Quê Hương Và Nổi Nhớ - Phan Tưởng Niệm

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Quê Hương Và Nổi Nhớ - Phan Tưởng Niệm

Postby Minh Chau » 26 Feb 2006

Tác Giả: Phan Tưởng Niệm

Sơn Đằng_ Cu chàng mười hai tuổi_ đứa con trai út của tôi, ôm từ cửa vào một bao thư, gọi lớn:
“ Ba ơi! Thư gì ai gởi cho ba mà lớn quá đây!”
“ Đưa cho ba xem .Cục cưng.”
Nhận thư, tôi vội mở ra xem, _“ Ồ”. Yến từ dưới nhà bếp nghe tiếng tôi “ ồ”, hỏi vọng lên:
“ Cái gì đó anh?”
“ Đặc san Cường Đễ & Nữ trung học- Chị Lan gởi tặng đây em!”
Tôi chưa nói dứt câu, Yến đã phóng lên như Chu-chỉ-Nhược tranh lấy Đồ-Long Đao, chụp lấy quyển sách trên tay tôi và “ra lệnh”:
“ Để em xem trước đã.”
Tôi không chịu thua, cố giành quyển sách lại:
“ Không được, để anh xem trước. Em đang nấu cơm !” Yến la giãy nãy chống chế:
“Em chưa nấu, mới lấy gạo .Thôi, bây giờ em không nấu nữa, chút chúng ta ăn mì gói. Ok?”
Tôi phản đối ngay:
“ Sách này gởi cho anh mà”. Yến đưa phong bì cho tôi, hỏi vặn lại:
“ Ông xã ơi! xem kỹ tên người gởi đi - Võ thị Lan - con gái? Vậy thì dân Nữ trung Học rồi. Nữ trung Học gởi cho Nữ trung học. Như vậy không phải chị Lan gởi cho em sao? Đồng ý chưa ông xã?”
“ Thôi anh chịu thua. Em xem đi, để anh nấu cơm cho .”
Giành được quyển sách từ tay tôi, Yến say mê nằm đọc. Đã vậy, thỉnh thoảng lại cứ vọng hỏi:
“ Anh ơi! Anh nhớ cô Vương thúy Nga?”
“ Anh ơi! Anh nhớ thầy Phan lục Tú? Ngày xưa, em nhớ một lần, trong lớp học, ông đang nói về thời sự chiến trường thì nhỏ Bích Hà nói lớn:
“Thầy ơi! Thầy đừng nói nữa, coi chừng con Yến nó khóc bây giờ.
“ Tại sao”. Thầy Tú hỏi:
“ Người yêu của nó là lính tác chiến đó thầy”. Nhỏ Bích Hà trả lời.
Nghe nhỏ Bích Hà nói vậy, ông hướng về em rồi hỏi lớn:
" Tại sao em lại chọn lính, mà lính tác chiến nữa. Đau tim lắm đấy. Ở bên Cường Để thiếu gì?
Nhỏ Bích Hà nào chịu thua, nó chọc thầy thêm:
“ Nhỏ Yến nói : lính mới hùng, còn học sinh thì con nít lắm thầy ạ!”. Từ đó mỗi lần gặp em, thầy thường hỏi:” Sao! Người hùng về chưa?
Làm xong “ bổn phận của ông xã xứ Mỹ”, tôi bước lên nhà trên thấy “cô nàng vẫn còn nằm đọc, tôi nhẹ nhàng hỏi khẻ :
“ Xem xong chưa bà xã?… xuống dọn cơm được chưa bà xã? …đưa sách cho anh được chưa bà xã?… Ok!”
“Cô nàng” làm dáng điệu giống như Điêu Thuyền làm nũng với Đổng Trác, mở nụ cười tình nhỏ nhẹ:
“ Tạm xong ông xã,… được rồi ông xã,… sách đây ông xã…ok! “
Cầm quyển sách từ tay Yến, tôi nhẹ nhàng lật từng trang một.- Tất cả những kỷ niệm của những tháng ngày xưa cũ hiện về trong tôi.

* * *

Năm ấy ba tôi mất, chiến tranh cũng vừa kết thúc. Mẹ tôi_ người đàn bà hai mươi tám tuổi_ tay bồng tay dắt ba đứa con thơ trở về quê mẹ_ Qui Nhơn.
Qui Nhơn_ Thị xã lúc tôi đến chỉ là con phố nhỏ. Con đường chính Gia Long vẫn còn những mái nhà tôle lụp sụp. Căn nhà tranh của ngoại tôi được dựng lên bên hông ngôi chùa Tàu Quảng Đông - nơi này cũng chính là nơi tôi đã nương náu suốt quảng đời thơ dại và để lại biết bao kỷ niệm của tuổi ấu thơ. Những buổi tối, chúng tôi thường tụ tập tại chùa Quảng Đông chia phe đánh “ giặc”. Tôi làm " Trần hưng Đạo" cầm quân_ Bình, Thiện , Trọng, An , Khanh, Hành tiến lên đình Cẩm Thượng đánh nhau với nhóm Ba Tàu bằng dây ná cao su. Hết đánh nhau với nhóm Ba Tàu, chúng tôi lại rủ nhau vào chùa Long Khánh “ ăn cắp” đồ cúng trong các miếu thờ thổ thần, rồi vào xóm Hãng Bia lấy xôi, chè, chuối ở dinh thổ địa với mảnh giấy để lại cấm trên bình nhang:
“ Ta là thần thổ địa, nay báo cho các ngươi rõ. Kỳ này, các ngươi cúng hà tiện quá: Chuối không được to, chè không được ngọt, bánh không được ngon. Kỳ sau cúng chuối phải thật to, chè cho thật ngọt, bánh cho thật ngon. Nếu cải lời, ta sẽ cho ỉa chảy cả xóm. Ký tên: Thần thổ Địa.”
Rồi những đêm ba mươi tết, chúng tôi cùng nhau đi “ đột kích” những mâm cúng trời của mấy bà Tàu ở phố Gia Long.
Thường mỗi khi, đúng giờ giao thừa người Tàu có tục đem hoa quả ra giữa trời cúng, chờ cho tàn nhang rồi mới đem vô nhà. Vì vậy, nên chúng tôi có dịp “ phục kích”- khi thấy mấy bà Tàu cấm nhang xong quay lưng là chúng tôi a lê hấp xung phong “ nhẹ nhàng” ẳm trọn nguyên mâm, đem ra “ xơi tái”.
Thời gian trôi qua, tuổi đời khôn lớn. Chúng tôi bước chân vào ngưỡng cửa của bậc Trung học. Không còn phá phách như tuổi ấu thơ, nhưng chúng tôi đã bắt đầu biết “quậy” những ngón độc chiêu hơn. Những lá thư tình, chúng tôi lén bỏ dưới hộc bàn của những nữ sinh “ chằng lửa” với những câu thơ “ trữ tình” “… yêu là ỉa trong quần một đống…” khi các cô nàng cầm thơ lên đọc để rồi hằn học phê bình lớn tiếng “ đồ cà chớn - mất dạy ” thì chúng tôi phá lên cười “ sung sướng".
Tuổi ấu thơ đi qua, tuổi học sinh cũng hết. Chúng tôi trở thành người lớn và cũng từ đó chúng tôi bắt đầu nhập cuộc_ bỏ lại cuộc chơi, và đi vào cuộc chiến.
Cuộc chiến mười lăm năm đã tước đoạt của chúng tôi hết phân nửa đời người. Chúng tôi không có tuổi mộng mơ của những ngày cuối tuần đưa em đi dạo phố Gia Long hay ngắm sao trời nơi biển Qui Nhơn gió lộng, có chăng là những lần về phép 24 giờ ngắn ngủi, chưa nhìn rõ được khuôn mặt con phố thân yêu thì đã vội vàng trở ra đơn vị. Chúng tôi đã mất đi biết bao ước vọng tương lai. Chiến tranh đã cướp đi tất cả!_ Cướp đi tuổi trẻ hai mươi.
Chiến tranh chấm dứt, chúng tôi lần lượt vào tù. Qui Nhơn! con phố vẫn buồn ủ rủ; Biển Gành Ráng vẫn nhấp nhô với những đợt sóng ngầm; Mộ Hàn Mạc Tử vẫn nằm chơ vơ hiu quạnh không bóng dáng người tình và con nước Suối Tiên vẫn phẳng lặng lững lờ trôi. Thời gian cứ từng bước đi qua. khi chúng tôi làm lại cuộc đời thì trên đầu đã hằn hai thứ tóc và chúng tôi cũng đã thật sự mất quê hương - làm thân tầm gởi nơi xứ lạ, quê người.
“Ê! ông xã, làm gì ngồi thừ ra vậy?.Nhớ quê hương, nhớ mẹ già hả!”
Nghe Yến gọi, tôi sực tỉnh nhìn ra đường_ những làn tuyết trắng đang thi nhau đổ , tôi tự nói thầm: “ Mình đang ở Chicago - nước Mỹ chứ nào phải Quy Nhơn - đất nước Việt Nam thân yêu! “ và rồi nói với Yến:
- Đọc tập đặc san Cường Để & Nữ trung Học, bỗng dưng anh nhớ về kỷ niệm của những tháng ngày anh sống ở Qui Nhơn, từ tuổi ấu thơ đến ngày khôn lớn, rồi đi lính, rồi vào tù và rồi biết bao kỷ niệm. Nhớ quá đi em_ Nhớ bải biển, nhớ Ghềnh Ráng, nhớ Suối Tiên, nhớ Đầm thị Nại. Nhớ Cường Đễ, Nhớ Trinh Vương, nhớ Bồ Đề, nhớ Nữ trung Học, nhớ La San, nhớ Nhân Thảo, nhớ và nhớ lắm…”

Yến trầm ngâm một lúc lâu hồi tưởng lại “ Một thời áo trắng” khẻ nói:
_“ Em cũng vậy, nhớ lắm anh à! Biết ngày nào trở lại quê hương, sống lại với bao kỷ niệm của tuổi học trò! Con đường Nguyễn Huệ hằng ngày em qua, cổng trường Nữ Trung Học hằng ngày em đến… Rồi thầy cô, bạn bè… bây giờ mỗi người mỗi hướng. Nghĩ lại nhớ lắm chứ anh! Nhưng thôi! Tất cả đã qua rồi, bây giờ có còn chăng chỉ là kỷ niệm. Mong một ngày đất nước hồi sinh, chúng ta sẽ về lại Việt Nam, yên nghỉ tuổi đời còn lại. Anh có đồng ý với em?
“Đúng! anh cũng đã từng nghĩ như vậy. Ở đây vật chất có dư thừa, tiện nghi có đầy đủ nhưng đất nước này nào phải của chúng ta! Có gì đi nữa, chúng ta cũng chỉ là kẻ ăn nhờ, ở đậu. Sung sướng gì với kiếp sống lưu vong, làm người vong bản!. Không nơi nào đẹp bằng quê hương mình phải không em?”
Yến gật đầu thay thế cho câu trả lời, rồi kéo tay tôi – “ Mình đi ăn cơm, anh!”.
Trong phòng riêng tiếng hát Bảo Yến nỉ non từ chiếc máy CD vọng lại với bài “ Quê hương” của Đỗ Trung Quân: “ ….Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi…Quê hương nếu ai không hiểu… sẽ không lớn nổi thành người...” . Tôi và Yến không ai bảo ai, cùng ngồi im lặng…im lặng để nhớ về quá khứ, nhớ về ngôi trường, nhớ về thầy cô, nhớ về bạn bè, nhớ về Quy Nhơn với những tháng ngày ngây thơ ấp yêu kỷ niệm.

PTN
User avatar
Minh Chau
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $122,698
Posts: 9857
Joined: 28 Sep 2005
Location: Việt Mỹ
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Minh Chau từ: Mười Đậu

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 102 guests