An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 15 Nov 2016

Sa sút trí tuệ

Hôm nay là ngày lễ ăn hỏi của cháu. Họ hàng, thân hữu đều có mặt đông đủ để mừng, ngoại trừ ông nội. Ông chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện. Ông mặc bộ quần áo ngủ mới, tóc chải mượt, chân đi đôi dép bà mới mua. Lâu lâu, ông ngó quan khách, cười rồi lại quay vào phòng. Có lúc ông ra bàn thức ăn, bốc miếng chả giò cho vào miệng ăn thích thú. Ông cũng nhặt tờ giấy lau tay, vo tròn lại, liệng vào một người, rồi chạy tuột vào trong. Ông đang nghịch ngây thơ như một đứa trẻ. Từ hai năm nay, ông thay đổi từ tính tình tới hành động. Ông không nhớ gì, biết gì, đôi khi đại tiểu tiện ra quần. Bà hết lòng săn sóc, chăm nom ông từ bón ăn tới tắm rửa. Bà vui vẻ giữ trọn cái nghĩa với người bạn tào khang, đã từng một thời oanh liệt. 
Bà Minh đưa mẹ già đi khám. Cụ năm nay ngoài thất tuần. Bà than với bác sĩ là ít lâu nay cụ “làm sao ấy”: Cụ cứ hay nhắc đi nhắc lại việc cụ ông mất đi cách đây đã chục năm, kể lại những việc xảy ra thuở nào, diễn tả như mới xảy ra mà khi hỏi thì không biết bao giờ. Từ nhà đi bộ đến nhà thờ đọc kinh, lễ mỗi ngày, cách có hai con phố, cụ cứ lạc đường luôn, khiến con cháu phải đi kiếm. Cụ hay hỏi đi hỏi lại cùng câu hỏi. Đôi khi cụ hay gắt gỏng, la mắng mọi người. Chập tối là cụ như buồn chuyện gì, thấp thỏm ngồi không yên, đi tới đi lui trong nhà.
Quý vị lão nhân trên đây là những người bị chứng rối loạn tâm lý, chứng sa sút trí tuệ (Dementia), một chứng mà nhiều người khi nghĩ tới nó đều sợ hơn là sợ chết. Nó hủy hoại đời sống người bị bệnh. Nó tạo gánh nặng cho gia đình. Nó không phải là một bệnh mà là một tập hợp của nhiều triệu chứng ảnh hưởng tới trí nhớ, đến ngôn ngữ, đến hành động, đối xử, đến khả năng lý luận của người bệnh. Nó là sự đi xa hơn của một thoáng quên, một giây đãng trí ở tuổi già bình thường. Nó không phải là điên dại mà chỉ là sự thay đổi trí tuệ, đủ trầm trọng để làm thay đổi cuộc sống con người.

* Nguyên nhân của sa sút trí tuệ
Có cả trăm nguyên nhân đưa đến tình trạng không bình thường này, mà bệnh Alzheimer là thủ phạm chính. Nó không phải là một phần của sự lão hóa nhưng nó có liên quan tới tuổi con người: từ 1% trầm trọng ở lớp người 65 tuổi tăng lên tới 15 - 25% ở lớp người cao niên trên 80 tuổi. Nó là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh được đưa vào viện dưỡng lão vì tính tình, hành vi quá lố. Nó không những đã lấy đi tuổi thọ mà còn lấy đi sự độc lập của người bệnh. Nó không phân biệt chủng tộc, giai tầng xã hội. Một cựu nguyên thủ cường quốc số một trên thế giới đang ở trong tình trạng này, nó đưa một đạo diễn tài danh vào nhà nghỉ người cao tuổi ngoài hải đảo thơ mộng.
Nguyên nhân chính của sa sút trí tuệ là Alzheimer, đến 68%, rồi đến bệnh trầm cảm, hủy hoại não do nhiều tai biến não nhỏ, thiếu sinh tố B12... Khám nghiệm não bộ thấy có nhiều thay đổi ở vùng hải mã (Hippocampus), chịu trách nhiệm về trí nhớ, học hỏi kiến thức. Riêng với bệnh Alzheimer, những nguy cơ gây bệnh đã được xác định gồm có: thay đổi gen ở các nhiễm sắc thể, tuổi cao, giúp đỡ có sa sút trí tuệ, người có hội chứng chậm trí khôn, hội chứng Down. Người bệnh không qua khỏi được dăm bảy năm, vì những tiêu hao trầm trọng về trí tuệ, đưa đến sự không tự săn sóc, thân xác suy yếu, đôi khi nằm liệt giường, rồi ra đi vì nhiễm trùng nhất là sưng phổi. Hàng năm, cả trăm ngàn người bệnh Alzheimer thiệt mạng.

* Dấu hiệu của sự sa sút trí tuệ
Có tới 75% trường hợp sa sút trí tuệ diễn tiến âm thầm một thời gian khá lâu, trước khi được phát giác, thường thì do thân nhân là người đầu tiên nhận ra. Lúc đầu, người bệnh hay kiếm cách phủ nhận, nói lảng, đôi khi bịa rất khéo để che giấu bất hạnh của mình. Thí dụ như khi hỏi họ đang coi phim gì trên truyền hình, thì họ trả lời “đang coi chương trình tôi thích nhất”, mà thực ra họ không nhớ tên của chương trình đó. Nhưng với thời gian, người bệnh không còn che đậy được nữa, và triệu chứng lần đầu xuất hiện:
1. Trí nhớ gần, ngắn hạn mất đi. Ngay sau khi nghe hay đọc một tin tức, họ quên liền. Không uống thuốc mỗi buổi sáng như thường lệ. Không tắt bếp sau khi nấu. Không nhớ chìa khóa nhà để ở đâu. Nhắc đi nhắc lại cùng một câu hỏi nhiều lần.
2. Quên mất từ ngữ. Không tìm được từ chính xác để gọi sự vật. Biết nó là con chó, nhưng gọi nó là con mèo vì không sao tìm được từ CHÓ trong trí óc. Đang nói chuyện, tự nhiên khựng lại, không biết mình đang nói gì, hay nói nghịu, không chú tâm theo dõi, tham dự trong cuộc đối thoại, mạng đàm.
3. Mất khả năng thực hiện động tác thông thường, không chải đầu, đánh răng, tắm rửa, không nhớ cách và cơm ăn. Họ hành động như một đứa bé chưa được huấn luyện về những động tác thông thường này.
4. Mất nhận thức. Không nhớ tên và nhận ra người quen, nơi hay lui tới, vật hay dùng, khó khăn trong việc học hỏi, hội nhập kiến thức mới. Rối loạn khả năng sắp xếp công việc, theo dõi sự việc chung quanh.
5. Mất định hướng không gian và thời gian. Lạc lối trên đường quen thuộc hàng ngày. Dáng đi thay đổi: đang đi đột nhiên đứng lại, lâu lâu cúi khom người xuống, kéo lê bước đi, hay té ngã.
6. Xao lãng vệ sinh cá nhân, quần áo xốc xếch, khuy cúc không cài.
Nhiều người bệnh, cứ mỗi khi chiều xuống, mặt trời lặn là cảm thấy bồn chồn, bực tức, đứng ngồi không yên, mất phương hướng, đi lang thang trong nhà ngoài vườn, tự cô lập, không tham gia sinh hoạt chung. Đây có thể là do bị tước đoạt cảm xúc khi tối trời hay do sự thay đổi hóa chất ở não bộ sau một ngày hoạt động.
Ngoài ra, người sa sút trí tuệ còn có những hành vi bất thường như:
1. Hay đi lang thang, lạc đường để tìm hiểu chung quanh, lục lọi đồ đạc phòng này sang phòng khác, hoặc đi vì bực mình, không diễn tả truyền đạt được ý muốn. Hành vi này được giải thích như người bệnh đi tìm một cái gì để sinh hoạt, khám phá một mới lạ, muốn đi đến một nơi nào đó mà không xác định được, không nhớ hoặc biết mình sẽ đi đâu. Vì thế nên họ hay bị lạc đường, khiến gia đình, cảnh sát phải tìm kiếm (như tìm trẻ lạc), đôi khi gặp tai nạn hay mất tích.
2. Hay gây gổ, dễ khích động, lo lắng. Tâm trạng này xảy ra khi người bệnh, vì giảm khả năng đối thoại, phản ứng trước một đau đớn cơ thể, một hoàn cảnh không quen trước người xa lạ. Người bệnh cũng trở nên gây gổ khi được cho uống thuốc, ăn cơm hay yêu cầu đi tắm. Họ cũng hay nổi cáu, la hét mọi người, nhất là khi được nhắc nhở làm việc gì, họ cảm thấy như cá nhân bị xúc phạm, khiêu khích, hay gợi lại quá khứ không vui. Ngược lại, có lúc bệnh nhân tỏ ra rất dễ thương, nghe lời, thân thiện, nói rất nhiều.
3. Có những hoang tưởng, ảo giác như nhận diện nhầm người nhà, bạn bè, nghi ngờ, tin rằng mọi người nói về mình hay lấy trộm đồ vật tùy thân; nghe âm thanh và nhìn thấy sự vật không có thực. Họ ít ngủ ban đêm, vì sợ bóng tối, đói bụng, mót tiểu tiện, buồn rầu, hay vì ngủ ngày quá nhiều.

* Điều trị và săn sóc
Kinh nghiệm cho hay con người, khi về già, lo sợ mất khả năng trí tuệ nhiều hơn là lo sợ mất khả năng khác. Nó tiêu hao con người từ từ. Nó độc địa hơn cái dao cầu, cái u sầu giết người cung nữ. Nó biến đổi con người từ tình trạng tự chủ, tự lập sang hoàn toàn phụ thuộc, bất lực. Nó mang gánh nặng tới cho thân nhân, lo âu trước bất hạnh mà chẳng biết làm gì để thay đổi cục diện, mang lại trí tuệ cho người thân.
Trong y giới, có câu nói là hạn hữu lắm, ta mới trị lành được, đôi khi ta có thể làm nhẹ bệnh, nhưng luôn luôn ta có thể làm cho người bệnh cảm thấy thoải mái. Với sa sút trí tuệ, hay bệnh Alzheimer, y khoa ngày nay đã cung ứng một vài phương thức trị liệu, hy vọng mang lại một phần trí tuệ cho những trường hợp nhẹ. Các dược phẩm như Tacrine, Donepezin, Selegiline, sinh tố E, Estrogene đang được thử nghiệm, sử dụng. Người bệnh vẫn như chờ đợi thần dược, mà cũng như thấy ngày ra đi của mình gần đâu đây. Thân nhân chỉ biết hết sức mình chăm sóc, hỗ trợ để đáp ứng những nhu cầu, vấn đề của người bệnh.
1. Về ăn uống: Vì sự an toàn, tránh để bệnh nhân liên can đến việc nấu nướng. Nhắc nhở giờ ăn. Dọn từng món ăn, tránh trường hợp họ ngồi bối rối trước mâm cơm không biết lựa món nào. Đôi khi bệnh nhân chỉ thích ăn một món, dễ bị thiếu dinh dưỡng, vậy nên xen kẽ món ăn khác nhau. Quên cách dùng đũa thìa có thể thay bằng món ăn cầm tay. Cho ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày vì họ không chịu ngồi yên trong bữa ăn kéo dài quá lâu.
2. Ngủ nghỉ: Để ngủ ngon giấc ban đêm, nên khuyến khích bệnh nhân tham dự nhiều sinh hoạt ban ngày, tránh uống nhiều nước buổi chiều để họ khỏi thức dậy đái đêm. Tránh cho uống nhiều thuốc ngủ, giới hạn ngủ ngày.
3. Thuốc men: cất dược phẩm trong tủ khóa kỹ. Cần trực tiếp giúp người bệnh uống thuốc cho đúng giờ, đúng liều lượng. Với bệnh nhân không chịu uống thuốc, nên nghiền thuốc nhỏ, pha lẫn với chút thức ăn, nước trái cây. Đôi khi phải dỗ dành như dỗ trẻ em.
4. Quần áo: cần quần áo rộng rãi, thoải mái khi mặc, ít cúc, móc rắc rối. Nhiều khi họ chỉ thích mặc một bộ nào đó, nên có sẵn hai bộ y hệt để thay đổi mỗi ngày. Giầy không dây cột hay có vải dính, vì họ thường quên cách cột dây giày.
5. Tắm rửa: Khi tắm, họ hay nghịch giỡn như trẻ thơ, đôi khi vùng vằng không chịu tắm nên cần lựa ý, để họ tự tắm, tôn trọng sự riêng tư. Coi nước nóng lạnh vừa đủ. Dùng ghế tắm, tay vịn, thảm cao su dưới đáy bồn tắm, tránh té ngã.
6. Thay đổi tính tình: Với thời gian, bệnh nặng hơn, trí nhớ hao mòn, khả năng cá nhân giảm, niềm tự tin mất bớt, họ trở nên nghi ngờ, bẳn gắt, bướng bỉnh, khó chịu. Đây là lúc người thân vừa đau lòng, vừa khó xử. Khó khăn với bệnh nhân càng làm họ bực tức, chống đối. Nên cần nhẹ nhàng thông cảm, vỗ về người bất hạnh với lời nói ngắn gọn rõ ràng. Một cái vỗ vai nhẹ, một nụ cười, một cái ôm hôn để làm họ thấy còn được thương yêu.
7. Để tránh đi lang thang, lạc lối: Thay ổ khóa cửa để không tự mở, gắn hệ thống báo động cửa ra vào, cho bệnh nhân mang vòng tay có tên, địa chỉ. Nhờ hàng xóm để ý giùm nếu họ đi ra khỏi nhà.
Trưng bày hình ảnh kỷ niệm xưa ở chỗ dễ thấy để kích động trí nhớ, nhất là những hình gợi lại sự kiêu hãnh của người thân. Treo đồng hồ, lịch chữ to để nhắc nhở ngày tháng, thời gian. Phòng ở đầy đủ ánh sáng, ít đồ đạc, để dễ đi lại, tránh ngã té. Con cháu tới thăm hỏi thường nhật, nhất là trẻ thơ vì chúng mang lại lợi ích cho mọi tuổi.
Săn sóc người mất trí tuệ là cả một công việc khó khăn, nặng nhọc, với nhiều kiên nhẫn, khoan dung, chiếm gần hết số 24 giờ một ngày. Trách nhiệm người sân sóc rất căng thẳng. Người chăm sóc trải qua, chịu đựng nhiều hậu quả không tốt cho sức khỏe mình: trầm cảm, ngủ không yên, quan tâm lo ngại, mệt mỏi, đôi khi cáu kỉnh, muốn buông thả, nhất là những khi người thân không hợp tác, bướng bỉnh, không tán thưởng công lao của mình. Họ đã được coi như nạn nhân thầm lặng của bất hạnh sa sút trí tuệ, của bệnh Alzheimer. Họ thường là những bà vợ tuổi đời đã cao mà vẫn chung tình, những người con giữ tròn đạo hiếu.
Xin gửi tới những người chăm sóc một bông hồng biết ơn của nỗi bất hạnh sa sút trí tuệ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 15 Nov 2016

Giấc ngủ và sức khỏe con người

“Ngủ là một phần của nếp sống lành mạnh.”
BS. CHRISTIAN J. GILLIN

Ca dao ta có câu “Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ là tiền vứt đi”. Các cụ ta xếp Ăn, Ngủ vào hàng Tứ Khoái. Khoa học coi giấc ngủ là một tình trạng xảy ra đều đặn với loài người và động vật, nhất là về ban đêm, trong khi mắt nhắm lại, các cơ bắp, hệ thần kinh đều thư giãn, trí óc nghỉ ngơi, không đáp ứng những kích thích của ngoại cảnh. Cũng trong thời gian này, sức mạnh của toàn thân được phục hồi, sinh lực được tái tạo, tổn thương được hàn gắn để sửa soạn cho những sinh hoạt mới kế tiếp. Cho nên người Ấn Độ thường có câu nói “Giấc ngủ nuôi dưỡng mọi sinh vật”. Với Freud, giấc ngủ là để mơ mộng, như Trang châu mộng hồ điệp hay Lư Sinh trong giấc mộng hoàn lương.

* Các loại ngủ kiểu Việt Nam
Là gì chăng nữa, dân ta cũng tận hưởng giấc ngủ và có nhiều kiểu ngủ khác nhau. Để được ngủ yên, không trăn trở, ta nên làm một giấc ngủ khì, ngủ thẳng giấc, ngủ li bì, ngủ vùi. Đang ngồi hoặc đứng mà ngủ, mắt khi nhắm khi mở, đầu gật gù lên xuống, ấy là ta vừa biểu diễn tuyệt chiêu “gia cầm dưỡng thương” ngủ gà, ngủ vịt. Ngủ mà thính tai, hay thức dậy khi có tiếng động nhẹ, nhất là với quý vị trọng tuổi hay các cao đồ của phù dung tiên nữ là ngủ say thức, ngủ tỉnh. Thứ bảy, chủ nhật, không đi lao động, ta bèn làm màn ngủ nướng, ngủ thêm chút nữa sau khi đã dậy. Làm bộ ngủ để nghe lén chuyện người khác là ngủ dòm. Không có nhà ở hay chỗ ngủ, ta bèn đi ngủ nhờ, ngủ đậu, nhưng đừng nên ngủ bót (cảnh sát). Nhưng thôi, kể nữa quý vị buồn ngủ, lấy ai đọc tiếp bài này.

* Sự quan trọng của giấc ngủ
Khoa học cũng như kinh nghiệm đã nhấn mạnh sự quan trọng của giấc ngủ đối với cơ thể không kém gì không khí, thực phẩm, nước uống. Trong khi ta mơ màng ngủ, thì biết bao những diễn biến sinh hóa âm thầm xảy ra trong cơ thể để tồn trữ nhiên liệu, năng lực, bảo trì tế bào, thay thế tế bào già yếu. Giấc ngủ ngon làm sức khỏe bền bỉ và ta sống lâu hơn, đồng thời làm giảm căng thẳng, xoa dịu tâm trí. Đấy là một liều thuốc hiệu nghiệm để chữa sự mỏi mệt về thể xác và tâm thần. Ngoài ra, cơ thể như một cái xe chạy bằng điện năng, nó cũng cần nạp lại bình điện, cần thời kỳ thư giãn để khôi phục hiệu năng. Do đó giấc ngủ được coi như là một phần thưởng quý giá cho con người sau một ngày làm việc mệt nhọc.

* Phân tích giấc ngủ
Với điện não đồ, ta có thể phát hiện và ghi lại những dòng điện do hoạt động của não bộ trong khi ngủ. Có hai thời kỳ chính lần lượt xen kẽ, kế tiếp nhau: Thời kỳ mắt chớp mau (MCM) và thời kỳ mắt không chớp mau (MKCM). Trong MCM, 80% giấc mộng xảy ra, đồng thời nhịp tim nhanh, thân nhiệt tăng, và ở nam giới sẽ có những giây phút cương dương. Thời kỳ MKCM, là thời kỳ phục hồi, ngủ say, cơ thịt thư giãn, nhịp tim chậm, thân nhiệt giảm, có mộng du và trẻ em có đái dầm. Trong một giấc ngủ 8 tiếng thì hai thời kỳ trên lần lượt thay đổi khoảng 35 lần. Giả sử rằng một người đang ngủ, mà có thể tự quan sát thì diễn tiến sự ngủ sẽ như sau: Sau khi nằm xuống giường độ 30 phút, con người thấy thư giãn, rồi đi vào tình trạng nửa tỉnh, nửa mê, tâm hồn như bay bổng lâng lâng, hồn như rời khỏi xác, rồi vài giây sau, ta đi vào cõi mê với giây phút ngủ say: hơi thở nhẹ nhàng, nhãn cầu chớp chớp, ngón tay lạnh, ngón chân ấm, cảm giác mờ đi, máu tiếp tục chuyển lên óc; huyết áp giảm, tim đập chậm, thân nhiệt hạ. Người ngủ lúc đầu nằm yên, nhưng sau đó tay, chân mấp máy cử động nhẹ, rồi toàn thân giở mình qua trái, qua phải, lật ngửa, lật sấp. Sự trăn trở, giở mình này xảy ra tới 24, 25 lần trong một đêm. Sau một thời gian ngủ, diễn biến trở lại, ngủ nhẹ nhàng hơn, tỉnh lại dần dần rồi tỉnh hẳn và thức dậy.

* Sự điều hòa giấc ngủ
Để giúp điều hòa tự động các chức năng cơ thể, trong đó có việc ngủ là một đồng hồ sinh học. Với sự ngủ, nói một cách dễ hiểu, đồng hồ này với nhịp sinh học sắp xếp để một người từ Mỹ về Việt Nam thì trong mấy ngày đầu vẫn có thói quen là phải ngủ theo giờ giấc bên Mỹ, nên ban ngày bần thần khó chịu; sau đó ít ngày, đồng hồ sinh học mới điều chỉnh lại để người đó ngủ theo giờ giấc ở Việt Nam cho đỡ mệt mỏi. Đó là hiện tượng lệch múi giờ. Khoa học mới đây đã chứng minh là, ban sáng chất Melatonin trong cơ thể ở mức độ thấp, nhưng đến xế trưa và chiều thì nó tăng lên, làm ta buồn ngủ và báo hiệu giờ đi ngủ. Mọi sinh vật, ngay cả thảo mộc, cũng có đồng hồ này. Về ngủ, có người điều chỉnh nhịp sinh học để có thói quen ngủ sớm, dậy sớm; có người sắp xếp để ngủ trễ dậy trễ mà hiệu năng cơ thể vẫn tối đa. Con chim sơn ca hót hay vì nó ngủ sớm, dậy sớm, con cú xuất sắc khi ngủ trễ, dậy trễ. Người làm ca khác nhau, ăn ngủ thất thường, dễ bị mệt mỏi vì nhịp sinh học rối loạn. Thượng nghị sĩ John Glenn, trong dịp bay vào vũ trụ tháng 10/1998, cũng được não điện đồ ghi những hoạt động của não bộ trong khi ông ngủ, chắc cũng mang về cho ta một vài ý niệm mới về ảnh hưởng của phi trọng lượng với giấc ngủ người tuổi cao. Xin ghi thêm là, có những thay đổi giống nhau trong cơ thể một người cao tuổi sống trên trái đất và một phi hành gia đang bay trong vùng không trọng lượng: ngủ ít giờ hơn, hay bị chóng mặt, mất phương hướng, cơ và xương bị hao tổn, cơ năng tim mạch thất thường.

* Nhu cầu ngủ của mỗi người
Về nhu cầu ngủ, khả năng ngủ, bao nhiêu cho đủ, cho vừa, để hiệu năng sinh hoạt ngày hôm sau không trở ngại, tất cả đều thay đổi theo tuổi. Trẻ sơ sinh ngủ tới 17 giờ một ngày, mà sanh non tháng lại ngủ nhiều hơn; 6 tháng tuổi cần ngủ 14 tiếng; 16 tuổi ngủ 10 tiếng; kể từ khi vào đại học cho tới về sau thì ngủ 7 đến 8 tiếng và như vậy thì một người già 75 tuổi đã dành 25 năm chỉ để ngủ. Phụ nữ mang thai ngủ 10 tiếng. Thông thường thì nữ giới ngủ nhiều hơn nam giới một chút. Theo lời đồn đại thì các thiên tài như Edison, Napoléon ngủ đêm rất ít, còn thiên tài Einstein thì ngủ rất nhiều. Có người tin rằng ai ngủ nhiều, tính tình phóng khoáng, không nhất quán, nhưng lại dễ bị kích thích tâm thần, còn ngủ ít lại có năng lực tốt, nhiều tham vọng và trọng quy luật.
Ngủ là một sự bắt buộc phải có, nhưng tại sao lại bắt buộc thì ta không biết. Ta chỉ biết được cơ thể cần ngủ do sự quan sát hậu quả của sự mất ngủ: Một giấc ngủ ngon mang lại sự hoan lạc cho tâm hồn, sự đầy hiệu suất của các chức năng; thiếu ngủ, khả năng nhận thức bị ảnh hưởng trầm trọng.

* Sự thay đổi giấc ngủ ở người cao tuổi
Ở người cao tuổi, giấc ngủ thay đổi một cách khá rõ rệt: 
1. Số giờ thật sự ngủ giảm. Nằm trằn trọc, suy nghĩ mông lung.
2. Phẩm chất của giấc ngủ kém, ngủ không ngon giấc, không ngủ say.
3. Ngủ bị gián đoạn vì hay thức giấc giữa khuya hoặc thức dậy để đi tiểu, khó dỗ lại giấc ngủ.
4. Ngủ say thức, mẫn cảm với tiếng động, dù rất nhẹ cũng tỉnh dậy.
5. Đi vào giấc ngủ khó khăn, có khi nằm mắt trắng cả mấy tiếng đồng hồ.
6. Thời gian nằm trên giường nhiều hơn để cố gắng ngủ bù số giờ thiếu ngủ.
7. Hay dậy sớm (mới bốn năm giờ sáng mà ông đã dậy, lục đục pha trà uống, hút thuốc lào sòng sọc rồi ho sù sụ...)
8. Hay ngủ ngày, ngủ trưa.
Trên đây là những thay đổi bình thường về sự ngủ của người tuổi cao, nhất là khi ít vận động vì kinh nghiệm cho hay, sự vận động nhẹ làm ta ngủ ngon, say hơn. Ở tuổi này, giấc ngủ còn bị thay đổi, xáo trộn vì những lý do khác như:
a. Tuổi cao hay có những chứng bệnh như đau nhức phong thấp, tiêu hóa kém hay đầy bụng, hay đái đêm, khó thở do bị bệnh tim, phổi làm gián đoạn giấc ngủ. 
b. Tuổi cao dễ bị ảnh hưởng bởi những ưu tư, sầu muộn lo sợ trước thực tế là sức khỏe suy yếu dần và nghĩ tới ngày ra đi từ từ, nên trăn trở, khó ngủ.
Những thay đổi bình thường, những xáo trộn do bệnh tật, ngoại cảnh có thể tạo ra tình trạng mất ngủ cho con người. Có người đã nhận xét: sự mất ngủ là một cái giá mà ta phải trả khi ta muốn làm giống người. Con sâu đất đâu có mất ngủ; con khỉ, con gấu, con hươu đâu có mất ngủ; ngay đến trẻ sơ sinh cũng không mất ngủ. Lý do là ta có một lớp vỏ não phát triển quá tinh vi với bao nhiêu công dụng, khả năng mà những sinh vật kể trên không có, và lớp vỏ này có vai trò quan trọng trong sự ngủ nghỉ.

* Mất ngủ có thể tạm thời, ngắn hạn hoặc kinh niên
Tạm thời thì chỉ bị mất ngủ độ vài đêm liên tiếp rồi thôi, và thường do những cảm giác căng thẳng, vui buồn thông thường trong đời sống, sự ngủ thất thường vì làm việc giờ giấc khác nhau, sự mất phương hướng trong khi di chuyển lệch múi giờ.
Ngắn hạn thì từ vài tuần đến một tháng với mất ngủ xảy ra đều đều mỗi đêm và do thói quen ngủ kém hay những cơn đau thể xác, dằn vặt tâm thần.
Còn kinh niên thì sự mất ngủ kéo dài cả tháng, cả năm và do các bệnh thể xác, nhất là tâm thần mà 2/3 là u sầu, sợ hãi, buồn phiền, ám ảnh. Nàng cung nữ bị hất hủi, chết dần chết mòn vì thao thức năm canh, tưởng nhớ tới đức quân vương, đã chẳng than phiền là: Giết nhau chẳng cái dao cầu, giết nhau bằng cái u sầu độc chưa? 
Rối loạn giấc ngủ có thể xảy ra lúc chập tối, khi vào giường mà nằm loay hoay cả nửa giờ mới đi vào giấc ngủ được; hay nửa đêm thức giấc rồi nằm trằn trọc cả mấy tiếng mới ngủ lại được; hoặc về sáng, mới 5 giờ mà đã thức dậy, rồi nằm đó thao thức đến sáng.

* Hậu quả của sự mất ngủ
Sau đây là một số hậu quả của sự mất ngủ:
1. Sau vài lần thức trắng đêm, con người như mất hồn, kém chú ý, kém tập trung, không bén nhạy, tinh tường, lúc nào cũng như ngây ngất, tính tình trở nên cáu gắt, càu nhàu.
2. Thể xác mệt mỏi, không có sinh lực, tay run run, mắt sụp xuống, quầng đen hiện dưới mi, ngáp vặt, luôn miệng than phiền đêm qua không ngủ. Hiệu năng làm việc giảm trông thấy. Tai nạn xe cộ và nghề nghiệp tăng. Có thống kê cho hay, tai nạn xe cộ do mất ngủ cao bằng số tai nạn do uống rượu say.
3. Mất ngủ còn gây những thiệt hại cho sự tăng trưởng, hồi phục của mô và tế bào, việc tiếp tế nhiên liệu cho não bộ giảm, công việc loại bỏ chất cặn bã của tế bào thần kinh bị ngưng trệ, khả năng miễn dịch với các bệnh ung thư, nhiễm độc nhiễm trùng bị suy yếu. Số lượng tế bào lymbo, tế bào chống nhiễm trùng, giảm rất nhiều ở người mất ngủ. Quan sát trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu thấy một con chó con không ngủ trong một tuần thì chết, con chó lớn chết sau hai tuần lễ không ngủ. Bác sĩ Christian J. Gillin, thuộc Đại học San Diego, California, đã quan sát giấc ngủ của 10 người đàn ông từ 22 tới 61 tuổi kết luận rằng thời gian từ 3 đến 6 giờ sáng là lúc ngủ ngon nhất và cũng là thời gian thiết yếu mà cơ thể đã được lập trình để ngủ.
Ở Hoa Kỳ, người ta ước lượng có trên 100 triệu người bị mất ngủ. Như vậy cứ sáu người thì một người bị rối loạn về ngủ, và 80% dân chúng thiếu ngủ. Có nhận xét cho là xã hội này không thiếu ăn, mà thiếu ngủ. Phải chăng đây là một niềm đau của thời đại, một cái giá phải trả cho sự tiến bộ kỹ thuật? Ngoài ra, nhiều người đã làm việc ngày đêm, thức khuya chỉ coi phim chưởng, phim bộ, hay say mê đỏ đen ở mấy sòng bài mà quên cả ngủ. Người ta đã vi phạm những quy luật căn bản về việc bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách đặt nhẹ việc ngủ, nghỉ. Đã có ai từ bỏ không khí, nước uống, thực phẩm không mà lại để bị thiếu ngủ?
Xin nhấn mạnh rằng mất ngủ không phải là một bệnh mà chỉ là triệu chứng, một dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau: bệnh của lục phủ ngũ tạng, bệnh của tâm thần, của thói xấu, tật hư. Thông thường, mỗi khi mất ngủ, ta chẳng nghĩ tới nguyên nhân, mà vội vàng đi xin mấy viên thuốc ngủ và làm giàu cho các viện bào chế. Theo báo cáo thì trong năm 1979, ở Mỹ, các bác sĩ đã biên 38 triệu toa thuốc ngủ, thuốc an thần. Người cao tuổi tiêu thụ 40% số thuốc ngủ của thị trường. Có tới 90% người cao tuổi ở các viện dưỡng lão được cho uống thuốc ngủ để nằm yên, khỏi đòi hỏi, quấy phá. 

* Vài điều cần thiết về thuốc ngủ
Thuốc ngủ không phải là đáp số cuối cùng cho sự mất ngủ. Ta có thể uống tạm thời vài ba đêm để chờ trị căn nguyên gây ra mất ngủ thì được. Thuốc ngủ không cho ta giấc ngủ mà óc não cần. Nó làm giảm thời gian ngủ nghịch thường với mắt chớp đều và mộng mơ. Mà khoa học cho mộng mơ là để giải tỏa những căng thẳng chết rồi trong ngày, làm tâm hồn thư thái hơn. Nếu tình trạng trấn áp này xảy ra thường xuyên, con người sẽ có những ảo giác và kém tập trung. Thuốc ngủ có thể giúp ta đi vào giấc ngủ dễ dàng nhưng ta phải trả một cái giá là chuốc lấy cảm giác ngây ngất, bải hoải, trì trệ, mơ màng, nửa tỉnh nửa mê, lẫn lộn và khó lòng nhớ những sự việc vừa mới xảy ra. Ấy là không kể nếu dùng thường xuyên, mỗi đêm, với lượng cao ta còn bị phụ thuộc, bị ghiền, khó mà dứt được. Tiến sĩ Donald Bliwise, Đại học Y khoa Emory, Atlanta, đã nhắc nhở về việc dùng thuốc ngủ như sau: “Thuốc ngủ chỉ nên thỉnh thoảng mới dùng. Người ta thường không cần thuốc để ngủ nếu quý vị bị chứng mất ngủ kinh niên thì nên tham khảo bác sĩ chuyên khoa ngay”.
Sau đây là mấy kiến thức về thuốc ngủ xin được nhấn mạnh để các vị có tuổi cao lưu ý:
1. Thuốc ngủ bào chế trong phòng thí nghiệm thường được thử trước ở lớp người trẻ tuổi và không áp dụng cho người tuổi cao.
2. Người cao tuổi thường đã uống nhiều loại thuốc, nay lại thêm thuốc ngủ, sợ có những tác dụng phụ bất lợi như ngây ngất, hay quên, chóng mặt, dễ bị té ngã gây thương tích.
3. Sự biến hóa, hấp thụ cũng như bài tiết dược phẩm ở người cao tuổi thường rất chậm, nhất là thuốc ngủ, gây ra sự tích tụ trong cơ thể, đôi khi có hại.
Nói vậy thì tại sao thuốc ngủ lại bán được nhiều như thế? Xin thưa, tại vì người ta lạm dụng nó: người biên toa cũng như người xin toa. Thế tôi mất ngủ thì ông tính sao đây? Cụ có thể dùng thuốc ngủ nhưng đừng dùng lâu quá. Nên đi bác sĩ để tìm trị cái thủ phạm chính của sự mất ngủ. Bị cụp xương sống, đêm nằm đau nhức, không ngủ được, bác sĩ khuyên mổ, chẳng chịu, cứ nhè xin thuốc uống cho ngủ được, thì xương đau vẫn hoàn đau mà mình lại đâm ghiền thuốc ngủ. Buồn giận ông lão hai thứ tóc mà còn hay lăng nhăng bay bướm, lại không kiếm cố vấn hòa giải gia đình, mà chỉ uống thuốc để ngủ cho quên sự đời, thì chẳng bao lâu trí nhớ của mình sẽ thành trí quên luôn.
Còn nếu thiếu ngủ, mất ngủ do thói hư tật xấu thì tránh xa chúng đi. Rượu đó. Cà phê đó. Thuốc lá đó. Ăn quá độ đó. Lại còn những ghen tuông, đố kỵ làm tâm không an, đêm đêm nằm chỉ thao thức, bực mình, thì làm sao mà ngủ ngon, ngủ say cho được?

* Vài phương thức để khỏi bị rối loạn giấc ngủ
Ngày xưa, còn bé, học lớp tư, lớp năm, có môn học Vệ Sinh Thường Thức. Ta phải học thuộc lòng những bài học như đừng để móng tay dài, tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mỗi ngày. Đây là môn học mà từ điển giải nghĩa là những nguyên tắc phải giữ để có sức khỏe. Các cụ ta xưa chắc áp dụng điều mình học tới nơi tới chốn lắm, nên bệnh tật cũng ít, ngủ nghê chẳng cần thuốc ngủ. Đèn điện chưa có, mà tivi cũng không, nên tối đến, khi gà lên chuồng là các cụ cũng rủ nhau lên giường. Sáng mới hừng đông, gà gáy giấc đầu, là các cụ đã thức dậy, pha trà uống, làm bát cơm nguội hay củ khoai luộc, rồi ra đồng làm việc, rất đều đặn mỗi ngày. Nay bài học vệ sinh không có, nhưng có những tài liệu về y tế công cộng, y khoa phòng ngừa, ta cũng lấy được những lời chỉ dẫn về giữ gìn sức khỏe tự nhiên, không thuốc men. Về việc ngủ cũng vậy, có những nguyên tắc vệ sinh căn bản, mà nếu ta theo thì giấc ngủ sẽ đến với ta nhẹ nhàng, thư thái, lành mạnh lại không tốn kém. Chúng tôi xin cùng quý vị sắp xếp một bài học vệ sinh thường thức về giấc ngủ:
1. Nên đi ngủ có giờ giấc. Ngủ cùng giờ và thức dậy cũng cùng giờ, tạo thành một thói quen để cái đồng hồ sinh học và nhịp sinh học không bị rối loạn. Nếu cần du di thì thay đổi giờ đi ngủ, nhưng đừng để trễ quá nửa đêm. Ngủ nướng cuối tuần coi bộ hấp dẫn và nghe được đó, nhưng không lành mạnh vì nhịp sinh học lại phải điều chỉnh lại giờ giấc mỗi cuối tuần. Bình luận về tầm mức quan trọng của việc ngủ có giờ giấc, Tiến sĩ Donna Arand, Ohio, có viết: “Nếu quý vị cần đồng hồ báo thức để thức dậy thì quý vị đã không ngủ được đầy đủ. Khi ngủ ngon theo giờ ấn định thì óc não sẽ tự động đánh thức và quý vị sẽ thức giấc một cách hết sức tự nhiên. 
2. Tránh tập luyện cơ thể quá sức trước khi đi ngủ. Đồng ý là sự vận động cơ thể rất tốt cho giấc ngủ, giúp ta ngủ ngon, nhưng sự tập quá sức và quá gần giờ đi ngủ làm tâm thần bị kích thích và ta khó đi vào giấc ngủ. Có người khuyên nên tập 3 giờ trước khi đi ngủ.
3. Tránh ăn quá no trước giờ ngủ. Ta thường nói “Ăn no, nặng bụng”. Ăn no rồi vào giường ngủ ngay, thức ăn nó cứ nhấp nhỏm trong bao tử hàng giờ, đòi được tiêu hóa, thì làm sao mà ngủ yên cho được, nhất là lại ăn nhiều gia vị chua, cay. Một chút trái cây, một ly sữa ấm thì tốt cho giấc ngủ ngon.
4. Tránh những thứ kích thích thần kinh như cà phê, thuốc lá, rượu mạnh. Cà phê có tính cách gây kích thích khiến khó ngủ. Ngoài ra, cơ thể cần khoảng 24 giờ để bài tiết một ly cà phê. Nếu ta uống vài ba ly trong một ngày thì tinh chất cà phê tích tụ trong máu sẽ cao hơn, và ảnh hưởng gây tỉnh táo cao hơn, lâu hơn. Vì vậy, ta nên ngưng uống cà phê từ trưa, thèm lắm thì ly cuối cùng là vào 4 giờ chiều. Rượu uống trước khi đi ngủ có thể làm ta ngủ đấy, nhưng kinh nghiệm cho hay, rượu làm ta hay đái đêm, khó thở, lại tạo ra những cơn ác mộng.
5. Phòng ngủ phải yên tĩnh, thoáng khí, nhiệt độ vừa phải, nệm không cứng quá hoặc mềm quá. Một điểm quan trọng là: Chỉ dùng phòng ngủ để ngủ và ngủ với nhau. Không coi ti vi nhất là những phim về tội ác, hoặc quá mủi lòng, gây vấn vương tâm trí; không ăn vặt trong phòng ngủ; không thảo luận chuyện làm ăn, chuyện khó khăn trong ngày, để tránh xáo trộn giấc ngủ.
6. Đừng mang suy tư, buồn bực vào giường. Nếu có những việc phải làm cho ngày hôm sau hay những ưu tư, thì ra bàn làm việc, ngồi viết hết những điều đó ra, đặt ưu tiên giải quyết cho ngày hôm sau rồi đi ngủ.
7. Đừng nằm trên giường khi trằn trọc. Thức giấc nửa đêm, không ngủ lại được rồi nằm trằn trọc: hãy đứng dậy, đi làm bất cứ một việc nhỏ nào đó, tới khi thấy mệt và buồn ngủ thì đi ngủ. Đừng nằm trên giường, ngó đồng hồ và đếm thời gian.
8. Kết quả của nhiều nghiên cứu chứng minh rằng trong lúc ái ân, cơ thể tiết ra một vài kích thích tố khiến nhiều người ngủ ngon hơn. Cho nên đã có lời khuyên: nếu không ngủ được thì thử kiếm một bạn đồng sàng.

* Một vài điều về giấc ngủ ban trưa
Nói đến ngủ ban đêm mà không nhắc tới giấc ngủ trưa, ngủ chợp mắt ban ngày, thì thật là một thiếu sót. Nhớ lại khi xưa, các công tư chức, cũng như bác thợ cày, cô thợ cấy ở quê ta, trưa trưa sau bữa cơm đều làm một “giấc ngủ trưa hè” rồi chiều làm việc tiếp. Thật là sảng khoái tỉnh táo. Mà chẳng cứ dân ta, nhiều dân tộc khác củng coi trọng giấc ngủ trưa. Ngay súc vật, con trâu con bò, cũng ngủ trưa, nhất là khi trời nóng bức. Lại nữa, khi còn thơ ấu, các cụ thường bắt ngủ trưa và con cháu chỉ rình trốn để đi đánh đáo, chọi dế. Chỉ riêng một số quốc gia tân tiến kỹ nghệ, vì nhu cầu sản xuất, lao động mà bỏ ngủ trưa. 
Về phương diện khoa học, một giấc ngủ trưa ngắn giúp ta tỉnh táo. Cơ thể tăng hiệu năng, tiêu hóa tốt. B.S. Claudio Stampi, có ý kiến là nếu quý vị thiếu ngủ thì giấc ngủ chợp mắt là cách để bù đắp vào phần thiếu đó, vì liều thuốc công hiệu và giản dị cho buồn ngủ là đi ngủ. Giấc ngủ ngắn này là một cách đền bù cũng như là để nạp lại bình điện, cho nên, thay vì việc uống vài ly cà phê cho tỉnh ngủ, ta nên kiếm một chỗ yên tịnh, bỏ giày, nới cổ áo, gác chân lên bàn nhắm mắt, hít thở vài hơi và thư giãn toàn thân trong mươi mười lăm phút để lấy lại sức thì có thể là hợp lý và có lợi hơn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 16 Nov 2016

Phần 3 Dược phẩm dược thảo


Việc dùng dược phẩm ở người cao tuổi

Thuốc hay dược phẩm được định nghĩa là chất lấy ở thực vật, khoáng vật, sinh động vật, hóa chất, để điều trị bệnh, phòng ngừa bệnh, phục hồi các chức năng của cơ thể, thay đổi quá trình sinh sản, khi được dùng đúng lúc, đúng cách, trong một thời gian nhất định.
Trước năm 1920, dược phẩm trên thị trường rất ít, công dụng giới hạn nhưng an toàn hơn. Ngày nay, có rất nhiều thuốc công hiệu nhưng lại gây một số tác dụng phụ nguy hại, bất lợi. Nếu trong việc cho toa, bác sĩ cần cân nhắc loại thuốc thích hợp với y chứng, liều lượng vừa đủ và thời gian sử dụng, thì người bệnh cũng cần thực thi đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, thuốc nào, bệnh ấy. 
Quý vị lão niên ta rất chăm sóc tới sức khỏe, nên rất chăm chỉ trong việc tìm thuốc trị bệnh. Thấy có một triệu chứng bệnh nào là quý vị kiếm thuốc ngay, do bác sĩ biên toa, hoặc qua sự giới thiệu của bạn bè, sách báo y học. Thành ra, một vị trên 65 tuổi, có khi uống đến cả 7, 8 thứ thuốc trong một ngày. Thuốc bệnh do bác sĩ cho về cao huyết áp, thuốc bao tử, thuốc đau nhức, phong thấp, vài viên thuốc ngủ, kèm thêm ít thuốc ta để bổ gân, bổ thận do bạn bè giới thiệu, lại còn sinh tố, chống oxy hóa nữa. Với một hỗn hợp nhiều hóa chất khác nhau như vậy e rằng chúng sẽ gây ra những tác dụng tương phản, đôi khi có hại, cho một cơ thể đã có nhiều thay đổi về cấu tạo cũng như chức năng. Hàng năm, số bệnh nhân cao tuổi nhập viện khẩn cấp do hậu quả của sử dụng thuốc không đúng cách lên rất cao, nhất là với thuốc tâm thần, chúng tôi xin cùng quý vị tìm hiểu thêm về vấn đề sử dụng thuốc này ngõ hầu có thể duy trì một sức khỏe bình thường hơn.

* Công dụng của dược phẩm
Về phương diện trị liệu, sự sử dụng dược phẩm nhằm vào những mục tiêu chính như trị lành bệnh, thay thế những yếu tố thiếu trong cơ thể, ngăn ngừa sự phát triển một bệnh, phòng ngừa bệnh, giúp làm dịu một triệu chứng.
1. Khi mắc một bệnh nhiễm trùng, như sưng phổi, ta sẽ có những triệu chứng ho, nóng sốt cao, mệt mỏi, khó thở. Sau khi khám bệnh, bác sĩ cho uống thuốc kháng sinh trong vòng 7-10 ngày. Kết quả là giảm sốt, bớt ho và trở lại bình thường. Như vậy thuốc kháng sinh đã tiêu diệt vi trùng và ta đã lành bệnh.
2. Một người mắc bệnh thiếu máu, hồng huyết cầu thấp, vì ruột không hấp thu được sinh tố B12, bác sĩ cho chích mỗi tháng một mũi sinh tố B12 để thay thế sinh tố thiếu trong cơ thể. Bệnh nhân bị tiểu đường vì tụy tạng tiết ra rất ít Insulin, sẽ được chích Insulin nhân tạo mỗi ngày để giữ mức đường trong máu bình thường. Sự thay thế như vậy là cần thiết và đạt được mục tiêu làm cơ thể trở lại bình thường.
3. Cũng như trong trường hợp bệnh tiểu đường, Insulin còn duy trì bệnh ở tình trạng không gây ra những biến chứng nguy hiểm như hư mắt, hư thận... Và nếu ngừng Insulin, bệnh sẽ trầm trọng thêm lên. Người bị cao huyết áp nếu ngừng uống thuốc, bệnh sẽ nặng hơn và có khả năng và có thể gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Trong các trường hợp này, dược phẩm không những có công dụng điều trị mà còn ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
4. Thuốc để làm dịu một triệu chứng: thí dụ như ta bị đau nhức mình mẩy vì làm vườn quá sức hay nhức đầu vì uống rượu quá nhiều, thường thường ta uống một viên Paracetamol hay Aspirin. Thuốc không làm hết bệnh, mà chỉ làm dịu cảm giác đau, khó chịu, nhiều khi chẳng cần thuốc, mà chỉ cần nằm nghỉ vài giờ là hết đau. Số lượng thuốc dùng trong mục đích xoa dịu này rất nhiều, đôi khi có sự lạm dụng.
5. Thuốc phòng ngừa bệnh: các thuốc này hoặc tạo ra tính miễn dịch hoặc hỗ trợ hệ thống miễn nhiễm của cơ thể. Nhờ sự chích ngừa này mà nhân loại tránh được nhiều bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao ở các thế kỷ trước, như bệnh đậu mùa, dịch hạch.

* Các tác động có hại của dược phẩm
Với những công dụng như trên, thuốc giữ một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của con người, nói chung, và của lão niên nói riêng. Mà thuốc thường chỉ là một hóa chất, có công dụng như nói ở trên, đồng thời cũng có tác dụng phụ không tốt, bất kể là thuốc gì, dùng nhiều hay là ít. Đó là những tác động có hại của thuốc. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, tác động này là bất cứ một đáp ứng không mong muốn nào của cơ thể, xảy ra khi dùng thuốc theo liều lượng để ngừa bệnh, chẩn đoán bệnh hay trị bệnh. Tác động có hại được phân chia ra làm nhiều loại:
1. Dị ứng thuốc. Có tác động hại không phải do dị ứng, nhưng vẫn được công chúng hiểu lầm là dị ứng, chẳng hạn như sau khi uống thuốc, ta bị ói mửa, đại tiện lỏng, xót ruột thì đó chỉ là tác dụng tại chỗ của thuốc vào bao tử. Dị ứng là do sự tác động của kháng thể đã có trong máu, chống lại sự hiện diện của dược phẩm, và gây ra một số những triệu chứng khó chịu, đôi khi nguy hiểm. Nó có tác dụng ngược lại với cơ chế miễn dịch, chống sự xâm nhập của vi trùng. Ban chẩn với những lấm tấm đỏ trên da là phản ứng thông thường nhất của dị ứng. Trường hợp nặng sẽ có nóng sốt, khó thở, thở khò khè, ngứa toàn thân, huyết áp giảm, tim đập liên hồi, choáng v.v... có thể nguy hiểm cho tính mạng, nếu không được cấp cứu. Phản ứng này thường thấy khi chích thuốc Penicillin, Insulin hay hóa chất dùng trong việc chụp hình quang tuyến X, nó có thể xảy ra tức thì hay chậm sau một thời gian. Cũng nên nhớ là ta có thể bị dị ứng dù chỉ dùng một lượng thuốc rất nhỏ.
2. Tác dụng độc của dược phẩm. Dược phẩm là một hóa chất, mà thường thường bất cứ hóa chất nào cũng có tác dụng độc cho cơ thể, ngoài giá trị chữa bệnh. Viên Aspirin mà ta vẫn uống có thể làm dịu nhức đầu, phong thấp thì cũng làm lòng bao tử trầy hư, gây xuất huyết. Thuốc chữa các bệnh ung thư làm rụng tóc. Thuốc trị cao huyết áp gây loạn cương dương. Thuốc ngừa máu đóng cục trong vài bệnh tim làm loãng máu, gây xuất huyết, khó cầm khi bị thương hay giải phẫu. Đây không phải dị ứng nhưng là tác dụng của hóa chất mà trước khi dùng nó, ta đã được giải thích rõ ràng.
3. Tác dụng do không đúng liều, thuốc uống ít quá, không có công hiệu, mà nhiều quá thì dễ gây phản ứng có hại.
4. Tác động bất thường, không rõ nguyên nhân. Đáp ứng của từng cá nhân với thuốc, như một lượng nhỏ thuốc tê có thể gây nóng sốt, hay thuốc Chloramphénicol gây hủy hoại hồng cầu.
Ngoài ra, còn tác dụng giữa thuốc và thực phẩm. Đa số thuốc ta dùng ở nhà là thuốc uống, mà thuốc và thực phẩm đều được hấp thụ vào máu qua bao tử, nhất là ruột non. Hiệu quả của thuốc có thể tăng, giảm hay không thay đổi, tùy theo loại thực phẩm và tùy theo uống thuốc trước hay sau khi ăn. Điều này, ta cần hỏi bác sĩ, dược sĩ khi nhận thuốc, để tránh phản ứng bất lợi.
Sau đây là một số yếu tố có thể khiến tác động bất thường của thuốc dễ xảy ra:
1. Đã có những bệnh dị ứng.
2. Đã có phản ứng với thuốc trong quá khứ.
3. Uống nhiều thuốc khác nhau vì có nhiều bệnh kinh niên.
4. Điều trị bởi nhiều bác sĩ chuyên khoa, mỗi bác sĩ cho toa thuốc khác.
5. Có khó khăn về tài chính, không mua đủ thuốc, dùng thuốc cũ, quá hạn.
Khiếm khuyết thị giác, thính giác, không nhìn rõ mặt thuốc cũng như không nghe rõ lời dặn của bác sĩ, dược sĩ, uống thuốc không đúng cách.
Vấn đề đặc biệt quan trọng ở người cao tuổi là uống nhiều thuốc cho ngủ, nhiều bệnh hay nhiều triệu chứng. Thuốc đôi khi có tác dụng tương phản nhau, gây không tốt cho cơ thể. Hơn nữa, với người cao tuổi, khả năng hấp thụ nơi bộ máy tiêu hóa, biến hóa thuốc trong gan, và bài tiết qua thận đều giảm tới 40% so với tuổi trẻ, trung niên. Thời gian bán hủy của thuốc ở huyết tương kéo dài, do đó độc tính của thuốc tăng thêm.

* Vài cách tránh những điều bất lợi khi dùng thuốc
Để sử dụng thuốc có công hiệu, không phản ứng, ta cần lưu ý những điều sau đây:
1. Kê khai với bác sĩ tất cả những bệnh mình đang có, những thuốc mình đang uống, cả thuốc mua tự do ở chợ hay thuốc do bạn bè giới thiệu. Mỗi lần đi khám bệnh, mang ống, chai thuốc đã dùng để bác sĩ dễ nhận diện thuốc. Nhiều vị nói, mấy kỳ trước bác sĩ cho tôi viên hạt dưa trắng, tốt lắm, hay là tôi đang uống thuốc nước màu hồng, thì chả ai biết là thuốc gì.
2. Theo lời chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ, đọc kỹ nhãn thuốc với cách dùng, giờ uống, uống lúc nào, bụng đói hay no, mấy lần một ngày, chẳng hạn thuốc uống bốn lần trong một ngày, có thể là uống vào những bữa ăn và trước khi đi ngủ; hoặc cũng có thể là uống mỗi 6 giờ đồng hồ, kể cả thức dậy ban đêm để uống. Với thuốc nước, ta cần lắc chai cho thuốc hòa đều với nhau trước khi uống. Không tự ý tăng hay giảm phân lượng, vì ít quá, không có công hiệu, nhiều quá sẽ gây hại. Uống cho hết thời hạn bác sĩ dặn, chứ không phải thấy giảm bệnh là ngưng thuốc. Không uống thuốc trong bóng tối, có thể nhầm loại thuốc.
3. Cho bác sĩ biết tác dụng phụ hay phản ứng của thuốc mình đã có.
4. Giữ thuốc nơi an toàn, xa tầm tay của trẻ em, để thuốc trong chai, lọ, để tránh nhầm thuốc. Vứt bỏ thuốc quá hạn.
5. Ráng nhớ tên thuốc cũng như công dụng của thuốc.
6. Nếu có thể, nên mua thuốc ở một tiệm, như vậy dược sĩ sẽ có thể theo dõi, giải thích tác dụng các loại thuốc khác nhau cho mình. Người dược sĩ không chỉ đóng vai trò cung cấp thuốc như trước đây. Họ có nhiệm vụ, lựa thuốc thích hợp cho bệnh nhân, hướng dẫn cách dùng thuốc, tác dụng tốt xấu của thuốc, theo dõi xem bệnh nhân có uống thuốc đều đặn không, phân lượng cho có gì bất thường hay không.

* Trình bày dược phẩm
Nói đến thuốc, tưởng cũng nên tìm hiểu qua về cách thức trình bày các tên thuốc. Tại Hoa Kỳ, trước năm 1938, hễ có tiền là ta có thể mua tự do bất kể thuốc gì, không cần toa bác sĩ, trừ thuốc có chất ma túy. Thế rồi, khi đó có một viện bào chế tung ra thị trường một dược phẩm chứa chất hòa tan độc, làm chết cả trăm người, chính quyền bèn can thiệp, và từ năm 1951 Cơ quan quản lý Thực dược phẩm của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ (FDA) phân định rõ ràng thuốc cần toa bác sĩ và thuốc bán tự do.
Thuốc được bán với những tên khác nhau, nhưng căn bản hóa chất dược vẫn là một: Khi viện bào chế khám phá ra một chất hóa có giá trị chữa bệnh, họ bèn đặt cho nó một cái tên riêng, đăng ký để bán ra thị trường, độc quyền bán thuốc này ít nhất trong vài năm. Sau đó các viện bào chế khác tự do chế hóa chất đó thành dược phẩm cùng công dụng nhưng dưới tên chung (generic), nhiều khi mang tên khoa học của hóa chất. Thuốc tên chung rẻ hơn từ 25 tới 80% và công hiệu tương đương với thuốc mang nhãn hiệu thương mại. Nhưng giới tiêu thụ thì vẫn thích thuốc có tên riêng hơn vì họ cho là tốt hơn. Tên thuốc của nhãn hiệu thương mại thường ngắn, gọn, dễ nhớ và được quảng cáo rộng rãi, tốn kém rất nhiều nên bán với giá cao hơn. Do đó bảo hiểm cũng như thẻ khám bệnh người già, người kém lợi tức thường khuyến khích bác sĩ biên thuốc có tên chung.
Dược phẩm được bào chế dưới nhiều hình thức khác nhau. Thuốc có thể là để tiêm bắp, tiêm dưới da, mạch máu, khớp xương, có khi chích thẳng vào tim. Thuốc uống thì hoặc là viên, nước. Có thuốc để dưới lưỡi, xịt mũi, miệng tác dụng rất mau. Có thuốc dán trên da, hóa chất ngấm thẳng vào mạch máu, hay thuốc đặt hậu môn, âm đạo. Lại còn thuốc nhỏ lỗ tai, con mắt, thuốc mỡ, thuốc nước bôi ngoài da. Hình thức khác nhau nhưng chúng có cùng công hiệu và có những tiện lợi tùy theo loại thuốc và bệnh trạng.
Nhiều khi uống viên thuốc vào, nó chặn ở họng hoặc vì hòa tan, nó làm xót đau thực quản nơi ngực, ta có thể dùng mẹo như sau: Trước khi uống thuốc, làm trơn cuống họng với một ngụm nước, nuốt thuốc với một miệng đầy nước rồi sau đó uống chừng 1/2 ly nước cho thuốc trôi xuống bao tử. Nên đứng hoặc ngồi để uống thuốc và giữ vị thế này trong vài phút trước khi nằm để tránh trường hợp ợ hơi ngược lên miệng.
Sir Williams Osier, thầy thuốc kiêm giáo sư Y khoa nổi danh người Canada, có nhận xét: “Sự muốn dùng dược phẩm có lẽ là một đặc trưng lớn để phân biệt con người với loài vật.”
Nhưng, để việc sử dụng này được công hiệu như ý muốn, cần có sự hợp tác chân tình giữa bệnh nhân với bác sĩ, dược sĩ và sự hỗ trợ của gia đình người bệnh.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 16 Nov 2016

Dược thảo

Trong năm 1998, dân chúng Hoa Kỳ tiêu hơn 4 tỷ USD để mua các loại dược thảo. Từ năm 1990 tới 1997, số người dùng dược thảo tăng 380%, số người đi khám bác sĩ giảm, mà số người đi khám thầy thuốc không phải tây y lại tăng. Dược thảo được bày bán khắp nơi, ngay cả trong tiệm chuyên bán Âu dược. Những môn thuốc của Mẹ Thiên Nhiên như lá, củ, rễ, vỏ, hoa v.v... đã mau chóng trở thành phương tiện trị liệu ưa thích của người dân, từ cảm cúm, đau nhức, tiểu đường, tới bệnh trầm trọng hơn như ung thư các loại, tê liệt tứ chi.
Biết bao nhiêu người đang dùng St. John Wort để chữa bệnh trầm cảm, Ginkgo Biloba để trì hoãn sự hóa già, sa sút trí nhớ, Melatonin cho rối loạn giấc ngủ do lệch múi giờ, Saw Palmetto cho ung thư tuyến tiền liệt, lá đu đủ cho ung thư gan, sừng tê giác cho ung thư đường ruột, Ephedra để giảm nghẹt mũi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có trên 4 tỷ (67% dân số) người dùng dược thảo trên thế giới. Kỹ nghệ chế biến dược thảo, bốc thuốc, thể hiện rất phát triển, thịnh vượng, thu vào 12 tỷ USD trong năm 98. Để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của dân chúng, chính quyền cũng đã bắt đầu lưu ý, dành ngân khoản, lập cơ quan nghiên cứu công dụng và sự an toàn của dược thảo.

1. Định nghĩa
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, một sản phẩm được coi là dược thảo khi thành phần chủ động gồm một bộ phận của thảo mộc trên đá, trên đất hay dưới nước, trong hình dạng nguyên thủy hay được chế biến. Khi có pha lẫn hóa hay khoáng chất thì thuốc không còn là dược thảo nữa.

2. Lịch sử dược thảo
Dược thảo đã giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe con người từ nhiều ngàn năm, nhất là ở các quốc gia đang phát triển.
Ở Việt Nam ta, các vị lương y (thầy lang, Đông y sĩ) đã sử dụng dược thảo từ thời lập quốc với hai loại thuốc: thuốc Bắc, cây cỏ nhập từ Trung Hoa, thuốc Nam dùng cây cỏ thổ sản quốc gia, trong những bài thuốc gia truyền, theo kinh nghiệm qua nhiều thế hệ. Các vị danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đã để lại những tác phẩm đông y có giá trị. Bộ sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh viết vào thế kỷ 17 liệt kê trên năm trăm vị thuốc có gốc thảo mộc và động vật và ông chữa bệnh theo phương châm “thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”. Mới đây, ở Hà Nội, giáo sư Đỗ Tất Lợi tái bản bộ sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” với trên 800 vị thuốc, cây thuốc được phân tích. Dược sĩ Lợi, 90 tuổi, được đào tạo về tân dược, nhưng đã dành trọn đời nghiên cứu, bảo tồn, truyền bá y dược học cổ truyền Việt Nam. Nền Đông y ở Việt Nam hiện giờ đang được cải tiến, hệ thống hóa và rất được dân chúng ưa chuộng.
Tại Trung Hoa, dược thảo được ghi nhận từ năm 168 trước Công nguyên, rất phổ thông và đang được hệ thống hóa. Năm 1977, Trung Quốc đã xuất bản một dược thư gồm trên 5000 dược thảo. Dược thảo du nhập Nhật Bản năm 411 sau Công nguyên qua ngả Triều Tiên và nền y học thảo dược rất phát triển và đáng tin cậy.
Ai Cập đã tìm ra tài liệu cho thấy dược thảo được dùng từ năm 2000 trước Công nguyên. La Mã, Hi Lạp đã dùng dược thảo từ thời Aristote, và sách dược thảo của Dioscorides viết vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên có ghi trên 600 vị thuốc cỏ cây. Nền y học Ayurvedic, Ấn Độ cũng dùng dược thảo từ trên 5000 năm để hỗ trợ việc trị bệnh và phòng bệnh do sự mất thăng bằng của tâm thần.
Ở Pháp, nhất là Đức, các bác sĩ y khoa biên toa Âu dược chung với dược thảo. Tại Đức, một ủy ban gồm nhiều bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia về chất độc đã hoàn thành một tài liệu với trên 400 chuyên đề tả công dụng, tác dụng phụ, liều lượng của nhiều dược thảo. Bên Anh, một chương trình tương tự cũng đã được hoàn tất.
Ở Mỹ, dược thảo rất thông dụng với thổ dân bản xứ, và năm 1716, nhà thám hiểm Pháp Lafitau đã tìm ra sâm Mỹ ở vùng New World. Hiện nay sâm là tài nguyên xuất khẩu quan trọng của Mỹ. Cơ quan The American Botanical Council, (Austin-Texas), dựa vào hai công trình của Đức và Anh, đã soạn thảo một tài liệu nói về 26 dược thảo thường dùng.
Với Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), dược thảo được xếp hạng như thực phẩm phụ, được bày bán không cần thử nghiệm, nghiên cứu như Âu dược, mặc dù dược thảo có tính cách trị bệnh và cũng có tác dụng phụ. Dược thảo không được quảng cáo là có công dụng trị bệnh mà chỉ được nói chung chung về ích lợi của sản phẩm, thí dụ thuốc làm lợi tiểu tiện, bổ gan, tăng cường miễn dịch... Khi thuốc bị coi là không an toàn thì cơ quan này sẽ không cho bày bán. Đa số dược thảo có trên thị trường đều được sản xuất theo kinh nghiệm đã dùng hay đưa vào những bài thuốc được lưu truyền trong giòng họ và được coi như đáng tin cậy. Vì dược thảo không được cơ quan FDA cấp bằng đặc quyền chế tạo, nên các nhà sản xuất không chịu bỏ vốn cho chi phí nghiên cứu khoa học như tân dược. Mấy năm gần đây, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã thành lập một trung tâm nghiên cứu về dược thảo cũng như các phương tiện trị liệu khác với Tây y, và đã dành một ngân khoản là 50 triệu USD trong tài khóa 1999 cho việc nghiên cứu này. Đó là do áp lực của giới tiêu thụ dược thảo mỗi ngày một tăng, với nhiều lý do như: Âu dược quá đắt, đôi khi không công hiệu, mà lại có nhiều tác dụng độc hại không muốn; thích dược thảo có nguồn gốc trực tiếp từ cây cỏ hơn là Âu dược hóa chất; bất bình với nhóm tài phiệt bao thầu quản trị y tế giới hạn việc sử dụng Tây y để kiếm nhiều lợi nhuận...

3. Một vài đặc điểm của dược thảo
Trước khi nghĩ tới việc dùng dược thảo để trị bệnh, thiết nghĩ cũng nên tìm hiểu một vài dữ kiện về loại thuốc này:
1. Sự an toàn của dược thảo. Ý kiến chung coi dược thảo an toàn hơn tân dược, ít gây chứng bệnh phụ và rất ít khi gây tai nạn tử vong. Tuy nhiên dược thảo vẫn là một loại thuốc, khi dùng ta cần cẩn thận, không nên nghĩ vì nó là cây thiên nhiên thì không có hại. Cam thảo (licorice) là một trong những thuốc cây có dùng nhiều nhất trên khắp thế giới để chữa bệnh lở bao tử, ho, suyễn, nhưng nếu dùng lâu ngày, có thể gây cao huyết áp, nhức đầu, mệt mỏi.
Khi mới dùng lần đầu, nên dùng với lượng nhỏ rồi tăng dần cho tới liều chỉ dẫn của nhà sản xuất. Thí dụ như cà phê, một loại họ thảo ta dùng mỗi buổi sáng để nâng cao tinh thần: nếu uống hai ly mỗi sáng thì có tác dụng tốt như ý muốn, năm ly là có nhức đầu, nóng nảy, 15 ly thì bắt đầu thấy ù tai, chóng mặt.
Dược thảo bán trên thị trường không được thử nghiệm về sự tinh khiết và hiệu nghiệm, nên đôi khi có lẫn chất không cần như phấn hoa, phấn lá và có thể gây dị ứng.
2. Công hiệu của dược thảo. Các nhà sản xuất cũng như hơn 4 tỷ người đang dùng dược thảo đều cho là thuốc công hiệu trong việc trị bệnh và ngừa bệnh. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học hỗ trợ ý kiến này. Có điều là tác dụng của dược thảo thường từ từ, nhẹ nhàng, cần thời gian lâu để có hiệu quả. Dược thảo, với nhiều chất thuốc khác nhau, có tác dụng vào nhiều bộ phận cơ thể hơn là Âu dược, với một dược chất, tác dụng vào một bệnh chỉ định. Dược thảo thường không đủ mạnh để trị cấp cứu, nhất là các bệnh do vi trùng gây ra, cho nên trong trường hợp này, kháng sinh vẫn là thuốc căn bản.
3. Dược thảo không gây nghiện. Thường thường cỏ cây gây nghiện như cây thuốc phiện, cần sa không được phép bán công khai tại tiệm thuốc Âu dược hay tiệm thuốc thiên nhiên. Dược thảo không có kích thích tố hay chất chống viêm steroid, nhưng một vài dược thảo có tác dụng hỗ trợ sự tiết các chất này trong cơ thể.
4. Nguồn gốc dược thảo. Theo các nhà sản xuất, thì dược thảo đều do cây cỏ được trồng trong môi trường có kiểm soát, đôi khi không dùng hóa chất diệt sâu bọ, cỏ dại hoặc phân bón nên phẩm chất tốt, thiên nhiên. Nhiều khi cây cỏ mọc hoang cũng được dùng để chế thành thuốc.
5. Chọn lựa dược thảo. Như đã nói ở trên, nhà sản xuất không cần chứng minh sự an toàn và công hiệu của dược thảo khi tung ra thị trường, mà chỉ khi nào có chuyện xảy ra thì thuốc đó mới bị bỏ đi. Tiêu chuẩn bào chế của mỗi nhà sản xuất đều khác nhau, nên tỷ lệ dược liệu đều thay đổi. Tỷ lệ này cũng thay đổi tùy theo cây cỏ được trồng ở địa dư nào, được hái vào mùa nào, được tồn trữ ra sao và phần nào (rễ, thân hay lá) của cây được sử dụng để chế thuốc. Những điều này gây không ít khó khăn cho người tiêu thụ khi mua thuốc. Khi mua, nên lựa sản phẩm do sự liên kết với các công ty ở châu Âu, vì thường thường họ có cơ sở nghiên cứu đầy đủ về phân lượng, tinh khiết và công hiệu. Cũng nên lựa sản phẩm cũng có nhãn hiệu với chỉ dẫn cách dùng, tác dụng phụ, loại cây cỏ, ngày hết hạn.

4. Những điều cần lưu ý khi dùng dược thảo
Tại Hoa Kỳ, Tây y được xây dựng trên căn bản sinh y học hiện đại, và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm với nhiệm vụ điều hợp thực, dược phẩm, bảo vệ sức khỏe con người, thường nhìn dược thảo với con mắt dè dặt, nghiêm khắc, cho là dược thảo không có công dụng trị liệu và nguy hiểm. Một luật gia than là hiện giờ có hai chế độ dược phẩm: một chế độ muốn được bày bán phải chứng minh có công hiệu trị liệu và tuân theo luật lệ; chế độ kia được bán tự do, không cần kê khai giá trị. Bác sĩ Marcia Angel, chủ bút tập san Y học uy tín New England Journal of Medicine khẩn khoản kêu gọi dân chúng đừng tự chữa bệnh, dùng dược thảo vì thuốc có nhiều thành phần không khai báo được pha thêm vào như chì, thạch tín, rất nguy hiểm. Còn giáo sư dược khoa nổi danh Varro Tyler cho là sự nghiên cứu về dược thảo của các quốc gia châu Âu rất đáng tin cậy, tuy nhiên, độc tính dài hạn của thuốc cần được theo dõi, tác dụng phụ có hại thường được che giấu, giảm thiểu.
Dù vậy, dược thảo vẫn được người dân tiêu thụ, vì niềm tin có bệnh thì vái tứ phương, vì có ngay khi cần, không phải mất công lấy hẹn, ngồi chờ bác sĩ, cũng như khi gặp trọng bệnh mà Tây y bó tay. Tuy nhiên cũng nên lưu ý mấy điều để tránh chuyện chẳng lành:
1. Thông báo cho bác sĩ nếu đang dùng dược thảo để tránh tác dụng không tốt giữa tân dược và thuốc cỏ cây. Không dùng Ginkgo Biloba (bạch quả) với thuốc trị đau nhức Aspirin, thuốc ngừa tai biến não Ticlid, Persantine; không dùng tân dược trị trầm cảm với St John Wort...
2. Không dùng dược thảo khi mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, không cho con nhỏ dùng dược thảo vì ở trẻ em và thai nhi, gan chưa đủ sức vô hiệu hóa độc chất của dược thảo. Xin đơn cử một thí dụ: khi uống một ly cà phê, người lớn chỉ cần 5 giờ để loại khỏi cơ thể mà con nít cần đến cả 80 giờ.
3. Tuy dược thảo có nguồn gốc thiên nhiên nhưng không tự nhiên với cơ thể con người nên có thể gây bất lợi khi dùng, nhất là vì thiếu kiểm soát nên thành phần không thống nhất, phẩm chất không tinh khiết, đôi khi pha lẫn chất có hại cho cơ thể.
4. Không nên dùng dược thảo quá dăm tuần lễ vì an toàn dùng dài hạn chưa được chứng minh, cũng như không dùng quá nhiều vì nguy cơ gây độc cho gan và thận. Cũng không nên dùng nhiều dược thảo khác nhau một lúc vì tác dụng tương phản của thuốc.
5. Dược thảo cũng có tác dụng phụ: Bạch quả gây xuất huyết; ma hoàng (ephedra) gây tăng huyết áp, nhức đầu, rối loạn nhịp tim; St John Wort làm chóng mặt, mệt mỏi khô miệng, mất định hướng...
Và cuối cùng là không nên quá tin tưởng ở lời quảng cáo, giới thiệu của nhà sản xuất vì những lời này không được khoa học xác định giá trị, đồng thời cũng nên tìm hiểu về đặc tính trị liệu của loại dược thảo đang dùng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 19 Nov 2016

Một vài dược thảo thường dùng

Hiện nay, phong trào dùng cây cỏ thiên nhiên với mục đích chữa bệnh đang gia tăng trong dân chúng. Có người vì bệnh không chữa được bằng Tây y, đã đi tìm thầy thuốc cổ truyền. Nhưng cỏ cây dù thiên nhiên, cũng có loại an toàn, công hiệu, cũng có loại không có công dụng gì, đôi khi nguy hiểm vì tác dụng phụ. Nên nếu đã dùng, thì ta cần biết qua về thảo chất, về dược tính của cỏ cây đó. Trong bài này, dựa vào các tài liệu đáng tin cậy, chúng tôi xin trình bày đặc tính mấy món dược thảo đang rất phổ thông, mà có thể một số quý vị lão niên đang dùng.

1. Ginkgo Biloba
Việt Nam ta gọi là cây gỗ Bạch quả, cao tới trên 20 thước, lá hình cái quạt, hạt giống như quả trứng. Hạt và lá được dùng làm thuốc. Cây Ginkgo đã mọc ở Trung Hoa từ hàng trăm triệu năm, nhập cảnh châu Âu năm 1730, vào Hoa Kỳ năm 1784, hiện được trồng nhiều ở miền Đông Nam nước Pháp, ở Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Hạt Ginkgo đã được người Trung Hoa dùng để trị bệnh từ năm 2800 trước Công nguyên. Từ hơn 20 năm nay, lá Ginkgo rất thông dụng trên thị trường dược thảo và đã có nhiều cuộc nghiên cứu khoa học về công dụng trị bệnh, nhất là ở nước Đức.
Image
Ginkgo chứa nhiều dược chất có tác dụng làm dãn động mạch, khiến máu lưu thông dễ dàng, được dùng trị các trường hợp giảm tuần hoàn ở não bộ, nhất là người cao tuổi, và rối loạn tuần hoàn ngoại vi. Nhiều thử nghiệm đã xác nhận công dụng trị liệu của Bạch quả trong chứng sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer, nâng cao khả năng nhận thức, trí nhớ và giao tiếp trong đời sống hàng ngày. Ginkgo làm giảm chứng đau bắp chân khi đi bộ lâu do tuần hoàn ngoại vi kém. Bạch quả hiện cũng đang được thử nghiệm để trị sự rối loạn tình dục gây ra do vài loại thuốc trị trầm cảm. Trong các chứng nhức đầu, ù tai, chóng mặt, đổi tính, cáu gắt, ngủ gật, u buồn của tuổi già, Ginkgo cũng có công hiệu. Ginkgo còn được coi như một chất chống oxy-hóa, được dùng để trì hoãn sự hóa già. Bên Nhật, người ta còn dùng Ginkgo để trị bệnh ung thư, bệnh hư giác mạc, bệnh lý giảm chú ý (Attention Deficit Disorder) của người lớn.
Hiện nay, hình thức Ginkgo thường dùng là chất chiết xuất (G.B. estract) từ lá khô, do công ty Willmar Schwabe, Đức quốc, sản xuất đầu tiên và phổ biến trên thị trường.
Liều lượng dùng là 40 - 80mg, ba lần trong ngày, và dùng liên tục trong 4-6 tuần lễ. Tác dụng phụ thường rất nhẹ, xảy ra trong mấy ngày đầu khi mới dùng thuốc, gồm có buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, chóng mặt, nhức đầu. Không nên dùng Bạch quả khi đang uống thuốc chống đông máu như Warfarin, Aspirin.

2. St John Wort (SJW)
Tên khoa học là Hypericum perforatum, thường được biết qua tên St John Wort vì loại cây này hở hoa màu vàng rất đẹp vào ngày kỷ niệm sinh nhật Thánh St John the Baptist, 24 tháng 6 hàng năm. Cây có nguồn gốc ở châu Âu, từ thời kỳ Trung cổ, SJW đã được dùng để diệt trừ ma quỷ, làm trong sạch không khí, khiến được mùa ngũ cốc, khi đốt trên ngọn lửa cao vào đêm trước lễ St John và dân chúng cũng tin là nằm ngủ trên một cành SJW trước ngày sinh nhật Ông Thánh này thì sẽ được bình an suốt năm.
Image
Từ nhiều thế kỷ trước, nó được coi như có thể chữa được bệnh u sầu, nhiễm trùng tiểu đường, trừ vi trùng, mau lành vết thương ngoài da và đã được Hippocrate, Dioscoride giới thiệu. Sau đó dược thảo bị rơi vào lãng quên cho tới vài chục năm mới đây, một loại trà từ cây này được tung ra thị trường quảng cáo là trị được trầm cảm, lo âu.
Đại học Duke được Viện quốc gia Bệnh tâm thần Mỹ trợ cấp trên 4 triệu USD để thực hiện dự án 3 năm nghiên cứu sự an toàn và công hiệu của SJW trong việc trị bệnh u sầu. Tại châu Âu, nhất là ở Đức, SJW được các bác sĩ biên toa cho bệnh nhân 7 lần nhiều hơn thuốc Prozac, được mệnh danh là Prozac Thiên nhiên và được xếp hạng có công dụng trung bình, giữa hai loại tân dược trị trầm cảm chính hiện có.
Ở Mỹ, SJW hiện giờ được nhiều người dùng để chữa trầm cảm, vì được coi là an toàn, công hiệu, rẻ tiền, và không cần toa bác sĩ. Mới đây, SJW được các chuyên viên về bệnh AIDS của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ để tâm nghiên cứu vì một dược chất của cây này có tác dụng vào một vài loại virus, trong đó có HIV.
Liều lượng thường dùng là 300mg, 3 lần mỗi ngày, trong 8-10 tuần lễ. Tác dụng phụ của nó ít hơn tác dụng phụ của một vài Âu dược trị trầm cảm, như ngứa, mệt mỏi, tăng cân, nhức đầu, đau bụng nhất là mẫn cảm của da (cháy da) khi đi ra ngoài nắng. Khi có thai ta cần cẩn thận khi dùng thuốc này. chưa có bằng chứng tác dụng tương quan giữa SJW với các Âu dược khác, tuy nhiên nếu đang uống Âu dược trị trầm cảm thì nên cho bác sĩ biết khi dùng dược thảo St John.

3. Saw Palmetto
Trong tương lai gần đây, Saw Palmetto có hy vọng là dược thảo đầu tiên được chứng nhận là có công dụng trị một bệnh đặc biệt. FDA đang cứu xét đơn xin xác nhận giá trị của SJW để trị trầm cảm, Ginkgo Biloba để trị rối loạn trí tuệ và Saw Palmetto, trị sưng tuyến tiền liệt.
Image
Đây là một loại cây cọ cao từ 1 tới 3 thước, lá rộng tới gần một thước, mọc trên bãi cát từ miền Nam Carolina tới Florida, Texas. Vào mùa xuân, cây nở rộ hoa màu trắng, trái của nó bắt đầu chín mọng từ mùa hạ sang mùa thu. Thổ dân lục địa châu Mỹ đã dùng trái cây cọ này để ăn và trị vài chứng rối loạn tiểu tiện ở đàn ông từ năm 1700. Trong nửa đầu của thế kỷ 20, nó còn được dùng cho tới năm 1950 thì bị loại ra khỏi danh sách của dược chất Hoa Kỳ, trong khi đó, ở châu Âu nó vẫn còn rất phổ thông.
Trái Saw Palmetto có tác dụng ức chế hormon sinh dục nam testosteron, giảm sưng và viêm tế bào và được dùng nhiều ở châu Âu để trị chứng sưng không ung thư tuyến tiền liệt và tại Đức, cơ quan y tế đã chấp thuận cho bán một dược phẩm tinh chế hòa tan trong mỡ của cây cọ này. Tập san Y học của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, số 9/1998, lần đầu tiên đã để ý và nêu ra nhiều cuộc nghiên cứu trên khắp thế giới về công dụng của Saw Palmetto trong việc phì đại tuyến tiền liệt. Phí tổn mỗi ngày cho dược thảo từ 25 tới 50 USD, trong khi Âu dược thì tốn tới 200 USD. Theo Physicians Desk Reference for Herbal Médecines, Saw Palmetto được dùng trong thời kỳ đầu phì đại tiền liệt tuyến lành tính. Tác dụng phụ rất ít như vài rối loạn về tiêu hóa (ói mửa, đau bụng nhẹ).
Mỗi ngày uống từ 1 tới 2 gam. Một điểm quan trọng là, nhiều người vì dùng thuốc này mà không đi khám bác sĩ để xác định tính chất lành hay ác tính của phì đại tuyến tiền liệt, nên khi khám phá ra thì ung thư bộ phận này đã đi tới giai đoạn bất khả trị.

4. Ephedra
Họ Ephedra, ta gọi là Ma hoàng, gồm có nhiều loại, mọc ở châu Âu, Trung Hoa và đã được dùng làm thuốc chữa bệnh ở Trung Hoa từ trên 5000 năm. Dược chất chính của Ma hoàng là chất Ephedrine đã được nhà hóa học Nhật Bản N. Nagai phân tích từ năm 1887. Đến năm 1924, giáo sư K. K. Chen ở Đại học Bắc Kinh công bố đặc tính trị liệu của Ephedrine trong các bệnh suyễn, nghẹt mũi, kích thích thần kinh. Ephedrine làm dãn phế quản, khiến không khí lưu thông dễ dàng, đồng thời làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim. Ở Việt Nam, Ma hoàng được nhập từ Trung Hoa và được dùng để trị các bệnh như ngoại cảm, phong hàn, ho hen.
Image
Hiện nay, ở Mỹ, thuốc có chất Ephedrine được quảng cáo có công dụng trong việc làm giảm cân nặng, mà nhà sản xuất gọi là herbal phen-phen, thay thế cho Âu dược Pondimin, Redux bị cấm bán vì nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Vì có tính kích thích thần kinh, gây sảng khoái, nên nhiều tay ghiền cần sa, ma túy cũng dùng Ephedra để yêu đời hơn. Một số lực sĩ đã lạm dụng thuốc này để có bắp thịt nở nang.
Ephedra có nhiều tác dụng phụ như làm mất ngủ, nhức đầu, nóng nảy, cao huyết áp, sỏi thận, kinh phong, rối loạn nhịp tim, kích thích não và tim, đôi khi đưa tới tử vong. Do đó, Cơ quan Thực phẩm, Dược phẩm Hoa Kỳ rất quan tâm tới dược thảo này và đề nghị giới hạn liều dùng mỗi ngày không quá 24mg.

5. Họ Aloe
Nhiều gia đình ta ở trong bếp đôi khi thấy có trồng một chậu nhỏ cây Aloe, vừa làm cảnh vừa dùng lá nó để đắp lên vết phỏng da trong khi nấu nướng. Loại cây này có nguồn gốc ở Đông Nam châu Phi, đã có tài liệu ghi nhận công dụng trị bệnh từ năm 1750 trước Công nguyên. Người dân Ai Cập dùng trị da nhiễm trùng từ năm 550 trước Công nguyên. Danh mục dược khoa Hoa Kỳ năm 1820 đã ghi công dụng của Aloe vera và từ năm 1920 đã được trồng để dùng trong dược phòng.

Image
Từ lá Aloe, người ta lấy ra được một chất gel để dùng ngoài da và chất nước vắt để giúp nhuận tràng, chữa lở bao tử. Gel Aloe làm vết thương mau lành bằng cách làm co vết thương và tăng sản xuất chất collagen, nên được dùng khi bị phỏng da, trầy da. Mới đây nó cũng được dùng để trị bệnh vẩy nến da (Psoriasis) và làm tăng cường tính miễn dịch của cơ thể.
Trên thị trường, gel Aloe được giới thiệu như có công hiệu làm mềm da, sạch da, chống ngứa, diệt trùng, làm da tăng trưởng mau, đôi khi trị cả dị ứng tầm xuân. Bên Nhật, Aloe còn được dùng để trị bệnh ung thư do khả năng chống viêm và chặn tăng trưởng tế bào ung thư. Kết quả nghiên cứu tại Đại học Maryland, Hoa Kỳ, cho thấy Aloe có thể diệt virus herpes gây mụn giập và vài loại gây bệnh cúm, trong khi đó, thử nghiệm tại Đại học Missouri cho thấy gel Aloe có thể dùng để ngừa thụ thai. Aloe kích thích tụy tạng bài tiết Insulin, nên đang có nghiên cứu dùng Aloe để trị bệnh tiểu đường.
Kỹ nghệ bào chế dược thảo ở Hoa Kỳ rất phát triển để đáp ứng nhu cầu của người dân. Các nhà sản xuất củng đang tranh đấu để dược thảo của họ sớm được đối xử công bằng như Âu dược chứ không phải chỉ là thực phẩm phụ như hiện nay. Triển vọng đó chắc cũng không còn quá xa, vì Quốc hội cũng như Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã quan tâm tới vấn đề dược thảo và các phương pháp trị liệu không phải là Tây y đang mỗi ngày mỗi phổ thông.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 19 Nov 2016

Gốc tự do và chất chống oxy hóa

Trong cơ thể con người, thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động hoặc mang tính chất xây dựng hoặc mang tính chất hủy hoại. Có những chất tưởng như là thực phẩm chính của tế bào nhưng đồng thời cũng lại làm hại tế bào. Có những phân tử gây ra tổn thương thì cũng có những chất đề kháng chống lại hành động phá phách này. Gốc tự do, oxy và chất chống oxy hóa là một thí dụ. Những phân tử này có liên hệ với nhau và ảnh hưởng tới con người rất nhiều, nhất là ở giai đoạn cuối của cuộc đời.
Ngoài ra, một trong nhiều lý thuyết cố gắng giải thích nguyên nhân sự lão hóa, lão suy là tác dụng của những gốc tự do và các phân tử trong cơ thể. Và để trì hoãn tiến trình này, các chất chống oxy-hóa đã được giới thiệu nhiệt liệt và rất nhiều người cao tuổi hiện nay đang dùng. Xin cùng quý vị tìm hiểu thêm về những dữ kiện này.

1. Gốc tự do (Free radical)
Theo định nghĩa, gốc tự do là bất cứ phân tử hóa chất nào chỉ có một điện tử duy nhất (electron mang điện âm) hay một số lẻ điện tử. Xin nhắc lại, về khía cạnh hóa học, phần nhỏ nhất của vật thể gọi là nguyên tử. Mỗi nguyên tử có một nhân với một số chẵn điện tử xoay chung quanh, giống như các hành tinh quay chung quanh mặt trời. Phân tử gồm một số nguyên tử dính với nhau do tác dụng của các đôi điện tử. Một vài khi, trong diễn biến hóa học, một điện tử bị tách rời khỏi nhóm và phân tử đó trở thành một gốc tự do, với số lẻ điện tử. Do đó, nó không cân bằng, đầy đủ nên rất bất ổn, dễ tạo ra phản ứng. Nó luôn luôn tìm cách chiếm đoạt điện tử nó thiếu từ các phân tử khác, và lần lượt tạo ra một chuỗi gốc tự do mới, gây rối loạn hoạt động bình thường của tế bào. Các khoa học gia ví chúng như những tên sở khanh chuyên đi ve vãn, phá hoại hạnh phúc của các cuộc hôn nhân. Trong cuộc đời của một người sống 70 tuổi, thì có chừng 17 tấn gốc tự do được tạo ra như vậy.
Năm 1954, bác sĩ Denham Harman thuộc Đại học Berkeley, California, là khoa học gia đầu tiên nhận ra sự hiện hữu của gốc tự do trong cơ thể với nguy cơ gây ra những tổn thương cho tế bào. Trước đó, người ta cho là gốc này chỉ có ở ngoài cơ thể. Gốc tự do có tác dụng không tốt cho cơ thể liên tục ngay từ lúc con người mới sinh ra và mỗi tế bào chịu sự tấn công của cả chục ngàn gốc tự do mỗi ngày. Ở tuổi trung niên, cơ thể mạnh, trấn áp được chúng, nhưng tới tuổi cao, sức yếu, gốc tự do lấn áp, gây thiệt hại nhiều gấp mười lần ở người trẻ. Nếu không bị kiểm soát, kiềm chế, gốc tự do gây ra các bệnh thoái hóa như ung thư, xơ cứng động mạch, làm suy yếu hệ thống miễn dịch gây dễ bị nhiễm trùng, làm giảm trí tuệ, teo các cơ quan bộ phận của người trung niên. Nó phá rách màng tế bào khiến chất dinh dưỡng thất thoát, tế bào không tăng trưởng, tu bổ, rồi chết. Nó tạo ra chất lipofuscin tích tụ dưới da khiến ta có những vết đồi mồi trên mặt, trên mu bàn tay. Nó tiêu hủy hoặc ngăn cản sự tổng hợp các phân tử chất đạm, đường bột, mỡ, enzyme trong tế bào. Nó gây đột biến ở gen, ở nhiễm sắc thể, ở ADN, ARN. Nó làm chất collagen, elastin mất đàn tính, dẻo dai khiến da nhăn nheo, cơ khớp cứng nhắc.
Theo các nhà nghiên cứu, gốc tự do hủy hoại tế bào theo diễn tiến sau đây: Trước hết, gốc tự do oxy hóa màng tế bào, gây trở ngại trong việc thải chất bã và tiếp nhận thực phẩm, dưỡng khí; rồi gốc tự do tấn công các ty lạp thể, phá vỡ nguồn cung cấp năng lượng. Sau cùng, bằng cách oxy-hóa, gốc tự do làm suy yếu kích thích tố, các enzym khiến cơ thể không tăng trưởng được.
Trong tiến trình hóa già, gốc tự do cũng dự phần và có thể là nguy cơ gây tử vong. Hóa già được coi như một tích tụ những đổi thay trong mô và tế bào. Theo bác sĩ Denham Harman, các gốc tự do là một trong nhiều nguyên nhân gây ra sự hóa già và sự diệt vong của các sinh vật. Ông ta cho là gốc tự do phản ứng lên ty lạp thể, gây tổn thương các phân tử bằng cách làm thay đổi hình dạng, cấu trúc, khiến chúng trở nên bất khiển dụng, mất khả năng sản xuất năng lượng. Người ta thấy gốc tự do có ít ở các sinh vật chết non, có nhiều hơn ở sinh vật sống lâu. Người cao tuổi có nhiều gốc tự do hơn là khi người đó còn trẻ.
Theo các nhà khoa học thì gốc tự do có thể là thủ phạm gây ra tới trên 60 bệnh, đáng sợ nhất gồm có: bệnh vữa xơ động mạch, ung thư, Alzheimer, Parkinson, đục thủy tinh thể, bệnh tiểu đường, cao huyết áp không nguyên nhân, xơ gan.
Tuy nhiên, không phải là gốc tự do nào cũng phá hoại. Đôi khi chúng cũng có một vài hành động hữu ích. Nếu được kiềm chế, nó là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể, tạo ra chất màu melanin cần cho thị giác, góp phần sản xuất Prostaglandin có công dụng ngừa nhiễm trùng, tăng cường tính miễn dịch, làm dễ dàng cho sự truyền đạt tín hiệu thần kinh, co bóp cơ thịt.
Trong cơ thể có rất nhiều loại gốc tự do, mà các gốc nguy hiểm hơn cả là Superoxid, ozon, hydrogen peroxid, peroxy lipid nhất là hydroxyl radical, một gốc rất phản ứng và gây ra nhiều tổn thương. Gốc tự do được tạo ra bằng nhiều cách. Nó có thể là sản phẩm của những căng thẳng tâm thần, bệnh hoạn, mệt mỏi, ô nhiễm môi trường, thuốc lá, dược phẩm, tia phóng xạ mặt trời, thực phẩm có chất màu tổng hợp, nước có nhiều chlorin và ngay cả oxy.

2. Oxy - Sự oxy hóa - Chốt chống oxy hóa
Oxy là dưỡng khí thiết yếu cho mọi động vật, thảo mộc, ngoại trừ một số nhỏ sinh vật kị khí. Đối với loài người, ở một mức độ trung bình, oxy tham dự vào sự biến hóa căn bản trong cơ thể để tạo ra năng lượng cung ứng cho nhu cầu sinh hoạt của toàn bộ tế bào. Không khí ta thở có 20% dưỡng khí, vừa đủ cho nhu cầu của cơ thể và sức chịu đựng của phổi. Khi thở oxy nguyên chất khoảng 6 giờ, ta thấy nặng ngực và nếu tiếp tục thở lâu hơn nữa, các phế nang sẽ bị tổn thương. Oxy phản ứng trên vật chất và gây nhiều thay đổi cho các phân tử này: Một miếng thịt để ra ngoài lâu sẽ thâm, miếng táo cắt đôi trở màu nâu, cây đinh sắt sét rỉ, cục bơ thơm trở mùi ôi khét. Chúng đã bị oxy hóa và trở thành vô dụng, đôi khi nguy hiểm.
Trong cơ thể, phản ứng oxy hóa tạo ra những gốc tự do, nhưng may mắn là cơ thể ta có mấy loại enzym có khả năng trung hòa gốc tự do và mỗi phân tử enzym có thể vô hiệu hóa nhiều ngàn gốc. Các enzym đó túc trực trong cơ thể trước khi có phản ứng tạo ra gốc tự do nên nó kịp thời đối phó với những chàng sở khanh hóa chất hoang đàng này. Các enzym chính là Superoxid dismutase (SOD), catalase và glutathion. Mỗi enzym liên hệ vào từng phản ứng hóa học riêng biệt.
Ngoài ra ta có thể trung hòa gốc tự do bằng cách chống oxy hóa (antioxidant). Các chất này chỉ mới được nhắc nhở nhiều trong dân chúng cũng như y giới khoảng mươi năm gần đây. Đã có nhiều khoa học gia để tâm nghiên cứu về công dụng của chất chống oxy hóa và Tây y học cũng đã có thái độ thiện cảm hơn với các chất này. Trong một cuộc hội thảo của các bác sĩ chuyên môn về tim năm 1995, 90% người tham dự nhận là mình có uống chất chống oxy hóa nhưng chỉ có 75% biên toa cho bệnh nhân, chất này có khả năng làm mất hoạt tính của gốc tự do tích tụ trong cơ thể, biến chúng thành những phân tử vô hại, đồng thời cũng có khả năng duy trì cấu trúc và chức năng của tế bào. Antioxidant chính yếu, phổ thông nhất là sinh tố C, beta- caroten và sinh tố E. Sau đây là đặc điểm, công dụng của các chất trên trong phạm vi chống gốc tự do:
* Sinh tố C. Đây là chất chống oxy hóa căn bản ở trong huyết tương, nó tiêu hóa gốc tự do và ngăn không cho gốc này xâm nhập các phân tử cholesterol LHD. Nó tăng cường sự bền bỉ của mao mạch, ngăn không cho gốc tự do xâm nhập qua màng tế bào, đẩy mạnh mau lành vết thương, kích thích sản xuất nội tiết tố, kháng thể, acetylcholin, ngăn chặn tác dụng có hại của oxy.
Sinh tố C có nhiều trong trái cam, chanh, quít, dâu, cà chua, lá rau xanh, ổi xanh... Khi nấu chín, sinh tố ở các thực phẩm kể trên bị tiêu hủy, nên nếu ăn sống được thì tốt hơn.
Sinh tố C hòa tan trong nước, và bài tiết khỏi cơ thể dễ dàng qua thận do đó ta không bị ngộ độc khi uống một lượng lớn. Liều lượng trung bình mỗi ngày là 60mg, tối đa từ 500 tới 1500mg. Trong phạm vi chống gốc tự do, nhiều người cho là phải dùng liều lượng cao hơn. Theo tiến sĩ Linus Pauling, hai lần chiếm giải Nobel về khoa học, thì ta có thể dùng 3000mg tới 12.000mg mỗi ngày. Cá nhân ông ta uống 18gam một ngày và sống tới 93 tuổi, uống trên 2000mg một ngày, có thể gây tiêu chảy nhẹ.
* Beta-caroten được khám phá ra cách đây hơn 150 năm từ lớp màu cam ở củ cà rốt, beta-caroten hiện giờ là loại chống oxy hóa được tiêu thụ rất nhiều trên thị trường. Chất này cần cho sự tăng trưởng và cho chức năng của các mô, của xương; tăng cường tính miễn dịch, giảm nguy cơ gây ung thư, giúp thị lực tốt hơn, nó có thể biến đổi thành sinh tố A.
Beta-caroten có trong củ cà rốt, khoai lang đỏ, bí ngô, đu đủ, cam, ớt. Liều lượng thông thường là 50 IU mỗi ngày, tối đa có thể lên đến 10.000 IU/mỗi ngày.
Beta-caroten không có tác dụng phụ nguy hại như sinh tố A.
* Sinh tố E. Kết quả nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy sinh tố E chặn phản ứng của gốc tự do, ngăn sự oxy hóa Cholesterol LDL và các chất mỡ khác, nâng cao tính miễn dịch. Nhờ chặn sự oxy hóa Cholesterol, mà sinh tố E làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Sinh tố E là chất chống oxy-hóa hòa tan căn bản trong mỡ của cơ thể, vì nó ngăn chặn sự oxy-hóa chất béo trong thực phẩm chiên rán ta dùng hàng ngày.
Sinh tố E có nhiều trong rau, hột giống có dầu, gan, trứng, bơ, mầm lúa mì. Liều lượng trung bình mỗi ngày là 30, IU, tối đa 100 - 400 IU.
Với phân lượng cao hơn, ta có thể bị mệt mỏi, nhức đầu, đau bụng, ói mửa, đi tiêu chảy. Các chất chống oxy hóa khác gồm có: Selenium, bioflavonoid và ubiquinol cũng được quảng cáo chống lão hóa, nhưng không phổ thông như sinh tố C, E và Beta-caroten.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 19 Nov 2016

Phần 4 Tình cảm người cao tuổi


Ông bà và các cháu

Ngày nay ta ít thấy hình ảnh một “Ông tôi năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi, đầu râu tóc bạc, da đã nhăn, má đã lõm, lưng đã còng, đi đâu cũng phải chống gậy. Ông tôi không phải làm việc gì nặng nhọc nữa”. Mà là hình ảnh một ông tôi bây giờ, cũng tuổi đó, tráng kiện hơn, vẫn còn đi làm, tham gia vào công việc xã hội, đồng thời, cùng với bà tôi, rất siêng năng việc đi thăm và góp phần chăm sóc các cháu. Lập gia đình sớm, có con sớm, lại nhờ tăng tuổi thọ, nên nhiều người, ngoài bốn mươi đã hãnh diện làm ông bà. Nhiều bà khi được con gái báo tin có bầu, đã thảng thốt kêu lên: “tôi mà sắp làm bà ngoại hay sao!” và nghĩ đến việc lên chức, làm bà cả ba, bốn chục năm nữa, sẽ có rất nhiều thời giờ vui chơi với các cháu nội ngoại, mà lòng thấy rộn ràng.

1. Niềm vui làm ông bà
Lên chức ông bà có nhiều điều thích thú nhưng cũng mang nhiều trách nhiệm, cả vật chất lẫn tinh thần. Cháu là quá khứ, là hiện tại và quan trọng hơn, là tương lai của chúng ta. Ta nhìn thấy con ta tái sinh trong đôi mắt của cháu, nghe thấy âm vang của người cha trong tiếng cười của cháu, và cả một nguồn tài năng phong phú trong tương lai của cháu. Xưa cũng như nay, ông bà đã có những việc làm rất cao đẹp. “Ông thường ở nhà coi sóc cho cha mẹ tôi và dạy bảo chúng tôi. Thỉnh thoảng lại kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe, chúng tôi lấy làm thích thú lắm. Những khi đi học về, thường thường tôi lại đem những chuyện nhà trường nói cho ông tôi nghe. Ông tôi lại nhân đó giảng giải cho tôi học được nhiều điều khác nữa (Quốc văn giáo khoa thư). Với học giả Nguyễn Hiến Lê: “Bà đã thay má tôi, nuôi nấng, săn sóc chúng tôi, lại thay cả ba tôi trong sự dạy dỗ chúng tôi nữa. Ngày nay anh em tôi, con cháu tôi, có ai giữ được một chút tính khí của bà, không chịu lụy ai, cái đức cần cù, tiết kiệm, cố chiến đấu để vượt khỏi cảnh nghèo, cái nếp sống đạm bạc, cái tinh thần thanh khiết của nhà Nho, phần lớn là do bà”.
Muốn làm ông bà đâu có dễ, vì còn tùy thuộc ở các con. Bao giờ chúng dự định có con, và bao nhiêu đứa. Bây giờ các cô cậu ấy tính toán có kế hoạch lắm. Ưu tiên hàng đầu là dành dụm đủ tiền mua căn nhà lớn, nhỏ cho đôi trái tim vàng, vợ chồng còn vui chơi, du lịch Á, Âu cho thỏa thích rồi mới lo có con, nuôi con. Ông bà chẳng quyết định được gì. Chỉ một ngày nào đó, con cái điện thoại, mẹ ơi con đã có bầu, thì vui mừng mà sửa soạn làm bà. Khi mang bầu, mẹ đợi con ra đời thì ông bà cũng nôn nóng đợi cháu. Đây là lúc bà truyền kinh nghiệm nuôi con cho mẹ. Đành rằng mẹ có đi học lớp hướng dẫn, nhưng sao bằng kinh nghiệm bản thân của bà với năm ba lần mang nặng đẻ đau. Bó bụng cho khỏi xệ. Ăn cháo chân giò heo cho có nhiều sữa... Rồi ông bà cũng sửa soạn để làm bổn phận mình. Có lớp hướng dẫn làm cha mẹ mà chẳng có lớp hướng dẫn làm ông bà nội ngoại. Mình cũng phải lập kế hoạch để thăm nom cháu, phụ cha mẹ chăm sóc cháu chứ. Chắc chắn là khi mẹ sanh thì thế nào bà cũng phải lên đưa mẹ đi nhà thương. Mà phải hỏi lại chàng rể coi nó có đồng ý không. Mẹ thì cứ muốn ở một tháng để giúp những ngày đầu bỡ ngỡ. Bà thì lại ngại ông ở nhà một mình, ai cơm nước. Nhiều ông bây giờ than phiền bị vợ bỏ rơi, đi chăm sóc đào, kép nhí cả mấy tháng. Nói vậy thôi chứ ông cũng thích thú chẳng kém gì bà. Được tin vui, ông đã vội vàng kiếm sách coi đặt tên, trai là gì, gái là gì. Cứ làm như con nó ít chữ thánh hiền, không tìm được tên có ý nghĩa. Lại còn tính chuyện hàng tuần chẳng quản ngại đường xa lái xe lên chơi với cháu.

2. Ông bà xưa và nay
Nhớ lại thuở xa xưa, khi đất nước còn nặng nề nghề nông, ông bà là người quyết định mọi việc trong gia đình vì ông bà là chủ ruộng vườn, kiểm soát tài sản, lại kinh nghiệm trường đời. Con cháu chỉ là phụ thuộc. Do nhu cầu nhân lực, con cháu nhiều thế hệ sống chung với nhau. Tam, tứ đại đồng đường lại còn được tiếng thơm như nhà đó có phúc. Ngay cả việc dựng vợ, gả chồng cho con cái đều do ông bà sắp xếp, sao cho môn đăng hộ đối, không nghịch với lễ giáo, gia phong của dòng họ. Giờ đây, thì mọi sự đều thay đổi, theo nhịp tiến hóa chung của nhân loại, chứ chẳng riêng gì người mình. Có người đã chép miệng, nói, con cái đặt đâu, bố mẹ ngồi đó, ngăn cản cũng không xong. Tín ngưỡng, chủng tộc cũng bị đặt nhẹ như không.
Do nhu cầu kinh tế cũng như kết quả của đòi hỏi nam nữ bình quyền, ngày nay ở Mỹ 64% người mẹ vừa đi làm vừa nuôi con. Họ còn làm việc nhà nhiều hơn người chồng. Thì giờ dành cho con cũng ít đi. Nếu cách đây ba chục năm, cha mẹ dành 6 giờ cho con cái thì ngày nay chỉ còn một nửa. chính ở khoảng trống này, ông bà đóng một vai trò hữu ích. Nhưng trước hết, nên giữ hai nguyên tắc: không can thiệp vào việc nuôi cháu của các con, dành sự độc lập, quyết định cho các con. Mình đã có thời kỳ tự lựa chọn thì bây giờ nên để chúng cũng có cái quyền đó. Cụ thể hơn, ông, bà có thể giúp đỡ bố mẹ về tài chính, nhà ở. Vì đa số ông bà ngày nay, nhờ chắt chiu, tằn tiện cũng như đầu tư, cuộc sống có đôi phần dư dả. Hoặc thiết yếu, nhẹ nhàng hơn, ông bà dành thì giờ chăm sóc, dạy dỗ cháu, theo chiều hướng của cha mẹ chúng.

3. Phân loại ông bà
Từ lâu, nhiều nhà xã hội học đã cố gắng phân loại các hình thái, mẫu mực ông bà. Bảng phân loại của hai tác giả Berniece Neugarten và Karol Wienstein được nhiều người tán thưởng vì tính thực tế, dựa trên kết quả của sự trực tiếp phỏng vấn những người đã được làm ông bà. Tài liệu nghiên cứu The Changing American Grandparent của họ, phổ biến năm 1964, đã được coi như bảng hướng dẫn cho nhiều người quan tâm đến vấn đề này. Theo các tác giả trên, có năm mẫu ông bà chính:
1. Ông bà và cháu cùng vui chơi. Đây là mối quan hệ tương đối mới, ít thấy vào thập niên 60 - 70, và thường thấy ở lớp ông bà dưới 65 tuổi. Đôi bên không có trách nhiệm hay theo một khuôn phép, kiểu cách gì, chỉ lâu lâu gặp nhau, viếng thăm, tự do vui chơi với nhau, rồi chia tay. Ông bà được ngày vui thoải mái mà không có vướng víu gì đến việc nuôi nấng cháu. Cháu kể với bố mẹ, con chơi với ông bà vui quá.
2. Ông bà cư xử thân tình nhưng theo nghi thức. Tới thăm cháu, cho quà, giúp đỡ, nhiều khi ở lại trông cháu, nhưng không can thiệp, góp ý về việc nuôi cháu của cha mẹ. Đây là những ông bà gương mẫu, thường trên 65 tuổi, đòi hỏi sự lễ phép, sạch sẽ, tự chế của cháu cũng như con cháu kính trọng mình.
3. Ông bà là nguồn kinh nghiệm, có quyền uy với con cháu. Ông bà ở nhóm này, nhất là ông, có nhiều tài năng, kinh nghiệm, muốn con phụ thuộc vào mình, còn mình thì sẵn sàng giúp đỡ, khuyên nhủ, gửi gắm để con cháu khá hơn. Quý vị này rất nguyên tắc, đòi hỏi ở con cháu một tinh thần tự lập, lòng lương thiện, danh dự, và ý thức trách nhiệm.
4. Ông bà chỉ gặp cháu trong ngày quan trọng như tốt nghiệp ra trường, sinh nhật... để chia vui, rồi lại lui vào hậu trường. Ông bà đối xử rất tốt với các cháu nhưng giữ một khoảng cách, ít gặp và đặt nhẹ vấn đề quyền uy, trách nhiệm.
5. Mẩu ông bà thay thế cho cha mẹ. ông bà hầu như thay thế cha mẹ hay lãnh một phần lớn trách nhiệm trong việc nuôi nấng, dạy dỗ cháu. Bố mẹ mỗi buổi sáng trước khi đi làm, đưa cháu lại nhà ông bà, rồi chiều về đón. Nghiêm trọng hơn là khi bố mẹ vì lý do nào đó, như tâm bệnh, nghiện ngập, không hoàn tất thỏa đáng việc nuôi con, ông bà tình nguyện lãnh trách nhiệm hoặc sau khi có phán quyết của tòa án. Đây là một sự hy sinh lớn lao mà ông bà dành cho những giọt máu của dòng họ nhà mình, vì không muốn để chúng phải chịu ảnh hưởng xấu khi đi làm con nuôi người dưng. Ông bà hãnh diện làm việc này, nhưng phải trả một giá quá đắt là mất phần riêng tư trong những ngày cuối của đời mình, cũng như không còn thì giờ giao du với bạn bè. Nhưng lương tâm, trách nhiệm được đặt lên hàng ưu tiên.

4. Cháu đối với ông bà
Khi được hỏi các cháu nghĩ gì về ông bà thì câu trả lời thường là: ông bà vui tính, thông cảm được, thương yêu nhẹ nhàng, ông bà là người tin cẩn để tâm sự khi có vấn đề không nói với cha mẹ được. Ông bà thường kể lại nguồn gốc của gia đình, dòng họ. Những tư tưởng, khuôn phép về đạo đức, đặc tính của gia tộc thường được ông bà rỉ rả nói để gây dựng một căn bản tốt lành trong tâm khảm các cháu. Chỉ bằng sự có mặt thôi, ông bà cũng mang lại cho các cháu một niềm tin, một sự an tâm thế hệ, cũng như sự trường tồn của gia đình. Ông bà còn là mối trung gian, hòa giải khi các cháu có những khác biệt với cha mẹ. cháu nhìn ở ông bà như gương mẫu để cháu noi gương, bắt chước, như người thầy truyền lại cho cháu những kinh nghiệm, kiến thức thu lượm trong suốt cuộc đời. Ông bà là nơi an toàn để cháu nương tựa khi cần.
Nếu cứ thuận buồm xuôi gió thì tình cảm giữa ông bà và các cháu cứ nhẹ nhàng diễn ra. Ông bà tới thăm cháu, cháu tới thăm ông bà. Quà cáp trao đổi. Điện thoại thăm nom. Mà ông bà cũng đừng quên bố mẹ chúng. Con cái từng than phiền: bây giờ bố mẹ tôi chỉ hỏi han đến thằng cu thôi, còn chúng tôi thì bị lãng quên rồi. Đến thăm cũng nên báo trước, tránh xáo trộn chương trình của con, cháu.

5. Ngang trái trong tình ông bà và cháu
Cuộc đời có những bất hạnh, rủi ro nhiều khi không hẹn mà đến. Cháu thiếu tình thương hoặc mẹ hoặc cha. Đôi khi thiếu cả hai. Ở Mỹ hiện nay người ta ước lượng tới 24% con sống với mẹ, 3% sống với cha và 4% không cha không mẹ. Chỉ có 69% con có cả cha lẫn mẹ. Không còn yêu nhau nữa. Không hòa thuận, không còn cảm thấy thương yêu nhau, sẩy đàn, tan nghé. Ông bà lại ghé vai gánh vác, lãnh trách nhiệm phụ giúp nuôi cháu mình. Thực là, cháu bà nội tội bà ngoại hay ngược lại. Cũng có trường hợp, con còn quá trẻ để có thai hay lập gia đình, rồi khi có cháu, lại phải nhờ tới sự giúp đỡ của ông bà, vật chất và tinh thần. Nhiều ông bà mang cháu về nuôi nấng, dạy dỗ, thay cha mẹ chúng. Các cháu khi tới tuổi hiểu biết, có những nỗi buồn do thiếu vắng cha mẹ, cũng như bạn bè đàm tiếu, ông bà lại lo giải quyết. Nhiều nhà xã hội học cho ý kiến là ta nên nói rõ hoàn cảnh bố mẹ chúng, kẻo khi chúng tìm ra sự thực thì sẽ mất nốt niềm tin chót còn lại ở mình.
Cũng có trường hợp, khi vợ chồng chúng nó nửa đường đứt gánh, nó mang cháu mình ra đi, rồi giận cá chém thớt, không cho ông bà gặp cháu, gây đau lòng cho cả già lẫn trẻ. Mong rằng những dứt tình này ít xảy ra, để tấm thân già khỏi phải gia nhập các tổ chức nhân quyền, đòi quyền làm ông bà, như hiện đang có tại một vài quốc gia Âu Mỹ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 19 Nov 2016

Còn lại đôi ta

Nay thử tìm hiểu về sinh hoạt của cặp vợ chồng đã trên ba mươi năm chung sống, con cái ở riêng, và hai người bắt đầu về hưu. Họ sẽ thích nghi ra sao để cùng nhau bạch đầu giai lão, cũng như để “đôi chồng vợ ra vào khắng khít, mắm muối mà vui” (Vương Hồng Sển).
Hôn nhân vợ chồng thuở ban đầu khắng khít là do yêu nhau, rồi lấy nhau. Mặc dù biết là mỗi người có nhu cầu, sở thích khác nhau, nhưng vì mới, còn tâm đầu ý hợp, còn tập trung tất cả vào nhau trong ái ân, nên họ đã quên đi để thành vợ chồng, hy vọng thời gian sẽ san bằng cách biệt. Rồi với ngày tháng, dam mê ban đầu cũng phai nhạt và từ đây, gắn bó tình già sẽ do sự hiểu nhau, sự chia sẻ vui buồn, phụ thuộc lẫn nhau, thích nghi, trọn vẹn cho nhau. Mức độ thỏa mãn trong hôn nhân ở giai đoạn này được nhìn qua đời sống phẩm chất của hai người: hạnh phúc bên nhau, đồng lòng, cố kết với nhau, biểu lộ thương yêu, giảm thiểu phiền não. Hai người có thể yêu nhau trở lại khi cùng nhìn về một hướng, sắp xếp cho tương lai cũng như tận hưởng hiện tại, giải quyết trở ngại, khó khăn.

1. Con cái với cha mẹ già
Đã có nhiều bằng chứng rằng con cái giữ vai trò trong sự hoàn tất đời sống lứa đôi của người cao tuổi. Không có con, tuổi già như cô đơn, đời sống trống rỗng, không đầy đủ. Có con, khi chúng ra ở riêng, người làm cha mẹ có những tâm trạng khác nhau. Có cặp vợ chồng cho là sự vắng bóng con cái sẽ tăng thêm tình khắng khít giữa hai người, họ sẽ hạnh phúc hơn, có nhiều thì giờ cho nhau, sẽ cùng nhau thực hiện nhiều chương trình một cách tích cực hơn. Hai người sẽ như đi vào thời gian trăng mật thứ hai. Cũng có người mang một niềm trống trải, thầm lặng, thấy đâu đây như vắng thiếu vài tiếng nói, mấy dáng người. Họ sợ là sẽ bị cô đơn, và cuộc sống sẽ không được trọn vẹn.

2. Khi đã về hưu
Nói đến về hưu, ngày nay thường là nghỉ ở công việc chính, đã theo đuổi mấy chục năm qua, và bắt đầu một số sinh hoạt nào đó không có tính cách ràng buộc và không phải là nguồn tài chính căn bản cho những năm còn lại. Vấn đề cần lưu tâm là hai người sẽ có 24 giờ bên nhau, trong một hôn nhân thông thường là tình bớt, nghĩa tăng. Có nhiều vui buồn, khó khăn mà hai người cần khắc phục, để mang lại thỏa mãn vợ chồng trong những năm về cuối. Nên lưu ý tới tâm trạng khác nhau đối với việc về hưu: phân vân khi sắp nghỉ; háo hức trong thời gian đầu, cho là mình sẽ tận hưởng nó và có nhiều chương trình để làm; tan mộng khi thấy cuộc sống chậm lại, những dự kiến không thực hiện được; thức tỉnh, sắp đặt lại hướng đi, việc làm cho thích hợp với hiện tại; rồi ổn định trong môi trường sinh hoạt mới được hoạch định.
Có người đã nói: cưới nhau dễ, sống đời cũng không khó gì, nhưng sống trong hôn nhân và hạnh phúc với nhau không phải là dễ, nhất là khi chỉ còn hai người. Nhiều người thấy thời gian gần nhau mỗi ngày quá dài, làm gì cho hết. Khi chồng về hưu trước, thì vợ cho là sẽ mất đi một số tự do cá nhân, một số thì giờ dành cho sinh hoạt riêng tư mà mình đã làm như giao tiếp bạn bè, nhóm hội từ thiện. Họ phải dành thêm một số thời giờ để cung ứng cho nhu cầu mới của chồng, đồng thời cũng phải làm công việc gia đình như trước. Nhưng đa số các bà đều vui vẻ vì có cơ hội gần các ông nhiều hơn. Mà chồng vì mất đi môi trường làm việc trước đây, lại ít liên hệ giao tiếp xã hội, nên có nhiều thì giờ với vợ, cũng như tùy thuộc vào vợ. Khi vợ nghỉ hưu trước thì đa số các bà đều cảm thấy thoải mái, vì có thêm thì giờ với chồng đồng thời để làm một số công việc gia đình mà trước đây vì đi làm nên không thực hiện được.
Một khía cạnh quan trọng trong thời gian về hưu là chia sẻ công việc nhà. Quan niệm chồng chúa, vợ tôi, đã quá xưa. Đa số cặp vợ chồng về hưu đều đồng ý là phải có sự chung sức lo công việc trong nhà, mỗi người một số trách nhiệm, công việc do đôi bên cùng thỏa thuận. Những việc như mua sắm lặt vặt, rửa bát, sửa soạn ăn sáng có thể thay phiên. Cắt cỏ, sửa hư hao nhỏ trong nhà chắc phải dành cho quý ông. Bữa ăn chính, mua thức ăn, sắp xếp, trang hoàng nhà cửa vẫn phải nhờ đến “bà nó”. Tài chính, tiền nong đều cùng nhau trách nhiệm, tránh dành ngân khoảng chi tiêu riêng vì đã cùng nhau thì còn gì mà phải riêng tư. Có nhiều cặp không mấy vui vì một bên quá an lạc, hưởng nhàn, để bên kia gánh hết mọi việc trong nhà, gây nhiều căng thẳng.

3. Giải quyết cách biệt
Hôn nhân nào chẳng có mâu thuẫn, bất hòa mà giải quyết những bất hòa đó đòi hỏi sự liên tục thương thảo, hiểu nhau, hòa hoãn, nhường nhịn nhau, kiên nhẫn với nhau. Rồi lại còn nuôi dưỡng tình già sao cho tương kính như tân. Người bình dân ta thường nói: “Đạo vợ chồng khó lắm bạn ơi, chẳng dễ như ong bướm đậu rồi lại bay”.
Ngày xưa, sự đối thoại, tìm hiểu giữa các cụ ta rất giới hạn. Khi có vấn đề, giải quyết thường đơn phương, độc đoán, không có thảo luận. Nên sau đó dù mọi vật được coi như xong, nhưng ấm ức vẫn có trong lòng. Người lao động, ngày thì đầu tắt mặt tối, lo làm đủ ăn, tối về nhà nghỉ, đâu còn thì giờ để giải trí, nói chi đến đả thông, bàn luận. Ngày nay, sự giải quyết dị biệt đã khá hơn, cặp vợ chồng già đã dành nhiều thì giờ để có sự thông cảm, chia sẻ quan tâm về mọi vấn đề. Cụ bà thường để ý nhiều về sự an toàn kinh tế cho hai người, cụ ông đặt trọng tâm vào việc có người bạn đường lâu dài. Họ cùng chia sẻ với nhau về các quan điểm tôn giáo, xã hội. Tuy nhiên, một số ít người khi gặp vấn đề thì hoặc lảng tránh, nói lập lờ để đánh lạc hướng, hay phủ nhận cho xong. Cũng có cụ vẫn hay giữ uy quyền, chỉ thích ra lệnh.
Có nhiều cách để giải quyết những dị biệt, mà thực ra đa số các cụ đều cho là, tới tuổi này rồi, chúng tôi chẳng còn mấy khác biệt. Họ áp dụng phương thức dân gian “chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở rằng anh giận gì”. Hoặc khi không nhường nhịn được thì cho nó xả hơi ra, mà nên chồng lui, vợ tới, luân phiên xả chứ chồng tới, vợ cũng tới thì chắc sẽ nổ như tạc đạn. Sau đó ông bà bình tĩnh nhận diện vấn đề, cùng góp ý, đả thông cho khỏi ấm ức. Nhiều người nghĩ thôi kệ nó, vợ chồng ai chẳng có khác biệt, để từ từ rồi đâu sẽ vào đó. Nhưng trên thực tế, dị biệt mà không giải quyết thì nó trở nên khó mà đối phó, làm cản trở sự xích lại gần nhau của hai người.
Lòng tín nhiệm, tin cậy nơi nhau cũng cần cho sự ổn định tình nghĩa về già. Nó như mắt xích nối giữa hai người, như sợi chỉ quấn qua quấn lại trong tấm vải quan hệ đôi bên. Họ tin tưởng ở lời đã ước hẹn, và trông đợi phần mình sẽ hưởng. Một bất tín, dù nhỏ, dưới một khía cạnh nào đó của hôn nhân cũng có thể đưa tới bất tín khác, và là nguồn gốc của xáo trộn.
Đôi khi hai người ngồi lại, dở chồng ảnh cũ, ôn lại những vui buồn đã qua, những kỷ niệm của thuở ban đầu. Sự kiểm điểm này là để dùng quá khứ bổ túc, tăng cường cho hiện tại, coi xem ta đã ra sao và đã làm gì để có hôm nay. Nó giúp tìm ra những điểm thiếu sót để từ từ sửa đổi, giúp ta có cơ hội cùng làm những điều hai người thích làm với nhau khi trước, cũng như giúp hiểu biết những thầm kín của người bạn đường.

4. Săn sóc thương yêu
Săn sóc nhau khi đau ốm có nhiều ảnh hưởng tới liên hệ giữa hai người. Kinh nghiệm cho hay khi một người đau ốm thì người kia tạm hoãn các sinh hoạt riêng tư để săn sóc, và đều cho hay là sự săn sóc này làm tăng quan hệ vợ chồng. Đôi lúc ông chồng hơi khó khăn hơn bà vợ khi làm dịch vụ này, nhưng nói chung họ đều sẵn sàng, vui vẻ. Ngoài tác dụng tình cảm làm giảm căng thẳng tâm thần, sự quan tâm săn sóc còn mang đến một số lợi ích sinh học như làm tăng khả năng miễn dịch cơ thể, kích thích sức sống người cao tuổi.
Tương tự như săn sóc, sự trìu mến thương yêu cũng mang lại nhiều điểm lợi cho quan hệ vợ chồng già. Khi tỏ tình thương yêu nhau, não bộ sẽ tiết ra kích thích tố Endorphine và Phenylethylalamine (PEA), tạo cho ta một cảm giác yêu đời, sinh động và có thể làm tăng tuổi thọ. Bên Anh quốc, người ta nhận thấy các tu sĩ Tin Lành giáo thường sống lâu hơn tu sĩ Cơ Đốc giáo, và họ kết luận là việc có vợ của tu sĩ Tin Lành đã đóng góp vào việc kéo dài tuổi thọ. Một bằng chứng là phụ nữ góa thường đoản thọ hơn phụ nữ có gia đình. Với lợi điểm như vậy, vợ chồng già chắc cũng nên quan hệ tình ái. Không cần phải là sự giao hoan vũ bão mà sự vuốt ve mơn trớn, sự gần bên nhau, những lời nói, những điệu bộ gợi tình vào những lúc bất chợt cũng đủ tăng thân ái và làm tim ai nhảy nhịp yêu đương. Bác sĩ Robert N. Buttler, chuyên gia về các vấn đề của người cao tuổi, gọi đây là ngôn ngữ thứ hai của tình yêu, đối lại với ngôn ngữ thứ nhất, thúc đẩy, đòi hỏi, cấp bách về sinh lý, và theo ông ta, một chút lãng mạn với nhau cần được tiếp diễn mặc dù thú vui xác thịt vì lý do nào đó đã giảm bớt. Cũng nên nhớ là ở các vị lão niên, lượng hormon sinh dục nam testosteron thấp, nên rất cần một chút lả lơi để gợi tình.
Các cụ ta quan niệm tình nghĩa vợ chồng như một ĐẠO, Đạo vợ chồng. Ca dao dân gian thường vang lên: “Đạo vợ chồng chẳng dễ đổi thay - Dầu làm nên võng giá hay rủi ăn mày cũng cứ theo”.
Mong rằng đó cũng là TÌNH NGHĨA vợ chồng, cái tình nghĩa Chồng như Giỏ, Vợ như Hom, dù đã cũ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 19 Nov 2016

Tình muộn vẫn là tình

Mỗi khi đi khám bệnh, ông A. rất thích nói chuyện với bác sĩ. Hết chuyện bệnh tật, bác chuyển sang chuyện nhân tình thế thái. Gặp được ông thầy thuốc vui tính, lại nhằm vào ngày vắng khách, hai người đủ chuyện nhỏ to. Chuyện vãn xong, bác lấy toa thuốc thơ thới ra về. Đến nhà, bà hỏi ông có kể cho bác sĩ cái chuyện mà mình vẫn thắc mắc không, thì bác cười trừ, đáp: định nói nhưng thấy kỳ quá. Bác lại thầm trách cái ông bác sĩ, chẳng chịu hỏi mình về vấn đề đó để mình được trút bầu tâm sự.
Chẳng là từ mấy tháng nay, bác lơ là trong bổn phận đàn ông, không thấy có cảm hứng như trước. Mà bác đâu đã già gì cho cam.
Trường hợp ông A. đây cũng là trường hợp của nhiều vị cao tuổi, thắc mắc mà cứ ngại ngùng không nói. Việc ái ân phòng the vẫn coi là riêng tư, chẳng nên hỏi hoặc kể với ai. Những ý nghĩ không có thật về nhu cầu và khả năng ái ân của người cao tuổi đã quá phổ biến không những trong dân chúng, mà ngay cả trong y giới, chuyên môn. Nào là nỗi ham muốn và sự hấp dẫn tình dục giảm đi với số tuổi tăng. Nào là khi về già, cơ thể không còn nhu cầu đòi hỏi hoặc nhu cầu đáp ứng dục tính, làm như là tới tuổi này thì “thôi là hết, chia ly từ đây” với chuyện gối chăn. Lại còn được răn đe, rằng già rồi mà còn bày đặt yêu đương, bầy trẻ chúng cười cho.
Y giới chuyên môn một thời đã không được huấn luyện nên họ có thể bối rối khi đề cập tới vấn đề này. Cũng đã có những thời gian mà chuyện tình dục của người già không được nhắc tới. Truyền hình, sách báo chỉ nhắm vào sự trẻ trung, hấp dẫn, đầy sinh khí của lứa tuổi chưa già. Tài liệu về đời sống tình ái người cao tuổi rất ít. Ngay trong cả ngàn trang nghiên cứu của Kinsey hay Masters & Johnson, cũng chỉ có vài trang để đề cập tới vấn đề này. Ngày nay, vấn đề tình dục của người cao tuổi đã được lưu tâm hơn, sự thảo luận cũng dễ dàng, tự nhiên, cởi mở hơn. Một phần quan trọng trong đời sống của lứa tuổi này đã được chăm lo, cung ứng thỏa đáng.
Trong những lúc trà dư, tửu hậu với mấy vị vong niên, một vài thắc mắc tình trường được mang ra để mạn đàm. Chúng tôi thấy cũng có phần lý thú nên xin chia sẻ cùng hải hội chư niên trưởng. Và cũng mong quý niên trưởng nam nữ cho những người muốn an hưởng tuổi vàng được lãnh hội kinh nghiệm bản thân trong các vấn đề của tuổi hạc, đặc biệt câu chuyện ái ân hôm nay. 

1. Tới tuổi nào thì tình dục của con người giảm hay mất đi?
Nhiều chuyên viên về vấn đề hấp dẫn giới tính đều đồng ý là sự đòi hỏi và khả năng hành động tình dục của con người tồn tại suốt đời, trừ khi bị bệnh hoạn hay, theo quan niệm cũ xưa, tự cho là khi về già mình sẽ hết tình.
Theo cuộc nghiên cứu của Alfred Kinsey vào năm 1948 và 1953 thì số những lần giao hợp của nam giới giảm dần, nhưng đa số đều giữ được khả năng tình dục tới tuổi 70, 80; còn ở nữ giới thì không có thay đổi mấy với tuổi già. Master & Johnson, một cơ quan có uy tín về vấn đề tình dục, cũng có cùng nhận định như A. Kinsey: Đời sống tình dục ở người cao tuổi vẫn mạnh cho tới tuổi 80 hay hơn nữa, mặc dù nó sẽ thưa thớt dần và không vũ bão như lúc còn trẻ. Ta biết rằng tình dục mạnh nhất vào tuổi mười tám đôi mươi. Thống kê cho hay ở tuổi này, họ có thể yêu nhau một tuần 3, 4 lần, đến lúc 40 tuổi thì 2 lần rồi một tuần một lần, cho tới tuổi 60, 70 thì khi này khi khác, nhưng không mất hẳn.
Năm 1981, Starr và Wiener nghiên cứu về tính dục của 800 người trên 60 tuổi, đưa ra kết quả như sau: 99% trả lời vẫn còn ham muốn tình dục, 62% nói khi nhìn hình ảnh khêu gợi thì cũng động lòng cao hứng, 75% thấy đời sống tình dục tốt đẹp hơn lúc trung niên vì không phải lo lắng gì, 88% than phiền là chưa bao giờ được chỉ dẫn về tính dục lúc còn bé. Theo bác sĩ Domeena C. Renshaw, giáo sư thần kinh tâm trí trường Đại học Y khoa Loyola, Chicago, thì đời sống tình dục của con người tồn tại cho tới khi chết và không có gì là bất thường khi bệnh nhân cần sự giúp đỡ về vấn đề này. Còn Fran E. Kaiser, chuyên khoa người già của đại học St Louis, cho rằng: Thật là kỳ thị người cao tuổi khi gọi họ là “già dịch” chỉ vì họ tiếp tục muốn có đời sống tình dục.

2. Vậy thì khi về già có những thay đổi gì không? Như là về cơ quan sinh dục, khả năng tình dục?
Khi về già, tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể đều thay đổi, không nhiều thì ít, về cấu tạo lẫn chức năng. Cơ quan sinh dục cũng chịu cùng số phận.
Trước hết xin liếc mắt nhìn qua sự thay đổi ở nữ giới. Khi sinh ra, trong noãn sào có chừng 1 triệu rưỡi noãn cầu, tới khi 40 - 50 tuổi chỉ còn khoảng 11.000. Mỗi lần có kinh, một noãn cầu được đẩy ra để làm công việc nối dõi tông đường nếu may mắn được hội ngộ với chú tinh trùng. Khi tắt kinh, vào tuổi 45 - 50, thì người đàn bà hết khả năng cao quý này, đồng thời noãn hoàng cũng ngưng sản xuất kích thích tố estrogen, rất cần thiết cho sự nảy nở, cho chức năng của bộ phận sinh dục và hành động tình ái. Hậu quả là âm đạo thu ngắn, không đàn hồi, mỏng hơn, và trở nên khô vì tuyến nhờn bớt hoạt động. Âm vật nhỏ lại, tuyến * mềm nhũn, nhăn nheo, teo tóp. Âm mao lưa thưa, cứng. Môi sinh dục lớn và bé vừa nhăn vừa mỏng vì mất tế bào mỡ. Quý bà có những triệu chứng như bồn chồn, lo sợ, bẳn tính, buồn phiền, kém ăn, kém ngủ, nhức đầu, mặt bốc nóng phừng phừng, về phương diện sinh lý, ta phân biệt hai sự việc:
1. Khả năng đáp ứng tình dục: Trong giai đoạn này, sự khêu gợi để có kích thích nhiệt tình và nhờn ướt âm hộ chậm phát triển; âm vật và tử cung không vươn lên, thời gian cực khoái mau hết, tử cung đã ít co bóp lại còn gây đau, thủ thuật kích âm vật cần được sử dụng lâu hơn để gây nguồn cảm hứng.
2. Sự háo hức, quan tâm tới tình dục. Liệu những thay đổi sinh học trên có ảnh hưởng gì tới sự quan tâm tình dục không? Câu trả lời rất phấn khởi là KHÔNG. Đôi khi cũng có sự không thích thú nhưng hầu hết do lòng mình hững hờ trước thái độ hay vóc dáng của đối tượng. Góa phụ thường ít hứng thú hơn người có chồng. Mà khi vì lý do nào đó người chồng lại lạnh nhạt trong việc gối chăn thì vợ cũng bị lạnh nhạt theo. Nói chung chung thì sự hóa già chỉ làm mất khả năng sinh con nhưng vẫn tôn trọng khả năng yêu đương xác thịt.
Ở nam giới, sự thay đổi nhẹ nhàng hơn, khả năng sinh sản chỉ giảm chứ không mất vì tinh trùng tiếp tục được sản xuất với số lượng ít và vẫn thụ tinh được. Hormon sinh dục nam còn ít nhưng sự giảm thiểu này không ảnh hưởng gì tới khả năng giao hợp. Lão nhân sẽ cần nhiều thời gian để có cường dương, đồng thời nó cũng mau mềm; thời kỳ bình ổn lâu, sự xuất tinh chậm lại, tột đỉnh vu sơn lâu được một, hai giây với vòi tinh khí ít và yếu. Muốn có cường dương trở lại, phải chờ cả mấy tiếng đồng hồ.
Như vậy, tình muộn không những vẫn là tình mà còn trưởng thành, kinh nghiệm. Nó thân thiết hơn trong cảm giác, khơi động hơn trong mơn trớn. Hai người như thư thả hơn, kiên nhẫn cho nhau, chia sẻ cảm giác cho nhau. Tình yêu bây giờ không phải chỉ là số lần, là sự lên mau, vào sâu, mà là sự trân trọng lẫn nhau, sự thắm thiết cam kết với nhau. Nó không vội vàng, hối hả như ở cặp vợ chồng trẻ, quá bận rộn, nên chỉ chiếu lệ, cho xong. Nó không bị gián đoạn bởi tiếng đập cửa kêu “Mẹ ơi, thằng Tí nó ăn cục kẹo của con”. Nó cũng không mang một thoáng ưu tư về khả năng tăng nhân số trong gia đình. Càng sống lâu với nhau, càng yêu nhau thì giao hợp sẽ là một nhu cầu để diễn đạt sự cần thiết nhau, sự chia sẻ với nhau, sự làm vừa lòng nhau.

3. Đàn ông bất lực - Sự bất lực này có liên hệ gì tới tuổi cao không?
Sự bất lực mà ta thường nói tới, chủ yếu là tình trạng không cường dương, mà văn hoa ra, ta gọi là Rối loạn cương (RLC) hay còn gọi là ED (Erectile Dysfunction). Đấy là mức cương dương vật không đáp ứng được nhu cầu vào sâu và kéo dài thỏa đáng động tác giao hợp. Sự cương là do kết quả phối hợp giữa dục vọng, một hóa chất, hệ thần kinh và huyết quản. Bình thường, khi có khêu gợi, tín hiệu thần kinh khiến tiết ra hóa chất (GMP vòng) có tác dụng làm giãn nở cơ ở dương vật, máu động mạch tràn ngập cơ quan này làm nó cương lên, ép vào tĩnh mạch, ngăn sự thất thoát máu và dương vật tiếp tục cương cho tới sau khi giao hợp, xuất tinh. Ở người loạn dương cương, cơ dương vật không giãn nở tới mức chặn được sự thoát máu vì thiếu hóa chất kể trên, nên cơ quan mềm nhũn. Một số người lâu lâu mới bị, một số khác thì thường xuyên gặp trở ngại. Riêng trên nước Mỹ, có cả hơn ba chục triệu người mắc chứng quỷ quái này. 
Bất cứ nguyên nhân nào làm suy yếu mạch máu đều có thể gây ra loạn dương cương. Nguyên nhân thông thường nhất là do tác dụng phụ của một vài loại dược phẩm trị bệnh cao huyết áp, kinh phong, thần kinh tâm trí, thuốc ngủ, thuốc đau bao tử... rồi đến tác dụng của rượu, cần sa, ma túy; biến chứng của một số bệnh như tiểu đường, cao huyết áp. Tâm thần bất an, không tập trung, buồn phiền, mặc cảm là mình kém tuyệt chiêu hoặc bị đối tượng coi nhẹ tài năng, cũng gây trở ngại cường dương. Sự lão hóa không phải là thủ phạm của loạn dương cương vì tình dục không có ngày hết hạn. Và chẳng bao giờ có cương khi mà không có kích thích với thủ thuật, hương thơm, dáng yêu, lời ngọt của người nằm bên...
Trước đây, giới cao niên ít quan tâm tới việc tìm thầy chữa chạy, một phần vì tin rằng mình già thì nó cũng già, phần khác nghĩ rằng chẳng có thuốc tiên. Ngày nay, đã có nhiều tiến bộ trong việc điều trị chứng này, đồng thời y giới cũng chú tâm hơn đến nhu cầu của người già. Giải phẫu, cơ phận, thuốc chích, thuốc nhét, thuốc uống... chẳng thiếu gì.
Vài lời nhận xét của BS Robert N. Buttler, chuyên gia danh tiếng về Lão khoa, khi nói đến Tình Yêu và Tình Dục sau tuổi 60, đại ý: “Tuổi trẻ là thời gian để hăm hở thám hiểm, thăm dò và khám phá khả năng mình, trung niên để thu lượm tuyệt chiêu kỹ thuật, tuổi già để mang kinh nghiệm cho cả đời và triển vọng những năm còn lại vào nghệ thuật yêu đương”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 19 Nov 2016

Những ngày cuối cùng của cuộc sống

Cận Tử là thời gian lão đang dần dần bước tới ngưỡng cửa Tử Biệt, của sự dùng dằng nửa ở nửa đi. Mà dùng dằng thì còn đôi chút quyến luyến, tiếc rẻ, nấn ná, cố kéo dài một ít thời gian với cuộc đời. Nấn ná vì lão vẫn không tin rằng lão chỉ còn dăm tháng để hít thở không khí trần gian, để được gần gũi người vợ hiền, bầy con cháu và bạn bè quyến thuộc gần xa.
Khi được thầy thuốc cho hay bệnh đang đi vào giai đoạn cuối thì lão có những tâm trạng khác nhau. Lão ngạc nhiên không tin chuyện đó có thể xảy ra cho lão. Lão hốt hoảng kêu lên “Chắc là có sự nhầm lẫn nào đây. Đâu có phải là mình nhỉ”!? Lão cho rằng bệnh nhân giường bên kia  ra đi sớm mới phải vì đương sự gầy gò ốm yếu, suốt ngày ho sù sụ, luôn luôn thở dốc, chứ lão đâu đã đến nỗi gì. Đây cũng là phản ứng tự nhiên của nhiều người chứ chẳng riêng gì lão. Tự nhiên sắp mất tất cả mọi sự trên đời thì ai chẳng ít nhiều tuyệt vọng, đau khổ, bất mãn...
Nhưng mỗi lần gặp mặt, thấy ông thầy thuốc nghiêm nghị hơn, dè dặt hơn thì lão linh cảm là đúng. Đôi lúc lão cũng đã ấm ức trách vị lương y vì chẳng chịu khó tìm kiếm phương thuốc thần diệu hơn để chữa cho mình. Rồi lão cầu nguyện, mặc cả, điều đình với đấng thiêng liêng giúp lão, cứu lão ra khỏi cơn bạo bệnh này, với lời hứa là từ nay sẽ sống đàng hoàng hơn, điều độ hơn.
Từ hơn hai năm nay, khi thấy ho nhiều, lão bỏ hẳn rượu, thuốc lá, ăn nhiều rau xanh, trái cây và còn đi bộ mỗi ngày, một việc mà trước đây không bao giờ lão nghĩ tới. Rồi thì lão được xác định bị ung thư phổi. Chẳng là vì lão hút thuốc lá từ năm 19 tuổi, hơn một nửa thế kỷ liên tục mang khói vàng của điếu thuốc vào phổi... Lão bắt đầu ho nhiều, khó thở, kém ăn, xuống cân. Và lão bắt đầu trị liệu. Lão mong có phép lạ để lão sống thêm vài năm nữa, cho tới khi đứa con út tốt nghiệp đại học rồi ra đi cũng mãn nguyện.
Đến khi y giới lắc đầu chịu thua thì lão thấy không còn hy vọng, lão trở nên buồn rầu, chẳng muốn gặp ai. Có người nói lão sợ chết. Thời gian đầu khi nghe nói bệnh không chữa được thì quả tình lão có hoảng hốt sợ hãi thật. Ai mà chẳng sợ mất sự sống, phải lìa bỏ những gì đã gắn bó với đời mình cả nhiều chục năm. Nói rằng không sợ thì chỉ là dối lòng, phủ nhận, chối bỏ sự thật.
Bây giờ thì lão chấp nhận những giới hạn của chữa chạy. Nhiều lúc, lão cũng nghĩ là sống tới tuổi ngoài thất tuần của lão hiện nay cũng đã quá nhiều. Ngày xưa cha mẹ lão chỉ thọ tới sáu chục tuổi. So với bố mẹ, “Bonus” tuổi mà Thượng Đế dành cho lão đã quá nhiều. Lão chấp nhận và chỉ mong sao được ra đi bình an, thanh thản.
Nhưng lão cũng nghĩ tới một số nhu cầu, một số mong muốn được đáp ứng trước khi tử biệt. Những nhu cầu căn bản của con người nhưng đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn. Vì lão nghĩ, dù trong tình trạng sắp từ giã cõi đời này, lão vẫn còn là một sinh vật, vẫn còn cảm nghĩ, suy tư, rung động, vẫn còn đôi chút nhu cầu vật chất, những tình cảm thương yêu, tiếp xúc. Vậy thì lão vẫn còn những mong muốn. Y giới cũng đồng ý với lão rằng người sắp chết có quyền được cung cấp một số đòi hỏi. Lão quyết định sẽ chết đàng hoàng, trong sự tôn trọng. Lão nghĩ là lão may mắn có được một mái nhà ấm áp để sửa soạn ra đi chứ không cầu bơ cầu bất như nhiều người bất hạnh, tứ cố vô thân, không người thừa nhận. Lão đang ở trong một cơ quan có người chăm sóc. Lão nhớ lại, ngày xưa người ta thường chết ở nhà, nơi mà vợ chồng con cái sống chung với nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác. Người ta sửa soạn cho sự chết giữa những người thân yêu, được người thân yêu quây quần chăm sóc. Mọi người có thời giờ thong thả nói với nhau, bàn bạc cùng nhau về hậu sự, về chuyện tương lai của các thành viên trong gia đình. Người chết được thân nhân tắm rửa bằng nước cỏ cây hoa lá nhiều mùi thơm, thân xác nguyên vẹn và được mặc quần áo mới may thật đẹp. Áo quan là những mảnh gỗ vàng tâm, gỗ gụ, gỗ lim... sắm sẵn dùng làm phản nằm cho bóng dấu mồ hôi, để khi hữu sự thì làm áo quan, mang thân xác ra đi. Người chết được quyến thuộc bạn bè tới tận nhà để nhìn mặt nhau lần cuối, đưa tới huyệt mộ để vĩnh biệt chia tay...
Ngày nay thì mọi sự đều đổi thay, vì hoàn cảnh, nhu cầu cuộc sống. Người ta chết ở bệnh viện, ở nhà thương, ở nhà “hospice”, đôi khi trên xa lộ, tại thương xá, giữa biển cả, trên núi cao... Thôi thì “gặp thời thế, thế thời phải thế”, chọn lựa làm chi. Chết ở đâu cũng chỉ là một cách chấm dứt sự sống.
Lão đã làm giấy từ chối mọi phương thức chữa chạy mạnh mẽ như là “gắn dây chỗ này, cài máy chỗ kia” trên cơ thể. Trong di chúc, lão ghi có rõ ý muốn chăm sóc y tế như thế nào trong trường hợp mình không phát ngôn được vào giai đoạn cuối cuộc đời, khi không còn hy vọng cứu chữa. Lão cũng làm giấy ủy quyền cho một thân nhân quyết định phương thức điều trị khi lão hết sáng suốt. Lão đã tìm hiểu về chương trình chăm sóc cận tử - hospice - nên lão xin vào đây để hy vọng được nhẹ nhàng ra đi không đau đớn vì những biến chứng của ung thư.
Trước hết, lão muốn được gặp gỡ tất cả thân bằng quyến thuộc, nhất là người bạn trăm năm với các con các cháu. Hơn mấy chục năm chung sống với biết bao kỷ niệm buồn vui có nhau. Lão đã làm hết nhiệm vụ cho gia đình và lão cũng muốn nhân dịp này nhìn lại các thành quả đó trên gương mặt mọi người với những lời nhắn nhủ cuối cùng.
Lão cũng cần giải quyết mọi chuyện với người thân thiết để đôi bên chia tay trong bình an... Và lão cũng được nắm bàn tay những người thân yêu lần cuối, bàn tay đón lão vào đời, bàn tay tiễn đưa lão vĩnh viễn ra đi. “Xin chia tay, và nếu là mãi mãi, thêm một lần, xin mãi mãi chia tay” - một nhà thơ nào đó đã viết.
Lão mong muốn được đối xử như người còn sống. Theo lão, cận tử mới chỉ là gần chết, sẽ chết vì sự sống chỉ ngưng sau khi lão không còn hơi thở, tim ngưng đập, não tê liệt. Lão vẫn còn là một sinh vật với mọi ý nghĩa của nó, như là có suy tư, cảm xúc, quyền hạn như mọi người. Có vui, có buồn, có hy vọng, có thương yêu.
Lão cần được duy trì các hy vọng dưới mọi hình thức. Hy vọng có thuốc tiên, có phương thuốc kỳ diệu để lão lành bệnh. Mặc dù biết rằng bệnh của lão đang đi vào giai đoạn cuối, những hung bào ung thư đã xâm lấn nơi xa, nhưng “còn nước còn tát”, lão vẫn hy vọng có một phép lạ đến với lão. Lão đang cầu nguyện ơn trên. Rồi lão hy vọng những cơn đau không hành hạ mình. Hy vọng con cái gần mình. Hy vọng không chết đơn côi. Xin ai đó đừng làm tiêu tan hy vọng của tôi với lời an ủi xã giao, có lệ, “hãy nhìn vào sự thật, đừng mong ở phép lạ”... Hy vọng có thể lành. Hy vọng chết không đau đớn. Hy vọng vợ hiền, con cháu ở lại bình an. Hy vọng mình được về nơi vĩnh phúc. Xin đừng thổi tắt những ngọn lửa hy vọng của tôi!
Dù thời gian không còn bao lâu, nhưng lão vẫn mong muốn tiếp tục được chăm sóc bởi những người có khả năng, hiểu biết, thông cảm với hoàn cảnh, bệnh tình của lão. Lão vẫn muốn tiếp tục nhận dịch vụ y tế, dù mục tiêu bây giờ là làm nhẹ bệnh thay vì chữa khỏi. Những giải thích về bệnh của tôi từ bác sĩ, những hướng dẫn ăn uống từ điều dưỡng viên, sự chăm sóc vệ sinh cá nhân của người y công... đều làm ấm lòng tôi hơn, thoải mái hơn. Dù biết rằng sắp chết, tôi cũng vẫn cần... xin đừng cô lập tôi, bỏ tôi một mình trong sợ hãi! Lão nhớ có một tác giả nào đó đã viết: “Chết không phải là kẻ thù; sống với ám ảnh sợ hãi nó mới là kẻ thù...”
Lão cũng muốn được tham dự vào các quyết định liên quan tới lão. Về các phương thức trị liệu, cách ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Ngay cả hình thức ma chay, chôn cất mà lão đã sắp đặt đâu vào đó. Đôi khi thân nhân không muốn kẻ sắp vĩnh biệt ra đi bận tâm với thủ tục, chi tiết rườm rà, nên quyết định hộ. Làm vậy là ta đã phủ nhận quyền quyết định của họ, coi họ như bất lực và vô hình trung làm giảm giá trị của họ.
Lão cần được giải thích đầy đủ và ngay thẳng cũng như có quyền nêu ra những thắc mắc về sự chết. Nhiều khi thầy thuốc không muốn nói tới chết chóc với bệnh nhân đau nặng, vì muốn để họ còn hy vọng. Hoặc cho rằng bệnh nhân đã biết rồi hoặc khó nói làm sao ấy. Lão cũng thông cảm với hoàn cảnh khó xử của người thầy thuốc đang chăm sóc lão. Nhiều lúc lão thấy ông ta dường như muốn nói với lão một điều gì quan trọng, nhưng lại ngập ngừng. Chắc lại là chuyện “vô phương trị liệu” về bệnh của lão chứ gì!?
Thực tội nghiệp cho ông bác sĩ! Được huấn luyện để xua đuổi tử thần xa sự sống, chứ đâu có được hướng dẫn để nói về sự chết với bệnh nhân.
Từ lúc sinh thời, lão vẫn có một đức tin tôn giáo thì giờ đây lão cần sự chăm sóc tâm linh, để linh hồn lão có nơi tá túc bình an. Người ta muốn được lên cõi Thiên Đàng, tiêu diêu miền Cực Lạc thì lão cũng muốn được về nơi vĩnh cửu mà lão đã từng ấp ủ. Lão muốn được tâm sự với vị lãnh đạo tinh thần mà lão đã quen biết từ nhiều chục năm nay, để sửa soạn cho linh hồn lão. Lão cũng cần được giải thích về diễn tiến của sự chết; vì lão nghe nói khi chết thì sẽ có những khó khăn, những thay đổi về thể xác cũng như linh hồn. Liệu lão có bị những cơn đau bệnh hoạn xâu xé cơ thể!? Liệu những hoảng loạn, ác mộng có đến với lão? Lão có mất ngủ, kém ăn, bí đại tiểu tiện... bác sĩ sẽ làm gì để giúp lão ra đi một cách nhẹ nhàng?
Lão cần sự giải thích thành thực, sự thông cảm của thầy thuốc. Lão không muốn sống trong u mê, lo sợ của sự chờ chết. Lão nhớ lời nhắn nhủ của Nữ tu đáng kính Theresa “Đừng sợ hấp hối vì nó rất giản dị... ”
Lão chỉ cần có vậy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 19 Nov 2016

Người cao tuổi với đời sống gia đình

Trong chu kỳ của cuộc sống, người cao niên thường trở lại giai đoạn phải lệ thuộc vào gia đình như đã lệ thuộc vào cha mẹ trong tuổi ấu thơ. Đó là vì khi tới tuổi cao, khả năng làm việc của họ giảm bớt, lại nảy sinh những bệnh liên hệ tới tuổi già, khiến họ mất khả năng tự túc, tự tồn, thậm chí mất cả khả năng hiểu biết. Đây là một vấn đề mà các xã hội Đông và Tây có giải pháp khác nhau mặc dầu có chung một mục tiêu là giúp đỡ người già trong giai đoạn khó khăn nhất của đời họ. Xin lần lượt xét về tình trạng người già trong hai xã hội này.
Tại các xã hội Tây phương, địa vị người già tùy thuộc vào khả năng kiểm soát tài chính. Khi có khả năng này, người già không lo bị sống cô đơn với các chứng bệnh kinh niên. Họ có thể thuê mướn những chuyên viên y tế để chăm sóc tại gia hoặc lựa chọn lối sống tập thể trong các cơ sở chuyên chăm sóc người già với đầy đủ tiện nghi y tế, vật chất. Nhưng đó cũng là thiểu số. Còn phần đông người già với hạn hẹp tài chính, phải nhờ vả hoặc gia đình thân thích hoặc các cơ quan chính phủ, cơ sở cộng đồng, các tổ chức từ thiện.
Ở các quốc gia Tây phương phát triển như Mỹ chẳng hạn, nhu cầu công ăn việc làm đã khiến gia đình phân tán, trái ngược với tình trạng các gia đình sinh sống gần gũi nhau trong các trang trại lớn vào đầu thế kỷ 20. Do đó đa số người già thường sống cô đơn trong ngôi nhà mà họ đã tạo lập từ thuở trung niên, con cái họ thường là ở xa, có khi cách cả hàng ngàn cây số. Thêm vào đó, đa số người già ở đây đều trải qua nhiều cuộc hôn nhân trong đời, rất ít người sống cùng với người phối ngẫu nguyên thủy. Con cái nhiều dòng, con ông con bà, con chúng ta, khó có sự đoàn kết trong tình máu mủ ruột thịt.
Nhận thức được sự khó khăn này, chính phủ Mỹ đã lập ra chương trình An sinh xã hội, chương trình chăm sóc y tế miễn phí cho người già từ 65 tuổi trở lên (Medicare). Chính phủ còn trợ cấp cho các chương trình giúp đỡ người già do các cộng đồng địa phương thực hiện. Các cộng đồng này điều hành nhiều trung tâm cao niên, cung cấp bữa ăn trưa với giá rẻ cho người già, cung cấp vài dịch vụ y tế căn bản như khám sức khỏe, đo huyết áp, khám mắt, thử đường, cholesterol trong máu. Nhiều trung tâm còn tổ chức các cuộc giải trí lành mạnh, như thể dục thể thao, đi bộ, bơi lội, đi xe đạp v.v... Các trung tâm cao niên này đã tạo ra một môi trường làm vơi bớt nỗi cô đơn của họ. Các bữa cơm tập thể cũng cung cấp cho họ những chất dinh dưỡng căn bản hằng ngày. Một cuộc khảo sát về ích lợi của bữa ăn tập thể đối với người cao niên cho thấy họ có khả năng hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn người già dùng bữa ăn cô độc ở nhà. Có thể đây cũng là một yếu tố tâm lý chứng minh người già cần một môi trường hay đoàn thể để tâm hồn được ổn định, đưa đến sự cải thiện các chức năng cơ thể. Tóm lại, ở Mỹ người già có thể vừa trông cậy vào sự giúp đỡ của gia đình vừa dựa vào sự trợ giúp của chính phủ và cộng đồng xã hội.
Ở xã hội Đông phương như Việt Nam chẳng hạn, người già căn bản là nương tựa vào gia đình trong giai đoạn cuối của cuộc đời. Ở Việt Nam chưa có những trung tâm cao niên có tổ chức như ở Mỹ. May mắn thay, người Việt Nam có truyền thống hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Người Việt nào cũng xem mình có bổn phận đền đáp công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
“Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, đó là điều tâm niệm của con người Việt. Do truyền thống tốt đẹp đó mà gia đình trở thành đơn vị gốc của xã hội và tồn tại qua nhiều cuộc xáo trộn kinh tế, chính trị xã hội. Người già có một chỗ dựa nào đó trong cái đơn vị gốc này. Những người thiếu may mắn, không con cái, thì vẫn có thể nhờ vả bà con nội ngoại. Cũng do truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà cuộc sống chung giữa người già và người trẻ dưới mái ấm của gia đình phần đông rất hài hòa, ổn định. Tại các xã hội Tây phương sự sống chung này không nhiều vì mỗi bên đều muốn có sự riêng tư.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 19 Nov 2016

Không đề

Khi tiếp xúc với quý vị cao niên, cũng như gia đình và bạn bè họ, vì nghề nghiệp hay qua giao tiếp trong đời sống hàng ngày, chúng tôi được nghe nhiều mẫu ưu tư, nhiều lời tâm sự của tuổi về già. Có những vị về già với phong cách thoải mái thì cũng nhiều vị gặp một số khó khăn, thử thách. Chúng tôi xin ghi lại sau đây một vài tâm sự.

* Vợ chồng già
Một lão bà than phiền là lão ông ít lâu nay trở nên khó tính, hay gắt gỏng với bà vì những lý do không đáng, nhưng khi gặp bạn bè thì ông ấy tươi vui như tết. Bà cũng buồn là ông vẫn sống theo lối cổ điển, chồng chúa vợ tôi, không chịu tiếp tay với bà một vài công việc trong nhà.
Trường hợp trên khá thông thường trong nhiều cặp vợ chồng cao niên, giữa hai người đã có những điều không bằng lòng, những bất đồng không giải quyết, nhất là từ khi ông về hưu, các con đã thành đạt, ở riêng. Thời gian ông còn đi làm, bà hầu như quán xuyến mọi việc trong nhà, theo đúng truyền thống người đàn bà Việt Nam: chịu đựng và hy sinh. Bây giờ, ông tuy về hưu, nhiều thì giờ rảnh rỗi, nhưng vẫn phong lưu quen thói, chỉ thích giao du với bạn bè. Bà buồn tình bèn cầu cứu hỏi ý kiến các con.
Cô con gái út vốn tếu, hù mẹ, coi chừng bố có bồ đấy mẹ ơi. Anh con trai lớn cho là bố mẹ hiện đang trải qua một khó khăn do không có sự đối thoại, cảm thông giải quyết bất đồng ý kiến. Mẹ vốn thường dễ thích nghi nhưng đã tới lúc không chịu đựng được nữa, nhưng mẹ không chịu nói cho bố hay. Còn bố thì bực mình vì rủ mẹ đi đây đi đó, mẹ chẳng chịu đi. Cô thứ hai gợi ý bố mẹ đi tham khảo nhà chuyên môn. Để chiều các con cũng như muốn lấy lại cái vui vẻ có nhau trên bốn chục năm qua, ông bà đồng ý.
Từ đó, khi có chuyện gì bực với ông, bà thẳng thắn nói với chồng để được ông cảm thông. Nếu không nói cho nhau hay sự khác biệt thì chẳng bao giờ có tâm an. Ông phải nói ra ý kiến của mình, bà cũng vậy, đó là cách hữu hiệu để giải tỏa ấm ức trong lòng. Hai người cũng thỏa thuận là nếu một người nổi “tam bành” thì người kia một sự nhịn chín sự lành, im đi cho qua cơn sóng gió rồi tính sau, chứ hai người cùng nóng nảy một lúc thì chỉ có tan hoang cửa nhà. Vả lại, mình nhịn người bạn trăm năm của mình. Ông chạy ra chợ mua gói bánh phở, mớ rau, giúp bà rửa bát. Về hưu, nhiều thì giờ trống, làm việc nhà giúp vợ cũng là điều hợp lý, công bằng, đồng thời chứng tỏ rằng ta còn hữu dụng. Mà khi chồng làm thì vợ đừng: gớm sao mà bát còn dính mỡ, rau còn nhiều đất, kẻo chàng giận lẫy, thì bà làm lấy đi. Bà cũng dành thì giờ đi đây đi đó với ông, lâu lâu vợ chồng đi thăm bà con, bạn bè, đi thăm con cháu, chăm sóc sức khỏe cho nhau. Đồng thời cũng không sao nhãng bổn phận gối chăn.
Nói cho cùng lý, ngay trong những cuộc hôn nhân hoàn hảo nhất, lâu dài nhất, rất hiếm có sự hợp ý về mọi vấn đề. Với hôn nhân, sẽ liên tục có những thương lượng, hòa giải để có an vui, củng như cùng chia sẻ những sự thực để có thông cảm. Đôi khi cần có khoảng thời gian ngắn xa cách nhau để gây hương thương mùi nhớ. Tác giả A. J. Liebling đã phát biểu: người sành ăn phải không giàu quá hoặc nghèo quá. Vì có nhiều tiền anh ta sẽ mua ăn uổng phí, không thưởng thức, mà nghèo quá thì không có tiền mua thức ăn ngon, về già cũng vậy, thường xuyên gần nhau thì dễ chán vì no nê, ít đi một tí sẽ gây thèm thuồng, thiếu thốn, nhớ nhau.

* Chuyện khoảng cách giữa bố mẹ - con cái
Tâm sự tiếp là mối liên hệ giữa hai ông bà B. với các con. Ông bà năm nay cũng gần bảy chục tuổi, được một trai hai gái, và ba cháu nội ngoại. Các con đã trưởng thành, có công ăn việc làm tốt. Ông bà đã hy sinh rất nhiều trong công việc học hành cũng như dựng vợ gả chồng cho các con. Bây giờ, tuy chúng đã lớn, ông bà vẫn để ý chăm sóc, giúp đỡ, nhắc nhở các việc cần làm. Ông bà vẫn nghĩ là dầu sao chúng vẫn là con mình, còn thiếu kinh nghiệm trường đời, nên còn cần đến ông bà. Ông bà cho việc chăm sóc này là tự nhiên, cũng như trước đây ông bà đã được các cụ thân sinh chăm sóc, gầy dựng cho mình. Ông bà rất hãnh diện với bạn bè về sự thành đạt của các con, do bàn tay mình tạo ra.
Mấy người con thì rất cảm ơn bố mẹ, nhưng không được vui lắm. Họ cho là bố mẹ vẫn coi họ như con nít, cần nhiều lời khuyên dạy, hướng dẫn, đôi khi quá xen lấn vào đời tư của họ. Thấy con trai hơi mập, cụ nhắc phải kiêng khem, tập thể thao, nhắc mua bảo hiểm... Con gái mang cháu về thăm bố mẹ thì cụ bà chỉ cho con từ cách thay tã tới cho cháu bú. Bà lên thăm cháu thì lau chùi tủ lạnh, sắp lại thực phẩm, đôi khi còn tự động thay đổi đồ đạc trong phòng ngủ của cháu. Cứ làm như nhà mình, chẳng để ý gì đến ý kiến của con gái và rể...
Các con nghĩ là bố mẹ đã quá che chở, bảo vệ con, không hiểu rõ các con, không thấy những khó khăn mà các con đã tự vượt qua, mà chỉ chờ có cơ hội là khuyên nhủ, chỉ dẫn. Các con muốn được có dịp chia sẻ mọi việc với bố mẹ mà không bị phán xét, hoặc “con làm thế không được, con phải làm thế này, bố biết rõ mà”. Nhiều khi các con muốn thật cởi mở với cha mẹ mà cứ sợ cha mẹ phật ý, muốn cha mẹ cư xử với mình như một người bạn trưởng thành, chứ không phải đứa bé còn để đầu chỏm, mặc quần thủng đít. Củng xin đừng có ý muốn kiểm soát, thay đổi nếp sống của con.
Ngoài vài mâu thuẫn kể trên, mối liên hệ giữa ông bà Lan và các con rất hòa thuận. Liên hệ này là do tình yêu thương của các cháu với cha mẹ, và do các cháu muốn vậy chứ không phải vì bổn phận. Các cháu vẫn nghĩ là mối liên hệ gia đình cần được duy trì và làm toàn hảo hơn, vì các cháu không từ bỏ được cha mẹ và không muốn sau này mang niềm tiếc hối.
Nhân tình huống trên, có người đặt vấn đề là liệu các con có nợ, có bổn phận hay chịu ơn bố mẹ ở một khía cạnh nào không hay ngược lại.
Đã có thời kỳ con cái được coi như sở hữu của cha mẹ, sống và làm việc phụ giúp cho cha mẹ trong dịch vụ thương mại, canh nông của gia đình. Con cái trưởng thành được cha mẹ dựng vợ, gả chồng, cung cấp cho một số vốn để làm ăn, một cơ ngơi nhỏ để ở. Con cái hầu như phụ thuộc vào cha mẹ, nên có khái niệm công ơn sinh thành dưỡng dục và bổn phận đối với cha mẹ. Và quan niệm trẻ cậy cha, già cậy con phát sinh. Do đó, con cái phụng dưỡng cha mẹ nhiều khi vì bổn phận, trả ơn, nhiều hơn là vì yêu thương, chúng sợ bị mang tiếng là bất hiếu, vô ân.
Cũng có xu hướng cho là con cái không mang nợ gì với cha mẹ. Khi chọn lựa có con vì bất cứ lý do nào (nối dõi tông đường, vui cửa vui nhà, thêm nhân lực...) thì cha mẹ đã mang cái trách nhiệm nuôi chúng cho tới khi trưởng thành, và chính cha mẹ mang nợ với con cái, cho tới khi chúng khôn lớn, tự lập. Khi về già, các bậc cha mẹ nếu có cần con tiếp đỡ thì các người cũng mong là do tình thương yêu, đùm bọc mà ra, chứ không do “nuôi chúng, bây giờ chúng nuôi mình”.

* Ông già nói nhiều
Câu chuyện sau đây do cụ C. kể. Cụ cho biết là ông bạn già D. hồi này trở thành nhà hùng biện quá độ. Trong bất cứ cuộc họp mặt nào với anh em, ông cũng giành nói hết. Ông kể những việc ông đã làm khi Nhật cướp chính quyền, chuyện đói năm Ất Dậu với bao nhiêu người chết, chuyện đào hoa khi xưa với các thiếu nữ Hàng Gai, Hàng Đào v.v... Có chuyện ông đã kể đi kể lại cả chục lần, người nghe phát ngán mà ông vẫn tỉnh bơ, nói tiếp.
Cụ C. bèn có lời bàn “Mao Tôn Cương” như sau: Già D. mắc tật ba hoa.
Thực ra chẳng riêng gì già D., nhiều vị cao niên cũng mắc tật này. Khi say sưa nói, già D. không để ý là nhiều người khác cũng có chuyện để kể. Không ai ngắt lời già D., vì các cụ do thói quen được dạy từ nhỏ là không ngắt lời người lớn tuổi. Già quên là ngoại trừ khi mình làm chủ nhân, khách đâu có trách nhiệm cần giữ câu chuyện cho liên tục, mà giành phần chủ động, đưa đà. Hơn nữa, chuyện mình kể có thể hấp dẫn với mình, nhưng với cử tọa có mặt chưa chắc đã được tán thưởng, nhất là khi có nhiều bạn trẻ tham dự. Ngoài ra chuyện già nói đâu có gì mới lạ. Cụ C. cảnh giác là nếu cứ tiếp tục thì sợ rằng già D. không còn cử tọa.

* Người già dưới con mắt người trẻ
Tập san Y sĩ của Hội Y sĩ Việt Nam tại Canada có đăng bài phỏng vấn một đồng nghiệp ngoài 30 tuổi, chúng tôi thấy có vài ý kiến đáng lưu ý, nên xin trích đăng sau đây để chúng ta cùng suy ngẫm.
Khi được hỏi: “Giữa thế hệ già và trẻ thường có nhiều quan điểm bất đồng. Theo ý anh, một người ngoài 30 tuổi, đâu là những dị biệt đáng kể nhất?”.
Đồng nghiệp 32 tuổi trả lời: “Giới trẻ thường than là các bậc cha anh của họ còn quy nặng về quá khứ, ít nhìn nhận hiện tại (tỷ dụ sự tranh đấu khó khăn của họ để có chỗ đứng nơi đất khách quê người) và không mấy tự sửa soạn (ít ra về tâm lý) để thích ứng với biến chuyển trong tương lai. Thế hệ trẻ thấy thế hệ cha anh đã chịu quá nhiều ảnh hưởng của nho học, tư tưởng bị giam khóa trong “khuôn vàng thước ngọc” của trật tự xã hội “sĩ nông công thương” trọng người bạch diện thư sinh, khinh anh vai u thịt bắp, cảnh chân lấm tay bùn của kẻ thợ thuyền. Thời Pháp thuộc cũng đã cho họ một lối học từ chương, ít suy nghĩ và thực hành, thích hợp với việc đào tạo một thừa hành viên mẫn cán hơn là doanh gia độc lập, có sáng kiến và biết quyết định nhanh chóng trong mọi thử thách. Thế hệ cha anh cũng quá trọng khoa bảng, chỉ biết căn cứ vào mảnh bằng để phán xét đạo đức và nhân phẩm con người. Một số lại ưa dùng sáo ngữ, thậm chí cả lộng ngôn ngoa ngữ để che đậy sự suy diễn nông cạn, sự tổ chức thiếu mọi điều nghiên cứu đứng đắn, hay những thực hành không thực tiễn hay thiếu tầm vóc, những điều mà ta ít thấy ở người Hàn, người Hoa. Giới trẻ cũng thấy rằng thế hệ cha anh thường quy ngã (egocentrique) và chấp ngã. Khoan dung với khuyết điểm của mình, mà xét nét nghiệt ngã mọi sơ hở của người khác. Ngoài ra lại có óc thủ lợi gần, không có tầm nhìn xa và ưa dùng tiểu xảo để giữ quyền lợi ích kỷ và ý thức thường được giới hạn trong ranh giới gia đình, hoàn toàn thiếu các lý tưởng và ý thức xã hội”.
Người viết chỉ xin phép ban chủ biên Tập san Y sĩ của Hội Y sĩ Việt Nam tại Canada được trích đăng nguyên văn, mà không có lời lạm bàn. Nhưng thấy vài ý kiến dường như cũng đạt tới tim đen của mình.
Và mượn ý một đoạn trong nhật ký ngày 1 tháng 7, 1910 của văn hào Nga Lev Tolstoy để làm dáng cho tản mạn không đề này: “Cuộc đời của con người là đi tìm sự thỏa mãn. Có những thỏa mãn về thể xác, sức khỏe, tiền bạc, danh vọng, quyền lực, tình dục. Những thỏa mãn này ở ngoài tầm kiểm soát của ta, vì chúng có thể bị sự chết lấy đi bất cứ lúc nào. Nhưng còn những thỏa mãn khác về tinh thần, về tình thương yêu tha nhân, mà ta luôn luôn làm chủ, tử thần không cướp đi được, và càng sống với những thỏa mãn thương yêu này thì đời ta càng đẹp hơn”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 19 Nov 2016

Tiếc thương

Tiếc thương là một cảm giác bình thường của con người trước sự mất mát, thay đổi. Nó là một kinh nghiệm khắc khoải đau thương, là con đẻ của sự yêu thương, là nối tiếp của nỗi nhớ. Cuộc đời con người từ lúc mở mắt chào đời đến khi nhắm mắt ra đi đã có biết bao giã từ, hẫng hụt, xót xa. Ở tuổi về già thì có quá nhiều tiếc thương để hàn gắn mà thì giờ lại chẳng còn bao nhiêu.

* Những mất mát

Mất mát là một phần không tránh được của cuộc đời có nhiều đổi thay, cũng là cái giá mà ta phải trả khi làm sở hữu chủ. Mất mát không chỉ là qua tử biệt, mà còn qua chia tay, xa cách, đổi thay để tiến tới.
Mất mát xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau:
Thai nhi rời bụng mẹ, cất tiếng khóc đầu tiên để lấy dưỡng khí đồng thời cũng để tiếc cho một mất mát, không còn an toàn trong lòng mẹ và từ nay phải bắt đầu học hỏi để rồi tự lực cánh sinh. Con đầu lòng mất đi sự độc quyền được cưng chiều khi có em bé. Lớn lên, đã biết đi, mất sự ẵm bế của mẹ cha. Khi trưởng thành, mất sự chăm sóc cơm nước của mẹ hiền. Và khi về già, mất đi sự tráng kiện của tuổi thanh xuân. Tự nhiên, ốm đau lấy đi vài chức năng hay một phần bộ phận cơ thể. Đang tự do lái xe mà bác sĩ khuyến cáo ngưng vì lý do sức khỏe làm ta mất cái tự do, không phụ thuộc ai về di chuyển. Một cảm giác thiếu sót khi người phối ngẫu quá bận công việc mà lơ là tình yêu thương với mình. Lại còn ly thân, ly dị mang mất đi người bạn đã từng một lần thề thốt trăm năm. Rồi mất việc, mất cương vị hội viên một tổ chức, mất con vật thân yêu của gia đình. Mất một biểu tượng như khi chúng ta phải rời quê hương tới định cư miền đất lạ, hay khi ta mất một niềm tin, một nếp sống, một suy tư.
Nhưng không có một mất mát nào đau đớn giày xéo tâm can bằng việc tiễn đưa người bạn trăm năm đi vào đất lạnh. Nó không đơn giản chỉ là một niềm tiếc thương mà là một tiếc thương đơn côi. Nó là một tổng hợp của những mất mát khác nhau: mất một tình bạn, một người yêu, người tâm sự, người bao che giúp đỡ, người cùng bổn phận làm cha mẹ, ông bà, mất một vật đã được coi là quý nhất trên đời.

* Mất người bạn trăm năm

Với tuổi già, mất người bạn đường là một kinh nghiệm, đau đớn, tàn bạo, gây ra rất nhiều xáo trộn và trở lại bình thường với thật nhiều khó khăn. Ta cần nhiều can đảm để tiếc thương cũng như nhiều can đảm để làm thương tiếc phôi pha.
Thông thường, hôn nhân không chỉ là quan hệ tình dục, mà còn là nền móng trên đó hai cuộc đời được xây dựng. Những sinh hoạt hàng ngày, hàng tháng, hàng năm đã diễn ra. Đã có nhau như người bạn, người yêu, người nương tựa để cùng chia sẻ những vui buồn, trách nhiệm, bổn phận với gia đình, xã hội, cộng đồng. Sẽ không còn người cùng thăm nom con cháu, không còn người để chia, nhận săn sóc, thương yêu. Tình nghĩa hiện diện bên nhau bao nhiêu năm qua, vui buồn thế sự có nhau, giờ đây chỉ còn là khoảng thời gian, không gian trống trải. Sự ra đi của người bạn đường đã xóa tan tất cả. Người ở lại thấy như mất đi một phần cơ thể và xã hội mất đi một đơn vị cấu tạo với vai trò mới của người cô đơn.
Trung bình cứ năm lão nam trên 65 tuổi thì có một vị ở trong tình trạng góa vợ, và tới tuổi 65, cứ hai lão nữ thì một vị góa bụa, trên 80 thì hầu như quý bà là quả phụ. Lý do là vì khi thành hôn, vợ thường trẻ hơn và sống lâu hơn chồng.
Kinh nghiệm cho hay một lão bà góa dễ dàng vượt qua thời kỳ tiếc thương hơn lão nam, vì quý bà thường nhiều bạn bè tâm sự, lại sẵn sàng chấp nhận sự an ủi, hỗ trợ của bạn, của nhóm. Lão ông góa dễ bị cô lập trong xã hội vì do bản tính độc lập, không có sẵn những bạn tâm sự, không chịu kiếm sự giúp đỡ, không tham dự các nhóm hỗ trợ. Có cụ khi mất người bạn trăm năm thì như mất đi gạch nối với xã hội, vì trong nếp sống lứa đôi, người vợ thường giữ vai trò liên lạc giao tế. Người vợ nhắc nhở chồng về ngày sinh nhật, ngày cưới của hai người, của con cái, bạn bè. Lại còn việc bếp núc, mua sắm cũng trong tay người vợ. Nhiều người chồng quá lo sắp đặt mọi việc tài chính, nhà ở cho vợ phòng rủi ro xảy ra cho mình, mà không tự sửa soạn, lúc hữu sự thì bối rối, không đối phó kịp. Nhiều nhà chuyên môn cho là lão ông góa thường hay đau ốm, hay trầm cảm và dễ kết liễu đời mình cũng như hay chết vì tai biến mạch máu não, bệnh tim. Họ cũng hay uống rượu, hút thuốc lá và dùng thuốc an thần nhiều hơn để giải sầu.

* Những dấu hiệu biểu lộ sự mất mát

Khi mất người bạn đường, người ở lại sẽ có những tổn thương về thể xác và tâm hồn.
Mệt mỏi, không có năng lực là triệu chứng thường thấy. Điều này cũng dễ hiểu, vì thương tiếc là một gánh rất nặng. Con người phải mang trong nhiều năm tháng với buồn rầu chồng chất. Biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, bao tử ấm ách không tiêu đưa đến thiếu dinh dưỡng. Có người than phiền không nuốt nổi thức ăn và chỉ muốn ói. Táo bón hay tiêu chảy thường xảy ra. Giấc ngủ bị rối loạn vì đêm nằm thao thức nhớ thương. Tính tình thay đổi, gắt gỏng với mọi người. Có người thấy như nghẹn ở cổ họng, nghẹt thở, nặng ngực, tim đập không đều, hồi hộp, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt. Từ năm 1944, Erick Lindermann đã nhận thấy là người góa bụa bị bệnh tim nhiều hơn người có gia đình. Nguy cơ bị mắc bệnh phong thấp, huyết áp cao, ung thư, bệnh ngoài da cũng gia tăng. Theo bác sĩ Glen Davidson, nguy cơ thiên đầu thống, trầm cảm kinh niên, đau lưng lên rất cao. Sức chịu đựng suy giảm rất nhiều, một nghiên cứu khác cho thấy là hệ thống miễn dịch giảm đi, nhất là từ tuần lễ thứ 8 trở đi, do đó người thương tiếc rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Kết quả cuộc nghiên cứu tại Đại học Louisville, Kentucky (Mỹ), năm 1988, cho hay tình trạng chung về sức khỏe của người tiếc thương bị suy giảm nhiều trong một vài năm, nhưng may mắn là không kéo dài lâu hơn.
Về tâm thần, người ở lại có những phản ứng, những cảm giác khác nhau. Có người rơi vào sự sầu bi, tê dại, không có khả năng diễn tả cảm giác. Có người sống trong thương tiếc cả mấy năm, có người may mắn sớm vượt qua.

* Diễn tiến của tiếc thương
Sau khi mất người thân yêu, có một hành trình đơn độc mà người tiếc thương phải đi qua mà thời gian dài, ngắn, thương nhớ nhiều ít, thương nhớ ra sao tùy theo hoàn cảnh mỗi cá nhân, giống tính, tín ngưỡng, phong tục, liên hệ với người đã chết. Mỗi hành trình có nhiều giai đoạn mà nếu biết trước ta có thể dễ dàng đi qua.
Diễn biến tiếc thương có thể là phản ứng mạnh, thu mình rồi thích nghi hoặc tránh né, chống đối và tái xây dựng. Elizabeth Kubler-Ross phân tích phản ứng của người khi biết mình sắp chết, làm 5 giai đoạn: Phủ nhận, cô lập, điều đình, chấp nhận. Bảng phân chia này cũng được dùng để phân loại phản ứng của con người trước cái chết của thân nhân, bè bạn.
1. Phản ứng ngay sau khi được tin người thân mệnh một trạng thái tê dại, đờ đẫn, không cảm giác. Có người nói tâm trạng lúc đó như ở trong cơn mơ, ngây dại như người không hồn. Sự tê dại này làm giảm niềm đau đớn, đôi khi khiến ta hành động như không có chuyện gì xảy ra. Bề ngoài tưởng như bình tĩnh, sắp xếp việc ma chay, mà trong lòng thì đầy những rối loạn.
2. Phản ứng không tin, phủ nhận. Với nhiều người, phủ nhận là phản ứng đầu tiên. “Tôi không tin là vậy. Nhà tôi không chết đâu. Chắc có sự lầm lẫn”. Đứng bên cạnh quan tài, họ liên tục kêu người thân tỉnh dậy. Sự phủ nhận này đôi khi làm ta tạm quên nỗi đau lòng, bớt sợ hãi và lo âu. Có người thì lý trí biết là người thân đã khuất bóng nhưng con tim không tin, nên cảm thấy như gương mặt người thân ở đâu đây. Sự phủ nhận này đưa đến nhiều hành động không thực tế như tiếp tục kêu người thân tỉnh dậy, muốn mang họ trở lại dù biết là không thể được.
3. Giận dữ. Đây là một phản ứng thường thấy trong mọi mất mát, hướng về người ra đi, bạn bè, thầy thuốc hay với chính mình.
Với người ra đi thì, sao nỡ bỏ tôi một mình mà vội vã ra đi, để tôi cô đơn giữa bao nhiêu khó khăn; tôi đang cần bạn mà, bạn phải trở lại với tôi; nếu bạn tự săn sóc sức khỏe như tôi hằng nhắc nhở thì đâu đến nỗi này.
Với chính mình thì, giá mình ở đó thì sự thể đâu có như vậy; giá mình đưa vào nhà thương... 
Với nhân viên y tế thì các vị không làm hết sức để cứu chữa nhà tôi, các vị không nói rõ thực trạng nhà tôi để tôi kiếm thầy chuyên môn hơn.
Với mọi người thì nhà tôi mất chứ đâu phải người thân của họ mà họ khuyên với lơn.
Lại còn giận hờn cả Thượng Đế, Thánh Thần nữa là sao quá bất công, người thân hiền lành phúc hậu thì bắt đi mất, mà để người hàng xóm độc ác sống nhăn răng.
Như đã nói, phản ứng này rất bình thường, mau qua, vô hại nên không cần đè nén, giấu giếm vì nó giải tỏa được hết tâm trạng mình, để còn đi tới, tạo dựng tương lai.
4. Buồn rầu, trầm cảm. Khi đã nhận chân sự thực là người thân yêu đã vĩnh viễn ra đi, thì buồn rầu, một nỗi buồn không chịu nổi, chỉ muốn chết cho xong. Đây là phản ứng đau đớn nhất và kéo dài lâu hơn cả trong diễn tiến tiếc thương. Người thương tiếc cảm thấy không có sinh lực, mệt mỏi, chán chường, lẻ loi, mất ngủ. Trong lòng thì bồn chồn, ngồi đứng không yên. Lúc nào ý nghĩ cũng hướng về người đã khuất, về kỷ niệm cũ, về những lúc bên nhau. Càng nghĩ tới càng thêm đau lòng. Có điểm đặc biệt là khác với buồn rầu, trầm cảm do những nguyên nhân khác, người tiếc thương tuy buồn nhưng không mất niềm tự tin, vẫn giữ được niềm tự trọng, không coi mình là vô dụng, phế bỏ.
5. Cô đơn, lẻ loi, sợ hãi. Ở nhà bây giờ chỉ có một mình, với khoảng không lạnh lẽo nhớ những sinh hoạt có nhau. Lại có những sợ hãi về an ninh, sợ sẽ mất người thân khác, sợ mình sẽ mang bệnh như của người đã khuất. Rồi tự trách móc là mình đã không làm hết bổn phận, không là người bạn đường tốt, rằng người đó đã ra đi mà mình còn ở lại. Và bao nhiêu những nếu, giả thử khác nữa. Đôi khi còn có mộng mị, thấy như người thân bằng xương bằng thịt ở chung quanh.
6. Thời kỳ trở lại với thực tại, hàn gắn mối thương đau. Những giai đoạn của tiếc thương cần một thời gian để chấp nhận thực tại rằng người đó đã thực sự ra đi, để sắp xếp lại cuộc đời của mình. Thời gian đó lâu mau tùy hoàn cảnh, mức độ thân thiết với người đã khuất, khả năng đối phó của mình, sự hỗ trợ của thân hữu bạn bè. Nhiều người cho là tiếc thương có thể kéo dài tới 2 năm. Nhưng làm sao định được giới hạn cho tình cảm xúc động, nó nguôi đi khi nào nó hết. Vả lại hàn gắn vết thương lòng cũng cần thời gian, qua sự hỗ trợ, thăm hỏi của thân nhân, bạn bè, họ hàng.
Cũng có trường hợp sự tiếc thương kéo dài lâu hơn với những phản ứng không bình thường: tiếp tục phủ nhận sự chết, không đau đớn buồn phiền, tự cô lập với xã hội. Có người quá ám ảnh với người thân yêu, tiếp tục đối thoại, kiếm cách đoàn tụ tới khi không đạt được thì buồn, cho mình bất lực, nghĩ tới việc quyên sinh theo người đã chết. Hoặc cho mình là nạn nhân của sự mất mát, nhất là khi người thân đột nhiên ra đi khiến con người suy yếu, chậm hàn gắn thương đau. Kéo dài tiếc thương cũng được dùng như một sự trừng phạt người đã bỏ ta ra đi hay là một nỗi lo sợ sẽ bị cô đơn. Có khi vô tình ta khuếch đại nỗi đau lòng, đắm mình trong kỷ niệm, trong lãng mạn thương yêu xưa, cho là chấm dứt thương đau sớm là không trung thành với người chết, do đó đã duy trì liên hệ với người chết thay vì với người sống để đi tới.

* Làm giảm khó khăn trong diễn tiến tiếc thương
Trải qua một tiếc thương đau buồn, mỗi người có cách giải quyết riêng, đối phó riêng, nhưng mục tiêu vẫn là tìm cách thay đổi hiện trạng, giảm thiểu khó khăn và không để khó khăn tràn ngập bao vây. Sẽ có những hành động tích cực của cá nhân cộng thêm sự giúp đỡ, hỗ trợ của họ hàng, bạn bè, lối xóm. Cho tới kỳ giỗ đầu là thời gian khó khăn nhất với nhiều vấn đề phải đối phó.
Cảm xúc chưa ổn định, cần gia đình, bạn bè hỗ trợ, quan tâm an ủi, nghe nỗi lòng mình. Khóc khi cần và khi có thể, những giọt nước mắt tuôn ra sớm sẽ mang lại hàn gắn để làm lại cuộc đời. Không hối hả vội vã rút ngắn giai đoạn tiếc thương vì mỗi tiếc thương là một độc đáo do liên hệ tình cảm, hoàn cảnh với người ra đi. Sẵn sàng trải qua các giai đoạn tê dại, phủ nhận, buồn rầu, sợ hãi, tức giận, cay đắng, hối lỗi, hối tiếc để rồi chấp nhận sự thực mà hy vọng cho tương lai. Duy trì hành xử tôn giáo, cầu xin cho mình và cho người thân. Tâm sự với người đồng cảnh ngộ để nghe nỗi buồn của họ và để giãi bày nỗi buồn của mình, an ủi nhau, đôi khi nói với, viết cho người đã khuất cũng làm nhẹ bớt thương đau.
Lần lần trở lại với sinh hoạt mới, đừng ngần ngại vui với đời, sợ như sớm phản bội tình yêu vì đó cũng là ý muốn của người đã khuất. Luôn luôn nhớ mình còn một tương lai dài để đi qua, còn nhiều lý do tốt lành để sống, cần nhiều nghị lực để chịu đựng, để tìm lại ý nghĩa và thích thú của sự sống. Hãy nhìn vào tương lai và sẵn sàng đón đợi ngày vui, hòa nhịp với cuộc đời.
Chăm sóc sức khỏe, ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ điều độ, duy trì vài vận động cơ thể để có sức mà mang gánh nặng tiếc thương. Rối loạn giấc ngủ thường hay xảy ra. Đọc sách, cầu nguyện, làm việc lặt vặt cho tới khi mệt có thể dỗ giấc ngủ. Đừng lệ thuộc vào thuốc an thần để trấn áp đau đớn tâm hồn hay để ngủ cho quên, vì thuốc chỉ che đậy tạm thời nỗi đau, nếu ta không ứng phó thỏa đáng.
Dành cho mình những phút riêng tư để nghe tiếng nói tự cõi lòng cũng như để trầm suy, thiền định.
Giải quyết các vấn đề tài chính, pháp lý. Kiểm kê giấy tờ bảo hiểm các loại, giấy khai tử, di chúc, an sinh xã hội. Ước định tình trạng tài chính, ngân hàng, lập kế hoạch chi thu trước khi có quyết định lớn cho nếp sống, ở đâu, ở với ai.
Thỏa mãn nhu cầu đời sống hàng ngày, tiếp tục duy trì giao du với bạn bè, thân hữu. Sẵn sàng tham dự sửa soạn cho những dịp lễ tết với mọi người. Hãy kiên nhẫn và khoan dung với chính mình, tin tưởng rằng diễn tiến tiếc thương dù có lâu dài, có đau đớn nhưng rồi cũng được hàn gắn.
Ta có tự do lựa chọn để yêu một người mãi mãi, nhưng không có gì bảo đảm là người đó sẽ ở bên ta trọn đời hay trong một thời hạn nhất định. Có gì là vĩnh cửu ở trên đời này. Mất mát, tiếc thương là điều không tránh khỏi, nhưng kéo dài tiếc thương bao lâu, tiếc thương nhiều, ít thế nào để không chìm đắm trong sầu bi khổ lụy là điều tùy ta lựa chọn: muốn hòa vui với người sống hay vùi đầu trong ám ảnh với người chết.
Chấm dứt tiếc thương cũng chỉ là để nói giã từ người thân, tháo gỡ cảm xúc, ưu tư về một cái chết, chứ không phải là chấm dứt tình cảm, quên người thân, xóa nhòa dĩ vãng.
Chấm dứt tiếc thương là đưa cảm xúc này từ chỗ nổi vào chỗ chìm, để không mang đau thương vào những bước đi, nhịp sống, không tự hành hạ.
Để tích cực đi vào tương lai còn dài...
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 21 Nov 2016

Phần 5 Vui thú tuổi già


Về hưu

Tôi mệt mỏi vì công việc chứ không vì cuộc sống.
VÔ DANH

Trong lá thư tất niên gửi tới thân hữu, một đồng nghiệp đã nêu lên vấn đề “về hưu thì làm gì?”. Bạn đó có ghi lại một vài ý kiến như: Điên à, về hưu chỉ tổ chết sớm! - Ô về hưu hả? Đã lắm bạn ạ! - Bạn định về hưu hả? Gọi tôi, có nhiều việc đang chờ bạn đây. - Này còn trẻ mà đã nói chuyện hưu làm gì, chừng nào tới tuổi hãy hay, lo sớm tổn thọ đấy.
Nhìn về nhiệm sở, thấy nhiều bạn bè tuổi sắp lục tuần, thường bàn tán chuyện làm tiếp hay về nghỉ, lòng cũng xôn xao, nên vội đi tìm hiểu thêm về vấn đề hưu hay không hưu. 
Việt Nam tự điền định nghĩa hưu trí là hồi hưu hay về hưu, thôi việc luôn đi đúng hạn hay đúng tuổi theo quy chế và mỗi tháng hay mỗi ba tháng được lãnh một phần lương dưỡng già.
Từ điển American Heritage định nghĩa hưu trí (Retire) là rời khỏi nghề nghiệp hay đời sống công cộng để sống nhàn rỗi (leisure) với lợi tức, tiền tiết kiệm hay tiền hưu của mình.
Định nghĩa gọn, ngắn nhưng có nhiều điều cần được giải thích rõ ràng hơn, trước khi quyết định rời bỏ công việc.
Nghỉ việc, về hưu là điều mà người công, tư chức nào cũng phải nghĩ đến ít nhất một lần trong đời.

1. Cảm nghĩ về sự nghỉ hưu
Có ý kiến cho rằng nghỉ hưu là cần thiết và là phần thưởng sau nhiều năm làm việc khó nhọc. Đây là một cuộc nghỉ hè bất tận và không gián đoạn. Ta tự do quyết định và kiểm soát cách sử dụng thời giờ trong ngày. Ngủ dậy giờ nào cũng được. Không còn sáng thứ hai đầu tuần uể oải chẳng muốn đi làm. Sáng ra, uống ly cà phê, vào giường nằm đọc tờ báo từ trang nhất tới trang cuối. La cà ở các trung tâm thương mại vào lúc vắng người. Đi du lịch, thăm viếng bạn bè gần xa. Làm những việc mà trước đây muốn làm nhưng không có thời giờ. Đồng thời cũng để vui hưởng cuộc đời khi còn sức khỏe, kẻo mai mốt chống gậy run rẩy đi chơi hay vợ con xốc nách dìu đi thăm danh lam thắng cảnh.
Cũng có ý kiến dè dặt, cho rằng “điên à, về hưu thì chỉ chết sớm”. Với những vị này, thời gian nghỉ hưu sẽ kéo dài vô vị và tẻ nhạt. Trước đây, đến sở đều đặn mỗi ngày, dù trong lòng vui hay buồn, thời gian nó qua mau. Bây giờ dư ra mỗi tuần hơn 60 giờ, làm gì cho hết. Không nhẽ rửa xe rồi lại lau nhà. Coi chừng kẻo lại mắc chứng buồn phiền, đau ốm. Thống kê cho hay số người không làm việc, không có sinh hoạt gì, tự tử bốn lần cao hơn ở các nhóm khác, vì trầm cảm, căng thẳng thần kinh do quá nhàn rỗi gây ra.
Về hưu mà không có sinh hoạt, chương trình thì nào có khác gì người thất nghiệp, và đã được xếp loại vào một trong chín nguyên nhân gây căng thẳng tâm thần trong đời sống. Nhất là ở người giữ chức vụ cao, quan trọng thì khi về hưu cảm thấy như mình rơi vào khoảng không: mất uy quyền, địa vị trong xã hội, không còn là một thành phần của guồng máy lãnh đạo, bị lãng quên. Nếu không có một chương trình sống thì những người này dễ rơi vào tình trạng rối loạn tình cảm, rất trầm trọng trong năm mới về hưu và là môi trường màu mỡ cho bệnh tật.
Ý kiến khác lại cho rằng về hưu là một quan niệm không thực tế, hoang tưởng, ít người thực hiện được. Một trong những lý do chính là khi hoàn toàn nghỉ việc ở tuổi 60, 80% sẽ bị thiếu hụt về tài chính. Trung bình, ta cần 70 - 80% lợi tức lúc đi làm để đủ chi dùng khi về hưu và sống thêm 15 hay 20 năm nữa. Họ cũng cho là công thức: thanh thiếu niên học để có kiến thức, trung niên đi làm, lập gia đình, nuôi con; già về hưu hưởng nhàn, cần được xét lại. Nó không giúp cho kinh tế quốc gia, là nguy cơ làm ngắn tuổi thọ, và làm thất thoát tài năng kinh nghiệm. Khi một người tiếp tục đi làm thì sẽ có thêm tiền đóng vào quỹ hưu bổng, thay vì rút ra; sẽ tăng lợi tức ở tổng số người cao tuổi; số người nhận an sinh xã hội và hưu bổng sẽ giảm đi. Về mặt tâm lý, người cao tuổi đi làm cảm thấy hãnh diện là còn hữu dụng cho xã hội. Về thọ, thì dân vùng Capease được tiếng là thọ lâu, họ không hoàn toàn nghỉ việc, trừ khi bị bất lực thể chất. Thống kê cho biết, người có nghề chuyên môn ít về hưu nhất, tiếp đến lớp lao động trí thức, thợ có tay nghề, rồi lớp lao động chân tay, không nghề.
Những năm gần đây, khuynh hướng của nhiều người là về hưu đợt một, đợt hai rồi vĩnh viễn. Sẽ có người nghỉ từ việc căn bản đã đeo đuổi gần suốt đời, để chuyển sang một công việc khác: việc trước đây muốn làm mà không có thì giờ, việc mới học do canh tân của kỹ thuật, khoa học. Họ có thể làm bán thời gian, làm việc tại nhà, làm theo giờ uyển chuyển, làm theo lối khế ước lãnh tiền theo dịch vụ, làm chung dịch vụ. Cũng có người nghỉ phép định kỳ ở công việc chính để hoặc đi du lịch, học hỏi kiến thức mới, dung hòa được giữa làm việc và giải trí, nhàn rỗi.

2. Những sửa soạn trước khi về hưu
Khi đã quyết định về hưu thì phải sửa soạn cho chu đáo, nếu không nó sẽ trở thành một nếp sống với nhiều căng thẳng vì ta sẽ chuyển từ giai đoạn năng động, có trật tự, đầy đủ vật chất, sang thời kỳ ngược lại: Nhiều thời gian nhàn rỗi, lợi tức giảm, liên lạc ít, trách nhiệm trong xã hội xuống dưới mức trung bình. Theo ý kiến chung, có bốn vấn đề ta cần đặt nặng: ổn định tài chính, bảo trì sức khỏe, đặt mục tiêu cuộc sống và sắp xếp nơi ở. Xin lần lượt từng tiết mục qua kinh nghiệm các nhà chuyên môn.
1. Ổn định tài chính. Đây là điểm then chốt vì tài chính có thăng bằng thì mọi sắp xếp khác mới hanh thông. Phải có một kế hoạch cho nhu cầu vật chất của giai đoạn về già, không cần cao lắm, nhưng khi thiếu, nó sẽ là một thảm họa cho đời sống tâm thần, thể xác, đồng thời sẽ gây ra nhiều xáo trộn trong gia đình.
2. Bảo trì sức khỏe. Ngoại trừ khi mới sinh ra, ta trông cậy ở cha mẹ trong vấn đề duy trì sức khỏe và đời sống, dịch vụ này là việc ta phải thực hiện trong suốt cuộc đời, nhất là khi về già, đừng để cho mình trở nên một gánh nặng cho người thân yêu vì sự đau ốm của mình. Không phung phí sức khỏe, ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tập luyện cơ thể, giữ vững triết lý sống, tránh những thói quen gây hại, quan tâm đến vấn đề y tế.
3. Mục tiêu đời sông. Khi về hưu, ta sẽ có 60 giờ trống mỗi tuần, nên cần thiết lập một chương trình với mục đích, ý nghĩa cho khoảng trống đó. Có những mục giải trí, những việc làm tình nguyện, những sinh hoạt cộng đồng. Có những khóa học ngắn hạn với nhiều chương trình hợp với tuổi già. Tiêu dùng thời gian trống đó một cách hợp lý, không phí phạm. Thích nghi với thì giờ của người bạn đời. Vui hưởng tuổi già với con cháu.
4. Sắp xếp nơi ở. Khi tính đến việc về hưu là vợ chồng đã phải suy nghĩ coi xem ở lại đây hay dọn đi nơi khác, mà dọn thì dọn đi đâu? Khi xưa, tam tứ đại đồng đường, con cháu không cùng nhà cũng cùng tỉnh, vui buồn có nhau. Nay vì công việc, sinh kế, con cái mỗi đứa một nơi, thế là bố mẹ chỉ lăm le là khi về hưu, ta sẽ dọn về ở gần chúng nó. Tình cảm người mình đối với gia đình, ruột thịt sao mà sâu đậm. Nhưng trước khi dừng lại ở quyết định này, ta cũng nên nghĩ là liệu lối sống của chúng có thích hợp với lối sống của vợ chồng mình không; mình giúp chúng trông bầy cháu nhưng cách mình nuôi có ngược với cách chúng học trong sách? Nhất là chúng còn trẻ, ngộ nhỡ vài năm nữa, vì công ăn việc làm, chúng chuyển thì mình sẽ ra sao?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 21 Nov 2016

Đi học tuổi thất thập cổ lai hy

Người già là các cô các bác ở tuổi ngoài 55, đa số là công nhân viên nhà nước về hưu sau suốt một thời gian dài phục vụ quê hương. Các bác rất vui mừng là sẽ có nhiều thì giờ để vui thú điền viên, chơi với các cháu, đi tham quan du lịch, thăm viếng bạn bè xa gần... Các bác rất hồ hởi.
Nhưng cũng chỉ được trên dưới một năm, đi chơi mãi cũng chán, làm vườn trồng hoa cũng không còn hấp dẫn, các cháu nội ngoại đi học, con cái đi làm từ sáng đến tối. Ở nhà một mình, các bác không biết làm gì cho hết ngày trong khi đó sức khỏe của mình còn tốt, trí óc còn minh mẫn. Chẳng lẽ lại lăn ra ngủ suốt ngày, coi phim bộ sáng chiều hoặc tụ họp bạn bè, khi chén rượu, quân cờ rồi cũng chán.
Nhìn ra xung quanh, các bác thấy bà con lối xóm cũng còn nhiều điều cần giúp đỡ, tiếp tay. Các bác muốn tham gia vào các hoạt động cộng đồng, tương trợ lẫn nhau. Nhưng, trước đây đa số các bác chỉ được huấn luyện trong phạm vi việc làm, văn phòng, bàn giấy nên hiểu biết về các vấn đề xã hội của các bác cũng giới hạn. Cho nên rất nhiều bác có ý định trở lại trường, học hỏi một chuyên đề nào đó.
Có bác muốn thu lượm những kiến thức căn bản về phòng ngừa bệnh tật, giữ gìn vệ sinh cá nhân, để giúp đỡ bà con lối xóm cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe. Có bác thấy bầy trẻ ngồi trước máy vi tính, học hỏi được nhiều điều hay trên khắp thế giới, các bác cũng muốn biết cách sử dụng chiếc máy đa dụng này. Các bác nghe nói thực phẩm cũng có thể chữa bệnh, nên muốn tìm hiểu thêm về dinh dưỡng để áp dụng cho gia đình và nhắc nhở bà con hàng xóm. Đọc báo, các bác thấy nói tới kinh tế thị trường, đầu tư, chứng khoán, WTO... có thể giúp tăng lợi tức cho tiền hưu, nên các bác muốn học hỏi thêm về lãnh vực này. Nhiều người học những lớp hướng dẫn về vẽ, về nấu ăn, trồng hoa, chăm sóc cây cảnh để vừa thoải mái tinh thần vừa có thể bán, thêm thu nhập cho tuổi về hưu. chẳng may có người bạn tật nguyền vì tai biến não, vì cơn suy tim, về bệnh liệt run... cần sự chăm sóc của mình. Mà từ trước tới nay, chỉ làm việc chuyên môn kỹ thuật, đâu biết chăm sóc sao cho đúng cách. Cho nên bác muốn có lớp hướng dẫn chăm sóc các bệnh này để đi học hỏi.
Vậy thì, có nên có những lớp học dành riêng cho tuổi già không nhỉ?
Các lớp học này có thể tổ chức ở bất cứ một cơ sở giáo dục hay trường lớp nào, dân lập cũng như công lập, như là một ban ngành của trường chính. Càng nhiều lớp ở các quận huyện khác nhau càng tốt, để các bác dễ dàng tới học, khỏi cất công lọc cọc gò lưng đạp con ngựa sắt quá xa. Lớp có thề mở vào các thời gian khác nhau trong ngày, tùy theo số người đăng ký.
Chương trình học không giống như của lớp trẻ với lý thuyết dài dòng, với những cuốn sách dày cộm, phải vận dụng trí nhớ để thu lượm. Môn học phải giản dị, ngắn gọn, cụ thể đi vào vấn đề phù hợp với tuổi tác và nhu cầu các bác. Thầy giáo không cần thao thao bất tuyệt, tràng giang đại hải, mà nên chậm rải, nhẹ nhàng thảo luận qua lại với học viên già để biết chắc là các “cụ học sinh” tiếp nhận được kiến thức. Rồi có những buổi thực tập tại hiện trường, thí điểm để gây hào hứng và để các cụ mang hiểu biết mới học được ra mà áp dụng, rồi “thầy trẻ - trò già” bổ túc cho nhau.
Hiện nay, nhu cầu của nhiều bác cần có các lớp học sau:
- Lớp sử dụng máy vi tính căn bản, để các bác “hiện đại hóa” với các thông tin mọi thứ trên toàn cầu, du lịch trên mạng, cũng như gửi điện thư thăm hỏi con cái bạn bè khắp năm châu bốn biển.
- Lớp căn bản về y khoa phòng ngừa, vệ sinh cá nhân, chích ngừa... để các bác có kiến thức giúp thân nhân, bà con lối xóm và chính bản thân các bác ngõ hầu có thể giảm bệnh tật, sống khỏe mạnh hơn.
- Lớp hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý, hợp vệ sinh để khỏi bị các bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp... Và nhất là tránh ngộ độc thực phẩm, thức ăn.
- Các lớp dạy vẽ, dạy trồng hoa, dạy làm đồ tiểu thủ công nghệ, đồ gốm...
- Các lớp bổ túc kiến thức lịch sử, địa lý của quê hương và các quốc gia trên thế giới, các trào lưu văn học, nghệ thuật...
- Lớp căn bản về quản trị tài chính, đầu tư chút ít tiền để tăng lợi tức hưu.
- Các lớp hướng dẫn về an toàn giao thông, an ninh lối xóm để các bác truyền đạt lại cho các cháu cũng như bầy trẻ lối xóm...
- Lớp khiêu vũ múa đôi để giải trí lành mạnh đồng thời cũng là để cơ thể vận động, đổ mồ hôi.
Phí tổn tổ chức các lớp này có lẽ cũng không nhiều lắm. Mỗi trường sở cho mượn một phòng ốc. Thầy là những nhà chuyên môn cơ bản của trường cũng như ngoài trường. Các vị này thường thường rất sẵn sàng hy sinh một tuần vài giờ để làm công việc “khai trí” người già này. Tất nhiên là ta cũng yêu cầu người già đi học đóng một phần học phí nho nhỏ, như là một cam kết học hỏi và sòng phẳng cung cầu. Lớp cũng có thể kêu gọi sự tiếp tay của nhà nước, của các cơ quan thiện nguyện, các doanh nhân, hội Người cao tuổi... Ta cũng có thể liên lạc với các trường học tương tự ở Mỹ, ở Đài Loan... để yêu cầu hỗ trợ. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, có rất nhiều trường học cho người già, tổ chức khá quy mô mà ta có thể liên hệ với họ. Gọi là Già giúp Già với nhau, để học hỏi. Vì có người đã ví con người là một cái máy để học, mà não bộ là động cơ để kéo cái máy đó.
Giúp các bác bây giờ cũng là để xây dựng nền tảng giúp mình sau này: có sẵn cơ sở, nền nếp để khi về hưu, có nơi học hỏi bổ túc kiến thức.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 38 guests