An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 21 Nov 2016

Giải trí tuổi già

Giải trí là làm những việc nhẹ nhàng nào đó khi rảnh rang để đầu óc thư giãn, cơ thể bớt mệt mỏi, tinh thần được thêm phần thoải mái, vui vẻ. Giải trí có thể thụ động như coi tuồng, coi phim ảnh hoặc chủ động như làm vườn, chơi đàn, vẽ tranh...
Đây là một phần trong các hoạt động của đời sống vì có làm việc thì cũng phải có lúc nghỉ ngơi thư giãn tâm hồn, đặc biệt là với các bác cao tuổi. Lý do là ở tuổi này các bác đã về hưu, sau một thời gian dài gây dựng gia đình, phục vụ cộng đồng, xã hội, các bác sẽ có nhiều thì giờ rảnh rỗi. Các bác cần tham dự vào một vài thú tiêu khiển nào đó để khỏi rơi vào cảnh “Ngồi buồn mà trách ông Xanh” hoặc “nhàn cư vi bất thiện” cũng như để duy trì tình trạng sức khỏe tinh thần và thể chất lành mạnh. 
Con cháu nên đặc biệt lưu tâm tới vấn đề này, vì cha mẹ già thường hay trở lại tâm trạng của một đứa bé, hành động bất thường, vui đấy buồn đấy, đôi khi hơi cứng đầu, không chịu nghe ý kiến người khác. Con cháu cũng nên để ý rằng không phải già là không còn các thú tiêu khiển lành mạnh.
Trước đây, các cụ ta vẫn nói về hưu là thời kỳ quy ẩn, vui thú điền viên. Các cụ thư giãn với công việc trồng hoa, nuôi chim, chăm cây cảnh hoặc “ngao du sơn thủy” thăm viếng bạn bè, quyến thuộc gần xa. Các cụ gặp nhau đánh cờ giao hữu, trà dư tửu hậu, bàn chuyện năm châu bốn bể.
Ngày nay lại còn nhiều thú tiêu khiển khác mà quý bác có thể tham gia, như là:
- Tiểu thủ công nghệ làm ra các sản phẩm nhỏ bé nhờ bàn tay khéo léo kinh nghiệm của các bác, như đồ chơi trẻ em, đồ gốm, vật dụng nhỏ bằng gỗ... Các đồ chơi này có thể là nguồn lợi tức thêm cho ngân sách gia đình hoặc mang bán để gây quỹ từ thiện, giúp người nghèo khó. Hiện nay, có nhiều lớp hướng dẫn để các bác thực hiện được việc giải trí hữu ích này.
- Học vẽ, sử dụng máy vi tính, học chơi một nhạc khí nào đó hoặc tham gia nhóm ca hát tại cơ sở tôn giáo, tổ chức dân sự. Ở tuổi cao, sử dụng máy vi tính giúp ta tìm đọc nhiều loại sách quý mà không cần tới thư viện, hiểu biết diễn biến nhiều sự việc xảy ra khắp nơi trên thế giới, giúp ta liên lạc với bạn bè qua những lá thư điện tử, xem phim tuồng hấp dẫn.
- Tập luyện dưỡng sinh với nhiều phương pháp khác nhau, nhưng có chung mục đích là thư giãn tâm hồn, tập trung tư tưởng, giữ thân tâm an lạc, loại bỏ nhiễu ý đồng thời cũng áp dụng các cử động để tăng cường sức mạnh cơ bắp, uyển chuyển trơn tru xương khớp.
- Khiêu vũ, múa đôi cũng đang được nhiều bác ưa thích, vừa để thư giãn tâm hồn trong điệu nhạc và cũng dẻo dai đôi chân, uyển chuyển thân hình, giảm béo, hạ huyết áp, đường huyết, cholesterol.
- Tham gia các công tác từ thiện giúp đỡ người có nhu cầu, thăm viếng bệnh nhân tại bệnh viện hoặc các vị lão niên khác chẳng may kém sức khỏe đang sống tại viện dưỡng lão.
- Tổ chức thăm viếng di tích lịch sử, phong cảnh quê hương hoặc du lịch xứ lạ để biết thêm phong tục tập quán đất nước quê người.
- Tình nguyện tại trường học để truyền đạt kinh nghiệm đời sống, việc làm cho con cháu cũng như kể lại nguồn gốc lịch sử tiền nhân, duy trì văn hóa, truyền thống hào hùng dân tộc. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, tham gia các lớp dạy tiếng Việt cho con cháu để duy trì văn hóa ngôn ngữ mình.
- Làm vườn, trồng cây cảnh, vun tưới mấy luống rau thơm cũng là thú tiêu khiển thanh nhã, thoải mái mà lại tạo thêm cảnh quan đẹp mắt cho ngôi nhà mà đôi vợ chồng già đang ở.
- Người có tâm hồn văn học nghệ thuật thì làm thơ, viết sách, học đàn học hát vui ngày tháng với bạn bè, quyến thuộc. Karaoke được phát minh vào cuối thế kỷ vừa qua đã giúp con người giao tiếp với con người một cách cởi mở, vui nhộn qua việc tự nhiên “hát cho nhau nghe” dù hay dù dở, miễn là cùng vui.
- Rồi còn đi câu cá, đánh cờ, chơi domino, ô chữ và nhiều thú vui nhẹ nhàng bổ ích khác.
Tuổi già trí óc cũng thường hay xáo trộn, nhớ trước quên sau, ù lì trì trệ. Nếu không năng dùng tới các chức năng cơ thể thì e rằng sẽ rơi vào tình trạng “thoái lui”, cô lập rồi buồn phiền, gắt gỏng, biếng ăn mất ngủ, sức khỏe suy dần.
Cho nên, xin hãy lấp đầy khoảng trống thời gian với các sinh hoạt, trò chơi hữu ích để tránh nhàm chán mà lại có lợi cho sức khỏe.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 21 Nov 2016

Du lịch an vui tuổi vàng

Không có gì thú bằng khi về hưu, ta có thể làm những việc mà trước đó không có thì giờ cũng như hoàn cảnh để thực hiện. Đọc sách, học vẽ, học nhạc, viết lách, làm việc tự nguyện v.v... nhất là đi du lịch đó đây. Ta đi đến những nơi xa để du ngoạn sơn thủy, để tìm hiểu thêm về con người, cuộc sống, để “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Cặp vợ chồng chưa già hẳn, nương nhau đi, lòng nhẹ nhàng, không lo nghĩ, không bận bịu, như đi vào những ngày trăng mật thuở xa xưa.
Để cuộc đi được hanh thông, thiết tưởng ta cũng nên có một vài sửa soạn, lưu tâm an toàn.
Trước hết, cả hai vợ chồng cần có sức khỏe tốt, để hưởng thú vui du lịch cũng như chịu đựng được một vài thay đổi về thời tiết, địa dư, các thức ăn uống lạ...
Khi bị say tàu xe, ta thường buồn nôn, ói mửa, đổ mồ hôi, da xanh lợt. Theo các nhà chuyên môn, sở dĩ có tình trạng này là vì có sự cảm nhận trái ngược giữa mắt và tai trong. Các bộ phận ở tai trong, với trách nhiệm giữ ta thăng bằng, chỉ dẫn cơ thể di động về một hướng, thì mắt lại chỉ hướng đối nghịch. Vì thế, nhiều vị khi ngồi trên tàu bay, ôtô, tàu thủy là mắt cứ nhắm nghiền, tránh được say sóng, say gió. Hay quý cụ có thể uống thuốc chống ói. Đừng đọc sách, báo, đừng cố tập trung vào tĩnh vật nào, đừng uống nhiều rượu trước hay trong khi “đằng vân”. Nếu người bạn đường bị say, thì ta nên xích ra xa, kẻo có thể bị say lây. Thở hít đều đặn, chậm và sâu, tránh khói thuốc lá, thực phẩm nặng mùi, đồng thời ráng thư giãn cơ thể, tâm thần.
Khi đã tới nơi, mà thân nhân, bạn bè chưa kịp ra đón thì chẳng nên đi taxi lượn vòng, mà đợi chiếc xe xếp hàng thứ tự, an toàn hơn vì nhân viên an ninh thường quen mặt tài xế hoặc đi xe khách sạn. Để ý túi xách tay, ví tiền cũng như hành lý, vì nơi đâu cũng có kẻ gian rình sơ hở là chộp giựt.
Về đến nơi trú ngụ, ta nghỉ ngơi, điện thoại báo cho các con là ta đã hạ cánh an toàn, lập chương trình đi đây, đi đó, nhưng đừng “nặng” quá. Ngoài việc du lịch, nhiều nơi ta còn thăm bạn bè, thân hữu, nhất là khi về quê. Ta cũng còn phải lưu tâm, đối phó với các bất trắc có thể xảy ra, như mệt mỏi do lệch múi giờ, khó khăn do khí hậu, thực phẩm, nước uống, bệnh có thể mắc phải tại địa phương.
Đó là những điều mà chúng tôi cùng quý vị sẽ phải nghiên cứu, trình bày, cho cuộc viễn du của “đôi trẻ” cuối đời được an vui, tốt đẹp.
Nếu có bệnh trước khi đi du lịch ta nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước, coi xem có an toàn hay không khi đi bằng phi cơ.
Bị nhồi máu cơ tim, không có biến chứng thì ba tuần sau khi lành bệnh, có thể đi được. Huyết áp cao, không kềm chế được thì nên tránh bay.
Bị bệnh tiểu đường, nhất là loại 1, phụ thuộc vào thuốc Insulin, và di chuyển qua nhiều múi giờ, thì nên cẩn thận. Mang theo Insulin, giữ trong tủ lạnh, đủ dùng trong một tháng, với kim chích, máy thử đường, ít viên kẹo. Tới nơi, điều chỉnh lại giờ ăn cơm, giờ dùng thuốc, phân lượng Insulin theo lượng đường trong máu. Kinh nghiệm nhắc ta cho dễ nhớ là khi di chuyển về hướng Đông, ngày ngắn đi thì nhu cầu Insulin bớt đi, còn đi về phương Tây ngày dài ra, Insulin cần tăng chút đỉnh. Nhớ đo đường trong máu theo lịch trình định sẵn.
Nhiều vị bị giãn tĩnh mạch hạ chi, ngồi lâu trong máy bay chật hẹp, không cử động, lại bắt chân chéo, khiến máu lưu thông trở ngại, có thể gây ra biến chứng máu đóng cục ở tĩnh mạch sâu. Để tránh, ta có thể mang tất đàn hồi, lâu lâu đứng lên làm vài vòng bách bộ trong lòng máy bay, hay cử động chân tại chỗ.
Nếu mắc chứng kinh phong (epilepsy), nên tăng thuốc một chút để tránh lên cơn bất tử. Bị bệnh tâm trí, nên uống viên thuốc an thần, cữ rượu. Khi bị bệnh thiếu máu (anemia) nặng, nên trì hoãn bay để điều trị vì đôi khi cần thêm dưỡng khí để thở.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 21 Nov 2016

Phần 6 Nhìn về tương lai


Liên Hiệp Quốc quan tâm tới người cao tuổi


“Tôi là một người già và tôi kiêu hãnh vì điều này. ”
TỔNG THƯ KÝ LIÊN HIỆP QUỐC

Vấn đề gia tăng dân số của những người tuổi cao trên thế giới trong thế kỷ này đã được Liên Hiệp Quốc đặc biệt quan tâm và tìm biện pháp, quyết định, giúp đỡ.
Năm 1995, dân số thế giới là 5 tỷ 7 và được ước lượng là sẽ tăng đến 9,4 tỷ vào năm 2050. Số người cao tuổi hiện giờ là 580 triệu, sẽ tăng lên 1 tỷ vào năm 2020. Tuổi thọ con người gia tăng đáng kể. Lý do sự gia tăng này gồm có việc giảm số tử vong do các bệnh truyền nhiễm, cải thiện điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng, nhà ở, các phương pháp phòng ngừa bệnh, tiêm phòng, khám phá ra thuốc kháng sinh. Sự gia tăng tuổi thọ này là dấu hiệu của sự tiến bộ cũng như một sự hoàn tất sinh học quan trọng của thế kỷ 20. Người cao tuổi là nguồn lợi quý giá chứ không phải là gánh nặng của xã hội, vì họ sẽ đóng góp nhiều cho đất nước bằng những kiến thức, kinh nghiệm của họ.
Tháng 12/1978, Liên Hiệp Quốc đã triệu tập một Hội đồng Toàn cầu về Lão hóa (World Assembly on Aging) để kêu gọi toàn thế giới lưu tâm tới những khó khăn đang ám ảnh người cao tuổi, đồng thời đã đưa ra nhiều chương trình để bảo đảm sự an toàn về kinh tế, xã hội của khối người quan trọng và cần thiết này, cũng như tạo cơ hội cho họ đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.
Do quyết định ngày 11/12/1980, Liên Hiệp Quốc lập một Quỹ ủy thác do các quốc gia thành viên tự động đóng góp. Quỹ được dùng để hỗ trợ những hoạt động của Hội đồng Toàn cầu về Lão hóa (World Assembly on Aging), thúc đẩy các quốc gia đang mở mang quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề người già, coi đó là việc chung cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời cũng để cung ứng nhu cầu ngày một tăng của khối người cao tuổi.

I. LÝ DO CHỌN NĂM 1999 LÀ NĂM QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI
Tháng 10 năm 1992, Liên Hiệp Quốc chỉ định năm 1999 là Năm Quốc tế Người Cao tuổi. Trong thông điệp khai mạc cho sự kiện này, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, sau khi nhận ông ta là một người già, rất kiêu hãnh được gọi là già, có tuyên bố là: “Chúng ta đang ở giữa một cuộc cách mạng thầm lặng. Cuộc cách mạng này lan rộng qua mọi dân tộc, với nhiều liên quan, ảnh hưởng tới các vấn đề kinh tế, văn hóa, tâm lý và tinh thần”.
Những lý do khiến năm 1999 được chọn là vì:
1. Số người trên 60 tuổi đã mau chóng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số dân cư trên thế giới, mà nhóm người trên 80 tuổi tăng lên mau nhất.
2. Sự lão hóa của dân chúng xảy ra nhiều hơn ở các quốc gia đang mở mang, chưa đủ điều kiện ứng phó với sự thay đổi này.
3. Tại nhiều quốc gia, số người cao tuổi nữ nhiều hơn nam, họ thường nghèo túng và hay bệnh hoạn hơn, cũng như chỉ được coi là khối người hưởng thụ, ít đóng góp cho xã hội.
4. Mặc dù khối người cao tuổi lớn nhưng các nhà làm chính sách của nhiều quốc gia vẫn chưa quan tâm tới mối ưu tư của khối người này.

II. NGUYÊN TẮC CĂN BẢN
Liên Hiệp Quốc đề nghị một số nguyên tắc căn bản cho người cao tuổi, gồm có:
1. Tính cách độc lập của người cao tuổi. Người cao tuổi phải có cơ hội được sử dụng dễ dàng về thực phẩm, nước uống, nhà ở, quần áo, chăm sóc y tế, việc làm, giáo dục, huấn luyện và có một đời sống trong môi trường an toàn.
2. Hành động tham gia. Người cao tuổi cần duy trì tính cách hợp nhất trong đời sống cộng đồng và tích cực tham gia vào việc thiết lập những chính sách có ảnh hưởng tới phúc lợi của họ.
3. Sự quan tâm chăm sóc: Người cao tuổi phải được sử dụng các dịch vụ pháp lý, xã hội, chăm sóc y tế để họ có thể duy trì một sức khỏe tốt về cả tâm thần lẫn thể xác. Sự quan tâm này phải bao gồm cả sự tôn trọng nhân phẩm, tín ngưỡng, nhu cầu và mối riêng tư của người cao tuổi.
4. Khả năng tự phát triển: Người cao tuổi phải được sử dụng tự do các phương tiện giáo dục, văn hóa, tinh thần, giải trí, do đó có thể phát triển mọi tiềm lực.
5. Bảo toàn phẩm cách: Người cao tuổi phải được sống trong vinh dự và an toàn, không bị khai thác, lợi dụng, được đối xử bình đẳng không phân biệt lứa tuổi, chủng tộc, giới tính.
Theo tinh thần của cuộc họp thượng đỉnh giữa 117 vị nguyên thủ quốc gia vào tháng 3/1993 tại Copenhagen, Đan Mạch, Liên Hiệp Quốc thuyết phục các chính phủ cố gắng đặc biệt trong việc bảo vệ người cao tuổi, nhất là:
1. Tạo môi trường thuận lợi để khích lệ dân chúng dành dụm tiền cho tuổi về già. 
2. Tăng cường các biện pháp và cơ chế ngõ hầu bảo đảm là người về hưu không rơi vào tình trạng nghèo khó, vì họ đã đóng góp nhiều cho sự phát triển quốc gia lúc trước.
3. Khuyến khích và hỗ trợ việc tất cả các lứa tuổi tham dự vào mọi chương trình, chính sách phát triển cũng như các cơ cấu đầu não đưa ra quyết định.

III. CHỦ ĐỀ CỦA NĂM QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI
Năm Quốc tế Người Cao tuổi có chủ đề là “Hướng về một xã hội của mọi lứa tuổi”, trong đó khái niệm Lão hóa tích cực (Active Aging) được nhấn mạnh khiến mọi người có thể có một sức khỏe tốt, một đời sống an lành khi về già. Để đạt tới mục đích Lão hóa tích cực này, Ngày Sức khỏe Thế giới đã được Tổ chức Y tế Thế giới phát động với những chương trình xây dựng mà cá nhân cũng như chính sách quốc gia phải thực hiện, như sau:
1. Với thai nhi: Người mẹ cần ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng, không hút thuốc lá trong khi mang thai; chính quyền cần khuyến khích người có thai chăm lo sức khỏe, ghi nhớ sự quan trọng của phần ăn cân bằng, bổ dưỡng.
2. Môi trường tốt cho hài nhi: Nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong bốn tháng đầu. Cung cấp thức ăn đầy đủ cũng như tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm cho con. Chính quyền cần cổ động việc mẹ cho con bú sữa mình, cung cấp đầy đủ chương trình tiêm phòng, cải thiện hệ thống vệ sinh, nhà ở, giảm thiểu sự quá đông người trong nhà.
3. Việc tiêu thụ thuốc lá: Cá nhân nên bỏ hút thuốc, vì bỏ hút bất cứ lúc nào cũng tốt, đồng thời chỉ dẫn cho con cái về tác dụng tai hại cho cơ thể khi hút thuốc lá. Chính quyền cần ra luật cấm quảng cáo và bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên, đồng thời cung cấp giáo dục y tế tại trường học và công, tư sở.
4. Về rượu: Cá nhân uống rượu vừa phải, nếu bị nghiện thì nên chữa trị ngay, chính quyền tiếp tục cấm bán rượu cho trẻ vị thành niên.
5. Luyện tập cơ thể: Để được khỏe mạnh, cá nhân cần tập luyện ngay từ lúc còn trẻ cho tới khi già, làm việc nhà cũng là vận động. Xã hội cần lồng sự vận động cơ thể vào chương trình giáo dục học đường; cổ vũ những môn thể thao cho người cao tuổi.
6. Tiết chế ẩm thực: Ăn thực phẩm có nhiều chất xơ, ít mỡ động vật, ít muối. Giảm cân nếu quá mập. Chính quyền cần phổ biến rộng rãi cho dân chúng hay sự ích lợi của dinh dưỡng tốt với sức khỏe con người.
7. Hòa nhập vào xã hội. Cá nhân cần hòa mình vào với các sinh hoạt của gia đình, cộng đồng, cũng như đoàn thể, tôn giáo, không nên có thái độ kỳ thị người cao tuổi, tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết của mình và của con cái. Xã hội thì cần hỗ trợ các hoạt động cộng đồng, cung cấp đầy đủ cơ hội học hỏi cho dân chúng cũng như khuyến khích sự đoàn kết của mọi lứa tuổi.
8. An toàn phúc lợi: Cá nhân cần thông thạo về các biện pháp công cũng như tư để bảo vệ phúc lợi được an toàn trong suốt cuộc đời. Xã hội cần trợ cấp phần lợi tức căn bản và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Ngăn chặn mọi kỳ thị người cao tuổi trong việc làm.
Như vậy chủ đề Một xã hội cho nhiều lứa tuổi khác sẽ không chỉ tập trung vào người cao tuổi, và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những cá nhân và xã hội là điều hiển nhiên, cần thiết. Sự hóa già không phải xảy ra vào một thời điểm nhất định, mà nó thấm vào, lan ra trong suốt cuộc đời, rất âm thầm. Người già cũng có những nhu cầu những quan tâm như lứa tuổi khác, nên mối quan hệ, liên kết giữa người cao tuổi với nhau và với các tuổi khác là điều kiện sống còn cho mọi xã hội.
Năm Quốc tế Người Cao tuổi được các quốc gia trên thế giới hưởng ứng, tham gia tích cực. Thứ bảy, ngày 2 tháng 10 năm 1999 là ngày Nối Vòng Tay Lớn: Tại mỗi quốc gia, đã liên tục tùy theo múi giờ, có tổ chức những sinh hoạt, liên hoan, để phổ biến, cổ võ sự sống lành mạnh, cũng như để liên kết với nhau trong mục đích thực hiện chương trình Lão Già Tích Cực cho mọi người trong hoàn vũ.
Và cũng để giới thiệu một thành quả vĩ đại của thế kỷ 20: Đó là “Sự tăng tuổi thọ của loài người”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 23 Nov 2016

Một trăm năm y học

Thời gian là những năm tháng của thập niên 40, không gian là một tỉnh lỵ nằm trên đường số 5 giữa Thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng, lúc tề lúc kháng.
Cả tỉnh chỉ có một bác sĩ, một nhà thương nhỏ. Nhà thương được một ông y tá, một bà đỡ và vài nhân viên tạp dịch điều hành. Sáng sớm mỗi ngày, bệnh nhân xếp hàng đợi lấy số thứ tự, cũng không đông, độ hai chục người, với vài bệnh thông thường như nhức đầu, tiêu chảy, ban sởi trẻ em, ghẻ lở, bụng ỏng sán lãi. Thuốc men giản dị. Ghẻ lở được bôi Bleu de Méthylène xanh lè cả chân cẳng. Nhức đầu được lãnh dăm viên Optalidon, Aspirin Bayer, tiêu chảy có Bismuth, Charcoal, nặng thì được vài viên Sulfaguanidine. Bệnh trầm trọng hơn thì bác sĩ khám, nếu cần sẽ được chở về Bệnh viện Phủ Doãn ở Hà Nội, có bác sĩ Tây, có nhiều ông thầy dạy học. Nói là nặng chứ không phải là nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, kích tim, giỏi lắm là vài trường hợp uốn ván, có thai ngoài dạ con, thương hàn, ngã nước. Kháng sinh chưa có ngoài thuốc Dagénan, được coi là thần dược, trị mọi bệnh nhiễm trùng. Mà muốn có thuốc này, phải là dân nhà giàu, đến phòng mạch tư của bác sĩ, xin toa ra nhà thuốc tây duy nhất ở tỉnh để mua. Bệnh nhân không đến nhà thương thì đến chẩn bệnh ở các vị đông y, bốc thuốc bắc, thuốc nam ở các tiệm cao đơn hoàn tán của “chú khách”, hoặc đi lễ xin thuốc thần thuốc thánh, chữa theo kinh nghiệm dân gian “Đau bụng lấy bụng mà chườm”. Phương tiện trị liệu, định bệnh thô sơ, tử vong cao, sống tới tuổi 40 đã ăn mừng tứ tuần đại khánh. Sự tiến bộ của văn minh y học trên thế giới chưa rọi tới mảnh đất thuộc địa nghèo nàn. Những phong trào nhà ánh sáng, lưu thông cống rãnh, vệ sinh thường thức chỉ mới manh nha.
Nhìn ra các nước tiên tiến trên thế giới, từ đầu thế kỷ, y học đã liên tục đi những bước dài để bảo vệ sức khỏe con người. Một trăm năm qua đã có nhiều phát minh, sáng kiến tuyệt hảo để chẩn bệnh, trị bệnh, phòng bệnh. Tuổi thọ trung bình 45 ở năm 1900 đã được nâng lên 76,5 tuổi vào cuối thế kỷ, cái gọi là thất thập cổ lai hy đã trở nên chuyện bình thường, trường thọ đã là một trong nhiều quà tặng của nền y khoa tiến bộ trong thế kỷ 20 dành cho nhân loại. Những tử vong vì đẻ non, vì bệnh nan y, vì điều kiện sinh sống kém, dinh dưỡng không cân bằng, vì những dịch truyền nhiễm đều đã được khắc phục. Chúng tôi xin cùng quý vị tìm hiểu lại một số những tuyệt hảo này, rồi đoán vọng tương lai. Ta cùng ôn cố để tri tân.

1. Lãnh vực phòng ngừa bệnh
Trước thế kỷ 20, bệnh truyền nhiễm là một trong nhiều nguyên nhân gây ra số tử vong cao cho con người. Lý do là vì chưa có kháng sinh, vacxin tiêm phòng, vệ sinh cá nhân, nhà ở chưa được phổ biến, vi trùng tha hồ hoành hành tác hại. Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 làm thiệt mạng hơn 20 triệu người trên toàn thế giới. Bệnh lao, bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt trẻ em, bệnh bạch hầu, uốn ván tràn lan. Ngay cả Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt Franklin cũng bị bại liệt vào tháng 8 năm 1921 khiến liệt nửa thân. Sau đó bệnh truyền nhiễm giảm bớt nhờ nhiều phương tiện, trong đó có tiêm chủng. Khám phá ra sự chủng ngừa dựa vào một nhận xét là, những nông trại vắt sữa bò, bị lây bệnh đậu của bò thì không mắc bệnh đậu mùa nữa, do đó chích ngừa là để ta tạo ra chất kháng thể chống lại sự xâm nhập vi trùng cùng loại. Năm 1790, Edward Jenner, người Anh, là người đầu tiên cấy chất liệu từ vết đậu bò cho người để tạo tính miễn dịch, nhưng phải đợi tới thế kỷ 20 vacxin để chủng phòng bệnh đậu mùa mới được hoàn thiện. Trong thế kỷ vừa qua, y khoa đã chế ra vacxin phòng bệnh lao BCG năm 1908, sốt vàng da năm 1937, bại liệt trẻ em năm 1935, bệnh sởi năm 1962, thủy đậu năm 1975 và nhiều loại thuốc ngừa các bệnh khác như bệnh quai bị, bạch hầu, cúm, viêm gan các loại, thương hàn, dịch tả, ho gà... Bệnh đậu mùa, bệnh sởi đã được coi như bị xóa sổ trên thế giới, ngoại trừ một vài địa phương nhỏ. Trong tương lai gần đây, sẽ có vacxin phòng ngừa sốt rét, và phòng HIV/AIDS.

2. Thuốc kháng sinh
Còn nhớ lại những năm tản cư ở Đông Triều, Cổ Vịt, dân chúng cố kiếm mua mấy viên Dagénan mang theo để chữa đủ bệnh nhiễm trùng. Đôi khi còn phải nhờ người vào thành mua lậu cho mấy ống, vì thuốc mới quá hiếm. Viên Dagénan đã cứu sống nhiều người trong giai đoạn đó. Theo định nghĩa, kháng sinh là chất do vi sinh tạo ra, có khả năng tiêu diệt hay ngăn ngừa sự tăng trưởng của vi sinh vật khác như vi trùng, nấm độc. Nhà bác học Pháp Louis Pasteur là người đầu tiên nhận ra đặc tính này. Năm 1929, do sự tình cờ, Alexander Fleming thuộc bệnh viện St Mary Luân Đôn, thấy rằng mốc của nấm Pénicillium natatum tiết ra chất Penicillin có thể giết được vi trùng. Nhưng ta phải đợi tới năm 1940, nhờ các nghiên cứu của H.W. Florey và E.B. Chain, thuốc Penicillin mới được sản xuất đại quy mô để trị bệnh. Sự khám phá ra thuốc Penicillin được coi như một thành quả lớn của thế kỷ 20. Thuốc trị vi trùng thuộc nhóm Sulfamid được bào chế năm 1932, Strepomycin trị lao năm 1943. Ngày nay, kháng sinh có rất nhiều loại, trị được nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau, với cách dùng như uống, chích, bôi ngoài da. Nhưng vì con người lạm dụng thuốc nên một số vi trùng trở nên nhờn mặt với vài loại kháng sinh. 

3. Giải phẫu nối ghép bộ phận cơ thể
Phương pháp ghép bộ phận cơ thể hiện nay khá phổ thông và tiến bộ tới mức trước đây không ai nghĩ tới. Các bác sĩ giải phẫu mổ lấy bộ phận của người này ghép thay vào bộ phận thiếu hoặc không hoạt động ở người khác, qua sự sang nhượng hay lấy từ người sắp chết tặng. Cũng có thể tự ghép bộ phận như ghép da, ghép nối động tĩnh mạch, dây thần kinh. Truyền máu cũng là một hình thức chuyển ghép tế bào, và đã được thực hiện từ thế kỷ 17 ở châu Âu, nhưng có nhiều tai nạn chết người do phản ứng của máu người cho và người nhận. Mãi tới năm 1900, việc truyền máu mới được an toàn nhờ nhà bác học người Úc, Karl Landsteiner, tìm ra các loại máu A, B, O của con người. Thận nhân tạo để lọc máu được sáng chế năm 1913. Trường hợp ghép chuyển thận thành công đầu tiên vào năm 1954 được hai bác sĩ J. Hartwell Harrison và Joseph Murray, ở Boston, Hoa Kỳ thực hiện. Năm 1963 các phẫu thuật gia bắt đầu thử thay phổi, thay gan, và hiện nay các sự thay ghép này đã được áp dụng. Bác sĩ Christian N. Barnad, Nam Phi, giải phẫu thay tim đầu tiên vào năm 1967. Một trở ngại thường gặp trong việc thay ghép là cơ thể người nhận đôi khi chối từ, tấn công bộ phận cho vì những bất đồng cấu tạo, sinh lý. Từ năm 1970, việc chuyển ghép bộ phận cơ thể được thực hiện thường xuyên, rộng rãi nhờ thuốc Cyclosporin vô hiệu hóa việc đào thải mảnh ghép. Hiện nay, mỗi năm riêng tại Hoa Kỳ có tới gần 3000 con tim được thay thế. Tim nhân tạo cũng đã và đang được thử nghiệm, nhất là để tạm thời thay thế tim hư, chờ có tim cho. Giác mạc mắt được thay ghép ít nhất trên 40.000 lần mỗi năm tại Hoa Kỳ do người sắp chết tặng. Vì số tặng không đủ, các khoa học gia, đặc biệt là bác sĩ Griffith, đang nuôi giác mạc trong phòng thí nghiệm. Xin kể thêm là phổi sắt (máy thở) được dùng đầu tiên năm 1927 để hỗ trợ hô hấp cho người bị tê liệt mà phổi không tự thở được, và việc thay khớp xương hông nhân tạo được bắt đầu vào năm 1938.

4. Dược phẩm quan trọng
Thời cổ xưa, người ta coi bệnh tâm thần là do ma quỷ nhập hay là do thánh thần, thượng đế trừng phạt. Bệnh nhân bị cô lập, bỏ tù, trói cột, hành hạ, đôi khi bị thiêu sống. Cho tới thế kỷ 19, bọn con buôn còn mang triển lãm, để lấy tiền, những người điên, cười nói, khóc lóc vô cớ, hành động không kiểm soát. Khi bác sĩ Philippe Pinel, tổ sư ngành tâm thần học, cởi thả những người bị điên loạn thì cấp trên của ông ta bảo rằng anh điên hay sao mà thả họ ra. Pinel cho là cần phải có thái độ nhân đạo, hỗ trợ với người bị bệnh tâm thần. Thuốc trị loạn tâm thần hưng trầm cảm Lithium được tìm ra năm 1949, và hiện giờ vẫn còn là thuốc căn bản trị bệnh này. Năm 1950, thuốc Chlorpromazin trị loạn tâm trí được bào chế. Cho tới nay, đã có nhiều dược phẩm cũng như phương tiện khoa học để trị đủ loại bệnh tâm thần mỗi ngày mỗi tăng của thời đại.
Cách đây trên nửa thế kỷ, nếu có phương tiện công hiệu để trị bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch như ngày nay thì có lẽ Tổng thống Hoa Kỳ F.D. Roosevelt không bị chết vì các chứng xuất huyết trong bệnh cao huyết áp và suy tim của ông. Thực vậy, trong lãnh vực này, đã có những tiến bộ vượt bực về các phương thức điều trị. Ngoài dược phẩm có giá trị cao, phẫu thuật nối động mạch cơ tim được bác sĩ DeBakey thực hiện vào thập niên 60, rồi đến sự thông động mạch vành tắc nghẽn bằng bơm bóng, bằng tia Laser, bằng lưỡi dao tí hon xoay tròn mới đây, tất cả đã trở nên rất phổ biến. Đồng thời sự hiểu biết tường tận về ích lợi của việc tập luyện cơ thể, cách thức giữ gìn ăn uống quân bình, về nguy cơ gây bệnh của rượu, thuốc lá, cholesterol đã đóng góp rất nhiều vào việc ngừa, chữa bệnh tim mạch các loại, và hạ thấp mức tử vong. Năm 1921, chất Insulin được Frederick Banting và Charles Best, Đại học Toronto, lấy từ tụy tạng cho là sự kiện quan trọng trong lịch sử y khoa học. Insulin là kích thích tố duy nhất làm giảm đường trong máu và được tụy tạng tiết ra khi đường tăng cao, như là sau bữa ăn hay khi bị căng thẳng tâm thần. Khi đường trong máu lên quá cao, bệnh nhân bị hôn mê, có nguy cơ mạng vong. Mặc dù không trị dứt được bệnh tiểu đường nhưng Insulin là một loại thuốc tối cần thiết cho người mắc bệnh này và Insulin đã giảm thiểu tử vong do hôn mê vì lượng đường cao cũng như nhiều biến chứng trầm trọng về mắt, thận, tim.
Vào thập niên 60, thuốc viên ngừa thai (the Pill) gồm kích thích tố Estrogen và Progesteron được tung ra thị trường, cùng lúc với phong trào đòi nam nữ bình quyền, đã giúp nữ giới tận hưởng thú vui ái ân mà không lo ngại mang thai. Cũng trong phạm vi thai nghén, năm 1978, em bé ống nghiệm đầu tiên Louise Brown ra đời ở Luân Đôn, và tới nay, riêng tại Mỹ, Louise có ít nhất trên 100.000 người em trai gái cùng được thụ thai trong phòng thí nghiệm, giữa những ống thủy tinh, thay vì trên giường. Rồi đây, hành động ái ân biết đâu chẳng chỉ là phương tiện để thỏa mãn thú vui xác thịt chứ không cần thiết cho việc nối dõi tông đường.

5. Các phương pháp vật lý trị liệu, chẩn đoán bệnh
Máy điện tâm đồ, đo hoạt động điện năng của cơ tim (Electrocardiograph), được dùng đầu tiên vào năm 1903 để khám phá chứng huyết khối động mạch vành, rối loạn nhịp tim, rối loạn cơ tim. Máy điều hòa nhịp tim (pace maker) được hoàn tất năm 1957; mười năm sau chụp X quang tuyến * được sử dụng để tìm kiếm ung thư cơ quan này. Thực ra quang tuyến X được bác học người Đức Wilhelm Roentgen phát minh từ năm 1895, nhưng phải tới năm 1920, tia X mới áp dụng rộng rãi. Rồi những năm gần đây, người ta có thể chụp hình từng bộ phận cơ thể dưới nhiều khía cạnh khác nhau (cắt lớp) với CT scan, PET scan, MRI. Về con mắt, vào những thập niên cuối của thế kỷ đã có một tiến bộ tuyệt hảo trong việc chữa các tật cận thị, viễn thị, bong tróc viễn mạc bằng tia Laser, khiến nhiều người lấy lại được thị lực mà không cần mang kính điều chỉnh. Tia Laser còn được sử dụng vào nhiều giải phẫu trị liệu khác, vừa ít đau vừa thu ngắn thời gian trên bàn mổ mà lại mau phục hồi.

6. Nhìn về tương lai
Còn nhiều thành quả khác có thể coi là ngoạn mục, cổ kim không ai nghĩ tới, của nền y khoa học trong thế kỷ vừa qua những thành quả đã giúp con người sống lâu hơn, sống khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, cũng có nhiều phát minh, sáng kiến được manh nha nhưng có nhiều hứa hẹn thành công để hiểu rõ hơn nguyên nhân chính của bệnh tật, từ đó đưa ra phương thức điều trị. Người ta nó tới sự thiết lập Dự án bộ Gen con người với đầy đủ mã số thông tin. Gen là yếu tố di truyền căn bản, mà khi bị đột biến sẽ là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật cũng như đẩy nhanh diễn tiến lão suy. Trong tương lai, sẽ trị bệnh bằng cách sắp xếp lại cấu trúc Gen, và mỗi người sẽ có một Chip ADN với toàn bộ danh mục Gen lành, Gen bệnh. Sẽ không còn nối tắc động mạch vành bị tắc nghẽn, mà có phương pháp kích thích cơ tim tạo ra động mạch vành mới thay thế cho động mạch nghẽn. Bằng kỹ thuật sinh sản vô tính, người ta đã tạo ra một con cừu do sự phối hợp của tế bào thường với trứng không nhân của con cừu cái khiến nhiều nhà tôn giáo, đạo đức đã cau mặt e ngại một ngày nào đó con người cũng được sinh sản vô tính. Sẽ có thuốc chặn sự nuôi dưỡng, tăng trưởng tế bào ung thư khiến chúng bị hủy diệt hay gửi những “siêu trùng Kinh Kha” đột nhập tế bào ung thư để tiêu hủy, và bộ phận cơ thể sẽ được cấu tạo từ những tế bào gốc (stem cells) để thay thế cho trái tim già nua, lá gan suy yếu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 23 Nov 2016

Những quyết tâm đầu năm

Tuổi già, sức yếu, thêm vào đó là suốt mấy tháng cuối năm, bị cơn sốt Y2K hành hạ khiến cứ lo âu, làm cho sức khỏe càng kém thêm. Rồi chợt nhớ ra, năm vừa qua, mình cũng hơi lơ là trong việc chăm nom cơ thể, bỏ quên mất vụ kiểm tra tiền liệt tuyến và quên không chích ngừa cúm, nên tuần trước nằm đo giường mất hơn mười ngày vì mấy anh virus cúm hành hạ. Nay đã tỉnh khỏe, giận mình vì những thiếu sót năm qua, vội vàng làm một màn ghi những điều sẽ thực hiện trong năm tới, để duy trì sức khỏe tốt.
Ưu tiên số một là phải đi kiểm tra cái “anh” tiền liệt tuyến. Mặc dù chỉ to bằng đầu ngón tay, nằm bao quanh niệu quản, chẳng có công dụng gì to tát ngoài việc tiết ra mấy phân khối tinh dịch để đưa tinh dịch đi kiếm mấy nàng trứng, nhưng nếu anh ta sưng to, phát triển vô tội vạ, là mình có chuyện. Ung thư dễ như chơi, nhất là đã vào tuổi trên dưới sáu mươi. Cúi chổng mông cho ông bác sĩ đưa ngón tay chuối mắn vào hậu môn, ngoáy qua ngoáy lại, vừa nhột, vừa đau, lại vừa mắc cỡ. Nếu tuyến hơi cứng, bác sĩ sẽ thử nghiệm máu PSA (Prostatic Specific Antigen) để coi có bị ung thư không. Ung thư tuyến tiền liệt giờ là nguyên nhân tử vong thứ hai do các bệnh ung thư ở nam giới. Cần được khám tuyến tiền liệt mỗi năm một lần kể từ khi tuổi 45 trở lên.
Rồi lần lượt trong năm, hai vợ chồng sẽ hỏi bác sĩ coi cần kiểm tra điều nào ở các tiết mục căn bản sau đây:
1. Ung thư ruột kết - trực tràng. Bắt đầu từ tuổi 50, hàng năm nên thử coi trong phân có máu không (fecal occult blood test). Sau đó có thể được soi trực tràng (sigmoidoscopy) xem trong ruột già có mấy cục u mềm (polyp), u cứng, khiến chảy máu mỗi khi đi cầu. Khám nghiệm này là bước khởi đầu để truy tìm ung thư ruột kết trực tràng (colorectal cancer) nguyên nhân tử vong thứ ba về ung thư ở đàn ông.
2. Bà xã thì đưa đi chụp quang tuyến tuyến * (mammography) và khám phụ khoa làm phiến đàn cổ tử cung. Hàng năm chụp quang tuyến kèm theo hàng tháng tự khám * là phương thức hữu hiệu để tìm u cục có thể gây ung thư ở bộ phận này. Ung thư * tự nó không gây tử vong nhưng khi nó chạy vào máu, vào các cơ quan thì tỷ lệ tử vong lên khá cao. Vì thế nếu kiếm ra bệnh khi nó còn thu gọn trong phạm vi cấu tạo của * thì hy vọng chữa lành lên tới 95%. Còn phiến đàn cổ tử cung là để coi có bị ung thư cổ tử cung, thường xảy ra ở phụ nữ tuổi trên 45. Thử nghiệm này đơn giản, không đau. Bác sĩ chỉ cạo lấy một chút tế bào ở cổ tử cung, gửi đi phòng thí nghiệm.
3. Khám sức khỏe tổng quát. Từ tuổi ngoài 50, mỗi năm cần đi bác sĩ để làm một cuộc kiểm tra tổng quát, dù không có bệnh gì. Nhân dịp này, một số thử nghiệm sẽ được thực hiện như: đo điện tâm đồ để coi nhịp đập của tim; thử máu coi lượng đường, cholesterol, chức năng của thận, gan, tuyến giáp trạng, lượng hồng cầu. Chụp hình phổi không cần thiết phải làm mỗi năm, trừ trường hợp tiếp tục hút thuốc lá vì sợ ung thư phổi. Khi không bị cao huyết áp, nên đo huyết áp hai lần mỗi năm, vì bệnh này đôi khi xảy ra âm thầm, rồi đùng một cái gây chuyện lớn như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
4. Khám mắt, đo lại cặp kính hai tròng, tiện thể để bác sĩ nhìn võng mạc, giác mạc coi còn tốt không, đồng thời cũng xem có dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp (glaucoma), bong võng mạc (retina détachement).
5. Khám răng miệng, tham khảo thêm ý kiến về việc mới đây có nhiều chuyên viên răng miệng nói là, nhiễm độc ở nướu răng có thể gây một vài bệnh tim, đồng thời xem có dấu hiệu ung thư miệng. Các nha sĩ khuyên ta nên đến thăm họ mỗi năm hai lần, để khám và để cạy bỏ những chất vôi đóng ở chân răng.
6. Đến khoảng tháng mười, hai vợ chồng nhớ đi chích ngừa bệnh cúm, luôn thể cũng coi lại xem có cần chích ngừa uốn ván (tetanus). Tiêm phòng này là ta hay quên lắm, vì sau khi được chích ba mũi lần đầu, ta chỉ cần chích lại mỗi mười năm. Thời gian quá xa nên 90% các cụ đều không nhớ, cho tới khi chẳng may giẫm phải cái đinh rỉ sét, bác sĩ hỏi thì mới vỡ lẽ lâu rồi không chích ngừa.
7. Tự nhìn trong gương hay nhờ người bạn đường coi trên da xem có gì bất thường mới xuất hiện như cục thịt nhỏ, miếng da nhỏ, hay vết thương chảy nước, vì ở tuổi này, ung thư da cũng hay xảy ra.
Năm vừa qua, tiệc tùng cưới hỏi hơi nhiều, nên cơ thể coi nặng hơn trước, và mỡ vùng bụng phát triển hơi đầy. Năm nay nhất định phải coi lại vụ thực phẩm, dinh dưỡng, bớt tiêu thụ chất béo, thịt gia súc, tăng rau quả, trái cây, dùng nhiều chất đạm từ cá hay đậu nành. Đậu nành đã được dùng nhiều ở Việt Nam cả ngàn năm nay dưới dạng đậu hủ, tương... Và là nguồn cung cấp chất đạm khá quan trọng. Mới đây nhiều khoa học gia cho là đậu nành có khả năng làm giảm nguy cơ bệnh ung thư, bệnh tim, chứng loãng xương, bệnh tiểu đường, bệnh thận và làm giảm vài khó chịu của quý bà trong thời kỳ tắt kinh.
Duy trì hiện trạng tập luyện cơ thể. Đi bộ với 70% nhịp tim tối đa 120 nhịp lần 1 phút, mỗi ngày 30 phút, năm ngày một tuần. Môn đi bộ bây giờ được nhiều người ưa thích vì tiện lợi, đi lúc nào cũng được, không tốn tiền, chỉ cần đôi giày thích hợp, vừa chân. Vừa đi vừa nói chuyện với người bạn đường hay bạn bè, tăng thêm tình thân ái. Theo kết quả cuộc nghiên cứu của tiến sĩ Robert D. Abbott, Đại học Y khoa Virginia, công bố vào mùa hè năm 1999, thì đi bộ làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh cao huyết áp, bệnh ung thư và làm tăng sự thư giãn cho tâm não.
Duy trì tình giao tế với bạn bè, thân thuộc. Sau một thời gian quan sát nếp sống một nhóm người cao tuổi, các tác giả RA Morottoli và CM de Leon Glass đã kết luận là giao hữu bạn bè, xã hội có thể làm tăng tuổi thọ như là sự tập luyện cơ thể. Đồng thời cũng giữ một thái độ lạc quan, tích cực trong đời sống hàng ngày. Và tiếp tục tận hưởng thú ái ân với người bạn đường.
Trong bài giới thiệu cho dự án Healthy People 2000, cựu Tổng trưởng Y tế Hoa Kỳ, bác sĩ Louis Sullivan, nói: “Để có sức khỏe tốt, mỗi người phải lãnh trách nhiệm tự chăm sóc, và càng ngày ta càng ý thức được rằng bằng cách duy trì một nếp sống lành mạnh, con người có thể tránh được rất nhiều bệnh tật”.
Mong rằng ý kiến trên cũng là một trong dăm điều cam kết đầu năm của nhiều người cao tuổi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: An Hưởng Tuổi Vàng (Nguyễn Ý Đức)

Postby bevanng » 23 Nov 2016

Tương quan thầy thuốc - bệnh nhân

Tuổi dù cao mà không bệnh hoạn thì sức khỏe tương đối vẫn còn khả quan. Tuy nhiên cơ thể về già, cũng như cái máy xe hơi chạy trên trăm ngàn dặm, có những bất thường, chẳng giống ai. Ta mất đi một số khả năng thích ứng với ngoại cảnh và bệnh tật, nên đã đau thì thường trầm trọng hơn và kéo dài lâu hơn. Dấu hiệu bệnh không giống như ở người trẻ, chẳng hạn khi sưng phổi thì ta hay than phiền mệt mỏi, yếu sức toàn thân, rối loạn tâm thần, còn người trẻ thì có triệu chứng rõ ràng như ho, nóng sốt. Phản ứng của ta với bệnh tật cũng khác. Nhiều người có bệnh mà không nói ra vì tính chịu đựng, đôi khi nghĩ là dù có khai với bác sĩ, ông ta lại bảo tại già nó vậy, hoặc ngại bác sĩ sẽ thực hiện nhiều thử nghiệm, lấy máu, phiền phức, đau đớn. Một số người cao tuổi có nhiều bệnh, uống nhiều thuốc khác nhau do nhiều bác sĩ cho toa. Họ cũng thường đi khám bác sĩ nhiều hơn người ở các tuổi khác. Những phức tạp, khác với bình thường đó đặt ra vấn đề tương quan giữa thầy thuốc và bệnh nhân, sao cho đôi bên đều thỏa mãn tình nghĩa phúc chủ, lộc thầy.

1. Sự đào tạo bác sĩ

Với bệnh nhân, thầy thuốc là người sẽ định bệnh, làm giảm sự đau đớn, cho biết diễn tiến bệnh, phục hồi khả năng đã mất, và phương cách ngừa bệnh tái phát. Người bệnh, khi đã lựa được thầy thuốc thích hợp, thì đặt mọi tin tưởng vào thầy thuốc, và mối tương quan sẽ tốt đẹp. Để lựa một lương y, ta cần biết về thành tích chuyên môn cũng như đức độ của họ.
Ngày nay, bác sĩ đều được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Người bác sĩ đầu tiên mà ta tiếp xúc mỗi khi đau ốm là thầy thuốc sơ trị riêng của mỗi gia đình. Vị này có thể là chuyên ngành, nội khoa, nhi khoa, phụ khoa hay giải phẫu tổng quát. Họ được huấn luyện để khám và trị căn bản, rồi sau đó nếu cần sẽ gửi đi chuyên khoa riêng biệt. Họ còn giúp ta phòng ngừa bệnh tật, như chích ngừa, làm thử nghiệm tìm ung thư tử cung, tuyến tiền liệt, thử máu kiểm soát lượng cholesterol và đường trong máu. Những tiểu giải phẫu như khâu vết thương, mổ một mụn nhọt cũng được họ thực hiện ngay tại phòng mạch. Họ cũng chữa các bệnh thông thường về ngũ quan. Với kiến thức tổng quát rộng, họ sẽ là người phối hợp việc trị bệnh của ta với các bác sĩ chuyên khoa từng bộ phận, giải quyết những ý kiến khác nhau về cách điều trị. Thông thường, họ rất dè dặt, cẩn thận trong việc trị bệnh.
Các bác sĩ chuyên môn riêng biệt đều được huấn luyện thêm vài năm về một bộ phận của cơ thể. Có bác sĩ chuyên về ngoài da, dị ứng, đường ruột, tim mạch, tiết niệu, xương khớp... Họ thường phải qua một kỳ thi để được chính thức công nhận và giới thiệu tước vị chuyên môn. Ngoài kiến thức rộng, cập nhật hóa về bệnh, họ còn sử dụng các kỹ thuật khám phá, truy tìm nguyên nhân bệnh tân kỳ hơn, cần khéo tay, kinh nghiệm hơn, như kỹ thuật thông tim, cắt một nhúm tế bào ở thận, ở phổi, ở gan, nhìn vào lòng ống phế quản, ruột non, ruột già, hay khâu vết thương nhỏ trên võng mạc. Ta cần các bác sĩ này khi có một bệnh hiếm hay biến chứng mà bác sĩ gia đình ngần ngại giải quyết, hoặc sau thời gian điều trị, bệnh không thuyên giảm, hoặc ta cần những thử nghiệm ngoài phạm vi của bác sĩ gia đình, chúng ta đừng e dè khi gợi ý xin tham khảo chuyên môn vì bác sĩ gia đình thường rất vui vẻ giới thiệu, hơn nữa họ cũng không muốn bị liên lụy pháp lý nếu có chuyện gì xảy ra cho người bệnh.
Từ vài thập niên vừa qua, đã có một số bác sĩ chuyên về lão khoa, hoặc qua vài năm huấn luyện chính thức, hoặc do kinh nghiệm điều trị người già. Số bác sĩ này vẫn còn rất ít, nên thường được sử dụng trong việc săn sóc người cao niên yếu đuối với nhiều bệnh khác nhau. Họ thường phối hợp với một nhóm chuyên viên về lão bệnh như người làm công tác xã hội, y tá, dinh dưỡng viên, chuyên viên phục hồi, dược sĩ... để đánh giá khả năng sinh hoạt, tình trạng sức khỏe của người già yếu, đề nghị một chương trình săn sóc, điều trị hầu mang lại một số chức năng cho quý vị này.

2. Lựa chọn bác sĩ
Nói đến mức độ, thì ta lại nghĩ đến câu “lương y như từ mẫu”. Người mẹ hiền đức ngọt ngào, nhẹ nhàng với con, nhưng không quá nuông chiều, hiểu con, sẵn sàng cho con, chỉ dạy cho con từ đường đi nước bước, sao cho con trở nên người. Một lương y cũng cần có một vài đức tính của người mẹ hiền, vì khi đau ốm, ta trở nên bất lực và phụ thuộc, như đứa trẻ thơ.
1. Kinh nghiệm. Kinh nghiệm thâu lượm qua sự việc đã gặp, đã làm. Một bác sĩ tốt gặp trường hợp bệnh mới, phải tham khảo sách báo, đồng nghiệp, suy nghĩ lung trước khi định bệnh, rồi ra đơn thuốc. Gặp bệnh đó vài lần, trở thành có kinh nghiệm, lần sau thấy là chẩn đoán, điều trị tức thì. Cũng như một bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm, một mình trên bàn mổ, có thể thay đổi chiêu thức đường dao để hoàn thành trường hợp mổ khó khăn. Tuổi tác không phải là bảo chứng của kinh nghiệm, vì người thầy thuốc già vẫn có thể phạm cùng một lỗi lầm nhiều lần. Vì thế, khi có bệnh khó, ta nên đến bác sĩ được biết có kinh nghiệm về bệnh đó, ta sẽ được săn sóc đúng thầy đúng thuốc.
2. Danh tiếng. Nổi danh có thể hoặc xấu hoặc tốt. Nổi danh về y nghiệp, về y đạo, về giao tế nhân sự. Nổi danh do nhận xét của bệnh nhân, của đồng nghiệp, của nhân viên hợp tác. Có những nhận xét công bằng, thì lại cũng có nhận xét thiên lệch, vì những lý do khác nhau. Nhưng nhận xét nào được nhiều người nhắc đi nhắc lại thì chắc là đáng tin cậy hơn.
3. Sẵn sàng phục vụ. Bệnh đến bất thường, bác sĩ đông khách, muốn xin hẹn phải đợi thì cũng bất tiện. Đâu còn cứu bệnh như cứu hỏa. Thành ra, khi lựa bác sĩ, nên hỏi rõ vài chi tiết như: chẳng may đau ban đêm, tôi sẽ phải liên lạc với ai; bác sĩ nào trong nhóm sẽ trực khi có khẩn cấp; khi nhập viện, bác sĩ có vào coi bệnh tôi mỗi ngày; khi cần khám giữa kỳ hẹn, tôi có được gặp bác sĩ hay người khác. Thường thường một nhóm nhỏ bác sĩ hợp tác với nhau, họ thay phiên trực thì ta dễ có cơ hội gặp bác sĩ gia đình hay bác sĩ quen khi có khẩn cấp, nhờ đó nhu cầu trị bệnh được thỏa mãn dễ dàng.
4. Tác phong. Như một từ mẫu, thầy thuốc thường được bệnh nhân hy vọng là sẽ đối xử với mình chu đáo, hiểu biết, chịu đựng. Thầy thuốc tốt sẵn sàng dành thêm chút thì giờ giải thích rõ bệnh trạng, diễn tiến, biến chứng, phương cách trị liệu, đề phòng tái phát bằng ngôn ngữ dễ hiểu. Bệnh nhân sẽ thỏa mãn hơn nếu được bác sĩ yêu cầu góp ý kiến vào việc trị bệnh. Bác sĩ cũng đối xử không quá nghiêm khắc, lạnh nhạt, kiêu kỳ, coi nhẹ nhân vị bệnh nhân. Khi bệnh nhân không vui lòng với thầy thuốc thì họ đi kiếm bác sĩ khác, đổi bảo hiểm, lơ là với chỉ dẫn của bác sĩ. Nhiều lúc ta cũng dễ dàng chấp nhận sự bẳn tính của người thầy thuốc cao tuổi nhưng tận tâm và có khả năng.

3. Bổn phận bệnh nhân
Đã có những đòi hỏi của bệnh nhân với thầy thuốc, thì ngược lại thầy thuốc cũng có vài yêu cầu mà ta cần đáp ứng, vì sau khi đã lựa được vị bác sĩ vừa ý, ta trở thành thân chủ của họ. Là người bệnh, người hưởng thụ chăm sóc y tế, ta có những trách nhiệm phải thực hiện để việc đi khám bác sĩ mang lại kết quả tốt đẹp.
1. Đã có hẹn thì giữ hẹn, tới sớm một chút để có thì giờ ngồi nghỉ, coi lại những điều cần khai với bác sĩ. Nếu không giữ được hẹn, nên thông báo trước 24 giờ để bệnh nhân khác có thể được thay thế vào hẹn của mình.
2. Viết sẵn chi tiết bệnh với triệu chứng, tập trung vào điểm chính yếu, những thắc mắc muốn hỏi. Nếu có thể ghi những bệnh quan trọng mà thân nhân đã có, đang có.
3. Mang tất cả các dược phẩm đang uống để bác sĩ coi, tránh trường hợp cho thuốc giống nhau. Có thân nhân đi cùng cũng tốt vì người này nhắc ta câu hỏi bị quên, hay nhắc lại cho ta lời chỉ dẫn của bác sĩ.
4. Trình bày chính xác, rõ ràng về bệnh trạng của mình. Thí dụ là đau ở đâu, từ bao giờ, đau như thế nào, làm gì để bớt đau. Đặt câu hỏi cho tới khi hiểu rõ bệnh trạng, cũng như trả lời câu hỏi đầy đủ. Yêu cầu bác sĩ giải thích theo ngôn từ bình dân, dễ hiểu, dễ nhớ. Sự hài lòng với săn sóc y tế tùy thuộc phần lớn vào hiệu quả sự thông cảm, đối thoại giữa thầy thuốc và bệnh nhân.
5. Về nhà, dùng thuốc, ăn uống, nghỉ ngơi đúng theo chỉ dẫn. Liên lạc với bác sĩ ngay khi có triệu chứng bất thường hay có tác dụng phụ của dược phẩm.
6. Giữ đúng hẹn để được theo dõi kết quả việc trị liệu.
Mối tương quan thầy thuốc và bệnh nhân ở các quốc gia kỹ nghệ cao ngày nay chịu nhiều chi phối bởi các nhóm tài phiệt, thương mại. Thầy thuốc bị giới hạn trong việc trị bệnh, người bệnh được hạn chế quyền được chăm sóc y tế. Lương y trở thành người cung cấp dịch vụ, thân chủ là giới thụ hưởng. Mối giao hảo trở nên lỏng lẻo, sòng phẳng, đôi khi căng thẳng vì sơ hở là đôi bên đáo tụng đình, làm giàu cho nhóm người nhiều mưu mẹo pháp lý.
Nhưng, để sinh tồn, đôi bên vẫn phải giữ tương quan tốt với nhau, để một bên hưởng lợi nhuận kinh tế, một bên có sức khỏe bình an. Ngõ hầu cùng mong được an hưởng tuổi vàng.

Hết
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Previous

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 34 guests