Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korneliu

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 16 Apr 2017

Không ai có thể nói là không được cảnh báo. Không ai có thể tỏ ra bất ngờ. Vậy nhưng cuộc khủng hoảng người tị nạn đã diễn ra khắp nước Đức và châu Âu như một cảnh tượng tự nhiên. Hạn ngạch nhập cư đã quá tập trung vào Hy Lạp trong nửa đầu năm 2015, do đó có lẽ công chúng tại Đức đã bỏ qua hai cuộc họp đặc biệt của nội các, trong đó đã thảo luận về người di cư ồ ạt một cách đáng lo ngại - cho đến tháng 6 năm 2015 người nhập cư vào đất nước này đã bằng toàn bộ số người nhập cư của cả năm trước.
Cùng thời gian đó, Merkel đã có cuộc họp riêng về chủ đề này. Cô bé tị nạn người Palestine tên Reem Sahwil đã xuất hiện cùng với bạn học của mình để thảo luận với bà Merkel vào tháng 7. Cô bé 14 tuổi này hỏi nữ thủ tướng tại sao bà không thể chắc chắn rằng cô được phép ở lại Đức. Merkel đã trả lời một cách chính xác bằng một tuyên bố, sau đó giải thích một cách lạnh lùng: Không thể ở lại, luật pháp quy định như vậy. Reem đã khóc trước máy quay và bà Merkel làm cho tình hình tồi tệ thêm bằng cách an ủi vụng về. Phần lớn những gì diễn ra sau đó đã được giải thích bằng cảnh này: bà Merkel, cô bé bị tổn thương, Merkel không muốn có vẻ tàn nhẫn. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của sự thật.
Không ai thật sự chắc về động cơ chính xác của nữ thủ tướng trong suốt những tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng người tị nạn. Merkel đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn về các quyết định của mình; bà liên tục trao đổi thông tin với những người thân tín, các quan chức cấp cao cùng cố vấn chính trị của bà. Từ những mảnh ghép này có thể tạo ra một bức tranh lớn hơn giúp người ta hiểu thêm về những quyết sách của bà. Còn việc bà có khôn ngoan về mặt chính trị hay không thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Không nhiều người có thể thật sự hiểu về nữ thủ tướng.
Trước đó Merkel đã nhận thức được quy mô người tị nạn. Bà đã đề cập đến mọi khía cạnh của chủ đề này vào đầu tháng 8 và có một số điều chắc chắn không thể chối cãi. Đó là: số lượng người tị nạn là rất lớn, và mọi người sẽ không thể dừng - không thể ngăn dòng người tị nạn bằng hàng rào và súng đạn. Điều chắc chắn tiếp theo: Mục tiêu của dân tị nạn trước hết sẽ là Đức, bởi vì Đức được coi là một cường quốc kinh tế ở châu Âu với một trong những chính sách tị nạn tự do nhất. Điều này dẫn đến điều chắc chắn thứ ba: Đức phải làm hết sức mình để giúp đỡ. Mỗi phản ứng thủ thế sẽ chỉ kích động tâm trạng của người tị nạn và góp phần vào một sự leo thang nguy hiểm. Điều chắc chắn thứ tư: Ai sẽ giải quyết về lâu dài vấn đề này - vấn đề đã buộc châu Âu leo một nấc thang mới trong chính sách về di cư, của việc kết thúc cuộc chiến ở Syria và thậm chí định hướng lại chính sách đối ngoại của những nước thành viên.
Giữa tháng 8 năm 2015, bà Merkel đã bị chỉ trích vì tính phòng thủ và thiếu đồng cảm khi đến thăm một trại tị nạn. Trước cổng, một nhóm nhỏ người biểu tình cực đoan đã xúc phạm gọi bà là “kẻ phản bội dân” (nguyên văn tiếng Đức: Volksverräterin). Trong trại thì bà được tiếp đón bằng sự tung hô. Merkel đã bị kích động khi những lời chỉ trích bà không ngơi giảm. Một vài ngày sau đó, bà đã có một câu nói nổi tiếng, mà giờ đây như gông cùm đeo vào cổ: “Nước Đức sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng này!” (Wir schaffen das!).
Gần như cùng thời điểm, một đoạn tweet (tin nhắn trên mạng xã hội Twitter) bởi Văn phòng di trú liên bang Đức đã tạo ra những kỳ vọng dâng cao trong cộng đồng người tị nạn: Đức sẽ vô hiệu hóa Điều luật Dublin, người tị nạn chiến tranh từ Syria sẽ không bị tự động trao trả về biên giới bên ngoài EU và cũng không phải đăng ký tỵ nạn tại Đức. Thay vào đó, họ sẽ được cho phép nhập cư vào Đức ngay khi có mặt trên lãnh thổ nước này. Hợp âm kết thúc cho khúc nhạc mở màn cuối cùng đã được tấu lên vào tuần đầu tiên của tháng 9 năm 2015, khi Merkel cho phép người tị nạn đang bị mắc kẹt tại Budapest được di chuyển thẳng đến Đức. Và khi những người nhập cư này được chào đón nhiệt liệt tại nhà ga chính của thành phố Munich với gấu bông và những tràng vỗ tay, những hình ảnh đó mở ra một hiệu ứng to lớn. Trong con mắt của người tị nạn, Đức giờ đã hóa thành miền đất hứa.
Trong con mắt của các nhà phê bình Merkel đã phạm nhiều tội trọng. Và quá đủ nhà phê bình rồi đó. Merkel đã không giới hạn việc mở cửa biên giới, bà đã không thu hồi quyết định của liên bang, bà đã không nhận được sự hỗ trợ cho đường lối của bà trong số các đối tác EU, bà đã không khiến được các đồng nghiệp trong đảng của bà bắt tay vào hành động còn người Đức thì hoàn toàn không. Tóm lại: Nữ thủ tướng đã biến Đức và châu Âu thành một vùng đất huyền thoại Eldorado của người tị nạn vì một lý do kỳ lạ. Những dòng người dài vô tận dọc theo tuyến đường Balkan càng thêm ấn tượng.
Cơn bão đã ập đến với Merkel, theo cách bà chưa từng trải qua trong suốt mười năm làm thủ tướng. Hầu hết châu Âu khước từ bổn phận, chỉ có Thụy Điển và Áo là những quốc gia trụ cột chịu trận. Tại Đức, công chúng phản ứng. Đối thủ chính trị của bà Merkel vỗ tay, trong khi đảng của bà lại luôn đối lập với bà. Giờ khắc tồi tệ nhất bà trải qua tại đại hội đảng của đảng anh em CSƯ, chủ tịch Horst Seehofer của đảng này đã chỉ trích bà suốt 15 phút. Một sự bẽ mặt chưa từng có.
Phản ứng của Merkel trong các khủng hoảng thường xuyên là thu mình lại và làm việc không ngừng. Tất nhiên, bà luôn gây ra nhiều lỗi mới - vấn đề phối hợp trong liên minh, tranh chấp giữa các bộ trưởng, yêu cầu các đối tác châu Âu giúp đỡ không hiệu quả, Merkel đã bị cuốn vào đó.
Trong mắt của họ, bà đã trải qua một thử thách khó khăn nhưng luôn tin rằng mình đi đúng hướng. Sẽ phải mất một thời gian, luôn là vậy ở cương vị thủ tướng, rồi người ta mới nhìn thấy kết quả. Merkel sẽ giữ cho mọi chuyện đúng đắn với việc phối hợp lòng nhân đạo và chính sách kiểm soát cơ bản.
Thật bất thường cho nữ thủ tướng khi bà vấp phải quá nhiều sai lầm và cho thấy ít sự linh hoạt đến thế trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng đang leo thang. Chính phủ các nước đồng minh thân hữu rất bối rối và bắt đầu phân tích sức mạnh còn lại của nữ thủ tướng. Phần lớn (chính phủ) các nước châu Âu đã suy yếu rồi, nên không ai muốn chứng kiến người đứng đầu nước Đức cũng “loạng choạng” nốt.
Thực tế, Merkel đã phạm những lỗi không điển hình với tính cách của bà. Thứ nhất, bà đã đơn độc xử lý vấn đề. Thông thường các bộ trưởng hoặc nhóm chuyên gia được liên kết với nhau trong một cuộc khủng hoảng. Lần này, Merkel đã ngay lập tức ở đó. Kế tiếp bà đánh giá không đúng hiệu quả lời kêu gọi giúp đỡ từ phần còn lại của châu Âu. Lần đầu tiên trong tất cả các năm tháng khủng hoảng, Đức không có sức ảnh hưởng để buộc các đối tác EU phải hành động. Đất nước này bất ngờ thành người cầu xin - và phải trả giá không ít cho quan hệ quyền lực mới đó. Nước Đức quá quyền lực đã quá lâu.
Merkel cũng đánh giá không đúng quyền lực của mình với đảng của bà. Liên minh giữ im lặng trong một thời gian dài, nhưng áp lực từ dưới lên lẫn từ trên xuống gia tăng. Merkel không có thời gian để nói lời ngăn cản và không tán thành. Bà thiếu sự đồng cảm đối với tất cả người dân trong nước vốn đã phải làm việc quá nhiều nhìn người tị nạn và lo sợ cho cuộc sống của chính mình.
Cuối cùng, những ngả đường của Merkel đã bị chặn hết. Vì đã hết giải pháp cho việc ứng biến, nên bà chỉ có thể tiếp tục trung thành với đường lối của chính mình. Dấu ấn trong sự nghiệp chính trị của Merkel - tài năng đàm phán và kỹ năng linh hoạt của bà - đã bị lấy đi, không chỉ bởi những kẻ chỉ trích bên trong phe cánh của bà, mà còn bởi chính Thủ hiến vùng Bavaria Horst Seehofer.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 16 Apr 2017

Merkel đi đến kết thúc, hay kết thúc cho Merkel?

Vẫn chưa thể có một đánh giá công bằng về cuộc khủng hoảng người tị nạn. Vấn đề này vẫn đang phát sinh diễn biến mới. Cuộc chiến ở Syria ngày càng thu hút nhiều người tham gia, còn vụ khủng bố ở Paris thì đem lại cho người châu Âu một phó phẩm xuất khẩu của quá trình phân rã của quốc gia Trung Đông này. Chính sách tị nạn của bà Merkel đã đột nhiên mờ nhạt dưới những vấn đề lớn hơn đang bao trùm châu Âu. Cũng như vẫn chưa rút ra được đánh giá toàn diện cuối cùng cho việc nghiên cứu về Merkel trong cuộc khủng hoảng đồng euro.
Chỉ khi khủng hoảng tăng lên, người ta mới hiểu Merkel đảo ngược tình hình đến mức nào. “Nếu sai lầm, chúng ta lập tức biết ngay; nếu đúng, có lẽ 20 năm sau nó sẽ được ghi nhận,” đó là quan điểm trong đường lối của Merkel. Đây là cách nói giảm nhẹ kinh điển. Và chưa kể, nữ thủ tướng đã không mạo hiểm quá nhiều như mười năm trước đây.
Trong những thời khắc yên tĩnh của cuộc khủng hoảng đồng euro, nữ thủ tướng từng nói, bà luôn phản đối và chỉ luôn đưa ra các đường lối chính sách kinh tế cứng rắn. Bà không muốn theo mô hình tiền tệ vô tâm này. Khi bà đến Bồ Đào Nha, Hy Lạp hoặc Tây Ban Nha, bà đã được đón chào bằng những lá cờ chữ thập ngoặc, người biểu tình đốt cháy những hình nộm bằng rơm của bà, bộ ria Hitler được vẽ lên mặt bà. Merkel không thể lãnh đạm. Bà một mình chèo lái đến cùng tìm con đường đúng đắn thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, bà cuốn vào hết tranh luận này đến tranh luận khác, lặp đi lặp lại - và đến cuối luôn luôn có cùng một kết quả kiểu: từ trước tới nay không ai có thể chỉ ra cho bà con đường nào tốt hơn. Nếu bà đồng ý rằng đơn giản người ta chỉ cần đổ thêm tiền cho Hy Lạp khi bắt đầu cuộc khủng hoảng thì sao? Rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu cứ in tiền không điều kiện? Giới thiệu đó là trái phiếu châu Âu hay khối nợ chung? Bất kể tất cả những khó khăn về chính trị trong nước và pháp lý: Merkel không tìm thấy gì, bởi vì mọi động lực cho việc cải cách đều đã ở đó. Trái phiếu euro mà không có chính phủ châu Âu sẽ là một lỗi hệ thống tồi tệ. Một mình nước Đức không thể gánh khoản nợ khổng lồ của các nhà nước châu Âu - “quyền lực không phải là vô hạn,” bà luôn lặp lại câu nói đó vào năm 2012. Hệ thống kinh tế của châu Âu sẽ sụp đổ, bởi vì nó không còn có thể cầm cự trước các thế lực cạnh tranh toàn cầu. Đó là điều Merkel tin chắc.
Có phải thậm chí bà đã cho qua tất cả khía cạnh duy lý trong cuộc khủng hoảng người tị nạn và đặt mình vào vị trí của những người đang gánh chịu? Có phải bà muốn lại được yêu mến vì quyết định của mình? Mùa thu năm 2015, một lần nữa Merkel đã rơi vào những tháng ngày lo lắng, bà hành xử như con gái của mục sư, thuần túy cảm tính, thậm chí từ quan điểm của một người Đông Đức, những người vẫn còn thấy sờ sờ trong tâm trí hình ảnh đồng bào họ chạy trốn qua hàng rào của Hungary vào năm 1989. Nhưng cuộc tìm kiếm một nữ thủ thướng hành động theo cảm xúc không đi xa. Merkel vẫn là người duy lý kinh điển. Nếu có điều gì xuất phát từ quan điểm này, đó chỉ là: Merkel nhìn châu Âu từ một khoảng cách phê phán và luôn luôn thất vọng về sự sẵn sàng vận động ít ỏi của xã hội. Bà là người phải làm lại cuộc đời sau khi Bức tường sụp đổ, bà đã mất tất cả nhưng cũng giành lại được tất cả, và mong muốn nhìn thấy thêm nhiều sự cởi mở và công khai trong cư dân châu Âu. Có những chuyện bà còn sợ hơn là sự bế tắc ở châu Âu, đó là sự khô cứng về tinh thần và chính trị, sự sụp đổ cơ cấu dân số, vốn dĩ cuối cùng đều đổ vào thành dòng chảy tổn thất to lớn về kinh tế và chính trị.
Merkel không suy nghĩ theo thông thường về những lựa chọn thay thế khắc nghiệt. Giữ lại hay cải tổ; tiếp nhận hoặc từ chối người tị nạn. Thế nên tình hình vẫn vậy. Bà chỉ làm theo một sự trưng cầu - Merkel có thể nêu một giả thiết. Đồng euro cần được bảo vệ. Hoặc: châu Âu phải duy trì bộ mặt nhân đạo của nó. Và bởi vì là người có tính hệ thống, bà dẫn giải từ tiền đề này ra nhiều tiền đề phụ rồi lại rất nhiều tiền đề cấp dưới nữa. Như: đồng euro cần được bảo vệ - và đồng euro sẽ mạnh hơn khi kết thúc khủng hoảng. Hoặc: đồng euro cần được bảo vệ - rất có thể với tất cả 17 nước sử dụng đồng euro. Chuyển hóa sang cuộc khủng hoảng người tị nạn thì câu quyết định sẽ như vầy: châu Âu phải duy trì phẩm chất của nó, phải để cho tính thống nhất của nó sống bằng hệ thống tự do biên giới và sử dụng sức ảnh hưởng chính trị của liên minh để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Đôi khi Merkel tự hỏi tại sao bà được trao quyền năng tối thượng này. Thực tế, trong tất cả những năm tháng khủng hoảng bà vướng vô số hạn chế: chính trị đối nội Đức, Tòa án Hiến pháp, ngày bầu cử, thay đổi chính phủ tại các nước đối tác, bất ổn lên cao nhất trong các liên minh ở châu Âu - Merkel đã luôn luôn phụ thuộc vào các đồng minh của mình. Có lẽ vấn đề lớn nhất ở giai đoạn thứ ba của cuộc khủng hoảng này là vai trò nổi bật của Đức, quốc gia đi đầu bất chấp bản thân mình. Không, người Đức đã không đổ xô chạy trốn châu Âu và là mũi nhọn của châu lục này một cách không tranh giành. Không phải quốc gia này chớp lấy khoảnh khắc làm bá chủ một nửa, mà đơn giản là điều đó đến tay nó. Sự yếu kém của các nước láng giềng, đặc biệt là Pháp, và sức chịu đựng của bà Merkel đi đôi với bản tính khôn khéo, phòng thủ của bà - khiến chuyện đó xảy ra. Chính sách của châu Âu đã được hướng về bà như nam châm hút vụn sắt. Khi bà cho thấy sự yếu mềm của mình trong cuộc khủng hoảng người tị nạn, đó cũng chính là khoảnh khắc cân bằng nổi tiếng của châu Âu: các thế lực ở châu lục này đã được điều chỉnh lại. Một nước Đức quá hùng mạnh không nằm trong những kế hoạch của Liên minh châu Âu.
Bất chấp tính duy lý, trong chính sách của bà Merkel vẫn còn một sự khó chịu rất lớn. Toàn bộ lôgic này sẽ dẫn tới đâu? Toan tính và toan tính đối lại sẽ dẫn đến đâu? Có phải bà đã bỏ lỡ thời khắc quyết định trước sự cân đong rủi ro lớn, thời khắc mà người ta lẽ ra nên can đảm thực hiện - hoặc thậm chí nhảy qua? Nữ thủ tướng sẽ dẫn dắt tất cả mọi thứ đến đâu? Cuộc khủng hoảng đã hủy hoại con người, trong lịch sử hậu chiến chỉ rất ít vấn đề kéo dài sự kiên nhẫn của công chúng lâu như nỗi lo ngại về đồng euro và việc di cư. Cuối cùng cũng phải kết thúc, nhưng một Merkel khắc kỷ hứa hẹn không có kết thúc. Bà kêu gọi thêm kiên nhẫn và chờ đợi. Cuối cùng thì công chúng hoặc sẽ cảm nhận được cái giá của nó, hoặc sẽ muốn nghe một lời nói quyền lực. Nhưng Merkel không phải là thủ tướng Basta 26 (nguyên văn: Basta-chancellor), mà là người trái ngược với Schroeder, và do đó thiếu sự bốc đồng và hay cảm tính, những điều có thể làm cho người ta chịu đựng được cuộc khủng hoảng này. Có lẽ thậm chí bà còn làm quá sức, chơi ván poker bằng tiểu xảo kéo quá dài, trong khi lẽ phải có những quyết định khó khăn từ lâu - ví dụ giảm bớt ủng hộ Hy Lạp hay từ chối nhập cảnh cho người di cư.
26 Biệt danh mà người ta đặt cho Schroeder; "basta" là từ tiếng Ý có nghĩa "đủ rồi".
Một trong những người am hiểu Merkel nhất từ môi trường của bà nói rằng nữ thủ tướng là một chính trị gia hậu chính trị hoàn hảo. Điều đó có nghĩa là một sự công nhận vì sân khấu chính trị đang bị chiếm chỗ bởi nhiều chính trị gia hậu chính trị. Hậu chính trị có nghĩa là: không cố định, thả nổi, không có hoặc nhiều nhất là có rất ít lập trường, giữ linh hoạt, chờ đúng thời điểm. Không phải là những phẩm chất xấu trong một hệ thống bị kiểm soát quá mức vốn nuốt chửng những nhà lý thuyết.
Mười năm làm thủ tướng trong mật độ khủng hoảng bất thường này cũng đã bào mòn một người phụ nữ có cấu trúc thép và nghiện công việc một cách không mệt mỏi. Lúc này Merkel đã trở nên cô độc trong văn phòng, hơn so với Helmut Kohl và Gerhard Schroder. Bà từ chối phần lớn lời khuyên từ bên ngoài vì có quá nhiều kinh nghiệm tiêu cực. Bà đối xử theo thứ bậc trong đảng và giao tiếp trực tiếp và tương đối thành công với cơ sở. Trung ương chính phủ liên minh hình thành nhưng lại là thứ yếu, các lãnh đạo tương lai xuất thân từ CDU. Những nhân vật tính cách thực sự mạnh mẽ và có khí chất không ủng hộ bà. Nhưng bà trung thành một kiểu mẫu chính trị gia, vốn gắn chặt với bản thân bà: lý trí, kỹ trị, phân tích. Tất cả chiến thuật của quyền lực. Tất cả chính trị gia hậu-chính trị. Các chiến lược to tát và những lời lẽ đao to búa lớn không có chỗ trong vũ trụ của nữ thủ tướng.
Phong cách của Merkel cũng biện minh quyền lực của Merkel. Đúng vậy, Angela Merkel nhận thức quyền lực sâu sắc. Bà cảm nhận bằng trực giác, ai không là người trong hệ thống của bà. Bà không đòi hỏi sự phục tùng tư tưởng, bởi là hình mẫu hậu-chính trị lý tưởng, bà không cho rằng ý thức hệ quy định quyền lực. Thay vì vậy, bà đòi hỏi những thuộc cấp thực thụ, những người tham gia vào thế giới logic và phản logic trong tranh luận duy lý và sự thắng thế trong lập luận. Nếu bà phải đối mặt với một cuộc tranh luận ghê gớm, ngay lập tức bà cố gắng tranh luận mạnh mẽ hơn - hoặc dành riêng cho khẩu đại bác lý lẽ của bà. Vladimir Putin đã tham gia vào cái bắt tay thích tranh cãi này. Merkel chỉ chấp nhận dạng thách thức quyền lực đó. Ai muốn vượt qua bà về ý thức hệ hay chỉ thô lỗ, người đó sẽ bị một bề mặt băng giá hất ra. Merkel cự tuyệt những tranh cãi này.
Đó là bí mật của quyền lực của bà: Angela Merkel chỉ tham gia vào các cuộc xung đột nếu bà biết mình sẽ giành chiến thắng cuối cùng. Ai, như một số ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính vốn đã làm suy yếu quyền lực của nhà nước và khoe khoang về sự bất khả xâm phạm của mình, người đó sẽ khiêu khích cơn giận cơ bản của bà. Sau đó, bà sẽ tìm cách trả thù. Không thể cảm nhận được ngay lập tức mà có lẽ phải đến nhiều năm sau đó. Nhưng người ta phải biết chắc rằng Merkel không chấp nhận đầu hàng. Khi bà chấp nhận đã bị áp lực - thì ắt không phải trong nhà kho riêng, mà là trong đảng hay nội các. Thủ hiến bang Bavaria Horst Seehofer sẽ nhận được một câu trả lời.
Merkel không biểu thị quyền lực rỗng tuếch. Bà không la lối, mà im lặng. Bà không đập bàn và tuyên bố “đủ rồi”, mà thích làm việc một vài đêm dài và làm giảm sức chịu đựng của các đối thủ. Bà xem một phiếu tín nhiệm trong Quốc hội Đức như tờ biên nhận của sự yếu đuối. Nếu bà bị ép buộc phải làm điều gì đó, cũng là lúc bà biết mình đã hết thời. Bà không đạt đa số trong cuộc bỏ phiếu lớn lần cuối về đồng euro vào mùa hè 2012 tại Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) là bởi vì họ không trải qua một đêm mất ngủ nào.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn là thách thức lớn nhất cho quyền lực của bà. Merkel không nắm bắt được sự phản đối. Quá nhiều bất ổn, quá nhiều người tham gia định đoạt cuộc chơi này. Các sự kiện và con người sẽ quyết định vận mệnh của mình, vốn là điều Merkel hiểu rõ. Những hành động khủng bố ở Paris đem lại sự nhẹ nhõm - một cách nói cay độc song nhờ thế mà quy mô thực sự của vở kịch người tị nạn bất ngờ được nhận ra. Ở Đức, không ai sẽ tấn công quyền lực của bà một cách công khai - điều này sẽ dẫn đến các cuộc bầu cử sớm, mà trong đó không ai trong đảng của họ hoặc các đối tác liên minh được hưởng lợi. Vì vậy, Merkel vẫn còn thời gian đến mùa thu năm 2016, khi bà phải giải trình kế hoạch tương lai của mình. Liệu bà sẽ từ chức lãnh đạo cơ quan lập pháp hay ra tranh cử lần nữa? Câu trả lời chỉ có mình bà mới biết.
Giữa vòng tròn thân cận của mình, Merkel tỏ ra thoải mái một cách đáng ngạc nhiên. Bà đang thanh thản với chính mình. Bà cầm quyền lâu hơn người ta từng ghi nhận. Bà đã cầm quyền kể từ cái đêm bầu cử năm 2005 không chắc thắng đó. Và bà sống trong ý thức rằng chức vụ thủ tướng đem lại những kết quả đáng kính trọng. Nhiều người trong số những tiền nhiệm của bà đã không thực hiện được lộ trình và khối lượng công việc như vậy. Nhìn lại mười năm thịnh vượng, bà đã cứu tiền tệ châu Âu, điều đã giúp kiềm hãm một cuộc chiến tranh thật sự ở châu lục này. Qua đó, bà đã chứng minh cho những hàng xóm của nước Đức thấy rằng quốc gia này không phải là mối đe dọa. Và có lẽ thành tựu lớn nhất của bà chính là việc bà - một cách âm thầm và đều đặn - đưa nước Đức vào chính trường quốc tế. Hiện được xem là vai chính diện, nước Đức tìm được vị trí mới trong cộng đồng quốc tế. Sau bao biến động lịch sử, đây rõ ràng không phải một thành tựu khiêm nhường.
Tham vọng của bà giờ đây đặt vào vấn đề người tị nạn. Bà muốn đi đến cùng. Bà không muốn để lại bất kỳ chuyện gì còn dang dở. Người ta không nên buộc tội bà, vì bà sẽ theo đuổi điều này. Những gì xảy ra tiếp theo sẽ đến khi mọi thứ đã chín muồi. Có lẽ nước Đức sẽ cần đến bà một lần nữa. Có lẽ bà sẽ dùng cạn vốn liếng chính trị của mình. Và như thường lệ, bà sẽ không đưa ra ý kiến nào cho việc này. Bà thích chờ đợi hơn. Và đi từng bước một.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Angola Merkel Thế Giới Của Vị Nữ Thủ Tướng - Stefan Korn

Postby bevanng » 16 Apr 2017

Lời cám ơn

Angela Merkel hiểu rõ giá trị hình ảnh của mình, và bà cũng hiểu rõ tính chất phù du của sự chú ý. Ai là đối tượng bị quan sát hàng ngày cũng phát triển một ý thức nhạy cảm đối với tình hình tốt hay xấu của nền kinh tế công. Merkel đã có nhiều năm phải trả giá đắt. Khi bà xuất hiện ở chính trường Bonn trong vai trò một bộ trưởng, bà đã phải đối mặt với sự nhạo báng nhắm vào mình: “Chúa ơi, người phụ nữ này đến từ Đông Đức, từ tóc tai đến quần áo.” Suốt một thời gian dài, Merkel giữ khoảng cách với những cuộc trao đổi, và bà muốn chứng minh rằng người ta có thể làm tốt công việc của mình mà không cần đến sự rườm rà bên ngoài. Đây phải là một sự dũng cảm cao độ. Sau nhiều năm và nhiều cuộc phỏng vấn vế chủ đề này, bà đã bỏ cuộc, thừa nhận bằng sự im lặng rằng nỗ lực giải thích chẳng qua chỉ là sự đổi chác. Là phụ nữ, bà phải đối mặt với thứ áp lực thậm chí còn lớn hơn nhiều so với một nam chính trị gia đeo trên cổ vòng hoa dại hoặc để kiểu tóc Stenz.
Sau những chính sách hợp lý, Angela Merkel cũng mở ra một cuộc sống minh triết trước công luận. Nếu trong những năm đầu, bà còn ngượng ngùng trước ống kính máy ảnh và tỏ ra sợ sệt khi phải xuất hiện công khai trước công chúng, thì giờ bà đã quen với điều đó. Chỉ có tiếng vỗ tay quá cuồng nhiệt của quần chúng và việc bị đám đông vây quanh mới làm bà không thoải mái. Merkel là người theo chủ nghĩa cá nhân, không phe nhóm - có lẽ đây là phản xạ tàn dư từ những ngày xưa cũ. Merkel sở hữu khả năng làm người khác thức tỉnh nhờ sự có mặt của bà và ấn tượng của việc này ở nơi công cộng. Phát ngôn viên chính phủ đầu tiên của bà là Ulrich Wilhelm đã luôn sát cánh cùng bà trong việc “làm quen” với ống kính máy ảnh. Văn phòng thủ tướng Đức không phải Nhà Trắng Mỹ, và ở đây không bao giờ xuất hiện một máy ảnh nào không kiểm soát được góc hình của nữ nguyên thủ. Giờ đây, ngay cả ở văn phòng báo chí của thủ tướng, với phương tiện đảm bảo cho ra hình ảnh chính xác của đội ngủ truyền thông, Merkel vẫn khiển trách những phóng viên báo chí nào “dám” bước qua hành lang một cách thô lỗ hay túm năm tụm ba trước mặt bà. Giống như bất kỳ vị tiền nhiệm nào trước đó, Merkel nói rất nhiều, và nói tự do.
Merkel phát biểu ngẫu hứng tốt hơn khi bà có trước mặt một văn bản soạn sẵn, vốn khiến giọng của bà nghe không tự nhiên và cứng nhắc. Bà luôn tự tay chỉnh sửa phần phỏng vấn cuối cùng, dù đây có thể là một quá trình tương đối tỉ mỉ. Bà thoải mái nhất trong những cuộc thảo luận không ghi âm, chương trình trò chuyện (talk-show) hoặc cuộc họp nhỏ không có micro, nơi tất cả các bên đều vui vẻ và không lo lắng về chuyện bị hiểu lầm. Khi một phóng viên tiến hành trò chuyện cùng Merkel, người này sẽ được khuyên không bật thiết bị ghi âm và hãy cố ghi nhớ vào đầu càng nhiều càng tốt. Merkel rất tinh ý, và bà biết khi nào đang ở trong một bầu không khí được bảo vệ. Trong những năm đầu tiên xuất hiện trước công chúng, bà rất ít cảnh giác và trò chuyện rất nhiều - nhưng nay bà đã có thể điều chỉnh chính xác mức độ tương tác mà bà cho là thích hợp.
Cuốn sách là cái nhìn sâu sắc một cách đặc biệt vào đời sống nội tâm chính trị, và đặc biệt là quá khứ của Merkel. Vào đầu nhiệm kỳ, bà từng phản ứng trong cáu kỉnh khi bị điều tra về quá khứ trước kia ở Đông Đức. Bà đã có nhiều trải nghiệm xấu khi giới truyền thông không xét đến những hoàn cảnh riêng. Chỉ gần đây, bà mới trả lời câu hỏi này bằng sự cởi mở, có lẽ cảm hứng trước sự quan tâm to lớn từ nước ngoài, sau một khoảng thời gian không bộc lộ với nhiều người ở phương Tây.
Cuốn sách này được thực hiện dựa trên những trải nghiệm và quan sát sau nhiều năm theo dõi và gặp gỡ Thủ tướng Merkel cùng những cố vấn chủ chốt của bà, với hơn 20 người - vốn đều là những nhân vật quan trọng trong chính sách đối ngoại của Merkel - đã được tiến hành phỏng vấn chuyên sâu cho cuốn sách; nhiều người trong số này đã trao đổi với chúng tôi suốt nhiều năm liền. Hầu như tất cả người đối thoại đều yêu cầu giấu tên - một yêu cầu không lấy gì lạ khi họ được yêu cầu nhận xét công khai về nữ thủ tướng chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử Quốc hội liên bang.
Ngoài ra, thế giới chính sách đối ngoại của Merkel cũng rất phong phú với nhiều bài phát biểu, phỏng vấn và phân tích được trình bày và viết trong suốt những năm qua. Bằng chứng thì đã có đủ, song để đưa ra một kết luận cuối cùng thì vẫn còn quá sớm. Ít nhất phải vài năm nữa bạn mới có thể đánh giá kết cục của cuộc khủng hoảng đồng euro hay đề tài cuộc sống chính trị của Merkel. Dẫu vậy, việc sắp xếp thế giới đối ngoại của bà vẫn quan trọng trong ngày hôm nay, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng đồng euro đã đem đến nhiều quyền lực hơn cho Merkel.
Ai muốn hiểu về một Merkel của trước kia cần đọc lại những cuốn sách và tài liệu về bà từ thời gian trước khi bà lên làm thủ tướng. Không phải ngày hôm nay bà đã biến thành một người khác, mà trái lại, Merkel vẫn rất trung thành, không như vị thủ tướng tiền nhiệm đã bị tha hóa sau bảy năm nắm giữ quyền lực. Tuy nhiên, ngày hôm nay Merkel sẽ không bao giờ phát ngôn thiếu cảnh giác như đã từng vô tư dốc lòng với Herlinde Koelbl. 27 Koelbl đã tiến hành những cuộc phỏng vấn rất riêng tư với những nhân vật của công chúng mỗi năm một lần từ năm 1991 đến 1998, và chụp ảnh những thay đổi của họ. Kể từ đó, Koelbl - không riêng với Merkel - đã trở thành một chứng nhân quan trọng của những nhân vật này.
27 Herlinde Koelbl (1939) là nhà nhiếp ảnh và làm phim tài liệu Đức.
Bên cạnh cuốn sách của Koelbl, còn có ba cuốn hồi ký khác cần được lưu ý bởi chúng chứa đựng những năm tháng đầu đời của Merkel, tính cách cùng năm đầu tiên hoạt động chính trị của bà: đầu tiên là cuốn sách của nhà báo nữ Evelyn Roll (Das Mädchen und die Macht, Die Erste, Die Kanzlerin / Cô gái và sức mạnh, nữ thủ tướng đầu tiên), nhà khoa học chính trị Gerd Langguth (Angela Merkel) và nữ phóng viên Jacqueline Boysen (Angela Merkel - eine Karriere / Angela Merkel - Một sự nghiệp). Nhà báo nữ Hugo Müller-Vogg đã viết một cuốn sách trò chuyện về Merkel ngay trước cuộc bầu cử thủ tướng (Mein Weg / Con đường của tôi), trong đó cung cấp cái nhìn toàn diện vế thế giới nội tâm của bà. Còn nữ phóng viên Margaret Heckel kể về cuộc sống hằng ngày trong chính quyền Đức vào năm 2008 bằng cuốn sách ra mắt ngay sau sự sụp đổ của hãng tài chính Lehman. Và ký giả Hajo Schumacher (Die zwölf Gesetze der Macht / Mười hai nguyên tắc của quyền lực) và Dirk Kurbjuweit (Angela Merkel - die Kanzlerin für alle? / Angela Merkel - nữ thủ tướng cho tất cả?) đã phần tích một cách tường tận phong cách và thế giới tư tưởng của chính quyền Merkel.
ANGELA MERKEL - THẾ GIỚI CỦA VỊ NỮ THỦ TƯỚNG
STEFAN KORNELIUS
ĐỖ TRÍ VƯƠNG dịch
NHÀ XUẤT BÀN TRẺ
Tóc giả STEFAN KORNELIUS là trưởng ban chính sách đối ngoại của Süddeutsche Zeitung, tờ nhật báo lớn nhất của Đức. Ông gặp Merkel lần đầu năm 1989 ở Đông Berlin khi đó bà là phát ngôn viên của nhóm đối lập Democratic Awakening (Sự tỉnh ngộ dân chủ) ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Sau đó Kornelius làm thông tín viên ở Bonn chịu trách nhiệm với đảng CDU, vào lúc Merkel là một bộ trưởng trong nội các của Kohl và giữ vai trò là nguồn tin quan trọng cho Kornelius. Sau nhiều năm làm thông tín viên đối ngoại ở Washington, Kornelius trở về Berlin năm 1999 — đúng lúc vụ scandal gây quỹ của CDU nổ ra và Merkel trở thành lãnh đạo đảng CDU. Từ năm 2000 Kornelius chịu trách nhiệm đưa tin về chính sách đối ngoại và làm việc chặt chẽ với nữ thủ tướng cùng các cố vấn chính của bà.
Về dịch giả:
Đỗ Trí Vương, sinh năm 1989, phóng viên tạp chí Forbes Vietnam. Những tựa sách đã dịch: Quốc gia khởi nghiệp (Đoạt giải thưởng Sách hay 2014 hạng mục sách dịch mảng kinh tế), đồng dịch giả sách Tiểu sử David Ben-Gurion - Lịch sử hình thành nhà nước Israel.
(Hết)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Previous

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 37 guests