Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Qua nhà Thúy Hà, tôi nhìn vào chợt trông thấy nàng mặc bộ quần áo thường màu hoa vàng nhạt ngồi bên chiếc bàn nhỏ cạnh cửa sổ và tôi cũng trông thấy các thứ hàng bày bán bên trong cửa hiệu, cửa hiệu đang có khách mua, tôi chỉ trông thấy nàng, còn nàng không nhìn ra đường nên đã không thấy bóng dáng tôi.
Phố Độc Lập là con phố sạch sẽ, đẹp, có trồng nhiều cây hai bên đường, vừa có vỉa hè lát gạch. Khu nhà thờ Chánh tòa rất rộng, trước sân đông người đang đứng chờ dự lễ. Thường lệ, khi dứt buổi lễ cầu nguyện, chuông nhà thờ đánh lên vang vọng một hồi kéo dài rất lâu. Qua khỏi khu nhà thờ, không khí trên phố chính bắt đầu đông vui. Đầu ngã tư đường Hùng Vương có tiệm sách lớn Lam Sơn đôi diện với chợ Hàn. Sau lưng chợ là con sông rộng, đây là con sông tiếp ra biển Thanh Bình, nhưng Cảng chính của thành phố đi ngược lên phía trên, nó nằm sát khu công viên đôi diện với trường trung học Sao Mai. Trên đường, một đôi lúc tôi nghĩ ngợi về cuộc đời, về tuổi trẻ của mình hôm nay còn đây, ngày mai, ngày sau sẽ ra sao khi cuộc chiến ở miền Nam đang có dấu hiệu bùng nổ, đe dọa. Thành phố Đà Nẵng thật bình yên. Trong lúc này, ngoài Huế không khí đấu tranh Phật Giáo vẫn còn căng thẳng, và đẫm máu. Mùa hè đã trôi qua, nhưng lửa vẫn chưa dập tắt. Nơi thành phố Huế xa cách đây, cảnh vật cũng như con người đang cùng chịu đựng nỗi tang tóc, đau buồn.
Tôi đạp xe chậm rãi qua những phố chính buôn bán. Những con đường tuy ngắn, nhưng trên mỗi dãy phố các cửa hiệu hay nhà ỏ nằm sát liền nhau, hầu hết là của người Hoa. Ngày chủ nhật thật vui, buổi chiều nhộn nhịp, đông người đi mua sắm. Tôi cứ nhởn nha một mình lướt xe qua cảnh sinh hoạt phố xá, đôi lúc, tôi chú ý tìm trên dòng người đi bộ hai bên vỉa hè mong sẽ gặp người quen.
Chiều nay, tôi đạp xe dạo phố chơi cho đỡ buồn chứ không hề có hẹn hò, hoặc mong chờ ai cả. Một mình, nhưng tôi không cảm thấy cô đơn. Tiếng động xe cộ, người qua lại, tiếng nhạc cất lên từ những quán cà phê, quán giải khát, và cảnh tấp nập trên phố làm tôi cảm thấy vui, rồi cứ đi hết đường này lại rẽ qua đường khác.
Một giờ sau trở về lại phố Độc Lập, tôi dựng xe bên vỉa hè và ghé vào hiệu sách Lam Sơn. Có lẽ, đây là nhà sách lớn nhất thành phố, cửa mở rộng, ngoài mái hiên là quầy trưng bày các loại báo tạp chí, tuần báo và một có một cái bàn nhỏ dành riêng cho nhật báo. Khung cảnh thân tình, ấm cúng. Bên trong, dọc theo các hàng kệ đông người đứng xem sách và chỗ quầy tính tiền cô thu ngân làm việc không ngừng tay vì khách khá đông.
Tôi đi sâu vào trong mắt lướt qua nhanh, rồi dừng ở nơi hàng kệ trưng bày sách truyện, đặc biệt có nguyên một dãy tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn mang tên nhà xuất bản Phượng Giàng. Bên dưới, là truyện dịch nước ngoài. Tôi cúi mắt nhìn, vừa chú ý đến những tên truyện và các tác giả. Cuốn Giã Từ Vũ Khí là một cuốn truyện hay, tôi muốn mua nhưng giá tiền cao quá. Cũng có một số sách nguyên tác bằng tiếng Anh, tiếng Pháp được bày bán cùng với bản dịch. Và, đây là loại sách bỏ túi. Một cách cẩn thận, tôi lấy bản dịch ra xem, vừa mở ra trang đầu tôi được đọc một đoạn văn hay, gây cho tôi nhiều tưởng tượng. Mới đọc xong, tôi liền tìm qua bản tiếng Anh để mà xem cả đoạn văn từ trong nguyên tác. In the late summer of that year we lived in a house in a village that looked across the river and the plaine to the mountains. In the bed of the river there were pebbles and boulders, dry anh white in the sun, and the water was clear and swiftly moving anh blue in the channels. Troops went by the house and down the road and the dust they rised powdered the leaves of the trees. The trunks of the trees too were dusty anh the leaves fell early that year and we saw the troops marching along the road and the dust rising and leaves, stirred by the breese, falling and the soldiers marching and afterward theo road bare and white except for the leaves.
Cả đoạn văn vừa mới đọc làm cho tôi sung sướng, càng muốn đọc tiếp nhưng rồi ngừng vì cuốn sách dày và nếu giữ lâu trên tay sẽ làm hư sách. Có lẽ, mình nên mua vào một dịp thuận tiện nào đó. Bất giác, tôi ước gì mình làm quen với Thúy Hà, hai người mến nhau, và giờ đang đứng ở đây sẽ cùng vui, hạnh phúc với sự tìm chọn một cuốn sách hay để mà dành tặng nhau. Và, cô gái bạn tôi như hiểu ý, bóng dáng nàng bỗng hiện lên trang sách, rồi nàng bảo tôi rằng những ngày tới đây tôi sẽ quen nàng, cùng được trò chuyện với nàng. Lúc này, trí tưởng tượng cho tôi nhìn thấy rõ đôi mắt Thúy Hà đã in dấu vào cặp mắt tôi một nụ cười. Thật lặng yên, hai người đắm đuối nhìn nhau, mỗi một giây tôi càng thấy cái vẻ sáng của nhan sắc trên gương mặt nàng, từ vòng cổ trắng nõn, đôi mắt nhỏ bé tựa vì sao, mái tóc mượt mà, và tôi vẫn cứ nhìn đăm đăm rất lâu, còn nàng, bằng sự lặng im, bằng nụ cười trên cặp mắt là đủ hiểu hết sự mê say của người con trai yêu mình. Tình yêu là gì? Đó là một bài luận văn mà tôi muốn dành một lúc nào đó để viết về Thúy Hà.
Lần lượt có thêm người đi vào mua sách. Tôi bỏ lại cuốn sách truyện vừa xem trên kệ, định dời bước, bất chợt đứng lại chỗ cũ với một nỗi băn khoăn lạ lùng. Ở hàng kệ bên kia, có hai học sinh đứng bàn luận, trên tay anh bạn dáng người nhỏ nhắn đang cầm cuốn sách Tâm Lý Học. Và, bên hàng kệ đó là những hàng sách giáo khoa môn Triết. Một mùa hè mới qua thôi, tôi nghĩ rằng hai bạn kia là học cùng lớp với tôi, cùng thi Tú Tài phần một như tôi, nhưng họ đã đỗ, còn tôi biết bao nhiêu là cay đắng, ngậm ngùi.
Bên ngoài, trời còn nắng với buổi chiều xuống nhẹ nhàng, nhưng trong cái nhìn của tôi về hai người bạn kia đã khiến tôi nhớ đến một buổi chiều mưa ở Huế, buổi chiều ấy thật buồn.
Sự tiếc rẻ, giờ đã muộn. Tôi đứng đây, đưa mắt nhìn hai bạn kia mà nghĩ rằng họ sẽ có nhiều tương lai hơn mình. Lòng tôi tự nhiên mất vui hẳn. Lặng lẽ, tôi bước ra ngoài đến chỗ bờ đường có chiếc xe đạp của tôi dựng ở đó. Rời nhà sách, tôi cũng chưa muốn về nhà mà cứ theo con đường Độc Lập đi xuống khu phố dưới có mấy rạp hát chiếu bóng.
Qua rạp Nam Châu, tôi tạt vào đứng coi những tấm áp phích quảng cáo ba bộ phim Hồng Kông phỏng theo những cuốn tiểu thuyết của Quỳnh Dao. Tiếng nhạc cùng lời hát tiếng Hoa từ trong rạp vọng ra, nghe giai điệu có vẻ quen với một bản nhạc Việt mà tôi không nhớ được tên. Tôi đứng không lâu, rồi đạp xe đi, đến rạp Tân Tân tôi lại dừng xe nhìn biển quảng cáo thấy có phim hay nên vội vàng đem xe đi gởi rồi trở ra mua vé. Xuất phim trước sắp vãn, khán giả còn đứng chờ ngoài rạp. Tôi lại quầy bán thuốc lá mua mấy điếu lẻ, gói đậu phộng, sau đó vào quán giải khát uống nước mía.
Tới giờ vãn xuất hát đầu, chuông reo. Bên trong, khán giả rất đông đi ra, nhưng không có tiếng ồn ào. Nhiều người, vẻ mặt lặng yên như còn giữ lấy trong đầu những hình ảnh của cuốn phim. Khi tất cả ra hết, bên ngoài khán giả đang chờ lần lượt nối nhau vào. Trong rạp, đèn sáng trưng và nhạc đang mở lớn. Tôi ngồi hàng ghế giữa. Vừa hút xong điếu thuốc, tôi bóc gói đậu phộng ăn cho đỡ buồn miệng. Chỉ mười phút chờ, đèn trong rạp lại tắt, và bắt đầu phim thời sự Việt Nam với bài quốc ca, xong đến bài suy tôn Ngô Tổng Thống. Phim thời sự đang chiếu cảnh Tổng Thống Diệm tiếp phái đoàn Liên Hiệp Quốc vừa mới đến Sài Gòn, rồi tiếp theo là cảnh sinh hoạt ở Thủ Đô diễn ra ở chợ Bến Thành, ở những dãy phố chính trên đường Lê Lợi, và xướng ngôn viên mô tả rằng, hiện nay, ở Đô Thành cũng như khắp nơi của miền Nam mọi sinh hoạt đều bình thường, không hề có sự xáo trộn.
Phim Les jeunes loups bắt đầu chiếu. Tôi lặng im, mắt chú tâm theo dõi từng cảnh, từng đoạn của các diễn viên hiện trên màn ảnh. Tôi nhớ rất nhiều đôi mắt của cô gái, và tôi cũng nhận ra nỗi buồn trên gương mặt người con trai. Khi tiếng kèn trỗi dậy, tôi lặng người. Tuổi trẻ là tuổi còn lãng mạn, đầy thương yêu. Tuổi trẻ là mộng ước của tình yêu.
Cuốn phim dài hơn hai tiếng, khi đèn trong rạp sáng lên khán giả đứng dậy rời những hàng ghế đi ra tôi có cảm giác họ cũng như mình, ai cũng rã rời, tưởng như tiếng kèn não nuột dội xa những âm thanh buồn, chưa dứt.
Thành phố đã lên đèn, mới bắt đầu vào đêm nên trên đường còn đông vui, nhộn nhịp. Tôi đạp xe ra về, một mình, với bóng dáng của tuổi trẻ trong đêm. Đêm thơm như dòng sữa mẹ, tôi vừa nhớ ra được một câu hát tuyệt vời trong bản nhạc Dạ Lai Hương của Phạm Duy.
Tôi đạp xe về trên phố Độc Lập. Con phố vắng dần, nhưng bóng đêm sâu như mang cái vẻ huyền nhiệm của một mái tóc dài chập chờn trôi giữa vùng ánh sáng. Có tiếng nhạc nghe như gần, như xa. Đó là những khúc tình ca vọng từ trong quán cà phê Ly Ly. Bên ngoài quán trang trí những bông hoa lồng trong ánh đèn mờ nhạt. Tiếng hát nữ ca sĩ Thanh Thúy đang cất lên bản Ánh đèn màu. Rồi yên lặng, bóng dáng quán cà phê lùi xa, sau đó, bất chợt tôi trông thấy bóng một cô gái đang đứng dưới mái hiên nhà của một cửa hiệu có đèn néon chiếu sáng. Một lúc sau, tôi nhận ra đó là cửa hiệu nước hoa Xuân Dung. Và cô gái còn đứng đó chắc là Thúy Hà. Tôi đã không nhầm, nhận ra nàng, tôi đạp xe nhanh hơn một chút, rồi chậm lại khi tới gần lúc sắp ngang qua nhà. Vừa trông thấy nàng, tôi định gọi tên, nhưng kịp chặn lại ý tưởng đó vì hiểu hai người chưa quen thân. Nhưng, Thúy Hà đã nhìn thấy tôi, nàng cười tự nhiên vừa lên tiếng hỏi:
- Đi đâu đó?
Tôi cảm thấy nhẹ vui qua câu hỏi thân tình của nàng, liền xuống xe đạp dắt lên vỉa hè đi tới gần nàng. Nàng cười, tôi ngập ngừng hỏi:
- Nhà Thúy Hà ở đây?
- Sao biết tên tài vậy?
Lấy được tự tin, tôi nói:
- Buổi đầu gặp ở lớp, đã hỏi tên rồi?
- Đi chơi phố vui không?
- Cũng vui. Mới xem cuốn phim Les jeunes loups. Thúy Hà xem chưa?
- Chưa. Cũng định xem.
- Phim hay lắm. Về tới đây mà tưởng nghe tiếng kèn như vẫn còn vọng.
- Lãng mạn quá.
Sau câu nói, hai người vui trong cặp mắt nhìn nhau, và, đứng bên nàng tôi kể lại câu chuyện, những tình tiết cảm động trong cuốn phim cho nàng nghe hoặc tưởng tượng. Thúy Hà cứ lắng nghe, chờ đợi tiếng tôi nói, lúc này tôi cũng nhận ra tình thân của nàng rất thành thật với cả tình bạn và tình yêu rồi câu chuyện ngừng, và nàng biết rõ tôi yêu nàng nên nàng cứ để nguyên vẹn khuôn mặt như một tấm gương cho tôi nhìn ngắm. Nỗi niềm thật xao xuyến, trong ý tưởng tôi muốn nói với nàng rằng chỉ có chiếc hôn mới diễn tả được sự khao khát của lòng tôi.
Tôi nghĩ nàng chưa biết tên, nên tự giới thiệu:
- Thụy là học sinh mới, năm ngoái học ở Huế.
Ngạc nhiên, nàng hỏi lại:
- Vậy à. Sao không học ngoài đó?
- Có chuyện riêng trong gia đình. Với lại, tình hình Phật Giáo ở Huế nguy hiểm lắm rất có thể…
Nàng nhìn lại tôi, đôi mắt lặng yên. Tự dưng trong cái nhìn đó khiến tôi ái ngại vì không hiểu nàng thuộc tôn giáo nào, và nàng sẽ hiểu khác đi về tâm trạng của tôi. Một lúc lâu, nàng mới nói:
- Tình hình bi đát lắm - Đài BBC vừa mới loan tin thêm nhiều vụ bắt bớ ở Chùa Xá Lợi.
Tôi bỗng cảm thấy có một niềm tin vững chắc nơi người bạn gái của mình. Vừa lúc ấy, tôi đem cái nhiệt huyết tuổi trẻ, hay tuổi đời mình trước biến cố lịch sử để tỏ bày với nàng. Bỗng ngừng lời, tôi lên tiếng chào mẹ của nàng ở trong nhà vừa mới đi ra. Bà mẹ đáp ngay:
- Vâng, chào cậu.
Khi quay trở vào, bà mẹ nói với cô gái:
- Con mời cậu vào nhà chơi.
- Dạ, cháu đứng ngoài này được.
- Có tiếng trong nhà vọng ra, rồi nàng nói nhỏ với tôi.
- Vào nhà chơi đi.
Tôi dựa xe đạp bên hàng hiên rồi theo cô bạn vào nhà. Căn phòng khách sáng đèn, cả nhà ngồi quây quần đang uống trà. Thúy Hà giới thiệu:
- Anh Thụy bạn học cùng lớp với con.
Tôi đứng yên một chỗ chào cả nhà. Rồi tôi ngồi xuống, bên cạnh Thúy Hà mắt thoáng nhìn nhận ra mỗi khuôn mặt mấy người em của nàng
- Có phải anh viết bài cho chương trình phát thanh của trường, không?
Tôi gật đầu, cười đáp:
- Đúng rồi. Sao em biết?
- Em là xướng ngôn viên, thầy Bình đưa bài cho em đọc.
- Hay lắm, cậu giỏi văn chương nhỉ, ba của nàng lên tiếng.
Tôi nói:
- Thầy Bình có nhờ cháu viết phụ chương trình phát thanh của trường hàng tuần, cháu giúp cho thầy.
- Giỏi lắm chứ.
Thúy Hà rót thêm nước và lấy một chiếc kẹo đưa cho tôi. Tình người bạn gái, tình thân của gia đình nàng làm tôi cảm động. Và qua những lời hỏi chuyện rất niềm nở, lòng tôi nhẹ vui coi như đây là gia đình người thân của mình. Tôi đưa mắt nhìn bao quát trong lúc mọi người nói chuyện với nhau. Bỗng nhiên, tôi chú ý đến một bức ảnh lớn treo trên tường. Chỉ sau ít giây nhìn, tôi quay sang hỏi bà mẹ:
- Ngày xưa, hai bác có ở Quảng Trị?
- Có. Sao cậu biết.
Tôi chỉ vào bức ảnh, đáp:
- Cháu nhìn bức ảnh của hiệu thuốc Giơ Neo.
- Đúng rồi, nhà chúng tôi ở đó.
- Ông cụ Giơ Neo là trọng tài bóng tròn quốc tế.
- Thế cậu cũng biết bác Trác à?
- Dạ biết. Lúc nhỏ, cháu rất mê coi đá bóng.
- Cậu cũng đã ở Quảng Trị.
- Dạ. Quê nội và ngoại cháu đều ở ngoài đó. Nhà cháu ở trên ga.
- Tôi cũng hay đi xe lửa mỗi lần vào nhận hàng trong này.
- Rồi tiệm thuốc Tây, giờ để cho ai bác.
- Không phải của nhà tôi mà của chú Phúc. Giờ, tiệm thuốc dời vào đây.
- Dạ.
Tôi nhìn qua gương mặt ba của nàng, cố nhớ lại xem đã có gặp ông lần nào chưa lúc cả hai gia đình ở Quảng Trị. Đâu như, tôi có nhớ một lần vào hiệu thuốc tây mua thuốc, và thấy cụ trọng tài Giơ Neo ở đó đang nói chuyện với Dược sĩ Léon Volve, người Pháp.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

XI

Trưa chủ nhật, khu phố Little Saigon thật nhộn nhịp. Bãi đậu xe phía trước và sau khu thương xá Phước Lộc Thọ gần như không còn chỗ trống ở đây ngày chủ nhật đông như lễ hội.
Từ lầu hai theo thang máy đi xuống tôi định tìm một chỗ ngồi trong quán cà phê uống một ly trước khi về nhà. Nhưng thấy quán đông, ồn ào, tôi đi ra phía cửa trước tìm một quán khác.
Trong cửa hiệu sách Văn Khoa cũng đông. Tôi nhận ra anh Giang liền tạt vào, lên tiếng chào.
Người chủ hiệu hỏi anh Giang:
- Số cũ còn không nhiều, ông lấy lại hay để bán.
- Cứ để bán. Qua kỳ sau, không hết, tôi lấy.
Tôi cũng có biết ông chủ hiệu nên chào luôn. Đây là một hiệu sách không lớn, nhưng rất có uy tín. Người chủ hiệu sách, trước đây là giáo sư dạy môn tiếng Anh ở trường Đại học.
Khi thấy anh Giang đã xong việc, tôi hỏi:
- Anh về nhà ngay không?
Do dự một chút, rồi hai người cùng đi ra bãi đậu xe ở phía sau. Trên quãng đường đi, giọng nói người nào nghe như nỗi mỏi mệt.
- Anh nên nghỉ dưỡng sức một thời gian.
Lúc xe đến chỗ dừng ở lối ra cổng, anh Giang mới nói:
- Mình sắp nghỉ hưu.
- Cũng nên, vì anh làm việc khá lâu thời gian ở xứ này rồi.
Xe ra đường, có vẻ như hai người chưa biết đi tới đâu. Sau cùng, anh Giang cho xe rẽ trái vào con đường Moran trong khu Little Saigon, lúc vào đường Bolsa, anh đưa tôi đến quán ăn Nguyễn Huệ. Đây là một quán ăn ngon, không chỉ có phở, mà nhiều món đặc biệt khác nữa.
- Anh nghỉ hưu, có được hưởng phụ cấp của hãng không?
- Có, một phần ba của tiền lương, nhưng trong hai năm thôi.
- Còn bên sở hưu bổng.
- Mình lãnh đầy đủ.
Tôi chỉ hỏi cho biết, phần nào cũng thấy an tâm.
- Công việc của Thụy ra sao?
- Em tính xin thôi làm báo, ra ngoài.
- Ở Người Việt, lương khá không?
- Tương đối thôi anh.
- Tìm được việc ngoài chưa?
- Có.
Khi quen biết với Thùy trở nên thân, tôi có đưa nàng tới chơi nhà anh Giang một hai lần trong buổi họp mặt cuối tuần.
- Hai người ra sao rồi?
- Cũng có ý định sống chung.
- Nên lắm.
- Cám ơn anh. Bệnh tình của anh, có hy vọng chữa được không?
- Mình đang chờ cuộc giải phẫu.
- Gay go vậy anh.
Vào tuần tới, anh Giang sẽ về bên nhà thăm mẹ anh. Khi trở qua đây, anh sẽ đến bệnh viện để giải phẫu, từ đó bắt đầu điều trị.
- Anh bị phát hiện lâu chưa?
- Mười ngày nay.
Bữa ăn trưa của hai người hơi trễ. Cũng nhờ vậy, hiệu ăn tương đối vắng khách, yên tịnh.
Người chạy bàn ghi các món xong, bỏ đi. Một lúc sau, nước uống được mang ra trước. Nước trà đá uống mát, dễ chịu.
- Nhân sự trong báo Người Việt có thay đổi không?
- Có. Mới thay đổi tuần rồi.
- Có thêm ai không?
- Có, ba người mới.
Tôi cho anh Giang hay, anh Huy cũng sắp rời khỏi dưới này lên San José, làm báo trên đó.
Bữa ăn mang ra, cơm canh đang nóng, bốc hơi.
- Anh vẫn ăn uống thường chứ?
- Cũng thường, nhưng người hay mệt.
Đã mất thời gian hai đêm, truyện ngắn tôi đang viết vẫn chưa xong. Mới được bốn trang, nhớ lại buổi đầu tiên xuống tàu ra Nha Trang, tôi rất bồi hồi, xúc động, nhưng ở phần này tôi viết chưa được trôi chảy nên tạm ngừng.
- Ăn đi Thụy, nghĩ tới ai vậy?
Tôi cười nhìn lại người anh.
- Vậy ra, hồi đó anh quen với ba em và anh Nguyên.
- Đúng vậy.
Tôi nói:
- Thời của anh, có được bằng Thành chung đã hiếm, đến Tú Tài còn hiếm nữa.
- Mình không chăm, nhưng học dễ dàng lắm.
- Vào trường sư phạm, học bổng cho sinh viên khá không anh?
- Khá lắm. Mỗi tháng, mình được hai ngàn.
- Vậy là anh thoải mái mua sách đọc và ngồi quán cà phê.
- Vậy thôi, nhưng mình cũng cần tiền gia đình gởi.
Vừa ăn, tôi nghe Giang kể lại những năm ở Huế, ở trường Sư phạm. Năm đó, anh Nguyên đậu xong phần I, trường Nguyễn Hoàng chưa mở Đệ Nhất nên anh phải vào Huế học Quốc học. Cùng thời gian này, ba tôi được đổi nhiệm sở từ Phước Thành ra Huế, làm việc ở thư viện Đại học, lo phần việc đánh máy cho thư mục các loại sách nạp bản. Ba tôi và anh Nguyên ở chung, thuê căn nhà ở đường Trương Định và ăn cơm tháng một căn nhà gần đó. Nơi này, có đông công chức, sinh viên, anh Giang cũng đóng tiền ăn ở đây, thành ra, anh Nguyên và anh Giang có dịp làm quen nhau.
- Bây giờ, không biết anh Nguyên còn nhớ anh không?
- Sao mà không?
- Lạ, em không nghe anh Nguyên nói.
- Năm học ở Huế mình có chiếc vélo, những lần đi chơi xa, mình hay rủ Nguyên đi nữa.
Kỷ niệm về những tháng năm của một thời trẻ làm anh Giang thấy vui, tôi nghe cũng lấy làm cảm động về mối giao tình của anh và anh tôi. Ngày đó, anh Nguyên còn học sinh. Rớt một năm, đợi qua năm sau anh mới đậu Tú tài II, cùng năm này, anh Giảng ra trường Sư phạm đỗ đầu, và chọn dạy trường nữ Đồng Khánh. Chưa bắt đầu niên học mới, anh Giang vào Quy Nhơn nghỉ ba tháng hè. Một lần đó, anh Nguyên vào Quy Nhơn thăm người bạn học cũ làm ở Ty kiểm lâm, dịp này, anh có đến thăm anh Giang được anh đón tiếp niềm nở, và đưa đi thăm cảnh nhiều nơi, vào đến cả Sông Cầu, Tuy Hòa.
Bữa ăn chậm, kéo dài lâu trong câu chuyện về những năm tháng cũ, với bao nhiêu kỷ niệm thân tình, quý giá.
Bên ngoài, bỗng dưng trời hết nắng, mây đen làm bầu trời trở nên âm u. Lúc xe vừa lăn bánh, hai người lại nối tiếp câu chuyện. Tôi hỏi:
- Có phải chị nhà là học trò của anh.
- Vậy Thụy không biết thực sao?
- Biết, nhưng không mấy chắc.
- Năm Đệ Tam, cô đã thương mình.
- Cả lớp biết không?
- Cả trường, còn biết nữa là.
- Anh thật đúng vai Nguyễn Huệ.
- Có phần đúng, cô bằng tuổi công chúa Ngọc Hân ngày đó.
- Bộ truyện lịch sử về Quang Trung anh viết thời gian bao lâu thì xong.
- Ba năm, ở bên nhà. Bản thảo đem qua được, quá may mắn.
Khi xe trở về lại chỗ bãi đậu phía sau khu thương xá, tôi xuống. Trước khi rời bước, tôi hỏi:
- Hôm nào anh mới đi?
- Ngày mốt.
- Về bên nhà lâu không?
- Một tháng, mình qua.
- Mong gặp lại anh.
Mưa rớt từng hạt nhỏ khiến trời trở lạnh. Tôi mở cửa vào nhanh trong xe mình, rồi cho nổ máy.
Từ nơi này, về nhà tôi cũng gần. Trời đang mưa, tôi chạy xe chậm, hai cây gạt nước chạy rất đều xóa sạch nước mưa trên mặt kính. Trên đường về, tôi nghĩ nhiều đến anh Giang lo lắng cho căn bệnh của anh. Chính vì lo nghĩ về căn bệnh, mà lúc muốn nhớ lại từng câu chuyện vừa trao đổi, tôi không cảm thấy lòng mình vui lên mà buồn trở lại. Khi anh Giang biết được mình đã có bệnh, nhất là với bệnh ung thư, thì sự chết luôn là một ám ảnh, không phải từng năm tháng mà từng ngày, giờ.
Thùy xuất hiện ở mái hiên ngoài căn gác, nàng chờ tôi. Mưa tạnh, cũng vừa lúc xe tôi về tới.
Ra khỏi xe, tôi bước nhanh, càng mau hơn khi vào lối cầu thang lên nhà.
- Em đến lâu chưa?
Thùy hỏi lại:
- Anh đi đâu vậy?
- Anh mới gặp anh Giang.
Vào trong nhà, tôi bật đèn sáng. Bỗng nhiên, tôi thấy có vài giọt nước mưa đọng trên mặt bàn. Tôi ngước mắt nhìn lên tìm kẽ hở trên mái nhưng không thấy. Tới bàn, tôi lau nước mưa và đem cất các thứ giấy tờ để trên bàn.
- Hôm nay em đi chơi đâu?
- Còn anh, bỏ đi một mình chẳng nói với ai cả.
- Em có gọi điện thoại.
- Bốn lần.
Tôi rót nước lọc ra ly, rồi nốc cạn.
- Anh lên Phước Lộc Thọ, đến tiệm sửa đồng hồ rồi vào hiệu sách.
- Ủa, sao anh nói gặp anh Giang.
- Thì gặp ở đó.
- Rồi hai người ngồi ở quán cà phê hết một buổi.
- Không. Gặp lúc trưa nay, rồi đi ăn quán.
Thùy mở túi xách, tìm kiếm. Tôi cũng cần thu dọn vài thứ đồ linh tinh bày không đúng chỗ trong nhà.
- Tội cho anh anh Giang.
Thùy nghe, nhìn tôi vẻ ngạc nhiên.
- Anh ấy ra sao?
- Anh bị ung thư gan.
- Thật à.
- Anh sắp về bên nhà.
- Về bên nhà chữa bệnh.
- Không, về thăm mẹ anh, một tháng sau anh qua.
Thùy cười bảo:
- Mới gặp anh Giang mà anh đi về tay không?
- Anh không lấy báo Văn học.
- Ờ nhỉ, anh quên.
Căn phòng coi trật tự hơn lúc nãy. Tôi nhìn đồng hồ tường, gần ba giờ chiều.
- Em hỏi luật sư chưa?
- Thưa ngài, rồi.
- Dễ dàng phải không?
- Có gì mà không dễ.
- Em dự tính lúc nào.
- Chưa, thong thả.
- Anh muốn sang đầu năm, được không?
Thùy gật đầu. Hai người ngồi xuống băng ghế dựa sát tường. Trong một chút im lặng, tôi nghĩ đến một câu chuyện còn dang dở.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

- Anh nghĩ sao?
- Tùy em. Anh muốn em vui trong chuyện của chúng mình. Nhưng ý anh, nên giản dị, có bạn bè dự cũng số ít thôi.
- Hai anh chị qua được với mình không?
- Được chứ. Nhưng anh có ý định, sau đám cưới, mình đi chơi xa một chuyến.
Tôi nắm lấy bàn tay Thùy.
- Uống bia nghe em?
Thùy cười.
- Bộ…
Khi mở tủ lạnh ra, tôi thấy còn được bốn chai. Tôi lấy ra một chai, rót vào hai cái ly vừa. Tôi trở lại ngồi xuống băng ghế, đưa cho một ly qua cho Thùy. Nàng đưa ly cụng, rồi làm một hớp. Một giọng vui, nàng hỏi:
- Em giống chị Phượng Nga không?
- Em cứ nhắc hoài đến chị.
- Em biết, anh yêu nàng.
- Anh thích những bức tranh chị ấy vẽ.
- Và, dáng người nữa, đúng không?
- Chị ấy có tâm hồn nghệ thuật.
- Bao giờ anh Giang qua?
- Một tháng.
- Ngày đó, chúng mình thuộc thế hệ học trò của anh.
- Em nói đúng. Khi gặp lại anh Giang, anh mới tin rằng mình có thể viết được.
- Hình như, em có viết cho anh một lá thư phải không?
- Em nhớ đúng. Lá thư đó, anh đã gởi cho chị Nga.
- Vì sao, anh gởi.
Thùy hỏi vậy thôi, nhưng nàng đã hiểu hết mọi chuyện từ ngày nàng gặp lại tôi rồi hai người được gắn bó với nhau.
- Anh có viết một câu chuyện, nhưng chưa xong.
Tôi đứng lên, đến bàn viết lấy mấy trang bản thảo. Tôi đưa cho Thùy xem, vừa lấy ra trong tủ lạnh một chai nữa, rót vào hai ly.
- Em vừa đủ, anh uống đi.
Vừa lướt mấy giòng đầu, Thùy cười.
Bao nhiêu cô gái anh quen, đọc đôi ba giòng là thấy ngay.
Thùy chăm chú, nàng đọc chậm. Tôi uống từng ngụm bia và cố gắng tìm, vừa hình dung một phần nối kết. Bỗng tôi nhớ ra, đoạn nối kết ấy, tôi đã viết rồi vào những ngày ấy.
Lăng ngủ say, thở đều giấc. Một lúc lâu, tôi mới rời chiếu đứng dậy đi xuống nhà dưới, vào gian bếp ngồi xuống cạnh bể nước múc nước đổ vào thau để đánh răng, rửa mặt. Bên ngoài phí) có vài chiếc xe hàng và xe xích lô máy chở hành khách đi buôn, tiếng máy nổ vọng lớn rồi xa khuất dần.
Khi trở lên nhà chợt nhìn qua mái hiên trống, tôi thấy bầu trời hé lộ những ngôi sao và một vài khoảng sáng mờ, yếu ớt. Tôi cảm thấy dễ chịu khi rửa mặt xong. Và rồi, ngồi xuống ở một góc trên gác tôi mở túi xách coi lại những thứ mình mang đi. Cái túi xách không đựng gì nhiều, chỉ có hai bộ quần áo dân sự, bàn chải, kem đánh răng, mây cuốn sách học và một gói thư từ. Trong xấp thư đang cột, tôi mở ra lấy những lá thư của Thúy Hà đọc lại. Có trong lá thư một tấm hình nhỏ học sinh của nàng, đó là sự bao dung muốn nhắc tôi nhớ đến một kỷ niệm thầm kín của ngày ấy. Tôi có cho nàng mượn cuốn sách Vạn Vật dành cho lớp ban A. Nàng đã có một cuốn rồi, nhưng sách này là để học thêm. Khoảng lâu, ba bốn tháng sau sợ tôi không có sách học, nàng gởi trả lại. Ngay khi nhận cuốn sách, về tới nhà tôi mở ra ngay vì muốn coi từng trang trong đó những dòng ghi chú bằng chữ viết của nàng. Từ khi có một đôi lần vào giờ ra chơi trò chuyện trong lớp học hay trao tập vở lúc cần mượn, giọng nói và nét chữ của nàng trở thành những hình ảnh thân thiết với tôi và tôi cũng luôn tìm những ý nghĩa nào đó cùng với sự mơ tưởng cho mình. Tình cờ, tôi thấy nằm ở giữa cuốn sách có một tấm hình nhỏ ghim vào đó. Tôi cầm lên xem, lòng tự dưng bối rối, bâng khuâng. Tôi nhìn tấm ảnh rất lâu, không nói gì cả. Tôi chợt nghĩ, có thể nàng sơ ý, bỏ quên, hay biết đâu nàng có ý muốn tặng cho mình giữ làm kỷ niệm vì chỉ còn hai tháng nữa thôi là tới kỳ nghỉ hè. Tấm hình nhỏ đen trắng được cắt theo hình tròn như tấm gương, mái tóc đen huyền bao kín hai gò má của khuôn mặt nàng, và đẹp nhất là đôi mắt. Đằng sau tấm hình, nàng không viết gì cả. Tôi chẳng biết giải thích cách nào nhưng được cầm lấy tấm hình người bạn gái mình thương trên bàn tay tôi cũng cảm thấy hạnh phúc rồi. Qua tuần lễ sau, nhân lúc đi chơi với Vũ tôi nhắc đến chuyện này rồi về nhà, lấy chiếc bao thư nhỏ gởi Vũ đem về lại cho người chị. Khi tôi đã bắt đầu quen thân với gia đình Thúy Hà, trong những ngày nghỉ thường hay lui tới, tôi có nhắc lại chuyện tấm hình mà nàng bỏ quên trong cuốn sách. Thúy Hà nhìn lại tôi, nàng mỉm cười với một nụ cười hiền dịu, dễ thương. Rồi, thật vui nàng hỏi:
- Có muốn giữ tấm ảnh đó không?
- Không bao giờ quên được, tôi nói.
Nhìn lại tôi bằng đôi mắt nhỏ bé, giọng nhỏ nàng nói:
- Em sẽ gửi cho.
- Cám ơn em.
Nỗi buồn như chưa muốn rời khỏi trí nhớ, nó yên lặng rất lâu. Tôi hơi khép mắt khi bỏ tấm hình kỷ niệm nàng đã cho tôi vào trong lá thư.
Ở nhà dưới, chuông đồng hồ báo thức reo lên. Dì Hồng cất tiếng gọi vọng, tôi đáp lời ngay, vừa lúc đó Lăng cũng thức dậy. Trong lúc Lăng đi xuống nhà rửa mặt, tôi đã sẵn sàng với túi xách hành lý và đứng dậy mặc quần áo chuẩn bị đi.
Ánh sáng buổi sớm đã trải ở ngoài mái hiên. Không mất lâu thời gian, Lăng mặc quần áo xong là cùng tôi đi nhanh xuống cầu thang. Dì Hồng cũng đã thức dậy, khi thấy Lăng và tôi xuống nhà dì cầm trong tay một nắm tiền đưa cho tôi. Tôi xúc động nói lời cám ơn, và dì Hồng tiễn chân hai đứa cháu ra cửa. Tôi chào dì một lần nữa, dì nhắc:
- Nhớ viết thư cho dì.
- Dạ.
Cánh cửa đóng lại theo tay dì Hồng. Buổi sáng sớm lạnh, hai anh em chỉ mặc ngoài sơ mi và bước nhanh chân bên nhau ra con đường phố. Nhà dì Hồng ở sau lưng khu chợ Thái Bình. Từ chỗ này, đến bến cảng Sài Gòn mất chừng mươi, mười lăm phút đi xích lô máy. Tôi nhìn đồng hồ tay thấy giờ còn sớm, hai đứa tính đi bộ. Và, lúc ngang qua khu chợ Thái Bình, thấy có xe hủ tiếu, cả hai ghé vào. Quán hàng vừa mới mở, nồi nước đang khói trong ngọn lửa cao cháy dưới thùng.
- Gì nữa không?
- Hai cà phê sữa nữa.
Chỉ trong ít phút, cả hủ tiếu và cà phê mang ra. Tôi và Lăng ngồi ở chiếc bàn tròn gần mái hiên quán. Con đường Phạm Ngũ Lão còn yên vắng dưới ánh đèn. Bữa ăn ngon miệng, vì đứa nào cũng đói. Vừa ăn, chúng tôi trao đổi chuyện về gia đình. Hình ảnh người cha với cuốn sách và chiếc kính trắng, người mẹ trên gương mặt lúc nào cũng tỏ ra lo ngại, băn khoăn, và cứ tưởng như trong trí nhớ của bà hình ảnh một trận cháy thảm khốc ở thị xã Đông Hà vào năm đó vẫn còn chập chờn đe dọa. Sau trận cháy đó, mẹ tôi đôi khi thẫn thờ giống như một người mất trí, gia đình tàn lụi sống trong cảnh chật vật kéo dài bao nhiêu năm nay vẫn chưa qua hết vận.
Lăng ăn chưa hết tô hủ tiếu, tôi vừa ăn xong liền cầm muỗng khuấy nhẹ ly cà phê sữa và đốt điếu thuốc. Hương vị buổi sáng sớm đọng lại trên miệng lưỡi khi tôi uống hớp cà phê ngon lúc đầu. Tôi nói với Lăng:
- Tôi đi như thế này là yên ổn. Không còn lo gì nữa.
- Nhưng xong chuyện lính tráng, anh nên cố học lại.
- Nên chứ. Nhưng cũng nghỉ ít năm rồi mới bắt đầu.
Lăng ăn xong, cầm muỗng khuấy cà phê uống. Từ lúc thức dậy đến giờ, tôi biết Lăng có nhiều suy nghĩ về chuyện tôi bỏ học đi lính, nhưng không có cách nào giải quyết khác hơn ngoài sự chọn lựa đó.
Không ngồi lâu, ăn uống xong hai anh em ra đường đón xe xích lô máy tới bến tàu. Con đường Phạm Ngũ Lão vẫn yên vắng, buổi sáng sớm gió thổi lạnh. Chiếc xích lô máy lao nhanh, cả tôi và Lăng ngồi lặng yên không nói gì.
Tới bến Cảng, tôi thấy đông người đứng tụ tập, trò chuyện, chờ đại diện Không Quân đến tập trung điểm danh để đưa lên tàu.
Trời lành lạnh. Gió từ dưới sông thổi lên và trên sông hẳn còn sương mù chưa tan hết. Lần đầu tiên tôi mới trông thấy những chiếc tàu Hải Quân đậu ở bến cảng. Trong lúc này chờ, tôi và Lăng đứng trên bờ đường trông ra bến sông vừa trò chuyện, cùng lúc chú ý những người nhập ngũ tới cùng với thân nhân.
Nửa giờ sau, trời sáng hẳn. cả thành phố cùng thức dậy bắt đầu một ngày sinh hoạt ồn ào với những tiếng động xe cộ từ khắp nơi vang vọng. Vừa lúc đó, toán phụ trách Phòng tuyển mộ tới và có lệnh gọi tập trung. Tôi bắt tay Lăng, đeo túi xách bên vai cất bước.
Giống như buổi tập trung ngày chót ở phòng tuyển mộ, hai bên đứng thành hai khôi và Thượng sĩ Hóa đọc danh sách. Không có một ai vắng mặt. Xong điểm danh, lần lượt từng hàng đôi đi qua cầu tàu để xuống tàu.
Từ trên boong, đám thanh niên mới nhập ngũ đứng nhìn xuống con đường Bạch Đằng bên bến cảng vẫy tay cười chào những người thân. Lăng cũng đã trông thấy tôi, hai anh em vẫy tay nhiều lần. Ở dưới, chưa có ai rời bến cảng, trên boong, nghe ồn tiếng nói chuyện, chốc chốc có tiếng gọi lớn vọng xuống để nhắn tin, rồi lại vẫy tay chào nhau. Tôi đứng đó nhìn thấy Lăng, nhìn thấy mọi người, có những phút háo hức, đầy hy vọng, nhưng rồi cũng nôn nao, nghẹn ngào. Tôi biết mình đã rời xa học đường, ý thức được tuổi trẻ của mình trong những ngày tháng thất bại đã qua.
Bỗng dưng, tất cả đều lặng im, ngơ ngác. Tiếng còi tàu vừa cất lên. Tiếng còi chợt gây một nỗi lưu luyến, bồi hồi.
Tàu rời bến nhẹ nhàng trên mặt nước, cảnh chia tay thật đằm thắm, nhưng sau đó càng lúc vội vàng níu kéo và những cái vẫy tay tạm biệt càng lúc càng nhanh. Những thủy thủ, những viên sĩ quan Hải Quân đứng trên tàu hướng mắt về bến nhìn thấy cảnh tiễn đưa những người nhập ngũ với những nụ cười hiền hậu, dễ thương.
Hình ảnh Lăng đã xa, tôi chỉ còn nhìn thấy chiếc áo màu xanh như là một dấu hiệu. Tàu đang chạy trên con sông Sài Gòn, và sau một lúc đuổi theo con tàu, những dãy phố trên con đường dừng bước rồi quay đầu trở lại.
Tôi đã ra đi với sự mới lạ của cuộc đời. Và, tôi đang thấy mình bồng bột trong cuộc phiêu lưu này. Tiếng ồn vọng của thành phố vẫn bao trùm, vì con tàu chưa rời quá xa bến cảng. Lòng tôi chợt trống trải, rồi đứng đó, tôi đưa mắt nhìn quang cảnh trên con sông, nhìn những con đường, nhà ở, và tôi đã chú ý đến những những căn nhà ngoại ô Sài Gòn nằm ven theo con sông.
Dòng nước chảy mạnh, mỗi lúc tốc độ con tàu di chuyển nhanh hơn và khi nắng rạng lên giữa bầu trời, con tàu đã ra đến biển.
Biển xanh mở rộng, bầu trời có nắng và gió chan hòa. Khi được nhìn thấy biển, tôi còn đứng trên boong tràn ngập gió với niềm hân hoan, với một tuổi trẻ vươn dậy, và lần đầu tiên tôi được nhìn thấy màu xanh tuyệt vời của biển.
Lúc này, mọi người đều thích thú ngắm biển. Hai bên bờ lúc xa, lúc gần những quang cảnh quê hương hiện ra. Trong từng chốc lát, tôi ngửi được mùi vị thơm tinh khiết đấy là gió, muối mặn và nắng ấm.
Con tàu đang lênh đênh giữa những tiếng sóng vỗ rì rào. Tôi vẫn còn mang một cảm giác phiêu bồng và giấc mơ về cuộc phiêu lưu.
Một lúc sau, nhiều đám thanh niên tách rời boong ngồi tụ nhau từng nhóm trên sàn, trò chuyện, hút thuốc không một ai tỏ vẻ lo âu. Tôi vẫn đứng nhìn biển, lúc này, như chỉ còn có một mình tôi.
Rồi biển trở nên xa cách, đơn độc. Nắng đổ xuống boong tàu gây sức nóng. Một lúc sau, mọi người bắt đầu bữa ăn tự túc mang theo. Tôi rời boong tìm chỗ nghỉ trưa. Tôi không cảm thấy đói, ngồi xuống tựa người lên túi xách tôi đọc báo. Đây là tờ báo Thể Thao số mới nhất, tôi đọc từ trang đầu, cả những lời giới thiệu.
Buổi chiều tới. Lúc trưa, chẳng ăn uống gì đọc tờ báo mỏi mắt tôi buông rời, chợp mắt trong một cảm giác ngủ say, nhưng hết sức dịu dàng. Tôi đứng dậy, đeo túi xách bên vai và ra chỗ boong tàu đứng một mình nhìn ngắm cảnh vật buổi chiều. Tôi không biết xung quanh là vùng nào, nhưng buổi chiều đi trên biển thật là đẹp. Ánh nắng! gió mát, và buổi chiêu càng lúc càng trở nên xa xôi. Trong lúc này, tâm hồn tôi là cả một sự rung động lắng nghe từng nhịp đập vang xa theo những tiếng sóng vỗ lên bờ cát.
Không có căng tin bán cà phê, hàng quà, nên từ sáng đến giờ mọi người cứ ở trên boong tàu, chuyện trò chán lại đi nằm, đọc sách báo hay ngồi hút thuốc. Rồi thì đêm xuống, nỗi buồn trở nên mênh mang, ai nấy cũng đều cảm thấy cô độc. Tôi ngồi ăn một mình, gói cơm vắt dày được cắt từng lát, và ăn dè xẻn với những con tôm kho nhỏ đựng trong cái hủ chao băng nhựa. Tôi đói, ngon miệng ăn hết không để lại gì cả. Đêm đang xô đẩy con tàu với những tiếng sóng vỗ dội lớn. Những vì sao sáng ở rất xa trên bầu trời. Tôi nhìn vòm trời một lúc lâu, cố gắng hiểu những vị trí của các ngôi sao. Bất chợt, có một bóng người đi ngang qua chỗ tôi, sau đó, anh ta ngồi xuống ở góc tối bên kia. Tôi châm điếu thuốc. Gió biển lạnh đang tràn nhanh qua boong tàu. Tôi nuốt sâu khói thuốc, xong thở nhẹ ra từ từ. Không đếm, nhưng từ sáng đến giờ tôi đã hút thuốc quá nhiều. Hết gói thuốc để trên túi tôi còn hai gói nữa bọc trong túi xách.
Người ngồi bên kia cũng vừa bật cháy que diêm để hút thuốc. Sau đó, anh ta bấm đèn bin dọi sáng có lẽ để tìm vật gì đánh rơi. Lúc nhìn sang, tôi thấy anh ngồi viết thư. Tôi hơi ngạc nhiên, mắt theo dõi khoảng ánh sáng, bên kia những ý nghĩ đơn độc theo ngòi viết của anh ghi lên giấy. Tôi hiểu ra được phần nào tâm trạng của mình, của người khác về tuổi trẻ.
Tối nay con tàu còn lênh đênh trên biển. Càng về khuya, gió biển lạnh. Mọi người đã ngủ yên, nhưng cũng không ít người vẫn thức. Tôi cũng thức nhớ nghĩ về mình. Biển mênh mông, chỉ có tiếng sóng dội lên, lúc hiền từ, lúc mang một vẻ đe dọa. Lúc xa, lúc gần, và tiếng chuyện trò mỗi lúc lại buông rớt xuống dưới biển.
Khi tôi quay đầu nhìn sang lần nữa thấy bóng anh bạn trẻ vẫn ngồi đó, cúi đầu chăm chú viết thư.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

XII

Hôm nay là lần thứ nhì tôi viết thư gởi cho Phượng Nga đọc. Nàng rất mong thư của tôi, và luôn coi tôi như một người bạn thân thiết. Một vài lần trước chuyện trò qua điện thoại, nàng có giãi bày cho tôi hay những chuyện rất éo le của nàng trong thời sống trên đất Mỹ một mình, và xa anh Nguyên. Thời gian đó, nàng rất lo sợ sự cám dỗ, vì nàng còn quá trẻ. Thế nhưng, nhờ vào kỷ niệm, nàng thức tỉnh và ý thức được về số phận, cuộc đời và giá trị chân chính của người phụ nữ. Nàng đọc cuốn truyện thơ Chinh phụ ngâm thấy có mình trong đó. Khi tìm lại hình ảnh cũ trong cuốn album, nàng nhớ đến anh Nguyên hơn hết, nên chi nàng quyết tâm đợi chờ, tin rằng nàng sẽ gặp lại anh Nguyên.
Tim chàng thuở Dương đài lối cũ
Gặp chàng nơi Tương phố bến xưa
Sum vầy mấy lúc tình cờ
Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân

Vừa phụ giúp công việc nhà cho Phượng Nga, anh Nguyên còn viết báo và viết sách, ở bên anh có một tờ báo tiếng Việt, sống được nhờ quảng cáo. Nhưng chính yếu cho công trình xứng đáng của mình là tác phẩm về chiến tranh. Tôi được hay biết, cuốn sách về cuộc chiến miền Nam anh viết đã gần xong, một nhà xuất bản ở Cali đã nhận in có trả tác quyền.
Ba người tôi, Lăng và anh Nguyên ở ba nơi nhưng vẫn luôn liên lạc với nhau, cùng hứa hẹn một dịp hội ngộ.
Lăng làm việc ở một hãng điện tử, sản xuất các loại hàng dùng cho TV và máy điện toán. Lăng làm công việc đứng máy, mỗi khi robot đưa hàng ra, Lăng nhận kiểm soát và phân loại trước khi dùng giấy form gói hàng lại bỏ vào thùng. Mỗi ngày 8 tiếng, công việc đều theo máy sản xuất. Vợ Lăng, cũng có việc làm bán thời gian cho một tiệm bánh Donuts buổi sáng đi làm, buổi chiều hoặc tôi đi học. Lăng không có con trai, hai cô con gái lớn đã lên Đại học, ba cô gái sau đang học trường trung học gần nhà. Năm đầu mới đến Mỹ còn khó khăn, nhưng lúc này, hoàn toàn ổn định về nhà ở, việc làm, và cuộc sống thường nhật. Bên Memphis, người Việt định cư khoảng mười ngàn, tuy vậy luôn có sự gắn bó, cộng đồng cũng thường xuyên có những sinh hoạt về văn hóa và tôn giáo.
Ở bên đây, tôi làm nghề báo, số tiền lương tạm đủ cho cuộc sống độc thân. Tuy công việc làm báo cũng chiếm khá nhiều thời gian ở tòa soạn cũng như đi ngoài, nhưng tôi cũng đã khởi sự, bắt đầu ngay công việc viết cuốn tiểu thuyết mà tôi thai nghén, dự trù từ nhiều năm qua.
Trong thư này viết cho Phượng Nga, tôi nói đến Thùy. Từ buổi đầu gặp lại, bỡ ngỡ, mừng vui và cảm thông, chúng tôi đến với nhau rồi ngày thêm gắn bó. Vào tháng 11 tới đây, tôi và Thùy sẽ làm lễ ra mắt với bạn bè bên tôi và bên nàng. Sau đó, rất có thể chúng tôi có một chuyến đi xa chừng độ hai tuần lễ.
Một tối hôm đó, tôi và Thùy thức rất khuya, hai người ngồi bên nhau ở ghế sôpha phòng khách nhà Thùy. Câu chuyện Thùy kể, tôi lắng nghe và có cảm tưởng như đó là chuyện trong ngày mưa. Một ngày mưa yên lặng, dễ chịu. Trong cơn mưa, giọng nói và câu chuyện Thùy kể, không đặt tôi vào sự liên tưởng đến Huê, không nữa, một ngày xa đó trong đêm tôi và Thúy Hà đi trên đường phố vắng vẻ dưới từng cơn mưa lạnh, ướt át. Mưa trong chuyện Thùy kể là một ngày đợi chờ, về sau này, tôi và Thùy đã gặp lại nhau.
Sau câu chuyện Thùy kể, tôi lần tìm ra mối liên hệ của Thùy và Phượng Nga. Có nhiều sự rắc rối éo le trong cuộc đời và câu chuyện nhưng giản lược, bạn hiểu rằng, ông Tri ba của Phượng Nga có một người em gái cùng cha khác mẹ, và người em này chính là mẹ của Thùy. Với sự hé lộ này trong câu chuyện Thùy nói cho tôi biết, tôi hiểu rằng, buổi đầu tiên gặp Phượng Nga, tôi đã nhận ra Thùy trên gương mặt của nàng.
Ở khu Little Saigon có một trạm Bưu điện nằm bên trái, đầu góc đường Moran. Trên đường đi làm, tôi ghé vào đó bỏ thư. Ra khỏi đây, tôi tới tòa soạn báo Người Việt. Vừa thấy tôi đến, anh Huy đưa cho một một số thư mời của Cộng đồng và bảo tôi làm tin sinh hoạt. Tôi coi qua từng lá thư, xong thứ tự theo ngày tổ chức, tôi viết tin, gần ngày nhất đi trước, trễ hơn thì đi sau. Những mẩu tin sinh hoạt, mỗi tin chừng 400 trăm chữ và lần lượt đi nhiều ngày.
Chừng hơn một tiếng tôi viết xong, rời bàn đem bài qua đưa cho anh Huy coi lại, nhuận sắc.
- Anh Giang đi Việt Nam về chưa Thụy?
- Hình như chưa, anh.
Tôi định cho anh Huy biết về bệnh tình của anh Giang nhưng rồi ái ngại. Bỗng tôi đứng im, lạ lùng.
- Anh sắp rời khỏi đây.
- Sao, anh đi đâu?
- Anh lên San José.
- Anh không làm báo nữa sao?
- Vẫn làm báo, nhưng lên trên đó.
Tôi không hỏi thêm. Vừa chuyện trò với tôi, anh vừa sửa bài.
- OK, đưa qua cho cô Ngà đánh máy.
Tôi mang qua đưa bài cho cô Ngà và được cô cho mấy chiếc kẹo sô cô la. Tôi nói lời cảm ơn, trở về bàn làm việc của mình. Tôi làm việc quên giờ giác, tới trưa, anh Huy bảo tôi đi cùng anh ra quán.
Từ tòa soạn tôi và anh Huy đi bộ qua khu Phước Lộc Thọ, tìm một tiệm ăn gần bên lối cửa chính.
- Chừng nào anh mới đi?
- Cuối tháng.
Hai người gọi cơm phần ba món. Trong lúc đợi bữa ăn, tôi hỏi:
- Anh lên đó một mình hay cả nhà.
- Anh lên trước một mình.
- Chị và mấy cháu vẫn còn dưới này.
- Đúng rồi.
- Nhà anh có định bán không?
- Phải bán chứ, nhưng thong thả.
Bữa ăn dọn ra. Tôi lên tiếng mời anh trước khi cầm đũa.
- Anh thôi, ai thế công việc của anh.
- Anh không biết. Tòa soạn quyết định.
- Trong tòa soạn có gì với anh không?
- Không, không có gì cả.
Tôi không hỏi thêm. Bữa cơm ngon, tôi ăn nhiều, thực tình.
- Anh lên đó, làm việc cho tờ báo nào?
- Anh làm cho tờ Mercury.
Tôi lắng nghe anh giải thích thêm nhiều chi tiết trong đó điều kiện làm việc, chức vụ và lương bỗng.
- Dưới này lên San José xa không anh?
- Sáu tiếng đi xe đò.
- Cũng xa, bằng Sài Gòn ra Nha Trang.
- Thụy nói đúng.
Anh Huy hỏi tôi:
- Lương bổng Thụy ra sao?
- Cũng tạm, chắc không thể nào bằng các anh đã làm lâu. Em ăn hai lương, một lương cố định sửa bài, còn một lương tùy theo số bài viết.
Không khí dường như lắng xuống.
- Anh biết tin anh Giang đau không?
- Không, anh không hay.
Tôi nói qua bệnh tình anh Giang.
- Đã lâu chưa?
- Mới phát hiện gần đây.
Bữa ăn xong, hai người còn ngồi uống nước một lúc. Tôi nhớ lại buổi đầu tiên đến tòa soạn nhận công việc làm, chính là sửa bài, phụ là viết tin. Khi ông Chủ nhiệm giới thiệu anh, tôi thật là hân hạnh, vì ngày trước đã có đọc nhiều sáng tác của anh trên tạp chí Văn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Hết giờ nghỉ, chúng tôi trở về tòa soạn. Trên đường đi, hai ngươi chuyện vãn, anh Huy hỏi tôi trước 75 làm việc ở đâu. Tôi nói về công việc và thời gian ở lính của mình. Bất chợt tôi hỏi anh:
- Tập truyện ngắn Mù sương của anh, có in lại bên đây không?
- Không, mình chưa tìm được trong thư viện.
- Anh không mang theo được sao?
- Không. Ngày mình đi, hải quan kiểm soát rất gắt.
Tói nói mấy truyện trong tập đầu tay của anh mà tôi thích. Tôi còn biết anh ngày trước dạy học về môn triết, và anh cũng là người cùng thời với anh Giang. Vào giờ buổi chiều, tôi bắt đầu chú tâm vào chuyện sửa bài cho cô Ngà, coi và chữa lại trong máy trước khi in ra bài, để chuyển qua ban kỹ thuật.
Ở trong tòa soạn các phòng làm việc đèn sáng trưng, nhưng ra bên ngoài, lúc này trời bắt đầu tối. Khi về, anh Huy quá giang theo xe tôi, xe anh đang bỏ sửa ở tiệm chưa xong.
- Anh lên đó, tờ báo sẵn rồi hay có mình mới khởi sự.
- Đó là tờ báo Mỹ, phần của mình là lo cho ấn bản tiếng Việt.
- Vậy ấn bản này, mặt quảng cáo là dành cho người Việt.
- Đúng.
Nhà anh Huy ở trong con đường nhỏ, gần ngã ba, đường lớn ở ngoài đi ra thẳng tới biển.
- Vào nhà chơi một chút.
Tôi tắt máy xe theo anh đi vào. Tôi gặp một người đàn bà trẻ, anh giới thiệu, tôi lên tiếng chào.
- Cà phê nhé.
- Vâng.
Anh đưa tôi qua một phòng sách và đây cũng là chỗ anh ngồi viết văn. Tôi cảm thấy lúng túng, không phải cần một chiếc ghế ngồi, mà vì trông thấy sách vở của anh qua những hàng kệ, mỗi cuốn sách khoác lấy cái vẻ lịch lãm của một con người.
- phòng sách của anh thật ấm cúng.
Chị nhà mang cà phê vào và có một đĩa bánh ngọt. Rồi chị trở ra, để lại cho hai người.
Chiếc bàn thấp đặt bên cửa sổ, nhìn ra phía ngoài là căn vườn.
- Anh ở đây lâu chưa?
- Mình dọn về hơn một năm.
- Trước đó, anh ở nhà thuê.
Tôi uống cà phê thật đậm. Tôi quen với cà phê nên không mấy lo ngại chuyện thức khuya. Tôi nghĩ đến Thùy, ở đâu, trong tôi cũng có tiếng nói và bóng dáng của nàng.
- Ngày trước, có một thời gian anh phụ trách cho tạp chí Văn.
- Đúng rồi.
Anh chợt hỏi tôi:
- Thụy có viết cho Văn không?
Tôi cười gượng, đáp:
- Em chưa có truyện hay bài thơ nào đăng ở báo này.
- Sao không gởi bài để đăng.
Tôi nói về ước mơ của mình. Một lúc lắng nghe, thông cảm được những hoài vọng của lớp người viết trẻ trong giai đoạn đó, anh gật đầu. Một giọng bình thường, anh nói:
- Mình lại không để ý.
- Trong tòa soạn, anh Trần Phong Giao rất lưu tâm đến những cây viết trẻ.
- Anh ấy làm báo rất là công tâm.
- Tạp chí Văn thực sự là uy tín cho miền Nam. Ở báo này, những cây bút trẻ có điều kiện hướng tới, còn những cây bút đã thành danh cũng qua uy tín tờ báo mà tạo nên tên tuổi của mình.
- Thụy có đọc Sáng tạo không?
- Về sau, em có đọc.
- Giữa Sáng Tạo và Văn, có thấy gì khác không?
Tôi chậm nghĩ vài giây, sau đó bày tỏ với anh Huy về nhận định của mình Tôi nêu ý tưởng rằng tờ Sáng tạo ra vào thời điểm khi miền Nam vừa mới qua giai đoạn đầu đất nước chia cắt, nền giáo dục chưa cao các tỉnh nhỏ chỉ mới có trường trung học đệ nhất cấp, nên chi trình độ còn yếu chưa thể đọc nổi những sáng tác có nặng phần triết học của các nhà văn ở nhóm này. Tới khi tờ Văn xuất hiện, đó cũng là giai đoạn mới thành phần độc giả là lớp học sinh đệ nhị cấp và lớp sinh viên đã trưởng thành chính họ là nguồn gió mới cho văn học miền Nam.
Anh Huy ghi nhận một vài ý trong nhận xét của tôi. Tôi nói thêm.
- Ở báo Văn, em thấy truyện ngắn anh đăng khá nhiều.
- Thụy đọc thấy được không?
Tôi đáp:
- Anh là nhà văn đã thành danh.
Trong một lúc yên lặng, tôi nhìn ra cửa sổ. Tôi chạ, nghĩ mình đã ngồi lâu nên đứng dậy kiếu từ. Anh bảo tôi chờ, ngay lúc đó, từ hàng kệ thứ hai anh rút ra một tập sách nhỏ.
Với cây bút, anh ký tặng tôi cuốn sách có tựa: Căn nhà ngói đỏ.
- Cám ơn anh.
Tôi ra gian bếp chào chị nhà, xong rời bước. Bên tôi, anh Huy tiễn chân một đoạn.
Từ nhà anh Huy, về đến nhà tôi chừng mười phút xe.
Vừa mở cửa, tôi nghe chuông diện thoại reo. Ở đầu kia, tiếng của Thùy:
- Anh ăn uống gì chưa?
- Chưa, anh vừa mới về.
- Em đã làm cơm xong rồi, anh tới đi.
- Em đợi anh nửa tiếng.
Tôi để cuốn sách và mấy tờ báo lên bàn xong đi tắm. Khi trở ra ngoài mặc quần áo để đi, tôi có nỗi băn khoăn về căn bệnh của anh Giang. Từ hôm anh trở về Việt Nam thăm gia đình đến nay đã hơn hai tuần, tôi có sự thiếu vắng một tình bạn mà trước nay dường như tôi không nghĩ đến. Tôi có bạn bè, những người bạn của tuổi ấu thơ, thời niên thiếu, lúc trưởng thành, nhưng để có thực một tấm lòng trong cuộc sống của mình, giống với hình ảnh mỗi ngày ở nhà ga những chuyến tàu đến ngừng lại rồi ra đi trong tôi, ý nghĩ đó là một cuộc hồi hương.
Thùy đã đứng bên cửa khi nghe tiếng chuông.
- Hôm nay anh về trễ.
- Anh đến nhà anh Huy.
Thùy cho tôi biết có gọi điện thoại đến nhà hai lần. Tôi nói về anh Huy cho Thùy nghe, về căn nhà anh ở và một người đàn bà còn trẻ là vợ của anh Huy.
Thùy nói:
- Hồi đó, lớp của em có một sinh viên trường sư phạm ra dạy.
- Anh biết, ở các lớp dưới, sinh viên dạy cũng nhiều.
Hai người vào bữa ăn. Thùy hỏi tôi:
- Tại sao cậu Phiên không ở lính nữa?
- Cậu thích đi dạy học hơn là ở lính.
- Nếu cậu còn ở lính, làm to không.
- Có thể làm to.
- Nhưng rồi sao, anh không ở học với cậu nữa mà về ngoài Huế.
- Vào năm đó, cậu bị gọi tái ngũ. Việc nhà trường, chưa giải quyết xong.
- Em có viết một lá thư ngắn cho anh, nhớ không?
- Sao mà không nhớ, tới bây giờ, còn thuộc lòng.
- Em thương anh, anh lúc đó thật là hồn nhiên.
- Bây giờ anh đã khác xưa.
- Rất là khác.
- Nhưng với anh, có được em rồi, anh trở về lại với thuở trước.
- Không đâu, chỉ có Thúy Hà là của anh.
Tôi nhìn lại Thùy.
- Em rất hiểu anh.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

XIII

Lúc sắp hết giờ làm việc, có chuông điện thoại reo. Anh Huy bắt máy lên, nghe câu chuyện tôi biết là người gọi là anh Giang. Một lúc sau, anh Huy chuyển điện thoại cho tôi.
- Lát nữa ghé mình được không?
- Dạ được.
6 giờ chiều ban biên tập xong việc. Tôi và anh Huy cùng ra về, ngoài bãi đậu xe hai người chia nhau điếu thuốc hút.
- Tuần sau anh mới nghỉ, phải không?
- Hai ngày nữa thôi.
- Anh lên San José ngay hay là còn đợi.
- Thứ sáu này anh đi.
- Anh lên đó, thỉnh thoảng cũng xuống dưới này chơi.
- Mình còn xuống chứ.
Tôi ngập ngừng một chút, rồi tin cho anh biết buổi ra mắt của tôi và Thùy.
Anh hỏi:
- Vậy gia đình cũ ra sao?
- Em còn độc thân, tôi nói.
- Ủa, thật vậy sao?
- Vâng, đúng như vậy.
- Còn cô Thùy.
Tôi kể ngắn gọn, anh gật đầu.
- Nhớ tin cho mình hay.
- Vâng.
Xe anh Huy đậu bên kia đường. Tôi chào anh lên xe mình, không về nhà tôi đến thẳng chỗ anh Giang.
Khi thấy tôi xuất hiện, chị Diễm hỏi:
- Thùy đâu?
- Cô ở nhà.
Tôi đến phòng khách, ngồi xuống cạnh anh Giang.
- Công việc ra sao?
- Cũng bình thường. Ngày mốt anh Huy rời tòa soạn, đi lên san José.
- Trên đó, họ rất cần anh Huy.
- Anh về bên nhà ra sao? Hai bác thường không?
- Bà cụ còn khỏe, ông cụ yếu lắm.
- Còn anh?
- Ngày mai mình đi xét nghiệm.
- Em lo lắng cho anh.
- Cám ơn Thụy.
Trên bàn khách có hộp kẹo và mấy tờ báo in bên Việt Nam. Tôi cầm lên xem, buột miệng.
- Báo bên nhà in đẹp ghê.
- Sáng sủa, phải không?
- Bây giờ, bên nhà kỹ thuật ấn loát đã cao.
Tôi mở mấy trang đầu xem qua. Bỗng dừng lại, nghe anh Giang nói:
- Mình đã liên lạc với Nguyễn Kiêm Thạc. Thạc nhận lời, sẽ thay mình tiếp tục cho tờ báo Văn Học hoạt động.
- Anh chọn đúng người.
- Thạc nói với mình, cũng cần có người phụ một tay.
Tôi im lặng. Anh Giang hỏi:
- Thụy giúp cho Thạc được không?
- Giúp như thế nào anh?
- Đưa bài tới cho nhà in, rồi nhận báo phát hành.
- Vâng, em cố gắng.
- Tình thế này, mình cần thời gian để nghỉ ngơi.
- Anh rất cần nghỉ dưỡng sức.
- Cuối tháng này, mình cũng xin thôi việc, nghỉ hưu.
- Em chỉ lo lắng sức khỏe cho anh.
Tôi ở lại nhà ăn cơm với vợ chồng anh Giang. Tôi gọi điện thoại về cho Thùy sau bữa ăn. Nàng đi đâu vắng không có nhà. Một giờ sau, có một vài người khách đến thăm anh Giang. Lần đầu tôi gặp Thạc. Tưởng anh lớn tuổi, thế hệ anh Giang nhưng không phải. Thạc còn trẻ, lứa tuổi với tôi nhưng trông anh nhanh nhẹn, khuôn mặt sáng sủa, thông minh, cặp mắt đeo kính trắng. Trong buổi gặp này, tôi được giới thiệu cùng anh em, rồi nhân thể bàn bạc về các chủ đề cho ta báo văn học.
Tôi hỏi Thạc:
- Trước đây, anh học ở Huế hay Sài Gòn.
- Cả hai nơi. Còn anh.
- Tôi học ở Huế, nhưng dở dang nên đi lính sớm.
- Tôi cũng bị gọi động viên vào Thủ Đức, nhưng nhưng hết khóa học, biệt phái về đi dạy.
Xoay câu chuyện nhiều vòng, tôi và Thạc cùng ngạc nhiên, vì chúng tôi là bạn cùng khóa ở trường Thủ Đức.
- Anh Thạc có quen với Trương không?
- Bạn học với tôi ở Văn khoa.
- Tôi ở cùng Đại đội với Trương.
- Trương học về ngành sử.
- Anh nói đúng.
Khoảng mười giờ đêm khách ra về. Từ chỗ anh Giang tôi đến thẳng nhà Thùy. Bên nhau, chúng tôi thức khuya, nhâm nhi cà phê và chuyện trò.
- Căn nhà ở phố Phan Bội Châu, còn không?
- Vẫn còn, bà chị em ở.
- Sau này, mẹ có gặp lại người cũ không?
- Không gặp nữa.
- Cũng như em, không tìm kiếm lại nữa, phải không?
- Anh nói đúng. Em rất giống mẹ.
Tôi vẫn trông chờ thư chị Phượng Nga sẽ gởi cho tôi đọc trong những ngày tới. Bây giờ, ngoài cuốn album ra, kỷ niệm cũ thời gian học trường Mỹ Thuật của chị đầy ắp, và trong một cuốn nhật ký, trang nào cũng đầy kín những dòng chữ thương quý và xúc động.
Lần đầu tiên bà Huyên gặp lại cô gái, kể từ một buổi sáng hè năm ngoái cô đến đây, mới đó, đã qua hơn một năm.
Khi còn đứng trên bậc thềm cửa, bà trông thấy cô gái đang cắt tỉa những ngọn lá, nhánh cây, và chăm sóc từng cánh hoa, nhìn bóng dáng thiếu nữ hiện lên trong nắng sớm lòng bà nghe trỗi dậy một niềm thương mến và cảm thấy những giây phút hạnh phúc đang được gửi tới, riêng cho đời mình.
Từng bước chậm, bà Huyên đi trong dáng vẻ an nhàn, tự tin. Với bộ quần áo nhẹ vàng nhạt, khoác ngoài chiếc áo len màu cà phê, bà có cái dáng thật cao nhã, đẹp thuần hậu qua mái tóc bạc trắng, gương mặt đầy đặn, đôi mắt còn lấp lánh những tháng ngày tìm lại tuổi thanh xuân.
Hoa, cây lá, cũng là một thứ tình yêu giữ rất lâu trong tâm hồn cô gái. Ánh nắng in xuống vai áo hồng của cô. Không để ý gì chung quanh, lúc này, cô ngây người ngắm từng bông hoa đã nở rộng hết các cánh.
- Chào cháu.
Cô gái hơi giật mình, quay đầu lại.
- Dạ, cháu chào bà.
- Bà thấy cháu thật là dễ thương. Cháu đã làm sáng đẹp cảnh trí của nhà bà.
- Cháu rất thích chăm sóc cây cối, bông hoa.
- Và, cháu cũng là một cô gái xinh đẹp.
- Cám ơn bà.
Hai người bên nhau trong nắng ấm của những ngày đầu thu. Những ngày thu luôn mang dáng vẻ buồn dịu dàng, nhưng thật mới mẻ.
- Cụ ông khỏe không bà?
- Đã yếu đi nhiều.
- Cháu thấy bà vẫn còn mạnh.
Bên ngoài, con đường không một chút vẩn đục. Tất cả nhẹ êm, sáng sủa. Dòng sông chảy hiền hòa, những hàng cây dọc theo bờ sông phủ kín lá xanh mướt. Dòng sông trôi đi, trong lúc này ánh nắng từ đâu xa tràn tới phủ kín lên chiếc cầu. Đây là khu nhà ga, luôn gần gũi thân mật. Ở khu phố này khi có đoàn tàu ở các tỉnh về đến, lúc nào bạn cũng được nghe nó báo hiệu một hồi còi vang vọng thật dài và rất lâu.
- Cháu vẫn thường về thăm nhà?
- Dạ, cũng có về nhưng không thường lắm.
Cô gái lễ phép lên tiếng mời bà chủ vào nhà mình. Yên lặng, bà Huyên theo chân cô gái bước lên bậc thềm vào nhà.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Căn phòng làm phòng khách sáng hẳn, những sự vật bày biện đang lộ ra sự vẻ hớn hở để đón tiếp bà chủ nhà. Cô gái mời bà Huyên ngồi xuống chiếc ghế nệm, rồi cô đi ra phòng sau. Một lúc cô trở lại với khay trà, và để nhẹ xuống bàn.
Trong khi cô gái rót nước vào tách, bà Huyên nói:
- Bà rất hài lòng về cháu.
- Cám ơn bà.
- Cháu tên gì?
- Cháu tên Nga.
- Đúng là cái tên thể hiện con người của cháu.
- Mời bà dùng nước.
Bà Huyên cầm tách trà lên uống một hớp.
- Nhà vườn có bông mộc, cháu bỏ vào trà cho thơm.
- Dạ.
- Cháu đi dạy hay còn đi học.
- Cháu vẫn còn đi học.
- Cháu học trường nào?
- Dạ, trường Mỹ Thuật.
Bà Huyên gật nhẹ đầu, ánh mắt lan rộng cả niềm vui. Thật chú tâm, bà Huyên nhìn những bức tranh vẽ treo tường. Bà khen cách trang trí của cô gái. Bà nói:
- Cháu chọn những bức tranh thật dễ thương.
- Những bức này cháu vẽ lấy.
- Giỏi quá.
Bà ngắm cô gái, đôi mắt bà hạnh phúc lạ thường. Và, theo ý mong của bà Huyên, cô gái đưa bàn tay ra cho bà nắm giữ. Giọng thân tình, bà Huyên nói:
- Rất tiếc, con trai bà đã lập gia đình.
Cô gái bỗng thấy ngượng nghịu, bối rối. Rồi bà tiếp lời:
- Hạnh phúc cho ai được gặp cháu.
- Cám ơn bà có lời khen cháu.
- Không, bà nói thực lòng. Cháu ở đây thấy ra sao?
- Dễ chịu lắm, thưa bà.
- Cháu nói thực lòng chứ.
- Dạ, cháu rất thực lòng.
- Nào, cho bà xem cuộc sống của cháu.
Cô gái đứng lên mời bà Huyên vào phòng sinh hoạt của mình. Và, sự ngạc nhiên đến thích thú khi bà nhìn thấy căn phòng cô gái ở rất ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ.
- Cháu thật là một cô gái hoàn hảo.
- Dạ, cám ơn bà. Cháu thật hạnh phúc trước những lời khích lệ của bà.
Không nói gì thêm, bà nhìn ngắm những bức tranh cô gái vẽ. Những nét vẽ ấn tượng, màu sắc tươi sáng, trước mỗi bức tranh bà cảm thấy như mình được trở về lại những tháng ngày xưa.
- Nga, cháu đi theo bà.
Cô gái vâng lời, bước đi theo. Ra ngoài phòng khách, bà chủ nhà lấy chìa khóa mở một cánh cửa đi qua phòng bên.
Đây là căn phòng còn bỏ trống. Ở bên trong bức màn, gia đình cất những thứ đồ đạc riêng, nay không cần dùng đến.
Nhìn gương mặt cô gái, bà nói:
- Bà dành cho cháu căn phòng này để vẽ tranh.
Cô gái thoáng có chút lo ngại.
- Này cháu, bà hiểu ý. Không, cháu đừng nghĩ ngợi. Bà muốn dành cho cháu căn phòng này vì cháu yêu nghệ thuật. Chỉ có cháu, bà mới mở cửa căn phòng này. Đây là phòng tranh của cháu.
Giọng ngập ngừng, cô gái hỏi:
- Mỗi tháng bà cho cháu trả bao nhiêu.
Bà Huyên ngẩn người. Nhưng rồi nhìn vẻ mặt lo ngại của cô gái, bà hiểu.
- Không, bà không lấy tiền đâu. Bà dành cho cháu, cháu hãy dùng căn phòng này để vẽ tranh.
Một giọng xa vắng, bà tiếp lời:
- Nhưng rồi, đến một ngày cháu xa khỏi đây, xa khỏi thành phố này. Về sau, khi cháu rời căn nhà này, xin cháu gởi lại cho bà một vài bức tranh cháu vẽ để kỷ niệm nhắc bà luôn nhớ đến cháu.
- Vâng, cháu xin hứa với bà.
- Bà rất thương cháu.
Niềm vui quá bất ngờ, cô gái nói:
- Thưa bà, hôm nay là ngày sinh nhật của cháu.
- Vậy sao? Bà chúc mừng ngày vui hôm nay của cháu.
Rồi bà Huyên rút chiếc chìa khóa đưa cho cô gái.
- Đây, cháu cất giữ.
- Cháu cám ơn bà.
Nga theo chân bà Huyên xuống khỏi bậc thềm tam cấp.
- Bà về nghe cháu.
- Dạ, bà về.
Nga trở lại chỗ khóm cây, nàng dọn dẹp những cánh lá, cánh hoa và nhánh cây tỉa rụng vương rãi trên mặt đất. Bằng lối đi bên hàng rào, nàng cầm túi rác bỏ vào thùng xong đi tới bể nước rửa tay.
Nga trở lên nhà, trong trạng thái hân hoan và nàng nghĩ tới phòng tranh đặc biệt của mình.
Căn phòng lặng yên như thể mong đợi nàng lên tiếng. Ngay lúc này, nàng nghĩ tới việc dời những bức tranh bên phòng vẽ chỗ ở của mình, qua phòng mới, và từng bức một với nghệ thuật trang hoàng tranh thật khéo léo, cân xứng như nghệ thuật cắm hoa, Nga làm cho bức tường trở nên sinh động, đầy ánh sáng qua màu sắc khiến bạn có ngay cảm tưởng, mỗi bức tranh là một khuôn mặt hiện hữu ngoài cuộc đời. Và, hôm nay, cái cơ duyên của bà Huyên đem đến cho nàng, trở nên một sự tái tạo và trưởng thành khi nàng nghĩ đến cuộc đời mình. Ngày mai, đầy ắp những hứa hẹn. Và, ngày mai, cũng luôn luôn là những ngày tháng của mỗi mùa, trong cái tốt tươi, hạnh phúc.
Lúc nãy, mới bước chân vào căn phòng này, nàng giữ lấy một cảm giác có tính cách ước lệ, vừa thầm kín, nhưng giờ, là trước mắt nàng là một thế giới nhỏ bé được dựng lên thật bao dung, hài hòa. Từ một góc ánh sáng bên cửa Nga nhìn căn phòng, bất chợt nàng có ý nghĩ đây là một khung cảnh của sân khấu, và nàng đang tập diễn cho mình một vai kịch. Không chỉ đứng nhìn tranh vẽ của mình với tâm cảm của một người sáng tác, mà trong sự thưởng ngoạn nghệ thuật, Nga cũng đang ngây ngất với từng nét đẹp duyên dáng, vừa chân thực của tình yêu. Nga bỗng nhắm mắt lại, đây là giây phút huyền nhiệm, và nàng đã có ngay trong trí tưởng một bức tranh thật mới lạ, đầy ánh sáng của màu nắng và cây lá, mỗi màu là một niềm vui, mỗi màu là tiếng nói từ ngoài cuộc đời đưa nàng vào trong sự thể hiện của nghệ thuật.
Những giọt mồ hôi trên trán nhỏ xuống, cảm giác của vị mặn trên môi làm Nga nhớ nghĩ đến Nguyên. Và, người yêu của cô, một bóng hình đâu đó, thật rất gần bên cô.
Nga trở về phòng mình. Nàng xuống bếp, chiếc khăn mặt vắt trên vai, cả mái tóc đổ xuống khi nàng múc nước rửa mặt. Sau khi rửa mặt xong, Nga thong thả nghĩ đến bữa ăn trưa, mà hầu như nàng không dự tính trước. Ăn gì đây, nàng cất tiếng hỏi, đôi mắt hiền dịu đang đứng nhìn chung quanh gian bếp đã nguội lạnh, không có một chút lửa từ sáng đến giờ. Nhưng rồi, nàng chú ý đến mấy thứ thức ăn mua sẵn chiều qua để trên bàn, trong thoáng nghĩ, nàng nghĩ đến một vài món ăn sẽ làm chiều nay để mừng sinh nhật của nàng.
Nga nghĩ đến món ăn nhẹ. Nàng xách chiếc ấm ra bể lấy nước, đặt lên bếp đun sôi, và trong khi chờ nước sôi reo, nàng làm món mì gói, có cải, tôm và trứng. Đây là món đơn giản, nhưng với tài khéo tay làm bếp, món ăn này của nàng luôn hấp dẫn.
Khi nước bốc hơi, Nga vẫn để nước sôi thêm chút nữa rồi mới nhấc ấm, và từ từ nàng cho nước vào tô mì, xong lấy một cái dĩa đậy úp kín đợi lâu chừng hơn một phút, mì vừa chín tới.
Ngày chủ nhật bình yên. Nga ngồi ăn ngoài phòng khách. Bỗng nhiên nàng chợt nghĩ, từ một ngày ấy đến giờ, nàng ở căn nhà thuê này một mình, nhưng không lúc nào nàng cảm thấy lẻ loi, cô độc cả. Nàng luôn cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống, với không khí, cảnh vật quen thuộc, và hơn thế nữa, nàng luôn có Nguyên ngay cả lúc này đây vắng chàng. Hầu như, Nguyên vẫn hiện diện về bên Nga mỗi ngày.
Bữa ăn trưa ngon. Nga đứng lên đem chiếc khay ăn vào nhà để xuống chậu thau dùng rửa bát bên cạnh bể nước, xong nàng trở lên phòng khách, ngồi một mình uống trà thật thú vị trong sự yên tĩnh, rồi bỗng nhiên nàng khép mắt lại như đó là giây phút thần diệu của người họa sĩ nghĩ đến một bức tranh vẽ chân dung.
Khi cảm thấy trong cõi tiềm thức có một sự lay động êm dịu, nhẹ nhàng, Nga đứng lên, đi vào phòng nghỉ của mình. Trên mặt gối, tóc nàng xõa rộng. Nàng đọc tờ tuần báo Kịch Ảnh, số mới nhất, ra Huế ngày hôm qua.
Bài điểm phim của nhà văn Mai Thảo về cuốn phim The Snows of Kilimanjaro thật hay. Hai tài tử chính đóng trong phim này là Gregory Peck và Ava Gadner. Nàng đã coi nhiều cuốn phim Gregory Peck đóng, nhớ nhất là phim To kill a Mockingbird. Nàng cũng rất yêu thích nét đẹp lãng mạn, phong trần của nữ tài tử Ava Gadner. Nguyên cho nàng biết, nữ tài tử này, gốc Mễ Tây Cơ, cô ta đóng rất nhiều phim phỏng theo tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Enerst Hemingway, và anh có điều ngạc nhiên, trong phim A farewell to arms, đạo diễn không chọn cô ta đóng vai Catherine mà lại chọn Jennifer Jones. Phim A farewell to arms được quay hai lần đều cùng một nữ tài tử Jennifer Jones đóng, nhưng vai cô ta đóng không lột tả hết tính cách nhân vật chính trong truyện.
Phượng Nga đã thiếp ngủ, căn phòng lắng im không tiếng động. Tờ báo buông rời khỏi tay nàng, nằm bên cạnh chiếc gối. Và, hơi thở nàng nhẹ, vừa dễ gây niềm xao xuyến. Nàng đẹp trong sự yêu thương trên gương mặt, và nàng đang ngủ ngon giấc. Bên cạnh dòng thác đang tuôn chảy, con đường đèo uốn quanh dẫn nàng đi xa lên thành phố miền cao nguyên. Nga đang nằm mơ thấy mình đi trên một chuyến xe ca vượt từng quãng đèo, cảnh vật hai bên là rừng núi, ghềnh thác. Trời không mưa, nhưng gió lạnh ùa vào khoang xe, và nàng ngồi ở chiếc ghế dựa bên cửa xe nhìn sương mù bao phủ cả một vùng không gian xa lạ, thật là thơ mộng. Trong xe, có tiếng nhạc, có cả tiếng nói của hành khách, nhưng riêng nàng vẫn một mình. Và rồi, quang cảnh thành phố hiện ra, giông thư thể lúc này nàng đang nằm mơ vậy. Nàng hết sức ngạc nhiên trước khung cảnh một thành phố nằm giữa một không gian của núi và rừng bao quanh. Khi xe chạy ngược về phía con đường dốc, nàng trông thấy những biệt thự nằm trên các ngọn đồi, những ngôi nhà màu ngói đỏ tươi bên cánh rừng, những vườn hoa xinh đẹp, chim chóc bay qua trên hồ nước, và ánh nắng sớm đang dần dần làm loãng tan những đám sương mù dày trên các góc phố.
Nơi thành phố ấy nàng đến là Đà Lạt. Lúc này, trong giấc ngủ thật êm dịu, nàng vừa nhận ra được bóng dáng mình, và nhớ lại một mùa hè ấy nàng mới mười lăm tuổi. Nàng đến thành phố này để thăm một người anh ruột. Anh của nàng đi xa nhà đã lâu, và anh đang sống trong thành phố này ở căn nhà thuê chung với gia đình một người bạn thân.
Khi cô gái đến, sự xuất hiện của cô làm mọi người ngẩn ngơ, thấy cô đẹp như là thiên thần. Từ buổi gặp đầu tiên, những người trong nhà ai cũng quý mến, mỗi ngày ai cũng ai cũng dành được ở bên cô, ngắm vẻ đẹp dễ thương của cô, nghe giọng nói của cô như tiếng chim hót, và sự săn sóc dành cho cô là những món quà cô yêu thích.
Người anh của cô, sau buổi đi làm việc ở sở về, là để hết thời gian dành cho cô với mỗi buổi chiều là một cuộc dạo phố, đi mua sắm, đi tới các tiệm ăn, mỗi cuối tuần là đến một nơi có nhiều thắng cảnh đẹp rừng Saint Benoit, hồ Than Thở, thác Cam Ly, thác Prenn, thác Gougha, hồ Xuân Hương, tu viện Domaine de Marie.
Ngôi nhà ấy nằm ngang lưng dốc đường Duy Tân, bên kia đường là những hàng cây trồng anh đào và mimosa, ở sau lưng nhà, nhìn xuống bên dưới con đường là một ngôi trường trung học, về sau này, tôi mới nói cho cô gái hay tôi đã học ngôi trường đó, tôi đã ở thành phố đó vào thời gian cô đến thăm. Khi nghe tôi nói vậy, cô gái đã nhìn tôi bằng cặp mắt thân thiện, và bạn biết không, chỉ trong cái nhìn ấy mà bao nhiêu ý tưởng về hạnh phúc, về kỷ niệm, về tình yêu bỗng gợi nhớ lên trong sự hồi ức một thành phố cũ của tôi thời niên thiếu, ngày xa ấy, tôi thấy bóng dáng buổi chiều sương mù trên các ngọn đồi, tôi nghe tiếng thông reo lưu luyến hoài mong những dư âm của tiếng đàn vĩ cầm, và tôi được ngắm nhìn từng mùa hoa nở, đáng yêu nhất là hoa mimosa và hoa anh đào. Tôi chỉ học ở Đà Lạt hai năm, rồi đi xa. Rồi một ngày đó, tôi nhận được lá thư của cô gái, cô cho tôi hay rằng người anh của cô đã chết, anh ấy chết khi chưa có gia đình, hay tin cái chết của người anh, cô đã khóc sướt mướt, thảm thương như thể một người vợ chưa cưới. Lá thư viết dài, cô kể lại cho tôi nghe một mùa hè tuyệt vời của năm ấy, cô nói nhiều về tình cảm người anh của cô, và hiện giờ cô vẫn còn giữ lại kỷ niệm chiếc áo đầm học sinh màu xanh có dây thắt lưng màu hồng tím rất là đẹp.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Một hôm ấy, ngồi bên nhau cô gái hỏi:
- Bao giờ mùa hè mới trở lại anh nhì?
- Cô cứ nhìn những chiếc áo cô mặc sau mỗi mùa.
- Anh cũng như thế chứ.
- Không đâu, cô. Tôi chỉ có một màu áo thôi, đó là màu của núi rừng.
- Màu ấy, trông thật hoang dại.
- Tôi chỉ có mặc một màu áo đó. Vì tuổi trẻ của chúng tôi thuộc về chiến tranh.
- Anh không có được những ngày nghỉ hè sao?
- Không, cô. Những lúc nào tôi cũng nhớ, và bên cô, trong giọng nói của cô, lúc này đây tôi là kẻ trở lại một mình với thời niên thiếu.
- Người anh của em chết thảm thương quá.
- Cô thật đẹp và có lòng nhân hậu.
- Anh vẫn còn giữ những lá thư của em đó chứ.
- Tôi vẫn còn giữ lá thư của cô và nhiều hình ảnh khác nữa.
- Rồi thời gian cũng phôi pha.
- Với cô, trong niềm phôi pha, luôn luôn tôi vẫn thấy những hình ảnh sáng đẹp của cô.
Khi nghe tiếng chuông nhạc trên đồng hồ treo tường, Phượng Nga bừng tỉnh khỏi giấc mơ, thức dậy. Nàng thức giấc với một cảm giác dễ chịu, và nàng cũng biết rằng, lúc này buổi chiều đã tới.
Bên ngoài cửa, có tiếng nói thân quen của ba cô gái.
Vừa gặp nhau, các cô cùng cất tiếng cười vang. Rồi ở ngay phòng khách, bổn cô ngồi xuống, ba cô đem hết những quà tặng của mình ra khoe, còn Nga, nàng luôn là biểu tượng của hạnh phúc.
Phương, em gái Nguyên tặng cho người chị dâu tương lai một cuốn album và một tập ảnh phong cảnh về Hà Nội thuở xưa. Thư tặng cho Nga bốn cây cọ và hộp sơn màu nước. Liên An nhìn Nga, nụ cười trong cặp mắt đen lánh. Cô gái muốn để cho Nga tự tay mở sợi dây buộc gói quà. Và, quà tặng của Liên An là một khung ảnh lớn.
Nga nhận quà xong, nàng để một vài giây cho căn phòng thật là nồng ấm, rồi chút sau lên tiếng:
- Mình vừa mới mở một phòng tranh.
Tất cả ba cô gái nhìn Nga, kinh ngạc.
- Mời các bạn bước qua phòng tranh của mình.
Ngay khi Nga mở cánh cửa bên, những bức tranh của nàng mới treo xong lúc trưa dậy lên như một luồng sáng. Bốn người bước vào, những bức tranh đã xem trước đó, giờ là những bức tranh mới hẳn mang trọn vẹn một ý nghĩa về giá trị nghệ thuật khi nó có được vị trí của mình trong căn phòng này.
- Hay quá, nhưng làm sao chị có cơ duyên này, Liên An hỏi.
Bằng một giọng nhỏ nhẹ, thân tình, Nga kể lại câu chuyện sáng nay của nàng và bà chủ nhà.
- Vậy là là ngày sinh nhật của chị hôm nay đáng nhớ hơn bao giờ hết.
- Chị cám ơn Phương.
Sau một lúc khá lâu đứng ở phòng tranh, giờ bốn cô qua phòng khách. Vừa ngồi xuống, cả bốn người tranh nhau nói về thực đơn của mình dành cho một tối sinh nhật.
Liên An chợt hỏi:
- Nãy giờ, chị Nga giấu anh Nguyên đâu?
- Anh Nguyên đi đặt bánh.
- Thư sẽ làm món bánh lá.
- Phương là món bánh xèo.
- Liên An chỉ chờ tới giờ ăn thôi. Nhưng mình cũng có thể làm được món chả giò.
- Hay lắm.
Rồi cả bốn cô cùng đứng dậy, rộn ràng đi xuống bếp. Từ trưa, bếp nguội lạnh, giờ có lửa sáng, đã nghe ồn lên với những tiếng nói yêu đời của bao cô gái.
Nga nói với các bạn, nàng làm món mì Quảng và món xôi gà.
Thư bỗng lên tiếng:
- Mình làm nhiều món quá, làm sao ăn hết?
- Đừng lo, chúng mình ăn sinh nhật buổi tối mà.
Phương hỏi:
- Anh Nguyên có mời bạn anh đến không?
- Không, anh Nguyên chỉ dành cho chúng mình thôi.
Nguyên được từng cô gái nhắc đến tên, và một vài mẩu chuyện của anh thời trước.
- Em chưa hề hay biết buổi gặp đầu tiên của chị Nga và anh Nguyên.
- Tối nay, chị sẽ bảo anh Nguyên kể cho.
Liên An nói:
- Em muốn anh Nguyên kể hết chuyện các cô nàng anh quen.
- Anh ấy sẽ chiều ý Liên An.
- Còn chị thì sao?
- Bao nhiêu chuyện của anh, chị nghe kể hết rồi.
Thơ hỏi Nga.
- Có mấy phút chị buồn?
- Hơn một giây.
Ngọn lửa bếp cháy sáng lên làm đỏ hồng gương mặt các cô gái, và lúc này các cô đang chuyển qua những đề tài về chuyện học hành, thi cử, chuyện tình lãng mạn trong yêu đương của chính mình, bạn bè.
Thư lên tiếng hỏi:
- Chị Nga thích làm cô giáo không?
- Đó là ước mong của mình.
- Chị không thích làm họa sĩ sáng tác.
- Mình rất thích vẽ, nhưng không là họa sĩ, sự nghiệp to tát quá.
- Ở thành phố nào mà có chị Nga đến, sẽ là thành phố đẹp.
Nga đưa mắt nhìn qua Phương, nàng hiểu được bao nhiêu ý nghĩ dễ thương của cô em gái Nguyên dành cho nàng. Và, lúc trưa nằm nghỉ nàng đã mơ thấy một thành phố trong cái đẹp huyền nhiệm của thiên nhiên. Nguyên cũng nói, tên của nàng là một thành phố trong con tim.
- Em chọn học Luật, muốn trở thành Luật sư.
- Em mong năm tới lên Đại Học.
- Liên An thì sao? Đã có tin đi du học chưa?
- Vẫn chưa.
- Vẫn còn chờ.
- Vâng, em đợi chờ.
- Liên An nên đi ngành ngoại giao, Thư nói.
Nga mỉm cười nhìn qua Liên An. Vừa xem Liên An là một người bạn, vừa coi cô như em gái của mình, Nga rất mến Liên An. Về Liên An, cô thật hạnh phúc mỗi khi nói về Nguyên. Nguyên cũng là một lý tưởng của Liên An.
Phương bỗng phá ngang giấc mộng, cô nói:
- Với giấc mộng nào đi nữa, chị em mình rồi cũng chỉ làm đến chức nội tướng mà thôi.
Bốn người cùng cười vang. Buổi chiều đi quá nhanh. Bên ngoài, nắng đã tràn qua hết phía bên kia sông. Hàng cây trên bến nước, nắng ở đó treo từng cụm vàng óng, và hình ảnh dãy nhà tu viện dần dần vươn lên cao khỏi bóng nắng.
Từ đơn vị, Nguyên lái xe về nhà, tắm rửa xong anh thay quần áo xi vin rồi xuống phố, đến tiệm bánh Bảo Thạnh.
Nguyên trả tiền, nhận bánh xong về nhà ngay. Ba cô gái còn ở lại nơi gian bếp làm thức ăn để mình Nga lên nhà trên đón Nguyên.
- Trời, anh lạ quá.
- Sao mà lạ?
- Hôm nay anh thật trẻ ra như sinh viên thời trước.
Nguyên mặc áo sơ mi kẽ sọc xanh và chiếc quần tây xám. Nga nhận nghĩ thật đúng, những lúc như thế này, Nguyên trẻ hẳn trong dáng nét của thư sinh.
- Anh đặt bánh ở đâu?
- Tiệm bánh Bảo Thạnh.
Rồi một giọng vui, Nga hỏi:
- Anh có thấy gì lạ không?
Nguyên nhìn quanh, bất chợt nhận ra căn phòng bên mở cửa.
- Bà chủ cho em mượn căn phòng để tổ chức sinh nhật.
- Anh đi theo em.
Nga đưa Nguyên qua căn phòng mới, anh rất ngạc nhiên khi đứng trước những bức tranh của Nga. Hai người bên nhau, Nguyên mong tìm được ý tưởng mới.
- Em nghĩ sao?
Nga không đáp lời, nàng ngước lên nhìn Nguyên với nụ cười trong cặp mắt. Nguyên đặt bàn tay lên vai người yêu rồi kéo nàng lại thật gần. Nga hé môi, lặng im để cho Nguyên đặt môi hôn.
Một giọng nhỏ, nàng nói:
- Em là của anh.
- - Cám ơn em. Nghìn lần…
- Thôi, một lần mới quý.
Nga nói, rồi nắm giữ lấy bàn tay của Nguyên. Hai người trở qua phòng khách. Bất chợt, Nguyên bảo người yêu tới đứng bên cửa mở ra sân, anh lùi một bước và đưa máy ảnh lên ngắm cái dáng nghiêng có mái tóc dài thả xuống vai của thiếu nữ, rồi hai lần bấm nút, Nguyên chụp được cho Nga hai pose ảnh thật vừa ý.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

XIV

Bên ngoài, nắng đẹp sáng dậy cả khu vườn. Lúc Thùy xuất hiện tôi buông tờ báo đứng lên, bước tới gần nàng. Một giọng vui, nàng hỏi:
- Em có giống Thúy Hà của anh không?
Sau câu Thùy nói, tôi chợt có cảm giác lạ về mùi hương và sắc màu của gió xuân. Không dừng nghĩ lâu, tôi vào ngay một câu chuyện kể lại buổi chiều ngày hôm đó trên căn gác nhà Thúy Hà, (trong lúc nàng để lại tôi một mình, nàng đi xuống nhà dưới làm nước chanh cho hai người uống) tôi đứng lặng yên, tần ngần đưa mắt nhìn những chiếc áo dài của nàng móc thành một hàng dài trên sợi dây kẽm. Tôi nhìn rất lâu từng chiếc áo, bỗng thấy hiện ra hình bóng của nàng đi qua trên những con đường phố trong buổi chiều.
Hôm nay, trước mắt tôi là Thùy. Thùy mặc chiếc áo dài nâu, màu vải nâu giống như áo Thúy Hà mặc ngày đó trong buổi đầu tiên tôi gặp nàng ở trước cửa lớp học.
Tôi nói với Thùy:
- Đây cũng là món quà tặng của em cho anh.
- Không phải của Thúy Hà sao?
- Em đã thay thế nàng.
- Quả thực, em gợi nhắc anh nhớ đến Thúy Hà.
Tôi đọc cho Thùy nghe một đoạn thơ của thi sĩ Huy Cận:
Đã chảy về đâu những suối xưa
Đâu cơn yêu mến đến không chờ
Tháng ngày vùn vụt phai màu áo
Của những nàng tiên mộng trẻ thơ.

- Anh thuộc nhiều bài thơ quá hay.
Hai người chuẩn bị đi. Tôi xách cái túi đựng két bia, Thùy bưng hộp bánh mặn. Vừa ra lối cửa sau, tôi nhìn thấy những cụm hoa, cây lá và cỏ đều xanh trong dáng vẻ một buổi chiều còn mơ mộng. Hương là một thứ hạnh phúc, và hương cũng vừa cho tôi mấy câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho mây đừng bay đi.

Tiếng Thùy bỗng reo lên:
- Sao hôm nay trái tim anh tươi trẻ quá vậy.
- Anh vẫn thấy đời mình là của tuổi trẻ với hồn thơ.
- Nhưng, anh có làm thơ đâu? Em thấy anh viết văn thôi.
- Yêu thơ như là yêu hoa cỏ, với cảm xúc đó là mình luôn có hạnh phúc.
- Người thưởng ngoạn thơ là hạnh phúc, còn thi sĩ, xót xa với nỗi đau khi sáng tạo.
- Em nói có phần đúng.
- Xuân Diệu có đúng là thi sĩ của tình yêu.
- Chắc chắn là vậy.
Tôi mặc ngoài sơ mi chiếc áo len màu thuốc lá. Đây là chiếc áo ấm tôi mua từ Việt Nam đem qua. Sau tháng đầu tiên có đồng lương cho công việc làm ở tiệm bán nước, tôi trích ra một ít mua quần áo loại bền để mặc đi làm. Và tới lúc này, trong tủ và chiếc va li của tôi, quần áo hai mùa lạnh và mát có đầy đủ.
Nhà Thùy ở thành phố Fountain Valley, trên con đường có trồng hai thứ cây phong và phượng tím. Lá phong nhiều màu rớt rụng xuống đường trong mùa thu, còn phượng tím của mùa hè gợi một nỗi nhớ nhung đẹp và hơi buồn.
Bên kia đường là một khu chung cư có cổng ra vào điều khiển bằng một bảng hộp số cho mỗi nhà. Và, hàng xóm với nhà Thùy là một gia đình người Mỹ, người phụ nữ tên Lena có mái tóc vàng óng, khuôn mặt dễ thương, luôn vui cười. Lena rất thích món ăn Việt, đặc biệt là phở và giò cuốn. Những lúc làm món này, Thùy thường đem qua biếu cho cả nhà ăn, người nào cũng thích và khen ngon. Từ ngày Thùy và tôi quen nhau, Lena hiểu chuyện, nàng và cả người chồng nữa rất quý mến chúng tôi. Tôi không khá tiếng Anh như Thùy, nhưng mỗi lần nghe Lena nói, tiếng rất rõ, tôi hiểu và rất thích.
Vừa mới nhắc tên, chúng tôi cùng thấy Lena xuất hiện. Tôi cho xe dừng bên đường, Thùy hạ cánh cửa bên mình nói chuyện với Lena. Rồi, hai bên chào nhau. Lena vẫn còn dừng bên đường trước nhà nàng, đưa mắt nhìn theo.
Tôi ghé trạm xăng đổ thêm cho đầy. Nắng đã tắt, buổi chiều muốn trở lạnh. Khi trở vào xe, tôi cầm lấy bàn tay Thùy đặt trong tay mình. Tôi cho xe chạy hướng về khu công viên, gần đó có một ngôi nhà thờ. Trong câu chuyện tâm tình, chúng tôi nhắc đến thành phố Đà Lạt, ngôi trường học cũ và những người bạn quen.
Thùy nói:
- Vào những năm chiến tranh, anh và bạn bè, đâu có ai tránh khỏi chuyện đi lính.
- Chiến tranh mà, thời điểm lúc đó bắt buộc.
- Anh có nhớ nhiều đời quân ngũ của anh không?
- Quên sao được.
- Bao nhiêu năm anh đi lính.
- Mười năm.
- Cũng lâu, phải không anh?
Tôi bỗng nhớ tới ngày đầu tiên bước vào quân trường. Tôi có một khoảng thời gian yên bình khi còn là người lính hào hoa trong binh chủng Không quân. Rồi, chọn con đường tiến thân đi học lớp sĩ quan, nhưng tôi thất bại. Từ binh chủng Không quân tôi chuyển sang Bộ binh, bắt đầu đối diện với cuộc chiến tranh vào thời điểm leo thang và lan rộng. Thế rồi, ít năm sau đó cuộc chiến kết thúc, miền Nam buông súng đầu hàng. Sau cuộc chiến, hình ảnh còn lại thật hãi hùng là các trại cải tạo trong miền Nam cũng như ngoài đất Bắc.
- Sao anh qua tới bên đây, lại bỏ về?
- Rất nhiều người như em, hỏi anh câu hỏi đó. Xét cho cùng, mình trở về lại bên quê nhà vào lúc đó là tâm trạng chung của người lính đã thua trận, chỉ còn quê hương và người thân để bám víu.
- Anh Giang có ở trong quân ngũ không?
- Không, nhưng anh có dự một khóa học quân sự 9 tuần.
Xe chậm lại, đến lúc tôi dừng ở một ngã tư chờ quẹo trái. Bên kia công viên là thuộc về thành phố khác. Tôi nhìn thấy buổi chiều yên lặng trên công viên.
- Anh có dự buổi họp mặt với các chiến hữu lần nào chưa?
- Anh có đi dự hai lần buổi họp khóa.
- Vui không anh?
- Vui lắm.
- Khóa học của anh bên Thủ Đức.
- Không, khóa học thời anh ở Nha Trang. Thời đó, anh là SVSQ/KQ, cũng làm le được ít tháng.
- Sao anh không trở thành phi công như các bạn?
- Không, vì anh kém khả năng.
- Anh có đi học lái, nhưng không tốt nghiệp.
- Anh chưa biết gì về chiếc máy bay. Anh chỉ mới học Anh ngữ giai đoạn đầu, nhưng không pass nổi.
- Khó vậy sao?
- Không đi học, thì không thấy khó.
Tôi cười nói đùa với Thùy. Nàng hỏi lại tôi:
- Kỷ niệm cũ làm anh buồn không?
- Không, hôm họp khóa anh rất vui.
- Có văn nghệ, ca hát gì không?
- Làm sao thiếu, Không quân mà không có văn nghệ và nhảy đầm, đâu phải là lính hào hoa.
- Em biết, Không quân hào hoa lắm.
- Nhưng đừng tưởng các chàng phi công đắt đào đâu nhé.
- Thực vậy sao.
- Người phi công có nét ngoài như các hiệp sĩ, hào hùng, độc đáo, nhưng tìm được các cô Phượng không dễ đâu.
- Vậy hình ảnh lý tưởng của cô Phượng là chàng trai nào?
- Anh không biết, tùy cơ duyên mỗi người.
- Còn anh, cô Phượng ngoài đời có không?
- Anh có biết và gặp.
- Nàng chỉ là mộng tưởng khi anh hình dung qua một nhân vật trong tiểu thuyết.
- Em hãy tin anh. Nàng có thực, và rất là giống nét tả về cô Phượng trong cuốn Đời phi công.
Thùy cười tủm tỉm, nói nhẹ nhàng:
- Ngày đó anh viết thư cho em, có một số câu anh lấy trong cuốn truyện ra.
- Ngày đó, mới tập tễnh làm văn và viết thư tình, thì cũng mượn trong sách vở, tiểu thuyết thôi.
- Bây giờ nghĩ lại, thấy quê không?
- Không đâu, nếu mà quê làm sao có được em như bây giờ.
- Chừng đó tuổi còn non, mà thư tình cho gái rồi.
- Em thuở đó không biết yêu sao?
- Biết chứ.
Câu chuyện của chúng tôi như thể còn lẩn quẩn đâu trong một cuốn truyện tình nào đó.
Có lẽ, khách đã tới đông. Tôi chạy lên phía trên, tìm một chỗ trống đậu xe. Trước khi ra ngoài tôi soi gương, chải lại mái tóc một chút.
- Đừng ở lại khuya nghe anh.
- Không đâu, chừng hơn mười giờ mình về.
Hai người bên nhau, chậm bước đến một căn nhà đầu ngả ba. Đèn sáng khắp sân và lan ra mặt đường.
- Anh Giang chắc dạy học đã lâu?
- Anh và em thuộc thế hệ học trò lứa đầu.
- Anh chứ, em còn sau nữa.
Thùy tiếp lời:
- Chị Diễm còn quá trẻ.
- Chị Diễm cũng là học trò của anh.
- Hay nhỉ.
Tới lối rẽ vào nhà, chúng tôi cùng thấy thêm nhiều người khách tới nữa. Họ cùng nhóm cả nam và nữ, người nào cũng túi xách, chai rượu, khay thức ăn và tiếng trò chuyện nghe rôm rả.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Thùy rất vui, và lúc gặp khách hai bên cùng lên tiếng chào nhau. Liền đó, Thùy đi cùng với một bà bạn mới, còn tôi nhập theo cánh đàn ông.
Anh Giang đón khách, tiếng chào nhau, tiếng cười đùa vang lên thật rộn ràng. Một người lên tiếng hỏi:
- Ông Chủ bút mới đã đến chưa?
- Có đây.
Vừa nắm cánh tay tôi, anh Giang đưa cao lên giới thiệu với mọi người.
- Đây là ông Chủ nhiệm báo Bạn đường ngày xưa.
Vừa nghe tiếng cười vui trong số đông, bỗng có người hỏi:
- Tôi nghe tên rất quen, nhớ đâu đó có một tờ Bạn đường vào thời kháng chiến.
- Anh Trúc, nói đúng.
Đây là người trùng tên với một nhân vật của Nhất Linh trong cuốn Đôi bạn. Tôi dừng lại bên anh, giải thích nguồn ngọn tờ báo này, trong nhóm chủ trương có một người cậu bên mẹ tôi, vừa dạy học, vừa viết kịch.
- Tờ báo này xuất bản chừng hơn mười số thì ngưng.
- Còn tôi làm, chỉ được hai số.
- Hai số thôi.
- Thưa anh, chính xác là vậy.
Rồi mọi người tụ lại bàn khách, chuyện trò. Có nhóm đứng ở kệ sách, có nhóm ra phía cửa bên căn vườn, chỗ nào câu chuyện trao đổi cũng thân tình, gần gũi.
Bỗng chị Diễm lên tiếng:
- Mời quý văn hữu vào bàn cho.
Lập tức, mọi người cùng đứng dậy rồi sắp thành hai hàng để lấy thức ăn. Những chồng dĩa, khăn giấy và muỗng nĩa để sẵn trên chiếc bàn dài cùng các khay thức ăn sắp thành hai hàng ngay ngắn, rất đẹp mắt. Kỳ họp mặt nào cũng có thêm một hai người mới, rồi anh em làm quen, trở nên gắn bó nhau. Và ngôi nhà này, có một bạn đặt tên là Câu lạc bộ Văn học.
Đến lượt mình, tôi làm một dĩa ba thứ bánh có bánh lọc, bánh ướt, bánh bèo, cả ba thứ này dùng chung luôn một thứ nước mắm chanh ngọt.
Anh Thạc tìm đến tôi.
- Chút nữa ông cũng phải có vài lời.
- Anh cho tôi xin. Người quan trọng hôm nay là anh. Tôi nghĩ những lời phát biểu của anh hôm nay sẽ được lắng nghe và chờ đợi.
- Anh cũng nói về nhiệm vụ của mình.
- Có gì quan trọng để nêu, công việc của tôi chủ yếu là chạy ngoài.
- Tôi không nói đến vấn đề này. Tôi chú trọng phần nội dung.
- Vẫn giữ nguyên ban biên tập mà.
- Tôi đồng ý, nhưng có sự cộng tác của anh trong ban điều hành, thì phần bài vở anh cũng cần đóng góp.
- Anh nghĩ tôi viết được gì? Tôi viết còn kém, nếu mà anh đăng truyện của tôi, chỉ làm cho tờ báo giảm uy tín với độc giả. Không nên.
- Không được, ông nên viết bài.
Hai người vừa trao đổi chuyện, vừa ăn ngon. Tôi kéo anh Thạc ra phía ngoài, rồi thật lòng mình mà nói:
- Anh Giang với tôi rất là thân nhau. Vậy mà, truyện của tôi viết còn yếu quá không thể đăng được. Anh biết không, tôi thực sự viết văn đã lâu nhưng sáng tác của tôi ở dạng các báo ngày, báo tuần, còn các tạp chí tên tuổi như Văn, Bách Khoa ước mơ biết bao nhiêu năm trời, vậy mà tôi chưa có một truyện đăng ở đó để khoe với bạn bè. Tôi nêu tiếp nhận xét của anh Giang là truyện của tôi chỉ viết riêng cho một người nào đó tâm tình với tác giả để đọc, nó hoàn toàn vắng bóng độc giả. Về văn phong tôi viết văn như một cậu học trò, quá nhiều tưởng tượng, không thực tế nghĩa là chân tôi không có chạm đất vào cuộc sống thường ngày. Và đã có một nữ văn sĩ nhận xét, tôi hay nhảy lan man, viết lòng vòng để bôi cho đầy các trang giấy, nhiều câu văn hết sức ngủn ngẳn, rối rắm sai văn phạm, những nhận xét đúng đắn này, anh nghĩ làm sao truyện tôi đăng được, in được lên tạp chí.
Một giọng điềm nhiên, anh Thạc nói:
- Không tôi nghĩ anh viết được. Truyện anh viết có không khí lạ có hồn của tiểu thuyết, anh cứ viết đi, tôi giúp anh sửa chữa, hiệu đính.
- Tôi cảm thấy phấn khởi trong sự khích lệ của anh.
- Hãy có một niềm tin khi chúng mình cộng tác với nhau.
Tôi cười xòa nắm tay người bạn.
- Hết một dĩa rồi, mình vào làm tiếp.
Hai người đi vào. Buổi họp mặt vui vẻ khiến người nào cũng ăn nhiều, và tiếng chuyện trò không ngớt, phía đàn ông thật ồn ào, sôi nổi, còn phía phụ nữ, nhỏ nhẹ từng lời, lâu lâu chợt phá lên thật to một tràng cười hoan hỉ, rồi kéo theo những nhịp cười khác nữa.
Tôi tới gần bên anh Giang.
- Anh ăn được khá không?
- Mình ăn được.
- Hôm nay vui quá, phải không anh?
- Hôm nay vui.
Một giọng hơi nhỏ, tôi nói:
- Em sắp xin nghỉ trên báo Người Việt.
- Rồi Thụy làm ở đâu?
- Thùy sẽ xin cho em.
Nhìn tôi, anh Giang nói:
- Ở bên đây, cần có công việc làm.
- Em hiểu.
Không khí vui lắng dần, xong bữa tiệc họp mặt đến phần chính là thảo luận, mạn đàm.
Không đợi lâu, anh em văn hữu nam nữ có mặt đông đủ ở phòng khách. Phía gian bếp, còn lại một vài người ngồi chuyện trò với chị Diễm, nhóm này có Thùy nữa.
Anh Giang bước ra giữa, một giọng nhẹ nhàng anh thưa với văn hữu vì lý do sức khỏe không thể đứng trông coi tờ báo, nhưng vì lợi ích cho độc giả và sinh hoạt trong cộng đồng anh rất muốn tờ báo được duy trì, kế tục. Và, hôm nay, anh giới thiệu người Chủ bút mới Nguyễn Kiêm Thạc, một nhà văn vừa sáng tác vừa viết phê bình đang trong thời gian thật là sung sức.
Đoạn mở lời ngắn, anh Giang nói xong xin mời anh Thạc đứng lên chào các bạn văn. Tiếng vỗ tay nghe đầm ấm. Anh Thạc vào đề ngay:
- Tạp chí Văn học đã có mười năm hoạt động. Khi tôi đặt chân tới Mỹ, báo đã bước sang năm thứ tư rồi. Tôi và gia đình định cư trong quận hạt này, ngoài công việc kiếm sống tôi có sáng tác và gởi bài cho báo và được anh Giang chọn đăng. Từ đó, tôi hăng say viết. Hôm nay, trước các bạn tôi được anh Giang đề cử trong vai trò coi sóc tờ báo, cùng với tôi có anh Thụy và ông Nghi, thành một nhóm nhỏ coi về điều hành và liên lạc bài vở. Thực sự mà nói, ở trong anh em đây, vai trò Chủ bút có rất nhiều nhà văn nhưng do công việc, và không có thì giờ cũng như phương tiện nên anh Giang muốn tôi giúp cho tờ báo được sống cùng với độc giả, thấy nhu cầu này cần thiết, tôi nhận lời. Vậy, nếu tôi có dài lời một chút để anh em hiểu, sau đó, chúng ta cùng cộng tác với nhau để cho tờ báo còn tiếp tục.
Mới ngừng chưa nói tiếp, có người hỏi:
- Số đầu tiên của vị Chủ bút mới, có làm chủ đề không?
Anh Thạc hỏi:
- Theo các bạn, chúng ta làm số tuyển tập thơ văn hay số chủ đề.
- Về chủ đề, chúng ta chọn chủ đề gì?
Sau một vài ý kiến nêu lên, anh Thạc nói:
- Tôi xin đưa ra ý kiến của tôi. Tôi có chuẩn bị trước một chủ đề: truyện Kiều và số phận của miền Nam.
Mọi người im lặng, anh Thạc tiếp lời:
- Trong văn chương cổ điển Việt Nam có ba tác phẩm lớn bằng thơ, đó là Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, và Chinh phụ ngâm. Trước 75, chúng ta đã học nghiên cứu ba tác phẩm này, nhưng chỉ thuần về văn học, nghệ thuật mỗi tác phẩm, thiếu hẳn cái phần nhân sinh quan được nhìn từ mỗi phẩm ra ngoài cuộc đời. Sau biến cố 30/4/75, đọc lại các tác phẩm này, riêng tôi xét thấy nó đã soi rọi hết cả cuộc đời, trong đó, trung thực nhất là số phận của người miền Nam. Từ truyện Kiều tôi nhận ra vấn đề này, và muốn thực hiện ngay một số báo đặc biệt cho tờ Văn Học.
- Ý kiến đề xuất của anh Thạc rất hay.
- Anh Thạc phát biểu thêm:
- Nội dung câu chuyện, nàng Kiều trải qua mười lăm năm lưu lạc, không khác gì chúng ta mang cùng số phận của nàng. Kiều bán mình chuộc cha, vào chốn Thanh Lâu, trong chúng ta cũng biết bao nhiêu người vào chốn nhà tù. Đó là một đặc điểm, còn như trong đời nàng Kiều diễn biến như thế nào, từng đoạn thơ truyện Kiều cũng ứng với mỗi chúng ta, chẳng hạn buổi đầu ngơ ngác như hàng thần, rồi trong cảnh sống ở miền Nam rồi đi vượt biên và nỗi buồn với cuộc sống tha hương, tất cả đều xét nghiệm thấy, rút ra được những câu thơ Kiều của Nguyễn Du.
- Tôi thấy đề tài hay, mới lạ.
Một người lên tiếng:
- Trước 75 có một tuyển tập Chân Dung Nguyễn Du, và tạp chí Văn có làm số đặc biệt 200 năm Nguyễn Du. Ở ngoài này, chúng ta rất cần viết lại về thi hào Nguyễn Du và sự liên hệ với miền Nam của chúng ta.
- Vậy tôi đề nghị các bạn, trong mỗi hoàn cảnh của nàng Kiều, hoàn cảnh của chúng ta tương ứng, hãy đóng góp một bài viết. Được không các bạn.
- Hoàn toàn đồng ý.
Rồi sau đó, thơ truyện Kiều tuôn ra, càng lúc thẩm ý, thẩm tình. Về việc phát hành báo, tôi và ông Nghi cũng nói qua đôi lời, việc hai chúng tôi làm được anh em tin tưởng.
- Hãy vui trọn tối hôm nay nhé. Còn có rượu đây và cà phê Pháp rất ngon.
Một tiếng đàn dạo lên sau đó, người nhạc sĩ cất tiếng hát.
Về đây khi mái tóc còn xanh xanh
Về đây với màu gió ngày lang thang
Về với với xác hiu hắt lạnh lùng
Ôi lãng du quay về điêu tàn

Mọi người cùng lắng im nghe người nhạc sĩ hát bài hát này, giọng trầm ấm, nghẹn ngào. Tôi bỗng nhớ đến cuốn tiểu thuyết Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền, nhớ đến Hà Nội, nhớ đến Thanh.
Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn
Đốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh
Sẽ thấy cười tan vỡ vào đêm thanh
Và nghe thấy tiếng xưa bước nhẹ về
Đang khóc than trên đường não nề
Thôi nhé đừng hoài âm xưa
Giọt châu đã gieo trên thềm nhà
Người ngồi im vắng lắng nghe tháng ngày qua

Thùy lại gần ngồi xuống bên tôi, im lặng nghe khúc hát. Ngày đó tôi ở bên Thúy Hà. Ngày đó, trên căn gác ngôi nhà cũ tôi cùng nàng xem những tấm ảnh của nàng để trong cuốn album, và giờ đây tôi nhớ đến nàng, nhớ Hà Nội vào những ngày cuối cùng lúc đang trong cơn hấp hối. Tôi chợt nghĩ, Hà Nội chỉ còn sống sót và được tìm thấy trong bếp lửa.
Tối hôm ấy, có thêm nhiều người hát nữa. Những tiếng hát kết hợp lại, kỷ niệm cho một đêm nhạc buồn.
Mười một giờ đêm, có một số người ra về sớm nên tôi và Thùy cùng về theo. Anh Giang tiễn tôi và Thùy đi một đoạn đến chỗ đậu xe.
- Anh thấy sức khỏe đỡ không?
- Không khả quan mấy.
Thùy nói với anh Giang:
- Em mong anh chóng lành bệnh.
- Cám ơn Thùy.
- Hồi nãy, em chỉ nghe anh em bàn luận tờ báo. Tiện đây, em nhắc anh nhớ viết mấy lời đầu trang báo từ giã bạn đọc.
- Cám ơn Thụy, mình sẽ viết.
Tôi và Thùy mời anh Giang lên xe để trở lại nhà. Phía đó, đèn ngoài sân vẫn sáng, và âm thanh của tiếng đàn cùng tiếng hát còn vọng ra đường.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

XV

Về đến nhà, đêm ấy tôi không ngủ được. Thùy ngủ ngon giấc, nhưng trong giấc mơ nàng vẫn thấy tôi và hiểu được rằng tôi rất cần có những người bạn. Tôi tự nghĩ mình tuổi đã lớn, lập gia đình muộn, tháng ngày tuổi trẻ đã phôi pha đi ít nhiều mối hoài vọng.
Tôi thật tình thương anh Giang. Rồi đến một ngày anh vĩnh viễn xa tôi và các bạn bè thân thiết của anh. Tôi hồi nhớ lại Quy Nhơn, một thành phố nhỏ bên biển thật hiền hòa và đầy tình nghĩa. Tôi ở thành phố nhỏ này không đến một năm, làm việc cho ban phát thanh quân khu 2, còn anh Giang trong tỉnh nhà là một người có địa vị bên ngành giáo dục. Thế nhưng, anh rất giản dị, hòa đồng, hiểu rõ từng nhân viên thuộc cấp của mình. Anh có một trách nhiệm về công việc rất hợp lý, chính xác như thời gian di chuyển trên mặt chiếc đồng hồ. Khi xong một ngày ở công sở, rời bỏ nó anh có ngay một cuộc sống vui khác, đó là buổi chiều và tôi còn lại, anh tìm đến các bạn văn hoặc các bạn này tìm đến anh. Tôi là người được ở trong nhóm bạn đó. Khi gặp nhau, chúng tôi nhận ra anh trong cái phong cách của một cánh chim đầu đàn. Trước nhất, anh làm cho bằng hữu tin tưởng về thế hệ của mình. Đây là thế hệ sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh một đất nước bị chia đôi và bị chiến tranh đe dọa. Nhưng đây là một thế hệ ở miền Nam, có ý thức sáng suốt, và có trách nhiệm. Tôi có sự chú ý về cặp mắt thật nhân ái nơi anh Giang. Tôi như tìm được con người đích thực của anh trong ánh sáng huyền nhiệm của cặp mắt. Thật ít mấy ai có cặp mắt đẹp như anh. Và, đôi mắt anh trở nên một giá trị nhân bản, một biểu tượng của con người trước cuộc đời. Ngày xa ấy, mới bước chân vào đời anh Giang cho tôi hình dung một người thầy giáo trẻ đứng giảng bài ở lớp, với giọng trầm ấm, sâu sắc, anh phân tích từng đoạn thơ, đoạn văn, sau đó diễn giải ra các chủ đề cùng kèm theo ý hướng của mỗi tác giả. Ngày hôm ấy, tôi nghe một cách say sưa những lời anh nói về các nhân vật trong những tác phẩm vô cùng lớn lao của nhà văn nước Nga, Dostoyevsky. Nước Nga là một đất nước mà bao thế hệ tuổi trẻ dâng hiến trọn đời mình cho cách mạng. Một giọng nói thật hùng hồn, mê hoặc nơi anh làm tôi nhiều lần nhấp nhỏm muốn đứng dậy, cùng anh cất lên tiếng hát và đi về phía trước với linh hồn của một lá cờ dân tộc. Và, trong tôi sáng dậy cả tấm lòng, cả đôi mắt nữa khi nghe anh đọc thuộc những đoạn hay trong các bài diễn văn hùng hồn, đầy tính chiến đấu của nhà lãnh tụ Cuba Fidel Castro thời còn trẻ.
Giữa tôi và anh Giang, những ngày trước bên nhau thật là dung dị, bình thường như chuyến tàu buổi chiều về đậu ở tháp nước nhà ga, lấy nước xong lại tiếp tục cuộc hành trình.
Sinh quán ở Bình Định, huyện Bình Khê. Từ 1946 - 1955, tỉnh này thuộc Liên khu 5. Ở trong vùng kháng chiến, anh đi học tiểu học và mấy năm đầu bậc trung học. Sau hiệp định Genève 1954 anh theo gia đình về vùng quốc gia và tiếp tục việc học. Anh học ở trường Cường Để Quy Nhơn, hết bậc đệ nhất cấp, vào Nha Trang học trường Võ Tánh, rồi năm cuối ban Tú Tài anh vào Sài Gòn. Lên Đại học, chỉ ở trường Y khoa mấy tháng, anh bỏ sang học trường Văn Khoa, nhưng xong chứng chỉ dự bị anh bay ra Huế thi vào trường Sư phạm ban Việt Hán. Ba năm học ở đây, anh là sinh viên giỏi nhất lớp, tốt nghiệp thủ khoa anh chọn Huế, và dạy ở trường nữ Đồng Khánh. Chị Bích Diễm vợ anh, học ở trường này, lứa học trò đầu tiên của anh.
Không đơn thuần trong nghề giáo, thanh thản với cuộc sống yên bình sau các buổi dạy học, anh Giang còn có một sự gắn bó, một mối đam mê vô bờ với văn chương. Tôi được nghe anh kể, thời sinh viên sư phạm, số tiền học bổng 2000 đồng mỗi tháng sau các chi phí cần thiết, còn lại anh đi mua sách đọc. Anh là người thường xuyên có mặt mỗi tuần ở nhà sách Ưng Hạ. Nơi đây, có một kệ riêng dành cho tiểu thuyết Pháp. Anh rất khá tiếng Pháp, đọc tác phẩm từ nguyên bản. Anh đọc sách dường như không mấy ai bì kịp, và trong lúc đọc, anh biểu lộ con người mình bằng niềm tin, trí óc minh mẫn, sáng suốt và hết sức nhiệt tình.
Tôi có trực giác mạnh và thật nhạy bén về anh ngay trong buổi đầu mới gặp. Tôi như thấy được một vầng hào quang của trí tuệ nơi cặp kính trắng, và nơi đôi mắt đẹp của anh. Vào thời điểm tôi gặp anh ở Quy Nhơn cũng là lúc anh xuất hiện trên văn đàn và tạo ngay được tên tuổi. Những truyện ngắn đầu tay anh viết trên tạp chí Bách Khoa thật độc đáo. Và, chỉ qua vài năm, những sáng tác của anh truyện ngắn, tiểu thuyết được in thành sách và bán rất chạy. Mỗi truyện ngắn hay dài của anh, nội dung lấy từ cuộc đời thường bên ngoài, nhưng ẩn sâu trong đó một quan niệm về nhân sinh thật là mới mẻ, vừa chân thực. Anh thật sâu sắc với từng chi tiết trong mỗi câu chuyện, anh có một giọng văn thật giản dị, kiệm lời, và luôn giữ lấy sự trong sáng của tiếng Việt.
Tôi và các bạn văn bỗng xa anh một thời gian khi anh từ bỏ, rời khỏi chức vụ Chánh sở vào Sài Gòn làm việc tại Bộ Giáo dục trong một nhóm chuyên viên nghiên cứu. Chúng tôi không rõ lý do, nhưng thấy anh đi vui, không có điều chi buồn cả. Vừa tới Sài Gòn, vinh dự đầu tiên cho anh là giải thưởng văn học anh được trung tâm Văn Bút trao tặng về tác phẩm tiểu thuyết tựa Bóng Thuyền Say.
Khi có dịp trở về lại Quy Nhơn, anh thường tìm thăm các bạn cũ, gặp nhau chúng tôi rất mừng rỡ. Không cần anh giãi bày, những sáng tác của anh bằng hữu ngoài này đều được đọc trên các tạp chí, nhận ra rằng, anh viết càng ngày càng hay.
Sau buổi sáng hay tin Đà Nẵng mất, tôi cùng với anh em trong sở làm việc rời Quy Nhơn. Đó là ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng, thành phố bị địch quân vào chiếm đóng. Buổi sáng ấy, người dân trong thành phố rất sợ hãi, hoảng hốt. Không mấy ai bình tâm để có sự chọn lựa nên đi hay là ở. Đi, phải bỏ lại thành phố để ra đi. Tôi luôn có sự tiếc nuối về những kỷ niệm với nơi mình đã sống, nên trước giờ lên đường, tôi và mấy anh em ngồi chung xe còn chạy một vòng khắp các con đường phố để nhìn tận mắt từng quang cảnh, và để cảm nhận vài ba ý tưởng, hay bày tỏ được một đôi lời từ biệt. Khi mình đã sống gắn bó kỷ niệm với một nơi chốn nào, thì lúc bỏ ra đi, đó là một sự mất mát, dù rằng nó không so sánh với sự tổn thất của một cuộc chiến tranh.
Hành trình cuộc di tản một ngày đêm. Tôi về tới Sài Gòn buổi chiều ngày cuối tháng ba. Có vẻ như Sài Gòn vẫn bình yên. Về đến nhà, tôi hết sức hụt hẩng, vì biết tin vợ chồng anh Nguyên không đi được, đành ở lại Đà Nẵng. Để an ủi ba mẹ tôi và các em, tôi nói ít ngày nữa tôi sẽ đi Vũng Tàu, nơi đó, các đơn vị ngoài miền Trung di tản đang tập trung.
Nhưng rồi, trong nhà tuyệt vọng. Tôi xuống Vũng Tàu, ở lại đến cả tuần vẫn không tìm gặp hay biết được một tin tức gì của anh Nguyên.
Tôi phải trình diện tại đơn vị gốc là Cục tâm lý chiến. Vào đây, số anh em về được cũng khá đông, và do thiếu chỗ tá túc, buổi sáng đến điểm danh xong là chúng tôi được về, còn ở đâu, tùy mỗi cá nhân lo liệu lấy.
Giữa tháng tư, những trận mưa đầu mùa bắt đầu xuất hiện. Mưa đến vào buổi chiều, nhưng không kéo dài lâu chừng sau nửa giờ là tạnh, ánh nắng trên các khu phố chợt bừng sáng lên đem mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Thế nhưng, cùng với những ngày mưa đến sớm trong năm nay, đã là dấu hiệu báo trước cho một thành phố sắp tan rã. Và rồi, bỗng nhiên, Sài Gòn hiện ra trong trí tôi hình ảnh con tàu Titanic. Mấy ngày qua, giá vàng, giá sinh hoạt tăng. Người dân chạy nạn đổ về càng nhiều, càng đông, nhất là số quân nhân lạc ngũ không tìm ra đơn vị, và cũng không có lương bổng để lo cho cuộc sống còn tạm bợ.
Sự tình cờ tôi gặp anh Giang ở hiệu sách Khai Trí. Với giọng vui, tôi nói:
- Ở bất cứ đâu, cần gặp anh đến các hiệu sách là có.
- Anh em ngoài đó ra sao?
- Em không rõ lắm, nhưng chắc cũng về đây an toàn.
Tôi nói thêm:
- Sáng ngày 30 tháng ba, thành phố Quy Nhơn bỏ ngõ, dân chúng chạy đi hết.
Chúng tôi đến quán cà phê Mai Hương. Quán này trông ra phố chính Lê Lợi, lúc nào cũng đông khách.
Hai ly cà phê, gói thuốc. Ở đây các cô gái phục vụ khách rất là lịch sự, dễ thương.
- Công việc của anh ra sao?
- Nhàn lắm. Không phức tạp như công việc hồi mình làm ở Sở học chánh.
Tôi nói:
- Ít có ai như anh. Có một chức vụ bề thế trong tỉnh, vậy mà anh thôi, tránh sự phiền lụy, ganh tị, chọn văn nghiệp là lý tưởng sống của mình.
Tôi bật cháy que diêm cho anh Giang đốt điếu thuốc. Trong cặp mắt của anh, luôn cho thấy anh là một con người thức thời.
- Nhà anh ở đâu?
- Mình ở Thị Nghè.
- Lạ chưa. Anh ở phía ngoài hay trong?
- Ở trong, gần nhà máy dệt.
- Có thuộc đường Dương Công Trừng không?
- Đường này đây.
Tôi nói nhà tôi ở, anh cười to cảm thấy vui thực sự. Ngồi quán một lúc, tôi cùng về ghé nhà anh. Gặp bữa cơm, hai anh em cùng ăn, vui với dịp tái ngộ.
Bên ngoài mái hiên nhà anh có một chiếc bàn tròn đặt dưới gốc cây trứng cá với mấy chiếc ghế thấp. Có cả một chiếc võng nằm nghỉ nữa.
Hai anh em ngồi uống trà, có một lúc yên lặng.
- Anh thấy sao. Có thể điều đình thỏa hiệp gì không?
- Chắc là phải có.
- Anh nghĩ, Sài Gòn có mất không?
- Không có đâu. Sài Gòn là bộ mặt quốc tế: Mỹ, Pháp, nhiều quốc gia khác nữa còn hiện diện.
- Theo ý anh, ông Thiệu làm được gì?
- Cho đến lúc này, ông Thiệu vẫn hy vọng người Mỹ. Khi nào ông Đại sứ Mỹ rút, Sài Gòn mới mất.
- Sự nhượng bộ sẽ như thế nào?
- Mình nghĩ, sẽ có cuộc hiệp thương mới để cắt hết đất miền Trung cho phía Bắc Việt, còn lại, đất của miền Nam dành cho miền Nam.
- Nhưng phải có Mỹ hay các nước khác trong hai khối can thiệp còn hiện giờ, miền Trung mất hết rồi, Hà Nội sẽ chuẩn bị tấn công Sài Gòn và toàn miền Nam.
- Không đến đỗi đâu, giải pháp điều đình phải có.
- Hà Nội không chịu ông Thiệu đâu, phải thay người khác. Bây giờ, ông Thiệu tùy người Mỹ định đoạt.
- Người ta loan tin đồn, ông Dương văn Minh sẽ lên thay. Đây là giải pháp của phía Phật Giáo Ấn Quang.
- Anh nghĩ sao về thầy Trí Quang.
Năm 63, ông là linh hồn tranh đấu bên Phật giáo. Cũng hy vọng vào cơn nguy khốn này, ông có thể điều đình được bên kia. Cả hai ông, Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu hết sức kỳ vọng vào phe Ấn Quang.
- Chắc đó cũng thuộc về phe của Mặt Trận.
Tôi ra về, hy vọng vào những nhận định tình hình của anh Giang. Nhà tôi cách nhà anh một cây cầu, và con đường dốc dẫn đến khu chợ Chiều.
Trên đường về tôi nghĩ mông lung, trong mối hy vọng miền Nam sẽ còn, không mất. Người Mỹ còn ông Đại sứ, những ngày qua báo chí loan tin nhiều phái đoàn ngoại giao quốc tế đến Sài Gòn tìm một giải pháp ngừng cuộc chiến. Ngoài miền Bắc, Hà Nội dù thế nào cũng lệ thuộc Trung Quốc và Liên Xô, do vậy, hai nước này ra lệnh bảo họ ngừng chiến, điều đình, họ phải tuân theo. Nhưng cho dù một biến cố chính trị quan trọng xảy ra cho thủ đô Sài Gòn hay toàn miền Nam, thì thành phần dân chúng phải được bảo đảm, và nếu di tản, hai bên cũng sẽ đồng ý một kế hoạch thời gian ba trăm ngày như trong hiệp Genève 1954.
Về tới nhà, tôi không cảm thấy vui vì ba mẹ tôi cũng như tôi rất lo lắng về gia đình anh Nguyên.
Tôi không lãnh được lương bổng, sống nhờ vào gia đình. Khi biết tôi ở gần nhà, buổi chiều hoặc tối, rảnh rang anh Giang qua bên tôi chơi. Nhà tôi trong khu lao động, gần chợ, ngày đêm rất ồn vui. Dọc hai bên đường, nhà nào cũng trở thành chỗ buôn bán, các quán ăn, quán cà phê mọc đầy.
Anh Giang và ba tôi nhận ra nhau ngay. Hai người nhắc thời ở Huế, dãy nhà thuê và các quán cơm ở đường Trương Định. Hồi đó, từ trong miền Nam đổi ra Huế ba tôi làm việc ở thư viện Đại Học. Nguyên là nghề giáo, nên ba tôi và anh Giang trong câu chuyện trao đổi cũng rất hợp ý nhau. Trên chiếc bàn vuông có trải khăn đặt ngoài phòng khách, tôi rót trà và mời anh Giang hút thuốc. Không khí hết sức thân tình, với ba tôi, anh Giang sống lại những tháng ngày cũ của một người sinh viên, và lúc này, ba tôi cũng vẫn trẻ trung đang cùng anh đàm đạo những bài thơ văn bằng chữ Hán. Một cách chân tình, ba tôi cho anh biết về quãng đời xưa của mình, ông học được chữ Hán thời gian ông đi tu sáu năm ở chùa Tường Vân Huế.
Sài Gòn bị pháo kích. Khu nhà máy dệt gần nơi anh Giang ở bị trúng đạn sập một mái ngoài. Tôi hết sức lo lắng, nghĩ tới một hồi kết cuộc rất là bi thảm. Ngày 26 tháng 4, trong cơn mưa buổi chiều tầm tã, ông Nguyễn Văn Thiệu đọc bài diễn văn từ chức. Và rồi, ít ngày sau đó, quả thực như tin đồn chính phủ hai ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu lên cầm quyền. Trong giai đoạn này, không thể nào nghĩ tới sự hợp lý của hiến pháp nữa, vấn đề quan trọng là cứu vãn Sài Gòn qua cơn nguy kịch. Tôi nhớ ra những nhận định của anh Giang, nghĩ ngay đến một giải pháp phía Phật Giáo Ấn Quang, tin rằng, Sài Gòn được sống sót. Nhưng lịch sử đã ngoặt bước. Ngày 29 tháng 4, Đại sứ Mỹ bỏ Sài Gòn, dùng trực thăng ra ngoài hạm đội 7. Người dân Sài Gòn hoảng hốt, tán loạn. Bến tàu, phi trường chật ních người chờ di tản. Ngày cũng như đêm, Hà Nội liên tục uy hiếp Sài Gòn. Tôi vẫn cố dành một chút đôi chút bình tỉnh của người lính để suy luận, thấy rằng từ khi Hiệp định Paris ký kết đã thấy trước mối bất lợi của miền Nam mà ông Thiệu đã không có kế hoạch gì ngoài việc để mặc cho tham nhũng và sự tham quyền cố vị. Tôi không thể nào hiểu được ông là một vị Tướng, từng chỉ huy một đơn vị lớn cấp Sư đoàn lại nghĩ ra một giải pháp quân sự bỏ đi vùng núi, bỏ toàn bộ cao nguyên để về giữ quân ở đồng bằng. Vậy chứ, ông đã không hay biết gì về khoảng cách những con đường nối từ cao nguyên xuống đồng bằng xa hay gần và tầm súng đại pháo 130 ly hiệu quả là bao nhiêu, về vị phó Tổng Thống, trong tình thế đã quá nguy kịch, ông ấy còn ham chi cái chức Tổng Thống, trong cái lúc, cái chết của Sài Gòn đã cận kề. Tôi thiết nghĩ, ông Thiệu hay ông Hương giao quyền sớm ngay cho chính phủ hai ông Minh và Mẩu ngay trong ngày 26, thì cuộc điều đình mà phía Ấn Quang làm trung gian, khả thi, có thể đạt được, cứu vãn được và nếu trong kết cuộc bằng sự đầu hàng thì dân chúng thủ đô sẽ có được một cuộc di tản có phương tiện và diễn ra trong vòng trật tự. Từ nhận định này, tôi nghĩ rằng số phận của Sài Gòn đã được lịch sử quyết định. Không nên tìm kiếm một nguyên nhân gần xa, không nên quy lỗi cho người này người nọ, và cả một chế độ chính trị Cộng hòa 21 năm lãnh đạo miền Nam nữa. Và, chữ nếu trong lịch sử chỉ có tính cách giải thích chứ không là một kết quả giải quyết các sự kiện.
Tôi xa cách anh Giang nhiều năm, đến năm 82, ở tù về tôi mới gặp lại. Và, anh Giang vẫn là người tạo cho tôi niềm tin. Trong một cuộc sống rất khó khăn, anh Giang vẫn viết văn, đeo đuổi nghiệp văn. Không chỉ những ngày tồn tại sống với đất nước của mình thôi, ra hải ngoại, anh vẫn tiếp tục theo con đường mình đã chọn lựa.
Khi hay tin anh lâm trọng bệnh, tôi rất lo lắng, càng nhớ nghĩ đến anh nhiều hơn. Vì rằng, con người của anh luôn được đánh giá bằng sự chính trực và lương thiện. Tôi nhớ một câu của nhà văn Pháp, Saint Exuypéry, làm người ấy là nhận lãnh một trách nhiệm. Trong cuộc đời thường cũng như trong văn chương, anh Giang luôn thể hiện một tinh thần xác thực đó. Những lúc tâm tình riêng, anh Giang nói với tôi, anh viết văn không phải muốn được làm nhà văn, mà thực sự bản thân anh không thể sống mà không có văn. Anh cho tôi hiểu thêm, có văn chương, từ đó mới nhận ra rằng cuộc sống là một vốn quý để tích lũy, để làm giàu tư tưởng và cái đẹp của con người. Con người phải có và tôn trọng giai cấp, vì giai cấp không phải là do sự giàu có của cải, mà do ở nhân cách văn hóa nơi mỗi con người tạo nên. Sự xóa bỏ giai cấp là một suy nghĩ ấu trĩ. Nó tự đánh thấp phẩm giá con người, cần phải có giai cấp, không phải là để bóc lột, thống trị, mà để phân biệt được trách nhiệm, và ý thức con người. Giai cấp nó không nằm trong của cải vật chất, giai cấp ở trong sự hiểu biết và học vấn trung thực của con người. (tác giả có một suy nghĩ bảo thủ trong vấn đề này, trong nhân bản vốn không tồn tại giai cấp, giai cấp sinh ra do những kẻ có ý đồ tạo ra nhằm để bảo vệ quyền lợi của mình)
Bỗng dưng, tiếng mưa đổ xuống mái nhà nghe nặng hạt làm tôi thức giấc. Tôi nhận ra mình vừa thiếp ngủ mới chốc lát, không lâu lăm. Trong mưa tôi chợt nhớ ra một truyện ngắn của anh Giang viết đăng trên báo Văn ngày đầu tiên anh đến Sài Gòn, anh đến cùng với trận mưa đầu mùa của thành phố. Mưa nhắc nhở tôi đọc lại những trang giấy, những trang sách của anh.
Tôi để Thùy ngủ yên, ngồi dậy rồi đi đun nước pha một ấm trà và một ly cà phê. Khi làm xong, tôi mang ra bàn khách ngồi đó, lại nhớ nghĩ đến anh Giang.
Trời chưa sáng rõ. Một lúc, anh Giang xuất hiện ngồi bên cạnh tôi. Anh nhìn tôi, một giọng buồn nói:
- Mình không sống được lâu nữa. Thụy cố gắng giúp Thạc lo tờ Văn Học, đây là tờ báo đóng góp cho văn hóa cộng đồng.
- Anh còn bao nhiêu bản thảo chưa in được?
- Còn một số, nếu lo được, Thụy lo giúp cho mình.
Thời gian lặng yên. Tôi nhấc chiếc phin cà phê, cho vào tách hai viên đường. Rồi lặng lẽ, tôi uống cà phê một mình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

XVI

Văn Học số mới ra đúng kỳ hạn, đầu tháng mười nhằm vào ngày chủ nhật. Tôi nhận một trăm cuốn đi đến các nhà sách trong khu Little Saigon giao mỗi nơi từ mười đến ba mươi cuốn. Xong xuôi, tôi về nhà ông Nghì kết toán tiền bạc. Diễn tiến công việc tốt đẹp, tôi nghỉ thêm ít ngày tối thứ năm sẽ cùng Thùy lên phi trường Los Angeles đi chuyến bay nửa đêm qua Memphis, thành phố lớn của tiểu bang Tennessee.
Tôi đã xin thôi hẳn công việc làm trên nhật báo Người Việt. Tôi sẽ làm công việc khác sau kỳ nghỉ hai tuần trở về, chính Thùy sẽ lo cho tôi. Thùy làm việc trên Sở xã hội, nàng có điều kiện ưu tiên khi liên lạc với Sở lao động tìm việc làm cho những người trông vào trợ cấp của chính phủ hay với mức lợi tức thấp kém. Vào tuần trước, tôi và Thùy chính thức làm lễ ra mắt giới thiệu với bạn bè. Mới lúc đầu chúng tôi định tổ chức ở nhà hàng, nhưng nghĩ lại, chỉ muốn trong vòng thân hữu nên hai chúng tôi tổ chức tại nhà để có được sự thân tình, ấm cúng hơn. Bằng hữu, trước nhất là vợ chồng anh Giang, Hạnh, một số bạn bên Không quân thuộc khóa 69B. Trừ tôi ra, các bạn cùng khóa đến dự đều là phi công bay đủ các loại vận tải, trực thăng, khu trục, chiến đấu cơ phản lực. Tôi và Thùy cũng có viết một số thư gia đình, riêng tôi, gởi cho Thúy Hà, Thúy Hiền, và một vị trước đây là Đoàn trưởng đoàn SVSQ. Bên Thùy có hai cô con gái về dự, hai người bạn cùng sở. Tiệc ra mắt, có một số món Thùy làm lấy, còn lại đặt nhờ nhà hàng làm đem tới. Thùy mặc chiếc áo dài nhung rất đẹp, nhìn nàng tươi trẻ, và quan sát kỹ thêm thì nàng giống với chị Phượng Nga đến hơn cả chín phần. Khi tôi nhận được thư chị Phượng Nga, chị cũng cho hay tìm lại ngọn nguồn những người thân hai bên nội ngoại, thì quả đúng, Phượng Nga và Thùy có sự liên hệ về huyết thống. Mẹ của Thùy và ba của Phượng Nga là anh em cùng mẹ khác cha. Từ cuộc kháng chiến năm 1945, hai anh em thất lạc nhau, người còn ngoài đất Bắc, người vào trong miền Nam. Tới năm đất nước chia đôi, Thùy theo mẹ cùng mấy em lên sống ở Đà Lạt, từ đó, không hay tin gì về những người thân phía bên mẹ của mình. Tuy rằng, Phượng Nga nhỏ hơn Thùy hai tuổi, nhưng là vai chị. Thiết nghĩ qua huyết thống, hai người có nét giống nhau cũng hợp lý thôi.
Tôi và Thùy có cơ duyên thành vợ chồng. Hai người gặp nhau lần đầu thuở non dại học trò, tưởng như đã quên, đâu ngờ lại có cuộc hội ngộ nơi đất khách quê người. Vậy nên, tôi hiểu được rằng tại sao lúc vừa gặp và quen biết với Phượng Nga tôi lại quý mến nàng và rất nhớ đến Thùy. Tôi thực sự có cảm xúc về Phượng Nga, tự cho rằng, mình là một thứ chất liệu về màu sắc trong những bức tranh vẽ của nàng.
Tiệc ra mắt vào buổi chiều, hôm đó cũng là ngày sinh nhật của Thùy. Khách đến đông đủ, đúng giờ. Mọi người đều có sự hòa hợp, niềm vui hoan hỉ trong tình thân lúc gặp nhau, thời tiết cũng lý tưởng với nắng, hoa và cây lá chan hòa trong một thứ hương gió mềm mại, ngọt ngào như những nụ hôn vừa mới thấm ướt. Thêm vào đó, những vị khách ăn mặc rất lịch lãm, đúng mốt, hợp mùa, sự đồng nhất cũng tìm thấy ở từng khuôn mặt rỡ ràng và trên mái tóc chải rẽ.
Hôm ấy, Thùy thật xinh đẹp, trẻ lại từng nét dễ thương, còn tôi vô cùng hạnh phúc. Những bạn trong khóa 69B với giọng đùa hỏi nhỏ bên tai tôi về chuyện ấy, tôi cười vui, ngây ngất, vừa nghĩ tới một nơi chốn xa xăm. Tất cả các món ăn đều rất ngon, vừa miệng. Người nào cũng thoải mái, đến anh Giang cũng thật là vui với các bạn hữu và vợ chồng chúng tôi.
Sau bữa ăn, đến cà phê, trà và khởi sự cho một cuộc vui qua những tiếng chuyện trò. Sài Gòn, thành phố của chúng ta được nhắc đến, nói đến, tiêu biểu nhất là các rạp chiếu bóng, quán cà phê, những quán ăn ở tiệm và trên các lôi vỉa hè, sau đó, là bao nhiêu thứ hàng quà. Mục hàng quà, cánh bên nữ rất là thích và rộn lên những tiếng cười khoái hoạt.
Bỗng dưng không khí yên lặng. Trên màn ảnh, bắt đầu xuất hiện những tấm ảnh của Thùy được chọn lọc trong những cuốn album lưu niệm của nàng. Và mọi người thích nhất là những bức ảnh nàng chụp ở Đà lạt, trên đồi thông, con phố cũ, lối đi đến căn nhà nàng ở trên con đường đất đỏ dẫn tới một ngọn đồi.
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông

Tôi nói chuyện với anh Giang về Thùy, về một buổi đầu tiên của thuở ấy gặp nàng, về một con dốc ghi lại hình ảnh cô gái áo tím đi một mình trong buổi chiều mưa bụi, mưa và sương mù trong buổi chiều ấy là cả một dòng nhạc đang chơi vơi. Sau khi chiếu xong hết những ảnh của Thùy, đến lượt ảnh của tôi. Những bức ảnh của tôi được chụp nhiều ở tỉnh Quảng Trị, rồi Nha Trang, Sài Gòn. Trong những bức của tôi, ý nghĩa về chiến tranh được nói đến. Và, ngoài những tấm ảnh của tôi ra, có một số ảnh của Thúy Hà cũng được chiếu. Một giọng chân tình rất thân thiết, Thùy tay cầm chiếc micro nhỏ nói với các vị khách, nói với những người bạn về Thúy Hà trong đó mối tình sâu đậm nhất là sự thủy chung của tôi đối với nàng.
Tới mười hai giờ đêm vãn tiệc. Tôi và Thùy đi theo tiễn chân khách ra về. Khi còn lại bên nhau, chúng tôi ngồi cạnh nhau nhìn lên ánh đèn, hương đêm vừa ấm, vừa cho một chút hạnh phúc thật mới mẻ.
- Em buồn ngủ chưa?
- Chưa.
Thùy dựa đầu lên vai tôi. Nàng nghe tiếng tôi nói:
- Hôm nay, mọi người đều cùng vui với chúng mình, phải không?
- Còn bao nhiêu ngày sắp tới nữa.
- Anh không mong gì hơn.
- Khi trở về, cuộc sống sẽ mới lạ và đổi khác.
- Thời tuổi trẻ của anh và em như thế đã qua hết chưa.
- Hãy đợi đến lúc nào cuốn truyện anh viết xong.
- Anh có nên giữ kỷ niệm với cuốn sách không?
- Hãy giữ, anh hãy luôn giữ để còn nhớ Thúy Hà.
- Em thật là quá tốt. Anh nghe lời em.
Buổi sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy trễ. Nắng ở ngoài vườn tràn vào cửa sổ, sáng lên trong căn nhà. Thùy có vẻ bẽn lẽn, tôi cũng vậy, hai người chỉ nhận ra rằng, nhờ ánh mắt tỏa ra nụ cười mới làm khỏa lấp được sự ngượng nghịu, bối rối.
- Mình đi ăn đâu em?
- Tùy anh.
- Em muốn cà phê ở nhà hay đến tiệm.
- Anh muốn thế nào?
- Ở nhà, em làm cà phê đi.
Thùy rời giường đi vào phòng rửa mặt. Tôi lấy tờ báo cũ đọc trang nhất. Một lúc sau, Thùy trở ra bếp đun nước. Trong lúc chờ nước sôi, nàng làm cà phê sữa. Tôi buông tờ báo đứng lên, đi vào phòng rửa mặt.
Khi trở ra, tôi ngửi mùi vị thơm của cà phê từ trong gói giấy vừa mở ra. Tôi đứng bên Thùy, nhìn vào hai cái ly nhỏ chú ý đến những giọt cà phê đang chảy đều. Cà phê pha xong, chúng tôi mang qua bàn khách, ngồi bên nhau.
- Anh có mua sắm gì không?
- Áo quần mới em mua cho anh còn đó.
- Anh mua thêm vài cái nữa đi.
- Anh nghĩ là vừa đủ. Và, từ nay, bên anh có em.
- Anh còn nhớ nghĩ đến Thúy Hà không?
- Không.
Cà phê ngon, vị ngọt của sữa thật là dịu.
- Anh nghĩ công việc gì hợp với anh.
- ở Mỹ, việc nào cũng khó cả. Mình đi làm, dần dần quen việc thôi.
Tôi hỏi Thùy:
- Em vẫn thích ở đây hay đi qua bên con em.
- Chúng nó tự do. Em ở đây với anh.
- Vậy là cuốn truyện anh viết xong rồi.
- Anh đã khởi sự đâu mà kết thúc.
- Có em, anh thực sự thấy mình có gia đình.
- Em thì sao?
- Cô có đến hai căn nhà, giàu hơn anh.
- Em chẳng cần đâu. Cho anh hết.
Câu chuyện của chúng tôi thật bình thường, tiếng nói nghe càng lúc càng cảm thấy gần gũi, thân thiết.
Rồi chúng tôi đứng lên thay quần áo, chuẩn bị đi. Từ nhà, chúng tôi đến khu Little Saigon, vào một tiệm ăn hủ tiếu. Tiệm đông khách, ồn ào, nhưng chúng tôi vẫn vào vì đây là tiệm ăn được, ngon. Vào bàn, trong lúc chờ, chúng tôi hỏi thăm nhau về những người thân ở bên đây và bên nhà. ít năm nữa, có dịp nghỉ dài ngày, chúng tôi sẽ về Việt nam thăm gia đình, họ hàng.
Bữa ăn sáng xong, chúng tôi cảm thấy no và nghĩ là sẽ không dùng đến bữa ăn trưa nữa. Về nhà ngay cũng được, nhưng có thì giờ thư thả, chúng tôi lái xe chạy vòng quanh các thành phố nằm về phía Bắc rồi đổ xuống phía Nam. Hai người vui chuyện, Thùy bắt tôi kể hết những chuyện của tôi đã bắt bồ với các cô gái ra sao, có đào hoa thực không hay chỉ là một anh chàng hay đi tìm đến nhà người khác để trồng cây si. Nhưng cây si không phải ở trong mộng tưởng thôi, nó có thực ngoài đời. Dì út, em mẹ tôi cho hay là thời ông ngoại tôi làm quan ở Nga Sơn, trước huyện đường có trồng một cây si lá rất là tốt. Tôi bắt đầu kể cho Thùy từng cô gái tôi gặp, mỗi cô là một câu chuyện tình vừa mơ mộng, dễ thương, và những chi tiết rất đáng nhớ đều thật. Bao nhiêu người đó, nay đi qua hết rồi, có nhớ lại, chỉ còn trong tâm hồn chút hương gió, hương trời, nhưng không tan.
Tôi kể xong, Thùy nói:
- Anh bỏ sót một người.
- Không, đầy đủ lắm em.
- Em là cô gái gặp anh lần đầu, mau quên quá.
Nàng cười cầm lấy bàn tay tôi.
- Em hiểu anh.
- Còn anh, được ông trời cho anh có em.
- Anh mừng không?
- Quá mừng.
Tôi sẽ không quên được một ngày này của hai chúng tôi. Hôm nay là ngày thời tiết đẹp, nắng ấm, hoa lá tươi xanh.
Ngày lên đường đã tới. Từ nhà, chúng tôi thuê taxi lên phi trường Los Angeles, sau khi làm xong các thủ tục ở tầng dưới, chúng tôi đi lên thang máy tới phòng đợi nằm ngay lối ra cổng có bảng số 42.
- Em buồn ngủ chưa?
- Không, em không buồn ngủ.
- Anh đi mua cà phê nghe.
- Một ly thôi.
- Anh mua hai cho tiện.
Tôi để Thùy lại một mình, đi đến tiệm bánh bánh và cà phê. Cà phê và bánh rất nóng. Hai thứ tôi để lên chiếc khay mang về phòng đợi. Kim đồng hồ tường mới chỉ mười một giờ hơn. Thùy hỏi:
- Anh Nguyên và chị Nga đi chưa?
- Tới hai ngày rồi. Anh chị đi bằng xe. Từ Texas đi Memphis năm giờ chạy xe.
- Vậy là anh chị sẽ đón mình.
- Cả nhà, có vợ chồng Lăng và các cháu nữa.
- Em đang hết sức mong gặp chị Phượng Nga.
- Chị ấy cũng nôn nóng gặp em.
- Em có giống chị ấy thật không?
- Hai người gặp nhau, nhận ra ngay thôi.
Cà phê uống ngon, hợp với vị mặn của loại bánh pâté chaud. Trong phòng đợi còn trống vắng, các dãy ghế đang thưa người ngồi, hành khách còn xa lạ nhau.
Trên TV, xướng ngôn viên đang đọc tin tức về giao thông, thời tiết. Những đoàn xe nối nhau trên xa lộ, đèn sáng khắp các dãy phố. Tôi chú ý đến một cửa hiệu bán bánh có đông khách ra vào. Cửa hiệu nằm bên góc ngã tư phố chính. Lúc ấy, trên phố đông người và xe cộ bị kẹt, chạy rất chậm.
- Em đã về thăm bên nhà lần nào chưa?
- Chưa.
- Em qua Mỹ cũng đã lâu.
- Ở bên đây chỉ có đi làm, về nhà lo việc nhà, không có gì khác.
- Em không có bạn sao?
- Có chứ, nhưng ít thân.
- Anh được gặp lại em vào buổi sáng đó, ngạc nhiên vô cùng.
- Anh thấy buồn hay vui.
- Buồn quá sức.
- Sao vậy?
- Gặp xong, về ốm tương tư.
Thùy nói:
- Từ ngày qua bên đây, em sống với các con em nhiều hơn cả.
- Nhưng sao em không ở chung với hai đứa nhỏ.
- Bên đây, tuổi trẻ tự do hơn.
- Mỗi năm, các cháu về với em dịp nào.
- Thường là dịp lễ Tạ ơn và Giáng Sinh.
Tôi không có tâm trạng về con cái như Thùy. Tới tuổi này đây gặp Thùy, tôi mới lập gia đình. Với Thùy, không có chi vương vấn cả, còn với tôi tuy muộn màng nhưng nghĩ đến hạnh phúc thực quý giá vô ngần.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Có tiếng chuông reo, tôi nhìn lên đồng hồ tường, ngay lúc này các nhân viên phụ trách chuyến bay đã vào ghi sê để làm việc. Họ coi lại danh sách chuyến bay, và gọi tên một vài hành khách lên điều chỉnh lại giấy tờ và số ghế.
Phòng đợi bắt đầu đông. Từ các nơi vừa đổ ào tới, chốc lát đã đông kín hết các ghế trong phòng đợi.
- Chút nữa lên máy bay em ráng ngủ ngon giấc.
- Anh làm em cảm động quá.
- Mới lấy nhau, cần săn sóc nhau cho kỹ.
- Thực vậy sao?
- Sao mà không được.
Sau lời thông báo của nhân viên phục vụ, hành khách ra lối đi sắp hàng đôi. Những người đi vé hạng nhất được ưu tiên vào cổng trước. Số hành khách này không nhiều lắm, liền đó là khách đi giá vé thường.
Hai cô tiếp viên ở cổng rất lịch sự luôn niềm nở chào hành khách khi họ đi qua cổng vào trong khoang phi cơ. Tôi và Thùy giữ lấy hành lý của mình. Tôi còn đeo thêm cái túi xách đựng quà biếu. Đủ thứ, chả lụa, bánh lọc gói lá, chả giò, bánh nhân mặn, đồ nhậu.
Tôi hỏi Thùy:
- Em buồn ngủ chưa.
- Chút nữa, lúc máy bay cất cánh em ngủ. Còn anh làm gì?
- Ngồi bên cạnh ngắm em ngủ ngon giấc.
Thùy cười, có một người khách nghe tiếng cười Thùy chợt đưa mắt nhìn qua. Vào bên trong, chúng tôi tìm đúng số ghế và đặt hành lý lên khoang. Dãy ghế ba chỗ, mới có hai ghế của tôi và Thùy.
- Em muốn ngồi bên cửa không?
- Em, em ngồi ghế giữa.
Bên Thùy, còn một ghế trống, chưa thấy có người đến. Trong khoang máy bay, đèn sáng từ phía đầu đến cuối hết. Chỉ ồn ào trong chốc lát, mọi người yên lặng trở lại. Chúng tôi nhìn quanh các hàng ghế không thấy có ai quen. Có một số khách dân Châu Á như chúng tôi, nhưng không thấy có người Việt. Đây là chuyến bay nội địa, nhưng cũng sử dụng loại phi cơ lớn 200 chỗ ngồi. Hôm nay, đông hành khách nhưng không kín đầy chỗ các dãy ghế.
Trên lối đi ngoài, các cô tiếp viên nhắc nhở hành khách cài lại dây an toàn. Tôi đứng lên, mở ngăn túi xách ngoài lấy xuống một cuốn truyện, đây là cuốn truyện dịch tôi rất thích đọc, và đã xem cuốn phim này một hai lần. Nữ tài tử Ava Gadner, tài tử chính trong phim có gương mặt gần giống với Thúy Hà. Ava Gadner, đóng nhiều phim dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Ernest Hemingway. Từ phòng máy, giọng một nữ tiếp viên cất lên thông báo cho hành khách đã tới giờ phi cơ chuẩn bị lên đường, yêu cầu hành khách buộc giây an toàn, không hút thuốc. Rồi, tiếng động cơ máy bay bắt đầu nổ. Cũng từ phòng máy, người phi công loan báo cho hành khách biết phi cơ sắp rời bến đậu, lộ trình và thời gian của chuyến bay, cuối cùng anh có mấy lời cầu chúc thượng lộ bình an.
Phi cơ đang di chuyển. Tôi ngồi bên cửa nhìn ra phi trường, quan sát quang cảnh và chú ý theo dõi những việc làm của các công nhân. Những hàng đèn sáng dọc theo các phi đạo, những chiếc xe cẩu đưa những chiếc cầu thang tới phi cơ, những chiếc xe bốc dỡ và chuyển hàng hóa lên xuống, tất cả rất đều nhịp và được tính toán rất là chính xác.
Chiếc phi cơ đang chạy đều tốc độ khi chạy qua các phi đạo trong khu vực phi trường. Ra đến ngoài cùng, phi đạo định hướng trống vắng, chiếc phi cơ dừng lại phía đầu vòng cua. Lúc này, người phi công liên lạc với Đài kiểm soát không lưu của phi trường. Mọi người bỗng nghe tiếng rùng mạnh của động cơ rồi phi cơ lao đi với tốc độ cất cánh, thật nhẹ nhàng bay lên không gian. Tôi vừa trông thấy biển, và bên dưới kia, các dãy phố còn sáng đèn, xe cộ di chuyển rất nhiều trên các đường phố và xa lộ.
- Hôn em đi và chúc em ngủ ngon.
Thùy bảo, vừa nắm cánh tay tôi. Tôi quay lại, cúi xuống hôn trên cặp môi Thùy, trong lúc đón nhận cái hôn đôi mắt nàng khép lại.
Thùy ngả đầu xuống thành ghế, tôi sửa lại tấm chăn rồi đắp lên người nàng.
- Em ngủ ngon.
Thùy yên lặng. Tôi mở rộng cuốn sách. Phi cơ đã đổi hướng bay. Tôi vẫn nhìn ra ngoài, quan sát bầu trời đêm và những cảnh vật bên dưới đất liền. Tôi trông thấy mây đêm trôi, bóng ngọn núi chập chờn ẩn hiện, và những vì sao xa gần. Tự dưng tôi cảm thấy bâng khuâng nhớ về mình, về một ước của tuổi trẻ, về một ước trở thành người phi công không thành đạt. Sự thất bại không có gì đáng trách, thế nhưng, hình ảnh người phi công tôi ao ước là được trở thành một nhà văn viết về những biểu tượng, biểu cảm trong một ý thức sáng suốt về con người. Tôi thích những cuốn tiểu thuyết của một nhà văn phi công Pháp Antoine Saint Exupéry, vì tác phẩm của ông là của một không gian đích thực của giá trị con người.
Tôi nhận ra đèn đã tắt, những hàng ghế im bặt hầu không có tiếng động. Lúc này, hành khách yên ngủ. Tôi nhìn xuống cuốn sách bỗng nhớ tới ngày được tin Thúy Hà lấy chồng. Một bao thư rất dày từ ngoài Đà Nẵng gởi vào Sài Gòn cho tôi. Khi mở thư ra, lòng tôi như chùng hẳn. Tôi bỗng có cảm giác mắt mình đang nhìn thấy một sự vật mờ nhạt lẫn lộn nhiều màu sắc. Nhưng rồi, tôi kịp hiểu đây là những tấm ảnh chụp đám cưới của Thúy Hà. Có sáu tấm, tấm thứ nhất là Duy đang đeo nhẫn cưới cho Thúy Hà. Bàn tay Thúy Hà đeo găng trắng. Tôi coi bức ảnh thứ hai. Với đôi mắt, với nụ cười, chiếc vương miện chít trên đầu, chiếc áo cưới vải kim tuyến, trên tay Thúy Hà ôm một bó hoa. Bốn bức ảnh còn lại là người thân trong gia đình và khách dự ngày hôn lễ. Có một bức ảnh chụp các em của Thúy Hà, vẻ mặt rất ngây thơ.
Mới tuần lễ trước đây, tôi nhận được thư của cậu. Cám ơn những lời hỏi thăm sức khỏe trong thư cậu viết gởi cho gia đình chúng tôi. Ở xa, chúng tôi luôn nhắc nhở và nhớ nghĩ đến cậu rất nhiều.
Một tin mới trong gia đình báo cho cậu hay là em Thúy Hà đã làm lễ vu quy. Đám cưới tổ chức vội vàng để chạy tang. Hai ngày trước, bên nhà ông cụ của Duy hấp hối, họ xin lễ cưới vì sợ để thời gian lâu, và ý muốn để cho ông cụ được gặp cô con dâu trước khi ra đi. Đúng ra, vào tháng mười đám hỏi xong, một năm sau cũng tháng này làm lễ cưới. Sự gấp vội ngoài ý muốn, nên gia đình chúng tôi không kịp gởi thiệp báo hỷ đến cho cậu.
Hôm nay, việc gia đình và của em Thúy Hà đã xong, tôi viết thư thăm cậu và tiện gởi cho cậu mấy tấm ảnh cưới của em Hà. Công việc làm của cậu lúc này ra sao, chắc cậu vẫn cố học thêm để lấy nốt bằng Tú Tài phần hai. Rất mong cậu đạt được ý nguyện. Khi nào có kỳ nghỉ phép, về thăm gia đình cậu nhớ ghé chúng tôi. Cuối thư, cầu chúc cậu luôn sức khỏe.
Mến cậu,
Kha.

Tôi lặng suốt thời gian đọc thư. Tôi cũng cảm thấy khó khăn tìm những điều cần thiết để gởi lá thư về cho ông bà Kha, cả Thúy Hà nữa. Vì rằng, đây là một ngày đám cưới buồn, không mấy vui. Chừng một tuần lễ sau, tôi tiếp nhận được thư riêng của Thúy Hà.
Anh,
Em viết thư báo cho anh hay là em và Duy đã làm lễ cưới. Đám cưới vội vàng để chạy tang. Chỉ vừa kịp về đến nhà Duy, ông cụ thấy mặt em, rồi nhắm mắt. Ngày hôm đó, em không mặc áo cưới, mà khoác lên người: chiếc áo xô tang.
Không có chi buồn cả, nhưng về một ngày đó của đời mình, em nghĩ đến là thấy mình bị hụt hẩng vì xúc động. Em cũng đã trải qua những phút giây vô cùng bối rối, trước khi bình tâm lại và viết thư cho anh.
Những lá thư trước của anh gởi cho em, lúc nào anh cũng hỏi, bao giờ em làm lễ đính hôn và đến ngày cưới nhớ gởi thiệp mừng cho anh một tấm. Em cám ơn anh rất nhiều, thật mong tới một ngày vui của đời em có anh về dự. Ngày đó, lúc vui em nghĩ, em sẽ rót rượu cho anh uống thật nhiều, và say đi cùng với một giấc mơ. Hạnh phúc của anh trong giấc mơ đó là được thấy em.
Thế nhưng, anh không về được với gia đình, với em, khi anh đã nhận thư của ba, rồi của em, và anh đã biết rõ. Từ nay, tuy ở xa, nhưng anh đã trở nên một người gia đình. Ba mợ đã coi anh như đứa con trai thân thiết, và em đã là em gái thương yêu nhất của anh. Đúng như thế, phải không anh Thụy.
Em không gởi ảnh cho anh, vì ba đã gởi rồi. Sự việc cũng đến quá bất ngờ với em. Ba ngày trước đó, em đi ra Huế thăm Nguyệt là người bạn gái thân với em từ lúc hai gia đình còn ở Hội An.
Nhà Nguyệt ở vùng ngoại ô, căn nhà quay lưng với con đường lộ ở ngoài, cửa chính hướng ra phía bờ sông. Huế vẫn lặng lẽ, xa xôi, và trên dòng sông Hương tưởng như lúc nào cũng có câu chuyện tình được nghe một người kể lại.
Nguyệt sắp đi du học. Đó cũng là một lý do em cần ra thăm người bạn trước khi từ biệt. Thời gian em ở Huế không lâu, vỏn vẹn có mấy ngày. Từ Đà Nẵng em ra Huế bằng xe, nhưng khi về bằng tàu lửa. Lúc tàu tới ga Đà Nẵng, em vừa xuống, bất ngờ nghe có tiếng người gọi tên em. Hết sức ngạc nhiên, người đó là anh Thụ, quen em dạo em còn ở Quảng trị. Anh Thụ đi cùng một chuyến tàu với em trên đường trở lại Đà Lạt, anh ấy là sinh viên Võ bị, còn một năm cuối ra trường.
Hai người tình cờ gặp nhau, dành cho nhau cái bắt tay thật ân tình. Từ ga, em đón xích lô về nhà, buổi chiều hôm đó ba mợ nói cho em nghe rõ về chuyện bên gia đình Duy. Sau khi rõ chuyện, em qua một đêm suy nghĩ lao lung. Thế rồi, trời định đoạt cho em một ngày quan trọng của số phận.
Em cùng gia đình rất mong anh. Sau ngày cưới, em và Duy không đi đâu cả, nếu đi, em sẽ đi Đà Lạt, rồi trở về Sài Gòn.
Anh,
Em luôn hiểu rằng, suốt đời anh không thể quên em. Nhưng anh hãy một lời khuyên của em, là luôn anh cố giữ gìn sức khỏe, và luôn thấy cuộc sống là niềm vui.
Thương anh,
Em, Thúy Hà
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

XVII

Thùy ngủ say, ngon giấc. Tôi ngắm Thùy với đôi mắt âu yếm, thương yêu hơn bao giờ hết. Tôi vẫn thức trong lúc hầu hết hành khách đều yên ngủ. Phi cơ đang bay trong đêm, rất bình yên. Tôi trông ra ngoài nhìn thấy bầu trời đầy sao, tự dưng cảm thấy cuộc đời mình là cả một giấc mộng dài. Bấy lâu nay, tôi như là kẻ lạc đường. Hồi đó, nếu như tôi thi qua được phần Anh ngữ liệu tôi có trở thành phi công với một thời gian huấn luyện có thể kéo dài từ sáu đến chín tháng. Và, tôi cũng tự hỏi mình có khả năng học bay, trở thành một hoa tiêu như tôi hằng mơ ước, hay giấc mơ làm người phi công của tôi chỉ có trong văn chương, trong tiểu thuyết. Thế rồi, số phận của tôi được định đoạt. Tôi hoàn toàn không có gì cả. Thời gian qua đi mau. Tôi không ngờ được, tôi lại có cuộc đổi đời ở nơi xứ người không phải là bên quê nhà. Tôi gặp lại Thùy, không ngạc nhiên chi nhiều lắm, nhưng lấy được nàng làm vợ, trong ý nghĩa này, tôi có được hai thứ, một với tuổi trẻ không đánh mất thời gian, một với sự trưởng thành ở độ tuổi nhi bất hoặc. (Tam thập nhi lập, Tú thập bất hoặc, Ngũ thập tri thiên mệnh — Đàn ông tuổi 30 thì làm nên sự nghiệp, tuổi 40 thì thông tỏ sự đời, trên tuổi 50 thì hiểu được cả mệnh trời.)
Đêm hun hút, mơ hồ với tiếng động. Tôi bỏ được thuốc lá từ sau lần tái khám sức khỏe và chụp hình phổi, nhưng với cà phê, hẳn còn, còn nặng. Thuở đi học, tôi biết uống cà phê rồi khi theo nghề văn, sau đó là đời lính, thuốc lá cũng như cà phê tôi đâm ra nghiền nặng. Mãi tới lúc này, chỉ còn với tôi một thứ là cà phê.
Tôi vừa mới làm quen với cô tiếp viên Cathy. Tôi đã gọi ly này là ly thứ tư. Thế nhưng, cô Cathy vẫn vui vẻ phục vụ, và ly cà phê nào cô mang ra cũng nóng hổi, dậy mùi thơm. Tôi không uống đường, chỉ dùng loại kem và sữa tươi half and half. Hai người trao đổi những câu thân tình, lúc nhìn nhau, tôi thấy Cathy có cặp mắt đẹp, nụ cười duyên dáng và giọng nói dễ thương của cô đem lại cho tôi niềm vui.
Lúc trời vừa rạng sáng, tôi quay đầu nhìn ra ngoài. Từng tảng mây trôi nhanh, bầu trời dần mở rộng, ánh sáng cũng biến dạng và đổi sắc màu. Từ trong phòng máy, cô tiếp viên loan báo cho hành khách biết, hai mươi phút bay nữa phi cơ sẽ đến phi trường Memphis. Vừa dứt lời thông báo, các hàng ghế bỗng lao xao tiếng động, mọi người cùng chợt thức.
- Em ngủ ngon không?
- Em ngủ được. Anh thức suốt đêm sao?
Tôi có thiếp đi trong lúc nhớ đến lá thư ngày đó Thúy Hà gởi cho tôi. Một giọng vui, tôi nói:
- Chuyến bay đêm ngắm bầu trời đầy sao thật là đẹp.
- Trái tim anh chỉ có tuổi hai mươi.
- Hết rồi, anh đã gởi em cất giữ tất cả.
Thùy nắm bàn tay tôi. Tôi đưa ly cà phê còn nóng ấm cho Thùy uống vài hớp để lấy lại tỉnh táo. Từ trong phòng lái, sau lời cô tiếp viên, người phi công trưởng báo cho hành khách biết phi cơ sắp đáp, và ông ta ngỏ lời chào tạm biệt hành khách chúc mọi người một chuyến đi vui, may mắn.
Tôi nhìn ra ngoài. Buổi sáng xuất hiện qua ánh nắng và gió nhẹ gây cho tôi một cảm giác thật dễ chịu. Bên dưới cảnh vật trôi nhanh, không kịp ngoái đầu. Tôi trông thấy cánh rừng, những con phố, và ngả đường nào cũng đông xe qua lại. Phi cơ bay qua con sông, hạ thấp dần xuống và đang chuẩn bị đáp.
Tôi nhìn đồng hồ tay. Thời gian bay từ Cali qua Memphis đúng 4 giờ 15 phút. Phi cơ vừa chạm bánh, chỉ lắc nhẹ một bên, rồi lấy lại thăng bằng và trườn nhanh trên mặt phi đạo, một lúc sau tốc độ chậm bớt dần cho đến lúc vào ngừng hẳn chỗ bến đậu.
Thùy còn ngồi yên trong khi tôi đứng dậy mở cửa khoang hành lý lấy đồ xuống. Mọi người đều cùng đứng lên sẵn sàng. Từ phòng máy, nữ tiếp viên phụ trách phát thanh lên tiếng chào tạm biệt và chúc hành khách một ngày vui vẻ, thoải mái.
Hàng người di chuyển. Bên tôi, có Thùy. Ra khỏi cổng, chúng tôi bắt đầu đi nhanh với chiếc va li và túi xách mang theo. Vừa thấy Lăng, cả anh Nguyên và chị Phượng Nga nữa, tôi vẫy tay, phía đó cả ba người cũng thấy liền vẫy tay chào mừng rất là nhanh.
Vừa gặp nhau, ai cũng lộ vẻ mặt hân hoan. Phượng Nga chạy tới Thùy ôm chặt người em gái của mình. Tôi thấy cả hai cùng khóc.
- Cô Thu đâu?
- Hôm nay, cô phải đi làm.
Tôi vui đến bên người chị dâu. Phượng Nga hỏi tôi:
- Sao lại đi chuyến đêm?
- Bay đêm, mình được ngắm sao trời vui hơn.
- Đúng là con người của thơ văn.
Chúng tôi cùng kéo nhau ra về. Bãi đậu xe cách cổng chính khoảng vài trăm mét. Hành lý chất phía sau, Lăng cầm lái, anh Nguyên ngồi ghế bên. Ở sau là tôi, Thùy và chị Phượng Nga.
- Em nghĩ được bao nhiêu ngày?
- Hai tuần chị ạ.
Tôi nhìn qua Phượng Nga, nàng cười. Thùy nói:
- Anh Thụy cứ nhắc đến chị luôn.
Tôi hỏi:
- Qua đây, chị có vẽ tranh nữa không?
- Có, mình cũng vẽ được khá nhiều.
Lăng cất tiếng hỏi mọi người:
- Ăn sáng món gì đây?
- Tiệm ăn Việt nam ở đây nhiều không?
- Có một khu của người Việt, ăn cũng khá.
Lăng đưa mọi người đến một tiệm phở. Mới bảy giờ sáng, tiệm chưa đông khách. Cả nhà vào ngồi ở chiếc bàn trông qua cửa nhìn thấy khu phố bên cạnh. Bên lề đường, có vài chiếc xe đậu. Một người phụ nữ Mỹ đang tưới nước cho cây lá và nền cỏ trước nhà.
- Ở bên đây có vẻ yên tĩnh.
Chúng tôi đợi không lâu, người phục vụ mang bữa ăn sáng ra. Thùy và chị Phượng Nga lại nhìn nhau. Tôi nói với Lăng:
- Chút nữa, chạy một vòng ngắm phố nghe.
- Cảnh đầu tiên anh và chị Thùy được ngắm là dòng sông Mississippi.
- Hay lắm. Tôi nghĩ đến con sông này và nhớ cuốn truyện Túp lều của chú Tôm.
Thùy nói với Phượng Nga:
- Anh Thụy vẫn mơ mộng, lúc nào cũng thả tâm hồn vào văn chương.
Phượng Nga nhìn qua tôi. Tôi hỏi anh Nguyên:
- Anh gặp lại nhiều bạn cũ của anh không?
- Có, bên anh có một đám bạn cũ cùng đơn vị.
Phở ăn được, nhưng không ngon như các tiệm ở bên Cali. Tôi chợt nhớ món mì Quảng, liền nói với Thùy:
- Em sẽ được ăn món mì Quảng của chị Nga nấu.
- Ngon lắm, phải không chị.
- Mình sẽ nấu cho hai bạn ăn.
Vừa ăn và chuyện trò, ai cũng muốn mình được nói nhiều vì rất là vui cho ngày hội ngộ hôm nay.
Sau bữa ăn, Lăng gọi cà phê cho cả năm người. Thùy hay nhìn qua tôi khi nói với Phượng Nga. Một đôi lúc, tôi ngượng ngùng mỉm cười. Tôi vẫn thích đôi mắt của Phượng Nga. Thời mới quen nhau, anh Nguyên hay nhắc đến tôi với nàng. Rồi ngày ấy gặp trên cùng một chuyến xe, hai người thật sự thân thiết với nhau.
Người phục vụ đem cà phê sữa nóng ra. Tôi cầm tách uống một hớp đầy, ngon miệng. Tôi hỏi Lăng:
- Bên đây người Việt mình đông không?
- Khoảng mười ngàn.
- Chỉ trong Memphis thôi.
- Không, cả tiểu bang, nhưng tụ đông là ở đây và Nashville.
- Nashville là thủ phủ.
- Đúng.
Tôi uống cà phê cảm thấy tỉnh táo. Bên nhau, Phượng Nga và Thùy nói chuyện về gia đình ở hai nơi Đà Nẵng và Đà Lạt.
- Thời gian Thùy ở trại tị nạn bao lâu?
- Em ở sáu tháng.
Ngồi trong quán cũng khá lâu, chúng tôi đứng dậy. Trong khi Lăng đến quầy trả tiền, chúng tôi ra ngoài.
Vào giờ này, cảnh sinh hoạt bắt đầu. Những làn sương sớm tan mau khi nắng lên, không khí ấm dần. Từ bãi đậu, Lăng cho xe chạy chậm ra khỏi khu thương mại, rồi bật đèn hiệu xin đường rẽ trái. Ở nơi này đến khu downtown còn bốn dặm nữa, chừng mười lăm phút xe. Trong khi Thùy nói chuyện với Phượng Nga, tôi nhìn ra ngoài cố gắng ghi nhận và chú ý đến cảnh vật. Hai bên là cây rừng, có những quãng vắng, nhà ở có khu khá sang, nhưng cũng có khu tồi tàn, chật chội.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

- Đây là khu downtown.
Vừa vào con đường phố chính, Lăng lên tiếng cho mọi người hay để cùng quan sát cảnh sinh hoạt khu trung tâm. Những nhà ở cao tầng xây bằng gạch, khu nhà thờ, các siêu thị, và con đường xe đang chạy song song với đường tàu điện. Ở đây cũng có cả xe ngựa chở khách, nhưng không giống như xe thổ mộ ở Sài gòn. Tôi thấy vui và lạ. Tôi để cho anh Nguyên trò chuyện với Lăng về đám bạn học cũ thời trung học ở Quảng Trị. Anh Nguyên và Lăng cùng tuổi học cùng lớp ngày xưa.
Tôi bỗng hỏi Lăng:
- Bên đây có hội Quảng Trị không?
- Không, nhưng có một nhóm Nguyễn Hoàng.
- Gặp nhau thường xuyên không?
- Thỉnh thoảng.
Xe đổ xuống con dốc. Vừa trông thấy con sông xuất hiện tôi nhỏm người dậy, mắt nhìn phía trước.
Chiếc xe rẽ trái rồi lộn vòng lại và chạy dọc theo con đường bên ngoài công viên. Khu công viên rộng, tiếp giáp với bờ sông.
Lăng cho xe rẽ vào cổng chính tìm bãi đậu. Trong công viên buổi sáng còn vắng vẻ, chỉ có một số ít người lớn tuổi đang tập thể dục trong cách chạy và đi bộ.
Chúng tôi ra khỏi xe, thong thả bước. Đây đúng là nơi tôi muốn biết, muốn đến. Tôi nhìn quanh công viên, và mọi người đi bên nhau, mắt vừa nhìn con sông và hai cây cầu lớn hình vòng cung.
Rồi mọi người dừng lại ngắm dòng sông. Bên kia sông là khu rừng, cạnh đó là một cánh đồng. Tôi trông thấy rõ xa lộ xe đang chạy hai chiều lên về, và nhìn ngược lên phía trên dòng sông, tôi lại trông thấy cánh rừng và bãi cát.
Tôi hỏi Lăng:
- Bên kia sông là thuộc về thành phố khác?
Lăng giải thích:
- Anh nhìn chiếc cầu bên phải, qua khỏi giữa cầu là thuộc về Little Rock. Ở bên trên này cũng vậy, bên kia cầu là thuộc tiểu bang Mississippi.
Tôi được thấy một cảnh quan hùng vĩ và thơ mộng, ở nơi này rất thoáng đãng, sạch sẽ, ven theo dòng sông có chỗ người ta để bờ đất hoang dã, có chỗ kè thêm bằng đá, trông như một mô hình về kiến trúc.
Chúng tôi cùng đi bộ quan sát quang cảnh buổi sáng ở dòng sông và khu công viên. Bây giờ, đến lúc cần phải chụp ảnh để lưu niệm. Hai chiếc máy ảnh của Phượng Nga và của tôi lần lượt chụp người và cảnh vật trong công viên cũng như bên dòng sông. Tôi thích chụp những tấm ảnh có dòng sông và cây cầu. Một tấm tôi xuống dưới bờ đá đứng gần với con sông để chị Phượng Nga chụp vài tấm xong đến Thùy.
Một buổi sáng thật là dễ chịu, vui vẻ. Những tấm ảnh kỷ niệm này ghi dấu cho ngày gặp lại trong anh em chúng tôi và sẽ được gởi về bên nhà cho các gia đình.
Nắng lên cao, kim đồng hồ tay tôi chỉ mười giờ. Cuộc dạo chơi với thời gian buổi sáng tương đối là đủ, có thể chúng tôi trở lại nơi này vào những ngày tới để ngắm cảnh dòng sông buổi chiều, hay vào lúc hoàng hôn. Đây là con sông lớn, nhưng nó không gợi nhắc chúng tôi nhớ về quê nhà, những dòng sông, những thành phố cũ, mà dù ở xa, rất xa, nhưng lòng vẫn gói ghém.
Chúng tôi thong thả trở lại xe.
- Mỵ Châu vẫn ở với anh chị.
- Không, qua ở bên Quỳnh.
- Lúc này Mỵ Châu ra sao?
- Mỵ Châu học tiếng Anh khá lắm, đọc truyện từ nguyên tác.
Xe ra đường quẹo trái, chạy lên con đường dốc đi vào thành phố.
- Về nhà Lăng còn xa không?
- Nửa giờ xe.
- Mình ghé chợ một chút đi chú Lăng.
- Còn muốn đi đâu nữa không?
- Ghé chợ mua thức ăn, xong về nhà.
Lăng cho xe chạy với tốc độ trung bình. Phượng Nga hỏi:
- Ở bên đây, Thùy đi nhiều nơi không?
- Em đi không nhiều, chỉ qua thăm chỗ hai con em ở Seattle rồi về thôi.
- Chị cũng không đi nhiều.
- Cửa hàng chị buôn bán được không?
- Cũng được, có khách hàng ngày.
Khu thương mại rộng rãi. Có chợ, nhà băng, cây xăng và các cửa hàng bán hoa, bán vật liệu xây dựng.
Xe ngừng, tất cả cùng xuống. Phượng Nga và Thùy vào chợ, còn ba anh em chúng tôi đến một tiệm liquor mua vé số loto và vé số cạo. Vé loto ba anh em hùn mua chung, còn vé cạo, tùy thích. Tôi không đánh loại vé bingo và chơi ô chữ như anh Nguyên và Lăng. Tôi đánh ba loại vé 2 đồng, ba đồng và 5 đồng.
Vừa mới cạo vé đầu, tôi trúng được 40 đồng ngay trong hàng đầu có 10 X, với bốn đồng cho con số này. Tôi cạo những hàng còn lại, nhưng cuối cùng, chỉ trúng một con số thôi. Xong vé này, tôi cạo các vé khác, một vé ba đồng hòa, vé 2 đồng, trúng được 10 đồng. Sau một lượt, tôi đổi vé trúng lấy tiền, lại đánh tiếp. Nhưng rồi, chúng tôi cũng không chơi lâu, ai cũng thắng nhỏ, đủ dư tiền kéo nhau qua quán cà phê gần đó, mỗi người làm một ly.
Tôi chợt hỏi:
- Anh Nguyên còn nhớ anh Bình không?
- Nhớ chứ. Từ sau 75, không hay biết tin anh.
- Em có đọc bài anh Bình viết đăng trên Người Việt và Thông Luận, nhưng không có số điện thoại để liên lạc.
- Hình như anh ở bên Atlanta, Lăng nói.
- Anh Bình rất quý mến gia đình mình.
Anh Nguyên nói:
- Anh Bình lên đến cấp Thiếu tá, rồi phải giải ngũ.
Tôi và Lăng cùng nhớ lại hình ảnh một ngày duyệt binh ở tỉnh Quảng Trị. Khi anh Bình thân với gia đình ba mẹ tôi, chúng tôi thật hãnh diện về anh. Tôi và Lăng đang vui chuyện về anh, nhớ ngày hôm đó, nhìn đoàn quân duyệt binh rất oai dũng, hàng quân đều bước, vai mang súng, cánh tay đánh cao về phía trước, anh Bình đi hàng ngoài đầu đội nón sắt, bên lưng đeo khẩu súng colt 45 trông rất là oai. Vừa thấy anh, chúng tôi cất tiếng gọi, anh vẫy tay chào chúng tôi cùng đám đồng bào đứng bên lề đường. Anh thân với gia đình tôi và ba mẹ tôi coi anh như người con cả. Năm 1954, anh bị gọi động viên khóa 5 vào trường Thủ Đức. Từ Hà Nội, lớp người bị động viên được xe nhà binh Pháp đưa xuống Hải Phòng và lên tàu vào Sài Gòn, xong chuyển lên trường Thủ Đức. Đến tháng mười, đồng bào miền Bắc di cư vào miền Nam, những kỳ đi phép cuối tuần, anh và một số bạn nữa tới các trại tiếp cư tìm người thân nhưng chỉ thấy người lạ, không gặp người quen. Cuối năm 1955, chương trình di cư kết thúc, cũng thời gian đó, anh mãn khóa học ra đơn vị với cấp bập Thiếu úy, đeo một vạch vàng trên vai áo. Về sau, chúng tôi được biết anh là khóa Thủ Đức cuối cùng ra trường đeo lon Thiếu úy, qua khóa sau, sinh viên tốt nghiệp chỉ đeo lon Chuẩn úy. Tôi gặp lại anh sau nhiều năm xa cách, lúc đó, tôi vào Đà Nẵng ở nhà dì Hường Vân, anh từ Nha Trang ra đơn vị mới ở Đà Nẵng và thuê một căn phòng trọ ở nhà dì tôi. Nhưng rồi, không đến sáu tháng, sau cuộc đảo chánh anh lại đổi vào tỉnh Quảng Ngãi, làm Phòng ba Sư đoàn 2. Khi tôi đi lính, về Sư đoàn này, thì anh đổi vào miền Nam, làm Tham Mưu Phó Tiểu khu Hậu Nghĩa.
- Không biết, anh Bình có đi cải tạo không?
- Chắc là không?, anh giải ngũ năm 1973, sau hiệp định Paris chừng ít tháng.
- Rất có thể, những sĩ quan giải ngũ thời gian này cũng bị gọi trình diện.
Nhớ anh Bình, chúng tôi đứa nào cũng có kỷ niệm vui với anh. Về phần tôi, tôi nhớ mãi ngày duyệt binh lễ Quốc Khánh, anh đi ngoài cất tiếng hô vang thật dõng dạc khi chỉ huy đoàn quân tiến bước rất đều hàng.
Anh Nguyên quay sang tôi:
- Thụy có tính đi Texas không?
- Đây qua bên anh xa gần.
- Sáu giờ xe.
- Để em hỏi Thùy. Chắc là đi vào mấy ngày cuối.
Tôi nhìn đồng hồ, đứng lên đến quầy trả tiền cà phê. Vừa ra tới ngoài thì Thùy và Phượng Nga đã xong buổi đi chợ.
Đứng bên tôi và anh Nguyên, Lăng nói:
- Thùy và chị Nga giống nhau như là hai chị em.
- Hai bà này có liên hệ mà không một ai hay cả.
- Vậy à.
Tôi giải thích thêm cho Lăng biết:
- Bên mẹ Thùy và ba của chị Phượng Nga là hai anh em cùng mẹ khác cha.
- Thì ra vậy.
- Hai người này lại giống nhau hơn chị em ruột trong gia đình.
Thùy và chị Nga vừa tới với chiếc xe đẩy.
- Trưa nay chị cho ăn món gì.
- Cả hai thứ, bún bò, mì Quảng.
Lăng mở cốp, mỗi người một tay cho các túi thực phẩm vào một bên, cạnh chỗ để hành lý của tôi và Thùy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 28 guests