An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 13 Nov 2016

Nguyễn Ý Đức

An Hưởng Tuổi Vàng





Image

Lời Giới Thiệu
Tôi tình cờ gặp bác sĩ Nguyễn Ý Đức trong một diễn đàn y khoa thảo luận trên internet và một lần khác trong một cuộc quyên góp để tổ chức cây mùa xuân cho các trẻ em lang thang đường phố cũng ở trên mạng, từ đó giữa chúng tôi có một mối thân tình liên lạc và trao đổi thường xuyên với nhau.
Tôi gọi ông là một trong những người bạn “thực tế ảo” trên mạng.
Tôi cảm thấy rất hứng khởi với những bài nghiên cứu vừa mới viết của ông email cho và mãi cho đến khi gặp nhau lần đầu mới biết là tôi và ông, bậc đàn anh cùng có chung một thầy, đó là giáo sư Ngô Gia Hy – một người rất được kính trọng trong lãnh vực y khoa tại VN.
Ông là người huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương, cựu học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hải Dương và Chu Văn An – Hà Nội.
Ông theo học y khoa tại Đại học Sài Gòn và tốt nghiệp năm 1963.
Hiện tại ông là hội viên của American Academy of Anti-Aging Medicine chuyên về Y khoa Gia đình và Lão khoa của Hoa Kỳ và cố vấn cho Chương trình Martin Luther King.
Ông cũng là người thường xuyên trả lời trực tiếp hằng tuần về các vấn đề y khoa cho thính giả đài VOA và chương trình Vấn đáp sống khỏe trên internet.
Trong thời gian hơn 40 năm hành nghề liên tục tại Việt Nam và nước ngoài, ông đã say mê và dày công nghiên cứu, thâu thập, học hỏi, biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh dưỡng, Xã hội, Lao động, ông đã cho xuất bản nhiều đầu sách về Y học.
Bây giờ ông đang ở tuổi U80 nhưng vẫn còn đang miệt mài soạn các đề tài phong phú cho các tác phẩm như Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Bệnh người cao tuổi, Câu chuyện thầy lang. Là người đã có nhiều bài viết trên các nhật báo, tập san trong và ngoài nước về lĩnh vực y tế như báo Sức khỏe và Đời sống, báo Khoa học phổ thông, Y tế... trên đài phát thanh, trên mạng saigonnet, trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng... ông cũng chịu khó đi đây đi đó để trình bày những hiểu biết của mình cho mọi người.
Ngày 17 tháng 3 năm 2002, ông đã cùng với Giáo sư Ngô Gia Hy thuyết trình cho những người lớn tuổi nghe một đề tài vô cùng thú vị: “Những hư cấu và sự thật về tuổi già” tại Cung Văn hóa Lao động. 
Với kiến thức uyên bác về Y học và hiểu biết rộng về văn hóa Việt Nam cùng với lối văn dí dỏm, nhẹ nhàng, bác sĩ Nguyễn Ỷ Đức đã tạo cho người đọc một cảm giác sảng khoái và đặc biệt là tác phẩm của ông có một sắc thái rất riêng và hấp dẫn.
Trong tay bạn là cuốn sách An hưởng tuổi vàng, xin mở mục lục và hãy chọn lấy bất kỳ một bài nào, đọc vài câu, một trang, thậm chí hết một bài, tôi đoan chắc bạn sẽ cần có nó hiện diện trong tủ sách của gia đình vì đó là một tài liệu quý giá, một cẩm nang cho Sức khỏe và đời sống, cũng là một đề tài gợi ý để suy ngẫm về triết lý thế thái nhân sinh.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 4 năm 2011
BS Hồ Đắc Duy
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 13 Nov 2016

Thay lời tựa

Vào khoảng đầu thế kỷ 20, sống được tới tuổi 40, là các cụ ta đã mở tiệc ăn mừng “tứ tuần đại khánh”, mà sống tới 70 tuổi thì cả là một sự hiếm có (nhân sinh thất thập cổ lai hi). Cho nên, chúc tụng nhau, ngoài sự giàu có, ruộng cả ao liền, con cái tốt lành “như tranh, như rối”, các cụ còn chúc nhau “Bách niên giai lão”. Với vua chúa, thì được kính chúc “Thánh thọ vô cương, thọ tỷ Nam Sơn”. Ở các nước Tây phương Âu Mỹ cũng vậy, sự ước muốn được sống lâu vẫn là một ám ảnh của mọi người. Từ tuổi thọ trung bình 25 tuổi thời Cesar Đại Đế tới 45 tuổi vào đầu thế kỷ hai mươi, thì con người luôn luôn tìm đủ mọi cách để tăng tuổi thọ. Ngày nay sống tới tuổi 75 là một sự bình thường.
Nói đến việc tìm kiếm thuốc trường sinh bất tử, ta phải nghĩ ngay tới ông bạn hàng xóm khổng lồ Trung Hoa: kể từ các triều đại châu, Tần, Hán, Tấn, Đường trở đi, đều có những phương sĩ, người luyện kim, chuyên luyện kim đan cho vua uống, với mục đích là để các ngài sống mãi mà trị vì thiên hạ cũng như là để mình vàng gần gũi với nhiều người đẹp, không bị chê là bất lực. Tần Thủy Hoàng Đế, để tìm thuốc trường sinh, cử hai phái đoàn phương sĩ do Từ Phước, Lư Sinh ra biển Đông kiếm thần dược. Đến ngay như trên thiên đình cũng còn có vị Thái Thượng Lão Quân chuyên luyện kim đan cho Thượng Đế, khiến cho Hầu Già Tề Thiên Đại Thánh, nhập cung Đâu Suất, uống vào một bụng, thọ ngang Ông Trời.
Các khoa học gia Âu, Á đã dày công nghiên cứu, tìm tòi những phương thức, những dược liệu để trì hoãn sự lão suy cũng như kéo dài tuổi thọ. Gần đây, một số đông giới trẻ cũng có khuynh hướng chuyên về ngành lão khoa. Nói chung, kết quả của mọi nghiên cứu đều rất lạc quan, khích lệ, vì ta thấy tuổi thọ con người đã tăng và biết bao nhiêu người, dù tuổi đã cao, mà nom còn son trẻ, nhất là ở quý vị nữ giới, phu nhân...
Trở lại vấn đề tuổi Vàng, tuổi Hạc, thì người trong cuộc nhiều khi cũng có những suy tư, những ý nghĩ lẩn thẩn về mình, nhất là sống ở một thời đại khoa học quá tiến bộ, thiên hạ sinh hoạt theo vi tính, nhẹ tình người.
Chẳng hiểu tại sao ta lại có câu “đa thọ, đa nhục” rồi “lão giả an chi”, già an phận. Tại mình cho rằng mình đã thành vô dụng, phụ thuộc con cái, đau yếu, bệnh hoạn, cô đơn, gánh nặng của gia đình, không thích nghi với hoàn cảnh, chỉ nghĩ tới quá khứ, ngày một hao mòn... chờ ngày chết. Hay là xã hội không biết được và sử dụng được nhiều ưu điểm, nhiều tích cực của người già. Những khôn ngoan, từng trải, những chín chắn, già dặn, gừng càng già càng cay. George Burns, gần 100 tuổi vẫn hoạt bát, hấp dẫn trong hoạt động kịch nghệ. Tài danh Michelangelo để lại cho hậu thế nhiều kiệt tác, chỉ ngưng làm việc khi ông mất vào tuổi 89. Và còn biết bao nhiêu người già không vô dụng khác nữa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 13 Nov 2016

Tuổi già: Ấn tượng và sự thực

Tuổi già có đành an phận già là vô dụng, là không còn hoạt động, không cởi mở, thích nghi, kém khả năng tình dục, gánh nặng cho gia đình, cộng đồng? Có những dẫn chứng cụ thể, những thống kê phủ nhận những suy nghĩ lệch lạc nói trên.
1. Khi 60 tuổi là già? - Thực ra khi mới sanh, một vài bộ phận của cơ thể đã bắt đầu già rồi, chứ không phải đợi tới qua tuổi 60. Vả lại, cũng không có một lý do sinh học nào để ràng buộc con số 60 với sự hóa già.
2. Sau 60 tuổi, hay bị đau yếu, nằm bệnh viện nhiều?
- Thực ra, thống kê của các hãng bảo hiểm sức khỏe cho hay là chỉ có 4% người già thường đau nặng đến độ phải nằm bệnh viện. Còn về sức khỏe tổng quát, 51% các cụ cho hay là có sức khỏe tốt, 34% trung bình, 15% kém. Các cụ có một số vấn đề khó khăn kinh niên về sức khỏe, nhưng thường thường có thể điều trị được cũng như phòng ngừa được bằng cách tự chăm sóc chu đáo hơn. 
3. Người già hết làm việc được? - Đây là một thành kiến có tính cách kỳ thị chứ ta thấy bao nhiêu vị lớn tuổi vẫn làm việc cho đến khi không gượng nổi. Ngoài ra, người già làm việc còn chăm chỉ và ít xảy ra tai nạn lao động hơn các giới khác.
4. Già quá hóa lẫn, hay quên, mất trí nhớ? - Sự suy kém này xảy ra rất trễ, không phải do sự lão suy mà đa số do sự cô đơn sầu muộn, đời sống quá tĩnh tại hoặc do tác dụng của dược phẩm.
Schopenhauer, triết gia người Đức có nói: “Mọi sự thực đều trải qua ba giai đoạn. Lúc đầu nó bị nhạo báng, rồi nó bị phản đối kịch liệt, cuối cùng thì nó được chấp nhận là tự nó có giá trị”. Phần tích cực, phần đóng góp có xây dựng của người cao niên vào xã hội, cộng đồng cũng như gia đình đã và đang được tuyên dương, nhất là khi tỷ số quý cụ trên tổng số dân chúng ngày càng một tăng. Đọc tuần báo Newsweek số cuối tháng 10/1999, ta thấy một bài báo có tiêu đề lớn: “Với các nhà doanh nghiệp, các luật sư, các bác sĩ, thì tuổi già sẽ đem lại cho họ cả một kho vàng”. Bài báo có một câu sau đây đáng để các bạn trẻ chọn nghề lưu ý: “Bất cứ một sinh viên nào xuất chúng về khoa học nghiên cứu tuổi già và tiến trình già, lại có thêm một bằng cấp luật khoa hay hành chính tài chính thì coi như đã có giấy phép in bạc giấy”.
Mà để có được sự đóng góp hữu hiệu, cụ thể, các cụ chắc cũng phải có một sự sửa soạn làm sao duy trì được phần lớn cái nhiệt huyết, hăng say, khả năng tinh thần và thể xác của thuở trung niên. Ta vừa an hưởng tuổi vàng, vừa làm việc hữu ích với bà con, họ hàng, lối xóm.
Tài liệu AN HƯỞNG TUỔI VÀNG này được giới thiệu tới quý vị để chúng ta cùng làm công việc sửa soạn đó. Thực tâm mà nói thì người viết cũng gần đến tuổi hưu hành chính lại cũng mon men muốn vào bảng “Cổ Lai Hi” nên trong những năm vừa qua đã cố gắng học cách thức sống tuổi già, qua kinh nghiệm của quý vị đàn anh lão trượng, hoặc qua kiến thức thu lượm trong sách báo. Giờ đây, chúng tôi xin chia sẻ cùng độc giả. Cũng như xin quý vị đóng góp thêm cho bằng những kinh nghiệm riêng, để hy vọng duy trì được hiện tình, tuổi đời gần “sáu bó rưỡi”, mà Tâm Thân cố giữ an lạc, dáng đi chưa đến nỗi ngả nghiêng, người anh em đồng hao cho chục viên Viagra mà vẫn chưa phải dùng tới, và người bạn đường trên ba mươi năm không khiếu nại.
Đọc sách Hoàng Đế Nội Kinh thấy ghi câu vấn đáp sau đây bèn học lấy làm lòng: “Người đời thượng cổ đều sống đến cả trăm tuổi là mức thường, mà hoạt động không suy giảm; người đời nay tuổi vừa nửa trăm mà hoạt động đã suy giảm. Có phải chăng là do thời thế xưa và nay khác nhau?” - Đáp: Người đời thượng cổ, ăn uống có chừng đỗi, thức ngủ có giờ giấc, không phí sức bậy bạ. Cho nên thể chất cũng như tinh thần được cầu toàn, mà hưởng trọn tuổi đời, sống đúng với mức trăm tuổi mới chết. Người đời nay thì không phải thế. Lấy rượu làm nước uống, lấy quấy làm thường, ăn uống no say thì chui vào buồng kín, vì dâm dục làm khô tinh dịch, hao tán chân khí; không biết cách bảo trì cho sức khỏe được đầy đủ, không biết theo thời ngự trị tinh thần, chuyên theo việc khoái trí vui lòng, vui chơi nghịch với lẽ sống, ăn uống thức ngủ không chừng mực. Cho nên tuổi thọ vừa mới năm mươi mà sức khỏe đã hao mòn vậy”.
(Nguyễn Đồng Di dịch)
Kinh nghiệm người xưa rõ ràng là thế đó. Giờ đây, với sự hỗ trợ của y khoa tân tiến cộng thêm chút quyết tâm, tích cực, lạc quan, chẳng lẽ ta lại không nối gót được cụ Bành Tổ xa xưa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 13 Nov 2016

Phần 1


Về sự lão hóa

Con người sinh ra, trưởng thành, lâm bệnh rồi từ trần, đó là chu kỳ “SINH LÃO BỆNH TỬ” theo luật thiên nhiên và nhân loại chấp nhận từ ngàn xưa. Nhưng nay đã bước sang thế kỷ 21, với kinh nghiệm sống, với tiến bộ của khoa học, nhất là y khoa, con người có khả năng ảnh hưởng đến hai trong bốn giai đoạn Sinh, Lão, Bệnh, Tử; đó là Lão và Bệnh. Lão là thời kỳ con người lớn lên, tiến về già; Bệnh là lúc cơ thể con người như bộ máy, bị hao mòn, trở nên trục trặc trước khi ngừng hoạt động. Con người hiện đại có khả năng kéo dài tiến trình lão hóa, làm chậm lại quá trình lão suy, làm nhẹ bớt nhiều chứng bệnh do tuổi già và loại hẳn nhiều chứng bệnh làm thiệt mạng người xưa kia. Tóm lại, con người ngày nay có thể tăng tuổi thọ và sống bình an, thoải mái suốt giai đoạn của cuối cuộc đời, giai đoạn mà người Tây phương gọi là Giai đoạn tuổi vàng (The golden years). Cái bí quyết để đạt đến mục đích đó là tìm hiểu tuổi già và phương pháp tổ chức lối sống cho có hiệu năng để hưởng trọn tuổi vàng.

1. GIÀ LÀ GÌ?
Già là gì? Bao nhiêu tuổi được gọi là già? Nếu dễ tính, ta có thể chấp nhận câu trả lời giản dị: Già là một giai đoạn của cuộc đời, cũng như giai đoạn dậy thì của thiếu niên, trưởng thành của trung niên. Trong giai đoạn này, tương tự như ở trẻ em, người già có vài điểm giống nhau và đặc thù đủ để tạo thành một mô hình cho tuổi đó. Nhưng, thực tế cho hay một định nghĩa như vậy chưa đủ thỏa mãn nhiều người.
Trong chu kỳ Sinh Lão Bệnh Tử, ta thấy khâu Lão tiếp liền khâu Sinh. Như vậy phải chăng phương Đông quan niệm rằng con người bắt đầu già ngay khi sinh ra đời? Rồi nếu ta ngẫm nghĩ về chữ “Old” là già trong tiếng Anh thì ta thấy những sắc dân nói tiếng Anh tuồng như cũng đồng quan niệm với người phương Đông về tiến trình già của con người. Chả thế mà họ gọi một đứa bé vừa sinh ra được 1 giờ là “one hour old”, mà một người 90 tuổi là “90 years old”. Mới sinh ra đã là “old” mà sống đến 90 tuổi cũng “old” nốt. Phải chăng Đông Tây gặp nhau ở đây? Ông Oscar R. Ewing, nguyên giám đốc Chương trình An sinh Liên bang Hoa Kỳ đã có nhận xét: “Với con người, không có một định nghĩa khoa học nào cho tuổi già của cơ thể con người. Cái mà chúng ta phải liên hệ tới không phải là một nhóm người già mà là một nhóm bị người khác gán cho nhãn hiệu già, mặc dù khả năng của họ khác nhau”.
Vậy thì rất khó mà định nghĩa hai chữ “tuổi già” hay là đặt một cái mốc để chỉ tuổi già trong quãng đời con người. Phải chăng tuổi già là tuổi giai đoạn cuối đời của con người? Nhưng đời con người kéo dài bao nhiêu năm? Cách đây một thế kỷ người Mỹ sống trung bình được 40 năm, nay họ sống trung bình được 75 năm. Còn ở Việt Nam, tuy không có thống kê, nhưng cứ đọc sử thì thấy rằng vào khoảng đầu thế kỷ vừa qua, vua chúa sống đến 40 tuổi là đã ăn mừng “tứ tuần đại khánh”. Trong nhân gian thì “nhân sinh thất thập cổ lai hi”, tuổi 70 cực kỳ hiếm. Vậy vào thời kỳ đó, tuổi già bắt đầu ở quãng nào của tuổi đời?
Không căn cứ được vào số năm để xác định tuổi già, thì phải dựa vào cái gì? Hay là cứ ví von như các cụ xưa, hứa với nhau sống cho đến khi “đầu bạc răng long”, hoặc nói về cái mệnh đoản của người con gái đẹp mà ngâm nga câu “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng; Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”, ý nói rằng người đẹp cũng mệnh đoản như các ông tướng tài, không sống đến lúc bạc đầu. Cái lối ví von để nói về tuổi già thế mà lại có căn bản khoa học đấy: Các cụ đã sử dụng hệ thống tuổi sinh lý. Vì răng long và đầu bạc là dấu hiệu thông thường nhất của tuổi già.
Các khoa học gia đã thử lấy một số thay đổi của cơ thể khi về già làm mốc sinh học (biomarkers) để định nghĩa sự già. Thí dụ tới tuổi nào thì da bắt đầu nhăn, răng rụng, thính giác giảm... Để có giá trị, mốc sinh học phải tiên đoán được, không tránh được và không đảo ngược được. Mốc sinh học thay đổi tùy theo mỗi cá nhân, ví dụ cùng tuổi, nhưng có người da nhăn, có người da không nhăn, cho nên, già có thể trông thấy, như tóc bạc, da mồi: hoặc cảm thấy, thí dụ cảm thấy mình không còn khỏe, không có nhiều nhiệt huyết như tuổi 20; hay già với những thay đổi thực sự của ngũ quan, lục phủ ngũ tạng đó là chỉ dấu thời kỳ lão suy.
Giai đoạn lão suy là giai đoạn con người có những biến đổi cơ thể theo chiều hướng đi xuống, nghĩa là từ tốt sang xấu, cũng như thay đổi về tính tình, cách đối xử. Da vùng mặt và cổ bắt đầu nhão, tóc bắt đầu bạc thành muối tiêu và với thời gian muối nhiều hơn tiêu, cho đến khi bạc cả đầu, khóe mắt xuất hiện nếp nhăn, răng bắt đầu rụng dần, những chiếc chưa rụng thì lung lay. Công năng cơ thể giảm sút như ăn chậm vì tiêu hóa chậm, ngủ ít, ngắt đoạn vì hệ thống thần kinh suy giảm, đại tiểu tiện chậm vì công năng hệ tiêu hóa yếu, nói năng chậm, trí nhớ sút kém. Thời kỳ lão suy cũng là thời kỳ mà các chứng bệnh liên quan đến tuổi già bắt đầu xuất hiện hoặc tác động mạnh đến toàn bộ cơ thể con người. Ngoài ra, vào tuổi lão suy một số người cũng trở thành thụ động, phụ thuộc không tham gia, có khuynh hướng sống lẻ loi không đòi hỏi.
Cũng nên nhớ sự hóa già ở nữ giới thường muộn hơn và họ thường thọ hơn đàn ông, lý do có lẽ ở nữ giới, dù hay nhiều bệnh hơn, nhưng họ chịu đựng dẻo dai hơn với bệnh tật, và khi về già giác quan của họ thường tinh tường, trí nhớ lâu hơn. Còn ở đàn ông thường bị nhiều stress do việc làm, nhiều bệnh tim mạch, ung thư, tai nạn nên mau già. Sự hóa già cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như gen di truyền, nếp sống cá nhân, gia đình, môi trường chung quanh, địa dư cũng như quan niệm, thái độ của con người trước sự hóa già. Ngoài ra mỗi người già theo một diễn biến riêng biệt, và trong cùng con người, mỗi tế bào, mỗi cơ quan già theo nhịp độ, số lượng khác nhau.

2. CÁC LOẠI TUỔI GIÀ
Như đã nói trên đây, rất khó mà định nghĩa tuổi già. Nếu căn cứ theo tuổi niên đại, tức là số năm con người sống kể từ khi sinh ra đời, thì tuổi già bắt đầu từ tuổi nào? Năm mươi? Sáu mươi? Bảy mươi hay tám mươi? Những con số này đều vô nghĩa nếu không có một hệ thống đo tuổi già khác đi kèm theo, đó là tuổi sinh lý. Ví dụ nếu một người 50 tuổi mà tóc đã bạc hết và các công năng cơ thể đã giảm sút thì người đó xem như đã già. Trái lại một người 60 tuổi mà thân thể còn cường tráng, các công năng cơ thể còn hoạt động điều hòa thì người đó chưa có thể xem là đã già. Còn nhớ khi Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan bị ám sát, các bác sĩ mổ lấy viên đạn ra đều có nhận xét là ngũ tạng của ông ta tốt như ngũ tạng của người trung niên, vì ông ta có đời sống lành mạnh, tích cực, nom ông ta trẻ hơn tuổi thực. Vì tuổi niên đại có thể ghi chép, thống kê nên các xã hội đều dùng số tuổi niên đại vào các mục đích hành chính, pháp lý. Ở các nước Âu, Mỹ, người ta lấy tuổi 65 làm mốc cho tuổi già để áp dụng các chương trình hưu bổng, trợ cấp, y tế miễn phí v.v... Hãy tạm gọi tuổi này là tuổi pháp lý. Người ta suy luận rằng tuổi 65 con người  không còn khả năng hoạt động hữu hiệu nữa, cho họ về hưu là vừa. Một điểm đáng lưu ý là, tuổi niên đại trắng đen trên giấy tờ, theo nguyên tắc ta không thay đổi thêm bớt tùy tiện, nhưng tuổi sinh lý là cái mà ta có thể tùy nghi làm tốt xấu. Ta có thể là 60 tuổi với cơ thể một người 40 hay ngược lại. Sự lựa chọn là do chính ta quyết định.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, các nhà lão khoa đã phân chia tuổi già làm 7 loại mà khi nhìn kỹ ta có thể thấy tại sao mỗi cá nhân già theo cách khác nhau.
1. Tuổi niên đại. Đây là tuổi mà ta nghĩ trước tiên, nhưng các thầy thuốc lại ít quan tâm tới. Đó là số năm con người sống trên trái đất kể từ khi thoát thai khỏi lòng mẹ.
2. Tuổi di truyền. Khi cha mẹ ông bà thọ lâu thì con cháu cũng có cơ hội sống lâu hơn, vì những hậu duệ này đã được hưởng nhiều gen trường thọ nơi tiền nhân.
3. Tuổi theo thống kê. Đây là số năm trung bình mà con người có hy vọng sống. Tuổi này thay đổi theo thời gian, không gian, và cũng tùy nơi tùy lúc, tùy theo giống tính, phái tính, nghề nghiệp, lối sống, tình trạng sức khỏe.
4. Tuổi theo cấu tạo cơ thể. Các bộ phận cơ thể khi tới một tuổi nào đó sẽ có nhiều thay đổi về cấu tạo, thí dụ như chiều cao con người ngắn lại, thủy tinh thể mắt vẩn đục, thành động mạch cứng, tuyến giáp trạng teo. Thành ra dù ta không có bị bệnh hoạn, tai nạn, tới một thời điểm không định trước, sự chết cũng xảy ra. 
5. Tuổi sinh lý. Các chức năng của cơ quan, bộ phận con người trải qua nhiều thay đổi đưa tới sự thay đổi toàn diện.
6. Tuổi theo bệnh tật. Khi qua khỏi một cơn bệnh hiểm nghèo, nhiều người trông thấy, cảm thấy như già đi cả chục tuổi.
7. Tuổi tâm lý. Tâm trí con người trải qua nhiều thay đổi với tuổi cao, nhưng thường chậm hơn so với các thay đổi khác.

3. TIẾN TRÌNH LẢO HÓA
Đứng về phương diện sinh vật học, rất khó mà xác định tiến trình lão hóa. Những biến đổi sinh lý xảy ra trong thời gian, với thời gian chứ không phải vì thời gian đi qua. Những biến đổi đó xảy ra không đồng bộ trong toàn cơ thể con người. Nhịp độ thay đổi khác nhau tùy theo từng bộ phận, từng tế bào. Tiến sĩ Leonard Hayflick, một nhà nghiên cứu ở viện nghiên cứu Vistar, Philadelphia, Mỹ, đã ví cơ thể con người như là một tiệm đồng hồ trong đó có rất nhiều đồng hồ mà mỗi chiếc chạy theo mỗi giờ khác nhau. Các tế bào, các cơ quan trong thân thể con người hoạt động giống như những chiếc đồng hồ độc lập theo nhịp độ khác nhau trên tiến trình lão hóa.
Có người tuy tuổi niên đại cao nhưng tuổi sinh lý thấp. Hiểu biết về tuổi sinh lý rất cần thiết cho tuổi thọ, tuy rằng khoa học chưa có phương pháp chính xác để đo tuổi sinh lý.
Các nhà chuyên khoa bệnh tuổi già đã thử đo chiều dài của vành tai, cơ năng hoạt động của tim, sức mạnh của bắp thịt, khả năng vận động thân thể, màu sắc của tóc v.v... Với hy vọng tìm được một mẫu số để đo lường và tiên đoán nhịp độ của lão hóa, nhưng họ đã không thành công vì có quá nhiều yếu tố chi phối tiến trình lão hóa và những yếu tố đó đã vừa đa dạng mà lại còn không đồng bộ cho tất cả mọi người.
Tác giả Susanne Robb viết về lão hóa như sau: “Lý thuyết gia nào thử giải thích hiện tượng lão hóa của con người cũng vấp phải một sự thử thách lớn lao. Lão hóa có thể xem như một mức độ tăng gia rất phức tạp của sự phát triển hay cũng có thể là một quá trình đi đôi với sự suy thoái và mất mát. Lão hóa có liên hệ với sự phản ứng của cơ thể đối với các ảnh hưởng di truyền và môi sinh. Hơn nữa lão hóa là một quá trình rất cá biệt, bị chi phối bởi nhiều nguồn ảnh hưởng tác động lẫn nhau. Vì thế tuổi sinh lý đơn phương không thể dùng để tiên đoán một cách chính xác tuổi thọ của một cá nhân”.
Nói tóm lại, vấn đề sống lâu là một vấn đề hoàn toàn cá nhân. Con người chịu ảnh hưởng của di truyền, môi sinh, hoàn cảnh xã hội, lối sống cá nhân, tình trạng tinh thần v.v... nhưng con người cũng có khả năng chi phối đời sống của mình về nhiều mặt để đạt được mục đích sống lâu.
* Con người có thể chặn đứng tiến trình lão hóa không? Tất nhiên là không, nhưng con người có khả năng giảm thiểu các chứng bệnh xảy ra ở tuổi già tức là làm chậm tiến trình lão suy với kết quả là kéo dài tuổi thọ. Tuy nói về vấn đề sống lâu tùy thuộc từng cá nhân, nhưng về phương diện môi sinh trở thành một vấn đề của tập thể. Ví dụ trong một cộng đồng sống xúm xít gần nhau, cùng sử dụng một nguồn nước chung, thì mỗi cá nhân phải có bổn phận giữ cho nguồn nước và không khí được trong sạch và tất cả mọi người trong cộng đồng phải có cố gắng như nhau. Nếu một vài cá nhân trong cộng đồng đó cứ xả rác vào nguồn nước và phun khói vào không khí thì tất cả cộng đồng phải chịu ảnh hưởng xấu của tình trạng môi sinh.
Tuổi thọ của một cá nhân tùy thuộc vào tình trạng môi sinh là thế. Cơ thể con người là một hệ thống mở ngỏ, tác động qua lại với môi sinh. Nó nhận được sự nuôi dưỡng từ môi sinh, nhưng đồng thời cũng chịu đựng từ môi sinh những nguy cơ và đe dọa đối với sự mất còn của nó. May mắn thay, cơ thể có một hệ thống điều chỉnh tự động để bảo vệ. Ví dụ nếu áp huyết bị sụt thì tức khắc hệ thần kinh phát ra tín hiệu để tăng nhịp tim đập, tăng lực co bóp của tim, làm co thắt các mạch máu và kết quả là áp huyết được tăng trở lại mức bình thường, trong một thời gian ngắn chờ sự điều trị.
Ngoài ra, còn có hệ thống miễn nhiễm, miễn dịch để giúp cơ thể bảo vệ khi có sự xâm nhập của vi trùng, virus, nấm (mầm bệnh). Do đó, những người bị AIDS (SIDA) thường tổn mạng vì hệ thống miễn nhiễm bị HIV phá hủy.
* Con người có thể sống đến bao nhiêu tuổi? Trong điều kiện lý tưởng, ví dụ có gen di truyền tốt, có hệ thống điều chỉnh tự động tốt, có hệ thống miễn nhiễm tốt, có hoàn cảnh môi sinh tốt, có điều kiện dinh dưỡng tốt, có lối sống lành mạnh v.v... thì con người, trên lý thuyết, có thể sống rất lâu. Theo Leonard Mayflick tuổi thọ tối đa của con người là từ 110 đến 120. Những nhà nghiên cứu ở Đại học California còn nâng tuổi thọ của con người lên khoảng từ 120 đến 150 tuổi. Hiện nay, riêng tại Mỹ, số người sống trên 100 tuổi đã tới trên 60.000 và sẽ còn gia tăng. Trong lịch sử nhân loại, đã có nhiều người có tuổi thọ rất cao như: người Mỹ Delina Filking sanh ngày 4/5/1815, chết ngày 4/12/1928, thọ 113 tuổi; một ngư phủ Nhật Bản chết năm 1986, thọ 121 tuổi; bà Jeanne Calment, người Pháp sinh tháng 2/1875, mất tháng 8/1997, thọ 122 tuổi v.v...
Giống như các động vật có * khác, loài người trải qua ba giai đoạn sinh tồn như sau:
1. Giai đoạn phôi thai: Giai đoạn này phụ thuộc vào sự nuôi dưỡng của mẹ để sinh trưởng và phòng chống những đe dọa của môi sinh.
2. Giai đoạn tăng trưởng: Đây là giai đoạn mà cơ thể đã đạt được sự cân bằng đối với môi sinh bằng cách bảo trì có hiệu quả các chức năng của tế bào.
3. Giai đoạn lão hóa: Trong giai đoạn này, khả năng bảo trì và sửa chữa các tế bào dần dần trở thành kém hiệu quả, nhiều loại tế bào chết đi và các chức năng của cơ thể suy giảm.
Các khoa học gia tin rằng, con người có một tuổi thọ nhất định tùy theo các yếu tố di truyền và dù cho có loại bỏ hết tất cả các bệnh có khả năng gây tử vong hay là những đe dọa của môi sinh, thì tuổi thọ đó cũng chỉ được tăng thêm 10 năm là cùng. Tuy nhiên tuổi thọ đó là bao nhiêu cho từng cá nhân hay từng cộng đồng thì không thể xác định được. Vậy nếu quý cụ thọ, thí dụ đến 60 tuổi ngày hôm nay, thì quý cụ có thể yên trí rằng quý cụ có những gen di truyền tốt đã giúp quý cụ chống đỡ mọi đe dọa của bệnh tật trong suốt 60 năm nay. Nay quý cụ chỉ cần theo đúng những phương pháp phòng, chống, chữa bệnh và những nguyên tắc căn bản về dinh dưỡng, tập luyện thể chất và tâm trí, thì có thể sống thoải mái, hưởng trọn tuổi vàng.

4. VÌ SAO TA GIÀ?

Về phương diện sinh học, lão hóa là một đặc điểm của các sinh vật “cao cấp” trong đó có loài người. Những sinh vật nguyên sinh ở cấp thấp như vi khuẩn (bacteria), loại chỉ có một tế bào như sinh vật đơn bào đều không già! Những sinh vật này sinh sôi nảy nở mà không cần phải có sự phối hợp của giống cái và giống đực, và đặc biệt chúng chỉ có một hệ thống nhiễm sắc thể trong nhân tế bào. Những sinh vật khác đều có hai hệ thống nhiễm sắc thể, sinh sản qua sự phối hợp của giống cái và giống đực, và bị chi phối bởi tiến trình lão hóa thiên nhiên. Trong các sinh vật này chỉ những yếu tố di truyền trong nhân của tinh trùng ở giống đực và trứng của giống cái là có khả năng bất tử, truyền từ đời này qua đời khác. Ngoài ra tất cả mọi tế bào đều có tuổi thọ riêng rẽ. Có nhiều tế bào không có khả năng tự phân chia và do đó không có thể tự sinh sản, như tế bào của cơ tim, tế bào mô thần kinh của não và tủy sống. Nhiều tế bào khác có tuổi thọ tương đối ngắn và không ngừng được thay thế bởi những tế bào mẹ được phân chia rất nhanh. Đó là những tế bào của máu, của lớp màng lót trong dạ dày và ruột, của các lớp da bên ngoài cơ thể.
Thời gian không làm tế bào già đi nhưng trong thời gian có những “đột biến” xảy ra khiến các tế bào bị ảnh hưởng và biến đổi, kéo theo sự biến đổi của cơ thể và sự suy giảm của các chức năng sinh lý. Nhưng duyên cớ đó gồm có:
1. Đồng hồ sinh học: Cơ thể con người đã được “thảo chương” theo những yếu tố di truyền để cho con người được sinh trưởng, lão hóa rồi chết trong trật tự thiên nhiên vào một thời hạn đã định trước. Khi các đồng hồ sinh học đó điểm giờ định mệnh là khi con người ngưng sống.
2. Sự tích lũy các sai lầm: Đây là sai lầm của các phần tử trong cơ thể. Trong tế bào và mô lành mạnh luôn luôn có một sự luân chuyển các thành phần hệ trọng như: enzym, nội tiết tố (hormon) và chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters). Trong mỗi quá trình luân chuyển thường có khả năng xảy ra những sai lầm và nếu những sai lầm đó tích lũy tới một mức độ nào đó thì những tế bào hoặc mô trở thành bất khả dụng và có thể chết. Ví dụ nếu một hóa chất nào đó ở tế bào não bộ bị suy thoái thì dù cho những tế bào đó còn sống nhưng não bộ cũng mất chức năng điều khiển các bộ phận trong cơ thể, dẫn đến hậu quả là cơ thể chết. Nếu những tế bào khiếm khuyết sinh sôi nẩy nở thì dù cho chúng không nằm trong những cơ quan điều khiển cơ thể, toàn bộ cơ thể cũng có thể bị hủy hoại dẫn đến tử vong như trường hợp các bệnh ung thư.
3. Sự tích lũy các chất phế thải: Trong quá trình biến hóa của từng tế bào, có sự tích lũy các chất phế thải. Sự tích lũy này có thể xem như một phần của tiến trình lão hóa. Về phía các tế bào không có khả năng phân chia như tế bào của cơ tim, thận và não, có một sự tích lũy dần dần của nhiều chất liệu mà các khoa học gia có thể nhận ra dưới kính hiển vi nhờ một phương pháp nhuộm màu đặc biệt. Một trong những chất liệu đó là chất “lipofuscin” biểu hiện tình trạng “hao mòn tả tơi” của mô tế bào về già.
4. Lão hóa các mô liên kết: Mô liên kết là một cấu trúc gồm các chất như nguyên bào sợi, chất tạo keo (collagen), thớ sợi co giãn. Những dấu hiệu của tuổi già do sự lão hóa mô liên kết rất dễ dàng thể hiện như tình trạng da và xương trở thành mỏng hơn và dễ vỡ; phổi, xương sụn, mạch máu mất khả năng co giãn; các bắp thịt và khớp xương trở thành trơ cứng. Sự trơ cứng của mô liên kết bắt nguồn từ liên kết chéo hóa học giữa các chuỗi phân tử dính liền nhau trong cấu trúc của các mô xơ.
5- Sự mất hiệu năng của hệ thống miễn dịch: Nếu có chất lạ xâm nhập cơ thể thì hệ thống miễn dịch sẽ phát giác ra ngay và huy động hệ thống phòng thủ để tiêu diệt hay loại trừ các chất lạ đó. Đó là phương cách mà hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus, nấm mầm bệnh, đồng thời ngăn chặn sự tích lũy các chất hữu cơ vô dụng trong cơ thể. Các tế bào hay chất liệu nào mà cơ thể không chấp nhận vì bị già cỗi suy yếu hay là ác tính (như ung thư) đều bị phát giác và tiêu hủy. Khi ta già hoặc khi một vài bộ phận trong hệ thống trở thành suy yếu thì hệ thống miễn dịch mất hiệu quả và khi đó cơ thể dễ bị nhiễm độc và dễ bị bệnh ác tính xâm nhập. Ngoài ra, hệ thống miễn dịch còn có thể mất khả năng chuyên biệt của nó và đôi khi còn hủy hoại các cơ quan trọng yếu của thân thể. Tiến trình này gọi là bệnh tự miễn dịch (autoimmune disease). Ví dụ bệnh này có thể hủy tuyến giáp trạng, nang thượng thận và lớp niêm mạc bao tử, gây nên phù niêm. Các chứng bệnh này thường gặp ở người cao tuổi và không phải do sự ngẫu nhiên, cho nên người ta tin rằng có một căn nguyên chung cho các chứng bệnh đó.
Trên đây là tóm tắt các diễn biến xảy ra trong và với thời gian mà hậu quả là sự biến đổi của cơ thể và sự suy giảm của các chức năng sinh lý.
Con người già không phải do thời gian trôi qua mà do sự biến đổi sinh lý hóa. Số năm mà ta đã sống không tương đương với tỷ lệ, mức độ của sự suy thoái sinh lý mà cơ thể ta đã chịu đựng. Bởi thế một người với tuổi niên đại là 60 có thể có một thân thể sung mãn tương đương với người ở tuổi sinh lý 40, hay ngược lại.

5. NHỬNG LÝ THUYẾT VỀ SỰ LÃO HÓA
Để giải thích diễn tiến lão hóa, nhiều khoa học gia đã đưa ra một số thuyết khác nhau. Và, lý thuyết cũng vẫn chỉ là những giả dụ chứ chưa được sự đồng thuận của các khoa học gia. Tại Mỹ, Viện Sức khỏe Quốc gia (National Institutes of Health), Viện Lão khoa Quốc gia (National Institute of Aging) phân chia những thuyết này thành hai nhóm:

1. Nhóm lý thuyết căn cứ trên sự sắp đặt theo chương trình
1.1. Lão hóa theo chương trình. Ngay từ khi thụ thai, gen di truyền đã sắp đặt một trình tự bất biến mà con người sẽ đi qua tám giai đoạn của cuộc đời: thụ thai, phát triển thai nhi, sinh đẻ, tăng trưởng, tuổi dậy thì, tuổi trưởng thành, tuổi già rồi chết. Ta thấy tuổi dậy thì xuất hiện vào 14 - 15 tuổi, tắt kinh khi nữ giới được 45 - 50 tuổi, tóc bạc vào tuổi 50 trở lên, vậy thì sự hóa già cũng được một cái đồng hồ gen sắp đặt sẵn để đến tuổi nào đó, cơ thể suy yếu, già đi rồi mai một.
1.2. Thuyết nội tiết tố. Trong cơ thể, nội tiết tố giữ vai trò quan trọng điều hành nhiều chức năng của các cơ quan, bộ phận: như chuyển hóa cơ bản, tăng trưởng phát triển của cơ thể... Vậy thì rất có thể kích thích tố cũng điều khiển, kiểm soát tiến trình hóa già. Chẳng hạn hormon tăng trưởng giảm dần với tuổi cao và khi về già không còn hormon này nữa.
1.3. Thuyết miễn dịch. Cơ thể khi sinh ra đã được trang bị một hệ thống phòng thủ chống sự xâm nhập của các vật lạ, gọi là miễn dịch. Cũng như bất cứ một lực lượng phòng vệ nào, miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng nhiều cách. Có thể là các bạch cầu trực tiếp tấn công, vô hiệu hóa vi khuẩn, nấm bệnh. Có thể là những bạch cầu đặc biệt tạo ra chất kháng thể, lưu thông trong máu và vô hiệu hóa những vật ngoại lai. Lý thuyết hóa già do miễn dịch suy yếu dựa vào hai nhận xét. Thứ nhất là với tuổi già, cơ thể sản xuất ít kháng thể đồng thời phẩm chất cũng kém. Thứ hai là với tuổi già, cơ thể đôi khi tạo ra kháng thể chống lại chính các phân tử protein bình thường, gây ra bệnh tật, suy yếu như trường hợp viêm khớp ở nhiều người già. Như vậy, do sắp đặt trước, khả năng miễn dịch suy giảm với thời gian, cơ thể dễ bị bệnh, sẽ suy yếu, già rồi chết. Thí dụ như khi bị cúm, người trẻ dễ chống lại nó và mau bình phục hơn một người cao tuổi.

2. Thuyết về sự lầm lẫn
2.1. Sự hư hao, tả tơi. Cơ thể, thịt xương, chức năng... hao mòn theo thời gian vì những va chạm, xâm lấn... mà nếu không được chữa trị, tu bổ thì chúng sẽ bị tiêu hủy và loại bỏ, mai một. Thuyết này được nhà bác học người Đức, August Weismann, đưa ra năm 1882. Theo ông ta, sự chết xảy ra là vì một mô hư không bao giờ tự nó tân trang được. Sự hư hao, tả tơi còn làm xói mòn các diễn tiến sinh hóa bình thường trong tế bào, mô, cơ quan. Theo Dan Georgakas, cơ thể già vì thường xuyên bị tác hại bởi nhiều áp lực từ bên ngoài như xúc động cảm giác, va chạm thực chất, nhiễm độc môi trường.
2.2. Liên kết chéo, chất liên kết thường là một hóa chất cột hai phân tử riêng rẽ với nhau. Sự gắn chéo (cross linkage) chất đạm làm tổn thương mô tế bào, ngăn cản sự thu nhập dưỡng chất, bài tiết chất phế thải, đưa đến sự suy yếu của cơ thể. Sự gắn chéo thường thấy ở các phân tử protein trong chất tạo keo, làm da khô, nhăn, không đàn hồi, hay ở khớp xương kém co duỗi, khi tuổi cao. Thuyết này cũng liên hệ tới sự sử dụng chất đường. Khi đường vào cơ thể, nó sẽ bám vào chất đạm, làm đạm chất chuyển sang màu vàng, trở nên bất khiển dụng, gây nguy hại và làm già cơ thể.
2.3. Thuyết về sự tích lũy những sai lầm. Để tăng trưởng, cơ thể liên tục biến chế các phân tử protein và ADN, nhưng những phân tử này không phải lúc nào cũng được sau cùng hoàn hảo. Có nhiều tổn thương trong sự tổng hợp chất đạm tạo ra chất đạm dị hình mà khi tích tụ nhiều sẽ gây hư hao cho tế bào, mô và các bộ phận. Theo thuyết này, khi ta về già thì cơ thể dễ phạm những lầm lỗi kể trên, đưa đến sự già.
2.4. Tích trữ những đột biến. Thuyết này liên quan đến các tế bào thân (somatic cells) là những tế bào luôn luôn sinh sản và hủy diệt. Gen trong tế bào bị ảnh hưởng của tác nhân nguy hại, như tia phóng xạ, hóa chất độc, thay đổi cấu tạo, làm tế bào hư hao, chức năng lệch lạc, khiến cơ thể không còn hoạt động. Sự đột biến này còn truyền sang thế hệ kế tiếp của tế bào khi tế bào này sinh sản.
2.5. Thuyết gốc tự do. Sự tích lũy các tổn thất của các tế bào cũng như cơ quan một ngày nào đó sẽ ngừng hoạt động. Đó là thuyết gốc tự do. Gốc tự do (free radical) là một phân tử hóa học có một cấu trúc khác với những phân tử hóa học thông thường vì nó có một nguồn điện không thăng bằng, một điện tử tự do (free electron). Phản ứng của gốc tự do rất cần thiết cho sự sống vì nó tạo ra năng lượng, sự miễn nhiễm, sự phát tín hiệu của hệ thần kinh, sự tổng hợp hormon, sự co giãn của các thớ thịt nhưng nếu số lượng của gốc tự do quá cao thì lại nguy hại cho sự sinh tồn.
Khi một gốc tự do dính vào một phân tử lành mạnh thì nó biến phân tử này thành một phân tử bất khả dụng, vì gốc này đánh phá cấu trúc của các phân tử, tạo ra những chất phế thải gọi là lipofuscin. chất lipofuscin chặn đứng khả năng tự sửa chữa và sinh sản của tế bào. Với thời gian, tác hại của gốc tự do dẫn đến sự lão suy của tế bào và tạo ra những biến thể, nguồn gốc của các bệnh ung thư. Gốc tự do cũng phá hoại các mô Collagen và mô chun khiến cho da bị mất tính chất co giãn và căng cường, một ví dụ là da mặt bị nhăn nheo ở những người già. Khi hợp với các phân tử protein thì gốc tự do tạo ra liên kết chéo giữa các phân tử, một hiện tượng của lão suy. Nguyên do của lão suy này là các phân tử riêng rẽ của một phân tử bị một chất hóa học hàn lại với nhau và bị mất khả năng hấp thụ nước, dưỡng khí, hay là các chất bổ dưỡng từ các mạch máu.
Gốc tự do tạo ra nguy cơ ung thư, tình trạng suy nhược của người già, bệnh xơ cứng động mạch và bệnh huyết áp cao. Nguồn sản xuất gốc tự do gồm các sản phẩm của sự căng thẳng tâm thần, bệnh tật, mệt mỏi, môi sinh xấu như không khí ô nhiễm khói thuốc hút, ozon, oxy, nitơ và phóng xạ (bao gồm ánh sáng mặt trời, chất phế thải nguyên tử, phóng xạ thất thoát từ lò viba); ngoài ra còn có các chất mỡ oxy-hóa, nước có khử trùng bằng chất chlorin, các chất hóa học trộn vào thực phẩm như nitrit, natri, sulfurdioxid v.v...
Trên đây là tóm lược các lý thuyết cố giải thích sự hóa già. Lý thuyết nào nghe cũng thuận tai nhưng chưa được chứng minh, không có đủ dữ kiện khoa học hỗ trợ và vẫn chỉ còn là lý thuyết.
Tóm lại, khi các tế bào bị hư hại nhanh hơn khả năng tự sửa chữa thì tiến trình lão hóa bắt đầu. Bình thường thì hệ thống miễn nhiễm trong thân thể làm nhiệm vụ phòng ngự và sửa chữa. Hệ thống đó tiêu diệt các tế bào biến thể hoặc bị hư hại do các nguồn tác hại như gen xấu, sự biến thể tự phát, chất độc trong môi trường, vi trùng, gốc tự do, sự gắn chéo, sự tích lũy các phế liệu. Ngoài ra chất chống oxy- hóa tự nhiên (antioxidants) tìm thấy trong sinh tố C và E, selenium có thể ngăn chặn sự cấu tạo của gốc tự do và các phản ứng gắn chéo. Tuy nhiên, nếu hệ thống phòng ngự và sửa chữa cơ thể không đủ sức để đối phó với sự thương tổn các chất tế bào thì không thể ngăn chặn được lão hóa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 13 Nov 2016

Đi tìm thuốc trường sinh

“Nhà Xuân vừa mở thọ diên,
Chén pha Giếng Cúc, bàn chen Non Đào”.

NGUYỄN HUY TỰ (HOA TIÊN)

Giấc mộng trường sinh, bất tử đã được ghi nhận từ thuở hoang sơ, khi con người còn ăn lông ở lỗ, trong những huyền thoại thần tiên, trong niềm mê tín dân gian, trong nguồn cảm hứng xuất thần của văn nhân thi sĩ hay luận lý của triết gia. Nó là động lực thúc đẩy những nhà thám hiểm lặn lội đi tìm suối nước trường sinh ở vùng đất lạ, cũng như là mục tiêu nghiên cứu của khoa học gia xưa và nay. Nó đã tạo cơ hội làm giàu cho những lang băm, những tên lường gạt rao bán ngỗng trời giữa chợ với môn thuốc tưởng tượng trị bách bệnh. Ngay trong Tân, Cựu Ước, kinh Koran cũng có nhắc tới nguồn nước trường sinh. Nó ám ảnh mọi người, mọi giống. Ai cũng mong mỏi sống mãi không già, thoát khỏi những tàn phá của cơ thể do thời gian, giữ mãi được nét thanh xuân đầy nhựa sống. Ai cũng nghĩ là ở đâu đó, có môn thuốc mà khi uống vào ta sẽ thi gan cùng tuế nguyệt. Ta chỉ việc cố gắng, kiên nhẫn tìm là sẽ tìm thấy nó.
Hôm nay, chúng tôi mời quý vị lang thang trong chốn cảnh tiên này, biết đâu chẳng may nhặt được vài trái đào của Tây Vương Mẩu rơi rớt đâu đây, uống lén chút rượu Kim Tương, để rồi cùng nhau vạn thọ vô cương, tiếp tục mè nheo người bạn đường sung sức.

* Trường sinh trong triết học
Đi trước các dân tộc khác, người Trung Hoa xa xưa đã có một khái niệm, một triết lý về sự sống lâu. Lão Tử từng quan niệm là nếu một sự vật có thể biến thành một sự vật khác thì với con người, sự chết cũng có thể thành bất tử. Như con nòng nọc có đuôi kia biến thành con cóc, con nhái, con sâu róm lột xác thành con bướm. Đạo Lão cho con người sống là sự hòa hợp của âm-dương, nếu giữ được sự hòa hợp này thì cuộc sống kéo dài. Quan niệm này đã và vẫn là căn bản cho Y thuật Trung Quốc cũng như ở các nước chịu ảnh hưởng văn hóa quốc gia này như Việt Nam, Triều Tiên. Lão Tử cũng khuyên người ta phải tiết kiệm sinh lực bằng vô vi, tập phép hô hấp để tăng dưỡng khí cho não bộ, ăn nhiều trái cây, kiêng rượu, thịt và sống cho phải đạo. 
Câu chuyện Luigi Cornaro, sinh năm 1470, sống cuộc đời phóng đãng hơn 30 năm, thầy thuốc nói cứ tiếp tục như vậy thì sẽ không qua được tuổi 50. Ông ta bèn thay đổi nếp sống, tiết mực hơn và kết quả là sống tới tuổi 103, để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm giá trị về bảo vệ sức khỏe. Hai trăm năm sau, nhiều người đã áp dụng lối sống của Cornaro.
Triết gia Platon, thọ 81 tuổi, khuyên ta không được rượu chè say sưa, nhất là ở tuổi trung niên, nếu muốn trường thọ. Thủy tổ nền y học Tây phương là Hippocrate, sống tới 80 tuổi, nhắc nhở con người nên từ từ, dung hòa ở mọi lãnh vực để giữ gìn nhựa sống, nhất là từ khi đặt chân lên ngưỡng cửa tuổi 60.
Có người muốn kéo dài sự sống thì cũng có người quan niệm ngược lại: sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường của tạo hóa, hà cớ chi phải bận tâm quá đáng. Sự chết cũng tốt cho loài người, tre già măng mọc, đèn cạn dầu đèn tắt, và đã hưởng hết lạc thú rồi thì sống lâu làm gì?

* Trường sinh trong huyền thoại
Huyền thoại Hi Lạp, Ấn Độ, La Mã đã ghi lại nhiều giai thoại trường sinh thần tiên. Nàng Eos yêu Tithonus hết mình, muốn cùng chàng bên nhau mãi mãi, nên xin Zeus, thần lãnh đạo Thiên Đường, cho chàng được bất tử. Tithonus sống mãi, nhưng càng già càng trở nên đau yếu, bệnh hoạn và phải nuôi trong phòng riêng. Eos rất buồn, vì khi xin cho chàng sống lâu, nàng đã quên không xin cho chàng vừa sống lâu vừa giữ được vẻ thanh xuân.
Người Ả Rập hay kể cho nhau nghe câu chuyện nhân vật quen thuộc El Khidr với Giếng Nước Vĩnh Cửu: Một hôm tình cờ El Khidr rửa con cá khô trong giếng nước, con cá tự nhiên quẫy động, sống lại. Không bỏ lỡ cơ hội, El Khidr nhảy xuống giếng tắm và trở thành bất tử.
Tại Hi Lạp khi xưa nghe đồn cũng có suối nước vĩnh cửu trong rừng Jupiter, mà theo truyền thuyết, ai tắm nước đó sẽ được phục hồi tuổi trai tráng và khỏe mạnh.

* Trường sinh trong văn học, nghệ thuật
Văn nhân thi sĩ cổ kim cũng khao khát sự trường thọ. Hesiod, thi sĩ Hi Lạp cổ, tả hình ảnh đầy hấp dẫn của giống người Golden Race, sống lành mạnh tới cả trên trăm tuổi, đến khi chết, ra đi một cách nhẹ nhàng, thoải mái như đi vào giấc ngủ say. Pindar thì tả cảnh thiên đường trường thọ của dân chúng trong một vùng nào đó giữa biển Atlantic: sống cả ngàn năm trong hoan lạc không biết gì đến đau ốm, bệnh tật. Trong tiểu thuyết Lost Horizon (Chân trời đã mất) xuất bản năm 1933, James Hilton tả cảnh sống thiên đường của dân chúng ở vùng Shangri-La. Trong sách Metamorphoses, thi sĩ La Mã Ovid kể lại chuyện vua Aeson của Hi Lạp được phục hồi sức khỏe bằng cách chích vào tĩnh mạch một hỗn hợp điều chế từ máu cừu đực chưa thiến, da rắn, thịt cú và rễ nhiều thảo mộc khác nhau.

* Trường sinh với các nhà thám hiểm
Nhiều nhà thám hiểm cũng đã giương cờ đi khắp năm châu bốn bể để tìm thuốc trường sinh.
Theo lời truyền lại thì Juan Ponce de Leon, người Tây Ban Nha, một phần vì già yếu, không thỏa mãn được cô vợ trẻ sung sức, lý do khác nữa là muốn tìm thần dược dâng Quốc vương Ferdinand II, nên đã lên đường tìm hiểu Tân Thế Giới với hy vọng kiếm được thần dược, hồi xuân. Không kiếm ra thuốc, nhưng ông ta đã tìm ra tiểu bang phì nhiêu, hiền hòa Florida năm 1513. Ông ta qua đời vì vết thương bị nhiễm độc trong khi giao tranh với thổ dân vào tuổi 63.
Tần Thủy Hoàng Đế, sau khi gom thâu lục quốc, dựng nên nghiệp đế, muốn bất tử để trị vì trăm họ, đã phái các phương sĩ Từ Phước và Lư Sinh căng buồm ra Biển Đông tìm thần dược. Lư Sinh, Từ Phước không tìm ra thuốc, nhưng đã tránh được đại họa thảm tử dưới tay Tần Đế và tìm ra những mùa xuân cho nhiều thế hệ con cháu trên đất Phù Tang phì nhiêu.
Năm 1498, Colombus tuyên bố là đã tìm ra miền vĩnh cửu ở dọc theo bờ biển Venezuela, gần đảo Trinidad.

* Trường sinh với căn bản khoa học
Bên cạnh những ý kiến, dữ liệu khó tin, nhiều người đương thời đã có cái nhìn nghiêm túc hơn về sự hóa già và phương cách trì hoãn diễn biến này.
Tu sĩ dòng Franciscan kiêm khoa học gia Roger Bacon (1214-1294) đã lý luận rằng người ta già vì sự mất bớt nhiệt năng bẩm sinh, nhưng nếu sống hợp lý cộng với thuốc men hiệu nghiệm, ta có thể trì hoãn sự mất mát này và sống lâu hơn. Ông ta hỗ trợ thuốc chế từ thịt rắn và tim hươu nai, một vài thảo mộc trong rừng ở Phi châu hay nước san hô, ngọc trai.
Người Do Thái khi xưa tin rằng con gái trẻ là phương thuốc chữa bệnh tốt: Vua David, khi về già không được khỏe, người cứ lạnh toát, đắp bao nhiêu chăn cũng không đủ ấm, thần dân bèn đặt Người nằm cạnh những thiếu nữ với ý định là để chân khí từ thiếu nữ tiếp sức cho vua.
Nhà luyện kim kiêm y sĩ Paracelsus của Đức, vào thế kỷ 16 tin tưởng rằng lão hóa là do sự thay đổi hóa chất trong cơ thể giống như sự rỉ sét của kim loại, và ông ta khuyên nên ăn uống cân bằng, ở trong vùng khí hậu ôn hòa, dùng những thuốc do ông ta chế.
Theo Leonardo Da Vinci, con người mau già là do hậu quả của mạch máu dầy lên, máu lưu thông khó khăn, dinh dưỡng suy giảm.
Trong những thế kỷ kế tiếp, việc tìm kiếm phương thuốc trì hoãn sự lão hóa mang ít nhiều tính chất khoa học hơn và được thực hiện bởi nhiều nhà chuyên môn quan tâm đến vấn đề này.
Descartes, Benjamin Franklin, Francis Bacon, Christopher Hufeland với nhiều công sức nghiên cứu đều tin tưởng là sự lão hóa và sự tử vong sẽ bị khoa học khuất phục. Hufeland còn khuyên ta nên tránh sự tức giận, sự tự hủy hoại, coi chúng là kẻ thù của trường thọ.
Jean Martin Charcot, y sĩ Pháp, được nhiều người coi là cha đẻ của lão học, xuất bản cuốn sách đầu tiên về khoa này năm 1867, nhan đề “Bài giảng lâm sàng các bệnh lão khoa và mạn tính” (Clinical Lectures on Senile and Chronic Diseases). Tác giả đề nghị nghiên cứu diễn tiến sự hóa già, nguyên nhân già, thay đổi cơ thể khi về già. Bác sĩ Ignatz Leo Nascher vận động để các trường Y khoa coi trọng phần nghiên cứu vấn đề liên quan tới sự hóa già. Những nghiên cứu kế tiếp cho sự suy yếu, hư hao của các cơ quan phản ánh sự hóa già, rằng nếu giảm tốc độ biến hóa, ta có thể trì hoãn diễn tiến này.
Sau Thế chiến hai, tốc độ nghiên cứu về vấn đề già phát triển mạnh. Ngày nay, trên thị trường thương mại, ta thấy bán nhiều hóa chất được người chế ra trên quảng cáo là có công hiệu trì hoãn sự lão hóa. Nhớ lại vào giữa thập niên năm mươi, nhiều người cao tuổi ở miền Nam Việt Nam đua nhau dùng thuốc Gerovital-KH3. Thuốc này được một bác sĩ người Rumany điều chế và được đồn đại là các nhân vật nổi danh như Tướng de Gaulle, Thủ tướng Adenauer, văn hào Somerset Maugham cũng có thử. Gerovital vẫn còn được bán tự do, nhưng không được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ công nhận giá trị chống lão hóa như quảng cáo. Nhiều người hiện đang dùng các loại sinh tố, các chất kim, chất chống oxy hóa các loại kích thích tố, Q.10, Glutathion, Melatonin, Sod, DHEA, Omega-E và được giới thiệu là có thể làm chậm sự lão hóa.
Các khoa học gia đang đi xa hơn trong công việc này. Họ nhằm vào việc thay đổi gen trong nhiễm thể tế bào. Việc giới hạn tác hại của các sản phẩm trong chuyển hóa của các tế bào. Đi xa hơn nữa, họ nghĩ tới chuyện thay thế những bộ phận hư hao bằng bộ phận tạo ra từ tế bào, được nuôi dưỡng, cấu tạo trong phòng thí nghiệm hay trên bào thai, để tránh hiện tượng đào thải. Một ngày nào đó, biết đâu ta lại chẳng tân trang được cơ thể con người mà chỉ cần đưa đi kiểm tra mười năm một lần...
Trở lại thực tại, ta thấy tuổi thọ con người đã tăng đáng kể trong hơn trăm năm qua. Chừng nửa thế kỷ nữa, Hoa Kỳ sẽ có khoảng 75 triệu người trên 65 tuổi trong tổng số trên dưới ba trăm triệu dân. Đó là thành quả những tiến bộ tuyệt vời của khoa học cũng như sự thay đổi nhân sinh quan của loài người. Nhà bác học người Pháp, Louis Pasteur, năm 1856, đặt nền móng cho việc tiêu diệt nhiều bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân tử vong cao ở các thế kỷ trước, đã là người có công đầu trong việc gia tăng tuổi thọ. Rồi khi sống lâu, loài người lại phải đối phó với những khó khăn mới gây ra do môi trường cũng như do thói quen xấu, những bệnh nan y xuất hiện như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường. Con người đã ý thức được vấn đề mới đó và đang ứng phó rất hiệu nghiệm tài tình.
Do sự gia tăng số người cao tuổi, sẽ có nhiều sắc thái mới trong sinh hoạt của gia đình, xã hội. Những người trên 70 tuổi sẽ có nhiều việc để làm trong khoảng thời gian trên dưới 30 năm còn lại của cuộc đời. Sẽ có nhiều người 70, 80 đi làm, đi học để cập nhập kiến thức. Hãng du lịch sẽ phát triển mạnh để thỏa mãn nhu cầu người già. Tỷ lệ lão niên nữ cao hơn nam vì sống lâu hơn. Sẽ có nhiều cặp nhân tình đầu bạc sống chung để nương tựa, đầm ấm với nhau. Sẽ có nhiều trường hợp con cái dọn về ở với cha mẹ già để họ bớt cô đơn. Kỹ nghệ phục vụ nhu cầu người cao tuổi sẽ phát triển mạnh. Đồng thời khối cử tri của người cao tuổi sẽ có ảnh hưởng nhiều tới các vấn đề trọng yếu của quốc gia. Người già sẽ lấy lại được sự trân trọng như ở Việt Nam ta vào những thế kỷ trước hay tại Anh dưới triều đại nữ hoàng Victoria.
Và trong tương lai, khoa học nghiên cứu sẽ hướng nhiều vào việc thêm đời sống vào tuổi tác chứ không chỉ chồng chất năm tháng lên đời sống (adding life to years, not just adding to life), để nhân loại sống trong thế kỷ thứ 21 với tinh thần sống lâu, sống khỏe, mọi vẻ mọi hay. Đó sẽ là những chén rượu Kim Tương, những trái Bàn Đào mà chúng ta mong đợi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 13 Nov 2016

Những thay đổi của cơ thể khi về già

Sự tiêu hóa thực phẩm bắt đầu từ miệng. Thức ăn được răng nhai nghiền nhỏ để có thể nuốt xuống bao tử, với sự hỗ trợ của nước miếng.

1. THAY ĐỔI VỀ BỘ MÁY TIÊU HÓA
Bao tử co bóp, chuyển động như cái máy giặt quần áo để biến đổi thức ăn sang trạng thái lỏng, với tác dụng của dịch vị tiết từ bao tử. Một phần lớn chất đạm được tiêu hóa ở đây. Thức ăn sau đó được chuyển xuống sáu thước ruột non. Nơi đây, enzym của tụy tạng và của ruột non tiếp tục tiêu hóa chất đạm và đường bột, đồng thời sự tiêu hóa chất mỡ cũng được tiếp tục dưới tác dụng của mật. Chính ở ruột non này, sự nuôi dưỡng cụ thể cho con người được thực hiện bằng sự hấp thụ các chất bổ dưỡng vào mạch máu. Khi thức ăn đến ruột già, nước được hút lại, chất bã được phế thải ra ngoài. Trung bình, diễn tiến hoàn tất sự tiêu hóa thực phẩm từ khi vào miệng tới khi phế thải kéo dài từ 7 đến 12 giờ đồng hồ.
Với tuổi cao, sẽ có vài thay đổi như sau: Miệng khô vì tuyến nước bọt tiết ít làm nhai khó khăn và làm giảm thưởng thức vị ngon của thức ăn. Dịch vị giảm khoảng 25%, bao tử co bóp yếu. Ở ruột non, hấp thụ calcium giảm làm yếu xương, hấp thụ sinh tố B12 ít đi mà sinh tố này cần cho việc tạo hồng cầu và sinh lực trong cơ thể. Chức năng sản xuất mật của gan không thay đổi mấy và dù có cắt đi 80% lá gan, ta cũng còn đủ lượng mật cần thiết để tiêu hóa chất mỡ. Ruột già mỏng hơn, vài chỗ phình ra làm thành vài túi nhỏ lưu giữ vi trùng gây nhiễm độc.
Trái với quan niệm thông thường, không có thay đổi mấy về chức năng của ruột già khi tuổi tăng. Nhiều người cứ cho là về già hay bị táo bón, chứ thực ra sự đại tiện của họ đều bình thường như ở người trẻ, vậy mà sự tiêu thụ thuốc nhuận tràng vẫn rất nhiều ở lớp tuổi cao này. Nói chung, khi về già không có thay đổi đáng kể trong hệ thống tiêu hóa ngoài vài lủng củng nhỏ mà phần lớn liên hệ tới ăn uống không điều độ, thiếu dinh dưỡng, không vận động cơ thể, tác dụng phụ của dược phẩm, và người già vẫn thưởng thức được những món ăn ưa thích từ lúc còn trẻ.

2. THAY ĐỔI VỀ BỘ MÁY HÔ HẤP
Bộ máy hô hấp, với nhiệm vụ mang dưỡng khí nuôi cơ thể, gồm hai lá phổi và phế quản. Phổi gồm cả triệu phế nang, mà khi trải rộng ra có thể bao phủ cả một sân đánh quần vợt. Chính ở những phế nang này mà dưỡng khí được chuyển sang mạch máu để đi nuôi cơ thể và lấy thán khí để thải ra ngoài. Phế quản có hình dáng một cái cây lộn ngược, với nhiều nhánh nhỏ để dẫn không khí vào phế nang. Nhịp thở trung bình khi nghỉ là 15 nhịp một phút, tăng nhanh khi cơ thể hoạt động mạnh hoặc thán khí trong máu lên cao. Trong mỗi nhịp thở có khoảng 1/2 lít không khí ra vào phổi. Khi sự hô hấp ngưng chừng 5 phút thì não bộ sẽ có những tổn thất vĩnh viễn, trầm trọng.
Với tuổi cao, không có thay đổi đáng kể về hô hấp, ngoại trừ trong phế nang dưỡng khí ít mà thán khí lại cao, do đó dưỡng khí trong máu giảm, làm cơ thể chóng mệt khi hoạt động mạnh.

3. THAY ĐỔI VỀ HỆ THỐNG TIM MẠCH
Bộ máy tuần hoàn gồm bơm đẩy là tim và mạng lưới mạch máu lớn nhỏ chạy khắp cơ thể.
Tim được ví như tòa nhà song lập hai tầng trái phải với hai tâm nhĩ ở trên, hai tâm thất ở dưới ngăn cách nhau bằng van để hướng dẫn máu lưu thông một chiều từ trên xuống dưới.
Mạng lưới mạch máu gồm: Động mạch phổi từ tâm thất phải đưa máu có nhiều thán khí lên phổi để trao đổi lấy dưỡng khí rồi máu đó theo tĩnh mạch phổi trở lại tim; còn mạng mạch máu của vòng tuần hoàn lớn thì đưa máu đỏ nhiều oxy từ tâm thất trái đi nuôi dưỡng khắp toàn thân. Mỗi ngày tim bơm khoảng bảy lít máu vào chín chục ngàn cây số mạch máu lớn nhỏ. Bình thường tim đập 70 nhịp một phút và một tế bào máu chạy từ tim xuống ngón chân rồi trở lại tim mất 12 giây.
Khi tới tuổi cao, sẽ có một vài thay đổi về chức năng cũng như cấu tạo của hệ tuần hoàn. Cách đây năm thế kỷ, Leonardo Da Vinci đã quả quyết là sự dày cứng của mạch máu đưa tới sự hóa già, ngăn cản sự lưu thông của máu và làm giảm sự nuôi dưỡng cơ thể. Khoa học ngày nay đồng ý một phần nào đó với nhận xét trên, nhưng nêu câu hỏi là những thay đổi đó có phải do tuổi già hay do lối sống của con người gây ra. Thay đổi quan trọng nhất là vách tâm nhĩ trái dày lên, cứng, kém đàn hồi vì có nhiều chất vôi và collagen đóng lên vách mạch máu, khiến sự lưu thông của máu khó khăn, chậm chạp.
Nói chung với tuổi già, chỉ có một chút giảm về sự lưu thông của máu trong cơ thể, giảm cung cấp dưỡng khí khiến ta mau mệt khi hoạt động mạnh. Còn thắc mắc là tỷ lệ tử vong do bệnh tim ở người già rất cao, vì con người mắc bệnh tim do tập quán ăn uống, lối sống, môi trường chứ không phải do dự hóa già gây ra.

4. THAY ĐỔI TẠI XƯƠNG, KHỚP XƯƠNG, VÀ CƠ BẮP

A. Xương
Bộ xương giúp cơ thể đứng vững, chuyển động, che chở các bộ phận sinh tử và là nơi dự trữ calcium. Xương được cấu tạo bởi một hỗn hợp gồm khoáng chất (nhất là calcium 45%), cơ trơn theo mạch máu, tế bào (30%) và nước (25%). Có ba loại xương: xương dài cứng, xương ngắn mềm và xương dẹt. Xương được liên tục tu bổ để thay thế xương cũ bằng xương mới, và chất calcium giữ vai trò rất quan trọng trong việc tạo xương. Khi về già, calcium trong máu giảm, vì ruột non không hấp thụ calcium tốt như khi còn trẻ cũng như vì khẩu phần không có đủ calcium, khiến xương trở nên yếu, giòn, dễ gãy, lâu lành. Thêm vào đó, khi calcium trong máu xuống thấp, cơ thể lại lấy calcium ở trong xương ra để đáp ứng các nhu cầu khác như hoạt động của hệ thần kinh, làm đông máu, hoạt động của cơ bắp. Khối lượng xương cũng giảm, nhất là ở nữ giới khi tắt kinh vì kích thích tố nữ estrogen ít đi.

B. Khớp xương
Khớp là nơi hai mặt xương tiếp giáp với nhau. Có ba loại khớp chính: khớp cử động tự do như khớp xương ở đầu gối, cổ tay; khớp cử động có giới hạn như khớp cột sống; khớp không cử động như khớp xương sọ. Sở dĩ khớp cử động trơn tru được là nhờ chất nhờn và sụn nằm độn giữa khớp, như một cái bao, bọc hai đầu xương, đồng thời cũng để tránh sự cọ xát giữa hai mặt xương. Khớp được giữ ở đúng vị trí để cử động nhờ những dây chằng như gân, nối xương với bắp thịt, dây chằng nối hai xương với nhau. Khi về già, chất nhờn và sụn giảm bớt, gân và dây chằng ít đàn hồi làm sự co duỗi của khớp bị giới hạn. Với thời gian, khớp cũng gặp những thương tổn tuy nhẹ nhưng tích lũy, làm khớp hay đau nhức và cử động khó khăn.

C. Cơ bắp

Trong cơ thể, cơ bắp chiếm gần nửa trọng lượng. Đó là cơ ở trái tim, thành mạch máu, bao tử, ruột, nhất là cơ bắp bao bọc bộ xương gồm những mô nối vào xương, khớp xương qua gân và dây chằng. Sự kết nối này giúp con người chuyển động, di chuyển một cách rất tài tình mỗi khi cơ co dãn hay đàn hồi theo ý muốn của ta. Sự cử động này không những là sinh hoạt của cơ thể mà còn để duy trì sự tăng trưởng cơ bắp, vì nếu không cử động, cơ sẽ teo đi, và được thay thế bằng mô mỡ, nước. Khi cơ hoạt động, nó cần năng lượng do dưỡng khí và chất bổ dưỡng cung cấp, đồng thời nó cũng thải ra chất bã như acid lactic, chất bổ dưỡng là thức ăn do máu cung cấp như chất đường, đạm, mỡ, acid lactic. Khi ứ đọng nhiều sẽ làm cơ mau mệt.
Với tuổi già, khối bắp thịt nhỏ dần do sự giảm kích thước nhất là giảm số lượng những tế bào cơ. Tế bào cơ, cũng như tế bào thần kinh, khi giảm đi sẽ không được thay thế. Sinh ra, ta đã có một số cơ nhất định và số lượng này tồn tại suốt đời người. Khi không được sử dụng, kém dinh dưỡng hay không tiếp nối với hệ thần kinh, cơ sẽ teo đi. Sự vận động cơ thể không làm tăng số cơ nhưng làm chúng to hơn. Ở người cao tuổi, đã ít tập dượt lại sống quá tĩnh tại, chức năng bắp thịt thay đổi rõ rệt. Sức mạnh bắp thịt giảm chút ít vào tuổi 40-50; giảm 20% ở tuổi 60; giảm 40% khi ta 70-80 tuổi. Sự suy yếu này xảy ra ở chân nhiều hơn ở tay. Ngoài ra, chức năng cơ thịt người già cũng giảm vì sự thoái hóa, mất tính đàn hồi của gân và dây chằng.

5. THAY ĐỔI Ở NÃO BỘ
Não bộ của người trưởng thành, nặng chừng 1,5 kg, là một khối mềm như bột bánh với 1000 tỷ tế bào thần kinh màu xám nhạt. Mỗi tế bào thần kinh nối kết với nhau theo cả ngàn cách, tạo thành một mạng lưới có tác dụng sinh hóa lớn để điều hòa mọi sinh hoạt của cơ thể. Khi sinh ra, ta có số tế bào nhất định, không tăng hay tái tạo, nhưng lại mất dần theo thời gian. Mỗi ngày có độ 60.000 tới 100.000 tế bào thần kinh chết đi ở những vùng não khác nhau, cho tới tuổi 65 thì hầu như 1/10 tổng số tế bào đã bị tàn sát, một sự tàn sát mà cho tới bây giờ được coi như không có sự thay thế. Câu hỏi thường được đặt ra là tế bào mất tới mức độ nào thì sẽ tạo ra sự thay đổi các chức năng của não? Cũng có nhận xét khoa học cho là, khi một tế bào thần kinh chết đi thì tế bào kế cận sẽ phát ra một hệ thống nối tiếp mới, để hoạt động thay thế tế bào đã mất, nên não vẫn hoạt động đều đặn cho tới khi con người đi vào giai đoạn tử vong, ngoại trừ khi não bị thêm những tổn thất gây ra do bệnh tật, thương tích.
Khi về già, có những thay đổi sau đây:
1. Cuống não. Cuống não chịu một phần trách nhiệm trong việc điều hòa nhịp thở của phổi, nhịp đập của tim, sự đi đứng, ngủ nghỉ. Tế bào thần kinh ở cuống não ít bị tiêu hao, ngoại trừ ở phần kiểm soát, điều hòa sự ngủ, nên người cao tuổi thường hay có khó khăn khi ngủ, nghỉ.
2. Tiểu não. Tiểu não điều khiển tư thế, động tác của con người như đi, đứng, ngồi, chạy, bằng cách kiểm soát chức năng của cơ bắp, gân, khớp xương. Tiểu não kiểm soát các động tác của cơ thể. Khi về già, tế bào thần kinh ở tiểu não bị tổn thất rất nhiều, nên người cao tuổi đi đứng, cử động khó khăn, đôi khi không phối hợp nhịp nhàng các cử động được.
3. Cầu não. Cầu não nằm sâu trong não bộ, kiểm soát và điều hòa một phần cảm xúc như sợ hãi, tức giận, một số khả năng ngửi mùi vị, nghe âm thanh, điều hòa thân nhiệt, huyết áp. cầu não thay đổi rất ít với tuổi cao.
4. Hệ viền. Bộ phận chính của hệ viền (limbic System) là hải mã (hippocampus), có nhiệm vụ quan trọng trong việc ghi nhận trí nhớ, nhất là chuyển trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn. Ngoài ra, hệ viền còn điều hòa khứu giác, khả năng học hỏi, cảm xúc vui, sợ, giận dữ. Hệ viền bị ảnh hưởng rất nhiều vì tuổi cao. Có vùng, 30% tế bào mất đi, gây trở ngại cho sự học cũng như ghi nhận trí nhớ.
5. Đại não. Đại não là hai khối hình bán cầu, mà phần chính là vỏ não với 75% tổng số tế bào thần kinh. Vỏ não được chia làm nhiều vùng với nhiệm vụ riêng biệt cũng như chịu những biến đổi lão hóa khác nhau. Vùng kiểm soát cử động mất từ 20 tới 50%; vùng thị giác mất 50%; vùng thính giác mất 30 - 40%; vùng trí nhớ hầu như không bị thất thoát gì.
Ngoài ra với tuổi cao, máu đưa tới não bộ giảm, dưỡng khí và chất bổ ít đi, não thay đổi hình dáng, có nhiều chất bắt màu lipofuscin được tạo ra, bám vào tế bào não, gây ra một số trở ngại cho nhiều chức năng của hệ thần kinh. Nhưng nói chung, não là cơ quan duy nhất trong cơ thể mà khi về già vẫn tiếp tục cải tiến, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, sự khéo léo, sáng tạo, sự xét đoán, độ nhạy cảm và sự khôn ngoan của con người.
Image

6. THAY ĐỔI VỀ KHẢ NĂNG MIỄN DỊCH
Khi sinh ra, con người đã được tạo hóa ban cho những hệ thống phòng thủ chống lại bệnh tật, mà trong đó có khả năng miễn dịch. Khả năng này được thực hiện qua hai loại bạch cầu lympho (lymphocyte). Chúng tạo ra kháng thể đặc biệt để tiêu diệt vi trùng gây bệnh và ngăn ngừa sự tái phát của bệnh này trong tương lai. Chúng cũng rất công hiệu trong việc tiêu diệt tế bào ung thư. Lúc mới sinh, tế bào này được một bộ phận gọi là tuyến ức nằm sau xương ức sản xuất ra để chống vi trùng. Đáng tiếc là tuyến ức (Thymus) thoái hóa với thời gian, các tế bào miễn dịch nói trên sẽ được tủy sống, các hạch và lá lách sản xuất, nhưng vì không được sự điều khiển, huấn luyện của tuyến ức, nên chức năng phòng vệ cơ thể kém phần hiệu nghiệm. Người già do đó dễ bị mắc bệnh nhiễm trùng cũng như có nguy cơ ung thư.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 13 Nov 2016

Những thay đổi hình dáng bề ngoài

Thay đổi về vẻ dáng bề ngoài đôi khi là những chỉ dấu đầu tiên báo hiệu sự đến của tuổi già, và con người có những ngỡ ngàng, những ưu tư trước thay đổi đó.

1. Thay đổi về tóc
Với khoa học, tóc bảo vệ cho đầu khỏi bị tác dụng nguy hại của ánh nắng mặt trời, ngăn ngừa sự xâm nhập vật lạ vào mắt, mũi. Nhưng với con người, tóc là món đồ trang trí quý giá, một biểu tượng cá tính, nên được chăm sóc chu đáo. Khi tóc thay đổi với tuổi già thì nhiều người cảm thấy không vui, tìm đủ mọi cách để che đậy. 
Về cấu tạo, tóc là một tập hợp những tế bào khô đã chết được đẩy lên khỏi da từ chân tóc. Trong chân tóc, có mạch máu, dây thần kinh, tuyến tiết chất nhờn. Trung bình trên đầu có trên 100.000 sợi tóc, và mỗi ngày rụng đi khoảng 100 sợi. Trong sợi tóc, có tế bào sinh sắc tố với số lượng khác nhau khiến tóc có thể có màu đen, vàng, nâu hay đỏ.
Cho tới nay, chưa có giải đáp thỏa đáng cho nhiều thay đổi của tóc khi về già, như thay đổi về số lượng, màu sắc, phẩm chất của tóc. Mặc dù những thay đổi này không mang lại ảnh hưởng xấu cho sức khỏe nhưng con người rất quan tâm.
* Tóc bạc: về màu sắc, sức khỏe tóc bạc hay tóc hoa râm là những dấu hiệu sớm của tuổi về già. Tóc bạc bắt đầu từ hai bên thái dương rồi lan lên đỉnh đầu. Mới đầu, nó còn có tính cách muối tiêu, trắng đen lẫn lộn, sau đó thì muối nhiều hơn tiêu, sở dĩ tóc thành trắng là vì loại tế bào sinh hắc tố trên sợi tóc giảm đi, tóc thành không có màu, ánh sáng phản chiếu lên làm tóc như trắng, cho đến nay, khoa học chưa chứng minh được tại sao tế bào tiết ra hắc tố lại giảm đi cũng như chưa tìm ra cách ngăn ngừa sự giảm này. Có người bảo vì thiếu sinh tố loại B, kém dinh dưỡng, hoặc do căng thẳng tâm thần, buồn phiền. Vì không ngừa, không chữa được nên con người che đậy, thay đổi sự bạc trắng này bằng mỹ phẩm nhuộm tóc, mang tóc giả.
Mặc dù được coi là dấu hiệu sớm của tuổi về già, nhưng sự bạc tóc chỉ xảy ra ở khoảng 65% người cao tuổi, còn 35% thì hoặc tóc không bạc hay chỉ bạc khi tuổi rất cao. Có nhiều thanh niên, 25 - 30 tuổi tóc đã bạc. Thành ra sự bạc tóc không báo hiệu sự hóa già của các bộ phận trong cơ thể, cũng như không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay tới tuổi thọ. Còn huyền thoại Ngũ Tử Tư, sau một đêm trầm suy, sáng dậy tóc đã trắng xóa cũng vẫn chỉ là huyền thoại, không có căn bản giải thích khoa học.
* Rụng tóc: Rụng tóc là một hiện tượng bình thường xảy ra từ khi còn trẻ nhưng tóc thường rụng nhiều hơn khi tuổi cao, nhất là khi da đầu bị nhiễm trùng hay do tác dụng của một vài dược phẩm, chất phóng xạ trị liệu, vài loại thực phẩm. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 100 sợi tóc rụng. Nhiều người cao tuổi bị hói đầu, nhưng theo khoa học, 90% trường hợp hói là do di truyền. Lông nách và lông mu cũng rụng dần theo tuổi.
Ngoài ra, khi về già tóc khô, giòn vì các tuyến nhờn kém hoạt động.
Ở nữ giới, có thể mọc râu ria khi mà số lượng hormon sinh dục nữ giảm vào thời kỳ tắt kinh và gây nhiều ngượng ngùng cho quý bà. Ngoài ra, khi nữ giới dùng thuốc có hormon sinh dục nam, lông tóc cũng mọc ra ở mặt và thân thể, nhưng khi ngừng thuốc, lông tóc ngừng mọc.

2. Thay đổi về da
Với diện tích 17 mét vuông, da là bộ phận lớn nhất của cơ thể, và về phương diện cấu tạo, da đã làm nhiều kiến trúc sư kinh ngạc, ghen tị vì độ dẻo dai bền bỉ, nhạy cảm, đàn hồi của nó. Da là đồng minh bảo vệ cơ thể chống ngoại vật như vi trùng, cát bụi, sự phũ phàng của thời tiết nóng lạnh, của thay đổi thiên nhiên. Nhưng da cũng tố giác tuổi già với nhiều thay đổi không đẹp như da nhăn nheo, khô ráp, chảy sệ hay những vết màu đồi mồi.
Về cấu tạo, da có ba lớp chính: biểu bì, bì và hạ bì với nhiệm vụ khác nhau.
Biểu bì là lớp ngoài cùng gồm tế bào tiết chất cứng gelatin để bảo vệ da, tế bào sinh sắc tố làm da có màu và chặn tia tử ngoại xâm nhập cơ thể. Biểu bì được liên tục thay thế và trong cuộc đời 70 tuổi, ta mất đi tới 20kg da!
Bì là một mạng lưới tế bào với hai chất elastin, collagen làm da được bền bỉ và co dãn. Bì còn có nhiều mạch máu, dây thần kinh, tuyến mồ hôi, tuyến nhờn và chân lông.
Hạ bì nằm dưới cùng, có nhiều tế bào mỡ, dây thần kinh, mạch máu và có tác dụng gắn lớp bì và biểu bì vào cơ thể.
Sự lão hóa mang đến nhiều thay đổi không đẹp cho hình dáng con người ở cả ba lớp da. Biểu bì tiêu hao nhiều hơn là tái tạo, mô mới kém tổ chức làm biểu bì mỏng manh. Tế bào melanin mất bớt, chất elastin và collagen cũng giảm, tuyến mồ hôi và tuyến nhờn teo, giảm hoạt động. Những thay đổi này đưa đến các hậu quả sau đây:
a. Da nhăn. Sự xuất hiện của lớp da nhăn đầu tiên trên cơ thể làm nhiều người hoảng hốt vì với da nhăn nheo, con người trông thấy như già đi. Da trở nên nhăn vì ở người già, chất collagen ở lớp bì giảm đi, chất elastin lại tăng lên, làm da mất tính đàn hồi. chúng ta có thể đo sự mềm dịu đàn tính của da bằng cách kẹp lớp da giữa hai ngón tay trong ít giây, rồi thả ngón tay ra, tính xem mất mấy giây để lớp nhăn trở lại bằng phẳng. Thường thì một hai giây, nhưng ở người trên 60 tuổi, phải mất vài chục giây. Da nhăn nheo không có nghĩa là những cơ quan cốt yếu trong cơ thể cũng suy mòn đi bởi vì, ở người trẻ tuổi mà da không được chăm sóc thì cũng vẫn nhăn nheo như thường.
b. Da khô. Với tuổi cao, sự bài tiết mồ hôi giảm vì những tuyến mồ hôi giảm số lượng hoặc kém hiệu năng, đồng thời tuyến dầu bớt sản xuất chất nhờn, làm da trở nên khô, ngứa, nhất là về mùa lạnh.
c. Thay đổi khả năng điền hòa thân nhiệt. Dưới lớp bì và biểu bì là một lớp mô mỏng chứa nhiều chất mỡ có công dụng chống sự thất thoát thân nhiệt. Ở người cao tuổi, lớp mỡ này mỏng đi, nhất là trên bàn tay, mặt, gan bàn chân, nên người già thường than phiền dễ bị lạnh. Các cảm giác ngoài da cũng kém, nhất là cảm giác đau đớn nên người cao tuổi hay bị thương, bị phỏng ở bàn chân, số lượng những mạch máu nhỏ trong da ít đi, nên người già chịu đựng độ lạnh kém người trẻ. Một hậu quả có thể gây chết người vì kém chịu lạnh này là sự giảm thân nhiệt, xảy ra khi nhiệt độ hạ thấp dưới mức an toàn.
d. Chậm lành vết thương. Xúc giác giảm làm giảm độ nhạy cảm của da khi tiếp xúc với hóa chất kích thích, đồng thời sự suy yếu của hệ miễn dịch nên người già hay bị tổn thương nơi da và khả năng lành da cũng rất chậm vì máu nuôi dưỡng da bớt đi.
Nhìn chung, những thay đổi theo tuổi già của da xuất hiện rõ ràng nhất ở trên mặt. Vầng trán nhăn nheo với vết rạn chân chim ở đuôi con mắt, da mặt mỏng, xương mặt nhô, mạch máu lộ trên da, mí mắt xệ, quầng mắt sạm đen, vành tai to chảy xuống, tạo vẻ hai cằm.

3. Thay đổi chiều cao
Với tuổi đời chồng chất, con người như co ngắn lại, và dáng điệu ngay thẳng hiên ngang lúc trai tráng không còn nữa. Trung bình, khi về già, đàn ông thấp đi khoảng 2cm, đàn bà mất l,5cm. Đây là do ảnh hưởng của một số yếu tố như sự giảm nước trong cơ thể, các bắp thịt yếu, thay đổi vóc dáng, sự hoại cốt, xương sống hao mòn và biến dạng. Riêng ở nữ giới, nguyên nhân chính của sự thu ngắn chiều cao vẫn là do loãng xương vào thời kỳ tắt kinh.

4. Thay đổi trọng lượng cơ thể
Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu đều xác nhận là, trọng lượng của cơ thể tăng lên ở tuổi trung niên rồi bớt xuống khi già. Đồng thời tế bào mỡ tăng, thay thế vào chỗ những tế bào thịt mất đi vì ta không sử dụng đến chúng. Tế bào mỡ xuất hiện nhiều nhất ở vùng bụng và hông.

5. Một số thay đổi khác
Nhận xét chung cho thấy, về già vòng ngực tăng lên, sống mũi và dái tai dài ra một chút. Trên xương đầu thì những khớp nối của xương dính liền lại, xương sọ dày lên. Móng tay, móng chân mọc chậm, đổi màu và có những lằn gợn gồ ghề. Ở tuổi thanh niên, 60% trọng lượng của cơ thể là nước, khi về già chỉ còn có 51% mà nguyên do là số lượng tế bào hoặc mất đi hoặc teo đi.
Trên đây là những thay đổi bình thường xảy ra trong tiến trình lão hóa. Ngày nay khoa học đã chứng minh là ta có thể làm những thay đổi này chậm lại bằng cách sống theo quy luật tự nhiên, tránh lạm dụng những chất có hại cho cơ thể, vận động cơ thể đều đặn cho khí huyết lưu thông, gân cốt thư giãn, cũng như giữ lòng luôn luôn an lạc, như lời người xưa: “Lạc giả trường thọ, ưu giả dị yểu”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 13 Nov 2016

Thay đổi giác quan

Trong năm giác quan, có hai giác quan chịu nhiều thay đổi nhất khi về già là thị giác và thính giác.

1. Thay đổi ở mắt - thị giác
Chỉ nặng 28 gam, đường kính 2,5cm, nhưng cặp mắt mang lại cho ta tới hơn 90% những dữ kiện về ngoại cảnh cần thiết cho đời sống hàng ngày. Mắt thu những tín hiệu ánh sáng, chuyển lên não bộ để được phân tích, tổng hợp thành sự vật cho thị giác như sau: Tia sáng đi qua giác mạc, đồng tử, thủy tinh thể, rồi rọi lên võng mạc, rồi được dây thần kinh thị giác chuyển lên não bộ. Giác mạc trong suốt, nằm đằng trước nhãn cầu. Đồng tử hay con ngươi là một lỗ mà sự lớn nhỏ được điều khiển bởi mống mắt, một cơ quan gồm có những thớ cơ nhỏ làm mắt có màu đen, xanh hay xám. Thủy tinh thể là thấu kính tham gia điều chỉnh hội tụ ánh sáng. Võng mạc có nhiều tế bào thần kinh thu nhận tín hiệu ánh sáng từ sự vật, chuyển lên não để tổng hợp thành thị giác.
Một ngày nào đó, khi cầm tờ báo lên để đọc, ta phải đẩy tờ báo ra xa một chút mới nhìn rõ chữ, thì ta có cảm giác là mình đã ở tuổi già. Thật vậy, ở tuổi này, không một cơ quan nào thay đổi sớm, mau chóng, rõ rệt như sự thay đổi của đôi mắt. Những vết rạn chân chim quanh đuôi con mắt, những túi mỡ nhỏ dưới con mắt, những quầng đen quanh mắt đều dần dần xuất hiện. Mí mắt trên khô, nhăn, mí dưới dày vì nhiều hạch mỡ. Cơ mất đàn tính, mỡ dưới da tan, để lại vài túi nhỏ dưới con mắt. Đây là những thay đổi có tính cách tích tụ, không đảo được ngoại trừ giải phẫu thẩm mỹ.
Phần trắng của mắt đổi thành màu ngà nhạt với nhiều mạch máu kéo qua, kèm theo những li ti khoáng chất đọng lên trên. Màu mắt tinh anh của thuở tráng niên không còn nữa. Giác mạc, vốn cong, trở thành dẹp, làm chứng loạn thị trầm trọng, ta phải mang kính điều chỉnh. Cơ của thể mi mắt teo, giới hạn độ mở của con ngươi, ánh sáng vào mắt giảm, muốn nhìn rõ ta cần nhiều ánh sáng. Thủy tinh thể trở nên dày, cứng vì có phủ thêm nhiều lớp chất đạm, đường kính tăng, làm thị lực xa dần, ta phải đưa tờ báo xa tầm mắt hơn lúc trẻ mới đọc được. Với tuổi già, mạch máu nuôi dưỡng võng mạc kém bớt, tế bào võng mạc có thể bị tiêu hủy, tạo ra những điểm mù trong thị khu. Thị giác yếu, khả năng nhìn gần giảm, đọc hàng chữ nhỏ khó khăn phải mang kính lão. Nhiều người cận thị khi về già không cần mang kính vì nhãn cầu đổi từ hình bầu dục sang hình tròn, hình ảnh lại hiện lên giác mạc. Ngoài ra, ở người cao tuổi, khả năng phân biệt màu sắc thay đổi: màu xanh trở nên đậm hơn và màu vàng lợt đi.
Thi sĩ ví con mắt như cửa sổ của tâm hồn. Khoa học gia coi mắt là tiền đồn tiếp nhận mọi tín hiệu để duy trì sinh hoạt cơ thể. Người đầu bếp dùng cặp mắt như thước đo món ăn thích hợp. Còn người thường chúng ta quan tâm tới màu mắt nâu xanh, hình mắt bồ câu, lá răm, cho tới khi thấy thị giác mờ đi thì mới ưu tư suy nghĩ, mình già rồi!

2. Thay đổi ở tai - thính giác
Một trong các giác quan quan trọng móc nối ta với ngoại cảnh là thính giác. Từ những âm thanh nhẹ nhàng như tiếng gió thổi tới tiếng ầm ì liên tục của xe cộ chạy trên xa lộ, tai mang cho ta những biến chuyển của không gian, vũ trụ. Không nhận được những âm thanh này, con người trở nên mất định hướng, ngơ ngác.
Cấu tạo của tai gồm ba phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Âm thanh được vành tai hướng vào màng nhĩ, làm rung động màng này và chuyển những rung động đó vào ba xương nhỏ ở tai giữa. Tai trong là một tập hợp chất lỏng, nhiều tế bào thần kinh có một số có sợi lông ở đầu để thu nhận tín hiệu âm thanh từ tai giữa, đưa lên não, tạo ra thính giác.
Khi về già, sự thay đổi thính giác xảy ra từ từ, nhẹ nhàng, chậm rãi và không đau đớn. Thực ra sự thay đổi đã bắt đầu ngay sau khi ta sinh.
Thay đổi về vóc dáng tai chỉ có ảnh hưởng thẩm mỹ: Vành tai mềm, chảy xuống, dường như dài hơn, lớn hơn, đồng thời lại lưa thưa ít sợi lông mọc ra, nhất là ở đàn ông. Trong lỗ tai, ráy tai nhiều và cứng, bít lỗ tai, làm giảm thính lực. Màng nhĩ mềm, mỏng, ba xương nhỏ ở tai trong hóa vôi, cứng, tất cả đều kém rung động khi làn sóng âm thanh dội vào. Ở tai trong, tế bào lông bị hủy hoại bớt, khiến thính lực giảm rất nhiều, nhất là với âm thanh cao. Đây là hội chứng nghễnh ngãng của tuổi già, bắt đầu khi 20 tuổi, rõ rệt vào tuổi 50 và tuổi càng cao, nghễnh ngãng càng trầm trọng. Sự giảm này không phục hồi và chữa trị được nên muốn nghe ta phải mang máy khuếch âm. Có người nói sự giảm này cũng xảy ra khi ta thường xuyên nghe tiếng động quá lớn.

3. Thay đổi khứu giác và vị giác
Chức năng của hai giác quan này hỗ trợ và bổ túc cho nhau để làm cho con người có thể nhận ra và phân biệt hóa chất.
Lưỡi để nếm. Lưỡi được chia ra nhiều vùng, kể từ đầu lưỡi trở vào, với những tế bào hình nụ để phân biệt vị ngọt, mặn, chua, đắng. Khi mới sinh, các nụ nếm này có khắp miệng, tới tuổi lên mười chỉ còn lại ở 4 vùng kể trên mà số lượng không thay đổi cho tới tuổi già vì khi mất đi, nó được thay thế ngay, chân nụ nối tiếp với thần kinh, đầu nụ nhô ra sợi lông mà khi chạm vào hóa chất lỏng sẽ cho ta biết vị của hóa chất đó. Trong năm giác quan, vị giác thay đổi rất ít với tuổi già. Ngoài ra, với họ, để phân biệt được vị, cần có một số lượng hóa chất cao hơn tiếp xúc với nụ nếm. Có nhận xét cho là sự phân biệt vị mặn và ngọt kém đi ở tuổi già. Đồng thời, vị giác cũng thay đổi trong một vài bệnh hay do tác dụng phụ của một số dược phẩm.
Khứu giác phân tích mùi của sự vật và giúp ta nhận ra những nguy hiểm, hanh thông ở ngoại vật hoặc gợi ra những kỷ niệm thích thú thân yêu. Mùi khí đốt hở từ bếp lò. Hương nước hoa quen thuộc của người yêu. Bộ phận thực hiện ngửi gồm nụ khứu giác và thần kinh khứu giác nằm trong mũi nối tiếp với trung khu khứu giác trên não. Qua kinh nghiệm và huấn luyện, mũi có thể phân biệt cả trăm mùi hương khác nhau. Con người giữ được khả năng này cho tới tuổi ngoài 60, sau đó thì nó giảm đi nhất là về nhận biết những hương nhẹ. Có điều ta không rõ sự giảm này là do tuổi già hay do môi trường nhiễm độc, bệnh tật. Một chứng cớ là người nghiện thuốc lá nặng ngửi mùi rất kém.

4. Thay đổi về xúc giác - sờ mó
Khả năng nhận biết được hình thù, phẩm chất của sự vật bằng cách sờ hay đụng chạm đã được phát triển ngay từ lúc ta mới sinh. Giác quan này giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống con người, nhưng sự hiểu biết về thay đổi của chúng ta về già lại rất nghèo nàn.
Đại cương, có ba loại xúc giác: Cảm giác về sức ép, cảm giác đau, cảm giác với nhiệt độ nóng lạnh. Các cảm giác này được hoàn tất nhờ nhiều bộ phận tiếp nhận nằm rải rác trên da. Khi có sự thay đổi về cấu trúc, chức năng nuôi dưỡng của da thì xúc giác thay đổi. Thời gian để nhận định, phân tích, đáp ứng các tín hiệu qua sự sờ mó sẽ lâu hơn, đưa đến hậu quả là một vài nguy cơ tai nạn có thể xảy ra. Dây nịt ngực quá chặt mà ta không để ý có thể sẽ làm trầy da. Dây giày cột quá chặt làm cản trở máu lưu thông ở bàn chân. Kém cảm giác với độ nóng đưa tới phỏng da, kém cảm giác với độ lạnh đưa tới cóng cơ thể. Khi xúc giác mất đi thì khó mà phục hồi được, mà người già lại cần sự vuốt ve trìu mến của người thân yêu hơn, để sưởi ấm tình già.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 13 Nov 2016

Vài vấn đề ưu tiên cho sức khỏe tuổi vàng

Tuổi vàng là giai đoạn tuổi mà ta sẽ trải qua sau khi đã đóng góp nhiều công sức, tâm trí cho xã hội cũng như cho gia đình, con cháu. Đấy là tuổi từ 60 trở đi, tuổi mà xã hội cho mình cái quyển vui thú điển viên với những khoản trợ cấp theo luật định. Vào tuổi này, sức khỏe con người, nói chung, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có loại yếu tố ngoài tầm kiểm soát của mỗi cá nhân như chủng tộc, đặc tính di truyền, giới tính. Ngược lại, cũng có một số yếu tố mà khi muốn duy trì một sức khỏe tốt, ta có nhiều khả năng thay đổi như những thói quen tốt xấu trong nếp sống hàng ngày, mức độ quan tâm tới việc chăm lo sức khỏe, sự lượng định chính xác các điều kiện y tế trong môi trường sinh sống, thái độ thích ứng của mỗi người trước sự lão hóa, nghệ thuật ẩm thực, dưỡng sinh, phương pháp vận động, tập luyện cơ thể. chúng ta hãy phân tích những yếu tố vừa kể ra, rút tỉa những đường hướng, những quy luật cần theo để có một tuổi vàng an lạc.

1. Mối quan tâm về y tế
Sự quan tâm chăm sóc này là điều ta cần thực hiện liên tục trong suốt cuộc đời, và với tuổi vàng, nó trở thành ưu tiên số một. Ở tuổi này, cơ thể con người đã trải qua biết bao nhiêu đổi thay về thể xác lẫn tâm hồn, những đổi thay đã làm suy yếu hệ thống phòng chống bệnh tật trong khi đáp ứng lại điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên để sinh tồn. Người ở tuổi này cần chủ động, tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe của mình, nên hiểu rõ những vấn đề mình đang và sẽ phải đối phó, vì những nhu cầu về y tế khác hẳn với nhu cầu của lứa tuổi 30 - 40.
* Có rất nhiều thay đổi trong toàn bộ cơ thể con người. Theo thời gian, tuổi tác, tế bào thần kinh bị hủy diệt dần dần, lượng máu nuôi dưỡng tới não giảm, sự suy nghĩ bắt đầu chậm chạp, rối loạn, nhầm lẫn. Mắt mờ, thủy tinh thể trở nên cứng đục, võng mạc kém nhạy cảm với ánh sáng, thị giác giảm khi nhìn sự vật ở gần hay trong bóng tối. Tai nghễnh ngãng, khó bắt được các âm thanh có tần số cao và tiếng nói thường. Ăn uống mất ngon, thức ăn như đắng chát vì tế bào vị giác trên lưỡi ngày một biến dần, miệng khô vì hiệu năng bài tiết của tuyến nước bọt giảm thiểu tới mức đáng ngại. Khứu giác kém tinh tế vì mũi không phân biệt và nhận được mùi của hóa chất, thực phẩm. Nhịp tim chậm, lượng máu xuất tim giảm, cơ tim xơ cứng, dễ bị suy tim, gây ngất xỉu, khiến ta không cáng đáng được những công việc nặng nhọc. Hơi thở ngắn, thoảng nhẹ, lượng dưỡng khí trong máu giảm bớt, ta bị khó thở khi lên cao độ và dễ thấm mệt khi làm việc chân tay. Gan teo, lượng máu lưu thông qua gan giảm, chức năng thanh lọc độc chất kém hữu hiệu, thuốc uống vào được giữ trong cơ thể lâu hơn và ở mức độ cao hơn. Thận cũng nhỏ đi, máu lưu thông qua thận giảm, nước tiểu loãng, khả năng đào thải chất muối kém, dễ gây sự khô nước trong người và kéo dài tác dụng của nhiều loại thực phẩm. Sự co bóp của bàng quang yếu, gây chứng khó tiểu và chứng không nín đái được. Phì đại tuyến tiền liệt gây bí tiểu, đôi khi phải thông tiểu cho dễ chịu. Lớp mỡ dưới da teo đi, tuyến mồ hôi và tuyến nhờn kém hoạt động, làm cho da khô, nhăn nheo, dễ bị tổn thương, ít chịu đựng được nhiệt độ lạnh giá. Hệ thống miễn dịch, sự sản xuất kháng thể bị trì trệ, cơ thể dễ bị nhiễm trùng với tốc độ lan tràn nhanh chóng. Đời sống tình dục cũng có nhiều thay đổi, nhưng nói chung thì khả năng tình dục ở nam và nữ giới tồn tại tới tuổi 70 - 80.
Về tâm trí, khả năng thâu nhận kiến thức bằng suy luận, trực giác hay giác quan có nhiều thay đổi. Trí nhớ ngắn hạn kém dần. Các khả năng nhận thức đánh giá, lời nói, thị giác, về liên hệ không gian đều giảm. Tri thức lỏng, gồm khả năng thích nghi với hoàn cảnh mới và giải quyết cấp bách các vấn đề, đều giảm đi với tuổi già. Tri thức kết tinh lại tăng lên. Tri thức này bao gồm khả năng thu nhập, tích lũy những hiểu biết về vũ trụ, ngôn ngữ, sự việc, ngày tháng, tên tuổi, nghề nghiệp. Thành ra khi ngồi hầu chuyện với một trưởng lão, ta cứ được nghe các vị kể vanh vách những sự việc xảy ra rất xưa. Cũng trong phạm vi tâm thần, người già có những phản ứng tâm lý như phiền não, trầm mặc bi quan, hạ thấp khả năng bản thân, thích cô đơn, giảm quan hệ qua lại, hay than thân trách phận hoặc oán trách người khác. Có người đang năng động, đột nhiên thu mình, bạn bè mời sinh hoạt, ăn uống, đều từ chối, lại còn dẹp bỏ những hoạt động mà trước đây họ say mê. Lý do chính được nêu ra là TÔI GIÀ RỒI. Con cái nhiều khi thắc mắc là bố tôi không còn là bố tôi của mấy năm về trước hoặc tôi không thể nào hiểu được mẹ tôi nữa.
Biết được những thay đổi trong cơ thể và những chứng bệnh của mình chưa đủ, ta còn cần hợp tác chân thành với người thầy thuốc gia đình. Cũng phải lựa chọn một thầy thuốc có lương tâm chức nghiệp, sẵn sàng dành thì giờ cho bệnh nhân, chăm sóc, giải thích kỹ càng bệnh tật và nhu cầu trị liệu với tinh thần lương y như từ mẫu. Ngoài ra, cũng nên gây mối giao hảo tốt với cô y tá của ông bác sĩ, vì “quan xa, nha gần” cô ta sẽ là người mà ta tiếp xúc nhiều hơn như lấy hẹn, hỏi thuốc, hỏi kết quả thử nghiệm hoặc xin mua thêm thuốc.
* Hãy tích cực trong việc tự săn sóc sức khỏe, chủ động phòng tránh bệnh, tham dự chương trình sàng lọc phát hiện sớm bệnh như chụp hình tuyến * phát hiện ung thư *, khám tuyến tiền liệt... Khám sức khỏe tổng quát hàng năm dù không có bệnh nhằm mục đích là tìm ra những dấu hiệu của bệnh trước khi bệnh lan rộng. Trong dịp này, thầy thuốc sẽ có cơ hội giải đáp những thắc mắc của ta, kiểm tra toàn bộ sức khỏe của ta. Đây cũng là dịp để thầy thuốc làm một số thử nghiệm về máu để coi mức độ đường, cholesterol, hồng cầu, bạch cầu, về nước tiểu, để đánh giá tình trạng chức năng của thận, bàng quang. Khám *, khám hậu môn, tuyến tiền liệt, làm phiếu đàn cổ tử cung quý bà cũng nằm trong chương trình khám sức khỏe tổng quát hàng năm. Sau hết là ta cần sử dụng thuốc men đúng lời chỉ dẫn, giữ hẹn khám lại, kiêng khem trong việc ẩm thực, ngủ nghỉ đầy đủ để gìn giữ tuổi vàng.

2. Thái độ tích cực trước sự lão hóa
Đã sống tới tuổi 60, thì sẽ có nhiều triển vọng là ta sẽ sống tới ngoài 80, thành ra giai đoạn tuổi vàng có thể là khoảng thời gian lâu hơn là tuổi trung niên hay thiếu niên. Để an hưởng tuổi vàng, ta cần có một thái độ ứng xử tích cực. Nhà hùng biện Ciceron đã nói: “Ai cũng mong sống lâu, nhưng khi tới tuổi đó thì lại than phiền. Người khôn ngoan sẽ đối diện với sự già một cách nhẫn nhục, vì chống cự lại với thiên nhiên thì cũng vô ích như cuộc chiến của những người khổng lồ chống lại các thần linh”.
Đối diện với tiến trình lão suy, con người có thể hoặc phớt lờ không để ý tới nó, bực bội với nó, sợ hãi khi thấy nó từ từ tiến tới, hay là bình tĩnh chờ đón nó vì nghĩ là không tránh được nó. Một thái độ ứng xử tích cực, xây dựng là cần thiết. Vạn sự khởi đầu nan. Cuộc hành trình đi vào tuổi vàng không phải bắt đầu bằng bước chân đầu tiên, mà bằng cái ý định là sẽ nhập cuộc. Rồi từ đó, tùy theo chương trình, kế hoạch, tuổi vàng của ta sẽ hoặc hào hứng, đầy sinh động, nhiều sáng tạo, ích lợi cho gia đình cũng như cho ta hoặc buồn tẻ, vô vị.
Kinh nghiệm cho hay, quan niệm của ta về tuổi già có nhiều ảnh hưởng tới tiến trình của sự già, giống như có một liên hệ chặt chẽ giữa tâm thần và thể xác, cảm xúc và sức khỏe, bệnh tật. Cái quan niệm tâm bất lão, trường thọ (lòng trẻ sống lâu), hay Lạc giả trường thọ, ưu giả dị yểu (vui vẻ lạc quan sống lâu, ưu tư phiền não chết sớm), chắc còn giá trị muôn đời. Hãy luôn luôn lạc quan. Albert Einstein đã có nhận xét: “Người lạc quan suốt ngày thấy ánh sáng màu xanh, người bi quan chỉ thấy màu đỏ”. Còn nhận xét của Abraham Lincoln thì đúng cho cả trẻ lẫn già: “Nhiều người sống sung sướng, hạnh phúc theo đúng như quyết định là họ muốn sung sướng”.
* Hãy trở thành cần thiết cho mọi người, sẵn sàng làm những việc lớn, nhỏ cho tha nhân. Làm cho người khác cảm thấy sung sướng là họ được chăm sóc ưu ái.
* Giữ phần chủ động cuộc đời mình. Tỏ ra mình còn hữu dụng, còn khả năng, không cần phụ thuộc vào ai. Giữ phần chủ động giúp ta khắc phục được những chông gai trên đoạn đường còn lại của cuộc đời.
* Tiếp tục học hỏi. Các cụ ta thường nói ông bảy mươi học ông bảy mốt. Đừng để khả năng học hỏi cùn dần với thời gian. Có người đã ví bộ óc như một trương mục đầu tư, càng dùng nó thì càng sinh lợi cho ta hơn, càng giàu thêm kiến thức mới.
* Luôn luôn giữ bề ngoài cho tươm tất. Nữ giới thọ hơn nam giới, một phần có lẽ vì lúc nào cũng mặc đẹp đẽ, trang điểm như sắp đi dự dạ hội. chả bù với nhiều vị nam thì mặc sao cũng được, lơ là chăm sóc cả cái răng cái tóc là gốc con người. Nom nó GIÀ con người đi.
* Đừng để mình bị cô đơn, lẻ loi. Trong sinh hoạt hàng ngày, hãy ráng gần gũi với người này người khác. Bớt tư dục, kiềm chế phẫn nộ, gạt bỏ tâm tư xấu, ngăn ngừa căng thẳng thần kinh, tránh tranh chấp mà nên nhượng bộ.
Hãy suy nghĩ như Cicerón: “Tuổi già chỉ được kính nể khi nó được tranh đấu, duy trì cái tư cách của mình, tránh bị lệ thuộc, và quyết tâm lãnh quyền kiểm soát cái vị trí của mình trong xã hội cho tới phút chót của cuộc đời. Bởi vì cũng như tôi thích ở người trẻ có phảng phất một vài nét già, thì tôi đồng ý ở người già cũng mang một chút trẻ trung”.

3. Điều hòa ăn uống
Nói về điều hòa ăn uống thì ta thấy có cả trăm pho sách trong thư viện, vì phép ăn uống với thực phẩm dinh dưỡng là mối quan tâm lớn của con người.
Hỏi rằng có một công thức nấu ăn nào toàn hảo cho tuổi thọ trường sinh, thì câu trả lời là không có. Nhưng những lời khuyên thực tế sẽ là: thực phẩm phải đa dạng, phẩm chất dinh dưỡng cao và cân bằng. Con người, nói chung, không giống các sinh vật khác ở chỗ là ta không phải di chuyển để lùng kiếm thức ăn hay lo không kiếm đủ thức ăn, mà ta lại lo làm sao không chỉ ngồi đó mà ăn hoặc ăn quá nhiều. Ở nhiều nơi thực phẩm quá dư, chỉ cần muốn ăn gì và có tiền là xong. Nhưng ăn nhiều mà không hoạt động thì thật nguy hiểm.
* Biết lựa thức ăn thích hợp. Trong mọi hoàn cảnh, ta có thể lựa một khẩu phần thích hợp với nhu cầu cơ thể của lứa tuổi.
* Khi nào thì ăn? Tất nhiên sẽ có câu trả lời: đói là tôi ăn. Vậy khi nào thì đói, đói bụng hay đói con mắt? Lại nữa: ăn để sống hay sống để ăn? Á Đông có quan niệm để sống lâu chỉ nên ăn ba phần đói, bảy phần no. Tây phương có thói quen: bữa sáng bữa trưa nhẹ, bữa tối thịnh soạn. Tiện đấy, vì sáng dậy vội vã đi làm, chỉ đủ thời giờ để chiêu một ly cà phê, trưa ngồi ở sở vừa làm việc vừa nhai miếng bánh mì kẹp chả. Tối về rảnh rang, ta làm một bữa cơm rượu no nê, rồi lên giường ngủ. Thế là cholesterol trong máu tăng cao, những tảng mỡ không mời mà ngang nhiên xâm lấn vùng bụng, vùng hông. Từ hơn ba chục năm trước tại Đại học Chicago, Clarence Cohln đã chứng minh là những người ăn một bữa no mỗi ngày thì cholesterol sẽ cao hơn ở những người nhâm nhi nhiều lần trong ngày. Và đây có lẽ cũng là lý do mà cholesterol ở nữ giới, lúc thiếu thời, thấp hơn ở nam giới, vì quý bà hay ăn quà vặt, còn quý ông thì nhồi nhét một bữa cho xong. Ăn một bữa no cũng bắt buộc sự biến hóa thức ăn phải làm việc quá sức, vị tố tiêu hóa, nhất là Insulin, phải làm việc cật lực trong một thời gian quá ngắn, đôi khi gây ra khuyết điểm. Tốt hơn hết là tuổi già ta nên cứ nhâm nhi ăn lai rai chút một.
* Tránh thực phẩm có nhiều chất mỡ, nhất là mỡ động vật. Mỡ bão hòa, làm tăng cholesterol trong máu. Dầu thực vật không bão hòa, làm giảm cholesterol. Giản dị nhất là ăn thịt nạc, thịt gà, vịt, cá, bỏ lớp da gà đầy chất mỡ, hấp hay nướng nhiều hơn là chiên, thay thịt bằng rau, trái cây, uống sữa có ít chất béo.
* Ăn thực phẩm có nhiều chất carbohydrat như rau, trái cây, hạt ngũ cốc, vừa rẻ lại tốt lành và cũng có nhiều năng lượng. Cơ quan Hội đồng Nghiên cứu Tự nhiên (Natural Research Council) khuyên nên dùng 5 phần trái cây và rau mỗi ngày, 6 tới 11 phần hạt ngũ cốc. Nên nhớ là trên thế giới có hàng trăm triệu người ăn chay mà họ vẫn sống lâu. Như vậy ăn chay chắc phải có một giá trị dinh dưỡng nào đó. Lại nữa: Khẩu phần ăn của các lực sĩ vô địch trước khi tranh giải đều có nhiều carbohydrat, là một lý do để ta tăng số lượng rau và trái cây trong bếp và trên bàn ăn của chúng ta.
* Một vài ý kiến về chất đạm protein. Con người được dựng lên bằng chất protein, chất này có nhiều nhất trong thịt động vật nhưng cũng có trong thảo mộc, nhất là các cây thuộc họ đậu: đậu Hòa Lan, đậu cô-ve, đậu nành.
Khoa học đã chứng minh là một khẩu phần có nhiều chất đạm động vật làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Với tuổi cao, chúng ta nên theo một chế độ thực phẩm với thịt nạc, sữa, ít mỡ, nhiều rau và trái cây.
* Nước và muối cũng cần được lưu ý. Trong cơ thể, tỷ lệ nước lên đến 60%, mỗi ngày trái thận lọc gần hai trăm lít máu và thải ra 1/100, khoảng 2 lít nước tiểu. Như vậy cơ thể đòi hỏi một số nước tối thiểu mỗi ngày để sống. Trung bình ta cần uống 1 lít rưỡi nước mỗi ngày, và uống thêm khi nào thấy cần để tránh tình trạng khô nước hay loãng tiểu. Nước không có năng lượng, không có khoáng chất, rất rẻ tiền, lại còn là chất bôi trơn tốt cho cơ thể. Còn muối thì chỉ cần một phần tư thìa cà phê mỗi ngày là đủ. Dân dùng nhiều muối, như người Nhật, thường có nhiều nguy cơ cao huyết áp.
* Gần đây, chất xơ trong thảo mộc và trái cây được nhắc nhở tới nhiều vì nó có công dụng trong việc hạ thấp lượng cholesterol trong máu, tăng tốc độ di chuyển của thức ăn trong ruột, tránh được táo bón và viêm ruột. Chất xơ không có giá trị dinh dưỡng mà chỉ làm no bao tử, nên còn có tác dụng giúp ta giảm béo mập.
* Các sinh tố và khoáng chất có tác dụng xúc tác trong việc biến hóa thức ăn và có nhiều trong các loại thực phẩm. Tuy nhiên, ở người cao tuổi, khẩu phần nhiều khi không được cân bằng và có thể thiếu một vài loại sinh tố nào đó. Vì vậy cũng nên dùng thêm một phân lượng sinh tố phụ trội. Tiện đây, xin nói qua về các chất chống oxy hóa và gốc tự do. Ai cũng biết dưỡng khí là một nhu yếu phẩm cho toàn bộ cơ thể. Thiếu dưỡng khí trong ít phút, não bộ bị tê liệt, nín thở dăm phút, mặt trở nên tái mét. Vậy mà cũng chính oxy này lại gây ra một hiện tượng rỉ sét trong cơ thể, như là một chiếc xe hơi ném trong mưa gió, không dùng đến. Số là, để có năng lượng điều hành, tế bào dùng dưỡng khí để đốt hóa chất, như chất đường trong máu. Trong khi làm công tác này, một vài đơn vị oxy mất đi một số điện tử, và trở thành những gốc tự do. Để thay thế những điện tử bị mất, gốc tự do bèn cướp các điện tử của các phân tử khác, gây thiệt hại cho cơ thể về hóa tính cũng như cơ năng và có thể là một trong những nguyên nhân của tình trạng hóa già với da nhăn, thịt teo, xương mềm và một số bệnh như ung thư, xơ cứng động mạch. Để chống lại những phản ứng gây hại này, người ta dùng những chất chống oxy hóa, mà ba chất chính là sinh tố C, sinh tố E và Beta-Caroten (tiền Vitamin A).

4. Vận động cơ thể
Cicerón có phát biểu: “Sự tập luyện và sự tự chủ giúp con người duy trì được một phần lớn sức bền bỉ đã có dù rằng người ta đã vào tuổi lão suy”.
Ngày nay, nhiều người, nhất là các vị cao niên, cứ cho mình là phải giữ gìn và duy trì tiềm năng của cơ thể mình bằng cách thư thả về thể xác. Chúng ta quá nhấn mạnh vào sự nghỉ ngơi, dưỡng sức. Tập luyện làm gì cho phí sinh lực, mất năng lượng, hao mòn cơ thể. Thực tế ra thì, cơ thể ta rỉ sét vì không được dùng tới nhiều hơn là hao mòn vì được dùng tới. Một đời sống tĩnh tại, có hại cho cả sức khỏe cũng như sự trường thọ và đưa tới sự sớm hủy hoại về tâm thần, thể xác. Các cơ thịt và khối xương teo lại, yếu đi. Tế bào mỡ to lên, chiếm chỗ của bắp thịt, con người mập phệ ra, tim đập yếu. Khả năng sử dụng dưỡng khí giảm, nuôi dưỡng kém, làm ta dễ mỏi mệt, uể oải chán nản. Con người trở nên kém linh động, di chuyển chậm chạp, buông xuôi mọi việc, NOM GIÀ ĐI, một sự già trước tuổi. Sinh học đã chứng minh ngưng trệ đưa tới sự thoái hóa. Nước chẳng lưu thông, nước thành thối, bẩn, ao tù, nước đọng, mà cơ thể ta gồm 60% là nước, là chất lỏng. Cho nên, vào tuổi già mà tự cho mình sống một đời sống tĩnh tại, không vận động, thì chắc là bệnh hoạn cũng như sự chết sẽ đến rất mau.
Sự sung sức của người còn trẻ là một quyền tự do lựa chọn, nhưng với người cao niên, nó là một cái gì thiết yếu. Hãy nghĩ tới cái đồng hồ chạy bằng dây thiều xưa kia. Nó ngưng chạy không phải vì hư mòn hay bể vỡ, mà nó cần được lên dây thiều. Con người cũng vậy: cần tự lên dây thiều. Ích lợi của sự vận động cơ thể thì vô biên, chỉ xin tóm lược là nó tăng sự nhịp nhàng của toàn thân: Tim phổi tăng hiệu năng, huyết áp và cholesterol giảm, khớp xương co duỗi trơn tru, thịt xương cứng cáp, trí óc sáng suốt, nhạy cảm hơn, tâm thần thoải mái, yêu đời. Tuổi thọ sẽ cao hơn để chiêm ngưỡng những thành quả mà con cháu đạt được với sự đóng góp công lực của mình.
Hãy sắp đặt một chương trình tập luyện thích hợp với tuổi, sức khỏe, hoàn cảnh, điều kiện của mình. Dành cho sự vận động một thì giờ ưu tiên và cố định trong ngày, coi sự vận động như một nhu cầu chứ không phải để giải trí. Hãy tự lấy hẹn để vận động, rồi giữ hẹn đó như hẹn đi bác sĩ, đi vay tiền ngân hàng và kiên trì tiếp tục chương trình. Đừng sợ hãi sự tập dượt. Hãy làm sao để sự tập dượt trở thành người bạn đồng hành, đồng chí của các cơ năng trong người mình. Sự bỏ đi không được dùng đến, sự sao nhãng không chăm sóc, sự biếng nhác không vận động là những nguyên nhân đưa tới sự hao mòn, bệnh tật của cơ thể. Câu nói use it or lose it (không dùng thì vô dụng) đáng để ta ghi nhớ.

5. Những thói quen tốt
Đã leo lên tới tuổi sáu mươi một cách bình an thì ta đã có nhiều đóng góp tốt cho cơ thể trong những thuở thiếu niên, trung niên. Ta đã có nhiều thói quen tốt hơn là những tật xấu. Giờ đây ta cứ tiếp tục như vậy mà đi, giữ vững lập trường. Tứ đổ tường thì cũng cứ tránh, để tâm thần an lạc, gia đạo bình an, tài chính ổn định. Tứ khoái thì giữ cho hài hòa, hợp luật trời và luật sinh hóa, chẳng nên thái quá mà hao tổn tâm can, sức khỏe, nhất là với đệ tam khoái.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp vào việc bảo trì và vận hành “bộ máy” tuy đã cũ, nhưng còn nhiều công dụng cho gia đình và xã hội. Xin hãy đồng ý với Maria w. Chapman là “Đừng kéo lê cái đầu máy xe lửa như một tên khờ khạo mà hãy tiếp tế củi, nước và lửa như một tay lành nghề” để xe tự di động hào hùng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 13 Nov 2016

Vấn đề an toàn của người cao tuổi trong đời sống hàng ngày

Sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi thường bị ảnh hưởng của bệnh tật, sự suy yếu của các chức năng cơ thể như: khả năng nhìn - nghe kém rõ, việc di động đứng - ngồi khó khăn, gân cốt suy nhược khiến bước đi không vững, phản ứng chậm làm cho thân thể mất cân bằng, dễ bị té ngã, trí nhớ suy kém khiến dễ uống nhầm loại thuốc hoặc nhầm liều lượng. Do đó phải đặt vấn đề an toàn của người già trong đời sống hàng ngày. Trước hết cần chú ý tới môi trường sinh sống, chủ yếu là nhà ở.
Nhà ở, cũng có thể là nơi gây ra một số vấn đề không thuận lợi cho con người theo thường lệ, là chốn an toàn của con người. Thế mà oái ăm thay nhà ở củng là nơi nguy hiểm cho con người, đặc biệt là người già, nếu nội thất không được sắp xếp chu đáo. Phần lớn tai nạn xảy ra cho người già là ở nhà. Thí dụ như trượt té vì sàn nhà ướt, vì vấp phải thảm trên sàn, vấp phải dây điện trên lối đi, té trong bồn tắm vì vấp phải cục xà phòng, bị chén bát, chai lọ rơi trúng đầu trong lúc với tay lấy chúng ở tủ cao, đi vấp phải tường, bàn ghế vì không đủ ánh sáng, té từ thang lầu xuống, uống nhầm thuốc, té vì vấp phải mèo chó trong phòng khách, phòng ngủ, té vì leo thang hay đứng trên ghế với lấy đồ trên kệ cao, té vì vừa ngủ dậy bước khỏi giường thấy chóng mặt.

* Liệt kê các điểm an toàn:

Chúng tôi xin giới thiệu các điểm cần thiết dưới đây để bảo đảm an toàn cho người cao niên ở nhà:
1. Cần lau sạch ngay khi sàn nhà bị ướt vì bất cứ lý do gì. Chờ sàn nhà khô mới đi qua.
2. Cần giữ sàn nhà và cầu thang không bị các vật linh tinh nằm vương vãi cản trở bước đi.
3. Giữ cất các dụng cụ cần thiết ở các tầng tủ vừa tầm tay với tới.
4. Khi đánh bóng sàn nhà, nên dùng loại sáp không trơn trượt.
5. Thảm nhỏ trải trên sàn nhà phải là loại bám vào sàn, không trượt khi bước lên.
6. Không nên trải tấm thảm nhỏ ở đầu và cuối thang lên lầu.
7. Không dùng những tấm thảm đã rách, có xơ làm vướng chân.
8. Ở bồn tắm: trải thảm cao su hay dán những miếng cao su nhỏ trong bồn tắm để tránh trợt té khi đang tắm, dựng tay vịn ở thành bồn tắm, để xà phòng nên dễ với tay lấy.
9. Không có vật cản trở ở hành lang thông từ phòng này hay phòng khác, nhất là từ phòng ngủ sang phòng tắm.
10. Dây điện thoại, dây điện nối nguồn điện với máy truyền thanh, truyền hình cần được thu gọn trong mép tường, không cản trở lối đi.
11. Cần có đầy đủ ánh sáng trong các phòng. Nút mở - tắt đèn nên đặt gần cửa ra vào cho tiện dùng; có đèn mờ suốt đêm trong phòng tắm, hành lang, cầu thang.
12. Thang lầu có tay vịn suốt chiều dài của thang, tay vịn to vừa bàn tay nắm; bậc thang không lung lay; nếu có trải thảm thì thảm phải được gắn chặt vào bậc thang.
13. Việc sử dụng thang bước cao và ghế đẩu: Thang và ghế phải tốt, vững chắc, đặt trên mặt phẳng, rắn chắc, thăng bằng. Khi leo lên thang thì mặt phải đối diện với bậc thang, không đứng trên bậc cao chót của thang.
14. Sử dụng giày dép: giày phải có đế bám sát trên mặt sàn hay mặt đường. Không nên mang tất khi đi đứng trên sàn nhà gỗ hay đá hoa vì trơn trượt.
15. Cần luôn luôn cảnh giác các nguy cơ bất chợt có thể xảy ra. Coi chừng đồ chơi trẻ con vung vãi trong nhà hay chó mèo lẩn quẩn bước chân.
16. Khi ôm vác đồ vật cồng kềnh đừng để chúng cản tầm nhìn của ta.
17. Khi nghe tiếng chuông điện thoại hay chuông cửa, không hấp tấp chạy vội đến trả lời.
18. Khi đứng lên hay ngồi xuống, nên chậm rãi, tránh té ngã vì chóng mặt, mất thăng bằng.
19. Nếu sống một mình, thì nên thường xuyên tiếp xúc với người thân hay hàng xóm để họ rõ mình ở đâu.
20. Ngoài sân, vườn: Quét sạch lá, rác rưởi trên lối đi. Dụng cụ làm vườn cất dọn vào kho an toàn. Nên có thảm chùi chân ở ngưỡng cửa.
21. Uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, giờ uống.
22. Sử dụng gậy chống: chiều dài của gậy phải vừa tầm, nghĩa là khi đứng thẳng người, tay buông thõng, cán gậy phải ngang với cổ tay, khi nắm cán gậy thì khuỷu tay phải cong từ 15 tới 20 độ. Nếu dùng gậy vì đau chân trái thì cầm gậy bằng tay phải và ngược lại. Khi bước đi thì gậy và chân đau phải chuyển động cùng một lúc. Bước lên cầu thang bằng chân không đau trước, rồi chống gậy và bước chân đau lên bậc thang, liên tiếp như vậy cho đến cuối bậc thang. Đi xuống thì làm ngược lại, nghĩa là chống gậy và đặt chân đau xuống bậc thang trước rồi mới di chuyển chân không đau. Nhiều người thích gậy có cán gỗ ngỗng hơn loại cán cong, vì với loại trên, trọng lượng người sử dụng được thân gậy chịu đựng nhiều hơn.
23. Nhiệt độ trong nhà vừa phải. Nếu quá lạnh, phản ứng của ta chậm lại, dễ té ngã.
24. Viết số điện thoại khẩn cấp cạnh mỗi máy điện thoại: cảnh sát, bác sĩ gia đình, cứu hỏa, xe cấp cứu, thân nhân hoặc bạn thân ở gần. Nhớ cách sử dụng số điện thoại cấp cứu.

* Sự té ngã trong nhà

Đôi khi, dù có các đề phòng trên ta vẫn có thể ngã. Té ngã có thể đưa đến những hậu quả trầm trọng cho cơ thể, dẫn tới tình trạng nguy hiểm cho sinh mạng người tuổi cao. Mỗi năm, cứ 3 vị trên 65 tuổi thì có một vị bị té ngã ít nhất một lần, đặc biệt là khi họ sống trong viện dưỡng lão. Bất kể điều kiện ăn ở ra sao, tai nạn là nguyên nhân tử vong thứ sáu ở người cao tuổi, mà té ngã chiếm đa số trong những tai nạn này.
Ngã gây gãy xương hông nhiều nhất (90%), rồi đến các chấn thương khác. Sau khi ngã, dù không có thương tích, họ rất sợ di động, trở nên mất tự tin, mất độc lập, đời sống thể xác và tâm thần của họ suy giảm mau lẹ, dễ đưa tới tàn phế.
Những nguyên nhân gây té ngã có thể là từ môi trường bên ngoài, như đã kể trên, hoặc từ trong cơ thể với các bệnh như:
1. Các bệnh kinh niên: tiểu đường, tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson, phong thấp, bệnh tim, cao huyết áp.
2. Do dược phẩm gây ra: các loại thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc trị cao huyết áp, bệnh tim, thần kinh tâm trí, hoặc do dùng nhiều dược phẩm một lúc.
3. Té ngã do sự thay đổi chức năng của tuổi già: kém thính giác, thị giác, cảm giác ngoài da, khớp xương cứng, cơ bắp teo yếu, dáng đi không vững, mất thăng bằng cơ thể.
Khi bị té ngã, hãy bình tĩnh đối phó. Nếu thấy rằng ta có thể bị thương ở chân hay xương sống thì không nên cố ngồi dậy. Trái lại, nếu không có đau đớn ở cơ thể, ta có thể cố ngồi dậy theo cách sau đây:
1. Nếu té nằm ngửa, hãy chuyển sang thế nằm sấp bằng cách sau: quay mặt về phía định lăn, đầu gối và khuỷu tay hướng về phía đối nghịch, rồi đồng thời chuyển chúng qua thân mình về phía định lăn.
2. Khi đã nằm sấp rồi, dùng bàn tay và đầu gối để nhổm lên, bò tới phía trước một cái ghế ở gần đó. 
3. Đặt bàn tay lên mặt ghế, ngã người xuống để thân mình được tay chống đỡ.
4. Co đầu gối nào mạnh, dùng bàn chân phía đó đẩy người nhổm lên, đầu gối bên kia chống dưới sàn, quay nhẹ người rồi ngồi xuống ghế. Sau khi nghỉ thở một lúc ta sẽ kêu cấp cứu.

* Hệ thống cấp cứu:

Nhiều người lớn tuổi sống riêng rẽ một mình vì hoàn cảnh hay vì ý thích, không muốn phụ thuộc vào con cháu, gia đình. Trong trường hợp này, nên sắp xếp một hệ thống cấp cứu khi có tai nạn. Thân nhân hay hàng xóm có thể theo dõi ta hay để ta kêu điện thoại vào giờ đã định. Thí dụ như thường ngày ta lấy báo mỗi buổi sáng, hôm nay đến trưa ông hàng xóm vẫn thấy tờ báo nằm trước cửa, ông ta bèn ghé gõ cửa hỏi thăm.
Với sự tiến bộ của truyền tin, ta có thể đặt một hệ thống báo động nối từ nhà với nhà con cháu hay nhà hàng xóm, phòng cấp cứu bệnh viện. Nhờ vậy, người gặp tai nạn không bị lãng quên hoặc ta có thể giao ước với hàng xóm để được cấp cứu lẫn nhau mỗi khi đèn màu xanh trước cửa sổ bật lên, dấu hiệu báo có chuyện chẳng lành xảy ra. Vừa giản dị, đỡ tốn tiền, lại tăng thêm tình tương thân tương trợ lối xóm. 
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 13 Nov 2016

Cao niên mà phong độ

Bác sĩ E. F. Scherl, chuyên khoa tâm thần của người cao niên, đã nêu ra nhận xét là có cả ngàn cửa ngõ đưa tới sự già trước tuổi và chết yểu. Một trong những cửa ngõ đó là dáng điệu (posture) xấu của con người.

1. Dáng diệu con người
Hình dáng con người là tặng phẩm của tạo hóa, nhưng tư thế, dáng điệu là do mình tự tạo. Ta có thể thay đổi nó, kiểm soát nó. Từ Hải với “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” mà nếu dáng điệu so vai rụt cổ như đệ tử nàng tiên nâu thì đâu có thể “đường đường một đấng anh hào” được. Những người mẫu đâu phải đẻ ra là đã có dáng điệu nhẹ nhàng, thanh thoát, vững chắc, mà họ phải dày công tập luyện cũng như kiên tâm gìn giữ. 
Người về già, với sự dày dạn của cuộc đời, cộng thêm lực kéo của trái đất, nếu không cảnh giác thì mỗi ngày lưng sẽ còng thêm, mắt dán xuống đất như đang đi tìm lại tuổi thanh xuân hay nhìn về ngôi mộ, đầu gối co như sắp quỵ. Nom vừa không phong độ mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe chung của con người.
Một dáng điệu tốt là khi cơ thể ngay ngắn, như dấu chấm than (!), người vươn lên cao, mắt nhìn thẳng ra chân trời. Khi đi, mỗi bước đều dài, gọn, cả bàn chân chạm đất, hai tay vung vẫy nhịp nhàng, hai vai lui tới dẻo dai. Khi ngồi thì lưng thẳng, ngực ưỡn, bụng hơi thót vào.
Ôn lại bài học về môn cơ thể, ta thấy xương sống là cái đà dọc chính giữa để đỡ các bộ phận, ngực, bụng. Bảy đốt xương cổ, 12 đốt xương ngực, 5 đốt xương lưng, 9 đốt xương hông xếp chồng chất lên nhau qua những đĩa đệm, và được giữ trong vị trí ngay thẳng bằng hệ thống cơ, dây chằng và gân bền chắc, dẻo dai. Hai bên cạnh đốt xương, có một cái ngạnh rỗng ở giữa, tất cả tạo thành một cái ống trong đó có dây thần kinh tủy sống để mang mệnh lệnh từ não cho toàn thân và mang cảm giác, kích thích từ ngoại cảnh về não. Bảy đốt xương cổ còn thêm nhiệm vụ che chở cho sự lưu thông của máu lên nuôi não bộ qua hai động mạch cảnh và hai động mạch xương sống.

2. Lợi ích của dáng diệu tốt
Khi cổ ngay thẳng, động mạch nuôi não không bị cong queo hay thu hẹp, khiến máu lưu thông dễ dàng. Ta biết là não bộ dùng một khối máu khá quan trọng để có đủ năng lượng hoàn tất nhiệm vụ chỉ huy, phối hợp tất cả chức năng con người. Quan sát bệnh lý cho thấy khi máu lên não giảm, người ta có thể ngất xỉu hoặc tai biến mạch máu não nhẹ. Nhiều người thường hay bị nhức đầu, tê ngón tay, chóng mặt chỉ vì cái cổ không ngay thẳng. Xương sống lưng và ngực ngay ngắn thì dưỡng khí ra vào phổi dễ dàng, tim mạch tuần hoàn lưu thông, dạ dày, đường ruột không co rúm khiến ăn uống, bài tiết tốt. Tư thế xấu cũng gây đau nhức lưng, hông mà quý vị lão niên thường than phiền. Vài nhà khoa học còn cho là tư thế ngay thẳng có thêm ảnh hưởng tốt tới khả năng trí tuệ, giúp ta kiểm soát, thích nghi trạng thái tâm thần hoàn hảo cho tới khi về già. Quan sát những bệnh nhân cao niên đang điều trị tại bệnh viện Fairmond, San Leandro, Bác sĩ Schmerl thấy quý vị khỏe mạnh đều có một tư thế tốt, còn các vị có rối loạn về thần kinh não bộ thì dáng điệu xiêu vẹo. Ông ta kết luận là dáng điệu có ảnh hưởng tới tuổi già và ngược lại.

3. Nguyên do sự thay đổi dáng diệu
Câu hỏi thường được nêu lên là tại sao khi về già, tư thế dáng điệu người ta thay đổi?
Sức hút của trái đất trên cơ thể là một yếu tố. Ngoài ra còn hao mòn, thoái hóa theo thời gian của hợp tác hỗ trợ giữ thăng bằng xương sống: các mô liên kết hư hao, cơ thịt teo mềm, chất collagen của đĩa đệm mất tính đàn hồi, dẻo dai, làm xương sống lệch lạc, mặt xương mài sát vào nhau, xệ xuống. Ngồi lâu ở cùng vị thế khiến gân bắp co lại, làm lệch người, sống trong tâm trạng buồn chán, dưới đe dọa thường trực của căng thẳng tâm thần khiến cơ ở cổ lúc nào cũng co thắt, vai xuôi xuống, mắt đăm chiêu nhìn đất. Hay do trời sinh như trường hợp gù lưng của nhân vật Quasimodo của Victor Hugo. Tội nghiệp anh chàng này vì lưng quá còng nên hơi thở khó khăn, dung tích phổi giảm, tim bị chèn ép hoạt động kém, di động một lúc đã thở hổn hển, mệt mỏi.

4. Để có dáng diệu tốt
Giữ cho có một dáng điệu tốt đã là niềm ưu tư của con người từ thuở xa xưa. Người Trung Hoa với tục dùng vải bó chân từ bé cho con gái khuê các để bàn chân đừng nở lớn như chân đàn ông. Dân một bộ lạc ở Myanmar cho là xương sọ dẹp nom đẹp hơn nên ép xương đầu với hai mảnh ván mỏng. Tộc người Padung ở Myanmar làm dài cổ với những chiếc vòng kim loại chồng lên nhau, đè vai thấp xuống cho cổ vươn lên như cổ hươu. Còn ta ngày nay nếu có quan tâm giữ cho có tư thế cơ thể tốt là nhằm mục đích cải thiện sức khỏe, duy trì biểu tượng của con người tích cực hoạt động, yêu đời. Sau đây là một vài cách để điều chỉnh dáng điệu:
1. Dáng người khi đi, đứng: Để có dáng ngay thẳng, ta đứng dựa lưng vào tường, làm sao cho hông, vai và đầu đụng sát lên tường. Như vậy, lồng ngực và bụng không gây trở ngại cho chức năng các bộ phận ở trong. Giữ dáng này cho mọi động tác đi đứng. Nên nhớ là không đứng ngay đơ như kiểu lính tập ngày xưa với cổ ngửa lên trời, cản trở máu lưu thông lên não bộ.
2. Khi ngồi: Ngồi hết mông vào mặt ghế cho thoải mái, vai và hông tựa sát vào thành ghế, đầu gối thư giãn di động tự do. Trước khi ngồi, đứng quay lưng về ghế, hai chân hơi dạng ra và để gần gầm ghế, đầu gối hơi cong, ngả thân về phía trước, mông đưa về sau và đặt từ từ xuống ghế.
Ngoài ra cũng cần đều đặn luyện tập vài cử động có tính cách làm thư giãn gân cốt, cơ thịt ở cổ, lưng, hông, vai, ngực và tứ chi. Nhiều người đã có lý khi nói: lưng yếu làm lưng đau.
3. Dáng đi của con người: Nói đến dáng điệu, tưởng cũng nên nói qua về dáng đi ở người tuổi cao, vì hai dáng này có nhiều liên hệ với nhau, nhất là khi di chuyển.

5. Thay đổi dáng di

Thay đổi dáng đi là một triệu chứng rất thường thấy ở người cao tuổi. Nó có thể là dấu hiệu của một bệnh, cũng như là nguy cơ gây té ngã, đưa tới thương tích, bất lực, cô lập trong xã hội. Số người cần được giúp đỡ vì rối loạn dáng đi hiện lên rất cao.
Để có một dáng đi vững chắc, ngay thẳng cho cơ thể, cần có sự phối hợp chức năng của hệ thần kinh, hệ thống xương cơ, thị giác, thính giác và cảm giác ngoài da. Ở người cao tuổi, khi một trong ba chức năng thiếu sót, chức năng còn lại sẽ gắng sức hơn trong công việc giữ thăng bằng cơ thể.
Có nhiều thay đổi về cơ bắp ở người cao tuổi. Khối lượng bắp thịt giảm và kém nhạy cảm với kích thích. Tế bào cơ teo được thay thế bằng loại tế bào xơ, ít co dãn và trở nên cứng nhắc. Thêm vào đó, khớp xương bớt trơn tru, lại thay đổi hình dạng, khiến cử động bị giới hạn.
Cảm giác ngoài da do đầu tận cùng nằm trong cơ bắp, gân và đầu xương của các dây thần kinh thu lượm cho ta biết vị trí của đầu, chân tay trong không gian. Khi cảm giác này giảm thì cơ thể mất thăng bằng và khi bước, hai chân dạng ra, bước đi ngắn, không đều, thân mình ngả về phía trước, hai tay đưa ngang ra để cố giữ vững cơ thể.
Bộ phận tiền đình ở tai trong có nhiệm vụ cho biết vị trí của đầu trong không gian. Khi tiền đình bị tổn thương, bước đi sẽ không vững, đồng thời thấy tĩnh vật chung quanh như đang di động, mà khi ngồi yên, ta lại không nhận biết được sự di động của sự vật. Vì thế, người bị chứng này gặp trở ngại khi lái xe vì không đọc được dấu hiệu chỉ đường, cũng như không đọc được sách báo khi ngồi trong xe. Khi đi lại ban đêm, họ sẽ ngã vì tối trời, mắt không thích nghi được.
Thị giác giúp giữ thăng bằng cơ thể, khiến bước đi vững chắc. Nhắm mắt rồi đứng trên một chân, thân sẽ nghiêng ngả vì ta không thấy được tương quan vị trí của sự vật chung quanh với cơ thể. Người bị khiếm thị có thể vẫn bước tới được, nhưng bước đi ngắn, không vững, chân kéo lê trên mặt đất và họ phải vịn hoặc tựa vào một vật gì để giữ thăng bằng, đồng thời hai tay dang rộng ra.

* Nguyên nhân gây rối loạn của dáng đi
Sau đây là một số nguyên nhân đưa tới sự thay đổi dáng đi:
1. Biến chứng của bệnh tiểu đường, nghiện rượu, thiếu sinh tố B12.
2. Chấn thương cột tủy sống, não bộ.
3. Người bị bệnh Parkinson, như võ sĩ Mohamed Ali.
4. Phong thấp khớp xương.
5. Do tác dụng phụ của một số dược phẩm.
6. Khiếm khuyết thị giác và giảm cảm giác ngoài da.
7. Biến chứng của tai biến mạch máu não.
8. Không nguyên nhân: Đây là diễn tiến tự nhiên nhưng quá mức của người già khi đi đứng, với tốc độ di chuyển giảm, mất thăng bằng cơ thể, cử động kém nhịp nhàng. Khi đi, chân họ dạng ra, bước ngắn, thân ngả về phía sau nên dễ ngã, mặc dù chân không yếu và không có dấu hiệu nào chứng tỏ có sự rối loạn về thần kinh vận động.

* Vài dáng đi đặc biệt

Dáng đi của người bị những bệnh kể trên diễn ra theo một số kiểu, đôi khi đặc thù cho từng bệnh.
Có người khi di chuyển, các khớp xương hông, đầu gối và cổ chân duỗi thẳng, bước chân dang ra ngoài, đi khó khăn, chậm chạp, yếu, móng chân đôi khi quệt xuống đất.
Đây là dáng đi thường thấy ở người bị tai biến mạch máu não. Bệnh nhân bị Parkinson có những bước đi ngắn, kéo lê trên mặt đất. Họ cất bước khó khăn, bước đi nhanh, chậm bất thường khiến dễ ngã. Ở người này, khớp hông, đầu gối, cổ chân và khuỷu tay co lại, cánh tay ghìm sát vào thân, thân ngả về phía trước.
Trong bệnh tiểu đường, các biến chứng thần kinh khiến bệnh nhân đi không vững, thân ngả về phía trước, chân dạng ra, bước đi không mềm mại, ngắn dài khác nhau, bàn chân nhấc cao rồi đập mạnh xuống đất.
Nhiều người sau khi mổ mắt do đục thủy tinh thể, hoặc đổi kính hai tròng cũng có dáng đi không vững này trong một thời gian ngắn.
Người bị bệnh phong thấp, nhất là ở chi dưới, khớp xương cứng, hao mòn, giảm mức độ cử động, cơ thịt teo yếu, khiến người bệnh đi không vững, thân ngả về phía không đau.
Dáng đi bắt đầu thay đổi từ tuổi ngoài 30. Khi tuổi cao, bước đi sẽ ngắn, bàn chân không nhấc cao, lại giữ lâu trên mặt đất, nhịp đi lạch bạch, cánh tay ít đu đưa, vung vẫy, khớp vai ít nhúc nhích, thân ngả về phía trước để giữ thăng bằng. Người cao tuổi thường đứng không vững khi muốn xỏ một chân vào ống quần, và vì sợ ngã, nên phải kiếm vật gì để vịn.

* Kết luận

Rối loạn dáng đi là một trong những nguy cơ khiến người cao tuổi hay bị ngã, tạo ra thương tích như gãy xương chân tay, chấn thương não bộ, đưa đến tàn tật. Ngoài việc điều trị căn nguyên bệnh, sự phục hồi khả năng di động của bệnh nhân rất quan trọng. Có những chương trình y khoa phục hồi làm tăng khẩu độ cử động các khớp xương, cũng như huấn luyện điều chỉnh dáng đi cho thăng bằng trở lại, hướng, dẫn cách sử dụng xe lăn, gậy, nạng. Ngoài ra cũng cần khuyến khích, nâng cao tinh thần của người cao tuổi sợ ngã, để họ tự tin hơn và trấn áp sự sợ ngã khi di chuyển.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 13 Nov 2016

Vận động cơ thể với tuổi lão niên

Vào thế kỷ thứ 13, giáo sĩ kiêm khoa học gia, triết gia người Anh Roger Bacon, nhân dịp nghiên cứu về tuổi thọ con người, đã có nhận xét rằng: Không chịu vận động cơ thể là một trong nhiều nguyên nhân đưa đến sự không sống lâu.
Ngày nay, sự vận động cơ thể, dù không được coi quan trọng như thực phẩm, không khí, nước uống, nhưng đã được chứng minh là có nhiều đóng góp vào việc duy trì sức khỏe, cải thiện sự bền bỉ, sự di động của con người cũng như là một phương tiện phòng ngừa bệnh tật. Với ý thức đó, số người thực hiện sự tập luyện cơ thể mỗi ngày mỗi gia tăng ở khắp nơi trên thế giới. Theo một thống kê của Viện thăm dò Gallup, thì vào năm 1960, chỉ có 43 triệu (24%) người Mỹ tập thể dục. Đến năm 1986, số này tăng lên là 136 triệu (57%). Năm 1974, người Mỹ bỏ ra 93 triệu USD để mua dụng cụ tập, thì đến năm 1986 số tiền này tăng lên 1,2 tỷ USD. Sự vận động tập thể dục được thực hiện lần đầu vào năm 1800 tại nước Phổ, với mục đích lấy lại niềm kiêu hãnh dân tộc sau cuộc chiến với Napoléon, ngày nay đã trở thành một sinh hoạt gắn bó vào đời sống hàng ngày của đa số dân chúng, trong đó có người cao tuổi. Sinh hoạt này cũng giống như việc tổ tiên ta khi xưa phải dành thì giờ mấy lần một tuần để đi tìm kiếm thực phẩm, nước uống. Họ thực sự đi, có khi chạy, đuổi theo để bắt con mồi. Họ vừa vận động vừa kiếm thức ăn.
Với người cao tuổi, sự vận động cơ thể lại càng quan trọng hơn. Trong tiến trình lão hóa có những thay đổi theo chiều đi xuống về chức năng cũng như cấu tạo của mọi bộ phận con người, những thay đổi mà sự vận động có thể khiến chậm lại hoặc khiến tốt hơn. Xương về già giòn dễ gãy, cơ thịt già dễ tổn thương, khớp xương già co duỗi giới hạn. Lý do là vì nồng độ nước trong xương, trong sụn bớt đi, trở thành giòn, dễ gãy khi va chạm. Lại nữa, sự che chở của cơ thịt chống lại sức va chạm giảm vì khối lượng bắp thịt teo bớt tới 20% kể từ tuổi 65 trở lên. Thần kinh kém nhạy cảm, phản ứng chậm tới 10 - 15% kể từ tuổi 60, do đó dễ gây ra nguy cơ té ngã. Tim kém hoạt động. Nhịp tim chậm lại từ 6 - 10 nhịp cho mỗi 10 tuổi cao, máu rời tim sau mỗi lần co bóp ít đi tới 20 - 30%, huyết áp tăng vì thành động mạch cứng. Hô hấp giảm, dư khí trong phổi tăng tới 30 - 50% vào tuổi 70; không khí trao đổi kém đi tới 40 - 50%. Với sự hóa già cộng thêm nếp sống tĩnh tại của một số người cao tuổi, không sử dụng những chức năng của cơ thể, khiến chúng yếu đi, tiêu mòn đi, trở thành bất khiển dụng.

1. Ích lợi của sự tập luyện cơ thể
Một chương trình tập luyện cơ thể vừa sức, đều đặn, có thể chuyển hướng những tiêu cực này thành tích cực, lợi ích. Người vận động sẽ cảm thấy thoải mái hơn, nhanh nhẹn hơn, trẻ trung hơn và sống lâu hơn. Khoa học thực nghiệm đã chứng minh những điều đó.
Dáng điệu của người năng vận động nom ngay thẳng, vững chắc. Với tình trạng tĩnh tại kinh niên, cơ thịt teo, mô liên kết co ngắn, làm con người như xiêu vẹo, lưng còng, di động chậm chạp. Tập luyện làm tăng khối lượng cũng như sức mạnh của cơ thịt, tăng mức co duỗi các khớp, xương cốt cứng cáp vì calcium đã không mất, còn tăng cao, sự hoại xương bình thường ở người cao tuổi cũng chậm lại. Thân thể thon nhỏ dễ coi vì sự vận động tiêu dùng nhiều năng lượng, tránh dự trữ dưới dạng mỡ tiết chế sự ngon miệng, bớt ăn nhiều vì trầm cảm lo âu. Tất cả tạo ra hình dáng con người có phong độ, ít mỡ, nhiều thịt, dẻo dai, nhanh nhẹn khi di động.
Hệ thống tim mạch cũng được hưởng nhiều ích lợi qua vận động. Bình thường, khi hệ giao cảm hoạt động mạnh, thành mạch máu căng đưa đến tăng huyết áp. Vận động làm giảm tác dụng này của hệ giao cảm, mạch máu mở rộng, máu lưu thông nhiều, dễ dàng hơn, đồng thời cũng giảm thiểu sự đóng Cholesterol trong mạch máu, làm giảm nguy cơ gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Tim trở nên hữu hiệu hơn trong việc bơm máu. Khối lượng máu xuất tim mỗi khi co bóp tăng, nhịp tim do đó chậm lại. Máu về tim dễ dàng khiến tránh được tình trạng phù chân, nở tĩnh mạch ở hạ chi.
Năm 1985, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ lên tiếng khuyến cáo mọi người nên vận động để tránh ung thư. Theo bác sĩ Edward R. Eichner, Đại học Oklahoma, thì sự vận động ngừa ung thư gián tiếp bằng cách làm giảm béo mập, tăng miễn dịch, và thúc đẩy mọi người sống lành mạnh với ít thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc lá cũng như ăn uống dinh dưỡng cao.
Người cao tuổi cũng hay bị táo bón khi sống tĩnh tại. Vận động giải tỏa trở ngại này bằng cách dẫn máu tới hệ thống tiêu hóa nhiều hơn, tăng hiệu năng sự biến hóa thức ăn.
Ở người cao tuổi, tính miễn dịch suy yếu vì kém dinh dưỡng, nhiều stress, vệ sinh không hoàn hảo, khiến dễ nhiễm trùng. Sự vận động điều hòa, phải sức, giúp cơ thể duy trì khả năng này bằng cách gia tăng sự lưu hành của kháng thể trong máu. Nhưng nên nhớ, sự vận động bất ngờ, quá sức, sẽ khiến cơ thể sản xuất nhiều chất Cortison, mà chất này lại làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
Sau khi quan sát, nghiên cứu 1200 người khỏe mạnh trên 70 tuổi, các Đại học Harvard, Yale, Duke kết luận là sự tập luyện cơ thể làm tinh thần họ lành mạnh, tỉnh táo, giải quyết vấn đề mau lẹ, suy luận tốt, trí nhớ tốt. Sự kiện này được giải thích là vận động đưa máu nhiều về não bộ, đồng thời não cũng tiết ra kích thích tố hưng phấn. Một quan sát khác tại Đại học North Carolina còn cho là với 6 tuần lễ đi bộ nhanh lẹ, khả năng trí óc sẽ tăng lên 7,6%.
Người cao tuổi thường hay bị té vì khả năng giữ thăng bằng cơ thể bị rối loạn. Nhờ vận động, trở ngại này có thể tránh được.
Còn tác dụng của vận động trên tuổi thọ thì có nhiều ý kiến. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho là sự vận động có thể làm hạ số tử vong do bệnh tật gây ra. Các chuyên gia Hà Lan nhận thấy những người làm việc chân tay như bổ củi, sống lâu hơn người làm việc văn phòng cả 7, 8 năm. Đại học Harvard quan sát 10.000 cựu sinh viên tuổi từ 45 tới 84, thấy những người vận động như đi bộ, đánh quần vợt, sống 29% lâu hơn. Leonard Hayflick, chuyên gia nổi tiếng về vấn đề người già, góp ý: không có bằng chứng nào về sự tăng tuổi thọ khi người già vận động. Nếu đúng vậy thì ta phải thấy, khi xưa, các cụ lớn tuổi nhất sẽ rất năng động. Nhưng thực sự thì các cụ sống rất tĩnh tại. Hayflick còn cho là nếu vận động làm sống lâu hơn có lẽ là do tác dụng tích cực, tốt của nó vào diễn tiến bệnh tật.
Như vậy thì dù không có bảo đảm là sự vận động kéo dài tuổi thọ, nhưng kinh nghiệm chung cho hay nó mang nhiều lợi ích cho đời sống. Nó làm ta cảm thấy vui đời hơn, ít lo âu, tỉnh táo, nhanh nhẹn hơn. Nó mang lại vẻ trẻ trung, phong độ, di động nhẹ nhàng. Đời sống tình dục thỏa mãn hơn, ăn ngon chừng mực, dễ tiêu lại ít táo bón. Sức nặng cơ thể ở mức vừa phải, bớt đau nhức xương lưng. Nguy cơ bệnh tim phổi ít đi, tính miễn dịch gia tăng, và hy vọng là sự hóa già đến chậm hơn.

2. Lập chương trình tập luyện
Với những ích lợi như vậy, lại không mất tiền mua, có lẽ tuổi già ta cũng nên sắp đặt để có một chương trình tập luyện cơ thể. Mà khởi đầu chương trình bao giờ cũng có những khó khăn. Ôi, già rồi, thở không ra hơi, còn tập tành làm gì cho mệt. Lái xe đưa bà ấy đi chợ, lại phải trông cháu, lấy đâu ra thì giờ rảnh để tập. Tôi không khoái việc tập tành, các cụ ạ. Mình ngồi nhẩn nha tâm sự thế này vui hơn. Tập xong tôi đói, tôi lại phải ăn như vậy tôi càng mập ra. Tập nhỡ dạ con tôi nó sa xuống thì chết tôi à. Lại còn phấn son trên mặt, mồ hôi làm hư hết mất.
Vượt qua được những lý do lảng ra này là ta đã tiến gần đến mục tiêu. Bây giờ cần tham khảo với bác sĩ để điều chỉnh mấy thứ thuốc mình đang uống cho vài bệnh đang chữa trị, cũng như kiểm soát lại sức khỏe tổng quát xem có trở ngại gì khi vào chương trình tập luyện không. Thuốc ngủ, thuốc an thần làm hạ huyết áp khi đứng lâu, gây chóng mặt, dễ ngã. Thuốc thông tiểu tiện làm mất nước, mất kali, gây co rút, nhịp tim loạn xạ, nên khi tập cần uống thêm nước. Thuốc trị tiểu đường làm giảm đường trong máu, sự vận động cũng đốt nhiều nguyên liệu này, nên cần đề phòng lượng glucose trong máu quá thấp, gây tổn thương cho cơ thể. Nếu đang có bệnh tim, bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, quá mập, hay hút thuốc lá thì cần được bác sĩ hướng dẫn mức độ tập luyện để bệnh không nặng hơn.
* Những điều cần lưu ý khi tập luyện
Có mấy điểm sau đây ta cần lưu ý:
1/ Khi chưa bao giờ tập luyện, ta cần cẩn thận lựa chọn môn tập nào thích hợp với tuổi và điều kiện sức khỏe của mình.
2/ Khi đã có chương trình tập từ những năm về trước, ta có thể tiếp tục chương trình đó miễn là cơ thể không thấy có triệu chứng khó chịu nào. Tuy nhiên cũng nên rút ngắn thời gian vận động một ít cho phù hợp tuổi tác.
3/ Không nên tiếp tục những môn vận động gây nhiều cảm xúc mạnh hay có tính cách tranh đua dữ dội khiến có thể gây ra thay đổi đột ngột cho cơ thể. Ở tuổi già, sự vận động mang nhiều tính chất thư giãn, linh hoạt cơ thể hơn là cạnh tranh.
4/ Tạm ngưng vận động khi trong người không hoàn toàn mạnh hoặc quá lo lắng trong khi tập. Tránh tập luyện ngay sau hoặc trước khi ăn no.
5/ Thời tiết quá nóng và ẩm, hoặc quá lạnh và gió, không thuận lợi cho việc vận động ngoài trời.
6/ Đang tập luyện mà thấy những dấu hiệu sau đây thì nên ngưng: khó thở, hồi hộp, nhịp tim nhanh, không đều, đau ngực nhất là cơn đau chạy xuống vai và tay trái.

3. Môn vận động nào tốt
Nhiều vị cao niên hỏi môn vận động nào tốt. Ý kiến chung của các chuyên gia cho là môn nào cũng tốt, miễn là phù hợp với điều kiện cá nhân của mình: tuổi tác, tình trạng sức khỏe. Thường thường, người ta chia môn tập luyện ra làm 4 loại:
Tập luyện để có sức chịu đựng, tăng nhịp tim đập, tăng hô hấp trong một thời gian, tốt cho tim phổi và giúp ngăn ngừa hay trì hoãn một số bệnh tật.
Tập luyện cho có sức mạnh, bắp thịt nở nang, khiến người cao tuổi có thể sống độc lập, làm những việc cần thường nhật.
Tập luyện để giữ thăng bằng cơ thể, tránh té ngã, gây gãy xương, đưa đến tàn tật.
Tập luyện co giãn để cơ thể linh động, mềm mại.
Bơi lội, khiêu vũ, đạp xe đạp, nhất là đi bộ đều tốt.
Đi bộ thường được coi như thông dụng, thích hợp với người già, có thể thực hiện bất cứ lúc nào, ít gây tai nạn và mang lại nhiều ích lợi cho cơ thể như:
1/ Đi bộ là một trong nhiều môn tập luyện mà tuổi tác cũng như điều kiện sức khỏe không là trở ngại.
2/ Không phải học cách đi bộ vì ta đã biết đi từ lúc một tuổi, bây giờ chỉ cần áp dụng nhịp điệu theo tuổi hiện tại.
3/ Người đi bộ thường ít bỏ cuộc và duy trì sự đi lâu hơn là chạy bộ.
4/ Đi bộ đều đặn làm điều hòa tim mạch, tăng khả năng hít thở của phổi, làm hạ huyết áp, đốt nhiều nhiên liệu khiến bớt mập, giảm sự loãng xương, giảm phong thấp.
5/ Đi bộ làm tâm hồn thư giãn, tâm trạng thoải mái, tâm trí lanh lợi, sáng suốt.
6/ Người đi bộ thường ăn uống điều độ, ít hút thuốc lá hơn người không tập luyện.
Trong một cuộc quan sát bên Luân Đôn từ năm 1950 ở những bưu tín viên đi bộ đưa thư với nhân viên bưu điện làm việc văn phòng, cho thấy người đưa thư ít bị bệnh tim hơn.
Trước khi bắt đầu chương trình luyện tập, ta cũng nên khám bác sĩ và làm một trắc nghiệm xem khả năng chịu đựng của cơ thể tới mức nào. Trong trắc nghiệm này, ta đi rồi chạy trên máy chạy tự động với tốc độ tăng dần, máy điện tim ghi nhịp tim xem sự lưu thông của máu trong động mạch vành nuôi dưỡng tim có bị cản trở, gây khó khăn cho sự tập luyện.
Chúng tôi xin trình bày chương trình 5 tuần lễ đi bộ giản dị sau đây của một chuyên viên thể dục:
• Tuần lễ thứ nhất: đi bộ 5 phút với những bước đi trung bình không chậm, không nhanh, từ nhà ra đường rồi trở về nhà.
• Tuần thứ hai: tăng thời gian đi bộ từ 5 lên 10 phút từ nhà ra đường và 10 phút từ đường trở về nhà, vẫn đi những bước trung bình như trên.
• Tuần thứ ba: tăng thời gian lên 15 phút đi và 15 phút về, tổng cộng là 30 phút.
• Tuần thứ tư: vẫn giữ thời gian đi - về là 30 phút, nhưng bước nhanh hơn để tăng quãng đường đi bộ lên 10%.
• Tuần thứ năm trở đi: đo nhịp tim đập, và dùng bản đồ nhịp tim để tìm nhịp nào thích hợp với mình. Nhờ bác sĩ chỉ dẫn coi nhịp tim tối đa của mình là bao nhiêu, lấy 70% nhịp tối đa làm chuẩn để theo đó điều chỉnh bước đi nhanh chậm, miễn là giữ sao cho tim không đập quá số 70% nhịp tối đa này. Thường thường, nhịp tim tối đa cho tuổi từ 55 đến 59 là 125 lần mỗi phút, tuổi 60 trở lên là 120 lần mỗi phút.
Trong khi đi bộ, giữ lưng thẳng, bụng thót, cổ và đầu ngay, mắt nhìn về phía trước. Bước tới nhịp nhàng, không quá dài, tay vung tới lui để có thêm đà và giữ thăng bằng cơ thể.
Ngoài ra đi dưới nước cũng rất tốt. Nếu có một hồ tắm với mực nước ngang tầm ngực thì đi trong nước là một hình thức vận động lý tưởng và an toàn. Đi như vậy, ta thấy sức cản của nước mà ta có thể điều chỉnh sức cản đó bằng cách tăng hay giảm tốc độ bước đi. Mỗi giờ đi trong nước có thể tiêu thụ chừng 460 calorie. Một tuần đi ba lần, mỗi lần 20 phút có thể đem lại những ích lợi cho cơ thể như đi trên bộ. Ngoài việc tăng cường sức khỏe, đi trong nước có thêm mấy lợi điểm như: không đổ mồ hôi, an toàn đối với người có bệnh tim mạch, phong thấp, cao huyết áp vì nước gánh chịu 90% sức nặng của cơ thể, khiến họ thoải mái hơn là khi đi trên bộ. Người đi trong nước còn cảm thấy như được xoa bóp, làm tan biến sự căng thẳng thần kinh.
Để mang lại ích lợi cho cơ thể, tập luyện cần đều đặn và lâu dài. Với nhiều vị, động lực thúc đẩy lúc nào cũng có sẵn. Họ nói rằng sự chuyên cần này mang đến cảm giác sung sức khiến họ khó mà ngưng tập luyện vì chỉ thiếu vận động vài ngày là thấy hậu quả ngay. Nhưng cũng có nhiều vị cần thêm một khích lệ như có bạn để cùng tập, nghe nhạc hay coi phim truyện hấp dẫn khi tập, giữ đúng giờ tập như một cuộc hẹn quan trọng, đặt tiêu chuẩn tập cho từng giai đoạn và tự thưởng khi thực hiện được. Đồng thời chương trình tập cũng cần được sắp xếp làm sao cho vui thích, hấp dẫn.
Cách đây trên nửa thế kỷ, học giả lão thành Trần Trọng Kim và các cộng sự viên đã kể câu chuyện sau đây trong Quốc văn Giáo khoa thư lớp Dự bị: Người Ngô Phổ hỏi ông Hoa Đà cái cách giữ vệ sinh thế nào, ông Hoa Đà nói rằng: “Người ta phải làm lụng vận động luôn, thì ăn uống mới dễ tiêu, huyết mạch mới dễ lưu thông, và bịnh tật mới không sinh ra được. Cái chìa khóa mà không rỉ là vì dùng đến luôn. Nước giữa dòng không dơ bẩn, là vì chảy luôn. Người ta cũng vậy, có vận động thì mới khỏe mạnh”. Người Ngô Phổ theo lời dạy ấy. Quả nhiên mỗi ngày một khỏe ra và sống được ngoài chín mươi tuổi.
Nhiều người đã nhận xét: một lão niên 70 tuổi mà sung sức thì giống như người 30 tuổi lại yếu ớt. Và, ở tuổi trẻ, sự sung sức là một lựa chọn, nhưng ở người già, nó là điều cần thiết. Ta nhớ những cái đồng hồ cổ xưa: khi nó ngưng chạy không phải vì lý do hao mòn mà cần phải được lên dây thiều. Cơ thể người cao tuổi cũng vậy, cần phải được lên dây thiều, bằng sự vận động, tập luyện cơ thể.
Để có thể AN HƯỞNG TUỔI VÀNG trong những năm còn lại của cuộc đời...
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 13 Nov 2016

Phần 2: Vài vấn đề thông thường của tuổi già


Trí nhớ con người

Nhận xét về thái độ của dư luận với trí nhớ người cao tuổi, Sammuel Johnson, học giả người Anh vào thế kỷ 18 có nói: “Công chúng thường có ác nghĩ là khi một người hóa già thì khả năng trí tuệ suy sụp. Một thiếu niên hay trung niên, lúc rời nhiệm sở không biết mình để nón ở đâu, sẽ chẳng có ai để ý; nhưng nếu cùng hành động đó mà thấy ở một lão nhân thì mọi người sẽ nhún vai, bình phẩm: Ông già lại quên không biết để mũ ở đâu rồi”.
Một người bạn cao tuổi kể lại câu chuyện: Đi dự tiệc cưới, ông được giới thiệu ngồi cạnh một nhà báo. Hai bên trao đổi tên họ. Nhiều lần giữa bữa tiệc, ông ta quên bẵng tên vị ký giả, không biết xưng hô ra sao, cảm thấy bối rối. Vị lão huynh thở dài, than phiền là già rồi, chẳng còn nhớ gì được.
Hai thái độ: một tưởng như khách quan mà có phần kỳ thị; một chủ quan, thủ phận và buồn, cả hai đều mang nhiều khía cạnh cần được tìm hiểu, phân tích để làm sáng tỏ. Chúng tôi xin cùng quý vị làm công việc đó.
Trước hết, ta coi làm sao để có các loại trí nhớ, rồi sẽ tìm hiểu về trí nhớ ở người cao tuổi với những than phiền của giới này là hay quên.
Theo định nghĩa, trí nhớ là một khả năng của trí tuệ để thu nhập, tích trữ và lấy ra các sự kiện mà con người đã chứng kiến trong quá khứ. Hãy hình dung khung cảnh một buổi trưa hè, ta ngồi ở một nơi nào không phải là quê hương Hà Nội, mà nhớ lại cùng bạn bè tắm sông, hái ổi trên Nghi Tàm, đạp xe vào chùa Láng, chùa Trầm, rồi tưởng tượng như đâu đây phảng phất hương ngọc lan trên đường Quan Thánh, hay phượng vĩ đỏ ối chung quanh Hồ Tây. Làm sao mà bất cứ lúc nào, nếu muốn, ta cũng như sống lại những gì của quá khứ? Làm sao não bộ, một cơ quan chỉ nặng chừng l,5kg có thể thực hiện được cái công việc khó khăn đó? Khoa học đã cố gắng giải đáp, nhưng sự hiểu biết mới chỉ có một phần.

* Thu nhận trí nhớ
Khi mới sinh ra, não bộ nặng khoảng 50gam, lúc trưởng thành nặng l,5kg. Đó là một khối chất giống như bột mì nhão, màu xám nhạt với cả tỷ tế bào và nhiều triệu dây nối tiếp giữa các tế bào. Tín hiệu chuyển từ tế bào này sang tế bào khác ở chỗ nối tiếp bằng hóa chất trung gian Acetylcholine. Mỗi ngày có từ 60.000 tới 100.000 tế bào thần kinh chết và không được thay thế. Đây là một cuộc tàn sát lớn mà tới tuổi 65, có đến 1/10 tổng số tế bào thần kinh bị tiêu hủy. May mắn là những tế bào còn lại có thể lãnh phần trách nhiệm của những tế bào xấu số bằng cách mọc ra nhiều nhánh xen vào khoảng trống để tiếp nhận tín hiệu thần kinh. Sự việc này cũng giống như trong khu rừng già, một cây chết đi thì cây kế cận vươn lên, sinh ra nhiều cành để điền khuyết. Phần não có nhiệm vụ ghi trí nhớ nằm ở vùng vỏ não, hai bên thái dương, sau mắt; phần nhận và thanh lọc tín hiệu cho trí nhớ nằm sâu trong não, có hình chữ C, gọi là hải mã. Sự liên hệ chức năng giữa hai vùng này rất cần thiết cho trí nhớ.
Ở tuổi già, khối lượng não nhỏ đi, tế bào thần kinh thay đổi hình dạng, sự truyền tín hiệu chậm lại, chất lipofuscin xuất hiện giữa tế bào, có thể gây rối loạn cho các chức năng của não. Máu vào óc ít hơn, dưỡng khí tiêu thụ cũng giảm. Hình do quang tuyến X chụp cho thấy các luống óc não nhỏ hơn, rãnh giữa luống rộng ra. Từ tuổi 20 tới 90, não nhẹ bớt đi khoảng 5 - 10% và chứa nhiều chất lỏng. Những thay đổi này có ảnh hưởng phần nào tới trí nhớ.

* Phân loại trí nhớ
Trí nhớ được chia làm ba loại:
1. Trí nhớ ngắn hạn: Đây là loại trí nhớ để phân tích những dữ kiện, sự việc cần tức thì và kéo dài trong chốc lát. Người Mỹ gọi nó là working memory hay scratchpad memory, và từ năm 1890, nhà tâm lý học Williams James gọi là Primary memory. Ta lấy một thí dụ: trí nhớ này giúp ta nhẩm trong đầu một số điện thoại trong khi quay máy. Vợ hỏi chồng số điện thoại của cô em dâu, là bao nhiêu, chồng trả lời, vợ nhẩm số đó và quay. Hai chị em thảo luận về quần áo phấn son cả tiếng đồng hồ. Lần sau cần số điện thoại cô em, nàng lại hỏi chàng. Thật là tiện, khỏi mất công nhớ. Mà nếu muốn nhớ, nàng phải dùng đi dùng lại nhiều lần, như là để củng cố, hợp nhất dữ kiện đó vào não. Trí nhớ này bắt đầu có vào lúc 7 tuổi, thường thường không bị suy giảm với tuổi cao và nó kéo dài khoảng vài chục giây tới một phút.
2. Trí nhớ trung hạn: Những dữ kiện ghi trong trí nhớ này tồn tại từ nhiều phút tới vài năm. Một tín hiệu được nhắc đi nhắc lại, được sử dụng nhiều lần sẽ được ghi đậm sâu trong vỏ não. Khi cần đến, óc sẽ được kích thích để khôi phục dữ kiện này. Khi còn bé đi học, có những bài học thuộc lòng trong Luân lý Giáo khoa thư mà chắc bây giờ nhiều người trong chúng ta còn đọc lại được. Trí nhớ này bắt đầu có vào lúc 10 tuổi.
Xin nói rõ là, để có chất liệu trong trí nhớ, ta phải qua ba giai đoạn:
• Thu thập, lấy dữ kiện bằng học hỏi, thảo luận, suy nghĩ.
• Tồn trữ: một dữ kiện, muốn được tồn trữ, phải qua sự thanh lọc của bộ phận hải mã, để coi nó có đủ gây xúc động, hấp dẫn đáng ghi nhớ hay không. Tên người yêu chắc chắn là phải đáng ghi nhớ hơn là tên anh cảnh sát vừa mới biên phạt mình vì lái xe quá tốc độ. Dữ kiện đó hoàn toàn mới hay có liên quan tới một kỷ niệm cũ. Thí dụ ta đã có dữ kiện về một ca sĩ với tiếng hát vượt thời gian, tháng sau báo đăng cô ấy lấy chồng, năm sau sinh đôi, bộ phận hải mã sẽ xếp những tín hiệu mới này vào hình ảnh cô ca sĩ nổi danh trên để được phong phú hơn.
• Phục hồi (kỷ niệm), giống như máy vi tính, ta có thể phục hồi, gọi ra, bất cứ lúc nào, những dữ kiện có trong trí nhớ. Nghe tiếng hát của cô ca sĩ trên trong CD là ta có thể hình dung ra cuộc đời, hình dáng của cô ta.
3- Trí nhớ dài hạn: có thể tồn tại suốt đời người. Đây là kết quả tích tụ của nhiều năm với những kỷ niệm, kinh nghiệm, kiến thức học hỏi của người tuổi cao.
Có những trí nhớ về kiến thức tổng quát mà ta thu góp, tàng trữ một cách tự nhiên, không cần biết nó xảy ra khi nào, ở đâu. Nói đến quê hương Việt Nam là ta hình dung ra một giang sơn có hình chữ S, có sông Hồng, núi Ngự, sông Cửu Long. Khi nhắc tới Quang Trung, ta nhớ lại sách kể trận đánh thắng mấy mươi vạn quân Thanh oai hùng của Người. Trí nhớ này tích tụ mỗi ngày một súc tích, rất tự nhiên, đầy lúc nào ta không hay. Còn trí nhớ về những sự kiện cá nhân trong đời sống hàng ngày được ghi nhận với thời gian và không gian. Chẳng hạn trưa hôm qua ta ăn ở quán Bà Thọ, hay sinh nhật năm ngoái, ta nhận được chiếc đồng hồ mới do vợ con mua tặng. Đó là trí nhớ quá khứ. Sáng nay khi đi làm, ta nói là chiều nay tan sở trước khi về nhà, nhớ ghé siêu thị mua chai rượu vang vì tối nay vợ làm món cá hấp. Đây là trí nhớ vị lai. Có trí nhớ hành động thường nhật như ta tự hỏi, sáng nay có để thức ăn cho chú chó không, hoặc tuần trước ta cắt cỏ ngày thứ năm hay thứ sáu. Trong trí nhớ hồi tưởng, ta nghĩ và nói về dữ kiện của “những ngày xưa thân ái”, trí nhớ tự truyện nhắc đi nhắc lại chuyện về mình trong vài năm trước. Trí nhớ dung nhan khi “Xin lỗi nom ông quen quen, mình đã gặp nhau mà không sao nhớ được tên ông”, trí nhớ thầm kín (tiềm thức) mình đã ở nơi đó không nhớ bao giờ. Có bà nội trợ, làm bếp cần mấy củ tỏi, nhưng không còn. Bà ta nhẩm trong đầu là kỳ tới đi chợ thêm tỏi vào danh sách các thứ cần mua. Khi viết danh sách lại quên biên tỏi. Đi chợ, qua hàng rau quả, nhìn thấy tỏi, bà ta lượm một túi như vậy là thầm kín đã gợi bà mua tỏi.

* Kết luận
Làm sao mà não, nói chung, các trung tâm trí nhớ, nói riêng, có thể hoàn tất công việc phức tạp đó một cách chu đáo và khoa học như vậy? Cho tới nay, chưa có một giải đáp thỏa đáng mà chỉ có những gợi ý, phỏng đoán. Có người đã ví não bộ như cả ngàn hệ thống điện thoại mà mỗi hệ thống có thể cung cấp nhu cầu liên lạc cho tất cả dân chúng của thành phố Nữu Ước. Các trung tâm này liên tục nhận những tín hiệu, phân tích, xếp loại rồi tồn trữ. Não ghi nhận dữ kiện như một cái máy thu âm, bộ phận hải mã như là một cái nút kiểm soát. Bình thường, nút bấm này tắt, và chỉ mở để ghi khi nào dữ liệu được coi là quan trọng. Một dữ kiện không quan trọng thường lởn vởn trong đầu một lúc rồi tan biến đi. Cho nên việc vị lão huynh kể trên có quên tên người ký giả cùng bàn tiệc cũng là chuyện bồ tát, giống như là lâu lâu ta quên, không biết chìa khóa xe, chìa khóa nhà để ở đâu.
Nhưng lái xe đi làm mỗi ngày trên cùng con đường mà lạc lối, quên những cuộc hẹn quan trọng, kể đi kể lại cùng một câu chuyện trong một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với bạn bè, thì là điều đáng ngại. Những thắc mắc, lo âu tự hỏi: Ta già rồi chăng? Hay ta đang mắc chứng não suy trầm trọng? Liệu trí nhớ có bỏ ta ra đi, như những con chuột tìm đường chạy trốn khỏi con tàu sắp đắm!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 14 Nov 2016

Tâm bệnh ở người cao tuổi

Trong nhiều xã hội, nơi mà tuổi trẻ được coi trọng, tuổi cao đồng thời lại mang tâm bệnh có thể là cản trở để có nếp sống tốt lành và có ích hơn. Lý do là xã hội, cơ chế chính quyền và mỗi cá nhân đều vô tình hoặc cố ý có sự đối xử cách biệt và kỳ thị với người già làm cho người già mang thêm tâm bệnh.
Cao tuổi là những người từ 60-65 tuổi trở lên.
Tâm bệnh là những rối loạn về tâm trạng, hành vi, về sự suy nghĩ cũng như nhận thức của người bệnh.
Bệnh xảy ra ở bất cứ ai, không kể tuổi tác, giai tầng xã hội, giống tính và phái tính. Di truyền dòng họ, khó khăn khi còn là bào thai, chấn thương tâm lý, mất thăng bằng hóa chất tại não bộ, bệnh của cơ thể là những yếu tố có thể gây ra bệnh.
Người bệnh thường cảm thấy thay đổi đột nhiên trong hành vi, tâm trạng lo âu, căng thẳng, xa lánh bạn bè thân nhân, không thích thú với các sinh hoạt thường lệ, rối loạn ăn uống ngủ nghỉ, có ý nghĩ tiêu cực như tự tử hoặc bạo hành với người khác. Một số người có những hoang tưởng, ảo giác đối với sự việc và đối với mọi người ở chung quanh.
Tâm bệnh là một trong nhiều bệnh hiện nay còn bị hiểu nhầm nhiều nhất.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, số người cao tuổi bị tâm bệnh ngày một gia tăng đồng thời sự kỳ thị đối với họ cũng nhiều hơn.
Theo một vài ước định, tới năm 2030 sẽ có khoảng 13 triệu người già mắc tâm bệnh tại Hoa Kỳ. Như vậy, một phần tư số người cao tuổi sẽ mắc một loại bệnh tinh thần nào đó, kể cả sa sút trí tuệ. Một phần ba số người sa sút trí tuệ cũng có dấu hiệu rối loạn tinh thần và trầm cảm.
Người cao tuổi có thêm tâm bệnh thường không được chăm sóc, điều trị chu đáo cả về dược phẩm cũng như tâm lý trị liệu. Một trong nhiều lý do là những dịch vụ y tế mà người già cần đến đều không được cung cấp đầy đủ. Theo kết quả của một số nghiên cứu, chỉ có 3% người cao tuổi nhận được sự trị liệu tại Trung tâm Ngoại chẩn Tâm bệnh và chỉ có 30% người cao tuổi sống trong cộng đồng nhận được sự chăm sóc tại Trung tâm Tâm bệnh.
Ngoài sự không nhận được đầy đủ trị liệu, chăm sóc, người cao tuổi mang tâm bệnh còn gặp phải sự đối xử khác biệt và kỳ thị.
Hậu quả của đối xử khác biệt và kỳ thị đối với người già mang tâm bệnh là:
- Họ sẽ có nếp sống không thoải mái.
- Mối liên hệ trong gia đình trở thành lỏng lẻo, xa cách.
- Họ không đóng góp được gì cho xã hội.
- Họ thiếu tin tưởng ở hệ thống chăm sóc sức khỏe của chính quyền.
Trên bình diện xã hội, kỳ thị đưa tới các hậu quả như:
- Quần chúng sẽ không thấu hiểu sự khó khăn của người già mang tâm bệnh.
- Có ít nhà chuyên môn để chăm sóc người già mang tâm bệnh.
- Tự động phân cách người già mang tâm bệnh.
- Không có chính sách quốc gia đối với người già mang tâm bệnh.
Sự đối xử cách biệt và kỳ thị với người cao tuổi mang tâm bệnh vẫn còn tồn tại và cần phải loại bỏ.
Theo ý kiến chung, loại bỏ thành kiến gặp một số trở ngại như là:
- Người cao tuổi và gia đình của họ không hiểu rõ về tâm bệnh, cho tâm bệnh là chuyện đương nhiên ở người già, không cần chữa và cũng không chữa được; hoặc cho tâm bệnh là xấu nên giấu giếm; hoặc không biết nơi điều trị, chăm sóc.
- Chính quyền không quan tâm và dành ngân khoản để chăm sóc người già mang tâm bệnh.
- Các chuyên gia y tế có hành động đối xử khác biệt với người già mang tâm bệnh, coi nhẹ những khó khăn của họ.
- Các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế cho người già mang tâm bệnh không ý thức được hậu quả của tâm bệnh đối với người già, coi bệnh này như là chuyện đương nhiên của người cao tuổi.
Sau đây là một số đề nghị để loại bỏ sự đối xử khác biệt và kỳ thị với người cao tuổi.

1. Hướng dẫn, khích lệ người cao tuổi mang tâm bệnh
Cần đặt trọng tâm vào việc nhận diện, tìm tới những người cao tuổi mang tâm bệnh để giúp họ có thêm hiểu biết về bệnh, về sự có thể chữa hết bệnh và có thể sống đời sống bình thường như mọi người. Khi có hiểu biết như vậy, họ sẽ không còn e ngại bị cô lập, coi thường.
Để thực hiện việc hướng dẫn này, cần sự góp sức của nhiều người trong cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức tranh đấu bảo vệ quyền lợi người cao tuổi mang tâm bệnh, cơ quan dân sự, các tổ chức tôn giáo.
Cần phải cho mọi người nhận thức được rằng:
a. Tâm bệnh của người già có thể điều trị được và họ có thể sống đời sống khỏe mạnh, có ích như mọi người.
b. Người già với tâm bệnh cần phấn đấu một cách dũng cảm để vượt qua sự sợ hãi bệnh hoạn, sự tự cô lập và sự thiếu phương tiện sinh sống.
c. Người già với tâm bệnh phải tự giúp mình rồi vươn ra giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác sẽ tăng niềm vui cho mình, tăng niềm tự tin và tự trọng của mình.
d. Người già với tâm bệnh cần phải sống và được sống với gia đình mà không sợ bị cô lập, bỏ rơi trong viện tâm thần.
Cần tận dụng tất cả các phương tiện khác nhau để đạt tới sự hướng dẫn này, như truyền thông đại chúng, cung cấp tài liệu hướng dẫn cho các tổ chức thường tiếp xúc với người cao tuổi, viết thư cho người cao tuổi...
Cũng cần để ý tiếp xúc với các dân tộc có văn hóa, phong tục tập quán khác nhau, các dân tộc thiểu số trong cộng đồng để có sự đối xử công bằng, không phân biệt kỳ thị.

2. Hướng dẫn quần chứng về tâm bệnh và sự hóa già
Có ba đối tượng cần tập trung hướng dẫn: người tuổi cao, thân nhân của họ và quần chúng nói chung.
a. Đối với người cao tuổi
Kinh nghiệm cho thấy, người tuổi cao thường ít tiếp nhận và tìm kiếm dịch vụ y tế, vì nhiều lý do, chẳng hạn:
- Cho là mình già rồi, trước sau cũng chết, cần gì chữa trị;
- Kể bệnh ra người ta cho là mình bị “điên” thì xấu hổ lắm;
- Không biết có sẵn các dịch vụ;
- Vì trở ngại ngôn ngữ...
Cần phải nâng cao tinh thần họ, cho họ biết rằng:
- Một sức khỏe tinh thần hay thể chất tốt mang lại niềm vui cho tuổi già;
- Xã hội đã có sẵn các dịch vụ y tế hữu hiệu dành cho họ;
- Có sức khỏe tốt họ sẽ sống độc lập, không phụ thuộc vào ai;
- Không còn e ngại khi mang tâm bệnh mà bị đối xử khác biệt.
Cần lưu ý rằng, một số người cao tuổi vẫn còn đóng góp trí tuệ, lao động cho xã hội. Khi mắc tâm bệnh, họ không bị kỳ thị trong việc làm, không bị sa thải. Trị liệu và bệnh tình của họ không được tiết lộ cho chủ nhân, nếu họ không đồng ý. Tại Hoa Kỳ, luật Americans with Disability Act đã được ban hành, áp dụng để bảo vệ công nhân viên khi chẳng may bị bệnh tật mà vẫn còn khả năng và muốn tiếp tục công việc.
b. Đối với thân nhăn, con cái người cao tuổi
Cần khích lệ con cái để ý nhiều hơn tới sức khỏe của cha mẹ, tìm kiếm các dịch vụ y tế xã hội cho cha mẹ ngõ hầu giúp cha mẹ an hưởng tuổi già với niềm vui gần con cháu.
Thân nhân, con cái cần lắng nghe một cách thành thật các khó khăn của người bệnh và an ủi, hỗ trợ. Họ cũng cần có kế hoạch sẵn sàng để đối phó với trường hợp bệnh trở nên trầm trọng. Giúp bệnh nhân ghi rõ các loại thuốc và cách dùng, tên địa chỉ, điện thoại bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân để khi cần, có sẵn. Đây là một việc làm với nhiều căng thẳng. Ngoài ra, thân nhân bạn bè có thể tìm kiếm hỗ trợ từ các tổ chức ngoài xã hội.
c. Đối với cộng đồng
Hướng dẫn cộng đồng:
- Duy trì sự khỏe mạnh về thể chất, linh lợi về tinh thần;
- Sống tích cực trong tuổi già;
- Gạt bỏ mọi ý nghĩ tiêu cực về sự hóa già.
Nói chung, cần cho mọi người biết:
- Ai cũng đều xứng đáng sống lành mạnh;
- Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh mang lại niềm vui cho tuổi già;
- Xã hội có sẵn các dịch vụ y tế cho mọi người;
- Khi có bệnh cần tìm kiếm giúp đỡ, chữa trị;
- Các bệnh đều chữa được;
- Không bao giờ quá già để sống lành mạnh...
Các hướng dẫn cần ngắn gọn dễ hiểu, cần sử dụng mọi phương tiện để đạt được mục tiêu mong muốn là người già mang tâm bệnh có thể điều trị và có thể sống bình thường như mọi người bình thường khác.

Kết luận:

Các nhà chuyên môn đều có cùng nhận định là mọi cố gắng loại bỏ đối xử khác biệt và kỳ thị với người già mang tâm bệnh là công việc khó khăn và cần thời gian lâu dài, nhưng phải bắt tay vào việc ngay. Nếu trì hoãn, thì một thế hệ người cao tuổi khác sẽ rơi vào tình trạng không ý thức được nhu cầu của mình, không tiếp nhận, tìm kiếm được sự giúp đỡ và sẽ không sống đời sống có ích như họ mong muốn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 14 Nov 2016

Trí nhớ người cao tuổi

“Ngoại trừ khi bệnh hoạn,
Con người không cạn kiệt trí nhớ vì tuổi già”.

ALEX COMBORT

Bác sĩ Barry Gordon, giáo sư tâm thần học tại Đại học Johns Hopkins, có viết: “Trí nhớ không hoàn hảo ở mọi tuổi. Khi về già, có rất ít thất thoát về trí nhớ. Thực ra, trí nhớ về ngôn ngữ, kiến thức tổng quát lại tăng với tuổi cao. Già không có nghĩa là ta rơi vào khoảng trống của tâm trí. Có thể là ta cần cố gắng hơn để học hỏi và nhớ sự vật, nhưng ta có thể đạt tới cùng một trình độ như ở bất cứ tuổi nào”.
Các nhà thần kinh học cũng đồng ý là một vài thay đổi về cơ thể của tuổi già gây trở ngại cho óc trong việc tập trung và ghi nhớ dữ kiện mới. Tuy nhiên, theo giáo sư Tora Brawley, Trung tâm Đại học Y khoa Duke, việc não nhỏ lại cũng chẳng khác gì xương sống ngắn đi và sự thay đổi này sẽ được đối phó một cách dễ dàng khi ta cho đó chỉ là diễn biến bình thường của tiến trình lão hóa. Nói một cách tổng quát, thì khi về già trí nhớ sẽ có một vài thay đổi.
Kết quả khảo sát của Charles A Dana Foundation năm 1995 cho thấy 80% những người từ 35 tuổi trở lên đều có một khó khăn nào đó với trí nhớ và sự tập trung tư tưởng. Tới tuổi 45, có tới 56% dân chúng thường hay để mất vật này vật khác, và 45% người hay quên những tên quen thuộc. Khả năng thu nhận dữ kiện mới giảm, trí óc cần thời gian lâu hơn để học và hiểu, khả năng nhớ lại cũng chậm. Để giản dị hóa, ta có thể ví sự việc như sau: bộ phiếu thư mục không thay đổi, chỉ có cô thư ký, vì lớn tuổi, làm việc hơi chậm, nên mất nhiều thì giờ hơn để xếp thẻ mới vào thư mục hoặc lấy dữ kiện ra cho ta. Nhiều người trên 30 tuổi đôi khi đột nhiên không nhớ ra tên vài bạn bè quen thuộc, làm họ rất bối rối, nhưng sau vài phút tên đó bất chợt hiện ra. Có người đang nói chuyện, đến một chi tiết tưởng như nhớ ra mà không sao nhớ ra được.
Những thay đổi kể trên không đồng nghĩa với sự mất trí nhớ như nhiều người nghĩ, và cũng không có nghĩa là sẽ có một sự suy giảm trầm trọng về trí nhớ, ngoại trừ khi ta để nó xảy ra hay tiếp tay cho nó xảy ra. Theo Alex Comfort, nếu không bị bệnh hoạn, không bao giờ ta cạn kiệt trí nhớ.

* Nguyên nhân gây thay đổi trí nhớ ở người cao tuổi
Tại sao lại có những thay đổi về trí nhớ như vậy?
• Về phương diện tâm lý, bị ảnh hưởng của sự “gán ghép”, người lớn tuổi cứ tin rằng: Ôi mình già rồi thì nó phải quên, làm sao bì được với bọn trẻ! Quý cụ quên là, trẻ có thể suy nghĩ, phản ứng nhanh hơn, nhưng ta tuy chậm mà chắc hơn. Cứ coi một cặp trẻ già đánh cờ tướng: anh bạn trẻ hùng hổ, đi quân tới tấp, ông già cứ từ từ theo rồi chiếu bí anh trẻ cái rụp.
• Người cao tuổi, vì hoàn cảnh, vì nhìn thấy tương lai không sáng sủa, hay lâm vào tình trạng trầm cảm, không tự tin, tự cô lập trong việc giao tiếp hàng ngày, không tập trung, tất cả đều ảnh hưởng tới trí nhớ.
• Sức khỏe tổng quát không tốt, mệt mỏi, suy nhược cũng ảnh hưởng tới trí nhớ.
• Người cao tuổi thường dùng nhiều loại thuốc khác nhau, nhất là có tác dụng làm dịu tinh thần (thuốc ngủ, thuốc đau nhức), nên hay ở trong tình trạng phiêu du, kém tập trung.
• Các bệnh kinh niên không điều trị hay không giữ mức độ trung bình như cao huyết áp, bệnh về tuyến giáp trạng, bệnh về mạch máu não cũng ảnh hưởng tới khả năng duy trì trí nhớ, vì dinh dưỡng tế bào não giảm bớt.
• Sự ít ngủ hoặc thiếu ngủ của người cao tuổi làm họ kém tinh anh.

* Để có trí nhớ tốt
Xét qua những lý do kể trên, ta thấy sự thay đổi trí nhớ ở người cao tuổi là việc không thể tránh được. Chúng tôi xin trình bày sau đây một số những phương cách để duy trì trí nhớ, do kinh nghiệm nghiên cứu của các nhà chuyên môn về lão khoa.
1. Cần phải có một lối sống lành mạnh. Các cụ ta thường nói: thân thể có khỏe mạnh thì tinh thần mới minh mẫn, mới học hiểu và nhớ điều mình học.
2. Tránh tình trạng căng thẳng tâm thần. Theo Bruce Mc Ewen, chuyên gia khoa thần kinh của Đại học Rockefeller, thì tình trạng căng thẳng kéo dài liên tục hàng năm, hàng tháng có thể tiêu hủy cơ quan hải mã, bộ phận quan trọng của việc ghi nhận trí nhớ.
3. Ngủ đầy đủ, tránh dùng quá độ thuốc ngủ, thuốc an thần, rượu hay các đồ kích thích thần kinh.
4. Tế bào thần kinh cũng giống như các cơ bắp, nếu không được dùng đến thì teo đi. Một dẫn chứng là khi dây thần kinh thị giác bị hư lúc còn thơ ấu thì vùng óc liên hệ tới sự nhìn không phát triển nảy nở. Các lớp học sách báo về luyện trí nhớ cũng dựa trên căn bản này, để hướng dẫn ta tập trung, liên hợp ý nghĩa với sự vật, vận dụng khả năng thính thị, nhắc đi nhắc lại những điều gì cần nhớ.
5. Tập luyện cơ thể. Bác sĩ Barri Gordon, Đại học Y khoa John Hopkins, cho biết trí nhớ tăng lên 20% nếu ta tập luyện cơ thể 20 phút, ba lần một tuần. Một nghiên cứu khác tìm ra là do tập luyện cơ thể, não tiết ra một loại kích thích tố làm tăng trưởng tế bào thần kinh và giúp chúng mạnh hơn.
6. Tránh ôm đồm quá nhiều dữ kiện, điều gì cần nhớ thì chú tâm, còn không cần thì nghe qua rồi bỏ. chuyên gia thần kinh Eric Kandel của Đại học Columbia có nhắc nhở là chúng ta nên gạt bỏ những thứ tạp nhạp trong đời sống hàng ngày để có thể tập trung vào những đại sự.
7. Tổ chức sống hàng ngày cho có thứ tự, liệt kê những việc cần làm theo ưu tiên. Nếp sống bừa bộn làm rối loạn trí nhớ.
Còn những thần dược giúp trí nhớ, những thuốc bổ óc thì sao? Có thể một số quý cụ khi còn học trung học, tiểu học đều đã dùng qua thuốc bổ óc glutaminol để nhớ bài học lâu hơn. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều hóa chất được quảng cáo giúp trí nhớ, hầu hết bán không cần toa bác sĩ. Những thuốc này căn bản gồm chất liệu như sinh tố E, chất DHEA của nang thượng thận, chất DHA có nhiều trong sữa mẹ và cần cho sự nảy nở não bộ trẻ sơ sinh, kích thích tố nữ estrogen làm giảm nguy cơ bệnh Alzheimer và tăng trí nhớ do ngôn từ và thị giác cung cấp. Dược thảo giúp trí nhớ như Ginkgo Koba đang rất thông dụng ở các quốc gia bên châu Âu. 

* Một vài ý kiến của các nhà lão khoa về trí nhớ người già.
Sự mất trí nhớ ở tuổi già, nếu xảy ra, là cả một thảm họa khủng khiếp. Nhưng nó chỉ thường thấy ở người mắc bệnh Alzheimer, trong đó các tế bào thần kinh sản xuất hóa chất trung gian Acétylcholin bị tiêu hủy, mà hóa chất này rất cần cho sự học hỏi và duy trì trí nhớ. Còn trong tiến trình hóa già, trí nhớ thay đổi nhưng do những nguyên nhân có thể tránh được, chúng tôi xin dẫn chứng bằng những ý kiến sau đây của các nhà chuyên môn về lão khoa:
1. Ngày nay, chúng ta đã có ý thức rằng mất khả năng tâm trí là điều có thể tránh được ở tuổi cao. Quan niệm cũ cho rằng có sự song hành giữa não suy và lão hóa là hoàn toàn sai. (T.S. Leonard Hayflick).
2. Cứ nhẹ dạ tin rằng tuổi cao và sự mất khả năng tâm trí xảy ra cùng một lúc, có thể tạo ra nỗi lo lắng, giảm mức tự tin và dẫn tới sự thu mình trong đời sống tinh thần. Kết quả là trí nhớ có thể bị suy giảm. (Thomas Hager & Lauren Kessler)
3. Sức mạnh tâm trí của ta lớn lên với sự năng dùng. Giống như hệ thống cơ bắp của cơ thể, não bộ có khuynh hướng teo đi khi không được dùng tới và nó trở nên tốt hơn nếu được sử dụng. (Bruce Bliven)
4. Sự thường xuyên vận động cơ thể có thể làm tăng trí nhớ. Trắc nghiệm này cho hay trí nhớ ở nhóm người chơi thể thao dưới nước cao hơn nhóm người không tập, vì sự tập luyện làm tăng lượng dưỡng khí nuôi óc não.
Để kết luận phần trình bày về trí nhớ phức tạp này, chúng tôi xin mượn lời của tiến sĩ Douglas Hermann, một chuyên gia nghiên cứu về trí nhớ: “Khi hay quên thì ta nghĩ rằng trí nhớ đã bỏ ta để ra đi. Nhưng xin đừng thất vọng. Với một chút tập trung và một sự cố gắng, trí nhớ sẽ trở lại tốt nhớ như thuở mười mấy, hai mươi, có khi còn tốt hơn”.
Cũng như các cụ ta thường nói: “Muốn có điều tốt lành, cần cố gắng cho càng ngày càng tốt hơn lên và mãi mãi: Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Next

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 20 guests