăm đến Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha - vốn đều bị khủng hoảng tấn công, khu trung tâm của Athens đã phải được phong tỏa bằng một binh đoàn cảnh sát, như thể tổng thống Hoa Kỳ sắp đến. Một cố vấn từng tháp tùng bà đến nhiều cuộc gặp của Hội đồng châu Âu từng bình luận bằng giọng nhẫn nhục: “Họ không hiểu gì về toàn cầu hóa.”
Có lẽ hình ảnh mạnh mẽ nhất của cuộc khủng hoảng vào cuối giai đoạn thứ hai chính là bản thân Merkel, vào khoảng 5 giờ sáng ngày 29 tháng 6. Thêm một hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, thêm hai ngày nữa tại thủ đô nước Bỉ. Merkel không thích ngủ trong khách sạn: bà thích ở trong căn nhà tại Berlin hơn và luôn xếp lịch sao cho bà chỉ phải đi vắng càng ít buổi tối càng tốt. Những cuộc họp tối bên ngoài Berlin thường kết thúc sớm để nữ thủ tướng có thể bay về sân bay Tegel lúc đêm muộn. Nhưng khi cuộc gặp là một hội nghị, việc đó gần như bất khả thi: mọi hội nghị đều dành cho ca đêm, và việc các cuộc thương thảo kéo phải kéo dài cả đêm là một phần của nghi lễ.
Hội nghị ngày 28 tháng 6 là một dịp như vậy. Lần này là hội nghị về các khoản nợ ngân hàng của Tây Ban Nha, và người Ý thì lo sợ rằng đến một lúc nào đó, họ cũng phải yêu cầu trợ vốn từ gói cứu trợ, mặc dù họ không muốn bị lệ thuộc vào chế độ cải cách khắc nghiệt. Hóa ra, thủ tướng Ý làm gần hết công việc phát ngôn, cho biết ông sẽ phá vỡ “khối kim loại” - ý nói những quy định ngặt nghèo do Đức đưa ra nhằm đưa tiền từ quỹ cứu trợ cho những nước như Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Monti đe dọa hoãn hội nghị nếu ông không đạt được một thỏa thuận để tiếp cận gói cứu trợ dễ dàng hơn. Kế hoạch của ông là Ý sẽ từ chối ký kết hiệp ước tăng trưởng, vốn là thỏa thuận dùng để hỗ trợ những quốc gia cần trợ giúp và mang tính chất quan trọng dài hạn, song vào thời điểm này chỉ mang tính biểu tượng. Khi đó hội nghị có thể đã diễn ra mà không đạt được kết quả nào và tạo ra rắc rối cho Merkel, vì bà sẽ phải rời hội nghị trong ngày hôm sau để quay về một Quốc hội Đức đầy lo lắng. Đầu tiên, các nghị sĩ đang chờ để đi nghỉ hè, và thứ hai là sắp sửa có một cuộc bỏ phiếu về những điều luật trọng yếu liên quan đến kế hoạch giải cứu cố định: Cơ chế bình ổn châu Âu, cùng với thỏa thuận tài khóa - phần đóng góp của riêng Merkel trong cuộc chiến chống lại thảm họa. Đảng SPD về cơ bản thì ủng hộ bà, song họ muốn có hiệp ước tăng trưởng mà Monti đang đe dọa tẩy chay. Nếu không có hiệp ước này, thành viên đảng Dân chủ xã hội sẽ từ chối bỏ phiếu thuận cho những điều luật còn lại. Nên Monti đang lợi dụng cái bẫy mà Merkel đã giăng vào trong chính lịch trình của bà.
Những cuộc thương thảo kéo dài đến 4 giờ 20 sáng, bản thông cáo chính thức chỉ dài hai trang, và vào lúc năm giờ sáng Monti đưa ra phiên bản thông cáo sự kiện của riêng ông. Merkel đã quay về khách sạn để tranh thủ chợp mắt vài tiếng. Vào lúc đó, Monti đối mặt với các máy quay và lộ rõ vẻ hài lòng, đầu tiên là đối với chiến thắng của Ý trước Đức ở Cúp bóng đá thế giới vào buổi chiều ngày hôm trước, và thứ hai là việc ông đánh bại Merkel. Đức đã nhượng bộ, ông nói: các ngân hàng bây giờ sẽ nhận cứu trợ trực tiếp, còn Ý sẽ tiếp cận dễ dàng hơn với quỹ cứu trợ.
Việc này tạo ra một tin giật gân: Nữ thủ tướng Thép đã bị đánh bại, và các hãng thông tấn thì gửi đi mẩu tin nóng hỗi đó. Dĩ nhiên, phiên bản thông cáo của Monti không hoàn toàn trùng khớp với bản chính thức, trong đó vài thứ khác đã được thỏa thuận: đầu tiên, một văn kiện thống nhất để giám sát ngân hàng sẽ được xây dựng, nên một tấm ngân phiếu có thể được thi hành dựa trên những định chế tài chính sử dụng các chỉ dẫn thông thường. Chỉ khi đó các ngân hàng mới có thể nhận tiền từ quỹ cứu trợ - dưới những điều kiện khắt khe thông thường. Nói theo ngôn ngữ bình dân, tất cả cần có thời gian, vì một cơ quan giám sát tầm cỡ này không thể mọc lên sau một đêm. Phiên bản Đức còn đi xa hơn: ngay cả khi đã có một cơ quan giám sát như thế, các ngân hàng Tây Ban Nha cũng không thể trút bỏ rắc rối của họ một cách dễ dàng, vì thỏa thuận không áp dụng cho những trường hợp cũ, mà chỉ cho những vấn đề tương lai, còn nghĩa vụ trả nợ thì không áp dụng hồi tố. Với việc người Ý đang mong được nhanh chóng lấy tiền từ quỹ cứu trợ, bản thông cáo cũng mơ hồ không kém, khi chỉ nói rằng - như trước kia - tiền cứu trợ đi kèm điều kiện nhất định, và người ta đã phải thảo luận một bản ghi nhớ để thiết lập các chi tiết.
Khi Merkel rời khách sạn vào lúc 9 giờ, một phóng viên ảnh của Reuters đã chờ sẵn. Ngày hôm sau, bức ảnh của ông trở thành biểu tượng cho thất bại rõ ràng của nữ thủ tướng. Merkel đang ngoái nhìn ra cửa kính phía sau của chiếc xe hơi - một người kiệt sức, kiệt quệ và đầy lo lắng với đôi mắt thâm quầng sau một đêm dài. Người ta đã nhìn thấy một nữ thủ tướng bị đánh bại, như Monti đã nói. Chỉ khi thức dậy, Merkel mới hiểu được quy mô của thảm họa truyền thông này. Bất cứ sự trì hoãn nào cũng có thể biến nó thành một thảm họa chính trị. Tại quê nhà, Quốc hội Đức đang ngóng chờ. Đa số bầu cho ESM và thỏa thuận tài khóa giờ đang gặp nguy hiểm. Merkel nổi giận. Monti đã phá vỡ các quy tắc và xuất hiện trước máy quay, bất chấp thỏa thuận rằng không một vị nguyên thủ quốc gia nào diễn giải sự kiện theo cách riêng của họ. Trên chuyến bay về Berlin, bầu không khí rất căng thẳng, trong khi đó những báo cáo kỳ quặc từ quốc hội đang tới tấp bay về văn phòng thủ tướng. Các nghị sĩ đang đào bới Internet để tìm hiểu cách thức kết quả hội nghị được diễn giải. Der Spiegel đã viết về “đêm mà Merkel thất bại”.
Merkel hết sức khó khăn trong việc giải thích trước Quốc hội Đức diễn giải của riêng bà về hội nghị. Bà nói chuyện với từng nghị viện, đọc một bài diễn văn gây xúc động, nhưng cuối cùng bà vẫn thiếu 26 phiếu từ chính liên minh cầm quyền của bà. Chính phủ không thể tự đạt được đa số phiếu, và những điều luật chỉ được thông qua nhờ những lá phiếu từ SPD và đảng Xanh. Tuy nhiên, vài ngày sau, đích thân Monti cũng không còn trung thành với phiên bản của ông nữa. Trong một cuộc phỏng vấn, ông đã giảm nhẹ những điều đã nói, sự phản ứng rõ ràng đã làm ông hoảng sợ. Một xung đột với quốc hội Đức - vốn chưa tung ra quỹ cứu trợ - cũng không tốt lành gì cho ông. Tuy nhiên, thủ tướng Ý đã làm bùng nổ mọi chuyện. Hệ tâm lý của cuộc khủng hoảng đã thay đổi; việc cho rằng Merkel thất bại đã làm dịu thị trường. Người ta cho rằng quỹ cứu trợ sẽ không được canh phòng quá kỹ, và cảm thấy được trấn an. Trong cuộc chiến tranh giành sự chú ý và ý kiến, các dữ kiện đều không quan trọng, ít nhất vào lúc ban đầu. Nhận thức mới là điều quan trọng. Trong cuộc đấu gươm chính trị, mũi kiếm của Monti đã giáng một đòn vào Merkel, chuyên gia về dữ kiện.
Một tháng sau, Mario Draghi, giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), có bước đi tiếp theo trong cuộc chơi nhận thức và diễn giải này. Ngày 2 tháng 6, tại Hội thảo đầu tư quốc tế ở London, ông cam đoan với cộng đồng tài chính nhóm họp tại đó rằng “ECB sẽ làm tất cả để hỗ trợ đồng euro.” Rồi ông bổ sung: “Hãy tin tôi, ECB là đủ.” Một cảm giác yên lòng lan tỏa khắp hàng ngũ những chuyên gia tài chính. “Sẽ làm tất cả” - liệu đây có phải vũ khí mầu nhiệm được trông đợi, vốn chỉ đơn giản cần phải đủ lớn nhằm đe dọa bất cứ kẻ nghi ngờ nào? Không hẳn, vì vũ khí này có một chốt an toàn. Vào ngày 6 tháng 9, đi ngược lại mong muốn của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), Hội đồng điều hành của ECB nhất trí thông qua chương trình thu mua trái phiếu chính phủ của những nước gặp khủng hoảng - nhưng với một điều kiện: các nước phải chấp nhận thi hành kế hoạch cắt giảm đã được trình bày.
Cuộc khủng hoảng đã kết thúc? Mọi chuyện đã ổn? Christine Lagarde, giám đốc IMF, đã sai lầm trong tháng 5 năm đó khi cho tuổi thọ của đồng euro còn ba tháng. George Soros, nhà đầu tư dự đoán sự sụp đổ của đồng euro vào ngày 2 tháng 9 đã bị chứng minh là sai. Mức rủi ro cao của trái phiếu chính phủ bắt đầu suy giảm. Những ai giám sát Hy Lạp giờ đây đã có thể dành nhiều tháng để tranh cãi với Athens xung quanh vấn đề triển khai các giải pháp kinh tế. Mối nguy hiểm tức thì của việc nhà nước phá sản có vẻ đã được đẩy lùi. Và viễn cảnh của một liên hiệp ngân hàng châu Âu đã trấn an được thị trường và giúp Tây Ban Nha thoát khỏi rắc rối, ít nhất là vào lúc ấy. Tuy nhiên lời tuyên bố ban đầu của Merkel vẫn còn đó: không trái phiếu châu Âu và không gộp nợ, vì như thế không những đi ngược lại các hiệp ước, mà còn mâu thuẫn với tính hợp lý của nguyên nhân và hậu quả. Những ai muốn có một giải pháp cũng phải hy sinh, những ai muốn tăng trưởng cũng phải tạo ra điều kiện phù hợp cho điều này. Châu Âu mới của Merkel phải để những sai lầm của châu Âu lại phía sau một lần và mãi mãi. Nhưng để điều này xảy ra, cần phải có những cải cách hệ thống quyết liệt. Điều châu Âu cần là một dạng tái cơ cấu đặc biệt. Đây là một nhiệm vụ chính trị, là nhiệm vụ chính trị Merkel quyết tâm nhận lãnh. Và thế là bắt đầu màn thứ ba trong vở kịch châu Âu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Một kế hoạch cho châu Âu

Khi Merkel bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai vào năm 2009, một bầu không khí tự tin ngự trị ở trái tim của chính phủ. Hiệp ước Lisbon đã đạt được, châu Âu có một khung cơ cấu mới cho thứ hiện giờ là cộng đồng gồm hai mươi bảy nước thành viên. Tại Brussels, người ta không che giấu trạng thái phởn phơ: một kỷ nguyên châu Âu đang mở ra, mang đến nhiều vận hội mới. Berlin tin rằng một giai đoạn lập pháp bao trùm như vừa qua sẽ khó mà lặp lại. Lối nghĩ này đã bị chứng minh là sai lầm. Những số liệu tài chính từ Hy Lạp được công bố, và ngay lập tức người ta thấy rõ chỉ mình Brussels thì không đủ sức giúp đỡ. Những thể chế của Liên minh châu Âu vừa không có quyền vừa không có tiền để can thiệp. Căn bệnh này đã lan đến những nước nằm ngoài cộng đồng EU và vì thế không thể bị kiểm soát bởi Brussels. Châu Âu đang chứng kiến sự tái sinh của những nhà nước tự chủ. Dù vẫn đang có nhiều cuộc thảo luận ở Đức về một Hợp chủng quốc châu Âu và một nước siêu cường châu Âu mới, cuộc khủng hoảng đang đi theo hướng ngược lại.
José Manuel Barroso, Chủ tịch ủy ban châu Âu, muốn lập một gói kích thích vào tháng 12 năm 2009 để chứng minh rằng ủy ban châu Âu đủ khả năng hành động. Song ông không có nhiều tiền để cho đi. Trên thực tế, trong vài năm tiếp theo, ông sẽ chứng kiến tầm ảnh hưởng của chính mình tụt dốc không phanh. Ông nợ Merkel vị trí của ông, song lại trở thành một nhân vật ngoài lề trong vở kịch khủng hoảng nợ, và nếu ông có đóng một vai trò quan trọng đi nữa, thì cũng chỉ mang tính tiêu cực.
Chẳng hạn, khi các nguyên thủ quốc gia quyết định gia tăng gói cứu trợ cho Hy Lạp vào mùa hè năm 2011, và thị trường tài chính trở nên bình ổn một cách tương ứng, ngài chủ tịch tuyên bố tổng số tiền là chưa đủ. Thị trường ngay lập tức phản ứng. Tâm trạng tốt lập tức bị phá hủy. Merkel nổi giận. Một năm sau đó, chủ tịch bốn định chế lớn của châu Âu - ủy ban, Hội đồng, Euro Group và Ngân hàng Trung ương - được yêu cầu đề xuất một kế hoạch cải tổ toàn diện cho EU. Ai cũng biết đây là một nhiệm vụ tự sát, và bản kế hoạch này chỉ khiến họ kém được ủng hộ. Barroso hứa sẽ đưa ra kết quả vào mùa xuân năm 2014. Kế hoạch của ông hoàn toàn hiển nhiên: nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc trong ba tháng nữa, và Barroso không muốn bị tổn hại về mặt chính trị. Ông là tù nhân bởi chính những tham vọng của mình, và chức vụ tổng thống tại quê nhà Bồ Đào Nha có thể đang vẫy gọi ông. Cũng khá lâu rồi vị Chủ tịch ủy ban châu Âu không cho Merkel một lý do để mỉm cười.
Là thành viên hùng mạnh nhất trong khối, Đức trở thành tâm điểm chú ý, còn nữ thủ tướng trở thành tay chơi chủ chốt. Những số liệu kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp thấp của nước này khiến bà đứng tách biệt so với những nguyên thủ quốc gia khác và củng cố thêm cho vị thế của bà. Có người trong văn phòng thủ tướng khi đó đã nói: “Chúng tôi đã đến thời kỳ không còn phải đến Brussels nữa. Mà họ phải đến Berlin. Bạn có thể cảm nhận được điều đó. Mọi người đều đến với chúng tôi.”
Năm 2010, khi Merkel đến Bruges để nói chuyện nhân dịp nhận sinh viên vào Đại học châu Âu, bà mang theo một thông điệp không mấy dễ chịu dành cho Brussels: kỷ nguyên của siêu cường châu Âu đã kết thúc, đây là lúc dành cho từng quốc gia. Bà nhớ việc thành lập Hiệp ước Lisbon khó khăn ra sao. Như khi bà nhắc lại một cách có phần cay đắng: “Bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ không bao giờ soạn thảo các hiệp ước một cách hời hợt nữa. Lại mất mười năm nữa để thực hiện một điều chỉnh cho một hiệp ước sao? Một châu Âu như thế sẽ bị xem là không có khả năng hành động, cả bởi những thị trường tài chính quốc tế lẫn phần còn lại của thế giới.”
Merkel thận trọng nhắm mục tiêu cho những công kích của bà, song thông điệp của bà rất rõ ràng. Bà hối tiếc việc ủy ban và Nghị viện châu Âu đã tự xem họ là hộ vệ của trật tự châu Âu, bà còn nhận biết một mức độ hợm hĩnh nhất định trong giới tinh hoa ở Brussels trong quan điểm của họ về những nhà nước tự chủ - một sự kiêu ngạo dựa trên “phương pháp cộng đồng”, một khái niệm được Brussels tha thiết giữ gìn như một ngọn lửa bất diệt. Khái niệm này nói rằng ủy ban châu Âu có quyền chủ động hành động trong mọi chính sách của cơ quan này - một chủ quyền ảo đối với những đối tượng được thảo luận. Điều này cũng ngụ ý rằng Hội đồng châu Âu, vốn là hội đồng nguyên thủ các nước, đại diện cho một dạng tổ chức đối địch - song những người bảo vệ thật sự của linh hồn châu Âu nằm ở Brussels.
Merkel thấy những quan điểm này rất đáng lo ngại, vốn là lý do tại sao bà viết trong niên giám sinh viên: “Những nước thành viên là những thành phần tạo nên Liên minh châu Âu, chứ không phải đối thủ.” Và với những ai chưa hiểu, bà có một thông điệp cuối cùng về những mối quan hệ quyền lực. Vấn đề quyền hành, bà nói, được đề cập rất rõ. “Hiệp ước Lisbon nói rằng những nước thành viên là ông chủ của những hiệp ước,” bà nhắc lại với khán giả, “và nơi nào không có quyền hành chung thì phương pháp cộng đồng không thể được áp dụng.” Nói cách khác: Brussels không mất gì trong việc giải cứu đồng euro. Không một nguyên thủ quốc gia nào có thể chỉ ra những giới hạn của ủy ban châu Âu một cách rõ ràng hơn thế. Bà cũng từng nói rất rõ trong thời gian đầu của cuộc khủng hoảng rằng bà không muốn bắt đầu quá trình nhàm chán và phức tạp của việc xây dựng những hiệp ước, để cho ủy ban cùng phương pháp cộng đồng của họ có thể tham gia vào cuộc khủng hoảng tài khóa và kinh tế.
Vào tháng 11 năm 2010, sự chối bỏ rõ rệt dành cho Brussels này bị nhấn chìm bởi cuộc khủng hoảng. Song Merkel luôn làm đúng những gì bà nói, và muốn làm theo cách riêng của bà, dù có mất nhiều năm. Bài phát biểu tại Bruges của bà cũng giải thích vì sao bà phản ứng quá lạnh nhạt với hình ảnh tạo bởi Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội, Ursula von der Leyen, người mà vào giữa lúc cuộc khủng hoảng xảy ra đã nhắc đến “Hợp chủng quốc châu Âu”. Merkel không ham muốn tham gia vào một cuộc tranh luận về sự chuyển giao nhiều quyền lực hơn nữa. Bà đang giữ con mắt cảnh giác về tâm trạng của nước Đức, và bản năng mách bảo bà rằng cần cẩn trọng đối với cảm xúc con người. Người ta sẽ không đón nhận thêm nhiều Brussels nữa.
80 triệu người Đức nhẫn nại một cách đáng ngạc nhiên đối với châu Âu. Đức đã thoát khỏi sự tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng, và trong suốt một thời gian dài, bất cứ loại chủ nghĩa dân túy chống - châu Âu nào cũng là điều cấm kỵ. Nhưng điều này vẫn có thể thay đổi chỉ trong nháy mắt. Merkel hiểu một cơn khủng hoảng có thể được cảm nhận ngay trên quê nhà đến mức nào, một sự sụp đổ của nền kinh tế có thể ảnh hưởng đến người nhận trợ cấp và người thất nghiệp nhanh chóng đến đâu. Đó sẽ là dấu chấm hết cho sự ủng hộ và tin cậy mà người Đức dành cho bà. Trong những cuộc họp nội bộ, bà luôn nói rằng nhiệm vụ chính của bà là tạo ra một bầu không khí tin tưởng lẫn nhau. Tư duy tích cực, tiếp cận trong hy vọng - là những gì mà người ta muốn nhìn thấy nơi bà, dù cho cuộc khủng hoảng có nguy cấp đến cỡ nào, dù cho nó có có thể gây ra bao nhiêu đêm mất ngủ hay sợ hãi. Khi Merkel bay về Berlin để tham dự cuộc tranh luận tại Quốc hội Đức vào buổi sáng sau hội nghị thượng đỉnh tháng 6, bà không biết liệu ngày hôm đó có sẽ kết thúc trong thảm họa hay không. Dù chỉ là một dấu hiệu nhỏ, song vào ngày thứ sáu hôm đó, cố vấn chính trị châu Âu của bà, Nikolaus Meyer-Landrut, đang ngồi ở chỗ dành cho công chức phía sau hàng ghế chính phủ. Ông ít khi được trông thấy ngồi ở đó. Vào những lúc như vậy, ngay cả Merkel cũng muốn có người bà tin tưởng ngồi cạnh bên.
Dẫu vậy, nhìn chung bà có thể dựa vào Quốc hội Đức trong suốt cuộc khủng hoảng. Mọi đảng phái trong quốc hội, ngoại trừ đảng cánh tả Linkspartei, đều ủng hộ những kế hoạch giải cứu của bà. Merkel có thể rất vui mừng khi đã nắm chính quyền với sự giúp đỡ từ đảng SPD suốt bốn năm trời. Trong cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên, một cảm giác tín nhiệm đã được xây dựng giữa nhiều tay chơi khác nhau, vậy mà giờ đây - khi trở thành cuộc khủng hoảng đe dọa sự tồn tại của đồng tiền chung - nó lại trở thành một gánh nặng. Merkel hết sức xem trọng việc cập nhật thông tin về tình hình những cuộc thương thảo mới nhất cho các đảng phái đối lập. Và đảng SPD đã cho thấy một ý niệm về trách nhiệm quốc gia mà nếu thiếu nó, Merkel đã không bao giờ được an toàn trước Quốc hội Đức, ít nhất vào những ngày như 29 tháng 6 năm 2012.
Một lần nữa, Merkel bị buộc tội không thực hiện những bài diễn văn lớn, cũng như bị nhắc nhở rằng bà cần giải thích căn cơ về cách thức hoạt động của châu Âu, đặc biệt trên truyền hình, nhằm giúp nhân dân hiểu về tình hình căng thẳng đang diễn ra. Nữ thủ tướng không bận tâm nhiều đến ý kiến này. Năm 2006, Matthias Platzeck, khi đó là chủ tịch đảng SPD, cho bà xem một công trình nghiên cứu về cách người ta phản ứng trước quá nhiều thông tin. Một nhóm tập trung được hỏi ý kiến về những quyết định cải tổ quan trọng của liên minh cầm quyền, chẳng hạn như tăng thuế VAT, đóng góp thêm cho bảo hiểm y tế và nghỉ hưu vào năm 70 tuổi. Hầu hết kết quả đều phản đối. Cũng nhóm này được cung cấp một lượng lớn thông tin, đi kèm dữ kiện và lý lẽ rồi được yêu cầu chọn lại. Kết quả còn kém tích cực hơn đối với chính quyền. Nhìn vào tính phức tạp của chương trình cải cách, người ta cảm thấy đằng nào cũng không được hưởng gì.
Merkel nghiền ngẫm công trình nghiên cứu này, và kể từ đó bà chỉ nói về lý do mình đang làm gì, và giữ im lặng về chi tiết cách bà làm việc đó. Dù sao đi nữa, những bài diễn văn lớn không phù hợp bản chất bà. Trước hết, bà biết mình không phải một nhà hùng biện giỏi. Phong cách điềm đạm, dựa trên thực luận của bà không kích thích được cảm xúc. Và thứ hai, quan điểm của văn phòng thủ tướng là một bài phát biểu như thế sẽ không nhất quán với phương pháp Merkel. Phương pháp Merkel là cuộc chiến thầm lặng gồm bà và những đồng nghiệp gần gũi và trung thành nhất của bà, vốn giải quyết vấn đề một cách có trình tự, chia vấn đề thành nhiều mảnh nhỏ rồi thực hiện giải pháp theo từng bước một. Nếu kết quả tốt, Merkel sẽ vui. Nếu một phần của nó thất bại, sẽ không ai nhận ra. Nếu Merkel chuẩn bị thông báo một thành công lớn, bà sẽ bị lời lẽ của mình phán xét. Và trong bất kỳ trường hợp nào, bà đều không tin vào sự khoa trương - kinh nghiệm đã dạy bà rằng ngôn từ đao to búa lớn ít khi dẫn đến hành vi tốt đẹp. Một bài diễn văn không phải là giải pháp. “Bạn sẽ không có được một Merkel mới, thương hiệu của bà sẽ không thay đổi vào thời điểm này,” một trong những cộng tác viên giúp làm công việc hậu trường của bà phát biểu.
Người ta thường thích thú trước thực tế rằng trong suốt sự nghiệp, Merkel đã vây quanh mình với những người đàn ông trẻ giàu tham vọng. Hình ảnh này không hoàn toàn thiếu chính xác. Là lãnh đạo đảng đối lập, bà được theo sau bởi một nhóm những nghị sĩ trẻ đam mê chính sách ngoại giao - nhiều người trong số họ trở thành bộ trưởng hoặc ngoại trưởng. Là thủ tướng, Merkel đã tập hợp một nhóm nam nhân khác biệt: những công chức siêng năng, trẻ tuổi, trung thành và thông thái, không ai trong số họ có nhu cầu khoe mẽ, đều tránh công luận và, cũng như bản thân Merkel, tư duy khách quan. Những bản thiết kế các sách lược vĩ đại không phải phong cách của họ, và trong bất cứ trường hợp nào cũng không phải cách Merkel làm việc. Cũng như nữ thủ tướng, họ thích làm theo từng bước nhỏ, sử dụng thảo luận nhóm để tìm kiếm sự nhất trí, thực hiện các thỏa hiệp. Và họ đều biết rõ tường tận đội nhóm của mình.
Phát ngôn viên chính phủ Ulrich Wilhelm có lẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong nhóm này, vốn nổi tiếng nhờ tính đoàn kết. Trong bốn năm rưỡi đầu tiên của Merkel, Wilhelm là bộ mặt trước công luận của bà trước khi rời khỏi quỹ đạo của nữ thủ tướng để trở thành giám đốc đài phát thanh Bavaria. Tuy nhiên, ngoài vai trò trước công chúng, ông từng là một trong những cố vấn quan trọng nhất của bà về mọi vấn đề chính trị. Vì Wilhelm có đóng góp to lớn vào chính sách đối ngoại và hiếm khi rời phe Merkel, ảnh hưởng của ông là khổng lồ. Quan trọng không kém là chức năng của ông trong vai trò của một đối tác tranh biện, một trợ giáo hoàn hảo về lịch sử xã hội Tây Đức, cũng như lịch sử của một Tây Đức hậu chiến. Trên thực tế, đối với lịch sử nói chung, không ai trong văn phòng thủ tướng thấu hiểu bài học của quá khứ nhiều hơn ông. Wilhelm là một nhân vật thâm trầm mà mạnh mẽ, một người ham công tiếc việc giàu mưu lược, vốn học hỏi ngón nghề từ Edmund Stoiber. Việc so sánh ông với Robert Redford cũng không có hại gì - đối với giới phóng viên ở Berlin, ông là một người truyền đạt giỏi và giành được cảm tình về cho sếp mình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Người kế nhiệm Wilhelm, Steffen Seibert, cũng dành nhiều thời gian với nữ thủ tướng như ông song lại mang vận mệnh của người con thứ. Merkel giờ đây đã độc lập hơn: bà làm việc với tốc độ nhanh hơn, vòng tròn cố vấn của bà đã trở nên bớt quan trọng hơn, tiếp cận bà giờ đây khó khăn hơn, và việc người phát ngôn dành phần lớn thời gian với bà giờ đây cũng bị xem thường. Lòng thành của Merkel dành cho Seibert được thể hiện sau động thái táo bạo của Monti vào buổi sáng sớm tại hội nghị Brussels định mệnh. Seibert không bị quy trách nhiệm cho cú đổ bể truyền thông, mặc dù Berlin nổi giận và muốn có một con dê tế thần. Bài học duy nhất rút ra được từ sự kiện này là: luôn tổ chức một cuộc họp báo ngay lập tức, dù là vào lúc 5 giờ 20 phút sáng.
Vì nghĩa cử này mà Merkel củng cố tinh thần bàn tròn giữa những người làm việc thân cận với bà. Mọi trưởng bộ phận trong văn phòng thủ tướng đều có số điện thoại di động của bà - bản thân bà sẽ gọi hoặc gửi tin nhắn vào cuối tuần nếu có chuyện xảy ra. Merkel không tinh vi song rất đòi hỏi trong những yêu cầu của bà, và đôi khi bà sẽ yêu cầu các quản lý hoặc chuyên gia cấp cao hơn phát biểu điều họ nghĩ khi bà cần đến một ý kiến giàu thông tin. Bà không gửi email, việc đó sẽ tạo ra vấn đề về mặt an ninh. Nữ thủ tướng cũng không dùng máy vi tính - ngoại lệ duy nhất là chiếc iPad của bà, được bà dùng để theo dõi tin tức và kết quả của thị trường tài chính, và xem phim tài liệu tin tức. Bà không có nhật ký - bất cứ sự tái hiện nào của cuộc đời bà trong chính phủ đều có thể được lấy từ nhật ký vô cùng chi tiết về những cuộc gặp gỡ của bà, công cụ quan trọng nhất cho việc chèo lái con thuyền quốc gia.
Merkel đã không thể vượt qua những nhiệm vụ khó khăn nhất trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng nếu thiếu vắng những công bộc của mình. Rốt cuộc, đây chỉ là một vòng tròn rất nhỏ, không nhiều hơn một nhúm người, vạch kế hoạch cho nhiệm kỳ thứ hai của bà và dẫn lối để bà làm thủ tướng. Như thể nếu bị bao vây, Merkel có thể tháo chạy cùng với những người này đến phần sâu thẳm nhất trong thành lũy của bà bằng cách không lắng nghe cố vấn bên ngoài mà tin tưởng hoàn toàn vào bản năng, sự nhạy bén của bản thân và lời khuyên của những người bạn tâm giao trung thành. Văn phòng thủ tướng hoạt động giống khu nhà của các mục sư Kasner thời thơ ấu của bà: bất khả xâm nhập từ bên ngoài, song bên trong thì luôn đòi hỏi và đầy tham vọng.
Một nhân vật chủ chốt trong nhóm có chọn lọc này, ngoài thư ký riêng Beate Baumann, là người phụ nữ thứ hai trong “trại phụ nữ” của Merkel: Eva Christiansen. Sự ổn định và hiệu quả của bộ ba Christiansen, Baumann và Merkel là không cần bàn cãi: theo một nghĩa nào đó, bộ ba gắn kết đồng nhất với cách làm việc của nữ thủ tướng. Sinh năm 1970, Christiansen đã làm việc với Merkel từ năm 1998, đầu tiên là phát ngôn viên và bây giờ, theo nghĩa rộng hơn, là một người “thầm thì” thông tin đến giới truyền thông. Bà đã làm thế giới Berlin nhỏ bé ngạc nhiên khi bà nghỉ thai sản vào lúc bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng của Merkel nhưng quay lại vào năm 2007 và tiếp tục công việc như thể đó là điều tự nhiên nhất thế giới - vì trong văn phòng thủ tướng, ngay cả điều đó cũng có thể xảy ra. Và chưa hết: ngoài chức danh cố vấn truyền thông được tạo dành riêng cho bà, Christiansen giờ đây điều hành phòng kế hoạch chính trị, bao gồm cả những việc cơ bản như soạn diễn văn và, một cách không chính thức, trông nom hình ảnh của nữ thủ tướng. Christiansen là một trong những đồng nghiệp được tin cẩn nhất của Merkel, một phần của vòng tròn biết mọi thứ và nói rất ít. Nếu bà không có óc phán xét chính trị vững vàng, và trên tất cả là một bản năng không bao giờ sai lầm đối với tâm trạng của công chúng, vốn cho phép bà vận dụng một lượng vừa phải sự kiềm nén vào đúng thời điểm, bà sẽ không thể làm việc của mình. Song rất ít người biết điều đó, bởi vì Christiansen thuộc về trật tự im lặng của Merkel, như mọi thành viên thật sự quyền lực khác của trật tự này.
Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc khủng hoảng đồng euro, và trước khi trở thành Giám đốc Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), cố vấn kinh tế Jens Weidmann là người của phân tích và ý tưởng. Nếu ông hay bất kỳ cố vấn châu Âu nào được triệu đến văn phòng thủ tướng trên tầng bảy, thì đó là vì thời điểm cấp bách nhất của cuộc khủng hoảng: ESM (Cơ chế bình ổn châu Âu) vào cuối mùa hè năm 2010, rồi đến hiệp ước khuyến khích cạnh tranh, và sau đó là hiệp ước tài khóa. Thứ trưởng tài chính Jorg Asmussen, cũng được triệu tập để cung cấp tư vấn kinh tế. Asmussen và Weidmann quen biết nhau từ khi học chung đại học, và cả hai đều theo học cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương Đức, Axel Weber. Merkel thể hiện sự đánh giá cao đối với Asmussen khi bà mang ông đến dự tiệc chiêu đãi nhà nước tại Nhà Trắng như một vị khách của chính phủ Đức, vốn không hoàn toàn bắt buộc do Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble cũng có mặt ở đó. Vào đầu năm 2012, Asmussen rời Berlin đến Ngân hàng Trung ương châu Âu, gia nhập ban điều hành. Cũng như Weidmann, ông vẫn cố vấn cho Merkel một cách thân tình.
Vòng tròn gần bà nhất trong suốt cuộc khủng hoảng còn bao gồm Christoph Heusgen từ phòng chính sách ngoại giao, và trưởng phòng châu Âu, Uwe Corsepius, người phụ trách mảng châu Âu cho đến mùa hè năm 2011 và người kế nhiệm của ông là Nikolaus Meyer-Landrut. Corsepius chịu trách nhiệm cho nhiệm kỳ chủ tịch Hội đồng châu Âu của Đức trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của Merkel. Ông đóng một vai trò quan trọng trong những cuộc đàm phán Hiệp ước Lisbon và chịu trách nhiệm cho bản Tuyên ngôn Berlin, được công bố vào dịp kỷ niệm 50 năm EU. Vào mùa hè năm 2011, vị phó lầu năm của ông tiếp quản chức vụ của ông: Nikolaus Meyer-Landrut, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp đến từ Bộ Ngoại giao Đức, người đã dành phần lớn thời gian sự nghiệp để lo liệu với EU cùng những dự án hiệp ước của khối này, đặc biệt với tư cách một thành viên trong đoàn tùy tùng của Valéry Giscard d’Estaing. Meyer-Landrut không chỉ là anh họ của ca sĩ Lena, vốn mang đến cho ông một sự chú ý nhất định từ công chúng, mà trên tất cả ông còn là một chuyên gia về cơ cấu và hệ thống của EU, hiểu những hiệp ước và lỗ hổng của khối này rõ hơn bất cứ ai và - như mọi cố vấn của Merkel - hoàn toàn thân Pháp.
Nên có lẽ việc Meyer-Landrut tiếp quản chức trưởng ban châu Âu vào thời điểm cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm, khiến nữ thủ tướng nhận ra bà cần khẩn trương trở thành tài xế thay vì hành khách, là một sự trùng hợp may mắn. Cho đến mùa hè năm 2011, hầu hết những tay chơi chính đều bận tâm với việc đạt được một thỏa thuận về nguyên cớ cuộc khủng hoảng. Chỉ đến lúc này, những tiếng nói vốn khẳng định vấn đề thật sự nằm ở sự độc đoán của Đức đối với việc cắt giảm ngân sách mới chịu lắng xuống - đây cũng là những tiếng nói đã đề nghị thành lập trái phiếu châu Âu, hay một quỹ chung như một hình thức xóa nợ. Châu Âu có một vấn đề thâm hụt, một vấn đề cạnh tranh và một vấn đề cơ cấu - và, theo một số chuyên gia, một vấn đề quản trị. Đây là điều ai nấy đều đồng ý.
Vào thời điểm đó, Merkel yêu cầu các đồng nghiệp tìm cách sao cho cuộc khủng hoảng có thể được giải quyết từ tận gốc rễ. Bà muốn một câu trả lời mang tính chính trị, vì đây là một vấn đề chính trị. Nếu chính sách chỉ đơn giản là đuổi theo thị trường bằng cách sử dụng chính những biện pháp của thị trường, thì chính sách sẽ không bao giờ đuổi kịp thị trường. Tuy nhiên, có một giải pháp dường như đang đi đúng hướng: hiệp ước tài khóa, một bản hiệp ước củng cố những cải thiện trong kỷ luật ngân sách. Nhưng thế vẫn chưa đủ. Merkel muốn giải quyết nguồn cơn thật sự của sự lây bệnh. Những kết quả phân tích khác nhau củng cố ý kiến của bà rằng điều gì đó căn bản cần phải được thực hiện. Người ta cần điều gì đó mới mẻ, bởi vì cuộc khủng hoảng to lớn nhất kể từ khi thành lập Liên minh châu Âu chỉ có thể được giải quyết bằng những cuộc cải tổ to lớn tương ứng.
Năm 2011, Meyer-Landrut sử dụng kỳ nghỉ hè của ông tại Pháp để tách ông ra khỏi bầu không khí điên loạn của cuộc khủng hoảng được đôi chút và viết vài ghi chép. Điều quan trọng nhất là phải đi vào bên trong vấn đề. Cuối cùng, ông thu gọn sự thâm hụt chính trị của châu Âu thành một biểu đồ đơn giản, vài vòng tròn và vài dòng kẻ trên một tờ giấy A4. Nó thể hiện một hệ thống trục tọa độ: một trục tung và một trục hoành. Phía tay trái của biểu đồ thể hiện từng nước thành viên độc lập, phía tay phải là Liên minh châu Âu. Mọi khu vực chính trị đang hoạt động ổn thỏa nằm trpng không gian phía trên trục hoành. Dưới trục hoành là những khư vực bất ổn…
Biểu đồ không cho thấy có vấn đề nào trong khu vực phía trên bên phải, phía của Liên minh châu Âu. Luật pháp, thị trường chung, cạnh tranh và môi trường đều nằm phía trên trục hình chữ X và vì thế nằm trong khu vực màu xanh lá cây. Không thành phần cấu thành nào của EU được thể hiện trong tòa nhà Panopticon 23 của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, bên trái của biểu đồ, trong phần nửa chứa những nước thành viên, viễn cảnh khá ảm đạm. Mọi nguồn cơn rắc rối đều ở đây, mọi vấn đề đã kích hoạt cuộc khủng hoảng tiền tệ và gây ra sự chênh lệch trong sức cạnh tranh: luật lao động, luật thuế, ngân sách, hệ thống an sinh xã hội - tất cả đều nằm dưới trục hoành. Thông điệp của biểu đồ là: nếu những nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng bên trong các nước thành viên không thể được kiểm soát, thì cuộc khủng hoảng tiền tệ cũng không. Châu Âu cần một hình thức quản trị nền kinh tế của nó, một chính sách tài chính chung, một hệ thống luật hòa hợp và mức độ an sinh xã hội có thể so sánh với nhau. Những vấn đề chính trị chính cần phải được giải quyết ở cấp độ châu Âu.
23 Tòa nhà Panopticon là ý tưởng về một công trình nghị viện hình trụ tròn quay mặt vào nhau, ở giữa là một tháp canh, do triết gia kiêm lý thuyết gia xã hội học người Anh Jeremy Bentham đưa ra vào cuối thế kỷ 18, trong đó những người có mặt trong tòa nhà sẽ không biết họ có đang bị giám sát hay không. Áp lực vô hình từ việc này sẽ khiến những người làm công việc “cầm cân nãy mực" luôn thận trọng trong hành vi cùa họ. Panopticon lấy từ nhân vật Panoptes trong thần thoại Hy Lạp: một người khổng lồ có hàng trăm con mắt, và vì thế khó ai có thể thoát khỏi sự canh gác của hắn. (ND)
Với bất cứ ai nghiên cứu biểu đồ đó, dường như chỉ có hai lựa chọn. Đây là chỗ thông điệp thật sự dành cho Merkel: những vấn đề cấp bách có thể được chuyển ra khỏi phần trái bên dưới và đặt vào phần phải trên cùng - hay nói cách khác: đặt vào quyền hạn của Liên minh châu Âu và những cơ quan của nó. Những nước thành viên vì thế sẽ phải từ bỏ quyền tự chủ đối với thuế, nền kinh tế, ngân sách và hệ thống an sinh xã hội. Điều này đồng nghĩa với một nước siêu cường châu Âu, một Hợp chủng quốc châu Âu. Như một sự lựa chọn, những vấn đề này có thể được bỏ lại ở khu vực những nước thành viên - song đảm bảo rằng chúng đã được chuyển lên khu vực bên trên của phía đó trên trục. Merkel có một sự lựa chọn: bà có thể kiên quyết chọn hội nhập châu Âu, và chuyển mọi quyền lực về Brussels. Hoặc bà có thể nghĩ ra điều gì đó mới, một liên hiệp hoạt động song song với EU, một tập đoàn các quốc gia. Luật quốc tế miêu tả những trường hợp như vậy là giải pháp liên chính phủ: các nước ký kết các hiệp ước với nhau và tìm cách cùng nhau giải quyết vấn đề.
Trong quá trình ra quyết định, Merkel hỏi bản thân một câu hỏi đơn giản: điều gì trong số này sẽ mang lại kết quả tốt hơn? Câu trả lời là: sẽ tốt hơn nếu những nước độc lập được điều phối và cho phép duy trì quyền tự chủ của họ một cách đơn thuần. Có nhiều cuộc tranh luận mạnh mẽ ủng hộ quan điểm này. Trên tất cả, bà lo lắng về sự nhạy cảm tầm quốc gia. Mô hình xã hội trong các nước châu Âu quá khác biệt nhau để có thể đạt được bất cứ sự đồng thuận nhanh chóng nào về hệ thống an sinh xã hội, trợ cấp và thuế. Việc cố gắng tích hợp những điều này vào cộng đồng chung có thể gây ra tình trạng náo động về mặt xã hội. Không chỉ thế, Merkel đã nhìn thấy trước những trở ngại pháp lý và vấn đề khổng lồ trong các thị trường nội địa - và không chỉ tại Đức. Các hiệp ước sẽ phải được mở lại, điều chỉnh và phê chuẩn. Nên bà đã đưa ra một quyết định vững chắc: những nước thành viên nên thực hiện những thỏa thuận của riêng họ: điều này sẽ không đòi hỏi điều chỉnh quá nhiều đối với những hiệp ước châu Âu. Những ai đã đọc bài diễn văn ở Bruges của bà đều biết nữ thủ tướng sẽ đưa ra kết luận này.
Last edited by bevanng on 15 Apr 2017, edited 1 time in total.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Đây có phải kế hoạch vĩ đại của Merkel không? Đây có phải ý tưởng của nữ thủ tướng về kết cục cho châu Âu? Sẽ là trái với tính cách Merkel nếu bà cầm biểu đồ đó theo mình như một cuốn Kinh thánh. Bà không bao giờ công khai thừa nhận rằng bà có một kế hoạch tổng thể để giải cứu Liên minh châu Âu. Nếu bà nói bất cứ điều gì, bà đều làm mọi việc chậm rãi, từng bước một, vì đây là vấn đề mang tính quan trọng tối hậu khi nó liên quan đến sự thay đổi trong luận thuyết, một hình thức cách mạng. Trong tâm trí mình, Merkel đã từ bỏ phương pháp cộng đồng: những vấn đề cấp thiết nhất của châu Âu không còn có thể được giải quyết bằng một vị ủy viên hội đồng (châu Âu). Nữ thủ tướng muốn có một tổ chức song song, một tổ chức sẽ tiến hành điều phối yêu cầu của từng nước độc lập, với một vị giám sát có thể làm việc trong văn phòng của chủ tịch hội đồng để giám sát việc triển khai các hiệp ước được ký kết giữa những nước độc lập. Kế hoạch cũng nói chi tiết rằng, trong tương lai, các quốc gia khác nhau sẽ phát triển với tốc độ khác nhau. Nhiều nước sẽ đồng ý với sự phối hợp này, nhiều nước khác thì lại không. Vương quốc Anh đã có bước đi đầu tiên theo hướng thứ hai khi họ quyết định không gia nhập hiệp ước tài khóa.
Merkel tập hợp sức mạnh của bà cho cuộc tấn công quyết định. Bà muốn ý tưởng về một trật tự mới của mình được Hội đồng châu Âu thông qua vào tháng 12. Những nguyên tắc cơ bản đối phó khủng hoảng đã được chấp nhận: viện trợ đổi lấy cải cách, cạnh tranh thay vì đi xuống. Bây giờ là vấn đề đặt nền móng cải cách vào trong quá trình ra quyết định của châu Âu càng nhẹ nhàng càng tốt. Ít nhất trong vấn đề này, hội nghị thượng đỉnh tháng 6 năm 2012 là một thành công. Những người đứng đầu của các cơ quan EU được yêu cầu trình bày những đề xuất cải tổ, nên mọi chuyện đã bắt đầu được tiến hành. Đúng là nhóm hoạt động cải cách đầu tiên không nhận được nhiều nhiệt tình vào hội nghị mùa thu hồi tháng 10, song điều này cũng không tạo ra nhiều khác biệt. Điều cốt yếu là cải cách giờ đã có mặt trong chương trình làm việc của mọi nguyên thủ quốc gia - bởi rồi cũng đến lượt họ ra quyết định xem cần làm gì.
Merkel ra mắt ý tưởng của bà ngay trước hội nghị thượng đỉnh tháng 10. Một lần nữa, bà chọn cách đọc diễn văn trước Quốc hội Đức nhằm phác họa tầm nhìn của bà về cơ cấu tương lai của EU. Một lần nữa, bài diễn văn của bà gần như bị nhấn chìm bởi công việc thường nhật. Song bà còn sở hữu một lợi thế khác. Ba tuần sau đó, bà phát biểu trước Nghị viện châu Âu, ở đó, để cho mọi chuyện đơn giản, bà lặp lại kế hoạch của mình.
Bà bắt đầu bằng việc đặt cho châu Âu mới này một cái tên: một liên hiệp ổn định, vốn ngự trên bốn cột trụ. Cột trụ đầu tiên là châu Âu mới này sẽ cần một chính sách chung cho thị trường tài chính, cột trụ thứ hai là một chính sách tài khóa chung, cột trụ thứ ba là một chính sách kinh tế chung và thứ tư là thêm nhiều quyền hành và kiểm soát mang tính dân chủ.
Điều mà Merkel không thật sự rõ là ý tưởng của bà về một sự phân chia quyền lực mới trong khối EU đằng sau kết cấu bốn cột trụ này - một bên là cộng đồng có trung tâm tại Brussels, một bên là châu Âu của những nước độc lập.
Nhìn chung, các nguyên thủ quốc gia đã nhất trí cột trụ thứ nhất, mặc dù có những tranh cãi gay gắt về hình mẫu dành cho việc giám sát các ngân hàng. Một thị trường tài chính được điều tiết và giám sát chung các ngân hàng là một phần trong chính sách tài chính chung, và cùng với điều này là những điều luật được thống nhất về tình huống các ngân hàng gặp khó khăn và cần được bảo vệ bằng một kế hoạch giải cứu. Cột trụ thứ hai của Merkel, một chính sách tài khóa chung, cũng bắt đầu có hiệu lực: hiệp ước tài khóa đã được ký kết, và những nước trong khu vực đồng euro đã cam kết thắt chặt thêm ngân sách. Dẫu vậy, điều họ thiếu là quyền được thực hiện những biện pháp quyết liệt. Điều gì sẽ xảy ra nếu một nước thành viên phá vỡ hiệp ước bình ổn và gánh chịu mọi biện pháp trừng phạt có thể? Merkel muốn cho cơ quan giám sát tiền tệ đầy đủ quyền hạn - song bà vẫn chưa tìm được đủ sự ủng hộ cho điều này.
Tiến triển mang tính cách mạng thực sự đến cùng với cột trụ thứ ba, chính sách kinh tế chung. Cố vấn của bà, Meyer-Landrut, tạo ra một nhân chứng chủ chốt là cựu chủ tịch ủy ban châu Âu, Jacques Delors, một người rất được kính trọng, đặc biệt giữa những người theo đường lối xã hội chủ nghĩa Pháp. Năm 1989, ông viết một báo cáo về những hiểm họa của việc thống nhất tiền tệ, trong đó ông lưu ý một cách ráo hoảnh và cô đọng: “Một đồng tiền chung đòi hỏi mức độ nhất trí cao hơn đối với chính sách kinh tế cũng như trong một số địa hạt chính trị khác, đặc biệt là chính sách tài khóa.” Merkel hy vọng vị tổng thống Pháp theo đường lối xã hội chủ nghĩa François Hollande sẽ không mâu thuẫn với ý kiến đó. Trong quan điểm của bà, việc điều phối chính sách kinh tế là cần thiết, đặc biệt khi chạm đến câu hỏi về chủ quyền quốc gia - trong những chính sách về thị trường lao động và thuế. Vì những điều này, như biểu đồ được vẽ vào tháng 9 tháng 2011 đã cho thấy, là những vấn đề hóc búa.
Merkel lập tức nói rõ với khán giả của bà ở Quốc hội Đức rằng bà không thích cho ủy ban châu Âu thêm nhiều quyền lực. Điều đầu tiên cần phải được cần nhắc là “quyền của các nước thành viên cùng quốc hội của họ trong việc tự đánh giá và sở hữu phạm vi để xây dựng cấu trúc của riêng họ.” Tuy nhiên vẫn cần đến những nguyên tắc chỉ đạo: cần thống nhất nhiều hơn, kiểm soát nhiều hơn, quyền can thiệp của một “cường quốc châu Âu.” Merkel không nói rõ bà nhắc đến cường quốc châu Âu nào - điều này về sau mới trở nên thấy rõ. Nó chỉ có thể là hệ thống giám sát mới mà những nước thành viên sẽ tạo ra cho chính họ, khác hẳn với ủy ban và các hiệp ước châu Âu. Và khi cần một yếu tố mang tích kích thích, Merkel hứa hẹn sẽ có tiền. Một “yếu tố đoàn kết” sẽ được tạo dựng, có thể được đóng góp bởi một loại thuế đánh lên các giao dịch tài chính, điều mà những nước gặp khó khăn có thể tận dụng để trợ vốn cho các dự án nhằm cải thiện sức cạnh tranh của họ.
Khi bà đề cập đến cột trụ thứ tư, các nghị sĩ ở Berlin đã tin sái cổ - nếu họ hiểu được những ngụ ý trong đó. Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị thành lập một dạng chính phủ châu Âu, kiểm soát bởi một quốc hội mạnh mẽ - vốn chỉ có thể là Nghị viện châu Âu. Song như thế vẫn chưa đủ với Merkel: “Tôi thích Hội đồng châu Âu trở thành thứ gì đó tương tự Thượng viện hơn,” bà nói sau bài diễn văn trước Nghị viện châu Âu. Gần một năm trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với những tờ báo hàng đầu châu Âu, bà phát biểu công khai: “Ngoài ủy ban (châu Âu), thượng viện này, theo nghĩa nào đó, sẽ tạo nên Hội đồng châu Âu với các nguyên thủ quốc gia.”
Thế nhưng hội nghị thượng đỉnh tháng 12 vẫn là nỗi thất vọng cho Merkel. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Herman Van Rompuy, đã đề xuất một chương trình cải tổ hoàn toàn khác: một lần nữa, trái phiếu châu Âu lại xuất hiện trong danh sách mong muốn; một lần nữa, lại là đề xuất cung tiền và không đòi hỏi lại thứ gì. Merkel dùng những tuần trước hội nghị và bản thân hội nghị để đánh một trận chiến phòng ngự; bà thiếu đồng minh còn những người đồng cấp của bà rõ ràng không còn nhìn thấy sự khẩn cấp của việc cải tổ trên diện rộng. Dẫu vậy, ít nhất bà cũng tìm được cách xoay bộ đếm về con số không. Bà vẫn đặt mục tiêu là châu Âu, và kế hoạch của Van Rompuy đã mắc cạn. Nhưng sáu tháng đã trôi qua, thời gian đã bị uổng phí. Merkel bắt đầu cân nhắc lại vấn đề hết lần này đến lần khác.
Dẫu vậy, bước đi đầu tiên đã được thực hiện - Merkel đã phát biểu công khai ý tưởng của bà cho một trật tự kinh tế châu Âu mới. Châu Âu có một sự lựa chọn: hoặc một giải pháp trung dung, tức hình mẫu kinh điển dựa trên sự thỏa hiệp vốn sẽ bị quét sạch bởi cơn sóng toàn cầu hóa, hoặc một chương trình cải cách khó khăn vốn sẽ cho phép châu lục này cạnh tranh. Con số 55 năm kể từ Hiệp ước Roma chỉ là cái nháy mắt trong những thuật ngữ lịch sử, bà nói trong một dịp khác. Không ai có thể đảm bảo châu Âu sẽ duy trì được trật tự ổn định, bình yên của nó. Hoặc, như bà nói với Thủ tướng Bulgary, Boyko Borisov, đùa nhiều hơn thật, rằng không ai có “thần quyền” để trở thành thế lực lãnh đạo. Ngay cả người Maya rồi cũng bị tuyệt diệt. Và Angela Merkel không muốn châu Âu bị tuyệt diệt. Bà muốn đạt được những điều tuyệt vời cho châu Âu. Tuy nhiên, cùng lúc đó, bà đặt ra cho bản thân một mục tiêu khiêm nhường: không ai có thể kết tội bà đóng vai trò tích cực trong sự sụp đổ của cả một châu lục.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Vấn đề của người Anh
Giữ họ lại trong EU


Ngày 11 tháng 11 năm 2012, Angela Merkel bay đến London dự bữa tối. Trong lịch trình làm việc của bà, đó là cuộc gặp thân mật cùng David Cameron. Đây là những dịp bà rất thích, vì bà thoát được những yêu cầu về nghi thức ngoại giao và có cơ hội hiểu thêm điều gì đó về người kia. Vì thế, trong khi tại Đức, mùa lễ hội - vốn được người Rhinelander gọi là “Mùa thứ năm” - sắp bắt đầu, Merkel lại bước qua cánh cửa đen bóng số 10 phố Downing vào bên trong một thế giới có thể là một thế giới khác.
Những vị khách Đức luôn say mê sự bí ẩn bao phủ quanh nơi ở chính thức của thủ tướng Anh. Mặc dù Số Mười về cơ bản chỉ là một căn nhà thềm cao, mọi quyền lực và quyền hành của lịch sử lâu dài của đất nước này dường như tỏa ra từ mặt tiền căn nhà. Người Đức, vốn thường xuyên lật đổ chính lịch sử của họ, ngưỡng mộ tri cảm về truyền thống của người Anh. Tuy vậy, bí ẩn sắp sửa tan biến khi, như vẫn dễ xảy ra, bạn đi tìm nhà vệ sinh dành cho khách ở bên trái cửa chính và nhìn thấy một chai thuốc tẩy và bàn chải nhà vệ sinh dưới bồn rửa mặt.
Đoàn tùy tùng nhỏ của Merkel lập tức được dẫn xuống những tầng sâu hơn của tòa nhà, và nhanh chóng phát hoảng giữa mê cung những hành lang và cầu thang hẹp vốn gợi nhớ đến một chuồng chó hơn là trái tim của chính phủ một nước. Một thành viên trong đoàn đã hoàn toàn kinh ngạc khi được dẫn đi ngang một nhà bếp với những chiếc nồi và chảo dường như không thay đổi gì kể từ thời của Churchill. Nhưng sự ngạc nhiên của họ lên đến đỉnh điểm khi, trước lúc cuộc họp bắt đầu, chủ nhà David Cameron yêu cầu họ tập họp xung quanh và tự giới thiệu mình là người độc diễn. Với sự giúp đỡ của một trợ lý cùng một máy tính xách tay, ông trình bày một bài thuyết trình sống động và thú vị để giải thích mối quan hệ giữa nước ông và Liên minh châu Âu, bao gồm những liên hệ tinh tế đối với cuộc tranh cãi sắp tới xung quanh vấn đề ngân sách.
Bản thân là một người nhanh trí và đầy sự thú vị, Merkel đánh giá rất cao khía cạnh tự hạ thấp mình một cách hài hước trong tính cách của David Cameron. Bà từng nói một cách trìu mến rằng ông thích được làm tâm điểm của sự chú ý. Bà thích những màn trao đổi chính trị tìm thấy trong truyền thống tranh biện của người Anh, những cuộc đối diện hằng tuần của ngài thủ tướng trước Hạ viện, vốn mang đến một phương diện lý tính, rõ ràng cho những cuộc thảo luận chính trị - có lẽ vì bản thân bà không có tiếng là nhà hùng biện, ít nhất đối với công chúng nội địa của bà. Dù gì chăng nữa, ngày 11 tháng 11 năm 2012 sẽ được khắc ghi trong lịch sử quan hệ Anh-Đức là ngày mà nữ thủ tướng Đức làm quen và hiểu được thủ tướng Anh. Dĩ nhiên, không phải lúc nào bà cũng đồng tình với lối diễn giải sự kiện của Cameron, nhưng ít nhất điều nổi bật chính là một dạng quan hệ cá nhân mà nếu thiếu vắng nó, người ta sẽ không đạt được điều gì trong giới tinh hoa chính trị. Nhưng trên tất cả, mối quan hệ này đã hàn gắn một vài vết thương mà Cameron từng gây ra trong quá khứ.
Merkel ưa thích chính trị Anh. Một lý do cho điều này là quan điểm của Anh về Hoa Kỳ cũng tương đồng với quan điểm bà. Và bà nói được tiếng Anh. Là một tín đồ Tin lành Đông Đức, bà cảm thấy gần gũi sự tri cảm Anh giáo hơn Công giáo La Mã ở miền nam châu Âu. Trước đây khi còn sống ở Đông Đức, bà ngưỡng mộ lập trường dứt khoát của người Anh và người Mỹ trước chế độ xã hội chủ nghĩa. Và mặc dù bà chưa bao giờ quên sự thù địch của Margaret Thatcher đối với sự thống nhất của Đức, điều này vẫn không làm giảm niềm yêu thích của bà đối với tính khiêm nhường của người Anh và quan điểm của họ về vấn đề chủ quyền cùng những lý tưởng dân chủ thâm căn cố đế của quốc gia này.
Bà vô cùng ngưỡng mộ Tony Blair khi ông còn làm thủ tướng. Ông là người đã giới thiệu bà vào môi trường chính trị quốc tế khi bà trở thành thủ tướng, và giúp đỡ bà trong những bước đầu tiên vào Nghị viện châu Âu. Như chúng ta đã thấy, ngay sau đợt bầu cử của bà năm 2005, Merkel phái vị chánh văn phòng mới được bổ nhiệm Thomas de Maizière đến London để học hỏi công việc chính quyền từ đội ngũ của ông Blair. Phải thừa nhận, thủ tướng Anh đã bị tổn hại và suy yếu về mặt chính trị bởi cuộc chiến Iraq. Không khác gì George W. Bush, Blair thích được xem gần gũi với nữ thủ tướng mới của Đức, người có thể củng cố vị thế cho ông - và cũng là người có lợi thế không trở thành một Gerhard Schröder thứ hai. Nhưng sau 18 tháng, họ đã chia lìa đôi ngả. Nếu Blair từng hy vọng rằng Merkel có thể giúp ông đạt được thành công sự nghiệp bằng việc đảm bảo một công việc tại Brussels, ông đã phải thất vọng. Merkel quá thực dụng cho việc đó, và bà hiểu vấn đề Iraq đã khiến Blair bị nhiễm độc - ít nhất đối với công chúng của bà tại Đức.
Suốt ba năm trời, người đồng cấp với Merkel là Gordon Brown, vốn có tính cách rất giống bà. Cũng như nữ thủ tướng, Brown là một chính trị gia giàu óc phân tích và siêng năng, được định hình nhờ sinh ra và lớn lên trong một gia đình mục sư Scotland. Cũng như Merkel, ông rất khó bị người ta đọc vị và rất hiếm khi tâm sự với người khác. Khi cuộc khủng hoảng Lehman Brothers chạm đến châu Âu vào mùa thu năm 2008, chính Brown là người tổ chức một cuộc họp 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới tại London. Và chính Merkel là người tiêm nhiễm vào thủ tướng Anh những tư tưởng của bà về kế hoạch điều tiết cho đến khi ông chịu bổ sung những đoạn văn bản thích hợp vào trong bộ văn kiện hoàn chỉnh. Khi ông kêu gọi tổng tuyển cử vào mùa xuân năm 2010, Brown không hy vọng được tái đắc cử. Nên khi Merkel thăm ông tại Chequers, vài tuần trước khi ông rời nhiệm sở, đó là một cử chỉ mang nặng tính cá nhân về phía nữ thủ tướng.
Chỉ sáu tháng sau, Merkel đã quay trở lại khu nhà ở công vụ tại miền quê của thủ tướng Anh, lần này với tư cách khách mời của David Cameron và có chồng bà, Joachim Sauer, tháp tùng. Khi nói đến thái độ tích cực của Merkel đối với người Anh, Sauer không phải là không có ảnh hưởng. Vị giảng viên đại học này đã tháp tùng bà trong nhiều chuyến thăm Vương quốc Anh - không phải nước nào ông cũng đi cùng bà. Ông từng bay đến Heathrow cùng Merkel và hứa sẽ cùng bà dự bữa tối với thủ tướng Anh sau đó. Khi đại sứ Đức đề nghị ông sử dụng xe công vụ, ông đã từ chối một cách lịch sự. Ông cho biết thích dùng tàu điện ngầm hơn. Và ông đã đáp tàu điện ngầm đến tuyến Piccadilly rồi từ đó đi thăm một người bạn học sĩ.
Mặc dù ở cấp độ cá nhân, Merkel đánh giá rất cao người Anh, quan điểm nghề nghiệp của bà về chính sách của Anh đối với châu Âu phức tạp hơn nhiều. Theo bà, chính Tony Blair đã gieo hạt giống của sự tiến thoái lưỡng nan mà Cameron giờ đang phải đối mặt khi đặt nền móng cho việc trưng cầu ý dân. Mặc dù trong những chuyến thăm lục địa châu Âu, Blair luôn thể hiện một thái độ rất tích cực đối với EU, thái độ này lại không được phản ánh trong các chính sách đối nội của Anh. Ông từng hai lần hứa hẹn tổ chức trưng cầu dân ý - nếu nước Anh cân nhắc gia nhập khu vực đồng euro, và vấn đề vận dụng Hiến pháp châu Âu - nhưng điều này chưa bao giờ trở thành sự thật. Hiến pháp châu Âu từng bị khước từ bởi người bỏ phiếu tại Pháp và Hà Lan, nên Blair không dám thử.
Xu hướng giữ khoảng cách với châu Âu của nước Anh phản ánh thái độ truyền thống của họ với toàn châu lục này. Như Henry Kissinger từng viết trong cuốn Diplomacy (Ngoại giao), nước Anh là cường quốc châu Âu duy nhất bị chủ nghĩa thực dụng quốc gia ngăn không cho mở rộng, về mặt này, quan hệ giữa Anh với châu Âu và Liên minh châu Âu hoàn toàn đối lập với Đức, vốn sau hai cuộc chiến tranh thế giới cùng vị thế thống trị giữa lòng châu Âu mà họ không thể chối bỏ, đang kêu gọi các nước xích lại gần nhau hơn. Nên khi Merkel cố gắng tìm kiếm một khung tổ chức hoàn hảo cho Đức, đồng euro và sự hội nhập châu Âu sâu rộng hơn bao giờ hết, theo những ý kiến phân tích khắt khe từ các cố vấn của nữ thủ tướng, Anh chưa bao giờ thực hiện cú nhảy từ cộng đồng châu Âu sang Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, ban đầu, sự bất đồng của Merkel với Cameron xoay quanh một điều thẳng thắn hơn nhiều. Đầu năm 2009, Cameron rút 71 thành viên thuộc đảng Bảo thủ Anh ra khỏi đảng Nhân dân châu Âu (EPP) nhằm phản đối những chính sách mang màu sắc cổ vũ thành lập chính phủ liên bang (“federalist”) của đảng này, và những chỉ trích của đảng này nhằm vào khát vọng tổ chức trưng cầu ý dân của Anh. Quyết định đó làm Merkel sôi máu. Bà đã nhìn thấy trước việc quyết định đó có thể làm suy yếu trầm trọng phái bảo thủ trong Nghị viện châu Âu. Và quyết định đó cũng gửi đi một tín hiệu rất rõ ràng đến những đảng khác của liên minh trung hữu, do lá phiếu của Anh rất quan trọng đối với EPP. Sự rút lui của Anh đã khích lệ những đảng bài EU (Eurosceptic) khác, vốn có thể phát triển thành một cơn bão thật sự trong những kỳ bầu cử châu Âu tiếp theo. Những phiên bản châu Âu của Phong trào Tea Party Cộng hòa của Mỹ (US Republican Tea Party) có thể tìm thấy trên khắp châu lục này. Merkel xem quyết định của Cameron là ngắn hạn và bị thúc đẩy bởi nền chính trị trong nước - một ý kiến được bà nhắc lại khi những vấn đề châu Âu của Cameron tăng lên.
Merkel phản ứng theo cách mà bất cứ vị lãnh đạo đảng nào cũng sẽ làm. Bà giữ liên lạc trực tiếp với nhánh London của tổ chức Konrad Adenauer Foundation, vốn có giám đốc sở hữu mạng lưới liên lạc tốt nhất bên trong đảng Bảo thủ, và thông qua nhiều kênh khác nhau, bà cho Cameron biết rằng đây chắc chắn không phải một bước đi khôn ngoan. Cameron không phản ứng, nhưng ba ngày sau khi thắng cử vào tháng 5 năm 2010, ông bay đến Berlin để lập tức cải thiện những mối quan hệ cá nhân giữa hai người.
Tuy vậy, chương EPP chỉ là khúc dạo đầu cho những vấn đề mà Đức sẽ đối mặt xung quanh các chính sách của nước Anh đối với châu Âu dưới sự lãnh đạo của Cameron. Từ quan điểm của Berlin, những cuộc tranh luận giữa các đảng phái Anh về một cuộc trưng cầu ý dần dần trở nên kém quan trọng bên cạnh những vấn đề trong khu vực đồng euro mà Merkel đã tìm cách giải quyết từ năm 2010. Tuy nhiên có hai tình huống nguy hiểm tỏ ra sẵn sàng xung đột vào bất cứ lúc nào: cuộc khủng hoảng đồng euro và mong muốn cải cách của người Anh, bao gồm đòi hỏi thay đổi hiệp ước, sẽ khiến EU lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Merkel xem những vấn đề của Cameron đối với châu Âu hoàn toàn do ông tự gây ra và có thể tránh được. Và ngay cả khi nữ thủ tướng không phán xét những tranh cãi nội bộ của đảng Bảo thủ chăng nữa, bà vẫn xem Cameron đang bị đảng của ông bắt giữ làm con tin. Những sai lầm chiến lược, những sự nhượng bộ thường xuyên trước các đảng bài EU, tính toán sai thời điểm và trên tất cả là thiếu một hướng đi rõ ràng, thuyết phục - trong chính sách châu Âu của mình, Cameron đã không thể hiện một chút tài năng làm chính trị nào cả.
Phản ứng của Merkel trước những người có vị thế yếu kém là cho họ một liệu pháp sốc điện: bà liên tục thúc ép Cameron đóng vai trò nhiều hơn trong các vấn đề châu Âu, để ông không bị kéo theo luồng không khí do phe cánh bài châu Âu trong nước mình tạo ra. “Chúng tôi muốn ông ấy tham gia nhiều hơn” là câu nói trong phủ thủ tướng Đức, vốn trong quan hệ ngân sách với EU có nghĩa là: Đức đứng về phía Cameron khi ông khẳng định rằng ngân sách của ủy ban châu Âu không được phép gia tăng. Nhượng bộ những yêu sách của các nước Nam Âu và để Cameron bị cô lập thì rất dễ. Song việc Anh tiếp tục có mặt trong Liên minh châu Âu là điều tốt cho chính lợi ích của Merkel và là một mối quan tâm cơ bản của bà. “Tham gia mang tính xây dựng” là lời xì xào xung quanh Berlin, hay “tham gia vì quyền lợi của riêng bạn” - thái độ cư xử với London diễn ra với giọng điệu gần như mang tính kỷ luật.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Phải thừa nhận rằng những chiến thuật “sốc điện” này còn vì một mục tiêu khác: Merkel không muốn phe chống châu Âu tại Anh bắt đầu trở nên táo tợn hơn và tin rằng tất cả những gì họ cần là vài tiến hành một vài bước và những chiến sĩ chiến đấu cho sự trở lại như cũ 24 ở London phải đầu hàng và thậm chí bị ép đến cửa ra. Không, Merkel muốn giữ người Anh lại trong EU. Bất cứ cục diện nào khác cũng sẽ chuyển cán cân quyền lực EU về hướng bất lợi cho Đức, và làm tê liệt toàn bộ châu lục. Vì thế mục tiêu then chốt của bà là: nước Anh phải tiếp tục hiện diện trong EU - nhưng không phải bằng mọi giá.
24 Nguyên văn: rebate Champion
Quá trình mặc cả quanh “mức giá” này diễn ra vào giữa cuộc khủng hoảng đồng euro tháng 11 năm 2011, khi Merkel muốn thành lập hiệp ước tài khóa nhưng Cameron từ chối tham gia. Phủ thủ tướng Đức nói rõ với văn phòng thủ tướng Anh rằng thỏa thuận này sẽ không ngăn chính phủ các nước duy trì mô hình tài chính riêng cũng như ban hành những quy định pháp chế để cân bằng của riêng họ, và thỏa thuận này thật sự tương đồng với quyết định của Anh trong việc theo đuổi một chính sách “thắt lưng buộc bụng” nghiêm ngặt. Vì mọi quốc gia nằm ngoài khu vực đồng euro khác đều ủng hộ ý tưởng này, nên việc Cameron gây trở ngại là rất kỳ quái theo cái nhìn của người Đức. Và khi ông đưa ra những yêu sách vào phút cuối nhằm bảo vệ quyền lợi đặc biệt của London, chỉ khiến ông bị cô lập nhiều hơn.
Trong quan điểm của Đức, một sự tính toán sai lầm tương tự nằm đằng sau bài diễn văn về châu Âu mà Cameron trình bày vào tháng 1 năm 2013. Cameron đã sử dụng bữa tối giữa ông và Merkel vào ngày 11 tháng 11 năm 2012 để tâm sự với bà những suy nghĩ và ý tưởng của ông và để giải thích cho trạng huống kịch tính đang diễn ra. Thủ tướng Anh có hai nhận xét quan trọng. Đầu tiên là việc đồng tiền chung đã thay đổi một cách cơ bản toàn bộ dự án châu Âu. Nếu không có đồng euro, Liên minh châu Âu đã trở nên dung hợp, hay nói cách khác khối này sẽ hướng về những nước thành viên hơn. Một số quốc gia cần thêm nhiều thời gian để chấp nhận nhiều thành phần cấu tạo của châu Âu này, nếu họ không muốn bị loại ra khỏi những cơ chế điều tiết của khối. Cùng lúc đó, thị trường đơn nhất đang trở nên quá yếu để trói buộc các nước lại với nhau. Đồng tiền chung giờ đây đã quăng chính nó vào tâm điểm sân khấu với tư cách là dự án châu Âu quan trọng nhất, từ đó thay đổi bản chất cốt lõi của châu Âu. Châu lục này đã bị chia rẽ bởi những nước sử dụng và không sử dụng đồng euro. Rồi Cameron đặt câu hỏi thẳng thừng: điều gì quan trọng nhất với bà - thị trường đơn nhất hay đồng tiền đơn nhất? Điều ông thật sự muốn nói qua câu hỏi này là việc châu Âu phải tư duy nghiêm túc về mối quan hệ giữa những nước trong khu vực đồng tiền chung euro và những nước bên ngoài khối này.
Luận điểm thứ hai của ông là: Merkel phải hiểu một lời hứa trưng cầu ý dân sẽ được đón nhận ra sao tại Anh. Ông cố gây ấn tượng với bà rằng đây không chỉ là vấn đề xoa dịu những nghị viên bài châu Âu ngồi ở hàng ghế sau trong quốc hội Anh, mà vấn đề này còn nằm ngay giữa trung tâm quan niệm về dân chủ của người Anh.
Bằng những ngôn từ này, bài phát biểu của Cameron tỏ ra gần như là cái gật đầu trước Merkel và nước Đức. Không những thế, Cameron vừa tránh đụng vào ổ kiến lửa, vì ban đầu ông định đọc bài diễn văn vào ngày 22 tháng 1 - vốn, trong tất cả các ngày, lại là dịp kỷ niệm 15 năm ký kết Hiệp ước Élysée giữa Pháp và Đức. Để đánh dấu sự kiện này, quốc hội Pháp và Đức sẽ tổ chức một phiên họp chung tại Berlin, còn nội các hai nước sẽ gặp gỡ nhau một cách tượng trưng quanh bàn tròn. Buổi lễ cấp cao của sự hòa giải quốc gia này cũng là một hình thức ăn mừng sự ra đời của dự án châu Âu. Nếu Cameron đọc bài phát biểu của ông vào đúng ngày đặc biệt này, thì sự sỉ nhục đã không thể nào đúng lúc một cách ý nhị hơn. Dẫu vậy, cũng thật không ngờ khi không một ai ở phố Downing tỏ ra biết về điều này, và chỉ sau một cơn hoảng sợ vào phút chót, thì mối nguy mới được đẩy lùi.
Ai đó tham gia vào quá trình soạn thảo bài diễn văn bình luận rằng bài phát biểu nhằm vào hai đối tượng khán giả khác nhau: công chúng Anh, đặc biệt những ai thuộc đảng Bảo thủ, và thủ tướng Đức. Không hề ngẫu nhiên khi Cameron nhắc đến chi tiết này cho Merkel biết trước, và cũng không hề ngẫu nhiên khi chủ đề then chốt của bài diễn văn là: năng lực cạnh tranh nằm ở trái tim của dự án châu Âu.
Bài phát biểu dự định để làm nguôi phe bài châu Âu trong đảng của ông Cameron - lời hứa về một cuộc trưng cầu dân ý sau cuộc tổng tuyển cử để đổi lấy một thỏa thuận đình chiến từ giờ cho đến lúc đó. Tuy nhiên, trong quan điểm của Merkel, Cameron đang phạm phải hai sai lầm. Đầu tiên, ông đang gánh chịu một rủi ro khổng lồ chỉ vì lợi ích chính trị ngắn hạn tại quê nhà. Một cuộc trưng cầu dân ý không phải vấn đề nhỏ và có thể có những hậu quả không lường được. Merkel sẽ không bao giờ phó mặc bản thân cho những thế lực chính trị không thể kiểm soát như thế. Và thứ hai, thật ngây thơ nếu trông mong rằng lời hứa về một cuộc trưng cầu dân ý có thể làm cuộc khủng hoảng im tiếng. Thật ra nó còn gây phản tác dụng: Cameron đã tung ra con át chủ bài, song vẫn bị ép buộc phải khuất phục. Và nhu cầu có một cuộc tranh luận căn cơ về chủ đề này rõ ràng không thể được thỏa mãn chỉ bằng một thông báo hạn chót giản đơn. Mặt khác, Cameron đã tìm được cách làm tắt tiếng những ai đang kêu gọi trưng cầu dân ý, vì giờ đây họ cảm thấy đã có được những gì họ muốn.
Với Merkel, có vài câu hỏi thực tiễn: bài diễn văn nhắc bà nhớ lại rằng ở Cameron, bà có một người đồng minh trong những vấn đề chính của mình - lời cảnh báo về một châu Âu suy tàn. Cameron chia sẻ quan điểm của bà rằng châu Âu hoặc phải cải thiện sức cạnh tranh của nó hoặc bị tụt lại phía sau trong cuộc đua toàn cầu. Tuy nhiên, Merkel vẫn phải ra một quyết định thực tế: bà sẽ đồng hành cùng yêu sách mang quyền lực quay về Vương quốc Anh của Cameron đến bao xa? Bà không có bất cứ ham muốn nào cho việc mở lại những hiệp ước. Nên lời cảnh báo của bà với Cameron là: chỉ khi nào những hiệp ước được thương lượng lại, thì người ta mới có thể bỏ phiếu cho chúng. Và việc bỏ phiếu có thể có kết quả tồi tệ - là điều Merkel chắc chắn.
Merkel còn có một nỗi sợ khác: Cameron có thể hiểu sai những tín hiệu của bà và lợi dụng sự không khoan nhượng mà bà đang áp dụng cho những nước đang gặp khủng hoảng, cũng như lòng cảm thông của bà trước đòi hỏi phục hồi quyền lực của ông. Nếu thủ tướng Anh cứ kiên trì quá mức với những đòi hỏi này, thì cuối cùng có thể bà là người duy nhất đủ khả năng giữ nước Anh lại trong EU. Cameron có thể khai thác việc người Đức muốn giữ Anh ở lại EU bằng mọi giá, vì điều này phù hợp với lợi ích của họ. Song Merkel không thích những mối đe dọa che đậy. Nếu mọi chuyện lên đến mức ấy, bà sẽ quyết định xem liệu cái giá có quá cao không, và nếu quá ngờ vực, bà sẽ khước từ.
Rồi đến mối lo thứ ba - viễn cảnh vẫn luôn được miêu tả ở Berlin bằng cách sử dụng cách nói của người Anh: “lối thoát bất ngờ”. Nếu hy vọng về một cuộc trưng cầu ý dân tỏ ra quá xa vời, một cuộc nổi loạn của phe ghế sau có thể sẽ nổ ra, vốn sẽ là một kết quả không mong muốn vào kỳ tổng tuyển cử tiếp theo, rồi đến một quốc gia không có khả năng đương đầu với những hệ quả. Đến lúc này, mọi chuyện sẽ trở nên vô phương cứu chữa.
Vì thế, giữa hàng loạt những vấn đề khác mà Liên minh châu Âu đối mặt, Merkel rất muốn người đồng cấp Anh của bà hiểu đúng thông điệp: Cameron không nên đánh giá quá cao vị thế của ông, và ông cũng không nên mong đợi bà tỏ ra quá dễ dãi. Chính quyền Đức nhìn thấy một số mâu thuẫn nghiêm trọng trong lý lẽ của Cameron: việc nói đến thị trường đơn nhất như thể nó là một dạng Chén Thánh và cùng lúc đó đòi hỏi được đối xử ngoại lệ ngoài vòng cương tỏa của những luật lệ và quy định của thị trường này là điều bất khả thi. Mặc dù Merkel ủng hộ nguyên tắc bổ trợ và cảm thấy quá nhiều quyết sách chính trị đã bị chuyển vào tay giới công chức và ủy ban châu Âu, bà cũng không bao giờ đánh giá quá cao quyền lực của mình cũng như đòi hỏi các hiệp ước phải được thay đổi, trừ khi bà tuyệt đối chắc rằng bà có thể đạt được điều mình muốn.
Nên không, sẽ không có một khoản chiết khấu mới nào cho chính phủ Anh, dù dưới hình thức của những thay đổi hiệp ước mang tính biểu tượng. Nếu bị bắt buộc, những hiệp ước chỉ có thể bị thay đổi theo yêu cầu của một hệ thống cơ quan mới của EU, hoặc bởi sự ra đời của một liên hiệp ngân hàng trong khu vực đồng euro. Từ tâm chấn của cuộc khủng hoảng đồng euro, mọi thứ trông hoàn toàn khác với những gì quan sát từ phố Downing. Và thế nên ở Berlin, người ta luôn dùng giọng điệu cảm thông khi nói về nước Anh và quan điểm lãng mạn của nước này về một thế giới đã thay đổi từ lâu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Triển vọng cho Merkel?
Nữ thủ tướng hậu-chính trị
25

25 "Hậu chính trị" (post-politics) chỉ việc đánh giá bản chất sự trỗi dậy của trào lưu "chính trị đồng thuận" (consensus politics) trên bình diện toàn cầu sau thời Chiến tranh lạnh. (ND)

Đến giờ, chưa có một đánh giá công bằng nào có thể được áp lên những chính sách của Angela Merkel. Cuộc khủng hoảng đã biến Merkel thành tù nhân, và các sự kiện vẫn đang lao về phía trước. Sẽ phải mất rất lâu để nỗi thống khổ chấm dứt tại Tây Ban Nha và Hy Lạp. Các thị trường vẫn đang dè dặt. Pháp chỉ mới bắt tay vào giai đoạn khó khăn nhất trong hành trình tự khám phá của nước này kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ II. Tại Đức, năm bầu cử 2013 sẽ bị thống trị bởi nỗi lo lắng về đồng euro.
Chỉ đến khi cơn khủng hoảng dịu bớt, chúng ta mới biết được phần nào trong cuộc giải cứu - hay cú sụp đổ - của đồng euro có thể được quy cho Merkel. Những người xung quanh bà nói: “Nếu mọi chuyện đổ bể, chúng tôi sẽ biết ngay. Còn nếu mọi chuyện tốt lên, 20 năm nữa người ta sẽ hiểu rõ giá trị của nó.” Đây là sự khiêm nhường kinh điển. Tuy nhiên, nữ thủ tướng đã chấp nhận một lượng lớn rủi ro, dù bà đã có thể làm cho mọi chuyện dễ dàng hơn cho mình. Bà đã kê một toa thuốc mạnh cho toàn châu lục, vốn ngay cả Đức những tưởng cũng khó lòng qua khỏi. Không chỉ thế, có nhiều ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng càng tác động đến những nước yếu ở châu Âu bao nhiêu, thì Đức càng hưởng lợi bấy nhiêu - từ lãi suất thấp, từ nền kinh tế khỏe mạnh của họ, sự thu hút của nước này như một chốn cho những người đạt tiêu chuẩn cao đến sống và làm việc. Một mặt, điều đó cho bà một vị thế quyền lực tại châu Âu. Mặt khác, nó khiến bà bị phơi bày trước những cuộc công kích và tăng rủi ro cho bản thân bà. Nếu Merkel thất bại, đó sẽ là một cú thất bại nặng nề.
Những lúc riêng tư, nữ thủ tướng từng nói bà ghét đóng vai trò một người sắt đá kinh tế đến nhường nào. Bà không thích bị khắc họa chân dung như một người có trái tim lạnh giá và bị ám ảnh bởi kinh tế học. Khi bà ghé thăm Bồ Đào Nha, Hy Lạp hay Tây Ban Nha bà được chào đón với cờ hình chữ thập ngoặc, người biểu tình đốt hình nộm của bà, mặt bà được sơn chòm râu của Hitler. Không một thứ gì trong những điều này khiến bà không lay động. Bà thường xuyên bất đồng với bản thân về lối ra đúng đắn cho cuộc khủng hoảng, bà cân nhắc mọi lý lẽ khác nhau hết lần này đến lần khác - và dẫu thế bà luôn có cùng một kết luận: chưa ai có khả năng cho bà thấy một giải pháp tốt hơn. Bà có nên đồng ý quăng tiền cho Hy Lạp vào lúc bắt đầu cuộc khủng hoảng? Cung cấp quỹ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu mà không áp đặt các điều kiện? Đưa ra trái phiếu châu Âu, hay chia sẻ nợ? Ngoài những khó khăn pháp lý và trong nước, Merkel không đồng ý: vì nếu bà làm thế, thì mọi động lực cải cách sẽ tan biến. Những trái phiếu châu Âu không bị kiểm soát bởi chính quyền châu Âu sẽ là lỗi nghiêm trọng trong cả hệ thống. Đứng một mình, Đức sẽ không thể gánh vác gánh nặng nợ công đang đè lên các nước trong khu vực đồng tiền chung euro. “Sức mạnh của chúng tôi có giới hạn,” bà lặp đi lặp lại vào năm 2012. Và nếu không thể cạnh tranh trên bình diện quốc tế, hệ thống kinh tế châu Âu sẽ sụp đổ: đây là điều bà tin chắc.
Thực hiện cắt giảm ngân sách và cải cách - hay bảo vệ người dân tránh được mọi gian khổ và gánh lấy khoản nợ ngày càng tăng? Merkel không bao giờ chấp nhận giải pháp thay thế này, đây không phải cách bà làm việc. Bà chỉ có một lời răn duy nhất - hay, như bà thường nói, chỉ một chân lý duy nhất: đồng euro phải được bảo vệ. Và, do bà là người làm việc có hệ thống, từ chân lý này lại khởi phát nhiều hệ luận khác. Chẳng hạn: đồng euro phải được bảo vệ - và khi cuộc khủng hoảng kết thúc, nó phải mạnh mẽ hơn cả trước đó. Hoặc: đồng euro phải được bảo vệ, cùng với sự đồng thuận (nếu khả thi) của mọi thành viên của khu vực đồng tiền chung euro. Bà không ngừng nói: “Tôi thích Hy Lạp ở lại trong khu vực đồng euro,” nhưng không phải là: “Hy Lạp sẽ ở lại trong khu vực đồng euro bằng bất cứ giá nào.”
Bà luôn để ngỏ những giải pháp. Hy Lạp rõ ràng có thể rời đồng tiền chung. Nếu điều này xảy ra, Merkel ít nhất sẽ muốn có những lập luận giải thích tại sao bà phải ủng hộ Hy Lạp lâu dài đến thế, và tại sao, giữa mọi giải pháp khả thi, cuối cùng việc nước này ra khỏi đồng tiền chung euro lại là lựa chọn tốt nhất cho phần còn lại của khu vực đồng tiền chung euro. Vì nếu Hy Lạp không thể tiếp tục ở lại khu vực đồng tiền chung euro, thì ít nhất nó phải có khả năng kiểm soát những hệ quả cho đồng euro. Giữa những sự phức tạp rối ren trong quyết định của bà, đây là cách Merkel vạch rõ mục tiêu: bà luôn muốn có nhiều lý lẽ về phía mình hơn là phía những ai bất đồng với bà. Bà muốn chơi theo cách an toàn.
Dù bề ngoài tự tin, lúc nào Merkel cũng có xu hướng ngờ vực. Vào mùa xuân 2012, bà được miêu tả bằng những ngôn từ rực rỡ nhất khi tờ Bild tâng bốc bà lên mây xanh. Việc này tạo ấn tượng rằng cuộc khủng hoảng đã được kiểm soát. Mùa hè năm đó, bà chào mừng thông báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết rằng khi các điều kiện được thỏa mãn, cơ quan này sẽ mua một lượng vô hạn các trái phiếu chính phủ. Song đây là tin quá tốt. Bà lập tức cảm nhận rằng những nỗ lực đang bắt đầu bị lơ là ở những nước gặp khủng hoảng. Trong suốt sáu tháng, Hy Lạp đã mặc cả xung quanh chi tiết của một chương trình tiết kiệm mà trên nguyên tắc đã được quyết định và chấp nhận từ lâu. Những khoản nợ mới bắt đầu phình lên. Một lần nữa, Merkel nhận ra đồng euro sẽ không được giải cứu chỉ đơn giản nhờ một hiệp ước tài khóa hay một kế hoạch tái cấu trúc. Đồng euro sẽ sống sót hoặc sụp đổ mà không cần đến Hy Lạp. Vào mùa thu năm 2012, bà bị buộc tội không đối mặt với sự thật: Hy Lạp sẽ không bao giờ có thể trả hết nợ, còn những nước châu Âu giàu có, trước hết là Đức, sẽ phải thanh toán hóa đơn. Tuy nhiên, bà không muốn đồng ý một sự cắt giảm mới đối với những khoản nợ này - ít nhất vào thời điểm đó. Vì như thế sẽ thúc đẩy cái gì, không chỉ cho Hy Lạp, mà còn cho những nước đang gặp rắc rối khác? Nếu áp lực được giải tỏa, sẽ không còn nền kỹ trị kinh tế châu Âu nào nữa.
Thỉnh thoảng Merkel, tự hỏi tại sao bà lại được tin tưởng trao quyền năng vô hạn đến thế. Vì trong suốt những năm tháng khủng hoảng, bà đã phải chịu vô số sức ép: chính trị đối nội Đức, Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức, ngày bầu cử, thay đổi chính quyền, những đối tác liên minh của bá, những đồng minh cực kỳ thiếu ổn định trong EU - bà luôn phải dựa vào những đồng minh của mình. Có lẽ vấn đề lớn nhất trong giai đoạn thứ ba của cuộc khủng hoảng là thay đổi tổng thống ở Pháp. Merkel mạnh mẽ tại châu Âu quá lâu một phần do bà có một người đồng minh là Nicolas Sarkozy. Ở châu Âu không điều gì mang tính chính trị có thể chống lại sức mạnh tổng hợp của Đức và Pháp.
Nhưng rồi tình thế thay đổi. Francois Hollande trở thành Tổng thống Pháp. Bỗng dưng bà thiếu sức nặng cần thiết để áp đặt ý chí chính trị của bà lên châu Âu. Trong suốt chiến dịch bầu cử Pháp, bà đã phạm sai lầm khi ủng hộ người bạn Nicolas Sarkozy. Đây là điều mà Holland sẽ không chóng quên. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là vị tổng thống mới được bầu bị mắc kẹt trong một đống lời hứa hẹn tranh cử và kỳ vọng chính trị của những người ủng hộ. Những ý tưởng giải quyết cuộc khủng hoảng của ông hoàn toàn đối nghịch với Merkel. Nhiều tháng trời, nữ thủ tướng chỉ nhắc về ông với vòng tròn thân cận của bà là “người đồng cấp”. Căng thẳng rõ như ban ngày.
Merkel không chia sẻ niềm tin chính trị của nhân vật người cha già Helmut Kohl, ông luôn nói rằng một vị thủ tướng Đức tốt nhất nên cúi đầu hai lần trước lá cờ tam sắc. Merkel không muốn cúi đầu. Bà quá tự tin với khả năng phân tích cuộc khủng hoảng - và nếu bà muốn châu Âu tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc và Đông Nam Á, nếu bà không muốn châu lục này rơi vào cơn suy thoái kinh tế và nhân khẩu học, thì bà không thể đáp ứng những điều Holland muốn. Đây là động cơ thật sự, là lý do căn bản đằng sau mọi sáng kiến của bà. Châu Âu, vốn đại diện cho chín phần trăm dân số thế giới, tạo ra 25% GDP và chiếm 50% chi tiêu công của toàn cầu. Nhưng điều này sẽ kéo dài trong bao lâu nữa?
Dẫu vậy, bà có nên cố gắng tranh thủ Holland một cách tích cực hơn không? Có một điều chắc chắn: Merkel không thích tính cách vui vẻ vùng Rhineland của Kohl. Bà thích chơi trò chơi mà giờ bà đã thông thạo: cân nhắc lợi và hại, ra yêu sách, tạo áp lực và cuối cùng thực hiện nhượng bộ nếu bà thu lại được điều gì đó. Bà ghim những hy vọng của mình theo thời gian, vốn đã trở thành đồng minh thân cận nhất của bà. Hollande cũng sẽ nhận ra giá trị của thời gian khi thị trường cho ông thấy chính sách kinh tế của ông có ít triển vọng đến nhường nào.
Nhưng bất chấp cách làm duy lý của Merkel, vẫn có những nỗi lo. Tất cả logic này đang dẫn đến đâu? Tính toán và phản tính toán để đạt được điều gì? Giữa mọi sự cân nhắc rủi ro, bà có để lỡ một cơ hội có tính quyết định, sáng giá mà không chừng bà có thể sử dụng để định hình - hoặc có thể dùng nó làm bệ phóng? Cuộc khủng hoảng đang làm người ta héo mòn, có rất ít sự kiện nào trong lịch sử hậu chiến thử thách lòng kiên nhẫn của công chúng đến thế. Đến một lúc nào đó nó phải kết thúc, nhưng là một người khắc kỷ, Merkel không đưa ra lời hứa hẹn nào. Bà yêu cầu người ta kiên trì hơn, nhẫn nại hơn. Đến một lúc nào đó, công luận hoặc sẽ dự cảm về một cái giá phải trả, hoặc sẽ đòi hỏi một quyết định mạnh mẽ. Mọi người đang trở nên mất kiên nhẫn. Song Merkel không phải là một thủ tướng xem nhẹ mọi thứ, bà là sự trái ngược với Schröder, và vì thế thiếu cách tiếp cận bốc đồng, cảm tính vốn có thể giúp những cơn khủng hoảng dạng này dễ chịu hơn. Bà có thể vượt quá tầm chính mình, chơi bài poker hơi quá lâu khi lẽ ra đã phải đưa ra quyết định - có lẽ để thể hiện sự không tán thành đối với Hy Lạp.
Những người gần gũi Merkel và hiểu rõ bà cho biết nữ thủ tướng là chính trị gia hậu chính trị hoàn hảo. Đây là một lời khen, bởi vì có rất nhiều chính trị gia hậu chính trị vĩ đại. “Hậu-chính trị” đồng nghĩa với không cam kết bản thân bạn, để cho bản thân bạn trôi giạt, có ít hoặc không có niềm tin nào, luôn linh hoạt, chờ đợi đúng thời điểm. Trong một hệ thống bị kiểm soát quá mức đến nỗi nó xé nát những tư tưởng của chính nó, những chính trị gia hậu chính trị này không sở hữu phẩm chất tồi nào cả.
Ban đầu Merkel giao phó trọng trách cho những chính trị gia khác: cải tổ lực lượng vũ trang? Đây là việc của Guttenberg. Sự sụp đổ của Libya? Westerwelle được giao việc này. Chính sách hiếu chiến trong việc bán vũ khí ra nước ngoài của chính phủ của nữ thủ tướng? Việc này được lo liệu bởi Hội đồng an ninh liên bang, có những thành viên thề giữ bí mật. Merkel thích những mối liên kết không quá sâu sắc và, nơi nào có sự liên kết sâu sắc, chẳng hạn Israel, bà thích được rút lui trong êm thắm. Khi thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bắt đầu đi quá xa với chính sách về những khu định cư, Merkel đã tỏ ra lạnh nhạt với ông. Vào tháng 11 năm 2012, khi người Palestine tìm cách nâng vị thế của họ tại Liên hiệp quốc, Đức đã quay lưng lại với Israel.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 15 Apr 2017

Bảy năm làm thủ tướng trong một môi trường liên tiếp xuất hiện khủng hoảng một cách bất thường có thể làm kiệt quệ ngay cả một phụ nữ có tinh thần thép và đam mê công việc không biết mệt mỏi. Merkel đã trở nên cô đơn giữa nhiệm sở, thậm chí còn hơn cả Helmut Kohl và Gerhard Schröder cùng thời điểm họ làm thủ tướng. Bà có xu hướng khước từ lời khuyên từ bên ngoài, bà đã có quá nhiều trải nghiệm tồi tệ. Bà phá vỡ tôn ti trong đảng và thích giao tiếp trực tiếp với các thành viên thấp nhất. Tầng lớp bậc trung trong đảng CDU cảm thấy bị gạt sang lề, và đảng này thiếu những thành viên cao cấp sáng giá. Không có một nhân vật nào mạnh mẽ, không một ai có ý chí cá nhân để giành quyền kiểm soát từ tay Merkel. Thay vào đó, bà vây quanh toàn những người giống bà: lý tính, kỹ trị, giàu óc phân tích. Tất cả đều là những bậc thầy chiến thuật. Những chính trị gia hậu-chính trị. Những nhà chiến lược tổng thể to mồm không có chỗ trong thế giới của nữ thủ tướng.
Một nhà quan sát người Thụy Sĩ từng buộc Merkel tội đại diện cho một nhà nước của những chuyên gia, cho thứ chính trị dễ đoán biết. Bà thỏa mãn nỗi khao khát đồng tình của người Đức - vui lòng không cãi vã, chúng tôi thích hòa hợp. Quan sát từ bên ngoài, điều này không hoàn toàn chính xác, khi đảng đối lập đã giúp Merkel rảnh một tay trong cuộc khủng hoảng, và thậm chí còn ủng hộ những chính sách xung quanh các chủ đề khó khăn như hòa bình và chiến tranh mà bà soạn thảo lúc đầu với họ. Điều này khiến chính sách đối ngoại của Đức trở thành vấn đề của sự đồng nhất, như thể việc quan sát một thỏa thuận đình chiến trong những lúc khó khăn là nghĩa vụ công dân. Hay Merkel mang mọi người theo bên mình? Phải chăng có lẽ không còn lựa chọn nào khác cho cách bà làm việc? Bởi vì sự thật là mọi phía đều sợ mối đe dọa của con quái vật euro. Họ đều sợ khoảnh khắc khi người dân biết phần chia thanh toán của họ là bao nhiêu. Một Merkel duy lý cũng sợ điều đó, song bà hy vọng rằng đến lúc đó, những số liệu sẽ trở nên có lợi về phía bà, để bà có thể nói: Tôi đã làm hết sức mình, mọi lựa chọn khác đều tệ hơn cho nước nhà.
Phong cách của Merkel định hình cho nền tảng quyền lực của Merkel. Và đúng thế, Angela Merkel rất có ý thức về quyền lực. Bà biết chính xác ai sẽ không phù hợp với hệ thống của bà. Bà không yêu cầu sự trung thành về mặt tư tưởng, vì bản thân bà, với tư cách một chính trị gia hậu-chính trị nguyên mẫu, không xem tư tưởng là một tiêu chí của quyền lực. Thay vào đó, bà đòi hỏi người ta chấp nhận những ý tưởng của bà, tham gia vào thế giới của logic và phản - logic, của những tính toán duy lý và lập luận vượt trội. Nếu bà phải đối mặt với một lập luận mạnh mẽ, bà lập tức tìm kiếm một lập luận khác mạnh hơn - hoặc dùng chính lý lẽ của đối phương làm bệ đỡ cho lý lẽ của chính bà. Vladimir Putin đã áp dụng phương pháp này. Đó là thách thức quyền lực duy nhất mà Merkel sẽ chấp nhận. Bất cứ ai muốn qua mặt bà về ý thức hệ hoặc làm điều đó một cách lỗ mãng đều sẽ đối diện với một bề cứng và trơn. Merkel không khoan nhượng với những cuộc đối đầu như vậy.
Đây là bí mật sức mạnh của bà: Angela Merkel chỉ tham gia vào một cuộc tranh luận nếu bà biết mình sẽ chiến thắng sau cùng. Những ai đánh giá thấp tình hình trong khi ba hoa về sự bất khả xâm phạm của họ - như một số giám đốc ngân hàng trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính - sẽ nếm trải cơn giận của bà. Khi đó bà sẽ nghĩ đến việc trả thù. Người ta sẽ không cảm nhận được ngay điều đó, mà có lẽ phải chờ đến nhiều năm sau. Song bạn có thể chắc chắn rằng Merkel không chấp nhận bị xem thường. Bà cũng không chấp nhận bị gây sức ép, đặc biệt giữa phe nhóm của bà, dù là thành viên đảng hay nội các. Nếu một bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ mà vị trí của họ đòi hỏi, hoặc sau khi hứa hẹn đủ điều rồi lại trút công việc của họ sang cho bà, thì họ “xong đời”. Đây là điều Wolfgang Tiefensee khám phá được khi ông làm Bộ trưởng Giao thông, xây dựng và phát triển đô thị và muốn loại bỏ dự án vệ tinh Galileo của châu Âu, vốn ngày càng đội thêm chi phí lên những nguyên thủ quốc gia EU.
Phô bày quyền lực công khai không phải phong cách của Merkel. Bà không la ó: bà nói chuyện khẽ khàng. Bà không nện nắm đấm lên mặt bàn, bà thà làm việc muộn vài đêm và làm kiệt sức đối thủ của mình hơn. Bà xem lá phiếu tín nhiệm ở Quốc hội Đức là dấu hiệu của sự yếu đuối. Nếu bị buộc phải yêu cầu phiếu tín nhiệm, bà biết mình đã hết thời. Tuy nhiên, khi chính phủ liên hiệp không cho bà có được đa số phiếu trong cuộc bỏ phiếu lớn cuối cùng về vấn đề đồng euro vào mùa hè năm 2012, bà không mảy may bận tâm. Nhờ đảng đối lập, bà vẫn có đủ số phiếu cần thiết, trong trường hợp này là hai phần ba đa số phiếu. Điều quan trọng nhất là sự đồng lòng này đã kéo các đảng phái lại với nhau - mọi thứ khác đều là thứ yếu.
Cuộc khủng hoảng đồng euro là thách thức lớn nhất cho quyền lực của bà. Merkel không thể hiểu được đối thủ. Có quá nhiều yếu tố không thể tính toán được, quá nhiều đấu thủ có sức ảnh hưởng lên cuộc chơi. Bà biết những sự kiện và phẩm cách sẽ quyết định số phận bà - có lẽ bà chỉ có ảnh hưởng giới hạn lên đảng FDP, chiến thắng vào cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Hay nội các Hy Lạp, hay thủ tướng Tây Ban Nha hay thị trường tài chính vào thời điểm trái phiếu chính phủ Pháp tiếp theo được phát hành. Ngày kết toán của bà sẽ đến vào lúc bà ít ngờ đến nhất - bà cũng biết điều đó. Nhưng bà sẽ để lại gì sau lưng?
Với chính sách khắc nghiệt trong suốt cuộc khủng hoảng, Merkel đã tạo ra được một vai trò mới cho nước Đức. Bị cô lập giữa trung tâm châu Âu, quốc gia này đương đầu với nhiều sự thù địch hơn bất cứ lúc nào trong hơn nửa thế kỷ của lịch sử châu Âu được chung tay xây dựng. Song họ cũng được ngưỡng vọng nhiều không kém. Điều này không khiến Merkel trở thành một nhân vật nổi tiếng tại nhiều phần ở châu Âu. Nước Pháp của Hollande đã tránh xa bà một cách hèn yếu, bởi họ thiếu khả năng tiến hành cải cách trong khi làm ngơ trước những xu hướng toàn cầu lớn. Tất cả những điều này giúp xoa dịu nước Đức và nữ thủ tướng, dẫu vậy phân bổ quyền lực không đồng đều tại châu Âu vẫn rất nguy hiểm. Nếu Merkel muốn xây dựng một châu Âu mới, với một chính phủ liên minh kinh tế khỏe mạnh, với sự giám sát các ngân hàng, với sự kiểm soát dân chủ chặt chẽ hơn, thì bà sẽ phải nói rõ với người dân Đức rằng họ sẽ phải tuân thủ một hệ thống mới, một hệ thống sẽ đối xử với họ tàn nhẫn như với bất cứ ai khác nếu họ phá vỡ những luật lệ.
Trên tất cả, những nước châu Âu khác sẽ phải tin rằng một cường quốc độc lập mới không đột nhiên xuất hiện từ hư không, mà phải cần đến sự cân bằng. Châu Âu mới không thể biến thành châu Âu của Đức - điều này sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Merkel sẽ chẳng đem lại lợi ích gì cho châu lục này và chính đất nước của bà chỉ bằng những màn thuyết giáo về năng suất lao động, giá nhân công thấp và dậy sớm. Châu lục này cũng phải nhận ra rằng hệ thống phúc lợi, tự do và an ninh của họ sẽ bị đe dọa nếu những bộ luật được thỏa thuận chung bị phá vỡ.
Merkel tỏ ra bình thản một cách đáng ngạc nhiên trong những địa hạt thường nhật và quen thuộc của bà. Lương tâm bà thanh thản. Bà đã lãnh đạo nước Đức lâu hơn bất kỳ ai từng trông đợi. Thực tế ngay từ đầu việc bà lãnh đạo nước này từng là điều gần như bất khả thi vào đầu cuộc bầu cử năm 2005. Và bà sống trong sự công nhận rằng tám năm làm thủ tướng là một thành tựu đáng kính trọng. Nhiều vị tiền nhiệm của bà không trụ lâu được đến thế. Tham vọng của bà là một nhiệm kỳ thứ ba - việc này giống như được phong quý tộc. Nhưng từ ngày đầu tiên sau khi tái đắc cử, bà cũng chịu gánh nặng ý thức thời gian đang cạn dần. Merkel đủ thực tế để hiểu điều đó. Những năm tháng khủng hoảng đã gây ra nhiều thiệt hại. Công việc chính quyền làm kiệt quệ những người đảm nhiệm chúng.
Merkel đã tích lũy được nhiều vốn liếng chính trị. Bà biết thế. Đến lúc nào đó bà sẽ bị cám dỗ phải đầu hàng, phải chịu rủi ro, phải đặt hết trứng vào một rọ. “Đến lúc nào đó” có lẽ là khi bà phải đối mặt với một trở ngại lớn. Hoặc có lẽ tất cả sẽ mãi chỉ là một sự cám dỗ - Angela Merkel sẽ luôn là Angela Merkel - giàu mưu lược, cẩn trọng, sẵn sàng hứng chịu rủi ro chỉ khi những điều này không còn là rủi ro nữa.
Vậy còn lại những gì? Thực tế phi thường rằng cô gái đến từ Templin đã trở thành một nữ nguyên thủ quốc tế - có lẽ là vị nguyên thủ mạnh mẽ và chắc chắn là vị nguyên thủ quyền lực nhất mà Cộng hòa Liên bang Đức từng biết đến. Angela Merkel sẽ mãn nguyện khi biết rằng bà không chỉ nhìn thấy được thế giới, như bà từng muốn lúc còn nhỏ, mà bà còn thấu hiểu được thế giới và thay đổi lộ trình của nó một chút.
Và đến một lúc nào đó, cử tri sẽ chán chường với phong cách của bà và đảng của bà sẽ nổi loạn - điều đã xảy ra với Helmut Kohl. Khi đó sẽ rõ rằng thời gian làm thủ tướng của Angela Merkel đã chấm dứt. Mọi hệ tư tưởng thời đại đều thay đổi và thời gian rồi sẽ hết.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 16 Apr 2017

Năm khủng hoảng của nữ thủ tướng

Angela Merkel đã không bao giờ ngờ nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba lại dành vào việc cống hiến cho di sản chính trị của bà. Nhưng Merkel đã chuẩn bị cho những khủng hoảng và thảm họa mà bà sẽ vượt qua sau ngày bầu cử. Gần như trong vòng nửa năm, những “đám cháy” mới trên thế giới đã liên tiếp diễn ra không khác gì một cơn mưa thiên thạch. Giai điệu của nền dân chủ đang bào mòn chính phủ của nó. Những năm sau năm 2013 không còn có thể được lý giải bởi những ý niệm thông thường về sự thăng trầm của việc “kinh doanh dân chủ.” Angela Merkel đã trở thành tâm điểm của nhiều cuộc khủng hoảng, như cách các nhà khoa học chính trị vội vàng đặt tên cho giai đoạn này. Nhà bình luận người Mỹ Robert Kagan đã viết về “khủng hoảng của trật tự thế giới.” Và như thể bao nhiêu thế lực hắc ám đồng loạt tháo cũi sổ lồng.
Ukraine, đồng euro tại Hy Lạp và cuối cùng là vấn đề người tị nạn - Merkel đã trải qua không chỉ đầy rẫy tai ương, mà cả những thách thức khó khăn không ngừng tiếp diễn chưa rõ hồi kết. Trên thực tế, thế giới dường như đang sụp đổ và tại châu Âu đã nổi lên một thế lực mới nhờ vào việc nước Đủc - cùng nữ thủ tướng của họ - bỗng dưng đóng vai trò chủ đạo giữa tất cả những khủng hoảng này. Như thể tám năm trước đây chỉ là khoảng thời gian khởi động khi giờ đây, tất cả tài năng của bà đều đang được cần đến.
Giữa lúc chính phủ Đức đang sắp xếp nội các, vào ngày 21 tháng 11 năm 2013, Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ là Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận hợp tác và thương mại tự do với Liên minh châu Âu, để rồi kích hoạt cuộc khủng hoảng nhà nước nghiêm trọng nhất kể từ cuộc chiến Balkan. Sau hàng loạt các cuộc biểu tình, bạo loạn bùng phát ở quảng trường (maidan) trung tâm thủ đô Kiev, và sự trốn chạy của Yanukovych, đất nước Ukraine trải qua khủng hoảng chính biến chưa từng có nhằm vào các thiết chế, truyền thông và cuối cùng là một phần lãnh thổ của họ rơi vào tay Nga, vốn kéo dài đến tận tháng 3 thông qua vụ sáp nhập Crimea và nhiều tháng trời giao tranh tại miền đông nước này.
Merkel đã được đưa vào trung tâm của cuộc khủng hoảng từ những giây phút đầu tiên - khi là vị lãnh đạo chính phủ duy nhất tại châu Âu vẫn duy trì một kênh liên lạc ngoại giao với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mối quan hệ của bà với Putin, vốn luôn phức tạp - đầy tôn trọng nhưng cũng nhiều nghi ngờ sâu sắc, được nuôi dưỡng bởi sự ngưỡng mộ lẫn nhau nhưng còn tồn tại nhiều định kiến. Cuộc khủng hoảng Crimea và cuộc chiến ở Donbass sẽ củng cố những ngờ vực tệ hại nhất của Merkel. Bà là người luôn tin rằng có thể đối phó với Putin, cũng như hình thành một quan điểm vững chắc về những người cai quản Điện Kremlin.
Đó là vào một ngày tháng 3, sau nhiều cuộc điện đàm không có kết quả và các cuộc tranh cãi cứng rắn với Putin, Merkel đi đến kết luận: Người đàn ông này đã lừa dối bà, và với ông, bà không còn có thể hợp tác trong tin cậy.
Merkel đi đến kết luận này khi Putin thông báo cho bà qua điện thoại, đề cập đến việc quân đội đặc nhiệm Nga đã chiếm đóng một nửa Crimea. Trước công luận Putin đã luôn phủ nhận điều đó, và khẳng định Nga vô tội. Đối với Merkel tại thời điểm này, tuyên ngôn của Putin đã giảm giá trị. Và bà quyết định ngăn chặn mục tiêu thực sự của vị Tổng thống Nga.
Putin nhắm đến việc sáp nhập Crimea và cuộc chiến ở Donbass hơn là sự ổn định của Ukraine. Nhưng đối thủ thật sự của ông lại là Liên minh châu Âu và sức mạnh dân chủ và tổ chức của nó, đã được hình thành nhờ sự giúp đỡ của Chính sách Láng giềng EU và Hiệp ước liên minh. Đối với một tổng thống bị tổn thương nhiều bởi sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, cộng đồng này là một thách thức thực tế từ phương Tây. Merkel biết điều này và đã sử dụng tất cả sức lực để đối phó chính sách chia rẽ của Putin. Cam kết của bà: châu Âu không được tranh cãi vì Ukraine, không được phép chia rẽ vì lợi thế chính sách năng lượng hay cán cân thương mại. Mối quan ngại của EU là phong cách lãnh đạo độc đoán của Putin sẽ không tránh khỏi có ảnh hưởng với phương Tây, nơi mà nền dân chủ châu Âu đã bị suy yếu, cuộc khủng hoảng đồng euro và các tổ chức có ảnh hưởng xuất hiện khắp châu lục này như nấm mọc sau mưa.
Vũ khí quan trọng nhất của Merkel là những biện pháp trừng phạt và sự thống nhất của EU. Cả hai đã phụ thuộc vào nhau, và cả hai đã hơn một lần bị đe dọa trong suốt một năm nóng bỏng của cuộc khủng hoảng. Các mối đe dọa từ Nga đã tác động đến cảm giác an toàn của người dân châu Âu, cũng như tác động đến ý chí của ủy ban châu Âu với mong muốn mở rộng đôi khi ngây thơ và mang tính cơ học. Nhưng trên tất cả, nó đã có một tác động đến cán cân quyền lực trong nội bộ EU, nơi vị nữ thủ tướng Đức là người nắm quyền chỉ huy trong cuộc khủng hoảng.
Bà Merkel đã không có mặt cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande trong vòng đàm phán cuối cùng. Hollande, người đã triệu tập nhiều quốc gia tham gia nhóm đàm phán nhân lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ của phe Đồng minh lên Normandy vào tháng 6 năm 2014, trong mắt Merkel là sự đảm bảo cho một châu Âu gắn kết. Sự cứng nhắc của các cuộc đàm phán - ở Kiev, ở Moscow, sau đó ở Minsk - là chắc chắn phải có. Ông Putin, người đánh giá thấp Merkel vào giai đoạn đầu của đời sống chính trị, đã hiểu được sức chịu đựng bền bỉ của Merkel và sự kiên trì của bà. Cuối cùng và sau nhiều đêm đàm phán ông đã hướng vào Hiệp định Minsk - có lẽ vì ông đã đạt được mục tiêu của mình: Ukraine đã thực sự bị chia cắt và dự đoán không thể tái lập quan hệ với EU. Liên minh châu Âu đã vượt qua khủng hoảng mà không rơi vào một cuộc xung đột mở hay thậm chí đối đầu nhau, và đây là công lao của Merkel.
Danh tiếng của Merkel không ngừng tăng cùng với cuộc khủng hoảng Ukraine. Ảnh hưởng mới này đã được cảm nhận trong cuộc khủng hoảng đồng euro. Nhưng bây giờ Merkel đã chứng minh trong một cuộc đối đầu địa chính trị - cũng bởi vì bà được quyền. Quyền lực của Merkel phản ảnh sự bất lực của các quốc gia khác, và trên tất cả là bằng chứng cho sự vắng mặt của Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama đã đề ra phương châm phó thác cho người châu Âu tự giải quyết các vấn đề của họ. Merkel, đã tiếp quản vai trò lãnh đạo nhờ vào sức mạnh kinh tế của Đức và sự suy yếu tương đối của các nước đồng minh lớn là Pháp và Anh trong cuộc khủng hoảng đồng euro.
Sự rút lui của Mỹ càng tỏ ra nghiêm trọng trong con mắt của người Đức sau những hé lộ của đặc vụ Edward Snowden. Các hoạt động của NSA gây phẫn nộ trong lòng người Đức, và bức xúc càng dâng cao hơn khi Merkel thông báo vào tháng 10 năm 2013, ngay sau cuộc bầu cử quốc hội, rằng điện thoại di động của bà đã bị nghe trộm. Cuộc khủng hoảng song phương với Mỹ làm tăng sự xa cách và tác động gián tiếp vào sức mạnh của bà Merkel. Chính nữ thủ tướng Đức đã kêu gọi Tổng thống Mỹ can dự nhiều hơn nữa vào việc hạn chế chính sách quân sự ở Ukraine. Obama tìm kiếm lời khuyên - ông để cho châu Âu tự lo liệu. Người Đức thất vọng sâu sắc trước những vụng dại về mặt chiến lược của Mỹ.
Hiệp định Minsk - còn chưa được đàm phán vì sẽ dẫn đến khủng hoảng lớn tiếp theo - lần này là hoàn toàn tự chế, nhưng với tác dụng tai hại lên nhận thức về Merkel ở châu Âu. Về cuộc bầu cử tổng thống mới của nước Hy Lạp, các bên đã tranh cãi ở Athens để buộc phải diễn ra cuộc bầu cử mới. Vào ngày 25 tháng 11 năm 2015 Alexis Tsipras trở thành nhân vật quyền lực mới của Hy Lạp - được bầu chọn minh bạch, để làm cho tình hình khác đi. Như ông đã hứa như vậy.
Tiếp theo đó là sáu tháng kịch tính nhất của chính sách đồng euro với một chính quyền ở trung tâm, vốn đã muốn định đoạt cả cộng đồng còn lại và lập luận cứu trợ, chính là những việc Merkel đã không ngừng phản đối bao năm nay. Tsipras và đặc biệt là Bộ trưởng tài chính Hy Lạp, Janis Varoufakis đã buộc khu vực đồng euro vào một cuộc thử nghiệm ý chí, dẫn đến bế tắc trong thanh toán, đóng cửa ngân hàng và gần như phá sản của cả một quốc gia. Cuộc xung đột này là một yếu tố gây chia rẽ trong liên minh nội các của bà Merkel, lên đến mức độ ghét bỏ nhau giữa thủ tướng và bộ trưởng tài chính của mình. Wolfgang Schäuble đã công khai đối kháng vào cuối giai đoạn này.
Tuy nhiên Merkel đã quyết định muốn giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro với bất cứ giá nào. Bộ trưởng tài chính Schäuble muốn để cho Hy Lạp vỡ nợ và xem đây chính là giải pháp tốt nhất để EU thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công khổng lồ. Merkel đã thắng thế, buộc Hy Lạp thực hiện những cải cách mới, vốn luôn bị Schäuble nhận xét là “không thể thực hiện” được. Nhưng trong bao lâu? Không ai trả lời được câu hỏi này.
Nhưng trong nhận thức của công chúng châu Âu, khuôn mặt của Merkel một lần nữa thể hiện “người Đức xấu xí”, đất nước thống trị ở giữa lục địa đã bắt phần còn lại làm con tin. Phân tích phức tạp nhưng khá chính xác của bà Merkel: Ai cho phép Hy Lạp ngoại lệ cải cách hay cắt giảm nợ mới, mà ngày mai sẽ tạo ra vấn đề tương tự ở Tây Ban Nha và Ý. Thậm chí còn có sự đơn độc ở người đứng đầu chính phủ Berlin. Cuối cùng bà đã loại bỏ nhóm các nguyên thủ và một mình nắm quyền lực. Vào thời điểm này Merkel là nữ thủ tướng tại nhiệm lâu nhất, bà gặp đủ loại vấn đề và đã giải quyết. Bà có kinh nghiệm hầu như không bao giờ thất bại và đầy quyền lực. Cho đến khi những người tị nạn đến.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 32 guests