Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Mar 2017

256 Nợ như chúa Chổm

Hễ ai mắc nợ nhiều, nợ người này chưa kịp trả đã phải đi vay người khác, cứ thế chồng chất, nợ đìa ra… thì được gọi là “nọ như chúa Chổm”. Vậy, chúa Chổm là ai?
Tục truyền, chúa Chổm là nhân vật có thật trong lịch sử nước nhà. Thuở hàn vi, chúa Chổm mắc nợ nhiều. Khi được lên ngôi vua và rước về kinh thành Thăng Long thì bị đòi nợ suốt dọc đường. Chủ nợ thật cũng nhiều mà chủ nợ “hôi” cũng có, chúa Chổm làm sao mà nhớ được! Lúc đầu, vẫn cái tính “vung tay quá trán” nên cứ ai hỏi là trả, nhưng, khi thấy “chủ nợ” mỗi lúc một đông, chúa Chổm bèn ra lệnh chỉ trả cho đến khi về tới ngã tư cổng thành cửa Nam. Do đó, chỗ ngã tư này được gọi là ngã tư Cấm Chỉ (ở cạnh Hàng Bông gần cửa Nam xưa có ngõ Cấm Chỉ, nay là ngõ Bông Lờ).
Rượu chè, cờ bạc là “bác thằng bần”. Chúa Chổm - hay ai bây giờ mắc nợ nhiều như chúa Chổm, cũng chỉ vì hoặc cả, hoặc chỉ cần mắc trong những thứ nghiện trên. Ca dao còn ghi lại:
Vua Ngô băm sáu tàn vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Mar 2017

257 Nồi da nấu thịt

Nếu hiểu một cách nôm na, “nồi da nấu thịt” hay “nồi da xáo thịt” có nghĩa là: nấu thịt bằng nồi da, hay dùng nồi da để nấu thịt. Từ nghĩa đen đó, thành ngữ này được dùng với nghĩa bóng nói về cảnh chém giết, sát hại lẫn nhau giữa những người cùng thuộc một cộng đồng, một dân tộc hay một quốc gia.
Thành ngữ này có lẽ xuất phát từ một hình thức sinh hoạt cộng đồng của người nguyên thủy thời săn bắn. Vào thời đó, lao động sản xuất chưa phát triển, con người sống chủ yếu bằng nghề săn bắn. Mỗi khi săn bắt được con mồi, người ta làm thịt ngay tại chỗ, lột da của chính con vật để làm nồi nấu chín thịt của nó. Hình thức này hiện vẫn còn lưu lại dấu tích trong lễ hội dân gian ở một số địa phương vùng thượng du. Chẳng hạn, một vài làng thuộc huyện Thanh Ba (cũ), tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ) có lễ cúng sơn thần và lễ cầu xuân. Dân làng giết trâu, hoặc mổ lợn rồi lột da dùng làm nồi nấu chín thịt để cúng lễ, sau đó mọi người cùng ăn uống và múa hát.
Cùng nghĩa với thành ngữ “nồi da nấu thịt” trong tiếng Việt còn có hai thành ngữ gốc Hán là “Huynh đệ tương tàn” (anh em sát hại lẫn nhau) và “cốt nhục tương tàn” (người có quan hệ ruột thịt sát hại lẫn nhau). Các thành ngữ này đều được dùng tương đối phổ biến với những sắc thái nghĩa ít nhiều có khác nhau.
Thí dụ tích xưa:
Con thứ hai của Tào Tháo tự là Tử Kiến, vừa lên 10 tuổi mà đã giỏi văn chương thi phú, làm nhiều bài thơ nổi tiếng. Tào Tháo nghi là Thực đã nhờ người khác làm giúp, Thực trả lời: “Buông lời thì đã luận, xuống bút tả nên thơ”. Vì Tào Thực giỏi về văn nên Tào Tháo yêu thương rất mực, khiến anh cả là Tào Phi đem lòng đố kỵ. Sau khi Tào Tháo mất, Tào Phi lên thay, tức là Ngụy Vương. Muốn trừ Tào Thực đi, Tào Phi liền bảo Thực trong bảy bước phải làm một bài thơ, nếu làm xong thì tha cho, bằng không làm được thì giết. Lại ra đề “Anh em” nhưng tuyệt nhiên trong bài thơ không được nói đến hai tiếng anh em.
Thực tuân lệnh, vừa đi đúng bảy bước thì đã đọc lên bài thơ tựa đề là “Củ đậu nấu đậu”:
Chữ đậu nhiên đậu ky,
Đậu tại phủ trung khấp
Bổn thị đồng căn sanh
Tương nhiên hà thái cấp.

Nghĩa là:
Nấu đậu bằng củi đậu,
Đậu ở trong nồi khóc.
Cùng trong một gốc sanh,
Đối nhau chi thậm gấp.

Nghe xong bài thơ, Tào Phi biết em có ý trách hờn mình nỡ lòng nào gây cảnh cốt nhục tương tàn. Phi ôm Thực òa lên khóc, rồi tha ngay em.
Nhưng Tào Thực biết Phi không ưa mình, uống rượu li bì, sanh bịnh rồi mất.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Mar 2017

258 Nổi (cơn) tam bành
Nổi cơn tam bành lục tặc
Ba máu sáu cơn


Trong tiếng Việt hiện đại, khi muốn nói về cơn tức giận cao độ, không kìm giữ được, người ta thường dùng thành ngữ “nổi (cơn) tam bành” hay “nổi (cơn) tam bành lục tặc”. Điều khó hiểu trong các thành ngữ này là ở chỗ tam bành là gì? Lục tặc là gì? Tại sao nổi cơn tam bành (lục tặc) lại là nổi giận?
“Tam bành lục tặc” có liên quan đến điển tích:
Đạo gia (tức Đạo giáo, theo học thuyết của Lão Tử) cho rằng cái Thần (tinh thần) của con người ở vào ba nơi. Một ở óc, hai ở minh đường (quả tim), ba ở dạ dày. Theo sách “Chư chân huyền ảo” thì cái Thần ấy có thể làm hại người. Ba nơi chư Thần ấy, Đạo giáo gọi là Tam thi.
Theo sách “Thái thượng tam thi trung kính” thì: thượng thi tên Bành Cứ vốn ở đầu con người; trung thi tên Bành Chất vốn ở bụng người; hạ thi tên Bành Kiêu ở chân người. Ba thần này gọi là thần Tam Bành hay xúi giục người làm bậy. Đến ngày Canh Thân, ba vị thần này lén tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho người mau chết để khỏi phải theo dõi nữa. Người ta tin rằng những sự giận dữ, nóng nảy là do thần Tam Bành xúi giục gây ra để cho người dễ làm bậy. Vì giận dữ, nóng nảy dễ làm cho người làm những điều sai lầm. Nhiều việc không thành, đổ vỡ vì giận dỗi, nóng nảy.
Cũng như tục ngữ ta có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”.
Trong tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” của cụ Nguyễn Du, đoạn Tú Bà nghe Kiều đã lấy Mã Giám Sinh (chồng bình phong của mụ), mụ ghen tức, có câu:
Mụ nghe nàng nói hay tình
Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên.

Nghĩa là mụ nghe Kiều nói rõ sự tình (tình hình, tình trạng về việc nàng đã thất thân với Mã Giám Sinh, coi Giám Sinh là chồng rồi) tức thì mụ mới nổi giận lên đùng đùng.
Bàn nhậu đang rôm rả “Dô! Dô! 100% dô!” thì một ông nhất định đòi về. Cả bàn níu lại cho xôm tụ, nhưng ông kia vẫn khăng khăng một mực: ” Không! Tôi phải về. Bà nhà tôi có dặn phải về trước mười một giờ rưỡi. Về trễ bả nổi tam bành lên thì khổ thân tôi!”.
Đó là nói tam bành. Còn Lục tặc, đây là người ta y cứ vào giáo lý nhà Phật mà nói. “Lục tặc” là sáu thứ hại.
Theo Phật giáo thì sáu thứ hại cho sự tu hành là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Sắc đẹp, tiếng thanh tao, mùi thơm, vị ngọt, ấm áp, êm ái dễ làm lòng người giao động xao xuyến. Chúng như có một ma lực huyền bí để quyến rũ, hấp dẫn lôi cuốn người vào bến mê, đọa lạc. Bởi vậy, người tu hành mắt không xem sắc đẹp, tai không nghe tiếng thanh, mũi không ngửi mùi thơm, miệng không nếm vị ngọt, thân thể xa kẻ khác, lòng không tưởng điều tà vậy.
Con người, một khi để Tam Bành, Lục Tặc dậy lên thì tất nguy khốn cho thân mạng, cho cuộc đời. Người nào giết được Tam Bành, Lục Tặc tức là một vị chân tu vậy. Trong tiếng Việt, đồng nghĩa với nổi (cơn) tam bành, nổi (cơn) tam bành lục tặc còn có nổi trận lôi đình, ba máu sáu cơn, nộ khí xung thiên, v.v… Đáng chú ý là thành ngữ “ba máu sáu cơn”, vì nó không chỉ đồng nghĩa và còn lưu giữ cả một mối tương đồng nào đó về mặt cấu trúc (tam… lục, ba… sáu). Hãy so sánh qua các ví dụ sau đây:
“Mấy bà tuy vừa nổi ba máu sáu cơn sôi sùng sục lên như vậy, nhưng thực ra không có tâm địa thâm hiểm gì, các bà nguội cũng nhanh” (Nguyễn Kiên, “Vùng quê yên tĩnh”).
“Bỗng đâu ba máu sáu cơn,
Làm cho gan ruột như cồn như sôi”

(Tào Mạt, Chị Tàm bến Cốc).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Mar 2017

259 Nước chảy bèo trôi

Bèo là một loài cây nhỏ và nhẹ sông nổi trên mặt nước. Nước lặng bèo cũng đứng yên. Nước chảy bèo trôi. Bèo phó thác số phận cho mặt nước. Nước nổi bèo nổi, nước chảy bèo trôi. Đi đâu về đâu mặc. Từ đây, thành ngữ nước chảy bèo trôi được dùng để phê phán thái độ sống, lối sống theo thói bàng quan thụ động vô trách nhiệm của con người trước mọi việc chung, trước thế sự, đến đâu hay đấy. Thí dụ: 
“Đây là cuộc đấu tranh gay gắt giữa một bên là tư tưởng dân chủ, tư tưởng cộng đồng tập thể và làm chủ bản thân với tinh thần cầu tiến trong học tập và sinh hoạt cũng như trong việc làm chuyên môn và kĩ thuật và một bên là tư tưởng vị tư vụ lợi, tham nhũng làm hại cộng đồng, dân tộc cùng với thái độ an phận thủ thường “nước chảy bèo trôi” vô trách nhiệm hoặc “liệu gió xoay chiều”, vun vén cho cá nhân, đoàn thể xấu xa tệ hại”.
Cái lý của cách lập ý lập tứ ở trên như sau: Nước chảy là tác nhân vận động và bèo trôi là kết quả của sự vận động đó. Mặc nhiên, ở đây chỉ có sự kéo theo thuận chiều, nước chảy thì bèo trôi theo cũng như “nước nổi thì bèo nổi”. Đó là sự phó mặc, sự buông xuôi “hơi đâu mà lo”.
“Vô số dân chúng tỏ ra tiêu cực, mặc cho nước chảy bèo trôi, không quan tâm tập thể, phó mặc cho nhân viên chức tham nhũng, thoái hóa làm ô nhiễm môi trường sống”
Mặt khác nước chảy bèo trôi cho thấy một thực trạng là nước đến đâu bèo đến đó. Điều đó cũng hàm chỉ tư tưởng: người ta ra sao, mình cũng như vậy, tức là lối sống tiêu cực. Thí dụ:
“Không có những “khát vọng nâng cao phẩm chất sống” đó thì hành động quan tâm xã hội không cao, rơi vào những biểu hiện “nước chảy bèo trôi ” thì xã hội rất khó mà phát triển.”
Ngoài ra, dường như thành ngữ nước chảy bèo trôi còn được dùng để chỉ lối sống cơ hội của con người, đặc biệt là những con người lợi dụng chức quyền. Trong những giai đoạn, thời điểm nhất định, họ cũng tỏ ra thuận chiều như mọi người, hòa điệu với mọi người, nhưng nếu có dịp tốt là họ chiếm lấy vị trí và lợi lộc cho riêng mình:
“Lênh đênh nước chảy bèo trôi
Chờ khi nước lụt bèo ngồi đầu sen”

(Ca dao)
Trong tiếng Việt, thành ngữ “nước chảy bèo trôi” đồng nghĩa với thành ngữ “nước chảy bè trôi”. Hai thành ngữ này có ý nghĩa và cách dùng tương đối trùng khớp với nhau. Thí dụ:
“Kết quả cuối cùng là không ai dám nói, không ai dám thể hiện, nước chảy bè trôi, đến đâu hay đến đó”
Ở phương diện nào đó, thành ngữ “nước nổi bèo nổi” cũng có ý nghĩa những nét tương đồng với “nước chảy bèo trôi”. Tuy nhiên, ý nghĩa thành ngữ “nước nổi bèo nổi” có sắc thái tích cực hơn. Nó thường được dùng để chỉ sự kéo theo, nâng đỡ lẫn nhau, để cùng phát triển trong các mối tương liên giữa môi trường và con người, giữa những con người với nhau. Nó không chỉ đơn giản là một câu thành ngữ mà còn bao quát cả một triết lý sống, một tinh thần lạc quan rất đặc trưng văn hóa Việt xuyên suốt qua hàng chục thế kỷ. Một cánh bèo – một thân phận con người. Thật mong manh và cũng mang đầy hình tượng lạc quan của người dân của một vùng đất quanh năm phải đương đầu với mưa bão lụt lội. Với tinh thần này hy vọng dân tộc ta sống kiên cường và vươn lên dưới sự áp bức của Tàu cộng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 07 Mar 2017

260 Nước mắt cá sấu

Cá sấu là một loại bò sát mạnh bạo, ăn thịt động vật mà nó bắt được. Loài vật này có thể tấn công và bắt những con vật to lớn khỏe mạnh như trâu bò và có khi là con người khi vô tình rơi vào phạm vi hoạt động của nó. Do đó người ta xếp cá sấu vào loại động vật hung bạo nguy hiểm. Có một điểm đặc biệt là sau khi nuốt chửng con mồi, khóe mắt cá sấu lại chảy nước tương tự như con người chảy nước mắt khóc thương ai đó… Vì sự tương quan này người ta nghĩ là cá sấu đã khóc cho nạn nhân của nó, kẻ vừa bị nó cướp đi sinh mạng.
Dựa vào tính cách khóc thương kiểu của cá sấu này, người ta liên tưởng đến những hạng người giả dối trong xã hội. Một mặt hại người, hại bạn, một mặt thì nói lời tử tế hiền lành. Một mặt thì làm điều xằng bậy, một mặt nói lời giả nhân, giả nghĩa.
Trong dân gian còn có câu “miệng thì nam mô bồ tát, trong bụng vác một bồ dao găm”. Hạng người này thật là nguy hiểm!
Đến nay, không còn mấy ai lạ gì về những giọt “nước mắt” của cá sấu. Thật ra, đó không phải là những giọt nước mắt mà chỉ là lượng muối thừa được thải ra ngoài qua một tuyến thông ra ở khóe mắt của cá sấu. Mặc dù, người ta nhận chân những giọt “nước mắt” cá sấu như vậy, nhưng trong ngôn ngữ dân gian, ý nghĩa thành ngữ nước mắt cá sấu vẫn không bị phương hại gì. Người Việt Nam bao giờ cũng lấy thành ngữ này để chỉ hành vi giả nhân, giả nghĩa, đã gây đau khổ cho người khác rồi, lại còn vờ vịt, tỏ ra xót thương thông cảm trước hoạn nạn của họ.
Chuyện kể ngụ ngôn:
Một con cá sấu nằm ở trên bờ, gần đám sình lầy. Chỗ này là nơi trú ngụ của nó. Một con khỉ có tật hay bắt chước nhưng lại hay bị kẻ khác lừa. Một hôm đến nơi cá sấu, con khỉ mạnh dạn nói với cá sấu rằng:
- Bác sấu ơi, bác nằm như chết trên bờ, khô da, đói khát cả ngày không động cựa, nhưng sao trông bộ răng của bác đáng sợ thế?
Cá sấu chỉ ti hí mắt, không thèm nhúc nhích, đáp rằng:
- Ta vốn chậm chân, chậm tay lại hay thương người, ai có mệnh hệ gì là ta dễ xúc động. Anh cứ nhìn vào mắt ta thì biết.
Khỉ nhìn vào mắt cá sấu, rồi tò mò đưa cả tay mà sờ vào con cá sấu. Con cá sấu tinh ranh liền đớp lấy rồi ngửa mặt lên ngắc ngắc hai cái là mất tăm con khỉ. Nuốt xong con khỉ, nước mắt nó giàn ra. Đằng xa, một con khỉ khác tưởng con khỉ em chết đuối, nó lại gần, thấy nước mắt cá sấu giàn giụa, tưởng là nó khóc thương con khỉ kia chết đuối, bèn bảo nó:
- Bác thương người như thể thương than, bác bơi lội giỏi, cho tôi cưỡi lên bác để đi tìm em tôi…
Chưa nói dứt lời, cá sấu đã đáp:
- Ta vốn thương người, thấy ai hoạn nạn là không kìm nổi nước mắt. Cứ trèo lên mình ta, ta cùng bơi xuống nước để đi tìm em cậu.
Khỉ anh vội nhảy lên lưng cá sấu. Cá sấu trườn xuống, bơi ra giữa sông rồi lặn xuống. Khỉ anh lóp ngóp kêu cứu. Cá sấu giơ cái miệng đầy răng mà rằng:
- Người ta vẫn chỉ trích ta rằng: Nước mắt cá sấu. Thế mà mi vẫn tin ư!
Nói đoạn, nó ngoạm con mồi, ngắc ngắc lên mấy cái ngon lành.
Thời nào cũng vậy, “nước mắt cá sấu” vẫn lừa bịp được những người nhẹ dạ, cả tin. Thời nay, người đời biết rõ bộ mặt thật của cá sấu và những giọt nước mắt của nó. Thế nhưng, cá sấu thời nay nhỏ nước mắt càng ngày càng tinh vi nên vẫn lừa được khối người
Lấy từ đặc điểm cơ học của cá sấu khi ăn con mồi mà người đời khéo vận vào cuộc sống để thành chuyện rồi nên thành ngữ nói chuyện đời.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Mar 2017

261 Nước sông công lính

Nước sông thì ai cấm đoán làm gì. Đó là thứ sẵn có, cứ việc sử dụng thoải mái cần gì phải tiết kiệm giữ gìn. Cũng vậy, chẳng ở đâu tập trung nhiều nhân lực trẻ khỏe như binh lính trong quân đội. Việc sử dụng công sức của lực lượng này của quan chức quân đội trước kia là tùy tiện, tự do và không bị ràng buộc bởi một quy định nào. Chính vì vậy đặt “nước sông” cạnh “công lính” tạo lập thành ngữ “nước sông công lính” trước hết hàm chỉ sự sẵn có của vật chất, những thứ “của giữa trời chẳng mất gì của ai”.
“Không nên coi thường lực lượng lao động quân đội là nước sông công lính”
Là của giữa trời, là thứ sẵn có thì việc gì phải tính toán, cân nhắc trong việc sử dụng chúng. Tư tưởng hoang phí này quả là đáng bị phê phán nhất là đất nước đang phát triển. Gần đây, trong tiếng Việt chúng ta thường gặp cách nói hiện tượng “nước sông công lính”, tình trạng “nước sông công lính”, thói quen “nước sông công lính”… Chính là sự thể hiện cách đánh giá có phê phán của người nói đối với việc sử dụng tùy tiện, bừa bãi, tham ô, móc ngoặc, lãng phí sức người, sức của trong xây dựng, trong kinh doanh, trong quản lý xã hội, chính quyền cồng kềnh, chồng chéo…
“Cần đặc biệt chú trọng, chống tham ô lãng phí, kiên quyết loại trừ các hiện tượng “nước sông công lính”, sử dụng vật tư, vốn một cách tùy tiện, liên hoan ăn uống, nhậu nhẹt bừa bãi, móc ngoặc, tạo thành một loại văn hóa không lành mạnh.
“Trong điều kiện khai thác nguyên liệu, bằng thủ công, nếu không quản lý chặt chẽ, thì dễ xảy ra tình trạng, nước sông công lính”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Mar 2017

O

262 Oan Thị Kính

Thiện Sỹ là chồng của Thị Kính. Một lần đọc sách mệt, chàng ngủ thiếp đi từ lúc nào. Thấy trên cằm chàng có sợi râu mọc ngược, nghĩ là điềm gở. Nhân lúc chồng đang ngủ, Thị Kính dùng dao cắt sợi râu đó đi. Giật mình thức giấc, chẳng hiểu thực hư ra sao, chàng la oán rằng vợ dùng dao định giết mình. Thế là nàng mang tội tày đình, bị chồng ruồng bỏ, xã hội lên án. Nỗi oan này, nàng không sao giãi bày được. Oan ức, đau khổ quá, nàng cắt tóc giả trai đi tu. Những tưởng nhờ nơi cửa Phật để cõi lòng được bình an, và được yên phận với những tháng ngày còn lại, nhưng nào có được như thế. Với vai chú tiểu, Thị Kính đã làm say lòng Thị Mầu lẳng lơ. Bao lần tán tỉnh, nhưng Thị Mầu không sao làm xiêu lòng “chú tiểu”. Bỗng nhiên, Thị Mầu bụng mang dạ chửa, vu vạ cho “chú tiểu” ăn nằm với Thị. Một lần nữa, Thị Kính mang tội, bị đuổi ra khỏi chùa. Suốt mấy năm ròng, Thị Kính bồng bế đứa con Thị Mầu đi xin từng giọt sữa và chịu bao tai tiếng nhục nhã. Cho đến khi nàng chết, sự thật mới sáng rõ. Dẫu rằng, nàng được về cõi Niết bàn, nhưng nỗi oan của nàng là một cái gì đó quá nặng nề với người đòi.
“Oan Thị Kính” là thành ngữ được dùng để so sánh với những nỗi oan khuất cùng cực mà không giãi bày được.
Last edited by bevanng on 16 Mar 2017, edited 1 time in total.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Mar 2017

263 Ôm cây đợi thỏ

X. Đợi thỏ ôm cây.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Mar 2017

264 Ôm rơm rặm bụng

Trong “Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt” (Nxb. Giáo dục, 4.1995), thành ngữ “ôm rơm (cho) rặm bụng” được giải nghĩa là “đa mang, làm những việc đâu đâu, không thuộc bổn phận của mình, không những chẳng đem lại lợi lộc gì, mà còn “vướng bận, vất vả, phiền phức”.
“Có người còn góp ý là cứ nhượng cho các xí nghiệp dân sự để họ làm, vừa gọn tay mà vẫn có tiền, tội gì mà ôm rơm cho rặm bụng”
“Chúng ta không nên nhận những cậu này. Không giáo dục nổi đâu. Ôm rơm rặm bụng. Chi bằng cứ trả cho công trường là xong chuyện” (Báo Tiền Phong, 6-2-1978).
“Tôi muốn đợi anh ấy ra, vì lúc đi anh ấy đứng tên ký giấy bàn giao cho tôi… chứ tôi cũng chẳng muốn giữ làm gì cho ôm rơm rặm bụng” (Bùi Huy Phồn, “Phất”).

Về mặt cấu tạo, như các ví dụ đã dẫn cho thấy, thành ngữ “ôm rơm rặm bụng” có biến thể là “ôm rơm cho rặm bụng”. Tùy từng ngữ cảnh mà người ta có thể sử dụng dạng này hay dạng kia. Ngoài ra, có người nói là ôm rơm nặng bụng.
“Nhiều bạn anh không tin… Người ta là tiến sĩ, kỹ sư, lại có trong tay cơ xưởng lớn, mà còn đang đau đầu nhức óc, huống hồ một anh cán bộ kỹ thuật trung cấp! cải tiến máy kéo cột điện đồng lầy hay định sa lầy đấy? Thôi, hãy cứ tập trung lo sửa chữa xe, máy cho tốt, tội gì ôm rơm nặng bụng”
Thực ra, nếu “ôm rơm” mà nặng, thì “nặng tay” chứ sao lại nặng bụng được? Lẽ thường, thì đập lúa, ôm rơm, người ta hay bị rặm (có vùng đọc là dặm), tức là ở trạng thái bị buốt xót, ngứa ngáy khó chịu. Cho nên dạng chuẩn của thành ngữ này là “ôm rơm rặm bụng”, được dùng với nghĩa như đã dẫn.
Bình thường, thành ngữ “ôm rơm rặm bụng” được dùng với sắc thái trung hòa. Song, nhiều khi trùng hoàn cảnh, trùng ý tưởng của người sử dụng mà nghĩa của thành ngữ có thể được bổ sung sắc thái biểu cảm mới. Sắc thái ấy có thể là sự thoái thác, từ chối của người nói đối với công việc:
“Người nào có phận của người nấy rõ ràng rồi. Vả lại, tội gì mình ôm rơm rặm bụng” (Văn nghệ, 9-4-1971).
Có khi sắc thái ấy biểu hiện cái hàm ý về sự đánh giá, xét đoán đối với hành vi của người khác: “Việc gì nó phải ôm rơm rặm bụng”. Lê Văn Trương có lý khi cho rằng: “Thành ngữ này gần tương đương với cách nói như “mua việc vào người”, “chuốc việc vào thân” (x. mục “Chữ nghĩa”, Hà Nội MỚI, 4-9-1983, tr.3).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Mar 2017

265 Ông chẳng bà chuộc

Vợ chồng nhà chẫu chàng không có sự nhất trí trong việc cho anh nông dân nọ chuộc lại viên ngọc thần. Thành ra suốt ngày vợ chồng bọn họ cứ “to tiếng” với nhau. Vợ thì một mực “chuộc thì chuộc” (đồng ý cho chuộc), còn chồng thì dứt khoát “chẳng chuộc” (không cho chuộc). Tiếng kêu ra rả trái ngược nhau của hai loại chẫu chàng là tiền đề sáng tạo nên câu chuyện về sự bất hòa của vợ chồng chẫu chàng. Kèm theo câu chuyện dân gian này là sự ra đời của thành ngữ ''ông chẳng bà chuộc”.
Thành ngữ “ông chẳng bà chuộc” biểu thị sự chủng chẳng không ăn khớp, không hợp nhau về ý nghĩ cũng như việc làm giữa người này và người khác. Thí dụ: 
“Tiếng rì rầm ở góc ruộng: Khó thật! Làm việc mà cứ ông chẳng bà chuộc thì khó thật!” (Nguyễn Thị Ngọc Tú, “Đất làng”).
Gần nghĩa với thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”, trong tiếng Việt còn có thành ngữ “ông nói gà bà nói vịt”. Tuy nhiên thành ngữ này được sử dụng với phạm vi hẹp hơn. Thành ngữ “ông nói gà bà nói vịt” biểu thị sự không ăn khớp nhau, không hiểu nhau, mỗi người nói một nẻo. Sự không khớp nhau ở đây chỉ dừng lại phạm vi nhận thức mà nguyên nhân của nó là do không hiểu ý nhau một cách vô ý thức. Ngược lại, ở thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”, sự không ăn khớp nhau được thể hiện ở cả lời nói, ý nghĩ và cả ở việc làm. Sự không ăn khớp này là tất yếu và hoàn toàn có ý thức.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Mar 2017

266 Ông Tơ Bà Nguyệt

Trách duyên phận bẽ bàng, người cung nữ trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều đã thốt lên những câu bi phẫn:
Tay Nguyệt Lão chẳng xe thì chớ,
Xe thế này có dở dang không,
Dang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra.

Thương nàng, ta cũng giận Nguyệt Lão. Thế nhưng Nguyệt Lão là ai?
Từ điển Thanh Nghị giải thích: Nguyệt Lão là tên một vị tiên, chủ về hôn nhân.
Nguyệt Lão được hình dung như một ông già quắc thước ngồi trên cung trăng định đoạt chuyện nhân duyên của người trần thế. Ông lấy một sợi tơ đỏ buộc chân một người nam và một người nữ vào nhau. Thế là nhất định họ sẽ phải thành vợ chồng. Vì vậy, chuyện vợ chồng, theo quan niệm cũ, là do nơi sắp đặt của Nguyệt Lão. Nguyệt Lão còn được gọi là ông tơ (vì ông ta dùng tơ đỏ, tơ hồng!). Nhưng trong cách hiểu dân gian thì “lão” có thể là lão ông mà cũng có thể là lão bà. Cho nên, người trần thế lại cũng tưởng tượng mà gán cho cõi tiên những quan hệ trần tục như mình: đã có Ông Tơ thì thế tất phải có Bà Nguyệt!
Sự thực thì Ông Tơ và Bà Nguyệt chỉ là hai tên gọi khác nhau của một vị tiên là Nguyệt Lão mà thôi!
Về sau, Ông Tơ, Bà Nguyệt được dùng với nghĩa rộng, chỉ chung, những người mối lái trong chuyện dựng vợ gả chồng. Và, dĩ nhiên, những ông mối hay bà mối được gọi là Ông Tơ Bà Nguyệt này là người trần mắt thịt chứ chẳng phải là tiên!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Mar 2017

267 Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài

Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, dường như, đó là một sự thật quan sát được. Chỉ cần nuôi hai con vật cùng loại trong hai dụng cụ tròn, dài khác nhau thì kết quả dẫn đến là mỗi con vật sẽ có những biến đổi nhất định về hình thù do phải chịu sự “uốn nắn” của các khuôn hình có sẵn. Vậy thì, ý của câu tục ngữ là thế nào? Có người cho rằng câu tục ngữ này khuyên răn về sự ứng xử của con người đối với cuộc sống và xã hội. Ứng với từng môi trường cụ thể, con người sẽ có và cần có cách sống và cách đối nhân xử thế sao cho phù hợp với hoàn cảnh đó. Khi chuyển từ môi trường này sang môi trường khác, con người cũng phải biết thay đổi cách sống thích ứng với điều kiện mới. “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy!” Sự thay đổi này vừa do yêu cầu khách quan vừa do nhu cầu chủ quan đòi hỏi. Con người phải nhận thức được các điều kiện khách quan để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thích hợp với hoàn cảnh.
Nhưng nếu chỉ hiểu như vậy, thì hình như mất một phần vẻ đẹp tiềm ẩn trong câu tục ngữ này. Phải chăng, bằng câu tục ngữ này, dân gian ta muốn nhấn mạnh một quy luật nhân quả giữa môi trường, điều kiện và hoàn cảnh sống của con người với tư chất, phẩm hạnh, thế lực của anh ta. Thế lực, tư chất, phẩm hạnh của con người giống như hình thù của các sản phẩm nghề đúc. Sản phẩm được đúc từ khuôn tròn thì có hình tròn, đúc từ khuôn dài thì có hình dài, đúc từ khuôn hoa thị thì có hình hoa thị… Nói cách khác, hình thù của sản phẩm đúc là do khuôn đúc quy định. Con người cũng vậy. Mỗi người do địa vị xã hội, các mối quan hệ xã hội và do điều kiện sống của mình mà có được thế lực này hay khác, mà trở nên người tốt hay người xấu. Anh có áo mũ, cân đai, lên xe, xuống kiệu, kẻ hầu người thưa, do anh là vị quan chức trong triều đình. Kẻ kia “ngang lưng thì thắt bao vàng, đầu đội nón dâu vai mang súng dài”, đêm ngày trấn ải biên cương, ăn sương nằm gió… chỉ vì anh ta là một viên lính thú của triều đình, một hạng người thuộc đẳng cấp khác, thấp kém, so với lớp quan chức trong triều. Khác đẳng cấp thì khác thế lực, khác số phận.
Đây cũng chính là lý do mà trong đời sống văn minh hiện nay, người ta tìm cách xóa bỏ các rào cản dị biệt trong xã hội, xóa bỏ giai cấp chính trị, giàu nghèo, tuổi tác, học vấn, nam nữ, tôn giáo… để truy cầu hạnh phúc hài hòa trong môi trường sống.
Câu tục ngữ ở bầu thì tròn, ở ống thì dài trong một chừng mực nào đó cũng có thể liên hội với ý của câu gần mực thì đen, gần đèn thì sáng… Nghĩa là, trong quan hệ xã hội của mỗi người, nếu anh gần gũi, tiếp xúc, đi lại nhiều với lớp người nào đó, thì bằng cách này hay bằng cách khác, ở mức độ này hay mức độ khác sẽ bị ảnh hưởng về tư chất, phẩm hạnh và lối sống của lớp người ấy.
Những quan sát nói trên dường như đã được nâng lên thành một thứ triết lý răn bảo người đời. Quả vậy, ông cha ta đã từng khuyên chơi thì chọn bạn mà chơi, ăn có nơi chơi có chốn.
Ngày nay trong thời đại hiện đại hóa, thành ngữ này càng ngày càng mang màu sắc lu mờ, vì kỹ nghệ khoa học đã dần dần mang mọi người lại gần nhau, giao lưu và chan hòa những dị biệt giữa người và người. Do đó văn hóa nào vẫn còn đặt nặng sự dị biệt (như chính trị, tôn giáo, học thức,…) là tự đào hố cho sự phát triển của xã hội.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Mar 2017

P


268 Phù thủy đền gà

Một anh thầy dở, thợ dốt quyết chí làm nghề phù thủy. Bí quyết của nghề này là phải có đủ vốn kiến thức để bịp và phải biết lúc nào thì nên bịp và nên bịp hạng người nào. Anh chàng này không biết các ngón đó nên cứ làm đại. Con người ta ốm không qua khỏi, anh ta cũng nhận lời cúng ma và khẳng định là sẽ khỏi. Cúng xong, anh ta nhận tiền, gà, rượu ra về. Vừa ra cửa thì người bệnh đã chết. Một lần khác có người mất trộm nhờ anh ta bắt quẻ để tìm ra thủ phạm. Anh ta phán hướng kẻ trộm giấu tang vật rồi ậm ờ chỉ người nghi là đã lấy trộm. Suy đi xét lại, người mất trộm bèn đổ vấy ngay cho ông hàng xóm. Hai người cãi nhau to. Người hàng xóm bị oan, đánh cho người mất trộm một trận. Anh này tức quá, đến nhà thầy phù thủy hỏi nơi giấu của mất trộm. Thầy chỉ bậy, ra đào đất lên không thấy, anh ta về đòi lại gà, rượu đã cống cho thầy. Rủi là thầy đã ăn hết gà, uống hết rượu, bực bội, người mất trộm bắt luôn đàn gà nhà thầy phù thủy. Nghe tin những người trước đây được thầy phù thủy xem bói cũng kéo đến nhà để đòi lại những thứ đã cống thầy. Có cái gì trong nhà thầy, họ lấy sạch nói là để đền tiền gà rượu, tiền cống oan cho thầy. Họ còn nện cho thầy phù thủy một trận nên thân.
Thành ngữ “Phù thủy trả tiền gà” ngày nay dùng để nói việc bắt đền người làm không nên việc nhưng lại ăn của người ta, phải đền lại bằng tiền.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Mar 2017

269 Phú quý sinh lễ nghĩa

Sự bày biện một cách có khuôn phép sao cho lịch sự, sang trọng một cách hình thức không cần thiết trong nghi lễ tiệc tùng chính là cung cách phú quý sinh lễ nghĩa. Thí dụ:
“Đừng có phú quý sinh lễ nghĩa. Mày có thấy tao hút thuốc bao giờ không?” (Báo Văn nghệ, 14-9-1973).
“Phú quý sinh lễ nghĩa” được tạo bởi các yếu tố Hán Việt: Phú quý chỉ sự giàu có, quyền quý; lễ nghĩa nghi lễ và là khuôn phép. Vậy, phú quý sinh lễ nghĩa là sự bày đặt đủ lễ nghi, đúng cách thức chuẩn mực mà chỉ có kẻ giàu sang mới có thể đáp ứng được. Trên thực tế, những người giàu sang thực hiện lễ nghĩa, khuôn phép chẳng khó khăn gì. Đôi khi đúng lễ nghĩa còn là yêu cầu bình thường trong đời sống của họ. Trong trường hợp này phú quý sinh lễ nghĩa chỉ nhằm phản ánh đời sống giàu sang của họ và dường như tính phê phán ở đây cũng mờ nhạt, có chăng thì cũng chỉ trích nhẹ đối với sự cầu kỳ, sự lãng phí trong sinh hoạt của tầng lớp này. Gần nghĩa với cách đánh giá này, trong tiếng Việt còn có câu tục ngữ “no ra Phật đói ra ma”.
Thế nhưng, với người nghèo, việc bày biện đúng lễ nghi, có khuôn phép tỏ ra lịch sự, sao cho không thua em kém chị trong lễ tết, tiệc tùng, đình đám, ăn mặc… thì thật khó. Nếu theo mà làm được như thế lại trở nên rỏm, hài hước, chẳng khác gì trưởng giả học làm sang. Do vậy, “phú quý sinh lễ nghĩa” là một lời chê trách những kẻ chạy theo, học đòi một cách không phải lối, đâm ra kệch cỡm. Một nụ cười mỉa mai, vừa nhẹ nhàng vừa sâu sắc nhằm cảnh tỉnh người nghèo đang chạy đua theo cách sống mà bản thân họ không có khả năng đáp ứng, hoặc không phù hợp với hoàn cảnh của họ. Thí dụ: “Biền đưa mắt nhìn toàn thể cái cảnh tượng đặc biệt đó, mủm mỉm cười với chính mình: “Phú quý sinh lễ nghĩa”, bây giờ mình lại học đòi cách sống của những nhà đại gia đây” (Văn 12, tập hai, tr.68).
Điều chúng ta nghe được đằng sau câu thành ngữ phú quý sinh lễ nghĩa là phải sống đúng với bản thân mình, đừng nên đua đòi, phải biết mình là ai, để sống ứng xử với người, với việc cho tự nhiên như mình có.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Mar 2017

Q

270 Quân hồi vô phèng
Quân hồi vô lệnh

''Quân hồi vô phèng” vốn là cách nói thông tục của thành ngữ “Quân hồi vô lệnh”. Thành ngữ này có nghĩa là “quân đội bại trận tháo chạy, không cần có lệnh rút quân; thường dùng để ví cảnh hàng ngũ rối loạn, không còn có trật tự, có tổ chức gì nữa” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Nxb KHXH, 1994).
Muốn hiểu rõ nghĩa của thành ngữ này, cần tìm hiểu sâu thêm nghĩa của các thành tố tạo nên nó.
“Quân hồi” được Đào Duy Anh định nghĩa trong Hán Việt từ điển là “quân đội ở chiến trận về, hoặc quân thua rồi mà chạy về”. Trong thành ngữ đang xét, quân hồi được dùng với nghĩa thứ hai.
“Vô lệnh” là “không có mệnh lệnh”. “Lệnh” trong tiếng Hán là “bố cáo ra” (Đào Duy Anh, sdd…); còn trong tiếng Việt lại chỉ “chiếc thanh la dùng để báo hiệu lệnh”: Nói oang oang như lệnh vỡ. Lệnh ông không bằng cồng bà” (Hoàng Phê, sđd.). Thanh la còn có một tên khác là phèng la. Phèng là một từ tượng thanh, vì phàng phèng vốn là “tiếng thanh la hay tiếng lệnh” (Văn Tân, Từ điển tiếng Việt, Nxb. KHXH, H., 1967). Như vậy, “lệnh”, “thanh la” hay “phèng la” đều là một loại “nhạc khí gõ bằng đồng thau, hình đĩa tròn, tiếng vang và chói” (Hoàng Phê, sđd.).
Thế là từ một cặp từ gốc Hán “vô lệnh” dẫn đến “vô phèng la” rồi rút gọn thành cặp từ nửa Hán nửa Việt là vô phèng. Và kéo theo nó, thành ngữ “quân hồi vô lệnh” biến thành “quân hồi vô phèng”
(Tham khảo Dương Xuân Đống, Quân hồi vô phèng, “Ngôn ngữ và đời sống', số 7 (21).1997, tr.24).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 25 guests