Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Chúng tôi vào xe, giờ mọi người thong thả quan sát cảnh vật hai bên đường trong lúc Lăng lái xe vẫn giữ tốc độ trung bình. Con đường trống trải, ít xe cộ, hai bên những hàng cây trải dài lấp hết những bóng nắng.
Tôi nhận ra từ chợ về đến nhà chắc cũng gần. Xe bỏ con đường chính vào con đường nhỏ chạy qua một khu công viên và qua một khu nhà thờ gần đó. Dọc con đường nhà ở thưa, cách quãng khá xa, và đất nhà nào cũng rộng cả phía trước và phía sau. Tôi nhìn thấy vòng cung phía trước, cùng lúc xe Lăng về tới nhà, đậu bên lề đường.
- Nhà của Lăng đây.
Tất cả xuống xe, và người nào cũng phụ tay đem một vài thứ vào nhà. Chúng tôi đi bộ qua sân, nhìn hai cây tùng cao lớn, lá rủ xuống nền cỏ, và cỏ vừa mới được cắt tỉa trông rất xinh xắn.
Khi Lăng tra chìa khóa mở cửa, tôi quan sát cảnh vật và nhà ở dọc theo con đường. Sự yên tĩnh nơi này với nắng ấm thật là dễ chịu.
Vào nhà, Lăng bật đèn sáng, hành lý và các thứ đi chợ cất đặt xong, chúng tôi đi một vòng thăm nhà, bên trong từng căn phòng và phía sau là khu vườn.
Tôi hỏi:
- Tiền nhà trả đắt không?
- Sáu trăm một tháng.
- Tiền nhà thôi, còn tiền đất nữa phải không?
- Tiền đất không nhiều, bình quân mỗi tháng hơn một trăm.
Tôi hết sức hài lòng về căn nhà Lăng đang ở. Nhà rộng, có ba phòng chính, hai phòng phụ, bếp rộng từng ngăn và trên sàn, chỗ nào cũng được lót ván rất đều cạnh trông rất là sáng.
Tôi và Thùy có được một phòng dọn sẵn kế bên phòng anh Nguyên và chị Phượng Nga.
Khi chúng tôi bước vào căn phòng riêng dùng để thờ, rất nghiêm trang. Ở bàn giữa thờ Phật Bà Quan Âm hai bên là thờ ảnh song thân bên Lăng và bên cô Thu. Sau khi quan sát một lúc, tôi đi đốt hương, thắp trên bàn thờ Phật trước rồi đến người thân trong gia đình. Tôi không nhớ rõ chú Vinh ba của Lăng, vì lúc đó, tôi còn quá nhỏ.
Thùy và chị Phượng Nga đi xuống bếp. Ba anh em còn đứng trong căn phòng thờ tự, chờ hương tàn. Trong phòng này có một chiếc kệ, có sách Phật và thi ca, ngoài hai sách này còn lưu lại một số báo ngày xưa mà chú Vinh đã có cộng tác. Chú Vinh học đến ban Tú Tài ở Hà Nội, thời đi học chú có viết báo, và công việc ngày xưa chú làm là bên ngành hỏa xa.
Khi tôi cầm lên tờ báo Bạn Đường, Lăng nói:
- Tờ báo này của nhóm Hướng Đạo, xuất bản ở Thanh Hóa. Những người chủ trương là Tạ Quang Bửu, Hoàng Đạo Thúy và Lê Hữu Khải. Ba tôi, cộng tác thường xuyên với báo này, có cả Nguyễn Đình Thi và Huy Cận nữa.
Tôi lật bên trong xem các bài viết và sáng tác. Khi thấy một bài thơ Huy Cận tôi chú ý xem. Bên góc trái tờ báo, đăng bài thơ Cảm Thông vỏn vẹn có bốn câu:
Xa nhau mười mấy tỉnh dài
Mơ màng suốt xứ đêm ngày nhớ nhung
Tâm tình một nẻo quê chung
Người về cố quận muôn trùng ta đi

Tôi xem qua tờ báo, trong lúc anh Nguyên và Lăng nói chuyện với nhau tiếng nghe nhỏ.
- Hồi trước, dì Út có chụp nhiều tấm hình của tụi mình lúc còn ở làng quê.
- Có, trong cuốn album gia đình có giữ khá nhiều.
- Hồi trẻ, dì Ba và dì Quyên giống nhau hơn cả.
- Dì Ba mất sớm, rồi chú Thừa cũng mất. Hai vợ chồng dì không có con cái.
Hương tàn, chúng tôi ra ngoài đến ngồi ở phòng khách. Tôi ngồi trên chiếc ghế dài đối diện với cái TV lớn.
- Vào mỗi tối, sau giờ ăn là chương trình coi phim cả nhà.
- Cô Thu đi làm xa hay gần?
- Cũng xa, gần nửa giờ xe.
- Cô làm hãng nào?
- Hãng sản xuất đồ nhựa. Thứ nhựa vừa gia dụng, vừa cả hàng điện tử.
Anh Nguyên nói với Lăng:
- Tôi có đi dự hai buổi hội của Hàm Nghi.
- Đông không?
- Cũng được gần một trăm.
Một vẻ thỏa mãn, anh Nguyên cười nói:
- Mình thuộc thế hệ đầu, nên bọn đàn em cung kính lắm.
- Hàm Nghi mở sau Nguyễn Hoàng hai năm.
Anh Nguyên nhớ rành rẽ giải thích rõ ràng sự thành lập trường vào thời gian đầu mùa thu năm 1956. Ở Huế lúc bấy giờ học sinh quá đông, nên Nha Học Chánh phúc trình lên Bộ xin mở thêm một trường mới. Buổi đầu, lớp Đệ Thất là học sinh ngoài thi vào, các lớp trên, được lấy một số lớp của hai trường Nguyễn tri Phương và Quốc Học chuyển qua.
Tôi vẫn nghe chuyện, vừa xem tờ báo Bạn Đường. Sau khi đọc xong bài tùy bút của chú Vinh ba Lăng, tôi trở lại bài thơ của Huy Cận. Tôi nghĩ đến một cô gái và chàng thi sĩ. Tôi hình dung chuyến xe lửa từ Hà Nội vào miền Trung tới ga Vinh cô gái nói một lời chào từ biệt rồi xuống ga. Cô gái đã xuống đây, còn chàng trai vào đến Hà Tịnh. Tôi rất thích thơ Huy Cận với tập Lửa Thiêng. Khi đọc thơ Huy Cận tôi luôn cảm thấy mình có một nỗi buồn nhẹ nhàng và có một tình yêu như dòng suối, như gió mùa, và rất là nhung nhớ nắng vàng. Tôi rất thích, ngưỡng mộ các nhà thơ thời tiền chiến, trong các nhà thơ này, có Chế Lan Viên người Quảng Trị, quê ở Cam Lộ, là em con chú con bác ruột với hai bà ngoại của chúng tôi.
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng

Hai câu thơ này thường gợi nhắc tôi nhớ đến Thúy Hà, nhớ một mùa thu năm ấy đã xa, nhưng còn mãi dư âm như một bài hát nghe hay, trong một vẻ đẹp buồn. Bây giờ, tôi đâm ra nhớ Huế, nhớ những câu thơ của Huy Cận tả sự nuối tiếc của thời gian khi linh hồn một mùa áo cũ đã tàn phai.
Đã chảy về đâu những suối xưa
Đâu cơn yêu mến đến không chờ
Tháng ngày vùn vụt phai màu áo
Của những nàng tiên mộng trẻ thơ

Tôi để yên tờ báo nằm trên tay. Trong tiếng chuông đồng hồ vừa điểm giờ và ngân tiếng nhạc, tôi đã nhớ ra được ngày hôm đó, một lần đầu tiên gặp Liên An. Trên đường cùng nhau về một đoạn, chúng tôi đi theo một dòng sông và nhìn qua những cây cầu nhỏ. Trong câu chuyện hai người, tôi nghe Liên An nhắc đến Phượng Nga.
Một giọng của Thùy nói với người chị:
- Em chưa hề biết mặt cậu.
- Chị không hay biết gì về cô bên nhà cả.
- Anh Thụy nhắc đến chị luôn, lúc này em mới hiểu.
- Thụy là người bạn tốt, rất thật lòng với chị.
- Về chị, anh không tiếc một lời khen.
- Với chị, Thụy là một nhà văn tâm tình cho tuổi trẻ.
- Chị có hay đọc truyện của anh Thụy viết không?
- Không bỏ sót. Những nhân vật của Thụy rất là dễ thương, quá gần gũi với mình.
- Chị có nghĩ, anh ấy hình dung chị và dành cho các nhân vật nữ.
- Có thể lắm. Nhưng chị thấy, ảnh hưởng của Tự lực văn đoàn có trong tâm hồn của Thụy.
Thùy bỗng kết luận:
- Nếu em không lấy anh Thụy, có lẽ em và chị không bao giờ được gặp nhau. Và như vậy, em đã thay thế hình ảnh của chị trong tâm hồn anh ấy.
Phượng Nga cười, bảo:
- Vậy cũng hay.
Giờ ăn trưa, thật vui, ồn ào. Ba anh em như cái máy đứng lên, cùng xuống bếp và ngồi vào bàn ăn.
- Muốn ăn gì trước.
- Thứ nào trước, cũng được.
Tôi yêu cầu món mì Quảng. Rồi mọi cùng theo ý của tôi. Câu chuyện bắt đầu từ anh Nguyên, tôi biết chuyện này anh kể ra là cốt ý để cho Thùy nghe.
- Em thực tình chưa biết Huế.
- Anh sẽ đưa em về đó, tôi nói.
Lăng thêm:
- Không chỉ Huế thôi, chị còn ra đến Quảng Trị nữa.
Hôm nay, Thùy như là một người khách lạ dễ thương, ai cũng chú ý đến nàng.
Buổi chiều, Thu đi làm về tới nhà. Tiếng chuông vừa ngân lên, mọi người đã đứng chờ sẵn bên lối cửa vào nhà.
- Đây là Thu.
Nàng lên tiếng hỏi một người rất giống Phượng Nga.
- Chị Thùy phải không?
Thùy rất vui, và cô Thu đã tới với Thùy một vòng tay ôm rất thân ái.
- Ngày mai, cô Thu có đi làm không?
- Có, hai ngày cuối tuần mới nghỉ.
- Gắng một ngày nữa thôi.
Trong nhà, cơm nước đã sẵn sàng. Thu xin phép vào phòng rửa mặt và thay quần áo. Cũng khá lâu, Thu trở ra trong bộ quần áo nhẹ, và trông thật tươi trẻ.
- Thứ bảy mình đi nhà hàng.
- Không đi Casino sao?
- Hay đó, lên Casino ăn buffet, ngon tuyệt.
Ba chị em ngồi chung ghế sopha. Thùy bên cạnh Thu. Bỗng Thu thốt lên:
- Thùy và chị Phượng Nga quá giống nhau.
Một giọng bình thường, tôi giải thích cho Thu rõ.
- Vậy chị Nga và chị Thùy lần đầu tiên gặp nhau.
- Đúng vậy.
- Hai anh Nguyên và Thụy thật là hay. Một người kiếm gặp chị, còn một người lại tìm ra em. Hay lắm.
- Cô Thu nhớ, ông bà cố và ông bà ngoại đều có hai chị em. Ở bên nhà tôi, ba tôi lấy mẹ tôi là chị, còn chú tôi, lấy dì Ba là em, có cơ duyên cả.
- Có khi là vậy.
Tôi nhìn hết mọi người, rồi nói:
- Có những chuyện đời mình thấy khó tin, tưởng là huyễn hoặc, tiểu thuyết. Nhưng khi biết đó là sự thật, người ta mới thấy ý nghĩa của mỗi con người đều có cơ duyên với trời đất trong thời tiết của bốn mùa.
Sau lời của tôi vừa nói, mọi người lắng nghe câu chuyện của Thùy, trong câu chuyện này có những chi tiết mà tôi thấy lạ, ngày đó không hay.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

XVIII

Ngày vui của gia đình chúng tôi trong cuộc hội ngộ đã kết thúc. Thời gian qua hơn một tuần lễ, mấy anh em cùng vui sống với nhau, từ những kỷ niệm của thời thơ ấu nơi làng quê bên nội và ngoại, lớn lên đi học ở các thành phố, mỗi nơi chốn ấy luôn có sự xa gần, rồi những năm mới đây cuộc sống tha hương trên đất khách, tất cả đó nói ra với mọi người rằng, những tình cảm riêng tư và chung đã, đã được gói ghém lại để hình thành một cuốn nhật ký, một tập ảnh sắp xếp thành hàng, thành từng trang trong một cuốn album lớn, đầy đủ.
Những ngày vừa qua, thú vui của chúng tôi là đi chơi phố, Lăng thì đã quen, còn tôi luôn cảm thấy lạ vừa tò mò, sự quan sát sinh hoạt thường ngày của người dân ở đây nằm trong cách tìm kiếm của tôi, để tự mình có một vài xét đoán vừa so sánh qua phân tích và tổng thể, nói chung, thế nào tôi cũng hiểu được với những kinh niệm mấy năm về một nước Mỹ mà tôi muốn hiểu rõ thêm. Ở đâu cũng vậy, khu trung tâm lúc nào cũng nhộn nhịp, đông vui. Tôi có chút lạ mắt khi nhìn tàu điện chạy trên đường ray, và một vài chuyến xe ngựa chạy từ thành phố ra vùng ngoại ô. Tôi hỏi Lăng về lộ trình xe buýt, ở đây có, nhưng không nhiều, và thường chỉ có từ thành phố đi ra vùng ngoại ô.
Chắc Phượng Nga và Thùy vẫn chưa hết chuyện. Mỗi lần nhìn tôi hướng mắt về hai người, cặp mắt hai nàng cùng sáng lên một nụ cười. Và, có một nơi chúng tôi hay trở lại nhiều lần là khu công viên bên bờ sông. Nơi đây, chúng tôi cùng có chung một ý nghĩ thật lý tưởng về một điểm du lịch thoải mái cho du khách.
Khu công viên rộng, trải dọc theo bờ sông, dòng sông rất lớn, bên kia là rừng và cánh đồng, còn bên đây là của thành phố. Khi bạn nhìn theo dòng sông chảy, ở phía trên, dòng sông qua những bãi cát và những cánh rừng, nhìn xuống phía dưới, bạn có cảm tưởng như dòng sông đi về hướng biển và trên bờ của dòng sông là những thành phố đi theo. Từ công viên, bạn nhìn thấy hai cây cầu, cây cầu phía trên dành cho đường xe lửa, cây cầu phía dưới hình vòng cung dáng chữ M, bên này là Memphis bên kia là phía Tây Memphis nhưng thuộc về tiểu bang Arkansas. Khi dừng nghỉ ở đây, vào buổi sáng sớm, lúc chiều tối, tôi rất thích ngắm quang cảnh của dòng sông lớn này, mỗi thời gian tôi có chút suy nghĩ riêng với dòng sông, nó hết sức tự do, không có một liên hệ nào đến quá khứ, hoặc dự đoán tương lai. Tôi nhìn xuống con sông ở bên này và trông thấy bờ xa bên kia, một ý nghĩ đơn giản là con sông lớn này nó mang tính tính cách riêng về lịch sử của nước Mỹ. Tôi không có mối liên hệ nào với những con sông bên quê nhà Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, tâm tư mỗi con người rất khác với cảnh vật. Ở Việt Nam, từ một con sông của tỉnh, thành phố này, hay thành phố kia bạn có thể liên tưởng đến một con sông khác, nơi chốn khác qua cùng một tâm trạng của mình, vì rằng, cách đó không có riêng mà có chung một suy nghĩ và cùng với một tiếng nói. Ở bên quê nhà, tôi đã nhìn thấy sông Hồng Hà, sông cửu Long và những con sông lớn nhỏ chảy qua các ngôi làng, tỉnh lỵ ở miền Trung. Và, tôi nghĩ được rằng, tất cả đều thuộc về một quê chung cho người Việt của mình. Nhưng đứng trước con sông lớn này, tôi không nghĩ giống như bên quê nhà, và tôi cũng không cảm nhận rằng, đây là một giấc mơ chung của người bản xứ. Với con sông này nó thuộc về thiên nhiên hơn là về con người bản xứ.
Ở trong khu công viên này tôi không chỉ thấy những chiếc ghế, hàng cây, những lối đi lát đá, cảnh du khách dạo chơi, mà tôi còn nhìn được thêm một thành phố bên cạnh nữa. Bên kia con đường chạy dọc theo công viên, phía trên bờ dốc cao là một tòa nhà, tôi không nghĩ đó là một dinh thự, hay một khu nhà riêng biệt dành cho giới giàu có, tôi thoáng có ý nghĩ khi nhìn từng bậc thềm tam cấp đi lên đó là một tòa lâu đài không xưa cổ mà là một thành phố ánh sáng ấm áp dưới ánh nắng mặt trời.
Trong tháng này vẫn còn là tháng của mùa thu. Tôi có sự rung động khi được nhìn cảnh vật hai bên đường với những tàng cây và màu lá, cùng với cái chớm lạnh thật nhẹ nhàng buổi sáng mai, và thú vị lãng mạn hơn hết là sương mù bao phủ trên dòng sông. Khi mưa và sương mù bao phủ trên một con sông, trong tâm tưởng của tôi lúc nào cũng có sự liên tưởng đến một hình ảnh thật yêu thương với cuộc đời mình.
Ngôi nhà Lăng ở thuộc về ngoại ô nên có được sự yên tĩnh, dễ chịu. Từ mấy ngày qua, chúng tôi vui, hài hòa với sự yên tĩnh. Thùy và tôi cùng chia sẻ ý tưởng và khung cảnh ở nơi này. Bên quận Cam, cuộc sống xô bồ hơn, và cũng ồn ào hơn. Tôi ở nhà thuê gần với khu của người Mễ, ngày thường còn đỡ, đến hai ngày cuối tuần nhiều lúc đành chịu trận gần như suốt đêm khi người Mễ họ tổ chức những buổi party, ăn uống, nhảy và ca hát. Người Mễ họ sống theo ý họ, không cần biết sự lo ngại phiền hà của người khác. Ở những khu phố quanh tôi thuê ở, thường chỉ có người Việt và người Mễ, với người Mỹ họ sống biệt lập ở các khu vực và các thành phố xa hơn. Những nơi họ ở, hoàn toàn yên tĩnh, không có sự ồn ào, và gây tiếng động.
Thuở nhỏ sống gần nhau nên ba anh em tôi có sự hòa hợp, chia sẻ. Tôi và Lăng hợp tính nhau hơn, và lúc nhỏ có chơi những trò chơi đánh bi, đánh đáo với đám bạn gần nhà rất là vui. Ngày hôm nay, đời đổi khác nhiều, nhưng có thể nói chúng tôi vẫn còn nguyên bản tính của ngày xưa.
Lăng có sự điềm đạm, mực thước, suy luận việc gì cũng chín chắn bằng những hiểu biết của mình. Ba anh em chúng tôi không có nhiều bạn, nhưng khi có bạn rồi, thường là rất tốt và thành thật với nhau trong sự quý mến, tôn trọng nhau. Lối sinh hoạt thường ngày của Lăng trong nhà ở rất giản dị, vừa thân tình. Tôi nhận ra mỗi một sự vật bài trí trong nhà, cách xếp đặt, mỗi cái đều có sự dụng công và có ý nghĩa. Có nhiều bức tranh được treo ở phòng khách và vài căn phòng trong nhà. Có một bức tranh chị Phượng Nga mới đem qua tặng, buổi sáng đó đứng bên nhau nhìn ngắm bức tranh, tôi nói với người chị hay là hình ảnh một cô thiếu nữ mặc áo trắng đi qua một cánh đồng quê trong mùa thu, hình ảnh đó không ai khác, nàng là Liên An. Người chị khẽ gật đầu qua ý nghĩ tôi vừa nói, và đúng, Phượng Nga cũng có cảm xúc ấy khi vẽ.
- À này, chị có hay tin gì về bà Huyên không?
- Có hay biết. Bà Huyên mất rồi, còn ông cụ về quê ngoài miền Bắc.
- Chắc là con cái đi qua bên này được.
- Hình như vậy.
Lúc nào cũng thế, có sự riêng một vài câu chuyện hay đôi lời với nhau chúng tôi có một sự cảm thông. Vợ tôi, em gái của nàng, từ Cali đã qua đây thăm nàng vừa để xác nhận một mối liên hệ huyết thống, sự thực hoàn toàn đúng nên cả hai người rất là xúc động khi tìm lại được nhau và nhớ nghĩ nhiều đến người thân. Không chỉ với Phượng Nga thôi, vợ tôi còn được sự quý mến của cô Thu vợ Lăng. Nói chuyện với Thu, tôi nhắc nhiều kỷ niệm thời trước của mấy em trong gia đình ở Đông Hà rồi Quảng Trị. Lăng mồ côi cha năm lên bốn tuổi. Chú Vinh ba của Lăng mất năm 1947, trong một trận đánh với Pháp ở vùng biên giới Việt Lào. Vào thời điểm đó, cuộc chiến Việt Pháp rất gay go, và những người trí thức đã cùng nhau lên đường, bỏ thành thị vào những chiến khu để cùng toàn dân nổi dậy đuổi quân Pháp thực dân đã đô hộ đất nước gần cả trăm năm. Khi cuộc kháng chiến bắt đầu, tình cảnh thật hết sức bi ai, giặc Pháp đã càn quét các ngôi làng và bắn giết nhiều thường dân vô tội. Nhưng với lòng yêu nước, mọi người dồn sức chiến đấu, vừa chịu đựng cho đến ngày dành được độc lập. Rất tiếc, lợi dụng cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Hồ Chí Minh đã đem một nửa phần của đất nước đi theo chế độ Cộng Sản.
Cô Thu vợ Lăng là người cần Thơ, xuống làm việc ở Rạch Giá và gặp Lăng, hai người thương nhau xây dựng hạnh phúc. Ngày trước, cô Thu học ở trường Đại học sư phạm hệ một năm, ra dạy học ngay trong trường tỉnh, cô phụ trách về môn tiếng Pháp. Cũng nhờ khá sinh ngữ, nên qua đây, cô học tiếng Anh rất mau. Hỏi chuyện về việc làm, cô cho biết, cô đang làm việc cho một hãng sản xuất đồ nhựa, cả hai thứ hàng gia dụng và điện toán. Và, hiện nay, cô được đề bạt lên làm trưởng toán coi một bộ phận làm việc khoảng 20 công nhân sản xuất hàng.
Trong thời gian tôi và Thùy đến thăm, một mình Lăng được nghĩ phép, còn cô Thu do công việc ở hãng cần kíp nên phải đi làm. Thế nhưng, đến hai ngày nghỉ cuối tuần cô dành hết thời gian nghỉ với hai chị em Phượng Nga và Thùy. Vào hai ngày này, Lăng đưa tôi và anh Nguyên đi lên casino qua tiểu bang Mississippi kế cận, khoảng hai giờ lái xe, còn bên cánh phụ nữ ba chị em đi mua sắm ở các mall hoặc đi chợ rồi ghé các nhà hàng ăn. Thực những ngày vui của mấy anh em chúng tôi hội ngộ trong dịp này làm cuộc sống trở nên đẹp và có ý nghĩa thêm. Tôi nhớ ra câu nói một nữ sĩ cho rằng, con người sinh ra một mình, rồi chết một mình, vậy trong lúc đang có được một cuộc sống liên đới với tha nhân thì hãy sống cho trọn vẹn và có ý nghĩa với cuộc sống mình đang có, đừng để phí mất với cuộc đời và thời gian.
Ngày nào cũng hết sức là thoải mái, dễ chịu. Vào mỗi bữa trưa, có chị Phượng Nga và Thùy lo cho chúng tôi bữa ăn ngon miệng. Buổi chiều, cô Thu về, cả nhà bắt đầu bữa ăn chính rất nhiều món, vừa đủ và rất ngon. Tôi để ý thấy cô Thu rất hiếu khách, ít nói như Lăng, nhưng dáng vẻ của cô lúc nào cũng làm cho mọi người đều cảm thấy thật gần gũi. Niềm vui của mọi người sáng lên từ một nụ cười tỏa ra trên ánh mắt của cô, và cô vẫn luôn thích nghe tiếng người khách đang trò chuyện, đang nói cho cô nghe thường là một câu chuyện gì đó của đời thường nhưng hay lạ lắm. Và, vừa nghe, cô lại chuyên chú vào việc châm thêm nước uống để mời khách. Tôi còn biết thêm, cô là một Phật tử thuần thành, tâm hồn luôn vui trong ý tưởng của đạo hạnh.
Thành phố Memphis cũng nhỏ không lớn lắm. Nhưng ngày nào chúng tôi cũng đi đây đó, ra bờ sông, đến quán cà phê, vào chợ mua thức ăn rồi về nhà cùng nhau trò chuyện, mỗi ngày cảm thấy sự ấm áp của thời gian đến đỗi tôi và Thùy tưởng chừng như mình đã ở đây lâu lắm.
Khi hay tin có tôi và anh Nguyên ở xa đến, lập tức một nhóm bạn xưa Nguyễn Hoàng cùng một lứa tuổi, một năm học đã đến thăm ở nhà Lăng. Không có gì vui bằng, dù tuổi đời đã khác, quê hương cũng khác nhưng chúng tôi vẫn còn nhận ra nhau tay bắt mặt mừng, cùng nhau bồng lên cái tiếng nói của tỉnh Quảng Trị ngày trước, không quên một âm sắc nào cả.
Và không đợi hỏi ý kiến chủ nhân, bọn chúng tôi kéo nhau ra vườn sau, lỉnh kỉnh với các hộp thức ăn và rượu bia. Một chiếc bàn dài dùng để bày thức ăn và ly tách, dĩa, khăn giấy, còn anh em đứng vòng quanh, hay ngồi trên ghế, người nào trên tay cũng có một ly bia để làm mồi cho câu chuyện về một thành phố ngày xưa của tình khúc quê nghèo
Nằm mơ mơ thấy trăm họ tốt tươi
Mơ thấy bên lề cuộc đời
Áo dài đùa trong tiếng cười

Quảng trị là tỉnh địa đầu giới tuyến. Tuy là tỉnh nhỏ nhưng có nhiều nguồn lợi về rừng, sông và biển. Con đường giao thương đáng kể là đường số 9, từ thị trấn Đông Hà lên tới biên giới nước Lào. Dọc theo đường này, bạn sẽ đi qua Cùa, Cam Lộ, Khe Sanh, Ba Lòng, là những vùng đất có nguồn lợi gỗ rừng, về thuốc phiện, trà và cà phê.
Thạch Hãn là con sông chảy bên ngoài tỉnh, xoay nhiều hướng, hướng Đông Bắc đổ về phía Cam Lộ rồi có một nhánh bổ xuống Đông Hà xuôi ra Cửa Việt, và nhánh chính trên sông Thạch Hãn đổ ra phía biển là hai cửa: cửa Việt và Cửa Tùng.
Hồi đó, Quảng Trị chỉ mới có trường Tiểu học, mãi đến năm 1951, hội đồng nhân dân trong tỉnh mới quyên góp và lập trường với một lớp Đệ Thất lấy tên là Quảng trị. Đến năm 1953, trường mới được chính thức công nhận trường công lập và chọn tên là trường Nguyễn Hoàng.
Lăng và anh Nguyên học trước tôi hai lớp. Niên khóa 1956 - 1957, tôi thi đậu vào lớp Đệ Thất. Thời gian mấy tháng đầu học trường nhà tranh ở gần bến Hộ, qua tết chúng tôi về trường mới, đó là ngôi trường trụ lâu nhất cho đến mùa hè 1972, trong trận chiến mùa hè này trường cũng cả tỉnh bị tàn phá bởi quân Bắc Việt đã tràn chiếm nhưng sau hai tháng, quân VNCH tái chiếm lại.
- Thụy à, hồi đó mầy bỏ trường đi đâu?
- Tao vào học ở Đà Lạt.
- Đúng rồi. Năm sau, đến lớp tao không thấy mầy.
Quân học cùng tôi một lớp, từ Đệ Thất lên Đệ Ngũ. Cuối năm sáu mươi, tôi đi với Huân vào Nha Trang nghỉ hè ở nhà bác Định thay vì trở về, tôi phải theo ba tôi vào miền Nam sau đó lên học ở Đà Lạt với cậu Phiên.
Trong nhóm, chỉ có Huân là cùng lớp với tôi, còn mấy người kia là bạn với anh Nguyên và Lăng nên tôi phải gọi bằng anh.
Một người trong nhóm vừa đề nghị:
- Cựu học sinh bọn mình nên ra một tờ Đặc San.
Tôi nói:
- Ở bên Cali, có hội Nguyễn Hoàng và ra đặc san Xuân hàng năm.
- Trong anh em mình đây, đã có ai về thăm bên nhà chưa?
- Có, tôi mới đi một lần.
- Có về ngoài Quảng trị không?
- Có, tôi về thăm quê.
- Quảng trị chắc khác xưa nhiều.
- Khác nhiều lắm.
Anh Nguyên kể lại các trận đánh trong mùa hè 72 ở tỉnh Quảng trị. Anh nói có một trận đánh rất khốc liệt sau lưng trường Nguyễn Hoàng, và đó là một trận đánh của Tiểu đoàn dù, hầu hết sĩ quan và binh lính đều là học sinh Nguyễn Hoàng, kể cả một phi hành đoàn trực thăng yểm trợ tác chiến cũng là cựu học sinh Nguyễn Hoàng.
- Thầy Hiệu trưởng còn ở Quảng trị?
- Không, thầy vào Đà Nẵng, trước một năm mất miền Nam thầy làm việc cho trường Đại học Quảng Đà.
Trong buổi họp mặt ấy, thật đơn sơ, vừa cảm động. Quảng Trị được anh em, bạn bè chúng tôi nhắc đến với ân tình sâu sắc, lẫn chút bùi ngùi, thương cảm.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

XIX

Trưa thứ năm, vợ chồng anh Nguyên và Lăng đưa tôi và Thùy lên phi trường Memphis. Ngày mai, hai anh chị sẽ về lại bên nhà ở Texas. Lúc chia tay, chúng tôi có chút xúc động dù cho ai cũng cảm thấy những ngày vui cuộc hội ngộ của mấy gia đình thật quá trọn vẹn.
Phượng Nga và Thùy, hai chị em hết sức bịn rịn, không rời tay nhau, mắt rơm rớm khóc. Tôi nói với anh Nguyên, phải cố gắng hoàn tất cuốn sách về cuộc chiến miền Nam trong 21 năm. Anh vẫn đang viết, sưu tìm tài liệu, chặng đường dài đi được quá hai phần ba. Trong cuốn sách này, anh viết rất hay về các trận đánh ở Khe Sanh, Hạ Lào, và mùa hè năm 1972.
Tôi luôn giữ mãi sự thân tình với Lăng. Lăng vẫn như ngày xưa. Tôi cám ơn Lăng, và lúc này dù vắng mặt Thu, nhưng tôi luôn nghĩ đến cô ấy qua một khuôn mặt đầm ấm, hạnh phúc.
Tới giờ, chúng tôi chia tay. Hai chị em Thùy và Nga ôm chặt lấy nhau, anh Nguyên và Lăng bắt tay tôi.
- Sẽ cùng gặp nhau ở quận Cam năm tới.
- Về bên đó, công việc như thế nào tin cho anh biết.
Tôi cho Lăng hay đã có Thùy lo. Trong thoáng nghĩ, khi về lại quận Cam việc nhà của tôi sau một tháng mới ổn định xong. Tôi còn giữ nhà thuê đến hết tháng này mới trả lại cho người chủ.
Ba người còn đứng phía ngoài nhìn tôi và Thùy với hành lý đi qua trạm kiểm soát. Chúng tôi còn vẫy tay lần nữa.
Từ phòng kiểm hành lý, tôi và Thùy đi thang máy lên phòng đợi. Hành khách đến chưa đông. Hai đứa tôi ngồi hàng ghế gần bên cửa sổ, trước mắt, trên chiếc máy truyền hình đài thể thao đang chiếu một trận đấu bóng bầu dục. Tôi dõi mắt chú ý một cầu thủ ôm banh chạy băng qua hàng phòng thủ, nhưng anh ta không đến được đích cuối vì đã có hai hậu vệ đối phương lao vào tiếp ứng vật ngã xuống.
- Em nghĩ là mình nên uống cà phê.
- Em có đói không?
- Không. Anh mua cà phê đi.
Tôi rời phòng đợi, đi chừng vài chục mét, rẽ trái vào một góc quán cà phê. Tôi mua hai ly, cà phê có pha thêm crème.
Khi đem cà phê về phòng đợi, tôi đặt lên mặt bàn ở cạnh ghế ngồi, bảo Thùy đứng lên. Nàng ngạc nhiên, rồi im lặng hé môi cho tôi hôn thật lâu.
Hai người ngồi lại xuống ghế thưởng thức hương vị thơm nóng của ly cà phê.
- Anh có tính viết cuốn sách nữa không?
- Anh đang ở bên em. Lúc này chỉ có em thôi.
Tôi nhận ra cuộc đời mình thay đổi. Tôi và Thùy cùng đang trẻ lại, gợi nhớ trong kỷ niệm thời đi học. Tôi ngắm gương mặt Thùy, lòng thấy vui. Ngày xa ấy, tôi nhớ từng chiếc áo dài Thùy mặc, nhớ giọng nói của Thùy, và đâu ngờ rằng, về sau tôi lại gặp một cô gái mặc áo tím, nàng thật giống với khuôn mặt của Thùy, và nàng không ai khác chính là Phượng Nga người chị dâu của tôi. Để rồi, thật là lạ lùng và của duyên trời, Thùy người bạn tôi quen thời đi học lại là em gái của nàng, mà hai người lại chẳng biết gì nhau hết. Phải rồi, tôi lấy được Thùy, cơ duyên của trời, còn Thúy Hà, nàng là người tôi ấp ủ trong tim và nàng rất giống khuôn mặt mẹ tôi lúc còn trẻ.
Tôi bỗng nói với Thùy:
- Tin cho em hay, anh Giang mất rồi.
- Vào lúc nào, sao giờ anh mới nói.
- Anh cũng mới biết tin, chị Diễm cho hay.
Trưa hôm thứ ba, tôi đi một mình đến tiệm liquor gần nhà, mua ít tấm vé số loto và chơi số cạo. Lúc về, tôi đến máy điện thoại bỏ mấy đồng 25 xu gọi điện thoại về quận Cam hỏi thăm anh Giang. Bất ngờ, chị Diễm bắt máy, sửng sốt báo cho tôi tin buồn anh Giang mất thình lình do bị tai biến mạch máu não. Tôi lặng đi, tiếng người chị hỏi:
- Thụy đang ở đâu gọi?
- Em và Thùy đang ở xa.
Ngừng ít giây, tôi tiếp lời:
- Em và Thùy sẽ về kịp để tiễn anh.
- Về kịp nghe.
- Vâng.
Tôi trở về nhà với mấy tờ báo. Có hai vé số trúng, tôi đã đổi lấy tiền. Trên đường đi tôi nghĩ nhiều đến anh Giang. Tôi biết rõ từ ngày lâm trọng bệnh, cuộc sống của anh trở nên buồn chán, bi quan, chờ đợi cái chết đến, nhưng thời gian vẫn còn để cho anh sống với duyên nợ văn chương. Không ngờ, anh ra đi sớm vậy.
- Anh Giang mất rồi, tờ báo có hoạt động tiếp không?
- Anh không rõ.
Tôi cảm thấy nôn nao. Thùy nói:
- Năm tới, chị Nga qua bên mình.
- Gặp chị Nga lần đầu, em nghĩ sao?
- Em thật mến chị. Em có một người chị là hoa khôi của màu hồng và áo tím.
- Em thì sao?
- Em không thể so sánh được với chị. Quả thực, hai người anh Nguyên và chị Nga rất đẹp đôi.
- Còn anh, luôn quý mến em.
- Chưa hẳn, em biết anh ngưỡng mộ nàng lắm.
- Có chứ. Chị Phượng Nga cho anh nghĩ đến nhiều bức tranh.
- Chị Nga là họa sĩ.
- Chị tốt nghiệp trường Mỹ Thuật.
- Em chưa hề gặp người cậu của em.
- Chị Nga cũng đâu biết về người cô ruột của mình.
Vài câu chuyện tôi và Thùy trao đổi đã làm bốn mươi phút đợi qua mau. Bốn cô nhân viên kiểm soát vé cùng hành lý đã xuất hiện ở quầy và cho mở lối cổng. Lần lượt, hành khách nối đuôi đi ra phi cơ.
Cũng như lúc đi, hàng ghế tôi và Thùy được hưởng một ghế trống bên cạnh vì không có khách.
Tôi cầm bàn tay Thùy, giọng trìu mến hỏi:
- Em nghĩ sao về chuyến đi.
- Anh nên viết một đoản văn hay một bài ký.
- Anh sẽ viết cho em, cùng bao nhiêu người thân của mình trong ngày hội ngộ.
- Vợ chồng Lăng và Thu quá lý tưởng.
- Xưa nay, Lăng không bao giờ thay đổi.
Từ phòng máy, một nữ tiếp viên thông báo cho hành khách biết phi cơ chuẩn bị lên đường. Tôi nhìn đồng hồ tay, mới qua mười hai giờ một phút.
Hành khách yên lặng khi phi cơ di chuyển. Rồi, không lâu, sau tiếng máy nổ làm rùng thân phi cơ, với tốc độ cất cánh phi cơ lao đi bay lên bầu trời. Tôi thấy con sông và thành phố Memphis lần cuối, và đó chỉ là những hình ảnh cùng sự vật nhỏ bé từ trên khoảng không nhìn xuống.
Bữa ăn trưa dọn ra. Khi cô tiếp viên đến gần, Thùy trao đổi chuyện yêu cầu cô cho một vài món ăn nhẹ. Tôi luôn ở bên Thùy, để sống trọn tình yêu với nàng. Từ hôm ấy đến nay, cuộc sống của tôi luôn luôn mới mẻ.
Không lâu, cô tiếp viên trở lại với hai khay thức ăn khác nhau. Bên khay tôi có món thịt đậu hầm, còn của Thùy nhiều trái cây và rau tươi.
Bên dưới là những cánh rừng. Phi cơ đang lên độ cao khoảng mười lăm ngàn bộ. Tôi trông thấy một khuôn mặt Á Châu, nghĩ đó là người Việt.
Hai chúng tôi ăn ngon miệng vừa chuyện trò. Thùy hỏi:
- Có phải chị Diễm là học trò anh Giang không?
- Thưa cô Thùy, đúng vậy.
- Còn anh, không phải là thầy em?
- Anh chỉ hay nhớ đến chiều thứ năm mỗi tuần, có một cô gái tìm anh ở chỗ máy nước, quan sát một cậu học trò lo giặt giũ quần áo để kịp ngày mai đi học.
- Đám lưu học sinh cũng tự túc hay thuê giặt ngoài.
- Tự túc hết, tiền đâu thuê ngoài.
- Hồi đó, em giặt giúp cho anh, anh chịu không?
- Anh đã thương em từ buổi đầu mới gặp.
- Thực không?
- Sao mà không, mình chưa quen ai mà có người tạo dịp cho mình, sao mà không thương nhớ được.
- Em biết chứ. Nhưng rồi, em lại bỏ anh. Em nghĩ mình có lỗi với người bạn của thời xưa.
- Không có gì đâu. Anh không thấy có chi muộn màng, còn phần em, tốt với anh như thế này còn mong gì hơn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Thùy im lặng. Bất chợt nàng hỏi:
- Thúy Hà có thực yêu anh không?
- Có thực. Hơn hết bao nhiêu người anh đã quen và được gặp.
- Em hiểu anh. Đó cũng là một tình cảm riêng làm em xúc động, và thực lòng thương anh.
- Giờ đây, bao nhiêu chuyện cũ qua rồi.
- Chúng ta không còn sống lại thời trẻ, anh và em có nhau để giúp nhau sống.
Tôi nói đùa:
- Anh thích trở lại thời đi học.
- Khi nào anh đi học lại, quần áo để em giặt cho.
Tôi kéo Thùy, ôm hôn nàng.
- Em uống cà phê không?
- Anh gọi đi.
Tôi nhìn cô tiếp viên đang tới, ghé đầu ra phía lối đi. Tôi muốn uống cà phê, cả Thùy nữa, cô gật đầu bước nhanh về phía quầy phục vụ. Không lâu cô mang cà phê ra trên một chiếc khay có đủ cà phê, kem, và đường.
- Anh Giang quê ở đâu?
- Quê anh ở Phú Phong, cùng trong vùng quê của Nguyễn Huệ.
- Anh cũng thuộc thế hệ học trò của anh sao?
- Vào năm anh Giang ra trường, anh thuộc học sinh lứa đầu.
- Nữ sinh Đồng Khánh đẹp, phải không?
- Em nên hỏi chị Diễm, chị ấy kể chuyện về Đồng Khánh rất là hay.
- Anh Giang phải dạy hay lắm, các cô học trò mới yêu anh.
- Lúc anh Giang ra trường, mới hai mươi ba tuổi còn trẻ quá mà.
- Vậy nên các cô mới yêu. Có nữ sinh nào mà đi yêu các ông thầy già có vợ con nữa.
- Em nói vậy chưa hẳn là chính xác. Có những ông thầy lớn, có duyên mặn mà lắm.
Thùy bỗng nói:
- Em thích dáng vẻ anh Nguyên, còn anh, cũng đã yêu Phượng Nga lâu rồi.
- Em có thấy mình giống người chị lắm không?
- Cũng có giống, nhưng không hoàn toàn.
- Anh thấy hoàn toàn.
- Bên em, anh mơ về chị ấy.
- Không, bên em chỉ có anh.
Khi tôi nhìn ra ngoài thấy phi cơ bay qua những triền núi đá và trên các vùng sa mạc. Bên dưới ấy không thấy có nhà ở, bóng người, chỉ thấy có những con đường đèo.
- Anh có dự định về thăm bên nhà không?
- Anh rất muốn về thăm mẹ.
- Và, Thúy Hà nữa.
Thùy hỏi tôi một câu nhẹ nhàng:
- Ngày trước anh thực thương em không?
- Không thương sao chiều thứ năm nào cũng chờ gặp.
- Có những kỷ niệm khác giữa anh và em không?
Một giọng đùa, tôi bảo Thùy:
- Em mở ví xem còn bao nhiêu tiền?
- Em chẳng tiêu đồng nào cả.
- Sao vậy?
- Em có một người chị rất thương em, cả cô Thu nữa.
- Vợ chồng Lăng thật tốt bụng.
Thùy nói với tôi:
- Từ nay, cuộc sống của mình đi tới tuổi già.
- Không đâu em, chúng mình bắt đầu trở lại thời tuổi trẻ.
- Em có ý nghĩ, rồi một ngày chúng ta đi tìm một nơi chốn thanh bình cho tuổi già.
Thùy hé môi bảo tôi hôn nàng. Nàng nói:
- Rất tiếc, em không còn được trẻ như xưa nữa.
- Em vẫn là sự thương yêu của anh.
- Nếu mà em còn trẻ, ước muốn anh thế nào em chịu nghe hết lời với anh.
- Không có gì đâu, em đừng bận tâm. Anh có được hạnh phúc bên em.
- Anh thực sự không bận tâm chứ.
- Không đâu. Bây giờ anh là người không có tuổi. Nhưng vào buổi chiều hôm đó, em đã để lại cho anh một hình bóng cô gái đi trong mưa bụi hướng về phía khu bệnh viện nằm trên đỉnh đồi.
- Em đi một mình, phải không?
- Em đi một mình, không ngoái đầu lại nhìn anh.
- Chà, tội nghiệp chưa.
- Tội nghiệp lắm.
- Ngày xưa đó, anh trồng cây si ở phố nào.
- Không nhớ nữa. Hình như là đầu con phố Phan Bội Châu.
Thùy hết sức vui, nhìn qua tôi, cặp mắt thật tình tứ. Tôi ghé tai nói nhỏ với nàng, nhưng nàng lắc đầu.
- Anh mong lắm.
- Không được, không được.
Tôi không nói gì, hay nài nỉ thêm. Từ phòng máy, cô tiếp viên thông báo cho hành khách biết năm phút nữa, phi cơ sẽ hạ cánh. Sau thông báo này, cô tiếp viên chúc hành khách một chuyến đi, vui vẻ, thoải mái, và hẹn ngày gặp lại.
Tôi nhìn ra ngoài, cảnh vật bên dưới trải rộng ra nhà ở, đường sá, và khu bến Cảng nằm bên biển, tất cả rõ dần và lúc này phi cơ đang hạ thấp cao độ.
Khi rời khỏi phi cơ, hành khách đi luôn ra ngoài không phải qua trạm hải quan như các chuyến bay từ nước ngoài tới.
Từ phi trường Los Angeles, chúng tôi đón taxi về nhà. Đi xa mười ngày trở về, tôi có chút bỡ ngỡ khi cố tìm lại sự quen thuộc của một nơi chốn cũ mà mình đã sống ở đây đã mấy năm rồi. Với tôi, nghĩ là hẳn còn mới nhưng với Thùy, thời gian cũng đã qua cũ kỹ như tấm áo, như thể trở nên mỏi mòn.
Buổi chiều nắng thật đẹp. Vì không bị kẹt đường nên chỉ mất bốn mươi phút xe về tới nhà. Tôi móc ví trả tiền, cùng Thùy đem hành lý vào nhà.
Ngôi nhà trống và lạnh, hai người trở về gây lại không khí ấm áp.
- Ngồi nghỉ một tí đi em.
Hai chiếc va li vất bỏ đó, tôi đi lấy nước uống trong tủ lạnh.
- Em uống gì?
- Gì cũng được.
Tôi lấy hai lon bia ra, thấy vậy, Thùy nói:
- Anh lấy thứ khác cho em.
Tôi không nghe lời, đem bia tới. Thùy cầm lon bia nói:
- Mới về tới nhà mà anh đã quýnh lên rồi.
- Uống đi em, anh đang khát.
Tôi kéo Thùy lại gần, ôm chặt lấy và hôn thật lâu làm nàng nghẹt thở. Chúng tôi lên giường ngay sau đó, cả hai cùng khao khát.
Sau cơn khát, người tôi dịu xuống. Tôi rời giường đi vào phòng tắm. Một lúc sau, đến lượt Thùy. Thời gian của nàng lâu hơn tôi, và lúc trở ra, vẻ tươi sáng của Thùy làm tôi nôn nao, bước lại gần.
- Anh làm dữ dội quá.
Nhưng rồi, Thùy hé môi để cho tôi hôn thật lâu trên cặp môi mềm ướt và da thịt ngào ngạt mùi thơm.
- Em có đi ăn ngoài không?
- Ăn ở nhà đi.
Tôi không nói gì, buông Thùy ra. Thùy đi lấy gạo, thức ăn, và tôi để nàng một mình trở lại phòng khách bật TV lên xem chương trình thể thao.
Chừng mươi phút, tôi tắt máy.
- Em có lên anh Giang với anh không?
- Anh đi hay sao?
- Anh đi. Em đi với anh.
- Anh đi một mình. Đến chủ nhật em cùng đi với anh lên chỗ nhà quàn thăm luôn.
Không đợi lâu, Thùy dọn cơm ra bàn. Không đói lắm, nhưng có bữa ăn cho chúng tôi được cảm thấy sự ấm cúng mà nay Thùy đã là vợ của tôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

XX

Tối hôm qua, nửa đêm nghe mưa tôi thức giấc rồi nằm lại. Thùy ngủ ngon, trong vòng tay ôm ấp vợ chồng tôi cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ cả.
Buổi sáng nay chủ nhật, tôi dậy sớm hơn ngày thường. Tôi để yên lặng cho Thùy, nhẹ rời khỏi giường đi đánh răng, rửa mặt, xong trở ra bếp sửa soạn làm cà phê. Trời lạnh, tôi nghe tiếng gió trên mái nhà, chỉ chốc lát lại ngưng.
Khi chờ nước sôi reo, tôi nhìn ngọn lửa đang cháy sáng.
- Ông xã em giỏi quá.
- Em ngủ đi.
Thùy rời giường, đến gần bên tôi.
- Mấy giờ mới di quan.
- Khoảng trưa. Nhưng mình nên lên sớm, còn gặp anh em khác nữa.
- Có dự tính in ra một cuốn sách không?
- Có. Nhưng để một trăm ngày.
Trong ly đã có sữa, và cà phê cũng có sẵn trong phin, nước sôi vừa reo tôi để thêm mấy giây rồi nhấc ấm, bắt đầu pha.
- Em ngủ ngon không?
- Hỏi chi vậy?
- Em không nghĩ mình lấy nhau chưa đến một tháng sao?
- Biết vậy rồi, nhưng mà.
- Nhưng mà vì đôi ta vẫn còn trẻ.
- Em già rồi.
Tôi yêu Thùy như yêu lại tuổi hai mươi và thèm mong được trở về ngày tháng cũ đó.
Cà phê pha xong, tôi và Thùy mang ra phòng khách ngồi xuống bên nhau. Tôi để cho Thùy uống trước.
- Vừa không?
- Anh làm cà phê ngon.
- Yêu em còn ngon hơn nữa.
Thùy nhìn tôi, mỉm cười:
- Đêm qua tuyệt diệu không?
- Đêm nào cũng có trăng hết.
- Anh còn nhớ Thúy Hà không?
- Anh không nhớ nữa.
Tôi cầm tờ báo lên, tự dưng cảm thấy buồn. Anh Giang ra đi thật rồi. Hôm về lại quận Cam, ngay buổi tối đầu tiên tôi đi một mình lên nhà anh đứng trước bàn thờ cung kính thắp ba cây nhang và nói một lời khấn nguyện cầu mong ở bên kia thế giới anh sống với sự bình yên hằng cửu.
Trong nhà, khách đến đông nhưng người nào cũng yên lặng. Ở bàn thờ, bức ảnh của anh Giang vẫn nghiêm trang trong hương thơm của trầm và nhang khói. Tôi tìm tới chị Diễm giữa đám đông các bà bạn đang đứng bên chị. Vừa thấy tôi, chị ngạc nhiên nói là tưởng tôi ở xa không về kịp. Rồi lúc chị hỏi thăm Thùy, tôi đáp:
- Thùy mới về đang mệt. Nhưng chủ nhật sẽ đi tiễn anh.
Ngoài chị Diễm ra, các bà bạn của chị tôi không được quen nên tìm đến các cháu Dao, Mai, và Vũ để chia buồn.
Mai nói với tôi:
- Ba con rất thương chú và chú Tuấn.
- Chú biết. Ngày chú Tuấn mất, ba rất là buồn.
Tôi chợt nghĩ, sự linh thiêng cho Tuấn dưới suối vàng, thế nào anh Giang cũng tìm gặp.
Bỗng nhiên Mai kéo ra tôi ra ngoài sân. Cô gái hỏi:
- Cháu nghe nói các chú sẽ làm một cuốn sách tưởng niệm.
- Đúng, anh em đang dự định.
- Bao giờ in chú?
- Anh em mới bàn bạc, có ý định, sớm là trong 49 ngày của ba, hoặc qua 100 ngày.
- Chú để một trăm ngày đi.
- Ờ chú sẽ nói với các bạn.
Mai nói với tôi:
- Con và me sẽ về Việt Nam.
- Đi lâu không?
- Một tháng, đem tro của ba về.
- Ý định của ba là thiêu phải không?
- Thưa chú đúng.
Tôi nhìn lại Mai, cả bóng tối nơi chỗ đứng và bóng sáng ngoài đường chiếu lên khuôn mặt của cô gái. Trong các cháu, Mai có gương mặt giống với anh Giang hơn hết. Đến cả tư chất thông minh và tính tình nữa. Hai người dời bước, đi bên nhau tôi nói với cháu Mai về những tháng năm tuổi trẻ của người cha của cô, về thành phố Quy Nhơn mà lúc đó cô còn quá nhỏ. Mai lớn lên ở Sài Gòn, thành phố không mấy được yên bình khi cô lớn lên.
Tới một ngả ba, trước khi quay trở lại tôi nói với Mai:
- Trước ngày chú và cô Thùy đi xa, tối hôm ấy, ba tiễn chú và cô đến nơi này.
- Từ hôm ba mất đến giờ, me khóc suốt ngày không ăn uống gì cả.
- Cháu phải an ủi mẹ.
- Hôm nay, có các bà bạn đến đông me vơi buồn đôi chút.
- Ngày chủ nhật, giờ nào bắt đầu làm lễ.
- Mười hai giờ trưa, chú.
Mai chậm bước nghe tôi nói những lời tâm tình giữa tôi và gia đình cô. Cô lắng nghe, có lúc tiếng cô nghẹn đi như đang khóc. Về lại chỗ sân trước nhà, nhìn vào ánh sáng phía ga ra tôi bỗng nói:
- Ở ga ra này mới đúng là nơi ba cháu làm việc. Trong nhà, phòng khách, phòng sinh hoạt là đời thường của ba, còn ở chỗ này chính là nơi ba làm việc. Những lần chú đến thấy ga ra mở, bóng của ba cháu ở đây đã làm rất nhiều công việc cho tờ báo Văn Học, còn chỗ ngoài vườn ba làm công việc cho gia đình. Người Việt qua đây hội nhập đời sống Mỹ phần nhiều bằng cách nói và hình thức bên ngoài, riêng ba cháu, hội nhập bằng tinh thần làm việc.
- Hồi đó chú có học với ba cháu không?
- Không, nhưng chú thuộc lứa học sinh đầu tiên vào năm ba của cháu mới ra trường sư phạm.
Có mấy người khách xin ra về sớm, tôi và Mai cùng vào. Hai người rời nhau, tôi đến chỗ bàn khách nơi các bạn văn đang đàm đạo, tôi có ý tìm Thạc nhưng không thấy.
Tôi gặp hai anh Trúc và Thuyết, đứng bên nhau trò chuyện. Tôi cũng biết hai anh này qua anh Giang. Trước đây, anh Trúc làm phóng viên cho đài BBC, còn anh Thuyết làm việc hãng xăng Esso ở Sài Gòn, chú Minh cùng làm việc ở đây chức vụ kế toán trưởng.
Tôi không ở lâu, ra về sớm. Và trên đường về, tôi ghé vào khu Little Saigon mua báo và mấy chiếc bánh mì kẹp chả để ăn dặm bữa tối.
Về tới nhà, tôi kể chuyện cho Thùy nghe. Hai chúng tôi nhớ nghĩ đến anh Giang. Trong đêm tôi thao thức, có lúc tưởng như đang cùng anh Giang chuyện trò.
Buổi sáng nay, nghĩ tới giờ phút sắp ra đi của anh Giang, lòng tôi buồn không dám kể. Tôi đọc nhiều bài báo của các bạn văn, của người đồng hương, bạn đồng nghiệp, học trò cũ, bài viết nào cũng ghi tạc một tấm lòng với anh Giang bằng cả tâm phúc và sự thương tiếc. Anh Giang là con người của sự sống về nhân bản.
- Thôi, chuẩn bị đi em.
- Giờ này có sớm không?
- Lên đó, anh và em còn gặp bạn quen.
- Em không quen nhiều với bạn chị Diễm.
- Thì em chuyện trò an ủi chị.
Thùy mỉm cười nhìn tôi, lòng nàng cũng thấy vui. Thùy luôn tìm cách trêu chọc tôi với Thúy Hà và chị Phượng Nga nhưng tôi không chống chế, rốt cùng, chỉ là câu chuyện đem hạnh phúc đến cho hai chúng tôi từ ngày lấy được nhau. Thùy sẽ không già nữa, mà đẹp mãi.
Ra ngoài, tôi lái xe, Thùy ngồi bên cạnh vừa trang điểm lại chút ít.
Nhà quàn Peek Family nằm trên ngã tư đường Bolsa và Beach. Khi tôi rẽ vào cổng tìm chỗ đậu xe, thấy anh em tới rất đông.
Sự hiện diện của mấy trăm người đến đây cùng biểu lộ một mối xúc động và bao nhiêu tình cảm mến thương dành hết trọn cho anh Giang. Rồi đây, nơi căn nhà của anh ở, tuy vắng bóng anh nhưng kỷ niệm ngày tháng cũ còn đó, phảng phất trong cơn gió ngoài vườn và khói hương trong nhà cứ mỗi năm đến ngày giỗ anh.
Chỗ tôi đậu xe phía lối cổng trông ra đường. Nhà tang lễ gần ngay đó, chúng tôi đi vào, dừng lại ở bàn khách ký tên vào cuốn sổ tang xong đi vào bên trong, thẳng tới chiếc quan tài nơi anh Giang nằm nghỉ và có chị Diễm cạnh bên. Thùy và chị Diễm ôm nhau khóc, lời chia buồn nghẹn ngào. Tôi đứng nhìn gương mặt anh Giang nói thầm với anh trong lòng là từ nay thực sự xa cách anh.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Tôi và Thùy rời khỏi nơi đó để nhường lại chỗ cho khách đến viếng và đi ra chỗ đặt bàn thờ để thắp hương. Theo tập tục, chưa chôn cất khách đến viếng chỉ lạy người vừa mới mất hai lạy.
Ở bên trong và ngoài rất là đông. Tôi và Thùy sau khi lễ xong đứng một góc quan sát toàn cảnh, để ý trước tiên là nơi quan tài anh nằm nghỉ có một bộ sách Sông Côn Mùa Lũ được thực hiện bằng ánh đèn sáng thật là đẹp, dịu mắt. Đó là một tác phẩm tiểu thuyết lớn dày 2000 trang anh đem tâm huyết của mình ra viết, một lần đó tâm sự, anh nói với tôi rằng cuốn tiểu thuyết viết xong coi như là món nợ với Quy Nhơn, với quê hương anh đã trả được xong, và hơn nữa, nó còn là những lời di chúc thành khẩn nhất của con người anh đối với quê nhà. Ngoài bộ trường thiên này ra, anh còn một bộ nữa, viết về một giai đoạn bộc phát sự dấn thân của tuổi trẻ miền Nam trước biến cố thời cuộc từ 1963 đến 1975. Bối cảnh chính dùng cho cuốn tiểu thuyết là Huế, thành phố có một thời gian anh học ở Đại học và dạy trường nữ Đồng Khánh.
Hàng ghế nào cũng có khách ngồi bên nhau, nói chuyện rất nhỏ và người nào cũng nhắc đến anh bằng nỗi thương tiếc. Dựa lưng tường là những câu đối, liễn và vòng hoa phân ưu của đoàn thể trong cộng đồng, văn hữu, đồng hương, đồng nghiệp giáo chức và nhiều hơn cả là những lớp học sinh các trường ngày trước anh dạy học. Tôi còn nhớ, ở Quy Nhơn, anh không chỉ dạy ở trường Cường Để thôi mà còn một số trường tư thục trong tỉnh nữa. Bây giờ đây, lứa học trò đầu tiên của anh người nào cũng lớn tuổi, có người tóc đã nhuốm bạc.
Có một cô bạn cùng sở đến bên Thùy, hai người mừng rỡ gặp lại nhau. Tôi để cho Thùy nói chuyện với bạn, ra ngoài một mình. Tôi gặp ngay Nguyễn kiêm Thạc:
- Ủa, hơn tuần nay ông đi đâu?
- Tôi đi xa.
Tôi và Thạc rời khỏi đám đông ra ngoài.
- Tôi nghe các anh bàn bạc một cuốn sách dành cho anh Giang.
- Tôi đang mong ông về.
- Bài vở ông có đủ chưa?
- Có nhiều. Nhưng số trang có hạn, tôi chưa tính được.
- Bài nào dài, ông đề nghị tác giả cắt bớt.
- Tôi cũng đang tính vậy.
- Ồng làm cuốn sách bao nhiêu trang?
- Hai trăm trang.
- Nếu bài đủ 300 trang, ông cứ làm đi.
- Còn việc in ấn nữa.
- Tôi thấy thế này, anh em có lòng với anh Giang, bài nào viết về anh ông cứ lấy đăng hết. Về chi phí in, anh em mình, mỗi người góp tay một ít.
- Theo ông có nên không?
- Không ai phản đối cả, tin tôi đi. Với anh Giang là một người bạn chí tình, một nhà văn tên tuổi, anh thật xứng đáng có một cuốn sách về chân dung.
Tôi thấy Thạc có hơi lo ngại không phải trách nhiệm, mà khó ở chỗ chọn bài. Một giọng xa vắng, Thạc nói:
- Bài vở in hết, cuốn sách dày đến 500 trang.
- Nhiều vậy sao?
- Nhiều lắm.
Chúng tôi ngừng câu chuyện khi nghe người điều khiển chương trình tang lễ mời mọi người vào bên trong.
Thùy đi tìm gặp lại tôi. Hai chúng tôi ngồi dãy ghế cuối. Trong căn phòng, khói hương, các câu đối liễn và những vòng hoa dựa hai bên tường. Người điều khiển chương trình là anh Phạm, chủ bút tạp chí Thế Kỷ.
Trước khi khởi sự chương trình anh xin mọi người một phút mặc niệm dành cho anh Giang cùng các bạn văn đã quá cố. Anh Phạm vừa hết lời, mọi người cùng đứng lên.
Khi phút mặc niệm xong anh Phạm thông báo chương trình tang lễ. Trước micro, anh Phạm trong bộ đồ vét màu xám nâu đã thay mặt mặt tang quyến ngỏ lời cám ơn quan khách viếng thăm và tiễn đưa người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Phần tiểu sử được mở đầu. Với sự thành kính, mọi người lắng nghe tiếng anh Phạm đọc. Anh Giang sinh năm 1940 ở tỉnh Bình Định. Anh cùng gia đình bị kẹt trong vùng kiểm soát của Việt Minh, đến sau hiệp định Genève mới về vùng quốc gia, học trường Cường Để một năm lớp đệ tứ, đậu xong cấp trung học, anh vào Nha Trang học, rồi Sài Gòn học tiếp ban Tú Tài. Anh là học sinh giỏi, năm thi nào cũng đậu. Khi lên Đại Học, mấy tháng đầu anh học Y Khoa, nhưng rồi bỏ qua học Văn Khoa, đậu một chứng dự bị. Sau khi có chứng chỉ này, anh rời Sài Gòn ra Huế thi vào trường Sư phạm, ba năm học ở đây, anh luôn được học bổng và trong kỳ thi tốt nghiệp anh đậu đầu ở ban Việt Hán. Ra trường, anh dạy học ở Đồng Khánh, chị Diễm là học trò lứa đầu của anh, sau trở thành vợ anh.
Khi nghe phần tiểu sử của anh Giang, dưới các hàng ghế đều có tiếng xì xào, ngợi khen anh là một học sinh giỏi và thông minh. Khi vào nghề giáo, anh cũng là một người thầy giảng bài rất hay và rất dễ hiểu. Những lớp ban C anh dạy, môn chính là Việt Văn, học sinh nam nữ thi Tú Tài đều đạt được điểm khá cả.
Là một người thích văn chương, ham đọc sách, nhưng mãi đến năm 1970, anh mới bắt đầu vào nghề văn, và lập tức được độc giả cũng như các nhà văn chú ý đến những truyện của anh xuất hiện trên tạp chí Bách Khoa. Từ sự khởi đầu rất tốt đó, cho đến cuối tháng 4/75, anh có sáu tác phẩm đã in, trong đó có một cuốn đoạt giải văn học của trung tâm văn bút.
Bài mở của anh Phạm đọc lên nghe rất là chí tình và cụ thể từng sự kiện, gợi cho quan khách thêm mối tiếc rẻ về một nhà văn có tài năng.
Sau khi trình bày xong phần giới thiệu nhà văn Nguyễn Thiệu Giang, tiếp theo nhà văn Nguyễn Tường Huy là người được mời lên phát biểu cảm tưởng. Mới rời quận Cam không lâu, nay anh Huy trở lại để dự tang lễ anh Giang. Bằng một giọng thân tình, thắm thiết, anh Huy gợi nhớ lại những ngày đầu gặp anh Giang ở toàn soạn tạp chí Văn, lúc đó anh Huy là người lo phụ trách bài vở cho mỗi số báo ra hàng tháng. Trước 75, hai tạp chí văn chương có uy tín nhất ở miền Nam là tờ Văn và Bách Khoa. Anh Giang có nhiều truyện ngắn đăng ở trên hai báo này, truyện nào cũng làm độc giả yêu thích và có nhiều thư gởi về tòa soạn.
Năm 1981, anh Giang vượt biên đến Mỹ, còn anh Huy hai năm sau mới qua. Khi qua bên này, thời gian đầu anh Huy ở tiểu bang miền Đông, rồi di chuyển qua miền Tây làm việc ở báo Người Việt, nay lên San José, anh làm cho một tờ báo Mỹ có phụ bản tiếng Việt. Thời gian ở quận Cam, anh Huy được dịp gần với anh Giang và đã cùng chung sức nhau lo cho tờ Văn Học. Theo anh Huy, tờ Văn Học có nhiều đặc điểm, trước nhất, là nơi giao lưu của những cây bút trẻ hải ngoại từ thế hệ zéro đến một rưởi, và tờ báo này, còn là chỗ quy tụ số đông các nhà văn sau biến cố tháng tư đen có cơ hội cầm bút trở lại và cống hiến cho độc giả rất nhiều sáng tác độc đáo. về anh Giang, không hề tự coi mình là Chủ bút mà chỉ là người phụ trách nhận bài vở, sau đó đọc, và chọn lựa để đăng báo. Anh Huy còn nói thêm, ở xứ Mỹ này, đi làm việc tám tiếng mỗi ngày, về nhà đã thấy mệt đứt hơi, đâu còn thì giờ nghĩ đến viết, đọc sách hay làm việc gì khác. Vậy mà, một anh Giang là người bao sân cho hết tờ Văn học trong nhiều nhiệm vụ khác nhau. Anh làm việc cho hãng 8 tiếng vào ca chiều, buổi sáng có giờ nghỉ, anh lo đọc bài, đưa bài đi nhà in, và gởi báo đến các nhà sách quận Cam, đến các nhà sách tiểu bang khác và cập nhật số lượng báo từng kỳ gởi cho độc giả. Tôi nghĩ, mỗi ngày làm việc của anh Giang không phải là tám giờ mà từ 12 giờ đến 16 giờ.
Những lời thân thiết và chuyện kể của anh Huy về anh Giang thật là sống động, hiện lên một con người trí thức có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Người tiếp theo nhà văn Nguyễn Tường Huy là một nữ văn sĩ, vừa cộng tác với Văn Học, vừa cũng là người thân với gia đình. Bằng một giọng nói trong, rõ ràng, bà cho hay bà là người được biết sớm về bệnh tình anh Giang. Một buổi sáng chủ nhật, bà đến thăm gia đình bạn, thấy cửa gara mở, anh Giang đang gom lại những số báo cũ độc giả yêu cầu, đồng thời chất báo văn học mới bỏ vào thùng gởi đi cho các nhà sách ở các tiểu bang xa. Khi vợ chồng thấy khách xuất hiện, anh thật niềm nở, rồi một giọng thân tình anh nói:
- Tôi bị phát hiện ung thư. Cũng may, hãng cho nghỉ hưu sớm, mình đi khám bệnh xét nghiệm mới biết.
Giọng anh Giang có vẻ buồn, xa vắng.
- Thế báo Văn học có tiếp tục không?
- Vẫn tiếp tục chị. Tôi cũng đang tìm người để giao lại công việc này. Ở xa độc giả rất cần có báo văn học để đọc, vậy mình không thể ngưng mà cứ tiếp tục.
Nỗi xúc động khiến nữ sĩ nhỏ lệ.
- Thật anh Giang là một người có tâm huyết với cộng đồng và văn chương.
Nữ sĩ không nói dài lời, chỉ vắn tắt đôi giòng tưởng nhớ bạn văn, nhưng với một lời lẻ rất đẹp và buồn.
Anh Phạm nhìn vào tờ chương trình, khi nữ sĩ nói xong vừa đi xuống, anh mời một người bạn thân của chị Diễm là học trò cũ của anh Giang lên phát biểu cảm tưởng. Và, hiện diện ở đây, ngoài chị Diễm cô T. cũng là học trò cũ thế hệ đầu của anh Giang.
Với giọng buồn, cô T. hồi tưởng lại những năm học Đồng Khánh và được học môn Việt văn với thầy Giang. Kỷ niệm sống lại, anh Giang còn nằm đó được lắng nghe.
Rồi lần lượt khách mời là đồng hương và những người thân trong gia đình. Đúng mười hai giờ bắt đầu lễ di quan. Khi nghe người điều khiển chương trình thông báo, mọi người cùng đứng lên hướng ra lối đi. Những tiếng khóc nghe não lòng và nhiều người đứng tiễn đưa cũng gạt lệ. Chiếc quan tài di chuyển chậm. Tôi chợt có ý nghĩ chiếc quan tài như con tàu đang rời ga và anh Giang đang vẫy tay chào mọi người. Ai cũng ngậm ngùi rơi lệ. Tôi nhủ thầm, anh Giang sẽ không đi đâu xa về nơi cõi chết, anh sẽ về lại Quy Nhơn nơi chốn quê nhà của anh.
Rồi mọi người ra ngoài, chậm bước theo quan tài. Tiếng khóc của chị Diễm quá xót xa, khiến ai cũng chạnh lòng.
Từ phòng vĩnh biệt sang nhà thiêu khoảng trăm mét. Vì ở bên trong chật nên chỉ có tang quyến và một số khách thân vào dự lễ hỏa táng.
Khi ngọn lửa bừng cháy lên, anh Giang sẽ trở thành tro bụi.
Tôi đứng bên ngoài riêng lẻ một mình nhớ nghĩ mông lung về cuộc đời. Khu nghĩa trang vắng, cố lắng nghe mới nhận ra có âm thanh của tiếng chim gọi nhau. Lúc này đây, tôi hình dung một cảnh yên bình bên quê nhà.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

XXI

Tôi không còn nghĩ tới một cuốn sách mình sẽ viết ra nữa, dù rằng, một vài tuần báo hứa hẹn sẽ đăng và có một nhà xuất bản bằng lòng nhận in sau khi tôi viết xong. Nhưng tôi muốn dừng lại đời văn, không tha thiết nữa. Trong thời trẻ, tôi đã viết được một số khá nhiều truyện ngắn, bây giờ, hãy coi đó như là kỷ niệm của những tấm ảnh đem dán vào một cuốn album. Không phải tôi nản lòng, hay luôn nhớ nghĩ, mong đợi gặp Thúy Hà như thuở trước và đến hôm nay. Không, tôi hiểu rằng đến lúc hãy ngừng lại, lúc này đây, sự hiện hữu của tôi trong cuộc sống là hạnh phúc giữa đời thường, mà bên tôi có Thùy là người vợ.
Ngày vĩnh biệt anh Giang, đưa anh tới nơi an nghỉ cuối cùng và hình dung anh bừng cháy trong ngọn lửa từ bi của nhân thế, tôi chợt có ý tưởng cái chết của anh là cái chết đẹp của một nhà văn. Từ văn chương của anh, đời sống mỗi con người thể hiện qua các nhân vật hết sức là gần gũi, vị tha, bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng nhận lãnh lấy một trách nhiệm và tìm nguồn cảm thông. Thế nên, tôi vẫn nghĩ dù anh đi rồi, nhưng con người anh còn tại thế.
Thời gian cứ vậy trôi qua. Mùa hè, còn mãi với tôi. Vào mùa này, quận Cam nơi tôi ở qua nhiều năm, lúc nào cũng đông vui như lễ hội. Khu thương xá Phước Lộc Thọ trở thành một địa điểm gặp gỡ rất là thoải mái. Trong khu này, có đủ các tiệm ăn, quán cà phê, và hiệu sách. Từ nơi xa tới đây, gặp nhau hết sức là tiện. Vào dịp cuối tuần, tôi hay lai vảng ở đây mong tìm gặp các bạn cũ, bạn của thời đi học, bạn trong quân ngũ, về sau là bạn tù.
Tuy chẳng là một người có tên tuổi, nổi danh trong cộng đồng, nhưng tôi cũng được biết tên nhờ thời gian làm việc ở nhật báo Người Việt, đặc biệt, một số bài bút ký của tôi viết về những tháng năm ở các trại cải tạo, chuyến đi của các gia đình HO, và dễ thương nhất là bài Nhớ Khóa 69B. ở bài viết này, không riêng kỷ niệm của tôi mà có thể coi là kỷ niệm vui buồn giống nhau cho mọi người lính ở bất cứ quân trường nào trong giai đoạn thử thách, huấn nhục.
Biển, nắng ấm và gió cát ở thành phố Nha Trang còn thơm ngát như hương vị trinh nguyên của tà áo trắng, và nó còn cho riêng tôi một môi tình. Ngày xưa đó, nằm ở quân trường tôi nhớ đến Thúy Hà, nhớ đến Liên An, và bao nhiêu thiếu nữ tôi có sự quen biết, mỗi người riêng một phương trời.
Ngày hội của toàn khóa 3/69 & 69B vừa mới kết thúc, nhưng dư âm của nó vẫn đang còn gợi nhắc chúng tôi nhớ lại thời tuổi trẻ mơ mộng, và những cách làm dáng rất là dễ thương.
Ngày hôm ấy chủ nhật, lễ hội khai mạc tại địa điểm nhà hàng Emeral bay. Thời tiết thật lý tưởng, nắng ấm, bầu trời trong xanh. Anh em trong Ban đại diện, mỗi người lo một việc rất là hoàn hảo. Bãi đậu xe của nhà hàng rộng rãi. Ghi tên vào danh sách mời riêng của khóa là một trăm gia đình. Ở các nước Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hòa Lan, có năm gia đình cùng đi một chuyến bay, ở Canada, có mười bạn, còn lại là anh em bên đây Hoa Kỳ, các tiểu bang xa gần với Cali, riêng Cali, từ ba miền Nam Trung Bắc, con số chiếm một nửa. Ngoài gia đình của khóa, quan khách được mời dự cũng khá đông.
Tôi và Thùy cùng đến dự ngày họp mặt này. Thùy mặc áo dài xanh nhìn trẻ hẳn lại. Tôi chưng diện bộ quần áo veste trông thấy sự chững chạc, vừa ra vẻ lịch lãm. Những ngày còn ở bên quê nhà, làm việc nhiều, ăn uống cực khổ, người tôi trông già nua nhưng từ khi qua bên đây, xứ sở không chỉ văn minh mới mẻ, mà vật chất cũng dư thừa trong cuộc sống hàng ngày nên tôi mau trở lại hồi sức, trẻ trung.
Lối vào cửa chính nhà hàng, phía trước, bên trái là các chị trong ban đại diện ghi tên lên nhãn giấy quan khách tham dự và phân phối báo Đặc San, bên phải, một tấm bảng lớn, triển lãm hình ảnh cựu SVSQ của hai khóa được lưu giữ trong thời gian ở quân trường: huấn nhục, gắn alpha, đi dạo phố, ra đơn vị, và phục vụ trong các phi đoàn vào thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất, đó là mùa hè khói lửa 1972. Tôi và Thùy cùng số đông quan khách đứng xem cuộc triển lãm, ai cũng hết sức cảm động, hài lòng và không tiếc lời khen ngợi gởi đến ban tổ chức. Tôi và Thùy đứng bên nhau xem ảnh rất lâu, không bỏ sót một tấm ảnh nào cả. Riêng tôi, có được mấy tấm trong đội tuyển bóng tròn của khóa. Người mặc áo maillot cổ tròn ngồi giữa ôm quả bóng là tôi. Và, một người nữa xuất hiện ở đây, đó là Lam Hương. Khi Lam Hương lên sân khấu cất tiếng hát một nhạc khúc, ảnh của nàng được chụp để lưu niệm, giờ có ở đây. Tôi kể về Lam Hương cho Thùy nghe, nàng gật đầu, và vẫn nhớ giọng hát của Lam Hương trong những kỳ lễ trường Việt Anh tổ chức.
Khi nghe được tin có hai vị Liên đoàn trưởng và Đoàn trưởng ở xa về dự, tôi rất vui. Trước khi đưa Thùy đi thăm và giới thiệu với gia đình các bạn, đầu tiên vợ chồng tôi đến trình diện hai vị đàn anh trước đã.
Vừa thấy tôi xuất hiện, hai vị cùng nhớ tên ra ngay. Tôi giới thiệu Thùy, nhắc đến kỷ niệm của vị Liên đoàn trưởng trong một bài nói chuyện hấp dẫn, độc đáo trong đêm lễ gắn alpha, ông cười, một bàn tay thân thiết đặt lên vai tôi.
Khi ngước mắt nhìn lại vị Đoàn trưởng, tôi nói:
- Ba mươi năm sau, đây là người bạn gái của em.
Không một chút ngẫm nghĩ, người anh đáp lời ngay.
- Không muộn đâu, tình thuở trước vẫn đẹp như bao giờ.
Chuyện trò với hai vị anh cả một lúc, tôi và Thùy rút lui, nhường chỗ cho các bạn khác. Bây giờ trong nhà hàng đèn sáng đẹp mắt, ồn vui tiếng chuyện trò, có ban nhạc đang chơi nhạc dạo trên sân khấu, một số bàn khách đang ngồi là khách mời, còn anh em của khóa hầu hết đứng ở ngoài sân từng nhóm chuyện trò, đấu láo, chuyện nào nghe cũng thấy vui và nhớ. Tôi ở riêng trong khóa 69B, nhưng dịp này hội ngộ hai khóa nên tôi được làm quen với các bạn ở 3/69 có Bắc, Thắng, Trường, Điều, Đỏ, Xuân. Một câu chuyện đám tang chú ruồi Lộc vừa kể xong, cả bọn cười ầm lên, lúc đi ngang thoáng nghe vậy, Thùy ngạc nhiên hỏi tôi:
- Có thực không anh, hay là mấy anh bịa chuyện chơi.
- Chuyện hôm nay mấy bạn đó kể, ngày trước có thực hết.
Tôi tiếp lời kể thêm bao nhiêu chuyện vui khác nữa cho Thùy nghe, nàng cũng ngạc nhiên quá đỗi, không biết nhận định ra sao mới là đúng. Chúng tôi cùng đi tới gặp mỗi nhóm bạn. Hết sức cởi mở, vui vẻ, chúng tôi bắt tay, chuyện trò thân tình với nhau. Không lâu, Thùy để lại tôi một mình đấu hót với từng nhóm, nàng nhập vào đội quân áo dài thiên thanh để cùng có một buổi vui chuyện trò và cũng là dịp quen biết nhau.
Mười hai giờ trưa, lễ hội khai mạc. Sau phần nghi thức chào cờ hát quốc ca, đến phút mặc niệm anh linh các chiến sĩ, các bạn đồng khóa đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh chống Cộng sản miền Bắc, bảo vệ cho miền Nam có đời sống tự do một thời gian khá dài là 21 năm. Ở phần này, bạn Phạm Nghị Luận với một giọng hùng hồn, vừa bi ai, xúc động, lần lượt đọc lên tên những bạn trong cùng hai khóa 3/69 & 69B đã vĩnh viễn nằm yên dưới lòng đất. Tất cả hội trường lắng im, ngậm ngùi với bao oan khiên nhớ đến các anh hồn, tử sĩ. Phút mặc niệm dần tan bay theo hương khói. Sau đó, kỷ niệm buồn vui ngày xưa trở về, và chúng tôi được sống với ngày đó trong một đêm gắn alpha. Có sáu bạn trong khóa diễn lại hoạt cảnh này, với đồng phục áo vàng, dây biểu chương, nón két bi dây trắng, và cặp alpha đeo ở túi sau. Hai vị anh cả ngồi ở hàng ghế danh dự được mời lên để gắn cặp alpha đầu tiên cho đại diện khóa, sau đó, đến các niên trưởng được mời gắn cho đàn em. Hoạt cảnh rất hay, tất cả mọi người cùng đứng dậy vỗ tay rồi cùng hát bài Không quân hành khúc. Tôi và Thùy ngồi chung bàn với từng cặp vợ chồng các bạn có Đang, Lịch, Lê, Sáng, Nhơn, Phát, Kim, Vũ Hoàng, Huynh, Tứ Đức, Lâm Có và Kim Nga. Trong lúc chúng tôi nhắc chuyện cũ ở quân trường thì các chị lại nói về chuyện con cái và việc đi mua sắm. Bên Thùy là chị Yến từ Texas qua với Vũ Hoàng. Chị Yến làm việc cho hãng máy bay, có vẻ hợp với Thùy trong câu chuyện nên hai người tỏ ra ăn ý với nhau. Khi nhìn qua tôi chị cười, rồi hỏi chuyện riêng với Thùy. Và, càng sâu vào câu chuyện Thùy kể làm chị hết sức ngạc nhiên. Còn ngạc nhiên, vừa rất lạ, đó là chuyện của nàng và Phượng Nga.
- Thì ra, duyên số được ông trời định.
Tôi gật đầu. Bữa tiệc nhà hàng dọn nhiều món, vì phần ăn chúng tôi đóng nhiều tiền, nên được các món ăn ngon. Tới giờ trình diễn văn nghệ, không khí ồn vui hẳn lên. Từ sân khấu, ban nhạc bắt đầu chơi nhạc trình diễn. Người MC chương trình không ai xa lạ, đó là Lộc. về lại ngày cũ, đêm ấy dự lễ gắn alpha, Lộc cũng là người cầm micro bao quát hết chương trình. Khi cô Kim Nga xuất hiện trong chiếc áo dài, tôi nhớ nghĩ đến hai người là Liên An và Lam Hương. Kim Nga hát bản: Một chuyến bay đêm giọng ngọt ngào, truyền cảm. Bên nhau, tôi và Thùy có được hạnh phúc trọn vẹn cùng với gia đình anh chị em toàn khóa 69B. Khoảng mười giờ đêm, lúc chương trình dạ vũ bắt đầu, tôi và Thùy xin phép về sớm.
Tôi có uống bia, nên để Thùy lái xe. Một giọng vui, Thùy hỏi:
- Anh còn nhớ thời hoa mộng năm cũ không?
- Nhớ chứ. Các bạn thật có lòng với anh.
- Ngày đó, anh là chàng phi công nhỉ.
- Bây giờ, mộng giang hồ đã hết. Anh có cô Thùy làm mái ấm.
- Anh mơ về cô Phượng chứ, đâu phải em.
Sau một gợi ý của tôi, Thùy cho xe ngừng lại bên lề đường, rồi nàng ngả đầu xuống thành ghế. Tôi nghiêng người qua, hôn Thùy thật lâu, rất lâu.
Từ buổi chúng tôi gặp lại, nay thành vợ chồng, riêng tôi là người có lại được hết tất cả thời gian cũ, dày dạn như một cuốn lịch đủ 365 ngày cho một năm. Tôi cũng vừa mới gặp lại anh Bình, dễ đã đến ba mươi năm cách biệt. Vậy mà, thật hết sức kỳ diệu cho hai người. Ở trước cửa một hiệu sách, chúng tôi nhận ra nhau ngay tức thì.
- Thụy phải không, em không khác gì với ngày xưa cả.
- Anh Bình thì có khác, nhưng tiếng nói, vẫn là Hà Nội cũ của anh.
Nhớ ra hôm ấy, tôi nghỉ trọn ngày không đi học. Sau bữa ăn sáng, tôi và anh Năm người bà con bên gia đình bác Hội bắt đầu dẹp bớt bàn ghế ở căn phòng đầu nhà trên rồi quét dọn, lau chùi sạch sẽ. Hôm nay, không chỉ riêng phòng cho thuê mà các phòng khác cũng như đồ đạc trong nhà đều được dọn dẹp, sắp xếp chỗ lại một lần luôn thể. Đến chiều, công việc hoàn tất. Căn nhà rộng rãi, một ngày thật sáng sủa làm tôi hài lòng. Thực sự ra tôi không cần nghỉ trọn ngày đi học, vì công việc cũng có mấy người làm công bên lò bánh mì qua phụ, nhưng tôi vẫn muốn ở nhà giúp dì tôi. Vào lúc sáng nay, vừa làm công việc lau chùi dọn dẹp, tâm trí tôi luôn bị xâm chiếm bởi bóng hình và cái tên thân thương của người bạn gái. Tôi cũng nghĩ rằng, vắng tôi, Thúy Hà cũng buồn lây và chắc nàng sẽ nghĩ là tôi bị ốm đau.
Buổi chiều, bên ngoài nắng dịu ấm, hiền hòa. Tôi và dì Vân ngồi ở bàn tròn uống nước trà trò chuyện, nhắc nhở đến người thân. Đã quá lâu, dì không trở về quê. Nhưng trong câu chuyện của hai dì cháu, hình ảnh một làng quê hiện ra, quê nội bên dì và quê ngoại bên tôi. Ngày xưa đó, căn nhà của gia đình dì nằm cuối con đường làng, một khu vườn lớn rộng bao quanh hết và lối cổng sau trông qua thấy bờ đê và con sông trải dài. Bây giờ, trong giọng nói của dì không hẳn là một sự hồi tưởng mà tôi có cảm tưởng âm thanh thân thiết đó đang trở thành cái bóng dáng êm đềm đi theo bước chân người đàn bà trên con đường trở lại chốn xưa với cả giấc mơ đầy trọn một thứ tình quê. Còn tôi, quê ngoại đã làm tôi nhớ những đồng ruộng khô, trên một khoảnh rộng tiếp với bãi ngô tôi và lũ bạn cùng xóm thường tập trung chia phe đá bóng, đó là những quả bóng được bện bằng thứ lá chuối khô. Khi một quả banh chuối xơ xác, bung dây cột và banh ra hết, chúng tôi thay trái khác và đá mải miết, say mê cho đến chiều tối. Tôi cũng rất thích thú với lối chơi thả diều trên con đường lớn của làng trông ra bờ sông và, một đôi lần, tôi chợt mừng rỡ khi ngước mắt nhìn về phía bờ đê trông thấy bóng dáng mẹ tôi trong vạt áo nâu đang gánh hàng buôn ở chợ phiên trở về nhà. Tôi đã gợi nhớ được tuổi thơ của mình, ngoài hình ảnh đậm nét về mẹ tôi, ngày ấy, cũng vẫn còn âm thanh những hồi chuông nhà chùa, nhà thờ vang vọng trong tôi nữa. Hai dì cháu đang chuyện trò, bỗng thấy người lạ xuất hiện trước cửa với túi sac marin và cái túi nhỏ đeo bên vai. Tôi hết sức ngạc nhiên, nhìn người khách thốt lên.
- Anh Bình.
- Em là Thụy phải không?
- Dạ phải, em đây. Anh nhớ ra em không
- Nhớ chứ.
Tôi vẫn còn nhớ tên anh Bình nên giới thiệu với dì Vân và cho dì biết qua sự tình giữa anh và gia đình bên tôi vào năm đó ở Quảng Trị.
Anh Bình đặt chiếc sac marin xuống dựa lưng tường, túi xách nhỏ bên cạnh rồi ngồi vào bàn uống nước theo lời mời của dì tôi. Tôi nói:
- Căn phòng anh thuê em đã dọn sạch sẽ.
- Cám ơn em.
Rồi sau những phút hàn huyên, mừng rỡ, tôi để lại chuyện thuê nhà giữa dì tôi và anh Bình trao đổi với nhau. Anh Bình trả tiền thuê nhà trước hai tháng. Dì tôi nhận lấy và rồi chúng tôi cùng đứng dậy. Tôi cầm lấy cái túi xách nhẹ đi trước, anh Bình theo tôi tới căn phòng đã dọn sẵn để cho thuê. Lối vào phòng là một cánh cửa cài chốt có móc ngoài để khóa khi khách cần đi đâu. Phòng cũng có một cửa sổ mở ra để đón ánh sáng từ con đường đổ xuống lò bánh mì và bãi đất trông gần cạnh kho xăng. Nơi chỗ đó, không có xây dựng nhà cửa vì người ta sợ hỏa hoạn. Trong căn phòng đã có sẵn cái giường gỗ, nếu khách thuê muốn dùng thì giữ, còn không thì đem cất. Căn phòng sáng sủa làm anh Bình rất thích. Trên tường mới quét vôi để trống trơn, như vậy tiện cho anh Bình muốn treo tranh vẽ hoặc những bức ảnh chụp của gia đình.
Dì Vân nói chuyện với khách không lâu rồi kiếu từ, chỉ còn tôi ở lại phụ giúp anh Bình sắp xếp căn phòng. Hai anh em dọn phòng, vừa trò chuyện. Anh Bình thật là người tốt, hôm đó anh chỉ là khách qua đường nghỉ nhờ một đêm mưa ở nhà tôi để đợi chuyến tàu hành quân vào vùng Quy Nhơn, vậy mà, sau đó bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng năm, bao nhiêu thư từ thăm hỏi giữa anh và gia đình tôi, dần dần cột chặt lại thành một mối cơ duyên. Anh Bình hỏi thăm từ ba mẹ tôi, anh Nguyên đến các em tôi với tên từng đứa, anh vẫn còn nhớ. Bây giờ, anh hơi khác lúc trước, nhưng giọng nói của anh vẫn ấm, lúc nghe tiếng anh cười sau câu nói, tôi bỗng ước mong cho mình làm sao cũng linh hoạt, tươi vui giống anh. Tôi có sự vụng về mà tôi hiểu rõ. Thường những cái gì hay ho, sâu sắc, nó chỉ có trong ý nghĩ thôi, còn bộc phát ra ngoài bằng lời nói hay cử chỉ, tôi thường vấp váp, đôi khi bôi rối, hoặc mất sự tự chủ. Những người bạn quen tôi, khi hiểu ra được cái nhược điểm ấy họ rất thương mến thương tôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Căn phòng này rộng hơn căn phòng tôi ở. Ngoài va li, túi xách marin đựng quần áo ra, anh Bình còn nhiều sách báo, và kể cả các tập giấy làm bản thảo do chính anh viết đủ các loại thơ, truyện ngắn, chính luận. Buổi chiều xuống mau. Đến giờ ăn, anh Bình rủ tôi đi phố chơi và ăn cơm tôi luôn. Tôi có hơi ngần ngại, nhưng anh bảo tôi cứ đi với anh cho vui. Tôi vội trở về phòng thay quần áo, xuống nhà nói qua với dì Vân và bác Hội rồi trở lại với anh Bình để cùng đi.
Trời hơi trở lạnh. Hai anh em bước ra đường đợi chuyên xe lam. Đà Nẵng, thành phố này còn xa lạ với anh Bình. Ở các tỉnh miền Nam anh đã sống nhiều hơn. Anh tới đây còn hai ngày nữa mới hết phép. Đến ngày thứ hai anh vào trình diện đơn vị để nhận phần hành của mình.
Xe lam chưa tới. Trong lúc chờ, hai người đứng nói chuyện. Lúc lấy gói thuốc trên túi áo, anh Bình hỏi tôi:
- Em biết hút thuốc không?
- Dạ có. Anh cho em một điếu hút cho đỡ lạnh.
Tôi cảm thấy ấm khi rít một hơi thuốc đầy.
- Anh còn nhớ Quảng Trị không?
- Nhớ chứ. Anh đi nhiều nơi, nhưng chỉ có Quảng Trị cho anh nhiều kỷ niệm nhất.
- Chị người ở đâu?
- Nha Trang.
- Sao anh không lấy vợ người Bắc?
Anh Bình cười bảo tôi:
- Đâu phải mình người Bắc là phải lấy vợ ở ngoài đó đâu.
- Em thích tiếng nói của mấy cô gái Bắc.
Anh Bình cười hơi lớn tiếng, tự nhiên đứng bên anh tôi cảm thấy mình nhỏ bé như thuở nào của ngày xưa. Rồi nhìn gương mặt tôi, một giọng vui anh hỏi:
- Em quen cô bạn nào người Bắc không?
Nhớ ngay đến Thúy Hà tôi đáp liền:
- Có. Bạn học cùng lớp với em. Giọng nói cô ấy hay lắm, anh ạ.
- Cô ta có cảm tình với em không?
Trong sự rụt rè, tiếng tôi nhỏ đi.
- Em với cô bạn biết nhau ở trường thôi. Nhưng em vụng về lắm. Với lại, tiếng nói của em nó nặng và khô quá.
Xe vẫn chưa tới. Bên con đường chờ xe, chúng tôi vẫn trò chuyện với nhau mà lúc này chuyển qua vấn đề thời sự về biến cố Phật Giáo đang mỗi ngày trở nên căng thẳng giống như mức nước đầy trong ly cứ dâng lên chờ tràn ra. Tiếng nói anh Bình thật trẻ trung, đầy nghị lực, và những điều anh suy luận cho thấy sự xác đáng, sáng tỏ các vấn đề. Anh nhận định rằng, chế độ Ngô Đình Diệm chỉ muốn biến Việt Nam trở thành một quốc gia của Vatican, ông không ý thức được giá trị lịch sử của dân tộc, và biểu tượng quyền lực của ông là cây thánh giá. Dinh Độc Lập, nơi đó không khác gì giáo đường của Vatican.
Chúng tôi chờ xe đến nửa tiếng. Chuyến xe không đông khách, hai anh em vừa bước lên vào chỗ ngồi, xe chạy ngay. Xe chạy trên đường Trưng Nữ Vương, đến ngã ba Viện cổ Chàm rẽ trái xuống đường Độc Lập. Tôi chỉ ngôi trường Sao Mai cho anh Bình thấy, rồi lúc qua ngôi nhà Thúy Hà tôi đưa mắt chăm chú nhìn vào để tìm nàng. Có lẽ, nàng không trông thấy tôi, nhưng tôi đã trông thấy nàng đang ngồi học bài bên chiếc bàn đặt ở cửa sổ. Nàng ngồi đó, mái tóc xõa xuống vai trên chiếc áo len hồng nhạt. Từ buổi sáng đầu tiên gặp nàng, tôi mến nàng, yêu nàng, nên mỗi một hình ảnh của nàng đều đến với cặp mắt tôi một cách tự nhiên, và nó luôn nói với tôi rằng, nàng đẹp, một vẻ đẹp thu hút tâm hồn để cho bạn cảm thấy mình đang bước đi trên con đường tình yêu.
Xe xuống phố chính, ngừng lại bên phía chợ Hàn đối diện với nhà sách Lam Sơn. Xuống xe, anh Bình trả tiền, và trước khi dạo chơi phố hai anh em vào thăm nhà sách. Tôi đi bên anh, cùng anh tìm những cuốn tiểu thuyết mà có lẽ cả hai cùng thích. Khi trở ra, một cái túi nhỏ anh Bình xách có hai tờ tạp chí, tờ tuần báo, và một cuốn truyện dịch: về miền đất hứa của nhà văn Léon Uris. Rồi, hai anh em thư thả đi bệ, tiếng nói nhỏ vừa đủ nghe trong câu chuyện về gia đình, hay cuộc sống. Và mỗi câu chuyện, khi hiểu rõ những ý tưởng của anh tôi có cảm giác mình đã tới tuổi trưởng thành. Tự dưng, với ý đó, tôi nhớ nghĩ nhiều đến Thúy Hà một người bạn gái đã làm tôi thương yêu và lãng mạn hơn bao giờ cả. Tiếng anh Bình chợt hỏi:
- Ở đây, tiệm ăn nào ngon em?
- Em cũng không biết nữa.
- Em ở đây lâu chưa?
- Mới có hơn tháng nay thôi anh. Với lại, em đâu có tiền mà vào tiệm ăn để kéo ghế. Đi ngang một tiệm ăn của người Hoa, hai người ghé vào. Tiệm ăn rộng sạch sẽ, nhiều bàn ghế sắp sẵn, và nhiều khách đang ăn. Anh Bình chọn chiếc bàn trống ở góc bên trái, nhìn xéo qua cửa sổ thấy một dãy phố' khác. Người hầu bàn tới đưa hai tấm bìa menu. Tôi cầm lấy, nhưng chẳng mở ra xem. Anh Bình mở ra coi lướt, rồi bảo tôi:
- Em thích ăn gì?
- Anh gọi đi.
Anh Bình gọi hai phần cơm, nước uống là bia. Trong yên lặng, hai anh em nhìn nhau như để tìm kiếm lại một quãng thời gian đã qua. Tôi có nhiều cảm nghĩ trong đầu muốn bày tỏ với anh lúc này nhưng tôi cần chuẩn bị cố tìm cách sắp xếp sao cho nó ngắn gọn, đủ nghĩa. Tôi muốn nói với anh, người ta hiểu cuộc sống và yêu cuộc sống như thế nào khi gặp một người đồng hành, một người xa lạ rồi quen biết, hoặc là một chuyện gì đó dẫn đến cái cơ duyên hay số phận cho con người. Với ý tưởng đó thúc đẩy tôi ngỏ lời, nhưng rồi tôi chẳng nói. Bữa ăn dọn ra. Mùi vị thức ăn ngon làm tôi thèm nhưng tôi cố kìm giữ. Tôi nói:
- Mừng ngày gặp lại anh.
- Bao nhiêu năm rồi, em nhớ không?
- Hơn sáu năm.
- Ăn đi em.
Anh Bình mời tôi, hai anh em cầm đũa. Tôi có đôi chút ngượng ngùng muốn giấu, còn anh Bình lúc nào cũng tự nhiên. Tôi uống một hớp bia sau chén cơm đầu ăn xong, cảm thấy ngon lạ. Vị cay của món cải xào, thịt chiên bột, nước xốt, canh cá, và cơm nóng càng ăn, càng thấy ngon miệng vô chừng.
- Anh còn nhớ đến mấy đứa nhỏ ở nhà, hay thật. Em rất ngạc nhiên, cảm động.
- Anh nhớ các em như nhớ đến gia đình anh.
- Ở miền Bắc, quê anh là tỉnh nào?
- Phúc Yên.
- Có xa Hà Nội không anh?
- Không xa lắm, chừng gần bốn chục cây số.
- Năm di cư, anh vào Nam một mình.
- Anh đi một mình.
- Có người thân nào của anh đi vào Nam không?
- Có thể có, nhưng anh chưa hề gặp hay biết tin.
- Năm di cư, em còn nhớ từng chuyến xe lửa đến ga mỗi sáng sớm cũng như chiều. Và hồi đó, nhà em cũng là một mái ấm cho những gia đình tạm cư trước khi họ vào phía trong miền Nam.
Tôi bắt đầu nhận ra bữa cơm ngon đưa dẫn tôi sâu vào câu chuyện tâm tình, trong đó, giọng nói của tôi như có được nỗi niềm trắc ẩn thấm đượm, nó khiến anh Bình lặng im suy nghĩ.
Một lúc rất lâu, tôi bỗng nói với anh Bình:
- Tối hôm đó, trời mưa lớn.
Anh Bình nhìn tôi, nói giọng thật trầm:
- Lúc xuống tàu ra khỏi ga, anh tìm nhà khách để ngủ nhưng không có. Đi ngang qua nhà em, thấy đèn sáng nên anh đi vào.
- Tối đó, anh cũng chơi giây thun chẵn lẻ với tụi em. Và, cả nhà chỉ có thằng Khanh nhỏ ăn hết.
- Nó học tới lớp mấy rồi?
- Lớp Đệ Ngũ rồi anh.
Anh Bình nhớ ra một chuyện gì đó về mấy đứa em tôi, trên cặp mắt anh sáng lên nụ cười. Giọng nói của anh, cách anh cư xử với chúng tôi như người anh cả làm tôi cảm động. Và lúc này, tôi nghĩ tới một câu chuyện trong gia đình để kể lại, vì tôi còn nhớ rõ buổi sáng đó trời mưa nặng hạt nhưng đoàn tàu chở quân lính trong đơn vị anh Bình vẫn lên đường vào Quy Nhơn.
Anh Bình làm việc ở phòng 4, Quân đoàn I. Anh có một chiếc Jeep riêng để đi làm ngày hai buổi. Anh có thể ở trong cư xá Sĩ quan, nhưng anh thích ở nhà thuê bên ngoài. Tôi được gặp lại anh, và có sự tin cậy của anh. Luôn luôn, tôi hết sức cố gắng tạo một lòng tin ở chính mình và nơi kẻ khác. Buổi chiều đi học về, thường lúc ngồi đợi giờ cơm tối hay đọc báo, hoặc vài trang sách. Những ngày vắng anh Bình tôi vào phòng anh ngồi đọc báo cũ. Tất cả đều báo tuần, hầu hết là báo văn nghệ. Trên kệ, sách anh có khá nhiều sắp đầy kín ba hàng. Tình cờ, tôi tìm thấy cuốn ký sự về trận đánh Điện Biên Phủ của nhà báo Bernard Fall, được dịch ra tiếng Việt. Tôi bị cuốn hút bởi lối viết đầy tình tiết và các tài liệu ghi chép, ở trang cuối của trận đánh kết thúc, tôi đọc trong xúc động và cảm thấy tự hào cho đất nước Việt Nam có một giai đoạn lịch sử hào hùng đánh đuổi quân xâm lược Pháp. Với nhiệt tình của tuổi trẻ, tôi khao khát biết bao những hình ảnh đẹp lãng mạn trong kháng chiến.
Năm nay so với năm ngoái, sức học của tôi tiến khá hơn. Tôi nuôi nhiều hy vọng trong kỳ thi cuối năm, vậy mà, vẫn có đôi lúc lòng tôi đâm lo sợ, nhụt chí, ám ảnh bởi cái điều không may còn lảng vảng trong tâm trí mình. Nỗi ám ảnh đó, gợi tôi nghĩ nhiều đến Kim Ly. Tôi đã vướng vào con đường tình, mà tình yêu quá mong manh giữa hai người đã làm tôi chỉ cảm thấy mình sống trong nỗi bâng khuâng, buồn bã. Nhưng bây giờ, có thể tôi quên được nàng, vì hình ảnh của Thúy Hà thật là mới mẻ đem lại sự dịu mát trong tâm hồn tôi. Có Thúy Hà tôi thường mong đợi mình tìm thấy một hướng đi không cho riêng tôi mà cả nàng nữa. Vì rằng, những ngày qua nàng thật tình mến tôi vừa với tình bạn, vừa có xen lẫn chút tình yêu.
Vào thời gian anh Bình đi công tác, tôi ở nhà một mình thấy trống vắng. Rồi, anh lại trở về đơn vị. Buổi chiều ngày đó, lúc chợt thức giấc tôi nghe tiếng ai như của anh Bình. Vừa lúc ấy nhỏm người dậy nhìn ra, tôi thấy anh về, tay đang xách hành lý và có một người nữa đi bên anh. Ngay lập tức, tôi đứng lên kéo hộc bàn lấy chiếc chìa khóa rồi mở cửa chạy nhanh qua phòng anh.
Tôi chào anh và người bạn, rồi đưa chìa khóa cho anh. Vì anh có khách, nên giao xong chìa khóa tôi về lại phòng mình ngay. Tự dưng tôi cảm thấy nôn nao, mong được gặp riêng anh để hỏi chuyện về chuyến đi, về Sài Gòn. Lúc này, tôi còn nghe tiếng anh đang trao đổi với người bạn về một ai đó, chuyện này dường như quan trọng. Nhưng người khách ngồi không lâu, từ chỗ phòng trông ra cửa tôi lại thấy anh Bình cùng với anh ta trở ra ngoài và bên tay trái người khách xách cái túi lớn.
Anh Bình và người khách ra lối cửa trước đã khuất dạng. Ngồi một mình, tôi nhớ lại bài luận của tôi đã làm, viết sạch sẽ vào giấy, nhưng lúc này tôi cũng còn muốn gợi tìm một đôi ý khác để viết thêm.
Vừa bước vào cửa trước, nhìn thấy tôi anh Bình cất tiếng gọi. Tôi đáp lời ngay, vừa rời bước đi nhanh qua phòng anh. Tôi vào, đứng chờ anh đang mở va li, và tôi đoán biết anh sẽ cho tôi quà. Tôi được anh cho một bộ quần áo may sẵn và một chiếc nón vải. Thật cảm động, tôi nói mấy lời cám ơn anh. Lúc này, hai anh em ở bên nhau. Chiếc đồng hồ để bàn đã gần tới 5 giờ. Anh Bình thực sự đang vui sau chuyến đi công tác. Trên gương mặt anh trẻ hẳn ra và luôn thấy có nụ cười.
- Em ngồi chơi, đợi anh đi tắm rồi xuống phố ăn cơm.
Tôi đáp dạ. Trước khi rời phòng, anh đưa cho tôi mấy tờ báo mới mua. Tôi ngồi lại phòng anh đọc báo để biết những tin tức đang diễn ra ở Sài Gòn. Nơi thành phố đó, tôi vẫn mong ngày trở lại. Nhưng không còn mấy hy vọng, vì mọi chuyện xảy đến cho gia đình tôi cách đây vài năm, giờ đã lắng yên. Chỉ còn riêng tôi, không hiểu sao, trong suy nghĩ vẫn có ý tưởng mình luôn xa lạ với chính mình.
Anh Bình tắm xong, trở lại phòng và mặc quần áo xi vin để đi chơi phố. Tôi cũng về phòng thay quần áo để cùng đi với anh. Hạnh phúc vừa đến với tôi là niềm vui nhỏ trong món quà anh Bình mới cho, qua đó, tôi cảm thấy mình được gần gũi anh. Tôi và anh Bình đi xuống nhà dưới gặp dì Vân. Anh Bình rất kính trọng và có cảm tình với dì tôi, anh còn thấy ở nơi người phụ nữ này vừa có nhan sắc và học vấn.
Dì Vân đang ngồi một mình ở chiếc bàn tròn. Khi trông thấy tôi và anh Bình xuất hiện dì có hơi ngạc nhiên. Trên tay anh Bình cầm gói quà lớn, vừa đến gần, anh nói:
- Tôi vừa đi Sài Gòn về, có hộp kẹo này gởi cho mấy cháu.
- Cám ơn ông. Mời ông ngồi.
Một lát sau, chị Thuận mang trà ra, dì tôi rót nước mời khách.
- Ông về thăm gia đình?
- Không, tôi đi công tác cho đơn vị.
- Vậy à. Tôi cứ nghĩ ông đi phép.
Tôi uống từng hớp trà không nói gì. Và, qua ánh mắt hiền dịu tôi nhìn sang dì tôi với một niềm hãnh diện cho gia đình của mẹ tôi. Tôi rất kính yêu dì tôi qua cốt cách của người phụ nữ có học thức.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Lúc này, dì tôi nói cho anh Bình hay biết những họ hàng, bà con hiện đang ở Sài Gòn, sau đó, dì nhớ lại kỷ niệm của những năm năm mươi có một thời gian dì sống và làm việc tại thành phố đó.
Những kỷ niệm dì Vân vừa nhắc đến làm cho không khí thêm sự thân mật. Nhưng ngồi nán không lâu, tôi và anh Bình cùng đứng dậy. Khi tiễn hai người ra lối cửa bên, dì tôi cám ơn anh Bình một lần nữa về hộp kẹo mua tặng cho mấy cháu nhỏ con dì.
Hôm nay là ngày chủ nhật, một ngày cuối tuần thật hạnh phúc đối với tôi. Ngoài trời chiều tuy có nắng nhưng mát dịu nên hai anh em đi bộ chậm rãi, vừa chuyện trò. Tôi cũng thích đi bộ hơn là lên ngồi xe để mong chóng thời gian xuống phố. Con đường Trưng Nữ Vương đã quá quen thuộc với tôi mỗi ngày đến trường học. Tôi đang nghe chuyện anh Bình nói về những vui ở Sài Gòn. Tiếng nói của anh trong lời kể chuyện làm tôi vui. Đôi khi, tôi ước mong có được giọng nói như anh để chuyện trò với người khác, nhất là với các cô gái. Tôi người Quảng Trị, giọng nói nặng, khô đục, vì thế tôi hay mang chút mặc cảm về mình. Tới công viên bến Cảng, anh Bình và tôi hướng về con đường Bạch Đằng dọc bờ sông. Gió thổi mát đến lạnh. Những con tàu lớn đang neo đậu ở bến cảng. Thỉnh thoảng, có những hồi còi dài ngắn kéo lên, nhưng các con tàu vẫn ở đó chưa rời bến.
Tôi bỗng nói với anh Bình:
- Em thích trở thành phi công.
- Nhưng em phải có điều kiện sức khỏe.
- Em nghĩ là đầy đủ. Chỉ còn cái bằng cấp Tú Tài nữa thôi.
- Vậy thì cố gắng lên. Nhưng tại sao em thích trở thành phi công?
- Em có đọc cuốn truyện Đời Phi Công của Toàn Phong, em thích quá và đó là ước nguyện của em.
- Em cũng thật lãng mạn.
- Nếu trở thành phi công cũng le lắm chứ anh. Em mơ được mặc bộ đồ bay, ngồi lên con tàu và cất cánh.
- Đó là mộng ước, nhưng học lái để trở thành phi công cũng không dễ đâu.
- Vậy chứ anh nói, vào quân đội, binh chủng nào là dễ nhất.
- Bộ Binh là dễ nhất.
Tiếng anh Bình cười lớn. Rồi sau đó, lưỡng lự trong vài giây cân nhắc, tôi hỏi anh:
- Sao anh chậm lên lon vậy anh Bình.
Anh Bình chưa trả lời ngay câu tôi mới hỏi. Hình như anh muốn tìm, nột lý lẽ thật đúng để giải thích cho tôi biết tình cảnh của những người lính trong quân đội. Mùa đông năm 1956, một tối mưa anh Bình đến nhà tôi xin nghỉ nhờ qua đêm, năm ấy tôi còn nhớ anh đã mang cấp bậc Thiếu úy, vậy mà đến nay, vừa mới sau cuộc Cách Mạng 1/11, anh mới được thăng lên Đại úy, trong khi, những bạn đồng khóa với anh đã mang cấp tá, có người lên đến tướng nắm chức vụ cao rồi.
Giọng chậm rãi, tôi nghe anh Bình nói:
- Không có biến 1/11, không chắc anh được đeo Đại úy đâu… Tôi hiểu lờ mờ, và dường như anh không muốn giải thích rõ thêm. Có thể, đến một lúc nào tôi tìm ra được nguyên nhân, thảng hoặc, lúc ấy tôi được đọc một bài ký anh viết về đời quân ngũ của mình.
Hai người bước thư thả. Lúc này, buổi chiều thực sự buông trôi, nó đang phơi mình trong nắng lạnh vừa cuốn vào gió trải dài theo con sông, và nhìn xa, thật xa về hướng núi, tôi nhìn thấy còn bóng dáng sương mù phủ xuống chân đèo, nơi đó là biển Hải Vân.
Xuống hết đoạn dốc, hai người rẽ trái bằng con đường nhỏ có trồng cây để đi vào phố chính. Ngày chủ nhật, thực sự giờ này mới gây cho tôi cảm thấy một không khí sinh hoạt thật nhộn nhịp. Từ nhà đi bộ xuống phố, vừa vui với nhiều câu chuyện tôi và anh Bình không thấy mệt gì lắm. Chưa biết đi đâu, hai anh em vào quán nước giải khát. Tôi và anh cùng gọi cà phê đá và rồi câu chuyện lại được tiếp nối. Giữa mối thân tình, anh cho tôi biết anh sắp đi nhận nhiệm vụ mới làm Tiểu đoàn trưởng thuộc đơn vị Trung đoàn 5, đóng ở căn cứ Tuần Dưỡng gần Tam Kỳ. Tam Kỳ - Đà Nẵng gần nhau, nếu có đi, anh em chúng tôi còn có dịp gặp lại nhau. Nhưng điều tôi lo ngại là căn phòng của anh chắc sẽ đến lúc cho người khác đến thuê ở.
Buổi chiều đã tắt hết nắng. Hai anh em rời rời quán đi dạo một vòng xong đi ăn, và kết thúc một ngày cuối tuần không về nhà ngay mà tối đó, hai anh em vào rạp hát Tân Tân xem cuốn phim truyện nổi tiếng của nhà văn Ernest Hemingway, tác phẩm L’adieu aux armes. Phim nói tiếng Pháp có phụ đề Việt Ngữ. Đó là một câu chuyện tình giữa một viên Sĩ quan người Mỹ phục vụ trong đội Hồng Thập Tự và một cô nữ y tá người Anh, bối cảnh diễn ra trong thời kỳ Đệ Nhất Thế Chiến với mặt trận giữa hai nước Ý và Áo. Tài tử Rock Hudson thủ vai Trung úy Henry người Mỹ, còn Jennifer Jones trong vai cô y tá Catherine Barkley người Anh. Cuốn phim khá dài và gây xúc động. Trong lúc ngồi yên lặng xem cuốn phim hay, có lúc tôi gợi nhớ hình ảnh nữ tài tử Hope Lange trong phim Les bals des maudits mà tôi được xem trong một buổi tối đầu tiên khi ghé nghỉ lại ở thành phố này trong một chuyến đi xa vào mùa hè cách đây đã hơn bốn năm.
Tôi chợt hỏi:
- Cuốn truyện về phim này anh đã đọc chưa?
- Anh đã đọc rồi.
- Em không thấy có trong tủ sách của anh.
- Anh để ở nhà trong Nha Trang.
Trên màn bạc lớn là cuộc triệt thoái của quân đội Ý với những đoàn xe đang nối nhau chạy thật chậm. Sau đó, những cơn mưa đổ xuống, và rồi hình ảnh anh chàng Henry bơi trên một dòng sông đang tìm cách tắp vào bờ. Những trận mưa cứ liên tiếp đổ xuống, trong bối cảnh cuộc rút lui, Henry tìm đến được nhà ga và trốn theo một chuyến xe lửa đi Milan. Sau nhiều ngày xa cách, Henry gặp lại cô y tá Catherine Barkley, hai người yêu nhau thắm thiết, họ cùng trốn qua Thụy Sĩ, đến nơi ấy để tìm một chốn thanh biệt riêng biệt. Nhưng kết cuộc, cô y tá đã chết trong khi sinh vì bị băng huyết. Henry vĩnh biệt người yêu, giã từ cuộc chiến trở về dưới cơn mưa tầm tã.
Mùa hè sắp về tới. Thời tiết trở nên nóng bức trong ngày, vào đêm mới có chút gió làm dịu mát. Phía nhà trên trông ra mặt đường chính trước đây là tiệm bán rượu của gia đình bác Hội, nhưng từ khi chính quyền ông Diệm cấm các vũ trường, phần trên này đóng cửa. Bên cạnh tiệm rượu, có một căn phòng nhỏ và có cửa kéo để mở ra đường cho thoáng, và căn phòng này tôi được bác cho tôi dùng làm chỗ học thi trong mùa này.
Vậy nên, mỗi tối tôi đem cái bàn học đặt dưới mái hiên và ngồi đó học cho đến khuya mới trở về phòng mình. Thỉnh thoảng, vẫn có vài người bạn tôi ghé qua, trò chuyện chốc lát rồi lại đi.
Niên học chưa kết thúc, nhưng mùa thi cũng báo hiệu bằng mỗi ngày đêm đang tới gần. Đôi lúc, tôi có cảm tưởng bài vở quá nhiều mình chưa học hết nhưng rồi nỗi lo âu tan biến đi, và nó cũng cho tôi một niềm vui lạc quan là bài vở mình đã học hết đầy đủ, sẵn sàng chuẩn bị cho kỳ thi, có thể hôm nay hoặc ngày mai. Toán Lý Hóa là hai môn chính yếu nên tối nào trong giờ học tôi cũng dành ưu tiên cho hai môn này. Tôi hy vọng hai môn này có điểm cao để bù cho mấy môn yếu kém, trong đó nhiều môn phụ tôi rất bết bát. Và, đôi lúc tôi có ý nghĩ nếu được học chung với Thúy Hà nàng sẽ giúp tôi một cơ hội khá hơn để cân bằng các môn học của mình. Tình yêu đã xâm lấn làm tôi hay nghĩ đến nàng trong buổi học ở lớp cũng như về nhà, dưới ánh đèn, đôi lúc tôi dừng nghỉ hình dung một khuôn mặt nàng hiện lên trang sách. Có lẽ, tôi không hy vọng còn ở thành phố này sau khi niên học kết thúc và sau cả mùa thi. Tôi vẫn chờ đợi một chuyến đi xa, và Sài Gòn, thành phố thủ đô là nơi tôi sẽ đặt chân đến.
Bất chợt, lúc mắt nhìn lơ đãng ra con đường khu phố trên kia tôi thấy cái bóng chiếc áo dài lam đang đạp xe đi một mình. Tôi để mắt chú ý và có sự linh cảm như đó là người quen. Cái bóng áo lam theo chiếc xe đạp tới gần. Không khỏi ngạc nhiên, tôi nhận ra đó là Thúy Hà liền vội đứng lên đi ra đường.
Thúy Hà mặc chiếc áo dài lam trông lạ, đến lúc nàng ngừng xe, tôi ngạc nhiên thấy Thúy Hà đeo băng tang.
- Thúy Hà để tang cho ai vậy?
- Bà nội mới mất.
- Ngày hôm nay?
- Không, ngày hôm qua. Bà mất ở ngoài Bắc.
- Sao nhà biết tin được?
- Hôm qua ba nghe Đài Hà Nội. Tin buồn loan báo trên Đài.
- Chắc cụ bà đã trên tám mươi.
Tôi đưa mắt nhìn Thúy Hà và băng tang trên ngực áo.
- Nhà anh ở đâu?
- Nhà người dì, chỗ này trọ học đây. Vào ngồi chơi chút đã.
- Thôi về kẻo nhà trông.
- Thúy Hà đi đâu trên này?
- Lên chùa, cả nhà lên chùa làm lễ lúc chiều. Thúy Hà về muộn, đi một mình.
- Vào đây đi.
Thúy Hà có vẻ lưỡng lự dắt xe đạp theo tôi vào mái hiên. Trên bàn học dưới mái hiên mấy cuốn sách tôi bày ra, sắp gọn lại xong rót nước mời nàng uống.
Hai người ngồi trò chuyện. Thúy Hà uống từng hớp nước nói với tôi rất tự nhiên. Tinh cờ, nàng lật những cuốn sách học của tôi có ghi tên nàng. Nàng cầm bút đặt xuống, mắt nhìn tôi có vẻ hăm dọa, nhưng rồi thôi, nàng bỏ qua một bên.
Hai người cùng im lặng. Nàng hiểu được tâm trạng của tôi và tôi cũng hiểu nàng.
- Có chuyện này Thúy Hà ạ.
- Gì đó anh.
- Chuyện tấm ảnh.
- Tấm ảnh nào?
Quả thực cô gái không nhớ ra tấm ảnh trong buổi tối hôm đó nàng đã có ý bỏ vào trong cuốn sách của tôi cho mượn. Khi tôi kể ra chuyện này, lúc ngừng lời im lặng, tôi thấy nàng mỉm cười cúi mắt xuống không nhìn tôi. Rồi nàng nói nhỏ:
- Anh giữ đi.
Tôi nghe rõ điều nàng nói, và biết mình bị xúc động. Có thể, nàng cũng vậy. Một lúc lâu, Thúy Hà mới ngước mắt lên nhìn tôi. Tôi đã chờ đợi giây phút đó để được nói với nàng một đôi lời, nhưng không hiểu sao, tôi không nói ra được. Rồi nàng đứng lên. Buổi tối, con đường ngang qua nhà tôi giờ này trở nên vắng. Tôi không đáp lời khi Thúy Hà chào tôi, nhưng ngay đó, tôi lấy chiếc xe đạp nàng dựa bên tường dắt ra ngoài, và nàng đi bên tôi. Có lẽ, chúng tôi hiểu được nhau.
- Để Thụy đưa Thúy Hà về.
- Thôi, ở nhà học bài đi.
Nàng nói, lúc ấy hai mắt chúng tôi nhìn nhau.
- Mùa hè sắp tới rồi.
Trong giọng nói của tôi có chút gì đó khác lạ. Thúy Hà vẫn đứng bên tôi ngoài bờ đường, và tay tôi có giữ lấy chiếc xe đạp chưa buông.
Với một ý thầm như đã hiểu, nàng mỉm cười nhìn tôi. Rồi nàng đứng đợi, trong lúc tôi vào thu xếp cất sách vở và kéo cánh cửa đóng lại.
Khi tôi trở ra, hai người cùng dời bước đi bộ. Tôi dắt chiếc xe đạp, và chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau. Giọng nói của tôi cảm thấy ấm, vì lúc này, tôi có được hạnh phúc đi bên cạnh một người bạn gái mà mình đã yêu.
- Thúy Hà có giọng nói trong, hay quá.
- Cũng có nhiều người đã khen.
- Bây giờ, Thúy Hà có nhớ được nhiều ngoài miền Bắc.
- Cũng có nhớ.
- Năm 54 di cư vào miền Nam, Thúy Hà lên mấy tuổi.
- 8 tuổi.
- Năm đó Thụy 10 tuổi, làm anh của Hà rồi.
- Được chứ.
Nghe nàng nói vậy, lòng tôi vui lắm. Rồi bằng một giọng thân tình, tiếng của nàng bên tai tôi:
- Tuy là bạn học, Hà coi Thụy như là người anh.
- Chúng ta sẽ giữ được tình thân mãi, phải không?
- Em cũng biết có một chút tình yêu với anh, nhưng mà không thể khác hơn.
- Không bao giờ anh quên được em cả. Tấm ảnh em mới cho, là kỷ niệm đầu đời anh.
- Em không viết gì trong đó cả, chỉ gởi cho anh làm kỷ niệm thôi.
- Anh hiểu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Hai bên đường, dãy phố yên lặng qua những căn nhà thấp có đèn điện chiếu sáng ra ngoài. Trăng cũng vừa lên trong vẻ sáng còn yếu ớt. Tuy nhiên, lúc này cảnh trí ra thế nào cũng không thể cướp mất được hạnh phúc của tôi và nàng. Chúng tôi đang được tình yêu cho nhau những kỷ niệm, những tiếng nói và bao nhiêu điều sâu xa để nghĩ ngợi, để ý thức về một tuổi trẻ sắp bước vào cuộc đời trong những ngày sắp tới, hay là cả tương lai. Ở bên nhau, tôi và người bạn gái không cần nói nhiều, mà để từng giây phút lặng yên nhớ nhau, như thể rồi đây nỗi nhớ này sẽ trọn vẹn khi hai người ở xa.
Thỉnh thoảng, chiếc xe đạp gây tiếng động và rồi bàn tay cô gái cũng tựa vào ghi đông và chạm vào tay tôi một sự mát dịu hiền hòa.
- Em nhớ được nhiều về Hà Nội không?
- Không, lúc ấy còn nhỏ quá. Em chỉ biết Hà Nội có Hồ Gươm nằm giữa thành phố.
- Ngày gia đình di cư vào Nam, đi từ Hà Nội hay tỉnh nào?
- Nhà xuống Hải Phòng đi tàu. Mới đầu, nhà ở Đà Nẵng, sau đó dọn ra Quảng Trị, rồi chỉ ít năm sau lại vào trong này.
- Những năm em ở Quảng Trị, anh cũng ở đó. Nhưng không gặp, phải vào tận trong này mới tìm được em.
- Nếu gặp em ở Quảng Trị, chắc gì, anh đã để ý đến em.
- Em nói hay không? Anh mà được gặp em vào dạo đó, không bao giờ anh rời xa thành phố quê hương mình cả.
- Tại sao?
- Tại vì, anh có được em.
- Lâu nay, anh có về ngoài đó không?
- Mỗi năm, chỉ đến kỳ nghỉ Tết anh mới về thăm làng. Làng quê anh gần biển, cách tỉnh lỵ đến mười cây số.
- Em sống ở Quảng Trị nhiều kỷ niệm hơn đâu hết. À, còn Hội An nữa.
- Anh nghĩ thành phố nào cũng đáng yêu cả, mỗi khi nghe em nhắc đến bằng giọng nói của em.
- Anh si tình em, quá lắm rồi.
- Anh cảm thấy, anh chỉ còn có một mình em. Không biết có được một ngày nào, anh được nhìn thấy Hà Nội mà nhớ đến khuôn mặt và tiếng nói của em. Ngày hôm đó xuống tàu vào Nam, kỷ niệm về chuyến đi em nhớ rõ hết không?
- Em nhớ rõ lắm. Lúc đó, em được 8 tuổi rồi.
- Một lúc nào đó, em kể hết cho anh nghe.
- Em cũng không ngờ cuộc sống gia đình em có nhiều thay đổi như hôm nay.
- Hôm đó, nghe Mợ em kể chuyện, anh hình dung ra được những ngày tháng của em khi em còn nhỏ. Một cô gái xinh đẹp, vừa đảm đang giúp hết mọi việc trong nhà. Và, những kỷ niệm của em anh cũng tìm thấy nơi anh.
Thúy Hà cười nhẹ trong đôi mắt, nàng nói:
- Có ai nói chuyện về em cho anh nghe, chắc anh say sưa như đọc tiểu thuyết.
- Nhất là, được nghe bằng chính giọng nói của em.
Bằng một giọng yên lặng, Thúy Hà nói:
- Nhưng rồi đây, anh phải cố gắng quên.
- Anh không nghĩ vậy. Dù không bao giờ anh có được em, nhưng anh không thể quên em được. Có em luôn trong trí nhớ anh, và tên em, anh gọi đến, nhắc đến, đó cũng là tên một thành phố hạnh phúc cho thời tuổi trẻ của anh.
Cô gái chỉ nghe, nhưng không đáp lời hay giải thích.
- Anh nói điều đó, được không em?
- Vâng, em hiểu anh. Nhưng đó vẫn chỉ là những hình ảnh làm cho kỷ niệm đẹp trong tâm hồn, chứ không làm sao gắn liền được với cuộc sống.
Anh rất rõ với chính mình như em vừa nói. Nhưng với em, anh tự cho rằng anh và em có được một cơ duyên hạnh phúc. Hạnh phúc về cuộc sống, thì đều đặn, đầy đủ. Hạnh phúc về kỷ niệm, nó - làm cho nỗi nhớ lúc nào cũng phảng phất mùi hương.
- Kể ra, anh và em hiểu nhau như thế cũng đẹp rồi.
- Em nói đúng. Trong mùa hè này, anh chợt nghĩ mình đi xa.
- Đi đâu?
- Anh rất mong là sẽ làm em vui lúc anh ra đi.
Tôi vừa nói xong, bỗng dưng nghe tiếng bước chân người bạn gái như hối thúc, vội mau. Tôi tiếp lời:
- Em luôn luôn làm anh nhớ, và cứ nghĩ đến ngày mình đi xa. Năm học đã gần hết, anh sẽ đi vào cuối năm học, cuối mùa thi này. Từ buổi sáng đó gặp em, anh luôn cảm thấy mình trở về lại kỷ niệm đó bằng chỉ màu áo vương vấn của em thôi. Rồi, những ngày tiếp theo, mỗi lần trở ra thăm nhà, ngồi trên xe đò chạy suốt quãng đường Đà Nẵng về Huế, anh cứ nhắc nhở mãi đến em, và chỉ có một ý nghĩ duy nhất là hình ảnh em theo anh suốt cả đoạn đường, mãi mãi không biết tới nơi đâu.
Thúy Hà lên tiếng:
- Anh thực quá lãng mạn. Anh nên viết văn.
- Anh sẽ bắt đầu, bắt đầu bằng sự nuôi dưỡng tấm lòng của em.
- Em cũng thực tình, không biết nói với anh như thế nào. Tình yêu ư? Thì nó đã rõ, nhưng làm sao khi anh và em không thể có sự ràng buộc như mối dây thân thích. Anh và em đều là hai kẻ lạc đường. Chúng ta chỉ giúp nhau tìm một hướng đi, giúp nhau trong cuộc sống thôi.
Hết con đường Trưng Nữ Vương, chỉ còn một đoạn rẽ đầu phố Độc Lập, và chừng vài trăm mét nữa thôi là tới nhà người bạn gái. Tôi lặng im, bâng khuâng. Bất chợt, nhìn về ánh đèn một con tàu nơi bến cảng, tôi nói:
- Em cho anh một được sống hạnh phúc, tối nay.
- Anh nói sao, em chưa hiểu.
- Anh và em qua công viên, tới ngồi ở bến tàu, nhìn con sông một chốc lát nữa rồi mình về.
- Thôi được, em chìu anh.
Thúy Hà đáp lời tôi, không do dự. Tôi giữ được sự thản nhiên khi đi cạnh bên người bạn gái. Hai người ngồi xuống bên nhau. Gió đêm, rồi ánh trăng sáng tỏ, còn tình yêu mà người bạn gái cho tôi lúc này không phải là những nụ hôn có trong ước ao, thèm muốn, đó là hương gió đang hết sức rộn ràng thổi tung mái tóc, thổi tung cánh áo, rồi cứ thế nhẹ nhàng như một cánh chim bay đi xa, thật là buồn vắng, nhưng bất chợt nghe rõ những tiếng ai vừa mới gọi.
Một lúc lâu, tôi nói:
- Em thực sự quá tốt đối với anh.
- Em biết, chỉ có anh thôi.
- Anh cố giữ hình ảnh của em suốt đời.
- Nhưng anh đừng buồn, đừng quá bi lụy. Hãy dồn nghị lực để mong tìm cuộc sống mới.
- Không, hoàn toàn không. Anh yêu em, hạnh phúc với tình yêu này.
- Em biết nói gì với anh khi chúng ta không có được nhau.
- Khi xa nhau, nhớ đến nhau là đủ.
- Hẳn vậy rồi.
Sương đêm xuống lạnh. Hai người cùng đứng dậy, rời khỏi chiếc ghế đá trông ra bến tàu đậu. Có tiếng còi ngắn cất lên. Tôi dắt chiếc xe đạp, nàng đi sát cạnh tôi. Không biết nói gì thêm, nhưng chúng tôi nghĩ về nhau rất nhiều. Trong tôi, nhớ lại những lời khuyên nhủ của nàng, tự dưng, tôi có ý nghĩ những ngày tới đây mình sẽ cất bước.
Tinh nào tình thuở trước
Ai đâu kẻ về sau
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

XXII

Tôi lấy được Thùy làm vợ trong muộn màng. Năm xưa, hai chúng tôi đã có biết nhau, yêu nhau một cách ngây thơ, khờ khạo. Rồi lớn lên, nàng đi lấy chồng. Tôi cũng chỉ nghe biết vậy thôi, không nhớ gì về nàng nữa. Đà Lạt vẫn nhớ, mến yêu, đó là thành phố làm cho thời niên thiếu của tôi trở nên dễ thương, vừa cảm động. Tôi học trường Việt Anh hai năm. Tôi rất thích thành phố này trong buổi sáng mưa, buổi chiều bao phủ sương mù, những ngọn đồi thông xanh, những khu vườn bên ngoài các biệt thự và những ngôi nhà ngói đỏ. Mùa xuân, con đường Duy Tân lên phố chính thật đẹp với sắc hoa anh đào. Và, thành phố này còn cho tôi nhớ nữa về một căn gác lưu học sinh, nhớ bao nhiêu người bạn về sau khi ở xa, chúng tôi có thư từ cho nhau.
Sau khi rời Đà Lạt, tôi ra Huế sống với gia đình và đi học ở đây. Một hôm đó tôi viết thư cho Thùy, lá thư người học trò, thuở ấy biết nhau nàng chỉ nhận thư của tôi thôi mà không hồi âm, đến lúc xa cách nàng mới gởi đôi dòng và có cho tôi một tấm ảnh học sinh để cất làm kỷ niệm.
Rồi một ngày, tình cờ tôi gặp lại nàng ở Nha Trang. Trong dịp này, nàng gởi lại tôi bản thảo một truyện ngắn tôi viết về nàng mà từ lâu nàng đã cất giữ. Có được truyện ngắn này, tôi chép lại thành bản mới gởi về tuần báo Tiểu thuyết thứ năm, truyện được chọn đăng số Xuân. Tôi gởi tặng số báo này cho chị Phượng Nga, ý trung nhân của anh Nguyên. Tôi chưa hề gặp Phượng Nga, thế nhưng, qua mường tượng tôi có sự liên tưởng đến Thùy, cho rằng, hai người có khuôn mặt giống nhau, và nhiều nét giống khác nữa.
Thời gian làm cho sự lãng quên chợt có ý mong đợi. Tôi gặp lại Thùy khi tôi sang đến Mỹ định cư. Vào buổi sáng ấy, sau khi chia tay nàng trở về, ngồi trên chuyến xe buýt tôi hồi nhớ về buổi gặp nàng ở Nha Trang. Lúc ấy, tôi đã vào lính, và đang độ tuổi hai mươi. Tôi rời Nha Trang sau một khóa học ba tháng chuyên môn ngành điều không. Về đến Sài Gòn, khóa chúng tôi còn thực tập về các loại máy truyền tin đến bốn tuần mới bốc thăm đi đơn vị. Tôi bốc trúng Cần Thơ, cũng tính xuống miền Tây nhưng có một bạn quê dưới đó bốc Biên Hòa, muốn hoán đổi, tôi bằng lòng.
Tôi làm việc tại Trung tâm không trợ III, đến giữa năm 1968 thì nhận giấy tờ đi học lớp sĩ quan hoa tiêu. Nhưng giấc mộng làm phi công của tôi bất thành.
Thùy nói:
- Thật sự, em cũng rất mong gặp lại anh.
- Anh lại nghĩ, em quên anh.
- Lúc đó, Thúy Hà - nàng làm anh quên bao nhiêu người khác.
Tôi nói với Thùy:
- Em không nhớ mình có gặp nhau ở Nha Trang sao?
- Em nhớ chứ.
- Anh cũng nhớ nữa. Hôm ấy cùng em về một căn nhà, anh đã không hỏi em chuyện gia đình ra sao?
- Vô ích, phải không?
Thời gian của đời người thường được ví như là dòng sông. Con sông và cuộc đời luôn hiện hữu, nó cứ trôi chảy, không ngừng nghỉ. Đó là thực tế, chẳng cần thêu dệt, ví von, hay cho rằng chẳng qua là do tưởng tượng trong tiểu thuyết.
Tôi thường hay nghĩ đến một miền quê qua hình ảnh mẹ tôi. Mẹ tôi luôn ở trong tâm hồn tôi. Khi nhớ về mẹ, tôi có được những ngày thơ dại của mình, và khi nhớ ra từng cái bóng của tôi trên đồng ruộng, con sông, đường đê, vì những cảnh vật ấy có liên hệ nhiều đến những năm xưa lúc mẹ tôi còn trẻ. Ngày xưa ấy, mỗi lần có chợ phiên mẹ tôi đi rất sớm, đến chiều lúc trời sắp lặn tôi trông thấy bóng mẹ tôi, bóng chiếc áo nâu đang gánh hàng trở về trên con đường đê.
Thúy Hà là người bạn gái ở trong tôi một thời gian dài, và lâu hơn một ai hết. Biết đâu, một kiếp nào trước nàng là vợ tôi. Không biết vì lẽ gì, chúng tôi không có sự trở về câu chuyện thần thoại. Tôi gặp nàng buổi sáng ấy ở lớp học. Tôi thấy nàng có khuôn mặt đẹp và mái tóc xõa vai.
Bây giờ đây, chân trời mới của tôi là Thùy. Tôi có nàng là đủ. Nàng đây, để thay thế một căn nhà, bóng nắng trong vườn dâu, dòng sông, và cùng gom hết kỷ niệm của những người mình đã yêu vì tiếng nói. Hà Nội là thành phố nguyên thủy của tình yêu trong tiếng nói. Tôi không sinh trưởng ra ở nơi đó, nhưng tôi ý thức được điều quan trọng này.
Vậy nên tôi nghĩ rằng có Thùy là đủ, không mong gì hơn. Sau chuyến đi qua thành phố Memphis gặp lại vợ chồng anh Nguyên và gia đình Lăng, trở về quận Cam, chúng tôi bắt đầu thu xếp lại cuộc sống, thật đơn giản và rất dễ chịu. Thùy vẫn làm việc cho sở Xã Hội trên thành phố Santa Ana. Lúc này, khách hàng đông, nàng khá bận rộn. về tôi, Thùy xin cho tôi đến làm ở một hãng xe đạp, ở khu vực đóng hàng. Với công việc này có nặng nhọc, nhưng khỏe người, không cần thiết tập thể dục.
Vào hai ngày cuối tuần tôi và Thùy cùng được nghỉ. Lúc trước, tôi hay đi mua hàng bán ở các ga ra, nay chỉ muốn gần gũi bên Thùy. Hai ngày cuối tuần là hai ngày hạnh phúc của tôi và Thùy. Buổi sáng chúng tôi dậy trễ, nhưng luôn cảm thấy dễ chịu với bữa ăn sáng ở nhà có bánh mì trứng ốp la và ly cà phê uống ngon miệng. Tôi và Thùy ngủ nhiều, trên chăn gối đầy ắp hương vị thơm của hạnh phúc. Hai chúng tôi có một ước mong chuyến đi sang Châu Âu, đây là niềm vui cuối cùng. Tôi chỉ biết London, Paris, Rome, Madrid qua phim ảnh và tiểu thuyết. Tôi thích Paris hơn cả. Tôi mong được thấy tháp Eiffel, thấy sông Seine, và có những buổi sáng ngồi với Thùy ở quán cà phê khu Latin, hoặc Montmartre. Tôi hay nghĩ Paris qua kỷ niệm những sinh viên Việt Nam thời xưa đi Pháp du học. Bỗng dưng tôi hỏi Thùy:
- Em biết Hà Nội chưa?
- Chưa. Có phải anh mơ gặp Thúy Hà ở đó.
- Em đừng nhắc đến nàng nữa.
- Sao vậy anh?
- Em không hiểu nàng muốn chúng ta quên đi sao?
Thùy hỏi:
- Có chắc là anh quên không?
- Có. Thực sự anh mong như thế.
Buổi sáng nay mưa nhỏ hạt bên ngoài. Tôi và Thùy nhìn ra mưa ngoài vườn. Thùy sinh trưởng ngoài miền Bắc, nhưng chưa hề biết Hà Nội. Tôi được thấy thành phố đó, có mặt một ngày đầu tiên, và nhận ra rằng Hà Nội đã cho tôi một nỗi băn khoăn, vừa thân thiết lạ lùng.
Cô gái ấy nói với tôi:
- Em học ở Hà Nội, nhưng hôm nay em về quê.
- Quê cô ở đâu?
- Em ở Phúc Yên.
- Phúc Yên xa Hà Nội không cô?
- Không xa lắm, chừng bốn mươi cây số.
Tôi gặp cô gái ở ga Âm Thượng. Trong lúc hành khách đợi tàu, tôi thấy cô ngồi bên bờ đường đọc sách. Tôi đến làm quen, và được sự thân thiện của cô.
Cô gái lại nói cho tôi biết:
- Hôm nay chỉ có tàu thường thôi, về tới Hà Nội cũng đến hai giờ sáng.
- Tôi chưa biết Hà Nội.
- Thế là ông về mãi trong miền Nam.
- Vâng.
Có Hà Nội, một thành phố đã ở trong tôi ngay từ buổi đầu gặp cô gái. Vài năm sau ra Hà Nội làm giấy tờ xuất cảnh, tôi gặp lại người xưa. Chính cô phụ trách hồ sơ của tôi, công việc rất mau chóng. Thực sự cô không nhớ ra hay nhận ra tôi, nhưng tôi còn nhớ rõ. Cô gái tên Hà, tên của cô làm tôi biết mình đang ở Hà Nội.
- Tôi hôm ấy ở ga Hàng Cỏ, một trận mưa lớn như trời sập.
- Có một ngày thăm Hà Nội, anh đi chơi phố vui không?
- Có, vui lắm. Không phải vui vì được thấy phố xá đông đúc, nhộn nhịp. Vui, vì anh được biết Hà Nội.
- Có đúng là Hà Nội đủ ba mươi sáu phố phường.
- Nhiều hơn nữa.
- Người Hà Nội anh gặp là ở trong dĩ vãng.
- Những người Hà Nội của dĩ vãng.
- Anh nhớ đến ai, có gặp cô Loan và cô Thu không?
- Anh lại nhớ cô Hà. Cô gái ấy có nét hao hao giống cô Hà trong Đôi bạn.
- Không có Thúy Hà sao?
- Hà Nội rất là bất chợt. Anh chỉ quanh quẩn đâu đó thôi.
- Bây giờ anh còn nhớ cô Hà không?
- Chắc là chỉ có mình em thôi.
- Em quá sung sướng.
- Mau quá phải không? Anh Giang ra đi đã 100 ngày.
Lúc đứng trước micro, Thạc nói:
- Tôi hy vọng đây là cuốn sách rất quý dành cho anh Giang và gia đình. Mỗi chúng ta dù có đóng góp bài vở hay không, nhờ cuốn sách này mà hôm nay anh Giang hãy còn trở lại với chúng ta.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Hôm qua, đúng một trăm ngày anh Giang mất. Tôi và Thùy đi dự. Nơi tổ chức là hội trường Văn Lang nằm bên đường Moran ngay trung tâm Little Saigon. Số người đến dự đông như hôm viếng tang lễ và tiễn đưa anh Giang. Mới đây thôi, nên thời gian cũng như kỷ niệm đều chung một nỗi buồn chưa có ai quên. Hội trường rộng lớn, ghế dựa sắp thành hàng ngay ngắn. Ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm nghĩ đến sự ra đi của anh Giang về được nơi chốn yên bình. Có thể anh đang ở Quy Nhơn, hoặc Bình Khê, ngồi trầm lặng bên sông Côn để hồi tưởng những trang sách đầu tiên dựng nên tác phẩm lớn của mình. Dòng sông Côn êm đềm, thật êm đềm.
Cuốn sách kỷ niệm nhớ anh Giang đã in xong và được ra mắt. Trên chiếc bàn dài để sẵn từng chồng sách, có hai người phụ nữ ngồi bán sách cho độc giả. Sách không đề giá, nhưng đây là ý của ban biên tập muốn bán cho thân hữu để lấy tiền trả cho nhà in. Tôi và Thùy mua hai cuốn.
Hai người trong ban điều khiển chương trình là anh Phạm và Thạc. Gia đình chị Diễm đông đủ. Lúc này đây, cũng là dịp các bạn văn gặp lại nhau, hỏi thăm về công việc sáng tác. Buổi tưởng niệm và giới thiệu sách khởi sự đúng mười hai giờ trưa. Trước khi vào chương trình, anh Phạm thay mặt tang quyến xin mời quan khách sau khi xong buổi tưởng niệm hãy đến nhà gia đình để dự bữa cơm cúng giỗ, nhân tiện, thắp hương cho anh Giang. Anh Huy vừa xuất hiện, gặp quan khách và các bạn văn anh vẫy tay chào rồi tìm ghế ngồi. Hôm có tang lễ, từ San José anh xuống dự, hôm nay, sau ba tháng anh cũng xuống để nhớ 100 ngày anh Giang.
Tôi và Thùy ngồi ở hàng cuối. Lúc cần một chút hạnh phúc, Thùy để bàn tay nàng trong tay tôi.
Cũng như lần trước khi vào đề tài chính anh Phạm nhắc qua tiểu sử của anh Giang, và lần này cốt ý tìm lại những bối cảnh anh Giang đã mượn từ quê hương để đưa vào tác phẩm của mình. Trên màn hình lớn, một làng quê Phú Phong hiện ra cùng với một dòng sông. Đó là sông Côn của tác phẩm Sông Côn Mùa Lũ. Qua phần tiếp theo, anh Phạm nói đến chuyến vượt biên của anh Giang vào năm 1981. Trong thời kỳ sống ở đảo với người tị nạn, anh Giang đã viết nhiều, thật nhiều không biết bao nhiêu là truyện ngắn. Dù không in ra thành sách, nhưng các truyện ấy được đồng bào chuyền tay nhau đọc trong những ngày chờ đợi đến một nơi chốn định cư mới. Từ Nam Dương anh Giang đến Mỹ, một thời gian đầu anh làm báo, sau đó, làm chuyên viên thiết kế cho hãng điện thoại GM. Khi có được công việc ổn định, anh góp sức cho tờ Văn Học, xây dựng nên tạp chí này để phục vụ cho cộng đồng. Sự đóng góp của tạp chí Văn Học rất lớn, đây là một trong những tạp chí có uy tín hải ngoại. Sau khi xong phần mình, anh Phạm nhường micro cho Thạc lên giới thiệu cuốn sách. Một cách chân tình, Thạc cho biết vì thời gian không có nhiều nên việc in ấn có thể thiếu sót, nhiều sơ suất. Về bài vở, gom góp được rất nhiều nhưng vì số trang sách có hạn nên không đưa hết, nhất các bài phân tích và đánh giá tác phẩm. Chủ trương dành cho cuốn sách này là hoài niệm về một nhà văn đã sống và viết qua từng thời kỳ với bao nhiêu bạn hữu xa gần, có mặt, cũng như vắng mặt hôm nay. Mỗi bài viết nhớ đến anh Giang, hãy coi như chúng ta cùng đứng bên anh chụp chung một tấm ảnh làm kỷ niệm. Tôi có đóng góp một bài ngắn trong cuốn sách này. Tôi viết về anh Giang và thành phố Quy Nhơn. Một kỷ niệm thật vui và cảm động là buổi tôi ra mắt hai tác phẩm Bão Rớt và Tiếng chim vườn cũ có đông anh em đến dự ở nhà riêng của anh. Từ chiều đến tối, anh em cùng vui với bữa ăn ngon, với chai rượu đầy, và trò chuyện thơ văn say sưa đến rạng sáng mới lăn quay ra ngủ. Hai tác phẩm này của anh được nhà xuất bản Trí Đăng in, bán khá chạy, riêng tác phẩm tiểu thuyết Bóng thuyền say được giải thưởng văn học của hội Văn Bút. Sau hai tuần lễ ra mắt sách với bạn hữu, anh Giang rời Quy Nhơn, rời chức vụ sở học chánh vào Sài Gòn làm việc trong ban nghiên cứu của Bộ Giáo Dục. Đây là sự lựa chọn của anh, anh muốn dứt bỏ công việc hành chánh để theo nghề văn, một nghề, anh có đam mê vô bờ với văn chương, và rất trân quý sự sáng tác. Không khí buổi tưởng niệm và giới thiệu sách rất là sinh động, hay đẹp. Có những phút giây, mọi người ngậm ngùi nhớ anh Giang, nhưng cũng có phút, nhắc đến anh mọi người lại vui lên như những ngày anh còn sống.
Chị Diễm không ngồi, đi lại với vẻ mặt buồn, trang nghiêm. Khi thấy chị ngước mắt nhìn lên khung ảnh lớn của anh Giang để trên sân khấu, tôi bỗng nhớ mấy câu thơ:
Trên trướng gấm có hay chăng nhẻ
Mặt chinh phu ai vẽ cho nên
Tưởng chàng rong ruổi mấy niên
Chẳng nơi hãn hải là miền tiêu quan

Từ hôm anh Giang mất đến nay, chị Diễm rất là buồn, vắng lặng.
Thùy quay sang tôi hỏi:
- Hôm nay chị Diễm có nói không?
- Chắc là có.
Thùy vừa mới nhắc, chị Diễm đã được mời lên, và lúc này, mọi người đều lắng nghe từng tiếng nói của Huế, trong một giọng hồi nhớ, và chị đã kể lại những ngày đẹp đẽ về mối tình của chị và anh Giang. Bất ngờ, cả hội trường vang lên tiếng cười vui khi chị quay đầu nhìn ảnh người chồng hỏi:
- Giang ơi, có nghe em nói không đấy.
- Có, cả hội trường cũng nghe.
Chị Diễm sinh trưởng ở Huế, dòng dõi thế tộc. Chị và anh Giang rất thương từ buổi đầu gặp gỡ đến lúc thành vợ chồng. Năm 1981, trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình và đất nước, anh vượt biên đem theo đứa con trai mười hai tuổi là Vũ. Chị ở lại nhà với cháu gái nhỏ, Mai. Khi được qua đến Mỹ, anh cố gắng đi làm vừa nuôi con ăn học, vừa dành dụm số tiền để bảo lãnh cho chị và cháu út qua.
Năm 1990, chị đem cháu Mai qua Mỹ đoàn tụ, và đây cũng làm năm đầu của chuyến đi HO. Anh Giang lên phi trường Los Angeles đón chị và cháu Mai. Khi về đến nhà, không đợi nghỉ ngơi chị mở ngay một thùng giấy lấy ra bản thảo bộ trường thiên Sông Côn Mùa Lũ đưa cho anh.
Khi nên trời cũng chiều người
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau

Chỉ sau một năm, tác phẩm anh đem tâm huyết ra viết được in trọn bộ bốn cuốn, cho đến nay, được tái bản nhiều lần. Người xuất bản bộ sách này là thầy Từ Mẩn, trước 75 đã trông coi nhà xuất bản Lá Bối.
Căn nhà trên đường Strait bây giờ vắng anh, nhưng nơi ấy những năm về trước là nơi gặp gỡ thường xuyên vào hai ngày cuối tuần của các bạn văn. Hai anh chị rất là hiếu khách. Những bạn văn trong vùng quận Cam hay từ các nơi xa về Cali, đến nơi này, gặp nhau là gắn bó, thân thiện. Tôi và Thùy cũng hay đến đây vào thứ bảy, hoặc chủ nhật. Thùy trở nên người bạn khá thân với chị Diễm. Trong ba người con của anh chị, tôi hợp tính cháu Mai và thường có chung với cô cháu những ý tưởng về tuổi trẻ và xã hội. Hai con gái anh, Dao và Mai học giỏi, đỗ đạt bằng Dược sĩ. Cháu Vũ là một thanh niên năng động, đang là một hướng đạo viên xuất sắc.
Khách ở chơi, sinh hoạt đến khuya mới ra về. Hai anh chị tiễn khách từng người, từng nhóm, rồi trở vào nhà nhưng trong giờ đó vẫn chưa đi nghỉ. Nơi phòng khách yên lặng, hai anh chị vẫn còn thân thiết chuyện trò. Hạnh phúc này, hay nhắc anh nhớ đến một câu thơ:
Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình.
Khi chị Diễm dứt lời, mọi người vỗ tay, thật cảm khái về một câu chuyện thật. Anh Phạm đến trước micro, giới thiệu một người nữa, cô T. ngày trước cũng học ở Đồng Khánh, cùng lớp chị Diễm.
Từ Sacramento cô T. xuống dự lễ 100 ngày của người thầy xưa. Trước khi đi, cô lục tìm lại những tập vở cũ môn Việt Văn ngày đó cô đã ghi chép những bài giảng của anh Giang. Trước 75, chương trình Việt Văn lớp Đệ Tam có học ba tác phẩm cổ điển bằng thơ là Kiều, Cung oán ngâm khúc và Chinh phụ ngâm. Sau khi nói đôi lời phân ưu và vĩnh biệt người thầy, cô T. mở tập vở ra trích đọc những đoạn bài giảng của anh Giang. Tất cả lắng nghe với sự thành tâm. Xong phần đọc, cô xin phép mọi người cho cô diễn ngâm những đoạn thơ trích trong các bài giảng Kiều:
Nàng rằng nghề mọn riêng tây
Làm chi cho bận lòng này lắm thân
So dần dây vũ dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau
Khúc đâu Tư Mã Phượng cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng
Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân
Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
Ngọn đèn khi tỏ khi m
Khiến người ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu

Giọng ngâm thật trong nghe như tiếng hòa hợp của cơn mưa rơi vào tiếng đàn. Cùng đệm cho giọng ngâm có tiếng sáo thổi khúc Tao đàn, chương trình ngày xa xưa của nhạc sĩ Tô Lang và nhà thơ Đinh Hùng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 05 Apr 2017

Sau đoạn Kiều, cô T. diễn ngâm thêm một đoạn biệt ly trong tác phẩm Chinh phụ ngâm. Lúc này, tôi nhận ra thời gian chợt có sự dừng bước.
Và đến lúc, nhìn thấy rõ bóng người chinh phu theo đoàn quân ra đi rồi, bỗng dưng, lòng mọi người trở nên trống trải.
Tôi nhìn đồng hồ tay, buổi chiều thư thả xuống bên ngoài, của một ngày cuối tuần thân mật với mọi quang cảnh thiên nhiên ở đây. Thời tiết trong vùng quận Cam những ngày qua thật đẹp, rất là đẹp.
Vừa đến lúc chương trình kết thúc, mọi người đứng lên và tìm gặp nhau để bắt tay, thăm hỏi chuyện trò. Anh Phạm còn đứng trước micro với nụ cười hài lòng, một lần nữa, anh nhắc nhở với bằng hữu chúng ta còn phải đến nhà anh Giang thắp hương cho anh và dự bữa giỗ do gia đình mời.
- Hôm nay, anh Giang vẫn còn bên chúng ta chưa đi xa đâu.
Tôi nghe một giọng vui của người trẻ nói người bạn văn kia.
Chị Diễm và các cháu xin phép quan khách về trước để chuẩn bị. Rồi từng nhóm người lần lượt theo. Một số còn những chuyện riêng bên nhau.
Khi tôi và Thùy lái xe đi ngang thấy cửa hội trường còn mở, đèn sáng chưa tắt. Về tới nhà anh Giang chỉ mất có mười phút xe. Ở khu vực trước nhà anh xe đậu đông, tôi đi tới ngả ba, nơi này một tối đó anh Giang tiễn chúng tôi đến đây và tôi đưa anh trở lại bằng xe của mình.
Vào nhà, mùi hương khói và trầm thơm ngào ngạt. Tôi và Thùy cùng đứng trước bàn thờ anh Giang thắp hương. Tôi nói thầm với anh về Quy Nhơn, về một thời tuổi trẻ của chúng tôi ở thành phố đó.
Tối hôm ấy, về đến nhà tuy đã khuya nhưng vợ chồng tôi không đi ngủ sớm. Ngồi dưới mái hiên nhìn ra căn vườn nhỏ đang sáng lên trong lớp ánh trăng mỏng, tự dưng, tôi nhớ Huế hơn hết. Ngày đó, tôi có một cuộc gặp gỡ kỳ diệu với một người đàn bà. Từ buổi tối ấy, hai người không gặp lại nhau, và không biết được nhau một điều chi cả.
Chiếc ghế xích đu nhẹ di chuyển đưa tôi và Thùy trong ánh sáng trăng bên khu vườn.
- Anh thấy thời gian đi qua nhanh không?
- Rất nhanh.
- Anh có nghĩ thời gian định hướng được cho đời sống không.
- Anh nghĩ là có. Khi mình có định hướng, thời gian đối với mình thật quan trọng, đòi hỏi sự chính xác nữa.
- Nếu mình không định gì cả thì sao?
- Anh nghĩ là thời gian sẽ biến mất.
- Từ lúc vào đời, anh thích làm công việc gì nhất.
- Anh vẫn ước mơ làm người phi công.
- Ước mơ của anh là đi tìm cô Phượng, hay của mây trời và trăng sao.
- Hình ảnh Phượng quá lý tưởng, tôi nói.
- Có ai mang hình ảnh Phượng anh gặp ngoài đời không?
- Hình như là có.
- Về một người phi công?
Tôi đọc cho Thùy nghe một đoạn trong cuốn Cõi người ta:
Trong bóng tối bao la mờ mịt, mỗi ánh đèn báo biểu mỗi hiện diện huyền diệu của mỗi tâm linh. Chốn này, người ta đang xem sách, người ta đang suy tưởng, người ta đang thổ lộ tâm tư. Nơi kia có lẽ người ta đang dò dẫm không gian, người ta đang mỏi mòn trước những con số, tính toán mãi về tinh vân Andromède. Chốn nọ, người ta đang yêu đương. Đó đây, lác đác trên cánh đồng, những ánh lửa đang đòi hỏi được nuôi dưỡng, giữ gìn. Cho đến cả những ánh đèn kín đáo nhất, của nhà thơ, nhà giáo, của người thợ mộc. Nhưng giữa đám sao rào rạt sống động kia còn biết bao nhiêu cánh cửa kín bưng, biết bao nhiêu tinh cầu tắt lịm, biết bao con người ngủ say.
- Sao anh lại ngừng không đọc tiếp hết bài.
- Anh chỉ nhớ được chừng đó.
- Phải gắng làm sao tiếp ứng.
- Đúng rồi, em đã nhớ.
Tôi ngừng một giây suy nghĩ, chợt tiếp lời:
- Thực ra đó chỉ là một ý niệm trong tâm tưởng của mình. Không hẳn, mình muốn giải thích như vậy là để làm triết lý.
Chiếc ghế ngừng lay động. Thùy đang dựa lên vai tôi, khép mắt ngủ. Tôi đỡ Thùy dậy, đưa nàng về phòng. Tôi để nàng nằm ngủ một mình, ra ngoài, tìm trong tủ lạnh lấy một chai bia khui uống. Tôi chợt có một cảm giác thật mạnh về thời gian. Từng ngụm bia lạnh, thấm vào nỗi cô đơn của tôi. Thật tình, tôi không quên được Thúy Hà. Nhưng mà tự nhủ, hãy quên, cố gắng quên.
Buổi sáng nay mọi sự trở nên trống không. Thời tiết dịu mát, vừa đẹp trong mưa, và ánh sáng khu vườn dưới mưa như vừa xuất hiện những hình bóng thiếu nữ đang bước đi. Tôi nhớ ra ai trong đó, hầu như vắng lặng và không có tiếng nói.
- Không lẽ mình ngồi bên nhau nhìn mưa.
- Chúng ta phải đi, chứ.
- Đi đâu?
- Đi đâu?, tùy em thôi.
- Phải có hai người đồng ý.
Tôi thấy mưa sắp tạnh. Và, nắng đang lên. Thùy rời ghế đứng dậy, vào phòng thay quần áo. Tôi ngồi chờ nàng, lấy tờ báo cũ đọc lại.
Một giọng nói vang lên:
- Chút nữa, anh phải nhắc em mua cà phê.
- Hết cà phê rồi sao?
- Hôm nay là hết.
- Nhưng ngày chủ nhật thì còn.
- Đúng vậy, đó là ngày của mùa hè.
Từ bên trong, nàng tiếp lời:
- Hôm nay em nhắc anh, ngày mai là người khác.
- Không có tiếng của em sao?
- Không.
Nàng cười, một tiếng cười hạnh phúc reo lên cùng với tiếng nói. Khi nàng trở ra, tôi ngắm nàng khen nàng đẹp. Lúc đứng im hé môi cho tôi hôn, nàng nói nhỏ:
- Hôm qua anh ngủ say.
- Hôm qua anh đi tìm những vì sao trong đêm tối.
- Có trông thấy chú mục đồng nào không?
- Anh có thấy một căn nhà giữa cánh đồng.
Chúng tôi rời nhà ra xe. Thùy lái, tôi ngồi cạnh bên nàng. Tôi không nhớ ra con đường xe đang chạy. Bất chợt, Thùy bảo tôi, đêm qua nàng khóc. Tôi ngạc nhiên vô cùng, một lúc sau nàng cho tôi hay rằng ước mơ được làm phi công của tôi làm nàng nhớ nghĩ đến người anh của nàng là một phi công bị mất tích trong một ngày mưa bão trên vùng núi Trường Sơn ở miền Trung. Anh ấy đã chết, nhưng không thể tìm thấy xác của anh và chiếc phi cơ.
Tôi nói với Thùy, người phi công là một hiệp sĩ không gian. Khi bay trong bầu trời bình yên nhìn những cánh đồng mây, nhìn thấy núi, nắng vàng, anh ta trở thành thi sĩ, nhưng khi đối diện với chiến tranh và bão tố, đương đầu với sự hiểm nghèo anh ta là một chiến sĩ nhào lộn trong không gian thật là tuyệt vời. Cả hai hình ảnh kể trên, phi công là một mẫu người thật lý tưởng.
- Anh còn tiếc nuối giấc mơ của mình không?
- Vẫn còn, còn mãi. Nhưng hôm nay anh thật bình yên bên em.
- Hôm nay là ngày chủ nhật.
- Một ngày hạnh phúc cho nhân loại.
- Ngày của Chúa mà anh.
- Và, cho tất cả mọi người.
Tôi cảm thấy mình trẻ lại bên người mình thương yêu. Tôi có sự ràng buộc với Thùy. Chiếc xe đang chạy ngon trớn trên con đường ven biển. Về tới nơi nào có thành phố, chúng tôi đều rất yêu thích.
Thùy hỏi:
- Thời gian có nơi trú ẩn không?
- Có.
- Có thực là anh đã quen biết hai cô Liên An.
- Không, chỉ một cô thôi, nhưng mà tên gọi có hai người.
- Anh có thích về sống ở những miền quê không?
- Thích lắm chứ.
- Chúng mình cũng già rồi, phải không anh?
- Em chưa già. Có lẽ anh thì đúng hơn.
- Không, em già rồi.
- Không đâu, em còn trẻ đẹp mãi để thương yêu anh.
- Anh vẫn nghĩ, kiếp trước Thúy Hà là vợ anh.
- Chắc là vậy.
- Anh tìm thấy nàng lúc nào?
- Anh không nhớ. Có thể là do anh tưởng tượng.
- Anh và nàng có con cái gì không?
- Không.
- Biết đâu có mà anh không hay.
- Anh lại nghĩ điều em nói dành cho hai chúng ta. Nhưng, muộn rồi.
- Vâng, cũng đã muộn. Em biết.
Rồi biển và thành phố khuất dạng. Chúng tôi đi tiếp con đường núi không vào thành phố.
- Chỉ có một mái nhà là mình được trú ẩn và yên nghỉ tự do.
- Bây giờ đi đâu, anh biết không?
- Không, chúng ta đang ở xa thành phố.
- Về một miền quê.
- Hay quá. Chúng mình sẽ đi tới miền quê
- Và, anh sẽ tìm thấy lại Liên An.
Tôi cũng nghĩ như câu Thùy vừa nói. Liên An, đang ở trong sự trở về. Phía xa kia, từ nơi chôn ấy tôi trông thấy nàng đi qua cánh đồng cỏ, và mang tôi theo tìm đến quê hương của nàng.

LỜI THƯA
I
Tất cả nhân vật và tình tiết trong cuốn tiểu thuyết này hoàn toàn là sản phẩm hư cấu, nếu có sự trùng hợp là ngoài ý muốn của tác giả. Trong truyện, tác giả mạn phép trích dẫn một số đoạn từ các tài liệu văn học, tin tức và bút ký chiến tranh của một số tác giả khác. Vì không thuộc loại biên khảo nên không có phần ghi chú kèm theo. Xin các tác giả miễn thứ và thành thật cám ơn quý vị.
II
Lần in này tác giả có nhuận sắc, sửa lỗi đánh máy và có một vài thay đổi nhỏ về các nhân vật.


(Hết)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Previous

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 35 guests