Bọc Điều, Bọc Than - Công Tử Hà Đông

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Bọc Điều, Bọc Than - Công Tử Hà Đông

Postby Mười Đậu » 28 Jan 2006

Tác Giả: Công Tử Hà Đông

Viết Ở Rừng Phong


Nhân ngày Kỵ Họ Vũ. Người viết Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng, trong "Đọc Kinh" của Vũ Khắc Khoan. Trích:

Tôi bình sinh tin Quỷ thần cùng chuyện luân hồi, mặc dầu rất lười biếng việc cúng kiếng. Vì thiển nghĩ không có lý gì chỉ cô đơn độc một kiếp sống chợt đột khởi lên rồi lại tan biến vào hư vô, cũng như trong pháp giới huyền hoặc này, không lý gì lại chỉ vỏn vẹn có người và súc sanh. Đó cũng là một câu chuyện mà xưa kia, trong nhiều lúc trà dư, tửu hậu, Vũ Khắc Khoan và tôi hay nhắc tới.

Một lần, tôi bảo họ Vũ rằng những chuyện Liêu trai đều là việc có thực xảy ra trong dân giả, không phải là những ngụ-từ châm biếm của họ Bồ đâu. Một danh sỹ như họ Bồ đâu có thì giờ viết châm biếm, và đó đều là những mẩu tình duyên giữa những loài quỉ-mị cùng những thư sinh nhiều mộng tưởng và từng trồng nhiều tình căn...

Cách đây chừng một năm, tôi có dịp được ngồi thuyền du ngoạn trên một chiếc hồ lớn tỉnh Hàng Châu... Đứng trên mạn thuyền, chợt nghĩ tới những vị quỉ thần nơi biển hồ đó đã từ lâu không được nghe giọng nói của một người tụng thần-chú Thủ-Lăng-Nghiêm. Nên tôi đã khởi tâm tụng 3 biến thần chú đó lớn tiếng và rải xuống mặt hồ...

Tôi cũng ít hay nhớ nhung nhưng lúc đó không hiểu sao, tôi bỗng cảm thấy rộn ràng nhớ họ Vũ...

Trên đường về, tôi trạnh lòng nghĩ rằng có thể là họ Vũ đã thọ sanh làm một vị thần nơi hồ này. Vì cái vụ đó có thể hợp với duyên nghiệp cùng tâm tình của anh ta...

Tịnh Liên

Nghiêm Xuân Hồng

Đọc Kinh.

Người viết Vũ Khắc Khoan.

Trích:

Nói ra là bị kẹt

Không nói cũng không xong

Hai câu đầu một bài kệ của một thiền sư Việt Nam sống giữa thế kỷ thứ 17, thiền sư Châu Nguyên. Hai câu kệ, một thế đứng chênh vênh giữa hai ngả hữu vô. Nói hay không nói? Chung cuộc bài kệ đành phải chấm dứt bằng một nét chấm phá lửng lơ:

Vì anh đưa một nét

Đầu núi ánh dương hồng

Tôi duỗi thẳng chân, ngửa mặt nhìn nắng sớm xuyên qua miếng băng bám nơi khung cửa, ánh nắng lung linh màu sắc cầu vồng. Tự hỏi: nắng sớm đích thực mầu gì? Xanh hay đỏ, tím hay vàng, hay là do tất cả mầu sắc gặp gỡ mà thành? Nhưng có cuộc gặp gỡ nào kéo dài mãi mãi? Ánh dương đầu núi đâu giữ mãi mầu hồng? Cái thế chênh vênh giữa hữu và vô đâu có thề đời đời tồn tại? Cái khó là nhập vào cái thế đó, không thỏa hiệp mà vươn lên, và vượt qua. Từ cái phức tạp tìm về cái đơn thuần, tìm về cho tới cái khuôn mặt của chính mình khi mình chưa sinh, chưa thành. Ánh dương hồng khi chưa nhô lên khỏi đầu núi. Cái xôn xao nhú lên trong đêm sắp tàn. Cái đó.

Ngoài vườn tuyết rơi trắng và lạnh trong im sựng của trời và đất. Trong lò củi nổ ròn tan, ngọn lửa thấp cao ấm mùi hổ phách. Ngoài kia, vắng lặng. Trong tôi...vẫn chưa vắng lặng. Trong tôi, tôi vẫn thấy rằng...chưa ổn. Đẩy thêm củi vào lò. Củi gỗ cây phong phơi nỏ từ vào thu, lửa như bốc ngọn từ lòng gỗ. Mộc trung sinh hỏa. Mộc tận hỏa hoàn diệt. Lửa sinh trong lòng gỗ. Gỗ hết lửa không còn. Lửa không còn, nghĩa là..sao? Lửa sẽ biến thái tuy vẫn tồn tại hay cũng như khói và mây, lửa sẽ trở về, sẽ đi vào lòng cái đó, tuyệt mù?

.....

Tôi đặt cuốn Duy Ma Cật xuống bên lò sưởi, nhồi thuốc vào tẩu, hít hơi thuốc đầu trong ngày. Hơi thuốc thơm tỏa ấm gian phòng. Bất giác tôi nghĩ đến một mùi hươntg lạ. Một mùi hương như một phương tiện nói pháp.. Mùi hương cõi nước Chúng Hương. Trở lại cuốn kinh: "Qua khỏi 42 số cát sông Hằng cõi Phật, có nước tên là Chúng Hương, đức Phật thị hiện nơi đó là Phật Hương Tích. Mùi hương nước đó so với mùi hương cõi trời, cõi người và các cõi Phật ở 10 phương, nó thơm hơn hết. Đức Phật Hương Tích lấy mùi làm phương tiện để nói pháp. Chúng sinh cõi nước Chúng Hương nghe mùi hương mà ngộ đạo."

Tôi hít dài một hơi thuốc. Đầy phổi. Hơi thuốc nghe như có pha trộn nhiều mùi hương cũ tôi tưởng đã phai, đã tuyệt mù. Mùi úa hoa ngọc lan, mùi ấm hoa hồng, mùi ngái hoa cau, mùi đạm hoa sói, hoa ngâu, mùi đắng hoa sấu nắng hè tháng sáu, mùi nồng hương đêm dạ lý. Và mùi ngát của nhang. Ngưng trích.

thế giới vũ khắc khoan. Người viết Mai Thảo, trong Đọc Kinh. Trích:

Những người du khách Mỹ hồng hào no ấm y phục xứ lạnh dầy sặc sỡ đi về thường từ mười năm nay ở phi trường Minneapolis, tiểu bang Minnesota, lâu lâu một lần, lại nhìn thấy đơn độc khác lạ giữa họ một cặp vợ chồng Á châu, như họ, cũng tới phi trường đợi chờ một giờ máy bay cất cánh.

Cặp vợ chồng đó, sau mỗi mùa đông Minnesota, càng đi thêm vào cái phong thái lão, hạc tách thoát trong suốt là khởi sự của tuổi già. Tuy người chồng vạm vỡ lùn thấp và người vợ mảnh mai cao gầy đi đứng vẫn nhanh nhẹn, vững thẳng giữa cái suối người Tây phương ào ạt ở chung quanh.

Họ cùng tiến vào một phòng đợi tường gương sáng láng nhìn xuống một phi đạo Đông Bắc dài vút giữa cái địa hình thủy mạc kỳ ảo diễm lệ của Vạn Hồ. Nhìn cặp vợ chồng gốc gác từ xa thẳm Đông phương huyền bí này giữa một phi trường Mỹ sánh vai nhau cùng ngồi xuống ghế ở một góc đợi riêng, như họ chỉ có thể ở cạnh nhau suốt một đời như vậy, mọi người có thể đặt ra nhiều giả thuyết. Từ những giả thuyết bình thường nhất đến những giả thuyết khác thường nhất. Về thân thế họ. Về nguồn gốc họ. Cả chuyến bay họ đang đợi chờ một cách vừa hết sức ung dung vừa vô cùng nhẫn nại, để bay lên. Vẻ lẫm liệt rất thái cực đạo của người chồng nước da đồng hun và mái tóc trắng tuyết (hồi còn trẻ: tao chỉ đánh một cái thằng ấy chết) hợp đồng với vẻ âm u nhợt nhạt của người bạn đời, suy nghĩ - chỉ cần thêm một giọt tưởng tượng của võ hiệp Kim Dung - đến một cặp lão trượng hiền lành ngồi kia nhưng giấu kín võ công cao cường vô tả, đến tuổi gác kiếm quy ẩn rồi mà vẫn còn phải dùng phản lực Mỹ, bởi một mối đại thù ở xa giải quyết chưa xong. rồi thấy họ trao quẹt trao thuốc cho nhau cùng đốt cùng phì phèo hút, lại có thể nghĩ họ là cặp vợ chồng đông y Phúc Kiến, tới địa phương để kiếm tìm một thần dược mọc giữa đám kỳ hoa dị thảo trùng điệp của Vạn Hồ.

Và chuyến đi. Họ đi đâu? Xuống sa mạc phương Nam tầm thù? Hay lưu lạc đã một đời, nay trên đường quy hồi cố hương, ở một điểm nào đó của Á châu xa thẳm, mặc áo vải, đi giày cỏ. gặp lại giòng sông xưa, thềm nhà cũ, xóm giềng và con cháu sau bao năm xa cách, sống an nhàn phần đời còn lại dưới vòm trời tuổi trẻ đã ra đi? Ngưng trích.

Trên đây là bài "Nhân ngày kỵ họ Vũ", do Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng viết. Kế đó là bài "thế giới Vũ Khắc Khoan", người viết Mai Thảo. Hai bài trích trong quyển "Vũ Khắc Khoan ĐọC KINH." An Tiêm xuất bản năm 1990 ở Mỹ.

Ở Mỹ. Tất nhiên. Nếu Vũ Khắc Khoan kẹt lại ở Sàigòn sau ngày 30 Tháng Tư, và nếu ông kẹt lại ở Sàigòn cờ đỏ, nón cối, công an Việt Cộng ngày ngày nhòm ngó và chăm chỉ soi mói từng nhà, không biết ông có ở trong số những người bị Bắc Việt Cộng bắt đi tù hay không - điều tôi biết chắc là nếu họ Vũ bị kẹt lại, rõ hơn là nếu ông không chạy thoát sang Mỹ được, dù bị công sản bắt đi tù hay để yên đó cho chết dần, chết mòn, nếu cóù viết, chắc ông đã viết khác, những gì ông viết chắc không như những gì ông viết ở Mỹ.

Khiêng được ảnh Già Hồ vào Sàigòn, bọn Bắc Cộng bắt đi tù nhiều người, nhưng không phải chúng bắt đi tù tất cả. Riêng trong giới văn chương thôi, bọn Công An Hà Nội đã để yên không hỏi han gì đến những ông Lãng Nhân, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Á Nam Trần Tuấn Khải, Quách Tấn, Vũ Bằng, Lê Văn Siêu. Chúng không lý gì đến những ông vừa kể cũng phải thôi, mấy ông ấy chỉ làm văn học, chỉ viết về văn học, có ông nào chống Cộng, chống Càng gì đâu. Những năm Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa xưa, những ngày chiến đấu đẫm máu thê thảm ấy, dường như việc chống Cộng là việc không xứng đáng để các ông làm. Ấy là chưa kể ông Á Nam Trần Tuấn Khải, sau năm 1975, còn làm thơ nâng bi cộng sản, tự coi như cái gọi là "tuổi đời" ông mới "lên một" mặc dù năm ấy ông đã tám mươi. Ông Trần Tuấn Khải "cám ơn Bác và Đảng cho ông sống lại đời ông." Đừng nói đến một trang, nửa câu chống Cộng các ông cũng không viết, cũng không nói. Nếu bị kẹt lại rất có thể hai ông Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan cũng được bọn Bắc Cộng để cho sống yên tại nhà.

Liêu lạc bi tiền sự.. Sống buồn ở xứ người..! Biết rồi..! Khổ nhắm..! Đừng than nữa..! Xin vâng. Xin nói vào chuyện. Năm nay mùa thu về muộn ở Virginia - hình như không phải chuyện sớm muộn mà là chuyện mùa thu đi loạc choạc - đã hết Tháng 10 lá Virginia không vàng như mọi năm. Ngày nóng, phòng kín phải mở quạt điện hay máy lạnh, đêm lạnh những ông bà già phải mở máy sưởi, tôi nằm đọc sách và thấy phảng phất trên những trang sách, trong hồn,trong trái tim, những hình ảnh ngày xưa, những đau thương cũ, những vết thương chưa lành lại rướm máu...

Đêm khuya, tĩnh mịch, đèn vàng, tôi có vài suy nghĩ. Vụn vặt thôi, không có gì quan trọng. Như ông Nghiên Xuân Hồng viết:

Một lần tôi bảo họ Vũ rằng những chuyện Liêu trai đều là việc có thực xảy ra trong dân giả, không phải là những ngụ từ châm biếm của họ Bồ đâu. Một danh sỹ như họ Bồ đâu có thì giờ viết châm biếm, và đó đều là những mẩu tình duyên giữa những làoi quỉ-mị cùng những thư sinh nhiều mộng tưởng và từng trồng nhìu tình căn. Ngưng trích.

Theo cái biết có thể là ngu độn của tôi thì hình như là khi viết những chuyện Liêu Trai, ông Bồ Tùng Linh chưa phải là "danh sỹ". Trong thời gian họ Bồ viết Liêu Trai, người Tầu chưa ai biết Bồ Tùng Linh là ai cả, ông chỉ được người Tầu biết tên tuổi, ông chỉ là danh sĩ sau khi tác phẩm Liêu Trai của ông được truyền độc ở đời. Như vậy, có thể là sau khi Bồ Tùng Linh chết lâu rồi ông mới nổi tiếng, mới là danh sĩ. Không biết tôi nghĩ như thế có đúng không. Nếu không đúng, tôi xin lỗi quí vị đọc những dòng vớ vẩn này, tôi xin lỗi ông Nghiêm Xuân Hồng.

"..và đó đều là những mẩu tình duyên giữa những loài quỉ-mị cùng những thư sinh nhiều mộng tưởng và từng trồng nhiều tình căn.." Câu này ông NX Hồng viết đúng quá. Chuyện ông viết đó nhiều người Việt Nam đã biết từ lâu, có thể nói tất cả những người Việt đọc truyện Liêu Trai đều biết như thế về những chuyện tình ái Liêu Trai.

Đi chơi thuyền trên một cái hồ ở Hàng Châu, ông NX Hồng biết rằng "..những vị quỉ thần nơi biển hồ đó đã từ lâu không được nghe một giọng nói của người tụng thần chú Thủ-lăng-nghiêm..", nên chắc vì thương hại những vị quỉ thần hồ đó, ông đã "khởi tâm tụng 3 biến thần chú đó lớn tiếng và trải xuống mặt hồ..", chắc những quỉ thần hồ đó mang ơn ông nhiều lắm.

Và tụng xong, ông NX Hồng nghĩ rằng có thể là ông VK Khoan "đã thọ sanh làm một vị thần nơi hồ này.." Tôi lẩn thẩn nghĩ đến chuyện một ông Việt Nam cơm nhà, quà vợ, sống trọn đời bình thường, chẳng làm qua một việc gì có công ích hay ghê gớm cả, chết đi làm một vị thần ở một cái hồ tỉnh Hàng Châu bên Tầu? Làm thần ở nước người ta dễ lắm sao? Đâu có phải mình muốn là được! Không có lý!

***

Năm 1989 tôi ở Trại Tù Khổ Sai Z 30 A của cộng sản. Một hôm vợ tôi đến thăm tôi, tôi được ra cái gọi là nhà gặp mặt, nhà khách của trại tù gặp vợ tôi. Bốn, năm giờ chiều, nhà khách của trại êm vắng, gió từ biển thổi về, mới ra Tết được ít ngày, trời còn lạnh mát, những hàng bạch đàn quanh nhà rì rào trong gió. Vợ chồng tôi thấy một bà già ngồi trên thềm nhà gần chỗ vợ chồng tôi ngồi. Bà già miệt vườn quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, nghèo, độ sáu mươi tuổi, da mặt răn reo nhưng có cái vẻ rắn chắc, có vẻ nhẫn nhục của những nông dân miền Tây. Cũng như vợ tôi đến đây thăm chồng, bà đến trại tù khổ sai này thăm ông chồng bà, hay thăm anh con bà, bị bọn cộng sản nhốt tù, thấy bà ngồi một mình, chúng tôi hỏi chuyện bà. Bà cho biết bà từ Châu Đốc đến đây, ông chồng bà bị tù ở đây nhưng ông đã chết được mấy tháng, bà vừa đến nghĩa địa nhà tù bên rừng thắp nén nhang trên mộ ông chồng bà.

Trại tù Z 30 A ở quận Xuân Lộc, tỉnh Biên Hòa xưa của ta, trong thung lũng dưới chân núi Chứa Chan. Bọn cộng sản đưa những nông dân chống đối chúng ở Châu Đốc, Cà Mâu, Rạch Giá xa tít dưới miền Tây lên tù ở đây để những người tù đó khó trốn được trại. Năm 1989 Z 30 A có rất nhiều tù nông dân chống Cộng. Không chỉ có những người dân thành thị, những người bị cộng sản gọi là bọn dân ngụy bán nước, bán mình đồng đô-la Mỹ, mới chống Cộng; sau năm 1975, sau khi bọn Bắc Cộng chiếm cả nước Việt Nam Cộng Hòa, những nông dân nghèo ở miền Tây chống Cộng mạnh hơn, đông hơn, quyết liệt hơn, dữ dội hơn dân thành thị. Dân thành thị chống Cộng thường nhiều lắm là hai, ba mươi người quen biết nhau họp thành một đảng, mấy ông trong đảng tự phong thiếu tướng, đại tá, có ông tự phong Tổng Thống, Thủ Tướng, có nhóm viết được một bản tuyên ngôn, có nhóm trải được một ít truyền đơn, có nhóm mua được vài khẩu súng; những nhóm chống Cộng nông dân ở miền Tây không có tuyên ngôn, tuyên ngữ gì cả, họ cũng không có thiếu tướng, đại tá, họ chống Cộng bằng việc làm, bằng cách vác dao, vác phảng chém đầu bọn cộng sản, cướp súng bắn bọn cộng sản, có nhóm làm chủ được làng xã trong nhiều ngày. Những chiến công của họ, những cái chết của họ, không được ai biết ngoài anh em của họ, vợ con họ. Những đảng nhì nhằng, bát nháo chống Cộng ở thành phố như đã tả trên đây, chẳng làm được việc gì cả, nhưng bị bắt là ông bị coi là đảng trưởng bị bọn cộng sản xử tử hình, đưa lên bắn ở bãi bắn Thủ Đức. Những người cầm đầu những nhóm nông dân nổi loạn ở đồng quê bị bon cộng sản thẳng tay xử tử nhiều hơn. Sẽ không bao giờ người Việt Nam biết được đã có bao nhiêu người Việt bị bọn Việt cộng sản xử tử ở Quốc Gia VNCH sau khi quốc gia này bị bọn Bắc Cộng xâm chiếm..

Như đã viết, nhiều nông dân bị bắt ở Cà Mâu, Châu Đốc, bị bọn công an VC ác ôn đưa lên giam ở Xuân Lộc, Đồng Nai để họ không trốn được. Khi trốn tù, người tù thường tìm về nhà mình. Bọn công an Z 30 A đi bắt tù trốn chỉ cần đến chặn ở bến phà Mỹ Thuận là bắt được tù miền Tây trốn trại. Vợ con họ đến trại thăm họ phải vất vả đi về mất nhiều ngày: như đi từ Châu Đốc, người đi thăm, thường là vợ, là mẹ người tù, phải mất một ngày từ Châu Đốc lên Sàigòn, ngủ vật vờ một đêm ở bến xe miền Tây - tên mới là xa cảng miền Tây - mướn cái chiếu hay nằm co quắp đâu đó trong nhà đợi của bến - sáng sớm hôm sau tìm xe lên Xuân Lộc. Gặp chồng, con được nửa tiếng. Ngủ lại Z 30 A một đêm. Đường về cũng một ngày từ Xuân Lộc về Sàigòn, ngủ lại ở bến xe, ngày hôm sau, nếu may mắn có xe, từ Sàigòn về Châu Đốc.

Bà già Châu Đốc cho chúng tôi biết bà lên thăm mộ ông chồng và xin bọn quản đốc trại cấp cho ông chồng bà cái "giấy tha cho về quê quán." Tôi hỏi bà ông ấy chết rồi, còn "giấy tha" gì nữa? Bà nói cần có cái "giấy tha" ấy hồn ông chồng bà mới có thể về được quê, không có "giấy tha" ông chồng bà cứ phải tù ở đây mãi không về được làng quê, không được hưởng vợ con cúng tế, cứ phải làm ma tù, ma đói, ma khát.

Đêm Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích, tôi bùi ngùi: Cũng một kiếp người, người thì từ đời ông cố qua đời ông, đời cha đến đời mình, cả đời đổ mồ hôi trên đồng ruộng, cầy cấy lấy thóc để mình và vợ con sống, để nuôi sống người khác, đến năm sáu mươi tuổi điên người vì giận khi thấy bọn cộng sản làm bậy, làm khổ nhân dân, góp sức với đám người trẻ cầm dao chống chúng, bị chúng bắt đi tù, chết trong tù, bà vợ lần mò từ quê nhà xa tít dưới miền Tây đến trại tù xin bọn cai tù cấp cho ông chồng cái "giấy tha", để hồn ông chồng có thể về được quê quán; người thì suốt một đời no ấm, khi đất nước rơi vào cơn đại nạn thì chạy thoát ra được nước ngoài, lại tiếp tục sống ấm no, sạch sẽ, còn nguyên nhân phẩm, sau khi chết được bạn hữu phong làm vị thần ở Hàng Châu..! Cũng một kiếp người..! Tại sao người thì như thế, người thì như thế?

***

Đêm khuya xứ người tôi suy nghĩ vẩn vơ: Tù đầy, đau khổ mà làm gì? Tại sao người ta cứ phải bị đau khổ? Ai cũng sướng cả có hơn không, có được không? Hãy nói từ năm 1954 trở lại đây thôi, nói đến cuộc sống trong năm mươi năm cũng đã quá đủ chuyện để nói. Từ năm 1954 đến năm 1975 sống yên ổn ở Sàigòn, trước 30 Tháng Tư 75 vọt sang Mỹ, sống bình yên ở Mỹ, tu hành, hướng thiện, bàn đến những chuyện siêu hình, huyền bí, nói viết những chuyện cao siêu, sống no ấm, sạch sẽ, đường hoàng, được người cùng thời trọng vọng, chết bình yên trong tuổi già, chẳng hơn là chết tan xương, nát thịt khi đứng thẳng cầm súng bắn lại bọn cộng sản cướp nước, chẳng hơn là sống bẩn thỉu, chết co quắp trong ngục tù cộng sản như những ông Nguyễn Mạnh Côn, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường, Minh Đăng Khánh...

Chỉ có một văn nghệ sĩ dám tuyệt thực đòi bọn Việt Cộng phải trả tự do cho mình, người duy nhất ấy là nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Năm 1979 anh NM Côn tuyệt thực và bị bọn Cai Tù không cho uống nước đến chết ở Trại Tù Khổ Sai Xuyên Mộc. Năm 1987 anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt chết trong Nhà Tù Chí Hòa. Năm 1977 tôi nhìn thấy anh NM Côn trong Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu; năm 1986, 1987 anh Hoạt ở Phòng Giam 11 Gác Ba, Khu ED Chí Hòa, tôi ở Phòng 10 ngay cạnh phòng anh. Tuy ở hai phòng cạnh nhau tôi ít khi được nói chuyện với anh Hoạt. Mỗi tuần tù được xuống sân tắm một lần, anh Hoạt cao tuổi, anh chỉ tắm trong phòng, ít khi anh xuống sân tắm. Một hôm ra hành lang xách nước, tôi nhìn thấy anh Hoạt đứng sau hàng song sắt phòng anh. Anh bận cái áo veston cho đỡ lạnh. Hôm ấy anh nói:

Lúc đi, tôi dặn vợ con tôi nhớ ngày hôm nay, ngày tôi bị bắt, làm ngày giỗ tôi.

Anh bị cao áp huyết. Một đêm phòng 11 có tiếng tù kêu:

..Báo cáo cán bộ..Phòng 11.., khu Ơ Đê... có người đau nặng... Xin cấp kíu...

Cai tù lạch xạch xách xâu chìa khóa lên, cành cành mở cửa sắt, một anh tù trẻ bồng người tù đau nặng xuống cái gọi là trạm xá của nhà tù. Hôm sau chúng tôi được tin anh Nguyễn Hoạt đã chết.

Anh Côn chết đói khát ở trại tù Xuyên Mộc, anh Hoạt chết lạnh lẽo trong nhà tù Chí Hòa, Dương Hùng Cường chết người tím đen trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, ông Phan Huy Quát, Linh mục Hoàng Quỳnh chết bệnh trong nhà tù Chí Hòa, Linh mục Nguyễn Văn Vàng bị bọn cộng sản giam đến chết ở trại tù khổ sai Xuân Phước, ông Trần văn Tuyên, ông Nguyễn Mạnh Nhụ, ông Phạm Văn Sơn - và không biết bao nhiêu ông nữa - chết thê thảm trong những trại tù khổ sai cộng sản trên đất Bắc..!

Người tù chết trong Nhà Tù Chí Hòa, Trung Tâm Thẩm Vấn Số 4 Phan Đăng Lưu, bị bọn Cai Tù đưa xác về nhà xác Chí Hòa cho bọn gọi là bọn pháp y sĩ VC, mổ bụng, mổ dạ dầy, mổ óc, để chúng học về cơ thể con người. Hai anh Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường, đã bị bọn Việt Cộng mổ xác như thế.

Làm tanh banh cơ thể người tù xong chúng liệm lại, gửi giấy đến nhà gọi vợ con người tù đến, cho vợ con người tù vào nhìn mặt người tù chết, đóng ngay nắp quan tài, cho lên xe - quan tài chúng cấp, xe của chúng - đưa lên chôn trong một nghĩa trang ở Lái Thiêu. Vợ con người tù phải mướn xe đi theo. Những năm 1978, 1979, bọn cộng sản còn đôi khi cho người tù sắp chết được về chết ở nhà mình - trường hợp ông tù Hồ Hữu Tường - từ sau năm 1980 chúng không cho thân nhân người tù chết được lãnh xác người tù về làm đám tang ở nhà, chúng sợ những đám tang như thế cho nhân dân thấy tội ác của chúng.

Vào tù cộng sản, Dương Hùng Cường vẫn lạc quan, vẫn tin chắc anh và vợ con anh sẽ được, không phải chỉ sẽ được mà là sắp được, những tổ chức dân chủ, nhân quyền Pháp, Anh, Mỹ, Ân Xá Quốc Tế, Văn Bút Quốc Tế... đón sang sống ở nước họ bằng phi cơ Air France, nên anh nhắn tin cho chị Cường "chuẩn bị tinh thần để ra đi bất cứ lúc nào", và anh sẽ "không về nhà mà sẽ đi thẳng từ Chí Hòa lên Tân Sơn Nhất để lên Air France." Vì vậy khi nhận được giấy gọi "đến Nhà Giam Chí Hòa về việc tù nhân Dương Hùng Cường", chị Cường đem theo bộ com-lê vét-tông của chồng, đủ đồ phụ tùng sơ-mi, ca-vát, giầy tây, bí tất, dây lưng, để ông chồng mặc lên Air France. Tội nghiệp thì thôi. Người tù nạn nhân cộng sản Dương Hùng Cường quả thật là được ra khỏi nhà tù Chí Hòa khi chưa mãn hạn tù, nhưng không phải để lên phi cơ Air France nơi phi trường Tân Sơn Nhất mà là để lên nằm lạnh trong một nghĩa trang ở Lái Thiêu. Cường chết trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu đầu năm 1986, giữa năm 1986, trước ngày bọn cộng sản họp cái gọi là Đại Hội thứ 6 của chúng ở Hà Nội, bọn công an thành phố Hồ Chí Minh đưa bọn chúng tôi ra tòa, bọn tòa án không biết người tù Dương Hùng Cường đã chết, trong cái gọi là cáo trạng chúng kết tội chúng tôi vẫn có tên Dương Hùng Cường, người tù đã chết Dương Hùng Cường vẫn có tên trong giấy gọi ra tòa lãnh án. Năm 1991 khi tôi hết án trở về mái nhà xưa, vợ tôi kể chuyện vài tháng sau ngày DH Cường mất, chị Cường kể chuyện đêm chị nằm mơ thấy ông chồng về, Cường về bảo vợ gửi cho anh bộ răng giả của anh, không có răng anh không ăn được, chị Cường tìm trong cái giỏ quần áo của chồng - giỏ này do bọn cai tù Chí Hòa đưa cho nhưng từ ngày mang về nhà, quá buồn đau chị không mở ra xem - thấy bộ răng giả của chồng trong đó.

Tại sao những ông ấy lại phải chết khổ sở như thế? Cái gì làm cuộc đời mấy ông ấy, hồi kết cục, khác với cuộc đời các ông như ông Nghiêm Xuân Hồng, ông Vũ Khắc Khoan? Buổi sáng nằm trong phòng ấm, nhìn nắng sớm ngoài khung kính cửa sổ, nghĩ đến chuyện nắng đích thực mầu gì, chẳng hơn là nằm rụm rã chân tay, từng khớp xương rời rụng, thèm một hớp nước lã trước khi chết trong sà-lim hôi hám của một nhà tù cộng sản ở ngay nước mình; ở nước Mỹ, hút hơi thuốc píp, nghe - nghe viết chữ nghiêng - thấy nhiều mùi hương cũ tưởng đã phai, đã tuyệt mù.., chẳng hơn là nằm dẹp lép trong phòng tù cộng sản ở nhà tù Chí Hòa, đêm về sáng cuối năm trời lạnh - không biết anh em phòng tù 11 Gác Ba, Khu Ơ Đê, có nhớ đưa cái mền hay cái áo veston đi theo ông tù già xuống trạm xá hay không - ông tù già một thời, sau ngày ông Diệĩm bị bắn chết, làm chủ nhiệm tờ nhật báo Ngày Nay, ông Vũ Khắc Khoan làm chủ bút, nhật báo Ngày Nay ra được chừng sáu tháng thì tự đình bản vì lỗ hết vốn, ông tù già biết mình sắp chết, thèm một hơi khói thuốc lào...

Trước khi chết, anh Côn, anh Hoạt nghĩ gì, thấy gì, muốn gì, nhớ gì? Tôi định tưởng tượng ra những cảm nghĩ của hai anh lúc các anh sắp thở hơi cuối cùng, nhưng tôi thấy tôi tưởng tượng ra cảm nghĩ của hai anh là tôi bậy, nên tôi không dám.

Khi đọc bài "thế giới Vũ Khắc Khoan" tôi tưởng Mai Thảo viết bài ấy sau khi Vũ Khắc Khoan đã qua đời, mấy dòng chữ ở cuối bài cho tôi biết bài ấy được viết khi họ Vũ còn sống: "Bài này được viết năm 1982, bảy năm sau khi nhà văn Vũ Khắc Khoan đến Mỹ và bốn năm trước ngày họ Vũ từ trần." Còn sống mà được anh em viết về mình như thế là nhất rồi. Óc tưởng tượng của nhà văn thật phong phú: chỉ là một cặp vợ chồng người Á Đông đi máy bay Mỹ thôi mà nhìn thấy hình ảnh "..vẻ lẫm liệt rất thái cực đạo của người chồng...., một cặp lão trượng hiền lành ngồi kia nhưng giấu kín võ công cao cường vô tả..., một mối đại thù giải quyết chưa xong" - mối "đại thù" này chắc không phải là thù bọn cộng sản - chỉ là chuyến phi cơ dân sự Mỹ từ Minnesota bay mấy tiếng đồng hồ sang California, người Mỹ đi về như đi chợ, người Mỹ có thể đi về nội trong một ngày, nhưng nhà văn đặĩt câu hỏi ông bà lão trượng ấy đi đâu? "Xuống sa mạc Phương Nam tầm thù..., tới địa phương để kiếm tìm một thần dược, ...hay lưu lạc đã một đời, nay trên đường quy hồi cố hương, ở một điểm nào đó của Á Châu xa thẳm, mặc áo vải, đi giày cỏ, gặp lại giòng sông xưa, thềm nhà cũ..." Đẹp tuyệt. Viết về người đàng hoàng như thế mới là viết, mới đáng viết. Viết về những người tù nước da xanh mét hay vàng ệch, râu tóc bù sù, mặt mũi hốc hác, vêu vao, rúm ró, nhăn nhó, ngơ ngác, sợ hãi, chán chường, tuyệt vọng, ánh mắt thèm muốn được tự do, áo quần hôi hám..! Chán chết!

Thế nhưng.. viết về người bạn mình, bốc quá có nên chăng? Chỉ là một đôi vợ chồng người Việt lưu vong đã có tuổi đi một chuyến máy bay từ Minnesota sang Cali, làm gì mà đao to, búa lớn đến những "võ công cao cường vô tả, mối đại thù giải quyết chưa xong.." Vị lão trượng chỉ có cái mũi tẹt, da vàng là người Á Đông, còn y phục, giầy mũ.. đều là đồ Mỹ. Những người lùn, thấp, to ngang, mùa rét bận ba, bốn lớp áo, ngoài bọc cái áo dạ ngày xưa trong nước gọi là pạc-đờ-suy, trông như cây giò, như cái bánh tét, chẳng có gì là uy vũ!

Viết tiểu thuyết tưởng tượng là cần, là tốt, nhưng có tưởng cũng tưởng vừa thôi, tưởng quá thành ra lố bịch!

Cùng một kiếp người, không những chỉ cùng một kiếp người mà còn là cùng một kiếp người Việt Nam, tại sao có những ông khổ như thế mà có những ông sướng như thế? Đành phải lý giải sự khác nhau, sướng khổ của mấy ông bằng câu: Ông Vũ Khắc Khoan đẻ bọc điều, các ông Nguyễn Mạnh Côn, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Trần Chánh Thành, Phan Huy Quát, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Mạnh Nhụ, Phạm Văn Sơn, Thục Vũ, Huy Vân, Dương Hùng Cường.. đẻ bọc than.

Ngày 29 Tháng 4 năm 1975 gia đình tôi cùng tìm đường chạy với gia đình một ông bạn. Không lối thoát, 6 giờ chiều hôm ấy hai gia đình chúng tôi chia tay. Vợ con tôi và tôi lếch thếch trở về nhà của chúng tôi, ông bạn tôi và vợ con ông vào Chợ Lớn, trong đêm xuống một tầu của Ba Tầu ra đi. Và đi thoát.

Hai mươi năm sau, vợ chồng tôi gặp lại ông bà bạn ở xứ Mỹ. Sau cuộc gặp, vợ tôi nói với tôi:

Bà ấy nói ông bà ấy ở hiền, gặp lành, nên cả nhà ông bà ấy đi thoát. Nghe nói em nghĩ họ ở hiền, gặp lành nên họ đi thoát, vợ chồng mình ở ác nên mình gặp dữ, mình đi không thoát. nhưng em lại nghĩ có lẽ nào, mình cả đời có làm việc gì thất đức đâu. Ai đi thoát là thoát, ai kẹt lại là kẹt. Làm gì có chuyện hiền lành hay ác độc!

Năm 1981, 1982, 1983.., những năm dân Việt Nam Cộng Hòa đói khổ nhất, những năm dân VNCH bị bọn quỉ sống Thái Lan hiếp, giết trên biển ghê rợn nhất, tàn ác nhất, đau thương nhất, những năm nhân dân VNCH chống Cộng dữ dội và tuyệt vọng nhất, thời gian những người có chức việc trong chính quyền và những sĩ quan quân đội Quốc Gia VNCH chết vì bị hành hạ, bị bỏ đói, vì tuyệt vọng, vì đói, vì rét nhiều nhất trong những trại tù khổ sai ở nước Bắc Cộng, những năm những người Việt sống dở, chết dở trong nước mong ước những người Việt chạy thoát trở về cứu họ, hy vọng những người Việt chạy được sang Mỹ chống Cộng thật dữ dội, làm cho bọn cộng sản phải sợ, phải chùn tay đàn áp nhân dân Quốc Gia VNCH, cũng những năm ấy các ông Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan và những ông bạn của hai ông gặp nhau ở Mỹ:

thế giới Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo. Trích:

...Mỗi lần Vũ Khắc Khoan từ 9441, Blaisdell Ave, S. Bloomington, Minnesota điện thoại cho bọn chúng tôi, trước nhất thường cho Hoài Bắc: "Ngày ấy, tao xuống đó" bọn chúng tôi đều nhìn nhau cười: "Chắc tuyết nó phủ cho gần chết rồi. Xuống thì xuống, làm như đi kinh lý". Nói vậy, chúng tôi vẫn sửa soạn đón Vũ. Bởi có Vũ là có thức đêm, có sinh hoạt, có Jack Daniels khai vị mạnh mẽ buổi chiều, có Hennessy đậm đà buổi tối..

......

Gãp lại Vũ, trước lò sưởi những tối khuya Minnesota trắng tuyết, mười ngàn phiến Động Đình Hồ đoán thấy đông lạnh dưới không độ tối đặc, hoặc ngoài một hàng hiên chiều của California tươi nắng, một lũ chúng tôi mà Vũ gọi một cách sắp chết là "dăm cụ bạn vàng lác đác" mà Vũ diễu là "giới nghiêm cũng mặc, hẻm nào cũng vô", đã thật sự tạo lại được với Vũ, và chỉ khi có Vũ, một không khí tếu nghịch, đơn giản người nào cũng yêu thích lắm lắm. Vui nhất là thiền sư Nghiêm Xuân Hồng. Và người xưng Khoan tôi trong truyện kể lại cho đời lại rủ chúng tôi về Vạn Hồ với hắn. Như một bầy Lưu Nguyễn nghịch ngợm.

Ngưng trích.

Một chiều năm 1982, hay 1983, trong thành phố Sàigòn buồn thê thảm, gặp nhau giữa đường, hai xe đạp ghé vào vỉa hè, Trần Lê Nguyễn nói với tôi:

Tao đến nhà thằng X. hỏi thăm nó, nó bị đưa ra Bắc. Bà mẹ nó bảo tao nhờ anh nhắn với mấy anh bạn của em nó ở bên Mỹ, xin mấy anh ấy bớt tiêu gửi về cho em nó chút tiền, để vợ nó đi nuôi nó. Tao nói bác ơi, đừng hỏi xin chúng nó phí lời, có tiền chúng nó đi uống rượu, chúng nó không gửi về đâu!

Viết đến đây tôi chưa hết ý, nhưng tôi buồn, tôi thương, tôi tạm ngừng viết.

Hết!
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,096
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Mười Đậu từ: mem2500, huynh

Postby uachoiboi » 28 Jan 2006

Cám ơn Mười nhiều lắm, mình đọc lần này là lần thứ... nhiều lắm rồi mà vẫn thấy xúc động bồi hồi vì có nhiều vị là thân hữu của gia đình và chính ông Hoàng Hải Thủy cũng là đệ nhất phóng tác gia của mình đó
User avatar
uachoiboi
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $63,260
Posts: 271
Joined: 08 Oct 2005
 
 

Postby Mười Đậu » 28 Jan 2006

Hổng có chi uachoiboi. Mười mới kiếm thêm vài truyện ngắn của Nguyển Hồng Dung cho uachoiboi đó.
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,096
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 


Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 19 guests