Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Sep 2017

S

286 Sao hôm sao mai


Chiều hôm tới, nhìn về phía Tây, ai cũng trông thấy có một ngôi sao mọc sớm, rất sáng. Đó là sao hôm. Và, lúc ban mai đến, nhìn về phía đông, chúng ta lại thấy một ngôi sao rất sáng, lặn muộn hơn tất cả. Đó là sao mai. Trong tri thức của dân gian ta, sao hôm và sao mai là hai ngôi sao khác nhau, có sự xa xôi cách trở khôn cùng về cả không gian lẫn thời gian: kẻ ở trời đông, kẻ ở trời tây; cái mọc lúc sáng sớm, cái mọc lúc chiều tà. Với nhận thức đó, dân gian đã mượn “hai ngôi sao này” để so sánh với hai con người do một hoàn cảnh nào đó mà phải biền biệt xa nhau. Đó là con đường hình thành thành ngữ sao hôm sao mai mà chúng ta gặp trong tiếng Việt với ý nghĩa hàm chỉ “mỗi người một nẻo, không thể gặp nhau được”. Thí dụ:
“Hai cụ bậc đại thần tất phải biết cho ta. Có lý nào cưới vợ lại để đó, vợ chồng như sao hôm sao mai” (Nguyễn Huy Tưởng, “Đêm hội Long Trì”).
Sự thật, sao hôm và sao mai lại hoàn toàn khác với nhận thức ấy. Cả sao hôm lẫn sao mai chỉ là tên gọi của kim tinh một trong những hành tinh quay xung quanh mặt trời. Kim tinh nhỏ hơn quả đất. Nó cũng tối như quả đất và cũng nhờ mặt trời chiếu vào để phát sáng. Kim tinh và quả đất đều quay quanh mặt trời, nhưng do vòng quay của Kim tinh nhỏ hơn nên khi mặt trời chưa mọc ta đã thấy nó ở bên đông, chiều đến mặt trời chưa lặn ta lại thấy nó ở đằng tây. Vì vậy, chúng ta nhầm tưởng nó là hai ngôi sao khác nhau.
Ngày nay, ai cũng nhận thức đúng về bản chất của sao hôm, sao mai. Dẫu vậy, những hiểu biết này cũng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của những tên gọi sao hôm và sao mai trong ngôn ngữ. Theo đó, thành ngữ sao hôm sao mai cũng không bị phương hại gì, và nó vẫn tồn tại trong tiếng Việt với tư cách là một đơn vị ngôn ngữ có chức năng biểu hiện “sự xa cách giữa những con người khác nhau do cảnh ngộ khác nhau gây nên”. Thí dụ:
“Giữa em với anh cứ như sao hôm và sao mai ấy. Lúc gặp lại là lúc chia tay — Hôm ở Hà Nội cũng vậy.” (Vũ Tuyến, “Vào hè”).
Gần nghĩa với thành ngữ sao hôm sao mai, trong tiếng Việt còn có thành ngữ như mặt trăng với mặt trời hay như mặt trời với mặt trăng. Thí dụ:
“Vợ chồng nhà mày cứ như mặt trăng với mặt trời ấy, thì bao giờ ông bà mới có cháu bế” (Chu Văn Tấn, “Một năm trên biên giới Việt Trung”).
Tuy vậy, như mặt trăng với mặt trời thường biểu thị ý nghĩa mạnh hơn, không chỉ nói về sự xa cách bình thường mà chủ yếu là nói về sự cách biệt, sự không hòa thuận đến mức xung khắc:
“Cầu khóc, chị ấy rất buồn vì chuyện vợ chồng cứ như mặt trời với mặt trăng” (Nguyễn Quang Thân, “Cô gái Triều Dương”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Sep 2017

287 Say hoa đắm nguyệt

“Hoa” trong tiếng Việt nghĩa là một bộ phận của cây, thường có sắc đẹp, hương thơm và cho quả. “Nguyệt” là chữ gốc Hán, nghĩa là mặt trăng. Trong văn chương cổ điển mà tiêu biểu là truyện Kiều, “hoa” thường được dùng tượng trưng cho người con gái đẹp hay cái đẹp nói chung, song “hoa nguyệt” lại chỉ sự yêu đương trai gái hoặc chung chạ, ân ái. Đọc truyện Kiều của Nguyễn Du, chắc ít ai không nhớ chàng Thức Sinh si tình, mới gặp Kiều lần đầu ở lầu xanh mà đã mê mẩn tâm thần:
“Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng,
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng?
Lạ gì thanh khí lẽ hằng,
Một dây một buộc ai giằng cho ra”.

Ngày nay từ “trăng hoa” thường được dùng để chỉ quan hệ trai gái không đứng đắn, một tình yêu có chăng là hời hợt, không chung thủy và dễ tan vỡ. Tuy vậy, để chỉ sự ham mê sắc dục của người đàn ông, người ta không nói say trăng đắm hoa mà chỉ nói “say hoa đắm nguyệt”. Thí dụ:
"Mang bầu tới quán rượu dâu, Say hoa đắm nguyệt quên câu ân tình." (Ca dao)
“Hương trời đắm nguyệt say hoa,
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình.” (Cung Oán Ngâm Khúc)

Ở thành ngữ trên, hai từ ghép say đắm và hoa nguyệt đã được tách đôi và lồng chéo vào nhau tạo nên thành ngữ đối và điệp “say hoa đắm nguyệt” với nghĩa như trên.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 30 Sep 2017

288 Say như điếu đổ
Mê như điếu đổ


Trong ca dao Việt Nam, để diễn tả nỗi nhớ nhung giữa đôi bên trai gái, có câu ca:
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.

Đối với người Việt Nam, thuốc lào và chiếc điếu cày đã là người bạn tri kỷ, trăm năm tự ngàn xưa cho tới bây giờ.
Ai đã từng say thuốc lào lần đầu trong đời, hẳn rằng sẽ nhớ mãi cái giây phút ấy, như một kỷ niệm về “nàng tiên vê”, giây phút làm cho tâm hồn ta bay bổng tuyệt vời. Say thuốc lào không phải như say thuốc phiện mà cũng chẳng như say rượu, chẳng giống say trầu, nó là một thứ say khác hẳn: vừa nhẹ nhàng vừa đê mê để đi vào cõi mộng trong giây lát, để rồi sau đó người ta lại làm tiếp công việc của mình. Hút thuốc lào từ lâu đã là một cái gì đó đặc trưng cho người dân và rộng hơn là người đàn ông Việt Nam, cũng như ăn trầu là đặc điểm của người phụ nữ Việt Nam xưa. Có phải chăng vì thế, mỗi khi nói về tình yêu người ta thường hay ví với thuốc, với trầu?
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào”, câu ca dao của dân gian ấy mãi canh cánh trong lòng những chàng trai đang yêu, như một lời bộc bạch của trái tim nồng nàn, say mê. Ca dao thì nói vậy về nỗi nhớ, song thành ngữ của dân gian khi nói về tình yêu đến say mê của đôi trai gái lại nói là “say như điếu đổ”. Đó là cái say mê đến ngây dại của kẻ đang yêu. Yêu đến mức say đắm như người hút thuốc lào đánh đổ điếu cày lăn lóc mà chẳng hề hay biết. Cái hay ở thành ngữ này là từ say vốn biểu thị trạng thái sinh lý đã được dùng để chỉ trạng thái tâm lý. Đây cũng là một quy luật chung của thành ngữ tiếng Việt, chẳng hạn như buồn trong “buồn như trấu cắn”, nhũn trong “nhũn như con chi chi”…
“Cái tình vợ chồng trẻ bao giờ chả thế! Chưa cưới đã say nhau như điếu đổ rồi!”
“Mì nhìn Chanh âu yếm: Thảo nào mà nó chẳng làm cho mấy ông tướng kia cứ say như điếu đổ”
(Hoàng Minh Tường, “Đồng chiêm”).
“Say như điếu đổ” là sự “phải lòng nhau” của đôi trai gái hoặc một bên với bên kia, thường đó là lúc lý trí bị lấn át bởi tình cảm: “Vân say như điếu đổ, nhưng Vân tỏ ra chân thật đôi lúc hơi ngớ ngẩn” (Xuân Tùng, “Nhãn đầu mùa”).
Từ chỗ diễn tả sự say mê trong tình yêu, thành ngữ say như điếu đổ còn mở rộng ra để biểu thị cả sự say mê đến si mê các thứ khác nhau trong cuộc sống.
Thành ngữ say như điếu đổ có một biến thể khác cũng khá thông dụng là mê như điếu đổ. Thành ngữ này cũng có ý nghĩa như trên, song sắc thái có hơi khác (do từ mê và say quy định): mê như điếu đổ cũng diễn tả sự mê say trong tình yêu nam nữ:
“Khi cơ thể tỏa ra mùi hương quyến rũ, đó là lúc nước hoa chứng tỏ sự gợi cảm của nó”. Sylvaine Delacourte, Giám đốc phát triển nước hoa tại Guerlain nói. “Chỉ cần chấm nhẹ trên cổ tay, hay phun một ít vào tóc của bạn vào buổi tối. Đó là lời nhắc nhở về sự nữ tính của bạn, bạn có quyền được trở nên gợi cảm. “Bạn có thể phủ lên mình mùi hương cổ điển lãng mạn, như mùi hoa cỏ, loại gia vị… mùi nào không quan trọng, miễn bạn cảm thấy mình tuyệt vời là được. Đây là những “tuyệt chiêu” khiến chàng “say bạn” như điếu đổ.
Một người phụ nữ dù xinh đẹp đến mấy nhưng thiếu cái duyên thì sớm muộn gì người chồng cũng cảm thấy tẻ nhạt. Một người phụ nữ có thể không quá xuất sắc, nhan sắc trung bình song lại có sức cuốn hút vì sự ngọt ngào trong cách giao tiếp. Điều đó mới khiến đàn ông “mê như điếu đổ”.
Và, biến thể này cũng nói về sự si mê một sự vật, đối tượng nào đó ngoài tình yêu lứa đôi.
Đôi khi để nhấn mạnh, thành ngữ này còn có biến thể khác là mê hơn điếu đổ, mê như ăn phải bùa:
“Văn thơ của các báo được anh trân trọng chép và thuộc lòng như cháo. Anh mê hơn điếu đổ một người con gái bên cạnh nhà và người này cũng như anh, cũng thích thơ một cách nông nổi” (Hồ Dzếnh, “Chân trời cũ”).
Để biểu thị sự say mê, phải lòng nhau trong tình yêu giữa trai gái, tiếng Việt còn một số thành ngữ khác gần nghĩa với thành ngữ say như điếu đổ là: mê tít cung thang, mê tít thò lò.
Demi Lovato vừa cho ra mắt album mới nhất của mình có tên Demi. Cô nàng cũng kịp có một buổi trò chuyện cùng kênh MTV về cuộc sống và sự nghiệp của mình, đặc biệt là những câu hỏi xoay quanh cô bạn thân Selena Gomez. Demi Lovato "mê tít thò lò" single mới của Selena Gomez.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 02 Mar 2018

289. Sáng tai họ, điếc tai cày

Nghĩa gốc của câu này liên quan tới cách ứng xử của con trâu (hay con bò…) khi người nông dân điều khiển nó kéo cày. Đặng Đức Siêu, soạn giả cuốn “Ngữ điệu văn học” (Nxb. Giáo dục, 1999), cho rằng câu này là “thành ngữ dân gian”.
Dân quê điều khiển trâu kéo cày, khi hô “họ” là trâu dừng lại. Khi họ “vắt” là thúc trâu kéo cày. Trâu lười, nghe “họ” vội dừng lại, nghe “vắt”, giả vờ không nghe thấy gì chẳng buồn nhúc nhắc, cứ như điếc” (Sđd., tr.250). Từ đó, tác giả rút ra nghĩa bóng của câu này là: “Vừa ý thì nghe ra ngay; trái ý thì giả vờ điếc; khôn lỏi, khôn vặt” (Sđd., tr.250). Những điều Đặng Đức Siêu vừa nêu chỉ đúng một phần.
Để hiểu được nghĩa đen và nghĩa bóng của câu này, trước hết cần hiểu rõ “khẩu lệnh” của người thợ cày và cách ứng xử của con trâu đối với các khẩu lệnh ấy.
Khi đã bắt vai cho trâu, người thợ cày dùng tay phải cầm đốc cày, tay trái cầm đầu dây thừng mà đầu kia xỏ vào mũi trâu để điều khiển. Các khẩu lệnh thường dùng khi điều khiển trâu kéo cày là: “Đi…”: thúc trâu đi để kéo cày theo đường thẳng về phía trước. “Vắt”: hất thừng về phía phải, điều khiển trâu đi chếch về phía phải. “Diệt” (hoặc “này”), kéo thừng lại về phía trái, điều khiển trâu đi chếch về phía trái. “Quay”: điều khiển trâu quay lại hướng ngược với đường vừa cày (động tác quay này, quen gọi là “dẻo”: nhấc cày lên cho đầu bắp cày tì xuống đất làm trụ để người và trâu cùng quay mà đổi hướng. “Họ”: khẩu lệnh bảo trâu dừng lại, không kéo cày đi tiếp nữa.
Cái hay của câu tục ngữ đang xét là ở cách dùng từ “sáng” trong tổ hợp “sáng tai họ” đối ứng với từ “điếc” trong tổ hợp “điếc tai cày”. “Sáng tai…” không phải chỉ là “thính tai…”. Nói “thính tai” là nói thuần túy về khả năng cảm nhận âm thanh một cách tinh tường. Còn “sáng tai…” không chỉ là có khả năng cảm nhận âm thanh một cách tinh tường mà còn nhận hiểu được một cách nhanh nhạy cái thông tin do âm thanh đó biểu thị. “Sáng tai họ” là nghe và nhận hiểu ngay cái lệnh “họ”, tức là dừng lại, không kéo cày nữa. Đối ứng với “sáng tai họ” là “điếc tai cày. Điếc vốn có nghĩa là không còn có khả năng nghe, mất khả năng cảm nhận âm thanh. Nhưng “điếc” trong “điếc tai cày” không phải là “điếc” thực, theo cách hiểu thông thường. “Điếc” ở đây chính là “điếc tai cày” thôi chứ “tai họ” đâu có “điếc”! Đó là thứ “điếc” giả vờ. “Tai cày” cũng như “tai họ” là những kết hợp đặc biệt, không bình thường: “Tai họ” ở đây là tai nghe khẩu lệnh “họ”. “Tai cày” là tai nghe khẩu lệnh cày (như “đi”, “vắt”, “diệt” hoặc “này”…). Con trâu mà “sáng tai họ; điếc tai cày” là con trâu lười biếng và khôn lỏi: nghe “họ” thì hiểu ngay, vì được dừng, được nghỉ; nghe “cày” thì vờ điếc, cứ đứng ỳ ra, coi như không biết!
Từ cái sự tình khá điển hình trong cách ứng xử của con trâu khi kéo cày, người ta liên hội tới cách ứng xử của con người đối với công việc, đối với sự đời.
Với công việc, thì “sáng tai họ; điếc tai cày” thường được dùng để nói về những người lười nhác, không muốn làm mà chỉ chực nghỉ:
Chị nọ phận hẩm duyên ôi, kết tóc xe tơ với một anh chàng mặt nạc đóm dày, xấu ma chê quỷ hờn lại đần độn, ngốc nghếch, vô tâm vô tính, ruột để ngoài da, thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, mười tám cũng ừ mười tư cũng gật, học chẳng hay, cày chẳng biết, lúng túng như thợ vụng mất kim, chỉ được cái “sáng tai họ điếc tai cày” là giỏi!
Về sự đời, thì câu “sáng tai họ điếc tai cày” thường được dùng để nói về những người am hiểu sâu sắc về cuộc sống, về thế sự, nhưng vì một lý do nào đó lại tỏ ra bàng quan, giả vờ như ngô nghê, không hay biết gì, cốt là để tránh né những sự rắc rối phức tạp, gai góc trong chuyện đời. Những con người như thế trong cuộc sống không hiếm. Có lẽ cái anh chàng giả điếc trong thơ Nguyễn Khuyến là một trong những trường hợp điển hình:
Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây,
Chẳng ai ngờ: sáng tai họ điếc tai cày
Lối điếc ấy sau này em muốn học!
(Nguyễn Khuyến, ‘Anh giả điếc’).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 02 Mar 2018

290 Sắc như nước

Sắc như nước có lẽ là dạng rút ngọn của thành ngữ sắc như cắt nước, nghĩa là cắt mà hầu như không vướng phải một sức cản nào cả. Ngọt bén như cắt nước vậy! Thành ngữ này, do vậy, thường được dùng để biểu thị độ sắc của các dụng cụ cắt, chặt,… bằng kim loại như dao, gươm, giáo, mác, v.v… Cùng biểu thị mức độ sắc trong tiếng Việt còn có các thành ngữ sắc như dao, sắc như dao cau, sắc như dao cầu, sắc như gươm, sắc như lưỡi mác, sắc như dao cạo, v.v… Nhưng thành ngữ sắc như nước khác các thành ngữ trên ở chỗ thành ngữ sắc như nước chỉ có thể dùng để biểu thị độ sắc của những dụng cụ cắt, chặt (dao) hoặc vũ khí (gươm đao) bằng kim loại:
“Dao sắc như nước, họ thử lên bụng chân. Lông chân đứt ngọn” (Hà Ân, “Nguyễn Trung Trực”).
Còn các thành ngữ khác biểu thị “độ sắc” của những cái không phải là dao, là gươm: “Mắt em liếc sắc như là dao cau”
(ca dao), “Gió bấc luồn trong nước sắc như dao” (Nguyễn Đình Thi, “Vỡ bờ”).
Do đó, nếu so sánh đôi mắt sắc như nước thì e rằng có sự nhầm lẫn nào đó chăng?
“Một người đàn bà trạc ngoài ba mươi, nước da ngăm đen, mắt sắc như nước và người khô như con mắm” (Nguyên Hồng, “Bỉ vỏ”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 02 Mar 2018

291 Sấm tháng chín, nhịn rau

Đây là kinh nghiệm dự đoán thời tiết mùa đông tới để liệu thu xếp mùa vụ gieo trồng cho có hiệu quả.
Theo kinh nghiệm từ lâu đời của người nông dân, nếu vào tháng Chín âm lịch, khi mùa mưa đã qua rồi, mà vẫn còn tiếng sấm, thì đó là dấu hiệu báo cho biết sẽ mưa dai. Mà mưa dai, mưa nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc chuẩn bị con giống cho vụ rau mùa đông. “Sấm tháng Chín, nhịn rau” không có rau ăn là vì vậy.
Nhà nông học Bùi Huy Đáp còn cho biết thêm: “Sấm tháng Chín cũng báo hiệu một mùa đông rét dài, có thể đến tháng Tư âm lịch” (Sđd., tr. 31). Vì thế mà còn có câu “Sấm tháng Chín, rét tháng Tư” (Cửu nguyệt văn lôi, tứ nguyệt hàn: Tháng Chín nghe sấm, tháng Tư rét).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 02 Mar 2018

292 Sẩy đàn tan nghé

Sẩy đàn tan nghé là cách nói để diễn tả sự chia lìa, tan nát của một gia đình một khi tai họa xảy đến.
“Tấm hình cũ sẩy đàn tan nghé
Vợ chồng son xâu xé lệ rơi
Con thơ áo rách tả tơi
Thân tàn ma dại chân trời mờ xa.”
(Lê Đình Thông)
Sao lại nói là sẩy đàn tan nghé và do đâu thành ngữ có nghĩa như trên? Có ý kiến cho rằng nguồn gốc câu thành ngữ trên là từ đời sống của loài trâu rừng ngày xưa, khi mà rừng núi còn hoang sơ, chưa bị con người tàn phá và các giống thú rừng còn sống bầy đàn chen chúc. Trong câu thành ngữ trên, đàn chỉ con trâu đầu đàn, nghé chỉ các con trâu non “thành viên” trong đàn, còn sẩy ở đây nghĩa là “mất đi” như sẩy trong câu sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì. Câu thành ngữ trên có nghĩa là nếu mất con trâu đầu đàn thì cả đàn còn lại (gồm các con trâu non, nghé) cũng tan tác. Câu thành ngữ được hình thành bắt nguồn từ đặc điểm cuộc sống bầy đàn của thú rừng và trở lại, nó đã khái quát ý nghĩa về sự chia lìa của một gia đình khi gặp tai họa.
Còn ý kiến khác, tuy cũng nhất trí về nguồn gốc và ý nghĩa của thành ngữ trên, song lại giải thích, cắt nghĩa thành ngữ hơi khác. Ý kiến này cho rằng, sẩy ở đây có nghĩa là “rơi ra”, còn đàn không phải là nói tới con đầu đàn mà là “bầy, đàn”. Tập hợp số đông các con vật. Theo cách giải thích này thì câu trên muốn nói một hiện tượng thực tế là: nếu rời khỏi tập thể (bầy, đàn) thì từng thành viên (nghé) sẽ bơ vơ và tan tác là chắc chắn. Tuy nhiên trong thành ngữ này, bản thân cụm từ tan nghé giả định nghé ở đây là cả một tập hợp chứ không phải từng thành viên riêng lẻ, từng cá thể rời rạc. Do vậy, hiểu đàn có nghĩa là bầy có lẽ không thỏa đáng.
Dù cho hai ý kiến cắt nghĩa có hơi khác nhau về nội dung song tất cả đều căn cứ vào một nguồn gốc chung và vẫn nhất trí ở ý nghĩa khái quát của thành ngữ. 
Thành ngữ sẩy đàn tan nghé ngoài ý nghĩa trên còn có nét nghĩa chỉ sự chia lìa, phân ly của một tập thể nào đó hoặc nói chung:
“Chúng ta làm chính trị, mưu cầu việc lớn lúc nào cũng phải đồng tâm hiệp lực với đồng bào. sẩy đàn thì tan nghé. Rời bà con, công việc của đoàn thể nhất định sẽ bị hỏng” (Nhiều tác giả, “Trong khám tù vị thành niên”).
“Kẻ nào đã gây ra cái cảnh sẻ đàn tan nghé nước mất nhà tan” (Đào Công Vũ, “Chị Đỏ”).
Sau này, do việc hiểu nghĩa thành ngữ theo tổng thể, không chú ý nghĩa từng từ cụ thể mà thành ngữ sẩy đàn tan nghé đã được dùng với nhiều biến thể khác nhau như sẻ đàn tan nghé, sẻ nghé tan đàn, tan đàn sẻ nghé. Thí dụ:
“Ông giáo nghĩ về tháng năm sẻ đàn tan nghé”
“Nghĩ câu máu chảy ruột mềm
Nhìn cho sẻ nghé tan đàn mà đau”
(Đặng Xuân Thiều).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 02 Mar 2018

293 Sơn cùng thủy tận

Thành ngữ sơn cùng thủy tận được tạo thành nhờ các từ Hán Việt: sơn (núi), thủy (nước), cùng, tận (cuối hết). Trước tiên thành ngữ sơn cùng thủy tận chỉ những nơi, những địa điểm xa xôi hẻo lánh:
“Những con người ấy bị cùm chân, xích tay, bị đem nhốt ở những nơi sơn cùng thủy tận, bị đánh đập tra tấn đến tàn phế” (Nguyễn Đình Thi, “Vỡ bờ”).
Xa xôi là vậy, mà một ai đó cũng đã đặt chân đến, ắt hẳn đã từng đi ba chốn bốn nơi, qua bao bản làng, qua bao vùng đất quen lạ khác nhau. Thành ngữ sơn cùng thủy tận phản ánh diện rộng khắp của việc đi lại. Với ý nghĩa này, sơn cùng thủy tận trở nên gần gũi với cùng trời cuối đất (Anh sẽ đưa em đi cùng trời cuối đất).
“Trước ngày lên đường, vợ báo mộng cho chồng biết sẽ theo cho đến sơn cùng thủy tận” (Văn 6, tập 1, tr. 83).
Nơi sơn cùng thủy tận cũng là nơi cuối cùng. Cái cuối cùng của con đường sống, của kế sinh nhai đồng nhất với sự bế tắc, không lối thoát và tuyệt vọng. Đó là khi hoàn cảnh, cuộc sống dồn con người đến chân tường, vào ngõ hẻm, không còn con đường nào khác ngoài con đường duy nhất, con đường cuối cùng:
“Mẹ con Thanh đã đưa nhau ra đến cái đất Hải Phòng này coi như là sơn cùng thủy tận để tìm phương kế sinh nhai” (Nguyên Hồng, “Sóng gầm”).
Trong vận dụng ngôn ngữ, nhiều khi thành ngữ sơn cùng thủy tận được tách ra thành nhiều dạng thức khác nhau một cách linh hoạt nhằm nhấn mạnh ý nghĩa cần diễn đạt: Thủy đã cùng, sơn đã tận; Sơn chẳng cùng mà thủy cũng chẳng tận… Thí dụ:
“Hơn nữa, chốn này như là “thủy đã cùng sơn đã tận” rồi còn biết đi đâu nữa” (Văn 6, tập hai, tr. 105).
Diễn giải xa hơn nữa thì ‘sơn cùng thủy tận’ (núi cùng nước tận—lâm vào cảnh tuyệt vọng) được lấy từ bài thơ Đường «Ma Ha Trì tống Lý thị ngự chi phong tường» của Võ Nguyên Hành.
Thi nhân yêu nước Lục Du nổi tiếng thời Nam Tống kiên quyết chủ trương kháng Kim, bị tước mất chức quan. Lục Du trở về cố hương Sơn Âm (nay là Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang), chỉ ngồi đọc sách qua ngày.
Một ngày, Lục Du đi chơi xa, vượt qua con đường có non có nước, đi được hơn một canh giờ, nhà cửa ngày càng thưa thớt. Khi ông leo lên một sườn dốc phóng mắt nhìn, chỉ thấy trước mặt núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tựa như không còn đường đi nữa. Nhưng Lục Du ham chơi nên không muốn quay đầu. Ông men theo sườn núi đi về phía trước, được mấy chục bước, rẽ qua góc núi, thì đột nhiên phát hiện ở trong một thung lũng gần đó có một thôn trang nhỏ. Nơi ấy hoa đỏ liễu xanh, cảnh sắc xinh tươi, hệt như cõi bồng lai trong truyền thuyết.\
Trở về nhà, Lục Du có ấn tượng sâu sắc với chuyến tản bộ xa này, mới sáng tác bài thơ luật thất ngôn «Du Sơn Tây thôn», trong đó có hai câu: “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ, Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” (tạm dịch: Núi cùng nước tận ngờ hết lối, Bóng liễu hoa tươi một thôn làng). Ý tứ là: giữa cảnh núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tưởng như không còn đường đi nữa, thì bỗng nhiên ở ngay trước mắt, phát hiện thấy trong bóng râm rặng liễu xanh mát và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu còn có một thôn làng. Đây là hai câu thơ tả cảnh trữ tình, hàm chứa triết lý phong phú, được mọi người yêu thích và truyền tụng hàng trăm ngàn năm qua.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 24 May 2018

294 Sơn hào hải vị


Trong thành ngữ này, ngoài các từ Hán Việt tương đối quen thuộc, như:
- Sơn : Núi.
- Hải : Biển
- Hào : những món ăn từ thịt.
- Vị : mùi vị của những món ăn.
Sơn Hào-Hải Vị : là những món ăn Ngon Lạ Quý lấy từ trên Núi và dưới Biển. Ví dụ:
Trên rừng có Tay gấu, Lộc nhung...
Dưới biển có Bào Ngư, Hải Sâm...

Thành ngữ nầy chỉ nên sự cao sang của những người giàu có luôn tìm những món ăn mới lạ, hấp dẫn, quý hiếm...!
Các món sơn hào không chỉ có bàn tay gấu mà thôi, có người còn tổng kết lại nói rằng ngoài tay gấu ra, các món có được ở nơi sơn dã như bướu lạc đà, đầu khỉ, ếch nhái, môi đười ươi, bào thai báo, đuôi tê giác, gân hươu, cũng có mùi vị rất ngon. Vì thế các món nói trên được gọi gộp lại là "sơn bát trân" (tám món quý trên núi).
Người ta lại còn tổng kết trong các loài chim có "cầm bát trân" (tám loài chim quý), trong các thứ thực vật có "thảo bát trân" (tám thứ cỏ quý), thủy sản thì có "hải bát trân" (tám thứ hải sản quý), ngoài ra lại phân biệt thượng bát trân, trung bát trân, hạ bát trân. Cuối cùng tất cả các món ăn nổi tiếng nhất nấu bằng các vật quý tìm thấy được trên núi và dưới biển, được gọi chung tất cả là sơn hào hải vị.
Sơn và hải ở đây chỉ có giá trị đối lập về vùng, miền, được đặt xen chéo giữa hào và vị nhằm tạo ra ấn tượng về sự khác nhau về vùng địa lý, mà cũng là để gây ấn tượng về sự phong phú, đa dạng của các thức ăn, thức uống do lấy được từ khắp các vùng miền. Chính vì thế sơn hào hải vị không còn chỉ có nghĩa là món ăn ngon lấy ở rừng và ở biển nữa. Cũng do tính khái quát hóa ấy của sơn và hải khi rơi vào các quan hệ ngữ nghĩa và cú pháp trong thành ngữ sơn hào hải vị mà nghĩa của thành ngữ này được mở rộng ra để chỉ tất cả các món ăn ngon, hiếm, cao sang, đắt tiền. Nói theo cách nói bây giờ, thì đó là các món ăn đặc sản đấy. Chỉ khác là sơn hào hải vị xưa kia chỉ những người thuộc đẳng cấp nhà giàu mới được ăn. Còn, các cửa hàng đặc sản bây giờ mở cửa đón cả những người lao động bình thường nếu họ muốn và có thể!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 24 May 2018

295 Sông cạn đá mòn


Sông biển và núi non là những thực thể được coi là tiêu biểu cho trạng thái ổn định, thế vững bền của thế giới tự nhiên. Và theo lẽ thường thì sông, biển ít khi hết nước, núi non, đất đá chẳng mấy khi mòn. Nếu sông biển bị cạn, núi non, đất đá bị mòn thì có nghĩa là đã có một sự biến đổi lớn lao trong trời đất. Mà thường thì điều đó không có hoặc rất hiếm có trên đời. 
Từ cái lẽ thông thường ấy, người Việt Nam ta ưa dùng thành ngữ sông cạn đá mòn, non mòn biển cạn… để biểu thị cái ý không thể xảy ra được, cái vững bền, cái kiên định. (thường dùng trong lời thề, để đối lập với ý lòng người vẫn không đổi thay)
"Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa."

(Tản Đà; 7)

Cùng nghĩa với sông cạn đá mòn… trong tiếng Việt còn có thành ngữ vật đổi sao dời.
Dù cho vật đổi sao dời
Tử sinh vẫn giữ lấy lời tử sinh.

Bây giờ kẻ ngược người xuôi,
Biết bao giờ lại nối lời nước non?
Dẫu rằng sông cạn đá mòn,
Con tằm đến thác cũng còn vương tơ.
(Nguyễn Du., “Truyện Kiều”).

Tuy vậy, về nghĩa, các thành ngữ đang xét vẫn có những nét khác nhau rất tinh tế. Sông cạn đá mòn về một sự thay đổi to lớn, ở mức độ cao, có tính chất đảo lộn, hiếm thấy. Còn vật đổi sao dời cũng nói về sự biến đổi trong thế giới tự nhiên, nhưng đó là sự biến đổi có tính chất phổ biến, thường tình, không có gì đặc biệt.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 24 May 2018

296 Sống để dạ chết mang theo


Sống để dạ chết mang theo và các biến thể của nó như sống để bụng chết chôn đi, sống để bụng chết mang theo, sống để dạ chết đem theo… đều phản ánh hai ý nghĩa:
1 - Suốt đời ghi nhớ, khắc sâu vào lòng những tình cảm, những tâm tư nào đó.
2 - Suốt đời giấu kín, giữ gìn những điều bí mật.

Ở ý nghĩa thứ nhất (1), sống để dạ chết mang theo, và các biến thể của nó, trước hết biểu thị sự ghi nhớ ơn nghĩa suốt đời:
“Ơn này sống để dạ chết mang theo, mong anh cố gắng giúp cho những người còn sống, hi vọng sẽ có người sống để về phục vụ đất nước” (Tiếng Việt 7, tập một, tr. 27).
Lòng căm thù, sự oán hận nhiều khi cũng cần khắc sâu tận đáy lòng, cũng phải sống để dạ chết chôn đi.
“Dù sớm mai đứt đầu, đêm nay ông cũng thỏa được hơn phần nào rồi, không đến nỗi sống để dạ chết chôn đi” (Tiếng Việt tập một, tr. 23).

Ở ý nghĩa thứ hai (2), sống để dạ chết mang theo và các dạng thức của nó chỉ rõ sự cần thiết của việc giữ gìn bí mật. Gìn giữ những điều cần giấu kín là đòi hỏi nghiêm ngặt “một mình mình biết, một mình mình hay”.
“Này, bố này, con nói điều này thì bố phải giữ kín, sống để dạ chết mang theo nhé. Bố phải nhớ rằng, một người thứ ba biết là con mất đầu” (Vũ Trọng Phụng, “Giông tố”).
Một điều đáng lưu ý là, nghĩa của toàn thành ngữ dường như dồn gánh nặng về phần đầu của nó “sống để dạ (bụng)”. Ở vế này, yếu tố dạ (bụng) có chức năng gợi tả ý nghĩa rất lớn. Bụng (dạ) là nơi thầm kín sâu lắng, ở nơi đó có thể ghi tạc những ơn nghĩa, khắc sâu lòng căm thù, vùi chặt những điều bí mật… Nó là từ “chìa khóa” cho cả vế sống để bụng trong việc biểu thị ý nghĩa, vế thứ hai chỉ có tác dụng nhấn mạnh, làm rõ thêm ý nghĩa ở vế thứ nhất. Vì vậy, chúng ta không lấy làm lạ là ở vế thứ hai có nhiều biến thể khác nhau mà không làm phương hại đến ý nghĩa chung của toàn thành ngữ. Trong thành ngữ này, nhờ sự đối ứng với nhau mà cặp từ “sống… chết” có giá trị biểu hiện ý nghĩa thời gian. Trong quan niệm của Dân gian ta, con người khi chết là đi vào thế giới vĩnh hằng. Sự sống, cái chết được đắp đổi ở hai thế giới kế tiếp nhau. Do vậy, sống để dạ chết mang đi là mãi mãi ghi nhớ, khắc sâu gìn giữ những điều sâu đậm hay bí mật có liên quan tới bản thân mình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 24 May 2018

297 Sống lâu lên lão làng


Theo đạo lý của người Việt Nam, người già bao giờ cũng được yêu quý và kính trọng. Ai đi đâu, làm gì dù chức vụ cao sang như thế nào, khi trở về làng đều phải đến thăm hỏi các cụ ông, cụ bà trong làng, trong xã. Ai đó làm việc ở làng khác, trước nhất phải gặp già làng, hỏi han, xin lời dạy bảo. Một số nơi, già làng được đề cao, suy tôn và có quyền quyết định tối hậu đối với những việc hệ trọng của làng. Trước đây, mọi người cứ đến tuổi 50 là “lên lão” và được miễn thuế thân và mọi thứ lao dịch trong làng, trong xã. Việc “lên lão làng” là một bước ngoặt trong đời một con người.
Tuy thế con đường để “lên lão” lại rất bằng phẳng, dễ dàng, không cần đến công sức, không cần đến tài năng, mà cứ tuần tự nhi tiến, cứ sống lâu ắt được lên lão làng. Từ cái thông lệ này, trong tiếng Việt đã xuất hiện thành ngữ "sống lâu lên lão làng" với ý nghĩa do có nhiều năm trong nghề, trong tổ chức mà giữ được địa vị cao, chứ chẳng phải do năng lực, tài cán gì. Như vậy, từ cái việc hiển nhiên ngoài đời, dân gian ta đã lấy làm cái cớ để nói tới một việc khác với ý nghĩa chỉ trích chê bai.
Ở thành ngữ này, "sống lâu" được hàm chỉ cho thời gian làm việc lâu (tức là có thâm niên), "lão làng" biểu trưng cho địa vị cao trong xã hội, địa vị, chức vụ phải tương xứng với năng lực, chứ không kể đến thời gian làm việc hay tuổi tác. Vậy một ai đó, chỉ nhờ có nhiều năm làm việc mà được cất nhắc vào vị trí cao theo lối sống lâu lên lão làng, thì trong mắt người đời có sự đánh giá hàm ý phê phán. Cái lối nhìn nhận, sử dụng người thiên về coi trọng thâm niên công tác, xem nhẹ năng lực thực có của con người, được xem là tư tưởng sống lâu lên lão làng. Đây là tư tưởng hạn hẹp, kìm hãm tự tiến bộ, cần phải loại bỏ.

Thí dụ:

“Đối với nhân viên trẻ, nhiều khi không dám đề bạt lên chức vụ tương xứng với năng lực của họ, chỉ vì đánh giá thấp năng lực của họ, chỉ vì đánh giá thấp nhân viên trẻ, kém tin tưởng họ, vì ngại dư luận của một số người có tư tưởng “sống lâu lên lão làng” “sùng bái cấp bậc”, họ không thấy rằng “tre già măng mọc” là kế sinh tồn tất yếu của sự vật cũng như thế hệ con người”

“Tình trạng “sắp hàng, sống lâu lên lão làng” vẫn còn phổ biến gây trì trệ, sức ì trong công tác lãnh đạo của một số công chức, viên chức. Trong khi nhiều công chức, viên chức trẻ hội đủ điều kiện làm lãnh đạo, quản lý lại thiếu cơ hội để phát triển, dẫn đến tình trạng hụt hẫng, mất hứng thú trong công việc”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 24 May 2018

298 Suy bụng ta ra bụng người


“Suy bụng ta ra bụng người” là cách nhìn nhận chủ quan cho rằng mình nghĩ hoặc mong muốn điều gì (thường là điều không tốt) thì người khác cũng sẽ nghĩ hoặc mong muốn như thế.
Trong vốn từ tiếng Việt, từ bụng có nét nghĩa chỉ những ý nghĩ, tình cảm con người: bụng bảo dạ, để bụng, tốt bụng, bụng trâu làm sao bụng bò làm vậy,… Cũng vậy, thành ngữ “suy bụng ta ra bụng người” có nghĩa là: “Cho rằng người khác cũng suy nghĩ, nhận thức, đánh giá, mong muốn và xử sự giống như mình”. Thí dụ:

“Những miêu tả con người mới, những nhân vật chính diện, những anh hùng mà người viết lại đem cái nhìn hẹp hòi, khe khắt của mình mà xét nét họ, thậm chí gán cho họ những cái “vết” mà họ không có, thì lại là một sai lầm theo lối suy bụng ta ra bụng người (Phong Lê, “Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945-1970”).

Câu thành ngữ “suy bụng ta ra bụng người” thường nói về những con người sống theo lối chủ quan, áp đặt những ý nghĩ, tư tưởng và tình cảm của mình cho người khác, bất chấp sự thật. Do vậy thành ngữ này luôn luôn bao hàm sắc thái chê trách những người mà bụng dạ hoặc xấu, hoặc ích kỷ, hẹp hòi hoặc có suy nghĩ, tầm nhìn thiển cận “ếch ngồi đáy giếng”. Lối suy nghĩ, cách đánh giá đó nhất định sẽ dẫn người ta đến chỗ sai lầm và thất bại:

“Thì ra bấy lâu nay tôi toàn chỉ suy bụng ta ra bụng người, chấp nhặt những chuyện không đâu, thậm chí ganh tị, phô trương hình thức để giành lấy những vinh quang giả dối tầm thường” (Báo Văn nghệ, 9-4-1971).
Thành ngữ suy bụng ta ra bụng người có thành ngữ gần nghĩa là “lòng vả cũng như lòng sung” và “bụng trâu làm sao, bụng bò làm vậy”. Thí dụ:
“Muốn hiểu các quy luật của tư tưởng, nói đúng hơn là quy luật của tâm lý nói chung thì không nên suy bụng ta ra bụng người, sống đơn giản nghĩ rằng lòng vả cũng như lòng sung” (Phạm Hoàng Gia, “Nói chuyện tâm lý”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 25 May 2018

299 Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay


Trong Phật giáo còn lưu lại câu chuyện về tấm gương tu luyện của một vị sư trẻ đầy đức nghiêm. Vị sư này vốn được bà thí chủ nuôi suốt hai mươi năm với lòng thành kính, cúng dâng chu tất. Thế nhưng, một hôm bà thí chủ sai cô cháu mang cơm lên cúng và dặn cô gái chờ sư ăn xong thì ôm lấy sư để xem ngài nói gì. Cô cháu đã làm theo lời dặn đó.
Trong vòng tay của cô gái mà nét mặt sư vẫn cứ trang nghiêm không hề xao động trong lòng. Ngài bình thản đọc một bài kệ đại ý là: “Ta như cây khô chết đã ba năm, lại nằm trên núi tuyết, nên không có một chút sinh khí nào nữa. Dẫu cô bé có ôm ta suốt ba năm đi chăng nữa thì ta cũng không hề động tâm”. Cô gái cảm thấy toàn thân sư lạnh toát như một khối băng giá, sợ hãi bỏ ra về. Về nhà, cô cháu thưa lại chuyện cho bà thí chủ biết. Bà thí chủ bảo với cô cháu rằng: “Vị này tu sai phương pháp, uổng công ta cúng dâng suốt hai mươi năm nay. Cháu lên bảo ông ấy đi đi, để ta đốt am vậy”. Nghe hết lời cô gái nói, nhà sư ung dung ra đi, không hề tỏ thái độ gì.
Sự việc xảy ra giữa nhà sư và bà thí chủ vào thời Đường ở bên Trung Quốc đã trở thành đề tài cho nhiều người tranh cãi. Một số người quả quyết sư ông nói đúng, một số người khác lại cho bà thí chủ nói phải. Có người xem cả sư ông lẫn bà thí chủ đều nói đúng. Và cũng từ đây, trong dân gian, thành ngữ sư nói sư phải, vãi nói vãi hay được hình thành và lưu truyền rộng rãi.
Hiện nay, trong tiếng Việt, thành ngữ sư nói sư phải, vãi nói vãi hay thường được dùng để chỉ sự cãi lý, ai cũng cho mình là đúng và không chịu nghe nhau:
“Hai người cãi nhau, sư nói sư phải, vãi nói vãi hay thật không biết đằng nào mà phân xử” (Dẫn theo Nguyễn Lực,… “Thành ngữ tiếng Việt”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 25 May 2018

300 Sư tử Hà Đông


Thoạt nghe, không ít người nghĩ rằng, trong nội dung câu thành ngữ “Sư tử Hà Đông” có điều gì đó liên can đến đất Hà Đông xưa của Việt Nam. Chuyện thực lại không phải như vậy. Các ông già, bà lão đã sống gần hết cả đời trên mảnh đất ấy, những người tinh thông chữ nghĩa, cả đời tầm chuông trích cú, cũng chẳng ai biết hai chữ Hà Đông quen thuộc kia có liên hệ gì với cái máu tam bành của những người đàn bà cả ghen, sẵn sàng đập phá, quát tháo chồng con ngay trước mặt mọi người. Thì ra, lại cũng là chuyện râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Số là, ở đất Vĩnh Gia bên Trung Quốc đời nhà Tống, có một người đàn ông tính nết thất thường, họ Trần tên Tạo, tự Lý Thường. Lúc còn nhỏ, Tạo rất thích chơi trò đấu kiếm. Cậu ta có thể ngồi cả ngày để nghe kể chuyện về các anh hùng hảo hán và hết sức khâm phục lòng dũng cảm, đức tính trung thực của những con người ấy. Lớn lên, Tạo thích lân la đến bên các chí sĩ giang hồ để học mót các môn võ nghệ và cùng bọn ngao du nay đây mai đó. Tạo cũng tự liệt mình vào cùng một thuyền một hội với những bậc chí sĩ kia và lúc nào cũng tỏ ra sẵn lòng làm việc nghĩa, giúp bạn, cứu người.
Lạ thay, vừa bước sang tuổi trung niên Trần Tạo bỗng thay đổi tính nết. Tạo chán ghét cuộc sống giang hồ và lạc vào văn chương, chữ nghĩa. Có lúc, Tạo háo hức với ý nghĩ bước lên vũ đài chính trị để gây thanh thế với đời. Nhưng, tiếc thay, lực bất tòng tâm. Quá nửa đời người, công vẫn không thành, danh vẫn không toại. Trần Tạo đâm ra nản chí, bèn quay về sống ẩn dật, sớm hôm vui thú ruộng vườn. Vì đã có một thời oanh liệt, vào cung ra kiếm, lúc múa gươm nơi thị thành, lúc khua chèo nơi biển vắng… Nặng nghĩa tình thầy trò, nên, dẫu đã quay về ở ẩn, các chiến hữu cũ vẫn thường xuyên lui tới nhà Tạo để đàm đạo sự thế. Chẳng nói ra thì ai cũng biết, cùng đến với các chàng trai anh hùng ấy bao giờ cũng có các ca kĩ, vũ nữ. Họ xinh tươi, lại hát hay, múa đẹp… Thế là, ở ẩn nhưng vẫn cứ qua lại, vẫn yến tiệc linh đình, vẫn lả lướt, liếc mắt đưa tình. Thấy vậy, vợ Tạo là Liễu Thị rất ấm ức, cơn ghen nổi lên tắc nghẹn ở cổ. Liễu nghĩ: Biết đâu, trong số những người vũ nữ, xinh đẹp, tài ba kia, lại chẳng có kẻ tà tâm, muốn chiếm đoạt chồng mình. Không kìm được máu ganh tức, Liễu đúng phắt dậy cầm gậy vụt lấy vụt để vào tường, vào phản. Vừa vụt, Liễu vừa kêu la, quát tháo ầm ĩ. Các quan khách cùng các mỹ nữ của Tạo hoảng loạn, ba chân bốn cẳng tìm lối tháo thân. Trần Tạo biết là bất nhã lắm, nhưng vốn là người sợ vợ, nên không dám đứng ra khuyên ngăn. Hắn đứng im một chỗ, hai tay khoanh trước ngực, nhìn lấm lét vẻ đầy sợ hãi, như muốn lẩn tránh cặp mắt hung dữ đỏ ngầu như máu của vợ đang xói lửa vào mình…
Được tin ấy, Tô Đông Pha, bạn Tạo, đã đề thơ tặng Tạo:
Hốt văn Hà Đông sư tử hống
Trụ tượng lạc thủ tâm mang nhiên
(Bỗng nghe sư tử Hà Đông gầm,
chiếc gậy vung lên khiến cho mọi người ngơ ngác).

Chữ “Hà Đông” ám chỉ người đàn bà họ Liễu (Thơ Đỗ Phủ - “Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu”). Còn “sư tử hống” là lời của nhà Phật biểu thị sự uy nghiêm - Điều mà hàng ngày Trần Tạo vẫn tụng niệm để mong đạt tới.
Trong tiếng Việt, thành ngữ “sư tử Hà Đông” nhằm ám chỉ những người thuộc phái đẹp có tính ghen tuông dữ tợn. Khi nổi máu tam bành có thể làm cho các đức ông chồng kinh hồn, táng đởm, bao dũng lược của giới mày râu cũng tiêu tan thành mây khói cả.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 35 guests