Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 28 Jan 2017

196 Mạt cưa mướp đắng

Có một cuộc hội ngộ thật ngẫu nhiên và đầy lý thú. Một anh chàng rao bán cám làm thức ăn cho lợn gà, mà trong gánh chỉ rặt một thứ mạt cưa! Lại nữa một kẻ rêu rao bán dưa chuột, nhưng những thứ bán ra chỉ toàn là mướp đắng! Chả là về ngoại hình thì “mạt cưa” trông cũng từa tựa như cám, và “mướp đắng” cũng khó phân biệt với dưa chuột mà lại! Và, trớ trêu thay cái phường mạt cưa mướp đắng ấy lại gặp nhau!
“Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”

(Nguyễn Du. “Truyện Kiều”)
Thành ngữ “mạt cưa mướp đắng” hay “mướp đắng mạt cưa”, do chỗ được hình thành từ câu chuyện vui như trên, cho nên trước hết nó được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa đảo trong xã hội. Trong sử dụng, thành ngữ này còn có thể được dùng để chỉ chính ngay hành vi bịp bợm của những hạng người xảo trá, đê tiện.
“Chính vì vậy mà bọn bịp bợm không thể vàng thau lẫn lộn, mướp đắng mạt cưa, không tôn trọng khách hàng chuyên bán hàng giả mạo, khiến người mua phải ngậm đắng nuốt cay”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 28 Jan 2017

197 Máu ghen Hoạn Thư

Đã đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du mấy ai quên được Hoạn Thư, con người “Ở ăn thì nết cũng hay. Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Mà nhớ nhất là sự đánh ghen của người đàn bà họ Hoạn này, cái ghen sâu sắc, âm thầm mà độc địa, tàn khốc.
Khi biết tin chồng đi lấy vợ lẽ, Hoạn Thư giận lắm nhưng không hề để lộ cho ai biết, thậm chí còn trị tội bọn gia nhân khi chúng định mách bảo để tâng công. Khi Thúc Sinh về đến nhà, Hoạn Thư sai bày rượu tiếp đón vui vẻ như không có gì xảy ra. Thấy thế Thúc mừng lắm, yên trí là vợ chưa biết, cho nên cũng “ngậm tăm” luôn cái chuyện vợ lẽ kia. Hoạn Thư như “đi guốc trong bụng” chồng, đúng lúc Thúc Sinh đang nôn nao nhớ Kiều thì Hoạn Thư gọi ý là Thúc nên quay lại Lâm Truy. Được lời như cởi tấm lòng, Thúc vội vàng lên ngựa ra đi. Chỉ chờ có vậy Hoạn Thư cũng vội lên xe về Tích Giang thăm cha mẹ đẻ và một cuộc đánh ghen bắt đầu.
Hoạn Thư thuê bọn côn đồ Ưng Khuyển đi đường tắt sang Lâm Truy bắt cóc Kiều. Đầu tiên họ Hoạn cho Kiều một trận đòn phủ đầu, sau đó cho về làm con hầu nhà Hoạn Thư với tên mới là Hoa Nô. Nói về chàng Thúc, sau khi tưởng Kiều đã chết, tỏ ra đau đớn lắm nhưng rồi nỗi đau cũng nguôi dần. Rồi một hôm chàng lại đánh đường về thăm vợ cũ quê xưa. Thật trớ trêu là cái bẫy của Hoạn Thư đã giăng sẵn chờ chàng. Khi Thúc vừa về đến nhà lập tức Hoạn Thư cho gọi Kiều ra hầu hạ. Thúc Sinh và Kiều gặp nhau mà như trong cơn ác mộng, lòng dạ cứ rối bời, không hiểu là thật hay là do ma quỷ! Thật là một cách đánh ghen kỳ lạ, “giết người không dao” vậy. Chưa hết Hoạn Thư còn bắt Kiều phục dịch hầu hạ hai vợ chồng mình nữa. “Bắt khoan bắt nhặt đến lời. Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay”. Còn nữa, Hoạn Thư còn bắt Kiều đánh đàn hầu rượu. Tiếng đàn “như khóc như than” của Kiều làm cho Thúc Sinh tan nát lòng bao nhiêu thì Hoạn Thư càng hởi lòng hởi dạ bấy nhiêu. Sau đó, nể lời đề nghị của chồng, Hoạn Thư cho Kiều ra Quan âm các để tụng kinh niệm Phật với cái tên mới Trạc Tuyền. Đã là tình cầm sắt mà phải giả bộ làm ngơ, dù gần nhau gang tấc, chàng Thúc đau khổ lắm. Một hôm nhân khi Hoạn Thư về thăm mẹ đẻ, Thúc lẻn ra tình tự với Kiều. Hai bên đang kể lể nỗi lòng, thở than sùi sụt thì Hoạn Thư đã trở về và nghe hết mọi chuyện. Sau đó Hoạn Thư vào Quan âm các đàng hoàng vui vẻ chào hỏi hai người, khen tài hoa Thúy Kiều rồi khoác tay chồng cùng về nhà như không hề biết chuyện gì. Cách xử sự của Hoạn Thư làm Kiều kinh ngạc “Đàn bà thứ ấy cũng âu một người”. Từ kinh ngạc đến run sợ, và ngay đêm đó Kiều đã quyết định trốn khỏi nhà Hoạn Thư để bắt đầu một chặng đời lưu lạc mới của mình. Điều đặc biệt là trong suốt quá trình đánh ghen, Hoạn Thư không hề hỏi đến và làm như tuyệt nhiên không biết gì về quan hệ giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều, cứ coi như hai người không hề quen biết nhau vậy!
“Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen” đến nỗi Thúc Sinh lấy Kiều rồi mà phải bó tay, còn Kiều thì kinh sợ mà chạy trốn! Cho đến nay “Máu ghen Hoạn Thư” chắc vẫn còn nhiều người ngán ngẩm và kiêng nể! Đã đành là, “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Nhưng để biến một kiểu ghen thành di sản văn hóa, - tâm lý điển hình cho một lớp người và được xã hội hóa, dân gian hóa, như lối ghen của Hoạn Thư thì không có nhiều trong văn hóa thế giới. Nguyễn Du ơi! Không phải sau ba trăm năm, mà rồi sẽ mãi mãi, người đời vẫn còn khóc vì tài và mệnh của một con người.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 28 Jan 2017

198 Mất hút con mẹ hàng lươn

Đã có cách hiểu rằng, chị hàng lươn đã có một hành vi gian dối, lừa đảo nào đó đối với khách hàng chăng, và sau đó vì sợ bị vạch mặt, vì xấu hổ mà biệt tăm, không bao giờ thấy mặt nữa, và thế là… mất hút!
Cách hiểu như trên bị bác bỏ ngay vì đã tỏ ra không am hiểu thực tế. Con lươn sống trong bùn, chui sâu xuống bùn để lại cái hút của nó, tức là chỗ nó luồn qua mà bùn đất vừa mới khép lại phía sau (giống như cái hút của quả bom cắm sâu xuống lòng đất). Người bắt lươn, theo dõi đường đi của lươn đến một lúc nào đó không tìm ra dấu vết của cái hút ấy nữa gọi là mất hút.
Thế nhưng cách hiểu này cũng chưa thật ổn. Nếu quả đấy là cái hút của con lươn thì thành ngữ phải nói là “mất hút con lươn” hoặc “mất hút con mẹ nhà lươn” chứ tại sao lại nói “mất hút con mẹ hàng lươn”? Rõ ràng ở đây không chỉ có con lươn mà còn có vai trò của một chị thương nhân không được coi trọng đến mức phải gọi là “con mẹ”. Song dù hiểu theo cách nào thì thành ngữ này cũng nói về người nào đó tự nhiên đi mất, biệt tăm không biết đâu mà tìm, dùng trong cách nói “có pha chút hài hước của khẩu ngữ”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 28 Jan 2017

199 Mất mặn mất nhạt

“Mất mặn mất nhạt” là một thành ngữ khá thông dụng trong tiếng Việt, biểu thị tính chất quan hệ giữa người với người. “Lão ta bướng bỉnh, ăn nói bốp chát, khi mất mặn mất nhạt. Nhưng được cái lão ta không có tâm địa nào” (Đỗ Quang Tiến, “Làng tề”).
Mặn, nhạt vốn là những từ biểu thị mức độ khác nhau của vị muối. Mặn chỉ sự đậm đà thiết tha của tình cảm con ngươi. Khi một người có vẻ hay chuyện và có duyên nói chuyện người ta nói người ấy “mặn chuyện”, khi tình cảm đã trở nên đậm đà, sâu sắc người ta nói đó là “mặn tình”. Mặn ở đây mang nghĩa giống như mặn trong các từ mặn nồng, mặn mà, mặn duyên v.v… Còn “nhạt” trong thành ngữ trên có nghĩa hoàn toàn ngược lại với mặn. Nhạt biểu thị tình cảm hời hợt nhạt nhẽo của con người với nhau. Đó cũng là nghĩa nhạt trong lạnh nhạt, nhạt tình, nhạt nhẽo v.v… Với chiều hướng chuyển nghĩa như vậy, mặn và nhạt có thể kết hợp với nhau thành một từ biểu thị ý nghĩa khái quát về các cung bậc tình cảm của con người nói chung:
“Ồ hay! Có chuyện gì mà u nó chong đèn lên để mặn nhạt với người ta đây”
Trong thơ cổ xưa, từ “mặn lạt” là biến thể của từ mặn nhạt cũng được dùng với ý nghĩa đó:
Nọ biết thế tình mùi mặn lạt
Quản bao nhật nguyệt bữa đầy vơi.

(Hồng Đức quốc âm thi tập)
Như vậy, thành ngữ “mất mặn mất nhạt” được dùng theo phép điệp, xen vào hai vế tạo nên cấu trúc cân đối, hoàn chỉnh của một thành ngữ bốn âm tiết. Thành ngữ này được dùng để nói về tính thô bạo, thiếu mềm mỏng, không có sự kiêng nể gì nữa trong cách nói năng, đối xử giữa người với người:
“Cậy tuổi cha tuổi chú, ông nói mất mặn mất nhạt với những chị thợ cấy đi muộn về sớm.” (Văn nghệ, 27-12-1974).
“Đán và Thụ mất đoàn kết với anh em Du Lâm, nhiều lần nói năng mất mặn mất nhạt” (Chu Văn, “Đất mặn”).
Ngoài ra, thành ngữ trên cũng chỉ sự đối xử thô bạo nói chung: “Thà chịu ngay mười lép đi thì người ta còn thỉnh thoảng đi lại với mình. Làm mất mặn mất nhạt thì người ta hết lại đoái hoài, đã làm gì được người ta” (Nam Cao, “Tác phẩm II”).
Nói chung, thành ngữ mất mặn mất nhạt thường biểu thị sự thô bạo trong nói năng, đối xử của người nào đó với người khác, song hành vi này có tính nhất thời, chứ không phải bao giờ cũng là sự thể hiện của bản chất xấu:
“Chính những con người lúc thường có thể đánh nhau, chửi nhau mất mặn mất nhạt như thế lại hết sức thương yêu nhau khi tối lửa tắt đèn” (“Tác giả văn xuôi Việt Nam hiện đại”)
Thành ngữ này bao hàm một thái độ phê phán nhẹ nhàng song không có ác ý. Thành ngữ “cạn tàu ráo máng” rất gần nghĩa mất mặn mất nhạt, song “cạn tàu ráo máng” hàm ý phê phán nặng nề hơn nhiều: nó chỉ sự đối sử “tàn nhẫn, không có tình nghĩa với nhau” (Từ điển tiếng Việt, 1988).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 28 Jan 2017

200 Mẹ tròn con vuông

Người ta thường cầu chúc, mong mỏi cho sản phụ sinh nở thuận lợi, dễ dàng bằng thành ngữ “mẹ tròn con vuông”.
“Trời ôi… mong sao cho mẹ tròn con vuông. Ra đảo thì bọn mình cố đùm bọc cho hai mẹ con” (Anh Đức, “Bức thư Cà Mau”).
Cái làm nên cốt lõi ý nghĩa của thành ngữ là khái niệm “tròn, vuông”. Theo quan niệm người xưa, hai khái niệm này chỉ sự hoàn chỉnh. Do vậy, “mẹ tròn con vuông” mới có ý nghĩa “dễ dàng, thuận lợi, trọn vẹn”.
Liên quan tới khái niệm “tròn, vuông” còn có cách giải thích khác nữa. Theo nhiều người, các cụ xưa quan niệm trời tròn, đất vuông. Hẳn ta còn nhớ, một Lang Liêu dẫu không có sơn hào hải vị như các anh mình, nhưng với chiếc bánh dày, bánh chưng biểu trưng cho trời đất, vẫn được vua cha khen ngợi và thưởng hậu nhất. Nhưng cách biểu trưng này có liên quan gì đến người sản phụ không? Chính ở đây, nói “vuông tròn” là nói tới lẽ thuận với trời đất. Cầu mong thuận ý trời đất để “mẹ tròn con vuông” là cầu mong sự sinh đẻ thuận lợi dễ dàng sao cho sản phụ và đứa trẻ sơ sinh được chu toàn khỏe mạnh.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 28 Jan 2017

201 Mê như điếu đổ

X. Say như điếu đổ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 28 Jan 2017

202 Miệng hùm gan sứa

Thành ngữ miệng hùm gan sứa chỉ những người ngoài miệng nói ra tỏ vẻ hùng hổ, mạnh bạo song thực chất lại nhút nhát run sợ. Thí dụ:
“Chị muốn quay lại hỏi lén một anh nào đó xem làm việc đó có khó lắm không, nhưng sợ bị anh em cười, cho chị miệng hùm gan sứa, nói thì giỏi nhưng nghe cái việc đó đã ớn xương sống rồi.”
Ý nghĩa của thành ngữ “miệng hùm gan sứa” hình thành trên cơ sở sự đối lập thực có giữa hai đối tượng là “miệng hùm” và “gan sứa” trong sự kết hợp với tính biểu trưng của hai từ “miệng” và “gan” của tiếng Việt. Ai cũng biết “hùm” là tên gọi dân gian của “hổ”. So với muông thú trong rừng, hổ dữ tợn số một, được suy tôn làm chúa sơn lâm. Sức mạnh và vẻ dữ tợn của hổ thể hiện ra ở hình thể, ở con mắt tráo trợn, ở bộ móng vuốt gai nhọn, ở bộ râu dữ dằn, và đặc biệt là ở mồm miệng với những chiếc răng, chiếc nanh nhọn hoắt. Mỗi lần hổ há miệng gầm rú thì phát ra những âm thanh ghê rợn khiến muôn loài phải khiếp nhược. Ngay cả con người, ngày xưa cũng phải vị nể hổ, không dám gọi đích danh tên tuổi của con vật này mà gọi trại đi thành “ông hùm”, “ông kễnh” kẻo “phạm húy”. Trong ý thức của con người, hổ là biểu trưng của kẻ mạnh. Miệng là từ chỉ cái mồm, cái miệng cụ thể của người và vật, đồng thời vừa là từ chỉ sự hoạt động nói năng của con người. Vì thế, trong ngôn ngữ hàng ngày, miệng là biểu trưng của hoạt động nói năng như ta vẫn thường gặp trong bạo mồm bạo miệng, mồm năm miệng mười, mồm miệng đỡ chân tay… Vậy là khi nói tới miệng hùm thì dân gian cũng hàm chỉ tới cách ăn nói mạnh bạo, dữ dội, táo tợn của con người.
Trong khi đó, sứa lại là một động vật bậc thấp, thuộc ngành xoang tràng với cơ thể cấu tạo giản đơn, tròn vành vạnh như cái dù, trôi nổi bập bềnh trên mặt nước biển. Con vật bậc thấp này không có gan. Vì vậy khi dân gian nói tới thực trạng có thật về sự thiếu trống lá gan trong lòng của bản thân con sứa, đồng thời cũng hàm chỉ sự mềm yếu, nhút nhát của đối tượng mà người ta dùng để đối sánh với gan sứa.
Sự giao kết giữa hai vế miệng hùm và gan sứa đã cho phép dân gian ta khai thác sự trái ngược nghiêm ngặt giữa hình thức thể hiện bên ngoài và thực chất bên trong của con người. Cách thức diễn đạt sự đối lập, sự trái ngược là một trong những lối ưa dùng để tạo lập các thành ngữ tiếng Việt, chẳng hạn như “đầu voi đuôi chuột”, “già trái non hột”, “xanh vỏ đỏ lòng”,… Sự đối lập được toát ra trong thành ngữ “miệng hùm gan sứa” giữa bề ngoài ăn nói mạnh bạo, hùng hổ, quả cảm nhưng trong bụng, trong lòng thì nhút nhát, run sợ. Thí dụ:
“Mới năm lần đọ sức với kẻ thù mà các ông đã vội kiếm cớ rút lui rồi. Tôi chán nhất cái người miệng hùm gan sứa”.
Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ “miệng hùm gan sứa” được dùng khá linh hoạt và mang lại hiệu quả thông tin cũng như sắc thái biểu cảm rất lớn. Thí dụ:
“Đầu voi chán lại thò đuôi chuột
Gan sứa thôi đừng chép miệng hùm”
(Nhiều tác giả, “Thơ văn trào phúng Việt Nam”).
Trong tiếng Việt, thành ngữ “miệng hùm gan sứa” đồng nghĩa với thành ngữ “miệng cọp gan thỏ” và dường như trái nghĩa với thành ngữ “mặt sứa gan lim”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 28 Jan 2017

203 Miệng nam mô, bụng bồ dao găm

Những tín đồ đạo Phật tin rằng: những ai làm nhiều việc thiện, về sau ắt sẽ được lên cõi Niết bàn cực lạc, hưởng hạnh phúc mãi mãi.
Nhưng cũng có những kẻ chỉ mượn danh Phật để lừa dối, hãm hại người lương thiện, ngoài miệng ê a đọc lời tụng niệm “nam mô A di đà Phật” mà trong lòng đầy những mưu đồ, thật là “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”.
Những chiếc bồ làm bằng tre nứa để đựng thóc vốn rất phổ biến ở đồng bằng nông thôn, nay lại được dùng để chứa dao găm. Rõ ràng đơn vị bồ chỉ có hàm ý là rất nhiều, vô kể. Thế rồi, những bồ dao găm ấy lại được ngụy trang bằng tấm lòng từ bi của nhà Phật (lời tụng niệm của những người thường suốt đời hướng tới điều lành, việc thiện). Sự đối lập gay gắt giữa hình thức và nội dung ấy càng làm sự nguy hiểm tăng lên bội phần.
Ngày xưa, ở bên Trung Quốc, dưới triều vua Lý Long Cơ có một ông quan thượng thư tên là Lý Lâm Phu và một ông trung thư là Lý Nghĩa Phủ. Khi tiếp xúc với mọi người, hai ông luôn tỏ vẻ nhã nhặn ôn hòa, nói những lời thân thiện, hoặc thường nở trước nụ cười thân ái, ra vẻ thành khẩn. Kỳ thực, trong bụng họ rất thâm hiểm, thích dò xét, luôn tìm cách hại người khác để mưu lợi cho mình, về sau, những người khác biết được và tìm cách lánh xa, gọi đó là loại người “khẩu mật phúc kiếm, tiếu lý tàng dao” (nghĩa là: “cái ngọt ngào của lời nói có giấu lưỡi kiếm, trong nụ cười có ẩn lưỡi đao”).
Thành ngữ ấy được mượn vào tiếng Việt từ tiếng Hán, dùng để chỉ bản chất của những người mà cái thể hiện ra bên ngoài có vẻ rất tốt, chỉ cốt che giấu tâm địa và hành động bất chính, bất nhân, bất nghĩa. Một dạng gần với thành ngữ gốc nhất là “miệng mật lòng đao”. Cũng có những thành ngữ đồng nghĩa khác là: “khẩu Phật tâm xà”, “miệng thơn thớt dạ ớt ngâm”, “miệng nam mô một bồ ớt ngâm”. Song thành ngữ được dùng phổ biến nhất là: “Miệng nam mô, bụng bồ dao găm”.
“Đối với bọn xâm lược, bản tuyên bố đó làm cho bọn chúng lộ rõ chân tướng ngoan cố, hiếu chiến, xảo quyệt của chúng, ngoài miệng đọc nam mô, trong lòng chứa một bồ dao găm”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 28 Jan 2017

204 Miệng quan trôn trẻ

Thành ngữ này trước hết dùng để chỉ tính tùy tiện, đúng sai bất chấp, tiền hậu bất nhất trong lời nói của lớp người quyền cao chức trọng trong xã hội. Thí dụ:
“Miệng quan trôn trẻ, hắn nói xoèn xoẹt suốt ngày môi không dính mép, tin sao được?”
Điều đáng chú ý, thành ngữ này không chỉ dừng lại để chỉ hình thức, mức độ nói năng như vậy mà còn đi sâu đánh giá bản chất hành vi nói năng của bọn người này. “Miệng quan trôn trẻ” chính là lời phê phán bình phẩm hành vi nói năng tùy tiện, không đáng tin cậy của bọn người tự coi mình là “cha mẹ” của dân.
“Mẹ kiếp, miệng quan trôn trẻ, lúc thì sức cấm, lúc thì bắt ra hợp chợ đem hàng đến bán, ai tin được!” (Chu Thiên, “Bóng nước hồ Gươm”).
“Miệng quan trôn trẻ” có lẽ là dạng rút gọn từ hình thức so sánh “miệng quan” như “trôn trẻ”. Quan là người thay mặt vua để trị vì dân, mỗi lời nói cửa miệng đáng là vàng ngọc, ấy thế mà bị so sánh với “trôn trẻ” tức là cái “bộ phận bài tiết” của con người mà hoạt động của nó ở trẻ rất tùy tiện, loẹt xoẹt suốt ngày, chẳng có lề, có luật gì. Cái cay đắng, cái trớ trêu tự thân được bộc lộ qua phép so sánh này. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất là qua sự so sánh này cái ý nghĩa “nói nhiều, nói tùy tiện, không đáng tin cậy, lúc thế này, lúc thế nọ” được hình thành như thế nào? Cái chính là người có quyền lực như quan thì nói như thế nào, phán như thế nào cũng được, chẳng ai cấm đoán và dám cãi vã. Chẳng thế mà dân gian có câu “Muốn nói oan, làm quan mà nói”! Miệng quan là như vậy. Còn trôn trẻ thì cũng chẳng khác bao nhiêu. Trong việc bài tiết, trôn trẻ cứ vô chừng, tùy tiện, khó mà biết trước được. Đặt hai bộ phận cơ thể khác nhau của hai đối tượng khác nhau nhưng lại có sự tương đồng về sự tùy tiện trong hoạt động, dân gian ta khéo lẩy ra cách đánh giá về lời ăn tiếng nói của bọn quan lại, bọn có quyền lực lộng hành với thâm ý đả kích nghiệt ngã. Thậm chí, sự đả kích, sự đánh giá đó được đẩy lên tới mức tố cáo bản chất của bọn chúng. “Miệng quan trôn trẻ” tố cáo tất cả bọn quan lại với chức quyền trong tay phán xét, chụp mũ, vòi vĩnh những người lao động một cách vô độ quá đáng. Thí dụ:
“Miệng quan trôn trẻ, tiền vào quan như than vào lò… Biết thế nào cho đúng, cho vừa, cho đủ, cho phải” (Nguyên Hồng, “Thời kỳ đen tối”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 28 Jan 2017

205 Mỏng mày hay hạt

Khi gặp một người phụ nữ trẻ trung với khuôn mặt nhẹ nhõm, xinh xắn, người ta thường nhận xét đó là vẻ mặt “mỏng mày hay hạt”. Thí dụ:
“Một vẻ mặt rất đàn bà, rất đẹp nhưng khác với những vẻ mặt đàn bà bình thường ở chỗ từ bi, mỏng mày hay hạt”
Vậy vẻ mặt “mỏng mày hay hạt” là vẻ đẹp của toàn bộ hay chỉ là những nét chấm phá trên khuôn mặt người phụ nữ? Phải chăng đó là đường nét của đôi lông mày: “Những người đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”. Và, cả vẻ đẹp của hàm răng xinh xắn nữa chăng? “Một thương bỏ tóc đuôi gà, Hai thương ăn nói mặn mà có duyên, Ba thương má lúm đồng tiền, Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém xa”. Dân gian ta đã nhấn mạnh vẻ đẹp của nét mày, của hàm răng như là điểm chính yếu, cốt lõi tạo nên sắc đẹp người con gái. Nói “mỏng mày hay hạt” là nói đến đôi lông mày thanh tú, hàm răng đều đặn xem ra cũng rất có lý. Nhưng rồi ngẫm nghĩ kĩ vẫn thấy có điều gì chưa ổn lắm trong cách lý giải trực tiếp này.
Quả nhiên là như vậy! Cái vẻ đẹp “mỏng mày hay hạt” mà dân gian đã dùng để nói về khuôn mặt người phụ nữ là kết quả của sự đối sánh gián tiếp, gắn liền với hạt lúa, hạt ngô đã từng nuôi ta qua năm, qua tháng, qua ngày. Thực ra, câu thành ngữ này, được xuất phát từ trong công việc chọn giống của nhà nông. Đối với họ, những hạt ngô, hạt lúa mỏng mày là hạt tốt, hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu. Do đó, để hiểu thành ngữ “mỏng mày hay hạt”, trước hết phải hiểu rõ nghĩa của chữ “hạt”, của chữ “mày” trong thành ngữ này. Mày chính là lá bắc ở cuống hoa của cây lúa, cây ngô, về sau tồn tại dưới dạng hai lá vảy ở gốc quả (ta vẫn quen gọi là hạt). Như thế, mày và hạt dính liền nhau, quan hệ với nhau như hình với bóng. Theo kinh nghiệm của nhà nông, những hạt lúa, ngô có mày mỏng thì sẽ rất hay, rất tốt, có thể dùng làm giống cho mùa sau. Căn cứ vào điều này, tác giả Nguyễn Lân trong cuốn “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (NXB. VH, 1989) đã giải thích ý nghĩa thành ngữ mỏng mày hay hạt là “mày càng mỏng thì hạt càng tốt”. Tuy nhiên, cách giải thích này chỉ đúng với cách chọn hạt giống chứ không đúng với ý nghĩa được hàm chỉ trong thành ngữ “mỏng mày hay hạt”. Người Việt nói tới việc chọn hạt giống nhưng thực ra để nói đến việc chọn người. Dân gian ta đã nhìn thấy điểm chung nhất của con người và hạt giống ở sự hứa hẹn mùa đơm hoa kết trái trong tương lai. Nhờ có điểm tương đồng này mà người đời mới có cơ sở lấy hạt giống mỏng mày hay hạt để nhận xét để ví với dung nhan tướng mạo người phụ nữ. Người được xem là “mỏng mày hay hạt” là người có khuôn mặt nhẹ nhõm, dịu hiền, sáng sủa và có lẽ theo kinh nghiệm dân gian nó cũng hứa hẹn những gì tốt đẹp đằng sau đó về tính đảm đang, tháo vát, và khả năng duy trì phát triển giống nòi. Vì lẽ đó, khuôn mặt “mỏng mày hay hạt” không hẳn là phải tuyệt đẹp, nhưng nhất thiết là dễ ưa và có nhiều hy vọng tốt cho tương lai. Thí dụ:
“Khi còn trẻ, vợ Phúc khá xinh, mỏng mày hay hạt, cô hàng xén thạo đời và tháo vát” (Chu Văn, “Đất mặn”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 28 Jan 2017

206 Môn đăng hộ đối

Trong chế độ phong kiến, đôi lứa kết duyên, nên vợ nên chồng đâu chỉ vì tình yêu của họ, đâu phải vì “đôi lứa xứng đôi”. Cái quan trọng, cái cốt lõi trong hôn nhân thời ấy là “môn đăng hộ đối”, tức là hai gia đình thông gia phải có sự ngang nhau về nhà cửa, của cải, và tương đương nhau về địa vị xã hội:
“Phú ông một hôm mắng em và bảo: “Bao nhiêu đám môn đăng hộ đối không lấy, phải chăng muốn lấy con nhà chùa?” (Nguyễn Đổng Chi, “Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam”).
“Môn đăng hộ đối” trước hết là tương xứng về nhà cửa, gia thế. Các yếu tố môn, hộ có nghĩa là “cửa, nhà” các yếu tố đăng, đối được tách ra từ tổ hợp đăng đối với nghĩa là “ngang bằng, đối hợp nhau”. Vậy là, từ chỗ so sánh rất cụ thể về cái nhà, cái cửa, thành ngữ “môn đăng hộ đối” được mở rộng nghĩa để chỉ gia thế, địa vị xã hội giữa hai bên. Đôi lứa, duyên số phù hợp nhau, xứng đáng kết tóc xe tơ chỉ khi địa vị gia đình họ ngang bằng nhau:
“Nói thật, nếu thầy Phùng chẳng trót đã… thì bây giờ nên vợ nên chồng rồi… Một bên là con ông Chánh Trương, một bên là con gái ông Chánh Chủ tịch, môn đăng hộ đối lắm” (Chu Văn, “Bão biển”).
Xã hội phong kiến không chấp nhận những câu chuyện tình giữa các đôi lứa thuộc đẳng cấp chênh lệch nhau:
“Một công tử con quan tể tướng lại lấy một cô gái lái đò làm vợ thì còn đâu là môn đăng hộ đối” (Vũ Ngọc Khánh, Đỗ Thị Hảo, “Giai thoại Thăng Long”).
Biến thể của thành ngữ “môn đăng hộ đối” là “môn đương hộ đối”. Dạng thức này có ý nghĩa và cách dùng tương tự như “môn đăng hộ đối”.
“Ừ, em vua nước Tây làm rể hoàng đế nước Nam, môn đương hộ đối như thế, tưởng cũng không mấy người có được” (Danh nhân Hà Nội).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 28 Jan 2017

207 Mồng một thì ở nhà cha,
Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy


Người Việt Nam ta vốn có truyền thống tốt đẹp là “tôn sư, trọng đạo”. Ngày xưa, theo quan niệm của Khổng giáo, thì về đẳng cấp trong xã hội, thầy được xếp sau vua, trước cha; theo thứ bậc “quân (vua), sư (thầy), phụ (cha)”. Sự sắp xếp theo thứ bậc này là sự sắp xếp hợp đạo lý thời quân chủ (bây giờ thì cha mẹ là nhất, Google là nhì). Bởi lẽ, dưới con mắt của dân gian, thì “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (dạy một chữ là thầy, mà dạy nửa chữ cũng là thầy) và “không thầy đố mày làm nên” (tng.). Các thế hệ học trò từ xưa tới nay đều ý thức rõ ràng mình “làm nên”, mình thành đạt trong cuộc sống, có được chút đóng góp nào đó cho đời thì trước hết là nhờ có công lao dạy dỗ của thầy, người đã tận tụy khai tâm, khai trí cho mình. Ở Việt Nam ta, không chỉ học trò, không chỉ các bậc phụ huynh của học trò mà cả xã hội tôn vinh nghề dạy học và tôn vinh những người làm thầy. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì vận mệnh, tương lai của đất nước là phụ thuộc vào các thế hệ học trò, mà chất lượng đào tạo các thế hệ ấy lại phụ thuộc vào các thế hệ làm thầy! Để bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy người Việt Nam có nhiều cách khác nhau. Các thế hệ học trò khác nhau thường tự đứng ra lập “Hội đồng môn” để cùng nhau thăm hỏi thầy trong những ngày lễ, ngày tết, chăm sóc thầy khi thầy già yếu, ốm đau… Đặc biệt là khi thầy lâm chung thì Hội sẽ cùng tang quyến lo ma chay cho thầy và tất cả hội viên đều để “tang tâm” thầy trong ba năm, giống như cách mà con cái để tang cha mẹ mình vậy. “Hội đồng môn” và cái tục “để tang tâm” là một nét rất đẹp biểu thị tấm lồng biết ơn sâu sắc của học trò đối với thầy trong truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người xưa.
Câu “mồng một thì ở nhà cha, mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy” cũng là một câu tục ngữ phản ánh một khía cạnh, một tập tục cụ thể khác cũng rất đẹp trong truyền thống “tôn sư trọng đạo” nói trên. Câu này ghi lại cái lịch đi lễ trong ba ngày tết nguyên đán của các thế hệ học trò:
“Mồng một thì ở nhà cha” tức là ngày mồng một tết phải đến chúc tết cha mẹ, lễ gia tiên bên nội (“nhà cha”).
“Mồng hai nhà mẹ” tức là ngày mồng hai tết phải về bên ngoại (“nhà mẹ”) để chúc tết và lễ gia tiên bên ngoại.
“Mồng ba nhà thầy” tức là ngày mồng ba tết phải đến chúc tết, bái chào thầy và lễ gia tiên “nhà thầy”. (Bây giờ là chào hỏi Google)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Jan 2017

208 Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ

Một trong những truyền thống đạo lý cao đẹp của người Việt Nam xưa và nay là thương người như thể thương thân. Đặc biệt, trong hoạn nạn, gian khổ thì đạo lý đó được nhân lên gấp bội. Một ai đó trong cộng đồng gặp hoạn nạn thì tất cả tập thể cùng chia sẻ nỗi bất hạnh, thương đau riêng đó. Tục ngữ “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” nói lên cái cốt lõi của tinh thần đạo lý đẹp đẽ ấy.
“Khi một nơi bị giặc tàn phá hoặc bị bão lụt đói rách thì cả nước cảm thấy đau thương như một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” (Vũ Khiêu, “Anh hùng và nghệ sĩ”).
Trong cách khuyên bảo về đạo lý người ta thường mượn vật để nói người và nói một cách sâu sắc: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”… Và ở đây cũng vậy! “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” được chia làm hai vế “Một con ngựa đau” hàm chỉ sự hoạn nạn của một cá thể; “Cả tàu không ăn cỏ” biểu thị sự chia sẻ của đồng loại. “Tàu” ở đây là danh từ chỉ loại chuồng để nuôi voi nuôi ngựa: tàu voi, tàu ngựa. Tuy nhiên, khi tàu kết hợp với “cả” thành “cả tàu” thì “tàu” lại có ý nghĩa chỉ tập hợp. “Cả tàu” được hiểu là “tất cả thành viên trong một tập hợp”, tức là “tất cả các con ngựa trong một chuồng”. Sự kết hợp hai vế với ý nghĩa riêng ấy tạo thành một chỉnh thể nhằm khuyên bảo mọi người “cần chia sẻ nỗi đau của người khác trong hoạn nạn”. Đằng sau lời khuyên này dường như còn thấp thoáng một lời khuyên khác, “rằng trong hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” trước hết khuyên bảo những người có số phận, cảnh ngộ may mắn hãy biết chia sẻ nỗi rủi ro bất hạnh của những người đang gặp tai họa. Mặt khác, nó còn được mở rộng ý nghĩa, được hiểu là tất cả mọi người cùng cảnh ngộ phải yêu thương đùm bọc lấy nhau, đồng cam cộng khổ với nhau.
“Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Có cùng cảnh ngộ mới biết thương nhau cụ ạ. Cháu cứ nghĩ đến các cụ các bác trong xóm ta đây thật là khổ” (Gian khổ, tr.36).
“Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” còn có các biến thể khác như “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; “một con ngựa đau cả tàu chê cỏ”. Hai dạng thức này mang ý nghĩa như nhau và được sử dụng trong lời ăn tiếng nói của dân gian ta hoàn toàn giống nhau.
“Cháu chả nên nghĩ thế chị cháu ngượng. Chi bằng ta cứ bàn, cứ lo liệu đi. Mai sẽ đến nhà nói chuyện có được không ạ? - Phải đấy! Một con ngựa đau cả tàu chê cỏ, phải làm chứ” (Chu Văn, “Ánh sáng bên hàng xóm”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Jan 2017

209 Một đồng một cốt

Đồng cốt là lối phù phép của bọn thầy bói. Theo phép này, ngươi ta có thể giả chết xuống âm phủ gặp hồn người chết để hỏi chuyện về mách bảo với người sống. Cũng theo phép này người ta làm lễ để cầu hồn người chết về nhập vào xác người sống mà mách bảo, mà phán xét mọi chuyện trần thế, địa ngục. Phép nghiệm được gọi là lên đồng, người được hồn nhập được gọi là ông đồng cốt. Sau này, đồng cốt thường được tách thành ông đồng bà cốt. Dẫu có khác nhau ở điểm nào đi nữa, thì ông đồng, bà cốt cũng chỉ là sản phẩm của đám thầy bói với nhiều mưu ma chước quỷ trong hành nghề. Gắn liền với các thủ đoạn dối trá này, thành ngữ một đồng một cốt trước hết chỉ những người cùng một bản chất gian dối, cùng một giuộc, một phường lừa gạt như nhau:
“Tuy cách nói gian dối có khác nhau, nhưng hai vợ chồng nhà ấy cũng một đồng một cốt thôi” (Dẫn theo Nguyễn Lực, “Thành ngữ tiếng Việt”).
Trong quá trình sử dụng, một đồng một cốt không dừng lại, bó hẹp trong phạm vi phê phán, hàm chỉ những người có thói dối trá lừa đảo mà còn được mở rộng để chỉ những người cùng một bản chất xấu xa, đê tiện như nhau. Thành ngữ một đồng một cốt còn có biến thể là một cốt một đồng:
“Đà đao lập sẵn chước dùng, Lạ gì một cốt một đồng xưa nay”. (Nguyễn Du, “Truyện Kiều”).
Về ý nghĩa và cách dùng, thành ngữ “một đồng một cốt” (một cốt một đồng) tương tự với thành ngữ “mạt cưa mướp đắng”:
“Tình cờ chẳng hẹn mà nên, Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”. (Nguyễn Du. “Truyện Kiều”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Jan 2017

210 Một nắng hai sương

Không phải là con số 1 và 2 cụ thể trong một phép cộng của 1+1 = 2 mà là một và hai trong cách nói theo mô hình kết hợp kiểu một… hai (một vừa hai phải, một sống hai chết):
“Dãi dầu một nắng hai sương,
Bàn tay chăm bón ruộng vườn tốt tươi”

Cũng không phải nắng và sương của ban ngày và ban đêm mùa hạ mà là sự nối tiếp triền miên hết ngày rồi lại sang đêm:
“Ôi hạt lúa từng hai sương một nắng,
Như cuộc đời một nắng hai sương.”

Cuốn sách “Thành ngữ tiếng Việt” của Nguyễn Lực, Lương Văn Đang giải thích thành ngữ “một nắng hai sương” là “sự chịu đựng gian khổ từ sáng sớm đến chiều tối”. Theo cách giải thích này, một số người đã luận giải thành ngữ này một cách sai lầm rằng, một nắng là ánh nắng suốt một ngày, còn hai sương là sương tối và sương sáng. Và, một nắng hai sương là làm lụng vất vả, nắng nôi suốt một ngày trời! Vậy thì, “cuộc đời một nắng hai sương” ở trên là cuộc đời phải chịu bao nhiêu ngày nắng nôi như thế? Có thể “nghĩa đen” là như vậy chăng? Nhưng, dường như ở thành ngữ một nắng hai sương không có sự hạn định thời gian một cách cụ thể (từ sáng đến tối). Chính điều này sẽ biện minh cho dạng thức một sương hai nắng vốn được dùng như một biến thể của thành ngữ một nắng hai sương. Thí dụ: “Bên cạnh các cô áo quần tha thướt là những người công nhân gọn gàng trong bộ đồng phục, khuôn mặt ai cũng vất vả một sương hai nắng vì công việc”
Từ cách dùng đó hướng người ta tìm cách lý giải khác. Quả nhiên, trong tiếng Việt có một loại thành ngữ được cấu tạo theo quy tắc đối và điệp. Thành ngữ “một nắng hai sương” thuộc vào loại đó. Cấu trúc tổng quát của loại thành ngữ này là một A hai B (trong đó A và B cùng một phạm trù ý nghĩa và cùng một từ loại). Thí dụ: một vừa hai phải, một sống hai chết, một ngày vãi chài hai ngày phơi lưới,… Thành ngữ “một nắng hai sương” cũng nằm trong quy tắc cấu tạo như vậy. Điều đáng chú ý là trong thành ngữ “một nắng hai sương” các yếu tố nắng, sương gợi lên sự vất vả gian truân, còn các yếu tố một, hai có tác dụng nhấn mạnh mức độ.
Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ “một nắng hai sương” có thể xuất hiện với những dạng thức biến thể như hai sương một nắng, một sương hai nắng, ở đây, sự nhắc lại ý về số lượng tạo ra cảm giác nhặt, nhiều, liên tục. Và, sự láy lại ý về sự gắt gao của nắng, sự lạnh lẽo của sương gây ấn tượng về sự nhọc nhằn, vất vả, lặng lẽ triền miên, phải chịu đựng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 85 guests