Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 28 Mar 2017

Gia đình thầy H. về lại nhà chậm đi sau một tuần. Nhà cũ bị hư hại nặng, nhưng đồ đạc còn lại được chút ít để dùng tạm. Cũng như bao nhiêu người hồi hương trở về, gia đình thấy H. nhận được trợ cấp về tiền bạc, thực phẩm và quần áo.
Sự hồi sinh, tuy rất cố gắng nhưng tiến chậm. Cho đến lúc này, thành phố cũng chưa dọn dẹp được hết những tàn tích của chiến tranh. Nhưng mọi người đều cùng đã trở lại cuộc sống bình thường. Vì chiến trận vừa qua làm gián đoạn, các trường đóng cửa, thời gian học bị mất cho đến tháng chín là bắt đầu mùa tựu trường. Vì lý do này, các học sinh trong vùng có chiến trận thuộc lớp đi thi, được dự một kỳ thi đặc biệt.
Năm học mới, trường Nguyễn Hoàng tạm thời lấy cơ sở một trường tiểu học ở quận Hải Lăng. Và theo lệnh ông quận trưởng, các lớp tiểu học của trường này được phân lẻ ra, chuyển đến học tạm các trường khác tiểu học khác trong quận hay xã.
Những giáo sư cũ Nguyễn Hoàng gặp lại đông đủ. Nhưng số học sinh, mỗi lớp đều thiếu. Trong sự thiếu hụt này. một số ít rời hẳn Quảng Trị đi xa luôn vào các tỉnh phía Nam, còn một số đông, bị chết, hoặc bị kẹt lại bên kia bờ bắc sông Thạch Hãn do địch kiểm soát. Trong buổi chào cờ đầu năm học, trường dành một phút mặc niệm để nhớ đến các anh lính chiến sĩ và nhớ thương đồng bào, học sinh đã chết trong cuộc chiến vừa qua.
Nơi đây, sinh hoạt trong quận lỵ cũng vừa mới hồi sinh. Cũng như ở đây, bạn tìm ra được khung cảnh thanh bình trong không khí chiến tranh. Từ nơi này đến biển xa khoảng mười cây số, bạn tới đó được. Bạn có thể tới biển vào ngày thường, và cả những ngày giông bão nữa. Khi bạn tin rằng, mình đang nhớ biển cứ gì phải đợi có những ngày hè, những đêm trăng, mà khi cảm thấy nhớ, dù trong mưa, trong gió bạn cũng nên đi.
Có một câu chuyện khá dài, nhiều chi tiết, đã có một lần tôi kể cho bạn nghe, nay chuyện đó dã được viết ra, còn cất giữ, và người con gái trong câu chuyện này thực sự có lịm ngất đi trong nhiều phút giây, nhưng rồi nàng hồi tỉnh lại, và còn được sống.
Bây giờ, bạn cũng chưa mong gì lắm ngày nàng trở lại thành phố Quảng Trị (nàng có ở thành phố này ít năm hồi mới di cư vào miền Nam) rồi xa khỏi nơi đây nhưng nàng nói với tôi, thành phố đó vẫn là của nàng. Y hẳn như thế, trong những ngày mưa triền miên, bạn nhớ Barbara, như trong tôi vẫn yêu, vẫn nhớ, vẫn ôm giữ bóng nàng.
Mùa hè vừa mới thấy xuất hiện, bỗng dưng biến mất như một người lữ khách đã lên tàu vào lúc hoàng hôn.
Không có ai biết được tông tích của người đàn trú ông mưa đã gọi tên Barbara, anh ta còn sống hay đã chết, cũng không nữa biết gì về cô gái Barbara.
Nhưng trời mưa, thành phố ấy vẫn nhớ đến chiến tranh trong nỗi u ám quạnh quẽ. Và, thành phố ấy nay như một đơn vị quân lính bị xóa tên, chẳng còn lại chút dấu vết.
Giữa tháng mười, Phượng Nga nhận nhiệm sở mới, dạy trường Nữ Hồng Đức Đà Nẵng.
Đà Nẵng, còn có tên là Tourane do người Pháp đặt. Phượng Nga sinh trưởng ở thành phố này, và có gia đình đang cư ngụ ở đây. Ngày hôm ấy Ý Tâm đến đây, nàng đã kể cho Ý Tâm nghe về cô em gái Mỵ Châu và tuổi thơ của nàng. Và, qua bao lời tâm sự dành cho nhau, nàng biết Ý Tâm đã có quen một người bạn trai cùng tuổi, sau đó anh ta đi xa, rồi trở lại nơi này chiến đấu trong một đơn vị giải tỏa thành phố, và anh ta ngã gục, nằm chết bên dưới chân tháp nước của nhà ga.
Hãy nhớ lại hết bài thơ Barbara của thi sĩ Prévert, để biết rằng anh ta là một người lính đã tữ trận.
Bên ngoài thành phố Đà Nẵng, không khí chiến tranh vẫn đe dọa đời sống của người dân. Ban đêm, đường vắng không có người đi và xe cộ chạy đường dài. Ban ngày, trên quốc lộ I vẫn còn nhiều nơi bị gián đoạn, những người lính phải đi dò mìn, sửa cầu. Tiếng súng vẫn nổ, trên bầu trời trong đêm tối người phi công bay dọc theo dãy núi Trường Sơn với tâm trạng đơn độc. Anh ta nhìn thấy chiến tranh xảy ra ở bên dưới, và quanh anh, có một vài vì sao muốn dẫn đường cho anh bay xa đến một cõi khác.
Từ cuộc chiến trong mùa hè, bao nhiêu người phi công đã chết, ở mỗi thành phố, mỗi khi tiếng phi cơ gầm rú, người ta có cảm tưởng như đó là sự rung chuyển của đất trời.
Trường nữ Hồng Đức nằm trên phố H., toàn nhà chính hai tầng, mỗi tầng có 6 phòng học. Khu văn phòng riêng biệt, khá rộng rãi, giữa sân chơi có trồng cây để lấy bóng mát. Phượng Nga đến trường này, gây một ấn tượng lạ thường. Buổi đầu tiên gặp gỡ, nàng phải trả lời nhiều câu hỏi, rốt cùng người ta vẫn cứ ngạc nhiên khi biết rằng nàng sinh trưởng, lớn lên ở đây. Quả thực, nàng biết người này, người kia ái mộ, săn đón, bắt chuyện làm quen nàng, vậy mà nụ cười trên ánh mắt, trên cửa miệng không làm cho nàng cảm thấy vui.
Nàng vẫn phụ trách dạy môn Vẽ, môn Văn và Địa lý ở các lớp nhỏ. Ở đây, nàng có được thì giờ rộng rãi hơn, nhất là được gần nhà, không phải lo lắng gì cả.
Nàng dạy các lớp trong buổi sáng. Buổi chiều nghỉ, nàng đọc sách, vẽ tranh, hoặc chơi dương cầm.
Nàng rất nhớ những tháng năm sống, dạy học ở Quảng Trị khi tiếng nhạc dương cầm trỗi lên. Và, nàng trở lại nơi chốn đó trong lúc dạo đàn, vừa nghe tiếng đàn.
Cơn gió gây nên tiếng động khi đập vào cửa kính. Bên ngoài cảnh vật bắt đầu thay đổi, màu nắng vội vàng xóa nhanh, từng đám mưa thẳng một đường đi xuống, từng lớp mây dày xám vần chuyển trên bầu trời, bỗng dưng cả buổi chiều thức dậy.
Trên một quãng phố vắng, Phượng Nga bước di một mình, bóng nàng in lên trong ánh nắng một chiếc áo dài màu xanh da trời. Nàng đi trên vỉa hè lát đá, những chiếc lá còn trong mùa thu cũ lặng lẽ rớt xuống trên vai áo nàng, thật nhẹ nhàng, lãng quên. Khi gặp một ngã tư có con đường dẫn ra bờ sông, nàng dừng bước. Phía xa đó, dòng sông trải rộng chảy về các làng quê. Rồi, từ chỗ ngã ba sông, nó đi một mình đến cửa biển.
Quanh ngã tư của khu phố, có bờ tường cũ, rêu xanh, có một dãy nhà ngói cổ, và những hàng cây bên đường được trồng lâu năm là hiện thân cho một quá khứ. Nàng xuống lối vỉa hè băng qua con đường bên kia, và nơi đây, ánh nắng phơi qua hàng cây, trên bờ những tấm áo rất đẹp. Có sự xuất hiện ở nơi này, bóng một người đi xe đạp lặng lẽ, hai chiếc ô tô nhỏ, đậu cùng chiều, và hàng cây hai bên lá rụng xuống mỗi lúc một nhiều.
Nàng vào lối cổng Ty Bưu điện, bước lên ba bậc thềm tam cấp. Nàng đi đến quầy mua tem, dán lên một chiếc phong bì, xong quay bước đi đến chỗ thùng thư, nhẹ nhàng thả lá thư xuống.
Lá thư nhắc nàng nhớ nghĩ đến một người bạn.
Trước thềm cửa, nàng nhìn ra khu phố.
Nàng vẫn còn đứng đó đến khi buổi chiều tắt nắng
Rồi, trời đổ mưa.
Mây lụi tàn
Như những con chó mất dạng.

Mưa càng nặng hạt, đến lúc át đi cả tiếng đàn dương cầm. Bỗng dưng thành phố khuất dạng. Nàng đứng lên, bật sáng cả căn phòng hết mấy ngọn đèn.
Tiếng mưa đổ dồn nghe như tiếng gầm thét như bom đạn.
Không có ai cả, ngoài một mình nàng ở đây.
Cô em gái hỏi nàng:
- Anh Thụy có người yêu chưa?

(Hết tập I)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 29 Mar 2017

Image

Nguyễn Chí Kham

HÌNH BÓNG CON TÀU II

Người Việt Books xuất bản, 2015

PHẦN THỨ BA
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 29 Mar 2017

VII

Khi cầm được tờ SVL trong tay, tôi rất mừng và cảm thấy nhẹ nhõm. Sự chờ đợi của tôi cũng đã hơn bốn tháng, kể từ ngày căn cứ Ross thất thủ và Trung đoàn về đóng quân ở Hương An chờ tái phối trí. Đôi lúc, tôi giật mình tưởng thấy những quả đạn đại pháo rơi xuống ngay chỗ hầm đang trú ẩn. Sự thoát chết ở ngoài mặt trận vẫn còn là nỗi kinh động, bàng hoàng.
Đại úy Mân bảo:
- Trung tá muốn gặp mầy, ngày mai.
Sau bữa ăn trưa, tôi ra Tam Kỳ tìm đến nhà Liên. Vừa lúc ấy, Thiện đi dạy học về.
- Ít ngày nữa, tôi rời khỏi đây.
- Anh đi đâu, Liên hỏi.
- Tôi đi Pleiku.
Tôi tiếp lời giải thích. Thiện hỏi:
- ở Quân đoàn, anh làm việc phòng nào?
- Chưa biết.
Tôi muốn giấu chuyện ba tôi nhờ Tướng Toàn xin cho tôi đi Quân đoàn II. Tôi ước mong lên đó, làm việc tại Ban Thông Tin Báo Chí. Tôi thấy mình có khả năng viết văn, chuyển sang viết báo cũng có phần dễ thích ứng hơn.
Bữa cơm dọn lên, tôi ngồi chung bàn nhưng chỉ uống nước trò chuyện.
- Chiều nay anh có dạy không?
- Có.
- Tối nay ở lại đây, Liên nhìn qua tôi nói.
- Tôi ghé thăm để báo tin cho hai bạn biết thôi.
Sau bữa ăn, Liên dọn dẹp chén bát. Ở phòng khách, với trà thuốc, tôi và Thiện chuyện trò với nhau.
- Ở Pleiku anh có nhà quen không?
- Không, nhưng Quân đoàn có khu cư xá độc thân.
Xong việc, Liên lên nhà. Nhìn tôi, vui chuyện nàng nói:
- Ở đây, anh có quen ai chưa?
- Chưa có ai cả.
- Anh không chịu lấy vợ cho rồi.
- Vội vàng chi.
Trên gương mặt Thiện có vẻ băn khoăn, suy nghĩ điều gì đó.
- Đi xa, nhớ tin thư cho tụi này hay.
- Hẳn rồi.
Ngồi với gia đình người bạn hơn tiếng đồng hồ, tôi đứng lên kiếu từ. Thiện và Liên tiễn tôi ra cổng, rồi đứng lại cũng lâu, và thoáng nhìn tôi thấy cặp mắt Liên thật buồn rầu.
Từ nhà Thiện, tôi đi bộ đến ngã ba phố chính, ở gần đấy có trạm xe lam. Khi xe đến, tôi nhảy lên. Tam Kỳ - Tuần Dưỡng 7 cây số. Trên con đường xe chạy, tôi đưa mắt nhìn phố xá, cảnh sinh hoạt yên bình, thân quen, tự dưng lòng chùng xuống. Và lòng tôi lại dậy cơn bồn chồn, nôn nao, nhân lúc này muốn ra Đà Nẵng ghé nhà chị Phượng Nga chuyện trò tâm tình với người chị dâu khả ái. Tôi rất thích tiếng nói và những câu chuyện kể đậm đà của chị, nó xuất hiện từ trong những cuốn tiểu thuyết chị đã đọc, và cũng có một đôi câu chuyện riêng tư vào thời gian mấy năm chị dạy học ở Quảng Trị. Trong mỗi bức tranh vẽ, màu nước biển và màu phượng tím như hai thứ đó là tâm hồn và kỷ niệm của chị về gia đình và những người bạn gái năm xưa.
Xe lam dừng. Nắng phủ ấm đồng ruộng và tràn qua một ngôi làng nằm bên dưới sườn dốc. Tôi xuống xe đi bộ. Được một đoạn, có xe vào căn cứ cho tôi quá giang.
Bây giờ đây tôi không biết làm gì, chỉ còn về chỗ ở của mình. Từ mấy ngày nay, sau khi bàn giao xong phân đội TOW cho Thiếu úy Cam, tôi đến ở chung với anh Tường, trước đây là bạn học cùng lớp với anh Nguyên. Anh Tường, cấp bậc Trung úy thuộc đơn vị Quân cụ biệt phái cho Trung đoàn. Anh xuất thân khóa 1/68 Thủ Đức. Khi có lệnh gọi nhập ngũ, anh đã xong bằng Cử nhân giáo khoa Toán. Anh cũng chỉ mới biệt phái cho Trung đoàn sáu tháng nay thôi, gặp tôi anh nhận ra, hết sức vui mừng. Ngày ở Sài Gòn, mấy anh em ngoài miền Trung thuê chung một căn gác, đến bữa ăn quán, góp nhau tiền trả. Và, trong thời đó, anh Tường quen được một cô, hay đem về giới thiệu chung với các bạn. Không có chuyện ấy xảy ra với cô gái, nhưng một vài chuyện khác, trong anh em, mỗi người cũng có được một chút gọi là.
Hôm nay anh Tường ra Đà Nẵng, về phòng, tôi tra chìa khóa mở cửa, bật đèn sáng xong nấu nước pha cà phê.
Rồi xong một cữ cà phê, tôi lên giường nằm đọc báo. Trong lúc đọc, có lúc tôi chợt ngừng, nhớ nghĩ đến Huê, Liên An, Thúy Hiền. Hình ảnh mỗi người thoáng hiện cho tôi nụ cười thương yêu, vừa có chút mơ mộng. Thế nhưng, tôi lại đắm mình, nhớ từng nụ hôn mà tôi như lúc này cảm thấy mình đang có trong tưởng tượng. Kim Ly đang ở Huế, tôi và cô gái quen biết nhau đã lâu, nhưng chỉ mới cầm tay nhau, chưa hề có được sự ôm ấp và ấm áp với nụ hôn. Và, một ngày đó, gặp lại Thúy Hiền đột nhiên tâm tình cô gái và tôi cùng thay đổi. Tôi nhớ lại một buổi chiều, những đường phố hai người đạp xe đi bên nhau, và một đêm tôi ở bến Cảng, Thúy Hiền hé cặp môi tươi đỏ cho tôi hôn, thật lâu và tôi gần như lịm ngất, vừa xúc động.
Ngày hôm sau, gần trưa tôi lên xe Đại úy Mân.
- Mầy có cần nghỉ phép để thu xếp việc nhà không?
- Cần lắm, Đại úy.
- Mầy xin Trung tá, về đây tao ký cho.
Trung đoàn đang hành quân ở Ba Tơ. Đây là vùng Cộng quân hoạt động rất mạnh, cả chính quy và du kích. Ba Tơ là quận, ở đây Cộng quân đã khai thông một con đường núi song song với quốc lộ 14 đi Kontum.
Xe bắt đầu chạy nhanh, ngồi ở ghế trước tôi giữ chặt cây M16 đã nạp đạn và mở khóa an toàn. Nhiều lần xe bị nhồi xóc vì qua những đoạn cua ngoặt và những quãng đèo.
Bộ chỉ huy đóng trên một ngọn đồi. Xe ngừng, tôi đóng chốt an toàn cây súng, xong để phía đàng sau xe. Hai chiếc nón sắt cũng bỏ lại trong xe, không mang vào.
Lối vào hầm chỉ huy có bậc cấp. Bên trong đèn sáng, những chiếc máy truyền tin đang hoạt động. Trong căn hầm có Thiếu tá Phúc, Trung úy Thành và hai người lính truyền tin. Trung tá Vàng đang liên lạc với một đơn vị hành quân bên ngoài. Trước khi ngừng, ông nhắc lại các chỉ thị, rồi chuyển máy qua cho Thiếu tá Phúc.
Cùng với Đại úy Mân, tôi qua trình diện Trung đoàn trưởng.
- Mầy nhất định đi, phải không?
Tôi im lặng. Ông nói tiếp:
- Gia đình mầy đang ở Huế, sao mầy lên Pleiku?
- Thưa Trung tá không, đang ở Đà Lạt.
- Rồi mầy có xin lên Đà Lạt không?
- Ý định là như vậy, Trung Tá.
- Còn thằng Nguyên đâu?
- Anh Nguyên ở Đà Nẵng, Sư đoàn 3.
Tôi vẫn đứng yên chỗ, mắt nhìn về phía vị Trung tá đang ngồi ở chiếc ghế dựa có đặt chiếc bàn thấp. Trên bàn có để cho chai rượu whisky. Vừa rót rượu vào hai cái ly nhỏ, ông hỏi:
- Mầy viết báo được không?
- Dạ được.
- Thằng Nguyên anh mầy, viết báo hay.
- Anh Nguyên là phóng viên.
Vị Trung tá gật đầu. Tôi nói lời cám ơn lúc cầm ly rượu, nhấp một hớp nhỏ rồi uống cạn.
- Cho nó một huy chương đồng, bảy ngày phép.
Vị Trung tá nói với Đại úy Mân. Rồi hỏi tôi:
- Mầy cần gì nữa không?
- Trung tá cho lãnh một ít quân trang thay thế.
- Nói với Trưởng ban 4.
Tôi mừng. Rồi một lúc sau, tôi qua phòng hành quân chào từ giã hết tất cả anh em.
Buổi chiều, nắng vắt qua một dãy đồi. Những ngôi làng xuất hiện trong khung cảnh bình yên.
Lần này trở về bớt đi nỗi lo, xe của Đại úy Mân đã chạy ngon trớn và khá nhanh.
- Ghé quán nước giải khát Đại úy.
- Mầy bao tao, phải không?
Tôi gật đầu:
- Chuyện nhỏ, Đại úy.
- Đàn em như mầy, tao chịu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 29 Mar 2017

Xe dừng trước một quán giải khát có nhạc, vẫn quen thuộc giọng hát Khánh Ly với những bản nhạc của Trịnh Công Sơn.
Hai người ngồi bàn ngoài trông ra qua cửa kính nhìn thấy sinh hoạt trên đường phố.
- Mầy vợ con gì chưa?
- Còn độc thân, Đại úy.
Hai ly cà phê sữa nóng mang ra, thêm gói thuốc Lucky. Tôi xé gói thuốc mời Đại úy rút một điếu.
- Trước khi vào lính, mầy làm gì?
- Đi học, Đại úy.
- Xong Đại học chưa?
- Chưa lên tới Đại học, Đại úy.
- Tao hơn mầy một chút.
Tôi uống một ngụm cà phê xong châm lửa đốt điếu thuốc.
- Đại úy thấy tình hình ra sao?
- Cũng không bi quan lắm. Nhưng chiến tranh, không thể nào kết thúc sớm được.
- Hiệp định Paris, có sẽ ký không?
- Chắc chắn là phải ký.
- Ngừng bắn da beo, Đại úy có nghĩ vậy không?
Không trả lời câu tôi hỏi, với giọng buồn chán viên Đại úy nói:
- Tụi Mỹ đã bỏ miền Nam, quân đội mình càng thêm khó khăn.
- Bây giờ, tiếp liệu hết sức nan giải.
Viên Đại úy uống chậm, mắt nhìn qua làn khói mỏng tím.
- Mầy về được Quân đoàn, cũng đỡ lo.
Tôi im lặng. Ngồi không lâu, hai người trở ra xe. Tối hôm ấy, tôi thức khuya đọc lại cuốn tiểu thuyết Giờ thứ 25. Và lúc buồn ngủ, tôi ngủ luôn không ngồi dậy tắt đèn.
Lúc gần sáng, trời mưa. Tôi đến Câu lạc bộ ăn sáng, uống cà phê xong tới phòng Đại úy Mân lấy giấy phép. Lúc này, tôi hơi băn khoăn, vì còn đợi anh Tường trở về. Thật là may, từ Đà Nẵng anh vào sáng nay, cùng lúc biết tin tôi đã có SVL thuyên chuyển.
Rồi, lúc đầu tôi dự tính ra Đà Nẵng, nhưng rồi thôi. Tam Kỳ - Huế, hơn 150 cây số, đến Đà Nẵng nghỉ một chặng, ra tới Huế đã chiều. Từ bến xe, tôi đón xe lam một chặng, rồi tiếp theo là xe buýt.
Những năm tháng sau này của mình, tôi hầu như để mặc cho số phận lôi kéo đi. Tôi chẳng mong tìm ý nghĩa về cuộc sống, hay nhớ lại những kỷ niệm buồn vui. Đã xong, và qua hết. Tôi cứ buông trôi, bình thản mặc cho thời gian muốn trôi nhanh hay chậm. Nghĩ đến tuổi hai mươi, có khi tôi cảm thấy luyến tiếc, có khi bàng hoàng nhận ra đó sự thất bại cay đắng của mình. Bây giờ, đời sống trong quân ngũ không bon chen, tôi chỉ còn có một sự cầu mong là mình được ổn định cho đến một ngày cuộc chiến kết thúc, tôi sẽ xin giải ngũ rồi đi học lại, khởi đầu từ số không.
Thúy Hà, từ hình ảnh một cô bé trong tiền định, sau này, từng nét một nàng tập hợp lại nói cho tôi hay rằng, nàng rất giống người mẹ của tôi lúc bà còn trẻ. Thế nhưng, trong những nét giống nhau vẫn còn có sự khác nhau. Và, tôi hiểu ra rằng, người mẹ dành những gì tốt đẹp nhất trong nhan sắc và đức hạnh cho cô gái. Hình ảnh Thúy Hà, tôi vẫn mãi nghĩ rằng nàng là một người vợ mà tôi luôn sống với nàng bằng sự cất giấu và nhớ thương. Từ một buổi sáng đó gặp nàng đến lớp học, hình ảnh của nàng đã trở nên hằng cửu để cho tôi được mãi mãi yêu nàng. Nàng biết, tôi chẳng cần nói ra hết để hiểu sự thổ lộ của mỗi người. Nàng biết, trong lòng tôi luôn có sự chờ đợi và che chở nàng. Năm thi lại đậu Tú Tài I, lòng tôi tràn đầy mộng ước, lúc ấy, tôi không dám mơ nghĩ đến chuyện làm phi công, mà nuôi mộng học lên nữa để bù đắp sự thua thiệt mình đánh mất quá nhiều trong thời học sinh. Hơn vậy nữa, tôi cố gắng học để mong tiến thân, và chờ đợi cơ duyên của số phận cho tôi được ở bên nàng. Tôi yêu nàng hơn ai hết. Và, trong tim tôi chỉ có giữ lấy hình ảnh của nàng thôi.
Bỗng dưng, Huế chợt nhắc tôi nhớ Kim Ly. Khi Thúy Hà trở về nhà ở Đà Nẵng, còn lại tôi với Sài Gòn, tôi thấy mình quá đơn độc. Nhưng bất ngờ, có điện tín của Liên An gởi. Liên An đi chuyến bay trưa rời Huế, đến Sài Gòn hôm đó là chủ nhật. Buổi sáng thứ hai, cô đến tìm tôi ở nhà trọ. Sau khi ghé quán uống cà phê, nói một vài chuyện xong tôi chở Liên An bằng xe Honda đến Nha Du Học. Ngày rời Đà Lạt về Huế học, tôi hơn Liên An đến ba lớp. Rồi bởi số phận thi cử không may, bây giờ, Liên An hơn tôi và sẽ còn hơn nhiều nữa.
Tiếng cô gái nói:
- Anh đừng có gọi tên em là An nữa?
- Không, em vẫn là tên An của anh.
- Anh không thích tên thật của em sao?
- Tên thật của em, trọn vẹn là của em và cuộc đời nữa. Nhưng với anh, anh muốn được giữ mãi hình ảnh em bằng cái tên An thôi.
- Anh quên đi thì hơn. Em đã qua hết những ngày bé bỏng ấy rồi.
- Anh biết em đã trưởng thành. Còn anh, trở nên bơ vơ, cô độc. Chẳng có gì ý nghĩa trong cuộc sống của anh, ngoài những hình ảnh cũ đang nằm yên trong trí nhớ.
An lặng im, không nói gì thêm. Ngồi sau lưng, có lúc, An đặt bàn tay lên vai tôi. Bàn tay An cho tôi một cảm giác nhẹ nhàng, ưu ái.
- Anh quen cô nào ở Sài Gòn chưa?
- Ở thành phố này, lúc nào anh cũng chờ đợi mùa mưa đến với mình.
- Anh nói chuyện với em, mà như tơ tưởng đến người nào.
- Em vào Sài Gòn, mùa mưa còn kéo dài một tháng nữa mới dứt.
- Tại sao, anh lại nói đến mùa mưa.
- Anh chẳng bao giờ nhìn thấy cuộc sống hiện hữu của mình. Chỉ biết rằng, nó ở đằng sau. Đằng sau cuộc sống của anh, luôn luôn anh được nhìn thấy và được biết rõ những điều mình mong muốn nói đến.
- Em hiểu anh. Bây giờ nghe em nói đây.
An chợt ngừng lời. Và không nghe tiếng của cô nữa, tôi nhắc:
- Sao em không nói tiếp.
- Anh chịu nghe lời em không?
- Vâng, thưa cô.
An cười nhẹ sau lưng tôi.
- Em hiểu nỗi đơn độc của anh. Anh hãy vươn lên, đừng mang lấy mặc cảm. Nếu chuyện học không mở được con đường sáng cho anh, anh nên chọn hướng đi khác. Em không hiểu sao, anh cứ thủ phận làm người lính, mà không chịu đi Sĩ quan để tương lai khá hơn đôi chút. Em nói vậy, anh có buồn không?
- Không đâu. Anh biết mình quá lận đận, và cố sức tìm con đường học để sau này hết chiến tranh, mình trở về tìm ra được việc làm.
Xe tôi cứ chạy thẳng con đường Gia Long, không đổi hướng. Buổi sáng, giờ này các phố thật ồn ào, khởi sự cho mọi sinh hoạt thường ngày.
- Sao em không xin du học sang Pháp.
- Em xin đi hai nơi, bên Anh và Úc.
Tôi đưa An đến văn phòng Nha Du Học nằm quãng giữa đường Lê Thánh Tôn. Khi tới đó, An vào một mình còn tôi đứng ngoài đọc những thông báo. Những sinh viên đứng quanh tôi, họ chuyện trò và vui cười với những hứa hẹn như đang tìm thấy trước mắt.
Tôi theo lối tam cấp bước xuống đường đứng một mình đốt thuốc hút. Tôi nhớ đến An trong bao nhiêu ngày cũ. An vẫn thường ở nhà, luôn luôn ngồi ở chiếc bàn học với sách vở. Thời gian luôn làm cho cô gái cảm thấy ấm áp như ánh nắng tươi non của những ngày đầu hè. Trong ánh nắng, thấp thoáng bóng của An nhẹ bước đi trong khu vườn. Khi nào tôi đến thăm cũng gặp An cả. Vừa chuyện trò với tôi, cô vừa học. Thật sự cô gái đã làm tôi mến thương với cả tình yêu nữa bằng tâm hồn chân thực để nghe nhịp tim rung động. Năm học ấy, nghe tin tôi thi hỏng, An rất buồn. Hai người đã thương nhau với chút tình của tuổi mới lớn. Tôi nghe được tiếng nói của cô gái từ hơi thở. Ký ức nguyên vẹn về một gương mặt không tỏ bày những lời cần thiết được nói đến, cũng như mình coi đó là sự luyến nhớ khi trở về thăm lại một ngôi trường cũ. Đà Nẵng và Huế không quá xa, vậy mà, từ ngày tôi vào Đà Nẵng học An bỗng cảm thấy mất mát và lúc nào cũng cảm thấy bâng khuâng trông đợi. Năm ấy, trong kỳ lễ Phục Sinh tôi về Huế, thành phố này lại giăng mắc qua tâm hồn tôi một bóng dáng Thúy Hà làm tôi chơi vơi trong nỗi nhớ mông lung, tản mác vào những cảnh vật xa gần. Chỉ đến lúc, tôi tìm đến An, tôi mới nhận ra sự hiện hữu của mình đối với một nơi chốn đã quá thân thuộc. Hôm cuối cùng, tôi ăn cơm tối ở nhà An. Rồi, đến lúc ra về, An đứng lên đưa tiễn tôi một quãng từ phía con đường nhỏ bên trong nhà ra đến đầu lối cổng trông thấy con đường lớn. Đêm đã xuống với sương mù và ánh đèn đường.
- Chắc đến hè, anh mới về.
- Anh sẽ ở luôn trong đó cho đến ngày thi.
- Mong anh thi đậu. Rồi, anh sẽ trở ra lại Huế.
- Chắc là không. Anh muốn đi Sài Gòn. Anh thấy tuổi mình đã lớn, vào trong đó, anh tìm kiếm được việc làm.
- Anh luôn thích đi xa.
- Em là em gái đúng nghĩa nhất của anh.
Khi từ giã An đưa bàn tay nhỏ bé của mình cho tôi. Như thể, An đã cho tôi bông hoa.
Khá lâu, An mới trở ra. Nhìn gương mặt trẻ đẹp, cặp mắt cười vui, tôi biết ngay là công việc của An tốt đẹp suôn sẻ.
An lên xe, giọng nói vui. Tôi chia sẻ cùng An hạnh phúc một cô sinh viên sắp lên đường du học. Xe chạy thong thả trên con đường có những hàng cây cao. Nắng Sài Gòn, luôn là một thứ nắng có thơm mùi vị của cây lá sau cơn mưa.
- Đi xa, có viết thư cho anh đọc không?
- Viết chứ.
- Anh nghĩ là An sẽ viết thư rất hay.
- Không có đâu, đừng có nịnh em.
Tôi bỗng hỏi An:
- Em thích xem bói bài không?
- Thích lắm. Ở đâu anh?
- Ở gần nhà thờ Tân Định.
- Đi nghe. Bà này coi hay lắm.
- Có coi chỉ tay không?
- Không. Bà chỉ coi bài thôi. Nói ra những điểm chính thôi, nhưng rất trúng.
- Anh là khách thường xuyên của bà.
- Không có đâu. Khi nào có chuyện trông mong lắm, anh mới đi xem.
Một cách thân tình, bàn tay An đặt lên vai tôi. Trên con đường, hai người đang vui.
- Em ở chơi lâu không?
- Hai tuần thôi.
- Em thực là cô em gái tuyệt vời.
- Cám ơn lời anh khen.
- Từ ngày anh vào đây, chỉ nhận được hai lá thư của An.
- Ở nhà không bằng lòng anh viết thư cho em.
- Anh hiểu.
- Còn em thì sao?
- Không sao cả.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 29 Mar 2017

Khi chúng tôi đến nhà bà Diệp Hảo, một người khách mới xem xong vừa ra cửa. Tôi và An bước vào. Bà nhìn tôi và An. Tôi giới thiệu An là em gái, ngay lúc đó, bà khen An xinh đẹp. Hai người vào ghế ngồi. Rồi yên lặng chờ bà xếp lại bộ bài vừa mới coi xong. Sau đó, đưa cho An bà nói:
- Cô xóc bài đi.
An chỉ xóc ba lần, xong đặt bài xuống bàn. Sau đó, bà ta bảo An kinh bài. An giở bài lên chia hai cọc, xong chồng lại. Lúc này, bà tìm trong bộ bài bốn con đầm: cơ, rô, chuồn, bích, rồi bảo An chọn lấy một con. An chọn đầm rô.
Theo lời bà, An xóc bài lần nữa, kinh làm hai cọc, chồng lên nhau rồi đưa qua cho bà.
Khi bà Diệp mở bài ra, tôi và An chú ý. Bà sắp bài thành bốn hàng, mỗi hàng tám lá. Sau khi sấp xong, bà im lặng nhìn bao quát 32 lá bài. Bà lên tiếng:
- Cô sắp có tin vui.
An mỉm cười. Bà tiếp lời:
- Tin vui này sẽ đưa cô đi rất xa. Tôi nghĩ là cô được xuất ngoại.
An sung sướng. Tôi cũng cảm thấy lòng mình vui. Bà Diệp tiếp lời:
- Có một người bạn trai ở xa mong tin cô.
An lặng im, tôi cũng chẳng nghĩ gì đến mình cả. Có An hay không, tôi cũng hiểu rằng mình chỉ là kẻ đứng bên lề. Dù sao, tôi cũng có chút an ủi là An còn tin cậy mình.
Sau đó, bà Diệp nói thêm hai điều nữa hiện ra trên quẻ bài là gia đình An sẽ thay đổi chỗ ở và trong gia đình sắp có tang chế người thân.
Quẻ bài coi xong, bà nói thêm mấy điểm phụ và cho rằng An có tương lai rất sáng. Bây giờ, An mới thú thực cho bà hay chuyện xin đi du học và hỏi bà:
- Tin vui này có chờ đợi lâu không?
Bà đáp ngay:
- Không đến một tháng. Đường công danh của cô sáng lắm.
Ngồi coi bài không đến nửa tiếng, hai người đứng dậy. Đã trưa, tôi đưa An đi ăn ở tiệm cơm Ngọc Hương. Trong bữa ăn, tôi và cô gái chuyện trò như hai anh em và có lúc mắt tôi lặng nhìn An rất lâu. Rồi bất chợt, An mỉm cười hỏi tôi:
- Sau này có gia đình, anh có lấy tên của An đặt cho con gái không?
- Anh chưa mơ nghĩ tới ngày đó. Nhưng tên An, về sau này anh sẽ đặt để nhớ đến em.
- Tên của em, anh cũng đặt ra mà.
- Em có để cho anh vẫn gọi tên em là An không?
- Được chứ.
- Tên gọi đó, chỉ riêng anh thôi.
An ở Sài Gòn đúng hai tuần lễ. Nhà người bà con An đang ở nằm trên đường Cô Giang. Tôi có đến thăm hai lần. Và, có một lần tôi đưa An đi chơi phố Sài Gòn, ghé thăm các hiệu sách ở khu phố chính Lê Lợi. Đường Catinat rất sạch và đẹp. Những hàng cây hai bên mở rộng các vòm lá che phủ xuống mặt đường. Tôi cùng An thong thả đi bộ lên khu nhà thờ Đức Bà, vào xem tòa nhà Bưu Điện, sau đó qua hiệu sách Liên Châu nằm bên kia đường. Đi xem những cuốn sách hay, tôi chọn mua cuốn Le grand Meaulnes và viết một lời đề tặng An.
Ngày chủ nhật, Lăng dưới Rạch Giá về Sài gòn và ba người cùng đi xem chiếu bóng ở rạp hát Casino. Rạp hát chiếu phim hài hước, An rất vui, cô cười luôn.
Ngày An lên đường ra Huế, tôi phải đi làm nên không đưa tiễn cô ra trạm hàng không. Với lại, An vào Sài Gòn với ba của cô nên không cảm thấy lẻ loi trong chuyến trở về.
Và ngày trở lại Huế lần này, bỗng dưng tôi cảm thấy mình trơ trọi. Bất chợt, tôi nghe được tiếng nói của Kim Ly. Huế, vẫn còn tình thương và nỗi nhớ. Một lần đó gặp Kim Ly ở Sài Gòn, tôi cứ tưởng cô em gái của mình sẽ xuất ngoại sang Pháp học. Nhưng, không biết sao Kim Ly không đi được, hay không muốn đi.
Gia đình chú Hoàng mới dọn đến nhà mới cách đây ba tuần. Vậy là, đã hai lần thay đỗi chỗ ở. Căn nhà cũ có vườn, bến sông, một mùa hè rộn rã, trong ký ức tôi những tháng ngày và hình ảnh nơi chốn ấy còn được nguyên vẹn, nguyên nếp. Rồi nhà dời lên Bến Ngự, ở chỗ mới này hơn một năm, giờ lại dọn đi chỗ mới, chỗ này nằm trong khu vực Cung An Định.
Buổi tối, tôi đến thăm. Ngồi ở phòng trước, Ly nhìn tôi với cặp mắt vui, câu chuyện thân mật, dỗ dành nhau, và cùng gợi nhớ lại những ngày ở Sài Gòn, có Lăng, những cuốn phim ở rạp Rex, Lê Lợi, những quán ăn bên vỉa hè ở đường Pasteur, khu Đakao, cơm tấm chợ Đủi.
Hai anh em tôi được chú Hoàng coi như là cháu ruột. Vậy nên, về Huế, có bận gì tôi cũng ghé thăm gia đình chú, gặp mấy chị em chuyện trò rất hứng thú, tự nhiên. Đến cả lúc gặp bữa, cũng ngồi ăn.
Bây giờ, Nguyệt dạy học trên Đà Lạt. Đã có gia đình và sinh cô con gái đầu lòng. Còn Kim Ly, mới ngày đó, nay cô gái đã có sự thay đổi rất nhiều.
Lúc đồng hồ trên tường đánh tiếng nhạc, tôi đứng lên kiếu từ. Kim Ly tiễn tôi ra ngoài sân, rồi đi bộ một quãng. Dưới trăng, cảnh vật yên lặng. Hai người đi qua hồ nước, nghe thoảng hương vị của gió phảng phất gây nên sự rung động. Giọng nói của Kim Ly vừa đủ nghe, hai người dừng bước ở cổng:
- Chắc còn lâu lắm, anh mới trở về.
- Em vẫn ở đây, không đi đâu cả.
- Thành phố này không để cho em đi đâu xa, tôi nói.
- Dừng có dịu ngọt với em, cô gái ngước mắt.
Tôi ngắm đôi mắt đẹp của Kim Ly. Cô gái hỏi:
- Anh còn gọi tên em là Liên An nữa không?
- Em vẫn không thay đổi. Nhỏ bé cho anh được mãi cùng với tên Liên An.
- Tên Liên An có từ đâu?
- Có từ một vùng quê của người du mục. Một ngày đó, trong buổi chiều đầy sương mù và lạnh, Liên An đi qua một cánh đồng cỏ trên đường trở lại làng quê.
- Hình ảnh của áo trắng, phải không?
- Áo trắng là một tấm lòng của tuổi thơ.
- Không cho em lớn nữa sao?
- Đúng rồi.
- Em không còn thích mặc áo trắng nữa.
- Em đã lớn, tôi nói. Anh vẫn nghĩ tới em, và bao nhiêu người như em. Nhưng chỉ nhớ nghĩ đến, thôi, trong anh không có gì hết.
Khi nói ra điều đó, tôi bâng khuâng. Kim Ly chỉ cúi đầu, không bày tỏ. Trong đêm, về nhà một mình, tôi nhớ đến Thúy Hiền. Không có ai thay thế được Liên An, nhưng tìm hình bóng này không còn thấy nữa. Từ nay, Kim Ly trở lại với mình, còn Thúy Hiền là một dĩ vãng khác. Tôi nhớ Thúy Hiền, buổi tối ấy tôi ôm nàng trong vòng tay của mình, hôn đắm đuối.
Em đã trở lại trường sau một tuần về thăm nhà. Đối với em, việc học không có gì khó khăn, nhưng thực sự mong đợi hai năm nữa, em mới ra trường.
Bây giờ, anh ra sao? sống ở đơn vị, anh có hòa đồng với bạn đồng ngũ, hay vì vẫn nhớ đến chị Thúy Hà mà cảm thấy cô độc.
Suốt cả tuần này, tâm trạng của em có những lúc xao xuyến, bồn chồn. Em đang nhớ đến anh. Không là nhớ nhung vì yêu, đâu nhé. Anh nhớ em không? Em nhận ra, giữa em và anh đang tiến gần lại bên nhau như một ngày chuyển mùa làm cho cặp mắt trở nên ấm áp. Anh không chỉ có hình ảnh chị Thúy Hà, mà còn một vài người khác nữa. Về phần em, rất cần thiết cho anh những phút giây an ủi, và anh đã tìm kiếm em như một hình ảnh trong văn chương, tiểu thuyết.
Lúc em khép mắt lại, hé môi, để anh hôn em, và thật là lâu mái tóc của em làm anh run rẩy. Tối hôm ấy, trăng khuya, đèn sáng. Trên ghế đá có bóng hai người, và sóng nước trên bến cảng vỗ rào rạt.
Với em, khó tả quá anh ạ.
Nhưng em cũng nhớ ra rằng, em là em gái của anh, một cô em khác lạ, như đóa hoa vô thường.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 29 Mar 2017

VIII

Thực lòng, tôi cảm thấy mến cô Oanh. Tôi thích cái tên của cô, hình dung thấy một bóng dáng quen thân trong đó, cùng với hai câu thơ tôi đọc trong truyện Tây Sương Ký.
Tình nào tình thuở trước
Ai đâu kẻ về sau

Nếu trong hồi ức còn đem lại ngày tháng cũ với một lần gặp gỡ còn nguyên vẹn, thì Oanh, biết đâu chính là người con gái đó. Một kỳ nghỉ phép năm ấy tôi có ý muốn dành thời gian ít ngày vào Đà Nẵng thăm gia đình Thúy Hà. Tôi rất nhớ nàng, bao giờ cũng cũng ước ao có nàng, hay được gặp lại để trông thấy nàng, và hơn lúc nào hết tôi luôn chờ đợi nghe tiếng nàng nói từ trong cặp mắt nhỏ bé, hay thoáng qua một gương mặt rất đẹp và cũng rất buồn.
Vì có ý định ở lại Đà Nẵng một ngày nên tôi đi chuyến xe đò buổi chiều. Và, cũng bất ngờ, đó là chuyến xe cuối cùng trong ngày.
Chuyến xe đông chật hành khách. Tôi ngồi bên cạnh một cô gái có gương mặt khá xinh. Vì còn lạ lẫm nên hai người không dám hỏi chuyện nhau. Trong xe, hành khách phần đông là những người đi buôn, một số công nhân và có vài người lính mặc quân phục. Thỉnh thoảng, cô gái bắt gặp cái nhìn của tôi, và cô cũng nhìn lại với sự dò xét. Tuy nhiên, hai người cùng giữ được những thoáng nghĩ thầm lặng, đợi chờ.
Xe mới chạy hơn một phần đường thì gặp mưa. Trời mưa lớn nên chỉ trong chốc lát cảnh vật hai bên đường bị mưa và sương mù phía núi tràn xuống nhòa mờ hết. Những cánh cửa xe hai bên và đằng sau đều đóng kín. Trong xe, bóng tối bao phủ chỉ còn thấy lô nhô đầu người, thỉnh thoảng lóe lên vệt sáng như sấm chớp. Xe không có đèn điện, có người đốt diêm hút thuốc.
Cô gái ngồi nép mình. Xe chạy giảm tốc độ gây cảm giác buồn ngủ. Bên ngoài trời lạnh, mưa, bên trong hơi người ngột ngạt. Khi nghe hơi thở nhẹ bên mình, tôi có cảm giác như là một hương vị lạ dịu dàng. Vừa quay đầu sang, tôi thấy đôi mắt cô gái nhắm lại, và rồi đầu cô ngả nhẹ xuống vai tôi. Tôi nhìn cô gái như nghĩ đến một con chim nhỏ, như gợi nhớ ngày nào của tuổi thơ cô hiện ra trong trí tưởng tôi hình ảnh người em gái.
Khi vừa qua khỏi con đèo đầu tiên thì bất ngờ xe bị hỏng máy. Trước khi ngừng, chiếc xe kéo lê lết với tiếng máy kêu lịch xịch đến khi tắt ngấm ngòi điện nổ mới ngừng. Trời còn mưa, người tài xế đã khoác áo mưa ra khỏi xe. Cùng xuống với anh ta có hai người tài phụ. Khi người tài xế mở nắp ca bô trước, khói và hơi nước trong máy phun ào lên. Trời vẫn đang mưa, anh ta dùng đèn pin soi rọi các bộ phận trong máy xe xem bị hư chỗ nào.
Hành khách vẫn ngồi lại trong xe vì trời mưa. Con đường lại vắng, vì giờ này không còn chuyến xe nào từ Huế đi vào phía Nam. Có thể, người ta trông đợi những chuyến xe hàng từ Đông Hà, từ Quảng trị, hay may ra là những chuyến xe nhà binh.
Mưa chợt ngưng tạnh. Vừa thấy tạnh mưa, những đám mây mù trôi nhanh để lại ánh sáng của buổi chiều trên quốc lộ. Ở phía sau mọi người xuống xe. Rồi nối theo nhau, hành khách trên các băng ghế trước cùng xuống.
Hầu như ai cũng có cảm giác nhẹ nhõm khi được hít thở không khí bên ngoài. Vừa xuống xe, nhiều người mau chạy đi làm vệ sinh cá nhân ở chỗ khuất. Sau đó, họ về lại xe, đứng từng nhóm trò chuyện. Tôi tìm kiếm người quen nhưng không gặp. Ba người lính và một vài hành khách nữa đi lên chỗ đầu xe xem người tài xế sửa chữa. Một vài lời góp ý, chẩn đoán về căn bệnh của xe.
Cô gái đứng riêng một mình mắt nhìn ra phía cánh đồng trống. Hình ảnh đồng quê ướt át sau cơn mưa chắc cũng gợi cho tâm hồn cô một mối rung động buồn bã và thân thiết. Hút xong điếu thuốc, tôi nhẹ bước đi về chỗ cô đang đứng.
Cô ta nhìn thấy rõ dáng đi và chú ý vẻ mặt của tôi. Có hơi bối rối, nhưng cô ta vẫn đứng yên chỗ. Lấy giọng tự nhiên, tôi hỏi:
- Cô dạy học ở Đà Nẵng?
- Dạ không.
- Cô về thăm nhà?
Cô gái mỉm cười lắc đầu sau câu tôi hỏi. Giọng chậm rãi, tôi nói:
- Gia đình tôi ở Huế, nhưng vào quân đội tôi ở đơn vị xa.
- Ông về nghỉ phép.
- Cô nói đúng.
Ánh sáng cuối ngày đã vụt tắt. Giữa đường, chiếc xe hàng bị pan máy chưa sửa chữa xong. Đêm xuống, bóng đêm xuống nhanh, lan rộng tới các vùng làng quê về phía xa. Núi chỉ còn thấy lờ mờ, và sương mù đã bao phủ.
Kim đồng hồ đeo tay của tôi chỉ 7 giờ rưỡi. Tôi và cô gái lặng im, không biết nói gì thêm. Bỗng mọi người nghe tiếng bật nổ của máy xe. Nhưng vừa sắp sửa nổ mạnh thì lại tắt. Người ta lại lo lắng, vừa hy vọng. Sau ít phút, với sức quay tay rất nhanh, tiếng máy bật nổ lớn. Mọi người cùng vỗ tay. Vẫn chưa có ai vội lên xe, vì người tài xế vẫn còn đợi nghe tiếng máy nổ. Không lâu, tiếng máy nổ an toàn, anh ta vừa đóng nắp ca bô lại vừa lên tiếng mời hành khách. Mọi người vui vẻ lên xe không có lời phàn nàn.
Đêm như có vẻ mịt mù, xa khuất. Xe đang lăn bánh đèn trước xe tỏa rộng ánh sáng để thấy đường. Rồi, xe chạy suốt không nghĩ. Xe chạy qua từng quãng đường đèo, đồng ruộng, những nhà ở thưa thớt, ánh đèn hiện ra rồi biến mất, nhưng không có gì để mối quan tâm.
Bên kia đèo Hải Vân, một trận mưa đã tràn lấn xuống mặt biển. Vừa lúc xe xuống đèo, phía xa chừng mười cây số nơi đó là thành phố đã lên đèn. Mưa còn nhẹ hạt khi xe lên đèo, mưa lớn thật dữ dội khi xe đổ xuống đèo. ở nơi xa khoảng mười cây số, đèn thành phố đang lay động, cơn mưa có lúc tưởng rút ngắn khoảng ánh sáng có lúc bị đẩy lùi trôi giạt, và trong mưa người ta nghe tiếng gió đập phần phật vào thành xe, cả trên trần xe. Nhưng xe vẫn cứ chạy, mọi người cùng cảm thấy an toàn khi xe đã về gần tới thành phố.
Trong bóng tối, gương mặt cô gái đã in lên một vùng ánh sáng. Tôi có cảm giác như tìm ra được những ngày thương yêu cũ của chính mình. Tôi nghe ra âm thanh nhỏ nhẻ tiếng nói của cô, tôi đứng yên một chỗ để nhìn thấy dáng điệu, hình bóng cô đang dời bước, và tôi cũng tin rằng, một ngày nào đó tôi sẽ gặp lại cô một nơi chốn nào đó khác không có bóng tối vây quanh giữa cuộc đời.
Mưa không dứt, nhưng lòng tôi cảm thấy ấm. Xe đang chạy vào thành phố, Tôi nghe ra tiếng động của ánh sáng, tiếng nói, xe cộ còn di chuyển dưới trời mưa, mặc nhiên nó nói với mọi người về những sự tin cậy. Và, trong mỗi ánh đèn tìm thấy, ai cũng đều nghĩ đến căn nhà mình ở rồi sẽ về đến nơi.
Đã mười giờ đêm. Xe vào bến đậu trong cơn mưa dai dẳng. Quanh xe, có tiếng gọi nhau ơi ới của khách hàng buôn trên vọng xuống và dưới gọi lên. Những người chạy xích lô chờ sẵn. Rồi cũng may, xe vào bến, trời ngớt mưa cho khách xuống để về nhà.
Tôi và cô gái rời khỏi xe sau cùng vì ngồi hàng ghế trong. Những khách xuống trước lên xích lô chở hàng, hoặc về nhà. Có nhiều người đi cùng chung một chuyến.
Tôi và cô gái vừa ra khỏi xe, anh xích lô hỏi:
- Hai anh chị về đâu?
- À, không phải đâu.
- Về đâu, lên xe đi. Hết xe rồi.
Tôi liền giải thích:
- Tôi và cô đây chỉ là hành khách thôi.
- Anh về đâu?
- Tôi về ở chỗ bến cảng.
- Còn cô đây.
- Phố Quang Trung, cô gái đáp.
- Bây giờ ai đi?
Tôi hỏi cô gái:
- Cô về một mình được không?
Cô gái im lặng không đáp lời. Rồi anh xích lô lên tiếng:
- Hai người lên chung xe tôi. Tôi đưa cô đây về trước, rồi lên nhà anh, được không?
Trời lại mưa, khiến cô gái gật đầu. Tôi và cô gái vội vàng lên xe. Anh xích lô đóng tấm bạt trước vừa nói cho hai người biết, ở đây mưa lớn từ lúc chiều. Đóng xong tấm bạt, anh đi ra sau và nhảy lên yên xe đạp chạy.
- Mưa lớn từ lúc chiều đến giờ.
- Em lo quá. Giọng cô gái nói rất nhỏ.
Chiếc xe di chuyển chậm. Chỗ ngồi không rộng, nên vai tôi và cô gái dựa sát nhau và còn cảm thấy chật chội cả phía dưới chân nữa. Tôi chỉ có ý nghĩ muốn đưa cô gái về đến nhà bình yên. Và, lúc này, tôi chẳng muốn bày vẽ chuyện để hỏi han, tán tỉnh cô. Nơi thành phố này, tên một người bạn gái thân thương đang nhắc nhở tôi. Và, lòng tôi sung sướng khi đến nhà nàng, trong tiếng gọi tôi cất lên, cả nhà nghe thấy ùa ra mở cửa và tôi đọc được sự mừng vui xúc động của từng người. Con đường bị mưa, và con phố trở nên tối tăm nên chiếc xe thường bị vấp ổ gà làm nghiêng ngả. Mỗi lần, cô gái bị ngã, tôi cầm nắm giữ bàn tay cô. Nhưng đường xấu chỉ có một đoạn ngắn, rồi xe lại chạy bình thường. Có tiếng hát cải lương của anh xích lô ca lên nghe mùi mẫn làm tôi và cô gái cùng cười.
- Cô vào ở chơi lâu không?
- Em đi một tuần.
- Tôi cũng đi ít ngày rồi trở ra lại Huế.
Tôi trông thấy cặp mắt cô gái đen lánh, và thấy lại lần nữa một vùng ánh sáng trên gương mặt cô lan rộng ra.
Tiếp lời, tôi nói:
- Tôi ở đơn vị xa, mới có được chuyến đi phép về thăm nhà.
Câu chuyện của hai người trở nên thân tình, và lúc này, bánh xe lăn trên đường nhựa nghe êm ả, lạ lùng. Vâng, cô gái đây là cô giáo mới ra trường dạy học được ít năm. Những lời riêng tư của mình, cô đã cho người lính cái hạnh phúc được ở bên cô cùng với bao nhiêu người bạn của cô, anh chị em cô và người thân trong gia đình. Về phần người lính, nương mình trong cái bóng dáng phiêu bạt của đời quân ngũ, anh ta nói về một cuộc đời, về sự lớn lên của tuổi trẻ, và về một cuộc chiến tranh không biết đến bao giờ sẽ chấm dứt. Nơi đây là một thành phố lạ, vừa thân quen. Và, trên cùng một chuyến xe, một con đường, tôi có nên viết ra trên một mẩu giấy cho cô gái này hay biết tên người bạn gái ấy không?
Bỗng nhiên có tiếng anh xích lô hỏi:
- Nhà cô số mấy?
- Mười bốn, anh.
Đang vui chuyện về mình, tôi ngưng hẳn. Bất chợt một giọng hơi buồn, tôi nói:
- Về tới nhà cô rồi.
- Dạ.
- Biết đâu, gặp lại cô ở Huế.
Cô gái nói:
- Ông còn trở về đơn vị của ông nữa mà.
- Đúng vậy. Đâu có thể chờ được.
Chiếc xe ngừng. Giọng thân tình, cô gái nói:
- Em xuống đây, chào ông nghe.
- Vâng.
- Em xuống đây nghe, cô gái nhắc lại.
Cô gái còn chờ anh xích lô xuống mở tấm bạt. Trong một giây nhìn nhau, tôi nắm giữ bàn tay cô gái. Cô vẫn để yên bàn tay cô trong tay tôi. Hơi ấm mang đầy hương vị thơm từ bàn tay cô gái làm tôi xúc động. Và nỗi xúc động đã cho tôi có được một nụ cười.
Đó là một câu chuyện có thực. Khi nhớ lại hình bóng cũ cô gái, tôi nhớ rõ quãng đường đi, những con đèo, buổi chiều mưa, và chuyến xe đò hôm ấy bị pan máy nằm dừng bên con lộ sát với cánh đồng. Tôi hỏi lại Oanh, nàng bảo không phải nàng, rất có thể cô gái có một đôi nét hao hao gần giống nàng thôi. Tôi còn ngờ ngợ, tìm thêm một vài chi tiết cụ thể nữa về giọng nói.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 29 Mar 2017

Từ Phú Bài, trong tuần vẫn luôn có một vài chuyến bay đi Pleiku. Có chuyến trực tiếp, có chuyến chỉ ghé dừng trong thời gian ngắn lấy thêm khách và tiếp nhiên liệu. Với sự vụ lệnh và tờ giấy phép, tôi dễ xin một chuyến bay đi Pleiku, nhưng bởi thời gian còn thong thả nên tôi muốn đi bằng đường bộ, mà riêng với tôi luôn luôn cảm thấy lạ lùng, hứng thú.
Hôm qua, tôi gặp Kim Ly. Hai người cùng ngạc nhiên, mừng rỡ và lòng tôi dậy dàng trước một vẻ sáng đẹp của Kim Ly qua ánh nắng chiếu in lên tấm áo dài màu xanh da trời với những bông hoa trắng nhỏ rất là xinh xắn, dễ thương. Tôi không liên tưởng đến Thúy Hà, nhưng biết rõ, ngày trước đây nàng cũng đã mặc một chiếc áo trong dáng vẻ như là của bức tranh.
- Em đi đánh điện tín?
- Không, em gởi thư bảo đảm.
Kim Ly đeo bên vai trái một cái túi xách nhẹ bằng vải.
- Anh đi đâu đây?
- Anh đi chơi phố. Hôm nay, ngày cuối của anh trong kỳ nghỉ phép.
- Ngày mai anh trở lại đơn vị?
Tôi gật đầu, nói với Ly:
- Anh đến quán cà phê, mời em một ly uống cho vui nghe.
Kim Ly vui lòng. Từ phía nhà Bưu điện đến khuôn viên Morin khoảng chừng hơn trăm mét.
Một giọng nhấn mạnh, Kim Ly nói:
- Em thật là hãnh diện được cộng tác với nhà xuất bản Trường Thi.
- Em có soạn sách giáo khoa không?
- Có chứ.
Sau một giây ngừng, Kim Ly tiếp lời:
- Nếu đứng tên cộng tác thôi, em chỉ nhận hoa hồng theo từng kỳ sách phát hành. Nhưng, có trách nhiệm soạn sách, thì nhà xuất bản trả tác quyền.
- Họ có để chính tên tác giả biên soạn không?
- Không, anh. Sách của Trường Thi đề tên chung là một nhóm giáo sư.
- Anh hiểu. Em soạn môn gì?
- Em soạn môn Hình Học.
Lúc này, tôi không nghĩ ngợi xa xôi. Hai người cùng quan sát quang cảnh sinh hoạt ở quanh khuôn viên Morin. Các quán cà phê đều nằm trên vỉa hè, bàn ghế thấp, khách ngồi phần đông là giới trẻ học sinh, sinh viên. Và trong khu vực này có trường Đại học, nhà ở bên các con đường nhỏ hầu hết là nhà cho thuê trọ, hoặc nấu cơm tháng. Cách nơi này một dãy phố, có một quán cơm xã hội dành cho sinh viên, thường phục vụ giờ ăn bữa trưa.
Tôi tìm được một chiếc bàn trống, dời nó ra chỗ có bóng cây gần bờ đường.
- Em uống thứ gì?
Kim Ly nhìn tôi, cô nói:
- Anh mời đi uống cà phê, phải không?
- Em uống cà phê sữa nghe.
Nàng gật đầu.
Tôi đến quầy, trả tiền trước. Tôi trở về chỗ ngồi bên cô gái, không đợi lâu, người phục vụ mang hai phin cà phê đến, cẩn thận đặt xuống bàn. Nước nóng lên khói, cà phê rớt từng giọt đậm xuống trong ly.
- Ở nhà, em có hay pha cà phê để uống không?
- Có, nhưng thỉnh thoảng thôi.
- Anh nhớ món chè đậu xanh đá bào, em rất thích.
- Anh chỉ nhớ được chừng đó thôi.
- Bởi mùa hè chưa đến. Mùa ấy đến, anh mới thực sự mong được trở về Huế.
- Anh vẫn đang ở Quảng Tín.
- Không, anh đi đơn vị mới rồi.
- ở đâu anh?
- Pleiku.
- Xa vậy hả anh.
- Ờ, cũng xa, trên vùng cao nguyên.
Có được bảy ngày nghỉ phép trước khi đi đơn vị mới, tôi về Huế thăm gia đình, và cũng nhân kỳ này tôi muốn ra thăm làng quê, thăm tỉnh Quảng Trị để biết thành phố ra sao trong cuộc chiến mùa hè qua, nhưng cuối cùng không thể đi được. Chẳng biết bao giờ tôi trở lại nơi chốn ấy, ở đó còn sự ràng buộc, gắn bó với tôi về những năm tháng của tuổi thơ và thời niên thiếu.
Kim Ly chưa lấy chồng, nhưng đã xong Đại Học. Tuy thế, cô vẫn coi tôi như người anh với tình thân ngày đó vẫn giữ. Trong buổi đầu của ngày cũ, cô gái bằng lòng để tôi gọi cô là Liên An. Nhưng đến lúc này, hãy thôi, vì cô chẳng còn bé bỏng nữa, chẳng in dấu trong lòng tôi một cuốn phim về ngày chủ nhật, về cô Cybèle, tên cô bé này gắn liền với tháp chuông và con gà trên nóc nhà thờ ở Paris.
- Anh đi xa, đến đó sao?
- Em đến Pleiku bao giờ chưa?
- Chưa.
- Nhưng tại sao anh không về Huế gần gia đình, mà đi xa.
- Anh thích đi xa.
- Để làm gì. Có mục đích chứ?
- Có.
- Nói đi.
- Không nói.
- Sao vậy?
- Anh thích đi xa. Ở xa, nhớ nhà, nhớ một thành phố mình thương yêu lúc nào cũng có được sự thắm thiết, đầy ân tình và đẹp.
- Thế cũng hay.
- Em đi được bao nhiêu nơi rồi?
- Em chỉ mới biết Đà Nẵng, Sài Gòn.
- Chừng đó thôi.
Nhìn tôi, đôi mắt Kim Ly mở to. Cô gái hỏi:
- Anh thích trời mưa không?
- Anh rất thích. Với em, Huế - Quảng Trị quen quá rồi phải không?
- Em quên mất, còn một thành phố nhỏ nữa.
- Hội An?
- Sao anh biết.
- Em đã có nói với anh, không nhớ sao?
- Cho là đúng, đi.
- Nãy giờ, anh và em có đi lạc đường không?
Cô gái gật đầu. Tôi nói:
- Anh biết em sắp hỏi anh một điều quan trọng.
- Đúng, em phục anh.
- Hỏi đi, anh trả lời.
Do dự hơi lâu, cô gái mới nói:
- Anh về lần này, để lấy vợ phải không?
- Không.
- Đừng giấu em.
- Ủa, em làm anh ngạc nhiên. Anh chỉ về thăm nhà, vì đi đơn vị xa.
- Có chắc không đó.
Tôi nhìn Kim Ly. Nàng vẫn thế, vẫn nói thầm với tôi rằng, nàng đẹp.
- Hôm bác Quyên ghé thăm ba me, có nhắc đến anh, và đã có cho biết anh mới quen một cô giáo dạy học ở thành phố này.
- Mẹ anh và dì Quyên lúc nào cũng mong vậy cả.
- Anh thì sao?
- Anh không trông mong, và chưa nghĩ là mình đã có sự trưởng thành.
- Ghê quá đi, một người hùng của thời đại cô đơn.
- Em nói về sự cô đơn trong lòng anh là đúng. Nhưng không thể là anh hùng.
- Anh đã gặp nàng chưa?
- Anh về Huế, chỉ có Ly là anh đến thăm.
- Em biết, không tìm gặp nhau, ngày mai anh cũng chẳng rời khỏi được thành phố này.
- Anh vẫn mong, mỗi một sự thay đổi của em, nhắc anh nhớ đến em nhiều hơn.
- Nhưng anh hãy bằng lòng về mình đi. Lâu nay, anh đi xa cũng đã nhiều năm.
- Vậy là có lúc em quên anh.
Không đáp lời tôi, nhưng Kim Ly gật đầu nhẹ.
- Anh có hay gặp anh Lăng?
- Anh không gặp, nhưng biết anh Lăng đang làm việc dưới Long An.
Cà phê đã đầy, tôi nhấc chiếc phin ra khỏi ly. Tôi cầm cái thìa nhỏ, khuấy nhẹ lớp sữa dậy lên, thật đều màu, rồi đưa cho Kim Ly.
- Cám ơn anh.
Tôi nói:
- Anh biết cách làm cho cà phê hòa tan, phải khuấy thật đều, uống mới ngon. Thêm nữa, em hãy nhớ là lúc uống, phải thưởng thức đúng cả hai mùi vị cà phê, và sữa, vậy mới là uống cà phê ngon.
Kim Ly cười, tán đồng ý tưởng của tôi. Cô chưa uống, đợi tôi làm bên ly của mình với một chút bơ, hai thìa đường vừa đủ ngọt, và cô nhận ra mùi vị thơm.
- Em đi dạy học, học sinh lớn quá, em ngại không?
Cô gái đáp lời:
- Vào lớp, khi cầm lấy viên phấn là em ra bục đứng giảng bài ngay.
- Đó cũng là một phương pháp cảnh giác học sinh.
- Anh nói đúng. Em có đầy đủ bản lĩnh một cô giáo.
- Anh ngồi đây, trở nên một cậu học trò của em.
Kim Ly uống từng hớp nhỏ, cảm thấy ngon. Tôi ngừng uống, cầm thìa cho thêm một chút đường nữa.
- Anh không thích cà phê sữa.
- Không hẳn, nhưng uống cà phê đen, anh thích hơn.
Kim Ly hỏi:
- Anh đã gặp cô giáo rồi, phải không?
Tôi làm vẻ lơ đãng, và trong cách nói, tôi nhắc lại với Kim Ly:
- Anh vẫn còn giữ nhiều thư của em. Cứ mỗi lần đọc, anh như thấy mình ở bên cô gái tên An.
- Hãy quên tuổi thơ của em đi.
- Thực sự, em chỉ gởi cô gái tên An đặt nằm yên trong kỷ niệm của anh, nhưng em hãy nhớ rằng, không chỉ có cái tên anh gọi em thôi mà còn sống sót trong anh bao tháng ngày cũ những âm vọng của hồi còi con tàu.
- Trong lần về phép này, anh có gặp cô giáo rồi phải không?
- Lần trước cô giáo không đến, còn lần này anh được gặp.
- Em vẫn tin chuyện đó đúng.
- Em thì sao?
- Không gì cả. Anh bắt đầu chuyện của anh và cô giáo đi.
Tôi nhìn sang Kim Ly. Nàng mỉm cười, cặp mắt sáng lên trong ý thơ. Và, tôi, cũng nên chiều ý nàng mà kể ra một câu chuyện về số phận của một người lính được cuộc đời sắp xếp cho một nơi chốn mới, và chờ tới ngày bình yên sau chiến tranh anh ta sẽ có chỗ định cư, vậy là hạnh phúc anh tìm thấy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 29 Mar 2017

Tôi hình dung Oanh qua bóng dáng cô Loan của Nhất Linh. Kim Ly là người của thành phố, còn Oanh hay là Loan vẫn là những bóng hình phơi mở từ trong trí tưởng tượng qua mỗi nét tâm tình viết ra trên một vài trang sách.
- Rồi, anh có nghe theo lời của bác không?
- Anh không biết sao nữa.
- Buổi đầu mới gặp nhau, ý tưởng hay tâm tình cũng như sách vở của thời còn đi học.
- Anh cũng nghĩ như em vậy.
Nắng ấm đã tràn đầy trên các con đường ở quanh khuôn viên, nó cho thấy một ngày vui, vẫn bình thường nhưng luôn gây cảm giác mới lạ.
Kim Ly bỗng nói:
- Mỗi chúng ta thay đổi.
- Em thực sự có nhiều thay đổi. Thế nhưng, đừng nói với anh rằng, cô bé tên An của anh đi xa khỏi nơi này rồi.
- Em tặng cho anh tên thuở trước của em.
Với một lời chân tình, tôi nói với Kim Ly:
- Đây là lần đầu tiên, anh mời được em vào quán cà phê. Trong buổi sáng nay, em cho anh thấy và hiểu ra được tuổi trưởng thành của em. Nhưng chắc rằng, anh luôn nhớ nghĩ đến em trong tình thân thương của gia đình và ngoài đời nữa.
Kim Ly đưa bàn tay ra cho tôi nắm. Trên bàn, hai ly cà phê, một gói thuốc, từ nãy giờ, tôi chỉ rút ra có một điếu.
Rồi, hai người rời quán. Tôi và cô gái vẫn còn bên nhau, cả hai như cùng cảm thấy thời tiết qua mùa xuân thật là dễ chịu.
- Em còn học lên nữa không?
Một giọng vui, cô gái hỏi:
- Anh muốn em học thêm nữa không?
- Rất là mong. Huế là một thành phố của em, coi em như là một biểu tượng.
- Em rất muốn xuất ngoại để học thêm.
- Ngày mai kia sẽ tới.
- Có gần không?
- Rất gần.
- Em đi xa, anh có nghĩ là em thực xa anh hẳn không?
- Em viết thư cho anh đọc, để biết là không quên nhau thôi.
Tới bên cổng trường, tôi hỏi:
- Buổi chiều, em có giờ dạy không?
- Có. Trọn cả buổi chiều.
Tôi băng qua đường, nhưng chưa muốn về nhà, và chân đang bước nhanh đi tới sạp báo trước khuôn viên đài phát thanh.
Không thấy Hiếu, tôi hỏi cô gái đứng bán hàng.
- Dạ, anh Hiếu đi lính rồi.
- Anh Hiếu đang ở đâu?
- Dạ, trong phi trường Tân Sơn Nhất.
Nơi này, không lúc nào vắng khách. Tôi mua tờ báo Kịch Ảnh và hai tờ nhật báo. Lúc này, trời đã gần trưa. Ngày hôm kia, tôi được mẹ cho hay là cả gia đình sẽ đi Sài Gòn khi nào ở trong đó ba mua được nhà.
- Rồi hai căn nhà ngoài này, gởi cho ai?
- Cả hai bán được rồi.
Một lúc sau, mẹ kéo dưới gầm tủ ra một gói giấy báo, rồi mở ra. Tôi trông thấy một chiếc kiềng vàng, sáng ánh lên. Một giọng thầm lặng, mẹ nói:
- Chiếc vòng kiềng này dành để cưới vợ cho con.
Tôi mỉm cười, nhủ thầm, biết ai là vợ mình để mẹ được như ý.
- Anh là bạn thân với anh Hiếu?
- Ờ, anh quen với Hiếu lâu rồi.
- Anh đi lính chưa?
- Rồi, trước cả Hiếu nữa.
- Đơn vị anh ở Huế?
- Không, ở xa. Anh về phép thăm gia đình.
- Anh về được lâu không?
- Ngày mai anh hết phép rồi.
Cô em gái của Hiếu ngước mắt nhìn tôi.
- Anh Hiếu có về phép, cho anh gởi lời thăm.
- Dạ.
Có chuyến xe buýt đến trạm ngừng phía trên. Giờ đã gần trưa, tôi muốn về nhà, nhưng không gấp vội.
Tôi đi một mình vừa nhìn quang cảnh dọc con phố, tôi cảm thấy dễ chịu với kỳ nghỉ phép lần này. Trong tôi, hình ảnh của mẹ và các em là những khuôn mặt thân thương dưới mái nhà. Còn, Huế với tôi bao giờ sự trở về đây của tôi là để mong được gặp một người bạn.
- Có nhớ Bảo không?
- Không quên. Cô ấy về đây chưa?
- Về rồi.
- Bạn và cô ấy ra sao?
Trương mỉm cười, mắt nhìn lên khung tranh lớn treo trên tường.
- Bạn có làm công việc gì không?
- Có.
Tôi để ý đếm một cuốn tập dày và hai cuốn sách trên bàn viết.
- Cà phê hay rượu?
- Cà phê đi.
Trương đi ra ngoài, một lát sau trở lại. Không đợi lâu, có một cô gái đem vào hai ly cà phê đá. Trương mời tôi uống, vừa hỏi:
- Được mấy bông mai rồi?
- Chưa có.
- Chưa được một sao?
- Chờ ít tháng nữa.
Tôi không hỏi gì về chuyện của Bảo. Dù sao, nàng cũng có sự chọn lựa khi lấy chồng. Ngoài công việc dạy học, Trương đang viết sách biên khảo về lịch sử của triều Nguyễn, khởi sự từ Nguyễn Hoàng được gọi là chúa Tiên.
Vừa nghe Trương dẫn giải những chương sách đã viết xong, tôi bật que diêm đốt thuốc hút.
- Ông in được mấy cuốn rồi.
- Hai cuốn. Nhưng cuốn này, công phu hơn cả.
Hôm nay, với tấm lòng của Huế tôi cảm thấy phân vân không biết mình còn trở lại nữa không. Có ai đang chợt nhắc với tôi một câu nói giã từ.
Phía trước, có một cô gái gái áo tím đứng bên ngoài công viên nhìn sang một ngôi trường. Khi tới gần tôi ngạc nhiên, vừa dừng bước.
Cô gái hỏi:
- Anh không đi xe.
- Cô Oanh đợi ai đó?
- Em đợi anh.
Lấy một giọng tự nhiên, tôi nói:
- Tôi đi chơi phố, trời nắng ấm nên thích đi bộ.
Cô gái nói:
- Em ngồi trên xe buýt, trông thấy anh ở sạp báo.
- Ủa, sao cô xuống đây.
Cô gái im lặng. Rồi hai người dời bước.
- Chiều nay anh có đi đâu không?
- Không, ở nhà.
Vào buổi chiều, lúc tôi thức dậy, vừa lúc Oanh đến nhà. Oanh đem cho tôi một ít trái cây hái ở vườn, và một gói quà.
Ngồi ở bàn khách, hai người chuyện vãn về công việc làm và sinh hoạt gia đình mỗi bên.
Sau câu hỏi của Oanh, tôi đáp lời:
- Quê ngoại tôi ở Xuân Thành. Từ Đông Hà, về làng quê đi đò dọc xuống bến Bãi Sa chừng bảy cây số.
- Về quê ngoại, chỉ đi đường sông thôi.
- Đi đường bộ cũng được, nhưng xa hơn, và phải qua một bến đò ngang.
Tôi chợt hỏi:
- Cô hay ra Quảng trị không?
- Em chưa ra đến ngoài đó.
- Huế, Quảng Trị đâu có xa.
- Ngày trước tôi học ngoài đó, các thầy cô đều là người Huế.
Oanh nói:
- Em sinh trưởng ở đây, nhưng không phải là người Huế.
- Giọng nói của cô, ảnh hưởng ngoài miền Bắc.
- Quê của mẹ em ở Nam Định.
- Tôi cũng nhận ra được giọng nói miền Bắc của cô.
Vừa thay đổi chút dáng điệu, giọng Oanh trở nên thân thiết. Trong giọng nói của cô, tôi hình dung ra một biến cố trong những tháng ngày đất nước bị phân ly.
- Em và mẹ luôn hòa hợp với cuộc sống trong gia đình.
Tôi bỗng hỏi Oanh:
- Bác trai ở nhà là người quan trọng nhất.
- Ba em rất nghiêm, và quan trọng như anh nói.
- Có ông, mọi người trong gia đình hiểu nhau.
Cô Oanh nói về mẹ. Trong gia đình, ông bố lấy ba người vợ, từ một cuộc phiêu lưu thuở đó Oanh không hề biết, nhưng khi cả gia đình từ Nha Trang về Huế sống chung, thì căn nhà đang ở và mọi sinh hoạt trong gia đình đều có sự cảm thông, hòa thuận.
- Hay quá nhỉ.
- Anh cũng thích giống ba em, phải không?
- Không đâu. Nhưng tôi thường nghĩ những người đàn ông có nhiều vợ là số tử vi của họ, cung thê rất là tốt.
Với cặp mắt dò xét, Oanh nhìn sang tôi.
- Vậy là cô chỉ nói tiếng Bắc thôi, đâu có hay biết gì về cảnh quê ngoài đó.
- Không, nhưng mẹ em kể chuyện hay lắm.
Tôi nói:
- Nhớ cảnh làng quê, người ta thường hay nhắc đến lũy tre xanh, bên đò, và con sông.
- Ba thứ đó, nơi làng quê của mẹ em có đủ.
- Tôi rất thích những câu chuyện kể từ giọng nói của các bà mẹ.
Oanh nói:
- Bên mẹ em, chỉ có em và một người anh.
- Anh ấy có ở trong quân đội không?
- Không, anh cũng dạy học như em.
Buổi chiều xuống thấp, con sông in dáng qua sương mù. Trong tiếng động buổi chiều, tiếng đò máy dội nước trên con sông, và chốc lát, bỗng thấy một chuyến xe buýt trên đường ra ngoại ô.
Khi Oanh ra về, tôi cảm thấy trống vắng. Tôi ngồi nói chuyện với mẹ tôi, hai người bàn chuyện một đôi công việc nhà.
Bỗng nhiên, mẹ hỏi:
- Con thấy cô Oanh được không?
- Nhưng mà sao, mẹ lại quen biết cô Oanh.
- Dì Quyên và cô Oanh dạy học chung trường.
- Rồi dì giới thiệu cô với mẹ.
- Không có đâu.
Tôi cười nhìn qua gương mặt của mẹ. Mẹ không hề có một thời như của bao cô gái trẻ đẹp, nhưng tên mẹ là tên của một bông hoa, có nắng ấm của mặt trời và luôn giữ lấy được sự thủy chung.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 29 Mar 2017

IX

Khối chiến tranh chính trị biệt lập trên một khu đất rộng có năm căn nhà ngói, một khoảnh đất dùng làm vườn trồng hoa, cây cảnh, bên một lối đi có làm những băng ghế để ngồi nghỉ chân, thường có đông anh em vào giờ giải lao ra đây nghỉ hút thuốc, chuyện trò.
ở ngay cổng vào là văn phòng của vị Tham Mưu phó, kế đến các phòng làm việc của ngành an ninh, tâm lý chiến, chính huấn, và cuối hết là của ban thông tin báo chí.
Tôi được bổ sung về ban thông tin vì ở đây đang thiếu người. Trước khi có tôi quân số trong ban có năm người, vị Đại úy Trưởng ban, viên Trung úy trẻ làm phụ tá, hai phóng viên và một thư ký đánh máy là hạ sĩ quan. Trong thường ngày, viên Trung úy đảm trách rất nhiều việc, nay có tôi, ông giao cho tôi nhận bớt một nửa. Tôi rất vui được làm việc ở đây. Khi tôi trình diện vị Trung tá ông hỏi sơ qua về trình độ văn hóa, và hỏi tôi có viết báo, viết văn gì không, tôi đáp có, ông liền cho biết ngay bên ban thông tin đang thiếu người cần bổ sung.
Trong căn phòng làm việc chỉ có một cửa chính ra vào, hai phía bên đều là cửa sổ, một phía mở ra con đường có trồng hàng cây thông, đường này cách lối cổng sau của căn cứ Quân đoàn chừng hai trăm mét, một phía nhìn khoảnh vườn rợp màu hoa giấy thật rực rỡ, đẹp mắt.
Mỗi người có riêng một bàn để làm việc. Phòng hội nằm phía trong, bên cạnh phòng làm việc của Trưởng ban. Vị Đại úy người Bắc, nói thông thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp. Tuy là đơn vị nhỏ nhất trong Khối, nhưng công việc khá bận rộn, nhất là vào thời điểm ngoài chiến trường thật sôi động. Những phóng viên quốc nội và quốc ngoại đến đây thật ồn ào. Họ trao đổi tin tức, đưa ra những lời dự đoán, rồi dự một buổi họp chính thức do Trưởng ban thuyết trình. Tất cả im lặng, lắng nghe, dồn hết tình hình cuộc chiến vào tai, trí óc, và trong một cuốn sổ tay. Sau một giờ nghe thuyết trình xong, hết sức vội vàng, người nào cũng đeo chiếc ba lô, máy ảnh, máy ghi âm, sổ tay, lẹ làng chạy nhanh bước lên sân cờ Bộ Tư lệnh chờ trực thăng xuống bãi đáp bốc đi. Những người phóng viên rất thích nghe tiếng súng đạn giao tranh, và khi có trận chiến xảy ra cũng là dịp cho họ thực hiện một giấc mơ phiêu lưu quân sự.
Ngày đầu tiên nhận việc, buổi sáng ấy viên Trung úy và anh phóng viên mời tôi xuống quán uống cà phê.
Ba người nhìn nhau với một nụ cười rất thân tình. Tôi hỏi:
- Trung úy và gia đình ở đây?
- Gia đình tôi ở đây. Bạn vàng này cũng vậy?
Quay sang người phóng viên, tôi hỏi:
- Anh thuộc bên đồng hóa hay chính quy.
- Anh đoán thử xem.
- Tôi thấy những tác phẩm Anh ngữ ở bàn viết của anh rất nặng ký.
Anh phóng viên chỉ cười nhẹ, không nói gì.
Cà phê vừa mới làm xong đem ra. Có lớp sữa mỏng dưới đáy ly, trên mặt, hơi nóng ngùn ngụt.
Tôi cầm cái thìa nhỏ khuấy đều. Khi nhìn hai người bạn, tôi nói:
- Tôi ở đơn vị Trung đoàn, căn cứ đóng ở Quảng Tín. Trong trận chiến mùa hè, Trung đoàn tôi cũng khốn đốn, cầm cự địch rất nhiều trận. Khó khăn nhất không phải chiến xa, quân số đông của địch, mà là đạn pháo 130 ly. Ở mặt trận Quế Sơn, có ngày hứng cả ngàn quả.
- Không quân bên mình, không truy lùng, tiêu diệt được.
- Rất khó. Pháo của địch, đặt phía trên dãy Trường Sơn rất khó tìm và diệt được.
Người phóng viên hút thuốc nhiều. Trên cái bàn thấp, anh để gói thuốc Capstan, cứ tự nhiên hút. Giờ này quán đã vắng. Một bé gái vừa trông hàng, vừa đọc sách. Bên ngoài, nắng sáng lên trong không khí lạnh đang tan dần.
Tôi hỏi:
- Trung úy học bên Đà Lạt hay Thủ Đức.
- Tôi học Thủ Đức, khóa 24.
- Khóa của thầy Trần Bích Lan.
- Anh Thụy nói đúng.
- Tôi có học cours Triết với thầy Lan. Ông giảng bài, hay lắm.
- Nhưng sao, anh Thụy nhập ngũ trễ vậy.
- Không phải trễ đâu. Tôi thuộc thành phần Hạ sĩ quan xin đi học.
- À, tôi hiểu.
Xong cà phê, anh phóng viên tráng tách, rót trà ra cho ba người uống. Trong lúc tôi nói chuyện với viên Trung úy, anh chú ý lắng nghe vừa châm thêm điếu thuốc.
Một giọng trầm, khô khan, tôi nói:
Tôi sinh quán ở Quảng Trị. Đi xa ở đâu, tôi cũng nhớ về tỉnh lỵ nhỏ bé đó, mỗi lần nhớ, tôi có cảm tưởng mình tự vẽ ra trên giấy một tấm bản đồ. Bây giờ, thành phố ngoài đó bom đạn đã bình địa hết, hoang tàn lắm. Căn nhà của tôi ở bên đây con đường lên nhà ga, đối diện với tháp nước. Tôi - có một người bạn bên lính nhảy dù, đánh giặc ở đâu không chết, về đến Quảng Trị, về đến nhà mình thì ngã gục, ngay bên dưới chân tháp nước.
Anh phóng viên bất chợt đứng dậy, cầm cái gạt tàn đem ra ngoài đổ vào giỏ rác. Khi anh ta trở lại, viên Trung úy nói:
- Tôi chưa được biết ngoài quê anh.
- Trung úy, người ở đâu?
- Tôi người Bình Định, quận Tam Quan.
- Tôi thích nơi đó lắm. Dừa, rồi bánh tráng, quán cơm dọc đường bán rất rẻ, ăn ngon.
Người phóng viên lên tiếng:
- Ngày mai, ông Đại úy sẽ cắt anh đi công tác dưới đó.
Viên Trung úy cười vang, thích thú.
- Được không?
- Đi ngay bây giờ, tôi cũng đi.
Người phóng viên nói:
- Tôi đã ra tới Bến Hải, có đi qua Đông Hà rồi Quảng Trị.
- Sông Đông Hà đổ ra biển cửa Việt. Quê ngoại của tôi ở đó.
- Đại lộ Kinh hoàng nằm ở con đường nào?
Tôi nhìn người phóng viên, nhận ra trên khóe mắt anh có một chút xúc động.
- Anh nhắc đến thành phố Quảng Trị, tôi muốn vẽ lại một tấm bản đồ để anh được biết, còn tôi vẫn nhớ. Ngay đến cả một quãng đường bốn cây số mà người ta nói đó là đại lộ kinh hoàng.
- Anh có hiện diện ở đó không?
Không. Nhưng người trong gia đình tôi kể lại, khi đoàn người chạy giặc tới được Bến Đá thì phía - cây cầu Mỹ Chánh bị phá sập. Tất cả phải dừng lại, lập tức, quân Bắc Việt đánh phục kích và nã đạn pháo vào dân chúng, vào các đoàn xe cơ giới, cày nát cả một đoạn dài trên quốc lộ. Người chết, bị thương vô số kể, xe nhà binh, xe hàng, xe lam bị cháy lửa cao ngùn ngụt. Đây là quãng đường hai bên là đồng trông và đồi cát. Vì không có chỗ ẩn núp, dân chúng nằm rạp trên đường chịu trận, còn bên quân lính, lúc biết bị phục kích liền bung ra chống trả nhưng không tiêu diệt được. Tổn thất trên đoạn quốc lộ này, dân chúng đã nhiều, các đơn vị cũng rất nặng nề.
- Có ai thoát được không?
- Có. Trong đó có người trong gia đình bên tôi. Tới đêm, lúc trận pháo kích lắng đi, những người may sống sót kéo nhau chạy dọc theo đồi cát, tới được sông Mỹ Chánh, dìu nhau mà bơi qua. Bên kia bờ Nam, còn có quân đội mình trấn giữ.
- Anh vừa kể lại, tôi nhớ được rõ hơn.
- Ngày ra đi, tôi rất muốn về thăm lại, nhưng do đường mất an ninh không đi được.
- Anh có theo dõi mặt trận Kontum không?
- Có. Và, An Lộc nữa. Ba mặt trận lớn, quân Bắc Việt tung vào Nam đến 16 Sư đoàn bộ binh, xe tăng và đại pháo.
- Không có Tướng Toàn, Kontum chưa chắc giữ nổi.
- Ông cũng đã chỉ huy mặt trận ngoài Quảng Trị. Xe tăng bị Không Quân và súng M72, diệt hàng chục chiếc.
Người phóng viên lên tiếng:
- Thực sự, chúng ta nhờ B52. Không có B52 trải thảm, cả ba mặt trận, nơi nào cũng lung lay.
- Tôi chia sẻ với anh nhận định đó. Ở Quảng Trị, khu trục và trực thăng hủy được xe tăng, nhưng cũng bị rớt nhiều lắm.
- Ở mặt trận Quế Sơn, Trung đoàn của anh có được B52 giải cứu không?
- Không có B52, không chắc tôi ngồi đây với anh.
- Anh nghe bom B52 chấn động mạnh không?
- Anh đã rõ tiếng nổ đạn 130 ly, phải không? Không kinh hoàng bằng B52 đâu? Tôi đứng cách ngọn đồi bị dội bom có ba trăm mét.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 29 Mar 2017

Thật không ngờ, tôi gây được sự chú ý cho hai người. Bỗng nhiên, trong vài giây im lặng như đang có một tín hiệu đặc biệt. Tôi thoáng nghĩ, hai người bạn sẽ tin rằng mình làm việc được.
- Chà, mình chuyện vãn cũng lâu.
- Không sao, việc buổi sáng xong cả rồi.
- Rồi, tới buổi chiều.
- Giờ đó, việc của bạn.
- Sẵn sàng.
Tôi tính đứng dậy trả tiền, người phóng viên ngăn lại. Tôi nói:
- Người Quảng Trị, khi có được bạn quen, mừng lắm.
- Tôi hiểu.
Chỉ có anh phóng viên đốt điếu thuốc khi ba người trở về. Trên đoạn đường, viên Trung úy nói:
- Công việc không nhiều lắm ở ban, nhưng ở những nơi khác. Trong Quân khu 2, có 14 tỉnh. Nơi nào cũng có những sinh hoạt riêng của đơn vị sư đoàn, trung đoàn hay địa phương. Và, mình đây, rất cần đến với họ để tham dự, và viết phóng sự. Do đó, bảng phân phối công tác, tuần nào cũng có người đi.
- Tôi hiểu. Nhưng trước nhất Trung úy hướng dẫn việc cho tôi ít ngày.
- Ông mà hướng dẫn gì nữa. Ông kể chuyện trận đánh ở Quảng Trị rõ ràng quá mà.
- Không có. Tôi đọc báo.
Ba người cười lớn.
Rồi, tôi hỏi nhỏ viên Trung úy.
- Mình xin ở cư xá được không, Trung úy.
- Được chứ. Nhưng không biết, trên đó còn phòng không?
- Tôi không thuê nhà ngoài được.
- Anh có muốn tìm nhà ngoài không?
- Thực tình, đồng lương tôi cũng ít ỏi.
- Để tôi hỏi ông Đại úy.
Vị Đại úy rất là tốt. Ở phía sau, cạnh phòng tối rửa phim ảnh có một cái phòng nhỏ, có cửa lớn và hai cửa sổ. Ở đây, được dùng làm chỗ nghỉ khi anh em trong ban có phiên trực nên có sẵn chiếc giường sắt và kệ. Tôi được sử dụng phòng này, khá tiện lợi, khỏi phải đi đâu xa.
Sau một hai buổi thực tập, tôi chính thức nhận việc thường ngày. Buổi sáng tôi viết tin tức chiến sự, đánh máy xong chuyển đi cho các đài địa phương hoạt động trong lãnh thổ Quân khu 2. Xong mục này, tôi làm tin sinh hoạt, sang đầu giờ buổi chiều là lấy tin điểm báo. Từ Sài Gòn, một đặc phái viên chuyển lên Quân đoàn những tin quan trọng đăng trên các nhật báo qua đường dây điện thoại, người phụ trách ghi chép, lựa lọc, làm thành một bản tin mới trình gởi lên văn phòng Tư lệnh.
Tôi cảm thấy dễ chịu về công việc làm và cuộc sống độc thân ở đây. Với đồng lương khiêm tốn, tôi chi tiêu dè xẻn, bữa cơm trong ngày thường tôi đến quán ăn ở khu gia binh, hai tuần hoặc mỗi cuối tháng lãnh lương tôi mới ra ngoài chơi phố, nhưng cũng chỉ vài giờ ở quán cà phê, quán ăn, hoặc ghé vào cửa hiệu sách. Từ phố trở về trại, có hôm tôi đi bộ trên quãng đường xa sáu bảy cây số. Sự mong ước viết được một cuốn truyện dài, lúc nào cũng được hứa hẹn và tích lũy những hình ảnh, ý tưởng sáng tạo, thế nhưng mở ra được cánh cửa cho tác phẩm, tôi còn cảm thấy khó khăn. Thúy Hà luôn làm tôi nhớ nghĩ đến, hiện diện hầu như mỗi ngày trong tâm trí. Thế nhưng, tôi hiểu rằng, một mình nàng thôi, không đủ.
Buổi sáng hôm đó, tôi đi chuyến xe sớm rời Huế. Lúc vào Đà Nẵng, tôi ở lại nhà chị Phượng Nga, ngày hôm sau không có máy bay, chuyến bay hoãn do thời tiết xấu. Từ trạm tiếp liên, tôi đón xe lam ra bến xe đò, gặp chuyến, sau nửa giờ đợi xe khởi hành.
Trời mưa nặng hạt lúc xe rời bến. Vào quốc lộ I, trời vẫn mưa, nhưng có lúc lại tạnh. Hai bên đường cảnh đồng ruộng, làng mạc ẩm ướt trong mưa. Và trời cứ lờ mờ màu xám, không sáng dậy nổi, vì trời lúc tạnh, lúc mưa, đến khi trở lại đổ mưa, tiếng mưa lớn đập dội trên trần xe.
Xe không ngừng dọc đường vì đã đầy khách. Vào các trạm chính, xe ngừng trình giấy tờ, nhưng không đợi lâu sau năm mười phút là chạy. Đà Nẵng, Quảng Tín, rồi Quảng Ngãi xe chạy suốt trên quốc lộ không gặp đèo, đường bằng phẳng, nhưng thấp, có nhiều chỗ bên dưới cánh đồng ruộng bị ngập nước.
Tới Quảng Ngãi, trời còn mưa. Trên một quãng phố chính trong thị xã, tôi nhìn hai bên, nhớ lại ngày đó ở quân trường mới ra đơn vị. Ra khỏi thành phố, đường quốc lộ bẻ quặt qua phía cầu sông Vệ, rồi lại thẳng đường phía Nam. Chưa gặp dốc đèo nhưng đường nhỏ hẹp, và cũng thưa vắng nhà ở. Qua khỏi Mộ Đức, đến Sa Huỳnh. Ngồi bên cửa xe tôi nhìn ngắm biển, và nơi này, có một đoạn dài hơn cây số đường quốc lộ nằm ven biển.
Tới dưới chân đèo Bình Đê, tài xế đột nhiên cho xe ngừng để coi lại máy nổ. Trong lúc xe ngừng, nhiều hành xuống tìm chỗ tiểu tiện.
Tôi nhìn lên phía núi, nơi có một tiền đồn và thấy màu khói vàng lơ lửng. Một chút sau nghe có tiếng động phi cơ, một chiếc trực thăng đang xuống thấp dần, sắp sửa hạ cánh.
Hành khách trở lên xe. Đường đèo xấu, xe nhồi dốc, lúc lên cũng như lúc xuống xe vẫn giữ tốc độ trung bình.
Bỗng nhiên con đường rợp bóng im những hàng dừa, không khí như mát lạnh. Xe chạy nhanh, lướt qua nhà ngói, nhà tranh hai bên đường trải sát liền nhau, trông rộng rãi, sáng sủa. Rồi lúc đến một trạm cạnh ngã ba con đường vào quận, xe ghé vào một chỗ nghỉ có nhiều quán hàng ăn. Những người bán hàng rong vội vàng chạy đến vừa mời khách, vừa cất tiếng rào hàng quà. Bên ngoài các quán ăn, một vài quán nhỏ lộ thiên bày bán dừa trái. Khách được mời, mua nước dừa uống tại chỗ. Ở đây, còn thứ hàng quà đặc biệt nữa là bánh tráng dừa, loại bánh này, không nướng ăn vẫn ngon, dẻo, có vị thơm của nước dừa.
Tôi đứng nhìn cảnh sinh hoạt ở đây, lòng thấy vui. Tôi nhớ ra được ngày đó đi với người bạn học từ Quảng trị vào Nha Trang, xe cũng ngừng lại ở đây để cho hành khách nghỉ chân ăn uống. Nhớ cảnh ngày xưa, đây còn là một vùng quê, bây giờ thay đổi cũng khá nhiều. Nhưng cùng với kỷ niệm cũ và khung cảnh mới, tôi cảm thấy mình tìm ra được một nguồn cảm hứng thật thú vị, thoải mái.
Không thích chỗ đông, và chờ đợi, tôi đi ngược trở lên dãy quán phía đầu, có đặt bàn ngoài mái hiên và dưới bóng cây. Tôi chọn chỗ ở ngoài, vừa kéo chiếc ghế đã có người chạy bàn đến.
- Cơm sườn, trà đá.
Người chạy bàn đi ngay. Bên trong, khách ngồi đông hơn bên ngoài.
Một nơi nào đó xa lạ, cái thú là sự bình yên để tâm hồn mở rộng như cánh cửa.
Mới đầu giờ buổi chiều, trời không đầy nắng, nhìn ra con đường lúc vắng xe, thấy cây lá xanh mướt và nghe gió lạnh.
Người chạy bàn dọn bữa ăn cho tôi lúc đặt chiếc khay nhôm xuống. Tôi hỏi:
- Còn bao xa nữa mới đến Quy Nhơn, anh?
- Bốn chục cây.
- Xa vậy hả.
- Đây là quận đầu của tỉnh. Vào đến Quy Nhơn, còn qua nhiều quận nữa.
Tôi bắt đầu ăn. Người kia hỏi:
- Chuẩn úy đi tới đâu?
- Tôi đi Pleiku.
- Đi Pleiku phải sang xe. Tới ngã ba Tuy Phước, Chuẩn úy xuống bến ở gần đó có xe đi Pleiku.
- Không phải vào bến Quy Nhơn.
- Không. Nhưng muốn thăm thành phố, vào trong đó cũng có bến đi.
- Anh cho thêm nước trà.
Một chút sau người chạy bàn trở lại, rót trà và cho vào ly thêm mấy cục đá.
- Có kêu thêm gì nữa không?
- Đủ rồi.
Tôi ăn ngon miệng, uống hết ly trà đá lớn.
Xong bữa ăn, tôi dẹp bớt qua một bên, xoay chiếc ghế ngồi nhìn ra đường. Đốt xong một điếu, tôi để hộp diêm lên bao thuốc, thoáng nghĩ ngợi.
- Anh thích trời mưa không?
- Ở đây thời tiết dễ chịu. Anh cũng muốn ghé Quy Nhơn, thành phố này sẽ cho anh quen biết vài người bạn.
- Anh không có ý định lấy vợ, hay sao?
- Anh chưa gặp cô ấy.
- Tại sao?
Ngồi đây tôi nhớ đến Kim Ly. Bao nhiêu ngày tháng, những kỷ niệm về một bóng người này, rồi lại thấy bóng người khác, giờ này chỉ còn là một dòng sông gây nỗi buồn nhớ lạ lùng.
- Bao giờ Kim Ly lấy chồng?
- Em không biết.
- Ở xa, anh viết thư về cho em được không?
- Không nên. Nhưng anh sẽ viết gì trong thư.
- Anh viết ra câu chuyện một thành phố. Từ nơi đó, anh rời bỏ đi xa, và có một hình ảnh Kim Ly để nhớ lúc lên đường.
- Anh đi xa tới đâu?
- Tới một thành phố miền núi.
- Anh hãy viết về thành phố ở đó cho em đọc.
Vậy đó, trong tâm tưởng của mình, tôi cảm thấy Kim Ly gần gũi hơn hết. Vừa qua, kỳ nghỉ phép tôi trở về, mẹ và dì Quyên muốn tôi lấy vợ, muốn tôi gặp một cô giáo, nhưng lần trở về này, tôi nghe tin mọi người nói cho tôi hay rằng thành phố Quảng Trị đã hoang tàn đổ nát, bom đạn tàn phá khủng khiếp lắm, còn Huế, nay sao quá đỗi lạ lùng.
Tôi hỏi Kim Ly:
- Đến một ngày nào, em mới rời khỏi đây?
- Không. Em không đi đâu cả.
Và, tôi đã không ghé Quy Nhơn. Tôi tự nghĩ, mình không có ai quen ở trong thành phố hết.
Đường tốt, xe chạy nhanh. Người tài xế mở nhạc vui cho hành khách. Có một cô gái thích bài hát, cất tiếng hát theo. Tới bến ngừng ở ba quận Tuy Phước, tôi và hai người khách nữa cùng xuống.
Xe đi Pleiku chưa khởi hành. Tôi ghé quán uống ly cà phê, nhân có một người lính ngồi cùng bàn, tôi hỏi chuyện. Người lính này cũng đi Pleiku.
- Anh ở Pleiku lâu chưa?
- Hai năm rồi.
- Từ đây lên đó, xa không?
- Ba giờ xe.
Người lính nhìn đồng hồ tay, nói:
- Khoảng năm giờ chiều mình lên tới trên đó.
Ba giờ đường xe chạy. Đến năm giờ, xe lên tới đó. Tôi cảm thấy nôn nao, mong được đến nơi ấy, để mà vui cho cuộc sống mới của mình, và viết thư cho Kim Ly đọc.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 29 Mar 2017

X

Những lá thư của tôi, Kim Ly đang cất giữ. Nàng rất vui, và thường nhận được thư vào đầu giờ buổi chiều. Đó cũng là thời gian nàng ở nhà, có khi đi ra phố một mình đến thăm nhà người bạn, hay đọc sách. Nàng học về khoa học, nhưng cũng rất thích văn chương. Có một thời gian, ba tôi làm việc ở thư viện, tôi hay đến mượn những tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn đưa cho nàng đọc. Từ những cuốn sách qua đến câu chuyện, Kim Ly dành cho tôi một mối tâm tình dễ thương như các bài thơ hay được phổ nhạc.
Huế, thành phố ấy rất hợp với cuộc sống của Kim Ly. Nàng vừa đi học, vừa dạy một số giờ ở trường tư. Nàng chưa có người yêu như mong muốn, nhưng nàng cũng quen khá nhiều bạn trai là sinh viên cùng lớp, cùng trường, ai cũng mến nàng và thích làm quen với nàng. Mỗi lần như vậy, nàng không có chút gì cảm động, nhưng rất lịch sự với nụ cười. Có lần tôi nói, nụ cười của nàng là một thứ ánh nắng đầu mùa hè, đôi khi liên tưởng đến những chiếc áo dài, và áo màu xanh biển là tuyệt nhất. Nàng gật đầu nhẹ, vui vẻ với những lời tỏ tình của tôi.
Rồi từ hôm đó đi xa, ở một thành phố miền núi tôi viết thư cho nàng. Với tính cách như là bạn, trong thư tôi nói về một nơi mình đang sống, làm việc, không khí chiến tranh, và sinh hoạt những ngày cuối tuần trên đường phố. Khi viết thư cho nàng, tôi cũng nghĩ là nàng vẫn luôn nhớ đến tôi. Nàng thầm yêu tôi, một đôi khi lại nhớ bâng khuâng vào lúc bên ngoài buổi chiều trời đang mưa nặng hạt. Ngày mai ấy, nàng hình dung ra được nơi tôi là một nhân vật tiểu thuyết nàng yêu thích, nhưng tuyệt nhiên, nàng không thể cho phép tôi nhìn nàng với sự thèm muốn ấp ủ. Dù mộng ước hay hạnh phúc qua tưởng tượng cho hai người được ở bên nhau trọn ngày đêm, nàng cũng không cho phép tôi ôm nàng để đặt một nụ hôn trên cặp môi, hay nơi đôi mắt của nàng. Nàng thực quá biết, nếu để cho anh này một phút liều lĩnh, là anh ta làm tới, không cưỡng kháng lại được.
Không nhiều lắm, nhưng Kim Ly cũng có đáp thư cho tôi. Nàng không đả động gì những ý nghĩ, những lời kể trong thư của tôi, nàng chỉ viết ra những lời giản dị, bình thường về một cuộc sống. Nàng cũng nhấn mạnh, thành phố này rất dễ làm bạn mơ mộng, nhưng tình yêu không bao giờ có.
Có một cánh hoa pensée được gởi kèm trong một lá thư. Vào lần nhận thư đó, tôi cảm thấy tình yêu đã làm cho tim mình đập nhiều lần, diễn tả sự nôn nao, chờ đợi. Ngày ra đi, tôi nhớ buổi chiều cuối cùng đến thăm Kim Ly, và hôm sau, hình ảnh nàng còn theo tôi trên mỗi chặng đường. Tôi nhớ nàng, yêu nàng lắm, nhưng cũng chỉ là một câu chuyện đẹp của thời tuổi trẻ.
Tôi đến Pleiku, đúng vào lúc tình hình cuộc chiến ở đây đã có phần lắng dịu.
Tôi nhận ra rằng, đời lính của mình nay thực sự đổi khác qua bao nhiêu hình ảnh khốc liệt về chiến tranh. Tôi có sự già nua thêm đôi chút, không phải bởi tuổi tác, mà do suy nghĩ nhiều đến một tương lai của đất nước. Tôi rất mong cuộc hội đàm Paris sẽ được kết thúc hợp lý, trong tinh thần hòa giải, hòa hợp, và miền Bắc bớt đi những hận thù, sự hiếu chiến, để còn cơ may có được ngày hòa bình. Chỉ muốn gây chiến tranh, thì không có lợi ích gì cả. Trước nhất, sự tàn phá và chết chóc cả hai miền, đưa đất nước đến kiệt quệ. Khi miền Bắc chủ động chiến tranh, tất cả vũ khí họ sử dụng đều là của hai nước Liên Xô, Trung Quốc, đến cả lương thực nữa, còn miền Nam, muốn bảo vệ miền đất tự do của mình, từ kinh tế cho đến quân sự phải trông nhờ vào nước Mỹ và một số quốc gia đồng minh. Sự thống nhất đất nước, là ước mong tột bậc của người dân hai miền, nhưng với sự hòa giải và độc lập, chứ theo ý muốn như bên miền Bắc là chọn con đường chiến tranh để giải quyết, thì đất nước sẽ tan hoang, đau thương và chết chóc tận diệt không chỉ có một, mà rất nhiều thế hệ. Chưa nói đến một hệ quả sau cùng, với cuộc chiến tranh quá lâu dài, và không thắng nổi, miền Bắc sẽ kiệt quệ, tới lúc đó, họ sẽ hiểu ra rõ ý đồ của Trung Quốc, và nhớ lại lịch sử trong hai lần Bắc thuộc.
Từ hai tuần qua, ở Paris, cuộc hội đàm rất căng thẳng, bức xúc, cho thấy dấu hiệu rạn nứt. Sự đòi hỏi của Bắc Việt quá tham lam, họ quyết làm giá với chính phủ Hoa Kỳ về số phận của 567 tù binh đang bị giam giữ. Hoa Kỳ cảm thấy bực bội, phẫn nộ, không đủ sức chịu đựng những yêu sách quá đáng của phái đoàn Bắc Việt nữa. Vào ngày 4/12/72, cuộc hòa đàm đã bế tắc, và bốn bên cùng rút lui.
Trước khi trở về Mỹ, Ngoại trưởng Kissinger tìm gặp Lê Đức Thọ và nói:
- Hỏa tiễn SAM không bắn tới được máy bay B52.
- Ông đừng dọa, chúng tôi không sợ đâu.
- Về Hà Nội, họp bàn đi để ứng phó.
Trên chuyến bay rời Paris trở về Hoa Thịnh Đốn, Ngoại trưởng Kissinger phác thảo trong đầu nhiều kế hoạch. Và, ông sẽ gặp ngay Tổng Thống Nixon đệ trình những kế hoạch này. Ở Mỹ, phong trào phản chiến đang ở mức cao điểm. Người dân thích xuống đường biểu tình ngày giờ nào cũng được, họ không sợ lựu đạn cay, dùi cui của cảnh sát. Một điều thú vị, là trong đám người biểu tình, bạn thấy có người la hét phẫn nộ, có người ca hát, cười vui, rất lạc quan với cuộc sống. Cũng là một cái chết, trên đất nước họ về bao nhiêu biến cố ám sát, tự tử, thanh toán băng đảng xảy ra hàng ngày, những cảnh tượng đó đối với họ rất ư là bình thường, nhưng với cái chết vì súng đạn của chiến tranh diễn ra cho bất cứ ở một dân tộc nào, đất nước nào, họ được nhìn thấy trên màn ảnh truyền hình đều gây cho họ nỗi sửng sốt, phi lý. Người Mỹ thực sự rất tốt, nhưng họ không mấy hiểu về những đất nước có chiến tranh, những nơi ấy, có cả người lính Mỹ tham dự. Ở Việt Nam, người Mỹ không phải người Pháp thực dân, họ tham dự cuộc chiến ở miền Nam là để ngăn chận sự lan tràn, bành trướng của Cộng sản xuống vùng Đông Nam Á. Nhưng, ngay những người lính Mỹ đã tham chiến, họ cũng không hiểu gì về cuộc chiến ở miền Nam, về người Cộng Sản cả. Và, cũng như người dân ở xứ họ, có không ít những người lính có đầu óc phản chiến, và dễ bị lừa, bị mê hoặc bởi các huyền thoại. Trường Sơn mở ra con đường mòn Hồ Chí Minh để miền Bắc chuyển quân vào Nam. Trên con đường này, những đoàn quân lính miền Bắc đi chân đất, đi dép râu, đội nón tai bèo, vai đeo súng AK, khác xa hẳn với người lính Mỹ đi hành quân lên mặt trận bằng xe cơ giới, bằng trực thăng, và mỗi người lính, ngoài súng đạn, trên vai là một cái túi sac marin nặng trĩu, gồm đủ thứ đồ ăn đóng hộp, cà phê, thuốc lá, sách báo, máy thu thanh, máy cassette, mùng màn và túi ngủ. Còn một điều quan trọng hơn cả, là hầu như không một người lính Mỹ nào phân biệt được người dân thường và du kích CS ở vùng nông thôn, cả trong thành thị nữa. Ở Mỹ Lai, một trường hợp kể trên xảy ra, một trung đội lính Mỹ đã càn quét, tàn sát dân cả ngôi làng, vì cho rằng, đây là làng chứa Việt Cộng. Lập tức, Hà Nội dựng đứng lên tội ác chiến tranh của người Mỹ. Nhưng khốn nạn nhất cho miền Nam là đám nhà báo nước ngoài. Hầu như, chỉ một vài tên có chút tình cảm với chính phủ và quân đội VNCH. Từ Sài Gòn ra các quân khu, các đơn vị Sư đoàn, Trung đoàn, Tiểu đoàn chiến đấu, tất cả nhà báo nước ngoài đều được chính phủ và quân đội giúp đầy đủ các phương tiện, thế nhưng khi viết bài, cả đám đều thích ca ngợi chiến công và tinh thần chiến đấu của người lính miền Bắc. Chắc hẳn bạn cũng biết rằng, họ là đám truyền thông thích chiến tranh, thích có những bức ảnh đầy xác chết, máu me. Và, bởi lý do nghề nghiệp, nên suốt đời họ không một ai thích nghĩ về tương lai con người được sống yên bình, vì nếu yên bình, không có chiến tranh, không có những bi kịch, họ sẽ không làm được những tin breaking new, không có những bức ảnh trên xác chết để đăng báo và dự thi lấy giải thưởng. Với người Mỹ, ngay cả Kissinger, rất hiểu người Cộng Sản cũng không cách nào giải thích cho họ hiểu. Và, lần này, nếu B52 không thuyết phục được họ, họ vẫn ngoan cố, ông sẽ buông luôn cả miền Nam để đem cho đủ số tù binh 567 người về nước Mỹ. Tiền dollars có giá, và người Mỹ cũng có giá cao nhất về giá trị con người giống như đồng đô la vậy.
Paris đi Hà Nội gần hơn Hoa Thịnh Đốn.
Lê Đức Thọ về tới Hà Nội trong nỗi lo âu, và trách nhiệm ràng buộc. Khác với Kissinger, những gì ông ta nói, và cần phải nói, đều theo chỉ thị của Bộ chính trị trung ương Đảng, còn Kissinger, đơn giản chỉ trong vấn đề tù binh Mỹ. Thành ra, trong những lần đàm phán, người ta quan sát thấy ông Kissinger có sự hóm hỉnh, và nhiều nụ cười với giới ngoại giao và báo chí hơn ông Lê Đức Thọ. Những cuộc họp báo, Kissinger rất là thoải mái, còn Lê Đức Thọ hết sức cân nhắc từng lời, từng chữ. Và, bạn có thể tin rằng, sự sơ suất nếu có, với ông Kissinger không trầm trọng bằng Lê Đức Thọ.
Những ngày sau đó, Bộ chính trị Hà Nội có cuộc họp mật, gồm những ủy viên cấp cao của Trung ương Đảng. Trong buổi họp này, sự quan tâm nhiều nhất là Mặt trận giải phóng và chính phủ Sài Gòn. Với Mỹ, không có gì họ phải sợ.
Hà Nội sẵn sàng chuẩn bị một trận đánh mới, Điện Biên Phủ trên không. Bí thư Lê Duẩn người quê ở Quảng Trị đã dẫn một phái đoàn ngoại giao đi Bắc Kinh, sau đó qua Mạc Tư Khoa.
Ở miền Nam, nỗi lo chỉ có dân chúng vùng nông thôn và tỉnh nhỏ, chứ người Sài Gòn vẫn rất vô tư. Trong thành phố, mọi sinh hoạt đều bình thường, các quán ăn, quán cà phê nhạc, nhà hàng, tiệm nhảy, rạp hát, đêm hay ngày đều rất nhộn nhịp, không ngừng nghỉ. Bây giờ, lớp trẻ không còn thích nghe hát nhạc du ca, nhạc Trịnh Công Sơn, bắt đầu chuyển hướng qua loại nhạc tình tiền chiến.
Nhưng ở Sài Gòn, giới chính khách và nhà báo vẫn ồn ào, sôi nổi về tình hình chính trị quốc tế và quốc nội, gây được tiếng vang trong quần chúng. Có nhiều đoàn thể ra tuyên cáo, và đặt vấn đề chống tham nhũng. Tổng Thống Thiệu vẫn là người kiên quyết chống Cộng sản, không chấp nhận Mặt trận giải phóng hiện diện ở hòa đàm Ba Lê. Trong các bài diễn văn đọc trước công chúng, ông cũng chỉ trích sự nhượng bộ của Hoa Kỳ đối với Bắc Việt để có điều kiện thuận lợi giải thoát tù binh Mỹ.
Vì thiếu phóng viên, nên tôi đi công tác luôn. Những chuyến công tác thường chỉ trong vài ngày, cốt yếu là tham gia sinh hoạt địa phương để viết phóng sự. Bài viết xong, tôi gởi về báo Tiền Tuyến đăng ở trang sinh hoạt đơn vị. Bài gởi được đăng, có nhuận bút. Tôi cũng rất lấy làm vui, đi đây, đi đó, tôi có nhiều cảm hứng để viết. Tôi được phát một khẩu súng lục, còn hành trang là chiếc ba lô, trong đó vài bộ quần áo, sách truyện, giây bút, máy cassette, và một chiếc máy ảnh hiệu Canon. Đi, rồi về, dần dần tôi cảm nhận được sự chính đáng về trách nhiệm và không khí chiến tranh từ các đơn vị, từ các tiền đồn đến sinh hoạt của người dân. Tôi tận mắt nhìn thấy những vùng núi đồi, đất đỏ. Tôi nhớ từng con dốc, con đèo, quán cà phê, và những bản làng của người Thượng. Mỗi nơi đến, tự mình tôi sáng tạo. Và, những lúc ở nơi xa này, tôi nhớ đến Kim Ly nhiều hơn hết. Những nụ hôn mà một đôi lần hạnh phúc của cây trái, nhắc tôi nhớ đến Thúy Hà, Lan Huê, Liên An và Thúy Hiền nữa, nhưng lúc này đây, nhớ Kim Ly da diết, tôi khát thèm có được cô gái để ôm riết thật chặt nàng trong hai cánh tay của mình. Nếu có được tình yêu, và được hôn nàng, khóc hết một buổi chiều mưa, hay một đêm đi trong bóng tối, tôi cũng rất chờ mong.
Đôi khi tôi tự hỏi, mình viết thư nhiều, có làm nàng ngại ngùng không? Hoa pensée là hoa tương tư, thương nhớ mà. Nàng gởi, ý hẳn nàng vẫn nhớ tôi, có một chút yêu tôi, nhưng mà thế thôi:
Đừng mơ ước cả thiên đường
Hãy xin một nửa tấc vườn nắng hoa

Một vài lá thư gần đây, nàng hay viết giọng đùa nghịch có ngầm ý trêu tôi về tính cách lãng mạn và ôm ấp mối si tình.
Kim Ly bảo:
- Em không phải là nàng Thôi Oanh Oanh trong truyện Tây Sương Ký.
Tôi vẫn luôn nhớ hai câu thơ:
Tinh nào, tình thuở trước
Ai đâu kẻ về sau
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 29 Mar 2017

Buổi chiều hôm đó, có một buổi họp bất thường trong ban. Vị Đại úy nói:
- Tình hình đang khẩn trương. Kể từ ngày mai, toàn ban phải ứng trực cho đến khi có lệnh mới.
Ngừng ít giây, ông tiếp lời:
- Tổng Hành Dinh sẽ cung cấp ghế bố, một vài trang thiết bị. Ngày mai, sẽ có thêm hai đường dây điện thoại nóng.
Tối hôm ấy, hai anh phóng viên mời tôi xuống quán ăn. Mỗi người, uống hết một chai bia khổ lớn.
Trở về phòng, ba người kéo ghế ra ngoài nhìn ngắm trăng và trò chuyện.
Tôi hỏi:
- Hai người nhận định tình hình ra sao?
Viên Trung úy đáp:
- Hoa Kỳ có quyết định rồi. Hà Nội đang chuẩn bị tiếp đón B52.
- Chừng nào?
- Chậm lắm là cuối tháng mười hai này.
- Chỉ có B52 thôi.
- Anh có biết Hà Nội cách Hải Phòng bao xa không?
- Không. Có xa lắm, chừng hơn trăm cây số.
- Hải Phòng đã hoàn toàn bị mìn và thủy lôi phong tỏa.
Tôi nhận định:
- Hà Nội cứ tưởng nước Mỹ nghèo như nước Pháp.
- Theo ý anh, Mỹ dọa chơi, hay đánh thật.
- Anh nghĩ sao?
- Tôi với anh cá đi.
- Được ngay.
- Anh chọn trước.
- Tôi nói Mỹ không đánh, nhưng Hà Nội sẽ trở lại hòa đàm.
- Xong rồi. Cá gì đây?
- Một chầu nhậu.
- Tốn kém lắm. Cà phê và bữa ăn sáng.
- Rồi, chúng ta chờ.
Giữa tháng 12/72, ngày nào cũng có buổi họp trong khối, trong ban. Hàng ngày, công việc đều đặn. Những chuyến công tác xa được rút ngắn thời gian, trong ngày, hoặc qua hôm sau lại trở về.
Cùng một ngày viết thư cho Kim Ly, tôi chợt nhớ vợ chồng Thiện nên viết thư luôn thể.
Trong lá thư trước, tôi chỉ viết vội vài giòng để tin cho anh và Liên hay là tôi đã đến Pleiku yên bình, rồi được nhận vào một công việc làm thích hợp với khả năng của mình. Pleiku với màu đất đỏ, thành phố hoang sơ này là của lính, buổi chiều đầu tiên nhìn quang cảnh sinh hoạt ở đây, tự dưng tôi cảm thấy vui lên như sắp được gặp một ai quen, và gắn bó liền với kỷ niệm mà nếu sau này, xa nơi đây cũng sẽ còn mãi nhớ.
Mới đó, tôi đã xa Trung đoàn 5, xa Tam Kỳ, xa anh và Liên cùng với những người bạn quen ở đó, không chỉ có mấy ngày, vài tuần, mà đã qua lần từng tháng một. Tôi có cảm tưởng, mình đến đây rồi sẽ ở dây luôn, không một nơi nào khác nữa.
Tôi đang làm việc ở ban thông tin báo chí, một bộ phận nhỏ trong Khối chiến tranh chính trị Quân đoàn II. Những việc hàng ngày rất bình thường, không chuyên môn lắm. Buổi sáng, tôi viết tin chiến sự về những hoạt động hành quân của các đơn vị nằm trong lãnh thổ Quân khu 2 trải dài và rộng từ các tỉnh cao nguyên xuống đến vùng duyên hải. Sau khi viết xong, tôi dọc tin bản tin này qua điện thoại gởi cho các ban phát thanh quân đội ở Ban Mê Thuột, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn. Trong lãnh thổ trách nhiệm của Quân đoàn 2, có mười bốn tỉnh, mười tỉnh cao nguyên và bốn tỉnh dưới miền duyên hải, trong đó, Đà Lạt, Ban Mê Thuật, Khánh Hòa, Bình Định là những tỉnh có thị xã lớn. Vào đầu giờ buổi chiều, tôi làm việc điểm báo. Những tin báo này nhận từ Sài Gòn chuyển lên, ở đó, có một người chuyên phụ trách chuyển cho tôi qua điện thoại những tin tức quan trọng đăng trên các báo thủ đô, thật nhiều báo và nhiều tin, nhưng tôi phải soạn lại, lựa lọc, xong viết ra và đánh máy làm hai bản, bản chính gởi lên văn phòng tư lệnh.
Đó là hai việc chính hàng ngày, còn việc phụ, là đi công tác nơi xa, nơi gần. Trong những chuyến đi này, có chuyến lên vùng hành quân, nơi mặt trận sôi động đang diễn ra, còn bình thường là những công tác sinh hoạt tại các đơn vị trong lãnh thổ của Quân khu 2. Và, xong chuyến công tác nào, thì phóng viên viết bài, gởi về Sài Gòn cho hai tờ báo Quân đội là Tiền Tuyến và Chiến sĩ Cộng Hòa. Những bài viết này đăng ở trang sinh hoạt đơn vị, bài được đăng sẽ có nhuận bút.
Tôi cảm thấy dễ chịu với cuộc sống ở đây trong những ngày qua. Tôi không có nhà ngoài, nơi chỗ làm việc, phía sau có một căn phòng nhỏ dành cho tôi đặt chiếc giường ngủ, chiếc kệ để sách báo và vài thứ linh tinh, một thùng gỗ đạn pháo binh tôi dùng làm hòm rương bỏ quần áo đã giặt và ủi xong. Không có phút giây nào lắng đọng, nhưng tôi luôn gắng tìm cho tâm hồn mình có chút an ủi vào mỗi giờ khắc trong buổi chiều lúc mặt trời sắp lặn. Khi nghe tiếng còi hụ báo hết giờ làm việc, chỉ xôn xao tiếng người, tiếng cửa đóng, tiếng xe cộ gây âm vang chừng trong mươi phút, rồi mọi quang cảnh vắng im trở lại có vẻ lạ lùng, nhưng với riêng tôi thì quá thân mật.
Thỉnh thoảng, tôi sáng tác được vài bài thơ trong cảm xúc khi tìm thấy chút mới lạ về nơi chốn mình đang ở, và có lúc nhận ra rằng, cách thế của sự liên tưởng nó như thể hiện rõ ra một vùng biên giới bên cạnh một con đường, cây cầu, hay dòng sông. Pleiku cằn khô, đất đỏ, không sự tươi mát vừa nên thơ của phong cảnh và khí hậu Đà Lạt, nhưng ở đây, tôi đã nhìn thấy một đôi nét sơ cổ rực rỡ lên một vùng nắng úa trong cảnh hoàng hôn.
Từ căn cứ Quân đoàn xuống thị xã, cách xa hơn hai cây số. Những lần đi phố chơi, có hôm trở về tôi không quá giang xe cơ hữu, hay đi xe lam, mà rất thích thú đi bộ một mình. Trời thấm lạnh, sương mù nhiều nhưng không mưa. Trong thị xã, ngoài phố chính là trung tâm sinh hoạt, những con đường ở phía ngoài thường vắng vẻ, thưa vắng nhà ở, và đường nào cũng trồng rất nhiều thông và hoa muống. Con đường trong thị xã nối nối với Quốc lộ 14 là con đường lớn, rộng hơn cả. Khi bắt đầu đổ theo quãng dốc xuống cây cầu, phía trước là những đồi núi, hai bên là thung lũng với một vài thôn ấp hẻo lánh ở xa. Trong cảnh trí này, từ chỗ cây cầu ngước mắt trông lên một quả đồi rộng lớn, tôi được ngắm một tòa nhà rực rỡ ngói đỏ trông giống như một biệt thự cổ xưa, được dựng lên đã lâu đời. Mỗi ngày, trong ánh nắng của buổi sáng hay chiều, tòa nhà nổi bật lên một phong cảnh rất mới. Chính cái vẻ mới lạ này, mà đến mùa đông, dù sương nhiều cùng giá lạnh, trên mái ngói vẫn còn tươi đỏ, không bám lấy một thứ rong rêu. Bỗng dưng, nhìn tòa nhà ngói đỏ này, tôi nhớ đến nhà văn Alain Fournier, nhớ cuốn truyện Le grand Meaulnes, và một đoạn tả cảnh: Une longue maison rouge, avec cinq portes vitrées, sous les vinges vierges, à l’extrémité du bourg; une cour immense avec préaux et buanderie, quy ouvrait en avant sur le village par un grand portail; sur le côté nord, la route où donnnait une petite grille et quy menait vers La Gare, à trois kilomètres; au sud et par derrière, des champs, des jardins et des prés quy rejoingaient les faubourgs… tel est le plan sommaire de cette demeure où s’écoulèrent les jours les plus toumentés et les plus chers de ma vie — demeure d’où partient et où revinrent se briser, comme des vagues sur un rocher désert, nos aventures.
Tôi chưa viết được một truyện ngắn nào cả, vào lúc này, có vẻ như tôi nhận ra rằng mình đang cảm thấy sự viết khó khăn hơn lúc ban đầu. Có lẽ, tôi đang tích lũy mọi thứ, như là vừa săn nhặt, vừa để dành. Tôi nhớ lại hồi đầu, nhớ về mình trong nỗi buồn. Tôi không có ý muốn viết văn, công việc thích hơn cả với tôi là làm một anh thầy giáo dạy ở tỉnh lẻ như anh, nhưng không hiểu sao, tôi bỗng rẽ đi đường khác, mà chẳng ngờ lại gặp may. Tôi bước vào nghề văn năm vừa đúng hai mươi tuổi. Tôi thực lòng nói như thế, vì khi truyện đầu tiên được đăng, tôi có ngay tiền nhuận bút. Rồi, niềm vui cùng sự hưng phấn giúp tôi viết thêm được những truyện khác nữa, khá dễ dàng, và được đăng vào các số báo tiếp đó.
Tôi liền chọn theo con đường viết văn giống như một người hành khách đã mua vé xe, lên ghế ngồi đợi chờ xe khởi hành. Nhưng nếu ví người tài xế chiếc xe khách là nghiệp của nhà văn, còn hành khách tùy thuộc vào từng cơ hội của chuyến đi, thì tôi vẫn muốn mình luôn làm hành khách. Tôi rất thích viết văn, nhưng chẳng bao giờ mong muốn trở thành nhà văn, hay được ai đó gọi mình là nhà văn. Tôi cũng không hề coi chuyện viết văn là niềm vui, thú giải trí, mà đích thực là một sự sáng tạo. Và, muốn tìm ra nguồn sáng tạo, phải thực sự đam mê. Tôi có ý nghĩ về cái mộng, và cái thực: mộng, mình đã gặp đối tượng, thực, là mình hiểu về mình đang sống như thế nào trong cuộc đời bình thường. Trong thực và mộng, không hề có kinh nghiệm, mà chỉ giúp cho mình nhận thức ra về cái huyền nhiệm của sự sáng tạo.
Thời gian riêng cho mình, tôi không có được nhiều lắm. Nhưng, có được nó, tôi cũng nhân cơ hội mà tìm đọc vài ba cuốn truyện, hay suy nghĩ chốc lát trong vài câu chuyện văn chương. Tôi nhận ra rằng, những bi kịch xã hội làm cho văn chương bị cày nát, dần mất đi hết cái sức sống màu mỡ của đất đai và hạnh phúc con người. Có vẻ như bi kịch là đề tài chung của nhân loại, nhà văn viết ra trong nỗi thống khổ, còn người đọc, cảm thấy mình bị hao hụt, mất mát đi ít nhiều ngày vui trong cuộc sống. Riêng tôi, vào những ngày cuối tuần gặp trời mưa chẳng đi đâu, tôi thường đọc một hai truyện ngắn của Antoine Tchékhov. Tôi có ba tập truyện và một tờ báo Văn số đặc biệt về nhà văn này. Tôi lấy làm thích thú, nhẹ nhàng với mỗi truyện mình đọc, vì lúc đang đọc, rồi đọc xong, mình không thấy có gì trong cuộc đời để vướng lụy. Tôi cho rằng, Tchékhov là bậc thầy về truyện ngắn. Tôi cũng nhận ra rằng, với Tchékhov, một cái bóng nắng in trên bức tường, một vũng nước đọng, một sợi kẽm gai vướng giữa đường đi, hay bên một phía hàng rào, cái nhỏ nhặt đó, Tchékhov đều viết ra được những truyện ngắn thật dễ dàng.
Ở Pleiku, thành phố núi này là của lính, về buổi chiều thấy dễ thương như được nghe một bài hát. Cũng như ngoài đó, và các tỉnh nhỏ miền Trung, ở đây, cũng có một nhóm anh em văn nghệ lập nên thi văn đoàn Tây Nguyên. Tôi có được hai số báo của người bạn quen cho, tên tờ báo là Bạn đường, bìa ngoài kẽ chữ in, trong ruột là giấy ronéo. Phần trình bày khá mỹ thuật, và nội dung, không quá kém so với tạp chí Văn. Vì rằng, đóng góp trong tuyển tập này đều là những người viết trẻ có thơ truyện đăng ở tạp chí Văn.
Chỉ có hai ngày trong tuần, tôi mới bận bịu vài giờ đem quần áo, chăn màn ra bể nước giặt giũ, còn thường ra, là hưởng cái thú riêng của mình. Sau một vòng đi bộ thư thả, tôi trở lại chỗ vườn hoa, ngồi xuống chiếc ghế gỗ, hút điếu thuốc, vừa thở ra những làn khói, vừa ngắm màu sắc những bông hoa. Ở nơi này, anh em trồng vài loại hoa để làm cảnh đẹp, chứ không như ở vườn nhà, có hoa là để có lá và hương.
Khi trời bắt đầu tối, tôi lên câu lạc bộ dùng cơm. Cứ đến tháng lãnh lương, việc đầu tiên là tôi phải mua phiếu ăn cơm tháng. Số tiền lương còn lại tôi cũng gắng chi tiêu dè xẻn. Bữa ăn sáng, ngày thường là tô mì gói, vào ít ngày đầu tháng, ăn sang hơn một tí với tô phở, hoặc tô bún bò. Tôi không thể nhịn được thuốc lá và cà phê. Để tiết kiệm hai thứ này, mỗi tuần tôi mua hai lạng, và thuốc hút quân tiếp vụ chia đều mỗi ngày một gói. Tôi tự pha cà phê lấy, uống cũng được, vì loại cà phê tôi mua thứ ngon. Kể ra, cuộc sống của tôi rất giản dị, và tôi luôn cảm thấy mình còn trẻ, hồn nhiên, không lo lắng, nghĩ ngợi xa xôi. Và, từ ngày xa Thúy Hà đến nay, tôi chẳng còn mong chờ nghĩ đến một ai nữa hết.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

XI

Ngày N (18 /12/72), lúc nửa đêm Không quân Hoa Kỳ đánh bom B52 xuống Hà Nội. Thành phố rung chuyển như là trận động đất. Và, Hoa Kỳ chỉ tạm ngừng trong một ngày của lễ Giáng Sinh, qua hôm sau, những trận không kích tiếp tục, từng giờ phút càng trở nên dữ dội, ác liệt.
Đài phát thanh Hà Nội chưa bị phá, vẫn còn được phát thanh. Nhưng sự cổ vũ, những lời huênh hoang và đưa tin tức phóng đại về con số phi cơ Hoa Kỳ bị bắn hạ, đã không vực dậy tinh thần chiến đấu, sức kháng cự của quân dân miền Bắc, đến lúc phải đầu hàng. Những ngày cuối của tháng 12, Hà Nội như là thành phố chết. Nhờ sự bắn tiếng của Liên Xô, mức độ của trận chiến giảm xuống, đến ngày 30 thì ngừng hẳn. Thực sự, Tổng Thống Nixon không muốn ngừng, còn cố quyết đánh cho Bắc Việt một trận đến kiệt cùng, nhưng trước cảnh tượng hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng bị bom tàn phá được chiếu lên truyền hình Mỹ đã làm phong trào phản chiến biểu tình chống đối trước Tòa Bạch Ốc ngày càng sôi bỏng khiến ông phải ra lệnh ngưng chấp thuận cuộc hòa đàm. Một tình thế khác có thể làm ông do dự, lo sợ, là trong thế cùng biến, Bắc Việt có thể chơi một đòn hạ sách thủ tiêu hết tất cả số tù binh Mỹ họ đang giam giữ, bất chấp một hậu quả khó lường trong cuộc chiến chưa đến hồi kết thúc. Và, nếu thế, biết đâu Hà Nội cũng sai lầm như trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai, Quảng Ngãi.
An Lộc, Quảng Trị, Kontum, thực sự được giải tỏa và bình định. Sự tổn thất lớn của quân miền Bắc đã khiến cho các đơn vị chiến đấu của họ ở các mặt trận phía Nam rút lui, và trong lúc miền Bắc đang bị ném bom, họ tỏ ra lo ngại phải phòng thủ sợ phía quân VNCH sẽ nhân cơ hội này mở những cuộc tấn công càn quét, đánh vào sào huyệt và dành lại đất đã bị chiếm trong các trận đánh lớn giữa mùa hè.
Ở thủ đô Sài Gòn, các sinh hoạt vẫn ồn ào, xô bồ, không khí chiến tranh chỉ bao quanh trên các tấm biển ghi ơn các chiến sĩ anh hùng đã hy sinh đền nợ nước được trưng bày ngay chỗ khu công viên trước cửa chính của tòa nhà Quốc Hội.
Về Sài Gòn, bạn có thể quên được chiến tranh. Nhưng đó chỉ là sự tạm quên trong một thời gian rất ngắn của chuyến đi công tác, hay về phép.
Bây giờ đây, không khí chính trị trong các quán cà phê dành cho giới báo chí, giới chính khách là Hà Nội, Sài Gòn và Paris. Paris là nơi các phái đoàn bốn bên đang kéo nhau trở lại để tiếp diễn hội nghị. Hà Nội, Sài Gòn đều là hai thành phố được chọn làm thủ đô, tại hai nơi này, người Pháp đã xây dựng nên hai thành phố có kiến trúc rất mỹ thuật. Sài Gòn, là một đóa hoa diễm lệ của Đông Dương, có cái tên rất hay được ghi vào sách địa lý trên bản đồ là Hòn Ngọc Viễn Đông. Hà Nội, thủ phủ miền Bắc thành phố này tuy nhỏ hơn Sài Gòn, nhưng là đất nghìn năm văn vật, đồng thời là cái nôi văn hóa của nước Việt. Người Pháp đã chiếm đóng và xây dựng thành phố này, họ có nỗi sợ hãi hơn bất cứ đâu hết. Vì, ở đây, lịch sử đã viết một cuốn sách rất dày, và được viết bằng một thứ chữ không thể nào làm phai được. Người đã nói ra với nước Pháp điều này, là học giả Phạm Quỳnh. Và ở đây, có biết bao nhiêu người trí thức lỗi lạc, biết bao nhiêu người yêu nước làm nên những cuộc cách mạng. Nước Pháp, người Pháp rất hiểu về thành phố này, về lịch sử của nước Việt này, nhưng với đầu óc thực dân đưa họ đến một hậu quả là mất đi hết tất cả những quyền lợi về văn hóa và vật chất mà họ đã có qua một trăm năm. Không chỉ tự mình đánh mất, họ còn gây nên một hiểm họa lớn tại đất nước này về sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản.
Năm 1954, hội nghị Genève ký kết, xong hội nghị này tấm bản đồ hình chữ s được gấp làm đôi, miền Bắc sơn đỏ, miền Nam sơn xanh, dẫn đến sự chia cắt đất nước ra hai miền, biến cố này đưa đến cuộc di cư vĩ đại của gần một triệu người rời bỏ quê hương miền Bắc đi vào Nam tìm ánh sáng tự do, và cũng dẫn đến một cuộc chiến lâu dài như thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Còn, trong lúc này, cuộc hòa đàm Ba Lê đang tiếp diễn, vẫn khúc mắc, quanh co, rồi sẽ đi tới đâu, và ra sao? Trên các nhật báo ở Sài Gòn, tin về hội nghị Ba Lê luôn nằm ở trang nhất, có một vài điều khoản quan trọng dù văn bản chưa chính thức công bố nhưng mọi người đều biết rõ trước, ngay trên lãnh thổ phía Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào, sẽ chấm dứt trận chiến bằng cuộc ngừng bắn tại chỗ. Như vậy, ở miền Nam có hai chính quyền, một chính quyền đang hiện hữu và một chính quyền lâm thời do Hà Nội dựng lên cùng với sự tiếp tay của lực lượng nằm vùng. Về phía Mỹ, trước sau, cũng chỉ là số tù binh chưa tới con số ngàn hiện đang bị Hà Nội giam giữ mà họ mong muốn sớm đem về nước. Đây là một sự thái quá của nước Mỹ đối với chính phủ miền Nam. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ngoài nguyên nhân độc đoán, sai lầm có tính cách kỳ thị Phật giáo của chính phủ, một nguyên nhân khác dẫn đến cuộc đảo chánh là Tổng Thống Ngô Đình Diệm không chấp nhận quân đội Mỹ tham chiến ở miền Nam. Sau khi chế độ này sụp đổ, nền Đệ Nhị Cộng hòa khai sinh sau ba năm xáo trộn với nhiều cuộc chỉnh lý, và đảo chánh. Năm 1965, Hoa Kỳ đưa quân đội Mỹ đến Việt Nam. Hãy cho rằng sự kiện này hợp lý, vì nó trợ giúp cho miền Nam có thêm sức mạnh chống lại tham vọng thôn tính của miền Bắc. Nhưng một khi, Hoa Kỳ đã tham chiến, tức là chấp nhận rằng sự sống, sự chết, thương tích, bị bắt làm tù binh là bi kịch của nhân loại trong chiến tranh. Với con số tù binh chưa vượt qua bảy trăm người, rất là quá nhỏ so với các trận thế chiến thế giới, so ngay cả phía quân VNCH và quân Bắc Việt lên cả hàng trăm ngàn, nhưng chỉ lo giải quyết con số tù binh này họ đã chấp nhận bán đứng miền Nam. Vì rằng, không thể có một hiệp định nào được ký xong, mà người Cộng Sản thế giới hay Việt Nam thi hành.
Số phận miền Nam, có hội nghị Ba Lê hay không, khi Mỹ đã rút bỏ và ngưng viện trợ rất là bấp bênh. Tổng Thống Thiệu có lý do đúng để từ chối không chấp nhận ký, và sự bảo đảm bằng những lá thư của Nixon, bằng những lời hứa hẹn, chẳng qua một hình thức trấn an để Hoa Kỳ rút ra khỏi miền Nam trong danh dự.
Tôi đi công tác lên Ban Mê Thuột hai ngày, lúc đi và về, đều theo các chuyến bay trực thăng. Vừa mới trở về ít hôm, tôi lại đi nữa. Lần này, vui hơn hết là đi Sài Gòn, về Tổng Cục để nhận sách tặng, số lượng mấy ngàn cuốn được phân phối đều cho bốn Quân khu.
Không đi bằng máy bay, mà sử dụng xe GMC để chở sách khi nhận xong. Rời khỏi Pleiku lúc chín giờ sáng, xuống Quy Nhơn, xe không vào thành phố mà rẽ ngay vào quốc lộ I ở ngã ba Phú Tài, đến Tuy Hòa dừng nghỉ, cơm nước ở một quán ăn trong thị xã. Ngồi ở đây, tôi bỗng nhớ đến Thuyên, người bạn cùng khóa với nhà văn Y Uyên. Và, trong sự quan sát quang cảnh chung quanh, tôi cũng liên tưởng đến một số truyện ngắn của nhà văn trẻ này tôi được đọc, và rất thích. Tôi còn nhớ được những truyện mình đã đọc, có Bão Khô, Người đã lên tàu, Mùa xuân qua đèo là mấy truyện hay. Tạp chí Văn vẫn là nơi tôi chờ mong một ngày truyện mình viết được đăng. Tôi đang là bạn đọc, vừa chăm chú tìm học về nghệ thuật viết văn ở trong tạp chí này. Phần quan trọng nhất tôi đọc rất kỹ là từng số báo đặc biệt về các nhà văn nước ngoài, nước Nga có Dostoievskie, Léon Tolstoï, Tourgenniev, Pasternak, Cholokhov, nước Mỹ có Ernest Hemingway, William Faulkner, John Steinbeck, Stephan Crâne, nước Anh là Graham Green, Somerset Maugham, và sau cùng, những nhà văn tên tuổi của Pháp.
Chưa có một cây bút trẻ nào ở đây, tôi có sự quen biết hay giao tình, nhưng tôi vẫn đọc các bạn, và nhớ tên khá nhiều anh em. Tôi cũng thấy được rằng, tạp chí Văn là nơi nuôi dưỡng những ước mơ thành nhà văn của thế hệ những cây bút trẻ, họ là học sinh, sinh viên, những người lính, công chức và thầy giáo. Và, không chỉ là mảnh đất văn học giúp xây dựng lớp nhà văn trẻ, mà ở tạp chí này, các nhà văn đã có tên tuổi và tác phẩm, cũng nhờ uy tín của tờ báo mà nâng tên tuổi, tài năng của mình, và ngày càng được độc giả chú ý. Ngày đó, rời Huế ra đi tôi mong vào Sài Gòn tìm kiếm việc làm. Một thời gian ngắn, tôi ở nhà dì Hồng, trong con hẻm sau lưng tòa Đại sứ Đức. Con đường Võ Tánh chạy ngang qua tòa nhà lớn này, phía bên dưới có rạp hát Quốc Thanh, bên trên bùng binh ngả sáu của chợ Thái Bình. Trên đường Phạm Ngũ Lão, số nhà 38 là cơ sở của tạp chí Văn, vừa nhà in vừa là tòa báo. Vào buổi chiều muộn đi ngang qua đó, tôi hay trông thấy ông Vượng ngồi một mình trên lan can ngoài mái hiên hút thuốc, trông dáng vẻ đăm chiêu như đang suy nghĩ về công việc của mình, hay có thể là giấc mộng nào của văn chương, và cũng đến năm bảy lần tôi hay ghé tòa soạn gặp anh Trần Phong Giao hỏi mua những số báo cũ giúp cho mấy người bạn ở xa. Có khách mua báo, anh Giao rời bỏ công việc đứng dậy tìm kiếm, xong đưa báo và nhận tiền. Có lần, anh hỏi tôi có viết lách gì không, tôi đáp lời, mới chỉ là bạn đọc thôi, và nhân câu chuyện, tôi nêu ra những số báo đặc biệt trong những chủ đề của Văn mà tôi yêu thích. Có một vấn đề làm tôi suy nghĩ, nhân tiện nói cho anh biết, tôi rất thích cuốn tiểu thuyết L’étranger của nhà văn Pháp Albert Camus, nhưng đọc qua mấy bản dịch, không cảm thấy hài lòng, và rất muốn được đọc bản dịch của những người cộng tác báo Văn. Sau ít phút suy nghĩ, anh Giao nói lúc ban đầu Giao điểm tính dịch và xuất bản, nhưng người khác lại làm trước, tiếp đó, thêm nhiều bản dịch khác, nhiều quá, nên Văn không muốn thực hiện.
Bỗng anh ấy hỏi tôi:
- Cậu đọc hết truyện dịch của Camus chưa?
- Đã đọc những cuốn chính anh dịch.
- Dịch văn phải cẩn trọng, giữ đúng bút pháp và tinh thần của tác giả để cho người đọc tin cậy.
- Vâng. Chính những số báo văn học thế giới, Văn đem niềm tin cho người đọc.
Tôi có cảm tình với anh Giao sau mấy lần gặp, và tôi vẫn là bạn đọc trung thành của tờ Văn. Tuy nhiên, tôi có nhiều số báo đặc biệt hơn là số thường. Những số thường, tôi thường hay đọc cọp ở các tiệm sách báo thời gian ở Sài Gòn cũng như sau này về các tỉnh nhỏ.
Giờ nghỉ ghé quán ăn đúng một tiếng. Sau bữa ăn, mỗi người trả tiền lấy phần của mình. Ba người đi trong chuyến này, tôi, anh tài xế và một hạ sĩ quan, về phần mình, tôi không có khả năng bao, ngược lại, tôi không muốn lợi dụng một chút gì với cấp dưới mình cả.
Người nào cũng vui vẻ khi trở ra xe và lên đường. Tôi nhìn đồng hồ tay đã hơn hai giờ. Từ nơi này, xe chạy suốt không nghỉ, kể cả lúc đến Long Khánh trời đã tối, nhưng xe vẫn cứ chạy về đến Sài Gòn, vào bến đậu ở ngay chỗ nhà kho của Tổng cục.
Ba người chia tay, hẹn thứ hai gặp lại. Tôi đón xe lam lên Sài Gòn, xong đi tiếp chuyến xe buýt đỗ ở trạm ngừng trước chợ Thái Bình, từ đó tôi đi bộ về nhà dì Hồng. Tiếng chuông ở cửa vang lên, gợi nhớ trong lòng tôi những ngày tháng cũ. Sài Gòn, thời tuổi trẻ của tôi đã hao hụt, nhưng vẫn là niềm nhớ và sự tiếc rẻ.
Thúy xuất hiện, cô em gái la lên:
- Ủa, anh ở đâu về?
- Anh ở Pleiku. Về Sài Gòn có công tác.
- Không phải anh đang ở Huế.
- Không. Anh làm việc trên Pleiku.
Cùng Thúy đi xuống nhà, tôi lên tiếng chào chú dì, cả nhà rất là vui sau lâu ngày vắng bóng tôi nay mới được thấy lại.
Cả nhà đã ăn xong, biết tôi chưa ăn, Thúy đi làm thêm thức ăn để dọn cho tôi ăn. Tưởng ngày ấy và bây giờ, thời gian xa cách lâu lắm nên nó khiến tôi cảm thấy bồi hồi, xúc động, và riêng tôi, dì Hồng như là một người mẹ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

- Cháu lên Pleiku làm việc đã lâu chưa?
- Dạ cũng gần sáu tháng.
- Hay không? Vậy mà chẳng thư từ cho chú dì hay biết.
- Cháu xin lỗi chú dì.
- Mà ở lính, cháu hay đi công tác luôn?
- Dạ, cháu ở Pleiku, nhưng hay đi công tác trong các tỉnh ở quân khu 2.
- Cháu làm công việc gì.
- Cháu làm việc ở Phòng báo chí.
Dì Hồng cười:
- Đúng nghề của cháu rồi. Nhưng sao từ ngoài đó, cháu lên Pleiku.
Tôi kể lại cho người thân của mình nghe những ngày ở ngoài đơn vị hành quân và những trận đánh mà đơn vị Trung đoàn của tôi giao tranh với địch. Hai người lắng nghe, và cho rằng, công việc tôi đang làm hoàn toàn đúng với sở nguyện.
Thúy dọn cơm lên, vừa đặt xuống bàn, cô gái nói:
- Anh vẫn không thay đổi mấy.
- Rồi, có ai chưa con?
- Dạ chưa.
Thúy cười, liếc mắt nhìn tôi.
- Còn cô thì sao?
- Không sao cả.
Bỗng dưng, tôi có linh cảm về tin vui của Thúy. Tôi thoáng nghĩ đến Kim Ly, Thúy Hiền, và một khuôn mặt khác nữa, đó là Phượng em của Khánh. Nhân chuyến về lần này, có được ít ngày nghỉ tôi sẽ tìm đến thăm nhà mấy người bạn.
- Anh về công tác lâu không?
- Ba bốn ngày thôi.
Tôi tiếp lời nói với chú dì Hồng:
- Cháu về nhận sách cho đơn vị.
- Đến Tết, cháu có về thăm ngoài nhà không?
- Chắc là không, dì ạ. Cháu vẫn nghĩ, các đơn vị quân đội vẫn phải cắm trại đề phòng.
- Tôi đang đói, bữa cơm ngon lạ lùng.
Chú Minh hỏi:
- Cháu thấy tình hình ra sao?
- Có thể kỳ họp này đi đến sự chung quyết.
- Chú không hiểu sao, ông Thiệu đang quyết liệt, nay bằng lòng với những điều kiện với Mỹ.
- Ông Nixon, cả Kissinger nữa, có những lời hứa bảo đảm với ông Thiệu và miền Nam.
- Chú không tin.
Tôi nhìn sang chú Minh, giọng tôi nói như bị nén lại:
- Ai cũng nhận ra rằng, hiệp định này ký xong là bức tử miền Nam
- Thực vậy à cháu, người dì hỏi.
Một cách từ tốn, tôi giải thích:
- Đó là cách nói trong thế cùng, dì ạ. Ở hội nghị Ba Lê bốn bên, nhưng chỉ một mình miền Nam trong thế một chống lại ba phe: Hà Nội, Mặt trận, sau hết là Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là đồng minh với miền Nam, nhưng lại sợ miền Bắc. Xong cuộc họp này, Hoa Kỳ chỉ chờ nhận đủ tù binh là bảo đảm cuộc rút lui danh dự.
- Không hiểu sao, Hoa Kỳ đã đánh bom miền Bắc, đánh cho kiệt cùng luôn. Đang thắng, lại ngưng, rồi hòa đàm.
Tôi cố gắng giải thích theo ý mình:
- Cháu vẫn nghĩ, Hoa Kỳ thực sự không muốn đánh. Chứ cuộc chiến tranh này, sức mạnh của Hoa Kỳ từng thắng hai trận thế chiến, không quá một tháng là giải quyết xong. Vì thế đối nghịch với Liên Xô và khối Cộng Sản, nên Hoa Kỳ vẫn dây dưa với cuộc chiến này, một hình thức khác nữa là thí nghiệm vũ khí. Ở bên Mỹ là nước dân chủ, nên chính phủ và quốc hội đều rất sợ dân. Phong trào phản chiến nổi lên, càng ngày càng làm chính phủ lo lắng. Với con số gần bảy trăm tù binh bị Bắc Việt giam giữ, đây là cái giá Bắc Việt muốn đòi, bằng cách nào Hoa Kỳ cũng phải tìm cách trả. Đây là mấu chốt của hiệp định Paris, những vấn đề khác trong cuộc chiến này chỉ là phụ thuộc. Người Mỹ, họ coi người lính của họ giá trị cao như là đồng đô la, một thứ đồng tiền làm bản vị cho cả thế giới.
Chú Minh cười, bảo:
- Cháu nói đúng, cả miền Nam, còn thua kém so với tù binh Mỹ.
Người dì hỏi tôi:
- Vậy rồi, miền Nam có chia cắt như hiệp định năm 54 không cháu.
- Không chia cắt như hiệp định 54. Nhưng sau này, miền Nam chỉ có các thành phố là nguyên vẹn, còn đất ở miền núi, ở nông thôn, sẽ trở thành vùng trái độn.
Không khí bỗng lặng im, như thể lúc này, ai cũng lo sợ chiến tranh.
Thúy bỗng hỏi:
- Anh uống cà phê không, em pha cho.
Tôi cười đáp:
- Cho anh một ly.
Thúy rời ghế đứng lên, đi về gian bếp.
Người dì nhìn đứa cháu ngoại, mắt đi tìm mấy nét trên gương mặt đứa cháu để nhớ về một ai đó.
- Con có thường viết thư cho má con không?
Tôi cười:
- Con lười lắm. Có khi cả năm, chẳng viết được thư nào.
- Hay dữ, thằng cháu của tui.
Tôi cũng thấy trong đôi mắt người dì có bóng dáng miền quê.
- Ngoài Quảng Trị, bây giờ điêu tàn lắm. Trận chiến vừa rồi, thành phố bình địa.
- Bây giờ ngoài Bắc vô chiếm hết.
- Không, Quảng Trị còn một nửa tỉnh thuộc bên mình.
- Một nửa bên mình tới đâu?
- Bên này sông Thạch Hãn. Ngày trước nhà con ở gần ga, vẫn còn thuộc miền Nam. Bên kia sông, từ làng Nhan Biều ra tới Bến Hải, thuộc đất miền Bắc.
- Vậy là Xuân Thành ở bên kia.
- Dạ đúng.
- Quân đội mình không chiếm lại được hết sao cháu.
- Thực ra, đơn vị dù và TQLC đánh trận ác liệt lắm mới lấy lại được cả thành phố và khu Cổ Thành. Năm ngoái, trong trận mùa hè, bên mình rút lui đến Mỹ Chánh để lập phòng tuyến.
Thúy làm cà phê xong, mang lại cho tôi. Tôi nhìn lại cô em gái qua cử chỉ, dáng điệu, thật cảm động.
Người dì hỏi:
- Ở trên đó, cháu ở trong căn cứ hay thuê nhà ngoài.
- Dạ, ở trong. Trong căn cứ cũng có khu nhà ở cho lính.
Một giọng thân tình, người dì nói:
- Coi quen được ai, cháu nghĩ chuyện gia đình cho rồi.
Cô Thúy cười lớn, nói:
- Trời, anh chưa đâu má à.
- Con đã đến ba mươi chưa?
- Dạ chưa.
Chú Minh cười, nói:
- Lo gì cháu. Chờ nở thêm hai bông nữa rồi lấy vợ.
Tôi cất phin cà phê, cầm thìa khuấy lớp sữa mỏng.
- Em học ngành gì?
- Em học chính trị kinh doanh.
- Vậy là trên đó em mới về.
- Anh nói đúng.
- Chừng nào lên lại.
- Tuần sau em lên.
Dì Hồng nói:
- Em Thúy làm đám hỏi rồi.
Tôi nhìn qua cô em gái, lòng vui. Vừa nghe có tiếng chuông ngoài cửa, Thúy vội rời ghế đi mở cửa.
- Mời thầy cô vào.
Thúy bước nhanh xuống nhà, dì Hồng hỏi:
- Ai vậy con.
- Thầy Hai và cô Tư.
Chú Minh dì Hồng vội lên nhà.
Thúy vừa ngồi xuống ghế, tiếng hơi nhỏ, tôi hỏi:
- Em có gặp lại Huê không?
- Không.
Thúy tiếp lời:
- Ở Đà Lạt, thỉnh thoảng có về Sài Gòn, nhưng không gặp.
Tôi nói:
- Anh biết Huê lấy chồng lúc đọc tin trên báo.
Thúy hỏi:
- Rồi chị Thúy Hà?
Tôi không đáp lời, đứng lên qua chỗ bàn phía bếp lấy một cái ly nhỏ. Tôi sớt cà phê vào ly, đưa cho Thúy.
- Cám ơn anh.
- Anh ấy dạy học hay làm gì?
- Anh dạy học ở trường Võ Bị.
- Anh đang ở lính?
- Anh đi Thủ Đức, được đưa lên đó dạy.
Bên ngoài có tiếng mưa. Tôi nhìn khoảng trống mái hiên. Mưa đang xuống rất nhẹ. Khi đốt xong điếu thuốc, tôi nói:
- Thúy Hà là bạn rất thân của anh.
- Anh còn liên lạc với chị không?
- Anh không liên lạc, nhưng vẫn biết.
- Đám cưới em, anh nhớ về nghe.
- Chừng nào?
- Sang năm, cũng trong tháng này.
- Lên Pleiku, anh sẽ viết thư.
- Anh còn thương chị Huê lắm, phải không?
Trong ít giây, tôi nhìn ra ngoài.
- Anh chẳng còn ai, nhưng vẫn nhớ về những người quen mình đã gặp.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 30 Mar 2017

XII

Vị Đại úy Trưởng ban vừa mới được thăng cấp Thiếu tá. Ngoài công việc điều hành bình thường, ông còn đảm nhận một vai trò quan trọng là phát ngôn viên chính thức của vị Tư Lệnh. Những cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn cho phái đoàn báo chí quốc tế, đích thân ông trả lời. Tiếng Anh của ông khá, còn tiếng Pháp rất sành sỏi của một người đã đậu bằng Thành Chung xưa. Người phụ tá là Trung úy Tiến trước khi nhập ngũ khóa 24 là sinh viên khoa học. Nhìn dáng bên ngoài có vẻ thư sinh, nhưng lại là một người rất nhanh nhẹn với mọi công việc, và cũng là một cây bút chính luận sắc bén, hùng hồn, tính thuyết phục rất cao. Khi có phóng viên Sài Gòn lên, vị này thay mặt Trưởng ban tiếp đón và hướng dẫn ra ngoài vùng chiến trận. Những người theo nghiệp báo, làm phóng viên, lúc nào cũng muốn cho bài viết của mình sát với tình hình thực tế. Anh Hạ sĩ Thịnh, vừa là tài xế, vừa là phóng viên ảnh. Ông Trung sĩ I Trí, phụ trách văn thư, một người làm việc hết sức cẩn trọng, chu đáo. Sau hai người này, bạn cần nên biết chàng phóng viên Kim Tuấn. Nhiều người lầm tưởng chàng ta là một sĩ quan cấp tá. Sự xét đoán không sai nếu chỉ nhìn ngoại diện, từ bộ râu kẽm, dáng đi bệ vệ, một khuôn mặt rất là ăn ảnh bên dưới một mái tóc dày dợn sóng. Nhưng thực sự, anh chàng là lính thường, đồng hóa. Có một lý do riêng về gia cảnh mà trong riêng tư, một đôi lần anh có tâm sự với tôi. Giữa chàng ta và tôi tuổi tác có hơn kém nhau, nhưng luôn có sự quý trọng nhau. Trước đây, Kim Tuấn là trưởng ban kịch dân sự, đã lưu diễn rất nhiều nơi suốt các tỉnh miền Trung. Không chỉ có năng khiếu về kịch, mà còn là cây bút tài hoa về thơ văn và viết phóng sự. Tôi đã đọc nhiều bài phóng sự Kim Tuấn viết và nghe qua đài Sài Gòn trước khi đến đây được gặp, và cùng làm việc chung ban. Tôi nhận ra Kim Tuấn cũng như anh Nguyên tôi được coi là phóng viên chuyên nghiệp. Người nào cũng có trực giác nhạy bén, tuy cách viết, văn phong khác nhau, nhưng cùng một lối bố cục vừa mang tính tổng hợp, vừa trình bày đầy đủ những sự kiện. Kim Tuấn có dáng vẻ của một lãng tử. Trong ba lô của anh, lúc nào cũng sẵn một chiếc máy ảnh, cái cassette, dụng cụ ghi âm, cuốn sổ tay, và nhiều loại bút viết. Khi ở ngoài mặt trận hay đến một nơi nào công tác, xong việc, anh viết bài tường thuật ngay tại chỗ.
Từ Trung đoàn tôi được thuyên chuyển đến đây nhờ quen biết vị Tướng Tư Lệnh. Nhưng, tôi không hề cậy thế, mà thực sự trong công việc làm hàng ngày viết tin sinh hoạt, chiến sự, tôi luôn chuyên cần và học hỏi. Có lẽ qua đức tính biết sự khiêm tốn của tôi mà trong toàn ban ai cũng mến, vào dịp cuối tuần, có người này hay người kia mời tôi ghé nhà chơi. Và có thể nói, tôi gần gũi với Kim Tuấn hơn hết. Hai vị Trưởng và phó, dù thế nào tôi cũng phải có giới hạn về cấp bậc.
Tuy là lính thường, nhưng gia đình anh Kim Tuấn tương đối khá giả. Ở khu phố chính Phan Bội Châu, vợ anh có một cửa tiệm bán quần áo ấm, đồ len, và đủ các loại mỹ phẩm, nơi này, sáng cũng như chiều tối luôn đông khách. Đằng sau nhà anh ở, có một sân gạch và căn gác thật ấm trong mùa lạnh và thoáng mát mùa hè. Căn gác này, anh thường dành cho anh em văn nghệ từ xa đến Pleiku chơi trong thời gian ngắn. Ở Pleiku, Kim Tuấn được coi là chim đầu đàn, và bản thân anh về những sáng tác thơ văn được các tạp chí văn nghệ Sài Gòn đăng tải đều đặn.
Thời gian qua, tôi làm việc đều, chăm, tương đối là bắt đầu quen với nghề báo. Tôi cảm thấy yêu nghề, cuộc sống ở thị trấn cũng đem lại cho tôi nhiều nguồn hứng để sáng tác. Và, từ nơi này, tôi bắt đầu thử nghiệm một cuốn tiểu thuyết có nội dung tình yêu trong chiến tranh.
Hôm ấy trời đẹp, Kim Tuấn nói:
- Ra phố chơi.
Vậy là tôi lên xe, hai người cùng xuống ở một ngả tư gần rạp hát Diệp Kính. Sau bữa ăn tối, Kim Tuấn đưa tôi đến quán cà phê cô Huyền. Trong quán, ánh đèn màu mờ ảo, bàn ghế thấp, những cặp trai gái ngồi bên nhau chuyện trò vừa nghe những bản nhạc buồn, êm dịu. Giọng hát của Lệ Thu, Khánh Ly, Thái Thanh và Sĩ Phú. Mỗi bài hát diễn tả một tâm tình riêng.
Tôi đã quen với ly cà phê đậm buổi tối, Kim Tuấn thì thứ này, mỗi ngày bốn cữ, cộng với ba gói thuốc.
Hai phin cà phê nóng để lên hai cái ly nhỏ, bên dưới là lớp sữa đặc.
- Anh gốc người Huế, nhưng có ở đó lâu không?
- Không, tôi sinh và lớn lên ở Sài Gòn.
- Hai bác của anh đang ở đâu?
- Ở Sài Gòn. Nhà ông bà ở đường Phát Diệm.
- Ngoài anh ra, còn ai nữa không.
- Không, một mình tôi.
Cô Huyền chủ quán mang ra một gói thuốc và hộp diêm. Loại thuốc này mới hết, và cô đã cho người nhà đi mua. Tôi chú ý nhìn lúc cô tới gần, thấy cô có đôi mắt to, mái tóc dài, khuôn mặt đầy đặn. Cô mặc chiếc áo sơ mi tím, bên ngoài khoác chiếc áo len nhẹ màu xám. Và, đã lâu hay ngồi quán này, tôi biết, chàng Kim là người khách đặc biệt với quán của cô.
Tôi cất chiếc phin, cầm cái thìa nhỏ khuấy nhẹ sữa cho tan vào cà phê. Kim Tuấn đang hút dở điếu thuốc, mắt nhìn theo bóng cô Huyền đang đi trở lại về phía quầy. Với mái tóc dài và dáng đi, hình bóng cô chiếu in lên tường.
Sau một hớp cà phê ngon miệng, tôi đốt điếu thuốc. Bên Kim Tuấn, cùng vừa dở phin và khuấy cà phê.
- Ở Ban Mê Thuật, quán cà phê nào uống là nhất.
- Lạc Thiên.
- Hơn quán Công viên mình đây không?
- Ông cũng biết, Ban Mê Thuột là xứ cà phê chồn mà.
- Tôi mới đi Ban Mê Thuột vài lần, chưa quen lắm.
- Ở Quân khu 2 có mười bốn tỉnh, rồi bạn cũng sẽ đi hết.
- Mong vậy.
Tôi mỉm cười, nhìn người bạn và thích ngay anh chàng này có mái tóc nghệ sĩ rất tự nhiên.
- Hiệp định Paris ký xong, miền Nam yên ổn có được lâu không?
- Chừng hai năm, là nhiều lắm.
- Vậy chỉ có tính cách ngừng bắn tạm thời.
Kim Tuấn gật đầu. Chàng uống cà phê chậm rãi, khói thuốc trong màu mây, và đôi mắt luôn hướng về cô chủ quán cà phê. Từ chỗ xa đó, cô chủ đang mỉm cười tình tứ.
- Nàng có gia đình chưa?
- Single mom.
Tôi nói:
- Cô chủ rất có cảm tình với anh.
Chàng có vẻ hài lòng khi đặt tay lên vai người bạn. Tôi bỗng dưng thấy mình có được sự trấn an, chợt nghĩ đến Thiện và Liên.
Một vài cô cậu đứng lên rời quán đi ra ngoài. Kim Tuấn đột thêm điếu thuốc, tôi hỏi:
- Mỗi ngày của anh, mấy gói?
- Ba.
- Tôi, thì đúng một.
Một bản nhạc mới, giọng Thái Thanh cất lên.
- Ở ngoài Bắc, tù binh Mỹ nhiều không?
- Cũng nhiều lắm.
- Mỹ có thực sự rút quân không?
- Không rút, Hà Nội không chịu ký.
Tôi lại hỏi:
- Nhưng tại sao, có Hiệp định Ba Lê được bốn bên cùng ký mà miền Nam không thể bình yên lâu dài.
Người bạn giải đáp:
- Ở miền Nam, có đối lập và một số đảng phái hoạt động rõ ràng, công khai. Ở nước Mỹ, có hai đảng lớn Cộng Hòa và Dân Chủ. Khi người bên đảng Cộng Hòa làm Tổng thống, thì phía Dân Chủ kiểm soát Quốc Hội. Bên cánh Cộng Hòa thuộc thành phần tư bản, có khuynh hướng chiến tranh, buôn bán vũ khí, và dầu lửa. Bên cánh dân chủ, việc cốt yếu là cho đời sống của người dân, có việc làm, có an sinh xã hội, và đầy đủ các loại bảo hiểm y tế, cánh này không có thích chiến tranh, không muốn đưa quân đội ra đánh nhau ở các nước ngoài. Còn như, ngoài xứ Bắc Việt, hay ở Nga, Trung Quốc, duy nhất chỉ có một đảng Cộng Sản kiểm soát. Vậy làm sao, nó để cho mình yên được.
- Tôi cầu mong bình yên được 5 năm.
Kim Tuấn nói:
- Nếu mà tới được con số đó, chiến tranh kết thúc.
Thời gian chờ đợi trong ý nghĩ của tôi không biết chiến tranh nó sẽ đến hay không bao giờ đến.
Tôi biết không thể xin được một tuần nghỉ phép về Sài Gòn để dự đám cưới của Thúy. Nhưng chắc đã có ba tôi thay mặt cho gia đình, dự tiệc cưới và gởi quà tặng. Bây giờ đây, chỉ mình tôi là độc thân.
Khi nghe tiếng chuông đồng hồ điểm vài tiếng ngắn, tôi ngừng nhớ một chút hoài niệm về những ngày tháng ở Sài Gòn. Thúy là con gái độc nhất của dì Hồng và chú Minh. Tôi rất kính mến người chú rể, và người dì em họ của mẹ. Hai chị em thân nhau từ lúc nhỏ, sau đó, người mẹ mất, dì theo cha vào Nha Trang rồi đi Sài Gòn và lập gia đình. Vợ chồng chú cũng hiếm muộn, có mình Thúy là con gái.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 53 guests