Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Dec 2016

30 Bầu dục chấm mắm cáy
Dùi đục chấm mắm cáy


Trong cuốn “Thành ngữ tiếng Việt” (NXB. KHXH, H.1978) Nguyễn Lực và Lương văn Đang đã thu thập cả hai dạng thành ngữ này và giải thích với cùng một nghĩa là “không phù hợp, thô bạo, thiếu tế nhị” (tr.57).
Trong thực tế giao tiếp hàng ngày, người ta thường nói “dùi đục chấm mắm cáy” hơn là “bầu dục chấm mắm cáy”. Tuy vậy “bầu dục chấm mắm cáy” lại là dạng ban đầu, dạng khởi thủy; còn “dùi dục chấm mắm cáy” chỉ là biến thể do đọc chệch “bầu dục” ra “dùi dục” mà thành.
Nghĩa của thành ngữ “bầu dục chấm mắm cáy” hình thành trên cơ sở của độ chênh, hay tính không tương hợp giữa thức ăn và gia vị. Bầu dục là món ăn ngon và hiếm. Chẳng thế mà trong kho thành ngữ, tục ngữ của ta còn câu “bầu dục đâu đến hàng thứ tám”! Vậy mà cái “không đến hàng thứ tám” ấy lại đem chấm với mắm cáy, một thứ mắm xoàng nhất; có thể nói là mạt hạng, trong các loại mắm ở vùng biển! Bầu dục, nếu ăn đúng cách là phải chấm với chanh, hay nước gừng. Còn mắm cáy thì chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà… Có một câu ca dao khi nói về các món ăn ngon cũng nhắc đến cách ăn bầu dục. Ấy là:
Sáng ngày bầu dục chấm chanh
Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá chày.

(x. Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao,
H.,1957, tr.261).
(Xem thêm: Dùi đục chấm mắm cáy).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Dec 2016

31 Bình cũ rượu mới

Trong tiếng Việt, thành ngữ “bình cũ rượu mới” được dùng để nói về các tác phẩm văn nghệ dùng hình thức, thể tài, thủ pháp cũ để diễn tả nội dung, đề tài, chủ đề mới. Thí dụ: 
“Chúng ta có thể coi hình thức chuyển những bài hát thành tác phẩm nhạc đàn là một kiểu bình cũ rượu mới” (Văn hóa nghệ thuật, 8-1971).
“Nếu không sử dụng được ngay thì có thể cải tiến về nội dung theo cách bình cũ rượu mới” (Văn nghệ, 4-1954).

Cơ cấu ý nghĩa của thành ngữ bình cũ rượu mới khá đơn giản. Lần theo tính biểu trưng của các từ bình, rượu thì sẽ sáng tỏ. Bình là dụng cụ bằng sành, sứ có bầu chứa, miệng nhỏ và tùy theo cỡ, kiểu mà người ta dùng để đụng vôi, đựng rượu, cắm hoa. Do đó mà có bình vôi, bình rượu, bình hoa. Bình trong thành ngữ là bình rượu, có giá trị biểu trưng cho “cái chứa đựng”. Rượu là “cái được chứa đựng” trong bình. “Cái chứa đựng” và “cái được chứa đựng” thực chất là cách nói về hình thức và nội dung. Vậy, khi nói bình cũ rượu mới thì ai cũng có thể hiểu được là hình thức cũ, nội dung mới. Điều đáng quan tâm là tại sao có bao nhiêu thứ “chứa đựng” và “được chứa đựng” khác nhau, nhưng người Việt chỉ chọn bình và rượu để làm biểu trưng cho hình thức và nội dung? Lại nữa, tại sao thành ngữ bình cũ rượu mới lại thường chỉ hình thức nội dung của các tác phẩm văn nghệ, chứ không phải là của cái gì khác?
Trước hết phải nói rằng, việc tìm ra mối liên hệ giữa nội dung và hình thức hay giữa “cái chứa đựng” và “cái được chứa đựng” không phải là chuyện dễ, nhất là khi trình độ dân trí chưa cao như những thời kỳ trước đây. Cũng không phải bất kỳ ai trong xã hội cũng quan tâm đến điều này. Dường như đó là câu chuyện của tầng lớp thượng lưu, có học vấn trong xã hội. Tầng lớp này trong xã hội phần lớn là thi sĩ, thi sĩ những người am hiểu, có khả năng sáng tác, thưởng thức văn nghệ và cái thú của những thi nhân xưa là vừa làm thơ, bình thơ, vừa uống rượu, ngắm trăng, xem hoa, nhàn đàm sự thế. Đối với họ, bình và rượu là những cái gần gũi, quen thuộc và cũng đầy thi hứng! Bình rượu túi thơ mà lại! Vậy đem ví thơ ca nói riêng, tác phẩm văn nghệ nói chung là bình rượu là hợp lẽ. Lấy bình để ví với hình thức tác phẩm, rượu ví với nội dung tác phẩm thì chẳng những đúng mà còn nói được cái ý về quan hệ kế thừa giữa cái mới với cái cũ, giữa cái hiện đại với cái truyền thống.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Dec 2016

32 Bọ ngựa chống xe

Trong “Trang Tử nhân gian thế” có kể về câu chuyện “Bọ ngựa chống xe”. Số là, một hôm Trang Tử nước Tề đi săn, dọc đường đi, xe ông gặp một con bọ ngựa. Nực cười thay, con bọ nhỏ nhoi này lại cứ đứng giữa đường giương càng lên như muốn thách thức, chống chọi với xe của ông. Quan quân thấy thế la ầm lên, khiến Trang Tử phải dừng xe để hỏi sự tình. Tả hữu thưa rằng:
“Có con bọ ngựa trước xe ngài. Nó chẳng tránh mà lại cứ giơ càng lên chống lại. Giống bọ này thật kỳ lạ, chẳng biết sức mình khỏe hay yếu, thấy đối thủ là liều thân xông lên không hề chịu lùi bước. Ngài cứ cho xe đi, xem nó sống chết ra sao”. Nghe xong Trang Tử bèn đáp lại: “Khoan đã, giống bọ ngựa này thế mà đáng khâm phục. Nếu như ai đó, khi bị kẻ mạnh bắt nạt đã không hề run sợ, lại còn dám chống kẻ thù đến cùng, dù chịu chết chứ nhất định không chịu nhục, âu đó cũng là tấm gương đáng kính, đáng noi theo”. Nói dứt lời, Trang Tử đánh xe sang một bên đường. Kể từ bận đó, tướng sĩ của Trang Tử ra trận đều liều chết xông lên, quyết không chịu thua kém con bọ ngựa hôm nào ấy. Có lẽ, từ câu chuyện này mà hình thành nên thành ngữ “bọ ngựa chống xe”. Trong tiếng Việt, thành ngữ này được dùng để chỉ những kẻ sức yếu nhưng do có ý chí mà kiên quyết chống lại kẻ mạnh. Thí dụ:
“Ngày xưa, lúc đầu có người cho việc Dân ta đánh đổ đế quốc Pháp là bọ ngựa chống xe. Đến khi ta thắng, Pháp thua, họ mới ngã ngửa người ra là mình lầm”. (Dẫn theo Nguyễn Lực, Lương Văn Đang, “Thành ngữ tiếng Việt”).
Gần nghĩa với thành ngữ bọ ngựa chống xe trong tiếng Việt có các thành ngữ châu chấu đá xe, châu chấu đá voi. Nói chung, các thành ngữ này đều có cách dùng giống nhau. Khi vận dụng thành ngữ trong nói năng, người ta hay dùng thành ngữ bọ ngựa chống xe hay châu chấu đá xe, theo lối nghịch nhân quả tạo nên sự lý thú, bất ngờ và cuối cùng có tác dụng động viên tinh thần, ý chí của con người trong chiến đấu và lao động. Thí dụ:
“Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng là chấu ngã ai dè xe nghiêng”

(Ca dao)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Dec 2016

33 Bóc ngắn cắn dài

Về ý nghĩa thành ngữ “Bóc ngắn cắn dài”, các cuốn sách như “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên, (NXB. KHXH, 1988), “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Nguyễn Lân (NXB. VH, 1989) đều giải thích là nói đến, hoặc chê việc “làm được ít mà tiêu dùng lại quá nhiều”. Thí dụ:
“Chuyện ông cụ ngày xua chỉ bóc ngắn cắn dài nghèo rớt mồng tơi, suốt đời đi dủi đi dậm như con trâu nước mà chỉ ráp nghề đãi bạn” (Vũ Tú Nam, “Kể chuyện quê nhà”).
Thành ngữ bóc ngắn cắn dài được giải thích như trên là đúng nhưng chưa đủ. Trên thực tế, thành ngữ này còn được dùng với ý nghĩa rộng hơn, phê phán lối làm ăn có tính cò con do tham lam, muốn bỏ ít công sức, vốn liếng mà lại muốn thu được lời lãi lợi nhuận nhiều. Thí dụ:
“Thực dân Pháp trước đây già cỗi, tầm nhìn ngắn, sức nghĩ nông, chỉ nghĩ tới chuyện bóc ngắn cắn dài”
Ý nghĩa chung của thành ngữ “bóc ngắn cắn dài” nẩy sinh trên một lôgíc và cơ chế nghĩa khá lý thú. Như đều biết, thành ngữ “bóc ngắn cắn dài” nói tói một việc rất cụ thể, nói đến chuyện ăn uống một thứ gì có vỏ. Thứ đó là gì không thành vấn đề, bởi ai mà chẳng liên hệ với cái thứ vỏ mềm, khả dĩ ăn được như khoai lang, chuối… Điều quan trọng hơn là, trên thực tế có những kẻ bóc vỏ được một phần ngắn mà khi ăn lại cắn một phần dài hơn, lấn sang cả chỗ chưa bóc vỏ. Lệ thường thì đó là hành vi phàm ăn tục uống. Nhưng người đời không nhất thiết khai thác hoàn toàn ý này. Người ta chỉ còn giữ được cái ý “làm thì ít mà muốn hưởng thì nhiều”. Điều này có liên quan tới nghĩa thứ hai của thành ngữ, tức là phê phán kẻ làm ăn cò con, hám lợi, muốn bỏ sức và bỏ vốn ít nhưng muốn thu về cho nhiều lợi lộc hơn. Thực ra ở thành ngữ này, dân gian đã khai thác theo một hướng khác trên cơ sở nghĩa biểu trưng của các từ cấu tạo nên thành ngữ. Các từ bóc, ngắn, cắn, dài đều có ý nghĩa biểu trưng riêng, ở đây bóc biểu trung cho lao động, cho hành động làm (việc), ngắn biểu trưng cho số lượng ít, sản phẩm làm ra không nhiều, trong khi đó cắn biểu trưng cho hành động ăn, việc tiêu dùng nói chung, dài biểu trưng cho số nhiều, phần chi tiêu lớn. Tổng hòa nghĩa của các thành tố này, chúng ta có thành ngữ bóc ngắn cắn dài với ý nghĩ “làm ra được ít mà chi dùng quá nhiều”. Vì đi theo hướng biểu trưng này nên thành ngữ “bóc ngắn cắn dài” đã xa dần với cái xuất phát điểm của nó, cũng như thực tế quan sát việc ăn uống theo lối bóc ngắn cắn dài. Từ bóc chẳng còn gợi gì đến việc “bóc vỏ” nữa. Thành ra, trong tiếng Việt, đôi khi người ta còn dùng động từ làm để thay vì cho bóc trong thành ngữ này để tạo lập một biến thể khác là làm ngắn cắn dài. Thí dụ: “Tay Bật hai vợ chồng khỏe thế sao đã hết thóc? - Làm ngắn cắn dài. Chị vợ làm trại ở chăn nuôi, buổi đực, buổi cái. Tính lại hay ăn quà như mỏ khoét, của đâu cho lại” (Hoàng Minh Tường, “Đồng chiêm”).
Dạng thức “Làm ngắn cắn dài” tuy làm mất thế đối xứng giữa các động từ vốn có liên hệ chặt chẽ về nghĩa và hành động bóc và ăn trên thực tiễn, song nó vẫn được tồn tại hiển nhiên trong tiếng Việt, do tính biểu trưng của các thành tố trong thành ngữ đem lại.
Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ bóc ngắn cắn dài được dùng khá linh hoạt. Thành ngữ này được tách, chen, thay đổi vị trí các yếu tố trong đó theo những dạng thức khác nhau tùy theo dụng ý người nói, người viết. Thí dụ:
“Bóc thì ngắn, cắn thì dài
Hàng trong ế ẩm, hàng ngoài nhập siêu”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Dec 2016

34 Bóng chim tăm cá

Trong văn học cổ, chim, cá, bướm, ong… là hình tượng để chỉ người đưa thư, những sứ giả của tin tức. Theo Hán thư, người ta có thể buộc phong thư vào chân con chim nhạn để nhờ chim bay chuyển đến nơi cần gửi. Sách cổ (cổ thư) còn ghi lại rằng khách từ phương xa đến để lại đôi cá chép, mổ ra thấy có lá thư trong bụng. Vì thế, bóng chim tăm cá dùng để chỉ tin tức, thư từ:
“Nghĩ điều trời thẳm vực sâu
Bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm”

(Nguyễn Du, “Truyện Kiều”)
Cũng để chỉ ý này, văn học cổ còn có nhiều cách nói khác nữa. Thí dụ: sứ hồng (sứ giả chim hồng), sứ lân hồng (sứ giả cá và ngỗng trời), sứ điệp tin ong (con bướm là sứ giả truyền tin, con ong làm mối lái đưa tin của chúa xuân muôn loài), tin nhạn (tin do chim nhạn mang lại), tin sương, hoặc sương tin (đây là biệt danh của chim nhạn trắng ở phương bắc, mỗi khi chúng bay về phương nam thì trời lại có sương giáng), tin mai (gửi tin kèm theo cành mai)…
Last edited by bevanng on 11 Dec 2016, edited 1 time in total.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Dec 2016

35 Bới lông tìm vết

Thành ngữ “bới lông tìm vết” xuất phát từ thành ngữ Hán Việt xuy mão cầu tì. Trong tiếng Việt, thành ngữ này được dùng để chỉ hành vi của những người hay bới móc khuyết điểm, thiếu sót của người khác:
“Có một bà kia lười lao động, chỉ quanh quẩn ở nhà, con cà con kê, sinh ra lắm chuyện. Bà thóc mách bới lông tìm vết đơm đặt chuyện nọ, chuyện kia, gây xích mích với bà con làng xóm”
Trước hết hành động bới lông tìm vết được thực hiện khi xem xét các loại chim đẹp. Ngày xưa bên Trung Quốc hay mở các hội thi chim. Chim đẹp ở bộ lông và dáng điệu. Chim quý ở tiếng hót. Những điều này lộ ra ở bề ngoài, rất hiển nhiên, có thể nhận biết dễ dàng và chính xác. Một khi đã bới lông để dò tìm những vết xấu thân thể có thể bị che khuất dưới lớp lông đẹp của chim có nghĩa là về vẻ đẹp của bộ lông, của dáng điệu, của tiếng hót, những tiêu chí khách quan, có tính chất truyền thống, đã được thừa nhận nhưng vì chủ quan không muốn thừa nhận, hoặc muốn đánh sụt giá vẻ đẹp của chim. Đó là một sự cố tìm moi móc không thiện ý nhằm làm giảm giá trị của loài vật này. Với nhận thức này, Dân gian ta gắn việc bới lông tìm vết với hành vi cố tìm moi móc khuyết điểm người khác để hạ thấp uy tín của họ.
Trong vận dụng ngôn ngữ, thành ngữ bới lông tìm vết có thể được sử dụng linh hoạt để nhấn mạnh ý nghĩa biểu đạt của nó.
“Bới lông mựa nỡ tìm nơi vết
Cũng có khi kinh, cũng có quyền”

(Hồng Đức quốc âm thi tập)
Gần nghĩa với thành ngữ "bới lông tìm vết" là thành ngữ "vạch lá tìm sâu".
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Dec 2016

36 Bợm già mắc bẫy cò ke

“Bẫy cò ke” là một loại bẫy thô sơ dùng để bẫy chim. Bẫy bằng tre, hình tam giác, phía trên có cần bật nối với lẫy và mồi. Mồi của bẫy thường là quả cò ke nên gọi là bẫy cò ke.
Cò ke là một loài thân thảo. Có hai loại cò ke: loài dây leo có tên khoa học là Grewia astropelata và loài thân đứng có tên là Grewia paniculata. Quả cò ke khi chín có màu đen, vỏ nhẵn, là món ăn đặc biệt ưa thích của các loài chim.
Bẫy cò ke có cấu tạo đơn giản nhưng hiệu quả cao. Nếu chim đã chui đầu vào ăn mồi (ăn quả cò ke) thì đều bị cần bật đập gãy cổ chết ngay. Vì vậy mà khi chim đã bị “mắc bẫy cò ke” thì khó lòng thoát chết. 
Theo kiểu bẫy cò ke dùng bẫy chim, người ta làm ra những chiếc bẫy chó tương tự và cùng tên. Vì thế, trong từ điển Đào Văn Tập, bẫy cò ke này được giải thích là “một thứ bẫy chó rất sơ sài”, và nghĩa bóng là “mưu lừa tầm thường”. Chính vì xuất phát từ đặc điểm rất thô sơ, đơn giản nhưng lại đạt hiệu quả cao, nên bẫy cò ke mới có nghĩa bóng là mưu lừa tầm thường.
Trong câu tục ngữ “Bợm già mắc bẫy cò ke” có một sự đối lập thú vị: Bợm già là những tay bợm lão luyện, lọc lõi trong nghề lừa lọc, thế mà bị mắc bẫy cò ke - tức là bị mắc mưu lừa tầm thường! Và khi đã sa cơ thì dù có là bợm già cũng phải bó tay! Tục ngữ này phản ánh một hiện thực xã hội: Những kẻ dầu có “anh hùng”, “ngang dọc” mà chủ quan thì có lúc cũng bị sa cơ, thất thế bởi những mưu chước rất tầm thường.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Dec 2016

38 Bụt Nam Sang còn chê oản chiêm

Vì sao “Bụt Nam Sang lại chê oản chiêm”? Nam Sang là địa danh ở vùng nào? Oản chiêm là gì?
Theo nhà nông học Bùi Huy Đáp thì “Nam Sang là huyện cổ vùng đồng chiêm Nam Định. Một phần ruộng trũng của huyện Lý Nhân, và một phần ruộng trũng của huyện Bình Lục hiện nay là huyện Nam Sang ngày xưa. Nam Sang cũng như cả vùng đồng chiêm rộng lớn Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình chỉ cấy được vụ lúa chiêm, còn vụ mùa thì bỏ hóa, nước ngập mênh mông, đi lại chỉ bằng thuyền. Vùng đồng chiêm có một vụ lúa thường là vùng thiếu đói, giáp hạt kéo dài từ vụ năm này đến vụ lúa năm sau, nhất là những vùng thấp không có rìa ruộng chiêm tương đối cao để trồng một số cây màu lương thực đông xuân. Vì vậy, dân gian phải chạy gạo hàng năm…” (Bùi Huy Đáp, Ca dao tục ngữ với Khoa học nông nghiệp, Nxb. Đà Nẵng, 1999, tr.53). Cái cảnh chạy gạo hàng năm ấy cũng đã được phản ánh khá sinh động trong ca dao: 
Anh là con trai Nam Sang,
Nước lớn ngang đàng vác đấu đi đong.
Anh đong tỉnh Bắc tỉnh Đông,
Trở về anh lại sang đong tỉnh Đoài.
Tỉnh Bắc giá thóc mười hai,
Tỉnh Đông mười tám, tỉnh Đoài hai mươi.

(Ca dao).
Nỗi khổ của ngươi nông dân sống nơi đồng chiêm trũng ấy cũng ảnh hưởng đến cả Bụt nữa!
Bụt, như ta biết, tiếng Phạn là Budha, đọc theo âm Hán-Việt là Phật. Trong sự tri nhận của dân gian thì Bụt là người hiền, là người lo cứu nhân độ thế, giàu lòng từ bi, hỉ xả. Ấy thế mà Người “con chê oản chiêm”, thì kể cũng lạ!? Ở cái đất Nam Sang xưa là vùng đồng chiêm trũng, không cấy được lúa mùa thì làm gì có nếp mùa, tức là nếp cái, thứ nếp ngon và dẻo thơm chuyên dùng để đồ xôi, đóng oản cúng Phật. Ở Nam Sang, cũng như các vùng đồng chiêm trũng khác, chỉ có loại gạo nếp con, còn gọi là nếp rợ, loại nếp trồng trong vụ chiêm, đành phải dùng để thổi xôi, đóng oản gọi là oản chiêm để thờ Phật vậy. “Oản chiêm” làm sao dẻo thơm bằng “oản mùa” được. Nhà nông học Bùi Huy Đáp hỏi Bụt rằng: “Nếu chê oản chiêm thì làm gì còn có oản cúng?” (Sđd., tr.53).
Thực ra thì hỏi là hỏi cho vui vậy thôi, chứ Bụt nào có để tâm gì đến chuyện oản chiêm hay oản mùa. Cúng Bụt thế nào là do lòng thành của ta. Phật tại tâm mà lại! Điều mà người Nam Sang muốn nói ở đây là nỗi băn khoăn của mình về cái phẩm chất kém của “oản chiêm” dâng lên cúng Bụt thì ra Bụt Nam Sang mặc dù “chê oản chiêm” nhưng cũng vẫn phải “đồng cam cộng khổ” với người Nam Sang vậy!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 12 Dec 2016

C


39 Cà cuống chết đến đít còn cay

Về xuất xứ, câu thành ngữ trên bắt nguồn từ chuyện con cà cuống. Cà cuống, tên khoa học là belortone indica là một giống côn trùng thuộc bộ cánh nửa (nửa cứng, nửa mềm), mình dẹt và sống trong nước hoặc nửa nước nửa cạn như ruộng lúa.
Ở con đực, cơ thể nó chứa tinh dầu trong đôi tuyến đặc biệt nằm ở khoang bụng dưới phía đuôi. Chất tinh dầu này, tên hóa học là veleriant amil, không độc, có vị cay mùi thơm ngát, thường được dùng làm gia vị trong bữa ăn của người Việt Nam ta, nhất là ở nông thôn, trong mùa gặt hái. Theo nghĩa đen, câu thành ngữ trên nói về một thực tế là: con cà cuống thì dù chết, ở đằng đuôi (đít) chất cay của tinh dầu quý kia vẫn còn. Song, trong đời sống tiếng Việt, câu thành ngữ trên không dùng với nghĩa đen, chỉ dùng với nghĩa bóng: nó chỉ những kẻ ngoan cố, bảo thủ, cố chấp, cay cú trước sự thất bại hoặc cái sai rành rành của mình. Thí dụ:
“Thằng cha khụng khiệng đi khỏi, ba anh em nhìn nhau phì cười:
- Rõ cà cuống chết đến đít còn cay” (Nguyễn Đình Thi, “Vỡ bờ”)

Vì sao câu thành ngữ có nghĩa như trên? Suy nghĩ kĩ ta có thể tìm ra được câu trả lời khá lý thú là: quá trình hình thành nghĩa bóng của thành ngữ trên chính là quá trình sáng tạo tinh tế trong cách dùng từ và lối chơi chữ đồng âm của dân gian. Thật thế, câu thành ngữ khởi thủy là dựa vào một hiện tượng có thật: cà cuống - chết - đít còn cay. Thế rồi dân gian chỉ thêm vào giữa các từ của câu tiếng Việt miêu tả hiện tượng ấy một chữ đến mà làm thay đổi toàn bộ cục diện của thế trận ngôn từ: “cà cuống chết đến đít còn cay”. Tự nhiên, các chữ khô cứng của phán đoán miêu tả hiện thực “cà cuống - chết - đít còn cay” như động đậy, sống dậy, có hồn và chắp dính với nhau theo một mạch liên kết, một “hóa trị” khác: “cà cuống - chết đến đít - còn cay”: Rõ ràng là ở đây không nói chuyện về con cà cuống nữa, mà đã có chuyện về nhân sinh, về con người, ở chỗ “chết đến đít - còn cay”. “Chết đến đít” là cách nói quen thuộc của dân gian diễn tả sự nguy ngập, khó tránh khỏi, ở đây là “sự thất bại” “sự sai trái” đối lập với “phải” và cay ở đây không phải là “vị cay” nữa mà là “cay cú” ăn thua. Sự phối hợp giữa các thành viên (từ) trong thế trận ngôn từ cùng với sự chơi chữ đã đem lại cho câu thành ngữ trên một hiệu quả bất ngờ. Và lập tức nó được hiểu theo nghĩa bóng mà thôi, như ta đã biết.
Câu thành ngữ trên còn được dùng ở dạng biến thể khác là: “Cà cuống chết đến ức còn cay”.
Có lẽ, đó là do người ta tưởng lẩm rằng tuyến cay của cà cuống ở trên ức nó. Tuy nhiên, cách nói thứ hai nhẹ hơn, kém sâu cay hơn trong việc lột tả ý nghĩa đã nêu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 12 Dec 2016

40 Cà riềng, cà tỏi

Trong Từ điển Thành ngữ Việt Nam (1978), thành ngữ này được giải thích là “sinh sự, gây chuyện, cà khịa”. Nhưng trong dân gian, người ta hiểu thành ngữ này một cách “nhẹ nhàng” hơn. Số là các bà nhà quê khi muối cà không bao giờ quên giã riềng và tỏi (thêm riềng và tỏi làm gia vị). Vì vậy, cà riềng cà tỏi là lời truyền lại để dạy con trẻ kinh nghiệm muối cà sao cho ngon (cần có gia vị là riềng và tỏi).
Từ nghĩa gốc đó, về sau, cà riềng cà tỏi còn có ý giễu những người có tật hễ nói là “cà riềng cà tỏi”, tức là nói lằng nhằng, không rõ ý nào ra ý nào cả. Như vậy, ở đây không thấy có ý sinh sự, hay cà khịa…
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 12 Dec 2016

41 Cá nhảy giường thờ

Ở vùng Hải Thanh (Thanh Hóa) có tục lệ: Khi cúng giỗ hoặc Tết nhất, bao giờ trong mâm cúng cũng phải có cá biển. Dân ở đây làm nghề đánh cá nên có quan niệm sợ người đã khuất đói cơm lạt (nhạt) cá. Vì thế món cá được coi là món chính trong cúng bái.
Ngay cả ngày Tết, dù các thức dồi dào nhưng trên bàn thờ (vùng này gọi bàn thờ là giường thờ) cũng phải có đĩa cá.
Những năm vào ngày giáp Tết mà biển động, cá hiếm hoi, nhà nào cũng tìm mọi cách để kiếm cá về làm cơm cúng.
Có lần, ở nhà một người ngư dân đã sắp cúng cơm chiều ba mươi Tết, nhưng người đi đánh cá biển vẫn chưa về. Chưa có cá thì chưa cúng được. Bà vợ bồn chồn, chạy ra chợ tìm mua cá. Chợ hết cá. Bà buồn bã quay về nhà. Bước vào nhà, nhìn vào mâm cỗ, thấy có hai đĩa cá mối khoanh tròn, bà mừng rỡ, mắt sáng lên sung sướng. Bà hỏi cô con dâu: “Cá ở đâu thế con?”. Vốn là người dí dỏm, cô con dâu trả lời: “Biết nhà ta chưa có cá, cá từ ngoài biển vào rồi tự nhảy lên giường thờ đấy mẹ ạ”. Thì ra, ông lão ngư dân ở lại đánh cá, không về ăn Tết, đã gửi cá qua thuyền khác cho nhà đón Tết.
Thành ngữ “Cá nhảy giường thờ” ra đời như thế. Nó hàm chỉ những sản vật quý, hiếm có được lúc hiếm hoi. Nó còn có nghĩa là một thứ hàng đắt, khó mua. Vì lúc cần mà chưa có, dân bán cá (hoặc các sản vật khác) có thể nâng giá lên. Người mua, vì cần kíp phải nhắm mắt mua. Trong sử dụng, thành ngữ còn bảo lưu nghĩa nói lên tục lệ cúng cơm cá của người vùng biển.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 12 Dec 2016

42 Cả zú lấp miệng em

Nhiều bà mẹ, khi nghe trẻ khóc, không cần dỗ dành, vỗ về, nựng cái gì cả mà lập tức dùng bầu zú sữa sẵn có trên mình để lấp miệng đứa bé. Nhờ được bú tí, đứa bé không còn la, không còn khóc nữa. Mới hay là, với đứa bé bầu zú của mẹ có thế mạnh và ứng nghiệm trông thấy. Cái hiện tượng bình thường mà chúng ta vẫn gặp, vẫn thấy hàng ngày được dân gian khai thác và khái quát thành câu cả zú lấp miệng em để chỉ hiện tượng dùng quyền lực, thế mạnh của mình để chèn ép, lấn át kẻ khác. Thí dụ:
“Chẳng biết nhớn đầu to cái dại, ra mặt nhố nhăng, Lại toan cả zú lấp miệng em, bằng lời thét lác”.
(Khuyết danh, “Đàm tục phú”)
Về xuất xứ và ý nghĩa chung của thành ngữ cả zú lấp miệng em như thế là đã rõ. Tuy nhiên, ở thành ngữ này, chúng ta cần quan tâm đến một số điểm khá lý thú về mặt chữ và nghĩa. Zú ở đây là bầu sữa mẹ, được dùng để biểu trưng cho thế mạnh, cho sự lợi thế, trong khi đó em vừa là từ xưng gọi em bé, vừa là biểu trưng cho người cấp dưới, người yếu thế hơn. Miệng trong thành ngữ đang xét không chỉ là miệng ăn, miệng bú mà còn là miệng nói. Vì thế, miệng được biểu trưng cho lời nói, cho ý kiến, đề nghị, phê bình phản đối của người khác đối với người trên. Còn lấp là hành động che, bịt lại, không cho lộ ra, không cho phát ngôn, không cho nói. Ở trong thành ngữ này, riêng từ cả là ít giá trị biểu trưng nhất, nhưng lại hơi khó hiểu. Nhiều người đã hiểu cả trong cả zú lấp miệng em có chức năng chỉ gộp, chỉ tổng thể với nghĩa là “tất cả, toàn bộ”, như trong cả nhà, cả bản, ăn cả con gà… Nhưng cách hiểu này là không chính xác. Thực ra, “cả” trong thành ngữ này có ý nghĩa là “to, lớn”, như nghĩa của cả trong dũa cả, cả lưng rộng háng, cả hơi lớn tiếng… Sự giao kết nghĩa của các yếu tố, nhất là nghĩa biểu trưng của chúng đã tạo thành câu cả zú lấp miệng em nhằm hàm chỉ một thói xấu của người đời là hay ỷ vào thế lực, sức mạnh để chèn ép lấn át người kém mình về thế lực và địa vị xã hội.
Thí dụ:
Trong xã hội ngày nay người có chức quyền “hay cả zú lấp miệng em” không kể đến pháp luật.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 12 Dec 2016

43 Cái giá cắn đôi

Ông cha ta thường lưu tâm đến việc dạy con cái cách ăn, cách uống hàng ngày. Ăn cũng phải học như học nói vậy. Học ăn, học nói, học gói, học mở; ăn cho nên đọi, nói cho nên lời; ăn trông nồi, ngồi trông hướng v.v… tất cả trở thành những lời giáo huấn quý giá đối với mỗi một chúng ta, giúp chúng ta biết sống lịch thiệp, thanh nhã. Ăn uống cũng vậy. Cách ăn cũng phản ánh tính lịch thiệp nết na, ý tứ của con người. Ăn nhỏ nhẹ theo kiểu cái giá cắn đôi là cách ăn uống có ý tứ.
Cái giá hay cây giá là một loại rau do ủ từ đậu xanh mà ra. Nhỏ nhắn như vậy mà khi ăn còn phải cắn làm đôi? Rõ là lịch sự, tế nhị biết dường nào! Người ta truyền rằng, cách ăn uống kiểu “cái giá cắn đôi” ấy thường thấy ở các cô thiếu nữ Hà Nội ngày trước. Đặc biệt là ở các cô gái Hàng Bạc thì kiểu cách này đạt đến sự tinh tế tuyệt đỉnh của nó. Người Việt Nam đều ngưỡng mộ nét hào hoa, lịch lãm đối với cách thức ăn uống như vậy.
Cuộc sống đổi thay rồi. Nếp sống đổi thay rồi. Nhịp sống đổi thay rồi. Và, quan niệm về cái đẹp nói chung và cái đẹp trong ăn uống nói riêng cũng đổi thay nhiều rồi. Và, cái ý lịch lãm, tinh tế của cái giá cắn đôi cũng đã chuyển theo một hướng khác rồi. Hiện nay, dân gian lại khai thác một nét nghĩa khác ở thành ngữ “cái giá cắn đôi”. Trong sử dụng, thành ngữ này dường như đã mất đi nét nghĩa tích cực - đánh giá sự lịch lãm tế nhị của cách ăn uống, trong khi đó nét nghĩa tiêu cực đánh giá sự cầu kỳ, yểu điệu, kiểu cách trong việc ăn uống lại được lưu giữ và đề lên thành nghĩa chính của câu thành ngữ này. Quả vậy, ăn uống theo kiểu cái giá cắn đôi chỉ là cách ăn uống của các cô tiểu thư yểu điệu, làm dáng làm duyên mà thôi!
“Con Hoa ở gần đó cũng hùng hục ăn không kém, mặc dù ả có bộ mã tiểu thư yểu điệu cái giá cắn dôi (Văn 6, tập I, tr. 84).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 12 Dec 2016

44 Cái khó bó cái khôn
Cái khó ló cái khôn


Cứ ngỡ đây là hai biến thể của một câu tục ngữ, thế rồi không ít người tranh luận, lý giải theo những hướng khác nhau. Nhiều người xem dạng thức “cái khó bó cái khôn” là dạng chuẩn, dạng đích thực và phủ nhận dạng thức “cái khó ló cái khôn”. Ngược lại, một số khác lại cho dạng thức “cái khó ló cái khôn” mới là một dạng chân chính. Thực ra, đây là hai câu tục ngữ có nghĩa và cách sử dụng khác nhau. Chúng khác nhau một cách “nghiệt ngã”! 
Trong những hoàn cảnh bất lợi, những người thông minh tài cán, khôn ngoan cũng có lúc phải bất lực, không thể dễ dàng xoay trở, đảo ngược được tình thế. Cái khó bó cái khôn là vậy. Cái khó bó cái khôn phản ánh sự bất lực của trí tuệ, tài năng trước hoàn cảnh. Đó cũng là sự cảm thông trước bước đường của những con người đang rơi vào hoàn cảnh không có lối thoát.
Thế nhưng, đôi khi trong cuộc sống vẫn có những tình thế ngược lại. Con người ở vào một cảnh huống tưởng chừng đã hoàn toàn bế tắc, hoàn toàn hết đường tháo gỡ, đột nhiên một ý nghĩ thông minh “xuất thần” cứu vớt được tình cảnh, giải tỏa được khó khăn. Cái khó ló cái khôn là như thế. Đó cũng là lời động viên, an ủi nhau, cố gắng tìm cách tháo gỡ khó khăn, bất luận ỏ hoàn cảnh nào.
Rõ ràng, là giữa cái khó bó cái khôn với cái khó ló cái khôn ý nghĩa và cách sử dụng hoàn toàn trái ngược nhau. Do vậy, không thể nói đây là hai biến thể của một câu tục ngữ, không có dạng nào chuẩn, dạng nào là không chuẩn. Đây là hai câu tục ngữ trái nghĩa nhau.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 12 Dec 2016

45 Cái tổ con chuồn chuồn

Óc quan sát thế giới tự nhiên của người Việt Nam dành khá nhiều cho đời sống và cá tính riêng của con chuồn chuồn. Bởi là, nó gần gũi với con người, trước hết là với trẻ em. Trẻ em thích chơi chuồn chuồn. Thấy chuồn chuồn là giơ tay bắt ngay, nên mới có câu hát:
“Chuồn chuồn có cánh thì bay
Đừng cho thằng bé giơ tay bắt chuồn”.

Cũng có nơi trẻ em lại hát:
“Chuồn chuồn có cánh thì bay,
Có anh cu Tí thò tay bắt chuồn”.

Đối với tuổi nhỏ, chuồn chuồn có mặt như một thứ trò chơi và cũng như là bạn bè. Bắt chuồn về cho chuồn chọi nhau; bắt chuồn về, buộc chỉ vào đuôi, mang theo một mẩu giấy nhỏ lên trời; bắt chuồn về, cho chuồn cắn vào rốn, nói là để cho chóng biết bơi. Và bao nhiêu trò nữa. Chuồn chuồn thân quen và hấp dẫn đối với trẻ nhỏ đến thế, mà tổ con chuồn chuồn ở đâu, nghìn đời nay rồi, chẳng ai mách giùm các em một câu!
Còn, trong ý thức người lớn tuổi thì khác hơn. Cũng rất quen thuộc. Nhưng chuồn chuồn không còn là một thứ trò chơi nữa, mà đã đi vào chuyện làm ăn, chuyện ứng xử ở đời, có cả những điều hy vọng và những điều buồn đau. Đối với những người để tâm nhiều đến việc buôn bán, làm ăn thì có câu: Vốn chuồn chuồn, ý nói vốn ít ỏi, mỏng nhỏ, chẳng hề làm nên cơ nghiệp gì. Đối với những người quanh năm suốt tháng làm bạn với nắng mua, với trời đất, thì truyền cho nhau câu tục ngữ:
“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”

Chuồn chuồn cũng tham dự vào ý thức thẩm mỹ của dân gian Việt Nam như là sự liên tưởng - so sánh trực giác, nhờ đó mà nói lên được cô đọng hơn, hình ảnh hơn, sâu sắc hơn cái ý về sự hời hợt, qua loa, không chuyên chú theo lối chuồn chuồn đạp nước.
Chuyện về con chuồn chuồn còn được mang vào mỗi cuộc đời trong cái phút lâm chung của họ. Đó là phút người bệnh đã mê sảng và đã “bắt chuồn chuồn”, tức là các ngón tay cứ chúm lại rồi tỏe ra, lại chúm lại, tỏe ra như động tác các ngón tay khi bắt chuồn chuồn, báo hiệu cái chết đã đến!
Con người quan sát đời sống con chuồn chuồn sâu sắc và đa dạng đến thế mà cái tổ con chuồn chuồn ở đâu và hình dáng của nó ra sao vẫn chẳng ai biết cả. Nhưng làm sao, người ta vẫn nói “ai biết đâu cái tổ con chuồn chuồn”.
Và văn học cứ viết, chẳng hạn như:
“Ông Đổng thì bàng quan, cả nghe, cả tin. Mình thì biết tỏng cái tổ con chuồn chuồn rồi” (Nguyễn Thị Ngọc Tú, “Đất làng”).
Hoặc:
“Ngày tháng trôi qua, hai chị em gái của Hà đi lấy chồng. Mỗi lần có tiếng pháo nổ, tiếng nhạc xập xình bên ấy, mấy đứa chúng tôi lại bảo nhau “Thế là tổ con chuồn chuồn lại bay mất một con”. (Văn nghệ Q Đ, số 1.1980).
Thế ra tổ con chuồn chuồn lại có điều gì đó tương đồng với một gia đình sinh ra toàn là con gái cả hay sao? Chuyện về cái tổ con chuồn chuồn thật là rắc rối. Con chuồn chuồn có tổ không? Chuồn chuồn làm tổ ở đâu? Hình dáng tổ con chuồn chuồn ra sao? Và tại sao để nói lên ý về sự không thể biết được, sự bí ẩn, kín mật, dân gian lại tạo lập cách nói “Cái tổ con chuồn chuồn”?
Trước hết hãy trở về đời sống sinh vật của chuồn chuồn. Chuồn chuồn là loài sâu bọ cánh mỏng, có gân. Vòng đời của chuồn chuồn không dài, chia làm hai giai đoạn: giai đoạn nhộng, ba năm ở dưới nước, giai đoạn trưởng thành hai tháng. Hóa từ nhộng ra, chuồn chuồn con sinh sống kiếm ăn ở mặt nước, nên ít ai nhận biết. Đến lúc lớn lên, có khả năng tự vệ, chuồn chuồn mới bay lên cạn kiếm mồi. Cuộc sống ở trên cạn, chuồn chuồn cũng có những cá tính khác thường: không ở đâu lâu một chỗ, mà cứ nay đây, mai đó, ngày bay, đêm nghỉ. Lại có những ngày chuồn chuồn rủ nhau tụ họp, bay dăng đầy sân, đầy bãi gây một ấn tượng rộn rã, bỗng chốc lại tan đàn, bay đi mất hút cả một mùa. Lúc ở phía trước lát ở phía sau, thoắt cái lại biến mất vẻn vẹn có hai tháng sống trên cạn thôi mà đã mất một thời sống quanh quẩn nơi mặt nước, không ai biết đến. Những ngày sống trên cạn thì đã du thủ du thực, vui đâu chầu đấy; lại có những ngày tụ họp bay rợp trời rợp đất rồi sau đó mất hút… Tất cả những “lối sinh hoạt” ấy: “thoắt đến thoắt đi” vừa nhìn thấy đã biến mất, vừa đến đã đi, sáng bay ra, tối đi hết, gây cảm nghĩ “không biết đâu mà lường”, “khó mà tìm cho được”.
Nhưng, có lẽ chừng ấy cũng chưa đủ chứng cứ ngôn ngữ học cho sự xuất hiện thành ngữ “cái tổ con chuồn chuồn”, mà phải thêm điều này nữa: Trong cách nghĩ dân gian, con chim phải có tổ, người ta phải có nhà. Và dường như, các loài động vật có cánh đều làm tổ, đẻ trứng và nuôi con ở tổ, thế thì chuồn chuồn cũng phải có tổ như chim có tổ để trú ngụ, đẻ trứng, nuôi con chứ! Cái lôgic ấy tự nhiên, chỉ có điều là, tổ chim nhìn thấy được mà tổ chuồn chuồn thì ở đâu, mà chẳng bao giờ nhìn thấy cả. Cái lôgic dân gian này cùng với lối sinh hoạt “nay đây mai đó”, “thoắt đến thoắt đi” của chuồn chuồn đã đưa liên tưởng con người đến với ý nghĩ về sự “bí ẩn”, “chẳng thể nào biết được”, từ đó mà có câu thành ngữ “cái tổ con chuồn chuồn” nói về cái ý đó, giống như cách nói “ai biết ma ăn cỗ” hay “ai biết ma ăn cỗ ở đâu”. Ở đây cái lôgic dân gian và lôgic hiện thực khách quan không đồng nhất. Chuồn chuồn không làm tổ, nên không có tổ, do đó, không bao giờ con người tìm thấy tổ chuồn chuồn. Chuồn chuồn đạp nước, đẻ trúng xuống nước, trứng nở thành nhộng. Nhộng sống dưới nước sau ba năm mới hóa thành chuồn chuồn. Cái tổ con chuồn chuồn biểu trưng cho sự “bí ẩn”, “không thể biết”. Để diễn đạt ý về sự đã biết rõ, biết tường tận điều bí ẩn nào đó, ngươi ta phải nói “biết tỏng cái tổ con chuồn chuồn rồi”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 105 guests