Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 12 Dec 2016

46 Cạn tàu ráo máng

Thành ngữ “cạn tàu ráo máng” được dùng để chỉ sự đối xử tàn tệ, không còn tình nghĩa giữa những con người với nhau: 
“Người ta đối xử cạn tàu ráo máng vì họ ở huyện ở tỉnh, họ có ăn đời ở kiếp chi với ta” (Chu Văn, “Bão biển”).
Thoạt tiên, thành ngữ này được dùng để chỉ sự chăm sóc thiếu chu đáo của con người đối với vật nuôi như voi, ngựa, lợn và các gia súc khác, ở trong thành ngữ này, máng là dụng cụ đựng thức ăn cho lợn và các gia súc, tàu cũng là một loại máng dùng để đựng thức ăn cho voi và ngựa. (Về sau tàu còn được dùng để chỉ chỗ nhốt voi nhốt ngựa. Trong trường hợp này tàu có nghĩa là chuồng. Đối với những con vật quý, giúp đỡ cho con người khỏi những nỗi nhọc nhằn trong việc thồ chở hàng hóa, các vật liệu nặng, hoặc cung cấp cho người thịt ăn hàng ngày như vậy mà phải để cho cạn ráo máng, để phải chịu đói, chịu khát cùng kiệt đến thế, âu cũng là một sự tàn nhẫn quá mức. Nhưng nói vật là để nói người vậy. Đã cạn tàu ráo máng với nhau thì còn đâu là tình nghĩa; con người lúc đó sẽ đối xử với nhau một cách tàn nhẫn:
“Mấy ông đã không ơn nghĩa lại đối xử cạn tàu ráo máng rứa thì cần chi mà chị ngượng” (Xuân Thiều, “Thôn ven đường”).
“Bố mẹ Bính đối với Bính thật cạn tàu ráo máng và đến mức độc ác hơn là thú dữ” (Nguyên Hồng, “Bỉ vỏ”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 12 Dec 2016

47 Cành vàng lá ngọc

Cành vàng lá ngọc là thành ngữ phỏng dịch từ thành ngữ tiếng Hán “kim chi ngọc diệp” và biến thể của nó là lá ngọc cành vàng cũng phỏng dịch từ “ngọc diệp kim chi”. Theo Lục thiếp, thì “cành vàng lá ngọc là con cháu đế vương” (Đặng Đức Siêu, Ngữ liệu văn học, Nxb. GD, 1999, tr. 185).
Trong văn thơ Việt Nam, cành vàng lá ngọc, hay lá ngọc cành vàng thường được dùng với nghĩa rộng hơn, không chỉ là con cháu đế vương, mà chỉ chung con cháu, dòng dõi vua quan chúa, quý tộc, dòng dõi nhà quyền quý, cao sang.
Xem bằng lá ngọc cành vàng,
Bỗng sao mà phải cơ hàn bấy lâu.

(Hoàng Trừu)
“Cô tiểu thư Thôi Oanh Oanh cành vàng lá ngọc kia dám đường đột nhận lời lấy anh chàng thư sinh nghèo kiết xác Trương Quân Thụy, bất chấp cả lễ giáo phong kiến, cũng lại là một sự kiện có ý nghĩa xã hội rộng lớn…” (Hồ Ngọc, “Xây dựng cốt truyện kịch”).
“Khi chép lại các chuyện này phải chăng Hồ Nguyên Trừng muốn kín đáo tỏ ra cho người Minh thấy rằng “ta đây” vốn cũng là “con dòng cháu dõi”, “lá ngọc cành vàng” có kém chi ai” (Tạp chí Văn nghệ Q Đ, số 4-1977).
Các ví dụ và sự phân tích trên đây cho thấy: “cành vàng lá ngọc” (hay “lá ngọc cành vàng”), “kim chi ngọc diệp” (hay “ngọc diệp kim chi”) và “con dòng cháu dõi” là những thành ngữ có dạng khác nhau, nhưng là những thành ngữ đồng nghĩa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 12 Dec 2016

48 Cầm cân nảy mực

Trong đời sống hàng ngày, ngươi ta thường dùng cân để đo khối lượng các vật cho đúng, cho đủ. Sự ngang bằng của cán cân được coi là biểu tượng cho sự công bằng, cho sự đúng đắn. Lại nữa, người thợ mộc, thợ cưa xẻ phải dùng dây thấm mực nảy trên gỗ để đánh dấu làm chuẩn cho đường cưa. Người thợ cưa cứ nhằm vào đường mực thẳng mà điều chỉnh lưỡi cưa đi đúng hướng và kết quả cho ta những tấm ván gỗ thẳng, vừa ý. Đường mực thẳng tắp này cũng là biểu trưng của sự ngay thẳng, chính xác. Hai việc làm cầm cân và nảy mực giống nhau ở chỗ là đều hướng tới sự chính xác, đúng đắn, không thiên lệch. Vì vậy, dân gian đã gộp hai hành động này lại với nhau thành thành ngữ cầm cân nảy mực để chỉ hành động làm cho đúng, cho chính xác, không nghiêng lệch và hiểu rộng ra là sự công bằng đúng đắn, khách quan. Thí dụ:
“Khó có ai hồi đó lại dám nghi ngờ ngài Michael, người ‘cầm cân nảy mực’ của ngành tư pháp Hoa Kỳ lại cũng… nhúng cả hai bàn tay vào vũng bùn Watergate” (Báo Q Đ, 17-5-1973).
“Chỉ có thực tế sống mới cầm cân nảy mực được cho tương lai của người cầm bút chúng ta?” (Văn nghệ, 8-1961).

Người “cầm cân nảy mực” thường được hiểu là người nắm trong tay quyền phán xử, đảm bảo sự công minh, đúng đắn so với chuẩn mực của đạo lý, và kỉ cương xã hội. Đó là lý do để cho thành ngữ “cầm cân nảy mực” có nghĩa hàm chỉ sự lãnh đạo và quyền hạn cao nhất:
“Anh phải là người cầm cân nảy mực về tất cả mọi việc từ lớn tới nhỏ trong đơn vị” (Hồ Phương).
“Là người cầm cân nảy mực về kỉ luật trong đơn vị, các cán bộ phải thực sự làm gương cho chiến sĩ” (Báo Q Đ, 10-12-1977).

Trong tiếng Việt, gần nghĩa với thành ngữ cầm cân nảy mực là thành ngữ cầm cương nảy mực. Tuy nhiên, ở thành ngữ “cầm cương nảy mực” ý nghĩa hàm chỉ sự công bằng, công lý trở nên mờ nhạt, trong khi đó ý nghĩa chỉ sự chỉ đạo, sự lãnh đạo, điều khiển một công việc, hay một tổ chức, một chính thể lại được hiện ra rõ nét:
“Từ giờ xấp đi, bệ hạ cầm cương nảy mực khiến cho trong ấm ngoài êm, tôi đây cũng được nhờ” (Hoa Bằng, “Quang Trung”).
Nguyên nhân chủ yếu của sự khác biệt này là do chỗ có sự thay thế từ “cân” bằng từ “cương” với nghĩa chỉ dây da nối với hàm thiếc ở miệng ngựa để điều khiển ngựa đi lại. Do đó, cầm cương mang ý nghĩa chính là sự điều khiển, chỉ đạo chứ không có ý nghĩa làm cho công bằng như ở cầm cân. Sự khác biệt này khá tinh tế, và không phải ai cũng nhận thấy. Cho nên, việc đồng nhất hai thành ngữ cầm cân nảy mực và cầm cương nảy mực như trong “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nguyễn Lân, Nxb. Văn Hóa, 1989) cũng là điều không dễ tránh.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 12 Dec 2016

49 Cậu ấm cô chiêu

Cậu ấm cô chiêu là ai vậy? “Ấm” và “chiêu” ở đây chính là hai danh từ chỉ con quan. Ngày xưa, từ thời Lê, con các ông tiến sĩ được gọi là “chiêu” và được theo học một trường riêng gọi là “chiêu văn quán”. Còn “ấm” là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan từ ngũ phẩm trở lên: ấm tôn là cháu quan, ấm tử là con quan, ấm sinh là học trò con quan đã đỗ đạt có bằng, ấm thụ chỉ con quan ra nối nghiệp cha mà không hề sát hạch, tức là được đỗ “đặc cách”. Tất cả đều gọi chung là (cậu) “ấm”. Như vậy “chiêu” là danh từ xưng gọi trong gia đình (ví như Nguyễn Du thời còn đi học trong nhà trường gọi là “cậu chiêu” Bảy) còn “ấm” là danh từ xưng gọi ngoài xã hội. Thêm nữa, “chiêu” có thể chỉ cả con trai lẫn con gái, còn “ấm” thì chỉ gọi con trai các quan mà thôi. Sau này “ấm” và “chiêu” còn chỉ cả con cái các nhà giàu có, quyền quý nói chung.
Ngày nay đôi khi con cái nhà quyền cao chức trọng cũng được gọi là “Cậu ấm cô chiêu” trong một số hoàn cảnh ngôn ngữ nào đó. Vì đồng âm với dụng cụ đun nước cho nên đôi khi thành ngữ trên nó mang sắc thái hài hước, châm biếm, khi các cậu “con ông cháu cha” ấy mà hư hỏng, dốt nát thì gọi là “cậu ấm sứt vòi”!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 12 Dec 2016

50 Cây quỳnh cành dao

Đặng Đức Siêu, tác giả cuốn “Ngữ liệu văn học” (Nxb. GD, 1999) cho biết: “Quỳnh: ngọc quý; dao: ngọc quý. Kinh Thi, phần Vệ phong, bài Mộc qua: “Đầu ngã dĩ mộc đào, báo chi dĩ quỳnh dao” (Ném cho ta quả đào, ta đền đáp lại bằng ngọc quỳnh ngọc dao).
Trong văn thơ cổ, quỳnh và dao được dùng với nghĩa: quý hiếm, đẹp, sang trọng. Ví dụ: “quỳnh chi ngọc diệp” (cành ngọc quỳnh lá ngọc bích) chỉ con cháu hoàng tộc (cũng có nghĩa như kim chi ngọc diệp, “quỳnh diên”: yến tiệc sang trọng; dao trì: ao ngọc nơi tiên cảnh; dao hoa: hoa trắng muốt đẹp như ngọc…
Đại từ điển tiếng Việt (do Nguyễn Như Ý chủ biên) giải nghĩa dao là “viên ngọc đẹp, quý: cây quỳnh cành dao, dao trì, quỳnh dao”. Trong sách này, các soạn giả không tách quỳnh thành hai từ đồng âm như Từ diễn tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên), mà coi quỳnh là một từ đa nghĩa: “1. Cây trồng làm cảnh, hoa trắng, đơn độc, nở về đêm. 2. Ngọc quý: quỳnh bôi, quỳnh dao, quỳnh tương”.
Xem ra thì rõ ràng là có một thứ của quý là quỳnh và dao; đó là hai loại ngọc quý, đẹp, chỉ khác nhau về màu sắc mà thôi. Và đồng thời cũng có hai loại cây cảnh sang trọng, tao nhã là cây quỳnh và cây dao.
Dao là cây thuộc họ xương rồng. Thân gỗ, cành có nhiều nhánh nhỏ, tròn, dường như không có lá và hoa.
Quỳnh cũng là cây thuộc họ xương rồng, thân dẹt, mỏng hình lá, có hoa trắng ngát hương thường chỉ nở vào ban đêm.
Do đặc điểm về cấu tạo và sinh thái mà hai cây cảnh này xưa nay thường được trồng bên nhau, chúng gắn bó với nhau dựa vào nhau mà phát triển. Trong thơ văn cổ cũng như trong thơ văn hiện đại, hình ảnh cây quỳnh cành dao có giá trị biểu trưng sâu sắc. Đó là “vẻ sang trọng, thanh cao, quý phái” khi Kim Trọng đến gặp chị em Thúy Kiều:
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.

(Nguyền Du, Truyện Kiều”).
Quỳnh bôi thì là chén ngọc, chén làm bằng ngọc; nhưng quỳnh tương thì lại là nước ngọc quỳnh, là rượu ngon, rượu quý. Trong văn thơ, nhiều khi khó mà phân biệt được nghĩa gốc hay nghĩa biểu trưng của quỳnh và dao. Hãy so sánh ngay cách dùng của tổ hợp quỳnh tương trong các ngữ cảnh sau đây:
Chén hà sánh giọng quỳnh tương,
Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng.

(Nguyễn Du)
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.

(Nguyền Khuyến)
Có điều lý thú là ngay trong thơ văn hiện đại hình ảnh cây quỳnh cành dao cũng vẫn giàu giá trị biểu trưng, nghĩa của nó cứ hư hư thực thực, huyền ảo như trong huyền thoại vậy. Xin dẫn bài thơ được trích từ tập “Hoa tầm xuân” (Nxb. Văn hóa, H.,1998) để minh họa cho điều vừa nói:
“Quỳnh thương dao trúc thân cành,
Dao thương quỳnh mình lá quá mảnh mai.
Tấm thương thấu đến tận tròi
Động lòng trời kết thành đôi vĩnh hằng.
Suốt đời dao đứng giương cành
Chờ quỳnh tựa lá nẩy nhành sinh sôi
Vắng quỳnh, dao tủi đơn côi,
Thiếu dao, quỳnh thẹn đứng ngồi chông chênh.
Hoa quỳnh ưa nở đêm thanh
Ngát lừng hương sắc trắng trinh ngọc ngà.
Nở hoa đâu phải khoe hoa
Nở hoa vì nghĩa mặn mà quỳnh dao”.

(Hoàng Văn Hành, Huyền thoại cây quỳnh cây dao).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 13 Dec 2016

51 Cáo mượn oai hùm

Cáo thì chỉ “bắt nạt” được gà, còn hùm (tên nôm của hổ) là chúa tể của muôn loài! Hùm giỏi dang ở đâu thì chưa biết nhưng riêng cái khoản tục ăn thì không ai bằng (ăn như hùm đổ đó) và gian ác thì cũng đáng được xếp hạng “miệng hùm nọc rắn”. Vô phúc con vật nào - cả con người nữa, để nó vồ được thì chỉ có mà về… chầu tiên tổ. Vậy nên, trong tiếng Việt đã sinh ra câu “cáo mượn oai hùm” để chỉ hạng người luôn mượn thế kẻ mạnh, nấp dưới ô quyền lực đi hù dọa, lòe bịp người khác hoặc lấy đó làm lá chắn để thỏa sức lộng hành.
Thành ngữ này vốn bắt nguồn từ một câu chuyện kể về sự gian ngoan, ma lanh của cáo đã khéo uốn ba tấc lưỡi để lừa “thầy hùm”, còn hùm thì đúng là “to đầu mà dại” (!)
… Có một con hùm đói mồi, đang lang thang trong rừng kiếm ăn, thì gặp ngay con cáo. Hùm sướng rơn và chắc mẩm phen này được bữa chén no say. Nhưng con cáo gian ngoan đã nói ngay với hùm rằng: “Này, cái ông hùm ông hổ kia ơi! Ông đừng có mà ăn thịt tôi. Thượng đế đã giao cho tôi làm chúa tể muôn loài. Ông mà ăn tôi là làm trái ý của thượng đế! Không tin, ông cứ đi đằng trước, tôi đi đằng sau, thử hỏi có con vật nào trông thấy tôi mà không sợ?”. Và Hùm đã làm theo. Quả nhiên, chúng đi đến đâu, mọi thú vật đều chạy tán loạn. “Sự thật” đó đã làm cho hùm tin lời cáo, và đương nhiên cáo đã thoát chết! Hùm có biết đâu rằng, những con vật kia sợ mình, sợ từ cái bóng của mình, chứ đâu có sợ cáo!…
Trong dân gian, bên cạnh thành ngữ “cáo mượn oai hùm” còn có cách nói “cáo đội lốt hổ uy” với nghĩa tương tự nhưng ít dùng. Tiếc thay, đến nay trong tiếng Việt từ hùm, từ hổ chưa có được cái nét nghĩa “khờ dại và cả tin đến mức ngu xuẩn”. Còn nét “tinh khôn, ranh mãnh quỷ quái” (Thằng cha ấy cáo lắm. Bọn thực dân cáo già) đã trở thành một trong những nghĩa phổ biến của từ cáo.
Đúng là “Những phường ‘cáo mượn oai hùm’ ghê thay” (Truyện Trê Cóc).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 13 Dec 2016

52 Cháy nhà ra mặt chuột

Thường ngày, trong căn nhà, loài chuột vẫn gây bao phiền nhiễu, sục sạo, gặm nhấm làm hư hỏng nhiều thứ. Người ta vẫn phát hiện ra chuột và tìm cách trừ khử loài vật bẩn thỉu, hại người này. Nhưng tiếc thay nhà cửa nhiều ngõ ngách, lắm đồ đạc, hang hốc, chỉ cần có động tĩnh là chuột biến mất tăm, ẩn nấp kín đáo, chẳng còn thấy mặt mũi con nào. Nhưng rồi, do có sự cố nào đó mà có lúc nhà ai đó bốc lửa cháy. Trong đám cháy rừng rực ấy, họ hàng nhà chuột, từ các xó xỉnh, hang hốc chạy ra hoảng loạn, kêu chi chút, kinh hoàng khiếp đảm. Nhiều con “xấu số” không chạy kịp chết thiêu, con nào may phúc chạy ra khỏi đám lửa cũng hồn xiêu phách lạc, ngẩn ngẩn ngơ ngơ, nếu có ý định giết thì người ta túm lấy nó cũng chẳng khó khăn gì. Sự kiện cháy nhà, làm cho chuột lộ mặt, thậm chí bị chết thiêu là một hiện thực mà người đời dễ dàng quan sát, nhận biết. Cũng từ hiện thực, sự quan sát này, Dân gian ta ngẫm nghĩ, suy xét và rút ra kết luận cho đời. Thành ngữ cháy nhà ra mặt chuột là một nhận xét tiêu biểu trong đó. Cơ cấu hình thành nghĩa của thành ngữ này cũng giản đơn. Chuột trong thành ngữ này được biểu trưng cho điều xấu, cái yếu kém vốn được che kín hoặc cố tình giấu giếm, còn nhà biểu trưng cho nơi ẩn náu, nơi trú ngụ, cũng là cái vỏ che đậy nói chung. Vậy là, cháy nhà, tức là làm mất cái vỏ che đậy đi, mất nơi ẩn nấp cuối cùng, theo đó, cái được che đậy bị lộ rõ và trở nên dễ bị phát hiện. Cái lôgic này đã mang lại cho thành ngữ cháy nhà ra mặt chuột nội dung ý nghĩa là “khi có sự biến, hoặc điều kiện bắt buộc nào đó thì tất yếu những điều xấu, cái yếu kém đều phải bộc lộ rõ nguyên hình, tất cả đều bị lộ tẩy”. Thí dụ:
“Đúng đấy! ‘Cháy nhà ra mặt chuột’, nói bằng mồm thì ai chẳng nói được, nói bằng tay mới là khó chứ” (Văn nghệ, 21-11-1969).
Trong tiếng Việt, có khi chúng ta còn gặp dạng ‘cháy nhà ra mả chuột’. Thí dụ:
“Biết ngay mà, cháy nhà ra mả chuột” (Hoàng Minh Tường, “Đồng chiêm”).
Dạng ‘cháy nhà ra mả chuột’ là dạng nói chệch, nói trại từ thành ngữ cháy nhà ra mặt chuột chăng? Không hẳn như thế.
Trong tiếng Việt, mả có nghĩa là nơi chôn cất, cũng có nghĩa là tổ tiên. Vậy nói cháy nhà ra mả chuột là nhấn mạnh cái ý, có cháy nhà tức là có sự biến mới lòi ra tất cả tổ tiên, gốc gác của điều cần biết, điều lâu nay vẫn che kín ấy.
Câu thành ngữ ‘cháy nhà ra mặt chuột’ còn có dạng thức khác là ‘cháy nhà ra mạch chuột’. Đối với dạng thức này, “mạch chuột” được lý giải là những mạch ngầm dưới nền nhà, dưới tường nhà, nơi trú ngụ của chuột, đều bị trơ ra khi gạt hết phần tro than, về ý nghĩa, cách dùng dạng thức này không có gì khác biệt với ‘cháy nhà ra mặt chuột’. Thí dụ: 
“Vãn thân nghỉ rồi, bây giờ các anh chị mới lộ rõ mặt thích Tây đây nhỉ. Rõ cháy ‘nhà ra mạch chuột’” (Chu Thiên, “Bóng nước hồ Gươm”).
Như vậy, các dạng ‘cháy nhà ra mặt chuột’, ‘cháy nhà ra mả chuột’, ‘cháy nhà ra mạch chuột’ dù khác nhau một vài chi tiết về hình thức, nhưng ý nghĩa và cách sử dụng của chúng đều thống nhất. Có lẽ hợp lý hơn cả là nên xem đây là ba thành ngữ đồng nghĩa hay gần nghĩa nhau.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 13 Dec 2016

53 Cháy thành vạ lây

Chẳng biết tự bao giờ, chẳng biết ở nơi đâu, nhưng trong dân gian vẫn truyền tụng một sự kiện dường như đích thực, ấy là ở một thành lũy nào đó, bỗng nhiên bị hỏa hoạn, nhà cửa, thành quách bốc cháy rừng rực. May mắn thay, xung quanh thành là những ao chứa đầy nước. Thế là người đến chữa cháy đã múc nước từ ao đổ vào đám lửa. Khi những ngọn lửa quái ác được dập tắt thì các ao nước cũng vừa khô cạn, cá tôm đều phải nằm phơi mình. Người đến chữa cháy, rồi người đi đường đổ xuống ao bắt cá. Các chú cá vì cháy thành mà bị vạ lây là thế đó!

Nhiều người xác nhận sự kiện này xảy ra trên đất Trung Quốc. Bằng cớ là ngạn ngữ Trung Quốc có câu “thành môn thất hỏa, ương cập trì ngư” nghĩa là “cửa thành bị cháy, tai họa lây cả sang cá”. Như vậy có thể thấy, thành ngữ “cháy thành vạ lây” là kết quả của sự chuyển dịch và rút gọn từ câu ngạn ngữ này.
Dẫu gốc tích thế nào, trong tiếng Việt, thành ngữ “cháy thành vạ lây” cũng được sử dụng để nói tới những tai họa do bên ngoài đưa đến một cách oan uổng. 
“Thực là bởi tại phú ông
Chúng tôi quả thực cháy thành vạ lây”

(Khuyết danh, Tống Trân Cúc Hoa)
Hoặc:
“Chín cố vấn dân sự chết, ba cố vấn khác bị thuơng, hai con đĩ cũng cháy thành vạ lây” (Báo Q Đ, 27-4-1978).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 13 Dec 2016

54 Chạy giống Bái Công
Chạy rống Bái Công


Bái Công tên là Lưu Bang, tự Quý, người đời Chiến Quốc. Vì sinh ở đất Bái, nên Lưu Bang thường được gọi là Bái Công. Lúc còn hàn vi, Lưu Bang đã nổi tiếng vì chém chết bạch xà ở núi Mang Dịch. Việc này được xem như điềm ứng báo cho khả năng xây dựng cơ nghiệp bá vương sau này. Nhân lúc Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần suy yếu, các nước chư hầu thi nhau nổi lên tranh giành thiên hạ. Bái Công cũng chiêu tập binh mã, được hơn 50 vạn, để đánh nhau với Hạng Võ, vua nước Sở, một người nổi tiếng có sức khỏe lại có quân đông, tướng giỏi, người có khả năng bình thiên hạ nhất lúc bấy giờ. Hai bên đánh nhau giằng co trong năm năm. Rốt cuộc, Hạng Võ thua và tự tử. Bái Công thống nhất thiên hạ, lập nên nhà Hán được tôn làm Hán Cao Tổ.
Trong suốt năm năm đánh nhau với Hạng Võ, Bái Công luôn ở trên mình ngựa đánh đông dẹp bắc, nên có câu: Hán Cao Tổ mã thương đắc thiên hạ (nghĩa là: Hán Cao Tổ trên mình ngựa được thiên hạ).
Trong “Lục súc tranh công”, khi kể công của loài mình, ngựa cũng nhắc:
Ông Cao Tổ năm năm thương mã
Mới dựng nên cơ nghiệp Lưu gia.

Có lẽ từ ý trên mà thành ngữ “chạy giống Bái Công” được dùng để nói về người suốt ngày suốt tháng cứ phải chạy chỗ này, đi chỗ nọ; chạy nhiều, giống như Bái Công đã chạy.
“Lạ thật, mình chạy giống Bái Công lên không tìm thấy được một giọt, vậy mà ai lại bê nó đặt vào đây?” (Nhiều tác giả, “Hương cỏ mật”).
Tuy nhiên, cũng có một biến thể khác của thành ngữ này là chạy rống Bái Công. Vậy nên giải thích thế nào đối với biến thể này?
Như đã biết, cho đến cùng thì Bái Công diệt được sở Vương, bình trị được thiên hạ. Nhưng trong thời gian hai bên đánh nhau, Hạng Võ đã nhiều trận đánh cho Bái Công bị thua phải chạy tháo thân. Đặc biệt là trận Bành Thành, không phải Hạng Võ, mà tướng của Hạng Võ là Quý Bố cũng đã làm cho Bái Công phải khiếp vía, kinh hồn. Tục ngữ có câu: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ dai”, Bái Công nhớ nỗi đau thất trận ở Bành Thành đến mức khi đã lấy được thiên hạ rồi còn treo giải thưởng những 1.000 lạng vàng cho ai bắt được Quý Bố.
Cho nên có thể giải thích “chạy rống Bái Công” là chạy rống như Bái Công chạy tháo thân khi thua trận.
Có khi ta chỉ nói gọn là chạy rống, cũng với nghĩa là chạy rất nhanh với vẻ hốt hoảng, chạy hộc tốc để tháo thân.
Tất nhiên, chạy rống có nghĩa chung hơn, ít biểu cảm hơn so với ‘chạy rống Bái Công’.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 13 Dec 2016

55 Chạy như cờ lông công

Cờ là biểu tượng cho một quốc gia, một dân tộc, một tổ chức, một ngành nghề thậm chí còn là tín hiệu cho một mệnh lệnh. Cờ thường được làm bằng vải, nhưng cũng có khi bằng lông chim, lông thú, đôi khi còn được làm bằng cành cây giống như cờ bằng bông lau của Đinh Bộ Lĩnh ngày trước.
Cờ lông công trong thành ngữ “chạy như cờ lông công” là cờ làm bằng lông con công. Đây là loại cờ hiệu của những người lính trạm xưa kia, thường dùng khi chạy công văn hỏa tốc.
Ngày nay, ngoài việc truyền đạt các mệnh lệnh, công văn bằng các vô tuyến, hữu tuyến, người đưa tin còn được sử dụng các phương tiện giao thông khác như máy bay, ô tô, xe lửa…
Nhưng ngày xưa, công việc này chỉ được thực hiện nhờ sức người và sức ngựa. Vì vậy, nhà nước phong kiến mới đặt ra các trạm và tuyển mộ các loại lính trạm, phu trạm. Từ trạm nọ đến trạm kia là một cung đường. Thông thường, người lính trạm khi chạy công văn hỏa tốc, phải vượt hai đến ba cung đường trong một ngày. Người đời nhìn thấy cờ hiệu lông công của những người lính trạm ở khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Bao giờ họ cũng vội vàng, tất tưởi, người chạy đi, kẻ chạy lại, cả người cả ngựa đều đẫm mồ hôi. Công văn vừa chuyển đi, lại có công văn đến. Sự đan chéo, liên tục của các công văn, mệnh lệnh tạo nên sự đan chéo, dồn dập của những lá cờ hiệu lông công. Vì vậy. “chạy như cờ lông công” trước hết được hiểu là “chạy rối rít, chạy loạn xạ”.
Nhưng có lẽ cũng từ một thực tế là những người mang cờ hiệu lông công mặc dù chạy ngược chạy xuôi rối rít nhưng chẳng phải là để vận chuyển hàng hóa nặng nhọc gì, với con mắt người đời đấy là một việc làm không cần thiết. Còn tính khẩn cấp của công văn lại cũng chẳng liên quan gì đến họ.
Có thể vì lẽ đó mà thành ngữ “chạy như cờ lông công” còn có một sắc thái nghĩa nữa là “chạy rông, chạy rối rít, chạy không đạt kết quả gì”.
“Thưa ông bà… từ sáng đến giờ tôi chạy cứ như cờ lông công đấy thôi ạ” (Lộng Chuông, “Quẫn”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 13 Dec 2016

56 Chẳng có cá, lấy rau má làm trọng

“Chẳng có cá, lấy rau má làm trọng” là vì sao? Vì rau má là loại cây hoang dại, tầm thường nhưng có ích, xét từ nhiều mặt.
Nhà nông học Bùi Huy Đáp cho biết: “Rau má là cây mà nhiều người đói ưa chuộng, nó rất thích hợp để ăn tạm khi đói lòng. Gọi là rau, vì có thể dùng như rau; rau má mọc hoang khắp nơi, trên ruộng mạ đã nhổ mạ, dọc bờ đường, bờ ruộng. Là loại cây bò, có rễ ở đốt thân, lá hình mắt chim, khía tai bèo, thân gầy và nhẵn, cuống lá dài tới 2-4 cm. Có tên khoa học là Centella asiatica”… “thân lá tươi có vị hơi đắng, mùi hăng”. Người ta ăn rau má bằng nhiều cách: ăn sống, nấu cháo, xay hay giã để vắt lấy nước uống v.v… GS. Đỗ Tất Lợi cho rằng rau má là một vị thuốc mát, có vị hơi đắng, ngọt, lành, không độc, dùng để giải nhiệt, thông tiểu tiện, có thể dùng cho một số bệnh như thổ huyết, tả, lị, khí hư, bạch đái. Ngoài ra rau má còn lợi sữa với phụ nữ thai sản. (Dẫn theo Bùi Huy Đáp, Sđd., tr.52).
Cần lưu ý rằng rau má đặc biệt có ích đối với người nông dân xưa trong những tháng đói giáp hạt. Vì thế mà còn có câu: “Đói ăn rau má, đừng ăn quấy quá hư thân”
"Đói thì ăn rau má, đừng có ăn quấy, ăn quá mà..."
(Bùi Huy Đáp dẫn một biến thể khác là: “Đói ăn rau má, đừng ăn vất vả hư thân”. Thiết nghĩ “vất vả” ở đây vừa không hợp nghĩa, vừa ép vận. Phải chăng là do in nhầm?).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

57 Chân chỉ hạt bột

Ngày nay, báo chí, văn chương thấy viết:
“Con gái bây giờ nó thích mốt, thích hiện đại chứ cứ chân chỉ hạt bột không ăn nhằm gì đâu” (Báo Tiền phong, 2-4-1980).
“Khéo ở trên đời thì nơi nào cũng lọt. Chân chỉ hạt bột như mình thì cứ mãi thế này” (Nguyễn Huy Tưởng, “Truyện Anh Lực”).

Ở những câu trên, chân chỉ hạt bột được dùng như một tính từ chỉ nói về con người chân phương, chất phác, thật thà. Vậy do đâu mà chân chỉ hạt bột lại hàm được ý đó?
Theo từ điển Khai Trí Tiên Đức (1933) thì chân chỉ hạt bột là đường viền có hạt bột và tua chỉ thòng xuống. Nó vốn là một sản phẩm của nghề thêu may ngày xưa, dùng để trang trí cho các y môn tán, diềm bành ngựa… như kiểu viền đăng-ten bây giờ. Trong “Lều chõng”, Ngô Tất Tố cũng cho ta biết rõ điều này:
“Bộ dạng quan chánh chủ khảo mới oai làm sao! Cái bối tử hình con công, cái vành đai đột chỉ vàng, cái gấu áo thêu thủy ba, cái xiêm xanh viền chân chỉ hạt bột và đôi ủng đen có đôi bướm bạc long lanh” (Ngô Tất Tố, “Lều chõng”).
Những người làm nghề này đòi hỏi, phải khéo tay và yêu nghề thì mới theo được nghề. Những hạt bột trông giống hệt nhau như đúc ra từ một khuôn cứ đều tăm tắp và mỗi hạt bột một tua chỉ vàng thòng xuống một cái diềm trang sức như thế gây cảm giác về một sự chân phương, đến đơn điệu, mất hết vẻ sinh động của những hoa văn nghệ thuật lãng mạn. Có lẽ chính cái hình ảnh ấy đã tạo nên nghĩa cho câu thành ngữ ‘chân chỉ hạt bột’ chỉ những người chất phác, cần cù và tốt nết:
“Anh ta là ngươi chân chỉ hạt bột chả màu mè gì, tốt nết” (Báo Văn nghệ, số 42/1960).
Có khi thành ngữ này còn được dùng để tính chất chân phương thật thà nói chung - kể cả bút pháp văn học nữa:
“Hiện nay cũng có không ít người có khuynh hướng coi thường bút pháp tả thực, cho nó là quá chân phương, thật thà, chân chỉ hạt bột, mà thích thú với những bút pháp ước lệ, cho là có tính chất sáng tạo hơn”. (Báo Văn hóa nghệ thuật, 7-1972).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

58 Chân nam đá chân xiêu
Chân đăm đá chân chiêu


Bấy lâu nay có lẽ nhờ vào nghĩa của từ “đá” đứng giữa hai vế mà người ta đều hiểu đúng nghĩa đen của thành ngữ này là “chân nọ đá vào chân kia”, và lại cũng có lẽ do hiểu từ “xiêu” trong kết hợp “chân xiêu” một cách đơn thuần là “xiêu vẹo” nên ngẫu nhiên người ta cũng hiểu được nghĩa bóng của thành ngữ này là “đi đứng không vững vàng”. Nhưng tại sao “chân nam” lại là chân này và “chân xiêu” lại là chân kia?
Thực ra, “nam” là do “đăm”, còn “xiêu” là do “chiêu” đọc chệch mà thành. “Đăm” và “chiêu” là hai từ cổ thuần Việt có nghĩa “bên phải” và “bên trái”. Từ điển “Đại nam quốc âm từ vị” của Huỳnh Tịnh Của (1895) còn thấy ở nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ như:
“Tay chiêu đập niêu không vỡ”
Hoặc:
“Gà kia mày gáy chiêu đăm
Để chúa tao nằm, tao nghỉ chút nao”.
“Đăm” “chiêu” trong “gà gáy chiêu đăm” hoặc suy nghĩ “đăm chiêu” đã thoát ra khỏi nghĩa đen là “phải trái” để mang nghĩa bóng là “lo nghĩ vất vả, lo nghĩ trước sau” (Từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức 1932).
Như vậy, thành ngữ “chân nam đá chân xiêu” đọc đúng phải là “chân đăm đá chân chiêu” tức chân phải đá chân trái để chỉ “trạng thái đi đứng không vững vàng”.
“Ông cụ Bèo đi bán củi ở chợ Nghệ về, đã làm mấy chén rượu ở chợ, chân đăm đá chân chiêu về đến nhà”. (Quang Dũng, “Nhà đồi”).
“Cái anh có khỏe gì cho cam. Cũng loẻo khoẻo loeo khoeo, còng gầy còm tiều tụy, cũng có chân đăm đá chân chiêu…” (Nguyễn Đức Thuận, “Bất Khuất”).

Sau nữa, nếu không đau ốm hoặc say khướt mà lại cũng “chân nam đá chân xiêu” thì chỉ là những người “vội vàng tất tưởi”. Đây là nghĩa thứ hai của thành ngữ này: “Nhà Chín cũng nghèo thay! Nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân đăm đá chân chiêu. Vì tớ đỡ đần trong mọi việc”. (Nguyễn Khuyến).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

59 Chân lấm tay bùn

Chân lấm tay bùn là thành ngữ nói về sự vất vả, cực nhọc của người lao động (thường là người làm ruộng). Thí dụ: “Tuy làm lụng vất vả chân lấm tay bùn nhưng người nàng vẫn trắng đẹp” (Văn 7 tập 1). Thông thường, người ta vẫn hiểu ‘lấm’ trong ‘chân lấm tay bùn’ là bị bẩn vì bùn đất. Các từ điển tiếng Việt đều chú nghĩa ‘lấm’ là động từ có nghĩa như bẩn.
“Thân lươn bao quản lấm đầu”.
Cũng có nhiều người cho rằng, lấm trong chân lấm tay bùn là một danh từ chứ không phải là một động từ. Bởi vì, chân lấm tay bùn là một thành ngữ được cấu tạo theo kiểu đôi và điệp, trong đó chân đối với tay và lấm đối với bùn. Vì bùn là một danh từ thì lấm cũng phải là một danh từ. Ý kiến này phù hợp với các cứ liệu còn lưu lại trong các văn bản cổ cũng như trong tiếng địa phương. Thật vậy, trong sách “Phép giảng tám ngày” của Alexandre de Rhodes từ lấm được dùng 3 lần với nghĩa bùn và trong từ điển “Việt - Bồ Đào Nha - La Tinh cũng của Alexandre de Rhodes, lấm được chú giải là bùn. Ngày nay, trong tiếng nói của người xã Phù Đổng (Huyện Gia Lâm, Hà Nội) lấm là một danh từ chỉ thứ bùn ngấu mầu mỡ ở chân ruộng nước. Đặc biệt trong một số sách báo việt về công việc đồng áng, chúng ta cũng nhận thấy các tác giả có dùng từ lấm với ý nghĩa danh từ: “Nhờ có diện tích tăng vụ được mở rộng, khắc phục được hiện tượng để ruộng mất lấm”
Như vậy lấm trong chân lấm tay bùn cần được hiểu là một danh từ có nghĩa là một loại bùn. Trong quá trình phát triển của tiếng Việt, từ lấm có thêm nghĩa tính từ là bẩn.
Thành ngữ chân lấm tay bùn còn có các dạng thức biên thể như: tay bùn chân lấm, chân bùn tay lấm, tay lấm chân bùn, thậm chí là cả dạng chân bùn tay đất:
“Từ cô gái chân bùn tay đất
Trở nên người anh hùng rạng rỡ vô biên”

(Báo Phụ nữ số 200, năm 1967)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 Dec 2016

60 Châu về Hợp Phố

Châu về Hợp Phố nguyên tiếng Hán là Hiệp Phố hoàn châu hay Hạp Phố châu hoàn. Châu là ngọc trai, Hợp Phố (hay Hiệp Phố) là tên của một quận xưa của Giao Châu, nơi chuyên sản xuất ngọc trai nổi tiếng. Câu này bắt nguồn từ truyện Mạnh Thường được ghi trong “Hậu Hán Thư”. Truyện kể rằng: Mạnh Thường về quận Hợp Phố làm thái thú. Ở đây không trồng ngũ cốc, mà chuyên sản xuất ngọc trai, thường trao đổi mua bán lương thực với quận Giao Chỉ. Các quan thái thú trước đều tham lam, bạo tàn, vơ vét và hà hiếp dân chúng đến tận cùng. Vì thế, những người làm nghề lấy ngọc trai phải phiêu bạt, lưu tán. Hạt châu dần dần dời đến Giao Chỉ. Ở Hợp Phố, người và vật không còn chỗ nương thân, người nghèo khổ chết đói ở ngoài đường. Khách buôn không đến nữa. Khi Mạnh Thường về làm quan ở Hợp Phố, sửa đổi lệ cũ, vì dân mà làm điều ích lợi, cấm chỉ sách nhiễu dân chúng, khích lệ những quan thanh liêm. Chẳng bao lâu, những người làm nghề lấy ngọc trai lại trở về Hợp Phố (x. Từ Hải quyển thượng, tr.370).
Do đó, câu ‘châu về Hạp Phố’ thường được dùng với nghĩa là “những cái quý giá không thể mất được, trước sau, sớm muộn sẽ quay về với chủ nó”, hoặc là “nói về sự đoàn tụ, sum họp trở lại, sự tìm thấy lại cái quý giá đã mất”. Xin dẫn vài ví dụ:
“Nhờ vậy mà cái cặp kiếng gọng vàng tuy cũ nhưng nó còn nặng duyên với bác mà trở lại cảnh châu về Hợp Phố”
(Báo SGGP, 29-12-1976).
“Khi châu về Hạp Phố, anh chàng phi ngựa nước đại trở về làng”
(Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam).
“Thoa này bắt được hư không,
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về

(Nguyễn Du, Truyện Kiều).
Tiết Mạnh cảm vật mới kì,
Dưới dòng Hợp Phố Châu đi cũng về

(Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 109 guests