Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 20 Sep 2022

Vẫn muốn cùng anh


Cách đây bảy năm, vào một ngày chủ nhật lạnh lẽo, tôi đứng nơi cổng vòm nhà thờ với những ngọn gió mơn man trên tóc và cái cười ngốc nghếch đến tận mang tai cùng cảm giác hụt hẫng của một kẻ ngờ nghệch khi chợt nhận ra bản thân mình đang vô cùng hoang mang. Đã đến tận nơi đây mà tôi vẫn chưa dám tin chắc vào quyết định trọng đại của mình.
Khi giai điệu trầm bỗng của Mozart quyện vào từng lớp không khí, cha tôi trịnh trọng trong bộ lễ phục tiến lại gần và ghé vào tai tôi thì thầm những lời của một người từng trải: “Không quá muộn đâu con”, - rồi ông vẫy vẫy một nắm những tờ giấy bạc trước mắt tôi. - “Nếu con muốn thoát khỏi chuyện này, cha sẽ đưa con năm trăm đô la và một vé xe buýt đường dài để con đến bất kỳ nơi nào con muốn”.
Tôi không cho Jett - vị hôn phu của tôi - biết chuyện này. Thật ra không phải cha tôi không ưa “cậu nhóc lêu nghêu” đó, cha hài lòng và thậm chí còn rất quý anh, nhưng chứng kiến sự tan vỡ của cuộc hôn nhân đầy bốc đồng trước đó của chị tôi cùng với việc biết rằng tôi và Jett chỉ quen nhau chưa đầy tám tháng trước khi cưới đã khiến ông có chút phân vân, lo lắng.
Nhưng những thấp thỏm của cha tôi đã sớm được giải quyết. Một số người vui tính vẫn từng nói: Hôn nhân mới là giai đoạn để thật sự hiểu về nhau, chứ không phải là lúc yêu nhau. Chúng tôi quen nhau vào Ngày Lao động, đính hôn vào lễ Tạ ơn và kết hôn vào một ngày tháng Giêng mưa bão dữ dội bậc nhất trong lịch sử. Việc chuyển đến sống tại miền Đông - nơi mà cả hai đều không có lấy một người thân nào và rồi việc có con trước dịp kỷ niệm ngày cưới lần thứ hai đã giúp chúng tôi hiểu về nhau nhiều hơn.
Tuy bảy năm chung sống không đem lại cho chúng tôi bất cứ điều gì giống những câu chúc ý nghĩa được ghi trong các tấm thiếp chúc mừng đám cưới, cả hai cũng kịp nghiệm ra một vài điều gì đó cho riêng mình. Ngay trước khi tuần trăng mật kết thúc, chúng tôi nhận ra rằng cái người viết câu “Tình yêu nghĩa là không bao giờ phải nói lời hối tiếc” ắt hẳn chưa bao giờ kết hôn. Những lời cầu chúc của vị linh mục ở nhà thờ rằng “hai con sẽ cùng nhìn về một hướng” đã vẽ nên một bức tranh cuộc sống vô cùng tươi đẹp. Nhưng một cuộc sống không hoàn toàn như thế.
Mọi thứ trở nên bớt căng thẳng khi chúng tôi nhận ra rằng cả hai không cần thiết phải cùng thích những thứ giống nhau mới có thể yêu nhau được. Chúng tôi cùng yêu thích những chuyến hành trình dài ngày trên những quốc lộ thênh thang với những ngôi nhà đủ các kiểu thoáng qua vun vút bên đường. Chỉ bấy nhiêu thôi, các sở thích còn lại của chúng tôi hoàn toàn khác biệt. Anh thích thể loại nhạc hòa tấu réo rắt còn tôi chỉ toàn nghe những bản nhạc rock với tiếng ghi-ta điện inh ỏi. Anh thạo khiêu vũ trong khi tôi lại vụng về quá sức tưởng tượng. Tôi thích đi du lịch nước ngoài trong khi chồng tôi thậm chí còn chẳng có hộ chiếu.
Trải qua nhiều năm, chúng tôi khám phá ra rằng trong đời sống vợ chồng, sự tự do trong khuôn khổ sẽ góp phần làm cho cuộc sống lứa đôi thêm thi vị. Chồng tôi chưa một lần chú ý tới việc tôi là tác nhân thường xuyên của bảy mươi lăm phần trăm các cuộc gọi đường dài trong hóa đơn điện thoại. Còn tôi, khi nhìn thấy màu vàng lộ liễu của tờ giấy phạt đỗ xe sai quy định trong ngăn kéo của anh, tôi cũng không cho phép mình bộc lộ điều gì hơn một cái nhíu mày. Anh ấy cũng chẳng hề có ý kiến gì khi tôi thức đến tận hai giờ sáng để đọc truyện trinh thám trong khi miệng tôi vẫn không ngừng than vãn về một núi công việc phải làm vào ngày hôm sau. Tôi tỏ ra chẳng hề hay biết gì về việc anh luôn tiêu tốn hàng giờ liền và một số tiền không nhỏ tại quầy băng đĩa mỗi khi dẫn bọn trẻ vào khu buôn bán. Tôi gật đầu tán thành ngay khi anh ấy nói rằng anh sẽ tìm những mảng tường loang lổ ở phòng ngủ để chà nhẵn và sơn lại sau khi đến văn phòng vào buổi sáng, mặc dù tôi biết chắc rằng anh sẽ quên bẵng lời hứa của mình.
Biết như thế nhưng nếu thời gian quay trở lại, tôi vẫn sẽ từ chối tờ vé xe buýt và nắm tiền mà cha đưa để bước vào cuộc sống hôn nhân với anh. Và cho dù có phải lên bất kỳ chuyến xe nào để đến bất cứ nơi đâu, tôi vẫn sẽ đi cùng Jett và chúng tôi sẽ lại xây dựng một gia đình hạnh phúc như thế.


Phương Hằng dịch Theo Discretion Is the Better Part of Marriage
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 20 Sep 2022

Chuyện tình ở Ireland


Chúng ta hãy gọi anh ấy là Ian. Đó không phải là tên thật của anh, nhưng ở Bắc Ireland này, bạn phải thật cẩn thận khi tiết lộ tên tuổi. Đã có hơn hai ngàn bốn trăm vụ ám sát do xung đột tôn giáo kể từ khi những bất đồng cố hữu giữa những người theo đạo Thiên Chúa và Tin Lành nổ ra gần đây. Vì vậy, chẳng ai dại gì mà mạo hiểm.
Hai mươi bốn tuổi, cuộc sống của Ian cũng đủ khổ sở lắm rồi.
Anh sinh ra trong một gia đình Tin Lành sùng đạo, mẫu gia đình đi nhà thờ hai lần mỗi ngày Chủ nhật, đều đặn như một cái đồng hồ. Cha anh - một thợ hàn trong xưởng đóng tàu ở Belfast - là người rất kiên định. Mẹ anh luôn giữ gìn nhà cửa sạch sẽ và gọn gàng, là người nướng bánh mì ngon nhất xóm và quản lý gia đình bằng những lời lẽ sâu sắc. Hai người anh trai của anh đều là lao động chân tay hiện đang thất nghiệp.
Ian học giỏi và hiện cũng kiếm được kha khá bằng nghề thủ công tại một xưởng sản xuất. Trầm tính, nghiêm nghị, thích đi dạo ở miền đồng quê. Anh ấy chẳng thích gì hơn việc đọc một quyển sách bên ngọn lửa bập bùng suốt mùa đông dài quạnh quẽ. Anh
không giao thiệp gì nhiều với các cô bạn gái, đàn ông ở Ireland có khuynh hướng kết hôn muộn.
Hai năm trước, vào ngày sinh nhật thứ hai mươi hai của mình, khi Ian đang đi bộ về nhà sau giờ làm việc thì một kẻ khủng bố từ trong một chiếc xe hơi đang phóng nhanh đã ném một trái bom khiến Ian bỗng nhiên rơi vào cảnh mù lòa.
Mọi người vội đưa anh đến bệnh viện và các bác sĩ đã xử lý ngay những vết nội thương cũng như những chỗ xương gãy. Nhưng cả hai mắt anh thì bị hủy hoại hoàn toàn.
Những vết thương khác đã lành dần theo năm tháng, dù các vết sẹo sẽ vẫn còn hằn mãi trên da thịt Ian cho đến hết phần đời còn lại của anh. Còn những vết sẹo trong tâm hồn, tuy không nhìn thấy được nhưng rõ ràng nó vẫn luôn hiển hiện.
Anh hầu như không nói lời nào, không ăn, không uống, cũng không ngủ. Anh chỉ nằm trên giường ủ ê suy nghĩ và thở dài. Gần bốn tháng như vậy.
Chỉ có một cô y tá dường như có thể khiến anh phản ứng đôi chút. Tên cô là Bridget, một cái tên Ireland dễ thương, cô sinh ra trong gia đình Thiên Chúa giáo sùng đạo - việc làm đầu tiên vào mỗi sáng Chú nhật là đi lễ.
Cha cô là một thợ mộc và hầu như ông thường vắng nhà vì phải sang Anh làm việc. Ông là một người đàn ông mẫu mực, yêu thương gia đình, luôn cùng hưởng ngày nghỉ cuối tuần với cả nhà bất cứ khi nào ông có đủ tiền mua vé máy bay.
Mẹ cô chăm nom một ngôi nhà sạch sẽ nhưng bề bộn, bà nấu món thịt hầm ngon nhất xóm và quản lý gia đình bằng đôi bàn tay nhanh nhẹn và trái tim nhân từ.
Trong sáu anh em trai, bốn chị em gái thì Mary bé nhất; cô bé mười một tuổi và là con gái cưng của ông bố.
Bridget học giỏi, được đào tạo thành y tá trong một bệnh viện nổi tiếng ở Luân Đôn, và hiện giờ ở tuổi hai mươi mốt, cô đang là một nữ y tá giỏi tại một bệnh viện lớn nhất ở Belfast.
Mặc dù bản tính nghiêm nghị, nhưng cô vẫn là một cô gái vui vẻ, là một người ưa ca hát với giọng ca êm dịu, ngọt ngào và lối hát nhạc dân ca rất riêng. Cô không giao thiệp nhiều với các bạn trai - mặc dù điều đó không phải là do không có những chàng trai trẻ ngả mũ trước mặt cô.
Nhưng giờ đây, trái tim cô lại rung động trước Ian, có điều gì đó ở anh khiến cô phải khóc. Dĩ nhiên, anh không thể nhìn thấy những giọt nước mắt của cô, nhưng cô vẫn lo rằng chính giọng nói sẽ tố cáo những cảm xúc của mình.
Xét về phương diện nào đó thì cô đã nghĩ đúng về giọng nói của mình, vì chính âm điệu du dương và tiếng cười của cô đã kéo anh ra khỏi vực thẳm của tâm trạng chán chường và sự giày vò của bản thân.
Và thế là khi những ngày dài tăm tối của anh kéo dài thêm nhiều tuần, nhiều tháng, anh bắt đầu lắng nghe tiếng bước chân của cô và hướng khuôn mặt không nhìn thấy ánh sáng của mình về phía cô như một bông hoa hướng về phía mặt trời.
Sau bốn tháng nằm viện, anh được báo là mình sẽ bị mù vĩnh viễn. Nhưng lúc ấy, anh chỉ biết rằng chính tình yêu đã cho anh can đảm để chấp nhận sự thật đau đớn đó. Bởi vì mặc dù mọi thứ đều chống lại họ - từ tôn giáo, chính trị đến sự phản đối của hai gia đình - nhưng họ vẫn yêu nhau và đang cùng dạo chơi trong vùng đất trẻ trung và đầy tiếng hát của tình yêu.
Anh được cho xuất viện và bắt đầu những tháng ngày vất vả: làm sao để tự mình tắm rửa, cạo râu và mặc quần áo, làm sao để đi lại trong nhà mà không va cẳng chân vào ghế, làm sao để băng qua đường với một chiếc gậy trắng, làm sao để đọc được hệ thống chữ nổi và làm sao để vượt qua sự thương hại mà anh có thể cảm nhận được ngay trong không khí mà mình đang thở. Nhưng chính tình yêu đã cho anh hy vọng để tiếp tục sống và cố gắng.
Họ không có nhiều thời gian để ở bên nhau, họ chỉ có thể gặp nhau vào một buổi tối nào đó hoặc vào buổi chiều khi cô đã xong việc. Nhưng họ vẫn vui sống cho những giờ phút gặp nhau ngắn ngủi đó và trải qua giai đoạn đầu vui vẻ, tràn ngập hạnh phúc.
Khi biết chuyện, gia đình của họ thật sự hoảng hốt. Nghĩ đến chuyện hôn nhân ư? Dĩ nhiên là giới răn của Chúa Trời không cho phép điều đó.
Cha của anh quát tháo: “Con cái của ánh sáng và con cái của bóng tối mà bạn bè cái gì? Mày sẽ không được cưới nó chừng nào mà tao còn sống”.
Còn linh mục của cô thì bảo rằng: “Nhà thờ Công giáo La Mã ngăn cản những cuộc hôn nhân khác tôn giáo, nên con hãy từ bỏ ý nghĩ ấy đi”.
Do đó, dưới sức ép của tất cả các kiểu áp lực - từ những cuộc cãi vã liên miên, những lời dọa dẫm, những lời hứa hẹn đến cả những lời nói dối trắng trợn - họ đã bị chia rẽ. Sau cùng, ho cải nhau, nói những lời làm tổn thương nhau trong nỗi đau đớn tuyệt vọng. Và vào một đêm mưa phùn nọ, cô đã rời bỏ anh ra đi trên một con đường ướt át.
Anh thu mình vào bóng đêm vô cùng. Ngày qua ngày anh mãi giày vò trong đớn đau. Có người nói với anh: “Sau này cậu sẽ không phải hối tiếc đâu. Do cặp kè với một kẻ không có lòng tin mà cậu đã tự rước họa vào thân rồi đấy”.
Còn cô thì vùi đầu vào công việc, quá tổn thương để nhớ lại những gì đã xảy ra. Ngày qua ngày gặm nhấm nỗi đau đớn đến tê dại. Người ta nói với cô: “Cô sống là để cầu nguyện với Đức Chúa. Cô đã tự tạo địa ngục cho mình khi muốn kết hôn với một kẻ theo đạo Tin Lành!”.
Thấm thoát cũng đã một năm trôi qua. Những vụ ném bom vẫn tiếp diễn trong nỗi thống khổ của người dân Ireland.
Một buổi tối nọ, khi Ian đang ngồi một mình trong nhà, bỗng có tiếng đập cửa dữ dội: “Ian, anh ra đây nhanh lên!”.
Qua giọng nói bấn loạn, nghẹn ngào nước mắt, anh nhận ra đó là cô bé Mary, em gái của Bridget. “Bọn chúng ném bom. Chị ấy bị mắc kẹt và đang rất nguy kịch. Chị ấy gào thét tên anh. Đến ngay đi, Ian. Vì Chúa, hãy đến ngay”-.
Không kịp đóng cửa nhà, anh nắm lấy tay Mary. Cô bé vừa chỉ đường cho anh đi, vừa khóc và bước loạng choạng qua những con đường trơ trụi.
Vụ ném bom đã tàn phá một tiệm ăn nhỏ, nơi Bridget đang ăn tối cùng ba đồng nghiệp. Những người khác đều bò ra được khói đống gạch vụn, chỉ có cô còn bị kẹt lại. Trong khi đó, ngọn lửa đang lan rộng và tiến dần về phía cô.
Người ta nghe tiếng có gào thét, nhưng không đến được chỗ cô đang nằm. Lính cứu hỏa, binh lính, đèn và các thiết bị được huy động đến.
Ian lách vào đám đông hổn loạn. Viên sĩ quan hét lên: “Anh không được vào đấy!”.
Ian trả lời: “Nhưng đó là người yêu của tôi”.
Viên sĩ quan lại quát lên: “Đừng có si mê đến mất trí như thế. Trong đó tối đến mức anh không thể nhìn thấy được chính bàn tay của mình đấy”.
Ian hỏi lại: “Đối với một kẻ mù thì bóng tối có ảnh hưởng gì kia chứ?”.
Rồi anh tiến về phía có tiếng kêu của cô và đi qua cái địa ngục tăm tối ấy với tất cả khả năng và bản năng của một người mù, bằng tất cả sự thúc giục của tình yêu. “Bridget, anh đến đây! Anh đang đến đây!”.
Anh tìm ra cô và nâng đầu cô trong vòng tay yêu thương của mình rồi hôn cô.
“Ian…”. Cô thì thào, “Ian…” rồi ngất đi như một đứa trẻ mỏi mệt.
Trong khi máu của cô thấm vào quần áo anh, còn ngọn lửa cũng đang lan dần về phía họ thì anh vẫn ôm cô cho đến khi đội cứu nạn phá được một lối ra. Do mù lòa, anh không nhìn thấy một bên khuôn mặt đáng yêu của cô đã bị ngọn lửa làm cháy sém.
Sau một thời gian dài, cô đã bình phục. Dù đã được giải phẫu thẩm mỹ, nhưng khuôn mặt cô vẫn bị để lại sẹo. Cô nói: “Nhưng người đàn ông duy nhất tôi yêu sẽ không bao giờ nhìn thấy nó. Thế thì đối với tôi, điều ấy có ảnh hưởng gì đâu?”. Rồi họ nối lại tình yêu từ nơi mà họ chưa bao giờ thật sự từ bỏ.
Tất nhiên, cả hai gia đình liên tục phản đối. Sự phản đối kịch liệt chút nữa dẫn đến đánh nhau: từ những lời lăng mạ quát tháo, những lời sỉ nhục đến cả lời đe dọa kinh khủng. Nhưng bất chấp những điều đó, Bridget vẫn nắm lấy tay Ian và họ cùng nhau đi khỏi vùng đất đầy thù hằn ấy.


Hoàng Lan dịch Theo Chicken Soup for Couple’s Soul
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 20 Sep 2022

Tình yêu diệu kỳ


Không một ai có thể biết được thần tình yêu sẽ ghé qua nơi nào và vào lúc nào. Có những lúc vị thần ấy thật sự khiến chúng ta phải ngạc nhiên khi chọn những nơi bất ngờ nhất làm bến đỗ, và Bệnh viện Phục hồi chức năng ở ngoại ô Los Angeles chính là một trong số những nơi bất ngờ đó - một bệnh viện mà hầu hết các bệnh nhân đều không thể cử động theo ý muốn của mình được.
Ở một nơi mà tình yêu đôi lứa trước giờ vẫn là một điều rất xa vời thì việc một đám cưới giữa đôi nam nữ bệnh nhân trở thành một sự kiện trọng đại. Khi nghe được tin này, vài cô điều dưỡng đã bật khóc vì xúc động, còn viên quản lý Harry MacNamara lại cảm thấy ngạc nhiên xen lẫn một chút bối rối. Ông không biết phải làm thế nào để giúp cho họ có được một cuộc sống tốt nhất có thể. Thế nhưng cũng bắt đầu từ đó, ông đã quyết tâm chúc phúc cho mối tình ấy và xem những ngày này như là những ngày tuyệt vời nhất trong cả cuộc đời làm quản lý bệnh viện của mình.
Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng khi Michael, một bệnh nhân phải di chuyển bằng xe lăn và sống nhờ vào máy thở, đến trước cửa văn phòng của Harry.
“Harry, tôi muốn kết hôn”, Michael dỏng dạc nói.
“Kết hôn ư?”, Harry vô cùng ngạc nhiên và băn khoăn nghĩ bụng liệu đây có phải là chuyện nghiêm túc hay không. Ông vội hỏi: “Với ai?”.
“Tôi sẽ kết hôn với Juana”, Michael nói. “Chúng tôi yêu nhau thật lòng”.
Harry cảm thấy bất ngờ đến không thể nói nên lời. Yêu à? Vậy là mũi tên của thần tình ái đã tìm được đích đến tại bệnh viện phục hồi chức năng này. Nó đã xuyên qua hai cơ thể gần như bất lực trước bệnh tật và làm rung động con tim của họ - bất chấp một sự thật đau lòng là cả chàng trai và cô gái đều không thể tự ăn uống và thay quần áo, phải thở bằng máy thở và gần như chắc chắn là không bao giờ đi lại được nữa vì Michael bị teo cơ cột sống còn Juana thì bị đa xơ cứng.
Như đoán được sự nghi ngại của Harry, Michael đưa cho ông xem cặp nhẫn cưới như một minh chứng cho quyết định nghiêm túc của mình với một thái độ rạng rỡ chưa từng có từ nhiều năm nay. Sự thật là các nhân viên ở đây đang tiếp xúc với một Michael ngọt ngào và tử tế hơn bao giờ hết từ khi anh tìm thấy tình yêu của mình - một hình ảnh hoàn toàn khác hẳn so với một Michael bẳn gắt, dễ cáu giận mà họ từng biết trước đây.
Tuy nhiên, không một bác sĩ hay điều dưỡng nào dám phiền trách tính cách khó chịu đó của Michael khi họ biết được hoàn cảnh đáng thương mà anh phải trải qua. Do bị dị tật ở chân từ thuở mới lọt lòng nên Michael đã bị cha mẹ bỏ rơi. Anh lớn lên ở trại trẻ mồ côi, sống nhờ vào tấm lòng của các nhà hảo tâm. Nhưng số phận vẫn chưa buông tha anh. Michael thường xuyên bị các cơn đau tim hành hạ, có thể do cơ thể anh quá yếu khi mới sinh. Những năm sau đó, Michael gần như phải sống hẳn trong một trung tâm y tế từ thiện. Dần dần, chứng bệnh quái ác và sự cô độc đã biến anh thành một người luôn bi quan trước cuộc đời.
Khi còn ở trung tâm y tế ấy, Michael rất thân với Betty Vogle, một tình nguyện viên 70 tuổi. Anh xem bà như người mẹ của mình, người đã cho anh cảm thấy mình được yêu thương, được quan tâm.
Tại trung tâm, có lần Michael đã gặp một cô gái cũng phải ngồi xe lăn mà anh rất ấn tượng. Đó là một cô gái dịu dàng, có giọng nói nhỏ nhẹ và đôi mắt xanh thẳm. Khi Michael có ý định làm quen với cô ấy thì anh được biết cô đã chuyển đến nơi khác, cô chỉ đến trung tâm của anh vỏn vẹn có một ngày - một khoảng thời gian quá ngắn để có thể bắt đầu nhen nhóm một mối quan hệ.
Không lâu sau, trung tâm đóng cửa, và Michael được chuyển đến bệnh viện phục hồi chức năng này. Anh phải xa những người bạn cùng phòng quen thuộc, và tệ hơn nữa là xa Betty - người mẹ tinh thần của mình.
Từ đó, cuộc đời của Michael bước sang những chuỗi ngày dài u ám. Cảm giác cô đơn, trống trải tại nơi ở mới đã khiến Michael trở thành một người sống ẩn dật. Anh luôn giam mình trong phòng và không bao giờ bật đèn bất kể trời sáng hay tối. Biết tin, bà Betty đã quyết định đi xe hơn hai giờ đồng hò để đến thăm anh. Thế nhưng, Michael vẫn không cảm thấy khá hơn, mà trái lại, tinh thần của anh ngày càng sa sút trầm trọng. Không một ai trong bệnh viện này có thể đến gần động viên, an ủi anh được.
Một ngày kia, khi đang nằm trong phòng thì Michael nghe một âm thanh cót két quen thuộc bên ngoài hành lang. Đó chính là âm thanh từ chiếc chiếc xe lăn của Juana - cô gái mà anh từng gặp khi còn ở trung tâm y tế.
Bất ngờ như một định mệnh thúc giục, Michael bật dậy, lăn xe như bay ra cửa. Khoảnh khắc mà ánh mắt anh dừng lại trên gương mặt của Juana dường như khiến cả trái đất ngừng vận động. Đó phải chăng chính là khoảnh khắc mà Thượng đế muốn mang đến để thay đổi hoàn toàn cuộc sống của anh? Juana đã thổi vào cuộc đời vốn u ám của Michael một luồng sinh khí mới.
Michael lại được ngắm nhìn những đám mây và bầu trời trong xanh. Cuộc sống lại trở nên tươi đẹp với nhiều niềm vui mới. Anh bắt đầu tham gia vào các chương trình giải trí của bệnh viện cũng như chuyện trò với mọi người nhiều hơn. Căn phòng u ám của anh thuở nào giờ lại luôn sáng đèn và ngập tràn ánh nắng. Thời gian trôi qua, tình cảm giữa Michael và Juana ngày càng sâu đậm. Những nỗi đau thể chất không còn là rào cản khi hai con người bất hạnh đã tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn. Và chàng trai không thể đợi chờ lâu hơn nữa để thực hiện ước mong lớn nhất đời mình, đó là cầu hôn Juana, một bệnh nhân đã sống trên xe lăn từ năm mười bốn tuổi.
Từ thuở bé, Juana đã gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Việc học trở nên vô cùng khó khăn với cô khi cô không đủ sức để ngồi học được quá một tiếng đồng hồ. Thấy kết quả trên lớp của con mình, thay vì tìm hiểu và chữa trị, cha cô - một người đàn ông nghiêm khắc và hung dữ - đã thường xuyên đánh đập cô. Đó là lý do cô luôn phải sống trong tâm trạng sợ hãi là một ngày nào đó, đến mẹ cũng sẽ không cần cô nữa. Vì vậy, vào những lúc sức khỏe tương đối tốt, cô gái tội nghiệp đã cố sức làm mọi việc trong nhà “như một đầy tớ gái”.
Năm mười ba tuổi, cô phải trải qua một cuộc phẫu thuật mở khí quản mới có thể thở được. Cũng chính lần vào viện đó, các bác sĩ chẩn đoán cô bị chứng đa xơ cứng. Một năm sau đó, Juana phải ngồi xe lăn và phải thường xuyên vào viện để chữa trị. Một năm trước đây, Juana đã được chuyển đến điều trị nội trú tại bệnh viện này.
Hiểu rõ bệnh tật của mình nên khi Michael ngỏ lời cầu hôn, cô đã không tránh khỏi lo lắng, cô gái lần đầu tiên biết được tình yêu đó đã hoang mang với ý nghĩ là làm sao cô có thể vực dậy từ nỗi đau khổ nếu đó chỉ là trò đùa quái ác của Michael.
“Michael bảo rằng anh ấy yêu tôi, và tôi rất sợ”, Juana nói. “Lúc đó, tôi nghĩ rằng anh ấy chỉ đang đùa giỡn với tình cảm của mình. Nhưng khi nhìn vào mắt anh ấy, tôi thấy được ở đó sự chân thành”.
Cuối cùng thì Juana cũng nhận lời và hôn lễ được họ dự tính tổ chức vào đúng ngày Lễ Tình nhân. Hôm ấy, trông Juana thật xinh đẹp trong chiếc áo cưới bằng satanh trắng, được điểm xuyết bằng những hạt ngọc trai và thân váy xòe đủ rộng để phủ quanh chiếc xe lăn và máy thở của cô. Viên quản lý Harry, rất tự hào trong vai trò là người chủ hôn, đã đưa Juana vào phòng sinh hoạt chung của bệnh viện, nơi trở thành một thánh đường nho nhỏ với một vị cha xứ được mời đến làm lễ. Dù là ngày vui nhưng gương mặt Juana đẫm lệ - những giọt lệ của niềm hạnh phúc vô bờ.
Chú rể Michael thì tươi tắn trong chiếc áo sơ mi trắng, khoác áo choàng đen và thắt một chiếc nơ rất vừa vặn để giấu đi vết mổ ngay khí quản của mình. Không khác gì Juana, anh rạng rỡ trong niềm vui sướng dâng trào.
Những điều dưỡng viên đứng đầy kín những ô cửa; bệnh nhân thì đầy phòng; còn các nhân viên trong bệnh viện thì đứng chật ních các hành lang. Tất cả đều tập họp lại để chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng nhất - một kết thúc có hậu của một tình yêu diệu kỳ. Đó quả là một điều kỳ diệu vì trong lịch sử của bệnh viện xưa nay chưa từng có một đám cưới nào như thế.
Hôn lễ không chỉ là niềm hạnh phúc của riêng đôi tình nhân mà còn là niềm vui chung của tất cả mọi người trong bệnh viện. Janet Yamaguchi, trưởng bộ phận giải trí của bệnh viện, đã sắp đặt cẩn thận mọi thứ. Các nhân viên góp tiền lại mua bong bóng trắng và đỏ, chọn những đóa hoa cùng màu, và chuẩn bị một lối đi đầy lá rất lãng mạn. Bên cạnh đó, Janet còn nhờ đầu bếp của bệnh viện làm một chiếc bánh cưới ba tầng có vị chanh.
Buổi lễ diễn ra rất suôn sẻ. Janet đã dùng một sợi dây satanh trắng cột hai chiếc xe lăn của đôi tình nhân lại với nhau như để lưu dấu mãi mãi khoảnh khắc lãng mạn ấy.
Sau buổi lễ, vị cha xứ đã xúc động phát biểu: “Tôi đã cử hành hàng nghìn lễ cưới, nhưng đây mới là lễ cưới tuyệt vời nhất đối với tôi. Cả hai đã vượt qua được những rào cản tưởng chừng không gì phá vỡ nổi để đến với nhau. Tình yêu của họ thật đẹp và thật thuần khiết”.


Mình Trâm dịch Theo Where Love Lands
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 20 Sep 2022

Ca khúc “Love me tender”


Trời đang mưa. Dĩ nhiên. Sao thời tiết lại có thể khác đi vào cái ngày tồi tệ nhất trong đời tôi kia chứ?
Thiếu nữ mười tám tuổi Libby Dalton nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ, khuỷu tay tựa xuống bàn, hai tay chống cằm. Những chồng thùng phản chiếu những hình ảnh rời rạc ma quái trên tường nhà mỗi khi ánh chớp lóe lên, xuyên qua màn mưa không ngừng đập vào khung cửa sổ.
Trong vòng một tiếng nữa, họ sẽ dọn khỏi nhà và rời xa gia đình để đến sống ở một nơi hoang vắng là Levittown, New York.
Phải chăng mới chỉ một tháng trước đây, Johnny đã lao vào nhà để báo một tin tuyệt vời… về một chỗ làm, một cơ hội để thoát khỏi Milford và có được điều anh thật sự mong muốn? Sao cô có thể nói với anh rằng cô không thể rời xa gia đình - mái nhà - cuộc sống của mình?
Họ - một cô gái tóc vàng mắt xanh - đội trưởng đội cổ động và một chàng cầu thủ bóng bầu dục điển trai là một đôi yêu nhau trong suốt những năm trung học. Họ được bầu chọn danh hiệu Vua và Nữ hoàng trong lễ họp mặt sinh viên vào năm cuối trung học, được xuất hiện trên cuốn kỷ yếu với danh hiệu Cặp Đôi Đáng Yêu Nhất Của Trường Trung Học Milford.
Đó là những năm năm mươi, cuộc sống tại các thị trấn nhỏ của nước Mỹ rất dễ chịu. Lúc đó Elvis Presley là ông hoàng thể loại nhạc Rock & Roll, và ca khúc thành công “Love Me Tender” của anh vừa được phát sóng. Tại buổi khiêu vũ của học sinh năm cuối, cặp đôi đẹp nhất trường Milford đắm mình trong vòng tay của nhau và dập dìu khiêu vũ trong lúc ban nhạc chơi bài tú của họ. Giọng ca trầm ấm của Johnny ngân nga lời bài hát bên tai Libby, và trái tim cô như tan chảy.
Mẹ cô đã dặn: “Hãy cẩn thận, con biết điều gì sẽ xảy ra với những cô gái không biết giữ gìn rồi đấy”.
Libby không hề muốn trở thành một trong số những cô gái bị mang ra bàn tán trong phòng thay quần áo. Họ sẽ đợi.
Nhưng trong đêm tốt nghiệp, họ không nói với ai một tiếng nào cả mà cứ thế chạy qua ranh giới bang và đến trước một cha xứ. Họ không thể đợi lâu hơn nữa.
Trong vòng tay của người chồng mới cưới, Libby hãnh diện khoe chiếc nhẫn cưới cho cha mẹ xem. Họ sửng sốt nhìn đứa con gái rượu của mình - học bỗng bóng bầu dục, tấm bằng đại học, chiếc váy cưới dài trắng tinh khôi và khăn che mặt - tan biến như bong bóng xà phòng.
“Con có mang à?”. Mẹ cô kéo con gái ra một bên hỏi khẽ.
“Không có đâu mẹ!”. Libby quả quyết, cảm thấy bị xúc phạm vì điều phỏng đoán đó.
Thời gian đầu quả thật rất thú vị dù họ cùng sống trong căn hộ bé tí, nơi họ luôn cảm thấy muốn ở bên nhau nhiều hơn nữa. Johnny làm thợ máy tại trạm sửa xe Buckner cả ngày, ban đêm anh còn học một lớp kỹ thuật để sau này trở thành thợ điện. Libby phục vụ bàn tại một quán ăn nơi họ sống, cảm giác mới mẻ ban đầu nhanh chóng phai nhạt, và khi hai người cứ va phải nhau trong căn hộ nhỏ bé chỉ có hai phòng, thì họ mơ đến việc dành dụm để mua được một căn nhà cho riêng mình.
Lúc này, một năm sau ngày cưới, Libby đang có thai năm tháng. Ngày nào cô cũng thấy khó ở và buộc phải nghỉ làm. Các bạn thời phổ thòng thôi không còn gọi cho vợ chồng họ nữa khi biết hai anh chị không còn tiền để khiêu vũ và xem phim. Khi những hy vọng và dự định cho tương lai chỉ còn là sự thất vọng trống trải trong cuộc sống qua ngày thì những trận cãi vã thường xuyên giữa họ thay thế cho những lời nói yêu thương trước kia. Libby sống mỗi ngày, và gần đây là mỗi đêm, trơ trọi trong căn nhà bé nhỏ, cô còn nghi ngờ John đang “quan hệ lăng nhăng bên ngoài”. Có ai lại đi làm vào mỗi đêm như vậy chứ.
Sau một lần mỏi mệt vì ốm nghén, Libby liếc nhìn mình trong gương. Cô thấy thân hình mình sao mà sồ sề còn tóc tai thì rối bù.
Thế này thì ai có thể trách sao Johnny lại tìm kiếm những mối quan hệ bên ngoài? Ở đây anh ấy có cái gì? Một đứa bé sắp chào đời, một cô vợ béo ú, xấu xí và không có một xu nào cả.
Mẹ cô lo cuống lên vì khuôn mặt xanh xao và những quầng thâm dưới mắt của con gái. Mẹ cô bảo: “Con phải chăm sóc cho bản thân, Libby à. Hãy nghĩ đến chồng của con, nghĩ đến đứa bé”.
Đó cũng chính là những gì Libby luôn nghĩ đến - đứa bé… hình hài chưa rõ rệt bên trong cơ thể cô, đang làm hỏng vóc dáng của cô và khiến cô đau yếu liên miên.
Rồi đến một ngày nọ, Johnny báo với cô về công việc mới của anh ở Levittown.
Anh nói, cặp mắt sáng ngời: “Chúng ta sẽ chuyển đến sống trong một căn nhà của công ty. Nhà nhỏ thôi, nhưng vẫn tốt hơn cái ổ chuột này”.
Cô gật đầu và chớp mắt thật nhanh để Johnny không thể nhìn thấy cô đang khóc. Cô không thể nào rời khỏi Milford được.
Trong ngày hôm nay sẽ không có ai đến nói lời tạm biệt… Việc đó đã diễn ra vào bửa tiệc chia tay tối hôm trước rồi. Trong khi Johnny kéo cái thùng cuối cùng ra ngoài thì cô đi dạo quanh ngôi nhà đầu tiên của mình một lần cuối, tiếng chân của cô vọng lại trên nền gỗ trơ trụi. Mùi dầu đánh bóng đồ đạc và mùi sáp vẫn còn phảng phất đâu đó. Căn phòng bỗng nhiên tràn ngập tiếng cười nói khe khẻ khi cô nhớ lại đêm đầu tiên họ đánh bóng sàn nhà, cười khúc khích, xô đẩy nhau và thỉnh thoảng dừng lại giữa chừng để bày tỏ tình yêu. Hai căn phòng lộn xộn, giờ đây trở nên lạnh lẽo và trống trải. Thật nực cười là chúng bị biến thành những hình khối vô cảm nhanh đến thế, cứ như thể chưa từng có ai sống và yêu nhau ở đó vậy. Cô đóng sập cánh cửa một lần cuối và vội vã đi ra chỗ xe tải.
Lúc họ lái xe đi, thời tiết mỗi lúc một xấu, cũng giống như tâm trạng của cô vậy.
Johnny nói: “Đó là một công ty lớn, công ty Levitton chuyên sản xuất các linh kiện điện tử… một cơ hội để thăng tiến…”.
Cô gật đầu cho qua chuyện rồi lại đăm chiêu nhìn ra ngoài cứa sổ. Sau cùng, anh thôi không cố gắng chuyện trò với cô nữa. Họ lái xe đi trong yên lặng, sự yên lặng chỉ bị gián đoạn bởi tiếng cót két của cái cần gạt nước.
Khi họ đến ngoại ở Levittown, trời hết mưa và mặt trời bắt đầu chiếu những tia nắng ấm áp.
Ngước nhìn bầu trời, Johnny nói: “Dấu hiệu tốt đây”.
Cô khẽ gật đầu.
Sau khi đi nhầm mấy chỗ rẽ, họ cũng tìm đến được căn nhà mới của mình. Libby nhìn chăm chăm vào cái thùng bé tí nằm ngổn ngang giữa mấy cái thùng giống hệt nhau, như những ngôi nhà Monopoly xếp thành hàng dài trên đại lộ Oriental trong trò chơi cờ Tỷ Phú.
“Bao giờ em mới chịu cười trở lại hả Lib?”.
Cô leo xuống khỏi cabin xe và tự trách mình. Hãy trưởng thành lên, Libby. Ngươi có nghĩ rằng mọi việc đang dễ dàng hơn đối với anh ấy không?
Cô muốn nói lời xin lỗi, nhưng những giọt nước mắt chực sẵn đã tuôn ra và cô vội quay đi. Chẳng nói thêm với nhau lời nào, họ cứ thế mang các thùng đồ vào trong nhà và đặt chúng xuống bất cứ nơi nào còn trống.
Johnny nói: “Em hãy ngồi xuống và nghỉ ngơi đi Lib. Anh sẽ lấy đồ đạc xuống”. Cô ngồi lên một cái thùng và nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ. Chí ít thì trời cũng đã hết mưa.
Có tiếng gõ cửa làm gián đoạn suy nghĩ của cô. Cô mở cửa và trông thấy một cô gái trạc tuổi mình, cô ấy cũng đang có mang, cô mang theo một đĩa nhỏ bánh quy. Cô nói: “Chào mừng bạn đến khu này. Mình tên là Susan, nhưng mọi người thường gọi mình là Souie”.
Họ ngồi trên mấy thùng đồ, ăn bánh quy và chuyện trò về tình trạng thai nghén, chứng ốm nghén và những cơn đau lưng.
Souie sẽ sinh sau hai tháng nữa. Còn Libby thì sẽ sinh sau bốn tháng nữa.
Souie nói: “Ngày mai nếu chị muốn, tôi có thể đến giúp chị sắp xếp đồ đạc. Thật vui vì có người cùng trò chuyện”.
Libby nghĩ: “Cảm ơn Chúa”.
Sau khi Souie về, Libby nhìn quanh phòng với cái nhìn mới. Có lẽ cần vài cái rèm cửa màu xanh trong nhà bếp…
Bỗng cánh cửa mở toang. Johnny chạy vào. Anh vội vả lục lọi đống đồ đạc và lôi ra một cái máy thu thanh nho nhỏ, cắm nó vào ổ điện trên tường. “Bài hát kỷ niệm của họ” với giọng ca của Elvis bỗng vang lên trong nhà bếp.
Họ nghe thấy giọng DJ xen lẫn trong tiếng nhạc: “… và lời yêu cầu này là của một đôi bạn mới đến thành phố. Chúc mừng John và Libby Dalton nhân kỷ niệm ngày thành hôn của hai bạn”.
Johnny nhớ ngày cưới của họ. Nhưng cô thì quên. Nước mắt cô ràn rụa. Bức tường của sự im lặng và than thân trách phận mà cô dựng nên trước đây giờ đã gãy vụn.
Anh kéo cô về phía anh và cô nghe tiếng hát êm dịu, ngọt ngào của anh bên tai.
Họ cùng nhau khiêu vũ ở khoảng giữa các thùng các-tông còn chưa tháo ra. Họ ôm chặt lấy nhau như lần đầu tiên vừa tìm thấy tình yêu. Ánh nắng xuyên qua ở cửa sổ của ngôi nhà mới. Và khi cảm nhận được niềm vui thú đầu tiên của cuộc sống mới, Libby Dalton mới hiểu được ý nghĩa của tình yêu.


Đan Chi dịch Theo Chicken Soup for Couple's Soul
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 20 Sep 2022

Những ngày thứ tư


Nàng là vợ, là người yêu và là người bạn tốt nhất của tôi.
Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã kéo dài và phát triển trong suốt hơn mười bốn năm. Tôi có thể nói một cách chân thành rằng trải qua khoảng thời gian bên nhau, tình yêu của tôi dành cho Patricia không hề suy giảm một chút nào. Mà thực ra, mỗi ngày trôi qua, tôi lại càng thấy mình mê mẩn vì vẻ đẹp của nàng hơn. Những khoảnh khắc tươi đẹp nhất trong đời tôi là khi chúng tôi ở bên nhau, dù chỉ ngồi yên lặng xem truyền hình hay cùng thưởng thức một trận bóng bầu dục của đội San Diego Chargers.
Không hề có một bí mật nào giúp cuộc hôn nhân của chúng tôi bền vững trong khi nhiều cuộc hôn nhân khác lại đổ vỡ. Tôi không thể đưa ra một công thức thành công nào ngoại trừ một điều tôi muốn chia sẻ: điều quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa chúng tôi là chúng tôi không để mất đi sự lãng mạn thăng hoa của ngày đầu gặp gỡ. Thường thì hôn nhân giết chết sự lãng mạn được nảy nở trong thời gian đầu tìm hiểu. Đối với tôi, tôi luôn cảm thấy như mình vẫn đang chinh phục Patricia, và chính vì thế sự lãng mạn chưa bao giờ mất đi.
Lãng mạn không phải là điều có thể học hay bắt chước được. Một người chỉ có thể trở nên lãng mạn thông qua một người khác. Patricia, người vợ trong suốt mười bốn năm qua của tôi, đã luôn khơi dậy sự lãng mạn trong tôi. Tôi lãng mạn là nhờ nàng. Patricia luôn khơi gợi được những điều tốt đẹp nhất trong tôi. Những việc làm lãng mạn của chúng tôi nhiều đến nỗi không thể kể hết. Tuy nhiên, có một khúc dạo đầu đặc biệt lãng mạn mà tôi đã bắt đầu thực hiện từ hơn mười lăm năm về trước.
Trước khi kết hôn, tôi và Patricia không thể gặp nhau vào những ngày trong tuần một cách thường xuyên như chúng tôi muốn. Những ngày cuối tuần luôn trôi qua quá nhanh, còn những ngày trong tuần lại dài lê thê bất tận. Tôi quyết định phải làm điều gì đó để những ngày trong tuần trôi qua nhanh hơn, hay ít ra cũng làm cho chúng tôi có một cái gì đó để trông đợi trong tuần.
Và thế là bắt đầu từ một ngày thứ Tư mười lăm năm về trước, tôi mua một tấm thiệp tặng Patricia. Không vì một dịp đặc biệt nào cả. Tấm thiệp chỉ là một cách thể hiện tôi yêu Patricia mãnh liệt biết bao và luôn nghĩ tới nàng nhiều như thế nào. Tôi chọn ngày thứ Tư không vì một lý do đặc biệt nào khác mà chỉ vì đó là ngày giữa tuần.
Từ hôm ấy, tôi chưa từng bỏ sót một thứ Tư nào. Patricia luôn nhận được một tấm thiệp vào mỗi thứ Tư, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm.
Hành động mua thiệp mỗi tuần không phải một việc làm theo thói quen. Mỗi tuần tôi lại có một sứ mệnh lãng mạn là tìm ra một tấm thiệp thích hợp. Đôi khi tôi phải đi tìm kiếm khắp các tiệm bán thiệp mới tìm được một tấm thiệp thật vừa ý. Mọi người thường thấy tôi đứng khá lâu trước các hàng thiệp, đọc hàng chục tấm thiệp khác nhau trước khi tìm được tấm thiệp ưng ý. Hình ảnh và lời chúc trong thiệp phải có một ý nghĩa riêng biệt đối với tôi và bằng cách nào đó, nó phải gợi nhớ đến Patricia, đến cuộc sống mà chúng tôi chia sẻ cùng nhau. Tấm thiệp phải đánh thức cảm xúc trong tôi. Tôi biết nếu tấm thiệp nào có thể khiến tôi rưng rưng hạnh phúc thì đó chính là tấm thiệp tôi cần tìm.
Mỗi sáng thứ Tư, Patricia lại thức giấc và tìm kiếm tấm thiệp của mình. Dù biết chắc rằng mình sẽ nhận được thiệp, nhưng nàng vẫn hồi hộp khi xé phong bì để đọc nội dung bên trong. Còn tôi vẫn cảm thấy hồi hộp mỗi khi tặng thiệp cho nàng.
Dưới chân giường của chúng tôi có một chiếc rương bằng đồng chứa đầy những tấm thiệp mà Patricia nhận được trong suốt hơn mười lăm năm qua, hàng trăm tấm thiệp, tấm nào cũng đầy ắp thương yêu. Tôi chỉ mong sao cuộc sống lứa đôi của chúng tôi sẽ kéo dài để tôi có thể làm đầy mười cái rương bằng đồng với những thông điệp hàng tuần về tình yêu, sự yêu thương và trên tất cả đó là sự cảm kích về niềm vui mà Patricia đã mang đến cho cuộc đời tôi.


Trúc Linh dịch Theo Chicken Soup for Couple’s Soul
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 20 Sep 2022

Những món quà tự làm


Chúng tôi cưới nhau vào năm 1966 tại Welch, Tây Virginia khi tôi chỉ mới mười sáu và chồng tôi chỉ mới mười bảy tuổi. Khi đó tìm việc làm trong thị trấn nhỏ này là việc hết sức khó khăn. Sau hai tháng cưới nhau, chồng tôi đọc được thông báo tuyển dụng của hãng xe buýt ở Roanoke, Virginia. Thế là anh ấy lái xe suốt một trăm dặm đến đó để xin việc. Tuần tiếp theo họ liên hệ lại và thông báo là anh đã được nhận vào làm thợ máy tập sự. Đó là một cơ hội lớn với chúng tôi, nhưng tôi cũng rất buồn khỉ phải chuyển nhà đến Roanoke, một nơi hoàn toàn xa lạ. Vợ chồng tôi tìm được một căn hộ nhỏ có đầy đủ đồ nội thất, và tôi cũng may mắn tìm được một chân thư ký kinh doanh toàn thời gian ở Woolworth, còn chồng tôi phải làm ca cố định từ nửa đêm đến tám giờ sáng. Tức là mỗi sáng khi anh trở về nhà, thì tôi lại đang chuẩn bị rời nhà đi làm.
Lễ Tình nhân của năm đầu tiên chung sống đó chúng tôi có ít tiền lắm, nên hai vợ chồng chẳng thể mua cho nhau một món quà nào, ngay cả một tấm thiệp.
Đêm trước ngày lễ Tình nhân, sau khi anh đi làm, tôi cứ trằn trọc mãi, không sao ngủ được. Thế là tôi quyết định thức dậy và làm tặng anh một tấm thiệp bằng giấy tập. Tôi vắt óc suy nghĩ, và quyết định viết tặng anh một bài thơ. Khi trao nó cho anh, trong lòng thầm mong là anh sẽ không phá lên cười vì sự ngô nghê của mình. Tôi nín thở, quan sát anh mở nó ra và bắt đầu đọc.

Em không có nhiều tiền
Để mua một tấm thiệp thật đẹp.
Nhưng những điều mà chúng ta đang có
Quý hơn tất thảy mọi thứ xa hoa.
Mình có nhau là điều tuyệt nhất,
Hãy mở ra, đọc tiếp mà xem.


Bên trong, tôi tô một trái tim đỏ thật lớn kèm dòng chữ “Em yêu anh”. Khi đọc xong tấm thiệp, anh chậm rải ngẩng đầu lên nhìn tôi, không phá lên cười như tôi lo sợ, mà chỉ mỉm cười dịu dàng.
Rồi anh nhìn vào mắt tôi, đặt vào tay tôi một thứ. Đó là một trái tim làm bằng giấy bạc mà anh đã dành cả giờ ăn trưa để hoàn thành. Và anh cũng ngại khi trao nó cho tôi, sợ tôi cho đó là điều ngớ ngẩn và cười cợt anh.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn cất trái tim đó trong ngăn bàn. Theo năm tháng, chúng tôi đã khấm khá lên và có thể mua cho nhau những món quà đẹp, đắt tiền nhân ngày lễ Tình nhân. Nhưng không món quà nào có giá trị bằng những món quà chúng tôi tự tay làm cho nhau với cả tấm lòng trong những năm đầu gian khó.


Thương Thương dịch Theo Chicken Soup for the Soul
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 20 Sep 2022

Bức thư giảng hòa


Có đôi vợ chồng cưới nhau được khá lâu, và như nhiều cặp vợ chồng khác, họ cũng trải qua những sóng gió trong cuộc sống hôn nhân của mình. Một ngày kia, sau trận cải nhau kịch liệt, mối quan hệ giữa hai vợ chồng trở nên vô cùng căng thẳng. Họ giận dữ và thất vọng về nhau.
Sau một tuần lễ chẳng ai nói với ai lời nào, người chồng cầm một mảnh giấy và một cây bút, yêu cầu cả hai bình tĩnh ngồi vào bàn, viết ra những gì không hài lòng về nhau rồi đưa cho nhau đọc. Cô vợ không thèm nhìn chồng, giật ngay mảnh giấy và cắm cúi viết hết dòng này sang dòng khác. Bao nhiêu bực dọc, giận dỗi, cô trút hết vào ngòi bút. Người chồng thì ngược lại, cứ cúi đầu trầm tư suy nghĩ một lúc lâu rồi mới bắt đầu đặt bút viết. Khoảng 15 phút sau, khi đã viết xong, họ trao cho nhau mảnh giấy của mỗi người. Mảnh giấy của người vợ đầy áp những lời phàn nàn, kể tội người chồng của mình. Cô cảm thấy mình đau khổ biết bao khi cuộc sống hôn nhân không hề lý tưởng như cô vẫn hằng tưởng tượng. Cầm tờ giấy từ tay chồng, cô từ từ mở mảnh giấy ra, chán nản khi nghĩ rằng hẳn nó cũng dày đặc chữ về những nỗi thất vọng mà chồng cô cảm thấy. Thế nhưng những gì cô trông thấy khiến cô rơi nước mắt, không phải giọt nước mắt buồn khổ, mà là giọt nước mắt của hạnh phúc. Trên mảnh giấy của chồng cô chỉ có một dòng chữ ngắn gọn: “Anh mãi yêu em”.


Cẩm Giang dịch Theo Inspirations
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 20 Sep 2022

Mùa đông và mùa xuân


Cuối cùng, trời cũng sang xuân. Một mùa đông lạnh giá dài lê thê rồi cũng chấm dứt. Dọc theo những con đường, từng đám tuyết đang dần tan chảy như nhắc nhở chúng tôi về những tháng mùa đông lạnh lẽo đã qua. Những mảng tuyết tan dần để lộ ra một khung cảnh thật trần trụi với những bụi cỏ dại đã ngả màu nâu đen. Đây đó rải rác những mảnh rác đã từng bị tuyết che phủ. Mùa xuân chưa có được dáng vẻ của một sự khởi đầu…
Judi đang mang thai đứa con đầu lòng và tôi, một người cha, không thể gọi tên cảm xúc của mình trước sự kiện đó. Chúng tôi sống trong một căn hộ nhỏ ở vùng núi Clemens, bang Michigan. Khi đó là năm 1964, một năm ghi dấu trong lịch sử bởi một mùa đông quá dài và lạnh lẽo. Chúng tôi mới cưới nhau được gần một năm - một quảng thời gian không quá ngắn để mọi cảm xúc vẫn còn dạt dào, vẹn nguyên như thuở ban đầu, và cũng không quá dài để tôi có thể quen với việc chấp nhận cô ấy như một phần cuộc sống của mình.
Hai vợ chồng tôi chỉ có một chiếc xe hơi, đó cũng là xe tôi lái đi làm. Công việc của tôi rất bận bịu, luôn phải đi sớm về muộn, gặp gỡ mọi người để chào hàng, rồi thuyết phục họ mua hàng… Nói chung là so với lúc còn độc thân, cuộc sống của tôi không thay đổi là mấy, chỉ khác là mỗi tối tôi về nhà, luôn có Judi đợi cơm. Cô ấy không đi làm, nên suốt ngày thui thủi ở nhà một mình. Sau khi cưới nhau, chúng tôi mới dọn đến vùng này nên vợ chồng tôi cũng không quen nhiều người. Thế là mọi việc trong thời gian mang thai, một mình Judi phải lo lấy.
Mùa đông như dài hơn khi chúng tôi không có tiền và không đủ điều kiện đi nghỉ như mọi người. Không có những chuyến đi mua sắm, những lần xem phim, những lần đi chơi buổi tối. Cuộc sống tẻ nhạt khiến tôi buồn chán vô cùng. Ngay cả khi mùa xuân đến cũng không giúp ích được gì. Bầu trời u ám vẫn tiếp tục trĩu nặng, nhiệt độ vẫn chưa ấm áp được mấy.
Sáng thứ Sáu hôm ấy, chúng tôi nhìn thấy ánh nắng đầu tiên. Điều này khiến lòng tôi hào hứng hơn một chút. Khi bước ra xe đi làm, tôi cố nói mông lung với Judi rằng nếu như công việc tốt đẹp, và tôi có thể về sớm được, thì chúng tôi sẽ lái xe đến khu Charlevoix ăn tối.
“Ồ, vậy hả anh?”. Giọng nói của vợ tôi rộn ràng hẳn lên, nhưng tôi thì vô tình không nhận ra.
Đến 11 giờ rưỡi trưa tôi đã xong việc. Công việc thành công ngoài dự kiến mang lại cho tôi một khoản lợi nhuận không nhỏ. Và khi Larry - người bạn vẫn thường đi câu cá cùng tôi - bảo rằng có một đàn cá pecca đang bơi ngang sông, tôi chợt nổi hứng, hẹn sẽ cùng đi câu với cậu ấy ngay khi quay về nhà lấy dụng cụ. Tôi không cố ý sai hẹn với Judi nhưng thật sự tôi đã bỏ quên cô ấy. Lời hẹn bâng quơ sáng hôm nay đã hoàn toàn biến mất trong đầu tôi. Vừa về đến nhà, tôi hào hứng reo lên “Chào em, anh về rồi đây”, rồi vội vàng lên phòng thay bộ quần áo đi câu.
“Anh định đi đâu thế?”. Judi hỏi tôi, nhưng không có vẻ thách thức mà nghe như một lời cầu xin, nhưng tôi nào để ý đến.
“Anh đi câu với Larry, có một đàn cá pecca đang bơi trên sông Clinton”.
Lúc ấy, tôi không nhận ra rằng từ lúc vào nhà, tôi vẫn chưa nhìn Judi. Vì thế, tôi không trông thấy cô ấy đã chải kiểu tóc mới, đã mặc bộ đầm bầu đẹp nhất của mình.
“Ôi”, cô ấy lên tiếng. Tiếng “ôi” chứa cả cơn đau và sự thất vọng, nhưng vì đang loay hoay với bao thứ đồ câu của mình, tôi đã không nghe thấy.
“Em có thể pha giùm anh một bình thủy trà và lấy cho anh vài lát bánh mì được không?”
“Được, anh ạ”, cô ấy đáp. “Anh định đi bao lâu?”. Có một sự mong mỏi nào đó trong lời nói của cô ấy, nhưng tôi đã không nhận ra.
“Ồ, có lẽ phải đến tối, còn tùy thuộc vào tiết trời nữa”, cô ấy đứng ngay sau cánh cửa khi tôi lướt ngang qua với một tay cầm cần câu, tay kia cầm lấy bữa ăn trưa mà cô ấy đã chuẩn bị cho mình.
“Anh đi vui vẻ nhé”, cô ấy nói. Ngay cả khi lời nói ấy nghe thật trìu mến vẫn có một chút niềm đau bên trong. Nhưng một người vô tâm như tôi thì không thể nhận ra được.
Tôi để cần câu lên thùng xe và bữa ăn trưa trên ghế ngồi. Tôi nổ máy và quay đầu xe, nhưng có điều gì đang giằng xé trong tôi. Tôi kiểm tra lại những thứ cần mang theo. Tất cả đều hoàn hảo, nhưng tôi vẫn có linh cảm rằng mình đã bỏ quên một điều gì đó rất quan trọng. Lòng bồn chồn không yên, tôi bước ra khỏi xe, trở vào nhà để kiểm tra. Vợ tôi đứng ngay chỗ tôi vừa đi khỏi - ngay sau cánh cửa - từng giọt nước mắt to tròn cứ lăn dài trên má. Cô ấy không run lên, cũng không thổn thức mà chỉ đứng đấy, tay buông thõng, nước mắt chảy dài.
“Em yêu, chuyện gì vậy?”. Tôi ngạc nhiên hỏi vợ.
“Anh chẳng khi nào có thời gian ở bên em cả”.
Cô ấy không thét lên, cũng không lên giọng, chỉ là một lời nói đầy vẻ chịu đựng. Chính sự chịu đựng lặng thầm đã khiến tôi chợt cảm thấy mình như một kẻ tội đồ. Mọi niềm háo hức đi câu tan biến. Lẽ nào tôi chỉ là một kẻ chỉ nghĩ đến bản thân? Một cảm giác hụt hẫng, trống vắng, và ân hận xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi chỉ còn biết đứng yên mà nhìn Judi. Sao trông nàng lẻ loi và đơn độc đến thế? Đó chính là người con gái tôi yêu, là người tôi đã chọn, đã từng tâm niệm rằng sẽ làm mọi thứ để nàng được hạnh phúc. Thế mà tôi đã chẳng làm gì. Tôi đã bỏ quên nàng bên lề cuộc đời của mình. Tôi chợt nhớ lại tất cả những câu nói của nàng từ lúc tôi đi làm về. Trong nỗi ân hận của tôi, từng lời dịu dàng ấy bỗng thành những mũi kim xoáy sâu vào tim tôi nhức buốt.
Chiều hôm ấy tôi cũng đi câu, nhưng không phải với Larry, mà với Judi. Lần đầu tiên kể từ ngày nàng mang thai tôi mới đưa nàng cùng đi chơi và đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng ở bên nàng cũng vui không kém khi đùa vui với bạn. Chúng tôi ngồi bên bờ sông, cầm tay nhau và nói chuyện. Judi chợt nắm lấy tay tôi, đặt lên bụng nàng và hỏi: “Anh có cảm thấy gì không?”.
“Ồ!”, tôi thốt lên vì ngạc nhiên khi cảm thấy một chuyển động nào đó trong bụng nàng.
“Con mình đang đạp đấy!”.
Đó là một cảm giác rất lạ. Tôi chợt cảm thấy một niềm tự hào mới mẻ dâng tràn trong lòng. Con tôi đó, chính tôi đã tạo ra nó, một mầm sống bé xíu nhưng mạnh mẽ đã biết quẫy đạp, và một ngày nào đó sẽ là một hình hài vẹn nguyên hiện hữu trong vòng tay của tôi. Nó đã khiến trong tôi xuất hiện một ý thức - ý thức về trách nhiệm của một người chồng, một người cha. Đêm đó, tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được. Lặng nhìn Judi đang nằm bên cạnh, tôi cảm thấy yêu thương nàng hơn bao giờ hết. Ngay cả lúc ngủ, vầng trán nàng vẫn nhíu lại với những suy nghĩ ngổn ngang. Từ ngày hôm nay trở đi, tôi sẽ trở thành một người khác - một người đàn ông ý thức được rằng mình đã có một gia đình và sẽ cố gắng gìn giữ nó. Mùa đông của sự bất mãn đã qua rồi. Mùa xuân đang mở ra trước mắt tôi với những hứa hẹn về một cuộc sống mới…


Phương Thảo dịch Theo Winter of Our Discontent
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 20 Sep 2022

Màu thời gian


Chiếc tủ gỗ đặt trong phòng ngủ chúng tôi có một ngăn nhỏ rất đặc biệt. Nó được xem như một bảo tàng tí hon, nơi lưu giữ những kỷ niệm riêng tư của vợ chồng tôi. Những bức ảnh khi còn nhỏ, những tấm thiệp mừng, chiếc mũ tôi đội khi tốt nghiệp đại học, những mảnh báo nhỏ… xếp gọn gàng cạnh nhau. Thậm chí một nhúm lông của những con thú cưng chúng tôi đã nuôi, hay tấm giấy gói hộp đựng nhẫn đính hôn của chúng tôi cũng được cất giữ. Nhưng quý hơn tất cả là tấm thiệp Giáng sinh đầu tiên mà tôi đã tặng anh.
Tấm thiệp in hình một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi bên nhau, người vợ âu yếm ngả đầu vào vai chồng. Chiếc lò sưởi vẫn còn đỏ lửa và dưới cây thông được trang hoàng rực rỡ có một chú mèo xám như con mèo Jessie nhà tôi đang cuộn mình, thư thái liếm những ngón chân. Ngoài khung cửa sổ, tuyết rơi trắng xóa. Khung cảnh ấy toát lên một cảm giác êm ả, thanh bình.
Chúng tôi cất tấm thiệp vào chiếc hộp kỷ niệm của gia đình. Những mùa Giáng sinh tiếp theo, tôi tìm mua tặng anh tấm thiệp khác, nhưng vẫn không thấy tấm thiệp nào có ý nghĩa hơn tấm thiệp ấy.
Vào đêm Giáng sinh năm sau, và những đêm Giáng sinh sau đó, chúng tôi lại ngồi bên nhau trong ánh sáng dìu dịu của những ngọn nến và những chiếc đèn nhấp nháy trên cây thông nhỏ, tôi lại trao anh tấm thiệp Giáng sinh năm nào. Anh vẫn nhớ và nâng niu tấm thiệp như một kỷ vật của tình yêu. Những lúc ấy, tôi cảm nhận được hạnh phúc dâng trào, một cảm giác được chia sẻ, tin yêu hòa với chất men tình yêu ngọt ngào lan tỏa trong tôi.
Hơn hai mươi năm đã trôi qua, mặc dù có đôi lần chuyển chỗ ở nhưng anh và tôi vẫn giữ thói quen như vậy mỗi dịp Giáng sinh về như một truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Cùng với thời gian, chúng tôi trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng anh và tôi luôn ở bên nhau. Dường như chúng tôi gắn bó và yêu thương nhau hơn qua những khó khăn ấy.
Mỗi khi ngắm nhìn tấm thiệp nhỏ bé ấy, những khoảnh khắc ngọt ngào thân thương lại hiện về với biết bao ý nghĩa thiêng liêng và trở thành nguồn sức mạnh to lớn động viên tinh thần chúng tôi. Cũng giống như màu tóc và làn da, màu sắc của tấm thiệp đã bạc dần theo năm tháng, nhưng chỉ có một điều không bao giờ phai nhạt, đó là tình yêu mà chúng tôi đã dành trọn cho nhau.


Hồng Nhung dịch Theo Internet
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 20 Sep 2022

Ánh sáng tình yêu


Tất cả hành khách trên chuyến xe buýt hôm ấy đều dành ánh nhìn ái ngại và đầy thương cảm cho vị khách vừa bước lên xe - một phụ nữ còn rất trẻ và duyên dáng nhung bất hạnh với đôi mắt mù lòa. Nắm chặt chiếc gậy trong tay, cô cẩn thận dò từng bước đi. Vừa trả tiền, cô vừa lần tìm vị trí chiếc ghế trống mà người tài xế đã hướng dẫn trước đó. Cô ngồi xuống, đặt chiếc cặp da trên đùi và để chiếc gậy tựa vào chân mình.
Đã một năm trôi qua từ khi Susan - cô gái ấy - bị mù chỉ vì những chẩn đoán sai của các bác sĩ. Được ngắm nhìn cuộc sống, thiên nhiên, và những người yêu quý quanh ta là diễm phúc lớn lao của mọi người, nhưng giờ đây Susan bị cướp đi niềm hạnh phúc ấy và đột ngột bị ném vào một thế giới mà ở đấy bóng tối, nỗi sợ hãi và sự tuyệt vọng tranh nhau ngự trị. Số phận đã biến cô từ một phụ nữ độc lập, mạnh mẽ thành một gánh nặng làm oằn đôi vai những người chung quanh. Dù có khóc cạn nước mắt, nguyền rủa số phận suốt ngày đêm hay cầu nguyện mỗi ngày thì Susan vẫn phải chấp nhận một sự thật đau lòng là cô sẽ mãi mãi sống trong tăm tối. Mỗi ngày của cô là một cuộc đấu tranh trong tuyệt vọng để vượt qua nỗi đau mù lòa. Giờ đây, cô biết quãng đời còn lại của mình chỉ có thể bám víu vào Mark - người chồng luôn kề bên cô.
Mark là một sĩ quan không quân mẫu mực, là một người đàn ông có tình yêu chung thủy và mãnh liệt, anh yêu Susan còn hơn cả bản thân mình. Thời gian đầu khi Susan bị mù, anh đã đau đớn biết bao khi phải chứng kiến vợ mình khổ đau, tuyệt vọng. Tình yêu luôn thôi thúc anh bằng mọi cách phải giúp người vợ yêu quý của mình giành lại sức mạnh và sự tự tin vốn có để cô trở lại với chính mình, là người phụ nữ độc lập và bản lĩnh như xưa. Dù được tôi luyện trong môi trường quân đội, nhưng Mark nhận thức rõ ràng anh sắp phải đối mặt với một trận chiến khó khăn nhất trong đời mình.
Mỗi ngày Mark luôn kề cận Susan, lắng nghe cô tâm sự, chia sẻ cùng cô những điều anh đã trải qua trong ngày. Anh luôn hỏi ý kiến cô trước khi quyết định bất cứ một điều gì, dù rất nhỏ. Susan cảm thấy khá an toàn trong chiếc vỏ bọc do chồng mình tạo ra, cô muốn lúc nào cũng có anh bên cạnh. Nhưng hơn ai hết, Mark muốn rằng Susan nên đi làm trở lại, anh muốn cô tiếp tục cuộc sống như trước kia, muốn cô tiếp tục hòa mình vào thế giới muôn màu vốn thuộc về cô, muốn cô tự tin và mạnh mẽ như chính cô từng có. Thuyết phục được Susan quả là chặng đường gian nan đối với Mark, nhưng sau cùng, cô cũng sẵn sàng đi làm trở lại. Cô muốn làm vui lòng Mark và cũng muốn bản thân mình được an ủi bởi cảm giác mình vẫn còn có ích. Thế nhưng cô sẽ đi làm bằng cách nào? Lúc trước, Susan vẫn thường đi làm bằng xe buýt. Vậy mà giờ đây, điều đơn giản và rất đổi bình thường ấy lại trở nên khó khăn gấp vạn lần khi Susan hình dung việc mình phải một mình đi giữa thành phố nhộn nhịp. Biết được nỗi lo của vợ, Mark quyết định chở Susan đi làm mỗi ngày dù nơi họ làm việc ở hai hướng ngược nhau. Thoạt đầu, Susan cảm thấy rất thoải mái và vui sướng khi được chồng đưa đi làm mỗi ngày, còn Mark thì hạnh phúc bội phần vì anh có thể bảo vệ và chăm sóc cho cô. Tuy nhiên, Mark nhanh chóng nhận ra rằng đấy không phải là giải pháp tốt. Cái anh muốn không chỉ là Susan được bảo vệ mà có ấy phải tự mình xoay xở được trong nhiều tình huống khác. Rất khó khăn, nhưng anh vẫn quyết định rằng Susan sẽ phải tự đón xe buýt đi làm. Là một người chồng hết mực yêu thương vợ nên chỉ cần nghĩ đến việc sắp phải đề cập vấn đề ấy với Susan, Mark đã cảm thấy vô cùng bối rối và trăn trở vì hiện Susan vẫn còn rất yếu ớt, hay cáu gắt và rất dễ bị tổn thương. Rồi cô ấy sẽ phản ứng thế nào đây?
Quả đúng như những gì Mark đã lo ngại, Susan thật sự hoảng hốt khi biết Mark muốn cô tự đón xe buýt đi làm. Bóng đêm trong cuộc sống của Susan đã lấy đi sự tự tin và bản lĩnh mà cô đã từng sở hữu. Cô không dám nghĩ rằng mình lại phải tự đến sở làm bằng xe buýt trong tình cảnh như thế. Mark vừa nói ý định của mình, Susan đã thảng thốt: “Em bị mù mà! Anh đang ruồng bỏ em đấy ư?”.
Tim Mark như vỡ tan thành từng mảnh khi nghe những lời cay đắng ấy, nhưng hơn bao giờ hết, anh biết mình cần phải làm gì. Anh hứa với Susan rằng mỗi sáng đi làm và mỗi chiều khi tan sở, anh sẽ đi xe buýt cùng cô, sẽ luôn bên cạnh cô như bao năm qua. Anh sẽ đi cùng Susan cho đến khi cô quen với việc đón xe mà không có anh bên cạnh.
Suốt hai tuần liền, Mark chỉ cho Susan cách vận dụng các giác quan như thính giác, xúc giác và cả cảm giác để xác định xem mình đang ở đâu và để định hướng đi. Anh giúp cô kết bạn với những tài xế xe buýt - những người có thể để ý trông nom cô giúp anh - và nhờ họ dành sẵn ghế trên xe cho cô. Ngay cả khi có anh bên cạnh, thỉnh thoảng cô vẫn bị vấp khi xuống xe buýt hoặc làm rơi chiếc cặp đựng đầy giấy tờ. Nhưng anh vẫn quyết tâm giúp cô thay đổi cuộc đời. Người đàn ông tuyệt vời ấy đã giúp Susan chuẩn bị tốt mọi thứ để cô không cảm thấy bỡ ngỡ và lạc lõng trong cuộc sống của chính mình.
Mỗi sáng, họ cùng nhau đi làm bằng xe buýt, Susan được ngồi cạnh Mark, đầu tựa vào vai anh tin cậy. Khi đã đưa Susan đến nơi, Mark đón taxi quay về sở làm của mình. Cuộc hành trình gian nan ấy cứ tiếp diễn như thế mỗi ngày. Mark thật sự không biết khi nào thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn, nhưng anh rất kiên nhẫn và tin vào Susan, tin vào một ngày mai tươi sáng.
Và rồi ngày ấy cũng đến, Susan quyết định sẽ đi làm một mình. Bản lĩnh trong cô vẫn còn đó, tính cách mạnh mẽ nơi cô đã được phục hồi. Cô muốn sống cuộc sống của chính mình, và hơn hết, cô muốn thực hiện những mong mỏi của Mark để đáp đền tình yêu bao la của anh.
Ngày đầu tiên phải tự mình làm tất cả, Susan không khỏi lo sợ. Nhưng khoảng thời gian cùng Mark đi làm trước kia đã giúp cô rất nhiều. Cô nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới mẻ ấy, hay đúng hơn là một cuộc chiến chống lại bóng đêm và nỗi sợ hãi.
Một ngày, hai ngày, rồi vài tuần trôi qua, mọi thứ gần như đã đi vào quỹ đạo. Tất cả đều rất tốt đẹp, Susan chưa bao giờ cảm thấy tự tin, thoải mái hơn thế. Cô đã tự mình làm được những điều tưởng chừng như không thể và điều đó mới tuyệt vời làm sao.
Một sáng nọ, Susan đón xe buýt đi làm như thường lệ. Ngay khi dò tìm được chiếc ghế trống, cô loáng thoáng nghe thấy tiếng người tài xế: “Cô này, tôi thật sự ganh tỵ với cô đấy nhé!”.
Susan không chắc liệu có phải người tài xế đang nói với mình hay không vì xét cho cùng, trên đời này có ai lại ganh tỵ với một phụ nữ mù lòa đang tranh đấu từng ngày chỉ để có đủ can đảm sống tiếp quãng đời còn lại? Không khỏi thắc mắc, Susan hỏi lại người tài xế: “Sao anh lại ganh tỵ với tôi?”.
Người tài xế trả lời: “Vì cô luôn được bảo vệ và chăm sóc cẩn thận mỗi ngày”.
Susan vẫn chưa hiểu: “Ý anh là sao?”.
Người tài xế tiếp tục: “Suốt mấy tuần qua, sáng nào tôi cũng thấy một chàng trai mặc quân phục lái xe theo, rồi đứng bên kia đường nhìn cô xuống xe. Anh ta nhìn theo đến khi cô qua đường an toàn, anh ấy tiếp tục quan sát đến khi bóng cô khuất hẳn sau cánh cửa công ty. Sau đó anh ấy trìu mến vẫy tay chào cô rồi mới lái xe đi. Cô quả thật là người may mắn”.
Susan khóc. Khóc vì hạnh phúc và sung sướng. Cô hiểu rằng cho dù giờ đây mình không thể nhìn thấy Mark, nhưng cô vẫn luôn có anh bên cạnh, vẫn luôn cảm nhận được tình yêu nồng nàn, tha thiết của anh. Đúng vậy, Susan là một phụ nữ may mắn. Cô đã nhận được từ người chồng thương yêu của mình một món quà còn quý hơn ánh sáng của đôi mắt, món quà mà cô không cần phải nhìn thấy mới có thể tin: món quà của tình yêu có thể mang ánh sáng đến những nơi nhiều bóng tối nhất.


Mình Trâm dịch Theo Someone to Watch over Me
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 21 Sep 2022

Kết hôn với người lạ


Trong những tấm ảnh cưới trên tường phòng khách của Kim và Krickitt Carpenter tại Las Vegas, New Mexico, họ trông cũng giống như bao nhiêu cặp vợ chồng mới cưới khác - yêu nhau say đắm và tràn trề hy vọng cho một cuộc sống mới bên nhau. Nhưng Krickitt thú nhận rằng lúc này đây, cô cảm thấy đau đớn khi nhìn những tấm ảnh đó hoặc khi xem lại hình ảnh mình mặc chiếc váy cưới đăng-ten màu trắng trong cuốn băng video đám cưới. Cô nói: “Tôi không muốn xem nó. Nó làm tôi càng lúc càng nhớ tiếc người con gái trong tấm ảnh đó”.
Hiểu cho đúng thì cô Krickitt ấy đã ra đi, vĩnh viền không còn nữa. Bởi chưa đầy mười tuần sau lễ cưới vào tháng Chín năm 1993, vợ chồng nhà Carpenter gặp phải một tai nạn xe hơi kinh hoàng khiến cả hai đều bị thương nặng, riêng Krickitt thì hôn mê. Mặc dù ban đầu, các bác sĩ không biết cô có qua khỏi hay không, nhưng sau đó cô đã bình phục, hồi tỉnh và phục hồi hầu hết các khả năng vận động của cơ thể. Nhưng chấn thương ở đầu đã khiến cô bị chứng mất trí nhớ, xóa bỏ gần như toàn bộ ký ức của cô về mười tám tháng trước đó, kể cả những ký ức về người đàn ông mà cô đã yêu và kết hôn. Krickitt cho biết: “Ký ức về hai năm gần đây nhất chỉ dựa trên câu chuyện mà tôi được kể, vì tôi không nhớ gì về nó cả”.
Krickitt Pappas là một nhân viên bán hàng của công ty quần áo thể thao ở Anaheim, California, còn Kim là huấn luyện viên bóng chày kiêm trợ lý giám đốc thể thao tại Đại học New Mexico Highlands ở Las Vegas. Vào tháng Chín năm 1992, anh điện thoại gặp Krickitt để đặt mua một số áo khoác cho cả đội. Trong khi trò chuyện, họ đã phát hiện là họ có nhiều điểm chung, cả hai đều là những tín đồ Thiên Chúa giáo sùng đạo và cha của Krickitt cũng từng là huấn luyện viên môn bóng chày. Sau nhiều cuộc chuyện trò qua điện thoại, mãi đến tháng Giêng, Kim, lúc ấy đã ba mươi tuổi, nhớ lại: “Hàng tuần, chúng tôi trò chuyện với nhau khoảng năm giờ”. Tháng Tư năm đó, anh mời cô đến thăm New Mexico vào dịp nghỉ cuối tuần. Anh kể: “Tôi sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc lúc cô ấy xuống máy bay. Tôi có cảm giác dường như mình đã quen biết cô ấy tự bao giờ”. Trong những tháng sau đó, hầu như dịp cuối tuần nào họ cũng ở bên nhau. Tháng Sáu, anh đến nhà thăm cô, không báo trước, mang theo hoa và nhẫn. Anh kể: “Tôi đã hỏi cô ấy có đồng ý trở thành người bạn đời của tôi hay không”.
Trông họ rất đẹp đôi. Kim từng chơi bóng chày và chơi golf cho trường đại học ở Highlands, là một trong ba người con trai của ông Danny Carpenter - một chủ xưởng in đã về hưu và bà Maureen. Còn Krickitt (tên khai sinh là Kristian) đã hai lần được trao danh hiệu huấn luyện viên thể dục Academic All American khối các trường đại học tại Cal State, Fullerton. Cô lớn lên tại Phoenix, là con gái của ông bà Gus và Mary Pappas, vốn là giáo viên và huấn luyện viên, cô còn có một đứa em trai tên là Jamey. Krickitt và Kim kết hôn vào mùa thu năm đó và chuyển đến một căn hộ ở Las Vegas cách thành phố Albuquerque 128 dặm về phía Đông Bắc, nơi Krickitt tìm được công việc hướng dẫn tập thể dục tại một bệnh viện.
Hai người đang dần ổn định cuộc sống mới thì ngày 24 tháng 11, họ lên đường về Phoenix để thăm cha mẹ của Krickitt. Kim nằm ở băng ghế sau, còn một người bạn khác thì ngồi cạnh Krickitt - lúc này đang cầm lái. Krickitt đang chạy về phía tây trên Đường liên bang số 40 thì phải lách ra ngoài để tránh một chiếc xe tải đang chạy với tốc độ khá chậm. Một chiếc xe tải nhỏ từ phía sau va mạnh vào xe của vợ chồng nhà Carpenter. Chiếc Ford Escort của họ bị lật úp và trượt một đoạn dài. Kim nói: “Tôi nhớ khoảnh khắc của vụ đụng xe đó. Tôi kêu to liên tục để gọi Krickitt nhưng không nghe tiếng trả lời”. Kim bị thủng phổi, tụ máu ở tim, bị chấn động và gãy một cánh tay. Người bạn Milan Rasic thì bị gãy xương vai. Nhưng nguy kịch nhất là Krickitt. Cô bị một vết nứt rất nghiêm trọng ở sọ khi mui xe sập trúng đầu cô. Do bất tỉnh và bị dây an toàn cột chặt, cô bị treo ngược ba mươi phút trước khi đội cứu hộ đến nơi và phải mất thêm bốn mươi phút nữa họ mới có thể đưa cô ra ngoài. Bác sĩ cấp cứu D. J. Combs kể rằng tròng mắt cô hoàn toàn bất động. Ông nói: “Cô ấy có cặp mắt mà chúng tôi vẫn gọi là mắt búp bẽ”.
“Lúc đầu, tình hình có vẻ xấu. Chúng tôi thật sự lo sợ cho cô ấy”. Bác sĩ cấp cứu Alan Beamsley kể lại. Ông là người trực ở phòng cấp cứu tại Gallup, New Mexico, nơi Krickitt được đưa tới chín mươi phút sau khi tai nạn xảy ra. Một vị bác sĩ mang đến cho Kim một chiếc phong bì đựng nhẫn và đồng hồ của Krickitt. Kim nhớ lại: “Ông ấy đã nói với tôi: ‘Chúng tôi rất tiếc, ông Carpenter’. Và tôi tưởng đâu cô ấy đã chết”. Mặc cho lời khuyên của bác sĩ, anh từ chối chữa chạy cho mình để có thể ở bên cạnh vợ. Anh nói: “Tôi không nhận ra được cô ấy nữa. Cô ấy bị thương nặng quá. Tôi nắm lấy tay cô ấy và nói: “Chúng ta sẽ vượt qua chuyện này.’“
Khi trực thăng đến đưa Krickitt tới bệnh viện Đại học New Mexico ở thành phố Albuquerque cách đó 140 dặm, thì trên máy bay không còn chỗ cho Kim. Bác sĩ cấp cứu Combs vẫn còn nhớ lời nài xin của Kim: “Vợ tôi sắp qua đời, tôi muốn được ở bên cô ấy”. Năm tiếng đồng hồ sau đó khi Kim đến được Albuquerque thì Krickitt vẫn trong tình trạng hôn mê. Sáng hôm sau, nhằm ngày lễ Tạ ơn, bố mẹ của cô bay từ Phoenix đến bệnh viện thăm cô. Kim nhớ lại: “Mặc dù các bác sĩ bảo rằng có rất ít hy vọng, nhưng chúng tôi đã đến nhà nguyện và cầu nguyện”. Hôm ấy, chỗ sưng bắt đầu xẹp dần và huyết áp thấp đến mức nguy hiểm trước đó của cô bắt đầu tăng lên từ từ. Năm ngày sau, cô không cần dùng máy trợ thở nữa và mười ngày sau tai nạn, cô đã tỉnh lại và được chuyển đến Viện Thần kinh học Barrow ở Phoenix.
Ba tuần sau tai nạn, khi một y tá hỏi Krickitt năm đó là năm nào, thì cô trả lời: “Năm 1969”. Cô nhớ được tên bố mẹ của mình, nhưng khi y tá hỏi: “Chồng cô là ai?” thì cô đã trả lời: “Tôi chưa có chồng”. Các kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy cô vẫn nhớ được hầu hết các ký ức đã có từ trước, về phần chồng cô thì đối với cô, anh là một người hoàn toàn xa lạ - cô không có một cảm giác nào đối với anh. Lúc này cô nói: “Tôi không có một hình ảnh nào trong đầu và cũng chẳng có một kỷ niệm nào trong tim”.
Kim nhớ lại anh đã tự an ủi mình bằng cách nhủ thầm: “Đây không phải là vợ mình, vợ mình đang bị kẹt trong con người này và đang cố thoát ra”. Anh cố mọi cách để giúp trí nhớ của cô phục hồi. Nhưng Krickitt lại cảm thấy khó chịu trước sự hiện diện và những lời động viên của anh. Mẹ của cô là bà Mary nói: “Tôi nghĩ con bé tỏ ra bực bội đối với những cố gắng của Kim vì lúc ấy nó không phải là Krickitt nữa”. Bà còn nói thêm rằng việc dạy lại cho Krickitt những công việc cơ bản cũng giống như là “nuôi dạy cô một lần thứ hai” vậy. Vì phải ứng phó với những hóa đơn tiền thuốc hơn hai trăm nghìn đô-la và những người thu tiền không khoan nhượng, Kim trở lại Las Vegas làm việc với những mối lo ngại chất chồng về tương lai. Kim nói: “Nói thật là tôi đã nghĩ rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi không thể diễn tiến tốt đẹp được nữa”. Nhưng anh không đầu hàng. Anh giải thích: “Tôi đã thề trước Chúa, chỉ có cái chết mới chia cắt được chúng tôi”.
Thời gian sau đó, Krickitt bắt đầu cùng mẹ đến thăm Kim, rồi dần dần cô đến thăm anh một mình, cô nói: “Tôi cho rằng nếu trước kia tôi đã từng yêu người đàn ông này, thì có lẽ tôi nên gặp lại anh ấy”. Khoảng năm tháng sau vụ đụng xe, cô lại dọn về sống chung với Kim, nhưng cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Những vết thương cô đang mang trong người đã gây ra sự biến đổi lớn về cảm xúc trong cô và khiến cô trở nên nóng tính. Và cô gặp khó khăn trong việc nối lại cuộc hôn nhân của mình. “Tôi nhớ tôi đã hỏi anh ấy: ‘Em đã làm vợ như thế nào? Em có nấu ăn cho anh không? Em có mang bữa trưa đến cho anh không?’“. Những vấn đề về thần kinh cũng gây ra nhiều khó khăn, cô không lái xe được và không nhớ nổi đường đi. Cô dễ mệt mỏi và cảm xúc của cô bị đảo lộn - cô cười to khi muốn khóc và khóc khi định cười. Kim nói: “Lúc ấy, tôi nghĩ: ‘Trời ơi, mình đang sống với một con người có hai tính cách’“.
Cô dần lấy lại sự tự chủ đối với cuộc sống của mình và trở lại làm việc vào tháng Tám năm 1994, nhưng một tính cách khác đã hình thành trong cô - một sự kết hợp giữa tính cách cũ và mới - cô trở nên bộc trực hơn. (Cô vẫn bị tái lại một vài triệu chứng như thỉnh thoảng bị mất trí nhớ tạm thời, hoặc đôi khi trở nên vụng về.) Thật khó để cuộc hôn nhân trở lại tốt đẹp như trước. Mike Hill - bác sĩ trị liệu mà hai người bắt đầu tham vấn từ mùa Thu năm 1994, đã giải thích rõ vấn đề. Ông nói: “Không thể có tình cảm gắn bó như giai đoạn mới quen. Hai người cần tự tạo nên những kỷ niệm mới”. Thế là Kim và Krickitt bắt đầu hẹn hò trở lại - đi ăn pizza và tán gẫu, đi mua sắm, đi trượt nước ở một hồ nước gần đó. Krickitt nói: “Tôi đã hiểu chồng mình thêm một lần nữa. Đến một lúc, tôi thực sự thấy vui vì có anh bên cạnh. Tôi thấy nhớ khi không có anh gần bên”.
Vào ngày lễ Tình nhân năm nay, Kim lại cầu hôn cô. Krickitt nhận lời. Cô nói: “Tôi cũng có thể không đem lòng yêu anh ấy một lần nữa, nhưng Chúa không cho chuyện đó xảy ra”. Vào ngày 25 tháng Năm, họ lại trao nhẫn cho nhau, những chiếc nhẫn mới và lại đọc những lời nguyện ước vừa mới viết ra. Kim nói với cô: “Chỉ có một điều có thể đánh bại những đau khổ mà chúng ta đã trải qua. Đó chính là tình yêu anh dành cho em”.


Phương Khánh dịch Theo Chicken Soup for Couple’s Soul
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 21 Sep 2022

Những con chữ diệu kỳ


Hình như chồng tôi đang đọc truyện tranh dành cho trẻ con thì phải? Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy vẻ mặt tập trung của anh trên trang sách, liền hỏi: “Anh đang đọc gì vậy?”.
“Truyện con ma Phantom ấy mà”. Ralph trả lời nhưng mắt vẫn không rời trang sách.
“À, truyện Phantom có con ma mặc bộ đồ màu tím than bí ẩn phải không?”
“Đúng rồi!”. Chồng tôi vẫn chăm chú vào cuốn sách. Khi thấy tôi đến gần, anh giấu cuốn truyện sau lưng và hỏi: “Có chuyện gì không em?”.
“Có gì đâu”. Tôi cười. “Sao hôm nay anh lại đọc truyện tranh?”.
“Đơn giản là anh thích. Có gì sai không?”. Chồng tôi cau mày, đôi mắt nâu nhướn lên tỏ ý bị xúc phạm.
Biết anh hơi khó chịu nên tôi không hỏi nữa mà nhẹ nhàng nói: “Không có gì! Em chỉ muốn quan tâm đến anh hơn thôi”.
Những ngày sau đó, tôi thấy anh thường gấp cuốn truyện lại để trên bàn, rồi lẩm nhẩm điều gì đó.
“Ralph, có chuyện gì vậy anh?”. Tôi lo lắng hỏi.
Bất giác nghe anh thở dài, rồi ngước nhìn tôi bằng một ánh mắt rất xa lạ và nói:
“Anh đọc không tốt lắm”. Anh nói rất nhỏ, đầu cúi xuống và mắt nhìn vào quyển sách. “Anh phải mất nhiều thời gian lắm mới đọc hết một trang sách này”.
Tôi thật sự bất ngờ khi nghe những gì anh nói nhưng khi thấy ánh mắt buồn bả của anh đang chờ đợi phản ứng của tôi, tôi liền mỉm cười và ôm lấy anh khẽ hỏi: “Sao vậy anh?”.
Anh cố thoát khỏi vòng tay của tôi, nhưng tôi đã kịp ôm anh chặt hơn.
“Tại sao anh lại đọc không được tốt, nói cho em nghe đi?”
Anh chợt nghẹn giọng và bắt đầu kể về tuổi thơ của mình. Mọi người luôn cho rằng Ralph bị thiểu năng trí tuệ, khả năng tiếp thu kiến thức không được bình thường như những đứa trẻ khác nên buộc anh học chung với những học sinh thiểu năng trí tuệ, và một ông thầy không quan tâm đến chuyện học hành của những đứa trẻ bất hạnh đó. Suốt tuổi thơ của mình, anh hầu như không học được gì. Khi lớn lên, Ralph may mắn gặp người bạn thân ở nhà thờ và anh ấy đã dạy cho anh những từ cơ bản. Vì vậy nên đến khi chúng tôi kết hôn, anh chỉ có thể đọc những từ đơn giản và không có nhiều âm tiết. Cuốn truyện tranh Phantom rất phù hợp vì anh có thể hiểu được nội dung qua những hình ảnh mình họa và từ ngữ đơn giản. Thú nhận với tôi điều này đã phần nào làm tổn thương lòng tự trọng của một người đàn ông. Thế nhưng tôi lại cảm thấy gần gũi và yêu anh nhiều hơn.
Cũng vào thời điểm này, người bạn thân của Ralph đề nghị anh dạy học cho các em mồ côi ở nhà thờ vào sáng chủ nhật hàng tuần. Lúc đầu chồng tôi từ chối vì nghĩ mình không đủ khả năng.
Nhưng người bạn đã động viên và thuyết phục anh nhiều lần, cuối cùng anh đã nhận lời trong sự hồi hộp và lo lắng.
Vào mỗi ngày thứ Bảy, chồng tôi phải mất hàng giờ đánh vật với chữ nghĩa để chuẩn bị nội dung và cách trình bày cho bài giảng với sự hỗ trợ nhiệt tình của người bạn. Một người đã qua tuổi đi học và khá nóng tính như anh, thì việc tập phát âm các từ phức tạp rất dễ nản lòng. Khi anh tập phát âm, tôi thường quanh quẩn bên cạnh để giúp anh bất cứ lúc nào. Anh thường hỏi tôi:
“Heather, em đánh vần chữ “HOW” như thế nào?”
“H-O-W”.
Khoảng 10 phút sau, anh lại hỏi: “Heather, em đánh vần chữ HOW như thế nào?”
“H-O-W”.
Tôi muốn nổi nóng và la lên “Em vừa mới nói với anh mà” nhưng tôi kịp kiềm chế cảm xúc của mình. Tôi trở thành cuốn từ điển sống của anh và dần dần anh đã có thể phát âm những từ phức tạp hơn. Tuy nhiên, đáp lại sự hướng dẫn tận tình và sự âm thầm chịu đựng của tôi, anh chỉ dửng dưng nói: “Anh muốn biết cách đánh vần những chữ này thôi”.
Sau đó, mỗi ngày Ralph cố gắng chậm rãi đánh vần những chữ to và rõ trên các đề mục báo hoặc tạp chí. Khi đó, nếu tôi góp ý hay chỉ dẫn sửa đổi gì đó, anh lập tức bác bỏ và tiếp tục đọc như thể không quan tâm đến lời tôi nói. Nhưng tôi biết đó chỉ là lớp vỏ che đậy sự lúng túng và khổ sở của anh mỗi lần anh không đọc được một chữ nào đó.
Một thời gian sau, anh cảm thấy say mê những trang sách hơn và thỉnh thoảng gặp những con chữ đáng ghét, anh hỏi tôi với đôi mắt sáng long lanh: “Chữ này đọc như thế nào vậy em?”.
Suốt thời gian đó, tôi thường xuyên mua truyện tranh Phantom cho anh đọc. Tôi để truyện khắp nơi, trong tủ trưng bày, trên đầu giường ngủ, trong phòng ăn… và bất cứ ở đâu anh có thể nhìn thấy. Mỗi khi tôi đọc sách, anh cũng cầm cuốn truyện tranh Phantom mãi mê đọc. Theo thời gian, chồng tôi ngày càng đọc nhanh hơn. Và việc đọc sách đã thật sự trở thành niềm đam mê của anh.
So với trình độ của các con tôi và tầm kiến thức chung của xã hội hiện nay thì trình độ của chồng tôi chỉ dừng lại ở mức đọc và hiểu được. Nhưng bây giờ, Ralph có thể đọc hết cuốn truyện trong một buổi chiều và vui vẻ trước những lời đề nghị giúp đỡ của tôi. Tôi có thể cười thoải mái trước những sai sót của anh, vì anh đã hiểu sự hài hước và những ý nghĩa hàm ẩn trong từng câu chữ. Anh rất tự hào về công việc dạy học của mình, và niềm hạnh phúc có được từ sự nổ lực hết mình. Vào ngày lễ Valentine năm đó, tôi đã nhận được một tấm thiệp, bên trong là dòng chữ nắn nót của anh: “Anh yêu em rất nhiều, tình yêu của anh”.


Tô Giang dịch Theo Comic Relief
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 21 Sep 2022

Hãy nói với cô ấy rằng anh yêu cô ấy


Tôi sẽ gọi ông ấy là bác sĩ Case. Ông là một bác sĩ ở vùng nông thôn, là bạn thân của tôi hai mươi năm về trước. Dạo đó, tôi thường ghé thăm ông tại một thị trấn nhỏ bang Colorado mỗi khi tôi có dịp về miền Tây, và thỉnh thoảng ông kể cho tôi nghe chuyện về những người mà cả hai chúng tôi cùng biết. Ông đã kể cho tôi nghe về John và Louise.
John là chủ một trang trại. Anh cao lớn, trầm tính, không biết chữ và khỏe như voi. Anh khởi nghiệp với năm mươi con cừu. Là người tham vọng và chi tiêu tiết kiệm, mười năm sau anh đã sở hữu hai ngàn con cừu cái và một đồng cỏ mênh mông. Sau đó, anh mua một nông trại trồng cỏ linh lăng ở rìa thị trấn để vỗ béo cho đàn cừu non của mình. Ở tuổi bốn mươi lăm, anh là một người đàn ông giàu có.
Rồi anh lấy vợ. Louise là một cô gái cùng sống trong vùng. Cô tốt nghiệp trung học và làm phục vụ cho một quán ăn trong thị trấn. John gặp cô ở đó vào mùa hè năm cô hai mươi tuổi. Kể từ đó anh bắt đầu lái xe hàng ngày từ trại cỏ đến quán chỉ để uống một tách cà phê vào lúc mười giờ.
Louise trò chuyện với anh về thời tiết, mùa màng và những câu chuyện phiếm vô hại xảy ra trong vùng. Còn John chỉ nhìn cô, mỉm cười và gật đầu.
Việc này diễn ra trong ba tháng. Rồi một buổi sáng kia - bác sĩ Case ghé qua quán để uống cà phê và nghe John nói với Louise: “Louise, anh muốn em lấy anh”. Louise cảm giác như mình nghẹn thở và suýt làm đổ cà phê. Bác sĩ bảo rằng họ nói chuyện cứ như thể chỉ có hai người trên cõi đời này. Louise trả lời: “John, có lẽ em sẽ lấy anh. Nhưng em cần một hai ngày để suy nghĩ về việc đó”. John gật đầu, anh uống tách cà phê rồi nói: “Anh phải đi làm rồi. Tạm biệt em”.
Hai tuần sau đó, họ cưới nhau. Sau tuần trăng mật ở Colorado Springs, họ ổn định cuộc sống tại nông trại trồng cỏ linh lăng, và Louise đã cho sơn lại căn nhà, dán tường và trang trí nội thất với đồ đạc mua từ Denver. Trong năm đầu chung sống, John thuê thợ đến xây một gian bếp mới và một hàng hiên có mái che.
Nhưng bác sĩ Case biết có điều gì đó không ổn. Đã hai lần John gọi ông đến khám cho Louise, và ông nhận thấy Louise không được vui. Cô ấy cũng không được khỏe. Cô bảo rằng mình bị nhức đầu kinh khủng, nhưng bác sĩ Case không tìm ra được nguyên nhân để chửa trị. Lần thứ hai đến khám bệnh cho Louise, ông đã hỏi Louise rằng John đối xử với cô có tốt không. Louise cho biết John là người chồng tốt nhất mà bất kỳ phụ nữ nào cũng ao ước, chỉ có điều anh ấy hơi ít nói, mà phụ nữ lại thích được trò chuyện. Sau đó mọi việc có vẻ ổn. Vài tuần sau, khi bác sĩ gặp Louise trong thị trấn, cô nói với ông: “Tôi nghĩ chắc là do tôi đã tưởng tượng ra chứng nhức đầu cùng những cơn đau. Tôi quyết định phải khỏe và mạnh mẽ như John vậy!”.
Chưa đầy mười tám tháng sau, bác sĩ lại nghe tin về họ. Lúc ba giờ ba mươi phút một buổi sáng nọ, có tiếng đập cửa ầm ầm bên ngoài khiến bác sĩ giật mình tỉnh giấc. John đứng đó, chiếc xe hơi đỏ bên ngoài vẫn còn đang nổ máy. Anh nói: “Bác sĩ, Louise ốm nặng lắm. Ông hãy nhanh nhanh làm gì đó đi”. Louise đang nằm trong xe, cô gần như mê man bất tỉnh vì đau. Họ đã ở tại trại chăn nuôi cừu của John trong vài ngày, và cơn đau đột ngột tấn công cô vào chập tối hôm đó. Cô đã gắng gượng để quên nó đi, nhưng cơn đau dữ dội đến mức cô không thể chịu đựng nổi. Trên đoạn đường dài ba mươi dặm vào thị trấn, cô đã ngất.
Bác sĩ đưa Louise vào bệnh xá chỉ có bốn giường bệnh của mình và tiến hành phẫu thuật cho cô. Ruột thừa của cô bị vỡ, nhưng lúc sáng sớm thì cô hồi tỉnh nên bác sĩ Case nghĩ là ca mổ đã thành công. Ông nói với John rằng họ phải đợi thêm hai mươi bốn tiếng nữa mới biết được kết quả thế nào, nhưng có vẻ như cơn nguy kịch đã qua. John khóc như một đứa trẻ. Anh nói: “Cô ấy phải bình phục, bác sĩ à. Cô ấy phải bình phục!”.
Đến tối, tình trạng của Louise lại xấu đi. Đêm đó bác sĩ đã truyền huyết thanh cho cô hai lần, nhưng cô vẫn yếu dần đi. Cô thều thào với bác sĩ: “Tôi không còn đủ sức nữa đâu”.
Bác sĩ hỏi: “cô nói thế là sao? Tôi cứ nghĩ cô sẽ khỏe và mạnh mẽ như John chứ”.
Louise mỉm cười yếu ớt: “John mạnh mẽ đến nỗi anh ấy không cần đến tôi. Nếu anh ấy cần, anh ấy đã nói thế, phải không bác sĩ?”.
Bác sĩ nói: “Louise, John thật sự cần cô, cho dù anh ấy có nói ra hay không”.
Cô lắc đầu và nhắm mắt lại.
Vào phòng làm việc, bác sĩ nói với John: “Cô ấy không muốn bình phục”.
John kêu lên: “Cô ấy phải bình phục. Xem nào, bác sĩ, sao không truyền máu cho cô ấy?”.
Bác sĩ giải thích là ông đã truyền huyết thanh cho cô rồi.
“Bác sĩ, ý tôi muốn nói là máu của tôi kìa. Sức tôi khỏe đủ cho cả hai chúng tôi”.
Bác sĩ dẫn anh xuống phía hành lang. Ông hỏi: “John, anh yêu cô gái ấy chứ?”.
John đáp: “Không yêu thì tôi đã không cưới cô ấy”.
“Thế anh đã bao giờ nói với cô ấy như vậy chưa?”.
Mắt John như mờ đi. “Chẳng phải tôi đã cho cô ấy tất cả những gì tôi có sao? Một người đàn ông có thể làm gì hơn được đây?”.
“Trò chuyện với cô ấy”. Bác sĩ trả lời.
“Bác sĩ, tôi đâu có khiếu ăn nói. Quỷ tha ma bắt, cô ấy biết mà!”. Rồi anh nắm chặt vai ông: “Hãy truyền máu của tôi cho cô ấy”.
Bác sĩ suy nghĩ một lát, rồi ông dẫn John vào trong phòng thí nghiệm nhỏ, lấy mẫu máu của anh và xét nghiệm. Sau cùng, ông nói: “Được rồi, John. Trong vòng mười phút nữa”.
Bác sĩ vào phòng Louise và nói với cô rằng John muốn truyền máu cho cô. Ông kiểm tra mạch của cô. Mạch đập rất yếu. Ông biết rằng cơ hội rất mỏng manh. Ông gọi cô y tá vào phòng và nói cho cô biết ông sắp làm những gì.
Một lát sau, ông dẫn John vào phòng Louise. Bàn phẫu thuật được đặt ngay cạnh giường bệnh của cô, và một tấm màn được căng ra giữa giường và bàn. Khi John nằm xuống bàn, cô y tá kéo tấm màn sang một bên. Anh đưa bàn tay to và thô ráp của mình ra nắm lấy tay Louise và nói với cô: “Bây giờ anh sẽ làm cho em khỏe lại, Louise à”.
Không nhìn anh, cô thì thào: “Vì sao?”.
John kêu lên: “Thế em cho là vì sao nào?”.
Cô trả lời: “Em không biết”.
“Em là vợ anh, đúng không nào?”
Không có tiếng trả lời. Cô y tá hạ rèm xuống, sát trùng cánh tay cho John và ghim kim tiêm vào. John co co bắp lên một cách tự hào. Anh nói với Louise: “Được rồi em à”. Một lát sau, anh lại hỏi bác sĩ: “Bác sĩ, cô ấy tiếp nhận nó như thế nào?”.
Bên kia tấm màn, bác sĩ đã ghim một chiếc kim vào cổ tay Louise và nới lỏng cái kẹp trên ống dẫn. Ngón tay ông đặt trên cổ tay kia của cô để theo dõi mạch.
Ông bảo: “Ổn rồi, John”.
John hỏi: “Em thấy thế nào, Louise?”.
Cô thều thào: “Em ổn”.
John nói: “Truyền máu xong, em sẽ nói to như anh vậy”.
Mạch của cô có vẻ đập mạnh lên một chút.
Cô khẽ gọi: “John!”.
“Sao em?”
“John, em yêu anh”.
Cả hai im lặng trong chốc lát. Rồi John nói: “Louise! Em phải bình phục!”.
Cô khẻ hỏi lại: “Sao thế anh?”.
“Em phải bình phục vì anh. Anh cần có em”. John ngập ngừng, rồi giọng nói của anh nghẹn đi: “Anh yêu em”.
Mạch của cô đột nhiên đập mạnh.
Cô nói: “Vậy mà anh chẳng bao giờ nói với em cả”.
Anh trả lời: “Trước đây anh không nghĩ anh phải nói với em điều đó”.
Lúc này mạch của cô đã ổn định.
Cô nói: “John, anh nói lại cho em nghe đi”.
Anh ngập ngừng, rồi lập lại: “Anh yêu em, Louise. Yêu hơn bất cứ thứ gì trên đời. Anh yêu em và anh cần em, và thề có Chúa, anh sẽ làm cho em khỏe lại!”.
Bác sĩ rút kim ra khỏi cổ tay Louise, lấy chai huyết thanh trên kệ rồi để chúng sang một bên. Ông lại kiểm tra mạch của cô. Điều tưởng chừng như không thể, nhưng lại là sự thật - mạch đã mạnh và ổn định.
“Em cảm thấy thế nào rồi?”. John hỏi, giọng của anh đã bình tĩnh trở lại.
Nhưng Louise không trả lời được, cô đang khóc.
Bác sĩ Case nói: “Cô ấy đang khỏe dần lên. Nhờ anh đấy, John!”.
Ông ra hiệu cho cô y tá, cô bèn rút kim ra khỏi tay John, cất cái lọ ở dưới bàn phẫu thuật đi và kéo tấm màn ra. Rồi cô y tá cùng bác sĩ đi ra ngoài.
Vài phút sau, khi bác sĩ quay trở lại thì John đang ngồi bên cạnh Louise, nắm lấy hai tay cô và trò chuyện cùng cô.
Rồi bác sĩ nói với tôi: “Cô ấy hãy còn yếu lắm. Nhưng tôi biết cô ấy sẽ khỏe dần lên. Và cô ấy khỏe lên thật”.
Ông bác sĩ lắc đầu: “Bấy nhiêu đó đủ thấy là có phép lạ xảy ra rồi. Máu của John không tương thích với máu của vợ. Nếu truyền thật thì cô ấy đã chết rồi. Chúng tôi truyền thêm huyết thanh cho cô ấy, còn máu của John thì cho chảy vào lọ thủy tình. Điều cô gái ấy cần là John. Và cô đã có anh”.


Trúc Mai dịch Theo Chicken Soup for Couple's Soul
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 21 Sep 2022

Vị anh hùng của tình yêu


Tôi nhớ thời thơ ấu tôi không hề có một thần tượng nào. Tôi chỉ phát hiện ra vị anh hùng của mình vào những năm tôi trở thành học sinh trung học và anh ấy không hề giống với một người hùng mà tôi từng hình dung. Anh ấy không giàu có cũng chẳng hề nổi tiếng. Anh không phải là ngôi sao thể thao cũng chẳng phải là một minh tinh màn bạc. Đơn giản, anh chỉ là người mà tôi ngưỡng mộ. Anh là anh trai của tôi, người tôi vô cùng yêu thương và quý mến.
Anh tôi, Tony, gặp chị Sheila, vợ anh ấy bây giờ, khi anh đang theo học trường y. Và tôi gặp được chị trong buổi lễ tốt nghiệp của anh tôi. Nhìn khóe môi luôn rạng rỡ nụ cười, tôi cảm nhận nghị lực và sức sống toát ra từ con người mạnh mẽ của chị.
Chị Sheila là một y tá người Anh. Vào thời điểm ấy, nghề y tá là rất cần thiết nên chị nhanh chóng được nhận vào bệnh viện Hoa Kỳ, được nhận thị thực làm việc và sinh sống tại vùng Dallas. Rồi chị gặp anh tôi ở bệnh viện Parkland, nơi chị làm y tá còn anh tôi mới chỉ là một sinh viên thực tập.
Tony bận rộn suốt ngày với đề án thực tập nên không thể có một mối quan hệ yêu đương với bất cứ ai. Dù vậy, tôi biết chắc chắn đây không phải là một tình cảm thoáng qua. Tôi từng thấy họ yên lặng ngồi bên nhau trong phòng, tay trong tay và say sưa trò chuyện, ánh mắt nồng nàn trao nhau. Trong tiềm thức, tôi tin vào tình yêu bền vững của họ.
Sau khi tốt nghiệp, anh Tony nhận việc ở Kentucky. Chị Sheila cũng theo anh đến đó. Có một thời gian hai người xa nhau, chị chuyển đến làm việc tại một bệnh viện ở Canada, khi trở lại Kentucky thì thị thực hết hạn nên chị bị trục xuất trở lại Anh. Chuyện này đã khiến Tony như người mất trí, anh lo lắng cho chị từng giây từng phút, mong mỏi chị sớm trở về cùng anh. Và ngay khi chị Sheila trở về Kentucky, cả hai đã cưới nhau. Cuộc sống chung của cả hai thực sự bắt đầu.
Những năm đầu tiên trong cuộc sống vợ chồng diễn ra khá suôn sẻ, dù họ phải vài lần chuyển nhà vì yêu cầu của công việc - từ Kentucky sang New Mexico, từ New Mexico sang Texas và trở lại New Mexico. Rồi, hai đứa con trai, Cameron và Sheldon, lần lượt chào đời. Họ mua một căn nhà mới có cả một cánh đồng cỏ bát ngát với một địa thế núi non tuyệt đẹp ở Corrales, New Mexico.
Một ngày đầu xuân, khí trời ấm áp, khắp nơi tràn ngập ánh mặt trời và cánh đồng cỏ xanh biếc cứ dập dờn theo làn gió mơn man, anh Tony dẫn bọn trẻ đi câu cá còn chị Sheila thì cưỡi ngựa rong ruổi trên cánh đồng cỏ trải dài theo tầm mắt. Hạnh phúc tưởng đang chuyển động quanh họ cùng với đất trời vào xuân. Chị Sheila mê mãi với sở thích của mình, không biết được điều gì sẽ xảy ra ở phía trước, vô tình, con ngựa bị ngã do vướng chân vào một sợi dây thép gai, chị Sheila bị ngã chúi theo, mặt đập xuống vũng bùn, con ngựa ngã đè lên thân chị.
Khi được phát hiện ra thì chị Sheila đã nằm bất động trong trạng thái hôn mê sâu, không biết đến bao giờ mới tỉnh lại. Hàng ngày, anh Tony ở bên cạnh chị, nắm lấy tay chị và thì thầm những lời yêu thương. Anh mong chị tỉnh dậy, lại cùng nhau sống vui vẻ, hạnh phúc. Rồi anh cầu nguyện Chúa ban cho chị nguồn sống để nụ cười mãi lấp lánh trên gương mặt rạng ngời của chị. Như có phép mầu, hai tuần sau chị sheila tỉnh lại, nhưng chị bị mất trí, không thể đi, không thể nói và không thể làm bất cứ việc gì. Chị cần thêm nhiều thời gian để phục hồi kỹ năng vận động và trí nhớ. Đó thực sự là một chặng đường dài đầy chông gai.
Cuộc sống của gia đình Tony thực sự thay đổi, tất cả mọi việc giờ đây đều do anh gánh vác. Hàng ngày, anh dậy sớm để lo bửa sáng, đút cho vợ ăn, chuẩn bị đưa các con đến trường. Khi đi làm trở về, anh kể chuyện và hát cho các con nghe, trò chuyện với vợ để chị khôi phục trí nhớ. Anh vừa là một người chồng, người cha và thực hiện luôn cả vai trò của một người mẹ. Anh thật sự vất vả, nhưng tình yêu anh dành cho Sheila, cho các con đã giúp anh vượt lên tất cả, anh chỉ mong chị được khỏe mạnh.
Sheila vào viện, lưu lại đấy vài tháng để bác sĩ tìm hướng điều trị, rồi xuất viện nhưng kết quả không mấy khả quan, chị vẫn không thể tự di chuyển, không thể nói rõ ràng, không thể viết và cũng không nhớ bất cứ một điều gì. Thậm chí, chị còn nghĩ anh Tony là một người thợ sửa xe. Hàng ngày, anh Tony vẫn tắm cho chị, chải tóc cho chị, tặng chị nhiều quà và chăm sóc chị chu đáo. Một thời gian khá lâu, Sheila dần tiến bộ, chị bắt đầu nhớ được những điều trong hiện tại, học lại tên những người thân và có thể tự ăn, tự chải tóc và có thể đi vài bước với sự hổ trợ của chiếc nạng.
Dù chị sheila đã khá hơn nhiều, nhưng phần lớn những sinh hoạt hằng ngày vẫn chủ yếu dựa vào anh Tony. Sự lệ thuộc này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của Sheila, chị trở nên buồn bã và mất tự tin vào bản thân. Tôi lo ngại rằng cuộc hôn nhân của họ sẽ đổ vỡ, tình yêu, nụ cười và cuộc sống mà họ từng có chỉ còn là quá khứ. Mỗi ngày trôi đi thật sự là một cuộc tranh đấu nặng nề giữa tình yêu thương và gánh nặng lo toan.
Tình yêu đã tiếp thêm cho họ sức mạnh. Tôi nhìn thấy hạnh phúc của họ trong một buổi sáng Chủ nhật trong vắt. Chị Sheila đang ngồi trên ghế bành còn anh Tony chạy loanh quanh như một người giúp việc, dọn dẹp, nấu ăn và trông chừng lũ trẻ. Bọn trẻ đang xem tivi, nhạc đang mở lớn và đây hẳn là một buổi sáng Chủ nhật tiêu biểu trong gia đình anh. Đột nhiên, anh Tony vặn to nhạc hơn, nhịp nhịp tay và nhảy múa một mình. Tôi ngạc nhiên nhìn anh một cách thú vị, bọn trẻ cười khúc khích và nhảy múa theo anh. Sheila nhìn ba cha con không chớp mắt, đôi mắt chị trông vẫn còn ngơ ngác nhưng những giọt nước mắt bỗng từ từ lăn dài trên gương mặt chị. Có vẻ như điều kỳ diệu đã xảy ra. Dường như chị đã tìm lại được ký ức từng thất lạc của mình. Khi nhạc chuyển sang bản Wonderful Tonight quen thuộc - bản nhạc kỷ niệm từ thuở hai người mới quen nhau - anh nhẹ nhàng đến bên chị và dịu dàng dìu chị xoay theo điệu nhạc trong vòng tay vững chãi của mình. Thời gian như dừng lại, tất cả như ngừng thở để chiêm ngưỡng phép nhiệm mầu.
Tôi nhìn anh Tony và nhận ra rằng tình yêu anh dành cho chị không chỉ chan chứa trong con tim anh mà nó đã ngập tràn cả căn phòng, hòa trong điệu nhạc du dương, tỏa sáng trong sắc nắng lung linh kỳ diệu.


Nguyễn Vũ Hưng dịch Theo Everyday Heroes
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Những Bài Viết Ngắn Chọn Lọc (Sưu Tập)

Postby bevanng » 21 Sep 2022

Cơ hội của cuộc sống


Cố ngồi thẳng người trên giường bệnh, Buddy mỉm cười trấn an Ruth - vợ anh - rằng: “Anh sẽ sớm trở về nhà và nhảy điệu tango với em! Em an tâm và đừng lo lắng gì cả”.
Ruth mỉm cười, khẽ gật đầu tỏ vẻ đồng ý và siết nhẹ tay chồng. Cô hiểu rằng, anh đang chịu đựng nổi đau lớn hơn gấp nhiều lần so với những gì anh cố thể hiện ra bên ngoài. Buddy muốn mọi người bớt lo lắng và tin rằng, cơn đau tim không thể hạ gục được anh vào lúc này. Bỗng nhiên, gương mặt Buddy đờ ra, xanh xám, trái tim anh đập yếu ớt. Anh ngước nhìn Ruth thì thầm: “Tạm biệt em yêu…”.
Ruth thét lên khi thấy bàn tay chồng chợt buông thõng trong tay mình. Bác sĩ, y tá lập tức chạy đến buộc mọi người ra ngoài ngay. Ruth chỉ biết tuyệt vọng đứng ngoài hành lang theo dõi Buddy qua lớp cửa kính.
Trong lúc cơ thể đang đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, tiềm thức của Buddy bỗng nghe tiếng nói: “Không phải lúc này! Hãy quay trở lại!”.
Buddy chớp chớp mắt và hồi tỉnh, khi đó anh mới biết bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật và ghép tim nhân tạo cho anh. Kết quả vô cùng thành công và bất ngờ như một phép mầu.
Bệnh tình của Buddy hoàn toàn hồi phục và anh trở về với cuộc sống bình thường. Thế nhưng, kể từ hôm đó, anh không bao giờ quên được câu nói: “Không phải là lúc này! Hãy quay trở lại!”
Bây giờ, mỗi ngày được ở bên cạnh những người thân yêu, đối với anh là một món quà vô cùng ý nghĩa và đặc biệt.
Buddy vui sống từng ngày với một sự cảm nhận mới về cuộc sống, làm anh cảm thấy cuộc đời quá đổi quý giá, thiêng liêng mà trước đây anh không nhận ra.
Có thể cuộc sống sẽ không còn cơ hội cho anh một lần nửa, nhưng với anh, quãng thời gian này đã là những thời khắc vô cùng có ý nghĩa. Anh không hối tiếc về điều gì cả, vì anh không những biết sống cho riêng mình mà còn dành thời gian quan tâm, chia sẻ với mọi người. Anh đã tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn và có ý nghĩa nhất.


Bích Thủy dịch Theo A second chance
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,370
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 66 guests