Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 02 Oct 2018

331 Thân cò cũng như thân chim


Chim, cò cùng một loài. Do đó, trong tiếng Việt có từ ghép chim cò để chỉ những loài chim (nói một cách khái quát). Và cách nói thân cò cũng như thân chim cũng dựa vào sự giống nhau này. Tuy nhiên, đối với con người, hai đối tượng được so sánh bằng thành ngữ thân cò cũng như thân chim đâu chỉ đơn thuần là sự giống nhau chung chung về loài như thế. Hai người cùng được nói đến trong thân cò cũng như thân chim là hai số phận như nhau, hai cảnh ngộ như nhau giữa cuộc đời đầy vất vả gian truân:

“Anh Tuân có ra một tí thì ra, tôi trông nhà cho, bạn áo ngắn với nhau cả, thân cò cũng như thân chim” (Văn học 10, tập hai, tr. 700).

Như điều biết, cò và chim, trong kế sinh nhai, hai kẻ hai đường, nhưng đều vất vả gian nan chẳng kém gì nhau. Thân cò phải lặn lội giữa đồng áng, không quản nắng mưa. Phận chim vất vả tìm kiếm mồi từ cành này sang cây nọ, chịu cả mua gió bão bùng. Sự gặp gỡ này cho phép người ta liên hệ với những con người có chung nỗi khổ cực trong cuộc sống, chung một sự bất hạnh giữa cuộc đời. Với cách hiểu này, thân trong thân cò cũng như thân chim hẳn không phải là thân thể, mà là thân phận, số phận.
Đã là cùng một thân phận như nhau, thân cò cũng như thân chim, trong cuộc sống, con người cần phải thông cảm, thương yêu, đùm bọc lấy nhau. Đó là bài học quý về lòng nhân ái. Ví dụ:

Đừng lấy tinh thần phi nhân bản mà đối xử với nhau, dù sao thì “thân cò cũng như thân chim”, là con người với nhau không nên đối xử tệ bạc với nhau như thế!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 03 Oct 2018

332 Thần hồn nát thần tính


Thần hồn và thần tính trong tiếng Việt, tuy hai nhưng chỉ là một. Cả hai đều chỉ phần linh hồn của con người, theo quan niệm mê tín. Riêng về nát ở thành ngữ này có vẻ khó hiểu hơn, nát (hay nhát) vốn là một từ địa phương có nghĩa là “dọa, dọa dẫm”. Vậy khi nói “thần hồn nát thần tính” chính là tự mình lại dọa mình, có nghĩa “tự huyễn hoặc, mình lại gây cho mình sợ hãi, do yếu bóng vía, non gan mà nhầm lẫn”. Thí dụ:

“Nó nói thật đấy! Em cũng nghe tiếng gì như tiếng trẻ con khóc. An cười: Ôi dào! Các cô thì chỉ thần hồn nát thần tính” (Nguyễn Xuân Khánh, “Rừng sâu”).

Trong sử dụng ngôn ngữ, “thần hồn nát thần tính” đồng nghĩa với nỗi sợ hãi kinh hoàng, đến mức mất hết hồn vía, không đủ tỉnh táo để phân biệt thực hư, dẫn đến hành động như ở trạng thái vô thức. Thí dụ:

“Như thần hồn nát thần tính thế nào, mấy tay tham nhũng khi ra tòa, khai ra cả nùi không biết đâu mà xử tội cho hết”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 05 Oct 2018

333 Thần xuất quỷ một


Trong quan niệm của Dân gian ta, thần, quỷ là lực lượng siêu nhân, có tài biến hóa muôn hình vạn trạng. Do vậy, trong dân gian mới có câu thành ngữ “thần xuất quỷ một” để chỉ sự linh diệu nhanh chóng bí mật và bất ngờ trong các hoạt động của con người.

“Cũng ra Bắc vào Nam, thật thần xuất quỷ một, không ai có thể dò biết được” (Văn 11, tập một).

Thành ngữ “thần xuất quỷ một” chia làm hai vế biểu hiện sự đặc trưng giống nhau về bản chất: Thần xuất (thần hiện ra), thì cũng tài tình như quỷ một (quỷ biến mất) vậy. Gắn liền với quan niệm này, thành ngữ “thần xuất quỷ một” được dùng để biểu hiện những sự thay đổi nhanh chóng không ngờ trước được, giống như phép mầu nhiệm của thần tiên, ma quỷ vậy:

“Đại thắng! Đại thắng! Thần xuất quỷ một. Hà Nội giải phóng đến nơi rồi!” (Nguyễn Huy Tưởng, “Sống mãi với thủ đô).

Thành ngữ “thần xuất quỷ một” còn có biến thể “thần xuất quỷ nhập”. Ý nghĩa và cách dùng của hai dạng thức này đều như nhau. Ngoài ra, trong tiếng Việt, gần gũi với hai dạng thức này còn có “xuất quỷ nhập thần”.

“Các anh xuất quỷ nhập thần như vậy, nên chính bọn võ quan ngồi xem phim ngay đấy mà cũng đành bó tay không biết thế nào mà đối phó kịp nữa” (Hà Minh Tuân, “Trong lòng Hà Nội”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 06 Oct 2018

334 Thất cơ lỡ vận


Người ta thường quan niệm rằng, cơ hội và vận may là điều kiện thuận lợi giúp cho sự thành đạt trong cuộc sống. Số phận sẽ mỉm cười với những ai gặp được thời cơ, gặp vận may. Trong trường hợp ngược lại, con người sẽ bất lực, đau khổ và thất bại ê chề. Vì vậy, người xưa thường đối lập giữa sự thành công của những người gặp vận may với sự thất bại của kẻ lỡ vận:

Gặp thời đồ điếu nên công dễ
Lỡ vận anh hùng luống nuốt cay
(Đặng Dung, “Cảm hoài”)


Do đó, thành ngữ thất cơ lỡ vận thường dùng để nói về những số phận, những cuộc đời, những con người rủi ro, bất hạnh trong cuộc sống: (thật ra nếu lý giải rõ ra thì xã hội càng bất công, phân chia giai cấp càng rõ nét, thì thất cơ lỡ vận xảy ra nhan nhãn khắp nơi và số phận con người càng nghiệt ngã)

“Không biết bao người bấy giờ bị thất cơ lỡ vận vì con đen đỏ sấp ngửa, đã đến xin lăn tay lên cái giao kèo đi phu năm năm” (Nguyễn Đình Thi, “Vỡ bờ”).

Mặt khác, thất cơ lỡ vận cũng còn được dùng để biểu thị sự suy sụp, đổ vỡ về gia sản, quyền thế, địa vị của những kẻ quyền cao chức trọng, giàu sang phú quý. Đối với họ, thất cơ lỡ vận là thất thế và suy sụp.

“Vẫn tưởng một người vai vế như Năm Thọ mà thất cơ lỡ vận đến nỗi tù tội làm gì mà còn dám vác cái mặt mo về làng?” (Văn học 12, tr.85).
“Xưa, Lê Chiêu Thống làm kiếp chó săn, lúc thất cơ lỡ vận vẫn còn ôm chủ, những mong được nương tấm thân tàn” (Việt Nam ngẫm lại đi, vết xe đổ còn đó).


Gần nghĩa với thành ngữ thất cơ lỡ vận trong tiếng Việt còn có các thành ngữ và biến thể của chúng như: thất cơ lỡ bước, sa cơ lỡ bước, sa chân lỡ bước, sa cơ thất thế, v.v…
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 09 Oct 2018

335 Thầy bói dọn cỗ


Một ông thầy bói mù cưới vợ cho con trai. Ông mời những bạn bè làm nghề bói toán thân quen với ông và cũng mù như ông đến ăn cỗ. Các thầy quờ quạng đến. Vui chén rượu, các thầy thi nhau bấm độn, đoán xét giờ tốt để đón dâu. Chẳng thầy nào chịu thầy nào. Y hẹn với nhà gái, nhà trai đến giờ cứ đi đón dâu. Lát sau, tiếng pháo đã vang lên đầu ngõ. Các thầy bói cuống quýt dọn dẹp, sửa sang khăn áo để ra nghinh tiếp nhà gái và cô dâu. Nhưng trên sập gụ còn linh tinh bát đĩa. Các thầy vội vã cùng xúm nhau vào dọn dẹp. Thầy cất được cái chai ra khỏi mâm, thầy kia lại nhặt lấy xếp vào mâm như cũ. Thầy đặt được cái bát đang ăn dở vào lòng thầy bên cạnh. Thầy kia lại xếp cái bát lên gối một thầy khác. Cuống quýt, vội vã, bát đĩa vỡ tung tóe. Thấy vậy, con cháu nhà trai đến giúp dọn dẹp. Lúng túng, các thầy lấy nhầm gậy của nhau. Có thầy còn nhấc vành khăn của thầy khác đặt lên đầu mình. Họ nhà gái đã vào nhà mà các thầy vẫn ngồi nguyên chỗ. Bát đĩa, gậy gộc, khăn tráp ngổn ngang. Một người trong họ nhà gái phì cười nói to: “Đúng là thầy bói dọn cỗ”.
Thành ngữ “thầy bói dọn cỗ” được lưu truyền trong dân gian chỉ tình trạng bối rối, cuống quýt, gần nghĩa với thành ngữ “lúng túng như gà mắc tóc”. Nó còn hàm nghĩa rằng: việc này đã có người làm rồi, người khác không biết đem làm lại, có khi hỏng việc, không đạt kết quả.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 17 Oct 2018

336 Thầy bói xem voi


Có đến bốn năm ông thầy bói mù lòa, rỗi việc ngồi tán gẫu bên đường thì nghe bảo có voi đi qua bèn chung tiền để được sờ voi. Bởi lẽ trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ!
Xong xuôi họ bàn cãi với nhau rất hăng hái. Ông sờ vòi thì bảo voi là một cái gì đó như con đỉa. Ông sờ chân cho rằng voi chẳng khác cây cột đình bao nhiêu. Ông sờ tai cãi lại, voi chỉ như một chiếc quạt không hơn không kém. Ông sờ đuôi quả quyết voi nào có giống những thứ kia, nó là một chiếc chổi lớn, và chỉ vậy thôi! Cứ thế, không ai chịu ai, ai cũng cho mình là người duy nhất đúng. Thành ra, ban đầu chỉ có tranh luận, rồi dần sang cãi vã và rốt cuộc đánh nhau u đầu chảy máu. Từ câu chuyện này, trong dân gian xuất hiện thành ngữ thầy bói xem voi để chỉ sự thiểu năng phiến diện, chỉ thấy bộ phận mà không thấy toàn cục, chỉ là một đứa học trò nhỏ của thiên nhiên mà đem sự khái quát “non nớt” của mình mà phản ánh không đúng bản chất của sự vật, theo kiểu chỉ thấy cây mà không thấy rừng mà đưa đến tàn phá thiên nhiên, môi trường, con người. 

Thí dụ:
Tôi chỉ sợ nếu đem sự việc đơn giản hóa hoặc khuếch đại hóa sự việc như mấy lý thuyết gia, triết gia, tư tưởng gia… giống như mấy tay “Thầy bói xem voi” mà làm cho những người khác ngộ nhận và đi theo con đường phi nhân bản không thực tiễn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 21 Oct 2018

337 Thấy người sang bắt quàng làm họ


Đạo lý của người Việt Nam là máu loãng còn hơn nước lã. Trong quan hệ xã hội, con người bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ, trong đó có quan hệ thân tộc, quan hệ làng xã. Họ hàng là quan hệ được người Việt Nam để ý tới trong khi giải quyết các công việc xã hội. Ai đã đạt công thành danh toại thì đều phải vinh quy bái tổ và luôn luôn nhớ tới họ hàng, anh em mà ban phát bổng lộc. Họ hàng là nơi thân thích. Một người làm quan cả họ được nhờ! Việc tìm kiếm nhận họ hàng là chuyện bình thường, hạp với đạo lý của người Việt Nam. Ai phiêu tán tha phương cầu thực cũng luôn luôn ngóng chờ ngày tìm lại họ hàng. Lễ nhận họ như ngày lễ lớn. Họ hàng là thân thiết. Tuy nhiên, nhận thân thiết để cầu cạnh lợi quyền cá nhân lại là chuyện không nên, là hành vi thấy người sang bắt quàng làm họ:
“Nhung Ngãi xua ngay ý nghĩa đó. Ngãi tìm gặp ư? Thấy người sang bắt quàng làm họ ư? Không. Không nên thế” (Phù Thăng, “Trận địa mới”).
Bắt quàng là vận vào, vơ vào chứ chẳng có lý có tình gì. Người cùng họ, khi cần thiết cầu lợi trên tình nghĩa anh em ruột thịt còn đáng phê phán như vậy, huống chi là những kẻ xa lạ mà tùy tiện nhận thân thích cốt để kiếm chác lợi lộc, hoặc khoe mẽ với thiên hạ. Trong mắt của dân gian ta những kẻ đó thật là tầm thường. Họ sẽ rất hả dạ khi kẻ thấy người sang bắt quàng làm họ không đạt kết quả gì, thậm chí bị hắt hủi, bị làm bẽ mặt. Đối với họ, những kẻ đó thật đáng kiếp, đáng đời:
“Đáng kiếp! Có thế mới sáng mắt ra, bận sau đừng có thấy người sang bắt quàng làm họ” (Văn 7, tập một, tr. 96).
Chính vì thế, trong tâm lý ứng xử của người Việt Nam nảy sinh một nét rất đáng quý. Với những người có địa vị cao sang, họ không bao giờ vồ vập để tỏ rõ sự thân quen của mình. Giá có ngờ ngợ ai đó có thể người họ nhà mình, thì cũng rất dè dặt, lựa lời mà nói, để nhờ câu chuyện mà biết người đó có phải là người cùng họ hay không. Hành vi đó giúp họ tự nhiên hơn trong cách ứng xử, tránh được định kiến về sự lợi dụng tình cảm trong công việc. Để rồi một khi nào đó người ta có thể yên tâm thanh minh với người thân thích gần gũi của mình một cách chân thành, cởi mở rằng: “Em nhận vội vàng, lại mang tiếng: thấy người sang bắt quàng làm họ” (Chu Văn, “Bão biển”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 27 Oct 2018

338 Thế như chẻ tre và Trúc chẻ ngói tan


Hai thành ngữ này có nghĩa khác nhau, nhưng chúng lại có chút dây mơ rễ má với nhau, sở dĩ nói như vậy là vì “chẻ tre” và “trúc chẻ” vốn dịch từ “phá trúc” của tiếng Hán.
Đỗ Dự là một đại tướng tài ba đời nhà Tần. Ông đã cầm quân tiến đánh quân Ngô. Trong khi quân sĩ đang hăng, sức đang mạnh, thắng đang lớn, thì một số người can ông nên tạm thu binh lại, chờ đến mùa xuân sang năm, vì lúc đó là mùa hạ, nước sông đang lên to, bệnh dịch đang hoành hành, mà đại quân của ông đang chuẩn bị vượt sông… Không ngần ngại, ông đã trả lời rằng: “Hiện binh uy đã vậy, ví như người chẻ tre, sau khi, đã chẻ qua vài đốt thì đoạn sau tiếp theo lưỡi dao mà vỡ toác ra" (kim binh uy dĩ chân, tỉ như phá trúc, số tiết chi hậu, giai nghênh nhận giải).
“Chẻ tre”, “trúc chẻ” (phá trúc) dùng để nói về cái thế đang có đà thuận lợi. “Lấy mưu mà bắt dễ như chẻ tre” (Binh thư yếu lược, tr. 426).
“Thế như chẻ tre” (hay “thế chẻ tre”) là thế mạnh, thuận lợi, có thể thực hiện công việc dễ dàng. “Trúc chẻ ngói tan” lại dùng chỉ hệ quả của thế chẻ tre (“ngói tan” vốn dịch từ “ngõa giải” tức là bị đánh tan tác như ngói vỡ).
Thừa cơ trúc chẻ ngói tan
Binh uy từ ấy sấm ran trong ngoài

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 19 Jun 2019

339 Thệ hải minh sơn
Bể thệ non nguyền
Thề non hẹn biển


Trong tiếng Việt, khi nói đến chuyện thề nguyền, hứa hẹn một cách trang trọng, thiêng liêng, người ta thường dùng thành ngữ “thệ hải minh sơn”, hoặc các biến thể của nó là “bể thệ non nguyền”, “thề non hẹn biển”.
“Thệ hải minh sơn” là một thành ngữ Hán-Việt, trong đó thệ là thề, hải là bể, biển, minh là thề nguyền, ước hẹn, sơn là núi, non. Thệ hải minh sơn là thề nguyền có biển cả, non cao chứng giám, ghi tạc. Đó là lời thề nguyền trang trọng, thiêng liêng.

Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

(Nguyễn Du) 

Để lời thệ hải minh sơn
Mang ơn trước phải đền ơn cho rồi.

(Nguyễn Đình Chiểu)

“Bể thệ non nguyền” là dạng dịch một phần của thành ngữ “thệ hải minh sơn”. Trong sử dụng, nghĩa của chúng hoàn toàn tương đương với nhau:

Nghĩ rằng lòng vợ chẳng hiền,
Một lời hải thệ non nguyền hóa không.

(Hoàng Trừu)

Dạng “thề non hẹn biển” dường như là dạng dịch toàn phần thành ngữ Hán-Việt “thệ hải minh sơn”:

“Những lời tự tình, thề non hẹn biển của câu trên đối với chị Thanh cần chỉ là những lời nói hão” (Hoàng Yến, Mưa bóng mây).
Last edited by bevanng on 05 Apr 2022, edited 1 time in total.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 19 Jun 2019

340 Thiên la địa võng


“Thiên la địa võng” là một thành ngữ Hán - Việt được cấu tạo theo lối đối và điệp, trong đó thiên (trời) đối với địa (đất), la đối với võng và đều có nghĩa là lưới. Như vậy về nghĩa đen thành ngữ Thiên la địa võng được hiểu là “lưới trời lưới đất”, về nghĩa bóng, thành ngữ này được dùng để chỉ sự vây hãm chặt chẽ không có lối thoát hoặc nói về thế bị bủa vây từ tất cả các phía, không có đường ra. Thí dụ:

“Lên Thăng Long không có lối, ra bể không có đường, bốn bề là thiên la địa võng. Toa Đô mày chạy đi đâu?” (Nguyễn Huy Tưởng, “Truyện viết cho thiếu nhi”).

Trong triều đại Bắc Tống (960-1127 SCN), Cổ Dịch và Lý Sư Sư là một đôi tình nhân. Cổ Dịch là một võ quan có tài thi ca. Lý Sư Sư lại là một kỹ nữ nổi tiếng, rất giỏi ca hát, nhảy múa và thơ ca. Họ rất yêu và trân trọng nhau.
Sau này, Hoàng đế Tống Huy Tông (1082-1135 SCN) nghe danh Lý Sư Sư và bắt đầu tìm đến nàng. Từ đó, hoàng đế đã phải lòng vẻ đẹp và tài năng của Lý, do đó Cổ buộc phải chấm dứt mối quan hệ của mình với Lý.
Quá đau khổ, Cổ đã viết một bài thơ bày tỏ tình cảm của mình đối với Lý và lòng ghen tị đối với vị hoàng đế.
Bài thơ đã bị một viên quan tâm địa nham hiểm tên là Cao Cầu phát hiện, y đã trình tấu với hoàng đế, khiến Cổ bị cầm tù. Không những mất tự do, Cổ còn thêm đau khổ vì mất đi tình yêu của mình.
Trong cuốn sách vào thế kỷ 13 Đại Tống Tuyên Hòa di sự (bao gồm nhiều phiên bản về các câu chuyện được cho là về các sự kiện lịch sử. Cuốn sách được chia thành 10 chương, khái quát lịch sử của nhà Tống từ đầu thế kỷ thứ 11 đến sự thành lập của chế độ Nam Tống vào năm 1127), cách diễn đạt “thiên la địa võng” được dùng để mô tả tình cảnh của Cổ. Về nghĩa đen, thành ngữ này có nghĩa là lưới ở trên và bẫy ở dưới, được dịch sang tiếng Anh là “net from heaven to earth”, nghĩa là một lưới bủa vây từ trên trời đến dưới đất. Sau này, nó đã trở thành một thành ngữ để chỉ một người đang trong tình huống nguy hiểm và không biết cầu viện vào đâu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 07 Apr 2020

341 Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy


Ngày xưa khi khoa học chưa phát triển, trình độ nhận thức của người ta còn thấp kém, người Việt quan niệm rằng tất cả sấm sét đều do ông thần nhà trời là Thiên Lôi làm ra. Trong trí tưởng tượng của dân gian, Thiên Lôi là một vị thần oai phong lẫm liệt, dung mạo dữ tợn, hai tay lúc nào cũng lăm lăm hai lưỡi tầm sét sẵn sàng chờ lệnh Ngọc Hoàng để tung ra sấm sét khủng khiếp trừng phạt những kẻ bị coi là phạm tội dưới trần gian. Vị thần ấy có sức mạnh vô địch và chỉ biết có phục tùng thi hành y lệnh trời. Hình ảnh của vị thần ấy đã được khắc sâu trong dân gian và thành ngữ “Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy” với ý nghĩa biểu trưng chỉ những người chỉ biết bảo gì làm nấy mà không cần suy nghĩ, đã ra đời từ đó.
“Nhưng nói chung ở làng nào cũng vậy hương lý rất ít thành thật và phản động. Chúng nó chẳng qua chỉ là “Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy” cả thôi” (Nguyễn Công Hoan, “Hỗn canh hỗn cư”).
Trong xã hội cũ đó là những con người thấp cổ bé họng - những anh lính, những người dân - chỉ biết làm tất cả theo lệnh quan:
“Huống hồ con chỉ là phận tôi tớ Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy, dạ thưa quan” (Báo Văn nghệ, số 13-1958).
Và ngày nay đó là những cán bộ thừa hành lệnh từ cấp trên dội xuống, hoặc là do họ bị bắt buộc, hoặc là do họ không muốn làm khác:
“Ông chỉ là cán bộ thừa hành Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy…” (Nguyễn Kim, “Đồng tháng Năm”).
Những ông Thiên Lôi ấy trong cuộc đời, trong ý nghĩ của mọi người thường là những người chỉ biết thừa hành nhiệm vụ một cách máy móc, kém năng động và linh hoạt. Chính vì vậy, thành ngữ “Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy” thường có sắc thái chê bai và châm biếm nữa. Thành ngữ này còn có một vài biến thể khác, như Thiên Lôi bảo đâu đánh đấy, Thiên Lôi sai đâu đánh đấy.
“Tôi làm gì có đủ trình độ tham gia thiết kế, chỉ biết ăn no vác nặng, Thiên Lôi bảo đâu đánh đấy.
“Tụi tui như Thiên Lôi sai đâu đánh đó thôi”

Từ cái ý chỉ một loại người làm việc máy móc, thành ngữ trên có khi còn được dùng để chỉ cả một nếp suy nghĩ và làm việc nữa:
“Tôi cũng chán cái lối làm việc Thiên Lôi sai đâu đánh đó ấy rồi”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 07 Apr 2020

342 Thiên kinh địa nghĩa


Thiên kinh địa nghĩa là đạo trời đất (Thiên: trời, địa: đất). Ở đây kinh là đạo thường, là khuôn phép không thể thay đổi được. Cũng vậy, nghĩa là đạo phải, là những quy tắc bất biến. Tập hợp nghĩa của các yếu tố kinh, nghĩa, thành ngữ thiên kinh địa nghĩa có chức năng biểu thị tính bất di bất dịch trong các hoạt động tinh thần: tư tưởng, tình cảm, phong tục, tập quán,… Thí dụ:
“Hủ tục không phải là một thứ thiên kinh địa nghĩa, nó có thể thay đổi nếu giáo dục phát triển và trình độ dân trí được phát triển”
Kinh và nghĩa cũng là thứ đạo thường, đạo phải được quy định chặt chẽ đến cứng nhắc. Các điều khoản của kinh và nghĩa là khuôn sáo, ít thay đổi nên cũng dễ dàng trở thành một thứ nhàm chán, giáo điều.
Do vậy, thành ngữ thiên kinh địa nghĩa còn được dùng để chỉ những khuôn phép cứng nhắc, thiếu mềm dẻo, linh hoạt.
“Nhiều tác giả không chịu động não, còn lười biếng trong việc tìm kiếm tư tưởng sáng tác, chấp nhận hoặc bằng lòng với điều thiên kinh địa nghĩa chung chung, thậm chí còn cóp nhặt từ những ý tưởng của người khác”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 07 Apr 2020

343 Thò lò sáu mặt, Thò lò hai mặt


Ngày xưa, có nhiều trò cờ bạc như: chắn, tổ tôm, xóc dĩa,… và cả thò lò nữa! Những trò cờ bạc này thường thấy ở nông thôn nhiều hơn, còn ở thành thị người ta có các trò khác như: bài tây, ích xì, cờ thế, quay số,… chẳng hạn.
Ngày nay, chắc ít người còn biết đến con thò lò và trò chơi của nó ra sao. Theo từ điển của Khai Trí Tiến Đức thì thò lò là “cách đánh bạc bằng con quay có sáu mặt, mặt số nào ngửa lên thì mặt ấy được”. Theo các từ điển khác (của Lê Văn Đức, Thanh Nghị) thì thò lò là vật dùng để đánh bạc, có sáu mặt vuông được đánh số và thường làm bằng xương; chơi thò lò tức là xoay cho nó lộn tít trên không rồi rơi xuống đất, mặt nào ngửa lên ứng với ai thì người ấy được bạc.
Thực tế, thò lò là vật để sát phạt nhau bằng cờ bạc, muốn sang thì làm bằng xương, nếu không thì làm tạm bằng gỗ. Về hình dáng cấu tạo thò lò trông như một khối lập phương bóp méo đi và đánh số vào các mặt, ở giữa hai mặt đó có một chiếc cán nhỏ bằng que tre xuyên qua để quay khi chơi bạc. Khi chơi thò lò, người ta dùng hai lòng bàn tay kẹp vào cán thò lò và xiết mạnh rồi tung lên không; nó sẽ quay tít và rơi xuống đất. Cuộc đánh bạc bắt đầu! Người ta hay nói “tít thò lò” là như vậy.
Có lẽ do cách cấu tạo và cách chơi của thò lò như trên mà trong ngôn ngữ dân gian đã hình thành nên thành ngữ thò lò sáu mặt để chỉ những con người nhiều thủ đoạn tráo trở, lật lọng và phản phúc. Thí dụ:
“Bọn phong kiến, thằng nào cũng như quân thò lò sáu mặt” (Nguyễn Công Hoan, “Hỗn canh hỗn cư”).
“Cứ như con thò lò sáu mặt, chỉ cách đây hai tuần, họ nhắm một lúc vào chín tờ báo, đóng cửa năm tờ, biểu diễn một số cấm đoán chưa từng có đối với báo chí.”
Thành ngữ thò lò sáu mặt có biến thể khác là thò lò hai mặt. Thí dụ:
“Có xem báo công khai cuối năm 1944 và để ý rằng ngày thứ hai người ta trích đăng lời trơ trẽn của tên tướng bù nhìn Pháp La-van thì đến ngày thứ bảy người ta lại tố cáo La-Van là kẻ đê hèn, mới thấy thơ ca trào phúng cách mạng, mệnh danh cho toàn quyền Đơ-cu là con thò lò hai mặt là cực kỳ thú vị” (Nhiều tác giả, “Thơ trào phúng Việt Nam”).
Có lẽ biến thể trên là do trong thực tế còn có loại thò lò làm bằng gỗ mỏng hay bìa cứng chỉ có hai mặt xấp và ngửa để đánh bạc. Như vậy dù thò lò sáu mặt hay hai mặt thì bản thân nó cũng là thứ biểu trưng cho bản chất lật lọng, xoay trở của con người. Do vậy, trong sử dụng ngôn ngữ, đôi khi người ta chỉ cần nói đến con thò lò là cũng đủ để hiểu nghĩa của toàn thành ngữ thò lò sáu mặt hay thò lò hai mặt.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 07 Apr 2020

344 Thỏa chí tang bồng


“Tang bồng” vốn là cách nói tắt của “Tang bồng hồ thỉ”. “Tang” là dâu, “hồ” là cung, “tang hồ” là cung bằng gỗ cây dâu. “Bồng” là “cỏ bồng”, “thỉ” là “tên”, “hồ thỉ” là tên bằng cỏ bồng. Tang bồng hồ thỉ, nghĩa là cung làm bằng gỗ dâu, tên làm bằng cỏ bồng. Tục truyền, ngày xưa ở Trung Quốc, hễ đẻ con trai thì dùng loại cung tên này bắn sáu phát; bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, còn một phát xuống đất. Ngụ ý của việc làm này là sau này trưởng thành, người con trai sẽ mang chí lớn “hai vai gánh vác sơn hà”, tung hoành dọc ngang giữa trời đất. “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa, gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao” (Chinh phụ ngâm).
Với nghĩa ấy, “tang bồng” thường kết hợp với các từ như “Chí tang bồng”, “nợ tang bồng”.
Thành ngữ “thỏa chí tang bồng” hay là “phỉ chí tang bồng” dùng để chỉ sự thỏa mãn, tự do trong hành động nhằm thực hiện chí lớn, không chịu bất kỳ một sự gò bó, ràng buộc nào. “Thế nào, cụ thỏa chí tang bồng rồi chứ. Cứ kêu là “bó cẳng” mãi. Bây giờ thì được đi “rạc cẳng” rồi chứ, cụ?” (Sáng tác Hà Nội, 12-1976).

Cơ trời đất xoay vần chính khí
Đấng nam nhi phỉ chí tang hồng

(Thơ văn yêu nước… Thế kỷ XIX)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 07 Apr 2020

345 Thọc gậy bánh xe


X. Chọc gậy bánh xe.
346 Thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã.


Câu tục ngữ “Thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã” được cấu tạo theo lối đặt hai vế đối ứng với nhau theo nhịp 4/4 và hiệp vần cách (công - đồng) khiến cho hai vế kết chặt lại thành một thể thống nhất vừa dễ đọc vừa dễ nhớ. Ý của câu này là nhằm khẳng định và ngợi ca những người thợ giỏi và bậc nhất của hai nghề thủ công cổ truyền ở Thăng Long - Hà Nội vào những thế kỷ XVII-XVIII-XIX là nghề vàng bạc (kim hoàn) và nghề đúc đồng. Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Thừa Hỷ, trong cuốn “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX” (Hội sử học Việt Nam, H.,1993) đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quý giá về hai nghề thủ công cổ truyền này.
Theo truyền thuyết dân gian, ông tổ nghề kim hoàn ở Định Công thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội là ba anh em họ Trần, tức Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền, quê ở làng này, sống vào cuối thế kỷ thứ VI, đã học được nghề kim hoàn trong một cuộc lưu lạc tại một nước láng giềng. Khi trở về quê, các ông đã đem nghề khéo léo đó truyền dạy cho dân làng. Từ đó, làng Định Công có nghề làm vàng bạc truyền thống, chuyên chế tác các đồ nữ trang nhỏ nhắn, như hoa tai, xuyến, hột vòng… phục vụ cho khách hàng ở Thăng Long. Vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX, khi nền kinh tế hàng hóa ở Thăng Long-Hà Nội phát triển mạnh, một số thợ kim hoàn Định Công mới di cư lên Thăng Long hành nghề tại phố Hàng Bạc, ở quãng giáp giới với phố Hàng Đào ngày nay.
Cần nói thêm rằng lúc đó ở phố Hàng Bạc đã có thợ đúc bạc quê ở Trâu Khê (thuộc huyện Bình Giang, Hải Dương) lên cư trú từ trước. Và sau này, muộn hơn, còn có một số dân làng Đồng Sâm (huyện Kiến Xương, Thái Bình) di cư lên.
Thợ Trâu Khê chuyên đúc và đổi bạc.
Thợ Đồng Sâm chuyên chạm trổ những đồ vật lớn bằng bạc như lư, đỉnh, hợp trầu, khay, chén, bát, đĩa bạc…
Thợ Định Công chuyên làm đồ nữ trang bằng vàng bạc và những đồ vật nhỏ, tinh vi.
Vào những thế kỷ này, nghề kim hoàn ở Thăng Long-Hà Nội đã đạt trình độ kỹ thuật cao, đến mức đã phân chia thành ba khâu kỹ thuật khác nhau: nghề chạm (chạm trổ vàng bạc), nghề dậu (kéo vàng bạc thành sợi để trang trí), nghề trơn (chế tác đồ vàng bạc không chạm trổ).
Xét về mặt tay nghề, thì “thợ vàng Định Công” được tôn vinh là thợ đạt trình độ kỹ thuật tinh xảo hàng đầu.
“Thợ đồng Ngũ Xã” ở thời đó cũng không thua kém gì về tay nghề so với “thợ vàng Định Công”.
Như đã biết, ở Thăng Long-Hà Nội có ba địa điểm từng có nghề đúc đồng và buôn bán đồng truyền thống là phố Lò Đúc, phố Hàng Đồng và khu Ngũ Xã.
Làng quê gốc của các thợ đồng Ngũ Xã, Hàng Đồng và Lò Đúc đều thuộc về Kinh Bắc.
Truyền thuyết kể rằng ông tổ nghề đúc đồng là nhà sư Không Lộ (Nguyễn Minh Không). Có nhiều cứ liệu cho thấy ông tổ nghề đúc đồng này quê ở Nam Hà, trụ trì ở Kinh Bắc và cư trú tại Hà Nội. Nhà sư đã truyền nghề cho hai chú tiểu của mình là Phạm Quốc Tài, quê làng Đề Kiều (tức cầu Nôm) và Trần Lạc, quê làng Đông Mai (tức làng Hề, hay là làng Me) thuộc Kinh Bắc. Sau hai người đó lại đem nghề truyền cho dân làng mình.
Vào khoảng thế kỷ thứ XVII, dân 5 xã thuộc tổng Đề Kiều đã di cư sang Thăng Long và định cư ở bán đảo Ngũ Xã bên bờ Trúc Bạch lập nên Ngũ Xã tràng. Còn dân buôn bán đồng thuộc xã Đông Mai (làng Me) đã di cư sang phố Lò Đúc, sau này chuyển lên phố Hàng Đồng.
Ngũ Xã tràng lập trên bờ hồ Trúc Bạch là vì nghề đúc đồng cần gần nguồn nước (hồ Trúc Bạch, Hồ Tây) và chất đất ở đây tốt, dẻo mượt khác thường, rất cần cho việc làm khuôn và đắp lò đúc. Sản phẩm đúc đồng là nồi, xanh, đèn, đỉnh, chuông, đồ thờ và tượng… Kỹ thuật đúc đồng ở Ngũ Xã đã đạt tới trình độ cao, khá tinh xảo và rất nổi tiếng. Việc kíp thợ đồng Ngũ Xã dưới sự chỉ huy của ngươi thợ tài nghệ là Trùm Trọng vào năm 1677, dưới triều vua Lê Hy Tông đã đúc thành công pho tượng đồng đen, nặng hơn 4 tấn ở quán Trấn Vũ đã chứng tỏ điều đó. Và thợ đồng Ngũ Xã rất đáng được tôn vinh vào hàng thợ thủ công giỏi vào bậc nhất của kinh kỳ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 29 guests