Đối Mặt Đi Trên Con Đường Dân Chủ (Vi Đức Hồi)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Đối Mặt Đi Trên Con Đường Dân Chủ (Vi Đức Hồi)

Postby bevanng » 03 Dec 2016

Chuyện 4 Nể dâm

Giữa buổi sáng ở một làng quê, không gian tĩnh mịch, mọi người đang mải mê công việc đồng áng, những đứa trẻ hội tụ đến trường, làng chỉ còn lại các ông bà trung niên, người già cùng mấy cháu nhỏ chưa đi mẫu giáo và vài ba chị ở cữ.
Bỗng ở đầu làng có tiếng náo loạn, nghe ra đó là tiếng của ông Thanh, một người ngoài sáu mươi, đã hết tuổi lao động nên thường ở nhà với đứa cháu nội mà ông hết mực yêu quý. Nghe tiếng ông la lớn, mọi người tưởng có trộm tức tốc chạy đến hòng bủa vây bắt kẻ gian. Đến nơi, kẻ gian đã bị mấy chú cháu ông Thanh trói cánh khỉ vào cột trăng dây phơi quần áo trước sân nhà.
Trời ạ, ông Lang! Mọi người ngạc nhiên thốt lên.
Làm sao đến nông nỗi này? Một người rất thân quen với ông Lang hỏi.
Ông gằm mặt xuống không nói không rằng. Dân làng ở đây chẳng biết chính xác quê ông ở đâu, tên thật ông là gì, ông bao nhiêu tuổi. Mọi người cứ quen gọi ông là ông Lang, vì ông làm nghề bắt mạch bốc thuốc. Có người khen, cũng có người chê bai về tay nghề chẩn đoán bệnh và bốc thuốc chữa trị của ông. Ông đi khắp mọi nơi, nay đây, mai đó. Ông qua lại cái làng này đã hơn chục năm nay. Ông cũng được tiếng là người tử tế vì ông chẳng nhặt nhạnh của ai từ mũi kim đến sợi chỉ. Nhiều người quý ông, chẳng có ai phàn nàn hoặc thù ghét ông. Vậy mà hôm nay ông bị mấy anh em, chú cháu nhà ông Thanh trói gô lại, hẳn là có chuyện tày trời. Mọi người kéo đến mỗi lúc một đông, rồi cả trưởng thôn cũng có mặt vì sự việc xảy ra trong địa bàn mình quản lý. Trưởng thôn sốt sắng hỏi ông Thanh, người em trai ruột của chồng quá cố bà Mãn:
Có việc gì mà các ông tùy tiện bắt, trói người?
Ông này hãm hiếp chị dâu tôi, mấy chú, cháu chúng tôi rình bắt quả tang đang hành nghề trong nhà bếp. Tôi phải trói lại để yêu cầu chính quyền xử lý!
Với cương vị trưởng thôn đã lâu năm, ông nắm rõ hoàn cảnh từng nhà ở cái thôn này. Bà Mãn năm nay đã gần sáu mươi tuổi, người bà trông đẫy đà, phốp pháp, bà góa chồng đã hơn mười năm nay, là người đảm đang biết lo toan thu vén. Các con bà nay đã trưởng thành, cháu nội, ngoại đông đủ. Gần đây bà thường hay kêu đau đầu, mỏi lưng, huyết áp gì đó nên ông Lang thường lui tới bắt mạch, bốc thuốc cho bà. “Lửa gần rơm lâu ngày bén”, con người ta khi nhàn rỗi thảnh thơi nên “phát bệnh” nhu cầu cũng là việc dễ hiểu. Mấy cậu con trai bà quá cố chấp, chỉ biết mình mà không hiểu cho người khác. Làm gì có chuyện hiếp dâm ở đây! Là chỗ thân quen với ông Lang, với lại cái việc bất tiện này tốt nhất là đẩy cho chính quyền xã xử lý. Nghĩ rồi ông gọi anh con trai cả bà Mãn nói:
Việc này phải đi gọi chính quyền ủy ban xã đến giải quyết, cho người đi gọi đi!
Tức tốc có người đi gọi, nửa tiếng sau quay về thông báo.
Hôm nay chủ nhật, anh phó chủ tịch kiêm trưởng công an đi vắng, ông chủ tịch, nhà ở xa đến đấy rồi về mất cả tiếng, mà chắc gì ông ở nhà!
Đi gọi bí thư chi bộ Đảng ra đây! Trưởng thôn yêu cầu.
Lúc sau người bí thư chi bộ Đảng của xã (xã này chưa có đủ số lượng Đảng viên để thành lập Đảng ủy) đến. Sau khi nghe trưởng thôn báo cáo, ông hỏi sao không gọi chính quyền xã, mọi người nói chính quyền vắng nhà, ông lưỡng lự, người trưởng thôn khẩn khoản yêu cầu.
Việc này phải xử lý hành chính, chỉ có cấp xã mới đủ thẩm quyền, bác là người lãnh đạo tối cao ở cái xã này bác cứ cho ý kiến là xong, em là em cứ theo bác mà làm, theo bác là theo Đảng, Đảng bảo sao em làm vậy. Em nói thế có phải không bác?
Người bí thư tỏ vẻ rất hài lòng vì lâu nay mới có người thán phục mình, mũi ông phồng lên. Ông có cái mũi thông thống nhìn sâu suốt đến bên trong, ông cố lên gân để cái mũi nó khỏi phập phồng, nhưng nó cứ phập phồng, ông càng lên gân, nó lại càng phập phồng.
Điều đó là rõ, người bí thư đáp.
Gọi nạn nhân ra đây! Người bí thư yêu cầu.
Lúc này mọi người mới nghĩ đến “nạn nhân”. Mà lạ thật, chẳng biết “nạn nhân” biến đâu! Người nhà của “nạn nhân” bắt đầu tỏa ra đi tìm. Lát sau người nhà kéo nạn nhân đến trình ông bí thư chi bộ Đảng.
Cuộc thẩm vấn được bắt đầu tiến hành ngay tại hiện trường. Người bí thư hỏi “nạn nhân”, trưởng thôn ghi biên bản.
Chuyện gì đã xảy ra với bà?
Dạo này tôi mệt mỏi, bác Lang thường hay đến nhà bắt mạch cho tôi, nghi là huyết áp tăng. Thế rồi… Thế rồi cứ mỗi lần khám bác ấy cứ bắt chỗ này, bắt chỗ kia rồi bác ấy làm cái việc ấy… “Nạn nhân” kể lại.
Sao bà không chống cự lại?
Lúc đó tôi bủn rủn chân tay nên không biết gì nữa.
Hai người quan hệ với nhau mấy lần rồi?
Cũng vài lần rồi, mà ai nhớ được! Mà nhớ làm gì cái việc ấy bác!
Sao phải xuống bếp, giải chiếu hoa để khám?
Mấy lần đầu khám ở nhà trên, về sau tôi nghĩ lại không tiện… nên xuống bếp.
Vậy là hai người thông dâm chứ không phải hiếp dâm, cưỡng dâm, đúng không?
Thực ra không phải là hiếp, cưỡng mà cũng không phải thông đồng, mà tôi nể bác ấy lắm nên mới cho bác ấy một lần, thế rồi thành quen, bác ấy thỉnh thoảng lại đến, tôi không biết làm thế nào được.
Người bí thư quay sang hỏi ông thầy Lang:
Ông quan hệ với bà Mãn từ khi nào?
Từ đầu năm.
Ông kể chi tiết lần đầu ông làm thế nào để cưỡng dâm bà Mãn?
Tất cả bà ấy đã nói hết rồi, tôi không có gì nói thêm.
Ông có thấy việc làm của ông là vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm phong tục, tập quán của dân tộc không?
Tôi biết tôi sai, các bác xử thế nào tôi chịu thế.
Ý kiến của gia đình thế nào? Người bí thư quay sang hỏi anh con trai cả của bà Mãn.
Ông đã làm xúi quẩy nhà tôi, bây giờ ông phải nộp phạt để nhà tôi lấy thầy đến cúng cải xúi, và ông phải hứa từ giờ không được bén mảng đến nhà tôi, không được dụ dỗ mẹ tôi theo ông làm cái trò xấu xa ấy nữa.
Vâng, tôi xin chịu mọi phí tổn để cúng bái, và từ nay tôi xin chừa.
Lễ cúng cần những gì gia đình cứ nói, người bí thư đề nghị.
Một con lợn trên dưới ba mươi ký để lễ tổ tiên, bốn con gà từ cân rưỡi trở lên, một con đặt bàn tổ, một con đặt thổ công, một con đặt bếp, còn một con đặt bàn thầy. Còn lại gạo nếp, gạo tẻ, rượu, tiền đưa thầy, tiền rau canh… Tất tần tật lấy một triệu đồng.
Gia đình đề nghị như vậy, ông thấy thế nào? Người bí thư hỏi.
Gia đình yêu cầu thế nào thì tôi xin nghe theo, chỉ có điều hiện nay tôi không đủ tiền nộp phạt.
Hiện ông có bao nhiêu?
Chỉ có năm trăm ngàn, tôi xin nộp hết, còn lại tôi xin khất.
Ông có thể đi vay người quen ở làng này để nộp phạt được không? Người bí thư đưa ra giải pháp.
Tôi đang lâm nạn, biết vay ai bây giờ! Mà ai người ta cho vay!
Gia đình thấy thế nào? Cho ông khất nợ được không?
Bác đứng ra bảo lãnh, gia đình chấp nhận.
Bây giờ thế này, gia đình cứ đứng ra lo việc cúng bái cho mát mẻ đi, tôi đứng ra bảo lãnh cho ông Lang về số tiền còn thiếu được không?
Vâng, bác là bí thư ở cái xã này, bác nói sao chúng cháu xin nghe, người con trai cả bà Mãn đồng ý.
Cởi trói cho người ta.
Vâng.
Trưởng thôn thông qua biên bản, giọng đọc ấp úng: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Biên bản giải quyết vụ cưỡng dâm bà Nông Thị Mãn…
Ông Lang phản đối.
Tôi không cưỡng dâm!
Cưỡng dâm không phải là cưỡng bức mà phải hiểu là miễn cưỡng, hiểu chưa? Người bí thư Đảng giải thích.
Tôi không cưỡng ai, nên tôi không nhất trí.
Vậy ghi là thông dâm được chưa? Người bí thư mau lẹ chuyển đổi ngôn từ.
Tôi đã nói là không phải thông, mà cũng không phải cưỡng, mà chính là tôi nể bác ấy lắm nên mới để cho bác ấy ấy một lần, không ngờ nó quen đi nên mới có việc hôm nay, bà Mãn phản đối.
Vậy thì ghi là nể dâm, mọi người thấy thế nào?
Không ai phát biểu gì, người bí thư kết luận.
Im lặng tức là đồng ý, vậy ghi là biên bản giải quyết vụ nể dâm, được chưa?
Trưởng thôn thông qua biên bản rồi đưa mọi người ký, người con trai cả của gia đình “nạn nhân” thắc mắc.
Biên bản tại sao không đóng dấu?
Người bí thư chi bộ Đảng tỏ ra lúng túng, ông biết rõ đóng dấu chi bộ Đảng vào đây không những sai nguyên tắc mà còn làm trò hề cho thiên hạ cười thối mũi, ngẫm một lát rồi ông cũng tìm được lối ra, ông phân tích.
Vì hai người không phải là Đảng viên, chỉ là quần chúng thường nên không thể cộp dấu của chi bộ Đảng vào đây được, nó sai nguyên tắc của Đảng. Việc hôm nay tôi dám đứng ra giải quyết là thể hiện tính linh động lắm rồi, mong anh hiểu cho. Xét cho cùng chúng ta đã hòa giải được hai bên vui vẻ thống nhất được với nhau, đó là việc quan trọng nhất, chứ còn dấu má nó là cái gì đâu!
Biên bản được thông qua nhanh chóng, riêng khoản tiền nộp phạt còn thiếu, phía gia đình yêu cầu phải ghi giấy khất nợ và có xác nhận của bí thư chi bộ Đảng, bí thư phán quyết.
Lập một biên bản riêng về khoản nợ của ông Lang, mỗi bên giữ một bản. Biên bản lập xong đọc mọi người nghe, bí thư lại phán.
Việc này xã đã ra tay nên người gây hậu quả phải nộp cho xã một trăm ngàn đồng tiền phạt vi phạm hành chính.
Hiện tôi chỉ có năm trăm ngàn thôi, còn lại xin khất các bác, ông Lang khẩn khoản.
Năm trăm này phải nộp hết cho gia đình để còn lo ngay việc cúng bái yên trạch nhà cửa, người con trai cả của bà Mãn yêu cầu.
Trong các lợi ích thì lợi ích nhà nước, lợi ích tập thể phải được ưu tiên hàng đầu, người bí thư chi bộ Đảng quả quyết.
Biên bản được sửa theo hướng chỉ đạo của người lãnh đạo Đảng, theo đó ông Lang đã nộp phạt cho gia đình bốn trăm ngàn, còn thiếu sáu trăm ngàn hẹn đúng một tuần phải nộp đủ. Một trăm ngàn tiền phạt hành chính, người nộp phạt tự nguyện nộp không cần quyết định xử phạt, cũng khỏi cần lập biên bản để giảm thiểu các thủ tục hành chính phiền hà. Cuộc hòa giải kết thúc, mọi người kéo nhau ra về, để mặc mọi người bàn tán đằng sau.
Mấy hôm sau cuộc họp ban chi ủy được triệu tập. Cuộc họp lần này rất quan trọng vì có những nội dung sơ kết công tác phát triển kinh tế xã hội sáu tháng đầu năm, mục tiêu, kế hoạch phát triển sáu tháng cuối năm, đánh giá công tác xây dựng Đảng sáu tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, phân tích đánh giá chất lượng Đảng viên sáu tháng đầu năm… Tất thảy ban chi ủy có bảy người, có mặt đông đủ.
Sau một ngày làm việc, vào cuối buổi chiều cuộc họp sắp kết thúc, các nội dung đã hòm hòm, bí thư lên thông báo về tài chính công khai của Đảng, trong đó có việc đôn đốc thu nộp Đảng phí, các khoản trích lại và nộp lên trên… Cuối cùng bí thư thông báo:
Bữa ăn trưa hôm nay do có nguồn thu khác của Đảng, nên không dùng đến kinh phí chi thường xuyên của chi bộ ta. Số là hôm vừa rồi tôi đã đứng ra giải quyết vụ quan hệ nể dâm giữa ông Lang và bà Mãn ở địa bàn xã ta. Tôi quyết định thu xử phạt hành chính một trăm ngàn đồng. Toàn bộ số tiền đó đã chi hết cho bữa ăn trưa hôm nay. Vậy thông báo công khai tài chính cho các đồng chí cùng biết.
Mọi người trố mắt nhìn nhau, mấy người chạy vội ra ngoài, hội nghị trở nên nhốn nháo, bí thư chi bộ Đảng cảm thấy bực bội.
Đang họp cấp ủy, đề nghị các đồng chí có ý thức tổ chức kỷ luật!
Thưa bí thư chúng tôi thấy buồn nôn!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Đối Mặt Đi Trên Con Đường Dân Chủ (Vi Đức Hồi)

Postby bevanng » 03 Dec 2016

Chuyện ở xứ c còng

Hôm nay cả đội cảnh sát giao thông của huyện được lệnh nghỉ vì đội trưởng, đội phó phải dự họp chi bộ cả ngày, các thành viên trong đội ngao ngán vì phải ngồi chơi, xơi nước chẳng kiếm được đồng nào, một sĩ quan than thở với đồng nghiệp của mình:
Cả ngày nay chẳng kiếm được đồng nào, xót ruột gan lắm!
Hết giờ, mọi người về anh em mình đi kiếm bửa tối, em cũng đứng ngồi chẳng yên nữa, anh thấy thế nào?
OK, chỉ anh em mình thôi nhé!
OK, cứ vậy đi!
Hết giờ làm việc buổi chiều, mọi người đi về, chỉ còn vài người phải trực hoặc nhà xa ở lại cơ quan, hai cảnh sát giao thông phóng xe của đội đi xuống trung tâm thị trấn huyện để hành nghề. Xe qua lại tấp nập mà không có ai đầu trần, thỉnh thoảng có vài cậu thanh niên con nhà cán bộ huyện phóng nhanh, vượt ẩu trông ngứa mắt nhưng chẳng làm gì được nó nên cứ phải nhắm mắt cho qua. Bỗng từ xa có đôi “uyên ương” lai nhau đầu trần trụi, cười rúc rích đang phóng đến.
Một sĩ quan cảnh sát huýt còi, ra hiệu cho xe dừng. Đôi trai gái mặt khôi ngô tuấn tú, ngơ ngác rồi kịp nhận ra mình đã phạm lỗi giao thông nên từ từ dừng xe theo sự chỉ dẫn của viên sĩ quan cảnh sát.
Cho kiểm tra giấy tờ!
Người thanh niên mở cốp xe trình giấy tờ cho viên sĩ quan.
Nhìn lướt qua rồi viên sĩ quan quan hỏi:
Mày không phải người vùng này, ở đâu đến?
Dạ thưa, em ở huyện liền kề đây ạ. Em lên thăm bạn gái làm ở đây, bọn em ra mua thức ăn tối vội đi em quên không đội mũ. Xin các anh bỏ qua cho em, chỗ ở bạn gái em ngay đây thôi ạ.
Mày nhiều lỗi lắm, thôi nộp phạt ba trăm ngàn rồi đi cho sớm.
Cho bọn em xin nộp 100 ngàn, còn lại em xin các anh, người con gái nói với giọng năn nỉ, van xin.
Trăm ngàn hả? Xin lỗi! không bõ công tao dừng xe, hiểu chưa?
Tức khí, vốn là người cầm vô lăng lướt trên đường suốt mấy năm nay nên đã quá quen cái cảnh chạm trán với các quan cảnh sát giao thông trên quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ cho đến xã lộ rồi, nên anh ta quả quyết:
Thôi các ông làm việc đi, tôi nộp phạt.
Hai viên sĩ quan nhìn nhau rồi cả hai quan nhìn chằm chằm vào đôi uyên ương chờ động thái chấp hành nộp phạt. Người thanh niên cũng chờ động thái làm việc của hai viên sĩ quan, không thấy động tĩnh gì, người trai thanh niên giục:
Các ông làm việc đi! Nhanh tôi còn đi đây.
Làm việc gì? Một viên sĩ quan quát lại.
Ông đang làm việc với tôi đây mà ông lại hỏi tôi thế à? Lập biên bản, ghi biên lai thu tiền đi còn gì nữa!
Bất giác hai sĩ quan nhìn nhau, lúng túng, thôi chết rồi lấy đâu ra biên lai với biên bản bây giờ, đã đi đánh lẻ, ăn vụng thì lấy đâu ra của chính với đáng, thật là xui xẻo! Ngày hôm nay gặp phải thằng ranh con ngang bướng, cứng đầu, cứng cổ, bây giờ xử trí ra sao đây! Một viên sĩ quan tự nhủ.
Các ông định ăn không hở? Định không lập biên bản, định không ghi biên lai chứ gì?
Mặt hai sĩ quan mặt tím bầm do quá bẽ bàng trước đám đông người xung quanh tụ tập tò mò.
Lên đồn, theo tao lên đồn ngay!
Lên đồn hở? OK. Người thanh niên đáp.
Nói rồi một sĩ quan nổ máy chiếc xe vi phạm, yêu cầu người thanh niên ngồi sau phóng đi trước, sĩ quan còn lại nổ máy xe của mình theo sau phóng lên đại bản doanh của đồn công an cấp huyện trong lúc trời xế chiều, hoàng hôn chuẩn bị buông.
Người thanh nữ lững thững đi bộ theo sau.
Trên đường đi lên đồn đại bản doanh, người thanh niên ngồi sau xe móc điện thoại trong túi ra gọi cho bạn gái:
Em cứ chờ anh ở ngoài cổng đồn, xong việc anh ra ngay! Yên tâm đi, không có vấn đề gì đâu!
Theo lời dặn của bạn, người thanh nữ ngồi ngoài cổng chờ.
Để xe vào nơi quy định của đồn, người sĩ quan cảnh sát dẫn anh vào phòng làm việc. Phòng kê hai bàn làm việc, mỗi bàn có hai ghế ngồi, hẳn là một ghế dành cho đương sự, một ghế dành cho người chức trách. Viên cảnh sát chỉ chỗ ngồi cho người thanh niên, anh ngồi xuống rồi quan sát kỹ trong phòng, trên tường treo la liệt trích các nghị quyết của Đảng, giấy khen, bằng khen của tập thể đội, đặc biệt là những điều lãnh tụ căn dặn ngành công an cho đến những khẩu hiệu với dòng chữ sơn son, thiếp vàng: “vì nước quên thân, vì dân phục vụ…”. Viên cảnh sát lấy trong tủ ra mấy tờ giấy trắng rồi ngồi đối diện với người thanh niên ghi biên bản, người còn lại đi đi lại lại trong phòng.
Sau khi xem kỹ tên, tuổi, sinh trú quán… trong giấy chứng minh và tra hỏi toàn bộ nhân thân của người thanh niên, viên cảnh sát thông báo mức nộp phạt là: 700 ngàn đồng và yêu cầu người thanh niên nộp phạt ngay. Người thanh niên đứng phắt dậy phản đối. Tôi phản đối cách làm việc của các ông, thứ nhất, các ông lập biên bản giấy trắng, không có dấu má gì, thứ hai, mức phạt vô lý, tôi yêu cầu phải lập biên bản theo mẫu quy định, phải có đóng dấu, bản thân tôi phải được giữ một bản, phải có biên lai thu tiền ghi rõ từng lỗi vi phạm, nếu không tôi không làm việc với các ông, các ông muốn làm gì thì làm.
Hai viên sĩ quan nhìn nhau trong giây lát rồi một người lên tiếng:
Lập biên bản giữ xe nó lại, đợi ba tháng sau giải quyết!
Giữ thì giữ, các ông lập đi!
Sắc mặt của hai sĩ quan bắt đầu đổi màu từ đỏ gay gắt chuyển sang tím bầm như hai mào gà vừa chọi nhau.
Mày là thằng nào mà đến đây vẫn còn ngang bướng hả?
Tôi là thằng Dân, tôi đang làm việc với công an giao thông, tôi yêu cầu các ông làm việc theo phép nước. Tôi vi phạm, tôi chịu phạt, nhưng tôi chỉ nộp phạt theo quy định, tiền tôi phải được nộp cho ngân khố nhà nước, tôi không cống nạp cho các ông dù chỉ là một xu, các ông hiểu chưa?
Ở đây nhà nước là tao, luật lệ là tao! Mày hiểu chưa, thằng chó?
Ông nhìn lên tường xem lãnh tụ của các ông căn dặn các ông thế nào?
Thằng chó này, tao phải móc cái họng mày ra, cắt cái lưỡi mày đi để mày xuống dưới âm phủ, mày lên trung ương, rồi vào lăng tẩm để tâu, xem mày tâu được đến đâu, đến ai, còn ở đây chỉ có tao, mày hiểu chưa?
Nói rồi viên sĩ quan lao vào bóp cổ người thanh niên, người thanh niên chống cự lại, gạt tay ra, hai người xô đẩy nhau, viên sĩ quan bị đẩy lùi dồn vào chân tường, thấy vậy viên sĩ quan khác xông vào đẩy người thanh niên lại.
Quan đánh dân! Công an đánh dân! Người thanh niên kêu to, trên đồn không có ai, tiếng kêu của người thanh niên chỉ vọng lại trong không gian của căn phòng làm việc, viên sĩ quan bị dồn vào chân tường càng tức khí, tiếp tục xông vào bóp cổ người thanh niên, người thanh niên lại đẩy trở lại. So sánh tương quan sức khỏe thì người thanh niên hơn hẳn viên sĩ quan, điên quá anh ta liền giở miếng võ đã được đào tạo trong trường của triều đình c còng (Cộng sản) để tấn công nhưng cũng không thể thắng được người thanh niên vốn là lái xe, cơ bắp săn chắc, nhanh nhẹn thông minh và cũng bất ngờ ra những đòn chống trả vô hiệu hóa các đòn tấn công của viên sĩ quan cảnh sát.
Viên cảnh sát máu sôi lên đầu, liền vớ lấy thanh gỗ dài khoảng ba mươi phân sẵn có trên bàn có đóng hai chiếc đinh để dùng vào việc mở bia của đội cảnh sát giao thông khi có sự kiện phải khao nhau, quật liên tiếp vào gáy của người thanh niên, người thanh niên khựng lại, thừa cơ lúc ấy viên sĩ quan hai tay bóp chặt cổ họng, tạo gọng kìm thắt chặt lấy cổ, dùng đầu gối thúc hự, hự vào bụng người thanh niên, người thanh niên rũ rượi sập xuống.
Dừng tay! Tiếng quát của viên sĩ quan từ nãy vẫn chứng kiến cảnh xô sát giữa hai người ở trong phòng.
Nó giả vờ đấy!
Người thanh niên mềm nhũn nằm sõng soài trên nền nhà, không có phản ứng gì.
Có chuyện lớn rồi, vạ vào thân rồi, đưa nó đi cấp cứu ngay, viên sĩ quan chứng kiến cảnh đồng đội của mình đánh chết người. Bây giờ đưa nó sang bệnh viện nói là cấp cứu tai nạn giao thông rồi sẽ báo cáo lên trên, phải bình tĩnh, lúc này phải hết sức bình tĩnh. Viên sĩ quan gây án mạng mặt cắt không ra máu vâng vâng, dạ dạ.
Bây giờ anh dắt xe ra cổng sau, chú ôm nó ngồi sau xe, anh cầm lái đi sang viện ngay, đừng để ai nhìn thấy, rõ chưa?
Dạ.
Cổng sau đã khóa, tìm trực ban lấy chìa khóa mở ngay.
Trực ban mở cửa, hai sĩ quan khệ nệ bế người thanh niên ra xe, dựng người lên kẹp ở giữa rồi nổ máy lăn bánh ra khỏi cổng hậu.
Thằng này nó bị sốc thuốc, chúng tôi phải đưa nó sang viện, ông đừng báo cáo sếp vội, để tôi trực tiếp báo cáo.
Được rồi yên tâm đi, người trực ban trả lời.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Đối Mặt Đi Trên Con Đường Dân Chủ (Vi Đức Hồi)

Postby bevanng » 03 Dec 2016


Người nữ thanh niên ngồi chờ lâu sốt ruột, mở máy di động gọi cho người nam thanh niên.
Quái lạ, chuông reo mãi mà sao không chịu nghe!
Đây, xe đây rồi mà sao người ở đâu nhỉ? Không khéo mấy bố rủ nhau đi nhậu nhẹt, đang vui, không thèm nghe điện thoại của mình rồi, cánh đàn ông tệ quá, thôi kệ thây anh ta. Người nữ thanh niên tự nhủ, rồi phụng phịu quay ra bắt xe ôm về nhà.
Đến bệnh viện, hai viên cảnh sát bê người nam thanh niên lên thẳng phòng cấp cứu.
Này anh có tài ứng khẩu, mọi việc do anh phát ngôn em ăn nói kém, lại không lanh lợi được như anh, việc này em chỉ biết theo anh thôi được không ạ?
Rồi, yên tâm! Mọi việc cứ để anh lo, chú chỉ biết tuân thủ, cấm xen vào!
Dạ vâng.
Người này làm sao? Bác sĩ trực cấp cứu hỏi.
Tai nạn giao thông, xin Bác sĩ ra tay cứu giúp.
Đưa nạn nhân lên bàn, ai là người nhà của nạn nhân?
Không có ai ạ, chúng tôi là những người đang thi hành công vụ thấy tai nạn xảy ra, chúng tôi với tinh thần “cứu người như cứu hỏa” và thấm nhuần lời dạy: “vì Dân phục vụ” nên chúng tôi đưa nạn nhân vào đây. Chúng tôi mong Bác sĩ ra tay cứu chữa. Bác sĩ yên tâm, tuy không có người nhà nạn nhân ở đây nhưng chúng tôi xin chịu toàn bộ mọi phí tổn.
Cảm ơn các anh, thời buổi này mà có được những người “vì dân” như các anh thật là hiếm thấy, các anh là người tốt, rất tốt nữa là đằng khác. 
Ngành chúng tôi là như vậy, chúng tôi đang thực hiện cuộc vận động lớn: “Học tập đạo đức Hồ Chí Minh” nên chúng tôi thấm nhuần lắm Bác sĩ ạ.
Thôi được rồi, cảm ơn các anh nhưng tôi thật buồn phải thông báo với các anh rằng chúng tôi không giúp được gì cho nạn nhân nữa vì nạn nhân đã chết rồi.
Chị nói sao? Nạn nhân đã chết rồi sao?
Vâng chết cách đây khá lâu rồi, bây giờ các anh tính thế nào?
Bây giờ chúng tôi đành phải phiền bệnh viện thôi, gia đình nạn nhân chưa có ở đây, biết làm sao được.
Thôi được tôi sẽ báo cáo lãnh đạo bệnh viện để giải quyết.
Người Bác sĩ lên thẳng giám đốc bệnh viện xin ý kiến, lát sau quay lại thông báo:
Bây giờ các anh vào làm thủ tục rồi đưa xuống nhà xác chờ người nhà đến.
Viên sĩ quan đồn trưởng đột ngột xuất hiện, vẻ mặt tức giận, đồn trưởng ra hiệu cho hai viên sĩ quan hạ cấp của mình ra chỗ vắng.
Chúng mày giết tao, giết toàn đơn vị rồi, bôi nhọ hình ảnh trong sáng của toàn ngành rồi. Phen này thì mọi thành tích của tao, của toàn đơn vị ta quẳng xuống sông, xuống biển hết rồi.
Hai viên sĩ quan chắp tay cúi đầu xin đồn trưởng tha tội.
Bọn em có tội! Bọn em có tội!
Chúng mày có chết tươi ngay lúc này tao cũng chẳng quan tâm, nhưng năm nay là năm tao lên quân hàm, lên lương, năm cấp trên cân nhắc đề bạt, chúng mày đã giết tao.
Thưa chúng em có lỗi với sếp vì chưa kịp báo cáo sếp, chúng em định thu xếp mọi việc tạm ổn rồi sẽ báo cáo sau, mong sếp tha thứ cho chúng em.
Thôi việc đó để sau, bây giờ báo cáo chi tiết tao nghe chúng mày đã đánh nó thế nào.
Dạ, thằng này nó đi xe không đội mũ bảo hiểm, chúng em tuýt còi kiểm tra giấy tờ rồi ghi biên bản phạm lỗi, nó không chịu, nó chống lại người thi hành công vụ, chúng em mời nó lên đồn giải quyết. Trong khi lập biên bản nó lăn đùng ra, em nghĩ nó bị sốc thuốc, bọn em tức tốc đưa sang bệnh viện cấp cứu, sang đến nơi nó đã tắt thở.
Đồn trưởng điên tiết quát:
Đến cả tao mà chúng mày còn báo cáo láo, huống hồ người khác, chúng mày còn chút liêm sỉ nào không?
Dạ chúng em không dám báo cáo láo đâu ạ, sự thật nó là như thế ạ.
Được rồi, đã thế thì để tự chúng mày khắc giải quyết lấy, ta mặc kệ chúng mày.
Dạ thưa sếp, chúng em xin sếp ra tay cứu lấy bọn em, sếp bảo thế nào em cũng chịu, tốn kém bao nhiêu em cũng chịu, em cắn cỏ lạy sếp, mong sếp thương bọn em mà cứu giúp ạ.
Ai sai chúng mày đi làm? Hôm nay cả đội nghỉ cơ mà.
Được rồi, việc đó để xét sau, bây giờ cứ thống nhất như vậy đi để rồi tìm cách đối phó.
Dạ thưa… thống nhất… thế nào ạ?
Thống nhất như chúng mày đã báo cáo là nó tự chết do bị sốc thuốc.
Dạ vâng, chúng em đội ơn sếp ạ.
Ơn với huệ gì, việc đã đến nỗi này thì không còn là việc riêng của chúng mày nữa mà là của toàn đơn vị, của toàn ngành chúng ta, hiểu chưa?
Dạ, quả là sếp có tầm nhìn xa, trông rộng và hết lòng vì cấp dưới chúng em đời đời biết ơn sếp, ơn này sống để dạ, chết mang theo ạ.
Đến giờ này mà chúng mày còn nói được thế à, đi mà lo hậu sự đi.
Dạ, lo là lo thế nào ạ? Mong sếp chỉ bảo chúng em, chúng em bây giờ không còn biết gì nữa rồi, thưa sếp.
Về lấy tiền ra mà lo đút lót, hiểu chưa?
Vâng, nhưng sếp ơi bây giờ lo như thế nào? Tức là ý em muốn nói đút lót cho những ai, số tiền thế nào cho hợp lý. Nói thật với sếp chúng em cũng hoàn cảnh khó khăn lắm. Cái bọn ác ý, độc mồm độc miệng nó cứ tung tin, đồn nhảm rằng cánh cảnh sát giao thông bọn em hốt được nhiều tiền bạc lắm, nhưng thực tình có gì đâu, thưa sếp!
Cố gắng tối đa đi, ít quá người ta không vào cuộc là chết đấy. Trước hết lo cho các quan khám nghiệm tử thi để người ta kết luận nguyên nhân của cái chết không phải do bị đánh đập, hiểu chưa?
Vâng, chúng em hiểu.
Thôi về đi mà lo liệu cho sớm, mọi việc còn lại để tao.
Hai viên sĩ quan chào sếp đồn trưởng rồi phóng xe về đồn lấy xe riêng mỗi người đi thẳng về nhà mình lo hậu sự theo lời sếp đồn trưởng dặn.
Chú về lo lấy hai trăm triệu, tôi lo một trăm triệu, tạm thế đã rồi tính sau.
Sau khi nghe chồng thông báo tai họa xảy ra, bà vợ của một viên sĩ quan la lên:
Trời ơi sao cái số của tôi nó lại khổ thế này, đang yên, đang lành tai vạ lại ập đến nhà tôi thế này hả trời ơi là trời.
Thôi tôi xin cô đừng làm ầm lên nữa, việc đã đến mức này rồi kêu nhiều khắc làm được gì, bây giờ phải lo hậu sự ngay, cô đưa tiền cho tôi ngay để đi lo lót, chậm là lỡ việc, rồi tôi phải ngồi tù rồi mất việc là cái chắc.
Tiền đâu mà lấy, tiền tôi đem thả lãi hết rồi, bây giờ không phải lúc đòi, nó có thì có giờ hết đấy.
Tôi không biết, cô phải đưa tiền cho tôi ngay.
Bây giờ anh định lo liệu thế nào anh kể tôi nghe!
Trước hết phải có tiền lo lót cho ba quan pháp y là ít, để họ kết luận thằng này chết không phải do bị đánh đập mà là do đột tử, sau đó lo lót cho các quan trong đồn ta, cả thảy sáu người, rồi còn các quan trên nữa, rồi sau đó mới đến tiền bồi thường cho người chết, tôi tính cả rồi, tất tần tật phải có tầm ba trăm triệu.
Lấy đâu ra lắm thế! Không có đâu! Không có là không có! Này tôi bảo này, mình cứ trút tội cho cái thằng kia hết đi, thế là xong, vì nó là thằng trực tiếp đánh chết người, anh thì dính dáng gì, cùng lắm là người có liên quan thôi anh hiểu chưa?
Không được, không được, mình là thằng tổ chức ra chặn xe, là thằng chịu trách nhiệm chính, là thằng cùng tham gia, bây giờ chối bỏ, ai người ta chịu, còn có tập thể, cơ quan điều tra kết luận chứ cô cứ làm như một mình cô muốn làm thế nào cũng được.
Kệ ông! Ông muốn làm thế nào thì ông làm, tiền đã vào nhà này thì hết đường ra, tiền đang sinh lãi, sinh lời không có chuyện mất đi được.
Bà còn muốn để tôi hái ra tiền nữa không? Đợt này mà lo không xong là đi đứt, không có chuyện ngày nào mẹ con bà cũng cứ ngồi nhà mà thu tiền nữa đâu?
Liệu lo được không? Hay chỉ ném tiền qua cửa sổ. Bọn quan các ông bao nhiêu tiền cho vừa, thấy bở là cứ đào, tôi còn lạ gì!
Vợ với chả con, chỉ biết ngày nào cũng tra hỏi tiền bạc rồi vơ vào, đến khi gặp nạn thì bỏ mặc cái xác tôi, thà tôi chết đi cho xong.
Bà vợ bực tức vào trong buồng mở tủ đi ra vứt cho một sấp.
Đây một trăm triệu đấy, cầm đi mà lo lót cho cái bọn khốn nạn kia, thấy người ta gặp nạn không thương, không giúp thì thôi lại còn bắt người ta cống nạp, người gì mà người vậy, quan gì mà quan vậy cái xã hội này thật là thối nát.
Thôi tôi xin bà, mình thì có trong sạch gì đâu mà đi nguyền rủa người ta, bà đưa tôi thêm đi, bằng này thấm tháp gì.
Chỉ có thế thôi, còn lại thằng kia nó phải bỏ ra chứ, mình chỉ là phụ, hiểu chưa? Nó là thằng đánh chết người nó phải lo, ông dại lắm, lúc này ông hết tỉnh táo rồi.
Có bằng này tiền tôi lo sao nổi, bà đưa thêm đi!
Quái lạ, tôi là tôi lo cho cái gia đình này chứ có lo riêng cho tôi đâu, ăn khôn nói dại, ông mà đi tù thì chẳng có thằng chó nào đi thăm hỏi ông đâu, tôi phải để tiền còn thăm nuôi ông chứ, ông hiểu chưa! Thôi cứ cầm ngần ấy đã, có gì sẽ liệu sau.
Viên sĩ quan cầm xấp tiền lặng lẽ nổ xe tức tốc phóng ra cổng. Tại nhà của viên sĩ quan khác, hai vợ chồng đang thì thầm bàn với nhau.
Bây giờ phải tính sao đây em?
Tất cả là do cái ông khỉ gió kia gây nên, ông ra lệnh cho đi làm mới xảy ra việc này, mình là người vạ lây, để ông đứng ra mà lo liệu, mình không hơi đâu mà nhúng vào.
Nói thế sao được! Mình là thằng trực tiếp gây ra cái chết của nó. Bà định xui tôi phủi tay à? Tội nặng lắm đấy! Liệu có lo nổi không?
Em chỉ sợ tiền mất tật mang thôi, em nói anh nghe, chắc chắn cái chức đi càn quét của anh người ta sẽ không cho anh làm rồi, vì nhân cơ hội này nhiều thằng nó tìm cách hạ uy tín mình rồi nó thay chân mình là cái chắc. Anh phải tỉnh táo, việc lo lót phải cân nhắc kỹ, mấy thằng cha sếp anh thì chẳng cần lót tay nhiều đâu, vì đằng nào nó cũng không dùng anh nữa. Vả lại, nó cũng muốn ém vụ việc đi để khỏi ảnh hưởng đến nó, bây giờ chủ yếu là các quan pháp y kết luận cái chết là quan trọng nhất. Cứ để cho thằng cha kia nó bỏ ra một nửa, mình một nửa, hiểu chưa?
Anh hiểu rồi.
Đây cầm đi trăm triệu mà lo liệu, phải tùy cơ mà ứng biến, nghe chưa!
Hai sĩ quan điện thoại cho nhau, hẹn địa điểm gặp nhau để thống nhất đối tượng đút lót và mức lo lót.
Chú lo được bao nhiêu rồi?
Có một trăm triệu, còn anh?
Anh có hơn trăm chút. Thôi tạm thế đã, có gì ta tính tiếp.
Vâng.
Điện thoại gọi, phía bên kia tiếng của quan sếp đồn trưởng:
Chúng mày đang nhậu nhẹt ở đâu?
Không ạ, chúng em đang trên đường đến đồn để gặp sếp đây, giờ này chúng em còn bụng dạ nào mà nhậu với nhẹt được nữa, thưa sếp.

Hai viên sĩ quan đưa nhau ra chỗ vắng rồi cùng nhau thống nhất đếm tiền nhét vào phong bì theo sự thống
nhất đã bàn trước.
Anh cầm cả đi rồi đưa cho mọi người, anh cứ chủ động, việc này tế nhị, một mình anh làm thôi.
Chú yên tâm đi, việc này anh thạo lắm rồi. Nói rồi hai người lên xe đi về đồn tìm gặp đồn trưởng.
Thưa sếp, chúng em đã chuẩn bị xong ạ.
Tôi đã xếp xong người khám nghiệm tử thi, các cậu đến gặp người ta cho sớm.
Hội đồng giám định y khoa có ba người, trong đó một người phụ trách.
Dạ vâng, dạ thưa còn lại…
Cứ lo việc ấy đi đã!
Dạ chúng em đi luôn ạ.
Hai sĩ quan chào sếp rồi vội vã đi gặp quan pháp y.
Dạ, thưa em thừa lệnh sếp trưởng của cơ quan em đến gặp sếp để cảm ơn lòng nhiệt tình của sếp đã nhận lời khám nghiệm tử thi ngoài giờ vụ tai nạn xảy ra ở cơ quan em ạ.
Sếp trưởng của anh đã nói kỹ với tôi rồi, anh là người gây ra vụ này phải không?
Được rồi, tôi sẽ cố gắng!
Dạ em đội ơn sếp ạ. Em có… gọi là một chút ban đầu để tỏ lòng biết ơn sếp và các anh cộng sự của sếp đối với chúng em, đây là của sếp, còn đây là của hai cộng sự sếp, nhờ sếp đưa giùm em và nói giùm em lời cảm ơn thống thiết nhất của chúng em, cơ quan em tới các anh đã sắp ra tay cứu giúp.
Thôi được rồi, anh cứ về đi, tôi sẽ cố gắng hết sức.
Dạ em về ạ, em sẽ còn phải cảm ơn anh nhiều hơn thế này nữa ạ, mong anh hết lòng cửu thế cho chúng em!
Được rồi, tôi biết, tôi biết.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Đối Mặt Đi Trên Con Đường Dân Chủ (Vi Đức Hồi)

Postby bevanng » 03 Dec 2016


Tại nhà của người thanh niên xấu số, lúc bấy giờ đã gần hai giờ sáng, chuông điện thoại cầm tay của thân phụ nạn nhân reo, ông mở máy, tiếng người ở đầu bên kia hỏi:
Thưa, ông có phải ông là… là bố đẻ của anh Thanh, ở Thôn… Xã… Huyện Tân Yên, Bắc Giang không ạ?
Vâng, chính tôi đây, xin hỏi có việc gì ạ?
Xin ông hãy bình tĩnh để chúng tôi thông báo. Chúng tôi là công an Huyện, chúng tôi đang ở trụ sở chính quyền xã, chúng tôi xin mời gia đình ông lên ngay trụ sở này để chúng tôi thông báo cho gia đình một tin rất quan trọng, xin ông lên ngay ạ.
Thân phụ của người thanh niên bàng hoàng, biết chắc là con trai mình đã bị làm sao vì chiều nay nó cho biết lên chỗ bạn gái nó, hiện chưa về, ông gặng hỏi.
Chắc cháu nó làm sao phải không? Nó đánh nhau hay tai nạn gì xin anh cứ nói qua điện thoại để chúng tôi biết, tôi đủ bình tĩnh nghe đây…
Xin mời ông cùng gia đình lên đây để tập thể chúng tôi có trách nhiệm thông báo rõ ràng ạ. Chúng tôi đang chờ ông, xin ông lên ngay cho.
Một mình ông phi xe máy lên trụ sở ủy ban xã để nhận thông báo. Chiếc ô tô cảnh sát đỗ giữa sân trụ sở, ở đó có đến hơn chục người đang đợi ông. Những người ông quen biết là trưởng thôn, lãnh đạo xã, và một số người trong ban ngành của xã, cho đến những người lạ mặt, người thì thường phục, người thì quân phục dưới ánh đèn điện sáng trưng trông rất nghiêm trang, chỉnh tề.
Mọi người mời ông ngồi, rót nước mời ông uống rồi một người lạ đại diện đứng lên hắng giọng, thông báo:
Xin ông hãy bình tĩnh để chúng tôi thông báo tin buồn cho ông: con trai ông tên là Thanh đã bị chết. Chúng tôi đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu, hiện cháu đang ở bệnh viện huyện, chúng tôi thông báo để gia đình lên cùng cơ quan chức năng làm thủ tục rồi đưa cháu về.
Thân phụ người nam thanh niên xấu số rụng rời chân tay, đầu óc quay cuồng, tim thắt lại. Thế rồi, trong phút chốc bản lĩnh của người lính trỗi dậy khiến ông lấy lại can đảm và nhận ra rằng, việc tổ chức thông báo trịnh trọng khác thường thế này chắc chắn là cái chết của con mình có những uẩn khúc? Mình phải bình tĩnh, sáng suốt để làm rõ vụ việc.
Tôi đề nghị các ông thông báo rõ nguyên nhân cái chết của cháu, cháu chết ở đâu? Cháu chết trong tình trạng nào?
Bây giờ gia đình cứ lên bệnh viện huyện để rồi chúng ta cùng làm thủ tục, rồi sẽ biết nguyên nhân.
Tôi chỉ yêu cầu các ông cho tôi biết con tôi chết ở đâu? Chết như thế nào? Đơn giản vậy mà các ông không trả lời được sao?
Chiều nay cháu đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, cảnh sát giao thông đã dừng xe xử lý hành chính, nhưng anh Thanh đã chống người thi hành công vụ, nhà chức trách đã mời lên đồn làm việc. Trong khi đang lập biên bản, cháu biểu hiện sức khỏe không bình thường, tự nhiên gục xuống bàn, sùi bọt mép rồi ngất xỉu. Chúng tôi đưa sang viện cấp cứu, đến viện, cháu đã tắt thở. Sự việc là như vậy, nguyên nhân làm sao cháu chết sẽ được làm rõ. Chúng tôi cũng chỉ biết thông báo ban đầu cho gia đình biết thế thôi. Mong gia đình bình tĩnh rồi lên đó cùng làm việc.
Nén đau thương căm phẫn trong lòng, ông tức tốc phóng xe về thông báo cho vợ con, họ hàng biết. Tiếng khóc, tiếng kêu la, tiếng rên rỉ nức nở bùng phát, làng quê yên tĩnh bỗng chốc xáo động. Tiếng chửi độc, tiếng nguyền rủa của dân làng làm sự phẫn nộ tăng lên tột đỉnh. Mấy người già trong dòng họ cho ý kiến: yêu cầu bố mẹ của nạn nhân không được đi vì lo bị sốc không chịu nổi và đề nghị họ hàng, dòng tộc, làng xóm láng giềng, ai đi được cố gắng đi. Yêu cầu của gia đình là kiên quyết bắt chúng nó phải trả lời bằng được nguyên nhân gây nên cái chết của người nhà mình, cố gắng kiềm chế, không nên manh động và quá khích; thường xuyên liên lạc về nhà để thống nhất cách giải quyết. Thế là người zin hai, zin ba, người đội mũ bảo hiểm, người đầu trần, bất chấp các quy định, hàng chục chiếc xe gắn máy phóng thẳng một mạch lên bệnh viện huyện.
Tại cơ quan gây án, trưởng đồn cho triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các đội trưởng, ban chỉ huy đồn để thông báo tình hình, trưởng đồn thông báo ngắn:
Theo báo cáo của hai sĩ quan cảnh sát giao thông, chiều qua khi hết giờ làm việc, hai sĩ quan này ra đường làm nhiệm vụ trật tự giao thông, có đôi thanh niên nam nữ đi xe máy không đội mũ bảo hiểm hai sĩ quan cho dừng xe xử phạt, người thanh niên không chấp hành, hai sĩ quan đã đưa lên đồn giải quyết. Trong khi lập biên bản, người thanh niên có biểu hiện sức khỏe không bình thường, gục xuống bàn, sùi bọt mép ra, hai sĩ quan lập tức đưa sang viện cấp cứu, đến nơi, đã tắt thở. Sự việc sẽ được sáng tỏ sau khi có kết luận điều tra, hiện giờ tất cả các cán bộ, chiến sĩ trong đồn nhất nhất phải phát ngôn đúng với tinh thần mà tôi đã thông báo. Yêu cầu các đội trưởng quán triệt tinh thần này trong đơn vị mình thông suốt, và trả lời cho dân chúng khi quần chúng nhân dân tò mò, dò la tin tức.
Lệnh cho toàn đơn vị tập trung đầy đủ quân số, sẵn sàng trong trạng thái chiến đấu. Tất cả đội an ninh, đội hình sự, hai đồn phó cùng tôi sang bệnh viện để đảm bảo anh ninh trật tự, đội giao thông làm nhiệm vụ chặn các lối ra vào bệnh viện nhằm hạn chế dân chúng kéo vào xem, còn lại một đồn phó cùng các lực lượng còn lại tất cả trực chiến ở trên đồn chờ lệnh. Tôi sẽ là người trực tiếp làm việc với gia đình và các cơ quan liên quan. Đề phòng các phần tử xấu, các thế lực thù địch lợi dụng kích động quần chúng gây bạo loạn, làm mất trật tự an ninh, ảnh hưởng chính trị xấu cho đơn vị, cho ngành, cho địa phương. Có ai có ý kiến gì không? Không ai có ý kiến, cuộc họp kết thúc, tất cả về vị trí của mình được phân công.
Tại bệnh viện huyện, bỗng chốc xuất hiện nhan nhản công an, khiến các bệnh nhân nằm viện, những người nhà của bệnh nhân đến chăm sóc, các nhân viên bệnh viện trực ca đêm nhốn nháo ngơ ngác tò mò hỏi nhau. Bệnh viện bắt đầu được phong tỏa, khách vào bệnh viện được chặn đứng từ bên ngoài. Đồn trưởng tìm hai viên sĩ quan gây án.
Chúng mày còn ở đây làm gì? Lánh mặt đi chỗ khác ngay, lởn vởn ở đây, người nhà nó phát hiện, hoặc có thằng nào chỉ cho người nhà nó biết thì toi mạng hiểu chưa.
Dạ vâng, chúng em biết rồi ạ.
Hai viên quan lẻn ra đằng sau biến mất. Đoàn người nhà của người thanh niên xấu số đến, mọi người lao vào vây quanh lấy xác chết, gào thét inh ỏi. Đồn trưởng phải nhờ bệnh viện cử người đến trấn an.
Xin các bác, các anh, các chị lặng yên để chúng tôi làm việc, một quan chức của bệnh viện đề nghị.
Cho chúng tôi gặp ông đồn trưởng, một người đại diện gia đình nạn nhân đề nghị.
Tôi đây, đồn trưởng xuất hiện.
Gia đình chúng tôi yêu cầu ông cho biết nguyên nhân cái chết của cháu.
Việc này chúng tôi đã thông báo cho thân mẫu của cháu biết, chắc chắn thân mẫu của nạn nhân đã thông báo lại cho các bác, các anh chị biết. Còn nguyên nhân cái chết sẽ được làm rõ trong thời gian gần nhất.
Chúng tôi yêu cầu gặp người chiều nay đã trực tiếp làm việc với người nhà chúng tôi.
Hai người hiện không có ở đây, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại nhưng không được. Tôi rất mong gia đình bình tĩnh, cùng hợp tác với chúng tôi để cho cháu được yên nghỉ. Những việc khác chúng ta sẽ giải quyết sau, ý gia đình thế nào cho chúng tôi biết.
Chúng tôi chỉ yêu cầu các ông trả lời vì sao người nhà tôi chết? Mà lại chết tại đồn các ông? Người đại diện gia đình nạn nhân gay gắt.
Cái đó chúng tôi sẽ trả lời sau, bây giờ tôi đề nghị gia đình hãy đưa cháu về mai táng cho cháu, gia đình thấy thế nào? Đồn trưởng đề nghị.
Không được, nếu các ông chưa trả lời thì gia đình chúng tôi vẫn chờ chực ở đây, vị đại diện gia đình nạn nhân kiên quyết.
Phải tiến hành khám nghiệm tử thi thì mới có cơ sở để kết luận bác ạ, đồn trưởng giải thích.
Vậy thì yêu cầu khám nghiệm tại đây, có kết luận rõ ràng rồi chúng tôi sẽ đưa cháu về.
Thôi được, cho mời pháp y đến để làm nhiệm vụ.
Như thần thông biến hóa, các sĩ quan pháp y liền xuất hiện trước mặt mọi người.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Đối Mặt Đi Trên Con Đường Dân Chủ (Vi Đức Hồi)

Postby bevanng » 03 Dec 2016


Cuộc khám nghiệm được tiến hành, các sĩ quan pháp y bắt tay vào việc của mình, biên bản được ghi theo sự phán quyết của người phụ trách.
Phần ngoài thân thể của nạn nhân, từ chân tay, mình mẩy không có dấu vết gì; phần cổ hai bên phía dưới cằm có vết tím, khẳng định là vết chàm xuất hiện sau khi nạn nhân chết.
Người nhà tôi không có vết chàm trên cổ, yêu cầu kiểm tra lại.
Tôi nói là vết chàm xuất hiện sau khi nạn nhân chết, nghe chưa? Giọng của quan phụ trách gay gắt.
Vô lý! Vết chàm là vết xuất hiện từ khi lọt lòng mẹ, làm gì có vết chàm xuất hiện sau khi chết, người nhà nạn nhân phản bác.
Các ông, bà có tin tưởng vào chuyên môn không? Nếu không tin thì tự đi mà làm, tôi làm công, ăn lương lúc nào cũng khách quan, trung thực, những kết luận của tôi đều dựa trên cơ sở khoa học.
Ông nói thế mà nghe được? Chúng tôi là người dân, thấy vô lý thì chúng tôi hỏi, ông ăn bổng lộc của dân, ông lại đi thách đố với dân chúng tôi, ông giải thích lại cho chúng tôi nghe tại sao lại có vết chàm trên cổ của người nhà tôi?
Đây là vết sau khi nạn nhân chết, máu tụ lại.
Tại sao máu lại tụ lại? Có phải nguyên nhân do tác động từ bên ngoài?
Không có tác động bên ngoài, mà con người ta khi còn sống, máu lưu thông khắp cơ thể, khi chết máu ngưng đọng, nạn nhân này máu khựng lại ở cổ, gọi là tụ máu, nhiều người khác cũng có hiện tượng tương tự thế này nhưng ở chỗ khác, thí dụ như ở chỗ kín chẳng hạn nên ta không để ý, không biết.
Chúng tôi không chấp nhận cách giải thích của các ông.
Tôi chỉ giải thích các ông, bà trên góc độ chuyên môn.
Tiếp tục công việc khám nghiệm, viên sĩ quan phụ trách khám nghiệm mổ phần đỉnh đầu để kiểm tra.
Chúng tôi yêu cầu kiểm tra vết rách sau gáy, độ dài, độ sâu, cái gì tác động đến?
Người nhà nạn nhân phát hiện rồi lên tiếng.
Có vết rách sau gáy nhưng không sâu, chỉ là vết xước, phần trên đầu không phát hiện có vết lạ do tác động từ bên ngoài, người phụ trách ca mổ kết luận.
Tiếp đến là động tác rạch bụng để kiểm tra bên trong.
Nội tạng bên trong bình thường, người phụ trách lại phán.
Bọng đái sao nó xẹp vậy? Lẽ ra nó phải có nước bên trong mới phải, người nhà nạn nhân nhao nhao hỏi.
Khi nạn nhân dãy chết, nước đái một phần vãi ra, một phần được điều tiết cấp cứu nuôi cơ thể nên bọng đái cạn kiệt nước, người phụ trách lại giải thích.
Thôi tốt nhất là không nói với bọn này nữa, để nó kết luận ra sao rồi sẽ tính.
Các vết mổ được khâu lại cẩn thận, cuộc khám nghiệm kết thúc chóng vánh, người phụ trách khám nghiệm thông báo:
Cuộc khám nghiệm đã xong, chúng tôi sẽ đưa biên bản này về để trình hội đồng kết luận rồi sẽ thông báo cho gia đình sau, bây giờ gia đình ký vào biên bản rồi đưa nạn nhân về mai táng.
Chúng tôi yêu cầu trả lời về nguyên nhân cái chết của người nhà tôi, người đại diện gia đình nạn nhân kiên quyết.
Chúng tôi chỉ có trách nhiệm ghi biên bản trung thực qua khám nghiệm, còn kết luận phải có ý kiến của trên, người phụ trách lại giải thích.
Gia đình chúng tôi không chấp nhận được cuộc khám nghiệm này và chúng tôi không ký biên bản.
Đồn trưởng công an huyện từ nãy đến giờ chỉ đứng vòng ngoài quan sát, nay đến lượt phải ra tay, ông ta đến sát người đại diện gia đình ôn tồn:
Bác ký vào biên bản đi, vì bất cứ cuộc làm việc nào đều phải có biên bản, và các bên phải cùng ký, còn việc bác chưa đồng ý với cuộc khám nghiệm này thì đó lại là việc khác.
Chúng tôi không đồng ý với cung cách làm việc này, vì thế chúng tôi nhất định không ký, đến đâu thì đến.
Theo yêu cầu của thân phụ nạn nhân, đại diện gia đình đến gặp lãnh đạo bệnh viện làm thủ tục để đưa nạn nhân về. Bỗng có một chiếc xe bán tải chở chiếc quan tài sơn son, thiếp vàng đi vào, người nhà nạn nhân ngơ ngác hỏi nhau.
Chúng nó định làm gì vậy? Nó định mai táng con nhà mình tại đây sao?
Nghĩa tử nghĩa tận, dù sao thì cháu cũng đã mất, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu các nhà chức trách sẽ làm rõ, chúng tôi đã chuẩn bị xe, quan tài, đề nghị gia đình cho liệm cháu rồi xe chúng tôi đưa cháu về mai táng, để thế này trông tội nghiệp, thương xót lắm. Viên sĩ quan đồn trưởng ôn tồn.
Cảm ơn về sự tốt lòng của các ông, chúng tôi không cần sự giúp đỡ đó, chúng tôi tự lo liệu được.
Quan tài đã mua, xe chúng tôi đã chuẩn bị, đề nghị gia đình chấp nhận cho về sự quan tâm của chúng tôi.
Cảm ơn các ông, quan tài đó để chôn thằng khác, người nhà tôi không cần, chúng tôi yêu cầu ngay sáng nay, các ông đến gia đình chúng tôi làm việc tiếp, bây giờ chúng tôi làm thủ tục với viện để đưa người nhà tôi về.
Hai thanh niên khỏe, một người trước, một người sau dùng võng cùng hai xe máy cáng nạn nhân về.
Bà con lối xóm, anh em họ hàng tụ tập chật ních từ lối vào nhà đến trong sân đón người thanh niên xấu số, tiếng khóc, tiếng gào thét, suốt cả đêm ở cái làng bé nhỏ, yên tĩnh, những người dân hiền lành, chất phác, hay làm bỗng sục sôi lòng căm phẫn, uất hận.
Viên sĩ quan đồn trưởng huyện rút điện thoại báo cáo vụ việc với tỉnh:
Thưa! Họ mang xác nạn nhân về rồi, họ không chấp nhận kết quả khám nghiệm tử thi, họ không cho liệm ở đây, họ yêu cầu sáng nay đến nhà họ để làm việc tiếp.
Tìm mọi cách thuyết phục gia đình tổ chức mai táng sớm, xong rồi sẽ giải quyết.
Dạ thưa anh trong trường hợp họ không nghe, họ kiên quyết khi nào làm rõ nguyên nhân cái chết của con họ thì họ mới an táng; ta phải đối phó thế nào ạ?
Tìm mọi cách dây dưa kéo dài thời gian ra, buộc họ phải chôn cất, họ không thể để dài ngày được. Xong xuôi, việc đã rồi, ta cầm đằng chuôi lúc đó xoay thế nào chả được. Phương châm của ta sẽ làm công tác tư tưởng, vận động gia đình từ bỏ việc kiện cáo, tăng mức bồi thường cho gia đình. Tôi sẽ có ý kiến bên pháp y để họ xử lý theo hướng của ta khi phải tiến hành khám nghiệm lại.
Tám giờ sáng, một đoàn cán bộ gồm đồn trưởng huyện dẫn đầu cùng một số sĩ quan công an tỉnh và huyện đến gia đình nạn nhân.
Chúng tôi phản đối cuộc khám nghiệm tử thi hôm qua, người của các ông làm việc tắc trách, các ông coi thường dân chúng tôi, lừa bịp chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu tổ chức khám nghiệm lại và phải thay hội đồng khám nghiệm. Phía gia đình của nạn nhân yêu cầu.
Vâng, chúng tôi sẽ đáp ứng yêu cầu của gia đình, đồn trưởng miễn cưỡng đáp.
Buổi chiều, 14h cuộc khám nghiệm lần hai bắt đầu. Lần này các sĩ quan khám nghiệm mổ rộng đầu nạn nhân về phía sau gáy kiểm tra vết rách sau gáy, xác định vết tím bầm ở cổ và vết rách sau gáy có tác động từ phía bên ngoài? Rạch lại bụng của nạn nhân kiểm tra bên trong. Tất cả đều lấy mẫu để đi kiểm tra, xét nghiệm.
Đề nghị kiểm tra kỹ bọng đái, người nhà nạn nhân yêu cầu.
Tức thì viên sĩ quan pháp y dùng dao cắt phăng bọng đái lấy ra ngoài đặt lên trên ngực của nạn nhân.
Đây, bọng đái đây.
Bọng đái sao bên trong không có nước? Chứng tỏ nạn nhân bị đánh vỡ bọng đái? Người nhà nạn nhân khẳng định.
Viên sĩ quan pháp y cầm tay nhấc lên cho mọi người xem rồi tuyên bố:
Không có vết thương, không có bị vỡ.
Cuộc khám nghiệm lần hai cũng kết thúc chóng vánh, các vết rạch, mổ lại được khâu lại cẩn thận, viên sĩ quan pháp y phụ trách tuyên bố:
Chúng tôi sẽ đưa các mẫu này đi xét nghiệm, khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo ngay cho gia đình. Hiện giờ chúng tôi không có phát biểu gì, đề nghị gia đình yên tâm, chúng tôi sẽ trung thực, khách quan.
Viên sĩ quan đồn trưởng tiếp lời: Bây giờ gia đình cứ tổ chức mai táng cho cháu, mọi việc sẽ được sáng tỏ sau khi có kết luận của hội đồng khám nghiệm tử thi.
Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu ông đồn trưởng gửi cho chúng tôi một biên bản tại chỗ khi xảy ra cái chết của con tôi tại cơ quan ông, tại sao đến giờ các ông vẫn không đưa?
Chúng tôi đã thông báo nhiều lần với gia đình là lúc xảy ra, mọi người lập tức đưa cháu đi cấp cứu ngay nên không có biên bản, mong gia đình thông cảm cho.
Chúng tôi cũng đã yêu cầu nếu không có biên bản, các ông phải gửi cho gia đình chúng tôi một báo cáo về toàn bộ sự việc diễn ra ngay tại lúc đó, để chúng tôi biết nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của con tôi.
Vâng, chúng tôi sẽ có báo cáo gửi gia đình.
Ngay chiều nay các ông phải có báo cáo đưa cho chúng tôi để chúng tôi yên tâm tổ chức mai táng cho cháu. Chừng nào chưa làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu thì gia đình chưa tổ chức mai táng, mọi việc phụ thuộc vào các ông.
Vâng, chúng tôi sẽ cố gắng có báo cáo gửi gia đình sớm.
Sớm là lúc nào? Chúng tôi yêu cầu ngay chiều nay, liệu các ông có đáp ứng được không?
Vâng chúng tôi sẽ cố gắng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Đối Mặt Đi Trên Con Đường Dân Chủ (Vi Đức Hồi)

Postby bevanng » 03 Dec 2016


Dòng họ nội tộc của nạn nhân lại nhóm họp, hội ý. Người trưởng họ bức xúc đứng lên tuyên bố: từ hôm qua đến giờ, thái độ của chúng nó cho ta thấy rõ ràng là chúng bao che cho nhau, tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm, chính xác hơn là bọn chúng âm mưu đổi trắng thay đen, tìm cách trút bỏ tội. Việc làm này trái với luân thường đạo lý, trái với pháp luật, chúng ta phải tìm cách đối phó với bọn chúng để tìm ra sự thật, lấy lại sự công bằng và cũng để giải oan cho con ta được thanh thản. Khó mấy cũng phải làm, đến đâu cũng phải làm, làm đến cùng. Bây giờ chúng ta liệm cho cháu rồi làm thủ tục cúng viếng theo phong tục tập quán, đợi làm rõ sự việc sẽ đưa tang.
Mọi thủ tục, nghi lễ được tiến hành trang trọng trong nỗi đau thương, căm phẫn được ghìm nén trong lòng. Chiều tối, rồi khuya, cũng chẳng thấy bóng dáng quan nào đến.
Tình hình này sáng mai chưa thể tiễn đưa cháu được, chúng cho rằng sáng mai kiểu gì ta cũng phải đưa tang, bọn nó sẽ đến sau khi đưa tang xong, để sự đã rồi, đó là con bài của bọn chúng. Bây giờ ta tính thế nào? Một người trong dòng họ nêu ra ý kiến.
Ta đợi đến hết sáng mai, nếu không thấy họ đến hoặc không đáp ứng yêu cầu của mình, ta mang cháu lên hỏi quan đầu tỉnh, mọi người thấy thế nào? Một người cũng đứng lên trình bày quan điểm của mình.
Đồng ý, phải làm cho ra nhẽ, mọi người tán thành.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Đối Mặt Đi Trên Con Đường Dân Chủ (Vi Đức Hồi)

Postby bevanng » 03 Dec 2016


Tại phòng làm việc của trưởng đồn công an huyện, cuộc hội ý được tổ chức với sự có mặt của các sĩ quan đồn phó; các sĩ quan công an tỉnh được biệt phái xuống huyện để đạo diễn vụ án, viên sĩ quan đồn trưởng phát biểu:
Tình hình vụ việc suốt từ tối qua cho đến giờ cho thấy thái độ của gia đình nạn nhân là kiên quyết bắt ta phải làm rõ vụ việc trước khi mai táng. Họ khẳng định là lính của ta đã đánh chết người nhà họ bây giờ ta phải tính phương án đối phó làm sao vụ việc nó lắng xuống, hạn chế được bức xúc từ phía gia đình, vừa làm thế nào khẳng định được người của ta không gây nên cái chết của nạn nhân đó là việc khó, tôi đưa ra hai phương án để các anh xem xét:
Một là tối nay ta không đến, sáng mai ta sẽ đến trụ sở chính quyền xã để thám thính tình hình, đến trưa mai khoảng 10h nếu bọn họ còn cố tình chưa đưa tang, điều đó chứng tỏ họ kiên quyết chờ ta trả lời rõ ràng rồi họ mới đưa, lúc đó ta thực hiện phương án hai.
Phương án hai là sau 10h ta mời họ lên trụ sở chính quyền xã sở tại, tiếp tục đối thoại, thương lượng, nếu họ đòi hỏi văn bản báo cáo thì đưa văn bản báo cáo của hai người đã gây ra vụ án cho gia đình, trường hợp gia đình không đồng ý, ta lại hẹn sang chiều để làm việc, chiều ta lại không đi thì chắc chắn họ phải đưa tang vào chiều mai, họ không thể để thối ra nhà được. Nhưng tôi tin sáng mai họ sẽ đưa tang mà đưa tang xong thì coi như mọi việc đã xong, các việc tiếp theo chỉ là việc nhỏ.
Anh nói vậy bọn tôi thấy yên tâm quá, nếu sáng mai họ đưa tang thì vụ việc đã được khép lại. Nhưng liệu bọn chúng sẽ có những phản ứng gì không? Một viên sĩ quan công an tỉnh được biệt phái băn khoăn.
Tôi tin là chúng không có gì phản ứng đặc biệt. Trưởng đồn công an huyện quả quyết.
Cuộc hội ý kết thúc viên sĩ quan đồn trưởng cho gọi hai viên sĩ quan gây án đến gặp.
Các ông viết cho tôi một bản báo cáo.
Dạ thưa viết thế nào ạ?
Viết như đã thống nhất.
Dạ vâng, em viết ngay ạ.
Theo hẹn, tám giờ sáng hôm sau, viên sĩ quan đồn trưởng huyện cùng các sĩ quan tỉnh được biệt phái, các sĩ quan đồn huyện và các quan chức chính quyền xã nơi cư ngụ của nạn nhân đã có mặt tại trụ sở ủy ban xã.
Nó đưa tang chưa? Viên sĩ quan đồn trưởng hỏi.
Dạ thưa anh chưa thấy động tĩnh gì ạ, một người cán bộ chính quyền xã được phân công theo dõi diễn tiến đám tang báo cáo.
Tiếp tục theo dõi sát, có gì báo cáo ngay.
Dạ vâng.
Có phải gia đình này là đối tượng chính sách không? Viên sĩ quan đồn trưởng hỏi chủ tịch xã.
Dạ thưa không ạ, cha nạn nhân có đi bộ đội tham gia chống Mỹ rồi chống Tàu, sau phục viên. Trong cuộc chiến chống Tàu có bị thương nhưng vì mất giấy tờ nên chạy vạy mãi vẫn chưa được chế độ thương binh. Chú của nạn nhân là sĩ quan cao cấp đang tại ngũ trong quân đội.
Họ hàng nội, ngoại có đông không?
Dạ khá đông ạ, khoảng trên một trăm người.
Gia đình này và dòng họ này có vấn đề gì không? Ý tôi là có chấp hành đường lối chính sách của Đảng, nhà nước tốt không? Có ai trong dòng họ có máu mặt dám chống lại chính quyền sở tại không?
Dạ, gia đình nạn nhân tốt, không biểu hiện tiêu cực gì và cũng gương mẫu chấp hành đường lối chính sách đấy ạ. Còn trong dòng họ có một hai tay hơi ngang bướng một chút, nhưng không sao đâu nó chỉ hay khoét sâu những sơ hở, thiếu sót của cán bộ thôn, xã, tỉ dụ như tham nhũng, hách dịch, lợi dụng chức quyền… là nó nói thẳng thừng, nó không kiêng nể ai ở cái chính quyền này, nó chỉ thế thôi ạ.
Vậy là phải hết sức cẩn thận đề phòng.
Sao ạ? Việc này mình có sơ hở, thiếu sót gì đâu mà sợ họ ạ? Đường đường chính chính mình là cơ quan nhà nước, mình là công minh chính trực, sao lại phải đi sợ bọn họ?
Đương nhiên đường đường chính chính là như vậy, nhưng sợ gia đình họ không nghe, họ nghi ngờ người nhà nước đánh người nhà họ chết, họ đòi hỏi phải làm rõ vụ việc rồi mới mai táng. Chúng tôi đang đau đầu nhức óc đây.
Không lo, dân ở đây họ có nhận thức cả đấy ạ, chỉ cần ta chứng minh được sự thật, thuyết phục được lòng người thì người ta chịu ngay thôi ạ, chỉ sợ ta quanh co, lừa lọc, dối trá thì dân sẽ không nghe đâu ạ.
Ông có cách nào thuyết phục được dân, nói tôi nghe.
Dạ, đơn giản là ta có biên bản thực tế hiện trường khi xảy ra vụ việc, có người làm chứng là nó bị cảm, rồi đưa sang viện thì chết. Ta lại có biên bản khám nghiệm tử thi đến những hai lần cơ mà, khám nghiệm không có dấu vết gì tác động từ bên ngoài, thân thể lành lặn, có sự chứng kiến của gia đình nạn nhân. Vậy là có căn cứ, đó là cơ sở còn gì nữa mà họ không nghe.
Nói đơn giản như ông thì còn nói làm gì, thôi được rồi, biết thế.
Chủ tịch xã tỏ vẻ ngạc nhiên nhìn nhìn viên sĩ quan đồn trưởng, nhìn mọi người xung quanh rồi lảng đi chỗ khác.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Đối Mặt Đi Trên Con Đường Dân Chủ (Vi Đức Hồi)

Postby bevanng » 03 Dec 2016


Đúng như mọi người dự đoán, mặc cho mọi người ngóng chờ mỏi mắt, suốt buổi sáng chẳng có quan nào đến thăm hỏi, đàm phán. Mãi đến 10h, có điện thoại gọi mời đại diện gia đình đến tại trụ sở chính quyền xã để làm việc. Đích thân thân phụ nạn nhân phóng xe máy lên gặp.
Các ông làm việc vô trách nhiệm, có phải các ông định phủi tay không? Bố nạn nhân nổi khùng.
Ông cứ bình tĩnh! Chúng tôi đang tích cực làm hết trách nhiệm đấy chứ, viên sĩ quan đồn trưởng vẻ mặt lạnh lùng.
Tại sao từ sáng đến giờ các ông không đến nhà tôi theo như đã hẹn? Mà bây giờ các ông lại giở trò gọi tôi lên đây?
Chúng tôi muốn đến sớm nhưng chờ kết luận của hội đồng khám nghiệm tử thi lâu quá, đến bây giờ người ta vẫn chưa có câu trả lời, đợi mãi không được, buộc chúng tôi phải đến đây mời ông lên để làm việc.
Tại sao các ông không xuống nhà mà gọi tôi lên đây như một tội phạm? Trong khi gia đình tôi đang tang gia bối rối, các ông còn là con người nữa không?
Chính vì gia đình đang tang gia bối rối nên chúng tôi mới cho gọi ông lên đây để bình tĩnh làm việc với nhau, mong ông hết sức thông cảm cho chúng tôi.
Tôi không có thời gian để ngồi làm việc với các ông, những yêu cầu của gia đình tôi, ngay bây giờ các ông có đáp ứng được không?
Tôi đã nói là hiện chưa có kết quả khám nghiệm nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu của gia đình, chờ kết quả chắc phải vài ngày nữa.
Tôi yêu cầu cho tôi biên bản hiện trường hoặc báo cáo về nguyên nhân dẫn đến cái chết của con tôi.
Đây, báo cáo đây, tôi đọc cho ông nghe: “… khi đang lập biên bản xử lý vi phạm, anh Thanh biểu hiện sức khỏe không bình thường, sùi bọt mép rồi gục đầu xuống bàn rồi xỉu ra đấy. Chúng tôi đưa đi cấp cứu. Đến viện anh Thanh đã chết”… một viên sĩ quan đọc dõng dạc cho thân phụ nạn nhân nghe.
Ông đưa bản báo cáo đây tôi xem, thân phụ nạn nhân đề nghị.
Báo cáo này tôi phải lưu giữ, nói xong viên sĩ quan đút ngay bản báo cáo vừa đọc vào trong cặp.
Tôi đã nghe ông đọc, tôi muốn xem độ chính xác của nó.
Viên sĩ quan lưỡng lự rồi miễn cưỡng đưa cho.
Đồ đểu! Loại báo cáo này chùi đít không xong chứ nói gì đến pháp lý.
Ông xé tan tờ biên bản rồi vứt xuống nền nhà rồi tuyên bố:
Tôi không làm việc với các ông nữa, đến một giờ chiều nay, nếu không có người chức trách có thẩm quyền đến làm việc với gia đình tôi, hoặc đến nhưng không đáp ứng yêu cầu của gia đình, tôi sẽ lên cấp trên các ông để đòi công lý. Nói rồi ông bỏ ra về.
Viên sĩ quan đồn trưởng huyện ngẩn tò te, mặt đỏ phừng phần vì tức giận, phần vì xấu hổ, vì bẽ mặt. Với bản lĩnh lâu năm trong nghề, ông nhanh chóng trấn tĩnh lại, ông cho gọi mọi người vào hội ý. Ông đề nghị chính quyền xã phải phối hợp chặt chẽ với tổ công tác của ông, theo dõi chặt chẽ diễn biến và thường xuyên báo cáo cho ông những diễn tiến của đám tang để ông cho ý kiến chỉ đạo. Cuộc hội ý kết thúc, rồi ông cùng các sĩ quan tỉnh biệt phái lên xe về, để lại một tổ công tác trực tiếp với chính quyền xã thực thi tiếp nhiệm vụ. Ngồi trên xe, đầu óc ông mông lung, ông nhận ra vụ việc sẽ diễn biến phức tạp. Về đến đồn, ông cho triệu tất cả các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị cùng các phương tiện chờ lệnh.
Thân phụ nạn nhân về đến nhà kể cho mọi người trong họ nghe về kết quả cuộc làm việc với viên sĩ quan đồn trưởng huyện, sự phẫn nộ của mọi người tiếp tục dâng cao.
Một giờ chiều nay bọn chúng không đến, hoặc có đến mà không giải quyết được việc gì, thì ta tiến hành theo cách của ta đã bàn. Tất cả mọi người chuẩn bị tư thế đối đầu với bọn chúng. Một người già trưởng họ tuyên bố.
Phải đi! Dù phải đổ máu cũng phải đi! Mọi người đồng loạt tán thành.
Mười ba giờ, mười ba giờ ba mươi vẫn không có quan nào đến. Tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên liên hồi, họ hàng, dòng tộc, bà con lối xóm, hội hiếu của làng tập trung đông đủ. Quan tài được đưa ra đặt trên chiếc xe tang. Những vòng hoa một màu trắng tinh khiết được phủ lên trên quan tài. Tiếng khóc, tiếng kêu oan thảm thiết làm náo nhiệt một vùng quê chất phác vốn đùm bọc nhau đến hàng nghìn đời nay.
Xe tang lăn bánh, đoàn người nối nhau uốn khúc theo đường làng như dòng suối hiền hòa lặng lẽ trôi bao bọc xóm làng dưới lũy tre xanh luôn che chở giông bão cho làng nước bình yên.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Đối Mặt Đi Trên Con Đường Dân Chủ (Vi Đức Hồi)

Postby bevanng » 03 Dec 2016


Trong số những người đưa tang, có người con gái đến chịu tang tuổi trạc đôi mươi, người mảnh dẻ, xinh xắn, hiền hậu, cô có mặt từ sáng sớm hôm qua tại tang gia kể từ khi người thanh niên xấu số được đưa từ bệnh viện về nhà, và từ đó người ta thấy cô luôn ngồi túc trực bên anh. Cô không gào khóc thét thảm thiết, nhưng cứ nhìn vào đôi mắt sưng vù, khuôn mặt nhợt nhạt của cô đủ thấy sự đau thương, mất mát đến chừng nào. Cô chậm rãi bước đi cùng với hai phụ nữ trong thân tộc của gia quyến đang dìu cô trong vòng vây của những người ruột thịt, những người thân thiết nhất của người xấu số để tiễn biệt người bạn trai mà cô đã nguyện ước sống bên anh đắp xây hạnh phúc bình dị. Cô chính là người đi cùng người thanh niên xấu số để rồi xảy ra sự thể này.
Đám tang đang tiến mỗi lúc một xa lũy tre làng, tiếng trống, tiếng kèn tiễn đưa thôi thúc đoàn người tiến thẳng về phía trước quyết đòi cho được sự công bằng và công lý. Từng tốp trinh sát công an, tốp theo sau, tốp đi trước dõi theo diễn tiến cuộc đưa đám, liên tục báo cáo với viên sĩ quan đồn trưởng qua điện thoại cầm tay. Đến đường rẽ vào nghĩa địa, không thấy đoàn xe tang dừng, chiếc quan tài chất đầy những vòng hoa trắng tinh khiết vẫn tiến thẳng ra đường quốc lộ. Các tốp trinh sát của viên sĩ quan đồn trưởng huyện bỗng nhao nhác như đàn vịt con bị diều hâu lao xuống cướp đi sinh mạng.
Thưa sếp, bọn chúng không đi vào nghĩa địa mà chúng đưa quan tài đi thẳng ra đường quốc lộ.
Thực hiện theo phương án một.
Dạ vâng.
Lập tức mấy tốp trinh sát co cụm lại tạo thành đám đông chặn lại.
Yêu cầu dừng lại! Tại sao không đưa vào nghĩa địa? Các ông định đưa người chết đi đâu? Một viên sĩ quan chỉ huy quát.
Chúng tôi đi đòi công lý! Một người trong thân tộc trả lời.
Chúng tôi yêu cầu quay lại, đưa vào nghĩa địa mai táng!
Tránh ra! Nào anh em ta tiếp tục!
Chiếc xe tang tiếp tục được đẩy đi, hàng chục người tiên phong đẩy lực lượng rào cản người bị ngã, người bị đẩy xuống rãnh đường, mở đường cho đoàn người tiếp tục tiến bước. Dân đổ xô ra xem, hàng trăm người nhập cuộc, số người tham gia đưa đám đột ngột tăng lên gấp năm, gấp bảy rồi gấp mười lần.
Đám gì vậy? Một số người chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, hỏi.
Công an đánh chết dân, dân đi đòi công lý!
Nhập cuộc! Nhập cuộc! Bắt bọn ác ôn phải trả giá!
Số người tiếp tục gia tăng, khí thế sôi sục, lòng căm phẫn bốc lên, nhiều người hăng hái lao lên hàng đầu để đối mặt với lực lượng công an, toàn bộ lực lượng công an huyện, xã được huy động tối đa, các phương tiện của ngành được huy động xuống đường. Tiếng còi dẹp đường của các xe cảnh sát rít lên inh tai nhức óc. Một góc trời hỗn loạn nhao nhác dưới khí tiết trời mùa hè oi bức, sự phẫn nộ lòng người được nhân lên gấp bội đối với bất công và tội ác.
Bọn chúng huy động toàn bộ lực lượng chặn đường chúng ta! Một người đi đầu trong đám đông thông báo.
Tiếp tục tiến lên! Dù phải đổ máu cũng phải đi đến cùng!
Cỗ xe tang vẫn từ từ lăn bánh tiến về thành phố, ở đó có tổng hành dinh của quan đầu tỉnh, nơi mà mọi người đang đi tới để đòi lại sự công bằng và lẽ phải cho người dân lương thiện bị bức hại.
Dùng mọi phương tiện chặn bọn chúng lại! Tiếng quát lớn của viên sĩ quan đồn trưởng huyện ra lệnh qua điện thoại di động.
Hai chiếc xe bán tải của cảnh sát giao thông được xếp hàng ngang chặn lại đoàn người.
Hất nó xuống đường! Đốt nó đi! Đập nát nó đi! Tiếng hô hoán của đám đông như được tiếp sức mạnh. Những thanh niên trai tráng chen nhau lao lên hàng đầu định đập nát hai chiếc xe ngáng đường.
Đẩy nó xuống rìa đường, mở đường đi tiếp! Không được đốt, không được đập phá! Một người luống tuổi ra lệnh.
Nào Hai, ba… Hai, ba… Mọi người xúm vào đẩy chiếc xe, lập tức hai chiếc xe được đẩy xuống lề đường. Các quan sĩ của viên sĩ quan đồn trưởng nhìn đoàn người đang sôi sục, bốc lửa ai nấy đều lảng xa, đoàn người tiếp tục đi.
Tiếp tục bằng mọi giá chặn nó lại, nhưng phải tránh manh động, chỉ cần để xảy ra đụng độ đổ máu thì hậu quả khôn lường. Theo dõi tổ chức bắt thằng kích động cầm đầu, phong tỏa không cho quần chúng nhập cuộc. Thường xuyên báo cáo tôi, tôi sẽ tăng cường lực lượng để ngăn chúng lại… viên sĩ quan đồn trưởng quán triệt.
Lập tức lại hai chiếc xe tải khác được điều đến xếp hàng dọc chặn đoàn người đưa tang.
Tiếp tục hất nó xuống đường!
Tiếng hô vừa dứt, mọi người lại bám kín lấy chiếc xe
Nào! Hai, ba. Hai, ba…
Một chiếc xe lật chổng vó, chiếc khác bị đẩy đổ xuống cạnh đường.
Đường đã thông, mau lên hỡi anh em! sắp đến nơi rồi!
Xe tang lại tiếp tục lăn bánh, đoàn người đã trở thành dòng chảy cuồn cuộn tiến về thành phố. Các loại xe tham gia giao thông trên đường gặp đoàn người diễu hành đều tìm cách tránh nhường chỗ cho cuộc hành quân khổng lồ đi qua.
Viên sĩ quan đồn trưởng huyện nhìn đoàn người cuồn cuộn, ngày một đông, mặt cắt không ra máu, tiếp tục báo cáo cấp trên qua điện thoại cầm tay.
Thưa, xe của ta bị bọn chúng lật đổ xuống đường, lực lượng của ta quá ít, không thể đụng độ với chúng, quần chúng tham gia mỗi lúc một đông…
Được rồi, tôi sẽ cử người đến đàm phán.
Lát sau, một tốp người cầm loa tay tìm cách chen ngang vào khu vực đẩy xe tang nói to qua loa: Chúng tôi những người đại diện cho chính quyền nhà nước đến để đối thoại với gia quyến của đám tang. Đề nghị các ông, bà, cô, bác dừng chân để chúng tôi có ý kiến! Đề nghị gia đình hợp tác với chúng tôi! Đề nghị mọi người bình tĩnh!
Chúng tôi chỉ làm việc với người lãnh đạo cao nhất của tỉnh, chúng tôi không làm việc với các ông! Một người đại diện gia đình nạn nhân tuyên bố.
Chúng tôi yêu cầu dừng lại! Nếu không chúng tôi sẽ dùng biện pháp mạnh! Người đại diện chính quyền tuyên bố.
Có giỏi thì giết người tiếp nữa đi! Chúng tao sẵn sàng đây! Thằng nào giỏi thì ra đây, xem chúng mày giết được bao nhiêu người! Bọn tao đang chán sống đây! Giọng của người nhà nạn nhân thách thức.
Tiếng loa tịt ngắt, mọi người giục nhau:
Mau lên, đi nhanh lên!
Đoàn người như một dòng thác đổ về trung tâm tỉnh lỵ. Viên sĩ quan trưởng công an tỉnh sờn gai ốc, bắt đầu nghĩ đến biện pháp mạnh để trấn áp, ông liền gọi điện thoại cho cấp trên xin ý kiến.
Thưa! Tình hình đã đến lúc không thể chịu nổi, nguy cơ bất ổn chính trị đang đe dọa. Đề nghị cho dùng biện pháp mạnh để xử lý dập tắt ngay.
Ông trình bày biện pháp của ông tôi nghe, tiếng của người đầu bên kia hỏi.
Dạ, đề nghị cho tiến hành phun nước, phụt hơi cay để giải tán đám đông.
Không được! Không được! Vì họ đang đi trên đường, họ chưa có động thái phá hoại hoặc đe dọa đến an ninh chính trị, làm như vậy sẽ đẩy tình hình phức tạp thêm.
Vậy dùng xe cứu hỏa, xe tải hạng nặng của ngành ta chặn đường chúng lại được không ạ?
Liệu có bảo vệ được tài sản không? Bọn họ đập phá, đốt cháy thì sao? Đã tính phương án này chưa? Đây là vấn đề nhạy cảm, xe của ta bị đốt cháy, bị đập phá của không tiếc, vì tài sản là của dân chứ đâu phải của chúng ta, nhưng cái quan trọng là sẽ gây tiếng xấu trong dư luận xã hội, không những trong nước mà cả quốc tế. Liệu có huy động được xe ngoài quốc doanh tham gia giúp ta không? Tính phương án này đi.
Lập tức viên sĩ quan đồn trưởng tỉnh ra lệnh cho thuộc cấp của mình huy động xe tải của các tư nhân để chặn đoàn người đang tiến đến gần thành trì bất khả xâm phạm. Các thuộc cấp của quan đồn trưởng tỉnh gọi điện huy động xe ở các địa chỉ có thể huy động được. Các chủ xe được huy động đều từ chối với nhiều lý do, nào là xe hỏng, nào là đang đi vắng, nào là đang đi làm ăn ở xa.
Một thanh niên theo lệnh trưng tập phóng xe ra đường lên địa điểm được trưng tập thấy đông người, hỏi:
Có việc gì mà các quan tỉnh trưng tập xe tôi đến để nhận nhiệm vụ?
Họ trưng tập xe ông ra chặn đường đoàn người biểu tình đang ùn ùn kéo vào thành phố, đấy nhìn thấy chưa?
Một người đang phóng xe máy đi tham gia vào đoàn người rước nạn nhân lên tỉnh trả lời.
Đ. mẹ chúng nó! Đồ lừa đảo! Nói rồi anh ta quay xe về thẳng.
Này anh lấy xe đi đâu đấy? Người vợ của một chủ xe khác hỏi chồng khi thấy chồng mình tức tốc nổ xe để đi.
Các quan triệu tập có việc gấp.
Sao lại lấy ô tô đi?
Họ nói là trưng tập xe khẩn cấp.
Thôi đi! Dân chúng đang kháo nhau có cuộc biểu tình ở thành phố, chúng nó trưng tập xe mình đi để phục vụ mục đích dập tắt cuộc biểu tình. Anh mà lấy xe đi thì họ đập nát xe ra, ai chịu? Rồi dân họ chửi cho không có nơi mà sống.
Khốn nạn! Nó định lừa cả mình! Sức đâu mà đi phục vụ bọn nó! Tôi phải lên tiếp sức cho dân mình thôi, mẹ nó có đi không?
Có, tôi cũng đi.
Hai vợ chồng hớt hải phóng xe máy lên nhập cuộc với đoàn.
Các thuộc cấp của quan đồn trưởng tỉnh báo cáo về không huy động được một xe nào tham gia ngăn chặn cuộc biểu tình, người ông tư lự vừa tủi nhục, vừa thấy ta lắng cho số phận của mình, ông tự nhủ lúc gian nguy mới biết lòng người, cũng là bài học để từ nay ta chọn cách sống kẻo bị hẫng hụt về tuổi già, nghĩ rồi ông rút điện thoại báo cáo cấp trên của ông.
Thưa sếp! Không huy động được xe nào đến ứng phó cả, họ tìm mọi lý do từ chối hợp tác với ta, thật buồn phải báo cáo sếp như vậy, xin ý kiến chỉ đạo của sếp.
Tổ chức lực lượng phong tỏa các tuyến đường vào thành phố, bảo vệ các cơ quan đầu não, tiếp tục tìm cách đối thoại với gia đình trước mắt cứ chấp nhận mọi yêu cầu của họ nhằm làm cho tình hình dịu đi rồi sẽ tính sau. Tìm cách khống chế sự ảnh hưởng, tổ chức bắt tống giam những tên cầm đầu, kích động.
Dạ vâng, riêng việc đàm phán thì không thể vì bọn chúng đòi gặp và làm việc trực tiếp với chủ tịch tỉnh, thưa sếp!
Được rồi, cứ theo dõi sát tình hình rồi tôi sẽ tính, tránh manh động, gây hậu quả khôn lường.
Toàn bộ lực lượng công an tỉnh, lực lượng công an thành phố, lực lượng công an của một số huyện lân cận, được huy động tối đa để bảo vệ các cơ quan đầu não của tỉnh. Một số được huy động đến các ngã đường vào thành phố ngăn chặn các xe ra vào nhằm phong tỏa thành phố với các nơi khác, ngăn chặn mọi người kéo đến tham gia cuộc biểu tình, hạn chế thông tin từ thành phố ra bên ngoài. Một lực lượng lớn được túc trực chờ lệnh xuất phát để trấn áp khi đoàn người tiến đến tổng hành dinh của tỉnh.
Tại sao không cho chúng tôi vào thành phố? Một người khách bức xúc hỏi người cảnh sát giao thông chặn xe.
Chúng tôi chỉ biết thừa lệnh nhiệm vụ.
Phải cho tôi biết lý do!
Tôi không phải là người có trách nhiệm giải thích cho ông.
Một chiếc xe mang biển số ngoại giao bị ách lại, người khách nước ngoài hỏi bằng tiếng Việt khá chuẩn:
Đảo chính hay sao mà cấm xe ngoại giao vào thành phố?
Không! Việt Nam rất ổn định chính trị, không có việc bạo loạn, lật đổ, việc nhỏ thôi, nhỏ thôi, thông cảm cho.
Nổ ra biểu tình hả?
Không! Việt Nam không có biểu tình, không có phản đối, chỉ là việc nội bộ thôi, chúng tôi xét thấy không đảm bảo an ninh cho khách ra vào thành phố nên tạm thời cho dừng việc đi lại trong thời gian ngắn, ông thông cảm cho.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Đối Mặt Đi Trên Con Đường Dân Chủ (Vi Đức Hồi)

Postby bevanng » 03 Dec 2016


Cỗ xe tang đã tiến vào thành phố với tốc độ nhanh hơn, náo nhiệt hơn. Mọi người hối hả tiến bước trên chặng đường còn lại, mồ hôi đầm đìa bởi cuộc hành quân đến gần chục cây số dưới tiết trời oi bức. Giám đốc công an tỉnh trực tiếp đến hiện trường tính kế đối sách. Tiếp tục biện pháp chặn chúng lại, xuống thang, tìm cách đàm phán với bọn chúng, ông tự nhủ rồi ra lệnh cho hạ cấp huy động toàn bộ số quân lính đang thường trực tại đồn đến chặn đoàn người đã tiến vào thành phố. Một toán quân lính mặc quân phục chỉnh tề, tay lăm lăm dùi cui, lá chắn dàn hàng ngang, một người trong hàng đầu dùng loa cầm tay dõng dạc tuyên bố:
Chúng tôi, những người đại diện chính quyền nhà nước, chúng tôi được lệnh cấp trên yêu cầu mọi người dừng lại, chúng tôi cần gặp gia đình, ai đại diện gia đình của nạn nhân mời đến gặp chúng tôi!
Chúng tôi chỉ làm việc với chủ tịch tỉnh, chúng tôi không làm việc với bất cứ ai. Người đại diện gia đình tuyên bố.
Các ngươi đã vi phạm pháp luật, vì gây mất trật tự nơi công cộng. Yêu cầu mọi người dừng bước! Tốp lính của quan đồn trưởng tỉnh tạo thành nhiều hàng rào chắn đoàn người.
Mày thách bố hả! Xem chúng mày mạnh đến đâu! Nào anh em, tiến lên! Hàng chục thanh niên trai tráng xông lên xô đẩy toán lính, hàng rào của viên sĩ quan tỉnh trưởng bỗng chốc tan rã, phần rạp xuống rìa đường, phần tháo chạy, dòng người tiếp tục đổ vào trung tâm thành phố.
Thưa sếp, bọn chúng không chịu đàm phán, đòi gặp trực tiếp chủ tịch, chúng đông lắm, sẵn sàng tuyên chiến với ta. Chúng xô đẩy lính ta phần bị ngã, phần bỏ chạy, bây giờ tính sao ạ? Trưởng công an tỉnh báo cáo.
Các cơ quan công sở, các gia đình nhà riêng đều khóa cửa, đóng cổng đổ xô ra đường. Người thì tham gia vào đoàn đi đòi công lý, người thì dõi xem diễn tiến cuộc biểu tình. Cả thành phố tưng bừng khí thế, số người tham gia lên đến gần vạn người. Toàn bộ lực lượng công an được huy động tổng lực tay cầm lá chắn, dùi cui tạo thành hàng rào trước cổng chính của dinh tỉnh ủy, ủy ban tỉnh. Cỗ xe tang từ từ tiến thẳng vào tổng hành dinh ủy ban tỉnh, toàn bộ cổng trước và cổng sau lính canh dày đặc.
Xe tang lại tiếp tục lăn bánh vòng về phía sau tổng hành dinh. Phía trong dinh tất cả các phòng làm việc cửa được đóng lại, bên ngoài nhìn vào lặng yên như tờ, quân lính tiếp tục được tăng cường bao vây kín tòa nhà.
Tất cả các cửa phòng làm việc đóng kín, bọn chúng đã bỏ chạy, chúng không tiếp chúng ta!
Phá hàng rào, đưa quan tài vào trong sân, một người ra lệnh.
Hàng chục người xông tới, người dùng tay đẩy, người dùng chân đạp. “Nào… Hai ba… Hai ba…”. Một khoảng không hàng rào bị đổ vào phía trong, hàng trăm người tràn vào cùng cỗ quan tài được nhấc bằng tay đưa vào trong khuôn viên của dinh chính quyền địa phương. Những tiếng hô lớn: “Tiến lên! Tiến vào bên trong! Nợ máu phải trả máu!”
Lực lượng công an bắt đầu ra tay, từng tốp lính cơ động, lính bảo vệ nhảy vào dùng dùi cui đánh thẳng vào đám đông.
Nó đánh người của ta. Hỡi mọi người hãy cứu lấy người của ta!
Những viên gạch vỡ được cậy lên từ hàng rào; từ trong sân; từ bên ngoài chuyển vào; những hòn đá được nhặt nhạnh ở khắp mọi nơi, ném trả tới tấp vào quân lính. Tiếng reo hò của hàng ngàn quần chúng nhân dân.
Tiếp nữa đi! Ném trúng vào! Ném chết bọn ác ôn đi…
Một số lính bị thương tán loạn tháo chạy vào bên trong ẩn náu. Cuộc đụng độ tiếp tục, tiếng đánh đập, tiếng xô đẩy cùng tiếng la ó, chửi rủa hỗn loạn. Một toán lính cơ động ra tay bắt mấy người tiên phong của đoàn, người túm tay, người túm chân, người túm tóc, ba, bốn tên lính xúm vào lôi từng người một vào trong.
Chúng bắt người của ta! Nhiều người của ta đã bị bắt và bị hành hung. Ném chết nó đi! Đánh chết nó đi! Đả đảo bọn giết người!
Những viên gạch vụn, những viên đá tiếp tục bay tới tấp vào đám lính. Một số lính bị thương đã được chuyển lên xe đi viện cấp cứu. Có tiếng súng nổ đùng đoàng bên phía trong.
Chúng nó nổ súng! Chúng đã bắn vào người của chúng ta! Bà con bình tĩnh! Chúng nó bắn chỉ thiên dọa chúng ta! Thách bố nhà chúng nó cũng không dám nổ súng vào người, mấy người trấn an đám đông.
Quan tài được đặt trước sân của dinh văn phòng ủy ban tỉnh, mọi người vây kín xung quanh, cửa các phòng làm việc vẫn đóng kín. Có tiếng xịt hơi mạnh từ bên ngoài phun thẳng vào đám đông, khói cay xè làm mọi người không mở được mắt, đám đông náo loạn rã đám.
Chúng xịt hơi cay bà con ơi! Chúng nó dở trò đốn mạt!
Phía bên ngoài cổng cái “Logo” (ủy Ban Nhân Dân Tỉnh) được kẻ vẽ, sơn son thiếp vàng hoành tráng giờ đã bị méo mó, biến dạng do những trận đá, gạch vụn của những người tham gia biểu tình. Đám đông tản ra tránh hơi cay nhưng vẫn bám trụ đến cùng, cổng chính của ủy ban tỉnh được mở, một tốp người dáng vẻ sang trọng bước vào đi thẳng vào nơi cỗ quan tài đang ở giữa sân ủy ban tỉnh.
Bà con chú ý! Chúng tôi thay mặt cho lãnh đạo tỉnh đến đây để đối thoại với gia đình gặp nạn.
Cút! cút đi! Tao không làm việc với bọn mày! Gọi chủ tịch tỉnh đến đây!
Chủ tịch hôm nay đi công tác vắng, tôi được sự ủy nhiệm của chủ tịch đến đây để đàm phán với gia đình.
Chúng tôi chỉ làm việc với người đứng đầu chính quyền tỉnh, không làm việc với ai. Chúng tôi sẽ chờ ở đây đến khi nào chủ tịch ra tiếp chúng tôi.
Tốp người đến đàm phán tự tháo lui, tình hình tạm lắng xuống. Mười phút, hai mươi phút, ba mươi phút, rồi gần tiếng sau mọi người vẫn kiên trì bám trụ chờ đợi quan tỉnh trưởng xuất hiện. Hơn một tiếng sau, có người ra thông báo, mời đại diện gia đình vào trụ sở ủy ban tỉnh để gặp chủ tịch ủy ban tỉnh.
Chúng tôi rất đáng tiếc sự việc xảy ra và chúng tôi không được báo cáo đầy đủ vụ việc nên mới để diễn biến đến mức này. Tôi thành thật xin lỗi gia đình, bây giờ gia đình có đề nghị gì chúng tôi xin nghe và giải đáp. Chủ tịch tỉnh vẻ giọng ôn tồn.
Chúng tôi yêu cầu làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết của người nhà chúng tôi, chết tại đâu? Vì sao chết? Biên bản hiện trường người nhà tôi chết? Ai chịu trách nhiệm về cái chết của người nhà chúng tôi? Vì người nhà chúng tôi không phải chết ở đường, ở chợ, không phải chết do tai nạn… mà chết ở cơ quan công an huyện nên chúng tôi yêu cầu phải làm rõ mọi nguyên nhân. Chúng tôi đã yêu cầu nhiều lần, chúng tôi đã phải chờ đợi suốt gần hai ngày qua nhưng các ông tránh né, vô trách nhiệm, phủi tay, định đổi trắng thay đen nên buộc chúng tôi phải đến đây đòi công lý. Người đại diện gia đình bình tĩnh phát biểu.
Với tư cách đại diện chính quyền nhà nước, tôi xin hứa với gia đình sẽ làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết của cháu. Chúng tôi hứa ký kết bằng văn bản, đóng dấu, ký tên và đưa cho gia đình cầm. Nếu chúng tôi không thực hiện theo đúng cam kết, gia đình có quyền khiếu nại lên cấp trên.
Chúng tôi tin ở chính quyền nhà nước, chúng tôi đồng ý và xin ông hãy làm đúng theo những gì đã cam kết.
Văn bản đã được đánh máy, ký và đóng dấu, chủ tịch tỉnh đưa cho gia đình cầm và ôn tồn với người đại diện gia đình.
Chúng tôi rất hiểu và thông cảm về sự bức xúc của gia đình. Việc này chúng tôi sẽ nghiêm khắc kiểm điểm cấp dưới chúng tôi vì không báo cáo kịp thời, để sự việc diễn ra rất đáng tiếc. Việc đã rồi các bác đưa cháu về mai táng cho sớm rồi chúng ta sẽ làm việc với nhau sau. Tôi xin hứa với các bác tôi sẽ chỉ đạo làm rõ vụ việc này, ai sai phải xử lý nghiêm túc, ai vi phạm pháp luật phải bị pháp luật điều chỉnh. Mong các bác hãy tin ở tôi, các bác có cần gì tôi giúp đỡ không?
Không! Chúng tôi không cần, chúng tôi chỉ cần ở ông cầm cân nẩy mực cho đúng, vậy thôi. Và còn việc này nữa, chúng tôi đề nghị các ông thả hết người của chúng tôi vừa bị bắt ra. Họ quá bức xúc do chính các ông gây nên chứ họ không có tội tình gì, được thế chúng tôi đưa cháu về mai táng.
Vâng được, chúng tôi sẽ thả hết mọi người ra, bác cứ yên tâm.
Quay ra đại diện gia đình tuyên bố với bà con: Họ đã chấp nhận đề nghị của chúng ta, tuy chưa thỏa mãn được mọi yêu cầu của ta, nhưng thôi họ đã cam kết bằng văn bản đây rồi. Họ hứa sẽ làm sáng tỏ vụ việc trong thời gian sớm nhất và hứa thả tất cả người của ta ra ngay lập tức. Chúng tôi thấy họ đã xuống thang và ta cũng tạm chấp nhận theo cam kết này. Theo tôi bây giờ ta đưa cháu về mai táng, mọi người thấy thế nào?
Cỗ xe tang lăn bánh, dòng người lại tuôn chảy trở lại. Những bước chân chậm rãi lặng lẽ theo sau người xấu số trở về với lũy tre xanh, với con kênh làng uốn khúc, quanh co bao bọc. Tiếng khóc, tiếng nấc, tiếng gào thét kêu oan bắt đầu lan tỏa trong đám đông. Mọi ngôn ngữ đều bất lực vì không thể mô tả được cảnh chia ly, tiễn biệt giữa những người thân, giữa những người tình làng, nghĩa xóm với người thanh niên trai làng nghiệt ngã oan uổng.
Mai táng xong, mọi người hỏi nhau: người của ta đã được thả chưa nhỉ?
Toán thanh niên trai làng đồng thanh đáp:
Chưa. Chúng chưa thả người của ta, đừng nghe chúng nó nói! Hãy xem chúng nó làm! giữ hai tên sĩ quan công an này lại để làm con tin, giữ nó lại! Mọi người quây xung quanh hai viên sĩ quan công an được phái đi theo đám tang theo dõi, nắm tình hình.
Chúng tôi đề nghị các ông phải thực hiện cam kết, thả người của chúng tôi ra ngay lập tức! Bằng không chúng tôi giữ hai ông lại khi nào thả người của tôi ra thì chúng tôi thả các ông.
Hai viên sĩ quan vẻ mặt lo lắng nhanh chóng chấp nhận yêu sách của gia đình. Gần một tiếng đồng hồ hai viên sĩ quan hết đứng lại ngồi trong vòng vây của dân làng. Có điện thoại báo về anh em đã được thả, mọi người mừng rỡ nhưng người mừng nhất vẫn là hai viên sĩ quan công an.
Tin gì bọn nó! Cứ chờ ở đây khi nào người của ta về báo cáo thì mới tin được!
Mãi sau những người bị bắt đến và thông tin tất cả đã được thả, mọi người thở phào, hai viên sĩ quan mặt mày hớn hở.
Tối hôm đó tại tổng hành dinh của ủy ban tỉnh, một góc trời lập lòe phát ra ánh sáng, một số thợ hàn có tay nghề cao được huy động đến để hàn xì các bức tường rào bằng gang, sắt bị đổ, gẫy. Các tuyến đường đi qua ngang dinh được chặn lại không cho người qua lại. Những người thợ hàn miệt mài trổ hết tài năng của mình để dựng lại hàng rào kiên cố. Sáng hôm sau hàng rào lại ngay ngắn như cũ, chỉ có ai tò mò ngắm kỹ thì mới thấy có đoạn nó vẫn bị cong, phía dưới chân của hàng rào có những nốt hàn mới. Cái logo của dinh được thay thế bằng cái mới tráng lệ hơn. Nhiều người dân tò mò đến gần ngó, lập tức bị lính cơ động tuần tra quát tháo xua đuổi. Người đi đường qua ngang dinh ngước nhìn, người mỉm cười, người kháo nhau bất giác bắt gặp các quan trong dinh phủ, người ta quay phắt mặt đi, dân thấy lạ nhắc nhau, quan chán dân lắm rồi!
Sáng hôm sau, tại nhà tang chủ vị quan phó chủ tịch tỉnh cùng giám đốc công an tỉnh đến thắp hương, chia buồn và tiếp tục khẳng định sẽ sớm làm rõ vụ việc. Lãnh đạo chủ chốt xã cũng có mặt kịp thời chia buồn, động viên. Chủ tịch xã vẻ mặt phấn khởi thông báo với thân phụ người thanh niên xấu số.
Chúng tôi xin thông báo cho ông tin mừng, huyện đã đồng ý cấp sổ thương binh cho ông, việc này lẽ ra ông được nhận sổ từ lâu rồi nhưng vì thiếu một vài thủ tục nên lãnh đạo cân nhắc kỹ, nay thì mọi việc đã xong, mong ông phát huy bản chất cách mạng, bản chất của người lính, người thương binh, người có công với nước và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa…
Đoàn cựu chiến binh của xã sau khi vào thắp hương rồi ra ngồi bàn tâm sự thân phụ người xấu số:
Lãnh đạo xã đã thống nhất với ngành dọc cấp trên tới đây sẽ đưa ông vào thành phần lãnh đạo hội cựu chiến binh xã, đây là tin vui cho ông, rất mong ông bình tĩnh, vượt qua đau thương, sớm ổn định để tham gia công tác mới. Lúc này hơn lúc nào hết ông phải tỉnh táo để nhận biết vấn đề, không để bọn xấu, bọn cơ hội, các thế lực thù địch lợi dụng để bôi xấu chế độ tốt đẹp của ta… Đặc biệt phải đề phòng với một số đài phản động nước ngoài nó tìm cách liên lạc phỏng vấn người nhà ta rồi chúng vu cáo, bóp méo sự việc gây hoài nghi, giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào chế độ. Là những người chiến hữu, là những người đồng đội, chúng tôi khuyên ông luôn tỏ thái độ bất hợp tác với chúng nó, bác bỏ mọi luận điệu tuyên truyền chống phá chế độ, thể hiện khí phách của người lính kiên quyết không mắc mưu bọn phản động. Chúng tôi luôn luôn ở bên cạnh ông, vì đó vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của người cựu lính chúng ta khi gặp hoạn nạn. Âu cũng là số phận con người cả, số cháu nó không ăn ở với mình được lâu, ta cứ để cho cháu thanh thản ở bên kia, còn ta vẫn phải sống, phải làm việc vì ta còn có các con cháu khác, có láng giềng, có bạn bè thân hữu… Cứ bình tĩnh rồi đâu có đó. Nhà nước ta không để ai lọt tội, không bao che cho ai khi có tội vì nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân…
Ngày sau, một cuộc họp do đích thân chủ tịch tỉnh chủ trì được tổ chức. Sau khi nghe toàn bộ diễn biến sự việc xảy ra, kết quả của các cuộc làm việc của các ngành từ tỉnh đến xã và hướng các bước xử lý tiếp theo, chủ tịch tỉnh phát biểu kết luận:
Đây là vụ việc xảy ra chưa từng có ở tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung, nó gây tiếng vang rất xấu cho chế độ ta, phạm vi ảnh hưởng của nó không những ở trong nước mà nó đã vượt ra trên phạm vi quốc tế. Một hình ảnh rõ nét và là thước đo của lòng dân về sự trung thành, lòng yêu mến, sự tin tưởng vào chế độ, nó báo hiệu cho ta thấy về sự bền vững của chế độ, nó thức tỉnh cho ta thấy sức mạnh của quần chúng một khi chính quyền nhà nước đã làm cho họ phẫn nộ. Chúng ta không thể xem xét sự việc với tư cách tự phát, đơn lẻ mà phải xem xét nó trong mối tương quan, mối liên hệ bên trong của nó. Nói cách khác, hậu quả vụ việc vừa qua là kết quả của sự âm ỉ trong lòng dân, nhiều việc làm vô pháp luật của những người thi hành công quyền nhà nước đã khiến cho dân căm phẫn. Đây là thời cơ để họ bộc lộ thái độ của họ. Chúng ta cứ mê muội rằng chế độ ta tốt đẹp, mọi người dân luôn tuyệt đối trung thành… Hãy lý giải tại sao một vụ việc chưa phải động trời mà có gần vạn dân xuống đường phản đối chính quyền nhà nước ta? Vì sao những người dân không phải tất cả là anh em, họ hàng thân thích, chắc chắn có nhiều ngàn người họ chẳng quen biết, chẳng liên quan gì đến nạn nhân, người nhà nạn nhân nhưng tại sao họ lại ủng hộ nhau, bênh vực nhau, dám đối mặt với sự nguy hiểm…? Đó chính là sự căm phẫn của họ đối với chính quyền… Đã đến lúc chúng ta phải dám nhìn vào sự thật để nói lên sự thật thay vì cứ giả dối. Một xã hội giả dối, bên trong mục rỗng, bên ngoài vẫn tỏ vẻ vững chắc, tốt đẹp… nếu không có thay đổi căn bản chắc chắn sẽ an nguy cho chế độ trong một tương lai gần… Tôi nói như vậy để các vị tự xem lại mình, tự biết mình và biết thời cuộc để rồi có cách hành xử cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy vậy vụ việc đã xảy ra trên địa bàn của chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải ra tay xử lý nghiêm, phải khôn khéo, bịt được dư luận… Qua nghe báo cáo và hướng xử lý của các vị đề xuất ta có thể thống nhất như sau:
Tiếp tục điều tra, truy tố nghiêm khắc đối với những kẻ cầm đầu gây rối, đặc biệt là kẻ cả gan đập phá cái biển logo, cơ quan nhà nước cao nhất của tỉnh ta. Trước khi làm việc đó phải tiến hành xử lý số cán bộ gây hậu quả chết người để trấn an dư luận. Gặp trực tiếp động viên số cán bộ của ta đã gây án chấp nhận những hình phạt đáng kể để cho dân yên, sau đó chúng ta sẽ tìm cách cứu họ, đây là nghệ thuật lãnh đạo của chế độ ta đã trải qua mấy chục năm cai trị đất nước, nhờ đó mà có được từ thành công này đến thành công khác, phong tỏa mọi thông tin về lính của ta bị thương trong trận giao tranh này, thăm hỏi, chăm sóc, động viên chu đáo. Tiếp tục động viên gia đình, vận dụng các chính sách có thể để lôi kéo gia đình về phía ta, ngăn chặn các thế lực thù địch móc nối với gia đình tuyên truyền, dựng chuyện, bôi xấu chế độ… Vấn đề cuối cùng là tổ chức họp báo và báo cáo lên trên phải tìm ra được cách lý giải có sức thuyết phục vì sao hàng ngàn dân chúng xuống đường biểu tình, phản đối chính quyền nhà nước.
Viên sĩ quan trưởng công an tỉnh đứng lên phát biểu:
Thưa… Tình thế này buộc ta phải công bố rằng: số người quá khích, gây rối, đập phá toàn là bọn nhiễm HIV, bọn nghiện hút, bọn ăn cắp, những kẻ đã có tiền án, tiền sự, bọn này bị chính quyền bắt bớ, xử phạt nhiều lần, có hằn thù với chính quyền nên nhân cơ hội này chúng mới có hành động gây rối để thỏa mãn cá nhân, còn lại toàn là những quần chúng nhẹ dạ, cả tin, nghe theo các thế lực thù địch trong và ngoài nước xúi giục nên mới tham gia xuống đường biểu tình chống chính quyền nhân dân ta. Mọi người tỏ ý tán thành.
Chủ tịch tỉnh tỏ vẻ không vui: Ở tỉnh ta có đến gần vạn người nhiễm HIV, nghiện hút, ăn cắp, tiền án tiền sự hay sao? Đấy là cách nói lừa bịp dân, thôi, nhưng mà còn cách nào khác nữa mà bàn! Thêm một lần lừa bịp nữa cũng thế thôi, cứ thế mà làm!
Ba tháng sau vụ án được đem ra xét xử, viên sĩ quan trực tiếp đánh chết người thanh niên xấu số lãnh mức án bảy năm tù giam, mười bảy người bị kết tội: “Gây rối trật tự công cộng; chống người thi hành công vụ; phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa”, ba người bị kết án bảy năm tù, số còn lại bị kết án từ ba năm đến sáu năm rưỡi. Một bản án có lẽ chỉ có ở nơi xứ sở “C-Còng” này mới có.

Hết
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Previous

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 24 guests