Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Mar 2017

271 Quân sư quạt mo

Hiểu theo nghĩa gốc thì quân sư là người bày mưu, tính kế, vạch ra các kế hoạch quân sự giúp người chỉ huy quân đội xưa kia, trong đó quân được hiểu là binh lính hay việc quân sự, còn sư là thầy. Vậy, là “quân sư” ắt phải có tài thao lược, có kinh nghiệm điều binh khiển tướng, đảm bảo cho trăm trận trăm thắng. Nhưng dần dà, quân sư được hiểu rộng ra là người bày mưu tính kế, mách nước cho kẻ khác đạt kết quả trong mọi công chuyện cần thiết. Dẫu hiểu theo nghĩa nào thì quân sư vẫn là người thông tuệ, am hiểu thực tế, có tài hơn người khác “một cái đầu” và được mọi người vị nể. Nhung chẳng hiểu vì sao khi quân sư kết hợp với quạt mo tạo nên thành ngữ quân sư quạt mo lại hàm chỉ những người bày mưu tính kế, người mách nước tồi, kém, vô tích sự. Thí dụ:
“Nghe Thái nói hơi lọt tai, Quyết cười hì hì: - Tao ngồi đây như ếch ngồi đáy giếng, biết chiếc xà lan ấy nằm nghiêng, nằm ngửa ra sao đâu mà làm quân sư quạt mo được” (Lâm Phương, “Dứt điểm”).
Cái hàm ý châm biếm trong thành ngữ quân sư quạt mo được tạo nên do từ quạt mo. Ở đây, quạt mo là loại quạt làm bằng mo cau nhung không phải do tính “rẻ tiền” của loại quạt này tạo ra ý nghĩa ấy. Dân gian đã khai thác ý nghĩa đó qua tính biểu trưng của quạt mo. Chẳng là, trong các loại ca kịch cổ, đặc biệt là tuồng, các nhân vật nịnh thần thường hóa trang với vẻ mặt riêng, trên tay phe phẩy chiếc quạt mo. Vì vậy, quạt mo trở thành biểu tượng của sự nịnh bợ, luồn cúi mà dốt nát, bất tài. Thế rồi, dần dà quạt mo cũng được nhận thức như biểu tượng sự bất tài, vô dụng. Theo đó, quân sư quạt mo được dùng để chỉ những kẻ làm “thầy dùi” kém cỏi đến tồi tệ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Mar 2017

272 Quần ngư tranh thực

Các yếu tố trong thành ngữ này khá xa lạ với tiếng Việt hiện nay. Yếu tố quần có ý nghĩa chỉ đơn vị, chỉ tập hợp như bầy, đàn, đoàn, đảng của Việt ngữ (quần nhân).
Ngư là cá, nói chung (ngư dân, ngư nghiệp…). Thực là ăn, ăn uống (thực đơn, có thực mới vực được đạo). Với ý nghĩa của từng thành tố như vậy, quần ngư tranh thực được chuyển dịch sang tiếng Việt hiện đại là đàn cá tranh ăn (hay đàn cá tranh mồi).
Cá thì nhiều, mồi lại hiếm, hẳn là việc tranh giành nhau ăn sẽ quyết liệt, sẽ sôi động biết chừng nào! Vì lẽ đó, trong tiếng Việt, quần ngư tranh thực được dùng để chỉ hiện tượng tranh giành quyền lợi, đấu đá lẫn nhau một cách hỗn loạn của những kẻ tham quyền chức, thích lợi lộc cho riêng mình. Thí dụ:
“Hồi năm nọ, một thầy địa lý qua đây có bảo đất làng này ở vào thế “quần ngư tranh thực”, vì thế mà bọn đàn anh chỉ là một đàn cá tranh mồi” (Văn 12, tập hai, tr.84).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Mar 2017

273 Quậy ủ, Chủ tươi; Quậy cười, Chủ khóc

Theo các tác giả Lịch sử Việt Nam (Tập 1, Nxb. TP. HCM, Hà Nội, 1983) thì Chủ trong câu này chính là Chạ Chủ, tên Nôm của Cổ Loa. Cổ Loa có thể là cách phiên âm bằng chữ Hán địa danh Chạ Chủ ngày xưa, khi còn đọc là K’lư hay K’lủ. Sách còn cho biết trong thư tịch của ta, “An Nam chí lược” của Lê Trắc (thế kỷ XIV) chép tên thành của An Dương Vương là “thành Khả Lũ”. Từ thế kỷ XV trở về sau mới xuất hiện tên Loa Thành, rồi thành Cổ Loa. Truyền thuyết dân gian cũng nói rằng khi xây dựng đô thành mới, An Dương Vương đã dời dần Chạ Chủ xuống vùng đất bãi cuối sông Hoàng, khai phá đất hoang, lập nên những xóm làng mới. Đó là làng Quậy, gồm Quậy cả, Quậy Rào và Quậy Con, thuộc xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội ngày nay. Quậy là vùng đất trũng. Chủ là vùng đất cao. Nên mỗi khi mưa to vùng Quậy ngập nước thì Chủ được mùa; trái lại, khi vùng Quậy được mùa thì vùng Chủ bị hạn hán. Do đó mà trong dân gian có câu tục ngữ: “Quậy ủ, Chủ tươi; Quậy cười, Chủ khóc”. Nên làng Quậy vốn là “cư dân bản địa” của Cổ Loa, nên trong ngày hội đều được vua Thục về dự và được các làng kính trọng mời ngồi chiếu trên (sđd, tr.201, 202). Trong bài “Thử giải mã địa danh Cổ Loa”, Hồ Lê cho rằng Quậy vốn có nghĩa là sông, âm cổ của nó là krôông. Theo tác giả, “krôông có nhiều biến thể lịch sử: rụng k - và n biến thành s - nên thành sông; rụng k-, -ôông là tổ hợp âm ngạc, nên hóa thân thành tổ hợp âm ngạc-ao và thành rào (người Bình Trị Thiên vẫn dùng rào để chỉ sông), rụng r-, -ôông hóa thân thành tổ hợp âm ngạc-uây, nên thành Quậy. “Quậy cả” là sông cả, “Quậy rào” là sông rào (“rào” ở miền Trung là sông, còn ở đây vì có “Quậy” là sông, nên bị chuyên biệt hóa thành một loại sông), “Quậy con” là sông con. “Quậy” là sông nên vùng “quậy” là vùng thấp, hay bị ngập nước thì rất đúng (Vđd., NN&ĐS, số 5 (19). 1997, tr.12).
Còn Chủ là gì? Hồ Lê cho rằng Chủ vốn có nghĩa là vùng đất giữa, tức vùng đất cao. Tác giả chứng minh như sau: “Cổ Loa” là cách phiên âm Kẻ Klư. Kẻ là vùng đất, Klư là giữa. Kẻ thì xưa dùng từ cổ để phiên âm là bình thường. Còn Klư là âm cổ của giữa được chứng minh rằng quy tắc biến đổi ngữ âm sau: Kl-tl-tr-gi, cụ thể là Klutlưatrưa (điểm giữa của ngày) giữa. Một số vùng của Quảng Ngãi còn nói ở giữa là ở trửa. Trửa có thể biến âm là trử, hoặc trủ. Về sau, âm trủ bị dân gian nói thành chủ (vì tr và ch thông nhau). Chủ vốn có nghĩa là vùng đất giữa, tức vùng đất cao là vì vậy.
Như vậy, Cổ Loa là nghĩa chữ Hán dùng để phiên âm địa danh Kẻ Klư, âm cổ của Chạ Chủ, tức vùng đất giữa. Đó chính là vùng đất ở giữa, nối liền, gắn kết hai tộc Lạc Việt-Âu Việt làm một! Còn Khả Lữ, hay Kim Lũ cũng là cách phiên âm từ Klư. Và như vậy thì thành Khả Lũ, hay thành Kim Lũ chính là thành Chủ, tức là thành giữa hay thành vùng đất giữa (x. Bđd, tr.12).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Mar 2017

274 Quýt làm cam chịu

Khi một người làm việc gì mà người khác phải gánh chịu hậu quả của việc ấy (thường là hậu quả không hay), thì trong tiếng Việt, ngươi ta thường nói là “quýt làm cam chịu”.
“Em bé gái đùa với con mèo, phải nói là đùa dai quá nên đã làm vỡ lọ hoa. Em đổ lỗi cho mèo… Quýt làm cam chịu có nên chăng?” (Văn nghệ, 1985).
Đối với chúng ta, quýt và cam là hai giống cây ăn quả rất được ưa thích, thường trồng trong vườn. Hai giống cây này cùng họ hàng, rất gần gũi nhau, có thể lai giống lẫn nhau. Quýt lai cam và cam lai quýt là chuyện bình thường.
Vậy thì quýt làm cam chịu vốn có nghĩa ra sao khi xét về nguồn gốc?
Một số người làm vườn, giải thích rằng: cam và quýt tuy cùng họ với nhau thật, nhưng nếu trồng chung trong một vườn thì cam sẽ kém ngon, còn quýt sẽ to quả hơn, và vị của nó cũng đã khác đi rồi. Vì thế, muốn có cam hay quýt thuần chủng, giữ được hương vị riêng thì phải trồng tách biệt, mỗi loại cây một nơi. Trong một vườn, đã trồng cam thì thôi trồng quýt, mà đã trồng quýt thì thôi trồng cam. Cam mà “làm”, thì quýt phải “chịu”, và ngược lại. Với cách hiểu nghĩa gốc của câu tục ngữ như vậy, thì cam và quýt ở đây là những loài cây trồng, đối tượng của người làm vườn, còn làm hay chịu là hành động của người làm vườn ấy!
Nhưng cũng còn một cách hiểu khác.
Ai đã đọc truyện Trạng Lợn, hẳn còn nhớ một câu chuyện nhỏ sau đây: Chuyện kể rằng Trạng được người đời đồn đại là có tài bói toán siêu hạng. Một hôm công chúa bị mất đôi vòng ngọc quý do nước ngoài đem cống vua ta. Cả triều đình xôn xao, mất ăn mất ngủ. Viên quan coi việc an ninh lập tức cho lính triệu ngay Trạng Lợn vào triều và trao cho việc truy tìm thủ phạm. Trạng biết là khó gỡ, nhưng không dám chối từ, bèn tìm cách hoãn binh, xin cho được mười lăm ngày để suy tính. Nằm trên một căn gác cao tĩnh mịch, Trạng nghĩ quanh quẩn đã được bảy ngày mà vẫn chẳng tìm ra được diệu kế gì, bụng lấy làm lo lắm. Nếu không hiến được kế tìm ra thủ phạm thì có thể mất đầu! Nghĩ quẩn quá, Trạng đập tay xuống chiếu mà than rằng: “Hừ, rõ thực quýt làm cam chịu!”. Không ngờ, trong vụ ấy thằng Quýt thông đồng với thằng Cam ăn trộm vòng ngọc của công chúa. Hai tên trộm vì quá lo lắng đã đến rình dưới căn gác để nghe trộm xem động tĩnh thế nào. Khi nghe thấy Trạng phán như vậy, chúng hoảng hốt, vội ra đầu thú để mong được giảm nhẹ tội. Thế là Trạng không chỉ thoát tội, mà còn lập được công to nhờ có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa từ cam và từ quýt trong lời than của Trạng với tên riêng của hai thằng kẻ trộm! Sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy lại nên chuyện và có thể chấp nhận được vì nó có cơ sở trong cuộc sống. Ta đã chẳng từng gặp những cái tên rất dân dã, như anh Mít, anh Xoài, anh Nghêu, anh ốc, thị Hến, cô Thơm, thằng Cò, cái Hĩm… đó sao!
Và như thế thì câu “quýt làm cam chịu” ban đầu cũng chỉ biểu thị một tình huống cụ thể tương tự như chuyện thằng Quýt làm cái việc ăn trộm vòng ngọc mà thằng Cam thì phải chịu tội. Về sau, do tính điển hình của sự việc và cảnh huống mà câu này trở thành tục ngữ với nghĩa khái quát hơn, úng với mọi cảnh huống tương tự. Người này làm, còn người kia phải chịu hậu quả.
Dĩ nhiên, ngay cách lý giải vừa nêu cũng chỉ là một giả thuyết.
Nhiều khi người ta không cần biết đến lai lịch của thành ngữ, tục ngữ, nhưng người ta vẫn sử dụng nó một cách thuần thục và sinh động. Đối với thành ngữ quýt làm cam chịu (hay cam làm quýt chịu) cũng vậy.
Trong tiếng Việt còn có một thành ngữ rất gần nghĩa với câu quýt làm cam chịu. Đó là câu “kẻ ăn ốc người đổ vỏ”. Song, câu thành ngữ thứ hai này thường dùng để nói về một cảnh huống hơi khác là: một người được hưởng thụ, còn một người khác lại phải gánh chịu hậu quả.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Mar 2017

R


275 Ra môn ra khoai


Môn còn có tên là khoai môn. Khoai trong thành ngữ “ra môn ra khoai” là khoai sọ. Theo nghĩa từng chữ, “ra môn ra khoai” là làm cho rõ ra: đâu là khoai môn, đâu là khoai sọ. Nhưng đó là nghĩa đen, nghĩa mộc của nó. Nghĩa được dùng trong giao tiếp ngôn ngữ của ra môn ra khoai là làm cho rõ ràng, cho rành mạch, không nhập nhằng, không lẫn lộn.
“Không thể chịu như thế được! Phải làm cho ra môn ra khoai. Đúng ra đúng, sai ra sai. Đừng để nhập nhằng thế”.
Ý nghĩa này được hình thành bằng con đường liên tưởng ẩn dụ trên cơ sở sự giống nhau, hay na ná nhau, về hình dáng đặc tính của cây môn và cây khoai. Nếu chỉ nhìn qua môn và khoai không có gì phân biệt nhau, cả hai đều là thân củ, có bẹ mềm, mọc từ củ với tán lá trơn rộng, củ môn và củ khoai có vị bùi, thơm, ăn ngon. Nếu luộc hoặc nấu còn sống, ăn vào sẽ có cảm giác ngứa ở miệng. Chính cái na ná nhau về hình dáng và đặc tính ấy khiến cho nếu không tinh, không để ý, mà chỉ nhìn thoáng qua, có thể lẫn cây nọ với cây kia, củ nọ với củ kia. Lúc đó, con người sẽ không có được sự hình dung rành rẽ về cây môn và cây khoai.
Thế nhưng, môn và khoai vốn là hai giống khác nhau. Bẹ môn có màu xanh nhạt, mọc thẳng, và cứng. Bẹ khoai thường có màu tím phớt, mọc ngang, có khi gần sát mặt đất, và mềm hơn bẹ môn. Lá môn rộng tán hơn, có nhiều gân đỏ nhạt. Môn thường trồng nơi đất ướt, phổ biến ở vùng núi. 
Đi thì nhớ vợ nhớ con
Về nhà nhớ củ khoai môn trên rừng

Còn khoai thì trồng ở nương vườn. Môn hầu như không có củ nhánh. Còn khoai, ngoài củ cái còn có các củ con tạo thành một chùm. Thế là, sự na ná nhau giữa cây môn và cây khoai đã dẫn đến sự lẫn lộn, sự nhập nhằng, sự không rành rọt trong nhận thức của con người về hai giống cây ấy. Nhưng những sự khác biệt có thực giữa chúng đã khiến cho việc đòi làm cho ra môn ra khoai là có lý và cần thiết.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Mar 2017

276 Rau muống tháng chín nhịn cho mẹ chồng

Thấp thoáng trong câu tục ngữ “rau muống tháng chín nhịn cho mẹ chồng” là hình ảnh một nàng dâu hiền thảo, biết nhường nhịn, chăm sóc mẹ chồng, một từ nhịn hẳn cũng nói lên được điều đó. Lại nữa, nhường nhịn rau muống tháng chín lại càng rõ, vì rằng độ tháng chín rau muống đã hết vụ nên hiếm hoi. Ở đây, chúng ta gặp một cô con dâu tốt bụng và một bà mẹ chồng hạnh phúc. Nhưng trớ trêu thay, điều đó lại là một nghịch lý. Những gì tưởng như được nói ra một cách hiển minh, lại được tiềm ẩn những ngụ ý sâu sắc với một cách hiểu trái ngược đầy vẻ mỉa mai. Vẫn là rau muống tháng chín nhưng đâu phải hiểu như trên. Đành rằng, tháng chín rau muống hiếm hoi hơn, nhưng đó chỉ là thứ rau trái vụ, chát đắng và dai nhách, vẫn là nhịn nhưng đâu phải là sự nhường nhịn chia sẻ mà là sự chịu đựng, thà không ăn, nhịn đói nhịn khát còn hơn.
Hóa ra là nàng dâu trong “rau muống tháng chín nhịn cho mẹ chồng” là một người con bất hiếu, dồn những gì khó nuốt, nuốt không trôi cho mẹ chồng.
“Bà khen dâu bà tốt ấy à! Cái ngữ rau muống tháng chín nhịn cho mẹ chồng!”
Cái chua xót ở câu tục ngữ này là như vậy. Nó phản ánh sự đối xử không tốt, thậm chí nhẫn tâm của nàng dâu đối với mẹ chồng. Quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng xưa nay thường được nhìn nhận như vậy, thành ra, trong lời ăn tiếng nói của dân gian ta mới có câu thành ngữ có tính “tổng kết” là như nàng dâu với mẹ chồng. Dĩ nhiên, đây là cách đánh giá cũ, nặng thành kiến từ xa xưa để lại ngày nay. Người phụ nữ biết rõ mối quan hệ cùng giới tính, mối quan hệ “nội bộ”, và chính họ, cũng nhận thức rõ, ai chẳng qua một thời trẻ trung, ai chẳng là nàng dâu, ai chẳng về buổi xế chiều, mấy ai chẳng phải là mẹ chồng, để rồi họ thông cảm cho nhau hơn, thương yêu nhau hơn.
Trong sử dụng ngôn ngữ, tục ngữ này có thể được dùng với dạng đầy đủ “rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng”, về ý nghĩa, câu tục ngữ này có thể được dùng vượt ra ngoài phạm vi chỉ mối quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng. Trên thực tế, nó được dùng để phủ nhận, bác bỏ sự chăm sóc giữa các đối tượng khác nhau trong những mối quan hệ khác nhau.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 31 Mar 2017

277 Rau tập tàng ngon, con tập tàng khôn

“Rau tập tàng ngon, con tập tàng khôn” là câu tục ngữ được các soạn giả cuốn “Văn hóa ẩm thực ở phố cổ Hội An” (Nxb KHXH, Hà Nội, 2000) sưu tầm và dẫn ra để minh chứng cho những nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Hội An.
Về mặt cấu trúc, câu này cũng được tạo ra theo mô thức đối ứng chặt chẽ giữa hai vế, tương tự như cấu trúc của nhiều câu tục ngữ khác:

Image

Ở đây, ta cũng thấy có vần (ngon-con, ngon-khôn), có nhịp (4/4). Song điều đặc biệt cần lưu ý ở đây là hiện tượng điệp từ ngữ “tập tàng” ở hai vế, kết hợp với hai thế đối ứng đề - thuyết giữa hai vế với nhịp 3-1. Lối kiến trúc này làm nổi bật thuộc tính “tập tàng” trong cả câu tục ngữ. Có thể diễn đạt các mối quan hệ vừa phân tích bằng sơ đồ sau đây:

Image

Quả là cái tải trọng ngữ nghĩa của câu tục ngữ này ở cả hai vế đều rơi vào chữ “tập tàng”: “Rau… ngon” là “rau tập tàng”, “con… khôn” là “con tập tàng”. Thế nhưng “tập tàng” là gì, thì thật là điều khó hiểu đối với cư dân người Việt ở ngoài địa bàn của phố cổ Hội An, xứ Quảng. Các soạn giả “Văn hóa ẩm thực ở phố cổ Hội An” (Sđd) cho biết: “Rau tập tàng…” là “rau nhiều loại”…, “tổng hợp từ các loại rau hái ở ngoài vườn như cọng bí, rau dềnh, rau sam, rau trai” (Sđd., tr.14) được luộc, nấu canh lẫn với nhau. Đó là món rau mà trước đây người Hội An vẫn ưa thích.
Từ cách hiểu nghĩa của từ “tập tàng” trong “rau tập tàng” như vậy, ta cũng có thể suy ra nghĩa của từ “tập tàng” trong “con tập tàng”. Phải chăng “con tập tàng” là đứa con được sinh ra từ các mối quan hệ tình ái không thuần nhất của người phụ nữ. Và thực tế cũng cho thấy rằng những đứa trẻ này thường rất khôn ngoan.
Cho nên câu “rau tập tàng ngon, con tập tàng khôn” là một câu tục ngữ có giá trị tổng kết, khẳng định những chân lý rất cụ thể.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Apr 2017

278 Rách như tổ đĩa

Trong lời ăn tiếng nói của dân gian ta, thành ngữ rách như tổ đỉa thường được dùng để chỉ sự rách nát, nham nhở của các thứ đồ dùng bằng vải, bằng lá, nhất là đối với quần áo. Thí dụ:
“Ngoài hành lang, một ông già đang ngồi cởi trần, bắt rận ở cái áo cánh nâu rách như tổ đỉa” (Văn 10, T2, tr.39).
Thành ngữ rách như tổ đỉa còn có biến thể khác là xác như tổ đỉa. Ý nghĩa và cách dùng dạng thức này không có gì khác biệt. Thí dụ:
“Thai buồn rầu nghĩ đến bộ quần áo độc nhất của hắn đã xác như tổ đỉa” (Nam Cao, “Truyện ngắn”).
Theo quan niệm của dân gian, giàu nghèo đều thể hiện ở cơm ăn áo mặc hàng ngày. Vậy mà quần áo đã “rách như tổ đỉa” ấy, thì làm sao được coi là một kẻ giàu sang phú quý. Thành ra, ý nghĩa thành ngữ “rách như tổ đỉa” cũng được mở rộng ra và được khái quát hơn để chỉ sự nghèo đói, khổ cực đến cùng kiệt của con người. Thí dụ:
“Từ một cô bé quê mùa nghèo khó, rách rưới như tổ đỉa tôi nghiễm nhiên thành một cô gái thành thị đảm đang duyên dáng”
Về ý nghĩa, cách hiểu thành ngữ rách như tổ đỉa như vậy là thỏa đáng. Song, ở thành ngữ này, tổ đỉa là gì lại cần bàn kỹ cho sáng rõ. Tổ đỉa là cái tổ của con đỉa ở dưới nước với vẻ tóp túa, lỗ chỗ, xác xơ chăng? Giả thiết này không hợp lý, bởi vì “tổ” con đỉa dưới nước thì mấy ai thấy được, quan sát được để làm đối chứng so sánh với các vật quen thuộc như áo quần, tơi nón,… Hơn nữa, trong tiếng Việt, tổ thường dùng để chỉ nơi che chắn kín đáo để ở, đẻ và nuôi con của một số loài vật như chim, chuồn, ong, chứ ít nói đến tổ con đỉa. Vậy, hiểu tổ đỉa như trên là không chính xác. Thực ra, tổ đỉa là tên của một loài cây thường mọc ở bờ nước. Lá của tổ đỉa trông có vẻ xơ xác, dễ gây liên tưởng tới sự rách nát lỗ chỗ, tớp túa của một số đồ vật như quần áo, vải vóc… Và dần dần tổ đỉa cũng góp phần biểu hiện nghĩa khái quát, hàm chỉ sự nghèo đói. Có lẽ nhờ nghĩa này mà trong tiếng Việt, tổ đỉa có thể đi vào thành ngữ nợ như tổ đỉa nữa.
Gần nghĩa “với rách như tổ đỉa”, trong tiếng Việt còn có “rách như tàu lá khô”, “rách như xơ mướp”, sắc thái ý nghĩa của các thành ngữ này không có sức gợi những ấn tượng mạnh như thành ngữ “rách như tổ đỉa”, “xác như tổ đỉa”. Ngoài ra, thành ngữ “rách như tổ đỉa”, “xác như tổ đỉa” còn gần với xác mồng tơi. Tuy nhiên, thành ngữ xác mồng tơi chỉ thiên về biểu hiện ý nghĩa khái quát, tức là hàm chỉ sự nghèo đói, cơ cực chứ không hàm chỉ trạng thái rách nát của vật cụ thể như ở thành ngữ “rách như tổ đỉa”, “xác như tổ đỉa”. Thí dụ:
“Nhà em kiết xác mồng tơi, ai còn dám rời hoa tai cho mượn” (Văn học 12, T2, tr.47).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Apr 2017

279 Răng cắn lưỡi

Răng và lưỡi là hai bộ phận của cơ thể được coi là gần gũi với nhau. Chúng gần nhau không chỉ về vị trí mà còn cả việc chia ngọt sẻ bùi trong chức năng của mình. Mối quan hệ đó tượng trung cho quan hệ anh em ruột thịt giống như quan hệ thân thiết giữa môi với răng trong câu thành ngữ: “môi hở răng lạnh”. Vì thế, khi quan hệ anh em bất hòa, tình ruột thịt nỡ cắt chia, những người gần gũi thân quen hãm hại lẫn nhau, thì người ta thường ví như “răng cắn lưỡi” vậy. 
Hẳn là nhiều người còn nhớ lại giai thoại về vua Tự Đức. Trong một buổi ngự thiện vô tình răng ngài cắn phải lưỡi ngài, khiến đình thần làm thơ về sự kiện này. Bài thơ “Răng cắn lưỡi” của ông Nguyễn Hàm Ninh được coi là bài hay nhất:
“Thuở bác sinh ra, chú chửa sinh
Từ sinh ra chú, bác làm anh
Ngọt bùi chẳng để cùng chia sẻ
Cốt nhục đang tâm cắn đứt tình”

Vua đọc khen hay, ban thưởng mỗi câu một lượng vàng. Nhưng đồng thời vua cũng phạt mỗi chữ một trượng vì có thâm ý nói tới việc vua giết anh trai mình là Hồng Bảo để giữ vững ngôi báu. Câu chuyện này không phải là nguồn gốc xuất xứ của thành ngữ “răng cắn lưỡi”. Nhưng đây là câu chuyện điển hình minh chứng cho ý nghĩa thành ngữ này trong cách hiểu và cách sử dụng của dân gian ta.
Gần gũi với “răng cắn lưỡi” là “nồi da nấu thịt”. Sự khác biệt ở hai thành ngữ này không lớn. Trong khi thành ngữ “răng cắn lưỡi” thường chỉ sự ám hại giữa những người gần gũi về quan hệ ruột thịt với nhau thì thành ngữ “nồi da nấu thịt” mở rộng phạm vi đến sự chém giết của đồng loại nói chung.
Ở mức độ nào đó thì cả thành ngữ “răng cắn lưỡi” “nồi da nấu thịt” cũng có sự tương đồng với các thành ngữ “rước voi giày mả tổ”, “cõng rắn cắn gà nhà”. Tuy nhiên các thành ngữ “rước voi giày mả tổ”, “cõng rắn cắn gà nhà” thường nhấn mạnh ý nghĩa phản bội anh em, phản bội quê hương, tổ quốc là chủ yếu. Ngược lại, nét nghĩa “hãm hại nhau giữa những người gần gũi nhau” được xem là thứ yếu và bị mờ nhạt hơn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 16 Apr 2017

280 Rắn đổ nọc cho lươn

Ai nấy đều biết, rắn và lươn là hai con vật hoàn toàn khác nhau.
Rắn thuộc loài bò sát có vảy, thiếu chân (hiện tượng thứ sinh) mình tròn, thon dài về phía đuôi. Khi di chuyển, rắn cử động uốn mình và nhờ các xương sườn có đầu tự do (không có xương mỏ ác) tì xuống để đẩy mình đi. Rắn thường sồng trên cạn (trừ rắn nước, rắn biển), chui luồn trong các hang đất, bụi cây,…
Còn lươn là một loài cá nước ngọt, thường sống trong hang dưới nước. Da lươn không có vảy như các loài cá khác, mà trơn và nhớt. Lươn cũng có cấu tạo bề ngoài tròn như rắn, nghĩa là hình tròn ống và thon đầu về phía đuôi.
Đặc biệt, lươn không có nọc độc như ở một số loài rắn như hổ mang bành, cạp nong, cạp nia, v.v… Nọc độc của rắn chính là tuyến nước bọt biến dạng mà thành. Nọc độc nằm ở ngay dưới lớp da sau mắt. Nọc độc này đi qua ống dẫn nọc thông với răng độc (răng móc mọc ở hàm trên). Vì vậy, nọc độc chỉ tiết ra khi rắn cắn. Nọc của rắn, độc đến mức có thể làm chết người, thậm chí làm chết cả những con vật to lớn như trâu, bò, ngựa v.v… Chính vì thế mà hình ảnh con rắn và nọc rắn đã trở thành biểu tượng cho sự nguy hiểm và độc ác chẳng kém gì hùm beo. Hãy so sánh: hang hùm miệng rắn hoặc miệng hùm nọc rắn.
“Thân ta ta phải lo âu
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này”

(Nguyễn Du, “Truyện Kiều”)
Trong khi đó lươn được coi là một con vật hiền lành, cẩn mẫn và chịu đựng:
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.

(Nguyễn Du, 'Truyện Kiều')
Mặc dù cho hai con vật này khác nhau như vậy, nhung có lẽ do ngoại hình của chúng na ná giống nhau, cho nên thành ngữ “rắn đổ nọc cho luơn” mới xuất hiện.
Thực tế, lươn vẫn là lươn, rắn vẫn là rắn, vàng thau không thể lẫn lộn.
Nhưng dân gian đã mượn hình ảnh này để lên án kẻ gây ác lại đổ vấy tội cho người hiền lành vô tội (theo lối dựa vào hình thức để đánh lận con đen!)
“Nó là một thằng rất lì lợm. Mặc dù tội lỗi nó rõ ràng, nhưng hắn định giở trò rắn đổ nọc cho lươn”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 May 2017

281 Rét nàng Bân

Rét nàng Bân là rét tháng Ba (Âm lịch), thường là đợt rét nhẹ. Trong dân gian, người ta thường lưu truyền câu:
Tháng Giêng rét đài,
Tháng Hai rét lộc,
Tháng Ba rét nàng Bân.

Bình thường thì ở miền Bắc nước ta, tháng Chạp là tháng rét nhất trong mùa đông. Tháng Giêng là tháng cuối mùa đông, tuy vẫn còn rét, nhưng đã ấm dần lên và bắt đầu có mưa xuân, thời tiết đó rất thuận lợi cho sự phát triển đài hoa, vì thế rét tháng Giêng được gọi là “rét đài”. Tháng Hai là tháng vẫn còn rét nhẹ, nhưng ấm hơn và mưa xuân nhiều hơn, nên thuận lợi cho cây nẩy lộc (lá), đâm chồi. Vì thế rét tháng Hai được gọi là “rét lộc”. Còn vì sao rét tháng Ba lại được gọi là “rét nàng Bân”? Truyện kể rằng nàng Bân rất thương yêu chồng, may áo rét cho chồng. Nhưng nàng may chậm quá, mãi đến tháng Ba mới may xong. Mà sang đến tháng Ba (Âm lịch) thì nắng ấm rồi, chứ đâu còn rét nữa!? Nàng buồn lắm. Cảm thông với tấm lòng chân thành của nàng đối với chồng, thương tình, trời ban cho nàng một đợt rét nhẹ vào tháng Ba để chồng nàng có dịp được mặc tấm áo rét do chính tay vợ mình may. Vì thế mà rét tháng Ba được gọi là “rét nàng Bân”.
“Rét nàng Bân” thường là đợt rét nhẹ. Tuy nhiên cũng có năm, vào tháng Ba cũng có đợt rét kéo dài và rất đậm, đến mức mà “tháng ba bà già chết rét”. Phải chăng những năm rét như thế là do trời thương nàng Bân nhiều hơn?!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 May 2017

282 Rối (như mớ) bòng bong
Rối (như) canh hẹ


Các câu thành ngữ này, dùng để chỉ tâm trạng hoặc sự việc khó gỡ ra được vì không tìm thấy đầu mối. Hầu như mọi người đều đã nghe câu thành ngữ này, nhưng không phải tất cả mọi người đều biết "mớ bòng bong" là gì.
Hình dưới đây là loài dây leo hoang dại có tên là dây bòng bong. Thân (dây) của loài này toàn là cellulose nên rất chắc. Trước khi có dây nylon người dân dùng dây này để cột các vật dụng cần thiết, kết nối để làm các dụng cụ đánh bắt cá như lờ, lọp, trúm...

Image


Một ý khác “bòng bong” là những xơ tre, nứa, v.v... vót ra, dày, mảnh, ngắn, dài cuộn xoắn vào nhau khó gỡ được ra rành rẽ từng cái một.
Canh hẹ là canh nấu lá cây hẹ (một loại cây cùng họ với hành, lá dẹt và dài, thường dùng nấu canh) khi chín, lá hẹ teo nhỏ lại rối vào nhau, cả bòng bong và canh (lá) hẹ, vì vậy, thường được dân gian ví với sự rối rắm, khó nhìn nhận được một cách rành rẽ. Thí dụ:
“Một lô chi tiết và những đường nét, cứ rối như canh hẹ”
“Đối với tôi, hệ thống tổ chức chính quyền, nào tổ chức ngang nào tổ chức dọc, vẽ lên bảng như mạng nhện, thật rối như canh hẹ”
“Sao gọi là là dốc Bòng bong nhỉ?
- Vì trên ấy, núi rừng nó cứ lổn ngổn, nó cứ rối như bòng bong”. (Nhiều tác giả, “Giống mới trên đồi hoang”).

Từ nghĩa đen, biểu thị thuộc tính cụ thể của sự vật như thế, rối (như) bòng bong và rối (như) canh hẹ còn được dùng với nghĩa rộng, nói về sự rối rắm phức tạp của những sự vật trừu tượng làm rối tâm trí con người.
“Hàng trăm thứ việc linh tinh dồn đến, rối như canh hẹ”.
“Cai Hương vẫn cứ há mồm ra với ý nghĩ luẩn quẩn còn đang rối bòng bong trong đầu hắn” (Vũ Cao, “Những người cùng làng”).
“Chị nghĩ đến chồng, đến mối lo rối như canh hẹ trong lòng” (Xuân Sách, “Rừng bên sông”).

Để nhấn mạnh tình trạng rối rắm đôi khi người ta dùng biến thể so sánh “hơn” rối hơn canh hẹ:
Trong tiếng Việt, còn có một loạt thành ngữ đồng nghĩa và gần nghĩa với hai thành ngữ trên. Đó là các thành ngữ: rối như đèn cù, rối như gà mắc đẻ, rối như gà mắc tóc, rối như ổ quạ, rối như ruột tằm, rối như tơ, rối như vò, rối như tơ vò, rối tinh rối mù, tuy nhiên mỗi thành ngữ còn có những sắc thái riêng, cần được phân biệt trong sử dụng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 14 May 2017

283 Rồng đến nhà tôm

Theo các nhà nghiên cứu thì rồng chỉ là một con vật tưởng tượng không có thật trong đòi sống thực tế, mặc dù thực tế cổ xưa đi nữa. Thế nhưng có lẽ, không người Việt Nam nào mà lại không quen thuộc với cái tên “con rồng” (âm Hán-Việt là long) và những hình ảnh tưởng tượng về nó, cũng như trong truyền thuyết, văn thơ về con vật huyền thoại này.
Theo từ điển Việt Nam của Lê Văn Đức thì rồng là “con vật mình dài, vảy to, miệng rộng, một gạc, chân có vảy, sinh dưới nước mà biết bay trên mây, đứng đầu trong tứ linh” (long, ly, quy, phượng, bốn con vật linh thiêng). Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên) cũng định nghĩa rồng là “con vật tưởng tượng mình rắn có chân tượng trưng cho uy quyền nhà vua trong chế độ phong kiến”.
Người Việt Nam ta, ai chẳng tự hào với truyền thống “con Rồng cháu Tiên” và câu chuyện Lạc Long Quân - Âu Cơ thời trăm trứng. Từ xa xưa, trong quan niệm của người Việt Nam, rồng tiêu biểu cho sự cao cả vĩ đại, cho nên không lạ gì tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam (cũng như Trung Quốc) đều lấy rồng làm biểu tượng cho quyền lực tuyệt đối của nhà vua: long nhan là mặt vua, long sàng là giường vua, thuyền vua thì gọi là thuyền rồng, xe vua thì gọi là long xa v.v… Con rồng truyền thuyết ấy đã đi vào văn chương nghệ thuật với tất cả hào quang của nó. Thời nhà Lý, nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập lâu dài, hình tượng con rồng xuất hiện trong nghệ thuật điêu khắc của kiến trúc các đình chùa với thân hình tròn lẳn, uốn lượn như cuộn sóng, bờm vươn tỏa mềm mại, bốn chân có dáng uyển chuyển như bốn phương. Trong dân gian hình ảnh con rồng cũng luôn tượng trưng cho những gì cao quý, lý tưởng trong cuộc sống:
“Làm trai lấy được vợ hiền,
Như cầm đồng tiền mua được của ngon
Phận gái lấy được chồng khôn,
Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng”

(Ca dao)
Cũng từ quan niệm ấy mà có câu thành ngữ “rồng đến nhà tôm”. Ở đây con rồng đã được đặt trong thế đối lập với con tôm - một động vật thân giáp “tầm thường” sống dưới nước, theo quan niệm thẩm mỹ của dân gian, để ví trường hợp người cao quý đến thăm kẻ tự coi là thấp hèn. Câu thành ngữ thường dùng trong lời nói có tính chất đùa vui và nhún nhường của chủ nhà đối với khách:
“Ấy chào bác giám đốc (…). Sao hôm nay rồng đến nhà tôm thế này” (Trần Tự, “Điểm lửa”).
“Tết năm sớm, cậu có lòng quá bộ lại chơi thế này thật là quý hóa quá! Thật là rồng đến nhà tôm. Cậu ngồi chơi xơi trầu, cháu nó về bây giờ đấy ạ!” (Chu Thiên, “Bóng nước Hồ Gươm”).

Câu thành ngữ “rồng đến nhà tôm” chẳng nhằm đề cao ai và hạ thấp ai. Đó chỉ là một lối nói khiêm nhường một nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, thể hiện lòng hiếu khách của người Việt Nam ta.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Sep 2017

284 Ruột để ngoài da

Trong ý thức của con người, lòng, ruột là nơi sâu kín, có thể ghi nhớ mọi nỗi niềm, chôn chặt mọi điều bí mật. Mọi chuyện trên đời không chóng thì chầy cũng có thể biết được, song với lòng người đâu dễ dàng như vậy. Ca dao đã từng có câu:
“Sông sâu đáy biển dễ dò
Lòng người sâu thế ai đo cho tường”.

Ấy thế mà trong dân gian lại có câu thành ngữ ruột dể ngoài da âu cũng là điều lạ. Ở đây, nếu như gan ruột là nơi ghi nhớ, và giấu kín mọi nỗi niềm thì thành ngữ ruột để ngoài da lại phủ nhận hai đặc trưng đó. Trước hết, ruột để ngoài da biểu thị sự hay lãng quên, sự vô tâm vô tính của con người:
“Bà Tư đay nghiến con gái nào là ruột để ngoài da, nào là vô tâm vô tính” (Mai Ngữ, “Đất nước”).
Sau nữa, ruột để ngoài da chỉ đặc tính hay bộc tuệch bộc toạc, có gì nói đấy, ít giữ ý, giữ tứ trong nói năng.
“Giọng anh nói như bộc bạch hết tâm tính, một con người ruột để ngoài da”
Cũng vậy, bụng để ngoài da, một biến thể của ruột để ngoài da, có hai ý nghĩa tương tự: chỉ sự vô tâm và bộc tuệch bộc toạc của con người.
“Nhất là đã có dịp tiếp xúc với cô thì một người dù có bụng để ngoài da cũng không có thể quên được” (Lê Phương, “Thung lũng Cô Tan”).
“Tuyên thì bụng để ngoài da, không đồng ý cứ nói toạc ra ngay, thấy khuyết điểm là phê bình thẳng cánh”
Last edited by bevanng on 30 Sep 2017, edited 1 time in total.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Sep 2017

285 Rước voi (về) giày mả tổ

Trong tâm thức của người Việt Nam, mồ mả tổ tiên là một chứng tích thiêng liêng mà con cháu có nghĩa vụ phải giữ gìn bảo vệ. Vì thế, kẻ nào động chạm đến mồ mả tổ tiên thì là kẻ đã gây ra một sự xúc phạm không thể tha thứ. Nếu kẻ xúc phạm ấy lại chính là con cháu thì đó là kẻ bất nghĩa là kẻ phản bội tổ tiên, nòi giống. Cho nên “rước voi (về) giày mả tổ” là hành vi biểu trưng cho sự phản bội Tổ quốc, phản bội đồng bào ruột thịt của mình.
Cùng nghĩa với rước voi giày mả tổ trong tiếng Việt còn có thành ngữ “cõng rắn cắn gà nhà”. Song nghĩa của thành ngữ này có phần không mạnh mẽ và sâu sắc bằng thành ngữ “rước voi giày mả tổ”. Hãy so sánh: “Tôi biết rằng các người đều là công dân Việt Nam, song vì bị ngoại bang ép buộc, bị chúng lường gạt, cho nên đi cầu lụy chúng, chứ thật không ai muốn cõng rắn cắn gà nhà, rước voi giày mả tổ, chống lại Tổ quốc để mang tiếng.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 33 guests