Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 02 Apr 2017

Vậy mà chưa hết, trận hỏa hoạn chưa hoàn hồn thì ba tôi lại có giấy thuyên chuyển đến nhiệm sở khác trong tỉnh Quảng Trị. Một lần nữa, gia đình tôi lại dọn đi.
Tôi đã được 9 tuổi, mới học xong lớp Nhì. Buổi sáng ấy, có một chiếc xe hàng ngừng đậu trước mặt nhà tôi. Từ mái hiên, anh em tôi đứng nhìn chiếc xe sơn màu xanh biển lấy làm vui vì sắp được lên xe đi. Người tài xế xuống xe đi vào nhà tôi qua lối cửa hông. Trong nhà, có ba mẹ, cậu mợ Tuyên và người phụ giúp khuân vác đang uống trà nói chuyện.
Một lúc sau, người tài xế trở ra xe. Ông ta nhanh nhẹn nhảy lên trần đứng trên đó tay mở các cuộn dây thừng để cột đồ đạc và hành lý. Từ trong nhà, đồ đạc di chuyển chuẩn bị xong tối qua, lúc này lần lượt đưa lên xe.
Buổi sáng sinh hoạt trong khu phố và khu chợ trước nhà tôi đã bắt đầu ồn ào như mọi ngày. Khi thấy gia đình tôi dọn đi, bên kia đường có nhiều người đứng trông sang, chăm chú với vẻ mặt yên lặng. Ở đây, rất nhiều người kính mến ba tôi, vì ông là thầy giáo dạy học, và cả thị xã chỉ có mỗi một trường tiểu học duy nhất ở gần nhà ga.
Người tài xế bước lui tới trên trần xe với cuộn dây thừng to dùng cột hàng hóa. Ông ta sắp xếp gọn gàng, sau khi chất đồ đạc xong, ông phủ trùm một tấm bạt rồi kéo hai vòng dây ở hai đầu móc trần xe.
Nắng sáng lên làm rạng rỡ cả khu phố. Tiếng chuyện trò, cảnh tiễn đưa bỗng rơi vào yên lặng. Tôi nghe tiếng nói thật trầm của cậu Tuyên với ba tôi, còn mợ Tuyên nắm tay mẹ tôi.
Anh em tôi bước lên xe với mấy cái túi nhỏ. Mẹ, chị Lài ngồi sau với tôi và mấy em còn ba tôi lên ghế trước với tài xế.
Khi xe lăn bánh, anh em tôi cười nhìn nhau. Chỉ có hai người trong lòng đang buồn bã đó là chị Lài và mẹ. Nhưng rồi bỗng chốc, tôi có cảm giác mình sắp sửa khóc, về sau này, hình ảnh thị xã Đông Hà tôi giữ lại trong ký ức như là một cuộn phim.
Quảng Trị nằm về phía Nam, cách Đông Hà bằng đoạn đường mười hai cây số từ tỉnh lỵ đến quê nội của tôi. Thành phố này đẹp hơn, có nhiều nhà ở, nhiều con đường im bóng mát, thơ mộng nhất là con đường ven theo dòng sông hai bên có trồng những hàng cây phượng, cây bồ đề, cây sao nối nhau đến khu Cổ Thành Đinh Công Tráng.
Nhà tôi ở nằm bên dưới ga đối diện với tháp nước, nơi chỗ đó những chuyến tàu đi hay về cũng đều ngừng lại trong mười phút để lấy nước trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Vì quanh chốn này còn là vùng đất hoang, tràn đầy cỏ mọc nên nhà ở của gia đình tôi mới có được một diện tích đất khá rộng rãi, phía trước nhìn ra con đường từ cổng ga đổ về phố Trần Hưng Đạo, phía sau là vườn trồng cải, trồng hoa, cây lưu niên và đào hồ nuôi cá. Bên dãy nhà phụ, một mái hiên lợp tôn rộng mẹ tôi mở quán hàng ăn, buổi sáng bán bún, cháo, trưa chiều là cơm.
Nhà ga gần trại lính, mỗi ngày có đến bốn chuyến tàu ghé dừng nên quán hàng mẹ tôi mở luôn có khách vào ăn uống. Năm 1954, đồng bào miền Bắc di cư vào Nam khi hiệp định Genève ký kết. Khởi sự từ năm này dân số trong tỉnh tăng lên và kế hoạch định cư được mở rộng ra các vùng ngoại ô. Với đồng lương giáo viên tiểu học của ba tôi, công việc bán quán của mẹ tôi, lợi tức hàng tháng góp lại cũng ổn định, bình yên cho cuộc sống gia đình. Ngoài những buổi học ở trường, tôi còn phụ giúp mẹ trong việc chạy bàn mang bữa ăn, thức uống phục vụ cho khách.
Vì học kém và chậm, đến năm 1956, tôi mới vô được trường công lập trung học. Nhưng tôi chỉ lên lớp sau năm đầu Đệ Thất, đến hết năm Đệ Lục tôi không đủ điểm trong hai kỳ thi lục cá nguyệt phải ở lại, và trong năm học mới này tôi và Huân quen nhau, trở thành bạn thân và cả hai mới cùng đi xa trong mùa hè này.
Bỗng tôi lên tiếng hỏi Huân:
- Mày ở với bà chị bao lâu?
Huân chợt cười bảo tôi:
- Sao mày hỏi ngớ ngẩn. Tao đi với mày, đến hết kỳ nghĩ hè thì về.
Tôi ngập ngừng một chút, rồi nói:
- Tao nghĩ mày ở không lâu, ra lại sớm nên mới hỏi.
Hiểu được ý tôi, Huân nói:
- Bác có nhờ tao khi nào về, thì đón mày.
- Nhớ nghe không có mày tao phải đi một mình không có ai quen.
Hết giờ nghỉ, tài xế gọi hành khách lên xe đi. Từ đây, tài xế bắt đầu mở radio có chương trình nhạc vui cho hành khách nghe. Hai bạn nhỏ vẫn luôn cảm thấy nao nức với chuyến đi đường trường. Trong phút im lặng hẳn Huân sẽ nghĩ đến căn nhà của chị Duyên, nó cũng có đứa cháu nay lên bốn tuổi rồi, còn tôi thành phố biển Nha Trang đẹp như thế nào, lớn như thế nào, tôi đang hình dung vừa tưởng tượng nhìn thấy từng khung cảnh hiện ra trước mắt.
Bất chợt, tiếng thằng lơ xe ở đằng sau hỏi vọng hành khách.
- Ninh Hòa đây, có ai xuống không?
Huân giật mình, tôi liền hỏi:
- Có xuống đây không?
Huân ngần ngừ, rồi đáp nhanh:
- Thôi, tao đi Nha Trang với mày. Bác đã nhờ, tao đưa mày đến nơi đến chốn.
Tôi cảm thấy tin tưởng khi có người bạn bên mình. Xe tới Nha Trang đầu buổi chiều. Bến xe nằm trong thành phố. Những con đường rộng mở vui trong ánh nắng hè và cảnh sinh hoạt thành phố thật là nhộn nhịp. Xuống bến, cùng với hành lý, Huân và tôi đón xích lô đến nhà bác Định. Bác Định là bạn thân với ba tôi. Năm 1954, gia đình bác di cư vào Nam ở lại tỉnh Quảng Trị, bốn năm sau mới vào Nha Trang. Ở xa, ba tôi và bác thư từ nhau luôn. Với tình thân còn gắn bó, nên ba tôi cho tôi đi nghỉ hè Nha Trang đến ở với gia đình bác. Chừng độ một tháng rưởi thôi, tôi lại trở về Quảng Trị, bắt đầu bước vào năm học mới cũng là năm chuẩn bị thi cử.
Nhà bác Định ở khu Phước Hải, đầu đường Huỳnh Thúc Kháng. Ngoài phía ngã ba là đường Nguyễn Hoàng, dọc con đường dài này có nhiều dãy phố buôn bán, ngôi nhà thờ lớn ở trung tâm, từ nhà ga những chuyến tàu đi cũng như đến đều cũng phải chạy theo đường ray nằm sau lưng nhà thờ. Về tới nơi, thực may hai đứa gặp cả gia đình bác Định và được đón tiếp niềm nở. Tôi giới thiệu Huân với hai bác, còn Nhị con bác là bạn học cùng lớp với tôi và Huân. Nhị gặp lại hai bạn thực vui, nhưng chỉ chuyện trò hơn nửa tiếng Huân vội xin kiếu từ để ra Ninh Hòa. Tôi cùng với Nhị tiễn Huân ra bến xe, vì còn ham vui, cả ba đứa vào quán chơi bi da hết một tiếng đồng hồ mới chia tay.
Những ngày tháng hè đó thật là hạnh phúc. Tuần lễ đầu, tôi chưa vội ghi tên lớp hè để học mà cứ hưởng cái thú đi chơi. Hai chiếc xe đạp không rời tôi và Nhị. Buổi sáng sớm, hai đứa đạp xe ra biển, tới bãi gởi xe xong là ào xuống tắm. Mùa hè, từ sáng sớm đến chiều tối, bãi biển lúc nào cũng đông vui, ấm áp với ánh nắng và mặc sức vẫy vùng, vượt sóng. Biển Nha Trang thật đẹp, bãi cát trắng, màu nước biển xanh vời vợi tạo một niềm hưng phấn làm hai bạn càng muốn bơi ra xa. Sau hơn một giờ tắm biển, hai bạn lại đạp xe đi nơi khác. Tôi được Nhị dẫn đi thăm các thắng cảnh Tháp Bà, Hòn Chồng, Hòn vợ, Xóm Bóng, và còn ra tới những vùng ngoại ô xa đến lúc mặt trời lặn mới trở về nhà.
Nhị sành sỏi chơi đàn, tôi cũng học đàn với Nhị. Khi đánh đàn, hai bạn cùng hát những bản nhạc vui học ở trường, những bài hát về sinh hoạt hướng đạo hay trong những kỳ cắm trại. Nhưng mỗi tối, bác Định luôn bảo tôi và Nhị vào bàn học lo luyện hai môn Toán, Lý Hóa. Sau tuần lễ đầu vui chơi thoải mái, cả tôi và Nhị mới cùng ghi tên lớp hè ở trường Tương Lai. Hai bạn trình độ học ngang nhau, về môn Toán tôi trội hơn nhưng Lý Hóa, Nhị lại khá hơn, vào giờ học hai đứa giúp nhau nên tiến bộ khá nhanh.
Ra Ninh Hòa ở với bà chị được hai tuần, nhớ bạn, Huân lại vào từ sáng thứ sáu đến chiều chủ nhật mới trở ra nhà. Hội ngộ, ba đứa kéo nhau đi phố vào rạp hát coi phim cao bồi, sau khi vãn hát, lại đi lòng vòng qua các phố, hay vào Câu lạc bộ thể thao chơi bóng bàn, bi da. Ba đứa thi đấu đều ngang ngửa, luôn tạo nhiều pha bóng tấn công gay cấn hay những đường cơ bi da so kè, suýt soát từng điểm.
Những ngày hè của tôi thật là hạnh phúc và quý giá như mỗi điểm có được ở bài thi. Căn nhà bác Định, ngoài nơi chốn ở bình thường nó còn cho tôi hiểu cái đức hạnh chân chính về giá trị con người. Bác Định trai thương tôi là đứa học trò cũ của bác. Bác gái, luôn gọi tôi là thằng cu như Nhị và các anh con trai lớn của bác.
Khi đã quen thuộc với một thành phố mình đến, với một gia đình người thân mình được ở, đó cũng là lúc (mùa hè sắp hết rồi) mình lại hồi nhớ về chính mình. Ngoài Nhị và Huân ra, tôi cũng còn có những gương mặt bạn bè ở quê nhà nữa. Ngày mai đây, hẳn rằng, tôi sẽ biết trân quý, biết cất giấu và sống hạnh phúc với kỷ niệm như tưởng mình đã có người yêu.
Nha Trang cũng là thành phố lớn. Ga chính ở đây, mỗi ngày có đến sáu chuyến tàu chạy đường ngắn, đường suốt. Những chuyến tàu đến hay đi, ngồi ở nhà vào lúc chiều hay tôi, tôi đều nghe rõ tiếng còi tàu. Và, nghe qua từng hồi còi dài ngắn, tôi biết chuyến tàu nào về, chuyến tàu nào sắp sửa ra đi. Tối hôm ấy, những ngọn đèn sáng, những tiếng bước chân người xa lạ và vui, rạp hát chiếu cuốn phim chiến tranh, hình ảnh một cô gái và chàng trai đi bên cạnh nhau nói những lời tâm tình những lời từ biệt, thành phố Đà Nẵng bỗng dưng làm tôi xao động, dấu yêu một nỗi niềm. Và rồi, tôi mường tượng nhớ đến một buổi trưa hè khác có một người đàn ông và một cô bé trạc tuổi bằng em gái tôi vào quán hàng cơm của mẹ tôi. Tôi biết hai người này là khách đi tàu ở xa về, vì chuyến tàu về đến vừa mới đi, và lúc này ngoài con đường có nhiều chiếc xích lô đang chở khách xuống phố.
Cô bé khuôn mặt dễ thương, nước da trắng, còn người đàn ông chắc là ba của cô có mái tóc chải tóc bóng láng, mắt đeo cặp kính trắng. Lúc ấy qua trưa, khách ăn giờ đầu xong đi gần hết nên ghế bàn còn lại để trống nhiều.
Khi tôi mang cơm ra, đặt cái khay nhôm xuống bàn tôi thấy mắt cô bé nhìn tôi, nụ cười trên cặp mắt.
Tôi trở vào đứng ở cửa bên quán, cầm ly nước trà đá uống. Tiếng còi ngắn cất lên, chiếc máng xối hứng nước được kéo ra sau đầu máy, rồi con tàu lăn bánh. Tôi hướng mắt nhìn con tàu với nhiều toa xe lần lượt chạy qua. Bỗng tôi chú ý lắng nghe giọng nói của cô bé và người đàn ông. Khi nghe được, tôi biết là cả hai không phải là người Quảng Trị ở đây mà là người miền Bắc. Thời kỳ đó, thời hạn cuộc di cư trong 300 ngày chưa chấm dứt. Ngang qua nhà ga nhỏ này, trước đây chỉ có hai chuyến tàu đi, về giờ mỗi ngày có đến sáu chuyến, chưa kể là có tăng cường thêm xe nhà binh, xe chở hàng nhận công tác cứu trợ đi ra phía Bắc đến tỉnh Thanh Hóa chở đồng bào di cư vào miền Nam.
Tôi bỗng có cảm tình với cô bé nên đưa mắt nhìn chú ý. Cô bé mặc chiếc quần tây xanh, áo sơ mi hồng, và có cặp mắt nhỏ thật đẹp. Hai người khách ăn cơm xong gọi tính tiền, tôi nghe vậy vội bước chân đến. Vì phải thối lại nên tôi trở vào quán lấy tiền lẻ nơi ngăn hộc, xong trở ra.
Người khách cầm lấy tiền thối, nói với tôi:
- Cám ơn cháu.
Tôi cũng đáp lời cám ơn với ông khách.
Cô gái nghe được tiếng tôi nói, ngước cặp mắt vui lên nhìn.
Hai cha con đứng dậy rời quán, trở ra đường chờ xe.
Người đàn ông xách cái túi lớn, da nâu, còn cô bé quàng dây đeo chiếc túi nhỏ màu vàng bên vai.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 03 Apr 2017

V

Sau bữa ăn trưa, tôi trở lại bàn làm việc. Vừa mới kéo chiếc ghế, tôi chợt ngừng khi nghe một hồi chuông điện thoại reo ở bàn anh Huy, chưa thấy anh có mặt, hồi chuông tiếp theo làm tôi vội nhanh chanh chân để bắt máy.
- A lô.
- Thưa ông, cho tôi gặp anh Thụy.
- Vâng, tôi đây.
- Thụy đó hả. Dương Đang đây, bạn cũ 69B.
- Ủa, Đang. Ở đâu gọi?
- Ở nhà, trong vùng quận Cam.
- Sao biết tao ở đây mà gọi.
- Tao mới đọc bài bút ký Nhớ khóa 69B.
- Đúng rồi.
- Chủ nhật này anh em trong khóa họp mặt.
- Vậy hả, tổ chức ở đâu.
- Nhà hàng Paracell, biết nơi đó không?
- Biết. Có đông không?
- Đông. Đến nghe.
- Rồi.
Tôi cúp máy lúc anh Huy trở về. Tôi nói:
- Bạn em gọi.
Anh Huy gật đầu. Tôi trở lại bàn làm việc của mình. Trên bàn đã có sẵn một bản đánh máy mới được in ra, và mấy chiếc kẹo sô cô la. Tôi biết kẹo này của cô Ngà thư ký đánh máy đem cho. Từ ngày tôi vào làm việc, cô có vẻ mến và thân tình với tôi. Tôi cũng mến cô, giờ nghỉ, thường có trao đổi một vài câu chuyện. Tôi được biết cô và người chị vượt biên, đến Mỹ năm 1980.
Tôi đọc bài, chú ý lỗi đánh máy sai. Trên bàn, lúc nào cũng có sẵn một cuốn tự điển chính tả. Cách sửa morasse, có quy luật riêng của nó. Tôi hiểu luật này, vì có một thời gian làm việc cho một tòa báo chừng ít tháng, vì chuyện đi lính nên tôi bỏ.
Tôi thường khởi sự công việc sửa bài vào đầu giờ buổi chiều. Trong suốt buổi sáng, tôi viết tin sinh hoạt hoặc làm phóng sự. Những bài phòng sự này, tôi không phải đi ra thực tế để phỏng vấn và chụp ảnh, mà dựa vào những bài báo phát hành bên Việt Nam. Ở bên đây, các báo Việt cũng rất cần tin tức Việt Nam, nên báo nào cũng có đặt mua ở người chạy hàng một số báo như Văn Hóa Thể Thao, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Sài Gòn Giải Phóng. Báo được giao vào ngày thứ hai đầu tuần, bổn phận tôi là lấy một số tin cần biết cho cộng đồng, vừa làm một số phóng sự xã hội đang diễn ra dưới chế độ mới do Hà Nội nắm quyền.
Bài tôi đang sửa là một bài bình luận chính trị, sẽ đăng ở phần Diễn đàn. Tôi đọc thấy hay, chú ý. Đây là bài viết của một nhà nghiên cứu sử học, trước 75 đã có tên tuổi, từng là cộng tác viên của tạp chí sử địa. Trong bài viết này, tác giả phân tích cuộc chiến miền Nam kéo dài 21 năm, và nêu rõ nguyên nhân xa cũng như gần dẫn đến chính phủ và quân đội miền Nam thua trận.
Bài dài bốn trang, sửa xong, tôi đem liền qua cho cô Ngà. Biết tôi xuất hiện, một giọng vui cô hỏi:
- Anh ăn kẹo ngon không?
- Rất là ngon.
- Anh ăn nữa không?
- Cám ơn, đủ rồi cô Ngà.
- Đợi em ít phút.
Tôi nhìn cô Ngà đánh máy rất nhanh, mười ngón tay trên bàn phím thoăn thoắt như là đánh đàn dương cầm. Tôi nói ra ý nghĩ ấy, lòng cô vui, và cũng cho tôi hay là cô biết chơi đàn Tây ban cầm.
Cô đánh máy vừa xong, bài in ra.
- Gia đình anh lúc này sao?
- Tôi còn độc thân.
Cô lấy bài từ máy in đưa cho tôi, mắt dò xét.
- Tôi nói thực, không dối cô đâu.
- Anh nói, em tin.
- Tôi qua Mỹ một mình.
- Có cần em giới thiệu một người không?
- Được vậy, hay lắm.
Tôi trở lại bàn làm việc của mình. Trong tòa soạn, lúc này người nào cũng chú tâm vào công việc. Vào giờ này là cao điểm, bạn hữu đến, có ai muốn mời đi uống cà phê, hay ra phố, nhân viên phải kiếu từ vì cần lo cho xong việc một ngày, về phần tôi, sửa bài liên tục đến sáu giờ. Giờ này bài vở được lên khuôn để đem đến nhà in.
Tôi đem hai bài cuối cùng mới sửa xong qua cho cô Ngà.
- Xong rồi anh.
- Vâng.
- Anh về chưa?
- Sửa soạn đây.
Tôi nhìn đồng hồ.
- Nhà cô gần đây không?
- Em ở thành phố Garden Grove.
Tôi đợi cô Ngà sửa bài xong, để cùng rời tòa soạn một lúc. Không chờ lâu, xong việc chúng tôi cùng ra cửa trước, nơi có bãi đậu xe bên kia đường.
- Anh thường ăn uống ra sao?
- Cũng thất thường. Có lúc ra quán, có lúc về nhà.
- Anh ở nhà thuê?
- Tôi ở nhà thuê một phòng.
Tôi bắt tay Ngà trước khi về. Từ tòa soạn đi theo đường Moran ra phố chính Bolsa, xe tôi rẽ trái, còn cô Nga rẽ phải hướng lên đường Mangolia. Tôi nghĩ khi cô về đường Mangolia, sẽ đi ngang qua khu công viên, và khu nhà ở của anh Giang. Ở gần đó, có một ngôi nhà thờ Tin Lành. Đã có một đôi lần đi ngang trên đường này tôi nghe tiếng chuông nhà thờ đổ. Tiếng chuông ngân vang, lúc ấy, tôi có cảm giác buổi chiều vừa lắng xuống.
Tôi ghé vào khu chợ, đến tiệm bánh mua mấy chiếc bánh mì và bánh giò. Nhân tiện, tôi ghé hiệu sách mua vài loại báo tuần về nhà đọc.
Tôi trở ra xe, về đến nhà trời cũng vừa tối. Xe đậu bên đường, tôi đi qua sân vắng, lên gác bằng lối cầu thang ngoài.
Vào nhà, tôi thay đồ đi tắm xong trở ra làm cà phê và bữa ăn tối. Chuông điện thoại reo, tôi nghĩ đó là Thùy.
- Anh đang làm gì đó?
- Làm bữa ăn tối.
- Anh ăn gì?
- Một tô mì, có tôm và cải bẹ.
- Em cũng đang làm cơm đây.
- Chúc em bữa tối ăn ngon.
Vài câu hỏi thăm cho đỡ nhớ, rồi cúp máy, và mỗi người trở lại cuộc sống riêng của mình. Tôi và Thùy đang có sự gắn bó nhau, nhưng chưa ai nghĩ đến cuộc sống chung. Tuy nhiên, chúng tôi thật hạnh phúc khi tình yêu đã có được.
Tôi làm xong cà phê để sẵn đó rồi đun nước sôi để nấu mì. Một cảm giác vu vơ, hơi buồn cười khi tôi nghĩ đến một người phụ nữ mà cô Ngà sẽ giới thiệu với tôi.
Bên ngoài, trời dậy gió rồi mưa. Khi mưa xuống, gió lặng. Tôi ngồi ở bàn ăn một mình, nấu tô mì, tôi dùng hai gói và cho nhiều tôm. Bỗng dưng, tôi nhớ đến Thiết cũng là phi công anh là chồng của Liên An.
Tôi ăn xong nhanh, ngồi uống cà phê. Một lúc cảm thấy trống không, tôi dọn dẹp các thứ trên bàn rồi lên giường nằm đọc báo. Tôi thiếp ngủ một lúc rồi trở dậy. Mưa chưa tạnh.
Tôi rời giường đi tiểu tiện xong về lại, tắt đèn và cố gắng ngủ. Tôi không biết mình ngủ lúc nào, buổi sáng dậy trễ, nhưng hôm nay là thứ bảy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 03 Apr 2017

Khi tôi đang làm cà phê, Thùy đến. Chúng tôi ở nhà ăn sáng, uống cà phê, trò chuyện.
- Công việc ở tòa báo dễ chịu không?
- Không mấy dễ. Anh muốn tìm công việc khác.
- Sao vậy?
- Anh nhận tiền lương còn ít quá.
- Có cần, em phụ cho.
- Không, anh cần tự lập.
- Anh đừng lo lắng.
- Ngày mai em đi đâu không?
- Có. Em xuống San Diego.
Tôi không hỏi lý do việc Thùy đi, vì thấy không cần thiết.
- Ngày mai anh có lên anh Giang không?
- Ngày mai anh họp mặt với các bạn cùng khóa.
- Khóa học Thủ Đức.
- Không, ngoài Nha Trang.
Tôi kể lại những chuyện cũ giống như trong một bài ký tôi đã viết. Thùy cảm thấy vui khi hai chúng tôi gần gũi nhau. Một ngày cuối tuần của chúng tôi là hạnh phúc bên nhau, không rời nhau. Có lúc trò chuyện suốt buổi, có lúc, sự khao khát đòi hỏi, chúng tôi cần thiết đến sự san sẻ và cảm thấy thật ấm áp.
Sau bữa ăn tối, Thùy về nhà. Ngày hôm sau, mười giờ sáng tôi đến nhà hàng Paracell đúng giờ. Cũng như tôi, các bạn đông đủ. Vừa gặp nhau, gọi tên, cười đùa, chuyện trò hết sức là ồn vui. Không ngờ chúng tôi được gặp nhau và còn nhớ lại một thời của tuổi trẻ, của một quá khứ, những ngày đó đã xa nơi chốn quân trường và ngoài các đơn vị. Có khoảng trên năm mươi người, số anh em cùng khóa nhưng ra khỏi binh chủng như tôi rất là ít, năm bảy đứa, còn lại hầu hết là phi công bay các loại phi cơ vận tải, khu trục, trực thăng và quan sát. Tôi gặp lại Chơn, Bắc, Có, Tằng, Luận, Lê, Thêm, Thành, Thái, Phát, Lộc, Kim và mấy bạn dân Trung có Vê, Hiệp, Chứng, cùng một dãy giường gần nhau. Xa cách đã nhiều năm, nhưng chúng tôi vẫn còn trẻ trung, hồn nhiên. Buổi họp mặt gây thêm không khí gia đình khi một số bạn đem các phu nhân đi cùng. Tôi rất muốn Thùy đi dự hôm nay, nhưng nàng bận.
Anh em gọi nhau ơi ới lúc vào hàng chụp ảnh. Đầu tiên chụp toàn khóa, sau từng nhóm, rồi riêng từng người, từng cặp. Tôi đứng chụp khá nhiều, không chỉ chung với khóa mà còn riêng với từng nhóm, và từng người bạn.
Nhà hàng cho người ra mời, chúng tôi kéo nhau vào cứ mười người một bàn tròn. Trước khi bữa tiệc bắt đầu, chúng tôi nhìn nhau, cười vui, vẻ mặt sáng lên những kỷ niệm dễ thương mà không có ai quên được những ngày tháng đó ở quân trường.
Trên bàn có rượu, bia và nước ngọt. Anh em rót bia cùng một lúc rồi rồi cụng ly. Tôi ngồi bên cạnh Lê. Một giọng vui, hắn hỏi:
- Mầy còn nhớ trận Quế Sơn không?
- Sao mà không nhớ. Tao nhờ trời thoát chết, nhưng cũng lạc đường ba ngày mới tìm về tới đơn vị.
Tôi thoáng nhớ ra lúc đó, đến ngọn đồi 63, bị phục kích hàng quân bị đánh tan ai cũng tìm đường thoát.
- Sau này mầy đi đâu?
- Tao lên vùng 2, làm việc ở Quân đoàn II.
- Tao có hỏi thăm mầy.
Tôi vẫn chưa quên mặt trận Quế Sơn, nên hỏi Lê:
- Ngày Trung đoàn 5 rút quân, mầy có bay yểm trợ không?
- Nguyên cả phi đội của tao bay dọc theo bờ suối.
Nhà hàng mang ra món khai vị. Tôi được Đang cho hay một phần ăn 30 đồng, coi menu có sáu món được dọn như là ăn tiệc cưới.
Trong lúc chúng tôi ăn, chuyện trò, ở sân khấu có ban nhạc được thuê trình diễn. Tôi vui gặp lại các bạn, thích được nghe chuyện hơn là hát.
- Đại úy Đoàn trưởng của mình ở đâu?
- Ông lên Trung tá rồi bạn.
- Tôi không gặp lại ông, nhưng vẫn luôn nhớ.
Có một bạn cho biết:
- Trung tá Hoàn ở bên Chicago.
- Ai có điện thoại, hay địa chỉ xin cho tôi.
Từ nãy giờ bạn Thái ngồi im ỉm, lúc bắt gặp tôi nhìn, hắn nói:
- Mầy có trí nhớ tốt.
- Vậy là các bạn có đọc bài tôi viết trên Người Việt.
- Chính bài của mầy, chúng tao đề nghị buổi họp mặt hôm nay.
- Chà, vậy là tao cũng sáng giá.
- Liệu mày có đứng ra làm được tờ Đặc San không?
- Chuyện nhỏ.
Tôi uống hết chai bia thứ hai mặt đỏ bừng, nhưng lòng vui lắm. Thái hỏi:
- Vợ con ra sao?
- Trống canh quá trễ tràng.
- Chưa có gì cả.
- Đúng vậy, các bạn vàng.
Anh em cười vui, và có người đem hai câu thơ của tôi ra đọc lại. Tôi nghe, thoáng một chút ngậm ngùi. Và nhân lúc này, tôi hỏi thăm các bạn vắng mặt đang ở các tiểu bang xa, hay còn bên Việt Nam. Có một số niên trưởng tôi còn nhớ tên, rồi tôi không ngờ, người bạn thân của tôi là Giáp, phi công quan sát còn bị kẹt lại không rời Đà Nẵng được, và nghe đâu cũng đi cải tạo. Tôi nghĩ, Giáp về sớm trước ba năm, không thì cũng đã ở bên đây rồi.
Nhà hàng lần lượt thay thế các món ăn, giữa bữa, anh em tạm ngừng, có người rời bàn ra ngoài hút thuốc, có người lang thang đi chào các bạn ở bàn khác. Tôi nghĩ hôm nay là một ngày vui thực sự của tôi trong ý nghĩ chung về sinh hoạt cộng đồng.
Rồi đến giờ tuyên bố lý do buổi họp mặt. Dương Đang đại diện khóa lên sân khấu đứng trước micro, cất giọng nói dõng dạc, lời mở là chào mừng anh em, tiếp đó một giọng cảm khái vừa bi tráng trong sự nhớ lại những ngày xưa ở quân trường. Khi xong bài phi lộ, Dương Đang cho biết mục đích cuộc họp mặt hôm nay là để dự tính tổ chức sang năm ngày họp mặt toàn khóa không chỉ riêng vùng Cam, mà còn mời các bạn ở tiểu bang xa về dự nữa. Trên tay, có sẵn danh sách đánh máy, Dương Đang đọc lên, anh em người nào cũng chú ý lắng nghe. Tôi cũng có tên, nhưng địa chỉ là báo Người Việt. Một danh sách mới này còn thiếu nhiều, sẽ bổ sung rồi sẽ gởi qua thư từ cho mỗi bạn một danh sách.
Bây giờ một thành phần ban đại diện cho nhiệm kỳ đầu được giới thiệu. Chúng tôi nhìn lên sân khấu, nhận lại những khuôn mặt dễ thương trong ngày tháng cũ. Và, đây là Dương Đang, Hữu Lộc, Nghị Luận, Đức Thành, Đức Bản và Trần Vê. Tiếng vỗ tay dòn dã, sôi nổi.
Sau phần này, chương trình có những điểm chính như sau: góp quỹ, họp mặt hàng tháng, hoặc là quý tại nhà riêng, làm đặc san với nội dung chính là kỷ niệm quân trường. Tôi được mời lên, vì có chút nghề viết lách làm báo.
Lúc được các bạn trong bàn khuyến khích, tôi có sự vững tin. Tôi cầm micro, giọng chậm rãi nói:
- Bây giờ, thời gian hẳn còn lâu để chúng ta lo cho tờ đặc san có được bài vở và hình ảnh phong phú. Theo tôi nghĩ, không hẳn chúng ta chỉ viết về kỷ niệm những ngày ở quân trường Nha Trang, mà còn có nữa trong mỗi chúng ta, kỷ niệm thời gian đi học Anh ngữ, thời du học, rồi hết thời gian học là thời phục vụ ở đơn vị, về Không quân là các phi đoàn, về bộ binh là các đơn vị Trung đoàn, rồi Tiểu đoàn. Như vậy, chúng ta có một vốn sống kỷ niệm về đời lính từ ngày nhập ngũ vào quân trường đến kinh nghiệm ở các đơn vị và chiến trận, tôi cũng xin góp ý thêm là ngoài bài vở của phần đông anh em, chúng ta cũng rất cần đến các bài viết của các chị, những người ở đằng sau chúng ta lo chu toàn cuộc sống gia đình nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái. Từ buổi họp mặt hôm nay, chúng ta sẽ còn có nhiều buổi gặp nhau khác nữa, có thể là hàng tháng, hàng quí, cho đến một ngày sang năm là đại hội. Ngày hôm đó, thực không có gì quí bằng chúng ta có được một ngày trọn vẹn tinh thần cho khóa 69B. Và xin nhắc lại là sau buổi họp mặt này, để giữ lâu tinh thần khóa 69B, và giới thiệu với các khóa đàn anh, đàn em trước và sau chúng ta tôi sẽ viết một bài tường thuật ngắn ghi dấu buổi gặp đầu tiên ngày hôm nay.
Có tiếng vỗ tay rào rào dội lên, tôi cảm thấy phấn khích, nhưng thấy đã nói đủ nên ngừng lời và đưa micro cho bạn Dương Đang.
Nối tiếp chương tình là phần văn nghệ. Ngươi nào thích hát cứ lên hát, ví có sẵn ban nhạc đệm, nên càng lúc càng tạo một ngày vui gia đình khóa 69B thật đáng nhớ.
Tới ba giờ chiều, buổi họp tan. Khi ra khỏi nhà hàng anh em còn nấng ná, bên nhau chuyện trò chưa chưa ai muốn rời nhau. Tôi gặp Thiện. Thật là một chuyện lạ, khó tin. Tôi và Thiện qua tới Mỹ rồi bỏ về Việt Nam để rồi thời gian ở quê hương đứa nào cũng ở trại cải tạo trên dưới sáu cuốn lịch, và lại lên đường sang Mỹ cũng chỉ cách nhau ít năm trở lại đây thôi.
Tôi nói với Thiện:
- Nhớ viết cho tao vài trang trong những ngày mày nằm ở trại Florida.
- Rồi, tao nhớ rõ.
Tôi ra về. Bãi đậu xe vắng dần. Trời đang nắng tự dưng u ám như thể là báo hiệu có mưa. Tôi lái xe ra đường, phân vân một lúc rồi đến nhà Thùy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 03 Apr 2017

VI

Hai tuần sau buổi họp mặt với các bạn trong khóa 69B, tôi có được số điện thoại và địa chỉ của nhiều anh em ở tiểu bang xa để liên lạc. Tôi nói chuyện với hai bạn Hòe bên Canada, Tennessee, Hoàng ở Texas, Lưu ở Virginia, Lạt ở Atlanta. Tư Đức, Hiệp và Chứng ở San Jose. Và, một người tôi mong gặp hơn hết là vị đoàn trưởng, người trực tiếp dẫn dắt khóa 69B chúng tôi trong thời gian 3 tháng học quân sự giai đoạn II. Tôi ghi nhớ được nhiều hình ảnh của ông vừa ngưỡng mộ và thân thiết. Trước khi tôi thấy ông trong bộ đồ bay màu cam rất thơ mộng khi ông xuất hiện ngay bên chiếc phi cơ vận tải C119 lúc chúng tôi vừa xuống và được các khóa đàn anh đón tiếp, riêng cái tên của ông tôi đã có một sự ghi nhớ cùng với lịch sử. Ngày 8 tháng 2 năm 1965, không quân VNCH khởi động cuộc oanh kích đầu tiên với một lực lượng gồm 24 khu trục cơ, được hướng dẫn bởi vị Tư lệnh Không quân Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đã thực hiện một trận không tập dữ dội xuống các căn cứ quân sự của CSBV tại Vĩnh Linh. Khi các phi công xuất hiện trên vùng trời miền Bắc, súng phòng không của địch bắn lên dữ dội, một số phi cơ bị trúng đạn, nhưng 24 phi công tham dự trận đánh này đã hủy diệt các mục tiêu và trở về an toàn ở căn cứ Không quân Đà Nẵng. Đó là những giòng tin nóng và cả những bài phóng sự dài tôi được đọc trên các báo Sài Gòn, và tên của ông ngày đó tôi được biết, vừa được xem bức hình ông ở trong đoàn quân chiến thắng trở về ở phi trường Tân Sơn Nhất. Và, ngày hôm đó cũng là ngày mở màn cho chiến dịch Bắc Phạt suốt năm 1965, một năm kiêu hùng oanh liệt của Không quân VNCH. Ngày ghi nhớ hình ảnh của ông trong phi đội Thần Phong đầy dũng cảm, cũng cho tôi hình dung ra những chàng phi công miền Nam bay trên đất Bắc hào hùng, thật đẹp như trong bản Không Quân Hành khúc của nhạc sĩ Văn Cao.
Giờ từng đoàn người vượt sang biên giới quyết chiến đấu
Đi không ai tìm xác rơi
Giờ từng đoàn người vượt trên lưng gió quyết chiến thắng
Nhớ lấy phút giây từ ly.

Hai tháng sau ngày ngày lịch sử đó của quân đội VNCH, tôi gia nhập vào binh chủng Không quân, khóa chuyên viên, với ba tháng về căn bản quân sự, rồi tiếp đấy là ba tháng chuyên môn. Khi đã hoàn tất thời gian học, đơn vị tôi phục vụ là Trung tâm Không Trợ III có nhiệm sở nằm trong bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân đoàn III. Không khí làm việc ở đây tương đối dễ chịu. Tôi hết sức cố gắng học để lấy cho xong cái bằng Tú Tài II, dự tính để đi học sĩ quan kỹ thuật nhưng mấy khóa thi liền không đậu được, tôi đành tính chuyện rời bỏ Không quân xin qua trường Thủ Đức. Vừa lúc ấy, biến cố Mậu Thân xảy ra, và sau biến cố này, binh chủng Không quân mở rộng tuyển hoa tiêu điều kiện về sức khỏe tương đối là dễ hơn các năm về trước. Tôi nạp đơn, cầu may thôi, không ngờ lại trót lọt về sức khỏe và có giấy gọi đi học.
Vào thời gian khi tôi được gọi đi học, số khóa sinh lên đến gần một ngàn do thiếu cơ sở, có khoảng hơn bốn trăm khóa sinh thuộc hai khóa 69A và 69B ra Nha Trang học quân sự trước, hết thời gian ba tháng sẽ về lại Sài Gòn để tiếp giai đoạn học Anh ngữ và đi du học. Với tôi, được học lớp sĩ quan hoa tiêu, lòng vui, tưởng thấy sự rộng mở cả bầu trời.
Từ Sài Gòn, phi cơ vận tải đưa chúng tôi ra Nha Trang vào buổi sáng ngày chủ nhật. Không ngờ được, ở quân trường này, tôi được gặp người phi công của phi đội Thần Phong trong ngày lịch sử đó.
Thời gian chịu thử thách huấn nhục kéo dài tám tuần lễ. Ngày nào, chúng tôi cũng bị các niên trưởng khóa đàn anh quân thao vợt đủ thứ hình phạt bò, chạy, hít đất, nhảy xổm, quay rocket, cứ cách mười phút là nghe có tiếng rơi bịt, nằm xỉu, nhưng cũng chẳng yên, tên nào bị xỉu là được tưới nước lạnh lên đầu, lên mặt, tỉnh lại xong thi hành lệnh phạt khác. Đêm cũng không khác ngày, trước giờ ngủ màn khám phòng cũng thật kinh khiếp, trước tiên là giày đánh bóng, giường tủ không vấy bụi. Chúng tôi tên nào cũng khổ vì đôi giày phải luôn được giữ gìn đánh bóng. Nghệ thuật đánh giày là dùng bông gòn thấm nước chùi nhẹ lên lớp xi ra, và đánh giày thật bóng để cho con ruồi bay tới là trượt té ngay, hay khi soi gương thấy được mặt mũi mình đang cười hay khóc mếu, sau đó đến màn phi cơ oanh tạc, hai giò móc lên tủ, đầu chúi sâu xuống đất. Và, màn này không chỉ phạt một vài người mà luôn cả toàn khóa. Khi la hét, quát tháo bắt phạt chúng tôi không có một ông niên trưởng tỏ ra xúc động, cứ vui vẻ như thường, đôi khi kể chuyện tiếu lâm, hoặc giảng giải những lời đạo đức nói với bọn đàn em rằng các anh quá ngây thơ chọn con đường vào binh chủng không quân phải ra ngoài này, trong khi ở Sài Gòn hai ngày cuối tuần đẹp trời mình dắt đào đi dạo phố, đưa em vào quán kem, rạp hát coi ciné.
Tuần lễ đầu trôi qua thật là chậm. Vào buổi trưa thứ hai của tuần thứ nhì cả khóa 69B mới thấy sự xuất hiện của Sĩ quan Đoàn trưởng. Vị này có vẻ mặt cương nghị, hòa nhã, ông mặc bộ nghi lễ kaki vàng, đầu đội nón kaolo xanh có gắn ba bông mai vàng sáng và dây biểu chương ở cầu vai. Dưới nắng gắt, đứng trong hàng quân tất cả chúng tôi im lặng chờ ông lên tiếng, và qua hình ảnh bây giờ, chúng tôi bỗng nhớ lại hôm chủ nhật trước đón chúng tôi ở sân bay, ông xuất hiện với bộ đồ bay màu cam hừng sáng ánh nắng một ngày đầu thu.
Sau ít phút nghĩ ngợi, bằng giọng trầm ấm, ông giới thiệu tên mình Lê Như Hoàn, nhiệm vụ làm Sĩ quan Đoàn trưởng Đoàn SVSQ.
- Các anh bây giờ trong thời gian huấn nhục là tân khóa sinh, nhưng sau 8 tuần lễ, các anh sẽ là SVSQ, rồi trở thành những Sĩ quan phi công trong tương lai. Là một Sĩ quan phi công, các anh phải tỏ ra lịch lãm, hào hoa, luôn tạo cho mình một phong cách hào hùng độc đáo. Người phi công phải thật dũng cảm khi chiến đấu trên vùng trời, và luôn tỏ ra hào hoa trước bóng dáng những người đẹp. Hôm nay, nói vài lời với các anh tôi muốn rằng, khóa 69B phải luôn biểu hiện phong cách đó, hãy cùng tôi đọc lớn lời tâm niệm: Hào Hùng và Độc Đáo.
- Hào Hùng và Độc Đáo. Hào Hùng và Độc Đáo. Hào Hùng và Độc Đáo.
Rất dũng mãnh và oai nghiêm, những lời tâm niệm trên được đọc lớn ba lần, vang âm đồng nhất từ vị Chỉ huy đến cả hàng quân của toàn thể khóa 69B.
Khu trại Sinh viên nằm riêng biệt gần nhà ăn, vừa làm chỗ hội trường đối diện với một sân cát rộng, còn văn phòng của Liên đoàn nằm ở một dãy nhà tôn dài, con đường trước mặt chạy xa ra đến cổng chính của quân trường.
Cũng tính từ tuần lễ thứ hai, chúng tôi bắt đầu học quân sự. Những giờ học lý thuyết, chúng tôi đến hội trường nghe huấn luyện viên mỗi môn giảng bài qua micro. Đó là giờ học buổi sáng, buổi chiều, khóa học thực tập ở trên sân cát, nơi đây có giăng đầy những chướng ngại vật để học môn đoạn đường chiến binh. Vào ngày thứ sáu, chúng tôi đi ra hiện trường thực tập bắn súng cá nhân súng cộng đồng. Nhờ vào thời gian học quân sự mỗi ngày nên tính cách huấn nhục chỉ còn lại mỗi tối khám phòng, và hai ngày cuối tuần.
Đoàn Sinh viên làm việc theo giờ hành chánh. Tại văn phòng, luôn có SVSQ và khóa sinh trực. Đến một ngày, tôi được cắt công tác ở văn phòng. 8 giờ sáng, tôi đến đó trình diện SV niên trưởng. Anh ta giao cho tôi giấy tờ, sổ sách để ghi chép. Khi có thông báo nhắn tin, tôi đến micro gọi tên.
Hôm đó, sau giờ ăn trưa tôi ngồi trực vừa đọc báo. Thấy tôi, Đại úy Hoàn gọi vào phòng riêng của ông.
Khi bước vào phòng, tôi đứng nghiêm chào kính. Ông nhìn lại tôi với sự chăm chú về quân phục tôi đang mặc.
- Anh ăn cơm chưa?
- Dạ rồi.
- Ngồi xuống đi.
Tôi kéo ghế ngồi, xa chỗ ông một chút. Trưa vắng, căn phòng sáng vì có nhiều cửa sổ. Đại úy Hoàn mở rộng tờ bìa vàng, tôi thoáng nhìn thấy tờ khai lý lịch của tôi. Giọng nhẹ nhàng, ông hỏi:
- Anh có học ở trường Pellerin?
- Dạ có.
- Anh học ở đó năm nào?
- Niên khóa 62 - 63, lớp Đệ Nhị.
- Sư huynh nào làm Hiệu trưởng?
- Aguilouis Minh.
- Lúc anh học, thuộc chương trình Việt hay Pháp.
- Dạ chương trình Việt giống như ở ngoài. Mỗi tuần, học 6 giờ tiếng Pháp, bốn giờ tiếng Anh.
- Tiếng Pháp anh khá không?
- Dạ, cũng tạm thôi.
Viên Đại úy lấy gói thuốc mời tôi một điếu rồi cả hai cùng hút. Ông nói:
- Tôi gọi anh vào, có một chuyện muốn nói.
- Xin Đại úy cho biết.
- Anh em trong khóa cho tôi biết, anh có viết văn.
- Vâng.
- Tôi muốn khóa 69B có một tờ Đặc San để kỷ niệm. Anh có thể đảm nhận công việc này không?
- Tôi sẵn sàng. Nhưng để có nhiều bài vở, xin Đại úy lên tiếng nói cổ động anh em góp bài.
- Được. Nhưng theo anh tờ Đặc San nên làm như thế nào?
Tôi cảm thấy tự nhiên trước vị Đại úy Đoàn trưởng nên trước khi nêu lên tờ Đặc San cho khóa 69B, tôi thuật lại công việc tôi đã làm lúc tôi học khóa chuyên viên không quân cách đây bốn năm. Viên Đại úy đã nắm rõ lý lịch của tôi nên không có gì ngạc nhiên cả. Nhưng sự kiện hôm nay, đối với tôi thực là mới mẻ và cũng là một dịp tôi muốn tạo tên tuổi của mình về sau này.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 03 Apr 2017

Sau khi lướt khái quát về nội dung bài vở, tôi tiếp lời:
- Tờ Đặc San nên thực hiện như một cuốn sách hoặc theo tờ tạp chí để giữ được lâu. Nếu in theo phương tiện quay ronéo thì ấn phí không nhiều, nhưng khó giữ lâu và không đẹp mắt khi trình bày.
- Nhưng in giống tạp chí thì chi phí cao mà quỹ của Đoàn đâu có nhiều.
- Thưa Đại úy, tôi xin đề nghị anh em của khóa đóng góp, xem như mỗi người mua một cuốn, như vậy số tiền đó, đủ cho tờ Đặc San đem in.
- Anh em có chịu đóng tiền không?
- Đây là một gợi ý hay của Đoàn trưởng, tôi nghĩ, mỗi người muốn giữ một số làm kỷ niệm ắt phải đồng ý.
Tôi ngồi nói chuyện với Đại úy khi bàn về tờ Đặc San rất hăng hái. Tinh thần và sự cởi mở của ông khiến tôi muốn tìm hiểu thêm đời tư của ông.
Nhìn sợi dây chuyền có cây thánh giá ông đeo ở ngực, tôi hỏi:
- Ngày trước, Đại úy học ở Huế hay Sài Gòn?
- Tôi học ở Huế. Tôi cũng học ở trường Pellerin.
- Thời đó, Đại úy học chương trình Pháp.
- Anh nói đúng. Tôi đậu Tú Tài chương trình Pháp.
Bây giờ, tôi mới để ý đến chiếc kệ sách đặt ở góc bên trong. Tôi đưa mắt nhìn về chỗ kệ, và thấy những cuốn sách loại Livre de poche và Pocket book.
Tôi mỉm cười nói:
- Tờ Đặc San này Đại úy cũng phải viết bài.
- Không. Tôi để cho tất cả anh em của khóa.
- Nhưng cũng phải có bài của Đại úy.
- Được rồi, tôi sẽ viết thử một cái gì.
- Tôi cũng xin đề nghị thực hiện cuộc phỏng vấn, khóa chúng tôi muốn đặt những câu hỏi thiết thực về công việc coi sóc huấn luyện.
- Hay lắm. Các anh khởi sự đi.
Tới giờ làm việc đầu buổi chiều tôi ra khỏi phòng của Đại úy Hoàn. Buổi chiều đó, trong đầu óc tôi có nhiều dự định. Đến tối, sau giờ điểm danh, tôi bàn chuyện với một số anh em có duyên với chuyện viết lách về dự định tờ Đặc San của khóa.
- Bao giờ khởi sự?
- Trong tuần lễ này, Đại úy sẽ thông báo cho anh em toàn khóa biết.
- Nhưng chúng ta làm theo hình thức nào.
- Phải in ấn đàng hoàng, làm đẹp như tờ tạp chí?
- Tiền đâu? Ai yểm trợ cho.
Tôi lại giải thích cho mấy người bạn ngồi quanh về điều tôi đã trình bày với viên Đại úy. Nhiều người suy nghĩ, tôi tiếp lời.
- Mình muốn có kỷ niệm riêng, mình phải đóng góp. Quỹ dành cho Đoàn Sinh Viên đâu có nhiều.
Mười một giờ đêm chúng tôi cùng đứng dậy về chỗ của mình. Buổi họp mặt bỏ túi diễn ra êm đẹp. Tôi lên giường ngủ một giấc ngon và nằm mơ thấy Thúy Hà. Khi thức giấc tôi cố nhớ lại gương mặt nàng, và thực sự cảm động khi nàng đến với tôi hết sức dịu dàng cho tình yêu. Trong giấc mơ đẹp ấy, nàng mặc chiếc áo trắng, và lúc tựa vào vai tôi nàng đã ngửa khuôn mặt kiều diễm, cặp môi hé một bông hoa để cho tôi cúi xuống hôn nàng. Hình như nàng khóc khi cho tôi đặt môi hôn, và tôi cảm thấy sự âu yếm làm cho vòng tay tôi trở nên ấm áp trong lúc ôm giữ lấy nàng.
Từ buổi đầu ra mắt khóa 69B, Đại úy Hoàn đã gây một ấn tượng đẹp cho toàn khóa. Ông trở thành Cánh chim đầu đàn và toàn khóa chúng tôi luôn luôn đứng sau lưng ông. Tôi nghĩ đến bài viết của mình, trong đó, tôi nhìn qua bóng dáng ông cuộc đời người phi công bay ngang dọc bốn phương trời, và sống trọn vẹn tâm hồn với cuộc đời trong gió mây. Và, cuộc chiến tranh này, tôi sẽ bắt đầu tham dự với tinh thần trách nhiệm và sự dũng cảm, hào hùng của người phi công như tôi đã từng biết, từng thấy, từng đọc qua sách vở lịch sử.
Đêm kéo dài không lâu. Khi một hồi kẻng dài đánh lên, mọi người vùng thức dậy và như cái máy, mau chóng gấp chăn màn, đánh răng rửa mặt, trong sự hối hả dồn dập bởi tiếng la hét từ dưới sân dội lên.
Bữa ăn sáng, mỗi anh em chúng tôi được một ổ bánh mì và một ly sữa nóng. Bữa ăn không kéo dài lâu, ngay sau đó chúng tôi tập họp với túi xách bên vai đi xuống sân Liên đoàn để trình diện. Buổi sáng nào, viên Đại úy cũng nhắn nhủ với chúng tôi một đôi lời. Chúng tôi bắt đầu cảm mến ông, ghi nhận những lời ông đã nói. Không chỉ riêng với khóa của chúng tôi, ông còn nhắn nhủ với các niên trưởng cán bộ không nên dùng những hình phạt quá nặng đối với tân khóa sinh, vì còn giữ sức khỏe cho họ để học bay.
Sáng nay, khi tập họp hàng quân trình diện xong, Viên Đại úy lên tiếng nhận xét về thái độ học tập trong hai tuần qua, và ông hài lòng khi cả khóa chấp hành nội quy đúng đắn. Sau mấy điều này, ông bắt đầu nói đến tờ Đặc San kỷ niệm của Khóa 69B. Ông cho biết, những khóa học trước đây không có tập trung làm một tờ báo, nay, chúng ta cần làm để lưu dấu lại cho quân trường. Dưới nắng mai ấm áp, cả khóa lắng nghe, và khi ông dứt lời, anh em rất hài lòng. Tôi có một niềm hãnh diện riêng về tôi cũng như đối với ông khi được giới thiệu trước toàn khóa. Giấc mơ trở thành phi công vẫn luôn tìm đến tôi, và cho tôi cả một bầu trời màu xanh. Tôi cảm thấy thấm mặn chất nhà binh, vui với thời hoa mộng của tuổi trẻ ở nơi quân trường này, và thành phố biển này nữa. Tôi cũng như bao nhiêu người bạn, đều có một sự đoàn kết sau lưng các khóa đàn anh, và nhất là hai vị Chỉ huy Liên đoàn trưởng và Đoàn trưởng. Hai vị này, coi khóa 69B như một phần kỷ niệm riêng của mình, cả hai đã cùng chung một ý hướng xây dựng tinh thần cho cả khóa với phương châm Hào Hùng, Độc Đáo. Và, bao nhiêu người bạn tôi quen, họ cũng thật mơ mộng, lãng mạn. Mấy hôm đầu, tôi chỉ biết số ít bạn ở gần, qua những ngày sau, những lần hàng quân tập họp, những buổi sáng chiều ở lớp học, những đêm cuối tuần có sinh hoạt văn nghệ, ca hát, cứ vậy chúng tôi tạo được sự quen biết nhau. Rồi cả khóa, bây giờ cùng gắng sức thực hiện một tờ Đặc San với bài vở thật phong phú, có nhiều truyện ngắn, tùy bút, và những bài thơ khá hay. Tôi có đóng góp một đoản văn, một truyện ngắn, nội dung về những mơ ước đích thực của những chàng trai tình nguyện vào binh chủng Không Quân ngành phi hành. Vào hai đêm cuối tuần, vui nhất là chương trình văn nghệ. Khóa 69B rất nhiều anh em tài hoa. Có An, Thành, Đang, Thuyên, Liêm là những giọng ca vàng. Có Quý, Hiếu, Toàn kết hợp thành một ban chơi nhạc sống chơi rất ăn ý. Mỗi tối sinh hoạt vui cho toàn khóa như vậy, lúc nào cũng có sự tham dự vị Đoàn trưởng cùng các Niên trưởng, và để được mang phong thái hào hoa của SVSQ/KQ, buổi diễn văn nghệ còn là buổi học tập khiêu vũ để cho khóa sinh dễ làm quen khi ra học nước ngoài hay khi có dịp mời các cô gái cùng nhảy một điệu nhạc. Những bài hát, những giai điệu, với tôi tuy không rành về âm nhạc, nhưng dần dần cũng nhảy được và cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng.
Vào hai ngày cuối tuần lúc còn thời gian huấn nhục, chúng tôi được nghỉ, tuy nhiên cũng làm một số công việc tạp dịch, vệ sinh quanh doanh trại, quét rác ở sân, cào cát, vệ sinh toàn phòng, sau mới làm những việc cá nhân đi tắm, giặt quần áo, có tiền thì rủ nhau đi cantine mua sắm, hoặc đến Cầu lạc bộ chơi bi da, uống cà phê nghe nhạc. Đôi khi, đi phố chơi về sớm, Giáp ghé qua dẫn tôi đi Câu lạc bộ uống cà phê trò chuyện tâm tình. Câu chuyện chúng tôi luôn luôn nhắc nhở đến những bạn học cũ mỗi khi hay biết tin. Tôi được Giáp cho biết tin Cát thi đậu vào trường Chiến Tranh Chính Trị, học khóa 2, Thanh vào Thủ Đức, còn những bạn khác có đứa đi dạy, có đứa còn học trên Đại Học. Tôi rất muốn nói cho Giáp nghe chuyện riêng của tôi và Thúy Hà, nhưng không hiểu sao có một chút gì xúc động trong lòng ngăn giữ lại. Và, không biết nữa, Giáp có hay biết gì về Thúy Hà không nhỉ. Tôi đã có nhận được thư của Thúy Hà. Lần nào cũng vậy, hễ mà nhận được thư tôi viết thăm là nàng trả lời ngay. Những lá thư qua những dòng chữ của Thúy Hà luôn làm cho tôi vui trong phút giây đầu hạnh phúc, nhưng sau đó, lòng tôi buồn lại. Tình yêu ở nơi đâu mà cứ gây nỗi nhớ bâng khuâng, buồn bã, đơn độc, để hai người cứ nhớ thương nhau. Nỗi nhớ, và những điều thầm kín đó trong thư Thúy Hà cố giấu, nhưng đọc thư tôi hiểu, vậy nên tôi càng cảm thấy buồn thương nhớ Thúy Hà nhiều hơn. Bây giờ, tôi chưa nói ra để Giáp biết, nhưng có lẽ, đến ngày rời khỏi đây tôi sẽ nói với bạn tôi.
Lễ gắn alpha rất trang trọng, trong dịp này, cuốn Đặc san của khóa chúng tôi hoàn tất và được phát hành. Số lượng in năm trăm cuốn, phần anh em đóng góp và tự nguyện mua biếu, mỗi cuốn giá mười đồng. Đến quan khách dự, người nào cũng mua để làm kỷ niệm và góp quỹ cho khóa. Trong cuốn đặc san, có rất nhiều đề mục, có truyện ngắn và bút ký, cùng với lượng thông tin về chương trình du học, đào tạo các khóa hoa tiêu ở Mỹ. Tôi viết một truyện ngắn, nhân vật nữ trong truyện là Huê. Trong đặc san này, như ý mong muốn của tôi, có hai bài phỏng vấn, một với vị Thiếu tá Liên đoàn trưởng, một với vị Đoàn trưởng, ở vị Liên đoàn trưởng, những câu hỏi dành cho công việc lãnh đạo chỉ huy, còn với vị Đoàn trưởng, chúng tôi nhắc đến thời oanh liệt của những chàng phi công trong chiến dịch Bắc phạt khởi từ đầu mùa hè năm 1965. Và, từng câu hỏi của chúng tôi, trở thành một hồi ức hào hùng và đẹp đối với viên phi công Lê Như Hoàn trong đội bay Thần Phong của Không quân VNCH ngày tháng lịch sử đó.
Tới mười hai giờ đêm tan buổi hội, những anh em nào có thân nhân đến dự được theo thân nhân ra ngoài nghỉ đêm, không có, nghỉ tại trại sáng mai tùy ý muốn đi giờ nào cũng được.
Số người ra cùng thân nhân không nhiều lắm, còn hầu hết anh em đều ở lại chờ đến sáng mai chưng diện bộ đồ vàng đi phố, và vừa mới lảnh lương nên trong túi bạn nào cũng có tiền roỏng rẻng đủ một ngày vui.
Về phòng, tôi thao thức không ngủ được. Tối hôm đó, trời có trăng khuya. Nhìn qua khe cửa ánh trăng sáng, tôi hồi tưởng lại một phần đời của mình trong những tháng ngày cũ. Và, hình ảnh của Thúy Hà tôi vẫn nhớ hơn hết. Nàng là bạn gái rất thân của tôi thời đi học. Dù nay, nàng đã có gia đình, nhưng giữa tôi và nàng vẫn có những lúc lặng thầm tưởng nghĩ đến nhau. Và bây giờ, không chỉ có cái tình riêng tư giữa tôi và nàng thôi mà còn có thêm sự thân thiết của gia đình nàng đối với tôi nữa.
Trời vừa rạng sáng, anh em cùng reo lên. Và tất cả đều cùng bị đánh thức cho một ngày vui mới sau tám tuần lễ huấn nhục. Buổi chiều qua, từ hội trường về, anh em khóa 69B đã được phát giấy phép xuất trại nên sáng nay ai muốn đi sớm thì đi, ai muốn ra muộn cũng tùy.
Lần lượt bọn chúng tôi xuống cầu thang, và cứ tùy theo tình thân chúng tôi cùng đi với nhau. Tôi không có người thân ở đây nên cùng một số bạn cứ nhởn nha, và bảo nhau, tối về trại ngủ, sáng mai lại đi chơi tiếp.
Từ cổng trại, chúng tôi hướng con đường ra biển. Biển Nha Trang trong buổi sáng xanh vời vợi, tiếng sóng biển vỗ vào bờ dào dạt, đôi lúc khiến tôi nghĩ nhiều đến tương lai. Trong nhóm bạn tôi có bốn người đang đi bộ lang thang thì gặp xe Đại úy Lê Như Hoàn. Vừa thấy chúng tôi, đang đi ngược chiều Đại úy quay xe lại và bảo chúng tôi lên xe để ông đưa về phố. Trên đường đi, Đại úy vui chuyện hỏi chúng tôi về gia đình những người thân, và rồi ông khuyến khích chúng tôi trong thời gian ở đây phải làm sao quen được các bạn gái. Tôi nhớ đến lời tâm niệm của ông truyền đạt cho khóa 69B: Hào Hùng, Độc Đáo. Tôi ngồi ở ghế sau, trong lúc anh em nghe tiếng nói chuyện của ông, riêng tôi, cảm nhận một cái gì đẹp của người phi công ở nơi con người ông.
Xe vào phố chính dừng lại bên ngã tư, bốn đứa bọn tôi cùng nói lời cám ơn rồi xuống xe. Viên Đại úy mỉm cười vẫy tay, rồi lái xe đi. Buổi sáng nay, chắc ông sẽ không về nhà, mà sẽ lái xe rảo khắp các phố, đi qua các rạp hát, những nhà hàng ăn, những quán cà phê, những hiệu sách để xem, những “chú em” của ông có anh nào làm đẹp cuộc đời mình trước nhân thế hay không?, có ai tạo nên nét hào hoa như ông mong ước nơi người trai, và có bóng dáng cô gái gái nào trong thành phố này đang đi bên cạnh chàng hay không? Buổi sáng nay, hạnh phúc của ông như nắng lan tỏa trong lòng toàn thể anh em khóa 69B, và lòng anh em chúng tôi cũng rất vui vẻ, hồn nhiên. Và, nếu bạn có đào, Viên Đại úy này sẽ hài lòng nở một nụ cười mãn nguyện. Hãy nghe lời ông khuyên nhủ, hãy nên có bên cạnh mình người bạn gái để cùng dạo chơi, nói với nhau những lời hẹn hò, hoặc vui hưởng giờ giải trí trong quán nhạc hay vào rạp hát xem một phim hay. Những niềm vui nhỏ đó về sau các bạn sẽ gợi nhớ thời sinh viên của mình, đó là lý tưởng cho tuổi trẻ nói chung, cho những SVSQ dù bất cứ một quân trường nào, vì đây cũng là một thời hoa mộng đẹp nhất. Và, trong thành phố này, bao nhiêu thiếu nữ, ai đó là hình ảnh cô Phượng trong tiểu thuyết Đời Phi Công của nhà văn Toàn Phong.
Trên các con đường chính của thành phố Nha Trang ngày thứ bảy thật đông vui, ồn ào như lễ hội. Trước cửa rạp hát, trong quán ăn, quán cà phê, chỗ nào cũng thấy bóng áo vàng, áo trắng của SVSQ, và đây là ngày hạnh phúc của họ bên cạnh người thân, hay người yêu của mình.
Sau bữa ăn sáng với Đức và Thuyên ở một tiệm phở đầu phố Độc Lập, ba đứa chia tay. Tôi đi một mình tới hiệu sách mua tờ bán nguyệt san Văn, sau đó, đến rạp hát Tân Tân mua vé chờ vào cửa xem phim A time to love and a time to die. Cuốn phim này, dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Đức Erich Maria Remarque.
Rạp hát đông khán giả, và rải rác ở những hàng ghế hạng nhất, nhì có một số SVSQ/KQ như tôi và một số là quân trường khác. Trong lúc chờ đợi phim chiếu, tôi mở tờ báo Văn đọc những bài thơ của các tác giả trẻ và lướt qua những trang truyện ngắn. Trong số những nhà thơ trẻ, có người tôi quen ngoài đời.
Cuốn phim dài hai tiếng đồng hồ. Phim về chiến tranh và tình yêu, và đoạn kết đã làm khán giả xúc động khi hình ảnh người lính ngả gục bên dòng suối, tay còn với theo tờ thư của người yêu anh đang đọc.
Khi cùng khán giả rời khỏi rạp hát, bên ngoài trời đã chiều, vì thời gian còn sớm nên tôi đi bộ ra phía con đường biển ngồi chơi hóng mát. Cuốn phim còn để một dư vị buồn trong lòng tôi, và mối tình đẹp trong cuốn phim gợi nhắc tôi nhớ nhiều đến Thúy Hà. Từ dạo tôi thôi học, xa Đà Nẵng vào Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi có nhận được thư của nàng gởi thăm, trong mỗi thư, luôn giữ lấy một sự thân thương nén chặt tự đáy lòng. Hơn lúc nào hết, chiều nay tôi đi tìm lại tâm hồn mình và nhớ thật da diết tên của người bạn gái.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 03 Apr 2017

Hết hai ngày phép cuối tuần, chúng tôi trở về lại quân trường tiếp tục công việc học. Dưới sự hướng dẫn của hai vị Liên đoàn trưởng, Đoàn trưởng, toàn khóa 69B rất đoàn kết, học tập tiến đều đặn và cùng sống cuộc sống đầy mơ mộng, hồn nhiên. Trong khóa, hầu như không có một bạn nào, dù phạm lỗi kỷ luật cũng không bị cúp phép. Đại úy Lê Như Hoàn luôn rộng mở một tấm lòng với những người em SVSQ của mình, nhất là khóa 69B ông đang dìu dắt. Khi một bạn nào trong khóa chúng tôi mà quen được với một cô bạn gái, hoặc có tin bạn gái từ Sài Gòn ra quân trường thăm, thì không một chút do dự, ông sẵn sàng ký cho giấy phép xuất trại để được sống vui bên cạnh người yêu. Tấm lòng đó, là một trong nét đẹp luôn nhìn thấy nó mở rộng qua đôi cánh của người phi công thuộc Quân lực VNCH.
Ngày nối theo ngày, những buổi sáng đến hội trường để học, những ngày đi bãi bắn thực tập, những buổi trưa hay chiều trở về trại, bao giờ chúng tôi cùng dừng lại trước sân Đoàn SVSQ sau khi dứt bài hành khúc KQVN để trình diện Đại úy Đoàn trưởng. Có thể nói, Đại úy Lê Như Hoàn, bóng dáng người phi công khu trục biểu tượng cánh chim đầu đàn luôn hiện diện, mang lại cho chúng tôi một niềm tự tin vô cùng lớn. Khi chúng tôi tạo được những thành quả tốt trong sinh hoạt, học tập, ông tỏ lời khen. Khi một ai có những vấp váp, sai lầm, ông hướng dẫn và luôn nhắc nhở đến cái tính cách tự hào của người phi công. Làm người, ấy là nhận lảnh một trách nhiệm, nhà văn phi công Pháp Saint Exupéry đã viết ra điều này trong các tác phẩm về cuộc đời của những phi công. Với nét đẹp, với tinh thần đó của Đại úy Lê Như Hoàn đã có lúc khiến tôi nghĩ đến ông qua những nhân vật phi công như Jacques Bernis, Guillaumet, Jacques Rivière của nhà văn Saint Exupéry.
Ngày kết thúc khóa học đã đến. Trong các môn thi khảo sát về quân sự của giai đoạn II, khóa chúng tôi có 5 người bị thiếu điểm, khả năng phải học lại. Trước cái tin này, trong buổi họp với Ban Giảng Huấn trường Quân Sự, Đại úy Lê Như Hoàn đã kêu gọi được sự khoan hồng của Ban Giảm Khảo cho tăng điểm để số 5 anh em còn lại cùng có sự may mắn như các bạn cùng khóa. Tôi là một trong số anh em đó, riêng tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng tốt của vị Đoàn trưởng đối với khóa 69B.
Ngày thứ sáu, toàn khóa sẽ cùng đi về Sài Gòn theo hai hoặc ba chuyến bay đặc biệt. Tối hôm đó, anh em chúng tôi đi thăm các niên trưởng, tâm sự những ngày buồn vui đã qua. Tôi, Giáp, và anh Quang có dịp trò chuyện uống cà phê thức đến khuya. Và ngày chúng tôi ngồi ở trạm hàng không, suốt buổi ấy vị Đoàn trưởng ở bên chúng tôi, gắn bó từng câu chuyện, như đó là ngày mà bao nhiêu kỷ niệm của thời gian trở thành một kinh nghiệm, một hành trình mà khóa 69B cùng một ý chí, cùng một sự đoàn kết với tinh thần của phi công Lê Như Hoàn để tạo niềm kiêu hãnh chung. Có thể gọi, khóa 69B cũng là khóa mang tên Lê Như Hoàn trong tinh thần hào hùng, độc đáo và thật nhân bản.
Năm sau, ở ngoài đơn vị Sư đoàn, Định đưa cho tôi đọc lá thư của Khanh, bạn cùng khóa. Thư người bạn khá dài, qua đến hai phần ba trang sau. Nửa đêm ấy, Khanh cùng với mười khóa sinh nữa lên máy bay của hãng hàng không Pan Nam rời phi trường Tân Sơn Nhất. Trong chuyến đi, họ gặp đông lính Mỹ hồi hương và nghỉ phép. Tới Nhật, phi cơ hạ cánh xuống phi trường Tokyo để tiếp nhiên liệu. Sau hai giờ nghỉ, chuyến bay tiếp tục cuộc hành trình, trực chỉ đến căn cứ Không quân Travis ở Fairfield, tiểu bang California. Toán khóa sinh được đón tiếp, tạm trú hai đêm ở motel ngoài phố Fairfield, rồi được xe ca đưa đến phi trường quốc tế San Francisco đáp chuyến bay đi Dallas, rồi Texas, và đến căn cứ Lackland ở Sanatoria để học và xác định lại khả năng Anh Ngữ. Sau bốn tuần, cả toán của Khanh được đưa qua trường bay. Trong số này, Khanh và hai người nữa, học về trực thăng. Trường bay Fort Wolters dạy lái trực thăng nằm ở thành phố Fort Worth, khóa sinh bắt đầu học lý thuyết và học bay loại phi cơ TH55 có hai chỗ ngồi. Mỗi lớp có khoảng 20 đến 30 khóa sinh, và mỗi ông thầy Mỹ dạy hai người, thầy ngồi ghế trái, học trò ngồi bên ghế phải. Thời gian học 16 tuần lễ. Học lái trực thăng gồm có: cất cánh, hạ cánh, đang bay cao tắt máy để đáp khẩn cấp, rồi làm hovering để cho máy bay đứng yên một chỗ cách mặt đất khoảng một mét, đây là trường hợp áp dụng ngoài chiến trường để đổ quân hay tiếp tế vật dụng loại nhẹ. Sau khi tốt nghiệp giai đoạn học TH55, khóa sinh sẽ được đưa đến trường bay Fort Hunter Army Airfield, Savannah ở tiểu bang Georgia để học lý thuyết và học bay loại UH1. Thời gian học loại máy bay này 18 tuần lễ, cũng một thầy hai trò, nhưng huấn luyện loại này, hai khóa sinh cùng lên phi cơ với ông thầy một lúc, một học lái, một ngồi sau quan sát. Đến tuần lễ thứ 19 là thi ra trường. Những khóa sinh trong giai đoạn chót này đều rất lo lắng, căng thẳng, nhưng cũng dễ dàng vượt qua, vì lâu nay, đã làm quen với chiếc phi cơ. Bài thi thực hành, người thầy khảo sát khả năng của khóa sinh rất nghiêm nhặt với từng phần, từng động tác, và khóa sinh không để bị mắc lỗi, phải đạt tới sự hoàn bị. Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, trường cho khóa sinh làm lễ ra trường. Trong ngày này, khóa sinh sẽ được gắn cánh bay cấp phát hai văn bằng tốt nghiệp. Vậy là, học ở Mỹ, trở thành một phi công trực thăng, khóa sinh nhận được bốn văn bằng cho cả hai loại phi cơ huấn luyện TH55 và UH1.
Định vẫn ngồi yên, cảm khái những bản nhạc của Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly. Một đôi câu, Định hát theo như thể đang một mình theo dòng nhạc truyền cảm, không để ý tôi đang đọc lá thư của Luận. Tôi đọc cẩn thận qua từng giòng, hình dung ra những bối cảnh, nhớ những người bạn, đôi lúc tưởng mình đang cho chiếc máy bay cất cánh, rồi máy bay lên cao và anh được thấy không gian rộng mở khắp cả bầu trời.
Tôi gấp lá thư, hỏi bạn:
- Khanh về nước chưa?
- Chưa.
Tôi không hỏi thêm. Một giọng xa vắng, tôi nói:
- Mới ngày nào đó, hai năm trôi qua rồi.
Không khí trong quán trở về yên lặng. Ngoài đường phố, trời vẫn đang mưa.
- Còn nhớ kỷ niệm ở quân trường không?
- Vẫn nhớ chứ.
- Khi bọn tao trở ra lại ngoài đó, Đại úy Hoàn đi học tham mưu cao cấp.
- Ai thay thế làm Đoàn trưởng?
- Đại úy Bân.
- Có dễ chịu không?
- Khác rất nhiều với thời Đại úy Hoàn.
Bên nhau, hai người bạn cũ chuyện trò. Những bạn trong khóa, những bạn ở cùng phòng trở lại với tôi như bóng dáng một con tàu, những nhà ga, và mỗi chuyến đi vào cuộc đời. Không chỉ có thời gian ở Nha Trang, chúng tôi còn bên nhau một thời gian học Anh ngữ. Bây giờ, tên các bạn Nhơn, Kiệt, Quách Chúa, Nghĩa, Be, Thái, Lưu tôi còn nhớ, và nhớ hơn hết là những lớp học, các vị thầy, và từng mái lều trong khu trại Anh ngữ ở Gò Vấp.
Về vị Đoàn trưởng, tôi kể cho Định hay thời trước tôi là lính KQ, sau khóa học chuyên môn ALO/FAC về trình diện ở TACC, tôi có gặp Đại úy Hoàn, lúc đó hẳn còn đeo lon Thiếu úy. Buổi gặp ấy vào lúc trưa, Thiếu úy Hoàn rời phòng làm việc đi ra với hai người bạn, chỉ mình ông mặc đồ bay, đeo qua người một dây da có đầy băng đạn và cây súng lục để trong bao. Vừa nhìn thấy, tôi như dừng bước để được nhìn và ngưỡng mộ cái phong cách hiệp sĩ của người phi công. Thế rồi, khi tôi trở thành khóa sinh đi học ngành hoa tiêu, viên Thiếu úy trẻ ngày ấy đã trở thành một vị Đoàn trưởng và mang cấp bậc Đại úy. Thời gian ba tháng ở Nha Trang, khuôn mặt ông là một hình ảnh tiêu biểu mà tôi ước mong mình thể hiện được.
- Người anh lớn của tao học cùng lớp với Đại úy Hoàn.
- Rồi cũng là phi công?
- Không, hai người học ở trường Pellerin, cùng một lớp.
Tôi chợt nhớ đến ngôi trường này ở Huế, nằm bên cạnh một dòng sông. Còn thành phố biển Nha Trang, kỷ niệm trong mấy tháng quân trường là một cuốn album còn giữ nguyên vẹn những tấm ảnh.
Sau bữa ăn trưa tôi rời phạn xá, không về phòng mình mà đến thẳng văn phòng Liên đoàn để ngồi trực. Trời dịu nắng, trên đường đi, tôi thoáng nhớ lại những ngày trước đây khi tôi còn là người lính, sau đó là khóa sinh học chuyên môn. Kể ra, thành phố Nha Trang từ cái duyên buổi đầu của thời niên thiếu, nay hẳn còn với tôi, và cho tôi thêm những kỷ niệm khác nữa. Tôi không cố ý làm dáng, nhưng với quân phục, dáng đi, nó đã khoác lên hình ảnh con người của tôi một phong cách mới lạ, trẻ trung. Rồi, để xóa mặc cảm là người lính cũ, tôi đã thực hành theo cái nếp sống sinh động của tuổi trẻ qua những người bạn trong cùng khóa là thành phần sinh viên trí thức.
Về tới văn phòng, tôi đi qua lối cửa bên, lúc thấy tôi người bạn đang trực đứng dậy.
- Tôi đi ăn nghe.
- Rồi, đi đi.
- Hôm nay nhà bàn cho ăn gì?
- Có món thịt hộp và canh chua.
Người bạn đi ra ngoài, tôi kéo ghế ngồi xong cầm tờ báo Lý tưởng cũ mở ra đọc. Một lúc sau, bỗng nhiên có tiếng hỏi:
- Gia đình anh còn ở Huế không?
- Thưa còn, Đại úy.
Viên Đại úy nhìn tôi, ánh mắt rất thiện cảm. Khi ông kéo chiếc ghế ngồi, câu chuyện được nói đến là vài kỷ niệm đầu tiên để nhớ là Huế và những bạn cùng thời. Tôi cảm thấy vui trong lòng với mỗi câu chuyện, trong đó, thời gian của Huế là những tháng ngày yên bình. Huế đó, từng nhánh sông nhỏ, mỗi nhánh sông chảy qua rất nhiều cây cầu. Và cứ mỗi cây cầu, lại có riêng một tên gọi.
- Mẹ tôi mất sớm. Tôi rời Huế và rời ngôi trường Pellerin sau bảy năm học ở đó. Tôi vào Nha Trang, sau đó là Sài Gòn, rồi gia nhập binh chủng Không quân. Tôi thuộc khóa 61A. Tôi cũng có sáu tháng ở trung tâm huấn luyện này rồi lên đường đi Mỹ. Qua đó, tôi học ở trường bay của Hải quân về loại phi cơ chiến đấu. Khi tôi trở về nước, vừa đúng lúc xảy ra biến cố đảo chánh 1/11/63. Sau biến cố này, như anh cũng thấy rõ, không biết bao nhiêu là xáo trộn cả quân sự và chính trị. Bởi sự kiện này, miền Nam bất an, và cuộc chiến tranh ngày càng leo thang. Khi người Mỹ đã nhảy vào, xen vào nội bộ của chính phủ miền Nam, thì Hà Nội tìm lấy cớ này để gây hấn.
Chỉ ít giây yên lặng, tôi bỗng nhận ra gương mặt của viên Đại úy phảng phất một vẻ buồn.
- Tôi không trở lại Huế từ ngày ra đi. Nhưng tôi vẫn gởi lại thành phố đó thời tuổi trẻ của tôi. Năm Tết Mậu Thân, anh ở đâu?
- Dạ, em ở Biên Hòa. Thưa Đại úy, em là lính cựu Không quân, trước đây em làm việc ở Trung Tâm Không Trợ 111.
- Vậy à. Nhưng tôi nhận ra anh hiếu học, đọc sách khá nhiều.
- Vâng, em có đọc sách, thường là loại sách truyện.
- Huế trong năm Tết Mậu Thân thực kinh hoàng. Người Cộng Sản tàn ác quá. Biết bao nhiêu thường dân vô tội bị chúng giết và chôn sống.
Tôi nghe tiếng ông chậc lưỡi, sau đó tiếp lời.
- Hai người bạn học cũ của tôi đã chết trong biến cố thảm sát này.
- Hai người bạn cũng ở trong quân đội?
- Không, họ là nhà giáo.
Tôi cảm thấy phân vân, bỗng hỏi:
- Tại sao người Mỹ họ không muốn đánh thắng Cộng Sản?
- Không muốn thắng, anh nói đúng. Người Mỹ vẫn nghĩ rằng, nếu thực sự đánh, hai nước đàn anh của Hà Nội là Trung Quốc và Nga sẽ nhảy vào. Luôn luôn, làn sóng của chủ nghĩa Cộng Sản vẫn đe dọa thế giới. Không chỉ ở Châu Âu thôi, đến cả Châu Á nữa.
- Năm Mậu Thân, hai bên Mỹ và Hà Nội đã mở cuộc hòa đàm, nhưng đến lúc này hầu như ngưng trệ.
- Anh biết không, tôi vẫn lo ngại cho miền Nam trong hiểm họa của cuộc chiến này.
Với một giọng thân tình, vừa ngưỡng mộ, tôi nói:
- Trong chuyến bay Bắc phạt đầu tiên, phi công Việt Nam thực hào hùng, oanh liệt.
- Anh có nhớ ngày lịch sử đó không?
- Ngày 8 tháng 2 năm 1965. Ngày này sẽ ghi trong quân sử và trận đánh được ghi vào lịch sử.
- Anh có cái nhìn trung thực.
- Tôi có được đọc các bài tường thuật của phóng viên báo chí, trong đó, tên của tướng Nguyễn Cao Kỳ, của Đại úy và những phi công dự trận đánh này được nhắc đến. Và, sau trận đánh mở màn này, trong năm 1965, binh chủng Không quân còn biểu dương bao nhiêu trận chiến hào hùng trên không trung nữa. Rất tiếc, người Mỹ đã muốn chúng ta dừng lại.
- Trong cuộc chiến hiện tại, người Mỹ luôn chịu những ảnh hưởng của chính trị đe dọa. Họ rất mạnh về quân sự, nhưng họ không muốn cuộc chiến tranh bùng nổ, lan rộng, trở thành thế chiến thứ ba.
- Trước đây, người Mỹ rất khôn ngoan. Họ đã nhảy vào vòng chiến hai trận giặc lớn của Châu Âu và thế giới, để rồi, họ đã được lợi và trở nên giàu có, ai có thể tranh được vị trí siêu cường của Mỹ.
- Và, bây giờ, họ vẫn muốn có chiến tranh chứ không hòa bình, nhưng trong khoảng cách vừa phải.
- Em cũng có ý nghĩ đó.
Tôi nhớ, và đã đọc lại cho mình những mẩu chuyện, những bài viết cũ trên trang báo, trong hoài niệm của tôi đã hiện lên một khuôn mặt biểu tượng của người phi công. Viên Đại úy rất thân quý với tôi, ông là tiếng nói chung của một quân nhân miền Nam rất giàu tình cảm, và hơn hết, sự cao cả của ông là thấy mình luôn luôn mang trách nhiệm. Trước tiên, ông trách nhiệm về chính mình. Trong chuyến bay đầu tiên ra miền Bắc, phi cơ ông không thả bom xuống những vùng dân cư ở, mà, đánh vào các mục tiêu quân sự, những nơi ấy là các kho vũ khí, tiếp liệu, những cây cầu chiến lược mà phía Hà Nội sử dụng để chuyển quân vào miền Nam. Rồi đến ngày đảm nhận chức vụ Đoàn trưởng coi toàn thể các tân khóa sinh và sinh viên của các khóa, ông đã cầm lấy trong tay những vui buồn của họ, và chính ông ấp ủ một ngày mai về những tương lai của họ. Vol de nuit, cuốn tiểu thuyết đoạt giải Fémina năm 1931, có lời viết tựa của nhà văn André Gide, là tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp Saint Exupéry. Trong cuốn này, tác giả kể ra câu chuyện một người phi công với từng đoạn văn rất hay. Tôi nhớ rõ một đoạn trích: Et maintenant, au Coeur de la nuit, comme un veilleur il découvre que la nuit montre l’homme; ces appels, ce lumières, cette inquié tude. Cette simple étoile dans l’ombre: l’isolement d’une maison. L’une s’éteint: c’est une maison quy se ferme sur son amour — và bây giờ, trong đêm sâu, như một người canh tuần, anh ta nhận thức được đêm tối xác định sự hiện hữu của con người qua những tiếng gọi, ánh đèn hay sự lo âu của họ. Chỉ một vì sao trong bóng tối: một ngôi nhà nằm đơn độc. Một vì sao vụt tắt: tình thương tỏa ra từ một ngôi nhà vừa được khép lại. Fabien là một phi công, anh ta được giao phó nhiệm vụ chuyên chở thư từ và hàng hóa trong những chuyến bay đêm đầy nguy hiểm. Thời kỳ xa xưa ấy, mới là buổi ban đầu của ngành hàng không, các loại phi cơ và những dụng cụ hàng không còn thô sơ nên khi chiếc phi cơ cất cánh lên vùng trời, người phi công có thể nhìn thấy cái đẹp huyền nhiệm của không gian, nhưng đồng thời cảm nhận đó cũng là những cạm bẫy chết người. Núi, sông biển, những cánh đồng, những đàn cừu, những dãi cát vàng của sa mạc, những ngôi nhà được ví như ánh sáng của ngọn đèn, đó là hiện hữu của đất liền mà con người có được sự gắn bó. Còn mây, nó tạo nên được dáng vẻ một thành phố, sự trắng xóa của bầu trời, đó là một thế giới của trí tưởng tượng. Thế giới ấy, cũng là thế giới của người phi công. Fabien, nhân vật được tác giả tạo nên người phi công trong cuốn truyện kể này. Bay từ độ cao, nhìn những cánh đồng mây giống như biển cả huy hoàng, nhưng ở dưới lớp mây xa hơn là hư vô. Một mình giữa muôn vàn tinh tú, Fabien cảm thấy như chỉ còn liên lạc được với thế giới của loài người qua làn sóng của máy truyền tin hay ánh đèn leo lét của một ngôi nhà nào đó thật xa trong đêm khuya. Trong bóng tối bao la mờ mịt, mỗi ánh đèn là một dấu hiệu của lương tri. Chốn này, người ta đang đọc sách, người ta đang suy tưởng, người ta đang thổ lộ tâm tư. Nơi kia có lẽ người ta đang dò dẫm không gian, người ta đang mỏi mòn trước những con số, tính toán mãi về tinh vân Andromède, ở một chốn nọ, người ta đang yêu đương, và đó đây, lác đác trên cánh đồng, những ánh lửa đang đòi hỏi được nuôi dưỡng, giữ gìn. Cho đến cả những ánh đèn kín đáo nhất, của nhà thơ, của nhà giáo, của người thợ mộc. Nhưng rồi, khi ánh đèn đó được tắt đi, sự liên lạc mong manh với loài người cũng không còn, và tình người mà nhà văn viết từ trong cuốn Terre des homes, tình người mà nhân vật Fabien cảm nhận qua ánh đèn của một ngôi nhà cũng biến mất.
Đó cũng là chuyến bay đêm cuối cùng của Fabien, vì máy bay lâm nạn, anh không bao giờ trở về nữa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 03 Apr 2017

VII

Tôi có ý định sẽ thôi làm việc ở báo Người Việt đi ra ngoài làm hãng hy vọng sẽ có được đồng lương khá hơn. Nhưng tôi vẫn chưa nói cho ai biết cả, công việc làm hàng ngày tiếp tục, nhưng tôi có dấu hiệu mệt mỏi, và sự suy nghĩ để viết không còn nhiều cảm xúc và hứng thú. Về công việc sửa morasse, tôi cũng thấy nhức mắt, có những bài viết quá dài.
Trưa nay, Thiện hẹn tôi ra gặp ở quán cà phê trong khu Phước Lộc Thọ. Khi tôi đến, thấy có cả Phúc nữa. Tôi không mấy ngạc nhiên, vì giữa tôi và Phúc có nhiều duyên nợ lắm.
Tôi cầm bài Thiện viết đọc ngay, chú ý từng chi tiết cho đến hết trang sau cùng. Tôi chưa kịp nói gì, Thiện hỏi:
- Sao, được không?
Tôi gật đầu, Thiện tiếp lời:
- Mầy muốn sửa ra sao, tùy mầy.
- Được rồi, sửa gì nữa.
Tôi gọi cà phê. Thiện hỏi:
- Công việc của mày ra sao?
- Cũng tàm tạm.
- Bên goodwill đang tuyển người làm.
Tôi hỏi Thiện về công việc, hắn giải thích cho tôi hay về công việc hắn đang làm. Tôi có chút suy nghĩ nhưng không phân vân. Từ nãy giờ, Phúc ngồi thản nhiên nghe chuyện tôi và Thiện trao đổi.
- Ông sao?
- Bình thường.
- Làm việc cho hãng nào.
- Chung với tên này.
- Vậy hả.
Thiện cười nhìn lại tôi. Và, qua chuyện với Phúc tôi mới hay biết năm 1975, Phúc bị kẹt Nha Trang, sau 30/4/75 vào tìm gia đình ở Sài Gòn rồi trình diện tại đây. Vào trại Long Giao một năm, rồi đi ra Bắc, ở các trại Lao Kai, Thác Bà, Vĩnh Phú rồi Thanh Hóa. Ngày đó, lúc Phúc đeo lon Thiếu úy, tôi còn là SVSQ. Thực lời kể, Phúc và tôi cùng học một khóa tân binh năm 1965. Sau đó, tôi và Phúc cùng thi đậu phần nhất, trong khi tôi lo học để kiếm mảnh bằng phần hai, Phúc nạp đơn đi phi hành, vào Thủ Đức học giai đoạn 1 cùng khóa 25, xong ra Nha Trang nằm trong danh sách khóa 67C. Cuối năm ấy, Phúc đi Mỹ. Và, sau khi đậu Anh ngữ ở Lackland, Phúc qua trường bay học loại T41. Giữa tháng 3/68, Phúc về nước phục vụ trong phi đoàn khu trục, qua đầu 69 ra Nha Trang làm huấn luyện viên ở trường phi hành. Khi tôi ra Nha Trang, Phúc vừa giảng dạy ở trường phi hành vừa phụ trách một môn ở trường quân sự cho khóa 69 B. Khi Phúc nhận ra tôi, bạn cũ rất mừng, vẫn giữ tình thân ngày trước khi chúng tôi còn là tân binh.
Trong buổi gặp hôm nay, tôi chỉ hẹn với Thiện không ngờ gặp Phúc. Hết giờ nghỉ ăn trưa, tôi trở lại tòa soạn. Và, công việc buổi chiều là sửa bài.
Cô Ngà nói:
- Em sắp nghỉ vacation.
- Bao lâu?
- Em có ba tuần nghỉ.
Tôi hỏi nhỏ:
- Cô nghỉ phép như vậy có được hưởng lương không?
- Có chứ.
- Nghỉ phép cô ở nhà hay đi xa.
- Em đi xa.
- Trong các tiểu bang Hoa Kỳ thôi.
- Không, em đi Châu Âu.
Trong lúc chuyện trò, hai người vẫn có lúc nhìn nhau bằng cặp mắt rất là lâu.
- Chừng nào cô đi.
- Hai ngày nữa.
- Công việc của cô sao?
- Có người khác lo.
Ngà không đẹp lắm, nhưng có cặp mắt màu hạt dẻ rất là sáng.
- Anh cần thứ gì bên Châu Âu không?
- Không.
Vừa nghe tiếng chuông đồng hồ tường, hai người trở lại việc làm. Cô Ngà đánh máy rất nhanh nên lúc nào cũng có sẵn bài để sửa không phải chờ lâu. Bài tôi đang sửa là một truyện ngắn. Sau khi đọc và sửa xong, tôi liên tưởng đến cảnh gia đình ông ngoại và hai chị em bà ngoại tôi tương tự như trong câu chuyện của tác giả. Nhưng thoáng nghĩ thôi, xong bài, tôi mang qua cho Ngà để cô sửa vào máy.
Mới hôm qua, tôi nhận được hồi âm của Thúy Hà. Sau một thời sống ở Việt Nam, Thúy Hà qua lại Úc, một buổi sáng ấy từ bên đây, tôi gọi điện thoại liên lạc với nàng. Và, hết sức ngạc nhiên, tôi nhận ra được nàng ngay qua tiếng nói.
Không chỉ một lá thư mà thôi, mà còn bao nhiêu ảnh, và những kỷ niệm cũ qua thư từ. Mỗi thứ, đều nguyên vẹn.
Sau nhiều năm xa cách, nay em mới nhận được tin anh. Hôm ấy, là hai giờ sáng bên Úc lúc anh gọi điện thoại cho em. Em cứ tưởng Cảnh Sát gọi có chuyện gì cần báo, nhưng hết sức là bất ngờ, đó là tiếng của anh. Mới đầu, em thật bối rối mất đi nhiều giây nghĩ ngợi, rồi bỗng nhớ ra ngay, biết đích xác là anh em rất mừng. Và đã có tiếng nói của anh, giờ nào anh gọi cho em cũng được hết. Khi nghe được tiếng của em, chắc lòng anh cũng vui, phải không?
Trước hết, em mừng là anh đã đến Mỹ định cư. Thời gian chúng ta xa cách thật là quá dài phải không anh Thụy?
Em thực sự không hay biết anh Thụy đang ở Mỹ, và lại rất gần với gia đình Hân. Hiện giờ, Ba Mợ em đang ở chung với gia đình Hân. Vũ cũng ở Cali, còn Hạnh ở Colorado, Hiền ở Virginia. Năm 95, em có qua thăm Ba mợ ở Cali. Lần ấy đi, em nghỉ hai tuần lễ holiday, sau đó trở về tiếp tục công việc làm. Em đang làm việc tại một Trung tâm Đa Ngôn Ngữ, một chi nhánh của Sở Xã Hội. Em làm thông dịch viên trực tiếp với khách hàng hằng ngày và cũng có thông dịch qua điện thoại vào mỗi buổi tối hoặc hai ngày cuối tuần. Công việc này là phụ, nhưng được tính tiền theo mỗi phút.
Nhân tiện viết thư này thăm anh, em cũng muốn cho anh biết chuyện riêng của em. Thực sự không có gì vui lắm. Em và Duy đã ly dị từ trước 75. Sau đó em lấy chồng một người Đại Hàn, có hai mặt con rồi cũng ly dị. Từ nay, ngoài bổn phận nuôi nấng các cháu, em không còn một mối liên hệ nào nữa với hai người chồng cũ. Duy đã theo diện HO sang bên này như anh. Duy đã có gia đình mới. Duy có viết thư cho em hồi còn ở địa chỉ cũ, nhưng em không trả lời. Duy không có trách nhiệm gì với gia đình cả. Anh đừng cho Duy địa chỉ hiện tại của em.
Em rời Việt Nam qua Úc định cư năm 1977. Em đã ở lại Đà Nẵng ngay lúc thành phố này thất thủ, và qua những ngày tháng đó em đã chứng kiến được sự đổi thay rất đáng buồn cho đất nước. Ngẫm tình cảnh đó, mà em nhớ hai câu thơ trong truyện Kiều:
Kể từ ngộ biến đến giờ
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa

Ngày ấy, các cháu còn nhỏ dại. Khi mấy mẹ con tới xứ người, nơi ăn chốn ở phải sống trong điều kiện thiếu thốn về vật chất. Em phải tìm kiếm việc làm ngay dể lo cho các cháu ăn học. Mỗi ngày, đến tối, mẹ con mới có được những giờ phút gần gũi nhau. Giờ đây, các cháu đã lớn, có gia đình. Tony là Kỹ sư Điện tử, hai cháu Jane và Mimi, làm việc cho ngân hàng. Chồng Jane người Phi, Mimi người Singapore. Tuy em đi làm, nhưng cũng để dành thời gian đi học và em đã tốt nghiệp BA, Đại Học Sydney.
Bên đây, người Việt định cư cũng khá đông. Có nhiều khu thương mại của riêng người Việt buôn bán nhộn nhịp, sầm uất. Mỗi kỳ lễ Tết đều có lễ hội truyền thống. Vào hai ngày cuối tuần các nhà hàng, tiệm ăn rất đông khách, không chỉ người Việt mà còn dân bản xứ, và các sắc dân khác.
Thời gian đi nhanh quá. Nhìn lại trong chúng ta, ai cũng qua hết thời tuổi trẻ rồi. Thế nhưng, trong giọng nói thân quen của anh hôm ấy đã làm em nhớ lại nhiều những ngày tháng cùng bao nhiêu kỷ niệm cũ. Anh nghe lại tiếng nói em, có thay đổi nhiều không? Tối hôm ấy, trở lại chỗ nằm em không ngủ được, và trong đôi mắt cố hình dung lại bóng dáng anh, khuôn mặt anh. Và, rồi em cứ ngỡ, những ngày tháng cũ vẫn trở về lại cho anh cũng như cho em. Về quê hương của anh ở Quảng Trị, về thành phố Đà Nẵng nơi có gia đình em ở, giờ đã quá xa, xa khuất rồi phải không anh.
Nhận được thư của em, anh nhớ viết liền cho em đọc. Anh viết thư nói rõ hơn cho em biết công việc anh đang làm. Vào thư tới, em sẽ gởi ảnh đại gia đình cho anh chị. Và, em cũng sẽ nói chuyện điện thoại với anh. Bên này, em mua thẻ điện thoại rẻ lắm. Em thường nói chuyện với Ba Mợ và các em vào hai ngày cuối tuần.
Anh vẫn còn viết văn chứ. Chắc là còn, duyên nợ văn chương chẳng thể nào rời bỏ anh được đâu. Em còn nhớ một truyện ngắn anh đã viết về em, sau đó gởi cho tạp chí Văn. Nhớ lại ngày hôm đó, thư của tòa soạn gởi về địa chỉ ở nhà, nhận thư của anh em đã chẳng ngần ngại bóc thư anh ra đọc. Truyện anh không được đăng đã làm anh buồn, em cũng buồn nữa. Em hiểu rằng, đây là món quà anh muốn tặng em trước ngày đi xa. Tuy nhiên, đọc bản thảo còn “non nớt” của anh, em vẫn thấy sự chân thành trong đó dành cho em. Rồi, anh lên đường vào Sài Gòn, và nơi thành phố ấy anh đã chọn nghiệp văn và trở thành một người viết văn có tên tuổi. Em thật mừng cho anh.
Hết thời học sinh, chúng ta mỗi người đi một nơi. Ngày tháng đó, ở xa, anh và em vẫn còn liên lạc thư từ với nhau. Ngày đó, trong gia đình Ba mợ luôn nhắc anh, thương anh như con. Em cũng vậy, coi anh đáng mặt là anh của em và các em trong gia đình.
Chiến tranh đã kết thúc bất ngờ, không lường trước được. Từ biến cố đó, anh em chúng ta bặt tin nhau bao nhiêu năm ròng rã mong tin. Nhưng, không một ai tuyệt vọng cả. Trái đất tròn, sau nhiều năm, em và gia đình đã được tin anh.
Cho em ngừng bút, em rất muốn anh có một cuộc sống tươi vui, mới lạ, và tốt đẹp. Em luôn hiểu rằng anh yêu em, mãi mãi yêu em không thể quên, em cũng thế, nhưng hãy nghĩ rằng hạnh phúc của mối tình chúng ta là ánh sáng.
Thân thương,
Thúy Hà ngày trước của anh

Tôi hết sức cảm động, qua một đêm thức trắng với ly cà phê và những bản nhạc buồn. Trong lá thư Thúy Hà gởi cho tôi nét chữ đổi khác, nàng khuyên tôi hãy vui với cuộc sống mới, ở xứ người anh là con người tự do. Cố nhiên, xa nhau bấy nhiêu năm trời trông ngóng, hai người không thể quên, nhưng hãy để cho tâm hồn bình lặng, không có sự khổ đau.
Bỗng dưng tôi thấy mình là một cánh bướm. Khi choàng tỉnh dậy sau giấc mơ, tôi không còn thấy Thúy Hà ở đâu nữa.
Hai tuần lễ đi công tác xa, Thùy trở về lại nhà. Nàng tìm đến gặp tôi.
- Em đi vắng anh buồn không?
- Rất buồn. Anh đợi em về để đọc thư.
- Thư của ai đây.
- Em cứ mở thư ra, tự nhiên đọc.
Thùy xem thật lâu mỗi tấm ảnh. Nàng buột miệng:
- Bạn gái ngày xưa của anh quá đẹp, anh si tình là phải.
Rồi, nàng đọc thư. Tôi đứng lên đi qua gian bếp đun nước sôi để pha cà phê. Khi cà phê pha xong, sự yên lặng vẫn còn lướt qua trên tờ thư dưới ánh mắt phân vân của Thùy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 03 Apr 2017

Hai người ra ngoài chỗ mái hiên, ngồi xuống bên nhau.
- Anh có tính về bên nhà không?
- Không. Nhưng anh vẫn mong có ngày gặp lại nàng.
- Mong thôi, còn gì nữa không?
- Anh rất quý mến nàng.
- Bây giờ, em thay thế được không?
- Em thay thế được tất cả.
- Có bao nhiêu người anh đã yêu?
- Không, hoàn toàn không.
Một nụ cười thơ ngây in dấu trên cặp mắt của Thùy. Nàng hiểu lời tôi nói, không hay có, đều đúng. Tin tức và thư từ của Thúy Hà mang đến, giải tỏa những nỗi niềm u uẩn, sự chờ mong, và thật êm thắm, dịu hiền trong một câu chuyện tình được khép lại. Hai người bên nhau, trên bầu trời những áng mây nhuộm màu hồng.
- Tối nay em ở lại nghe.
- Không, em về.
Nàng tiếp lời:
- Xa cô ấy, anh cần một thời gian dài êm đềm với nỗi nhớ.
- Không đâu, đó là tin vui, anh chẳng mong đợi gì hơn.
Thùy đứng lên, nói:
- Em về đây.
Tôi dọn dẹp ly tách đem vào nhà. Khi tôi trở ra, hai người qua lối cầu thang ngoài xuống con đường. Buổi chiều hơi se lạnh. Ánh sáng trên mặt trời trôi xa, giạt về phía bóng tối của khu rừng.
Khi Thùy mở cửa xe, tôi vào ghế ngồi.
- Anh không lên nhà nghỉ đi.
- Em cho anh đi ăn tối.
- Rồi, em lại đưa anh về đây.
- Không, anh về một mình được.
- Tại sao vậy?
- Chạy xe đi, mình còn nhiều câu chuyện.
Thùy không gạn hỏi, xe lăn bánh ra đường. Sự yên lặng theo buổi chiều gần như nỗi xa vắng. Một lúc sau, tôi nói với nàng về một kỳ nghỉ phép lần đầu tiên. Buổi sáng ấy, lúc sắp xếp quần áo và các thứ quà bánh vào túi vải nhà binh, chặt gọn, căng đầy, bỗng dưng lòng tôi thấy nôn nao, lạ thường, tưởng như đang mang mang một nỗi nhớ về người mình yêu. Thực sự, tôi đang yêu và ước mơ về Thúy Hà. Nàng đã lấy chồng, nhưng trong tình yêu vẫn còn để lại cho tôi với rất nhiều lá thư.

Huế, thành phố và con người có chung một dòng sông. Vào mỗi năm tới mùa thi, không khí mùa này thật rộn rã, hoa phượng đỏ rực trời, trên đường Lê Lợi bao nhiêu tà áo trắng làm sáng đẹp một ngày mai như đó là sự xuất hiện những đàn chim thiên thần. Nhưng rồi, vang âm ấy chợt bơ vơ sau hồi trông im bặt, vắng lặng, có chút gì tựa áng mây phiêu bạt bên trời làm bạn cảm thấy nó muộn màng, chẳng còn nữa sự đợi mong.
- Anh không đi đâu chơi?
Phương xuất hiện ở thềm cửa, trên bàn tay nắm đầy một chùm quả mận vừa mới hái ngoài vườn. Tôi nhìn cô em gái và thấy cả một nụ cười dịu sáng nơi cặp mắt vui của thiếu nữ.
- Anh còn bao nhiêu ngày phép nữa?
- Sắp hết rồi.
Phương để những quả mận vào dĩa, xong kéo chiếc ghế ngồi xuống. Một cơn gió vừa làm dịu đi sức nóng, trong tiếng lào xào bên ngoài vườn tôi ngửi được cả mùi vị thơm của lá và trái cây.
Phương ăn ngon làm tôi thèm, lấy một quả nhỏ, vừa cắn đã thấy có vị chát.
- Anh Nguyên lúc này, sao?
- Anh ít khi về nhà.
Rồi một giọng thân tình, Phương nói:
- Anh ấy đã có chị Phượng Nga.
- Bạn gái của anh?
Cô em gật đầu, mắt nhìn tôi như thể dò ý. Tôi hỏi:
- Hai anh chị quen nhau lâu chưa?
- Em không rõ, chắc là mới đây thôi.
- Em đã gặp chưa?
- Có chứ. Anh Nguyên đưa chị Nga về nhà chơi mấy lần.
- Phượng Nga cũng người Huế.
- Không, ở Đà Nẵng.
- Lạ nhỉ, sao anh Nguyên không nói gì hết.
- Anh về phép sớm hơn là gặp chị rồi.
- Anh đâu hay biết gì mà có ý định về thời gian nghỉ phép.
Sau câu nói, bỗng dưng tôi băn khoăn. Gia đình ở Đà Nẵng, cô gái ra Huế học trường Mỹ Thuật năm tới là năm thứ hai. Từ ít nét qua trí tưởng, hình ảnh Phượng Nga tỏa rộng trên khung vải một bức tranh thiếu nữ có gương mặt đẹp, phảng phất nỗi buồn. Và chiếc áo dài tím, cô gái cũng cho tôi lắng nghe ra tiếng nói, hình dung từng dáng bước đi rất nhẹ nhàng trên những bông hoa vừa mới nở.
Tôi hỏi Phương:
- Mẹ có hay biết gì không?
- Có.
- Mẹ nói sao?
- Mẹ rất vui. cả nhà, ai cũng mến chị.
- Ờ nhỉ, anh đã hình dung thấy rồi. Mong rằng, hình ảnh chị ấy như anh đang nghĩ tới.
Một giọng vui, Phương nói:
- Chị Nga có đọc truyện anh viết.
- Vậy à. Anh Nguyên đưa cho chị.
- Không phải, em đưa.
- Chị có nhận xét gì không?
- Chị nói, anh thật lãng mạn.
Lòng vui tôi mơ nghĩ đến người con gái, và nàng còn đây, đang hiện diện trong tâm trí tôi.
Ngày hôm sau, buổi sáng trời mưa tôi đi Phú Bài để ghi chuyến bay. Viên Trung úy nhận giấy phép xong, quay lại xem bảng phi trình, nói:
- Ngày mai có hai chuyến Sài Gòn. Anh muốn đi sáng hay trưa?
- Tôi muốn đi chuyến sáng.
- OK. 8 giờ có mặt.
Xong việc, tôi ra về. Trời đã tạnh ráo. Thật may, tôi xin quá giang được chuyến xe nhà binh về phố. Xe chạy không nhanh, trên đường, tôi ngắm quang cảnh đồng quê hiện ra trong vẻ ẩm ướt sau cơn mưa. Lạ nhỉ, một niềm bâng khuâng trong tôi như thể cơn gió lạnh trở mùa. Tôi đang nghĩ đến câu chuyện của Phương nói về một cô gái mà tôi chưa được gặp. Cô đến Huế, rồi xa nơi này đã lâu chưa thấy trở lại.
Tôi cứ lan man mơ mộng bóng dáng cô gái, rồi sực tỉnh khi xe về tới thành phố. Huế vẫn đông vui, rộn ràng. Xe ngừng lại phía bên đây cầu Trường Tiền. Tôi nhảy xuống xe, đưa cao tay vẫy chào tạm biệt anh tài xế và hai người lính ngồi phía trước. Họ gửi lại tôi một nụ cười. Từ dốc cầu, tôi thong thả đi bộ đến sạp báo nằm ngoài khuôn viên Đài Phát Thanh. Hiếu nhận ra tôi, vội la lớn tiếng làm nhiều người nhìn tôi chú ý. Ngày trước, tôi khá thân với Hiếu. Nhớ một thời đi học, những buổi chiều hè tôi thường có mặt ở đây say mê đọc báo và hết sức vui được nghe những lời bàn luận thể thao của các cổ động viên cùng tâm ý như mình. Thế nhưng, nay thời gian đã đổi khác tôi rất nhiều, tôi không còn say mê môn bóng tròn như trước nữa, mà từ ngày đi lính, trong lòng tôi mang nặng nhiều ý nghĩ về chiến tranh, về cuộc đời, vừa hoài nghi từ những mối mặc cảm.
Vừa chuyện trò với bạn, Hiếu vẫn tiếp khách mua báo. Một lúc sau, câu chuyện ngừng hẳn vì khách đến khá đông.
Tôi mua tờ báo Nghệ Thuật số cũ. Từ ngày sáng tác được vài truyện ngắn đăng báo, tôi bắt đầu chú tâm đến các sinh hoạt văn nghệ, và ngày càng trở nên yêu thích việc đọc sách, kể cả cái thú đến phòng triển lãm xem tranh.
Tôi không đứng lâu, trả tiền báo xong tôi và Hiếu bắt tay. Hiếu hỏi:
- Hôm nào đi?
- Ngày mai, tôi đáp.
Đứng ở trong quầy, cái dáng người cao, hơi gầy của Hiếu vẫn như ngày nào. Có chuyến xe buýt vừa đến, đang ngừng, tôi vội chạy nhanh. Lên xe, tôi ngồi cạnh một cô gái. Tờ báo cầm trên tay, tôi mở ra đọc lướt. Cô gái cũng ghé mắt nhìn vào trang báo của tôi. Hai người không hỏi nhau một câu. Những hàng cây lùi rất xa trên đường xe đang chạy. Bên kia công viên, dòng sông đang chảy vào thành phố, tôi chợt nghĩ đến ngày mai lên đường.
Xe ngừng ở nhà ga, tôi và cô gái cùng bước xuống. Mỗi người, đi một ngả. Tôi hẳn sẽ còn nhớ được cô gái có cặp mắt nâu, chiếc áo dài trắng. Cô bước đi một mình, trong lúc ấy tôi còn dõi mắt trông theo bóng dáng cô mỗi lúc xa dần, khuất biệt, rồi cô đi qua lối cửa phụ bên cạnh nhà ga vào phía bên trong. Tôi chợt nghĩ một đôi điều như mới có trong đôi mắt, tôi nghe ra tiếng nói, biết tên cô gái, và căn nhà phía bên kia cánh đồng trơ trọi, nơi ấy rất dễ cho bạn tìm thấy những dấu vết chiến tranh còn đó ở hai bên hàng rào kẽm gai, ở chỗ hồ nước đầy rêu có một cây khế trái chín rụng từng ngày vươn vãi trên mặt đất. Rồi, ngày nào đó cô gái đi đến một nơi xa, không hề trông mong gặp lại bạn lần nữa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 03 Apr 2017

Tôi trở gót, bước nhẹ nhàng. Về đến nhà, tôi vui lây trong tiếng mấy đứa em reo mừng. Anh Nguyên cũng có về nhưng đã vào lại đơn vị.
Sau bữa ăn, tôi mở ví lấy tiền đưa mẹ một ít, còn lại cho mấy em. Tôi đi lính, đồng lương không nhiều, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng dành dụm cho những kỳ được về phép thăm gia đình. Một thoáng yên lặng, tôi lại nhớ anh Nguyên, và nhớ rất nhiều trong sự hình dung qua từng nét về một cô gái.
- Sang năm anh về phép nữa không?
- Chưa biết. Nếu xin được kỳ nghỉ, anh về thăm.
Có tiền của tôi cho, em tôi đứa nào cũng cất dành. Những ngày qua tôi sống thật nhẹ nhàng, yên vui với mỗi bữa ăn, mỗi câu chuyện của người mẹ và các đứa em, trong tâm tình đó, những dòng thơ Huy Cận bỗng dội lên những cơn sóng nước giạt dào, tỏa ánh một miền quê, miền ấy, là quê ngoại mà trong tâm tư tôi thường hay nhớ tưởng.
Tôi trải chiếu lên tấm phản, đặt chiếc gối xong, lăn người nằm. Tôi ngủ ngon giấc, lúc thức dậy, đã nửa buổi chiều. Rửa mặt xong, tôi rời nhà đi bộ qua thăm dì Quyên. Nhà dì tôi ở gần, đầu ngã ba trông xuống bến sông. Trời vẫn còn hanh nóng, chưa dịu hẳn.
Vừa thấy tôi trước cửa, Thư lên tiếng, cô em gái nhìn người anh họ qua ánh mắt vui. Rồi một cô gái mặc áo trắng chợt quay đầu nhìn làm tôi ngạc nhiên, liền nhớ ra ngay là mới gặp cô lúc trưa trên chuyến xe ngừng đỗ ở trạm nhà ga.
Bà dì ở nhà sau đi lên, với nụ cười thật điềm đạm.
- Ngày nào con đi?
- Dạ, ngày mai.
Nhìn gương mặt dì Quyên, tôi cố gắng tìm một lời để nói. Và, lúc đó Thư giới thiệu tôi với cô bạn học. Tôi và cô gái nhìn nhau hơi bỡ ngỡ. Nhưng rồi, lướt qua bằng giọng tự nhiên, thật vui tôi nói:
- Anh có linh cảm là tới đây để tìm em.
- Thực không?
- Cô hỏi bạn của cô đi.
Thư nhìn hai người, tỏ ra ngạc nhiên. Chỉ qua ít giây bối rối thôi, câu chuyện trở nên rõ ràng, nhưng tôi cũng hơi dài dòng khi thuật lại sự tình cờ gặp cô bạn của Thơ trên chuyến xe buýt đi từ dưới phố lên ga.
Tôi kéo ghế ngồi. Vừa lúc ấy, có tiếng rao của người bán hàng rong. Dì Quyên vội đứng lên đi ra cửa, rồi cất tiếng gọi. Một lúc sau, chị ta xuất hiện đặt chiếc gánh xuống thềm hiên.
Cả ba người ngừng chuyện để chờ bữa quà chiều. Rất nhanh gọn, mỗi người một dĩa bánh với nước mắm dằm ớt cay.
Ngồi bên ngoài, chị bán hàng cầm chiếc nón đưa lên quạt. Trên vầng trán của chị, ít giọt mồ hôi còn đọng. Người nào ăn cũng thấy ngon. Cô gái hay ngừng đũa nhìn qua tôi. Cô gái có nước da ngăm, cặp mắt nâu, và trên áo trắng thêu tên của cô. Một giọng nhỏ nhẹ, cô hỏi:
- Anh làm việc ở Sài Gòn?
- Anh đi lính, đóng ở căn cứ Tân Sơn Nhất.
Chỉ có mình tôi ăn thêm. Bà dì, Thư và cô bạn ăn xong một dĩa lớn là quá no. Nhìn ra ngoài hiên, tôi thấy chị bán hàng đang rửa chén bát ở cái thau nhôm. Vội vàng tôi ăn nhanh, xong đứng lên mang dĩa ra trả cho người bán. Bà dì và chị bán hàng cùng tính tiền, sau đó, dì vào nhà lấy một cái dĩa ra mua thêm, dĩa này để phần cho Linh, em kế Lăng và cũng là chị của Thư.
Bóng nắng theo chị bán hàng đi khuất ra cổng. Tôi hỏi Thư:
- Lúc nào em tựu trường?
- Đầu tháng chín.
- Cũng gần đến rồi, hai tuần lễ nữa thôi.
- Mỗi năm, anh đều về nghỉ phép?
Cô gái nhìn tôi khi hỏi lòng tôi cảm thấy có được sự an ủi trên cặp mắt cô và còn nghe rõ một giọng nói thân tình. Vậy mà tôi cứ băn khoăn tìm lời giải thích cho cô hiểu về tình cảnh người lính không dễ sống yên bình, phẳng lặng như cuộc đời người công chức.
- Anh về phép lần này là lần đầu kể từ khi vào lính, tôi nói.
Cô gái tên Liên An. Tôi nhìn tên cô thêu trên áo, và đọc trong cặp mắt cô một điều thầm lặng.
Thư quay lưng rút một cuốn sách ở kệ. Cô đem cuốn sách để lên bàn và mở ra trang đầu. Bỗng nhiên cô ngừng đọc hỏi:
- Anh Nguyên đi đâu không thấy ghé.
- Anh còn ở đơn vị.
Thư ngã người dựa lưng ghế, cười nói:
- Không chắc đâu. Anh đi Đà Nẵng thăm chị Nga rồi.
- Sao Thư biết?
- Cả nhà, đều biết.
- Thư gặp chị ấy rồi.
- Chị Nga thân với em lắm.
Tôi ngẩn người, lạ lùng thấy Liên An nhìn qua tôi. Buổi chiều, có chuyến xe lửa về đến ga.
- Ngày mai anh đi buổi sáng, hay chiều?
- Buổi sáng. Sài Gòn lúc này đang bắt đầu mùa mưa.
Sau điều vừa nghĩ, bỗng dưng tôi có cảm giác bàn tay cô gái đặt lên vai mình. Hai người còn nhìn nhau, đôi mắt cô gái hết sức ngại ngùng.
Và rồi, buổi chiều xuống nhanh. Cô gái đứng lên kiếu từ, trên tay cầm hai cuốn vở và một tập giấy. Tôi cũng muốn về nhà, rồi cùng cô gái đi ra phía cổng.
Giọng thân tình, cô gái nói:
- Em mong sang năm anh về phép.
- Anh cũng mong như em.
Hai người đi bộ trên con đường ven sông. Dừng bước lại, tôi hỏi:
- Nhà Liên An gần đây không?
- Dạ gần.
- Bên kia cầu?
- Em ở phía trên nhà ga.
- Em thích về một mình hay muốn có anh theo.
- Anh tiễn em một đoạn qua cầu thôi.
- Anh cùng đi với em.
Trong câu chuyện, cô gái cho tôi biết qua về gia đình cô. Và, cùng với sự thân tình ấy, cô nói về mẹ tôi, các em của tôi, và rất là thích thú khi cô tả qua cho tôi nghe về nàng Phượng Nga. Tôi hỏi:
- Em thấy anh Nguyên ra sao?
- Anh ấy rất đẹp.
- Còn Phượng Nga?
- Em chưa tìm ra được ai để so sánh với nàng.
- Phương đã vẽ hình ảnh Phượng Nga và kể hết chuyện cho anh nghe, ở thành phố này, vẻ đẹp của áo trắng rất là thuần khiết.
- Anh thích em mặc áo trắng không?
- Anh rất mong, mỗi cô thiếu nữ, ai cũng đều có riêng cho mình một màu áo yêu thương.
- Anh thật có tâm hồn đa cảm.
- Anh rất vui được nghe tiếng nói của em.
- Anh có mong gặp lại em không?
- Anh đang đi bên em. Những ngày tới đây, anh xa khỏi thành phố này. Áo trắng, tên Liên An của em, tên Phượng Nga người con gái xứ Quảng chúng ta vừa nhắc đến là kỷ niệm thật đẹp mà Huế đã cho anh sự rung động của một ngày về.
- Em có cảm tưởng, anh luôn đi xa, nhưng lúc nào cũng mãi nhớ thương ngày tháng cũ.
- Em nói được những ý tưởng của anh. Những ý tưởng ấy nhắc anh nhớ đến một bài hát rất quen thuộc.
- Anh hát đi.
- Anh không biết hát.
Sau vài giây, tôi bỗng nói:
- Anh nhớ được một đôi câu… nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em vắng tôi một chiều…
Bóng nắng chiếu nghiêng nghiêng, dòng sông không lớn nhưng nó tạo ra được cái dáng vẻ đẹp riêng cho thành phố. Hình ảnh chiếc cầu sáng trắng màu vôi, theo ánh nắng, bóng hai người đi qua con sông, bỗng nhiên nghe tiếng động cơ nổ dội lên vang thật xa. Và lúc đó, một chiếc thuyền máy xuất hiện lênh đênh trên sóng nước, khi ra khỏi dòng sông nhỏ này chiếc thuyền sẽ gặp dòng sông lớn.
Nơi đây, trở lại sự yên bình. Nhà ở hai bên nằm ven theo bờ sông, mỗi căn nhà đều có khoảnh sân ở phía trước và căn vườn nhỏ sau lưng.
Bỗng nhiên Liên An dừng bước lại, cô nói với tôi:
- Đã đi qua hết cây cầu, anh có nhớ lời em nói không?
- Nhớ chứ. Nhưng sao em không nghĩ anh muốn tiễn em lên nhà ga để đợi một chuyến tàu.
- Anh muốn em làm kẻ lữ hành đơn độc.
- Hãy cùng anh đến đó.
Tôi nói với cô gái vừa hình dung về khung cảnh nhà ga, trong buổi chiều muộn màng biết bao nhiêu hành khách mong đợi có chuyến tàu đến, riêng một mình cô gái đứng lẻ loi bên cạnh tháp nước, đôi mắt đăm đăm nhìn về ngôi nhà trống bỏ hoang. Hình ảnh Liên An áo trắng, tấm lòng buổi chiều nhớ hương gió mà nỗi buồn rờn rợn một màu quê.
- Anh có ra thăm Quảng Trị không?
- Có, anh về được ít ngày. Thời trước, nhà anh ở ngay ga Quảng trị. Nhà ở, nhìn sang bên kia con đường ray thấy bóng cái tháp nước.
- Em có linh cảm, anh hay đi xa nhà, nhưng luôn ước mong có được ngày trở về.
- Có được ngày trở về là cả sự bao dung.
Nhà ga yên lặng, trống vắng. Hai người đã dừng bước, họ đứng bên nhau nhìn qua bãi đất trống. Bên cạnh hàng rào kẽm gai có một hồ nước. Căn nhà lợp mái tôn, sân trước rộng, ở đằng sau, có một con đường nhỏ dẫn ra tới bến đò.
- Em ở căn nhà đó đã mười năm.
- Ngày anh mong gặp lại em, thời gian có đổi khác đi nhiều không?
- Không, em không biết.
Tôi cầm bàn tay Liên An, rồi nói:
- Ngày mai anh không chỉ xa thành phố này thôi, mà còn xa thêm em nữa.
- Em cám ơn anh.
- Anh cám ơn em cho anh ngày gặp gỡ.
- Em về một mình, nghe.
- Em về một mình.
Liên An bước đi không ngoái đầu nhìn lại. Tôi bỗng nghĩ, mình mới là người lữ khách đang trông đợi một chuyến tàu…
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 03 Apr 2017

VIII

Nguyên cùng đội dân sự vụ và y tế đi Phò Trạch. Ở đó một tuần, đội làm công tác khám bệnh, đào giếng, gặt lúa và lợp nhà cho dân. Khi trở lại đơn vị Trung đoàn, cả đội được nghĩ xả hơi ít ngày. Nguyên về thăm nhà, tắm rửa xong anh vội vàng thay quần áo đón xe đò vào Đà Nẵng.
Tới thành phố giữa buổi chiều, nắng hè đã dịu bớt. Phượng Nga có mặt ở nhà lúc Nguyên tới, nàng hết sức ngạc nhiên nhưng lòng cũng thấy vui khi gặp chàng. Hai người nhìn nhau có chút ngại ngùng, vừa cảm thông.
Căn nhà Phượng Nga nằm ở khu phố chính trông ra hai con đường Hùng Vương và Triệu Nữ Vương. Những lần trước, Nguyên được cô gái cho phép chàng theo chuyến xe khách từ Huế vào Đà Nẵng khi cô về thăm nhà, và họ ngồi chuyện trò ở quán nước một giờ khá lâu trước khi chia tay. Có một đôi lần, qua nhắn tin, hai người gặp nhau ở nhà người bạn thân. Luôn luôn, cô gái rất giữ gìn ý tứ.
Và, đây là lần đầu tiên vì quá nhớ nhung, Nguyên liều lĩnh tìm đến nhà Nga. Về tình yêu, cô gái rất hiểu. Hai người ngồi ở bàn khách nhà dưới chuyện trò, giọng nhỏ nhẹ, thân tình. Nguyên nhìn mái tóc, gương mặt, và nghe tiếng Phượng Nga nói, anh có cảm giác như thời gian là cánh cửa thấp thoáng những hình bóng của anh.
Sau những phút giây băn khoăn, Nguyên mời Nga đi chơi phố. Không chỉ tiếng nói nhỏ, mà trên gương mặt Nguyên lộ ra hết vẻ bỡ ngỡ khiến Nga không giấu được nụ cười trong cặp mắt nhìn lại anh. Một lúc sau cô đứng dậy, để Nguyên lại một mình. Nguyên thật lo lắng khi nghe tiếng Nga nói chuyện với bà mẹ. Cũng khá lâu, Nga mới trở ra ngoài và bảo Nguyên ngồi chờ.
Chỉ nửa tiếng, Nga thay quần áo xong. Phố đông vui ngày cuối tuần, ra khỏi nhà một quãng xa nàng mới để cho Nguyên nắm tay mình. Bên nhau, hai người dạo bước, giọng nói của Phượng Nga rất hồn nhiên và tự tin. Trên đường đi, Nguyên kể cho người yêu về mấy ngày đi công tác vừa qua, và anh tả lại ngôi làng Phượng Liễu bằng những nét phác họa sống động như làm một bài luận văn.
Bên kia đồi cát là ranh giới hai tỉnh. Hải Lăng là một quận lỵ ở gần ngay đó, từ quận về quê nội của Nguyên khoảng mười cây số. Quê nội anh ở gần biển và trước khi đến biển con đường xuyên qua một khu nghĩa địa là những đồi cát trắng trải dài trông hình dáng như đàn voi. Biển rất vắng, rất xanh, tràn ngập sóng nước, và đôi khi trong buổi chiều có khung cảnh của những bầy chim bay rộng cả một vùng trời. Tiệm giải khát đối diện với rạp hát. Hai người ngồi dưới chiếc dù lớn đặt gần mái hiên. Bên ngoài rạp hát, lảng vảng một hai bóng người còn đứng xem những tấm biển quảng cáo chiếu phim kỳ tới. Lúc này, trong rạp phim đang chiếu, chừng bốn mươi lăm phút nữa mới vãn xuất.
Nguyên ngoắc tay gọi đứa gái nhỏ đến gần.
- Cà phê đá.
- Nước cam tươi.
Đứa bé gái bỏ đi ngay vào quầy. Nguyên lặng nhìn Nga với một nụ cười trong đôi mắt. Nàng cũng rất yêu đôi mắt đẹp của Nguyên. Nàng rất thích cái dáng trẻ thơ của anh, và những câu chuyện anh kể về đời lính. Những cô gái trước đây Nguyên quen, anh cũng kể ra cho nàng biết, có những chuyện vui ngộ nghĩnh làm nàng bật cười. Và, sau này, anh tỏ lòng tha thiết nói lời tâm sự, giờ đây chỉ có nàng là hơn hết.
Nguyên uống cà phê, nhưng không hút thuốc. Anh không biết hút thuốc lá, nhưng cà phê thì phải có. Những năm ở Sài Gòn làm báo, mỗi buổi sáng, Nguyên thường viết bài ở quán cà phê ngay trước mặt tòa soạn. Anh viết nhanh, và cà phê là chất xúc tác gợi nhiều cảm hứng cho anh viết.
Thỉnh thoảng mắt Nguyên lơ đãng nhìn ra đường ngắm phố và chú ý những người đi qua lại.
Phượng Nga uống từng ngụm nước, cặp môi mỏng ướt của nàng đẹp như cánh hoa. Nàng rất vui tính, những ngày qua về nghỉ hè nàng cũng biết mình nhớ Nguyên rất nhiều. Nhưng với tâm hồn thiếu nữ, nàng có sự ấp ủ, vừa e thẹn để giữ gìn nỗi nhớ nhung luôn thật dịu mềm như là một thứ tơ lụa.
- Nga định hôm nào ra Huế?
- Ngày mốt.
- Anh ở đây chờ Nga ra luôn.
- Anh không sợ bị phạt à?
Nguyên cười bảo:
- Có Nga, anh chẳng sợ ai cả.
Nàng cười. Anh tiếp lời:
- Anh được nghỉ phép ít ngày sau chuyến công tác.
- Tối nay, anh ở đâu?
- Ở nhà người bạn.
Ánh mắt nàng nhìn qua người yêu có vẻ bối rối, vừa ngại ngùng. Nhưng rồi, lấy một giọng bình thản, Nga nói.
- Về nhà em mà nghỉ.
- Má có la không?
- Em sẽ xin phép cho anh.
- Cám ơn em.
- Cám ơn suông thôi sao?
- Anh bao em một vé ciné được không?
- Quá đúng ý em.
Nguyên nắm tay người yêu. Bàn tay cô gái rất mềm mại, nhan sắc nàng cũng tỏa ra hương thơm làm anh thật sung sướng với tình yêu mình đang có.
- Em có vẽ tranh không?
- Có, em vẽ được khá nhiều.
Trong khoảnh khắc này đã làm Nguyên nghĩ nhiều đến cô gái. Anh nghĩ về cô trong năm học tới. Anh nghĩ tới những màu sắc cô yêu thích, những khung vải hình thành bức tranh cô đã vẽ. Cô gái yêu thích hội họa và tài năng của cô sẽ phát triển. Cô là một họa sĩ lãng mạn có tâm hồn thật phong phú, rồi đây những bức tranh sáng tác sẽ làm cô nổi tiếng.
Hai người nhìn nhau trong sự yên lặng của niềm cảm thông. Trên bàn, ly nước cam và ly cà phê đã vơi một nửa. Trong màu vàng của ly nước cam, ánh lên âm thanh hay đó là bao nhiêu tiếng nói cô gái đã ghi nhận được từ những tấm ảnh của cô sắp xếp trong cuốn album. Cô gái có một cuốn album nhỏ, trong cuốn này, những tấm ảnh của cô được sắp xếp theo thứ tự thời gian.
Mỗi lúc, trên đường phố ngang qua rạp hát người đi và xe cộ qua lại rất đông. Mùa hạ sắp hết nhưng trời còn nóng. Và khi nghe gió rung động những cây lá, bạn sẽ có cảm giác ánh nắng cũng bị gió cuốn trôi, bập bềnh, lan rộng ra tới bờ sông. Thành phố nằm bên con sông. Con sông chảy qua bến cảng rồi theo dòng chính trôi giạt tới biển. Miền Trung đất hẹp rất dài, nó dựa lưng núi Trường Sơn và hướng ra biển Đông. Thành phố này cách xa biển 6 cây số. Có nhiều bãi biển rất đẹp. Ở thành phố này có phi trường lớn, ngoài quân đội Việt Nam Cộng Hòa còn có những đơn vị Đồng Minh Mỹ, Đại Hàn, Tân Tây Lan, Úc. Và, về đêm trong thành phố không khí chiến tranh vẫn có lúc đe dọa.
Hai người chuyện trò với nhau cho đến lúc bên kia rạp hát đèn sáng lên ở ngoài và xuất hát vừa vãn. Từ cửa chính, khán giả ra đông còn vọng tiếng ồn ào từ những câu chuyện về cuốn phim.
Nàng cười nhìn chàng, nói:
- Anh phải giữ lời hứa với em.
Chàng gật đầu, lúc ấy mắt nàng nhìn chàng một cách trìu mến. Chàng còn dáng vẻ thanh tú của một sinh viên. Chàng có đôi mắt đẹp. Nàng cũng rất thích cái dáng điệu ngập ngừng của chàng khi nhìn nàng và muốn nói một câu tỏ tình. Từ buổi đầu gặp, hai người rất ăn ý với nhau.
Năm ngoái, nàng trông thấy chàng ở một quán cà phê. Tối hôm đó có buổi trình diễn nhạc của một nhóm sinh viên. Trong đám đông người trẻ nổi bật một chàng trai mặc đồ lính, dáng vẻ linh động, anh ta đang chuyện trò với các sinh viên thuộc thế hệ cùng lứa ngày xưa. Anh chàng này ham vui chuyện mà không trông thấy cô gái để ý đến mình. Buổi ca nhạc nhiều tiết mục thật sôi động, vui nhộn, hào hứng với nhiều người thay nhau lên bục sân khấu. Có những bản nhạc, mọi người cùng vỗ tay và hát. Trong một lúc bất chợt quay hướng nhìn, chàng trông thấy nàng. Thực sự đó là phút kỳ diệu, nhớ đời. Chàng đã cảm ngay hình ảnh cô gái ngồi ở phía bên kia với gương mặt dịu hiền và mái tóc xõa rộng thật là đáng yêu. Nhưng chàng không dám nhìn lâu, sau ít giây trầm lắng, thiết tha với nàng, chàng quay trở lại nói chuyện với người bạn bên cạnh.
Mười hai giờ đêm chương trình nhạc kết thúc, quán cà phê đóng cửa. Khi về đến nhà, cả hai người bỗng hết sức ngạc nhiên gặp nhau ở lối cổng vào. Và, người nào cũng thấy vui, có sự thân tình ngay lúc đó như thể đã quen từ trước.
- Cô ở đây mà tôi không hề hay.
- Em mới dọn đến tuần trước.
- Vậy à. Nhưng trước đây, thì ở đâu?
- Em ở trong thành nội.
- Tôi ở đơn vị ít khi về nhà.
- Em cũng không thấy anh từ hôm dọn đến bây giờ.
Nguyên nhìn cô gái với đôi mắt thiện cảm, nghĩ cô như là em gái của mình. Cô gái nói:
- Lúc nãy trong buổi nghe nhạc, chỉ có mình anh mặc đồ lính.
- Lạ quá phải không?
- Ờ, cũng thấy lạ.
Hai người chợt dừng bước, nửa muốn chia tay, nửa trong ngập ngừng vẫn còn muốn nói thêm một vài chuyện. Trăng sáng bất ngờ. Bên lối cổng vào là con đường đi ra bờ sông. Khi trăng dậy sáng, quang cảnh khu phố ánh lên một đêm vàng tuyệt diệu. Từ chỗ hai người đứng, họ trông thấy chiếc cầu, và cũng trông thấy mặt nước trên dòng sông, tự dưng mỗi người nghe lòng mình có một cảm giác nôn nao kỳ lạ. Nguyên nhìn thấy cô gái đẹp lạ lùng. Và, lúc ấy, cô gái cũng thật là bối rối, vì quá lo sợ lời tỏ tình của chàng sẽ nói với mình. Thế nhưng, nàng cứ chôn chân một chỗ, không thể dời bước nổi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 03 Apr 2017

- Em cho anh biết tên được không? Nàng đáp:
- Em tên Nga.
- Anh tên là Nguyên.
Họ vẫn còn bên nhau, và lúc này, cùng nghe thấy rõ tiếng nước dòng sông chảy.
- Trăng sáng đẹp quá, phải không Nga?
Một giọng vui, Nga nói đùa:
- Vâng, nó cũng đẹp như anh đang mơ mộng.
- Tên em cũng có vầng trăng.
- Có phải anh liên tưởng đến một câu thơ trong Kiều.
- Em nói đúng.
Với nụ cười vừa dịu sáng trên đôi mắt đẹp, bao nhiêu ý tưởng trong đầu chàng, nàng biết hết.
Rồi một giọng thân tình, nàng hỏi:
- Anh ít khi về nhà lắm phải không?
- Anh thường ở trên đơn vị.
- Sao anh ít về nhà?
- Anh sẽ về, để luôn được gặp em. Em đang học ngành nào?
- Em học trường Mỹ Thuật.
- Hay quá. Hôm nào cho anh xem những bức tranh em vẽ.
- Em mới học năm thứ nhất.
- Anh có nhiều người bạn dạy bên đó.
- Chắc là thân với anh.
- Những năm anh chưa đi lính, những bạn ấy học chung với anh ở trường Văn Khoa.
- Anh học xong rồi.
- Chưa. Anh học dang dở, rồi đi lính.
Giọng Nguyên nói nghe khô khan. Cô gái nhìn anh, nàng hiểu được lời thành thực của anh khi nói ra điều ấy với nàng. Với sự cảm thông ấy, cả hai người dời gót lúc nào không hay. Bên nhau, cùng đôi mắt và ý nghĩ về cuộc đời, họ theo con đường hướng đến bờ sông.
Trên chiếc cầu, độc nhất có một bóng người đi xe đạp.
- Em không có gia đình ngoài này?
- Gia đình em ở Đà Nẵng.
Trên bờ sông đầy cỏ, những hàng cây trồng rất đều ở bên này cũng như bên kia. Ở cạnh lối đi xuống bến nước có băng ghế đá, hai người ngồi xuống. Đêm bắt đầu trôi giạt khi sương mù giăng trên sông.
- Em thấy lạnh không?
- Lạnh.
- Ngồi đây một chút rồi mình về.
- Tùy anh.
Khi Nguyên rời ghế đứng dậy đi tới quầy trả tiền nước, Nga ngồi một mình, nàng vừa nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai người cách đây hơn một năm.
Trên bàn, chàng để lại tiền lẻ cho người phục vụ nước uống. Hai người đi bộ tới ngã tư, họ dừng chờ đèn dành cho bộ hành. Rồi tay nắm tay, cả hai băng qua đường cùng với nhiều người khác. Từ ngã tư, họ đi ngược trở lại đến rạp hát đối diện với quán nước. Bỗng dưng cô gái hỏi:
- Người em của anh đang ở đâu?
- Ở Sài Gòn. Nó vừa trở về phép thăm nhà, giờ đi lại rồi.
- Em anh cũng đi lính.
- Ờ, nó đi lính thường thôi, không phải Sĩ quan.
- Sao không phải là Sĩ quan?
- Nó học hành dang dở, không được hoãn dịch đành đi lính. Tuy nhiên, hắn có được bằng Tú Tài bán, hai năm nay, hắn thi toàn phần, keo nào cũng trượt.
- Người nào học hành dang dở cũng đều thất bại.
- Trên nguyên tắc là như vậy.
- Người em đi lính gì?
- Không quân.
- Chà, đó là lính hào hoa.
- Văn vẻ vậy thôi, nó cũng rách lắm.
- Ít có tiền tiêu xài.
- Đúng vậy.
- Có viết văn nữa, phải không?
- Ờ, nó đang tập tễnh viết văn. Cũng có năng khiếu, triển vọng.
- Em có đọc một truyện ngắn.
- Em thấy nó viết được không?
- Cũng được. Lãng mạn. có triển vọng như anh nhận xét. Lấy bút hiệu Thiên Lan là sao? Chắc là quen cô nào đó.
- Ờ, nó được quen cô nào là đưa người đó vào truyện.
- Bao nhiêu phần sự thực?
- Anh chịu.
- Còn anh, đến bao giờ sẽ viết về em?
- Đã hẳn rồi, một ngày sắp tới.
- Anh phải nhớ đưa em đọc.
Với sự dừng bước nhẹ nhàng, chàng gởi vào đôi mắt nàng cái nhìn thật trìu mến. Chàng yêu nàng, hạnh phúc trong tình yêu dành hết cho người em gái.
Rồi, nàng đi theo chàng. Nàng có ý tưởng, từ nay, chàng là điểm tựa của nàng. Tới rạp hát đông người, nàng đợi chàng mua vé. Nàng nhìn lên đồng hồ trước rạp ước tính thời gian cho buổi đi chơi bên nhau. Khi thấy chàng từ quầy vé trở ra, nàng rất vui với nụ cười trên đôi mắt.
Khán giả đi vào cửa chính. Đây là rạp hát lớn nhất của thành phố rất lịch sự, sạch sẽ. Những hàng ghế trống trước mặt lần lần có khán giả vào lấp chỗ hai người ngồi ở hàng ghế xa bên dưới mái vòm của tầng lầu trên.
Đèn trong rạp hát sáng, một bản nhạc dạo nghe êm ái, thân tình. Bàn tay nàng trong tay chàng, những ngón tay đan vào nhau, ấm áp như ban giờ cũng có mùa đông và những sợi len đan cho cuộc đời.
- Anh ở đơn vị lúc này ra sao?
- Anh đi công tác luôn. Đôi khi, sau chuyên công tác phai viết phóng sự gởi báo Tiền Tuyến ở Sài Gòn.
- Ở đây, mình cũng làm việc cho báo Sài Gòn.
- Việc này anh làm thêm, khi đăng bài, tòa báo trả tiền nhuận bút.
- Em rất hãnh diện về anh.
- Còn em của anh là một cô họa sĩ trẻ đẹp.
- Em sẽ vẽ bức chân dung tặng anh.
Bỗng nhiên, tiếng nhạc ngừng, rạp hát lắng im vừa đúng lúc đèn tắt. Trong bóng tối, chàng thấy từ gương mặt nàng ánh sáng tỏa rất dịu hiền. Nhìn gương mặt nàng, một giọng thầm, chàng nói:
- Em đẹp quá.
Chàng nghiêng mình qua, trải rộng cánh tay lên thành ghế và chàng thấy hạnh phúc vô cùng khi nàng ngả xuống cả mái tóc mềm dịu rồi tựa đầu lên cánh tay chàng. Chàng hôn xuống vầng trán, xuống bên đôi má hồng của nàng, rồi hai người im hơi, dấu yêu với từng nụ hôn ngọt ngào trên cặp môi mềm ướt, thơm tho. Khi chàng hôn, đôi mắt nàng khép lại run rẩy, và nàng thấy lại hình ảnh nhỏ bé thời thơ ấu, nàng cũng nhớ đến cô em gái có gương mặt thiên thần, và luôn luôn những bóng dáng ấy hiện về trong trí tưởng khi nàng nghĩ đến ngày mai đây của đời mình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 03 Apr 2017

- Em và anh, chúng ta có nhau.
- Em yêu anh, nàng nói.
- Cám ơn em.
Hai cánh tay nhẹ nhàng buông. Hai người đã qua phút mê đắm giờ họ trở lại với cuốn phim dạo đang chiếu trên màn ảnh. Một lúc khá lâu, phim chính mới bắt đầu.
Khi trên màn bạc hiện ra một quang cảnh những đoàn quân đang di chuyển. Nguyên bỗng nhớ ngay đến những giòng đầu tiên ở cuốn tiểu thuyết mình đã đọc và liên tưởng đến một miền đất nước Ý trong thời kỳ chiến tranh - Đây là cuốn phim dựa vào tác phẩm cùng tên L’adieu aux armes của nhà văn nổi tiếng Mỹ đoạt giải văn chương Nobel, Ernest Hemingway.
- Bỗng nghe tiếng khán giả, và tiếng cô gái nữa cũng kêu lên: Trời, cô ta dữ không.
Rồi cô gái nắm giữ chặt cánh tay chàng, cảnh trên phim vừa diễn ra là cái tát mạnh của cô gái vào mặt chàng trai khi anh chàng cố ý liều lĩnh ôm hôn cô. Rồi cô ta xin lỗi, và hai người trở lại với câu chuyện lòng của mình. Sau đó, cô để cho chàng ôm siết lấy và hôn mình.
Khi xem phim, Nguyên luôn gợi nhớ từng đoạn văn mình đã đọc, và khung cảnh chiến tranh đã cho anh nghĩ nhiều đến số phận những người lính. Bên cạnh anh, người yêu cũng cuốn hút say mê xem phim. Jennifer Jones nữ tài tử nổi tiếng trong vai cô y tá Catherine, Rock Hudson nam diễn viên, đóng vai chàng Trung úy Henry. Henry là người Mỹ phục vụ trong đội cứu thương bên quân Ý.
Một ngày hôm đó, đơn vị anh đóng quân bị địch tấn công bằng trọng pháo, và anh bị thương. Từ mặt trận, Henry được đưa về bệnh viện, ở đây anh gặp lại người mình yêu. Và, từ đó mối tình nẩy nở.
… Nghe mưa kìa.
- Mưa đang nặng hạt.
- Và anh sẽ luôn yêu em phải không?
- Sẽ luôn luôn yêu.
- Và mưa cũng sẽ chẳng gây nên điều gì khác biệt?
- Chẳng làm khác biệt.
- Dễ chịu quá. Bởi em sợ mưa.
- Sao vậy?
- Em không biết, anh yêu. Nhưng em luôn sợ mưa.
- Anh thích mưa.
- Em thích đi dầm mưa. Nhưng chẳng thể nào yêu được.
- Còn anh thì luôn yêu em.
- Em sẽ yêu anh trong mưa, trong tuyết, trong cả mưa đá và…, có còn loại gì khác nữa?
- Anh không biết. Anh thấy buồn ngủ quá.
- Ngủ đi, anh yêu và dẫu thế nào đi nữa thì em cũng mãi yêu anh.
- Em chẳng sợ mưa lắm phải không?
- Chỉ trừ lúc được ở bên anh.
- Sao em lại sợ mưa?
- Em không biết.
- Nói đi.
- Đừng buộc em.
- Nói cho anh biết đi.
- Không mà.
- Hãy nói đi.
- Thôi được. Em sợ mưa bởi đôi lúc em thấy mình chết trong mưa.
- Em chẳng chết đâu.
- Và thỉnh thoảng, em cũng thấy anh chết trong mưa.
Phượng Nga bỗng thốt lên sung sướng, cảm kích với đoạn đối thoại rất hay sau khi lắng nghe, vừa đọc hết dòng phụ đề Việt ngữ. Và cũng mang tâm trạng lo âu như cô gái trong cuốn phim, nàng nắm giữ chặt lấy cánh tay của chàng.
Sau thời gian dưỡng bệnh, Henry trở lại chiến trường. Anh trở lại vào mùa thu năm sau đó. Trên đường đi, anh nhìn thấy quang cảnh những hàng cây trơ trụi lá và đường sá đầy bùn lầy. Từ Udine, anh đến Gorizia trên một chiếc xe nhà binh, xuống đây, anh tìm đến chỗ đóng quân của đơn vị cũ. Không khí chiến tranh nay hoàn toàn thay đổi. Vào giai đoạn này, quân đội Ý bị nguy khốn và quân Áo đang thắng thế đã chiếm được nhiều ngọn đồi, nhiều ngọn núi và một số điểm chiến lược trọng yếu trên toàn mặt trận. Người ta bắt đầu thấy chán ghét chiến tranh. Rồi đến lúc, nhiều đơn vị của quân Ý phải di tản. Một cuộc rút quân diễn ra dưới cảnh trời mưa tầm tã. Henry cũng có mặt cùng với đồng đội là những người lính cứu thương trong đoàn quân triệt thoái. Nhưng khi vượt vòng kiểm soát của địch quân Áo đến vùng do quân Ý canh gác, Henry lại bị bắt giữ cùng với nhiều Sĩ quan khác, Những viên Sĩ quan này bị kết tội đầu hàng làm nhục nước Ý. Rất nhanh trí, thừa cơ lúc lộn xộn với quân số đông, Henry đào thoát lao ra bờ sông, sau đó, anh leo lên trốn ở mái toa của đoàn xe lửa, và nhảy xuống trước khi tàu tiến vào ga Milan.
Đối với Henry, anh đào thoát và coi như cuộc chiến tranh không còn nghĩa lý gì nữa với anh. Sau những gian nan, bất ngờ, Henry tìm gặp lại được yêu của mình. Do có lệnh truy nã vì tội đào ngũ, một lần nữa Henry phải trốn khỏi đất Ý. Lần này, anh cùng với người yêu ra đi, trong đêm tối trên một chiếc thuyền hai người cố sức chèo vượt sóng nước trên hồ, mưa tầm tã suốt đêm, nhưng rồi họ cũng đến được đất Thụy Sĩ. Nơi mảnh đất này là chốn yên bình, họ được sống bên nhau những tháng ngày rất hạnh phúc.
Rồi Cathérine báo tin cho Henry biết, nàng có thai. Nhưng đến ngày hạnh phúc ấy, trong khi sinh nở khó, Cathérine kiệt sức do bị băng huyết, và cái chết của nàng như đã có trước sự ám ảnh: nàng chết dưới cơn mưa.
Cuốn phim dài đúng hai tiếng đồng hồ, rất hay và xúc động. Khi đèn sáng, khán giả trong rạp cùng đứng lên và nối theo hàng trên các lối đi ra cửa chính.
Bên ngoài, màn đêm vừa buông xuống phủ dài trên đường phố nhộn nhịp. Rạp hát vẫn còn chiếu một xuất cuối nữa.
Nguyên hỏi cô gái:
- Em nghĩ là mình nên ăn ở đâu?
- Về nhà em.
Anh chiều ý nàng, tay nắm tay, hai người đi bộ và rất thú vị khi trở lại với cuốn phim vừa xem. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng được dựng thành phim Nguyên đã đọc, lúc này, anh phân tích cho cô gái nghe những nét, những chi tiết gây được ấn tượng trong tác phẩm. Và, qua đề tài mưa, mưa trong tình yêu, mưa trong một cuộc chiến, mưa trong hạnh phúc tìm đến một nơi chốn riêng biệt thanh bình, với giọng nói của một tâm hồn trung thực, anh làm cho cô gái lắng im trong dòng tư tưởng.
Rồi anh hỏi nàng:
- Em thích mưa không?
- Rất thích, nhưng em cũng sợ mình chết trong mưa.
- Không đâu, chúng mình sẽ được yêu nhau trong mưa.
- Đó là tiểu thuyết mà anh.
- Không hẳn đâu. Ngoài đời, biết bao nhiêu đôi tình nhân đi dưới mưa. Mưa cũng là cảnh của nghệ thuật, mưa với dòng nhạc, với tiếng đàn, và mưa trong tiếng nói nữa.
- Em rất muốn vẽ một bức tranh mưa.
- Hay lắm. Em nên vẽ, hãy nói cho anh biết ý nghĩa.
Phượng Nga nhớ lại buổi sáng ấy của ngày nhập học trời mưa lớn, vừa lúc cô đến cửa lớp thì chiếc guốc cô mang bị đứt. Và, lúc cô cầm chiếc guốc trên tay, nửa muốn cười, nửa như đang khóc, cảnh tượng lạ lùng đó đã làm cô ghi nhớ một hình ảnh thiếu nữ, và luôn luôn cô tự nhủ hãy đợi một ngày hoàn thành nên bức tranh.
- Hãy vẽ bức tranh quý giá đó. Em sẽ thấy mình đẹp, vẻ đẹp chính là cái bóng của em trong cuộc đời.
Cô gái chợt hỏi:
- Anh có ý tưởng trời đang mưa không?
- Em thật lãng mạn. Em đang nghĩ đến mưa, phải không? Hãy cùng em nhớ cảnh mưa trong phim.
Và rồi, chắp nối từng lời, hai người cùng ghi lại đoạn đối thoại rất hay rất đầy ý nghĩa.
Phượng Nga bỗng nói:
- Em phải tìm đọc cuốn này.
- Anh sẽ tìm cho em.
- Nhưng có bản dịch tiếng Việt không?
- Có.
- Em đọc được tiếng Việt thôi, tiếng Pháp, tiếng Anh em còn yếu.
- Em nên học thêm.
- Anh dạy em đi.
- Em sẽ học với anh lúc anh có thì giờ rảnh.
- Trước khi đi lính, anh đã có dạy học không?
- Thời sinh viên, anh có dạy lớp đêm trong tổ chức của Tổng hội.
Về đến nhà, thay áo quần áo nhẹ xong Nga đi đến phòng người mẹ. Bà mẹ hiểu được lòng cô con gái, và bảo cô chu đáo dọn chỗ nghỉ cho Nguyên ở căn phòng dành cho khách. Nga thấy trong lòng vui, nàng xuống bếp làm bữa ăn tối. Bữa ăn chỉ cho hai người thôi. Rất đơn giản, mỗi người một tô mì lớn đặt trên chiếc khay. Vừa ăn, chuyện trò, lúc này cô gái kể cho Nguyên chuyện về gia đình, về người cha, người mẹ, và các cô em gái. Cô không có anh hay em trai, và cô tâm sự, đó là một tình cảm dường như làm cô thấy thiếu vắng.
Nguyên nói:
- Hãy nghĩ là có anh trong đó.
Cô gái gật đầu, và nói:
- Em cũng rất mong, đôi khi, em tìm được anh qua những ý nghĩ về gia đình. Em rất cần có một người anh.
- Còn một người em thì sao?
- Cũng được, nhưng em thích có anh hơn.
Một lúc ngập ngừng, Nguyên nói:
- Năm sau, nó được về phép, anh sẽ đưa nó tới thăm em
- Người em có giống anh không?
- Nó giống mẹ anh nhiều hơn. Bề ngoài với khuôn mặt khô, cứng cỏi nhưng đời sống nội tâm của nó rất là sâu lắng, đam mê. Nó thích viết văn đang muốn mình có sự nghiệp.
- Anh thì sao?
Anh chỉ theo nghề báo, về sau này, hết chiến tranh anh cũng sẽ làm báo.
- Anh không thích dạy học.
- Không. Những năm ở Sài Gòn, anh sống bằng nghề viết báo.
- Từ Huế ra quê anh xa không?
- Bằng nửa đường Huế - Đà Nẵng
Bữa ăn xong. Vừa đứng lên dọn dẹp, cô gái nói.
- Lúc nào có dịp, anh đưa em ra ngoài đó thăm.
- Cám ơn em.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 03 Apr 2017

IX

Bên cạnh lối cầu thang có một căn phòng dành cho khách. Khi mở vào, Nga bật sáng thêm một ngọn đèn nữa, xong nàng sửa soạn chăn màn cho Nguyên nằm nghỉ. Rồi trước khi rời phòng, nàng đứng lại giây lát để cho Nguyên đặt môi hôn lên trán nàng.
- Chúc em ngủ ngon.
- Anh ngủ ngon.
Nguyên nghe bước chân của Nga đi trở xuống cầu thang, rồi xa dần. Nguyên có cảm giác thật dễ chịu, êm ái khi lên giường nằm, và trong cảm giác ấy anh nhận ra Nga còn bên anh.
Bỗng nhiên Mỵ Châu ngước mắt khi nhìn thấy người chị xuất hiện.
- Em chưa ngủ?
Cô bé mỉm cười. Cô bé có gương mặt của thiên thần, đôi mắt đen mở to đẹp lạ thường.
Nga kéo chiếc ghế ngồi xuống bên cạnh em. Và nàng cầm lấy cuốn sách, lật xem qua vài trang.
Giọng cô em gái hỏi:
- Nhà mình có khách?
- Anh Nguyên, bạn của chị.
- Học cùng trường?
- Không, anh ở trong quân đội. Trước đây là sinh viên.
Hai chị em lặng yên nhìn nhau. Không nói gì thêm cho đến lúc nghe; chuông đồng hồ thong thả đánh lên từng tiếng nhạc trước khi báo giờ.
- Em nghỉ đi.
- Dạ.
Chỉ để lại ánh sáng ngọn đèn nhỏ trong phòng, hai ngọn đèn lớn tắt. Khi trở ra, Nga cũng tắt đèn cầu thang rồi lặng bước về phòng mình nằm nghĩ.

Nắng sớm dâng lên lan tỏa rất nhanh và tràn vào hết các căn phòng. Nguyên đã thức dậy, mặc xong quần áo, ngồi một mình anh mở tờ báo ra đọc. Nga xuất hiện với một gương mặt sáng đẹp, dịu hiền:
- Anh ngủ ngon không?
Nguyên ngước mắt với nụ cười nhìn người yêu. Nga đến gần ngồi xuống cạnh anh và mở rộng bàn tay.
Một chốc lát sau, nàng đứng lên nói:
- Em làm cà phê và dọn bữa ăn sáng cho anh.
Nguyên lại ngồi đọc báo và chờ nàng. Sau khi dọn bữa ăn sáng xong nàng trở lại tìm Nguyên. Hai người đi xuống ở bàn ăn tối hôm qua. Bữa ăn sáng có trứng ốp la, bánh mì cắt từng lát, và còn có bơ, pâté cà phê sữa.
- Sáng nay mình đi biển chơi.
- Anh thích ra biển hay là chơi phố.
- Thôi, chơi phố, để nhớ phố trong những ngày hè. Ngày mai, em trở ra Huế và bắt đầu năm học mới.
- Anh nghĩ, em nên chọn ngành gì?
- Em phải chọn ngành trong năm nay?
Phượng Nga gật đầu. Nguyên uống cà phê sữa, khen ngon. Cũng đã lâu, Nguyên mới có được ít ngày nghỉ thoải mái bên cạnh người mình yêu. Rồi những ngày tới đây, đời lính của anh, không chỉ có trách nhiệm cá nhân, còn là của cả đơn vị.
Nhìn đôi mắt Nga, anh nói:
- Em ra ngoài đó học, có gì cần cho anh biết.
- Em muốn anh gìn giữ sức khỏe, luôn về với gia đình.
Nguyên đột nhiên đứng dậy, lên tiếng chào. Nga vừa quay đầu thấy mẹ xuất hiện. Nàng hỏi:
- Má đã ăn sáng chưa?
- Chưa, má chưa ăn.
Một giọng tự nhiên, cô gái nói:
- Anh Nguyên mới ở Huế vào hôm qua. Có má đây anh được gặp, chút nữa con đưa anh đi thăm cả nhà luôn.
Bà mẹ nhìn Nguyên và cô con gái. Bà hỏi Nguyên:
- Cậu quen Nga đã lâu chưa?
- Dạ, cháu biết Nga từ năm ngoái.
- Cậu ở Huế một mình, hay có gia đình nữa.
- Dạ, gia đình cháu ở Huế đã lâu.
Xong bữa ăn, cô gái không phải dọn dẹp mà nhân thể gặp bà mẹ, cô đưa Nguyên đi thăm và giới thiệu cả gia đình bên mình. Nguyên chỉ đáp lời khi nghe câu hỏi từng người.
Và sau cùng, Nga đưa Nguyên vào một căn phòng riêng để thăm cô gái út trong gia đình.
Nguyên rất ngạc nhiên trước vẻ sáng đẹp như thiên thần của Mỵ Châu và anh cũng rất là ái ngại, cảm thấy chạnh lòng. Mỵ Châu nhìn anh với cặp mắt thơ ngây. Nguyên chưa tìm được lời nói, bà mẹ ngồi đó lên tiếng giải thích.
Có được không khí thân thiện trong gia đình, Nguyên hỏi:
- Em thích đọc truyện không?
Cô gái chỉ cười. Nguyên tiếp lời:
- Anh sẽ tìm những truyện hay cho em đọc.
Một cuốn sách cô gái đang đọc dở, Nguyên mượn xem. Đó là cuốn truyện dịch: Con Chim Trốn Tuyết (Snow goose) của nhà văn My Gallico.
- Những tiểu thuyết tiền chiến em thích đọc không?
Bà mẹ cười nói:
- Ngày nào, em nó cũng đọc sách.
Nguyên gây được thiện cảm với người mẹ của hai cô gái, không bằng những câu khách sáo, mà với sự chân thực biểu lộ rõ nét trên vẻ mặt của mình. Khi có được một con người thân tình như thế, bà mẹ hài lòng. Ngồi với con gái không lâu, bà đứng lên. Nga hỏi:
- Má thích ăn gì con đi mua.
- Khỏi, chút nữa má đi với ba.
Nga cười, giọng dí dỏm nói với Nguyên:
- Má không lúc nào để riêng ba một mình.
Người mẹ đáp ngay:
- Không, ba một mình không được đâu.
Căn phòng tuy hơi tối nhưng ấm cúng nhờ ánh sáng những ngọn đèn néon. Nguyên ngồi xuống bên cạnh Mỵ Châu, nắm giữ bàn tay nhỏ bé của cô em gái. Anh nói:
- Em sẽ có nhiều sách hay đọc. Và, rồi đây, em sẽ làm một công việc viết văn để đi tìm ánh sáng đẹp cuộc đời.
- Anh nghĩ, là em có thể viết văn không?
Một giọng nhấn mạnh rất thân tình, Nguyên nói:
- Em sẽ phải có một cuốn sách của mình.
- Em viết nhật ký.
- Có ai đọc nhật ký của em chưa?
- Chị Phượng Nga.
Nga đưa mắt nhìn hai người, gật đầu nhẹ. Nguyên và Mỵ Châu ngồi bên nhau chuyện trò, và lần đầu tiên cô bé rất cảm kích về người anh của mình.
Nga rời ghế đứng lên, sau vài bước đi, nàng kéo nhẹ bức màn làm cho ánh nắng tràn vào khung cửa sổ rực sáng lên. Bên kia bức màn là phòng vẽ tranh của Nga. Phía ngoài một cây bàng có những chiếc lá khô nhẹ nhàng rung động. Gió đang bay, qua cửa sổ nhìn xa hơn bạn có thể trông thấy một dãy phố bên kia. Ở phía đó, có một con đường đất dẫn tới một khu nghĩa địa bên ngã ba, từ nơi này, lại trông thấy một con đường nhựa khá rộng, rất dài ra đến vùng biển.
Trong khi Nga đứng ngắm những bức tranh trên giá vẽ của mình, Nguyên nhìn Mỵ Châu với tình thương vô bờ đối với cô em gái. Anh nắm bàn tay Mỵ Châu, dìu bước cô em qua phòng tranh.
Nga nói:
- Đây là những bức em đã vẽ xong.
Nguyên ở bên cạnh Mỵ Châu, hai anh em nhìn tranh vẽ của Nga.
Nga lên tiếng hỏi:
- Anh thấy em vẽ được không?
- Anh muốn chọn một bức, em nghĩ thế nào?
- Được chứ. Anh chọn hay là em?
- Để cho em Mỵ Châu chọn, phải không nào?
Cô bé nở nụ cười, gương mặt hiện lên cái bóng của thiên thần. Lúc này, không khí trong phòng tranh thật là ấm cúng, trong đó, bạn chợt hiểu ra ý nghĩa về sự đi tìm tha nhân của mùa hè.
Mỵ Châu nói:
- Chị Phượng Nga là nguồn ánh sáng của em.
Nga đưa mắt nhìn Nguyên. Nàng nói:
- Khi em ngồi vẽ tranh, luôn có Mỵ Châu bên em.
Nói xong một câu ngắn, Phượng Nga dừng để tìm ý tiếp cho lời. Nguyên bỗng nhắc:
- Và cây bàng ngoài kia, những chiếc lá khi còn xanh.
- Em cũng nghĩ như thế. Anh đã tìm được ý đó cho em.
Tiếng Mỵ Châu nói:
- Về cây bàng, em có được đọc truyện Chiếc lá cuối cùng.
Bỗng dưng, cả ba người ngơ ngẩn khi nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng.
- Anh Nguyên và chị Nga dạo phố đi.
Nga đi lên phòng riêng của mình thay quần áo. Nguyên đưa Mỵ Châu về lại chỗ nằm. Bức màn khi kéo ra, đã làm cho cả căn phòng rộng rãi, ánh sáng đầy ắp, và có chút hương vị thơm.
Nga xuất hiện với chiếc áo dài tím, mái tóc xõa vai. Nguyên nói với Mỵ Châu:
- Anh sẽ tìm một cuốn truyện hay cho em đọc.
- Cám ơn anh.
Rồi trước mắt hai người, khu phố mở ra một ngày sinh hoạt náo nhiệt như thường lệ. Nguyên đã cho nổ máy, nhưng xe chưa lăn bánh. Nga ngồi sau, cẩn thận kéo vạt áo và xê dịch một chút vị thế chỗ ngồi.
Ông bà Tri đứng ở trên balcon nhìn xuống, cả Nguyên và Nga không trông thấy. Khi ra đầu đường, Nguyên cho xe rẽ phải lên phố Độc Lập. Rồi từ ngã tư đầu phố này, anh chạy xe hướng về phía bến cảng. Trên đường Độc Lập, hai bên lối đi là vỉa hè lát đá ca rô nhỏ, những hàng cây vươn cao, thẳng đều. Thành phố Đà Nẵng, thời Pháp có tên là Tourane, nay vẫn còn quen dùng ở những người thuộc thế hệ yêu thích nói tiếng Pháp. Nơi thành phố này cũng ghi nhận hai sự kiện lịch sử, ngày 1 - 9 - 1858 Hải quân Pháp đánh chiếm hải cảng này mở đầu cuộc xâm lăng thuộc địa, ngày 8 tháng 3 năm 1965, có hai tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến tranh Việt Nam bắt đầu leo thang.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 03 Apr 2017

Phượng Nga, nàng là một thiếu nữ có vẻ đẹp tựa như mặt trời và mặt trăng trên trái đất. Nguyên thật sung sướng, anh sẽ giữ mãi trong tim anh một lời cám ơn nàng. Và, nàng đang nói với anh những lời của ánh nắng mùa hè, rồi lời của gió, cơn gió nghe rung động bỗng ùa tràn tới thổi tung bay, rào rạt qua mái tóc của nàng.
- Em phải trả lại căn nhà ngoài đó.
- Sao vậy?
- Nhà người anh họ của em, anh ấy học ở Sài Gòn nay trở về.
- Rồi em định sẽ ở đâu?
- Ở nhà người bạn trên đường Huyền Trân, cũng không xa nhà anh lắm.
- Anh sẽ về nhà luôn như lời em dặn.
- Nhớ đó, lời nói của em tuy nhẹ, nhưng cũng cứng như thép.
- Ngày mai, em tính đi bằng cách nào?
- Thì ra bằng xe đò.
- Anh nghĩ, đi xe lửa ngắm cảnh vui hơn.
- Cũng được. Đi xe lửa cũng thích.
Ngôi trường Sao Mai ló dạng phía trước. Khi đi ngang qua một cửa hiệu nước hoa, vừa trông thấy tên bảng hiệu, Nguyên nói:
- Cô gái ngồi trong cửa hiệu là bạn học của Thụy đó.
- Anh cũng biết.
- Anh biết. Thụy đã dẫn cô ấy lên quân trường Thủ Đức thăm chồng, anh ta học sau anh một khóa.
- Cô Thúy Hà phải không?
- Hình như vậy.
- Cậu Duy có bà con bên gia đình mẹ em.
- Thụy cũng học ở trường Sao Mai.
Ngôi trường đối diện với bến Cảng. Phượng Nga nói:
- Mới đó mà đã hai năm em xa trường cũ.
- Em cũng nên dành thì giờ học thi?
- Chương trình Tú Tài nhiều môn quá, em học không hết.
- Em gắng học ngoại ngữ để thi ban văn chương.
- Em chỉ biết tạm tiếng Anh, tiếng Pháp quá yếu.
- Anh sẽ giúp em.
- Hoàn tất nhiệm vụ không?
- Có em, anh rất hết lòng.
- Người con trai nào khi yêu, lời nói nghe như được dỗ dành.
- Nước trái cây là chất xúc tác của tiếng nói, em đồng ý không?
- Anh nhớ hoa hồng nào cũng có gai, nhé.
- Tên em là tên của loài chim, không phải của những bông hoa.
- Vậy mà, em rất thích hoa, vẽ tranh về hoa.
- Em là đôi cánh của thiên thần. Một ngày nào đó, anh nhìn thấy em trên bầu trời, và cũng có thể trên mặt biển.
- Em rất thương Mỵ Châu?
- Anh biết. Nhưng tại sao em Mỵ Châu chịu cảnh tật nguyền.
Với giọng xúc động của người chị yêu thương em, Phượng Nga kể câu chuyện cô bé em mình cho Nguyên nghe.
- Con bé giúp việc ham chơi quá.
Nguyên cố nói ra giọng hờ hững để che dấu xúc động. Nga đang khóc, nàng nói thêm:
- Nếu em Châu chịu khó, có thể thương tích sẽ lành lặn.
Vào năm đó, Mỵ Châu được đưa lên Đà Lạt để trị bệnh và tỉnh dưỡng. Nhưng ở một nơi cao nguyên lạnh lẽo, vắng lặng, cô bé rất buồn vì xa gia đình, vậy đó mà đành chịu không chữa được nữa.
Từ bến Cảng, Nguyên phóng xe chạy trên con đường hướng ra biển. Hai người nghĩ đến nhau qua câu chuyện về gia đình, về cuộc sống đã có trong quá khứ.
Khi đến biển, Nguyên gởi xe và cùng với Nga đến chỗ nhà nghỉ ngồi uống nước nhìn ngắm cảnh biển. Ngoài biển, nhiều người đang tắm. Trên bãi, đông người đi dạo, chơi bóng tròn, bóng chuyền. Nhìn lên phía xa một chút, có một nhóm du khách phụ nữ nước ngoài, họ ngồi trên ghế vải dưới mái những chiếc dù màu hồng, màu xanh dương, và hướng tầm mắt nhìn tới một nơi xa đang có sương mù bao phủ bóng núi.
Nguyên nói:
- Năm đầu tiên lên trung học, anh và Thụy được đi dự trại hè ở cửa Đại.
- Em có ý tưởng, anh và người em rất giống nhau.
- Khi được hay biết em học về ngành mỹ thuật, nó sẽ hỏi em nhiều lắm.
- Thụy cũng biết vẽ chứ?
- Không. Nhưng nó rất thích về họa. Tâm hồn của hắn là ly cà phê, chiếc áo mặc màu thuốc lá, và những bức tranh vẽ ngựa uống nước bên dòng suối. Bên dòng suối, không chỉ có khung cảnh thanh bình của bầy ngựa, mà còn có những cô gái nữa.
- Chắc là người em, chưa biết gì về chuyện quen nhau của anh và em.
- Chưa đâu.
- Anh không hề nói.
- Không. Năm tới, em nán ở lại ở Huế những ngày hè, rất có thể nó được một kỳ nghỉ phép trở về thăm.
Nga cười nhìn sang Nguyên đang nói. Trên tay, nàng luôn trở nhẹ hai thanh gọng chiếc kính mát.
- Anh nghĩ, em có nên chuẩn bị một câu chuyện hay về hội họa để nói với Thụy khi gặp nhau không?
- Không nên, em cứ nói ra bằng cảm xúc trong sự sáng tạo của mình.
Nguyên gọi người hầu bàn đến trả tiền. Hai người rời nhà nghỉ đến chỗ gửi xe, và từ phía biển cách xa thành phố Nguyên chạy xe nhanh trở về, lúc tới bến Cảng anh men theo con đường bờ sông. Một giọng vui, anh nói:
- Trên sông đang đầy nắng, đợi có gió lớn em nhớ thả cho mái tóc bay qua sông.
- Em không lãng mạn như anh nghĩ đâu.
- Nhưng em cũng đừng để cho sợi tóc nào cứa đứt môi.
- Sao vậy?
- Linh hồn của tình yêu nằm trong sợi tóc. Khi một sợi tóc cứa đứt môi, đó là dấu hiệu của sự chết chóc.
- Nhưng đó cảnh bi thảm về chiến tranh.
- Em có nhớ không?, Catherine ám ảnh cái chết của mình trong cơn mưa.
- Vâng, em hiểu.
- Mưa, tác giả nói về chiến tranh, nói về tình yêu chỉ tìm thấy ở một nơi riêng biệt thanh bình.
- Em có cảm giác mình run sợ.
- Không đâu em, anh chỉ nói về lãng mạn của tình yêu đấy thôi. Em đang còn một thời thiếu nữ đỏ rực như hoa phượng nở trong mùa hè.
- Anh thích màu tím không?
- Anh thấy đó là màu buồn. Còn hoa hồng, em thích chứ.
- Đôi lúc, anh hãy gọi tên em là Rose.
- Anh nhớ.
Dòng sông trải dài với nhiều đợt sóng nước lớn và nắng tỏa rộng hết quang cảnh hai bên bờ.
Tới một ngả ba, có lối rẽ lên phố chính Nguyên theo con đường này trở lại khu trung tâm của thành phố. Nguyên cho xe chạy quanh một vòng ngắm phố rồi đến ngừng trước hiệu sách Lam Sơn.
Xe dừng bên lề đường. Nga bước xuống, nàng sửa lại thân áo và mái tóc hơi bị xổ rối bởi gió ngoài sông.
Buổi trưa, cửa hiệu đông khách ra vào, và giờ này cũng là giờ cao điểm phát hành các nhật báo Sài Gòn.
Hai người đi sâu vào bên trong, dừng lại trước dãy kệ dành cho sách truyện. Nguyên lướt nhanh mắt nhìn qua mỗi tầng kệ để tìm mấy cuốn sách, trước hết cho Mỵ Châu, sau đó là của Phượng Nga. Nguyên thực vui, hài lòng khi tìm thấy. Rồi đến lượt, Nga dắt Nguyên qua chỗ trưng bày sách về họa và nhạc. Nga chọn được mấy tập nhạc tiền chiến, và tập nàng thích nhất là Những Tình Khúc Bất Tử, nhạc ngoại quốc, Phạm Duy soạn lời Việt.
Khi ra quầy trả tiền, cô bán hàng cho tất cả sách hai người mua vào cái túi nylon nhiều màu có tên của hiệu sách in ở ngoài trông rất đẹp. Nga cầm túi xách theo Nguyên ra đường, rồi hai người lên xe về nhà không đi đâu nữa.
Buổi chiều ấy, Nguyên ở nhà với Phượng Nga và trò chuyện với mọi người trong nhà. Ông bà Tri có bốn cô con gái, sự hiện diện của Nguyên mang một tình cảm đặc biệt với gia đình Nga.
Suốt buổi chiều, đôi tình nhân không rời nhau. Nguyên cũng biết đánh đàn, anh đánh một số ca khúc, còn Nga rất thích những bài hát trong tuyển tập Những tình khúc bất tử. Nàng đã hát theo nhịp đàn lúc Nguyên phụ họa. Ở tập này, có cả lời tiếng Pháp nữa, những bài nào Nga thích, Nguyên vừa đọc lời tiếng Pháp và giảng nghĩa cho Nga hiểu.
Tối hôm ấy, cũng là tối đầu tiên Nguyên hướng dẫn cho Nga học môn tiếng Pháp.
Ngày hôm sau, hai người đi chuyến tàu sớm. Nguyên tới quầy mua hai vé ở toa đặc biệt. Khi ra khỏi cửa ga, hai người đi về phía toa cuối hết. Nguyên xách chiếc vali của Nga, còn Nga đeo túi xách, và một tập giấy vẽ cùng cọ, bút màu. Nàng mặc quần jean, áo sơ mi kẽ sọc tím, dáng bước thật nhanh nhẹn. Khung cảnh nhà ga có những nét lạ làm Nguyên chú ý, sinh hoạt buổi sáng ở đây rất ồn ào nhưng không diễn ra cảnh hỗn độn, chen lấn.
Cửa sổ toa xe mở cả hai phía. Nguyên sắp xếp hành lý lên giá xong xuống ngồi cạnh Nga. Tàu chạy đúng giờ đã ghi trên bảng thông báo hành khách, những vòng bánh lăn chậm lướt qua, bên dưới một vài người đưa tay vẫy chào, rồi con tàu cứ thế dần xa, khuất dạng thành phố.
Bữa ăn sáng trên toa đặc biệt có nhiều món, hai người gọi hủ tiếu và cà phê sữa.
- Khi nào có Thụy về phép, chúng mình ra thăm quê ngoại một chuyến.
- Xa không anh?
- Xa hơn quê nội chừng ba mươi cây số.
- Em thấy bác trai hay đi nhiều, ít khi ở nhà.
- Ba anh làm việc ở ngành xã hội nên đi công tác luôn.
- Anh và Dung có nét mặt giống bác trai.
- Ba anh tuy nhỏ người nhưng cũng hay. Ông có má lúm đồng tiền đó.
Nga cười:
- Anh cũng có nữa.
Nguyên ăn xong, cầm ly cà phê sữa uống. Trong lúc Nga còn ăn, anh cầm thìa khuấy sữa cho ly cà phê của Nga. Nàng nhìn anh, luôn cảm thấy hạnh phúc từ cặp mắt anh gửi lại, trẻ thơ, đằm thắm. Hai người, anh cũng như cô gái luôn có một ý nghĩ giống nhau từ những nụ cười tỏa sáng nơi cặp mắt.
Hai bên đường, bóng nắng lan rộng ra, chuyển dời những cảnh vật. Và rồi, chỉ ra khỏi thành phố nửa giờ đường, đoàn tàu đã dừng lại một nhà ga nằm gần quốc lộ, nơi đây bạn sẽ nhìn thấy biển và con đèo bên dưới núi.
- Em chọn học về lụa, anh nghĩ sao?
- Anh không mấy rành về hội họa, nhưng chọn học vẽ lụa, thích hợp với em hơn.
- Em chọn con đường nào anh cũng thấy đúng phải không?
Nguyên gật đầu. Nga ngả người trong vòng tay ôm ấp của anh. Nguyên vẫn lặng im như thể tìm một câu chuyện, một khoảng thời gian nào đó đã xa, trước khi anh có cơ duyên được gặp cô gái đang hạnh phúc trong vòng tay của anh. Tàu chuyển bánh rời ga, từ cửa toa tàu, hai người nhìn thấy một không gian rộng sáng đẹp, hài hòa những màu sắc êm dịu và nổi vật như là cảnh trong bức tranh.
- Cô họa sĩ của anh!
- Anh nhớ cô nào đó mà gọi tên đấy.
- Anh không nhớ ai hết, nhưng anh biết em yêu anh?
- Thực không?
- Đó là tình yêu của thiên nhiên.
- Em rất là vui khi được anh dạy em học.
- Anh mong mỗi ngày đều có em.
Đoàn tàu vừa đến bên dưới chân đèo, rồi dừng lại. Không gian đã phối hợp và sắp đặt từng vị trí cảnh vật hai bên đường trước khi con tàu chuyển bánh. Biển lóa sáng dưới nắng. Những cánh rừng bên triền núi xanh thẳm và có những khe suối khi ẩn, khi hiện. Nước suối chảy gập ghềnh qua những mô đá. Và, chim rừng cất tiếng ca hát, vừa gọi nhau.
Bây giờ con tàu chuyển bánh trở lại. Trong tình yêu dấu, Nguyên ôm giữ lấy Nga và cả hai cùng yên lặng ngồi trên chiếc ghế sát cửa sổ toa xe, vừa nhìn và cố ghi nhận từng nét đẹp của thiên nhiên. Đoàn tàu trườn lên vượt qua từng đoạn dốc với hai đầu máy, trước kéo, đằng sau đẩy. Sau cái nhìn luyến nhớ từ đôi mắt, Nga hé môi để cho Nguyên đặt môi hôn.
Chẳng bao lâu, đoàn tàu qua khỏi Hải Vân trải theo con đường đèo dài đến 12 cây số. Phía dưới đèo là vùng đồng bằng, cảnh trí là ruộng đồng, làng mạc, những con sông, những cây cầu. Khi Phượng Nga nhìn cảnh vừa vẽ tranh, Nguyên lục tìm trong túi xách tờ báo, hoặc cuốn sách để đọc. Buổi chiều qua, ở hiệu sách, Nguyên mua được mấy cuốn để dành cô em gái Mỵ Châu và người yêu của mình.
Khi lấy ra cuốn sách, Nguyên chưa đọc ngay, anh nhìn ngắm Phượng Nga đang buông thả tâm hồn qua những nét trên bức vẽ. Nắng sáng, in dấu trên mái tóc nàng. Và, cả trên thân áo của nàng nữa cũng điểm lấm tấm những bông hoa của ánh nắng. Rồi, cùng với bút vẽ những nét tài hoa của nàng bay lượn trên giấy, mỗi nét tạo được ngay ấn tượng không cho bạn nhận ra từ cảnh ở ngoài mà chỉ thấy trên bức tranh nàng vẽ. Bên dòng suối chảy có bóng cây, trên mái nhà có ánh nắng, một dòng sông bên dưới cây cầu, rất xa khung cảnh đó là một làng quê vắng lặng yên bình.
Nguyên mở sách đọc: Thung lũng Salinas ở về phía Bắc tiểu bang California là một dãy đất dài và hẹp nằm giữa hai dãy núi và con sông Salinas ngoằn ngoèo uốn khúc ở chính giữa cho đến khi đổ thẳng ra vịnh Monterey.
Nguyên đọc nhanh và từng trang dịch của câu chuyện rất cuốn hút anh. Cuốn sách anh đang cầm đọc là cuốn Phía đông vườn địa đàng (East of Eden), tác giả là nhà văn Mỹ John Steinbeck.
Lúc này, đoàn tàu đang chạy chậm sắp sửa đến ga xép. Qua bóng im của lá rừng, Nguyên trông thấy người bẻ ghi cầm cờ đứng đợi đoàn tàu tới.
- Em vẽ xong chưa?
- Chưa đâu.
- Anh muốn ngưng đọc sách để ở bên em.
- Khoan đã. Anh cứ đọc sách đi. Em đang sửa lại bức vẽ.
- Em là một cô họa sĩ rất dễ thương.
- Anh khen em nhiều lắm rồi, từ hôm qua đến hôm nay.
- Không có ai thật lãng mạn như em cả. Vừa là hành khách trên tàu, vừa là họa sĩ vẽ tranh.
- Em cảm thấy thật dễ chịu.
- Anh đọc sách tiếp đây.
- Anh đọc đi. Rồi kể cho em nghe.
Khi đoàn tàu dừng, những người bán hàng rong cất tiếng rao. Va, một đứa nhỏ đứng bên dưới nhìn cô họa sĩ vẽ tranh. Bất chợt gặp nó, cô gái mỉm cười rất là thú vị.
Sau mười phút ngừng, đoàn tàu chuyển bánh. Cô gái đã vẽ xong bức tranh Người yêu của cô ngừng đọc sách, rất hài lòng với bức tranh cô vẽ. Trên quãng đường đi, đoàn tàu lúc nhanh, lúc chậm và đến mỗi ga xép lại ngừng khoảng chừng trong năm, hoặc mười phút.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

X

Bao nhiêu chuyện cũ của ngày ấy, tôi đem ra kể lại cho Thùy nghe, nàng tưởng như mình đang là một ánh đèn của sự chờ đợi không thể tắt.
Rồi một giọng cân nhắc, nàng nói:
- Anh muốn sao cũng được.
- Anh cám ơn em. Tùy em quyết định.
Một lúc sau, Thùy lên tiếng hỏi:
- Anh có mong được như thế không.
- Rất mong, Thùy ạ.
- Em nghe lời anh.
Sóng biển tràn vào bờ. Nàng nhìn thật xa, trông thấy một ngọn hải đăng.
- Thúy Hà đã cho chúng ta hạnh phúc.
- Em cũng nghĩ vậy.
Xe lên dốc, một khu công viên xuất hiện trong khung cảnh vắng lặng.
Bên cạnh công viên là một ngả ba, tôi đổi hướng chạy vào xa lộ để về nhà nhanh hơn.
Khi xe vào lại đường bên trong của thành phố, Thùy hỏi:
- Về nhà anh, hay bên em.
Một giọng vui, tôi nói:
- Ở bên nào, cũng chỉ có hai người thôi.
Bất ngờ, tôi nghiêng người qua choàng cánh tay hôn Thùy. Chiếc xe bị chao, Thùy vội la lên.
Vào tiệm ăn quen, hai người dùng cơm tối. Về nhà Thùy, đêm có trăng hai người đi ra vườn sau, ngồi trên một băng ghế gỗ.
Thùy ngả người trong cánh tay nâng đỡ của tôi. Nàng lặng im để cho tôi hôn thật lâu.
Thùy nói:
- Anh đi đã quá xa, xa với thời gian.
- Anh gặp em ngày đó, nay trở về chốn cũ.
- Anh có cảm nhận về sự mất mát của tuổi trẻ không?
- Không đâu em, mỗi phần đời, đều có một kinh nghiệm sống.
Tiếp lời, tôi nói thêm:
- Anh rất yêu mến, thân thương với các nhân vật nữ trong tiểu thuyết. Đó là những tác phẩm mình yêu thích, và những khuôn mặt kia cũng chỉ xuất hiện tình cờ. Về sau, bằng kinh nghiệm sống qua không gian của văn chương và tiểu thuyết, anh tìm ra được những nét chính, cả tâm tình của họ nữa nơi một số người anh gặp ngoài đời.
Nàng bảo:
- Nhưng tiểu thuyết, dù nhân vật có tính cách hư cấu, họ vẫn là nguyên mẫu ngoài đời.
- Có như thế, nhưng lại khác đó em.
- Khác ra sao?
- Ở tiểu thuyết, nhân vật chuyển biến trong sự sáng tạo.
- Em có giống với cô nào trong tiểu thuyết của anh không?
- Em thay thế tất cả.
- Một cách tượng trưng.
- Không, một cách xác thực về cuộc đời.
Tôi hôm ấy, hai người dành trọn một đêm thao thức để nói về cuộc đời, và họ cùng đi tìm một quê hương mới mẻ của thời gian. Với tôi, trên một con tàu, tôi nhớ ra được từng nơi có tháp nước, từng nhà ga con tàu đến, và những con sông bên dưới những cây cầu. Về phần Thùy, ước mong làm người mẹ của nàng, giản dị như một bức tranh thêu.
- Anh có mong trở về thăm gia đình bên nhà không?
- Có chứ.
- Chúng mình trở về được không anh?
- Anh nghĩ là sẽ về, có ngày mình về được.
- Em rất nhớ Đà Lạt.
- Em là hình ảnh chị Phượng Nga, của ngày xưa ở thành phố đó.
- Chị Phượng Nga cũng sinh trưởng ở đó.
- Không, chị có một mối tình ở đó.
- Đã gặp anh ngày đó sao?
- Không, chị yêu thành phố đó, và lúc nào chị cũng rất giống em.
- Anh yêu Đà Lạt hay là chị ấy.
- Anh yêu thành phố. Ngày đó, giấc mơ của anh muốn được trở thành phi công để trong không gian trên chiếc phi cơ, anh tìm ra được qua nắng hồng, qua mây trắng, qua cảnh hoàng hôn, rồi bao nhiêu tinh tú giữa bầu trời, mỗi nơi, hiện ra một thành phố.
- Giấc mơ ấy, không thành.
- Em nói đúng. Cho nên đời anh, dù gặp lại em trong muộn màng, nhưng với thời gian, anh biết mình hiện hữu. Anh luôn tồn tại với thời gian, bên em bây giờ, cũng như bao nhiêu người anh đã gặp thuở trước.
Nàng im lặng trong từng lời nghe tôi nói với nàng.
- Vâng, em hiểu anh.
Hôm ấy là sáng chủ nhật, xong bữa điểm tâm tôi đem bàn ghế ra sân sau có giếng nước lau chùi sạch sẽ rồi đưa về phòng riêng của mình. Tôi đã quét bụi trên trần, sàn nhà, sắp chiếc giường ngủ trong góc, còn lại khoảng trống là tôi đặt bàn ghế, kệ, và đặc biệt có tấm bảng đen nhỏ gắn ở tường. Tôi thực sự sung sướng, vì mình có được phòng học riêng không như ở Huế, nhà gia đình tôi với ba gian trống trơn, việc học hành hơi bất tiện mỗi khi có khách đến.
Đã qua hơn hai tuần tôi ở Đà Nẵng. Nơi thành phố lạ này tự dưng cho tôi một cảm giác mới, vừa thúc đẩy tôi chuyên chú vào chuyện học để không phụ lòng cha mẹ. Gia đình ba mẹ tôi đông con cái, mà lúc sau này chỉ còn trông cậy chính yếu vào đồng lương giáo viên của ba tôi. Mới hơn tháng nay, mẹ tôi có mở dưới chái hiên nhà một quán chạp phô nhỏ bán những thứ đồ gia dụng, còn anh Nguyên may kiếm được một chân thông tín viên cho nhật báo Tự do ở Sài Gòn. Anh đang học lớp Dự bị trường Văn Khoa, tiền làm thêm đủ cho anh chi tiêu và mua sách học. Tôi cũng còn năm đứa em trai và gái nữa.
Căn phòng sạch sẽ, sáng lên một cách lạ thường khi mở cửa sổ. Trời nắng ở ngoài, nhìn ra thấy bóng dáng màu xanh của khoảng vườn thưa cùng cây cối trồng ven con đường sau lưng, và đến ngã ba, nó nhập vào con đường chính đi xa đến bãi biển cách thành phố khoảng chừng mười cây số.
Tôi đặt bàn học chính giữa phòng, hai chiếc ghế cạnh nhau hướng lên tấm bảng đen. Tôi sắp sách vở vào chiếc kệ dựa lưng tường cạnh lối cửa, còn cái rương gỗ đựng quần áo tôi để ở góc trong cùng.
Chẳng có đồ đạc gì nhiều, nên chỉ hơn một tiếng đồng hồ là dọn xong, sắp xếp mọi thứ thật ngăn nắp. Tôi kéo chiếc ghế ngồi xuống, nhìn ngắm lại căn phòng của mình. Lòng tôi đang vui, lúc ấy, dì Vân đi ngang chợt ghé vào. Tôi vội đứng lên chào, và nghe dì hỏi:
- Sao, cháu thấy phòng này có tiện không?
Tôi rất vui, đáp:
- Cháu rất cám ơn bác và dì đã dành cho cháu một chỗ học như thế này.
Dì Vân vẫn đứng bên cửa mắt quan sát căn phòng, dì có vẻ hài lòng cách sắp đặt của tôi. Dì nói:
- Cháu ở đây gặp lúc dì không buôn bán như xưa.
- Cháu cám ơn dì nhiều lắm.
Căn phòng đã dọn xong, nhưng khi nhìn quanh tường thấy trống trơn, dì nói:
- Cháu không kiếm một bức tranh treo cho đẹp.
Tự dưng sau gợi ý của dì, tôi chợt nghĩ đến người bạn gái tôi quen. Quả thực, tôi nên tìm một bức tranh vẽ, hay tranh phong cảnh để treo cho căn phòng có ý nghĩa, vừa bớt đi sự trống trải. Và, tôi sẽ yêu căn phòng này biết bao nhiêu, nếu tôi có được một bức ảnh của Thúy Hà đóng khung treo lên bức tường nền vôi trắng. Người bạn gái mà tôi yêu thương hiện diện ở đây, sẽ là động lực luôn nhắc nhủ tôi học hành, và cũng sẽ có những giờ phút riêng tư giữa nàng và tôi qua tiếng chuyện trò nho nhỏ, rất thiết tha với tình yêu. Hãy nói với nàng, cho tôi bức ảnh chân dung nàng, để tôi luôn có được một mối tình trang trọng trong đời tôi.
Vào trò chuyện một lúc, dì Vân rời phòng để lại tôi một mình. Bỗng tôi cảm thấy đơn độc, nhưng hình ảnh của dì vẫn muốn lưu lại nơi này cái bóng chiếc áo, gương mặt, và tiếng nói của người thân khiến tôi xúc động. Tôi lấy gói thuốc, rút một điếu châm hút. Ngồi ở ghế, qua làn khói tỏa ra nhẹ nhàng rồi tan, nó để lại nguyên vẹn sự sạch sẽ cho tôi tiếp tục hưởng lấy những phút giây đầy hạnh phúc. Tôi bắt đầu nghĩ đến Thúy Hà. Tôi đã biết tên cô gái, còn cô, có biết tên tôi không? Có thể cô đã biết, hoặc, cô cũng chẳng tò mò làm gì. Tôi đã gặp cô qua ba buổi học chung rồi, mới nhất là hai giờ đầu hôm thứ sáu vừa qua. Buổi sáng đó, trước khi có chuông tôi đã ngồi sẵn ở bàn, đợi cô. Khi cô bước vào, thấy tôi đưa mắt nhìn cô hiểu ý ngay, vừa cười vui, vừa giả bộ quay mặt lảng tránh, nhưng đến lúc cô quay đầu lại lần nữa vẫn bắt gặp cái nhìn của tôi.
Năm học mới bắt đầu với tôi chỉ có mười ngày. Sự rung động mùa thu trong thành phố này như một que diêm mới đốt nhen lên ngọn lửa tình yêu, nó muốn nói cho tôi hay rằng, người bạn gái tôi yêu sẽ còn nhiều ngày tháng gặp gỡ nữa để mà cùng mơ ước, cùng với nàng hy vọng đến ngày mai.
Càng lúc, hình ảnh cô gái xâm chiếm trọn tâm hồn tôi. Tôi biết được thêm gì nữa, chẳng hạn, tôi nên ghi vào cuốn sổ tay, Thúy Hà là tên cô, cô ta nói tiếng Bắc giọng rất thanh, và ngôi nhà ở là cửa hiệu bán nước hoa ở đầu phố Độc Lập. Rồi, tôi có thể biết thêm, buổi sáng đi học cô hay cùng đi với hai em gái, trong đó cô bé nhỏ nhất thường mặc chiếc áo đầm hoa tím rất dễ thương. Mỗi ngày, hầu như tôi luôn trông thấy những hình ảnh quen thuộc đó khi hai người gặp nhau ở trước cổng trường.
Đến trưa, chị Thuận giúp việc trong nhà lên gọi tôi xuống ăn cơm. Tôi đứng lên, trong phút lặng yên tôi vẫn cố đưa tay giữ lấy bờ vai người bạn gái để có cảm tưởng hình ảnh nàng cứ nằm yên nơi lòng tôi như một giấc mơ được cuốn vào, ấp ủ trong tấm chăn.
Bữa cơm dọn trên chiếc bàn tròn, cả nhà ngồi quanh mười người. Tôi đã làm quen với không khí gia đình người dì và cảm thấy rất gần gũi. Trong bữa ăn, tiếng chuyện trò các cô chị nhỏ tuổi là ồn nhát, mặc mấy cô nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa, tôi vẫn lắng nghe chăm chú những ý kiến chính trị của bác Hội về tình hình Trung Quốc, về một vị lãnh tụ Mao Trạch Đông mà bác rất ngưỡng mộ. Còn người dì, vẫn giữ lâu được những nét sáng đẹp ngày xưa, và tôi còn biết, trong các dì chị em với mẹ, dì Vân đây là người có học vấn cao hơn hết. Trong căn phòng của dì, ngoài những thứ son phấn trang điểm, có một chiếc kệ nhỏ để nhiều loại sách báo bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Có vài giờ trò chuyện riêng với dì, tôi nhận ra sự hiểu biết của dì thật rộng, và sâu. Hơn vậy nữa, tôi nghe trong tiếng nói của dì nó luôn biểu lộ một sự trung thực giữa mình và cuộc sống hay với tất cả những người thân quen.
Khi các cô chị nhỏ đứng dậy rời bàn, tôi còn nghe được tiếng ồn vui ùa theo các cô về phòng riêng. Tôi vẫn giữ lấy cảm giác bữa ăn ngon trên miệng, và còn được hòa chung niềm vui với các cô chị nhỏ của mình. Ba người, tôi, dì Vân, bác Hội hẳn còn ngồi uống trà, trò chuyện một lúc khá lâu mới đứng lên, đi nghỉ.
Trở về phòng mình, tự dưng tôi có một chút băn khoăn vô cớ. Tôi hơi mệt nên lên giường nằm với tờ báo đọc để dỗ giấc ngủ trưa. Sau đó, tờ báo buông rời tay tôi rớt xuống tấm chiếu.
Tôi thiếp ngủ lúc nào không hay. Khi tôi thức giấc, mới ba giờ chiều. Tôi muốn ngồi dậy, định đi ra giếng tắm nhưng chợt nghĩ nhà đông người nên có hơi ngại. Tôi châm điếu thuốc hút, bỗng thèm một ly cà phê uống cho tỉnh táo. Tôi đã biết hút thuốc, uống cà phê từ ba năm trước đây khi còn học ở Đà Lạt. Đà Lạt, thành phố ấy vẫn giữ lại rất nhiều kỷ niệm thời niên thiếu của tôi, với trường học, căn gác lưu học sinh, bóng dáng những người bạn, mỗi buổi chiều sương mù bao phủ trên các ngọn đồi. Đà Lạt, nay trở nên xa xôi ở một góc trời, và chưa biết đến ngày nào tôi mới có dịp thăm lại nơi chốn cũ.
Tôi dụi tắt mẩu thuốc, cầm chiếc gạt tàn để dưới góc kệ. Rồi tiện thể, tôi mở cái rương gỗ lây bộ quần áo mặc để đi chơi phố. Và, chỉ sau mười phút tôi rời phòng, cùng dắt theo chiếc xe đạp ra lối cửa trước.
Con đường Trưng nữ Vương chạy xa lên đến chợ Mới và khu phi trường. Con đường này trơ trọi không bóng cây, hai bên có nhiều nhà ở thấp và nhiều quán hàng ăn. Trời nắng, nhưng tôi không đội mũ. Tôi đạp xe thong thả, theo hướng đi về phía bến cảng rồi sau đó rẽ vào đường Độc Lập xuống phố.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 19 guests