Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Image

Nguyễn Chí Kham

HÌNH BÓNG CON TÀU

Người Việt Books xuất bản, 2015


PHẦN THỨ NHẤT

I

Ngày lên đường theo học lớp sĩ quan, tôi cầm trong tay một tờ sự vụ lệnh và giấy nghĩ phép hai tuần. Từ buổi đầu nhập ngũ, nay tôi đã sống trong quân đội được bốn năm. Với đồng lương ít ỏi, nhưng tôi cảm thấy yên bình là người lính làm việc văn phồng thôi, không đến đỗi quá lo sợ chiến tranh. Cũng nhờ vậy tôi có thì giờ học thêm, rồi vẫn cứ theo con đường viết văn với những truyện ngắn đăng trên các nhật báo, tuần báo ngày một nhiều. Và, mỗi lần thấy bài đăng là tôi đi lãnh tiền nhuận bút. Bây giờ, những truyện mang tính cách hiện thực, tiếp xúc ngay cuộc sống hiện tại với hình ảnh người lính luôn là đề tài tôi chọn lựa, đưa ngay vào truyện mình viết theo từng hoàn cảnh. Tôi vẫn ghi nhớ lời ông Thế là quản nhiệm tuần báo Tiểu thuyết thứ năm khuyên bảo, nên lúc gần đây đã thôi hẳn, không viết nữa những câu chuyện tình lãng mạn của tuổi học trò. Tôi bắt đầu viết về những người lính, đời sống trong quân ngũ của chính mình và những kẻ khác.
Tôi là hiệu thính viên, làm việc trong ban ALO. Toàn ban mười người, cấp sĩ quan có Đại úy trưởng ban, ba ông Thiếu úy trẻ, đám lính có tôi và năm đứa bạn nữa. Trừ vị trưởng đến nhiệm sở hàng ngày, còn lại ba xếp nhỏ và chúng tôi chia ca, hai ngày một phiên. Phòng làm việc nằm cuối căn hầm, cạnh lối cửa sau. Trên chiếc bàn dài có lọ bút viết, một cuốn sổ trực dày bìa cứng, ruột giấy ca rô, và hai máy liên lạc PRC 25 và PRC 47. Chúng tôi thường phụ trách máy chính là PRC 25, dùng máy này theo dõi hoạt động các phi cơ L19 thực hiện những phi vụ trong ngày, thường là bay bao vùng, hộ tống đoàn xe, và lúc có mặt ở vùng trận chiến phối hợp trên không với phi cơ khu trục, dưới đất là quân bạn đang chạm súng với địch. Những lúc làm việc tôi hay có sự chú ý, tìm hiểu thêm phần kỹ thuật. Tôi nghe những cuộc đối thoại qua máy rất là ngắn gọn, cụ thể, vừa sinh động. Tôi hiểu được cách dùng ngụy hóa những ký hiệu truyền tin, môn này tôi đã học trong khóa chuyên môn về ngành điều không. Vào giờ phút quân bạn và địch giao tranh dữ dội, cuộc liên lạc tay ba giữa đơn vị hành quân, phi cơ quan sát, phi cơ khu trục đánh bom nghe vang lên ngoài chiến trận thật hào hùng, sôi nổi, rất gay cấn như một trận túc cầu. Giữa vùng trời mờ mịt khói lửa, tôi như nghe ra tiếng gầm thét của bom đạn, nhịp tim đập nhanh hơn lúc hình dung trong mỗi giây phút hiểm nghèo máy bay của các chàng phi công vẫn biểu diễn các pha nhào lộn, oanh kích vào mục tiêu thật chính xác và đẹp mắt. Tôi mơ mộng nghĩ rằng, đó mới thật là lý tưởng và huyền thoại về những chàng phi công, họ được người dưới đất gọi là những hiệp sĩ không trung.
Hôm ấy là một ngày vui, tràn đầy bao ước vọng của tôi trong tương lai. Nhưng ở giây phút hẳn còn đang luyến lưu với đơn vị, lòng tôi bỗng dưng chùng xuống, vấn vương một nỗi buồn.
Khi ra khỏi cổng gác, tôi băng qua bên kia đường đứng chờ xe lam có ý định ghé thăm chị Số con bác cả tôi ở xã Tam Hiệp, nhà nằm gần chợ, cách xa lộ non cây số. Năm đầu tiên tôi lên trung học, chị tôi lấy chồng, ở Quảng Trị hai năm sau đó vào miền Nam. Tuy chị đi xa, ít có dịp trở về làng quê nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh chị thời con gái với nét mặt dịu hiền, cặp mắt to đen, và chị thật đảm đang việc nhà. Anh Nguyên và tôi chỉ có em gái thôi, vì vậy, chúng tôi hay ước mong mình có một người chị như thế để gần gũi mỗi ngày trong cuộc sống bình thường, bằng tiếng nói, câu chuyện vào lúc bữa ăn, hay có một việc gì thấy cần được giúp đỡ.
Bên nội tôi nghèo khó, trong họ hàng không có ai đậu đạt hoặc nên danh vọng cao. Có chú Nguyễn Đặng Anh em kế ba tôi học tới bậc Thành Chung, rồi đi làm thừa phái. Sau khi chú mất, chỉ còn lại ba tôi là khá với tấm bằng tiểu học và làm nghề giáo. Rất sớm hiểu về cuộc đời, nên ba tôi đã cố gắng cho chúng tôi đi học, đồng thời, cũng tìm cách giúp đỡ con cháu ở làng quê cố ra tỉnh để học chữ hay nghề may có chút tương lai về sau. Trong họ hàng, ba tôi là người được các cháu luôn nghe lời, riêng chị Số lúc nào cũng coi ông như một người cha. Thuở từ chốn làng quê ra thành thị, vì nghèo khó chị phải giúp mẹ buôn bán để nuôi em ăn học. Bù lại sự thiếu thốn này, trời cho chị chút nhan sắc để gặp người chồng tốt và sống cuộc đời hạnh phúc.
Làng quê tôi thuộc quận Hải Lãng, tỉnh Quảng Trị. Tỉnh này tuy nhỏ, nhưng có nhiều tài nguyên ở trên rừng và dưới biển. Rừng núi ngược lên vùng Tây Bắc, biển trải rộng về miền Đông. Và, không chỉ một con sông Thạch Hãn chảy qua thành phố mà về mỗi quận hay thị trấn, nơi nào cũng có sông và gần giáp với biển, trong đó, làng tôi ở gần nhất. Ngôi làng này nay vẫn còn nguyên vẹn sau chiến tranh, vẫn giữ dáng vẻ đơn sơ, mộc mạc, dân cư thưa thớt, có khoảng chừng một trăm nóc nhà trải rộng trên những con đường đất im bóng, mát dịu dưới những hàng tre. Quanh làng, ở đâu tôi cũng nhìn thấy những đồi cát trắng trông tựa như đàn voi. Vào mỗi buổi sáng, từng đàn chim thiên di từ hướng núi bay ra biển. Rồi buổi chiều trước khi mặt trời lặn, tiếng sóng biển nghe xôn xao, nổi nổi, chìm chìm trong cơn gió rạt rào trôi đi rồi mất hút. Và, đó là tiếng động báo hiệu trước mùa đang tới sẽ yên bình hay là gặp giông bão.
Nhưng bất ngờ, có chuyến xe trong Quân đoàn về Sài Gòn công tác đã cho tôi quá giang. Lên xe, gặp anh tài xế vui vẻ, chúng tôi chuyện trò với nhau thoải mái. Tới Sài Gòn, anh tài thả tôi xuống ngay chỗ bùng binh trước chợ Bến Thành. Từ nơi này, tôi đón xe lam lên chợ Thái Bình tìm đến nhà người dì ở trong một con hẻm đường Võ Tánh.
Buổi sáng sớm hôm sau, tôi đã có mặt ở trạm tiếp liên Tân Sơn Nhất chờ chuyến bay. Trên bảng phi trình có ba chuyến cách nhau nửa giờ, một Pleiku, hai ra Đà Nẵng và Huế. Tôi xin chuyến Đà Nẵng, vì có ý định muốn ghé thăm gia đình ông bà Kha, nhất là mong gặp lại Thúy Hà. Tôi là nhớ Thúy Hà.
Ngày xa ấy, tên của nàng và bao nhiêu kỷ niệm dấu yêu, nàng cũng để lại hết vì muốn được tôi cất giữ.
Duy, chồng Hà lúc bị động viên nhập khóa 22 trường Thủ Đức. Một tháng sau, tôi nhận được điện tín của nàng báo tin sẽ vào Sài Gòn. Tôi cầm bức điện tín tưởng như ở bên cạnh người mình yêu, và trong câu chuyện trao đổi, tôi cứ bâng khuâng với tiếng nói của nàng. Rồi hết thời gian chờ đợi, tôi đón nàng ở trạm hàng không, sau đó đưa về nhà người bác, đến ngày chủ nhật lại cùng nàng đi lên quân trường thăm chồng. Tôi vẫn không ngờ mình gặp lại nàng. Hãy tin rằng, vì yêu, bao nhiêu xa xôi hai chúng tôi vẫn cứ mong đợi, và đi tìm nhau. Nhớ rõ hôm mới đến, nàng xuất hiện ở lối cửa ra phòng tiếp đón tôi thấy nàng thật tươi sáng và rất đẹp. Nàng đẹp hơn thời con gái nữa, thật chẳng ngại ngùng gì nên tôi nói ra điều tôi nghĩ cho nàng hay. Nàng cười, vui sướng như đang yêu, rồi để lộ hết một khuôn mặt kiều diễm cho tôi ngắm. Hình như, việc đi thăm chồng của nàng chỉ là một bổn phận, còn sự rung động tình yêu qua nỗi nhớ là dành riêng cho nàng và tôi thôi.
Thúy Hà ở chơi Sài Gòn khoảng hai tháng, thời gian này mỗi cuối tuần Duy về phép, còn tôi thỉnh thoảng đến gặp, trò chuyện với nàng. Nàng cũng như bên gia đình rất tốt với tôi, nên chi, dù thật yêu nàng tôi vẫn luôn cố gắng giữ một tình bạn của thời đi học.
Còn đến ba tháng nữa Duy mới mãn khóa sĩ quan nên Thúy Hà phải trở ra Đà Nẵng lo thu xếp công việc nhà. Dù có muốn đi làm, nàng cũng phải đợi ngày Duy ra trường nhận đơn vị, lúc ấy, vợ chồng mới dự tính cho nơi chốn ăn ở.
Ngày gặp gỡ cuối cùng, tôi đến thăm. Hai người ngồi ở phòng khách nói chuyện một lúc, sau đó, Thúy Hà lên phòng riêng thay quần áo. Khi Thúy Hà xuất hiện ở lối cầu thang xuống nhà, tôi thấy nàng mặc chiếc áo dài xanh có chấm bông trắng, đôi mắt sáng lên một niềm vui.
Nhà vắng, nên trước khi đi Thúy Hà phải coi lại các cánh cửa. Sau đó nàng cùng tôi rời nhà đi lối cửa bên, ra phía ngoài gặp con hẻm dẫn tới đường lớn. Có chiếc taxi chạy qua, nàng vẫy tay.
Tôi ngồi bên nàng ở băng ghế sau. Người tài xế điều chỉnh lại khóa đồng hồ rồi mới cho xe chạy. Xe hướng lên chợ Bà Chiểu, rẽ trái qua cầu Bông rồi hướng về khu Dakao. Ngồi bên nàng, tôi chẳng dám mong nghĩ tới sự hứa hẹn. Dù sao nữa, nay tôi và nàng có nhau trong tình anh em.
Xe xuống tới Sài Gòn, dừng ở ngay trước cửa chính chợ Bến Thành. Khi ra khỏi xe, ánh nắng buổi chiều trong thành phố ấm hẳn như thể cho tôi một cảm giác mình đang hạnh phúc cùng người yêu. Tôi nhận quen gương mặt Thúy Hà từ một tháng gặp lại nhau, mỗi lần nhìn nàng, tôi phác họa lấy một vài nét riêng nào đó để mà giữ cho mình trong tâm tưởng. Cố nhiên, Thúy Hà rất biết tôi yêu thích nhìn ngắm nàng, nên nàng cũng thật bao dung dành phần hạnh phúc ấy cho tôi.
Hai người đứng giữa đám đông chờ đèn xanh. Trước mặt, con đường tràn ngập những dòng xe cùng với bao nhiêu cảnh tượng huyên náo, ồn ào.
Chỉ đợi hơn một phút, mọi người cùng tràn xuống lối đi bộ qua đường khi đèn xanh bật lên. Rồi, họ tản mác còn tôi và nàng đang dừng bước. Nàng hỏi:
- Bây giờ đi đâu anh?
- Tùy em. Trước hết, em phải mua sắm cho mình đã.
- Còn sớm. Em ở bên anh cả buổi chiều.
- Vậy mình ghé quán nước đi.
- Anh thích xem ciné không?
Tự dưng tôi hơi ngần ngại, rồi nói:
- Tùy em.
- Anh biết rạp nào chiếu phim hay, mình đi.
- Chung quanh đây có nhiều rạp.
Tôi và nàng dời bước. Buổi chiều Sài Gòn thật vui, nhộn nhịp, hai bên lối vỉa hè chỗ nào cũng tấp nập người dạo phố. Thúy Hà đang nói chuyện, về Duy với giọng đùa nghịch rất dễ thương. Tôi thích tiếng nàng nói, nên đi bên nàng tôi chỉ nghe thôi, chan hòa theo nàng, và cứ nhẹ bước, chẳng bận tâm đến câu mình muốn hỏi, thảng hoặc ngắt lời nàng.
Hai người tới rạp Rex. Cuốn phim Vacance Romaine đang chiếu. Bên ngoài, dưới mái hiên đông người. Tôi hỏi ý nàng, sau đó đứng sắp hàng rước quầy để mua vé. Lúc này, chúng tôi cùng đưa mắt nhìn quanh như để tìm kiếm có ai quen. Trong một giây nhỏ, tôi chợt nghĩ đến ngày mai lưới cơn mưa qua ánh đèn nhòa nhạt trên từng con đường, có một chiếc xe ca lặng lẽ đưa Thúy Hà và bao nhiêu người khác nữa rời khỏi thành phố này.
Tôi và Thúy Hà cùng đi vào rạp, lên phía trên lầu đến dãy ghế sau cùng, góc bên trái.
- Ngày mai đi, em nhớ Sài Gòn không?
- Nhớ chứ.
Nàng nhìn qua tôi, một nụ cười thật dễ thương trong cặp mắt.
- Em không nhớ, thành phố này cũng giữ lại em.
- Em cũng phải về chứ.
- Em về, hình ảnh của em vẫn còn ở đây.
- Rồi, cũng có ngày em trở lại.
- Em sẽ trở lại với anh, phải không?
Tiếng nói của hai người chợt nghe nhỏ. Sài Gòn, nơi thành phố này nàng đã đến rồi ngày mai sẽ ra đi.
Ngày mai, tôi vẫn còn được ở bên nàng.
Anh đèn trong rạp hát vừa tắt, buổi chiếu phim bắt dầu. Có hai phim dạo quảng cáo lâu chừng mười lăm phút, rồi đến phim chính. Đây là cuốn phim được dựa theo cuốn tiểu thuyết của nữ văn sĩ người Pháp Odette Ferry.
Hai người cùng xem phim, vừa chuyện trò. Hạnh phúc này, như một món quà nhỏ của Thúy Hà cho tôi. Và, tôi nghĩ mình nên giữ lấy với sự yêu thương, bao dung của nàng. Tôi được nghe giọng nói của Thúy Hà trong âm thanh, tưởng như đó là những sợi chỉ màu đang nối kết niềm vui giữa đôi mắt và những nụ cười của nàng. Riêng với nụ cười, nàng sẽ ban cho kẻ khác một bóng ánh sáng. Đôi lúc, tiếng nói bỗng ngừng hẳn lại, tôi chợt nghe nàng qua hơi thở, và nếu can đảm lên một chút tôi ôm choàng lấy được người mình yêu.
Cuốn phim có nhiều đoạn thật vui. Nước Ý, những thành phố xứ này đang trải rộng ra, đem lại cho trí tưởng tượng của chúng tôi sáng bừng lên giữa những khung cảnh rất thơ mộng. Rồi cuốn phim kết thúc, đèn trong rạp dậy sáng. Tôi và Thúy Hà rời ghế rồi cùng theo khán giả xuống lầu đi ra ngoài.
Trời đang mưa. Mưa nặng hạt nên mọi người còn đứng ở rạp chờ đợi. Tôi lật cổ tay nhìn đồng hồ, mới ba giờ. Trời u ám, vì mưa. Những cơn mưa ở Sài Gòn thường đến trong buổi chiều nhưng cũng mau tạnh.
Nắng chợt bừng sáng lúc mưa vừa tan. Tiếng reo vui trỗi lên, và ngay lập tức, mọi người đổ ào xuống lòng đường.
Trời nắng hay mưa, các khu phố chính vẫn luôn nhộn nhịp. Tôi và Thúy Hà bên nhau, không rời nhau. Hai người sóng bước trên con phố Lê Lợi. Khi vào chợ Bến Thành, Thúy Hà đưa tôi đến các sạp hàng bán quần áo may sẵn. Nàng chọn lựa, mua nhiều loại quần áo đủ cỡ, và có cả áo len ấm nữa. Rời gian hàng quần áo, chúng tôi đi mua bánh kẹo, trái cây ép khô. Bây giờ, cái túi xách không mang theo được dùng để đựng hết các thứ.
Khi chúng tôi ra ngoài, trời lại mưa. Tôi nắm bàn tay Thúy Hà, cả hai cùng vội băng nhanh qua khu building của một công ty xuất nhập cảng đứng núp mưa.
Nước mưa làm ướt tóc và đọng vài giọt trên gương mặt nàng.
- Ngày em vào đây cũng vừa đúng lúc mùa mưa bắt đầu.
Thúy Hà không nói gì. Bất chợt, ý nghĩ về ngày mai nàng rời khỏi thành phố này mang lại cho tôi một nỗi buồn.
- Em về, hành lý nhiều không?
- Cũng nhiều. Mấy thứ này nữa là đủ hai va li.
Mưa lại tạnh, Thúy Hà nói:
- Em cảm thấy đói. Ăn gì đây anh?
Tôi đề nghị:
- Đi ăn bánh cuốn nhe.
Nàng gật đầu.
Đường phố lại đông người. Tôi đưa nàng đến dãy quán bánh cuốn nằm sát nhau trên đường Pasteur. Nơi ghế bàn thấp, hai người ngồi ăn. Bánh cuốn nóng, vừa thêm vị ớt cay. Tôi hỏi:
- Em đã ăn đủ thứ quà ở Sài Gòn chưa?
- Có, em ăn nhiều thứ.
Ngừng ăn, nàng nhìn qua tôi.
- Ngày mai anh có đi làm không?
- Ngày mai, anh được nghỉ.
- Anh làm việc ở Biên Hòa cứ lên về mỗi ngày.
- Có tuần thôi. Khi nào cần, anh mới về dưới này.
Tôi quá hạnh phúc khi được ở bên Thúy Hà, nhớ nàng vô cùng.
- Em ăn ngon không?
- Ngon lắm.
- Em ăn thêm.
- Vừa rồi, anh ăn nữa đi.
- Thôi, để mua nước em uống.
Tôi đứng dậy đi qua xe bán nước mía bên cạnh. Không chờ lâu, tôi mang hai ly lớn về đặt xuống bàn.
- Nước mía ngon lắm, em uống đi.
Tôi đốt điếu thuốc hút, tiếp lời:
- Tối nay em phải đi ngủ sớm.
- Em dễ ngủ mà cũng dễ thức dậy sớm.
- Nhưng cẩn thận, em nên để đồng hồ báo thức.
- Có chứ.
- Ngày mai anh đợi em ở trạm.
- Em sẽ đi taxi đến.
- Về ngoài đó công việc như thế nào, viết thư cho anh biết.
- Em sẽ viết thư cho anh luôn.
- Từ ngày đi xa đến nay, anh được đọc nhiều thư của em.
- Ba mợ vẫn luôn nhắc anh.
- Anh hiểu. Anh đã có được lòng yêu thương của gia đình em.
- Rồi, anh cũng phải lo cho mình nữa.
- Anh chưa nghĩ xa chuyện chi hết.
- Anh cũng phải nghĩ đến thôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Tôi lặng im. Giờ phút này đây, tôi còn được ngồi bên nàng. Giữa tôi và nàng tình yêu tự mỗi người cất giấu, muốn trốn tìm một chỗ ẩn náu trong con tim. Tôi gợi nhớ đến những ngày vừa qua nàng đến đây. Tôi cũng đang tìm lại những trang giấy màu, những dòng thư nàng đã viết cho tôi. Thật là đẹp, nhưng rất buồn.
- Mau quá, mới buổi chiều hôm đó em tới đây, giờ đã qua hai tháng rồi.
- Anh lúc nào cũng cứ gợi nhắc đến kỷ niệm. Em không thể ở lâu hơn.
- Em có tính đi học tiếp nữa không?
- Thôi, đã lấy chồng rồi, em học gì nữa.
- Anh đang nghĩ tới một công việc phù hợp với em.
- Anh muốn em làm gì?
- Anh thích em đi dạy học.
- Anh vẫn sống với hình ảnh lý tưởng.
- Hình ảnh em làm một cô giáo, đẹp biết chừng nào.
- Không đâu, em sẽ làm công việc năng động hơn.
Tôi đưa Thúy Hà về lại nhà người bác, nói chuyện một giờ lâu, hai người mới chia tay.
- Anh nên nghĩ cho mình đi.
Trên đường một mình, tôi nghe tiếng nói và thấy hình ảnh Thúy Hà dâng lên, tràn ngập hết tâm trí. Lúc này, chắc Thúy Hà ngồi ở phòng riêng để soạn hành lý. Nỗi ước mong của tôi là được ở bên cạnh để giúp nàng.
Tôi về nhà dì Hồng ở sát khu chợ Thái Bình. Tôi ở lại đây để sáng mai đưa nàng đi.
Sau bữa ăn tối, tôi ngồi nói chuyện với gia đình người dì. Khi gợi nhớ đến làng quê cũ ngoài miền Trung, hai dì cháu yên lặng, bồi hồi. Trong đêm khuya, tôi nằm mơ thấy Thúy Hà. Hình ảnh trong giấc mơ, tôi thấy nàng tươi cười từ trên cầu thang phi cơ bước xuống, rồi hai chúng tôi đi vào một thành phố.
Khi nghe tiếng mưa đập nhẹ xuống mái tôn, tôi giật mình thức giấc. Kim đồng hồ mới chỉ ba giờ sáng. Tôi nằm nán một chút nghe mưa, rồi trở mình dậy. Với sự khẽ khàng tôi đi rửa mặt, thay quần áo, lặng lẽ rời nhà. Từ trong con hẻm, tôi bước nhanh ra đường chính và đứng đợi xe lam xuống Sài Gòn.
Tới trạm hàng không, tôi đi thẳng đến quầy cân hành lý. Không thấy Thúy Hà, tôi qua chỗ phòng đợi nhưng cũng không trông thấy nàng.
- Thúy Hà chưa tới.
Tôi nghe tiếng nói mình hơi nôn nao. Bỗng tôi lo ngại, sợ nàng để quên đồng hồ reo, hay giờ này chưa có taxi đi qua khu phố đó, thảng hoặc, người tài xế cho chạy lòng vòng nhiều nơi để tăng thêm giờ trên đồng hồ. Tôi liền đến hỏi cô tiếp viên về chuyến bay sớm nhất đi Đà Nẵng. Tôi hơi băn khoăn, lúc này hành khách tới trạm dần dần đông thêm.
Tôi trở ra phía ngoài đứng nhìn xuống lối cổng vào sân. Có một chiếc taxi đang chạy vào làm tôi chú ý, vừa ngay khi xe lọt qua cổng tôi trông thấy bàn tay Thúy Hà thò ra cửa xe vẫy vẫy thật nhanh. Tôi bổ người xuống, lao ra sân. Lúc xe ngừng, tôi đã chờ sẵn, bình tâm lại, rồi đưa tay đỡ lấy hành lý cho Thúy Hà. Trong phút giây này, tôi muốn được ôm chầm lấy người mình yêu.
Khi chiếc taxi trở ra cổng, Thúy Hà nắm tay tôi nói một giọng hơi run:
- Em sợ quá, anh ơi.
- Sao vậy? Có chuyện gì em nói đi.
- Ông tài xế này không tốt. Từ nhà tới đây đâu có gì xa, mà xe cứ chạy vòng qua nhiều chỗ lạ, lúc nào mắt ông cũng liếc vào tấm gương để nhìn em ngồi sau. Em sợ quá.
- Anh cũng có ý đó trước khi em tới. Biết vậy, anh đến nhà cùng đi với em cho yên tâm.
- Lúc trên đường đi, em cũng mong vậy.
Thúy Hà đeo vai cái túi xách bước nhanh theo tôi đi vào trạm, đến quầy cân hành lý. Đứng sau hai người khách, chúng tôi chờ đến phiên. Giờ phút này, hai chúng tôi không thể rời xa nhau. Đến lượt mình, tôi nhấc hai chiếc va li đưa qua bục gỗ cho người bên trong nhận để đặt lên bàn cân. Thực là hên, số cân vừa đủ, khỏi phải đóng tiền. Tôi nhận thẻ hành lý đưa cho Thúy Hà, hai cái để nhận, còn một buộc túi xách.
Xong việc, chúng tôi trở ra ngoài.
- Em ăn uống gì không?
- Thôi, lên máy bay có bữa ăn sáng.
- Em uống cà phê nghe.
- Em không uống nhiều đâu. Anh mua một ly thôi, em uống với anh.
Tôi cảm thấy lòng vui vô hạn liền đi tới quầy phục vụ mua một ly cà phê sữa. Cà phê đã làm sẵn, trả tiền xong tôi cầm một ly đầy trở lại với Thúy Hà. Tôi để nàng uống trước, mắt vui, nàng đón nhận. Nàng uống một hớp nóng rồi đưa lại cho tôi.
- Em uống thêm nữa đi.
- Ra ngoài băng ghế ngồi nói chuyện.
Hai người đi ra ngoài ngồi xuống băng ghế trống. Tôi uống vài hớp nhỏ, xong đưa qua cho nàng. Nàng cầm lấy, giữ hơi ấm của ly cà phê nơi lòng bàn tay trong khi tôi đốt điếu thuốc. Lúc này, trời hãy còn mờ tối.
Ngoài con đường, đèn điện chiếu sáng, những dãy phố im lìm, thỉnh thoảng có tiếng động một vài chiếc xe hàng, xích lô máy chạy qua rồi mất hút.
- Nhớ viết thư cho anh nghe.
- Em nhớ.
- Em có nói ai lên đón em không?
- Không. Vì xe ca trên phi trường về trạm đi qua nhà mình.
- Anh quên mất.
Tôi tiếp lời:
- Lên máy bay, em ráng ngủ bù một giờ.
- Em không ngủ đâu.
- Ngủ đi, cho có sức. À…, em về lại ngoài đó, rồi ba tháng nữa Duy ra trường.
- Em cám ơn anh những ngày em vào đây.
- Anh cám ơn em nhiều hơn. Cả thành phố này nữa, cho anh được gặp lại em.
Sau câu nói, tôi và nàng cùng lặng im. Tôi như không thể còn đủ sức để nói thêm gì nữa. Ít giây phút nữa thôi, tôi và nàng rời xa nhau.
- Ngày đó, chúng ta không gặp nhau thì sao nhỉ?
- Anh cũng không biết. Từ khi gặp em, anh luôn nhớ đến em, lúc ở xa, cũng như ngày gặp lại em ở nơi đây.
- Em biết, anh không quên được em.
- Nếu mà anh quên, cũng vô ích thôi, phải không?
- Có lẽ.
- Chúng ta ngồi đây, mà thấy rõ sự xa cách hơn bao giờ cả. Anh rất mong em được hạnh phúc, trọn vẹn. Rồi một ngày nào đó, anh cũng sẽ trở về tìm đến em, để thăm em.
- Anh rất tốt với em.
- Anh yêu em, em biết phải không?
Có tiếng của nàng bên tôi, rất rõ.
- Em biết chứ. Dù sao, anh cũng đã nói với em, chứ không im lặng.
Bên ngoài, ánh đèn đường phố vẫn giăng mắc qua những hàng cây. Trong yên lặng, có bàn tay Thúy Hà nằm yên trong tay tôi. Thế nhưng, tôi không chờ đợi gì khác ngoài ánh sáng một ngày sớm xuất hiện.
Từ bên trong, tiếng một cô nữ tiếp viên loan báo cho biết đã đến giờ hành khách lên xe ca để đi phi trường.
Hai người đứng dậy. Chiếc xe ca đậu giữa sân đang nổ máy. Tôi và Thúy Hà xuống bậc thềm, thong thả bước bên nhau. Rồi, tôi và nàng mở rộng vòng tay ôm nhau, nói lời từ giã.
Tôi vẫn đứng lại ở dưới sân, khi Thúy Hà lên xe. Nàng ngồi ở ghế ngoài, gần cửa.
- Chừng nào anh đi phép?
- Có thể vào giữa tháng mười.
- Anh về Huế, hay Quảng Trị.
- Anh sẽ về Đà Nẵng, thăm em ít ngày đã.
- Nhớ nghe.
- Nhớ chứ.
- Rồi, anh ra Huế sau.
- Anh cố gắng xin cho được hai tuần, mới chọn ngày đi.
- Anh về thăm, anh và em đi chơi phố.
Nàng cười khi đưa bàn tay ra cho tôi nắm giữ. Tôi giữ bàn tay nàng rất lâu đến lúc xe ca chuyển bánh rời bến.
- Nhớ viết thư cho em.
Tôi gật đầu, mắt vẫn còn cố trông theo.
Bây giờ, tôi biết Thúy Hà không còn ở Sài Gòn nữa. Nàng để lại một mình tôi với thành phố của mùa mưa và nỗi buồn tuổi trẻ. Suốt ngày hôm nay, tôi sẽ tiêu phí hết thì giờ cho vơi nguôi nỗi nhớ. Vào cơn phiêu du, nàng dẫn tôi lang thang qua nhiều con phố, hết cả buổi sáng tới trưa, rồi vào chiều.
Quán Mai Hương nằm ngay giữa phố chính Lê Lợi, nơi này luôn muốn dành riêng một chỗ ngồi, hoặc vài ba chiếc bàn ghế trống để cho những người đi xa, hay đang ở xa, nhớ Sài Gòn mong trở về, và sẽ đến ngồi ở đây để tìm lại thời tuổi trẻ của mình. Một ngày thôi thì rất thiếu, quá nhiều tháng năm ở mãi nơi đây là dư thừa. Có thể, ý tôi và bạn hòa hợp cho rằng, một tuần lễ về Sài Gòn là đẹp nhất.
Tôi không ngờ gặp lại Hạnh. Người bạn cũ nay đổi khác nhiều, có vẻ phong trần bụi bặm qua mái tóc, qua bộ quần áo trận, trên ve áo đã có bông mai rồi. Cũng thật là nhanh, từ hôm chúng tôi có một kỳ nghỉ phép đầu tiên về thăm Huế.
Người lính ở vùng biên trấn nhìn tôi, hắn ta bảo:
- Mầy chẳng có gì thay đổi cả.
Tôi vui nói với Hạnh:
- Tao sắp được đi học Sĩ quan.
- Vào Thủ Đức?
- Không. Đã muốn ở bộ binh, tao đi Thủ Đức còn trước mầy nữa.
- Vậy mầy sẽ là Sĩ quan Không quân.
- Đúng vậy. Tao xin đi học khóa phi hành.
Hạnh vỗ vai tôi:
- Le lắm nghe. Ra Pilot, lái phi cơ vận tải cho tao nhờ quá giang những lần đi phép.
Tôi cảm thấy vui vì được gặp lại Hạnh. Ở Pleiku, nơi đó là vùng biên ải, nơi đó cũng là thị trấn của những người lính.
Bên ngoài, buổi chiều thật đẹp với dòng người tấp nập, luôn nghe ồn vui những tiếng chuyện trò. Khi thấy những cô gái xuất hiện, trong quán, nhiều người đưa mắt nhìn ngắm, ngẩn ngơ. Đã lâu, tôi không gặp Huệ. Sáng nay, Thúy Hà rời Sài Gòn trở ra Đà Nẵng. Sài Gòn, thành phố đang giữ tôi lại, và nói rằng, Thúy Hà vẫn luôn nhớ đến tôi.
- Mầy ở Pleiku cũng đã lâu?
- Tao sắp được về trường Thủ Đức.
- Về đó làm cán bộ sinh viên.
- Không hẳn. Tao thuộc bên ngành Tiếp vận.
- Mong mầy được về sớm.
- Hy vọng tụi mình sẽ còn gặp lại nhau.
Hạnh trả tiền cà phê. Hai người rời quán, đi cạnh nhau một đoạn trên phố chính. Tôi hỏi:
- Đến chừng nào lên Trung úy?
- Còn lâu, mầy.
- Dù sao, hoa mai của mầy vẫn cứ nỡ đều đặn.
Hạnh cười, tay đập nhẹ qua vai người bạn.
Rồi, một mình từ bên này tôi băng theo lối đi bộ qua đường bên kia. Buổi chiều vẫn còn đẹp trong nắng ấm, đường phố vui, nhộn nhịp, và lúc nào trên phố chính này tôi cũng hay ghé những sạp bán hàng sách báo cũ. Tôi tìm sách, mua sách, đôi khi mấy tờ tạp chí cũ như thể mình luôn bị văn chương cám dỗ, hoặc do bởi tính cách ưa ghiền mùi vị giấy như ghiền mùi thuốc lá và cà phê. Kể ra, bạn có chịu khó đọc sách, mới biết mình mở rộng nhiều cánh cửa trong không gian của tư tưởng. Những cuốn sách làm bạn yêu thích trong khi đọc, luôn là một điều hay, nó còn cho bạn thêm chút tình nghĩa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Không còn biết đi đâu nữa, tôi đón xe buýt lên chợ Thái Bình để đến nhà dì Hồng. Vào con hẻm vắng, tôi bỗng dưng có cảm giác lạnh lùng.
Tiếng chuông vọng sâu, rồi Thúy xuất hiện.
- Anh gặp chị Hà chưa?
- Chị Hà nào?
- Trời, còn hỏi gặng nữa?
Anh không rõ.
- Chị Hà đến đây tìm anh.
- Anh không biết, thực tình.
- Em sẽ đưa thư cho.
Tôi vẫn ngạc nhiên, ngồi xuống chỗ ghế dựa đặt ở phòng khách. Lá thư để ở bàn trên một cuốn sách, lúc Thúy quay lại tôi nhìn cô em họ có chút dò xét. Không hỏi gì thêm, tôi mở lá thư ra đọc.
Thời tiết xấu, nửa đường phi cơ hay trở về lại Sài Gòn. Em đang ở khách sụn H. trên phố Trần Hưng Đạo, đối diện trạm hàng không.
Thúy Hà.

Tôi trở về bình thường, hỏi Thúy:
- Chị Hà tới đây lúc nào?
- Lúc gần trưa.
- Chị đến lâu không?
- Chừng nửa tiếng. Em có nói chuyện với chị.
- Thúy nói sao?
- Bộ, em hỏi chuyện với bạn gái của anh không được sao?
- Không phải. Ý anh muốn biết là chị ấy có thân tình với em không?
- Cũng dễ chịu. Em khen chị Hà đẹp, anh thấy vui không?
- Chị ấy trả lời em, sao mà lại bảo anh.
Thúy nhìn tôi, cặp mắt cười và một giọng vui hỏi:
- Anh và chị Thúy Hà là sao?
- Hai người, bạn học ngày trước.
- Chừng đó thôi, sao?
- Chừng đó, không có gì xa lạ cả.
- Có lẽ chị đang đợi anh.
- Rồi, anh sẽ đến gặp.
Như gợi nhớ ra một chuyện gì đó, Thúy nói:
- Giọng Hà Nội của chị Hà, hay quá.
- Chị có nói với em là máy bay phải trở về Sài Gòn vì thời tiết xấu.
- Có.
Thúy im lặng, khiến tôi nhắc.
- Em cứ nói đi.
- Nghe đây, chị có hỏi em về anh, về căn nhà này.
- Em trả lời sao?
- Có gì khó khăn đâu? Đây là nhà người dì của anh.
Tôi gật đầu. Trên tường, phía bên trái để dành một góc lớn treo những bức ảnh gia đình ngày trước. Lúc đó, Thúy chừng độ bốn tuổi.
- Hồi trước, anh có ở nhà dì một thời gian, Thúy nhớ không?
- Sao mà không nhớ.
- Anh nhớ em thích chơi đánh thẻ với mấy cô bạn trong xóm.
- Có cả Huê nữa, anh nhớ không.
Tôi ngạc nhiên:
- Có Huê nữa sao?
- Anh bị xúc động, mỗi lần nhắc đến tên chị ấy.
- Thực tình anh không hay. Anh vẫn cứ tưởng gia đình Huê mới đến ở sau này.
- Không đâu. Nhà trong con hẻm này có hai mươi năm nay rồi. Gia đình nào ở đây cũng biết và quen nhau hết.
Tôi đứng lên, vừa nhìn chiếc đồng hồ treo tường. Thúy hỏi:
- Bây giờ anh đến chỗ chị Hà?
- Anh đến tìm chị.
- Anh ăn uống gì chưa?
- Cám ơn Thúy. Anh không đói.
Tôi coi lại lá thư. Thúy đưa tôi ra cửa, tay kéo chốt mở.
- Anh vẫn làm việc trên Biên Hòa.
- Anh cũng sắp đi học, tôi nói.
- Tối nay, anh về đây không?
- Chắc là không. Anh gặp chị Hà, xong về nhà trọ sáng mai đi làm sớm.
- Hôm qua anh không đến, có chị Huê ở đây.
- Huê có chơi đánh bài không?
- Anh thực hay. Tới đây, không tụ hội chơi bài là Huê rất lạc lõng.
- Và, lúc này, Huê còn ghiền uống cà phê nữa.
- Bệnh tương lân với anh.
- Anh đi nghe.
- Nhanh lên, kẻo nàng chờ.
Bỗng dưng, tôi có cảm giác như mình đứng lại sau câu nói của Thúy. Có lẽ, Thúy Hà luôn đợi chờ tôi. Tôi đã là kẻ ra đi, ở xa nàng, nhưng phần nàng rất thủy chung, cậy tin, luôn tìm trong tâm hồn tôi một nơi chốn cư ngụ. Người ta hay bảo trái tim là nơi cất giấu, nhưng Thúy Hà lại hay nói với tôi về một đôi mắt.
Trên con hẻm dài và rộng những mái nhà vươn cao, ánh sáng buổi chiều mang một vẻ dịu hiền. Ra đường chính, tôi đi bộ về phía khu chợ, vụt băng qua đường lúc thấy trống xe, rồi đến chỗ trạm ngừng xe buýt.
Từ phía khu nhà thờ, xuất hiện bóng đen một bầy chim đang bay tới. Thành phố trở lại bình thường, không tỏ dấu hiệu là sẽ có mưa đến.
Hai người khách xuống khi xe buýt ghé ngừng ở trạm. Tôi bước lên, trả tiền lấy vé, xong ngồi vào chỗ ghế trống cạnh bên lối cửa lên xuống. Xe chuyển bánh, chạy nhanh một quãng rồi giảm tốc độ. Xe lại ngừng trạm kế, rồi một trạm kế nữa. Tới bến chính trông qua chợ Bến Thành, hành khách xuống hết. Có người tìm chuyến xe khác để về nhà.
Tôi đi bộ. Vào phố Trần Hưng Đạo, tôi ngước mắt tìm khách sạn H. Tôi tìm ra chỗ, lúc đẩy cửa vào văn phòng tôi chỉ thấy một cô gái đang làm việc.
- Cô là quản lý ở đây?
- Vâng.
- Tôi xin gặp bà Thúy Hà.
Cô quản lý bấm chuông, một cô gái khác đến.
- Em lên phòng 16, gặp bà Thúy Hà nói có khách đến tìm.
Cô gái bỏ đi ngay. Một lúc sau cô trở lại và mời tôi đi theo cô, khách sạn H. là một dãy nhà dài hai tầng, phòng 16 nằm ở giữa, tầng thứ nhì. Cô gái bấm chuông, Thúy Hà ra mở cửa.
Gặp lại Thúy Hà tôi đứng trân, ngơ ngác. Nàng mỉm cười, cô gái phục vụ chú ý nhìn hai người.
- Người bạn của tôi, nàng nói.
Cô gái hỏi:
- Bà cần pha trà không?
- Hay lắm. Cô cho một khay trà.
Phòng của những người phục vụ dãy lầu hai nằm ở ngay phía đầu, cạnh chỗ cầu thang. Cửa phòng 16 vẫn mở đợi người phục mang nước đến.
Tôi hỏi:
- Em ra đến đâu mới quay về lại?
- Đến Quy Nhơn. Ngoài đó, trời đang có bão.
Khi trông thấy cô gái xuất hiện, tôi ngừng nói. Và cô gái rất nhanh nhẹn, tự nhiên khi phục vụ cho khách.
Cô gái nhìn Thúy Hà hỏi:
- Bà cần gì nữa không?
- Cám ơn. Có gì cần, tôi nhấn chuông.
Vừa quay ra ngoài, cô gái khép cửa lại. Trong lúc Thúy Hà rót trà vào hai cái tách, tôi hỏi:
- Ngày mai, em đi chuyến bay mấy giờ?
- Cũng vào giờ sáng sớm.
Tôi đợi một chút cho Thúy Hà cầm tách mới mời uống.
- Ở ngoài nhà, chắc không biết em bị trễ ngày.
- Không sao, anh. Với lại, em không báo trước gì cho nhà biết cả.
- Anh quá ngạc nhiên.
Thúy Hà hỏi:
- Anh đi đâu từ sáng đến giờ.
Tôi nói trong yên lặng, bày tỏ tâm trạng sau khi Thúy Hà lên xe ca rời khỏi bến hàng không. Nơi thành phố này, Thúy Hà đi vắng rồi, tìm con đường nào tôi cũng chỉ thấy những bóng hình trơ trọi.
- Anh còn ngạc nhiên nữa không?
- Vẫn còn.
- Rồi, sẽ ra sao?
- Anh không nói được.
- Sao mà không nói được.
- Em nói đi.
Bỗng nhiên Thúy Hà đứng lên, đến bên cửa, đóng chốt. Rồi nàng trở về chỗ ngồi, đối diện với người bạn.
- Anh cần em nói gì.
- Nói với anh…, lúc nào nghe được tiếng nói của em là anh mừng, được gặp.
- Anh mừng lắm, phải không?
- Anh mừng lắm.
- Em cũng mừng như anh.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Tôi cảm thấy yên tâm, không bồn chồn nữa. Hai người yên lặng, rất là muốn yên lặng trong lúc này.
Anh muốn ra phố đi chơi không? - Tùy em.
Thúy Hà vào bên trong thay quần áo. Một lúc sau nàng trở ra, đứng rất gần tôi xuất hiện một dáng vẻ quen thuộc, chiếc áo dài nâu, mái tóc phủ bờ vai, và đôi mắt rất sáng, thật là tình tứ.
Nàng để yên cho tôi nắm tay nàng. Tôi nói rất nhỏ cho nàng hay, nàng có một hình ảnh khác nữa, vẻ đẹp gợi cảm của nàng làm tôi chết đứng, buổi chiều hôm đó từ trường Thủ Đức trở về trên chuyến xe lam hai người ngồi bên nhau. Nàng khóc, tiếng khóc thổn thức. Thế nhưng, bên nàng, tôi bỗng nhận ra trước mắt mình là một đồi cỏ, màu xanh của cảnh hoang vắng, và nơi đây bạn chỉ thấy có hay người đang đuổi nhau chạy, rồi, nàng vấp ngã lúc tôi kéo tay nàng, từ những âm thanh nhỏ như những giọt nước mưa trong tiếng cười khúc khích của nàng, đột nhiên nghe thật lớn, ồ ạt, nhưng sau đó cả hai cùng yên lặng, cùng chỉ nghe rất gấp những hơi thở, dần dần nàng đuối sức, còn tôi cũng rã rời, nguôi lịm đi.
Bây giờ, một cảnh phim mới rất là sống. Tôi hỏi:
- Em còn nhớ không?
- Không, em đã quên.
- Anh không cho em cười, nói gì nữa hết.
Trên cặp mắt nhỏ bé xinh đẹp, ánh sáng nụ cười tỏa rộng ra như quần áo của nàng vừa mới buông thả xuống hết.
Lên giường, tôi vồ vập, tham lam như con thú. Nàng không cất nổi tiếng cười cho bùng vỡ phút giây điên loạn, nàng cũng không khóc, nhưng trong sự đau đớn nàng thèm được nghe tiếng mình la hét.
Rồi nàng ngồi trở dậy, nói nhỏ với tôi:
- Em mệt quá.
- Anh cũng mệt như em.
- Anh gắng ngồi thẳng người lên.
Tôi nghe lời nàng. Nàng đã cúi gục xuống, dựa đầu lên vai tôi.
- Anh đừng quên em, đừng bỏ rơi em.
- Em mệt, mê sảng rồi đó.
- Mấy giờ rồi anh?
- Bên ngoài, trời đã tối.
Khi nghe tiếng mưa đập ngoài cánh cửa, hai người mới thực sự bừng tỉnh.
- Em đói rồi, đưa em đi ăn.
Hình ảnh nàng qua chiếc áo dài nâu, đã nhắc tôi nhớ lại thời đi học, nhớ lại buổi đầu tiên gặp nàng ở lớp. Và, bây giờ, nàng trở thành người thiếu phụ. Nàng đang ở bên tôi, và thực sự tôi không cần thiết mong mỏi nàng bày tỏ những điều gì khác với tôi, hoặc là nàng.
Khi ra khỏi giường, toàn thân nàng để lộ hết mọi thứ ánh sáng. Tôi muốn nàng lặng yên, đứng đó, không dời bước nữa. Từng lượt một, tôi mặc lại đủ tất cả quần áo của nàng.
Hai người rời khách sạn, xuống dưới đường trong lúc trời mưa nặng hạt. Chiếc taxi đưa họ đến một quán cơm của người Hà Nội ở trên đường Gia Long, gần chỗ ngã sáu.
Mưa chóng tạnh, lúc xe vừa ngừng trước tiệm ăn. Hương vị của Sài Gòn trong mưa, cả trong đêm nữa như mang nỗi nhớ nhà. Trong quán, giờ này bắt đầu thêm đông khách. Bữa ăn ngon miệng, vì hai người đang đói. Và, họ không kéo dài thời gian lâu khi có nhiều khách ăn chung quanh.
Ra ngoài, hai người tản bộ tìm tiệm đến cà phê. Bỗng tôi nghe tiêng nàng nói:
- Em và Duy sẽ bỏ nhau.
Tôi im lặng. Một giọng nói hơi lạ, chợt bật ra những tiếng cười. Nàng vẫn để bàn tay mình trong bàn tay của người bạn.
- Anh có tính nhảy vào không?
- Không.
Trong hương đêm đang khơi dậy thơm mùi vị của nước mưa đọng và cây lá ướt át tôi cố sắp xếp một đoạn văn mà lúc này tôi chợt nhớ nghĩ đến kỳ lễ Phục Sinh đã qua rồi, trong năm học đó.
Buổi chiều, lúc tôi đến nhà Thúy Hà nhưng không thấy có Duy. Duy vẫn còn đang ở Huế. Tôi luôn nghĩ nhiều đến Duy khi tôi được gặp Thúy Hà. Từ buổi đầu quen nàng, sau đó là Duy, tôi vẫn luôn xét đoán mình với một sự tự tin thật xác đáng. Khi ở bên cạnh Thúy Hà, tôi coi nàng là của mình. Buổi chiều ấy tôi ở chơi nhà Thúy Hà, trên căn gác với nàng, ngắm một bức tranh khỏa thân của nàng vẽ, rất là giống nàng qua sự hiển hiện chính nàng trước mắt tôi bằng xương thịt. Một cảnh phim quá tuyệt vời. Nàng bảo tôi im lặng, tuyệt đối im lặng. Đứng xa tôi một chút, mỗi cử chỉ, mỗi dáng dấp lúc nàng thả cho quần áo vừa cởi bỏ rơi xuống, tôi càng thấy mình ngơ dại trong một cảm giác hết sức ngột ngạt, căng đầy trong lòng ngực do bị hơi thở dồn ép. Khi vẽ xong bức tranh, nàng cho tôi tới gần. Và tôi nhẹ bước, rồi lặng lẽ quỳ xuống, mắt chăm chú vào một cánh hoa và đã nhìn nó thật lâu, rất lâu, vẫn thấy cánh hoa bất động, vẫn thấy nó không nghiêng mình, cũng không nghe nữa tiếng động lào xào của những ngọn gió. Đến lúc, tôi áp môi vào cánh hoa, hai tay nàng buông xuống, vừa nhẹ và chắc chắn, nàng nắm giữ vai tôi mỗi lúc chặt hơn để tôi đừng bị run rẩy, té ngã.
Ngày hôm sau, tôi ra Huế. Tôi có hai tuần lễ nghĩ Phục Sinh về với gia đình. Suốt lộ trình xe chạy, tôi nhớ nghĩ đến Liên An đã cho tôi một tình yêu thương quý giá vô ngần. Liên An như là một thành phố nhỏ bé trong linh hồn của Huế, nhớ tới cô em gái, tôi như đang ngửi thấy mùi vị thơm của cây trái hòa dịu với nắng, đó cũng là lúc, mùa hạ sắp về tới.
Vừa xuống bến xe ở phố chính bên chợ Đông Ba, sự tình cờ tôi gặp Duy. Một người lên tiếng hỏi:
- Anh cũng nghỉ Phục Sinh hai tuần.
- Không, ít ngày thôi. Anh có đến nhà Thúy Hà không?
- Có, chiều hôm qua.
- Ngoài này, nhà anh ở đâu?
- Ở gần nhà ga, đường Trần Cao Vân.
Người tài xế lên tiếng báo cho hành khách biết xe sắp chạy. Duy vội vàng bắt tay, vừa nghe tôi nói:
- Nhớ lên nhà tôi nghe.
- Dứt khoát.
Duy trở ra Huế sau mấy ngày vào Đà Nẵng với gia đình. Anh tìm đến nhà tôi, rủ đi uống cà phê. Hai người đến quán bằng xe đạp. Quán nằm trong khu thành nội, rất đông khách vào buổi chiều và tối.
Duy hút thuốc đã lâu, nhưng cái vẻ ngập ngừng trên ngón tay trông anh như mới bắt đầu tập hút.
- Về với Thúy Hà vui không?
- Tôi và cô có đi Hội An.
- Đi trong ngày.
- Ờ, đi biển Cửa Đại.
- Có ăn mì Quảng hay cao lầu trong đó không?
- Sao mà thiếu được.
- Cà phê đây uống cũng được.
- Anh học cùng chung lớp với Thúy Hà?
- Cùng lớp, khác ban.
Duy nói:
- Năm nay mà thi rớt, tôi bị kêu đi Thủ Đức.
- Còn tôi rớt, số phận thảm hơn anh. - Có gì bi quan vậy.
- Thực mà. Tôi rớt, chỉ có đi hạ sĩ quan.
- Thời chiến tranh, quan hay lính có hơn gì nhau.
- Cũng khác chứ. Anh ra trường sĩ quan, mau chóng lên lon.
- Tôi vẫn thích đi dạy học, tốt hơn.
- Anh có thi vào trường Sư phạm không?
- Có, nhưng không đậu nổi.
Ngồi lâu chừng một tiếng, thấy trời đẹp hai bạn rủ nhau đi chơi phố. Duy trả tiền cà phê. Rời quán, chúng tôi đạp xe chầm chậm trên những con đường nhỏ, yên tĩnh trong nội thành.
- Anh quen với Thúy Hà lâu chưa?
- Cô ấy, không kể hết chuyện cho anh nghe sao?
- Không, về anh. Những lúc chuyện trò, cô hay nói về miền Bắc, về tỉnh Quảng Trị hồi gia đình mới đến trong những năm đầu di cư.
Một giọng bình thản, Duy nói:
- Trước đây, cô đang là bồ với người bạn của tôi.
- Rồi, sao mà rớt nhanh vào tay anh?
- Tôi giấu biệt thư đứa bạn gởi, không đưa.
- Chắc anh đánh cờ hay lắm?
- Anh chơi cờ, khá không?
- Biết thôi. Người bạn anh nay ở đâu?
- Trốn ra bưng rồi.
- Trong biến cố nào.
- Thời đấu tranh ông Diệm.
- Anh còn biết tin tức không?
- Không.
- Thực sự, anh quen với Thúy Hà ra sao tôi biết rõ.
- Tôi cũng nghĩ vậy?
- Rồi phần tôi, thì sao?
- Anh đang trồng cây si trước nhà nàng?
- Anh có thấy cây tôi trồng ra trái không?
- Không.
- Anh đừng chủ quan.
- Anh mà yêu nàng, ngày đêm chỉ có tương tư thôi.
- Nàng là một cô gái rất cởi mở.
- Chưa đủ.
- Rất là quyến rũ. Trên cặp mắt nàng, có sức hút của nam châm, lạ lùng lắm.
Duy cười thật sảng khoái. Hãy nên yêu kẻ khác như là mình vậy. Tôi cũng chẳng ngán, sẵn sàng đáp trả ngay nếu Duy có ngầm ý hoặc dễ coi thường bạn. Nhưng Duy vẫn rất thẳng thắn, lại còn hiểu cả mối liên hệ tình cảm giữa tôi và Thúy Hà không giấu diếm. Và, cũng chẳng cần tôi phân bua, Duy biết, gia đình nàng còn coi tôi như là người con nuôi quý trọng, đến sau này anh cũng phải phục tòng.
- Bây giờ, anh lên nhà tôi chơi.
- Anh đến nhà tôi trước, xong chơi thử một ván cờ.
- Hay lắm.
Nhà Duy ở đường Âm Hồn. Về tới nhà, xe đạp của Duy và tôi cùng dựng bên hàng hiên. Bà chủ nhà đang ăn trầu, tôi lên tiếng chào.
- Anh ở đây lâu chưa?
- Từ ngày ra Huế học.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Căn nhà rộng rãi, thoáng đãng. Phía trông ra đường có mái hiên, cái bàn vuông để trống. Sau lưng nhà là căn vườn. Tôi chỉ đứng bên ngoài cửa trông qua không vào phòng riêng chỗ của bạn thuê ở. Một lát sau Duy đem bàn cờ ra, hai người tới chỗ có bàn vuông đặt dưới bóng cây.
- Gia đình ở ngoài này, sao anh học ở Đà Nẵng?
- Tôi vào trong đó ở với bà dì.
- À, ở Đà Nẵng anh có nhà quen.
Duy nhường cho tôi đi trước. Sau vài nước ra quân, tôi biết Duy đánh cao hơn mình. Trong lúc chơi cờ tôi nhớ đến Liên An. Kim Ly rất dễ thương, cô gái cũng thực sự rung động về cái tên Liên An mà tôi gọi riêng cho nàng. Không biết, anh ấy mơ mộng về một ai đó hay qua hình ảnh một cánh đồng cỏ của xứ người du mục, anh nghĩ ngay đến một cái tên dành cho cô trong văn chương. Từ một buổi trưa hè năm ấy, anh nhớ bóng dáng cô ngồi giặt áo bên bến sông. Và, trong câu chuyện hai người, cô chỉ nói về một dòng sông.
Một hôm đó, anh hỏi cô về những ngày tháng hè của nhiều năm trước, ánh mắt cô ngước lên nhìn anh rất lâu.
Duy đưa con ngựa qua sông, phía bên trái. Một cây diêm bật sáng, Duy châm điếu thuốc.
- Thúy Hà rất cởi mở, nàng hay nhắc đến anh luôn.
Tôi đáp lời:
- Lúc này nàng chưa là vợ anh nên chúng ta còn chơi cờ được.
Nhìn lại tôi, người bạn nói:
- Tôi đã gắn bó với nàng, nhưng tuổi trẻ không quá nên lụy vì tình. Còn phải nghĩ cuộc sống thực tế nữa.
- Anh nói đúng. Và, anh đừng bắt nàng chờ đợi quá lâu.
- Nàng vẫn là thế, anh ạ.
- Anh nói sao?
- Không chừng, tôi sẽ thua anh.
Tôi cười.
- Anh đánh cờ hay lắm. Tôi không thắng nổi anh đâu.
- Đây chỉ là chơi giải trí thôi. Thực sự, tôi là con bạc. Trong đỏ đen, có lúc tôi không vực dậy nổi.
- Anh là một người hiền, rất tốt.
- Tôi cũng rất thích cuộc đời có đôi chút tiểu thuyết.
Tối hôm ấy trời có trăng. Hai người bạn vẫn nghĩ những chuyện riêng của mình nói ra chưa hết. Vậy nên, tôi đưa Duy ra ngoại ô, vào một quán ăn bình dân. Sau bữa ăn, tôi trả tiền.
Hết kỳ lễ Phục Sinh, tôi trở vào Đà Nẵng. Sau năm học đó, Phục Sinh không còn là mùa lễ kéo dài lâu đến hai tuần nữa.
Đó là câu chuyện cũ, Thúy Hà vừa nghe tôi kể. Nàng nói:
- Em và Duy, rồi cũng đến lúc tan vỡ.
- Nhưng lý do nào, em và Duy hay gây gổ nhau.
- Em không chịu nổi phía bên gia đình của Duy.
- Có một người chị trong đó, phải không.
- Bà chị của Duy, lúc nào cũng chống đối em.
- Còn Duy, không bảo vệ cho em sao?
- Không, anh ta sợ.
Tôi nói:
- Anh chờ đợi em, lâu đến bao nhiêu năm anh vẫn luôn nghĩ là có em.
- Tùy anh thôi, nàng nói.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

II

Lúc mười hai giờ trưa, phi cơ đến Đà Nẵng. Từ trạm tiếp liên có xe thồ và xe lam đưa khách ra phố, còn tôi quá giang được xe một người quen đến thẳng nhà Thúy Hà.
Vừa thấy tôi xuất hiện cả nhà ngạc nhiên, mừng rỡ, các em đến nắm lấy tay tôi thật cảm động.
Nàng hỏi:
- Anh về phép lâu không?
- Anh có được hai tuần.
Tôi không thể giấu được niềm ước ao khi gặp lại Thúy Hà. Trong ánh mắt nàng, bóng dáng tôi bất động, đã in lên đó.
- Cậu ra ngoài nhà chưa?
- Dạ chưa.
- Anh ở lại chơi với gia đình em ít ngày.
Tôi kéo chiếc ghế ngồi, cảm giác thật nhẹ nhõm. Cả nhà đông đủ, mỗi người hỏi tôi một đôi câu. Tôi nghe rõ tiếng nói nhất là nhớ rất lâu từng âm sắc của Thúy Hà.
Có khách vào mua hàng, bà Uyên đứng lên đi ra quầy, trong thoáng nhìn, tôi quan sát cửa hiệu nước hoa của gia đình thấy nó thật mới mẻ. Hai tủ kính bày những loại hàng mẫu nhỏ nhắn, đẹp mắt. Ở phía ngoài, có một tủ kính bày bán thuốc lá, bật lửa, đồ trang sức.
Từ khuôn mặt và trên cánh tay để trần của Thúy Hà dâng lên một màu sáng dịu, mùi hương như mưa bụi.
Tôi bỗng nghe giọng vui của nàng:
- Anh lúc nãy mập ra.
- Em đi làm chưa?
- Em sắp có việc làm rồi, tuần tới bắt đầu.
- Dạy học phải không?
- Nghề đó, nghèo lắm.
- Anh biết, việc gì em cũng làm được.
Tiếng ông Kha:
- Em Hà làm cho cửa hàng PX.
Tôi nhìn qua Thúy Hà, đôi mắt nhỏ bé của nàng đang thắp sáng.
- Trưa rồi, mình đóng cửa em ạ.
- Vâng.
Bà Uyên mở hai sợi dây buộc, bức màn sáo buông xuống. Hai cánh cửa vẫn mở, lúc này, cả gia đình chuẩn bị ăn trưa.
Khi người giúp việc dọn cơm lên, tôi không thấy chị Trà. Bà Uyên nói:
- Mấy người giúp việc trước lúc cậu còn ở đây, họ về quê rồi. Người này, cũng là ở Quảng Trị.
Quanh chiếc bàn tròn, gia đình ngồi ăn. Tôi ngồi cạnh Thúy Hà và mấy em nàng. Nhìn Hân, tôi hỏi:
- Em học lớp mấy rồi?
- Đệ Lục, anh.
Tôi ngắm cô bé bắt đầu để tóc thiếu nữ, giọng vui tôi mở lời:
- Nhớ thời đi học em mặc chiếc áo đầm, cứ lúp xúp theo bên chị Thúy Hà.
- Nay em đã lớn rồi đây.
- Xinh nữa.
- Em, không dám đâu.
- Anh Thụy lúc này có viết truyện nữa không?
- Có, nhưng không nhiều lắm.
- Anh có mang những truyện đăng báo về không?
- Có.
Ông Kha hỏi tôi:
- Cậu ở lính, thăng được cấp gì rồi?
- Thưa hai bác, cháu sắp đi học Sĩ quan.
- Cậu không ở Không quân nữa sao?
- Dạ, vẫn ở Không Quân, cháu xin học về hoa tiêu.
- Vậy là cậu lên cấp Sĩ quan rồi.
- Cháu mới được giấy gọi đi học. Giờ đang là khóa sinh.
- Hoa tiêu là làm phi công phải không anh?
- Đúng rồi, em.
- Vậy là anh học lái máy bay.
- Đúng rồi.
- Anh đã lái được chưa?
- Chưa. Anh mới có giấy gọi về đi học.
Cả nhà nghe tôi kể chuyện của mình. Thúy Hà nói:
- Anh đi qua Mỹ học, có gì vui bằng.
- Chừng nào đi, anh Thụy?
- Anh chưa biết. Giờ anh đang chờ khóa học Anh ngữ.
Tôi đã có được một ngày vui với gia đình người bạn gái. Tới đầu giờ buổi chiều, các em đi học. Rồi ông bà Kha cũng đi thăm gia đình một người bạn mới từ Quy Nhơn ra. Trước khi đi ông cho tôi hay, người bạn này trước đây trong quân ngũ ở cùng đơn vị với ông. Xa nhau từ sau ngày đình chiến, nay mới bắt được tin tức.
Tôi ở nhà với Thúy Hà trông coi cửa hiệu.
- Anh Duy sao không về?
- Anh đang ở Quảng Tín.
- Làm việc trong đó.
Thúy Hà nhìn tôi nói:
- Từ ngày anh Duy ra đơn vị, hư hỏng lắm.
- Sao vậy? Có chuyện buồn, em nói cho anh biết đi.
- Em buồn lắm.
Người khách đến mua gói thuốc lá. Thúy Hà bỏ dở câu chuyện đứng lên đi ra bán hàng. Khi trở vào, cô đưa cho tôi gói thuốc Pall Mall.
- Anh có đây rồi.
- Anh giữ lấy mà hút.
Tôi đốt điếu thuốc, giọng trầm lặng nói:
- Lúc nhận được thư em, anh thấy lo lắng. Từ ngày ấy đến nay, anh chỉ ước mong em có cuộc sống dễ chịu.
- Anh Duy sa vào cờ bạc, em không nói nổi nữa.
Khi bắt gặp thấy đôi mắt, tôi và nàng nhìn nhau rất lâu. Tôi hỏi:
- Nơi em sắp làm việc là ở đâu?
- Em làm trên phi trường Đà Nẵng.
- Có việc làm, em sẽ bớt phiền muộn.
- Em chán lắm, đôi khi ân hận cho đời mình.
- Em nên nói rõ cho Duy biết.
- Anh ấy chỉ biết con bạc. Anh đánh thua sạch, con người anh không còn tư cách gì nữa.
Tôi dụi tắt mẩu thuốc lá vào chiếc gạt tàn, cầm tách trà đưa lên miệng uống một hớp dầy.
- Anh ăn gì không?
- Không, anh không đói.
- Em gọi cà phê cho anh nghe.
- Anh uống trà được rồi. Có được dịp về phép thăm em, lòng anh vui.
- Anh qua Mỹ học lâu không?
- Cũng đến hai năm.
- Sao, anh đã có cô Phượng nào chưa?
- Em đã đọc cuốn truyện ấy rồi.
- Có. Em rất thích.
- Vậy mà em lại không làm cô Phượng cho những chàng phi công.
- Ở xa, viết thư cho em, anh phải viết hay như những lá thư trong cuốn sách.
- Anh không chắc mình viết hay, nhưng thành thực.
- Những thư anh viết gởi cho em hẳn còn đó.
- Anh cũng giữ những thư của em, và bao nhiêu tấm ảnh của em cùng gia đình.
- Anh đã khởi sự viết cuốn sách chưa?
- Chưa, nhưng anh rất nhớ những lời em nói, và căn dặn.
- Anh nên viết cho đời mình một cuốn sách.
- Về ngoài này, em nhớ Sài Gòn không?
- Rất là nhớ.
- Sài Gòn vẫn còn mưa. Những ngày mưa nhắc anh nhớ đến em hơn hết. Bây giờ đây, bao nhiêu hình ảnh cũ của em vẫn còn trong đó. Sài Gòn, cứ về chiều trời lại mưa, nhắc anh nhớ tên em, nhớ đến từng bóng dáng của em.
Nàng nghe tôi nói, chỉ im lặng. Một lúc, tôi nghe rõ tiếng của nàng:
- Em nhớ đến anh luôn.
Ở chơi với gia đình Thúy Hà trong hai ngày, mà tưởng như lâu lắm. Buổi sáng sớm, điểm tâm xong, tôi chào từ giã cả nhà để ra Huế thăm gia đình tôi.
Thúy Hà theo chân, đi với tôi một quãng ra con đường lên bến xe lam đậu.
- Anh có trở vào Đà Nẵng nữa không?
- Không, hết phép, anh đi luôn từ Huế.
- Nhớ viết thư cho em.
- Anh nhớ luôn.
Một giọng vui, nàng hỏi:
- Anh sắp đi Mỹ, mơ mộng gì không?
Với giọng điềm nhiên, tôi đáp lời:
- Anh vẫn còn lo lắng qua từng giai đoạn. Khó nhất với anh, là học Anh ngữ.
- Mình học ở bên đây mới đi.
- Đúng đó em. Nhưng qua tới Mỹ cũng còn phải thi trắc nghiệm nữa.
- Anh đừng lo lắng quá.
- Cám ơn em.
Khi từ giã, nàng đưa tay cho tôi nắm giữ một lúc. Chiếc xe lam vừa lăn bánh, tôi ngoái đầu nhìn thấy nàng đứng vẫy tay, thật là một nỗi nhớ da diết, u buồn. Tôi vẫn mãi nhớ đến nàng, đến những ngày ở Sài Gòn. Thời gian cũng đã qua nhanh. Rồi đời lính nói với tôi rằng, năm nay, bạn hai mươi lăm tuổi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Bến xe đi Huế nằm ở đường Hùng Vương. Tôi lên xe Phi Long, xe còn trống, mới có vài hành khách. Tôi để túi xách lên giá, xong ngồi xuống. Bỗng dưng, tôi có cảm giác trống trải lạ thường.
Một lúc sau, có thêm khá nhiều khách tới tìm xe. Thằng lơ đón mời họ lên những dãy ghế trước, vừa cho biết, chừng ba mươi phút nữa là xe chạy. Người tài xế đứng ở ngoài, dáng nặng nề, anh ta đang hút thuốc. Bà chủ xe mặc bộ quần áo bà ba màu đất, bên vai đeo cái túi xách lớn.
Tôi không ngồi lâu, vội đứng lên mở lối cửa hông đi xuống rồi tìm đến quán cà phê. Tôi gọi ly cà phê đen nóng. Không quá một phút đứa nhỏ mang cà phê ra, vừa bỏ xuống bàn, nó hỏi có lấy thuốc hút, tôi đáp không.
Với hai muỗng đường cho vào cà phê, tôi khuấy nhẹ, hẳn còn nóng nhưng tôi đưa lên miệng làm một hớp đầy để đốt điếu thuốc.
Nắng buổi sáng thật dễ chịu. Bến xe ồn ào, quanh bến khá nhiều xe đậu và đông khách chờ, còn những người bán quà rong, bán báo dạo đi mời mọc, vừa cất tiếng rao.
Khói thuốc trườn lên từng sợi mỏng dần ngả màu tím. Tôi là người lính trở về phép, hai ngày qua, đối với Thúy Hà cũng như gia đình nàng, tôi được coi như là người thân.
Cà phê mau nguội, nhưng tôi cứ uống chậm. Ngồi ở quán, tôi chú ý nhìn cảnh sinh hoạt buổi sáng ở bến xe, có lúc, tôi nhớ nghĩ nhiều đến Huê, có lúc, tôi trông thấy bóng dáng mình vào một năm ấy đã tìm đến thành phố này, rồi tôi trở về Sài Gòn, nơi thành phố đó bây giờ tôi đang vắng mặt.
Hành khách tới xe khá đông. Bỗng nhiên, một bóng chiếc áo dài tím xuất hiện làm tôi ngỡ ngàng. Nàng đứng quay lưng nên tôi không nhìn được rõ khuôn mặt, nhưng qua áo tím, và cái dáng thật uyển chuyển trong mỗi bước đi, tôi hình dung ra được một vẻ đẹp của nàng.
Bỗng tiếng thằng lơ xe cất lên:
- Mời quý cô bác lên xe.
Vội vàng đứng dậy, trả tiền cà phê xong tôi trở lại xe mở cửa hông bước lên.
Tôi bắt gặp cái nhìn của cô gái. Tôi với cao tay để mở cái túi ngoài lấy mấy tờ báo xuống, chút nữa đọc giết thì giờ lúc xe chạy.
Khi yên vị chỗ, lòng mình thấy vui, ngay lúc này đây tôi phác vẽ được bức chân dung cho nàng bằng một màu rất nhạt của chiếc áo tím. Nàng là một dĩ vãng đẹp, nhắc tôi nhớ nghĩ đến một thành phố của thời niên thiếu. Nàng có khuôn mặt trái soan, mái tóc không dài lắm, thả xuống chỉ tới gần vai, và nàng có một đôi mắt nhung vời vợi, đẹp vô cùng. Ngày xa đó, một cô bạn gái tôi quen có gương mặt và rất nhiều nét quen thuộc như nàng.
Xe rời bến. Tôi nhìn ra cửa, thấy quang cảnh khu phố quanh bến xe mau biến dạng, chỗ này khuất, chỗ kia hiện và sau khi chạy lướt một vòng bến, xe tiến ra ngoài phía cổng. Dừng lại ở đó đợi, ít phút sau xe mới rẽ trái vào đường lớn của phố chính. Khu phố chính thật đông đúc, ồn ào, xe trên đường, và người đi qua lại tấp nập.
Trong giây nghỉ phép, tôi có được mười lăm ngày. Chiều hôm qua, tôi đi chơi phố một mình. Sau khi ghé nhà sách Lam Sơn trở ra, tôi bỗng muốn đi tìm nhà cô Phượng Nga. Không biết cô ở phố nào, nhưng cũng mong tìm nên tôi cứ lang thang qua nhiều dãy phố, tình cờ tôi buột miệng hỏi một vài người qua đường, nhưng rồi, không có ai hay biết cả.
Xe ghé vào trạm kiểm soát ở Nam Ô. Viên cảnh sát không để mắt vào giấy tờ anh tài xế đem trình, mà chỉ quan sát từ phía bên ngoài vào đến trong xe. Rồi anh ta bước chậm, miệng nhẩm đếm lúc nhìn qua từng hàng ghế hành khách trong xe.
Một lúc sau anh ta chỉ tay lên trần, hỏi:
- Gì trên đó?
- Hàng hóa thường thôi xếp.
- Còn gì nữa không?
- Không.
Tôi để ý vẻ mặt lo ngại của anh tài xế. Chắc là có chuyện không ổn với những người đi buôn. Bỗng nhiên, viên cảnh sát tới bên cửa hông ngay ghế tôi ngồi, đu người đứng trên bậc cao của thanh sắt một tay dỡ tấm bạt, vừa lục lọi tìm từng bao hàng. Cũng khá lâu, anh ta mới nhảy xuống.
Người tài xế theo viên cảnh sát vào trạm. Trong xe, hành khách kiên nhẫn chờ. Tôi mở tờ báo ra đọc. Tôi bỗng thấy mình phân vân, do dự. Bên tôi, cô gái ngồi im. Và, tôi ngừng đọc lúc người tài xế trở ra xe.
Sau khi đóng lại cánh cửa, xe nổ máy rồi lăn bánh. Từ trạm, nhìn lên phía trước, núi và con đèo hẳn còn xa nhưng vẫn trông thấy hình dáng của nó trong mây và sương mù bao phủ.
Tôi quay sang nghe tiếng cô gái hỏi. Vừa đưa qua cho cô tờ báo, tôi nói:
- Báo cũ nghe cô.
- Không sao.
Tôi cảm thấy bên mình có được người khách thân thiện. Đường tốt, xe chạy êm. Ở hàng ghế trên, có hai người công chức nói chuyện, nghe một giọng từ tốn. Không biết, kỳ nghỉ phép này tôi có được gặp ba tôi. Gia đình tôi ở nhiều nơi, chính yếu ba tôi ở Sài Gòn làm việc tại Bộ xã hội và thường đi công tác luôn.
Khi quay sang bên cô gái, bất ngờ tôi trông thấy cô đang chăm chú đọc trên trang văn nghệ có đăng truyện ngắn của tôi.
Xe đang lên con dốc đầu tiên của đường đèo. Tôi nhìn thấy núi qua từng tảng đá chênh vênh và nghe tiếng nước suối chảy. Phía bên kia trong nắng, tôi cũng nhìn thấy rõ mặt biển lóa sáng, trên biển có bóng dáng vài con tàu đang di chuyển ra ngoài khơi.
Lên đèo theo triền núi, nhiều vòng cua, nhiều lối đổ dốc, nhưng xe vẫn chạy êm không bị nhồi xóc. Hải Vân, tên con đèo nghe dễ thương như tên người con gái. Lúc này, tôi thực sự rung dộng đi tìm nguồn thi hứng, nhưng không sáng tác, tự dưng trong tâm hồn dào dạt, dậy lên những câu thơ, còn nhớ thuộc.
Cùng với núi, tiếng suối chảy, khói sương mù dâng lên bàng bạc. Với một chút cảm khái, tôi khẽ ngâm:
Bỗng dưng buồn bã không gian
Mây giăng lũng thấp một màn âm u
Nai cao gót lẩn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về

Hải Vân ơi, hãy để cho ta nghe tiếng gọi thầm như thể đó là tiếng của nàng.
- Anh Thụy ạ, em luôn hiểu anh.
- Anh cũng có ý nghĩ như em.
Bên dưới này nhìn lên, tôi đã trông thấy trạm ngừng của đỉnh đèo xuất hiện. Có vài chiếc xe đến sớm vừa ngừng đỗ khách trên đó.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Cô gái đã coi xong truyện ngắn đăng ở trang văn nghệ. Lúc cô lật qua trang khác, một giọng thân tình tôi hỏi:
- Cô đang dạy học ở Huế?
Với nụ cười trên ánh mắt, nhìn qua tôi, cô đáp:
- Không, tôi đang còn học.
- Tôi được về phép thăm nhà.
- Ồng đang ở trong quân đội?
- Vâng.
- Ông xa Huế lâu chưa?
- Cũng mấy năm rồi cô. Tôi luôn ở xa gia đình và sống một mình.
- Tôi học chính bên Mỹ Thuật, còn ở Văn Khoa mới là năm đầu.
- Bên Mỹ Thuật cô học sắp xong chưa?
- Vừa mới xong năm cuối.
- Tôi có một người quen học ở trường Mỹ Thuật. Thực ra, cô ấy là bạn gái của anh tôi.
- Ai đó?, nàng hỏi tôi.
- Cô bạn gái anh tôi tên là Phượng Nga.
Một nụ cười rất vui trên cặp mắt, cô gái nói:
- Ở trường Mỹ Thuật có rất ít nữ sinh viên.
Tôi và cô gái bắt đầu thân tình với nhau trong câu chuyện.
- Tôi chưa gặp, chỉ đọc thư nhà nghe nói tới người bạn gái của anh mình thôi. Cô gái người xứ Quảng, ra Huế học về ngành Mỹ Thuật. Một kỳ nghỉ phép đầu tiên về thăm nhà tôi không gặp, em gái tôi nói, chị ấy về gia đình nghỉ hè.
- Vậy là ông chưa gặp lần nào cả?
- Chưa. Nhưng tôi có nhận được thư. Từ ngày ấy, trong tôi luôn có một sự hình dung, đến bây giờ, hình ảnh mường tượng về cô gái vẫn đẹp, không mất đi một nét nào.
- Người anh của ông có ở trong quân đội không?
- Có. Anh tôi là Sĩ quan, vừa mới thăng cấp Đại úy.
- Ông thì sao?
Tôi thì rất tầm thường. Tôi là lính bên binh chủng Không quân, nhưng ở thành phố cũng nhàn.
- Ông được về phép lâu không?
- Mười lăm ngày cô?
- Hôm nay là ngày đầu?
- Cũng qua hai ngày rồi.
Nắng rực sáng bên lưng đèo thật là đẹp. Ở phía trước cũng như sau, các đoàn xe nối đuôi nhau chạy. Và mỗi quãng đèo, cảnh vật trở nên đẹp, tươi lên giữa màu nắng.
Tôi hỏi:
- Cô đã có dự cuộc triển lãm nào chưa?
- Cũng có một vài lần vào những kỳ lễ hội hay dịp Tết.
Một giọng thân tình, tôi nói với cô gái:
- Ngày đó, anh tôi chẳng gặp duyên may thi cử. Anh ấy thi đậu viết ở trường Sư phạm, nhưng vào vấn đáp lại rớt. Ở trường Văn khoa, năm Dự bị anh cũng đậu viết, nhưng cũng rớt vấn đáp.
Cô gái nhìn qua tôi, mắt cô có một nụ cười hiền dịu. Một chút sau, cô lật trang báo, xong đưa ra một truyện ngắn trong đó hỏi:
- Truyện ngắn này ông viết phải không?
- Đúng đấy. Sao cô đoán hay vậy?
Một niềm vui nhỏ, tôi nghe cô nói:
- Tôi biết hết chuyện ông kể.
- Nghĩ là thân tình trong chuyến đi, tôi kể cô nghe thôi.
- Tôi hiểu.
Xe đã lên tới đỉnh đèo đang tìm chỗ đậu để nghỉ. Hai người ngừng chuyện, rồi cùng hành khách xuống xe. Bãi đợi đổ đèo xe đến rất đông, các hàng quán tấp nập.
Bên tôi, vẫn còn bóng cô gái. Từ đỉnh đèo cao nhìn xuống biển, cảnh trí rất là thơ mộng bỗng tôi thốt ra lời về điều mình nghĩ.
Cô gái hỏi:
- Hồi trước ông có học ở Đà Nẵng không?
- Có, cô. Tôi có học một năm ở trường Sao Mai.
- Cô gái ông viết trong truyện là nguyên mẫu ngoài đời.
- Một cái bóng thôi cô. Viết truyện, ai cũng tưởng tượng và hư cấu.
- Ông còn đi học tiếp không?
- Không, tôi thực sự không sáng dạ với sách đèn.
Giữa đám đông ồn ào trên bãi đậu xe, có những đứa trẻ bán quà rong. Một lúc sau, tôi và cô gái đi tới một quán giải khát. Lúc ngần ngừ dừng lại bên ngoài, tôi nói:
- Mời cô uống cà phê cho vui.
Cô gái bằng lòng và cùng tôi bước vào quán ngồi ở cái bàn nhỏ bên chái hiên. Trong quán người ta đang ăn uống, ồn ào tiếng trò chuyện.
- Cô uống được cà phê vào lúc tối không?
- Cũng uống được.
- Cà phê tôi uống lúc nào cũng được.
Đứa nhỏ mang hai tách cà phê nóng ra. Trời ấm nắng và có chút lạnh. Ở nơi đây, vang âm tiếng suối bên lưng đèo thỉnh thoảng nghe trỗi dậy.
Mỗi tuần cô về thăm nhà một lần?
Không đâu, thường là mỗi cuối tháng.
Ngày hôm qua đi chơi phố, trong đầu tôi có ý nghĩ muốn tìm thăm nhà người bạn gái của anh tôi. Tôi đã được đọc thư, hình dung ra bóng dáng và khuôn mặt của nàng. Dù chưa gặp, nhưng trong thư từ đã có tình thân. Bây giờ tôi phải gọi nàng bằng chị, vì anh tôi và nàng sắp làm lễ hỏi vào tháng tới. Tôi mong lần về này được gặp, và cũng mong rằng những gì mình tưởng tượng là đúng người thực ngoài đời.
Khi dừng lời nhìn qua cô gái, tôi thấy rõ khuôn mặt cô, và trên cặp môi dễ thương của cô đang có một vệt màu cà phê đọng lại. Trên mắt cô gái lại có lớp nhung rêu rất mịn màng, còn nụ cười thật là quá hiền dịu. Rồi, những nét ấy lại trải ra một vẻ buồn, thật xa vắng như có sự chờ đợi ai đó chưa trở về.
- Ông được coi ảnh người chị dâu tương lai của ông chưa?
- Chưa.
- Ông có mong gặp người đó không?
- Rất mong. Tôi nghĩ lần này về chắc là gặp. Vì lúc này, đang mùa học, không phải là mùa hè.
Ngồi chuyện trò với người lính, cô gái vẫn giữ nét trang nghiêm và khi nghe người lính nói về những cuốn sách mà anh bỏ công tìm mua để mang về cho người ấy, cô thật là cảm động.
Hành khách rời quán trở lại xe, người lính rút ví lấy tiền trả, cô gái ngăn lại:
- Để tôi trả cho.
- Tôi mời cô mà.
- Tôi biết. Chút nữa lên xe mình tiếp câu chuyện.
Người lính được trở về và tìm thấy một thứ hạnh phúc thật êm ái trong thời tuổi trẻ của mình.
Khi xe chuyển bánh, rồi cùng chạy theo đoàn xe đang xuống đèo phía trước bỗng nghe vang lên một điệu nhạc hành khúc, rồi tiếng hát bắt đầu.
Hành khách nghe xong hết bản nhạc, vỗ tay.
Người lính quay sang hỏi:
- Ở Huế, nhà cô ở đâu?
Một giọng vui, cô gái cười đáp lời.
- Tôi ở gần nhà anh Nguyên.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

III

Khoảng quá trưa, xe đò đến Huế. Hai người chưa về nhà, cùng đi bộ tìm một quán ăn đầu phố cách bến xe chừng vài trăm mét. Người lính và cô gái cùng thấy vui, giờ họ đã là hai chị em. Có như thế nên cô gái chợt nghĩ mình lớn hẳn, nghiêm trang ra, còn người lính, anh ta vui trong một ý tưởng mình đang nhỏ bé lại.
- Chị Nga có hay ghé nhà Thụy không?
- Ghé luôn mà.
- Có chị, chắc anh Nguyên hay về nhà.
- Thụy nói đúng. Trước khi quen mình, anh hay ở luôn trong trại ít khi về.
- Đọc thư của chị, lòng rất vui. Thư đó, Thụy còn giữ. Rồi, tôi nói tiếp: mới có một thư thôi đó.
- Một thôi. Thư khác dành cho các cô ở đây. À, Thụy quen Liên An lâu chưa?
Người lính này đang yêu, nhưng không tỏ bày. Liên An là cánh bướm trắng, còn anh ta như áng mây trắng đang bay giữa vùng trời.
Hai người vào ngay quán ăn nằm đầu dãy phố. Trưa đầy nắng, cái lạnh gây nên một cảm giác thú vị, vừa ấm áp.
Hai người để túi xách xuống chân, rồi kéo ghế ngồi. Người phục vụ đi ra, dừng bước ngay bên bàn nghe Phượng Nga đặt món ăn cho bữa cơm phần hai người.
- Rồi chừng nào Thụy mới đi học?
- Hết kỳ phép này, vào trong đó vừa đúng lúc nhập học.
- Thụy học lái máy bay.
- Chưa, mới bắt đầu học Anh ngữ, thi đậu bên đây sẽ được cho đi. Qua bên dó, còn học ở trường dạy Anh văn thêm một khóa nữa mới chuyển qua học bay.
Phượng Nga nhìn lại tôi, ánh mắt biểu hiện niềm vui. Rồi tôi nghe tiếng nàng nói, và lúc này, chúng tôi đang chờ dọn bữa cơm trưa. Tôi thấy mình thật là nhỏ bé trước một người chị dâu thật là đẹp, rất đáng yêu. Cũng yểu điệu nữa chứ, hay quá, mình nên để nàng nói, một giọng nói xứ Quảng nghe thân thiết, lạ lùng, và mình chợt nghĩ rằng, nàng hay biết trong đôi mắt mình lúc nào cũng thầm lặng ngắm say sưa khuôn mặt hạnh phúc của nàng.
Khi bữa ăn được mang dọn từng món lên bàn, mùi vị thức ăn và cơm nóng làm tôi cảm thấy đói.
- Chị Nga ở nhà thuê chung với bạn, hay một mình.
- Ở một mình.
- Nhà thuê, rộng không chị?
- Cũng rộng rãi.
Hai người cầm đũa nhìn nhau trong niềm vui, rồi cùng lên tiếng mời ăn.
- Sách Thụy mua cho chị, có mấy cuốn in từ bài giảng dạy ở trường.
- Cám ơn Thụy nhiều lắm.
- Rồi chị có xin đi dạy không?
- Có chứ. Mình rất thích làm cô giáo.
Với nụ cười đằm thắm, nàng ngừng đũa nhìn tôi hỏi:
- Thụy muốn mình dạy ở đâu?
Nhìn nàng, tôi nói:
- Thành phố Quảng Trị luôn mong chờ cô Phượng Nga.
- Có thực không đây.
- Mỗi người, ai ngoài đó cũng mong.
Nàng gật đầu, ánh mắt của một phương trời.
- Ước gì, cho tôi được nhỏ bé để ngồi học lớp cô Phượng Nga.
- Anh Nguyên cũng nói mình xin ra Quảng Trị dạy để gần Huế và gia đình.
- Chị đã có biết Quảng Trị rồi phải không?
- Có. Anh Nguyên đã đưa mình ra thăm ngoài đó rồi.
Nàng tiếp lời:
- Quảng Trị, mình không chỉ thấy ngoài thực tế, mà cũng rất chia sẻ với một quê hương Thụy đã viết nhiều trong truyện.
Tôi uống hớp nước. Rồi với giọng tâm tình, tôi kể cho nàng nghe câu chuyện của mình và người bạn gái thân thương.
Phượng Nga hỏi:
- Sao cô ấy không muốn mình là nhân vật trong câu chuyện Thụy viết.
- Cô ấy không muốn người mình yêu đè nặng mối tương tư.
- Vậy là Thụy phải tìm một hình ảnh khác thay thế cho cô.
- Chị Nga nói đúng, hình ảnh đó là muôn thuở.
- Liên An phải không?
- Liên An rất mỏng manh.
- Vậy thì ai trong đó?
- Nàng như là một tấm áo.
- Thụy có thích nhân vật cô Loan trong Đôi bạn?
- Khi mong tìm gặp người thân của mình, Thụy luôn nhớ nghĩ đến Loan.
Tôi ăn rất tự nhiên. Phượng Nga cũng đói, nàng ăn ngon. Tôi thỉnh thoảng ghi nhận được những nét duyên dáng của nàng trong cách cầm đũa muỗng, trong cách gắp thức ăn, và mỗi miếng vừa ăn xong, tôi cũng ghi nhận thêm cái vẻ hay hay từ dư vị còn lại trên đôi môi xinh đẹp của nàng. Nỗi buồn thật duyên dáng vừa tự nhiên, và từ đôi mắt có nụ cười của nàng, ánh sáng cứ dịu lại, nhỏ dần rồi ngừng đọng rất lâu.
Nàng bỗng nói:
- Liên An có giấy gọi đi du học rồi.
- Chắc cô ấy đã vào Sài Gòn.
- Chưa. Có thể về lần này Thụy sẽ gặp.
- Nhưng sao chị biết Thụy quen Liên An.
- Cô ấy kể chuyện cho mình nghe.
- Hôm ấy Liên An nói: Về chị Phượng Nga, biết lấy ai mà so sánh.
Phượng Nga cầm ly nước trà đá đưa lên miệng uống.
- Thụy thực sự chưa mong điều chi cả.
- Về phép, ghé Đà Nẵng Thụy ở nhà ai?
- Nhà cô bạn thân.
- Cô ấy trước đây là bạn học cùng lớp?
- Vâng.
Tối qua, Thúy Hà cũng nói chuyện cho tôi nghe về Duy chồng nàng. Tôi đem lời tâm sự của nàng nói với Phượng Nga.
- Gia đình bên Duy, người nào cũng vậy hết.
- Anh Duy đánh bạc thua nhiều lắm.
- Bên nhà Duy có họ hàng với bên má mình. Nhưng, cũng không gần gũi, ít qua lại với nhau.
Bữa ăn thong thả cùng thời gian rảnh rỗi cho câu chuyện. Trong im lặng, tôi và Phượng Nga dành một vài giây nhỏ cho nụ cười, trong thâm tâm hẳn nàng biết, tôi thật ngưỡng mộ nàng, vì thế, nàng cũng thật vui tạo dáng cho mình thành người mẫu.
- Chiều nay chị Nga có đi đâu không?
- Không, ở nhà.
- Anh Nguyên về, tối đi uống cà phê.
Phượng Nga gật đầu. Người đàn bà ngồi ở quầy tính tiền đưa mắt nhìn ra cửa. Bên ngoài, nắng tràn qua những mái nhà, trên con đường, tiếng động xe cộ vang lên thật đều đặn.
Tôi quay đầu nói:
- Cho tính tiền chị ơi.
Phượng Nga ngăn lại:
- Để mình trả.
Tôi mỉm cười, khoác tay vừa rời ghế đứng dậy. Khi rời quán ra đường, tôi nói:
- Lần về phép này, Thụy lãnh được tiền nhuận bút cho hai truyện ngắn.
- Họ trả nhiều không?
- Mỗi truyện được bảy trăm.
- Sao Thụy không gởi truyện cho tạp chí.
- Khi nào cảm thấy mình viết thật khá, lúc ấy Thụy mới gởi.
- Truyện Thụy viết có nhiều cảm xúc lắm.
- Mình phải đi từng nấc thang. Và muốn viết khá, cần đọc nhiều. Khi Thụy gởi truyện cho tạp chí đó là lúc, chị Nga coi Thụy là nhà văn được rồi.
- Bây giờ gọi nhà văn không được sao?
- Chưa. Bao giờ truyện Thụy viết hay, và đẹp như hình ảnh Phượng Nga, lúc ấy hẳn gọi.
Với ý tưởng ấy, giọng nói vui của tôi tình cờ buông theo cơn gió hất tung chiếc áo dài tím bay lên. Nàng đưa một tay ra cầm giữ, khi nhìn tới phía trước, tôi trông thấy có một bóng người khách đứng chờ ở trạm xe buýt.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Hai người cùng nhìn một quãng xa trông thấy ngôi nhà thờ có bức tượng lớn Đức Mẹ vươn lên cao khỏi bóng nắng.
- Năm đầu tiên đến Huế, gia đình ở trong vùng này, căn nhà nằm trông ra con đường nhỏ bên trái khu nhà thờ.
Phượng Nga hồi tưởng lại thời thơ ấu, nàng kể một câu chuyện vừa thực, vừa trẻ thơ. Tôi bỗng nghĩ đến cô Mỵ Châu, qua gương mặt ấy là dáng nét của thiên thần.
Xe buýt đến. Ba người khách lên xe. Người khách kia với dáng vẻ một công chức, trong lúc chờ xe, tôi và nàng trò chuyện còn ông ta đọc báo, vừa hút điếu thuốc.
Xe chạy nhanh. Tôi trông thây ngôi nhà thờ và thây bóng dáng căn nhà cũ của mình ở con đường bên cạnh. Trong phút giây này, Huế làm tôi ngập ngừng, vừa xa lạ.
Xe buýt đỗ khách ở trạm nhà ga. Nhiều khách đứng ở đó đợi xe, chỉ có hai người xuống bến là tôi và nàng.
Không về nhà mình, tôi theo về nhà nàng. Từ ga đi bộ tới nhà nàng hơn trăm mét. Con đường Huyền Trân nằm ven theo dòng sông. Tôi trông thấy dòng sông, cây cầu, và ngôi trường cổ giống như tu viện bên kia sông.
Từ lối cổng vào, nhà Phượng Nga thuê cuối dãy có mấy cây nở hoa trắng và tím thật đẹp. Khi Phượng Nga lấy chìa khóa mở cửa tôi đưa mắt nhìn qua bờ tường, nhìn cảnh sân trước nhà, và bên ngoài là con đường dưới nắng ven theo dòng sông.
Vừa bước vào nhà, Phượng Nga nói:
- Ngồi nghỉ đi, mình làm nước chanh cho uống.
Phượng Nga đi vào nhà trong. Tôi ngồi xuống chiếc ghế ở phòng khách, túi xách để bên cạnh chân. Nắng ngoài sân tràn vào phòng qua cửa lớn mở rộng, tôi cảm thấy có chút bâng khuâng về người chị dâu khả ái và thương mến của mình. Trong phòng khách bày biện giản dị, có mấy bức tranh vẽ treo trên tường.
Một lúc sau, Phượng Nga trở ra với khay nước và bộ quần áo mặc thường.
- Chị Nga thuê chỗ này, có đắt không?
- Không. Bà chủ đây là người rất tử tế, nhân hậu.
Tôi nhìn bao quát căn nhà. Phượng Nga nhắc:
- Uống nước đi.
- Mời chị.
Tôi và nàng cùng cầm ly nước chanh uống một hớp nhỏ. Lặng yên, tôi mở túi xách lấy ra một gói giấy báo trong đó là những cuốn sách tôi tìm mua theo lời dặn của anh Nguyên.
- Chị mở ra đi.
Phượng Nga mở một cách cẩn thận. Có mấy cuốn về văn học, tiểu thuyết, còn lại là những tập bài giảng in ronéo.
Trong lúc nàng xem qua các bài giảng, tôi nói:
- Thụy có người bạn đang học trên Văn Khoa. Những bài giảng này anh ấy học năm trước còn giữ, tặng cho Thụy, tiện mang về cho chị.
- Cám ơn Thụy nhiều lắm.
- Mong là anh Nguyên về chiều nay, Thụy nói.
- Chiều nay anh về.
Nàng bảo tôi:
- Uống nước đi rồi qua xem tranh.
Một lúc sau, Phượng Nga đứng dậy. Tôi cũng đứng lên, rồi bước theo nàng qua phòng bên cạnh.
Vừa nhìn thấy căn phòng và tranh vẽ xuất hiện, tôi thốt lên:
- Thật là tuyệt vời.
- Sao, thấy tranh mình sáng tác được không?
- Bức tranh nào cũng có một khuôn mặt hạnh phúc, tôi nói.
Phượng Nga mỉm cười. Khi hai người bước chậm bên nhau cùng xem tranh, nàng cũng đã cho tôi chút hương thơm nhan sắc của nàng.
Một hồi lâu, tôi lặng im không nói gì. Nàng hỏi:
- Có gì mà băn khoăn vậy?
Tôi nhìn về phía khoảng tôi bên trong, bỗng nói:
- Sao Phượng Nga không vẽ bức chân dung của mình.
- Đó tác phẩm cuối đời.
- Sao không vẽ ngay bây giờ.
- Không, không nên vẽ.
- Nhưng dù vậy, có người đã vẽ rồi.
- Ai vẽ, thực không?
Hai người trở qua lại phòng khách. Ánh nắng từ ngoài sân tràn vào dâng cả vùng sáng, làm mềm dịu mái tóc thiếu nữ. Nàng như hiểu được ý tôi đã nói ra với nàng, nhưng đó là của trí tưởng tượng in bóng cho mình, chứ không thể nào anh ta vẽ nên được bức chân dung cho nàng. Vì rằng, anh ta không có chút năng khiếu nào về hội họa. Nếu như có, anh ta không chỉ vẽ một bức chân dung của nàng thôi, mà nhiều, rất nhiều.
Nhìn vẻ mặt buồn của người lính, nàng hỏi:
- Đang nhớ Thúy Hà hay Liên An?
Một thoáng giây sau, anh ta mới nói:
- Không, không một ai cả.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

IV

Tôi hẳn đã có được một sự an lòng về Thúy Hà. Tôi rất xúc động khi gặp lại nàng, buổi chiều ấy bên người yêu, tôi cảm thấy lòng mình vui lạ thường khi được nhìn sự chăm nom săn sóc của một người mẹ trẻ dành cho đứa con đầu lòng. Từ khung cửa, mắt tôi quan sát căn phòng dành riêng cho người mẹ và đứa bé trai sắp đầy tuổi. Chiếc giường gỗ trải tấm chiếu rộng, chiếc nôi có giăng mùng tuynh trắng trông nó giống như con tàu nhỏ, trên các ngăn kệ sắp những hộp sữa mới nguyên, những chồng khăn, chồng tã trắng tinh, thứ nào cũng đều cho tôi một cảm giác và một ý nghĩa. Và, trong câu chuyện trao đổi Thúy Hà còn cho tôi biết thêm về chuyện gia đình, tự dưng, vắng mặt Duy tôi như thấy mình thật cần thiết khi trở về bên nàng.
Chỉ lưu lại một hai hôm rồi tôi ra Huế thăm gia đình. Trên chuyến xe khách, sự tình cờ tôi gặp một thiếu nữ xinh đẹp, nàng mặc áo dài tím, mái tóc lượn sóng trên vai nàng, và nàng cũng ngồi gần bên tôi cùng một dãy ghế. Nhìn nàng, tự dưng tôi có linh cảm, để rồi một lúc sau, tôi đã không ngờ được nàng là người bạn gái thân thương của anh Nguyên. Từ cuộc gặp gỡ ngạc nhiên, thú vị, tôi viết ra được một truyện ngắn. Và, sau khi truyện đăng báo, tôi gởi về ngay cho Phượng Nga. Nàng rất vui, mở truyện ra đọc ngay, không bỏ sót một dòng. Khi nàng cầm tờ báo chăm chú đọc, chung quanh nàng là cảnh trí đầy nắng sáng tràn qua cửa sổ, lối đi xuống cầu thang, các thứ đồ đạc trong căn phòng bày biện rất ngăn nắp. Trên ánh mắt nàng, đôi lúc niềm vui trở nên khuất lặng, thấp thoáng một vẻ buồn đẹp dịu dàng. Từng trang giấy, mỗi dòng mà người lính viết nàng nhận ra được tấm lòng của anh đối với nàng.
Đọc xong, Phượng Nga mỉm cười. Buổi chiều, nàng ra phố đến một hiệu sách mua thêm vài cuốn nữa, về đến nhà, nàng sắp hai cuốn ở tầng một kệ sách, còn cuốn của Thụy gởi, nàng cắt từng trang và đem dán vào album ở những trang cuối, bạn có thể nghĩ đây là một lời bạt Thụy viết cho tặng phẩm ngày đính hôn của nàng. Và, rồi đây, kỷ niệm này sẽ được giữ mãi, mãi mãi với Phượng Nga.
Phượng Nga đối với Thụy, chân thực như tình bạn. Anh và nàng cũng còn có sự đồng cảm về nghệ thuật. Những bức tranh của Phượng Nga luôn gợi hình trong tâm tưởng Thụy một thứ ánh sáng dịu dàng và mùi hương tinh khiết. Thụy cũng còn nhận ra trong đó nữa, sự trỗi dậy tiếng nước chảy trên dòng sông, hay vẳng xa, rất xa từng âm vọng của tiếng nhạc nghe rất bâng khuâng với nỗi buồn. Còn Phượng Nga, nàng rất thích đọc truyện Thụy viết, nàng luôn coi Thụy là nhà văn của mình. Những truyện Thụy viết như thể là dành cho Phượng Nga rồi gắn ngay số phận của nàng vào một gia đình mà nàng đã có sự chọn lựa rất đúng về phần mình. Thụy viết nhiều về tuổi thơ thật trong sáng, vì trong đó, anh tìm ra được những nơi chốn anh đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành.
Chuyến bay rời Huế, cất cánh vào lúc giữa trưa. Hành khách đông chật, không còn một chỗ trống, hầu hết là lính tráng đủ các binh chủng, và cũng có một số thường dân xin quá giang được viên Trung úy trưởng trạm tiếp liên chấp thuận.
Thời tiết tốt, bên ngoài không trung vàng rực nắng làm tôi cảm thấy dạt dào mộng ước trở thành người phi công. Đối với tôi, ngoài hình ảnh cánh chim bằng lướt gió, thì không gì trong giấc mơ nữa.
Ngày trở lại Sài Gòn, tôi gặp Liên An. Liên An mặc áo dài trắng, nàng vội băng qua đường, hình ảnh đó tôi ghi nhớ mãi. Tới gần, nhìn thấy nhau, trên gương mặt Liên An hiện rõ một niềm vui. Rồi nàng nói:
- Em mong gặp anh.
Chiếc túi giấy tôi đang cầm có ba cuốn sách cũ vừa mới mua. Hai người bên nhau, ngược con đường đi lên phía rạp hát. Ngôi nhà thờ ở xa thấp thoáng ánh sắc đỏ của màu ngói và cả một vùng nắng tỏa rộng, chói lòa.
- Anh mới về phép thăm nhà.
- Anh có gặp chị Phượng Nga không?
- Có.
Sau những lời tôi kể, cô gái nói:
- Bất ngờ như vậy, hay quá. Có thể thành nên một câu chuyện để anh viết.
- Anh đã viết như ý em muốn.
- Anh có đăng truyện này lên báo không?
- Có chứ.
Tôi tiếp lời:
- Phượng Nga, bây giờ là chị dâu của anh.
- Em biết.
Khi tôi đưa Liên An vào quán Chùa, bà Huyền Chi trông thấy, mỉm cười. Quán đông khách, nồng lên mùi khói thuốc, và lúc đứng chờ tôi cũng có ý tìm gặp bạn quen. Ở bàn trong cùng có ba người khách rời ghế, tôi liền nắm tay Liên An kéo đi.
Người hầu bàn đến, chờ ông ta dọn dẹp xong, tôi nói:
- Hai cà phê.
Liên An nhìn tôi, cô nói:
- Em thấy lúc này anh khỏe ra.
- Ngày anh về Huế không có Liên An.
- Chị Phượng Nga ra sao?
- Nàng là áo trắng của hoa hồng.
- Em biết.
Cà phê mang ra, tôi bỏ hai viên đường vào mỗi tách.
- Anh cho một viên nữa.
Tôi bỏ thêm một viên vào tách Liên An. Tôi thấy đôi mắt Liên An vừa mới thấm ướt màu cà phê.
- Anh về thăm nhà vui không?
- Anh có mười ngày với Huế, nhưng đi đâu cũng không tìm thấy em.
- Ngày mai em lên đường.
- Em đi chuyến bay sáng hay chiều?
- Nửa đêm.
Tôi đốt điếu thuốc.
- Em uống cà phê giờ này, sợ mất ngủ không?
- Không, em cũng thích cà phê.
Người lính thở nhẹ làn khói. Những sợi khói mỏng lãng đãng trước đôi mắt Liên An. Với ánh mắt ngập ngừng trong dáng vẻ nghiêm trang, Liên An ngồi đó nhìn anh ta, mỗi lúc tưởng như trong cái nhìn ấy, những điều gì nói được với nhau dần dần thể hiện rõ. Liên An thật chỉ muốn dành cho Thụy một hình ảnh áo trắng. Thụy chợt nhớ đến Huế, nhưng rốt cùng, anh trơ trọi.
Tự nhiên tôi có cảm giác lạ lùng lúc nghe tiếng Liên An hỏi. Vừa ấp úng, tôi đáp:
- Không, không có ai cả.
- Đừng có giấu em, nàng cười.
Vừa thấy người hầu bàn đi ngang, tôi gọi lấy thêm bánh.
- Hai cái.
- Không, một thôi.
Khi dĩa bánh mang ra, tôi để dành cho Liên An.
- Anh ăn đi.
- Anh muốn nhìn em ăn.
Cà phê đã nguội, nhưng uống vẫn ngon.
Liên An ăn bánh. Tôi bắt đầu cảm thấy dễ chịu, và nói:
- Anh về phép được mười lăm ngày, những ngày ở Huế thật vui.
- Anh có ra Quảng Trị không?
- Không, lần này chỉ ở Huế. Bữa cơm thân mật trong gia đình có Thư nữa. Phượng Nga làm món mì Quảng, hôm đó, vắng mình em thôi. Phượng Nga cho anh hay sách vở học của em và Thư cô có đủ hết.
Liên An cười, trong ly cà phê viên đường trắng chưa tan hết. Trên dĩa, chiếc bánh còn một nửa.
Tôi chợt hỏi cô gái:
- Em có viết thư cho anh đọc không?
- Không.
- Em qua Mỹ, học bao nhiêu năm?
- Hai năm.
- Em ở tiểu bang nào?
- California.
Tôi nói với Liên An:
- Nếu anh được gởi đi học, anh sẽ ở bên Texas.
- Anh cũng sắp đi Mỹ.
- Anh xin đi học về ngành hoa tiêu. Nhưng khóa học thì vẫn đang chờ.
- Anh mà đi, nhớ cho em hay.
- Em nói không viết thư cho anh đọc mà.
Nàng bảo tôi:
- Anh đừng làm bộ ngây thơ.
- Anh lúc nào cũng tin lời người khác, nhất là em.
- Em cũng giống như Thư thôi.
- Em nói không đúng. Em là người ở phương xa.
Không chính xác. Em là người sắp đi tới phương trời xa.
- Liên An bắt đầu lãng mạn rồi.
Liên An cười, ánh sáng trên đôi mắt khép lại như giấc mơ.
Không ăn nốt phần bánh còn lại, nhưng cà phê cô gái uống hết.
Và, Liên An đưa tay ra ngăn lại không để cho tôi trả tiền.
Ra ngoài đường phố, buổi chiều Sài Gòn trời thật đẹp.
- Nếu trời thình lình đổ mưa, em có đón xe về nhà không?
- Không đâu, em ở bên anh hết buổi chiều nay.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Hai người đi lên phía khu nhà thờ. Bên phải nhà thờ là nhà Bưu điện bên trái có một hiệu sách. Lúc nãy, khi quay đầu về phía trong quầy có cửa kính, tôi trông thấy bà Huyền Chi. Bà chỉ nhìn tôi, và có lẽ bà còn nhìn theo tôi và Liên An lúc hai người đi ra ngoài.
- Thời gian anh đi học lâu không?
- Anh chưa biết. Nhưng khoảng chừng hai năm.
- Em mới nhận được thư của Thiết. Sáu tháng nữa, anh ấy về nước.
- Anh Thiết đang ở đâu?
- Texas, anh qua sớm sẽ gặp Thiết.
- Anh sẽ nói gì với Thiết, nếu gặp.
- Anh kể chuyện về anh, và có những lần gặp em, ở Huế, rồi Sài Gòn.
- Anh và em, còn nhớ nghĩ đến nhau không?
- Luôn luôn.
- Nhớ thôi, không có chờ đợi.
- Không. Nhưng anh không có gì để làm em quên anh cả.
- Vậy anh chỉ có một chút tình em gái thôi.
- Anh nói đúng.
Khu nhà thờ với dáng màu ngói đỏ và nơi đây lá cuối mùa thu rụng xuống hết trên các lối đi và trên vỉa hè. Tôi đưa Liên An tới công viên đối diện với dinh Độc Lập.
- Em thích chụp ảnh không?
- Cũng thích lắm.
- Không có chiếc máy ảnh cho anh chụp em một vài tấm kỷ niệm.
Buổi chiều chợt trở lạnh. Tôi và Liên An ngồi xuống băng ghế. Hai người bên nhau nhìn quang cảnh phố, nhìn màu cỏ xanh tươi và những hàng cây trong công viên. Quanh đó, nghe tiếng những con chim ríu rít, vừa nhảy chuyền cành.
- Liên An đã làm lễ hỏi chưa?
- Chưa, anh.
- Rồi Thiết, còn chờ đợi Liên An về nước.
Cô gái gật đầu.
- Anh vẫn nghĩ mình xa lạ với em.
- Em không phải là người anh mong đợi.
- Anh không có một ai hết.
- Em biết.
- Nhưng, anh không nghĩ mình là bơ vơ, đơn độc.
Liên An nhìn qua tôi:
- Anh chỉ giữ mãi bóng hình của Thúy Hà.
- Người bạn học của anh thời trước. Anh không có gì trong cuộc sống của nàng cả.
- Có chứ, anh đừng giấu em.
- Chỉ có trong tiếng nói, nàng làm anh nhớ nghĩ thôi.
- Em ở bên anh lúc này, anh cảm thấy vui không?
- Anh rất vui. Liên An là buổi chiều của anh.
- Em luôn nhớ đến anh.
- Biết đến bao giờ anh gặp lại em.
- Thời gian sẽ nhắc nhở cho anh hay.
Đôi mắt Liên An nhìn tôi rất lâu. Lúc này hên nhau, nàng muốn kể cho tôi câu chuyện giữa nàng và Thiết. Nàng lại nghĩ, kể xong hết chuyện, tôi sẽ không có chút gì ngạc nhiên, cũng không tự so sánh để ôm lấy mối mặc cảm. Dù sao, tôi đã là một người lính.
Rồi một mình, Liên An đi xa. Đêm vừa xuống, trời đã thấm lạnh. Từ căn nhà đầu phố Gia Long gần bùng binh ngã sáu, bạn vừa trông thấy một chiếc taxi đang chạy chậm, rồi ngừng lại, vào lúc ấy xuất hiện bóng một cô gái đứng bên đường, ít phút sau, cô mở cửa bước vào xe. Cũng còn ở nơi đó, trên lề đường một người đàn ông, hai người đàn bà, cả ba người cùng vẫy tay chào theo cô gái lúc xe lăn bánh.
Người tài xế mặc chiếc áo sơ mi đã cũ, có nhiều đường sọc, trạc tuổi chừng hơn bốn mươi. Trên mái tóc để dày, và những sợi tóc như đã khô cứng. Hai cánh tay ông ta trông khỏe, vừa lớn, bao kín hết vòng tay lái của chiếc taxi nhỏ. Vừa lúc xe đang chạy, ông ta chỉnh lại đồng hồ cây số ghi giá tiền. Mỗi quãng, đồng hồ nhảy lên một nấc. Và, chiếc xe vẫn đang chạy chậm theo con đường cũng nằm trên khu phố thuộc căn nhà gia đình cô gái ở.
- Cô được đi du học?
- Vâng.
- Cô du học nước nào?
- Dạ, Hoa Kỳ,
- Cô mới đi lần đầu, phải không?
- Đúng, ạ.
Rồi đột nhiên, xe rẽ lối trái, sau đó chạy qua một con phố nhộn nhịp, đèn điện sáng trưng. Người tài xế mỉm cười, nói:
- Đấy, cô nhìn lại Sài Gòn để nhớ lần cuối trước khi đi xa.
Cô gái cười, thốt lên:
- Hay quá. Ông thật là người có tâm hồn.
Người tài xế giữ nhẹ chân ga cho xe chạy thong thả. Ngồi trong xe, cô gái nghe ra những tiếng động xe cộ qua lại trên phố chính, tiếng bước chân người đi trên lề đường, và cả những tiếng chuyện trò của họ, sau cùng, cô thấy nơi đây là thành phố cô đã dừng chân từ hôm rời Huế vào đây, và tối nay cô lên đường trong một chuyến ra đi đến xứ sở khác.
Người tài xế lại nói:
- Tôi cũng đã có nhiều chuyến đưa tiễn khách lên đường đi ra nước ngoài.
- Vâng.
Rồi ít giây sau, cô gái hỏi:
- Ông chỉ đưa thôi, có vào phi trường không?
- Không. Nhưng lần nào tôi cũng cảm thấy lòng mình vui.
- Cám ơn ông.
Lúc này, xe đang chạy trên đường Catinat, hướng về khu nhà thờ và nhà Bưu Điện. Trong đôi mắt Liên An, ánh sáng của nụ cười thật là hiền dịu. Khi trông thấy quán cà phê Pagode, cô nhớ đến Thụy. Trong bóng dáng của Thụy, có cả bóng những người nghệ sĩ thường ngồi ở quán này, và anh luôn làm cho cô vui khi anh kể nhiều chuyện dễ thương về một người thiếu phụ trẻ đẹp, nàng là bức tranh vẫn còn treo ở đó.
- Hết Sài Gòn rồi, giờ tôi cho xe chạy nhanh nhé.
- Vâng, ạ.
Tiếng cười nhẹ, và cô gái cảm thấy thực vui, háo hức về chuyến đi của mình.
- Gia đình cô ở Huế, phải không?
- Đúng, sao ông hay vậy?
- Không, tôi không hay đâu. Chỉ muốn nhắc lại những lời mấy người thân của cô lúc tiễn cô đi.
- Vâng, ông nói phải.
- Tôi cũng mang một tâm trạng gần giống như họ.
Cô gái chợt có cảm giác lo ngại, một thoáng nghĩ về điều gì đó, nhưng rồi vội vàng cô xóa ngay đi. Và, trong sự lặng im, cô đang lo sự.
Mười lăm phút sau, chiếc taxi đưa cô gái đến phi trường. Vừa thấy bóng dáng Liên An lúc xe ngừng, tôi liền chạy đến.
Cô gái vẫy tay chào mừng tôi, vừa hỏi người tài xế:
- Thưa ông bao nhiêu tiền?
- Hai trăm cô.
Cô gái trả đủ tiền, nói lời cám ơn rồi mở cửa xe. Tôi chờ sẵn bên cạnh xe để đỡ hành lý cho Liên An. Ngay lúc đó, tôi thoáng để ý từ cái nhìn lạnh lùng của người tài xế.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Rồi, hai người dời bước không quay đầu nhìn lại. Người tài xế như có vẻ bất bình, cặp mắt nóng đỏ trong cái nhìn dõi theo bóng cô gái đi bên cạnh người lính đang khuất dần phía trong.
Mưa đêm xuống, nhẹ hạt.
- Em đổi tiền được không?
- Có, nhưng đổi theo giá ngoài.
Liên An chỉ cầm tay cái túi xách nhỏ, chiếc túi lớn của cô tôi đeo ở vai bên trái, còn tay phải tôi kéo chiếc va ly có gắn bánh xe. Hai người vui chuyện lúc đi bên nhau. Bỗng Liên An nói:
- Em vẫn còn cảm thấy sợ.
- Sao vậy em?
- Hình như ông tài xế mắc bệnh tưởng?
Câu nói của Liên An làm tôi bâng khuâng. Lúc bước đi chậm hẳn, tôi hỏi:
- Em ngồi trên xe ra sao?
- Không có gì, nhưng ông ấy hỏi em những điều có vẻ hơi lạ.
- Em có trả lời những câu ông hỏi.
- Có. Nhưng rồi, không hiểu sao em ngờ ngợ có chuyện gì đó.
- Và em cảm thấy lo lắng.
- Vâng.
Nhìn qua Liên An, tôi nói:
- Em đừng nghĩ ngợi. Hãy bình yên, để thanh thản với chuyến đi của mình.
- Vâng, có anh em yên tâm.
Hai người đi theo những hành khách phía trước đến quầy số 4 để ghi vé và ký gởi hành lý. Tới đó, hành khách dừng lại, thứ tự đứng sắp hàng. Tôi nhìn đám đông hành khách tìm thử người quen, và trong số này, có bốn vị Sĩ quan và hai SVSQ, những người này mặc lễ phục màu xanh của binh chủng Không Quân. Hai chàng SVSQ du học, còn bốn ông Sĩ quan là đi tu nghiệp. Bốn vị này đều là Sĩ quan kỹ thuật, vì không có người nào đeo cánh bay trên ngực.
Thủ tục ghi vé và gởi hành lý rất nhanh chóng. Mỗi hành khách chỉ mất hơn mười phút là xong phần việc của mình.
Bên cạnh quầy ghi vé có một cửa hàng bán thức uống và đồ ăn nhẹ. Bây giờ, ai cũng thảnh thơi ngồi nghỉ chờ ra sân bay.
Cùng với hành khách khác, tôi và Liên An đi vào quán.
- Em uống cà phê nghe?
- Em sợ không ngủ được.
Một giọng vui, tôi nói:
- Nhưng mà đi, là để thức chứ có ai mà ngủ.
- Không, em không thức nổi. Nhưng thức để làm chi?
- Thức để mà nhớ.
Liên An cười nhìn tôi. Tôi đứng lên, đi đến quầy mua cà phê pha sẵn, trong chốc lát đã quay trở lại. Tôi đặt chiếc khay giấy xuống, trên khay có sẵn mấy gói đường nhỏ.
Liên An rất muốn tạo nên một dáng đẹp, dễ thương để cho tôi tha hồ mà ngắm, nghĩ ngợi và tưởng tượng. Với cặp mắt vui, cô nhìn chàng săn sóc mình. Tôi cho đường vào ly cà phê, xong cầm thìa khuấy nhẹ. Rồi, tôi đặt ly cà phê trước mặt Liên An:
- Em uống đi.
- Em chờ anh.
Trong lúc tôi cho đường vào ly cà phê của mình, Liên An hỏi:
- Bao giờ khóa học của anh mới bắt đầu?
- Anh chưa biết.
- Đừng nhìn em lâu quá.
- Em uống cà phê đi.
- Anh ở Sài Gòn một mình.
- Ngày đó, anh vào đây tìm kiếm việc làm.
- Anh làm công việc gì?
- Vào thời gian ấy, việc làm không có nên anh tình nguyện đi lính.
Hai ly cà phê còn để nguyên, chưa uống vì còn quá nóng. Ngồi ở bàn chỉ có riêng hai người, một lúc sau, cà phê bớt nóng hai người cầm ly mời nhau uống và nhìn mưa bên ngoài. Mưa làm cho bóng tối trở nên dày hơn, nhưng tiếng mưa đổ không nặng hạt. Người lính chợt cảm thấy lạnh, lạ thường. Cô gái mở to cặp mắt lúc chợt nghe anh ta nói:
- Khi đi xa là một dịp để cho mình nhớ. Đêm nay, ngồi trong phi cơ, lúc bay giữa bầu trời đêm em chẳng nhìn chi những vì sao mà cần sự hồi tưởng về một thời nào đó của mình. Hạnh phúc nhất của mỗi người là được nhớ. Trong bao nhiêu kỷ niệm về em, gia đình em, và một nơi em sinh trưởng là hiện ra rõ nét hơn cả.
- Cũng có anh trong đó nữa, phải không?
- Anh nghĩ là cũng có.
- Còn anh thì sao?
- Anh thấy mình đơn độc khi em đã khuất trong chân mây.
- Lãng mạn quá. Trên đường đưa em tới đây, và lúc này có anh, em nhớ ra thật rõ điều người tài xế nói, và em hiểu vì sao ông ta muốn cho em được nhìn một đêm cuối ở Sài Gòn trong giờ phút ra đi.
- Thế đó mà em lo sợ.
- Em sợ, vì ông ta như là người sống trong bệnh tưởng.
- Rất có thể, em là một khuôn mặt nào đó trong đời, ông ta có sự liên hệ.
- Biết đâu, điều anh nói ra là đúng.
- Nhưng mà, em phải để sự bình yên cho mình. Hay là, nghĩ đến sự chờ đợi em và Thiết gặp nhau.
- Không, em chưa nghĩ đến Thiết. Em nghĩ nhiều đến anh.
Tôi nói:
- Anh vẫn là người lính của một ngày đó về phép. Và, tối nay, anh phải mặc đồ lính để qua được bên đây mà tiễn em.
- Em nghĩ đến anh, vì chúng ta sắp chia tay.
- Em có đói không? Gọi một món cho em ăn nghe.
- Đừng gọi, uống cà phê với anh được rồi.
Trời vẫn đang mưa, tôi đã hút hết điếu thuốc thứ ba. Liên An nhìn tôi châm điếu thuốc thứ tư, cô nói:
- Anh hút thuốc nhiều quá.
- Trong buổi tối nay thôi.
- Không hút nữa, đưa điếu thuốc cho em.
- Em thích hút thuốc sao?
Liên An gật đầu. Tôi nói:
- Em hút đi. Có khói thuốc em hút, anh thấy em bay trong mây.
Liên An mỉm cười. Nàng ngậm điếu thuốc khô trên môi, hít nhẹ một hơi rồi thở ra làn khói. Có thêm nhiều xe du lịch và xe taxi đang đưa khách đến. Mới được bên nhau khoảng thời gian chưa đầy nửa tiếng, vậy mà trong ký ức, hai người cùng cảm thấy có một sự dằng xé vì nỗi buồn của ngày tháng. Tôi nhìn ra mưa, vừa nghe tiếng Liên An đang nói.
Từ nãy giờ, bạn nghe rõ một câu chuyện về bên gia đình Liên An. Cách kể câu chuyện, giọng nói của Liên An dần dần sắp xếp cho bạn từng thứ lớp, đó là những gì nàng đã gói trọn và đem cất trong chiếc va ly hành lý của nàng, và nó cũng sẽ được gởi theo chuyến bay.
Tôi nở một nụ cười hiền hậu, nói:
- Em đã có được một khuôn mặt thời gian.
Liên An nhìn lại tôi. Tôi uống cà phê thật chậm. Tôi đang uống chút men trong hương vị của một mối tình.
Liên An tháo chiếc đồng hồ tay đưa qua cho tôi. Tôi cầm lấy chiếc đồng hồ, chỉnh lại ngày và giờ sau khi đã so giờ bên Việt Nam và giờ ở tiểu bang Cali bên Hoa Kỳ.
- Lúc này là mấy giờ bên Mỹ?
- Sáu giờ sáng. Em qua bên đó, có hai mùa đổi giờ là mùa hè và mùa đông.
- Em biết.
- Có ai đón em không?
- Có chứ.
- Người thân bên Thiết.
- Không. Người của trường ra đón.
- Vậy là em ở nội trú.
Liên An mở túi xách, lấy ra một phong bì thư khá dày đưa cho tôi xem. Tôi mở thư đọc, đây là thư của ông bà Smith, người bảo trợ cho Liên An.
Liên An nói:
- Có lá thư này em đỡ lo.
Với một nụ cười dễ thương, tôi nhìn Liên An. Cô gái cũng nhìn lại tôi, màu mắt của cô thật đẹp như màu một viên kẹo sô cô la.
- Anh cứ mãi nhìn em, thôi nhé.
- Chung quanh em niềm vui như là ánh sáng, tôi nói.
- Bây giờ là đêm, với ánh sáng là màu vàng.
- Đèn sáng vẫn đợi giây phút em lên đường.
- Anh vẫn luôn mơ mộng.
- Em vẫn là Liên An, cái tên anh rất thích gọi
- Chỉ có tên thôi, phải không?
- Em vẫn là Liên An, tôi khẽ nhắc.
Từ trong phòng phát thanh chợt vang lên tiếng nói của nhân viên phi trường. Đã tới giờ của Liên An sắp ra đi. Tôi chợt rùng mình, ngẩn ngơ. Khi tôi và Liên An cùng đứng lên, giọng cô xướng ngôn viên đã thay đổi, và giọng nói trở nên nhanh với hai thứ tiếng Anh và Pháp dành cho những hành khách nước ngoài. Lối cửa ra phi cơ gắn tấm biển số 2. Những người kiểm vé đứng chờ. Tôi và Liên An chưa dời bước, mắt nhìn nhau bối rối.
- Em đi nghe, tiếng cô gái nói và nước mắt ứa ra.
- Anh nhớ em lắm.
- Em hiểu.
- Anh nói với em một lời được không?
- Anh cứ nói đi.
- Anh yêu em.
Liên An gật đầu, rồi đưa tay ra cho tôi bắt.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

V

Huế, vẫn luôn là một thành phố ở xa tôi trong tâm hồn. Tôi luôn nhớ nghĩ về thành phố này nhưng không một chút ước ao, mơ tưởng sự trở về. Tôi không hiểu hết được mọi căn nguyên trong nỗi nhớ của mình. Nhưng mỗi lần nhớ, tôi vẫn luôn trông thấy những buổi chiều trên dòng sông, trên những con đường, qua những hàng cây, và nghe ra được những tiếng khua nhẹ bước chân, những tiếng nói, tiếng cười, và sau cùng đó là những bóng dáng thiếu nữ theo tà áo trắng đi đâu, hay đang trở về qua một dòng suối, về đâu không biết nữa, để rồi với phút tương tư tôi chợt nghĩ đời tôi trở nên vắng lặng.
Tình yêu có đi nữa, chỉ là hương sắc mong manh của gió hất mạnh một chiếc áo bay lên, rồi thả xuống nhẹ nhàng. Và bây giờ, người bạn tôi sắp nói ra đây là tình yêu đích thực của tôi. Tôi kể cho Lăng nghe buổi đầu tiên tôi gặp nàng. Tôi gợi nhớ ra căn nhà nàng ở trên phố Độc lập, thật rõ từng chi tiết về căn nhà này, nói tới mọi người trong gia đình nàng rất thương tôi, trong đó, có nàng rất yêu tôi bằng đôi mắt của nàng. Tình yêu trong đôi mắt đó, rất chân thực. Tôi với nàng hiểu với nhau trọn vẹn về tình yêu bằng con tim, nên không cần thiết lắm sự phô diễn bên ngoài theo hình thức, như hình ảnh lứa đôi tay trong tay dạo chơi trên đường phố vui vào buổi chiều có gió mát, cảnh trí nên thơ, hay nơi một công viên đầy màu sắc, hai người ngồi bên nhau chuyện trò, thủ thỉ những lời nói yêu thương, ngọt ngào, và sau đó, có dịp họ được nắm tay nhau, ôm nhau hôn khi bóng tối một ngày xuống trong màn đêm. Tình yêu qua hình thức đó nàng đã có với vị hôn phu của nàng, còn với tôi, nàng chỉ gởi theo tiếng nói qua từng mùa, hay bằng một cái nhìn thật yên lặng, cắn rứt, nhưng tôi được cảm thấy nhiều hơn hết nơi đôi mắt bao dung của nàng. Và, rồi tôi đi xa, cứ hai ba tháng, hay mỗi mùa, tôi lại nhận được những lá thư của nàng. Những lá thư nàng đã gởi tôi đem gói ghém lại để được hay tin có sự chờ đợi ngày ấy sẽ đến. Tôi luôn nghĩ đến nàng, điều này không chỉ riêng tôi mà đến nàng còn biết rõ nữa. Vậy đó nên tôi hiểu rằng nàng cũng luôn nghĩ đến tôi. Tôi cho rằng đây mới là tình yêu chân thực, vì không một phút, một giây nào chúng tôi không nghĩ đến nhau. Đôi khi, tôi và nàng sống trong một ảo tưởng, hai chúng tôi với cuộc đời này chỉ ở bên nhau thôi. Nàng nói, khi em nghĩ tới một người, đó là anh.
Trong tiếng mưa đêm câu chuyện kể của tôi trở nên buồn, nhưng thật hạnh phúc. Lăng cứ nằm im nghe tôi nói, tâm hồn người bạn càng lúc mở rộng, ghi nhớ, và đôi mắt cố hình dung về người bạn gái của tôi. Lăng chưa gặp nàng, nhưng câu chuyện tôi đang kể, là câu chuyện về một thành phố sau này sẽ được dựng nên trong tác phẩm văn chương giống như Alexandria, thành phố yêu dấu của Justine và nhà văn người Anh, Lawrence Durrell.
Có một bữa ăn sáng và uống cà phê ở quán ăn gần chợ Thái Bình, tôi nói cho Lăng biết, ba mẹ tôi dự tính đem gia đình vào miền Nam. Lăng không đáp lời, mắt lơ đãng nhìn ra đường nhưng có một thoáng suy nghĩ về chuyện gì đó. Rồi một giọng điềm đạm, Lăng quay sang tôi nói:
- Tôi rất hiểu điều này. Chỉ còn mẹ tôi và mẹ anh.
- Mình phải sống độc lập. Sự nhờ cậy không đem lại lợi ích gì nhiều. Mình phải tự tin vào cuộc sống của mình.
- Tôi cảm thấy trong đời tôi, có một sự thiếu vắng.
- Tôi cũng đã an phận rồi. Tôi thật muốn sống xa người thân của mình. Tôi cũng muốn mẹ tôi đừng hệ lụy, ràng buộc. Trong tất cả bà con, mẹ tôi là người ít học. Tôi rất thương mẹ tôi, nhưng không bộc lộ. Có lẽ tình thương đối với người mẹ mình, tôi đã tìm thấy nơi người bạn gái của tôi. Vậy nên tôi nghĩ mình chọn con đường viết văn là đi đúng hướng. Tôi cũng nghĩ mình có khả năng viết văn. Bây giờ, những truyện ngắn tôi đã viết chỉ mới phác thảo sự khởi đầu có vẻ lạc quan của mình thôi. Rồi đây, với tất cả kinh nghiệm sống trong quân đội, với cái nhìn mới hơn về cuộc đời, về con người mà trong đó tôi cảm nhận bằng sự quan sát lọc lõi, tôi sẽ viết nên được một tác phẩm có đề tài, một tác phẩm có ý nghĩa. Nhưng trước nhất, tác phẩm đầu tiên tôi viết ra là hình ảnh trung thực từ người bạn gái của tôi. Nàng đã biết tôi một con người chân thực, một con người có sắc thái văn chương, về phần mình tôi quá thất bại trong học hành thi cử, nhưng tôi tin mình có một khả năng đặc biệt để làm nên một chuyện gì đáng giá. Và tôi nghĩ, văn chương sẽ hoàn tất cho tôi. Thực sự, cực chẳng đả tôi phải học thi, chứ không ham muốn gì cả. Tôi chỉ cầu mong hoàn tất chương trình Trung học là tôi ngưng. Sở dĩ tôi muốn trả hết món nợ này, vì vẫn có sự một chờ mong gặp lại nàng. Tôi yêu người bạn gái tôi vô cùng. Tôi vẫn chờ đợi, chờ đợi với hy vọng, với thương yêu và luôn luôn chúng tôi nghĩ về nhau.

Liên An đã xa tôi, đang ở một phương trời khác. Những ngày qua, vắng Liên An, tôi cảm thấy sự xa cách của mình với Huế thật khôn cùng. Tôi chợt nghĩ, thành phố ấy mới thật sự là của Liên An. Có Liên An cùng với Huế, tôi nghe ra được câu chuyện tình của mình với Thúy Hà ở trên một dòng sông và bên một thành phố cũ. Rồi, tôi lại chợt biết mình không có gì cả, chẳng qua nỗi nhớ đã khiến mình tưởng tượng. Sài Gòn, tôi đang sống ở đây, và cũng đang chờ đợi tương lai. Tôi cố gắng khi nghĩ đến một sự thử thách, đến cả bao nhiêu sự ước mong của chính mình.
Ngày nào, trên lộ trình của chuyến xe buýt buổi sáng tôi cũng xuống ở trạm ngừng bên ngoài căn cứ Tân Sơn Nhất, rồi từ cổng chính đón xe lam vào trong Bộ Tư Lệnh, và có mặt đúng giờ ở phòng tuyển mộ để điểm danh. Cứ sau một tuần, quân số lại tăng lên nhanh, từng đợt khóa sinh được tuyển vào Không quân từ các quân trường, các đơn vị ở các quân khu lần lượt về càng đông, đến lúc con số tới một ngàn mới ngưng. Vào ngày đầu tháng 9, khóa học mới khởi sự, nhưng tôi không có tên trong danh sách ưu tiên được sớm vào trường Anh ngữ học trước, mà ở vào danh sách 218 khóa sinh phải lên đường ra Nha Trang học quân sự giai đoạn II, sau ba tháng mới trở về Sài Gòn, lúc ấy, sẽ được tiếp nối giai đoạn học Anh ngữ du học.
Lần này nữa, tôi xa Sài Gòn, thêm cả Huế nữa. Từ sân phòng tuyển mộ đến phi đoàn vận tải chừng hơn mười phút xe. Khi đoàn xe rẽ vào lối cổng và ngừng lại trên bãi đất trống bên cạnh nhà kho, lập tức, 218 khóa sinh nhảy xuống tập trung nhanh thành bốn khối theo danh sách đã có ghi sẵn tên. Mỗi khối, sẽ đi một chuyến bay. Tôi ở trong khối 4, đi chuyến sau cùng.
Trong lúc chờ, anh em chia nhau thuốc hút, chuyện trò rất thoải mái. Chen lẫn giữa số đông khóa sinh mặc đồ trận, đội mũ vải, có khoảng mười SVSQ niên trưởng mặc đồ vàng đeo dây biểu chương, người nào trông gương mặt cũng sáng sủa, tự tin.
Tới 9 giờ, khối 1 và 2 lên phi cơ. Hai chuyến bay kế tiếp được thông báo sẽ đi lúc 10 giờ. Số khóa sinh còn lại được tự do, nhiều anh em đứng dậy rời hàng đi về phía câu lạc bộ của phi đoàn. Khi trở ra, trên tay anh nào cũng có bánh mì, cà phê.
Tôi mở nắp túi áo lấy gói thuốc. Đây là điếu thứ tư tôi hút trong buổi sáng nay. Bất chợt, tôi nhận ra mình già hơn các bạn chung quanh. Cũng dễ hiểu, tôi đã đi lính, được theo học Sĩ quan nhờ có bằng Tú Tài I, còn những bạn kia ngoài đời là học sinh, sinh viên vừa đến tuổi nhập ngũ. Cũng khoác áo lính nhưng trông họ rất trẻ trung và mới lạ. Trong sự trầm lặng của mình, tôi có đôi chút mặc cảm dù rằng, lúc này tôi và họ là cùng chung một khóa học.
Tôi kéo dây ba lô, lấy ra một cuốn truyện nhưng vội vàng cất vì đã có lệnh di chuyển ra phi cơ. Hàng quân bước đều, trật tự hướng về chỗ hai chiếc phi cơ đậu.
Bỗng nhiên, tôi khựng bước. Người áp tải viên nhìn tôi, hỏi:
- Nhớ tao?
- Nhớ.
- Sao, được đi học Sĩ quan hả?
- Ờ, được đi học.
Tôi vừa đáp lời, nhìn anh lính cố nhớ tên. Lần lượt, khóa sinh lên tàu. Hai bên dãy ghế đầy chỗ, số còn lại ngồi xuống sàn. Đây là chiếc vận tải, loại C119. Nếu đi C130, chỗ ngồi thoải mái hơn.
Khi bửng cửa sau kéo lên, đèn trong phi cơ bật sáng. Một lúc, tiếng động cơ nổ, rồi di chuyển.
Phi cơ cất cánh rời Tân Sơn Nhất. Anh lính đi tới chỗ tôi ngồi, nhìn tôi bằng một ánh mắt lạ lùng. Tôi lấy gói thuốc đưa ra mời, anh ta rút một điếu.
- Ra Nha Trang học bao lâu?
- Học ba tháng quân sự, xong về đây học Anh ngữ.
- Lấy xong Tú Tài II chưa?
- Chưa, lấy không nổi. Nếu biết lận dận thi cử, tao đi sớm được ba năm rồi.
- Nãy giờ nói chuyện, mày nhớ ra tên tao không?
- Thực tình không nhớ.
- Tao nhớ tên mày.
- Cám ơn.
- Tao là Chung.
- À, nhớ rồi. Nhớ cả bài thơ của mày đăng trong đặc san của khóa. Chung gật đầu cười, hài lòng.
- Mày là chủ biên tờ Đặc San mà.
- Anh em mình cùng làm, tao chỉ lo bài vở rồi đánh máy, quay ronéo.
- Còn giữ tờ báo không?
- Còn, lần này ra Nha Trang cũng cố làm tờ Đặc San nữa.
- Mày viết khá lắm. Truyện mày đăng báo Lý tưởng, tao có đọc.
Tôi có được cảm giác nhẹ nhõm với người bạn lính cũ đã lâu không gặp. Và, ngoài Chung ra, tôi còn nhớ thêm một số bạn có Hoàng, Tâm, Phúc, Hải, Phước, Tài, Trân, Sang.
Chung trông khỏe mạnh, cao lớn trong bộ đồ bay như là một phi công. Năm đó, khóa tân binh chuyên viên có tuyển lựa thêm một số áp tải viên, Chung được chọn theo học một khóa về ngành này.
Lúc này phi cơ đang bình phi, chúng tôi chuyện trò vui vẻ, cởi mở. Những kỷ niệm đầu tiên bước chân vào quân trường được nhắc lại, với từng người bạn, với từng mái lều lợp tranh.
Tôi hỏi:
- Ở phi đoàn, có đứa bạn nào trong khóa nữa không?
- Không, một mình tao.
Tôi nói:
- Dáng dấp mày không khác gì là phi công.
Một giọng trầm lặng, hơi buồn Chung nói:
- Tao đi theo tàu luôn. Không có thì giờ học.
- Có khi nào ra Huế, Đà Nẵng không?
- Khỏi nói, đi như cơm bữa.
- Tiền phụ cấp bay khá không?
- Bằng nửa mấy ông Pilot.
- Vậy cũng đỡ.
- Mày lên được gì mới đi học.
- Hạ sĩ. Còn mày.
- Cũng ngang đó thôi.
Tôi thả mẩu tàn thuốc, dí mũi giày dập tắt. Cũng vừa lúc, tiếng chuông reo. Chung đứng lên, áp ống nghe vào hai bên tai. Tôi quay nhìn ra cửa, trông thấy bên dưới là biển. Một nỗi bâng khuâng, tôi còn níu tay trong những hình bóng ngày cũ. Rồi, tôi trông thấy bóng dáng ngọn núi, những con đường của thành phố xuất hiện, lúc này, phi cơ từ từ giảm cao độ để chuẩn bị đáp. Tôi vẫn cứ dõi theo những sự vật như mình đang tìm kiếm một bóng hình nào thân thuộc. Tôi nhớ nghĩ nhiều đến Thúy Hà, đến bao nhiêu hẹn ước xa xôi trông đợi có được một ngày ở bên nhau.
Những con đường trong thành phố đã khuất dạng. Phi cơ vừa chạm bánh rất êm xuống phi đạo, bỗng nhiên tiếng chuyện trò im bặt. Lúc này, anh em khóa sinh người nào cũng lo lắng, lặng yên xem xét lại quân trang và quân phục.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Từ phi đạo bên ngoài, phi cơ lướt bánh rất nhanh một đoạn đường xa, rồi tốc độ chậm dần, đến lúc ngừng hẳn.
- Nhanh lên, các anh còn tà hả.
Tôi đeo vai ba lô, tay phải nhấc túi xách marin, điềm nhiên chờ lệnh lạc. Chung mở cửa sau, từ trong khoang tàu đám khóa sinh vội vàng, hối hả lao ra ngoài.
- Các anh tập trung nhanh lên.
Giữa những tiếng la hét dữ dội, bất chợt có một hình ảnh như áng mây làm tôi chú ý, đó là cái bóng nắng in đậm nét viên Đại úy phi công còn rất trẻ trong bộ đồ bay màu cam đứng riêng một mình, lặng im.
- Các anh vào hàng ngay.
Người nào cũng đều khiếp sợ, tối mặt tối mày chẳng thấy gì cả, chỉ nhìn theo những chiếc áo treillis và những cái túi sac marin mà chạy đến chỗ sắp hàng.
- Đếm số.
Người đứng đầu cất tiếng lớn một, hai, ba, bốn, đến tôi là số 68 đứng ở hàng cuối.
- Sac marin lên vai, chuẩn bị.
- Sẵn sàng.
- Chạy.
Đoàn quân chạy đều bước, đều hàng, vừa hô to những tiếng khỏe, khỏe. Trời đang nắng nóng, tiếng hô, tiếng rầm rập bước chân chạy, và tiếng la hét của mấy ông SVSQ niên trưởng vang dội cả quân trường.
Nhưng chỉ vượt dược chừng hai trăm thước, đoàn quân chạy bắt đầu rời ra, người trước kẻ sau không còn thành hàng, thành lối nữa. Trên vai tôi chiếc sac marin mỗi lúc càng đè nặng, tôi cứ chạy, nhưng hoa mắt không nhìn thây quân trường dâu cả.
- Chỗ trại còn xa lắm. Các anh rõ chưa?
- Rõ.
- Chạy nhanh lên.
Đoàn quân thấm mệt, rời rạc trong bước chạy, bước đi, bước nghỉ. Tôi trông thấy có bóng im, vội buông túi xách ngồi nghỉ. Trước tôi, chừng năm mười bạn, cũng đã xỉu, rơi dài dài.
- Tại sao anh không chạy nữa?
Mệt quá rồi, cán bộ ơi.
Nghe tôi đáp vậy, anh ta bật cười, nhưng liền nín ngay và làm mặt nghiêm.
- Ông chống thế chờ, xuống cho tôi trăm cái hít đất coi.
Vừa được nghỉ qua ít phút, tôi tuân lệnh chống thế chờ hít đất. Được hai chục cái, vị này bảo tôi đứng lên, sac marin lên vai tiếp tục chạy. Tôi bạo dạn hỏi:
- Gần tới chưa cán bộ?
- Còn xa lắm, ông. Nhà trại các ông ở trên núi kìa. Chỗ có vọng gác ông thấy không?
Tôi nghĩ tay này xạo, nhưng ông ta hỏi lại lần nữa, tôi đáp rõ. Giờ tôi đang cố gắng chạy, bị đứt quãng mấy đoạn, rồi sau cùng về tới khu vực chính của trại.
Về đây anh em tưởng được nghỉ mệt, đâu ngờ, một trận dã chiến ra trò. Trên mặt sân cát, anh thì bò, anh thì lăn thùng phi, anh nhảy xổm, và còn cả một đám đông đang đếm nhịp hít đất. Cảnh tượng diễn ra trong tiếng la hét không lúc nào ngừng. Rồi cả bọn bị bắt lột con cá alpha, bị làm thịt từng đứa một. Bọn lính mới đứa nào cũng nín câm, lầm lì thi hành lệnh phạt. Mấy ông niên trưởng đang thay nhau quần thảo từng toán một, và mắt cứ lăm le chiếu tướng anh nào thi hành không đủ tiêu chuẩn.
Sau đoạn đường bò dã chiến trên cát hai vòng, nóng bỏng cả hai cánh tay, đến lượt tôi phải nhảy 30 cái nhảy xổm đúng thế. Hai tay để lên đầu, thế chân trước, chân sau, tôi cố gắng nhảy, cuối cùng cũng đủ. Lúc tôi đang sửa lại quần áo để báo cáo thi hành lệnh phạt xong, bất ngờ, một niên trưởng ở toán bên kia bước nhanh sang, rồi dừng trước mặt tôi, nạt nộ hỏi:
- Ông có biết tôi là ai không?
- Dạ, là niên trưởng cán bộ.
- Trời, ông dạ. Quân đội không có thưa dạ, ông ơi.
- Là niên trưởng cán bộ.
Người kia hỏi:
- Ông có quen biết niên trưởng này không?
- Không?
- Ông có quen tôi không?
Tôi đã nhận ra Giáp, bạn học cũ, chỉ nhìn.
Tiếng anh ta quát lớn:
- Ông có quen tôi không?
Sợ quá, tôi đáp:
- Không.
- Ông không quen tôi hả.
- Không.
- Hai chục cái hít đất.
Tôi không đáp lời, tuân lệnh thi hành. Xong, tôi đứng lên nghiêm chỉnh chào kính và trình diện. Một giọng từ tốn, Giáp hỏi:
- Cho ông nhìn lại mặt tôi, có quen không?
- Không, tôi đáp.
- Ông không xứng đáng là SVSQ/KQ.
Tôi lặng im nhìn Giáp. Giáp nói:
- Binh chủng Không Quân, tình bạn là trên hết. Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè. Ông là bạn học với tôi thời xưa, mà giờ vào đây ông lại không nhìn tôi. 50 chục cái nhảy xổm.
Tôi thi hành lệnh phạt lập tức. Và tôi chỉ biết mình còn gắng sức, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nắng trưa càng gắt, trên bãi cát, đám tân khóa sinh đã xỉu nằm dài, nhưng tiếng mấy ông cán bộ la hét vẫn còn chói tai, nhức óc. Bất thần, Giáp cất tiếng:
- Cho ông đứng dậy.
Tôi chỉ mới nhảy được 20 cái, Giáp đã cho đứng dậy. Lúc tôi sửa quần áo để trình diện, tiếng Giáp bỗng nhẹ nhàng nói:
- Tao là Giáp, nhớ ra không?
- Nhớ, tôi đáp nhỏ tiếng mắt vừa nhìn lại người bạn cũ.
- Có biết thằng Há không?
- Biết.
- Hắn mới về Sài Gòn tuần trước. Cuối tháng này hắn đi Mỹ.
- Còn ai bạn quen ở đây nữa không? tôi hỏi.
- Không.
Dưới nắng, mồ hôi ra ướt đầm áo tôi mặc. Niên trưởng lúc nãy bắt tôi thi hành lệnh phạt, đã bỏ đi. Tôi và Giáp nói chuyện nhỏ tiếng, nhắc lại tên mấy người bạn học với giọng khàn đục khơi trong nỗi nhớ một chút ngậm ngùi, cay cay trên cặp mắt. Khi xuống máy bay là mười một giờ hơn, đến lúc này đã quá một giờ trưa, 218 tân khóa sinh chịu đựng hai giờ huân nhục trong ngày đầu đã ngất ngư, mệt nhừ rồi, chỉ mong được nghỉ ngơi. Vừa mới nghĩ như vậy, bỗng có lệnh tập trung toàn khóa để nghe một Niên trưởng cán bộ trong chức vụ Không đoàn trưởng nói chuyện. Vị niên trưởng này đứng trước hàng quân, dáng uy nghiêm, miếng vải cà rốt mang trên cổ áo có đến bốn lằn gạch trắng nghiêng, trông ra vẻ là một vị chỉ huy cấp tá. Bằng một giọng trầm, vừa nghiêm, sau lời chào mừng đón tiếp, vị này lần lượt giới thiệu thành phần SVSQ cán bộ phụ trách đoàn khóa sinh trong thời gian huấn nhục, rồi tiếp theo là những điều lệ, nội quy của quân trường.
Từ ngoài sân, lần lượt tân khóa sinh đi hàng đôi vào nhà ăn. Rồi đứng nghiêm trước mỗi bàn, lặng im như cầu kinh, tất cả cùng lắng tai nghe những lời hướng dẫn cách ăn uống dành cho SVSQ. Năm phút sau, tất cả mới được phép ngồi.
Bữa ăn chỉ có cơm, món canh và cá kho. Mệt và đói, nên người nào ăn cũng nhiều. Hết thức ăn, có người lấy nước trà thay canh để ăn cho đủ sức, Lúc này, tất cả niên trưởng thay vì la hét, nạt nộ, ông nào cũng lời lẽ nhẹ nhàng, luôn có mặt từng bàn, vừa trò chuyện, vừa thúc các tân khóa sinh phải gắng ăn thật nhiều, thật no, vì thời gian huấn nhục còn kéo dài đến tám tuần. Trong khoảnh khắc ấy, ai cũng cảm động, vơi dần đi nỗi mỏi mệt.
Bữa ăn thong thả, kéo dài hơn nửa tiếng. Khi trở ra ngoài, với túi sac marin trên vai, từng khối đi nhận phòng. Bên trái khu nhà ăn, một tòa nhà dài hai tầng, có lối cầu thang ở hai đầu. Được phân chia và hướng dẫn trước, hai khối c và D tầng dưới, A và B lên tầng trên.
Hai dãy giường sắt đôi song song, một lối đi rộng ở giữa, bên mỗi giường có đặt chiếc tủ nhỏ cao hơn một mét, anh em khóa sinh khi đi vào cứ theo thứ tự hàng đôi mà nhận chỗ. Tôi ở dãy giữa, giường trên, bên cạnh là bạn Lưu Vinh, đối diện có một bạn người Quảng tên Đặng Chứng gần đó, là ba chàng trai Huế là Hiệp, Vê và Định.
Hôm nay là ngày chủ nhật, giờ này, có nhiều niên trưởng mới bắt đầu ra phố, nhưng cũng có một số đã trở về trại.
Tôi ngả lưng xuống giường chợp mắt được một giấc. Khi tôi thức dậy, các bạn chung quanh đang ngồi đánh giày, soạn sac marin sắp xếp quần áo, hoặc viết thư. Trong cảnh sinh hoạt giờ nghỉ ai nấy đều yên lặng, nhưng cũng trong giờ phút này, anh em có dịp hỏi chuyện làm quen nhau, ở khóa này, đông hơn hết là số SVSQ khóa 3/69 ở trường Quang Trung.
Mới cách đây hai ngày, tất cả khóa sinh tập trung đông đủ ở trước sân phòng tuyển mộ. Điểm danh xong, có ngay tin tức thông báo về khóa học. Viên Thượng Sĩ đứng trước hàng quân bắt đầu đọc danh sách những người đi Nha Trang, anh nào có tên sắp một hàng riêng. Trước buổi tập họp, trong anh em đã lao xao bàn tán về chuyện đi hoặc ở lại Sài Gòn. Tôi nghe các bạn nói, điểm thi Anh Ngữ dưới 21 sẽ ra Nha Trang học quân sự trước, còn trên mức này, sẽ ở lại Sài Gòn học Anh Ngữ. Với tin này, tôi tự nghĩ chắc là mình ở lại để học chứ không ra Nha Trang, vì kỳ sát hạch vừa rồi ở Trung Tâm Nguyễn Trãi tôi làm bài được, nhất là phần viết và văn phạm.
Nhưng bất ngờ, sau con số 200, lại có tên tôi. Cho đến người thứ 218 thì danh sách ngừng lại ở dó, và không cần thông tin nhiều, viên Thượng Sĩ loan báo ngay những ai có đọc tên ra Nha Trang về nhà chuẩn bị quân trang, sáng chủ nhật sẽ lên đường.
Hàng quân tự động giải tán. Số đông anh em chưa về ngay, vẫn còn đứng lại chuyện trò, bàn tán sôi nổi.
- Như vậy, tụi mình bị mất ba tháng.
- Đằng nào cũng phải học quân sự giai đoạn II mới ra trường.
- Nhưng được học Anh Ngữ, đi Mỹ sớm hơn.
- Bạn ạ, ông có đậu Anh Ngữ, đậu bằng lái Pilot, ông cũng phải học xong quân sự mới đeo lon.
- Không đâu, đi qua Mỹ học về là đeo lon luôn.
Từng đám đông đang tu tập, vẫn cứ bàn đi, nhắc lại mấy điều kể trên mà thực sự cũng chưa ai nắm rõ, nên chẳng biết tin bạn nào là đúng. Nhưng dù đi hay ở, tôi không bận tâm nữa. Ra Nha Trang cũng vui thôi, điều cốt yếu ngày nào ra trường, trở thành phi công mới là quan trọng. Và, trong lúc 218 khóa sinh chờ lên đường ra Nha Trang thì khóa 69A từ ngoài đó vừa mãn khóa học mới trở về. Có một vài SVSQ của khóa này xuất hiện trong bộ quân phục vàng, có gắn alpha và mang dây biểu chương.
Ngày chủ nhật, gần tới rồi. Tôi tự dưng nôn nao, nửa muốn về nhà, nửa còn nấn ná ở lại. Sau hơn một giờ tụ tập, thấy anh em ra về tôi cũng về theo. Trước khi tới bến xe lam trong căn cứ, tôi ghé Phòng Báo Chí gặp anh Dương và được anh cho vài tờ báo Lý Tưởng mang theo đọc.
Trong một thoáng nhớ, cuộc đời tôi có vẻ chênh vênh, chập chờn. Lúc này, có những người bạn ngồi cúi đầu lặng yên theo ngòi bút viết thư về cho gia đình. Tôi cảm thấy nao nao nghĩ đến cha mẹ, những đứa em, và bao nhiêu người thân cùng bạn bè. Tôi cũng bất chợt nhớ đến bóng dáng một cô gái Huế cùng tôi đi trên chuyến xe buýt, rồi cùng tôi xuống một trạm ở nhà ga. Không biết tận phương trời xa, Liên An có nhớ lại một chút gì về tôi không, hay buổi gặp gỡ tình cờ đó, đối với cô thật bình thường, dửng dưng, chẳng hề gọi là kỷ niệm. Riêng tôi, bóng dáng nàng như gió mát tâm hồn, phút giây này, lòng tôi thực muốn gửi về Huế, thành phố thân yêu ây một mối tình. Sau cùng, trong trí nhớ tôi hiện rõ một khuôn mặt hiền dịu Thúy Hà, tôi như nghe tiếng nàng nói và đem lại cho tôi một nỗi buồn, từ nay tôi chỉ biết giữ mãi sự thầm kín của một câu chuyện tình mà chỉ có riêng hai người biết nhau thôi.
Bỗng nhiên, từ ngoài lối cửa vào Giáp xuất hiện trên tay cầm một gói giấy báo. Vừa đến bên tôi, Giáp lên tiếng:
- Ông vừa mới vào quân trường mà đã có thân nhân gởi quà rồi.
Các bạn chung quanh nhìn tôi và Giáp. Nhưng tôi biết ngay gói quà nhỏ là Giáp mua ở khu cantine, chứ không hề có ai gởi cả. Tôi nói với người bạn tiếng cám ơn rất nhỏ, hơi rụt rè, rồi lúc Giáp ngồi xuống cạnh giường mình, tôi mới mở gói giấy. Đó một chiếc khăn mặt, cái bàn chải mới và một phong kẹo nhỏ.
Giọng xúc động, tôi hỏi:
- Gia đình anh còn ở Đà Nẵng không?
- Vẫn ở ngoài đó.
- Anh sắp đi Mỹ học lái chưa?
- Không đi Mỹ, đang học khóa Cessna ở đây.
- Vậy cũng được. Anh đã bay solo chưa?
- Rồi, mới xong tuần trước.
- Như vậy, trên ngực áo anh có nửa cánh chim rồi. Giáp cười nhẹ nhàng. Có bạn khác hỏi:
- Chừng nào niên trưởng mới ra trường?
- Chưa biết, suôn sẻ, chừng sáu tháng nữa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Next

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 23 guests