Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

61 Chén tạc chén thù

Trong cuộc rượu đãi khách, trước tiên chủ nhà thường rót chén mời khách uống. Chén rượu từ tay người chủ rót để mời khách ấy, gọi là chén thù. Uống xong, khách lại tự tay rót chén rượu nâng lên mời chủ để đáp lại tấm lòng thân tình, nồng thắm của người chủ dành cho mình. Chén rượu do khách rót nâng lên mời chủ ấy là chén tạc, dân gian đã chớp lấy một chi tiết nhỏ trong cuộc tạc thù giao tiếp nhau để biểu trưng cho toàn cuộc vui với không khí thân mật, cởi mở giữa chủ và khách, giữa những người dự tiệc với nhau.
“Vợ chồng chén tạc chén thù
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi”

(Nguyễn Du, “Truyện Kiều”)
Ý nghĩa của thành ngữ “chén tạc chén thù” thường chỉ hạn hẹp ở sự hàm chỉ việc tiếp rượu trong cuộc ăn uống vui vẻ, thân mật. Tuy nhiên, đôi lúc người Việt cũng mở rộng giới hạn này ra. Theo đó, “chén tạc chén thù”, được dùng để chỉ sự ăn uống nhậu nhẹt nói chung, nay người này mời, mai người kia tiếp đãi lại cho tương xứng. Và, rộng hơn thế nữa, thành ngữ “chén tạc chén thù” còn nói lên lối sống cánh hẩu, thích bè cánh, có đi có lại giữa những con người tham lam, vụ lợi.
Điều đáng chú ý là thành ngữ chén tạc chén thù vốn là kết quả của sự tương hợp hai danh ngữ (chén tạc + chén thù) nhưng trong hoạt động ngôn ngữ thì thành ngữ này lại thường hành chức với tư cách là vị ngữ. Thí dụ:
“Hôm ấy bốn chàng vô tình cùng nhau chén tạc chén thù không ngo gì cả” (Nguyễn Đổng Chi, “Kho tàng cổ tích Việt Nam”).
Thành ngữ chén tạc chén thù có một biến thể khác là chén thù chén tạc. Ý nghĩa và cách sử dụng hai dạng thức này hoàn toàn đồng nhất.
Trong tiếng Việt, gần nghĩa với thành ngữ chén tạc chén thù là các thành ngữ chén chú chén anh, chén bác chén chú. So sánh:
“Câu chuyện thì cứ kéo dài cuộc chén chú chén anh đã gần canh ba” (Ngô Tất Tố, “Lều chõng”).
“Tối nay có chén bác chén chú gì không đấy” (Nguyễn Khải, “Hãy đi xa hơn nữa”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

62 Chết đứng như Từ Hải

Hình tượng Từ Hải trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã để lại cho Dân gian ta những ấn tượng sâu sắc. Đây là một bậc trượng phu khác người. Cái diện mạo “râu hùm, hàm én, mày ngài, vai năm tấc rộng mình mười thước cao” đã thể hiện một con người có sức mạnh vô song. Hơn thế nữa Từ là kẻ ngang tàng, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Không chịu luồn cúi triều đình phong kiến, Từ đã dấy binh khởi nghĩa. Với tài thao lược “gươm đàn nửa gánh non sông một chèo”, chàng đã lập nên một vương quốc, một triều đình riêng. Trong con mắt của triều đình phong kiến chính thống, Từ là kẻ phiến loạn là giặc, mang tội bất trung. Tội ấy đáng chém đầu. Nhưng với một vương triều mạnh, với một con người tài giỏi như Từ, đánh đổ đâu dễ dàng. Chúng nghĩ ngay kế mua chuộc và dụ hàng. Nhà vua cử tên tổng đốc trọng thần “mặt sắt đen sì” Hồ Tôn Hiến làm nhiệm vụ này. Hồ Tôn Hiến nghĩ ngay ra diệu kế. Bấy giờ, nàng Kiều sau bao năm lưu lạc đã thành vợ của Từ Hải, Hồ Tôn Hiến dùng vàng bạc mua chuộc Kiều ngõ hầu nàng tìm cách thuyết phục Từ Hải quy hàng triều đình, cả tin lại chán ghét cảnh bèo dạt mây trôi, Kiều đành nhận lời. Bởi nghe lời Kiều, Từ Hải đã quy hàng. Nhũng tưởng triều đình sẽ ban thưởng chức tước như đã hứa, nhưng tráo trở thay, nhân cơ hội này, Hồ Tôn Hiến đã giết Từ Hải. Người anh hùng đã chết, chết trong sự oan ức cũng khác với bao cái chết khác. Từ chết đứng “trơ như đá, vững như đồng, ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời”.
Từ hình ảnh chết đứng của Từ Hải như vậy, trong tiếng Việt xuất hiện thành ngữ “chết đứng như Từ Hải”. Thành ngữ này còn có một biến thể khác là “như Từ Hải chết đứng”. Về mặt ý nghĩa, thành ngữ “chết đứng như Từ Hải” biểu thị trạng thái đứng đờ ra của con người khi bị tác động đột ngột, không ứng xử kịp, nhất là trước nhũng niềm vui nỗi buồn, sự đau khổ bất ngờ.
“Gặp chị ấy, anh ta đứng lặng một hồi, giống cảnh chết đứng như Từ Hải, mãi sau mới chào được một tiếng lí nhí trong mồm”. (Dẫn theo Nguyễn Lực, “Thành ngữ Tiếng Việt”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

63 Chìa khóa trao tay

Hợp đồng chìa khóa trao tay là một loại hợp đồng thường được sử dụng trong việc mua bán công trình thiết bị toàn bộ, theo đó người thầu chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu từ điều tra cơ bản, tư vấn, thiết kế, cung cấp nguyên vật liệu, máy móc đến thi công, xây dựng, lắp dặt, vận hành thử… và giao cho người mua một công trình hoàn chỉnh sẵn sàng đưa vào sử dụng. Hình ảnh “chìa khóa trao tay” chính là hình ảnh biểu trưng cho việc trao cho người mua một công trình hoàn chỉnh sẵn sàng đưa vào sử dụng.
“Chìa khóa trao tay, sau khi đền ở mà có vấn đề gì thì một mình phía B phải chịu trách nhiệm”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

64 Chiêu Quân cống Hồ

Từ điển “Từ Hải” (quyển hạ, tr.1315) cho biết về điển tích này như sau: Chiêu Quân là tên tự của một cung nữ đời Hán Nguyên đế, người đất Tỉ Quy. Thời ấy, trong hậu cung, vua Đường dựa vào tranh vẽ đẹp hay xấu mà vời cung nữ. Vì thế, để được vẽ đẹp, cung nữ ai cũng đút lót cho người vẽ tranh. Riêng Chiêu Quân cậy sắc đẹp của mình không chịu hối lộ. Người thợ liền vẽ nàng xấu đi. Sau nàng bị dâng cho Hung Nô để cầu hòa. Khi nàng vào triều từ giã, sắc đẹp rực rỡ của nàng làm rung động triều thần, vẻ đẹp của nàng hơn hẳn những người đẹp ở hậu cung. Vua hối hận, tra xét ngọn ngành sự việc. Bọn thợ vẽ Mao Diên Thọ bị xử tử ở giữa chợ. Nhưng rốt cuộc, Chiêu Quân vẫn phải ra đi.
Chiêu Quân xưa cũng cống Hồ
Bởi người Diên Thọ họa đồ cho nên.

(Nguyễn Đình Chiểu, Truyện Lục Vãn Tiên)
Vào đất Hồ, nàng làm vợ của Hồ Hàn Tà Thiền Vu. Hồ Hàn Tà chết. Con trai là Phục Châu Lũy Nhược Đê Thiền Vu lại lấy nàng làm vợ. Khi mất, nàng được chôn ở đất Hung Nô. Nhạc phủ xưa có bài “Chiêu Quân oán” (x. Từ Hải, quyển hạ, tr.1315). Khi sang đất Hồ, qua ải Nhạn Môn, Chiêu Quân gảy “khúc quá quan” để tưởng nhớ đất Hán (Theo “Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển”, quyển 1, tr.141).
Quá quan này khúc Chiêu Quần
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

65 Chim sa cá lặn

Ngày nay, mọi người đều hiểu thành ngữ này là một cách nói ngoa dụ để chỉ người đàn bà rất đẹp, giống như cách hiểu thành ngữ “hoa hờn nguyệt thẹn”, tức đẹp tới mức hoa phải hờn vì kém sắc, trăng phải thẹn vì kém tươi. Nhưng thật ra ý nghĩa ban đầu của thành ngữ này không phải vậy.
Trang Chu, hay thường gọi là Trang Tử, người đời Chiến Quốc học thức rất uyên bác, không môn gì không biết. Trong sách “Nam hoa kinh”, ông chép rằng: Mao Tường và Lệ Cơ là hai người đàn bà đẹp, cá thấy: chìm vào chốn hang sâu, chim thấy: bay cao (ngư kiến chi nhập thâm, điểu kiến chi cao phi). Ý Trang Chu muốn nói rằng mọi sự trên đời đều là tương đối, Mao Tường, Lệ Cơ tuy đẹp, song chỉ đẹp đối vói người, chứ biết đâu trông thấy họ, cá chẳng sợ mà lặn sâu, chim chẳng sợ mà bay cao?
Người sau hiểu khác hẳn nguyên ý ấy của Trang Chu. Sách “Thông tục biên” dùng thành ngữ “trầm ngư lạc nhạn” tức “chim rơi cá chìm” để chỉ nhan sắc người đàn bà cực đẹp.
Các nhà văn cổ điển của nước ta thường viết theo ý câu ấy:
“Mặn mà chìm cá rơi chim”
(Hoa Tiên)
hay:
“Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa”

(Cung oán)
Cũng cần thấy rằng thành ngữ này mang tính văn chương nhiều hơn là tính khẩu ngữ. Nó đặc biệt được sử dụng nhiều trong văn học cổ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

66 Chín chữ cù lao

“Chín chữ cù lao” nguyên gốc từ “cửu tự cù lao”, tức là chín chữ nói lên công lao khó nhọc của cha mẹ đối với con cái. Trong “Ngữ liệu văn học” (Nxb. GD, 1999), Đặng Đức Siêu đã dẫn câu trong bài Lục nga, Phần Tiểu Nhã trong Kinh Thi có chứa “chín chữ cù lao” như sau:
“Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, phủ ngã, xúc ngã, trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phúc ngã, xuất nhập phục ngã. Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực”
(Cha sinh ra ta, mẹ ôm ấp ta, vuốt ve nuôi nấng ta, nuôi lớn dạy dỗ ta, trở qua trở lại trông nom ta, đi đi về về lòng nhớ ta. Ta muốn báo đáp ân tình đó, trời ơi, sao trời không tỏ!).
Trong văn thơ, “chín chữ cù lao” được dùng để biểu thị ơn đức lớn lao, sâu nặng của cha mẹ trong việc sinh thành, nuôi dạy con cái:
Đội ơn chín chữ cù lao
Sinh thành kể mấy non cao cho bằng.

(Ca dao)
Sinh rằng: “Chín chữ cù lao,
Bể sâu mấy trượng trời cao mấy trùng…”.

(Nhị độ mai)
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thay “Chín chữ cù lao” bằng “chín chữ cao sâu”:
Như ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

(Nguyễn Du)
Đó là một sự thay thế có dụng ý sâu sắc, rất đáng suy ngẫm!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

67 Chó chui gầm chạn
Chó nằm gầm chạn


Ở Việt Nam, nói đến chạn thì bất cứ ai cũng có thể hình dung được diện mạo của nó. Đó là một thứ đồ dùng làm bằng gỗ hoặc bằng tre, có nhiều ngăn, xung quanh được bao kín bằng lưới sắt, thường dùng đựng bát đĩa hoặc thức ăn. Chạn thường đặt ở xó bếp, tối tăm, ẩm ướt. Mỗi lần úp bát sau khi rửa, ít nhiều cũng có nước rơi xuống gầm chạn. Gầm chạn thấp, đến như chó chui xuống cũng phải quỳ gối, khom lưng mới vào được. Vào nằm dưới gầm chạn chắc gì đã kiếm được chút canh thừa cơm cặn, trái lại bị ướt át, lùi lấm khắp thân mình đến xấu xí, tệ hại. Do đó, thiên hạ đã ví kẻ nào đó như “chó chui gầm chạn” hay “chó nằm gầm chạn” thì hàm ý được nói đến trước hết chính là sự mỉa mai thân phận thấp hèn, cúi lưng, khom gối để nương nhờ kẻ khác. Hơn nữa, trong tương quan giữa chó và gầm chạn còn được dân gian khai thác theo một hướng khác, khá lý thú. Chẳng là, chó vốn là loài vật thích chồm nhảy, ve vẩy tùy hứng, thế nhưng khi đã chui gầm chạn thì chỉ còn vẻ tiu nghỉu, thảm hại. Mà dẫu có muốn ngoe nguẩy cái đuôi cũng không thể được, bởi các gầm chạn thấp trệt, bị bao bọc chặt bốn bề chung quanh. Thế cũng đủ thấy, chó đã nằm gầm chạn rồi thì mất hết thế, không còn tự do tung tẩy được nữa. Điều đó gợi cho người đời liên hệ và ví thân phận “chó nằm gầm chạn” với những kẻ phải nương nhờ vào người có thế lực, địa vị xã hội, giàu có tiền của, dẫn đến mất hết chủ quyền, biến thành kẻ tôi đòi hèn mọn mà chịu nhẫn nhục thu mình lại một cách nhục nhã, ê chề. Hiện nay, Dân gian ta hay dùng thành ngữ này để chỉ những người con trai do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu thốn mà phải chịu ở rể, nương nhờ cha mẹ vợ. Thí dụ:
“Con rể ở nhà mẹ vợ cứ như chó nằm gầm chạn” (Nguyễn Thị Ngọc Tú, “Đất làng”).
Về ý nghĩa của thành ngữ này, tác giả Nguyễn Lân trong cuốn “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Sđd.) đã giải thích là: “Chê kẻ ác bị thất thế không còn làm hại được ai”. Cách giải thích này rõ ràng là chưa thỏa đáng. Thứ nhất, chó trong thành ngữ này không thể biểu trưng cho kẻ ác mà biểu trưng cho tất cả kẻ hèn mọn, đáng thương nói chung. Thứ hai, trong thành ngữ này, nét nghĩa bất lực “không chỉ hạn hẹp trong phạm vi làm hại” người khác mà trái lại được hiểu rộng ra là mất quyền quyết định trong mọi công việc liên quan tới gia đình và bản thân mình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

68 Chó đen giữ mực

Thoạt tiên nghe đến thành ngữ chó đen giữ mực, chúng ta đều cảm thấy là lạ và khó hiểu. Người ta chỉ quen nghe chó giữ nhà, giữ vườn mà thôi. Chó giữ mực để làm gì? Nhung khi xem xét kĩ lưỡng các từ ngữ trong thành ngữ này thì thấy được cái lôgic nội tại của nó. Trong tiếng Việt, mực vốn là từ chỉ chất màu đen, đóng thành thỏi, khi viết phải mài với nước thành chất lỏng đen nhánh. Từ đó mực lại chuyển có nghĩa để chỉ màu đen. Hiện tượng này không phải hiếm hoi gì trong tiếng Việt. Cũng như vậy, từ vàng vừa chỉ kim loại quý, có màu vàng vừa chỉ màu vàng. Từ mực trong thành ngữ chó đen giữ mực chính là từ chỉ màu den. Do đó mà chó đen còn được gọi là chó mực. Từ ý nghĩa của mực, ta dễ dàng suy ra từ giữ ở đây có nghĩa là “bảo tồn nguyên như cũ”. Chúng ta có thể nói một cách dễ hiểu là thành ngữ chó đen giữ mực xét trên nghĩa đen, nghĩa trực tiếp là “chó đen bao giờ cũng hoàn đen”. Nói vật là để nói người vậy. Bản chất của con người ở đây được xem là cái xấu, vì không ai đem cái tốt ra mà ví với chó má. Lại nữa, sự láy nghĩa giữa đen và mực cũng đủ biểu trưng cho cái bản chất xấu, dù dưới dạng nào thì vẫn là xấu. Do đó thành ngữ “chó đen giữ mực” được dùng để chỉ tính cố hữu không thay đổi của cái bản chất xấu của con người, dù dưới hình thức biểu hiện nào đi nữa.
Thành ngữ chó đen giữ mực còn có biến thể là chó đen một mực. Ở dạng này, từ mực được đặt sau từ một tạo ra cảm giác nó là một thành tố của từ ghép một mực với nghĩa “khăng khăng không thay đổi”. Ý nghĩa này ít nhiều gắn liền với ý nghĩa chung của toàn thành ngữ. Phải chăng, ở đây dân gian đã sử dụng các từ đồng âm để chơi chữ? Dù sao thì ý nghĩa và cách dùng của dạng chó đen một mực không khác biệt gì với dạng chó đen giữ mực. Thí dụ:
Gần với thành ngữ chó đen giữ mực trong tiếng Việt còn có các thành ngữ mèo vẫn hoàn mèo, đánh chết cái nết không chừa. Tuy vậy, cách dùng và sắc thái nghĩa của thành ngữ này ít nhiều cũng vẫn có những khác biệt tinh tế.
Thí dụ:
“Những kẻ có chức có quyền ngày nay, đánh chết cũng là chó đen giữ mực, chỉ mãi lo cái riêng mà bỏ quên trách nhiệm của mình.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

69 Chó mái chim mồi

Trong đời sống hằng ngày, ta thường dùng thành ngữ chó mái chim mồi để chỉ bọn người cam tâm làm tay sai cho kẻ thù. Thí dụ:
“Đó là cái chết của những con người bất tử được “núi sông ghi tạc ngàn thu”, “sử sách lưu truyền vạn cổ”, nó đối lập với sự sống của những kẻ đi ngược lại lẽ sống bằng cách bám vào “cơm thừa canh cặn” làm kiếp “chó mái chim mồi” mải miết trong trường danh lợi” (Văn hóa nghệ thuật, 4-1976).
Cách diễn giải thành ngữ như trên là thỏa đáng. Tuy nhiên, xét về mặt chữ nghĩa đôi điều còn khiến chúng ta phải băn khoăn. Trong dạng thức chó mái chim mồi thì “chim mồi” đã rõ nghĩa và dễ hiểu. Đó là loại chim người ta nuôi làm “mồi” để nhử bắt đồng loại. Nhưng chó mái là gì, quả thật là khó hiểu. Xem ra, trong tiếng Việt chỉ có từ mái dùng để chỉ giống cái, nhưng tiếc thay từ này không được dùng để chỉ giống cái đối với loài chó, mà chỉ dùng cho gà, vịt, ngan, ngỗng tức là cho loài chim nói chung mà thôi. Có lẽ do thấy dạng thức chó mái chim mồi có lý do không ổn như đã thấy mà nhiều người chuyển sang sử dụng dạng thức chó má chim mồi. Thí dụ:
“Ngoài những bọn chó má chim mồi bán nước, bán dân, cam tâm làm nô lệ ra, mà còn hí hửng làm việc cho chúng”
Dạng thức chó má chim mồi chẳng những không khắc phục được cái sai lệch của dạng chó mái chim mồi mà còn sa vào một bất hợp lý khác. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, trong khi chim mồi là một tổ hợp từ chuyên biệt về nghĩa thì chó má lại là một từ có nghĩa tổng hợp, chỉ loài chó nói chung. Đây là lý do cơ bản làm cho chó má không tương hợp được với chim mồi. Và do đó dạng thức chó má chim mồi không chỉnh trong sự đối ứng theo từng cặp giữa các thành tố tạo nên thành ngữ.
Bên cạnh các dạng thức vừa nêu trong tiếng Việt còn có dạng chó máy chim mồi cũng được dùng với nghĩa tương tự:
“Anh em chúng ta chẳng ra chỉ là những kẻ ‘tham ô, quyền quý’ hăm hở cơm thừa canh cặn, nỡ cam tâm chó máy chim mồi”
Thoạt tiên, nghe đến chó máy cũng hơi lạ và khó hiểu. Nhung thực ra, máy trong chó máy lại là một động từ thường dùng để chỉ hành động ra hiệu cho kẻ khác biết điều gì đó như trong máy nhau đi về, máy cho người khác biết để tránh xa. Do đó, chó máy là loại chó chuyên đi đánh hơi, ra hiệu cho chủ biết điều cần phát hiện, tìm kiếm. Với nghĩa này, chó máy là cách nói khác của chó săn mà thôi, và hoàn toàn tương họp với chim mồi về từ loại cũng như ý nghĩa. Như vậy, phải chăng chó máy chim mồi là dạng đúng, dạng chính xác. Tuy nhiên, do chỗ từ máy khó hiểu, hay gây nhầm lẫn mà người Việt có xu hướng ít dùng và thay vì vào đó, người ta hay dùng dạng chó săn chim mồi để chỉ lũ cam tâm làm tay sai cho kẻ thù. Thí dụ:
“Bọn chó săn chim mồi do chúng dắt về gây nhiều tội ác đối với dân ta”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

70 Chó mặc váy lĩnh
Chó có váy lĩnh


Trước đây quần áo, váy xống thường được may bằng vải tơ. Nói chung, vải dệt từ tơ ra chủ yếu bằng tơ ươm, sợi dọc, sợi ngang không đều nhau, lại thêm chỉ tơ sợi to, sợi nhỏ, nên mặt vải xù xì, thô tháp. Loại vải này được gọi là sồi. Phụ nữ thường may váy sồi. Duy chỉ có loại vải dệt bằng tơ nõn, các sợi dọc phủ kín sợi ngang, mới mịn màng, bóng mặt vải, thường được gọi là lĩnh. Do làm bằng nguyên liệu chọn lọc, cách dệt công phu như đã nói, lĩnh trở thành vải quý, hiếm và đắt tiền. Người phụ nữ thuộc gia đình giàu có mới đủ điều kiện may váy lĩnh để mặc. Với dân gian, váy lĩnh không chỉ là sự quý hiếm, đắt đỏ mà trước hết được là thứ đồ đẹp, sang trọng. Ai mặc váy lĩnh được coi là ăn diện. Người xinh diện váy lĩnh càng xinh. Sự tương hợp giữa vẻ đẹp của người và quần áo làm tôn thêm vẻ đẹp thực có. Người đẹp vì lụa là thế! Nhưng ăn diện cũng có ba bảy đằng. Người ta xinh diện váy lĩnh mới xứng đổng tiền, chứ có kẻ hình thức xấu, lại đen đúa nữa mà vận váy lĩnh vào thì thật là phí hoài. Đối với họ, váy lĩnh càng làm tăng thêm sự đối lập giữa hình thức xấu vốn có và cái vẻ sang trọng váy xống. Sự không tương hợp giữa quần áo và người chẳng những làm xấu thêm vẻ dáng của họ mà lại còn trở thành trò cười cho thiên hạ. Chó mặc váy lĩnh là thế! Ở đây, chó được dùng theo ẩn ý hàm chỉ người có hình thức xấu nói chung, bất kể trai hay gái. Như vậy, trước hết thành ngữ chó mặc váy lĩnh được dân gian ta dùng để hàm chỉ một cách khinh bỉ những người xấu lại muốn đua đòi một cách lố lăng, kệch cỡm:
“Cái đồ voi đú chó cũng đú! Thấy người ta ăn vận cũng đua đòi. Đen như cột nhà cháy cũng quần là áo lượt. Thật là chó có váy lĩnh” (Văn nghệ, 3-1978).
Thành ngữ “chó mặc váy lĩnh” còn được dân gian hiểu, liên hội theo một lôgic khác. Theo hướng này, váy lĩnh biểu trưng cho thứ đắt tiền, quý hiếm và cao sang. Chó được hiểu theo nghĩa thông thường là con vật nuôi và cũng là đại diện cho cái thấp hèn. Với váy lĩnh thì người dân cũng không đủ điều kiện để ăn vận nữa là làm sao chó có thể hưởng được cái vinh hoa phú quý đó. Đã là chó thì làm gì có chuyện ăn vận quần áo mà phải chịu kiếp mình trần da thịt với bộ lông che thân, nói chi đến váy xống lại càng không thể có chuyện mặc váy lĩnh nữa. Thế là câu chuyện “chó mặc váy lĩnh” đã trở thành chuyện hoang đường, chuyện ngược đời và không bao giờ có được. Cái lôgic đã khiến cho thành ngữ “chó mặc váy lĩnh” trở nên gần gũi với câu chuyện “chạch đẻ ngọn da, sáo đẻ dưới nước, rau diếp làm đình, gỗ lim làm ghém”. Thí dụ:
“Có mà chó mặc váy lĩnh thì anh Hai Khơ mới cưới được cô Tú Hoa đẹp nhất làng này” (Dẫn theo Nguyễn Lực, Lương Văn Đang, “Thành ngữ tiếng Việt”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Dec 2016

71 Chọc gậy bánh xe

Khi công việc người khác đang tiến triển tốt đẹp, một kẻ nào đó lại phá bĩnh, đâm ngang, ngăn cản thì hành vi đó được Dân gian ta ví bằng thành ngữ chọc gậy bánh xe. Thí dụ: “Những kẻ đi ngược chiều gió, chọc gậy bánh xe chống lại ý dân, nhất định chỉ chuốc lấy thất bại thảm hại.”
Thành ngữ chọc gậy bánh xe nếu xét về từ ngữ thì khá đơn giản. Các từ đều rõ ràng, hiển minh. Hiểu theo nghĩa đen, thành ngữ này mô tả động tác dùng vật dài đâm vào bánh xe để làm hư hỏng. Nhưng kì thực, nghĩa của thành ngữ chọc gậy bánh xe được hiểu khác xa nghĩa gốc này. Hành vi trong thành ngữ chọc gậy bánh xe là hành vi phá hoại, nhưng không phải phá cho hư hỏng một vật cụ thể mà là gây cản trở sự phát triển tốt đẹp trong công việc của người khác. Ý nghĩa đó được hình thành trên cơ sở tính biểu trưng của bánh xe. Trong thành ngữ này bánh xe, được dùng theo phép hoán dụ, tức là lấy bộ phận để chỉ chỉnh thể. Theo đó, bánh xe được dùng để chỉ xe. Dĩ nhiên bánh xe, và xe đều được biểu trung cho sự chuyển động, tiến lên phía trước, biểu trưng cho sự tiến bộ. Và, hành vi chọc gậy bánh xe trở thành nhân tố cản trở, phá hoại sự tiến triển có tính tốt đẹp đó. Như vậy, thành ngữ chọc gậy bánh xe mang trong nó sự đánh giá tiêu cực đối với kẻ phá ngang, ngăn cản, ngược lại dành sự đánh giá tích cực cho người bị ngăn cản, bị chọc gậy bánh xe. Điều đó là rất hiển nhiên, dễ hiểu. Trên thực tế không phải mọi sự ngăn cản công việc người khác đều là xấu. Kẻ làm điều tai ác đều bị ngăn cản, nhưng người đời có bao giờ dùng thành ngữ chọc gậy bánh xe để ví với sự ngăn cản có tính chất tốt đẹp và đầy lòng nhân ái đó đâu! Chỉ có những kẻ ngăn cản công việc tốt đẹp bị ví bằng thành ngữ chọc gậy bánh xe hàm chỉ bao giờ cũng xấu, đáng phê phán:
“Thời bây giờ, người tốt rất nhiều, kẻ chọc gậy bánh xe chưa phải là hết. Họ sẽ túm lấy, la lối lên, xuyên tạc đủ điều ai bịt miệng được” (Vũ Tuyến, “Thành phố mới”).
“Tôi không phải là hạng người đi chọc gậy bánh xe kẻ khác đâu” (Huy Phương, “Xi măng”).

Trong tiếng Việt, thành ngữ chọc gậy bánh xe còn có các dạng thức khác nữa là chọc gậy vào bánh xe, thọc gậy bánh xe, thọc gậy vào bánh xe. Về ý nghĩa, các biến thể này được dùng hoàn toàn giống dạng chọc gậy bánh xe. Thí dụ:
“Xóm làng đang vui, đang dự tính hoặc tiến hành bao nhiêu công chuyện, chúng nó ngang nhiên thọc gậy bánh xe!” (Bùi Hiển, “Đường lớn”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Dec 2016

72 Chờ được mạ, má đã sưng

Mạ, tiếng địa phương là mẹ. Thành ngữ “chờ được mạ, má đã sưng” có nghĩa “chờ được mẹ ra thì đã bị đánh sưng má rồi” Câu này có ý khuyên không nên ỷ lại, phải biết tự lực trong cuộc sống. Chờ được sự giúp đỡ của người khác, có khi đã thiệt hại rồi.
Thành ngữ này có lẽ xuất hiện ở địa phương dùng từ mạ để chỉ mẹ, cho nên khi thành ngữ này được “truyền khẩu” sang các vùng khác thì đâm khó hiểu và do âm vạ gần với mạ nên câu thành ngữ được tách thành một dị bản sai: “Chờ được vạ, má đã sưng”. Mà nói như thế về ý nghĩa cũng có vẻ xuôi xuôi vì vạ là từ cổ, có nghĩa phạt (bắt vạ, ngả vạ) hoặc tai họa (bị vạ) nhưng lâu nay người ta đã hiểu được vạ khác đi với nghĩa “được cuộc”, “được kiện”. Do đó thành ngữ này từ lâu cũng được dùng trong những trường hợp có chuyện “được thua”. Tiểu thuyết “Sấm đường 5” cũng dùng biến thể “chờ được vạ, má đã sưng” với nghĩa “được thua” kể trên: “Tên Trí bực dọc: Cứ dỡ nhà đi rồi chính phủ quốc gia sẽ cho tiền làm nhà mới.”
- Ôi dào, “chờ được vạ, thì má đã sưng” (tr.74).

Nhưng thực ra, vạ với nghĩa cổ phạt và tai họa thì không phải là thứ mong đợi. Trong làng xóm xưa kia có lối phạt vạ những ai vi phạm lệ làng, trong đó có hình thức phạt là: cả làng kéo đến nhà người bị phạt để ngả vạ, nghĩa là bắt sự chủ làm cỗ cho mà ăn, nên được vạ là không chính xác. Người ta chỉ nói phạt vạ, bắt vạ, ngả vạ, gieo vạ, đổ vạ, nộp tiền vạ…
Có sách từ điển định nghĩa chờ được vạ là “chờ được xét xử bồi thường”. Định nghĩa như thế thật khiên cưỡng, thiếu chính xác.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Dec 2016

73 Chôn nhau cắt rốn

Như đã biết, để nuôi sống bào thai (đứa bé trong bụng mẹ) ở dạ người phụ nữ có bộ phận đặc biệt có tác dụng trao đổi dinh dưỡng, đó là nhau. Nối liền nhau và bào thai là một ống dài, có tác dụng dẫn chất dinh dưỡng, đó là rốn. Khi đứa bé lọt lòng rốn vẫn dài nguyên ở bụng. Người đỡ đẻ phải cắt rốn cho đứa bé. Khi đứa bé ra đời, nhau hết chức năng và cũng “lọt lòng” ra theo đứa bé. Thân nhân của sản phụ và đứa bé đã lấy nhau chôn cất sâu trong lòng đất. Vậy là việc chôn nhau và cắt rốn là hai việc đầu tiên phải làm gắn liền với sự ra đời một con người. Thành ngữ “chôn nhau cắt rốn” hình thành từ thực tế đó. Trước hết, thành ngữ này được dùng để chỉ cái ý “thuộc nơi sinh ra, thuộc quê hương, có sự gắn bó máu thịt với mình”. Đây là ý nghĩa thường dùng của thành ngữ này. Điều cần lưu ý là, gắn với cái ý “nơi sinh ra, quê hương” thành ngữ “chôn nhau cắt rốn” còn thể hiện tình cảm trân trọng yêu thương tha thiết. Có lẽ bản thân các từ chôn nhau tạo nên sắc thái đó. Chôn nhau gợi cho ta nhớ lại mảnh đất đã ôm ấp trong mình một phần máu thịt từng nuôi cho con người từ trong bào thai, từ trong bụng mẹ. Trong hoạt động ngôn ngữ, thành ngữ chôn nhau cắt rốn thường đứng sau làm định ngữ cho các danh từ chỉ địa điểm như nơi, vùng, mảnh đất… Thí dụ:
“Người sương phụ ấy bỗng đột ngột bỏ gia đình, bỏ hoạt động ở nơi chôn nhau cắt rốn đến trú ngụ tại Thủ phủ đã bị giặc chiếm để làm gì?” (Nguyễn Công Hoan, “Truyện ngắn chọn lọc”).
Trong một số trường hợp thành ngữ “chôn nhau cắt rốn” được dùng với nghĩa khái quát hơn, trừu tượng hơn. Người ta có thể dùng thành ngữ này để nói nơi khởi đầu, xuất phát của một tổ chức, một phong trào. Khái niệm “quê hương” “nơi sinh” ở đây phải được hiểu với nghĩa rộng.
Khi được dùng làm vị ngữ, cái nghĩa “được sinh ra” càng hiện rõ trong chốn nhau cắt rốn. Thí dụ:
“Lão Am chôn nhau cắt rốn ở cái làng cầu Quay này” (Đào Vũ, “Cái sân gạch”).
“Hầu hết những người chôn nhau cắt rốn ở thành thị, có người chưa từng thấy nông thôn” (Văn nghệ, 7.1954).

Với ý nghĩa này, thành ngữ “chôn nhau cắt rốn” được dùng tương đương với các từ sinh, đẻ trong tiếng Việt. Tuy nhiên sắc thái biểu cảm của thành ngữ này mạnh hơn.
“Sinh ra lai Bắc lai Nam như vậy, tôi càng gắn bó với cái đất chôn nhau cắt rốn của tôi” (Xuân Diệu, “Đi trên đường lớn”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Dec 2016

74 Chung lưng đấu cật

Chung lưng dấu cật có nghĩa là “cùng góp sức và dựa vào nhau trước khó khăn chung” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1988). Thí dụ:
“Hơn bốn mươi năm trước, dân Sa Ngoại đã chung lưng đấu cật, bòn vét từng bát gạo đồng xu hàng trăm nhân công phục dịch mấy chục tháng trời mới dựng được lên công trình ấy.” (Chu Văn, “Bão biển”).
“Chung lưng đấu cật” là một cách nói về truyền thống đoàn kết của dân gian ta. Nó biểu thị sự hợp tác giữa một tập thể để chống chọi và vượt qua và chiến thắng khó khăn, để đi đến một mục đích chung cao đẹp. Thí dụ:
“Nhưng đâu phải chỉ có tài năng mà còn cần cả sự đoàn kết, tương thân tương ái, chung lưng đấu cật gỡ mối khó khăn, tìm ra cách làm của mình”
“Nhưng trong quá trình lâu dài chung lưng dấu cật chia ngọt sẻ bùi, họ đã nhích lại gần nhau chan hòa với nhau như những cành của cội, cùng một nơi chôn nhau cắt rốn, cũng là người của đất Việt” (Lịch sử Việt Nam).
“Cả bốn người ngồi đây đều là nhũng bạn chài đã từng chung lưng đấu cật từ mờ sáng đến chiều tối trên sông biển mênh mông”. (Hà Ân, “Nguyễn Trung Trục”).

Thành ngữ trên còn có một số biến thể khác như chung lưng đấu sức, chung lưng góp sức và các thành ngữ đồng nghĩa như: chung sức chung lòng, kề vai sát cánh, v.v…
“Điều quan hệ là vợ chồng phải chung lưng đấu sức với nhau, làm thế nào cho được sống”. (Nam Cao, “Sống mòn”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Dec 2016

75 Chuối sau cau trước

“Chuối sau, cau trước” là câu tục ngữ được dùng rất phổ biến. Song đối với câu này, cho đến nay vẫn có hai cách hiểu khác nhau.
Cách hiểu thứ nhất cho rằng “chuối sau, cau trước” có nghĩa là chuối thường được trồng ở sau nhà, còn cau thì thường được trồng ở trước nhà. Nhà nông học Bùi Huy Đáp hiểu theo cách này và giải thích rằng: “Cau ở nông thôn thường được trồng ở trước nhà, cạnh vườn, cạnh sân…”. “Vì cau cao cây, tán nhỏ, ít làm cớm sân, sân vẫn dùng để phơi phóng được, còn chuối thì rậm bụi, nên trồng ở vườn sau nhà” (Bùi Huy Đáp, Ca dao tục ngữ với khoa học nông nghiệp, Nxb. Đà Nắng, 1999, tr.35).
Cách hiểu thứ hai cho rằng câu “chuối sau, cau trước” Không phải là nói về kinh nghiệm trồng cây cau, cây chuối ở đâu (trước hay sau nhà), mà nói về kinh nghiệm chọn quả ngon là quả ở vị trí nào, ở phía trước hay sau trong buồng cau, trong nải chuối. Đối với chuối, thì quả ngon là những quả ở hàng sau của nải, vì khi nằm trong kết cấu chung của cả buồng, thì hàng sau của nải nằm ở phía ngoài, ở vị thế dại nắng, có điều kiện quang hợp tốt hơn, nên khi quả chín thì ngon hơn những quả ở hàng trước (tức hàng bị úp vào phía trong). Trái lại, đối với cau thì quả ngon là những quả ở hàng trước, tức những quả ở hàng dại nắng hơn, có điều kiện quang hợp tốt hơn so với những quả ở hàng sau (tính từ trên xuống, từ ngoài vào trong của buồng cau).
Xem ra thì hai cách hiểu này đều có lý và có lẽ đều đúng vì chúng nói về những khía cạnh khác nhau của sự tình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 113 guests