Hai Khối Tình - Sưu Tầm

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Hai Khối Tình - Sưu Tầm

Postby Huyen » 16 Jan 2006

Tác Giả: Sưu Tầm

1-of 14

Lúc chạng vạng, vì mặt nhựt đã lặn mất vào góc trời Tây xa hoắc, nên loài người lần lượt phải nổi đèn lên để kéo dài thì giờ cho cuộc sinh hoạt.

Trong châu thành Sài Gòn, nhứt là ở phía nhà thờ Chợ Đũi, thiên hạ qua lại dập dìu ngoài đường, kẻ làm việc mệt mỏi thì bươn bả đi về nhà mà nghỉ ngơi, người thung dung vô sự thì thả rều đặng tìm cách vui chơi cho thỏa ý. Lại thêm những đoàn xe lửa, tốp dưới Mỹ Tho, tốp trên Biên Hòa, tiếp nhau rầm rầm về tới, thổi sip-lê nạt đường nghe vang rân, làm cho cảnh càng rầm rộ náo nhiệt hơn nữa, rất phù hợp với tâm hồn hăng hái của hạng thanh niên, mà rất khó chịu cho tri ý trầm tĩnh của bực trưởng lão.

Ở giữa chốn ồn ào, lại gặp hồi đương rần rạo như vậy, một tòa nhà nhỏ nhỏ, ba căn xông, mái lợp ngói móc, vách đóng ván be, nằm dựa con đường phía sau nhà thờ, tuy trước sau có hai cây * sữa đơm lá sum sê, hai bên có nhiều nọc trầu vàng với mấy bụi chuối sứ, đứng sừng sựng như hàng rào để ngăn cản hồng trần thế tục, song tòa nhà ấy cũng không khỏi bị luồng gió náo nhiệt lôi cuốn, nên trong nhà đèn điện cháy sáng trưng, các cửa trước sau đều mở hoác. Tại cái bàn lót gần cửa sổ, ngó ra đám trầu, có hai người đương ngồi đối diện với nhau mà ăn cơm, một người đàn bà, tuổi gần năm mươi, da mặt đã dùn, mái tóc đã điểm bạc, với một cô thiếu nữ, tuổi chừng đôi mươi, dung nhan tuấn tú, thanh nhã khác phàm, gương mặt đã xinh đẹp như đóa hoa hường ướm nở, đã có duyên ngầm, càng nhìn càng thêm yêu, mà lại còn có vẻ hân hoan, vô tội, pha lộn với nét nghiêm nghị, cương quyết, làm cho trai nào cũng vậy, hễ ngó thấy thì yêu, song phải nể, tuy động tình song phải dè dặt.

Người đàn bà nầy là bà phán Lan, chồng chết đã năm năm rồi; còn cô thiếu nữ này là cô Cúc, con gái của bà phán, thi đậu bằng Thành chung, hồi chiều mới về tới nhà, nên ngồi ăn cơm tối với mẹ.
Mới thỏa mãn về công phu đèn sách mười mấy năm mệt nhọc tinh thần, cô Cúc lấy làm vui mừng, nên cô nói nói, cười cười không ngớt, còn bà phán cũng toại chí vừa lòng về công phu sanh thành giáo dục của bà, nên bà ngồi nghe con thuật chuyện thi, mà cặp mắt bà ngó con một cách rất nồng nàn, dan díu.
Để cho con nói hết chuyện của con rồi, bà mới xen vô thủng thẳng nói:
- Hổm nay con thi mà coi bộ ông trạng sư Xương, ổng lo lắng lung quá, ngày nào ổng cũng ghé hỏi thăm.
- Ảnh sợ con rớt. Bây giờ con đậu rồi, để nữa ảnh vô coi ảnh nói làm sao.
- Ổng mừng lắm chớ nói giống gì.
- Anh đó ảnh có cái óc bi quan nặng nề hơn người ta hết thảy. Tại sao ảnh cứ sợ con thi rớt không biết.
- Vì ổng thương con, nên ổng mới lo sợ như vậy chớ sao.
- Sợ nỗi gì? Ở đời dù có đi thi hay làm việc gì cũng vậy, mình phải có óc lạc quan, phải có cái chí tấn thủ cho cương quyết, thì chẳng có việc chi mà làm chẳng thành được. Con đã có cắt nghĩa cho ảnh nghe rồi, mà ảnh còn lo sợ nỗi gì?
- Ổng sợ là sợ cho con chớ. Hôm qua ổng có nói với má, ổng sợ con thi rớt rồi con buồn rồi con đau.
- Khéo lo xa dữ hôn!
- Ổng thương con lắm, nên ổng mới lo xa đó đa. Con phải cám ơn, chớ sao con lại trách ổng. Có lẽ tối nay ổng vô mà mừng con. Hễ ổng vô thì con phải tỏ lời cám ơn ổng, nghe hôn con.
- Anh em mà cảm ơn giống gì.
- Dầu anh em cũng vậy chớ...Đã biết ông già ổng với ba con hồi trước là bạn thiết, làm việc một sở với nhau tới mấy chục năm. Từ ngày ổng học bên Pháp, rồi ổng về cho tới bây giờ, ổng coi con cũng như em ruột, coi má cũng như cô bác, nhà mình có việc gì ổng lo lắng hết lòng luôn luôn. Má thấy tánh tình ổng như vậy má mến quá, má cũng coi ổng như con cháu trong nhà. Tuy vậy mà ổng không phải bà con ruột thịt gì với mình. Vậy đối với ổng con phải cung kính, con phải giữ lễ nghĩa cho đủ, chẳng nên sơ sót.
- Lần nào ảnh vô thăm, con cũng kiếm chuyện chọc ghẹo cho ảnh giận chơi, chắc ảnh ghét con lắm.
- Ghét đâu!
- À má, chị trạng sư chết đã lâu rồi, ảnh đã tính cưới vợ khác hay chưa, mà sao không nghe ảnh nói vậy má?
- Mới chết hơn một năm mà lâu giống gì.
- Ảnh không lo cưới vợ khác cho sớm, để già rồi con gái nào mà thèm ưng ảnh.
- Mới ba mươi tuổi mà già nỗi gì.
Cô Cúc cười rồi đứng dậy đi uống nước.
Cô Kim là chị em bạn của cô Cúc, làm nữ giáo sư bên Cầu Kho, ở ngoài đường hăng hái đi vô, vừa bước tới cửa thì cười và nói: “Mới hay em Cúc thi đậu, tôi mừng quá, nên lật đật qua đây mà khen em. Kính chào bác”.
Cô Cúc bước ra tiếp rước, chị em ôm nhau mà hôn.
Bà phán ngồi uống nước, thấy tình hai trẻ dan díu với nhau như vậy thì bà rất vui lòng.
Cô Kim mừng rỡ lăng xăng rồi ngồi với cô Cúc tại bộ ghế giữa và hỏi:
- Em hay đậu hồi nào?
- Dán giấy biên tên mấy người đậu hồi năm giờ.
- Em thấy có tên em chắc em mừng lắm hả?
- Em mừng quá, lật đật lên xe kéo chạy về cho má em hay liền.
Ở đời chẳng có sự chi vui sướng cho bằng lúc mình thi đậu. Năm ngoái tôi đậu, tôi cũng mừng quá. Thôi, em đậu rồi, hết lo nữa. Bây giờ học xong rồi, em tính làm việc gì, nói nghe thử coi.
- Để nghỉ ít bửa rồi sẽ nhứt định... Ý em muốn viết báo hoặc viết tiểu thuyết.
- Em muốn chen vào làng văn hả?
- Phải.
- Em không chịu dạy học trò hay sao?
- Cái nghề gõ đầu trẻ, chắc là em không thể làm được.
- Sao vậy?
- Tại em không thích.
Bà phán xen vô nói:
- Đi học mười mấy năm nay mệt nhọc hết sức. Phải lo nghỉ ngơi, tính chuyện làm việc làm chi.
Cô Cúc cười và hỏi:
- Má giàu lắm hay sao, nên không chịu cho con làm việc?
- Không phải giàu. Nhưng mà đàn bà con gái đi làm việc có phải dễ đâu.
- Làm con người thì phải làm việc đặng nuôi sống của mình. Nếu đàn ông làm việc được, thì đàn bà cũng làm được vậy chớ, có hại gì đâu mà má sợ.
- Vậy chớ thuở nay con không có làm việc rồi con đói khát bữa nào hay sao?
- Nhà mình không có huê lợi chi hết. Kho hưu trí phát tiền cấp dưỡng sương phụ [1] cho má, mỗi kỳ ba tháng có một trăm rưỡi, có phải nhiều đâu. May, ba mất ba có để lại miếng đất với cái nhà nầy cho mẹ con mình ở, chớ nếu phải mướn phố mà ở thì nguy lắm. Thuở nay con đi học cho thành công, đặng làm việc mà giúp đỡ má. Nếu má không cho con đi làm thì con buồn lắm.
- Để nghỉ năm bảy tháng hoặc một năm cho khỏe đã, rồi sẽ hay. Lo làm việc làm chi mà gấp vậy?
- Con khỏe lắm, có mệt mỏi gì đâu. Nếu có sẵn công việc thì sáng mai con đi làm liền cũng được nữa.
Cô Kim can bà phán:
- Ý em Cúc muốn làm việc, thì bác vui lòng để cho em làm, không có hại chi đâu mà bác ngại.
- Thấy nó ráng học đặng thi, tôi sợ nó mệt rồi nó đau, nên tôi mới cản chớ.
- Em nói em khỏe, vậy thì cháu xin bác đừng có cản mà làm cho em buồn. Đàn bà con gái đời nay hễ có học thức thì ai cũng muốn đi làm việc. Em Cúc học giỏi, tự nhiên em không chịu lục đục ở nhà, không gì lạ đâu.
- Nó muốn thế nào tự ý nó. Nhưng mà dầu muốn làm việc gì thì cũng thủng thẳng rồi sẽ tính. Gấp làm chi.
Cô Cúc vỗ vai cô Kim mà nói:
- Em có viết sẵn một bộ tiểu thuyết về phụ nữ xã hội ngộ lắm. Không biết làm sao mà xuất bản đặng chị em bạn gái xem chơi.
- Em đã viết được một bộ tiểu thuyết rồi! Em mắc học, làm sao có thì giờ mà em viết được?
- Em lập trụ đã lâu rồi. Em bắt đầu viết lúc bãi trường Tết, rồi hễ chúa nhựt thì em viết tiếp.
- Giỏi quá! Quyển tiểu thuyết đó em để tựa gì?
- “Mảnh Gương Trinh”. Em viết truyện của một cô gái nghèo sanh trưởng giữa một xã hội tham lam, giả dối, vô tình, vô đạo, thờ con bò vàng như thánh thần, coi phường phụ nữ là vật để họ chơi cho vui, song cô gái ấy chiến đấu mà giữ vẹn cái trinh tiết của cô, chẳng hề để lem luốc nhơ bợn chút nào hết.
- Viết truyện như vậy thì hợp thời lắm. Bây giờ em muốn xuất bản đặng bán hay sao?
- Nếu xuất bản thì phải ra vốn. Đã vậy mà mình không phải làm nghề bán sách, nếu mình in mà bán thì bất tiện. Em muốn đến mấy nhà báo em bán phức bổn quyền cho họ đặng họ đăng báo cho công chúng xem, hoặc em bán cho mấy ấn quán cho họ xuất bản cũng được.
- Bán phức cho họ in tiện hơn. Tôi có quen với cô chủ nhiệm tờ báo “Việt Nam Tân Phụ Nữ”. Nếu em bằng lòng giao thiệp với tòa soạn của tờ báo ấy thì tôi tiến dẫn giùm cho.
- Được lắm, được lắm. Nếu tờ báo ấy chịu đăng tiểu thuyết của em thì sẽ viết hoài mà bán.
- Thôi, để bữa thứ năm nghỉ dạy học tôi qua đây rồi hai chị em mình đi.
- Được. Cảm ơn chị lắm!
- Trí đã chăm lo học đặng thi, mà còn viết tiểu thuyết được, thiệt là tài quá. Em cho tôi mượn về đọc thử, được hay không?
- Được. Chị xem coi có chỗ nào sơ sót xin chị chỉ đặng em sửa lại.
Cô Cúc bước lại bàn viết kéo hộc tủ mà lấy xấp tiểu thuyết.
Có một chiếc xe hơi ngừng ngay cửa. Bà phán nói:
- Chắc xe của ông trạng sư.
Thiệt quả ông trạng sư Xương thủng thẳng đi vô, mình mặc bộ đồ trắng thường dùng, không có vẻ chưng diện, nhưng vì người có khiếu quân tử, nên tướng mạo coi ôn hòa tề chỉnh lắm.
Khi bước vô tới cửa, ông trạng sư đứng lại, vừa cúi đầu chào bà phán với hai cô vừa hỏi:
- Em Cúc đậu hay không?
Cô Cúc trao xấp tiểu thuyết cho cô Kim và cười và đáp:
- Em rớt rồi. Tại anh lo quá nên em giận em bỏ rớt.
Bà phán nói:
- Ê! Con cứ diễu cợt hoài! Nó thi đậu, ông trạng sư à... Mời ông ngồi... Đến năm giờ chiều họ mới dán giấy. Nó chạy về cho tôi hay tôi mừng hết sức.
Ông trạng sư ngó cô Cúc hỏi:
- Em gạt anh chi vậy?
- Tại anh cứ sợ em rớt hoài, nên em nói rớt thử coi anh nghĩ sao. Hễ học thì thi đậu, thế nào mà rớt được.
- Đi thi thì có may rủi nhiều lắm, bởi vậy dầu học giỏi cho mấy đi nữa cũng không dám chắc đậu... Thôi, em học giỏi mà em lại thi đậu ấy là em có cái may...
- Ê! Anh nói như vậy, té ra là nhờ cái may, nên em mới thi đậu, chớ không phải nhờ sức học hay sao?
- Không phải ý anh muốn nói như vậy. Anh nói thuở nay có nhiều người học giỏi mà chừng đi thi có khi gặp sự rủi ro nên phải rớt. Em học giỏi mà đi thi em lại đậu, ấy là em khỏi gặp sự rủi ro như họ nên anh mừng. Anh nói thế ấy, sao em lại hiểu thế khác làm chi vậy?
- Em chọc cho anh giận chơi.
- Có cô Kim mà nói như thế, nếu cô chú ý hiểu theo lời em nói, thì anh thành ra người khiếm nhã quá.
- Em thú nhận em có lỗi. Thôi em xin anh tha... Nầy, mà nãy giờ anh nói lăng xăng, song anh chưa chúc mừng em đa.
- Em đậu, anh vui quá. Vậy anh tỏ lời mừng cho thím phán và mừng cho em.
- Cảm ơn.
Cô Kim đứng dậy từ giã mà về.
Ông Xương hỏi cô:
- Tại tôi vô đây nên cô về hay sao?
- Không phải vậy. Em ngồi đã lâu rồi, nên em về chớ.
- Cô cầm xấp giấy chi đó?
- Tiểu thuyết của em Cúc viết. Em mượn về xem chơi.
- Chà! Em Cúc viết tiểu thuyết nữa à? Cô cho phép tôi xem sơ một chút được không?
Cô Kim trao xấp tiểu thuyết cho ông Xương. Ông giở ra thấy tựa đề “Mảnh Gương Trinh” thì ông chúm chím cười.
Ông lật coi sơ qua rồi liền trả lại cho cô Kim và nói:
- Cô đọc trước đi. Chừng cô đọc rồi, tôi sẽ mượn mà đọc.
Cô Cúc nhõng nhẽo nói:
- Tiểu thuyết về nữ lưu, ai mà cho đàn ông đọc.
Ông Xương cười, mắt ngó cô rất hữu tình.
Cô Kim về.
Bà phán nói với ông Xương:
- Con nhỏ nầy kỳ lắm. Đã lo học đặng thi, mà còn ráng ngồi viết tiểu thuyết. Nó mới tính với cô giáo Kim, nó nói để nó đi hỏi mấy nhà nhựt trình, như họ bằng lòng in tiểu thuyết của nó, thì nó sẽ viết mà bán cho họ.
- Nếu em Cúc thích văn nghệ, thì em làm như vậy được lắm, có hại chi đâu. Mà em học thi đã mệt, vậy phải nghỉ ngơi ít tháng cho khỏe trí, lật đật làm chi.
- Tôi cũng nói như ông vậy, tôi biểu nó nghỉ mà nó mới cãi với tôi, nó nói nó không có mệt, nên muốn kiếm công việc làm liền.
Ông Xương ngó cô Cúc và cười và hỏi:
- Em ham làm việc lắm hay sao?
- Người không ham làm việc là người làm biếng. Làm biếng là một tánh xấu, có thể hại cả đời mình. Anh muốn cho em mang cái tánh xấu ấy hay sao?
- Mới ra khỏi nhà trường nên nói chuyện còn nghe hơi sách vở dữ! Em ham làm việc, ấy là tánh tốt, anh khen lắm. Người nào được làm chồng em, họ sẽ có phước biết bao nhiêu.
- Anh nói trúng lắm. Chừng nào em có chồng, em sẽ làm cho chồng em hưởng đủ mùi hạnh phúc.
Ông ngó cô Cúc trân trân.
Cô Cúc chúm chím cười và hỏi:
- Chị trạng sư mất đã hơn một năm rồi, sao chưa nghe anh tính cưới vợ khác?
- Em hỏi chi vậy?
- Em muốn hỏi cho biết vậy mà.
- Vì sẵn lòng lo lắng cho phận của anh nên em hỏi, hay là em hỏi đặng ngạo anh chơi?
- Em hỏi thiệt chớ.
- Nếu em hỏi thiệt thì anh sẽ nói thiệt cho em nghe.
Ông Xương ngồi châu mày suy nghĩ một chút rồi ông mới nói:
- Bữa nay em Cúc đã học xong rồi, mà bây giờ trong nhà cũng không có ai, vậy cháu tưởng nên thừa cơ hội nầy mà tỏ thiệt tâm sự của cháu cho thím rõ, tỏ trước mặt em Cúc, bởi vì em là gái tân thời, nên không lẽ cháu dấu em...
Từ ngày vợ cháu chết rồi, chẳng hiểu tại sao lần lần trong lòng cháu lại sanh mối cảm tình với em Cúc. Trong mấy tháng nay có nhiều bữa, cháu muốn thưa thiệt với thím, rồi xin cưới em Cúc. Mà rồi cháu nghĩ em Cúc gần thi, nên cháu dằn lòng đợi em học cho xong cũng chẳng muộn gì. Nay em Cúc thi đậu rồi, nên cháu mới dám thưa thiệt với thím. Thím với em Cúc đều biết rõ gia đạo của cháu, lại thuở nay coi cháu như người trong thân, nên cháu mới bạo gan mà nói ngay, chớ chẳng cậy mai mối. Cháu xin thím suy nghĩ rồi trả lời cho cháu biết, coi cháu có cái hạnh phúc được làm chồng em Cúc hay không.
Bà phán Lan ngồi ngẩn ngơ, coi bộ bà bối rối lắm. Còn cô Cúc thì cô cúi mặt ngó xuống đất, sắc mặt coi có vẻ lo.
Cách một hồi lâu, bà phán mới nói:
- Thuở nay tôi thương ông trạng sư cũng như con cháu trong nhà vậy. Mà con Cúc nó cũng coi ông trạng sư như anh ruột của nó. Ông biết tánh nết nó; nó cũng biết tư cách ông cháo chan, chớ không phải xa lạ, nên cần chi phải dọ dẫm. Tuy ông trạng sư trọng tuổi hơn nó, lại có một đời vợ rồi, nhưng mà theo ý tôi thì việc ấy chẳng quan hệ gì. Ông trạng sư nói như vậy, thì đủ thấy ông có lòng thương con Cúc lắm. Vậy nếu con Cúc ưng thì tôi gả, tôi không ngăn cản chi hết. Việc vợ chồng là việc trăm năm của nó, lại nó là đứa có học, nên tôi muốn để tự do cho nó liệu định.
Ông Xương đáp:
- Cháu rất cảm ơn thím. Để cháu hỏi em Cúc”.
Ông ngó cô Cúc mà nói tiếp:
- Thím bằng lòng rồi. Còn theo ý em thì em nghĩ thế nào? Anh được phép nuôi chút hy vọng không?
Cô Cúc ngước mặt lên, cô lắc đầu và cười và nói:
- Anh trễ xe.
Ông Xương biến sắc, không dè những lời tình nghĩa rất quan hệ, mình mới nói đó đã không làm cho cô Cúc cảm được, mà lại làm cho cô bật cười, bởi vậy ông chưng hửng ngó ngay cô mà hỏi:
- Em nói cái gì vậy? Anh trễ xe là sao?
- Anh không hiểu hay sao
- Mình muốn một vật gì mà muốn hụt, người đời nay họ gọi là “trễ xe”.
- Anh xin em nói rõ thêm một chút.
- Anh muốn em nói rõ lắm hay sao?
- Muốn lắm.
- Vì hồi nãy anh lấy thiệt tình mà tỏ tâm sự của anh, nên không lẽ em không lấy thiệt tình mà đáp lại với anh. Vậy em xin nói thiệt cho anh biết -- Trái tim của em đã có chủ rồi, không còn tự do nữa.
Ông trạng sư Xương nghe dứt lời thì trong lòng lấy làm đau đớn, sự đau đớn ấy lộ ra ngoài mặt nên ông chau mày, nghẹn cổ, ngồi trân trân. Cách một hồi lâu, ông mới thở ra mà nói:
- Tôi không dè phận tôi vô duyên thế nầy! Có lẽ tại mạng số của tôi không được phép thưởng thức mùi đầm ấm về tình ái hay sao chớ! Thím lấy thiệt tình mà đối với cháu, còn em Cúc cũng vậy, em cũng lấy sự thành thật mà đãi anh, nên anh cảm tình lắm. Thôi, không được gần nhau thì anh buồn, chớ anh không phiền em đâu. Anh chúc cho đời em được hạnh phúc tràn trề, được như vậy thì sự buồn của anh có lẽ lần lần sẽ nguôi được.
Ông Xương đứng dậy cáo từ mà về, mặt buồn hiu.
Bà phán nghe câu chuyện của con nói hồi nãy, bà còn đương rộn trí rối lòng, nên bà không biết lấy lời chi mà cầm ông Xương lại. Chừng ông Xương đi rồi, bà ngó con mà nói:
- Con gái đời nay, nó theo tân học rồi tánh nết kỳ cục quá. Con nói bậy bạ làm cho ông trạng sư buồn đó, con thấy không?
- Con nói chánh đáng lắm, chớ có nói bậy đâu.
- Dầu con không ưng ông đi nữa, thì con cũng phải kiếm lời khôn khéo mà nói cho ổng vui lòng, chớ sao con nói cụt ngủn như vậy?
- Má muốn con thoa mật, đặng anh trạng sư nuốt hoàn thuốc đắng qua cổ cho dễ phải hôn? Chi vậy! Ảnh lấy thiệt tình mà nói với mình, có lẽ nào mình làm mặt làm mày với ảnh. Con không thể ưng làm vợ ảnh được, thì con nói ngay ra, chớ nói xa nói gần làm chi cho dài chuyện.
- Tại sao mà con không ưng?
- Con đã có nói hồi nãy rồi.
- Con nói làm sao?
- Con đã có cảm tình với người khác, con đã có hứa với người ta, nên con không thể ưng ảnh được.
- Trời đất quỷ thần ơi!
- Có chi đâu mà má kêu trời kêu đất?
- Con làm như vậy thì xấu hổ quá! Thiệt uổng công má nuôi dưỡng dạy dỗ biết chừng nào!
- Sao mà má gọi là xấu hổ?
- Gái mới lớn lên, mà lén tư tình với trai, không đợi cha mẹ gả, làm như vậy mà còn không cho là xấu hổ, thì còn giống gì là gia pháp nữa mà nói!
- Con sanh nhầm đời mới, má lại cho con học theo tân học, tự nhiên con phải có cái tư cách mới, chớ con theo nề nếp xưa sao được. Theo gia pháp đời nay, thì con trai con gái lớn lên được tự do kết hôn, chớ cha mẹ không ép buộc về sự cưới gả nữa. Người ta yêu con, người ta tỏ tình với con. Con cảm tình con yêu họ lại; hai trái tim hòa thuận, rồi hứa hẹn trăm năm với nhau. Người ta đợi con học xong rồi, người ta sẽ nói với má đặng cưới con. Sự thương yêu nhau như vậy thì trong sạch cao thượng, chớ có dơ dáy hèn hạ gì đâu mà xấu hổ. Con có mất trinh mất tiết đâu mà má rầy.
- Đợi tới mất trinh mất tiết thì còn gì nữa mà nói! Trao tình đổi ý với trai thì cũng đủ hư rồi!
- Má theo xưa nên má gắt quá. Người có học thức tự nhiên đa cảm, mà hễ đa cảm thì tự nhiên đa tình. Ái tình là cái ý nghĩa đẹp nhứt của sự sống, nếu sống mà không nếm được ái tình thì sự sống vô vị.
- Thôi, con đừng nói nữa, má nghe má buồn lắm. Má hỏi con, vậy chớ con thương người nào ở đâu con nói cho má biết một chút?
- Để thủng thẳng rồi má sẽ biết. Ít bữa nữa người ta sẽ đến thưa với má đặng xin cưới con, chừng đó tự nhiên má biết.
Bà phán ngồi suy nghĩ rồi bà ứa nước mắt mà than: “Má không hiểu tại sao mà trời đã khiến bụng con như vậy. Má dám chắc, dầu ai đi nữa cũng không hơn trạng sư Xương cho được. Người học giỏi, mà lại ăn nói có lễ nghĩa, tánh tình thuần hậu ôn hòa, dễ thương quá. Nếu con làm vợ trạng sư Xương thì má vui mừng lắm, má không lo chút nào hết.
Cô Cúc cười mà đáp:
- Má nói như vậy là má do lý, chứ má không do tình. Lý với tình khác nhau, không thể nào lấy lý mà đánh thối lui tình cho được. Người ta chết vì tình, chớ có ai chết vì lý bao giờ.
- Hứ! Tình! Tình... Con nói tình, trạng sư Xương cũng có tình với con vậy.
Cô Cúc lắc đầu rồi bước ra cửa, không đáp với mẹ nữa.

Chú thích :

1. Phụ nữ goá chồng

Hồ Biểu Chánh
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Huyen từ: Mười Đậu

Postby Huyen » 17 Jan 2006

2 of 14

Mặt nhựt tám giờ rưỡi sớm mai chói sáng lòa trên bầu trời mù mù, tô những vừng mây, chỗ đen như khói, chỗ trắng như bông.
Cô Cúc mặc bộ y phục bằng lụa trắng may thật khéo, tay ôm xấp tiểu thuyết gói trong một tờ nhựt trình cũ, đi lẩn thẩn theo đại lộ Bonard, với cô Kim cũng mặc đồ trắng. Hai cô mặt mày hớn hở, bộ tướng gọn gàng, thấy những hàng hoá phô trương trong mấy tiệm dựa bên đường mà không lưu tâm, gặp trai liếc mắt mỉm cười đưa tình mà không bợ ngợ.

Tới báo quán [1] “Việt Nam Tân Phụ Nữ”, hai cô ghé vô. Cô Kim hỏi thăm thầy ngồi gần ngoài cửa, coi cô Thanh Châu, là chủ nhiệm tờ báo nầy, đã đến phòng làm việc hay chưa. Thầy ấy gật đầu đáp:
- Dạ đã lại rồi. Xin mời hai cô đi thẳng lên lầu.
Cô Kim đi trước, cô Cúc theo sau, hai cô hăng hái bước lên lầu.
Cô Thanh Châu vừa thấy cô Kim thì đứng dậy mừng rỡ tiếp chào. Cô Kim tiến dẫn cô Cúc:
- Cô Cúc là chị em bạn thân thiết của tôi, mới thi đậu kỳ nầy; vì mến tài văn của chị nên cậy tôi tiến dẫn để biết nhau.
Cô Thanh Châu bắt tay cô Cúc, bộ vui vẻ nói:
- Tôi lấy làm vinh hạnh mà được biết cô. Ước sao bọn chị em tân học chúng ta mỗi ngày một đông thêm, đông cho mau, đặng cạnh tranh với đàn ông, mà đòi nhơn quyền của phụ nữ cho được đầy đủ, cũng như hạng nam nhi vậy.
Cô Cúc nhờ có học thức, nên trí đã tấn hoá theo đời mới, song trong nhà vẫn có một bà già xưa, ngày đêm thường nói những lời ôn hòa, những câu đạo đức, bởi vậy cô nghe mấy tiếng “cạnh tranh với đàn ông”, “đòi nhơn quyền của phụ nữ”, thì cô giựt mình, lo ngại, nên cô bợ ngợ đáp:
- Em còn nhỏ mà lại quê mùa, sợ e không đủ trí lực mà làm việc lớn lao theo như cô nói đó.
- Cô chẳng nên khiêm nhượng; cái tánh khiêm nhượng là tánh xấu xa, nó làm cho con người bạc nhược, không dám tấn thủ, không dám tranh đấu với ai hết. Đời nầy phải tập cho được cái tánh tự cường, đừng sợ, đừng nhường người ta, được như vậy thì mới có thể tấn hoá.
- Em rất cảm ơn cô về mấy lời cô khuyên dạy.
- Cô mới ra khỏi nhà trường, tâm hồn còn mê mẫn những luân lý theo sách vở. Để thủng thẳng rồi cô sẽ thấy những luân lý của xã hội, không giống với luân lý của giáo sư dạy đâu. Chị giáo Kim đã nếm mùi đời, chắc chị không cho những lời tôi nói đó là quá đáng.
Mấy cô đều cười.
Cô Thanh Châu dắt hai người khách lại cái bàn viết gần cửa sổ phía trước mà giới thiệu với cô Minh Nguyệt, là chánh chủ bút trong tòa soạn. Bắt tay chào nhau rồi bốn cô ngồi chung quanh cái bàn ấy đầy những sổ sách và nhựt báo.
Cô Kim hỏi cô Thanh Châu:
- Chị làm báo coi bộ mệt lắm hả?
- Mệt... nhưng mà vui, vui vì mình lãnh cái thiên chức tối cao, là soi đường dẫn bước cho dư luận, binh vực và bào chữa cho công lý.
- Trong tòa soạn chị có đủ người dùng hay không?
- Đủ. Chị hỏi chi vậy? Thế khi dạy con nít chị đã chán rồi, nên chị muốn ra làm “thầy đời” hay sao?
- Không. Tôi hỏi thăm như vậy là vì có cô Cúc đây, cô ái mộ văn nghệ, học xong rồi, cô muốn chèn mình vào làng văn. Tưởng như chị thiếu người giúp trong tòa soạn thì tôi tiến dẫn cô vô mà giúp với chị.
- Tôi lấy làm tiếc lúc nầy tôi có đủ người phụ sự nên không thể dùng cô được. Thuở nay cô có tập viết báo rồi hay sao?
Cô Cúc rước mà đáp:
- Em chưa tập viết báo, nhưng mà em đã có viết tiểu thuyết.
- A! Cô đã cho xuất bản được mấy bộ rồi?
- Em mới soạn xong có một bộ, mà vì em mắc học nên chưa lo xuất bản được.
- Đời nầy tiểu thuyết gia phát hiện đông như nấm mộc. Nhưng mà phe đàn ông thì nhiều, chớ phe phụ nữ ta thì ít ai chịu viết. Cô có chí viết tiểu thuyết thì là quý lắm. Bộ tiểu thuyết cô soạn rồi đó cô để tựa thế nào, viết về loại nào, tâm lý hay là xã hội, hay là diễm tình, hay là phiêu lưu?
- Em đề tựa “Mảnh gương trinh”, thuộc về phụ nữ xã hội tiểu thuyết. Em có đem theo đây, xin cô xem coi như có được thì em nhường bổn quyền đặng cho cô đăng báo.
- Hiện bây giờ trong tòa soạn tôi, có sẵn tới bốn năm bộ tiểu thuyết của chị em gởi tặng mà tôi chưa đăng báo được.
Cô Cúc mở gói trao xấp tiểu thuyết cho cô Thanh Châu. Cô Kim tiếp nói:
- Tôi đã có xem thử rồi. Bộ tiểu thuyết nầy thiệt là hay; câu văn giản dị, mà truyện lại ly kỳ nữa, nên đọc rồi cảm xúc quá.
Cô Thanh Châu dỡ ra rồi chúm chím cười mà nói:
- “Mảnh gương trinh!” Cô đặt tựa nghe xưa quá. Đời nầy viết tiểu thuyết phải đề cái tựa cho hùng hào, cho mới mẻ, độc giả họ mới chịu... Tại sao cô dùng ba chữ “Mảnh gương trinh” mà đề tựa? Trinh về vật chất hay trinh về tinh thần?”
Chưa quen tranh biện, mà lại bị bác bẻ thình lình, cô Cúc có hơi khiếp sợ, nên ú ớ đáp:
- Trong truyện miêu tả tâm hồn của một cô gái nghèo mà có sắc. Tuy cô sanh trưởng trong một xã hội trọng bạc tiền, chớ không biết trọng danh dự, bọn nam nhi coi phường phụ nữ như vật để họ chơi cho vui, nhưng mà cô giữ vẹn cái trinh tiết của cô, không bợn nhơ lem luốc. Tại như vậy đó nên em phải đề tựa “Mảnh gương trinh”.
- Nếu như vậy thì gương trinh của cô đây về vật chất. Lý thuyết ấy cũ kỹ lắm không hạp thời nữa.
- Tại sao vậy? Xin cô cắt nghĩa dùm cho em hiểu.
- Bực thanh niên đời nay quan niệm về chữ trinh khác hơn người đời xưa. Theo đời xưa thì nam nữ thọ thọ bất thân; con gái mà để cho con trai đụng mình thì là mất trinh rồi. Theo đời nay người ta kể cái trinh về tinh thần mà thôi, bởi vậy con trai con gái mới ôm nhau khiêu vũ mà người ta cho là lịch sự, chớ không phải người ta chê mất trinh mất tiết.
Cô Cúc bối rối, không biết lấy lý nào mà cãi được, nên ngồi buồn xo.
Cô Kim nói:
- Tiểu thuyết nầy hay lắm mà. Tôi chắc hễ chị ấn hành vào báo thì độc giả sẽ hoan nghinh. Chị đăng báo thử đi. Như công chúng chịu, thì cô Cúc sẽ viết nữa mà bán cho chị.
- Tôi đã nói tôi có sẵn tiểu thuyết nhiều lắm rồi, của chị em họ cho, chớ tôi khỏi mua. Tôi lấy làm tiếc quá. Có lẽ mấy nhà báo khác họ cần dùng hơn tôi. Vậy xin chị dắt cô lại hỏi nhà báo khác thử coi.
Cô Thanh Châu trao xấp tiểu thuyết lại cho cô Cúc. Cô Cúc không muốn này nỉ, nên lật đật gói lại, rồi đứng dậy từ giã mà về với cô Kim.
Khi ra đường rồi, cô Kim mới hỏi cô Cúc:
- Bây giờ em muốn đến nhà báo nào nữa?
Cô Cúc lắc đầu đáp:
- Thôi, em tưởng dầu có đến nhà báo khác thì cũng vậy, chớ không ích gì. Em muốn đến nhà in mà hỏi thử xem như họ chịu mua mà xuất bản thì mình bán phức cho xong.
Hai chị em đi lại nhà in của người Việt ở đường Kinh Lấp. Ông chủ tiếp rước ân cần, tưởng hai cô đến mướn in sách. Chừng ông ghe muốn bán tiểu thuyết cho ông xuất bản thì ông chau mày mà đáp:
- Phụ nữ Việt Nam bây giờ viết tiểu thuyết được, thật đáng khen đáng trọng lắm. Tôi hết sức muốn giúp hai cô, một là vì tình phụ nữ Việt Nam , hai là vì nền văn hoá của nước nhà. Ngặt vì tôi mắc đấu giá lãnh in đồ của người ta nhiều quá, máy không bao giờ rảnh mà in tiểu thuyết. Vậy hai cô chịu phiền hỏi thử nhà in khác có lẽ họ mua mà xuất bản được.
Hai chị em trở ra, mặt buồn hiu.
Dắt nhau lại chợ mới, tới nhà hàng Phan Thành, cô Kim khát nước nên rủ cô Cúc ghé vô uống nước cam giải khát. Hai cô ngồi một cái bàn dựa hàng kiểng, ngó quanh quất, thì trong nhà hàng trống trơn, chẳng có khách nào khác. Cô Kim dạy bồi lấy hai ly nước cam tươi.
Lúc ấy có một chiếc xe hơi ngừng ngay cửa nhà hàng, rồi một người đàn ông tuổi ngoài bốn mươi, tướng mạo phong lưu sang trọng, mặc đồ âu phục may rất khéo, thủng thẳng đi vô và lại ngồi cái bàn gần một bên chỗ hai cô ngồi. Người ấy kêu bồi đem một ly la-ve [2] .
Cô Cúc uống một hớp nước cam rồi nói với cô Kim:
- Má em nói: “Đường đời gay go lắm”. Thuở nay em chắc má em kiếm cớ mà dọa em, nên em không tin. Bây giờ em mới dợm bước chân vào đường đời, sao em giựt mình, em nghe lời nói ấy tựa hồ có thiệt chớ không phải dọa hăm đâu chị.
- Tại sao em nói như vậy?
- Chị để em cắt nghĩa cho chị nghe. Mấy tháng nay em viết bộ “Mảnh gương trinh” rồi, em chắc ý mấy nhà báo, hoặc mấy nhà in, họ sẽ dành nhau mua mà xuất bản; mà hễ đăng lên báo hoặc in thành sách thì công chúng sẽ hoan nghinh nhiệt liệt.
- Chị đọc kỹ, thiệt bộ tiểu thuyết của em hay lắm chớ, hay hơn những bộ tiểu thuyết của họ nhiều.
- Thấy hôn! Em chẳng nói dấu chị làm chi, viết được bộ “Mảnh gương trinh” rồi, em chắc em có cái óc văn sĩ, bởi vậy mấy tháng nay em thầm tính, hễ học xong rồi thì em không thèm làm việc gì hết, em quyết trao dồi văn nghệ, để sống với cái đời cao thượng chơi, giàu nghèo không cần, miễn là văn chương tao nhã, ái tình dồi dào thì đủ vui.
- Lãng mạn.
- Không phải lãng mạn... Thanh tao chớ... Em lập chí như vậy mà bữa nay mới giao thiệp với một bà chủ nhà báo và một ông chủ in, thì cái chí ấy coi dường như muốn rung rinh. Chị nghĩ đó mà coi, em trao bộ tiểu thuyết cho cô Thanh châu, cô coi mấy chữ tựa chớ cô chưa đọc, cô không biết câu văn với ý tưởng thế nào, mà cô kiếm đủ cách đặng bác bẻ chê bai. Cô lập thể làm thầy em, cô lại muốn em làm tôi mọi cho cô mà cô khỏi phải trả tiền công, nên cô kiếm chuyện nói cô có sẵn tiểu thuyết nhiều, những tiểu thuyết ấy đều của chị em viết mà dưng cho cô, đã dư dùng mà còn khỏi tốn tiền mua. Phách lối mà xảo quá! Còn ông chủ nhà in, tuy ngoài miệng ông tôn trọng chị em mình, song em biết trong bụng ổng khinh khi mình lắm, nên kiếm chuyện đuổi mình đi cho mau, mà đuổi cách lịch sự. Mới bước chân vào đường đời mà đã đạp chông gai rồi! Lời má em nói thiệt là đứng đắn.
- Em chẳng nên thối chí. Em quyết chuyên nghề văn thì tốt lắm chớ. Vậy em phải có nghị lực mà đuổi theo mục đích của em. Việc khó mà mình bền chí làm được thì mới giỏi.
Cô Cúc ngó sững chậu cau vàng trước mặt mà suy nghĩ một hồi lâu rồi mới đáp:
- Khó lắm!... Chớ chi nhà em dư giả thì em mới có thể đeo đuổi mà đạt cái mục đích của em được. Chị rõ biết nhà em tuy không đến nỗi khổ, song phải tiện tặn lắm mới đủ ăn. Má em lãnh tiền cấp dưỡng sương phụ, tính mỗi tháng có năm chục đồng. Hai mẹ con phải sống ở đất Sài Gòn với số tiền ấy thì làm sao mà thong thả được. Mấy năm nay em trông học cho thành công đặng làm kiếm tiền mà giúp đỡ má em. Nay học rồi em phải làm sao, chớ ở không viết tiểu thuyết đặng chị em mình đọc chơi, không bán cho ai được thì không tiện.
- Thôi thì em kiếm việc làm cho có số lương mà giúp cho bà phán, rồi ban đêm rảnh rang em viết tiểu thuyết.
- Làm việc gì?
- Việc gì cũng được, thủng thẳng rồi sẽ kiếm. Thôi em làm đơn xin nhà nước cấp bằng em làm nữ giáo viên cho xong.
- Em coi đời nầy muốn làm việc gì thì cũng phải có thân thế mới được. Chị tưởng hễ gởi đơn xin thì được hay sao? Vậy chớ chị không nhớ hồi nãy, chị gởi gắm em cho cô Thanh Châu vào tòa soạn, mà cô cũng không nhận đó sao?
- Thiệt đời khổ lắm, nhứt là khổ cho thân phận phụ nữ.
Người ngồi gần hai cô mà uống la-ve đó, nãy giờ lặng thinh, lóng tai nghe hai cô nói chuyện, song cứ liếc mắt ngó hai cô hoài, nhứt là ngó cô Cúc. Chừng nghe hai cô than thở, thấy sắc hai cô buồn, mới xoay ghế day qua và cười và nói:
- Xin lỗi hai cô, hai cô nói chuyện riêng, mà tôi lóng nghe thì tôi vô lễ quá. Tuy vậy mà tôi chắc hai cô không nỡ bắt lỗi tôi, bởi vì tôi ngồi gần hai cô, dầu tôi không muốn nghe hai cô nói chuyện cũng không được. Huống chi người có sắc đẹp như hai cô, lại câu chuyện thú vị nhiều quá, làm sao mà không muốn nghe cho được.
Hai cô ngó nhau, miệng chúm chím cười. Cô Kim nghĩ người ta nói vậy, nếu mình không trả lời thì người ta cho mình là gái quê dốt nhút nhát, bởi vậy cô mới đáp rằng:
- Thưa ông, ông có lỗi chi đâu. Mà câu chuyện của chị em tôi là chuyện thường chớ không phải chuyện kín, nên dầu ông có nghe cũng chẳng quan hệ gì.
- Cám ơn cô. Theo câu chuyện của hai cô nãy giờ, tôi nghe hình như hai cô muốn kiếm công việc làm, song không có ai tiến dẫn đỡ đần nên hai cô bối rối phải hôn?
- Thưa, em tôi đây tính kiếm công việc làm chứ không phải tôi.
- À, ạ, vậy hả?
Người ấy nhìn cô Cúc rồi nói:
- Cô đây tôi không lạ. Tôi có gặp cô một hai lần rồi, song không nhớ gặp tại đâu.
- Tôi sợ ông nhớ lầm.
- Không, không lầm đâu. Tôi nhớ cô là con ông phán phải hôn?
Cô Cúc chưng hửng, ngó ngay người đó mà đáp:
- Thưa phải. Sao ông biết?
- Có lẽ hồi trước cô đi với ông phán rồi tôi gặp. Tại lâu quá nên cô không nhớ.
- Ba tôi mất đã hơn 5 năm rồi.
- Phải. Hồi trước tôi cũng có làm việc nhà nước. Tôi có điền đất ở Rạch Giá nhiều. Cách 10 năm nay nhờ trời ngó lại, ruộng tôi trúng mùa luôn luôn, nên tôi thôi làm việc ở nhà lo thâu góp huê lợi. Tôi không có dịp được gặp bà phán, song tôi quen biết với ông phán lâu lắm. Năm ông phán mất, tôi mắc ở dưới ruộng nên tôi không hay. Sau về Sài Gòn nghe anh em nói lại tôi thương tiếc hết sức. Ông phán hồi trước là người hiền lành chơn chất. Không biết ông phán có mấy người con?
- Có một mình tôi.
- Té ra không có con trai?
- Tội nghiệp dữ hôn! Bà phán năm nay mạnh khỏe?
- Thưa, mạnh.
- Bây giờ bà phán ở đâu?
- Thưa, ở ngang nhà thờ Chợ Đũi.
- Tôi đây là Trần Thái Dương. Cô về nói lại có lẽ bà phán biết. Điền đất tôi ở dưới Rạch Giá, song ở dưới ruộng buồn quá, tôi chịu không được, nên tôi mua nhà về ở trên nầy. Tôi mua một cái nhà lầu ở trên đường Garcerie. Cô muốn kiếm công việc gì mà làm đặng giúp đỡ bà phán phải hôn?
- Thưa, phải.
- Hai cô nói chuyện hồi nãy đó, tôi nghe phải lắm. Đời nầy muốn làm việc gì cũng phải có thân thế mới được. Cô muốn làm việc gì? Tôi quen với mấy ông lớn hết thảy. Mấy ổng ăn cơm hoặc đi chơi với tôi luôn luôn. Cô muốn làm việc gì xin cô nói cho tôi biết, rồi tôi cậy mấy ổng giúp cho.
Cô Cúc bán tính bán nghi nên dụ dự, không biết có nên nói thiệt hay không.
Ông Trần Thái Dương thấy vậy bèn nói tiếp:
- Tôi thương ông phán lắm. Cô cũng như em cháu của tôi; tôi sẵn lòng giúp cô, xin cô đừng ngại chi hết.
- Cám ơn ông...
- Cô muốn dạy học hay muốn làm báo? Cô muốn làm việc gì, cô cứ nói thiệt. Tôi hứa chắc sẽ làm cho cô mãn nguyện.
- Việc nào cũng được...
- Cô dám lãnh làm chánh chủ bút một tờ nhựt báo hay không? Xưa rày tôi có ý muốn lập một tờ nhựt báo chơi. Ngặt vì tánh tôi không được siêng, lại tôi ghét cái thói mắng lộn, nên tôi sợ coi không kham. Nếu cô bằng lòng lãnh trách nhiệm chủ bút và quản lý thì tôi sẽ lập cho cô coi.
- Tôi mới ra khỏi nhà trường, tôi sợ không đủ tài đủ trí mà làm việc lớn lao như vậy.
- Làm lần lần rồi quen, có khó gì. Tôi thấy có người học ít xỉnh mà họ làm coi cũng gần rộ quá.
- Ông có lòng chiếu cố, ông muốn tác thành cho em út như vậy, thiệt em cảm ơn ông hết sức. Xin ông cho phép em suy nghĩ ít bữa rồi em sẽ trả lời cho ông.
- Ừ, được. Như cô không muốn làm nhựt trình, cô muốn làm việc khác, thì tôi cũng sẵn lòng giúp cho. Nhà cô ở đường gì, số mấy, xin cô cho tôi biết đặng hễ tôi kiếm được việc làm thì tôi cho cô hay.
- Thưa, em ở đường Duranton, số 527.
Ông Trần Thái Dương lấy ra cuốn sổ nhỏ mà biên, hỏi tên cô Cúc rồi biên luôn nữa. Ông lại đưa cho cô một tấm danh thiếp mà nói:
- Cô cất tấm danh thiếp của tôi đây. Cô suy nghĩ rồi hoặc cô lại nhà tôi mà trả lời, hoặc cô viết thơ cho tôi biết cũng được.
Ông kêu bồi biểu tính tiền la-ve và nước cam của hai cô luôn rồi ông trả tiền, hai cô cản lại không được.
Ông lại hỏi:
- Bây giờ hai cô về hay là còn đi đâu nữa? Như còn đi đâu thì tôi mời lên xe đặng tôi đưa đi.
Cô Kim đáp:
- Cám ơn ông. Chị em tôi đâu dám làm nhọc lòng ông đến thế, chị em tôi lại chợ mua đồ một chút rồi mới về.
Ông Dương cười rồi cúi đầu từ giã hai cô.
Ra khỏi nhà hàng, cô Kim nói với cô Cúc:
- Em may quá. Chắc là có công việc làm rồi.
- Sợ ổng nói dóc chớ.
- Ồ! Sao em nghĩ người ta như vậy? Em có cậy ổng đâu. Tại ổng quen với ông phán nên muốn giúp cho em chớ. Em chịu làm chánh chủ bút nhựt báo hay không?
- Để em suy nghĩ ít bữa.
- Làm đặng đối đầu với cô Thanh Châu cho cổ hết phách. Em có tờ báo, em đăng bộ tiểu thuyết của em, cho công chúng xem chơi.
Cô Cúc đắc chí, miệng chúm chím cười, làm cho mặt mày thêm vẻ đẹp.

Chú thích :

1. Tòa soạn
2. bia (La bière)
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 

Postby Huyen » 17 Jan 2006

3 of 14

Hai ngày rày cô Cúc cứ lửng đửng lờ đờ, vì trong trí bối rối như người đi lạc vào cảnh lạ, bước đường bợ ngợ, lại gặp ngã ba, không biết đi ngã nào.
Thuở nay cô yêu mến văn nghệ, nên cô muốn chịu lãnh trách nhiệm chánh chủ bút tờ báo của Trần Thái Dương tính lập; mà rồi cô nghĩ trách nhiệm ấy rất nặng nề, phận cô tuổi trẻ tài sơ, lại chưa lịch lãm việc đời, sợ làm không kham phận sự, rồi để hư hỏng việc của người, mà cô còn hổ thẹn với chị em bạn nữa.
Huống chi người yêu của cô hứa sẽ cưới cô, nếu cô lãnh làm báo, không biết người yêu có vui lòng hay không. Cô muốn gặp người yêu để bàn tính, mà bây giờ biết làm sao mà gặp cho được.
Có nên đến sở làm mà kiếm người hay không? Con nhà tử tế không lẽ đi kiếm trai như vậy. Phải định lẽ nào?
Ấy là câu cô cứ hỏi cô hoài, mà cô không trả lời được.

Đến trưa, bà phán với cô Cúc ăn cơm vừa rồi, thì có một người cỡi xe máy ghé nhà trao một phong thơ. Cô Cúc coi ngoài bao thì thấy đề tên cô và biên địa chỉ rành rẽ. Cô rọc bao thơ thì có một tấm danh thiếp của ông Trần Thái Dương biên mấy hàng chữ như vầy:
“Kính mời cô chiều nay, đúng bốn giờ, cô lên nhà tôi đặng tôi cắt nghĩa công chuyện làm mà tôi đã sắp đặt giùm cho cô xong rồi. Vì bận việc, nên tôi không xuống nhà cô được. Xin cô thứ lỗi. Kính chúc bà phán an khương”.
Đọc thơ rồi cô Cúc ngồi ngơ ngẩn. Cô đọc lại một lần nữa: Thấy danh thiếp còn in địa chỉ, số 333 đường Garcerie rõ ràng.
Bà phán hỏi:
- Thơ của ai vậy?
- Thưa, của ông Trần Thái Dương.
- Trần Thái Dương nào?
- Ổng nói ổng là anh em bạn của ba hồi trước. Má không biết sao?
- Thuở nay má không có nghe tên đó. Thơ nói chuyện gì?
- Ổng nói ổng kiếm được việc cho con làm rồi, và ổng mời con 4 giờ chiều lên nhà, đặng ổng cắt nghĩa công việc ấy cho con hiểu.
- Làm việc gì?
- Ổng không có nói. Thiệt má không biết ông Trần Thái Dương nầy hay sao má?
- Không. Má đã nói với con thuở nay má không có nghe tên đó.
- Ổng nói ổng quen với ba nhiều lắm, song không có dịp gặp má. Vậy chớ hồi trước ba không có nói chuyện với má rằng ba biết ổng hay sao?
- Không nghe nói.
- Sợ lâu rồi má quên chớ.
- Ba con quen với người ta nhiều lắm, làm sao mà biết hết cho được. Ông đó có lòng tử tế muốn kiếm việc cho con làm, như kiếm được thì ông lại đây mà nói cho con hay, chớ sao ổng lại mời con đến nhà ổng.
- Người ta sẵn lòng giúp con, người ta lo lắng kiếm được việc thì ơn nghĩa đã nặng lắm rồi. Má còn buộc người ta phải đến nhà mình mà thưa cho mình hay nữa hay sao?
- Con là gái, mà con đến nhà người lạ như vậy sao được.
- Ông Dương lớn tuổi, đáng chú con lận mà. Mà người tướng mạo đàng hoàng, chớ phải là quân lạm xạm hay sao mà má ngại.
- Đời nay thiên hạ họ yêu quỷ lắm, má không dám tin cậy ai hết.
- Nói như má vậy thì có giao thiệp với ai được đâu. Mà dầu thiên hạ xấu, họ hại làm sao mình được. Đời xưa khác, đời nay khác. Gái đời xưa không có học thức, lại cũng không quen giao thiệp, nên tánh tình nhút nhát, thấy ai cũng sợ hết. Con gái đời nay đa văn quảng kiến, biết tự trọng, nên có sợ ai đâu.
- Tuy con học nhiều, song con chưa thông thạo thế tình, vậy con chẳng nên ỷ tài ỷ lực quá như vậy.
- Không có hại gì đâu mà má phải lo cho mệt trí.
- Mà ông Dương kiếm việc gì dùm cho con làm đó, sao ổng không nói phứt ra cho con biết.
- Tấm danh thiếp nhỏ xíu, có chỗ đâu mà viết nhiều cho được.
- Thì lấy một tờ giấy mà viết.
- Má bắt bẻ quá! Tuy ổng không nói, song con nghi ổng muốn lập một tờ nhựt báo cho con làm chủ bút.
- Sao con lại nghi như vậy?
- Vì bữa hổm ổng có nói ngoài nhà hàng. Má vui lòng cho con làm chủ bút nhựt báo hay không má?
- Việc đó thuở nay con chưa làm, biết con kham đặng hay không.
Cô Cúc lấy thơ của ông Dương mà đọc lại nữa rồi ngồi suy nghĩ.
Làm chánh chủ bút một tờ báo... Ban đầu chưa quen, có lẽ mình viết bài không được lanh lẹ, có lẽ trong tòa soạn mình sắp đặt không được rành rẽ. Làm trong một ít tháng, mình có kinh nghiệm về nghề nghiệp rồi, lại nhờ có sẵn học thức của mình giúp đỡ, thì chắc mình dầu không hơn, chớ cũng không đến nỗi thua kém người ta.
Cô Thanh Châu học không có bằng cấp như mình, mà cô làm báo cũng có danh quá đó sao...
Cô Thanh Châu! Hôm nọ mình đến thăm cổ, giọng cổ nói chẳng khác nào như thầy của mình.
Thầy! Cổ giỏi gì hơn mình mà làm thầy mình! Vậy mà mình đến cầu cổ, nên mình khiếp sợ, không dám tranh biện, thiệt mình dại quá! Mình sẽ làm chủ nhiệm một tờ báo như cổ, rồi sẽ biết ai hơn ai thua, ai cao ai thấp...
Báo của mình lại đăng tiếu thuyết của mình viết, cô Thanh Châu có giỏi thì viết tiểu thuyết rồi đăng lên báo của cổ, để so sánh với nhau chơi... Cha chả! Anh Hoàng hay mình làm báo chắc ảnh la dữ! Ảnh la mà có vẻ trong bụng ảnh vui, bởi vì có vợ làm chánh chủ bút nhựt báo, thì hèn hạ gì hay sao mà hổ. Ảnh cưới mình rồi mình buộc ảnh ở nhà mình đặng vợ chồng đi làm việc cho tiện, chúa nhựt vợ chồng sẽ dắt nhau về thăm cha mẹ, trong Bình Đông.
Anh Hoàng làm việc trong hãng buôn mới có một năm mà ăn lương mỗi tháng tới một trăm. Mình làm chánh chủ bút có lẽ ăn lương không dưới số đó. Cưới rồi mình biểu ảnh tiện tặn để dành tiền lương đặng mua một cái xe hơi nhỏ nhỏ, ảnh tập cầm bánh, mỗi bữa ảnh đưa mình lại nhà nhựt trình, rồi ảnh đi làm việc, mãn giờ ảnh về ghé rước mình.
Ban đêm trời tốt vợ chồng đi chơi. Chúa nhựt thả xuống Long Hải hứng gió. Vui lắm, khoái lắm!...
Cô Cúc ngồi suy nghĩ, mà một lát liếc mắt ngó chừng đồng hồ.
Bà phán nằm lim dim trên ván, không nói một tiếng chi hết.
Đồng hồ gõ một giờ... rồi hai giờ.
Trời chuyển mưa, nổi gió, ngoài đường lá cây khô rụng bay lác đác.
Cô Cúc sợ trời mưa rồi lát nữa cô đi không tiện, nên cô bước ra cửa đứng mà ngó mây. Chắc không mưa vì gió thổi mây tan lần lần, rồi bầu trời thanh bạch lại. Đúng hai giờ rưỡi cô mới vô trong buồng, thay đồ mà đi tắm, rồi trang điểm sửa soạn, đặng gần 4 giờ đi lên đường Garcerie.
Bà phán hỏi:
- Con sửa soạn đi lên nhà ông Dương phải hôn?
- Thưa, phải.
- Con gái mà đi như vậy khó coi quá. Má muốn đi với con.
- Cần gì má phải đi. Con đã nói không có sao đâu mà má sợ.
- Ổng có lòng tử tế, giúp kiếm công việc cho con làm, má đi theo lên cám ơn ổng cũng được vậy chớ.
- Khoan đã chớ! Mình chưa biết ổng kiếm được việc gì. Để con lên coi ổng nói làm sao rồi sẽ hay. Chừng con có sở làm rồi má sẽ cám ơn ổng, nghĩ không muộn gì.
Cô Cúc dồi mặt thiệt đẹp, gỡ đầu thiệt láng, mặc một bộ đồ hàng màu trứng gà may thiệt khéo. Dung nhan của cô đã tuấn tú tao nhã, mà nhờ trang điểm thêm, nên xem đẹp đẽ vô cùng.
Còn thiếu 15 phút nữa mới 4 giờ, cô lấy tấm danh thiếp của ông Trần Thái Dương gởi hồi trưa mà bỏ vô bóp rồi từ giã mẹ, ôm bóp đi ra cửa.
Bà phán nói:
- Lộn xộn quá! Ta ưng phức ông trạng sư Xương rồi ở không đi chơi cho sướng. Lo làm việc làm chi không biết.
Cô Cúc không trả lời, ra đường rồi kêu xe kéo mà đi.
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 

Postby Huyen » 17 Jan 2006

4 of 14

Ở Sài Gòn, lối 4 giờ chiều, là giờ người ta đương ở trong các sở, các xưởng hoặc nhà buôn mà làm việc, bởi vậy trên con đường Garcerie ít có xe chạy, còn người đi bộ thì cũng rải rác, chớ không náo nhiệt như buổi sớm mai hoặc lúc gần tối.

Cô Cúc ngồi trên xe kéo, mắt ngó nhà hai bên đường, trong lòng cô thơ thới, sắc mặt cô hân hoan, vì cô không lo sợ việc chi hết, mà cô lại chắc ý nay mai sẽ có công việc làm rồi giúp đỡ mẹ được.
Cô mở bóp lấy tấm danh thiếp của ông Dương mà coi lại. Ông ở nhà số 333. Qua khỏi số 301 rồi thì cô chú ý coi chừng. Gần tới số 333 cô mới chỉ cho xa phu ngừng.
Bước xuống xe, cô thấy thiệt quả một tòa nhà lầu, tuy không rộng lớn, song có vẻ đẹp đẽ, xung quanh có cây che tàn mát mẽ, trước sân có bồn bông, ngoài có hàng rào sắt kín đáo. Lúc trả tiền xe, cô thấy có một người đàn ông đương ngồi dưới cột đèn khí phía bên đường chong mắt ngó cô, song cô không lưu ý, cứ ôm bóp đi vô cửa rào.

Ông Trần Thái Dương mặc bộ đồ pyjama bằng hàng trắng có sọc xanh, chơn mang giầy hàm ếch, đầu chảy láng nhuốt, ông đương xem bông trong sân. Ngó thấy cô Cúc thì ông xâm xâm đi ra mở cửa rào. Ông cúi đầu chào và mời cô vô.
Ông khép cửa rào lại và nói:
- Thằng bếp đi đâu mất từ hồi trưa, cho đến bây giờ mà chưa về. Còn thằng bồi thì tôi mới sai nó đi mua đồ. Ở đất Sài Gòn khó lắm, phải khép cửa luôn luôn mới được, bởi vì kẻ gian nó hay trà trộn lẻn vô lấy đồ ban ngày.
Cô Cúc cười và đáp:
- Ông kỹ lưỡng quá! Có ông ở nhà thì ai dám vô đây lấy đồ mà ông sợ.
- Tôi ở trên lầu, chớ ít khi ở từng dưới. Bữa hổm cô về cô có thuật chuyện gặp tôi cho bà phán nghe hay không?
- Thưa, có.
- Bà phán có nói bà biết tôi hay không?
- Thưa, má em nói không nhớ, bởi vì ba em hồi trước làm việc, nên quen biết nhiều người, má em không thể biết hết cho được.
- Hôm trước tôi cũng có nói chắc bà phán không biết tôi, bởi vì tôi quen với ông phán nhiều, song tôi không có dịp gặp bà phán.
Bước lên thềm nhà cô Cúc thấy cửa giữa mở có một cánh mà thôi. Ông Dương mời cô vô trước, ông thủng thẳng theo sau. Cô Cúc dòm thấy trong nhà bàn ghế thứ nào cũng đẹp, thiệt quả là nhà sang trọng, nên cô đứng bợ ngợ, đợi chủ nhà mời ngồi.
Ông Dương bây giờ mới lách mình tránh cô mà đi trước và nói:
- Mời cô đi thẳng lên lầu nói chuyện mới tiện, ở dưới nầy không có trà nước chi hết.
Cô Cúc dụ dự.
Ông Dương thấy vậy bèn nói tiếp:
- Phòng làm việc của tôi ở trên lầu. Khi nào có khách đông thì tôi tiếp dưới nầy.
Cô Cúc đi theo ông lại thang mà lên lầu.
Trên lầu có phòng tiếp khách, có phòng làm việc, có phòng ngủ, mỗi chỗ dọn phân biệt hẳn hoi.
Ông Dương dắt cô Cúc đi thẳng lại chỗ tiếp khách, rồi chỉ một cái ghế mà mời cô ngồi.
Ông cũng ngồi gần cô, và lấy hộp thuốc thơm mở ra mời cô hút.
Cô Cúc cười và nói:
- Em không dám. Thuở nay em không biết hút thuốc.
- Thuốc Ăng-lê nhẹ mà lại thơm nên dễ hút lắm, không say đâu mà sợ.
- Cảm ơn ông. Thiệt em không biết hút.
- Cô phải tập cho biết với người ta chớ. Đời nay đàn bà con gái phải hút thuốc Ăng-lê cho thơm miệng. Cô hút thử một điếu coi.
Ông lấy mà đưa cho cô một điếu thuốc. Không thể từ chối nữa được, nên cô phải đưa tay mà lấy. Ông liền quẹt một cây quẹt mà đưa lửa cho cô đốt. Cô đốt thuốc rồi hút, phà khói bay tưng bừng làm cho cô phải chau mày nheo mắt. Ông ngó cô và cười và nói:
- Tay cô cầm điếu thuốc mà hút coi đẹp quá.
Cô mắc cỡ nên cúi mặt ngó xuống gạch, không trả lời, muốn quăng điếu thuốc mà sợ mích lòng, nên cực chẳng đã phải cầm trong tay, song không hút nữa.
Ông cứ ngó cô mà cười.
Cô lấy làm khó chịu nên hỏi:
- Thưa ông, không biết bà đi đâu vắng?
- Đàn bà của tôi ở dưới Rạch Giá. Vì có ruộng đất nhiều nên phải ở dưới ruộng đặng coi chừng cho tá điền họ làm, lâu lâu lên chơi năm mười bữa rồi cũng trở về dưới. Thằng con trai lớn của tôi với một đứa con gái kế đó cũng ở dưới đó với mẹ nó. Tôi ở trên nầy với thằng nhỏ đặng cho nó đi học; mà hồi trưa nầy nó xin phép tôi rồi lấy xe hơi đi chơi ngoài Long Hải, ba bốn bữa nữa nó mới về. Tôi ở nhà có một mình buồn quá.
Thấy cử chỉ của ông thì trong lòng cô đã lo ngại, mà chừng cô biết trong nhà không có một người nào, bồi bếp đi hết, vợ con cũng không có ở nhà, thì cô càng thêm lo, bởi vậy cô không muốn ngồi lâu nữa, cô liền hỏi:
- Thưa ông, ông gởi thơ nói đã kiếm được công việc cho em làm rồi, và ông biểu em lên nhà đặng ông cắt nghĩa cho em nghe. Không biết ông kiếm được gì dùm cho em đó, xin ông nói cho em hiểu.
- Thủng thẳng, ngồi chơi một chút rồi tôi sẽ nói cho cô nghe. Để tôi lấy nước cho cô uống.
Ông đi lại cái bàn để gần cửa sổ mà rót nước trà.
Cô nói:
- Em xin ông đừng rót nước, em không khát.
- Cô không uống nước trà, thôi thì uống rượu với tôi chơi.
- Thưa, không. Em không biết uống rượu. Em xin ông nói cho em biết coi ông kiếm được việc gì cho em làm, đặng em có về, sợ má em trông.
- Mới đi một chút mà trông giống gì?
Ông bưng lại hai chén nước trà nóng để trước mặt cô và nói:
- Cô không biết uống rượu, thì phải uống một chén trà rồi tôi mới chịu nói.
- Thưa, em không khát.
- Uống trà có cần gì phải đợi khát nước mới uống. Cô đến nhà tôi mà không chịu uống nước thì tôi phiền cô lắm. Công tôi rót nước mà cô chê không uống, thì hổ thẹn cho tôi quá.
- Thưa, có lẽ nào em dám chê. Tại không khát nên em không uống chớ.
- Cô không uống nước thì tôi không chịu nói.
- Xin ông nói dùm đặng em về.
- Về làm gì mà cứ đòi về hoài như vậy? Nãy giờ cô ngồi chơi tôi vui quá, cô không thấy hay sao? Cô về tôi buồn lắm, bởi vậy tôi muốn cô ở đây hoài, ở đặng làm cho tôi vui, cô hiểu hay không?
- Ông nói sao vậy?
- Tôi nói thiệt đa.
- Nếu ông nói thiệt thì càng quấy nhiều hơn nữa. Em không muốn nghe ông nói những câu bất chánh như vậy.
- Nói như vậy sao cô gọi là bất chánh.
- Tuổi em đáng con cháu của ông, nên em xin ông đừng có nói quấy.
- So sánh tuổi làm chi. Ở đời phải tưởng tình, chớ không nên kể tuổi.
Cô Cúc ôm bóp đứng dậy và nói:
- Em thấy ông lớn tuổi, lại có tướng dạng sang trọng, em tưởng ông là người đứng đắn, nên em mới đến đây. Em không dè sự sang trọng của ông đó, ông tô điểm bề ngoài mà thôi, tô điểm đặng gạt người, còn trong tâm hồn thì không phải như vậy. Em gớm quá, em không muốn nói chuyện với ông nữa. Vậy em xin chào ông.
Ông Dương cũng đứng dậy, đưa tay cản cô Cúc và nói:
- Tôi nói chơi mà cô giận tôi sao? Tôi thấy cô là gái kim thời, lại có học thức, tôi muốn thử bụng cô, nên tôi mới ghẹo cô chớ. Cô biết giận như vậy thì đúng lắm. Tôi khen cô. Thôi cô ngồi lại đặng tôi nói công việc của tôi tính cho cô nghe, ngồi xuống.
- Em ngồi đã lâu rồi, xin ông tránh đường cho em đi.
- Để tôi nói cho mà nghe rồi sẽ về chớ.
- Ông muốn nói việc chi thì nói đi, không cần phải ngồi.
- Tôi cần dùng một người làm thơ ký để biên sổ và viết thơ cho tôi. Mỗi ngày lại nhà tôi làm việc chừng một giờ đồng hồ mà thôi. Cô bằng lòng làm thơ ký cho tôi hay không? Như cô chịu thì mỗi tháng tôi phát lương cho cô một trăm đồng bạc.
- Xin ông kiếm người khác mà mướn. Em không thể làm nghề ấy được.
- Vậy chớ cô muốn làm việc gì? Thôi để tôi lập một tờ nhựt báo rồi tôi giao cho cô làm chủ nhiệm và chủ bút, cô chịu hay không? Lương mỗi tháng một trăm, hoặc cô muốn nhiều hơn nữa cũng được. Cô nghĩ thế nào?
- Em không dám. Em xin ông kiếm người khác.
- Tôi muốn giúp cô, chớ người khác thì tôi cần gì phải lo cho họ.
- Em không cần ông giúp nữa. Cám ơn ông.
Cô Cúc dợm tránh ông Dương mà xuống thang lầu.
Ông lật đật đưa tay mà cản và nói:
- Em, qua thương em lắm. Em chịu làm bé qua đi, em muốn mấy ngàn qua cũng chịu hết. Em ưng qua đi.
Cô Cúc giận đỏ mặt, nhưng mà trí cô vẫn còn tỉnh táo như thường, cô ngó ngay ông Dương miệng chúm chím cười, mà đáp:
- Ông đừng có nói bậy. Ông lầm rồi. Tuy nhà tôi nghèo, song tôi trọng nhơn phẩm hơn bạc tiền. Hạng người như ông, dầu có bạc triệu cũng không mua tôi được đâu; đừng có tính lấy tiền bạc mà khuyến dụ....
Ông Dương thình lình bước tới, một tay thì chụp nắm tay cô Cúc, còn một tay thì ôm cổ toan kề mặt mà hôn.
Cô Cúc giận quá, quyết trừng trị cái thái độ tiểu nhơn thô lỗ khả ố nầy, không biết sợ, không thèm kiên nể nữa, cô gom hết nhơn lực, rồi một tay thì đập cái bóp vào mặt ông Dương nghe bốp bốp, còn một tay thì cô tống ông ra khỏi mình cô. Vì đập và xô mạnh quá, nên sút tay văng cái bóp ra xa, còn ông Dương thì ngã nghiêng trên cái bàn, rồi ngã làm cho hai chén nước trà đều rơi xuống gạch, nước đổ chén bể, mà ông cũng té luôn theo bàn với hai cái chén.
Ông Dương ở vào cái cảnh như vậy, mà miệng vẫn chủm chỉm cười, hai tay chờn vờn toan đứng dậy. Ông nói:
- Gái đời nay dữ quá!... Để tôi cắt nghĩa cho mà nghe....
Lúc bấy giờ cô Cúc tối tăm cả mày mặt, không còn thấy vật chi, mà cũng không còn biết suy nghĩ nữa, cô chỉ lo thoát khỏi cái bẫy của người ta gài để làm ô danh xủ tiết cô mà thôi. Cô lật đật chạy lại thang lầu rồi bươn bả xuống từng dưới, không kịp lượm cái bóp. Nghe tiếng ông Dương kêu với, cô càng lật đật chạy mau hơn nữa; chạy lại cửa mà ra sân, rồi tuốt ra cửa rào mở cửa mà ra đường.
Ngoài đường vắng hoe, cô đứng ngó hai đầu không thấy một cái xe kéo nào hết, chỉ thấy người đàn ông hồi nãy vẫn ngồi chồm hổm dựa cột đèn điện, chong mắt ngó cô mà thôi. Tay còn run, mặt còn tái, trí còn tức giận, lòng còn hồi hộp cô xâm xâm đi xuống hướng nhà thờ, tính lại ngã tư đường rồi kiếm xe kéo mà đi.

Mặt trời đã sụp xuống mái nhà, gió Tây thổi đưa nhánh cây lúc lắc, làm cho không khí nhẹ nhàng mát mẻ. Cô Cúc đi được một khúc đường rồi mà tâm hồn của cô vẫn chưa bình tĩnh. Tới ngã tư thấy một chiếc xe kéo đang vởn vơ kiếm mối, cô bèn kêu lại rồi bước lên xe. Bây giờ đi đâu? Trước khi đi thì mẹ đã có cản, nếu chạy về nhà mà thuật chuyện khốn nạn ấy lại cho mẹ nghe, thì chắc không khỏi bị mẹ rầy. Mà trong lòng bực tức lắm, không thể nín được, phải nói cho hả hơi giận, nếu không nói với mẹ thì nói với ai?... Cô giáo Kim... Cô Cúc nhớ tới cô Kim thì muốn đi thẳng vô Cầu Kho, nên biểu xa phu chạy ngay xuống Chợ Mới.
Đồng hồ chợ chỉ năm giờ. Nam thanh nữ tú đi dập dìu ngoài đường. Cô Cúc muốn soi mặt đặng coi sự vùng vẫy mà bào chữa thân danh hồi nãy, có lợt phấn phai son hay không, chừng ấy cô mới nhớ lại cái bóp cô dùng mà đánh ông Dương đã văng xa rồi, cô lật đật chạy xuống lầu không kịp lượm. Cô mím miệng cười và nghĩ trong trí:
- Cái bóp giá đáng ít đồng bạc, không quý báo gì mà tiếc... Mình cho thằng cha già dê đó một bài học, có lẽ nó sẽ nhớ cho tới ngày chết... Thứ đàn ông đó phải trừng trị như vậy cho nó biết tâm chí của gái tân thời, cho nó hết tưởng, hễ nó có nhiều tiền, thì dầu ai nó cũng mua trinh mua tiết được hết thảy.
Vô tới Cầu Kho, cô Cúc ghé lại căn phố chỗ cô Kim ở. Người nhà nói cô Kim đi dạy học rồi, cô thay đổi y phục mà đi ra ngoài Sài Gòn. Cô Cúc thất vọng. Cô đứng suy nghĩ một chút rồi cô lên xe kéo mà ngồi rồi nói với anh xa phu:
- Anh đi xuống đường mé sông rồi trở ra Sài Gòn. Đi thủng thẳng cho tôi hứng gió, chẳng cần phải chạy.
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 

Postby Huyen » 17 Jan 2006

5 of 14

Trời đã tối rồi mà cô Cúc chưa về.
Bà phán trông đợi hết sức rồi trong lòng lo sợ, nên bà đứng dựa lề đường mà coi chừng.
Một chiếc xe kéo ở hướng Bến Thành chạy vô, rồi ngừng ngay cửa. Bà phán tưởng con về, té ra coi lại thì là cô Kim.
Cô Kim cúi đầu chào bà và hỏi:
- Thưa bà, không biết em Cúc có ở nhà hay không?
- Không. Nó đi từ hồi ba giờ mấy tới bây giờ mà chưa về. Tôi trông quá nên ra đứng coi chừng nó đây.
- Đi đâu?
- Hồi trưa có ông Dương nào đó gởi thư, nói ổng đã đi kiếm dùm công việc làm cho nó được rồi, và ổng mời nó lên nhà cho ổng nói chuyện, nên nó mới đi đó.
- Cháu biết rồi, ông Dương là người mà chị em cháu gặp ngoài nhà hàng bữa hổm. Ổng nói ổng quen với ông hồi trước nhiều, và ổng hứa sẽ kiếm dùm cong việc cho em Cúc làm. Hôm trước cháu tưởng ổng nói câu chuyện qua đường, té ra ổng sẵn lòng thiệt mà.
- Chuyện như vậy nói một chút thì rồi, mà sao con Cúc nó ở lâu quá không biết. Tôi sợ có chuyện gì đây.
- Chắc ổng dắt em Cúc đi lại chỗ làm đặng ổng trình diện với người ta chớ gì.
- Hồi trưa tôi không muốn cho nó đi chút nào hết.
- Thưa bác, không có sao đâu mà bác phải lo. Xin bác vô nhà nằm nghỉ một chút nữa em Cúc sẽ về. Cháu lại đây đặng có mời em Cúc đi xem hát.
- Chừng nầy mà nó chưa về thì làm sao mà đi xem hát cho được.
- Thưa còn sớm mà, chưa tới 7 giờ. Đúng 9 giờ họ mới hát. Em Cúc về ăn cơm rồi đi xem cũng kịp.
Bà phán trở vô nhà, mặt bà buồn hiu. Cô Kim đi theo, kiếm chuyện nói cho bà khuây lãng.
Hai người vừa ngồi thì thấy cô Cúc leo xuống xe kéo rồi xâm xâm đi riết vô sân.
Bà phán vui mừng nói:
- Con nhỏ về kia!
Cô Cúc Bước lên thềm và nói:
- Má cho con một đồng bạc trả tiền xe.
Bà phán móc túi lấy một đồng bạc đưa cho con và hỏi:
- Cái bóp của con đâu? Đi hồi trưa má thấy con cầm bóp mà.
Cô Cúc xây lưng trở ra đường đặng trả tiền xe và đi và nói:
- Bóp của con mất rồi.
Bà phán với cô Kim ngó nhau chưng hửng.
Cách một hồi cô Cúc trở vô nói:
- Con cầm cái bóp đập vô mặt thằng cha già dê mấy cái mạnh quá, cái bóp văng xa rồi con lật đật chạy, con không dám trở lại mà lấy.
Bà phán nghe mấy lời, bà càng chưng hửng hơn nữa, nên bà hỏi:
- Thằng cha già nào ở đâu?
- Thằng cha già TrầnThái Dương đó.
- Khốn nạn dữ hôn! Vậy mà hổm nay con nói ổng tử tế lắm?
- Con lầm, để một chút rồi con thuật lại cho má nghe.
Cô Cúc ngồi dựa cô Kim và hỏi:
- Chị ra ngoài này hồi nào? Hồi nãy em có vô nhà em kiếm chị. Người nhà nói chị đi Sài Gòn.
- Phải. Hồi chiều tan học rồi tôi đi ra Sài Gòn mua hai cái giấy hát đặng tối nay chị em mình đi xem chơi. Tôi mới trở vô tới đây. Còn ông Dương mời em lên nhà, rồi ổng làm sao mà em đánh ổng, đâu em nói phứt nghe thử coi.
- Khốn nạn lắm! Chị biết thằng cha già đó phải hôn! Bộ coi phong lưu sang trọng quá! Bộ như vậy đó làm sao mà không lầm cho được .
- Phải, bộ ổng sang trọng lắm. Mà em lên nhà rồi ổng làm sao kia? Em nói phứt đi mà.
- Chị nóng nảy quá! Để thủng thẳng rồi em sẽ nói chớ.
- Nghe như vậy làm sao mà không nóng cho được.
- Hôm nọ, có chị, nó hứa để nó kiếm công việc cho em làm. Hồi trưa nầy nó gởi thơ cho em mà nói đã kiếm được việc rồi, và mời em bốn giờ chiều lên nhà, đặng nó cắt nghĩa cho em nghe. Em lên tới đó, em gặp nó đương đứng ngoài sân. Nó mở cửa mời em vô nhà, rồi nó nói phòng làm việc của nó ở trên lầu, nên mời em đi thẳng lên lầu.
Lúc mới vô tới sân, nó nói bồi bếp mắc đi mua đồ hết. Em tưởng đâu bồi bếp vắng mặt, song trong nhà cũng có vợ con, nên em không nghi ngại. Chừng lên lầu rồi nó nói vợ con nó ở dưới ruộng hết, nó ở nhà có một mình mà thôi. Chừng đó em mới giựt mình, em nghi nó gài bẫy mà hại thân danh của em. Em đề phòng lắm; muốn lập thế đặng đi về cho mau. Em thôi thúc xin nó cho em biết coi nó kiếm dùm việc gì cho em làm. Nó không chịu nói, cứ kiếm nói dông dài, rồi lần lần mở hơi ghẹo tình em. Em mắng nó, rồi em đứng dậy đi về. Chừng ấy nó tỏ thiệt nó thương em, nó nói như em ưng làm bé nó, thì mỗi tháng nó cho em một trăm đồng bạc, hay là em muốn nhiều hơn nữa cũng được, dầu em muốn mấy ngàn nó cũng chịu hết thảy. Em chống cự, rồi em đi xuống thang lầu. Nó lại mà ôm em. Em đập cái bóp trên mặt nó mấy cái, em xô nó té lăn cù rồi em đi. Thằng cha đó là con quỷ, sanh ở thế gian đặng phá trinh phá tiết người ta, chắc thuở nay nó đã có hại phụ nữ nhiều rồi. Làm mặt giàu sang lễ nghĩa coi được lắm, mà ruột gan thì dơ dáy, đê tiện chẳng khác súc vật. Trời sanh chi thứ người đó không biết!
Bà phán chau mày nói:
- Hồi trưa má nghi trúng quá. Má biểu con đừng có đi, con không nghe lời. Má tính đi theo con cũng không cho.
- Con đâu dè ở giữa châu thành Sài Gòn mà có thứ “ba nài” như vậy?
- Đàn ông dê ở xứ nào lại không có. Phận đàn bà con gái mình phải đề phòng chớ.
- Con không sợ, hễ đàn ông con trai mà vô lễ với con thì con trừng trị thẳng tay.
- Sức lực con bao nhiêu mà con dám nói lớn lối như vậy? Không dễ đâu con. Bữa nay con thoát khỏi thằng cha Dương đó là may đa. Nếu con ỷ sức, sợ e có ngày con phải mang họa lớn.
Nghe lời mẹ khuyên đứng đắn như vậy, cô Cúc không dám cãi nữa.
Cô Kim hay chuyện bất chánh của ông Dương thì tức giận không nín được, nên cô hỏi bà phán:
- Thưa bác, người làm nhục em Cúc như vậy, bây giờ bác tính phải làm sao?
- Biết làm sao bây giờ?
- Cháu tưởng phải đến bót mà thưa đặng ông cò bắt thằng cha đó mà giải tòa án định tội nó chớ.
- Tôi sợ không được. Nó làm việc khốn nạn như nậy, không ai ngó thấy. Nếu mình thưa kiện thì nó chối, thì mình có chứng đâu mà đối nại.
- Nếu vậy người ta làm nhục mình rồi mình nhịn thua hay sao? Bác có quen với ông trạng sư Xương, cháu tưởng bác nên đến hỏi ổng, coi có luật gì buộc tội thằng cha Dương được hay không. Ổng biết luật, chắc ổng liệu thế hại thằng cha khốn nạn đó, mà báo thù cho em Cúc được.
Cô Cúc lật đật nói:
- Ý! Không được, đừng có nói cho anh trạng sư Xương biết việc nầy. Tôi không chịu đâu.
Bà phán ngồi suy nghĩ một chút rồi bà thở dài mà nói:
- Đồ khốn nạn đó, thiệt cũng nên cậy pháp luật trừng trị, đặng cho nó tởn mà chừa cái thói tiểu nhơn của nó. Ngặt con Cúc là gái mới lớn lên, nếu mình thưa kiện thì thiên hạ họ hay hết rồi, nó mang tiếng mang lời, làm sao nó lấy chồng cho được. Tôi nghĩ khó lắm, chớ không phải dễ đâu. Bây giờ mình muốn làm cho ra chuyện, tự nhiên mình phải cậy ông trạng sư Xương, chớ biết cậy ai... Cha chả! Mà cậy việc gì, chớ cậy việc nầy coi cũng kỳ quá, khó mở miệng cho được.
Ổng thương con Cúc, ổng muốn cưới nó. Nó lại gạn ổng ra, làm cho ổng phiền; bây giờ có chuyện như vậy, mình còn mặt mũi nào mà đến cậy ổng?
Cô Kim chưng hửng day qua ngó cô Cúc mà hỏi:
- Sao em lại chê ông trạng sư Xương?
- Không phải chê. Trong đạo vợ chồng phải có dây ái tình nó buộc hai trái tim thì mới có hạnh phúc được. Em đã không có tình với anh Xương, mà trái lại trái tim của em đã bị người khác chiếm đoạt mà làm chủ rồi, thế thì làm sao em ưng anh Xương cho được.
- Ông trạng sư Xương là người đứng đắn. Tuy ổng trọng tuổi hơn em, nhưng mà ổng vì tình nên xin cưới em, thế thì ổng cũng làm cho em hưởng hạnh phúc trọn đời được, sao em lại phụ tình ổng?
- Chị cũng như má em, chị cũng lấy lý mà luận nữa! Em trọng cái tình, còn chị do cái lý, thế thì làm sao mà hiểu nhau được. Thôi, bỏ chuyện đó đi, để bữa nào rảnh rồi em sẽ cắt nghĩa cho chị nghe.
- Nói chuyện phải trái cho em nghe vậy thôi, chớ việc vợ chồng là việc trăm năm của em, tự em nhứt định, chị không dám ép.
- Em đói bụng quá, để ăn cơm rồi sẽ nói chuyện nữa. Còn việc của thằng cha già dê, để ít bữa rồi em sẽ liệu coi có nên kiện nó hay không.
Mẹ con bà phán kêu người nấu ăn biểu dọn cơm.
Cô Kim thưa với bà phán:
- Em Cúc mới gặp việc buồn vậy cháu xin phép bác đặng dắt em đi xem hát chơi cho giải trí.
- Con gái mà đi ban đêm sợ không tiện.
- Thưa, có cháu thì không hại gì. Chừng vãng hát cháu sẽ đưa em về tới nhà.
- Nếu nó chịu đi thì đi.
Cô Cúc hỏi cô Kim:
- Chị rủ xem hát gì ở đâu?
- Tối nay ngoài rạp hát Thành phố có ban hát cải lương hát tuồng mới, họ đồn hay lắm. Tôi đã mua sẵn hai cái giấy rồi đây. Chín giờ khai diễn. Em ăn cơm rồi đi kịp.
- Hồi chiều chị đi ra ngoài Sài Gòn đặng mua giấy đó phải hôn?
- Phải. Thôi, em lại ăn cơm đi, rồi sửa soạn mà đi.
Chị phải ăn cơm với em thì em mới chịu đi.
- Tôi ăn cơm rồi; đi mua giấy hát rồi tôi trở về nhà ăn cơm. Gần 7 giờ tôi mới ra đây.
Mẹ con bà phán lại bàn ngồi ăn cơm. Cô Kim cũng ngồi bên cô Cúc đặng nói chuyện chơi.
Cô Cúc lơ lửng, nói đói bụng mà bộ ăn không ngon. Một lát cô thở ra mà nói:
- Thấy cuộc đời sao chán quá! Sống với cái đời chất chứa đầy những thói giả dối, những sự khó khăn, thì làm sao mà mong hưởng hạnh phúc cho được.
Cô Kim cười mà đáp:
- Đời để làm cho người ta chán, mà mình đừng thèm chán, thì mình mới hay... Còn hạnh phúc... Muốn hưởng hạnh phúc phải tùy thời cuộc, tùy hoàn cảnh mà tạo nó, chớ không nên trông mong chờ đợi.
Cô Cúc ngó cô Kim mà cười và nói:
- Triết lý gia!
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 

Postby Huyen » 17 Jan 2006

6 of 14

Gần đến giờ khai diễn, trước cửa rạp hát thành phố, nam thanh nữ tú tụ tập đông đầy, người chưa mua vé thì chen nhau mà mua, kẻ có mua giấy trước thì đi thẳng vô đặng kiếm chỗ của mình mà ngồi.
Cô Kim với cô Cúc song song đi vô cửa rạp hát, tướng mạo nghiêm trang, trình giấy rồi đi thủng thẳng bước vô, không bợ ngợ, không rụt rè chút nào hết, không cần ngó ai, mà cũng không thèm kể ai ngó mình.
Cô Cúc hỏi:
- Chị mua giấy nhắm hàng ghế thứ mấy?
- Hàng ghế thứ nhì, ngay chính giữa.
Hai cô dắt nhau đi qua phía tay mặt, đặng xuống thang mà vô chỗ ngồi. Vừa tới đầu thang, thình lình cô Cúc thấy thầy Hoàng đương đi thơ thẩn. Trên mặt lộ vẻ vui mừng, cô Cúc kêu lớn:
- Anh Hoàng!
Hoàng day lại cúi đầu chào hai cô, miệng cười chúm chím.
Cô Cúc liền nói với Hoàng:
- Chị giáo Kim là bạn thiết của em.
Hoàng cúi đầu chào nữa. Cô Cúc day qua nói với cô Kim:
- Anh Hoàng giúp việc hãng buôn. Anh yêu em nên tính sẽ cưới em.
Cô Kim chưng hửng, nhưng cũng gượng cúi đầu chào cho khỏi thất lễ.
Cô Cúc vui vẻ nói với Hoàng:
- Em có chuyện riêng, muốn nói với anh. Hồi chiều nầy em đi ngang qua hãng chỗ anh làm, em tưởng gặp anh, té ra đã quá giờ, hãng đóng cửa, anh đã về rồi.
- Qua cũng có chuyện riêng hổm nay muốn nói với em, nhưng không biết làm sao gặp được mà nói.
- Em thi đậu rồi, anh hay không?
- Hay rồi.
- Ai nói với anh?
- Đọc nhựt trình qua thấy tên em.
- Anh mừng hay không?
- Mừng lắm.
- Hổm nay em trông anh dữ quá. Anh tính bữa nào anh đến thăm má em đặng nói chuyện đó?
Hoàng đứng bợ ngợ, ngó quanh quất rồi mới đáp:
- Để bữa khác rồi qua sẽ tỏ tâm sự cho em hiểu... Bữa nay nói không tiện.
Cô Cúc có tánh nóng nảy, nghe lời nói như vậy, cô không thể dằn lòng mà chờ cuộc gặp gỡ khác được, bởi vậy cô liền nói với cô Kim:
- Chị vô ngồi trước đi, một chút nữa rồi em sẽ vô. Em nhớ rồi, hàng ghế thứ nhì, chính giữa.
Cô Kim cúi đầu từ giã Hoàng, rồi bước xuống thang mà đi vô chỗ ngồi.
Hoàng mới nói với cô Cúc:
- Em bước ra ngoài cho qua nói chuyện.
Hai người đi ra cái sân trống chỗ để lúc hạ màn khán giả đứng hút thuốc và hứng mát.
Cô Cúc mau mắn nên nói trước.
Em mới gặp một cảnh khốn nạn hết sức. Hồi chiều em tính kiếm anh đặng thuật lại cho anh nghe, té ra xuống tới hãng thì đã hết giờ nên không gặp anh.
- Em gặp cảnh gì mà khốn nạn?
- Hôm nọ có một người trọng tuổi gặp em, nó nói nó quen với ba em hồi trước. Nghe em nói muốn kiếm việc mà làm, nó hứa sẽ kiếm dùm. Hồi trưa nầy, nó viết thơ biểu em lên nhà cho nó nói chuyện, vì nó đã kiếm được việc cho em rồi. Em tưởng là người tử tế nên em tin, té ra nó là một thằng già dê, nó gài bẫy mà hại em. Em lên nhà, nó ghẹo chọc em. Em chống cự, nó ôm đại em. Em giận em đánh nó rồi em chạy.
- Ở đất Sài Gòn phải dè dặt, đừng tin ai hết.
- Anh nghĩ bây giờ em phải làm sao?
- Làm giống gì?
- Em nên kiện nó hay không?
- Hồi nó ôm em, sao em không la lên, để đi về nhà, rồi có bằng cớ gì đâu mà kiện. Hồi đó em phải kêu lính làm vi bằng rồi bắt liền nó mới đước chớ.
Cô Cúc đứng ngơ ngẩn một hồi rồi mới hỏi:
- Hồi nãy anh nói bữa nào rồi anh sẽ tỏ tâm sự cho em hiểu, tâm sự gì vậy?
- Việc của đôi ta.
- Việc gì thì anh nói phứt đi.
- Bữa nay em mắc xem hát.
- Không cần. Anh nói cho em nghe rồi em sẽ vô xem hát.
- Để bữa khác, không gấp gì.
- Em gấp lắm. Nầy, việc mình hứa hẹn với nhau đó, em đã tỏ thiệt với má rồi.
- Ý! Em nói chi vậy?
- Anh thương em, anh quyết cưới em. Ấy là một việc chánh đáng, có tội lỗi gì đâu mà sợ nên phải dấu.
- Chừng nào qua đi nói rồi em sẽ tỏ thiệt, có muộn gì. Em nói trước như vậy, biết việc có thành hay không?
- Sao lại không thành?... Mà em không thể không nói thiệt được, bởi vì có người khác xin cưới em, nếu em không nói thiệt thì má em gả em cho người khác, rồi anh hỏng còn gì.
- À! có người khác muốn cưới em hay sao?
- Chớ sao!
- Em ưng hay không?
- Khéo hỏi dữ hôn!... Em ưng người khác rồi em bỏ anh cho ai?
- Qua tưởng nếu có người khác xin cưới em thì em nên ưng họ đi.
- Hả? Anh nói cái gì vậy? Anh điên rồi hay sao?
- Không. Qua nói thiệt.
Cô Cúc chưng hửng đứng ngó Hoàng trân trân.
Hoàng sụt lại ít bước, rồi ngồi trên cái băng để gần đó, tay chống trán không nói nữa.

Trong rạp hát tiếng chuông rung leng keng, rồi cây dọng cộp cộp, kéo màn lên khai diễn.
Cô Cúc bước lại cái băng mà ngồi một bên Hoàng rồi hỏi:
- Anh muốn lấy lời hứa lại, không tính cưới em hả.
- Qua khổ tâm lắm em ôi!
- Nếu vì em mà anh phải khổ tâm, thì em buồn lắm vậy.
- Em có sự gì làm cho anh phiền hay sao?
- Không. Qua thương em lắm, làm sao qua phiền em được.
- Vậy chớ tại sao mà anh khổ tâm?
- Tại việc nhà của qua kỳ lắm, khó nói ra được.
- Em xin anh đừng ngại chi hết, nếu có sự chi ngăn trở hôn nhơn của chúng ta, thì anh cứ nói thiệt cho em hiểu. Hễ lấy thiệt tình mà đãi nhau, thì dầu không được yêu nhau, chớ khỏi phiền trách nhau.
- Qua nói thiệt sợ em buồn.
- Nếu anh dấu em, thì em lại không buồn hay sao?
- Dầu sớm hay muộn gì rồi qua cũng tỏ thiệt tâm sự cho em hiểu. Thà là tỏ trước càng hay hơn.
- Anh cứ nói đi đừng ái ngại chi hết.
- Qua nói thiệt với em, qua có tánh ưa đánh bạc. Mấy tháng nay, qua đi theo anh em mà chơi, thứ bảy thì vô nhà xẹt, chúa nhựt thì lên trường đua, qua thua nhiều quá, mắc nợ cùng hết. Nợ đòi gắt, hôm đầu tháng qua phải tỏ thiệt cho cha mẹ qua hay đặng qua xin tiền mà trả cho người ta thì đi làm mới yên được.
- Anh thiếu nợ chừng bao nhiêu?
- Bốn năm ngàn. Cha qua rầy dữ quá, nói để cho chủ nợ giam thân qua, chớ không có tiền đâu mà trả. Má qua cũng rầy, nhưng tối lại theo dỗ qua, nói có quen với một bà điền chủ lớn ở dưới Rạch Giá. Bà ấy có một đứa con gái, tuy đen đúa một chút, song có tiền nhiều. Nếu qua chịu cưới cô gái ấy, thì má qua sẽ lén cha qua mà ra bạc cho qua trả nợ.
Hôm tuần trước, bà điền chủ ở Rạch Giá đó có dắt đứa con gái lên tại chành lúa của cha qua ở trong Bình Đông, mà hỏi giá lúa đặng bán một chài. Má qua có cho qua thấy mặt mẹ con bà điền chủ. Cô gái ấy thật đen đúa xấu xa lắm, chừng họ về rồi, má qua hỏi ưng hay không. Em nghĩ thử coi câu hỏi ấy làm khổ tâm cho qua là dường nào. Qua đã thương em, nên hứa sẽ cưới em. Qua chịu cưới cô Rạch Giá rồi bỏ em hay sao? Còn như không chịu thì làm sao có tiền mà trả nợ. Hễ không trả nợ được thì phải trốn mà đi xứ khác, không thể ở đây, rồi cũng không gần em được. Biết làm sao?
- Anh cưới cô Rạch Giá đó đi.
- Em chịu để cho qua làm như vậy hay sao?
- Chịu.
- Em không thương qua nữa hay sao?
- Vì em thương anh lắm nên em mới chịu chớ.
- Cảm ơn em, có nguy mới thấy rõ lòng dạ nhau. Em lấy lòng quảng đại mà cứu qua như vậy, thì đối với qua, tình của em mới thiệt là nặng. Qua thề có trời đất, dầu qua được giàu sang đến bực nào đi nữa, qua cũng chẳng bỏ em đâu. Hễ qua giàu thì cũng như em giàu, đôi ta sẽ chung hưởng với nhau.
- Giàu là vợ anh giàu, chớ không phải anh, thế thì em làm sao mà chung hưởng cho được.
- Em đừng lo. Cô ấy là gái ruộng, cô có hiểu việc gì đâu. Hễ qua vô hủ nếp rồi thì mặc dầu qua tung hoành, mười cô như vậy cũng không ngăn trở sự hành động của qua được. Hổm nay qua suy nghĩ hết sức, thấy có một thế ấy là hay hơn hết. Em xét thử coi có phải hay không?
- Phải lắm!
- Còn phận em thì em liệu làm sao?
- Anh khỏi lo cho phận em.
- Người ta buộc qua hễ cưới vợ rồi thì qua phải xuống Rạch Giá để coi ruộng, chớ người ta không cho qua làm việc nữa. Em ở trên nầy em kiếm việc mà làm, lâu lâu qua về thăm em, em chịu như vậy hay không?
- Ý anh muốn em làm vợ bé anh hả?
- Đôi ta là bọn thanh niên tân học, sao em còn nhiễm cái thành kiến cũ kỹ như vậy?
- Thành kiến gì?
- Theo bọn thủ cựu hủ lậu, người đàn bà nào mà có chồng cưới hỏi đủ lễ, có hôn thơ hôn thú rành rẽ, thì người ấy là vợ chánh, dầu chồng không có tình gì hết, họ cũng chiếm cái địa vị ấy. Nếu chồng có tình với một người đàn bà khác, dầu người đàn bà ấy được yêu, được trọng hết sức đi nữa họ cũng kêu là “mèo” hoặc “ vợ bé”. Cái thói đó xưa quá, cái thành kiến ấy bậy quá. Phải lật ngược đi mới được.
Người nào được chồng yêu nhứt thì người ấy là vợ chánh, chẳng cần phải có cưới hỏi, chẳng cần phải có hôn thú. Xét cho kỹ thì lễ cưới là một giả cuộc, hôn thú là một tờ giấy lộn, không có ý nghĩa gì hết, bởi vì không phải nhờ lễ cưới với hôn thú mà vợ chồng yêu nhau, còn như vợ chồng không yêu nhau, thì lễ cưới với hôn thú có ích về chỗ nào.
Qua thương em, em thương qua, thì em là vợ chánh, dầu người dưới Rạch Giá có làm lễ cưới, có lập hôn thú cũng không nghĩa gì. Qua nói thiệt với em, nếu qua cưới vợ dưới Rạch Giá thì là cưới tiền, chớ không phải cưới vợ. Vợ của qua là em đây. Hễ qua có tiền thì cũng như em có, qua sẽ sang sớt cho em.
Hoàng nói tới đó rồi đưa tay ra tính nắm tay cô Cúc. Cô hất tay Hoàng rất mạnh, rồi đứng dậy gọn gàng, chỉ tay ngay mặt Hoàng mà nói:
- Thằng điếm!... Khốn nạn, khốn nạn lắm!
Cô Cúc vội vã xây lưng đi vô rạp hát.
Hoàng kêu nói với:
- Em! Em!... Trở lại cho qua nói chuyện....
Cô khoác tay mà đáp:
- Thôi, gớm lắm!
Rồi cô đi luôn. Cô vừa tới thang vô chỗ ngồi thì hát cũng vừa hết lớp, nên họ hạ màn, rồi đèn bựt cháy lên. Cô dòm thấy cô Kim thì xâm xâm đi lại đó và ngồi cái ghế trống một bên cô nọ.
Cô Kim hỏi:
- Em nói chuyện gì mà lâu dữ vậy?
Cô Cúc lắc đầu, rồi lấy khăn lụa trong túi ra lau nước mắt, chớ không trả lời.
Cô Kim thấy bạn như vậy thì biết bạn có việc buồn về tâm sự, song đương ngồi giữa đám đông, không tiện hỏi nữa, nên cô làm lơ.
Cô Cúc ngồi cúi mặt, nước mắt cứ tuôn ra hoài. Người ta đã kéo màn lên hát tiếp, mà cô cứ để cái khăn đậy cặp mắt, không xem hát được. Mấy người ngồi gần ai cũng lấy làm lạ, nên liếc mắt ngó cô.
Cô Kim khó chịu, nghĩ thầm nếu ngồi lâu nữa, thì bạn mình sẽ làm trò cười cho thiên hạ, bởi vậy đợi hát hết lớp, hạ màn rồi cô liền đứng dậy rủ bạn về. Cô Cúc ríu ríu đi theo mà ra, mấy người ngồi gần đều chông mắt ngó hai cô.

Ra ngoài đường, hai cô cứ theo đại lộ Bonard mà đi, cô Kim không hỏi, mà cô Cúc cũng không nói tiếng chi hết.
Lên khỏi rạp hát bóng, cô Kim thấy có một cái băng đá vắng vẻ, không ai ngồi, bây giờ cô mới nói:
- Thôi, mình ngồi đây hứng mát một chút. Còn sớm không cần phải về gấp.
Cô ngồi rồi cô Cúc cũng ngồi theo, sắc mặt vẫn còn ưu sầu, nước mắt vẫn còn rưng rưng chảy.
Cô Kim vịn tay lên vai cô Cúc mà hỏi:
- Có việc chi mà em ưu sầu dữ vậy? Bây giờ không có ai, đâu em tỏ thiệt cho chị nghe thử coi.
Cô Cúc lắc đầu và tức tủi nên khóc nức nở.
Cô Kim hỏi tiếp:
- Em không tin lòng chị hay sao, nên có việc buồn mà em dấu chị, em không chịu nói cho chị biết?
- Em khốn nạn lắm chị ôi!
- Sao mà khốn nạn?
- Em lầm một thằng điếm nữa.
- Ạ! Nó gạt em, nó hứa cưới em, rồi bây giờ nó không giữ lời hứa phải không?
- Phải. Mà nó còn đê tiện hơn nữa, là nó ham giàu nên nó mới bội ước.
- Đó là tình thường của đàn ông con trai đời nay có lạ gì.
- Nó lại dụ dỗ em, nó nói dầu cho nó có vợ khác sang giàu, song nó vẫn thương em hoài, chẳng bao giờ nó bỏ em. Nó khuyên em kiếm việc mà làm, hễ nó có vợ giàu rồi thì nó sẽ lấy tiền bạc của vợ nó mà sang sớt cho em.
- Ý! Cái đó không nên làm. Người để ý muốn làm việc như vậy là tiểu nhơn lắm.
- Chị thấy hay chưa?... Theo lời nó nói với em hồi nãy, thì em hiểu ý nó muốn em trai gái với nó, rồi nó kiếm tiền mà cho em.
- Khốn nạn thiệt!
- Té ra thiên hạ họ giả dối nhơ nhớp hết thảy. Thằng già Dương kia, hễ mở miệng thì tuôn ra những lời nhơn nghĩa mà nó giả dối hết sức, rồi thằng nhỏ Hoàng nầy, là người em yêu, em trọng, em quyết kết bạn trăm năm, giàu nghèo có nhau, sống thác có nhau, nó cũng giả dối như vậy nữa, thế thì còn biết ai mà tin!... Tình!... Nghĩa!... Ấy là cuộc mơ mộng... Ấy là tiếng để dùng mà lừa gạt thiên hạ, chớ không có nghĩa gì...
Cô Cúc tức tủi quá nên khóc dầm, không nói được nữa.
Cô Kim để cho bạn khóc một hồi cho hả hơi ức uất rồi cô chẫm rãi nói:
- Trong đời tuy có nhiều kẻ đê tiện, song cũng còn có người cao thượng, em chẳng nên thất chí, thất tình.
- Ối! Ai cũng vậy hết thảy, em chẳng còn tin ai nữa hết. Đời giả dối quá, chẳng nên sống mà làm gì. Em sẽ chết, chết đặng hết đau đớn tức tủi.
- Chị khuyên em đừng có giận cùn mà làm bậy.
- Ái tình là ý nghĩa của sự sống. Ngày nay khối tình của em đã tan rã, thế thì em còn sống làm chi nữa, mà chị khuyên em phải sống.
- Sự sống còn nhiều mục đích khác cao thượng lắm, chớ nào phải sống đặng say sưa với ái tình mà thôi đâu.
- Em không có mục đích nào khác nữa.
- Em còn trẻ, em chưa lịch duyệt thế cuộc, nên em mới nói như vậy. Trong một ít nữa rồi em sẽ thấy sự sống có nhiều mục đích tốt đẹp nồng nàn hơn ái tình thập bội.
- Không chắc.
- Người có cái óc đê tiện như thầy Hoàng vậy, hễ mở miệng ra thì mình đã thấy cái tâm hồn của họ liền. Chị không hiểu tại sao mà em kết ái tình với người đó được, nên bây giờ em phải buồn rầu.
- Mới gặp em lần đầu nó nói chuyện nghe thâm thúy cao thượng lắm; rồi trong mấy tháng nay, mỗi tuần nó đều có đón em một lần mà nói chuyện, lần nào nó cũng thề thốt sẽ cưới em, nó trông em học cho rồi đặng nó cậy mai đến cầu hôn. Em tưởng nó là người tử tế, em có dè đâu.
- Phận em là gái, em phải dè dặt chớ.
- Dè dặt nỗi gì! Chị nghĩ thử coi, như thằng cha già Dương đó làm sao mình biết trước tánh tình nó được mà đề phòng.
- Lời em nói nghe cũng có lý. Quân tiểu nhơn nếu ló đuôi cho người ta thấy, thì người ta tránh hết, rồi nó gạt ai được; bởi vậy chúng nó phải trao chuốt bề ngoài, chúng nó làm mặt người cao sang, làm cho có vẻ người quân tử, chúng nó mới gạt gẫm thiên hạ được. Thôi, em được biết trước cái óc đê tiện của thầy Hoàng mà tránh, ấy là may cho em lắm, em phải mừng, chớ không nên buồn. Nếu thẩy không ló mòi xấu cho em biết, thẩy cưới em, thì em phải mang người chồng khốn nạn ấy trọn đời, càng khổ cho em lắm. Em đừng có buồn, em phải quên người ấy đi.
Cô Cúc khóc nữa và nói:
- Chị chưa nhiễm cái bịnh ái tình, nên chị mới khuyên em như vậy. Đừng buồn sao được, quên làm sao được!
Trót mấy tháng nay, chẳng có giờ nào mà hình dạng người ấy không có trong trí em, chẳng có đêm nào mà em không mơ mộng những hạnh phúc vợ chồng. Em ngó cảnh đời chỗ nào cũng vui vẻ xinh đẹp.
Thình lình giấc mộng vỡ tan, làm cho em thấy vật gì cũng dơ dáy xấu xa hết thảy, thế thì làm sao mà em không buồn cho được... Em buồn lắm chị ôi! Em phải chết. Nếu em không chết thì em phải điên. Chị chưa có tình với ai thì làm sao mà chị biết cái vui sướng của ái tình, thì làm sao mà hiểu cái đau đớn của sự thất tình.
Trước kia vui sướng lắm chị ôi! Tại vui sướng nên bây giờ mới đau đớn nhiều như vậy, chị hiểu chưa?
Cô Kim thấy bạn đau khổ quá thì cô động lòng nên cô ứa nước mắt. Cô chẳng biết lấy lời chi khuyên giải cho công hiệu, cô cứ nắm tay cô Cúc ngồi lặng thinh mà ngó xe qua lại.
Cô Cúc cũng ngồi trơ trơ không nói nữa.
Cách một hồi lâu, cô vụt đứng dậy lau nước mắt và nói cứng cỏi:
- Thôi, đi về chị. Ngồi hoài ở đây hay sao.
Hai cô kêu hai chiếc xe kéo mà đi về.
Cô Kim đưa cô Cúc về tới nhà, đợi bà phán mở cửa cho cô Cúc vô rồi cô mới chịu trở ra xe mà về Cầu Kho.
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 

Postby Huyen » 17 Jan 2006

7 of 14

Sớm mai mặt trời đã lên cao rồi, mà Cúc vẫn còn nằm im lim trong buồng.
Bà phán tưởng hồi hôm con đi xem hát ngồi lâu lại thức khuya nên mệt mỏi, bởi vậy bà không kêu thức dậy, có ý muốn để cho con ngủ nhiều cho khỏe. Bà uống nước trà rồi bà đi ra đám trầu mà hái trầu.

Nắng dọi những lá trầu long lanh khoe màu vàng tươi. Bà phán hái đã được mười đôi rồi, thình lình bà nghe có tiếng xe hơi ngừng ngoài cửa ngõ. Bà ngó ra thì thấy hai chiếc xe hơi đậu sắp hàng ngay cửa bà, trên xe có nhiều người bước xuống, ba người Pháp và năm sáu người Việt Nam, hăng hái đi vô sân. Bà phán không hiểu người ta có việc chi mà vô nhà bà, nên bà cũng thủng thẳng đi lại trước thềm mà đón.
Một người Việt Nam mặc âu phục hỏi bà:
- Nhà nầy phải nhà của một cô gái tên Lê Thị Thu Cúc hay không?
- Thưa phải, ông hỏi chi vậy?
- Có chuyện. Cô Cúc có ở nhà hay không?
- Thưa, có. Nó còn ngủ.
- Bà là ai? Có bà con với cô Cúc hay không?
- Tôi là mẹ ruột của nó.
- Bà vô kêu cô Cúc thức dậy cho mau.
- Có chuyện gì vậy ông?
- Chuyện gì rồi thủng thẳng bà sẽ biết.
Bà phán đi quầy quã vô nhà. Ba người Pháp với hai người Việt Nam đi theo bà bén gót, còn mấy người Việt Nam khác thì phân nhau đi vòng hai bên nhà.
Cô Cúc nghe tiếng nói om sòm phía trước rồi lại nghe tiếng giầy lộp cộp vô nhà, cô vội vàng bới đầu rồi bước ra cửa buồng. Bà phán với mấy người khách lạ cũng đã vô tới đó.
Một người Pháp biểu một người Việt Nam hỏi coi cô có phải cô là Lê Thị Thu Cúc hay không. Cô không đợi người Việt Nam thông ngôn, cô liền đáp bằng tiếng Pháp với người Pháp đó rằng:
- Lê Thị Thu Cúc là tôi đây. Tôi muốn biết coi tôi được sự hân hạnh mà nói với ai?
- Tôi là quan biện lý, còn hai ông đi với tôi là quan thẩm án với quan kiểm sát sở tuần cảnh trong quận nầy.
- Tôi kính chào mấy quan lớn. Đến nhà tôi các quan lớn cần dùng tôi về việc chi hay sao?
- Chúng tôi muốn hỏi cô một chuyện. Vì cô biết tiếng Pháp, có lẽ cô trả lời ngay được, chẳng cần phải cậy người thông ngôn.
- Bẩm quan lớn, tôi trả lời ngay với quan lớn được. Quan lớn muốn hỏi chuyện chi?
- Tôi muốn biết coi hôm qua buổi chiều nghĩa là từ hồi 2 giờ tới 5 giờ rưỡi cô có đến nhà ông Trần Thái Dương ở đường Garcerie số 333 hay không?
- Bẩm có.
- Cô lại đó hồi nào, giờ nào rồi cô ở tới giờ nào cô mới về?
- Tôi lại tới nhà ông Dương hồi 4 giờ chiều hoặc sớm hoặc trễ chừng ba phút đồng hồ.
- Tốt. Cô ở đó tới giờ nào mới đi?
- Tôi không có đồng hồ, nên tôi không biết giờ đó là giờ nào. Song tôi có thể bẩm cho quan lớn biết rằng tôi ở trong nhà ông Dương chừng nửa giờ đồng hồ.
- Tốt lắm. Hồi cô vô nhà ông Dương thì ổng ở chỗ nào? Trên lầu hay là ở từng dưới?
- Bẩm, hồi tôi lại thì ông Dương đương đứng ngoài trước sân.
- A!... Cô ở đó nửa giờ đồng hồ, cô nói chuyện với ổng chỗ nào?
- Ổng mở cửa rào cho tôi vô, chừng vô nhà rồi ổng mời tôi đi thẳng lên lầu mà nói chuyện. Trong lúc tôi ở đó thì tôi với ổng ngồi tại phòng tiếp khách của ổng ở trên lầu. Bẩm quan lớn, tại sao mà quan lớn hỏi mấy câu ấy?
- Để thủng thẳng rồi tôi sẽ cho cô biết. Bây giờ tôi xin cô hãy trả lời cho rành rẽ theo câu hỏi mà thôi.
- Tôi sẵn lòng làm cho vừa lòng quan lớn.
- Cái bóp nầy phải của cô hay không?
Quan biện lý day lại lấy cái bóp của một người Việt Nam đương cầm mà đưa cho cô Cúc xem.
Cô Cúc coi ngoài coi trong rồi mới đáp:
- Bẩm phải, cái bóp của tôi. Ông Dương trổ mòi dê, ổng ôm hôn tôi; tôi giận tôi đập cái bóp vô mặt ổng, rủi sút tay văng cái bóp ra xa. Tôi lật đật chạy xuống thang mà ra đường không kịp lượm, quan lớn lấy mà trả cho tôi, thiệt tôi rất đội ơn quan lớn.
- Tốt lắm! Tốt lắm!... Từ lúc cô vô nhà tới hồi cô ra về, có thấy người nào ở trong nhà khác hơn ông Dương hay không?
- Bẩm, có một mình ông Dương mà thôi.
- Thiệt cô không thấy một người nào khác hay sao?
- Thiệt tôi không thấy ai nữa hết, chỉ có một mình ông Dương mà thôi. Ông Dương lại cũng có nói với tôi rằng ổng ở nhà có một mình, người bếp đi đâu mất từ hồi trưa, người bồi thì ổng sai đi mua đồ, còn vợ con của ổng ở dưới Rạch Giá. Quan lớn không tin thì quan lớn hỏi lại ông Dương coi có phải như vậy hay không.
- Ông Dương đâu còn mà hỏi. Ổng chết rồi. Đúng năm giờ chiều, người bồi với người bếp đi chợ về một lượt; người bồi lên lầu thấy ông Dương nằm chết trên một vũng máu tại phòng khách, là chỗ cô nói ổng ngồi nói chuyện với cô đó.
Quan biện lý nói mấy câu sau nầy rất chậm, tiếng nói rõ ràng, lại ngó ngay cô Cúc trân trân.
Mấy quan đứng chung quanh cũng chong mắt nhìn cô.
Cô Cúc biến sắc, đứng chưng hửng. Cô chau mày suy nghĩ một chút rồi nói:
- Tôi đương tính làm đơn kiện ổng, té ra ổng chết rồi!
Quan biện lý hỏi:
- Cô muốn kiện ông Dương về việc gì?
- Về tội ổng gạt tôi đến nhà mà làm nhục phẩm giá của tôi.
- Theo lời cô mới khai thì cô đến nhà nói chuyện với ông Dương sau hết, rồi ổng bị đâm chết. Cái trường hợp ấy khiến cho người ta phải nghi cô giết ông Dương. Vậy nhơn danh pháp luật tôi bắt cô.
Một người Việt Nam đưa còng ra và lo mở khoá, tính còng cô Cúc.
Bà phán đứng gần đó, nãy giờ nghe con nói chuyện mà không hiểu câu nào hết. Bây giờ bà thấy người ta sửa soạn còng con bà thì bà la lớn:
- Trời ơi! Việc gì vậy con?
Cô Cúc đáp:
- Tòa nghi con giết chết ông Dương nên bắt con."
Bà phán nghe con nói như vậy thì thất kinh nên dựa vai vào vách buồng mà khóc.
Cô Cúc xin phép đi rửa mặt và mặc áo dài. Quan biện lý cho, song biểu một người Việt Nam theo giữ cô.
Ngài lại truyền lịnh cho quan kiểm sát tuần cảnh coi xét nhà.
Người ta dạy bà phán mở bét hết các tủ ra. Người ta xem xét từ chút, coi tới trong kẹt trong hốc, xét trong nhà rồi xét tới ngoài vườn xét tới dưới bếp, không bỏ sót một chỗ nào.
Người ta tìm rất kỹ lưỡng như vậy, song không thấy một vật gì, chỉ có 85 đồng bạc giấy gói để trong cái hộp cẩn dấu kín trong hộc của một cái tủ áo.
Quan biện lý cầm gói bạc và biểu thầy thông ngôn hỏi bà phán.
- Bạc nầy của ai?
- Thưa, bạc của tôi. Tôi lãnh tiền phụ cấp của kho hưu trí hôm tháng trước, tôi ăn xài còn lại có bấy nhiêu đó.
Quan biện lý cười. Ngài đưa gói bạc lại cho bà phán.
Ngài nói chuyện với quan thẩm án và quan kiểm sát tuần cảnh một hồi rồi các quan trở ra sân, lại dạy dắt cô Cúc theo.
Bà phán cũng đi theo, nước mắt tuôn dầm dề. Chừng bà nghe người ta biểu cô Cúc lên xe mà ngồi thì cũng như người ta cắt ruột bà, nên bà khóc rống lên, nghe rất thảm thiết.
Người đi ngoài đường, không hiểu việc gì, nên chùm nhum đứng lại mà coi. Con Ba là đứa ở nấu ăn, nó đi chợ về gặp cảnh như vậy nó cũng lại đứng một bên bà phán mà ngó.
Hai chiếc xe hơi rút chạy, chở cô Cúc đi tuốt.
Bà phán vẫn còn đứng ngó theo mà khóc. Con Ba nắm tay dắt bà trở vô nhà và đi và hỏi:
- Có việc gì vậy bà? Họ rước cô Hai đi đâu?
- Họ bắt nó, chớ rước đi đâu?
- Cô Hai có tội gì mà họ bắt?
- Họ nói nó giết ông Dương nên họ bắt.
- Trời đất ơi! Làm sao bây giờ bà?
- Biết làm sao! Oan ức hết sức! Thứ con nít, mà lại con gái nữa, mà nó giết ai, sao lại nói oan cho nó như vậy!
Vô tới nhà rồi bà phán mới nói với con Ba:
- Phải ra ngoài nhà ông trạng sư mà hỏi ổng coi, bây giờ làm sao mà kêu oan cho nó. Mầy ở nhà nghe hôn, để tao đi một chút”.
Bà lấy khăn đội lên đầu rồi kêu xe kéo mà đi.
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 

Postby Huyen » 17 Jan 2006

8 of 14

Lối 10 giờ sớm nay, ông trạng sư Xương ở trên tòa trở về phòng làm việc.
Vừa bước vô cửa ông ngó thấy bà phán thì mừng rỡ nói:
- Cháu chào thím. Mấy bữa rày cháu buồn quá, nên không lên mà thăm thím. Xin thím tha lỗi. Thím ra đây có việc chi hay không?
Bà phán rơi nước mắt mà đáp:
- Con Cúc bị bắt rồi ông ôi! Họ mới bắt đem nó đi, rồi tôi đi liền ra đây.
Nghe mấy lời ấy, như sét đánh bên tai, ông Xương biến sắc, đứng ngơ ngẩn dường như không hiểu. Bà phán nói tiếp:
- Tòa nói nó giết người ta. Oan lắm ông ôi! Ông làm sao cứu dùm nó!
Ông Xương nói:
- Giết người ta? Em Cúc bị bắt về tội sát nhơn ? Việc nghe kỳ quá! Xin thím đi thẳng vô đây rồi thuật rõ công chuyện cho cháu nghe thử coi.
Ông Xương dắt bà phán vô phòng làm việc của ông, ông mời bà ngồi ngay mặt ông, rồi ông mới hỏi:
- Người ta cáo em Cúc giết ai? Người ta lấy bằng cớ nào mà cáo như vậy?
- Để thủng thẳng tôi nói có đầu có đuôi cho ông nghe. Hôm thứ năm cô giáo Kim dắt con Cúc đi kiếm công việc làm. Hai chị em nó đi gặp ông Dương nào đó không biết, ổng nói quen với cha con Cúc hồi trước, và ổng hứa sẽ kiếm dùm công việc cho nó làm. Hồi trưa hôm qua ổng có gởi cho nó một bức thơ, ổng nói đã sắp đặt chỗ cho nó làm rồi, và biểu 4 giờ chiều nó lên nhà ở trên đường Garcerie đặng ổng cắt nghĩa cho nó nghe.
Tôi không muốn cho nó đi, mà nó không nghe lời, nó cứ đi. Nó đi cho tới 7 giờ tối nó mới về. Tôi trông nó hết sức.
Cô giáo Kim ra rủ nó đi xem hát, cô cũng chờ nó. Chừng nó về, nó nói ông Dương gạt nó đến nhà rồi ghẹo chọc nó, biểu nó làm bé ổng. Nó giận nó mắng ổng. Ổng làm ngang muốn ôm nó. Nó lấy cái bóp mà đập vô mặt ổng làm văng mất cái bóp. Nó bỏ mà chạy ra đường, rồi kêu xe vô Cầu Kho mà kiếm cô giáo Kim; kiếm không được nó mới trở về nhà.
Tôi giận tôi muốn lên bót mà thưa. Song tôi nghĩ ông Dương làm việc quấy như vậy mà vì ở trong nhà ổng nên không ai làm chứng cho mình, nếu mình thưa kiện mà không có chứng thì họ chối được. Đã vậy mà con Cúc là gái mới lớn lên. việc khốn nạn như vậy mà thưa tùm lum rồi thiên hạ hay hết càng thêm xấu hổ. Ăn cơm tối rồi, cô giáo Kim dắt con Cúc đi xem hát, tới khuya nó về ngủ như thường. Hồi sớm mơi nầy người ta tới xét nhà tôi, rồi bắt con Cúc đem ra xe hơi mà chở đi, nói nó giết ông Dương. Ông nghĩ thử coi oan ức là dường nào. Con Cúc sức lực bao nhiêu làm sao nó giết một người đàn ông cho được. Xin ông làm sao gỡ tội cho nó, chớ để nó ở tù thì tội nghiệp quá.
- Cháu cũng không tin em Cúc sát nhơn. Mà ai bắt em Cúc đó?
- Tôi có biết đâu. Có ba người Pháp với năm sáu người Việt Nam đến xét nhà và bắt nó.
- Xét nhà họ có lấy vật chi hay không?
- Không có lấy món nào hết.
- Hồi hôm, lúc em Cúc đi lên nhà ông Dương rồi trở về, thím nhớ xem em có sắc lo sợ hay không?
- Không. Nó thuật chuyện lại cho tôi và cô giáo Kim nghe, thì nó có sắc giận, chớ không phải sợ. Một lát rồi vui vẻ như thường, nó theo cô giáo Kim đi xem hát, có sợ đâu.
- Ông Dương đó chết hồi nào? Chết cách nào? Chết tại đâu? Thím có biết hay không?
- Tôi không biết.
- Thím có biết họ chở em Cúc đi đâu không?
- Tôi cũng không biết.
- Nếu có xét nhà thì chắc quan thẩm án hoặc quan biện lý bắt. Mà hễ tòa bắt thì tự nhiên giam vào khám lớn. Thôi, để cháu đi hỏi thăm liền. Dầu em Cúc có tội hay là vô tội, cháu cũng xin lãnh mà bào chữa cho em tới cùng. Xin thím về nhà mà nghỉ, để cháu lo cho. Đã trưa rồi, như buổi sớm mai cháu tìm không ra mối thì buổi chiều cháu sẽ tìm nữa. thím an tâm để cháu hỏi coi công việc như thế nào, rồi tối cháu sẽ lên nhà mà thưa lại cho thím hay.
- Cám ơn ông. Xin ông tận tâm lo cứu dùm nó, đừng phiền nó tội nghiệp.
- Thưa, không. Cháu có phiền em Cúc đâu. Cháu buồn riêng phận cháu mà thôi chớ.
Ông trạng sư Xương đưa bà phán ra khỏi cửa, rồi ông trở vô đứng suy nghĩ thế nào không hiểu mà ông ứa nước mắt, phải móc khăn trong túi ra mà lau. Ông kêu người giúp việc giao giấy tờ rồi đội nón ra đi.

Tối bữa đó cô giáo Kim ra nhà bà phán, tính ra đặng khuyên giải cô Cúc cho cô hết thất chí, thất tình. Chẳng dè ra tới đó hay việc cô Cúc bị bắt, lại nghe bà phán than khóc, thì cô động lòng chịu không được nên cô cũng rơi lụy.
Bà phán với cô Kim ngồi trông ông trạng sư Xương.
Quá 8 giờ, ông mới lại tới. Xe hơi ngừng ngoài đường, ông ôm cặp da mà đi vô, mặt mày buồn hiu.
Bà phán mời ông ngồi và hỏi:
- Ông tìm ra manh mối hay không?
- Thưa, cháu coi giấy tờ rồi, lại có giáp mặt với em Cúc nữa... Chuyện khó lắm... Cháu buồn hết sức...
- Sao vậy? Người ta có trình bằng cớ nó giết ông Dương hay sao?
- Thưa, không có bằng cớ chi hết... Mà trước mặt quan thẩm án, em Cúc nhận em giết chết ông Dương.
- Trời đất ơi! Thiệt nó giết người hay sao? Nếu vậy thì bị đày còn gì!
- Để cháu thuật rõ công việc cho thím nghe. Hồi sớm mai thím về rồi, thì cháu đi lên tòa liền.
Thiệt quả quan thẩm án giam em Cúc. Cháu xin coi hồ sơ. Theo tờ vi bằng sở thời của quan kiểm sát sở tuần cảnh. Hôm qua lối năm giờ chiều, tên bồi với người bếp của ông Dương đi chợ về. Tuy bếp đi từ hồi trưa, còn bồi mới đi hồi 3 giờ rưỡi, song hai người về một lượt. Bồi đem đồ mua lên lầu mà giao cho chủ. Lên tới đó thấy ông Dương nằm giữa một vũng máu còn ướt, người bồi liền tri hô lên. Ông cò với lính lại khám nghiệm thì ông Dương đã chết rồi bị ba vết dao nhỏ đâm rất sâu hai vết tại hông bên hữu và một vết tại yết hầu. Hộc tủ bàn viết bị cạy ra hư khoá hết. Ông cò liền báo cho quan biện lý hay. Quan biện lý lên, ngài dạy chụp hình bàn ghế chỗ ông Dương chết đó đặng lấy dấu tay, nhứt là mấy hộc tủ bàn viết bị cạy. Người ta lượm được cái bóp đàn bà, mở ra coi thấy có danh thiếp của em Cúc, lại có cái thơ của ông Dương gởi cho em. Tại cái thơ nầy người ta mới biết hồi 4 giờ chiều có em Cúc đến nhà ông Dương. Mà người bồi đi chợ về thấy ông Dương chết lối 5 giờ, máu còn ướt rượt. Ấy vậy người ta đâm ông Dương trước năm giờ một chút, nghĩa là sau khi em Cúc đi rồi và trước khi người bồi về tới.
- Nói như ông vậy, nghe phải quá. Sao tòa lại bắt con Cúc mà giam? Chắc khi con Cúc đi rồi có kẻ trộm cướp vô nhà đâm ông Dương rồi cạy tủ lấy vàng bạc chớ gì.
- Thưa, phải. Tòa bắt giam em Cúc là tại cái bóp; mà em Cúc cũng thú nhận có đến nhà ông Dương hồi 4 giờ và ở đó lối nửa giờ đồng hồ. Ấy vậy tòa giam là vì tình nghi nên giam, để tra vấn cho ra mối, chớ không có bằng cớ nào mà định chắc em Cúc phạm tội sát nhơn. Còn mấy cớ nầy nữa đủ chỉ rõ ông Dương bị kẻ trộm cướp giết mà lấy bạc. Hình chụp bàn ghế chỗ ông Dương nằm chết thì không có dấu tay của em Cúc. Mấy hộc tủ bị cạy thì có dấu tay nhiều, mà cũng không có dấu tay của em. Người ta xét nhà em cũng không có tiền bạc. Đã vậy mà buổi sớm mai nầy vợ con ông Dương ở Rạch Giá lên tới, có khai với tòa rằng có gởi lên cho ông Dương một chài lúa đặng cho ông bán. Tra xét ra thì ông Dương bán lúa cho một chành lúa hiệu “Phượng Hoàng” ở trong Bình Đông. Ông chủ chành lúa khai ông Dương bán lúa đã lấy 11 ngàn đồng bạc hồi sớm mai hôm qua, lối 9 giờ. Bạc đem về để đâu? Không ai hiểu. Mà bây giờ trong nhà không còn số bạc ấy.
Nhà không có tủ sắt. Có lẽ ông Dương để đỡ trong một cái hộc tủ bàn viết, rồi gần 5 giờ chiều người ta giết ông và cạy tủ mà lấy rồi. Mà người trộm cướp ấy chắc không phải em Cúc, bởi vì em là gái có lẽ nào em giết ông Dương được, lại xét nhà em thì không có bạc. Dầu không biết luật cũng thấy rõ em Cúc vô tội. Thế mà hồi gần tối quan thẩm án dạy dắt em Cúc lên phòng ngài làm việc cho ngài tra vấn mà lấy khẩu cung. Cháu là trạng sư lãnh bào chữa cho bị cáo, nên cháu phải ngồi thị chứng trong cuộc tra vấn. Quan thẩm án mới hỏi, thì em Cúc liền thú nhận em đâm ông Dương, chính tay em giết.
- Trời đất, quỉ thần ơi! Khai đại như vậy thì chết còn gì!
- Bởi vậy cháu hết hồn. Cháu can thiệp liền. Cháu xin tòa đình cuộc tra vấn, viện lẽ em Cúc bị tình nghi về tội đại ác, em mất hồn mất vía, loạn trí, loạn tâm, nên nói bậy nói bạ, không đúng với sự thật. Em Cúc lại cãi với cháu rằng em tỉnh táo như thường, không có loạn trí. Em khai thêm rằng em giết ông Dương là vì ông nói gạt em đến nhà đặng làm nhục thân danh của em; ổng toan việc cưỡng dâm, nên em phải chữa mình em. Em nói quả quyết lắm, bộ không sợ sệt chút nào hết.
- Chết! Chết!
- Tuy vậy mà tòa cũng nhậm lời cháu xin, nên đình cuộc tra vấn lại. Dắt em Cúc trở xuống khám, cháu chạy thẳng lên đây mà thuật công việc cho thím hay. Khổ lắm! Nếu chuyện thiệt như vậy thì làm sao mà cứu em được, thế nào em cũng phải bị án.
Bà phán khóc rống lên. Cô Kim cũng khóc.
Ông Xương chau mày suy nghĩ một chút rồi nói:
- Ví dầu em Cúc có giết ông Dương đi nữa nếu người ta hỏi em, có lẽ trước hết em phải chối; chừng nào người ta trưng đủ bằng cớ em không thể chối được nữa, rồi em sẽ chịu thiệt chớ sao người ta mới hỏi sơ, chưa buộc tội em mà em lại sốt sắng nạp mình như vậy. Khó hiểu quá!
Cô Kim nói:
- Em nghi quá. Có lẽ tại Cúc thất tình, em chán ngán cuộc đời, em không muốn sống nữa, nên em quyết hủy mình chớ gì.
Ông Xương chưng hửng, ông liền hỏi cô Kim:
- Tại sao mà em Cúc thất tình?
- Tại người em yêu, đã hứa cưới em đó, bây giờ họ ham giàu bội ước, họ tính cưới vợ khác, nên em phiền, em tính tự tử.
- Thiệt như vậy hay sao?
- Thiệt như vậy. Chuyện mới xảy ra hồi hôm nầy. Em Cúc đi xem hát với em, tình cờ gặp người tình. Người đó tỏ ý bội ước với em Cúc, rồi em Cúc ngã lòng thất chí. Em Cúc phiền muộn bực tức, nên khóc dữ quá. Em an ủi hết sức mà em Cúc cũng không nguôi.
- Nếu vậy thì em Cúc vô tội. Tôi sẽ cứu được. May lắm! Bây giờ tôi mới hiểu. Mà người tình của em Cúc là ai, người ấy bội ước cách nào, xin cô làm ơn thuật rõ lại cho tôi nghe đặng tôi liệu ý mà cứu em Cúc.
Cô Kim bèn đem chuyện hồi hôm đi xem hát gặp Hoàng ở đâu, Hoàng tỏ tâm sự với cô Cúc làm sao, cô Cúc thất tình rồi nói những câu gì, cô thuật rõ đầu đuôi lại hết cho ông Xương với bà phán nghe.
Bà phán chắc lưỡi lắc đầu mà than:
- Tôi khuyên con hết lời, mà nó ỷ học giỏi, nó không thèm nghe tôi, nên bây giờ mới sanh ra việc như vậy! Tự do kết hôn! Vì tự do kết hôn nên mới gây họa đó, thấy chưa?
Cô Kim nói:
- Hồi hôm cháu thấy em Cúc buồn quá, cứ đòi tự vận hoài, nên cháu kiếm lời khuyên giải, rồi đưa em về tới nhà. Trọn ngày nay cháu không an lòng, sợ em Cúc giận cùng rồi làm bậy. Tối nay cháu ra nữa đây, là có ý ra đặng khuyên giải nữa; té ra đã trễ rồi, bây giờ biết làm sao mà cứu em cho được. Em xin ông trạng sư liệu dùm, ông ráng lập thế cứu em, chớ để em bị tù tội thì tội nghiệp thân em, cũng tội nghiệp thân phận bác phán lắm.
Ông Xương thở dài mà nói:
- Tôi đã có mang bịnh thất tình, nên tôi biết bịnh ấy hiểm nghèo là thế nào. Nó làm cho con người phải đau đớn buồn bực, hết muốn ăn, hết muốn ngủ, không còn ham việc gì, không còn vui cảnh nào nữa hết, chỉ muốn chết mất, hoặc xa lánh loài người cho rồi. Nếu em Cúc bị chứng bịnh ấy, thì em thí thân nạp mình vào chỗ tù tội, nghĩ chẳng lạ gì. Tôi nói thiệt, vì em Cúc mà tôi đây, hổm nay tôi cũng chán ngán, não nề hết sức. Nhờ tôi là đàn ông, nên tôi mới có đủ nghị lực mà chống chỏi, đặng vút vắt với đời. Nay em Cúc bị họa, vậy thì tôi phải ráng sức cứu em, dầu em không thương tôi đi nữa, tôi cũng phải làm trọn cái tình nặng của tôi với người tôi yêu. Tôi sẽ xin với tòa huỡn cuộc tra vấn, để cho em Cúc tỉnh trí an lòng rồi sẽ hỏi mà lấy khẩu cung. Trước khi tòa tra hỏi nữa, tôi sẽ xin phép vô khám mà nói chuyện với em Cúc. Tôi sẽ kiếm thế mà khuyên giải em, tôi sẽ cắt nghĩa chỗ lợi hại cho em hiểu, rồi tôi dạy em khai đặng khỏi tội. Tuy việc của em Cúc rối rắm khó khăn thiệt, nhưng mà thủng thẳng tôi tính có lẽ cũng gỡ ra được. Vậy xin thím với cô giáo an lòng, chẳng nên thối chí. Mình phải tin sự công bình của pháp luật. Pháp luật chẳng hề làm hại người vô tội bao giờ.
Bà phán khóc và nói:
- Thuở nay tôi chẳng có làm việc chi ác nghiệt, chẳng hiểu tại sao trời gieo tai họa trong nhà tôi như vầy. Chớ chi hôm đó nó ưng ông trạng sư thì êm quá; tại nó học theo tâm tánh người đời nay, nên mới sanh nhiều chuyện. Tôi biết ông trạng sư phiền nó lắm, song bây giờ thấy nó bị hại, ông không nỡ làm lơ. Dầu nó dại nó phụ tình ông, tôi xin ông hỷ xả đừng cố chấp.
Ông Xương cảm xúc không thể nói sự tình của ổng đối với cô Cúc được, nên đứng dậy từ giã mà về, hứa có chuyện gì lạ sẽ cho bà phán hay.
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 

Postby Huyen » 18 Jan 2006

9 of 14

Một buổi sớm mai, ông trạng sư Xương xăng xớm bước vô cửa khám lớn.
Ông trình giấy phép cho quan giám đốc khám trường, rồi một người lính đưa ông đi lại phòng giam cô Cúc.
Cô Cúc đương ngồi khoanh tay ôm hai đầu gối, vừa thấy ông Xương bước vô, thì cô lật đật đứng dậy, miệng chúm chím cười và nói:
- Em chào anh. Em đã phụ tình anh, mà anh không phiền, anh lãnh bào chữa cho em, thiệt em cảm ơn anh lắm.
Ông Xương cảm xúc quá, ông nói không được, nên cứ đứng nhìn cô Cúc mà ứa nước mắt.
Cô Cúc cúi mặt, lặng thinh một chút rồi thủng thẳng nói tiếp:
- Anh lo lắng dùm cho em thì em cám ơn; nhưng mà em xét phận em không đáng làm cực lòng anh. Vậy em xin anh bỏ phú cho pháp luật liệu định, anh chẳng cần phải thất công bào chữa cho em làm chi.
Nghe những lời liều mạng như vậy, ông Xương bực tức chịu không được, ông mới trợn mắt mà đáp:
- Anh làm trạng sư, anh thờ thần Công lý, anh có cái thiên chức cao thượng, là trên anh soi sáng ý tứ cho người đại diện của xã hội cầm quyền trừng trị, dưới anh binh vực những kẻ yếu hèn, hoặc vì oan ức hoặc vì vận hồi xui khiến, nên phải sa ngã vào lưới pháp luật. Chẳng những là vì anh nặng tình với em, nên anh phải lo cứu em; mà anh biết em vô tội, anh có đủ bằng cớ mà biết chắc em vô tội, thế thì làm sao mà anh không ráng sức kéo em ra khỏi ngoài vòng lao lý cho được... Em muốn tự vận? Vì em thất tình, nên em chán đời, rồi em quyết tự vận? Không được, anh không thể để cho em vì bị một đứa tiểu nhơn gạt gẫm, rồi liều mình thí thân một cách đau đớn như vậy được...
- Ai nói với anh rằng em thất tình nên quyết thí thân?
- Anh biết, anh biết rõ hết tâm sự của em chẳng sót một chút nào.
- Chắc chị Kim thèo lẻo chớ gì.
- Phải, cô Kim đã thuật hết tâm sự của em cho anh với thím phán nghe rồi
- Chị đó ngu dại quá!
- Không. Cô Kim thương em, nên hiệp với anh mà lo cứu em, chớ có phải ngu dại đâu.
Cô Cúc thấy trạng sư Xương thấu hiểu niềm riêng mà cô đã quyết dấu kín, thì cô bối rối nên đứng xuôi xị.
Ông Xương có học thức rộng hơn, mà về việc đời, hoặc tình người, ông cũng lịch lãm hơn cô Cúc, bởi vậy thấy cô lửng đửng tâm hồn, ông liền thừa dịp ấy mà nói tiếp:
- Anh là người đa tình, đã có nếm mùi ngon ngọt, có hưởng thú vui vẻ của ái tình, mà anh cũng đã bị thống khổ, chịu phiền não trong lúc thất tình. Vì vậy, nên anh kính trọng cái tình của em, anh không dám công kích, mà anh cũng để yên ổn sự thất tình của em, anh không tính khuyên giải. Anh vô đây thăm em, chẳng phải anh có ý muốn phá cho vỡ tan ái tình của em. Không, anh không có cái óc đê tiện như vậy. Anh quyết thờ ái tình của anh cho đến lúc thở hơi cuối cùng, có lẽ nào anh đành xúi em đánh đổ ái tình của em. Anh chỉ khuyên em từ nay cho tới bữa tòa đòi em mà tra vấn, em hãy suy nghĩ lại, em phải xét cho kỹ, em phải cân, em phải đo, coi ái tình mà em vương vấn đó nó có xứng đáng với sự em hy sinh tánh mạng, hy sinh thân tộc như vậy hay không. Phải, anh vẫn biết đóa hoa đã tàn rồi thì không thể nào tươi lại được. Ái tình cũng vậy, tình đã vỡ tan đi rồi, thì khó mà gom lại được. Anh cũng đi một đường với em, anh cũng bị một chứng bịnh như em, bởi vậy anh hiểu sự thống khổ của em lắm. Anh không khuyên em đừng buồn; anh chỉ khuyên em phải suy nghĩ mà thôi.
Cô Cúc ngước mặt ngó ông Dương, bây giờ cô mới rưng rưng nước mắt mà đáp:
- Em rất cảm tình với anh. Những lời anh nói với em đó thì chánh đáng lắm. Anh khuyên em phải suy nghĩ. Em xin tỏ thiệt với anh rằng em đã suy nghĩ kỹ rồi. Anh là người đa tình tự nhiên anh biết câu sách xưa này: “Trái tim có nhiều cái lý mình không thể lấy lý mà giải được”. Em xin nói thêm một câu của em như vầy: “Trái tim của em bây giờ đang tràn những sự phiền não, không còn một chỗ nào trống để chen một chút vui vẻ vô được”. Con người mà biết hết vui thì còn sống nữa làm gì?
- Lời em nói đó không được đúng đắn. Xin em để cho anh cắt nghĩa sự buồn vui cho em nghe. Sự buồn với sự vui chẳng phải tại trong trái tim mà phát ra; trái lại, nó phát ở ngoài, tại mình đem nó vào trái tim. Em nói trái tim của em đã đầy sự buồn rồi, nếu đầy là tại em đem vào nên mới đầy chớ. Em muốn đem hết sự buồn ra, rồi cho sự vui vào thay cũng được vậy. Tại trí ý của em chớ có phải tại trái tim đâu. Đã vậy mà sự buồn cũng như sự vui, nó không có tánh chất vĩnh viễn. Thuở nay chẳng có ai buồn mãn đời bao giờ. Người có việc buồn, nếu biết chịu lây lất, thì trong một ít năm nguôi ngoai rồi cũng vui được. Còn người được hưởng những thú vui nhiều khi rồi cũng phải buồn. Ấy vậy tuy ngày nay em buồn, song có ngày khác em sẽ vui.
- Em hết muốn vui thì sự vui làm sao mà đến cho em được.
- Anh vô đây, anh không có tính vô đặng khuyên giải sự buồn của em. Tại em nói chuyện, em làm cho anh phải cãi lẽ, rồi thành ra anh khuyên giải em. Tại sao mà em hết muốn vui? Tại em thất tình, rồi em chán đời, nên em hết ham muốn sự gì nữa. Ví như em nói: “Ôi! Ái tình là cuộc mơ mộng, đặng hay là mất, không đủ làm vui hay làm buồn cho mình được. Vậy mình chẳng cần chú ý đến làm gì”. Nếu em nói như vậy thì tự nhiên em sẽ biết vui mà ở đời.
- Hồi nãy anh nói anh cũng thất tình. Có lẽ nhờ anh nghĩ như mấy câu đó nên anh khỏi chán đời, khỏi phiền não phải hôn?
Ông Xương biết vì mình muốn khuyên giải cô Cúc nên nói không chánh đáng, bởi vậy ông thẹn thùa đứng trơ trơ.
Cô Cúc nói tiếp:
- Người có tình lợt lạt thì mới nói mấy câu ấy mà giải khuây được. Tình của em nặng nề, sâu sa, nó có thể đè em, nhận em chết được, làm sao mà em học được mấy câu kệ của anh đó. Em xin anh để cho em yên trí mà bước tới con đường em đã chọn lựa, anh chẳng nên kiếm thế mà ngăn đón. Tình em đã tan rã, đời em đã hư hỏng, em chẳng còn tiếc thân em làm chi.
- Dầu em không biết tiếc thân em đi nữa, xin em phải nghĩ đến nhiều người khác, họ tiếc thân em lung lắm, em biết hay không?
- Người khác là ai?
- Anh đây với thím phán, một người thì thương em luôn luôn, dầu đến thế nào cũng không bỏ em được, còn một người thì có công sanh em rồi nuôi em, hổm nay khóc đêm khóc ngày ăn ngủ không được, nếu em hủy mình thì có lẽ rầu buồn rồi cũng chết theo em.
- Em xin anh làm ơn thưa lại dùm cho má em biết rằng nếu em chết ấy là tại đời giả dối bội bạc giết em, chớ không phải tự ý em muốn chết mà bỏ mẹ. Còn phần anh thì em xin cảm ơn anh, để kiếp khác rồi em sẽ đền đáp tình nghĩa cho anh. Kiếp nầy người ta lấy cái thói giả dối bội bạc mà làm cho thân em bầm dập, làm cho trí em rối rấm. Vậy phải để cho em thong thả mà báo thù. Người giả dối mà chết rồi thì em quyết sẽ làm cho vong hồn của họ phải nhơ nhuốc, còn người bội bạc mà còn sống thì em sẽ làm cho họ phải ăn năn hối hận trọn đời.
- Em tính như vậy sơ thấp lắm.
- Thấp hay là cao lại có hại gì.
- Để anh nói cho em nghe:
- Em quyết thí thân em, lại thí luôn sự buồn rầu của mẹ nữa, mà đổi lấy sự gì đâu? Ra giữa tòa em khai cái thói hèn hạ của một thằng cha già dê kia, đặng làm nhục vong hồn nó. Em làm cho em bị tù tội, đặng người tình bạc bẽo nọ buồn rầu ăn năn. Hứ! Đổi như vậy thì rẻ quá! Thằng cha già dê kia dầu ở nhà cao, dầu có ruộng nhiều, song nó có phẩm giá bao nhiêu đâu, khi sống nó còn không biết cái nhục mà chừa, nay chết rồi ai kể gì đến vong hồn của nó mà em phải toan tô bùn bôi lọ. Còn người tình bạc bẽo nọ, nếu nó có chút lương tâm, nếu nó hiểu nghĩa chữ danh dự, thì bao giờ nó bội ước. Nếu nó bội ước được thì nó có biết ăn năn đâu, mà em phải thí thân với nó. Em phải suy nghĩ lại.
Lời luận hữu lý ấy làm cho cô Cúc nghe rồi cô dụ dự.
Ông Xương muốn thừa hư mà công phá luôn nên nói tiếp:
- Sự sống của con người có nhiều mục đích tốt đẹp lắm, em chẳng nên bỏ qua. Nếu em thất vọng về tình, thì em lo trao dồi chữ hiếu hoặc em lo tô điểm nền văn, đó là thấy mục đích cao thượng, nên em đeo đuổi, cần gì mà phải hủy mình.
- Em chẳng còn một chút nghị lực nào mà lo tính việc khác được.
- Thủng thẳng nguôi ngoai rồi nghị lực sẽ trở lại. Em phải nghe lời anh, em phải nghĩ tình nghĩa mẹ con, mà để cho anh lập thế cứu em.
- Em đã khai với quan thẩm án rằng ông Dương làm nhục thân danh em. Phận em là gái em phải chữa mình. Thấy có con dao nhỏ để trên bàn, em lấy hăm dọa ông mà thoát thân. Ông ấy chết là sự rủi, chớ em không cố ý đâm ông chết. Em sẽ khai như vậy hoài. Tòa định tội em thế nào em cũng chịu hết.
- Em khai như vậy thì làm sao anh cứu em khỏi tội được.
- Xin anh đừng lo cứu em. Để em mở đường cho đoàn tân phụ nữ bước tới đặng trừ cái nạn hiếp dâm, dầu em phải bị tù tội, em cũng vui lòng lắm vậy
- Cũng còn viện một cớ khác để thí thân nữa!... Để anh cắt nghĩa theo lý, theo luật cho em hiểu. Ông Dương bị đâm chết, trong nhà mất hết mười một ngàn đồng bạc, lại có mấy hộc tủ bị cạy phá. Thế ông Dương bị kẻ cướp giết mà lấy bạc. Tại có cái bóp của em, và em lại là người lại nhà ông Dương sau chót hết, rồi kế ông chết, nên tòa nghi mà giam em, chớ không có bằng cớ gì mà định chắc em đâm ông Dương chết. Em là gái không có sức giết ông Dương mà cướp của được, lại xét nhà em thì không có tiền bạc, thế thì có bằng cớ gì đâu mà buộc tội em. Bữa hổm em khai lỡ rằng em đâm ông Dương. Em phải sửa lời khai ấy lại, em nói tại em giận ông Dương làm nhục thân danh em, nên em rối trí em khai bậy, chớ sự thật là em lấy cái bóp đập ông Dương rồi em chạy ra đường, sau ai đâm ông nọ em không biết.
- Không được. Em đã nhứt định rồi. Em cứ khai ông Dương gạt em đến nhà rồi ôm em, nên em phải đâm ông mà bảo thủ thân danh của em.
- Nếu em khai như vậy thì em sẽ bị án tù.
- Em muốn cho tòa xử tử em kia chớ.
Ông Xương lắc đầu, kiếm không còn một lý gì khác mà khuyên cô Cúc phải đổi ý được. Ông đứng ngẩn ngơ một chút rồi nói giọng quả quyết:
- Em muốn tìm đường chết. Anh quyết cản đường em. Phần thua của anh tuy nhiều, song anh không mòn chí đâu. Thôi, anh từ giã em. Anh còn nói một lời chót với em nữa là khuyên em phải suy nghĩ lại, đừng có giận cùn làm bướng rồi sau em ăn năn.
Ông Xương cúi đầu rồi xoay lưng đi ra. Cô Cúc ngó theo, chừng ấy ông ra tới cửa phòng, cô bèn kêu và nói với:
- Anh trạng sư, xin anh làm ơn khuyên giải dùm cho má em bớt buồn.
Ông Xương day lại mà đáp:
- Có một mình em làm cho thím phán bớt buồn được mà thôi, chớ anh khuyên làm sao cho được mà dám lãnh lời em cậy.
Người lính đóng cửa lại, chia rẽ hai đàng.
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 

Postby Huyen » 18 Jan 2006

10 of 14

Ông trạng sư Xương ra khỏi khám lớn, thì thấy có bà phán chực sẵn ở ngoài mà chờ ông. Ông liền đi lại chào bà mà sắc mặt có vẻ lo.
Bà phán liền hỏi:
- Ông vô khám thăm con Cúc phải không?
- Thưa phải. Sao thím biết cháu đi thăm em Cúc mà thím lại đây chờ cháu? Cháu mới được giấy phép hồi sớm mai nầy nên không kịp cho thím hay.
- Tôi đi lại phòng làm việc của ông mà hỏi thăm, coi bữa nay công chuyện ra thế nào. Mấy thầy nói ông mắc vô khám thăm con Cúc, nên tôi mới biết mà lại đây. Sao? Ông có cắt nghĩa cho nó hiểu hay không?
- Cháu viện đủ lý lẽ mà cắt nghĩa chỗ lợi hại cho em Cúc biết. Cháu khuyên giải hết lời, mà em không chịu nghe, cứ khăng khăng quyết khai với tòa rằng, tại ông Dương làm nhục thân danh của em, nên em phải đâm ổng mà chữa mình. Cháu nói hết sức, mà không đổi lòng quả quyết của em được.
- Dại quá! Coi bộ nó buồn hay không?
- Thưa, không. Em nghiêm nghị chớ không có buồn.
- Làm ra cớ đỗi như vậy mà không biết buồn chớ!
- Em Cúc không có sắc buồn là vì em đau đớn vì tình thái quá, em chán ngán nên hết biết buồn nữa.
- Nó nói với ông thế nào mà nó thú nhận tội sát nhơn?
- Thưa thím, xin thím đi theo cháu về phòng làm việc, rồi cháu sẽ thuật rõ công chuyện cho thím nghe.
Hai người dắt thủng thẳng trở về phòng làm việc của ông trạng sư.
Ông Xương mời bà phán ngồi ngay trước mặt ông, rồi ông thuật lại đủ đầu đuôi, câu chuyện của ông và cô Cúc nói với nhau hồi nãy cho bà phán nghe.
Bà phán chảy nước mắt mà than:
- Lỗi tại nơi tôi hết thảy! Tại tôi cho nó học nhiều, rồi nó tập theo tâm tánh gái đời nay, đọc nhiều tiểu thuyết, nuôi ái tình, ham tự do, mong giải thoát, làm lộn xộn lắm, nên mới ra cớ sự như vậy đó. Nếu từ hồi nhỏ, tôi bắt nó học nữ công nữ hạnh theo nề nếp xưa, thì ngày nay đâu có họa như vầy! Nếu nó tự nhận nó đâm người ta chết, thì tự nhiên tòa phải đày, ai làm sao mà cứu nó cho được... Chết! Con tôi phải chết! Yếu đuối quá, bị đày cực khổ, nó chịu sao cho nổi! Mà hễ tòa kêu án nó rồi thì chắc tôi cũng chết, chớ sống làm sao được... Làm con mà nó không biết thương mẹ nghĩ thiệt tức quá!
Bà phán khóc dầm dề.
Ông Xương thấy vậy động lòng, ông bèn nói cứng:
- Xin thím đừng buồn. Em Cúc muốn chết, cháu sẽ không cho em chết. Em không biết được đâu.
- Nó đã tự quyết lãnh cái tội sát nhơn, ông làm sao mà ngăn nó được!
- Cháu sẽ liệu. Chiếu theo hồ sơ và lấy lý mà luận, thì thấy rõ ràng ông Dương bị người ta giết mà lấy của. Khi em Cúc ra khỏi nhà ông Dương rồi, chắc có kẻ gian vô đâm ông Dương mà cạy tủ lấy 11 ngàn đồng bạc. Kẻ gian nầy làm lẹ làng lắm, trong nửa giờ đồng hồ thì xong hết. Kẻ gian nầy là ai? Tại sao nó biết có số bạc lớn lao ấy để trong mấy hộc tủ bàn viết mà cạy? Ấy là những điều bí mật. Cháu đương tìm cho ra manh mối. Hôm qua cháu đã nạp đơn tại phòng thẩm án, xin giao cho sở Mật thám dọ dẫm vụ nầy. Cháu lại có yêu cầu riêng quan đốc lý sở nầy, dạy chức việc tận tâm tìm cho ra mối, cháu hứa nếu bắt được người giết ông Dương, thì cháu sẽ thưởng một ngàn đồng bạc để bỏ vào kho tương tế của viên chức sở Mật thám. Nếu người ta bắt được kẻ giết ông Dương rồi, thì lời em Cúc thú tội hết ý nghĩa nữa. Nói cùng mà nghe, ví như người ta tìm hết sức mà không ra mối thì cháu sẽ liệu thế khác. Cháu nhứt định bề nào cháu cũng không để cho em Cúc tình nguyện nạp mình cho tòa làm tội đâu.
- Ông sẵn lòng lo cho em như vậy, thiệt tôi cảm ơn hết sức. Cha chả! Mà ông hứa nếu người ta tìm được kẻ giết ông Dương thì ông thưởng tới bạc ngàn, ông hứa như vậy tôi làm sao mà lo cho nổi.
- Xin thím đừng lo. Việc ấy là việc riêng của cháu.
- Ông thương con Cúc, ông làm tới như vậy đó, nó không biết nghĩ, thiệt tức hết sức.
- Thưa thím, vì thương em Cúc quá, nên cháu phải làm đủ cách mà cứu em. Dầu em biết nghĩ, hay là không biết nghĩ cũng vậy, không quan hệ gì hết.
- Mà hôm qua ông chưa giáp mặt với nó, ông chưa chắc nó không kể lời ông khuyên, sao ông lật đật cậy sở Mật thám dọ dẫm chi vậy?
- Hôm nọ em Cúc đã khai lỡ rồi. Dầu sau nầy em có khai lại, và dầu khai khác đi nữa, tòa cũng còn có chỗ nghi. Vì vậy nên cháu phải lo trước. Hễ tìm được kẻ giết ông Dương rồi thì không ai còn nghi ngại gì nữa hết, tự nhiên em Cúc sẽ được thả ra liền.
- Con nhỏ kỳ quá! Người lo cho nó đủ điều mà nó không nể, để trí tưởng chi đến những kẻ gạt gẫm nó mà tính hủy mình không biết!
- Hôm trước cháu thấy em Cúc đưa cho cô giáo Kim mượn bộ tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” của em viết. Thím có biết bộ tiểu thuyết ấy bây giờ ở đâu hay không?
- Hôm nọ nó đưa cho cô giáo Kim, không biết cô giáo đã trả lại hay chưa. Để tôi về tôi kiếm xem. Ông hỏi tiểu thuyết làm chi?
- Cháu muốn xuất bản bộ tiểu thuyết ấy, đặng hễ tìm không ra người giết ông Dương thì cháu sẽ vận động mà gỡ tội cho em Cúc. Xin thím kiếm rồi sai người đem ra cho cháu.
- Được. Nếu không có trong nhà, thì chắc còn trong cô giáo Kim chớ không mất đâu. Để tôi kiếm rồi tôi đem ra cho ông.
Thầy Ba, là người phụ sự của ông trạng sư, gõ cửa rồi bước vô nói:
- Thưa ông, hồi sớm mai ông bảo tôi kiếm thầy đội An mà mời lại cho ông nói chuyện. Thầy đội nãy giờ ngồi chờ ông. Nếu ông mắc việc thôi để thầy về rồi chiều thầy sẽ lại.
Ông Dương khoát tay và nói:
- Không, không nếu có thầy đội lại thì mời liền thầy vô đây chớ.
Bà phán đứng dậy muốn từ giã mà về. Ông Xương cầm lại và nói:
- Cháu mời thầy đội An lại đây, là có ý muốn bàn tính việc nầy, chớ không phải việc nào khác. Vậy xin thím ngồi nán một chút, đặng nghe xem thầy đội tính phải làm sao mà tìm kẻ giết ông Dương. Thầy đội này có tài lắm. Việc gì khó thầy cũng làm được hết thảy.
Bà phán vừa ngồi lại thì thấy có một người bước vô phòng, mặc một bộ đồ tussor may thiệt khéo, chân mang giầy da đen, đầu hớt tóc cụt, tuổi chừng trên ba mươi, vóc vác mạnh mẽ, cặp mắt sáng ngời, tướng đi chẩm bẩm, ngó thoáng qua thì biết người có can đảm lại thông minh.
Ông xương liền đứng dậy bắt tay và chỉ bà phán mà nói:
- Bà đây là bà phán Lan, ở gần nhà thờ Chợ Đũi, mẹ của cô Cúc, là thân chủ của tôi, đang bị giam về vụ Trần Thái Dương.
Thầy đội An cúi đầu chào bà phán và kéo ghế ngồi và nói:
- Cháu biết bà. Chắc bà quên cháu?
- Xin lỗi thầy, tôi không nhớ.
- Bữa xét nhà bà, có cháu đi theo các quan đó.
- Vậy à! Hôm đó tôi chết điếng trong lòng, tôi có dám ngó ai đâu.
- Cháu ngó kỹ lắm. Vì chức nghiệp nên cháu phải ngó. Cháu ngó rồi thì cháu biết cô Cúc vô tội. Nghe nói cô đã có thú nhận cô giết ông Dương, vì ông Dương toan cưỡng dâm, nên cô phải chữa mình cô. Dầu cô khai như vậy, cháu cũng không tin. Vụ án mạng nầy phải tìm đường khác, chớ thấy đường của cô Cúc đã mở sẵn ra đó rồi nhắm mắt xông vào ắt sẽ lạc lối.
Ông xương gật đầu và nói:
- Thầy nói như vậy thì hạp ý tôi lắm. Cô Cúc thất chí, nên cô cuồng trí, rồi nói bậy nói bạ, không nên tin. Mà bây giờ phải tìm đường khác là đường nào?... Tôi biết trong sở Mật thám, thầy là một tướng rường cột, thuở nay hễ có việc gì bí mật, khó làm, thì giao cho thầy hết. Nhờ thầy, mà mấy năm nay những vụ sát nhơn mờ ám đều được khám phá, để pháp luật trừng trị kẻ hung dữ. Tôi mong trong vụ Trần Thái Dương, thầy cũng sẽ tận tâm mà tìm dùm cho ra phạm nhơn.
Trong vụ nầy tòa nghi nên giam cô Cúc. Người ngay dầu bị tình nghi cũng chẳng hại gì, bởi vì sự ngay, sự thật, chẳng sớm thì muộn, bề nào rồi người ta cũng biết nó là sự ngay, sự thật. Có một điều rắc rối hết sức là cô Cúc, vì tâm sự riêng của cô, cô muốn tự vận, nên cô thừa vụ nầy mà tự cáo lấy cô, ra thú nhận chính tay cô đâm ông Dương chết, làm như vậy một là muốn trút sạch nợ đời, hai nữa muốn làm cho lem luốc vong hồn của ông Dương, là người toan làm nhục thân danh cô.
Tôi tỏ thiệt với thầy đội, cô Cúc là em của tôi. Tôi thương cô lắm, lại tôi biết chắc cô vô tội, bởi vậy tôi sẽ bào chữa cho cô đến cùng, tôi sẽ dùng đủ cách của pháp luật để cho tôi kéo cô ra khỏi vòng tù tội. Ngặt vì cô tình nguyện thú tội, dầu tôi làm cho cô khỏi bị án đi nữa; thì cô cũng phải mang tiếng. Có một cách hay nhứt, là tìm cho được người giết ông Dương, hễ tìm được rồi thì lời khai dối của cô Cúc không còn ý nghĩa nữa. Tôi biết tài của thầy, nên tôi mời thầy mà cậy ráng tìm dùm cho ra người giết ông Dương. Thầy tìm được rồi thì ơn ấy chẳng bao giờ tôi quên.
- Tìm kẻ giết ông Dương là phận sự của tôi, tôi chưa dám chắc sẽ tìm được; nhưng mà dầu tìm được, cũng không có ơn gì hết.
- Xin thầy ráng tìm dùm cho mau, được sớm chừng nào càng tốt chừng nấy.
- Chẳng đợi ông cậy mà tôi đã làm rồi. Tôi bắt đầu làm kể từ buổi chiều ông Dương bị giết kia chớ.
- A! Vậy mà thầy đã thấy có mối manh gì hay chưa?
- Việc đó là việc kín của tôi. Tôi không thể nói cho ông biết được.
- Như thầy không chịu nói rõ ra, thì xin thầy cho tôi biết coi tôi có nên nuôi chút hy vọng gì hay không?
- Hy vọng nhiều lắm, bởi vì vụ án mạng nầy rẻ rề, có mắc mỏ gì đâu mà sợ tìm không ra mối.
- Thầy nói dễ mà tôi coi khó lắm.
- Coi khó chỗ nào? Ông làm trạng sư, thuở nay ông cãi về việc hình có tài lắm. Nay đã gặp chuyện dễ ợt như vậy mà không thấy rõ hay sao? Vụ sát nhơn nầy gốc ở nơi trộm cướp mà ra.
- Phải. Người ta đâm ông Dương chết là vì người ta muốn lấy 11 ngàn đồng bạc của chành lúa “Phượng Hoàng” trong Bình Đông mới giao cho ông buổi sớm mai.
- Nếu biết như vậy thì tự nhiên phải tìm mấy khoản nầy:
1- Những người nào biết ông Dương lấy số bạc 11 ngàn hồi sớm mai?
2- Trong nhà có rất nhiều tủ, sao kẻ gian biết bạc để tại hộc tủ bàn viết, nên cạy hộc tủ đó mà thôi?
3- Ai biết chỗ ông Dương để bạc mà chỉ rõ cho kẻ gian như vậy?
Nói sơ bao nhiêu đó thì đủ biết mối manh của vụ nầy rồi.
- Phải. Tôi cũng nghĩ như vậy. Mà thầy biết như vậy rồi sao thầy cứ để mấy người thầy nói đó được thong thả luôn luôn?
- Thong thả sao được. Mấy người ấy ở trước cặp mắt tôi luôn luôn hổm nay, không đi đâu một bước, không làm một việc gì nhỏ mọn, mà tôi không biết. Phải làm như vậy mới gom bằng cớ được chớ.
- Tôi hiểu rồi.
- Ông hiểu như vậy, mà ông có hiểu việc nầy hay không?
- Việc gì?
- Bà phán đây với ông có biết cô Cúc có tình với một thầy tên Hoàng hay không?
- Biết. Sao thầy biết chuyện đó?
- Tôi biết là vì phận sự. Nếu muốn tìm sự thật thì phải bắt gốc mà phăng chớ. Có biết buổi chiều ông Dương bị giết đó, tối lại cô Cúc với thầy Hoàng gặp nhau tại rạp hát thành phố, hai người ở ngoài tò mò nói chuyện với nhau gần một giờ đồng hồ hay không?
- Có nghe người ta thuật lại chuyện ấy.
- Có biết thầy Hoàng là ai hay không?
- Không biết.
- Thầy Hoàng là con của ông Phượng, chủ chành lúa Phượng Hoàng đó. Việc nầy có dính líu như vậy, nên có thể làm cho người ta nghi dầu cô Cúc không cầm dao mà đâm ông Dương, hoặc không cạy tủ mà lấy bạc, song có lẽ cô cũng hiểu biết vụ nầy nhiều ít.
Nghe mấy lời bà phán vụt đứng dậy mà cãi:
- Không lẽ con tôi nó a ý với người ta đặng giết người cướp của, theo như lời thầy đội nói đó. Nếu nó có làm như vậy, thì tối về nhà nó có sắc lo sợ chút đỉnh. Tôi nhớ chắc bữa đó về nhà nó giận ông Dương mà thôi, giận tính đến cò bót mà thưa sự ổng làm nhục nó, chớ nó không sợ chút nào hết. Còn sự gặp thầy Hoàng tại rạp hát là sự tình cờ, vì có cô Kim ghé rủ nên nó mới đi, chớ nó không có tính trước đặng gặp thầy nọ.
Thầy đội An cười lớn và đáp:
- Xin lỗi bà, lời cháu nói đó là lời bàn luận nghe chơi, chớ không phải cháu nói quả quyết cô Cúc a ý với thầy Hoàng, mà giết ông Dương đặng lấy của. Đó là một cái lý thuyết cũng như lý thuyết khác nếu không kèm bằng cớ theo, thì không có giá trị gì hết.
Ông Xương suy nghĩ rồi gục gặc đầu mà nói:
- Phải. Đó cũng là một lý thuyết của người quyết tìm sự thật phải để ý.
Thầy đội An hỏi:
- Ông còn có việc chi muốn nói với tôi nữa hay không?
- Tôi mời thầy lại đây có ý cậy thầy làm dùm việc đó cho ra mối thôi. Xin thầy sẵn lòng giúp tôi.
- Tôi đã nói việc đó là phận sự của tôi, dầu ông không cậy tôi cũng phải làm.
- Xin thầy dọ dẫm, rồi ít bữa ghé nói chuyện chơi được hay không?
- Được.
Thầy đội từ giã mà về.
- Thầy đội nầy giỏi lắm. Người có học thức, nên làm việc kỹ lưỡng. Cháu chắc thầy sẽ tìm ra mối.
- Thầy giỏi mà sao thầy nói nghe kỳ quá. Thầy nhè nghi con Cúc a ý với thầy Hoàng rồi làm bộ đến nhà ông Dương nói chuyện đặng cho người ta theo đâm ông nọ mà cướp bạc chớ. Không có như vậy đâu.
- Thưa thím, người muốn tìm cho ra sự thật, tự nhiên họ để ý, nghĩ đủ cách hết thảy. Xin thím đừng lo chỗ đó. Cháu cũng biết chắc không thể em Cúc có cái óc cướp giựt đến nỗi a ý với Hoàng mà làm việc như vậy.
Bà phán từ giã ông Xương mà về; chừng ra tới cửa phòng bà đứng lơ lửng rồi day lại nói:
- Tôi sợ thầy đội tìm không ra mối. Ví như tìm không được người giết ông Dương rồi làm sao?
- Cháu đã có nghĩ tới chỗ đó ròi. Nếu tìm không được kẻ sát nhơn, mà tòa Đại hình đem em Cúc ra xử, thì cháu sẽ nói em Cúc đau óc nên loạn trí và cháu xin tòa cho lương y khán nghiệm rồi sẽ xử.
- Xin ông liệu dùm, chớ để tòa kêu án nó thì tội nghiệp lắm.
- Xin thím an tâm về nghỉ. Thím nhớ kiếm bộ tiểu thuyết rồi gởi lại cho cháu.
- Tôi nhớ.
Bà phán về rồi, ông Xương đứng suy nghĩ: “Nếu thầy đội An dọ dẫm, thiệt quả Hoàng thấy ông Dương lấy bạc bán lúa, nên mưu với cô Cúc vô nhà nói chuyện đặng nom theo giết ông nọ mà giựt bạc, thì làm sao mà cứu cô Cúc cho được?
Khó!... Khó thiệt!"
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 

Postby Huyen » 18 Jan 2006

11 of 14

Cách sau một tháng. Bữa chúa nhựt, lối 8 giờ sớm mai. Trời mưa từ hồi khuya cho đến chừng đó mà vẫn còn lâm râm hoài, chưa chịu dứt hột. Đường sá ướt át, cây cỏ loi ngoi, người ít đi, xe ít chạy, làm cho cảnh có vẻ im lìm buồn bã, chớ không náo nhiệt vui vẻ như bữa khác.
Bà phán Lan ngồi trong nhà ngó ra sân, bà nhớ con, nên trong lòng đương ưu sầu, mà thấy cảnh buồn bã như vậy thì bà càng thêm bát ngát. Khi không mà con mình nó gây họa làm chi!... Tình!... Tình!... Tình rồi như vậy đó, mà nó dám nói ái tình là cái ý nghĩa đẹp nhứt của sự sống, nếu sống mà không nếm được ái tình thì sống vô vị!
Thầy đội An hứa sẽ tìm cho được kẻ sát nhơn để gỡ tội cho nó. Đến bữa nay đã quá một tháng rồi, mà tìm chưa ra mối, thế thì còn trông mong gì nữa. Còn ông trạng sư Xương nói quả quyết, dầu thế nào ổng cũng cứu nó được, mà sao cách ba bữa rày, mình ghé hỏi thăm ổng thì thấy bộ ổng buồn lo quá. Ổng thất chí ngã lòng hay sao?
Bà phán đương suy nghĩ tới đó, kế thấy xe của ông trạng sư Xương ngừng rồi ông bươn bả đi vô nhà.
Bà phán tiếp chào, ông Xương hỏi:
- Thưa thím, cô giáo Kim chưa lại đây hay sao?
- Chưa. Cô có hẹn lại đây hay sao?
- Thưa có. Cô hẹn 8 giờ nầy hội nhau để bàn tính công việc.
- Từ hồi sớm mai cho tới bây giờ chưa thấy cô lại... Hổm nay ông có gặp thầy đội An hay không?
- Thưa, cháu có gặp hồi trưa hôm qua.
- Thầy có nói đã tìm được mối manh gì hay không?
Ông Xương ngồi buồn hiu, không trả lời. Cách một hồi lâu ông mới thở dài mà nói:
- Chưa tìm được mối manh gì hết....
Bà phán ứa nước mắt mà than:
- Nếu vậy thì chắc con Cúc sẽ bị án!
Ông Xương thấy vậy không muốn để cho bà phán thất chí, nên ông vội vã nói quả quyết:
- Dù thầy đội An tìm không ra manh mối cũng không hại gì. Cháu đã lập thế khác sẵn rồi để cứu em Cúc. Xin thím đừng lo.
- Nó đã khai với tòa rằng tự tay nó đâm ông Dương chết. Nếu không bắt được đứa sát nhơn thiệt, để bác lời khai vô lý của nó, thì làm sao mà gỡ nó ra được.
- Cháu có thế gỡ được.
Cô Kim ở ngoài đường đi vô một tay che dù, một tay ôm một gói sách với nhựt báo. Ông Xương lật đật bước ra cửa, rước ôm cái gói dùm cho cô. Cô chào bà phán rồi hỏi ông Xương:
- Chờ em lâu lắm hả?
- Không. Tôi cũng mới tới đây.
- Em đi trễ, xin anh tha lỗi. Từ hồi 7 giờ cho tới bây giờ người ta lại nhà em nườm nượp dành nhau lãnh tiểu thuyết đem đi bán. Em mắc lo sắp đặt việc đó cho rành rẽ nên em phải lại trễ.
- Tiểu thuyết xuất bản rồi đây hả?
- Thưa, phải . Em đem lại ít chục cho ông với bà phán xem.
Cô Kim mở gói lấy đưa cho ông Xương với bà phán mỗi người một quyển “Mảnh gương trinh”, là tiểu thuyết của cô Cúc trước tác, mà ông Xương chịu tiền in cho cô Kim xuất bản để bán đặng vận động gỡ tội cho tác giả.
Ông Xương cầm xem trong xem ngoài rồi hỏi cô Kim:
- Nhà in họ giao sách cho cô hồi nào?
- Sớm mai hôm qua. In như vậy ông xem đẹp hay không?
- Đẹp lắm. Ngoài bìa có vẻ mỹ thuật, còn ở trong thì in chữ rõ ràng. Nhứt là tên của tác giả Lê Thị Thu Cúc in ở trên, hễ ngó vô thì thấy liền, nên xem được quá. Cô đã bắt đầu bán hay chưa?
- Bán rồi. Em đã gởi bán từ hôm qua. Ông có biết từ hôm qua tới sớm mai này em bán được bao nhiêu rồi hay không?
- Chừng một trăm.
- Ông lầm to! Ông nói sai tới mười phần. Em đã bán một ngàn quyển rồi, bán nội Sài Gòn đây.
- Cha chả! công chúng hoan nghênh nhiệt liệt đến thế hay sao? Nếu vậy thì cô in có 5 ngàn quyển, tôi sợ không có đủ mà bán.
- Chắc chắn phải xuất bản lần thứ nhì, bởi vì 5 ngàn quyển in rồi đó sẽ hết trong tuần lễ tới đây.
- Mau quá vậy hay sao?
- Thưa, phải. Hôm nay em tiếp được thơ của mấy chục nhà bán sách dưới Lục tỉnh, nhà nào cũng dặn trước hễ sách ra thì phải gởi cho họ bán, chỗ biểu gởi một trăm, chỗ biểu gởi hai trăm. Buổi chiều nầy rảnh, em sẽ gói sẵn đặng sáng mai em gởi cho họ. Gởi đi Lục tỉnh rồi thì còn có bao nhiêu đâu.
- Tôi không dè người ta yêu tác giả quá như vậy. Em Cúc chưa có tên trong làng văn, mới xuất bản quyển tiểu thuyết đầu, mà được người ta hoan nghênh dường ấy, thiệt thuở nay ít ai có cái vinh hạnh như vậy. Tôi cậy cô xuất bản : “Mảnh gương trinh”, ý tôi muốn lấy đó làm tài liệu, đặng chừng tòa xử, tôi vịn mà bào chữa cho em Cúc, chớ tôi không tính bán được. Nếu người ta dành nhau mà mua, thì em Cúc sẽ có lợi lắm.
- Thưa phải. Sẽ có lợi về tiền bạc mà còn lợi về danh giá nữa.
Bà phán hay thiên hạ hoan nghinh tiểu thuyết của con, thì bà mừng thầm, song bà nói:
- Tôi muốn cho nó được ra khỏi khám mà thôi, chớ tôi không cần lợi gì hết. Cũng tại tiểu thuyết nên nó mang họa đó, tôi nhớ hoài, không bao giờ tôi quên được.
Ông Xương cười mà đáp:
- Thưa thím, mà có lẽ cũng nhờ tiểu thuyết mà cháu sẽ cứu em Cúc được.
- Tại sao vậy?
- Nếu cùng đường thì cháu sẽ trình quyển tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” cho tòa xem, đặng tòa thấy cái tâm hồn trinh bạch của em Cúc, là gái chủ tâm sùng bái danh tiết hơn các hạnh khác, thà chết chớ chẳng chịu để mất trinh.
- Nó viết cuốn đó nó nói giống gì ở trổng không biết.
- Em Cúc không có đọc cho thím nghe hay sao?
- Không.
- Vậy xin cô giáo thuật sơ cho thím hiểu một chút.
Cô Kim day qua ngó bà phán mà nói:
- Thưa bác, quyển “Mảnh gương trinh” hay lắm, câu văn giản dị, ý tứ hạp thời, đã vậy mà truyện tích lại cao thâm, ai xem cũng đều phải cảm xúc. Trong truyện, em Cúc tả cái đời vất vả của cô Quỳnh là một gái có học, nhưng vì nhà nghèo nên phải xuất thân đi kiếm việc mà làm, đặng nuôi một mẹ có bịnh với một bầy em khờ dại.
Trót hai năm trường cô Quỳnh phải chịu thảm khổ hết sức, nhiều khi người ta thừa cơ hội ấy, muốn dùng tiền bạc mà mua trinh tiết của cô, nhưng mà cô bền chí vững lòng, thà cam chịu cực khổ tấm thân, chớ không chịu để lem luốc danh giá. Mua không được, người ta mới bày mưu gạt gẫm. Một bữa, người ta sắp đặt, rồi gạt cô đến một cái nhà nọ vắng vẻ, mới dùng sức mạnh mà ép duyên cô. Cô cùng thế, liệu thoát thân không khỏi, nên phải dùng kế làm bộ thuận tùng, rồi tìm cớ đâm chết đứa vô loại, và tự tử luôn cho khỏi tù tội. Rủi vết thương của cô tuy nặng, song không đến nỗi làm cho cô chết liền được, nên người ta chở cô vào nhà thương, rồi quan lương y cứu cô khỏi chết. Hễ khỏi chết thì phải đền cái tội sát nhơn, theo pháp luật của xã hội. Tuy vậy mà ra giữa tòa, các quan nghị án nghĩ vì cô Quỳnh phải bảo thủ thân danh nên mới phạm tội, lại xét tánh tình của người bị giết không đáng thương tiếc, bởi vậy tòa lên án tha bổng cô Quỳnh, công chúng đều ngợi khen pháp luật công bình, đều kính trọng thái độ cao thượng của gái nghèo mà biết giữ trinh tiết. Truyện trong tiểu thuyết của em Cúc là vậy đó; thâm thúy lắm, thâm thúy vì hạp với luân lý mới, hạp với trí ý của người đời nay.
Bà phán lắc đầu mà nói:
- Chuyện giống như chuyện của nó bây giờ. Tại viết chuyện như vậy, rồi cảm nhiễm trong trí, nên nó mới làm như vậy đó. Mà cô Quỳnh khỏi tội, không biết rồi đây nó có khỏi tội hay không?
- Pháp luật công bình lắm, xin bác hãy tin cậy đừng có nghi ngại. Cô Quỳnh thiệt có giết người toan hiếp dâm, mà cô còn được hưởng ân huệ của pháp luật thay. Em Cúc vì thất tình em quyết tự tử, nên em tình nguyện nạp mình, chớ không phải em giết ông Dương, thế thì làm sao mà bị tội được.
- Mà tại sao họ đã biết cuốn tiểu thuyết của con Cúc, nên sách in vừa rồi thì họ áp mua dữ vậy?
- Hổm nay cháu quên thưa chuyện đó cho bác hay. Công chúng hoan nghênh sách của em Cúc, ấy là nhờ ông trạng sư đây. Ổng biểu cháu đem quyển tiểu thuyết giao cho nhà in, thì ông liền mướn các báo Pháp Việt cổ động trước. Đây cháu có để dành những bài đã đăng trong nhựt báo đây, đặng em Cúc về, cháu sẽ giao lại cho em xem. Làm quảng cáo như vầy, thì làm sao thiên hạ không đợi tiểu thuyết xuất bản cho mau đặng mua mà đọc.
- Làm quảng cáo là làm sao?
- Từ ngày xảy ra chuyện ông Dương bị giết rồi em Cúc bị bắt, thì các nhựt báo Sài Gòn đều đăng tin, nói ông Dương gởi thơ dụ em Cúc đến nhà rồi toan hiếp dâm. Em Cúc không chịu, ông làm dữ, em Cúc phải chữa mình, rủi đâm trúng chỗ nhược nên ông tuyệt mạng.
Có một hai tờ báo nói vụ ông Dương bán lúa mới lấy 11 ngàn đồng bạc hồi sớm mai, còn bao nhiêu tờ báo khác đều nói vụ hiếp dâm mà thôi, lại công kích thái độ đê tiện của ông Dương, và ca tụng tánh nết trinh bạch cứng cỏi của em Cúc. Thừa dịp dư luận đương xôn xao ái mộ em Cúc, ông trạng sư mới mướn các báo quảng cáo quyển tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” của em Cúc, và khuyên đồng bào hãy mua quyển ấy mà xem cho biết tánh chí của tác giả là người hiện nay đương bị tù tội cũng như trong tiểu thuyết. Công chúng thường có tánh hiếu kỳ, bởi vậy ai cũng trông quyển “Mảnh gương trinh” xuất bản đặng mua mà đọc. Sách bán mau là nhờ vậy đó.
- Làm như vậy té ra mình chịu con Cúc đâm ông Dương chết hay sao? Hễ chịu tội thì làm sao mà khỏi bị án cho được?
Ông trạng sư Xương cười mà đáp với bà phán:
- Thưa thím, ý cháu muốn trổ nhiều cửa đặng ra cho dễ, nếu cửa nầy nghẹt thì mình ra cửa khác. Điều cần nhứt là phải tìm cho ra kẻ sát nhơn đặng đánh đổ lời khai dối của em Cúc. Nếu tìm không được, thì cháu sẽ viện hai lẽ gỡ tội:
1- Mất số bạc 11 ngàn, mà dấu tay cạy tủ thì không phải dấu tay của em Cúc.
2- Em Cúc thất tình loạn trí, nên không tin lời em khai.
Ví như viện mấy lẽ đó gỡ tội không được, thì cháu sẽ dùng viên đạn cuối cùng, nghĩa là cháu sẽ công kích thái độ dã man của kẻ cưỡng dâm, cháu sẽ đem thái độ đê tiện ấy mà so sánh với thái độ trinh bạch của tác giả quyển “Mảnh gương trinh”.
- Ông làm luật sư, ông liệu xem nên cãi thế nào thì ông nhứt định, miễn là cứu con nhỏ được thì thôi. Tôi giao tánh mạng nó cho ông.
- Cháu tính như vầy: Quyển “Mảnh gương trinh” đã xuất bản rồi. Vậy thì ngày mai cháu sẽ đem mà tặng cho mỗi nhà báo một quyển mà cậy bình phẩm, nhứt là cậy vận động cho gắt, công kích ông Dương, ngợi khen em Cúc, làm cho dư luận sôi nổi, đặng cháu nhơn lấy đó mà luận biện để gỡ tội.
Cô Kim hỏi ông Xương:
- Ông vô thăm em Cúc được, em muốn ông xin phép đem quyển “Mảnh gương trinh” với mấy tờ nhựt báo cổ động đây vô khám mà cho em Cúc xem chơi.
- Ý! Không nên. Em Cúc sẽ nhơn việc mình làm đó rồi phấn chí khai giống gì nữa, thì làm sao tôi chữa cho nổi.
- Ông tính dấu, không cho em Cúc biết hay sao?
- Dấu thì phải hơn.
- Không biết chừng nào tòa sẽ xử vụ em Cúc?
- Tòa đã tra vấn xong rồi hết. Em Cúc thú tội thì cuộc tra vấn dễ quá. Có lẽ tòa đại hình nhóm kỳ tới đây sẽ xử liền.
- Chừng bao lâu nữa?
- Tháng tới đây.
- Từ nay cho tới ngày xử, ông có hy vọng sẽ tìm ra đứa giết ông Dương hay không?
Ông Xương ngồi lặng thinh một hồi mới đáp:
- Hy vọng thường làm cho mình bớt sự buồn. Vậy mình phải nuôi hy vọng luôn luôn.
Cô Kim thấy bộ ông thì biết ông đã hết hy vọng về khoản đó, song cô sợ bà phán hiểu rồi bà buồn, nên cô không dám kéo dài câu chuyện.
Ông Xương lấy gói tiểu thuyết và nhựt báo của cô Kim đem lại hồi nãy, rồi từ giã, ôm ra xe mà về, để cô Kim ở lại nói chuyện mà giải khuây cho bà phán.
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 

Postby Huyen » 18 Jan 2006

12 of 14

Một buổi chiều, ông trạng sư Xương đi qua đi lại trong phòng làm việc, rồi có lúc ông lại đứng dựa cửa sổ ngó mông ra đường, có khi ông ngồi lại bàn viết dỡ hồ sơ vụ Lê Thị Thu Cúc ra mà nghiên cứu.
Vụ nầy làm cho ông phải lo nhiều lắm, bởi vậy dầu ngồi hay đứng, ông cũng chau mày mà suy nghĩ hoài.
Trong phòng vắng teo, chỉ có cái đồng hồ treo trên tường đi tiếng nghe lắc cắc nhỏ nhỏ mà thôi.
Thầy Ba, là người phụ sự mà ông tin cậy hơn hết, thủng thẳng mở cửa nhè nhẹ bước vô trao giấy tờ cho ông ký tên. Ông liền hỏi:
- Kiếm thầy đội An chưa được hay sao thầy Ba?
- Tôi sai người kiếm từ sớm mai hôm qua, kiếm hết sức mà không gặp. Hồi sớm mai này tôi ghé nhà thẩy, thì vợ con thẩy nói đi đâu cả tuần nay không có về nhà. Hồi trưa tôi lại sở của thẩy mà hỏi thăm, thì họ nói cách ba bốn bữa trước thẩy có xin một nhơn viên phụ sự đi với thẩy, đi đâu không biết mà đến bữa nay cũng chưa trở về.
- Lạ quá! Thẩy đi đâu vậy kia?...
- Chắc việc ông cậy đó thẩy làm không xong rồi thẩy hổ thẹn, nên ẩn mặt chớ gì.
- Có lẽ.
- Còn một tuần lễ nữa thì tòa đại hình xử. Tìm kẻ giết Trần Thái Dương không được, vậy ông phải lấy những lý gì để luận biện mà cứu cô Lê Thị Thu Cúc.
- Tôi bối rối quá, tôi suy nghĩ việc đó đã mấy bữa rày mà chưa nhứt định phải dùng lý nào mà cãi. Có hai cách cãi:
1- Cãi không có tội
2- Cãi có tội.
Cãi không có tội có thể cứu cô Cúc được. Tôi viện những lý này -- Cô Cúc là gái yếu đuối lẽ nào đè ông Dương mà đâm cho nổi. Dấu tay cạy hộc tủ mà lấy bạc thì không phải dấu tay của cô Cúc. Xét nhà cô thì không có tiền bạc lại cũng không lấy được một vật gì dính máu để làm bằng cớ.
- Tuy không có bằng cớ, song cô Cúc thú nhận cô giết ông Dương. Lời nhận tội phải quý hơn bằng cớ hết thảy chớ.
- Ồ! Bác lời nhận tội dễ như chơi. Gái đời nay phần nhiều đều có cái tâm hồn lãng mạn. Cô Cúc mang chứng bịnh lãng mạn nặng nề lắm. Quyển tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” của cô viết đó, đủ chứng cái tâm hồn lãng mạn của cô. Vì giận ông Dương muốn làm nhục thân danh của cô, nên cô nhận đâm ông nọ đặng làm lem luốc vong hồn ông nọ chơi, cũng như cô Quỳnh trong tiểu thuyết vậy. Người trẻ tuổi lại có óc lãng mạn thì có kể tới tội là gì.
- Tôi sợ cãi thế ấy bất quá bị án nhẹ thôi, chớ không đến nỗi trắng án được. Sao ông không cãi rằng cô Cúc điên?
- Tôi có nghĩ đến chỗ đó rồi, nhưng tôi sợ không hay. Mình nói cô điên, thì phải xin lương y khám nghiệm. Như tòa nhận lời, thì tòa đình lại, đợi lương y xét rồi kỳ sau sẽ xử. Ví như lương y xét trí não cô Cúc bình tỉnh rồi mình làm sao? Bít đường không còn ngã đi nữa.
- Còn như cãi có tội thì ông sẽ viện lý gì?
- À!... Cãi thế này thì dồi dào sôi nổi lắm!... Không cần lý, chỉ dùng khẩu biện mà thôi. Danh dự của phụ nữ, phải vịnh nơi đó mà làm gốc. Trinh tiết của phụ nữ, phải sùng bái cái hạnh ấy là quý báu thứ nhứt của gia đình, của xã hội. Ai làm lem luốc cái hạnh ấy là dã man, là ngu xuẩn, mỗi người đều được phép trừng trị.
Một cô gái mới lớn lên, lại có học thức, lòng còn trinh bạch như gương như tuyết, tình cờ gặp một bợm dã man thô lỗ, không biết giá châu ngọc, muốn toan dày bừa, cô gái nọ phải làm sao?...
Đành khoanh tay cúi đầu để cho bọn tiểu nhơn khốn nạn ấy nó hủy hoại thân liễu bồ, nó làm lem luốc mình ngà vóc ngọc hả?... Không, không thể làm như vậy được...
Các ông, nếu các ông có con cái, mà con của các ông bị đồ thô lỗ nó hiếp dâm, mà các ông ráng cười mà nhìn được hay sao?... Không thể nhìn được... Dầu các ông là bậc thánh ngồi trên bàn cao, các ông cũng phải leo xuống, mà trừng trị đứa tiểu nhơn khốn nạn đó. Chúng ta không thấy, chúng ta chỉ nghe lời khai của cô gái bị hãm hiếp đó mà thôi, nhưng mà chúng ta còn tức giận, không thể dằn được thay. Huống chi cô gái ấy, là người bị hại, làm sao mà cô dằn cho được.
Cô phải bảo thủ cái thân ngọc ngà của cô, cô phải bảo thủ cái trinh quý báu của cô chớ. Bảo thủ bằng cách nào cũng được. Nên lúc ấy sẵn có cây súng cầm trong tay thì cô sẽ bắn liền, bắn đứa hiếp dâm cho khỏi mất tiết, cũng như người ta bắn bọn cướp đặng khỏi mất bạc vậy. Rủi cô không có súng, mà may cô thấy có cái dao để trên bàn, cô điên trí, cô lòa mắt, không còn chọn lựa, không kịp suy nghĩ gì nữa hết, cô chụp lấy cái dao mà đâm con thú dữ để thoát thân, con thú ấy càng làm dữ hơn nữa, cô phải đâm thêm nữa. Đâm đặng thoát thân, chớ không phải cố ý giết. Con thú dữ té xuống, hết ôm hết níu cô nữa. Cô được thong thả mới chạy ra đường mà thoát cái bẫy khốn nạn của người ta gài để hại cô. Cô không dè con thú dữ chết. Ôi! chết cũng mặc kệ. Quân đó chết có ai tiếc đâu, nó sống càng nhục cho gia đình, càng hại luân lý của xã hội, chớ sống có ích gì... Các ông đều có con gái, các ông thay mặt cho xã hội, các ông nỡ vì cái chết của một con thú dữ mà phạt một cô gái có can đảm bảo thủ trinh tiết hay sao? Tôi chắc các ông không làm như vậy...
Ông Xương ngồi nói một hơi, lời nói hùng hào cũng như lúc ông luận biện trước tòa vậy. Thầy Ba để ông nói dứt rồi thầy mới cười mà đáp:
- Tôi xem ông cãi có tội thì dễ hơn là cãi vô tội.
Ông Xương suy nghĩ.
Người tống thơ văn mở cửa bước vô nói:
- Thưa ông, có bà Dương xin vào hầu chuyện với ông.
- Bà Dương nào?
- Vợ của ông Dương bị đâm chết đó.
- Ạ! Mời bà vào.
Thầy Ba đi ra.
Một người đàn bà sồn sồn, mặc đồ hàng đen may thiệt khéo, đầu bịt khăn chế, thủng thẳng bước vô, sau lưng lại có một cô gái, lối vài mươi tuổi đi theo, cô nầy cũng mặc đồ đen, nước da bánh ít, miệng rộng, mắt lươn, tuy cô trang điểm sắc sảo, nhưng mà sự trang điểm ấy cũng không làm cho cô đẹp được.
Ông Xương đứng dậy cúi đầu chào và chỉ hai cái ghế trước bàn viết mà mời khách ngồi.
Ông cứ ngó bà Dương mà hỏi:
- Bà đến thăm tôi, chẳng hay bà muốn dạy bảo tôi điều chi, hay là bà có cần dùng tôi về việc chi chăng?
- Tôi có chuyện riêng muốn tỏ với ông... Ông biết tôi hay không?
- Hôm nọ tôi có gặp bà trong tòa. Mà hồi nãy người tống thơ văn cũng có nói trước cho tôi biết rồi. Phải bà là sương phụ của ông Trần Thái Dương hay không?
- Thưa, phải.
- Còn cô đây?
- Con nầy là con của tôi.
- Được, bà với cô đến thăm thì tôi lấy làm vinh hạnh hết sức. Bà muốn tỏ với tôi chuyện chi?
- Cách mấy tháng trước, chồng tôi bán lúa lấy 11 ngàn đồng. Kẻ gian hay việc ấy mới nom theo. Chúng nó muốn vô nhà giựt bạc, song không biết làm sao, mới bày mưu sai một đứa con gái tên Cúc, y phục nhổn nha, trang điểm bén ngót, đến nhà trêu ghẹo chồng tôi. Hai đàng nói chuyện qua lại, thình lình kẻ gian áp vô đâm chồng tôi chết rồi xúm nhau mở tủ lấy bạc. Chuyện như vậy đó, mà tòa bắt con Cúc, nó không chịu chỉ bọn đồng lõa với nó, nó lại chịu nó đâm chồng tôi, nó còn khai chồng tôi muốn hiếp dâm nên nó mới đâm. Nó khai như vậy thì nhục vong hồn của chồng tôi quá. Tôi nghe nói nó mướn ông bào chữa cho nó, không biết có phải như vậy hay không?
- Thưa, phải. Song không phải bị cáo mướn tôi. Tự tôi lãnh bào chữa, chớ không có ai mướn hết. Đó là một điều bà nghe lầm. Bà còn lầm một điều nầy nữa là bà nói kẻ gian lập mưu sai cô Cúc đến trêu ghẹo ông, đặng chúng nó áp vô đâm ông mà giựt bạc. Bà nói như vậy không đúng với sự thật. Ông hứa kiếm dùm công việc cho cô Cúc làm, rồi bữa đó ông viết thơ mời cô Cúc đến nhà cho ông nói chuyện. Tòa bắt được cái bóp của cô Cúc, có bức thơ của ông ở trong ấy, sự thật là vậy đó, không thể chối cãi được.
- Con Cúc nó muốn gánh vác tội sát nhơn đặng cứu bọn ăn cướp, nên nó lập kế mà khai với tòa như vậy, chớ chồng tôi mời nó đến nhà làm gì.
- Thưa bà, thiệt cô Cúc khai như vậy, mà cũng có bức thơ của ông để làm chứng cho lời khai của cô, chớ không phải cô bày mưu thiết kế để mà khai gian đặng làm nhục vong hồn ông.
- Ông làm trạng sư, ông lãnh bào chữa cho con Cúc, ông phải nói như vậy đặng gỡ tội cho nó, chớ nó là con nhà nghèo, lại tuổi nó đáng con đáng cháu có lẽ nào chồng tôi gạt nó đến nhà rồi toan hãm hiếp nó. Ví như chồng tôi có bụng xấu thì thiếu gì người, có tiền muốn ai lại không được, cần gì phải làm như vậy.
- Thưa bà, người đàn ông hễ họ có tánh háo sắc, thì họ có kể phải quấy gì đâu. Thuở nay thiếu gì người sang trọng họ làm như vậy.
- Té ra ông cũng nghi chồng tôi muốn con Cúc nên gạt nó tới nhà rồi hãm hiếp nên bị nó đâm chết đó hay sao?
- Thưa, tôi không có nghi. Tôi biết chắc chớ, tôi có đủ bằng cớ mà nói chắc rằng ông gạt cô Cúc đến nhà rồi ông ve cô. Cô chống cự, cô lấy bóp đánh ông mà chạy. Còn sự đâm ông chết đó, tuy cô Cúc khai như vậy, song tôi chắc không phải cô đâm.
- Vậy chớ ai?
- Tôi chưa biết được.
Bà Dương ngồi ngơ ngác, ngó quanh trong phòng.
Nói chuyện đã nhiều rồi, mà ông Xương chưa hiểu bà Dương đến thăm có mục đích gì. Ông ngồi chờ một hồi lâu. Thình lình bà Dương nói.
- Tôi đến đây có ý muốn cậy ông một việc, song tôi ái ngại quá, nên không dám nói.
- Có việc gì xin bà nói ngay ra.
- Mấy tuần nay nhựt báo rập nhau nhục mạ chồng tôi dữ quá.
- Tôi đọc nhựt báo, tôi thấy có như vậy. Bà tính cậy tôi biểu mấy nhà nhựt báo đừng công kích ông nữa hay sao? Việc đó tôi giúp bà không được, bởi vì tôi không có quyền bụm miệng dư luận.
- Thưa không phải vậy..... Tôi tỏ thiệt với ông, vợ chồng tôi là người giàu có, thuở nay từ Sài Gòn xuống tới lục tỉnh được người ta kính trọng lắm. Nay chồng tôi bị chết, mất hết 11 ngàn đồng bạc, mà lại còn mang tiếng xấu nữa, tôi nghĩ thiệt tôi buồn hết sức.
- Cái họa nó đến cho nhà bà như vậy, tôi lấy làm thương tiếc, nhưng mà tôi biết làm sao bây giờ?
- Tôi rầu quá; chớ chi một mình tôi thì dễ, tôi xuống ruộng tôi ở một hai năm cho nguôi ngoai rồi thôi. Ngặt vì tôi có con, lại có xui gia, chồng tôi chết mà mang tiếng không tốt thì tôi hổ thẹn hết sức. Chẳng dấu ông làm chi, tôi đã hứa gả con nầy đây cho con trai của ông Phượng, là chủ chành lúa “Phượng Hoàng” trong Bình Đông.
- Ạ! Chành lúa chỗ ông bán lấy 11 ngàn đồng bạc đó phải không?
- Thưa, phải, tôi đợi tòa xử vụ án mạng xong rồi, thì tôi cho làm lễ cưới. Mà hổm nay nhựt trình nói quá, làm tôi thẹn thùa với nhà sui tôi hết sức. Người ta hay chuyện xấu như vậy, người ta nghi hễ rau nào thì sâu nấy, rồi người ta kiếm cớ để mà hồi lễ cưới được chớ. Tôi xem ý thầy Hoàng, là rể tôi hổm nay không vui, thì tôi lo quá. Nhựt trình nói thì dễ chịu một chút; cha chả; nếu ngày tòa xử mà con Cúc đứng giữa tòa đó đặt chuyện mà khai rối nùi, mà ông tiếp tay nói thêm nữa, mấy tờ nhựt báo họ chép những lời khai, lời cãi về chuyện khốn nạn ấy, thì còn gì danh giá vợ chồng tôi! Tôi đến đây có ý cậy ông làm sao dạy con Cúc đừng có khai như vậy. Nó muốn chối, nó nói không phải nó đâm cũng được, miễn là nó đừng khai sự xấu cho chồng tôi thì thôi.
Bây giờ tới phiên ông Xương ngồi ngẩn ngơ. Ông suy nghĩ rồi lắc đầu mà đáp.
- Làm sao mà cản cô Cúc cho được! Thiệt cô không có đâm, mà tôi nói hết sức, biểu cô đừng có thú nhận việc ấy mà bị án, cô còn không chịu nghe lời thay. Việc ông làm nhục thân danh của cô, ông làm cho cô phiền quá, cô quyết thà bị tù tội mà làm cho lem luốc vong hồn của ông được cô mới nghe, tôi biết làm sao mà cản.
- Xin ông ráng nói dùm. Ông ăn tiền công năm bảy trăm, hoặc một ngàn tôi cũng chịu.
- Thưa bà, dầu làm nghề nào cũng vậy, phải có lương tâm với chức nghiệp. Tôi làm trạng sư, phận sự của tôi là soi sáng cho quan tòa mà bào chữa cho kẻ vô tội, chớ không phải bài mưu lập kế để kiếm tiền. Xin bà đừng có tính cậy tôi ép phạm nhơn, bởi vì việc đó tôi không thể làm được.
- Ông bào chữa cho phạm nhơn, ông nói thế nào nó cũng nghe theo thế ấy, có gì khó.
- Nếu bà tưởng như vậy thì bà lầm. Phạm nhơn như cô Cúc, chẳng phải dễ ép trí đâu. Mà trạng sư như tôi, cũng chẳng bao giờ chịu làm việc như vậy đâu...
Bà Dương nghe nói cứng cỏi, không dám nài nỉ nữa, mẹ con mới đứng dậy từ giã mà về, mặt mày buồn xo.
Ông Xương đi qua đi lại ở trong phòng mà suy nghĩ. Tội nghiệp cho bà Dương.
Vì mắc người chồng tiểu nhơn, nên bây giờ mới cực trí như vậy!
Tội nghiệp cho con của ông Dương, vì mắc một người cha thô lỗ, nên phải mang một vết không tốt nơi trán trọn đời.
Làm người mà không thận trọng nết na, thì cử chỉ không tốt nó sẻ ảnh hưởng sâu xa như vậy, dầu chết rồi cũng còn để nó lại cho vợ con chung trả.
Ông Xương đang tư lự, bỗng nghe tiếng gõ cửa bên ngoài. Ông biểu “Vô”.
Cửa mở ra. Thầy đội An bước vô.
Ông Xương vội vã hỏi:
- Dữ hôn! Thầy đi đâu mấy hôm nay tôi biểu kiếm thầy cùng hết, song kiếm không được vậy?
- Tôi mắc đi dọ kiếm bắt cho hết bọn âm mưu giết ông Dương mà lấy bạc chớ đi đâu.
- Bắt được hay không?
- Được. Bọn nó bốn đứa tôi lượm đủ hết.
- Ạ! ... Mà chúng nó có chịu đâm ông Dương hay không?
- Chịu chớ, không chịu sao được.
- May dữ à! Nếu vậy thì cô Cúc hết bị tình nghi nữa rồi.
- Cô Cúc không có dính dấp chút nào trong vụ nầy hết.
- Tôi cũng biết như vậy. Ngồi thầy đội, ngồi thuật rõ công chuyện lại cho tôi nghe một chút.
Hai người ngồi. Thầy đội An lấy thuốc đốt mà hút. Ông Xương nóng nảy nên hỏi:
- Bọn nó bây giờ thầy để đâu?
- Ông cò đang giải chúng lên tòa.
- Làm gấp như vậy à?
- Tôi khởi đầu bắt hai đứa mà giao cho ông cò từ sớm mai hôm qua lận. Hồi hôm tôi bắt đứa thứ ba, chính thằng đó vô nhà đâm ông Dương và cạy tủ lấy bạc. Còn thằng chót, là chủ mưu; thì tôi mới bắt hồi hai giờ trưa nay.
- Té ra từ sớm mai hôm qua có thầy về sở hay sao?
- Tôi đi đi về về hoài, sao lại không có.
- Vậy mà thầy Ba hồi trưa lại sở hỏi thăm, thì họ nói thầy đi đâu mất mấy bữa rày, không có về.
- Sự hành động của tôi người ta không thể nói cho người ngoài biết được.
- A!... tôi không dè... Thôi, thầy làm sao mà tìm được bọn giết người cướp của đó, đâu thầy nói phức cho tôi nghe thử coi.
- Hôm trước nói chuyện với ông, tôi có tỏ sơ mấy nẻo đường tôi tính phải ghé mắt. Ông Dương chết mà có mất số tiền 11 ngàn, thế thì vụ sát nhơn nầy gốc ở nơi trộm cướp mà ra. Ai hay ông Dương bán lúa lấy 11 ngàn đồng bạc?
Người trong chành lúa với người sớp phơ của ông. Ai biết ông Dương để số bạc ấy lại tủ bàn viết mà cạy?
Người trong nhà nghĩa là sớp phơ, bồi và bếp. Sớp phơ đi xe với ông Dương vô Bình Đông lấy bạc bán lúa hồi 9 giờ sớm mai, rồi đến một giờ trưa thì đi với con của ông Dương ra Long Hải. Nó có thể biết ông Dương lấy bạc và thấy chỗ ông Dương cất bạc, song không phải nó đâm ông và cạy tủ. Còn bồi và bếp thì chúng nó có thể nghe nói ông Dương đi lấy bạc và cũng có thể thấy ông Dương cất bạc được. Ấy vậy phải theo ba người nầy thì tìm ra mối.
Tôi cho người phụ sự của tôi coi chừng cách đi đứng và cách ăn xài của ba tên nầy luôn luôn. Tuy vậy mà có cô Cúc xen vô vụ nầy, cô lại khai chính tay cô đâm ông Dương, thế thì tôi cũng để ý về phía bên đó nữa. Thầy Hoàng là con của ông chủ chành lúa, chắc thẩy hay ông Dương lấy bạc. Thầy là người chơi bời bài bạc, mấy tháng thầy thua nhiều lắm, lớp thua ngựa, lớp thua bài. Thầy có tình với cô Cúc. Có phải thầy biết ông Dương lấy bạc, thầy a ý với tôi tớ của ông Dương, thầy lại lập kế cậy cô Cúc vô nhà trước rồi thầy vô sau, hiệp nhau giết ông Dương rồi cạy tủ hay không?
Có phải cô Cúc thấy việc đổ bể, cô sợ thầy Hoàng mang họa, cô phải viện lẽ ông Dương ôm cô, nên cô đâm, cô khai như vậy mà làm cho người tra vấn phải lạc đường, để cô cứu người yêu của cô cho khỏi tội hay không? Vụ nhơn mạng xảy ra hồi chiều, tối tại rạp hát cô Cúc với thầy Hoàng to nhỏ nói chuyện trót giờ, làm cho mình phải nghi quá. Tôi tỏ thiệt với ông, một mặt tôi dọ tôi tớ của ông Dương, còn một mặt tôi dọ thầy Hoàng, tôi cho dọ kỹ lắm. May quá tôi dọ hai đường trúng hết, duy trật có chỗ nầy -- Người bếp không có đồng lõa với bọn người đó; cô Cúc không có liên can. Còn đứa cầm dao đâm ông Dương rồi cạy tủ lấy bạc là tên Đáo trong chợ Lớn, người của Hoàng mướn.
- Trời đất ơi! Thầy Hoàng là người tánh tình dường ấy hay sao?
- Phải. Thầy Hoàng là người chủ mưu. Để thủng thẳng tôi thuật hết các cách tôi làm sao mà tìm ra mối cho ông nghe. Dài lắm...
- Thôi, thôi, để bữa nào rảnh rồi thầy sẽ kể đặng tôi hiểu mánh lới. Bây giờ xin thầy nói sơ cho tôi biết coi bọn nó sắp đặt thế nào mà làm chuyện đó.
- Chuyện như vầy: Thầy Hoàng thấy ông Dương bán một chài lúa thì thầy chíp trong bụng. Thầy làm quen với sớp phơ rồi nhờ sớp phơ tiến dẫn thầy làm quen luôn với người bồi. Ba người sắp đặt trước bữa ông Dương lấy bạc mang về, người bồi coi chừng cho biết chủ cất bạc ở chỗ nào. Đến 11 giờ trưa, người bồi đem thơ cho cô Cúc ra đường gặp thầy Hoàng, mới nói cho thầy Hoàng hay rằng bạc để ở trong hộc tủ bàn viết. Thầy Hoàng phải lập thế gạt người bếp đi chơi và chừng lối 3 giờ, bồi với sớp phơ cũng kiếm chuyện mà đi khỏi nhà cho tới 5 giờ sẽ về, để khỏi bị người ta nghi. Đến 1 giờ sớp phơ đi Long Hải với con của ông Dương. Ngươi bồi gạt người bếp đi nữa.
Gần 3 giờ chiều người bồi xin với chủ mà đi chợ. Chủ cho phép liền, lại đưa tiền dặn mua thuốc nữa. Thầy Hoàng mướn xe hơi đưa tên Đáo lại trước nhà ông Dương rồi biểu ngồi ngoài mà rình, chừng nào mà vắng người ta thì vô nhà bắt ông Dương trói lại, nhét khăn trong họng cho ông đừng la được, mà cạy tủ lấy bạc. Còn thầy đem xe hơi lại đường Hàng Sao đậu mà chờ, hễ làm công chuyện xong thì chạy lại đó, thầy sẽ rước đi liền.
Tên Đáo ngồi ngoài đường thấy ông Dương cứ đi thơ thẩn một mình trước sân hoài, nên phải đợi chừng ông vô nhà rồi sẽ theo vô. Chẳng dè cô Cúc lại tới rồi cô vô nhà với ông Dương. Tên Đáo phải ngồi chờ nữa. Chừng nó thấy cô Cúc hơ hãi ra cửa rồi nó mới lật đật xông vô nhà, tuốt lên lầu, nhảy a lại ôm ông Dương, toan nhét khăn vào họng. Ông Dương vùng vẫy, lại la lên, túng thế nó phải đâm ông mấy dao, làm cho ông té nằm trơ trơ, rồi nó mới cạy tủ lấy bạc ôm đi ra và tuốt qua đường Hàng Sao. Gặp xe của thầy Hoàng đậu chờ, nó mới leo lên xe mà đi.
- Khốn nạn quá! Tên Đáo chịu tội hay không?
- Nó khai thiệt hết. Mà chối sau được, dấu tay cạy hộc tủ thiệt dấu tay của nó rõ ràng.
- Còn bạc, bọn nó chia nhau mỗi đứa bao nhiêu?
- Tên Đáo chịu có lãnh hai ngàn. Tên bồi với sớp-phơ mỗi đứa Hòang cho một ngàn.
- Té ra phần Hoàng tới bảy ngàn.
- Phải.
- Mới bắt đem về sở hồi hai giờ nầy, thì anh ta chối. Mà ba đứa kia đồng khai như nhau làm sao chối cho được.
- Tại sao mà bể chuyện ra mà thầy bắt được đó.
- Người bếp thấy bồi và sớp phơ có tiền nhiều nó nghi, nên theo xin một trăm, hai đứa kia không cho, nên nó vạch với tôi. Tôi theo dọ riết, đến sớm mai hôm qua tôi dọ quả quyết rồi mới bắt.
- Giỏi lắm, giỏi lắm! Tôi sẽ đền ơn cho thầy.
- Không, không. Xin ông đừng nói chuyện ấy. Ông tính như vậy là ông muốn nhục tôi đa.
- Thôi, để thủng thẳng rồi mình sẽ nói chuyện đó lại. Cha chả, bà Phán hay đây chắc bà mừng lắm.
- Ông làm ơn nói dùm cho bà hay sớm cho bà hết buồn.
- Tôi sẽ đi liền bây giờ.
- Thôi, để tôi về cho ông đi. Chừng nào tòa mới thả cô Cúc?
- Hể quan thẩm án lấy khai bọn kia, xét có đủ bằng cớ rồi tha cô Cúc liền. May quá! Tôi đã thối chí, tôi đương tính làm lý đoán đặng bào chữa cho cô đây. Nếu thầy trễ chừng một tuần nữa thì tòa xử cô rồi còn gì.
- Hổm nay nhựt trình công kích ông Dương dữ quá. Tôi tìm ra mối rồi thì cô Cúc đã khỏi tội, mà vong hồn ông Dương cũng hết xao xuyến nữa.
- Bà Dương sẽ cám ơn thầy lắm.
- Sao vậy?
- Để bữa khác rảnh rồi tôi sẽ cắt nghĩa cho thầy nghe. Bà Dương đã hứa gả con gái cho thầy Hoàng rồi đa, thầy hay chưa?
- Húy chà! Tôi chưa hay.
- Công việc đó chắc phải hư rồi.
- Gả làm sao mà gả như vậy cho được.
Thấy đội An bắt tay từ giã ông Xương mà về, ông Xương đưa ra cửa và nói: “Cám ơn thầy lắm”.
Ông liền mặc áo khoác rồi lên xe chạy vô nhà bà Phán.
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 

Postby Huyen » 18 Jan 2006

13 of 14

Buổi sớm mai thứ năm, tòa sơ nhóm xử việc hộ. Ông trạng sư Xương có một vụ sẽ xử bữa ấy, nên ông ôm cặp da lật đật đi lên toà. Đi ngang qua khám lớn ông thấy bà Phán với cô Kim đương đứng tại góc đường thì ông dỡ nón chào rồi hỏi bà phán:
- Thím với cô giáo ra đón em Cúc phải không?
- Phải, ra đón rước nó về. Hồi hôm ông sai người cho tôi hay sáng nầy tòa thả nó mà sao tới bây giờ chưa thấy nó ra.
- Chiều hôm qua quan thẩm án bắt em Cúc đối diện với bọn đó trước mặt cháu. Sớp phơ khai không biết em Cúc. Người bồi khai biết em Cúc, là trưa bữa ấy ông Dương có sai đem thơ lại cho em, song đến 3 giờ chiều nó đi chợ thì chưa có em Cúc lại đó. Hoàng khai không dè em Cúc lại nhà ông Dương. Còn tên Đáo là đứa sát nhơn, thì nó khai tới 4 giờ chiều nó ngồi dựa cột đèn khí trước nhà ông Dương mà rình, nó thấy em Cúc ngồi xe kéo lại tới, rồi ông Dương mở cửa rào mà rước em vô nhà. Em Cúc ở trong nhà gần nửa giờ rồi em ra. Sẵn cửa mở nó liền vô, rồi đi tuốt lên lầu. Nó thấy ông Dương đương đứng sửa cái bàn cho ngay ngắn, nó a lại ông Dương, toan nhét khăn vào họng cho ông khỏi la. Ông vùng vẫy vật lộn với nó, lại la lên. Nó sợ nếu để ông la thì nó sẽ bị bắt, nên nó phải rút dao mà đâm. Ông té nằm ngay đó rồi nó mới cạy tủ mà lấy bạc. Tên Đáo khai rành rẽ quá làm cho em Cúc hết khai dối nữa được, cùng thế phải chịu thiệt rằng vì tại ông Dương toan làm nhục thân danh em, nên em giận em khai như vậy đặng làm lem luốc vong hồn của ông chơi. Quan thẩm án quở em, rồi biểu thầy thông ngôn làm giấy tờ đặng thả em. Chắc bên khám làm giấy tờ chưa kịp, nên em mới ra trễ. Bề nào buổi sớm mơi nầy cũng ra. Xin thím chờ một chút.
- Tôi phải chờ chớ.
Cô Kim hỏi ông Xương:
- Lên giữa tòa, em Cúc gặp thầy Hoàng, coi bộ em Cúc thể nào?
- Bộ ghét lắm, không thèm ngó.
- Còn thầy Hoàng?
- Hổ thẹn, nên cứ cúi mặt, không dám ngó.
- Em Cúc đã hay thầy Hoàng lập mưu giết Dương mà giựt bạc đó hay không?
- Hay chớ. Bọn đó chịu thiệt hết, có trước mặt em Cúc ... Hoàng cũng chịu.
- Có vậy thì em Cúc mới tỉnh ngộ mà dứt tình được.
Ông Xương chau mày, đứng suy nghĩ một chút rồi nói:
- Tới giờ rồi, tôi phải vô tòa đặng cãi vụ của tôi. Thôi, thím với cô giáo ở đây và chờ em Cúc.
Ông dỡ nón cúi đầu từ giã rồi bươn bã đi vô tòa.
Đến 9 giờ cô Cúc ở trong cửa khám thủng thẳng đi ra đường.
Cô Kim vừa ngó thấy thì chạy lại kêu và nói:
- Em Cúc, có bác đây nè, em!
Cô Cúc ngược mặt lên ngó thấy cô Kim với bà Phán, thì chau mày khựng lại, cô Kim liền nắm tay dắt đi lại chỗ bà phán đứng và nói:
- Tôi với bác Phán chờ em từ hồi sớm mai cho tới bây giờ. Nghe nói tòa làm giấy tha em từ hồi chiều hôm qua, mà sao em ra trễ vậy?
Cô Cúc không trả lời. Đi gần tới chỗ bà Phán đứng, cô ngó mẹ, mẹ con đều khóc hết, không nói được một tiếng.
Cô Kim liền kêu lại ba chiếc xe kéo, rồi ba người leo lên xe mà về.

Bước vô nhà, cô Cúc liền ngồi xề trên cái ghế xít đu lấy vạt áo đậy mặt mà khóc và nói:
- Mấy tháng nay con làm cho má buồn rầu, con nghĩ lại con ăn năn hết sức ... Con xin má tha lỗi cho con...
Bà phán động lòng nên bà cũng khóc, chớ không nói được.
Cô Kim thấy vậy cô mới rước lời mà đáp:
- Thôi lỡ lầm mà em biết lỗi, thì có thể dung chế được phân nửa rồi. Có như thế em mới nếm được chút ít mùi đời, em mới thấy được nhơn tình thiệt giả, đặng em khỏi lầm lạc nữa. Có lẽ tại tuổi của em năm nay phải mang một cái họa nên mới khiến có việc rắc rối nhưu vậy. Bây giờ họa đã qua rồi. Vậy ngày nay là ngày vui, em cũng vậy, mà bác phán cũng vậy, chẳng nên buồn nữa.
Bây giờ bà phán mới nói:
- Có như vậy mới biết bọn già tuy lù mù, song người ta thấy xa hơn đám nhỏ nhiều lắm. Nếu mỗi việc nó nghe theo lời tôi, thì có sanh chuyện gì đâu. Tại nó bắt chước người ta mà tập tánh mới, làm người mới nên phải bị hại như vậy đó.
Cô Kim sợ cô Cúc nghe lời quở trách ấy rồi đau đớn thêm nữa, nên cô khuyên bà phán:
- Em Cúc đã biết ăn năn rồi, vậy cháu xin bác hỷ xả sự lỡ lầm của em, đừng chấp em nữa tội nghiệp. Ở trong khám đã mấy tháng nay, ăn ngủ thất thường nên em ốm nhiều. Hồi sớm mai bác có dặn con Ba mua đồ cho sẵn đặng em về em ăn. Vậy xin bác biểu con Ba dọn đồ đi, để cháu dắt em đi rửa mặt thay đồ cho mát mẻ rồi em ăn.
Bà phán đi xuống nhà bếp mà coi cho con Ba chiên thịt bò, chặt thịt quay, dọn bánh mì, sắp bánh hỏi.
Cô Kim thì lo thôi thúc cô Cúc tắm rửa rồi thay đổi áo quần cho mát mẻ sạch sẽ.

Mấy tháng nay cô Cúc thất tình thất vọng cứ quyết hủy sự tự do, hủy các hạnh phúc, và nếu có thể được, thì cô hủy luôn cái đời của cô, đặng thoát ly những nỗi não nề chán ngán. Cô muốn như vậy mà pháp luật ngăn cản, không cho cô làm như vậy, nên thả cô ra.
Bây giờ cô phải tổ chức cái đời của cô như thế nào?... Khiếp nhược, lại bỏ mẹ già một mình quạnh hiu buồn thảm tội nghiệp, phải gượng gạo mà sống với một tấm lòng chán ngán cho tới già chăng?....... Sống dường ấy thì thân như một khúc cây mục, có vui sướng gì mà phải sống!
Từ khi hay tòa thả thì cô Cúc có cái tâm hồn như vậy đó, bởi vậy ra khỏi cửa khám cô không mừng, mà về nhà cô cũng không vui. Ngồi ăn bánh với mẹ và cô Kim, cô cứ lơ lửng không muốn ăn. Bà Phán thấy cô buồn, bà không muốn quở trách cô nữa, bởi vậy mà bà kiếm câu đạo đức mà nói:
- Con ở đời hễ làm lành thì gặp lành, còn làm dữ thì gặp dữ. Ông trời công bình lắm. Thằng cha già Dương đó, tại cái lòng nó không tốt nên nó phải gặp cái họa như vậy. Còn mình ăn ở hiền lương tử tế, thì dầu có gặp họa cũng có quới nhơn che chở phò hộ.
Cô Cúc lặng thinh, tuy không cãi lẽ với mẹ, song coi bộ cô không tin cái lý thuyết của mẹ nói đó là chánh đáng.
Cô Kim cười và hỏi cô Cúc:
- Em có biết quới nhơn che chở phò hộ cho em là ai không?
- Má em trọng thẩm quyền lắm, chắc má em có vái thánh thần nào đó, nên mới nói như vậy đó chớ gì?
- Không phải. Quới nhơn che chở phò hộ cho em là ông trạng sư Xương, chớ không phải thánh thần nào hết.
Cô Cúc chau mày ngó cô Kim rồi ngó bà Phán mà hỏi:
- Má mướn anh trạng sư Xương bào chữa cho con làm chi vậy không biết.
- Má có mướn đâu. Con bị bắt má sợ hết sức, má không biết làm sao, má chạy ra cho ổng hay, rồi ổng lãnh lo lắng dùm cho má. Chớ má có tiền đâu mà mướn.
- Con đã phụ tình ảnh, mà má làm như vậy, thì ảnh dính dấp vào cái đời của con, bởi vậy con ái ngại quá.
- Ổng thương con nên ổng xin cưới con. Con không ưng thì thôi. Con bị tòa bắt giam. Ổng làm trạng sư thì ổng bào chữa cho con, có dính dấp chỗ nào đâu mà con ái ngại. Con đừng có nói như vậy, ổng hay rồi ổng buồn. Mấy tháng nay ổng lo cho con lung lắm. Nay mai con nghỉ khỏe rồi, con phải ra nhà mà cám ơn ổng.
- Ý! Má biểu cái đó con không thể làm được.
- Sao vậy?
- Con không muốn đến nhà ảnh.
- Sao con đến nhà thằng cha Dương được còn nhà ông trạng sư Xương con lại không được?
- Hai việc khác xa nhau lắm, không thể so sánh mà phân bì được. Má có cậy anh trạng sư Xương việc gì thì má đi cám ơn ảnh chớ con không có cậy ảnh giúp con, làm sao mà con cám ơn ảnh cho được.
- Con không hiểu nên con mới nói như vậy; để má cắt nghĩa cho con nghe -- Mấy tháng nay vì con mà ông trạng sư Xương cực khổ hết sức, đã cực trí lo lắng, đã cực thân chạy đầu nầy đầu kia, mà ông còn lại tốn tiền tốn bạc với con nhiều lắm. Ổng xin tòa dạy sở Mật thám tìm bắt đứa giết thằng cha Dương, ổng hứa hễ bắt được, thì ổng đóng một ngàn đồng bạc vào kho tương tế của chức việc sở ấy. Nay bắt được rồi tự nhiên ổng phải đóng số tiền ấy, chớ má làm sao có tiền mà đóng cho nổi. Đã vậy mà ổng còn xuất tiền in bộ tiểu thuyết của con tới hai lần, rồi xuất tiền mướn các tờ báo cổ động cho quyển tiểu thuyết ấy luôn luôn gần hai tháng nay. Tuy sách nhờ thiên hạ mua nhiều, nên cô giáo lãnh coi bán có lẽ cô lấy vốn lại được, nhưng mà tiền mướn các báo lớp cổ động khen ngợi sách ấy, lớp chà xát các thói mọi rợ của thằng cha Dương, má coi tổn phí về việc ấy cũng đến bạc ngàn, chớ không phải ít. Vì con mà ổng tốn công tốn của quá như vậy, sao con lại bạc ơn ổng.
Cô Cúc nghe mẹ nói khúc sau thì cô lấy làm lạ, nên cô ngó cô Kim mà hỏi:
- In tiểu thuyết gì đâu? Anh Xương cho xuất bản bộ “Mảnh gương trinh” của em hay sao?
- Phải. Ông trạng sư xin với bác phán rồi lấy bộ tiểu thuyết đem về mướn in. Lần đầu xuất bản năm ngàn quyển, bán trong một tuần lễ thì tiêu hết, nên phải mướn in thêm năm ngàn nữa. In lần sau bán cũng gần hết, nay còn không tới năm trăm quyển.
Cô Cúc nghe nói như vậy thì sắc mặt buồn bực chán ngán của cô đổi liền ra sắc vui vẻ hăng hái mà hỏi cô Kim:
- Bộ tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” được công chúng hoan nghinh đến thế hay sao?
- Họ hoan nghinh lắm.
- Em không dè.
- Ông trạng sư Xương làm quảng cáo khôn khéo quá, tự nhiên công chúng phải hoan nghinh, có lạ gì.
- Anh Xương làm thế nào?
- Mới đưa tiểu thuyết cho nhà in, thì ổng cậy các báo rao trước. Tác giả của bộ “Mảnh gương trinh” nay vì bảo thủ cái trinh mà phải giết người rồi đang ở tù; cách làm quảng cáo như vậy tự nhiên phải khiêu gợi trí háo kỳ của thiên hạ, bởi vậy, sách xuất bản thì thiên hạ dành nhau mà mua có lạ gì đâu. Mà ổng còn tiếp cậy các báo dồi dào khen ngợi tiểu thuyết, xưng tụng thái độ cao thượng cứng cỏi của tác giả, khinh bỉ tánh tình đê tiện, thô lỗ của ông Dương, làm cho dư luận xôn xao hết sức, đi đến đâu cũng đều nghe người ta bàn luận việc khốn nạn của ông Dương. Những số báo chữ Pháp và chữ Việt ngữ có đăng bài nói về bộ “Mảnh gương trinh” hoặc nói về việc của em, chị có để dành đủ hết. Để chị lấy cho em xem.
Cô Kim đi lại bàn viết soạn lấy một ôm nhựt báo với vài quyển tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” đem lại để một bên cô Cúc.
Cô Cúc vội vã lấy một quyển tiểu thuyết cầm xem ngoài bìa, rồi lật xem vô trong nữa. Cô cười và nói:
- In khéo thiệt, mà bìa xem cũng đẹp.
Cô không ăn nữa, đứng dậy đi rửa tay, rửa miệng, rồi ôm hết nhựt trình và sách lại cái bàn giữa ngồi dỡ ra mà xem.
Cô Kim hiểu chút đỉnh tâm lý, nên cô đợi bà phán ăn rồi cô kiếm cớ dụ bà đi với cô ra ngoài vườn trầu mà coi trầu, coi chuối, để cô Cúc ở trong nhà một mình thong thả mà thưởng thức những bài nhựt trình khen ngợi nghề văn và xưng tụng tánh nết của cô.
Chừng cô Cúc đọc hết các bài trong báo rồi, cô day lại không thấy cô Kim, cô mới kêu om sòm.
Cô Kim với bà phán trở vô nhà. Cô Cúc ngó cô Kim mà cười và hỏi:
- Thiệt anh trạng sư Xương bày làm như vầy hay sao?
- Một tay ổng làm việc đó.
- Thế nầy thì em phải ra nhà mà cám ơn ảnh.
- Sao hồi nãy em không chịu tới nhà ổng?
- Hồi nãy em không dè có việc như vậy. Anh Xương lập thế kéo em ra khỏi chốn lao tù em không mang ơn, đã không mang ơn mà lại phiền nữa. Còn ảnh dụng tâm làm cho em có tên trong làng văn, cái ơn ấy nặng lắm, cái ơn ấy nặng lắm, em không thể quên được. Sau một cuộc quảng cáo dồi dào đến thế nầy, thì tên tuổi của em đã được công chúng biết hết. Từ rày sắp lên hễ tiểu thuyết của em xuất bản có lo chi người ta không mua nữa. Em sẽ viết nữa. Để em nghỉ ít bữa cho khỏe trí rồi em viết. Em đã nghĩ ra nhiều chuyện thâm thúy lắm, mà em cũng đã có bố cuộc sẵn rồi. Truyện còn hay hơn truyện trong quyển “Mảnh gương trinh” nữa, để em viết rồi chị sẽ biết.
- Em nói như vậy, chị không dám tin. Lúc em viết bộ “Mảnh gương trinh” lòng em còn hăng hái. Nay em đã có một tâm bịnh nó làm cho em chán ngán, thế thì làm sao mà em viết cho hay hơn bộ trước được.
- Tâm bịnh!... Em mạnh rồi, không còn đau đớn nữa... Những chuyện đã qua em xem cũng như một giấc mộng, bởi vì em tỉnh lại thì em đã quên hết rồi.
- Nếu em quên chuyện cũ thì chị mừng lắm.
- Em quên hết. Nếu khi nào em nhớ lại thì bất quá cũng như em nhớ bài học khôn vậy thôi, chớ không có ý nghĩa gì. Anh Xương sắp đặt đưa em vào làng văn một cách rỡ ràng như vậy, có lẽ nào em lại lui bước trở ra. Từ rày em sẽ chuyên nghề văn, em sẽ lấy nghề ấy mà làm mục đích cho đời sống của em. Em vui lắm, em mừng lắm, em hết ngao ngán nữa rồi chị ạ.
- Nếu được vậy thì chị cũng vui, chị cũng mừng lắm.
- Viết tiểu thuyết để tả cái trí lý của mình cho thỏa lòng ức uất, để công kích chà xát những thói hèn hạ giả dối của xã hội; đuổi theo cái mục đích như vậy cũng đủ cho mình thơ thới, hớn hở mà ở đời, cần gì phải tìm hạnh phúc nào nữa.
Cô Cúc nói tới đó rồi dỡ quyển “Mảnh gương trinh” ra mà chăm chỉ đọc, sắc mặt vui vẻ như hồi trước.
Cô Kim ngó bà phán mà cười.
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 

Postby Huyen » 18 Jan 2006

14 of 14 - Kết Thúc

Sớm mai chúa nhựt, ông trạng sư Xương thức dậy tắm gội và thay y phục, rồi lại bàn ăn mà uống cà phê.
Trước sân nắng dọi sáng lòa, giục lòng người đi chơi đặng quên những nỗi nhọc thân, mệt trí trót một tuần lễ vừa mới qua rồi đó.

Ông Xương muốn đi chơi, mà rồi ông hỏi lấy ông: "" Đi đâu bây giờ?... không biết phải đi đâu... Cô Cúc được thả hôm thứ năm, đến nay đã ba bữa rồi, mà mình chưa gặp cô, vậy mình có nên vô nhà cô mà thăm cô hay không? Không nên, bởi vì mình có công lo lắng cứu cô, nếu bây giờ cô được khỏi họa mà mình lân la đến với cô, thì té ra mình muốn kể ơn. Còn muốn lấy tình mà thăm cô, thì cô đã nói rõ ràng rằng cô không có chút tình nào với mình hết, vậy mình còn mang mặt tới làm chi nữa. Thôi, phận sự mình đã làm tròn rồi thì thôi, không nên để ý đến cô Cúc nữa."
Ông nghĩ như vậy, mà mặt ông không vui.
Ông nhớ lại hôm qua ông mắc ở trên tòa luôn hai buổi, lại hồi hôm ông mắc đi ăn tiệc về khuya nên nhựt báo ngày thứ bảy ông chưa xem được. Uống cà phê rồi, ông bước lại bàn viết ngồi dỡ nhựt trình ra mà xem. Ông đọc đến tin tức ông thấy có một nghị định của Chánh phủ Việt Nam kêu gọi thanh niên có bằng trung học, từ 20 tới 28 tuổi phải vào trường sĩ quan trừ bị mà học tập đặng sung làm cán bộ cho binh đội quốc gia. Lại có một nghị định thứ nhì đòi những người Việt Nam trước kia là sĩ quan lưu hậu của binh đội Pháp, bây giờ phải nhập ngũ để làm cán bộ cho binh đội quốc gia Việt Nam.
Ông đọc rồi, ông đương bàng hoàng nghĩ nghị, bỗng nghe có tiếng gõ cửa ở ngoài. Ông ngướt mắt ngó ra cửa và nói lớn:
- Mời vô.
Cô Cúc mạnh dạn bước vô, mắt ngó ông Xương và cười và kêu:
- Anh!
Ông Xương chưng hửng, liền đứng dậy nói:
- Em!
Cô Cúc nói tiếp:
- Ngày thường anh mắc làm việc, em thăm anh không tiện, bởi vậy em phải đợi ngày chúa nhựt em mới đến nhà riêng mà tạ ơn anh đây.
Bây giờ ông Xương mới định thần lại, ông lộ sắc mừng, lật đật mời cô Cúc vào phòng khách mà ngồi rồi ông nói:
- Anh làm trạng sư, em phạm tội với pháp luật, thím phán cậy anh bào chữa, nên anh phải tận tâm lo cứu em. Việc anh làm đó là phận sự của anh, chớ có ơn nghĩa gì đâu mà em phải tạ ơn.
- Anh hiểu lầm. Em đến tạ ơn anh, không phải vì nhờ anh làm cho em khỏi tù tội đâu. Em nhắm mắt nhảy vào lưới pháp luật, anh theo cản trở, không để cho em làm như ý em muốn, việc ấy em phiền anh lung lắm, chớ nào phải em mang ơn.
- A! Nếu vậy thì anh hiểu lầm thiệt. Vậy anh xin em tha lỗi cho anh. Em cũng còn phiền anh! Nhờ có hoàn cảnh vạch mắt cho em thấy rõ chỗ tối tăm, thấp thỏi, nhưng mà em cũng chưa chịu đổi ý hay sao?
- Một tờ giấy trắng tinh, nếu mình làm đổ mực lên rồi, dầu mình bôi cạo thế nào đi nữa, tờ giấy ấy cũng không còn trắng như xưa được. Tâm hồn của mình cũng vậy, hễ bị chán ngán rồi thì dầu được vui vẻ thế nào cũng không khỏi còn chút ít buồn bực.
Ông Xương lặng thinh suy nghĩ một chút rồi mới thở dài mà nói:
- Cũng còn như vậy hoài! ... Quân sát nhơn, quân ăn cướp, nó làm hư cái óc non nớt, nó làm vỡ khối tình hăng hái của một thiếu nữ như vậy, có luật gì trị tôi nó được đâu!... Tức lắm ! ...
- Xin anh đừng phiền, đừng giận. Em đã suy xét kỹ lưỡng rồi, lỗi tại nơi em, chớ không phải tại nơi ai mà trách họ. Vì em lầm lỗi, nên cái đời của em hư hỏng là đáng lắm. Em không nỡ trách ai hết... Em là người bị hại mà em không giận, anh can cớ gì mà anh tức?
- Anh không can cớ gì!... Anh không can cớ gì!... Chừng nào em mới hiểu thấu tâm hồn của anh không biết!
- Hiểu mà làm gì? ... Có ích gì đâu mà hiểu.
- Sao vậy? sao lại không ích?
- Sự ấy anh đã dư biết, cần gì phải hỏi. Anh có cảm tình với em nặng lắm, tiếc vì tình em đã cạn, đã khô rồi, em không còn một chút tình nào để đáp lại tình cảm của anh được, bởi vậy em không muốn hiểu tâm hồn của anh làm chi.
Ông Xương nghe dứt lời, ông đứng dậy gọn gàng và nói:
- Uổng công, uổng công lắm!
Nói mấy tiếng rồi ông ăn năn, nên đứng ngó ngay mắt cô Cúc mà hỏi:
- Em không có chút tình nào đối với anh hết, vậy chớ em đến nhà anh để làm gì?... Em đến đặng làm cho anh đau đớn chơi có phải không?
- Em đến tạ ơn anh.
- Anh cứu em cho khỏi tù tội, mà em đã nói chuyện đó là oán chứ không phải ơn, thế thì có ơn gì mà em phải tạ.
- Lúc em bị giam, anh chịu tốn công tốn của mà đưa cái tên của em vào làng văn một cách rất rỡ ràng, đó là cái ơn lớn lắm, nên em phải đến mà cảm tạ mỹ ý của anh.
- Anh có làm như vậy bao giờ?
- Anh xuất tiền in bộ tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” của em, rồi anh cậy các báo Pháp, Việt cổ động ca tụng rất dồi dào làm cho công chúng yêu cái tên của em, dành nhau mua tiểu thuyết không có đủ mà bán, việc như vậy mà anh chối hay sao?
Ông Xương nghe mấy lời, ông đứng ngẩn ngơ. In tiểu thuyết rồi mướn nhựt báo cổ động, ý ông muốn sắm tài liệu để biện luận đặng cứu cô Cúc cho khỏi bị án, chớ nào phải ông tính làm cho cô nổi danh trong làng văn đâu... Cứu cô khỏi tội mà cô phiền, còn in tiểu thuyết mà cô cảm, thế thì cô trọng văn nghệ của cô hơn ái tình của mình, cám ơn như vậy cũng như xô đẩy tình của mình dang ra xa thêm hơn nữa, làm sao mà vui được!
Ông Xương chưa kịp trả lời với cô Cúc, bỗng thấy một viên san đầm ở ngoài sân bước vô cửa. Ông vội vã tiếp chào và mời vô nhà. Viên san đầm hỏi tên ông rồi mở cặp lấy đưa cho ông một tờ giấy mà nói chính phủ đã ra luật chiêu binh, nên kiếm ông mà giao tờ hiệu triệu lính lưu hậu. Ông Xương ký tên lãnh tờ, cám ơn viên san đầm rồi đưa người ra khỏi cửa.
Chừng san đầm đi rồi, ông vô mở tờ ra mà xem, thì thấy lịnh đòi sáng ngày sau phải có mặt tại ngũ. Đương uất vì tình, mà được tờ hiệu triệu nhập ngũ, thì có gì may mắn hơn nữa.
Ông Xương liền đổi buồn làm vui, day lại ngó cô Cúc và cười và nói:
- May lắm! Lòng anh đương chán ngán cuộc đời, thì có dịp làm cho anh thỏa chí mà vui với sự sống.
- Viên san đầm đem tờ đòi anh đi lính phải không?
- Phải.
Cô Cúc ngồi chau mày suy nghĩ.
Ông Xương đi qua đi lại một hồi rồi đứng lại mà nói tiếp:
- Sáng mai anh phải có mặt tại ngũ. Ngày nay anh phải lo sắp đặt công việc nhà rồi còn thu xếp công việc ở phòng trạng sư nữa. Chắc anh không có thời giờ rảnh mà đi thăm thím Phán được. Vậy anh cậy em thưa dùm lại với thím rằng anh kính lời chúc thím ở nhà mạnh giỏi. Em cũng vậy, anh cũng cầu chúc cho em ở nhà bình an vui vẻ luôn luôn... Có lẽ em gặp anh bữa nay là lần chót... sợ không có dịp gặp nhau nữa. Vậy anh khuyên em hãy ngó mặt anh cho kỹ, bởi vì lính ra trận, sự sanh tử không thể liệu trước được....
Nghe mấy lời sau ấy, cô Cúc rất cảm xúc nên cô ứa nước mắt mà nói:
- Ế! Anh đứng có nói kỳ cục như vậy nào! Nói chuyện nghe buồn quá!
Ông Xương chúm chím cười mà đáp:
- Em sợ anh chết nên em buồn phải không?
Cô Cúc dằn lòng không được nữa, nên bây giờ khóc ra tiếng.
Ông Xương thấy vậy thì chau mày, bước lại đứng ngay trước mặt cô, mắt ngó cô trân trân, rồi cười mà hỏi:
- Anh sắp làm nghĩa vụ, em phải mừng cho anh, chớ sao em buồn rầu như vậy?
Cô Cúc thủng thẳng đứng dậy, cặp mắt cứ ngó ông Xương một cách rất buồn thảm, giọt lụy tuôn ròng ròng. Cô đưa tay vịn ông, rồi úp mặt vào ngực ông và tức tửi nói:
- Anh! Anh đừng chết nghe không... Em không bằng lòng cho anh chết. Anh phải sống, sống đặng về với em....Em sẽ chờ anh....Em ở nhà, em lo trao dồi văn nghệ mà đợi anh... Anh đừng chết nghe không.
Ông Xương hân hoan, vội vã ôm mặt cô Cúc mà hôn và nói:
- Vâng!... Cám ơn!... Sự sống của anh có ý nghĩa rồi!


Hết
Image
User avatar
Huyen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $42,236
Posts: 786
Joined: 06 Sep 2005
 
 


Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 69 guests