Ả Hầu - Đỗ Tốn

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Ả Hầu - Đỗ Tốn

Postby TBACDWFC » 07 Oct 2016

Ả Hầu
Đỗ Tốn
Một buổi nóng bức oi ả tôi đương nằm ốm đau ở trên gác một căn nhà tại Quảng Châu thì anh Danh tới ngồi xuống bên tôi ; sau vài câu hỏi tôi về sức khỏe, Danh bảo: "Đã thuê được người làm rồi đấy". Tôi đương mệt, chỉ khẽ nhạt nhẽo hỏi:

- Bao nhiêu tiền một tháng?
- Một đồng bào ở đây thuê giúp cho bọn mình. Ông ta trả tiền công, ông ta có ý giúp đỡ tụi mình trong lúc này...

Tuy đau ốm mà tôi cũng lên tiếng hỏi về giá tiền công vì hồi đó ở Quảng Châu vấn đề tiền là một vấn đề rất nguy nan cho chúng tôi: thời ấy vào năm 1941, thế giới đương lâm vào cuộc Đại Chiến, mà các anh em ở trong nước thì đương bị nhà đương cuộc Pháp khủng bố thành ra đường tiếp tế đã trở nên tắc nghẽn, cũng vì thế chúng tôi phải tiết kiệm, chỉ ăn cơm với rau hoặc sì dầu hoặc muối vừng thôi.... Chẳng thế mà "người ở" trước không thèm ăn như chúng tôi, mà trái lại "bà ấy" mua thức ăn, ăn riêng. Tôi nói chuyện cùng Danh được một lát thì có tiếng anh Lễ ở trên gác ba vọng xuống gọi tất cả các anh em lên ăn cơm.

Nằm lại một mình tôi đương lịm mệt thiu thiu nửa thức nửa ngủ thì thấy có tiếng guốc "lách cách" đi tới. Nhìn lên tôi thấy "người ở mới" đương bưng đến cho tôi một bát cháo hoa với một dúm muối trắng. Đó là tất cả thức ăn để bồi bổ và thuốc thang cho tấm thân tôi đau yếu đã gần 20 ngày trời.

Anh Dang vẫn thường đùa rỡn nói:

- Ai bảo lại dại dột đi đau yếu vào lúc túng tiền ???

Toi thấy cần phải nói là thời đó thành phố Quảng Châu đương bị quân Nhật chiếm đóng và nạn đói thì đương hoành hành dữ. Ra tới đường phố là thấy nhan nhản những bộ xương bọc da thát thểu xiêu vẹo lang thang. Ngày nào cũng có hàng trăm con người chết vì đói ! Tôi đã từng trông thấy trên vỉa hè, trong khi ấy thì dân chúng vẫn qua lại như thường : họ đã quen mục kích những cảnh tượng đó quá rồi ; tôi đã từng thấy những tấm thân xương, giơ tay cướp một chiếc bánh đút vội vào miệng trong khi những cái đấm đá liên hồi đổ xuống tấm thân tàn cho tới lúc nó nằm cong queo và chết lịm, bánh phòi ra mép ; tôi đã thấy những kẻ quá đói nên không buồn xin ai nữa (vì xin đã nhiều mà không được) nay sức đã kiệt, mắt đã hết thần, họ ngồi xuống vỉa hè đợi chết. Đã biết bao nhiêu lần tôi mủi lòng đứng lại cho những kẻ đói ít tiền, nhưng tuy giúp họ như vậy mà tôi cũng thừa biết rằng nếu sáng sớm tôi có đi qua con đường ấy thì sẽ thấy nhiều đứa trẻ nít một vài tuổi bị (vì cha mẹ đói quá) vứt bỏ ngồi lê la khóc ở bờ đường, rồi qua một đêm lạnh nó chết cứng, da xám đen lại; những con run lải ở trong bụng nó trốn lạnh chui ra lỗ mũi, chui ra hậu môn và rồi cũng chết tốt ở đó.

Thành phố Quảng Châu thời ấy có thể gọi là một cảnh địa ngục trần gian. Quân Nhật thì chỉ chiếm đóng được một vùng độ ba bốn chục cây số chung quanh thành phố. Thế mà tôi thì lại nằm ốm đau ở đó trong lúc tiền ít thuốc men không có!

Tôi nằm đợi ngày bình phục chỉ bằng trí ham sống của tuổi trẻ nhưng đôi khi tôi cũng thoáng có ý nghĩ "biết đâu mình chả đương đợi ngày ra đồng nằm lạnh nơí quê người như những kẻ đói khổ kia".

Thoại trông "người ở mới", tôi không thấy có cảm tình, vì nàng không có một bộ mặt, vui vẻ hoặc sắc sảo gì, mà chỉ có hai cánh tay to, khoe lồ lộ ra ngoài ống tay áo ba tầu ngắn, với ít tàn nhang điểm trên khôn mặt trái soan hơi trơ trẽn, tên nàng là Ả Hẩu, nàng độ 23, 24 tuổi.

Vì tiền thì cạn dần nên chúng tôi đã phải tự hạn chế, cả số gạo ăn, có anh em nào khỏe, không đủ no, thì cũng phải ráng chịu vậy. Mặc dầu thế, chúng tôi cũng đã phải bảo nhau : "Chúng mình ăn ít một chút chịu được, không sao, nhưng còn người ở thì phải để cho nó được ăn no". Tuy vậy mà Ả Hẩu cũng chỉ lấy một phần cơm bằng phần cơm của mọi người chúng tôi thôi, và cũng vui vẻ chịu ăn kham khổ suốt tháng như chúng tôi.

Cùng sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, tình thầy trò giữa chúng tôi dần dần mỗi ngày một trở lên thân mến hơn.

Sau những bữa cơm quá ư đơn giản mà thấy người ở vẫn vẻ cười nói bông đùa nên chúng tôi cũng đỡ thấy băn khoăn, băn khoăn vì ý nghĩ "mình đã vậy, nhưng nó khác, nếu khổ quá nó chịu không được nó xin ra thì sao?". ? cái đất Tàu này, người ở vẫn thường được ngồi ăn cùng bàn với chủ cơ mà, hơn nữa người Tàu họ rất chú trọng sự ăn, phải ăn cho ngon đã còn mặc áo có cũ rách cũng được. Thế mà Ả Hẩu ở với chúng tôi thì chỉ có cơm trắng với sì dầu. Chúng tôi lại bảo nhau : "Chúng mình đừng nên gắt mắng gì nó và cũng đừng nên bắt nó làm lụng giặt dũ nhiều... nó chịu làm với mình trong hoàn cảnh này là tốt lắm rồi". Cũng vì thế chúng tôi thường ai nấy tự giặt khăn mùi xoa, quần đùi, bít tất của mfinh - nói tóm lại là các đồ nhẹ.

Tuy vậy mà Ả Hẩu có chịu để cho chúng tôi yên đâu ; ngày nào mà, vì tiết kiệm, chúng tôi không đưa tiền mua sà-phòng để giặt quần áo là y như Ả Hẩu có vẻ bực tức lộ ra, cả ngày kém vui.

Danh và tôi cùng ở chung một căn buồng nhỏ rất xinh, chỉ đủ chỗ kê hai chiếc giường sắt và một chiếc giường con. Vì e giặt giạ nhiều thêm tốn sà phòng, nên quần áo thay ra, tôi và Danh thường vứt vào một góc phòng, rồi ít hôm sau, khi quần áo mặc trên mình đã dơ thì chúng tôi lại lấy quần áo ở trong đống kia ra mà mặc lại. Cứ như thế, quần áo ùn lên thành một đống lớn, nồng mùi mồ hôi... những đã quen mùi nên chúng tôi chỉ thấy quyến luyến cái mùi thân mật đó. Có lần tìm một đôi giầy để đi phố mà sau khi lục lọi khắp nơi tôi vẫn chỉ tìm thấy được có một chiếc, thế rồi đến tối khi lên giường đi ngủ thì tôi thấy - thực không ngờ - chiếc giầy của tôi đương nằm trên đỉnh màn ! Lại có một dạo Danh bị ốm, nhiều đêm rét cắt da thịt; tôi đành phải lấy một cái ống bơ để ở góc phòng cho Danh đi tiểu vào đó vậy - nhưng ống bơ, thì nhỏ trong lúc đau ốm hoa mắt lại đêm hôm thì không sao rõ được nên có lúc Danh đi tiểu ra ngoài ống bơ hoặc có lúc đầy tràn ống bơ, nước tiểu chảy ra sàn buồng và động lại thành từng vũng nhỏ ở gầm giường.

Là những kẻ chưa vợ, đầy thanh niên tính, ưa bừa bãi, nên chúng tôi coi cảnh bừa bộn không ngăn nắp của căn phòng riêng là sự rất thường, nhưng mặc dầu vậy, chúng tôi không muốn cho các bạn khác vào phòng của mình, nên tôi và Danh đùa nghịch đem dán lên cửa phòng tấm giấy, trên viết : "Ai có vào thì xin tìm người hướng dẫn, kẻo lạc".

... Và mỗi khi có việc đi đâu thì chúng tôi không quên khóa trái cửa lại. Nhưng khóa thì khóa chứ nếu ai nhất định muốn vào cũng dễ vì các phòng chỉ ngăn cách nhau bằng các tấm tường ván cây cao lơ lửng hơn đầu người độ 40 phân thôi, cứ việc nhẩy lên leo đại qua tấm tường ván cây đó là có thể vô trong được.

Có một bữa trong khi tôi và Danh vắng nhà thì chẳng hiểu anh Tiết leo vào để định muợn lọ mực chi đó nhưng vừa vào tới nơi thì Tiết đã vội leo trở ra ngay, hổn hển thở mạnh nói với Bảng rằng : "Tôi suýt ngạt vì mùi hôm hám xặc xụa". Từ bữa đó các anh em đặt tên căn phòng của tôi là "chuồng cọp" vì theo họ nó khai nồng như chuồng cọp trên sở thú vậy.

Thế rồi có một buổi trưa kia tôi ngủ một giấc ngon lành, vô tình tôi không khóa trái cửa !... A, thế là tai vạ đến !!! Khi nghe có tiếng động, tôi giật mình tỉnh dậy lơ mơ hé mắt nhìn xem cái gì, thì lạ chưa, cả căn phòng của tôi đã trở nên quang đãng sạch trơn. "Trộm ?". Ý nghĩ đó vụt làm tôi ngồi nhỏm dậy như điện giựt, tỉnh cả ngủ ! - không, chỉ là Ả Hẩu, ống tay áo vén lên tận nách, đương hì hục dùng bao bố với nước lau cọ sàn gạch bông, nhất là những chỗ nước đọng khô.

Thấy có kẻ động chạm tới hang thiêng của mình - và thú thực cũng vì hơn ngượng về sự dơ bẩn bừa bộn của mình - tôi nhẩy chồm xuống đẩy Ả Hẩu ra, - nhưng nàng đâu có chịu, nàng chống cự cố nhào vô để lau lấy được !... Tôi cáu lớn tiếng gắt và ráng hết sức mới đẩy bật được nàng ra khỏi phòng rồi đóng xầm cửa lại.

Độ nửa giờ sau, khi tôi đã mặc quần áo chỉnh tề định đi chơi phố thì tôi thấy Ả Hẩu vẫn còn đứng ngoài bao lơn, mắt đỏ hoe, mũi bóng lọng vì đã khóc..., tay vẫn khư khư miếng bao bố.

Biết câu chuyện ấy nên anh X... người cầm đầu bọn chúng tôi, buộc tôi phải để cho Ả Hẩu vào lau phòng. Tôi tỏ vẻ hơi bực, nhưng biết làm sao, tôi đành lang thang đi ra vườn hoa ngồi chơi ngắm dân chúng qua lại vậy.

Từ bữa ấy, tuy đã để tâm nghĩ mà tôi vẫn không sao tìm được câu trả lời cho hành động của Ả Hẩu. Từ xưa tới nay, tôi đã có định kiến rằng bản tính con người ta ở đời là lười cơ mà, nhất lại là khi làm việc cho kẻ khác ! Thế mà Ả Hẩu lại ưa làm việc là nghĩa gì ? Tôi không hiểu... thực tôi không thể hiểu được !

Nhiều bữa đi xem chớp bóng đến đêm khuya mới về mà tôi vẫn thấy Ả Hẩu còn đương lúi húi giặt từng đống quần áo của toàn thể bọn chúng tôi. Lại có nhiều buổi trưa nắng oi bức ai cũng ngả lưng một chút cho đỡ mệt, thì trái lại Ả Hẩu như chỉ tìm thấy sung sướng trong sự làm việc, chăm chỉ lấy bao bố ra lau sàn gạch... nàng lau nhiều vì thế những viên gạch bông của hai tầng lầu sạch bóng lên, và những tấm kính cửa sổ trở nên sạch sẽ trong suốt.

Thấy Ả Hẩu chỉ chăm quét dọn lau chùi căn nhà chứ không để ý đến chải chuốt làm dáng, nên một bữa đương vui chuyện lúc ăn cơm, thì anh Danh đùa nghịch hỏi Ả Hẩu :

- Bao giờ Ả Hẩu lấy chồng ? Thì nàng đưa mắt lườm một cái rồi đáp:

- Sổ chẩy nị... Lấy chồng để làm gì, ăn à? Các ông tưởng đàn ông các ông quý lắm đấy hả ?

Chúng tôi vui thú cười :

- Không quý à ? Không quý mà sao Ả Hẩu vừa thấy cái bà ở trước cửa nhà ta ghen với chồng khóc lóc ầm ĩ là gì ?

Sau đó ít lâu, chúng tôi gặp được một người Việt Nam làm trên một chiếc tàu chở hàng của Nhật ; vì liên lạc được với nhà, nên chúng tôi mới nhận được một số tiền từ trong nước gởi sang. - Nhưng vì đã có ý nhất quyết rời bỏ Quảng Châu nên chúng tôi vẫn giả vờ như nghèo lắm cứ để mặc căn nhà cẩu thả bừa bộn. Anh em quyết dè sẻn tiền để đợi cơ hội trốn đi nên sự ăn uống vẫn kham khổ hết sức, cơm đã trộn khoai mà cũng chỉ ăn có chừng độ. Tuy thế đôi bữa chợt thấy có món ăn thịt nấu ngon lành, chúng tôi ngơ ngác hỏi : "ở đâu ra thế này" thì Ả Hẩu cười đáp :

- Trước kia tôi cần tiền trả nợ nên tôi đã ăn bới tiền chợ của các ông... nay tôi có tiền tôi trả các ông đấy !...

Chúng tôi chỉ biết cười đáp : "thế à", rồi đành vui vẻ ăn vậy... nhưng sau hỏi dò thì chúng tôi được một đồng bào đã sống ỏ đây hơn 20 năm cho biết sự thật : thì ra khi thì Ả Hẩu vay bạn, khi thì vì mới lãng lương, và có cả khi nàng bán hoa tai đi để mua thức ăn cho chúng tôi nữa...

Kỳ lạ ! Những kẻ phiêu bạt nơi quê người như chúng tôi sao lại gặp một con người kỳ lạ như thế này ! Chẳng hiểu Ả Hẩu có bao giờ tính nợ không ? Nhưng tự nhiên tôi tin rằng không bao giờ Ả Hẩu cần chúng tôi trả lại... nhiều lúc nghĩ đến các hành động của Ả Hẩu tôi không sao không liên tưởng đến những bông hoa chỉ biết thả hương cho gió bốn phương mà chẳng nghĩ tới thu về cho mình một chút gì bao giờ...

Tới đây, tôi thấy cần nói lý do tại sao chúng tôi cần trốn khỏi đấy Quảng Châu này :

Hầu hết chúng tôi đều là những thanh niên trên dưới 20 tuổi, đương bị nhà đương cuộc Pháp ở trong nước lùng bắt nên phải lẩn tránh sang Quảng Châu. Ai đã giúp chúng tôi xuất ngoại : đó là một người tên Sài Điền - khi quân Nhật tấn công và chiếm đóng tỉnh Lạnh Sơn vào hồi năm 1940 thì Sài Điền là vị Đại Tá nắm quyền chỉ huy vùng chiếm đóng đó. Sài Điền nói tiếng Việt Nam thông thạo và tự giới thiệu là người Việt Nam đã sang Nhật lâu năm, nay trở về nước để giúp các người cách mạng Việt Nam giành lại nền độc lập cho Tổ Quốc. Cũng vì Sài Điền là người Việt Nam nên dân chúng ở Bắc Việt hồi đó đồn ầm lên rằng y là con trai ông Cường Để. ? địa vị đó Sài Điền đã liên lạc được với một số đảng viên các đảng cách mạng Việt Nam hồi đó.

Sau đó ít lâu người Nhật trao trả lại cho Pháp tỉnh Lạng Sơn, làm cho hàng ngàn người Việt Nam phải bạt chạy lẩn tránh sang Tầu và bao ngàn người khác bị Pháp bắt bỏ vào tù ; rôì đến khi người Pháp ruồng bắt chúng tôi ở Hà Nội thì Sài Điền liên lạc đưa chúng tôi lên tầu binh Nhật để sang Quảng Châu ; nhóm chúng tôi hầu hết là thanh niên ngoại trừ vài người cầm đầu. Vì chúng tôi còn trẻ, ưa hoạt động, nhiều hiếu thắng, thích xa lạ, nên khi Sài Diền hứa đi Quảng Châu rồi sẽ đưa chúng tôi sang học trường quân sự tại Nhật thì chúng tôi nhận lời ngay.

Khi đã tới Quảng Châu, Sài Điền thuê một căn nhà cho chúng tôi ở, căn nhà này có hai tầng gác mà Ả Hẩu vẫn thường lau chùi như tôi đã nói ở trên.

Sài Điền dạy chúng tôi văn ngữ Nhật ; hắn dạy rất giỏi, rất có thứ tự mạch lạc. Chúng tôi hấp thụ rất mau được văn mẹo Nhật ngữ, với tin tưởng rằng rồi đây sẽ vào trường Quân Sự Nhật.
Sau hơn nửa năm ở thành phố Quảng Châu mà nạn đói đương hoành hành thì càng gần Sài Điền chúng tôi càng hiểu về thân thế Sài Điền hơn : hắn là một tay đánh kiếm cừ khôi, đã từng đi dự các cuộc đấu kiếm tranh giải, hắn lại là giáo sư giậy về lịch sử các đảng cách mạng thế giới ở trường Đại Học Oa-Sê-Đa (Nhật). Chính phủ Tưởng Giới Thạch lại đã treo giải thưởng cho ai lấy được thủ cấp hắn vì hắn là một tên gián điệp lợi hại của Nhật. Hắn lại rất giỏi Hán văn và nói tiếng Tàu quan hỏa văn hoa như các nhà trí thức Tàu vậy. Cũng vì tài văn chương và nói tiếng Tàu của hắn nên trước kia Sài Điền đã giả danh là người Tàu và đã len lỏi được vào giữ một địa vị quan trọng trong Bộ Ngoại Giao Tàu, và cũng nhờ ở địa vị đó nên hắn đã mật thông báo cho Nhật biết được nhiều điều quan trọng bí mật của Tàu trước khi Nhật tấn công ở Lư Cầu Kiều : khi Chính Phủ Tưởng Giới Thạch biết được sự thật thì hắn đã cao chạy xa bay về Nhật rồi. Sài Điền hơi thấp nhưng có một tấm thân rất to khỏe, hắn cận thị phải đeo kính và ước trạc độ 45 tuổi. Sài Đièn rời Việt Nam từ khi hắn mới 11 tuổi do các nhà tiền bối cách mạng đưa đi. Nhưng vì ở Nhật quá lâu lại đã hấp thụ nền văn hóa Nhật, nên ngày nay hắn đã trời thành một người Nhật thực thụ rồi, tôi muốn nói "Nhật từ tâm hồn đến thể xác".

Đó mới là điều tai hại cho chúng tôi ; hắn tuy vẫn tự nhận là người Việt Nam đấy nhưng xét lại thì điều đó có khác gì xưa kia hắn nhận là người Tàu và làm việc cho Bộ Ngoại Giao Tàu !

Sau khi nhận xét càng nhiều, càng kỹ, thì chúng tôi thấy tâm hồn hắn không có chút Việt Nam nào cả ; chúng tôi đành phải đắng cay kết luận là chúng tôi đã lọt vào tay một tên gián điệp đại tài của Nhật, đấy thôi !

Sau khi đã biết vậy, chúng tôi càng để ý dò la cùng nhờ những đồng bào đã ở Quảng Châu lâu năm dò la giúp thêm thì chúng tôi biết là hắn cần nắm vững chúng tôi trong tay không phải cốt để hại chúng tôi mà chỉ cốt tỏ cho nhà đương cuộc Nhật thấy là các đảng cách mạnh Việt Nam liên lạc với hắn chặt chẽ. Hắn ở giữa lấy tiền của nhà đương cuộc Nhật nói là để nuôi chúng tôi, rồi hắn lại lấy cả tiền của chúng tôi đem theo và cả tiền mà anh em ở trong nước gửi ra cho chúng tôi nữa. Hắn ở giữa sống một cuộc đời vui thú dễ dãi.

Sài Điền không muốn chúng tôi hoạt động chính trị gì hết cả tuy rằng thực ra thì ở Quảng Châu cũng chỉ có mươi mười lăm người Việt mà phần lớn đã luống tuổi, chỉ mải lo làm ăn buôn bán. Từ khi biết rõ Sài Điền và tin rằng hắn có hành động như vậy cũng chỉ là theo lệnh của Bộ Tư Lệnh Nhật nên chúng tôi luận ra là người Nhật không thật lòng giúp cách mạng Việt Nam mà chỉ có ý lợi dụng chúng tôi, sẽ dùng chúng tôi vào trong một trường hợp nào đó khi cần. Do đó chúng tôi không còn ý muốn sang Nhật theo học quân sự nữa.

Sau khi biết các điều vừa nói ở trên chúng tôi liền họp bàn với nhau để tìm một lối thoát : chúng tôi đi đến quyết định là sẽ tìm hết cách để thoát ra khỏi chốn này dù phải trả bằng giá nào, dù có phải đổ máu, chúng tôi quyết phải đi nơi nào có nhiều con người Cách mạnh Việt Nam ở hải ngoại để liên lạc với họ... Và nơi có nhiều người cách mạng Việt Nam nhất định không phải ở đây mà ở khu do Tưởng Giới Thạch kiểm soát : đó là các miền Quảng Tây, Vân Nam.

Muốn rời đất Quảng Châu này thì phải vượt qua độ 40 cây số do quân Nhật kiểm soát, qua phòng tuyến của họ - nhưng điều cần trước hết vẫn là phải làm sao thoát khỏi tay Sài Điền đã.

Chúng tôi lấy cớ rằng đã hết tiền, buộc hắn phải tìm biện pháp đưa chúng tôi về nước thì hắn hứa hẹn lần này đến lần khác rồi tuần này đế tuần khác, rồi tháng này đến tháng khác !... Kết cục là cuối cùng cũng chẳng thấy có tầu để đưa chúng tôi về, chúng tôi bực, làm dữ thì Sài Điền chịu đưa chúng tôi đến Bộ Tư Lệnh Nhật. Hắn vào trong độ một lát rồi trở ra bảo "trên mặt biển bị giới nghiêm vì thủy chiến đương diễn ra nghiêm trọng giữa hải quân Nhật Mỹ ! Không có tầu nào để về được ! Sài Điền rất nhiều thủ đoạn hắn không chống lại làn sóng ý muốn của thanh niên trong lúc làn sóng đương dâng mạnh mẽ bao giờ ; hắn dùng thời gian làm cho ý chí thanh niên nhụt dần !... Hắn hứa hẹn tháng sau sẽ có tầu đưa về, rồi lại tháng sau nữa?... "Để lâu cứt trâu hóa bùn" đó là chiến thuật của hắn ; thêm vào đó hắn có những lý lẽ cứng rắn như : thủy chiến trên mặt bể v.v.. rồi hắn lại vỗ về đàn áp bằng bóp chẹt kinh tế v.v... Cuối cùng số lớn anh em trong bọn chúng tôi đi đến quyết định là phải giết hắn đi dù có phải đổi mạng. Cần phải hành động như vậy, một là để mở một đường thoát cho một số anh em đi nơi khác hoạt động, hai là để các anh em còn ở trong nước khỏi bị lừa thêm mãi, có hại lớn về sau.

Trong một buổi họp, anh X..., người cầm đầu bọn chúng tôi lên tiếng hỏi : "Ai tình nguyện giết ?" - Tôi còn đương trẻ măng, tôi cảm thấy tôi không thể giơ tay lên giết một mạng người tôi không đủ can đảm !... Có lẽ ra lệnh cho tôi thì tôi sẽ giết đấy, nhưng "tình nguyện" thì không ! Tôi ngồi im lặng. Giây phút nghiêm trọng như có điện trong không gian. Tôi không rõ thời gian nhanh chậm ra sao nữa nhưng tôi nhớ có hai cánh tay giơ lên, tôi nhận ra Dang và Tiết.

Danh mới 21 tuổi đầu, và Tiết mới 18. Danh giơ tay thì tôi không lại, nhưng còn Tiết ?... Tiết là con một gia đình buôn bán khá lớn ở Hà Nội lại là người Công giáo sùng mộ, ngày ngày vẫn đĩ nhà thờ cầu kinh và trên cổ lúc nào cũng đem một tấm ảnh Đức Mẹ ! Tôi cúi đầu im lặng, tôi không thể hiểu được những hoạt động sâu xa của lòng dạ con người, thực tôi chưa thể hiểu được.

Từ bữa đó trở đi có thể nói là chúng tôi đã sống những ngày cực kỳ nghiêm trọng. Nghiêm trọng vì thêm nỗi lo âu là biết đâu không có một người trong bọn chúng tôi đã bị Sài Điền mua chuộc rồi ? Mà nhất định là Sài Điền có thừa thủ đoạn, còn các anh em thì ở trong tình trạng tâm thần quá căng thẳng vả thiếu thốn vật chất ! Ai biết rằng khi đứng trước nhiều ngang trái lòng dạ con người không bị lung lạc ?

Chúng tôi ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác vẫn tiếp tục vui đùa, đọc sách, đi chơi, nghĩa là vẫn sống cuột sống bình thường mọi ngày ; và vẫn tiếp tục ăn cơm kham khổ với Ả Hẩu, cùng ngong ngóng lo âu nhỡ có một sự phản bội thì đầu mình sẽ rơi trước, rơi giữa thời 20 tuổi miệng cười tươi nở.

Có một buổi sáng kia, Danh gọi tôi giậy sớm hơn mọi ngày, bảo là để cùng mấy anh em tới nhà Sài Điền hối thúc hắn việc về Việt Nam

Sài Điền ở mọt căn gác có hai phòng ngủ và một phòng tiếp khách. Bọn chúng tôi có 9 người nhưng chỉ có 4 người đi tới nhà Sài Điền. Anh Danh gõ cửa phòng ngủ rôì mời Sài Điền ra phòng khách nơi chúng tôi đang ngồi, Sài Điền mặc quần áo chỉnh tề rồi đi ra chỗ chúng tôi một cách rất bình tĩnh tuy rằng thực ra hắn thấy chúng tôi đến nhà hắn vào lúc 7 giờ 30 sáng thì ắt hẳn cũng thừa biết là có chuyện quan trọng rồi.

Vừa thấy chúng tôi, hắn đã phủ đầu nói ngay :

- Các anh cần chuyện gì đó... tôi đã ra Bộ Tư Lệnh để điều đình về việc đưa các anh về nước rồi đó...

Nhưng Danh gạt đi, nói:

- Tuy chúng tôi còn trẻ tuổi... nhưng chúng tôi cần phải nói cho ông biết là chúng tôi chưa thấy ai làm việc nước như ông bao giờ ! Từ nay trở đi chúng tôi không coi ông là một người cách mạng Việt Nam nữa...

Thấy có vẻ gay cấn, Sài Điền liền giở chiến thuật trì hoãn chiến của hắn ra, hắn giơ tay cấy lời ngắt ngang :

- Các anh nên bình tĩnh.... các anh muốn về nước thì tôi cố chạy để có tầu đưa các anh về... các anh đợi tôi một lát rồi tôi sẽ đưa tới Bộ Tư Lệnh hỏi xem ngày nào có tầu.

Sài Điền vừa nói tới đó thì tôi thấy Tiết nhảy vào giơ tay đập như tát khẽ vào mặt Sài Điền một cái rồi lại lùi trở ra ngay. - Bị đập vào má, Sài Điền vừa lùi vào phía tường vừa đưa tay lên má rồi giơ tay hớt hải nói:

- Các anh đừng nóng, các anh đừng nóng, các anh hãy bình tĩnh để chúng ta nói chuyện.

Tôi hãy còn hoang mang chưa kịp hiểu vì sao Tiết lại nhảy vào tát khẽ thế ? Mà tát để làm gì ?... Thì kìa, tôi chợt thoáng hiểu : Sau khi Sài Điền đưa tay lên vuốt má rồi giơ tay lên can ngăn thì tôi thấy bàn tay đó ướt đẫm máu tươi ! Tôi liền liếc mắt thấy một ngón tay của Tiết cũng bị thương máu chảy ra nhiều, thì ra lưỡi dao con chó mà anh dùng đâm vào má Sài Điền khi nãy, lưỡi dao đã gập trở lại cắt sâu vào ngón tay anh trông thấu đến tận xương.

Ngay khi ấy Danh đã nhảy vô đập một cục sắt nhỏ vào đầu Sài Điền làm cho y chập choạng ; Sài Điền đã lui bước vào tới sát tường, vẫn giơ bàn tay máu nói :

- Các anh hãy bình tĩnh, các anh hãy bớt nóng để chúng ta nói chuyện...

Có một giây đồng hồ trống rỗng mà không ai hành động gì cả.

Tôi và Lễ thì còn bỡ ngỡ chưa hiểu rõ ý định sẽ đi đến đâu ! Còn về phần Danh và Tiết thì tuy đã nhận được lệnh hạ sát Sài Điền rồi, nhưng vì còn ít tuổi, mà lại là lần đầu, nên còn ngỡ ngàng quá.

Vết thương ở má, máu chảy giòng chắc làm cho Sài Điền thấy buồn buồn vì tôi thấy hắn luôn luôn đưa tay lên vuốt má ! Chắc khi trông thấy máu ướt bàn tay mình thì hắn đã chợt hiểu nên tuy lùi tới sát tường rồi mà hắn vẫn còn đưa hay tai quờ quạng trên mặt tường phía sau như muốn tìm lối để cố lùi nữa... lùi nữa !... Bàn tay hắn đưa tới đâu là in vết máu đỏ lòm tới đó. Hắn lộ vẻ sợ hãi ra mặt... Có lẽ hắn muốn tẩu thoát nhưng các thanh niên trước mặt hắn đã trở thành các thú dữ.

Bỗng giọng Danh thét lớn "giết, giết", tiếng gào thét trong phòng hẹp vang ầm lên như xé màng tai hung dữ, man rợ ; tôi vẫn còn đương phân vân, nhưng chắc Lễ thì đã hiểu rõ, vì tôi thấy Lễ đưa tay cầm lấy một chiếc ghế sa lông bằng gỗ chắc giơ lên đập Sài Điền. Sài Điền cũng nắm một chiếc ghế khác đưa lên đỡ, hai chiếc ghế phang đập vào nhau vỡ tung rời ra từng mảnh và làm cho Sài Điền ngã xuống sàn. Trong khi Sài Điền đương vội lóp ngóp đứng giậy thì nhanh tay Lễ đã cầm lấy một cái chân ghế gỗ chắc rơi ra đó, giơ lên giáng xuống một chùy rất mạnh vào cái sọ hơi hói của Sài Điền làm cho hắn ngã gục xuống và rơi cả cặp kính cận thị. Sài Điền như say, hắn choạng vạng bò, muốn đứng dậy, nhưng khi đó thì Tiết đã định thần nhanh như chuột, Tiết đã vào phòng Sài Điền cầm ra một lưỡi kiếm Nhật sáng loáng rồi thọc một nhát ngập sâu vào cái bụng phệ của Sài Điền làm cho hắn ngã nằm lăn ra sàn. Tuy Sài Điền nằm ngửa ra mà lưỡi kiếm vẫn cắm đứng sừng sững ở trên bụng hắn ; với sức còn lại Sài Điền cố nhỏm ngồi giậy đưa cả hai bàn tay nắm chặt lất lưỡi kiếm như muốn rút nó ra khỏi bụng mình.

Lại phải nói là sau khi đâm rồi thì Tiết đã lùi ra phía sau nên lúc này chỉ có mình Sài Điền nắm lưỡi kiếm - tuy rằng nắm phía lưỡi chứ không phải nắm phía cán - chợt tôi thoáng có ý nghĩ là nếu Sài Điền trợt giậy được với lưỡi kiếm trong tay thì với tày đánh kiếm của hắn, chúng tôi sẽ nguy mất.

"Giết, giết" Danh vừa thét như con mãnh hổm vừa nhảy vào nắm cán kiém lôi lên làm cho lưỡi bén của kiếm thun thút tuốt qua hai bàn tay của Sài Điền và cắt rách da thịt ! Rồi liền đó một nhát kiếm chát chúa vút chém xuống trán Sài Điền làm lật một mảnh da sọ. Sài Điền gục xuống quằn quại lăn vào chân tường rên thở rốc như một con trâu tử nạn. Đã thôi đâu, trong cơn sau máu, Danh còn giơ kiếm liên tiếp chém xuống vun vút, vì Sài Điền nằm sát nơi chân tường, làm cho vôi vữa rơi tung tóe, Danh chém lia lịa, vào mình ,vào đầu, vào tay, và có cả những nhát kiếm đụng sàn gạch làm lòe đốm lửa.

Khi Danh ngừng tay thở hổn hển thì lưỡi kiếm vì đụng vào tường nhiều, đã trở nên cong veo và đỏ máu. Trên mặt Danh, trên quần áo Danh, trên mặt Tiết và trên quần áo Tiết đều loe loét máu. Máu tung tóe khắp cả trong phòng và gần chân Danh, tôi trông có ba ngón tay của Sài Điền đứt văng ra đó.

Liền đó Dang bỏ trốn qua phía Tưởng Giới Thạch, Tiết thì tình nguyện đứng lại chịu để người ta bắt, còn tôi và Lễ thì đi gọi cảnh sát Tàu địa phương.

Viên Cảnh Sát Tàu được chúng tôi kêu tới, khi nghe nói có người chết thì tuy trong tay hắn có súng mà hắn vẫn e sợ không giám tiến lên gác. Chúng tôi phải vừa dụ dỗ hắn vừa đẩy hắn lên hắn mới dám bước lên nơi xảy ra vụ chém giết.

Khi thấy chúng tôi về, Tiết liền mở cửa cho chúng tôi. Lúc này Sài Điền không còn nằm ở nơi chân tường nữa mà nằm ở giữa phòng, trên một vũng máu lớn đã bắt đầu đông đặc nhớp nháp. Lễ cất lời hỏi Tiết:

- Lúc nãy nói chết ở chân tường cơ mà, sao bây giờ nói lại ra tới đây được - thì Tiết đáp :

- Khi các anh vừa đi khỏi thì nói mở mắt ra nhìn tôi rồi thều thào gọi "Tiết, Tiết", tôi liền lớn tiếng đáp "Tiết, Tiết cái gì ?" rồi tôi xách kiếp tới vừa chém vào cổ nó vừa nói "này Tiết này, này Tiết này". Tôi chém hai nhát đứt cổ họng nó, thế là im ; rồi nó quằn quại lăn tới đó. Thằng này khỏe thật !!!

Phút đó nhìn Tiết, tôi không khỏi thầm mến phục sự can đảm của người bạn trẻ tuổi... quần áo anh đẫm máu, nét mặt anh cương quyết bình tĩnh.

Chúng tôi không ngờ rằng trong giây phút đó thì viên thư ký riêng của Sà Điền đã thoát đi gọi điện thoại báo cho Hiến Binh Nhật biết nội vụ rồi. Một lát sau, cả khu phố đó đã bị vây chặt. Hiến Binh Nhật từ tứ phía gươm tuốt trần, súng lục lăm lăm ở tay, ùa chạy tới bắt chúng tôi dẫn đi.

Tại trại Hiến Binh, người Nhật đối đãi với chúng tôi rất nhã nhặn. Thấy chúng tôi còn ít tuổi nhất là Tiết mà quần áo còn đẫm máu sát nhân, bọn Nhật lại tỏ vẻ mến phục mới kỳ chứ.
Sau khi ngồi ở trại Hiến Binh Nhật độ một giờ đồng hồ thì có một vị Thượng Sĩ Hiến Binh Nhật ở ngoài đi vô. Hắn tiến tới chỗ chúng tôi và tỏ lời khen Tiến rằng sao anh đã hạ nổi một người giỏi võ và kiếm như Sài Điền được ? Thì ra viên Thượng Sĩ này vừa mới từ nhà Sài Điền trở về. - Hình như hắn có nhiệm vụ lập biên bản vụ này. Hắn có đưa thuốc lá ra mời chúng tôi hút. Chúng tôi yên trí là sẽ bị giam cầm một thời gian lâu năm nên rất bình tĩnh : chúng tôi cất lời hỏi viên Thượng Sĩ Nhật là mỗi sáng "chúng tôi muốn được ra sân tập thể thao có được không" thì hắn cười gập đầu. Trước khi đứng dậy đi chỗ khác hắn còn nhoẻn miệng cười cùng Tiết. Thì ra bọn quân nhân Nhật đã được huấn luyện kỹ càng thành các kẻ sát nhân chuyên nghiệp rồi ! Họ đánh giá con người theo khía cạnh ấy.

Độ nửa giờ đồng hồ sau đó, có một tiếng hô lớn làm mọi quân nhân Nhật trong phòng nghiêm đứng. Nhìn lên, tôi thấy một Sĩ Quan đã ngoài 40 tuổi bước vô gươm dài lê thê bên hông ; không khí oai nghiêm làm chúng tôi cũng đứng cả giậy. Sau chúng tôi mới biết đó là vị Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Hiến Binh tại đây. Vị Thiếu Tá bước tới đứng trước mặt chúng tôi rồi cất tiếng hỏi:

- Các anh tới Quảng Châu có mục đích gì ?

Chúng tôi nghiêm chỉnh đáp :

- Mục đích của chúng tôi là tranh đấu để dành lại nền độc lập cho nước chúng tôi.

Nghe xong, hắn gật gù khen "tốt, tốt". Hắn đứng trầm ngâm một lát rồi hắn ra lệnh cho nhân viên trực thuộc lấy mấy gói thuốc lá đưa cho chúng tôi.

Buổi chiều hôm đó, họ lấy khẩu cung của chúng tôi, rồi đem giam chúng tôi vào một phòng rộng có chấn song ở trên lầu : cả đêm chúng tôi không sao ngủ được vì trời quá lạnh mà chăn thì không có, chúng tôi chỉ ngồi ôm lấy nhau cho ấm và chợp mắt được ít phút. Khi sáng ra, bọn Nhật đem lên cho chúng tôi một thùng cơm với ít chanh cá mặn. Tới 3 giờ chiều chúng tôi thấy một tên lính Nhật tới lách cách mở cửa phòng giam rồi dẫn chúng tôi đi...

Đi xuống hết thang gác rẽ qua sân. Chúng tôi được dẫn vào phòng viên Thiếu Tá ; chúng tôi đứng trước bàn giấy của hắn. Sau một lát yên lặng, vị Thiếu Tá đưa mắt nhìn chúng tôi một lượt đoạn hắn chậm chạp nói :

- Người Việt nam xung đột với người Việt Nam, đó là chuyện nội bộ của các anh, người Nhật không muốn dính dáng tới. Tuy nhiên tôi khuyên các anh rằng từ nay trở đi đừng để xảy ra những chuyện như thế nữa... Người Nhật cần giữ trật tự ở nơi đây...

Chúng tôi đã biết khá tiếng Nhật nên hiểu hết lời của viên Sĩ Quan đó nhưng vì quá ngạc nhiên nên chúng tôi còn bỡ ngỡ đứng ngây như phỗng đá. Sau một vài giây đồng hồ thì một người trong bọn chúng tôi cất tiếng hỏi :

- Thưa Thiếu Tá, thế còn số phận chúng tôi ra sao ?
- Các anh được tự do.

Thật quá lạ lùng ! Tôi mang máng tưởng như mình đang ngủ mê...

Vị Thiếu Tá gật gù nói tiếp :

- Phải, các anh được tự do trở về nhà các anh.

Sau khi chào "hắn" chúng tôi ra về vội vã như chỉ e không đi mau nhỡ hắn lại thay đổi ý kiến thì khốn.

Khi về tới cửa nhà, những anh em còn ở nhà cũng chẳng kém ngạc nhiên, reo chạy ra ôm lấy chúng tôi cảm động : trong số những người chạy ra đó có cả Ả Hẩu. Ả Hẩu vui mừng lộ ra nét mặt, nàng vội đi mua một con gà về nấu cháo cho chúng tôi. Tới lúc đó tôi mới nhận thấy mình đói. Chúng tôi ăn bay hết cả nồi cháo - nhớ lại thì ra từ sáng hôm trước tới nay chúng tôi mới chỉ nuốt có một chút xíu cơm tù vào bụng.

Đêm đó, sau bữa ăn ngon lành, chui vào nằm trong chăn ấm, tôi thấy khoan khoái lạ thường. Nhưng đó chỉ là mối khoan khoái về thể xác, vì rồi tự nhiên, tôi bỗng cảm thấy một nỗi buồn xa vắng mênh mông từ đâu từ từ trở về xâm lấn cả tâm hồn ; căn phòng thiếu Danh (đã trốn) càng lạnh lẽo thêm.

Tôi nằm được một lát thì thấy Tiết từ phòng bên đi tới... Tiết nói :

- Em ngủ chung phòng với anh được không ?

Tôi gật đầu, Tiến liền trở về phòng mình đem chăn gối và một cây Thánh Giá nhỏ sang. Sau khi treo cây Thánh Giá lên cái đinh trên tường. Tiết lặng lẽ quì xuống làm dâu và lẩm nhẩm đọc kinh cầu nguyện khá lâu.

Tôi yên lặng nhìn Tiến. Khi đã đọc kinh xong Tiến ngoảnh nhìn lại tôi rồi nói:

- Nằm phòng bên kia một mình em hơi rợn anh ạ.

Tôi mỉm cười hỏi :

- Tiết này, Tiết có tin là có Ông Trời hay Đức Chúa không? Tôi muốn nói một Đấng Tối Cao...

- Có chứ. Em tin là có Chúa, em lại còn tin là tất cả mọi việc làm, mọi hành động của ta đều do Chúa xếp đặt sẵn sàng từ trước cả.

Tôi đáp :

- Nếu Tiết có Đức Tin như thế thì Tiết là một người sung sướng.

Ngừng một giây tôi tiếp :

- Đã tin là có Đức Chúa thì chắc hẳn Tiết cũng tin là Đức Chúa thì phải công minh chứ !

- Đúng thế ! Nhất định là Chúa thì công minh rồi.

*

Tôi nằm nghĩ liên miên đến nhiều thứ, nào quê nhà, nào bạn cũ, nào những ngày nghỉ học của thời thơ ấu xa xưa, và rồi đến cả môt đêm hội làng ở quê nhà nay đã xa vời.

Tôi nghĩ chẳng mạch lạc gì, nghĩ liên miên nhưng sau rồi hiện tại kéo tôi về làm tôi trạnh nghĩ đến Danh, chẳng hiểu giờ phút này Danh đương rét mướt nằm ngủ trốn tránh ở một xó chợ nào, hay ở một gậm cầu nào hay ở đâu... và rồi bỗng nhiên tôi thấy tủi thân muốn ứa nước mắt... tôi thấy tôi thương hại cho tất cả chúng tôi.

Trong khi ấy thì Tiết đã ngủ kỹ, hơi thở đều đều ; có lẽ Tiết không có một tâm hồn hay nghĩ như tôi. Tôi có cảm tưởng Tiết giết người với niềm tin tưởng rằng việc anh làm là chính đáng cần thiết, tôi liên tưởng đến những người lính ra trận bắn chém người nhưng tâm hồn thư thái yên vui. Tôi liên miên nghĩ nhiều, và rồi thiếp ngủ lúc nào không biết.

Sáng hôm sau trở giậy, khi bước vào phòng tắm thì tôi thấy Ả Hẩu đương hì hục giặt bộ quần áo đầy vết máu của Tiết ; tôi đùa vỗ vai Ả Hẩu hỏi :

- Nị có sợ không ?
- Sợ chi... có giết tôi đâu mà tôi sợ.

Ngừng một giây nàng tiếp :

- Bữa trước tôi chỉ lo nhỡ các ông bị tù thì khổ thân.

Trong những tháng tiếp theo đó chúng tôi chia nhau phận sự, kẻ đi giậy học để có thêm tiền, người vẽ tranh bán, người đi thổi kèn cho một ban nhạc tại một tiệm khiêu vũ, người thì đi dò đường tìm lối để sẽ tẩu thoát...

Song từ bữa hạ sát Sài Điền tới nay cứ mỗi khi tôi và Lễ giậy sớm để đi dò đường thì y như bị ngay Ả Hẩu ranh mãnh hỏi:

- Nị làm chi mà trở giậy sớm thế ? Lại định đi giết người phải không ?

Thì ra Ả Hẩu còn nhớ là bữa hạ sát Sài Điền chúng tôi đã trở giậy sớm hơn mọi bữa khác.

Do đó, chúng tôi phải có lần cùng nhau bàn bạc về sự không ngoan của Ả Hẩu, và rồi đi kết luận là có dấu nàng cũng khó. Vậy thì tốt hơn hết là dò ý định của nàng xem sao ; nhất là cũng cần biết rõ em nàng có phải là người của Nhật sai đến dò xét chúng tôi không, tuy rằng nàng đã có một thái độ rất tốt đối với chúng tôi.

Kể từ bữa đó, chúng tôi để ý dò la Ả Hẩu. Mọi ngày Ả Hẩu vào quét phòng thường thấy tôi ngồi học hoặc viết lách ; - nhưng có một bữa tôi mở sẵn quyển album ra và đặt nó trên mặt bàn cốt ý khơi tính tò mò của Ả Hẩu. Đúng như tôi đã ước đoán, Ả Hẩu liếc nhìn rồi hỏi ngay :

- Quyển sách hình của ông đấy à ? Tôi xem có được không ?

Sau khi tôi gật đầu Ả Hẩu vừa lật xem vừa hỏi cặn kẽ về các người trong hình. Tôi phải chỉ vào, từng hình dẫn giải nói : đây là anh tôi, đây là em tôi, đây là cảnh tôi đi săn ở núi đồi quê nhà, đây là hình tôi đi nghỉ mát ở bãi biển Sầm Sơn v.v... khi đã coi xong, Ả Hẩu vui tươi hỏi :

- nhà nị vui sướng thế sao nị lại sang đây ?

Tôi mỉm cười đáp :

- Tôi thích phiêu lưu Ả Hẩu ạ...
- Thế nị có bao giờ nhớ nhà không ?
- Nhớ chứ... tôi đông anh em lắm cơ... A ! Có đi ra ngoài thì người ta mới biết rằng ở gia đình sung sướng Ả Hẩu ạ...

Ngừng một giây tôi nhìn Ả Hẩu tiếp:

- Tôi nhớ nhà quá Ả Hẩu ơi, ... làm thế nào được bây giờ?

Ả Hẩu nói:

- Nhớ thì đi về chứ sao...

Tôi liền chụp lấy cơ hội hỏi luôn :

- "Về bằng cách nào ?" thì nàng nghiêm giọng nói "thiếu gì cách, người ta vẫn ra vào vùng này như đi chợ".

Tôi hạ giọng nói khẽ :

- Tôi cũng chưa rõ,... nhưng nghe đâu hình như có con đường đi ô tô đò, ra gần bến đò Cửu Giang, rồi chỉ đi thuyền là qua được sang bên Tưởng Giới Thạch...

- Đúng thế,... người ta đi ra đi vô bằng đường ấy nhiều lắm...

Vài hôm sau tôi rủ Ả Hẩu hãy thử cùng tôi đi đò con đường đó, thì nàng bằng lòng ngay.

Thế rồi có một hôm Ả Hẩu vờ ốm xin nghỉ để cùng tôi bí mật đi dò đường. Chúng tôi đi được tới bờ sông thì lại quay trở về. Tất cả mọi anh em đều được tôi kể lại cho biết công việc đó, thế mà Ả hẩu vẫn tưởng chỉ có một mình tôi có ý định trốn về nước ! Vì e người Nhật biết nên chúng tôi giấu kín không dám cho các đồng bào ở đây hay biết. Cho tới ngày sắp khởi hành lên đường trốn đi, sau khi cân nhắc đã nhiều, chúng tôi mới quyết nói cho Ả Hẩu rõ là cả bọn chúng tôi dự định đi ! Chúng tôi biết là nói ra như vậy có thể nguy đến tính mạng, nhưng chúng tôi cảm thấy là cần phải nói, và tin rằng có nói với Ả Hẩu cũng không có hại gì. Khi nghe biết ý định của chúng tôi. Ả Hẩu đứng im lặng suy nghĩ. Đoạn một lát sau, nàng cất tiếng bảo :

- Tôi sẽ đi cùng với các ông.

Chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên, sau rồi người trong bọn cất tiếng bảo :

- Ả Hẩu đi làm chi ? Đi nguy lắm !... Chúng tôi có bổn phận của chúng tôi thì chúng tôi hứng nguy hiểm đã đành, chứ còn Ả Hẩu ! Ả Hẩu nên biết là chẳng may mà người Nhật bắt được thì mất đầu như bỡn ; mà hơn nữa, nếu thoát được sang tới bên kia thì cũng chưa chắc gì nguời Trung Hoa lại không nghi chúng tôi là gián điệp và không bắt giam. Ả Hẩu đã thấy rõ nỗi nguy chưa ?

Ả Hẩu đáp :

- Tôi thiết nghĩ tôi là đàn bà Tàu, có tôi thì việc các ông trốn qua các nơi chắc sẽ dễ dàng hơn nhiều...

Lý lẽ của Ả Hẩu rất vững, nên sau mấy ngày liền cân nhắc, chúng tôi nhận sẽ để Ả Hẩu cùng đi với chúng tôi.
Tới bữa cất bước lên đường, chúng tôi ai nấy mặc một bộ bà ba bẩn thỉu cũ ký ; mỗi người đeo một chiếc giây lưng đã cũn nhưng khóa của nó đã được đánh bằng hai lượng vàng rồi đem mạ bạc đi để người ngoài có trông thấy thì cũng chỉ thấy nó giống như các chiếc khoá sắt mạ kền rẻ tiền khác ; Ả hẩu cũng được chúng tôi trao cho một chiếc giây lưng như vậy, để phòng khi tới bên kia nhỡ mà chúng tôi bị bắt thì đã có Ả Hẩu ở ngoài để tiếp tế thực phẩm cho chúng tôi.

Ba giờ rưỡi đêm chúng tôi đã trở giậy sưả soạn lên đường, ai nấy chỉ đem theo vài thức cần dùng, quần áo đủ thay thế thôi, còn bao nhiêu màn chiếu, sông chảo, giầy mũ, quần áo, bàn ghế, sách vở, chúng tôi vứt bỏ lại hết, chỉ miễn sao thoát thân là được.

Mấy ngày trước khi khởi hành tôi thấy hồi hộp lạ thường ; tôi có cảm tưởng mình như người lính mới sắp ra trận, - Thế mà sao tới giờ phút sắp cất bước đi và gian nguy này thì tôi lại không thấy hồi hộp chút nào nữa, mà thấy lòng bình tĩnh lạ thường, một nỗi ibfjnh tĩnh thâm trầm, lặng lẽ. Lòng tôi không còn mong ước gì không conf sợ gì và cũng không chờ đợi một cái gì nữa. Tôi thấy như giờ phút đó tôi không có cả cảm giác nữa.

Với trạng thái tâm hồn như vậy nên khi đợi giờ khỏi hành, tôi ngồi xuống sân gạch, châm thuốc hút. Chung quanh những giấy tờ sách vở vứt ngổn ngang, tất cả những thứ gì xưa nay vẫn nằm trong ngăn kéo nay đều đổ ra sân bừa bãi. Thế rồi trong khi tôi đương mơ màng qua khói thuốc thì chợt có người kẽ đập vào vai tôi nói:

- Lui ra chỗ khác.

Tôi ngơ ngác đứng giậy bước ra chỗ khác - và lúc đó tôi mới nhận ra là Ả Hẩu ; nàng đương quét dọn và xếp gọn lại sách vở cùng trăm thức vứt bừa bộn ra trên sân gạch.

Với tính gọn ghẽ chăm là muôn thuở của người đàn bà Á Đông, nên dẫu Ả Hẩu sắp rời hẳn chốn này mà nàng vẫn quyét dọn thu vén như là mai mốt còn trở lại căn nhà này vậy.

Tôi ngạc nhiên, và tự hỏi: "Ả Hẩu quyết để làm gì nhỉ ?" nhưng nghĩ nhiều mà tôi vẫn đành chịu không sao tìm được lý do để giải thích một cách thỏa đáng hành động ấy. Từ đó đến nay - mà có lẽ cả mãi mãi về sau này - thường khi tôi không cố tìm hiểu lý do về những việc đời nữa, tôi mặc nhiên tiếp nhận các sự việc xảy ra với ý nghĩ "nó thế vì nó thế, thế thôi".

Sau nửa ngày đường mà có quãng thì đi xe ô tô đò, quãng thì đi bộ qua nhiều chặng có lính Nhật kiểm soát, sau rồi chúng tôi cũng tới được bến đò Cửu Giang. Chúng tôi vào trú tại một tiệm buôn đã được thu xếp từ trước.

Bên này sông, thuộc quân Nhật kiểm soát, bên kia thuộc Tàu. Khi chiều đến trèo lên gác thượng trông ra mặt sông rộng như cửa biể tôi thấy xôn xao rào rạt trong lòng. Xa xa tít tận bên bờ kia cảnh vật mờ mịt huyền ảo trong sương chiều. Tôi có cảm tưởng như mình đương sống trong một chuyện cổ tích hoang đường mà bên kia là một thế giới xa lạ con thuyền tôi sắp rạt vào...

Làm sao tả xiết được nỗi lòng lúc đó ! Chỉ những ai đã từng vượt biên giới trong thời chiến mới cảm thấy nỗi hoang mang xa lạ đó - nỗi hoang mang hứng thú lên đến cao độ vì có thêm nguy hiểm ở trong. Nhưng sao nguy hiểm không làm cho tuổi trẻ sợ mà trái lại chỉ gợi thêm kích thích, rót thêm say sưa...

Lúc vược qua sông rộng, con thuyèn nhỏ đương lênh đênh ở giữa giòng thì bầu trời bỗng tối sầm lại mây đen kéo ùn ùn, gió nổi lên rồi một cơn mưa gió phú phàng chỉ miền nhiệt đới mới có ; mưa đổ xuống như trút nước, sóng trên sông rộng mênh mông lay con thuyền nghiêng ngả. Lúc đó Ả Hẩu đương ngồi trên một túi quần áo, còn tôi thì ngồi ở dưới sàn thuyền thấp. Thấy mưa quá lớn, Ả Hẩu không e ngại rằng mình là một cô gái, nàng dùng cả ô của nàng lẫn thân nàng che mưa cho tôi bằng cách ngồi ôm kín lấy tôi cho tôi khỏi bị ướt vì thấy tôi mới đau ốm giậy sức còn yếu.

Độ ngót nửa tháng liền, chúng tôi nào đi thuyền nào đi bộ qua các đường mòn xuyên rừng băng núi, mỗi ngày phải vượt độ bốn chục cây số thì cứ thường về chiều chúng tôi mới tới một phố quê lèo tèo để dừng chân ngủ lại. Mỗi nơi là một cảnh xa lạ mà tôi biết là không bao giờ còn đặt chân trở lại lần thứ hai, cũng vì thế những khung cảnh dù có thô sơ cũng gợi và lòng tôi nhiều cảm giác man dại, hoang đường, tha tiết. Nhiều nơi mà tới nay nghĩ lại tôi không sao còn hình dung ra được nữa, vì tôi thường đặt chân tới chiều nhá nhem tôí và lại cất bước ra đi trước khi mặt trời mọc. Phong cảnh thường chỉ mờ ảo ẩn hiện dưới ánh trăng... nó chỉ thoáng hiện trong một đêm để rồi lại biến mất. ngày nay lắm lúc tôi có ý nghĩ "có lẽ đó cũng chỉ là những giấc mơ, như những giấc mơ khác" và rồi có lúc tôi đâu hoài nghi hết cả, không hẳn tin rằng mình đã từng đi qua những nơi ấy.

Trên những đoạn đường vắt qua hàng vạn quả núi vắng, chúng tôi đã trải bao vất vả, gặp bao gian nguy... tôi đã gặp cả những tên thổ phỉ tay cầm súng sừng sững bắt nộp tiền "mãi lộ". Mặc dầu vậy, Ả Hẩu vẫn vui lòng cùng chúng tôi chia xẻ những bất chắc.

Tôi còn nhớ có một lần tôi và Bảng đi cách các anh em một quãng xa ở phía sau thì bị một tên thổ phỉ từ rừng cây bên đướng bước ra chĩa súng bắt chúng tôi giơ tay lên ; sau rồi hắn tiến lại đưa tay lần khám lưng, khám túi chúng tôi, khám xong, hắn cầm lấy bọc quần áo của chúng tôi vứt và chiếc thúng của hắn ; chúng tôi chỉ đành trố mắt nhìn mà không làm gì được. Hồi đó chúng tôi nói tiếng Tàu xoàng lắm, nhưng cũng đủ cho hắn hiểu được rằng chúng tôi không phải là người Tàu, chúng tôi là người Việt Nam.

Chúng tôi dằn mạnh và nhắc đi nhắc lại "người Việt Nam" thì hắn gật gù nói :

- A, à... Việt Nam... Việt Nam

Thực ra thì hắn chẳng khác gì một tên mọi trên rừng ; tôi tin rằng hắn cũng chẳng biết Việt Nam ở đâu, Việt Nam là gì nữa...

Sau khi hắn khám túi chúng tôi mà chỉ thấy có ít tiền, vả lại trông mặt chúng tôi chắc cũng đầy vẻ thư sinh lương thiện, có lẽ hắn cũng có đôi chút cảm tình sao đó, nên bỗng dưng hắn ôn tồn nói:

- đây trê rừng núi cao, chúng tớ thiếu quần áo.

Chúng tôi đành chỉ biết nhìn nhau "thế là đi đời túi quần áo, phen này thì ở lỗ mất". Không biết cách gì hơn tôi và Bảng đành cười nhạt vậy ! Thấy chúng tôi cười, tên thổ phỉ cũng thô sơ "hềnh hệch" cười theo với chúng tôi. Tình thế lúc đó thực bi đất và cũng thật tức cười... Trông tên thổ phỉ tôi thấy hắn cũng chỉ như mọi người nông dân khác, hắn có một khuôn mặt béo đen chất phác, có thể gọi là hiền lành được ; giáng điệu của hắn cũng không có vẻ gì là tàn ác khát máu ; trái lại hắn lại luôn luôn toác miệng cười để lộ một hàm răng vàng khè và thiếu mấy chiếc răng cửa. Việc mất bọc quần áo thì đã mất đứt rồi, mà có than tiếc bực bội cũng chả ích gì, nghĩ vậy nên tôi đành làm bộ dửng dưng cất tiếng hỏi hắn về cuộc sống của hắn ở nơi núi rừng này thì hắn bắt chuyện ngay. Sau một lát truyện trò -- có thể thạm gọi là vui vẻ - thì tôi thấy hắn móc túi lấy ra một xấp bạc rồi hắn ngồi xuống bờ cỏ đếm - khi đã đếm xong, hắn bỏ một phần vào túi, còn phần còn lại thì hắn cầm trong tay - lúc đó mặt hắn ngây thộn ra, trông ngô nghê một cách tứ cười ; tôi chẳng hiểu hắn đương nghĩ việc gì...

Rồi một lát sau, bỗng hắn đứng giậy tiến lại gần tôi, giơ xấp giấy bạc ra trước mặt, hất đầu ra hiệu như bảo "cầm lấy".

Tôi còn ngơ ngác chưa hiểu hắn muốn gì, thì hắn đã đặt mạnh tiền vào tay tôi, miệng nói:

- Cầm lấy để mua quần áo khác.

Lúc đó, hắn đứng rất gần tôi nên khi hắn nói thì nước miếng hắn bắn qua lỗ răng gãy hở và bắn tung cả vào mặt, tôi phải khẽ lùi bước.

Nhưng hắn cũng tiến bước theo, đưa tay vỗ mạnh vào vai tôi cười mà nói:

- Giữ lấy ! Cứ giữ lấy.

Tôi nhìn hắn một cách ngạc nhiên như vẫn chưa dám tin ! Có lẽ lúc đó mặt tôi có vẻ ngớ ngẩn lắm thì phải, vì bỗng dưng tôi thấy hắn phá lên cười. Từ đó, bầu không khí giữa chúng tôi trở nên dễ thở hơn.

Thì ra có lẽ ở một xó nào đó trong cõi lòng của tên cướp đường quen giết người này fẫn còn tiềm tàng rớt lại được một vài vụn lương tâm.

Sau khi bỏ tiền vào túi rồi thì chúng tôi, ba kẻ giang hồ, cùng nhau ngồi xuống bờ cỏ núi, lấy sục-ín quấn hút khoan khoái và vui chuyện một cách thân thiện. Những cây chổi xể mà chúng tôi ngồi ngả nghiêng đè lên gẫy dẹp xuống - hoa chổi xể lấm tấm trắng... lá chổi xể ngứt ra trong tay lơ đãng thơm phức mùi hoang dại !... Không khí trên núi đồi cao thoải mái nhẹ nhàng... tự nhiên giây phú đó tôi thấy yêu đời phiêu lưu lạ.

Tên thổ phỉ nói hơi nhiều ; mắt hắn có những tia vui lấp lánh.... có lẽ tại ở đây vắng vẻ ít có người để hắn cùng nói chuyện, nên nay được có chúng tôi để nói thì hắn để lộ hẳn vẻ vui mừng !... Mỗi khi hắn nói thì qua lỗ miệng thiếu răng của hắn tôi thấy cái lưỡi hắn bần bật cử động một cách nự cười.

Một lát sau, chúng tôi từ giã tên thổ phỉ ra đi; khi đã được dăm chục bước tôi nhìn lại còn thấy hắn cầm súng đứng trông theo !... Thấy tôi ngoảnh nhìn lại, hắn hai tay dơ cả súng lẫn nón lên vẫy tôi ; tôi cũng giơ tay vẫy lại hắn mấy cái rồi mới ngoảnh bước đi... Tôi vừa bước được vài chục bước thì bỗng hai tiếng súng liên tiếp nổi như xé bầu trời, đạn rít bay trong không. Tiếng nổ giữa núi rừng vang to lạ thường, nó réo lên trong không khí, reo xuống suối sâu, đập oang oang vào các sườn núi, rồi cùng nhau văng vẳng trở lại rạt rào như là ở khắp các bụi bờ khe tahwrm đương có nhiều tiếng gầm thét căm hờn của một giống nòi man rợ.

Chúng tôi giật mình ngoảng lại, thấy tên thổ phỉ thì hãn còn giơ ngọn súng lên trời ; miệng súng còn toả khói : thì ra hắn đã cầm súng một tay giơ lên bắn chỉ thiên.

Cái lối chào hùng tráng mà man rợ đó, làm cho lòng tôi bỗng rung động, và trong giây phút ấy tôi bỗng có nhiều cảm tình đối với hắn,.... rồi vừa cất bước lững thững trên đường mòn heo hút tôi vừa có ý nghĩ : "có lẽ gần nhau thì chúng tôi có thể thành đôi bạn được !". Đoạn đưa mắt nhìn phong cảnh núi rừng ngoạn mục hùng vĩ, trong mộng thây tôi thoáng chợt có giấc mộng là thổ phỉ, bất giác tôi mỉm cười. Thấy tôi cười, Bảng cất tiếng hỏi :

- Cười gì thế ?

Tôi liền đập tay vào bụng Bảng mà rằng :

- Tôi vừa có ý muốn là thổ phỉ Bảng ạ... nhưng lúc đó chắc hẳn là tôi sẽ không quên lột tất cả các giây lưng của cá khách qua đường.

Bảng cũng mỉm cười và bất giác đưa tay sờ vào chiếc khóa thắng lưng bằng vàng của mình.

Ít lâu sau đó thì chúng tôi tới được thành phố Liễu Châu (thuộc Quảng Tây) là nơi trú ngụ cửa một số lớn các người cách mạng Việt Nam ở Hải Ngoại.

Chúng tôi bị giữ tại trụ sở Cảnh Bị Tư Lệnh Bộ, nhưng được đặc biệt ở trong một phòng vẫn thường dùng cho khách vãng lai, vật chất thì không thiếu thốn lắm, nhưng mất tự do.

Ả Hẩu bị giam cùng chúng tôi, có đôi phút tỏ ra giận dỗi tức bực - ai mất tự do mà không đôi khi trở nên khó tính ! - chúng tôi hiểu điều đó lắm nên sẵn sàng bỏ qua hết.

Có một hôm, vị Đại Tá Tàu chỉ huy trại Cảnh bị có ngỏ ý muốn mướn Ả Hẩu làm cho ông ta, thì Ả Hẩu từ chối, nàng tự ý ở lại trong trại giam giặt gịa quần áo cùng nấu cháo hoặc thức ăn cho chúng tôi.

Vị Đại Tá thấy thái độ của Ả Hẩu như vậy thì lấy làm lạ nên có hỏi :

- Tôi trả chị cao lương, chị lại được tự do, thế mà sao chị lại không muốn làm cho tôi.

Ả Hẩu bình tĩnh đáp :

- Các ông chủ tôi rất tốt, các ông đó lại xa gia đình, quê hương, nhất là lại gặp hoàn cảnh này... tôi không bao giờ lại bỏ các ông ấy mà đi làm nơi khác cả...

Biết như vậy, chúng tôi rất cảm động ; chúng tôi chẳng hề làm gì hơn là cố tử tế để đáp lại lòng người đàn bà kỳ lạ đó, người đã làm cho những bữa cơm ở nơi giam cầm trở nên ngon lành bằng những bữa thịt kho mặn hoặc những nồi canh nóng sốt thơm tho...

Có những bữa trông thấy tôi không vui, hoặc ăn ít vì cơm khê, cơm sống, hoặc vì gạo hôi mùi cứt dán v.v... thì Ả Hẩu tay cầm đũa gõ vào miệng bát mà ca hát cốt làm cho chúng tôi khuây khỏa - tôi còn nhớ có lần nàng hát rằng...

Có người trai trẻ, lòng thích phiêu lưu.
Bỏ Cha bỏ mẹ,
Bỏ anh bỏ em... Bỏ cả người đẹp...
Xa rời êm ấm...
Để đi vào tù...".

Khi nàng rứt lời, tất cả cùng cười lớn làm tôi cũng tui thú cười theo, đỡ sầu !

Gần lâu, chúng tôi mới nhận thấy nhiều khi Ả Hẩu rất có duyên, cái duyên vui tươi quý báu của một con người nết na.

Thấy Ả Hẩu quá tốt nên có những lúc tự nhiên tôi lại không ngăn được, tự hỏi "tại sao ?" và tôi lại băn khoăn cố tìm lý do để giải thích ! ! ! Có một bữa trời mưa, chúng tôi đương ngồi hút thuốc "sực ín" nói truyện vui thì một anh có ý kiến :

- Này hay là con Ả Hẩu nó thầm yêu một anh nào trong bọn mình chăng ?

... Thế rồi có một bữa kia, trước mặt đông đủ cả bọn chúng tôi, anh Lễ cất tiếng đùa hỏi Ả Hẩu :

- Này Ả Hẩu... chúng tôi thấy "nị" rất ngoan nết na... chúng tôi ước gì sẽ thành vợ một người trong bọn chúng tôi để thêm thân mật thì nghĩ sao, nị ưng ai...

Ả Hẩu đỏ mặt dưa mắt lườm đáp :

- Nị điên hả,... có phải sự mất tự do đã làm cho nị đâm ra khùng hả...

Nói xong nàng đứng dậy đi xuống phía nhà bếp của trại giam.

Sau khi ở trại giam được thả ra, thì vì hoàn cảnh không cho phép nuôi Ả Hẩu nữa nên chúng tôi đành nói cho nàng hiểu lý do cùng biếu nàng một số tiền để nàng đi tìm việc nơi khác ; chỉ mấy ngày sau đó Ả Hẩu đã keiém được một việc khá cao lương tại một khách sạn. Tuy làm ở khách sạn hơi xa, nhưng đôoi khi rỗi việc nàng vẫn thường đến thăm nom chúng tôi. Có khi nàng lại đem những quần áo của chúng tôi về khâu và giặt ủi hộ ; kịp khi Tết đến, một hôm Ả hẩu gặp Lễ và tôi đương đi chơi phố ; biết tính hai chúng tôi ưa nhậu nhẹt - vì đã có những lần chính tay nàng đi bán hộ chúng tôi đồng hồ vàng, bút máy, măng tô v.v... để lấy tiền ăn hút - nàng vui cười hỏi :

- Năm nay hai ông ăn Tết bằng chi đó ?

Hai chúng tôi không đáp mà chỉ vui đùa nhăn mũi cười, đầu lắc quầy quậy. Thấy thế Ả Hẩu cười rộ có vẻ như thích thú lắm như ngụ ý bảo "Đáng kiếp chưa, ai bảo hay ăn cho lắm và bây giờ thì há họng ra".

Tới chiều 29 Tết chúng tôi còn đương phân vân ăn Tết sao cho rẻ tiền, thì thấy Ả Hẩu khệ nệ đem đến cho chúng tôi một đôi gà, một đùi thịt lợn, hai cân mứt và một gói hạt dưa lớn.

Biết là từ chối cũng không được, chúng tôi đành chỉ biết trách nàng "mua làm chi nhiều thế... phí tiền" thì nàng trả lời :

- Cứ ăn Tết đi đã... khi nào sẵn tiền thì trả lại tôi sau cũng được.

Mà những thức đó ở đất Tàu trong thời chiến tranh có rẻ gì đâu cho cam !

Sau Tết độ hai tháng thì tôi một mình lên đường trở về Tổ Quốc. Lòng tôi rất sung sướng vfi đã hơn mấy năm xa nhớ quê hương.

Tuy nhiên, trước khi ra đi tôi cũng nhớ tìm đến người thiếu nữ quý báu kia để từ biệt cùng hẹn một ngày tái ngộ khác.

Ả Hẩu thân mến hỏi tôi ngày nào khởi hành, đi bao lâu thì về tới nhà v.v..., nàng dặn dò tôi nhiều điều, nàng nhắc tôi từ chiếc bàn chải đánh răng đến viên thuốc trừ cảm.

Sáng sớm hôm sau là ngày tôi lên đường thì tối nay Ả Hẩu tới tận nơi tôi ở - sau khi kiểm lại túi hành lý của tôi nàng băn khoăn cự tôi :

- Nị mơ mộng quá !... đi xa xôi núi rừng mưa nắng mà không có một lọ dầu !

Rứt lời nàng ra đi mua về đưa cho tôi một lọ dầu Nhị Thiên Đường và một hộp dầu cao Con Hổ. Nàng nói :

- Tính nị vô ý vô tứ, có làm đổ lọ này thì còn hộp dầu cao này mà dùng.

Tôi không nói gì, yên lặng để mặc cho Ả Hẩu xếp lại, buộc lại túi hành lý của mình. Tôi đã quen với cái tính kẻ cả, cái tính ưa chen lấn vào đời tư chúng tôi của nàng rôi - chen lấn vào để chăm nom săn sóc lấy được mới nghe. Tôi biết là có cãi với nàng cũng vô ích, nàng vẫn cứ làm theo ý của nàng.

Khi Ả Hẩu đứng giậy ra về thì tôi tiễn đưa nàng một quãng đường, tiết trời tháng hai về đêm hơi giá lạnh - Ánh trăng lưỡi liềm mờ ở xiên qua lá cây bên đường, phảng phất trong không khí hoa dạ hương tiết ra một mùi thơm dị kỳ ; có một lúc Ả Hẩu hỏi tôi về số tiền lộ phí của tôi - và có lẽ theo ý nàng thì số tiền đó hơi eo hẹp, vì tôi thấy nàng ấn vào tay tôi một số tiền khá lớn... tôi gạt ra thì nàng không bằng lòng, nhất định nàng ấn tiền vào túi toi bằng được, thân thiết nàng bảo :

- Ông nên cầm lấy để mà phòng thân... tính mạng các ông nên giữ gìn cẩn tận để mà giúp nước các ông.

Tôi thất một nỗi gì đau đớn quặn lên trong lòng, như muốn trào ra mí mắt... một nỗi đứt rách, nhầu xé, đau xót, như muốn bật lên thành những tiếng nức nở...

Tôi vẫn còn đứng lặng chưa biết nói gì, xử trí ra sao thì Ả Hẩu đã bước đi dưới bóng lá cây mờ ánh trăng. Được mươi bước nàng tươi cười ngoảnh lại nói :

- Khi nào ông lại sang đây nhớ mua cho tôi mấy thước lĩnh Việt Nam nhé.

Tôi vẫn đứng lặng bàng hoàng nhìn bóng dáng nàng bềnh bồng đi vào trong bóng lá. Tôi mơ, hay tỉnh, tôi thấy đầu như hơi lảo đảo choáng váng, tôi có cảm tưởng như mình hơi say, như mình vừa mục kích một bóng Hồ Ly Tinh thực thực hư hư tan biến vào cảnh vật huyền ảo của đêm trường... Tôi đứng lặng như thế rất lâu !... mùi dạ hương vẫn sực nức, thơm hắc rất gắt, làm tôi hơi ngây ngất.

*

Sau ngót một tháng trời trên đường thì tôi về tới trong nước. Tôi đã phải vượt đèo, vượt suối qua những vùng thổ mán xa lạ, lại có khi phải dừng chân nghỉ lại nhiều ngày tại mán xa lạ, lại có khi phải dừng chân nghỉ lại nhiều ngày tại những thôn xóm mán mường trên những vùng núi cao : có những nơi ở trên cao hầu như không có nước nữa, nên mỗi khi muốn gánh một gánh nước thì phải đi xuống núi gần hai cây số mới có nước để mà gánh. ? trên đó không trồng lúa, thổ dân chỉ trồng ngô bắp cũng vì vậy bữa nào tôi cũng phải ăn bột bắp, nấu đặc sệt như bánh đúc. Mỗi buổi sáng tôi chỉ được một bát lớn nước để rửa mặt ; khi rửa mặt rồi thì nước đó không dổ đi mà dùng để cho trâu cho lợn uống.

Sau nhiều ngày ở trên miền cao âm u đó thì tôi mới nhờ người quen tìm được cho hai thổ dân quen vượt biên giới buôn đồ lậu để dẫn đường. Đối với hai người này thì chỉ cần làm sao có đủ cho họ lương ăn trong thời gian họ đi và về là được ; vì họ có cảm tình với những người cách mạng nên họ đưa đường giúp chứ không lấy tiền công

Trong thời gian một tuần lễ tôi ở lại nơi núi cao thiếu nước đó, vì không tắm lại thêm nằm ngủ ổ rơm, nên tôi đã bị chớm ghẻ !... nhất là các nốt muỗi cắn bị gãi lở ra ngứa ngáy vô cùng. Lúc đó tôi càng biết ơn Ả Hẩu, vì bôi dầu cao Con Hổ tới đâu là hết ngứa ngay tới đó và chỉ bôi vài ba lần là khỏi cả ghẻ răm.

Lại phải nói là hồi đó người Nhật và quân đội Pháp kiểm soát vùng biên giới rất ngặt, bất cứ ai hơi lạ mặt đi qua một làng nào vùng biên giới cũng đều bị hỏi giấy tờ, - cũng vì thế chúng tôi phải tìm vào tận rừng sâu hoặc hang núi mà ẩn náu ; rồi việc đầu tiên là kiếm cây khô ở rừng gây lấy một đống lửa to để thổi cơm hoặc nướng khoai cùng hơ quần áo ướt nước mưa đêm hoặc ướt nước khi lội qua sông ! Khi đã ăn rồi chúng tôi thường lấy lá cây trải qua mặt đất quanh đống than hồng mà nằm ngủ cho đỡ lạnh.

Thường cứ khi nào trời đã ngả về chiều thì chúng tôi trở giậy lấy gạo đã đem theo ra thổi một nồi cơm nếp. Chúng tôi ăn một phần, còn một phần thì lấy lá gói lại đem theo để ăn trên đường đi thâu đêm tới sáng.

Cược đời ra đi không thiếu gì gian truân vất vả nhưng cũng không thiếu gì hứng thú nếu ta sẵn sàng vui nhận những hứng thú riêng của nó.

Thế rồi ngày ngày, cứ khi nào mà gà rừng đã bay về tổ, khi mà chúng cất tiếng gáy lanh lảnh giữa rừng sâu âm u tịch mịch, khi mà vạn vật chìm lắng dần dưới màn đêm rừng đầy bí ẩn thì là lúc chúng tôi cất bước lên đường.

Sau bảy đêm liền đi xuyên qua biết bao suối đèo thì chúng tôi tới được miền núi rừng thuộc điạ phận tỉnh Bắc Giang, nơi đây rừng cây đã thưa thớt dần, nhường chỗ cho những núi cỏ. Giẫy núi này vừa cao vừa rộng bát ngát, trùng trùng điệp điệp chạy dài tắp trong mây mờ ảo trôi..., ở nơi đây cảnh vật yên tịnh lạ lùng ngoài gió thoảng hầu như không có một tiếng động hoặc một sinh vật nào sốt cả. Chính tại nơi đó tôi đã chia tay cùng các bạn đưa đường. Lúc từ biệt tôi nắm tay họ rất chặt vì thâm tâm tôi rất phục họ : họ thật có thừa can đảm, lại nhớ thuộc khắp đất đai vùng biên giới như trong nhà họ vậy ; ngay giữa đêm tối như mực dưới bóng rừng già thế mà họ cũng hầu như không lầm lẫn một khe suối một hốc đá hoặc một đường mòn nào bao giờ. Họ biết cả quãng sông nào lội qua dễ dàng chỗ nào có một đường mòn dẫn đến bờ suối rậm rạp, chỗ nào có khe sâu bên sườn núi mà nếu để trượt chân ngã xuống là toi mạng !... lại có lúc trong bóng đêm giữa một thung lũng, họ ngồi xuống để nhìn hìn hcác ngọn núi xẫm đen lờ mờ in lên trời, chỉ thế thôi cũng đủ cho họ nhận ra ngọn núi kia và do đó xác định đuơwjc vị trí nơi họ đứng, khi phải đi vào một vùng có binh sĩ canh gác thì họ biết cả các nơi nào có điếm canh để đi bọc lẩn tránh v.v... Hơn nữa họ lại còn có những thính giác của các loài ác thú đi rình mồi : thí dụ khi cần phải vượt qua một vùng có nhiều làng mạc thì bước chân họ nhẹ nhàng không ai nghe tiếng... thế mà thản hoặc có người đi tới thì tự xa trong bóng đêm họ đã nghe tiếng chân bước ngay để kịp kéo tôi nằm rạp nấp vào bờ cỏ bên đường.

Vì thế đối với tôi họ hầu như không phải là người nữa, mà là những bậc siêu phàm ; tuy tôi sinh ssống ở tỉnh mà họ thì ở núi rừng, tuy với họ khác nhau về mọi phuơng diện nhưng trong lúc nắm tay nhau từ biệt, không ai nói gì mà trong yên lặng chúng tôi cũng hiểu rằng chúng tôi rất cảm mến nhau.

Sau khi chia tay, tôi còn đứng yên nhìn theo họ lững thững đi khuất trở về núi rừng như hai vị Sơn Thần vậy...

*

Sau đó tôi trở về tại quê hương bình an vô sự...

Từ đó tới nay đã bao năm qua, đã bao năm tôi xa hẳn cuộc đời phiêu bạt cũ !... Nắng gió đời đã làm phai lạt nơi lòng tôi nhiều giất mộng, thổi lại nhiều nguôi quên. Nhiều ham muốn của thuở thiếu thời nay không còn tồn tại nữa, nhiều mục đích cũ nay đã trở thành những mộng xa xưa.

Năm tháng qua đã làm thay đổi cả giòng đời, tuy thế, vẫn có đôi khi bỗng dưng tôi lại thấy lòng xao xuyến nhớ tới các bạn cũ, rồi tôi liên tưởng đến hai "Vị Sơn Thần" đến cái lưỡi của tên thổ phỉ, đéen Ả Hẩu... và những lúc ấy tôi bỗng lại thấy man mác buồn thương con người ấy, con người chung thủy, hiếm có như những nhân vật trong các tiểu thuyết luân lý cổ xưa vậy...

"Chẳng hiểu Ả Hẩu có thoát khỏi chết trước cuộc tấn công vũ bão của quân đội Nhật vào Liễu Châu không ?". Gặp các bạn đã cùng tôi phiêu bạt tôi vẫn thường lẩn thẩn hỏi thế...

Bữa nay đây sống giữa gia đình đầm ấm yên vui ngồi viết lại ít kỷ niệm cũ, tôi còn thấy lòng tràn đầy thương mến ; tôi cảm thấy tôi cần gặp lại con người vàng ngọc ấy để mà tạ ơn... Tôi sẽ nắm lấy tay người, mà chẳng nói năng chi.

Trung Quốc mênh mang lớn rộng vô chừng đường đi từ tỉnh này, qua tỉnh khác - nhất là trong vùng Quảng Đông, Quảng Tây - thường phải đi nhiều ngày qua núi rừng vắng vẻ mà tính mệnh con ngừơi mỏng manh đặt trong tay các "ông thổ phỉ". Ra đi Quảng Châu chín người chúng tôi, nay chỉ còn ba. Những bạn cùng đi, sống thì đã về, những ai vắng mặt đền đã gửi xác nơi đất khách. Tuy nhiên nhiều lúc tôi cứ đinh ninh tưởng như còn có một người rất quý, sao cứ nấn ná chưa chịu trở lại đất nước để cùng tôi vui vẻ ôn lại những kỷ niệm của quãng đời gian nan.

Lẩn thẩn có khi tôi nghĩ : "hay đó chỉ là một nàng Tiên ẩn mình trong một tấm thân mộc mạc trời sai xuống để giúp chúng tôi trong những ngày phiêu bạt ?".

Mà biết đâu không có lẽ...

Tôi còn nhớ bóng dáng nàng hôm tối từ biệt, chập chờn trong sương đêm mờ tỏa, ẩn hiện bềnh bồng đi dưới ánh trăng mờ rọi qua lá cây, để rồi tan loãng vào baóng đêm sực nức mùi dạ hương huyền ảo như một bóng yêu tinh vậy.

Nàng là Tiên hay là ma, mà sao lúc đó gió đêm lạnh mà tôi lại choáng váng ngất ngây ! Thực kỳ dị.

Nhưng đối với tôi thì Tiên hay Ma có khác chi nhau... có biên giới nào phân biệt !... Dù nàng là Tiên hay Ma, hay chỉ là một bóng Hồ Ly Tinh từ một thế giới lạnh lẽo xa xôi nào hiên lên thì mối cảm tình của lòng tôi với nàng cũng vẫn nguyên vẹn.

Đỗ Tốn
TBACDWFC
Cành Mít
Cành Mít
 
Tiền: $190
Posts: 52
Joined: 09 Dec 2007
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng TBACDWFC từ: Que Huong, lyhoabinh

Re: Ả Hầu - Đỗ Tốn

Postby TBACDWFC » 11 Oct 2016

-Ai là Nhất Linh, Ðỗ Ðình Ðạo, Trương Bảo Sơn, … trong nhóm 9 đảng viên VNQDÐ ở Quảng Châu qua truyện ngắn Ả Hẩu?

Xin xem bài viết của Viên Linh: http://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe- ... n-cua-ton/
TBACDWFC
Cành Mít
Cành Mít
 
Tiền: $190
Posts: 52
Joined: 09 Dec 2007
 
 


Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 39 guests