Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 26 Dec 2016

106 Đa nghi như Tào Tháo

Ở nước Trung Hoa thời Tam Quốc có viên quan Thừa tướng nổi tiếng đa nghi họ Tào, tên Tháo. Hắn đa nghi đến mức không tin bất kì ai trên đời, dù người đó là tướng có tài hay người lính đã hết lòng phục vụ và bảo vệ hắn. Có một lần Tào Tháo đem quân đi chinh phạt nhà Thục. Quân Thục chống trả quyết liệt và cố thủ vững chắc. Cuộc chiến kéo dài, quân Tào mệt mỏi, tiến thoái lưỡng nan. Thấy tình thế khó nuốt được Thục, Tào bèn ban mật khẩu “Kê cân”. Một tướng giỏi của Tào là Dương Tu nghe lỏm được, liền truyền lệnh cho quân sĩ thu xếp hành trang, chuẩn bị rút. Thấy lạ, quân tả hữu liền hỏi: - Tại sao tướng quân lại cho quân rút sớm như vậy? Dương Tu đáp: - Quan thừa tướng đã ban mật khẩu “Kê cân” (nghĩa là gân gà) ý muốn nói ăn không được, vứt thì tiếc. Vậy việc rút quân chỉ nay mai thôi. Biết chuyện này, Tào Tháo khép tội Dương Tu là tiết lộ quân cơ, đem ra chém đầu. Nhung đó chỉ là cái cớ. Cái chính là Tào Tháo biết Dương Tu là tướng có tài, chuyện gì cũng đoán biết được trước nên phải tìm cách hạ sát để trừ hậu họa. Tào Tháo còn là người đa mưu, nhưng vẫn rất sợ quân lính làm phản và bọn thích khách ám hại. Để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, hắn ra lệnh: Đêm ta ngủ thường hay mơ nơi trận mạc, tung hoành đao kiếm, đừng ai đến gần mà thiệt mạng. Một hôm, đang ngủ say, bỗng Tào trở mình, chăn rơi xuống đất. Tên lính hầu canh cửa thấy vậy bèn rón rén đến bên giường nhặt chăn lên đắp lại cho chủ tướng. Tào Tháo vùng phắt dậy rút ngay gươm đã thủ sẵn ở đầu giường chém người lính rồi lại nằm ngủ tiếp. Hành động chém giết tàn bạo của y không chỉ là lời răn đe khắc nghiệt đối với quân lính mà còn bộc lộ bản chất hay ngờ vực, hay nghi kị đến mức điển hình của một tính cách. Từ đó, tính cách của y đã được khái quát gọn trong năm chữ: Đa nghi như Tào Tháo.
“Tuy vừa có vẻ giận dữ, vừa cười cợt: - Còn ngón nào nữa. Anh đa nghi như Tào Tháo ấy” (Nguyễn Khải, “Hãy đi xa hơn nữa”).
“Đừng nghĩ vậy, oan nó. Không hiểu con gái mà cứ đa nghi như Tào Tháo”. (Phan Tứ, “Mẫn và tôi”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 26 Dec 2016

107 Đánh đu với tinh

Theo quan niệm mê tín, các thú vật lâu năm có thể trở thành yêu quái gọi là tinh. Trong trí tưởng tượng của dân gian, tinh có phép thần thông biến hóa kì lạ thường hay tác oai tác quái, làm hại con người. Tinh thường sống ở những cây to như cây đa, cây đề. Vì thế, tinh hay đánh đu với tài nghệ cao cường. Muôn loài thú, kể cả khỉ cũng không tài nào đua với tinh ở trò đu cây. Do đó thành ngữ đánh đu với tinh trước hết được dùng để chỉ việc những người tài cán kém cỏi lại muốn thi thố, đọ sức với người giỏi hơn gấp bội. Đó là việc làm đáng buồn cười và vô lý. Thí dụ:
“Biết đâu lại cho là Huyền Linh thích cho cháu học trèo còn Sơn thì tập tọng nghệ sĩ, muốn đánh đu với tinh (Nguyên Hồng, “Thời kì đen tối”).
Dân gian ta vốn xem tinh là yêu quái xảo quyệt và nguy hiểm, cần phải tránh xa, không nên “dây vào”. Trong ngôn ngữ dân gian, tinh cũng được ví với những người xảo quyệt ma lanh. Do đó, thành ngữ đánh đu với tinh lại được nhận diện nghĩa theo một hướng khác, ở đây, đánh đu được hiểu theo nghĩa biểu trưng là “cùng chơi”, và tinh là kẻ xấu, xảo quyệt.
Theo đó, thành ngữ này hàm chỉ “việc chơi bời, kết bạn với loại người xảo trá, quỷ quyệt là quá dại dột cần phải từ bỏ, tránh xa, càng sớm càng tốt”. Thí dụ:
“Người ta đồn rằng tối hôm nọ cậu đi hát nhà trò với nhà giáo Kiền, giáo Hạnh phải không?… Người ta ghét thì người ta nói thế bà ạ. - Thôi chuyện đâu bỏ đấy, tôi chỉ can cậu, từ giờ đừng dại nữa nhá. Đánh đu với tinh đấy. Chẳng hay hớm gì đâu.” (Tô Hoài, “Trăng thề”).
“Cái Tý nó ghê lắm, không phải hạng người thường đâu, chơi với nó như đánh đu với tinh” (Xuân Tùng, “Nhãn đầu mùa”).

Trong cuốn sách “Thành ngữ tiếng Việt” (Nguyễn Lực, Lương Văn Đang, NXB KHXH, 1978), “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên, NXB KHXH, 1988), “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nguyễn Lân, NXB VH, 1988) thành ngữ “đánh đu với tinh” đều được giải thích theo nghĩa này. Song thực tế nghĩa của thành ngữ này được hiểu rộng hơn. Thậm chí, trong cuộc sống, những việc làm có tính chất phiêu lưu, mạo hiểm đều có thể ví với trò đánh du với tinh.
Như vậy, trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ đánh đu với tinh được dùng với nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào cách hiểu đặc điểm và nghĩa biểu trưng của tinh.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 26 Dec 2016

108 Đánh trống bỏ dùi

Thoạt nghe, tưởng chừng thành ngữ “đánh trống bỏ dùi” chẳng có vấn đề gì về mặt chữ nghĩa, vậy mà chính nó là một thành ngữ khá phức tạp, không đơn giản như nhiều người vẫn hiểu. Tất cả cũng tại một chữ “dùi”!
Thông thường, nhiều người diễn giải rằng “đánh trống bỏ dùi” là dùng dùi để đánh trống và đánh xong thì đem vất dùi đi. Từ đó mà suy diễn ra nghĩa của thành ngữ. Có người còn suy nghĩ ra là người đánh trống, khi xong công việc thì chỉ mang trống về, chỉ giữ gìn lấy trống mà vứt dùi lại, chẳng tiếc gì thứ “rẻ tiền” đó nữa.
“Trách ai tham trống bỏ dùi”
(Ca dao)
Nhưng lại có một cách hiểu khác về chữ “dùi”. “Dùi” là tên gọi những tiếng trống lẻ sau những hồi trống dài, liên tục. Như vậy, “dùi” còn mang ý nghĩa như “tiếng” do phép hoán dụ, dùng phương tiện hành động chỉ kết quả hành động. Trong thổ ngữ Nghệ Tĩnh “dùi” và “tiếng” song song tồn tại bên nhau và có khả năng thay thế cho nhau: “ba hồi chín dùi” = “ba hồi chín tiếng”. Đáng lưu ý là những “dùi” trống riêng lẻ này rất quan trọng vì chúng là tín hiệu góp phần phân biệt quy định các hiệu lệnh khác nhau của hồi trống “ba hồi chín dùi” có nội dung thông báo khác với hiệu lệnh “ba hồi ba dùi”. Đánh trống mà bỏ (không đánh) những “dùi” lẻ này thì người nghe không thể biết đó là hiệu lệnh gì để đáp ứng yêu cầu kịp thời. Ấy vậy là làm việc không chu đáo và thiếu trách nhiệm.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 26 Dec 2016

109 Đất có lề, quê có thói

Đi vào bất cứ vùng quê nào, điều cần quan tâm trước hết phải là tập tục, phép tắc ở nơi đó. Hiểu biết, tôn trọng tập tục, thói cách của từng nơi, từng chốn là một yêu cầu văn hóa trong ứng xử của mỗi ngươi đối với quan hệ xã hội. Người Việt Nam chúng ta thường xuyên bảo, nhắc nhở nhau “đất có lề quê có thói” cũng chính là xuất phát từ nhận thức đó.
Ở câu tục ngữ “đất có lề”, “quê có thói”, các từ lề, thói gần nghĩa với nhau. Lề chính là thói phép, quy tắc, thông lệ. Chúng ta thường gặp lề với nghĩa này trong các tổ hợp lề lối, lề luật. Lề trong nghĩa này hòa nhập với nghĩa từ lệ trong câu “phép vua thua lệ làng” và trong các tổ hợp: lệ thường, thường lệ, lệ luật. Thói là cách thức quen thuộc, là tập tục, tập quán. Với ý nghĩa này, thói có thể kết hợp với các yếu tố gần nghĩa khác để tạo các tổ hợp mới như thói phép, thói tục, thói cách,… Rõ ràng, trước đây ý nghĩa của thói chỉ mang sắc thái trung hòa, nhưng dần dà trong tiếng Việt dường như thói được hiểu như là tính nết, lối sống với sắc thái tiêu cực như thói hư tật xấu, thói đời, quen thói, hay “Thúc Sinh quen thói bốc giời”. Dầu từ thói có sự chuyển dịch như thế nhưng ý nghĩa của toàn bộ câu tục ngữ vẫn không bị phương hại gì. Người Việt Nam vẫn giữ trong đó một vẻ đẹp của đạo lý dân tộc. “Đất có lề quê có thói” mách bảo cho chúng ta biết được sức mạnh của lề luật này. Đến “phép vua còn thua lệ làng” nữa là! Cao hơn nữa, nó còn giúp chúng ta nhớ về cội nguồn. Dẫu đi đâu, về đâu, đừng bao giờ quên mảnh đất chôn nhau cắt rốn với những lề lối, thói quen riêng đã từng nuôi dưỡng phẩm hạnh của mình lớn lên theo thời gian, năm tháng. Dẫu bản thân mình có đạt được địa vị cao sang, có thể trở thành ông nọ, bà kia, nhưng khi trở về làng phải biết tôn trọng, ứng xử theo lệ làng, theo thói cách của quê hương. Dĩ nhiên, tôn trọng phong tục, tập quán quê hương mình bao nhiêu thì cần phải quý trọng tục lệ, lề thói quê người bấy nhiêu. Có thể tìm thêm ở câu tục ngữ bằng tiếng Hán “nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc” để hiểu rõ hơn cái triết lý dân gian trong câu “đất có lề quê có thói”.
Trong sử dụng ngôn ngữ, câu tục ngữ “đất có lề, quê có thói” thường được rút gọn thành “đất lề quê thói”. Một số địa phương dùng câu tục ngữ này dưới dạng “đất lề quê sói”. Ở đây, sói là biến thể ngữ âm của thói và là một quy luật tương ứng ngữ âm đều đặn giữa TH-S vốn rất phổ biến trong tiếng Việt, chẳng hạn: thẹo-sẹo, thèm-sèm, thợ-sợ,…
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 26 Dec 2016

110 Đất nào cây ấy

Nhà nông học Bùi Huy Đáp đã từng khẳng định rằng: “Nông dân lao động nước ta, không xa quan điểm của William bao nhiêu với kinh nghiệm lâu đời: “đất nào cây ấy”. Chân lý này đã thể hiện rõ trong lịch sử nông học nước ta và lại đang được chứng minh một cách sinh động từ Bắc vào Nam…” (x. Bùi Huy Đáp, Ca dao tục ngữ vói khoa học nông nghiệp, Nxb. Đà Nẵng, 1999, tr. 14).
Vậy “đất nào cây ấy” nghĩa là thế nào?
Theo kinh nghiệm lâu đời của dân gian thì “đất nào cây ấy” là tùy thuộc vào chất đất mà chọn cây trồng thích hợp sẽ đạt hiệu quả và năng suất cao. “Đất nào cây ấy” là sự tương thích giữa cây trồng với đất, hay giữa đất và cây trồng. Đó là một chân lý mà người bình dân đã tổng kết nhờ kinh nghiệm hàng ngàn đời nay. Chính nhờ cái kinh nghiệm này mà ta có những sản vật, những nông sản nổi tiếng của những miền đất khác nhau, như đậu xanh Hải Dương, tám xoan Bắc Ninh, mía xương gà Hưng Yên, bắp cải Xuân Trường (Nam Định), cải tiếu (Yên Phong), cam Bố Hạ (Bắc Giang), vải thiều (Thanh Hà, Hưng Yên), và những dưa La, cà Láng v.v. và v.v…
Song, cái chân lý ấy không phải là một giáo điều có tính chất khô cứng và bất biến. Trong thời đại ngày nay, với trình độ kĩ thuật mới của nông học và những thành tựu rực rỡ của ngành sinh học và thổ nhưỡng, người ta đã có thể tạo ra cuộc “cách mạng xanh” với những quy mô lớn, nhỏ khác nhau ở từng vùng đất hay trong phạm vi rộng lớn có tính toàn cầu. Riêng ở nước ta, chỉ với những cải biến theo mô thức VAC (vườn, ao, chuồng) hay RVAC (rừng, vườn, ao, chuồng) thôi, cũng đã đem lại những hiệu quả đáng ghi nhận. Một khi con người đã vươn lên, nắm được khoa học kĩ thuật, chế ngự và cải tạo được thiên nhiên, đổi mới được giống cây trồng thì cái phương châm “đất nào cây ấy” chỉ có giá trị tương đối mà thôi. William đã đúng khi khẳng định rằng “không có đất xấu, chỉ có phương pháp sử dụng đất tồi” (dẫn theo Bùi Huy Đáp, Tlđd., tr. 17). Có lẽ chính nhờ những điều vừa nêu mà ở nước ta đã xuất hiện những vùng đất mới tạo ra những đặc sản mà vốn xưa nay chưa phải đã là đặc trưng, như mận Bắc Hà, mơ Bảo Yên (Lào Kay), quýt Bắc Sơn, na Chi Lăng, táo Mễ Sở (Hưng Yên), hồi Lạng Sơn, chè Suối Giàng (Yên Bái), quế Văn Yên (Yên Bái), xoài Cam Ranh, nho Phan Rang, thanh long Bình Thuận, cà phê, hồ tiêu Đắc lắc, v.v…
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 27 Dec 2016

111 Đất tốt cò đậu
Đất lành chim đậu

Trong tiếng Việt, hai câu tục ngữ “đất tốt cò đậu” và “đất lành chim đậu” có cấu trúc giống nhau, nhưng về nghĩa thì có những sự khác biệt nhất định.
Trước hết, hãy nói về câu “đất tốt cò đậu”. Câu này có nghĩa là nơi nào “đất tốt” thì cò “đậu”, tức là cò tụ tập đến ở.
Ở những vùng đất tốt thì có cây cối cao to, mọc rườm rà, um tùm. Đó chính là môi trường sinh thái thích hợp với tập quán sinh sống, tụ tập của cò và các loại chim họ cò, như sếu, le le, ngỗng trời… Vì thế mà có câu “đất tốt, cò đậu”. Thực tế ở Tràm Chim (Đồng Tháp Mười), ở cửa Ba Lạt của sông Hồng (thuộc Giao Thủy, Nam Định), ở vườn rừng của ông Phạm Ngọc cửu (xã Kiên Thọ, Ngọc Lạc, Thanh Hóa), ở vườn cò thôn Hiệp Đồng (xã Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang), ở đảo cò thuộc công viên Lê Nin (hồ Bảy Mẫu cũ) v.v… đã minh chứng đầy sức thuyết phục cho cái chân lý giản dị “đất tốt cò đậu” mà chúng ta vừa nói đến.
Song, trong cách nhìn của dân gian thì, nơi mà cò nói riêng, và chim nói chung về “đậu”, tức là đến tụ tập để ở, để sinh sống là “đất lành”. Cho nên có câu “đất lành chim đậu”. Trong tâm thức của dân gian thì chim, cò về ở là điềm lành, điềm tốt. Đó là cách nhìn ít nhiều mang màu sắc “phong thủy”. Nhưng cái hạt nhân chân lý của cách nhìn này là chim, cò chỉ về sinh sống ở vùng đất có môi trường sinh thái được bảo vệ tốt. Nếu như đó không phải là “điềm lành”, thì rõ ràng cũng là điều tốt lành. Cũng cần lưu ý rằng câu “đất lành chim dậu” còn được dùng với nghĩa rộng để nói cả về sự lựa chọn môi trường sống và hoạt động của con người nữa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 27 Dec 2016

112 Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt

Câu này nói về chế độ ruộng đất và một số nét về cảnh quan của làng xã Việt Nam thời phong kiến.
Dưới chế độ phong kiến, về danh nghĩa, toàn bộ đất đai trong nước đều là của vua. Vua, và chỉ có vua mới có quyền dùng đất đai ấy để phong cấp cho những người có công với nước. Người được phong cấp có quyền thu tô của nông dân canh tác trong vùng đất được phong cấp, nhưng vẫn không phải là chủ sở hữu của đất. Khi họ chết, nếu không được phép cha truyền con nối, thì số đất đai được phong lại trả lại quyền sở hữu cho vua. Ngay công điền, công thổ mà vua giao cho làng xã, thì cũng chỉ được phép dùng để quân cấp định kì cho dân và dùng làm đất xây đình, xây chùa và canh tác để có lễ vật, hương khói thờ thành hoàng, thờ Phật. Người ta nói “đất vua, chùa làng”, “đất có thổ công, sông có hà bá” là thế. Còn vì sao lại nói “cảnh bụt? Bụt là từ cổ, bắt nguồn từ tiếng Sankrit: Budha, trong tiếng Hán cũng được phiên từ từ này, đọc theo âm Hán - Việt là Phật, cho nên Bụt và Phật là một. “Cảnh Bụt” chính là cảnh chùa. Bởi lẽ, ở Việt Nam, chùa thường được xây dựng trên một khuôn viên rộng rãi, tĩnh mịch thuộc công thổ, công điền, trồng nhiều cây cổ thụ, cây cảnh như đề, đại, vạn tuế, mộc lan, ngâu, sói v.v… Đó là nơi phong cảnh đẹp, được coi là “cảnh Phật” (Bụt), thu hút nhiều khách thập phương đến vãn cảnh.
Công điền, công thổ giao cho nhà chùa quản lý là đất của chùa, cảnh và đất ấy là của Bụt, là của thiêng liêng. Không ai xâm phạm, vì theo tâm thức của người Việt, “của Bụt lấy một đền mười”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 27 Dec 2016

113 Đèo heo hút gió

Người ta hay dùng thành ngữ “Đèo heo hút gió” để nói về một nơi hoang vu, vắng vẻ, ít người qua lại, điều này thì đã rõ, tất cả các từ điển về thành ngữ, tục ngữ xưa nay đều giải thích như thế. Chẳng hạn Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (NXB Văn Học-2010), ghi: đèo heo hút gió, Nói những nơi rừng núi xa xôi, hẻo lánh. Hay Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (NXB Văn Hóa - Thông Tin-1998): Đèo heo hút gió, Nơi rừng núi hoang vu, xa xôi, vắng vẻ. Những quyển từ điển này chỉ giải thích ý của thành ngữ, chứ không đi sâu vào giải thích từ nguyên.
Tôi thử xem những ý tứ gì trong thành ngữ “Đèo heo hút gió” để cho ta hiểu, hay để những từ điển giải thích là “Nơi rừng núi hoang vu, xa xôi, vắng vẻ”. Trước hết đây là một thành ngữ gồm bốn từ, khá thông dụng trong thành ngữ Việt Nam, chẳng hạn như “Mưa thuận gió hòa”, “Quạ tha diều mổ”, “Giấy trắng mực đen”, “Con dại cái mang”, “Bỏ mồi bắt bóng”… và còn rất nhiều nữa. Những đặc trưng của thành ngữ này là “ý nghĩa đi từng cặp từ”, đối nhau, bổ túc nghĩa cho nhau, như “Mưa thuận (thì) gió hòa”, “Quạ tha (lại bị) diều mổ”, “Giấy trắng (thì có) mực đen”, “Con dại (thì) cái (phải) mang”, “Bỏ mồi (để) bắt bóng”… Nếu thành ngữ “Đèo heo hút gió” mà phân tích như thế sẽ ra sao? “Đèo heo - hút gió”, “Đèo heo” có nghĩa là gì? để “dẫn tới” “hút gió”? “Đèo” có phải là “ngọn đèo (núi)” hay không? Hình như khi ta hiểu cả thành ngữ “Đèo heo hút gió” là “Nơi rừng núi hoang vu, xa xôi, vắng vẻ”, có vẻ như ta đã bị ảnh hưởng của hai từ “heo hút” (chữ thứ nhì và thứ ba trong thành ngữ), có nghĩa là nơi xa xôi, vắng vẻ. Như vậy thành ngữ này khi đọc phải ngắt quãng “Đèo heo hút - gió”, chứ không phải là “Đèo heo - hút gió” nữa. Nếu đọc “Đèo heo hút - gió”, nghe như một bài Haiku của Nhật vậy… Như bài thơ “Trên cành khô - cánh quạ đậu - chiều thu”, hoặc “Trong thinh lặng - tiếng một con ếch nhảy xuống ao - tõm”…
Quyển Từ điển Thành ngữ Việt Nam của Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành (NXB Văn Hóa - Thông Tin-1994), đi sâu vào chi tiết hơn, giải thích: Đèo heo hút gió, Nơi rừng núi hoang vắng, ít người qua lại, hoặc nơi xa xôi cách trở, ở các vùng miền nói chung. (heo: gió; hút: luồng xoáy gió). Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931) giải thích từ Heo. Gió lạnh mùa thu. Heo may. Gió tây-bắc. Như vậy ta có thể hiểu theo cách giải thích của Từ điển của nhóm Nguyễn Như Ý, Đèo heo: đèo gió, hút gió: luồng gió xoáy, Đèo heo hút gió, Đèo gió có luồng gió xoáy.
Trong tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư số 4 (12) tháng 7-2011, có bài ĐÈO HEO HÚT GIÓ HAY ĐÈO NEO HÚT GIÓ? Của tác giả Đỗ Thị Thu Hương (ThS Ngôn ngữ học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội). Trong bài viết có đoạn: “Trong Tiếng Việt tinh nghĩa, tác giả Trịnh Mạnh đã giải thích thành ngữ này như sau: “Chính là “đèo neo hút gió” bị nói chệch đi. Ngày trước, đường quốc lộ đi từ Thăng Long lên ải Nam Quan phải đi qua đèo Neo (một đèo gần thị xã Bắc Giang bây giờ). Tiễn người đi sứ sang Trung Quốc, bạn bè dù thân thiết cũng chỉ đi tiễn đến đèo Neo, đặt rượu tiễn hành rồi quay về. Người đi sứ phải đi vào đoạn đường rừng hoang vắng để lên cửa ải”.
Trong bài viết có nói tác giả Trịnh Mạnh đã cất công đến tận đèo Neo, nằm ở huyện Yên Dũng tĩnh Bắc Giang. Bây giờ tuy không còn hoang vu hiểm trở như xưa, nhưng vẫn còn là một nơi vắng vẻ, ít người qua lại, và từ “đèo Neo hút gió” đã chuyển thành “đèo heo hút gió”. Đây cũng là một cách giải thích nguồn gốc của thành ngữ.
Trong hai cách giải thích như trên thì “trật tự” thông thường của thành ngữ “Đèo heo hút gió” đã được “phục hồi”, nghĩa là thành ngữ bốn từ (chữ) này được chia làm hai vế “Đèo heo” và “hút gió”.
Qua những lý giải trên, như trong từ điển của nhóm Nguyễn Như Ý, và bài viết của tác giả Đỗ Thị Thu Hương, ý nghĩa nguồn gốc của thành ngữ “Đèo heo hút gió” đã khác nhau, nhưng từ “Đèo” vẫn được hiểu là “ngọn đèo”. Nhưng trong quyển Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ (NXB Khai Trí Saigon-1970), trong phần phụ lục, giải thích tục ngữ, thành ngữ, đã giải thích thành ngữ “Đèo heo hút gió” như sau: (thành ngữ) Tức Đìu hiu hắt gió, trên núi cao vắng vẻ, lúc nào cũng có gió. Tuy nghĩa tổng quát của thành ngữ vẫn có nói tới “núi cao vắng vẻ”, nhưng khi chuyển “Đèo heo hút gió” thành “Đìu hiu hắt gió”, thì ta có hai vế “Đèo heo - Đìu hiu”, và “hút gió - hắt gió”. “Đìu hiu” là tính từ, Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giải thích là “vắng vẻ và buồn bã”, ở đây đã mất hẳn ý nghĩa của từ “Đèo” có nghĩa là “ngọn đèo” (ở vùng núi).
Một thành ngữ chỉ gồm có bốn chữ “Đèo heo hút gió”, nghĩa tổng quát ai cũng hiểu như nhau, nhưng khi đi vào phân tích từ nguyên, thì mỗi nơi lại giải thích mỗi khác, thật thú vị.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 27 Dec 2016

114 Đi giác sắm bầu, đi câu sắm giỏ

“Đi giác sắm bầu, đi câu sắm giỏ” là câu tục ngữ nói về cái lẽ thường, có giá trị như những chân lý trong cuộc sống.
“Đi giác” là đi chữa bệnh bằng cách “giác”, một phương pháp chữa bệnh của dân gian. Theo phương pháp này, người ta làm cho máu tụ lại một chỗ, hoặc hút ra một ít ở chỗ máu tụ, bằng cách úp sát vào đó một dụng cụ hình chén thắt miệng (gọi là bầu giác), hoặc hình ống (gọi là ống giác) đã được đốt lửa bên trong để tạo trạng thái chân không. Như vậy, “bầu” (giác) là dụng cụ quan trọng, không thể thiếu được khi “đi giác”. “Đi giác” mà không có “bầu” thì làm sao mà “giác” được! Cho nên “đi giác” phải “sắm bầu” (mua bầu) là cái lẽ đương nhiên.
Cũng tương tự như vậy khi nói về chuyện “đi câu”: “Đi câu” là đi bắt cá bằng cách “câu”. “Câu” là: “Bắt cá, tôm, v.v… bằng móc sắt nhỏ (gọi là lưỡi câu), thường có móc mồi, buộc ở đầu một sợi giây” (Từ điển tiếng Việt, 2000), thường thì đầu kia của sợi giây được buộc vào một cái cần (gọi là cần câu). Cá tham mồi thì sẽ “cắn câu”; người đi câu bắt cá bỏ vào giỏ. Cái giỏ cần cho người đi câu là vì thế. Cho nên đi câu thì phải sắm giỏ là cái lẽ đương nhiên cũng như đi giác thì phải sắm bầu vậy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 27 Dec 2016

115 Đi guốc trong bụng

Thành ngữ “Đi guốc trong bụng” được dùng để chỉ sự thấu hiểu, biết rõ tâm tư, ý nghĩ của người khác.
“Nhưng một số người đã đi guốc trong bụng bọn cường hào, biết là dọa già dọa non thế thôi” (Nguyễn Công Hoan, “Hỗn cư hỗn canh”).
Thoạt xem, chúng ta thấy các thành tố cấu tạo nên thành ngữ “đi guốc trong bụng” không liên quan gì đến ý nghĩa trên. Nhưng kì thực ở trong chúng cũng tiềm ẩn những nét nghĩa của toàn thành ngữ. Trước hết, theo quan niệm của Dân gian ta, bụng, dạ, gan, ruột là những nơi sâu kín, ẩn giấu những tâm tư, ý nghĩ của con người. Người Việt Nam đã quen nói nghĩ bụng, bụng bảo dạ, nóng lòng nóng ruột, suy bụng ta ra bụng người… là dựa vào nhận thức, cách nghĩ của dân tộc ta - tâm và trí gắn liền nhau, hòa quyện nhau. Cách nói đi guốc vào trong bụng là lối ngoa dụ để phản ánh sự nhận biết một cách thấu đáo ý nghĩ của người khác. Đến như một nơi thầm kín như bụng dạ mà người ta đã đi vào trong một cách đàng hoàng - đi bằng guốc nữa, đi như đi trên đường phố - thì còn đâu là bí mật và kín đáo nữa!
“Sáng nay Viên lại gọi Mâu sang nhà Vạnh, nghe Viên nói như đi guốc trong bụng mình Mâu chỉ biết ngồi yên, không dám cãi nửa lời.” (Nguyễn Thế Phương, “Đi bước nữa).
Trong tiếng Việt, ngoài “đi guốc trong bụng”, ta còn gặp các dạng thức khác có cách sử dụng và ý nghĩa tương tự như; “đi guốc vào bụng”, đi guốc vào đầu, đi guốc vào gan ruột.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 27 Dec 2016

116 Đi một ngày đàng, học một sàng khôn

Ông cha ta thường khuyên con cháu phải biết giao thiệp rộng, tiếp xúc vói nhiều người để học hỏi, nâng cao tầm hiểu biết của mình, đặc biệt cần phải tránh, không nên thu mình một chỗ, một xó kẻo rồi khi cáng đáng việc đời lại bỡ ngỡ, choáng ngộp trước một cuộc sống đa dạng, muôn màu muôn sắc mà hoàn cảnh hạn hẹp theo lối ếch ngồi đáy giếng chưa cho phép một lần được trông thấy, nghĩ tới. Câu tục ngữ đi một ngày, học một sàng khôn là một trong những lời khuyên sâu sắc và quý giá đó. Với câu tục ngữ này, ông cha ta đã mách bảo, khuyên dạy rằng, muốn nên người, muốn hiểu biết nhiều, có kiến thức rộng, am hiểu sự đời, phải lăn lộn với cuộc sống, phải đi nhiều, phải đi đây đi đó để thu lượm, học hỏi những tri thức của cuộc sống để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của bản thân mình.
Ở câu tục ngữ đi một ngày đàng, học một sàng khôn, xét về mặt chữ nghĩa, các từ đều khá rõ ràng, ở đây chỉ có từ đàng là hơi khó hiểu vì nó là từ địa phương miền Trung và miền Nam với nghĩa là đường. Cái khó của câu tục ngữ này là ở chỗ, các từ ngữ kết hợp với nhau tạo nên những đơn vị định danh vừa cụ thể lại vừa rất trừu tượng. Ngày đàng vừa có ý nghĩa không gian vừa có ý nghĩa thời gian. Khi “ngày đàng” kết hợp với từ chỉ số lượng một tạo thành chỉnh thể “một ngày đàng” vẫn không tạo nên một đại lượng cụ thể, dễ nắm bắt được. Dẫu vậy, cả vế thứ nhất “đi một ngày đàng” cũng toát lên cái ý có sự ra đi trong một khoảng thời gian và không gian nhất định dù là ngắn. Đây là tiền đề, là cơ sở để tạo nên kết quả “học một sàng khôn”. Trong sự đối ứng với vế thứ nhất, “đi một ngày đàng” thì vế thứ hai “học một sàng khôn” hàm chỉ kết quả học hỏi, thu nhận được rất lớn. Sàng khôn trong câu tục ngữ này có tính biểu trưng và tạo nên những liên tưởng rất lý thú. Dân gian hay dùng sàng với nghĩa đen chỉ một loại đồ đan bằng tre, hình tròn, nông và thưa có tác dụng làm sạch trấu và tấm cho gạo, để làm danh từ chỉ đơn vị. Đơn vị được đong, đo, đếm bằng sàng trong dân gian là lớn và nhiều. Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp là cách đối lập giữa số ít và số nhiều. Vậy, học một sàng khôn là học được nhiều cái hay, cái tốt của thiên hạ để cho mình khôn lớn hơn, hiểu biết về cuộc sống xã hội. Nếu thả mình vào trong sự liên tưởng, thì ít nhiều chúng ta lại nghĩ tới một sự biểu trưng khác của từ sàng khôn này. Thông thường, nói đến sàng người ta nghĩ tới cái được giữ lại ở trên sàng là thứ to hơn, ngược lại cái lọt xuống, lọt qua sàng là thứ nhỏ. Lọt sàng xuống nia mà lại! Sàng khôn có lẽ vì thế mà gợi nên sự liên tưởng tới những điều khôn không chỉ có số lượng nhiều nói chung, mà còn là cái số lượng nhiều đã được chọn lọc. Không hiểu ông cha ta có gửi gắm điều này không, nhưng đứng về phía người thưởng thức và sử dụng ngôn ngữ, những liên tưởng như vậy là hoàn toàn có lý. Trở lại câu tục ngữ đi một ngày đàng, học một sàng khôn, hai vế câu tục ngữ được hỗ trợ của phép đối và điệp dễ gây liên tưởng có tính khẳng định: hễ cứ đi ra là có thể học được nhiều điều hay lẽ phải và càng đi nhiều càng khôn lớn trưởng thành. Đó là thông điệp của cha ông gửi lại cho đời sau.
Câu tục ngữ đi một ngày đàng, học một sàng khôn còn có một dạng thức nữa là đi một quãng đàng, học một sàng khôn. Dạng thức này hình thành trên cơ sở cụ thể hóa việc đi lại bằng đơn vị không gian (quãng đường) chứ không phải là đơn vị thời gian (ngày đàng) như dạng đang xét. Sự thay đổi này không làm phương hại gì đến ý nghĩa của câu tục ngữ. Thí dụ:
“Đường cái ơi! Và cả những con đường nữa! Hết đường cái quan là đường cái dân, hết tội, hết lỗi, bỏ gồng gánh, dịu bế trên vai, trên lưng, trên đầu, đường cái ta đi ta hát, vạn nghìn chuyên chở, muôn vạn hiểu biết, đi một quãng đàng, học một sàng khôn, đi cho đến nơi, về cho đến chốn, đường có thể ngoằn ngoèo, khuất khúc, lòng dạ bao giờ cũng đúng đắn thẳng ngay” (Xuân Diệu, “Đi trên đường lớn”).
Gần với câu tục ngữ “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” về cả ba phương diện cấu tạo và ý nghĩa là câu tục ngữ “đi một buổi chợ, học một mớ khôn”. Câu tục ngữ này khuyên bảo người đời cần phải tiếp xúc nhiều người, càng tiếp xúc rộng rãi, càng học hỏi được nhiều, và do đó càng hiểu biết, khôn lớn trong cuộc sống.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 27 Dec 2016

117 Điếc không sợ súng

Trước đây, trong các loại gây tiếng nổ, súng đạn là loại nổ to nhất, mạnh nhất, có thể làm đinh tai, nhức óc. Súng lại là loại vũ khí giết người nữa, nên hễ nghe tiếng súng nổ, ai cũng như ai đều cảm thấy rờn rợn, rùng mình, sợ hãi. Duy chỉ có những người điếc tai, do bị dị tật mà mất khả năng nghe, dẫu có súng nổ bên tai đi nữa, thì vẫn cứ thản nhiên như thường, không một chút giật mình, sợ sệt. Thực tế này đã được dân gian lấy làm cơ sở cho thành ngữ “điếc không sợ súng” để chỉ những trường hợp do không biết, không hiểu mà cứ nói bừa, làm bừa, không sợ sai lầm, không sợ nguy hiểm.
Cái thú vị nhất trong thành ngữ điếc không sợ súng là ở từ điếc và súng. Từ điếc vốn chỉ hiện tượng không có khả năng nhận thức, không có khả năng hiểu biết. Cũng vậy, súng với nghĩa chỉ âm thanh vốn là đối tượng của sự nhận biết bằng thính giác được chuyển thành đối tượng nhận thức, đối tượng của hoạt động trí tuệ. Thêm vào đó, ở thành ngữ “điếc không sợ súng” này, từ súng còn có nghĩa biểu trưng cho sự nguy hiểm, cho tác nhân gây hại đối với con người. Chung đúc ý nghĩa của các từ riêng lẻ, thành ngữ điếc không sợ súng đã tạo nên ý nghĩa tổng thể hàm chỉ những con người do không hiểu biết mà cứ liều lĩnh làm những việc mà những người sáng suốt, thông hiểu sẽ không bao giờ làm hoặc tìm cách né tránh để phòng ngừa hậu họa. Thí dụ:
“Vì nước pha thuốc sát trùng có mùi tanh, khi uống anh em tân binh, lính nhà ta thường chỉ pha với liều thấp (cho đỡ tanh) không đủ tác dụng tiệt trùng. Hoặc có những chàng điếc không sợ súng uống bừa nước không pha thuốc” (Báo QĐND, 22-5-1979).
Trong sử dụng ngôn ngữ, nói chung, người ta dùng thành ngữ điếc không sợ súng theo nghĩa bóng trên, nhưng đôi khi thành ngữ này cũng được dùng theo nghĩa đen. Thường thì ở trường hợp này, người sử dụng ngôn ngữ đã vận dụng nghĩa đen của thành ngữ theo lối chơi chữ khá thú vị. Thí dụ:
“Điếc thì không sợ súng. Chứ anh điếc chẳng can đảm bằng ai” (Báo Văn nghệ, 10-7-1970).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 27 Dec 2016

118 Điệu hổ li sơn

Trong muôn thú, hổ là con vật khỏe và dữ tợn. Đời sống của hổ gắn liền với rừng núi. Sống trong rừng, trong núi hiểm trở, hổ thành thạo mọi ngõ ngách với hang sâu cùng cốc, am hiểu được thế núi, thế rừng nên càng tỏ ra tinh tường, tài giỏi hơn trong việc tấn công kẻ thù để giành giật miếng ăn hay để bảo vệ sinh mạng. Rừng núi, vì thế đã trở thành thánh địa, ở đây hổ mặc sức tung hoành dọc ngang. Cái sức thực có, cái dữ dội bản tính, được kết hợp với sức mạnh của núi non, rừng rú, đã tạo cho hổ một khả năng tự vệ và “chinh chiến” to lớn gấp bội phần. Với lợi thế ấy, hổ đã làm cho mọi vật phải kinh sợ, vị nể và chịu suy tôn làm chúa sơn lâm. Con người muốn săn bắt hổ nơi rừng núi, đâu có dễ dàng. Đó là một công việc khó khăn, nguy hiểm đòi hỏi phải mưu trí. Do vậy, từ thời xa xưa, Dân gian Trung Quốc đã rút kinh nghiệm đánh giết hổ có hiệu quả nhất là phải điệu hổ li sơn. Đây là một kế thực sự, bởi điệu hổ li sơn, là đưa hổ rời khỏi núi, tức là làm cho hổ mất môi trường phát huy thế mạnh của mình. Khi ở nơi xa lạ, hổ không khỏi bỡ ngỡ và trở nên lúng túng vì mất thế mạnh nên khó đường xoay trở. Câu chuyện bắt giết hổ đã trở thành bài học quý để người đời áp dụng vào nhiều công việc khác nhau trong cuộc sống. Người ta nói chuyện về vật, về thiên nhiên cũng chính là để nói về cuộc sống và cách ứng xử giữa người và người vậy. Với cách nhìn đó, hổ biểu trưng cho kẻ có sức mạnh, còn sơn (núi) biểu trưng cho môi trường quen thuộc, hoàn cảnh để phát huy thế mạnh của đối tượng cần tiêu diệt hoặc chinh phục. Vì vậy, khi nói điệu hổ li sơn (đưa hổ rời khỏi núi) cũng là nói tới mưu kế, dụ đối phương ra khỏi hoàn cảnh vốn rất có lợi thế nhằm triệt tiêu một phần khả năng kháng cự để dễ bề chinh phục hoặc tiêu diệt.
Với ý nghĩa này, thành ngữ “điệu hổ li sơn” trở nên đối lập với thành ngữ thả hổ về rừng. Như đều biết, hổ là thú dữ bậc nhất, nguy hại nhất đối với con người. Thế mà đã bắt được hổ mà lại còn thả nó trở về rừng núi, vùng đất thánh của hổ thì chẳng khác nào giúp kẻ ác, kẻ có sức mạnh trở về nơi quen thuộc, để tự do hoành hành và tạo cơ hội phản bội lại mình. Hành động thả hổ về rừng được xem là hành động nguy hiểm, thiếu cân nhắc, suy nghĩ. Thí dụ:
“Bảo Chính là bề tôi nanh vuốt của Quý Khoáng, sao tướng quân lại thả hổ về rừng” (“Nghìn xưa văn hiến”).
Đi theo một hướng liên hội khác, hổ biểu trưng cho kẻ có sức mạnh, chống phá ác liệt, và đưa hổ rời khỏi núi cũng tức là đưa kẻ chống đối ra xa mục tiêu, xa mình để không còn khả năng chống phá, quấy nhiễu việc thực hiện mưu đồ và công việc của mình, ở đây, ý nghĩa của thành ngữ “điệu hổ li sơn” bộc lộ rõ bản tính tiêu cực, thụ động. Khi nói điệu hổ li sơn thì cũng giả định kẻ thực hiện mưu kế này đang có âm mưu, hoặc đang làm một việc gì đó, thường là xấu và bị người khác chống đối, nên phải liệu kế tống khứ họ đi xa để không còn điều kiện chống phá mình nữa. Trong trường hợp này, hổ không còn biểu trưng cho kẻ ác mà xem ra lại biểu trưng cho người tốt, thông minh, thẳng thắn. Thí dụ:
“Anh Ba à! Chúng nó đánh hơi thấy mình rồi. Chúng muốn tống mình đi để ốp phu làm cho xong quãng đường này đây…
Ba gật đầu: - Biết rồi, chúng nó điệu hổ li sơn” (Đỗ Quang Tiến, “Vòm trời biên giới”).

Như vậy, thành ngữ “điệu hổ li sơn” có hai ý nghĩa: 1) Chỉ mưu kế tách kẻ mạnh ra khỏi hoàn cảnh có lợi để dễ bề chinh phục hoặc tiêu diệt; 2) Chỉ việc đưa kẻ chống đối, ngăn cản đi ra nơi khác để mình thực hiện mưu đồ và công việc dễ dàng, thông suốt hơn. Tuy nhiên, ý nghĩa thứ hai là ý nghĩa thứ yếu của thành ngữ “điệu hổ li sơn”. Nếu chỉ nhấn mạnh ý nghĩa này mà quên ý nghĩa thứ nhất là không phản ánh đúng và đầy đủ nội dung hàm chứa trong thành ngữ “điệu hổ li sơn”. Chẳng hạn, trong cuốn “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nguyễn Lân, Sđd.) tác giả giải thích ý nghĩa của thành ngữ “điệu hổ li sơn” là “tìm cách đưa kẻ ác đi xa, để nó không quấy rối mình được”. Rõ ràng, trong nội dung giải thích của tác giả thiếu hẳn nghĩa thứ hai. Trong khi đó, ngay cả nghĩa thứ hai, cũng không phản ánh được bản chất của hành vi điệu hổ li sơn theo như cách đánh giá của người Việt Nam. Thực ra, kẻ bị đẩy đi xa trong thành ngữ điệu hổ li sơn thường không quy chiếu tới kẻ ác, kẻ xấu mà ngược lại hay hàm chỉ tới những người tốt, có sự phản đối, ngăn cản mưu đồ và công việc sai trái của kẻ có quyền thế.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 27 Dec 2016

119 Đói ăn cứt thầy bói cho no
Đói ăn cứt thòi bói cho no


Trong đời sống hàng ngày, khi có ai đó mà kêu đói, thì người khác thường nói đùa rằng: “Đói ăn cứt thầy bói cho no”. Đây thường là câu nói đùa của người lớn với những kẻ háu đói, hoặc của những bạn trẻ cùng trang lứa với nhau.
Khi nghe câu này, không ít người băn khoăn: “Sao lại là “cứt thầy bói” nhỉ?” Nhưng vì đã quá quen thuộc và lại là chuyện đùa bỡn nữa, nên rồi cũng cho qua, chẳng ai nghĩ đến chuyện lý giải cặn kẽ làm gì.
Trong bài “Nghĩ về con đường của một câu thành ngữ”, Lê Văn Trương đã cung cấp cho ta những tư liệu quý để suy ngẫm về dạng nguyên sơ và biến thể của câu thành ngữ này.
Tác giả cho rằng nguyên thể của câu thành ngữ đang xét là “đói ăn cứt thòi bói cho no”, còn “đói ăn cứt thầy bói cho no” chỉ là biến thể của nó mà thôi. Tác giả viết: “… Nếu như không có một địa phương nào khác gọi con chuồn chuồn kim là con thòi bói thì có thể coi Tam Điệp Ninh Bình là “quê gốc” của thành ngữ “đói ăn cứt thòi bói cho no” (Lê Văn Trường, Bđd., Ngôn ngữ và đời sống, số 18 (25), 1999, tr. 14).
Khi phân tích thành ngữ này, ta cần chú ý hai điều: Một là, sự đối lập của hai trạng thái “đói-no”. Hai là, cái giải pháp để chuyển hóa từ trạng thái “đói” sang trạng thái “no” là “ăn cứt thòi bói”.
Đói mà muốn no thì rõ ràng là phải ăn rồi. Nhưng sao lại là “ăn cứt thòi bói” chứ không phải là ăn cái khác? Cái khó hiểu, mà cũng là cái hay, cái tế nhị trong cách đùa rất trí tuệ của dân gian là ở chỗ này.
Thật vậy, nếu ta không phải là nhà côn trùng học thì “cái tổ con chuồn chuồn” ở đâu chúng ta cũng chẳng biết, huống hồ là đối với con thòi bói (chuồn chuồn kim). Người thường chẳng mấy ai biết cái con thòi bói mảnh mai, chỉ nhỏ bằng cái chân hương này ăn gì để sống, ngủ thế nào, lưu truyền nồi giống ra sao, tổ của nó ở đâu, có hay không? Mà nếu có thì lượng chắc cũng không đáng kể, có thể nói chỉ bằng không. Ấy thế mà lại: “Đói ăn cứt thòi bói cho no” Ăn cái không ăn được, cái không đáng kể, hay cái có mà bằng không thì làm sao mà no, mà hết đói được? Thật là một nghịch lý! Và, chính cái nghịch lý này đã là điều then chốt tạo nên tính dí dỏm, tính hài hước rất trí tuệ, chứ không thô tục của câu thành ngữ “đói ăn cứt thòi bói cho no”.
Nếu ta đồng ý với Lê Văn Trương về “quê gốc” của câu thành ngữ đang xét là Tam Điệp, Ninh Bình và dạng nguyên thể của nó là “đói ăn cứt thòi bói cho no”, thì sẽ lý giải như thế nào về cái biến thể “đói ăn cứt thầy bói cho no”?
Lê Văn Trương đã có lý khi cho rằng: “Nếu như con thòi bói không xa lạ với vùng quê Tam Điệp Ninh Bình thì ở những địa phương khác người ta lại không hề biết thòi bói là gì. Bởi vậy, khi tiếp xúc với câu thành ngữ này, họ “sẵn lòng” thay “thòi bói” bằng một từ na ná như vậy: thầy bói. Vả chăng, biến thể “Đói ăn cứt thầy bói cho no” cũng mang được một ý nghĩa nào đó mà người sử dụng thấy hợp lý. Dần dần biến thể đã tồn tại một cách đàng hoàng khắp nơi” (Lê Văn Trương, Bđd., tr. 14).
Đúng là sự thay thế thòi bói bằng thầy bói dựa vào âm là chính: bói vẫn giữ nguyên để hiệp vần với đói (mặc dù bói trong thòi bói với bói trong thầy bói là hiện tượng đồng âm khác nghĩa). Sự na ná về âm chỉ ở hai yếu tố không mang trọng âm thòi (trong thòi bói) và thầy (trong thầy bói). Có lẽ chính vì vậy mà sự thay thế này về cơ bản là không phương hại gì mấy đến nghĩa của câu thành ngữ, mà còn có tác dụng làm cho câu thành ngữ dễ hiểu hơn (mặc dù có vẻ thiếu tế nhị hơn), được phổ biến rộng rãi hơn, đến mức mà người ta quên hẳn dạng nguyên thể và chỉ biết đến biến thể mà thôi.
Con đường đi từ một phương ngữ đến ngôn ngữ toàn dân với những biến thể khác nhau dường như là con đường phổ biến của nhiều câu thành ngữ, tục ngữ chứ không riêng gì của câu thành ngữ mà chúng ta vừa bàn tới.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 08 Jan 2017

120 Đom đóm bay ra, trồng cà trồng đỗ

Đọc câu “Đom đóm bay ra trồng cà trồng đỗ” chớ nên hiểu là việc “trồng cà, trồng đỗ” là do “đom đóm bay ra” làm. Câu này nói về hai sự tình đối ứng nhau: Đom đóm bay ra, thì trồng cà, trồng đỗ. Trong câu này ta thấy có sự hợp vần giữa tiếng “ra” ở cuối vế trước với tiếng “cà” ở vị trí thứ hai thuộc vế sau. Nếu ta thêm từ “thì” vào quãng ngưng giữa hai vế thì nghĩa của câu sẽ rõ hơn và có thể hiểu được là “Đom đóm bay ra, thì trồng cà trồng đỗ”.
“Đom đóm bay ra” chính là dấu hiệu báo cho người nông dân biết đã đến thời điểm thích hợp để trồng cà, trồng đỗ. Nhà nông học Bùi Huy Đáp đã giải thích hiện tượng này như sau: “Trời sang xuân, ấm hẳn, khi có đom đóm bay nhiều (tức là đến tiết kinh trập sâu nở) thì mới bắt đầu trồng màu mùa xuân như cà và đỗ đậu, những loại cây ngắn ngày chỉ sau vài tháng đã bắt đầu cho thu hoạch” (Bùi Huy Đáp, Ca dao tục ngữ với khoa học nông nghiệp, Nxb. Đà Nẵng, 1999, tr. 32).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 16 guests