Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 26 May 2018

301 Sức dài vai rộng


Thành ngữ “sức dài vai rộng” thường được dùng để chỉ những người đang ở độ tuổi trẻ, khỏe và sung sức:
“Ông ấy nhiếc mãi vợ chồng sức dài vai rộng mà có vài ba chục bạc sưu cũng không chạy nổi” (Văn học 12, tập một, tr. 33).
Trong tiếng Việt, sự kết hợp giữa các từ sức và dài tưởng như không bình thường bởi vì người Việt thường nói sức bền, sức mạnh, sức khỏe… chứ ít nói tới sức dài. Cách nghĩ này là do chỉ chú ý tới nghĩa của dài trong sự biểu thị độ dài ngắn trong không gian ít chú ý tới dài với nghĩa chỉ độ dài ngắn trong thời gian. Dài trong tiếng Việt còn được dùng để chỉ quãng thời gian nào đó trong sự so sánh với quãng thời gian khác hẳn hơn ngày dài, đêm dài, đời còn dài. Vì vậy, tổ hợp sức dài chẳng những hàm chỉ sức dồi dào, sức nhiều mà còn hàm chỉ cả sự trẻ trung của con người. Vậy mà, bên cạnh sức dài lại còn có sự phụ trợ của vai rộng. Vai rộng là hình ảnh tả thực về thân thể, vóc dáng của những ngươi khỏe mạnh. Đồng thời, ở tổ hợp này có lẽ còn tiềm ẩn một ý nghĩa biểu trưng, mà theo đó chúng ta có thể thấy ở đây con người có khả năng đảm đương, gánh vác được những công việc nặng nhọc.
Như vậy, sự tương hợp về nghĩa giữa hai tổ hợp sức dài và vai rộng đã tạo nên ý nghĩa chung của thành ngữ “sức dài vai rộng”.
“Người đàn ông trong văn thơ từ xưa tới nay, không chỉ trí lực kiên cường mà tướng mạo còn thật phi phàm. Đã là đàn ông “sức dài vai rộng”, sẵn sàng đầu đội trời chân đạp đất. Đấng nam nhi cỡ như Từ Hải… Vai năm tấc rộng thân mười thước cao có chết đứng cũng vẫn là đại trượng phu.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 26 May 2018

302 Tả xung hữu đột


Thành ngữ “tả xung hữu đột” vốn được dùng để miêu tả thế tiến công liên tục trong các trận chiến, gắn liền với cách đánh nhanh nhạy của người có võ nghệ cao cường: lúc xông bên trái, lúc xông bên phải.
Do vậy, trước hết là tả xung hữu đột đồng nhất với tài nghệ võ thuật cao cường trong tấn công cũng như trong phòng ngự.
“Bọn cướp một số lớn biết võ, tả xung hữu đột nhưng dần dần kiệt sức bị dồn vào thế bí” (Nguyễn Tạo, “Sống để hoạt động”).
Bản thân các từ tả, hữu chỉ vị trí bên phải, bên trái và các từ xung, đột chỉ hành động tấn công đột phá, tạo ra cảm giác nhanh, mạnh, khéo léo. Do vậy, phàm là cách đánh nào tỏ ra nhanh nhẹn, mạnh mẽ đều là cách đánh tả xung hữu đột, cho dù người trong cuộc biết hay không biết võ thuật.
“Chúng xông vào, Lương ngự sử vốn có sức khỏe, tả xung hữu đột chống cự rất hăng hái” (Nguyễn Huy Tưởng, “Đêm hội Long Trì”).
Với lĩnh vực đấu sức thì “tả xung hữu đột” là vậy. Còn trong chiến đấu trí, “tả xung hữu đột” lại phản ánh sự tấn công hay sự chống đỡ nhiều bề, nhiều phía một cách linh hoạt, nhanh nhạy sao cho kín kẽ, hợp tình thấu lý, đảm bảo tính chân xác, nhằm bảo vệ lập trường, bảo vệ sự đúng đắn của mình.
“Thành ra, trong cuộc họp. Phương, gần như một mình tả xung hữu đột để bảo vệ cho chủ trương của mình” (Phù Thăng, “Trận địa mới”).
Thành ngữ tả xung hữu đột có một biến thể do sự biến đổi ngữ âm của từ trong thành ngữ tạo nên: “tả xông hữu đột”. Biến thể này có ý nghĩa và cách dùng tương tự như “tả xung hữu đột”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 26 May 2018

303 Tai bay vạ gió


Trong tiếng Việt, khi nói những tai nạn, rủi ro xảy ra bất ngờ, đột ngột và oan trái đối với ai đó, ngươi ta thường dùng thành ngữ tai bay vạ gió. Thí dụ:
“Đêm ấy người tài phú bị tra tấn la khiếp. Tôi nằm nghe tiếng la mà ái ngại thay. Thật là tai bay vạ gió” (Nguyễn Đức Thuận, “Bất khuất”).
Ý nghĩa của thành ngữ trên thì ai cũng có thể hiểu được, dùng đúng được, chẳng có gì đáng để lưu tâm lắm. Song, nếu đi sâu vào để hiểu từng chữ, từng từ của thành ngữ, quả thật không đơn giản như chúng ta vẫn tưởng.
Thành ngữ tai bay vạ gió là một thành ngữ được cấu tạo theo lối đối và điệp, trong đó từ tai đã đối với từ vạ thì dĩ nhiên, từ bay phải đối với từ gió. Xem ra thì các từ tai, vạ, gió đều rõ ràng và dễ hiểu. Duy chỉ có một chữ bay là cần phải làm sáng tỏ rõ, tỏ tường, bởi vì đối chiếu bay với các từ bay trong tiếng Việt đều không thấy từ nào có thể đối ứng với gió trong thành ngữ này được. Có thể do một sự liên hội nào giữa gió và bay với nghĩa động từ như trong cờ bay, gió bay, chim bay chăng? Nếu thế thì bay sẽ phá tan thế đối ứng của thành ngữ vì động từ bay không thể đối ứng với danh từ gió và, hơn nữa điều đó cũng không hợp lý về mặt ngữ nghĩa.
Vì vậy bắt buộc chúng tôi phải lần tìm trong toàn vốn từ vựng tiếng Việt để truy tìm “tung tích” của từ bay trong thành ngữ “tai bay vạ gió”. Quả nhiên chúng tôi bắt gặp từ “may” với nghĩa là gió. Chúng ta vẫn còn thấy bóng dáng của may với nghĩa này trong các từ ngữ gió heo may, trời heo may. Đặc biệt, may đã hiện nguyên hình trong thành ngữ “buôn may bán gió”. Như vậy, nhờ tìm được may với ý nghĩa là gió, chúng ta có thể khôi phục dạng gốc, dạng đích thực của thành ngữ “tai bay vạ gió” chính là “tai may vạ gió”. Dạng thức này thỏa mãn quy tắc đối và tương hợp về từ loại. Các từ tai, vạ là những danh từ biểu thị sự hoạn nạn, rủi ro nói chung còn các may, gió cũng là danh từ chỉ một hiện tượng tự nhiên, thường xuất hiện và đưa đến những điều không hay một cách bất ngờ. Vì thế, trong thành ngữ này, chúng biểu thị cái ý “ở đâu từ bên ngoài ập đến đột ngột, vu vơ”. Đó cũng là cái ý nghĩa chung của thành ngữ “tai bay vạ gió” như đã trình bày.
Xem xét các phương diện cấu tạo và ý nghĩa thì rõ ràng dạng thức “tai may vạ gió” là dạng đúng và dạng ban đầu của thành ngữ “tai bay vạ gió”. Vấn đề quan trọng nhất là tại sao từ dạng “tai may vạ gió” lại chuyển thành “tai bay vạ gió”?
Nguyên do chuyển đổi này quả là phức tạp. Có lẽ, bắt đầu từ dạng thức “tai may vạ gió”, từ gió có nghĩa phổ biến, và hiển hiện, trong khi đó ý nghĩa của may cổ hơn, ít phổ biến hơn, nên ý nghĩa của nó trở nên mờ nhạt dần. Cũng từ đó trong tâm lý người sử dụng ngôn ngữ, gió dễ gắn liền với hoạt động của nó là thổi hoặc bay: “Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay” Lại nữa, từ may có ý nghĩa là gió đặt bên cạnh các từ tai, vạ dễ gây liên tưởng tới một từ may khác, có ý nghĩa đối lập với chúng như may mắn, may rủi,… Chính vì từ này mà từ may khó lòng được xếp “ngồi cùng mâm” với các từ tai, vạ trong thành ngữ đang xét, và sớm muộn cũng phải thay thế nó bằng một từ khác. Những lý do tâm lý ngôn ngữ như trên là cơ sở chuyển đổi giữa may và bay. Để chắc chắn hơn và đủ độ tin cậy, chúng ta còn phải viện thêm một cơ sở thuần ngôn ngữ học. Đó là trong tiếng Việt, các phụ âm đầu, có vị trí cấu âm môi - môi dễ biến đổi, luân phiên cho nhau. Bằng cớ là trong tiếng Việt, chúng ta có thể trong tiếng Việt, chúng ta có thể tìm gặp khá nhiều các cặp từ tương ứng ngữ âm /m/ -/b/ đều đặn, chẳng hạn: mánh — bánh; mén — bén mê - bê… Như vậy, sự chuyển đổi giữa may và bay cũng nằm trong quy luật này.
Những điều lý giải trên là rất cần thiết và thú vị, bởi nó cho chúng ta biết được dạng thức đích thực, dạng gốc của thành ngữ “tai bay vạ gió” và con đường hình thành nên thành ngữ này. Tuy vậy, sự phát hiện này vẫn không cản trở sự tồn tại và hoạt động của dạng “tai bay vạ gió”. Đó là lẽ dĩ nhiên, bởi ngôn ngữ bao giờ cũng thế, luôn tuân theo quy luật và sự lựa chọn của xã hội. Người Việt hiện đại đã lựa chọn, sử dụng dạng “tai bay vạ gió” trong ngôn ngữ của mình để thay vì cho dạng gốc của nó là “tai may vạ gió”. Trong cách sử dụng, bao giờ “tai bay vạ gió” cũng biểu thị sự hoạn nạn, rủi ro xảy ra bất ngờ với bao nỗi đau đớn, oan uổng cho con người: “Pha kể đầu đuôi cái tai bay vạ gió mà mình vừa bị cho anh rể nghe” (Nguyễn Công Hoan, “Bước đường cùng”).
Trong tiếng Việt, thành ngữ “tai bay vạ gió” còn có biến thể khác là “vạ gió tai bay”, ví dụ:
“Thương lòng con trẻ thơ ngây. Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ”
(Nguyễn Du, 'Truyện Kiều”)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 13 Jul 2018

304 Tai vách mạch dừng


Với thành ngữ “tai vách mạch dừng”, Dân gian ta nhắc nhở nhau hãy cẩn thận hơn trong nói năng, kẻo những câu chuyện bí mật, những nỗi niềm riêng tư có thể có người biết được và bị lan truyền đến tai nhiều người.
Ở đây tai vách mạch dừng
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi

(Nguyễn Du, “Truyện Kiều”)
Thành ngữ “tai vách mạch dừng” có hai vế: tai vách - mạch dừng, ở vế thứ nhất “vách” là bức tường ngăn cách các buồng hoặc bao kín xung quanh ngôi nhà. Nói “tai vách” là cách nói theo phép nhân cách hóa, gán cho “vách” những đặc tính của con người, vách cũng có tai như người vậy. Ở vế thứ hai, “dừng” là những thanh tre nhỏ đan xen vào nhau tạo thành “xương vách” để trát bùn ở ngoài. Khi nói đến “mạch dừng” là nói tới sự hiển nhiên, có thật: dừng thì có khe, có mạch. Tuy nhiên “mạch” ở đây còn hàm chứa một ý nghĩa nào đó nữa. Phải chăng “mạch dừng” gọi lên ý nghĩa “lan truyền theo dây chuyền”. Sự kết hợp hai vế thành “tai vách mạch dừng” cho ta thấy được cái nghĩa đen của thành ngữ này là “vách có tai, dừng có mạch”. Từ nghĩa đen này, chúng ta dễ dàng nhận thấy nghĩa bóng của thành ngữ này: “dễ lộ bí mật, dễ bị lan truyền”.
“Chúng tôi bàn với nhau định nói thật với nó, nhưng nói làm sao được, nó còn nhỏ quá, sợ vui miệng, tai vách mạch dừng mà ở cái đất Sài Gòn năm đó, biết tin ai” (Nhiều tác giả, “Truyện ngắn miền Nam”).
Thành ngữ còn có một biến thể khác là “tai vách mạch rừng”. Chắc ở đây là có sự lầm lẫn hoặc sự biến đổi nào đó. Biến thể này thật khó giải thích, nhưng trong sự vận dụng, Dân gian ta vẫn hiểu đúng nghĩa của nó, và sử dụng nó giống như thành ngữ “tai vách mạch dừng”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 13 Jul 2018

305 Tai trai, ốc đỏ là vàng thợ khay


Đây là câu tục ngữ có liên quan đến nghề khảm trai cổ truyền ở Thăng Long — Hà Nội. Để hiểu câu tục ngữ này, ta phải biết rõ thợ khay là ai? Vì sao “tai trai, ốc đỏ” lại là “vàng thợ khay”?
Muốn biết rõ thợ khay là ai thì phải tìm hiểu một chút về nghề khảm trai, còn gọi là nghề khảm xà cừ. Theo các nhà nghiên cứu thì nghề khảm trai (hay khảm xà cừ) là một trong những nghề cổ truyền nổi tiếng ở Thăng Long - Hà Nội từ xưa. Người ta thường nói tới ba vị tổ nghề này; đó là 1) Trương Công Thành làm quan dưới triều Lý Nhân Tông (1072-1128), sau đi tu, dạy nghề khảm cho dân làng Chuyên Mỹ, được làng Chuyên Mỹ thờ làm thành hoàng; 2) Nguyễn Xim, làm nghề chài lưới ở Thanh Hóa, sống dưới thời Lê Hiển Tông (1740-1786); 3) Dân làng Chuyên Mỹ, tức làng Chuôm, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây thì cho rằng cụ Vũ Vân Kim là ông tổ nghề khảm trai. Con của cụ là cụ Ngân ra Hàng Khay mở mang nghề khảm trai nổi tiếng trong và ngoài nước.
Nghề khảm trai lấy vỏ trai, ốc, hến làm nguyên liệu, lấy gỗ quý, như mun, gụ, trắc hoặc lấy sừng làm nền cho hàng khảm. Hàng khảm thường là hộp, khay, sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối v.v… Quy trình khảm rất công phu và tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn và khéo tay. Người ta phải rất kì công mài vỏ trai, ốc, hến để lấy xà cừ, lớp mỏng tang có màu sắc óng ánh ở phía trong của vỏ trai, ốc, hến… Lấy được xà cừ rồi còn phải hơ lửa nóng để uốn cho phẳng. Sau đó, người thợ, người thợ khảm dùng những công cụ nhỏ xíu, như cưa (có lưỡi làm bằng dây có đồng hồ), giũa (nhỏ và dẹt), dao tách trỏ (nhỏ mà sắc) v.v…), để tạo ra những mảnh xà cừ có kích cỡ và màu sắc khác nhau thích hợp tới từng phần của họa tiết đã được chạm trổ trên gỗ, hay sừng. Công đoạn cuối cùng là dùng sơn ta gắn các mảnh xà cừ vào gỗ (gọi là cốn). Cứ như thế, hàng trăm mảnh xà cừ được ghép vào, tạo nên những bức tranh, hay hàng chữ đã được xác định từ trước, rồi còn phải mài, đánh bóng cho đến khi chúng hiện lên óng ánh, lung linh… mới thôi.
Sản phẩm của nghề khảm trai gồm có nhiều loại, như trên đã nói, song phổ dụng nhất và nổi tiếng nhất cả ở trong nước cũng như ở ngoài nước là các loại khay. Vì thế, thợ làm nghề này được dân gian gọi là thợ khay hay là thợ khảm. Cái nghề thợ khay này không nặng nhọc, nhưng phải kì công, khéo léo, và người thợ kiếm được bát cơm, manh áo cũng không phải là dễ. Chả thế mà có cô gái đã chua ngoa nói:
Hoài người lấy chủ thợ khay,
Cò cưa kí quéo có ngày không cơm.

(Ca dao)
Nhưng nếu là thợ giỏi, có tay nghề cao, thì đúng là “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Khi đó, cô nào lấy được anh thợ khay thì là một diễm phúc:
“Nhà em mả táng hàm rồng
Thì em mới lấy được chồng thợ khay”

(Ca dao)
Đối với người thợ khay thì ngoài những đức tính như kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn trọng, khéo léo ra, còn phải có tài sáng tạo. Vì khảm là một loại mỹ nghệ cao cấp, nguyên liệu lại hiếm hoi khó chế tác, cho nên người thợ rất quý nguyên liệu. Đặc biệt là những thứ quý hiếm như “tai trai” “ốc đỏ”.
Khi khảm tranh, hoặc các họa tiết trên khay, trên hộp hoặc hoành phi, câu đối, người ta rất cần có những mảnh xà cừ có màu sắc khác nhau. Màu ánh bạc lóng lánh, mà xanh biêng biếc thì không thiếu. Nhưng màu đỏ, màu vàng thì thật là hiếm và rất khó tìm. Thì đây, ốc đỏ cấp cho người thợ khay xà cừ có màu đỏ, tai trai, một bộ phận nhỏ nhoi của vỏ trai cấp cho người thợ khay màu vàng, đậm hay nhạt là tùy thuộc vào từng loại vỏ trai. Đó là những thứ nguyên liệu quý hiếm đến mức có giá trị được ví như vàng đối với người thợ khay. Vì thế mà trong “làng” khảm, người ta đã đúc kết, lưu truyền cho đời sau một kinh nghiệm có giá trị như một chân lý:
“Tai trai, ốc đỏ là vàng thợ khay”
Những người thợ khay, hay còn gọi là thợ khảm này, vốn là những người quê ở làng Chuyên Mỹ (làng Chuôm), huyện Phú Xuyên, Hà Tây, từ giữa thế kỉ XIX đã đến thôn Tô Mộc, tổng Tiền Tức, thuộc huyện Thọ Xương cũ sinh sống bằng nghề khảm trai (khảm xà cừ) vào đồ gỗ, đồ sừng…, mà mặt hàng độc đáo nhất là các loại khay đựng lớn, nhỏ rất đẹp. Nơi những người thợ này làm ăn sinh sống được gọi là phố thợ khảm (gồm cả Tràng Tiền và Hàng Khay), từ 1886 đổi gọi là phố Paul Bert. Sau năm 1945, phố này được tách thành hai phố là Tràng Tiền và Hàng Khay, nằm theo trục đông - tây. Hàng Khay ở ngay bờ nam Hồ Hoàn Kiếm, nối từ Tràng Tiền đến Tràng Thi, thuộc quận Hoàn Kiếm ngày nay. Đó là một trong 36 phố phường nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
“Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thuốc, Hàng Bài, Hàng Khay…”

(Ca dao)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 19 Jul 2018

306 Tái ông mất ngựa


“Tái ông mất ngựa” được dịch từ “tái ông thất mã”, có nghĩa là ông già nơi biên giới mất ngựa.

Có chữ “Tái ông thất mã an tư phúc”
(Diễn Võ Đình)

Ý câu tái ông mất ngựa (tái ông thất mã) nói chuyện họa phúc không ai có thể lường trước được, trong cái may có cái rủi, trong cái rủi lại có cái may.
Từ điển “Từ Hải” (quyển Thượng, tr. 483) cho biết: Thiên “Nhân nhàn” trong sách “Hoài Nam tử” kể rằng: Có người cư ngụ ở vùng biên giới quen gọi là Thượng Tái Ông, con ngựa của ông ta vô cớ đi vào vùng đất Hồ mất. Mọi người đều đến chia buồn. Người cha nói: “Sao vội vàng thế. Chuyện này biết đâu lại là may mắn!”. Được vài tháng sau, con ngựa ấy về, lại dẫn về thêm một con ngựa tốt nữa. Mọi người đến chức mừng. Người cha nói: “Sao vội vàng thế, biết đâu lại là rủi ro!”. Sau, đứa con trai ông cưỡi ngựa, ngã gãy chân. Mọi người cho là đáng tiếc. Người cha lại nói: “Biết đâu lại là may!”. Năm sau, người Hồ xâm lược biên giới. Trai tráng đầu quân đi chiến đấu, chết gần hết. Chỉ mỗi con trai ông vì gãy một chân nên được ở nhà yên ổn với cha mình.
Thế mới biết phúc là họa, họa là phúc, trong phúc có họa, trong họa có phúc, biến hóa khôn lường. Đó là hàm ý trong tích “tái ông mất ngựa”. Trong Việt ngữ, cũng với ý trên, tích này có khi còn được dùng ở dạng rút gọn là “ngựa Tái ông”:

“Kìa tụ tán chẳng qua là tiễn biệt,
Ngựa Tái ông họa phước biết về đâu!”

(Huỳnh Thúc Kháng, Thơ văn).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 19 Jul 2018

307 Tam bành lục tặc


(Xem). Nổi cơn tam bành.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 19 Jul 2018

308 Tam khoanh tứ đốm


Người ta thường căn cứ vào số lượng và vị trí của các khoanh đốm, tức là những hình vết hình thành một cách tự nhiên ở trên bộ lông, để xác định con giống tốt hay xấu. Như đối với trâu bò “tam tinh, khoang sọ thì chừa, đốm đuôi nạt (dọa) chủ thì đưa vào nồi” hay “đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt”. Số lượng và vị trí các khoanh đốm thay đổi khác ở mỗi con vật, rất khó xác định lựa chọn. Hình dạng các khoanh đốm cũng đủ loại khác nhau.
Thành ngữ “tam khoanh tứ đốm” hay “tứ đốm tam khoanh” không dùng để xem tướng cho gia súc mà dùng để chỉ sự “xoay xở lèo lái” đủ cách, đủ trò của con người.

“Phải lường cho hết các ngón tam khoanh tứ đốm, tìm cách phá hết các bửu bối của nó”
(Phan Tứ, “Mẫn và tôi”)

“Cũng nhiều lúc chơi trò liều lĩnh, tứ đốm tam khoanh
(Trần Tế Xương).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 19 Jul 2018

309 Tấc đất cắm dùi


Thành ngữ “tấc đất cắm dùi” có khá nhiều biến thể khác nhau: thước đất cắm dùi, một thước cắm dùi, miếng đất cắm dùi, mảnh đất cắm dùi… Trong những dạng thức này, các từ tấc, thước, mảnh, miếng là những danh từ chỉ đơn vị. Tưởng là rất cụ thể là tấc, là thước, là mảnh nhưng chẳng có gì cụ thể. Các từ này chỉ phản ánh sự ít ỏi về mặt số lượng của vật thể cần đo đếm. Sự ít ỏi này càng được bộc lộ rõ khi kết hợp với tổ hợp cắm dùi. Tại sao lại như vậy? Số là, trước đây Dân gian ta trồng tỉa thường dùng dùi chọc lỗ để gieo hạt. Phương thức canh tác này hiện còn lưu giữ trong việc làm nương rẫy của đồng bào một số dân tộc thiểu số. Tấc đất chỉ đủ cắm dùi, rõ là cũng chẳng to tát gì. Thành ra, thành ngữ “tấc đất cắm dùi” mới được dùng để chỉ phần đất nhỏ bé để sinh sống và canh tác của ngươi nông dân.

“Anh tìm trở về cái làng quê của anh, ở đấy một tấc đất cắm dùi cũng không”
(Nguyễn Trung Thành, “Đất Quảng”).

Hàng trăm nghìn nông hộ và dân thành thị mất nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả… lâm hoàn cảnh bi đát khốn cùng, màn trời chiếu đất, không tấc đất cắm dùi bởi do cán bộ tham nhũng cố tình làm sai trách nhiệm đối với dân chúng. (dân oan)

Đất là cái sinh tử của người nông dân. Người ta sống chết cũng vì đất và phải bám lấy đất. Người ta tranh đấu, giành giật, thù hận cũng vì đất. Tấc đất là tấc vàng! Vì lẽ đó, đất là thước đo sự giàu sang, nghèo hèn. “Tấc đất cắm dùi” nhỏ nhoi là vậy mà cũng không có thì đó là sự nghèo hèn đến cùng cục.

“Những người sống ở vùng biển, như các xã Ta Muôn, Ta Ốc, An-Dong Tuốc, Thơ Ma Xa không có mảnh đất cắm dùi”

Thông thường trong tiếng Việt, để nhấn mạnh ý nghĩa và mức độ của sự nghèo hèn, hầu như bao giờ “tấc đất cắm dùi” cũng đi kèm với các yếu tố phủ định. Hãy so sánh:

- Không có một tấc đất cắm dùi.
- Tấc đất cắm dùi cũng không có.
- Không tấc đất cắm dùi.
- Tấc đất cắm dùi cũng không.
- Có một tấc đất cắm dùi nào đâu.
- Đâu nào có một tấc đất cắm dùi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 19 Jul 2018

310 Tấc đất, tấc vàng


“Tấc đất, tấc vàng” nói về giá trị to lớn, quý báu của đất đai, ruộng đồng, một “tấc đất” ví như một “tấc vàng”.

Ai ơi, chớ bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.

(Ca dao)

Đây là một chân lý có tính phổ quát, không chỉ đúng ở phạm vi nước ta mà còn đúng cả trong phạm vi quốc tế.
Vào khoảng thế kỷ XVII -XVIII, trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú đã viết:

“Của báu một nước không gì bằng đất đai; Dân gian và mọi của cải do đấy mà sinh ra” (Tập I).

Cũng vào thời kỳ này, nhà kinh tế Anh, W. Petty đã viết một câu nổi tiếng, mà K. Mark đã dẫn lại trong bộ “Tư bản”:

“Lao động là bố, đất đai là mẹ sinh ra mọi của cải vật chất của xã hội”.

Xem ra thì có sự trùng hợp kỳ thú giữa hai nhà tư tưởng ở đông và tây với nhau và với người bình dân trong sự đánh giá về đất.
Thì ra khoảng cách về không gian và thời gian, cũng như vị thế xã hội cũng không thể cản trở được sự gặp nhau của những tư tưởng lớn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 22 Jul 2018

311 Tiền trảm hậu tấu


“Tiền trảm hậu tấu” có nghĩa là chém trước tâu sau (tiền: trước, trảm: chém, hậu: sau, tấu: tâu, thưa). Trong tiếng Việt thành ngữ “tiền trảm hậu tấu” thường được dùng để chỉ những việc làm không chờ đợi mệnh lệnh cấp trên, cứ làm, cứ hành động trước, xong xuôi mọi chuyện rồi mới báo cáo, thưa gửi.
Chém người trước, tâu lên vua sau (một đặc quyền vua ban cho bề tôi thời phong kiến); thường dùng (với phong cách khẩu ngữ) để ví trường hợp tự ý giải quyết, xong rồi mới báo cáo, không xin ý kiến trước.

“Trúc: Phải hỏi ý kiến của chị Tần đã.
Bát: -Tiền trảm hậu tấu, chị ấy mà biết thì không cho làm đâu”

(Trần Vượng, “Bức tranh mùa gặt”).

Khởi thủy của “tiềm trảm hậu tấu” là việc tướng ngoài biên ải, được vua ban cho quyền “chém trước tấu sau”, nghĩa là cũng phải đáp ứng đủ ba điều kiện: được phép “trảm”, trong hoàn cảnh không bình thường và phải “tấu”. Cái “tiền trảm hậu tấu” này chỉ cho phép xuất hiện trong thời chiến tranh. Trong thời bình tất cả mọi người đều phải tuân thủ luật pháp, luật pháp là thượng tôn, không có ngoại lệ, bất kể ai cũng không có quyền vượt rào kể cả người lãnh đạo tối cao. Người có trách nhiệm càng cao khinh thường hay vi phạm pháp luật thì luật xử càng nặng. Nếu nguyên tắc này bị vi phạm thì tính nghiêm minh của pháp luật sẽ không còn hiện hữu và tính công bình và bình đẳng xã hội sẽ bị hủ hóa, dân chúng sẽ không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền.
Nhấn mạnh ý nghĩa “làm trước, báo cáo sau” thành ngữ tiền trảm hậu tấu, trong nhiều trường hợp đồng nhất với hành vi đặt mọi chuyện vào sự đã rồi, đẩy người ta vào thế buộc phải chấp nhận kết quả đó không thể thay đổi, đảo ngược tình thế được nữa. Chỉ có hành vi không tôn trọng luật pháp hoặc cố ý mới có hiện tượng này xảy ra.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Aug 2018

312 To như hộ pháp, Hộ pháp ăn bỏng


Theo thuyết nhà Phật, đạo Phật là do Bồ tát truyền cho chúng sinh. Nếu không có quyền lực bảo vệ thì đạo sẽ bị tuyệt diệt. Hộ pháp chính là hai vị thần biểu hiện quyền lực ấy, có nhiệm vụ giữ gìn pháp giới (pháp luật của nhà Phật). Chính vì thế, để tượng trưng cho sức mạnh của hai vị thần này, trong các ngôi chùa, hộ pháp được tạc bằng những pho tượng to cao, đứng canh gác hai bên cửa chính, trước nơi thờ Phật. Hai ông hộ pháp này được gọi là ông Thiện (tay cầm viên ngọc) và ông Ác (tay cầm thanh gươm).
Xuất phát từ những đặc trưng nổi bật về ngoại hình của hộ pháp mà dân gian ta thường so sánh những ai có thể lực to lớn, khỏe mạnh với hộ pháp.
“To như hộ pháp mà lười làm việc”
Bên cạnh cách nói trên, dân gian còn sử dụng một loại thành ngữ có liên quan đến hộ pháp, trong đó đáng chú ý là thành ngữ “hộ pháp ăn hỏng”.
Bỏng (còn gọi là nẻ) là món ăn được rang từ thóc, gạo, ngô… mà phồng lên. Mỗi hạt gạo, ngô này khi rang được một viên bỏng (thường lớn gấp 2 đến 3 lần hạt chưa rang). Bỏng là món ăn rất được phụ nữ và trẻ em yêu thích, đặc biệt là ở nông thôn. Ăn bỏng giòn, xốp và thơm. Tuy nhiên nếu không được chế biến, ăn bỏng thường phải nhấm nháp từng hạt, lắt nhắt, cốt cho vui mồm, chứ không phải để cho no. Do vậy, đàn ông những người được xem là ăn to nói lớn, thường không thích ăn bỏng.
Đó là chưa kể đến hộ pháp, một vị thần to cao có sức “ăn sóng nói gió”, mà lại đi ăn những viên bỏng bé tí tẹo thì biết bao giờ cho no. Do đó, cho “hộ pháp ăn bỏng” thì cũng chẳng khác gì thực thi một hình phạt là bỏ đói! Thật ra, đây chỉ là lối nói ngoa, dùng thủ pháp so sánh giữa hai đối tượng có đặc tính đối lập nhau để biểu thị sự không tương xứng, không phù hợp giữa các sự vật và hiện tượng nào đó trong đời sống con người.
“Búa tạ, lò rèn ăn than cứ như hộ pháp ăn bỏng ấy mà”
Đồng nghĩa với thành ngữ trên, người ta còn sử dụng các cách nói khác nhau nhu: hộ pháp ăn nẻ, hộ pháp cắn chắt.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Aug 2018

313 Tóc bạc da mồi


Trong tiếng Việt, thành ngữ “tóc bạc da mồi” được dùng để miêu tả những người cao tuổi, già nua:

“Mẹ cha tóc bạc da mồi
Ơn thâm em đền bồi không phỉ
Nên em giả thân hèn, kim chỉ nuôi thân”

(Dân ca miền Nam Trung Bộ)

Tóc bạc thì đã rõ và ai cũng hiểu. Nhưng da mồi muốn hiểu cũng phải có sự quan sát, đối chiếu, ở các cụ già, thông thường da dẻ bị lốm đốm, màu nâu nhạt tựa như màu của con đồi mồi sống trên biển. Như vậy, Dân gian ta đã lấy hai đặc điểm nổi bật ở hình dáng bề ngoài của người già là tóc bạc và da mồi để biểu trưng cho tuổi già, sức yếu:

“Rồi vùn vụt đến ngày tuổi tác
Đến khi ta tóc bạc da mồi
Vuốt râu ôn lại sự đời
Đời ta đầy đủ, thảnh thơi tự hào”

(Tú Mỡ, “Giòng nước ngược”).

Thành ngữ tóc bạc da mồi còn có biến thể là da mồi tóc sương:

“Chốc đà mười mấy năm trời
Còn ra thì đã da mồi tóc sương”

(Nguyễn Du, “Truyện Kiều”)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Aug 2018

314 Tô son điểm phấn


Với người phụ nữ, son phấn và việc tô son điểm phấn là chuyện hàng ngày. Nhờ đó, khuôn mặt của họ được tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng, có sức hấp dẫn hơn. Thế nhưng, trong lời ăn tiếng nói của dân gian ta, thành ngữ “tô son điểm phấn” lại được khai thác và được hiểu theo một nghĩa hoàn toàn khác, mặc dù gắn liền với việc tôn thêm vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ như vậy. Thành ngữ “tô son điểm phấn” thường được dùng để chỉ hành vi đáng phê phán, đáng chỉ trích ở người đời. Đó là việc tạo ra vẻ đẹp giả dối bề ngoài bằng cách tân trang, tô son, trát phấn lên cái vốn chẳng tốt đẹp, hay ho lắm, thậm chí xấu xa, nhằm tự đánh lừa mình và đánh lừa người khác phục vụ cho lợi ích riêng của mình.
Theo cách nhìn nhận của dân gian, vẻ đẹp do son phấn đưa lại là vẻ đẹp giả tạo. Đằng sau lớp son phấn kia hẳn là một cái gì đó không đẹp đẽ như hình thức mỹ miều đang đập vào mắt mọi người. Việc tô son điểm phấn chẳng qua cũng là công việc ngụy trang không hơn không kém. Từ nhận thức này, dân gian ta thường dùng thành ngữ tô son điểm phấn nhằm chỉ những việc tô vẽ sao cho hình thức đẹp đẽ hơn. Mục tiêu hướng tới của việc tô son điểm phấn là ngụy trang, giấu giếm cái thực chất bên trong:
“Gia cảnh nhà tôi thế nào, còn giấu nổi ai ở làng này mà phải tô son điểm phấn” (Nguyễn Công Hoan, “Hỗn canh hỗn cư”).
Cái đáng phê phán nhất của việc tô son điểm phấn là bằng hình thức giả tạo để lừa dối, gây thanh thế, uy tín, cho bản thân và đối tượng gần gũi với mình.
“Đồng thời, chúng muốn tô son điểm phấn cho bù nhìn để nâng cao “danh giá” của bọn bù nhìn”
Khi đã nói tô son điểm phấn là nói tới sự đối lập, sự mâu thuẫn, ở đây có mâu thuẫn giữa vẻ đẹp bên ngoài và cái xấu xa bên trong, mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung.
“Dù chúng cố tô son điểm phấn bằng các từ “ độc lập”, “tự do”, “hạnh phúc” cuối cùng chỉ là những bọn chống Tổ quốc, chống nhân dân dân và lòn cúi ngoại bang một cách bẩn thỉu mà thôi”
Như vậy, ở bất kỳ phương diện nào, sự lừa dối ngụy trang cho hành vi điểm phấn tô son tạo nên đều phải vạch mặt chỉ tên, làm rõ bản chất xác thực của nó.
Thành ngữ tô son điểm phấn có khá nhiều biến thể như: điểm phấn tô son, điểm phấn tô hồng, tô son trát phấn, tô son vẽ phấn. Các dạng thức này đều có ý nghĩa và cách dùng thống nhất. Thí dụ:
“Không lẽ nào nó lại không nhìn thấy kẻ đang tô son trát phấn cho nó chính là kẻ đã từng đâm sau lưng nó”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Aug 2018

315 Tối lửa tắt đèn


Với một thành ngữ như "tối lửa tắt đèn", thì việc hiểu đúng ý nghĩa của nó không phải quá khó. Ai cũng hiểu được rằng: "tối lửa tắt đèn" là câu nói dân gian dùng để chỉ sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người láng giềng cùng xóm, cùng ngõ lúc gặp khó khăn hoạn nạn. Nhưng việc hiểu nghĩa của một thành ngữ mà chỉ dừng lại ở cách hiểu chung chung như thế, hẳn sẽ đánh mất đi bao điều lý thú, ẩn giấu thầm kín mà ông cha ta gửi lại trong từng ý, từng chữ của câu nói. Ở thành ngữ tối lửa tắt đèn, tuy mỗi từ mỗi chữ đều hiển minh, nhưng tiềm tàng trong đó những triết lý, những nhận thức sâu sắc. Nhờ có những triết lý này mà ý nghĩa chung của thành ngữ đã vượt ra ngoài tổng thể nghĩa của từng thành tố. Ở đây lửa và đèn là các từ chìa khóa mà có thể lần theo đó để hiểu ra con đường hình thành ý nghĩa của câu thành ngữ.
Một nhà thơ nào đó có nói: Con người thiếu tình yêu như trái đất thiếu mặt trời. Mặt trời cho ánh sáng. Và, ánh sáng là niềm vui, là nguồn sống của con người. Lửa, đèn là những thứ không thể thiếu trong cuộc sống này. Lửa, và đèn cho ánh sáng vào ban đêm. Khi tối lửa tắt đèn cũng là lúc tăm tối nhất là lúc con người phải lần lửa, mò mẫm và thật khó lòng xoay trở trong cuộc sống. Theo nhận thức này, người ta dễ dàng liên hội, hoặc đồng nhất giữa hiện tượng “tối lửa tắt đèn” với sự khó khăn nhọc nhằn trong cuộc sống. Quả nhiên là như thế! Nhưng ở câu thành ngữ này còn có một điều gì đó sâu xa hơn.
Từ bao đời nay, lửa đối với dân gian ta là một bảo vật gần gũi, vừa thiêng liêng. Trong nhận thức của mọi người lửa là biểu tượng của cuộc sống. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã lấy lửa để tượng trưng cho cuộc sống của con người.
Lửa và bếp lửa cũng là sự no ấm. Bếp lửa vẫn đỏ hàng ngày thì cuộc sống vẫn còn no đủ, vẫn còn có cái ăn, cái mặc. Cho dù đói khổ đến đâu, thì cuộc sống mỗi con người, mỗi gia đình vẫn đòi hỏi duy trì bếp lửa hồng. “Giàu thì cơm ăn ngày ba bữa, nghèo cũng đỏ lửa ba lần” (Tục ngữ).
Lửa trong tiềm thức của dân gian ta còn là sự ấm cúng của gia đình. Một khi ngọn lửa trên bàn thơ tổ phụ tắt ngấm, để rồi hương lạnh khói tàn, thì cũng là khi cô quạnh đơn chiếc. Dường như hoàn cảnh này là kết quả của sự thiếu vắng người phụng dưỡng bố mẹ già, thiếu người thờ cúng nối nghiệp tổ tiên.
Rõ ràng, những điều gửi gắm qua từ lửa, đèn, cùng với sự kết hợp đan chéo với các yếu tố khác đã tạo nên ý nghĩa chung của toàn thành ngữ “tối lửa tắt đèn”. Vì vậy, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy, trong ý nghĩa chung của thành ngữ này bao gồm các nét nghĩa: tối tăm (thiếu ánh sáng), đói nghèo (thiếu cái ăn), cô đơn lẻ loi (thiếu người phụng dưỡng, thờ cúng, nối nghiệp). Những nét nghĩa này có tác dụng biểu thị những khía cạnh khác nhau trong khó khăn, trong khổ đau, buồn tủi. Đó chính là ý nghĩa sử dụng mà thành ngữ tối lửa tắt đèn biểu thị.
Là linh hồn của thành ngữ, các yếu tố lửa, dền có thể kết hợp với hai yếu tố còn lại trong thành ngữ (yếu tố tối và tắt) theo những trật tự khác nhau. Sự đảo lộn trật tự các yếu tố như thế vẫn không làm phương hại đến ý nghĩa chung của toàn thành ngữ. Vì vậy trong tiếng Việt, bên cạnh dạng thức “tối lửa tắt đèn” chúng ta còn gặp các dạng thức khác, như tắt lửa tối đèn, tối đèn tắt lửa, tắt đèn tối lửa. Ý nghĩa và cách dùng các dạng thức này hoàn toàn đồng nhất với dạng thức “tối lửa tắt đèn”, lệ như:
“Con trai của mẹ đừng mang ra khỏi cửa
Một thoáng lo âu, tối lửa tắt đèn
Mau gửi thư về, tin sớm tin chiều
Cho mẹ mừng dù thương nhớ bao nhiêu”

(Phạm Ngọc cảnh)
Bất kỳ ai gặp phải “tối lửa tắt đèn” đều cần được sự chia sẻ và giúp đỡ. Và, từ bao đời nay, dân gian Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố, bao đời tối lửa tắt đèn có nhau. Trong thương yêu, lòng nhân ái đã trở thành bản chất tốt đẹp trong đạo lý làm người của dân tộc ta. Ở bất cứ nơi đâu, dưới lũy tre làng, trong ngõ phố, hay ở một nơi xa vời ngoài Tổ quốc, con người Việt Nam luôn luôn thể hiện phẩm hạnh “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” và cùng “đồng cam cộng khổ” với nhau. Đối với họ, trong khó khăn hoạn nạn càng hiểu lòng nhau, khi tối lửa tắt đèn càng thương yêu, gần gũi và gắn bó với nhau hơn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 31 guests