Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

Kim Tuấn rời ghế đứng lên đi về phía quầy trả tiền gói thuốc và hai ly cà phê. Anh còn nán lại chuyện trò với cô chủ, và tôi ngồi ở ghế một mình đợi chờ.
Hai người rời quán, bên ngoài đêm đã khuya.
- Buồn ngủ chưa.
- Chưa.
- Một vòng phố đêm không?
- Lãng mạn là một cái thú.
Bây giờ đi bên nhau, tiếng bước chân giày đinh dội trên đường nghe thật là đơn độc.
Tôi bỗng hỏi:
- Anh có làm cho hãng thông tấn ngoại quốc, phải không?
- Sao bạn biết.
- Tôi biết, không cần hỏi ai cả.
- Có, nhưng tôi ngừng một năm nay rồi.
- Sao vậy?
- Tôi không đồng quan điểm với họ.
- Anh nói rõ hơn.
- Họ rất là khuynh tả.
Tôi nói:
- Tôi thấy phóng viên ngoại quốc thích Bắc Việt hơn là quân đội miền Nam.
- Đó là lý do tôi ngừng cộng tác.
- Những tin anh chuyển cho các hãng thông tấn ra sao?
- Tôi tường thuật lại các trận đánh, một cách xác thực.
Hai người đi lên một quãng dốc vắng. Trong sương mù bao phủ, ánh đèn xa hiện lên rất là đẹp như một cảnh trong tranh vẽ.
Tôi nói:
- Tôi không hiểu sao, phía miền Nam luôn dành ưu tiên cho các phóng viên ngoại quốc, vậy mà, bất cứ một thông tin nào họ cũng cố tình làm sai lạc để có lợi cho Bắc Việt. Có vẻ như họ coi đám du kích đội nón tai bèo cầm súng đánh với Mỹ và quân đội miền Nam là anh hùng, còn phía miền Nam là thực dân. Tôi thấy họ không hiểu một tí gì về Cộng Sản, sự tương phản của họ luôn thấy rõ qua những bức ảnh, phía miền Nam cố tình bôi bác, xuyên tạc, phía miền Bắc là một cuộc chiến đấu thần thánh. Không biết họ còn nhớ không, Bernard Fall chết vì những quả mìn của Việt Cộng, và một đám ký giả chết ngổn ngang trên xe Jeep trong vụ Mậu Thân. Khi nghĩ về họ, tôi luôn có một ý tưởng thù hận trong đầu hơn là với Cộng quân. Anh biết cứ mỗi lần theo phái đoàn báo chí của bọn chúng ra mặt trận, tôi cầu sao cho những trái pháo rớt tỏm đúng vào những chiếc máy ảnh và máy quay phim của đám này, để họ biết, bên nào mới là phía bảo vệ họ.
Sau một lúc suy nghĩ, Kim Tuấn nói:
- Anh biết không, nói thực lòng nghề báo là một nghề gián tiếp làm kẻ phạm tội. Nghề báo, muốn viết được hay gây ấn tượng, phải tìm sự dàn dựng trong các bi kịch, không có một ai, viết từ cuộc sống đời thường, trong đó, hạnh phúc mỗi con người, gia đình, xã hội là sự yên bình. Thử hỏi, không có chiến tranh bọn chúng tới đất nước mình làm gì, và không thảm cảnh của chết chóc, bom đạn, lấy đâu chúng có những bức ảnh ghê rợn để trở thành tác phẩm nghệ đoạt các giải thưởng quốc tế. Những tác phẩm, danh vọng và tiền bạc, chúng nó cũng đã lấy từ xác chết trên xứ sở của mình. Ở trong miền Nam, chúng nó cứ nghĩ chiến tranh là do tính cách thực dân của lính Mỹ và quân đội VNCH, ngoài miền Bắc, sự đau thương, tàn phá, là do bom Mỹ cả. Tôi không hiểu sao cuộc chiến Mậu Thân với hàng trăm nấm mồ chôn tập thể ở ngoài Huế, họ không tận mắt đưa những thước phim này cho thế giới thấy rõ tội ác người CS, mà chỉ tìm những cái bi kịch từ quân đội VNCH, cho rằng quân đội này là nguyên nhân của tội ác. Tôi cũng như ông, không chịu nổi sự thiên lệch của đám ký giả nước ngoài, nhất là Pháp. Với sẵn mối thù với người Mỹ hất chân Pháp ra khỏi Đông Dương, nên Pháp luôn luôn đứng về phía Bắc Việt. Đã nhiều lần tôi có một ý tưởng, tại sao miền Nam không thả dù cho họ xuống miền Bắc để họ nhìn thấy rõ một đời sống thực của người dân ngoài đó, tha hồ viết.
Tôi cười sảng khoái. Và trong tỉnh lặng, những điếu thuốc đốt cho ấm cổ họng. Một giọng chân tình tôi nói:
- Tôi thấy miền Nam đã chịu đựng một cuộc chiến quá lâu dài.
- Người Cộng Sản không muốn có sự thương nhượng, họ chỉ luôn nuôi thù hận, gây hấn, với giá nào cũng nuốt trọn cả miền Nam để làm lợi cho phe chủ nghĩa CS. Thực sự chủ nghĩa Cộng Sản không đến từ phía nước ngoài mà chính ngay trong nước mình cố tình tạo ra một đảng phái theo công thức của thế giới để nắm quyền hành cai trị dân tộc. Từ 1954, với lịch sử họ luôn tự cho rằng, họ là người đánh đuổi Pháp dành độc lập cho tổ quốc.
- Nhưng tôi nghĩ, họ lợi dụng tinh thần kháng chiến của thế hệ thanh niên thời kỳ đó.
- Họ nói, những người trí thức đi theo họ, chứ không có sự lợi dụng.
- Có đúng chăng, Hà Nội gây hấn miền Nam vì Tổng Thống Ngô đình Diệm không chịu ký hiệp thương và thống nhất tuyển cử.
- Thực tế Hiệp định Genève chỉ nêu vấn đề ngưng chiến, không có sự chia cắt đất nước.
- Vậy sao dân miền Bắc di cư.
- Họ cũng như mình trong này, đều biết Cộng sản muốn thống trị đất nước, nên chính phủ ông Diệm từ chối thống nhất và khuyến khích người dân di cư vào miền Nam.
- Theo anh nghĩ, nếu hiệp thương thống nhất, miền Nam có thắng cử được không?
- Không đâu, mình thua.
- Người quốc gia ủng hộ ông Diệm.
- Hãy nhớ, Cộng Sản kiểm soát toàn bộ vùng nông thôn cả hai miền.
- Anh nói đúng. Khi ông Diệm về nước anh ở Sài Gòn, hay ở tĩnh.
- Tôi ở Sài Gòn.
- Anh nhớ được tháng ngày đó không?
- Có nhớ, nhưng chỉ thấy những cảnh tượng diễn ra thôi.
Hai người cảm thấy cháy nóng trong suy nghĩ mình về những ưu tư của xứ sở. Rồi đây, có được một dịp đi bên nhau như thế này, hay rồi đây, sẽ mỗi người tự mình thay đổi cuộc chiến.
Lặng lẽ, hai người trở về nhà và đi bằng lối cửa sau. Tôi căng chiếc ghế bố, trong khi Kim Tuấn vào nhà trong lấy chăm màn cho tôi.
Rồi căn nhà trở nên yên tĩnh. Tôi cảm thấy nỗi cô đơn của mình như đang lớn trong ý tưởng về một ngày mai. Khi cho tay vào túi áo trên tìm gói thuốc, tay tôi đã chạm phải một phong thư, đó là thư của Thúy Hiền tôi nhận được vào lúc trưa nay. Khi đọc xong, tôi cất trên túi áo.
Anh Thụy thương mến,
Em gởi thư này báo cho anh biết tin vui của em, ngày mười hai tháng sáu tới đây em sẽ làm lễ cưới với Lân. Vâng, đây là người bạn trai, sinh viên cùng trường nhưng trên em một lớp. Hình như em cũng đã nói cho anh biết về người bạn này.
Sự lựa chọn của em cũng hòa hợp với ý muốn trong gia đình. Chắc anh cũng biết thầy Huynh dạy môn tiếng Pháp, năm đó anh và chị Thúy Hà có học với thầy, Lân chồng sắp cưới của em là con của thầy. Một chi tiết nữa cho anh biết, là em sẽ làm lễ cưới với Lân ở nhà thờ lớn của thành phố, về tương lai, em đã ra trường, sau hai tuần đi Đà Lạt hưởng tuần trăng mật, em và Lân sẽ về Sài Gòn. Ở đây, em sẽ làm việc cho Ngân hàng Tokyo, còn Lân, trở lại hãng cũ RMK.
Em rất mong anh Thụy về dự đám cưới của em, nhưng em cũng đoán biết, anh không thể rời đơn vị lúc này lúc tình hình cuộc chiến còn đang căng thẳng, cam go. Không về được, xin anh hãy mừng cho em. Em luôn nhớ nghĩ đến anh, và em vẫn giữ mãi một ý tưởng mà anh đã có nói với em lần gặp đầu tiên đó, em luôn là cô em gái có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của anh. Sự chân thật của anh là niềm tin nên không suy nghĩ lâu để xét đoán những điều anh nói, mà chính em, cũng nhận ra rằng, giữa em và anh có cùng nghe chung được một tiếng nói rung động lên từ nơi con tim và đôi mắt của hai chúng mình. Vậy anh đừng nghĩ, em lấy chồng rồi là quên hẳn đi một quá khứ, trong đó, có một chút tình yêu rất dễ thương và đằm thắm. Không, em không quên anh. Anh vẫn luôn ở trong tim em một bài hát, một dòng sông, hay đó là dĩ vãng nơi miền quê nào đó rất gần giống với quê anh.
Không cần thiết em phải nói gì về người bạn trai của em, nhưng một ngày ấy bên anh em kể ra câu chuyện, anh đã hình dung ra được một khuôn mặt đầy đủ các nét, đặc tính về người bạn của em.
Chị Thúy Hà vẫn ở Hội An. Chị nói với em, chị rất muốn quên anh vì mỗi lần nhớ anh, chị không thể nào chịu đựng nổi những thử thách của tình yêu. Chị thật muốn rằng anh cũng hãy quên chị, đừng chờ đợi, dù rằng, suốt đời anh yêu thương chị.
Và, anh cũng đã biết, chị không mấy vui với cuộc sống từ khi lấy chồng đến nay. Có thể đến một ngày không xa lắm, chị Thúy Hà và anh Duy sẽ chia tay. Anh Duy không thể tự thay đổi gì nơi mình được nữa. Rượu và con bạc, đã làm hỏng cuộc đời anh. Bây giờ đây, chị Thúy Hà chỉ sống với đứa con của chị và cho riêng mình chị thôi.
Trong lá thư gần nhất, anh cho em biết anh đã rời Quảng Tín đi đơn vị mới là Pleiku. Em không muốn hỏi cặn kẽ vì sao anh lại rời vùng đồng bằng lên miền núi, nơi mà cuộc chiến tranh có thể nói khốc liệt hơn các nơi khác. Hay là, anh muốn đến nơi đây để tìm một bối cảnh lạ cho cuốn tiểu thuyết dự tính của mình.
Những ngày qua, buổi chiều trời hay mưa. Trong cảnh mưa và gió, thành phố không có chi buồn nhưng mọi sinh hoạt đều chậm lại, từ tốn. Riêng em, những buổi chiều mưa làm em nhớ đến anh hơn hết. Và, bằng những lời tỏ tình muốn gởi tới anh, em mở máy cassette để nghe những bản nhạc mình thích. Chuyển bến, Đường về Việt Bắc, hai bài hát này em rất thích.
Qua bao đồi núi anh về đây
Nhớ em từng phút yêu từng giây
Anh Thụy của em và trong gia đình chúng ta nữa, vẫn luôn là một người lính sống thật hạnh phúc với bao nhiêu kỷ niệm, cùng với biết bao nhiêu bóng hình các thiếu nữ anh đã gặp trên đường đời.
Anh có thể tự ví mình như một con tàu, tới ga nào dừng lại, dù thời gian ở đó không lâu, nhưng mỗi nơi, luôn có trong anh một hình bóng cũ. Vậy nên chi, trong cuộc chiến tranh, tới mức nào anh cũng có sự bình tâm, và mỗi lần chuyển dịch công tác hay đi đơn vị, anh tự coi mình là lữ khách mang theo trong tâm tư những hình bóng của con tàu.
Chắc rằng, có những lúc anh nhớ nghĩ đến em bằng một nỗi buồn trong mưa, hay trong buổi chiều nhìn đám mây trôi và hình dung những cụm mây trắng kia hiện lên một bóng dáng thành phố. Và rồi sau đó, anh thấy bóng em khuất dạng. Có thể anh tin rằng em là người đem lại cho anh một chút niềm an ủi, và nụ cười thân thiết. Em rất biết, anh yêu chị Thúy Hà, nhưng không thể nào nhớ nghĩ lâu được về chị ấy. Một ngày nào đó, khi anh viết xong một cuốn tiểu thuyết, trong đó, chỉ nói về chị ấy thôi, thì lúc ấy bao nhiêu hệ lụy với sự phiền muộn trong lòng anh không còn nữa.
Ba mợ vẫn nhắc đến anh hàng ngày. Từ ngày anh xa gia đình em, những lá thư anh viết trong gia đình đều cất giữ. Trong gia đình, ba thương anh hơn cả, vì ba hiểu thấu mối tình của anh với chị Thúy Hà.
Em đang ở xa anh, không biết khi nào gặp lại.
Thúy Hiền
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

XIII

Vào buổi sáng, thường đến khoảng chín giờ chuông điện thoại trong phòng bắt đầu reo. Đây là giờ xin tin của các đài địa phương.
Tôi vừa viết xong bản tin chiến sự trong ngày, xem lại câu cú, các chi tiết cần thêm hay lược bỏ. Đài Đà Lạt trước, sau đó, đến Nha Trang, Quy Nhơn. Và chỉ sau một tiếng đồng hồ, các tin chuyển đi hoàn tất. Mỗi đài là một trạm ngừng. Người phụ trách luôn có những phút giây tâm tình trao đổi, thăm hỏi chuyện gia đình, nơi sinh sống, thời tiết và công việc làm hàng ngày. Bên kia, có khi là một giọng nam, nhưng thường là nữ, đấy là các cô làm thư ký đánh máy hay xướng ngôn viên cho đài.
Từ phòng làm việc đi ra, Thiếu tá P. nói với tôi:
- Trung tá cần gặp anh.
- Ngay bây giờ, Thiếu tá.
Vị Trưởng ban gật đầu. Tôi đứng lên ngay, bước nhanh ra cửa. Bỗng nhiên, tôi dừng lại một chút, vừa kịp lúc nhớ ra mình cần chỉnh trang lại quân phục trước khi trình diện.
Văn phòng làm việc của Tham Mưu Phó nằm trong một khuôn viên có vườn hoa, cổng trước xây gạch, có hai bóng cây lớn phủ che ánh nắng, một lối đi vào cửa sau nơi các nhân viên phụ tá làm việc. Tôi đi lối cửa sau, vừa lúc thấy tôi xuất hiện, Trung úy Tuấn bảo:
- Anh Thụy vào đi.
Tôi đẩy nhẹ cửa, vào bên trong tôi đứng nghiêm chào kính. Lúc này, ở ghế phòng khách có một vị Đại úy được Trung tá tiếp chuyện. Có tôi, vị Trung tá giới thiệu tên, cấp bậc, xong bảo tôi ngồi. Một giọng thong thả, Trung tá nói:
- Ở Quy nhơn đang thiếu người. Tôi muốn biệt phái anh xuống dưới đó làm việc một thời gian, được không?
- Tùy Trung tá quyết định.
- Công việc của anh sẽ được Đại úy đây hướng dẫn.
- Vâng, bao giờ tôi mới đi, Trung tá?
- Anh cần ít ngày nghỉ thu xếp chuyện gia đình không?
- Không có gì trở ngại, tôi đang độc thân.
- Vậy hả.
Vị Trung tá lấy làm vui, ông bỗng nói:
- Anh Thụy về dưới đó, gặp bến, neo thuyền luôn.
Vị Đại úy nhẹ nhàng đáp lời:
- Ở Đài có bốn cô thư ký và xướng ngôn viên.
Tôi cảm thấy vui, nhận điếu thuốc và tách trà vị Trung tá rót mời uống. Vị Đại úy hỏi:
- Anh Thụy làm đây lâu chưa?
- Mới sáu tháng, Đại úy.
- Trước anh ở đâu?
- Trung đoàn 5, Sư đoàn 2, Đại úy.
Vị Trung tá nói:
- Tướng Tư lệnh kéo anh về đây.
Vị Đại úy có vẻ suy nghĩ. Không có gì cần biết thêm, tôi ra về có chút bâng khuâng khi nghĩ đến lúc sắp rời khỏi đây.
Từ ngoài, tôi nghe tiếng cười lớn của Trung úy Tiến. Có vẻ, bạn Kim Tuấn đang diễn kịch theo câu chuyện kể. Mọi người đang vui.
- Có việc gì không?
- Tôi sắp đi biệt phái.
- Ở đâu?
- Xuống Quy Nhơn.
Một lúc sau, vị Trưởng ban trở ra. Tôi trình bày sự việc vừa mới gặp Trung tá.
- Có trở ngại không?
- Không sao cả, Thiếu tá.
- Xin nói cho Thụy biết, Trung tá hỏi ý kiến tôi hôm qua, tôi có đề nghị anh. Nhưng chuyện đi hay không, anh quyết định.
Buổi chiều hôm ấy, tan sở, cả phòng ban xuống nhà hàng Túy Viên dùng bữa cơm thân mật, nhân lúc tạm thời chia tay với tôi. Và, tôi cũng lấy làm lạ, có cả viên Đại úy tôi gặp lúc sáng nữa.
Trong bữa ăn, mỗi người góp một câu chuyện về thời sự. Những ngày sắp tới, sẽ còn những vụ vi phạm ngừng bắn bên phía Cộng quân, nhưng đồng thời bắt đầu chương trình trao trả tù binh. Đại úy Thân cho biết, ở Quy Nhơn đã lập trại An dưỡng, nơi đây, sẽ đưa các tù binh được trao trả về dưỡng nghỉ, hồi phục trong thời ba tháng, sau đó sẽ trở lại đơn vị.
Nhà hàng Túy Viên có món gà gói giấy rất đặc biệt. Tôi vừa uống hết chai bia và cảm thấy ngon miệng về món gà. Tôi cũng cảm thấy, mình hẳn còn muốn lưu lại chút kỷ niệm nơi thị trấn này. Nhưng mà, tôi chỉ biệt phái một thời gian thôi, rồi lại trở lên đây làm những công việc cũ, bình thường.
Bữa ăn kéo dài lâu. Mười giờ đêm, tôi theo Kim Tuấn về nhà anh nghỉ lại đêm nay, tâm sự đôi chút về văn nghệ và cuộc sống. Trên con đường vắng, chỉ có hai cái bóng như là kẻ lữ hành đơn độc.
- Tôi không biết thời gian xuống Quy Nhơn có lâu không?
- Có lẽ lâu. Nếu cần, ông xin ở lại thì hay hơn.
- Tôi ở đâu cũng được cả. Nhưng anh nghĩ sao về chuyện đưa tôi đi biệt phái.
- Chuyện chiếc máy ảnh của thằng Bochi, ông đã quên, hay vẫn còn nhớ.
- Tôi còn nhớ, và vẫn lấy làm ấm ức.
Tôi suy nghĩ cũng khá lâu, rồi nói đều một giọng:
- Anh cũng biết, Tướng Toàn kéo tôi về đây. Tướng Toàn quen biết ba tôi qua Tướng Lãm, là bạn đồng nghiệp năm xưa với ba tôi. Tướng Lãm và ba tôi, người cùng quê Quảng Trị. Năm xưa đó, tướng Lãm và ba tôi cùng dạy học ở trường tiểu học Cam Lộ. Đâu chừng được hai năm, đời thầy giáo buồn tẻ, với cái tuổi thanh niên ưa bay nhảy, thầy Lãm tình nguyện đi lính, vào học trường Đà Lạt. Ra trường với cấp bậc Thiếu úy, phục vụ trong binh chủng Thiết Giáp. Rồi tu nghiệp ở Saumur, về nước, lần lượt được thăng tiến cấp bậc và chức vụ, đời binh nghiệp ngày càng sáng lạn đến đỉnh cao là Tư lệnh Quân đoàn I. Khi tôi mới ra trường Thủ Đức, về Sư đoàn 2, Tướng Toàn đang là Tư lệnh. Sau đó, do vụ báo Sóng Thần, tướng Toàn thôi chức Tư lệnh và được điều ra Quân đoàn I. Tại đơn vị này, Tướng Toàn được giao phó làm Tư lệnh hành quân trong chiến dịch mùa hè 72 ở Quảng Trị. Đây là mặt trận mà Tướng Toàn đã rất giỏi trong những cuộc điều binh về thiết giáp, đẩy lui sức tấn công của quân Bắc Việt. Và, bằng chiến công của mình, Tướng Toàn được Tổng Thống Thiệu đưa lên nắm Quân đoàn II.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

Tôi nói qua như vậy cho anh biết, không phải vì cấp nhỏ mà tôi nhu nhược, không muốn gây ồn chuyện, nhưng thấy rằng, tôi không muốn chỉ vì một chuyện nhỏ mà gây rắc rối lớn cho ân nhân đã giúp mình. Tôi im lặng, không có nghĩa là tôi không có sự suy xét. Bỗng một hôm đó, an ninh gọi tôi qua phòng hỏi cung để thẩm vấn.
- Tôi có đọc lá thư hắn gởi cho Tướng Trần Văn Trung.
- Có, tôi cũng có đọc. Ông Thiếu tá đưa cho tôi xem.
- Rồi, ông ấy có nói gì với anh không?
- Tôi thấy ông Thiếu tá rất là vui vẻ điềm nhiên.
- Khi lên gặp an ninh, họ có giữ ông lại không?
- Không giữ. Chỉ bắt tôi viết lời khai. Và, tôi đã viết rõ ràng, nêu ra từng sự kiện như thế này. Ngày hôm đó 27/01/73, vào buổi chiều Thiếu tá P. có cuộc họp báo với các phóng viên trong phòng làm việc của ông. Chỉ mình ông P. trong đó, các nhân viên trong ban đều ở ngoài. Cuộc họp báo khá lâu, đến giờ tan việc. Khi mọi người ra về, có một phóng viên người Nhật xin quá giang xe của Ban ra phố, và nhân tiện ông ta mời anh em dùng bữa ăn tối. Nhưng Thiếu tá P. từ chối nói bận việc nhà. Khi xe đỗ mọi người xuống phố chính, người phóng viên Nhật cố mời mọc lần nữa, nhưng vì Thiếu tá không đi nên anh em kiếu từ. Ra phố, tôi về nhà Kim Tuấn chơi đến 8 giờ vào lại trại. Khi tôi mở cửa về phòng, đâu chừng mười phút có chuông điện thoại reo. Ông phóng viên người Ý hỏi tôi về chiếc máy ảnh Nikon bỏ quên trong phòng họp báo. Tôi bảo ông ta đợi máy, để tôi vào phòng hội tìm xem. Không thấy, tôi báo lại cho ông ta, và hỏi ông nếu cần cứ qua bên đây xem. Chừng mười phút sau, ông ấy qua, và tôi đưa ông ta đi tìm kiếm nhưng không thấy. Thoạt đầu, tôi nghĩ có thể ông Thiếu tá đem cất vào tủ làm việc của ông, nhưng qua hôm sau, ông xếp mình trả lời với phóng viên người Ý là không hay biết. Vậy ai, lấy chiếc máy ảnh này. Tại sao chỉ nghi mình tôi, chỉ vì tôi ở ngay tại phòng làm việc, mà không đặt nghi vấn với tất cả những người đã dự buổi họp báo, trong đó có vị Thiếu tá Trưởng ban.
Sau phần ghi lại như trên, tôi còn viết tiếp: Về bản thân, tôi chưa bao giờ có máy ảnh riêng để dùng, và cũng không biết gì nhiều về cách sử dụng máy ảnh. Một điều quan trọng hơn cả, nếu tối hôm đó tôi ở lại nhà Kim Tuấn, mà chiếc máy ảnh bị mất, thì ai là người chịu trách nhiệm.
Tôi chợt ngừng lời, và người bạn không hỏi gì thêm. Và, đến lúc này, thì chuyện cũ ấy qua đã lâu, chiếc máy ảnh mất, và không tìm ra được ai là người lấy. Nhưng tôi tin rằng, ai đó lấy, đến một lúc nào đó chính họ phải lấy làm hỗ thẹn với lương tâm của mình. Ngày hôm sau, Kim Tuấn và tôi ra quán cà phê dùng bữa ăn sáng trước khi chia tay. Xuống Quy Nhơn, buổi sáng ấy, tôi đi theo xe của Đại úy Thân đang là Trưởng ban Phát Thanh.
Khi xe rời khỏi thị xã vào quốc lộ 19, lòng tôi dậy lên một nỗi hưng phấn lạ thường. Gió ngược chiều thổi tung mái tóc. Tôi nhớ ra rằng, trước khi rời Trung đoàn 5 đi trình diện Quân đoàn II, tôi đã có biết lãnh thổ chiến thuật của Quân đoàn là 14 tỉnh, phần cao nguyên gồm Tuyên Đức, Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột, Quảng Đức, Phú Bổn, Lâm Đồng, dưới duyên hải là Quy Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa nằm dọc quốc lộ I. Trừ Nha Trang, Đà Lạt hai thành phố thuộc Khánh Hòa, Tuyên Đức tôi đã có biết, còn lại, nơi nào cũng làm cho tôi háo hức mong được biết đến. Và, qua đi hơn sáu tháng ở Ban Thông Tin Báo Chí, tôi đã đi nhiều chuyến công tác đến Kontum, Ban Mê Thuột, Lâm Đồng, và cả Phú Yên nữa.
Đường quốc lộ khá rộng và thoáng đãng với quang cảnh làng mạc và đồi núi xa gần. Trời nắng sáng và đẹp. Trên bầu trời, những chiếc trực thăng hành quân đang bay về hướng các tiền đồn. Quân khu II có bề rộng hơn Quân khu I, có phi trường Cù Hanh của Sư đoàn 6 Không Quân và căn cứ Phù Cát nhưng vùng trách nhiệm này, quân số phòng thủ còn thiếu, chỉ có một Liên đoàn trừ bị Biệt động Quân, hai sư đoàn cơ giới, một trấn giữ duyên hải, một trấn giữ cao nguyên.
Xe chạy đều tốc độ, vừa đủ cho hai người vui chuyện dọc đường. Tôi hỏi:
- Đại úy bị động viên khóa mấy?
- Khóa 18.
- Trước đây, Đại úy là công chức hay nhà giáo.
- Tôi đang học Y khoa, nhưng rớt, bị gọi động viên.
- Chà, uổng quá. Đại úy xong trên Y Khoa, giờ thuộc về quân y rồi.
- Mình cũng muốn nhưng không được.
Tôi kể về mình những tháng năm trong đời quân ngũ. Những lúc ngừng giây lát, viên Đại úy nhìn qua tôi có vẻ quan sát sự xúc động của tôi trước mọi hoàn cảnh. Ông nói:
- Thế hệ của anh em mình mất mát quá nhiều.
Xe lên đèo Măng Giang. Trong một phút im lặng tôi đưa mắt ngắm quang cảnh đèo. Đường đèo quanh co, nhiều đoạn dốc nghiêng và nhiều khúc cua ngặt, nhưng chỉ qua hết hai cây số là trở lại bình thường. Pleiku cách Quy Nhơn chừng hơn trăm rưỡi cây số. Vị Đại úy cho hay là còn đèo An Kê nữa là xuống đồng bằng. Tôi nhìn phía trước, thỉnh thoảng để ý vào những cột cây số tính khoảng cách từ nơi đi và đến.
Tới thị trấn An Khê, vị Đại úy cho xe chạy chậm, vừa hỏi:
- Đói không?
- Không đói lắm. Nhưng cũng tùy Đại úy.
Xe dừng trước một quán giải khát. Xuống xe, hai người vào quán. Nơi đây là một thị trấn nhỏ, cũng là chỗ ngừng các chuyến xe đó xuống miền dưới và ngược miền trên.
- Gọi gì đi.
- Em uống cà phê.
- Sữa hay đen.
- Cà phê đen.
Chị bán quán đi ra bàn.
- Một sữa, một đen.
- Có lấy thuốc không?
- Cho một gói Lucky.
Hai người đốt điếu thuốc trong cái bao đang còn một ít. Từ trong quán nhìn ra nắng ấm, nhưng phía xa có sương mù.
Bên kia quán là tiền đồn trên đỉnh đèo.
- Đây là An Khê, Đại úy.
- Đúng rồi.
- Qua khỏi đèo xuống Phú Phong, Diêu Trì, là đến Quy Nhơn.
- Cũng hơn một giờ nữa.
Chị bán quán mang cà phê và thuốc hút ra để trên một cái khay xong đặt xuống bàn. Mỗi người nhận phần của mình. Tôi chỉ cho hai muỗng đường khuấy nhẹ.
Lúc này, tôi được thưởng thức cái thú dọc đường. Nhìn qua tiền đồn bên kia, tôi nói:
- An Khê, nơi này ngày trước ông cậu em đóng quân ở đây.
- Bây giờ ông ở đâu?
- Ông giải ngũ, về dạy học ở Đà Lạt.
- Chắc là ông cậu anh đi lính thời Tây.
- Ông cậu em học khóa 1 Thủ Đức, cùng khóa với Tướng Kỳ.
- Đến cấp nào ông mới giải ngũ.
- Đại úy. Ngày đó, ông cậu làm Tiểu đoàn trưởng đóng quân nơi vùng này.
- Chà, ông còn trong nhà binh, lên Tướng rồi.
- Em cũng nghĩ vậy. Không Tướng thì cũng là cấp Đại tá.
- Tại sao ông giải ngũ.
- Ông không thích ở lính. Ông thích nghề dạy học. Năm 1955, ông Diệm về nước, ông phục vụ đến 1956 là xin giải ngũ.
- Tôi nghĩ làm Tiểu đoàn trưởng tác chiến là tip nhà binh, ông cậu nên ở trong quân đội thì đúng hơn.
- Ông đánh giặc giỏi lắm Đại úy. Ra trường 52, cuối 1954, ông lên Đại úy rồi.
- Vậy trước đây, ông tốt nghiệp Đại học.
- Chưa, mới được vài chứng chỉ khoa học.
- Thời của ông cậu, lúc động viên đã có Đại học là thành phần trí thức rồi.
- Ông cậu em có viết truyện ngắn và sáng tác thơ.
- Bây giờ ông dạy học ở đâu?
- Đà Lạt. Ông mở trường tư, trường đông học sinh.
Ngồi nghỉ chân nửa tiếng, hai người trở ra xe, tiếp tục chuyến đi. Vị Đại úy nói:
- Nếu Thụy muốn ở lại luôn, tôi sẽ trình với Trung tá.
- Em chưa biết. Nhưng nếu công việc làm được, em sẽ ở luôn.
- Không có gì khó cả. Ở dưới này cũng như trên Pleiku, công việc làm chính yếu là bài vở. Phần kỹ thuật và xướng ngôn viên có đài dân sự lo cả.
- Đại úy ở Quy Nhơn lâu chưa?
- Bốn năm rồi.
Đường đèo An Khê dốc ngoặt và sâu hơn. Vị Đại úy lái xe rất thuần thục nhẹ nhàng. Tôi hỏi:
- Đây là xe của Ban mình, Đại úy.
- Cả ban chỉ có một xe thôi. Nhưng KBC thì có riêng.
- Về dưới đó, lương bổng ra sao?
- Lãnh ở Tiểu khu.
Tôi cố hình dung ra công việc làm và sinh hoạt ở vùng dưới ấy.
- Thụy có quen ai ở Quy Nhơn không?
- Không có.
- Có muốn đi phép không?
Dạ không. Đi phép cũng tốn tiền. Về Huế, nay em cũng chẳng còn bạn bè. Tuổi của em, đứa nào - cũng không trốn khỏi chuyện lính tráng.
- Hồi xưa tôi có học ở Huế.
- Học Quốc Học.
- Không, học trường dòng Providence.
- Em học Pellerin. Năm em học, chương trình Việt hết cả rồi.
- Thụy người Quảng Trị hay Huế.
- Em, người Quảng trị.
- Tôi họ ngoại ở Bích La, bên phía nội là Đồng Hới.
- Quê ba mẹ em đều ỡ Quảng trị. Hải Lăng, bên quê nội. Xuân Thành, bên quê ngoại.
- Xuân Thành đi ra Cửa Việt gần không?
- Đi đường sông, chừng ba cây số.
Vui chuyện, chiếc xe cứ thong dong về đến thị xã Quy Nhơn lúc trời đã trưa. Trước khi đưa tôi về nhà mình chơi, vị Đại úy lái xe chạy một vòng để tôi có được buổi nhìn quang cảnh sinh hoạt ở thành phố Quy Nhơn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

XIV

Khi tôi xuống Quy Nhơn nhận công tác biệt phái ở ban phát thanh quân đội, vừa kịp lúc thay thế cho hai nhân sự đã có SVL đang chuẩn bị lên đường đi đơn vị mới. Một bữa tiệc họp mặt và chia tay, không khí vui, cảm động.
Ít ngày sau, tất cả trở lại bình thường. Trụ sở của ban phát thanh làm việc là một căn phòng lớn nằm ngay trong doanh trại của Trung tâm tuyển mộ nhập ngũ Tiểu khu Bình Định. Căn phòng phía sau của Trung úy Huân được giao lại cho tôi. Mới lúc đầu, tôi tính thuê nhà ngoài, nhưng khi có được riêng một căn phòng tự do, tôi cho rằng tiện hơn là việc ở chung. Phòng trống trơn, không bàn ghế, có hai cánh cửa sổ được mở vào mùa hè, và đóng lại về ban đêm cũng như vào mùa đông. Có ba ngọn đèn, một đèn giữa, hai đèn bên góc. Trên sàn là xi măng, chung quanh tường là ván. Tất cả những gì viên Trung úy trưng bày, tôi dẹp bỏ hết và làm theo ý thích của mình. Tôi mua một cái bàn vuông nhỏ, vài tấm ván, còn giường bố thì được Đại úy Thân cho một cái cất lâu ngày trong kho. Đó là những thứ cần lúc đầu, những thứ sẽ phải sắm nữa là bếp lò, soong nồi, chén đũa bát. Từ ngày đi lính, cuộc sống độc thân đã quá quen thuộc với tôi. Ở nơi nào cũng vậy, lúc tự nấu lấy bữa ăn, lúc cơm hàng cháo chợ, lúc quá túng phải ghi sổ nợ ở quán trong chừng mực, nhưng tôi rất lo ngại về cái mục nợ nần, nó xảy ra không thể lường được khi mình thiếu tính toán và kiểm soát bản thân.
Khi hai nhân sự trong ban biên tập đi rồi, việc chính hàng ngày cho chương trình phát thanh bốn mươi lăm phút vào buổi chiều, nay ba người chia nhau phụ trách. Chính yếu nhất là bài bình luận, Đại úy Thân đảm trách mục này với các đề tài rất đa dạng có công dụng về chính huấn, tâm lý chiến, và cả chiêu hồi. Trong trận chiến mùa hè, Đại úy Thân đưa ra trong bài bình luận về tinh thần quân sĩ của VNCH và những trận chiến anh dũng của các binh chủng, những người lính chiến đấu ngoài mặt trận. Sự rèn luyện quân cán chính cũng có những đề tài cần viết, đặc biệt, sự đoàn kết giữa quân và dân trong cuộc chiến đấu sống còn với Cộng sản Bắc Việt xâm lăng.
Về công việc của tôi, mỗi ngày, ngoài bản tin chiến sự thường lệ, còn một số đề mục: Bút ký cán binh CS, Lá thư hậu phương, Lá thư tiền tuyến, Sinh hoạt đơn vị trong Tiểu khu, văn nghệ quân đội giới thiệu thơ văn của các chiến sĩ VNCH, sau cùng, ngày thứ bảy cuối tuần là điểm báo. Thực là nhiều, thế nhưng tôi đảm trách được vì các bài viết luôn bám theo tài liệu có lưu trữ theo từng đề tài. Đây cũng là một cơ hội, vừa trách nhiệm với công việc cho phát thanh, vừa để tôi rèn luyện phối hợp giữa viết văn và viết báo súc tích, cụ thể, và sống động. Số trang và chữ trong mỗi đề mục cũng được tính toán gần như là chính xác để xướng ngôn viên đọc đúng giờ và có thời gian chuyển tiết mục. Và thực sự, mỗi lần viết, tôi có những cảm xúc chân thực, tưởng như nghe được tiếng lòng của độc giả phản hưởng về phía mình. Rung động, thương yêu được gói ghém vào ngày thứ tư với mục lá thư hậu phương. Trong lá thư này, tôi đặt ra một bút hiệu nữ giống như chương trình Dạ Lan của Đài Quân đội Sài Gòn, từ tên cô gái, những tâm tình viết trong mỗi lá thư, tôi đem được cuộc đời riêng của mình như bóng dáng con tàu lướt qua qua những hình ảnh các thiếu nữ tôi đã được thương yêu và gặp gỡ bên ngoài cuộc đời.
Thị xã Quy Nhơn không lớn, đường phố ít cây cối và xe cộ đi lại không nhiều, nhưng sinh hoạt hàng ngày luôn đều nhịp, sinh động, và tin tưởng.
Buổi chiều, sau giờ tan sở mọi người ra về. Các cô bên dân chính thì đi xe đạp vì nhà gần, còn quân nhân thì có phương tiện xe gắn máy. Tôi về phòng, bật đèn sáng, nhìn lại chỗ ở của mình, luôn tôi cảm thấy một chút gì đổi thay và gợi một ý mới cho mình. Lúc bình thường, tôi nhởn nha làm công việc linh tinh, dọn dẹp sách báo, quét bụi trên sàn, và sau đó, làm một ly nước lọc đầy. Vào ngày thứ bảy, từ trưa đến khoảng ba giờ là tôi làm một số việc, cốt yếu nhất là giặt quần áo, và chùi rửa những dụng cụ nấu bếp. Xong việc, tôi nằm đọc báo, đọc sách. Nhưng, vào thứ bảy nếu có những trận đấu bóng tròn ở sân vận động, tôi không thể bỏ, mà phải có mặt để xem. Ở thành phố có hai đội bóng, nhưng các trận đấu diễn ra nơi này thường là tiếp các đội khách từ tỉnh xa đến. Tương đương sức và tài nghệ, những trận đấu này làm khán giả thích thú cổ vũ. Trước đây, tôi cũng là một cầu thủ đá bóng trong đội tuyển học sinh. Tôi đá cánh trái, có nét từ cách đi bóng, sút bóng, nhưng sức lực không bền bỉ để chịu đựng suốt cả trận đấu.
Bữa ăn chiều, luôn có chút một chút lay động, bâng khuâng, như tôi nghe và hiểu được trong lòng. Tôi nghĩ, mình tự thổi cơm, làm một món ăn tối bên bếp lửa, cũng là một niềm vui trong sự an ủi. Nhưng rồi, về căn phòng với cảm giác trống trơn, tôi thay quần áo dân sự thư thả đi chơi phố. Nơi đầu tiên tôi đến là khu công viên có rạp hát, quán ăn, quán cà phê. Sau nơi này, tôi đến các hiệu sách, tìm kiếm những tờ báo, tạp chí, và những sách mới phát hành. Ở ban phát thanh luôn có một số báo hàng ngày, các loại báo này được cất dành để cho vào mục điểm báo hàng tuần, và cũng mục này tôi phụ trách. Bây giờ đây, tôi hiểu rằng chính yếu cho công việc biệt phái tạm thời của tôi là hợp lý vì ban phát thanh cần người. Thế nhưng, việc điều tôi xuống dưới này còn có sự liên hệ đến chiếc máy ảnh Nikon của Bochi phóng viên người Ý, mà nó có ngầm ý nghi ngờ đến tôi vì chỗ ở của tôi là phòng làm việc phía sau, cũng như ở ban đây, nhưng nơi này có sự biệt lập.
Tối hôm ấy, Kim Tuấn nói:
- Thiếu tá P. có đưa cho Thịnh một cuộn phim để vào phòng tối rửa. Khi in ra, Thịnh thấy có những bức ảnh về cuộc chiến rất độc đáo. Những bức ảnh này phải là một phóng viên chuyên nghiệp mới chụp được. Mỗi bức ảnh, không chỉ biểu hiện nghệ thuật nhiếp ảnh của một phóng viên nhà nghề, nó còn là một giải thưởng cao quý sẽ đạt được trong một cuộc dự thi vào thời điểm mà chiến tranh ở miền Nam là đề tài nóng hổi. Bức ảnh một người cha bồng xác đứa con đứng chặn đường một chiếc xe tăng chở binh lính của ký giả Horr Fast, bức ảnh bé Kim Phúc bị bom xăng của Nick Ut, và nhiều bức ảnh của bao nhiêu ký giả khác nữa đã trở thành một biểu tượng cho giải thưởng báo chí và văn học Pulitzer Prize. Hẳn rằng, trong cuốn phim này có bức ảnh đăng lên báo được giải, giá trị về tiền thưởng lớn gấp bội chiếc máy ảnh Nikon.
Tôi không hay biết trước, nhưng dù có biết đi nữa, tôi cũng không làm lớn chuyện. Vì rằng, con người là vốn quý, tồn tại trong sự liên đới, còn vật chất, thời gian không giữ được lâu, và nó sẽ được bao nhiêu cái khác thay thế. Về phần mình, tôi luôn tin vào sự chính trực của mình từ những năm vào lính đến nay. Tôi hiểu rằng khi mới vào lính, tôi là người lính tầm thường, lúc trở thành sĩ quan, cũng chỉ với cấp bậc khiêm tốn, nhưng với quân đội, trước một đồng ngũ, trước một đơn vị, tôi luôn hiểu từng giới hạn về trách nhiệm của mình. Và, sự phô diễn để cho người ta chú ý đến mình, cường điệu, tôi không làm, nhưng bao nhiêu suy nghĩ, là những cảm xúc và tấm lòng tuổi trẻ của tôi, của bao nhiêu cái tốt, của bao nhiêu cái xấu, rồi nó cũng trôi đi, biến mất trên dòng đời, cũng như trên dòng sông. Khi dòng nước đem ra ví với thời gian mà đã chảy, nó sẽ không bao ngưng nghỉ, mà trở nên vô hạn.
Sau bữa ăn tối tại một quán cơm bình dân đầu phố Võ Tánh, tôi đi tới quán cà phê. Về đêm, thành phố sáng đèn, có những phố vắng vẻ chỉ thấy nhà ở, có những phố, nối nhau nhiều hàng quán đông vui, nhộn nhịp, thoải mái.
Tôi gọi một ly cà phê đen, uống chậm rãi. Quán cà phê này không mở nhạc, phía trong cũng như ngoài sân thật yên tỉnh. Có khách đông, họ ngồi bên nhau tâm tình chuyện trò thật ấm cùng. Và nơi này, với tình cảm xa nhà, những người thân, nhớ nghĩ về bao nhiêu thành phố của đời mình, tôi cảm thấy ở trong tôi có một ánh đèn lay động tiếng nói Thúy Hà.
- Em có năng khiếu về ngoại ngữ.
- Em rất lười đọc sách. Nhưng đọc báo em rất thích.
- Giới phụ nữ thường thích phim ảnh.
- Em ít coi phim, chỉ thích đọc thư tình.
- Em cất giữ được nhiều thư không?
- Nhiều lắm, đầy một hộp bánh LU.
- Bao nhiêu thư gởi, được em trả lời.
- Không có thư nào cả.
- Bao nhiêu lần, mỗi người gởi thư cho em.
- Không nhớ, nhưng không có ai em trả lời hết.
Nàng bỗng cười với tôi, vừa nói thêm:
- Có mấy chàng tới đòi thư lại.
- Sao vậy?
- Vì em không đáp thư.
- Vậy là em trả thư lại.
- Không. Em bảo, thư xé hết cả rồi.
- Cũng hay. Em làm vậy, chẳng để họ gây rắc rối cho mình.
Tôi nhìn nàng hỏi:
- Một ngày nào đó, ở xa, anh viết thư cho em nghe.
Nàng gật đầu, rồi nói:
- Em sẽ viết thư cho anh đọc.
- Anh Duy chắc đâu cần viết thư.
- Anh ấy viết thư dở lắm.
Tôi chỉ cười, rồi nói:
- Nhưng anh ấy có được em rồi, cần gì nói qua thư.
Bỗng một giọng vui, Thúy Hà nói:
- Anh chàng này tham lam lắm.
Tôi bỗng nghĩ thầm, đẹp như nàng, mình cũng thèm nữa, huống là Duy đã có sự gắn bó lâu rồi. Mới lúc nãy, Thúy Hà đã cho tôi một lúc được ngắm trọn toàn thân của nàng.
Bên dưới nhà, ông Kha đi giao hàng về. Nhưng cũng hơn nửa giờ sau, cả nhà mới bắt đầu bữa ăn tối.
Tôi luôn có chút ngượng ngập khi ở lại ăn cơm với gia đình Thúy Hà. Tôi mừng, vì có được thời gian hiếm hoi bên nàng, một giây, một phút đã là quý hóa, nói chi đến ngày giờ và tháng năm.
Không biết ngày thường ra sao, nhưng mỗi lần có tôi, bữa cơm dọn nhiều món, và một vài chai bia nhấm nháp cho thêm vui với bữa ăn. Ông Kha có khuôn mặt hồng hào, luôn thấy trẻ, và khi ông đã ngồi vào phòng kỹ thuật để làm việc, là miệt mài, sáng tạo. Bà Uyên, một người mẹ hiền từ, niềm nở và đầy lòng nhân ái. Bà thích màu vải lam, màu của một người mộ đạo Phật rất thuần thành. Tôi rất quý mến ông bà, và tôi cũng nhận thấy, tuy với Thúy Hà là bạn học nhưng ông bà cũng biết tôi thương yêu nàng. Với lại, xét đoán về Duy qua câu chuyện trong gia đình, thì chàng ta quen lui tới nhiều lần với gia đình, và mới đang là “bồ” với Thúy Hà, chứ hẳn hòi trong chuyện hôn nhân thì chưa. Chí ít lắm, hai bên cũng chờ đợi nhau vài năm. Trong khoảng thời gian này, có những sự đổi thay khó nói trước được. Tôi không hề nghĩ đến một hình thức nào trong lúc này, khi mà tôi cũng quen biết Thúy Hà, và nàng cũng thực sự thương tôi chứ không vô tình.
Mỗi lúc, chợt bắt gặp tôi nhìn qua, Thúy Hà đón lấy cặp mắt dễ thương của tôi bằng một nụ cười.
Ông Kha bỗng hỏi tôi:
- Lễ Phục sinh các trường có nghỉ không?
- Dạ có.
- Vậy thế nào cậu Duy cũng vào.
Vũ lên tiếng hỏi:
- Anh Duy đã xong Đại học chưa chị Hà.
- Làm gì mà xong. Một năm dự bị còn chưa qua nổi, sao mà lấy xong Cử nhân.
Tôi nghe, lòng bỗng phân vân. Một giọng vui, Vũ nói:
- Năm rồi, cả mùa hè không ngày nào anh Duy vắng nhà mình.
Thúy Hà cười nhẹ nhàng. Bà mẹ nói:
- Chuyện của anh chị, mày xen vào làm gì?
Vũ là cậu em quậy nhất nhà.
- Còn anh Thụy thì sao?
- Anh vẫn học bình thường, nhưng sang năm chắc vào Sài Gòn.
Ông Kha đang nghĩ chuyện gì đó, không nghe điều tôi nói. Bữa ăn vui, ngon miệng. Tôi uống hết hai ly bia, gương mặt đỏ ửng, và cũng nhờ chút rượu, tôi chuyện trò hứng thú gây thêm cảm tình với gia đình của Thúy Hà. Càng ngắm nàng, tôi thấy nàng đẹp thêm trên một khuôn mặt nhỏ bé dần lại và trú ẩn trong tim tôi. Tôi nghĩ ngợi ra như thế trong một tấm ảnh nàng cho tôi được rất nhỏ theo tấm gương hình ovale.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

Bữa ăn xong, chị giúp việc lên dọn dẹp và cả nhà ra phòng khách dùng trà. Mở đầu câu chuyện, bà mẹ nói:
- Chúng tôi ở Quảng trị khá lâu, gần gũi với người ngoài đó.
- Bác có thường đi Huế không?
- Có, những lần đi mua thêm hàng cho hiệu thuốc.
Rồi bà mẹ tiếp lời:
- Tôi lại thấy mình xa cách người Huế hơn là Quảng trị.
Tôi nói:
- Thời chúa Nguyễn, người miền Bắc theo cuộc Nam tiến, di dân đến ở Quảng trị đầu tiên, thành ra, tuy thuộc miền Trung nhưng người Quảng Trị ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt người miền Bắc, giọng nói nặng, nhưng chữ dùng là phía Bắc.
Thúy Hiền hỏi:
- Huế là đất Thần kinh của vua chúa anh nhỉ.
- Em đi thăm các lăng tẩm ở Huế chưa?
- Huế, em chưa biết gì cả.
- Thành phố Huế hiền hòa, nhờ có sông Hương chảy qua giữa thành phố mà cây cảnh trở nên đẹp.
- Anh Thụy có hay làm thơ không?
- Không. Nhưng rất thích thơ tiền chiến.
- Cậu có biết nhà thơ Quang Dũng không?
- Dạ biết. Thơ Quang Dũng cháu rất thích.
- Tôi và Quang Dũng học cùng lớp ở trường Thăng Long.
- Thăng Long là trường tư có tiếng ở Hà Nội. Trước khi lập nên Tự lực văn đoàn, Nhất Linh, Khái Hưng dạy học ở đó.
- Có tướng Võ Nguyên Giáp nữa cậu.
- Vâng.
Tiếng cô bé Hân hỏi nhỏ bà mẹ:
- Mợ, con sinh ở ngoài Bắc hay trong này?
- Hiếu và con, ở trong này.
- Sao mà vào trong này?
Cả nhà cười nhìn cô bé. Bà mẹ nói với tôi:
- Các em sinh ở miền Bắc, nhưng khác tỉnh. Thúy Hà ở Hải Dương, Vũ ở Thái Bình, Thúy Hiền ở Hà Nội, còn Hạnh ở Hải Phòng.
Thúy Hiền vỗ tay reo lên:
- Em là người Hà Nội.
- Con sinh ở đâu Mợ?
- Cô thì ở Quảng trị.
- Vậy có bà con với anh Thụy không?
Cả nhà cười thật vui nhộn. Vũ diễu cô út:
- Mày không phải là dân Bắc.
- Sao không, em cũng là dân Bắc.
Bà mẹ giải thích cho cô út nghe về gia đình. Thế là cô bằng lòng, hãnh diện. Thúy Hà nói rất ít, đôi mắt nàng luôn tươi sáng với nụ cười, và nàng biết người bạn trai đang ngắm nàng.
- Những năm chưa vào Nam hai bác ở Hà Nội lâu không?
- Cũng đến bốn năm.
- Hà Nội, thành phố lớn không bác?
- Không lớn lắm, nhỏ hơn Sài Gòn.
- Hà Nội có đến ba mươi sáu phố, phải không bác?
- Nhiều hơn, nhưng gọi như thế nghe cho văn vẻ. Thực ra, gọi là phố, nhưng đó là tên đường.
- Cháu biết Hà Nội qua tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Nhưng cũng có thấy Hà Nội trong những phim thời sự, thời kỳ đầu lúc gia đình hai bác mới di cư.
- Hà Nội đẹp lắm cậu. Hồ Gươm như trái tim thành phố.
- Đê Yên Phụ có lớn không bác?
- Đấy là con đê ngăn nước sông Hồng. Hà Nội thấp, ở bên dưới lòng sông nên phải ngăn đê.
- Những đoạn phim thời sự được xem, cháu thấy nhà ga Hàng cỏ, đường Cổ ngư giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, còn cầu Long Biên dài lắm.
- Cậu có trông thấy tàu điện không?
- Không thấy.
- Đi tàu điện thú lắm cậu. Bến tàu điện nằm ở Bờ Hồ. Từ đó, đi qua các phố Hàng Đào, hàng Ngang, Bạc, lên chờ Đồng Xuân, rẽ vào phố Quan Thánh rồi lên Thụy Khuê. Nói chung, tàu điện đi khắp cả thành phố, ra đến ngoại ô nữa.
Vừa nghe tiếng bà Uyên nói về các phố Hà Nội, tôi như có cảm tưởng mình đang ở đó.
- Anh Thụy có biết phố Thúy Hà không?
- Không biết. Nhưng tên vườn Ngọc Hà, thì có đọc trong sách.
- Cậu nói đúng.
- Anh Thụy không biết phố Thúy Hà thực sao?
- Hoàn toàn không biết.
- Phố ấy, là em đây.
Tôi mừng vui lẫn xúc động, tưởng nghe thấy những giọt nước mắt của mình là tiếng nói của nàng. Tôi chợt hiểu trong điều nàng vừa nghĩ và nói ra, Hà Nội, sẽ có một ngày tôi đến nơi thành phố ấy để tìm nàng.
Bà Uyên nói với chồng:
- Đã mười năm xa Hà Nội rồi anh nhỉ.
- Chóng quá.
- Bên hai bác, những người thân còn ở lại nhiều không?
- Cũng nhiều lắm cậu.
Tôi vào chuyện:
- Năm hiệp định Genève, những gia đình miền Bắc vào Nam đi bằng xe lửa, cả đường bộ và đường thủy. Những cảnh tượng trong năm di cư, cháu có thấy trong phim tài liệu. Ở Quảng trị, hồi đó cũng có trạm tiếp cư ở ngay nhà ga và dưới sân vận động.
- Cậu nhớ đúng. Vào mấy năm đầu, chúng tôi ở Quảng trị, có nhà thuốc tây của ông Léon Volt và Bác Trác.
Bỗng nghe tiếng chuông đồng hồ thong thả đánh từng tiếng. Tôi đứng lên xin kiếu từ, và nói lời cám ơn gia đình.
Khi tôi ra cửa, Thúy Hà theo tôi nàng tiễn chân một đoạn lên tới công viên gần bến cảng trước trường học Sao Mai.
Nàng hỏi:
- Có thực là em giống mẹ anh không?
- Em giống lắm, nhưng thời còn trẻ, mẹ không đẹp như em.
- Hay là mẹ dành hết cho em.
- Anh ước ao mẹ nói ra những điều em nghĩ.
- Còn anh?
Tôi nói với Thúy Hà:
- Trời có trăng, đi một quãng nghe em.
Hai người bên nhau, đi qua công viên hướng về bến cảng. Nàng để cho tôi nắm tay nàng. Rồi một giọng nghe nhỏ, nhưng tha thiết, tôi nói với nàng:
- Có những sự giao cảm thật là huyền nhiệm, người đời không hay biết. Với cái lý về cơ duyên trong đạo Phật cho anh nghĩ rằng, kiếp trước anh và em đã có nhau, nên khi có lại kiếp này, trong buổi đầu gặp gỡ đã nhận ra nhau, và giữ mãi với nhau về sau cho dù không trở lại sống nên vợ chồng như kiếp trước.
- Anh tin như vậy sao?
- Có, anh tin.
Ngừng một chút, tôi tiếp lời:
- Lúc nào, anh cũng có được em.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

XV

Hội văn học nghệ thuật Quy Nhơn gởi thư đến Ban phát thanh mời phóng viên dự buổi gặp gỡ nhà văn Võ Phiến từ Sài Gòn về thăm, đồng thời cũng là một dịp hồi ức về các nhà thơ tiền chiến có quê quán, nơi sinh trưởng hay đã từng học, từng sống nơi thành phố này của ngày xưa đó. Trong giấy mời, người ký tên là Nguyễn Thiệu Giang.
Đại úy Thân nói với tôi:
- Hôm 14 là chủ nhật, anh và em cùng đến dự.
Tôi gật đầu, đôi mắt thiện cảm nhìn sang phía bàn của vị Đại úy Trưởng ban. Trong phòng làm việc, bàn của Trưởng ban đặt phía trong gần cửa sổ và nhìn ra cửa chính, còn bàn làm việc của nhân viên thì đặt đối điện. Ở bàn của tôi, ngăn hộc dưới là những tài liệu quan trọng lưu trữ. Ở mớ tài liệu này, tôi phân loại, đánh số, khi cần là tìm ra được ngay.
Lúc này đã gần trưa. Nắng lan rộng bên ngoài sân thật quang đãng. Vừa cách đây ít phút, có tiếng động của phi cơ bay qua trên mái nhà, giờ thì đã vắng im, nhưng mỗi chuyến bay như vậy, bạn không thể biết được người phi công đang lênh đênh trên mây trời, sẽ đến đâu hạ cánh, hay cố gắng tìm ra được một mục tiêu của trận chiến.
Vị Đại úy tiếp lời:
- Thụy nhớ mang máy cassette để thu.
Tôi đáp một giọng vui:
- Còn phần chụp ảnh, anh lo.
- Được rồi, mình có máy ảnh.
Ngày hôm nay thứ tư có hai mục bút ký và lá thư hậu phương. Tôi đang viết lá thư hậu phương, mới xong trang đầu. Từ ngày viết đề tài này, trong bao nhiêu lá thư gởi đi qua chương trình buổi chiều, mỗi lá thư, có trong lòng tôi là một đôi mắt, tiếng nói, và từng gương mặt thiếu nữ như hương vị cây trái của mỗi mùa. Kim Ly, (riêng tên Liên An, tôi đặt cho nàng) là để nhớ Huế và dòng sông xanh chảy qua thành phố. Với câu thơ của Lưu trọng Lư, nhắc tôi nhớ nghĩ nhiều đến Kim Ly. Đôi mắt Kim Ly và dòng sông là một vĩnh cửu. Và, một ngày đó, khi Liên An trở về miền quê đi qua một cánh đồng cỏ, buổi chiều là áo trắng.
Giữa tôi và Kim Ly, hai người có chung một tâm tình dễ thương như từng câu văn thật trong sáng của nhà văn Nhất Linh. Một sự mong ước thành thật, Kim Ly muốn tôi lập gia đình, và hình ảnh cô giáo Oanh dù nàng chưa gặp, nhưng hình dung ra được bóng dáng người con gái ấy đã có tuổi trưởng thành. Thế nhưng, nàng cũng muốn giữ lại tôi, vì tôi thường mang đến cho nàng một hạnh phúc thật là mới mẻ trong đời sống thường ngày.
Giờ nghỉ trưa tới. Lần lượt mọi người ra về, nhưng tôi còn nán lại một chút để xem qua một số tư liệu cho bài viết kỳ đến.
Vừa lúc đứng dậy, có chuông điện thoại reo:
- Anh cho gặp Thụy.
- Tôi đây, Kim Tuấn.
- Sao tiếng ông nghe lạ.
- Chắc tiếng bị nhiễu trong máy.
- Chủ nhật tôi xuống dưới ông.
- Anh đi công tác hay đi chơi?
- Quân đội là phải đi công tác.
- Bao nhiêu ngày?
- Vài ngày thôi.
- Ở đây, ngày chủ nhật tuần này có buổi nói chuyện của nhà văn Võ Phiến.
- Tôi biết, nên mới xuống.
Kim đồng hồ chỉ gần 12 giờ rưỡi, tôi định nói lời chào về phòng cơm nước để qua bên đài thu chương trình. Bỗng tiếng Kim Tuấn nhỏ lại, nói:
- Có tin này báo cho ông biết.
- Tin gì đó anh?
- Con của Thiếu tá P. tử trận ở Kontum.
Tôi bàng hoàng, ngơ ngẩn.
- Hôm nào anh?
- Cách đây hai ngày.
- Sao anh không cho hay sớm?
- Anh em trong ban cũng bối rối, và lo giúp việc ma chay cho gia đình.
- Tôi sẽ gọi nói lời phân ưu với Thiếu tá.
- Ý của tôi là như vậy.
- Tôi hiểu.
Chỉ thêm ít phút, câu chuyện ngừng. Khoảng đầu giờ buổi chiều, tôi qua bên đài dân sự để thu chương trình. Khi tôi đến hai cô xướng ngôn viên đã có mặt. Trước khi thu, tôi đưa bài vở cho hai cô xem qua và liên lạc với nhân viện kỹ thuật lo giúp phần nhạc đệm và âm thanh mỗi khi xướng ngôn viên ngừng đọc.
Bên ngoài phòng thu, chỉ có một mình tôi. Khi có tiếng nói vọng qua máy, tôi bắt đầu theo dõi sát từng câu, cố lắng nghe từng chữ một. Bài viết trên báo có sót câu hay chữ, không sao, nhưng trên phát thanh bạn đọc thiếu, đọc nhầm hay bị vấp, rất dễ gây hiểu lầm và sẽ bị gán ghép cho một ý đồ chính trị. Về phía thính giả, hãy nên độ lượng nếu như người đọc tin bị sơ sót, nhảy chữ, hay có tiếng ho làm ngắt quãng câu hay ý nửa chừng. Cố nhiên, lúc ấy người đọc tin sẽ có lời xin cáo lỗi.
Giống như mọi ngày, số trang bài viết, lượng giờ phát thanh đều đúng với thời gian không sai chạy hoặc xê dịch. Thời gian thu vừa đúng một tiếng. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, bình yên. Từ phòng thu các cô trở ra, ba người cùng vui kéo đến chỗ có đặt bàn nước giải khát. Ở đây có cái tủ lạnh lớn, có đá, nước ngọt, và nước lọc. Cũng có một bình cà phê pha theo lối Mỹ, nhưng thường được dùng trong buổi sáng.
Cô Vân hỏi:
- Chừng nào mới được tăng lương, Thiếu úy.
- Tôi biết Đại úy đã có làm tờ trình rồi. Khi nào được chấp thuận, tôi sẽ tin cho mấy cô hay.
- Lương dân chính ít quá.
- Nhưng mà các cô làm ít thời gian. Mỗi ngày, chỉ một tiếng thu xong, các cô nghỉ trong khi phần tôi, xong việc đây còn về bên Ban làm tiếp cho việc ngày mai.
Một giọng vui, cô Nhan hỏi:
- Thiếu úy có gia đình chưa?
- Chưa.
- Đã có rồi, xin cho biết, giấu làm gì?
- Không, tôi chưa có gia đình.
Lời nói của tôi làm cho không khí trở nên nghiêm trang. Cô Vân hỏi:
- Thiếu úy ở đây một mình?
- Vâng. Tôi làm việc trên Pleiku, biệt phái xuống dưới này một thời gian.
Cô Nhan ngạc nhiên nhìn qua tôi:
- Gia đình Thiếu úy ở trên đó?
- Cũng không. Gia đình tôi ở Huế.
- Huế là cố đô, phải không Thiếu úy.
- Cô nói đúng.
Ít giây sau, tôi tiếp lời:
- Thành phố ấy tuy nhỏ, nhưng có con sông Hương rất đẹp.
- Chắc Thiếu úy có người yêu ngoài đó?
Cô Nhan hỏi với cặp mắt nhìn tôi dò xét. Nhưng tôi chỉ lặng im. Rồi, tôi cầm tấm bìa giấy đựng bài vở đứng lên, nói:
- Hết giờ nghỉ, tôi phải về bên ban.
Ba người đi ra cổng, rồi hướng về con đường chính chạy qua bên ngoài sân vận động thành phố.
Khi tôi về tới, trong phòng yên lặng, Đại úy Thân đang đánh máy cho bài ngày mai.
- Hôm nay có gì trở ngại không?
- Không, Đại úy.
Ngừng việc, ông rút điếu thuốc ra khỏi bao đánh que diêm châm hút một điếu. Tôi lên tiếng:
- Chủ nhật này Kim Tuấn xuống đây.
- Chắc là dự buổi hội thảo văn học.
- Em cũng nghĩ vậy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

Trong một thoáng nghĩ vu vơ, tôi nói:
- Con của Thiếu tá P. tử trận ở Kontum.
- Sao Thụy biết.
- Anh Kim Tuấn nói.
Đại úy Thân nhìn ra ngoài sân nắng. Có tiếng một chiếc phi cơ vừa bay qua hướng về phía núi. Từ lúc nghe tin buồn, tôi cố tìm một lời phân ưu để nói với vị sếp cũ của mình. Giữa tôi và vị Thiếu tá có một sự bất hòa, nguyên nhân từ chiếc máy ảnh, và từ một bản tin chiến sự đã làm cho sự im lặng kéo dài. Thế nhưng, lúc này tôi muốn quên hẳn đi, muốn trở về lại buổi đầu tiên khi tôi đặt chân đến Pleiku và được bổ nhiệm về làm việc ở Ban thông tin báo chí, được vị Trưởng ban tiếp đón niềm nở, tạo điều kiện chỗ ăn ở dễ dàng. Trong cái tốt hiển lộ bản chất con người, và nó là thứ ánh sáng của ngọn đèn giữ được lâu không tắt. Thiếu tá P. là một người rất năng động, hoạt bát, thông thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp. Ngày tôi trình diện, ông còn mang cấp Đại úy, ít tháng sau được thăng cấp Thiếu tá do chức vụ và còn có thêm số điểm về huy chương. Buổi sáng thứ hai đầu tuần, những sĩ quan mới thăng cấp được gắn lon tại hội quán của Bộ tư lệnh, và vị nào, áo cũng đẫm ướt mùi vị rượu champagne tưới lon. Khi về phòng, anh em trong ban đứng lên, sau khi chào kính ai cũng nói lời chúc mừng và đều cảm thấy vui cho một ngày mới. Chừng một tuần sau, để khao lon, thay vì đến nhà hàng vị Thiếu tá mời cả ban về nhà dự bữa cơm thân mật. Hôm ấy có Quang, người con trai đầu của gia đình cùng ngồi bàn dự tiệc vui. Với khuôn mặt trẻ, dễ thương, tôi có cảm tình và hỏi chuyện, được biết, Quang vừa mới rời quân trường đang nghỉ phép, hai tuần nữa sẽ đi đơn vị Sư đoàn 23, bản doanh Bộ Tư lệnh đóng ở Ban Mê Thuột. Không biết vị Thiếu tá có gởi gắm để được ở Bộ chỉ huy, hay phải ra Trung đoàn, rồi Tiểu đoàn. Bữa ăn có không khí gia đình, lần đầu tiên tôi được nghe vị Thiếu tá nói về đời binh nghiệp của mình, nhất là kỷ niệm những ngày đầu di cư, mà nơi chốn ở đầu tiên của ông là Nha Trang, rồi Sài Gòn và các tỉnh dưới miền Tây. Gia đình di chuyển nhiều nơi, nhưng cuộc sống thật sự ổn định.
Thực không ngờ, chiến tranh trong thời điểm đã có ngừng bắn, vậy mà, cướp mất gia đình Thiếu tá P. một đứa con đầu thật oan nghiệt.
Trong một thoáng hồi ức, tôi nhớ lại gương mặt của Quang, và trong tôi trỗi dậy mối thương cảm lạ thường.
Hồi chuông thứ ba đổ, có người bắt máy. Khi nhận ra tiếng của vị Thiếu tá, tôi lên tiếng chào.
- À Thụy, về dưới đó công việc dễ chịu không?
- Cũng dễ chịu, Thiếu tá.
Ngập ngừng một lúc, tôi nói:
- Xin chia buồn với gia đình Thiếu tá.
- Thụy có biết hả.
- Dạ có. Anh Kim Tuấn cho biết.
- Cám ơn Thụy. Em nó bị mảnh đạn pháo kích, tội lắm.
- Chắc là đơn vị đụng nặng.
- Có, trận chiến nặng lắm.
Rồi vị Thiếu tá lược kể về diễn tiến trận đánh trong đêm 16 tuần trước mà bản tin đã có loan.
- Sao Thiếu tá không vận động cho Quang về Sư đoàn.
- Có. Nhưng họ bảo chờ.
- Không thể ngờ được. Đã ngừng bắn một năm rồi.
- Gia đình đang buồn lắm.
- Em hiểu. Xin gởi lời chia buồn với cô ở nhà.
- Cám ơn Thụy.
Tôi hình dung và nhớ lại gương mặt trẻ trung của Quang. Bây giờ, tuổi trẻ đã chấm dứt, và chiến tranh cướp mất gia đình Thiếu tá P. một người con. Sự mất mát của người lính trong quân đội khác rất nhiều với người thường ở ngoài. Trong nỗi đau của người lính có nỗi đau của tổ quốc.
Đại úy Thân đang bước qua từng bước trong bóng nắng chiếu vào căn phòng. Ông đang nghĩ ngợi một điều gì, không phải để tìm ý cho bài viết mà gần như trong làn khói thuốc phảng phất một nỗi cực nhọc của chiến tranh. Và, trong lúc ông cố gắng giải thích về một cuộc chiến không gọi đúng tên, thì tôi bỗng nhớ ra câu chuyện mà có lần ông đã kể về vị Tướng De Lattre. Tướng De Lattre là Tư lệnh Quân đội Pháp tại Đông Dương có một người con trai độc nhất là Trung úy Bernard cũng phục vụ trong đoàn quân viễn chinh đơn vị đang trú đóng tại một tiền đồn ở tỉnh Ninh Bình. Trong một trận đánh ở đây giữa Pháp và Việt Minh, Bernard tử trận, cái chết đến một tháng sau lần vị Tướng đến thăm đơn vị của người con trai.
Bên ngoài, buổi chiều đang xuống. Phòng làm việc mở cửa rộng. Chỉ qua những phút nặng nề, mọi người trở lại làm việc bình thường.
Ngày hôm sau, tôi nhận được thư của chị Phượng Nga. Buổi sáng vắng vẻ, ba người có cả vị Đại úy Trưởng ban qua Tiểu khu để nhận hàng tiếp liệu mới cung cấp cho Ban gồm một xe Jeep, cấp số súng đạn và lương thực khô, còn lại trong phòng tôi và hai cô thư ký. Cô nhỏ người tên Ngạn đang chuyện trò qua điện thoại với một cô bạn nào quen trong thành phố. Cô mặc áo hồng đang đọc một truyện ngắn đăng báo Chiến sĩ Cộng hòa. Hai cô gái này làm việc toàn thời gian, hưởng lương khá hơn các cô xướng ngôn bên đài. Tuy vậy, lương dân chính các cô cũng thật khiêm nhường, vì ngân sách xã hội của Cục không có nhiều. Mỗi tháng, tôi qua ngân khố lấy tiền đem về phát cho các cô. Hai cô làm việc ở đây vẫn còn đi học lớp buổi tối để luyện thi Tú Tài.
Tôi rời phòng đi xuống câu lạc bộ mua ly cà phê và gói thuốc xong trở về. Sau khi đốt điếu thuốc và uống vài hớp cà phê, tôi bóc lá thư vừa mới nhận được ra đọc.
Thụy thân mến,
Lá thư Thụy viết cho mình, đã nhận được cách đây cũng hơn hai tuần. Mới lúc đầu tính hồi âm ngay, nhưng nghĩ để qua ngày vui đầy năm của cháu Hoàng rồi sẽ kể chuyện về cháu và gởi một vài tấm ảnh cho Thụy đây.
Tôi ngừng đọc, cầm những tấm ảnh lên xem. Trong đôi mắt mình, biết có một niềm vui nên tâm hồn tôi trẻ hẳn lại. Cháu Hoàng giống anh Nguyên, còn chị Phượng Nga trong cách tạo dáng rất dễ thương, vừa tự nhiên ăn ảnh. Tôi nhìn lâu rất tấm ảnh đứa cháu ngả đầu trên cánh tay của người mẹ và được cho uống sữa.
Hôm 14 tháng 1, cháu Hoàng đúng một tuổi. Sinh nhật đầu tiên của cháu rất là vui, có bà nội cho tiền, còn phía ngoại có ông bà và các dì. Ông bà ngoại cho tiền bỏ ống, còn các dì, mỗi người tặng đồ chơi. Anh Nguyên xin được hai ngày nghỉ, hôm đó, anh có mời mấy người bạn làm chung phòng Tâm lý chiến đến dự, bạn anh cũng cho quà. Khi mở quà ra, gói nào cũng có món đồ chơi, và trong các thứ này cháu Hoàng thích nhất là chiếc xe lửa chạy bằng pin trên vòng đường ray quanh co chiều dài lối chừng một mét. Không biết sau này lớn lên, Hoàng có trở thành một lữ khách lãng du với con tàu và cây đàn không. Riêng về năng khiếu, mình có thể dự đoán trước là Hoàng cũng sẽ thích học nhạc, chơi đàn để có chút tâm hồn lãng mạn giống như bố, và mẹ nữa.
Sau thời gian được nghỉ sinh, mình đã đi dạy học lại. Mới đó, mình xa Quảng Trị, xa trường Nguyễn Hoàng gần một niên khóa học. Thời gian hai năm dạy ở thành phố ấy, quê hương của anh Nguyên và Thụy, mình vẫn còn giữ nguyên vẹn trong ký ức bao nhiêu kỷ niệm thân thiết như từng bức ảnh dán đầy kín lên một cuốn album. Đôi lúc, tưởng như mình đang cùng với Thụy nhớ nghĩ đến nơi chốn ấy, và vẽ lại sơ đồ với từng nét mộc mạc, nhưng thể hiện rõ, những nơi đâu là mái nhà ở, đường phố, trường học, và dòng sông. Ngày ấy, trên đoạn đường chạy loạn cùng với gia đình thầy H. mình đã cố nén sự đau thương, để mà giữ lại nguyên vẹn một thành phố trong tâm tưởng. Tối hôm ấy, khi bơi qua được dòng sông Mỹ Chánh, mình may mắn tìm được tự do.
Anh Nguyên làm việc ở Sư đoàn, phụ trách toàn khối chiến tranh chính trị. Anh vẫn luôn hăng say công việc, nhưng đã có gia đình rồi, nên anh về thường xuyên với mình và cháu Hoàng. Vào đây được dạy học trường thành phố gần nhà, thời gian của mình có được nhiều hơn để vẽ tranh, đọc sách và săn sóc Mỵ Châu. Mỵ Châu hay nhắc đến Thụy, có lần cô em hỏi mình anh Thụy đã có người yêu chưa? Lòng mình thực vui trong ánh mắt ngây thơ và tiếng nói của Mỵ Châu. Một giọng nói ngập ngừng dành cho câu hỏi, mình hiểu Mỵ Châu mến Thụy lắm và ước mong được trở thành cô em gái ngoan ngoãn nhất của chàng. Không riêng gì mình và Mỵ Châu, cả nhà từ ông bà ngoại đến các cô em gái của mình ai cũng thực lòng quý mến Thụy. Mỗi lần Thụy về phép ghé nhà chơi, cả nhà mừng lắm.
Nhưng hơn hết, chỉ có Mỵ Châu. Những truyện ngắn Thụy viết đăng báo, mình đều giữ để cho Mỵ Châu đọc. Cũng như mình, Mỵ Châu rất thích truyện của Thụy, và cô em nói là văn anh Thụy viết nhẹ nhàng, dễ thương, có chút dư vị ngọt ngào của chất thơ trên từng mỗi câu văn. Luôn luôn anh ấy biểu lộ tấm lòng thành của mình, nhờ vậy, anh vượt qua mọi khó khăn trong mỗi hoàn cảnh. Cái vẻ bề ngoài khô khan của Thụy, nhưng em Mỵ Châu nói rằng, anh là người biết sống hạnh phúc bằng cách đem cái vốn sống đích thực của mình chan hòa với thiên nhiên.
Từ một năm nay, Thụy có sáng tác được gì không? Khi nào lên phố, ghé vào các hiệu sách mình cũng tìm qua các báo xem có truyện của Thụy gởi đăng không. Hay chăng, lúc này Thụy bận rộn nhiều công việc nơi chỗ làm, không có thì giờ sáng tác. Từ lần Thụy ghé Đà Nẵng trong kỳ phép đi đơn vị mới, Thụy cho mình hay đã gom đủ một tập truyện ngắn, vậy khi nào cần tấm bìa cho tập sách, nói cho mình biết.
Từ Pleiku Thụy xuống Quy Nhơn đã lâu chưa. Suốt các tỉnh miền Trung, mình chỉ biết vài tỉnh, về phía Nam hai thành phố biển Nha Trang và Quy Nhơn mình chưa đến.
Anh Nguyên vừa ra Huế thứ sáu tuần rồi. Anh về ngoài đó vừa công tác, vừa thăm nhà và đem bao nhiêu ảnh của cháu cho bà nội xem. Khi anh trở vào, có cho mình biết ba mẹ muốn Thụy làm quen với cô Oanh. Không biết Thụy nghĩ sao, riêng mình, hiểu được rằng Thụy vẫn tạm bợ với cuộc sống một mình để còn ấp ủ trong đó bao nhiêu hình ảnh đẹp của một thời chưa phôi pha. Và, cho dù phôi pha đi nữa, Thụy vẫn không lấy làm buồn, hay ân hận. Những cô gái Thụy đã gặp trong đời, có Huê, Thúy Hà, rồi Liên An, và hầu như ai cũng đều có một gia đình riêng.
Chưa đến tuổi ba mươi, thôi thì, Thụy cứ sống với lý tưởng của mình cho trọn vẹn. Luôn luôn mình coi Thụy là một người bạn thân. Viết ra điều này, mình cũng biết Thụy đã có sự rung động rất là tinh tế, vì dường như mình cũng tạo nên cho Thụy sự liên tưởng đến một nhân vật trong tiểu thuyết, hay cũng có một khuôn mặt khác nữa ở ngoài đời. Nhớ, có lần Thụy nói, cô Thu trong Bướm trắng thể hiện qua một người Thụy đã gặp, là ai đó, Thụy chưa cho mình biết. Hay là về cô ấy, Thụy chỉ gặp thôi, chưa biết tên để chào hỏi, chuyện trò. Nàng đã xuất hiện trước mắt Thụy một hình ảnh dễ thương và tươi thắm với chiếc áo màu hồng, phải không? Ai đó nhĩ, mà chàng trai đa tình vẫn đang cố giấu, chỉ dành cho con tim.
Thân mến,
Phượng Nga.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

XVI

Buổi sáng chủ nhật mùa đông, trời hơi lạnh trong nắng sớm. Trên các phố chính mọi sinh hoạt đã trỗi dậy, vừa thong thả bước đi lòng vui tôi nghe tiếng nhạc vọng ra từ các quán cà phê, tiếng người trò chuyện, tiếng còi xe và những bước chân gây tiếng động trên vỉa hè.
Hôm nay đi dự buổi hội về văn học, tôi mặc đồ civil, áo sơ mi trắng, quần tây xám đậm, và ngoài là chiếc áo len màu thuốc lá. Đây là chiếc áo len chị Phượng Nga đan, tôi đã cất giữ cẩn thận để mặc khi trời lạnh. Phượng Nga, nay là người chị dâu, nhưng bỏ qua vai vế trong gia đình chị luôn coi tôi như một người bạn thân. Khi có dịp chuyện trò với tôi, đôi mắt và cả tiếng nói nữa, tạo nên sự thân quen như tên riêng của chị còn là tên của một thành phố.
Tối hôm qua, tôi đi chơi với Kim Tuấn đến nhà anh Nguyễn Thiệu Giang. Lần đầu tiên gặp nhau, nhưng trong giao tình về thơ văn, tôi đã có biết tên tuổi và cũng đọc khá nhiều truyện ngắn của anh đăng trên tạp chí Văn và Bách Khoa. Hai tạp chí này có số lượng bán ra nhiều ở các tỉnh miền Trung, và hầu như số báo nào cũng có thơ truyện của một số anh em văn nghệ trẻ ngoài này được chọn đăng. Từ đo các tỉnh mở ra văn đoàn, đặc san, cùng liên kết với nhau. Ở ngoài miền Trung, những anh em văn nghệ rất quý mến nhau, luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau.
Nhà văn Nguyễn Thiệu Giang lớn hơn tôi bốn tuổi. Từ vùng kháng chiến anh theo gia đình về thành, học đệ nhất cấp ở trường Quy Nhơn, lên đệ nhị cấp vào Nha Trang, rồi Sài Gòn. Khi vào Đại học, năm đầu anh học trường Y khoa, nhưng rồi bỏ, sang học Văn khoa. Một giọng vui trong câu chuyện anh kể là trường Văn Khoa nằm ngay trung tâm Sài Gòn, chung quanh đó quán cà phê, rạp hát, đời sống thật dễ chịu và chuyện học hành không gò bó. Nhưng cũng chỉ một năm gắn bó với Sài Gòn, anh ra Huế, thi đậu vào trường sư phạm ban Việt Hán. Khi chọn nghề văn, anh viết cùng lúc hai thể loại sáng tác và phê bình. Anh học giỏi, sau ba năm Đại học, tốt nghiệp thủ khoa được bổ nhiệm dạy trường nữ Đồng Khánh. Anh dạy ngoài Huế hai năm, có một cô học trò lớp Nhị C thương anh, và trở thành người vợ anh bây giờ.
Rời xa Quy Nhơn từ niên thiếu, nay với tuổi trưởng thành, vừa mới lập gia đình nữa, anh lại trở về thành phố quê hương vẫn với chức năng của nhà giáo, và tiếp tục đeo đuổi nghiệp văn.
Tối hôm qua ở nhà anh Giang, tôi còn được làm quen với một số bạn văn trẻ khác nữa, mọi người đều cùng vui và rất thân nhau.
Kim Tuấn uống rượu, tửu lượng không cao nhưng hút thuốc mỗi ngày anh chỉ dùng chừng vài cây diêm quẹt. Vào quân đội có tính cách đồng hóa, cấp bậc thấp, nhưng về kiến thức anh hiểu rộng, có một ngoại ngữ chuyên môn là tiếng Anh. ở Quân đoàn, ngoài công việc ở Ban thông tin báo chí, anh còn là thông tín viên cho hãng UPI, và dạy học Anh văn trường tư thục, Chừng đó, tôi cũng thấy rằng dù vợ anh có cửa hàng buôn bán, tiền bạc lúc nào cũng dư, thế nhưng ngoài chuyện cơm nước trong gia đình, các chi phí vặt vãnh anh chỉ xài trong đồng lương của mình. Chỉ buồn một điều vợ chồng thương nhau rất hạnh phúc nhưng về mặt con quá hiếm muộn.
Trong chuyến công tác này, qua tuần lễ sau Kim Tuấn mới trở lên Pleiku. Ngày mốt thứ hai, anh ra Sư đoàn 22 bản doanh Bộ tư lệnh đóng ở Hoài Ân. Đây là một quận lỵ giàu có của tỉnh, nhưng ở vùng này, địch quân hoạt động rất mạnh, ngày nào cũng có những cuộc chạm súng lớn nhỏ. Rồi, công tác sau cùng là ở trại An Dưỡng. Từ sau hiệp định ngừng bắn Paris và trao trả tù binh, những sĩ quan cũng như binh lính của miền Nam bị phía Bắc Việt giam giữ lần lượt được trao trả, trước khi trở về đơn vị gốc, họ đang thuộc quân số thặng dư được nghỉ hồi phục một thời gian khoảng ba tháng tại các trại An Dưỡng. Trong thời gian làm việc dưới này, tôi đến trại hai lần, gặp gỡ các quân nhân, hỏi chuyện và phỏng vấn, được mỗi người lính kể cho nghe những ngày tháng năm ở các trại tù trong các vùng mật khu miền Nam cũng như ở ngoài Bắc. Những người lính lúc mới trao trả, họ ủ dột, thiểu não, sức khỏe kém vì thiếu ăn, và có dấu hiệu của bệnh sốt rét rừng, mắt vàng, da vàng. Nhưng về lại nơi tự do, người nào cũng hồi phục nhanh nhờ được bồi dưỡng ăn uống và thuốc men chữa trị. Bạn có thể thấy rằng, đây là những lính trở về trong sự may mắn, sống sót, có những người đã chết ở các trại giam của người Cộng Sản, vì đói khát và bị hành hạ. Chiến tranh dù thuộc về một giá trị lớn lao của lịch sử, nhưng đó là nỗi bất hạnh của nhân loại. Được sinh ra đời để sống, ai cũng ước mong được sống một cuộc đời tốt đẹp, và chỉ có sự thương yêu, chứ không hận thù.
Thời gian có một tấm lòng, và tôi vẫn đang muốn sống qua ngày tháng một cách yên bình, giản dị. Tôi không coi trọng vật chất, ước mơ về danh vọng, hay thăng hoa cái đẹp của tuổi trẻ về tình yêu. Tôi thích đọc một cuốn sách chân thực, nói ra được những lời tin cậy, và có được những mối tình trong sáng như đôi mắt.
Năm nay, lương Tết quân nhân được thưởng một tháng. Dù rằng hiệp định ngừng bắn đã ký, nhưng việc cắm trại tại đơn vị vẫn tuân thủ như mấy năm trước. Lúc sau này, tôi không có mấy thì giờ sáng tác, và luôn cảm thấy nỗi cô độc. Niềm an ủi của tôi thường để nhớ về gia đình, và những kỷ niệm riêng.
- Khi em đã có gia đình rồi, anh còn gọi tên em là Liên An nữa không?
- Vẫn còn, đó là một cô Liên An khác. Cô này luôn bé bỏng, chẳng bao giờ lớn thêm được.
- Hãy giữ lấy cô bé đó của em. Tên thực của em là Kim Ly. Em đã trưởng thành, đi dạy học, làm cô giáo rồi.
- Ly, tên cũng hay.
- Em thích tên của em hơn là cái tên mơ mộng của anh.
- Vâng, anh hiểu.
Hội trường văn học nằm cuối đường Gia Long. Đường này không lớn, nhưng yên tĩnh. Trên sân rộng đầy nắng, đông quan khách, người nào quần áo cũng lịch lãm, chụm lại từng nhóm chuyện trò thân mật. Tôi nhìn quanh tìm Đại úy Thân nhưng không thấy. Tôi đến một mình, nhưng không khí ngày hội làm tôi vui, và cảm thấy mình như được quen biết hết mọi người trong thành phố.
Rồi tôi gặp anh Nguyễn Thiệu Giang. Lập tức, anh đưa tôi đến thăm nhà văn Võ Phiến đang ở trong hội trường. Khi tới gần, tôi thấy một người đàn ông bề ngoài giản dị trong cách ăn mặc, nhưng cặp mắt lanh lợi, vô cùng sáng.
Sau lời giới thiệu của anh Giang, nhà văn hỏi:
- Anh Thụy người ở đâu nhỉ?
- Em ở Quảng Trị, tôi đáp, mắt vui nhìn lại nhà văn.
Vừa gật đầu, ông nói:
- Tôi nghe được giọng nói. Có biết không, tôi làm việc ngoài đó hai năm, thời gian sau hiệp định Genève.
- Ông làm việc ở ngành nào?
- Tôi làm ở Ty Thông Tin.
Tôi nghe ra tiếng nói, bỗng hình dung được một bóng người rất quen ngày đó.
- Thời em đi học, bên thông tin có đưa cán bộ đến các trường tập hát.
- Anh Thụy nói đúng.
Dừng một giây, nhà văn hỏi:
- Hồi đó, anh Thụy có học với cô giáo Trâm.
- Dạ thưa, cô giáo của em.
Ông nhà văn nắm bàn tay của tôi, vừa xuýt xoa.
- Chà, gặp anh Thụy thiệt là hay.
Ông tiếp lời:
- Có một cô giáo xinh đẹp như cô Trâm, học trò ngoan ngoãn lắm.
- Thưa ông, cô giáo cũng chỉ dạy hai năm ở Quảng trị, rồi đi nơi khác.
- Vậy sao? Ờ nhỉ, cô nói giọng của người Huế.
- Thưa phải.
- Đứa con trai thứ nhì của tôi sinh ở Quảng trị. Người dân ngoài đó có tình lắm, cái tỉnh không lớn, nhưng phía khu cổ thành, con đường nào cũng có trồng cây, có nhiều nhà kiểu xưa.
- Ông có nhà ở ngay tỉnh.
- Nhà tôi gần chỗ làm, được ông Tỉnh trưởng cấp cho.
- Nhà em ở ga, đi ra phía sông Thạch Hãn rất gần.
- Tôi biết. Tôi hết sức ưa con sông này. Bên kia sông là Nhan Biều, những ngôi làng quanh đó trông đơn sơ mà thấy đẹp.
Tôi nói:
- Hai quê nội và ngoại của em, xa cách nhau hơn hai chục cây số. Quê nội là Hải Lăng phía Nam, quê ngoại Xuân Thành nằm phía Đông Hà đi đường sông ra đến biển cửa Việt.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

Bỗng nhiên, ông nói một mình:
- Gặp lại người Quảng trị cũ.
Một cảm giác vui trong lòng, tôi nói:
- Đâu như ngày trước đã có biết ông.
Nhà văn đưa bàn tay mình ra nắm lấy tay tôi. Trên đôi mắt ông, thoáng hiện bao nhiêu ngày tháng cũ tưởng đã khuất.
- Anh Thụy vào quân đội lâu chưa?
- Dạ, cũng được mười năm.
Hai người vui chuyện, giọng nói và ký ức trở nên thân thiết, lạ lùng. Tôi chợt ngoảnh đầu tìm anh Giang, nhưng không thấy.
- Ông ra ngoài này lâu không?
- Hai tuần nghỉ phép.
Tôi nói:
- Em ở Pleiku, mới xuống làm việc dưới này.
- Ở Pleiku, có biết Kim Tuấn không?
- Dạ có. Hôm nay anh ấy cũng đến.
Tôi hay có sự linh nghiệm bất ngờ, vừa nhắc tên người bạn, chàng phóng viên xuất hiện không chỉ một mình mà cùng cả nhóm văn nghệ gặp nhau từ chiều đến tối hôm qua ở nhà anh Giang.
Vừa chuyện trò chừng năm phút, mọi người bỗng ngừng khi trên bục diễn dàn có người trong Ban tổ chức đứng trước micro mời tất cả mọi người vào hội trường để bắt đầu chương trình của ngày hội.
Tôi lấy trong cái túi xách chiếc máy cassette nhỏ đã có để sẵn một cuộn băng thu, tôi bước nhanh về phía góc sân khấu dành cho ban kỹ thuật, gắn dây xong, tôi đứng luôn chỗ đó, sẵn sàng với cuốn sổ tay.
Mở đầu là nghi thức thường lệ với lễ chào cờ, hát quốc ca, và dành phút mặc niệm. Sau phần này, Trưởng ban tổ chức lên sân khấu chào mừng quan khách, và tiếp đó, với một bản văn viết tay ông chủ nhiệm trình bày các hoạt động văn hóa của tỉnh nhà từ địa phương là quân lên đến tỉnh, thị xã trong năm qua. Nói chung, sự tiến bộ đồng đều và một số thành tích khả quan.
Phần hoạt động của Hội kéo dài trong một giờ, để thay đổi không khí ban văn nghệ của Hội trình bày một vài tiết mục về thơ và nhạc.
Sau phần này, phần chính của chương trình là buổi diễn thuyết văn học của nhà văn Võ Phiến.
Trước khi nhà văn lên diễn đàn, anh Thiệu Giang đứng trước micro ngỏ lời chào mừng quan khách, rồi bắt đầu giới thiệu nhà văn Võ Phiến qua vài giòng tiểu sử và liệt kê các tác phẩm.
Không khí hội trường yên lặng, thoải mái. Khi nhà văn Võ Phiến bước lên diễn đàn, những ống kính máy ảnh hướng về ông, ông rất tự nhiên với nụ cười hiền hậu và quý mến.
Trong chiếc máy cassette, cuộn băng đang chạy đều làm tôi yên tâm. Bây giờ tôi lắng nghe, với tiếng nói trầm ấm, nhà văn thật hết sức mừng vui, xúc động, sau mười năm đi xa nay trở về quê nhà, và được thấy một khung cảnh thay đổi về không gian và sinh hoạt trong cuộc sống.
Khi ông vừa dừng, tiếng vỗ tay vang lên dưới hội trường, giây phút này gây nên một hạnh phúc lớn cho nhà văn.
Bài nói chuyện có tựa: Sống và viết. Tôi nhận ra ngay đây là hai chủ đề chính yếu đối với công việc của người viết văn.
Hội trường im lắng. Ngay lúc mở đầu, tiếng nói của ông như khởi sự cho một cuộc hành trình của đoàn tàu, để tiếp đó, từng chặng, từng phần như đúng vào lúc con tàu đi qua một cây cầu hay tiến về một nhà ga. Tôi cảm thấy hưng phấn ghi nhận từng chi tiết bổ ích mà tôi tưởng như được nằm lòng trong đó. Trong cuộc sống, mọi sinh hoạt bình thường thì nhà văn hay người thường đều giông nhau, nhưng ở nhà văn, có sự biểu cảm trong cách nhìn, cách nghĩ, và cách khám phá để đưa nó trở thành những chi tiết, đối tượng trong tiểu thuyết. Nhà văn người Nga, Léon Tolstoi, trong các tác phẩm của ông luôn cho người đọc thấy rất nhiều cách biểu thị của ông qua các nhân vật. Chẳng hạn nàng Anna Karénine có từng cách biểu thị của nàng trên mỗi vẻ mặt. Vậy nên, từng tình tiết lý thú này, đem cho người đọc sự yêu thích tạo cho câu chuyện trở nên hấp dẫn. Và, như chúng ta thấy, tất cả các chi tiết trong tiểu thuyết được lấy ra từ một cuộc đời thường. Người khách bộ hành, chuyến xe buýt, quán ăn, chỗ nhà ga, mỗi bóng dáng, hình ảnh, sự vật đều có từng nét riêng của nó, nhưng với nhà văn nó thể hiện được khi được thấy nó trong một toàn cảnh cấu trúc câu chuyện.
Đó là sống và được nhìn thấy. Về viết, mỗi nhà văn đều có một thứ hơi chữ và một giọng văn riêng, tuy ngôn ngữ là thế nhưng không một người nào giống nhau được cả. Nhưng có được một ngọn gió riêng biệt như thời tiết từng vùng, điều này, cố nhiên qua một quá trình, một kinh nghiệm của kiến thức học, đọc, và óc phân tích cũng như tổng hợp.
Trong lúc nhà văn trình bày bài viết của mình, thính giả cảm thấy thoải mái, vui với những đoạn hài đàm, và chú tâm đến những phần trong cuộc đời cần đến sự nhận xét và suy nghĩ.
Thời gian qua mau. Bài nói chuyện vừa kết thúc, một tràng pháo tay dậy lên và mọi người cùng đứng dậy hoan hỉ. Vì cần giờ viết bài cho chương trình phát thanh, tôi về sớm, tôi không dự buổi tiệc trà, nhưng cũng đã đến gặp nhà văn để nói lời chào.
- Chà, người Quảng trị ngày xưa của tôi.
- Ông còn ở đây lâu không?
- Cũng đến hai tuần.
- Em gặp ông sau.
Với cái gật đầu thật nhẹ, đôi mắt nhà văn nhìn lâu lên gương mặt tôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

XVII

Tôi đã qua hết thời gian biệt phái nhưng không trở lên Pleiku nữa, mà ở luôn dưới này, vừa trở thành biên tập viên chính thức cho ban phát thanh. Tôi luôn hoàn tất phần việc của mình, vị Đại úy trưởng ban hài lòng và thực sự quý mến tôi, hai người dần dần coi nhau như anh em kết nghĩa, cách xưng hô thân tình hơn.
Đại úy Thân ở nhà ngoài, một căn nhà nằm đầu phố Võ Tánh, gần với Ty Bưu Điện. Chị Thảo, quê ở Phan Rang thuộc gia đình khá giả, ông bà cụ có nhà máy xay lúa và một cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Mọi năm, đến Tết chị vào trong đó với gia đình ở chơi khoảng hai tuần lễ, nhưng năm nay chị không đi, ở lại ngoài này. Đại úy Thân là một sĩ quan trẻ có học vấn, không chỉ với kiến thức văn hóa mà cả quân sự và chính trị nữa. Buổi đầu tiên đưa tôi xuống dưới này, trong bữa ăn trưa tại khu căng tin của Ban tuyển mộ tôi được nghe vị Đại úy phân tích tình hình miền Nam:
- Công tác địch vận, về mặt tâm lý rất là hay. Sự hồi chánh của các cán binh CS cho Hà Nội thấy rằng, tinh thần chiến đấu binh sĩ của họ ở miền Nam đã sa sút, đói ăn, bệnh tật, lo sợ chiến tranh, luôn căng thẳng bởi sự đe dọa của phi cơ dội bom và những cuộc hành quân truy lùng của quân đội miền Nam. Nhưng làm cho địch nao núng, thì bên phía mình cũng có sự bất lợi. Trước nhất, không chỉ lo vấn đề an ninh, mà cuộc sống nữa, con số hồi chánh ngày càng tăng dẫn đến kinh phí ăn ở càng cao, càng nhiều. Những cán binh hồi chánh thực sự bị cô lập, theo dõi, không thể làm được gì, vì sợ tạo phản, và cũng đáng nghi ngờ khi trong số này có một số cán bộ nòng cốt trá hàng ra đầu thú. Thành ra, hồi chánh trở thành gánh nặng về nhân sự và kinh tế cho miền Nam.
Tôi đặt câu hỏi:
- Nếu có một kế hoạch, miền Nam nên sử dụng người hồi chánh như thế nào?
Tôi nghĩ, có hai cách: một là phân tán mỏng, đưa họ vào trong các sinh hoạt sản xuất về nông nghiệp, công nghiệp. Thứ hai, có thể tập trung con số lớn người hồi chánh thành những đơn vị Tiểu đoàn, Trung đoàn, đưa họ ra tiền tuyến. Người ta sẽ nghĩ rằng, lập cán binh hồi chánh thành một lực lượng chiến đấu họ sẽ tạo phản, tôi cho không đúng, vì khi họ đã trực thuộc quân đội miền Nam họ dễ có được một cuộc sống về vật chất, và hưởng chút tự do, thoải mái hơn thời gian chiến đấu trước đây của họ. Và, về mặt tâm lý trong cuộc chiến khi đụng trận, họ sẽ chiến đấu quyết liệt để sống còn, vì nếu để bị bắt, họ sẽ thấy người CS dành cho họ sự trừng phạt vô cùng khủng khiếp. Tôi nghĩ, nếu áp dụng một trong hai phương cách vừa nêu, miền Nam có lợi thế hơn.
Nhân câu chuyện, tôi hỏi:
- Ở miền Nam nếu lập chính phủ ba thành phần, có lợi hay hại.
Viên Đại úy đáp ngay:
- Tôi nghĩ là có lợi, và nên làm.
- Như thế, có lợi cho phía Mặt trận và miền Bắc nhiều hơn.
Chỉ sau ít giây nghĩ ngợi, viên Đại úy nói:
- Mỹ đã thực sự rút chân ra được khỏi miền Nam. Đây là một cuộc chiến họ không ngờ bị sa lầy, do bởi thiếu ý chí quyết thắng và quá lo ngại từ phía Liên Xô và Trung Quốc. Tôi nghĩ hiệp định Ba Lê, chỉ có một phía quyết định là Mỹ còn Hà Nội, Sài Gòn, và Mặt trận là ba thành phần bị cưỡng bức, do vậy, không chắc hiệp định được thi hành đúng đắn. Và, với người Mỹ nhận lại được số tù binh là coi như xong, còn lại thuộc về những người Việt Nam với nhau. Bây giờ, phía trong Nam mình rất mong muốn có hòa bình, chiến tranh đã quá lâu dài, nên cho dù là một chính phủ như thế nào mà đem lại sự yên bình, không còn bị súng đạn đe dọa nữa thì người dân sẵn sàng chấp nhận. Nhưng thực sự, ước mong này khó đạt được. Vì rằng, phía Mặt trận là do Hà Nội tạo ra và quyết định họ không thể tách rời, hoặc tự quyết được. Còn Sài Gòn, Mỹ đã rút vừa giảm viện trợ, không chỉ kinh tế, chính trị bấp bênh đến quân đội cũng không còn ở thế mạnh như trước đây nữa. Cho nên, Sài Gòn, Mặt trận, đều gặp bất lợi. Hiệp định Ba Lê, thời gian hòa bình có nhiều lắm cũng chỉ trong hai ba năm thôi, rồi chiến tranh sẽ trở lại. Vì, Hà Nội đã quyết tâm đánh đến cùng, thống nhất miền Nam bằng một giải pháp duy nhất là dùng quân sự.
Tôi hỏi:
- Người Mỹ có trở lại giúp miền Nam, nếu Bắc Việt xâm lăng.
- Tôi nghĩ là không.
Người lính khi có được những ngày nghỉ phép, lúc nào trong lòng cũng có sự phấn chấn, cảm thấy gia đình, những người thân được thấy sự hiện diện của mình trong ngày về. Nhưng lúc này, tôi không muốn đi phép nữa. Tôi nghĩ tới trách nhiệm trong ban đang thiếu người, bài vở phát thanh 45 phút mỗi ngày cũng nhiều. Còn về bản thân mình, tuy cuộc sống độc thân nhưng đồng lương của tôi cũng khiêm tốn, dè sẻn lắm mới cầm cự được đến cuối tháng, còn bình thường, ít ra cũng hụt đến cả tuần lễ trong túi mới có đồng tiền rủng rẻng, vui trở lại. Vừa rồi, lãnh lương Tết có tiền thưởng, tôi dành trọn gởi về gia đình cho mẹ và các em. Tôi cũng có gởi thư và thiệp chúc Tết về gia đình bác Hội, ông bà Kha, Kim Ly và chị Phượng Nga. Những kỷ niệm cũ bỗng dưng nhớ lại vào buổi chiều cuối năm đã làm tôi chạnh lòng. Tôi nhớ đến Huê, nhớ đến một buổi chiều mưa ở Sài Gòn, tôi và cô gái nói với nhau những lời tâm sự qua một ly cà phê, qua một giọt lớn của nước mưa làm ắp đầy nỗi thèm khát có được một nụ hôn. Tôi cũng nhớ đến Kim Ly, ngày xa ấy, có một bức ảnh áo trắng cô gái đã làm tôi tưởng như mình đang đi qua một vùng quê hương của những người du mục.
Tôi vẫn chưa mong nghĩ mình sẽ lấy vợ, và có một gia đình. Thực sự, tôi không có thì giờ rộng rãi cho cả công việc làm và CUỘC sống, nhưng mỗi khi nghĩ về trách nhiệm, tôi vẫn thấy khó khăn như nghiệp dĩ của sách đèn, khoa cử, không thể nào mình vượt qua nổi.
Từ ngày ấy, tôi chỉ cất giữ Thúy Hà trong tim mình. Nàng như đã thay thế làm một người mẹ đang nắm lấy tay tôi dắt tôi trở về lại những ngày tuổi thơ nơi miền quê.
Hồi ức về những người thân, qua hình ảnh của mẹ, tôi lúc nào cũng có từng kỷ niệm riêng với mỗi người.
Dì Quyên là em ruột mẹ tôi. Hai chị em sống rất gần nhau, từ lúc còn ở làng quê cho đến khi ra tỉnh. Hồi con gái, dì đi học ngoài Vinh, đậu được bằng Tiểu học Pháp. Nhưng khi lên trung học, chỉ học một năm nhất niên rồi dì nghỉ, đi làm việc cho Ty kiểm lâm khoảng ba năm rồi lấy chồng. Chồng của dì là chú Vinh, học đến ban Tú Tài, rồi ra làm việc ngành hỏa xa. Chú Vinh là anh ruột chú Hoàng, ba của Kim Ly. Hai chú là người quê Đại An, cách thị xã Đông Hà sáu cây số. Năm 1947 chú Vinh, cả chú Anh chồng dì Kim Miên theo kháng chiến cả hai cùng bị tử thương trong trận đánh với Pháp ở chiến khu Ba Lòng. Từ Đại An, dì đem hai con nhỏ là Lăng và Linh về quê ngoại, nhưng không ở lâu, dì trở lên thị xã và làm nghề giáo. Thời gian dì dạy Đông Hà, gia đình tôi ở Quảng trị. Hai nơi tỉnh và thị xã cách nhau chỉ hơn mười cây số, nên tôi ra ngoài dì luôn. Lần nào ra, dì cũng cho ăn đủ các thứ quà bánh no nê, đến lúc trở vào, dì còn cho cả tiền xe tàu, tiền ăn quà nữa. Thời đó còn nhỏ, lớn lên cũng vậy. Đi xa, về thăm dì tôi vẫn là đứa cháu cưng, được dì thương mến, hỏi han, năm xưa thằng cháu ưa các thứ quà bánh ra sao, lớn lên cũng vẫn thèm mấy thứ đó. Vừa mới đây, trong kỳ nghỉ phép, dì và mẹ đã đồng lòng tính chuyện cô Oanh cho tôi. Với me tôi còn thoái thác được, nhưng mà dì Quyên đã chịu lời rồi, tôi phải vâng dạ thôi. Thực ra, cô Oanh cũng là một người rất tốt, giàu tình cảm, vừa có học thức. Sau ít năm đi dạy học, cô ôn bài vở, thi lại Tú Tài II đậu được hạng khá. Khi gặp tôi, cô như đã muốn chọn tôi làm người bạn đời thủy chung và thanh bạch. Về phần tôi, không phải tôi muốn sống đơn độc, lãng mạn với những hình ảnh qua văn chương và liên hệ với bao nhiêu cô gái ở ngoài đời vào trong trí tưởng của mình, nhưng thực sự tôi lo sợ và nghĩ tới tình cảnh bất an của mình trong chiến tranh. Từ cuộc chiến mùa hè 72, tiếp đến Hiệp định Paris cho thấy miền Nam đã bắt đầu suy yếu, vì một lý do quân Mỹ đã rút lui không quay trở lại nữa. Người Mỹ cũng như nước Mỹ muốn bỏ rơi miền Nam, để bước sang một vùng đất khai thác mới, đó là Trung Đông, nơi giàu có dầu hỏa. Tuy không chuyên sâu về quân sự, chính trị, nhưng qua những lần nói chuyện với Đại úy Thân, tôi tin rằng, trong năm nay hay qua năm tới Hà Nội sẽ mở một trận đánh toàn diện xâm lăng hết cả miền Nam. Trong cuộc sống từng ngày, những lúc khát khao dậy lên niềm ao ước, tôi mong chiến tranh sớm chấm dứt, tôi xin được giải ngũ, và dù có muộn tôi cũng gắng đi học lại, vì tôi luôn coi chuyện sách đèn là mối tâm cảm. Ngoài điều ước này ra, tôi chưa mong gì cả.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

Bên gia đình mẹ tôi, các con gọi người cha bằng cậu. Ông ngoại tôi, thuộc đời thứ bảy họ Lê ở làng Xuân Thành đỗ cử nhân khoa thi Hương cuối cùng năm Mậu Ngọ, đời Khải Định thứ ba. Thời trước, ra làm quan có hai vợ là bình thường. Ông ngoại lấy người vợ đầu lúc còn hàn vi sinh được sáu người con, chết đi ba, còn lại ba là me tôi, dì Quyên và cậu Nghiêm. Người vợ thứ nhì là em ruột người vợ đầu, sinh một trai một gái, đó là cậu Phiên, dì Phương. Nối giòng dõi, phía con trai qua thời tân học bằng chữ Pháp, hai người cậu của tôi đều đỗ đạt và có địa vị trong quân đội và chính phủ. Nhưng về các dì, có dì Phương thông minh, học khá hơn cả. Ba anh em lớn chúng tôi, dì xem như là bạn vong niên của dì. Khi bàn chuyện văn thơ, mấy dì cháu rất là tương hợp, đồng cảm.
Trong các người con, dì út sống bên ông ngoại nhiều hơn cả. Những lúc nghe dì kể chuyện cũ về ông ngoại, về một mái nhà, một khu vườn, quang cảnh dòng sông, đường làng quê, mấy đứa cháu im lặng lòng vui xen lẫn chút thương cảm, ngậm ngùi. Và, dì hay nhắc đến mẹ tôi. Tuy không đi học ở trường, nhưng bà có trí nhớ tốt, nghe ông ngoại đọc thơ Kiều, Chinh phụ ngâm chỉ một lần là nhớ thuộc, ở nhà với mẹ lớn coi sóc ruộng nương, buôn bán chợ phiên, việc nào mẹ tôi cũng làm được. Căn nhà của gia đình ngoài làng quê được khởi xây vào năm 1934, lúc đó, dì mới bốn tuổi theo ông ngoại về thăm làng, vừa trông thấy dì đầu ngõ vào mẹ tôi đã chạy ra bồng dì trên tay, mừng vui lắm.
Năm đầu tiên xuất chính, ông ngoại làm Hậu bổ đạc điền ở Tuy Hòa. Thời gian chỉ có hai năm ở đây, rồi ông được bổ nhiệm ra phía Bắc làm tri phủ ở huyện Anh Sơn, rồi Nga Sơn. Năm 1940, mới có mười tuổi dì đã học lớp Nhất. Vốn chăm học, vừa thông minh, dì luôn đứng hạng nhất nhì trong lớp, và điều làm cho ông ngoại hãnh diện là cuối năm thi tiểu học gồm bốn trường huyện, dì đỗ đầu toàn khu vực. Thời đó, tiểu học cũng học bằng tiếng Pháp, và có bằng này là ra đời kiếm sống được rồi. Nhưng tuổi còn nhỏ, gia đình có điều kiện cho học thêm, nên dì muốn học tiếp nữa lên Thành Chung, rồi Tú tài. Và, từ các trường huyện hay tỉnh nhỏ, muốn được vào trường nữ trung học phải ra Hà Nội hoặc vào Huế dự kỳ thi tuyển năm đệ nhất niên.
Phía Bắc từ Thanh Hóa vào, phía Nam ở Nha Trang ra, thí sinh dự tới con số báo danh một ngàn, nhưng tuyển chọn chỉ lấy hai trăm. Hồi ức lại tuổi thơ ngày ấy thật là đẹp. Năm thi đó, dì đi Huế trước một tuần bãi trường, đi với bà ngoại em. Và trên chuyến đi, dự tính chưa vào Huế ngay, hai người còn xuống Quảng trị thăm quê nội dưới Xuân Thành, rồi theo đò dọc lên Đông Hà, từ đó theo xe hàng lên Cam Lộ. Cam Lộ là quê ngoại, có một thời gian ba tôi dạy học ở đây cùng bạn đồng nghiệp là tướng Hoàng Xuân Lãm. Cam Lộ có tài nguyên về rừng, các loại gỗ quý. Nơi làng này, có hai họ nổi tiếng là họ Thái và họ Phan. Bên họ Phan, có nhà giáo Phan Ngọc Hoan, vừa là nhà thơ nổi tiếng lấy bút hiệu là Chế Lan Viên. Từ mẹ, đến các cậu dì ai cũng hãnh diện về nhà thơ, vì ông là người em chú bác với cả hai bà ngoại. Không chỉ có dạy học môn Văn rất hay, tài hoa với vần thơ, ông còn là người học sinh giỏi, năm thi Thành Chung ông đậu thủ khoa toàn cả miền Trung. Bài tùy bút tuyệt vời nhất của ông tôi được đọc là bài Bỏ trường mà đi. Trong bài này, tôi có niềm rung động, cảm khái, khi tìm được một chi tiết về chiến tranh được tác giả ghi nhận không phải nó xuất hiện ngoài chiến trường, mà từ trong một lớp học nhìn ra một quang cảnh bên ngoài.
Nhà ông ngoại ở ngay trên phố chính của huyện. Sau lưng nhà, có ao sen, lúc đó sen cũng đang trong mùa, cuống hoa, cuống lá trồi lên cao, gió đùa nghiêng ngả như bóng dáng một cô gái trông rất là đẹp và dễ thương. Khi đã xa nhà, tuổi thơ của dì không còn được vọc nước ở bên ao và hít hoa sen nữa.
Xe tới, dì và bà ngoại bước lên xe. Ông ngoại ra cổng huyện đường đưa tiễn, đứng yên lặng nhìn dì, nở nụ cười, mắt sáng lên ánh hiện một niềm tin cậy. Phút tạm biệt có sự quyến luyến với người cha, nhưng lòng dì cũng vui. Bỗng dưng, dì bật khóc khi trông thấy cổng trường Nga Sơn. Xe không chạy nhanh, nên dì trông thấy rõ. Bên kia đường hai cửa sổ bỗng mở tung ra: nào thầy, nào bạn đưa tay lên vẫy, đến lúc đi ngang qua nhà người bạn thân thấy Bích Ngọc đứng trước cổng nhìn theo xe từ xa cho đến khi xe đã khuất. Người bạn dì rất cứng rắn, không khóc, không vẫy tay, nhưng sau có một lời ghi lại trong thư: oán ngàn cây khuất bóng Phương đi.
Ngày bước vào trường thi, dì cũng như bao nhiêu cô gái khác ai cũng cảm thấy nôn nao, rộn ràng, vừa lo âu và hy vọng. Theo số báo danh, dì ngồi bàn phía ngoài gần ngay lối cửa ra vào. Từ không gian khiêm tốn ở trường huyện nay được dự buổi thi ở ngôi trường Đồng Khánh lầu cao, cửa rộng, mắt ngẩng nhìn khung trời mới đầy hoa phượng đỏ, vừa nghe tiếng ve kêu vang, lòng dì lại phơi phới, tươi lên trong nụ cười hy vọng và thấy thương mến ngay ngôi trường vôi hồng này. Khi làm bài thi, thỉnh thoảng dì lại phân tâm, ngoái đầu nhìn lên những cành phượng đỏ trĩu bông, dì thấy thú vị vô cùng, nhờ cảm giác đó mà làm bài trôi chảy. Sau hai ngày thi, dì ở lại Huế đến một tuần chờ kết quả. Dì rất là hy vọng, tin tưởng, quả không bỏ công cho một năm học của mình, kết quả thi viết dì có tên, ngày hôm sau vào vấn đáp, các cô giáo rất là nghiêm, nhưng rồi, môn nào dì cũng trả lời đúng và đầy đủ. Kết quả tuyển hai trăm người, dì đậu hạng thứ mười. Vui mừng quá, để tưởng thưởng cho sự học của mình, về nhà trọ, dì được chị Trâm đem đi chơi phố và bao ăn chè Huế. Sau đó đưa đi thăm các thắng cảnh trong và ngoài kinh thành.
Mùa hè còn lại của dì là những ngày ở Nga Sơn với ông ngoại. Sau giờ làm việc, hai cha con tản bộ, chuyện trò, bây giờ ông ngoại xem dì đã lớn nên có sự bàn bạc về chuyện đời, cả đến chuyện văn chương.
Thời gian qua mau, niên học mới bắt đầu. Ngày dì lên đường, buổi ra đi thật là buồn, luyến tiếc. Bà ngoại lo lắng muốn đi cùng nhưng ông ngoại không cho, nay dì đã lớn, trưởng thành hãy đi một mình làm quen cuộc sống mới. Từ Nga Sơn, ông ngoại đưa tiễn dì lên ga Thanh Hóa. Khi xe đi ngang qua trường, dì thấy trường đóng cửa, lòng dì bỗng chùng xuống, đâu còn thấy nữa thầy và bạn xô cửa, vẫy tay, giọng nói của dì chợt run lên từ nay xa mãi, mãi về sau. Lên tới ga, ông ngoại tới quầy mua vé xong trở lại với dì. Vậy là, hôm nay thực sự một ngày mới của đời dì. Trong lúc chờ tàu Hà Nội vào, hai cha con vào một quán hàng giải khát gọi nước uống. Lòng dì vui, nhưng sao tránh khỏi được nỗi buồn trước cảnh biệt ly. Ông ngoại không tỏ bày gì cả, không để lộ những cảm xúc ra ngoài mặt, nhưng mỗi một phút giây ông nghĩ nhiều đến tương lai dì sau này.
Một lúc lâu, ông ngoại chợt hỏi dì:
- Con hiểu được lòng của cậu không?
- Dạ có, con rất hiểu.
Một giọng cân nhắc, càng đắn đo, ông nói:
- Mẹ con là em ruột của dì lớn con. Khi cậu muốn được lấy mẹ con, dì con không bằng lòng, vì thực tâm không muốn hai chị em phải lấy một chồng. Ai khác thì không sao, chứ lấy chị, rồi lấy em, dì lớn không muốn. Cậu cũng hiểu, nhưng thực lòng cậu thương mẹ con. Về mẹ con rất thương cậu mới chịu lấy, nhưng trong nhà ngoài dì lớn con ra, cậu Thông của con cũng không bằng lòng, muốn ngăn cản. Từ lâu nay, tâm sự này, cậu giữ lấy, bây giờ mới bộc lộ ra để con biết lòng cậu. Chỉ có con, vì sau này, khi con trưởng thành con sẽ nhận ra thế nào là một đại gia đinh có sự sum họp, thương yêu. Con có biết, ông nội con lấy hai bà, cũng là hai chị em ruột nhưng qua giữa đời con như cậu, cô út và mấy bác, luôn thương yêu đùm bọc nhau. Vậy mà, phía gia đình mình, lại xung khắc, không mấy vui giữa hai người lớn, rồi anh chị em con với nhau.
- Con hiểu cậu. Rồi đây, con sẽ thay cậu cố gắng giải hòa, tạo nên không khí vui cho gia đình.
- Hai chị lớn con thì rất thương cha mẹ, nhưng đôi khi nghĩ chuyện gia đình không đúng chỗ.
Rồi câu chuyện ngừng chốc lát. Đôi mắt dì Phương ngước nhìn về phía rặng núi, lúc này, dì chẳng nghĩ gì khác hơn là một tấm lòng.
Khi tiếng còi tàu vang vọng đến kéo dì trở về một thực tại cần thiết. Hình ảnh con tàu chỉ mới xuất hiện ở xa qua một vùng khói, nhưng không khí nhà ga đã rộn ràng. Ông ngoại đứng lên rời ghế đi trả tiền nước, xong trở lại bên cô con gái.
- Vào trong đó, học hành ra sao nhớ biên thư cho cậu.
- Dạ.
- Mọi thứ, mẹ con sắm cho con đầy đủ chưa?
- Dạ đủ.
Cô gái đeo vai cái túi xách, chiếc va li nhỏ để cạnh chân. Trong chiếc va li là những sách vở và áo quần đồng phục cần thiết mặc đi học. Có một tờ giấy quan trọng của trường gởi thông báo, cũng được cất kỹ.
Hai cha con đứng bên nhau nhìn đoàn tàu đang tiến vào ga, ngừng lại. Trên tàu, toa nào cũng đông hành khách. Vì đi xa một mình, nên ông ngoại mua cho dì chiếc vé hạng nhì để có được chỗ nghỉ, và thảnh thơi.
Cô gái khóc nức nở, gục đầu lên vai người cha.
- Lớn rồi. Đừng có khóc, gắng học giỏi cho gia đình mừng.
Trên đôi mắt hoen đỏ, còn lại một nỗi nhớ ấm áp. Cô gái cảm nhận được tình thương vô bờ, đó là bàn tay thân thiết của người cha.
Lên tàu sắp xếp hành lý xong, cô gái ngồi bên cửa toa nhìn xuống có người cha còn đó.
Bây giờ không nói chi nữa, nhưng lòng cô gái còn bâng khuâng. Những tiếng còi dài ngắn, lúc vọng, lúc ngừng báo hiệu giờ chuyển bánh.
Tàu rời ga, cô gái khóc với niềm vui xen lẫn, và cô được thấy thấy nụ cười tinh anh, tươi sáng của người cha. Với cô, người cha là biểu tượng cho sự trung thành và chân chính.
Khi đoàn tàu đi khuất người cha rời khỏi nhà ga, ở đây, có chuyến xe hàng đi về tới huyện. Hôm nay là ngày thứ bảy, việc quan được nghỉ. Sự trở về lần này của ông thật thanh thản.
Từ Thanh Hóa vào Huế, tàu đi cũng hết một ngày đường. Khi đến Vinh, thế nào cũng gặp anh Phiên lên đón ở ga. Rồi, chừng nửa giờ ở ga lấy nước, tàu lại tiếp tục chuyến đi, vào Hà Tịnh, Quảng Bình, rồi Quảng Trị. Quảng trị chỉ cách Huế 60 cây số. Khi tàu qua cầu Đông Hà, nhìn ngược lên sông Miêu, cô gái nhận ra trong bóng núi mờ có hình ảnh làng quê mẹ, và nhìn hướng về phía Tây của dòng sông ra đến biển cửa Việt cũng sẽ thấy làng quê của cha. Quê mẹ và quê cha cùng nằm trên một dòng sông ra đến biển.
Bên ngoài nắng sáng ấm. Bây giờ lòng cô gái vui hẳn lên nghĩ về tương lai. Và, để ghi nhớ chuyến đi của mình cô lấy trong túi xách ra một cuốn sổ tay, rồi cây bút, và bắt đầu một trang giấy mới cho một dòng nhật ký cùng cô bước vào cuộc đời.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

PHẦN THỨ TƯ

I

Mười giờ đêm ngày 9 tháng ba, thành phố Ban Mê Thuật đã được lệnh báo động đỏ, tập hợp các binh sĩ chuẩn bị tác chiến.
Rạng ngày 10, lúc hai giờ sáng các chốt điểm Cảnh Sát Dã Chiến ở cửa Bắc và cửa Tây thị xã đã phát hiện thấy các tổ trinh sát của Cộng quân, lập tức báo về Trung tâm hành quân Cảnh Lực của Bộ chỉ huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac.
Tới ba giờ sáng, phía CQ bắt đầu thực hiện trận mưa pháo loại đạn 130 ly và 122 ly, mục tiêu là Bộ chỉ huy Tiểu khu, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23, kho đạn Mai Hắc Đế và phi trường Phụng Dực. Những tiếng nổ của đạn pháo và hỏa tiễn làm rung chuyển mặt đất, vỡ tung những cửa kiếng, phá hủy nhiều nhà cửa của dân chúng và làm gãy đổ cây cối trên nhiều đường phố. Thị xã Ban Mê Thuật đã bị uy hiếp, đạn pháo Cộng quân bắn liên tục đến nhiều giờ đồng hồ. Trước khi phát động cuộc tấn công, địch đã tung những toán đặc công của CQ đột nhập vào các vị trí quan yếu, đó là Biệt đoàn trực thăng 219, phi trường Phụng Dực, kho đạn Mai hắc đế, Tiễu khu Darlac, Tòa Hành Chánh tỉnh, Sư đoàn 23 BB. Rồi, cuộc tấn công bắt đầu. Những cuộc chạm súng của bên bạn và địch rất dữ dội, nhưng do lực lượng quá chênh lệch, chỉ sau hai giờ giao tranh, phía quân địch tràn ngập và toàn bộ các cứ điểm đều bị lấn chiếm.
Ngày hôm nay, thị xã Ban Mê Thuột hoàn toàn nguy ngập. Lúc 9 giờ 20, chiến xa T54 và bộ đội tấn công vào trung tâm thị xã. Một mũi từ cuối đường Phan Chu Trinh phía Cửa bắc tràn chiếm khu vực nhà thờ Chánh tòa, mũi thứ hai từ phía Nam từ khu vực Buôn A Lê B, đồi La San, theo đại lộ Thống Nhất tiến đánh khu vực dinh Tỉnh trưởng, Ty Ngân Khố. Một mũi khác, từ hướng chùa Khải đoan đánh chiếm ngã tư Nguyễn tri Phương Phan Bội Châu, và cả những mặt phía Tây thị xã cũng bị tấn công.

Về tới Huế, vui không khí Tết hơi muộn với gia đình chưa hết hai ngày phép, tôi lại lo lắng tìm phương tiện máy bay trở lại Quy Nhơn ngay, càng sớm càng tốt. Tôi muốn trở lại, vì tôi nghĩ, tình hình đang rối ren trong ban rất cần người lo công việc bài vở cho chương trình phát thanh hằng ngày. Một lý do khác nữa, tôi không muốn phụ lòng tốt của Đại úy Thân, mà tôi coi như người anh.
Vậy là, chuyện tôi và cô Oanh đợi một lúc khác. Bây giờ, tin chiến sự đã làm xôn xao, rúng động. Tối hôm qua 10/3/75, quân Bắc Việt tung đại quân đánh chiếm tỉnh lỵ và thành phố Ban Mê Thuật. Buổi sáng nay, tôi nghe được tin này từ đài Sài Gòn và cả B. B. C cùng một số đài khác ở nước ngoài. Khi hay biết biến cố này xảy ra, là một người lính thuộc đơn vị nằm trong lãnh thổ trách nhiệm của Quân đoàn II, tôi không thể làm ngơ. Đại úy Thân có lẽ cũng đang tìm cách liên lạc với tôi, hy vọng tôi trở lại sớm hơn.
Từ ngày rời Pleiku xuống Quy Nhơn, tôi làm việc ở ban biên tập hàng ngày đều chu toàn hết bổn phận với trách nhiệm cá nhân cùng sự hỗ trợ cho tập thể và đơn vị. Có thể nói thêm đôi chút phấn khích là tôi có sự đóng góp tích cực và làm mới hơn chương trình phát thanh 45 phút mỗi ngày. Trong ban, ở trụ sở làm việc nhân sự có 6 người. Việc hàng ngày được phân chia, vị Đại úy phụ trách bình luận, bài viết hai trang đánh máy, Hạ sĩ I Hối viết tin tức, Trung sĩ Nghiệp lo công văn, thư tín, nội vụ, hai cô nhân viên dân chính làm công việc trực điện thoại và đánh máy bài vở. Về phần tôi, phụ trách các mục điểm báo, sinh hoạt đơn vị, bút ký chiêu hồi, thư hậu phương tiền tuyến, giới thiệu truyện lính viết, chừng đó gần như bao giàn cho mỗi tuần lễ phát thanh sáu ngày, ngày nào cũng có mục tôi viết hết. Tuy nhiên, tôi chẳng có sự phân bua, nề hà, ngược lại còn rất hết lòng. Có thể nói, niềm vui của tôi mỗi ngày là xong việc một cách hưng phấn. Không chỉ vậy thôi, tôi còn rất là vui khi những bài tôi viết được bên đài dân sự giữ lấy để đọc và phổ biến cho dân chúng trong thành phố nghe để theo dõi các sinh hoạt thường ngày.
Thời gian biệt phái của tôi đã hết, nhưng tôi không còn trở lên Pleiku nữa mà làm việc hẳn luôn cho ban phát thanh. Năm nay ai cũng hy vọng có thêm được một năm nữa bình yên, để dần dần đi tới sự hòa giải, sự thống nhất, ước mơ đẹp biết bao nhiêu khi hai miền Nam Bắc hoàn toàn sum họp và xây dựng đất nước cho tương lai. Vào một ngày nào đó ước mơ ấy đạt được cũng sẽ là ngày bài quốc ca được toàn dân Việt cùng cất tiếng hát. Năm nay, không khí Tết ở Quy Nhơn rất là nhộn nhịp, và đặc biệt, vào dịp Tết là có mở chợ đêm và tổ chức ngày lễ hội Tây Sơn. Thường lệ, mỗi ngày chương trình phát thanh 45 phút, nhưng hai tuần lễ trước khi đón Tết tăng thêm mười lăm phút, thời lượng đủ một giờ. Vào dịp này, để có thêm nhân sự chạy việc, tôi giao phần tin tức cho hai cô dân chính viết, còn tôi và Hối đi ngoài. Với chiếc xe Jeep của ban, tôi và Hối đi ra các đơn vị tiền tuyến của Sư đoàn 22 và các đơn vị Nghĩa Quân làm phóng sự thu băng. Tới những nơi này, chúng tôi có đem theo ít quà biếu là báo Xuân. Những báo này, nhiều hơn hết là báo quân đội, và có thêm ít báo Xuân ở ngoài có được nhờ chúng tôi đi vận động sự ủng hộ của các nhà sách và sạp báo. Khi xong chuyến công tác, về lại đơn vị, chúng tôi cho phát y nguyên phóng sự sống để dân chúng và quân nhân được nghe. Không nói là một thành tích lớn, nhưng ít nhiều, chúng tôi được các cấp chỉ huy ngợi khen và các chiến sĩ khích lệ. Ở hậu phương ban chúng tôi cộng tác với đài dân sự, trong đó, có cô Vy là đặc phái viên hay đi cùng. Trong thị xã, chúng tôi đến thăm các chùa, nhà thờ, phóng sự cảnh buôn bán ở chợ, các cửa hàng phố chính. Không chỉ sinh hoạt bình thường buôn bán, chúng tôi còn lưu tâm đến những sinh hoạt văn hóa, và hơn hết là sự đến thăm các trường nam nữ trung học. Tại đây, chúng tôi mời gọi các em nam sinh cũng như nữ sinh viết thư gởi thăm chiến sĩ đang đóng quân ngoài tiền tuyến. Thực là cảm động với ý nghĩa sâu sắc, với lòng thương, niềm vui trong tâm hồn trẻ thơ, vậy nên học sinh các trường lớn nam nữ công tư các em đều viết, thư nhiều cả mấy trăm cái và chúng tôi phân phối về phòng Tâm lý chiến của Sư đoàn để gởi đều cho các đơn vị, nhất là các đơn vị ngoài tiền tuyến. Trong số thư này, chúng tôi tuyển lựa một số và ngày nào cũng có đọc trên chương trình phát thanh. Rất là giao cảm, khi các em viết thư đi, có đề địa chỉ trường và nhà, bất ngờ chính những người lính ngoài biên ải đã viết thư gởi về cho các em, và từ đó, tạo một nhịp cầu liên lạc cùng sở thích tìm bạn bốn phương.
Sau năm ngày Tết ở đơn vị, nhận thấy tình hình yên ổn, Đại úy Thân trưởng ban muốn thưởng cho tôi một kỳ phép về Huế thăm gia đình, tiện thể, gặp cô bạn gái Oanh mà tôi mới quen từ việc mai mối của dì Quyên và mẹ tôi. Cả hai đều rất hài lòng về cô Oanh. Trong ban chưa có ai hay biết, riêng vợ chồng Đại úy Thân tôi đã có đôi lời tâm sự.
Tôi có được mười ngày phép về Huế, một điều tôi chẳng nghĩ tới, mong đợi. Cũng như mọi năm, dịp Tết binh lính có được tiền thưởng thêm trọn một tháng lương. Số tiền này, tôi gởi về cho mẹ và lì xì cho các em. Số còn lại, tôi ráng dè xẻn chi tiêu. Tôi đang sống độc thân, nhưng cũng cần kiệm. Vào tuần lễ cuối tháng, tôi thường hụt tiền, đôi khi phải vay mượn, hoặc ký sổ ăn ở Câu lạc bộ. Về phép, chuyện cô Oanh chỉ là một tình cảm không hệ lụy, bắt buộc. Nhưng có được ân huệ này, tôi cũng có chút phân vân, trước nhất là sự eo hẹp tiền bạc. Thứ đến nữa, trong ban neo người quá. Hạ sĩ 1 Hối viết tin thì được, các đề mục khác do có giới hạn nên anh chưa quen, nếu mà làm đôi khi chương trình có những sự cố, dễ gây thất vọng cho thính giả. Tôi im lặng, lo lắng, chuyện này rồi cũng làm Đại úy Thân hiểu, và để cho tôi khỏi băn hoãn lo nghĩ, vị Đại úy đã trích lấy tiền quỹ giao tế của ban phát thanh đưa cho tôi hai ngàn đồng gọi là thưởng công làm việc của tôi. Với niềm vui nhỏ này, tôi đón nhận chờ ngày lên đường.
Từ Quy Nhơn ra Huế, cần phương tiện máy bay quân sự tôi phải ra Phù Cát, như vậy nhiêu khê và cũng phải mất một ngày chờ. Tôi nghĩ đến việc đi đường bộ bởi từ sau ngày ngừng bắn, tình hình mọi nơi tương đối tạm yên. Buổi sáng sớm, tôi rời khỏi thị xã khi đèn đường chưa tắt. Khi xe ra đến Tam Kỳ tôi xuống, tìm đến gia đình Liên và anh Thiện chúc tết. Tôi biếu vợ chồng người bạn một hộp bánh và chai rượu. Thiện và Liên vui lắm, khẩn khoản mời tôi ở chơi ít bữa nhưng tôi chỉ lưu lại có một tối, xa nhau lâu ngày chúng tôi chuyện trò đến khuya.
- Tôi nghĩ anh về lần này để lấy vợ.
- Chưa đâu.
Tôi kể chuyện Oanh cho hai vợ chồng nghe. Liên khẩn khoản bảo:
- Anh Thụy phải lấy vợ đi thôi. Ngày vui của anh, tụi này sẽ có mặt.
Tôi nhìn Liên, xúc động gần như phải chảy nước mắt. Thiện hỏi tôi:
- Công việc mới của anh ra sao?
- Không dễ dàng lắm, nhưng tôi có khả năng. Với lại có chút duyên trong nghề văn, nên công việc thích hợp với mình.
Vợ chồng Thiện đã được hai cháu nhỏ. Vẫn căn nhà cũ, bao nhiêu cảnh trí không thay đổi.
Đã khuya, Liên đi ngủ với hai cháu nhỏ, tôi và Thiện sau một vòng đi dạo mát trên đường trở về nhà ngồi ở bên ngoài mái hiên dưới cây trứng cá.
- Tôi e ngại tình hình không yên.
- Cũng không biết sao nữa, tôi nói.
- Anh Thụy a, tôi đã làm đơn xin thuyên chuyển vào Nha Trang.
- Có chuyện gì bất ổn không?
- Không. Tôi muốn về trong đó gần gia đình cả bên tôi và Liên. Ba tôi đã nghỉ hưu.
- Nhà cửa anh ở đây ra sao?
- Cũng dễ bán.
- Về trong đó khí hậu tốt hơn ngoài này.
- Tôi có hỏi ý kiến của Liên, cô bằng lòng.
Tự dưng, lòng tôi trở nên xa vắng. Ngày hôm sau, vợ chồng Thiện muốn tôi đi chuyến trưa, nhưng vì cần rút ngắn ngày về để ăn cái tết với gia đình nên tôi đi chuyến buổi sáng. Vậy mà, cũng lưu luyến với gia đình Liên thêm một tiếng với bữa ăn sáng, uống cà phê xong tôi mới đi.
Tối hôm qua 10/3/75 thành phố Ban mê Thuật bị quân Bắc Việt tấn công bằng đại pháo và xua quân tràn vào chiếm hết tỉnh lỵ và thành phố. Cuộc giao tranh diễn ra rất ác liệt.
Bỗng nhiên viên Trung úy trưởng trạm ngừng viết, nhìn ra ngoài. Rồi anh đứng lên, vội vàng đi về phía cửa, hai người gặp nhau.
- Nhớ tao không Thụy?
Tôi mất mấy giây để định thần, định trí.
- Thục, trời sao mày ngon vậy?
- Ngon không.
- Mầy thua cái ly cò nữa. Hai bông mai hồi nào vậy?
- Mới được hai tháng. Mầy thấy tao ngon không?
- Nói gì nữa.
- Đi đâu đây? - Đi Quy Nhơn.
Thục đưa tôi vào quán cà phê bên cạnh trạm tiếp liên. Sáng nay, tôi đi hai chuyến xe buýt, từ nhà ra bến chính ở phố Trần Hưng Đạo, rồi từ phố đi lên Phú Bài. Cà phê mang ra, Thục mời tôi uống và đốt thuốc.
- Sao mầy lại ở Bộ Binh?
Tôi kể văn tắt cho Thục, rồi hỏi:
- Hôm nay có chuyến bay đi Quy Nhơn không?
- Có.
- Nhưng ghé Phù Cát hay xuống ở Quy Nhơn.
- Xuống Quy Nhơn rồi ra Phù Cát.
Tôi cảm thấy yên tâm chuyện trò với Thục. Thục và tôi nguyên là lính, cùng khóa tân binh ở Nha Trang, và cũng là một số nhỏ hiếm hoi đậu được cái bằng Tú Tài 1 để đi sĩ quan. Sau khi rời khỏi quân trường, chúng tôi ra đơn vị theo ngành chuyên môn của mình. Thời gian ở đơn vị chúng tôi cố gắng học, vận may lấy được mảnh bằng Tú Tài I, được cái đà này, chúng tôi học thi Tú Tài II. Tôi rớt ba năm liền, còn Thục có rớt nhưng rồi cũng đậu, và lấy xong phần II nó nạp đơn xin đi ngành kỹ thuật.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

Bây giờ, ngồi trước mắt tôi là người bạn cũ đang làm Trưởng trạm tiếp liên.
- Vợ con gì chưa?
- Chưa, còn mầy.
- Có rồi, một móng.
- Công việc làm ở đây bận rộn không?
- Cũng bình thường, nhưng thiếu phương tiện giải quyết không xuể.
- Mầy chỉ coi về phía Không quân thôi.
- Tất cả hành khách, kể cả dân chính.
Tôi đưa giấy phép cho Thục để ghi tên vào danh sách lên tàu.
- Mầy có hay tin Ban Mê Thuột bị tấn công không?
- Có.
- Đó là lý do tao phải về gấp.
- Mầy đi công tác hay phép.
- Đi phép.
Thục nhìn vào giấy phép tôi đưa.
- Chưa hết ngày phép sao mày vào.
- Tao làm việc đơn vị nhỏ, quân số ít người.
Thục có vẻ trầm lặng. Hắn gọi người bán quán ra trả tiền cà phê.
- Cám ơn mầy nghe Thục.
Bên ngoài trời âm u, mưa nhỏ. Trong phòng đợi hành khách chờ chuyến bay, giờ này còn vắng chưa đông. Tôi nhìn lên đồng hồ tường mới tám giờ sáng.
Thục vào bên trong phòng làm việc.
Khi có chuyến bay đi Quy Nhơn, tôi gặp lại Thục. Phi trường Phú Bài yên vắng, chỉ có vài chiếc phi cơ dân sự. Có một chiếc C130 chuẩn bị đáp. Tôi được Thục gởi theo chuyến bay Cessna. Phi cơ sẽ ghé Đà Nẵng trước khi bay vào Quy Nhơn. Tôi không lo lắng, nghĩ rằng mình kịp trở lại đơn vị để biết rõ tình hình.
Mười giờ sáng phi cơ hạ cánh. Vừa mới ra khỏi cổng ngoài, tình cờ tôi gặp cô Vy là biên tập và xướng ngôn đài dân sự.
- Thiếu úy đi phép về?
- Phải cô.
- Thiếu ý hay tin gì không?
- Có, tôi có biết.
- Em lo quá.
- Gia đình cô ở đây?
- Dạ phải.
- Không sao đâu, cô Vy.
Tôi nói để trấn an, nhưng tôi cũng như cô Vy, vẻ mặt không người nào tỏ lộ được sự yên tâm.
- Bây giờ cô về nhà hay qua bên đài?
- Em về nhà.
Không biết hỏi gì thêm, nhưng để giúp nhau chút tinh thần tôi đi theo cô Vy một quãng tới đầu một ngã ba.
- Em nghĩ tình hình sẽ nguy kịch lắm.
- Không sao đâu, cô Vy.
Chúng tôi chia tay. Tôi đi ngược con đường vào phố chính để tới chỗ làm. Bên kia đường, bóng áo trắng cô Vy đi dưới nắng. Tuy hay xưng em với tôi khi gặp nhau, nhưng cô Vy cũng đã có tuổi, và nghe đâu, cô đã có đính hôn với một người bạn dạy học cùng trường. Không may, cái tết năm đó, anh ta về thăm quê bằng chuyến xe đò, bị mất tích. Một điều tôi biết thêm, nhân viên ở đài dân sự, cô Vy có học vấn khá nhất.
Khi thấy tôi xuất hiện, hai cô trong văn phòng hết sức ngạc nhiên.
- Thiếu úy mới đi phép, về nhanh vậy?
Tôi cười hỏi lại:
- Các cô biết sao không?
- Dạ không.
- Phòng làm việc trống, chỉ có hai cô đây coi việc nhà và trực điện thoại.
- Đại úy đi đâu?
- Qua họp bên Tiểu khu.
- Anh Hối và Nghiệp?
- Anh Hối đi với Đại úy, còn Nghiệp qua Bưu cục nhận thư.
Tôi về bàn làm việc của mình, kéo túi xách ra lấy hai gói kẹo mè xửng biếu cho hai cô.
- Về gia đình ăn tết vui không, Thiếu úy.
- Cũng vui.
Tôi không biết làm gì, đang chờ vị Trưởng ban về. Tôi đốt điếu thuốc cho bớt đi nỗi lo lắng, bồn chồn. Khi nhìn thấy chiếc máy thu thanh, tôi rời ghế đứng dậy mở đài Sài Gòn nghe tin.
- Đại úy về tới.
Tôi vặn nhỏ tiếng và quay đầu ra phía cửa.
- Em biết tin trên Ban Mê Thuột rồi phải không.
- Ở ngoài đó, em đã hay tin nên vội xin phương tiện trở vào.
- Anh cũng có ý định nhắn tin cho em.
- Em hiểu, tự thấy mình có trách nhiệm.
Trung sĩ Nghiệp cũng về tới, ngay lúc này, trong ban có buổi họp. Đại úy Thân nói:
- Tình hình xấu lắm, rất xấu. Ngay lúc này, anh em trong ban chuẩn bị, sẵn sàng nếu có lệnh di tản của Tiểu khu. Tốt hơn hết, là ai có gia đình nên lo trước, ở đây, có chuyện gấp rút chúng ta cần phải đi ngay. Về công việc trong ban, tất cả các đề mục khác tạm thời ngưng, cần thiết cho từng ngày là tin chiến sự. Dù thế nào, tin tức cũng có sự cổ vũ, lạc quan để cho chiến sĩ lên tinh thần.
Khi viên Đại úy ngừng lời, tôi hỏi:
- Có phải thường trực luôn tại đây không Đại úy.
- Có lẽ. Nhưng chờ tình hình xem.
Không ai nói gì thêm. Vị Đại úy cho tan buổi họp và mọi người cùng làm việc.
Giờ nghỉ trưa, Đại úy Thân và tôi cùng ăn cơm ở Câu lạc bộ. Những nhân viên trong ban có gia đình ở ngoài họ về, nhưng sẽ trở lại đây sớm hơn giờ làm việc. Tôi đói, nhưng đã cảm thấy mệt nhọc với bữa ăn.
Trước khi bàn chuyện tình hình, vị Đại úy hỏi han tôi về gia đình. Với những lời tâm sự, tôi kể cho người anh mình nghe về chuyện nhà, và lần gặp gỡ lại Oanh mà hai người cũng đang tìm hiểu nhau thêm.
Bữa ăn xong, hai người gọi cà phê và hút thuốc.
- Anh nghĩ tình hình khá trở lại không?
- Khó khăn lắm.
- Thế nào lực lượng dù cũng đến giải tỏa.
- Trận chiến lúc này không còn giống mùa hè 72.
- Ban Mê Thuột mất, chắc chắn Pleiku bị đe dọa.
Sau một lúc đắn đo, vị Đại úy nói:
- Đang có kế hoạch rút bỏ cả vùng Cao nguyên.
- Bỏ cao nguyên, duyên hải càng nguy nữa.
- Không, rút cao nguyên để có lực lượng bảo vệ duyên hải.
Tôi nhìn sang vị Đại úy, cố dò xét một vài ý tưởng mà chắc ông cũng muốn giãi bày.
Thế nào Hà Nội cũng tung đại quân vào miền Nam để đánh một trận nữa, mất còn. Hiệp định Paris được ký là một đòn phép để họ dưỡng quân, và tập trung quân. Ở mình trong này, ai cũng hiểu quá rõ tình thế, vậy mà, chính phủ không có được một kế hoạch bảo vệ lãnh thổ. Vào lúc mới ký hiệp định, mình cố mở ra những chiến dịch cắm cờ, giành đất làm chi, có giữ nổi đâu mà làm. Ngay lúc đó, cần một giải pháp liên hiệp với Mặt trận bên kia, với thành phần thứ ba không ai nghĩ đến, trong quân đội lại còn cho giải ngũ, mất đi biết bao quân số. Tình hình rõ như vậy, chính quyền làm ngơ đi rồi gánh thêm cái họa chia rẽ của đảng phái, tôn giáo cái họa làm ồn, gây rối của mấy ông, mấy bà nhà báo, bây giờ đây biến cố Ban Mê Thuật xảy ra là một dấu hiệu xấu không riêng gì cao nguyên mà tất cả miền Nam.
Tôi bàng hoàng nghe, cũng không ghi nhớ được gì cả. Tôi lại hỏi:
- Rút bỏ cao nguyên, ý định hay là quyết định.
- Tướng Phú bay về Nha Trang rồi.
- Nhưng Bộ tư lệnh Quân đoàn ở Pleiku?
- Đang chờ lệnh.
Tôi lên tiếng bày tỏ ý nghĩ của mình:
- Báo chí miền Nam gây rối nhiều quá. Tướng Nguyễn Văn Toàn cuộc đời riêng của ông tôi không biết rõ, nhưng về kinh nghiệm trận mạc ông có tài. Nếu đừng thay thế vị Tướng này đang trấn giữ cao nguyên, thì lúc này, đâu đến đổi mất Ban Mê Thuột. Chỉ vì không coi trọng tin tình báo, không hiểu địch, nắm tình hình địch, tướng Phú đã trả một giá không chỉ riêng Ban Mê Thuột, mà luôn cả cao nguyên. Khi cao nguyên mất rồi, quân Bắc Việt tràn xuống đồng bằng, phong tỏa quốc lộ I làm sao mình giữ nổi. Đại úy cũng rõ, mình có phi cơ, nhưng bên địch rất là mạnh về trọng pháo và chiến thuật biển người. Trong này, mình chỉ có quân đội, còn dân, quân đội rút, họ cũng bỏ nhà cửa đi theo. Rốt cùng chúng ta chỉ nêu lên được những thông tin về sự bi thảm, về sự tàn ác của Cộng quân, và ngày nào cũng đắm chìm sự thương đau bằng những bài hát, những ca khúc tuyệt vọng, ở miền Nam có hai mươi lăm triệu dân, nhưng chỉ có một triệu quân lính thực sự họ chiến đấu, còn dân, xét cho cùng chỉ làm mất thêm tinh thần quân lính. Với người dân không chỉ là sự nhẫn nhục, chịu đựng, họ cần có can đảm đối diện lại với quân thù.
Tôi nói xong, bỗng nghĩ mình hoảng loạn, vừa sợ hãi. Ngồi đã lâu, hai người đứng lên rời khói quán trở về phòng làm việc.
Khi tới giờ đi thu thanh, tôi cầm chiếc cặp giấy đi bộ quan Đài dân sự. Hai cô xướng ngôn viên chưa tới, gặp cô Vy tôi ngồi chuyện trò chốc lát. Tôi có sự nhạy cảm khi thấy cô hay để ý tôi bằng cặp mắt sâu, thầm lặng.
- Ở đây, cô dạy học nhiều trường không?
- Có một trường thôi. Em phụ trách môn Văn.
- Ở Pleiku, Kim Tuấn lúc nào nói chuyện với cô qua điện thoại anh ấy hết sức vui.
- Em nhớ có lần nhận bản tin Thiếu úy đọc.
- Tôi không nhớ.
Tới giờ thu thanh chương trình, tôi làm việc với hai cô xướng ngôn viên. Tôi suy nghĩ mông lung. Hết giờ thu, tôi trở lại nơi làm việc của mình. Tôi đi bộ, nhìn quang cảnh sinh hoạt trên đường phố. Không còn có một ý thức rõ rệt, sáng suốt giúp mình nhận định được tình thế, tôi đang là kẻ lạc đường.
Một ngày hôm nay thật quá dài, nặng nề. Buổi chiều đã tắt nắng. Hết giờ làm việc, tôi về phòng riêng của mình với tâm trạng lo âu hơn lúc nào cả. Nhưng rồi tôi cố định thần, đưa mình trở lại với không khí chiến tranh sau một thời gian vắng bóng. Tôi dẫn mình trở về lại những ngày tháng đầu tiên khi mới vào lính, rồi bao nhiêu năm qua, có sự gắn bó với đời binh nghiệp.
Từ nơi ở, tôi đi bộ ra phố. Tôi định đi ra phía biển hóng gió và nhìn sóng biển để lúc này được nhớ đến Thúy Hà. Tôi bước đi một mình, biển xanh vừa xuất hiện trước mặt. Bãi cát mịn màng, vừa ẩm ướt. Tôi và Thúy Hà ngồi bên nhau nhìn ra biển. Gió lộng thổi tung bay mái tóc của nàng. Nàng xích lại gần, và bảo tôi ôm nàng thật lâu trong vòng tay.
Ngày đó, Oanh vào Quy Nhơn học trường sư phạm, nàng không trở lại đây sau ngày rời trường và cuộc đời cô giáo của nàng thật bình dị. Tôi có cảm tình với nàng, nhưng lúc này, chẳng dám nghĩ xa hơn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 31 Mar 2017

II

Ba ngày sau, (tỉnh Ban Mê Thuột đã bỏ ngõ) Tổng Thống Thiệu ra lệnh rút bỏ Cao nguyên về duyên hải. Bộ Tư Lệnh Quân đoàn xuống Nha Trang, còn lại quân nhân cơ hữu và các đơn vị trú đồn rút về Tuy Hòa qua đường liên tỉnh lộ 7. Đây là con đường đá dài 300 km từ quốc 14 đi Hậu Bổn (có đèo Cheo Reo) về Tuy Hòa sát biển. Đường này rất gồ ghề, đá lởm chởm đã bị bỏ hoang từ lâu không dùng đến. Từ Pleiku đi Cheo Reo, đoạn đường này còn dùng được, nhưng phần còn lại rất tệ hại, nếu muốn sử dụng cần phải có lực lượng công binh sửa chữa đắp lại con đường và xây cầu. Có ba cây cầu Phú Thiện (50 mét), Lê Bắc (600 mét), Cà Lúc (40 mét) đều hư hỏng. Khi thực hiện rút quân trên con đường hiểm trở và hư nát này, tướng Phú đã không nghĩ đến con số hàng trăm ngàn người quân và dân cùng xe tăng hạng nặng M48 và gần bốn ngàn xe cơ giới đủ các loại. Người chỉ huy là Chuẩn tướng Phan Duy Tất. Sau cuộc hành trình bảy ngày, đoàn người sống sót về đến Tuy Hòa có được 1/3, còn lại bị chết và mất tích.
Ban phát thanh chúng tôi vẫn làm việc, mỗi ngày chỉ có hai đề mục chính là tin tức và phóng sự. Tôi đi Tuy Hòa hai ngày làm phóng sự với các đơn vị rút quân và những đồng bào chạy nạn. Vào thời điểm này, báo chí trong nước chú tâm đến tình hình chiến sự. Sự sai lầm của ông Thiệu dẫn miền Nam đến một sự tan rã quá bất ngờ. Bây giờ, quận lỵ hay tỉnh, thị xã đều chuẩn bị di tản. Nơi cuối cùng tập trung là Sài Gòn.
Khi đoàn người về tới Tuy Hòa, vừa lúc tôi có mặt. Kim Tuấn cũng có mặt ở đây, lâu ngày không gặp chúng tôi rất xúc động mừng rỡ. Với riêng tôi, Kim Tuấn là người bạn rất thân. Dù anh nhỏ cấp bậc, nhưng tôi luôn quý trọng anh. Giữa anh và tôi, hai người có sự đồng cảm trong văn chương và ngoài đời thường. Anh là một con người rất năng động, có nhiều tài, làm báo, viết văn, làm thơ, diễn kịch. Có thêm một công việc nữa anh làm ngoài giờ là dạy học môn tiếng Anh ở trường văn hóa quân đội trong tỉnh.
Những người thoát được chặng đường gian khổ, trông họ có vẻ ủ dột, mất niềm tin. Khi chúng tôi gặp một số người dân thường và lính, ai cũng kể lại một đoạn trường vượt địa ngục rất hãi hùng. Tôi nghe những tiếng đứt quãng, những giọt nước mắt cay đắng nhẫn nhục, hận thù. Không kể tôi và Kim Tuấn là phóng viên địa phương, ở Sài Gòn, phóng viên báo chí cũng ra đông, cả phóng viên nước ngoài nữa họ ghi chép chụp ảnh và quay phim. Có một phóng viên người Việt đến gặp một phóng viên của hãng thông tấn AFB. Anh ta hỏi:
- Ông nhìn thấy cảnh tượng này ra sao?
- Bi thảm quá, chiến tranh thật bi thảm.
- Nhưng mà cảnh tượng này còn sự sống, các ông chưa thấy máu me của cái chết.
- Tôi đã có thấy.
- Phải, ông thấy xác chết của quân Bắc Việt và đã ca ngợi đó cái chết anh hùng.
- Tôi là một nhà báo, ghi nhận sự trung thực.
- Không đúng đâu, tin tức các ông viết về quân đội miền Nam luôn bóp méo. Vì các ông chống lại người Mỹ nên có mối ác cảm với miền Nam.
- Ông không nên xét đoán như vậy. Là một phóng viên, tôi nhìn sự kiện qua từng cảnh huống. Không thể nào sự kiện tôi nhìn thấy tôi không viết ra được.
- Tôi thấy hầu hết ông đều thiên về phía người Cộng sản. Các ông không thấy tinh thần chiến đấu của quân đội miền Nam, các ông không thấy tội ác của người CS trong biến cố tết Mậu Thân, vì rằng, các ông chỉ đứng an toàn bên phía chúng tôi, các ông không đi theo sát phía CS. để thấy rõ sự tàn ác của họ như thế nào. Và, lúc nào các ông cũng say mê những tấm hình chụp những người lính du kích vượt đường suối, đường đèo, đường núi vào Nam để đánh Mỹ. Không đâu ông, chúng tôi không chấp nhận CS, có người Mỹ hay không, chúng tôi vẫn chống lại họ, vì họ chủ trương vô gia đình, vô tôn giáo, cả vô tổ quốc nữa. Nếu như họ nghĩ đến tổ quốc, họ đã không tàn ác với người dân miền Nam trong 21 năm qua (1954-1975). Những người lãnh đạo Hà Nội họ đã làm nghèo đói nhân dân, họ chỉ say mê chiến tranh, và khi chiến tranh này kết thúc, họ sẽ làm gì. Không làm gì được hết cho xứ sở, vì họ không biết gì về một kế hoạch xây đựng đất nước, căn bản về văn hóa, kinh tế, chính trị và quân sự họ rất kém. Một người đi làm bồi trên tàu, làm kinh tế cho một xã, một quận chắc gì đã xong, huống hồ suy nghĩ về một nền kinh tế xây dựng cho cả nước. Ông đã đọc - và có biết về chính sách cải cách ruộng đất của họ không, đó là cái tàn ác của Mao Trạch Đông bên Trung Quốc mà lãnh đạo miền Bắc đã theo và áp dụng.
Tôi bừng tỉnh và cố nén giận. Sự việc trở lại, sau đó, tôi tìm gặp Kim Tuấn và cho anh biết tôi sẽ thu lại các bài phỏng vấn của anh về dành cho chương trình. Kim Tuấn sẵn lòng. Ngày cuối, trước khi chia tay, chúng tôi mời nhau bữa ăn trưa, sau đó đến một quán giải khát.
- Chị ra sao?, có đi theo anh về Nha Trang không?
- Bà về luôn Sài Gòn.
- Căn nhà của anh?
- Đóng cửa.
- Hàng hóa?
- Tôi tiên liệu tình hình trước một tuần đi Nha Trang.
- Anh chị Tiến?
- Cũng đã về dưới này?
- Anh Tiến lên trưởng ban rồi, phải không?
- Thiếu tá P. Trung tâm huấn luyện.
- Anh thấy tình thế ra sao?
- Ông Thiệu quá sai lầm, vận mệnh của miền Nam đã tới lúc suy tàn.
Tôi nói:
- Mùa xuân 1975, khác với mùa hè 72.
- Từ sau Hiệp định Paris, quân đội mình xuống tinh thần nhiều lắm. Trong khi Bắc Việt không giảm quân, bên mình, ông Thiệu lại cho giải ngũ, và sử dụng những đám bất tài gây cái họa cho đất nước. Ở Sài Gòn, quyền lực gây nên hỗn loạn. Một thời của mấy ông Tướng. Một thời Hoàng Đức Nhã. Bọn trí thức nằm vùng, những tờ báo phá hoại, những thứ này sao không tiêu diệt hết mầm mống. Đâu có phải nổi loạn, phản kháng như vậy là dân chủ. Trong tình cảnh đất nước khó khăn, lãnh tụ bất tài, quốc hội bù nhìn, tướng lãnh tham nhũng, người dân sợ hãi không có trợ giúp cho quân đội, báo chí thì gây rối loạn, làm sao miền Nam còn nổi. Thà rằng, sau 1954, ông Bảo Đại làm vua đi, vua có hư, còn truyền thống dân tộc không ai dám làm loạn cả.
- Theo ý anh, vì sao người Mỹ bỏ rơi mình?
- Nước Mỹ khó mà nói lắm. Sự thể của miền Nam, rối ren của vụ Watergate làm chính quyền bó tay. Nước Mỹ khác, dân Mỹ khác, nhất là giới truyền thông của Mỹ. Ở xứ Mỹ không có những chuyện quái đản xảy ra, không phải là Mỹ. Nói không ai tin, chứ một anh nhà báo khui ra chuyện là lật đổ cả một Tổng Thống, lật nhào luôn cả một chế độ. Anh thấy không, một vụ Watergate làm ông Tổng Thống suýt nữa bị tù và phải từ chức. Người Mỹ chỉ quan tâm đến quốc gia, quyền lợi của họ, không khi nào quan tâm và hiểu được nước khác. Nước Mỹ nhà giàu, họ làm bất cứ cái gì cũng dùng sức mạnh đồng tiền để làm, dù rằng, chính phủ cũng biết đến nạn thất nghiệp, sự nghèo đói của một số tầng lớp lao động lợi tức thấp.
- Tôi thấy nước Mỹ ưa đem chiến tranh tới các nước khác. Và từ sau hai thế chiến đến nay, nơi nào họ cũng mang chiến tranh đến. Người Mỹ không thích một thế giới có hòa bình, họ thích chiến tranh hơn. Trong chiến tranh, một triệu người dân nước nghèo khó chết không thể so sánh được với một người lính Mỹ tử trận, còn thua cái nón của họ nữa. Trong nước Mỹ, chuyện băng đảng, chém giết là những cuốn phim cho ngành truyền thông.
Từ lúc bỏ Ban Mê Thuột, tôi có linh cảm miền Nam sụp đổ cả một chế độ, và nếu như Hà Nội chiếm trọn cả miền Nam thì đó là một thảm họa của cả nước. Những nhà lãnh đạo Hà Nội người nào cũng thích chiến tranh kéo dài, dài mãi, bởi vì khi chiến tranh chấm dứt, họ không biết làm gì cho đất nước trở nên giàu mạnh. Có một sự việc họ sẽ cho là cần thiết làm, đó là muốn giữ vững đảng và chế độ, xây dựng thêm trại cải tạo.
Xong công tác hai ngày, tôi trở ra Quy Nhơn, bắt đầu công việc bình thường. Nhưng không thể nào tiếp tục những chương trình phát thanh để cổ vũ tinh thần chiến sĩ nữa, tình hình chiến trận đã tràn ngập ngày hôm nay mất tỉnh này, ngày mai đến tỉnh khác.
Và, đến buổi sáng ngày 29, chúng tôi rời Quy Nhơn khi hay tin thành phố Đà Nẵng thất thủ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 31 Mar 2017

III

Sài Gòn đang hấp hối. Trong tuần lễ cuối tháng 4/75 tình hình được báo động là rất nguy kịch. Người dân trông đợi sự trở lại của người Mỹ, nhưng vô vọng. Ngày 26/4 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, nhường ngôi vị cho ông phó Trần Văn Hương. Bài diễn văn của vị Tổng Thống đương nhiệm xin từ chức, trút hết lỗi cho Nixon, Kissinger và nước Hoa Kỳ phản bội. Với một cách giận dữ, ông tố cáo sự lật lọng của Mỹ và Hà Nội không tôn trọng Hiệp định Paris, và ông thề trước quốc dân là sẽ cầm súng, đứng trong hàng ngũ quân đội VNCH sát cánh chiến đấu. Nhưng nói cho hả giận với Mỹ thôi, ít ngày sau, gia đình ông và Thủ Tướng Khiêm lên máy bay ra nước ngoài. Mỗi ngày, càng thấy rõ sự sụp đổ của chế độ, ông phó Trần Văn Hương già yếu, không thể đảm đương nổi trọng trách, tối 28/4 đã bàn giáo chức vụ cho Đại tướng Dương Văn Minh. Khi tướng Minh nhận trao quyền, ai cũng hy vọng sẽ có giải pháp cứu vãn miền Nam. Nhưng chỉ sau một ngày ông nhậm chức, quân Bắc Việt nã hàng trăm ngàn quả đạn đại pháo và xua quân tấn công Sài Gòn.
Hôm nay 30/4/75, Tướng Dương Văn Minh quyết định đầu hàng. Lúc 11 giờ 30 phút, ông kêu gọi hai bên ngừng bắn, quân miền Nam hãy buông súng và chờ đợi đại diện MTGP đến dinh Độc Lập để bàn giao. Vừa kết thúc lời tuyên bố, cả một bầu trời buổi sáng trở nên ảm đạm, rồi đổ mưa. Những tiếng súng pháo kích vẫn uy hiếp, chừng một giờ sau mới tạm ngừng.
Và, khoảng đầu giờ buổi chiều dân chúng các nơi mới đổ xô ra đường, ai cũng hiếu kỳ xem quân lính Bắc Việt diện mạo như thế nào. Đây là những đoàn quân ngồi trên những chiếc xe tăng, xe GMC, đầu đội nón cối, súng AK cầm sẵn trên tay. Đoàn xe di chuyển chậm, những người lính Bắc Việt vẫy tay nhưng trông họ có vẻ ngượng ngùng, yếu ớt, cũng có một ít người đứng hai bên đường vẫy tay chào lại, nhưng trong không khí ngột ngạt, không lấy gì vui vẻ lắm.
Tôi cũng có mặt trên con đường Hồng Thập Tự bên đây cầu Thị Nghè, và lúc này, cũng là những giờ phút lịch sử tôi được chứng kiến ngày Sài Gòn mất, nhìn tận mắt kẻ thắng trận, sau cùng, là một cuộc chiến vừa kết thúc.
Tôi đứng xem không lâu, rồi trở về nhà. Lúc này, không có gì làm tôi hoang mang cả. Nhà anh Giang ở gần nhà tôi, vừa chợt nghĩ đến tôi vội vàng lấy xe đạp đi qua nhà người bạn. Trong ý riêng của tôi ra sao, người bạn cũng vậy. Vội vàng tắt máy thu thanh, anh Giang cũng mặc đồ, và hai người nhởn nha ra đường, vui vẻ trong tiếng chuyện trò trên con đường xuống Sài Gòn. Lúc nãy, anh Giang tính mang theo chiếc máy ảnh, nhưng tôi khuyên ngay anh đừng nên, vì lúc này, tình thế còn nguy hiểm.
Tôi chợt hỏi:
- Anh nghĩ, chúng ta có nên mừng không?
- Hãy mừng trước đã.
- Hẳn rồi, đất nước thống nhất là mừng, chiến tranh, tiếng súng bom đạn không còn nữa, nhưng với người CS là người Việt mình đấy, chúng ta phải biết sợ.
- Mình cũng nghĩ như Thụy vậy.
Ở trên đường Thống Nhất, hai lối vỉa hè đông người đi bộ, người ta bước nhanh, hụt hơi trong tiếng nói. Tuy còn xa, nhưng chúng tôi đã trông thấy rõ những chiếc xe tăng đậu bên trong và phía ngoài khu công viên của Dinh độc lập và Bộ ngoại giao. Tôi bỗng nghĩ chiến tranh vẫn còn, chưa kết thúc. Và rồi, còn cả một thảm họa lớn nữa.
Hai người đạp xe chậm lại, rồi sau đó chạy quanh một vòng qua khu nhà thờ. Tôi và anh bạn theo con đường Catinat xuống luôn Sài Gòn, chạy vào khu phố chính Lê Lợi. Thành phố chết, trơ trọi, các cửa hiệu đều đóng cửa.
Bến xe buýt ở trước cửa chợ Bến Thành còn xe đậu. Có một chiếc vừa rời bến. Con đường hai bên chợ cũng vắng bóng các sạp hàng. Tôi cảm thấy một ngày Sài Gòn nặng nề, dù bầu trời trong xanh, nắng ấm.
Từ ngả đường Công Lý, tôi và anh Giang đạp xe quay trở lại chỗ Dinh Độc Lập. Nơi đây, người Sài Gòn vây quanh các chiếc xe tăng và hỏi chuyện lính miền Bắc. Tôi nói với anh Giang cho xe dựa chỗ gốc cây, và dùng một cái khóa dây của mình khóa lại cả hai chiếc.
- Phải lắm.
Không lo sợ xe bị ăn cắp, tôi và anh bạn đi bộ tới gần đám đông có dân chúng và bộ đội. Rất là đông, nhưng không khí chìm lặng, câu chuyện rời rạc, không sôi nổi. Tôi chú ý nhìn những người lính Bắc Việt, tuổi con nít ngây ngô, tuổi người lớn, và trung niên. Tôi nghe ra tiếng miền Bắc lạ lùng, ngọng nghịu khác với tiếng người miền Bắc di cư đã sống ở miền Nam 21 năm qua. Người miền Bắc và tiếng Bắc di cư nghe rõ, trong sáng, thanh lịch hơn. Những người lính bộ đội với chiếc nón cối, nón vải, quần áo rộng thùng thình, đưa mắt nhìn lại đám đông rụt rè, lo ngại. Họ chỉ trả lời khi có ai hỏi. Và, người dân nhìn họ, bàn tán, nhận xét.
- Tôi nghiệp cho mấy anh này, người nào da cũng vàng vọt, sốt rét.
- Quê anh ở đâu?
- Hà Nam Ninh.
- Có anh nào gốc gác Hà Nội đây không?
- Hà Nội là thủ đô đấy, người lính nhỏ tuổi nhất đáp lời.
Anh Giang là thầy giáo, vừa làm nhà văn. Tôi là một phóng viên của Ban phát thanh Quân khu 2, khu vực Quy Nhơn. Tôi rời khỏi đơn vị ngoài đó vào buổi sáng ngày 30 tháng ba, đó là một ngày cả thành phố đang trong tình trạng hỗn loạn. Trên đường di tản, tôi ghi nhận được nhiều sự kiện, nhiều biến cố, nếu sau này viết văn được, tôi sẽ có một tác phẩm về chiến tranh, với những gì được thấy, có thể giúp cho tôi đạt nguyện ước của mình.
Hai người không rời nhau mỗi khi di chuyển qua đám đông, dừng lại một vài nơi cần thiết, nhưng cũng chỉ để nghe và quan sát.
- Anh vào trong miền Nam lâu chưa?
- Mười năm.
- Anh đã về Bắc thăm nhà chưa?
- Chưa.
Khói thuốc bay lơ lửng. Lúc này đây, người lính thắng trận cảm thấy nỗi hạnh phúc của mình, lớn hay nhỏ chẳng quan trọng, chỉ biết rằng, mình được thấy Sài Gòn, được phút nghỉ uống nước từ cái bi đông và hút điếu thuốc. Có vài người đưa thuốc mời hút. Họ cám ơn, rụt rè, rút một điếu. Một lúc sau thêm vài người đem cho quà bánh, nước uống.
Ngày đầu tiên một cuộc chiến lâu dài đã kết thúc và đất nước được thống nhất. Tôi nhớ hết ngày này, từng giây, phút giờ, qua mỗi một sự ghi nhận. Chừng ấy thôi, không bàn rộng ra những chuyện chỉ nghe mà không thấy. Vào lúc trưa, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát tại Đài phát thanh Sài Gòn bản nhạc anh sáng tác đã lâu: Nối vòng tay lớn. Tôi nghe anh hát một giọng vô cảm, sau đó, qua tiếng Huế vừa pha trộn tiếng Bắc, người nhạc sĩ lên tiếng kêu gọi sinh viên học sinh và cả dân chúng nữa bình tĩnh chờ đợi những người của Mặt trận giải phóng đến để tiếp quản Sài Gòn.
Sau khi đến tận nơi để quan sát quang cảnh sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn, được thấy những chiếc xe tăng đậu bao quanh Dinh độc lập, cùng nghe những chuyện kể của những người lính miền Bắc, hai người bạn bỏ lại đằng sau lưng mình, như thể, xong một việc bình thường trong ngày, chẳng nghĩ ngợi gì thêm.
Trên đường về, tôi hỏi:
- Sao anh không tìm cách đi?
- Mình rất muốn ở lại.
- Anh có tin tức gì về anh em văn nghệ không?
- Ông Võ Phiến đi ngày 29.
- Anh có thân với ông Mai Thảo không?
- Không.
Tôi kể lại chuyện buổi sáng ngày 26 gặp ông Mai Thảo ở cổng trước Cục Tâm Lý Chiến. Vừa thấy tôi chào, ông hỏi:
- Cậu thấy tình hình sao?
- Em không hiểu được. Ông có tính đi không?
- Tôi cũng không biết sao nữa.
- Em nghĩ là ông nên đi.
Bây giờ đây, anh em văn nghệ sĩ có đi cũng chỉ được số ít thôi, chắc còn số đông kẹt lại.
- Ông Vũ Hạnh có phải là nằm vùng không?
- Chứ còn gì nữa.
Tôi mời anh Giang ghé quán nước phía bên đây cầu, sát với cửa sau của Sở Thú. Hai anh em gọi hai ly cà phê đá để uống.
Phố đầy nắng, nhưng có vẻ mỏi mệt, thờ ơ.
- Anh có tính chuyện đi dạy lại không?
- Không.
- Ngày đầu tiên, anh nghĩ sao?
- Sáng hôm nay, mình giở cuốn truyện Kiều.
- Anh bói ra câu nào?
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương cũ so tơ phím này

Anh không đọc mấy câu tiếp, và tôi cũng chẳng cần đọc thêm. Tôi thấy anh mỉm cười, nụ cười của anh làm tôi vui.
- Anh có nghĩ là quân nhân và công chức sẽ phải đi cải tạo không?
- Có, chắn chắn là phải có.
- Tôi sẽ ở lại đây, không trở ra Quy Nhơn nữa.
- Ra ngoài đó làm gì?
- Bây giờ đây, hiện diện trước mắt tôi là một nhà văn. Bỗng tôi nói:
- Đọc truyện anh viết, cứ tưởng anh là dân nhà binh.
Anh hỏi lại:
- Vậy thấy tôi làm nghề giáo, ngạc nhiên không?
- Không chút nào cả. Tôi thuộc vào lứa học trò đầu tiên của anh.
- Anh em văn nghệ với nhau, tôi không phân biệt.
Cà phê ngon, hai người uống chậm vừa đốt thuốc hút. Một giọng vui, tôi hỏi:
- Sao anh viết văn trễ vậy?
Anh cười:
- Tôi chờ đợi người hỏi tôi câu này đã lâu, anh là đầu tiên.
Anh Giang ngẫm nghĩ một chút, trước khi bắt đầu. Sau khi nghe anh giải thích xong, tôi nói:
- Đó là định mệnh cho nghề văn của anh. Thực ra, anh viết sớm lúc tuổi hai mươi, cũng dễ thành công. Vì rằng, với kiến thức, sức đọc của anh về văn chương Anh, Pháp, thì khả năng viết một truyện ngắn đăng trên Văn, hay Bách Khoa cũng dễ dàng. Về phần tôi, do khả năng hạn chế nên bước đầu, tôi viết truyện chỉ để đăng lên nhật báo, tuần báo, và mong có nhuận bút.
Nhân tiện, tôi lược qua thời gian của năm đầu lúc tôi bỏ Huế vào Sài Gòn. Một giọng chân tình, anh Giang nói:
- Tôi phải thi vô Sư phạm để có cái nghề cho cuộc mưu sinh.
- Anh có tin vào nghề văn không?
- Không tin lắm, nhưng vẫn tin khả năng của mình.
Ngồi đây, buổi chiều nay tôi nhớ lại buổi đầu tiên gặp anh, và nhớ nữa về thị xã Quy Nhơn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 88 guests