Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 01 Sep 2018

316 Tốt mã giẻ cùi


“Các cô gái đi qua, mấy anh tân binh bàn tán…”… người ta chân quê nó thế, chứ các cậu chỉ bằng vào tốt mã giẻ cùi. Nhầm to. Mà cứ thắng bộ vào xem, gái tỉnh đã dễ ăn đứt” (Xuân Trình, “Xóm vắng”).
Tốt mã là bề ngoài đẹp tốt. Giẻ cùi là một giống chim có bộ lông đẹp sặc sỡ, đuôi dài, nhưng nó lại hay ăn phân chó. Do đó có câu:
Giẻ cùi tốt mã dài đuôi
Hay ăn cứt chó ai ưa (nuôi?) giẻ cùi

Công và trĩ cũng “tốt mã” như giẻ cùi, nhưng được người ta quý và thường nuôi làm chim cảnh vì chúng vừa đẹp vừa không ăn bẩn.
Khi mắng ai đó là cái đồ “giẻ cùi” thì có nghĩa là ta đã coi người đó là kẻ chỉ có cái “mã” tốt, chứ không biết làm lụng, không chịu học hành, chỉ ăn diện vô ích. Do đó, thành ngữ “tốt mã giẻ cùi” thường dùng với nghĩa bóng là chỉ đẹp người mà không đẹp nết, chỉ đẹp cái mã bề ngoài, mà thực chất bên trong lại chẳng ra gì.
Thành ngữ tương đương là “tốt mã rã đám” như: Bọn họ đều là cọp giấy, tốt mã rã đám, không cần phải sợ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 01 Sep 2018

317 Tự lực cánh sinh


“Tự lực cánh sinh” là phương châm sống và làm việc của những cá nhân và tập thể có ý thức làm chủ. Thành ngữ này có nghĩa là dựa vào chính sức mình, tự mình làm lấy công việc của mình:
Nếu đã quyết tâm khởi nghiệp hay nhận ra khả năng sáng tạo bản thân, đôi khi chúng ta phải tự lực cánh sinh. Vì sao ư? Bởi không phải những người đi trước nào cũng có tầm nhìn giống chúng ta, có thể họ đã thành công với con đường của họ và mang đến cho chúng ta những lời khuyên để tham chiếu. Do đó, người trẻ phải biết tin tường vào bản thân và quyết định của mình.
Thành ngữ “tự lực cánh sinh” là một tập hợp gồm bốn yếu tố Hán Việt: tự (tự thân), lực (sức), cánh (tốt hơn, thêm mới), sinh (tạo ra, gây nên). Các yếu tố này kết hợp với nhau, tạo thành hai vế: tự lực chỉ phương thức hành động (dựa vào chính sức mình), cánh sinh chỉ mục đích hướng tới của hành động (tạo ra nhiều hơn, làm tốt hơn). Tuy nhiên, trong hoạt động ngôn ngữ "tự lực cánh sinh" chỉ được tri được hiểu bằng nghĩa của vế thứ nhất, còn nghĩa của vế thứ hai dường như bị “lãng quên”! Trong mọi trường hợp, thành ngữ “tự lực cánh sinh” đều được hiểu là dựa vào sức mình, tự mình, do mình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 01 Sep 2018

318 Tứ cố vô thân


Ngoảnh lại nhìn bốn phương nào đó có ai thân thích với mình! Tứ cố vô thân là vậy.

Thành ngữ này là một tập hợp gồm các yếu tố Hán: tứ (bốn), cố (nhìn, ngoảnh), vô (không có), thân (thân thích).
Những ai không có cha mẹ, anh em bà con, không có bạn bề thân thích, không nơi nương tựa, sống cô độc một mình đều được gọi là người tứ cố vô thân:

Thương cảnh "Tứ cố vô thân" ốm đau mà không có người chăm sóc, các bác sỹ làm thủ tục xin cho bà vào Trung tâm bảo trợ.

Tứ cố vô thân không chỉ nói về những cuộc đời, những số phận, những con người bất hạnh, trơ trọi một mình giữa cuộc sống không cha không mẹ, không thân thích bạn bè mà còn được dùng để nói về những vùng xa lạ, nơi “đất khách quê người”.

Cám cảnh cuộc sống người nhập cư Venezuela nơi “Tứ cố vô thân' ... Người đàn bà xây dựng thương hiệu bánh bột lọc nức tiếng ở quê chồng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 07 Sep 2018

319 Tức nước vỡ bờ


Lòng căm thù, sự chán ghét nén chặt và ngày càng bị dồn nén hơn, không thể nào nhẫn nhục, chịu đựng thêm nữa, ắt phải bùng lên, ắt phải có sự đấu tranh, có sự phản kháng mãnh liệt. Đó là hiện tượng “tức nước vỡ bờ”.

“Tức nước vỡ bờ” phơi bày bộ mặt bất lực, bất nhân của chế độ, đồng thời thể hiện sự sâu sắc nỗi thống khổ cũng như sức mạnh phản kháng tiềm tàng của người dân.

“Tức nước vỡ bờ” là hiện tượng tự nhiên đã được hình thành qua sự trải nghiệm và so sánh với tính hiện thực trong đời sống xã hội. Thực tế cho hay, dòng nước dâng lên đến mức độ nào đó có thể xô vỡ bờ ngăn chắn nó. Cũng vậy, trong cộng đồng xã hội của con người, sự chịu đựng, sự nhẫn nhục có giới hạn và có chừng mực nhất định. Một khi bị chèn ép quá độ, tất nhiên không tránh khỏi sự phản ứng quyết liệt, người bị chèn ép sẽ đứng lên phản kháng, trả thù, rửa hận:

“Chém cha cái lũ giặc già
Dân ta tức nước vỡ bờ rồi đây”


Trong vận dụng ngôn ngữ, tức nước vỡ bờ có thể tách làm hai vế nhằm nhấn mạnh tính tất yếu của thế sự: tức nước thì phải vỡ bờ:

“Mủ cao su chảy đông thành máu
Tức nước ngày mai phải vỡ bờ”

(Thơ Tế Hanh) 

Một bài học tiềm ẩn trong tục ngữ tức nước vỡ bờ thật sâu sắc. “Tức nước vỡ bờ” vừa là lời khuyên, vừa là lời cảnh tỉnh đối với mọi người về cách ứng xử giữa người với người trong cuộc sống.

“Làm sao cho dân nó nhờ
Kẻo rồi tức nước vỡ bờ hư hao”

(Vè thất thủ Kinh Đô)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 08 Sep 2018

320 Tha phương cầu thực


Thoạt tiên, “tha phương cầu thực” phản ánh việc bỏ quê hương bản quán đến với phương trời xa lạ để kiếm ăn.

“Họ nhà chuồn chuồn cứ miên man đi tha phương cầu thực nhưng hễ khi trời sắp giông gió thì lại bay qua đồng cỏ may tìm về tránh mưa trong chân cỏ” (Văn học 6, tập hai, tr. 122).

Ý nghĩa ban đầu của thành ngữ này thực ra là sự tổng gộp nghĩa của các thành tố cấu tạo nên nó, tha: khác, lạ (tha phương: phương khác, xứ lạ) cầu: xin, tìm kiếm, thực: ăn, (cầu thực: kiếm ăn, xin ăn, kiếm sống). Trong nhiều trường hợp ý nghĩa của thành ngữ “tha phương cầu thực” không tách khỏi ý nghĩa các thành tố. Ý nghĩa của nó là sự phản ánh trực tiếp ý nghĩa các thành tố trong sự kết hợp với nhau. Vì vậy, tha phương cầu thực chỉ có nghĩa là xin ăn, kiếm sống ở nơi khác.

“Hai vợ chồng cố sức làm lụng để nuôi con nhưng nuôi không nổi. Sau rồi hai vợ chồng nghĩ chỉ có cách cho con đi tha phương cầu thực mới đỡ khổ vì nó” (Nguyễn Đổng Chi, “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, tập hai).

Tuy nhiên, đã là thành ngữ thì tất yếu ý nghĩa của nó phải vượt ra ngoài ý nghĩa của các thành tố, để tạo thành một chỉnh thể khái quát hơn, với sắc thái ngữ nghĩa bóng bẩy hơn. “Tha phương cầu thực” cũng vậy. Nó không đơn thuần chỉ sự xin ăn, kiếm sống nơi khác, mà biểu thị sự lang thang nay đây mai đó để kiếm sống. Trong trường hợp này, “tha phương cầu thực” được dùng như một phụ từ, có khả năng kết hợp và hạn định động từ đi để tạo nên dạng thức đi tha phương cầu thực.

“Nếu là phải bước này, Bính đành bỏ cha bỏ mẹ, bỏ hai em, bế con đi tha phương cầu thực cho xong” (Nguyên Hồng, “Bỉ vỏ”).

Đặc biệt, tha phương cầu thực được dùng để nhấn mạnh về sự phiêu bạt của những cuộc đời, những số phận con người lênh đênh chìm nổi. Với nét nghĩa này, tha phương cầu thực có khả năng kết hợp với các từ chỉ hướng tới, đến, lên, xuống, qua, sang, về, lại… để tạo các dạng thức tha phương cầu thực… Hãy so sánh:

“Đời mẹ Liễu trước đây khổ lắm, cả hai vợ chồng đều là người tha phương cầu thực tới đây”
“Chính nó đã bày vẽ cho bang trưởng người Kinh phải ngược đãi người Kinh tha phương cầu thực lên Lai Châu” (Nguyễn Tuân, “Sông Đà”).

Thành ngữ “tha phương cầu thực” còn có biến thể khác là tha hương cầu thực. Ý nghĩa và cách dùng của hai dạng thức này hoàn toàn giống nhau.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 15 Sep 2018

321 Tham bát bỏ mâm


Trong cuộc sống, đôi khi chỉ vì tham những lợi lộc nhỏ mọn, trước mắt mà người ta bỏ qua những nguồn lợi lâu dài, to lớn hơn. Vậy là “tham bát bỏ mâm”:

“Lý lẽ chưa đủ đánh tan mọi hoài nghi nhất là khi con người chưa nhìn tận mắt mọi quyền lợi cá nhân với quyền lợi chung, tham bát bỗ mâm, người ta không nhìn thấy cái lớn mà chỉ nhìn thấy cái nhỏ” (Chu Văn, “Bão biển”).

Ý nghĩa trên được hình thành nhờ sự so sánh trực quan và nôm na của tư duy dân gian: bát chỉ là phần nhỏ nằm trong mâm cỗ lớn. Thế mà cố giành lấy bát, quên rằng mâm cỗ còn nhiều hơn, còn to hơn, âu cũng là tư tưởng tầm thường, được miếng nào hay miếng ấy, không biết nhìn xa trông rộng. Vì lẽ đó, thành ngữ “tham bát bỏ mâm” thường cũng được dùng để phê phán lối nhìn thiển cận, cách làm ăn manh mún, thiếu tính toán. Bỏ được tư tưởng “tham bát bỏ mâm” thì mới có thể tiếp cận được với lối làm ăn lớn.

“Đừng có vì lợi ích nhỏ bé trước mắt mà xảy ra tai họa lớn. Cơ quan kiểm lâm chủ quản phải có trách nhiệm khuyến cáo mọi người chớ tham bát bỏ mâm một cách tệ hại mà gây ra những tác hại cho môi trường”

Thành ngữ “tham bát bỏ mâm” còn có biến thể như “tham dĩa bỏ mâm”, “tham miếng bỏ bát”.

“Giữ dân làm gốc, chớ mong đục nước béo cò
Nuôi sức đợi thời, đừng có tham miếng bỏ bát”.

(Văn 11, tập 1, tr. 101)

Ngoài ra trong tiếng Việt gần nghĩa với “tham bát bỏ mâm” còn có thành ngữ “tham bong bóng bỏ bọng trâu”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 15 Sep 2018

322 Thả mồi bắt bóng


Một con chó đói lượn qua hàng thịt. Nó quắp được một miếng khá to và vội vàng tha mồi chạy miết. Để tránh người, nó ngậm miếng thịt đi qua thanh tre bắc ngang dòng lạch. Nó bỗng nhìn thấy dưới lạch nước trong veo có một miếng thịt khác to hơn, ngon lành hơn miếng nó đang ngậm trong mồm. Vậy tại sao lại không chọn miếng kia nhỉ? Nghĩ thế, con chó đói bèn nhả miếng thịt đang ngậm ra và lao xuống lạch để vồ cái bóng của chính miếng thịt nó vừa vứt bỏ.
Kết quả là được một phen ướt mềm, mồi mất, bóng tan và bụng càng thêm đói.
Người đời cũng vậy, có kẻ khác gì con chó dại dột kia đâu, không nắm giữ cái mình đã có trong tay lại bỏ mất để mong đuổi bắt một cái bóng vu vơ.
“Thả mồi bắt bóng” là thế!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 15 Sep 2018

323 Thả hổ về rừng


Hổ và rừng cũng như cá với nước. Cuộc sống của hổ gắn liền với môi trường của nó là rừng. Chỉ có rừng, hổ mới có thể sống tự do, mới quen thuộc mọi nơi mọi chốn, mới có thể tung hoành ngang dọc. Thả hổ về rừng chính là đưa hổ về đúng môi trường sống của nó. Với nhận thức này, thành ngữ “thả hổ về rừng” biểu thị hành động tạo điều kiện cho những con người đang ở nơi xa lạ và gò bó trở về môi trường sống thân quen của mình. Thông thường, việc tạo điều kiện này do sự ngẫu nhiên đưa lại, chứ không phải do nhu cầu cấp thiết đặt ra:

“Cậu là dân “cày đường nhựa” (ý nói lối sống ở thành phố), đợt này về dã ngoại thành phố bằng thả hổ về rừng”
“Mấy anh văn phòng quen ngay lưng mới hoảng còn chúng tôi ấy à, cho phục viên bằng thả hổ về rừng”
(Nguyễn Khải, “Hãy đi xa hơn nữa”).

Thành ngữ “thả hổ về rừng” còn phản ánh một khía cạnh khác. Như đều biết, hổ là con vật được coi là một loài thú dữ bậc nhất, là chúa sơn lâm. Thế mà, đã bắt được hổ còn thả cho nó về rừng, về “đất thánh” của nó, thì chẳng khác nào giúp những kẻ độc ác trở lại nơi quen thuộc để tha hồ tự do hoành hành. Đó là một việc làm quá ư táo bạo và nguy hiểm.

“Bảo Chính là bề tôi nanh vuốt của Quý Khoáng. Sao tướng quân lại thả hổ về rừng?” (Nghìn xưa văn hiến).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 20 Sep 2018

324 Thả (con) săn sắt, bắt (con) cá rô


Nếu trước kia anh làm việc kinh tài, khá lanh lẹ, tháo vát thì lúc đi buôn anh tiếp thu thêm nhiều mánh khóe, cái miệng lém lỉnh, giao thiệp giỏi, đôi bàn tay vung vẩy, sẵn sàng vung tiền, thả săn sắt, bắt cá rô (Chu Văn, “Đất mặn”).
Trong tiếng Việt, săn sắt là một loài cá nước ngọt, mình nhỏ hơn một ngón tay, có vân xanh đỏ, thường sống ở ao hồ, ăn cỏ, rong rêu. Xét về mặt giá trị kinh tế và dinh dưỡng thì săn sắt không có giá trị mấy. Ngược lại, cá rô là loài cá nước ngọt, to hơn cá săn sắt gấp bội, lại khá quen thuộc với bữa ăn của người bình dân xưa nay, như là “mắm muối tương cà” vậy. Vì lẽ đó, thành ngữ “thả con săn sắt, bắt con cá rô” là nói về những ai biết bỏ một mối lợi nhỏ, ít giá trị để nhằm thu về một mối lợi lớn hơn, trước hết là trong lĩnh vực làm ăn kinh tế. Đó là một tư tưởng mấu chốt trong hoạt động kinh tế nói chung: tư tưởng làm ăn lớn đối lập với tư tưởng sản xuất nhỏ, bảo thủ, “cò con”: “Dân ta bảo thủ tợn lắm, không chịu bỏ vốn để thả con săn sắt, bắt con cá rô (Chu Văn, “Bão biển”).
Mở rộng nghĩa, “Thả (bỏ) con săn sắt, bắt con cá rô” là câu tục ngữ người xưa dạy cách ứng xử của con người ở đời, rằng hãy chọn lấy việc quan trọng hơn, ý nghĩa hơn mà nỗ lực thực hành; đừng lãng phí thời giờ, công sức và tiền bạc cho những việc nhỏ, ít quan trọng.
“Vì chưa bắt được quả tang, lại mưu thả con săn sắt, bắt con cá rô nên lúc đó chúng vẫn chưa tìm cách thắng tay với chị” (Nhiều tác giả, “Đất mỏ anh hùng”).
Trong sử dụng, thành ngữ thả con săn sắt, bắt con cá rô còn có nhiều biến thể khác, trong đó cá rô được thay thế bằng các loài cá khác, trước hết là cá sộp. Thí dụ:
“Làm ăn bây giờ phải biết thả con săn sắt, bắt con cá sộp. Nếu cứ chỉ ba cọc ba đồng thôi thì không thể nào mà vượt lên được đâu” (Nguyễn Thị Ngọc Tú, “Đất làng”).
Rồi đến cá mè và cá chép:
“Cái mẹo thả con săn sắt, bắt con cá mè đây, ai còn lạ”! (Vũ Thị Thường, “Hai chị em”).
Tuy trong thực tế, cá sộp, cá mè hoặc cá chép, xét về mặt lợi ích kinh tế và dinh dưỡng, đều hơn hẳn cá rô, song thành ngữ “thả con săn sắt, bắt con cá rô” vẫn được dùng nhiều hơn cả.
Ngoài ra thành ngữ “thả con săn sắt, bắt con cá rô” còn có một số thành ngữ đồng nghĩa khác như thả vỏ quýt ăn mắm ngấu, thả vỏ quýt ăn rươi, thả con tép bắt con tôm v.v…
Thành ngữ “thả con săn sắt, bắt con cá rô” còn có các thành ngữ trái nghĩa là “tham bát bỏ mâm” “Thả con cá rô, vồ con săn sắt” hoặc “tham bong bóng bỏ bọng trâu”,… trách những người vì mối lợi nhỏ mà bỏ mối lợi lớn hơn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 20 Sep 2018

325 Thách nhà giàu húp tương


Trong các món ăn Việt Nam, tương có lẽ là một món tương đối độc đáo. Tương là một loại nước chấm gồm cái và nước lẫn lộn được chế biến từ gạo nếp hoặc ngô xay nhỏ, ủ mốc, trộn với đậu nành, muối và nước. Với người bình dân, tương luôn là món ăn “gia bản” hàng ngày, thịt cá hương hoa, tương cà là gia bản chính là như vậy. Khi xa quê, anh trai làng đã chẳng nhớ da diết về “mắm muối tương cà” đó hay sao. “Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” là thế. Người sống qua năm đói, ai quên được cái cảnh người ăn xin đầy đường, đầy chợ “oai oái như phủ Khoái xin tương”… Thế mà, dân gian lại nói “thách nhà giàu húp tương” nghĩa là thế nào?
Câu thành ngữ trên làm cho nhiều người băn khoăn, chẳng rõ đầu đuôi câu thành ngữ. Người giàu có mấy khi ăn tới món tương, thách họ thì họ chỉ có “cơm tấm giò chả”, nước mắm Phú Quốc hay một thứ “sơn hào hải vị” gì đó chứ sao lại thách húp tương? Ngày xưa có Thạch Sùng giàu “nứt đố đổ vách”, thách cái gì cũng có, trừ “mẻ kho” cho nên mới thua cuộc, bỗng chốc tiêu tan cả gia tài. Hay là, câu thành ngữ trên cũng nói ý tương tự như vậy: thách nhà giàu làm cái việc mà họ không ngờ tới và họ không làm được?
Ngẫm cho kỹ thì không phải như vậy, điều thú vị ở thành ngữ này là do chữ thách tạo nên. Trong tiếng Việt, một khi nói thách, tức là có một cuộc thi đấu giữa hai phe hoặc hai đối thủ, có được và có thua. Việc thách đó phải nhằm vào sự việc gì đó thật khó khăn hoặc nguy hiểm, tỉ như việc bay lên trời, đi dưới nước, hoặc phi ngựa, đấu gươm.
Đằng này ta lại thách một việc làm dễ ợt: húp tương. Người ta cứ chờ đợi sau cái sự thách đố kia là một sự việc, một vật gì ghê gớm hơn nhiều để tương xứng với gia thế của nhà giàu. Song ở đây vấn đề lại rất đơn giản là húp tương. Ở đây có một kết cục bất ngờ đối với mọi người. Bởi thứ đem ra thách đố đó nhà nghèo cũng thừa sức có, huống chi nhà giàu! Chính cái kết cục bất ngờ đó đã tạo cho thành ngữ trên cái ý khái quát là “thách thức một người nào đó làm một việc quá dễ dàng so với khả năng của họ”. Thí dụ:
- Úi dà, lại thách nhà giàu húp tương cơ đây” (Trần Đăng, “Truyện và kí sự”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 27 Sep 2018

326 Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho


Thạch Sùng sinh ở đất Thanh Châu thời Tây Tấn. Khi bố chết chàng được chia ít gia sản nhất. Ông bố chàng tiên đoán rằng, chàng sẽ có nhiều của hơn những đứa khác. Thật vậy, nhờ sự thông minh, mưu mẹo, chẳng mấy chốc Thạch Sùng đã giàu sụ, có một không hai trong thiên hạ. Bao nhiêu kẻ ganh tài với Thạch Sùng đều bị đánh bại. Có kẻ dám lấy đường làm tro thì Thạch Sùng lấy nến làm củi. Kẻ khác lấy cây san hô nhà vua tặng để đua tài, lập tức Thạch Sùng dùng ngọc đập vỡ cây san hô ấy. Ngay sau đó, Thạch Sùng lấy ngay năm sáu cây san hô to hơn, đẹp hơn đền bù lại. Nhưng cái gì đến phải đến. Một tay khác thách sánh tài sản. Thạch Sùng phán rằng, cứ gọi mọi thứ hễ ta thiếu cái gì thì nhường lại cho người thắng cuộc bằng hết tài sản. Kẻ thách đố liền gọi đến mẻ kho (mảnh vỡ của nồi đất). Thôi ôi, đồ vàng ngọc, Thạch Sùng chẳng thiếu gì, nhưng đào đâu ra mảnh mẻ kho! Thế là Thạch Sùng thua cuộc, mất toi toàn bộ gia sản. Tiếc của, Thạch Sùng lâm bệnh chết. “Hương hồn” chàng hóa thành con vật nhỏ, ngày đêm chặc lưỡi nhớ tiếc gia sản kếch sù của mình. Con vật đó được gọi là Thạch Sùng.

Thạch Sùng tắc lưỡi lắc đầu
Nhân sinh rất mực hòa giàu hòa sang
(Trinh Thử)


Đến như "Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho!" Điều này cảnh tỉnh mỗi một con người hãy nhớ rằng, dù giàu sang đến đâu cũng chưa đầy đủ, không nên vênh váo với đời. Mở rộng ra, không phải ai, bất cứ cái gì cũng đã hoàn thiện mọi mặt, do đó cần khiêm tốn hơn trong cuộc sống.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 27 Sep 2018

327 Tháng ba, ngày tám


“Tháng Ba ngày Tám” chính là tháng Ba và tháng Tám âm lịch, là thời kỳ giáp hạt, lúc đói rét nhất trong năm. Trước đây ở đồng bằng Bắc Bộ, khi còn cấy hai vụ lúa mùa, giữa hai lần thu hoạch hai vụ lúa, nông dân có hai vụ “giáp hạt”. Nhà nông học Bùi Huy Đáp định nghĩa: “Giáp hạt là thời kỳ thóc vụ trước đã cạn mà gặt vụ sau chưa đến. Giáp hạt tháng Ba là từ sau thu hoạch lúa mùa đến thu hoạch lúa chiêm sớm, thời gian giáp hạt dài vì giữa hai vụ thu hoạch kéo dài những bảy tháng. Giáp hạt tháng Tám là từ sau thu hoạch lúa chiêm đến thu hoạch lúa mùa, giáp hạt ngắn hơn thì thời gian giữa hai vụ ngắn hơn, chỉ kéo dài năm tháng. Giáp hạt là gặp thiếu thốn đói ăn. Người ta còn gọi là “tháng Ba ngày Tám” (Bùi Huy Đáp, Ca dao tục ngữ với khoa học nông nghiệp, Nxb. Đà Nằng, 1999, tr.52).
Thường thì vụ giáp hạt tháng Ba đói nhiều hơn: nên người ta lo sợ hơn: “Tháng Tám đói qua, tháng Ba đói chết” (Tng.), “Tháng Tám chưa qua, tháng Ba đã tới” (Tng.). Cũng không phải vô cớ mà trong kết câu của thành ngữ “tháng Ba ngày Tám”, tuy vẫn theo nguyên tắc đối ứng tháng /ngày, ba/tám, nhưng vế “tháng Ba” được đặt trước, vế “ngày Tám” được đặt sau.

“Tháng Ba ngày Tám” nhà quê đương đói kéo nhau đi ăn xin nhan nhản ngoài tỉnh kia kìa” (Nguyên Hồng, Sóng gầm).

“Tháng Ba ngày Tám” đủ mặt những gia đình nghèo đói trong cái xóm Đuổi, kẻ đến “bà chủ” xin vay, người đến bà chủ xin khất mong mùa sau thóc lúa được giá hơn” (Nguyễn Đình Thi, “Vỡ bờ”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 29 Sep 2018

328 Thằng chết cãi thằng khiêng


Thoạt vừa đọc lên nghe thấy thật vô lý: đã chết rồi thì làm sao mà nói được, huống chi lại còn cãi nhau với cả những người đang khiêng cái xác của mình… Chắc là chết giả vờ thôi?
Sự việc xảy ra vào thời kì mà thủ đô Hà Nội ngày nay có cái tên gọi “Kinh Thành Thăng Long”. Hàng năm cứ vào những ngày gần tết, nhất là đêm ba mươi, bọn lưu manh lại giở mánh khóe để kiếm tiền. Chúng cho một thằng nằm lên cáng, giả vờ là kẻ chết đường, chết chợ, rồi cùng nhau khiêng đến những phố buôn bán sầm uất, đặt cáng trước các cửa hàng để xin tiền. Những bà chủ, phần vì mê tín, phần vì muốn chúng đi cho nhanh để khách vào mua hàng, nên đành phải cho tiền ngay. Được tiền, chúng chia nhau và điều không tránh khỏi đã xảy ra. Chia không công bằng, chúng cãi nhau. Những đứa khiêng thì cho mình là vất vả được phần nhiều. Đứa nằm giả chết thì lại nghĩ là mình có công hơn cả. Nó còn nghi ngờ rằng, trong lúc nó “nằm chết”, bọn khiêng cáng đã gian lận, bớt xén, tư túi với nhau…
Câu “Đêm ba mươi Tết, thằng chết cãi thằng khiêng” được ra đời từ đó, và theo thời gian, cách nói “thằng chết cãi thằng khiêng” đã đi vào kho thành ngữ tiếng Việt. Thời gian có thể làm cho người ta quên đi hoặc không biết đến câu chuyện về mánh khóe làm tiền của bọn lưu manh ngày trước, nhưng người ta vẫn có thể sử dụng thành thạo thành ngữ “thằng chết cãi thằng khiêng” để chỉ những người đã không biết lại không chịu “dựa cột mà nghe” lại hay cãi lại người biết hơn; người kém hiểu biết lại cố tỏ ra am hiểu hơn người uyên bác, nhiều kinh nghiệm. Gần với thành ngữ này, trong tiếng Việt còn có các thành ngữ như “trứng khôn hơn vịt, trứng khôn hơn rận”. Ở hai thành ngữ này, do tính đối lập trứng với vịt hay trứng với rận, tức sự đối lập giữa một bên chưa có trên đời với một bên không những đã có trên đời mà còn có cuộc sống ở mức trưởng thành, già dặn, nên tính châm biếm, phê phán càng được nhấn mạnh.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 29 Sep 2018

329 Thẳng ruột ngựa


Khi nói về tính cách của một con người bộc trực, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, không lắt léo, không giấu giếm, giữ kín những điều suy nghĩ, những tâm tư riêng của mình, Dân gian ta thường hay dùng thành ngữ “thẳng ruột ngựa” để ví. Thí dụ:
“Tính đệ cứ thẳng ruột ngựa, biết thế nào nói thế ấy, không dám ba hoa văn vẻ” (Chu Thiên, “Bóng nước hồ Gươm”).
Thành ngữ thẳng ruột ngựa được hình thành nhờ vào sự quan sát con vật nuôi quen thuộc, dùng để kéo xe thồ, chở, dùng làm phương tiện chiến đấu cho các hiệp sĩ, các đội quân (đội kị binh). Ngựa là con vật ăn cỏ như trâu bò. Dạ dày ngựa thuộc loại dạ dày đơn, không tiêu hóa được nhiều chất xơ cứng. Ruột ngựa rất dài, đặc biệt đoạn nối ruột non với dạ dày, gọi là manh tràng, cũng rất dài và rất lớn. Đoạn này là một ống dài tới một mét, thẳng và to với đường kính 25-35 cm. Quá trình tiêu hóa chủ yếu diễn ra ở đây chứ không phải ở dạ dày. Có lẽ dựa vào cơ sở giải phẫu nội tạng của ngựa và căn cứ vào những điều thu nhận được bằng quan sát trực quan mà trong nhận thức của người Việt Nam, ruột ngựa được xem là một đối tượng về tính chất thẳng trái với cong. Thoạt đầu, phép so sánh thẳng ruột ngựa chắc là chỉ miêu tả tính chất hình thể, vật thể mà con người có thể thấy được, quan sát được. Tuy nhiên, trong tiếng Việt ruột hay bụng, lòng, dạ đều có ý nghĩa biểu trưng cho tình cảm, tâm tư, suy nghĩ, nhận thức của con người, lệ như: ruột đau như cắt, nóng gan nóng ruột, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều, ruột để ngoài da,…
Chính nhờ vào tính biểu trung này mà thành ngữ thẳng ruột ngựa như được “thổi” vào một chất mới. Thành ra, thành ngữ “thẳng ruột ngựa” được chuyển từ ý nghĩa miêu tả đặc điểm, tính chất cụ thể bề ngoài, trực quan đến ý nghĩa biểu thị tính tình con người hoặc tính chất trừu tượng thuộc phạm vi tinh thần. Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ “thẳng ruột ngựa” thường được dùng để chỉ sự bộc trực ngay thẳng, thật thà của tính cách con người. Trong cách đối xử, người có tính thẳng ruột ngựa được xem là người hiền lành, không có ác tâm, không lắt léo, không tính toán vòng vo, không cân nhắc hơn thiệt, nhỏ mọn. Ví dụ:

“Cán bộ nhà ta khó tìm được người thật thà, thẳng ruột ngựa, không có bụng dạ lắt léo, làm việc rõ ràng”
“Triều đình và các quan ta có lẽ không biết cái thâm ý ấy, cứ thẳng ruột ngựa mà đối xử” (Chu Thiên, “Bóng nước Hồ Gươm”).
“Nếu thơ Thái và thơ Mường bay bướm thì thơ Mèo thẳng ruột ngựa, không bóng gió” (Văn nghệ, 9-1953).


Vậy là, theo đánh giá của người đời, đặc tính “thẳng ruột ngựa” được xem là tốt, tích cực, đáng yêu, dễ thông cảm. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là những gì trái với tính chất “thẳng ruột ngựa” đều xấu, đều tiêu cực. Thực ra, người Việt trong nhiều cảnh huống, nhiều trường hợp chỉ dùng thành ngữ “thẳng ruột ngựa” để xác định tính cách của con người, tính chất sự vật đối lập với sự kín đáo, tế nhị, bóng bẩy, hoa lá và những tính chất đa dạng khác trong cuộc sống. Nếu chỉ xét về cách ứng xử ở đời thì tính thẳng ruột ngựa nhiều khi lại không phù hợp. Thí dụ:

“Vịt đực thì thô mộc, thẳng ruột ngựa. Nói như thế không phải nhà phê bình cứ thẳng ruột ngựa mà viết” (Nghiên cứu văn học, 1960).

Đôi khi người ta dùng thành ngữ “thẳng ruột ngựa” đồng nghĩa với thành ngữ “ruột để ngoài da” với dụng ý chê trách sự phơi bày, sự bộc bạch tất cả mọi điều nghĩ suy, cũng như mọi tâm tư nguyện vọng sâu kín của mình cho người khác biết một cách không cần thiết. Dẫu vậy, những con người có tính tình “thẳng ruột ngựa” vẫn là người chân thật, mộc mạc, ngay thẳng và hành vi bộc bạch, giãi bày ý nghĩa tình cảm theo lối “thẳng ruột ngựa” có thể gây ra những hậu quả không hay trong cách đối xử nhưng cũng có thể thông cảm và đáng khen hơn những kẻ nham hiểm.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Sep 2018

330 Thâm căn cố đế


“Thâm căn cố đế” là thành ngữ gốc Hán, có nghĩa là “rễ sâu cuống bền” (thăm = sâu, căn = rễ, cố = bền chắc, đế = cuống (hoa), nguyên là nói về cây cối, thực vật sống lâu năm dẻo dai cứng cáp, không mưa gió sương nắng nào có thể làm suy suyển. Trong tiếng Việt, thành ngữ này thường được dùng với nghĩa bóng chỉ những sự vật trừu tượng đã tồn tại lâu đời khó lòng mất đi hoặc thay đổi được. Thường đó là những thói quen, tập tục cố hữu thuộc về ý thức, tinh thần, tư tưởng có thể là của một dân tộc, một tộc người, một dòng họ hoặc một tầng lớp xã hội hay cá nhân nào đó. Thí dụ:

“Ở bọn giặc Tàu này, các thứ chủ nghĩa vị kỉ, chủ nghĩa nước lớn, chủ nghĩa tự ái dân tộc đã trở thành thâm căn cố dế, tiêm nhiễm tận xương, tận tủy”
“Căn bệnh tư tưởng trong mỗi người đã thâm căn cố đế như vậy đâu phải một ngày sửa chữa được.
(Chu Văn, “Đất mặn”).

Trong các phạm vi sử dụng trên, thành ngữ “thâm căn cố đế” ngoài ý nghĩa đã nêu, còn hàm ý nói về những gì lạc hậu, bảo thủ, trì trệ không tốt, có ảnh hưởng xấu đến công cuộc tiến hóa chung. Ví như, trước đây nghề buôn được coi là xấu, là tiêu cực, nên khi nói đến “máu buôn” đã đạt đến mức “thâm căn cố đế” thì cũng có hàm ý chê bai, chỉ trích. Thí dụ:

“Nhưng có người thì nghề buôn nó trở thành thâm căn cố đế đi rồi” (Văn Linh, “Quê ngoại”).

Tuy nhiên, trong một ít các trường hợp, thành ngữ trên vẫn còn được dùng với nghĩa nguyên thủy của nó. Thí dụ:

“Trên một khoảng đất rộng hai trăm héc ta, các cô đã phải đánh hàng vạn gốc sứ thăm căn cố đế mọc chen chúc nhau, chen chân vào không nổi.” (Báo Văn nghệ, 20-3-1970).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 23 guests