Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 10 Nov 2016

Riêng tư với TS Alan Phan đầu năm 2014

Ngày: 30/01/ 2014
Bài Phỏng Vấn do Trần Lương thực hiện - Bài này sau khi bạn Trần Lương thực hiện bị Ban Biên Tập không cho đăng. Thấy tiếc, bạn nhờ GNA xuất bản hộ.

Hỏi: Dù là hân hạnh được TS hứa là sẽ trả lời những câu chuyện riêng tư nhất, nhưng xin bắt đầu bằng một đề tài thông dụng của báo chí trong những ngày Tết. TS nghĩ gì về triển vọng của 2014 so với các năm qua?
Đáp: Tôi vừa trả lời một quan chức cao cấp Việt khi ông bày tỏ lạc quan cực điểm về việc ổn định của nền kinh tế vĩ mô và việc hồi phục mạnh mẽ các ngành ngân hàng, BDS, chứng khoán… Với tôi, nếu chúng ta cứ tiếp tục làm những gì đang làm, thì chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái những kết quả tương tự trong tương lai. Tôi nhìn lại và thấy ngoài những phát ngôn, chưa có một hành động gì cụ thể để tác động tích cực hay tiêu cực trên thực tại. Hai yếu tố tăng trưởng là khu vực FDI hay TPP phần lớn nhờ những yếu tố ngoài Việt Nam; tuy nhiên, mọi thành quả tốt sẽ bị bù trừ bởi suy thoái và trì trệ tại lĩnh vực “doanh nghiệp nội” và “thu nhập của đa số dân chúng”. Các yếu tố xấu như sự can thiệp chủ đạo của chánh phủ, nợ xấu ngân hàng, vốn sở hữu các định chế tài chánh và DNNN, bong bóng BDS, việc thao túng thị trường chứng khoán… chỉ gia tăng chứ không giảm…

Hỏi: Có nghĩa là TS rất bi quan về triển vọng cho 2014?
Đáp: Không, nhưng cũng không lạc quan. Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều thay đổi trong các khu vực và ngành nghề, nhưng sẽ là một biểu đồ đi ngang về các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Hỏi: Nếu ông là một doanh nhân năng động làm ăn tại xứ sở này. TS sẽ làm gì trong những năm sắp đến?
Đáp: Tôi nghĩ đây là một bài toán phức tạp và trước hết, cần nhận rõ mình có những lựa chọn gì, kỹ năng và trải nghiệm của mình có thích ứng với môi trường kinh doanh và sau cùng, mình đang có hoặc có thể nắm bắt những lợi thế cạnh tranh hay nguồn lực gì? Tóm lại, đây là một nghiên cứu và tính toán thật chi tiết cho từng cá nhân, không thể “nói chung chung” được.

Hỏi: Hiện tại, dự định cá nhân của TS là làm gì hay đầu tư vào đâu trong những năm tới?
Đáp: Hiện nay, vì phải chăm chú vào sự hồi phục sức khỏe sau 2 năm kém may mắn với bệnh hoạn, nên tôi gần như làm việc rất ít. Ngoài chuyện viết lách cho Góc Nhìn Alan để chia sẻ với các bạn trẻ (thực sự là một hobby) thì tôi chỉ làm tư vấn cho vài công ty lớn của Trung Quốc và Philippines về M&A và IPO. Còn các đầu tư cá nhân thì có các cơn cháu và đối tác lo liệu, tôi chỉ cho ý kiến.

Hỏi: Nghe như TS mô tả một chương trình về hưu sớm? Còn các tài sản của TS thì sẽ theo mô hình nào để tăng trưởng?
Đáp: Tôi là người không tin vào việc để lại di chúc. Tôi nhìn thấy quá nhiều trường hợp khi các đại gia chủ soái “bỏ đi về thiên đường”, con cháu, bạn bè, nhân viên… quay mặt cắn xé nhau và không từ bỏ thủ đoạn nào để chiếm hữu phần tài sản trội hơn số mình được chia. Ngay cả khi còn sống, nhiều anh chị kế thừa vẫn sẵn sàng âm mưu giết hay bố trí bắt cha mẹ vào nhà thương điên để hưởng thụ tài sản nhanh chóng hơn. Do đó, tôi luôn đặt kế hoạch là phải phân chia hết mọi tài sản khi mình còn sáng suốt, khỏe mạnh… giữ lại vừa đủ cho bản thân sống đời giản dị trước khi chết. Tôi tin là mọi người nên chết “trắng tay”, chỉ để lại một số tiền nhỏ cho con cháu lo hậu sự. Nếu chi phiếu ma chay có bị hoàn trả vì “không tiền bảo chứng” thì đó sẽ là trò đùa cuối cùng.

Hỏi: Trong việc viết “lách” cho GNA, nhiều độc giả cho rằng ngoài các đề tài kinh tế, TS Alan Phan rất chống đối XHCN của các nước như Trung Quốc, VN, Bắc Triều Tiên hay Cuba, do những “hận thù” còn vương vấn?
Đáp: Hoàn toàn sai. Hai lý do: một, tôi luôn nghĩ mình là con người do khoa học đào tạo, tức là biết nhận thức những góc nhìn đa chiều và không cố chấp, giáo điều. Thứ hai tôi rất may mắn là không mất gì nhiều trong biến cố 1975, ngoài một số tài sản, khá lớn lúc đó, nhưng nhìn lại từ hiện tại thì không đáng kể. Nếu tôi có những trải nghiệm về đi tù cải tạo, hay có thân nhân bị hải tặc Thái cưỡng hiếp chẳng hạn thì có thể lòng hận thù vẫn hiện diện… tôi không biết. Ngoài ra, tôi là một doanh nhân, luôn nhìn về phía trước sau khi vấp ngã; không phải là một nghệ sĩ hay triết gia chỉ biết đắm mình vào quá khứ.

Hỏi: Nhưng các bài viết của TS luôn nói đến cái “huy hoàng” của thời trước 1975?
Đáp: Đó là những hoài niệm về các ký ức thật đẹp của một trai trẻ trong tuổi mới lớn, không pha một chút sắc màu gì về chính trị. Bản thân tôi, hoàn toàn dị ứng với thế giới của các chính trị gia. Qua tuổi 40, tôi có nhiều tiền, nên hay la cà theo nhiều chính trị gia quyền lực nổi tiếng của Mỹ và các nước Á Châu. Sau vài năm, tôi học được một điều quan trọng là nếu muốn sống chân thật và tử tế, không nên đu dây theo các ông bà này.

Hỏi: Tuy nhiên, TS có thực sự nghĩ rằng chế độ cũ của miền Nam trước 1975 có thể đem lại cho đất nước một đời sống vật chất hay văn hóa khả quan hơn cho phần lớn người dân?
Đáp: Tôi không biết. Muốn phán xét thật công bằng, phải đem cân 2 chế độ theo rất nhiều chuẩn mực; rồi phải có sự đồng thuận về giá trị của từng chuẩn mực. Nếu khả thi, thì đây phải là một nghiên cứu sưu tầm rất công phu, khoa học, tốn nhiều thập kỷ và cần sự đóng góp của cả ngàn chuyên gia tại khắp mọi lãnh vực.
Nhưng tôi nhìn nhận một điều: tôi rất hạnh phúc với môi trường sống trước 1975. Thành phố còn ít người, rác và ô nhiễm không tràn ngập, cảnh quan còn xanh đẹp với những kiến trúc nửa Âu nửa Á, con người đối xử với nhau tình tự hơn, sự khoan thai và thư giãn luôn hiện diện dù chiến tranh bao quanh… Nhiều yếu tố cấu thành có thể không khách quan; nhưng Saigon hay Đà Lạt, Nha Trang ngày xưa nơi tôi sống chứa đựng những văn thơ trong từng hơi thở; lênh láng những sác màu đơn giản hài hòa trong mỗi bước đi.
Bây giờ, tại những nơi đó, nhất là Saigon và Hà Nội, toàn các hiện tượng văn hóa thật chướng tai gai mắt, thái độ tham lam chụp giật chen lấn hiện diện trên từng khuôn mặt, từng hành xử… cảnh quan thành phố thì lộn xộn không quy hoạch, vỉa hè bị chiếm, cây xanh bị chặt… Mỹ có thành ngữ “it's really ugly” (thật là xấu xí)…

Hỏi: Nhưng cái xấu xí vẫn không ngăn ông sống và làm việc khá nhiều thời gian ở Việt Nam?
Đáp: Trong những năm gần đây, quả tôi có hay về Việt Nam. Nếu tôi chỉ thuần túy là một người nước ngoài, tôi sẽ hưởng thụ rất tốt các thú vui do đồng tiền mang lại như tiệm ăn ngon, bãi biển đẹp, nhiều chân dài sẵn sàng, hay những chém gió hời hợt qua các tiệc rượu của những đại gia. Sau một, hai năm, khi nhàm chán thì chỉ xách va li đến một xứ khác.
Nhưng vì tôi là người Việt, tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về quê hương và trong quá trình, tôi khám phá hai cái hobby rất thú vị: một là Góc Nhìn Alan, nơi tôi chia sẻ hàng tuần với các trí óc và tâm hồn trẻ đang khao khát đi tìm một dòng suối mát cho cuộc sống quá tệ hại. Kế đến là những người bạn chỉ đợi tôi gọi là có mặt để cùng nhau chia vui (khó tìm ở những nơi bận rộn như Hồng Kông hay Mỹ).

Hỏi: TS nghĩ giải pháp “hòa hợp hòa giải” có đem cho dân tộc Việt một sức mạnh mới và tạo một cú hích mới cho xã hội?
Đáp: Chỉ nghe khẩu hiệu xong là thấy mệt. Tại phần lớn các quốc gia phát triển, không ai buồn nói đến chuyện hòa giải hay hòa hợp. Mọi cá nhân đều có những tư duy và phán xét rất khác biệt nhau; không ai có thể bắt ai phải “hòa hợp” với lối sống hay “định hướng” của mình. Điều quan trọng nhất phải là “tôn trọng”. Tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cái tự do cá nhân, tôn trọng tài sản người khác từ vật chất đến trí tuệ đến tâm linh. Có tôn trọng nhau thì sẽ có sự hiếu hòa và từ đó tinh thần “hòa giải” phát sinh. Mà hòa giải không được thì cũng chẳng sao. Đưa nhau ra tòa hay nhờ các thành phần độc lập phân giải theo cơ chế pháp trị nếu cần. Tốt hơn, thì “live and let live” (sống và để người khác sống).
Tôi dị ứng nhất là những người ngoài thích xông mũi vào đời tư tôi để khuyên bảo. Tệ hơn nữa là bắt tôi phải theo một giải pháp người khác đã định sẵn. Sau cùng, nếu người đó là một anh chị ngu hơn mình thì chỉ biết khóc thầm.

Hỏi: TS nghĩ thế nào về các thế hệ trẻ, kế tiếp của Việt Nam khi họ nắm quyền lực?
Đáp: Phần lớn các hoàng tử công chúa, ngay cả những quản lý trung cấp, đã được đưa đi huấn luyện đào tạo khắp nơi tại các nước phát triển. Như các bạn đồng trang lứa ở Ẩu Mỹ Nhật, họ thường nắm bắt nhiều kỹ năng và sáng tạo, cùng khả năng dám ứng dụng những công nghệ, cách quản lý mới hơn các bậc cha chú. Tôi đã kỳ vọng nhiều về những lãnh đạo mới này.
Tuy nhiên, tôi khá thất vọng khi tiếp xúc với họ vì ngoài các tài năng nói trên, tôi cũng nhận xét thấy lớp người trẻ này không kém thế hệ trước về tinh thần vô cảm, lòng tham lam, sự chụp giựt cơ hội… Họ giỏi hơn, nên cũng sâu hiểm và tàn nhẫn hơn. Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên là một ví dụ chính xác nhất.
Tôi chỉ hy vọng là mình sai trong sự đánh giá này. Nếu không, đêm đông còn dài hơn là chúng ta mơ ước.

Hỏi: Nếu có quyền lực, TS sẽ tăng trưởng nền kinh tế này hay mức thu nhập người dân như thế nào?
Đáp: Chuyện tôi có quyền lực chắc không bao giờ xẩy ra. Nhưng tôi tin vào sự năng động, sáng tạo và cần cù của người dân Việt so với các quốc gia nhược tiểu khác. Tại Âu, Mỹ, Úc… họ bắt kịp thu nhập chuẩn của các cộng đồng thiểu số trong thời gian kỷ lục.
Điều duy nhất họ cần là một môi trường kinh doanh tự do và bình đẳng, không bị quấy phá bởi thành phần ăn hại. Nếu là một lãnh đạo, tôi sẽ cùng các cộng sự đi nghỉ mát suốt ngày và để dân tộc phát triển theo hưng phấn, động lực và kỹ năng tự tạo của họ. Hơi quá khích, nhưng chắc chắn là sẽ tốt hơn cả ngàn lần bây giờ.

PV: Xin cám ơn TS.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 10 Nov 2016

Đôi cánh mới cho Gloria Nguyễn

25/7/2012
Cũng giống như những kẻ chưa đắc đạo, khi túi quần rủng rỉnh, tôi vẫn thích sắm những món đồ chơi sang trọng cho mình và gia đình, như du thuyền, xế hộp, đồ điện tử, áo quần, hay các linh kiện đắt tiền như đồng hồ, bút máy… Tuy vậy, trong thâm tâm của một gã trai chân đất, tôi vẫn không mấy mặn mà tha thiết gì với những món hàng này.
Mãi về sau, khi đã trải qua nhiều hỉ nộ ái ố của đời người và có thời gian để suy ngẫm lại mọi thứ, tôi thấy chúng giống như những món đồ xa xỉ mà con người ta dùng để đánh bóng hình thức bên ngoài nhiều hơn là nhu cầu sử dụng thực. Và âu đó cũng là một ảo tưởng của nhân gian, rằng sự yếu kém về kiến thức và nhân cách có thể được “nâng cấp” bởi những phù du hư ảo của vật chất.
Câu nói hàng đầu về cốt lõi của nền kinh tế tư bản là “chúng ta tiêu xài những đồng tiền chúng ta không có, mua những món hàng chúng ta không cần, để khoe mẽ với những người chúng ta không ưa”.
Với tôi, những đồ chơi hay tài sản quý báu trong nhiều năm qua là những trải nghiệm trong đời sống. Và một tài sản khá ấn tượng mang tên Gloria Nguyễn.
Gloria Nguyễn là cô gái được sinh ra dưới một vì sao xấu. Tôi biết Gloria năm cô lên 15, cái tuổi đầy mong manh, đặc biệt trong môi trường cám dỗ và áp lực như xứ Mỹ. Năm Gloria lên 5, một tai nạn xe hơi đã cướp đi người cha thân yêu của cô, đồng thời khiến cô gãy mất một chân, phải lắp chân giả. Sau khi người mẹ đi thêm bước nữa và biến mất, Gloria được giao lại cho ông bà nội và người chú nghèo chăm nuôi.
Dù không xấu, nhưng mặc cảm với thân phận nghèo khó trong khu ổ chuột và cơ thể không lành lặn của mình, Gloria luôn cảm thấy tự ti. Và cô là một trong những biểu tượng của sự tuyệt vọng thầm lặng (quiet desperation) giữa lòng nước Mỹ. Người bạn duy nhất của Gloria là một con chó già nhiều bệnh.
Tình cờ, tôi gặp Gloria trong một buổi diễn thuyết tại câu lạc bộ Bel Air của giới thượng lưu. Cô bé làm việc bán thời gian ở đây bằng chân quét dọn và rửa chén. Khi nhìn thấy tấm bảng chào khách có hình và tên tôi trong hội thảo, Gloria chạy đến hỏi “chú là người Việt à?”. Có lẽ tôi là người Việt duy nhất mà Gloria gặp ở đây, vì câu lạc bộ này thường là chỗ lui tới của mấy anh chị triệu phú da trắng.
Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi, tôi cũng đủ hình dung được cuộc sống đầy thử thách của một cô bé mới 15 tuổi. Vì có việc phải quay lại châu Á ngày hôm sau, nên tôi chỉ kịp đưa cho Gloria một bài viết của Og Mandino mà tôi tạm dịch ra tiếng Việt là “Thư Luân Lưu Của Cha Già”.
Một tuần sau, tôi nhận được thư của Gloria báo rằng, rất tiếc cô không đọc được tiếng Việt, nhưng cô đã tìm được bản tiếng Anh qua mạng Internet. Điều bất ngờ hơn là 6 năm sau, khi hình ảnh của Gloria đã nhạt nhòa trong ký ức tôi, thì tôi lại nhận được thư cô với thông báo rằng cô sẽ đến thăm Hồng Kông và Trung Quốc trong 7 ngày dã ngoại của nhóm sinh viên sắp ra trường thuộc Trường Đại học Yale. Tôi gặp lại một Gloria đã hoàn toàn thay đổi. Cô bé Lọ Lem đã không biến thành công chúa, mà trở thành một người đầy nghị lực, tự tin, và đang chuẩn bị theo học ngành phẫu thuật óc tại bệnh viện nổi tiếng John Hopkins. Gương mặt cô luôn rạng rỡ, dù chân trái vẫn là chân gỗ.
Cô nói với tôi rằng, hình ảnh của một người Việt diễn thuyết tại Bel Air Club và bài viết của Og Mandino thay đổi hoàn toàn nhận thức của cô về bản thân. Bắt đầu bằng một tư duy mới, cô đã vứt bỏ tất cả những gánh nặng của quá khứ và nỗ lực không ngừng để có được suất học bổng toàn phần từ Trường Đại học Yale. Cô cũng e lệ cho biết rằng cô vừa đính hôn với một luật sư trẻ là bạn học cùng trường.
Cô nói lời cám ơn tôi, rằng nhờ hình ảnh tự tin của tôi ở Bel Air mà cô có được động lực phấn đấu. Nhưng tận thâm tâm mình, tôi đã nói với Gloria rằng, chính tôi mới là người phải cám ơn cô vì tôi đã học được rất nhiều về tư duy và ý chí, về sức mạnh luôn luôn tiềm ẩn trong mọi chúng ta. Con chim sẻ vẫn có thể biến thành đại bàng nếu biết ấp ủ niềm tin.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 10 Nov 2016

Bốn Bà Vợ

20 Aug 2013
Tôi thường diễu cợt là người đàn ông nên có 4 bà vợ: bà số 1 lo quán xuyến nhà cửa và chăm sóc chồng con tận tình; bà số 2 là một người bạn thân thiết hiểu chồng để chia sẻ mọi tâm sự; bà số 3 là một hoa khôi để tạo sĩ diện khi sánh bước giao tiếp với xã hội bạn bè; và bà số 4 là một con cọp trên giường để thỏa mãn các thú vui trần tục. Điều quan trọng nhất để người chồng giữ vững hạnh phúc là 4 bà không quen hay biết gì về các bà kia.
Tôi không có 4 bà vợ; nhưng có 2 bà giúp việc lo chuyện nhà cửa bếp núc; có Góc Nhìn Alan và tâm sự của BCA để mua vui cho ngày tháng; có mấy đứa con trai vô cùng thông minh để hãnh diện; và có 1 con mèo nhỏ đáng yêu hay ngái ngủ trong tay tôi mỗi tối để cùng tìm hơi ấm. Hạnh phúc là đó. Tôi không hiểu tại sao Hồi Giáo lại chơi độc cho phép đàn ông lấy đến 4 bà vợ? 4 lần rắc rối và nhức đầu sẽ giết bất cứ đàn ông nào, dù là Bin Laden.
Một anh bạn lại thích triết lý, nghiêm túc hơn nên gửi cho tôi chuyện 4 bà vợ của anh. Hãy nghe anh kể:
Một thương nhân giàu có có 4 bà vợ. Ông nâng niu chiều chuộng, coi người vợ thứ tư như một món đồ trang sức quý, luôn mua sắm cho bà ta những bộ đồ sang trọng đắt tiền.
Ông cũng rất yêu người vợ thứ ba. Ông tự hào về người vợ này và luôn muốn “khoe” vợ với bạn bè.
Ông cũng yêu người vợ thứ hai. Ông coi bà như người bạn tâm tình, người giúp ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Người vợ thứ nhất lại là người rất chân thành, chung thủy, luôn kề vai sát cánh bên ông lo toan chu đáo chuyện gia đình. Tuy nhiên, ông lại không yêu bà vợ thứ nhất. Mặc dù bà rất yêu ông, ông hầu như chẳng bao giờ chú ý đến bà.
Một ngày, ông ngã bệnh, sắp từ giã cõi trần.
Ông ta hỏi bà vợ thứ tư: “Tôi yêu mình nhất, luôn dành cho mình sự quan tâm đặc biệt và những điều tốt đẹp nhất. Tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa, liệu khi tôi chết, mình có nguyện đi theo tôi không?”.
“Không đâu” - Bà vợ thứ tư đáp lại và bước đi.
Ông hỏi người vợ thứ ba: “Tôi yêu bà nhiều lắm, tôi sắp chết rồi, bà có nguyện theo tôi không?”
“Không, cuộc sống vẫn đang đẹp mà. Sau khi ông chết, tôi sẽ tái hôn”. Trái tim ông run lên đau đớn.
Sau đó, ông hỏi người vợ thứ hai: “Bất cứ khi nào gặp vấn đề khó khăn rắc rối gì tôi cũng đều tìm đến bà. Bây giờ tôi xin bà hãy kề vai sát cánh cùng tôi lần cuối cùng. Khi tôi chết, bà có nguyện đi theo tôi không?”.
Bà vợ thứ hai trả lời: “Xin lỗi, lúc này tôi không thể giúp ông được. Nếu có, tôi chỉ đưa linh cữu ông ra mộ thôi”.
Ông nghe câu trả lời mà như sét đánh ngang tai. ông thực sự quá đau đớn vì người mà ông nghĩ có thể tin tưởng nhất cũng bỏ rơi ông. Bỗng có một giọng nói cất lên: “Tôi sẽ đi cùng ông, đi đến bất cứ nơi nào ông tới”, ông dáo dác tìm kiếm chủ nhân của giọng nói và nhận ra đó chính là người vợ thứ nhất, người mà chẳng mấy khi ông để ý tới.
Trông bà gầy và xanh xao quá. Rưng rưng xúc động, ông nói: “Đáng lẽ ra trước đây tôi phải chăm sóc bà nhiều hơn nữa”. Chỉ có duy nhất người vợ cả, người thường bị ta bỏ mặc, lãng quên khi sống… là kiên quyết đi theo, yêu thương ta cả cuộc đời
Mỗi chúng ta ai cũng có 4 bà vợ.
Bà vợ thứ tư chính là thân thể của chúng ta. Cho dù ta có chăm chút, trau chuốt đến mấy, rồi nó cũng rời bỏ ta khi ta chết.
Còn bà vợ thứ ba? Đó chính là của cải, địa vị. Khi chúng ta chết, chúng sẵn sàng đi theo người khác.
Bà vợ thứ hai chính là gia đình và bạn bè. Cho dù có thân thiết đến mức độ nào, khi ta chết, họ cũng chỉ khóc đưa ta ra mộ mà thôi.
Bà vợ thứ nhất chính là tâm hồn ta, thường bị lãng quên khi ta chạy theo tiền tài, địa vị, danh vọng, của cải, nhưng nó sẽ theo ta suốt cuộc đời.
Hãy nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ bây giờ, vì đó là “người” thân tín nhất bên ta. Đừng để phải hối hận vì đã lãng quên nó.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 10 Nov 2016

Nói về Đạo Đức Kinh Doanh

Ngày: 12/10/2011
Phần lớn những doanh gia thành công ở các thị trường mới nổi cho rằng việc kiếm tiền cho doanh nghiệp là một hoạt động hoàn toàn về kinh tế, không liên quan gì đến đạo đức xã hội hay tôn giáo hay triết lý. Họ thường bào chữa cho các hành xử sai trái trong công việc quản trị hằng ngày bằng một lời phán, “ai cũng làm như thế cả”.
Một bản nghiên cứu của Harvard năm 1998 cho thấy đạo đức và kỷ cương đóng góp về lâu dài một niềm tin tốt đẹp từ khách hàng, từ nhân viên, từ đối tác, từ nhà đầu tư, từ cộng đồng đoàn thể… Đây là cách xây dựng thương hiệu hoàn hảo nhất của bất cứ doanh nghiệp nào. Với một thương hiệu tiếng tăm và bền vững, công ty có thể tìm một tỷ lệ lợi nhuận cao hơn các đối thủ cạnh tranh, một thị phần cao hơn của khách hàng trung thành và kết quả là một thành tựu khả quan hơn về tài chính.
Thiếu đạo đức và kỷ cương quản trị, doanh nghiệp biến thành một công ty của cơ hội, của chụp giật, của đầu cơ… Mọi thành công sẽ tạm bợ, bạo phát bạo tàn.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải thông cảm cho những áp lực hàng ngày mà bất cứ doanh nhân nào làm ăn tại Việt Nam phải vượt qua. Ngoài tình trạng bấp bênh của một nền kinh tế vĩ mô thôi thúc bởi cơn sóng thần của lạm phát, lải suất và tỷ giá, các doanh nghiệp Việt phải hoạt động trong một môi trường khá đặc thù khác hẳn thế giới bên ngoài.
Trước hết, sự thiếu vốn của các doanh nghiệp khá phổ thông và thói quen phải gối lưng cho khách hàng nợ hơn 100 ngày khi thanh toán hóa đơn làm kiệt quệ nhiều hoạt động cần thiết. Cái khó khăn khác là sự thiếu minh bạch trong thông tin, kế toán, thuế vụ, chi phí khiến nhiều doanh nghiệp hành xử như kẻ mù giữa rừng gươm. Thử thách khác là những thủ đoạn cạnh tranh bất chính của đồng nghiệp từ cách làm hàng nhái, hàng giả… đến những phá hoại ngầm khá hữu hiệu. Sau cùng là những giây nhợ trói buộc từ những thủ tục hành chánh phức tạp đến những phí tổn bôi trơn cao ngất trời.
Người Mỹ có câu nói là khi con cá sấu gần táp vào quần của bạn thì bạn khó mà nhớ được mục đích ban đầu của bạn là phải khai thông giòng suối. Đây cũng có thể chỉ là một cách để thoái thác trách nhiệm để tăng lợi nhuận cho cá nhân và bảo vệ tiếng tăm cho phe nhóm.
Nhưng một doanh nghiệp muốn tăng trưởng bền vững phải sẵn sàng trả giá cho hành vi đạo đức của mình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 10 Nov 2016

Tôn Trọng Người Khác

Ngày 31/5/2013
30 năm nay, tôi có thể tự hào là chưa bao giờ nói xấu một cá nhân nào. Những năm còn trẻ, tôi cũng mang nhiều tự tôn và tự ti, nhiễm bệnh thích phê bình chỉ trích, nhất là người mà mình không thích vì lý do nào đó. Cho đến một ngày đủ tự tin và kiến thức, mở rộng tư duy để nhìn mọi sự việc khoa học hơn, tôi mới nhận thấy rằng bất cứ người nào tôi đã gặp, đều có những khía cạnh mà tôi không biết rõ. Tôi tôn vinh và khen ngợi những phân khúc hay và đẹp của nhiều nhân vật vì họ xứng đáng, nhưng tôi im lặng về những đồn đại không kiểm chứng được từ thiên hạ. Tôi cũng không ganh tị với bất cứ ai.
Những người hơn tôi về khía cạnh nào đó như tiền của, sự nghiệp, danh tiếng, quyền lực hay kiến thức, tâm hồn, sức khỏe, kỹ năng… đều hơn tôi thật và không bao giờ tôi tranh cãi với thực tại. Thích hay không thích, chỉ cúi đầu chấp nhận thôi, và không nên lưu lại trong tâm trí, nếu đây là một cuộc ganh đua vô vọng. Hãy để thì giờ chú tâm vào những việc quan trọng hơn (như ra biển chơi đùa với các con hải âu hay lên núi dang tay nắm những chùm mây).
Tuy nhiên, gần đây tôi bị lôi kéo vào những cáo buộc hoàn toàn không có cơ sở hay bằng chứng. Trường hợp Nick Vujicic là một thí dụ. Tôi không biết là rất nhiều người Việt đã phong thánh cho bạn này và khi tôi chỉ bàn đến kỹ năng PR của Nick mà không đề cập đến “thánh tính” của anh ta, nhiều người cho là tôi phạm thượng và coi thường Nick, Dù rằng, tôi đã khai mào là tôi không biết gì về con người của Nick và sẽ không bình luận gì đến các khía cạnh khác của nhân vật này.
Trường hợp sau là ông Bầu Đức. Nhiều người nghĩ là tôi ganh tị và thù ghét ông Đức vì chuyện ông ta đăng đàn mắng mỏ tôi. Thực ra tôi thích những người phê bình chỉ trích tôi công khai, dù đúng hay sai. Tôi đã tổ chức một ngày hội để mọi bạn hữu kẻ thù có thể “roast” tôi cơ mà.
Tôi chỉ ghét những anh chị ném đá dấu tay, xài “nick” trên các diễn đàn mạng mà không dám ra mặt hay cho địa chỉ. Những bài viết về nạn phá rừng hoàn toàn không nhắm đến ông Bầu Đức hay bất cứ một cá nhân nào. Sự quan tâm của tôi đến môi trường đã được nêu rõ qua các bài viết tiếng Việt suốt 3 năm qua và các bài viết tiếng Anh hơn 12 năm trước. Tôi cũng đã là Trưởng phân khoa Môi Trường của đại học Kỹ Thuật Phú Thọ từ năm 1971 đến 1975 (không biết ông Đức đã sinh ra chưa vào thời này).
Thực ra tính tôi hay bông đùa một cách vô hại, không hề có ác ý hay dìm ai xuống bùn đen để đề cao mình. Cho đến bằng này tuổi dầu, con người tôi thực sự là một cậu học trò (nhất quỷ nhì ma…), và chắc chắn là không nên nết. Khi ông Đức mắng tôi là “cực kỳ vô văn hóa”, tôi đã cười hề hề với bạn bè và nghĩ rằng ông nói đúng, theo góc nhìn của ông. Nếu ông ở gần, có lẽ tôi sẽ đến “hi-fi” ông một cái. Làm sao mà ganh tị hay thù ghét ông được?
Gần 40 năm đầu trong đời người ngắn ngủi, có thể nói tâm tôi không bình yên vì những bực tức và cáu giận với tha nhân. Từ gia đình, bạn bè đến đối tác nhân viên, tôi luôn luôn khơi phá lên những sai lầm hay ác ý của họ để chứng minh mình đúng và họ là những con sâu gây khổ cho mình. Nhưng khi nhìn kỹ hơn lại con người chính mình và những lý do để họ hành xử như vậy, tôi mới nhận ra cách duy nhất để sống với đời và tha nhân là hãy quên đi những khác biệt và “live and let live” (sống và để người khác sống).
Mỗi con người là một thực thể sống động với những trải nghiệm và tư duy khác nhau. Nếu có những đụng chạm và mâu thuẫn mà không thể giải quyết thỏa đáng, hãy tôn trọng người khác và né sang đường khác. Thế giới còn quá rộng để tranh dành hay thù hận những miếng đất hay sự việc nhỏ nhoi. Tha thứ cho người và tha thứ cho mình.
Tuy nhiên, một vài bạn sẽ hỏi, “nếu đó là một tranh chấp để sống còn, để giữ phẩm cách cho con người mình, để đáp ứng với chuẩn mực đạo đức và quyền làm người, ta có né tránh được không”. Tôi luôn luôn đau khổ với câu trả lời, “bạn phải sẵn sàng trả giá cho cuộc chiến và xin ơn trên phù hộ cho bạn”. Nhưng thắng hay thua, hãy tôn trọng kẻ thù.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 10 Nov 2016

Thư giãn về nghề Tư Vấn

25 March 2015
Vài người sinh ra để làm lãnh đạo, vài người xây dựng sự nghiệp lãnh đạo và vài người thuê… tư vấn - Some are born great, some achieve greatness, and some hire… consultants. - Daniel Boorstin

Mấy tuần nay, Emails của BCA hơi nhiều, thăm hỏi về sự vắng bóng các bài viết của ông già Alan. Phần lớn thân hữu lo cho sức khỏe của ông già; vài người trách là ông già đi chơi Tết gì mà lâu vậy? Thực ra, ông già đi công tác.
Một công ty Trung Quốc đang thương lượng mua lại một công ty Mỹ và 2 tuần qua, ông Chủ Tịch qua đây đích thân tham dự các buổi họp với Ban Quản Trị của 2 bên cho phi vụ này. Ông già được thuê làm tư vấn, suốt ngày ngồi ngáp dài qua những dây dưa “proposals và counter-proposals” như một khán giả phải coi một vở kịch cũ mà lúc trước mình đóng vai chính. Sau đó, đến tối, phải đi ăn uống thù tiếp 2 bên rồi về khách sạn để còn họp “bình loạn” thêm về những hỏa mù cùng chiến lược của đối thủ. Mệt nhoài, đêm nào cũng gần 12 giờ mới lên giường. Chắc chắn không phải là trò chơi của những ông già.
Nói về nghề tư vấn, tôi vẫn thường kể cho bạn bè đối tác nghe một chuyện khôi hài. Nhà nọ có một con mèo, rất năng động, tối nào cũng làm huyên náo cả xóm với trò chạy đuổi những nàng mèo cái qua các mái nhà. Hàng xóm ngủ không được, than phiền, đòi chủ con mèo phải giải quyết vấn đề. Ông ta bèn đem con mèo đến bác sĩ thú y, “thiến” luôn cho khỏi sinh chuyện. Tuy nhiên, sau khi về lại nhà, con mèo vẫn tiếp tục đi đêm mỗi ngày. Cái khác biệt là trong những chuyến công tác này, con mèo chỉ tham dự với tư cách… nhà tư vấn.
Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm nghề tư vấn này. Từ bé, tay chân đầu óc không lúc nào yên, chỉ thích bầy đủ loại trò chơi mới khi trò cũ đã bắt đầu nhàm chán. Một đứa trẻ quen nghịch ngợm, lông bông suốt ngày chọc phá làng xóm, nhiều khi không có một mục đích nào. Nhưng luôn luôn thích “làm”, không thích “nói”.
Cách khởi nghiệp của tôi với “nghề” tư vấn cũng không theo sách vở hay kế hoạch. Thích giao du và thích làm “thầy” (kể cả thầy dùi) nên có thói quen tư vấn miễn phí cho những doanh nhân nghiệp dư, những sinh viên mới ra trường, hay cả những đại gia “giàu-khôn” hơn mình. Đến một ngày cách đây 8-10 năm gì đó, đang nằm dài lè phè lười biếng với cô bạn gái tại Country Club Jade Resort cạnh bãi biển Chennai, một đại gia từ Turkey gọi nói “tao cần mày theo qua Beijing tư vấn về một phi vụ đầu tư, khá quan trọng”. Không muốn từ chối thẳng thừng vì lịch sự và vì biết tính tên này rất “cheap” nên trả lời “OK, mày ghé qua đây đón tao và con bồ rồi cùng đi. Mà mày phải trả phí tư vấn $100 ngàn dollars cho 1 tuần lễ đó”. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi hắn chấp thuận và càng ngạc nhiên hơn khi nhận chi phiếu $150 ngàn dollars cho 10 ngày bên Trung Quốc.
Tôi tự nhủ, nghề lẩm cẩm này mà kiếm ra tiền nhiều thế này? Từ đó, tôi bắt đầu tính phí cho mỗi phi vụ, càng cao thì càng nhiều khách hàng. Nhưng nhiều khi, cũng chán đóng vai phụ, mờ nhạt phía sau, nhe răng cười hay khóc theo kịch bản của nhà sản xuất. Và những lần khi ý kiến, phân tích của mình (nhìn lại, khá chính xác sau khi phi vụ hoàn tất) bị gạt bỏ với chút chê bai, gây nhiều bực dọc. Nhất là khi thực sự không muốn liên quan đến những trò chơi hai mặt, thiển cận và tham lam… của “phe ta” nhưng phải đứng ngoài khoanh tay im lặng.
Một thói xấu khác dễ mắc phải khi hành nghề tư vấn. Quen với vai trò thụ động, khi quay lại công ty mình làm chủ, tôi lười biếng trong quản trị hàng ngày, tránh trách nhiệm với nhân viên, đối tác, không còn quyết đoán nhanh lẹ, sợ rủi ro và cả cơ hội, thích phân tích biện giải nghiên khảo… thay vì hành động. Dù không bị thiến, con mèo lại thấy “chém gió” có nhiều thú vị hơn; có lẽ vì các mẹ mèo cái đã hết “thiêng”? Một bạn phê bình, “chỉ tại của anh đã già, sắp rụng rồi…”
Trong các Emails, nhiều BCA cũng đang thắc mắc về những biến động sâu rộng trong nền kinh tế toàn cầu và muốn ông già “tư vấn” về tác động của chúng trên tỷ giá, BDS, chứng khoán, vàng… tại Việt Nam. Đây là những câu hỏi không thể trả lời đơn giản vì ảnh hưởng của những tình huống “what-if” khá nhiều và tùy thuộc vào nhiều chính sách khác nhau của nhiều chính phủ. Xin khất các bạn lại trong một bài dài, nếu đầu óc hoạt động bình thường vào cuối tuần này.
Riêng về những xử lý, điều hành hay quyết nghị của nhà cầm quyền Việt Nam, tôi chắc chúng cũng chẳng có tác động nhiều trên căn bản của nền kinh tế hay xã hội địa phương. Tôi có cảm giác là mọi quan chức đều đã biến thành những con mèo… quên, những nhà tư vấn.

Một chuyện cười khác về xứ sở trước khi gặp lại…
Một cậu bé đang học lớp mẫu giáo về nhà khoe với bố… “hôm nay cả lớp chỉ đếm được đến 1, 2, 3. Còn con, đếm đến 4, 5.”
“Bố biết, vì gia tộc con là tinh hoa của vũ trụ, là đỉnh cao của trí tuệ loài người mà…”
Ngày hôm sau, cậu chạy về khoe với bố… “hôm nay cả lớp chỉ biết viết 3 chữ a, b, c. Còn con, biết viết cả d, e.”
“Bố biết, vì gia tộc con là tinh hoa của vũ trụ, là đỉnh cao của trí tuệ loài người mà…”
Vài ngày sau, cậu khoe với bố, “hôm nay học bơi. Lúc cởi quần ra thì “cái” của con lớn nhất lớp. Có phải vì gia tộc con là tinh hoa của vũ trụ, là đỉnh cao của trí tuệ loài người… không bố?”
Ông bố buồn rầu, “Không con ạ. Vì con năm nay đã 12 tuổi rồi…”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 10 Nov 2016

VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ

TS Alan Phan là sáng lập viên của Alan Phan Associates (APA) có trụ sở tại California và Hồng Kông. APA chuyên về hoạt động M&A liên lục địa và tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các công ty đa quốc. Trước đó, TS Phan điều hành quỹ Viasa Fund tại Hồng Kông chuyên đầu tư vào thị trường Trung Quốc (2002-2008). Ông cũng là sáng lập viên và CEO của nhóm công ty Hartcourt với 7 công ty con về IT tại Trung Quốc (1995 - 2002). Năm 1999, Hartcourt niêm yết trên sàn NASD của Mỹ và đạt thị giá 780 Triệu USD.
Ngoài vai trò một doanh nhân với 46 năm trải nghiệm tại khắp thế giới, ông còn là tác giả của 11 cuốn sách về kinh tế, xã hội của các thị trường mới nổi; và viết bài thường xuyên cho blog www.gocnhinalan.com, Robb Report, Esquire, Saigon Times, Entrepreneur, Biz Live, Thế Giới Tiếp Thị… ông cũng là giảng viên thỉnh giảng của vài đại học Mỹ và Trung Quốc. TS Alan Phan du học Mỹ từ năm 1963 và tốt nghiệp kỹ sư (BS) tại Pennsylvania State University (Mỹ), thạc sĩ (MBA) tại American Intercontinental University (Mỹ) và tiến sĩ (DBA) tại Southern Cross University (Úc).

Hết
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, thomas1960

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby thomas1960 » 18 May 2018

Hết sức cám ơn bạn bevanng đã bỏ công sức và thời gian đăng cuốn sách này của Dr. Alan Phạn
Nhưng... xin phép được voi đòi hai bà Trưng một tý: Bạn có bản PDF của cuốn sách này không? Nếu có thì xin bạn chia sẻ, tôi rất muốn có 1 bản PDF giữ trong laptop để đọc từ từ. Cám ơn trước rất nhiều.
thomas1960
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $9,824
Posts: 313
Joined: 03 Sep 2010
 
 

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby bevanng » 19 May 2018

bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu (Alan Phan)

Postby thomas1960 » 16 Jun 2018

Cám ơn bạn bevanng rất rất nhiều!
thomas1960
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $9,824
Posts: 313
Joined: 03 Sep 2010
 
 

Previous

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 22 guests