Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 23 Feb 2017

241 Nhắm mắt xuôi tay

Để nói về cái chết, tiếng Việt của chúng ta có bao nhiêu từ ngữ khác nhau: chết, tạ thế, từ trần, quy tiên, hi sinh,… Bên cạnh các từ ngữ này, chúng ta còn gặp thành ngữ “nhắm mắt xuôi tay” cũng với ý nghĩa và chức năng như vậy.
“Khôn lanh” hay “quỷ quyệt” cũng không tránh khỏi đến lúc nhắm mắt xuôi tay, chỉ có người “biết”, người “sáng tạo” mới có được "sống" sau khi đã chết.
Nhắm mắt xuôi tay và sự chết hẳn là có một mối quan hệ nào đó, để rồi nói tới cái này thì liên hội tới cái kia và ngược lại.
Điều dễ nhận thấy là trạng thái, cử chỉ cuối cùng của người bắt đầu tắt thở là khép mắt và buông xuôi tay. Một ai không có trạng thái đó, thì người nhà của họ phải vuốt mắt, nâng tay đưa họ trở về tư thế nằm nhắm mắt xuôi tay. Điều quan trọng hơn, trong quan niệm của dân gian ta, con người suốt một đời nhọc nhằn lam lũ, đến khi an nghỉ cần phải được ra đi nhẹ nhàng, để cho đôi mắt khép lại, nhắm lại như trong giấc ngủ ngon, để cho đôi tay từng lao động nặng nhọc nằm trong tư thế yên nghỉ, cử chỉ vuốt mắt, nâng tay cho người chết xuất phát từ quan niệm nhân đạo, “nghĩa tử là nghĩa tận” này. Tất cả những điều đã nói, cho thấy, tự thân thành ngữ “nhắm mắt xuôi tay” có thể thay thế cho từ chết và các từ đồng nghĩa của chết. Có điều là “nhắm mắt xuôi tay” thường được dùng để nói về cái chết trong tương lai chứ không nói về cái chết đã xảy ra. Chẳng hạn, thể nói: “Có lẽ đến khi nhắm mắt xuôi tay, chị ấy vẫn ân hận vì đã không thực lòng với tôi, nhưng ít ai nói sau khi nhắm mắt xuôi tay chị ấy vẫn còn ân hận vì đã không tốt với tôi”. Nói nhắm mắt xuôi tay cốt là để tránh đi sự nặng nề tang thương mà từ chết có chức năng để nói về chính hiện tượng đó với sắc thái nhẹ nhàng hơn, dễ chấp nhận hơn.
“Anh không bao giờ nghĩ đến hạnh phúc và có lẽ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng không hiểu được hạnh phúc của anh ra sao” (Nhiều tác giả, “Truyện ngắn được giải 1970-1971”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Mar 2017

242 Nhất tự vi sư, bán tự vi sư

Trong bài “Nhân đọc bài vấn đề dùng từ Hán trong tiếng Việt hiện nay” (Ngôn ngữ và đời sống, số 9 (23)-1997), Nguyễn Cảnh Phức viết: “… Chúng tôi vẫn hiểu câu châm ngôn “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là “người hơn mình một chữ cũng là người thầy của mình, kẻ hơn mình nửa chữ cũng là người thầy của mình”. Câu này nhằm khuyên răn mọi người hãy khiêm tốn học hỏi người khác dù cho họ chỉ hơn mình chút ít” (tr. 10). Đó là một cách hiểu đúng, có thể chấp nhận được. Song cách hiểu phổ biến câu này là không cứ là phải học được nhiều, học lâu ở người dạy mình mới coi người đó là thầy, mà dù có học ít, thậm chí chỉ học được một chữ, hay nửa chữ thôi, thì người đó vẫn là thầy mình. Câu này có ý răn dạy người đời phải biết ơn, có nghĩa, giữ trọn đạo nghĩa của ngươi học trò đối với các bậc thầy của mình. Đây chính là truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam nói riêng, người đông phương nói chung.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Mar 2017

243 Nhất xương nhì da, thứ ba dạc lò

Mỗi nghề đều có bí quyết thành công riêng. Nếu như với nghề nông, bí quyết đó là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thì ở nghề gốm bí quyết thành công lại là “nhất xương nhì da, thứ ba dạc lò”. Ba yếu tố xương, da, dạc lò có tác dụng quyết định chất lượng sản phẩm gốm, sứ.
Vậy thực chất cái gọi là xương, da, dạc lò trong câu tục ngữ này là gì? Theo đồng bào Bát Tràng, làng gốm nổi tiếng ở nước ta, thì xương là đất làm ra các sản phẩm, da là men dùng để tráng mặt ngoài của sản phẩm đó. Riêng đối với dạc lò, còn có biến thể ngữ âm của nó là rạc lò hay giạc lò, vẫn còn có những cách giải thích khác nhau. Nhiều người cho rằng, dạc lò là từ nói về lửa lò khi nung các sản phẩm. Làm sao cho lửa đều trong khắp lò thì sản phẩm mới chín đều và chín đúng độ. Dạc lò là loại lửa có nhiệt lượng cần, đủ và đều khắp trong lò nung gốm. Nhưng một số người khác lại cho biết, dạc lò là cấu trúc, vóc dáng của lò nung. Cấu tạo thân lò, cách sắp xếp bố trí phía trong lò càng hợp lý thì lửa càng đều, nhiệt lượng càng tỏa khắp, đúng độ. Cách lý giải này cho ta hiểu dạc lò là dáng, thân hình của lò. Cách hiểu này tỏ ra thỏa đáng hơn. Trước hết, trong tiếng Việt vốn có từ dạc với ý nghĩa dáng vẻ, hình hài. Bằng cớ là người Việt vẫn thường hay nói to dạc, vóc dạc,… Hơn thế nữa, trong câu tục ngữ này các yếu tố, xương, da, dạc đối ứng nhau. Khi xương, da là hai yếu tố chỉ bộ phận cơ thể con người và động vật, thì lẽ đương nhiên dạc cũng phải là một yếu tố thuộc vào phạm vi ngữ nghĩa này. Nếu dạc lò là dáng vẻ, cấu trúc lò thì mới thỏa mãn tính tương hợp về ngữ nghĩa này. Nếu dạc lò, là dáng vẻ, cấu trúc lò thì mới thỏa mãn về tính tương hợp về nghĩa, về từ loại của bộ ba xương-da-dáng. Cuối cùng, cũng cần nói thêm rằng, chính dáng lò mới là yếu tố tạo nên hiệu quả khác nhau của lửa lò. Hẳn là người giải thích dạc lò là lửa lò có lẽ chỉ mới chú ý tới hiệu quả, mà bỏ quên xuất phát điểm, nguyên nhân của nó.
Như vậy, để có được những sản phẩm với chất lượng cao, người thợ thủ công làm nghề gốm phải chú ý đồng bộ tới ba yếu tố quan yếu trong kỹ nghệ của nghề cổ truyền này. Đó là, đất làm sản phẩm phải tốt (xương), men tráng sản phẩm đảm bảo chất lượng cao (da), cấu trúc, vóc dáng lò phải hợp lý (dạc) để tạo lửa, tạo nhiệt lượng đều toàn khắp lò. Hãy về với làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, bạn sẽ được nghe người thợ thủ công ở dây nói như thế và làm đúng như vậy!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Mar 2017

244 Nhũn như con chi chi

Thành ngữ “nhũn như con chi chi” thường được dùng để chỉ thái độ quá mềm yếu chịu nhún nhường do sợ sệt hoặc bị lép vế trước người khác.
Thí dụ: “Từ khi tôn huynh bị giữ tới nay, đệ đã dám hé răng nói một điều gì hớ hênh đâu, cứ nhũn như con chi chi” (Chu Thiên, “Bóng nước Hồ Gươm”).
Chi chi là một loài cá nhỏ, thân mềm yếu. Nếu con chi chi bị vớt lên khỏi mặt nước, thì chỉ một lúc sau đã nhũn nát. Chi chi dùng làm mắm rất tốt, vì mau ngấm. Từ đặc điểm trên của loài cá chi chi người Việt đã nắm bắt lấy, chọn làm đối chứng cho đặc điểm, tính cách, thái độ chịu nhũn, chịu nhún của con người. Điều lý thú là từ “nhũn” trong thành ngữ này vốn biểu hiện thuộc tính vật lý của vật thể lại được người Việt dùng để chỉ tính tình, thái độ của con người. Đây không phải là hiện tượng đơn nhất bởi vì chúng ta vẫn gặp cách hoán dụ này ở hàng loạt từ trong các thành ngữ khác như ngang trong “ngang như cua”, buồn trong “buồn như trấu cắn”, v.v…
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Mar 2017

245 Như mở cờ trong bụng

“Như mở cờ trong bụng” là sự vui sướng, phấn khởi ở mức độ cao nhất trong thang tình cảm. Khác với nỗi lòng hoan hỉ, phấn chấn ngấm ngầm của kẻ “múa tay trong bị”, niềm vui “như mở cờ trong bụng” được biểu hiện ra bằng cử chỉ, hành động, được bộc bạch qua lời nói, nụ cười, ánh mắt mà bất cứ ai chỉ thoáng nhìn thoáng gặp cũng cảm nhận được điều đó: “Anh nên đẽo cày cho thật cao, thật to gấp đôi gấp ba như thế này… thì hàng hóa bán sẽ đắt. Nghe nói, như mở cờ trong bụng, anh em đã đẽo một lúc bao nhiêu cày to” (Văn học 10, tr.32).
Những ngày tết, ngày hội, ngày lễ, Dân gian ta mới có dịp mở cừ gióng trống. Vì vậy mở cờ là biểu tượng của niềm vui. Không phải ngẫu nhiên mà thành ngữ “như mở cờ trong bụng” thường được kết hợp với các từ chỉ tâm trạng, trạng thái tình cảm của con người như vui, mừng, vui mừng, sướng, sung sướng.
“Xã Chánh vui mừng như mở cờ trong bụng” (Trần Tiêu, “Con trâu).
Cần lưu ý rằng, một số từ điển thành ngữ xem các dạng vui như mở cờ, hay vui như mở cờ trong bụng là thành ngữ, có lẽ chưa thật thỏa đáng. Thực ra, đây chỉ là dạng thức kết hợp của thành ngữ “như mở cờ trong bụng” mà thôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Mar 2017

246 nước đổ đầu vịt

Với một số đối tượng, thì có khuyên bảo, dạy dỗ đến đâu cũng vô ích, không có tác dụng gì. Công sức dạy bảo khuyên nhủ đó cũng như nước đổ dầu vịt mà thôi.
“Thôi thì như nước đổ đầu vịt, những lời chém to kho mặn của thầy dạy nghề cũng chẳng thấm vào đâu” (Báo Văn nghệ, 1-11-1973).
Như đều biết, đầu vịt đã bé thon, lại hơi nhô. Lông ở đầu vịt thường dày và mượt. Thành ra, nước đổ lên đầu vịt cứ trôi tuồn tuột, chẳng dính thấm vào đâu được. Hiện tượng có thực này dễ làm người ta liên tưởng đến việc không tiếp thu lời khuyên bảo bày vẽ của một số người. Ở họ, dẫu có cố công giảng giải, răn bảo bao nhiêu thì cũng vô ích. Họ không ghi nhớ, không hiểu ra do kém trí thông minh, ít hiểu biết hoặc trì độn. Nhưng cũng có khi không phải vì kém cỏi, tối dạ mà là do sự bướng bỉnh, gàn quấy, hiểu cả đấy, biết là lời hay lẽ thiệt đấy, nhưng cứ không nghe theo không làm theo như chẳng nghe gì cả. Kẻ dốt nát thì không tiếp nhận lời dạy bảo là chuyện bình thường. Họ cứ ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm. Nói với họ rõ là chán, thà nói với đầu gối còn hơn. Như vậy, kẻ dốt nát và kẻ bướng bỉnh đều gặp nhau ở chỗ là mọi lời giáo huấn, chỉ dẫn đều vô tích sự, đều vô dụng, không mang lại hiệu quả gì.
“Cậu ta trả lời lễ phép, nhưng tôi biết mình có khuyên bảo cậu ta thì cũng như nước đổ đầu vịt”
Dần dần thành ngữ “nước đổ đầu vịt” được mở rộng để chỉ sự tác dụng vô ích, không có kết quả nói chung.
Mẹ cô ấy chê trách tất cả mọi thứ liên quan đến cô: cô ấy trông như thế nào, ăn mặc ra sao, làm việc ở đâu, bạn bè với những ai. Nhưng đối với cô thì những lời chỉ trích đó giống như nước đổ đầu vịt vì cô không để cho những lời đó làm cô khó chịu.
Trong tiếng Việt, thành ngữ như “nước đổ dầu vịt” còn có một biến thể khác là “nước xao đầu vịt”. Biến thể này có ý nghĩa và cách dùng tương tự, nhưng ít phổ biến hơn.
“Uổng thay đàn gẩy tai trâu
Nước xao đầu vịt nghĩ lâu nực cười”.

(Nguyễn Đình Chiểu, 'Lục Vân Tiên').
Gần nghĩa với “nước đổ đầu vịt”, “nước xao đầu vịt” còn có một loạt thành ngữ: như “nước đổ lá khoai” (môn), như “nước chảy lá môn” (khoai), như “nước đổ đầu chảy”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Mar 2017

247 Như vịt nghe sấm

Đừng nghĩ rằng hễ là vịt thì con nào cũng điếc đặc. Thính giác của loài vịt hình như cũng không đến nỗi nào, chúng vẫn nghe được cả những tiếng động rất nhỏ. Cho nên nói chung là vịt vẫn nghe được sấm, nhưng nghe mà không hiểu là đã có chuyện gì xảy ra. Thành ngữ này thật ra chỉ là dạng nói tắt, nói cho đầy đủ thì phải là “Ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm”, ù… là tiếng sấm, cạc cạc là tiếng vịt, đem tiếng sấm đặt cạnh tiếng vịt, không cần biểu thị một quan hệ nào, như thế cũng có ý nói là giữa tiếng sấm ù với tiếng vịt kêu chẳng có mối quan hệ gì, bởi khi có sấm, vịt ta chỉ gióng cổ lên kêu, ra vẻ ngạc nhiên, chứ kỳ thực chẳng hiểu ra sao cả.
Dạng tắt thứ hai là “ù ù cạc cạc”, một dạng thành ngữ độc đáo, chỉ gồm có hai từ tượng thanh, nhưng vẫn đủ để biểu thị ý nghĩa nghe mà chẳng hiểu gì. Đây là một thành ngữ thuộc loại tính chất hình tượng, nhờ tính chất đó nó thường hay được dùng với dạng tắt mà ít khi dùng đến dạng đầy đủ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Mar 2017

248 Như vợ chồng Ngâu

“Hai vợ chồng từ ngày lấy nhau, ăn ở với nhau tính gộp lại đâu được ba tháng, còn thì bốn năm trời liền cứ như vợ chồng Ngâu”. (Nguyên Hồng, “Sóng gầm”). Vậy vợ chồng Ngâu là ai? Và tại sao cặp vợ chồng trong Sóng Gầm lại như họ? Lần giở những trang cổ tích ta thấy có một câu chuyện kể rằng:
Ngày xưa Chức Nữ (nghĩa là cô gái dệt vải) là con gái yêu của trời. Suốt ngày nàng chăm chỉ dệt vải không kể thời gian. Nàng được Trời cho lấy Ngưu Lang (nghĩa là chàng chăn trâu) cũng là một người hay lam hay làm. Chàng chăm nom, săn sóc đàn trâu của trời rất cẩn thận. Gái siêng ngoan lấy trai chăm chỉ, ai cũng cho là họ đẹp đôi và tin rằng họ sẽ luôn luôn được sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng từ khi lấy nhau, suốt ngày đôi vợ chồng trẻ chỉ quấn quýt bên nhau, chểnh mảng công việc quên cả ngày tháng trôi qua. Nhìn thấy khung cửi thì nhện giăng, đàn trâu thì gầy đói. Trời giận lắm, bèn đày hai người ở hai bên bờ sông Ngâu, mỗi năm chỉ cho gặp nhau có một lần vào ngày 7-7 âm lịch. Vì vậy mà hằng năm cứ vào đầu tháng bảy âm lịch trời lại mưa dầm dề, dai dắng. Đó là nước mắt của hai vợ chồng Ngâu (biến âm của Ngưu) khóc lúc gặp nhau sau một năm trời đằng đẵng bị buộc phải xa nhau. Những giọt buồn rả rích suốt mấy ngày đêm ấy làm cho người hạ giới cũng phải buồn lây. Dân gian gọi đó là mưa Ngâu.
Và cũng do đó, những cặp vợ chồng trẻ yêu nhau mà luôn luôn xa cách, những cặp vợ chồng “xa mặt” mà chẳng “cách lòng”, đời đời chung thủy với nhau được ví như vợ chồng Ngâu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Mar 2017

249 Nói có sách, mách có chứng

“Nói có sách, mách có chứng”, nghĩa là nói điều gì đó xác thực, có chứng cứ rõ rành, có thể kiểm chứng được. Nói có sách, mách có chứng có nghĩa là không nói vu vơ kiểu ăn ốc nói mò, không thêu dệt, không nói kiểu tung tin thất thiệt, bịa đặt dựng chuyện, vu oan giá họa để bóp méo, xuyên tạc sự thật hay đổ lỗi cho người khác. Nhưng tại sao, để diễn đạt ý nghĩa đó người Việt Nam lại chọn cách nói như vậy? Có thể bắt đầu từ cấu trúc thành ngữ, sau đó cậy nhờ việc suy xét ý nghĩa dân gian của các từ sách, mách, chứng được dùng trong thành ngữ này để hiểu nội dung thành ngữ. Dễ thấy là, thành ngữ nói có sách, mách có chứng gồm 2 vế: nói có sách và mách có chứng, được tạo thành trên hai cơ sở của phép đôi và điệp. Nói đối với mách, sách đối với chứng. Trong thực tế sử dụng thành ngữ này có thêm một biến thể khác như: “nói phải có sách mách phải có chứng” hoặc “nói chẳng có sách mách chẳng có chứng gì cả”. Do vậy, cấu trúc của mỗi vế nói trên cũng có các biến thể khác nhau như đã thấy. Đối với loại thành ngữ được tạo ra theo kiểu này, khi nắm được ý nghĩa của một trong hai vế, thường là vế thứ nhất, là có thể hiểu được nội dung chính yếu của các thành ngữ. Sách trong quan niệm dân gian là kho báu, là nơi thâu góp được những điều hay, lẽ phải ở đời. Sách là nơi cho những điều tin cẩn, rõ rành và sự sáng suốt. Sách là mực thước. Soi trong sách có thể nhận được điều chân xác và sự yên tâm ở lời nghe được và những lời nói ra. Nói có sách, mách có chứng mang được ý nghĩa trên, trước hết là nhờ vào ngữ nghĩa dân gian ấy của từ sách. Còn mách trong ý nghĩa nguyên sơ của nó, cũng có nghĩa là nói, nói cho biết, bảo cho biết. Mách trong mách bảo, mách nước cũng với nghĩa như thế. Chứng là chúng cứ. Mách có chứng nghĩa là nói cho ai điều gì đó phải có chứng cớ cụ thể, tức điều đem báo, đem mách cho ai đó là điều có thật, đã trông tận mắt, nghe tận tai. Mách có chứng cũng yêu cầu không được nói sai, nói không có căn cứ, nói những điều chưa biết đúng, sai, thật, hư. Mách có chứng cũng có nghĩa là nói đàng hoàng, đúng đắn, công khai, chứ không theo lối mách lẻo hay thóc mách.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Mar 2017

250 Nói dối như Cuội

Chú Cuội là một nhân vật dân gian được in đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Vì bố mẹ mất sớm, Cuội được ông chú bà thím mang về nuôi nấng. Ngay từ thuở nhỏ, chú đã có trí thông minh, hóm hỉnh và biết cách nói dối tài tình. Đã nhiều phen Cuội lừa dối làm ông chú bà thím tức lộn ruột mà không có cớ gì để đánh đuổi chú. Nhưng rốt cuộc thì Cuội cũng bị chú bỏ rọ ngâm sống vì can tội lừa dối, vô ơn, bạc nghĩa. Nhờ tài nói dối, Cuội đã lừa được kẻ chui vào rọ chết thay cho mình mà chẳng ai hay biết gì. Thế là Cuội thoát chết, từ đây, phạm vi nói dối của Cuội vượt khỏi gia đình ra ngoài xã hội. Với tài nói dối, nhanh nhẩu, Cuội vẫn sống ung dung, và đã có lúc làm cho bọn ham tiền, ưa sang trọng trở thành những tên hề không hơn không kém trước dân gian, trước xã hội. Nhưng đáng tiếc thay, Cuội cũng không ít lần lừa dối những người nghèo khổ, những người thân quen, thậm chí cả những người trong gia đình thân thuộc của mình. Chú Cuội là như thế - Hay nói dối và nói dối cũng rất hay. Từ trong câu chuyện cổ tích, chú Cuội với tài nói dối tinh quái đã đi sâu vào đời sống của dân gian ta và cũng từ đây trong ngôn ngữ của dân gian xuất hiện thành ngữ “Nói dối như Cuội”.
Trong tiếng Việt, thành ngữ này được dùng để chỉ những người hay nói dối và lúc nào cũng nói dối được. Thí dụ: “Bọn lãnh đạo thằng nào cũng nói dối như Cuội”. (Dẫn theo Nguyễn Lực…, “Thành ngữ tiếng Việt”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Mar 2017

251 Nói lần đan cho người ta

Trong Từ điển Việt-Bồ-La, Alexandre de Rhodes giải nghĩa “Nói lần đan cho người ta” là “nói điều xấu của kẻ khác” (tr. 82).
Điều cần làm rõ trong thành ngữ này là: 1) đan là gì? 2) lần đan là thế nào? và 3) sao nói lần đan lại là nói điều xấu của người ta (hay cho người ta)?
Đan trỏ vật “đơn, suông, không gấp đôi chút nào”. “Áo đan: áo đơn, không kép” (TĐ VBL, 82).
Đan và đơn là biến thể ngữ âm của nhau. Đơn được giải nghĩa là “có cấu tạo chỉ gồm một thành phần. Chăn đơn phân biệt với chăn có ruột bông. Xà đơn phân biệt với xà kép, đánh đơn phân biệt với đánh đôi, đánh theo cặp (x. TĐTV, 1992). Cũng vậy, đơn ca là một người hát, khác với song ca, là hai người cùng hát.
Lần đan, hay lần hột đan là lần tràng hạt, khi đọc kinh. Theo cách thường của nhà Phật thì lần mỗi hột đọc một tiếng kinh, chứ không đọc gấp đôi, gấp ba… “Đọc kinh một tràng hạt năm chục hạt, chứ không đọc một trăm năm chục hạt” (VBL, 82). Nếu ai đó mà lần số hạt không tương ứng với số tiếng (hoặc nhiều hơn, hoặc ít hơn) khi đọc kinh thì người đó đã phạm vào cái tội gian dối trước cửa Phật.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Mar 2017

252 Nói nhăng nói cuội

Trong dân gian Việt Nam “Cuội” vốn đã mang cái tiếng xấu là hay nói dối mất rồi, “nói dối như Cuội”: mà lại!
“Bắc thang lên đến tận mây,
Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời?
Cuội nghe hỏi thế Cuội cười.
Bởi hay nói dối lên ngồi ấp cây”
(Ca dao).
Và những người nói lăng nhăng, không thật thì gọi là nói nhăng nói cuội:
“Việc buôn bán với người ngoại quốc cần là phải giữ tín nhiệm… có đâu như cái việc thuyết pháp nói nhăng nói cuội cho qua” (Bùi Huy Phồn, “Phất”).
Để cắt nghĩa thành ngữ trên có hai ý kiến. Một ý kiến cho rằng vì “nhăng” có nghĩa là quấy quá nhăng nhít cho nên nó đi với “cuội” là thích hợp để diễn tả cái ý nói năng dối trá không đáng tin cậy. Còn ý kiến khác lại cho rằng “nhăng cuội” chính là do “giăng cuội” nói chệch ra mà thôi. Vì vậy nhăng cuội (hay giăng cuội) thường được dùng ở dạng tách đôi xen vào giữa là hình thức lặp của một động từ nói để biểu thị sự nói năng nhảm nhí, vu vơ, dối trá, chuyện nhăng cuội, hứa nhăng hứa cuội, nói nhăng nói cuội, tán nhăng tán cuội, v.v…
Thành ngữ nói nhăng nói cuội (hay nói giăng nói cuội) mang nét nghĩa chung là nói không thật, nói vu vơ, hão huyền. Trong tiếng Việt còn có thành ngữ gần nghĩa là nói hươu nói vượn. Song ở thành ngữ nói hươu nói vượn không có nét nghĩa dối trá.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Mar 2017

253 Nói toạc móng heo

“Nói toạc móng heo” là nói thẳng, nói thật không úp mở quanh co:
“Anh cứ nói toạc móng heo cho mọi người biết” (Tiếng Việt 7, tập một, tr.30).
“Chủ thì che đậy, nhưng tớ lại chẳng cần úp mở, cứ nói toạc móng heo ra”
Ý nghĩa chung của thành ngữ này là như vậy, song cơ chế nảy sinh ý nghĩa đó lại không đơn giản. Như đều biết, móng heo (móng lợn) là một loại sừng cứng bao bọc kín hết ngón chân lợn. Cái vỏ bọc bên ngoài vừa vững, vừa kín như vậy, hẳn là khó lòng biết rõ cái được bảo vệ bên trong. Vậy thì, muốn biết ngón chân heo chỉ có cách làm toạc móng. Quả nhiên, làm toạc móng heo, một mặt là làm mất cái che đậy bên ngoài, mặt khác làm bộc lộ rõ hoàn toàn phần bên trong của chân heo. Có lẽ vì thế, đặt “nói” bên cạnh “toạc móng heo” tạo nên thành ngữ “nói toạc móng heo” với sự liên hệ ý nghĩa “làm mất cái vỏ bề ngoài, làm rõ cái ở bên trong”. Sự liên hội này đã đưa vào trong nội dung ý nghĩa của thành ngữ hai nét nghĩa: nói không che đậy, nói trắng ra. Hãy so sánh:
“Tôi là người trung gian, tôi xin nói toạc móng heo cho các vị rõ” (Chu Thiên, “Bóng nước Hồ Gươm”).
“Bí quyết làm cho người ta chán ngấy là nói toạc móng heo tất cả”
Thành ngữ “nói toạc móng heo” còn có biến thể là “nói toạc móng lợn”, song biến thể này ít được sử dụng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Mar 2017

254 Nói như ông Bành Tổ
Nói như trạng
Nói như thánh phán

Ông Bành Tổ là người đời Dương Nghiêu (Trung Quốc) được vua Nghiêu phong ở đất Bành Thành, có tiếng là người sống lâu đến bảy trăm tuổi. Người đã sống ở đời đến bảy trăm năm thì việc gì không biết, việc gì không thông!
Trạng nguyên là người bao năm đèn sách, bao lần lều chõng đi thi và đỗ đầu kỳ thi đình, thì ắt hẳn phải là người thông tuệ, uyên bác!
Còn thánh được coi là hiện thân của lực lượng “siêu nhiên” thần bí, đứng trên con người thì phán gì chả đúng, nói gì chẳng linh nghiệm! 
Vậy thì “nói như ông Bành Tổ”, “nói như trạng”, “nói như thánh phán” phải chăng là nói rất hay, rất đúng?
Không, từ “như” ở đây cùng với việc sử dụng biện pháp cường điệu ngoa dụ, bằng cách đẩy vế so sánh, (đối chứng) đến mức “không có khả năng trở thành hiện thực” đã vạch ra cái thực của vấn đề: họ chỉ nói như thôi, còn hiển nhiên họ không phải là ông Bành Tổ, tức họ không thể sống đến bảy trăm năm; cũng không phải là trạng, tức không có tài “thông kim bác cổ” và càng không phải là thánh, mà họ chỉ là những người huênh hoang, hợm hĩnh cho nên cái họ nói ra là đáng ngờ, thậm chí là nói sai, nói quá cái vốn hiểu biết ít ỏi của họ.
Cuối cùng, cũng cần phải thấy mặc dù ba thành ngữ này về mặt ý nghĩa chung là giống nhau nhưng mỗi thành ngữ lại mang một nét nghĩa riêng khác nhau và vì vậy được sử dụng trong hoàn cảnh khác nhau. “Nói như ông Bành Tổ” được sử dụng trong trường hợp người “nói như” ấy còn ít tuổi, chưa lịch lãm việc đời. Còn “nói như trạng” chỉ người biết có tính “ba hoa” bộc lộ rõ rệt hơn, “trên trời dưới biển” chuyện gì cũng tỏ ra thông thạo, hiểu biết. Người “nói như thánh phán” thì tỏ ra huênh hoang, hợm hĩnh hơn, tính chất câu chuyện có vẻ “cao đẹp” với ý dạy đời hơn.
Ví dụ: “Mày có im đi không! Ba tuổi ranh mà nói như ông Bành Tổ.”
“Thôi, thôi… cậu không phải thuyết nữa, cậu nói như thánh phán ấy” (Lộng Chương, “Quẫn”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Mar 2017

255 Nóng như Trương Phi

Trong tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc Tam Quốc diễn nghĩa, nhân vật Trương Phi đã để lại một ấn tượng rất sâu đậm trong lòng người đọc với một nét tính cách độc đáo: hết sức nóng nảy, với những cơn giận dữ kinh hồn, như sấm sét.
Vị đại tướng trong đám trăm vạn quân lấy đầu thượng tướng như thò tay vào túi áo lấy đồ vật ấy, râu hùm vểnh ngược, hai mắt trợn trừng, tay cầm bát xà mâu, cưỡi ngựa đứng sững trên cầu Tràng Bản, thét một tiếng mà làm tên tướng địch Hạ Hầu Kiệt sợ đứt ruột mà chết, đã từng túm lấy tên quan mọt dân hại nước Đốc Bưu, lôi ra ngoài quán dịch, trói vào tàu ngựa, bẻ đến hơn mười cành liễu đánh vào mông đít, đã từng đòi đánh thốc vào cửa quan, để bắt sống Đổng Trác, luôn hậm hực muốn giết Lã Bố, đã đòi giết Quan Vũ ở Cố Thành, đã mắng Ngô Phu nhân khi cướp lại A Đẩu…
Vị hổ tướng ấy, rồi cuối cùng cũng phải bỏ mạng tại thành Lãnh Trung, chỉ vì nóng nảy muốn báo thù ngay cho người anh em kết nghĩa vườn đào với mình là Quan Vũ.
Thành ngữ so sánh “nóng như Trương Phi” có nguồn gốc từ đó. Trương Phi tuy rất nóng tính, nhưng lại là người một lòng trung nghĩa, nên được người đời yêu quý. Có lẽ vì thế mà trong đa số trường hợp, thành ngữ này được dùng với ngụ ý trìu mến, và nếu có hàm ý phê phán thì cũng rất nhẹ nhàng.
Bạn gái cũ của mình tính nóng như Trương Phi, nhiều lần hai đứa cãi nhau, mình đành phải im lặng trước vì không muốn to chuyện.
Gần nghĩa với thành ngữ trên là thành ngữ “nóng như lửa”. Nhưng thành ngữ “nóng như lửa” được sử dụng phổ biến hơn “nóng như Trương Phi”, có lẽ chỉ vì lửa được dân gian biết nhiều và biết rõ hơn Trương Phi chăng?
Vợ tôi là người sống tình cảm, cũng chịu thương chịu khó nhưng không biết có phải vì thuộc cung Bọ Cạp không mà tính nóng như lửa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 34 guests