Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Jan 2017

211 Mũ ni che tai

Chắc chúng ta chẳng ai tán thành lối sống cầu an, làm ngơ, hoặc không quan tâm gì đến những sự việc xẩy ra xung quanh. Đó là lối sống “mũ ni che tai”:
“Nhà anh Ngưu kia ơi! Sao anh lại có thể mũ ni che tai đến thế được. Chẳng lẽ mọi sự xung quanh không có gì làm anh vui buồn, tức giận hay sao?” (Đào Vũ, “Lưu lạc”, 16).
Vì sao thành ngữ trên có nghĩa như vậy? Số là do cái “mũ ni”. Mũ ni nguyên là cái mũ của nhà sư có diềm bịt kín cả gáy và hai tai cho không nghe thấy tiếng động bên ngoài. 
Đó phải chăng là cách lánh đời của kẻ tu hành? Các ông già về mùa rét cũng hay đội mũ kiểu “mũ ni” cho ấm. Từ thực tế đó mà câu mũ ni che tai mang nghĩa biểu trưng cho lối sống an phận, lánh đời,…
“Khó khăn đến thì mũ ni che tai mặc ai gánh vác, Quyền lợi về thì hét vang màng óc sẵn có tôi đây” (Văn thơ cổ và kim, 221)
Cũng thể hiện lối sống đó còn có các thành ngữ khác như an phận thủ thường, lão giả an chi, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại v.v… Lối sống này cần phải bị phê phán và loại bỏ khỏi đời sống cộng đồng của xã hội ta.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Jan 2017

212 Múa rìu qua mắt thợ

Lý Bạch là một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường (Trung Quốc).
Sau khi ông qua đời, người ta chọn nơi đất tốt với cảnh sơn thủy hữu tình để chôn cất ông. Đó chính là hòn Thái Thạch dưới chân Ngưu Chữ Sơn. Khung cảnh và ngôi mộ của nhà thơ lớn ấy đã trở thành nguồn cảm hứng thơ phú cho bao du khách, kể cả những người chưa một lần cầm bút làm thơ. Về sau, một ông tiến sĩ tên là Mai Tri Hoán đến viếng mộ Lý Bạch, thấy vậy nực cười quá, liền đọc một bài thơ đại ý rằng: Bên sông nhô ra một doi đất gọi là Thái Thạch, bên nấm mộ của nhà thơ Lý Bạch nổi tiếng, thì các bài thơ của khách vãng lai, chẳng khác nào “múa chiếc rìu thợ mộc trước mắt Lỗ Ban” để khoe tài vậy.
Lỗ Ban sống ở đời Xuân Thu, được coi là tổ sư của nghề mộc. Tục truyền rằng ông lấy đá để làm bản đồ chín châu, đã làm một ngọn tháp nổi tiếng ở Lương Châu, đã dùng gỗ để làm một con phượng hoàng đủ màu sắc có thể bay ba ngày đêm trên trời mới đỗ xuống đất.
Từ đó, dân gian Trung Quốc có câu thành ngữ: “Ban môn lộng phủ” (nghĩa là múa rìu trước cửa Lỗ Ban). Thành ngữ này được mượn vào tiếng Việt dưới dạng “múa rìu qua mắt thợ”, với nghĩa là “bộc lộ sự vụng về kém cỗi của mình trước những người hiểu biết, tinh thông hơn mình”. Khi nói về người khác, thành ngữ này có ý cười cợt những kẻ không biết lượng sức mình, cứ khoe khoang trước mắt người tài giỏi hơn mình, thật là ấu trĩ, ngây thơ.
Khi nói về bản thân, thành ngữ này có ý nhún mình, khiêm tốn và đề cao người khác. Ví dụ, có thể nói:
“Con phải nghe cha, trò phải nghe thầy, chớ khoe khôn múa rìu qua mắt thợ” (Khuyết danh, “Xử thế phú”).
Gần nghĩa với thành ngữ này là thành ngữ “đánh trống qua cửa nhà sấm”. Tuy nhiên, thành ngữ “đánh trống qua cửa nhà sấm” được dùng ít hơn “múa rìu qua mắt thợ”.
Hãy tự biết mình, hãy khiêm tốn. Đó là lời khuyên chí tình, đại lượng của dân gian đối với mỗi chúng ta.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

213 Múa tay trong bị

Thể nào, không ít thì nhiều, trong đời ai cũng có những niềm vui đến như “mở cờ trong bụng”. Nhưng biểu hiện của niềm vui thì lại khác nhau, có người thể hiện hoặc có niềm vui được thể hiện ra, bộc bạch, lộ ra, biểu hiện tự nhiên như nụ cười tiếng hát thường ngày, ai cũng nhận ra được. Nhưng, cũng có những ý nghĩ, những niềm vui mà ta chỉ có thể vui theo kiểu “múa tay trong bị” mà thôi! Vì sao vậy?
“Múa tay trong bị” là một lối nói khá độc đáo của dân gian. Múa tay là động tác thường biểu thị sự vui vẻ, hân hoan, hoặc phấn chấn quá độ. Có điều là, thông thường khi múa tay người ta đưa tay cao ra phía trước mà khua. Đằng này lại khua “trong bị”. Có ý kiến cho rằng, đây là lối thể hiện niềm vui sướng của những người ăn xin khi được nhiều của bố thí. Nhưng, có điều là người ăn xin thì bao giờ cũng phải giữ cho được cái vẻ mặt buồn rầu, khổ sở chứ nếu cứ tươi hơn hớn ra thì chẳng còn ai động lòng thương mà cho cái gì nữa. Phải chăng, vì thế mà, kẻ ăn xin những khi xin được nhiều tiền tuy rất vui sướng, nhung “không dám biểu hiện ra ngoài” bằng động tác “khoa chân múa tay” như người đời mà chỉ múa “trong bị” với một mình mình biết, một mình mình hay.
Từ niềm vui đáng thương của người hành khất thành ngữ trên được dùng với ý nghĩa biểu thị ý nghĩa khoái trá, niềm vui sướng ngấm ngầm của con người, cái niềm vui phải giấu đi không cho ai biết. Niềm vui ngấm ngầm được giấu kín một cách có chủ đích ấy ở người ăn xin đã được người đời đón lấy dùng vào việc chỉ trích những người chuyên tìm kiếm lợi lộc cho mình bằng con đường ám muội. Nhưng họ biết cách giấu kín, không cho người ngoài biết và chỉ dám vui một mình hoặc với những người đồng lõa mà thôi:
“Mụ Lạc, vợ chồng nhà Ngật cứ múa tay trong bị: ông trương Hạp nói hay thật, phen này cái nhà thương cộng sản kia cứ là bỏ hoang cho cỏ mọc, chó ỉa” (Chu Văn, “Bão biển”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

214 Mũi dùi Mao Toại

Sách Sử kí kể rằng: Mao Toại là gia khách của Bình Nguyên Quân, nước Triệu, thời Chiến Quốc. Tần đánh Triệu. Vua Triệu phái Bình Nguyên Quân sang sở cầu viện binh. Mao Toại xin đi theo. Bình Nguyên Quân từ chối, nói: “Hiền sĩ ở đời cũng ví như cái dùi để trong túi, mũi dùi thế nào cũng phải trồi ra. Nay tiên sinh ở nhà tôi đã ba năm, chưa thấy mọi người khen một điều gì, như vậy hẳn tiên sinh chẳng có điều gì để đáng ngợi khen”. Mao Toại đáp lại rằng: “Nếu Toại này sớm được để vào trong túi thì cái dùi thế tất sẽ trồi ra ngay, không riêng gì mũi dùi đâu!” Nghe vậy, Bình Nguyên Quân bằng lòng cho đi theo. Vào yết kiến sở vương, với tài hùng biện và khí thế kiên cường, Mao Toại đã thuyết phục và ép buộc vua sở phải liên minh với Triệu để chống Tần. Sau việc này, Bình Nguyên Quân đã ca ngợi Mao Toại rằng: “Ba tấc lưỡi của tiên sinh còn mạnh hơn trăm vạn hùng binh” và cũng từ đó ông đặt Mao Toại vào hàng thượng khách. Từ câu chuyện này, trong thơ văn Trung Quốc và Việt Nam, từ ngữ “mũi dùi Mao Toại” thường được dùng để biểu thị sự bộc lộ những tài năng tiềm ẩn. Phan Bội Châu viết: “Mủi dùi của Mao Toại lâu nay vẫn muốn thoát ra ngoài”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

215 Muôn chung nghìn tứ

Chung là đơn vị đo lường, dùng để đong thóc thời cổ, mỗi chung bằng 6 hộc, 4 đấu. Lương bổng, thu nhập hàng vạn chung thóc là lương bổng của bậc khanh tướng. Tứ là xe đóng bốn ngựa kéo. Chỉ có những bậc vương hầu mới có hàng nghìn cỗ xe như vậy. “Muôn chung nghìn tứ” là giàu sang, quyền quý vào bậc vương hầu, khanh tướng:
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
“Từ Hải hứa với Kiều hưởng cảnh muôn chung nghìn tứ, thế là có muôn chung nghìn tứ” (Hoài Thanh, Phê bình và tiểu luận).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

216 Mưa Sở, mây Tần

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:
Mặc người mưa sở mây Tần,
Nhưng mình nào biết có xuân là gì.

(Nguyễn Du)
“Mưa Sở, mây Tần” ở đây nghĩa là gì? Theo Đặng Đức Siêu, soạn giả “Ngữ liệu văn học” (Nxb. Giáo dục, 1999) thì “mưa Sở, mây Tần” ở đây có nghĩa như “mây mưa”, liên quan đến truyền thuyết về thần nữ núi Vu Sơn. Trong lời tựa bài phú Cao Đường, Tống Ngọc kể rằng: Vua sở lên thăm đền Cao Đường, mệt quá ngài thiếp đi, mộng thấy một phụ nữ có nhan sắc tâu rằng: thiếp là thần nữ núi Vu Sơn được biết nhà vua ngự chơi nơi đây nên đến xin được hầu chăn gối… Khi vua về, thần nữ lại tâu: thiếp ở phía nam núi Vu Sơn, sớm làm mây, chiều làm mưa, sớm sớm chiều chiều ở dưới Dương Đài.
Do đó mà “mây mưa”, hay “mưa sở, mây Tần” được dùng trong văn thơ với nghĩa là “gái trai gặp gỡ; gái trai chung chăn gối, vui vầy ái ân”:
Mây mưa mấy giọt chung tình.
Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn.

(Nguyễn Gia Thiều)
Mây mưa đánh đổ đá vàng
Quá chiều nên đã chán chường yến anh.

(Nguyễn Du) 
Cũng nên lưu ý rằng riêng tổ hợp “mây Tần” lại có nghĩa là đám mây trên núi Tần Lĩnh. Thơ Hàn Dũ, đời Đường có câu: “Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại”, nghĩa là: Mây giăng giăng núi Tần Lĩnh, nhà ta ở nơi nao? Từ đó mà “mây Tần” được dùng với nghĩa biểu trưng là “quê nhà, quê hương”:
Đoái trông muôn dặm tỉ phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.

(Nguyễn Du).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

217 Mười voi không được bát nước xáo

X. Ba voi không dược đọi (bát) nước xáo
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

N

218 Nam mô a di đà phật

“NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” là câu cửa miệng của tăng, ni, phật tử và những người hay đi vãn cảnh chùa, nhưng ít ai hiểu cặn kẽ nghĩa của câu này, vì phần lớn các từ trong câu này là những từ nước ngoài.
Trong giao tiếp đời thường, các tăng ni, phật tử và những người đi lễ chùa thường dùng câu này dưới dạng rút gọn để chào khi gặp nhau: “Mô Phật”, “A Di Đà Phật” v.v…
Vậy nghĩa của từng từ và nghĩa của cả câu này là thế nào?
Nam mô (hoặc na mô) là từ dịch âm từ chữ Phạn “namah”, vốn có nghĩa là xin thành tâm quy y, cung kính tuân theo…
Nam mô có thấu chăng trường,
Chẳng cho thành Phật thì nhường cho ai.

(Phạm Thái)
Phật là từ Hán Việt, chính là Bụt, và cả hai chữ đều bắt nguồn từ từ Budha, trong tiếng Phạn. Đó là tên riêng chỉ Phật (Bụt). A Di Đà dịch âm từ tiếng Phạn “Amitabhâ”, là tên của đức Phật tổ miền đất cực lạc ở phương Tây (Tây phương cực lạc), còn được gọi là cực lạc quốc.
Theo nhà Phật, thì đức Phật A Di Đà vô cùng sáng suốt, ánh hào quang của ngài soi tỏ mười phương, cho nên được tôn xưng là Phật Vô Lượng Quang. Cuộc sống của ngài vì chúng sinh dài vô tận nên còn được tôn xưng là Phật Vô Lượng Thọ. Các tín đồ muốn được độ sang Cực Lạc quốc chỉ cần thành tâm thành ý niệm danh hiệu A Di Đà là sẽ được toại nguyện.
Khi sử dụng trong văn thơ, tên của đức Phật A Di Đà có thể được dùng dưới dạng rút gọn là A di, hoặc Di Đà:
Thỉnh ông Phật tổ A Di,
Thập phương chư Phật phù trì giúp công.

(Nguyễn Đình Chiểu)
Nguyện Di Đà, niệm Tì Lư,
Bồ đề là đạo, Chân Như ấy lòng.

(Phạm Thái)
Như vậy, “nam mô A Di Đà Phật” có nghĩa là “xin thành kính tuân theo đức Phật tổ A Di Đà”.
Last edited by bevanng on 10 Feb 2017, edited 1 time in total.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

219 Nát như tương

Về cách làm tương, trong dân gian có câu: “Xôi gặt ba ngày, đậu liền rang, chín tương hai muối ngọt như đàng”. Nghĩa là để cơm nếp mốc ủ ba ngày, rồi rang đậu tương bỏ ngâm, sao cho ba lần nổi ba lần chìm, sau đó mới cho muối theo tỉ lệ muối hai, tương chín. Làm đúng theo quy cách như vậy, thì tương sẽ ngọt như đàng (đường). Trong quy trình này, hạt đậu tương phải chịu sự chìm nổi theo thời gian, thành ra khi tương có thể ăn được thì hạt đậu tương cũng nát bấy. Hèn gì trong lời ăn tiếng nói của dân gian ta xuất hiện thành ngữ “nát như tương” hay “nát như tương bần” (bần: Bần Yên Nhân, nơi làm tương ngon nổi tiếng thuộc tỉnh Hung Yên ngày nay). Trước hết, “nát như tương” được dùng để chỉ sự nát vụn, nát nhừ của vật thể.
“Nếu đánh nhau thật thì có lẽ thân người cậu ta đã nát như tương”
Với trạng thái miêu tả trực quan trạng thái nát nhừ, bể vụn của vật thể, thành ngữ “nát như tương” có nghĩa gần giống như thành ngữ “nát như cám”. Tuy nhiên, “nát như tương” còn có ý nghĩa trừu tượng hơn. Trong đời sống ngôn ngữ hàng ngày, thành ngữ này thường dùng để biểu thị sự hư hỏng, đổ nát của một tổ chức, một thể chế…
“Cô Minh bảo đúng thật! Cái trạm này năm bè bảy cánh, bè kiểu này, bè kiểu nọ, cứ là nát như tương ấy” (Phạm Hổ, “Tình thương”).
Thành ngữ nát như tương, trong nhiều trường hợp còn được dùng để chỉ một trạng thái tinh thần: đau đớn ưu phiền đến mức độ cao:
“Đào trên mây, hạnh giữa trời
Nghĩ chi cho nát dạ người như tương”

(Nguyễn Huy Tự, “Hoa tiên”)
Ở phương diện này, đôi khi chúng ta thấy thành ngữ “nát như tươm” được dùng thay thế “nát như tương”:
“Mảnh riêng còn nát như tươm
Càng ngơ ngẩn bóng càng năn nỉ tình”

Cái đớn đau dày vò tâm can đến mức độ cao mà thành ngữ nát như tương biểu thị còn có thể được gặp lại trong các thành ngữ “nát gan nát ruột” (nát ruột nát gan), “héo gan héo ruột” (héo ruột héo gan), v.v…
Trong tiếng Việt, “nát như tương” còn thấy xuất hiện với chức năng biểu thị chất lượng kém, trình độ tồi của một số sản phẩm trí tuệ: văn nát như tương, lý sự nát như tương:
“Đến điều lý sự nát như tương
Ngẫm sự văn chương đen tựa mực”

Hẳn là “nát” trong văn “như tương”, lý sự nát như tương, không phải là từ nát chỉ sự vỡ vụn, nhừ bấy của vật thể. Trong trường hợp này, “nát” là yếu tố biểu thị sự kém cỏi về trí tuệ. Chúng ta đã từng thấy ý nghĩa này trong từ dốt nát của Việt ngữ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

220 Năm bè bảy mối
Nam bè bảy bối


Bảy mối để chỉ sự bề bộn, phức tạp của công việc, khiến cho đẩu óc con người rối bời, khó đường tháo gỡ, xoay trở. Thí dụ:
“Đầu óc của Tiến thật là năm bè bảy mối, mọi việc đặt ra trước mắt anh đòi hỏi anh phải làm cho tốt: Vấn đề đoàn kết tương trợ nhau đưa năng suất lên cao, thái độ đối với tổ kiểm soát”
Thành ngữ “năm bè bảy mối” còn được dùng để biểu thị sự không thống nhất, chia rẽ thành nhiều phe phái trong nội bộ một cơ quan, một tổ chức. Thí dụ: “Quân đội ngày càng mất sức chiến đấu, năm bè bảy mối cắn xé nhau”
Việc nhận diện ý nghĩa của thành ngữ này nói chung là đơn giản và không có vấn đề gì vướng mắc. Tuy nhiên, nếu xem xét về cấu tạo, thì thành ngữ “năm bè bảy mối” lại bộc lộ nhiều điều cần được lý giải. Trong thành ngữ này, năm đối với bảy, bè đối với mối. Nếu chỉ xem qua, ta dễ lầm tưởng bè và mối vốn chỉ là điểm nút ở trên bè, như thế bè không thể tương hợp với mối được, vì trong cơ cấu thành ngữ đối, có hai yếu tố chỉ lượng, trong tiếng Việt, không bao giờ có sự tương hợp giữa cái toàn thể và bộ phận của nó. Sự bất hợp lý này đòi hỏi chúng ta tìm kiếm những lý giải khác cho phù hợp.
Như đều biết, trong tiếng Việt, ngoài dạng “năm bè bảy mối” còn có dạng “năm bè bảy bối”. Thí dụ:
“Mồi thì ngon đấy nhưng mà năm bè bảy bối, bề nào cũng muốn ăn, ngoài thì tử tế với nhau nhưng thật ra trong bụng lúc nào cũng muốn làm nhau cho lụn bại để cưỡi lên đầu, lên cổ” (Nam Cao, “Chí Phèo”).
Thoạt tiên chúng ta dễ nghĩ dạng thức “năm bè bảy bối” được biến đổi từ dạng gốc “năm bè bảy mối”. Cũng vậy, bối được xuất phát từ mối và có nghĩa là “điểm nút”. Điều này xét về cơ sở biến âm thì hoàn toàn phù hợp. Hai âm môi m và b có thể luân chuyển cho nhau ví như (nhái) mén - (nhái) bén, mánh - bánh, mê - bê,… Song sự tình lại khác, nếu đi sâu vào tiếng Việt tìm kiếm, đối chiếu kĩ. Quả nhiên, trong tiếng Việt có từ bối với nghĩa là mớ vật mềm, nhiều sợi xoắn lại với nhau, quấn vào nhau như bối tóc, bối rác, bối rau. Các bối rau, bối cỏ, bối rác cũng trôi nổi và có nhiều đặc điểm như bè (bè rau, bè cỗ), ở một nơi, ở một mặt hồ, mặt ao mà có nhiều bè, nhiều bối trôi nổi thì ở đó cũng chẳng gọn gàng gì, mà trái lại rối bời, phân tán hỗn độn. Đó cũng là ý nghĩa chung mà thành ngữ “năm bè bảy mối” và “năm bè bảy bối” biểu hiện. Hiểu từ bối với ý nghĩa này, chúng ta thấy thành ngữ “năm bè bảy bối” là thành ngữ đối trong đó bè, bối đối với nhau về từ loại, lại tương hợp về nghĩa. Chính vì lý do này, chúng ta giả định rằng dạng “năm bè bảy bối” là dạng gốc, ngược lại “năm bè bảy mối” là dạng biến thể. Ở đây chúng ta phải cắt nghĩa cơ sở chuyển đổi từ bối - mối. Hai từ này, xét về cơ sở ngữ âm, như đã phân tích ở trên, không có gì vướng mắc nữa. Ngoài ra, sự chuyển đổi này còn do tác dụng ngữ nghĩa tác động vào. Ta vẫn biết, bối là một từ không phổ biến lắm, trong khi đó trong tiếng Việt có từ mối với ý nghĩa là điểm nút lại biểu hiện, thường được dùng trong ngôn ngữ hàng ngày. Lại nữa, khi thành ngữ có từ bè ở phía trước nó thì người ta dễ liên tưởng đến một bộ phận của bè là các mối buộc, mối kết bè. Ngoài ra, mối lại gây cảm giác “quấn quyện, rắc rối” mà ý nghĩa chung của toàn thành ngữ “năm bè bảy bối” đã biểu hiện. Với những lý do về âm và nghĩa như vậy, người dùng thành ngữ “năm bè bảy bối” dễ đồng nhất với “năm bè bảy mối”. Dần dà, trong quá trình sử dụng người ta quên hẳn nghĩa ban đầu của từ bối mà trái lại nhận thức nghĩa của mối khác đi. Thực ra, mối trong dạng biến thể và cần phải hiểu là bối, tức là các mớ thân mềm xoắn vào nhau, trôi nổi trên mặt nước, chứ không phải là những điểm nút dây ở trên bè. Thành ngữ “năm bè bảy bối” còn có biến thể khác nữa là “năm bè bảy búi”. Thí dụ:
“Xếp máy, cai thầu chuyên lôi kéo phu thợ ra năm bè bảy búi, tỉnh nọ, vùng kia, phu mới phu cũ” (Nguyên Hồng, “Sóng gầm”).
Cơ sở chuyển đổi giữa búi và bối được giải thích khá đơn giản. Hai âm u và ô vốn rất dễ chuyển đổi cho nhau, như ta vẫn thấy ở hàng loạt cặp từ tương ứng trong tiếng Việt như tui-tôi, mui-môi, chủi-chổi,…
Các dạng thức “năm bè bảy mối”, “năm bè bảy bối (búi)” đã trở thành khuôn mẫu để hình thành hàng loạt dạng thức tương đồng về nghĩa như năm bè bảy mảng, ba bè bảy mảng, năm bè bảy phái, ba bè bảy cánh, hiện đang được dùng rộng rãi trong tiếng Việt.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

221 Năm giềng ba mối

Giềng là loài dây lớn hay còn gọi là dây cái ở lưới, bền, chắc. Các sợi lưới con cũng buộc vào dây giềng. Phao và chì lưới cũng buộc vào dây giềng. Dây lớn ở bốn xung quanh vó kéo cá cũng gọi là giềng. Giềng vó cũng bền, chắc để chịu được sức neo của mạng các sợi dây co đan kết vào khi kéo vó nặng nước. Như vậy, một thuộc tính nổi bật của dây giềng là bền, chắc. Chức năng chính của nó là để dằng néo, đan kết các loại dây khác, tạo thành một mạng lưới chằng chịt những dây, trong đó, giềng là dây cốt, dây lõi. Còn, mối là hai đầu cuối của một mối dây buộc, có nơi gọi là mái dây. Đó là phần cuối dây được trừ ra, không dùng quấn vào vật buộc trói các vật (kể cả trói người). Người buộc, người trói nắm lấy mà rút, mà siết chặt, sau đó thì xoắn chắc các mối lại. Một vật mà được trói buộc bởi giềng và mối, nhất là năm giềng, ba mối thì khó mà bung sổ ra được. Rất chặt, rất chắc. Rất khó tháo gỡ. Giềng và mối lại nằm trong sự liên hội với các từ ràng, buộc, thắt, riết, ràng, trói, ràng buộc, thắt chặt, trói buộc… Khiến cho người ta dễ nghĩ tới điều gì đó vừa nghiêm nhặt, khắt khe, vừa ở vào trong cái thế chằng chịt các mối quan hệ phức tạp, khó xoay trở. Giềng đi với mối tạo thành từ giềng mối. Giềng mối là những điều chính yếu, căn bản, gốc, là những quy ước những quy tắc đối nhân xử thế đã ổn định, có khi nghiệt ngã. Và năm giềng ba mối biểu thị sự chằng chịt các mối quan hệ, các quy tắc, luật lệ, các phong tục tập quán phức tạp, rối ren đặt con người vào cái thế ràng buộc lẫn nhau và thế bó buộc bởi các quy tắc, lệ luật khiến cho việc đối nhân xử thế hết sức phức tạp và làm thuyên giảm đi khả năng tự chủ và tính quyết đoán:
“Ấy rằng quân nhạc khí quân
Năm giềng ba mối rối dồn như tơ”

(Văn học 11, tập 1, tr.98)
Cũng có người muốn giải thích câu thành ngữ này trong sự liên hệ với triết lý tam cương ngũ thường của nho giáo. Tam cương là mối quan hệ cơ bản trong xã hội: vua-dân, cha-con, chồng-vợ, theo cách nói đạo Khổng, tức là đạo vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng. Còn ngũ thường là 5 đức tính tốt hay đức hạnh của con người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tam cương ngũ thường của nho giáo yêu cầu con người phải tuân thủ các quy tắc ứng xử đã được xác lập giữa vua và tôi, cha và con, chồng và vợ. Tôi phải trung với quân (vua), con cái phải hiếu đễ với cha mẹ, nhất nhất nghe theo lời cha mẹ, cả khi cha mẹ không đúng. Còn vợ thì theo chồng, nghe chồng, chồng chết thì chết theo hoặc ở vậy chịu góa bụa, suốt đời thờ chồng lấy chữ tiết hạnh làm đầu. Triết lý tam cương ngũ thường có lẽ có ảnh hưởng đến cấu tạo và nội dung ý nghĩa của thành ngữ năm giềng ba mối. Tuy nhiên cũng có nhiều người phản bác ý này và cho rằng giữa triết lý đạo Khổng, vốn là giáo lý, hệ tư tưởng của giai cấp vua quan xưa cũ, rất ít có mối liên hệ với nếp sống của dân gian. Do đó, đem liên hội tam cương ngũ thường với năm giềng ba mối e có phần gượng ép. Nếu có chăng cũng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hơi hướng mà thôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

222 Năm tao bảy tiết

Trong tiếng Việt, để diễn tả ý nhiều lần gặp lại (của một sự việc nào đó), người ta thường dùng thành ngữ năm tao bảy tiết. Thí dụ:
“Phần nhiều kéo nhau lên đây là hạng tứ bất tử cả đấy. Trốn chúa lộn chồng năm tao bảy tiết, ba chìm năm nổi chín lênh đênh, vỡ nợ tam tứ tùng” (Nguyễn Tuân, “Sông Đà).
“Tao” ở đây là “lần”, “lượt”, “phen” và “tiết” là chỉ hình thức đối xứng về mặt ngữ âm trong thành ngữ cùng với các số từ quen thuộc năm và bảy để diễn đạt, biểu thị cái ý “nhiều lần”, “nhiều bận”. Thường thì thành ngữ trên được dùng khi muốn nói về một sự tái diễn nhiều lần mà thường không toại nguyện người trong cuộc:
“Chờ mãi anh sang anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tiết anh hò hẹn
Để có mùa xuân cũng bẽ bàng”

(Nguyễn Bính, “Mua xuân”)
Với ý nghĩa này, thành ngữ trên đồng nghĩa với cách nói năm lần bảy lượt.
Trong sử dụng, có khi thành ngữ năm tao bảy tiết phát sinh những nét nghĩa mới tùy hoàn cảnh nói năng. Có khi nó hàm nghĩa “nhiều, ở mức độ lớn”. Thí dụ: “Mẹ chỉ biết, thương chồng thì lo cho chồng năm tao bảy tiết, thương con, mẹ lo cho con chẳng kể nắng mưa”
Có khi “năm tao bảy tiết” còn hàm nét nghĩa “vất vả, phải làm đi làm lại nhiều lần”:
“Bên anh chăn nuôi thế nào chứ ở đây thật là năm tao bảy tiết đấy. Được cái khoản cung cấp lợn giống với cung cấp thịt cho nhà nước nhìn cũng tươm” (Nhiều tác giả, “Hội thi”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

223 Nằm gai nếm mật

Thành ngữ “nằm gai nếm mật” hay “nếm mật nằm gai” về hình thức chỉ là sự thay đổi trật tự còn ý nghĩa thì đều chỉ sự vất vả, gian khổ.
Xuất xứ của câu thành ngữ này có từ đời Xuân Thu ở Trung Quốc. Khi ấy, nước Việt bị nước Ngô diệt. Vua nước Việt là Câu Tiễn bị bắt làm tù binh, phải chịu đủ mọi khổ sở nhục nhằn. Sau, vua nước Ngô là Phù Sai thả cho Câu Tiễn về nước. Câu Tiễn quyết chí trả thù, thường nằm trên đống củi gai, tránh nơi êm ấm, thường nếm mật đắng, xa miếng ăn ngon để rèn luyện tinh thần, chịu đựng gian khổ, mài sắc ý chí phục thù. Sau hai mươi năm trời khổ công rèn luyện, chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn xuất binh đánh bại quân Ngô, Phù Sai phải tự sát.
Từ đó, thành ngữ “Nằm gai nếm mật” được sử dụng rộng rãi trong dân gian và trên văn đàn chỉ sự chịu đựng gian khổ để quyết chí mưu đồ việc lớn.
“Mấy thu nếm mật nằm gai,
Thề lòng trả được giận dài mới yên”

(Nguyễn Đình Chiểu)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

224 Ném đá giấu tay

Với thành ngữ “ném đá giấu tay” dân gian ta đã lên án những kẻ làm những việc độc ác, nhưng làm một cách lén lút, không dám công khai và nhiều khi còn tỏ ra không liên quan tới những việc làm xấu xa và hậu quả của nó.
“Bọn quan thầy của chúng là những tên dã man, thâm độc, ném đá giấu tay. Chúng cướp ruộng, cướp của, giết người nhưng lúc nào cũng làm ra vẻ đúng đắn, nhân đạo” (Văn học, 12, tr.20).
Tự thân cấu trúc ngữ nghĩa thành ngữ “ném đá giấu tay” bộc lộ ý nghĩa của nó. Trong cấu trúc này có hành động (ném), có phương tiện công cụ hành động (đá), có phương thức hành động (giấu tay). Vậy nên ở thành ngữ “ném đá giấu tay” có sự gặp gỡ giữa hành động độc ác và cái gian giảo xảo quyệt để phản ánh sự thâm độc trong hành động và việc làm của những kẻ mưu sâu, hiểm độc. Trong tiếng Việt, “ném đá giấu tay” được dùng như một bộ phận chỉ tính chất đi kèm với một số danh từ, có tác dụng bổ nghĩa, hạn định cho các danh từ đó: thủ đoạn ném dá giấu tay, hành động ném đá giấu tay, kẻ ném đá giấu tay.
“Nhưng, bộ mặt thực dân mới, thủ đoạn ném đá giấu tay của Tầu cộng nhất định không lừa bịp được dân Phi”
“Điều bất ngờ nhất cho Tầu cộng là kẻ ném đá giấu tay đã bị lập tức vạch mặt chỉ tên”

Tuy nhiên, trong cách dùng, dường như thành ngữ “ném đá giấu tay” thường được nhấn mạnh về phương thức thực hiện (giấu tay). Thành ra, trong đa số trường hợp ném đá giấu tay đều phản ánh hành động lén lút, ám muội không lộ mặt:
“Nó là thằng chuyên ném đá giấu tay, làm chuyện gì nó bảo đứa khác làm. Có vỡ lở thì đứa khác chịu. Nó cứ bình chân như vại” (Phạm Hổ, “Tình thương”).
Thành ngữ “ném đá giấu tay” có các biến thể “ném đá giấu mặt”, “ném đất giấu tay”. Thí dụ:
“Hơn thế nữa, kẻ chủ mưu, kẻ ném đá giấu mặt vẫn tránh được tai tiếng”
“Đứa cầm đầu thì anh còn quái lạ gì nữa kia chứ, nó ném đất giấu tay”
(Chu Văn, “Bão biển”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Feb 2017

225 Ngang như cua, nhát như cáy

Cũng lạ, cua và cáy là hai con vật cùng họ hàng thân thích và có nhiều đặc điểm giống nhau, thế mà trong ngôn ngữ dân gian, người ta lại gán cho chúng những đặc điểm trái ngược nhau: ngang như cua, nhát như cáy. Vì sao vậy?
Hãy bắt đầu từ sự quan sát con cua. Cua có thân hình nằm ngang, nói đúng hơn là chiều ngang dài hơn là chiều dọc. Sự hoạt động của cua, tiến thoái đều theo chiều ngang. Chẳng thế mà các em bé vẫn thường hát đồng dao ưa thích của mình về chú cua kỳ dị này:
“Cua đi tám cẳng hai càng
Chẳng đi mà lại bò ngang cả ngày”

Sự thật về hình thể và hoạt động của con cua là cơ sở của sự hình thành thành ngữ “ngang như cua”. Nhưng cái lý thú ở thành ngữ này chính là ở chỗ khác. Từ “ngang” chỉ hướng hoạt động của con cua chỉ là cái cớ để người Việt “chơi chữ” bằng cách dùng “ngang” với nghĩa khác. Đó là nghĩa không thuận theo lẽ thường, chỉ theo ý riêng của mình trong nói năng, đối xử. Và, gánh nặng ngữ nghĩa của thành ngữ “ngang như cua” cũng được dồn một phần sang các từ so sánh và đối tượng so sánh như cua. Cấu trúc so sánh đó vừa biểu thị thuộc tính của “ngang” vừa tăng thêm sắc thái biểu cảm. Trong tiếng Việt, thành ngữ “ngang như cua” hay được dùng để ví những người nói năng, cư xử khác lẽ thường, không giống ai và cũng không biết nghe lời ai. Thí dụ:
“Ôi, thằng cha đó thì trời cũng không sợ. Cọp vật hắn còn không chết thì hắn còn sợ ai nữa. Nói cứ ngang như cua” (Đoàn Giỏi, “Đất rừng phương Nam”).
Trong khi đó, thành ngữ “nhát như cáy” lại được dùng để chỉ đặc tính nhát gan hay sợ sệt đến mức cao độ.
Thành ngữ “nhát như cáy” được khái quát trên cơ sở quan sát, đánh giá tập tính của chú cáy. Cáy là loài vật thuộc họ nhà cua, sống ở nước lợ. Cáy thường đào hang và ẩn nấp sinh sống. Những lúc ra khỏi hang kiếm ăn, hễ nghe tiếng động hoặc thấy bóng dáng người là cáy chạy biến vào hang. Thú vị hơn là khi bị bắt, cáy sẵn sàng dùng càng kẹp vào tay. Nhưng hành động kẹp đó không phải để chống trả quyết liệt mà là tìm ra cơ nhả càng ở lại để tháo thân. Nếu chú cáy nào may mắn lắm thì mới chạy thoát được, nhưng thay vì vào đó là phải “gửi” đôi càng quý giá của mình ở lại trên tay của con người. Thế mới biết, sự giễu nhau là “bỏ của chạy lấy người” chưa thấm vào đâu so với chú cáy. Để “chạy lấy người” cáy phải “bỏ” lại một phần cơ thể của mình cơ mà! Đặc tính ấy của cáy, được người đời nắm lấy để làm “biểu tượng” về sự nhút nhát, nhát gan của con người. Gần nghĩa với thành ngữ nhát như cáy, trong tiếng Việt còn có thành ngữ nhát như thỏ (đế). Thí dụ:
“Người yêu của Hoa tên là Kính… Bốn năm ra vào chung một ngõ, Hoa chỉ còn giữ lại có những câu hỏi bâng quơ. Người đâu nhát như thỏ đế” (Phạm Hữu Tùng, “Ngẩng lên”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 94 guests