Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

226 Ngao cò tranh nhau ngư ông đắc lợi

Một chú trai đang mở miệng kiếm ăn, bỗng nhiên cò thấy được bèn mổ ngay vào lòng ruột của trai. Đau quá, trai lập tức khép miệng lại, trai ngao kẹp chặt cứng mỏ cò. Cò cố hết sức, vật vã mãi mà không sao gỡ được mỏ cò ra khỏi sự kềm cặp của ngao trai, về phần mình, trai không thể nào mở miệng, vì làm như vậy cò sẽ kéo hết gan ruột ra khỏi ngao. Hai bên đang giằng co vật vã thì một ngư dân đi qua nhìn thấy. Ngư ông đưa tay bắt gọn cả hai. Một bữa canh trai, một bữa thịt cò ngon lành bỗng dưng mà có. Thật là của trời! Từ câu chuyện này mà trong dân gian xuất hiện câu tục ngữ “ngao cò tranh đấu ngư ông đắc lợi” hàm chỉ tác hại của sự mất đoàn kết. Sự mâu thuẫn hai bên chỉ tổ có lợi cho kẻ đứng ngoài, cho người ngoài lợi dụng.
Câu tục ngữ “ngao cò tranh nhau ngư ông đắc lợi” là một lời cảnh tỉnh, lời nhắc nhở quý giá đối với con người. Mất đoàn kết, hãm hại nhau chẳng những không được lợi lộc gì mà còn là cơ hội tốt cho kẻ ngoài kiếm chác. Câu chuyện lịch sử xảy ra trong thời Đông Chu chẳng phải là một bằng chứng sống về việc ngao cò tranh đấu ngư ông đắc lợi đó hay sao? Một Sái hầu, một Tức hầu rất mực kết đoàn nhưng chỉ vì lòng tự ái mà đã ghen ghét nhau, mượn một nước sở hùng mạnh làm hại nhân, sở đã đóng vai trò ngư ông thật thần tình. Cầm chắc Sái hầu, thủ tiêu Sái hầu, ôm mỹ nhân, tóm thẩy ngọc vàng châu báu của Tức hầu về kho nước sở. Thật là nhất cử mà tam tứ tiện!
Cũng trên một cách cấu tạo ngôn từ như “ngao cò tranh nhau ngư ông đắc lợi”, trong tiếng Việt có một câu tục ngữ khác hoàn toàn trái ngược với nó, đó là “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” (oan). Sự trái ngược này tiềm ẩn một vẻ đẹp đầy lý thú trong lời ăn tiếng nói của dân gian ta.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

227 Ngậm bồ hòn làm ngọt

Trong cuộc sống, có những hoàn cảnh nào đó, người ta có thể gặp những thất bại đau đớn, mà vẫn phải nhẫn nhục chịu đựng không dám kêu ca oán thán gì, ấy là cảnh “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Quả bồ hòn hình tròn, rất đắng, một vị đắng khó quên. Chẳng may, không biết mà nhấm phải một tí cũng đã đắng không thể chịu được, lại đem ngậm quả bồ hồn trong mồm với cách nói “ngậm bồ hòn làm ngọt” đó dân gian muốn ví sự cam chịu những “cay đắng của người đời” để có thể hoàn thành hay làm tiếp một công việc khác.
“Nhà gái bị một vố đau đến ngả người nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nói ra càng tủi hổ cho con mà lại mang tiếng vạch áo cho người xem lưng”.
Hơn thế nữa sự cam chịu này còn ở mức độ cao hơn: tuy thất bại đắng cay nhưng vẫn phải cam chịu và có khi còn làm ra vẻ mặt vui vẻ nữa: “Cái lối nói kháy pha lẫn khôi hài vừa thông minh vừa cay độc đã khiến mụ trùm Bá phải ngậm bồ hòn làm ngọt, cười nhăn nhở” (Xuân Thiều, “Thôi ven đường”).
Thành ngữ này có khi được dùng ở dạng rút gọn “ngậm bồ hòn”:
“Câu chuyện đáng buồn ấy cho tới nay vẫn như một mũi tên cắm sâu vào người ông Quyến. Nó là tấm gương tày liếp để dân làng hàng xã nhìn vào chế giễu khích bác. Biết thế nhưng ông chỉ còn cách ngậm bồ hòn” (Hoàng Minh Tường, “Đồng Chiêm”).
Thành ngữ “ngậm bồ hòn làm ngọt”, đồng nghĩa với “ngậm đắng nuốt cay” song ở thành ngữ thứ hai này không có nét nghĩa “làm ra vui vẻ”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

228 Ngày làm tháng ăn

Đây là một thành ngữ vùng biển, có ba nghĩa. Nghĩa gốc của thành ngữ chỉ sự bận rộn của công việc chài lưới. Theo thời vụ, công việc đánh cá chỉ tập trung vào những ngày biển lặng, có cá, thời tiết tốt. Để tranh thủ làm ăn, người ngư dân tập trung vào đánh bắt cá, gác hết mọi công việc khác sang bên. Theo tương truyền thành ngữ bắt đầu từ câu nói của một ngư dân ở xã H. Thanh (Thanh Hóa). Lần đó, mẹ người ngư dân này chết lúc cá đang rộ. Trước đó hàng ba bốn tháng, cả làng chài lưới và không có cá. Đời sống đói kém, đến lúc cá áp vào thì cả làng trống giong buồm mở ra khơi. Vừa được ít cá thì mẹ người ngư dân này nằm xuống. Vừa khóc mẹ, anh ta vừa nói: “Giữa lúc ngày làm tháng ăn này mẹ lại đi. Thật khổ cho con quá”. Anh ta phát tang xong, xuống thuyền đi biển. Hôm sau trở về mới đưa ma mẹ. Cũng may mà được cá nên đám tang chu tất. Ngươi ta khen anh chú trọng làm ăn. Việc như tang mà còn gạt sang bên để đi làm ăn theo thời vụ. Câu thành ngữ này vừa chỉ sự bận rộn của thời vụ, vừa thể hiện việc tập trung sản xuất của người dân.
Về sau, câu thành ngữ trên còn chỉ thêm hai đặc trưng của sản xuất ngư nghiệp, cũng là hai nét nghĩa của thành ngữ. Một là chỉ thực trạng sản xuất may rủi, gặp vận. Có thể chỉ đi một ngày đánh cá (một ngày làm) cũng đủ để sống cả tháng (tháng ăn). Hai là chỉ tình trạng bấp bênh, phụ thuộc vào thiên nhiên khi cả tháng ở nhà ăn ngồi rồi vì biển động hoặc vì không có cá, chỉ một hai ngày ra khơi được (ngày làm) để kiếm ăn cho cả tháng. (Ở vùng biển, tháng ba tháng tám âm lịch là những tháng giáp hạt, giao thời. Biển ít cá nên ngư dân ở nhà nhiều).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

229 Nghèo rớt mồng tơi

Ai cũng biết và đều hiểu “nghèo rớt mồng tơi” hay “nghèo rớt mùng tơi” là rất nghèo, nghèo đến xơ xác cùng kiệt. Thí dụ:
“Hắn làm thì cật lực, quanh năm nghèo rớt mồng tơi. Chỉ vì một miếng cũng không giữ được mà ăn, đứa nào vớ được cũng xoay, mà đứa nào xoay cũng được” (Văn 12, tập hai, tr.85).
“Họ giống nhau ở chỗ anh nào anh ấy đều nghèo rớt mồng tơi và đều mồ côi cha mẹ” (Nguyễn Đổng Chi, “Kho tàng truyện cổ Việt Nam).
Ý nghĩa chung của toàn thành ngữ đơn giản như vậy, nhưng xem xét nghĩa từng yếu tố lại hết sức phức tạp. Đến nay hầu hết mọi người đều cho rằng mồng tơi (hay mùng tơi) trong thành ngữ này chính là rau mùng tơi hàng ngày vẫn ăn đó thôi. Với cách hiểu này, người ta dễ dàng cho rớt trong rớt mồng tơi chính là cách đọc chệch của từ dớt, nhớt theo mối tương ứng tương ngữ âm có quy luật trong tiếng Việt: R-D-NH (rỏ-dỏ-nhỏ; ruộm-duộm-nhuộm,…) Và, rớt mồng tơi có nghĩa là nhớt (dớt) mồng tơi. Cho nên, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy trong các từ điển tiếng Việt, thành ngữ này được viết theo nhiều lối khác nhau: nghèo rớt mồng tơi, nghèo nhớt mồng tơi, nghèo dớt mồng tơi. Điều khó nghĩ ở đây là nhớt mồng tơi có liên quan gì đến sự nghèo khổ của con người? Nhiều người biện minh rằng, nhớt mồng tơi là một chất nhờn dễ trượt, thành ra nói nghèo rớt mồng tơi là nói việc tiền bạc vào tay người nghèo khó chẳng giữ được bao lâu, cứ trôi tuồn tuột như nước chảy. (Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống). Cách hiểu này tỏ ra gượng ép khó chấp nhận được. Hơn nữa, cách hiểu này vẫn chưa có thể giải thích được biến thể của thành ngữ này là “xác mồng tơi”. Ở đây chẳng có nhớt mà cũng chẳng quan hệ đến sự tuồn tuột của đồng tiền ra đi từ tay người nghèo khó. Vậy mà “xác mồng tơi” vẫn hoàn toàn đồng nghĩa với “nghèo rớt mồng tơi”. Thí dụ:
“Nhà em kiết ‘xác mồng tơi’, ai còn dám rời hoa tai cho mượn” (Văn học 12, tập hai, tr.47).
Với thành ngữ nghèo rớt mồng tơi, cho dù các yếu tố rớt, mồng tơi chưa được làm sáng tỏ, thì người Việt Nam vẫn nhận thức đầy đủ ý nghĩa và vận dụng nó trong từng lời ăn tiếng nói của mình rất linh hoạt.
“Và hẳn cả những anh em trong làng văn cũ, hiện bây giờ còn sống vẫn chưa ai nghe thấy Vũ Trọng Phụng làm cái việc xấu xa đê nhục ấy để mà kiếm sống, dù anh nghèo rớt mồng tơi” (Nguyễn Công Hoan, “Đời viết văn của tôi”).
Như vậy, cách hiểu trên có được là nhờ bám vào nghĩa hai chữ rớt và mồng tơi… ở đây rớt được hiểu là nhớt; mồng tơi được hiểu là rau mồng tơi.
Có người mách rằng, rớt trong nghèo rớt mồng tơi là một từ địa phương ở vùng Nghệ Tĩnh, Quảng Bình có nghĩa là rơi, rụng. Tơi là áo tơi, loại đồ dùng kết bằng thứ lá giống như lá cọ, dùng che mưa, che nắng, gặp rất phổ biến ở bà con nông dân các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Còn mùng tơi là phần trên của tơi. Phần này được kết dày và bằng các dọc lá tốt, bền, lâu bị rụng (rớt). Thông thường khi áo tơi hỏng, rách nát, không được dùng nữa thì phần trên cùng của áo, tức là mùng tơi vẫn còn nguyên. Nhà khá giả sẽ mua lá chằm (kết) áo tơi mới. Nhà nghèo túng thì chưa kết áo tơi mới ngay được, mà cứ dùng cái áo tơi rách cũ, chân áo và thân áo rơi rụng gần hết, chỉ còn lại phần vai áo, tức mùng tơi ngắn cũn cỡn. Đã thế, có nhà vì nghèo quá, cứ phải mang mãi cái mùng tơi ấy cho đến khi rớt (rơi rụng) gần hết dọc mà vẫn mang. Không bao giờ kiếm được chiếc áo tơi mới lành!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 23 Feb 2017

230 Nghiêng nước nghiêng thành

Chỉ có thành ngữ nghiêng nước nghiêng thành mới có thể diễn tả hết sắc đẹp tuyệt vời đến mê hồn của người phụ nữ. Nàng Kiều dẫu được Nguyễn Du rất kì tài trong miêu tả “làn thu thủy nét xuân sơn, hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, nhưng vẫn chưa bộc lộ hết sắc đẹp tiềm ẩn trong vẻ đẹp của nàng. Cho đến lúc cụ Nguyễn mượn đến thành ngữ nghiêng nước nghiêng thành thì vẻ đẹp của Kiều mới hoàn hảo, mỹ mãn với tất cả sự lôi cuốn kì diệu của nó:
“Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai”

(Nguyễn Du, “Truyện Kiều”)
“Nghiêng nước nghiêng thành” có nguồn gốc từ tiếng Hán, với dạng thức “khuynh quốc khuynh thành”. Thực ra, khuynh quốc khuynh thành là ý tứ bài ca của Lý Diên Niên trong Hán thư: “Bắc phương hữu giai nhân, tuyệt thế nhi độc lập. Nhất cố khuynh nhân thành. Tái cố khuynh nhân quốc”. (Phương Bắc có người đẹp, đẹp hơn đời mà đứng một mình. Ngoảnh nhìn một cái làm thành người ta xiêu. Ngoảnh nhìn thêm lần nữa, làm nước người ta đổ”. Đằng sau vẻ đẹp của người thiếu nữ hình như còn ngụ ý một đôi lời cảnh tỉnh. Rằng, vẻ đẹp phụ nữ dễ làm người ta mê muội. Rằng, đam mê tửu sắc ắt là mất nước mất nhà…
Trong tiếng Việt, “nghiêng nước nghiêng thành” thường được dùng để chỉ vẻ đẹp tuyệt trần, đầy hấp dẫn của người phụ nữ:
“Khen cho một dạ kiên trung
Dẫu rằng nghiêng nước nghiêng thành dễ đâu”

(Khuyết danh, Trinh thử”)
Nghiêng nước nghiêng thành, trong một số cảnh huống cũng được dùng với ngụ ý như một lời cảnh tỉnh đối với những ai vì đam mê mà “mất cảnh giác” đối với sức mạnh của sắc đẹp người phụ nữ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 23 Feb 2017

231 Nghìn vàng mua lấy trận cười

Với nhan sắc kiều diễm, Bao Tự, người con gái quê mùa được đem vào hoàng cung làm nữ tỳ cho vua bạo ngược, hoan dâm có tiếng là U-Vương. Chẳng mấy chốc nàng trở thành hoàng hậu. Hạnh phúc lớn lao là vậy mà trên nét mặt của nàng vẫn đượm vẻ u buồn, trên môi nàng nụ cười không bao giờ hé mở. Mọi niềm vui ở nàng dường như đã tắt ngấm, lặng câm. Bao nhiêu hoa thơm cỏ lạ. Bao nhiêu đàn ngọt hát hay, vũ khúc mê ly, lả lướt. Những món ăn ngon lạ. Và nhiều trò tiêu khiển khác nữa, cũng không sao gọi được nụ cười trở về trên đôi môi của nàng. Nàng thứ nhận duy chỉ có tiếng xé lụa là nghe vui tai. Thế là lập tức U-Vương lệnh đem tất cả lụa là trong kho đưa cho thị tỳ ngày ngày đứng xé để làm vui tai hoàng hậu. Nghe tiếng lụa xé, Bao Tự cảm thấy vui vui, nhưng trên môi nàng vẫn chưa thấy một giọt cười xuất hiện, dù chỉ thấp thoáng hé trong chốc lát. Mãi về sau, một viên cận thần hiến kế cho U-Vương đem nàng đi chơi núi Ly Sơn. Đang đêm sẽ đốt lửa, đánh trống báo động làm giả như đất triều đình đang bị kẻ thù chiếm đánh để cho các nước chư hầu đến cứu viện. Diệu kế đó lập tức được thực hiện. Quân tướng các nước chư hầu hùng dũng kéo đến ứng chiến. Nhưng, họ đã bị mắc lừa. Nào có giặc giã gì đâu, tất cả chỉ là một trò chơi của một kẻ có quyền lực. Họ thất vọng đem quân trở về. Và, quả nhiên trước sự bẽn lẽn, chưng hửng của quân ứng viện, Bao Tự đã vỗ tay cười to như bất ngờ hiểu được ra điều gì đó ở trên đời. Cái cười của nàng muôn vàn vẻ đẹp! Nhà vua vui sướng ban thưởng cho viên cận thần có kế tuyệt vời này một ngàn vàng. Nhưng than ôi, ít lâu sau có loạn, nhà vua lại đốt lửa, gióng trống ở Ly Son. Không một nước nào đến cứu viện. U-Vương đơn thương độc mã và chết trong cảnh binh đao.
Nàng Bao Tự và U-Vương với cái cười hiếm hoi quý giá được đánh đổi ngàn vàng, một cái cười nghiêng nước đổ thành trong thời Đông Chu đã lưu lại trong trí nhớ loài người như một huyền thoại, một bài học, một lời cảnh tỉnh. Cũng từ đây trong lời ăn tiếng nói của dân gian xuất hiện thành ngữ “nghìn vàng mua lấy trận cười” để hàm chỉ sự xa hoa, phung phí, sự bốc đồng quá độ trong tính cách của con người. Và, sự đánh lừa mọi người vì mục đích riêng tư đê tiện chỉ được một lần và là binh lửa dội lên chính đời mình. Trong văn học cổ, thành ngữ này được vận dụng khá linh hoạt. Nó được dùng với nhiều dạng thức khác nhau, không bắt buộc giữ nguyên từng từ từng chữ trong đó với điều kiện vẫn đảm bảo ý nghĩa, tính ước lệ, biểu trưng của nó. Chẳng hạn:
“Thúc sinh quen thói bốc giời
Trăm ngàn đổi một trận cười như không”

(Nguyễn Du, “Truyện Kiều”)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 23 Feb 2017

232 Ngồi lê đôi mách

Ngồi lê đôi mách là tật ngồi lê la đem chuyện riêng của người này nói với người kia, gây nghi hoặc giữa người này và người nọ. Chuyện thực có, chuyện thêu dệt, đặt điều cũng có. Việc này thì đồng tình, việc kia thì dè bỉu.
Trong thành ngữ “ngồi lê đôi mách” các yếu tố điều được hiển minh, ngoại trừ yếu tố “đôi”. Ở đây “đôi” có nghĩa là là giãi bày, phân bua với nhau. Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh vẫn tồn tại từ “đôi” với ý nghĩa này. Đặc biệt một số văn bản cổ vẫn còn lưu lại từ “đôi” biểu thị sự phân giải, nó lại là được dùng với tư cách là một từ độc lập.
“Thưa rằng: “Vốn thực không đi
Có ai làm chứng, tôi thì xin đôi”

(Truyện Tây Sương, Câu 1417-1418)
Ngoài ra, chúng ta còn gặp “đôi” trong sự kết hợp các yếu tố khác: đôi hồi (phân giải, bày tỏ: Cùng nhau chưa kịp đôi hồi - Hoàng Trừu): đôi co (phân bua, lý sự, cãi cọ trước mặt nhau: Sao cứ đôi co nhau mãi thế) đôi chối (bày tỏ trước người khác: Đôi chối có ích gì). Nhờ ý nghĩa này của “đôi” mà tổ hợp, đôi mách mới được dùng để lột tả thói hay kháo chuyện riêng của người khác. Đây cũng là ý nghĩa cơ bản của toàn thành ngữ “ngồi lê đôi mách”.
“Ở trong làng trong xóm với nhau, nhà ai làm giỗ mấy mâm,… hoặc chị nọ vắng chồng mà chậm đi giặt ba bốn lần, rồi cũng thành chuyện ngồi lê đôi mách của những kẻ tò mò rỗi rãi” (Xuân Thiều, “Thôn ven đường”).
Thành ngữ “ngồi lê đôi mách” có các dạng biến đổi “đôi mách ngồi lê”, “ngồi lê mách lẻo”. Ý nghĩa và cách sử dụng hai dạng thức này hoàn toàn giống “ngồi lê đôi mách”.
“Nhớ linh xưa:
Tánh thật thà, tình ngay thẳng
Ăn chơi ở lở vốn không
Đôi mách ngồi lê cũng chẳng”

(Bùi Hữu Nghĩa, “Văn tế con gái”)
“Chị rẽ lối khác đi quanh co, giả như cô gái đi chợ hay ngồi lê mách lẻo ghé hết hàng quà này đến hàng quà khác” (Nhiều tác giả, “Người Hà Nội”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 23 Feb 2017

233 Ngồi như La Hán

Muốn hiểu rõ thành ngữ “Ngồi như La Hán” là ngồi như thế nào thì phải hiểu rõ câu chuyện về La Hán.
La Hán, hay A La Hán là tên dịch âm qua tiếng Hán, từ chữ Arhat (Sanskrit) hoặc Arahant (Pháp). Arhat là dạng tắt của Arahant, và La Hán là dạng tắt của A La Hán!
Theo đạo Phật, thì La Hán là bậc thánh đã tu đắc quả, nghĩa là đã giác ngộ lý vô ngã (không có cái tôi) và có đủ những phép huyền diệu, đó là:
1) Bất sinh: vĩnh viễn vào cõi niết bàn, giải thoát khỏi vòng sinh tử, luân hồi, không còn tái sinh nữa, vĩnh viễn trở thành bất tử.
2) Ứng cúng: xứng đáng được hưởng sự cúng dâng của người và trời.
3) Sát tặc: trừ bỏ được ba độc tham, sân, si; nghĩa là, các vị La Hán đều không còn lầm lỗi, thoát khỏi phiền não, đạt tới sức mạnh huyền vi, tư tưởng tự do, tâm trí tự tại, biết hết tất cả. Niết bàn kinh còn chép: Ngươi đắc quả A La Hán trải qua hai vạn kiếp sẽ đắc quả Phật Như Lai.
Trong những cuộc thuyết pháp lớn của Đức Phật, thường có 1250 đệ tử A La Hán hợp kết tập thành Vương Xá (Rajagrha), dọn thành ba tạng kinh. Một trăm năm sau, có 700 vị A La Hán hợp kết tập kì hai tại thành Tỳ Xá Ly (vacali). Kế tới đời vua A Dục, khoảng 242, hoặc 244 t. CN, có 1000 vị Ala Hán hợp kết tập kì ba tại thành Hoa Thị để nhuận sắc bộ Tam Tạng Kinh và lo truyền bá đạo Phật ra nước ngoài.
Hồi đức Phật còn trụ trên thế gian, ngài có phái La Hán đi các nước ngoài để truyền bá giáo lý của ngài. Đó là các vị:
1. Tần độ la bạt na địa xa (Pindolapharadvâja)
2. Ca nặc ca phạt xa (KaraKavatsa)
3. Ca nặc ca bạt li đọa xà (Kanakabharadvâja)
4. Tổ tần đà (Suvinda)
5. Nặc cự la (Nakula)
6. Bát đa la (Bhadra)
7. Ca rí ca (Karika)
8. Phạt xà la phất đa la (Vajrajutra)
9. Thú bác ca (Svaka)
10. Bán thác ca (Panthaka)
11. La hỗ la (Râhula)
12. Na ca tê na (Nagasena)
13. Nhơn yết đà (Ingata)
14. Phạt na bà tù (Vànavâcin)
15. A thị ta (Ajita)
16. Chú đồ bán thác ka (Cudapanthaka)
Có 16 vị, song thường người ta tưởng lầm là có những 18 vị.
Từ góc độ mỹ thuật mà xét, có thể thấy các vị La Hán thường được thể hiện dưới ba dạng: tượng, phù điêu và tranh vẽ để thờ ở các chùa. Trong chùa Việt Nam, các vị La Hán thường được thể hiện dưới dạng tượng và phù điêu, như ở chùa Trăm gian (Quảng Nghi Tự), Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), chùa Mí (Sùng Nghiêm Tự) (các chùa này đều ở Hà Tây). Tượng các vị La Hán thường được bài trí thành hai dãy, mỗi bên 9 vị ở hai bên tiền đường (ở miền Trung và miền Nam), hoặc ở hai nhà giải vũ kiểu như ở chùa Dâu (ở miền Bắc).
Tượng La Hán ở miền Bắc thường được tạc trong tư thế ngồi trên loại bệ tự nhiên, như tảng đá, mô đất, gốc cây. Tượng La Hán ở miền Nam được làm ở tư thế cưỡi trên lưng các con thú. Hình hài, động tác, nét mặt mỗi vị một vẻ rất sinh động và gần gũi với con người đời thường. Có chùa, như chùa Tây Phương (Sùng Phúc tự) không bài trí tượng La Hán, mà thay vào đó là tượng 18 vị Tổ sư phái Thiền tông Tây Thiên (Mi Patriarche de L’Iude) nối tiếp nhau chủ trì, gìn giữ Phật pháp ở Ấn độ sau Phật Thích Ca. 18 tượng này, kể từ vị Tổ thứ nhất Ca Diếp, (Kacyapa) đến vị Tổ thứ 18 là Tăng già gia xá (Sainghayacas), 18 pho tượng Tổ rất sinh động, biểu lộ rõ nội tâm, có giá trị thẩm mỹ cao.
Những hiểu biết về lai lịch của La Hán, về cách bài trí về cách thể hiện bằng tượng các vị La Hán ở trong các chùa… sẽ giúp ta hiểu sâu hơn về nghĩa của thành ngữ “ngồi như La Hán”.
Có thể nói ngắn gọn: “Ngồi như La Hán” là ngồi la liệt thành hàng, thành dãy với những tư thế và tâm thức khác nhau, mỗi người một vẻ. Trong tiếng Việt còn có một biến thể khác của thành ngữ vừa nêu. Đó là bày như La Hán. Bày như La Hán là bày la liệt thành hàng ngang, dãy dọc nhiều thứ với những hình thù và sắc vẻ khác nhau… Rõ ràng câu thành ngữ vừa xét này đã phản ánh khả năng quan sát tinh tế của dân gian đối với thực tế khách quan trong cuộc sống.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 23 Feb 2017

234 Ngưu Lang, Chức Nữ
Vợ chồng Ngâu

Cứ vào đêm mồng bảy tháng bảy (thất tịch), thường có mưa, mưa tầm tã, dường như không muốn dứt; dân gian quen gọi đó là mưa “ngâu” (biến thể của “Ngưu”). Tục truyền rằng đó chính là nước mắt mừng, tủi của Ngưu Lang, Chức Nữ (vợ chồng NGÂU) khi gặp nhau trên bờ sông Ngân rơi xuống sau một năm xa cách.
Sách Kinh sở tuế thời khí chép rằng: Chức Nữ là cháu Ngọc Hoàng thượng đế, làm nghề dệt vải, vốn rất chăm chỉ. Ngọc Hoàng gả Chức Nữ cho Ngưu Lang, làm nghề chăn trâu. Hai vợ chồng mải vui duyên mới, quên cả công việc. Ngọc Hoàng nổi giận, bắt hai người phải sống xa cách nhau, mỗi năm chỉ cho được gặp nhau một lần. Chức Nữ ở phía đông sông Ngân; Ngưu Lang ở phía tây sông Ngân. Mỗi năm chỉ được qua sông trên chiếc cầu do bầy quạ và chim thước nối nhịp (gọi là cầu Ô Thước) để gặp nhau vào đêm mồng bảy tháng bảy (thất tịch). Khi gặp nhau, họ mừng mừng tủi tủi, khóc như mưa: nước mắt của họ rơi xuống trần gian: ấy là mưa “Ngâu”!
Hình ảnh Ngưu Lang, Chức Nữ xuất hiện trong văn thơ luôn luôn là biểu tượng cho sự cách biệt trong tình nghĩa vợ chồng, cho cảnh vợ chồng chung tình mà buộc phải sống xa cách nhau. Còn hình ảnh “cầu Thước”, “cầu Ô Thước” và “Sông Ngân” trong quan hệ với huyền thoại Ngưu Lang, Chức Nữ cũng có ý nghĩa biểu trưng riêng:
Xa xa cầu Thước mấy lần,
Để Ngưu, Nữ cách sông Ngân lạnh lùng.

(Phạm Thái)
Cầu Thước phen này thênh dịp bước
Tấc gang riêng giữ nghĩa chung tình

(Lâm tuyền kì ngộ)
Khác gì ả Chức chị Hằng,
Bến Ngân sùi sụt cung trăng chốc mòng

(Đoàn Thị Điểm)
Thiệt công ô thước bắc cầu
Chàng Ngưu, ả Chức giã nhau từ rày.

(Quan Âm Thị Kính)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 23 Feb 2017

235 Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã

Người tốt tìm đến người tốt làm bạn tri âm để cùng chung sức thực hiện chí hướng của mình. Đó là:
“Bạn vàng lại gặp bạn vàng,
Long, li, quy, phụng một đàn tứ linh”
(Ca dao).
Cũng vậy, kẻ xấu lại tìm gặp kẻ xấu để cấu kết cùng nhau thực hiện mưu đồ xâu xa của mình. Đó là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.
Câu tục ngữ này là một tập hợp gồm các từ Hán Việt: ngưu - trâu, mã - ngựa, tầm - tìm. Vậy chúng ta có thể chuyển dịch nó một cách nôm na: trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa. Đối tượng phản ánh của câu tục ngữ này chỉ giới hạn trong phạm vi những người có phẩm chất và lối sống xấu xa tồi tệ. Dễ hiểu là việc dùng ngưu (trâu), mã (ngựa) trong câu tục ngữ này cho thấy thái độ và cách đánh giá của dân gian đối với đối tượng được nói đến như thế nào.
Trong ý thức của dân gian, trâu và ngựa thường được coi là biểu tượng của những thân phận thấp hèn (thân trâu ngựa) với tâm địa và những hành vi độc ác (đầu trâu mặt ngựa). Do vậy, câu tục ngữ ngưu tầm ngưu, mã tầm mã đúc kết một kinh nghiệm trong cuộc sống có giá trị như một chân lý về quan hệ giữa người với người: phàm những kẻ cùng có lòng dạ xấu xa, thì tìm đến nhau, kết bè kéo cánh làm bạn với nhau. Điều đó cũng dễ hiểu, vì chúng cùng hội cùng thuyền, một đồng một cốt với nhau cả!
“Và thường là bọn sâu dân mọt nước và những thứ “lương tâm ngụy tạo” cặn bã, “những điệu tuyên truyền” phản phúc lại tìm gặp nhau Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 23 Feb 2017

236 Ngựa tái ông

Phúc - họa, may rủi là những điều khó đoán định, khó lường trước được. Chả thế mà người Việt Nam chúng ta hay nói tới ngựa Tái Ông với ý nghĩa như vậy:
“Kìa tụ tán chẳng qua là tiễn biệt
Ngựa Tái Ông họa phước biết về đâu”

(Thơ Huỳnh Thúc Kháng)
Cách nói ngựa Tái Ông vốn được xuất phát từ dạng thức Hán Việt “Tái Ông thất mã” với một câu chuyện đầy kịch tính và hết sức thú vị kèm theo. Số là, Thượng Tái Ông có một con ngựa quý, tự nhiên biến mất. Những người quen biết đến nhà hỏi thăm, ông nói với họ: “Biết đâu lại là phúc đó”. Quả nhiên, ít hôm sau chẳng những ngựa quý trở về mà còn kéo thêm mấy con ngựa khác cùng về. Anh em láng giềng đến chia vui, ông lại nói: “Biết đâu lại là họa đó”, cầu được ước thấy! Con trai ông vì thấy có nhiều ngựa mà mải mê leo trèo, phi ngựa suốt ngày để đến nỗi một hôm phải ngã ngựa gãy cả chân. Trước sự kiện này, mọi người cho là tai họa, nhưng Tái Ông vẫn ung dung nói: “Biết đâu lại là phúc đó!”. Mà cũng nghiệm vậy. Sau đó có giặc, trai trẻ phải ra trận, nhiều người chẳng bao giờ về nữa, riêng con trai ông vì tàn tật mà được ở lại và sống sót. Quả là phúc họa đó, “biết về đâu”!
Ngựa Tái Ông được dùng nói tới cả phúc lẫn họa. Tuy nhiên, trên thực tế, khi nói tới ngựa Tái Ông là giả định có một tai họa đã xảy ra với một ai đó, và cách nói này trở thành lời động viên, an ủi người gặp nạn. Dĩ nhiên, cũng có trường hợp ngược lại, nhưng ít gặp hơn. Có lẽ trong ý thức của người Việt Nam, trước tai họa của người khác, người ta thường dành những lời an ủi và phước lộc của kẻ khác không ai nỡ lòng nghĩ tới tai họa và sự rủi ro cho họ.
(Xem thêm: Tái ông mất ngựa).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 23 Feb 2017

237 Người làm sao bào hao làm vậy

Trong tiếng Việt, chúng ta thường gặp cách nói “làm sao bào hao làm vậy”, cha làm sao con làm vậy,… Đó là những nhận xét, so sánh về sự tương tự, sự giống hệt nhau giữa hai sự vật, hai đối tượng, hai quá trình nào đó. Ý nghĩa chung của thành ngữ này được nhận diện như vậy là thỏa đáng. Tuy nhiên, đi vào nội bộ các yếu tố cấu tạo thành ngữ, có những điểm những chỗ đòi hỏi phải làm sáng tỏ. Ở thành ngữ này, từ bào hao tỏ ra khó hiểu nhất. Các từ điển cũ đã giải thích nghĩa từ bào hao là “gầm thét’, “nóng nảy”, “bồn chồn”. Đối chiếu các nghĩa này với thành ngữ “người làm sao bào hao làm vậy” quả là không hợp lý. Cho đến cuốn “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên) thì từ bào hao được chua thêm nghĩa “hùa theo”. Đây là nghĩa phù hợp hơn cả, vì thành ngữ “người làm sao bào hao làm vậy” hay “ai làm sao, bào hao làm vậy” trước hết chỉ việc làm theo, hùa theo, làm cho giống như người khác. Thí dụ:
“Ông cha nó như thế thì tránh sao con cháu nó không bào hao làm vậy”
Hành động hùa theo, làm theo mà thành ngữ này biểu thị là kết quả của sự thiếu chín chắn, thiếu cân nhắc suy nghĩ. Do đó, thành ngữ còn bao hàm cả thái độ phê phán của người nói đối với đối tượng được nói tới.
Về kết cấu, thành ngữ này không phải là một khối chặt, mà trái lại khá lỏng lẻo. Có thể mô hình hóa thành ngữ này bằng dạng thức khái quát là: A làm sao B bào hao làm vậy. Trong thực tế sử dụng A và B có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh nói năng. Thường là khi B là đối tượng trực tiếp, tức là người đối thoại, người ta có thể không dùng B. Thí dụ:
“Mày thì thấy ai nói làm sao cũng bào hao làm vậy” (Học Phi, “Búp trên cành”).
Trong trường hợp B là đối tượng nói đến ở ngôi thứ 3, thì người nói bắt buộc phải dùng B. Thí dụ:
“Người ta nói sao các ông ấy bào hao như vậy” (Đào Quyết Tiến, “Quê mới”).
Sự so sánh như trên là so sánh những điểm giống nhau của hai đối tượng khác nhau. Trong tiếng Việt, thành ngữ này còn được dùng để so sánh hai mặt của cùng một đối tượng. Theo phép so sánh này, hai mặt của đối tượng được xem là có sự đối ứng và tương ứng, có mặt này thì có mặt kia, mặt này như thế này thì ắt mặt kia cũng phải vậy. Thí dụ:
“Ở nước ta các triết lý này đã phổ thông bằng phương ngôn “người làm sao bào hao làm vậy”, “người làm sao văn thế ấy”, “khôn ngoan hiện ra mặt, què quặt hiện ra chân tay” cho nên “lòng dạ quắt quay nó hiện ra chữ nghĩa” (Tạp chí Nghiên cứu văn học).
Trong thực tế sử dụng, đôi khi người ta lấy từ chiêm bao thay cho bào hao thành dạng người làm sao chiêm bao làm vậy. Điều khá lý thú là, mặc dù chiêm bao với nghĩa chỉ “giấc mơ” vốn rất khác với bào hao, nhưng khi ghép vào thành ngữ này mà nghĩa của thành ngữ vẫn không thay đổi. Có người đã cho rằng các dạng người làm sao bào hao làm vậy là kết quả của việc nói sai trại từ thành ngữ ngày làm sao chiêm bao làm vậy với nghĩa “ngày làm việc gì, đêm mơ thấy đúng như vậy”. 
Nhưng rõ ràng là nghĩa của các dạng “người làm sao chiêm bao làm vậy”, “người làm sao của chiêm bao làm vậy” lại không giống gì dạng gốc (ngày làm sao chiêm bao làm vậy), trong khi đó lại giống “người làm sao bào hao làm vậy”. Cách giải thích ở trên chẳng khác nào câu nói về câu chuyện hồn Trương Ba da hàng thịt trong cổ tích Việt Nam.
Dẫu cách giải thích có khác nhau, nhưng trong cách dùng thành ngữ, người Việt vẫn xem các dạng “người làm sao bào hao làm vậy”, “người làm sao chiêm bao làm vậy”, “người làm sao của chiêm bao làm vậy” là các biến thể của một thành ngữ và chúng được phân biệt rạch ròi với thành ngữ “ngày làm sao chiêm bao làm vậy”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 23 Feb 2017

238 Nhanh như cắt

“Cắt” là một loài chim gọi là “chim cắt”. Giống chim này bay rất cao, mắt rất tinh có thể từ độ cao hàng trăm mét mà vẫn nhìn thấy rõ các con mồi dưới mặt đất. Khi phát hiện thấy con mồi chim cắt lập tức bổ nhào xuống với tốc độ cực nhanh, y như một lưỡi dao cắt qua khoảng không bén ngọt. Thành ngữ trên được hình thành từ đó. Nó diễn tả những hành động nhanh, chớp nhoáng, gọn và quyết liệt.
Nhanh như cắt, chỉ trong giây lát, tên trộm đã phá được ổ khóa và nhanh chóng ngồi lên xe nổ máy phóng đi.
Theo cách diễn tả này, trong tiếng Việt còn có nhiều thành ngữ khác: nhanh như chớp, nhanh như chảo chớp, nhanh như điện, nhanh như gió, v.v… Đó là những thành ngữ diễn tả cái nhanh nhạy của hành động. Thành ngữ “nhanh như sóc” cũng diễn tả sự nhanh nhẹn, song không phải là của hành động mà là của chủ thể hành động, cụ thể là tốc độ nhanh nhẹn của sự vận động, di chuyển. Ví dụ:
“Chú bé thoắt đến thoắt đi nhanh như một con sóc” (“Sấm sét trên đường phố“, Truyện ký nhiều tác giả).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 23 Feb 2017

239 Nhát như cáy

X. Ngang như cua, nhát như cáy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 23 Feb 2017

240 Nhạt phấn phai hương

Người phụ nữ bao giờ cũng có thời xuân sắc, trẻ trung, lọt vào mắt xanh bao chàng trai, và làm cho họ say mê, đeo đuổi. Nhưng thời đó cũng phải qua, nhan sắc cũng tàn tạ theo thời gian năm tháng, đó là lúc nhạt phấn phai hương:
“Lòng phiền nhạt phấn phai hương
Ủ ê mày liễu võ vàng mắt hoa”

(Truyện Phương Hoa)
Ai cũng hiểu thành ngữ “nhạt phấn phai hương” chỉ sự tàn phai nhan sắc do tuổi tác của người phụ nữ. Nhưng hiểu hương, phấn trong thành ngữ này là gì thì lại không đơn giản. Thoạt tiên, nhiều người cho rằng hương, phấn ở đây là các loại xa xỉ phẩm dùng để hóa trang, tôn thêm sắc đẹp cho người phụ nữ. Vậy thì nhạt phấn phai hương có liên quan gì đến tuổi già? “Nhạt phấn phai hương” trong trường hợp phấn hương là đồ hóa trang chỉ liên quan tới cách sống, lối sống cá nhân, do chủ quan tạo ra. Trong khi đó, tuổi già là do quy luật khách quan chế định, tác động. Thành ra, cách hiểu này chưa thỏa đáng.
Thực ra, phấn, hương trong nhạt phấn phai hương là hệ quả của sự ước lệ. Trước đây người ta ví người phụ nữ như một bông hoa (làm hoa để người ta hái, làm gái để người ta thương). Lúc còn xuân sắc, đương thì cũng là lúc hoa vừa mới nở, đang đua hương và khoe sắc phấn. Lúc hoa tàn, thì phấn hương sẽ phai nhạt. Khi người con gái về già, thì nhan sắc tàn tạ dần đi cũng tựa như hoa tàn thì hương phấn tất phải nhạt phai. Như vậy, theo phép ước lệ của truyền thống văn hóa cổ, thì hương, phấn, trong nhạt phấn phai hương chính thực là hương phấn của hoa. Tuy nhiên về sau này là, người ta dễ dàng bỏ qua điều đó, nghiễm nhiên xem, phấn, hương trong thành ngữ này các chất hóa trang thường dùng của phụ nữ. Cứ vậy, người ta chỉ hiểu ý nghĩa chung của thành ngữ mà mặc nhiên xem phấn hương là chuyện đã biết và dễ hiểu như thế. Theo cách hiểu này và theo khuôn mẫu có sẵn của “nhạt phấn phai hương” người ta tạo lập các dạng thức mới của thành ngữ này, như “nhạt phấn phai son” (hay phai son nhạt phấn):
“Tưởng không nổi giận duyên tủi phận
Tưởng không điều nhạt phấn phai son”

(Khuyết danh, “Bần nữ thán”)
“Nơi lạnh lẽo, nơi xem gần gặn
Há phai son lạt phấn ru mà”

(Nguyễn Gia Thiều, “Cung oán ngâm khúc”)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 90 guests