Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

XI

Buổi sáng sớm tôi và Như cùng đi vào trại Kỳ Sơn đón anh Nguyên về. Hai người ngồi chung một băng ghế. Tôi cảm thấy vui trong lòng được nghe những câu chuyện với tiếng nói dễ thương của Như. Chuyện về gia đình, về riêng cô, và một thành phố sau chiến tranh. Lúc xe ngừng bên ngoài con đường dẫn vào trại, trời sáng hẳn. Số người tù được thả cũng đông, họ cùng về Đà Nẵng bằng nhiều chuyến xe đò ra phía Bắc, đi ngang qua đây, dừng lại. Đây là một chuyến về đặc biệt, chủ xe thương tình không lấy tiền, và trên xe, nhiều hành khách hỏi han và mua quà bánh mời ăn.
Anh Nguyên gặp lại tôi và Như, anh rất mừng.
Ra tới Đà Nẵng, ba chúng tôi đi ăn quán, mừng vui cho ngày anh Nguyên được về. Chúng tôi chỉ nói chuyện bình thường trong cuộc sống, phần anh Nguyên đã có lá thư riêng của Như gởi, còn những thư khác được bỏ vào bao giấy là của chị Phượng Nga. Tôi hơi ái ngại, nhưng rồi, nghĩ cuộc đời vô thường, xét đoán thêm chi cho mệt.
Sau bữa ăn, ba người về nhà với gia đình cô Như. Tối hôm qua nói chuyện với bà Tri, tôi giải thích cặn kẽ cho bà hay về trường hợp của tôi ngày ra đi hôm đó, còn phần chị Phượng Nga, hoàn toàn tôi không có được tin tức nên không tìm hiểu thêm gì cả. Tôi cố tránh những chuyện úp mở của bà Tri về một người chị dâu của mình mà tôi vốn rất kính trọng. Hôm nay có mặt anh Nguyên, trước khi về, tôi gọi riêng Như ra nói cho cô hay, hai anh em chỉ ghé thăm chào ông bà và cô sau đó, sẽ qua nhà người cậu ở chơi một hôm, ngày mai vào Sài Gòn.
Cô Như khóc, tôi an ủi.
- Tôi rất quý mến cô, coi cô như là em gái của tôi.
- Em hiểu, nhưng má em suy nghĩ không đúng.
- Ở xa, cũng chẳng biết chuyện như thế nào. Cô đừng bận tâm chi cả.
- Vâng, em hiểu anh.
Anh Nguyên đang hồi nhớ lại những ngày cuối cùng của cuộc chiến và những ngày tháng dài ở trong các trại tù. Anh nhớ nghĩ đến đứa con trai của anh, còn người vợ, anh im lặng.
Ngày đi và trở về của tôi gần đúng một tuần lễ như đã định. Vừa tới nhà, xuống xe lô, trông thấy anh Nguyên cả nhà reo lên.
Anh vào nhà, sung sướng, được sống trong giây phút tự do quý giá nhất cuộc đời.
- Lăng được về chưa?
- Về rồi, sớm hơn hai anh em mình một năm.
Rất mau chóng, cơn ác mộng ngày tháng cũ nhẹ nhàng tan biến. Trong gia đình, ba mẹ tôi hết sức yên tâm, trở lại cuộc sống thường ngày và không mấy lo toan về vật chất. Bây giờ anh em chúng tôi, mỗi người đều đóng góp. Chỉ trừ mẹ tôi lo việc bếp núc, còn cả nhà ai cũng có việc làm. Ba tôi hiểu biết về Đông y, và khá chữ Hán nên ông thường đi chữa bệnh, viết thuê, vào dịp Tết, ông viết câu đối trên giấy hồng bày bán như loại tranh nhân gian. Anh Nguyên làm một quầy vé số, được khách, nhờ anh mát tay nên người mua hay trúng, nhất là tính được các con số đề. Buổi tối, anh dạy học thêm ở tư gia. Các em tôi, cũng chạy hàng buôn bán hàng ngày. Về phần mình, tôi vẫn giữ nghề bán báo và buôn sách cũ. Tôi có chiếc xe đạp hiệu Peugeot, bền chắc, bắt thêm trước sau những cặp nẹp để chở cho được nhiều báo. Hai công việc trong nghề này, bỏ mối với số lượng vài ngàn tờ ăn huê hồng, sau khi xong nhiệm vụ giao hàng, tôi chạy bán lẻ, tới các điểm bến xe, thảo cầm viên, nơi giải trí, vào những buổi sáng sớm là tạt nhanh qua các quán cà phê. Sống với nghề bán báo ở Sài Gòn, ăn được nhất là mùa bóng đá. Tôi yêu nghề, làm ăn chân chính, có nhiều đại lý muốn thuê tôi ngồi bán hàng trả lương tháng, nhưng tôi không nhận. Tôi chạy ngoài tự do, vừa kiếm tiền cũng được khá. Tôi không chỉ bán báo, còn bán thêm cả sách cũ. Nguồn sách cũ tôi đi mua kí lô ở các vựa, hoặc lấy hàng từ khu chợ sách cũ ở góc đường Calmette - Bùi quang Chiêu.
Giữa tháng 8/84, bên gia đình cậu Nghiêm đi đoàn tụ. Vài tuần trước khi lên đường, mợ Rose gọi tôi và Lăng lên phụ giúp mợ bán bớt các thứ đồ đạc trong nhà để có tiền mua sắm và chi tiêu hàng ngày. Trong thư nước ngoài cậu gởi về, những thứ đem theo chỉ có tranh, câu đối, liễn và sách văn học cổ Trung Quốc.
Tình hình chính trị ở trong nước theo xu hướng Liên Xô đang có sự thay đổi, cởi trói, mở rộng kinh tế thị trường cho tư nhân và các tiểu thương làm ăn. Thời bao cấp, sẽ lần xóa bỏ. Và, đến giữa tháng giêng năm 1986, tù cải tạo lần lượt cho về nhiều, mỗi đợt cũng vài trăm làm cho gia đình nào cũng phấn khởi. Cùng với những đợt thả tù nhanh chóng, những tin đồn về chương trình HO xôn xao, ồn ào trở lại. Nguồn tin này có từ năm 1979, giai đoạn Việt Nam - Trung Quốc căng thẳng. Vào thời điểm ấy có một phái đoàn của Mỹ qua Việt Nam, họp bàn với chính phủ
Hà Nội, mới đầu có sự ưng thuận, nhưng rồi Mỹ rút, vì phía Việt Nam quá đòi hỏi sự bồi thường chiến tranh theo Hiệp định Paris. Hà Nội dựa hiệp định Paris chỉ nhắm điều lợi, nếu như họ tôn trọng hiệp định này một cách đúng đắn thì miền Nam năm 75 sẽ không có ngày 30 tháng tư, và nếu đất nước thống nhất cũng ở trong một tinh thần hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc hai miền. Khi hay tin phái đoàn Mỹ trở về mà không đạt được sự mong muốn về việc tìm kiếm tù binh Mỹ mất tích, nguồn hy vọng của anh em tù cải tạo tắt ngấm. Đến nay, dường như hai bên thỏa thuận gặp lại. Có thể, Mỹ đã đồng ý nên Hà Nội đã cho thả tù về, mỗi đợt mỗi tăng.
Bây giờ ngoài miền Trung, làng quê ở Quảng Trị của chúng tôi chỉ còn là kỷ niệm. Gia đình tôi, dì Quyên đã vào sinh sống ở Sài Gòn, lui tới với nhau luôn. Khi có tin về chương trình HO, mọi người bàn tán, hết sức mong đợi và rất tin tưởng. Bỗng một buổi sáng đó, tờ tuần báo Công An loan tin vui về chương trình này, bản tin khá dài, nội dung nhiều chi tiết hấp dẫn, và chỉ trong nửa ngày bán hết sạch. Sau báo Công An, nguồn tin trên dồn dập xuất hiện nhiều kỳ trên các nhật báo phía Nam là Sài gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, đến cả những báo về chuyên môn cũng ăn theo, không chỉ Sài Gòn, báo địa phương cũng loan tin.
Anh Nguyên, Lăng và tôi gặp nhau thảo luận thật kỹ về chương trình này. Chúng tôi hết sức phấn khởi, tin tưởng, vì ai cũng đều ở trên ba năm trong trại cải tạo. Lăng chỉ kém tôi và anh Nguyên có một năm mấy tháng.
Rồi sau khi cân nhắc, suy tính, chúng tôi đồng nhất trong việc ra Hà Nội nạp thẳng tiền và làm hồ sơ ngoài đó. Thời gian lo chạy các thứ giấy tờ cũng mất đến ba tháng mới làm xong.
Ngày lên đường, chúng tôi đi xe lửa, mua vé toa nằm tàu Thống Nhất. Khi đoàn tàu xê dịch, lăn bánh, lòng tôi nôn nao lạ thường. Tiếng còi từ đầu máy cất lên, lúc ngắn, lúc dài, vang dội xa khắp nơi trong thành phố.
Tôi hỏi:
- Mình có xuống Quảng Trị không Lăng?
Anh Nguyên đề nghị:
- Ra Hà Nội làm xong giấy tờ, khi về, mình đi xe đò để xuống Đông Hà, rồi vào Quảng Trị.
Một giọng lo ngại, Lăng nói:
- Không biết ra Hà Nội, thủ tục giấy tờ lâu không?
- Ngoài Trung ương, công việc chắc là dễ dàng, tôi nói.
Khi ra khỏi vùng ngoại thành, đoàn tàu bắt đầu chạy nhanh hơn với tốc độ đường trường. Ngồi bên cửa toa chúng tôi ngắm cảnh trí bên ngoài, lòng vui lên bởi chuyến đi, vừa được dịp nhìn quang cảnh quê hương từ sau một cuộc chiến thương đau và điêu tàn. Dù hoàn cảnh ra sao chăng nữa, chúng tôi cũng đã được sống sót, và bao nhiêu năm tháng qua khói lửa lắng chìm không còn nghe tiếng súng pháo kích, tiếng bom đạn gầm thét nữa.
Tàu chạy suốt ngày đêm, tới các ga lớn tàu mới ngừng đỗ khách xuống và lấy thêm khách lên. Những quang cảnh nhà ga, nơi nào cũng thấy cảnh tượng xô bồ, hỗn loạn. Khác hẳn ngày trước đây, ở nhà ga các chuyến tàu đi hay đến, luôn có được một không khí ồn vui, vừa thân thiết. Bây giờ, hành khách hết sức lo sợ nạn cướp giựt.
Tới ga Quảng Trị tàu ngừng, chiếc đầu máy đậu ngay bên tháp nước đối diện với căn nhà cũ của gia đình tôi ngày xưa. Ba anh em ùa ra khỏi toa, nhảy xuống, bước đi nhanh về phía toa đầu máy, dừng lại chỗ bóng im dưới tháp nước. Từ bên đây nhìn qua khỏi bãi đất trống, thấy rõ con đường bên kia, nhưng chúng tôi không còn nhận ra được căn nhà xưa nữa. Ở bên đó, trên phần đất nhà tôi, nay là những căn tôn lụp xụp làm sát nhau đã che khuất đi tất cả, không thể hình dung lại được hết từng dấu vết rõ ràng về căn nhà cũ của mình. Cho dù vậy, chúng tôi vẫn đứng lâu, yên lặng nhìn và cố gắng nhớ. Khi nghe tiếng xíp lê thổi, chúng tôi trở về toa. Rồi, sau một tiếng còi ngắn, đoàn tàu lại rời ga Quảng Trị, nỗi buồn nhớ trong tôi hẳn còn đọng, chưa tan. Khi đoàn tàu vào cây cầu, cùng lúc nhìn xuống dòng sông nay chỉ còn trơ cát, chúng tôi hiểu rằng, chiến tranh trong mùa hè 1972 đã tàn phá, hủy diệt cả thành phố ở đây, nơi mà chúng tôi đã sống qua trọn thời thơ ấu, và cả thời niên thiếu.
Từ đây, cả đoàn tàu tiến ra phía Bắc. Ở Đông Hà, chúng tôi còn nhận ra chút ít khi được nhìn thấy dòng sông, và từ cây cầu, chúng tôi ước tính ra được thời gian trên dòng sông con đò dọc về đến bến Bãi Sa đầu quê làng Xuân Thành. Đó là quê ngoại của ba anh em chúng tôi. Ngày xưa ấy, sau phiên chợ chiều vào mỗi cuối tháng, dì Quyên hay đưa chúng tôi về quê ngoại theo chuyến đò dọc. Nắng chiều chưa tắt, con đò lướt đi nhanh trên mặt nước, hai bên bờ sông là làng mạc, lũy tre xanh, khói lam từ các mái nhà tranh vươn cao, từng cảnh trông thấy thật là êm dịu, dào dạt, tức cảnh nhưng không làm được thơ, mà hồn thơ cứ luôn dâng đầy. Khi dòng sông sắp ra tới cửa biển, cũng vừa lúc, đò dọc tắp vào bến Bãi sa đầu làng để đỗ khách.
Bây giờ đây, dòng sông cũng đã xa rời những kỷ niệm khiến chúng tôi nghĩ hình ảnh quê cũ đổi khác nhiều. Về sau, mỗi lần đọc lại truyện ngắn Cố hương của Lỗ Tấn, tôi lại nhớ đến bến sông, con đường, và ngôi nhà của ông bà ngoại tôi hơn hết.
Suốt phía Bắc, đoàn tàu bắt đầu chạy trong cảnh trời dần dần tối. Tôi chợt nhớ bài Làng tôi của Tế Hanh, khi nhìn cảnh trí trên con sông Nhật Lê, và lúc này đây tàu vừa ra khỏi thị xã Đồng Hới.
Trong bữa ăn tối, ba anh em cùng chuyện trò. Những người bạn ngày trước thời đi học đến với mỗi chúng tôi qua hình ảnh các trại tù được gặp gỡ nhau sau ngày tàn chinh chiến. Tôi nhớ rõ từng chi tiết, và kể lại buổi chiều xuống tàu ở cảng Hải Phòng, rồi lên tàu ở đấy đi lên vùng Tây Bắc. Đi lên đó, nhìn cảnh, nhìn sông và núi mới thấy ra, nhận ra những nét thiên tài trong nhạc của Phạm Duy và Văn Cao.
Anh Nguyên chợt hỏi tôi:
- Khi ở trại tạm trú bên Mỹ, Thụy có ra phố chơi không?
- Có. Hôm đó cả chị Phượng Nga nữa, cùng đi chuyến xe buýt xuống San Diego, ra thăm biển, rồi về lại vùng quận Cam. Nước Mỹ, ngay tiểu bang Cali, thấy lớn thật.
Lăng hỏi tôi:
- Anh ở bên đó bao lâu, mới về lại bên này.
- Coi như mình đi sáu tháng ra nước ngoài.
- Lúc đó mà anh ở lại, giờ này khỏe khoắn rồi.
- Cũng không hay trước được. Biết bao nhiêu người cùng nghĩ là xa quê hương, chỉ mong muốn về.
Bữa ăn ngon, nhờ mua được nguyên con gà và mấy chai bia Sài Gòn khổ lớn. Bên ngoài đêm xuống, trời dịu mát. Và rồi, yên lặng chúng tôi ngủ ngon một giấc đến lúc tàu ra tới Hà Nội mà không hay.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

Xuống ga, chúng tôi kiếm nhà trọ gần ngay ga tạm nghỉ qua đêm. Đã hai giờ sáng, ba anh em không ngủ, ngồi ở ngoài hàng hiên nhìn cảnh phố đêm Hà Nội vắng lặng, im bặt, chỉ nghe trỗi lên trong khoảng không những tiếng còi vọng của con tàu.
Hôm sau, trời sáng cảnh Hà Nội được tận mắt nhìn rõ. Lăng ngạc nhiên nói bên tôi:
- Trông Hà Nội nghèo nàn quá.
Sau bữa ăn sáng ở một cửa hàng phở quốc doanh, chúng tôi với cái ba lô đeo vai, đi bộ từ ga xuống phố Thái Phiên, văn phòng ghi số nhà 23. Chúng tôi không đón tàu điện hay đi xích lô mà chỉ muốn đi bộ để được nhìn từng con đường, dãy phố, và nhà cửa cùng sinh hoạt bình thường trong ngày ở Hà Nội. Trời đã sang thu, buổi sáng không khí tinh khiết, sương mỏng ướt trên những hàng cây, và thấm nguồn hơi lạnh. Dọc phố Trần Hưng Đạo, người đi đường còn ít, nhưng ở các vòi nước, bọn trẻ con ra hứng nước đợi phiên mình.
Tôi nói với Lăng:
- Ở ngoài này người ta có cho thuê xe đạp.
- Mình thuê cả ngày được không?
- Chắc là được.
Khi chúng tôi tìm ra đường Thái Phiên, cùng lúc, trông thấy góc ngã tư văn phòng dịch vụ xuất cảnh. Và thật quá hên, cả ba anh em là khách đầu tiên của văn phòng, được gọi tên vào làm hồ sơ cùng một lúc.
Người làm giấy tờ cho tôi là cô Hà. Tôi nhận ra cô, vì buổi chiều hôm đó ở nhà ga Ấm Thượng đợi tàu tôi thấy cô gái ngồi đọc sách, một cuốn tiểu thuyết của Nguyên Hồng. Tôi làm quen, và cô tỏ ra thân thiện với tôi. Bây giờ, tôi vẫn còn nhớ, vừa ngạc nhiên.
Chỉ mất một tiếng đồng hồ, hồ sơ xuất cảnh của chúng tôi làm xong. Tiền nộp được tính theo từng hộ chiếu, mỗi tấm là ba trăm ngàn. Bên Lăng, cả gia đình đi bốn người, tiền trả đến 1 triệu hai trăm ngàn.
Không lo lắng gì nữa, bây giờ ba người đi thăm phố Hà Nội. Trong tôi, còn lại chút vương vấn về cô Hà, nhớ buổi chiều hôm ấy, ánh mắt, nụ cười của cô mà tôi là người tù vừa được trở về lại đời. Cô đã không nhớ ra, nhận ra tôi, nhưng nếu tôi nhắc chắc là sẽ làm cô vui.
Chuyến tàu điện chạy chậm không nhanh, và đi qua nhiều con phố, phố nào cũng trồng cây, đáng yêu nhất là sâu. Tới bến chính ở hồ Hoàn Kiếm, nhiều hành khách xuống và chúng tôi cũng xuống đây. Bây giờ thật nhẹ nhõm, không còn mối lo vì công việc đã xong. Trước khi quyết định ra Hà Nội, chúng tôi cũng dự trù thời gian cho xong việc cũng mất một đến hai tuần, không ngờ được, sự việc trôi chảy quá nhanh. Lúc ấy, tôi nhận ra các nhân viên ở phòng dịch vụ Thái Phiên thật dễ chịu, niềm nở, nói năng nhẹ nhàng, và tận tình giải thích, số tiền nạp hộ chiếu cũng phải chăng, đủ cho chúng tôi đi vay mượn để hoàn tất hồ sơ. Thế nhưng, đây mới là khúc dạo đầu, rồi chúng tôi còn đi phỏng vấn, khám sức khỏe, chích ngừa, cứ mỗi công đoạn như vậy là có lệ phí riêng.
Hồ Gươm là trái tim Hà Nội. Buổi sáng ở nơi đây đông vui, quanh hồ, những hàng cây phủ bóng im và những con đường đông người đi dạo chơi bàng xe đạp. Trong khu công viên, giờ này, đã thấy đông người đến tập thể dục dưỡng sinh. Tôi được nhìn thấy lại Hà Nội lần nữa, và chuyến đi này có nhiều ngày thong thả nên tôi có thể biết Hà Nội rõ hơn mà ghi nhớ lấy mỗi cảm xúc, và có được vài nhận xét xác đáng. Tôi có thể nhớ ra được Hà Nội về sau in trí vào một cuốn tiểu thuyết, nhưng lúc này, tôi chỉ là khách phương xa đến Hà Nội, nhìn thành phố này qua từng cảnh vật và nếp sinh hoạt. Trước ngày ra đi, mợ Rose có cho tôi một ít sách tiếng Việt, gồm thể loại tiểu thuyết, vài cuốn thơ và sách phê bình. Tôi rất quý bộ Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan, ngày nào có giờ nghỉ tôi cũng mang ra đọc, và nhờ bộ sách này, tôi hiểu rõ được một giai đoạn văn học của thời kỳ ấy, một thời kỳ chữ quốc ngữ, sách quốc ngữ vừa mới xuất hiện. Và, trong bộ sách này tôi không chỉ biết tên các nhà văn thôi, mà còn ghi nhớ được nhiều tác phẩm, đó là sự nghiệp văn của mỗi tác giả. Ba anh em chúng tôi, người nào cũng mê đọc tiểu thuyết, nhiều nhất là các tác phẩm của những nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn. Tôi đang nhớ nghĩ đến Hà Nội trong văn chương, trong không gian ngày cũ và những hình ảnh, không gian tiểu thuyết, cùng với thời tiết mỗi mùa, anh Nguyên và Lăng chỉ chuyện trò với nhau về ảnh hưởng của người Mỹ đối với chính phủ Việt Nam trong chương trình HO. Nắng sáng trải rộng khắp thành phố, mặt nước hồ xanh rêu một màu rất dịu. Hà Nội trước mắt tôi vẫn giữ yên lặng không ồn ào, xô bồ như ở Sài Gòn. Hà Nội đang là một thứ âm thanh, và một thứ màu sắc được liên tưởng đến các thành phố cổ qua những bức tranh.
Một vòng thư thả, chúng tôi đã có đôi chút hương vị về cây lá, ánh nắng, và sinh hoạt Hà Nội. Trước khi đi tiếp cuộc bát phố, chúng tôi tạm nghỉ chân, tìm đến một quán giải khát bên lề đường kéo ghế ngồi. Mỗi người gọi một ly chè đậu. Trong lúc chờ người phục vụ đem ra, tôi lấy cái ống điếu vê một bi thuốc lào thả xuống nõ, rít nhẹ vài hơi đầu, xong kéo một hơi thật dài, xong bắn tàn thuốc từ nõ ra, rít thật sâu một hơi hậu rồi uống hớp trà, đó là lúc tôi có cảm giác ngây ngất với điếu thuốc vừa hút xong. Tôi đã quen với thuốc lào ngay những ngày đầu bước vào trại tù ở Trảng Lớn, từ đó, theo sự di chuyển các trại miền Nam ra đến ngoài Bắc. Khi bạn hút thuốc lào, thưởng thức đúng điệu thì ống phải làm bằng tre đánh nước gỗ bóng, đóm bằng tre ngâm phơi khô, có vậy lửa đóm mới cháy sáng và nghe dòn, còn thuốc lào hút phải loại ngon có tẩm chút đường để khi hút say không bị gắt mà đằm, êm ái. Hãy nhớ, thuốc hút ngon và phê cốt là hơi hậu, rồi lúc khói đã ém đầy buồng phổi, từ từ bạn thở khói ra, nhẹ nhàng, êm như một giấc ngủ quên đời.
Buổi sáng mùa thu, trời Hà Nội thật đáng yêu. Ba ly chè đậu được nấu theo cách miền Nam, có thêm dầu chuối, nước dừa, hạt đậu mềm và dẻo. Vừa ăn, chúng tôi chuyện trò, mắt quan sát cảnh sinh hoạt trên đường phố. Tôi biết mình đang ở Hà Nội, nhưng hoàn toàn không bị xúc động hay có nỗi tha thiết như người Hà Nội cũ ngày trở lại. Sự ghi nhận của tôi về thành phố này cũng có sự riêng biệt, khác hẳn với các thành phố miền Nam tôi đã biết. Hà Nội của thuở xưa, trong tâm hồn tôi rung cảm qua thơ nhạc và tiểu thuyết của các nhà văn sinh trưởng ở miền Bắc, nhiều hơn hết, là của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tưởng như Hà Nội chỉ có trong tiểu thuyết, nếu nghĩ đến sự chia cắt đất nước lâu dài, tôi khó tin là mình sẽ có được một dịp nhìn thấy Hà Nội, đất nghìn năm văn vật của nước Việt thời khai sinh và trải qua bao nhiêu triều đại của các đời vua. Vậy mà, lịch sử có một khúc quanh, bất ngờ, khó giải thích. Sự việc tôi có một ngày đầu tiên ở Hà Nội, quả thực là tình cờ. Bây giờ đây, tôi cũng thấy vui nhớ lại gương mặt cô Hà trong buổi sáng nay làm hồ sơ xuất cảnh cho tôi, cùng với hai tiếng về Hà Nội, tôi nhớ đến cô buổi chiều hôm ấy ở nhà ga Âm Thượng mà tôi gặp cô lúc đợi tàu.
Khi thành phố cho mình một tình bạn, hay tình yêu trong sự gặp gỡ buổi đầu, bạn sẽ nhận ra rằng, tính cách vĩnh cửu của nó tồn tại ở nơi tâm hồn mình. Tôi luôn nhớ Huế qua Liên An, nhớ những ngày mưa Sài Gòn qua đôi mắt đỏ úa của Huê, và sống sót trong tôi là Thúy Hà, nàng có một giọng nói và những dáng điệu từ mẹ tôi những tháng năm còn trẻ.
Lăng hỏi tôi:
- Nhà Bưu điện gần đây không?
Tôi mở tấm bản đồ xem lại, rồi nói:
- Ở góc phố Tràng Tiền.
- Tôi đánh điện tín cho trong nhà biết.
Nắng ở ngoài đã lên cao. Phía bờ hồ, những cây cối bao quanh, nền cỏ xanh, mắt nước hồ phẳng lặng bám đầy rêu, nơi này giống như là một khu công viên.
Ngồi nghỉ chân cũng đã lâu, ba anh em đứng lên đi ngược con đường ven bờ hồ lên ngả phố Hàng Khay.
Nhà Bưu điện nằm bên góc phố Tràng Tiền. Chúng tôi cùng bước lên bậc thềm vào bên trong, tìm ghi sê trống. Một cô gái ở trong quầy nhìn chúng tôi tới. Lăng ghi xong bức điện tín đưa cho cô. Cô đọc bức điện xong cho biết số tiền phải trả.
Nhà Bưu điện Hà Nội không lớn như ở Sài Gòn. Sau khi đánh điện xong, chúng tôi quan sát một lúc rồi trở ra ngoài. Và, từ nhà Bưu điện dọc theo phố Tràng Tiền chúng tôi đi lên tìm nhà hát lớn. Khu phố Tràng Tiền có lát đá trên vỉa hè, hai bên vừa là nhà ở, vừa là các cửa hiệu buôn bán. Khu phố không có trồng cây, nhưng có mái hiên nhô ra ngoài, tiện lợi che nắng và núp mưa khi trời mưa.
Trong ba anh em, có lẽ, Hà Nội với tôi có sự gắn bó tâm tình, vì với thành phố này, tôi như là kẻ nhớ nhung tìm lại đây để được nhớ tiếng nói và bóng dáng Thúy Hà.
Nhà hát lớn tọa lạc giữa một khu đất rộng, chung quanh đó có nhiều con đường rẽ nhánh như là khu bùng binh ở nhà thờ Sài Gòn. Chúng tôi dừng bước nhìn mặt tiền nhà hát, không có mùa kịch nên cửa trước đóng. Từ chỗ này, chúng tôi không tính đi sâu xuống các phố dưới, đó cũng là các ngả đi ra phía bờ đê sông Hồng.
Trở về lại bờ hồ, chúng tôi đến bến tàu điện, rồi từ nơi này, đi vào những phố buôn bán với những cái tên đã quen thuộc phố hàng Đào, hàng Ngang, hàng Bạc, hàng Bồ. Phố ngắn và nhỏ, nhà ở hai bên trông thấy rõ mặt nhau. Ba anh em cùng có một nỗi thất vọng, vì trông Hà Nội sao mà quá nghèo nàn, ủ dột.
Chúng tôi ra Hà Nội, để rồi chỉ được thấy Hà Nội thật quá xa lạ. Và, thành phố cũng như người dân ở đây, không có gì nô nức chào đón chúng tôi. Hà Nội, vừa vắng, lạ lùng nên chúng tôi chỉ đi qua các phố chính và thăm một vài nơi văn hóa cho biết xong trở về nhà khách nghỉ ngơi, chuyện trò.
Ngày hôm sau, chúng tôi không trở về miền Nam bằng xe lửa mà đi đường bộ. Thời gian về nhanh hơn. Và, chúng tôi cũng có một tình cảm mới lạ nẩy sinh trong tâm hồn. Lịch sử và quá khứ xuất hiện một vài nơi, gợi nhắc chúng tôi nhớ nghĩ một thời xưa của tuổi học trò. Biển, sông, núi đồi, những con đèo, từng nơi như một bài học được ghi chép. Hận sông Gianh, một chút buồn lặng lẽ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan đến lũy Thầy của Đào Duy Từ, tất cả, trở thành một ngày dài và rất xa trên quê hương của người Việt.
Khi đến Đông Hà, ba anh em chúng tôi cùng xuống. Từ bến xe chúng tôi ra thẳng bến đò về làng quê ngoại, ở lại đây một đêm, rồi lên đường, sau đó vào Quảng Trị ghé thăm quê nội. Tôi bỗng nhớ ngày ấy rời xa Đà Lạt, lòng tôi rất buồn. Tôi đi một mình, không có ai đưa tiễn cả. Hành lý của tôi có chiếc va li và túi xách đeo vai. Bến xe lam nằm ở chợ, đến nơi, tôi vừa kịp chuyến xe chạy đưa khách lên nhà ga.
Năm mới lên bốn tuổi, ba tôi đã cho tôi đến trường vì cứ tưởng nghĩ rằng tôi là đứa bé thông minh, có trí nhớ tốt, và sẽ thành đạt trong chuyện học hành. Cuối hè 1953, theo gia đình rời Đông Hà vào Quảng Trị tôi học lớp Nhất trường An Thái, một trường nhỏ thuộc vùng quê và ở đây ba tôi phụ trách dạy lớp Nhì. Năm đó, tôi học không đến nỗi tệ, ngoài môn Toán ra, các môn khác cũng tạm được nhưng vì hẳn ít tuổi nên không thi Tiểu học. Năm học sau tôi vào trường Nam ở tỉnh, hai tháng đầu học hành còn được, nhưng sau khi thầy Hành thuyên chuyển qua trường khác nhường lớp học lại cho cô Trâm mới tốt nghiệp ở trường Sư Phạm Huế ra dạy, không hiểu sao tôi học sa sút dần. Có lẽ, cô Trâm vừa ra trường chưa có mấy kinh nghiệm nên cách giảng bài của cô chỉ học sinh khá mới hiểu, còn như tôi, vừa mới qua căn bản nên khó theo kịp, nhất là hai môn Toán, Thường Thức là môn chính trong kỳ thi Tiểu học cũng như tuyển vào lớp Đệ Thất. Cuối năm học ấy tôi chỉ may mắn đậu Tiểu học nhưng không vào nổi Đệ Thất vì kỳ thi tuyển rất khó, trường Nguyễn Hoàng chỉ lấy đủ 150 học sinh cho hai lớp. Rớt Đệ Thất, tôi học trường tư thục Phước Môn. Nhưng học cho biết chương trình thôi, qua năm sau tôi phải thi lại Đệ Thất để vào trường công lập cho đỡ tốn tiền. Trong lần thi này, may mắn tôi đậu. Chỉ qua hai năm mà tôi đã thụt lùi hai lớp rồi, lúc ấy ba tôi mới nhận ra việc cho tôi đi học quá sớm hại hơn là có lợi, đúng với câu thành ngữ “dục tốc bất đạt”
Khi được vào học trường Nguyễn Hoàng, tôi rất hãnh diện. Đây là ngôi trường trung học công lập duy nhất ở tỉnh Quảng Trị. Nhà tôi ở cuối đường Trần Hưng Đạo, gần ga. Nhà ga có một cái tháp nước lớn, chỗ đó, mỗi buổi sáng cũng như chiều các chuyến tàu đi hay đến đều ngừng lại để lấy nước trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Hình ảnh mái ngói nâu của nhà ga, những cây ngô đồng, tháp nước, bầy chim rộn rã bay xa về cánh rừng, về dãy núi lúc hoàng hôn và bóng dáng những con tàu luôn nghe vang vọng từng hồi còi dài ngắn, tất cả đó là phần đầu tuổi niên thiếu của tôi.
Ngày nào cũng vậy trên đường ôm sách vở đi học, tôi luôn mong gặp bạn bè để cùng trò chuyện, và bọn tôi, đứa nào cũng có sự hớn hở với nhiều mộng ước tương lai. Con đường Trần Hưng Đạo rất dài, từ ga chạy về đến cuối tỉnh. Chúng tôi đi bộ qua khu nhà bệnh viện lớn, đến ngã ba nhà đèn rẽ vào con đường đất, đường này dẫn tới trường Nguyễn Hoàng và cách ngôi trường chừng độ trăm mét là gặp bờ sông. Ở đây có một bến tắm giặt tên Bến Hộ. Sông Thạch Hãn nước trong xanh, khá sâu nên tàu thủy nhỏ chạy được.
Năm học lớp Đệ Thất tôi thật hồn nhiên, vui sướng tuổi học trò và sự học tương đối suôn sẻ. Tôi có ý nghĩ, từ nay, mình bắt đầu hăng say với chuyện học và sẽ đạt nhiều kết quả tốt. Nhưng rồi, qua năm sau lên lớp Đệ Lục, chương trình mới của lớp này làm tôi ngỡ ngàng, nhất là hai môn Toán và Lý Hóa thật khó khăn để học và hiểu. Tôi học kém nên bị ở lại lớp. Thêm lần nữa, tôi phải ngồi học chung cùng với những bạn mới ở lớp dưới lên, và trong năm học này tôi quen thân với Huân.
Mùa hè năm 1960, ba tôi đổi vào miền Nam dạy học ở tỉnh Phước Thành. Tôi theo ba tôi vào Sài Gòn, ở đấy chừng hai tháng sau đó theo người cậu lên Đà Lạt học. Ba tôi dạy trường quận Tân Ba gần Biên Hòa, đôi ba tháng mới về Sài Gòn. Gia đình tôi, một cảnh nhiều quê, nên đồng lương hàng tháng của ba tôi phải dè xẻn cho mình vừa đủ, còn lại gởi cho mẹ tôi, và tôi nữa.
Tôi ở chung với bốn bạn lưu học sinh trên căn gác tầng ba của nhà trường. Chúng tôi học khác lớp, nhưng ở chung nên rất thân nhau, cuộc sống hòa hợp. Tuy vậy, tình cảm riêng của mình hay gia đình, không một ai tỏ lộ ra hết.
Tôi học ở Đà Lạt vỏn vẹn hai năm. Tôi và các bạn lưu học sinh cùng nói lời chia tay, căn gác để lại trống trải không còn ai, vì tôi trở ra Huế còn mấy bạn thì về Sài Gòn với gia đình rồi học luôn ở đó.
Tôi vẫn ở một mình trên căn gác trong tuần lễ cuối cùng khi các bạn tôi đã về Sài Gòn. Trước ngày xa Đà Lạt, tôi biết lòng mình buồn, thật buồn. Và, dù cho mối tình học trò chẳng có gì gây ấn tượng, nhưng với hai cô gái mà tôi đã quen là Lam Hương rồi Lệ Thùy cho tôi nghĩ rằng lúc này mình có thể đến thăm để nói lời chào từ biệt.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

Tôi tìm đến nhà Thùy ở đường Phan bội Châu. Sau trận mưa nhỏ, trời âm u trở lạnh và có nhiều sương mù bao phủ trên các ngọn đồi. Những mái nhà trong thành phố như xám đi dưới màu mây. Tôi mặc ngoài chiếc áo jacket màu nâu, rời khỏi trường đi bộ lên dốc Duy Tân vào khu chợ Hòa Bình rồi xuống con đường Phan Bội Châu. Đây là con đường đất màu gạch đỏ. Nhà Thùy ở căn số 115 trông ra đường. Lúc này, tôi cảm thấy tự nhiên không nghĩ ngợi gì xa xôi. Giữa tôi và Thùy câu chuyện tình cũng ngồ ngộ, nhưng cảm động. Tôi nhớ lại một buổi tối đó Thùy và mấy người bạn chơi trốn tìm, nàng đã trốn sau lưng tôi và trong cử chỉ thân mật nàng rụt cúi người hai tay ôm qua vai tôi khi thấy có một cô bạn chạy vụt thoáng qua. Thực ra, đã có một đôi lần Thùy muốn chuyện trò với tôi vào những giờ tôi nghỉ học buổi chiều hay vào lúc tôi giặt quần áo ở bể nước cạnh nhà ăn của trường. Thường lúc đó là giờ ra chơi, các cô hay vào bếp xin nước uống. Có tôi đó nàng hay chào, thích trò chuyện lại còn biết cả tên tôi nữa. Khi tôi cảm thấy mình yêu nàng, đeo đuổi nàng, thì lúc ấy không phải nàng từ chối ngay, nhưng nàng giữ một sự im lặng cho đến một ngày ấy, tình cờ tôi trông thấy một chàng sinh viên đi chơi phố bên cạnh nàng.
Cô em gái ra mở cửa và bảo tôi đợi ở phòng khách. Từ trên lầu Thùy bước chậm xuống cầu thang, thấy tôi nàng ngạc nhiên, nhưng rồi cũng tiếp đón tôi với một lời chào niềm nở.
Tôi nói ngay điều mình nghĩ:
- Ngày mai tôi rời Đà Lạt.
- Về nghỉ hè ở Sài Gòn?
- Không. Xa Đà Lạt luôn, tôi về Huế học.
- Vậy à.
- Hôm nay là ngày cuối. Tới thăm Thùy để từ giã.
- Cám ơn anh.
- Hè này Thùy có đi đâu không?
- Cũng sẽ rời Đà Lạt như anh Thụy vậy.
- Thùy đi đâu? Về Sài Gòn.
- Không, ra Nha Trang.
- Thùy có gia đình quen ngoài đó?
- Cũng có, nhưng anh ấy được bổ nhiệm về làm quân y viện Nha Trang.
Tôi hiểu ngay điều Thùy vừa cho biết, nên gật đầu. Chúng tôi nói chuyện về năm học qua, về ngôi trường, về những người bạn của tôi và Thùy, và thành phố này. Thùy sinh ngoài miền Bắc, lớn lên ở đây, còn tôi, từ một tỉnh nhỏ ngoài miền Trung xa xôi tới đây để học, để sống thật rung động trước khung cảnh thiên nhiên của rừng, núi đồi, và tôi bắt đầu có những người bạn thân, có một chút tình yêu học trò vừa ngậm ngùi, lưu luyến.
Khi từ biệt, Thùy cho tôi địa chỉ của gia đình nàng ở Nha Trang. Lúc ấy, tôi bỗng nghĩ đến Ngày Tháng Sương Mù, một truyện ngắn tôi viết trước kỳ nghỉ hè hai tháng. Khi viết xong, tôi cất giữ bản thảo và cũng không nghĩ tới Thùy, nhân vật đối tượng ở truyện này. Thực sự, tối hôm đó do nguồn cảm hứng bất ngờ nẩy sinh khiến tôi ngồi thức khuya để viết cho trọn một nỗi niềm, thế thôi.
Khi viết xong câu chuyện này, tôi bỗng nghĩ đến thầy Huyến, vừa là nhà văn, tôi muốn nhờ thầy đọc và cho nhận xét. Lúc cầm bản thảo truyện ngắn của tôi, thầy rất vui. Lướt qua một trang đầu, có lẽ tôi gây được sự chú ý dưới mắt thầy qua những hàng chữ đều đặn, sáng sủa, và có nét của người lớn. Tôi thoáng nghĩ như thế trong sự im lặng mà thầy đang đọc.
Nhưng qua những ngày sau đó, mỗi sáng chiều đến lớp thường lệ tôi có gặp thầy mà chẳng nghe thầy nói gì cả. Tự nhủ rằng, mình viết văn còn kém nên thầy cũng tế nhị chưa nói ra sợ làm tôi thất vọng. Và, tôi cũng chẳng hay biết là bản thảo mang về thầy có cất giữ để đọc không, hay ông quăng đi rồi. Nghĩ vậy, tôi lại buồn, vì truyện ngắn đó tôi chỉ viết một bản thôi. Tự dưng, tôi tiếc rẻ, biết vậy, tôi viết ra hai bản hoặc thuê đánh máy. Những lúc một mình hồi tưởng, tôi không nghĩ ngợi, mơ mộng nhiều về cô gái nhưng trong truyện tôi viết, có một chi tiết nhỏ tôi rất thích đó là một buổi chiều mưa, bóng dáng Thùy mặc áo tím đang nắm tay mấy người bạn dạo chơi trên con đường đi lên phía những ngọn đồi, về phía đó có những ngôi nhà ngói đỏ còn nhìn thấy trong mưa. Đó là hình ảnh đẹp nhất mà tôi rất nhớ, và nó thôi thúc tôi viết, nó còn cho tôi một sự rung động thật mãnh liệt để yêu nàng.
Chỉ còn hai tuần lễ nữa, bãi trường. Buổi sáng hôm đó thứ hai vào ngày học đầu tuần tôi đang ở trên gác chuẩn bị xuống lớp, bỗng nghe tiếng bạn Văn vừa gọi, vừa chạy lên cầu thang, lúc gặp tôi Văn bảo rằng thầy Huyến cần gặp tôi.
Tôi ôm sách vở học chạy xuống văn phòng giáo sư tìm thầy. Vừa trông thấy tôi, thầy ngoắc tay vừa đi qua chỗ phòng khách. Ngay lúc ấy, tôi chỉ mong có chuyện gì vui thôi.
Tôi ngồi xuống ghế rộng nhìn qua thầy. Bằng một giọng từ tốn, trầm lặng, thầy nói:
Tối hôm qua, thầy thức đến hai giờ sáng để đọc hết truyện ngắn em viết. Em viết khá lắm. Câu chuyện rất thực, có một sức truyền cảm mãnh liệt. Đọc xong, thầy xúc động với tất cả sự chân tình - mà em đã viết ra được hai mươi trang giấy.
Thầy dừng lại nhìn tôi, không nói thêm. Tôi cũng lặng im, chỉ ấp úng nói lời cám ơn.
Và rồi, thầy tiếp lời:
- Nhưng em phải xem lại lối hành văn. Rất nhiều câu văn em viết đầy sáo ngữ. Phải gạt bỏ sáo ngữ, phải cố viết những câu chân thật, có vậy, em viết văn mới thành công.
Tôi đâm ra ngượng ngùng, gượng cười khi thầy nêu lên những chữ, những câu rất là sáo, cải lương. Đó là cái tật chung của những người mới viết thường ưa làm dáng, làm đẹp để câu văn được du dương, trầm bổng.
Tiếng trống dội lên, đã báo giờ vào lớp. Tôi mừng run khi nhận lại bản thảo viết tay của mình được thầy đọc xong trả lại. Và, cố nhiên, qua bản thảo này tôi sẽ chữa, sẽ viết đầy đủ hơn trên một bản khác.
Ngày bãi trường đã tới. Buổi chiều hôm đó, trường tổ chức lễ phát phần thưởng tại rạp hát Hòa Bình. Tôi có nhận được bảng danh dự về môn Việt Văn, học với thầy Tiệp. Lớp tôi học, hai thầy Tiệp và Huyên đều là nhà văn thường viết truyện ngắn và tiểu luận đăng trên tạp chí Mai, Bách Khoa, Phổ Thông, Nhân Loại. Những báo này, tôi có được một số ít của cả hai thầy cùng cho.
Buổi lễ kết thúc, học sinh hoan hỉ ra về. Khi rời hàng ghế đứng dậy, tôi dõi mắt tìm hình ảnh cuối cùng nơi gương mặt, nơi bóng dáng người mình yêu, nhưng chỉ thấy một phần mái tóc, tôi biết Thùy ở giữa mấy người bạn.
Trước cửa rạp hát, buổi chiều đã tàn nắng. Tôi bỗng nghe có tiếng gọi tên mình, quay lại, tôi gặp thầy Huyến đứng nơi bậc thềm.
Tới gần, tôi nói:
- Em chào từ biệt thầy. Em không còn gặp thầy năm học tới nữa.
- Em về Sài Gòn hay sao?
- Dạ không, em ra Huế. Gia đình em ở ngoài đó.
Tôi đọc được cái nhìn thân thiết của thầy Huyến qua cặp kính trắng độ dày. Ngoài tình thầy trò ra, thầy coi tôi như một người em quý mến.
Một lúc, thầy hỏi tôi:
- Em thích học Philo - Lettres không?
- Em nghĩ là không học nổi.
- Nếu em muốn chọn học, thầy sẽ giúp em.
- Em cám ơn thầy. Nhưng em sợ không học được.
- Hãy tin đi, thầy sẽ giúp em. Em sẽ học được.
- Em theo ban Toán, nghĩ là có hy vọng thi đậu được Tú Tài.
Không nói gì thêm, nhưng tôi cảm thấy xúc động trước sự quan tâm của thầy. Có lẽ, thầy muốn tôi đi đúng hướng theo con đường viết văn.
Trưa, nắng đã gắt. Chợ vẫn còn họp đông buôn bán chưa vãn. Cũng có người mua sắm xong hay bán hết hàng đang rời chợ. Ở khu chợ, có xe lam đón rước khách. Cơ sở hành chánh quận nằm bên cạnh một ngã tư. Về quê nội chúng tôi, xe chạy trên con đường hướng về phía biển.
Quang cảnh đồng quê thật là tươi sáng, ấm áp, vừa làm cho nỗi bâng khuâng trong lòng tôi trở thành một thứ màu sắc rất dịu dàng khi hòa vào cảnh vật. Tôi ngửi được mùi đất, mùi gió, cặp mắt vui với đồng lúa trải dài hai bên, và cùng lúc nghe rào rạt tiếng nước chảy dưới bờ kênh. Dọc bờ kênh, thỉnh thoảng tôi gặp những chiếc xe đạp nước. Có xe còn trống không. Có xe hai người đang đạp nước dẫn vào ruộng.
Hai bên quê nội và ngoại của chúng tôi cách nhau gần bốn mươi cây số.
Ngày trước, lúc gia đình còn ở Đông Hà chúng tôi thường về thăm quê ngoại trong mỗi kỳ hè. Người hay đem chúng tôi về là me của Lăng. Khi về, thường vào lúc buổi chiều tan chợ Lăng, tôi, anh Nguyên đi theo dì ra bến đò. Bến đò đông vui, với nhiều chuyến chở khách hàng buôn xuôi ngược. Khi đò tách bến ra giữa dòng, mái chèo bắt đầu nhẹ lướt và rồi, mỗi lúc con đò trôi nhanh hơn. Thị xã mờ dần khi chúng tôi nhìn trở lại thấy bóng chiếc cầu bắc qua con sông gần bến chợ đã khuất dạng, và khi đến ngã ba sông là thấp thoáng hình ảnh quen thuộc làng quê của mình.
Bãi Sa, quanh bến này có bãi đất trồng dưa nhưng thưa vắng nhà ở. Đò ghé bến nhưng không neo đậu, chỉ có mấy khách buôn và chúng tôi xuống. Mặt trời chiều vừa lặn. Từ đầu bến, chúng tôi đi theo con đường đất rộng dẫn vào làng khoảng chừng gần hai cây số. Con đường đi qua một ngôi đình, khu nghĩa địa có cây ngô đồng, và khi đến gặp trạm thông tin là tới nhà. Ngôi nhà của ông bà ngoại tôi nằm về phía đầu làng. Ngôi nhà lợp ngói xưa, xây trên một nền cao có nhiều bậc cấp bằng gạch, sân trước rộng có thể chơi đá bóng, nhìn ra con đường bên dưới là đồng ruộng, và xa chừng vài trăm thước là con sông nhỏ chảy qua làng, còn phía bên trái và đằng sau nhà là vườn tược rộng rãi trồng nhiều thư cây lưu niên, mỗi mùa, hoa trái sum suê. Bên trong nhà ở, những loại bàn ghế, đồ vật xưa lưu giữ nay vẫn còn.
Quê ngoại tôi giàu và có nhiều họ hàng đỗ đạt, làm quan. Ông cố ngoại tôi đỗ Tiến Sĩ đời Thành Thái. Bà cố tôi người làng An Cư, là em gái ông Nguyễn Văn Tường. Sau đời ông cố đậu Tiến Sĩ, đến ông bác ngoại tôi đậu Phó Bảng và ông ngoại tôi đậu cử Nhân, làm quan tri phủ Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông ngoại tôi có hai bà vợ, là hai chị em ruột và 5 người con. Các cậu, các dì em mẹ tôi ai cũng học hành, đỗ đạt, chỉ trừ mẹ tôi chỉ biết đọc, biết viết. Khi các cậu, các dì rời khỏi làng quê đi học xa, mẹ tôi ở nhà trong coi công việc ruộng nương cho ông bà ngoại tôi. Mẹ tôi ít học, nhưng giỏi buôn bán. Buổi chiều, là hình ảnh của mẹ tôi. Ngày xa ấy, tôi trông thấy hình bóng mẹ tôi trong chiếc áo dài nâu đang gánh hàng buôn ở chợ trở về trên con đường đê. Chỉ qua hình ảnh đó, về sau này lớn lên, tôi tin chắc rằng tôi sẽ viết được cho mình những câu văn chân thật.
Nhân duyên ba mẹ tôi, dì Quyên là người kể lại rành rẻ. Vì còn nặng tình thương mẹ nên ba tôi rời khỏi chùa Huyền Vân, sau ba năm tu học tại đó trở về lại đời. Ba tôi có được bằng Tiểu học, khi lớn tuổi xin đi dạy. Trường ba tôi dạy đầu tiên là Gia Độ. Đây là ngôi trường làng có đủ 5 lớp. Làng Gia Độ đông dân, rộng gần bằng một quận. Xuân Thành, quê mẹ tôi ở phía dưới cách xa đấy chừng bốn cây số. Từ vùng ngoài này đi vào quê nội tôi rất xa, mỗi năm dịp Tết hay hè ba tôi mới về. Còn độc thân, ba tôi sống chung với các bạn đồng nghiệp ở một căn nhà thuê gần trường. Ngôi trường nằm ven sông, quanh đó có một đồn lính gác giữ an ninh.
Bác Hai tôi và ông Xuân người chú họ của mẹ tôi là anh em cột chèo. Qua tình thông gia, ba tôi thường ghé thăm ông Xuân, nhiều lúc ở lại chơi cờ tướng hoặc vui vài hội đánh bài. Ông Xuân thấy ba tôi người lanh lợi, hoạt bát, nên giới thiệu với ông bà ngoại tôi. Ngày trước cũng như sau này, nhân duyên vợ chồng thường là có mai mối, quen biết.
Khi ba mẹ lấy nhau, ông bà ngoại cho một chút của cải và một khoảnh đất rộng bên vườn để làm nhà. Ông ngoại tôi rất thương con gái đầu là mẹ tôi. Ông ngoại cũng rất quý ba tôi. Khi mẹ tôi sinh anh Nguyên đầu lòng, hết cả nhà cưng chiều. Lúc bấy giờ, đang làm tri phủ Nga Sơn được hay tin ông gởi thư về bảo mẹ tôi mang cháu ra thăm. Vậy là mẹ tôi được đi một chuyến xe lửa từ Đông Hà ra Thanh Hóa ở chơi mấy tuần sau đó đi Hà Nội.
Khi trở về tìm và nhớ lại những ngày tháng của tuổi thơ, tôi nhớ đến mẹ và quê ngoại nhiều hơn hết. Tôi và anh tôi sinh ra ở nơi đó. Ngày xa xưa, tôi có được tình cảm bao dung của mẹ và nỗi mừng vui hơn hết trong tôi là mỗi buổi chiều ra đứng trước ngõ cổng nhìn về phía con đê trông đợi bóng dáng mẹ về. Và, đúng vào lúc mặt trời sắp lặn là hình ảnh mẹ tôi xuất hiện. Ngày nào cũng vậy, đi chợ buổi sáng sớm, buôn hết hàng ở huyện xong, lên liền thị xã mua hàng mới đến chiều mới về, lúc thấy bóng mẹ về, tôi thật vui nghĩ đến mấy thứ hàng quà, dưới rổ của mẹ luôn có những xâu bánh vòng, bánh ram, kẹo đậu, kẹo gừng để phân phát cho con cháu. Bây giờ đây với bóng dáng thân thuộc của làng quê, tôi có cảm tưởng đang làm một bài luận văn với những kỷ niệm về gia đình tôi đang chất đầy lên tâm trí.
Chiếc xe lam cứ chạy đều tốc độ. Rồi, quê nội dần dần hiện rõ. Chúng tôi sắp sửa về tới rồi, chỉ còn hơn một cây số nữa thôi. Có tiếng động xa gần của những chiếc xe lam, xe gắn máy chạy cùng trên một con đường làng quê. Những người đàn bà, những cô gái buôn hàng hay đi chợ mới về họ kéo nhau từng tốp, và trên đường lúc gặp là vang tiếng ồn ào chào hỏi. Tôi nghe được những câu chuyện họ nói khi xe vượt qua.
Làng Đông Nghi nằm kế làng tôi, chỉ cách một chiếc cầu bắc qua con suối cạn. Xe lam ngừng ở khu chợ nằm đối diện với ngôi trường tiểu học. Tôi ngửi được mùi vị cát quen thuộc của chính làng quê mình. Tới chiếc cầu nhỏ, nước dưới con mương chảy róc rách. Căn nhà bà nội tôi lợp ngói, phía trước là sân gạch, gần lối cổng vào có giếng nước. Quê tôi là vùng cát, giếng chỉ đào độ chừng hai thước là có nước dùng. Tôi bỗng cảm thấy trong sự mừng vui thầm lặng, có bóng dáng người yêu đang bước đi bên mình, hay ở một nơi xa nhớ đến mình. Nơi đây, xa rất xa. Nơi đây, tôi thoáng nghĩ đến mình vào những ngày đầu tiên đặt chân đến Đà Lạt. Ngày đầu tiên ấy là một ngày mưa, một ngày buồn lặng khi tôi đứng ở bến xe lam nhìn những cơn mưa chìm nổi trong bầu trời sương mù bao phủ kín hết các ngọn đồi. Năm ấy, tôi chưa gặp Liên An. Năm ấy, nếu trong tôi có hình ảnh của Liên An, chắc chắn nghĩ đến sự nhớ nhung tôi sẽ viết thư cho nàng.
Lăng mới biết quê tôi lần đầu, có vẻ thích thú với cảnh biển và những đồi cát trắng tinh trông tựa như những đàn voi đang di chuyển.
Về phần tôi, Hà Nội vẫn còn làm tôi lưu luyến và nhớ đến Hà.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

XII

Có chị Phượng Nga bảo lãnh nên anh Nguyên được đi sớm, trước tôi và Lăng gần một năm. Gia đình tôi, hay tin anh Nguyên đến Mỹ, cả nhà rất mừng. Trong lá thư đầu tiên nhận được, anh có gởi kèm mấy tấm ảnh chụp ở phi trường Texas. Bây giờ cuộc sống của chị Phượng Nga tương đối vững vàng, có nhà riêng, và một cửa hàng buôn bán. Thời gian này, anh Nguyên vừa học việc giúp chị, và anh cũng tiếp tục nghề báo, cùng với phát thanh.
Tôi vẫn trở lại công việc cũ, đi bỏ báo và bán báo hàng ngày. Tôi làm cầm chừng, đủ kiếm sống qua ngày và chờ đợi ngày đi. Sự ra đi là chắc chắn, vì danh sách từ HO1 đến HO8 đã liên tục vào sở ngoại vụ phỏng vấn, và đang chờ đợi ngày lên đường. Sài Gòn ngày đêm không ngủ, thao thức bồn chồn.
Tôi thường gặp Kim Thi vào hai ngày cuối tuần. Thời gian bên nhau không lâu nhưng chúng tôi có nhiều chuyện tâm tình và cảnh yêu đương cũng kéo dài. Sau khi rời nhà Kim Thi, tôi đến nhà Lăng. Dì Quyên vui, chuyện trò với đứa cháu, lúc nào cũng nhớ đến cảnh làng quê và bao nhiêu người thân. Và, gợi nhớ chuyện cũ dì thường hay khóc. Những giọt nước nóng trên cặp mắt hoen đỏ, dì nhớ nhiều đến ông bà ngoại. Tôi thấy cũng lạ, mẹ tôi, có trí nhớ rất tốt những kỷ niệm về ông bà ngoại nhưng ít bị xúc động hơn các dì, các cậu. Với bản tính quê mùa, ít học, mẹ tôi rất vô tư.
Tôi hỏi:
- Thời trước, dì học đến đâu thì nghỉ.
- Dì học đến nhị niên.
- Trong nhà mình, dì nào học khá nhất.
- Dì út Phương học hết ban Thành Chung.
- Dì út biết làm thơ viết văn nữa.
- Ngày trước, dì út ở gần ông ngoại nên rành về thơ phú.
Vừa đi làm về, gặp tôi, Lăng rủ đi nhậu. Chúng tôi đạp xe lên khu Pasteur, ngồi ở quán lề đường đối diện báo Tia sáng. Bia gọi nguyên két, đồ mồi là dĩa thịt bò xào và hột vịt lộn.
- Có nhận được tin bên kia không?
- Có. Làm giấy bảo lãnh rồi.
Vậy rồi, hai tháng sau chúng tôi cùng được gọi phỏng vấn. Không có gì trở ngại, sau nửa giờ hỏi giấy tờ, lý lịch, trình ảnh làm bằng chứng chúng tôi cùng được phái đoàn chấp thuận cho đi Mỹ. Đây chỉ mới là được nhận thẻ IOM, còn đi sớm hay muộn là tùy thuộc sức khỏe. Bên Lăng suôn sẻ, tốt hết, riêng tôi phải chụp lại hình phổi và thử đàm.
Rồi ngày đi cũng tới. Tôi đi một mình lòng hân hoan, mãn nguyện. Với mười ngày còn lại, tôi chuẩn bị mua sắm đồ đạc và gởi hành lý. Tôi đóng hai thùng giấy toàn sách, gồm hai loại biên khảo và tiểu thuyết. Tôi chẳng mua quà bánh vì không quen ai, quần áo, tôi đem theo vừa đủ dùng để trong cái va li xách tay. Chiếc va li tôi mua loại tốt, có bánh xe kéo, dễ dàng cho việc di chuyển. Trong chuyến đi này, tôi sẽ ghé đến Hồng Kông, đợi ở phi trường khoảng hai tiếng sau đó, chuyển lên máy bay lớn đi Hoa Kỳ.
Tôi cố giữ sự bình thản để thời gian tự nhiên qua đi mau, nhưng rồi cũng có lúc bồn chồn, nôn nóng. Tôi ghi vào cuốn sổ tay ngày và các nơi thăm viếng. Tôi ghé qua các tòa báo vào giờ phát hành gặp anh em bạn hàng nói lời từ giã. Mỗi lời từ giã hay làm tôi nghẹn đi. Khi đến báo Tuổi Trẻ, gặp anh em bạn hàng xong, tôi vào trong khuôn viên công sở ghé Câu lạc bộ của tòa báo để thăm anh em. Nhìn tôi, mọi người vui, từ lâu họ đều hiểu rằng tôi là cảm tình viên của tờ báo qua mối giao tình cộng với sự góp ý trung thực và tiến bộ. Ngồi bên nhau trò chuyện, anh em hỏi han tôi về ngày ra đi, nơi chốn đến và dự tính công việc như thế nào. Tôi chỉ trả lời được những điều mình biết, còn lại qua bên đó hẳn hay. Có một bạn gợi ý với tôi nên viết lại những ngày tháng đã sống qua một cuộc chiến sau ngày 30 tháng 4/75. Tôi đáp, nếu viết được, tôi sẽ viết trung thực.
Ngày cuối cùng, tôi đi thăm người thân bên nội và ngoại. Tôi đến nhà dì Phương buổi chiều, vừa trông thấy tôi, dì nói dì đã mong tôi đến từ buổi sáng. Tôi chào cả nhà ngồi xuống phòng khách cảm thấy một mối xúc động trong buổi chiều nay và biết mình sẽ không còn biết đến ngày nào trở lại. Tôi không hay sự vắng mặt của người dì, một lúc sau dì trở ra, với một bao thư dày đưa cho tôi.
- Đây là những di cảo của ông ngoại, và những ảnh cùng các bài văn của các cậu thời trước, dì đã sao lục, bản gốc dì giữ, còn bản sao đây dì đưa cho con mang đi.
Tôi nhìn lại đôi mắt người dì lúc cầm lấy bao thư rồi ngồi xuống. Sự im lặng không lâu, cả nhà vui trở lại với đứa cháu sắp rời xa quê hương. Ngày mai chỉ có tôi lên đường, anh Nguyên đã rời Việt Nam hơn một năm, còn Lăng vừa đúng sáu tháng đến Mỹ, bên đây, các dì đều nhận được thư và ảnh.
Một giọng vui, tôi nói:
- Dì coi tử vi của con hay quá.
- Trong lá số của con, dì bổ sung thêm các phần ông ngoại không nói đến.
- Ông ngoại cho chấm tử vi cho con?
- Có. Đứa nào ông ngoại cũng có chấm một lá.
Hồi nhớ về quê nhà cũ, hình dung khuôn mặt người cha thân thương, một giọng ấm áp dì nói về ông ngoại chúng tôi tính tình, tâm phúc, và tài năng. Tôi có được nghe dì Quyên cho hay là hậu vận của tôi vừa khá về vật chất, gặp may mắn tình duyên, và nổi tiếng.
Sau bữa ăn tối với cả nhà, tôi đứng lên nói lời từ biệt. Khi chuyến xe buýt rời trạm, trời đổ mưa. Những ngày qua, Sài Gòn mưa, thành phố vào những ngày mưa hay gợi nhớ trong tôi những kỷ niệm về tuổi trẻ, lẫn trong một mối tình muộn màng giữa tôi và Huê. Tôi nhớ lại ngày cũ, tiếng nói của Huê, ly cà phê buổi chiều ẩy và một giọt nước mưa thật to rớt xuống trên vai áo của nàng. Từ kỷ niệm đó, ngày mai tôi biết mình xa vắng Sài Gòn.
Hôm sau, từ biệt ba mẹ và các em tôi đón xe ca lên phi trường. Chiếc va li xách tay nhẹ như bây giờ tôi ra đi chỉ có một mình. Khi tôi đến phi trường, quang cảnh đèn sáng và rất đông người. Trong cảnh tượng này, ai cũng cảm thấy bâng khuâng. Kim Thi tìm gặp tôi, nàng hết sức mừng rỡ.
- Nhớ viết thư cho em đọc.
- Anh cám ơn em những ngày hai đứa mình bên nhau.
- Nhớ viết thư cho em đọc.
- Anh sẽ viết ngay đêm đầu tiên đến xứ người.
Trong lúc chờ đợi vào phòng cách ly, tôi và Kim Thi đi bên nhau loanh quanh phía ngoài sân phi trường. Lúc này, tôi không mong gặp người quen. Trên bảng phi trình ngày hôm nay có tám chuyến bay, hai chuyến sớm nhất cách nhau nửa giờ sẽ đi Hồng Kông. Tôi đi chuyến sớm nhất.
- Qua bên đó anh tính làm gì?
- Cũng đi bỏ báo như bên đây.
- Chắc không?
- Ở bên đây làm gì, sang bên đó, mình cứ theo nghề của mình.
- Anh có tính chuyện tương lai của anh không?
- Không biết được, lúc nào trời cho mình mới biết.
- Anh tin em không?
- Tin chứ.
- Em rất tin lòng của anh.
- Hai chúng ta hiểu nhau, quý giá với cuộc đời mình có.
Thời gian đợi ở bên ngoài chỉ nửa tiếng, sau đó, hành khách bay chuyến đầu sang Hồng Kông được gọi vào phòng cách ly. Vào đây, các thủ tục khám xét rất kỹ lưỡng, các nhân viên an ninh đi nhìn mặt từng người.
Sự im vắng đến lạnh người khi hành khách bước qua trạm cuối cùng. Và, có lẽ cảm giác này chỉ dành cho các gia đình đi theo diện HO.
Nhìn chung quanh rất là vắng. Bên trong trạm gác, có một sĩ quan công an xét hộ chiếu, vẻ mặt rất lạnh lùng. Tôi cũng cảm thấy người run lên cả tay và chân khi cầm lại tấm hộ chiếu của mình.
Rất nhanh, tôi kéo va li xuống cầu thang, ngay nơi cửa có chiếc xe buýt của phi trường chờ đưa khách. Trời đang mưa, ánh sáng buổi mai vẫn chìm trong cơn mưa chưa đánh thức nổi thành phố trở dậy. Bỗng dưng, đứng đợi dưới mái hiên cùng mọi người tôi cảm thấy mình quá sức xa lạ, đến cả bao nhiêu người khác nữa. Giây phút của sự sợ hãi, mọi người đưa mắt nhìn ra mưa.
Trên xe, chỉ có người xế đang hút thuốc. Tiếng máy xe vẫn nổ, và chiếc gạt nước khua đều. Sau khi liếc nhìn đồng hồ tay, anh ta lên tiếng:
- Mời hành khách lên xe.
Những hành khách rời bước lặng lẽ. Mưa nặng hạt, chiếc xe ca lăn bánh. Người tài xế lại châm tiếp điếu thuốc vừa hút xong. Xe chạy nhanh dưới mưa. Trong phi trường những mái nhà kho, hăng ga, im lìm và chỉ có tiếng mưa rớt xuống trần xe là nghe rõ.
Chiếc xe ca dừng lại ở chỗ chiếc phi cơ đậu. Khi mọi người xuống khỏi xe, ai cũng vội vàng chạy. Từ cửa cầu thang trên phi cơ, hai cô tiếp viên giục gọi hành khách nhanh bước, tiếng hai cô đang nói cùng với tiếng cười, mưa, trời mưa, nhanh lên quý vị ơi. Có một người đàn ông cõng đứa con trai nhỏ vừa kéo va li vừa chạy. Gia đình này đi bốn người, tôi đỡ giúp chiếc va li khi người vợ chuyển lên thang máy bay.
Rồi cơn mưa ngưng tạnh, nhỏ hạt, bên ngoài đang ướt át.
Và lúc này, chỗ ghế tôi ngồi bên trong, phía sau gia đình người đàn ông có đứa con trai nhỏ.
Tôi nhìn xuống đồng hồ tay khi nghe một cô tiếp viên loan báo những thông tin cần biết cho hành khách. Tiếp đó, tiếng động cơ làm thân phi cơ rung nhẹ, và ít phút sau, phi cơ lăn bánh. Bên ngoài, trời lại mưa. Trời mưa lúc nặng lúc nhẹ, nhưng không bị ảnh hưởng bởi gió.
Bên lối đi giữa hai hàng ghế, các cô tiếp viên nhẹ bước vừa nhắc nhở hành khách nhớ buộc dây an toàn. Từ trong phòng máy, có tiếng một cô tiếp viên người Nam nói cho hành khách biết, phi cơ đang chuẩn bị, sẵn sàng cất cánh. Tôi nghe thân phi cơ bắt đầu rung mạnh, và từ chỗ ngồi bên cửa kính tròn tôi trông thấy đài kiểm soát không lưu.
Với tốc độ cất cánh, phi cơ bay lên vùng trời. Lúc phi cơ nghiêng cánh đổi hướng, đài kiểm soát khuất dạng, qua cơn mưa bên ngoài tôi nhìn xuống thành phố Sài Gòn lần cuối cùng. Bên dưới kia, im bặt, ánh sáng đèn trôi giạt, ngược với chiều gió.
Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa
Mộng về đêm đêm khát vầng trán ngây thơ.

Khi cô tiếp viên mang đến cho tôi một tách cà phê, tôi muốn cầm giữ bàn tay của cô trong tay mình, vì trong ánh mắt và lời nói của cô, tôi nhận ra mình là kẻ tha hương.
Dũng thốt nhiên thấy quả tim mình đập mạnh; chàng nghĩ đến cái vui sướng một ngày kia, một ngày xa xôi lắm và không chắc còn có không, lại được gặp mặt Loan, người của quê hương cũ, người của tuổi thơ mà chàng biết không bao giờ có thể quên.
Tôi đã trông thấy biển. Tôi cũng hiểu được rằng, phi cơ đang bay hướng Bắc, bay dọc theo bờ biển các tỉnh duyên hải miền Trung, và cứ từng cảnh vật bên dưới nhận ra tôi đọc lại được tên một thành phố, trong đó, có tên những người thân, người bạn, cùng lúc nhớ một đôi chút về quãng đời của mình.
Bữa ăn sáng, hành khách nhận bánh mì kẹp chả, trà nóng, cà phê và bánh ngọt. Rồi, chừng một giờ sau lại sẽ có bữa ăn trưa. Lúc này, tôi nghe tiếng hành khách đang vui chuyện, nói cười, cùng làm thân với nhau. Từ chuyện ở miền quê đến thành thị, đến mọi sinh hoạt riêng trong gia đình, dù cho lẫn lộn trước sau, nhưng đây là một mối ân tình. Hầu như không có bóng dáng người nước ngoài đi trong chuyến này, đúng hơn, đây là chuyến bay đặc biệt dành cho nhiều gia đình đi theo các diện đoàn tụ, con lai, và tù cải tạo.
Tôi lấy làm vui được ngồi gần với gia đình người đàn ông có đứa con trai nhỏ. Đứa bé trai thật dễ thương. Tôi nhớ hai cánh tay nó vòng qua cổ người bố, nhớ mái tóc nó bị ướt mưa, và nhớ đôi mắt thật sáng, thông minh. Tôi thương và quý mến đứa nhỏ. Mưa là của bầu trời, vừa là kỷ niệm vô cùng thân thiết với tôi.
Bữa ăn trưa bắt đầu được phục vụ. Hơi cơm nóng lan tỏa trong khoang phi cơ và mùi thịt gà kho dậy lên cảm giác thèm và đói. Khi nhận xong phần ăn, tôi ăn hết không để dư. Các gia đình đi đông, họ ăn chung hai phần, còn trả lại cho các cô tiếp viên. Rất là cởi mở, thông cảm, các cô lấy túi nylon cho các phần cơm chưa ăn trao lại cho mỗi gia đình.
- Cám ơn. Các cô chu đáo quá.
- Không có gì đâu bà. Bữa ăn đã có ghi trong tiền vé hành khách trả.
- Biết thế, nhưng chúng tôi vui, được các cô phục vụ nhiệt tình.
- Bà cần gì thêm không. Có cà phê, trà, trái cây, bánh ngọt.
- Cô cho xin một tách trà.
Người mẹ trẻ đang cho đứa bé ăn. Bên cạnh người mẹ là cô gái đã lớn. Lúc nãy, người mẹ khóc lặng lẽ, dùng khăn lau nước mắt tôi nghe ra tiếng dỗ dành của cô con gái. Lần đầu đi xa gia đình với nỗi buồn nhớ, ai cũng khóc.
Bỗng dưng, đèn hiệu chớp hai lần. Rồi mọi người nghe giọng cô tiếp viên nói qua máy:
- Trời có bão, phi cơ đang bay trên không phận Hồng Kông, quý hành khách bình tâm ngồi yên và buộc dây an toàn.
Khi tôi nhìn ra ngoài, mưa mù kính chỉ thấy lờ mờ quang cảnh bên dưới. Từ phút giây này, mọi người đâm ra lo lắng. Một người hỏi:
- Có trở về lại Tân Sơn Nhất không cô.
- Không đâu bà. Mưa bão, nhưng phi cơ đang tìm hướng đáp.
Bên ngoài, mưa và mây bao kín. Chiếc phi cơ như giảm tốc độ, hay có thể đang bay vòng quanh phi trường. Tôi cố mở lớn cặp mắt, nhìn sâu xuống bên dưới, hy vọng nhận ra những cảnh vật quen thuộc đường sá, cầu, nhà ở và những chiếc phi cơ hiện diện ở phi trường.
Cũng đến nửa giờ sau khi bay vòng trên không phận Hồng Kông, ánh sáng rực lên bên ngoài, mọi người mừng vui, và chiếc phi cơ đang xuống thấp dần, chuẩn bị đáp.
Tôi nghe được tiếng bánh xe của chiếc phi cơ chạm xuống mặt nền phi đạo, rồi với tốc độ vừa hạ cánh chiếc phi cơ lướt đi nhanh. Đây là phi trường Hồng Kông, thật đặc biệt có đường bay cho phi cơ cất cánh và đáp nằm nổi giữa mặt biển. Bên ngoài phi trường, phía hai bên phi đạo, rất nhiều tàu bè di chuyển ở xa bờ cũng như dọc ven theo bờ. Tôi lấy làm ngưỡng mộ đời sống văn minh đô thị của xứ người. Rồi đây, tôi sẽ thấy những sự kiện của thế giới trở nên kỳ diệu hơn.
Người mẹ bồng cao đứa nhỏ trên hai cánh tay, chỉ cho nó nhìn thấy cảnh biển và những con tàu ở bên ngoài. Lúc này, phi cơ giảm tốc độ và sắp sửa ngừng ở bến đậu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

XIII

Buổi chiều đầy nắng, một thứ nắng sáng và lạnh trong lòng kẻ tha hương. Từ phi trường Los, chiếc xe ca của Hội thánh Tin Lành chở sáu gia đình về vùng quận Cam.
Khi ra khỏi phi trường, xe vào xa lộ 405. Người tài xế mở nhạc để làm vui hành khách. Tôi nhận ra tiếng hát Lệ Thu, bài hát Thuyền Viễn Xứ của nhạc sĩ Phạm Duy.
Các gia đình cùng chuyến đi có vẻ mỏi mệt, thiếu ngủ. Tôi thì vui thực sự. Ngồi bên cửa xe, tôi nhìn từng cảnh vật diễn qua vùn vụt, vì tốc độ các đoàn xe nối đuôi nhau chạy rất nhanh. Sự thấy rõ nước Mỹ chiều hôm nay xây dựng trong tôi một nơi chốn mình sẽ định cư, và hoàn toàn tin tưởng vào cuộc đời đang hiện hữu. Không nhớ nghĩ đến ngày đó nữa, một ngày của bao nhiêu cơn ác mộng, mà vì nhớ gia đình, bằng hữu nơi quê hương, và tiếng nói của miền Nam cũ mà tôi đã đến nơi xứ này rồi, đột nhiên tìm lại con đường của biển để lên tàu Việt Nam Thương Tín trở về nhà.
Gió chiều thổi mát trên xa lộ. Niềm vui trong ánh nắng reo lên nhịp nhàng, tôi có cảm giác mình đang có những hơi thở thật mạnh, ắp đầy lên cuộc sống.
Về tới vùng quận Cam, xe chạy vòng quanh vài con phố trong khu Little Saigon, chính vào lúc này, tôi đọc thấy hạnh phúc của các gia đình cùng một chuyến đi, và như thể họ cùng tôi về dưới miền đất yên lành này.
Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đến chỗ tạm trú trong một ngôi nhà thờ Tin Lành. Khi vừa ra khỏi xe, bỗng dưng mọi người cùng yên lặng nghe tiếng chuông nhà thờ rất thong thả, từ tốn, như chỉ để báo hiệu cho hay một ngày sắp sửa hết. Từ chỗ mái hiên, một Mục sư cùng vài người nữa đi ra chỗ hai chiếc xe trắng vừa đậu, với nụ cười, câu chào và hỏi han sức khỏe từng người. Phòng hội nằm bên trái, mọi người được đưa đến đây. Sau khi ổn định xong và nghỉ ngơi chừng nửa tiếng, Mục sư mời hết các gia đình qua nhà thờ dự lễ cầu an. Tôi cùng một số người không có đạo, nhưng cũng đi theo và dự lễ với sự nghiêm trang, thành kính.
Một giờ sau tan lễ, các gia đình trở lại chỗ tạm trú, và được ăn bữa tối rất ngon miệng. Trong buổi tối đầu tiên nơi xứ người, tôi nhớ nghĩ đến Thúy Hà, rất ước mong được gặp lại nàng. Tôi yêu nàng, tình yêu ấy ở trong tôi không bao giờ dừng bước cả.
Hội nhà thờ rất là tốt đối với với những người mới định cư. Ngày nào, chúng tôi cũng được tiếp tế nước uống, thực phẩm và quần áo.
Hai tuần lễ qua thật mau. Vào buổi sáng thứ sáu đầu tháng mười hai, các gia đình lại khăn gói đi đến chỗ mới. Và, lần này, ai cũng vui vẻ, hân hoan được Hội cho biết đây là những chỗ nhà thuê, tiền thuê ở trong tháng này Hội đã thanh toán. Một bữa ăn sáng với bánh mì, cà phê có vị Mục sư tham dự. Sau bữa ăn, trước khi lên xe, mỗi gia đình được Hội cho một số tiền và thực phẩm khô.
Tôi và hai gia đình cùng xuống xe ở chung cư H. với khá nhiều hành lý. Một quang cảnh vắng lặng, các nhà ở đóng cửa, vẻ lạ lùng với buổi đầu gây một nỗi băn khoăn, lo lắng. Người quản lý chưa đến đây để mở cửa. Sự hiện diện, ngoài hai gia đình ra có tôi và anh tài xế. Anh sống ở xứ Mỹ này được tám năm, rời Việt Nam bằng một chuyến vượt biên an toàn đến đảo Java ở Nam Dương.
Anh nói:
- Hội World Relief rất là tốt. Những gia đình nào tham gia chương trình của Hội đều được bảo trợ, chu tất cho cuộc sống buổi đầu.
Người đàn ông hỏi:
- Tiền vé máy bay của chúng tôi là của Hội cho mượn.
Anh tài xế đáp:
- Tôi không rõ lắm.
Người đàn ông tiếp lời:
- Tôi muốn hỏi rõ, để sau này, trả lại cho Hội.
Anh tài xế gật đầu. Sau một lúc suy nghĩ, anh nói:
- Các gia đình mới đến lo ổn định cuộc sống đã. Chưa vội gì trả, lúc nào làm ăn nên, vững vàng, lúc ấy hẳn trả.
Tôi vừa nghe chuyện, mắt quan sát khu chung cư. Ở đây có trồng cây chung quanh để lấy bóng im, nhưng không có vườn. Từ cổng vào, phía bên phải là những căn nhà đôi, nhà đầu gắn bảng chữ A, bên trái là hàng rào gỗ, đến hai căn nhà thấp, cuối sân là một nhà ngang có hàng rào bằng lưới B40. Bên kia hàng rào có đất trống, bỏ hoang.
Khi thấy một chiếc xe nhỏ màu cam đi vào sân, mọi người chú ý. Chiếc xe ngừng bên hông căn nhà thấp, một cô gái đội chiếc nón vải, mặc quần jean và áo sơ mi sọc xanh. Lúc ra khỏi xe, cô bước vội vàng, đến chỗ mọi người đứng tụ tập cô lên tiếng xin lỗi.
Từ trong chiếc xách tay, cô lấy ra tờ giấy, hỏi hai gia đình kia trước xong đến tôi. Rồi sau đó, cô dẫn họ đi qua hai căn nhà A và B.
Tôi chờ giữa sân. Một lúc sau, cô gái trở ra và đưa tôi vào căn nhà thấp, nơi cô vừa đậu chiếc xe nhỏ bên hông, cạnh cái gara.
Tôi hỏi:
- Nhà này được mấy phòng, cô?
- Thưa ông, một phòng.
- Có chỗ để tắm giặt không?
- Có chứ.
Vào nhà, hành lý để ở phòng khách. Tôi cùng cô gái đi thăm căn nhà. Cô gái cho hay, trước khi Hội nhà thờ hỏi thuê, khu chung cư được sửa sang, quét dọn sạch sẽ. Tôi hỏi:
- Các nhà quanh đây, có ai ở nữa không?
- Nhà nào cũng có người ở.
- Sao thấy đóng cửa.
- Họ đi làm. Với lại, ở bên đây nhà nào cũng đóng cửa. Cần gặp, gọi điện thoại hoặc nhấn chuông.
Lúc này, qua câu chuyện với cô gái tôi được biết nhà này người thuê ở trước vừa mới dọn đi cách đây hơn một tuần. Ngay sau khi họ dọn đi, cô quản lý đã thuê người sửa sang, tu bổ, thấy rõ hơn hết là những lớp vôi và và sơn được quét lại trông thật sáng sủa.
Vì tôi không có đồ đạc nhiều, nên thời gian sắp xếp chỗ ở không lâu.
- Cô là chủ nhà cho thuê?
- Không, làm quản lý.
- Vậy ai là chủ?
- Ông Steven.
- Ông ấy cũng ở đây.
- Không, ông ở xa.
- Ngoài khu chung cư này, còn nơi nào khác không?
- Còn, nhưng ở thành phố khác.
- Ông chủ giàu nhỉ.
Cô gái im lặng. Ngoài sân đầy nắng gây nên một cảm giác hiền hòa, dễ chịu. Rồi không ở lâu, cô gái xin kiếu từ. Đứng bên cửa nhìn dáng bước cô gái, bóng nắng in trên chiếc áo sơ mi kẽ sọc, tôi có chút bâng quơ, chợt nghĩ đến một người khác.
Gia đình Lăng qua tiểu bang Tennessee, ở ngay trung tâm thành phố Memphis. Nhà Lăng gần khu thị tứ tập trung đông các sinh hoạt của hơn ngàn người Việt đã cư ngụ ở đây thời gian đầu của năm 75. Và, cũng ở đây, những ngày đầu tiên ngoạn cảnh, đứng ở một khu công viên gần bến cảng, Lăng được ngắm quang cảnh bên đây là khu phố công viên, bên kia là cánh rừng trồng bông vải, giữa là dòng sông Mississippi đang trôi bình lặng.
Tôi còn độc thân, nên thuê nhà ở một phòng. Tôi cũng tìm kiếm được công việc làm tại một cửa hiệu bán nước lọc và kẹo bánh. Tôi nhận công việc này với đồng lương tối thiểu. Ở Mỹ, muốn có lương cao, cần phải có bằng cấp về văn hóa hoặc chuyên môn. Cả hai thứ này, tôi không có. Nhưng, tuổi đời chưa già lắm, nên vừa làm việc, tôi có học thêm lớp tối về Anh ngữ. Kể từ lúc này, tích lũy thời đi học, thời làm lính Không quân, rồi SVSQ, số vốn tiếng Anh của tôi tương đối có thể đạt được trình độ trung cấp. Và, hơn lúc nào cả, tôi đang sống ở Mỹ, dù ít nhiều, tiếng Anh phải ráng học.
Từ sau biến cố 30/4/75 tôi không thể viết văn, làm báo được, thì lúc này đây là một cơ hội phục sinh. Tôi cảm thấy cuộc sống ở Mỹ có nhiều điều kiện dễ dàng tiến thân. Tôi đọc nhiều, nhiều hơn ngày trước. Tôi cũng chỉ biết cách đọc qua bản dịch tiếng Việt mà các nhà sách bên đây đều có bán, những tác phẩm lớn của các nhà văn Nga, Mỹ, Anh, Pháp tôi đều đọc, nghiền ngẫm cách viết và đời sống nhân vật. Tôi hầu như luôn những cảm giác nôn nao mỗi khi nhớ nghĩ đến Thúy Hà. Tôi rất mong, hết sức mong được gặp lại nàng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

PHẦN THỨ NĂM


I


Nơi ấy, một khu thương mại không lớn lắm nhưng tương đối sạch sẽ, thoáng đãng và thuận lợi. Bãi đậu xe chứa được sáu chục chiếc, giới hạn một giờ. Có hai lối ra gặp con đường lớn của phố chính, và ở nơi này luôn có khách ra vào thường xuyên, nhất là vào giờ buổi trưa và chiều tối. Nhà hàng ăn nằm đầu hết, thường bán cơm, hủ tiếu, mì và phở. Bên cạnh nhà hàng này là một cửa hiệu tạp hóa bán tất cả các loại hàng với giá rẻ từ 99 xu đến ba đồng. Nối đường vuông góc với cửa hiệu là một dãy nhà dài mặt trước trông ra bãi đậu xe, đầu tiên là tiệm giặt quần áo, kế đến, một tiệm sửa đồng hồ, radio và tivi, rồi một tiệm bán đồ gỗ loại nhẹ, chỗ cuối cùng là tiệm bán nước. Ở gian cuối này diện tích rộng hơn mấy gian kia, và chủ tiệm là hai vợ chồng người Hoa, gốc Chợ Lớn. Vừa đến kỳ hạn hết hợp đồng, vợ chồng này không gia hạn thêm nữa, chị Phượng Nga có cơ hội may sang lại chỗ này vẫn giá thuê cũ.
Sau nhiều năm ở vùng quận Cam miền Trung của tiểu bang Cali, Phượng Nga đã dời khỏi nơi này trong mùa hè sang Houston để sống chung với gia đình cô em gái. Jack và Quỳnh đã quen nhau, mến nhau từ buổi đầu gặp gỡ ở trại Pendleton, nhưng sau bảy năm hai người mới lấy nhau, vì Jack phải đợi thời gian Quỳnh đi học lại, và tốt nghiệp Đại Học. Jack đưa Quỳnh qua Texas, quê hương của gia đình chàng. Vợ chồng Quỳnh đã có được hai cô con gái đang học lớp tiểu học. Jack là kỹ sư trong ngành điện toán, còn Quỳnh làm việc ở văn phòng nhà trường nơi mà hai con nhỏ đang học.
Căn nhà vợ chồng Quỳnh đang ở mới mua được hai năm. Căn nhà rộng cả mặt trước và phía sau, vừa có vườn trồng cây và hoa, vừa có một hồ bơi nhỏ. Từ năm ngoái, Quỳnh muốn Phượng Nga và Mỵ Châu qua sống cùng với gia đình mình, nhưng Phượng Nga chần chừ, bấy giờ mới quyết định. Và, sự quyết định này thật là hợp tình, hợp lý, nó lại còn tạo ra mối cơ duyên hội ngộ của nàng và chồng nàng đưa đến ngày hạnh phúc đoàn tụ sau đó chừng một năm.
Hoàng được mười chín tuổi, vừa học xong năm đầu ở trường Orange Coast College. Trong mùa hè ấy, Hoàng cùng đi với mẹ và dì Mỵ Châu qua Houston nhưng rồi lại trở về Cali để vào năm học mới. Hoàng thông minh, học khá, năm tốt nghiệp trung học đạt điểm B có thể bước thẳng lên Đại học bốn năm, nhưng Hoàng muốn khởi sự chắc chắn nên ghi danh vào trường Cộng đồng. Hoàng rất thích không khí vui ở vùng quận Cam, học ở đây, cậu có nhiều bạn trai, cả bạn gái nữa. Rất giống bố trong mấy thứ tài vặt về văn nghệ, Hoàng có năng khiếu về nhạc, chơi được một vài loại đàn và kèn. Nhưng với Hoàng, việc học là chính. Ở trường, Hoàng học khá môn Toán và tiếng Anh, còn sinh ngữ phụ cậu chọn là tiếng Việt. Từ lúc còn nhỏ đến Mỹ, Hoàng được mẹ và dì nuôi nấng theo tính cách người Việt, vừa hội nhập với cuộc sống Mỹ bên ngoài, nên Hoàng rất mau trong sự khôn lớn, và thứ tiếng Việt của mẹ, Hoàng luôn sử dụng ở nhà, ngày càng trở nên thuần thục, phát âm rõ tiếng, và đúng giọng, không bị pha trộn, lơ lớ nhưng phần đông các trẻ em gốc Việt khác. Khi chọn môn học này, Hoàng còn được mẹ và người dì giúp đỡ khi làm các bài tập giảng văn và luận văn ở lớp. Tuy không viết văn, viết báo như bố thuở xưa, nhưng các tiểu thuyết tiếng Việt Hoàng có thể đọc, hiểu được nội dung. Ở trường Orange Coast, có khoảng hai mươi vị nam nữ là người Việt giảng dạy và làm việc trong văn phòng của nhà trường. Không ngờ được, cô Yến, trước dạy học Nguyễn Hoàng và cũng là người bạn thân của Phượng Nga thuở trước, đang phụ trách dạy môn Văn mà Hoàng đang học.
Một hôm sau tiết học vừa xong, cô Yến giữ Hoàng lại hỏi chuyện:
- Cô Phượng Nga, có phải mẹ của em không?
- Thưa cô, phải.
Một nụ cười trên ánh mắt thân thiện, cô giáo nói với Hoàng:
- Hoàng giống cả bố và mẹ.
- Cô có quen với mẹ con.
Yến kể lại cho Hoàng nghe những năm dạy học ở thành phố Quảng Trị, và kể về Nguyên người bạn thân với anh Lập của mình trong thời sinh viên.
- Ba con còn ở Việt Nam, Hoàng nói.
- Cho cô gởi lời thăm mẹ.
- Dạ.
Trưa hôm ấy, về nhà, Hoàng kể chuyện cho mẹ nghe. Phượng Nga rất là vui, trò chuyện với cậu con trai thương quý, trong câu chuyện đó, kỷ niệm về một thời mơ mộng, lãng mạn, nó đến như một mùa hè tràn đầy niềm vui trên bãi biển. Cũng một lần đó, Hoàng bắt đầu tìm lại quá khứ của người cha trong sự ưu tư, trầm lắng, qua từng bức ảnh mà người mẹ của cậu còn giữ nguyên vẹn trong những cuốn album. Và, thú vị hơn cả, là cậu được xem cuốn phim quay lại khung cảnh của ngày đám cưới năm đó, trong phim, cậu nhận diện rõ hơn khuôn mặt người cha của mình.
- Chừng nào bố qua được, mẹ.
- Mẹ đã làm đơn bảo lãnh gởi cho bố rồi. Chỉ còn đợi phỏng vấn, là bố sẽ qua.
- Con mong thấy mặt bố.
- Mẹ cũng rất mong.
Thời gian qua đi nhiều năm. Hoa hướng dương như lòng của Phượng Nga vậy. Trong nhiều năm sống ở nơi đất khách quê người, Phượng Nga có nỗi cô đơn thầm lặng, và giữa cuộc sống hàng ngày tình cảm nàng có lúc chênh vênh, chao đảo, nhưng rồi nàng giữ lại thăng bằng, nhờ điểm tựa đứa con trai, cô em gái, và những hình ảnh thân thiết của một thuở mùa xuân tươi đẹp vẫn còn thấy rõ ánh nắng sáng ấm chiếu lên trên từng mỗi bức ảnh của Nguyên và nàng.
Được biết tin nhau, Phượng Nga và Yến rất là vui trong cuộc nói chuyện qua điện thoại lần đầu tiên, sau đó, một buổi gặp lại nữa ở một nhà hàng ăn trong khu Little Saigon.
- Khi nào anh Nguyên qua, nhớ tin cho mình hay nhé.
- Chúng mình vẫn còn lại Quảng trị, và bao nhiêu kỷ niệm quá thương yêu ở thành phố nhỏ bé đó. Khi nhớ nơi chốn ấy, bao nhiêu kỷ niệm riêng của mình như được đem gởi hết cho anh Nguyên, và một người bạn thân nữa, đó là Thụy.
Yến chợt im trong giây khắc, rồi nàng nói:
- Năm nay, sẽ có ngày hội trường Nguyễn Hoàng vào đầu mùa xuân.
- Từ ngày ra đi, mình không mấy biết tin bên quê nhà.
- Có lẽ, ngày hội Nguyễn Hoàng, chúng mình sẽ gặp lại học trò cũ và một số bạn đồng nghiệp.
- Mình rất nhớ cô Ý Tâm và thầy Hiệu trưởng.
Hai tuần gặp lại Jack và Quỳnh cùng hai đứa cháu gái, Phượng Nga cảm thấy cuộc sống của nàng có được sự đoàn tụ, và đây cũng là dấu hiệu tốt cho nàng hay, chẳng đợi bao lâu nữa Nguyên sẽ gặp lại nàng.
Sau khi sang tiệm xong Phượng Nga mở rộng thêm, ngoài việc bán nước uống là chính nàng còn đặt một cái tủ kính lớn bày các thứ thức ăn nhẹ để lạnh, có xúc xích, thịt ham, trứng, sữa, bơ và phó mát. Ở quầy thu tiền, nàng bán thêm các loại vé kiến thiết xổ hàng tuần, và nhiều hơn hết, cũng đắt hàng hơn tất cả là vé số cạo, giá các loại vé này từ 1 đồng đến 5 đồng. Khi khách có vé trúng, nàng trả tiền, giữ lại những vé trúng này để thanh toán với Công ty cung cấp. Có được cửa hàng buôn bán này, Phượng Nga cũng có dịp gặp nhiều đồng hương người Việt đang cư ngụ ở đây, kẻ lạ cũng như những người đã quen đều rất mến nàng. Nàng vẫn giữ nét đẹp xưa, khách tới, nàng có sự giao tiếp thân tình, khách không chỉ mến nàng thôi, có những người tương tư nữa.
Sau mấy tháng hè vui sống với mẹ và gia đình người dì, Hoàng trở lại Cali để chuẩn bị cho năm học mới. Phượng Nga để cho con trai lớn tự do, không ràng buộc, nhưng Quỳnh thì muốn đứa cháu ở đây chung với gia đình.
Một giọng vui, người dì hỏi:
- Mầy không bỏ Cali được, vì có bạn gái bên đó rồi phải không?
Hoàng đáp lời ngay:
- Tuổi của cháu không có bạn gái, làm sao cuộc sống vui được.
Khi tôi đặt chân đến Mỹ, sống ở vùng quận Cam thì cháu Hoàng của tôi đã rời khỏi dưới này lên vùng phía Bắc, vào trường Đại học Berkley. Tôi chưa gặp lại cháu Hoàng, với trường cháu đang học, tôi biết cũng là một trong những trường Đại học nổi tiếng ở nước Mỹ.
Tôi tìm được một cuộc sống tạm bợ trong buổi đầu. Vào một buổi sáng đó thuộc ngày nghỉ ca làm việc, tôi đang dùng bữa ăn sáng bánh mì trứng ốp la và uống cà phê sữa, vừa xong thì nghe tiếng chuông điện thoại reo.
- Allo.
- Cho tôi gặp ông Thụy.
- Thưa, tôi đây.
- Vâng, tôi là Thùy, cán sự xã hội.
- Vâng, có gì không cô.
- Tôi đang cần gặp ông.
- Ngay bây giờ, hay lúc nào cô.
- Được bây giờ thì tốt.
Sau một vài thông tin ngắn, tôi vội vàng mặc quần áo, rồi đi ra trạm xe buýt gần nhà.
Từ nhà tôi lên sở xã hội của thành phố Santa Ana, xa khoảng mười miles.
Khi tôi trình báo cho cô thư ký văn phòng, cô bảo tôi ngồi đợi. Không lâu, tôi được gọi tên. Khi hướng về phía cửa, nhận ra Thùy, tôi hết sức bỡ ngỡ, lạ lùng. Thùy cũng ngạc nhiên, nàng bảo:
- Anh vào đi.
Tôi theo Thùy đến phòng làm việc của nàng. Một cách bình thường, Thùy bảo tôi kéo ghế ngồi, sau đó nàng mở hồ sơ ra, bắt đầu công việc. Hôm nay, nàng cần gặp tôi để điều chỉnh lại phần lợi tức, và phần an sinh xã hội.
Tôi không cần điền mẫu đơn mới, mà chỉ trả lời các chi tiết về sự thay đổi mà cô cán sự trước đã không ghi đầy đủ. Tôi cũng chỉ mới biết sáng nay, Thùy vừa thay thế người trước để đảm trách hồ sơ cá nhân của tôi. Và thật tiện, lúc này, tôi làm luôn hồ sơ mới khỏi khai báo qua đơn điền về hàng năm.
Xong việc, nàng mỉm cười nhìn tôi và nói:
- Em mở hồ của anh sáng nay, có chút ngạc nhiên nên mới gọi.
- Thùy làm việc ở đây lâu chưa?
- Ngành xã hội thì đã lâu, nhưng em mới về thành phố này năm ngoái.
- Thùy ở Mỹ lâu chưa?
- Em qua bên đây năm 81.
- Thùy đi vượt biên?
- Anh nói đúng.
Tôi và Thùy luôn nhìn nhau qua ánh mắt lúc trò chuyện. Tôi thấy Thùy cũng thay đổi nhiều, nhưng dáng người, vẫn cho tôi nhận ra ngày cũ.
Có tiếng chuông điện thoại, Thùy bắt máy. Tôi nghe Thùy nói tiếng Anh thật nhanh và lưu loát.
Lúc này, kim đồng hồ treo tường chỉ mười giờ. Tôi đứng dậy kiếu từ. Thùy tiễn tôi ra đến ngoài sân bãi đậu xe. Hai người dừng bước ở chỗ có bóng im.
- Chiều nay anh có đi đâu không?
- Chắc là không. Nếu có đi chỉ lên Phước Lộc Thọ uống cà phê, tìm bạn bè.
Ánh mắt Thùy dịu xuống khi nhìn sang tôi:
- Em sẽ kiếm cho anh một việc làm.
- Cám ơn Thùy, có gì quý bằng.
Hai người vẫn có chút vấn vương, ái ngại. Tôi hiểu rõ tình cảm của Thùy ở trong tôi ngay khi nhận ra tôi lúc nàng đứng ở phía cửa văn phòng đón người khách mới. Một lúc sau, Thùy nói lời tạm biệt và đưa tay cho tôi bắt. Tôi bỗng có cảm giác mình vừa được trẻ lại.
Thùy trở bước, dưới bóng cây, tôi đưa mắt nhìn theo Thùy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

Bên ngoài cánh cổng là con đường Grand. Buổi sáng trong nắng đầy cùng với khí lạnh từ sương núi tràn xuống, tôi chợt có cảm giác về con người khô khan của mình. Và, bắt đầu từ hôm nay, những định hướng của tôi sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Tôi đi bộ đến trạm xe buýt, nơi phía đó, tôi nhìn thấy rõ tấm bảng xe ngừng dựng sát bờ đường gần một mái hiên. Tôi đeo vai cái túi xách nhẹ, trong đó, toàn bộ những giấy tờ tôi mang theo cùng với các giấy tờ thông tin của sở xã hội mà Thùy in ra sau khi làm xong hồ sơ xin trợ cấp của tôi. Tôi được hưởng ba thứ trong năm đầu, gồm tiền trợ cấp, phiếu thực phẩm, và y tế miễn phí. Thùy làm công việc này đã lâu, nên tôi thấy được tính cách mau lẹ, vừa đơn giản, thêm vào đó là hệ thống tân tiến của máy điện toán. Tôi nhớ ra trên mỗi phần hồ sơ trợ cấp, tôi ký đến ba lượt. Khi khởi sự công việc Thùy hỏi tôi về lý lịch, tôi trả lời nàng chẳng khác chi một học sinh trả bài cho cô giáo.
- Ở Việt Nam, anh làm nghề gì?
- Tôi bán sách báo.
- Mỗi tháng, tiền thu nhập bao nhiêu?
- Khoảng chừng 1500 đồng tiền Việt.
Nàng nhẩm tính, xong cho tôi biết:
- Khoảng gần 30 Mỹ kim.
- Ít nhỉ, tôi buột miệng.
Nàng cười, nói:
- Đồng Mỹ có giá lắm.
- Nước Mỹ cũng vậy.
Nàng gật đầu.
Trên bàn làm việc của Thùy có một khung ảnh, trong khung, tấm ảnh của nàng đứng bên cạnh một cô gái, phía sau là khu công viên có hồ nước. Tôi trông thấy những nhánh cây rơi rớt trên mặt cỏ. Xa một chút, một băng ghế bỏ trống.
Có hai người khách đang chờ xe đến. Tôi lấy ví ra, tìm kiếm tấm thẻ màu xanh. Không đợi lâu, xe đến. Một người khách xuống ở đây, tôi và hai người nữa bước lên. Hai cánh cửa trước và sau đóng cùng một lúc, nhưng xe chưa lăn bánh. Tôi nghe tiếng người tài xế nói qua microphone, báo với Tổng đài ở bến chính cho biết điểm ngừng xe vừa mới ghé. Báo cáo xong, anh ta gác máy, rồi đẩy cần số đưa chiếc xe lăn bánh ra đường.
Chừng mười phút sau, tôi lại xuống xe, và đổi chuyến kế tiếp để đi đến khu Little Saigon.
Những hàng cây palm vươn lên trong bóng nắng, buổi trưa đang tới. Ngồi bên cửa xe, tôi lặng nhìn quang cảnh sinh hoạt từng khu phố. Khi xe vượt lên dốc cầu, tôi trông thấy bên dưới có nước đang chảy, nhưng đó chỉ là nước mưa của trận mưa tối qua, rạng sáng trời âm u, tưởng sẽ còn mưa trong ngày. Nhưng rồi, mây, mưa và sương mù cùng một lúc tan rất nhanh.
Xe buýt chạy rất là êm, cứ cách hai ngã tư, xuất hiện một trạm ngừng. Tôi nghĩ nhiều về mình, một vài câu hỏi nêu lên không khó lắm, nhưng tôi cũng không biết cách trả lời. Nếu như…, tìm trong ý này thì bao nhiêu chuyện cũ sẽ khác đi nhiều, và cũng sẽ không có như hôm nay. Tôi chợt nghĩ, lịch sử thì gắn liền với đất nước, dân tộc, còn số phận, bao giờ cũng có một ít trong đôi ba lời an ủi với một cá nhân tầm thường như tôi.
Nắng sáng bừng lên thật óng ánh, những dãy phố phía trước cùng hai bên mở rộng và lớn dần, cùng với cảnh sinh hoạt tấp nập, rộn ràng. Đây là khu Little Saigon. Khi xe ghé vào trạm ngừng trước khu thương xá Phước Lộc Thọ đông hành khách xuống. Xuống đây, lòng tôi vui. Và, trong tôi vẫn còn giữ lấy những kỷ niệm cũ, thành phố Đà lạt, trong mưa và sương mù gương mặt của Thùy qua bao nhiêu năm tháng vẫn chưa làm phôi pha.
Tôi theo dòng người đi xuống phố dưới. Sau khoảng một trăm mét, tôi cùng với họ dừng chờ đèn dành cho người đi bộ. Vào lúc này, đang là giờ cao điểm xe cộ lưu thông và cả những sinh hoạt của ngày thường.
Nhà sách Văn Khoa nằm ngay phía cổng trước, mở cửa phía trái đi vào, cách cửa hiệu bán đồng hồ một căn.
Vừa bước vào, tôi dừng lại ở quầy mua mấy tờ báo để chiều nằm nhà đọc. Vào thời gian này mới định cư, công việc làm chỉ tạm bợ nên tôi có thì giờ rảnh hay đi uống cà phê, tìm tới các thư viện, vui hết sức sau khi làm thẻ xong, tôi có thể mượn sách mang về nhà, thời gian cho mỗi lần mượn là hai tuần.
Người Việt, tờ nhật báo có đăng nhiều trang rao vặt, trong số trang này có một phần dành cho công việc làm. Những ngày qua tôi đọc, biết đến các công việc làm nail, giữ trẻ, chăm sóc người già. Có một số việc, rao đăng ở đây, nhưng đi làm ở các tiểu bang xa.
Báo nào cũng bán cùng giá 25 xu. Tôi mua bốn tờ, trả một đồng, xong nhét vào cái túi xách.
Nhà sách không rộng, diện tích bằng các gian khác trong khu thương xá. Nhưng ở đây, khách mua đông. Một chiếc tủ kính lớn đặt ở giữa, hai hàng kệ dài, cao sáu tầng một để phía ngoài, và một để phía trong. Còn một phía nữa trong cùng gần bàn làm việc của ông chủ hiệu, đó là chỗ chuyên dành cho các loại tiểu thuyết. Lúc tôi đi vào chỗ này, liếc qua bàn làm việc thấy có hai người đang chơi cờ tướng. Tiếng gõ nhẹ của quân cờ, tiếng chân bước nhẹ, vài ba câu chuyện trao đổi, ở đây, bạn thường hay gặp những cô gái, những phụ nữ thanh lịch, dù không quen biết nhưng tính cách của họ làm cho bạn có được một không khí gần gũi, ấm cúng.
Tôi không tìm thấy tập thơ Lửa thiêng của Huy Cận. Khi nghe một vị khách lên tiếng chào người chủ, tôi quay lại, ngạc nhiên vô cùng.
- Ủa, Thụy. Qua đây lúc nào?
- Em mới qua.
Câu chuyện tạm ngừng, tôi nghe người chủ nói:
- Bìa đã làm xong. Tuần tới tôi bắt đầu cho in.
Tôi nhích bước lại gần, đứng bên anh Giang xem tấm bìa. Anh và chủ hiệu sách trao đổi nhau mấy lời nhận xét, rồi thật cẩn thận, bìa sách được cho vào phong bì.
Hai người đánh cờ tướng vẫn tiếp tục cuộc chơi. Người cầm quân xanh, đang sử dụng con pháo làm nước tấn công bên phía biên. Tôi ước tính nước cờ, nếu bên đỏ, không kéo con xe về phòng ngự sẽ thua.
- Bây giờ Thụy đang ở đâu?
- Em ở Santa Ana.
Khi nghe anh Giang giới thiệu, người chủ hỏi:
- Anh ở Việt Nam mới qua?
- Dạ phải.
Lần đầu tiên, tôi có được sự thân tình của người chủ nhà sách. Tôi nói:
- Trước đây, tôi có đọc những bài tiểu luận ông viết ở tạp chí Đối Thoại.
Chúng tôi cùng ra quán cà phê đối diện với nhà sách. Tôi chợt trông thấy Hạnh đang ngồi với đám bạn, chắc cũng là dân HO. Chỉ cần đưa tay chào, chúng tôi đủ thấy vui. Hạnh qua Mỹ trước tôi sáu tháng, cùng một thời gian với gia đình Lăng.
Có nhiều bàn trống, ba người đến bàn trông ra phía cửa trước. Ở phía ngoài sân, cũng có nhiều bàn cà phê đặt dưới những chiếc dù che nắng.
Ba người cùng gọi cà phê sữa. Lúc người chạy bàn ghi phiếu xong, đi vào trong quán, anh Giang nói:
- Tôi đang thu thập những truyện ngắn viết trước 75.
- Ông đưa cho nhà xuất bản nào?
- Xong việc đã.
- Tuần tới, tôi cho phát hành cuốn Xóm Đạo của Nguyễn Ngọc Ngạn.
Tôi hỏi người chủ:
- Mỗi đầu sách, ông in bao nhiêu?
- Từ một đến hai ngàn cuốn.
- Bán hết, ông có tái bản không?
- Tùy theo tác phẩm.
Cà phê mang ra. Tôi hỏi anh Giang:
- Chị Diễm đã qua chưa?
- Rồi.
- Chị qua được mấy năm?
- Ba năm.
Tôi quay sang người chủ nghe câu hỏi:
- Anh đi diện HO hay đoàn tụ.
- Dạ HO.
- Anh em đi cải tạo về hết chưa?
- Chắc là hết. Hai năm nay, các gia đình diện này đều đi Mỹ hết.
- Nhưng tiêu chuẩn phải bị cải tạo ba năm.
- Dạ đúng.
- Có đúng là từ trong Nam đưa ra Bắc không?
- Dạ đúng.
- Anh có ra Bắc không?
- Có. Ở ngoài đó bốn năm.
Khu thương xá tấp nập. Tôi nhìn vào hiệu sách thấy khách mua nhiều, bà chủ còn trẻ, sau mỗi lần tính tiền xong, bà cho sách vào cái bao có nhãn hiệu của nhà sách.
- Mấy tuần này sao?
- Cũng khá. Chủ nhật rồi, tôi trúng lớn.
Một giọng vui, anh Giang cho tôi biết:
- Ông chủ đây đánh cá ngựa hay lắm.
Tôi hỏi:
- Ngày trước, chắc anh hay đi trường đua Phú Thọ.
Vui vẻ, ông nói:
- Không tuần nào, tôi vắng cả.
Tôi cảm thấy nể phục, ngưỡng mộ. Ông chủ đây, qua Mỹ năm 75. Trước đây, năm 66, ông học Đại học Michigan, về Việt Nam, ông phụ trách dạy môn tiếng Anh ở trường Văn Khoa. Chỉ mới được biết, tôi hiểu ra ngay ông đặt tên cho hiệu sách của mình là tên một trường ông dạy hồi trước. Một hình logo trên tấm bảng cửa hiệu sách là Chùa Một Cột.
Vừa nhâm nhi cà phê, chuyện trò lan man, tới gần trưa ba người đứng dậy cùng rời quán. Ông Đỗ vào tiệm sách, tôi đi theo anh Giang ra bên ngoài.
- Thụy làm việc cho hãng nào?
- Em làm ở tiệm bán nước lọc. Công việc này cũng tạm thôi. Sáng nay lên Sở Xã hội, cô cán sự hứa giúp cho công việc làm.
- Đúng lắm. Sở Xã Hội luôn giúp đỡ tìm việc làm cho người mới đến.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

II

Khi xe buýt ghé vào trạm ngừng 64, tôi xuống. Đây là khu phố chính của Little Sài Gòn. Tôi đi bộ tới đường Moran, rẽ phải, và đi thêm chừng hơn trăm thước là trông tòa soạn Nhật báo Người Việt.
Bên ngoài, tôi đứng nhìn chung quanh, vừa nghĩ ngợi tới những điều mình sẽ trình bày khi gặp ông Chủ nhiệm. Sau đó, tôi rút ví lấy tấm cạc nhỏ có đề tên ông và giờ hẹn gặp. Tôi còn nhìn lại quần áo mình đang mặc, và lấy tay sửa lại mái tóc trước khi vào cửa bên trong tòa soạn. Ba cô gái ngồi trong quầy, một cô đang tiếp khách đăng quảng cáo, một cô phát báo, còn cô thứ ba đang nghe và trả lời điện thoại.
Tôi ngập ngừng trong lúc đứng đợi. Khi cô gái ngồi phía đầu dãy quầy tiếp xong khách, tôi đến trước mặt cô cất tiếng chào và chìa tấm cạc cho cô xem. Cô hỏi lại tôi:
- Chú muốn gặp bác Yến?
- Vâng. Ông Chủ nhiệm có hẹn tôi sáng nay.
Cô nhấc máy lên gọi. Chừng sau một phút, cô cúp máy bảo tôi chờ. Tôi gật đầu, bước vài bước lại gần tường đọc những thông báo của Tòa soạn với khách hàng.
Một lúc sau ông Chủ nhiệm đi ra. Vừa quay lại thấy ông, tôi chào, và được ông đưa tay bắt niềm nở. Ngay sau đó, ông mời tôi vào đi qua lối cửa hông. Tôi bước theo ông, vừa đưa mắt quan sát phòng làm việc của nhân viên phụ trách quảng cáo và tiếp khách hàng. Đi theo hành lang hẹp khuất vắng, nhưng tôi có nghe tiếng người nói ở các phòng bên trong.
Rồi ông Chủ nhiệm đưa tôi vào một căn phòng dài, có nhiều bàn ghế trống, còn hai bên là những kệ để sách và báo. Riêng báo Người Việt đã được đóng gáy theo từng năm.
- Mình ngồi đây.
Ông Chủ nhiệm kéo ghế ngồi, vừa chỉ chiếc ghế đối diện cho tôi. Bây giờ, tôi chú ý nhìn lại ông rõ hơn. Ông không cao lớn, hơi nhỏ người, khuôn mặt đầy đặn, nhưng cặp mắt đeo kính cận rất dày. Tôi đợi ông tháo cặp kính ra lau chùi, và vẫn lặng im đến khi nghe ông hỏi:
- Ăn sáng, cà phê chưa?
- Dạ rồi.
Trước khi hỏi chuyện về khả năng của tôi, ông nói qua cho tôi biết về sự hình thành của nhật báo Người Việt từ giai đoạn đầu đến hôm nay. Giọng ông nói ấm, truyền cảm. Tôi sực nhớ ra ông có một người em tên Chánh, ở chung với tôi một lán ở trại tù K2, Tân Lập, Vĩnh Phú. Sự nhớ này cũng là điều may giúp tôi có thêm cơ hội làm thân với ông Chủ nhiệm. Hôm qua thứ bảy, buổi sáng tình cờ gặp anh Giang ở khu thương xá Phước Lộc Thọ sau đó được anh đem đi ăn cơm và đưa về nhà chơi, ở nhà anh tôi tự nhiên, thoải mái như nhà mình. Có chị Diễm nữa, ba người ngồi uống bia, cà phê, rồi trà, với từng câu chuyện được nói, nhắc nhở, nhớ nhiều về Quy Nhơn là một thành phố miền biển thân thương của chúng tôi đã sống trong thời gian cuối cuộc chiến.
Buổi chiều, rất đông bạn bè đến nhà anh họp mặt. Người mang rượu, bia, người đem thức ăn, bánh trái, đóng góp với gia chủ cho buổi họp mặt thêm hào hứng, và các thứ này được sắp thành hàng trên chiếc bàn dài, rộng. Tôi được anh Giang giới thiệu tôi với nhiều bạn văn, trong đó, có ông Yến Chủ nhiệm nhật báo Người Việt. Có anh Giang đỡ lời, còn ông Yến với cả lòng thành và nhiệt tình đã thật vui thuận ngay cho tôi vào làm việc trong Công ty Người Việt. Và, để được dễ dàng gặp, ông cho tôi một tấm carte, có ghi giờ hẹn.
Bắt đầu vào chuyện, ông hỏi tôi:
- Anh Thụy có khả năng làm việc gì cho tờ báo?
Tôi đáp:
- Trước đây, tôi có một thời gian làm việc sửa morasse cho tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Năm. Nếu anh sắp cho công việc này, tốt quá.
- Ở đây đang cần. Nhưng anh Thụy viết báo được không?
- Tôi có viết được truyện ngắn.
- Hay lắm. Từ viết văn qua làm báo cũng dễ.
Không nói thêm nhiều, ông Yến đứng lên lấy tờ Người Việt nằm trên kệ rồi ngồi xuống, vừa điểm qua từng mục trên tờ báo, vừa giảng giải cho tôi. Anh nói:
- Hàng tuần, quận Cam luôn có nhiều sinh hoạt văn hóa của Cộng đồng. Những sinh hoạt này, các đơn vị tổ chức thường gởi thư mời đến cho tòa báo. Công việc trước nhất, người phụ trách sẽ làm bản tin ngắn rồi đến ngày tổ chức, phóng viên có mặt ở đó để làm bản tin chi tiết cho độc giả theo dõi. Tôi nghĩ, công việc này anh sẽ làm được.
- Vâng. Tôi chưa viết được phóng sự, chứ làm tin ngắn, thì cũng có biết qua nhờ đọc báo và nghe đài nhiều.
- Đấy. Anh cũng thấy, một bản tin luôn luôn đòi hỏi những sự kiện thiết yếu.
- Vâng. Tôi hiểu.
Với tòa soạn, công việc làm của tôi rất đơn giản, cố nhiên, tôi cũng phải có một chút khả năng về viết.
- Đi, tôi giới thiệu với anh em trong tờ báo.
Ông Yến đứng lên, tôi đứng lên theo. Vì chưa được xem hết tranh ảnh trong phòng này nên tôi xin ông cho tôi ít phút để xem qua.
- Anh học làm báo được đây.
Những chiếc kệ nối nhau được sắp các loại sách và báo. Riêng báo Người Việt đóng bìa cứng, có đủ bộ từ số đầu ra năm 1978. Trên tường, một vài bức họa, những tấm ảnh lớn chụp những buổi sinh hoạt của cộng đồng từ đợt di dân đầu tiên đến Mỹ. Bên cạnh ông Yến, tôi chú ý đến những tấm ảnh ở các trại tị nạn, những người ngồi trên ghe thuyền vượt biên đến được bờ tự do. Trong giây phút, tôi có ý nghĩ riêng là gợi ý từ những bức ảnh này cộng với kinh nghiệm sống của mình từ khi vào đời đến nay để viết nên một tác phẩm tiểu thuyết.
Hai người ra ngoài. Tôi được gặp và giới thiệu với các anh chị làm ở phòng ngoài về dịch vụ quảng cáo và tiếp khách. Sau đó, tôi qua phòng kỹ thuật, và nơi quan trọng hơn hết là Ban Biên Tập làm việc. Trên bàn làm việc của ban này, có rất nhiều máy Computer. Người Thư ký tòa soạn là một nhà văn, trước đây là giáo sư dạy môn Triết ở các trường Sài Gòn.
Khi gặp anh, tôi có bày tỏ cảm tưởng của tôi về những truyện ngắn anh viết đăng trên tạp chí Văn. Không chỉ đọc truyện, tôi còn nhắc đến một thời anh phụ trách bài vở cho tờ Văn nữa. Ngày đó, tôi và các bạn trẻ gởi bài về, thường trông ngóng tin tức qua hộp thư của tòa soạn. Chỉ trong mười phút trao đổi, anh dành một chút thiện cảm làm tôi cảm thấy mình có một niềm tin cho những ngày tới làm việc ở đây. Và sau cùng, tôi được gặp hai cô thư ký đánh máy. Hai cô này có liên hệ đến công việc tôi làm. Tôi rất mừng là cả hai cô đều nói tiếng Bắc, như vậy, tôi đỡ lo về việc sửa lỗi hỏi ngã về chính tả, chỉ còn chú ý đến những chữ do phát âm sai của các tác giả sinh quán mỗi miền thôi. Hiện tại, tòa soạn chưa có người chính thức làm công việc này, mà bài viết của phóng viên, của người cộng tác cô thư ký đánh xong rồi tự sửa lấy. Như vậy, tôi được coi là người đầu tiên chính thức phụ trách công việc này.
Mới đến gặp ông Chủ nhiệm lúc mười giờ sáng, giờ đã gần trưa, và cũng là giờ ăn. Tôi được mời dự bữa cơm thường ngày của tòa soạn.
Phòng ăn ở phía sau, có bếp lò, tủ đựng thức ăn và nhất là có cà phê. Hai bên chiếc bàn dài có trải khăn là những hàng ghế xếp. Bữa ăn đông, ồn vui tiếng chuyện trò. Tôi nhận ra, cả Tòa soạn, anh em đều là người Bắc và Nam cả. Chỉ có tôi đây, tự dưng lạc lõng, và tôi nhận ra là mình không tự chủ được giọng nói. Nói chuyện với anh em, lúc tôi ngả theo giọng Nam, lúc giọng Bắc, và theo phía nào cũng có sự bối rối, mất tự nhiên. Vào thời gian này, chương trình HO đưa các gia đình tù cải tạo qua đông nên câu chuyện lúc này trong bữa ăn, anh em bàn thảo về vấn đề này. Tôi lắng nghe, ghi nhận được những sự kiện từ một nơi xa hơn là thủ đô Hoa Thịnh Đốn, chứ không phải là một số tin đồn mơ hồ được nghe lúc chưa ra đi.
Hết giờ ăn, anh em trở lại làm việc. Tôi cám ơn ông Yến và xin kiếu từ. Ông đưa tôi ra phòng hành chánh lấy cho tôi những tờ báo mới nhất trong tuần qua, rồi tiễn tôi ra ngoài cửa. Dừng lại chỗ bóng cây, ông khuyên khích tôi cố gắng làm việc khi được nhận vào Công ty. Tôi nhìn lại ông, nhìn lại rõ hơn một khuôn mặt như đó là một kim chỉ nam để mình biết được gì hơn về nước Mỹ và cuộc sống của mình.
- Cám ơn ông em về.
- Anh Thụy về.
Tôi vừa đi mấy bước, bỗng nghe tiếng ông gọi. Tôi dừng, ông đến bảo tôi:
- Anh thử viết một bài về chuyến đi của gia đình anh qua Mỹ.
Tôi bừng tỉnh một tia vui sáng lên trong tâm trí. Ông Chủ nhiệm nói thêm:
- Bài viết này rất cần. Anh cố viết đi. Không cần văn chương, chỉ cần trung thực, nói lên được tâm trạng cá nhân của người tù cải tạo, của gia đình họ, và những sự chuẩn bị cũng như ước mơ cho một chuyến đi đổi đời.
- Cám ơn ông. Em cố gắng viết bài này.
Ông bắt tay tôi lần này rất tin cậy. Tôi kẹp những tờ báo bên nách, thong thả đi bộ trên đường Moran ra đại lộ Bolsa. Từ hai tuần nay tôi đi bằng phương tiện xe buýt đã quen nên không còn bỡ ngỡ khi thấy một chiếc xe xuất hiện ở xa sắp đến trạm ngừng nữa. Với lại, lúc được cấp vé xe buýt, tôi cũng có được cuốn sách nhỏ của Công ty giới thiệu và chỉ dẫn các tuyến đường, số xe, số trạm cho hành khách dễ đón xe.
Khu Little Sài Gòn luôn nhộn nhịp, đông xe và người đi bộ. Từ đường Bushard lên tới Magonlia, hai bên là những khu thương xá, chợ búa, các văn phòng dịch vụ về thuế, khám bệnh, bán hàng tạp hóa và tiệm ăn. Ở quận Cam đông người Việt nên đỡ buồn. Thời tiết ở đây cũng ấm áp, dễ chịu, mùa đông không có tuyết, cái giá lạnh chỉ cần mặc áo mặc một chiếc ấm là đủ. Tôi chưa trông thấy tuyết, và rất ước mong được nhìn thấy tuyết thực sự.
Trạm xe buýt có mái che và một băng ghế cho khách ngồi đợi. Sau mười lăm phút chờ, đã có chuyến tới. Lên xe, tôi chìa thẻ cho tài xế. Xe ngừng một phút, chạy ngay. Sau bốn trạm xe ngừng đỗ lấy khách, tôi xuống ở một trạm nằm đầu ngã tư đường Jackson, ở đây có một nhà hàng ăn lớn, rất đông vào giờ trưa và tôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017


Không hề có một chút đợi mong đến ngày nào mình sẽ về lại bên quê nhà thăm gia đình, cũng không có nữa, với chút muộn màng trong sự bao dung, tôi sẽ có được cơ hội biết tin hay gặp lại Thúy Hà. Thế nhưng, sau mỗi lần nói chuyện với Duy qua điện thoại, tôi như có cảm giác, Thúy Hà xuất hiện tìm đến nơi này, và nàng cũng sẽ biết tôi đang sống một mình.
Sau chuyến bay tôi hạ cánh ở Los một giờ, đến chuyến của Duy. Tôi và người bạn gặp nhau chốc lát ở phòng đợi, rồi chia tay. Ở dưới này hai tháng, Duy lên San José, và hiện giờ làm việc cho một hãng điện tử.
Thời gian qua đi, sự việc chi tôi cũng coi như vô tình. Tôi tự bằng lòng, cảm thấy đủ với những gì mình có. Sự trở về nơi chốn cũ, hoặc dậy lên những mối cảm hoài về bao nhiêu kỷ niệm, nó thường đến với tôi bằng những cơn mưa, nặng hạt, dào dào, hay những âm thanh nghe rất nhỏ, dai dẳng và buồn. Tôi không ngờ gặp Duy sau nhiều năm xa cách. Thực sự, hai chúng tôi trở nên thân nhau không phải bởi có Thúy Hà, mà do, hiểu được nhau bằng tấm lòng. Tôi chẳng có chi phân giải chuyện riêng của Duy và Thúy Hà, ngay cả, tôi như người trong cuộc, hiểu hết sức rõ qua nhận xét của riêng mình, và những điều bên gia đình ông bà Kha cho biết.
Khi tới phi trường Hồng Kông, trời đang bão. Rất là may, hai chuyến bay cùng hạ cánh được. Ngồi ở phòng đợi nhìn ra ngoài, mưa gió dữ dội, và những chiếc phi cơ to lớn vượt bao nhiêu ngàn dặm đường, vậy mà, ở bến đậu của phi trường vì không cất cánh được đã chịu gan lì, đứng yên một chỗ. Trong dịp chờ, tôi đi lang thang, chậm rãi ngắm các gian hàng trong phi trường bày bàn đủ các thứ mặt hàng lưu niệm cho hành khách du lịch. Nơi xứ người, các món hàng đều trông lạ và đẹp, nhưng tôi không thể mua. Sau một vòng window shopping, tôi tìm quán cà phê, gọi một ly uống cho ấm bụng. Chẳng thể ngờ được, tôi và Duy cùng nhận ra nhau, lúc này, thật là bỡ ngỡ với bao nhiêu chuyện những ngày trước.
Không cần hỏi, Duy cũng kể ra chuyện Thúy Hà. Và, kể xong, tôi tưởng đoạn kết có hậu, đâu hay, hai người đã ly dị, vào lúc đó là cuối mùa hè 1972.
- Bây giờ Thúy Hà ở đâu?
- Tôi không biết.
- Vậy sao, tôi nghĩ là anh đã biết.
Một chút hơi tự ái, tôi nói:
- Anh làm như tôi cố tình để giành lấy nàng.
Không để cho Duy phân bua, tôi tiếp lời:
- Ngày anh vào quân trường tôi đến thăm anh, rồi sau đó, cùng đi với Thúy Hà gặp anh. Ngày đó, tôi ở bên Thúy Hà như là người thân trong gia đình. Anh còn nhớ lá thư anh viết cho tôi, đọc thư của anh, tôi hiểu và luôn cố ngăn mình sự cám dỗ khi ở bên Thúy Hà. Vào Sài Gòn, Thúy Hà ở thành phố đó hai tháng rồi trở ra ngoài nhà. Những ngày nàng ở Sài Gòn tôi vẫn hay đến thăm, và hôm nàng về lại ngoài đó, tôi cũng thức dậy sớm để tiễn nàng.
Duy ngồi yên lặng nghe tôi nói ra những chuyện cũ. Ngày xa đó, Duy cũng biết tôi rất yêu Thúy Hà, cùng với sự thú nhận, những lúc ở bên nàng, vẻ đẹp của nàng cám dỗ đến nỗi tôi chết lặng, trồi dậy ở cặp môi, đôi mắt sự thèm muốn tưởng khó cưỡng lại nổi. Và, chính nàng thật sự không muốn tôi cưỡng lại sự bồng bột trong lúc người đang bừng nóng, ngây dại, ran khắp cơ thể. Ít ra, đời tôi cũng đã có lúc được sống với nàng qua mùi vị, hương thơm của nhan sắc. Tôi ở cạnh bên nàng những giờ rất lâu trên căn gác cũ, nhà xưa. Tôi cũng được nàng cho qua một đêm ở khách sạn, do ngày hôm đó, chuyện bay gặp thời tiết xấu, nửa đường phải quay về lại Sài Gòn. Tôi thật buồn khi xa nàng, suốt ngày lang thang, thế nhưng, nỗi buồn ấy tôi được sự bù đắp của nàng. Hết chiến tranh, tôi và nàng không gặp nhau. Nhưng mỗi khi nhớ nghĩ đến nàng, tôi rất thương nàng bằng bao nhiêu mối xúc cảm của tình yêu, đồng thời, trong tôi càng nhớ nghĩ đến, càng nôn nao, thèm muốn.

Ngày chủ nhật, tôi thường dậy trễ, nhưng cũng chỉ hơn kém nửa giờ so với ngày bình thường. Từ mái hiên căn gác, tôi nhìn xuống dãy nhà bên kia con đường, nhìn xa hơn một chút trông thấy khu công viên, cảnh vật yên tĩnh, chỉ có vài bóng người đang tập thể dục đi bộ. Bên dưới con đường chạy ngang qua nhà ở, những hàng xe đậu nối nhau hai bên lề. Đây là nơi tôi dọn đến ở mới có bốn tuần lễ. Chỗ cũ, buổi đầu được Hội từ thiện đưa đến, tôi không cảm thấy thoải mái, nên khi có việc làm rồi, tôi báo với cô chủ nhà để thay đổi chỗ ở. Với mối thiện cảm của riêng cô đưa tôi đến chỗ này, cũng là sở hữu của cô, chỗ này vắng vẻ, dễ chịu, hợp với cuộc sống một mình của tôi hơn cả.
Khi tôi trở vào, chuông điện thoại reo.
- Sáng nay, anh có đi đâu không?
- Không, rõ hơn, là chưa biết đi đâu cả.
- Đợi em đến.
Tôi nghe tiếng Thùy nói qua máy, cảm thấy người chợt dao động. Vào phòng rửa mặt, tôi nhìn lại gương mặt của tôi qua tấm gương. Thời gian đã làm tôi thay đổi nhiều, và nó cứ mòn mỏi nhớ đôi mắt Thúy Hà.
Từ buổi đầu gặp lại, tôi đâu ngờ Thùy vẫn nhớ đến tôi. Rồi cả một trời mơ sống lại, ký ức về thành phố Đà Lạt, những đường phố, từng con dốc, từng cánh rừng, cùng với mỗi chiều hôm ráng đỏ của màu áo, Thùy đã bước thật nhanh đi thẳng vào cuộc đời tôi. Và như thế, hẳn là do nơi mình vốn có một lòng tin. Bây giờ, tôi hiểu ra hạnh phúc của tôi là thời gian trong sự đợi chờ.
Căn nhà tôi thuê một phòng có gác trên, ở dưới là phòng khách bên cạnh gian bếp nấu bằng điện. Không có máy giặt, áo quần tôi tự giặt tay, xong đem phơi ở ngoài, đồ thường mặc trong nhà khỏi ủi, chỉ có đồ đi làm, chơi phố mới ủi. Ở phòng ngủ trên gác, một chiếc giường nệm, cái gối, tấm chăn len luôn được xếp gọn, ngay ngắn. Tôi có đặt thêm cái bàn nhỏ và chiếc kệ ba ngăn để báo và vài cuốn sách truyện dịch, vẫn là những tác phẩm tôi yêu thích đọc nhiều lần, các tác giả là Tchékhov, Hemingway, Graham Green. Việc đọc của tôi, phần chủ yếu là để học cách dựng truyện và bút pháp viết văn. Tôi quên hết quá khứ trong những tháng năm vào nghề văn của mình buổi đầu, nay tôi muốn bắt đầu lại, cùng với tuổi đời của mình và sự đúc kết kinh nghiệm. Tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết có giá trị, sự hình thành của nó đang nằm trong cuốn sổ tay tôi ghi chép về cảm xúc và sự việc đời thường mình trông thấy. Bên góc bàn của tôi, có để một khung ảnh, và đó là tấm ảnh thời xưa của Thùy. Những khi tới đây, nàng ngồi vào ghế nhìn rất lâu tấm ảnh của nàng. Tôi bước nhẹ tới gần, đứng ở sau, vòng hai cánh tay qua tấm thân của nàng, rồi cúi đầu lịm ngất trên mái tóc của nàng. Sau đó, chúng tôi lên giường nằm bên nhau, để cùng hưởng hạnh phúc qua tiếng chuyện trò.
Nàng thích nghe chuyện, nay đã có nàng, nên tôi không giấu gì nữa chuyện đời của tôi với bao nhiêu cô gái tôi đã gặp. Về Thúy Hà, tôi luôn xúc động khi kể cho nàng nghe và nó cứ vẳng lại trong đó vang âm những ngày mưa dai dẳng thật buồn ở xứ Huế.
- Thế nào anh cũng gặp nàng.
- Anh rất là mong.
Tôi mặc chiếc áo sơ mi sọc nâu, chiếc quần tergal xám. Nguyên bộ quần áo này và cả chiếc cà vạt nữa, Thùy mua cho tôi.
Thùy tới, đậu xe ngoài đường. Lúc tiếng chuông đồng hồ vừa ngân nhịp, tôi ra lồi cầu thang ngoài nhanh bước như chạy xuống đón nàng. Nhìn thấy tôi vui, nàng hỏi:
- Em đến, anh mừng không?
Tôi thèm hôn nàng ngay, nhưng ngoài đường có người trông thấy nên thôi. Chúng tôi đi bên nhau, buổi sáng trời thật mát, thơm mùi vị của cỏ và lá cây.
- Hai tuần nữa con em sẽ qua thăm.
- Lâu nay, con em có liên lạc với bố không?
- Ông bố bây giờ đang ở Việt nam.
- Vẫn thường liên lạc với em.
- Không có chuyện đó đâu.
Lên khỏi cầu thang, tôi đi trước mở cửa. Thùy vừa mới bước vào, tôi giữ nàng lại, nàng đứng im, khép cặp mắt lại để cho tôi hôn nàng. Tôi lịm đi, mỗi lúc ngừng ít giây để thở, sự thèm muốn của tôi lại đầy lên.
Tôi phải cởi chiếc áo sơ mi bị nhăn ra, ủi lại. Cũng đợi một lúc lâu, cảm giác nóng ran trong người tôi mới dịu xuống.
Thùy luôn hài lòng về cách sống của tôi luôn gọn, sạch, ngăn nắp.
- Anh không ở đây một mình.
- Có ai hay đến nữa phải không?
- Có chứ.
- Ai vậy?
Tôi chỉ khung ảnh của nàng. Tôi chợt hỏi:
- Sao hồi đó em không viết thư cho anh?
- Dễ dàng không?
- Có nhận thư của người ta, mà không đáp lễ.
- Em có bảo anh viết thư cho em đâu?
- Nhưng em cũng biết, anh thương phải không?
- Thương hay là yêu?
Thùy đến bàn ngồi, nàng lật cuốn sách tôi mới đọc lại mấy trang đâu. Một giọng vui, nàng hỏi:
- Anh mê nhân vật cô Phượng, phải không?
Tôi đáp:
- Phượng, hay lắm chứ.
Rồi một giọng thân thiết, tôi nói:
- Phượng là tên của loài chim quý. Phượng làm anh nhớ đến tác giả, nhớ đến Sài Gòn, thành phố đẹp như một tỉnh nhỏ bên nước Pháp, và vào những năm đó, không khí chiến tranh lan rộng khắp cả đất nước của mình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

Thùy mở rộng cuốn truyện, đọc qua vài trang. Đó là cuốn Người Mỹ trầm lặng (The quiet American) Tôi rất yêu thích cuốn truyện này, Thùy cũng đã đọc nó, và nàng thích như tôi. Tôi hay nhớ nghĩ đến Phượng, thường hình dung nàng qua bóng dáng của Huê. Tôi rất thích lời đề tặng như là cái tựa nhỏ việt ở trang đầu, có tên René và Phượng thân mến.
Thùy đến, chúng tôi còn ở bên nhau một giờ lâu mới rời nhà. Lên khu Little Saigon, Thùy ghé vào tiệm phở Nguyễn Huệ. Đây là tiệm ăn quen, tôi và Thùy đã có ghé một vài lần. Tôi và Thùy cùng thích món phở gà, nhưng Thùy chỉ gọi tô nhỏ, còn tô lớn dành cho tôi. Hai chúng tôi ngồi ở bàn nhỏ, chỉ đặt hai ghế. Trong tiệm ăn đông khách, nhiều người nhìn về phía chúng tôi có vẻ chú ý. Tôi chợt nghĩ, rồi có ngày mình sẽ gặp người quen ở đây.
Khi người chạy bàn mang phở ra, Thùy bỏ rau và vắt chanh vào bát tôi trước khi làm cho bên mình. Tôi gắp thêm lát ớt, và lấy chút nước tương. Rồi, hai chúng tôi mời nhau ăn thật hạnh phúc.
- Công việc em làm có hay thay đổi không?
- Có chứ anh. Trong một, hay hai năm, mình lại đổi phiên.
- Cũng trong thành phố đang làm, hay phải đi nơi khác.
- Vẫn chỗ cũ, cũng có trường hợp đi qua thành phố khác.
- Quận Cam có bao nhiêu thành phố.
- Nhiều lắm, dễ cũng đến bốn mươi.
Vừa ăn, Thùy nói rõ cho tôi biết công việc nàng đang làm. Với nàng, thường có sự dễ dãi, thông cảm, nhưng vẫn đúng theo quy định của sở. Thế nhưng, ở công việc của nàng, có một số nhân viên hơi khắt khe, bắt bẻ, như muốn gây khó khăn cho khách hàng. Thực sự, chính yếu của công việc này là giúp đỡ những gia đình xin hưởng trợ cấp, chứ không phải mình cố tình gây bất lợi cho họ. Khi một người, một gia đình do hoàn cảnh thiếu thốn, hay công việc làm đồng lương thấp, họ mới đến nhờ chính phủ, vậy nên, mình cần có sự cởi mở, cảm thông.
Tôi nghe giọng nói của Thùy, nhìn đôi mắt nàng thấy dễ thương làm sao. Tôi nhận ra rằng, mọi thứ, đối với Thùy đều có sự chừng mực, bình thường, dễ cảm xúc, và nàng không thích sự thái quá, cuồng nhiệt. Tôi yêu nàng, cảm thấy yếu đuối với hạnh phúc mình có được, nhưng vào giây phút lúc sự bồng bột bừng dậy, sức nóng ra khắp người, tôi không thể cưỡng kháng mình được, lúc ấy, Thùy tỏ ra bất bình với tôi ghê lắm.
Bữa ăn xong, nhà hàng cho món chè đậu tráng miệng.
- Chương trình HO còn không?
- Vẫn còn, ít ra, hai năm nữa mới hết.
- Người nào đi, cũng mang được cả gia đình theo.
- Đúng như vậy.
Một giọng vui, Thùy nói:
- Sao anh không lấy vợ bên nhà, cho ai đó được nhờ.
Tôi đáp lời Thùy:
- Ở quê ngoại anh, nhà nào cũng có một vườn dâu.
- Anh là người Quảng Trị hay Huế.
- Người Quảng Trị.
- Quảng Trị có xa Huế không?
- Xa 60 cây số.
- Đi về dễ không?
- Dễ, cùng đường quốc lộ I.
Tôi đứng lên trước, nhưng Thùy ngăn lại không để tôi trả tiền. Buổi sáng nắng đã lên đầy, trải rộng.
- Còn đi đâu nữa không?
- Chẳng lẽ, ăn xong về nhà ngay.
- Về, hay lang thang đâu cũng được cả. Có em, nơi chốn nào cũng vui.
Vào xe, trước khi di chuyển ra đường, Thùy mở nhạc. Tôi nghe tiếng hát, nhận ra giọng Lệ Thu.
Đường ngoài trống, Thùy bật đèn hiệu vừa quẹo trái, rồi ngược con đường lên khu Little Saigon chạy về hướng Tây.
- Gia đình em còn ở Đà Lạt không?
- Vẫn còn, anh.
Tôi chợt cảm thấy vui, nói với Thùy:
- Hồi đó, buổi chiều nào anh cũng đi con đường đất đỏ lên đồi cây khế để ngang qua nhà em.
- Nhớ quá, nên chiều nào cũng đi ngang cho thấy mặt phải không?
- Nói gì nữa. Bây giờ hình dung chốn cũ, chỉ một mình em thôi mà con đường trồng cả hàng phượng tím.
- Ở Đà Lạt, làm gì có phượng, đỏ hay tím.
- Ở đây xa, nhớ người xưa, mình chuyển cảnh về.
- Mới còn học sinh đã yêu sớm.
Khi thấy Thùy buông hở bàn tay, tôi nắm lấy, và thật yên lặng trong cảm giác tôi ngậm ướt từng ngón tay của nàng.
- Anh vẫn yêu Thúy Hà lắm phải không?
- Có một ngày đó, Thúy Hà về đến quê của mẹ anh.
- Nàng là người đầu tiên anh gặp.
- Không phải đâu?
- Ai mới là người đầu tiên.
- Trong năm học đó, anh mòn mỏi đợi thư em.
- Anh cũng hay bày vẽ làm như trong tiểu thuyết.
- Vậy chứ, ai làm quen trước.
- Ai?
Tôi kể cho Thùy nghe câu chuyện buổi chiều thứ năm. Thùy nghe xong, cười lớn, nhưng mái tóc chỉ rung rất nhẹ nhàng.
Một giọng vui, nàng nói:
- Các cô gái đã làm cho cuộc đời anh trở nên bấp bênh.
- Rồi mình cố giữ con thuyền của mình, mặc nó trôi, nhưng có định hướng.
Tôi nghĩ tới ngay cuộc đời mới của tôi, với Thùy.
- Ở bên đây, sao nhà cửa mắc quá. Người sở hữu được căn nhà, trả nợ đến ba mươi năm mới xong.
- Vậy là anh chỉ thích ở nhà thuê.
- Ở nhà thuê tiện, mình chỉ trả tiền hàng tháng thôi, không lo lắng gì khác.
- Công việc làm của anh ra sao?
- Cũng dễ chịu, đồng lương, tạm đủ sống qua ngày.
Tôi không nhìn ra biển mà ngắm khuôn mặt của Thùy. Lạ thật, sao mà chị Phượng Nga và Thùy giống nhau quá như vậy. Nếu hai người đi bên nhau, bạn sẽ tưởng rằng, đây là hai chị em. Tuy nhiên, nhìn kỹ, Thùy không sáng đẹp bằng chị Phượng Nga, lại lớn tuổi trông già hơn một chút. Nhưng Thùy lại cho tôi thấy, trong ánh mắt nàng, luôn giữ lấy sự bình thản như những đám mây giữa bầu trời.
- Từ lâu nay, anh có được tin tức về người bạn gái của anh không?
- Không. Không biết cô đang ở đâu?
- Anh có hay đọc báo Người Việt không?
- Có, ngày nào cũng đọc.
- Ở báo này có mục nhắn tin. Và, anh cũng nên đọc ở các trang rao vặt, hay các trang phân ưu, chúc mừng, đôi khi tìm lại được người quen.
- Em có ý hay.
Xe chạy dọc theo con đường ven biển. Đường thật vắng, một chốc lát, tiếng hát im bặt, bàn tay Thùy ở trong tay tôi. Tôi cầm bàn tay nàng để lên môi mình, và ngậm ướt trên môi từng ngón tay của nàng.
- Anh có mong đợi gặp lại Thúy Hà không?
- Có, anh mong đợi. Anh cũng chỉ mong đợi một lần gặp, rồi thôi.
- Em hiểu anh.
Đây là thành phố Laguna Beach. Sau khi gởi xe xong, hai chúng tôi đi dạo phố một vòng, sau đó trở ra công viên bờ biển. Trên chiếc ghế trống, tôi và Thùy ngồi bên nhau. Tôi lặng im nghe Thùy kể câu chuyện vượt biên của mình. Trong giọng nói của nàng, tôi hình dung ra con thuyền và tiếng sóng biển. Hai hình ảnh đó đã nhập vào trong trí tôi từ một ngày sau chiến tranh.
Tôi sống một mình và Thùy cũng đang sống một mình. Tôi hôm đó tôi về nhà Thùy, và trọn đêm thao thức.
Có tiếng mưa trong đêm, và tiếng Thùy rất nhỏ khi hỏi tôi:
- Anh có yêu người chị dâu của anh không?
- Anh đang được ở bên em.
- Nhưng lúc này anh đang nghĩ tới người kia.
Vài giây sau, tôi quay sang Thùy, nắm chặt cánh tay của nàng.
- Hoàn toàn không, em ạ. Em rất là giống, giống lắm. Bây giờ, anh Nguyên và chị Phượng Nga cùng cháu Hoàng đã đoàn tụ.
- Đó là lẽ phải cuộc đời. Nhưng trong con tim, giữa cảnh vật và con người vẫn không thể cho mình nói được hết.
- Anh được gặp lại em, như là bao nhiêu chuyện của ngày trước anh đã từng kể cho người chị nghe.
- Tại sao anh vẫn cứ sống một mình?
Trong vòng tay ôm chặt tấm thân của Thùy, một giọng vui, tôi reo lên.
- Tàu đến ga Đà lạt rồi.
- Anh có nhớ buổi sáng đó em và anh gặp nhau ở nhà ga.
- Anh không quên một chi tiết nào hết.
- Em cũng thế. Và, buổi chiều hôm đó nhìn thấy bóng dáng em mặc áo tím, em biết anh đã si tình.
Một giọng vui, nhìn nàng cười tôi nói:
- Thôi vậy nhé, một ngày cũng đủ hạnh phúc.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

III

Khi Thùy đưa số tiền một ngàn đồng để giúp tôi mua tạm chiếc xe cũ làm phương tiện di chuyển đây đó, tôi hiểu rằng, giữa tôi và nàng không chỉ với chút tình cảm riêng tư mà như bất đầu muốn có sự ràng buộc. Tôi thật rất vui, cảm động khi được gặp lại Thùy sau khá nhiều năm bặt tin. Nàng không thay đổi mấy, dù đã là một người mẹ của hai cô con gái lớn, nhưng tôi trông nàng vẫn còn trẻ, tươi tắn, vẫn gợi nhắc tôi hãy nhớ lại bao nhiêu ngày tháng cũ trong thời học sinh của nàng. Thì tôi vẫn nhớ, con đường đất đỏ Phan bội Châu đi ngang qua nhà nàng, con phố khu chợ bên rạp hát Hòa Bình nàng thường đi qua, sau đó xuống con dốc Duy Tân, và khi nàng xuất hiện đã có tôi đứng chờ ngay trước lối cổng vào trường.
Em không viết thư cho anh đâu, nàng nói với tôi bằng một nụ cười vừa kéo nhẹ bước đi, và câu nói đó, vẫn là của bao nhiêu lần gặp vào lúc chờ, và hẹn. Bây giờ đây, tôi lại còn tìm thấy nàng giữ nguyên những nét chính trên gương mặt và qua cách tạo dáng rất là giống chị Phượng Nga, vợ anh Nguyên. Một ngày xa đó, sự tình cờ tôi gặp một cô gái áo tím, đi chung cùng nàng một chuyến xe từ Đà Nẵng ra Huế, tôi đã không ngờ được rằng nàng là người bạn gái của anh tôi.
Moran được coi như là con đường báo chí Phạm Ngũ Lão của Sài Gòn ngày trước. Nhật báo Người Việt nằm phía bên trái, khoảng giữa con đường này. Một cơ sở không lớn lắm, nhưng đây là một biểu tượng, và là tiếng nói rất trung thực của cộng đồng. Từ nhà, tôi dễ đón những chuyến xe buýt thường lệ ghé trạm cách quãng mười phút, lúc tới khu Little Saigon trước thương xá Phước Lộc Thọ tôi xuống, đi bộ đến tòa báo rất là gần. Tôi có sẵn một cuốn booklet của Công ty xe buýt OCTA, trong cuốn này, đầy đủ các giờ, các trạm, và hệ thống tuyến đường trong quận Cam mà xe buýt sử dụng. Và, tôi đi xe buýt cũng không mất tiền, vì vé hàng tháng tôi được Sở xã hội thành phố Santa Ana cấp cho để di chuyển. Tôi tuy có được việc làm, nhưng còn có hưởng chút ít trợ cấp chính phủ, nhờ vào lợi tức thấp. Khi nhận tôi vào làm cho tòa báo, ông chủ nhiệm có cho biết, công việc sửa morasse tiền lương ấn định là 500, còn viết bài tôi chỉ là cộng tác viên, tiền nhuận bút được tính theo số bài viết, và mỗi bài, được ước lượng bằng số chữ. Vậy nên, đồng lương của tôi không cố định. Trong tháng vừa qua, tôi lãnh được non 1200 cho cả hai công việc. Thùy nói với tôi, khi nào tôi không thích ứng với công việc làm báo nữa, nàng sẽ tìm cho tôi công việc khác, làm hãng, đồng lương tính theo giờ và có khai thuế, tiền an sinh xã hội, cuối năm, người lợi tức thấp, tiền thuê được chính phủ cho lại.
Có được cái xe vẫn là cần thiết hơn cả. Sau khi tôi thi đậu viết với đề thi bằng tiếng Việt, Thùy dạy cho tôi học lái. Bên người đẹp, vừa là người mình đang yêu nữa, nên tôi học rất tiến bộ và nhanh. Và, cô giáo của tôi, nhân lúc dạy còn cho tôi đi chơi trên những con đường ven biển như là du ngoạn, làm tôi yêu thích hơn. Một lần đó, xe dừng chờ đèn, tôi buông tay lái cầm tay Thùy, nàng nghiêm nét mặt bảo tôi không chú tâm mà học lái, nàng sẽ đánh rớt ngay. Tôi yêu nàng biết chừng nào kể xiết. Ngày tôi thi, Thùy xin nghỉ ở sở một bữa đưa tôi đi. Tôi thi ở thành phố Westminster. Trước khi thi, Thùy hướng dẫn lần cuối, bảo tôi chạy xe qua hết tất cả những con đường nằm quanh khu vực của Nha Lộ Vận. Buổi sáng ấy, tôi cảm thấy mình rất tự tin. Tới giờ thi, tôi cho xe chạy vào lối đường đã quy định, sau khi khảo sát tôi qua các điểm thực hành, giám khảo là một bà người Mỹ đứng tuổi lên ngồi xe và bảo tôi lái ra đường. Thực là hên, những con đường mà Thùy hướng dẫn tôi chạy, giờ giám khảo cũng bảo tôi chạy y một lộ trình này không thay đổi, chừng nửa giờ khảo sát, xe tôi trở về lại khu vực thi, và lúc dừng vào chỗ đậu, tôi lo lắng, phập phồng. You pass, bà giám khảo nói, rồi cho tôi xem những điểm chấm. Tôi thi đậu với đúng số điểm quy định, hết sức là mừng, thực ra, tôi bị trừ mười điểm bởi quá do dự không dám vượt qua người chạy xe đạp bên đường cùng chiều với xe tôi.
Hai người ra khỏi xe, tôi cầm tờ giấy chấm đậu tìm kiếm Thùy. Nàng đứng chờ tôi trên bậc thềm, cặp mắt vui nhìn tôi như một đứa trẻ, và bởi quá mừng vui, tôi liều lỉnh ôm hôn nàng làm nàng vừa ngượng, vừa thấy tức cười trong ánh mắt nhìn tôi rất dễ thương.
Niềm vui trong tôi nhẹ nhàng như đám mây bay. Tôi vui, vừa mừng không khác chi thi đậu bằng văn hóa ngoài đời. Sau khi nhận cái bằng tạm xong, tôi và Thùy ra về. Lúc này nàng lái, tôi ngồi cạnh bên, tiếng chuyện trò hai chúng tôi có lúc nhỏ dần nghe như là hơi thở. Chiếc xe vào khu công viên ngừng lại. Lùi ra ngồi ghế sau, Thùy để cho tôi ôm gọn nàng trong hai cánh tay, tôi được cảm thấy mình yêu dấu một người bạn cũ, tôi cũng nhận ra rằng mình đã là người lính và cuộc chiến tranh nay cũng đã lụi tàn. Khi cúi xuống hôn trên cặp môi Thùy nhớ qua những ý tưởng ấy, tôi khóc.
- Anh cám ơn em, em đối với anh quá vô vàn.
Ở nhật báo Người Việt, tôi làm cũng tạm được việc. Tôi tự đặt mình trong thời gian thử thách, và coi việc làm báo là cách học nghề. Thực sự, chuyện viết lách tôi cũng đã quen, nên chi, tôi thích ứng nhanh về cả hình thức và nội dung của bài báo. Tôi cũng được sự hướng dẫn của anh Huy, anh Tuyên về cách viết tin, viết phóng sự và sổ tay. Thời gian vừa qua, tôi viết được bốn bài phóng sự đăng ba kỳ. Bài đầu tiên tôi viết về Câu lạc bộ HO, lấy tụ điểm các quán cà phê trong khu thương xá Phước Lộc Thọ làm nơi sinh hoạt, và nơi đây, thời gian đến Mỹ là thời gian anh em tìm gặp nhau, vừa hỏi tin tức các bạn còn bên nhà chưa qua đây. Sau khi mô tả không khí sinh hoạt ở nơi này, tôi làm cuộc phỏng vấn một số anh em quân nhân là tù cải tạo qua Mỹ theo diện HO. Bài thứ nhì, tôi viết về sinh hoạt người già, và bài mới đây tôi viết về các nhà sách và nhà xuất bản hoạt động trong vùng quận Cam. Kể ra, tôi cũng tiêu phí nhiều ngày giờ cho bài viết, đem ra so với tiền nhuận bút lãnh được không là mấy, nhưng, tôi có sự tự tin cho mình.
Vào đầu giờ buổi chiều, tôi làm công việc chính là sửa bản vỗ (sửa bản in thử) những bài do cô Ngà và chị Duyên đánh máy. Giữa cô Ngà và tôi có sự hợp ý, hòa đồng với công việc. Tuy với tuổi tác, tôi chỉ hơn kém anh em trong tòa soạn một vài tuổi, với các người này cô ấy thường xưng gọi bằng cậu, chú cháu, nhưng với tôi cô luôn gọi bằng anh và xưng em rất là thân thiết. Tôi không chú ý đến việc này, đến lúc chị Duyên trêu tôi và cô Ngà, tôi mới hay. Nói vậy thôi, tôi biết cô Ngà đã có một người bạn trai, nghe đâu hai người sắp làm lễ hỏi. Cô Ngà rất thích đọc tiểu thuyết, cô vào làm báo báo Người Việt đã nhiều năm. Tôi nhận ra cô đánh máy rất nhanh, vừa cẩn thận, khi sửa những bài cô đánh máy tôi không phải quan tâm đến các lỗi hỏi ngã, vì cô là người Bắc, phần việc tôi cần chú ý là những câu hoặc chữ cô đánh sót mà thôi. Từ đầu giờ buổi chiều đến lúc xong xuôi hết bài vở, thời gian kéo dài đến năm tiếng. Tôi thường phải ngưng đọc sau một số bài dài sửa xong, vì đọc kỹ bị nhức mắt. Lúc nghỉ, tôi ra phía nhà sau, ở đây có nước giải khát và bữa ăn dặm cho buổi chiều nếu mình đói. Thường, tôi nấu một gói mì, ăn tạm trước khi trở lại làm việc.
Có lúc, tôi chợt thấy thời gian như trì trệ, chậm hẳn lại. Tôi cảm thấy đơn độc, muốn rời khỏi đây, qua bên anh Nguyên hay là nơi Lăng đang ở, để anh em có dịp gần gũi nhau. Nhưng rồi, Thùy xuất hiện, nàng như thể hiện một ngày mới và thay đổi cuộc sống cho tôi. Hai chúng tôi, chưa có gì, chỉ biết sự gần gũi, thân tình với nhau thôi, nhưng cũng nhờ vào đó tôi không sợ cô đơn. Một đôi lúc, tôi muốn quên hẳn chuyện Thúy Hà. Và, cùng với ý nghĩ đó, giữa tôi và Duy ngày càng trở nên xa lạ.
Khi sắm được cái xe riêng, tôi lấy làm hưng phấn và nghĩ mình có chút tự do. Tôi đi làm việc bằng xe, đến tòa soạn mỗi buổi sáng, và nhiều lúc rời tòa soạn đi ra làm phóng sự ở ngoài. Tôi cũng nghĩ nhiều đến một cuộc sống tự do cho bản thân. Tôi có nói ra điều này với anh Giang, nơi căn nhà anh ở, vẫn còn có riêng cho anh và tôi những kỷ niệm thắm thiết, nhắc nhở chúng tôi rất nhiều về thành phố Quy Nhơn trong những năm tháng cũ.
Thùy cũng biết tôi đang yêu đời, hạnh phúc. Tôi có biết ở sở xã hội Thùy là một nhân viên quan trọng. Tôi hay biết nữa nàng là nhóm trưởng trong số các cán sự người Việt. Thùy nói tiếng Anh đúng giọng, nhanh và rất tự nhiên. Nàng có dạy cho tôi một số câu trong cách giao tế, và tôi theo sự hướng dẫn của nàng về cách nhớ ngữ vựng tiếng Anh, đó là thời gian đi vào các siêu thị, các mall bán hàng, trên mỗi mặt hàng đều có tên, mình cứ nhìn, đọc và rất dễ nhớ.
Mới đây, anh Giang cho tôi hay dự tính viết một bộ sách biên khảo, phần một là văn học miền Nam trước 75, phần hai là văn học hải ngoại. Tôi kỳ vọng vào công việc này vì đây là một công trình lớn cho văn học sử. Tôi nghĩ, anh Giang sẽ làm được. Ngoài sáng tác, anh Giang còn là cây bút phê bình rất trung thực, uy tín. Năm 1963, anh tốt nghiệp Đại học sư phạm với tập tiểu luận Tình và Đạo trong thơ Hàn Mặc tử được chấm đậu hạng nhất trong số sáu sinh viên cùng tốt nghiệp năm đó.
Mỗi tuần, Thùy và tôi cũng có vài lần gặp nhau. Lần nào gặp, hai chúng tôi đều rất vui, và Thùy thường hay đưa tôi đi ăn tối ở một quán ăn gần biển. Bữa ăn ở tiệm này, giá cả nhẹ nhàng, và chỗ ngồi ăn thoải mái, vừa riêng tư.
- Anh được tin gì về Thúy Hà chưa?
- Chưa.
- Anh vẫn đang mong tìm phải không?
- Thực sự, anh chỉ muốn biết tin thôi.
- Nếu liên lạc được, anh có trở lại ngày xưa không?
- Thời gian, có thể thay đổi. Anh nghĩ, em thay thế cho nàng rồi.
- Anh suy nghĩ kỹ chứ.
- Anh nói thực lòng mình.
- Hãy nghĩ là em tin anh. Nhưng đến một ngày nào đó anh biết rõ nàng, như anh gặp em lúc này, có thể anh sẽ đi hướng khác.
- Không, không có vậy đâu. Anh biết nàng đã lâu.
- Anh vẫn còn yêu nàng phải không?
- Em nói đúng.
- Còn nàng, vẫn yêu anh chứ.
- Anh tin như vậy.
- Hai người yêu nhau, sao không lấy được nhau?
- Em hãy nghĩ rằng, tình yêu chân thực ví như là một dòng sông, một cuốn tiểu thuyết mình tìm thấy qua trong đó những kỷ niệm rất là thủy chung, đáng quý mến.
- Rồi sao nữa.
- Anh có được diễm phúc khi gặp lại em.
- Em và anh, bình thường như ngoài đời.
- Em vô cùng quý giá với anh.
Trong những lần đi ăn tối, kỷ niệm của hai chúng tôi luôn có sự liên tưởng đến Thúy Hà.
Thế rồi, mùa xuân lại đến. Năm đầu tiên trên xứ người, cái Tết tha hương làm tôi chạnh lòng. Những ngày còn lại trong năm, không khí ở khu Little Saigon rất nhộn nhịp, khu vực bán hoa và mứt bánh trước sân thương xá Phước Lộc Thọ rất là đông, đồng hương gặp nhau mừng vui chào hỏi, ai cũng nôn nao nhắc đến những người thân, và lòng buồn lại khi nhớ đến bao nhiêu kỷ niệm cũ bên quê nhà.
Báo Xuân Người Việt ra trước Tết hai tuần, lúc này hầu như các hiệu sách đã bán hết. Đây là món quà Tết rẻ tiền, có ý nghĩa. Không chỉ báo Người Việt thôi, các báo Tết khác cũng bán chạy. Tôi có truyện ngắn đăng số Xuân, tiền nhuận bút 100, tiền thưởng 300, kèm theo gói quà có hộp mứt, cặp bánh chưng, và đòn chả lớn. Nhân dịp đầu năm mới, ở nơi này, tôi gởi báo Xuân qua cho vợ chồng anh Nguyên, gia đình Lăng và mấy người bạn cũng ở vùng quận Cam, trong đó có Hạnh. Nhớ lại buổi đầu tiên chúng tôi gặp lại nhau trên chuyến xe buýt đi Phú Bài, rồi quán cà phê Mai Hương, cuối cùng là ở đây. Kết cục một đời lính, tôi chỉ nở có được một bông mai, còn Hạnh lên đến ba. Dù vậy, hai đứa vẫn thân nhau, vì là bạn học cũ. Và, ở đây, ngoài sinh hoạt các hội đoàn, có cả trường học. Trường Nguyễn Hoàng, một tuần trước tổ chức họp mặt, tôi và Thùy có đi dự. Hôm đó, nhìn tôi và Thùy, không cần nói ra, Hạnh cũng hiểu nàng là ai rồi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

Sau Tết, công việc của tôi có thể sẽ chuyển đổi, không phụ trách sửa morasse nữa, mà bổ sung thêm vào cánh phóng viên của ban biên tập.
Vào cánh này, tôi đi ngoài nhiều để làm phóng sự sinh hoạt cộng đồng, với sổ tay, chiếc máy ảnh.
Hai con Thùy ở xa về ăn Tết với mẹ. Tôi được Thùy giới thiệu trong bữa cơm gia đình, không khí vui, và hai cô gái tỏ ra dễ thương. Sau bữa ăn, hai đứa đi nhà bạn, để lại sự riêng tư cho tôi và nàng.
- Cà phê nghe anh Thụy?
- Hay lắm.
Thùy làm cà phê phin hai tách, hai người ngồi bên nhau ở hiên ngoài, vườn sau.
- Anh không hút thuốc?
- Có, nhưng bỏ từ ngày qua bên này.
- Nhà báo, ai cũng có hút thuốc, cà phê, sao anh bỏ.
- Bên đây, khác bên nhà.
Tôi uống chậm, giây phút mơ hồ trở nên xa xôi. Giữa tôi và Thùy đã có tình yêu, sự gắn bó, nhưng hai người chưa nghĩ tới chuyện về sống chung với nhau. Tới tuổi gần năm mươi, tôi vẫn độc thân. Nhiều người quen, bạn hữu nêu câu hỏi, tôi thường im lặng, không giải thích.
Nhưng với Thùy, tôi nói:
- Trong cuộc sống, điều cần thiết cho mình là sự ưng thuận.
- Nếu gặp lại Thúy Hà, cô ấy ở trong tình cảnh như em, anh nghĩ sao.
- Anh chờ mong tin Thúy Hà để gặp lại người bạn gái năm xưa, chứ không ước mong có sự tái hợp như Kim Trọng - Thúy Kiều.
Thùy nhắc:
- Kim Trọng và nàng Kiều, đã có hứa ước. Anh và Thúy Hà chỉ gặp, quen nhau, cho là có yêu nhau nhưng không lấy được nhau.
- Em nói đúng.
- Bao nhiêu thư và ảnh Thúy Hà, anh vẫn cất giữ.
- Của ai đem tặng hay cho anh, luôn còn trong đời anh.
Buổi chiều xuống trong cái nắng vừa lạnh và ấm.
- Đi chơi một vòng không anh?
Hai người đứng dậy. Thùy đứng im khi tôi ôm nàng trong vòng tay và hôn lên miệng nàng.
Từ nhà Thùy ra biển gần. Khi chạy dọc con đường ven biển, Thùy chỉ tay dãi bờ cát nói với tôi:
- Những năm đầu em mới đến, đồng hương mình đón giao thừa ở đây.
Tôi như có cảm giác vừa nhận tiếng sóng vỗ vào bờ cát. Một giọng hồi nhớ, Thùy kể:
- Tối ba mươi, đồng hương đến đây, rất đông, nhưng buồn, ảm đạm lắm. Có khi gió biển lởn vởn như vọng hồn người chết. Đây là phía đông của Thái Bình Dương. Tới giờ giao thừa, bà con dọn mâm cổ, đốt hương, cùng hướng ra biển và cùng chung một tấm lòng nhớ nghĩ, cầu nguyện cho gia đình, người thân còn bên nhà, và sau cùng, là sự siêu thoát linh hồn cho những người đi vượt biên không may mắn chết ngoài biển cả.
Tôi nghe Thùy khóc rất nhỏ, trong tiếng nói.
Laguna Beach là thành phố biển quen thuộc với tôi và Thùy. Khi tìm ra chỗ đậu xe xong, tôi và nàng đi ra phía công viên biển, ngồi đây để nhìn cảnh mặt trời lặn.
Thực sự, bên Thùy là hạnh phúc gần gũi, ấm áp, quý giá nữa, nhưng không hiểu sao lúc này tôi lại có cảm giác bơ vơ, lạ lùng.
- Ở đây, có thích hợp với anh không?
- Không biết nữa.
- Anh có tính đi nơi khác không?
- Không, anh đang chờ một sự chuyển tiếp.
- Chỉ riêng với Thúy Hà thôi.
- Không.
Tôi bỗng nhận ra mình đang bị ám ảnh bởi sự tàn khốc của chiến tranh, ở nơi này, hay bất cứ đâu, chiến tranh vẫn đang tiếp diễn.
Trên vỉa hè phố, tiếng chân người đi bộ khua vang, ồn ào cùng với tiếng nhạc buổi chiều vang động. Tôi hết sức cảm động về tình yêu Thùy dành cho mình, và có lẽ, nàng là người bạn cuối cùng dành cho đời tôi chút an ủi.
Vậy đó, động lực thúc đẩy tôi khởi sự buổi đầu cho một cuốn tiểu thuyết chỉ còn trông cậy vào mẩu tin nhỏ về Thúy Hà. Sau vài lần trao đổi, Duy và tôi không liên lạc với nhau nữa.
Lễ hội Tết Nguyên Đán kéo dài một tuần lễ. Ngày mồng 5, một buổi diễn hành trên Đại lộ Bolsa có sự tham dự các hội đoàn, đặc biệt, một số viên chức người Mỹ thuộc nhiều thành phố trong quận hạt. Lễ hội thật vui, có xe hoa, múa lân và phi cơ thả khói màu khi bay qua lễ đài.
Từ Virginia Thúy Hiền bay qua Cali dự ngày Đại hội sinh viên trường Chính trị Kinh Doanh, tổ chức ở nhà hàng Seafood World. Tôi nhận thư mời tuần trước, hôm nay đến làm tin và phóng sự.
Đang tìm chỗ đứng thuận tiện để chụp ảnh và ghi chép, bất ngờ, Thúy Hiền xuất hiện. Cô em gái mừng vui, mở rộng vòng tay ôm qua vai tôi.
Hai anh em hết sức ngỡ ngàng:
- Anh qua Mỹ lâu chưa?
- Mới ít tháng nay thôi.
Giờ khai mạc chưa bắt đầu nên hai người ra ngoài sân.
- Anh có liên lạc được với chị Thúy Hà không?
- Không. Chị đang ở đâu?
- Chị ở Úc, nhưng về Việt Nam rồi.
- Về chơi trong dịp nghỉ.
- Không, chị về luôn cùng với ba mợ em.
Tôi nhìn lại Thúy Hiền, tưởng chừng câu chuyện cũ về Thúy Hà và gia đình còn nhiều, nhiều lắm chưa thể kể hết.
- Anh được mấy cháu rồi?
Tôi lắc đầu nhìn Thúy Hiền.
- Sao vậy anh?
- Anh chưa có gia đình.
- Anh qua đây một mình?
Tôi gật đầu. Cô gái nhìn tôi, giọng ngập ngừng hỏi:
- Anh có mong gặp chị Thúy Hà không?
- Vẫn mong.
Thúy Hiền hỏi:
- Chúng ta có thay đổi nhiều không anh?
- Cũng nhiều.
Người tới đông, tôi nhìn quanh nhưng không gặp ai quen. Một lúc, có tiếng vọng qua micro của một giọng nam mời mọi người vào nhà hàng, lễ khai mạc sắp bắt đầu. Tôi và Thúy Hiền cùng vào, tôi hỏi:
- Em có hát hôm nay không?
- Có, anh. Lúc sau này em có sáng tác nhạc.
- Em có thu băng những bài em hát không?
- Có. Về bên đó, em sẽ gởi cho anh.
Tới cửa, Thúy Hiền rẽ trái đi lên phía sân khấu. Tôi hơi choáng ngợp vì nhà hàng rất là đông, vui vẻ với cuộc gặp mặt bằng hữu. Hôm nay, anh em sinh viên, ai cũng đều có dịp bạn bè, tìm lại những tháng năm cũ đẹp nhất trong thời tuổi trẻ của mình.
Tôi lách qua đám đông đi về gần phía sân khấu, tìm chỗ đứng thuận tiện để ghi chép và chụp ảnh. Cũng có nhiều phóng viên các báo khác được mời dự, thấy nhau, cùng đưa tay vẫy chào.
Sau khi ban nhạc ngừng chơi, người sinh viên đại diện trường lên sân khấu với bài cảm tưởng được viết sẵn. Hướng về đám đông, anh ngỏ lời chào quan khách, các bạn đồng môn, rồi vào nội dung bài phát biểu. Tôi ghi từng điểm một của bài, lúc này, mọi người lắng im với tất cả sự quan tâm và tôn trọng. Trường Chính trị kinh doanh khóa I khai giảng vào đầu mùa thu năm 1964, đây là một ngành học mới trên Đại học. Khóa đầu, sinh viên ghi danh học chưa đông lắm, nhưng các khóa kế tiếp, số sinh viên càng tăng nhiều. Đà Lạt, thành phố đẹp, thơ mộng nhất trên vùng cao nguyên. Nơi đây, đời sống của sinh viên rất thoải mái với việc học hành. Ngày trước, học hành kém, dang dở nhiều lớp, nhiều năm, nên tôi chưa lên đến Đại học. Với lớp tuổi như tôi, ai không có vinh dự đó đều rất lấy làm buồn tủi, cho mình bất hạnh. Nhưng thời gian, rồi cũng làm tôi không còn mơ mộng viển vông như thế nữa. Tôi vào đời, và sống với cuộc đời bằng con người chân thực của mình. Và, nhờ vào nghị lực, niềm tin, cũng như bao nhiêu kinh nghiệm về cuộc sống, tôi tìm thấy hạnh phúc của mình trong văn chương mà qua đó, tôi đã khởi đầu nghiệp văn một cách tốt đẹp. Bây giờ, tôi cũng có được một thời tuổi trẻ cùng với các bạn sinh viên đến họp mặt ở nơi này. Sau bài phát biểu của đại điện khóa, tiếp đến một vài bạn khác nữa trong ban điều hành.
Rồi, bữa tiệc bắt đầu. Tôi và các phóng viên nhân dịp này đi rảo quanh, chụp ảnh, và hỏi chuyện một vài người để làm đề tài phóng sự cho bài báo.
Sự tình cờ, tôi gặp Quang. Ngày trước chuyến đi công tác của tôi xuống Quy Nhơn đến thăm trại An Dưỡng, được Quang hướng dẫn. Quang nhập ngũ vào giai đoạn sau biến cố Mậu Thân 1968, trước khi khoác áo lính, anh là sinh viên trường Chính trị kinh doanh khóa đầu tiên, trong khóa này, còn có một nhạc sĩ du ca nổi tiếng, Nguyễn Đức Quang.
Hai người vui mừng gặp nhau, Quang rót bia mời tôi một ly mừng tái ngộ.
- Có nhớ anh Giang không?
- Nhớ chứ.
- Anh Giang ở đây, đang làm Chủ bút tờ báo Văn học.
- Tôi có biết.
- Anh cũng ở đây, hay tiểu bang khác đến.
- Tôi ở trên Seattle.
- Trên đó, người Việt mình đông không?
- Cũng khoảng vài mươi ngàn.
- Tôi mới qua, đi HO.
- Tôi biết. Một số bài anh viết trên Người Việt, tôi có đọc.
Trước khi rời bàn Quang, người bạn cho tôi địa chỉ, hẹn một hai ngày nữa gặp lại nhau ở quán cà phê.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

Người điều khiển bắt đầu giới thiệu chương trình văn nghệ. Không khí vui, ồn lên những tiếng vỗ tay, sôi nổi những câu chuyện vui trong tiếng cười đùa.
Tôi đi lướt qua mỗi bàn, gặp người quen đứng chụp hình, nhấp nháp ly bia, tí mồi, rồi lại trở gót. Khi Thúy Hiền được giới thiệu, tôi dừng bước đứng riêng một mình. Tôi trông thấy Thúy Hiền trên sân khấu, và tôi đứng xa để hồi nhớ những ngày tháng cũ. Tôi nhớ về Đà Nẵng, nhớ Đà Lạt trong sương mù và mưa. Nơi thành phố đó, hình ảnh áo tím gợi nhắc tôi nhớ đến Thùy. Về sau, qua hình ảnh nàng rất giống Phượng Nga, đã làm trí nhớ tôi người trở về những con đường trên thành phố ở miền cao ấy.
Tới nửa đêm, buổi hội kết thúc. Trong tình thân ái, từng cái bắt tay, lời nói, các bạn chia tay.
Tôi đi tìm Thúy Hiền cùng lúc cô gái cũng tìm tôi.
- Nhà anh ở xa đây không?
- Gần đây thôi.
- Anh đi một mình hay với ai.
- Đi một mình.
- Anh đợi em một lát.
- Anh đợi ở ngoài.
Không lâu, cô gái trở lại. Rồi, tôi và Thúy Hiền lên xe. Từ nhà hàng về đến nhà tôi chỉ khoảng mười phút, nhưng rồi, tôi lái xe chạy lòng vòng qua nhiều con phô, vừa đủ thời gian cho câu chuyện nói với Hiền.
Về đến nhà, vừa ngừng xe tôi hỏi:
- Em có thấy đói không?
- Ở đây, tiệm mở cửa khuya không?
- Không. Nhưng anh có sẵn ở nhà.
- Anh nấu bếp được không?
- Vừa đủ ngon cho em gái anh.
- Em rất vụng, nấu ăn không phải sở trường của em.
- Vậy anh không đem em ra so sánh với chị Hà.
- Không nên, tất cả mọi thứ.
- Con gái em, đứa nào học giỏi như em.
- Bây giờ chúng nó hơn em xa.
- Thực vậy sao?
- Em hát được không?
- Em hát hay.
- Em rất thích hát, chơi đàn.
Thật may vừa lên gác, bên ngoài trời mưa. Hai người cùng dừng bước bên nhau nhìn mưa. Con phố vắng, những con đường ngang qua nơi này cũng vắng, và chỉ còn ánh sáng đèn đường trong mưa.
Vào bên trong, Thúy Hiền đứng im lặng, hé cặp môi cho tôi hôn. Tôi hôn trong xúc động, và kéo dài rất lâu.
- Em đi tắm đi, cứ tự nhiên.
- Em không có mang đồ theo.
- Anh có quần áo nhẹ, em cứ mặc tạm.
- Cũng được.
- Em tắm trước đi, anh nấu bếp.
Tôi mở tủ lạnh lấy ra vài thứ, mì gói là chính. Tôi lấy nước đổ vào soong nhỏ, vặn nút lò. Trong lúc chờ nước sôi, tôi nghe rõ tiếng mưa ở ngoài.
Thúy Hiền ra ngoài, mặc bộ quần áo nhẹ của tôi có hơi rộng, nhưng trông cô rất là vui.
- Em có sợ mất ngủ không?
- Có gì không?
- Anh làm cà phê luôn.
- Hay đó, em thức đêm chuyện trò với anh.
Tôi nấu mì với trứng và thịt viên. Hai người hai tô, và ngồi ở bàn ăn. Khi nào ăn xong, chúng tôi sẽ uống cà phê và ra ngồi ngoài hàng hiên nhìn xuống phố vắng. Về đêm, trong cảnh mưa và phố vắng, thời gian trở thành một không gian làm cuộc sống ấm áp.
Thúy Hiền khen tôi giỏi nấu ăn. Tôi đáp lời ngay:
- Anh không giỏi sao chịu đựng được cuộc sống độc thân tới lúc này.
- Anh vẫn còn trẻ.
- Có lẽ, với tâm hồn chứ không tuổi tác.
Thúy Hiền ngừng ăn, nhìn tôi.
- Em và Lân lúc này ra sao?
- Chia tay nhau rồi.
Tôi buột miệng nói:
- Ở bên đây, anh gặp nhiều phụ nữ có cảnh ngộ như em.
- Ở xứ này, chuyện đó bình thường.
- Giữa em và Lân có chuyện gì không?
- Không từ chuyện tình cảm, vấn đề khác.
- Anh biết chút ít được không?
Thúy Hiền nói về Lân, về những công việc làm ăn, về tính cố chấp, và hay viển vông.
- Lân đang ở đâu?
- Ở Việt Nam, mở cơ sở làm ăn bên đó.
- Em được mấy cháu rồi.
- Ba, con gái hết.
Tôi và Thúy Hiền cùng cười. Xong bữa ăn, tôi làm cà phê. Trong lúc đợi có cà phê, Thúy Hiền đọc báo. Bỗng cô lên tiếng hỏi:
- Ảnh cô nào vậy anh?
- Ảnh cô Thùy.
Tôi làm chung hai ly bằng một chiếc phin lớn. Thúy Hiền đến gần, chuyện trò với tôi.
- Chị Hà có qua đây không?
- Có. Chị qua đây chơi hai lần.
- Ba mợ em có khỏe không?
- Ba lúc này hay đau. Bệnh rỗng xương.
- Mợ thì khá hơn.
- Vâng, anh.
Tôi để cho ly cà phê của Hiền nhiều sữa hơn bên mình. Hai người ra ngoài hàng hiên, lúc kéo ghế ngồi gần nhau, một cảm giác trong hương vị của lá và mưa đêm mát dịu lạ thường.
- Anh có nên viết một cuốn sách không?
- Một cuốn tiểu thuyết.
- Phải, anh nghĩ chuyện này đã từ lâu.
- Anh nên quên chị Thúy Hà.
- Tại sao em muốn anh quên chị.
- Anh đặt chỗ nằm của chị trong tim anh, đủ rồi.
- Em còn ở đây lâu không?
- Tối mai em ra phi trường.
- Từ đây qua bên em, thời gian bay có lâu không?
- Năm giờ bay.
- Xa vậy hả.
- Anh chưa đi qua miền Đông sao?
- Chưa.
- Khi nào anh đi, cho em biết.
- Bên đó, nhà của em.
- Em ở thuê. Có nhà, nhưng bán rồi.
- Công việc làm của em dễ chịu không?
- Cũng tạm anh.
Tôi cầm tay Thúy Hiền kéo lại gần. Cô gái ngả đầu xuống thành ghế và im lặng đón nhận từng nụ hôn.
- Anh vẫn cảm thấy cô đơn.
- Cô Thùy ra sao?
- Người bạn học với anh thời trước.
- Anh vui với nàng không?
- Nàng rất tốt. Anh phải viết một cuốn sách về chị Hà cho xong.
- Về bên đó, chị Hà không còn nhớ gì nữa cả.
- Hãy để chị sống với đời thường.
- Em như đóa hoa vô thường.
Thúy Hiền đốt điếu thuốc.
- Em rất nhớ Đà Lạt.
- Cô ấy cũng lớn lên ở thành phố đó.
- Anh tình cờ gặp lại bên này.
- Cô ấy làm việc cho sở xã hội. Anh đến đó phỏng vấn, gặp cô.
- Anh nghĩ, em nên bước thêm một nữa không?
- Không nên. Em sống tự do, cần gì đến anh, em gọi.
- Em hơi buồn ngủ.
- Vào giường anh, em ngủ đi.
- Thế anh nằm đâu.
- Có sopha đó.
- Em đùa anh chút thôi.
- Em tưởng mình uống rượu, không phải cà phê.
Hai người ngồi ở ngoài nói chuyện đến khuya. Lúc Thúy Hiền buồn ngủ, nàng ngả đầu, buông người và mái tóc xuống thành ghế.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

IV

Mới những ngày đầu tháng tư không khí sinh hoạt vùng thủ đô tị nạn ở quận Cam hết sức rộn rịp với cờ xí VNCH và Mỹ được treo dọc theo con phố chính Bolsa đoạn đường dài hai dặm từ ngã tư đường Bushard lên tới Mangolia. Theo thông báo của Ban tổ chức Cộng đồng, lễ đài sẽ được dựng ở công viên đối điện với khu thương xá Phước Lộc Thọ. Đây là mùa lễ tang kỷ niệm ngày Quốc hận 30/4/75, ngày miền Nam mất vào tay CSBV, và năm nay cũng đánh dấu 20 năm người Việt ly hương.
Những ngày qua, tòa soạn nhận được nhiều thư và thông báo của các hội đoàn về các chương trình cho ngày lễ lớn này. Với số thư nhận được, tôi đều viết ra những bản tin sinh hoạt đầy đủ chi tiết, cần thiết nhất là ngày giờ, địa chỉ và số điện thoại liên lạc.
Vào mỗi sáng thứ hai, trước khi vào giờ làm, Ban biên tập luôn có một buổi họp để nhận xét bài vở trong tuần qua, rút ưu khuyết điểm, triển khai cho các số báo ngày của những ngày tới. Sau phần đánh giá, vị Chủ bút cho hay là mùa lễ Quốc hận năm nay, đánh dấu 20 năm ly hương, nhật báo Người Việt sẽ phát động chiến dịch dự thi viết bút ký về cuộc sống mới 100 ngày trên đất Mỹ, và thực hiện những kỳ báo đặc biệt về ngày 30 tháng tư, nội dung là bút ký thời sự, chiến tranh, sau đó sẽ lần lượt có nhiều cuộc phỏng vấn về các yếu nhân chế độ VNCH như các vị Tướng lãnh, Bộ trưởng, nghị sĩ và các nhà nghiên cứu sử học, văn hóa với hai câu hỏi chính:
1/ Đặc điểm của miền Nam qua hai chế độ VNCH.
2/Tại sao miền Nam lại mất vào tay CS chỉ trong thời gian 55 ngày.
Từ ngày được nhận vào làm báo Người Việt tôi tỏ ra tiến bộ và có được khả năng đa dạng, về sau này, tôi thường hay đi ngoài để thực hiện các phóng sự sinh hoạt cộng đồng, những bài phóng sự tôi đã viết là về các hiệu sách, trung tâm bán xe cũ, chợ trời, các trường học, hội người già, các câu lạc bộ thể thao, và thế hệ sinh viên đang ở tuổi hai mươi. Những bài viết của tôi không phải của người chuyên nghiệp, nhưng đúng hướng và đúng trọng tâm, và đã được sự khích lệ, chú ý của Cộng đồng. Thỉnh thoảng, tôi có soạn tin về Việt Nam dựa theo một số báo phát hành từ bên nhà nhận được qua từng kỳ của một người giao báo hàng ngày cho các tòa soạn ở bên đây. Nơi này xa quê hương, có những người mới định cư một hai năm như tôi, có người năm mười năm, nhưng cũng có người ra đi trong lúc Saigon hấp hối vào ngày cuối tháng tư, nên chi, những tin về Việt Nam luôn gây trong lòng họ chút quyến luyến, nhớ nhung.
Sau ngày gặp lại, Thúy Hiền hay liên lạc với tôi qua điện thoại. Giờ đây, cô sống một mình với căn nhà rộng ba phòng có sân trước, vườn sau. Cô đang làm việc trong ngành giáo dục, thời gian bận rộn nhất của cô là khi mùa tựu trường đến, cô phải lo việc ghi danh và tiếp xúc với phụ huynh học sinh. Tuy cô đã lên chức bà ngoại, nhưng hẳn còn trẻ lắm. Với tôi, lúc nào Thúy Hiền cũng trẻ đẹp, dễ thương, thông minh, và luôn ở độ tuổi mười tám thôi, không bao giờ lớn. Khi bên nhau với chuyện tâm tình, đôi mắt nhìn nhau đằm thắm, tôi nói với cô gái rằng em là người em gái đúng ý nghĩa nhất với cuộc đời cho riêng tôi. Thúy Hiền hiểu, một hình ảnh nào trong ý tưởng tôi và cô thầm nghĩ đấy là tình yêu.
Tôi vẫn sống một mình. Thế nhưng, tôi vẫn cảm thấy một sự bình yên, thanh thản. Đôi khi, tôi thấy mình không có sự già nua, mà đang sống bằng một thời tuổi trẻ khác mới lạ, đầy nghị lực và niềm tin. Với đồng lương kiếm được, tôi có đời sống vật chất tương đối dễ chịu. Vào buổi tối hay ngày nghỉ, tôi thường đọc sách, tới thư viện, và sáng tác thơ, truyện ngắn. Cùng nghề báo, tôi học thêm ngoại ngữ. Tôi bắt đầu tìm kiếm những tác văn chương của các nhà văn nước ngoài đọc nguyên tác nhưng có sự hỗ trợ của các bản dịch để mau hiểu về nội dung.
Lần gặp lại Thúy Hiền, tôi mới được biết đích xác tin về Thúy Hà. Tôi hôm ấy, trong vòng tay ôm ấp và yêu thương của tôi, Thúy Hiền ngủ ngon giấc. Sáng hôm sau chia tay, cô gái để cho người anh mà mình cũng yêu, hôn thật ngọt ngào, đắm đuối.
Ngày hôm nay, thực sự khác với thuở xưa nhiều lắm. Tôi không ngờ mình gặp lại Thùy, người bạn gái của giấc mộng đầu thơ dại. Từ ngày ấy xa nhau, trong cảnh ngộ tha hương không ngờ gặp lại, nhưng hai người vẫn nhận ra nhau và kỷ niệm vẫn còn nguyên vẹn. Sau buổi gặp, tôi ngẩn ngơ như mây trắng ở khung trời. Tôi đã viết thư cho chị Phượng Nga, người chị dâu khả ái của mình.
Trong năm học ấy, Thúy Hà mới 17 tuổi. Trước khi đến thành phố nàng ở và gặp nàng, tôi đã trải qua một mùa thi đầy ân hận, cay đắng. Về thời gian sau này, tôi học hành có tiến bộ, trở thành học sinh khá trong lớp, vậy mà tôi không được cái vận may trong mấy ngày thi cử nên bị rớt hai khóa liền. Thật chết người ở lần thi khóa nhì, tôi qua được loạt I, nhưng rớt loạt II, vì thiếu một điểm. Chiều hôm ấy, trời xứ Huế buồn dưới cơn mưa nặng hạt. Dưới mái hiên văn phòng trường Quốc Học, có hai cha con đứng đợi thầy giám thị xem điểm giúp. Một lúc khá lâu, thầy trở ra, và khi nhìn dáng thầy đi chậm bước mắt nhìn xuống tờ giấy, tôi linh cảm chuyện không may cho mình. Quả thực, tôi hỏng thi. Trên vuông giấy xanh, những môn thi của tôi được ghi điểm, rồi một giọng bình thản người thầy hỏi tôi có được điểm thể dục không?, tôi đáp không, lặng người đứng chôn chân một chỗ. Sự hối tiếc và ân hận, đã muộn rồi. Tại sao mình không nghĩ rằng, ở môn nhiệm ý này chỉ cần có dự thi, dù không đạt tiêu chuẩn về nhảy rào, nhảy cao, nhảy dài, leo dây các huấn luyện viên cũng châm chước cho các thí sinh một vài điểm dư để cộng thêm vào kỳ thi.
Hôm đó thực sự tôi có đi theo các bạn cùng lớp từ trường Bình Linh xuống sân vận động trường Quốc Học, nhưng lúc sắp vào cuộc thi, tôi chợt nghĩ lại một lần chơi đá bóng bị té ngã gãy xương vai, nếu lần này, thi nhảy qua rào, nhảy cao và nhảy dài, lỡ té ngã, xương cũ của tôi sẽ bị nứt khó chữa lành. Tôi mang nỗi lo sợ ấy, do dự một lúc, và rồi không biết chuyện gì đã xui khiến tôi rời khỏi sân vận động ra về. Trên đường đi, tôi cố tự nhủ tuy không có điểm thêm của môn thể dục mình vẫn thừa khả năng thi đậu.
Nhưng sự coi thường này, tôi đã trả một giá đắt, nặng nề, không chỉ mất một năm học lại mà còn nhìn thấy tương lai bấp bênh, còn nữa, một| chuyện phải lo thêm giấy tờ xin hoãn dịch. Và, có một lối thoát dạo đó tôi không nghĩ ra, đó là việc đổi tên và làm giấy khai sinh sụt tuổi. Chuyện này không khó, vì ba tôi chỉ việc ra ngoài quê nói bác tôi là thôn trưởng làm cho một giấy khai sinh mới, rồi đem trình tòa án tỉnh xác nhận là xong và qua được chuyện này, tôi sẽ cảm thấy yên tâm học hành.
Thật tình tôi không nghĩ ra được cách giải quyết này là vấn đề quan trọng cho đời mình. Nhưng rồi, tôi lại vẫn tiếc rẻ cho cái bằng Thành Chung mình thi đậu, nhờ nó, tôi mới lên tinh thần và thấy ham học. Tôi còn nghĩ thêm, với bằng Thành Chung tôi có thể thi Sư phạm cấp tốc, sau một năm ra làm giáo viên tiểu học, đồng lương cũng không đến nổi quá kém, thiếu hụt. Rồi, nương cái nghề giáo làm chỗ dựa, lần hồi, tôi học thêm trễ tràng lắm từ một đến ba năm anh cũng lấy xong được bằng Tú Tài.
Mùa thi ấy đã qua. Những cây phượng trên các ngả đường trong thành phố, hoa vẫn còn đỏ. Những ngày đợi mùa thu sắp về, tâm trạng những người học sinh rộn rã lắm, nhưng tôi cảm thấy mình chán nản gần như tuyệt vọng. Tôi muốn rời xa Huế, đi Sài Gòn. Tôi thèm trở lại thành phố này và nếu được, tôi sẽ tìm kiếm một công việc làm có đồng lương rồi đi học lớp buổi tối. Tôi ngỏ lời tâm sự với ba tôi, nhưng ông im lặng, không quyết đoán. Rồi hôm ấy, dì Bích Vân ở Đà Nẵng ra làng quê nhân tiện ghé thăm, nhân lúc đó mẹ tôi hỏi xin ý kiến dì, được dì bằng lòng chấp thuận.
Dì Bích Vân về thăm quê một tuần mới trở lại. Rồi, tôi đi theo dì vào Đà Nẵng, đến nhà dì ở đường Trưng Nữ Vương. Một tuần lễ sau, tôi mới làm đơn xin nhập học trường Sao Mai.
Trường Sao Mai là trường tư thục công giáo lớn nhất thành phố. Ngôi trường tọa lạc trên một diện tích đất khá lớn, các phòng học đều rộng thoáng đãng, phần đằng sau gồm nhiều dãy nhà dành cho các lớp tiểu học và đệ nhất cấp. Nơi phần sau này, còn có sân chơi bóng chuyền vũ cầu và một trạm phát thanh. Ở phần trước, một tòa nhà lầu ba tầng, có hội trường, sân thượng, nơi này, cổng chính nhìn ra công viên của bến Cảng. Và toàn thể của tòa nhà được dành cho các lớp đệ nhị cấp.
Trường Sao Mai bậc đệ nhị cấp có đủ các lớp Đệ Tam Đệ Nhị và Đệ Nhất. Tôi nhập học trễ, thầy giám thị ghi tên tôi vào lớp Đệ Nhị BI đây là lớp vào giờ ngoại ngữ được tách ra, nhập chung với lớp của ban A.
Mới trong mấy hôm đầu tôi không hay biết, đến buổi sáng thứ sáu vừa nghe chuông báo giờ chơi, bỗng nhiên một nửa lớp bên tôi đã vội ôm tập rời phòng. Tôi hỏi ra, mới hiểu, và tôi đã ngồi lại yên chỗ để chờ giờ học môn tiếng Pháp.
Sự đổi lớp ồn ào, lộn xộn nhưng tôi không bị chia trí. Tôi lấy tờ báo Tiếng Chuông mở ra đọc. Tôi đọc một truyện ngắn dự thi đăng ở trang tư. Bỗng dưng có sự linh cảm, tôi ngẩng đầu nhìn ra cửa thấy một cô gái xuất hiện. Hai người cùng ngạc nhiên, nhìn thấy tôi chú ý, cô gái liền dừng bước' Tôi có ngay một hình ảnh toàn diện về cô, trước tiên là dáng người thanh nhã qua chiếc áo dài nâu, mái tóc xõa xuống kín vai, sau đó, là vẻ đẹp của một đôi mắt nhỏ như hai vì sao dừng rất lâu trên một gương mặt tỏa ra ánh sáng. Lúc ấy, cô gái tỏ ra nghiêm trang, nhưng mắt cô vẫn nhìn tôi. Tôi thầm nói với cô về sự bối rối, nỗi ngại ngùng của mình. Ít giây thôi mà tưởng thật lâu, cô gái dời bước rẽ lối trái, đến dãy bàn thứ nhì, xong cô đặt chiếc cặp xuống. Sau đó, tôi không còn nghe rõ gì nữa tiếng cô nói với một người bạn ngồi cạnh bên cô.
Tôi đang bâng khuâng, cố gắng trở lại bình thường. Tôi lại cúi xuống đọc báo, đến đoạn gần cuối truyện lúc đoàn tàu vừa chuyển bánh rời ga thì hồi chuông báo hết giờ ra chơi vang lên.
Thầy giáo vào lớp, đặt chiếc cặp da lên bàn. Tôi nhìn người thầy, hỏi nhỏ anh bạn, được biết là thầy Huynh. Vị thầy có mái tóc muối tiêu, chải rẽ gọn gàng. Trên gương mặt sạm đen, hằn đọng nhiều dấu vết suy tư, và cặp mắt nhỏ của thầy ẩn bên trong chiếc kính trắng lớn.
Hôm nay, chúng ta học bài mới. Thầy Huynh nói xong, mở rộng cuốn sách bìa xanh của tác giả Mauger, giới thiệu một đoạn trích giảng văn rút từ trong tiểu thuyết Courrier Sud của nhà văn Pháp, Antoine de Saint Exupéry.
Phòng học của lớp khá rộng, có một bức tranh và chiếc đồng hồ treo tường. Từ phía những cửa sổ bên trái, không cần phải đứng lên, ngồi ở bàn phía ngoài có thể trông thấy rõ hết quang cảnh đường phố, khu công viên và mọi sinh hoạt trên bến cảng.
Thầy Huynh đứng trên bục giảng đọc đoạn văn, tiếng đọc chậm, lời nghe du dương, cảm khái. Vừa đọc, thầy vừa dùng động tác bằng tay lúc đưa ra, lúc kéo vào để biểu thị những sắc nét hùng hồn hay êm ái của đoạn văn. Và chừng sau mười lăm phút, thầy đọc xong.
Trước khi giảng, thầy nói qua về tiểu sử tác giả. Saint Exupéry là một nhà văn phi công. Bước vào nghiệp bay, ông làm phi công chở thư cho những chuyến bay đường dài, tới các xứ vùng Nam Mỹ. Có chiến tranh, ông nhập ngũ, là Đại úy phục vụ ở một phi đoàn tác chiến. Trong thế chiến thứ nhì, ông bay loại phi cơ thám thính, trước năm cuộc đại chiến kết thúc, ông bị mất tích trong một phi vụ tình báo trên vùng lãnh thổ nước Đức chiếm đóng. Có tin là ông bị địch bắn hạ, nhưng cũng có tin máy bay của ông bị hỏng máy rơi xuống biển. Người ta chỉ ghi nhận là ông bị mất tích, do máy bay lâm nạn.
Ngoài nghiệp bay mà ông gắn bó, ông còn là một tiểu thuyết gia nổi tiếng. Những tác phẩm quan trọng của ông gồm có: Bay đêm (Vol de nuit), Chuyến thư miền Nam (Courrier Sud), Terre des homes (Cõi người ta) Pilote de guerre (Phi công thời chiến) Citadelle (Thành Trì) Le petit prince (Cậu hoàng con)
Người thầy đã nói về cuộc đời một nhà văn phi công bằng một giọng thật cảm khái, hùng hồn. Riêng mình, tôi cũng đã có một lần ước nguyện được trở thành phi công. Năm học vừa qua, nếu tôi lấy được bằng Tú Tài I, tôi cũng rất muốn tính chuyện gia nhập vào Không quân đi theo ngành phi hành. Nhưng, ước mơ này đã vuột khỏi tầm tay, rồi nó cũng không còn làm tôi mong đợi nữa. Nhà văn Saint Exupéry cũng làm tôi nhớ đến một tác giả khác nữa, nhà văn Toàn Phong với cuốn truyện Đời Phi Công. Đây là một tập tiểu thuyết gói ghém những lá thư bốn phương trời của một chàng sinh viên nước Việt gởi về cho một cô em gái nơi quê nhà. Cô gái, tên Phượng, tên của một loài chim hiếm quý. Tôi đã đọc xong cuốn sách này trong một ngày chủ nhật trên căn gác. Đọc xong, tôi thật mến yêu và cảm động về tình đất nước của chàng trai. Còn với cô Phượng, không chỉ bao nhiêu hương sắc và nét đẹp của cô dành cho chàng trai thôi, mà có cả mình trong đó nữa. Rồi như đâu, một lần ấy tương tư, cô hỏi tôi, bạn đã tìm thấy được ai là Phượng ngoài đời chưa. Tôi khẽ lắc đầu, chợt mỉm cười nghĩ đến một lứa đôi hạnh phúc đó là chàng trai của tác giả và cô gái đây thôi. Từ dạo đó, tôi thích đọc nhiều tiểu thuyết. Khi một nhân vật nữ xuất hiện cho mình một tình cảm rung động, tôi thường hay đem hình ảnh đó ra hiện diện trước cuộc đời. Nhà văn Nhất Linh viết cuốn Đôi Bạn thật là hay. Những chiếc lá bàng lay động, phất phơ trong ký ức của một người Hà Nội đang nhớ nghĩ về thành phố xưa của mình. Tôi rất thật lòng đối với cô Loan. Tôi cũng đã biết Dũng Nhất Linh rất yêu cô. Khi xa cô, Dũng chỉ gói ghém một mình cô trong tấm lòng áo trắng. Nhà văn Nhất Linh luôn gắn bó cuộc đời mình với những nhân vật ông đã sáng tạo ra tiểu thuyết. Tôi còn thích một cuốn truyện khác nữa của ông, đó là Bướm trắng. Khi đọc xong cuốn truyện, không một chút ngại ngần tôi nói ngay với tác giả rằng, tôi đã yêu cô Thu. Nhất Linh suy nghĩ, đôi mắt đen sâu, ông ngồi im như pho tượng. Ôi, cô ấy thật tuyệt vời. Nhìn cô trong dáng vẻ một thiếu nữ mặc áo xô tang, thật là cái đẹp của nỗi buồn quá não nùng trang trọng. Rồi lúc được gần bên nhau, cô để cho tôi say đắm nhìn cô và rất tự nhiên cô ngồi nghe tôi nói những lời tỏ tình.
Tiếng giảng bài của thầy Huynh chậm đều, rất rõ, và lôi cuốn từ mỗi tác động hai bàn tay và trên đôi mắt. Tiếng Pháp thầy đọc, vang âm như nước dòng suối. Tôi vừa lắng nghe những lời giảng bài của thầy, nhưng vẫn chưa muốn rời khỏi tên các cô gái Geneviève, Phượng, Loan, Thu, là những bóng hình rất đáng yêu trong tâm tưởng.
Trên tấm bảng sơn xanh, người thầy khởi sự viết những dòng đầu tiên của đoạn văn trích giảng, cả lớp yên lặng, ghi chép. Đoạn văn khá dài, dòng cuối kết thúc là lúc phi cơ cất cánh rời khỏi phi trường.
Với dáng người cao, bước đi trầm lặng, cái bóng áo trắng của người thầy qua lại trong lúc học sinh chép bài.
Không đợi lâu, người thầy khởi sự ngay bài giảng, lúc này, phần chính yếu về văn phạm, rồi nghĩa chữ khó và các thành ngữ. Hết giờ đầu, có tiếng chuông ngắn đổi giờ, nhưng lớp học vẫn tiếp tục buổi học. Khi kết thúc xong bài giảng, thầy cho cả lớp mười phút chuẩn bị phần bài dịch. Rồi lần lượt thầy gọi một vài học sinh đứng lên dịch từng đoạn ngắn. Mỗi khi thầy gọi người nào, tôi đều chú ý, lắng nghe tên. Bỗng nhiên, tôi thấy tim mình đập mạnh lúc thầy gọi tên cô gái. Hướng mắt nhìn về cô, tôi chờ đợi trong cảm giác nôn nao. Cô cất tiếng đọc đoạn văn, rồi bắt đầu dịch. Tôi nghe được tiếng cô rất trong trẻo, và đoạn dịch văn thật suôn sẻ. Tôi cũng thấy thầy Huynh lắng tai chú ý nghe những lời dịch của cô. Thầy gật đầu nhẹ, lúc cô vừa dịch xong, thầy quay về phía bảng gạch bên dưới, những thành ngữ và giải thích thêm một số nghĩa mới.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

Từ bên này, mắt tôi không rời bóng dáng cô. Tôi tự nhiên cảm thấy vui trong lòng. Và thực sự, tôi yêu mến cô gái rất nhiều với những hình ảnh đầu tiên của cô mà tôi đang cố tìm cách lưu giữ. Vì rằng cô đã xâm chiếm trọn tâm hồn tôi bằng màu nâu nhạt của chiếc áo dài, bằng đôi mắt nhỏ bé, bằng tất cả sự duyên dáng của bước đi qua mái tóc mượt mà kín xõa hết xuống hai vai. Bao nhiêu nét ấy, còn gợi ra cho tôi mường tưởng một bức tranh vẽ chân dung rộng lớn, nó mang ấn tượng về cuộc đời bằng một sự trầm lặng, xưa cũ. Nhìn thật lâu, bạn sẽ còn thấy ở cô thêm nhiều nét lạ lùng, nổi bật là một khuôn mặt dịu dàng tỏa sáng, rồi trong cặp mắt nhỏ đẹp như hai vì sao những nụ cười xanh lấm tấm tưởng đây là tiếng chân chim vui đang nhảy nhót. Sự yêu thương dành cho cô gái biết bao nhiêu mới đủ, khi mà cô thực sự mong rằng, luôn luôn cô là nỗi nhớ trong lòng của bạn và tôi. Nỗi nhớ, không chỉ thoáng trong một phút, một giây hoặc một ngày giờ gần như đáng kể, mà đấy là cả tháng năm ưu phiền mỏi mệt, suốt đời như con nước trầm lặng chảy theo dòng sông.
Thời gian còn chừng mười lăm phút nữa, tan buổi học. Thầy Huynh có một vài câu chuyện nói với cả lớp. Tôi nghe, nhưng không thể rời mắt khỏi cô gái, và rồi cô bắt gặp cái nhìn của tôi. Hiểu được lòng tôi nên cô đã để nguyên vẹn cả một gương mặt cho tôi có được một sự yêu thương hết đời mình.
Bất chợt thầy Huynh gọi tôi đứng dậy. Cả lớp nhìn tôi, và có đôi mắt cô gái nữa.
- Em là học sinh mới?
- Dạ.
- Em tên gì?
- Em tên Thụy.
- Trước đây, em học ở đâu?
- Dạ, ở Quảng Trị.
- Gia đình em từ ngoài đó, vào trong này?
- Dạ không. Em vào đây một mình.
Tôi bắt đầu ái ngại, không dám nhìn đâu cả. Thầy Huynh nói:
- Tôi có một thời gian dạy học ngoài đó.
Tôi đứng im. Lúc này, lòng tôi dịu lại và được đón nhận từ đôi mắt cô gái nhìn sang, vừa giữ ý. Một giọng thân tình, thầy Huynh nói với lớp học về những kỷ niệm trong năm đất nước mới chia đôi, và ngôi trường đầu tiên thầy dạy học ở tĩnh Quảng Trị.
Hồi chuông reo lên, kéo dài đã cắt đứt hết câu chuyện và những kỷ niệm thân thiết của người thầy đối với tỉnh Quảng Trị, nơi ấy là quê hương của tôi. Sau này, tôi ít khi trở về thăm lại chốn cũ.
Thầy Huynh vừa khuất dạng, cả lớp ồn dậy lên tiếng cười nói, đùa nghịch vang vọng ra bên ngoài. Nhưng một mình tôi vẫn yên lặng, tôi bước nhanh xuống cầu thang, đến hội trường rẽ trái, rồi đi ra cổng chính. Và, chỉ dừng trên vỉa hè một phút rồi băng qua đường, tôi đứng lại dưới bóng cây im nắng trong khu công viên rộng rãi, mát mẻ, rải rác trên các ghế đá có người ngồi nghỉ chân, chuyện trò. Phía ngoài con sông mặt nước mênh mông, tràn ngập nắng, và đây là bến cảng trong thành phố. Có nhiều tàu lớn nhỏ đang neo đậu và rất đông thủy thủ đứng trên boong tàu.
Trưa, nắng bắt đầu gắt. Từ nơi này, tôi có được cái nhìn bao quát các con đường mà học sinh đi ra phía cổng sau hay cổng trước đều trông thấy. Tôi mong tìm được cảm giác nhẹ nhõm, buông thả hết những mơ mộng về tình yêu gởi nàng. Tôi đã có hai năm học ở Đà Lạt, thành phố ấy luôn rạng rỡ và tươi thắm vào mùa hoa anh đào. Cũng ở đó, những ngày mưa, buồn rất da diết. Tôi đến nơi thành phố ấy để đi học, rồi có cơ duyên, tôi khởi sự viết câu chuyện tình của mình và một cô bạn gái cùng trường. Nhưng mà thôi, đừng có chia trí, lan man, hãy ngóng đợi một hạnh phúc đẹp sắp mang đến cho đời bạn.
Bây giờ học sinh đang dồn ra đông. Trên cặp mắt, tôi chỉ ngóng tìm một bóng dáng áo nâu. Buổi học chung hai giờ cuối để lại trong lòng tôi hình ảnh cô gái, vừa xa lạ, nhưng cũng thân thiết vô cùng. Bỗng nhiên, tôi chợt buồn khi nghĩ đến số phận. Nhưng thôi, nàng cũng đã biết tên tôi, vậy tôi hãy cố thu hết sự can đảm nghĩ về một tình yêu có nàng, rồi một ngày của bao nhiêu năm sau, hai người trở thành bạn đời.
Cơn gió hất nhẹ thân chiếc áo dài nâu bay lên. Từ cổng trước đi ra, bên cạnh nàng có ba cô bạn nữa, hai cô mặc áo trắng, một cô mặc áo màu lam. Bốn thiếu nữ thong thả bước. Nàng đi phía ngoài, lúc này, tôi để mắt theo dõi bóng nàng, lòng vừa nôn nao sợ, vừa thầm mong nàng bắt gặp mình đang đứng đợi chờ. Tới ngã ba bốn cô cùng dừng bước, rồi ít phút sau chia tay. Lòng tôi thực sự vui khi thấy bóng chiếc áo nâu về một mình. Tôi bỗng muốn cất tiếng gọi Thúy Hà hoặc liều lĩnh chạy về phía nàng trong cảm tưởng như mình là một cậu bé đang xúc động được gặp lại người chị đã xa cách lâu ngày.
Bên đây con đường, yên lặng tôi bước theo. Tôi nghĩ nàng đi bộ chắc nhà ở gần trường. Tôi hẳn còn ghi nhớ đôi mắt ngạc nhiên của nàng khi nhìn thấy tôi là học sinh mới, hôm nay mới là buổi đầu tiên biết nàng. Ở đây cũng như nhiều tỉnh khác, các trường học khai giảng đã qua hai, hoặc ba tuần nay. Tôi xin nhập trường cũng như vào lớp muộn, vì nỗi buồn hỏng thi của tôi trong mùa hè qua vẫn chưa khỏa lấp nổi. Tôi đành học lại một năm để thi, và thay vì, chọn trường ngoài Huế tôi lẩn vào đây và được ở trọ nhà dì Bích Vân, chị em họ với mẹ tôi.
Khi tới một căn nhà, vừa là cửa hiệu bán nước hoa nàng đi vào. Tôi chợt dừng bước, không đi nữa. Qua khỏi bức màn sáo, nàng khuất dạng. Nỗi buồn làm nóng ấm trên cặp mắt, tôi nhìn con đường Độc Lập trải dài qua những hàng cây bên đường. Tôi vẫn đứng yên chỗ, nhìn lại căn nhà của nàng bên kia có những cánh cửa sơn xanh, bức màn sáo nhiều màu, trong tủ kính những chai nước hoa lớn nhỏ sắp thành hàng, sau đó khi thấy một bóng người đi lên căn gác làm tôi mường tưởng không biết bao nhiêu kỷ niệm quyến luyến về sau này, nếu rồi đây tôi sẽ được quen biết nàng.
Sau một hồi còi ngắn, con tàu tách bến. Gió ngoài sông lùa qua mặt nước, tràn vào những con đường trên khu phố một thứ hương vị muối ngây ngất, mát mẻ.
Khi buổi trưa đã bắt đầu xuống thật yên tĩnh, tôi mới theo cái bóng đơn độc của mình về nhà. Sự cô đơn khiến tôi nghĩ ngợi nhiều. Tôi chợt cảm thấy nỗi đau nhức chuyện hỏng thi chỉ vì thiếu một điểm. Tôi đâm ra giận mình, sao mà buổi sáng đó không chịu khó ở lại thi thể dục, nêu mà có thi thì một điểm thiếu của tôi sẽ được đền bù thật may mắn. Nhưng không, số phận xui khiến tôi không dự thi thể dục buổi sáng đó. Hôm ấy vì lo ngại cánh tay trái đã một lần nhảy cao bị té gãy nên tôi bỏ cuộc thi trở về nhà, nhưng rồi chẳng biết đi đâu, sau đó nghĩ lại tôi đâm ra hối tiếc, lo lắng.
Hình như, tôi vừa linh cảm bóng dáng chiếc áo nâu chợt thoáng hiện. Tôi lại nhớ, vừa cố gợi ra sự dịu dàng, bao dung đầy thương yêu trên cặp mắt nhỏ bé của nàng. Ngày xưa ấy, nơi tận chân trời quê cũ tôi đã trông thấy buổi chiều in bóng áo nâu của mẹ tôi trên con đường đê khi về tới đầu làng. Tôi đứng trước cổng nhà bà ngoại chăm chú nhìn cái bóng dáng xa gần lay động hình ảnh mẹ tôi. Và, lòng thương dào dạt xiết bao nhiêu khi nhìn thấy chiếc đòn gánh trên vai người mẹ trĩu nặng xuống, tôi muốn mình chạy, muốn mình bay tới phía con đê để được đón mẹ về, và lúc gặp mẹ câu hỏi trước tiên là quà bánh mẹ mua có nhiều không?… như thế đó, giấc mơ nghĩ đến mẹ trên cánh đồng ruộng ở vùng quê giờ đây đã cho tôi được nhớ thương một cô gái, được trông thấy cô mà liên tưởng đến hình ảnh một người mẹ lúc còn trẻ. Chiếc đòn gánh nặng trĩu xuống vai, vì mẹ tôi mua nhiều hàng trên chợ tỉnh. Gió chiều thổi qua đồng ruộng, qua con sông, thời xưa ấy thật là yên bình. Bỗng dưng, tôi nghe ra một giọng nhỏ nhẻ với tiếng mừng vui, cô gái bảo tôi cứ rán chút nữa, đã sắp về gần tới nhà rồi.
Mùa hè năm ấy, lần đầu tiên tôi đi xa khỏi tỉnh Quảng Trị. Tôi đi với Huân, bạn thân học cùng lớp và ở cùng xóm quanh khu vực nhà ga. Nhà gần ngay ga, nhưng đôi bạn thiếu niên thích đi bằng xe đò khởi hành lúc trưa, tới Huế đầu buổi chiều. Tại bến ở đây, hai đứa mới mua vé xe suốt. Tôi vào tới Nha Trang, còn Huân sẽ xuống quận Ninh Hòa.
Sau hai giờ đợi, lúc số ghế bán hết xe ca mới khởi hành. Huế - Đà Nẵng cách nhau khoảng 100 cây số, xe chạy nhanh, nhưng lên tới đỉnh đèo Hải Vân phải ngừng chờ nửa giờ để chuẩn bị đổ đèo. Tới Đà Nẵng, xe vào đậu bến chính và lúc đó trời đã bắt đầu tối. Xe vừa ngừng, trước khi hành khách xuống tìm quán ăn, quán giải khát, cả người chủ xe và tài xế cùng loan báo cho mọi người biết là vì đường mất an ninh nên ở lại tối, sáng mai xe sẽ rời bến sớm. Nhân dịp này, tôi và Huân rủ nhau dạo phố.
Từ bến xe đi bộ, mỗi quãng lại hỏi đường vào phố chính. Rồi hai đứa dừng bước bên một ngã tư, mắt vui lên vì được nhìn thấy dãy phố nào cũng trưng đèn sáng, các cửa hiệu buôn và tiệm ăn đều mở cửa đông người ra vào. Trên vỉa hè, tiếng giày, tiếng guốc khua dậy, và tiếng nói những người đi qua lại nghe cũng hơi lạ lùng.
Tôi và Huân rảo loanh quanh một vòng xong ghé vào tiệm cơm, mỗi đứa gọi một dĩa cơm gà, một chai bia 33 khổ lớn rót đầy hai ly. Ở trong một thành phố lạ, cùng với chuyến đi xa lần đầu, hai bạn nhỏ trò chuyện với nhau một cách thích thú như người lớn. Quảng Trị, tỉnh nhỏ bé thân thương giờ đây hãy để quên, hãy cho mỗi đứa trẻ một chút ước ao về chuyến ra đi, về một ngày mai đẹp của thời niên thiếu ắp đầy cả giấc mộng phiêu lưu.
Sau bữa ăn hai đứa góp chung tiền trả, rồi tiếp tục dạo phố và lúc trông thấy có tiệm bi da vắng khách, cả hai vào đánh chơi ba cơ vừa đúng một giờ. Tôi đánh thắng Huân cơ chung kết, hơn cách biệt bốn điểm, tuy vậy lúc trả tiền lại cùng góp chung.
Trời đêm mát dịu nên đôi bạn còn đi chơi. Khi qua rạp hát Tân Tân, tôi rủ Huân ghé vào xem biển quảng cáo, xong mua vé để coi cuốn phim Le bal des maudits. Rạp hát rộng rãi, đông khán giả. Hai bạn ngồi dãy ghế giữa hạng nhì, vừa tầm mắt. Niềm vui dậy dàng lên từ lúc buổi sáng sớm với chuyến đi xa, giờ được nghe vang âm qua giọng nói của mình, cả Huân nữa, nó cũng mang niềm hãnh diện như tôi. Ngày nào đó trở về, mỗi đứa sẽ kể lại bao nhiêu kỷ niệm vui thích trong chuyến đi này cho bạn bè nghe.
Ánh đèn chìm tắt, một điệu nhạc trỗi lên dìu dặt và khi nghe âm điệu vang ngân, trải dài, tôi chợt thoáng nghĩ đến một dòng sông đang trôi chảy miên man.
Le bal des maudits, tên cuốn phim chạy hàng chữ lớn rồi dừng lại ít giây trên màn ảnh rộng. Sau đó, lúc tiếng nhạc nhỏ dần, mắt tôi chú ý đọc tên các tài tử đóng phim.
Vào phim, nhạc đệm cùng những tiếng động nghe dồn dập. Khi đoàn xe quân đội Đức Quốc Xã dừng lại giữa con đường đèo bên trên là cánh rừng, một viên Sĩ quan rời ghế bước xuống, gương mặt trẻ trung của tài tử Marlon Brando gây cho tôi một ấn tượng khó quên. Nơi ánh mắt, gương mặt và những nếp nhăn trên vầng trán anh ta như muốn biểu lộ một sự phi lý về chiến tranh. Ngay sau đó, có tiếng súng đạn nổ, những tốp lính Đức cao lớn, nhanh nhẹn nhảy ào ra khỏi xe chạy băng vào khu rừng thực hiện cuộc truy lùng, càn quét địch quân. Bỗng dưng, trong rạp hát mọi người cùng lo sợ, nín lặng theo dõi từng bước chân rình rập, từng gót giày đe dọa của chiến tranh.
Khoảng nửa giờ sau, tôi mới nhận ra một cách lờ mờ về ý nghĩa cuộc chiến, nhưng có rất nhiều cảnh tượng mang những suy tưởng triết lý tôi đã không hiểu mấy. Chỉ còn hình ảnh Hope Lange, nữ tài tử trẻ đẹp là muốn dành riêng cho tôi một kỷ niệm thân thiết, hay đó là nỗi nhớ tưởng, tựa giấc mơ. Tôi bị rung động bởi tiếng nói của nàng với người yêu, và trong lặng yên cùng với bóng đêm trên đường phố mắt tôi cứ nhìn theo đôi tình nhân đang chậm bước bên nhau lúc đến quảng trường có xe buýt đậu, họ mới rời nhau.
Sau cùng, mọi người chợt nghe hai tiếng súng nổ, Marlon Brando, viên Sĩ quan kiêu dũng xuất hiện khi cuốn phim vừa mới bắt đầu, giờ anh ta bị trúng đạn do hai người lính Mỹ nhắm bắn, cái chết của anh trong tuyệt vọng, nhưng mà đẹp, vì khi ngã gục anh được ôm ấp lấy bờ đất, lấy cát và sỏi đá bên dòng suối. Thế rồi, chiến tranh kết thúc với tiếng chim hót ca bên rừng. Và, người lính Mỹ đi chinh chiến được trở về, nguyên vẹn trở về hạnh phúc bên người yêu.
Cuốn phim dài đến hai tiếng đồng hồ. Khi ra khỏi rạp hát, đường phố về đêm khuya vắng vẻ, tôi và người bạn có vẻ lạc lõng, ngơ ngác. Tôi còn cảm thấy nỗi buồn vẫn đọng lại, không muốn loãng tan. Và, tôi cũng đang gom góp những hình ảnh còn nhớ trong vài đoạn phim, đó là gương mặt của cô gái, đó là vẻ cuồng si của người thiếu phụ khi yêu người bạn của chồng mình. Hai bạn lẳng lặng đi bên nhau với bóng đêm của mình tợ như trong cảnh phim. Vào lúc này, thành phố lạ bỗng làm tôi nghĩ rằng cũng sẽ có một cuộc chiến tranh đe dọa tuổi trẻ, thảng hoặc sẽ báo trước một điều gì đó về sau này, nhưng rồi, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng cuốn phim đã xem là sự ghi nhớ một kỷ niệm cho buổi đầu của thời niên thiếu. Không biết, bạn tôi nghĩ gì?, một chuyến xe sẽ khởi hành sáng sớm mai, hay niềm ước ao nơi Huân chỉ mong gặp lại chị Duyên là người thân duy nhất kể từ ngày hai chị em rời bỏ miền Bắc di cư vào Nam.
Ba giờ sáng, xe lên đường. Hành khách còn dật dờ, thấp thỏm nhưng rồi khi xe chạy họ lại ngủ tiếp. Trong lúc Huân ngủ say, tôi ngồi ghế ngoài mắt chăm chú soi rọi qua bóng đêm để nhìn quang cảnh dọc quốc lộ I. Từng đoạn đường xe lướt qua, cảnh vật đều cho tôi một cảm giác mới lạ, nao nức với chuyến đi của mình, và đến mỗi nơi xe ngừng tôi cũng có ý nghĩ đây cũng là một chốn quê hương thân thiết giữa cuộc đời.
Xe đò chạy rất mau trên đường còn vắng, chốc chốc ánh đèn lóa sáng mở một tầm nhìn xa, rồi thu ngắn lại, và lúc này ngoài tài xế cùng lơ xe ra, có thêm tôi nữa là không ngủ. Mỗi thứ sắc màu nổi chìm nơi những chớp sáng, tôi đều thu nhận hết. Xe qua thị xã Tam Kỳ trời còn mờ, đến Quãng Ngãi mới sáng hẳn. Tới đây, tài xế dừng xe ở trạm xăng đầu thị xã cho hành khách nghĩ mệt để rửa mặt, ăn điểm tâm. Tôi và Huân lúc xuống đi đến ngay chỗ xe bán bánh mì mua mỗi đứa một ổ. Ăn xong còn thèm, hai đứa mua thêm một ổ cưa đôi, ăn vừa no bụng.
Xe ngừng trong nửa tiếng. Sau khi hành khách lên đủ, tài xế cho xe lăn bánh và lúc ra khỏi thị xã là phóng nhanh tốc độ, vun vút lao đi đến Quy Nhơn gần trưa. Không vào thành phố, xe ngừng trước một quán ăn bên ngã ba Diêu Trì. Hành khách lục tục xuống xe tìm chỗ tiểu tiện, rửa mặt, rồi cũng lo chuyện ăn uống cho xong bữa để tiếp tục lên đường. Tôi và Huân không thấy đói nên hai đứa chỉ mua nước uống, ngồi chơi dưới bóng cây trò chuyện với nhau.
Bỗng dưng, từ nơi xa này tôi đâm ra nhớ nhà, hình ảnh ba mẹ và các em cùng hiện lên một lúc trước mắt khiến cho lòng tôi chợt vui lên nhưng rồi sau đó cảm thấy buồn trở lại.
Đầu năm 48, khi trở về vùng quốc gia ba tôi lên dạy ở Cam Lộ. Một năm sau, ông được thuyên chuyển về thị xã Đông Hà. Đông Hà nằm bên cạnh ngã ba đường số 1 và số 9. Ở đây, thị xã vừa mới xây dựng, không khí nhộn nhịp trong công việc làm ăn, buôn bán.
Nhà ga xe lửa và phi trường quân sự nằm về phía Tây, còn phía Đông là sông Hiếu Giang. Khi gia đình tôi rời khỏi Cam Lộ dọn về Đông Hà, cuộc sống ổn định và trở nên khá giả nhờ vào công việc buôn bán hàng vải của mẹ. Nhưng rồi, hình ảnh thị xã mới xây dựng xong, thời gian giúp cho công việc làm ăn của người dân cũng chỉ đến trong vài năm sung túc. Giữa mùa hè 1953, một trận lửa cháy kinh hoàng đã thiêu rụi thị xã Đông Hà đốt hết tất cả nhà cửa hàng trăm gia đình thành tro than. Trước cảnh tượng này, người dân trong thị xã cũng như gia đình tôi thực sự sống trong cơn ác mộng. Về sau, lớn lên cùng với sự hiểu biết, hình ảnh trận cháy ở Moscou trong tiểu thuyết lịch sử Chiến Tranh và Hòa Bình và trận cháy lửa rực trời ở Rome trong cuốn phim Quo Vadis làm tôi nhớ lại hết tuổi thơ của mình và hình ảnh những người thân thuộc trong gia đình đứng chết lặng trên bờ sông, những cặp mắt đau đớn của biết bao nhiêu người dân nhìn vào khu trung tâm thị xã đang ngùn ngụt cháy trong biển lửa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 107 guests