Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Apr 2022

347 Thờn bơn chịu lép một bề


Thờn bơn là một loại cá nước ngọt sông ở tầng đáy, thân dẹp như lá cây, miệng và mắt lệch cả về phía trên, vì thế so với các loại cá khác, theo cách hiểu thông thường, thờn bơn chỉ biết có một bề, một phía. Đấy là ở dưới nước. Còn khi bị bắt lên bờ thờn bơn cũng không giống như các loại cá khác, nó không giãy giụa lật lên, lật xuống mà chịu nằm yên một bề.
Thân phận của thứ cá mỏng manh, yếu ớt luôn luôn sống ở dưới đáy và chỉ biết có một bề đó làm dân gian tưởng đến số phận của những con người do yếu đuối hay do những hoàn cảnh éo le nào đó mà luôn cam chịu, nhẫn nhục không bao giờ đấu tranh, không bao giờ nghĩ đến chuyện thay đổi hoàn cảnh, thay đổi số phận. Trong thơ văn xưa, số phận đó thường được gắn cho số phận của những người phụ nữ chỉ biết có một bề thờ chồng, nuôi con cho dù chồng năm thê, bảy thiếp tứ bề:

Mưa sầu gió thẩm từng cơn
Để ai chịu phận thờn bơn một bề

(Phan Trần)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Apr 2022

348 Thông đồng bén giọt


Trong tiếng Việt, thành ngữ thông đồng bén giọt có nghĩa là “thuận lợi, trót lọt không gặp khó khăn cách trở gì” khi thực hiện một công việc nào đó:
“Lão ta sẽ mượn thêm một tay cứng nữa, tháng tháng cũng có khi để ra được vài vạn thông đồng bén giọt chỉ một năm là gây nổi cơ đồ” (Đào Vũ, “Cái sân gạch”).
Lần về quá khứ, chúng ta sẽ thấy được xuất xứ của thành ngữ này qua câu chuyện lịch sử cái đồng hồ.
Từ thời xa xưa, ở Hi Lạp, La Mã, Trung Quốc và cả ở nước ta nữa, con người đã biết dùng đồng hồ để tính thời gian. Đồng hồ có nghĩa gốc là cái hồ bằng đồng. Đồng hồ nước xưa làm bằng một cái bình bằng đồng, đáy có lỗ thủng, giữa có cắm một cái lỗ phân chia từng nấc để đánh dấu thời khắc. Bình này được đặt trên một cái bình khác để đựng nước rỏ xuống. Theo sách Chu Lễ thì Khiết Hồ Thi chuyên coi việc đồng hồ trong triều đình. Thẻ đồng hồ bấy giờ chia làm 100 nấc, mỗi nấc gọi là một khắc. Mùa đông thì ban ngày 40 khắc, ban đêm 60 khắc, còn mùa hè thì ngược lại. Mùa xuân và mùa thu thì đêm, ngày dài bằng nhau, đều là 50 khắc. Người ta đổ nước đầy đồng hồ, nước rỏ giọt vơi dần và theo ngấn nước ở thẻ đồng hồ mà xem thời khắc. Ban đêm hễ đồng hồ rỏ cạn nước là trời sáng. Trong hoạt động của đồng hồ, nếu nước chảy đều, không bị tắc, thì trạng thái đó được gọi là trạng thái thông đồng. Cũng tương tự như vậy, nếu giọt nước rỏ đều, dứt khoát, rành rõ, gọi là bén giọt. Đồng hồ thông đồng bén giọt gọi là đồng hồ tốt, không có trục trặc, hỏng hóc.
Chiếc đồng hồ và hoạt động của nó trở nên gắn bó, gần gũi quen thuộc với mọi người và mọi nhà. Điều đó cũng giống như mọi hoạt động, vận động đều gắn liền với không gian và thời gian. Vì thế, người ta rất quan tâm tới sự hoạt động của đồng hồ, xem nó có hoạt động bình thường, có thông đồng bén giọt hay không. Dần dần đặc tính thông đồng bén giọt của đồng hồ được nhận thức, in đậm trong đầu óc con người, rồi mở rộng ra chỉ sự thông suốt, suôn sẻ của tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống. Đó cũng chính là lúc thông đồng bén giọt trở thành câu nói cửa miệng với tư cách là một thành ngữ. Thí dụ:
“Muôn tâu Vương thượng, mọi việc thần vẫn thông đồng bén giọt” (“Những vì sao đất nước”, T1).
Gần nghĩa với thành ngữ thông đồng bén giọt, trong tiếng Việt còn có các thành ngữ thuận buồm xuôi gió, xuôi chèo mát mái. Tuy vậy, các thành ngữ này cũng có những sắc thái nghĩa khác nhau khá tinh tế, nên phạm vi sử dụng cũng không giống nhau hoàn toàn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Apr 2022

349 Thua keo này bày keo khác


Trong cuộc sống không phải bao giờ cũng thuận chiều suôn sẻ. Con người không dễ dàng tránh khỏi những thất bại đắng cay. Người không có chí, thất bại là nản lòng, là bỏ cuộc. Người có chí, khi thất bại phải tìm cách khôi phục, không chịu thua thiệt, thua keo này bày keo khác.
Với những người có tư tưởng làm việc phục vụ cho lợi ích cho dân, thành ngữ thua keo này bày keo khác thể hiện sự kiên trì phấn đấu để đạt mục đích cao cả của mình.
Thành ngữ thua keo này bày keo khác bao gồm hai vế kết hợp với nhau không đòi hỏi tính chặt chẽ một cách nghiêm nhặt. Vì vậy, trong sử dụng, giữa hai vế người ta có thể chêm vào các từ chỉ chủ thể hành động, chẳng hạn như thua keo này ta bày keo khác, thua keo này ông bày keo khác, thua keo này chúng nó bày keo khác, v.v…
Thua keo này bày keo khác có nghĩa là ám chỉ đến việc khi thất bại đừng vội nản chí mà hãy tiếp tục suy nghĩ – tìm cách khác để làm đến khi nào thành công thì thôi. Đây là một câu tục ngữ khuyên răn: Nếu là con người thì không thể tránh khỏi sai lầm - thất bại vì thế mà không nên nản chí, ngã chỗ nào ta lại đứng lên chỗ đó và kiên trì tiếp tục chứ không được từ bỏ. Nếu bạn vội từ bỏ cũng đồng nghĩa với việc đó giờ công sức - thời gian của bạn như là đem muối bỏ biển.
Vậy nên trong kinh doanh - buôn bán thì việc thất bại là điều dĩ nhiên và luôn gặp vì khách hàng thì luôn thay đổi cũng như những xu hướng thời đại thì không ngừng đổi mới. Do đó, khi thất bại ở đâu thì ta làm lại ở đó, với chiến lược này thất bại thì ta lập chiến lược khác để thu hút người dùng nhiều hơn, tư duy cần cải tiến để phát triển nhanh chóng và đạt tới thành công.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Apr 2022

350 Thừa gió bẻ măng


Hành vi lợi dụng thời dịp tốt để làm việc sai, việc xấu với đủ nguyên cớ bao che, được dân gian ta gọi đích thực và chính xác bằng thành ngữ thừa gió bẻ măng. Thí dụ:
“Các người định thừa gió bẻ măng chứ gì? Tưởng tôi không đi guốc trong óc các người ấy à?” (Nguyễn Thị Ngọc Tú, “Đất làng”).
Về mặt chữ nghĩa, đây là một thành ngữ dễ hiểu. Thừa trong thành ngữ biểu thị “việc lợi dụng một dịp tốt, dịp thuận lợi nào đó”. Chúng ta vẫn gặp thừa với nghĩa này trong các kết hợp từ như thừa cơ, thừa dịp, thừa lúc.
Măng là loại tre non, đang ở dạng thân búp, được bao bọc bằng một lớp vỏ (về sau bóc ra còn gọi là mo nang). Thân măng mềm dân gian ta vẫn ưa dùng làm thức ăn vì nó ngon thực sự (bún sáo măng, măng xào, măng hầm đều được người ăn ưa chuộng).
Măng mọc ở rừng thì ai hái, ai bẻ mặc lòng. Đằng này, măng lại mọc ở lũy tre cửa làng, ở bụi tre riêng của từng gia đình, bẻ nó ắt nên chuyện phiền phức. Chủ của những cây măng ấy, ai cũng phải chăm nom bảo vệ, những hy vọng sẽ có được cây tre quý giá gấp bội. Những kẻ muốn bẻ măng có chủ cũng phải dè chừng, kẻo mắc tội. Mọi người đều biết, cây măng non, mềm, dễ bị gió làm gẫy. Lợi dụng lúc có gió to, đặc biệt là bão, những kẻ thích ăn măng mới tìm cớ đi bẻ măng. Những lúc ấy, dẫu chủ nhà có thấy ai đó cầm trên tay ngọn măng nhà mình, cũng đành chịu, vì kẻ bẻ măng đã có cớ chối bay. Măng do gió quật gẫy, thấy thì nhặt chứ có ai động vào nó đâu. Nghi hoặc thì cứ nghi, cứ ngờ vực, chẳng ai lấy được cớ gì mà quở trách, mắng mỏ, bắt đền được.
Từ việc lợi dụng lúc có gió để bẻ măng mà đây đó vẫn không ít người làm như vậy, dân gian ta đã khái quát lên thành thành ngữ thừa gió bẻ măng với cái hàm ý chỉ những kẻ lợi dụng cơ hội, lợi dụng có nguyên cớ để làm việc xấu là tìm cách ngụy biện che giấu cho hành động sai trái của mình.
Trong tiếng Việt, thành ngữ thừa gió bẻ măng có khi được kết hợp với thừa trăng ăn trộm thành câu thừa gió bẻ măng thừa trăng ăn trộm. Ngoài ra, nó còn có các biến thể khác như nhờ gió bẻ măng, mượn gió bẻ măng. Các biến thể này hiện đang được dùng cùng nghĩa như thừa gió bẻ măng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Apr 2022

351 Thượng thư Lê Hy, thiên hạ sầu bi


Đây là câu tục ngữ mà dân gian lưu truyền thời Lê - Trịnh nhằm lên án mặt trái của Lê Hy, thượng thư đương triều.
Lê Hy sinh năm 1646, mất năm 1702, là triều thần thời Lê-Trịnh, hiệu Trạm Khê, quê ở xã Thạch Khê, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Ông học giỏi, thi đỗ tiến sĩ năm 19 tuổi, làm quan ở Bộ lại, thượng thư Bộ binh, kiêm tham tụng và tham gia biên soạn quốc sử. Ông là người hoàn chỉnh bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”, đã từng được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Trong đời hoạt động của mình, về tính cách, ông bị coi là người hà khắc, giảo quyệt, làm nhiều điều tổn hại cho dân. Vì thế mà đương thời có câu “Thượng thư Lê Hy, thiên hạ sầu bi”.
(Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, T.2)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Apr 2022

353 Tràn cung mây


Về nguồn gốc, ý nghĩa của từ cung mây trong tiếng Việt thì còn phải bàn, song tràn, thực chất cũng có nghĩa như đầy tràn, thái quá. Thành ngữ này thường đi sau một số động từ chỉ hoạt động, cử động của con người và có nghĩa là “làm việc gì đó mà không cần phải hạn chế mình, không cần bận tâm đến điều gì khác.”
Thành ngữ tràn cung mây trước hết gắn với sự ăn nói của con người. Khi một người nói tràn cung mây thì gần như đó là người đang tán dóc hoặc ba hoa, khoác lác về điều gì đó.
Ngoài sự ăn nói, thành ngữ tràn cung mây còn gắn với sự ăn chơi của con người nói chung, đó là những thú vui về vật chất, hoặc một vài cử động của các bộ phận cơ thể có tính chất như ngôn ngữ cử chỉ của con người (như gật đầu, lắc đầu). Trong các trường hợp đó, tràn cung mây chỉ mức độ thái quá hoặc sự lặp đi lặp lại của hoạt động, cử động. Thí dụ:
“Ông chưa đưa ra vội, cứ ngồi hút thuốc lào tràn cung mây để dò ý vợ (Nhiều tác giả, “Bên đồng nước úng”).
Thành ngữ tràn cung mây còn được dùng để biểu thị sự ăn nói và ăn chơi quá mức, không nghĩ đến hậu quả của nó. Vì vậy, tràn cung mây chỉ được làm yếu tố hạn định cho các động từ chỉ việc ăn nói và chơi bời.
Thà rằng lấy chú xẩm xoan,
Công nợ chẳng có, hát tràn cung mây
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Apr 2022

354 Tranh tối tranh sáng


Khi bóng tối chưa át hẳn ánh sáng, và ngược lại ánh sáng cũng chưa có thể lấn giành (tranh) với bóng tối, dẫn đến tình trạng sáng không sáng hắn, tối cũng chưa tối lắm, cứ mờ mờ tỏ tỏ, thì hiện trạng đó được gọi là tranh tối tranh sáng, ứng với nghĩa đen trong từng từ ngữ của thành ngữ, trước hết tranh tối tranh sáng chỉ hiện trạng lúc trời nhá nhem, không nhìn rõ.
“Trước mặt tôi là con sông và bến phà hiện lên trong tranh tối tranh sáng (Nhiều tác giả, “Ký sự Quảng Bình”).
Trong các đêm tối lửa, đèn không đủ sáng, làm cho khung cảnh trở nên mơ tỏ nhập nhoạng, cũng được gọi là trạng thái tranh tối tranh sáng.
“Khó lòng nhìn thấy gì trong cảnh tranh tối tranh sáng này”
Từ những ý nghĩa cụ thể như vậy, thành ngữ tranh tối tranh sáng dần dần được mở rộng và dùng với nghĩa trừu tượng đúng hơn: Những hiện tượng mà trong đó giữa cái mới cái cũ, cái đúng và cái sai,… còn nhập nhằng, chưa phân rõ, đều có thể được gọi là tranh tối tranh sáng. Trong các hiện tượng này, phổ biến nhất là trạng thái giao thời giữa hai thời kỳ, trong đó xã hội mới tiến bộ hơn đang phát triển nhưng chưa đủ tầm vóc để thay thế xã hội cũ, ngược lại xã hội cũ, vẫn còn có một số ảnh hưởng nhất định.
Thành ngữ tranh tối tranh sáng còn có biến thể tranh sáng tranh tối.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Apr 2022

355 Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa


Khi biết trước một sự bất lợi nào đó, con người tìm cách tránh nó, song họ lại gặp phải một sự bất lợi khác mà đôi khi nó còn lớn hơn so với bất lợi lúc đầu. Ý của câu tránh vỏ dưa gặp võ dừa là như thế.
Điều cần làm sáng tỏ thêm ở đây là tại sao để nói về những điều bất lợi, không may mắn, dân gian lại viện cớ đến võ dưa và võ dừa? Như ai nấy đều biết khi ăn dưa hấu, người ta thường bổ dọc quả dưa thành từng miếng. Miếng dưa hấu sau khi ăn hết còn vỏ dày vất lại. Miếng vỏ dưa có hình dạng cong, võng lên ở hai đầu, trông tựa như mảnh vỏ ngoài quả dừa. Vỏ dưa nhiều nước, cứng, trơn. Vô ý dẫm lên vỏ dưa rất dễ bị ngã. Và, nhiều người đã bị ngã vì đạp phải vỏ dưa. Thế cho nên, người đời hễ gặp vỏ dưa là tránh, khỏi dẫm lên mà ngã. Oái oăm thay, vỏ dưa và vỏ dừa lại hao hao giống nhau. Cái tâm lý “Kinh cung chi điểu”, (tức con chim phải tên thấy nhánh cây cong cũng sợ) đã cho người đời một lời khuyên trượt võ dưa, thấy võ dừa phải tránh. Nghĩa là đã bị trượt ngã vì giẫm phải vỏ dưa, khi gặp vỏ dừa cũng phải tránh xa, vì vỏ dưa và vỏ dừa cũng na ná như nhau mà thôi. Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng hiện ra như là sự công bằng trong ban phát và trừng phạt. Có những lúc, con người liên tiếp gặp phải những điều không may này đến những điều không may khác. Hoặc, cũng có những khi ta muốn tránh điều bất lợi này mà chọn làm một việc khác, nhưng khi đó lại vấp phải một điều bất lợi khác còn lớn hơn. Cho nên, đã đành là khi đạp vỏ dưa rồi thì gặp vỏ dừa phải tránh đi, nhưng không phải lúc nào cũng làm được điều đó.
Nên ta cũng có thể hiểu câu thành ngữ này muốn khuyên răn ta phải đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Bởi khi khó khăn trong cuộc sống là điều không thể nào tránh khỏi, nên cách tốt nhất để vượt qua nó là đối diện với chính nó. Câu thành ngữ Chạy trời không khỏi nắng có ý nghĩa tương tự.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Apr 2022

356 Trăm thứ bà Dằn (Giằn)


Trăm thứ bà Dằn (Giằn) trong “Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt” (Nxb. GD, 1995) được giải thích là “nhiều thứ linh tinh, lôi thôi, rắc rối”. “Bác ta mang đi được từ cái ghế ngồi đun bếp, cái thanh sắt que coi, đến cái thùng phuy nữa trăm thứ bà giằn nặng hàng vài tạ” (Minh Huệ, “Tìm đất”).
Có điều dễ hiểu là trăm trong trăm thứ bà giằn không phải là từ chỉ số xác định, mà là từ biểu thị số lượng nhiều, không xác định; giống như trăm trong trăm dâu đổ đầu tằm, trăm công ngàn việc, trăm đắng ngàn cay… Song, bà Giằn là ai? Thứ bà Giằn vốn là những thứ gì mà khiến ngày nay được chúng ta hiểu là những thứ linh tinh…?
Tư liệu của nguồn văn học dân gian cho hay bà Giằn vốn là một nhân vật thần thoại mà trong Đẻ đất đẻ nước gọi là mụ Dạ Dần. Các nhà sưu tầm chú thích mụ Dạ Dần là “nữ thần sông ở lưng chừng trời dạy bảo người cách làm ăn”. Cách chú giải này vừa chưa đủ vừa không giúp ta hiểu được câu thành ngữ, với Dạ Dần là ai và từ đâu mà ra. Truyện “Đẻ đất, đẻ nước” kể rằng khi đã có đất, có nước thì đẻ ra cây si. Cây si mọc cao chọc trời, cành lá xum xuê, che kín mất nửa đất nửa trời. Vua trời bực lắm, bèn cho sâu xuống đục vỏ, đục thân, làm cho cây si chết, đổ xuống.

“… Thân si mục
Hóa thành rắn nhiều đầu
Đuôi rắn ở rốn núi
Đầu rắn ở đồi Chu
Chạm phải rắn, rắn cắn, rắn thù
Rắn cắn chảy máu đen
Máu đen hóa thành con vắt.
Mắt si lồi hóa thành con ong
Ong bạc đầu nọc dài chín gang
Lưng ong dài chín sải
Gặp hổ nai, ong lùng ong đuổi
Lá si nát hóa ra thú ra muông
Thú dữ như hổ lang
Muông hiền như chồn cáo
Gốc si đổ ầm ầm
Rễ si đổ ình ình
Đổ một nghìn chín trăm mười chín cành*…!!”
(Mục V, Đẻ mường)
Mỗi cành sanh ra một đất, một mường - HVH.

“Cây si mục
Cành lòa xòa hóa ra chân tay mụ Dạ Dần
Cành lù xù hóa ra đầu mụ Dạ Dần
Cành thia lia hóa ra tai, ra mắt mụ Dạ Dần
Cành sừng sững hóa ra ngực, ra lưng mụ Dạ Dần.
Mụ Dạ Dần
Miệng hay đòi ăn cá
Dạ hay đòi ăn cơm
Miệng nói lời dạy bảo
Dạ nghĩ điều khôn ngoan
Mụ ở dưới đất nên thấp
Muốn cất lên trời cao cao
Mụ ăn, mụ đẻ
Mụ đẻ ra hai trứng
Một trứng nở ra cun Bướm Bạc
Một trứng nở ra cun Bướm Bơ
Cun Bướm Bạc vừa nở
Đã ăn chín chõ cơm
Người lớn bằng cái thúng.
Cun Bướm Bà mới sinh
Đã ăn hết năm chõ xôi
Người lớn bằng cái nia.
Năm qua tháng qua
Hai anh em cao hơn đụn chín, đụn mười
Tiếng cười như tiếng trống ái
Tiếng nói như tiếng sấm vang;
Xương vai dài tám mươi lóng
Xương sống dài bảy trăm gang
Có tướng làm đạo, làm cun, làm lang…”
(Mục VI, Đẻ người)


Sau vua trời cho hai nàng tiên xuống làm vợ. Cun Bướm Bạc lấy được nàng Ả, nên họ lang. Cun Bướm Bơ lấy được nàng hai nên họ dân. Nàng Ả sinh 10 người con nối dõi. Trông chim Tùng, mái chim Tót là con út con yêu.
Những mô-típ cây si (hay cây đa) thần, người đẻ ra trứng và trứng nở thành người, người khổng lồ có sức mạnh phi thường, người lấy tiên, v.v… là những mô-típ quen thuộc trong các truyện thần thoại ở Đông Nam Á. Điều mà chúng ta quan tâm ở đây, qua các đoạn trích từ “Đẻ đất, đẻ nước” nói trên là chuyện thân si mục hóa ra rắn nhiều đầu và cây si mục hóa ra mụ Dạ Dần. Mụ Dạ Dần sinh ra hai quả trứng, nở ra hai người khổng lồ là Bướm Bạc, Bướm Bơ. Và Bướm Bạc lấy tiên đẻ ra trống chim Tùng, mái chim Tót. Mụ Dạ Dần dạy chim Tùng, chim Tót chọn hang để ở, làm ổ để đẻ trứng, dạy chim Tùng, chim Tót dệt lụa, dệt gấm v.v… giúp chim Tùng, chim Tót tìm người ấp trứng. Trứng ấy nở ra muôn loài, trong đó có hai trứng đặc biệt là trứng pỏ và trúng Chiếng nở ra người các dân tộc Kinh, Mường, Mán, Thái… Có điều lạ là tuy Mụ Dạ Dần dạy chim Tùng, chim Tót dệt lụa, dệt gấm, nhưng bản thân mụ dệt thì

Lụa mụ Dạ Dần có chấy, có rận
Gấm mụ Dạ Dần có bọ chó, bọ ma


Về sau, trong một dị bản khác của chuyện kể Mường, mụ Dạ Dần hóa thành Bà Dằn. Chuyện kể rằng ngày xưa ở Cấm Khê (nay là xã Phũ Khê) có một chiếc phai rất sâu, nước trong xanh, người Mường gọi là Đầu Mõm. Đầu phai là đường đi lại, cuối phai là một hang to. Hang rất sâu, càng đi vào sâu càng tối. Hang này được gọi là động Bà Dằn. Bà Dằn chính là con tinh sống ở trong động, chuyên ăn thịt người.
Thường ngày tinh ra nằm ở ngoài phai, rình bắt người đưa về hang ăn thịt. Từ lâu, người ta đã phải đánh nhau với tinh mà vẫn không trừ khử được nó, vì cứ chém được đầu này, nó lại mọc đầu khác, chém được tay này, nó lại mọc tay khác… Mãi về sau, nhờ có một người con gái chạy thoát khỏi nanh vuốt của tinh, mà người ta mới biết được điểm yếu của tinh là nó rất sợ cứt gà. Vì thế mọi người mang gươm giáo có bôi cứt gà vào hang đánh nhau với Bà Dằn. Người ta gói bột cứt gà thành những gói to, ngồi chực trước cửa hang, chờ lúc mụ Dằn về thì ném các gói đó tới tấp vào mặt mụ. Mụ hoảng sợ kêu lên một tiếng ghê rợn và lão đảo. Đoàn người xông vào chém, băm vằm mụ ra làm trăm mảnh. Máu chảy ra lênh láng. Máu đọng trên mặt đất hóa thành muỗi, rệp, bọ, rết, vắt… Máu chảy xuống phai thì thành đỉa, rắn, các loại bọ dưới nước…  
Ngày nay, ở Phú Khê vẫn còn di tích động Bà Dằn và trong dân gian vẫn lưu truyền câu:

Chém cha cái họ con Dằn
Sinh vắt, muỗi, đỉa, hay ăn thịt người.
(Theo Tài liệu sưu tầm của Văn Củng).


Như vậy, những tư liệu vừa được trình bày đã cung cấp cho chúng ta những căn cứ để trả lời những câu hỏi được đặt ra trong quá trình tìm hiểu thành ngữ trăm thứ bà Dằn.
Về câu hỏi thứ nhất: “Bà Dằn là ai?”. Có thể có hai câu trả lời: Một là, Bà Dằn, hay Dạ Dằn là vị nữ thần ở lưng chừng trời, sinh ra những con người khổng lồ, những thủy tổ của muôn loài và con người trên trái đất và dạy con người cách sống, cách làm ăn.
Hai là, Bà Dằn là con tinh chuyên ăn thịt người, không chỉ gây ra những tội ác mà cả khi chết đi rồi cũng còn sinh ra bao thứ làm hại con người như muỗi, vắt, rắn, rết v.v… Như vậy, có thể trả lời câu hỏi thứ hai: “Những thứ của bà Dằn (Giằn) là rất nhiều thứ, thượng vàng hạ cám, rất linh tinh. Đó chính là nghĩa của thành ngữ trăm thứ bà Giằn (Dằn).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 21 Jan 2023

357 Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa


“Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” là câu tục ngữ phản ánh kinh nghiệm của người nông dân trong việc xem trăng để dự báo thời tiết. Câu này còn có một biến thể rút gọn là “Quầng hạn, tán mưa”. Vậy quầng và tán là thế nào? Vì sao “trăng quầng thì hạn” mà “trăng tán thì mưa”?
"Quầng" thường được hiểu là "vầng sáng tròn, bao quanh các nguồn sáng, sinh ra do ánh sáng nhiễu xạ trên các hạt nhỏ cùng kích thước" “Quầng của mặt trăng thường xuất hiện khi có đám mây mỏng bay qua, những hạt nước nhỏ của mây gây ra nhiễm xạ ánh sáng”. Còn “tán” là nhiều “vòng sáng mờ nhạt với nhiều màu sắc bao quanh do sự khúc xạ và phản chiếu ánh sáng qua màn mây”
Nếu quan sát kỹ thì chúng ta có thể thấy, các hiện tượng thiên nhiên đều có mối liên kết với nhau. ông cha ta cũng đã dùng hiện tượng “trăng quầng’, “trăng tán” để dự đoán việc trời mưa, trời nắng.
Cụ thể “trăng quầng” là hiện tượng có một quầng sáng trắng hình tròn bao quanh mặt trăng. Vùng sáng này thường được gọi là hào quang của trăng (trong tiếng Anh gọi là moon’s halo). Đây là một hiện tượng quang học do khúc xạ ánh sáng trong khí quyển của Trái Đất. Theo kinh nghiệm của cha ông ta, khi trăng quầng, thời tiết sẽ oi bức, nóng nực hoặc rất ít mây. Nếu lý giải trên phương diện khoa học, khi trời oi nóng, hơi nước ít, mật độ nước đóng băng trên khí quyển ít thì khi ánh sáng mặt trăng đi qua sẽ bị khúc xạ, tạo thành vòng sáng trắng quanh mặt trăng.
Ngược lại, khi tầng cao khí quyển nhiều mây, nhiều nước đóng băng, ánh sáng mặt trăng đi qua bị khúc xạ nhiều lần nên tạo ra vùng sáng nhiều màu bao quanh (hơi giống cầu vồng) và không tách ra khỏi mặt trăng. Đây chính là hiện tượng “trăng tán” được nhắc đến trong câu tục ngữ, cũng là dấu hiệu dự báo trời dễ, sắp có mưa.
Như vậy, câu tục ngữ “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” là phán đoán dựa vào kinh nghiệm, dựa vào một trong những hiện tượng khá dễ quan sát bằng mắt thường của mặt trăng để cung cấp thông tin về thời tiết trong thời gian gần. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó chính là nó không chỉ là kinh nghiệm dân gian mà còn phù hợp với góc nhìn khoa học.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Previous

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 91 guests