Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 30 Oct 2016

Dòng Tiền Từ Singapore

Ngày: 17/04/2014
Nhân cuộc phỏng vấn của báo VNExpress (đăng vào ngày 17/4/2014), tôi xin chia sẻ thêm về tình hình kinh tế tài chánh tại xứ này.
Trước hết, có vài lý do khiến các nhà tài chánh Singapore đổ tiền vào thị trường Việt Nam:
1. Hiện nay, Singapore đang được các nhà đầu tư từ Mỹ, Âu, Úc và nhất là Trung Quốc đem tiền đến ủy thác, vì sự tín nhiệm Singapore đã tạo được trong việc điều hành kinh tế và thị trường tài chánh trong 2 thập kỷ rồi. Vì sự thặng dư tiền gởi lên đến mức đỉnh, nên các định chế tài chánh Singapore bắt buộc phải tái đầu tư vào các nơi khác.
2. Với dân số ít ỏi và thị trường nội địa eo hẹp, Singapore luôn tìm một chân đứng bên ngoài. Bốn nước Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar được coi như đối tác chiến lược tại ASEAN, cần lưu ý là dòng tiền Singapore vẫn ưu ái với Indonesia và Thái Lan hơn.
3. Vì các nhà đầu tư Trung Quốc đang có khuynh hướng “capital flight” (trốn khỏi Trung Quốc) nên dòng tiền đã chảy rất mạnh vào Âu Mỹ Úc và hai trung tâm tài chánh tự do nhất Á Châu: Hồng Kông và Singapore.
Dòng tiền này đã tạo nên nhiều bong bóng tài sản, nhất là bất động sản, tại Singapore. Nguy cơ lạm phát kèm với sự cố “vỡ bong bóng” khiến chánh phủ Singapore phải khuyến khích các định chế tài chánh đem tiền ra nước ngoài nhằm làm nguội bớt sức ép.
4. Hiện tượng này sẽ tiếp tục trong 3 năm tới. Nhiều chuyên gia tiên đoán là trong khoảng thời gian này, hay ngay sau đó, Singapore có thể phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng tài chánh khá lớn. Nó sẽ xẩy đến khi một trong những sự cố sau đây xuất phát:
Một, dòng tiền từ Trung Quốc ngừng chảy vì nhiều lý do: khủng hoảng nợ xấu tại Trung Quốc đạt điểm “no return”; chánh phủ Trung Quốc siết chặt tín dụng (đã đến 23 ngàn tỷ đô la) và kiểm soát “capital flight”; hay biến loạn kinh tế và xã hội tại Trung Quốc bùng nổ.
Hai, các tài sản mà định chế tài chánh của Singapore tái đầu tư vào quanh ASEAN sẽ sụt giá trầm trọng. Ai cũng biết là bong bóng bất động sản tại Indonesia hay Việt Nam cũng to lớn không kém Singapore và khả năng nợ xấu còn cao hơn nhiều. Cổ phiếu tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đang bị “làm giá” và “thổi phồng” với sự thiếu minh bạch và nhiều số liệu thống kê giả tạo.
Ba, chánh phủ Singapore (MAS: Monetary Authority of Singapore) không thể giữ lãi suất gần như zero sau khi Mỹ và Âu Châu thả lỏng lãi suất của họ. Điều này có thể là “trigger” (mồi lửa) để làm vỡ bong bóng tài sản và tạo nhiều nợ xấu cho các ngân hàng nội địa vì tín dụng cho người tiêu dùng đã gia tăng đáng ngại (tăng 48% từ 5 năm nay).
Do đó, có thể kết luận là Singapore đã đỡ cho khủng hoảng tài chánh và bong bóng nợ xấu tại Việt Nam phần nào khi chia sẻ với Việt Nam số tiền đầu tư từ Âu Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc chơi có thể tàn bất cứ lúc nào trong vài năm tới. Khi Singapore ngồi tiếc rẻ thời vàng son bây giờ thì nhiều doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam tùy thuộc vào dòng tiền cũng sẽ cháy túi theo.

Bài từ VNExpress: http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ ... 78944.html
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 30 Oct 2016

Những nguyên nhân khiến Trung Quốc áp đảo kinh tế Việt Nam

Ngày: 10/06/2014
Mọi người tiêu thụ đều thấy rằng hàng Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, ngay cả trong những sản phẩm mà chúng ta có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng như nông sản, thực phẩm… Trong khi đó, chúng ta xuất khẩu phần lớn các khoáng sản hay tài nguyên thiên nhiên qua Trung Quốc để họ chế biến sơ xài rồi tái bán ra những thành phẩm với giá cao gấp vài lần. Các sản xuất công nghiệp thì phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu, máy móc và công nghệ cũ của Trung Quốc, nhất là ngành dệt may, giầy dép, đồ gia dụng… Ngay cả trong lĩnh vực dịch vụ như du lịch, giải trí (phim ảnh, TV…), video games… Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu trên thị trường. Quan trọng hơn, những dự án tầm cỡ quốc gia về điện lực, khoáng sản, giao thông… 90% nhà thầu là công ty Trung Quốc.
Con số chứng minh hiện trạng trên biểu hiện theo thống kê nhập siêu của Việt Nam: trong 2012, chúng ta xuất qua Trung Quốc 19 tỷ USD và phải nhập khẩu đến gần 40 tỷ USD từ Trung Quốc.
Muốn tìm giải pháp cho vấn đề này để thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc trên mọi bình diện, chúng ta cần biết rõ những nguyên nhân đã gây ra sự áp đảo một chiều này:

1. Vị trí địa dư
Nằm cạnh một quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tất nhiên Việt Nam phải chịu nhiều tác động. Các cường quốc luôn có tham vọng bành trướng ảnh hưởng để thu lợi từ các quốc gia nhỏ bé hơn và các nước láng giềng có thể coi như là “low-hanging fruits” (trái quả ở vị trí thấp) dễ hái và thu nhặt trước.
Tuy nhiên, khi so sánh vị thế của Mexico và Canada cạnh Mỹ, ta có thể nhận biết sự khác biệt: dù ít dân hơn Mexico, Canada đã được Mỹ đối xử như một đối tác bình đẳng; và trong quan hệ kinh tế, Canada còn lợi dụng sự to lớn của thị trường Mỹ để tăng trưởng. Trong khi đó, với cơ chế lạc hậu và dân trí thấp kém, Mexico cam phận là sân sau của kinh tế Mỹ, gần giống như Việt Nam với Trung Quốc.
Trong thế chiến thứ hai, phát xít Đức đè bẹp các nước láng giềng, nhưng lại rất tôn trọng sự trung lập của Thụy Sĩ và các nước Bắc Âu. Một chánh sách khôn ngoan, chủ động của chánh phủ và một tầng lớp nhân dân giàu có dựa trên nền kinh tế độc lập là sự khác biệt giữa nô lệ và chủ quyền.

2. Yếu tố lịch sử
Sự bành trướng của các đế quốc trong lịch sử đều dựa vào tiền đề là xâm lược để tìm những tài nguyên hay tài sản nào mà đế quốc cần. Trong lịch sử Trung Quốc, nạn đói vì thiếu đất trồng trọt đã khiến quân đội Trung Quốc luân phiên Nam tiến để thỏa mãn bao tử của con dân. Đông Nam Á là miếng mồi hấp dẫn qua mọi triều đại, kể cả những cuộc di dân khổng lồ của người Trung Quốc để tránh bạo loạn trong nội địa.
Việt Nam là một điểm đến quen thuộc qua nhiều ngàn năm. Trong chiến dịch mới nhất, Trung Quốc đã dụ được các lãnh đạo Việt Nam bằng chiêu bài “lý tưởng quốc tế đại đồng” (theo góc nhìn của các hoàng đế Trung Quốc là “Hán hóa”), và họ đã thành công vì bất chiến tự nhiên thành.
Nhìn vào một lăng kính khác, hiện nay, nhu cầu của đế quốc Mỹ là “trí tuệ và sáng tạo” cho nền kinh tế dựa trên công nghệ cao. Không như Trung Quốc, Mỹ không cần đến dầu khí, khoáng sản hay nông phẩm từ Việt Nam; và chắc chắn là không nhắm vào thị trường đồ rẻ tiền.
Thực ra, chính Mỹ đã giúp 2 quốc gia đông dân nhất là Trung Quốc và Ấn Độ phát triển nhanh để gia tăng tài sản mềm cũng như để bành trướng thêm thị trường cho các sản phẩm cao cấp của Mỹ. Họ có thể là đối tác lý tưởng để Việt Nam thay đổi cốt rễ của nền kinh tế và tăng trưởng theo mức độ của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, giải pháp này không khả thi “vì ván đã đóng thuyền”. Khi cá đã cắn câu và chim đã vào lồng rồi, thì đành “lỡ bước sang ngang” vậy?

3. Mối tình đồng chí
Đa số lãnh đạo Việt Nam đã học tập rất tốt theo tấm gương Bác Hồ để kết thân và tạo những “mối tình” sâu xa với các đồng chí Trung Quốc (cũng như với anh sở khanh Liên xô).
Đây là một điều khó lý giải theo biện chứng khoa học, tuy vậy, mọi người đều hiểu rằng con tim có những lý lẽ riêng của nó.
Hội chứng người vợ bênh vực và sát cánh bên chồng, không rời bỏ được, dù gặp phải anh chồng vũ phu, bê bối, trụy lạc… là một bệnh tâm lý phổ thông trên toàn cầu.
Xã hội Mỹ dù lên án và bắt nhốt ngay các loại “chồng” này, nhưng thảm họa vẫn tồn tại mạnh mẽ, nhất là trong những cộng đồng thiểu số nghèo hèn. Văn hóa và pháp luật Việt Nam vẫn còn bảo thủ; nên chuyện yêu đương bệnh hoạn của các đồng chí Việt Trung sẽ còn tiếp tục vài ba thế hệ.

4. Môi trường quen thuộc
Doanh nhân Trung Quốc rất thích môi trường kinh doanh tại Việt Nam vì sự quen thuộc như sân nhà. Nhờ một sao chép khá tỉ mỉ về mô hình, cơ chế, văn hóa và ứng dụng vào mọi sinh hoạt của đàn em Việt, các doanh nhân Trung Quốc không chút bở ngỡ hay phải điều chỉnh tư duy làm ăn của họ khi đến Việt Nam. Sự quen thuộc tạo một lợi thế cạnh tranh lớn cho Trung Quốc so với các quốc gia khác.
Thông thường, một nhà đầu tư hay một thương nhân nước ngoài phải mất chừng 6 tháng đến 2 năm để làm quen với thủ tục hành chánh và luật lệ, tạo quan hệ với quan chức và đối tác, đi sâu vào các ngõ ngách của thị trường và thói quen của người tiêu dùng… Vì lối vận hành giống như một tỉnh của Trung Quốc, các doanh nhân Trung Quốc đốt ngắn giai đoạn và phát triển cơ sở, mạng lưới rất nhanh. Có thể nói, Việt Nam là điểm đến đầu tiên khi doanh nhân Trung Quốc cứu xét các cơ hội làm ăn cho công ty mình.

5. Chính sách của chánh phủ Việt Nam
Quan điểm chung của đa số lãnh đạo Việt Nam là Trung Quốc đã góp phần rất lớn vào các chiến thắng đánh Pháp, Mỹ và VNCH để Đảng và nhà nước có được quyền lực và quyền lợi ngày nay. Đó là một cái ơn nghĩa lớn hơn cả Thái Sơn như một ngài lý thuyết gia của Đảng (không nhớ tên) phát biểu trong một tiểu luận. Thêm vào đó, sau sự sụp đổ của đế chế Liên Xô, Trung Quốc là chỗ tựa lưng duy nhất của nhà cầm quyền.
Từ đó, doanh nhân Trung Quốc thừa hưởng những đặc quyền, đặc lợi từ nhiều dự án lớn nhỏ. Để tránh những dòm ngó của những thế lực chống đối, nhiều công ty Trung Quốc khi đầu tư hay mua bán làm ăn tại Việt Nam phải dùng vỏ bọc của BVI, Bermuda, Hồng Kong, Đài Loan… Nếu tính ra chủ nhân thực sự sau của những nhà đầu tư và doanh nhân này, Trung Quốc mới là nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Con số nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có thể lớn hơn nữa nếu thống kê bao gồm những điểm trung gian tiếp cận hàng hóa.

6. Tệ nạn phong bì
Các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam đều thừa nhận sự tham nhũng tràn lan tại khắp miền lãnh thổ. “Họ ăn không chừa một thứ gì…” là câu nói tiêu biểu.
Trong khi đó, có thể nói doanh nhân Trung Quốc năng động và nổi tiếng về nghệ thuật hối lộ. Trên khắp thế giới, các quan chức, kể cả Âu Mỹ, đều thích làm ăn với thương gia Trung Quốc. Chỗ nào không đưa được phong bì thì họ sẽ tìm cách khác để đưa quà hay lợi lộc nào đó để né tránh luật lệ.
Với thái độ cởi mở về phong bì, Việt Nam là một thiên đường để doanh nhân Trung Quốc tự do lợi dụng và hưởng lợi. Ngoài ra, trong khi doanh nhân Âu Mỹ Nhật lo sự về chuyện phạm pháp tù đày vì luật lệ xứ sở của họ cấm hối lộ; thì chánh phủ Trung Quốc khuyến khích doanh nhân nước họ dùng phong bì như là một vũ khí thương mại hiệu quả.

7. Kỹ năng của doanh nhân Trung Quốc
Sau cùng, chúng ta phải công nhận là doanh nhân Trung Quốc rất giỏi trong việc đột phá tìm thị trường và tạo ra những vị thế độc tôn. Dù không sáng tạo như người Do Thái, dân làm ăn Trung Quốc kiên nhẫn, thủ đoạn, cần cù, nắm bắt cơ hội, chịu đựng rủi ro… hay hơn mọi doanh nhân thể giới. Họ cũng ngoại giao tài tình: không ai mới hợp tác với doanh nhân Trung Quốc mà không choáng ngợp với sự tiếp đãi nồng hậu thân thương. Chỉ sau một thời gian, khi cá đã cắn câu, thì chúng ta mới nhận ra thế kẹt của mình.
Cộng với kỹ năng, mạng lưới Hoa Kiều tại năm châu và sự trợ giúp tận tình của chánh phủ Trung Quốc qua các tín dụng dễ dãi đã tăng thêm lợi thế cạnh tranh này.

Lời kết
Sự áp đảo kinh tế và chính trị của Trung Quốc với Việt Nam là một hiện thực với nhiều yếu tố khách quan khó vượt qua. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là một quyết tâm của lãnh đạo xây dựng cho đất nước một vị thế đáng nể trên góc nhìn của thế giới.
Sự nể trọng này, nhất là đối với Trung Quốc, có thể đến từ các yếu tố:
- Hành động thay vì những lời tuyên bố lảm nhảm không ai tin;
- Mở rộng cửa đón nhận nhà đầu tư và đối tác khắp thế giới để giảm sự chi phối của Trung Quốc trong nền kinh tế;
- Cởi trói cho khu vực tư nhân để doanh nhân Việt Nam tự do tìm định hướng mới cho nền kinh tế với bản sắc Việt;
- Giảm gánh nặng hành chánh, thuế má, nợ vay nước ngoài… bằng cách sa thải 2 phần 3 công chức;
- Nâng cao dân trí bằng sự minh bạch với các lỗi lầm trong quá khứ và đem kiến thức toàn cầu đến người dân bằng tự do Internet.
“Thoát Trung” có thể là một đề tài thời thượng cho các chuyên gia rảnh rỗi chém gió. “Thoát Ta” mới là một nhu cầu cấp bách để đưa Việt Nam vào thế kỷ 21.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 30 Oct 2016

Những Gói Kích Cầu Có Định Hướng

Ngày: 04/07/2013
Tôi đang viết một loạt bài về các giải pháp mà doanh nhân có thể sử dụng để vượt qua khủng hoảng hiện tại. Cốt lõi là phải tìm ra một sản phẩm hay dịch vụ nào có tính chất sáng tạo và đặc thù (innovation and differentiation).
Ở một bình diện khác, chánh phủ đang “quyết liệt” tìm giải pháp để cứu nguy nền kinh tế. Bước đầu là gói kích cầu 30 ngàn tỷ để cứu BDS, bước tiếp là lập ra VAMC để đổi hết nợ xấu của ngân hàng bằng trái phiếu (giấy lại hoàn giấy). Giải pháp độc quyền mua bán vàng của NHNN để thu gom tài sản còn nhàn rỗi (chẳng bao lâu chúng sẽ chạy quýnh đít) của dân là một phương thức khác. Tuy có thủ thuật hơn là việc in tiền rồi phân phát cho các đàn em, những gói kích cầu này hoàn toàn không hiệu quả. Nhất là khi các đàn em cứ có được đồng nào là đem dấu hay chuyển qua đầu tư nơi khác (Myanmar rồi Lào hay Kampuchia), không đem ra xài ở nội địa cho người dân nhờ.
Sáng nay tình cờ đọc báo thấy các đồng chí bên Bắc Triều Tiên có nhiều sáng kiến thần kỳ. Nếu đem áp dụng ở Việt Nam, tôi tin chắc lả các gói kích cầu tôi đề nghị dưới đây sẽ gây nhiều đột phá cho kinh tế nước nhà:

Bắt người dân khi ra đường là phải đeo huy hiệu cố lãnh tụ.
Bài báo còn ghi rõ là khi phu nhân Đại Lãnh Tụ mà quên đeo huy hiệu cũng bị “phê và tự phê” và bị cấm ra đường vài ngày gì đó. Thử tính, một huy hiệu giá khoảng 10 USD (hy vọng là không nhập từ Trung Quốc và dán nhãn Made in Vietnam), kinh tế sẽ có gần 1 tỷ USD kích cầu.
Theo chiều hướng này, nếu bắt người dân phải mang 5 huy hiệu của 5 cố lãnh tụ, chúng ta sẽ tạo ra 5 tỷ USD, cùng với những tác động cộng hưởng khác. Ở một góc nhìn khác, không ai còn dám phê bình là dân ta “suy thoái tư tưởng”.
http://cafebiz.vn/life-style/chuyen-la- ... 01ca50.chn

Xây nhà vệ sinh khắp nước
Đây là một nhu cầu thiết thực vì tôi còn nhớ đọc ở đâu đó rằng 60% dân số Việt không có nhà vệ sinh “chuẩn”? Giựt nước thay vì đổ xô, cuốn giấy đi cầu thay vì nhật báo (báo nào nhỉ?) hay lá chuối? Tóm lại, toàn dân phải sở hữu một nhà vệ sinh chuẩn. Đây là một nhân quyền có ghi trong… hiến pháp?
Một bài báo từ Vietnamnet cho biết các quan chức tốn khoảng 6 tỷ để xây 13 nhà vệ sinh, tính ra 500 triệu VND mỗi cái. Nếu Bộ Xây Dựng xây cho 60% dân số (khoảng 1.2 triệu nhà vệ sinh), nền kinh tế sẽ được kích cầu đến 600 ngàn tỷ. Các công ty xây dựng và sản xuất vật liệu sẽ lồm cồm mò dậy, cả nước sẽ tràn ngập hạnh phúc với… vệ sinh và Việt Nam sẽ hóa rồng nhanh chóng.
http://m.vietnamnet.vn/vn/kinh-te/12447 ... -dong.html
Theo chiều hướng “lo” cho dân (như trong vụ mũ bảo hiểm*), một bạn BCA đề nghị là nhà nước nên bắt mỗi người dân ra đường phải đeo “kính râm” khi trời nắng. Một bạn khác biết tính người Việt luôn quan tâm đến hậu sự, yêu cầu nhà nước ra nghị định mỗi người dân phải mua sẵn… “một quan tài” để trong nhà, phòng khi hữu sự không phải chạy quanh…
Tóm lại, có rất nhiều phương thức để kích cầu nền kinh tế này. Chúng ta có thể lấy ý kiến của toàn dân như kỳ đóng góp cho hiến pháp vừa qua. Với khoảng 26 triệu người tham dự “sáng tạo tập thể”, tôi tin là chúng ta sẽ qua mặt Bắc Triều Tiên về việc xài tiền OPM.
Thay vì để đầu óc nghèo nàn của một vài công chức ngồi không dãi g…, rồi đẻ ra trăm gói kích cầu hoàn toàn vô ích, sự “sáng tạo tập thể” sẽ đem toàn dân đến một đỉnh cao mới.
http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/ci-bo.html
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 30 Oct 2016

Thêm Một Cơ Hội Mới Cho Việt Nam

Ngày 27/07/2014
Tôi quyết định quay về kinh doanh tại Mỹ cách đây 3 năm. Kinh tế Việt Nam đang bước vào một chu kỳ mới mà dân làm ăn chúng tôi gọi là “day of reckoning” (ngày phán xét?); nôm na là khi các bong bóng bắt đầu xì hơi, rác rưởi như nợ xấu, gánh nặng hành chánh, tham nhũng… không còn đủ chỗ để đem “dấu dưới thảm” được nữa. Ở các nền kinh tế thị trường khác, những biến cố tương tự cũng không hiếm (chúng là cá thể của tư bản tham lam)… nhưng những lực đẩy từ chánh phủ đến tư nhân chung sức điều chỉnh; và sau vài năm, phần lớn các cấu trúc, vận hành bắt đầu hồi phục.
Việt Nam hơi khác. Trong định hướng CNXH, chánh phủ cố gắng điều trị theo lối “bôi dầu cù là”, hy vọng một phép lạ nào đó sẽ “úm ba la” chữa lành mọi bệnh tật. Còn tư nhân thì quen lối làm giàu dựa trên quan hệ với quyền lực nên không nghĩ đến các giải pháp sáng tạo nào khác ngoài việc “lobby” để hưởng cứu trợ, khoanh hay giảm nợ. Với một nhận định như vậy, tôi và nhiều nhà đầu tư ngoại dài hạn khác write-off (xóa sổ) các khoản tiền đã mất ở Việt Nam và đi tìm chân trời mới. (Tuy nhiên, một cơn bạo bệnh kéo dài hơn 1 năm đã làm chậm lại kế hoạch này của tôi).
Trong khi vài nhà đầu tư vẫn đam mê tiềm năng của các quốc gia mới nổi, phiêu lưu vào Myanmar, Ấn Độ, châu Phi… tôi đánh cược vào nền kinh tế Mỹ qua sự năng động của công nghệ mới, hệ thống pháp trị và những lực chuyển trong hai thập kỷ tới trên toàn cầu (Xin xem loạt bài về Lực Chuyển ở Phần 1 sách này). Sau một năm vất vả để hoàn thiện các chi tiết của kế hoạch kinh doanh, tiếp cận đối tác và mentors (thầy đỡ đầu), lấy xong giấy phép… tôi hứng khởi bắt tay vào việc mới… ở tuổi 69. Tôi đem gia đình đi nghỉ hè 1 tháng để thu nạp thêm năng lượng.
Trong khi đó, như chúng tôi đã tiên đoán, suốt 5 năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục tổ chức hội thảo liên miên để bàn về nợ xấu, tái cấu trúc, cải cách cơ chế, hệ thống ngân hàng, phương thức bắt kịp các quốc gia láng giềng… Chúng tôi đều đoán trước kết quả: thành phần có quyền và có tiền có quá nhiều thứ để mất nếu thay đổi, sợ bứt dây động rừng, sợ cạnh tranh trên một sân chơi bằng phẳng… Thành phần bỏ quên bên lề thì vẫn tiêu thụ bia rượu, thuốc lá, số đề… với nhiều kỷ lục mới và vẫn cho là mình hạnh phúc nhất nhì thế giới.
Bánh xe kinh tế tiếp tục lăn theo nhịp độ của FDI, kiều hối và ODA. Do đó, điều kiện đòi hỏi dành cho các dự án FDI càng ngày càng dễ dãi để lưu giữ dòng tiền đang rò rỉ từ Trung Quốc. (Lý do chính là vì giá sản xuất tại Trung Quốc cao vụt biến cùng những tệ nạn về ăn cắp bản quyền, khích động chánh trị Hán hóa của chánh phủ và hệ thống phong bì). Khoản tiền ODA càng vay nhiều càng tốt, lợi lộc càng nhiều… và việc trả nợ thì đã có thế hệ sau lo.
Ở tầm vĩ mô hơn, Việt Nam vẫn coi mình là đàn em ngoan ngoãn của Trung Quốc, có một đồng minh chiến lược với Nga, có những người bạn thân thiết như Bắc Triều Tiên, Cuba, Venezuela… An ninh nội địa vững vàng với gọng kềm kiểm soát và mọi chánh sách ngoại giao đều hướng về mục tiêu “làm vừa lòng mọi người”. Nếu đế quốc Mỹ có phàn nàn về nhân quyền thì ra vài câu tuyên bố lấy lệ, rồi quay lưng bảo nhau… thằng Mỹ nó giàu mạnh nhưng ngu lắm.
Trong bối cảnh đó, khó mà có thể hình dung Việt Nam biến thể thành một con chim cánh cụt… nói gì đến hóa rồng. Nếp sống người dân có thể tăng cao hơn đà tiến chung của nhân loại vì dân Việt thông minh và láu cá hơn; nhưng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn đội sổ về hiệu năng và vị trí.
Tuy nhiên, lá số tử vi của nhà cầm quyền Hà Nội tốt thật. Định mệnh lại tình cờ cho họ thêm một cơ hội mới.
Trung Quốc đem giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam, Putin Nga quay mặt ôm hôn Tập Cận Bình, và các bạn thân thiết như Bắc Triều Tiên, Cuba… hoàn toàn không quan tâm. Một tình thế mới tạo nên một thực tại mới khá phũ phàng, như khi người vợ khám phá ra là chồng đang ăn nằm với nhiều bà vợ khác, kể cả bạn thân của mình. Dĩ nhiên bà vợ vẫn mang nhiều hy vọng là ông chồng sẽ hồi tâm và quay lại với mình để nối lại cuộc đời “16 chữ vàng” như xưa.
Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên với các chánh trị gia chuyên nghiệp. Chơi đểu, lừa gạt, tham lam… là bài học hàng đầu từ Machiavelli, Tôn Tử… Chỉ có những ông già vừa ngu vừa điên… mới ngạc nhiên. Tuy vậy, một sự kiện làm tôi và vài chuyên gia “shocked” là sự can thiệp của Mỹ đã có hiệu lực đến thế nào với Trung Quốc! Vì quyền lợi của tư bản Mỹ trong thế cân bằng của địa chánh trị tại Biển Đông, Trung Quốc đã rút giàn khoan sớm hơn dự định, tránh một cuộc đối đầu bất lợi lúc này với liên minh Mỹ-Nhật-Úc. Dĩ nhiên, đây chỉ là một bước lùi để lấy đà tiến lên hai ba bước sau này… nhưng cũng là một chiến thắng nhỏ cho quyền lực Mỹ.
Quay lại thế cờ mới của Việt Nam. Cách đây vài năm, Myanmar phải thoát Trung bằng một động thái quyết liệt cần nhiều can đảm và vốn chính trị của các lãnh đạo. Theo một lời đồn, khi biết Myanmar muốn ngã về phương Tây, Trung Quốc đã bật đèn xanh để vài phần tử Miến Điện thân Trung Quốc thực hiện một cuộc đảo chánh. Âm mưu bất thành và định mệnh Myanmar bước vào một chu kỳ mới. Việt Nam may mắn hơn. Với sự tranh chấp công khai hóa toàn diện và với sự bầy tỏ ý muốn thoát Trung của đa số dân Việt, các phần tử thân Trung Quốc phải cẩn thận dè chừng trong mọi hành động.
Đây là cơ hội mới hiếm hoi cho những lãnh đạo Việt Nam muốn rẽ qua một con đường mới.
Nhiều người Việt “tự hào” là mình sẽ không cần theo ai hay thoát ai. Việt Nam có con đường riêng của mình. Tôi hiểu đó là con đường xuống bãi sình lầy chúng ta đã tới đích sau 70 năm cố gắng. Không dựa trên bất cứ một triết thuyết cao siêu nào về chính trị hay kinh tế, tôi có thể đoan chắc là trên mọi chiến trường hay thương trường, trừ khi bạn là một siêu cường, hay một lãnh đạo, bạn “phải” chọn phe. Không có sức mạnh nội tại mà đòi “trung lập”, thì sớm hay muộn, bạn sẽ bị cả hai phe tiêu diệt (nhiều khi chỉ cho bỏ ghét).
Tôi thực sự không biết các lãnh đạo Việt Nam sẽ chọn lựa như thế nào. Sẽ ngã về một nền kinh tế tư bản thị trường pháp trị của phương Tây như 98% các quốc gia khác đang làm; hay sẽ theo lời khuyên của hoàng đế cách mạng Fidel Castro đứng hẳn về một trật tự mới do Trung Quốc và Nga đang thiết lập? Dù thế nào, nó sẽ không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt và công việc của tôi hay triệu người gốc Việt trên khắp thế giới.
Tôi chỉ biết rằng ân sủng của ơn Trên đang cho Việt Nam một cơ hội mới. Như trong những video games, nút RESET đã được bấm. Quê hương và dân tộc đang chờ đợi.
Có thế chúng ta lại sẽ chẳng làm gì. Như suốt vài chục năm qua. Mọi người còn quá bận lo chuyện cá nhân và gia đình? Mong là định mệnh Việt Nam không hẩm hiu như vậy.

PS: “Không có quyết định nào khó khăn hơn, chịu nhiều thử thách hơn và khó đoán được thành quả hơn… là nắm cơ hội để đem đến một trật tự mới - There is nothing more difficult to take in hand, more perilous to conduct, or more uncertain in its success, than to take the lead in the introduction of a new order of things. - Niccolo Machiavelli)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 30 Oct 2016

Phần 5: Góc nhìn vĩ mô về kinh tế Việt

Năm tiên đoán của Alan Phan về kinh tế Việt Nam

Ngày: 08/03 /2012
Khi nền kinh tế suy thoái trầm trọng, lượng cầu tiêu dùng giảm mạnh và lạm phát cũng như lãi suất sẽ giảm theo. Đây không phải là những dấu hiệu tích cực để lạc quan.
Như thông lệ mỗi đầu năm, chúng ta đã được đọc rất nhiều bài viết 2012. Từ các chuyên gia có giấy phép và ăn lương chánh phủ (trực tiếp hay gián tiếp) đến những định chế tài chánh nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam, tất cả đều đưa ra những chỉ số hay bối cảnh tương đối giống nhau. Hai lý do chính: một là mọi người đều dựa vào các số liệu thống kê cung cấp bởi chánh phủ và nếu rác hay vàng cho vào một đầu, thì đầu ra cũng phải là rác hay vàng. Hai là vì tương lai làm ăn của họ cũng tùy thuộc vào chánh phủ, nên làm chánh phủ phật ý, bằng những dự đoán độc lập, ngoài luồng là mất việc.

Kết quả của các tiên đoán trong quá khứ
Hôm nọ, có chút thì giờ rãnh rỗi, tôi hỏi anh sinh viên trợ lý, lục soát lại các dự đoán kinh tế về Việt Nam trong 5 năm vừa qua, nhất là vào thời điểm Quý 1. Tôi nhờ anh chia ra 3 kết quả: các dự đoán đúng trên dưới 10%, trên dưới 50% và sai bét. Tỷ lệ cho thấy số sai bét chiếm 46% và số sai trên dưới 50% là 39%. Con số đúng chỉ được 15%. Tuy nhiên, thầy bói vẫn là một nghề đông khách dù có nói trúng hay sai. Và ít người biết được một xảo thuật kiếm tiền của nghề thầy bói là phải “coi mặt mà bắt hình dong”. Tiên đoán một tương lai sáng ngời cho mọi ông bà chi tiền sộp là có kỹ năng tiếp thị cao.
Tôi thường không tham dự vào các cuộc tiên đoán hàng năm. Dựa trên thống kê (phải trừ bớt những thổi phồng) hay các trải nghiệm quá khứ (con người luôn luôn tái diễn lịch sử qua các hành động ngu xuẩn về lâu dài) và dựa trên trực giác (rất giống các bà có chồng ngoại tình), tôi hay đưa ra những khuynh hướng (trend) của nền kinh tế vĩ mô hơn là những dự đoán ngắn hạn và không ổn định. Tuy nhiên, hôm nay, nghe lời khích bác của vài anh bạn, tôi thử dùng 3 nguyên tắc nói trên coi các tiên đoán của mình có chính xác hơn không. Nó cũng sẽ định hướng tương lai nghề làm thầy bói của tôi.
Trong các dự đoán thịnh hành, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6% trong 2012, lạm phát xuống còn 9%,tỷ giá đứng yên, cán cân mậu dịch cải thiện 23%, dự trữ ngoại hối tăng 18% v.v… Tóm lại, một nền kinh tế vĩ mô khá ổn định và ấn tượng so với sự suy thoái chậm chạp của toàn cầu. Quan chức chánh phủ cũng rất hãnh diện cho đây là kết quả của những quyết nghị tuyên tuyền của mình để thay đổi hướng đi của kinh tế tài chánh.

Những thực tế sau bộ mặt thành tích
Tuy nhiên, nếu các vị quan và các chuyên gia này sống thực trong một xã hội đụng chạm với thực tế hàng ngày, như các doanh nghiệp tư nhân nhỏ vừa hay các nhân viên sống nhờ đồng lương, họ sẽ nhận ra vài điều đáng buồn. Chẳng hạn, nhập siêu giảm mạnh không phải vì xuất khẩu tăng vượt tốc, mà vì nhu cầu tiêu dùng cũng như các hoạt động sản xuất đã ngừng trệ thảm hại. Đây cũng là lý do tỷ giá USD đã không tăng như dự đoán vì người dân đã hết tiền để trữ đô la hay xài hàng nhập khẩu. Khi nền kinh tế suy thoái trầm trọng, lượng cầu tiêu dùng giảm mạnh và lạm phát cũng như lãi suất sẽ giảm theo. Đây không phải là những dấu hiệu tích cực để lạc quan.
Từ góc nhìn này, tôi sẽ đánh liều và tiên đoán các sự kiện nổi bật sau đây của 2012 và vài năm tới:

Chánh phủ sẽ can thiệp mạnh hơn vào vận hành kinh tế.
Thay vì tiến về nền kinh tế thị trường và để mặc cho mọi thành phần tự điều chỉnh theo khả năng, chánh phủ sẽ sợ cuộc khủng hoảng biến thái không theo ý mình, nên các quan chức sẽ sử dụng mọi biện pháp hành chánh để lái con tàu đi sâu vào nền kinh tế bao cấp. Trước đó là sẽ in tiền thoải mái, cứu và không để ngân hàng nào phá sản; gần đây, là quyết nghị cứu thị trường chứng khoán bằng “tái cấu trúc” toàn diện cơ chế. Việc đổ tiền để vực dậy giá trị bất động sản đang được nghiên cứu, cũng như phương thức thu góp hết vàng trong dân để chuyển thành ngoại hối hay tiền đồng.
Để tránh những bất ổn xã hội, khuynh hướng kiểm soát giá cả sẽ gia tăng và xăng dầu cũng như điện nước sẽ được tiếp tục hổ trợ (subsidy).
Ngân sách nhà nước sẽ tăng thay vì giảm, nợ công tiếp tục tăng vọt vì đầu tư công vào các dự án khủng hay cơ sở hạ tầng cần được duy trì để tạo bộ mặt bền vững.
Đây cũng là tin khá tốt cho nền kinh tế dựa vào tiêu xài của chánh phủ và quan hệ tốt với quan chức. Doanh nghiệp nhà nước sẽ dồi dào nguồn vốn và tha hồ lợi dụng lợi thế độc quyền, đặc vị của mình. Doanh nghiệp tư nhân làm ăn nhiều với chánh phủ có thể hưởng tăng trưởng tốt trong những năm suy thoái tới.

Vàng và dầu sẽ gây lao đao cho tỷ giá và lạm phát
Tuy nhiên, các động thái can thiệp nói trên của chánh phủ sẽ không có ảnh hưởng lâu dài vì hai yếu tố toàn cầu: giá vàng và dầu hỏa. Việc in tiền của Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB) để cứu các ngân hàng lớn trong khối Euro và gói kích cầu số 3 (QE 3) của Cơ Quan Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục đẩy giá vàng và dầu hỏa lên và giá trị các bản vị USD hay Euro sẽ từ từ hạ giá, dù suy thoái toàn cầu sẽ làm quá trình này chậm lại. Một biến cố lớn ở Trung Đông hay Trung Quốc sẽ thay đổi hoàn toàn mọi dự đoán.
Tương tự, nền kinh tế suy thoái của Việt Nam sẽ giúp lạm phát và tỷ giá không gia tăng nhiều. Tuy nhiên, khi dòng tiền nhàn rỗi chạy theo cơn sốt vàng và dầu hỏa, các biến động và ảnh hưởng trên mọi hoạt động kinh tế tài chánh sẽ khó cân bằng. Những chánh sách nghị quyết sẽ bay theo mộng tưởng. Tất cả mọi chỉ tiêu về vĩ mô cũng như cán cân thương mại và các gói kích cầu hỗ trợ ngân hàng, chứng khoán và bất động sản sẽ trở nên bất khả thi và tương lai tùy thuộc vào “may rủi” nhiều hơn là hoạch định.

Các phi vụ M&A sẽ gia tăng mạnh
Một điều chắc chắn là trong tình trạng bất ổn, lãnh vực thu tóm và sát nhập công ty sẽ tăng trưởng tốt. Thị trường tài chánh thế giới luôn luôn có những dòng tiền mặt khá lớn để mua tài sản bán tháo. Phần lớn các nhà đầu tư nội địa, từng đổ tiền vào chứng khoán và bất động sản các năm trước, sẽ tham gia hăng hái vào cuộc săn đuổi này. Do đó mà tại sao tôi nói là trong 10 năm tới, rất nhiều tài sản sẽ đổi chủ và sẽ có những đại gia mới của Việt Nam lợi dụng cơ hội để kiếm tiền siêu tốc. Và ngược lại, nhiều siêu sao đang cháy sáng lúc này sẽ đi vào quên lãng.
Dù họ rất sẵn tiền, nhưng tôi nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham dự các phi vụ M&A một cách giới hạn. Các rào cản về thủ tục pháp lý, về lối thoát (exit), về quản trị địa phương và về bất ổn vĩ mô vẫn còn nhiều và sự thiếu minh bạch của các đối tác điều hành vẫn gây nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập gây khó khăn cho hàng nội địa
Trung Quốc hy vọng sẽ chỉ giảm tăng trưởng GDP xuống 7.5% so với 9.2% năm 2011. Sản xuất công nghiệp sẽ chịu nhiều tác động nhất vì sự đầu tư vào các nhà máy gần đây luôn vượt quá nhu cầu của thế giới, nhất là các hàng tiêu dùng và điện tử. Trong khi đó, với suy thoái tại Âu Châu và Nhật Bản và “dậm chân tại chỗ” của kinh tế Mỹ, những nơi còn lại để Trung Quốc bán tháo hàng rẻ tiền là các quốc gia mới nổi, nhất là các láng giềng.
Ba lợi thế cạnh tranh đáng kể của hàng Trung Quốc: (a) tỷ giá RMB dưới giá trị thực khoảng 26% (trong khi VND trên giá trị thực gần 14%) tạo một khác biệt chừng 40% trên giá thành; (b) hệ thống tiếp liệu các linh kiện và hiệu năng sản xuất cùng công nghệ hiện đại tạo một thành phẩm có giá trị cao; và (c) thị trường nội địa Tàu rộng lớn tạo lợi điểm chuyển giá theo nhu cầu và đặc điểm của thị trường xuất khẩu.
Mặc cho khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt”, khách hàng trong thời buổi kiệm ước sẽ lựa chọn túi tiền thay vì lòng yêu nước và các nhà sản xuất Việt có sản phẩm tương tự như Trung Quốc sẽ gặp khốn khó.

Thị trường bất động sản có thể thoát hiểm với luật đất đai mới
Sau vụ Tiên Lãng, các quan chức lãnh đạo “đã về hưu” cổ súy cho một thay đổi sâu xa về luật nhà đất. Chưa thấy quốc hội có động tĩnh gì, nhưng việc không áp đặt luật về hộ khẩu và những cải tổ sâu rộng về luật bất động sản bên Trung Quốc khiến nhiều đại gia Việt hưng phấn chờ đợi. Tôi nghĩ đây là một cú hích quan trọng có thể gây một cơn sốt mới cho giá trị bất động sản ờ Việt Nam vì lý do đơn giản là người có tiền ở Việt Nam không có nhiều lựa chọn về đầu tư. Hai yếu tố quan trọng khác là sự thu hút đầu tư mới của Việt kiều và các quỹ nước ngoài.
Thêm vào đó, hiện các nhóm lợi ích trong ngân hàng, quỹ đầu tư, tập đoàn kinh tế, tổng công ty… đang nắm giữ một số lượng tài sản rất lớn liên quan đến địa ốc. Việc tăng giá trị bất động sản xuyên qua việc thay đổi luật nhà đất là một việc mọi người mọi nhóm đều nhất trí đoàn kết để đạt mục tiêu. Chuyện oái oăm là nếu không nhờ cái luật nhà đất bất công ngày xưa, các nhóm này đã không giàu và quyền lực như ngày nay. Dù sao, qua sông rồi thì phải đắm đò, Tôn Tử dạy thế.
Tuy nhiên theo nhận xét cá nhân về quy trình để thay đổi luật lệ tại Việt Nam, tôi thấy thủ tục cũng nhiêu khê và đòi hỏi rất nhiều quyết đoán từ các cấp lãnh đạo. Tôi không lạc quan như các đại gia bất động sản, nhưng dù là cơ hội thay đổi có ít hơn 50%, đây cũng có thể là một cú ngoặc đáng kể trong sự phát triển kinh tế.
Tóm lại, đó là 5 sự kiện tôi cho là sẽ đánh dấu ấn trên nền kinh tế tài chánh của Việt nam trong 2012. Những điều sẽ không thay đổi trong năm 2012 thì phần lớn các bạn đã biết rồi: Việt Nam sẽ xếp đầu bảng của thế giới về ăn nhậu tiêu xài, về chỉ số hạnh phúc, về tai nạn giao thông, về huân chương phân phát, về tự hào dân tộc, về ô nhiễm môi trường, về kỹ nghệ làm quan, và về ổn định chính trị.
Thế giới ngoài kia cũng sẽ long đong với những biến đổi của năm con Rồng và những nợ nần, sai lầm từ các năm vừa qua. Tuy nhiên, các nền kinh tế minh bạch và chấp nhận phê phán sẽ tự chỉnh sửa và các chuyên gia có thể tiên đoán thời điểm hồi phục khá chính xác. Chúng ta thì chỉ biết lầm bầm,” Xin ơn Trên phù hộ”.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 30 Oct 2016

Bóng Con Thiên Nga Đen?

Ngày 17/01/2015
Nhiều thân hữu phàn nàn lúc này bác Alan viết ít quá. Thực sự tôi đang khá bận, lo tái khởi động lại công việc sau thời gian nghĩ lễ dài; nhưng lý do xác đáng hơn là lúc này không mấy ai đọc bài của ông già hay lên “góc nhìn alan”. Ai cũng say mê đón chờ các bài mới của Blog Chân Dung Quyền Lực, kể cả ông già. Dù muốn loay hoay múa miệng, nhưng theo đúng tôn chỉ không đụng chạm vào “mưa máu giang hồ”, ông già xin viết về chuyện gia đình của một người bà con vậy.

Love story
(Mọi chuyện tình đều cần một nhân tố nào đó - Every love story needs a catalyst of some sort - Ian Somerhalder)
Cặp vợ chồng lấy nhau đã lâu, hơn 40 năm, nhưng có cảm giác như đã gần 100 năm rồi. Dù là từ một môi trường phong kiến, nhưng người vợ theo tiếng gọi của con tim chứ không bị ép buộc. Tuổi trẻ bồng bột dễ yêu và người chồng lại biết tạo ra hình ảnh của một chàng trai lý tưởng, sống vì dân tộc, đất nước, xã hội, cộng đồng, nên chinh phục dễ dàng cô gái quê, suốt đời yên phận sau lũy tre làng.
Vài chục năm đầu, cuộc sống hai người rất chật vật, phải bon chen tranh đấu vất vả để vươn lên vì tai họa cứ rình rập tạo bất ổn thường trực. Chồng đi lao động khắp nơi kể cả nước ngoài. Vợ cô đơn ở nhà miệt mài hy sinh mọi hạnh phúc cá nhân để sống còn và phụng dưỡng cha mẹ, con cái, gia quyến, làng nước… Nước mắt vợ đổ xuống hàng ngày thay cho chén canh.
Một hôm, người chồng quay về, mang theo 2 người khách nước ngoài. Vợ quá mừng nhưng người chồng đã thay đổi đến tận xương tủy. Ông lạnh lùng tàn nhẫn với vợ, chỉ quanh quẩn thảo luận đại sự bên 2 người khách, bỏ mặc vợ con cầu khẩn xin chút quan tâm. ông cũng tha hóa nhiều hơn: rượu chè thuốc lá be bét mỗi ngày; rồi lại còn thêm tật dan díu với đủ hạng gái hư hỏng quanh làng mạc. Nghe nói ông có vài đứa con rơi với nhiều bà, kể cả các bà đã có chồng đàng hoàng.
Sau vài năm, vận may đến nhờ sự giúp đỡ của 2 ông khách quý. Ông mở được một cửa hàng tạp hóa, dù ọp ẹp nhỏ bé, nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, vợ con vẫn mò cua bắt ếch làm ruộng mưu sinh, vì ông có một thói quen rất tiện: chỉ lấy của người khác chứ chưa bao giờ cho ai. Gia đình với ông chỉ là một tên gọi vô nghĩa; thêm nữa, lúc này ông cho ông là một vĩ nhân, chỉ chăm chú vào sự thăng tiến của thế giới đại đồng.
Một tật xấu khác là ông thích thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh vợ con suốt ngày, cũng như nổi danh khắp quê khắp huyện về chuyện gây gỗ và đánh đấm với hàng xóm. Nhưng mọi người sống với văn hóa Khổng Mạnh đã quá lâu, nhịn nhục, chín bỏ làm mười là nguyên tắc.
Tham vọng cao, ông tiếp tục nhờ 2 ông khách đỡ đầu mở rộng cửa hàng tạp hóa. Sau bao nhiêu thăng trầm, ông cũng đạt được ý nguyện. Nhờ một phi vụ lường gạt rồi cướp của, ông có được một tài sản lớn và tạo được nể phục của giới giang hồ. Tuy nhiên, với bản tính xấu xí, dối trá và ích kỷ, ông chỉ có một nhóm nhỏ du thử du thực làm “bạn”. Bọn này thì cũng chỉ lợi dụng trí ngây thơ, ngu dốt và sĩ diện hão của ông để hưởng lợi cho mình.
Cứ thế thời gian qua mau. Người vợ đã yên thân với cuộc sống dù đau khổ nhưng kín đáo trong lòng; người chồng vẫn ngựa quen đường cũ, càng thêm tha hóa vì giờ đã có chút tiền; con cái lêu lỏng hư hỏng nhưng không ai quan tâm; và hàng xóm thì đã nhàm chán với chuyện nhảm nhí của gia đình này nên đi tìm những đàm tiếu ở nơi khác.

Game-changing moment
(Chúng ta không nhớ tháng ngày, chúng ta nhớ khoảnh khắc - We do not remember days, we remember moments - Cesare Pavese)
Một ngày đẹp trời, thế giới của hai vợ chồng bắt đầu dậy sóng. Khởi đầu là chuyện ông khách nước ngoài bịp bợm, chiếm hữu của người chồng một số tài sản lớn. Chồng cầu cứu người bạn thứ hai nhưng tay này lại dửng dưng, quay mặt. Cô thế và tỉnh giấc mộng hoàng kim, người chồng tìm sự an ủi nơi những tay giang hồ côn đồ còn lại trong cộng đồng. Sau khi rút tỉa thêm ít tiền bạc của cải từ người chồng, những ông bạn mới còn âm mưu chiếm đoạt tất cả tài sản còn lại. Đối diện với thảm họa của phá sản, người chồng tìm giải pháp… kể cả những phương thức mà trước đây ông chưa bao giờ nghĩ đến.
Ông quay lại với người vợ. Đầu tiên, ông minh bạch vài chuyện dối trá, lừa bịp ông đã gây ra cho bà và gia đình. Cả những dan díu lăng nhăng bất chánh với các phụ nữ khác; và những scandals ông đã ném đá dấu tay gây hại cho bao nhiêu bạn bè người thân. Có lẽ ông chỉ hé lộ một phần nhỏ nào đó của sự thật, nhưng đây đã là một cách mạng. Sau đó, ông bỏ thì giờ ngồi với bà và nói muốn nghe những bức xúc thất vọng của bà hiện nay. Ông hứa là sẽ sống chân thành hơn, lo cho tương lai của bà và gia đình hơn và sẽ cùng bà viết lại những trang sách mới cho cuối đời.
Bà im lặng. Những trận đòn thù, những trở mặt nhanh chóng trong ký ức, những lừa dối trâng tráo suốt thời gian chung sống vẫn để lại dấu ấn nặng nề trong tiềm thức. Bà tin một điều nơi người chồng: bản chất mưu mô thủ đoạn của ông chắc chẳng bao giờ thay đổi.
Bà không biết đằng sau thái độ ngọt ngào mới của ông chứa đựng những toan tính gì? Ông muốn bòn rút mớ vàng bạc bà đã ký cóp để dành sau vài chục năm và dấu kỹ sau vườn? Ông hy vọng sức cần cù lao động của bà có thể giúp ông tạo lại sức sống cho doanh nghiệp? Ông nói về những cơ hội mới trong một thế giới mới nhưng liệu ông có đủ tầm nhìn và khả năng nắm bắt? Rồi sự thành thật của ông? Bao nhiêu phần trăm là kịch diễn? Bao nhiêu phần trăm là sự xếp đặt của nhóm du thủ du thực vẫn còn bao quanh ông?

Mystery of future
(Sự bao dung thực sự cho tương lai nằm trong mọi cống hiến cho hiện tại - Real generosity towards the future lies in giving it all to the present - Albert Camus)
Tôi tình cờ gặp bà trong chuyến về thăm quê. Cùng ngồi trên một chiếc phà, bà có thì giờ kể lể từng tình tiết của câu chuyện. Bà hỏi tôi nghĩ thế nào và cho bà vài ý kiến, vì tôi đi nhiều xứ, có cơ hội phán đoán chuyện thiên hạ rõ hơn. Tôi cũng ở ngoài cuộc nên có lẽ khách quan hơn. Bà hỏi tôi nghĩ lần này ông có thành thực? Bà có nên tha thứ cho chồng và cùng nhau làm lại từ đầu? Tên khách nước ngoài còn có thể dụ dỗ ông để tiếp tục bòn rút? Bọn ăn hại quanh ông có nhẩy vào phá đám? Trên hết, liệu ông có thực sự thay đổi?
Tôi không biết nói gì. Nhân tình thế thái luôn phức tạp và đa dạng. Mỗi con người lại khác nhau vì định mệnh, tư duy và những lựa chọn. Ngày xưa, khi còn trẻ đẹp, nếu có chút khôn ngoan, chắc bà đã có thể là một mệnh phụ đáng kính như những người bạn hàng xóm. Bây giờ, bà đã lãng phí 70 năm của đời người ngắn ngủi, sống đời nghèo khổ, bị khinh thị khắp nơi và con cái cũng đã quá hư hỏng để giúp gì trong tiến trình nâng cao chất lượng sống của gia đình.
Tuy nhiên, tôi không tin là bất cứ ai nên bỏ cuộc. Còn sức sống là còn hy vọng. Còn đam mê là còn tinh thần. Sự trau dồi kỹ năng và bắt tay hành động vẫn là nguyên lý duy nhất để cải thiện mọi tình huống. Trang bị một tư duy mới, một niềm tin mới, một lựa chọn mới… luôn là giải pháp chính xác nhất cho mọi bài toán. Tôi nghĩ có thể mình không tin vào sự cải hóa của người chồng già, nhưng chúng ta nên tin vào sự thay đổi của tuổi trẻ. Những đứa con bà là câu trả lời cho tương lai.
Dấu hiệu quay về với gia đình của người chồng có thể là một thần kỳ hiếm có như sự xuất hiện của con thiên nga đen. Nó cũng có thể là một kịch bản tinh vi của thủ thuật giang hồ.
Tuy nhiên, tại sao mình cần phân giải về điều này, tôi nói với bà.
Hãy để hành động sắp tới của ông chồng tự chứng minh. Ngay bây giờ, bà hãy đặt cho mình và con cái một chương trình cụ thể, từng bước nhỏ một, trong việc thay đổi tư duy, hành động… với mục tiêu bắt kịp và hòa đồng với những người bà kính nể. Hãy biết tự tìm đường và cương quyết không tùy thuộc vào bất cứ ai, kể cả người chồng hay đám bạn của ông ta. Hãy sống với đam mê của chính mình và chỉ làm những gì mình tự hãnh diện.
Bóng con thiên nga đen có thể chỉ là ảo tưởng… nhưng tầm nhìn và tư duy trong lòng mình là một thực tế muôn đời.
Có lẽ cuối tuần này tôi hơi lông bông với ngòi viết và suy tưởng? Có lẽ tôi nên đọc hết các bài trên Chân Dung Quyền Lực và chăm chú vào trận đá bóng chung kết của NFL (bóng bầu dục của Mỹ)? Vì dù sao, đó cũng là “chuyện người ta”?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 30 Oct 2016

Những gì chờ đợi Việt Nam?

Ngày 27/12/2014
Tôi có thói quen hay ghi lại những gì đang lộn xộn trong đầu óc khi chợt thức giữa đêm. Noel 2014 đã qua và New Year 2015 sắp đến, không biết sao tôi lại nhớ đến câu nói này của 2 danh nhân;” Suy tư thường dễ dàng, hành động thường khó khăn, và điều khó khăn nhất thế giới là biến suy tư thành hành động - Thinking is easy, acting is difficult, and to put one’s thought into action is the most difficult thing in the world - J. w. von Goethe. “ Rồi, “Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu - Discipline is the bridge between goals and accomplishment - Jim Rohn”.
Bao nhiêu câu hỏi từ các phóng viên, từ các emails riêng tư của bạn đọc… đều quay quanh chủ đề là theo góc nhìn của Alan, trong năm 2015 và xa hơn, những gì sẽ đến với Việt Nam và các thành phần trong xã hội. Doanh nghiệp nào hay ngành nghề nào hay kênh đầu tư nào sẽ chịu thiệt và ai sẽ hưởng lợi. Hệ thống ngân hàng hay bất động sản có vỡ trận? Kinh tế thế giới sẽ tác động thế nào vào Việt Nam? Vì tôi đã im lặng khá lâu về các vấn đề trên, nên các bạn khuyên là phải “xả bầu tâm sự” vào dịp cuối năm này.
Như thường lệ, xin cảnh báo cùng bạn đọc đây chỉ là một phân tích cá nhân nhiều chủ quan của một nhà kinh doanh và đầu tư, không phải là một nghiên khảo gì sâu sắc theo chuẩn của giới hàn lâm. Tôi hy vọng nếu có sai lầm thì chỉ mình ông già Alan phải trả giá.
Trước hết là xu thế toàn cầu. Vụ giá dầu thô giảm kỷ lục vì đồng Mỹ kim lên giá, vì vài tác nhân địa chính trị cũng như vì luật cung cầu là một thiên nga đen khá bất ngờ trong dự đoán kinh tế cho 2014. Tôi nghĩ rằng tình hình bất ổn từ sự kiện này sẽ tiếp tục diễn biến trong vài năm tới. Dù gây thâm hụt cho ngân sách các quốc gia xuất khẩu dầu, giá dầu thô rẻ sẽ kích thích thêm mãi lực của người tiêu dùng và giữ lạm phát toàn cầu ở mức rất thấp. Tuy nhiên, với những món nợ công và tư thanh toán bằng Mỹ kim, gánh nặng gia tăng trên vốn và lãi có thể cao hơn những lợi ích thu lại từ tiêu dùng.
Về địa chính trị, Mỹ và Tây Âu đang thắng thế trong những tranh chấp với các cường quốc cũ từ khối Cộng sản. Nga và Trung Quốc dầu có liên minh chặt chẽ cũng không đủ lực để xoay trở thế cờ. Tuy nhiên, với lòng sĩ diện cao độ của 2 ông Putin và Tập Cận Bình, Nga và Trung Quốc có thể khuấy lên những phá rối địa phương, cũng như họp với nhóm Hồi giáo cực đoan để gây thêm bất ổn cho những thăng bằng về quyền lực và đồng Mỹ kim. Mùa bầu cử Tổng Thống Mỹ vào năm 2016 sẽ tùy thuộc nhiều vào các biến động này.
Quay lại Việt Nam, mối đe dọa lớn nhất cho chính quyền là những thành tựu hay thất bại về kinh tế, nhất là việc nâng cao mức thu nhập của đa số người dân. Việc thay đổi cơ chế và tái cấu trúc toàn diện tuy cần thiết nhưng sẽ tiếp tục nằm trên bàn giấy của các quan chức; lý do là có quá nhiều dây mơ rễ má và mâu thuẫn của các thế lực lợi ích, để thay đổi sâu rộng trong việc thực thi bất cứ giải pháp gì về nền kinh tế. Dù được nhiều nhóm tư bản đỏ ủng hộ (hy vọng một chuyển giao tài sản lớn lao như Nga 20 năm trước), việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ vẫn trì trệ vì các phe nhóm đảng không chịu buông.
Do đó, mức thu nhập thực sự của đa số người dân sẽ không thể gia tăng nếu tính theo ppp (parity purchasing power) với tỷ giá đô la sẽ tăng cao ở thị trường tự do. Ngoài ra, vì sự thiếu hụt ngân sách trầm trọng hơn, chính phủ sẽ truy thu tận mức mọi loại thuế phí, tạo thêm gánh nặng đã quá tải cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, giới cầm quyền sẽ yên tâm vì hai cột trụ FDI và kiều hối vẫn tăng đều đặn và tiếp tục yểm trợ cho các hoạt động kinh tế chính yếu, nhất là tăng trưởng GDP và dự trữ ngoại hối, ít nhất trên thống kê của chính phủ.
Ngoài ra, mặc cho bao bơm thổi từ PR công và tư, chứng khoán, bất động sản và những hoạt động kinh doanh tư nhân vẫn èo uột và không thể đột phá. Bài toán nợ xấu sẽ phải đợi vài năm tới khi kinh tế khả quan hơn và chính phủ có đủ phương tiện thanh toán.
Trong khi đó, một thiểu số người giàu và những thành phần hưởng lợi từ FDI và kiều hối sẽ an hưởng nhiều phúc lợi hơn từ thu nhập cao cùng việc giảm phát. Họ gồm các quan chức, những nhân viên và đối tác làm cho doanh nghiệp FDI và các hộ dân có tiếp tế từ nước ngoài. Nhóm quản lý trẻ Việt kiều sẽ tăng nhân số vì các công ty đa quốc thích sử dụng họ tại những địa phương bản xứ.
Phần còn lại, đa số người dân sẽ hứng chịu một tình huống tệ hơn vì thu nhập không tăng, làm ăn khó khăn vì cạnh tranh của toàn cầu và sưu cao thuế nặng của Việt Nam. Họ vẫn phải tiếp tục đối đầu với ô nhiễm môi trường do các nhà máy FDI mới; với tệ nạn quản lý giáo dục và y tế công cộng; với thực phẩm độc hại và thói quen ăn nhậu, thuốc lá… bừa bãi; với nạn giao thông hỗn loạn; với tham nhũng phong bì khắp nơi và trên hết là sự thiếu hụt một mạng lưới an ninh xã hội cho người nghèo. Một yếu tố mới có thể gây bất ổn xã hội là sự du nhập những công dân hạng nhất từ Trung Quốc, Hàn Quốc… trong bối cảnh một một nền chính trị tư pháp “vũ như cẩn”.
Chất xám và tư bản “đen” tiếp tục “di cư” và tinh hoa của đất nước càng ngày càng biến dạng. Sự tạm bợ thành căn bản trong văn hóa và tư duy nên phong cách sống không còn chiều sâu. Mọi người thi nhau tranh giành, chụp giựt nên tội phạm sẽ gia tăng và chủ nghĩa mackeno sẽ thăng hoa trên nhiều khía cạnh.
Tuy nhiên, ngoài những tranh chấp quyền lực vẫn thường xẩy ra ở thượng tầng lãnh đạo, không một nội lực nào có đủ khả năng để tạo thay đổi về chính trị. Trong lịch sử cận đại, mọi thay đổi của Việt Nam đều đến từ những tác nhân “nước ngoài”. Hiện nay, mọi cường quốc có thể ảnh hưởng đến Việt Nam đều chấp nhận nguyên tắc “live and let live”. Không ai muốn quấy rối một “status quo”, dù sự ổn định đó là thực hay ảo, phi lý hay theo thời.
Trong những nước tôi đã đi qua, Nigeria tạo cho tôi nhiều ấn tượng đặc biệt. Đây là quốc gia đông dân nhất của châu Phi, với tài nguyên “tiền rừng bạc biển” nhờ dầu khí và khoáng sản. Thiên nhiên ưu đãi mảnh đất trù phú nông nghiệp, thuận lợi cho kỹ nghệ du lịch, và địa chính trị cạnh biển tạo một nền thương mại khá phồn thịnh cách đây vài trăm năm.
Trong lịch sử, Nigeria bị đô hộ bởi thực dân Anh hơn 15 thập niên, dành độc lập ít lâu thì lâm vào cuộc nội chiến tàn khốc, giữa nhóm dân Hausa và Yoruba, có liên quan đến chủ nghĩa, truyền thống bộ lạc và yếu tố Thiên Chúa giáo-Hồi giáo. Vài lãnh tụ cũng tập tễnh theo chủ nghĩa Mác Lê, nhưng chỉ sau vài năm, họ vái dài CNXH và quay lại với tư bản hoang dã.
Dân Nigeria thông minh, khôn vặt, năng động và quỷ quái nhất châu Phi. Họ phiêu lưu khắp thế giới “xuất khẩu lao động” và đóng góp số tiền kiều hối khoảng 22 tỷ đô la mỗi năm. Với GDP chừng 500 tỷ, chia ra cho 175 triệu dân, thu nhập hàng năm của mỗi người dân khoảng 2,800 đô la. Chính phủ Nigeria nổi tiếng về tham nhũng, lãng phí, có quá nhiều “đầy tớ nhân dân” cùng luật rừng, một nhóm đại gia siêu giàu và kinh tế gần như tùy thuộc hoàn toàn vào FDI và kiều hối. Dân Nigeria cũng say mê bóng đá, sex và scams (lừa bịp).
Khác với Việt Nam, Nigeria có một nền dân chủ đa nguyên (ít nhất là trên giấy tờ); và thống kê của chính phủ có vẻ chân thật: tỷ lệ thất nghiệp là 24%… và không lãnh đạo nào tuyên bố dân họ… hạnh phúc nhất nhì thế giới, về văn hóa, nhà văn Wole Soyinka của Nigeria đã từng đoạt giải Nobel về văn học: ông Chinua Achebe tạo tiếng vang thế giới với tác phẩm Things Fall Apart (Mọi Thứ Gẫy Đổ).
Một anh bạn người Nigeria cùng học với tôi ở Penn State 51 năm về trước vẫn giữ liên lạc. Anh về nước khoảng 1970, năng động trên trường chính trị Nigerian, leo đến chức Bộ Trưởng vài năm dưới một chánh quyền quân sự nào đó thời 90’s. Trong một cuộc đảo chánh, vợ con bị giết, anh chạy thoát qua Mỹ tỵ nạn và giữ một chân giảng viên đại học ở Mid-west cho đến nay. Anh vẫn trăn trở với quê hương đất nước và đợi chờ mỏi mòn cho một đổi mới, anh gọi là new dawn (bình minh mới). Cách đây 2 tháng, tôi cùng anh chuyện trò vớ vẩn qua điện thoại. Sau 20 phút, anh kết luận, “Yes, I'm still waiting… but I'm no longer knowing what to expect… What’s about Vietnam?” (Vâng, tôi vẫn chờ… nhưng tôi không còn biết phải mong đợi điều gì?… Còn Việt Nam thì sao?”)
Tôi im lặng và nói goodbye.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 30 Oct 2016

Nghịch lý kinh tế thực

Ngày: 20/04/2012
Các chuyên gia chánh phủ đều tiên đoán là kinh tế sẽ hồi phục vào Quý 3 năm nay. Nhưng chuyện lạ là các hội thảo về “tái cấu trúc” hay “giải pháp vượt bão” hay “tìm vốn cho doanh nghiệp” hay “cứu bất động sản” vẫn được tổ chức dài dài mỗi tuần.
Khi nợ xấu ngân hàng được công nhận là chỉ 3% (4.5 tỷ USD) của tổng nợ dư thì tại sao lại phải tái cấu trúc ngân hàng? Đây là một con số cho thấy hệ thống ngân hàng chúng ta khỏe như trâu. Hay kinh tế sẽ hồi phục trong 2 tháng nữa, thì 200 ngàn doanh nghiệp vừa giải thể sẽ đăng ký xin giấy phép lại mấy hồi? Lạm phát dưới 10% trong biến động kinh tế này thì quả là một thành tích đáng khen; như việc giữ vững tỷ giá đô la là minh chứng của hiệu quả trong chính sách tài chánh của nhà nước. Vậy có gì để bàn cãi hay tìm giải pháp? Để thì giờ đi học lớp viết kịch bản và diễn xuất cho các phim trẻ em sẽ lợi hơn nhiều.
Tôi thực sự không biết nói gì. Nhất là khi sự thật được coi như là một đặc quyền của người có quyền và mọi người còn lại hãy thỏa mãn với những tuyên cáo thống kê chánh thức.
Tôi cũng muốn các bạn trẻ chưa nhiều kinh nghiệm suy ngẫm vài điều khi kinh doanh. Thứ nhất, khi sự thật còn đang đi chơi, thì mọi phân tích suy diễn chỉ là một trò đùa không ai cười nổi. Thứ hai, dù dốt toán, nhưng tôi vẫn biết cộng trừ nhân chia. Hy vọng các bạn doanh nhân trẻ của tôi cũng có được kỹ năng này. Thứ ba, khi không biết nhiều về đối tác, đừng để ý đến những gì họ nói mà nhìn kỹ những gì họ làm. Sau cùng, nếu mọi chuyện đẹp như mơ, thì quả là bạn đang mơ thật.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 30 Oct 2016

Những câu hỏi cho nền kinh tế Việt Nam

Ngày: 20/06/2012
Trong nền kinh tể quốc gia, người dân là khách hàng, là nhà đầu tư và các quan chức là người bán hàng. Mục tiêu là sự thỏa mãn của “Thượng Đế”. Ngoài việc làm cho túi tiền của dân càng ngày càng phồng to, bộ máy lãnh đạo phải tạo thương hiệu, hay “niềm tin” của khách hàng vào chất lượng dịch vụ của mình. ít nhất là họ phải tin rằng người bán sẽ giao đúng món hàng, đúng giờ và đúng giá… như lời hứa.

Khi nói chuyện kinh tế, nhiều chuyên gia thường lên giọng nghiêm túc và dùng những danh từ khó hiểu nhất pha lẫn những khẩu hiệu chánh trị rồi kèm theo những con số thường là do các nhóm lợi ích cung cấp để không ai thấy rõ những mục tiêu riêng của mình và phe nhóm. Thực ra, sự điều hành kinh tế của một quốc gia không khác gì việc điều hành một doanh nghiệp. Một nền kinh tế cũng cần doanh thu (thuế, hàng xuất khẩu, kiều hối…), vốn đầu tư (FDI, FII, dự trữ ngoại tệ, vốn vay…), chi phí (nhân sự, giá vốn hàng hóa hay dịch vụ, hậu cần…), lời hay lỗ (dòng tiền âm hay dương…), tài sản và nợ, thương hiệu (niềm tin và sự thỏa mãn của người dân), mức tăng trưởng v.v…
Do đó, chúng ta có thể đánh giá khả năng thành công hay thất bại của một nền kinh tế dựa trên những chỉ tiêu áp dụng cho doanh nghiệp. Khi họp để bàn về một dự án hay một doanh nghiệp, hội đồng thẩm định của quỹ đầu tư thường lưu ý đến 4 yếu tố then chốt trong vấn đề khả thi: sản phẩm hay dịch vụ; ban quản trị; kế hoạch tiếp thị và hiệu quả tài chánh.
Một quản lý quỹ thông minh thường biết bỏ qua những “gương và khói” (smoke and mirror), những hình thức đánh bóng hoành tráng để che đậy yếu kém và những chi tiết thực sự vô nghĩa với sự thành công của dự án. Các công dân có kiến thức và tầm nhìn cũng phải đánh giá một nền kinh tế thật chính xác, khoa học và cân bằng về hiệu quả của đồng tiền bỏ ra, qua thuế hay nợ công hay tiền in thêm (một hình thức thuế).
Einstein có nhắc chúng ta là “không ngừng đặt câu hỏi”. Sau đây là những câu hỏi của tôi, có thể thiếu sót, nhưng chắc chắn sẽ giúp tôi đánh giá tốt hơn cơ hội và rủi ro trong tương lai nền kinh tế xứ này.

Sản phẩm hay dịch vụ trong mô hình kinh doanh
Như một doanh nghiệp, mỗi một quốc gia đều có thế mạnh cạnh tranh và đặc thù dân tộc trong những chủ đạo của nền kinh tế. Với yếu tố địa lý và dân số, Singapore đã thành công khi sử dụng dịch vụ tài chánh quốc tế cho xứ sở. Mỹ có mũi nhọn công nghệ cấp cao và thị trường tiêu thụ khủng; trong khi Trung Quốc dựa vào mô hình sản xuất công nghiệp thông dụng cho toàn cầu. Nhật có lợi thế của một văn hóa rất tổ chức để thâu tóm thị trường tiêu dùng chất lượng; trong khi Ấn Độ biết lợi dụng lượng dân số có học, biết Anh ngữ để dành phần thắng trong công nghệ phần mềm.
Việt Nam đang đổ tiền đầu tư nhiều nhất vào lãnh vực gì? Lãnh vực đó có sản phẩm hay dịch vụ gì đặc thù hay có lợi thế cạnh tranh gì trên thương trường quốc tế? Chúng ta đang đầu tư dàn trải và xu thời hay chuyên sâu và bền vững? Sự lựa chọn sản phẩm và dịch vụ có thông minh và sáng tạo hay ngu xuẩn và sao chép?

Ban quản trị
Hai nhân tố quan trọng của nhà lãnh đạo là kiến thức và kinh nghiệm. Kiến thức đây không phải là bằng cấp, kiếm được từ trường lớp hay đi mua từ chợ, mà là một dòng suy tưởng và phân tích được bổ sung hàng ngày qua đám mây của nhân loại. Kinh nghiệm là những thành quả từ chiến trường thực sự, thua hay thắng, bằng công sức của chính mình và đội ngũ bao quanh.
Hai nhân tố trên sẽ giúp cho nhà lãnh đạo có một tầm nhìn xa, chính xác; cũng như một phán đoán sắc bén hơn khi trực diện những đòi hỏi của tình thế. Dĩ nhiên, lãnh đạo không thể đi xa hơn các nhân tài trong nhóm quản trị; giá trị thực của toàn đội ngũ cộng hưởng sẽ là vũ khí then chốt khi lâm trận.
Cho Việt Nam, ban quản trị kinh tế của chúng ta có hội tụ được những người giỏi nhất về kiến thức và kinh nghiệm để điều hành? Lãnh đạo có đủ tự tin để chiêu mộ những người tài giỏi hơn họ? Nhân sự lãnh đạo được tuyển chọn như thế nào, qua phe nhóm bè phái hay qua các kỹ năng và kinh nghiệm thực sự? Nhìn qua lý lịch và thành tích của 30 người quan trọng nhất đang điều khiển bộ máy kinh tế xứ này, người dân nhận định ra sao? Và vấn đề đạo đức? Chúng ta có nên bắt chước vài quốc gia đòi hỏi một liệt kê tài sản của các lãnh đạo và gia đình họ, trước và sau khi nắm quyền? Chúng ta có dám để những chuyên gia hay định chế độc lập phân tích và phán xét nhân sự và bộ máy điều hành?

Kế hoạch tiếp thị
Một nhà hiền triết Trung Quốc dạy, “Muốn thống trị thiên hạ thì hãy phục vụ mọi người”. Phục vụ và đáp ứng được nhu cầu để khách hàng thỏa mãn là một kế hoạch tiếp thị thành công. Đây thực sự là một hành động liên tục, chứ không phải một vài khẩu hiệu khôn ngoan hay một cô người mẫu đẹp mắt trong một phút quảng cáo trên TV.
Trong nền kinh tế quốc gia, người dân là khách hàng, là nhà đầu tư và các quan chức là người bán hàng. Mục tiêu là sự thỏa mãn của “Thượng Đế”. Ngoài việc làm cho túi tiền của dân càng ngày càng phồng to, bộ máy lãnh đạo phải tạo thương hiệu, hay “niềm tin” của khách hàng vào chất lượng dịch vụ của mình. Ít nhất là họ phải tin rằng người bán sẽ giao đúng món hàng, đúng giờ và đúng giá… như lời hứa.
Trong các dịch vụ của chánh phủ, quan trọng là công ăn việc làm, an ninh, y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa và bảo hiểm xã hội cho những người kém may mắn. Ngoài ra, một nhiệm vụ “mềm” nhưng cần thiết là tạo niềm tin vào tương lai cho khách hàng với sự minh bạch, trung thực và sáng tạo.
Các lãnh đạo kinh tế ở Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu này chưa? Những người dân đang sinh hoạt hàng ngày có “tin” vào những giải pháp đề nghị, những dự án dài hạn, những thực thi luật lệ, những tiêu xài đa dạng của chánh phủ?
Cụ thể hơn, họ có tin là chánh phủ đang làm tất cả để bảo đảm giá trị của đồng tiền VN, để khả năng thu nhập và mua sắm gia tăng đều đặn, để môi trường sống phù hợp với sức khỏe công cộng, để xã hội bớt bức xúc về tệ nạn văn hóa?

Hiệu quả tài chánh
Sau cùng, mọi nhà đầu tư đều muốn đồng tiền của mình được sử dụng hiệu quả và sinh lợi thường trực. Ngoài các con số về lợi nhuận và doanh thu, họ quan tâm nhất đến chỉ số hoàn trái (ROI: return on investment). Dù kế hoạch, ban quản trị, kỹ năng tiếp thị… có hay giỏi đến đâu, nhà đầu tư sẽ cho là vớ vẩn (Bull s.) nếu công ty liên tục thua lỗ.
Câu hỏi người dân thường đặt ra cho mọi chánh phủ là “trong nhiệm kỳ của ông hay bà, đời sống chúng tôi có khả quan hơn không?”, về vật chất, về sức khỏe, về tinh thần, về tương lai con cái… tôi có nhiều hy vọng và lạc quan hơn không? Các ông bà đã đem tiền thuế, tiền nợ công, tiền các ông bà tự in ra… đầu tư vào những thứ gì và hiệu quả tài chánh của chúng là thế nào? Các ông bà tiêu xài trong tiết kiệm và cẩn trọng số tiền của chúng tôi hay thích đi xây những văn phòng hoành tráng, mua những siêu xe, mở những tiệc tùng liên tục… để hưởng thụ?
Trong 10 dự án đầu tư thì luôn có một vài lỗ lã, nhưng nếu cả 10 đầu tư đều lỗ nặng thì không ai muốn bỏ 1 xu vào quỹ của các ông bà. Trong khi đó, nếu chúng tôi thu lợi được 30 - 50% mỗi năm, thì chuyện các ông bà ăn bớt 5-10% cũng ổn thôi. Còn nếu chúng tôi đã lỗ 20-30% rồi mà lại còn chi cho các ông bà quản lý thêm 20-30% nữa; không sớm thì muộn, chúng tôi sẽ lăn quay ra chết… vì ngu và điên. Đặt các ông bà xây 1 khúc đường mà giá cao hơn thị trường gấp đôi lại hư hỏng khi chưa sử dụng… thì xử trí sao đây? Ngoài đời, khi bỏ 16 triệu mà mua nhầm một Iphone dỏm từ Trung Quốc thì phải quay lại cửa hàng… đấm vỡ mặt thằng bịp.
Dĩ nhiên, còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của bất cứ dự án đầu tư nào. Thời thế, may mắn, quan hệ, biến động xã hội, thiên tai… đều có thể trở thành những tác động chủ yếu. Nhưng chúng ta phải tùy thuộc vào những phân tích định lượng nêu trên để đánh giá cơ hội thành công của dự án; cũng như những rủi ro khiến chúng ta “tiền mất tật mang”.
Do đó, qua lăng kính của 4 góc nhìn chính, người dân có thể đoán được là các nhà lãnh đạo kinh tế Việt Nam có đủ khả năng đưa con thuyền này vượt sóng cao, ra biển lớn, ganh đua ngang hàng với mọi đối thủ và đối tác trong ngôi làng toàn cầu? Hay là chúng ta phải cầu nguyện mỗi ngày?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 30 Oct 2016

Chuyện nhỏ và chuyện lớn của nền kinh tế Việt

Ngày: 10/07/2012
Theo góc nhìn và trải nghiệm của tôi, kinh tế Việt Nam đang hứng chịu nhiều vấn nạn gồm hệ thống ngân hàng, bong bóng tài sản, giá trị bản tệ, tình hình suy phát, doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu hành chánh, kỷ cương đạo đức… Các chuyên gia hiện đã tốn rất nhiều thì giờ để mổ xẻ và đưa ra nhiều toa thuốc khác nhau. Tuy nhiên, đây là những vấn đề nhỏ, có thể giải quyết được với ý chí và thời gian.
Tuần vừa rồi, tôi đi quanh vài nước Á Châu để huy động vốn cho hai công ty Việt. Sự khác biệt trong nhận thức tình hình giữa các nhà đầu tư ngoại và nội làm tôi khá ngạc nhiên. Nhu cầu kiếm tiền đều giống nhau tại mọi nơi, nhưng số lượng và khả năng hấp thụ thông tin tạo nên một sai biệt đáng kể. Theo những chuyên gia tài chánh ngoại, các vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam có thể tóm lược trong các trọng điểm:

Các con số thống kê rất mù mờ:
Ai cũng biết rằng hệ thống ngân hàng Việt đang đối diện với số lượng nợ xấu và tính thanh khoản khá trầm trọng. Khi bong bóng bất động sản vỡ tung thì các vấn đề này sẽ lũy tiến gấp chục lần. Tuy nhiên, hình như từ chánh phủ đến tư nhân không ai nắm rõ con số nợ xấu thực sự của các ngân hàng thương mại, công và tư.
Ông Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) vừa tuyên bố là nợ xấu chiếm khoảng 10% dư nợ thì vài ngày sau đó, thống kê của NHNN đưa ra chỉ là 4.6%. Trong khi đó, Fitch Rating ước tính con số 13% chưa cộng vào nợ xấu từ các doanh nghiệp nhà nước (chỉ Vinashin và Vinalines đã tổng cộng đến 6 tỷ USD). Một tư liệu của một ngân hàng tư nhân cho một ước tính không kiểm chứng được là 27%. Vì số dư nợ tuyên bố là 2 triệu 580 ngàn tỷ (khoảng 123 tỷ USD) nên xê xích 1% cũng khác nhau 25 ngàn tỷ. Thêm vào đó, mọi người vẫn bó tay về số nợ xấu thực sự của các xí nghiệp nhà nước và của ngân hàng nhà nước ngoài hệ thống (như VDB).
Tuy nhiên, vấn đề không phải là con số lớn đến thế nào, mà vấn đề là biểu tượng nguy hiểm từ sự mù mờ. Một là các giới thẩm quyền “không biết” chứng tỏ một yếu kém khủng khiếp về cách quản lý rủi ro của hệ thống. Hai là “biết mà dấu” đồng nghĩa với một thói quen không thể chấp nhận được theo kỷ cương của thị trường tài chánh quốc tế. Bác sĩ nào cũng có thể kê đơn thuốc nhưng việc cho thuốc bậy vì các chỉ số khi thử máu khi bị ngụy tạo hay sai lầm, mang theo hệ quả chết người.

Những ống loa không cần thiết:
Các nhà đầu tư bài bản của thị trường chứng khoán thường rất lo ngại về hiện tượng “thổi giá để tháo chạy” (pump and dump). Khi mọi người nhận rõ là công ty đang gặp khó khăn mà các nhà quản lý thi nhau lạc quan vô lối và cổ võ cho cổ phiếu; thì kết quả của các chiêu PR này thường là đi ngược với dự định thổi giá” của họ.
Một quản lý quỹ ở Shanghai đã đầu tư khoảng 18 triệu vào Việt Nam cho biết ông đang tìm cách thoái vốn khi đọc các tin PR của các quan chức Việt khuyên dân mua bất động sản hay phán là nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ.
Mỗi người mỗi tính, nhưng cá nhân tôi không bao giờ mua một món hàng mà người bán quá hào hứng, quá nhanh nhẩu, quá cố gắng… kiểu Sơn Đông mải võ. Lý do tôi không dùng thuốc Tàu vì tờ quảng cáo trên hộp thuốc luôn bảo đảm là thuốc này trị cả trăm thứ bệnh, từ bệnh trĩ đến bệnh đau đầu.

Im lặng trước những tin đồn:
Năm 1982, món hàng bán chạy nhất của hãng dược Johnson và Johnson là Tylenol bị đồn là bị bọn khủng bố bơm thuốc độc (chỉ vài chai thuốc trị giá chưa đến 10 đô la). Trong vài giờ đồng hồ, người CEO xác nhận tin đồn, thâu hồi tất cả hàng trên thị trường, xin lỗi công chúng và công ty phải chịu lỗ hơn 170 triệu đô la cho sự cố này. Bất cứ một công ty nào ở Âu Mỹ, lớn hay nhỏ, công cộng hay tư hữu, đều phản ứng rất nhanh lẹ trước những tin đồn ảnh hưởng đến sản phẩm, khách hàng, hoạt động hay ban quản lý của công ty.
Gần đây trên mạng Internet, rất nhiều tin đồn gây sốc được lan tỏa rộng rãi. Các tin này còn được phổ biến bằng Anh ngữ đến các nhà đầu tư ngoại có làm ăn với Việt Nam. Theo kỷ cương quốc tế, nhà hữu trách và các cá nhân bị nêu đích danh trong ngành ngân hàng nên tổ chức họp báo để nêu ra các sai lầm và bằng chứng ngụy tạo của các tin đồn này. Tuy nhiên, tất cả đều im lặng ngay cả khi nhận các câu hỏi từ báo giới hay các cổ đông.
Sự im lặng này mang những thông điệp rất bất lợi cho sự phân tích khoa học và chính xác về hiện tình kinh tế.

Bình cũ rượu cũ
Khi thực hiện đổi mới cách đây 25 năm, Việt Nam được kỳ vọng là con rồng mới của Á Châu dựa trên cá tính năng động của doanh nhân Việt. Các chuyên gia tài chánh thế giới tiên đoán một tương lai tốt đẹp và các nhà đầu tư ngoại hăng hái đổ tiền vào Việt Nam. Kết quả tài chánh có lẽ đã làm thất vọng nhiều người, nhưng vấn đề chưa thành nghiêm trọng nếu nền kinh tế tiếp tục sáng tạo, đổi mới, trung thực và minh bạch. Các nhà đầu tư ngoại vẫn có thể kiên nhẫn đợi chờ.
Tuy nhiên, thói quen làm ăn dựa trên quan hệ và ân huệ từ chánh phủ của doanh nhân, bộ máy hành chánh càng ngày càng quan liêu và nặng nề, lối quản lý liều lĩnh chụp giật từ tư duy OPM (tiền người khác) đã làm thui chột mọi thiện chí. Kinh tế Trung Quốc vẫn có thể hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại vì thị trường 1.3 tỷ dân và hệ thống cung cấp phụ kiện tiện lợi. Việt Nam không có sức hút này.
Theo góc nhìn và trải nghiệm của tôi, kinh tế Việt Nam đang hứng chịu nhiều vấn nạn gồm hệ thống ngân hàng, bong bóng tài sản, giá trị bản tệ, tình hình suy phát, doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu hành chánh, kỷ cương đạo đức… Các chuyên gia hiện đã tốn rất nhiều thì giờ để mổ xẻ và đưa ra nhiều toa thuốc khác nhau. Tuy nhiên, đây là những vấn đề nhỏ, có thể giải quyết được với ý chí và thời gian.
Hai vấn đề lớn hơn mà không ai nói đến là tư duy làm ăn của doanh nhân và niềm tin của các thành phần kinh tế với nhau. Tôi cho rằng Việt nam không thể phát triển bền vững và mạnh mẽ trong sự cạnh tranh toàn cầu nếu doanh nhân còn dựa vào sự ban phát (có điều kiện) của chánh phủ. Và khi không ai tin ai trong các giao dịch qua lời nói cũng như hành động, nội và ngoại, công và tư, thì mọi thủ thuật phù phép để lừa bịp đều là dụng cụ thiết yếu.
Nền kinh tế thị trường đặt cơ sở trên niềm tin. Khi niềm tin không còn, tôi nghĩ nền kinh tế chỉ huy và bao cấp có thể thích hợp hơn cho xã hội. Chúng ta không cần thuốc men gì cho một con bệnh đã tuyệt vọng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 30 Oct 2016

Lãi suất, lạm phát… và những thứ lăng nhăng khác

Ngày: 29 / 09 / 2011
Dùng ngân sách để giải cứu những sai lầm của các ngân hàng khi họ cho vay liều lĩnh và trên bờ phá sản là lấy tiền của anh nghèo để tặng cho anh giàu kiểu Robin Hood ngược chiêu.
Tôi yêu nhiều xứ mình đã đi qua, nhưng tôi không tin về tương lai của bất cứ nước nào có những đặc tính sau đây. Quan trọng nhất là khi chánh phủ làm mất niềm tin của tôi qua các hành xử luôn luôn đi ngược với những lời nói hoa mỹ cao thượng.
Một vài thí dụ về thành quả và chuẩn mực đạo đức của các lãnh tụ xứ này:

Sự suy yếu của đồng bản tệ
Suốt lịch sử kinh tế, đồng bản tệ luôn là biểu tượng của sự bền vững và thịnh cường của nền kinh tế. Với chánh sách tiêu xài quá đáng dẫn đến việc in tiền bừa bãi (dùng 1 danh từ mới là quantitative easing hay gói kích cầu) cùng việc vay mượn tối đa qua các trái phiếu, đã khiến nhiều bản tệ tuột dốc không phanh so với các đồng tiền chính và giá cả các nguyên liệu. Đây là lý do chính của nạn lạm phát mà các chuyên gia cũng như giới truyền thông cố tình bỏ qua vì lợi ích cá nhân của nghề nghiệp.

Sự nhào nặn các số liệu thống kê
Để che đậy cho sự cố lạm phát và thất nghiệp, chánh phủ đã ngụy tạo hay chỉnh sửa các số liệu thống kê nhằm giảm thiểu con số lạm phát cũng như ảnh hưởng trên công ăn việc làm của người dân. Ai cũng biết là chỉ số tiêu dùng (CIP) bao gồm nhiều thành phần và khi thay đổi tỷ lệ của chúng trên tổng số sẽ thay đổi CIP này theo ý muốn chánh trị. Chẳng hạn khi giá địa ốc hay may mặc xuống thấp, tăng phần trăm của địa ốc và may mặc lên 10% thay vì 5% sẽ làm CIP giảm đi gần 0.6%. Trong khi đó, giá cả thực phẩm, xăng dầu có leo thang và có ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống hằng ngày của người dân, chánh phủ có quyền “tạm quên” vì trên nguyên tắc, chỉ số CIP vẫn còn thấp.

Cứu ngân hàng bằng tiền của dân
Dùng ngân sách (tiền của dân dù bằng tiền thuế hay bằng công nợ) để giải cứu những sai lầm của các ngân hàng khi họ cho vay liều lĩnh và trên bờ phá sản là lấy tiền của anh nghèo để tặng cho anh giàu kiểu Robin Hood ngược chiều (Hood là một tướng cướp lấy tiền của quan tham để tặng dân). Chánh phủ còn ngụy biện là làm vậy vì phải cứu nền kinh tế quốc gia; nhưng ai cũng biết rằng, để một vài ngân hàng lớn sụp đổ, là giải pháp tối ưu để tái cấu trúc nền kinh tế vĩ mô, như một con bệnh ung thư cần được giải phẫu chứ không phải chỉ cho uống thuốc giảm đau, để kéo dài sự tồn tại khập khễnh. Về lâu về dài, càng trì hoãn việc giãi phẫu, càng đưa bệnh nhân đến tình trạng không còn cứu chữa.

Gia tăng thay vì giảm thiểu các đơn vị nhà nước
Lịch sử nhân loại đã chứng minh là lòng tham con người sẽ đạt đến đỉnh cao khi họ được giao quyền hành và tài sản không kiểm soát. Kinh tế tư nhân luôn luôn hiệu quả hơn mọi mô hình kinh doanh, vì đồng tiền liền khúc ruột. Cha chung không ai khóc là lý do của mọi lãng phí và tham nhũng. Bằng cách gia tăng thị phần và chi tiêu của các đơn vị nhà nước, các chánh phủ đã vô tình hủy hoại gốc rễ của sự thịnh cường trong nền kinh tế quốc gia.

Khôn nhà dại chợ
Trong khi chánh phủ rất quyết liệt với những biện pháp về tăng thu thuế, về sự thực thi luật lệ với người dân mình (đôi khi quá đáng), thì đối ngoại, một chánh sách mềm dẻo và thân thiện đã làm các đối thủ mạnh lên đáng ngại cho tương lai. Chánh sách này hoàn toàn dựa trên lợi ích của phe nhóm thay vì quốc gia.

Nói và làm luôn luôn khác biệt

Khi tranh cử hay ra trước các diễn đàn quốc tế, các quan chức chánh phủ tỏ ra rất thức thời và ngọt ngào, rộng rãi với nhiều lời hứa đủ kiểu đủ loại. Nhưng khi bắt tay vào việc, thì cán cân quyết định thường nghiêng về lợi ích của cá nhân, của bè đảng, của các nhóm lợi ích có ảnh hưởng đến tương lai chánh trị của mình.

Yếu tố căn bản của mọi nền kinh tế: niềm tin
Khi người dân không tin vào đồng tiền quốc gia, tỷ giá sẽ suy thoái. Tiền suy thoái thì lạm phát gia tăng. Lạm phát tăng thì lãi suất tăng. Các hoạt động kinh tế sẽ hướng về phòng thủ (bảo vệ tài sản khỏi bị mất mát). Mọi sáng tạo, năng động và tham vọng của cá nhân hay tập thể cũng bị lùi bước, thu gọn… vì phải lo sống còn trước. Không ai muốn đầu tư thêm vào một nền kinh tế thui chột.

Dạy người dân thói quen tùy thuộc vào chánh phủ
Với những lời hứa hoàn toàn dựa trên lợi ích chánh trị, các chánh phủ đã giấu diếm những yếu điểm của quốc gia và cố tình làm người dân hiểu sai thực trạng về kinh tế, xã hội hay trách nhiệm của dân lẫn quan. Hậu quả là làm cho người dân ước muốn và đòi hỏi những gì “miễn phí” hay đến từ tiền người khác (OPM: other’s people money). Sự tham lam không cơ sở của người dân sẽ giúp chánh quyền kiểm soát hoạt động của dân và nhờ vậy, giữ quyền lực lâu dài hơn

Người bạn Trung Quốc
Tôi trình bày với nhiều chi tiết hơn về đề tài nói trên trong một buổi mạn đàm 2 tháng trước ở Đại Học Jiao Tong Shanghai. Một anh bạn doanh nghiệp nói với tôi, “Nghe ông mà tôi phát khiếp. Xã hội Mỹ dân chủ tự do mà còn bị vướng vào những vấn nạn của chánh phủ như vậy, thì các người dân ở các quốc gia khác đối phó ra sao với tình huống?” Tôi không có câu trả lời.
Tôi kể ông nghe về lịch sử của Sparta vào trước thời đế chế La Mã. Sparta là một quốc gia nổi tiếng là anh hùng, đạt nhiều thành quả ấn tượng trên chiến trường. Vị lãnh tụ Lycurgus được bơm thổi lên như một vị thánh của Sparta. Chiến thắng lớn nhất là đại thắng ở thành Troy của Hy Lạp. Họ ngạo mạn, coi thường đối thủ và nghĩ là khả năng chinh chiến bất bại của họ sẽ giúp họ vượt trội và thôn tính thế giới. Họ không quan tâm đến việc xây dựng một xã hội hài hòa, tôn trọng pháp luật, hay một nền kinh tế sáng tạo hiệu quả. Họ vung tay tiêu xài trong những cuộc liên hoan bất tận để mừng chiến thắng.
Dần dà, chiến lợi phẩm không còn và các quốc gia đối thủ đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó với kỹ năng quân sự của Sparta. Không còn chiến trường để thắng, không còn hậu phương để quay về sống trong ổn định, Sparta đã bị lịch sử chôn vùi và trở thành một tỉnh nhỏ của đế chế Achaea.
Tôi cũng chợt nhớ đến phần tựa của cuốn chuyện kiếm hiệp “Lộc Đỉnh Ký” của Kim Dung. Trong đó, tác giả nói về một cuộc săn nai hào hứng của một số đại gia quan lại. Sau bao thăng trầm của cuộc chiến, cuối cùng con nai bị bắt và xẻ thịt. Kim Dung kết luận là số phận người dân trong mọi xã hội cũng giống chú nai vàng. Dù khôn ngoan hay ngây thơ, định mệnh đã an bài là con nai sẽ trở thành món ăn chính của thực đơn trên bàn tiệc.
Do đó, tôi thích Tú Xương với nhân sinh quan thông minh của ông.
Một trà, một rượu, một đàn bà.
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.

Sau cả mấy trăm năm của tiến bộ, thật tội nghiệp khi người dân lại bị quấy rầy với lãi suất, tỷ giá và lạm phát… thay vì những cái lăng nhăng đáng yêu của Tú Xương. Người Tàu rất hứng thú với lời nói của Lão Tử “Khôn chết, dại chết. Chỉ biết mới sống”. Sống với rượu chè, hay đàn bà chắc chắn phải vui hơn là sống với lãi suất, tỷ giá và lạm phát.
Ba cái lăng nhăng có thể là giải pháp cho bài toán?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 30 Oct 2016

Dự đoán kinh tế theo ẩn số

Ngày: 31 /05 / 2012
Theo Ngân Hàng Nhà Nước, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng thương mại Việt Nam là 2.3%. Đây là ước mơ của rất nhiều hệ thống ngân hàng thế giới. Do đó, không ai hiểu tại sao chúng ta phải tái cấu trúc ngân hàng hay đổ tiền chánh phủ vào cứu trợ? Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm định quốc tế Fitch thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 13% chưa tính nợ của Vinashin, Vinalines hay các doanh nghiệp nhà nước khác, tổng cộng hơn 10 tỷ đô la. Quan trọng hơn, đây là tỷ lệ dựa trên giá bất động sản hiện nay (khi bong bóng BDS thực sự nổ, có lẽ các ngân hàng sẽ cần thêm các gói cứu trợ từ… Fed Mỹ hay State Bank của Tàu hay giấy vàng bạc âm phủ?).
Tôi thực sự không thể kết luận là NHNN đúng hay Fitch Ratings đúng? Một tư liệu tôi đọc từ một nhà phân tích ngân hàng ở Tokyo lại cho là tỷ lệ nợ xấu lên đến 22%. Trong khi đó, ngân hàng Việt Tín Bank lại tự tin có thể bán 250 triệu đô la trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài với lãi suất 8%. Bức tranh thực tại hiện giờ đã khá “lung tung’ thì không ai có thể dự đoán gì về tương lai vĩ mô của Việt Nam trừ các ông thầy bói mù.
Tuy nhiên, vì nghề nghiệp đã chọn, các vị chuyên gia vẫn cố gắng hết mình để đưa ra dự đoán. Một danh từ để trấn an mọi người là từ ngữ vô thưởng vô phạt, “ẩn số”. Vì gần như mọi số liệu quan trọng nhất của Việt Nam đều là ẩn số, nên tất cả dự đoán kinh tế từ lạc quan đến bi quan đều là “tiểu thuyết” hay “kịch bản”. Chuyên gia kinh tế vô tình trở thành nhà văn, và nếu các bài viết không mạch lạc thì người đọc phải thông cảm cho những nhà văn bất đắc dĩ này.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo kinh tế lại học theo cách tặng quà (gói cứu trợ) kiểu tình nhân tuổi “teen”. Các bạn trai thường bịt mắt người yêu khi trao một món quà ngạc nhiên mà các bạn nghĩ là cô nàng sẽ ngã lăn ra vì hạnh phúc. Phong cách này gây hào hứng cho đối tượng, nhưng lại tạo quá nhiều mong đợi. Trừ khi là một chiếc nhẫn hứa hôn hay một thẻ tín dụng, các món quà thường hay đem lại thất vọng não nề cho các công chúa.
Chánh phủ vừa thông qua gói kích cầu 29 ngàn tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Cộng với số tiền 240 ngàn tỷ đồng cho đầu tư công trong 6 tháng tới, số lượng tiền bơm ra là một bom tấn kiểu Disney chi tiêu cho cuốn phim John Carter (chi ra 380 triệu đô, thu về 108 triệu đô). Tiểu thuyết giả tưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp đến có thể là một ngạc nhiên… làm người nhận ngã lăn ra vì hạnh phúc.
P.S. Việt Tín và các ngân hàng đang trả cho những khách hàng gởi tiền USD ở Việt Nam 2% một năm. Nhưng họ lại sẵn sáng trả 8% cho các nhà đầu tư ngoại. Hai chuyện: người ở Việt Nam đang bị ép uổng… hay nhà đầu tư nước ngoài có đánh giá xác thực hơn về hệ số rủi ro?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 30 Oct 2016

Kinh tế Việt Nam còn xấu đến hết năm 2013

Ngày: 22 /09/2012
Các chuyên gia tài chính tỏ ra bi quan khi nhận định về sự chuyển động của nền kinh tế vào cuối năm nay. Thậm chí nhiều quan điểm cho rằng tình hình có thể xấu đến hết năm 2013.
Tại Ngày hội chứng khoán diễn ra ở Dinh Thống Nhất TP HCM ngày 21/9, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã chia sẻ góc nhìn đa chiều với hàng trăm nhà đầu tư trẻ về thách thức của kinh tế Việt Nam trong vài năm tới. Câu chuyện được các chuyên gia xới lên nhiều nhất là nợ xấu.
Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính Đại học Kinh tế TP HCM, Lê Đạt Chí không đồng tình với dự báo theo kiểu kỳ vọng rằng năm sau kinh tế sẽ tốt hơn năm trước, ông khẳng định chắc chắn sẽ chỉ có một kịch bản kinh tế bi quan cho những năm sắp tới. “Nhiều người cứ đoán mò năm 2012 hay năm 2013 kinh tế sẽ sáng sủa hơn nhưng cách nghĩ này thiếu cơ sở”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Chí, GDP Việt Nam dựa trên đầu tư công, FDI (vốn nước ngoài) và tín dụng. Với bối cảnh kinh tế toàn cầu không thuận lợi và nguồn lực giới hạn của Việt Nam như hiện nay thì không thể mong đợi kinh tế khởi sắc, càng không thể mơ về gói kích thích kinh tế.
Chuyên gia kinh tế này dự báo, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thời điểm này chỉ để thăm dò hơn là đổ tiền vào đầu tư. Tâm điểm của Việt Nam trong thời gian tới là xử lý nợ và đối mặt với giảm phát, ông cho rằng giảm phát có 9 giai đoạn và nguy hiểm hơn lạm phát rất nhiều. Việt Nam đang lún sâu vào giai đoạn thứ hai của quá trình này, nợ quá nhiều và hạn chế cho vay thêm.
“Nếu kích thích kinh tế lúc này không khéo sẽ kích nhầm”, ông Chí lo ngại.
Trong khi đó, Giám đốc Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét: “Năm nay rất khó dự báo. Nền kinh tế đang điều hành không dừng lại ở việc bấm nút để tăng giảm nhiệt độ nữa. Những gì diễn ra cho thấy kinh tế đòi hỏi những giải pháp vượt tầm kiểm soát thông thường”.
Theo ông Hiển, năm 2012 là giai đoạn Việt Nam thực sự đụng chạm vào các vết thương để tìm biện pháp chữa bệnh. Nhiều khả năng giai đoạn 2013-2015, Chính phủ có thể chọn mô hình kinh tế bền vững, kiểm soát cẩn thận dòng tiền chảy ra thị trường. Chính sách này sẽ gây sức ép không nhỏ đến bất động sản và giá vàng.
Chuyên gia này dự báo, xu thế thoái vốn của công ty có cổ phần nhà nước trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường buộc phải tiếp nhận một nguồn cung khá lớn nhưng đây không phải là tín hiệu xấu. Trái lại, doanh nghiệp tư nhân 100% còn có cơ hội sàng lọc, tìm kiếm động lực phát triển. Chính thị trường sẽ đo lường giá trị của nguồn cung, công ty tốt sẽ được mua, công ty yếu buộc phải chết, theo đúng quy luật chung của thị trường.
Còn Chủ tịch Công ty quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM), Nguyễn Thế Lữ cho biết, vòng đời của các quỹ đầu tư trung bình là 5-7 năm, giai đoạn các quỹ đầu tư ồ ạt vào Việt Nam là năm 2005-2007 đã sắp hết hạn. Như vậy, từ cuối năm 2012 trở đi, hàng loạt quỹ đầu tư sẽ đến kỳ xem xét lại danh mục đầu tư và đưa ra quyết định tiếp tục ở lại thị trường Việt Nam hay thoái vốn. Ông cho biết thêm, hiện nay chưa có dòng tiền mới đổ vào Việt Nam vì nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra cực kỳ thận trọng.
Có cái nhìn ít căng thẳng hơn, Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa, Alan Phan chia sẻ với các nhà đầu tư trẻ: “Tôi luôn có niềm tin rất lớn vào triển vọng tăng trưởng lâu dài của nền kinh tế Việt Nam. Đầu tư với tầm nhìn lâu dài luôn mang lại sự bền vững, ít rủi ro”.
Cơ sở để ông Alan Phan tin tưởng chính là các ngành sở trường của Việt Nam gồm: nông nghiệp, du lịch, hàng tiêu dùng… Những thứ mà theo ông, bạn bè quốc tế đang tìm kiếm và khao khát trong khi Việt Nam không thiếu. Nếu nông nghiệp tiến lên một bước sản xuất hàng hóa xanh - sạch - tinh thì cơ hội mở rộng thị trường là rất lớn.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Alan Phan thừa nhận hiện ông vẫn rất bi quan khi nhìn về ngắn hạn của nền kinh tế trong năm 2012-2013. Điều ông lo lắng là tâm lý không chịu thay đổi tiếp tục bao trùm lên nền kinh tế, tạo thành sức ì. “Chúng ta cần những nhân tố mới tạo lực đẩy cho nền kinh tế”, ông nhận định.

Vũ Lê
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 31 Oct 2016

Không còn là dự đoán kinh tế

Ngày: 03 / 12 /2012
Khi không biết đích đến là đâu, thì con đường nào cũng đều đến đích.
Thấm thoát đã năm hết Tết đến. Mùa của các dự đoán kinh tế cho 2013 bắt đầu. Các chuyên gia kinh tế kiếm cơm nhờ mùa này. Cá nhân tôi có 12 tờ báo đặt hàng; chưa kể đến những diễn thuyết tham luận tại các diễn đàn và hội thảo. Khi tôi từ chối vì thực ra không còn gì để dự đoán… ai cũng ngạc nhiên. Như Tết mà không có bánh mứt dưa hành, Xuân không có trẩy lộc mai đào… và báo Xuân không có dự đoán.
Các năm trước, những chuyên gia kinh tế kiếm tiền quá dễ. Trừ những anh chị phải lạc quan vì nhận chỉ thị hay tiền thưởng, bất cứ ai vô tư phán xét đều thấy rõ lối đi của chiếc xe kinh tế Việt.

Quá dễ để tiên đoán
Doanh nghiệp nhà nước làm chủ thể lãnh đạo? Tất cả kinh nghiệm từ OPM (tiền người khác) qua 5 ngàn năm lịch sử cho thấy sự lãng phí tham ô là hệ quả tất yếu (và người chủ thực sự của đồng tiền phải cày lưng trả nợ trong một thời gian dài). 
67% tiền đầu tư của quốc gia cho vào bất động sản ư? Bong bóng phải phình căng và ngày bể bụng là chuyện thời gian. Rồi 82% phần trăm nợ ngân hàng xuất xứ từ thế chấp BDS? Khi bong bóng BDS vỡ, thì các mùi hôi thối chôn vùi trong đống rác phải xì theo. Không thể có kết luận nào khác.
Trong khi đó, nguồn vốn thực của các ngân hàng bị méo mó vì sở hữu chéo, vì công ty sân sau của các chủ ngân hàng, vì “quan hệ” quan trọng hơn tính khả thi của dự án… Ngày mà mọi người liên quan phải chốt sổ kết toán phải là ngày của chuông báo tử.
Còn thị trường chứng khoán? Khi giá cả tùy thuộc vào đội lái tàu và tin đồn hay hỏa mù, thì sớm hay muộn, các nhà đầu tư chính thống phải chào thua và bỏ chạy. Trên nguyên tắc, một canh bạc bịp không thể kéo dài vì số lượng người ngu thường có giới hạn.
Lạm phát, lãi suất và tỷ giá? Khi chánh phủ qua Ngân Hàng Nhà Nước quyết định các con số và được Cục Thống Kê hổ trợ đắc lực, xa rời mọi can thiệp của thị trường, thì hoang tưởng xâm nhập cơ thể và cả quốc gia phải “lên đồng” và mọi người thi nhau ca múa.

Thị trường là một thế lực cứng đầu
Tôi về Việt Nam vào 2007 với tất cả háo hức của một đứa con vừa tìm về nhà. Chỉ 6 tháng sau, tôi bắt đầu thấy rõ những thủ thuật qua những con số thống kê thoa nắn, những chiêu tiếp thị vô trách nhiệm và những lòng tham cá nhân không kiểm soát. Tôi viết về những dự đoán không lấy gì làm sáng sủa và những quyền lực đang cầm lái cho chiếc xe kinh tế phản bác với những lạc quan hồ hởi kiểu viết biểu ngữ. Dù tôi sai về thời điểm (tôi nghĩ 2010 là năm bản lề) nhưng trận bão năm Thìn 2012 cũng đã đến với một cường độ Việt Nam chưa hề trải nghiệm.
Tôi kể lại chuyện cũ không phải để khoe vì thực ra mọi chuyên gia kinh tế có chút hiểu biết đều đi đến kết luận như tôi (tuy có vài người không tiện nói). Tôi nói ra để mọi người hiểu là chuyện dự đoán cái vũng lầy mà chúng ta đang mắc cạn ở đây không gì là khó khăn. Một sinh viên mới ra trường cũng có thể luận giải được điều này.
Tóm lại, chúng ta sẽ bắt đầu 2013 với một chiếc xe đang kẹt cứng trong bùn.

Định hướng nào đây, bác Mao ơi?
Dĩ nhiên có rất nhiều giải pháp để kéo chiếc xe ra khỏi đầm lầy. Chúng ta có thể kêu mấy cha tư bản ở xa (Âu Mỹ Nhật IMF…) đem chiếc xe câu tối tân đến kéo thoát. Chúng ta có thể chạy qua nhờ anh hàng xóm (TQ) dùng chiếc bán tải. Nhưng dĩ nhiên, ông Alan đã nói là “không gì là miễn phí”. Chúng ta phải cân nhắc so sánh giá cả phải trả, kể cả bổng lộc chức quyền của mọi người trong phe nhóm. Chúng ta cũng có thể về nhà, bắt mẹ đĩ phải lấy “vàng” hay “đô la” cho phe ta đem bán? Hay chúng ta có thể quyết định tử thủ vì lý tưởng vĩ đại, sống trên xe và chơi giữa đầm lầy như Bắc Triều Tiên.
Dĩ nhiên, tôi đoan chắc là không chuyên gia kinh tế nào có thể… dự đoán nổi cái giải pháp sẽ được chọn lựa. Vì tình hình hiện nay đã không còn là… kinh tế, mà là chánh trị. Chánh trị ở xứ này thì không ai có dự đoán chính xác, ngoài 5,10 người sẽ “đóng cửa bảo nhau”.
Vì thế, khi các báo yêu cầu tôi viết một bài về… “dự đoán kinh tế cho 2013” thì tôi chỉ mỉm cười. Sau 5 năm đi về thường xuyên ở đây, nhân vật quyền lực nhất mà tôi quen biết là… ông bảo vệ trong khu chung cư tôi sống. Tôi nghĩ ông cũng như 99.99% các người Việt hoàn toàn không can dự và hay biết gì về quyết định ảnh hưởng đến đời sống của ông và kinh tế Việt năm 2013 và 5,10 năm sau đó.
Tôi quen làm khán thính giả cho rất nhiều vở kịch suốt 67 năm qua tại rất nhiều hí viện. Có nhiều vở kịch nồng hơn mắm ruốc… nhưng tôi bị cấm không được bỏ về sớm. Phần lớn đạo diễn và diễn viên đều ghét nhà phê bình. Nhưng mọi thứ rồi cũng thành thói quen. Mizaru, Kikazaru, Iwazaru…
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 31 Oct 2016

Năm giải pháp “thần kì” cho nền kinh tế Việt

Ngày: 04/01/2013
Đầu năm, các chuyên gia, dù được trả lương hay không, thi nhau nhào nắn các số liệu để kê đơn tìm thuốc cho nền kinh tế Việt. Tôi thì đã nói rõ là khi một chiếc xe bị mắc kẹt giữa đầm lầy thì giải pháp trước mắt là kéo chiếc xe ra khỏi đó bằng bất cứ phương tiện nào chấp nhận được với các chính trị gia, rồi sau đó mới chẩn bệnh và sửa xe (hoặc mô tơ, hoặc hệ thống điện hoặc bộ thắng… ).
Tuy nhiên, giới truyền thông Việt Nam rất kiên cường. Họ quả quyết là các chuyên gia phải suy nghĩ cho ra khía cạnh thuần túy kinh tế của các giải pháp hay dự đoán (vì định hướng của chúng ta là có thể làm kinh tế mà không cần đến chánh trị). Hơn nữa, bài viết phải bầy tỏ sự “lạc quan, tích cực” của tình hình 2013 như Bộ Tuyên Truyền vừa chỉ thị (bất cứ gì xẩy ra ở Việt Nam phải tuân theo các đầu óc đang mơ màng sau hậu trường).
Nể bạn bè, đây là bài viết “không” phải do suy nghĩ của mấy năm học kinh tế hay 43 năm làm ăn; mà từ tư duy đơn giản của một anh già vừa ốm dậy, cơ thể đang còn lâng lâng với thuốc trụ sinh và những chuyện cổ tích thần kỳ về một thiên đường trong mơ tại quê nhà.
Trên căn bản, đây là 5 giải pháp thần kỳ, quá đơn giản và quá dễ thực hiện, cho nền kinh tế xứ này với một bảo đảm rất “sơn đông mãi võ” là bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong vòng 3 tháng.

1. Đóng cửa hết các báo chí truyền thông
Cuối năm, Thống Đốc NHNN có tiết lộ là 40 đến 50% các vấn đề về hệ thống tài chánh xứ này là do báo chí tạo ra. UREKA. Một em học sinh lớp 3 cũng biết rằng dập tắt nguyên nhân gây bệnh sẽ là giải pháp hợp lý nhất. Chỉ với một nghị định nửa trang giấy, chánh phủ có thể quyết định đóng cửa tất cả báo chí, các cơ quan truyền thanh, truyền hình, cơ sở xuất bản, nhà in… Chỉ một sáng một chiều, nền tài chánh sẽ cải thiện ít nhất là 40% mà không cần một động thái nào khác.
Nếu dân có phản đối về nhu cầu giải trí thì đã có cả chục ngàn phim bộ từ Trung Quốc, Hàn Quốc… tha hồ chiếu 24/7; cộng với các diễn văn, lễ ban huân chương, tiếp kiến các ông mọi Phi Châu… từ vài chục năm qua của các quan chức (vẫn hợp thời và chưa cần hiệu đính). Dân hoàn toàn mù tịt về kinh tế tài chánh thì các quan chức khỏi mất thì giờ giải thích, tự phê hay sợ bị… bắt gặp… Thế giới thanh bình, xã hội lạc quan, người người nhà nhà thoải mái ăn nhậu… Thời Nghiêu Thuấn, Mao Mác… lên ngôi, thật tuyệt vời.

2. Không còn nợ xấu ngân hàng
Nợ trở thành nợ xấu vì người vay không trả nổi. Chỉ cần ông Thống Đốc ra một thông tư là tất cả nợ tại Việt Nam không cần phải hoàn trả và được tái ký vô thời hạn thì tỷ lệ nợ xấu sẽ thành zero trong vài giây. Từ nợ ngân hàng đến nợ công hay tín dụng đen, mọi món nợ sẽ thành nợ tốt. Và mọi người, từ chủ nợ đến người vay, sẽ hoan hỉ xếp lại vấn đề đã tốn không biết bao nhiêu thì giờ của các chuyên viên kinh tế Việt và Tây ba lô.
Nếu có ai thắc mắc là cuối cùng rồi ai sẽ đi dọn đống rác chất núi này thì… ta cứ cười hề hề, tôi đã hết nhiệm kỳ lâu rồi, sao lại hỏi tôi?

3. Giải quyết hết nạn hàng tồn kho
Một vấn đề thiên hạ bàn loạn khá sôi nổi là số lượng hàng tồn kho không thanh lý nổi, nhất là bất động sản. Đề xuất của tôi rất đơn giản: chánh phủ mua lại hết tất cả hàng tồn kho, với số tiền vay (không lo hoàn trả) từ các ngân hàng. Sau đó, theo cách làm xin/cho của cơ chế từ mấy chục năm qua, đem ra ban phát cho những thành phần có công trạng với đất nước. Các bác lãnh đạo lớn phải có các biệt thự căn hộ cao cấp xứng tầm. Các cấp thừa hành được việc (cho ai nhỉ?) sẽ trưng dụng các món hàng rẻ hơn. Tóm lại, chỉ cần 1 tháng là không còn hàng gì để tồn kho nữa.
Nếu sáng tạo hơn, thì giao cho Cục xổ số nhiệm vụ bán vé số khắp nước với các lô độc đắc mỗi ngày là hàng ngàn căn BDS hay các hàng phải thanh lý như ô tô nhập khẩu, nước hoa hàng hiệu. Cả nước sẽ lên cơn sốt “lô tô” không ai còn thì giờ suy nghĩ, đặt câu hỏi về các vấn nạn khó ưa như… giáo dục, y tế, biển đảo, cướp bóc hay tham nhũng lãng phí. Một giải pháp lý tưởng cho sự ổn định của xã hội.

4. Bắt GDP phải tăng trưởng 15% mỗi năm
Để tạo ấn tượng cho toàn dân, toàn thế giới… ghi rõ trong Hiến Pháp là GDP của Việt Nam sẽ phải tăng trưởng ít nhất là 15% mỗi năm. Việc này cũng dễ thôi: bắt buộc mọi người từ quan chức đến doanh nhân đến phó thường dân phải gia tăng chi tiêu 15% mỗi năm, dùng tiền vay của các ngân hàng, của ngân sách hay của mẹ đĩ… Ban huân chương lao động hay nhân dân gì đó cho anh chị nào tiêu xài “sang” nhất nước. Đặt ra các giải thưởng như “vì Việt Nam, tăng GDP”, “ăn nhậu để xây dựng một quê hương quang vinh”…
Với sách lược tuyệt vời này, chúng ta có 90 triệu quả “đấm thép” làm sửng sốt nhân loại và không ai còn dám cười nhạo Việt Nam về việc “đi tắt đón đầu”.

5. Không còn lạm phát hay bất ổn tỷ giá
Một trong những bất cập lớn nhất của chánh phủ là vấn đề lạm phát, tạo áp lực về tỷ giá hay dự trữ quốc gia. Giá trị thực sự của VN Đồng luôn bị các chuyên viên quốc tế thẩm định và soi mói. Do đó, lấy độc trị độc, chánh phủ nên bỏ VN Đồng, mà bắt đầu in “tem, phiếu” về thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa… và trả lương cho thành phần trung kiên của chế độ bằng các tem, phiếu này. Lạm phát sẽ hoàn toàn chấm dứt và quyền ban phát tem, phiếu sẽ gia tăng quyền lực của các quan chức trở thành tuyệt đối. Đàn cừu sẽ phải vâng lệnh 100% và giải pháp siêu việt này sẽ làm Obama xấu hổ về cách giải quyết “vách đá tài chánh” (fiscal cliff) của tư bản Mỹ.
Dĩ nhiên là nếu triển khai, 5 giải pháp trên sẽ đòi hỏi nhiều chi tiết điều hành khó khăn với nhiều nghịch lý. Tuy nhiên, Việt Nam có 22 ngàn tiến sĩ và tất cả lãnh đạo đều xứng đáng nhận lãnh một nửa giải Nobel nên chúng ta có “dư” trí tuệ để giải quyết chuyện quá nhỏ này.
Sau cùng, một lãnh đạo tư tưởng của chánh phủ tuyên bố gần đây là “chúng ta phải nhớ ơn Trung Quốc vì họ đã nhường cơm xẻ áo cho Việt Nam trong các trận chiến vừa qua”. Cách trả ơn hay nhất là chúng ta đang dư thừa chất xám, nên việc xuất khẩu các nhân tài ưu việt này qua Bắc Kinh giúp cho Trung Quốc điều hành kinh tế một cách bền vững như Việt Nam là một món quà hy hữu vô cùng quý giá. 16 chữ vàng cần những đóng góp cụ thể và đắc lực.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 107 guests